Ngày 09-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng mến của vị mục tử
Lm. Đan Vinh
08:37 09/04/2013
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH C (Cv 5,27b-32.40b-41 ; Kh 5,11-14 ; Ga 21,1-19)

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 21,1-19

(1) Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này: (2) Ông Si-mon Phê-rô, Ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. (4) Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. (5) Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không” (6) Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó”, ông Si-mon Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. (9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. (11) ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. (15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. (16) Người lại hỏi: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? “Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. (17) Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.(18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

2. Ý CHÍNH: Đây là đoạn cuối của Tin mừng thứ tư, được chia làm 4 phân đoạn như sau:

- Các Tông đồ tập trung tại miền Ga-li-lê rủ nhau đi đánh cá và kết quả các ông không bắt được con cá nào! (C 1-3).

- Chúa Phục Sinh xuất hiện chỉ cho các ông nơi thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Nhờ đó các ông đã nhận ra Người (C 4-8).

- Trong bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, Chúa Phục Sinh đã truyền lấy thêm cá mới bắt được và đã cử hành Lễ Bẻ Bánh giống như đã từng làm trước đó (C 9-14).

- Cuối cùng Chúa Phục Sinh đã sát hạch Phê-rô về lòng yêu mến trước khi trao quyền chăn chiên cho ông. Người cũng tiên báo về cái chết đau thương của ông vào lúc cuối đời (C 15-19).

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Biển hồ Ti-bê-ri-a: Tìn mừng Mát- thêu cho biết khi hiện ra với Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác tên là Ma-ri-a, Chúa Giê-su đã yêu cầu các bà báo tin cho các môn đệ để họ đến Ga-li-lê gặp Người (Mt 28,1.10). + Ông Si-mon Phê-rô...: Tin mừng kể ra số các môn đệ đang ở chung khi ấy là 7 ông: Si-mon Phê-rô, Tô-ma, Na-tha-na-en, hai anh em Gia-cô-bê Gio-an và hai môn đệ khác. Si-mon quyết định sẽ đi đánh cá và được các ông kia hưởng ứng. + Đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả: Người ta thường đi đánh cá vào ban đêm. Nhưng đêm hôm ấy các ông đã luống công vô ích!

- C 4-8: + Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”: Gio-an luôn phát hiện ra Chúa Giê-su trước các anh em nhờ lòng yêu mến Thầy. + Phê-rô khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển: Phê-rô tính vốn nóng nảy, nên khi nghe “Chúa đó !”, ông đã lập tức khoác áo vào và nhảy xuống biển để bơi nhanh vào bờ gặp Người.

- C 9-11: + Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên: Chúa Giê-su đã nêu gương phục vụ khi dọn sẵn bữa ăn sáng cho các môn đệ. Các ông đã được Người mời ăn và tăng cường thêm bằng cá mới bắt được. + Si-mon Phê-rô lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ: Nếu Gio-an là người suy tư chiêm niệm nên sớm nhận ra Chúa trước mọi người, thì Si-mon Phê-rô lại là người mau mắn hành động để biểu lộ lòng yêu mến Thầy. Điều này cho thấy suy niệm và họat động cần luôn đi đôi với nhau trong việc xây dựng Hội thánh. + Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con: Theo thánh Hi-ê-rô-ni-mô thì các nhà vạn vật học thời xưa đã khám phá ra được 153 loại cá. Con số 153 ở đây tượng trưng mọi dân tộc, và tất cả đều được gọi gia nhập vào Hội thánh như dụ ngôn lưới cá: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển gom được mọi thứ cá” (x. Mt 13,47). + Lưới không bị rách: tượng trưng cho sự hiệp nhất trong Hội thánh.

- C 12-14: + “Anh em hãy đến mà ăn!”: Lời Chúa mời gọi các môn đệ ăn, giống như Người đã mời các ông dự tiệc Thánh Thể (x. Mt 26,26). Bánh được trao cho môn đệ giống như Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,11). + “Con cá”: tiếng Hy-lạp là IK-TUS. Đây là năm chữ đầu của một lời tuyên xưng đức tin: “Giê-su Ki-tô Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” (Ièsous Kristos Théou Unios Sôter). Khi chia sẻ Cá, Chúa Giê-su ngụ ý sẽ chia sẻ Thánh Thể Người là “Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” cho các môn đệ. + Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ: theo Gio-an thì lần thứ nhất Chúa Phục Sinh hiện ra vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần không có Tô-ma (x. Ga 20,19-23); Lần hai vào 8 ngày sau đó và có Tô-ma (x. Ga 20,26-31). Đây là lần thứ ba Người hiện với 7 môn đệ tại biển hồ Ga-li-lê.

- C 15-17: + “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”: Sau ba lần sát hạch về lòng mến, Đức Giê-su đã từng bước trao quyền để biến Phê-rô từ một người đánh cá trở thành một mục tử có quyền chăn chiên (x. Ga 10,11). Tuy nhiên đàn chiên kia vẫn thuộc về Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. + Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?: Phê-rô đau lòng vì việc bị hỏi ba lần làm ông liên tưởng đến ba lần chối Thầy (x. Ga 13,38 ; 18,17.25-27). Đức Giê-su đã tế nhị khi không trực tiếp đề cập đến tội của Phê-rô, mà chỉ yêu cầu ông xác định tình yêu dành cho Người. Mỗi lần Phê-rô khẳng định lòng mến, Đức Giê-su lại tha tội và trao thêm quyền: “Hãy chăm sóc chiên… ”(C 5-17).

- C 18-19: + Lúc còn trẻ... Nhưng khi đã về già....: Tuổi trẻ có đặc tính là tự do hành động (“Đi đâu tùy ý”). Tuổi già có đặc điểm là bị gò bó thụ động (“Anh sẽ phải dang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn: ). + Người nói như vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào: Quả thật, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào lúc cuối đời của Phê-rô trong cơn bách hại đạo tại Rô-ma thời hoàng đế Nê-rông. Phê-rô đã phải chịu khổ hình thập giá nhưng lại xin được treo đầu xuống đât, vì ông không dám chịu cùng một hình khổ giống như Thầy.

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ lại cùng hiện diện tại Biển hồ Ti-bê-ri-a thuộc xứ Ga-li-lê vào thời điểm sau khi Chúa phục sinh ? 2) Có mấy môn đệ cùng đi đánh cá với Si-mon Phê-rô ? 3) Do đâu mà Gio-an luôn nhận ra Chúa Giê-su trước các anh em ? 4) Chúa Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận lúc cuối đời của ông Phê-rô ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”(Ga 21,6).

2. CÂU CHUYỆN: CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU ?

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp SÁC ĐỜ PHU-CÔ (Charles de Foucauld) đang say sưa kể cho mọi người trong gia đình nghe về những chiến công hiển hách trong nhiều trận chiến cùng những cuộc thám hiểm của anh ở nước Ma-rốc xa xăm. Người chăm chú nghe nhất lại là cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kết thúc câu chuyện, thì cô bé bất ngờ hỏi: “Thưa cậu, cháu rất hãnh diện khi thấy cậu làm được những việc lớn lao cho nước Pháp. Thế nhưng cháu thắc mắc là: “Cậu đã làm đựơc gì cho Chúa Giê-su chưa ?”

Câu hỏi ấy như một luồng điện khiến anh giật mình. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh gặp câu hỏi bắt phải suy nghĩ nhiều như thế. Phải, “Anh đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa ?” Khi đối diện với Chúa, anh đã nhận ra rằng: từ trước đến nay anh đã phí phạm thì giờ ăn chơi xa xỉ, đã chạy theo bả vinh hoa phú quí vô ích. Giờ đây anh đã ý thức được sự nghèo khó của mình. Sau đó vài ngày, anh xin nhập vào một dòng tu và xin bề trên cho đến ở Na-da-rét nước Ít-ra-en là quê hương của Đức Giê-su, để tận hiến trọn đời phụng sự Người.

Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện trong nhà, anh bỗng nghe thấy có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi giáo nhưng không biết tiếng nói đó phát ra từ đâu. Anh liên tưởng đến Lời Chúa Giê-su về thái độ phải có đối với những kẻ thù ghét mình, và quyết định sẽ đi làm bạn với người Hồi giáo. Anh dời đến sống ở giữa sa mạc Sa-ha-ra bên Phi châu, nơi có nhiều người Hồi giáo nghèo khổ. Thế rồi “điều phải đến đã đến”: Vào đầu tháng 12 năm 1916 khi đang cầu nguyện trong nhà, anh đã bị một toán người Hồi giáo cực đoan kéo đến sát hại. Ngày nay các tiểu đệ và tiểu muội tiếp tục sống theo lý tưởng của anh là “tự nguyện sống giữa người nghèo để lao động và chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, và giúp họ thăng tiến để đón nhận ơn cứu độ”.

3. SUY NIỆM:

1) Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Phục Sinh tại Ga-li-lê:

Sau khi gặp Chúa Phục Sinh ở Giê-ru-sa-lem, các Tông đồ đã quay về Ga-li-lê như lời Người đã chỉ thị trước khi chịu khổ nạn: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em” (Mt 26,31-32). Vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, thiên sứ đã lập lại sứ điệp này với các phụ nữ đi viếng mồ Đức Giê-su : “Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông” (Mt 28: 6-7). Trong bài Tin mừng hôm nay, có bảy môn đệ đang ở trên thuyền của Si-mon. Sau một đêm vất vả đánh cá không kết quả, các ông đã nghe lời hướng dẫn của một người đang đứng ở bờ hồ và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Đếm được tời một trăm năm mươi ba con cá lớn. Con số này theo thánh Hiê-rô-ni-mô tượng trưng cho mọi lòai cá. Qua đó ám chỉ việc truyền giáo của Hội Thánh muốn thành công thì phải vâng theo lời dạy của Chúa Giê-su và phải hiệp thông với Si-mon Phê-rô.

2) Về Bữa ăn Bẻ Bánh của Chúa Phục Sinh:

Đức Giê-su đã chuẩn bị cho các môn đệ một bếp than hồng để sưởi ấm và một bữa sáng để được no lòng qua lời nói: "Anh em đến mà ăn”. Bữa ăn gồm bánh và cá, là hai biểu tượng của bí tích Thánh Thề. Như vậy:“Mẻ cá lạ lùng” và "bữa ăn của Chúa” trong Tin Mừng hôm nay diễn tả hoạt động truyền giáo và bàn tiệc Thánh Thể là hai yếu tố quan trọng luôn đi đôi với nhau:

-Mẻ cá lạ lùng cho thấy Hội thánh được mời gọi tiếp tục sứ vụ truyền giáo của Đức Giê-su, là đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc (x Mt 28,19-20). Việc loan báo Tin Mừng này cần được bồi dưỡng bằng bữa ăn Bẻ Bánh để gia tăng lòng Tin Cậy Mến là điều kiện để chu tòan sứ vụ.

-Bữa ăn Bẻ Banh còn là hình ảnh của Bữa Tiệc Cánh Chung mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo sẽ được Đức Chúa thiết đãi muôn dân (x Is 25,6-9). Đức Giê-su cũng đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy…” (Lc 22,30), và Người cũng cho biết: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37).

3) Quyền mục tử của Phê-rô dựa trên lòng tin và lòng mến:

- Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca cho thấy quyền tối thượng của Phê-rô được Đức Giê-su trao ban cho ông sau khi ông tuyên xưng đức Tin “Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16). Đức Giê-su đã chúc phúc cho ông và đặt ông làm đá tảng đức Tin. Người hứa sẽ xây Hội Thánh của Người trên đức Tin của Phê-rô. Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cời (x Mt 16,19). Đức Giê-su cũng truyền cho Phê-rô nhiệm vụ củng cố đức Tin cho các anh em: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của mình nên vững mạnh” (Lc 22,32).

- Còn Tin Mừng Gio-an lại cho thấy Chúa Phục Sinh đã trao quyền tối thượng cho ông Phê-rô dựa trên “lòng mến” của ông (x Ga 21,15-17). Người đòi Phê-rô phải mến Người hơn anh em để được trao quyền mục tử chăn dắt đàn chiên của Người và sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên ấy (x Ga 10,11-15).

4) Lòng mến đối với người nghèo của Đức Tân Gíao Hòang Phan-xi-cô:

- Bài giảng lễ thánh Giu-se (19/03/2013) trong nghi thức đăng quang Đức Tân Giáo Hòang tại Rô-ma vừa qua, Đức Phan-xi-cô đã nói về quyền tối thượng của Phê-rô thể hiện qua vai trò phục vụ Hội Thánh noi gương Đức Giê-su. Ý hướng này được thấy rõ ở nơi tên gọi ngày lễ Đăng Quang là lễ Khởi Đầu Sứ Vụ Mục Tử của Phê-rô. Qua đó Đức Thánh Cha muốn cởi bỏ chiếc áo Giáo Hoàng để mặc lấy chiếc áo Mục Tử hầu gần gũi và ân cần phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo, phận nhỏ và bị bỏ rơi, những người bị lọai ra bên lề xã hội. Vì thế Đức Thánh Cha đã được dân chúng đồng hương ca tụng khi gọi ngài là "Giáo Hoàng khu ổ chuột của chúng tôi”.

- Từ kinh nghiệm của một vị mục tử ở Ác-hen-ti-na Nam Mỹ, Đức Thánh Cha biết rất rõ việc phục vụ những người nghèo theo mẫu gương của Đức Giê-su không phải dễ dàng, đôi khi gặp phải những bất lợi cho bản thân và công việc, nguy hiểm cả đến tính mạng của mình. Vì thế, những người mục tử đích thật như lòng Chúa mong ước cần chấp nhận bước đi trên con đường thập giá, con đường mà Đức Giê-su đã chọn để ôm mọi người vào vòng tay thương yêu của Người.

5) Làm chứng cho Chúa hôm nay là thực thi lòng mến: Dấu hiệu của người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su hôm nay là: sống đức Tin bằng lời cầu nguyện (đức Cậy) và bằng thái độ năng nghĩ đến người khác (đức Mến): Khiêm nhường phục vụ, chia sẻ cơm áo, an ủi giúp đỡ người bên cạnh, đặc biệt những người đau khổ bệnh tật và bất hạnh... Mỗi tín hữu quyết tâm mỗi ngày đọc và thực hành một việc bác ái cụ thể theo lời kinh “Thương người” và “Kinh hoà bình” của thánh Phan-xi-cô...

4. THẢO LUẬN: 1) Anh em lương dân thường hay phê phán lối sống của các tín hữu chúng ta về điểm nào ? 2) Tuần này bạn sẽ làm gì cụ thể để làm chứng cho Chúa Giê-su?

5. CẦU NGUYỆN:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Lúc chúng con đi tìm Chúa trong nước mắt sầu thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên bà Ma-ri-a Mác-đa-la khi bà đứng khóc bên mồ trống.

Lúc chúng con chán nản và muốn buông xuôi trở về con đường cũ tội lỗi, xin hãy cùng đi với chúng con trên những nẻo đường dài, như Chúa đã đi với hai môn đệ về làng Em-mau.

Lúc chúng con đóng kín cửa lòng vì sợ hãi, xin Chúa hãy ngự đến đứng giữa chúc bình an cho chúng con, như Chúa đã đến và trấn an các tông đồ đang khiếp nhược sợ hãi vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần.

Lúc chúng con cố chấp làm theo ý riêng và ngày một xa lìa anh em, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con, như Chúa đã không bỏ mặc ông Tô-ma cứng lòng tin về mầu nhiệm Chúa đã từ cõi chết sống lại.

Lúc chúng con vất vả thâu đêm mà không đạt được kết quả nào, xin hãy dẫn đường chỉ lối giúp chúng con trong thánh lễ như Chúa đã làm lễ Bẻ Bánh cho các Tông đồ trong Tin mừng hôm nay.

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin tỏ cho chúng con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong Hội thánh và nơi tha nhân. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Chúa vẫn đang hiện diện, đang đến với chúng con, đang ở bên chúng con và đang ở trong mỗi người chúng con. Chúa vẫn đang thổi hơi ban Thần Khí cho chúng con, để giúp chúng con chu toàn sứ vụ “được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho mọi người”.
 
Sống ơn gọi là sống ân huệ của tình yêu Chúa
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
09:48 09/04/2013
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã chọn gọi con người. Dù ai, dù ở đấng bậc nào, có nhận biết Thiên Chúa hay không, trong đức tin của người Công giáo, hễ làm người, mỗi người đều được Chúa mời gọi. Được mời gọi là danh dự, là hạnh phúc của con người. Vì nhờ ơn được mời gọi ấy, con người cộng tác với Thiên Chúa hoàn hỏa hóa công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa của Người. Đó là tình yêu của Đấng Tạo Thành đổ trên con người. Vì chỉ có yêu, Người mới hạ cố chính mình, để mời gọi, ban ơn cho con người khả năng cộng tác với Người.

Ngược lại, con người cần đáp trả bằng sự dấn thân làm cho ơn gọi của mình ngày một phát triển, ngày một thăng hoa, gặt hái ngày càng nhiều kết quả, sinh lợi cho mình, cho vũ trụ về mặt tự nhiên cũng như siêu nhiên. Một khi nỗ lực hiến thân sống cho, sống theo, sống vì ơn mà Thiên Chúa ban tặng, con người đang thể hiện mình là kẻ biết sống ân huệ của tình yêu Thiên Chúa.

I. GƯƠNG SỐNG ƠN GỌI CỦA TỔ PHỤ ABRAHAM

Tổ phụ Abraham có quê hương miền Lưỡng Hà. Chúa gọi ông tại Haran, lúc ông 75 tuổi. Chúa muốn ông bước vào công cuộc cứu độ của Người. Lãnh lấy lời Thiên Chúa, Abraham ra đi, lao mình vào vô định. Ông ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ có lòng tin tưởng và phó thác dẫn đường. Chính sự đáp trả ngoạn mục cho ơn gọi của Abraham đã minh chứng, ông yêu quý ơn gọi của Chúa ban biết chừng nào. Hành động đáp trả ấy, cho thấy, tận trong thâm tâm, ông đã cảm nhận: Khi Chúa trao ơn gọi, chính là lúc Chúa thể hiện tình yêu của Người. Và khi ông đáp trả để sống cho ơn gọi, chính là lúc ông sống ân huệ của tình yêu Thiên Chúa.

Chúa hứa cho ông có một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển (St 12,1-5). Chờ đợi mãi, dài đến 25 năm sau, bà Sara, vợ ông mới sinh cho ông được một người con duy nhất. Abraham bước vào tuổi 100, lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Niềm vui quá lớn ngày con trẻ chào đời (St 21,1-7). Bồng ẵm con trên tay, ông thấy một tương lai của cả một dân tộc hùng mạnh đang lừng lững. Vợ chồng già hạnh phúc ngập tràn trong tiếng khóc tiếng cười trẻ thơ. Isaac là đứa con của lời hứa, là cây gậy nương tựa tuổi già. Hai ông bà yên tâm an hưởng những ngày còn lại trên trần thế…

Nhưng có ai học được chữ ngờ…! Cuộc đời nào có phẳng lặng mãi như mặt nước hồ thu. Giữa cuộc sống yên bình, một ngày kia, Chúa lại gọi Tổ Phụ: "Abraham, Abraham! Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó, ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi". Tiếng sét ngang tai làm ông chết lặng. Lệnh truyền sát tế Isaac, vượt quá tầm nghĩ của con người. Lời chúc phúc của Thiên Chúa cho ông làm tổ phụ các dân tộc, sẽ thành mây khói. Lệnh truyền làm ông đau nhói ruột gan.

Nếu là chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ không “hiền lành” đến độ, Chúa bảo sao thì làm vậy, mà không gợn một chút nghi nan, hay thắc mắc. Tổ phụ Abraham thì khác. Cho tới giờ này, Abraham vẫn chứng tỏ mình có một đức tin kiên vững. Thánh Kinh không hề nói đến một chút nghi nan nơi lòng tin của ông. Abraham không hề tiếc xót với Chúa bất cứ một điều gì, dù là đứa con trai cầu tự, đứa con một mà mấy chục năm dài ông mỏi mòn chờ đợi. Ông cũng không một chút mảy may đặt vấn đề, tại sao Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi, bây giờ chỉ có một đứa con duy nhất, Người cũng đòi, thì dòng dõi ấy ở đâu? Tình yêu của Thiên Chúa ở đâu, hay chỉ là một Thiên Chúa tàn nhẫn, đòi một người cha phải tế hiến con của ông cho mình? Tại sao Thiên Chúa mà ông tin đến nỗi dám vứt bỏ mọi thứ để đi theo tiếng gọi của Người, lẽ ra phải thưởng công cho ông, đàng này đến năng lực làm cha, một năng lực ông tha thiết mong đợi, và hết sức vui mừng khi đạt được, Người cũng tước mất của ông?... Vậy mà Abraham vẫn tin, tin không ngừng, cả trong lúc tưởng chừng tuyệt vọng.

Một lần nữa, Abraham lại vâng lời Thiên Chúa. Ông thi hành lập tức lệnh truyền ấy. Ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con mình, Thiên Chúa đã ngăn cản bàn tay ông và mạng sống của Isaac được dành lại. Chúa phán: "Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta ".

Thư Do Thái viết: “Bởi tin, Abraham được kêu gọi vâng lời ra đi đến xứ ông sẽ lấy làm cơ nghiệp, ông ra đi mà chẳng biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Đối với Abraham, sống ơn gọi là sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy; là hy vọng Chúa sẽ thực hiện điều Người hứa, dù trước mắt chưa thấy chút gì là hiện thực cả. Quyết sống ơn gọi đời mình, Abraham một dạ tín trung với Chúa. Abraham đã nên “bạn thân của Thiên Chúa” (Gc 2,23) và Chúa gọi ông là “Tôi Tớ của Ta” và “Ta ở với ngươi” (St 26,24). Vì sẵn lòng dấn thân cho ơn gọi, nên Abraham được Chúa“Chúc lành cho các dân tộc trong dòng giống ông và dòng giống ông sẽ nên đông như cát biển” (Hc 44, 21). Dấn mình cho ơn gọi không một chút suy suyễn, từ ngày ấy, Tổ phụ Abraham trở thành cha chúng ta trong đức tin. Ông thật sự là cha một dân tộc đông đúc, lớn mạnh và trường tồn.

II. SỐNG ƠN GỌI NHƯ TỔ PHỤ ABRAHAM.

Gương quyết sống chết cho đến cùng trong ơn gọi đời mình của Tổ phụ Abraham trở thành chuẩn mực cho tất cả chúng ta, những người thuộc miêu duệ của ông trong đức tin. Hãy bắt chước Abraham mà thực hành đức tin và lòng vâng phục để chúng ta sống và hoàn thành ơn gọi Chúa ban cách tốt nhất, ngay cả những khi đức tin của chúng ta bị thử thách vượt qua mọi giới hạn.

Vậy để có thể sống ơn gọi đời mình cho tốt, dựa trên chính mẫu gương đời sống của Tổ phụ Abraham, chúng ta rút ra cho mình vài bài học.

1. Ném mình cho Thiên Chúa.

Ném mình hoàn toàn cho Chúa, dẫu có phải gây nên nhiều thổn thức, thì sau những lần đầy thổn thức ấy, Tổ phụ Abraham trải qua và khám phá hết lần này đến lần khác sự ngọt ngào của Thiên Chúa trong tình yêu mà Người trao tặng.

Cũng vậy, hôm nay chúng ta sống ơn gọi đời mình bằng cách ném mình cho Chúa để tùy nghi Chúa sử dụng. Chúng ta sống ơn gọi của Chúa là tin tuyệt đối nơi Chúa, đặt đời mình trong tay Chúa. Từ nay Chúa làm chủ đời mình. Sống cho Chúa, và nếu cần, chết cho Chúa. Sống như thánh Phaolô đã nêu gương: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20). Chỉ có ném mình cho Chúa như thế, ta mới có thể chứng tỏ mình đang sống một cách dữ dội chính ơn gọi của mình.

Sống ơn gọi đời mình như thế là sống niềm phó thác trọn vẹn. Chỉ có phó thác đến cùng, ta mới cảm nhận sự ngọt ngào của tình yêu Chúa ban cho ta, như đã từng ban cho Tổ phụ Abraham.

2. Vượt qua mọi thử thách.

Sống ơn gọi của Chúa không cất khỏi cuộc đời chúng ta những thương đau, những rát buốt. Ngược lại, lắm khi phải thực hiện ơn gọi đời mình, thử thách càng giăng mắc, khó khăn càng chồng chất.

Gương vượt lên và chấp nhận đối đầu với đau khổ của Tổ phụ Abraham là bài học vô giá cho mỗi chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh, dù yếu đuối hay khỏe khoắn, dù bất hạnh hay sung sướng, dù tăm tối hay tỏ tường, dù đơn độc hay hạnh phúc, dù bị loại trừ hay được chấp nhận… chỉ có thánh ý Chúa mà thôi. Thánh ý Chúa là tất cả. Thánh ý Chúa chi phối mọi nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm, mọi tương quan của ta.

Càng khó khăn bao nhiêu, càng phải dò tìm thánh ý Chúa bằng sự cầu nguyện, bằng thái độ khiêm nhường, bằng suy niệm Lời Chúa… Thánh ý Chúa sẽ là nguồn trợ lực duy nhất, giúp ta vượt qua mọi thử thách. Thánh ý Chúa sẽ củng cố thêm mọi nỗ lực, mọi năng lực thánh thiện muốn hiến dâng của bản thân ta.

Xưa trên thánh giá, Chúa Kitô đã đi đến cùng của sự đau khổ khi chấp nhận hoàn thành thánh ý Thiên Chúa. Lời than thở của Người trên thánh giá “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con” (Mt 15, 34), sẽ giúp chúng ta hiểu thế nào là gai chông của việc sống và hoàn thành ơn gọi đời mình theo thánh ý Chúa. Hãy nhìn lên Chúa Kitô, chúng ta sẽ có thêm động lực để tự kéo mình chạy về phía ơn gọi của Chúa.

3. Chấp nhận hiến dâng chính mình.

Cùng với việc vượt thử thách là hiến dâng chính mình. Tổ phụ Abraham có thể leo lên đến đỉnh điểm của thánh ý Chúa, là nhờ ông hiến dâng chính mình. Ông làm được tất cả mọi sự trong ơn gọi mà Chúa muốn ông thực hiện, chỉ vì trên hết mọi sự, ông đã hiến dâng mình cho Chúa.

Trước khi ông có thể bỏ nhà ra đi theo ơn gọi; trước khi ông có thể đánh đổi không chỉ bản thân mình, mà còn đánh đổi cả người vợ để ra đi tìm đất hứa như Chúa hứa, nhưng hoàn toàn đi trong mịt mù; trước khi ông có thể tin lời hứa có một dòng dõi; trước khi ông có thể đợi chờ hàng chục năm để có một người con trai nối dõi; trước khi ông vâng lời mời gọi đớn đau và khủng khiếp là hiến dâng con mình cho Chúa… Trước khi tất cả những điều ấy xảy ra, Tổ phụ Abraham đã chấp nhận hiến dâng chính mình.

Sống ơn gọi đời mình, dẫu là ơn gọi đến từ Thiên Chúa, không phải lúc nào cũng suông sẻ. Sẽ xảy ra cho người sống ơn gọi nhiều bất ổn, nhiều nguy biến… Chỉ có tình yêu hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa, mới không làm chúng ta cạn kiệt sức chịu đựng, không đánh mất nghị lực sống, không làm tiêu tan niềm hy vọng sống, không vùi giập ước mơ thăng tiến, không tiêu tan tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho đời, cho người, cho chính ơn gọi, hay trọng trách của mình… Hiến dâng chính mình là cách sống ơn gọi tuyệt vời, để biến mình thành đồng trụ vững chắc “vượt trên mọi đầu sóng ngọn gió”, nhằm hoàn thành ơn gọi mà Chúa trao cho mình trọn đời.

Chúng ta hiến dâng chính mình để hoàn thành ơn gọi theo kiểu mẫu của Chúa Kitô dâng mình cho Thiên Chúa cách hoàn hảo mà thư Dothái diễn tả: “Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xóa tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con... Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Ðức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10, 6-7.9-10).

Chỉ có thể hiến dâng mình để hoàn thành ơn gọi đời mình như Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô, chúng ta mới mong thánh hóa mình, và thánh hóa muôn người như “chúng ta được thánh hóa nhờ Ðức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế” vậy.

4. Xả thân cho lý tưởng mà bản thân đã chọn lựa.

Trong tất cả mọi hành vi quên mình mà Tổ phụ Abraham đã thể hiện, cho thấy ông đã chọn Thiên Chúa làm lý tưởng đời mình. Vì chỉ có Chúa là lý tưởng cao cả dòi dọi trên cuộc đời của ông, mới có thể khiến ông chỉ quyết một lòng sống chết cách quả cảm cho ơn gọi mà thôi. Xả thân cho lý tưởng mà mình đã chọn lựa, đối với Abraham, đó là con đường duy nhất, bước đi mạnh mẽ nhất, hành vi kiên định nhất, không có bất cứ cái gì khác có thể làm suy suyễn, làm thay đổi suy nghĩ của ông, hay bắt ông phải dừng lại.

Cũng vậy, sống và thực thi ơn gọi của mình như Chúa muốn, chúng ta cũng hãy chọn Chúa làm lý tưởng duy nhất đời mình. Một khi đã xác quyết lý tưởng rồi, chúng ta một mực xả thân cho lý tưởng mà bản thân mình ra sức phấn đấu và chọn lựa. Và nếu Chúa là lý tưởng đời mình, chúng ta không còn cách nào khác, mà chỉ một con đường duy nhất là sống chết cho lý tưởng, nghĩa là sống chết cho một mình Thiên Chúa mà thôi.

Lý tưởng là Thiên Chúa mà chúng ta chọn lựa sẽ chi phối tất cả mọi nếp sống, nếp nghĩ, liên tục suốt đời ta. Hay nói đúng hơn, sống ơn gọi theo lý tưởng là Thiên Chúa, ta sẽ chấp nhận để Người thành chủ đích, thành kết quả, thành định hướng, thành hành động, thành mãnh lực sống… của cuộc đời ta.

Hãy sống can trường và hãy chết anh dũng cho lý tưởng. Đó là tấm gương vô giá mà các tông đồ của Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta trong khi các ngài thực thi ơn gọi của các ngài. Các ngài đã nêu cao hành động sống không khoan nhượng cho sự hèn yếu và chết tích cực cho tình yêu đối với ơn gọi đời mình. Chúng ta cùng đọc lại một đoạn trích sách Công Vụ Tông Đồ như một minh chứng cho tình yêu xả thân vì lý tưởng mà chúng ta cần học đòi bắt chước: “Thời ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Dothái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa…” (Cv 12, 1-3).

III. ÂN HUỆ CỦA TÌNH YÊU CHÚA.

Trong bài này, chúng ta nói nhiều đến “ơn gọi Chúa ban”. Đúng vậy. Ơn gọi của mỗi người chúng ta, dù là ai, bậc tu trì hay sống giữa đời, người có đức tin hay không có đức tin, người có tín ngưỡng hay vô thần, dù là vô thần tuyệt đối… tất cả đều nhờ đến tình yêu của Chúa. Không có Thiên Chúa, thì đã không có bất cứ điều gì tồn tại.

Vì thế, trong vai trò của mình, dù là ai, dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta lãnh nhận từ ân huệ của Chúa chính ơn gọi đời mình. Sống trên trần thế, đã là người, thì đã là ơn Chúa gọi. Chúng ta có chạy trốn, có chối từ, có tìm cách thoái thác, hay ngay cả những ai không tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa, tất cả cùng được Chúa ban ơn mời gọi. Chúng ta không thể nào trốn thoát ơn gọi của Chúa. Bởi một lẽ đơn giản: Không thể nào chúng ta trốn thoát ân huệ của Chúa được. Ai sống trong đời mà không cần đến ơn Chúa! Ơn gọi khởi đi từ ân huệ, vì thế, ơn gọi là nền tảng giúp chúng ta sống trọng hảo ân huệ Chúa ban cho mình.

Chúng ta cần có ơn gọi của Chúa để vào đời, sống trong đời, đồng hành với đời. Chúng ta cần phải sống ơn gọi cách tích cực, vừa để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với tình yêu của Chúa, đối với ân huệ muôn trùng của Chúa, vừa sẽ làm cho chúng ta lớn lên trong đời, có một thế đứng giữa đời và thực sự là một thành viên cho đời.

Hãy luôn luôn nhớ rằng, sống ơn gọi là sống ân huệ của tình yêu Thiên Chúa. Để nhờ ý thức như thế, chúng ta sẽ phấn đấu đến cùng cho việc sống ơn gọi của mình được ưu tiên trên tất cả mọi chiều kích của đời sống.

Tổ phụ Abraham đã tỏ ra vô cùng quý báu chính ơn gọi của ông. Vì thế, dẫu là nao núng, nghi nan, bạc nhược, mất quân bình…, tất cả đều không có gì có thể chi phối tâm hồn ông. Tất cả phải lùi lại phía sau, để ông vươn lên giành sự toàn thắng cho ơn gọi mà ông đã lãnh nhận từ nơi Chúa. Tổ phụ đã tỏ ra là một người trân trọng ân huệ lớn lao của Chúa, qua việc ông cặm cụi, tỉ mỉ, bình tỉnh, và thấu đáo thi hành đến cùng ân huệ của Chúa, cũng như qua việc hoàn thành xuất sắc ơn gọi đời ông.

Chúng ta hãy hãnh diện, một niềm hãnh diện trong đức tin, vì đã khám phá ra ơn gọi của mình trong tương quan với ân huệ của tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Hãy sung sướng ôm ấp ơn gọi đến cùng như Chúa Kitô. Dẫu cho đến thế gian làm người, hay chấp nhận chịu tử nạn, rồi phục sinh và vinh thăng bên hữu Thiên Chúa, Chúa Kitô không chỉ không ngừng, mà còn miên mang, say mê trong ơn gọi cho đến khi mọi sự hoàn tất trong ân huệ của Thiên Chúa. Đến cả việc hiến dâng mạng sống để thực hiện ơn gọi trong tay Thiên Chúa, Chúa Kitô vẫn không hề tìm cách chước miễn cho mình. Sự dâng hiến trọn vẹn cho ơn gọi đã được Chúa Kitô tuyên bố dứt khoát: “Không ai cất mạng sống Ta được nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta. Ta có quyền thí mạng sống Ta, và Ta cũng có quyền lấy lại, đó là lệnh truyền Ta đã lĩnh nơi Cha Ta” (Ga 10, 18).

Bắt chước Chúa Kitô, chúng ta ra sức sống ơn gọi của mình trong hết mọi ngày sống Chúa ban cho ta. Khi sống ơn gọi, là chúng ta đang đáp trả ân huệ cao cả của Chúa. Vậy hãy sử dụng từng ngày từng giờ, qua tất cả mọi bổn phận mà chúng ta đang thực thi trong đời sống mình, để hiến dâng cho Thiên Chúa. Hãy tận tụy, hãy trung thành trong tất cả mọi công việc đời thường hằng ngày để qua đó, chúng ta hoàn thành ơn gọi của mình. Không phải ở đâu xa xôi, nhưng là mỗi phút hiện tại chúng ta sống, sẽ là cơ hội để chúng ta nên thánh giữa đời. Từng giây phút hiện tại được thánh hóa, sẽ là một chuỗi thánh hiến trọn đời cho Thiên Chúa. Từng giây phút hiện tại, chúng ta trung tín để làm trọn ơn gọi của mình, sẽ là một chuỗi tình yêu của chúng ta đáp lại ân huệ của tình yêu Thiên Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng phục vụ Jose Rodriguez Carballo: Thư gửi tất cả các anh em Dòng Anh Em Hèn Mọn
Nguyễn Trọng Đa
03:35 09/04/2013
Thư gửi tất cả các anh em Dòng Anh Em Hèn Mọn

Lời trang afriarslife.blogspot.com.au: Trong một bổ nhiệm đầu tiên trong Giáo triều, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Tổng phục vụ Jose Rodriguez Carballo, OFM, làm Thư ký của Thánh bộ Tu sĩ. Tân Thư ký sẽ được tấn phong giám mục ngày 18-5 trong Vương Cung Thánh Đường Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha. Chúng ta rất tự hào về người anh của chúng ta, Tu sĩ Jose, về việc bổ nhiệm này. Xin kính chúc mừng anh Jose! Dưới đây là thư của anh Jose gửi đến tất cả các anh em trong Dòng, sau khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm:

Anh em quý mến: Xin Chúa ban bình an cho anh em!

Tổng Phục Vụ Jose Rodriguez Carballo
Khi lá thư này đến anh em, anh em đã biết tôi mới được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Thư ký Thánh Bộ lo về Đời sống Tận Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ. Ngay bây giờ, tôi muốn chia sẻ một số cảm tưởng của tôi với anh em, những người quý mến của tôi.

Cảm tưởng đầu tiên của tôi là lòng tạ ơn vô hạn đối với Thiên Chúa giàu lòng thương xót, vì bao sự nhân lành đã ban cho tôi trong nhiều năm qua. Kể từ khi Chúa chọn tôi trong cung lòng thân mẫu và đã gọi tôi, Ngài đã cho tôi ơn có cha mẹ, là Angel và Celia; cha mẹ không chỉ ban cho tôi sự sống, mà còn một nền giáo dục trong đức tin, điều đó có nghĩa rằng, từ khi còn thơ bé, tôi cảm thấy được gọi vào đời sống linh mục và đời sống Phan sinh; tôi được phép đáp trả với sự nhiệt tình và sự quảng đại lớn lao cho ơn gọi của mình. Cha mẹ tôi đã làm việc bằng gương mẫu và lòng mến yêu Chúa, và luôn luôn hỗ trợ tôi trong cách thức này, và cho tôi thấy qua lối sống cách thức đi theo Chúa Kitô. Ngoài cha mẹ, còn có em gái, em trai và các cháu, tôi mang ơn họ nhiều trong đời sống mình, và có các linh mục dòng Phanxicô nữa.

Sau đó, từ năm mười tuổi rưỡi, Thiên Chúa đã ban cho tôi các anh em Phanxicô, và anh em đã chào đón tôi và huấn luyện tôi, trước tiên ở Tỉnh Dòng Santiago de Compostela, và sau đó tại Thánh Địa. Anh em Tỉnh Dòng đã tin tưởng tôi, đặt tôi làm các công việc có trách nhiệm lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và quản trị, sau đó các anh em trong Dòng cũng tin tưởng như vậy, bầu tôi làm Tổng Cố Vấn Dòng, Tổng thư ký đặc trách đào tạo và huấn luyện, và Tổng Phục vụ. Và trong thời gian này tôi cảm thấy bàn tay của Chúa bảo vệ tôi, và sự tin tưởng của anh em đã đến với tôi, mặc dù tôi yếu đuối. Vì vậy, tôi cảm tạ Chúa vì lòng nhân hậu và lòng thương xót của Ngài đối với tôi.

Đặc biệt tôi cám ơn các anh em đã huấn luyện tôi, trong đó nhiều người nay đã về bên Chúa, và những anh em mà tôi đã chia sẻ trách nhiệm của công tác linh hoạt và quản trị, trước tiên trong Tỉnh Dòng của tôi, sau đó là toàn Hội Dòng. Cảm ơn anh Giacomo Bini rất quý mến vì sự làm việc gần gũi và tình bạn trong nhiều năm qua. Từ anh, tôi đã học hỏi thật nhiều! Cảm ơn các anh em Tổng Cố vấn, cả trong nhiệm kỳ thứ nhất và nhiệm kỳ thứ hai làm Tổng Phục vụ của tôi. Với các anh em, đó không phải là công việc khó khăn. Anh em luôn có thiện cảm với các hạn chế của tôi và luôn giúp đỡ tôi. Xin cám ơn các thư ký riêng của tôi, nhất là anh Francisco Javier Arellano, một anh em và cộng sự viên trung tín, và các anh em Hội đồng Dòng, mà không có anh em, tôi không thể linh hoạt và quản trị Huynh Đệ đoàn của chúng ta được. Xin cám ơn tất cả anh em trong Dòng. Với mọi anh em, tôi đã chia sẻ mọi nỗi vui buồn. Với mọi anh em, tôi gánh vác các khó khăn và niềm vui của cuộc sống. Thật là một sự nâng đỡ lớn cho tôi khi tôi biết mình được đồng hành bởi gần 15.000 anh em của Hội Dòng. Tôi hy vọng mình đã cho đi nhiều trong những năm tôi làm Tổng Phục vụ và Thư ký đặc trách đào tạo và huấn luyện, nhưng chắc chắn tôi đã nhận được từ anh em thật nhiều hơn thế. Cảm ơn anh em rất nhiều! Anh em là một món quà tuyệt vời, một món quà tuyệt vời, đối với tôi! Bây giờ tôi tạm thời xa cách anh em, tôi xin anh em, sau khi hôn chân anh em, hãy tiếp tục hỗ trợ và chúc phúc cho tôi bằng lời cầu nguyện, và với món quà của tình anh em và tình bạn của anh em đối với tôi.

Cùng với lời tạ ơn, tôi không thể không nhận ra các hạn chế của tôi. Nếu đúng là, và thật là như thế, với người được cho nhiều thì được đòi hỏi nhiều, vào lúc này tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết sức nặng của các điểm yếu của tôi, vì vậy tôi xin lỗi. Trước hết, tôi xin lỗi Chúa, Đấng sẽ phán xét tôi và biết rõ tôi hơn tôi biết chính bản thân mình, và sau đó tôi xin lỗi mọi anh em, hỡi anh em yêu quý của tôi. Xin tha thứ cho tôi thật nhiều lần như tôi đã nhiều lần xúc phạm tới anh em. Đặt đời sống tôi trong bàn tay của Chúa, tôi có thể đảm bảo với anh em rằng tôi không bao giờ muốn các đặc ân và không bao giờ muốn rơi vào thói tư vị. Nếu sự khiêm nhường là sự thật, tôi có thể đảm bảo với anh em, với lòng khiêm nhường sâu xa, rằng tôi luôn luôn muốn sự thiện, sự tốt lành cho Dòng chúng ta, mà không suy nghĩ về bản thân mình. Ngoài ra tôi cũng thú nhận rằng tôi luôn luôn cố gắng tự mình làm những gì mà tôi đã yêu cầu anh em làm.

Ngay bây giờ tôi cảm thấy trong lòng các cảm xúc đối lập nhau: niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui vì Chúa đang tin tưởng tôi và vì Đức Thánh Cha, "Người Chủ Giáo Hoàng" Phanxicô của tôi, tôi cảm thấy một trách nhiệm rất lớn để phục vụ các tu sĩ và đời sống tận hiến, cũng là dấu chỉ của việc Ngài tin tưởng tôi và Dòng chúng ta. Nỗi buồn vì tôi nhớ anh em, hỡi anh em yêu quý của tôi. Tôi đang nhớ anh em trong khi cầu nguyện, lúc vui chơi giải trí, lúc ăn bữa, và trong mọi lúc. Tôi sẽ nhớ lời khuyên khôn ngoan của anh em và vòng tay rộng mở của anh em khi tôi cần đến. Tôi sẽ nhớ anh em... Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho cuộc sống mà tôi yêu, bởi vì nó là của tôi: đời sống tu trì, và do đó, cũng làm cho đời sống Phan sinh. Xin hãy xem tôi đang phục vụ anh em.

Lễ tấn phong Giám mục của tôi được dự kiến diễn ra ngày 18-5, vọng lễ Hiện Xuống. Buổi lễ sẽ diễn ra ở Santiago de Compostela, do ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, làm chủ phong. Tôi ước muốn ngày hôm đó tất cả các anh em hiện diện với tôi. Tôi biết điều này là không thể được. Vì vậy, tôi xin anh em hãy nhớ tôi trong Thánh lễ và trong kinh nguyện của anh em. Xin cầu nguyện cho tôi như tôi cầu nguyện cho anh em.

Đây là lá thư cuối cùng mà tôi ký tên với tư cách là Tổng Phục vụ và tôi tớ của anh em. Trong tâm tình này, và với sự xúc động sâu xa, tôi chúc lành cho anh em trong Cha Thánh Ái Thần của chúng ta.

Tu sĩ José Rodríguez Carballo, OFM

Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM)

(http://afriarslife.blogspot.com.au ngày 8-4-2013)

Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ
 
ĐTC Phanxicô: Đức Tin vào Biến Cố Phục Sinh
Phaolô Phạm Xuân Khôi
07:16 09/04/2013
“Chúa đang sống và Người đi bên cạnh chúng ta trong cuộc sống. Đây là sứ vụ của các con! Hãy đi bày tỏ niềm hy vọng này.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ nhất của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày mùng 3 tháng 4 năm 2013. Hôm nay Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.

* * *


Anh chị em thân mến,

Kính chào anh chị em,

Hôm nay chúng ta trở lại bài Giáo Lý về Năm Đức Tin. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta lặp lại cụm từ này: “Đến ngày thứ ba, Người sống lại, như lời Thánh Kinh.” Đây chính là biến cố mà chúng ta đang cử hành: Việc Phục Sinh của Chúa Giêsu, là trung tâm của sứ điệp Kitô giáo được vang vọng ngay từ thủa ban đầu và được truyền đạt đến chúng ta. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu thành Côrinthô: “Tôi đã truyền lại cho anh em… trước tiên điều mà tôi đã cũng nhận được là, Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta như Thánh Kinh, Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại theo như Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai.” (1 Cor 15:3-5). Lời tuyên xưng đức tin ngắn này vừa công bố Mầu Nhiệm Phục Sinh, với cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh với Thánh Phêrô và Nhóm Mười Hai: cái chết và việc Phục Sinh của Chúa Giêsu là tâm điểm của niềm hy vọng của chúng ta. Nếu không có niềm tin vào cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu này, thì niềm hy vọng của chúng ta sẽ yếu ớt, và thậm chí sẽ không có hy vọng, và chính cái chết và việc Phục Sinh của Chúa Giêsu là tâm điểm của niềm hy vọng của chúng ta. Thánh Tông Đồ nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em sẽ ra vô ích và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi mình” (câu 17).

Tiếc thay, người ta thường cố gắng làm cho niềm tin vào việc Phục Sinh của Chúa Giêsu bị lu mờ, và những hồ nghi đã len lỏi vào ngay cả trong vòng các tín hữu. Một chút niềm tin đã bị “giảm thiểu”, như chúng ta nói; đó không phải là đức tin mạnh mẽ. Và sở dĩ có điều đó là do người ta suy đoán nông cạn, đôi khi vì thờ ơ, bận rộn với hàng ngàn những điều được coi là quan trọng hơn đức tin, hoặc bởi vì một cái nhìn hoàn toàn nhân bản (theo chiều ngang) về cuộc đời. Nhưng chính việc sống lại mở lòng chúng ta ra để đón nhận niềm hy vọng lớn nhất, bởi vì nó khai mở cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của thế giới ra cho tương lai vĩnh cửu của Thiên Chúa, cho hạnh phúc sung mãn, cho sự chắc chắn rằng sự dữ, tội lỗi và sự chết có thể bị đánh bại. Và điều này dẫn đến việc sống thực tại thường nhật một cách tin tưởng hơn, đối diện chúng với lòng can đảm và quyết tâm. Việc Phục Sinh của Đức Kitô soi chiếu một ánh sáng mới trên những thực tại thường nhật này. Việc Phục sinh của Đức Kitô là sức mạnh của chúng ta!

Nhưng chân lý đức tin về việc Phục Sinh của Đức Kitô được truyền lại cho chúng ta thế nào? Có hai loại bằng chứng trong Tân Ước, một số dưới hình thức tuyên xưng đức tin, nghĩa là, những công thức tổng hợp biểu thị trọng tâm của đức tin; ngoài ra là những bằng chứng khác dưới hình thức tường thuật về việc Phục Sinh và về các biến cố liên quan đến nó. Trước hết: hình thức tuyên xưng đức tin chẳng hạn, là điều mà chúng ta vừa nghe, hoặc những điều trong Thư gửi tín hữu Rôma, ở đó Thánh Phaolô viết: “Thực ra, nếu anh em dùng miệng mà tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, và tin trong lòng rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì anh em sẽ được cứu độ.” (10:9). Từ những bước đầu tiên của Hội Thánh, đức tin vào mầu nhiệm cái chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu là điều rất kiên định và rõ ràng. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn suy niệm về hình thức thứ hai, về bằng chứng dưới hình thức tường thuật mà chúng ta thấy trong các sách Tin Mừng. Trước hết, chúng ta ghi nhận rằng các nhân chứng đầu tiên cho biến cố này là các phụ nữ. Ngay từ tảng sáng, các bà đã đi đến mồ để ướp xác Chúa Giêsu, và tìm thấy dấu chỉ đầu tiên: ngôi mộ trống (x. Mc 16:1). Tiếp theo là cuộc gặp gỡ với một Sứ Giả của Thiên Chúa là vị đã tuyên bố: Đức Giêsu Thánh Nadarét, Đấng Chịu Đóng Đinh, Người không có ở đây, Người đã sống lại (xem cc. 5-6.). Các phụ nữ được thúc đẩy bởi tình yêu và biết chấp nhận lời loan báo này bằng đức tin: các bà tin, và lập tức thông truyền nó, các bà không giữ cho mình, mà thông truyền tin ấy.

Niềm vui của việc biết rằng Chúa Giêsu còn sống, niềm hy vọng tràn đầy tâm hồn chúng ta, là điều không thể giữ nổi. Điều này cũng cần được thực hiện trong đời sống của chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được niềm vui được làm Kitô hữu! Chúng ta tin vào Chúa Phục Sinh là Đấng đã chiến thắng sự dữ và sự chết! Chúng ta hãy can đảm “đi ra” để đem niềm vui và ánh sáng này đến tất cả mọi nơi trong cuộc sống chúng ta! Việc Phục Sinh của Đức Kitô là sự chắc chắn vĩ đại nhất của chúng ta, là kho tàng quý giá nhất của chúng ta! Làm sao mà chúng ta không chia sẻ với những người khác kho tàng này, sự chắc chắn này? Nó không chỉ dành riêng cho chúng ta, nó phải được thông truyền, phải được trao ban cho những người khác, phải được chia sẻ với những người khác. Đó chính là chứng từ của chúng ta.

Có một yếu tố khác. Trong những tuyên xưng đức tin của Tân Ước, chỉ những người nam, các Tông Đồ, được nhắc đến như những chứng nhân của việc Phục Sinh, chứ không phải các phụ nữ. Sở dĩ có điều này là bởi vì theo Luật Do Thái thời đó, phụ nữ và trẻ em không thể là những nhân chứng xác thực, đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong các Tin Mừng, các phụ nữ đóng một vai trò chính và cơ bản. Ở đây chúng ta có thể nắm được một yếu tố ủng hộ tính cách lịch sử của việc Phục Sinh: nếu nó là một biến cố bịa đặt, thì trong bối cảnh của thời đại ấy, nó đã không được kết nối với lời chứng của các phụ nữ. Thay vào đó, các Thánh Ký chỉ đơn thuần tường thuật những gì đã xảy ra: các phụ nữ là những nhân chứng đầu tiên. Điều này nói lên rằng Thiên Chúa không chọn lưa theo những tiêu chuẩn của loài người: những nhân chứng đầu tiên của việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu là các mục đồng, những người đơn sơ và khiêm nhường; những nhân chứng đầu tiên của việc Phục Sinh là các phụ nữ. Và điều này tuyệt đẹp. Theo một mức độ nào đó thì đây là sứ vụ của các phụ nữ: của các bà mẹ, các phụ nữ! Làm chứng cho con cái và cháu chắt của họ rằng Chúa Giêsu đang sống, Người là Đấng Hằng Sống, là Đấng đã sống lại. Hỡi các bà mẹ và các phụ nữ, hãy tiến lên với chứng từ này!

Đối với Thiên Chúa, chính con tim mới đáng kể, chúng ta mở lòng ra cho cho sự hiện diện của Ngài như thế nào, nếu chúng ta như những trẻ em đầy tín thác. Nhưng điều này cũng làm cho chúng ta suy nghĩ về cách thế mà các phụ nữ trong Hội Thánh và trong hành trình đức tin, đã có và ngày nay có một vai trò đặc biệt trong việc mở cửa cho Chúa, bằng cách đi theo Người và thông truyền Dung Nhan của Người, bởi vì cái nhìn đức tin luôn luôn cần cái nhìn tình yêu đơn sơ và sâu sắc. Các Tông Đồ và các môn đệ thấy khó (mà) tin (vào việc Phục Sinh). Còn các phụ nữ thì không. Thánh Phêrô chạy đến ngôi mộ, nhưng ngừng lại ở ngôi mộ trống; Thánh Thôma phải chạm vào các vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu với hai bàn tay của mình. Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta cũng thế, thật là quan trọng khi biết và cảm thấy rằng Thiên Chúa yêu thương mình, đừng sợ yêu: đức tin được tuyên xưng bằng miệng và bằng con tim, bằng những lời nói và bằng tình yêu.

Sau những lần hiện ra với các phụ nữ, thì Chúa cũng hiện ra với những người khác: Chúa Giêsu hiện diện một cách mới mẻ: Người là Đấng Chịu Đóng Đinh, nhưng thân xác Người được vinh hiển; Người đã không trở về cuộc sống trần thế, nhưng đã trở lại trong một điều kiện mới. Lúc đầu họ không nhận Người, và chỉ qua những lời nói và cử chỉ của Người mà đôi mắt của họ được mở ra: cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh biến đổi, ban một sức mạnh mới cho đức tin, một nền tảng không thể lay chuyển nổi. Đối với chúng ta cũng có nhiều dấu chỉ mà Đấng Phục Sinh làm cho chúng ta nhận ra Người: Thánh Kinh, Thánh Thể và các bí tích khác, đức bác ái, những cử chỉ ấy của tình yêu mang lại một tia sáng của Đấng Phục Sinh. Chúng ta hãy để cho mình được soi sáng bởi việc Phục Sinh của Đức Kitô, hãy để cho mình được biến đổi bởi quyền năng của Người, để rồi qua chúng ta, trong thế gian, những dấu chỉ của sự chết nhường chỗ cho những dấu chỉ của sự sống.

Tôi thấy có rất nhiều người trẻ ở quảng trường. Kìa họ ở đó! Với các con cha nói: các con hãy nói lên sự chắc chắn này: Chúa đang sống và Người đi bên cạnh chúng ta trong cuộc sống. Đây là sứ vụ của các con! Hãy đi bày tỏ niềm hy vọng này. Hãy cột chặt vào neo hy vọng này: cái neo này là cái neo ở trên trời; hãy giữ chặt dây, hãy cột chặt vào neo và nói lên niềm hy vọng. Các con, những nhân chứng của Chúa Giêsu, hãy đi nói lên lời chứng rằng Chúa Giêsu đang sống và điều này sẽ cho chúng ta niềm hy vọng, sẽ đem lại hy vọng cho thế giới này là thế giới đã một phần nào đó trở nên già nua vì chiến tranh, sự dữ và tội lỗi. Hỡi người trẻ, hãy tiến lên!

http://giaoly.org/vn/
 
Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhớ việc cựu thủ tướng Anh cổ võ cho sự tự do
Bùi Hữu Thư
08:13 09/04/2013
Cựu Thủ Tướng Margaret Thatcher

Cựu thủ tướng Anh từ trần ngày 8 tháng 4, 2013 hưởng thọ 87 tuổi

VATICAN ngày 8, tháng 4, 2013 (Zenit.org) - Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất ngưỡng mộ các đức tính Kitô chứng tỏ sự cam kết của bà Margaret Thatcher cho việc phục vụ và cổ võ cho sự tự do.

Ngài khẳng định điều này trong một điện văn gửi qua Tổng Trưởng Ngoại Giao của ngài là Hồng Y Tarcisio Bertone.

Cựu thủ tướng Anh từ trần ngày 8 tháng 4 vì bị tai biến mạch máu não. Bà được 87 tuổi.

Điện văn của Đức Thánh Cha viết: "Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất đau buồn khi nghe tin bà bá tước Margaret Thatcher qua đời. Ngài nhớ lại và cảm kích các giá trị Kitô giáo chứng tỏ sự cam kết của bà cho việc phục vụ công chúng và cổ võ cho sự tự do giữa gia đình các quốc gia trên thế giới. Ngài gửi gấm linh hồn bà cho long xót thương của Thiên Chúa, và bảo đảm với gia đình bà và dân chúng Anh quốc là ngài sẽ nhớ đến bà trong kinh nguyện của ngài. Đức Thánh Cha cũng xin Thiên Chúa ban mọi ơn lành chan hòa cho tất cả những ai bà đã giúp đỡ"

Từ Luân Đôn, Tổng Giám Mục Vincent Nichols, thuộc tổng giáo phận Wesminster cũng gửi lời phân ưu: “Chúng tôi hết sức buồn rầu khi nghe tin bà Bá Tước Thatcher qua đời, bà đã phục vụ quốc gia này rất nhiều năm với tư cách là thành viên của Quốc Hội và là Thủ Tướng. Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn bà và cho các ý chỉ của gia đình bà và tất cả những ai đang thương khóc bà.”
 
Đức Thánh Cha: Nếu chúng ta có thể tránh được việc ngồi lê nói mách, thì chúng ta đã làm được một bước tiến
Bùi Hữu Thư
17:02 09/04/2013
Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay giảng về việc xây dựng một đời sống mới qua phép rửa tội
Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN, ngày 9 tháng 4, 2013 (Zenit.org) – Trong Thánh Lễ sáng nay tại Domus Sanctae Marthae, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: một cách để tiến bước trong việc phát triển một đời sống mới qua phép rửa là từ chối chước cám dỗ ngồi lê nói mách.

Thánh lễ thường lệ hôm nay của Đức Thánh Cha có sự tham dự của các nhân viên Y Tế tại Vatican và các nhân viên văn phòng Hành Chánh của Thánh Đô Vatican.

Theo Radio Vatican, Đức Thánh Cha nói: "Cộng đồng Kitô giáo tiên khởi là một mẫu mực vĩnh viễn cho cộng đồng Kitô hữu ngày hôm nay, vì họ là một trái tim một linh hồn, nhờ Thánh Thần đã đem họ vào một đời sống mới.”

Trong bài giảng này Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm về đoạn Phúc Âm kể lại câu chuyện đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô, khi ông ta không hiểu ngay làm sao một người có thể được “tái sinh.” Đức Thánh Cha nói: Qua Thánh Thần chúng ta được sinh vào một đời sống mới khi chịu phép rửa. Tuy nhiên, ngài tiếp, đây là một đời sống cần phải được phát triển; thay vì tự nhiên mà có.

Đức Thánh Cha nói: "Chúng ta phải làm tất cả mọi sự trong khả năng để đảm bảo rằng đời sống chúng ta phát triển thành một đời sống mới.” Ngài công nhận đây có thể là một “hành trình khó nhọc”, nhưng ngài nhắc nhớ rằng điều này tùy thuộc nhiều nhất vào Thánh Thần, cũng như vào khả năng chúng ta có thể “cởi mở cho thần khí” tác động.

Đức Thánh Cha khẳng định: Chính điều này đã xẩy ra cho các Kitô hữu tiên khởi. Họ đã có “một đời sống mới”, được thể hiện bằng cách họ sống như một trái tim và một linh hồn. Ngài nói: “Họ có sự hiệp nhất, sự đồng tâm, nhất trí, và hoà điệu về tình yêu, một tình yêu hỗ tương."

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Điều này cần được tái khám phá ra ngày nay, chẳng hạn, khía cạnh “hiền lành trong cộng đồng,” là một đức tính hơi bị quên lãng. Tính hiền lành bị làm cho hoen ố, và có nhiều “kẻ thù nghịch”, trong đó kẻ thù đầu tiên là tính ngồi lê nói mách.

"Khi chúng ta thích ngồi lê nói mách, nói xấu người khác, chỉ trích người khác – đây là điều xẩy ra hàng ngày cho tất cả mọi người, kể cả tôi – đây là những chước cám dỗ của thần dữ không muốn cho Thánh Thần đến với chúng ta và mang lại hòa bình và sự hiền hậu trong cộng đồng Kitô hữu.”

Đức Thánh Cha lưu ý: "Sẽ luôn luôn có những sự tranh đấu, trong giáo xứ, trong gia đình, trong khu xóm, giữa các bạn hữu.” Nhưng Thần Khí đã đưa chúng ta tới đời sống mới sẽ làm cho ta hiền lành và bác ái.

Sau đó Đức Thánh Cha vạch ra những hành vi chính đáng của một Kitô hữu.

Trước hết, “không được phán xét một ai” vì “vị Thẩm Phán độc nhất là Chúa Kitô.” Sau đó thì “im lặng” và nếu bạn có điều cần nói, xin hãy chỉ nói với những người có liên quan, với những người có thể “sửa sai tình hình”, nhưng “không nói với toàn thể khu xóm.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: "Nếu nhờ ơn Thánh Thần, chúng ta thành công trong việc không bao giờ ngồi lê nói mách, thì chúng ta đã làm một bước tiến tới” và “sẽ làm cho tất cả chúng ta được tốt lành."
 
Top Stories
Chine: Le pape François: «L’Eglise en Chine est dans mon cœur»
Eglises d'Asie
10:45 09/04/2013
Hier 8 avril à Hongkong, en la messe célébrée à la cathédrale de l’Immaculée Conception pour la solennité de l’Annonciation, l’évêque du lieu, le cardinal John Tong Hon, a donné le récit des trois brèves rencontres qu’il a eues à Rome avec le pape François le jour de son élection et dans les jours qui ont suivi. Au cardinal Tong, qui était le seul cardinal chinois électeur du conclave, le nouveau pape a dit combien « l’Eglise en Chine était présente en [son] cœur ».

Les trois brèves rencontres entre le pape François et le cardinal Tong avaient déjà été mentionnées dans le journal du diocèse de Hongkong, le Sunday Examiner, dans son édition du 6 avril, mais c’est le 8 avril, que Mgr Tong s’est exprimé le plus en détail sur le sujet, profitant de l’homélie prononcée en sa cathédrale.

Les premiers mots entre le cardinal et le pape tout nouvellement élu ont été échangés le 13 mars dans la chapelle Sixtine, peu après que le cinquième tour de scrutin entre les cardinaux et l’élection du pape François. Après l’acceptation par celui-ci de sa nouvelle charge, les cardinaux sont venus, chacun leur tour, témoigner de leur attachement à la personne du nouveau pape. Le cardinal Tong a quant à lui remis au Saint-Père une petite statue en bronze de Notre-Dame de Sheshan, réplique de celle qui trône au sommet du sanctuaire marial, près de la ville de Shanghai en République populaire de Chine, et connue également sous le nom de Notre-Dame de Chine. S’exprimant en italien, le cardinal Tong s’est adressé au pape François: « Les catholiques en Chine vous aiment et prieront pour vous. Nous vous demandons aussi votre amour pour tous les catholiques chinois; s’il vous plaît, priez pour nous. » Ce à quoi le pape avait répondu en souriant: « Les catholiques chinois ont rendu de grands témoignages à l’Eglise universelle. » En rapportant cet échange lors de son homélie du 8 avril, le cardinal a fait part de l’émotion qui l’avait alors saisi: « A ma grande surprise, il a pris ma main droite et embrassé mon anneau épiscopal pour témoigner de son amour et de sa dévotion envers l’Eglise en Chine; un geste qui m’a profondément touché » (1).

Deux jours plus tard, raconte encore le cardinal, alors qu’il se dirigeait tôt dans la matinée du 15 mars, vers la chapelle de la Maison Sainte-Marthe au Vatican où il était hébergé avec tous ses condisciples, il s’était trouvé au même moment que le nouveau pape dans l’ascenseur. Nouvel échange: « Le pape François m’a à nouveau remercié pour la statuette et m’a précisé qu’il l’avait mise dans sa chambre car elle lui rappelait le jésuite saint François-Xavier, arrivé [aux portes] de la Chine il y a plus de 460 ans. Il m’a aussi dit qu’il n’oubliait jamais de prier pour les catholiques de Chine. »

Lors de la messe célébrée ce jour-là en présence des cardinaux, le pape avait évoqué la figure de saint Ignace de Loyola dont l’enseignement était de ne jamais oublier les souffrances du Christ « lorsque nous-mêmes sommes plongés dans les difficultés car c’est ainsi que Dieu nous aide à entrer dans le mystère de la Résurrection ». Nouvelle surprise pour le cardinal Tong: vers la fin de son homélie, le pape l’avait publiquement – « et de manière totalement inattendue » – remercié pour la statue de la Vierge. Un peu plus tard, ce même jour, alors que le pape recevait un par un les cardinaux dans la salle Clémentine, le cardinal Tong avait saisi l’occasion pour lui dire sa gratitude pour « son amour et sa prière » pour les catholiques de Chine.

Enfin, troisième et dernier temps de ces brefs échanges, le 20 mars, au lendemain de la messe d’installation du nouveau pape, le cardinal Tong vint faire ses adieux au nouvel évêque de Rome, devant repartir pour Hongkong. Le remerciant à nouveau, le cardinal Tong eut la surprise de voir le pape François lui saisir la main droite et baiser de nouveau son anneau épiscopal. En italien, le pape lui dit alors les mots suivants: « La Chiesa in Cina è nel moi cuore. » (‘L’Eglise en Chine est dans mon cœur.’)

Trois brèves rencontres et quelques mots échangés ne font pas un programme, mais pour le cardinal évêque de Hongkong, les gestes et les homélies prononcées par le pape François « reflètent les valeurs de l’Evangile et mènent les gens au Seigneur Jésus Christ ».

Dans son homélie de ce 8 avril, rappelant le souci pastoral qu’avaient eu les papes Jean Paul II et Benoît XVI pour l’Eglise en Chine, Mgr Tong a tenu à réaffirmer que la communauté catholique à Hongkong serait toujours prête à mener la mission qui lui avait été confiée en tant qu’« Eglise-pont » entre les catholiques en Chine et l’Eglise universelle.

(1) Ce geste du pape envers l’évêque de Hongkong n’est pas unique. Le cardinal Mân, archevêque de Saigon, au Vietnam, a rapporté que le pape François avait eu la même attention à son égard.

(Source: Eglises d'Asie, 9 avril 2013)
 
Ban Ki-moon: Pope Francis a man of peace and purpose
Vatican Radio
17:05 09/04/2013
“It was an uplifting and hopeful meeting. Pope Francis is a man of peace and purpose. He is a voice for the voiceless. I look forward to continuing our conversation…and following in the tradition of his predecessors I was delighted to invite Pope Francis to visit the United Nations at his earliest convenience”, said United Nations Secretary General Ban Ki-moon following his meeting Tuesday morning with Pope Francis at the Vatican.

The Secretary General spoke to a restricted pool of news agencies, including Vatican Radio, after the audience and had words of praise for Pope Francis’ outreach to people of other faiths and non-believers describing him as a ‘bridge builder’. He also highlighted the Holy Father’s compassion for the poor as the 1000 day countdown begins for the Millennium Development Goal deadline.

Alessandro Gisotti’s full interview with UN Secretary General Ban Ki-moon:

“I told His Holiness that his choice of name after St Francis of Assisi was a powerful image for the many goals and purposes shared by the United Nations. He speaks loudly of his commitment to the poor, he has a deep sense of humility, his passion and compassion to improve the human condition. I was especially privileged to meet Pope Francis as we mark 1000 days to the deadline to the Millennium Development Goals (MDGs). We discussed the need to advance social justice and accelerate work to meet with the MDG’s this is vital if we are to meet the Millennium promise to the world’s poorest”.

“I was also very heartened by the commitment of Pope Francis to build bridges among the communities of faith. I strongly believe that inter-faith dialogue can point a way to a deeper appreciation of shared values which in turn can lead to tolerance inclusion and peace. This is the driving force of the UN’s ‘Alliance of civilizations’ initiative and I greatly appreciated the opportunity to speak with Pope Francis about furthering this work”.

“It was an uplifting and hopeful meeting. Pope Francis is a man of peace and purpose. He is a voice for the voiceless. I look forward to continuing our conversation. In this period and following in the tradition of his predecessor I was delighted to invite Pope Francis to visit the United Nations at his earliest convenience”.

Below a statement issued by the Secretariat of State following the audience

On the morning of Tuesday, April 9, 2013, in the Vatican Apostolic Palace, the Holy Father Francis received in audience the Secretary-General of the United Nations, HE Mr Ban Ki-Moon, who later met with His Eminence the Secretary of State, Cardinal Tarcisio Bertone, accompanied by Archbishop Antoine Camilleri, Under-Secretary for Relations with States.

The meeting, which is part in the tradition of audiences granted by the Popes to the various Secretaries-General of the United Nations over time, desired to express the appreciation that the Holy See has for the central role of the Organization in the preservation of peace in the world, in the promotion of the common good of humanity and the defense of fundamental human rights.

The cordial conversations focused on issues of mutual interest, in particular on situations of conflict and serious humanitarian emergencies, especially Syria, and others, such as the Korean Peninsula and the African continent, where peace and stability are threatened. Reference was also made to the problem of trafficking in persons, especially women, and that of refugees and migrants.

The UN Secretary General, who recently began his second term in office, presented his five year program, focused, among other things, on conflict prevention, international solidarity and equitable and sustainable economic development.

Pope Francis also recalled the contribution of the Catholic Church, starting from Her identity and the means that are proper to Her, in favor of integral human dignity and the promotion of a Culture of Encounter that contributes to the highest institutional purposes of organization.
 
Pope Francis meets UN secretary General Ban Ki-moon
Vatican Radio
17:05 09/04/2013
On the morning of Tuesday, April 9, 2013, in the Vatican 's Apostolic Palace, the Holy Father, Pope Francis received in audience the Secretary-General of the United Nations, HE Mr Ban Ki-Moon, who later met with His Eminence the Secretary of State, Cardinal Tarcisio Bertone, accompanied by Archbishop Antoine Camilleri, Under-Secretary for Relations with States.

The meeting, which is part in the tradition of audiences granted by the Popes to the various Secretaries-General of the United Nations who have succeeded each other over time, desired to express the appreciation that the Holy See has for the central role of the Organization in the preservation of peace in the world, in the promotion of the common good of humanity and the defense of fundamental human rights.

The cordial conversations focused on issues of mutual interest, in particular on situations of conflict and serious humanitarian emergencies, especially Syria, and others, such as the Korean Peninsula and the African continent, where peace and stability are threatened. Reference was also made to the problem of trafficking in persons, especially women, and that of refugees and migrants.

The UN Secretary General, who recently began his second term in office, presented his five year program, focused, among other things, on conflict prevention, international solidarity and equitable and sustainable economic development.

Pope Francis also recalled the contribution of the Catholic Church, starting from Her identity and the means that are proper to Her, in favor of integral human dignity and the promotion of a Culture of Encounter that contributes to the highest institutional purposes of organization.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thuận Nghĩa khánh thành Mái Ấm Tình thương Vũ Đăng Khoa
PV Thuận Nghĩa
08:55 09/04/2013
Sau gần 2 năm xây dựng, ngày 06 tháng 04 năm 2013, Giáo xứ Thuận Nghĩa Khánh Thành Mái Ấm Tình thương Vũ Đăng Khoa. Mái ấm này tọa lạc trên mảnh đất khoảng 3000 m2, gần bờ sông Thái, thuộc Giáo xứ Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh. Hiện diện trong thánh lễ, có Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Văn Viên, quý Cha trong và ngoài giáo hạt và đông đảo bà con giáo dân.

Xem hình ảnh

Mái Ấm này được hoàn thành nhờ sự cố gắng nổ lực của bà con Giáo xứ Thuận Nghĩa, dưới sự hướng dẫn của Cha cố Ant. Phạm Đình Phùng, Cha quản xứ đương nhiệm Ant. Nguyễn Văn Đính, và sự tài trợ đặc biệt của nhóm tình thương đến từ Giáo Phận Melbourne – Úc Châu.

Mái ấm tình thương Vũ Đăng Khoa sẽ được giao cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh sử dụng với mục đích giúp cho những mảnh đời bất hạnh: Khiếm thị, khiếm thính và các hoàn cảnh tương tự khác.

Đây là cơ sở tình thương đầu tiên được thiết lập tại địa bàn Giáo hạt Thuận Nghĩa, hy vọng nhiều mảnh đời bất hạnh sẽ được sưởi ấm và che chở từ Mái ấm tình thương Vũ Đăng Khoa này.
 
Caritas Hưng Hóa đem ánh sáng đến cho dân nghèo vùng cao biên giới
Caritas Hưng Hóa
08:52 09/04/2013
Gp. Hưng Hóa: Sau đợt mổ mắt miễn phí cho người nghèo dịp tháng 10/2012 và đợt Khám - Tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho các cụ cao tuổi trên địa bàn Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đầu tháng 3/2013, Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Hưng Hóa nhận thấy nhu cầu các bệnh về mắt, nhất là đục thủy tinh thể và mộng thịt của người dân nơi đây cần được quan tâm kịp thời. Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Hưng Hóa đã cố gắng bao nhiêu có thể để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết này, làm sao cho người nghèo bớt khổ.

Xem hình ảnh

Cũng nên biết, Lào Cai là tỉnh mới, được tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn được 20 năm nên Lào Cai vẫn còn rất nghèo và sự thu hút những bác sỹ giỏi về chuyên môn vẫn còn ở mức khiêm tốn. Vì thế, khi bị đau yếu người dân có hai sự lựa chọn: một là qua biên giới để sang Trung Quốc khám và chữa bệnh; hai là về các bệnh viện lớn ở Hà Nội chữa bệnh. Làm như vậy, người dân yên tâm về mặt tâm lí nhưng lại rất thiệt hại về mặt kinh tế. Nghèo vẫn hoàn nghèo !

Vì thế, Caritas Hưng Hóa đã liên hệ với các Ân nhân Hội Lòng Chúa Thương Xót và đoàn bác sĩ phẫu thuật xin giúp đỡ để thực hiện chương trình mỗ mắt miễn phí cho họ.

Nhận được sự giúp đỡ của Quý Ân nhân, Caritas Hưng Hóa đã làm đơn đề nghị lên Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Y tế tỉnh Lào Cai thực hiện chương trình này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (bệnh viện mới – 500 giường) từ ngày 02-7/4/2013 và đã được nhanh chóng chấp thuận.

Caritas Hưng Hóa cùng với Linh mục Quản xứ Lào Cai đã có cuộc làm việc với Sở Y tế, lên kế hoạch thực hiện và đăng ký danh sách đoàn mổ mắt. Đoàn Caritas Hưng Hóa gồm:

1. Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Caritas, trưởng đoàn
2. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành, Quản xứ Lào Cai và Phố Lu
3. Bác sĩ Võ Nguyễn Mân, bác sĩ phẫu thuật đang công tác tại bệnh viện Bưu Điện Sài Gòn
4. Bác sĩ Huỳnh Thị Quý Phi, công tác tại Sài Gòn
5. Nữ tu Bùi Thị Nga, dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, y tá điều dưỡng
6. Nữ tu Phạm Thị Mừng, dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, y tá điều dưỡng
7. Nữ tu Lê Thị Thủy, dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, y sĩ, nhân viên văn phòng Caritas Hưng Hóa
8. Nguyễn Thị Tiếp, y tá điều dưỡng
9. Nguyễn Thị Xuyến, nhân viên văn phòng Caritas Hưng Hóa
10. Hội đồng Giáo xứ và các cộng tác viên Caritas Giáo xứ Lào Cai

Người dân trên địa bàn Thành phố Lào Cai và các huyện, xã trong tỉnh đã được thông báo trước đó cả tháng về chương trình mổ mắt miễn phí của Caritas Hưng Hóa qua tổ chức y tế cơ sở, cũng như của linh mục quản xứ Lào Cai và cộng tác viên Carita Giáo xứ Lào Cai, nên ngay những ngày đầu họ đã đến rất đông.

Đoàn Caritas Hưng Hóa phối hợp với các y bác sĩ khoa mắt của bệnh viện đa khoa đã tiếp đón, hướng dẫn, và làm công tác chuẩn bị để bác sĩ Mân, chuyên khoa mắt tại Sài Gòn khám, tư vấn và sàng lọc những bệnh nhân cần mổ mắt.

Tổng số người đến khám và được tư vấn các bệnh về mắt là 1035 người. Số người được chỉ định mổ mắt là 228 người, trong đó 126 ca đục thủy tinh thể và 102 ca cắt mộng.

Tất cả mọi người đến với bác sĩ để được khám, tư vấn về mắt đều rất phấn khởi và tin tưởng vào chuyên môn, cũng như sự ân cần, nhiệt tình của bác sĩ và anh chị em trong đoàn Caritas Hưng Hóa. Anh chị em trong đoàn phải làm việc rất vất vả, từ sáng đến tối, ít có thời gian nghỉ ngơi, nhưng ai cũng phấn khởi và phục vụ hết mình.

Các bệnh nhân được phẫu thuật, ai cũng được chăm sóc ân cần, chu đáo, được cấp thuốc miễn phí, nhất là tìm lại được ánh sáng, họ vui mừng quá sức, hết lòng cảm ơn bác sĩ và đoàn mổ mắt của Caritas Hưng Hóa.

Khi được báo tin là có đoàn mổ mắt từ thiện, nhất là của nhà thờ là họ rất an tâm và phấn khởi. Người nọ báo người kia bằng nhiều kênh khác nhau nhưng chính người được khám – tư vấn và mổ mắt lần trước là những nhân chứng rất tích cực. Có người nói: “Trước kia tôi nghĩ nhà thờ chỉ là truyền đạo thôi, nhưng từ khi tiếp xúc qua chương trình mổ mắt tôi lại thấy họ rất tốt mà chẳng nói gì đến Chúa cả …”.

Chương trình được thực hiện cách tốt đẹp nhờ có sự quan tâm của Chính quyền địa phương, của linh mục quản xứ Lào Cai và Hội đồng Lào Cai, sự giúp đỡ về tài chính của Quý Ân nhân Hội Lòng Thương Xót Chúa. Caritas Hưng Hóa xin chân thành cảm ơn Quý Ân nhân, Quý vị Chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai, Thành phố Lào Cai cũng tất cả những ai đã góp công sức và thời gian để phục vụ những người mù nghèo.

Khi tổng kết, Ban giám đốc bệnh viện cũng nói lên sự thán phục về chuyên môn của bác sỹ, nhất là về tinh thần hi sinh và phục vụ của đoàn. Bác sỹ Hiếu, phó giám đốc bệnh viện nói: “Qua chương trình từ thiện này, các bác sỹ và nhân viên trong bệnh viện học được rất nhiều điều, trong đó có chuyên môn và tinh thần phục vụ của đoàn. Tôi quan sát, có những ngày đến tận quá trưa (13giờ), đoàn vẫn chưa được dùng cơm trưa mà nụ cười vẫn luôn luôn nở trên môi thì cũng thật kỳ lạ”.

Hy vọng rằng, những công việc từ thiện bác ái trên mảnh đất biên cương như thế này phải được nhiều người quan tâm hơn. Và cũng qua việc bác ái, nền văn minh tình thương sẽ hiện diện khắp mọi nơi. Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ của Đức Giêsu là các con hãy yêu thương nhau.
 
Bạn trẻ Dương Quyết Thắng - người không tay lọt vào chung kết Vietnam`s Got Talent
Peter Dũng
10:06 09/04/2013
Bạn trẻ G.B Dương Quyết Thắng - Chàng trai không tay lọt vào chung kết Vietnam`s Got Talent. Anh Thắng đã cho chúng ta những cảm nghiêm sâu sắc về ý chí của con người, khi chúng ta có niềm tin không có gì là không thể.

Sinh ra trong một gia đình Công giáo thuộc Giáo xứ Kẻ Mui, hạt Nghĩa Yên (Hương Sơn - Hà Tĩnh), GP. Vinh, ngoài thời gian phụ giúp công việc đồng áng, G.B. Dương Quyết Thắng đã tự tìm tòi học hỏi từ các lớp dạy đàn nhạc trong nhà thờ để thoả mãn niềm đam mê âm nhạc của mình. Tai nạn không may xảy ra với Thắng sau khi thi đại học 1 tuần, trong một lần đi hát phục vụ đám cưới và dựng rạp cưới để kiếm thêm thu nhập, Thắng bị điện cao thế giật và phải phẫu thuật cắt bỏ đôi tay. Nghị lực của Thắng Khiến nhiều người phải nể phục khi anh đã đăng kí tham gia Vietnam`s Got Talent và vào đến vòng chung kết. Để đồng hành với chàng trai không tay G.B Dương Quyết Thắng và chứng minh rằng với niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, Thắng đã có thể thực hiện được mộng ước của mình.

Sau phần thi khá thành công trong đêm chung kết Vietnam`s Got Talent 07/04/2013 vừa qua chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Quyết Thắng lắng nghe anh tâm sự và chia sẻ.

PV: Chào Thắng, trước tiên xin chúc mừng Thắng đã hoàn thành tốt phần thi của mình trong đêm Chung kết VietNam Got Talent. Động lực nào giúp Thắng vượt qua được những khó khăn trong tập luyện và đưa Thắng đến với cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam này?

G.B Quyết Thắng: Trong thời gian em trở về nhà sau khi ra viện mà không còn đôi tay, em rất chản nản cảm thấy tủi thân và bất lực vô cùng, thấy em như vậy gia đình rồi cha xứ các bạn trong ca đoàn động viên em rất nhiều.

Và như hồng ân của Chúa, một lần em nhận được một bưu kiện của chị gái em Soeur Maria Dương Thị Hiền Dòng thừa sai bác ái Chúa Ki tô Sài Gòn trong đó có một chiếc đĩa DVD của anh Nick Vujicic, xem đĩa của anh ấy, nghe anh ấy chia sẻ, nhìn những việc anh ấy làm, cố gắng và đặc biệt thấy được niềm tin mãnh liệt nơi anh ấy vào Thiên Chúa nên em thấy mình cũng có thể làm được cố gắng được. Từ đó em lao vào tập đàn từng tý một, đầu tiên em tập bằng chân nhưng do bàn chân to quá các ngón chân lại quá ngắn nên thường bị dính vào các phím đàn khác không đánh được rõ nhạc. Em lại chuyển qua tập bằng cùi tay, nhiều khi cũng nản nhưng mà mỗi lần như thế lai được sự đông viên của mọi người, em cũng cố gắng cầu nguyện nhiều nên em cũng vượt qua được.

Em tham gia cuộc thi không phải là vì danh hiệu hay vì muốn nổi tiếng vì em biết em chưa phải là tài năng gì xuất sắc nhưng em thi vì em muốn chứng minh một điều rằng “ Không có gì là không thể nếu chúng ta không mất niềm tin, Chúa có sứ mạng riêng cho mỗi người” như anh Nick Vujicic nói.

PV: Cảm xúc của Thắng như thế nào khi mà Thắng lần lượt vượt qua vòng loại, bán kết, rồi vào đến Chung kết ?

G.B Quyết Thắng: Em khá là bất ngờ khi em được chọn, vì em không tự tin lắm về khả năng của mình, em chỉ cổ gắng làm hết khả năng của mình và truyền tải những thông điệp mà về cuộc sống qua những bài hát. Em nghĩ rằng em được chọn có lẽ là do nhiều người cầu nguyện cho em quá nên Chúa nhậm lời. Có lẽ như anh Huy Tuấn giám khảo chương trình chia sẻ “ Thượng Đế muốn em mang một thông điệp gửi đến mọi người về niềm tin vào cuộc sống”. Bởi vì nếu xét về tài năng thì em còn thua kém nhiều lắm nên chính sự cầu nguyện và bình chon của mọi người dành cho em, em mới tiến sâu vào vòng trong như vậy.

PV:Thắng có gặp niều khó khăn trong việc tập luyện khi tham gia vòng bán kết và chung kết?

G.B Quyết Thắng: Vì gia đình em cũng khó khăn vất vả, lại đông anh em nên không có điều kiện để học hành bài bản qua trường lớp. Em chỉ được học nhạc ở nhà thờ Kẻ Mui vào những dịp hè do các Thầy và các Soeur mà cha xứ mời về dạy cho ca đoàn nên cũng không học được nhiều, chủ yếu là tự mày mò thêm. Nên việc em lọt vào vòng trong cộng thêm những đòi hỏi khắt khe của chương trình nên việc tập luyện của em cũng căng hơn. Vì cũng chưa qua trường lớp gì nên em phái học lại thanh nhạc, rồi học đánh đàn kết hợp với ban nhạc cũng khá là vất vả, căng thẳng, những khi đó em cũng thường cầu nguyện, hay ra nhà thờ Đức Bà, em còn đi thăm mộ Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp ở giáo họ Tắc Sậy, tinh Bạc Liêu để xin thêm ơn tăng thêm sức mạnh đó ạ. Em tin là nếu gặp khó khăn gì mình có gắng và cầu nguyện cùng Chúa thì mình cũng sẽ vượt qua được.

PV:Ai là người giúp cho Thắng có nhiều động lực để vượt qua nhưng khó khăn trong việc theo đuổi đam mê cũng như nhưng khó khăn trong cuộc sống đời thường?

G.B Quyết Thắng: Mẹ Là người giúp cho em có đông lực ý chí lớn nhất, mẹ hy sinh cho em rất nhiều, mẹ là người chăm lo cho em hàng ngày từ khi em bị tai nạn cho đến giờ vẫn vậy. Mẹ là nguồn đông viên lớn nhất cho. Mẹ luôn dăn dò em phài biết cậy trông và bám víu vào Chúa, mẹ đêm nào cũng cầu nguyện cho em cả. Vì vậy nên mỗi khi nghĩ đến mẹ em lại càng thêm cố gắng nỗ lực hơn nữa.

Và một điều nữa em đã được nhiều người quan tâm giúp đỡ trong lúc em gặp tai nạn khó khăn xảy ra trước tiên là gia đình, cha xứ, cộng đoàn giáo xứ Kẻ Mui, các thầy, các soeur, bạn bè đã luôn đồng hành giúp đỡ em vượt qua khó khăn. Em tự nhủ với lòng mình rằng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải làm được điều gì có ý nghĩa để đáp lại tình cảm moi người dành cho em. Em không biết nói gì hơn qua đây em muốn gửi lời tri ân đến tất cả, nguyện xin Chúa tuôn đổ muôn hồng ân trên mọi người.

PV: Được biết Thắng là người Công giáo duy nhất trong cuộc thi lần này, đó là áp lực hay động lực cho Thắng ?

G.B Quyết Thắng: Em rất tự hào vì em là người Công giáo có niềm tin vào Thiên Chúa. Em nghĩ đây sẽ là động lực lớn cho em để em tiếp tục tiến bước không chỉ trong cuộc thi này mà cả trên đường đời, vì khác với các thí sinh khác em luôn có người sát cánh bên em tiếp thêm cho em sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn đó là Thiên Chúa.

PV: Sau cuộc thi này Thắng có dự định gì cho tương lai?

G.B Quyết Thắng: Uhm dạ trước mắt là cho dù đi tiếp hay dừng lại thì em cũng muốn về nhà để tham dự Quan thầy của giáo họ Đức Vọng và chầu lượt giáo xứ Kẻ Mui của xứ nhà sắp tới. Hi hi em nhớ nhà và các bạn trong ca đoàn lắm rồi.

Còn xa hơn em cũng mông mơ nhiều lắm. Em muốn công hiến một chút khả năng bé nhỏ của mình. Em muốn thu âm một album Thánh ca về tình Chúa rất đặc biệt “ Thực ra sở trường của em là hát và đàn thánh ca cơ, nhưng mà chương trình của xã hội nên không được thể hiện”. Nếu thực hiên được em nghĩ rằng những ca từ, những nốt nhạc đó vơi một chút biến cố Chúa làm trên bản thân em có thể sẽ là nguồn động viên cho những người đang gặp những biến cố khó khăn trong cuộc sống biết tin tưởng và cậy trông vào Chúa để vượt qua khó khăn.

PV: Thắng muốn tâm sự điều gì với những người trong thời gian qua đã đồng hành với Thắng và bình chọn cho Thắng đặc biệt là những người cùng niềm tin với Thắng.

G.B Quyết Thắng: Em cũng không biết lấy gì cảm ơn sự ưu mà mọi người dành cho em, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng mọi người đã dành sự quan tâm dõi theo, cầu nguyện cho em. Em mong sẽ được sự đồng hành của mọi người nhiều hơn, mong mọi người cầu nguyện nhiều cho em. Em xin chân thành cảm ơn và nguyện xin Thiên Chúa ban bình an cho moi người.

PV: Xin cảm ơn Thắng đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Chúc Thắng bình an, sức khoẻ và chúc cho những dự định của Thắng được thành công tốt đẹp.
 
Chương trình tư vấn hướng nghiệp tiếp sức mùa thi 2013 tại Gx Thuận Nghĩa
PV Thuận Nghĩa
10:17 09/04/2013
Chúa nhật lòng thương xót Chúa ngày 07/4/2013, được sự đồng ý của Cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Đính, ban hoc sinh sinh viên xứ Thuận Nghĩa đã mời đoàn tư vấn hướng nghiệp tại Vinh, thầy cô trường THPT và trường trung cấp nghề trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu về tại giáo xứ Thuận Nghĩa tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp – tiếp sức mùa thi năm học 2012-2013.

Xem hình ảnh

Cùng tham dự chương trình, Cha quản xứ đã có lời huấn từ bày tỏ sự quan tâm tới việc định hướng tương lai cho giới trẻ ngày nay nói chung và giới trẻ xứ Thuận Nghĩa nói riêng.

Sau phần khai mạc, trưởng BĐH sinh viên xứ Thuận Nghĩa nêu lý do tổ chức chương trình và những trăn trở của sinh viên trong giáo xứ: “…chúng con là những người đi trước, không có người định hướng chỉ dẫn, chúng con như người đi không biết hướng, thậm chí đi sai đường, nhìn lại thế hệ trẻ sau chúng con, chúng con cảm thấy mình phải hành động, có những bạn trẻ chọn nhầm nghề,hoặc thi vào CĐ-ĐH mà chẳng biết gì về ngành nghề đào tạo mà mình theo học…”.

Trong chủ đề hướng nghiệp, với phần mở đầu hài hước và dí dỏm qua câu chuyện chú chim KiWi – một loài chim không cánh ở Newzeland, trưởng BĐH sinh viên đã gửi đến các bạn trẻ một thông điệp: “luôn theo đuổi ước mơ, không để bất cứ ai có thể đánh cắp ước mơ của mình, khi ước mơ chúng ta đã có một nửa, nửa còn lại phụ thuộc vào việc chúng ta có hành động để đạt được trọn vẹn ước mơ đó hay không.” Chương trình cũng đã tư vấn cho các em nên chọn hướng đi nào cho cuộc đời mình: thi vào CĐ-ĐH; học nghề để tiết kiệm thời gian và chi phí; đi tu bước theo Chúa để dấn thân phục vụ…..

Phần dành riêng cho các bạn học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi CĐ-ĐH, trưởng nhóm đoàn tư vấn hướng nghiệp tại Vinh đã giới thiệu và giúp các em có một cái nhìn bao quát và hiểu biết chung về hệ thống đào tạo hệ CĐ,ĐH và hệ thống đào tạo hệ liên thông. Hướng dẫn cho các em một số phương pháp ôn thi và làm bài thi hiệu quả,cùng với chế độ dinh dưỡng cho những bạn học sinh đang ôn thi.

Sau khi thay đổi không khí bằng một số trò chơi sinh hoạt, thầy Giuse Hòa, giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng hướng dẫn cho các em phương pháp làm bài thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn hóa học. Thầy Giuse Hòa là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giảng dạy và ôn thi môn hóa học. Thầy cũng là người sẽ phụ trách học sinh sinh viên trong giáo xứ, tổ chức các lớp học văn hóa miễn phí cho học sinh trong thời gian tới.

Một trong những con đường ngắn dẫn đến thành công của các bạn trẻ, đó là học nghề. Vì vậy, ban tổ chức đã mời các thầy cô trường trung cấp nghề kinh-tế kỹ thuật Bắc Nghệ An, thông báo thông tin tuyển sinh hệ trung cấp nghề năm học 2012-2013 giới thiệu ngành nghề đào tạo và hệ thống đào tạo, trong đó thầy cô còn nhấn mạnh những ưu tiên khi tham gia đăng ký học tại trường.

Phần mong chờ nhất của các em học sinh, đó là tư vấn trực tiếp, những thắc mắc băn khoăn đã được anh chị sinh viên trong giáo xứ, thầy cô và những người có kinh nghiệm giải đáp.

Đến tham dự với chương trình, tất cả các em học sinh và khách mời đều được tặng một phần quà hết sức ý nghĩa, đó là ảnh tượng và sách lòng thương xót chúa.

Theo gợi ý của Cha quản xứ, ban đặc trách sinh viên giáo xứ đã đề ra cách thức sinh hoạt cho học sinh sinh viên. Học sinh sẽ được chia thành các khối 9, 10, 11, 12. Mỗi tuần sau thánh lễ cha xứ sẽ gặp gỡ, sinh hoạt theo chủ đề với một khối học sinh, và mời các thầy cô trong giáo xứ mở lớp học văn hóa miễn phí cho học sinh trong dịp ôn thi thi và dịp hè.

Chương trình diễn ra thành công tốt đẹp thu hút s? quan tâm của nhiều người trong và ngoài giáo xứ, đặc biệt là những học sinh lương dân trên địa bàn.

Chương trình đã giúp các em học sinh định hướng được tương lai của mình, khơi dậy tinh thần học hỏi. Tạo cơ hội cho học sinh sinh viên trong giáo xứ được giao lưu gặp gỡ.

Trong ngày vui chung ngày Chúa Nhật lòng thương xót Chúa, câu hỏi của thánh Phaolo: “Lạy Chúa con phải làm gì?” cùng với khẩu hiệu: “Tuổi trẻ hành động hy vọng ngày mai”, giới trẻ giáo xứ Thuận Nghĩa háo hức chuẩn bị cho những hoạt động sắp tới.

Kết thúc chương trình là phần hiệp dâng thánh lễ của toàn thể giới trẻ trong giáo xứ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Bênêđíctô suy tư về Vatican II: hân hoan và phấn khởi
Vũ Văn An
02:50 09/04/2013
Đức Bênêđíctô suy tư về Vatican II: hân hoan và phấn khởi
Vũ Văn An2/22/2013
________________________________________
Thứ năm, 14 tháng 2 vừa qua, nhân cuộc viếng thăm hàng giáo sĩ Rôma, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã ứng khẩu nhắc tới một số kỷ niệm của ngài đối với Công Đồng Vatican II.

Đối với hôm nay, vì tuổi già sức yếu, tôi đã không thể dọn được một bài nói chuyện dài như thường lệ; thay vào đó, tôi xin trình bày những gì hiện có trong đầu tức một số ý tưởng về Công Đồng Vatican II, theo cái nhìn của tôi. Tôi xin bắt đầu với câu truyện vui: năm 1959, tôi được cử nhiệm làm giáo sư tại Đại Học Bonn, nơi có các chủng sinh của Giáo Phận Cologne và nhiều giáo phận trong vùng tới học. Nhờ thế, tôi có dịp được tiếp xúc với Đức Hồng Y TGM Cologne, là Đức Hồng Y Frings. Năm 1961, nếu tôi nhớ không sai, Đức Hồng Y Siri của Genoa có tổ chức một loạt các buổi nói chuyện về Công Đồng do nhiều vị hồng y ở Âu Châu đảm trách, và ngài có mời Đức TGM Cologne trình bày đề tài Công Đồng và thế giới tư duy hiện đại.

Đức Hồng Y yêu cầu tôi, là giáo sư trẻ nhất, viết cho ngài một dự thảo. Ngài rất thích dự thảo ấy và đã đem trình bày với dân chúng tại Genoa y nguyên bản văn mà tôi đã viết cho ngài. Chẳng bao lâu sau, Đức Giáo Hoàng Gioan mời Đức Hồng Y tới gặp ngài. Đức Hồng Y lo lắng lắm sợ mình nói điều gì đó không đúng, một điều gì đó sai lạc, nên bị triệu tới để quở mắng, thậm chí dám bị tước cả chức hồng y lắm. Thực vậy, khi cha thư ký của ngài giúp ngài vận phẩm phục để vào triều yến, Đức Hồng Y bảo: “Có lẽ đây là lần chót tôi mặc phẩm phục này!”. Rồi ngài đi vào, Đức Giáo Hoàng Gioan ra gặp ngài, ôm lấy ngài rồi nói: “Cám ơn Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã nói những điều mà chính tôi vốn muốn nói từ lâu, nhưng không tìm ra lời”. Nhờ thế, Đức Hồng Y biết ngài đi đúng đường và đã mời tôi tháp tùng ngài tới Công Đồng, đầu tiên làm cố vấn riêng cho ngài; sau đó, ngay trong khóa đầu tiên, tôi nghĩ vào khoảng tháng Mười Một năm 1962, tôi cũng được cử làm chuyên viên chính thức của Công Đồng.

Thế là chúng tôi lên đường tới Công Đồng không những lòng tràn đầy niềm vui mà còn phấn khởi nữa. Ai cũng hết sức nóng lòng mong đợi. Chúng tôi hy vọng mọi sự sẽ được canh tân, ta sẽ có một Lễ Hiện Xuống mới, vì lúc đó, Giáo Hội vẫn còn khá vững vàng: con số tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật vẫn còn khá đông, ơn gọi làm linh mục và tu dòng chỉ hơi bắt đầu giảm sút, nhưng vẫn còn đủ. Tuy thế, người ta có cảm tưởng Giáo Hội không chịu tiến về phía trước, đang sa sút, dường như đã trở thành điều gì đó thuộc quá khứ chứ không phải là người loan báo tương lai. Và lúc đó, chúng tôi hy vọng rằng mối liên hệ này sẽ được đổi mới, chắc chắn nó sẽ thay đổi, Giáo Hội một lần nữa sẽ trở thành sức mạnh của tương lai cũng như sức mạnh của hiện tại. Chúng tôi cũng biết rằng mối liên hệ giữa Giáo Hội và thời hiện đại, ngay từ đầu, đã hơi gặp trục trặc, bắt đầu với sai lầm của Giáo Hội trong vụ Galileo Galilei. Chúng tôi mong sửa được buổi đầu sai lầm ấy và khám phá lại sự liên kết giữa Giáo Hội và những lực lượng tốt đẹp nhất của thế giới, ngõ hầu mở ra một tương lai thực sự cho nhân loại, một tiến bộ thực sự. Tóm lại, chúng tôi tràn trề hy vọng, tràn trề phấn khởi, những mong góp phần mình vào diễn trình đó. Tôi nhớ rằng người ta vốn nghĩ Công Đồng Rôma chỉ là một mô thức tiêu cực. Tôi không biết đúng hay sai nhưng người ta bảo rằng các văn kiện đã soạn sẵn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan được đọc lớn tiếng lên, rồi các thành viên của Công Đồng chỉ biết vỗ tay hoan hô, nghĩa là chấp thuận bằng cách vỗ tay. Công Đồng đại loại được tiến hành như thế. (Nhưng ngày nay) các giám mục cho hay: không, ta không nên hành động như vậy nữa. Chúng tôi là giám mục, chúng tôi là chủ thể của Công Đồng; chúng tôi không muốn đơn giản chấp thuận những gì đã được làm sẵn, chúng tôi muốn làm chủ thể, làm chủ đạo của Công Đồng. Bởi thế, cả Đức Hồng Y Frings, người có tiếng trung thành tuyệt đối với Đức Thánh Cha, trung thành một cách gần như từng ly từng tí nữa, cũng đã phát biểu rằng: ở đây, chúng tôi đóng vai trò khác hẳn. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng tôi trở thành như các giáo phụ, trở thành Công Đồng Chung, một chủ thể canh tân Giáo Hội. Bởi thế, chúng tôi muốn đảm nhiệm vai trò mới mẻ này của chúng tôi.

Dịp đầu tiên thái độ trên được chứng tỏ là chính ngày thứ nhất. Chương trình dành cho ngày thứ nhất này là bầu các ủy ban. Các danh sách để bầu đã được soạn sẵn, và được coi là soạn một cách vô tư. Các danh sách này được đem ra bỏ phiếu. Nhưng ngay tức khắc, các nghị phụ tuyên bố: không, chúng tôi không muốn bỏ phiếu cho những danh sách đã dọn sẵn. Chúng tôi là chủ thể. Thành thử, phải hoãn việc bỏ phiếu này, vì các nghị phụ muốn trước hết được biết nhau cái đã, sau đó, mới tự mình soạn thảo các danh sách. Và đã xẩy ra đúng như thế. Đức Hồng Y Liénart của Lille và Đức Hồng Y Frings của Cologne công khai cho hay: không, không phải cách đó. Chúng tôi muốn soạn danh sách riêng của chúng tôi và bầu các ứng cử viên của chúng tôi. Đây không hẳn là hành vi cách mạng, mà chỉ là hành vi lương tâm, một hành vi chịu trách nhiệm về phía các nghị phụ của Công Đồng.

Và thế là khởi đầu giai đọan gay go, tích cực tìm hiểu các đối tác của mình, một điều không thể nào tình cờ xẩy ra được. Tại Collegio dell’Anima, nơi tôi cư ngụ, chúng tôi có nhiều khách tới thăm: Đức Hồng Y rất nổi tiếng, và chúng tôi được hân hạnh đón tiếp các vị hồng y khắp thế giới.Tôi nhớ rõ khổ người cao và gầy của Đức Cha Etchegaray, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Pháp, và nhiều vị khác. Việc này diễn ra suốt thời kỳ Công Đồng: những cuộc họp bỏ túi với các đối tác thuộc nhiều quốc gia khác. Nhờ thế, tôi được làm quen với những nhân vật vĩ đại như các cha de Lubac, Daniélou, Congar, v.v… Chúng tôi cũng biết nhiều giám mục khác nhau; nhưng nhớ nhất là Đức Cha Elchinger của Strasbourg. Có thể nói đó đã là một cảm nghiệm về tính phổ quát và thực tại cụ thể của Giáo Hội, một thực tại không đơn giản chỉ tiếp nhận chỉ thị từ trên cao, nhưng cùng nhau triển nở và tiến về phía trước, luôn dưới sự hướng dẫn, dĩ nhiên, của vị kế nhiệm Thánh Phêrô.

Như tôi đã nói, mọi người tới đây với một hoài mong lớn lao; chưa bao giờ có được một công đồng với qui mô lớn lao như thế, nhưng không phải ai cũng biết mình phải làm gì. Có thể nói thế này: những vị được chuẩn bị hơn cả, tức những vị có những ý niệm rõ ràng hơn hết, là hàng giám mục Pháp, Đức, Bỉ và Hoà Lan, những vị tự nhận là “Liên Minh Sông Rhine”. Và trong giai đoạn đầu của Công Đồng, chính các vị này xác định ra con đường phải đi; sau đó, sinh hoạt nhanh chóng được mở rộng và mọi người mỗi ngày một góp phần nhiều hơn vào tính sáng tạo của Công Đồng. Các vị người Pháp và người Đức có một số quan tâm chung với nhau, dù khác nhau về tiểu tiết. Ý định đầu tiên, đơn giản và rõ ràng đơn giản là cải tổ phụng vụ, một việc đã bắt đầu từ thời Đức Piô XII, vị giáo hoàng từng cải tổ phụng vụ Tuần Thánh; ý định thứ hai là giáo hội học; ý định thứ ba là lời Chúa, tức mạc khải; và sau cùng là đại kết. Hơn các vị người Đức, các vị người Pháp cũng rất quan tâm tới việc thăm dò vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới.

Ta hãy bắt đầu với chủ đề thứ nhất. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Trung và Tây Âu đã được chứng kiến phong trào phụng vụ nhằm khám phá lại sự phong phú và sâu sắc của phụng vụ, mà tới lúc đó vẫn như thể bị khóa cứng trong cuốn sách lễ Rôma của linh mục, trong khi giáo dân cầu nguyện với sách kinh riêng của họ, được soạn thảo theo nhu cầu tình cảm của giáo dân, nhằm diễn dịch nội dung cao xa, ngôn ngữ cao vời của nền phụng vụ cổ điển thành những ngôn từ thiên nhiều về xúc cảm, gần gũi hơn với tâm hồn giáo dân. Nhưng dường như ta có đến hai nền phụng vụ song hành: linh mục với các cậu giúp lễ cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ, và giáo dân cầu nguyện trong Thánh Lễ theo sách kinh riêng của họ cùng một lúc, mà vẫn biết đại cương những gì đang diễn ra trên bàn thờ. Nhưng nay, ta khám phá lại vẻ đẹp, sự sâu sắc, sự phong phú về lịch sử, về nhân bản và tâm linh của Thánh Lễ và ai cũng hiểu rõ: không còn việc chỉ có người đại diện giáo dân, tức cậu giúp lễ, thưa “Et cum spiritu tuo" (và ở cùng tinh thần cha) v.v…, mà có cả một cuộc đối thoại giữa linh mục và giáo dân: quả thực, phụng vụ bàn thờ và phụng vụ giáo dân đã tạo thành một phụng vụ duy nhất, một tham dự tích cực, ngõ hầu mọi phong phú được đem tới cho giáo dân. Phụng vụ đã được tái khám phá và canh tân cách đó.

Nay nhìn lại, tôi thấy quả là một ý tưởng rất tốt khi ta khởi đầu với phụng vụ, bởi nhờ cách này, quyền tối thượng của Thiên Chúa đã được đặt ra, đó là tính tối thượng của thờ lạy. "Operi Dei nihil praeponatur" (không điều gì được đặt trước công việc của Chúa): câu trích từ Luật Của Thánh Bênêđíctô này (xem 43:3) như thế đã trở thành luật tối cao của Công Đồng. Nhiều người xưa nay chỉ trích rằng Công Đồng nói đến nhiều điều, nhưng không nói gì đến Thiên Chúa. (Chỉ trích thế là sai) vì quả Công Đồng có nói tới Thiên Chúa! Hơn nữa, đó là điều Công Đồng nói tới trước nhất, nói một cách đầy bản chất tới Thiên Chúa và dẫn đưa mọi người, dẫn đưa toàn thể dân thánh Chúa tới việc thờ lạy Người, trong việc cùng nhau cử hành phụng vụ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Hiểu như thế, vuợt lên trên các nhân tố thực tiễn vốn khuyên các nghị phụ tránh việc tức khắc khởi đầu với các chủ đề gây tranh cãi, ta có thể nói, thật là một ơn Chúa quan phòng khi Công Đồng khởi đầu với phụng vụ, Thiên Chúa, thờ lạy. Ở đây và vào lúc này, tôi không có ý định chi tiết hóa các cuộc thảo luận này, tuy nhiên, vượt qua các thành quả thực tiễn, thiển nghĩ cũng nên trở về với chính Công Đồng, với những tầng sâu và ý niệm cốt yếu của nó.

Theo tôi, có một số ý niệm cốt yếu sau đây: trước nhất là Mầu Nhiệm Vượt Qua, hiểu như tâm điểm của người Kitô hữu, và do đó, của đời sống Kitô hữu, của năm Kitô Giáo, của Mùa Kitô Giáo, được phát biểu trong Mùa Phục Sinh và trong các Chúa Nhật vốn kỷ niệm ngày Chúa sống lại. Năm này qua năm nọ, chúng ta luôn bắt đầu thì giờ của ta với Lễ Phục Sinh, tức cuộc gặp gỡ của ta với Chúa Sống Lại, và từ cuộc gặp gỡ với Chúa sống lại này, ta đi gặp gỡ thế giới. Hiểu như thế, quả là đáng ngại khi ở thời nay, Chúa Nhật đã bị biến thành ngày cuối tuần, dù thực sự nó là ngày thứ nhất, ngày khởi đầu. Ta phải nhớ kỹ điều này: nó là ngày khởi đầu, khởi đầu Sáng Thế và khởi đầu Tái Sáng Thế trong Giáo Hội, nó là ngày gặp gỡ Đấng Tạo Hóa và Chúa Kitô Sống Lại. Nội dung kép của Chúa Nhật là điều rất quan trọng: nó là ngày thứ nhất, nghĩa là lễ mừng Sáng Thế, ta đang đứng trên nền Sáng Thế, ta tin Thiên Chúa Tác Tạo; và nó là cuộc gặp gỡ với Đấng Sống Lại, Đấng đổi mới Sáng Thế; mục đích chân thực của Người là sáng tạo một thế giới biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa.

Rồi tới các nguyên tắc: nguyên tắc dễ hiểu, thay vì bị khóa cứng trong thứ ngôn ngữ không ai biết, không ai còn nói nữa, và nguyên tắc tích cực tham dự. Không may, những nguyên tắc này cũng đã bị hiểu sai. Dễ hiểu không có nghĩa là tầm thường, vì các bản văn vĩ đại trong phụng vụ, dù được nói bằng tiếng mẹ đẻ của ta, cám ơn Chúa về việc này, vẫn chưa chắc là dễ hiểu: chúng đòi Kitô hữu phải không ngừng được huấn luyện mới lớn lên và bước vào được sâu hơn trong mầu nhiệm và nhờ thế hiểu thấu nó. Lời Chúa cũng thế, khi tôi nghĩ tới trình tự hàng ngày các bài đọc Cựu Ước, và các thư Thánh Phaolô cũng như các Tin Mừng: ai dám nói là mình hiểu ngay tức khắc, chỉ vì nhờ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình? Chỉ có việc huấn luyện tâm và trí liên tục mới có thể thực sự tạo được sự dễ hiểu và sự tham dự không phải như những sinh hoạt bề ngoài mà đúng hơn cả con người ta, cả hữu thể ta đi vào hiệp thông của Giáo Hội và nhờ thế đi vào hiệp thông với Chúa Kitô.

Bây giờ, xin nói tới chủ đề thứ hai: Giáo Hội. Ta biết rằng Công Đồng Vatican I bị gián đoạn vì cuộc Chiến Tranh Pháp Phổ, thành thử phần nào bị phiến diện, không hoàn toàn, vì tín điều về quyền tối thượng, tuy nhờ ơn Chúa, được xác định vào thời điểm lịch sử ấy của Giáo Hội, và rất cần thiết đối với thời kỳ tiếp theo, nhưng chỉ là một yếu tố đơn lẻ trong một giáo hội học rộng lớn hơn, vốn từng được xem sét và chuẩn bị. Bởi thế, ta mới chỉ nhận được một mảnh. Và có thể nói được rằng bao lâu nó vẫn còn là một mảnh, thì ta vẫn chỉ có được một cái nhìn phiến diện qua đó, Giáo Hội chỉ là tối thượng. Bởi thế, từ lâu, ý định vẫn là hoàn tất giáo hội học của Vatican I, vào một ngày sẽ được ấn định, để có được một giáo hội học hoàn tất. Ở đây, thì giờ cũng đã chín muồi, vì sau Thế Chiến I, cảm thức về Giáo Hội đã được tái sinh mới mẻ. Như Romano Guardini từng nói: “Giáo Hội đang bắt đầu tỉnh thức trong linh hồn người ta”. Một giám mục Thệ Phản thì nói tới “thời đại của Giáo Hội”. Trên hết, người ta tái khám phá ra ý niệm từng đã được Vatican I xem sét, tức ý niệm Nhiệm Thể Chúa Kitô. Người ta bắt đầu hiểu ra rằng Giáo Hội không phải chỉ là một tổ chức, một cái gì có cơ cấu, có luật pháp, có định chế; đúng là như thế đấy, nhưng thực sự nó là một sinh vật, một thực tại sống động đi vào linh hồn tôi, một cách mà chính tôi, với một linh hồn biết tin, tôi đúng là viên gạch xây nên Giáo Hội đúng nghĩa. Hiểu như hế, Đức Piô XII đã viết thông điệp Mystici Corporis Christi (Nhiệm Thể Chúa Kitô) như một bước tiến tới việc hoàn tất nền giáo hội học của Vatican I.

Tôi muốn nói rằng cuộc tranh luận thần học trong các thập niên 1930 và 1940, thậm chí cả trong thập niên 1920 nữa, đều được tiến hành dưới tiêu đề Nhiệm Thể. Đây là một khám phá đem lại nhiều niềm vui lớn lao vào thời đó, và trong ngữ cảnh này, ta thấy xuất hiện công thức sau: ta là Giáo Hội, Giáo Hội không phải là một cơ cấu; Kitô hữu chúng ta, cùng nhau tất cả, đều là cơ thể sống động của Giáo Hội. Và dĩ nhiên, điều này có nghĩa: chúng ta, cái “chúng tôi” đích thực của tín hữu, cùng với cái “tôi” của Chúa Kitô, chính là Giáo Hội; mỗi một người trong chúng ta, chứ không phải cái “chúng tôi” đặc thù nào, tạo thành nhóm đơn nhất tự mang tên là Giáo Hội. Cái “chúng tôi là Giáo Hội” này đòi tôi phải nhận lấy chỗ của mình trong cái “chúng tôi” vĩ đại của các tín hữu mọi thời mọi chốn. Bởi thế, ý niệm trước nhất là hoàn tất nền giáo hội học không những về phương diện thần học, mà cả về phương diện cơ cấu nữa, nghĩa là cần phải nói rằng: ngoài việc thừa kế Thánh Phêrô, và chức năng độc đáo của ngài, cần phải xác định rõ hơn nữa chức năng của các giám mục, của đoàn ngũ giám mục. Và để làm việc này, từ ngữ “hiệp đoàn tính” (collegiality) đã được chấp nhận, một từ ngữ vốn đã được tranh luận rất nhiều, đôi khi rất gay gắt, có thể nói như thế, và bằng những ngôn từ đôi khi rất cường điệu. Nhưng từ ngữ này, một từ ngữ hiện được coi là có công hiệu, dù vẫn có thể tìm ra một từ ngữ khác, muốn diễn tả sự kiện này: như một tập thể, các giám mục chính là những người tiếp nối nhóm Mười Hai, tức đoàn ngũ Tông Đồ. Ta từng nói: chỉ có một giám mục, tức Giám Mục Rôma, mới là người kế nhiệm của một Tông Đồ đặc thù, tức Thánh Phêrô. Tất cả các giám mục khác trở thành các vị kế nhiệm các tông đồ nhờ tham dự vào đoàn ngũ những người tiếp diễn đoàn ngũ của nhóm Mười Hai, và nhờ thế có được sự cần thiết nội tại, chức năng, các quyền lợi và nhiệm vụ của mình. Đối với nhiều người, điều này xem ra như một cuộc tranh quyền, và rất có thể có người nghĩ đến quyền lực của mình thật, nhưng xét trong bản chất, đây không phải là chuyện quyền lực, mà là tính bổ túc của những thành phần khác nhau và là sự hoàn tất đoàn ngũ Giáo Hội với các giám mục, các vị kế nhiệm các Tông Đồ, như là thành phần cấu tạo; và mỗi người trong các vị đều là thành phần cấu tạo của Giáo Hội bên trong đoàn ngũ vĩ đại này.

Có thể nói đó là hai thành phần nền tảng. Nhưng, trong khi đi tìm một quan niệm thần học đầy đủ cho giáo hội học, nhiều phê phán đã được phát biểu sau thập niên 1940, đúng hơn trong thập niên 1950, liên quan tới ý niệm Nhiệm Thể Chúa Kitô. Từ ngữ “nhiệm” bị cho là quá thiêng liêng, quá chuyên nhất (exclusive); do đó, ý niệm “Dân Chúa” bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Công Đồng rất đúng khi tiếp nhận từ ngữ này, được các Nghị Phụ cho là nói lên được liên tục tính giữa Cựu và Tân Ước. Trong bản văn Tâu Ước, thuật ngữ Laos tou Theou (Dân Chúa), một thuật ngữ tương ứng với các bản văn Cựu Ước, theo tôi, chỉ trừ có hai ngoại lệ, có nghĩa là dân xưa của Thiên Chúa, tức Dân Do Thái, vốn là Dân “riêng” của Thiên Chúa giữa mọi dân tộc trên mặt đất (goim). Những dân tộc khác, các dân ngoại chúng ta, tự mình, không phải là Dân Chúa: ta trở nên con cái Ápraham và do đó là Dân Chúa nhờ bước vào hiệp thông với Chúa Kitô, vốn là dòng dõi Ápraham. Nhờ bước vào hiệp thông với Người, nhờ là một với Người, ta cũng đã trở thành Dân Chúa. Tóm lại, ý niệm Dân Chúa bao hàm liên tục tính giữa hai Giao Ước, liên tục tính trong lịch sử của Thiên Chúa với thế giới, với loài người, nhưng cũng bao hàm yếu tố Kitô học nữa. Chỉ nhờ Kitô học, ta mới trở thành Dân Chúa, và như thế hai ý niệm này được kết hợp với nhau. Công Đồng quyết định chi tiết hóa nền giáo hội học Ba Ngôi: Dân của Chúa Cha, Thân Thể Chúa Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, chỉ sau Công Đồng, một yếu tố khác mới xuất hiện, một yếu tố có thể tìm thấy trong chính Công Đồng, tuy có hơi bí ẩn, đó là yếu tố này: mối dây liên kết giữa Dân Chúa và Thân Thể Chúa Kitô chính là sự hiệp thông với Chúa Kitô trong Hiệp Thông Thánh Thể. Chính ở đó, ta trở thành Thân Thể Chúa Kitô: mối tương quan giữa Dân Chúa và Thân Thể Chúa Kitô tạo ra một thực tại mới: thực tại hiệp thông. Có thể nói: sau Công Đồng, người ta mới thấy rõ chính Công Đồng thực sự đã khám phá ra và chỉ cho thấy ý niệm này: hiệp thông chính là ý niệm trung tâm. Về phương diện ngữ học, có thể nói ý niệm này chưa được hoàn toàn khai triển tại Công Đồng, nhưng nhờ công trình của Công Đồng, ý niệm hiệp thông mỗi ngày mỗi trở thành biểu thức nói lên yếu tính của Giáo Hội, hiệp thông trong các chiều kích khác nhau của nó: hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng vốn là hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hiệp thông bí tích, và hiệp thông cụ thể trong hàng giám mục và trong đời sống Giáo Hội.

Nhưng cuộc tranh luận nóng bỏng hơn chính là vấn đề Mạc Khải. Vấn đề ở đây là mối liên hệ giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền, và các nhà chú giải là những người trước nhất muốn được tự do nhiều hơn; họ cảm thấy phần nào, có thể nói như thế, ở thế sút kém so với các nhà chú giải Thệ Phản, là những người lúc đó đang thực hiện được nhiều khám phá lớn lao, trong khi các nhà chú giải Công Giáo phần nào cảm thấy “bị khuyết tật” do nhu cầu phải suy phục Huấn Quyền. Bởi thế, một cuộc đấu tranh hết sức cụ thể đã nổ ra: các nhà chú giải hiện có được thứ tự do nào? Người ta phải đọc Thánh Kinh một cách thích đáng ra sao? Đâu là ý nghĩa của Thánh Truyền? Đây là một cuộc đấu tranh nhiều mặt mà tôi không thể đi vào chi tiết lúc này được, nhưng điều quan trọng hẳn là: Thánh Kinh là lời của Chúa và Giáo Hội ở dưới Thánh Kinh, Giáo Hội vâng theo lời Chúa và không đứng trên Thánh Kinh. Ấy thế nhưng cùng một lúc, Thánh Kinh chỉ là Thánh Kinh vì có Giáo Hội sống động, vốn là chủ thể sống động của nó; không có chủ thể sống động là Giáo Hội, Thánh Kinh chỉ là một bộ sách, mở ra cho nhiều giải thích khác nhau, thiếu hẳn sự rõ ràng tối hậu.

Như tôi đã nói, cuộc đấu tranh này khá cam go, và việc can thiệp của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tỏ ra có tính quyết định. Việc can thiệp này cho thấy tất cả nét tế nhị của một người cha, tính trách nhiệm của ngài đối với tiến triển của Công Đồng, mà còn cả lòng tôn kính lớn lao của ngài đối với Công Đồng nữa. Lúc ấy đang có ý niệm cho rằng Thánh Kinh là đầy đủ; mọi sự đều chứa trong đó; thành thử không cần đến Thánh Truyền, và Huấn Quyền chẳng có quyền nói chi. Đến độ đó, tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng đã chuyển tới Công Đồng mười bốn công thức về một câu cần được lồng vào bản văn Mạc Khải. Ngài dành cho chúng tôi, các nghị phụ, quyền tự do được chọn một trong mười bốn công thức ấy, nhưng ngài nhấn mạnh cần phải chọn một trong mười bốn công thức đó để hoàn tất bản văn. Tôi nhớ ít nhiều công thức "non omnis certitudo de veritatibus fidei potest sumi ex Sacra Scriptura", nghĩa là sự chắc chắn của Giáo Hội về đức tin của mình không chỉ phát sinh từ một cuốn sách riêng rẽ, nhưng cần đến chính Giáo Hội như là chủ thể được Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn. Chỉ lúc đó, Thánh Kinh mới nói với tất cả thế giá của mình. Câu này, mà chúng tôi trong Ủy Ban Tín Lý chọn trong số mười bốn công thức, theo tôi, có tính cách quyết định đối với việc chứng tỏ sự cần thiết tuyệt đối phải có Giáo Hội, và do đó, hiểu được ý nghĩa của Thánh Truyền, cơ phận sống động trong đó lời Chúa nhận được sức sống ngay từ buổi đầu và từ đó, nó tiếp nhận được ánh sáng mà trong đó nó được sinh ra. Qui điển Thánh Kinh vốn đã là một sự kiện của Giáo Hội: việc các trước tác này là Sách Thánh vốn là kết quả công trình soi sáng của Giáo Hội, người đã khám phá ra qui điển này trong chính mình; Giáo Hội khám phá ra nó, chứ Giáo Hội không tạo ra nó; và mãi mãi cũng như chỉ trong hiệp thông với Giáo Hội sống động này, người ta mới thực sự hiểu và đọc Thánh Kinh như là lời Chúa, như là lời hướng dẫn ta lúc sống và lúc chết.

Như tôi đã nói, đấy là một cuộc tranh luận cam go, nhưng nhờ Đức Giáo Hoàng, và, có thể nói được rằng, nhờ ánh sáng Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện với Công Đồng, một văn kiện đã được hoàn thành, được coi như một trong các văn kiện tinh tế nhất và đổi mới nhất của toàn bộ Công Đồng, và đến nay vẫn cần được học hỏi thâm sâu hơn nữa. Vì cả ngày nay nữa, khoa chú giải vẫn có khuynh hướng đọc Thánh Kinh ở bên ngoài Giáo Hội, bên ngoài đức tin, chỉ trong tinh thần tự gọi là theo phương pháp phê bình sử học, một phương pháp tuy quan trọng, nhưng không bao giờ tới độ có thể đem lại các giải pháp chắc chắn tối hậu. Chỉ khi nào ta tin rằng đây không phải là lời của con người mà là lời của Thiên Chúa, và chỉ khi nào có được chủ thể sống động mà Thiên Chúa từng nói và đang nói với kia, ta mới có thể giải thích Sách Thánh một cách thích đáng. Và ở đây, như tôi từng nói trong lời nói đầu cuốn sách của tôi về Chúa Giêsu (Phần Một), nhiều điều vẫn còn cần phải làm ngõ hầu đạt được một lối giải thích thực sự theo tinh thần của Công Đồng. Ở đây, việc áp dụng Công Đồng vẫn chưa hoàn tất, nhiều điều còn cần phải được làm.

Sau cùng là đại kết. Lúc này đây, tôi không muốn đi vào các vấn đề này, nhưng điều hiển nhiên là các Kitô hữu có thể tìm được sự hợp nhất, đặc biệt sau những “thống khổ” họ phải chịu trong thời Quốc Xã, hay ít nhất cũng có thể mưu tìm sự hợp nhất, ấy thế nhưng điều rõ ràng là chỉ một mình Thiên Chúa mới ban cho ta sự hợp nhất ấy mà thôi. Hiện chúng ta vẫn đi theo nẻo đường này. Có thể nói được rằng hiện nay, với những chủ đề trên, “Liên Minh Sông Rhine” đã hoàn tất được công trình của họ.

Phần thứ hai của Công Đồng có phạm vi rộng hơn. Vấn đề khẩn trương được đặt ra ở đây là thế giới ngày nay, hay thời hiện đại, và Giáo Hội. Cùng với vấn đề đó là vấn đề trách nhiệm xây dựng thế giới này, xã hội này, trách nhiệm đối với tương lai thế giới và niềm hy vọng cánh chung, trách nhiệm đạo đức của các Kitô hữu và ta phải tìm sự hướng dẫn ở đâu; rồi tới các vấn đề: tự do tôn giáo, tiến bộ, và mối liên hệ với các tôn giáo khác. Đến lúc này, mọi phía của Công Đồng đều đã thực sự bước vào cuộc thảo luận, chứ không riêng gì Mỹ, không riêng gì Hiệp Chúng Quốc, là nước hết sức quan tâm tới tự do tôn giáo. Trong khóa thứ ba, các nghị phụ Mỹ thưa với Đức Giáo Hoàng rằng: chúng con không thể về nước mà lại không mang theo tuyên ngôn về tự do tôn giáo được Công Đồng biểu quyết. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng hết sức cứng rắn và cương quyết, cả kiên nhẫn nữa, đã hoãn bản văn tới khóa thứ bốn, để các nghị phụ tìm hiểu cặn kẽ hơn và nhất trí đầy đủ hơn. Tôi muốn nói: không phải chỉ các vị người Mỹ mới mạnh dạn can thiệp vào diễn tiến của Công Đồng, mà cả các vị người Châu Mỹ La Tinh nữa là những vị thông hiểu cảnh nghèo đói cùng cực của dân chúng họ, ngay trên lục địa mang danh Công Giáo, và trách nhiệm của đức tin đối với hoàn cảnh của những người dân này. Cũng thế, Châu Phi và Châu Á thì nhận ra nhu cầu đối thoại liên tôn; đó là những nan đề mà xin thú thực, người Đức chúng tôi không nhìn thấy trước. Tôi không thể mô tả hết các nan đề này ở đây. Văn kiện vĩ đại Gaudium et Spes đã phân tích rất hay cánh chung học Kitô Giáo và tiến bộ của thế giới cũng như trách nhiệm đối với xã hội tương lai và trách nhiệm của Kitô hữu trước cõi đời đời. Bằng cách này, văn kiện cũng đã đổi mới nền đạo đức học Kitô Giáo, các nền móng của đạo đức học.

Nhưng, bất ngờ thay, song song với văn kiện vĩ đại trên, còn có một văn kiện khác đáp ứng một cách tổng hợp và cụ thể hơn đối với các thách đố của thời đại, đó là Tuyên Ngôn Nostra Aetate. Từ đầu, các bằng hữu Do Thái của chúng ta đã hiện diện (tại Công Đồng), và họ nói, chủ yếu với người Đức chúng ta, nhưng cả với nhiều người khác nữa, rằng sau các biến cố bi thảm của thời Quốc Xã, của thập niên Quốc Xã, Giáo Hội Công Giáo có trách nhiệm phải nói một điều gì đó về Cựu Ước, về Dân Do Thái. Họ bảo: dù rõ ràng Giáo Hội Công Giáo không có trách nhiệm trong vụ Diệt Chủng (Shoah), nhưng phần đông Kitô hữu đã phạm các tội ác này; chúng ta cần thâm hậu hóa và làm mới lại ý thức của Kitô hữu đối với việc này, cho dù biết rõ các tín hữu chân chính luôn đối kháng những chuyện đó. Như thế, mối liên hệ của chúng ta với thế giới của Dân Chúa xưa rõ ràng cần trở thành đối tượng để ta suy nghĩ. Cũng dễ hiểu khi các nước Ả Rập, đúng hơn, các giám mục của các nước Ả Rập, không hài lòng với tình thế ấy: họ sợ ta vinh danh Nhà Nước Do Thái, một điều đương nhiên họ không muốn. Họ bảo: được, một tuyên bố thực sự có tính thần học về Dân Do Thái thì tốt, thậm chí cần thiết nữa, nhưng nếu quí vị đã nói về chuyện ấy, thì cũng phải nói về Hồi Giáo nữa chứ; như thế mới có sự quân bình; Hồi Giáo cũng là một thách thức lớn và Giáo Hội cần phải minh xác mối liên hệ của mình với nó. Vấn đề này, vào lúc ấy, quả tình không được chúng ta hiểu biết nhiều, chỉ hiểu biết chút chút, không nhiều. Ngày nay, ta biết điều ấy cần thiết biết bao.

Khi chúng ta bắt đầu bàn tới Hồi Giáo, thì người ta lại bảo với chúng ta là còn nhiều tôn giáo khác nữa: Cả một lục địa Á Châu cơ mà! Nào là Phật Giáo, nào là Ấn Giáo… Do đó, thay vì một tuyên ngôn như quan niệm lúc đầu, chỉ liên quan tới Dân Chúa trong Cựu Ước, cả một văn kiện đã được soạn thảo nói tới cuộc đối thoại liên tôn, dự ứng được điều mà chỉ 30 năm sau thôi đã được chứng minh là rất thâm hậu và quan trọng. Ở đây, tôi không thể vào sâu chủ đề này, nhưng nếu đọc lại bản văn, ta sẽ thấy nó rất cô đọng và thực sự được soạn bởi những người rất quen thuộc với các thực tại này. Nó vắn tắt nói được những điều chủ yếu chỉ trong vòng một số chữ ít oi. Đồng thời, nó cũng đặt để được nền móng cho cuộc đối thoại, đối thoại trong khác biệt, trong đa dạng, trong niềm tin, về tính duy nhất của Chúa Kitô, Đấng độc nhất, và đối với một tín hữu, ta không thể nghĩ rằng các tôn giáo chỉ là các dị bản khác nhau của cùng một chủ đề. Không, chỉ có một thực tại Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã lên tiếng, và chỉ có một Thiên Chúa, một Thiên Chúa nhập thể, tức một lời của Thiên Chúa, nghĩa là lời thực sự của Thiên Chúa. Nhưng cảm nghiệm tôn giáo (thì có nhiều), với ít nhiều ánh sáng nhân bản từ sáng thế, và do đó, ta cần và có thể bước vào đối thoại, nhờ thế trở nên cởi mở đối với nhau và mở lòng mọi người chào đón sự bằng an của Thiên Chúa, sự bằng an của mọi con cái nam nữ của Người, sự bằng an của toàn thể gia đình nhân loại.

Như thế, hai văn kiện trên, tức văn kiện về tự do tôn giáo và Nostra Aetate, cùng với hiến chế Gaudium et Spes đã tạo thành một bộ ba rất quan trọng. Tầm quan trọng này mãi mấy thập niên sau mới được chứng tỏ, và hiện nay, chúng ta vẫn còn cố gắng để hiểu tốt hơn các thực tại liên kết qua lại với nhau trong tính duy nhất của mạc khải Thiên Chúa, trong tính duy nhất của một Thiên Chúa nhập thể nơi Chúa Kitô và tính đa nguyên của tôn giáo, ngõ hầu tìm kiếm hòa bình và cả trái tim của những ai sẵn sàng chào đón ánh sáng Chúa Thánh Thần, Đấng hằng soi sáng và dẫn đưa con người tới Chúa Kitô.

Tôi cũng muốn nhân dịp này nói thêm điểm thứ ba: bên cạnh Công Đồng của các Nghị Phụ, Công Đồng đúng nghĩa, còn có công đồng của truyền thông nữa. Nó gần như là một công đồng riêng, và thế giới đã nhận thức Công Đồng qua thứ công đồng sau, tức qua các phương tiện truyền thông. Do đó, thứ công đồng tới với dân chúng một cách có hiệu quả tức khắc chính là thứ công đồng của truyền thông, chứ không phải là Công Đồng của các Nghị Phụ. Và trong khi Công Đồng của các Nghị Phụ được tiến hành trong đức tin, một Công Đồng của đức tin đi tìm intellectus, tìm cách hiểu chính mình và tìm cách hiểu các dấu chỉ của Thiên Chúa vào lúc ấy, tìm cách đáp trả các thách đố của Thiên Chúa vào lúc ấy và tìm trong lời Thiên Chúa một lời cho ngày nay và cho ngày mai, vâng như tôi đã nói, trong khi toàn thể Công Đồng khởi động trong đức tin, trong tư cách fides quaerens intellectum ấy, thì thứ công đồng của các nhà báo, đương nhiên, không được tiến hành trong đức tin, mà là trong các phạm trù của truyền thông ngày nay, tức các phạm trù nằm bên ngoài đức tin, với một khoa giải thích khác hẳn. Đó là khoa giải thích chính trị: đối với giới truyền thông, Công Đồng là một cuộc đấu tranh chính trị, một cuộc tranh quyền giữa các khuynh hướng khác nhau trong Giáo Hội. Đương nhiên truyền thông về phe với những người xem ra có nhiều liên minh gần gũi với thế giới của họ. Quả có những người mưu tìm sự phân quyền trong Giáo Hội, quyền của giám mục, và rồi, qua biểu thức “Dân Chúa”, quyền của giáo dân. Đối với họ, đây là vấn đề tối thượng quyền nhân dân (popular sovereignty) với ba khía cạnh: quyền Giáo Hoàng, sau đó chuyển giao qua quyền giám mục và quyền của mọi người. Dĩ nhiên, họ cho rằng đó là điều cần được chấp thuận, cần được công bố, cần được quí chuộng. Với phụng vụ cũng thế, người ta không hề quan tâm tới phụng vụ như hành vi đức tin, mà như một điều gì trong đó những điều dễ hiểu phải được đưa ra, một vấn đề gì đó thuộc sinh hoạt cộng đồng, một điều gì đó hoàn toàn phàm tục. Và ta biết rằng lúc đó đang có khuynh hướng, không hẳn là không có căn bản lịch sử, chủ trương rằng: thánh thiêng (sacrality) vốn là chuyện của ngoại giáo, cùng lắm chỉ là chuyện của Cựu Ước. Trong Tân Ước, điều đáng lưu ý là Chúa Kitô chết ở bên ngoài: đúng là ở bên ngoài cổng (đền thờ), trong thế giới phàm tục. Thành thử, phải hủy bỏ tính thánh thiêng đi và nhường chỗ cho tính phàm tục trong thờ phượng: một thờ phượng không còn là thờ phượng nữa, mà chỉ còn là hành vi cộng đồng, với sự tham dự của cộng đoàn: một tham dự hiểu như một sinh hoạt. Những diễn dịch này, những tầm thường hóa này đối với tư duy của Công Đồng rất hiểm độc trong diễn trình thi hành cuộc canh tân phụng vụ; chúng phát sinh từ một quan niệm nhìn Công Đồng tách rời khỏi chìa khóa riêng của nó là đức tin. Và điều đó cũng đúng đối với vấn đề Sách Thánh: Sách Thánh là một bộ sách, một bộ sách có tính lịch sử, phải được xem sét theo phương diện lịch sử và chỉ theo phương diện lịch sử mà thôi, v.v…

Ta biết rằng thứ công đồng của truyền thông này đã đến tai mọi người. Do đó, nó là một công đồng rất nổi bật, một công đồng nhiều “hiệu quả” hơn, và nó đã tạo ra không biết bao nhiêu tai họa, không biết bao nhiêu vấn đề, không biết bao nhiêu đau khổ mà kể: nhiều chủng viện bị đóng cửa, nhiều nhà tu trống vắng, một thứ phụng vụ tầm phào… trong khi Công Đồng đích thực thì lao đao trong việc tự xác định mình, tự hình thành vóc dáng mình; thứ công đồng ảo quả đã mạnh hơn Công Đồng thực. Tuy thế, sức mạnh thực sự của Công Đồng vẫn có đó và một cách từ từ nhưng chắc chắn, đang tự thiết dựng mình mỗi ngày một hơn và đã trở nên sức mạnh chân thực, cũng là cuộc canh tân chân thực, cuộc canh tân Giáo Hội đúng nghĩa. Đối với tôi, sau 50 năm, thứ công đồng ảo kia đang tan biến, mất dạng, và Công Đồng thực đang xuất hiện với tất cả sức mạnh thiêng liêng của nó. Và nhiệm vụ của chúng ta, nhất là trong Năm Đức Tin này, đặt căn bản trên Năm Đức Tin này, là cố gắng để Công Đồng thực, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, được thành toàn và Giáo Hội thực sự được canh tân. Ta hãy hy vọng rằng Chúa sẽ trợ giúp ta. Phần tôi, khi lui về cầu nguyện, tôi sẽ luôn ở với anh em và cùng nhau ta hãy tiến lên phía trước với Chúa trong niềm xác tín rằng Chúa sẽ chiến thắng. Xin cám ơn anh em.
 
Chuyên gia ít thế tục nhất nhìn cơ mật viện tương lai
Vũ Văn An
02:57 09/04/2013
Chuyên gia ít thế tục nhất nhìn cơ mật viện tương lai
Vũ Văn An2/25/2013
________________________________________
John L. Allen Jr. vốn được coi là một chuyên gia về Vatican. Ông thường xuyên viết cho tờ National Catholic Reporter (NCR), một tờ báo mà theo LifeSiteNews.com ngày 22 tháng 2 vừa qua, Đức Cha Michael Sheridan của Giáo Phận Colorado Springs cho là không xứng đáng mang danh Công Giáo. Ngài cho rằng tờ NCR làm Giáo Hội Công Giáo lúng túng. Cả Đức Cha Robert Finn, Giám Mục Kansas City, nơi NCR đặt trụ sở, trong tháng Giêng vừa qua, cũng viết một bài nhắc nhở mọi người nhớ rằng tờ báo này bị cấm không được sử dụng danh nghĩa Công Giáo từ những năm 1968, vì nó nổi tiếng chống đối giáo huấn Công Giáo về phong chức nữ giới, về ngừa thai và đồng tính luyến ái.

Bởi thế, đọc những gì Allen viết, người ta hẳn phải e dè đôi chút về quan điểm chính thống Công Giáo, mặc dù ông được truyền thông thế tục coi là chuyên gia hàng đầu về Vatican. Dù gì, Allen không hẳn chỉ viết cho người Công Giáo, nhất là người Công Giáo “thuần thành”. Ông nhằm một độc giả rộng hơn thế và do đó, trong cách trình bày, ông không muốn loại bỏ lối viết “inclusive” cố hữu. Về cơ mật viện tương lai, ta thấy rõ lối viết này. Có thể gọi ông là chuyên gia ít thế tục nhất chăng?

Trong bài “A quick course in ‘Conclave 101’”, ngày 15 tháng 2, Allen nói tới nền chính trị “hậu trường”. Theo ông, xác tín cổ truyền của người Công Giáo vẫn cho rằng cơ mật viện diễn ra dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Năm 2005, xác tín ấy được Đức HY Ennio Antonelli của Florence tóm tắt như sau: Thiên Chúa biết trước ai sẽ là tân giáo hoàng, các vị hồng y chỉ có việc cố gắng nhìn ra điều ấy mà thôi. Thành thử, đối với những người Công Giáo thuần thành, coi cơ mật viện như chuyện chính trị là không thích đáng, thậm chí lạc đạo nữa.

Ấy thế, nhưng theo Allen, thần học Công Giáo vẫn nhận rằng “ơn thánh xây dựng trên bản nhiên” với nghĩa: chiều kích thiêng liêng của việc bầu giáo hoàng vẫn không làm nó kém tính chính trị. Allen cũng trích dẫn lời một vị hồng y nói với ông sau khi Đức Bênêđíctô XVI được bầu “Tôi không bao giờ bị Chúa Thánh Thần củng vào đầu cả. Tôi phải thực hiện cuộc lựa chọn tốt nhất bao nhiêu có thể dựa trên tín liệu hiện có”. Tuy nhiên, phát biểu cổ điển nhất về việc này chắc chắn là của chính Đức HY Joseph Ratzinger trên đài truyền hình Bavaria năm 1997: “Tôi không dám nói thế, theo nghĩa Chúa Thánh Thần chọn lựa giáo hoàng… Tôi chỉ muốn nói rằng Chúa Thánh Thần không hẳn kiểm soát vụ việc, mà đúng hơn trong tư cách nhà giáo dục tốt, có thể nói như thế, Người dành cho ta nhiều không gian, nhiều tự do, tuy không hoàn toàn bỏ rơi ta. Như thế, nên hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần một cách linh động hơn, không theo nghĩa Người đọc tên ứng viên ra để ta bỏ phiếu. Thực ra đã có những điển hình giáo hoàng chắc chắn không do Chúa Thánh Thần trực tiếp chọn lựa chút nào!”.

Tuy nhiên, mặt khác, Allen cho rằng không ít người tưởng tượng rằng: sau khi vị chưởng nghi hô to extra omnes (mọi người ra ngoài), thì cả một bầu không khí nặng mùi chính trị sẽ trùm phủ cơ mật viện: Các vị hồng y sẽ vội vàng rỉ tai nhau, cố gắng vận động sự ủng hộ cho “gà nhà”, chống lại các địch thủ. Chính Allen có lần cũng có ý nghĩ ấy, cho tới lúc phỏng vấn Đức HY Franz König ở Vienna năm 2002, hai năm trước khi ngài qua đời. Đức HY vốn là thành viên của cơ mật viện năm 1963 và sau đó hai cơ mật viện năm 1978. Allen hỏi ngài về không khí điện giật chắc chắn ai cũng cảm thấy trong Nhà Nguyện Sistine, được Đức HY cười khẩy trả lời: “thực ra, nếu anh được chứng kiến những gì xẩy ra ở bên trong, hẳn anh phải buồn nản đến phát khóc!”.

Thực thế, điều diễn ra ở đấy gần giống như một buổi phụng vụ chứ không phải một cuộc tụ tập chính trị. Ở mỗi một vòng bỏ phiếu, mỗi vị hồng y cử tri (năm nay sẽ là 117 vị) phải tiến lên bàn thờ, dưới bức bích họa Ngày Phán Xét của Michelangelo, để bỏ lá phiếu của mình vào chiếc đĩa thánh rồi sau đó cho vào chiếc chén thánh, vừa bỏ vừa thề đã bầu ứng viên mà trước mặt Chúa mình tin là đáng được bầu, sau đó lui về chỗ ngồi… Một vòng như thế kéo dài hơn một tiếng đồng hồ… Mỗi ngày hai vòng.
Thì giờ qua đi trong im lặng và cầu nguyện, không có diễn văn, không có những “người tạo ra vua” (kingmakers) xuất hiện để vận động cử tri thay đổi ý kiến, không có thỏa hiệp cũng không có những vòng chiến thắng.

Thành thử, theo Allen, chính trị thực ra không lộ diện bên trong chính cơ mật viện. Nó bắt đầu trước viện này, ngay bây giờ và sẽ lên cao độ bắt đầu từ 1 tháng Ba, khi các hồng y tiến về Rôma và bắt đầu tham khảo nhau, cả chính thức lẫn bất chính thức, và việc tham khảo này sẽ lên khuôn cho việc bỏ phiếu giữa các ngày 15 và 20 tháng Ba.

Bốn địa điểm sau đây, theo Allen, sẽ trở thành quan trọng trong những ngày sắp tới:

1. Các phiên họp toàn thể

Các phiên họp này qui tụ mọi hồng y kể cả các vị vượt quá tuổi cử tri (80). Lần vừa rồi, có tất cả 13 phiên họp toàn thể. Mục đích là để học hỏi luật lệ của cơ mật viện và để thảo luận công khai các vấn đề của Giáo Hội hiện nay. Phần lớn các vị tham gia 13 phiên họp vừa rồi cho hay: phong cách Đức HY Joseph Ratzinger điều khiển các phiên họp này trong tư cách niên trưởng hồng y đoàn đã đóng vai chủ yếu dọn đường cho việc bầu ngài làm giáo hoàng. Ngài biết hầu hết các hồng y, chuyện vãn với họ bằng tiếng mẹ đẻ của họ, và coi trọng các ý kiến của họ. Nói chung, phong cách của ngài lúc đó đã đánh tan hình ảnh “chó săn của Chúa” mà truyền thông vốn gán cho ngài trước đó.

Lần này, vị niên trưởng hồng y đoàn là Đức HY Angelo Sodano, đã ngoài 80, chắc chắn không có ưu điểm ấy. Người ta hẳn phải lưu ý tới một vị khác với đặc sủng tạo được sự nhất trí nơi các hồng y.

2. Truyền thông

Năm 2005, các hồng y đã sử dụng một trong các phiên họp toàn thể để nhất trí với nhau không nói với báo chí từ ngày 8 tháng Tư là ngày an táng Đức Gioan Phaolô II cho tới ngày 18 tháng Tư là ngày khai mạc cơ mật viện. Lúc đó, có tường trình cho rằng lệnh ngăn cấm chính thức đã được ban hành, nhưng Vatican nhấn mạnh: đó chỉ một lời kêu gọi chứ không phải là lệnh cấm. Riêng Đức HY Ratzinger thì cho rằng các hồng y có “nhân quyền” muốn nói với ai tùy ý.

Hiện nay, chưa rõ liệu sẽ có một nhất trí như thế hay không. Nhưng dù sao, một nhất trí như thế chưa có hiệu lực vào lúc này, và khá nhiều hồng y đã lên tiếng một cách khái quát về các thách đố của Giáo Hội hiện nay và mẫu giáo hoàng họ muốn có. Đức HY Theodore McCarrick của Hoa kỳ chẳng hạn cho hay ta cần một vị giáo hoàng của thế giới thứ ba. Còn Đức HY Giovanni Lajolo của Ý thì cho ký giả biết mình sẽ không bỏ phiếu cho một nhà ngoại giao như mình mà cho một “mục tử của linh hồn”. Đức HY Joachim Meisner của Cologne, Đức, thì vẽ ra một giáo hoàng kết hợp cả Gioan Phaolô II (bình dân) lẫn Bênêđíctô XVI (học thức).

Còn truyền thông thì rất thích loan truyền những câu truyện nhằm tăng tiến hay đình trệ cơ may của một vài ứng cử viên. Tháng Tư năm 2005 chẳng hạn, họ loan tin đồn Đức HY Angelo Scola của Venice bị chứng bất ổn tâm lý. Lần này chưa biết sao, vì ngài cũng được coi là một trong các “papabile”. Đức HY Ivan Dias của Mumbai bị cho là mắc chứng tiểu đường, hơn nữa, còn có cả một chiến dịch e-mail nói ngài “khó lui tới được, cố chấp và ngạo mạn”. Báo chí cũng đang kháo với nhau về một cuốn sách ở Argentina tố cáo Đức HY Jorge Mario Bergoglio quá thân thiện với các lãnh tụ quân sự trong thập niên 1970, thậm chí đồng loã trong việc xử tử hai linh mục cấp tiến Dòng Tên.

Không ai có thì giờ đi truy nguyên các tin đồn này. Nên “người ta” hy vọng những chuyện tiêu cực ấy đủ làm trật đường rầy một số ứng cử viên. Theo nghĩa này, cơ mật viện tương tự như chuyện chính trị của Anh hơn là của Mỹ: cuộc chạy đua chỉ kéo dài vài tuần chứ không phải cả năm. ở Mỹ, người ta đủ thì giờ để truy nguyên tin đồn, chứ ở Anh thì hơi khó.

Theo Allen, điều đáng lưu ý là chiến dịch bôi lọ trên luôn luôn diễn ra ở bên ngoài hồng y đoàn. Còn giữa các vị hồng y với nhau, các cuộc thảo luận lúc nào cũng êm thấm, lịch sự, tôn trọng nhau. Ông cho rằng qui luật ngắn gọn là nên giả thiết chúng sai cho tới khi được chứng minh ngược lại. Người ta phát động các tin đồn đó vì các lý do y hệt như các cố vấn chính trị thế tục khi sử dụng các quảng cáo để tấn công đối thủ, vì dù muốn hay không, các quảng cáo này vẫn có tác dụng.

3. Các căn hộ, học viện, phòng chờ

Các hồng y không hoàn toàn dựa vào các ấn tượng có được trong các phiên họp toàn thể hay từ báo chí để lên khuôn thái độ của mình. Những cuộc gặp gỡ không chính thức ở bên lề vẫn xẩy ra giữa các hồng y từng bằng hữu với nhau lâu đời hay cùng có những cảm thức như nhau về hướng đi của Giáo Hội, hay cùng nói một ngôn ngữ.

Không giống các cơ mật viện trước, năm 2005, các cuộc gặp gỡ này hầu như hoàn toàn diễn ra tại những địa điểm kín đáo như các căn hộ riêng của nhân viên giáo triều, các học viện quốc gia, nơi nhiều hồng y cư ngụ trước khi dọn vào Casa Santa Marta trong nội vi Vatican, và trong nhiều phòng chờ của các cơ sở giáo hội trong thành phố. Tại Venerable English College trên Via Monserrato của Anh chẳng hạn, Đức HY Cormac Murphy-O'Connor, lúc đó là TGM Westminster, trở thành điểm qui chiếu cho các hồng y nói tiếng Anh. Không bị ai dòm ngó, các ngài tự do thảo luận về một số ứng cử viên và biết được chiều hướng suy tư của nhiều hồng y khác nhau.

4. Casa Santa Marta

Trước đây, các hồng y phải ngụ bên trong Phủ Tông Tòa suốt thời gian cơ mật viện, ngủ trong những chiếc giường nhỏ đặt tại các nơi vốn là phòng kho hay văn phòng. Đức HY König nhớ lại nhiều vị hồng y già nua vất vả lắm mới kiếm được đường tới phòng vệ sinh giữa đêm tối mù mịt…

Vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã cho xây một khách sạn trị giá 20 triệu dollars tức Casa Santa Marta làm nơi cư trú cho các ngài trong thời gian có cơ mật viện. Tọa lạc gần phòng triều kiến Phaolô VI, toà nhà này gồm 108 dẫy phòng (suites) với đủ phòng khách và phòng ngủ, và 23 phòng đơn, tất cả đều có phòng tắm… đủ cho số hồng y cử tri hiện nay.

Từ đây, các hồng y có thể đi bộ tới lui Nhà Nguyện Sistine, hay dùng minivans, dưới sự canh chừng của nhân viên an ninh để không ai bên ngoài có thể đến gần các vị hầu ảnh hưởng tới quyết định của các ngài. Dù Casa Santa Marta có Wi-Fi và mọi phương tiện tân tiến khác, các hồng y không được sử dụng bất cứ phương tiện truyền thông nào với thế giới bên ngoài.

Năm 2005, các hồng y quyết định nhập Casa sớm. Các ngài họp nhau vào đêm Chúa Nhật trước buổi khai mạc cơ mật viện vào hôm thứ Hai. Nhiều hồng y cho rằng họ cảm thấy nhu cầu muốn được “khởi động” (jump start) ngay vì những cuộc chuyện trò hậu trường cho tới lúc đó chỉ có tính tản mạn, chưa được mọi người can dự vào. Nhiều hồng y cho hay thì giờ ngắn ngủi ở Casa trước buổi khai mạc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp liên minh phò Ratzinger thiết lập được tiếng nói của mình trước khi cơ mật viện khai mạc.

Dù sao, Đức HY Christoph Schönborn của Vienna cũng là một trong những vị “tạo ra vua” (kingmakers). Một vị HY cho hay: “Khi bạn nói chuyện với các vị hồng y khác về Ratzinger, phần lớn các ngài chỉ nói: vâng, ngài là một ứng viên tốt, nhưng cũng có vị này vị nọ nữa. Nhưng Đức HY Schönborn thì không thế. Đối với ngài, Chúa muốn Ratzinger làm giáo hoàng, chỉ có thế”.

Hiện nay, trong tư riêng, một số hồng y đã lên tiếng cho rằng các ngài nên vào Nhà Santa Marta sớm hơn dự liệu để có cơ hội sắp xếp sự việc. Điều này có cái lợi vì hiện có nhiều vị vẫn còn nhớ như in các kỷ niệm của 2005. Lần đó, chỉ có hai hồng y có kinh nghiệm cơ mật viện là Ratzinger và William Baum của Mỹ. Lần này, 50 trong số 117 vị HY cử tri đã quen thuộc với cơ mật viện.

Khi cơ mật viện bắt đầu, Nhà Santa Marta càng trở nên quan trọng hơn vì đó là nơi duy nhất họ có những cuộc chuyện vãn kéo dài bên ngoài nhịp điệu gần như có tính phụng vụ của Nhà Nguyện Sistine. Các ngài gặp nhau trong các bữa điểm tâm, bữa trưa và bữa tối trong suốt thời gian cơ mật viện khiến Nhà này trở thành địa điểm quan yếu để những dây nhợ tiềm ẩn có thể được tháo gỡ trước khi một đồng thuận được đạt tới.

Mười lý do cơ mật viện lần này có khác

Ngày 22 tháng Hai vừa qua, John L. Allen Jr có bài trên NCR về Mười Lý Do khiến cơ mật viện lần này khác với các lần trước.

Nếu bắt đầu tính từ năm 1295 lúc Đức GH Boniface VIII lần đầu tiên đòi các hồng y phải bầu tân giáo hoàng trong một căn phòng khóa kín, thì cơ mật viện 2013 sắp tới sẽ là cơ mật viện thứ 75 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Về một bình diện nào đó, ta vẫn có thể cho rằng nó không khác các cơ mật viện trước, nhất là cơ mật viện cách nay 8 năm: cũng diễn hành vào Nhà Nguyện Sistine, cũng khói đen và khói trắng, cũng "Habemus Papam" (chúng ta đã có giáo hoàng) lần này sẽ do Đức HY Jean-Louis Tauran, người Pháp, hiện là hồng y thâm niên nhất của hàng hồng y phó tế, ngoại trừ chính ngài được bầu làm giáo hoàng.

Tuy nhiên, có một số đặc điểm độc đáo của cơ mật viện lần này khiến làm thay đổi cả nền chính trị và có lẽ cho thấy một diễn trình dài hơn và khó khăn hơn. Sau đây là 10 dị biệt của Cơ Mật Viện 2013:

1. Từ nhiệm, chứ không qua đời

Điểm dị biệt hiển nhiên nhất là lần đầu tiên trong 600 năm nay, các hồng y sẽ bầu một giáo hoàng tiếp theo một vụ từ nhiệm chứ không phải qua đời. Về phương diện thủ tục, việc này chẳng thay đổi chi; vẫn là tiếp theo sự kiện sede vacante, luật lệ vẫn vậy cho mỗi vòng bỏ phiếu (được gọi là "scrutiny", xem sét tỉ mỉ) v.v… Tuy nhiên, về phương diện tâm lý, sự tương phản rất lớn. Khi một nhà lãnh đạo chính của thế giới qua đời, huống chi là một vị giáo hoàng, bầu không khí thường đầy những lời ai điếu đầy thành kính, bày tỏ lòng sầu buồn và cảm mến sâu xa. Sự lịch thiệp tối thiểu của con người không cho phép ai được nói xấu người qua đời, nhất là khi sự mất mát vẫn còn quá mới mẻ. Thành thử, khó hơn cho các vị hồng y nếu muốn chỉ trích triều đại giáo hoàng vừa mới chấm dứt, ít nhất cũng là công khai, và ít nhất cũng là giữa các ngài với nhau.

Khi tách biệt khoảng cuối triều đại và khoảng cuối đời mình ra, Đức Bênêđíctô XVI đã tránh cho các hồng y gánh nặng nói trên, giúp các ngài lên tiếng nhận định cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của mình. Điều ấy giúp các ngài đạt được một đánh giá quân bình hơn, nhưng cũng vì thế phức tạp hóa diễn trình thảo luận và làm cho việc nhận dạng các ứng viên khó khăn hơn.

Một hậu quả nữa là sẽ không có Thánh Lễ an táng nghĩa là không có diễn đàn để một trong các hồng y có dịp làm mình nổi bật bằng cách giảng một bài giảng nhớ đời để ca ngợi vị giáo hoàng quá cố. Lần trước đây, nhiều hồng y cho rằng chính thành tích của Đức HY Ratzinger trong buổi phụng vụ an táng Đức Gioan Phaolô II và nói chung tác phong của ngài trong suốt lúc trống ngôi đã là yếu tố dứt khoát trong việc củng cố sự ủng hộ đối với ngài trong hồng y đoàn.

2. Không có người dẫn đầu

Bất kể những gì bạn có thể đã đọc, đã nghe phần lớn các vị hồng y nói, việc bầu Đức HY Ratzinger vào năm 2005 không phải là một chuyện đã được sắp xếp sẵn (a done deal) khi các ngài bước vào Nhà Nguyện Sistine để bỏ phiếu. Các hồng y nhấn mạnh rằng các ngài vẫn còn xem sét nhiều tên tuổi khác. Sau này, một số hồng y cho Allen hay các ngài thực sự chưa có quyết định dứt khoát khi việc đầu phiếu bắt đầu.

Nhưng mặt khác, tất cả các ngài đều cho hay ai cũng biết Đức HY Ratzinger là một ứng viên sáng giá, và như thế, những thảo luận của các ngài trước khi có cơ mật viện hẳn đã có tập chú riêng của nó. Các ngài biết rõ mình phải quyết định có nên ủng hộ chuyên gia lý thuyết hàng đầu của Đức Gioan Phaolô II hay không, vì không ai có mắt mà lại bỏ qua được các dấu hiệu ủng hộ mạnh đối với ngài.

Nhưng lần này thì khác, hiện chưa có điểm qui chiếu rõ ràng ấy, chưa có người chạy dẫn đầu rõ rệt. Tuy có một số vị được người ta coi là có triển vọng, nhưng không vị nào trổi vượt hơn các vị khác. Thành thử, các cuộc thảo luận trước cơ mật viện có lẽ sẽ không có được sự tập chú như trước, và vì thế, sẽ cần nhiều thì giờ hơn mới đạt được đồng thuận.

3. Nhân tố bất ngờ

Với việc từ nhiệm này, Đức Bênêđíctô đã tạo một cú sốc rất lớn cho Giáo Hội, phá bỏ điều trước đây vẫn được coi một thứ xác tín gần như tín điều ở một số giới rằng dù về phương diện kỹ thuật, giáo hoàng có thể từ nhiệm, nhưng thực sự ngài không nên làm như vậy. Như có câu thường nói “Bạn không thể từ bỏ thiên chức làm cha”. Allen từng nói chuyện với một vị hồng y gần đây là người có mặt tại mật viện ngày 11 tháng Hai khi Đức Bênêđíctô đưa ra lời tuyên bố lịch sử, và dù ngài rất hiểu tiếng La Tinh, nhưng ngài cho hay: phản ứng đầu tiên của ngài là “chuyện này không thể xẩy ra được”.

Sau khi tiếp nhận một bất ngờ lớn như thế, rất có thể các hồng y sẽ có khuynh hướng tạo một bất ngờ tương tự như chọn một ứng viên ở bên ngoài hồng y đoàn chẳng hạn, một việc từng xẩy ra năm 1378 khi các hồng y bầu TGM Bartolomeo Prignano của Bari làm giáo hoàng lấy hiệu là Urbano VI, chỉ 50 năm trước khi vị giáo hoàng áp chót từ nhiệm. Trong bầu không khí này, mọi việc vẫn có thể xẩy ra.

4. Các vị kỳ cựu

Năm 2005, chỉ có hai hồng y từng tham dự một cơ mật viện trước đó là các Đức HY Ratzinger và William Baum của Mỹ, trong khi lần này sẽ có 50 vị kỳ cựu.

Sự tương phản trên có thể có hai hiệu quả: một là các hồng y có thể được tổ chức tốt hơn và hữu hiệu hơn vì có nhiều vị biết rõ vụ việc, hai là những cuộc tranh luận sẽ phải kéo dài hơn vì số hồng y sẵn sàng nghe theo người dẫn đầu sẽ ít hơn.

5. Thời gian giữa chừng

Năm 2005, 16 ngày qua đi giữa ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời và ngày khai mạc cơ mật viện vào hôm 18 tháng 4. Dĩ nhiên, ai cũng biết Đức Gioan Phaolô suy giảm sức khỏe từ lâu trước, nhưng vì ngài đã trải qua nhiều báo động giả về sức khỏe, đến độ vẫn còn tiếp tục “chiến đấu” được, nên nhiều hồng y không dám nghĩ đến thời gian chuyển tiếp trước khi ngài thực sự qua đời. Do đó, đa số các hồng y không hiện diện ở Rôma khi Đức Giáo Hoàng lâm chung.

Lần này có khác, Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố từ nhiệm ngày 11 tháng Hai, như thế, các hồng y có thể xem sét sự việc tương lai ngay từ hôm đó rồi. Gần như mọi hồng y đều có ý định sẽ có mặt tại Rôma để dự buổi triều kiến cuối cùng của Đức Thánh Cha vào ngày 27 tháng Hai và buổi từ biệt ngài vào ngày 28 tháng Hai. Có thể nói, ngay sau đó, toàn bộ hồng y đoàn đã có cơ hội bước vào diễn trình bầu giáo hoàng mới rồi, tuy chưa chính thức.

Với tự sắc mới đây, cơ mật viện bầu giáo hoàng không cần phải bắt đầu 15 ngày sau khi Tòa Thánh Trống Ngôi. Nên, theo thông báo của cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, thì các phiên họp toàn thể của hồng y đoàn sẽ diễn ra vào tuần tới. Như thế, dù gì, các hồng y cũng có nhiều thời gian hơn năm 2005 để chuẩn bị, cân nhắc các ứng viên và tham khảo lẫn nhau để biết ứng viên nào được nhiều người ủng hộ hơn. Một lần nữa, việc này cũng có hai mặt: nó có thể mang lại một diễn trình nhẹ nhàng hơn vì điều cốt chính dường như đã được giải quyết trước đó; tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra một cơ mật viện lâu dài hơn, vì nhiều nhóm “cử tri” cần thì giờ hơn để tổ chức.

6. Hậu quả của tai tiếng

Cuộc khủng hoảng xách nhiễu tình dục trẻ em đã trở thành vấn đề dứt khoát đối với người Mỹ vào năm 2005, nhưng nó chỉ thực sự nổ ra tại Âu Châu vào năm 2010. Trong khi đó, Vatican còn bị vướng vào một số tình tiết gây bối rối khác nữa như Vatileaks (Rì Rỏ Vatican) và các tố cáo liên quan tới bê bối tài chánh.

Trong bối cảnh ấy, đại đa số hồng y chắc chắn sẽ quan tâm tới việc tân giáo hoàng phải được coi là người trong sạch. Trên thực tế, điều này làm gia trọng niềm nghi ngờ đối với bất cứ ứng viên nào bị công luận nối kết với một tai tiếng. Trong bầu khí nóng bỏng của giai đoạn tiền cơ mật viện, một số hồng y dám cảm thấy mình không đủ thì giờ để tách chân ra khỏi giả, nên để cho chắc ăn, đã loại bỏ bất cứ ứng viên nào có nguy cơ bị tai tiếng.

Như một hồng y từng tâm sự với Allen liên quan tới một hồng y nổi tiếng bị báo chí Ý tố giác có liên quan tới những vụ làm ăn tài chánh mờ ám: “Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng ngay bây giờ, xem ra đây là một nguy cơ quá lớn”.

7. Các vị tai to mặt lớn không có lợi gì

Hai khuôn mặt quan trọng nhất trong thời gian trống tòa thường là niên trưởng hồng y đoàn, người chủ tọa các phiên họp và hướng dẫn mọi chức năng công cộng của đoàn hồng y, và “camerlengo” (thị tùng viên), người chịu trách nhiệm các công việc thường nhật của Giáo Hội vốn không thể chờ tân giáo hoàng giải quyết. Khi các chức vụ này do các vị hồng y có thế giá đảm nhiệm thì các vị này hiển nhiên có vị thế thuận lợi nhất để trở thành ứng viên. Như từng nói, sự nổi bật của Đức HY Ratzinger trong tư cách niên trưởng hồng y đoàn kỳ bầu cử giáo hoàng trước thường được trưng dẫn như nhân tố chính khiến ngài được bầu làm giáo hoàng.

Tuy nhiên, lần này, cả hai vị “tai to mặt lớn” trên đều không được coi là các ứng viên sáng giá. Đức HY Angelo Sodano, tuy là niên trưởng hồng y đoàn, nhưng đã 85 tuổi, và có lẽ bị tai tiếng trong vụ cực lực bênh vực cựu linh mục người Mễ Tây Cơ, Cha Marcial Maciel Degollado, sáng lập viên của Đạo Binh Chúa Kitô và sau này bị khám phá phạm nhiều lỗi lầm về tình dục và thiếu tác phong. Còn vị thị tùng viên là Đức HY Tarcisio Bertone, thì vốn bị nhiều hồng y qui cho việc phạm nhiều sai lầm trong việc quản trị suốt trong triều đại Đức Bênêđíctô XVI.

Thành thử, lần này, hai vai trò trên không đem lại lợi khí chính trị nào. Một lần nữa, điều này vừa cho thấy một cơ mật viện rộng mở hơn, nhưng cũng vì thế mà phức tạp hơn.

8. Đa số hai phần ba

Khi Đức Gioan Phaolô II công bố các điều lệ của ngài liên quan tới cơ mật viện vào năm 1996 trong văn kiện Universi dominici gregis, ngài có đưa ra điều khoản cho phép các hồng y được bầu một giáo hoàng bằng đa số phiếu tương đối chứ không cần phải là hai phần ba số phiếu, nếu các ngài bị bế tắc sau 30 lần bỏ phiếu.

Về phương diện thủ tục, cơ mật viện năm 2005 không cần tới điều khoản ấy, vì các hồng y chỉ cần 4 lần bỏ phiếu đã bầu được Đức Bênêđíctô XVI rồi. Tuy nhiên, về phương diện tâm lý, một số hồng y sau đó có cho biết khoản bổ sung ấy đã được lưu ý, đến nỗi khi số phiếu bầu cho Đức HY Ratzinger vượt quá 50%, thì kết quả của cuộc bầu lần đó kể như đã không thể thay đổi được nữa.

Năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI đã tu chính văn kiện của Đức Gioan Phaolô II để loại bỏ khả thể bầu giáo hoàng với đa số tương đối phiếu. Lần này, các hồng y biết rõ: bất cứ trong trường hợp nào, ai được bầu cũng phải lôi kéo được sự ủng hộ của hai phần ba số phiếu. Điều này có nghĩa các hồng y sẽ phải thay đổi quan điểm của mình, bằng cách ủng hộ vị nào xem ra đã đạt được quá bán số phiếu.

9. Linh thao

Khi quyết định từ nhiệm vào lúc bắt đầu Mùa Chay, hình như Đức Bênêđíctô XVI muốn gợi lên cung điệu thống hối cho cơ mật viện sắp tới, bằng cách mời gọi các hồng y bước vào khung trời tỉnh táo thiêng liêng và xét mình thấu đáo. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là thời điểm đem lại một diễn đàn vĩ đại cho một trong những vị có thể kế nhiệm ngài: Đức HY Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, người giảng cấm phòng Mùa Chay hằng năm cho Đức Giáo Hoàng và giáo triều. Viễn cảnh này chỉ có thể có được với một vị giáo hoàng từ nhiệm. Các buổi linh thao Mùa Chay này dành cho giáo hoàng và giáo triều; nhưng nếu qua đời, ngài đâu có thể tham dự, và hầu hết các chức sắc cao cấp của giáo triều cũng thế vì đã hết nhiệm vụ khi Vatican trống toà. Các buổi linh thao vì thế chỉ có thể tiến hành với đức giáo hoàng còn tại chức, và các vị bộ trưởng hay chủ tịch vẫn còn tại chức. Theo hầu hết các phúc trình, Đức HY Ravasi đã trình bày các bài giảng của ngài một cách hết sức xuất sắc. Mỗi ngày, ngài trình bày ba buổi suy niệm, dựa trên tài chuyên môn của ngài trong tư cách học giả Thánh Kinh và một người có kiến thức uyên bác. Một hồng y tham dự các buổi linh thao này cho Allen hay: ngài thấy Đức Hồng Y Ravasi “cực kỳ gây ấn tượng”.

Tuy nhiên, vị hồng y kỳ cựu của giáo triều này nói thêm: ngoài việc ấy ra, ngài không biết nhiều về Đức HY Ravasi. Điều này hơi lạ, vì Đức HY Ravasi vốn đã làm việc tại Vatican từ năm 2007. Tuy nhiên, nó phản ảnh khuôn mặt độc đáo của Đức HY Ravasi, một người tuy ở Vatican nhưng không thực sự thuộc Vatican, mà tập chú nhiều vào việc nối kết với thế giới nghệ thuật, khoa học và văn hóa hơn là xây dựng thế giá trong hàng giáo phẩm.

Khuôn mặt trên có thể có lợi cho Đức HY Ravasi theo nghĩa ngài là gì thì là nhưng nhất định không phải là người có mưu kế (schemer) và chắc chắn không tham dự vào bất cứ tai tiếng nào gần đây của Vatican. Nhưng cũng có người quan ngại rằng ngài sẽ là một giáo hoàng nữa chỉ biết quan tâm tới sinh hoạt trí thức hơn là chăm lo công việc của Giáo Hội.

10. Truyền thông xã hội

Đây sẽ là cơ mật viện đầu tiên thực sự và hoàn toàn diễn ra trong thời truyền thông xã hội, giữa Twitter, Facebook và mọi phương tiện truyền thông hiện đại khác. Tin tức và bình luận sẽ được chuyền đi nhanh chóng hơn và sâu rộng hơn, ngay cả so với năm 2005.

Đương nhiên, không phải hồng y nào cũng dùng giờ rảnh để cập nhật hóa Facebook của mình cũng như gửi các “tweets” đi, nhưng các ngài và những người chung quanh các ngài chắc chắn sẽ lắng nghe những điều đang được nói tới liên quan đến đức giáo hoàng và các ứng viên giáo hoàng trong lúc này. Nếu có thời các hồng y quen ta thán rằng mình không có thì giờ tìm hiểu nhau đầy đủ, thì lần này, hẳn các ngài phải than thở trước cái núi cao ngất gồm đủ mọi loại tin tức.

Ngoài ra, truyền thông xã hội cũng đang tạo nên rất nhiều cơ hội mới mẻ để nhiều người khác can thiệp vào diễn trình, không hẳn chính diễn trình bỏ phiếu mà diễn trình trước đó. Các nhà tranh đấu, các học giả, những nhà chuyên môn về ềthần học, chính trị học và cả phụng vụ học nữa đều đang hàng loạt lên tiếng trên các làn sóng âm thanh hay trên các vĩ cầu “blog”, nhằm lên cung điệu và lên hình dạng cho nội dung những cuộc thảo luận công cộng.

Dù cố gắng bao nhiêu để nói rằng mình không chịu ảnh hưởng của tất cả những điều trên, phần lớn các hồng y, trong những lúc chân thực nhất, đều nhìn nhận rằng khó mà làm ngơ được chúng, ít nhiều, tâm trí các ngài cũng ưu tư về chúng, nhất là lần này.

Nhân dịp này, Allen cho rằng việc ông trình bày một số hồng y như tương lai giáo hoàng (Scola, Turkson, Ouellet, Sandri và Tagle) không nằm trong bất cứ âm mưu nào, mà chỉ trình bày theo cảm quan phần đông của công luận. Ông cho rằng mỗi khi có cơ mật viện, thì dường như cả thế giới biến thành người Ý, nhìn đâu cũng thấy như có âm mưu kiểu Machiavel.

 
Đức tính anh hùng của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
02:59 09/04/2013
Đức tính anh hùng của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An2/27/2013
________________________________________
“Tôi chỉ muốn có nhiều hơn để cho đi”, một linh mục cao niên Dòng Tên đã nói như thế tại một cuộc tụ tập của cộng đoàn vài ngày trước khi lên đường nhập viện dưỡng lão. Người ta dễ thấy việc Đức GH Bênêđíctô có cùng một tâm tư như thế trong những ngày cuối cùng tại chức. Thời gian để Đức HY Joseph Ratzinger làm Đức Thánh Cha đã tới lúc chấm dứt; ngài đã hoàn toàn đuối sức. Ấy thế nhưng đối với tôi, ngài sẽ luôn luôn là người anh hùng. Tôi không nói ngọt đâu, mà tôi cũng không mong mọi người có cùng một ấn tượng như tôi. Ít ai đoán được một ông già nhỏ bé, được bầu cách nay 8 năm, lại sẽ sống đúng như điều tôi vừa nói. Chính ngài có lẽ cũng không đoán được thế, nên đã cố ý chọn tên một vị giáo hoàng đã lui hẳn vào lịch sử tuy đã làm hết sức cho nền hòa bình của thế kỷ trước. Khi đảm nhiệm ngôi tòa Phêrô, Đức GH Bênêđíctô XVI nói với ta rằng Dân Chúa chúng ta nên chấp nhận con người mà ngài tự biết từ lâu chỉ là “một lao công tầm thường, khiêm hạ trong vườn nho Chúa”. Khi tuyên bố từ nhiệm, ngài xin người ta “tha thứ các thiếu sót” của mình.

Nền văn hóa bình dân của ta đầy rẫy những ước nguyện công khai muốn có người anh hùng. Chứng cớ đọc thấy man vàn nơi các chính khách, nơi các vận động viên thể thao, nơi các siêu anh hùng trong các siêu phẩm điện ảnh. Siêu anh hùng thì chắc chắn không phải là Đức GH Bênêđíctô, vì làm gì có thứ siêu anh hùng ấy. Tuy nhiên, ngài không ngừng chỉ cho thấy Đấng Mêxia thực sự. Trong sự trung trinh của ngài, Đức GH Bênêđíctô nắm được yếu tính của đức anh hùng Kitô Giáo: khiêm hạ, âu yếm hy sinh trong việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô và Dân của Người. Bất chấp là linh mục, là giáo sư, là chuyên viên, là người bảo vệ tín lý Kitô Giáo hay là giáo hoàng, thừa tác vụ thông thái của Ratzinger cũng đều được đánh dấu bằng đức hào hiệp và ý nguyện đạt tới điều Thánh Inhã gọi là magis, “điều hơn nữa” dẫn tới thánh ý Thiên Chúa. Là một người nổi tiếng về đối thoại và thiện chí suốt cuộc đời, ngài cho ta thấy: đó không phải là những đức tính mềm yếu hay ủy mị, trái lại là những nhân đức mạnh mẽ. Chúng lên năng lực giúp ngài dám đương đầu với cả điều ngài gọi là “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” trong khi lên tiếng với một khả tín tính đến nỗi Thủ Tướng David Cameron của Vương Quốc Thống Nhất cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã khiến xứ sở ông “ngồi dậy và suy nghĩ”.

Nhìn lại đời ngài, các đức tính ấy không phải chỉ là hồng ân ban cho chức vụ. Chúng là những đức tính từng do cố gắng mà có và được đem ra sống hàng bao thập niên trước khi ngài trở thành giáo hoàng. Là một học giả, Joseph Ratzinger từng nổi tiếng là người nhẫn nại, hiểu biết và cởi mở. Trong một cử chỉ thân hữu lâu đời, ngài vồn vã mời người vốn thách thức mình về thần học là Hans Küng tới Vatican. Ngài kêu gọi Dòng Tên lên “tuyến đầu” và quả quyết với các tu sĩ Dòng Tên đang dự Hội Nghị Toàn Thể lần thứ 35 vào ngày 21 tháng Hai năm 2008 rằng: “Giáo Hội cần anh em, trông cậy vào anh em và tiếp tục hướng về anh em trong tin cậy, đặc biệt để đạt tới những địa điểm thể lý và tâm linh mà người khác không đạt được hay khó khăn lắm mới đạt được”. Như tôi từng trả lời một số người từng bôi lọ Dòng Tên là bất trung: “Vâng, nhưng ít nhất Đức Giáo Hoàng cũng tin chúng tôi!”.

Đời sống của Ratzinger được dành để theo đuổi và rành mạch hóa chân lý trong mọi sắc thái của nó. Ngài dám làm điều mà không vị giáo hoàng nào khác từng làm, là chịu phỏng vấn cho cuốn sách dài “Ánh Sáng Thế Gian”. Khi được tin về sự bộc trực của ngài, tôi nhớ một người bạn của tôi đã nhận định về “sự ngu đần” khi ngài bình luận về áo mưa ngừa thai. Việc đánh giá đạo đức học phức tạp trong tư cách giáo hoàng này thực ra rất nhất quán với con người lúc còn là một giáo sư trẻ tuổi, một con người không sợ phải nói sự thật trong yêu thương. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chỉ mỉm cười khi có ai đó cho ngài hay người ta đang lỗ mãng đối với các nhận định của ngài. Người anh hùng là người tự chủ đủ để không cho phép bất cứ sự thất thường hay ngu dốt nào của người khác tác động trên mình. Như một bậc thầy của tôi từng nhắc nhở, trong suốt cuộc đời của Ratzinger, gần như không một ai có thể nói rằng ngài đích thân đả kích họ. Với một lòng tự tin giống như “Đức Giáo Hoàng Gioan tốt lành”, ngài đã dẫn dắt Giáo Hội với sự khôn ngoan và dịu dàng.

Ratzinger có đủ lý do để tự hào vì như Thánh Phaolô viết trong 1Cor 8:1, “kiến thức làm người ta tự hào”, nhưng thay vào đó, đời ngài chứng minh thực tại này: “tình yêu mới xây dựng”. Kiến thức là sức mạnh, cả hai đều được ngài sở hữu dư thừa. Ngài biểu lộ các khả thể anh hùng của sức mạnh khi được qui hướng về lợi lích của Giáo Hội. Các cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân bị lạm dụng tại nhiều quốc gia khác nhau quả là cảm động. Một nạn nhân hiện diện tại một trong các cuộc gặp gỡ tại Malta cho hay: Đức Giáo Hoàng đã “khóc” với họ tại đấy.

Việc Ratzinger rời bỏ chức vụ của Phêrô đã thành toàn ơn gọi của ngài như là “đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa”. Xem ra tên lúc rửa tội của Đức GH Bênêđíctô quả là thích hợp. Thánh Giuse, Đấng Che Chở Giáo Hội hoàn vũ, là khuôn mặt anh hùng đã được trao phó cho việc chăm sóc Mẹ Diễm Phúc và Con Thiên Chúa. Nhưng đức anh hùng của Thánh Giuse vốn là một nhân đức giấu kín trong lịch sử; đời ngài là một đời thu nhỏ mình đến độ Thánh Kinh chẳng cho ta biết điều gì đã xẩy ra cho ngài sau biến cố lạc con ở Đền Thờ.

Trong cuốn Linh Thao, Thánh Inhã tìm cách giúp người ta đáp trả “Lời Kêu Gọi của Đức Vua” sống dưới “Lá Cờ Chúa Kitô” tới độ bị bác bỏ và bước theo Thần Khí Thiên Chúa, Đấng sai ta đi làm mọi điều để Thiên Chúa được hiển vinh hơn. Ta sẽ làm tốt việc đó nếu biết chiêm niệm cuộc đời của Joseph Ratzinger và cầu nguyện cho ngài trong quãng đời cầu nguyện và hãm mình còn lại. Ngài không lạnh lùng sử dụng quyền lực, thứ hành động vốn có của những chính khách nổi tiếng như nhà độc tài Rôma Cincinnatus. Trái lại đây là điều Đức TGM Gomez của Los Angeles gọi là “hành động của một thánh nhân”. Joseph Ratzinger tiến hành công việc trong đức vâng lời đối với Đấng bị đóng đinh vào cây gỗ, chấp nhận sỉ nhục với Người và trong Người. Ngài chắc chắn nhớ rằng Giám Mục đầu tiên của Rôma vốn công khai bị đóng đinh ngược. Nhiều người nghĩ rằng sứ mệnh của Đức GH Bênêđíctô là một sứ mệnh thất bại. Các hoàn cảnh thời ngài làm giáo hoàng không phải là lý tưởng; nhiều mục tiêu trượt khỏi tay ngài. Ấy thế nhưng ta đừng quên rằng một Người khác về cuối đời cũng bị coi là thất bại như thế. Và không đầy tớ nào lớn hơn Chủ mình.

Nhận định của người không Công Giáo

Trên đây là các nhận định của Linh Mục John Roselle, S.J. trên tạp chí America, số ngày 26 tháng Hai, 2013. Điều đáng nói là nhiều người không Công Giáo cũng có cùng một nhận định như linh mục Roselle. Theo tin Zenit ngày 26 tháng Hai, Gaia, một tín hữu Chính Thống Giáo tại Moscow cho hay: “tôi cảm thấy một nỗi buồn và một cảm giác mất mát lớn lao. Tôi hy vọng rằng hành động này của Đức Bênêđíctô XVI sẽ là tấm gương yêu thương cho vị tân giáo hoàng, một tấm gương không hề sợ hy sinh”. Ali, một người Hồi Giáo Marốc, thì viết rằng: “Chúng ta đang mất một người hết lòng phục vụ hòa bình và hợp nhất thế giới”. Abdou, một người Hồi Giáo Algeria, cho hay: “Hành động quan trọng như thế này có tính độc đáo chưa từng có. Nó nên dùng làm điển hình cho toàn thể nhân loại”. Racim, cũng là người Hồi Giáo Algeria, phát biểu: “Tôi muốn cám ơn ngài về tất cả những gì ngài đã cống hiến. Tôi hy vọng vị giáo hoàng kế tiếp sẽ luôn có được quan điểm y hệt về tình huynh đệ, về sự cởi mở đối với các tín ngưỡng khác, để xây dựng một thế giới huynh đệ phổ quát”. Còn Metta, một phật tử Thái Lan , thì cho rằng “Được sống với anh chị em Công Giáo, tôi hiểu sâu xa rằng cốt yếu của thừa tác vụ này có tính thiêng liêng, nhưng cũng có rất nhiều khả năng và năng khiếu. Tôi sẽ hiện diện với ngài và các Kitô hữu khác bằng lời cầu nguyện. Tôi cũng cầu nguyện cho việc bầu cử vị giáo hoàng kế tiếp, để Giáo Hội tiếp tục phục vụ lợi ích của nhân loại”.
 
Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa và nền văn hóa tuổi trẻ đang hình thành
Vũ Văn An
03:51 09/04/2013
Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa và nền văn hóa tuổi trẻ đang hình thành

Tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh vào sáng ngày 31 tháng 1, đã có buổi họp báo để Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa trình bày về Hội Nghị Toàn Thể của Hội Đồng sẽ diễn ra từ 6 đến 9 tháng 2 này với chủ đề “Các Nền Văn Hóa Tuổi Trẻ Đang Hình Thành”.

Hiện diện trong buổi họp báo có Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi và Đức Cha Carlos Alberto de Pinho Moreira Azevedo, là chủ tịch và đại diện của Hội Đồng, cùng với linh mục Enzo Fortunato, O.F.M. Conv., giám đốc văn phòng báo chí của Tu Viện Thánh Phanxicô tại Assisi và hai đại diện người trẻ là Alessio Antonielli, người Ý, và Farasoa Mihaja Bemahazaka, người Madagascar.

Trước đây vài ngày, tại Tu Viện Thánh Phanxicô ở Assisi, trong một bài diễn văn nói về biến cố trên, Đức HY Ravasi cho hay: lãnh vực chính khiến chúng ta lưu tâm hiện nay là nền văn hóa tuổi trẻ. Ngài nói: “(Tuổi trẻ) dạo phố với những ống nghe bịt hết hai tai, mải mê nghe âm nhạc, cho thấy họ hoàn toàn cắt đứt khỏi mọi phiền phức không chịu nổi của xã hội, của chính trị và của tôn giáo mà người lớn chúng ta đã tạo ra… Xét về một phương diện nào đó, họ cúi mặt như muốn loại mình ra vì chúng ta đã loại họ ra bằng chính cái hủ hóa, cái bất nhất của ta, bằng chính việc làm họ không biết chắc bất cứ điều gì, làm cho họ thất nghiệp và đẩy họ ra bên lề của ta. Chúng ta, trong tư cách cha mẹ, thầy cô, và linh mục, nói chung giai cấp cai trị, chúng ta phải xem sét lại lương tâm của mình”.

Đức HY nhấn mạnh thêm tầm quan trọng phải vươn tay ra nắm lấy tuổi trẻ ngày nay, những người hiện là “hiện tại, chứ không phải chỉ là tương lai, của nhân loại”. Điều quan trọng là phải tập chú vào niềm tin và và niềm tín thác nơi các tiềm năng của họ.

Hội nghị toàn thể

Trong một diễn văn đọc tại cuộc họp báo, Đức Cha Avezedo đã đưa ra chương trình của hội nghị. Theo ngài, mục tiêu của ĐH là “khách quan thăm dò hiện tượng mới, phức tạp và rời rạc trong các nền văn hóa tuổi trẻ với sự trợ giúp của các chuyên gia và lắng nghe các tư duy của các thành viên và cố vấn của HĐGH về VH”. Nghi thức khai mạc sẽ là nghi thức duy nhất chào đón cả công chúng bên ngoài và sẽ được tổ chức tại Đại Giảng Đường Đại Học LUMSA. Sau đó là buổi hòa nhạc, trước khi hội nghị chính thức bắt đầu.

Theo Đức Cha Avezedo, hội nghị sẽ xem sét nền văn hóa tuổi trẻ và các vấn đề mà thế hệ hiện nay đang gặp phải. Ngài nhận định: “Mấy ngày trước đây, Cơ Quan Lao Động Quốc Tế cho rằng 73.8 triệu người trẻ trên thế giới đang đi kiếm việc làm và đến năm 2014, sẽ có thêm nửa triệu người nữa. Tín liệu này đặt ra hàng loạt câu hỏi: liệu có nên bất tín nhiệm các chính phủ hay không? Liệu có nên sợ tương lai hay không? Liệu người trẻ có ra đường phố biểu tình phản đối hay không? Liệu cái huyền thoại về tuổi trẻ trường cửu có cho thấy người lớn thiếu giá trị hay không?”.

Đức cha nói tiếp: “trong bối cảnh ấy, và sau khi hội nghị đã xem sét tình hình một cách toàn diện, chương trình sẽ tập chú vào một số điểm nổi bật nhất và có tính sâu rộng nhất trong nền văn hóa tuổi trẻ như nền văn hóa kỹ thuật số đã cách mạng ra sao mẫu thức và cấu trúc của truyền thông.

Các chủ đề khác sẽ được đem ra thảo luận tại hội nghị là giá trị thân xác, hệ thống tình bạn, và hiện tượng trì hoãn trong việc đạt được tự lập. Đức Cha Avezedo cũng cho hay: sáng kiến chính của hội nghị sẽ là buổi yết kiến Đức Thánh Cha của toàn thể tham dự viên vào lúc bắt đầu hội nghị toàn thể.

Ngài kết luận: “trong hai nghìn năm nay, Giáo Hội không hề có một phong thái nghệ thuật tiền định hay một ngôn ngữ định sẵn. Giáo Hội luôn hướng về con người và sứ điệp của Chúa Giêsu để truyền thông trong thời buổi hoàn toàn đa dạng này. Các nền văn hóa tuổi trẻ đang hình thành cho thấy các công thức lặp đi lặp lại quả là yếu ớt, bất ổn và dễ bẻ gẫy biết bao. Hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa hy vọng sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự phiến diện và lãnh cảm. Nó sẽ không do dự giáp mặt với sự thật của tình huống văn hóa hiện nay”.
 
Thông Báo
Phân Ưu: LM Giuse Phạm Văn Tuệ đã về Nhà Cha trên Trời
Lớp Tôma, TCV Phát Diệm
15:12 09/04/2013
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên."
(TV 23,6)

Được tin

Linh mục Giuse Phạm Văn Tuệ
quản nhiệm giáo xứ Anê Lê Thị Thành, thuộc TGP New Orleans, Lousiana, Hoa Kỳ
Đã về nhà Cha vào lúc 4g20 sáng ngày thứ tư mùng 03.04.2013 tại bệnh viện Jefferson, New Orleans,
hoàn tất cuộc sống trần thế với 66 năm tuổi đời và tròn 40 năm phụng sự Chúa và Tin Mừng Cứu Độ trong thiên chức Linh Mục.

Tất cả các bạn đồng môn Lớp Tôma tiểu chủng viện Thánh Phaolô, Phát Diệm, Phú Nhuận, Sài Gòn (1959-1966)
xin thành kính tưởng nhớ đến người anh em quý yêu đã an nghỉ trong Chúa.

Xin hiệp thông cầu nguyện trong các buổi đọc kinh
và trong Thánh Lễ an táng để cầu nguyện cho linh hồn Thầy Cả Giuse.

Xin thành kính phân ưu với Ông Bà Cố Phạm Văn Chí, cùng với toàn thể tang quyến,
với gia đình linh tông, đặc biệt với giáo dân giáo xứ Anê Lê Thị Thành.

Nguyện xin Thiên Chúa từ nhân đón nhận người con hiếu thảo và tín trung: cố linh mục Giuse
vào Nước Hằng Sống, vui hưởng phúc trường sinh muôn đời bên Chúa.

Thành kính hiệp thông và phân ưu

Lm. Phạm Trung Dong (VN), Lm. Vũ Bình Định (VN), Lm. Nguyễn Xuân Đức (VN),
Lm. Bùi Bằng Khấn (VN), Lm. Phạm Khắc Liêm (VN), Lm. Nguyễn Đức Lục (VN),
Lm. Nguyễn Văn Luyến (VN), Lm. Bùi Thượng Lưu (Đức), Lm. Dương Đình Tảo (VN), Lm. Phạm Quốc Túy (VN).
Và các bạn: Vũ Quang Khải (VN), Trần Bá Kiểm (VN), Nguyễn Văn Kỳ (VN), Vũ Văn Muôn (VN),
Nguyễn Đức Pháp (USA), Nguyễn Văn Sĩ (Úc), Phạm Minh Thanh (USA),
Vũ Đình Thuỷ (VN), Vũ Kim Trọng (VN), Trần Mạnh Tuệ (VN).

 
Cáo phó: Tang lễ cho Cha Giuse Phạm văn Tuệ ở New Orleans
Tang gia
10:47 09/04/2013
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Giáo xứ Thánh Lê Thị Thành - Linh Tông - Gia đình Ông Bà Cố
trân trọng kính báo Quí Đức Cha, Quí Đức Ông, Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ
cùng Cộng đồng Dân Chúa: Người Cha khả kính, người con tận tuỵ:


Linh Mục Giuse PHẠM VĂN TUỆ
Chánh xứ Giáo xứ Thánh Lê Thị Thành

Sinh ngày 3 tháng 3 năm 1947 tại Giáo xứ Hiếu Thuận, Giáo phận Phát Diệm
đã an nghỉ trong Chúa tại Bệnh viện West Jefferson, Marrero, Louisiana
ngày 3 tháng 4 năm 2013 lúc 4 giờ 20 sáng. Hưởng thọ 66 tuổi.

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

*Thứ Tư ngày 10 tháng 4 năm 2013
10:00 Sáng: Thăm viếng linh cữu tại nhà quàn Mothe Funeral Homes, 7040 Lapalco Blvd. Marrero, LA 70072
4:30 Chiều: Di quan đến Nhà thờ Họ Thánh Giuse – 6450 Kathy Ct. New Orleans, LA 70131
5:00 Chiều - 8:00 Tối: Thăm viếng linh cữu tại Nhà thờ.
8:00 Tối: Thánh Lễ Thọ Tang do Đức Tổng Giám Mục Gregory M. Aymond chủ sự.

*Thứ Năm ngày 11 tháng 4 năm 2013
10:00 Sáng: Thăm viếng linh cữu tại nhà quàn Mothe Funeral Homes - Lapalco Blvd.
4:40 Chiều: Di quan đến Nhà thờ Thánh Lê Thị Thành – 6851 St Le Thi Thanh St. Marrero, LA 70072
5:00 Chiều - 7:00 Tối: Thăm viếng linh cữu tại Nhà thờ
7:00 Tối: Thánh Lễ do Họ Đức Mẹ Lên Trời đảm trách - Sau thánh Lễ viếng linh cữu đến 9:00 tối

*Thứ Sáu ngày 12 tháng 04 năm 2013
10:00 Sáng: Thăm viếng linh cữu tại nhà quàn Mothe Funeral Homes – Lapalco Blvd.
4:40 Chiều: Di quan đến Nhà thờ Thánh Lê Thị Thành.
5:00 Chiều - 7:00 Tối: Thăm viếng linh cữu tại Nhà thờ
7:00 Tối: Thánh Lễ - Sau Thánh Lễ viếng linh cữu đến 9:00 Tối

*Thứ Bẩy ngày 13 tháng 04 năm 2013
8:00 - 10:00 Sáng: Thăm viếng linh cữu tại Nhà thờ Thánh Lê Thị Thành
10:00 Sáng: Thánh Lễ An táng
11:30 Sáng: Di quan đến nghĩa trang Restlawn Park Cemetery, 3450 Hwy 90 West, Avondale, LA 70094.
12:30 Trưa: Chia sẻ bữa cơm thanh đạm tại Hội trường Giáo xứ Thánh Lê Thị Thành.

Giáo xứ Thánh Lê Thị Thành – Linh Tông – Tang gia đồng kính báo
* Song thân: Ông Bà cố Phạm Văn Chí & Vũ Thị Sang
* Các em:
- Quả phụ Phạm Thị Quế & các con, các cháu
- Phạm Thị Trinh, chồng: Phan Ngọc Thành & các con, các cháu
- Phạm Thị Kim Khuê, chồng: Phạm Minh Luật & các con, các cháu
- Phạm Kim Lan
- Phạm Quốc Tuấn, vợ: Phạm Bùi Lệ & các con
- Phạm Quốc Tuynh, vợ: Trần Kim Hải & các con
- Phạm Thị Kim Nga, chồng: Teruhito Sawada & các con


CÁO PHÓ NÀY XIN THAY THẾ THIỆP TANG
 
Văn Hóa
Đội ơn lòng Chúa xót thương
Lê Đình Bảng
08:40 09/04/2013
ĐỘI ƠN LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG

Đội ơn lòng Chúa bao dung
Đã gọi tôi giữa muôn trùng hư vô
Cầm bằng là chuyện trong mơ
Thật tình, tôi chẳng bao giờ hiểu ra

Bởi từ bụi cát sương sa
Bỗng dưng, tôi được làm hoa làm người
Trầm mình trong giếng sâu khơi
Của kho nguồn đạo Chúa Trời riêng ban

Thưa Người, ở giữa dương gian
Miệng môi tôi cứ sôi tràn lời yêu
Nghĩ mình cỏ lá, xanh rêu
Gió đầu hôm, lại sớm chiều mưa mai

Thưa Người, hải giác, thiên nhai
Lửa hương giờ có đầu thai kiếp nào
Tôi quỳ lạy Chúa trên cao
Dẫn dìu tôi, kẻo sa vào tối tăm

Thế mà tôi tưởng xa xăm
Hóa ra Người ở âm thầm trong tôi.

TỰ TÌNH KHÚC

Nhiều khi, tôi hỏi riêng tôi
Bát cơm nhà Chúa, hạt vơi, hạt đầy
Hạt nào tôi giữ trong tay
Của riêng, xin để dành ngày cánh chung
Hạt nào chim chóc khe truông
Xanh um bờ bãi, cỏ lùng sinh sôi

Nhiều khi, tôi trách thân tôi
Bát cơm nhà Chúa, hạt rơi, hạt còn
Hạt nào ra nhánh trăm muôn
Đồng chiêm, đồng trũng chờ xôn xao mùa
Hạt nào theo gió xa đưa
Trôi đi tít tắp chiều mưa trắng đồng

Hạt nào bay giữa thinh không
Tôi nghe sóng ở đáy sông cồn cào
Từ em bằn bặt non cao
Giấm chua mật đắng vun vào hồn tôi
Nhiều khi tôi dỗ yên tôi
Treo gươm rửa kiếm, một đời lặng câm

Hạt buồn rơi xuống trăm năm
Hạt vui nhung nhớ để thầm gọi em
Nửa đời sao chẳng nguôi quên
Một bên ý Chúa, một bên tình người
Thật gần mà lại xa khơi
Hai vai gánh nặng phương trời đăm đăm.
 
Lòng Chúa thương xót vô biên
Tuyết Mai
17:43 09/04/2013
Thường ai là người có thể cảm nhận được Lòng Thương Xót Chúa? Thưa là tất cả mọi tội nhân đã đi quá xa Con Đường mang lại sự sống muôn đời của Chúa. Là những tội nhân đi lạc, bỏ Nhà Cha để đi khám phá một phương trời xa lạ, tìm đến những nơi ăn chơi sa đọa, đi theo bạn bè rủ rê tìm khoái lạc …. Cho đến khi tấm thân tàn tạ như con chó đói, ghẻ nằm chờ chết ở vệ đường!?.

Đến khi ấy thì hết thảy tội nhân mới thấm được sự cần kíp lắm để được trở về Nhà Cha của mình bằng mọi cách dù họ có phải lê từng bước chân tật nguyền của họ để lết về nhà; để hy vọng được Cha tha thứ tội, cái tội tày Trời rồi có chết cũng được mãn nguyện??. Vì có phải là con người thì không ai mà không muốn được trở về với nguồn cội của mình tìm gặp lại Người Cha nhân từ?.

Trên đời thì có khối những người con muốn được khám phá lắm ở một chân trời mà nghe rất mời gọi, rất có tương lai, nơi tận phương trời xa. Không ai lại muốn được “Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”. Chẳng phải đợi đến Thiên Chúa mới hiểu được điều này mà cha mẹ trần gian cũng rất muốn con trai của mình chúng ra ngoài để tập sống tự lập, tự học khôn ngoài đời, ngay cả không ngần ngại mà cho chúng một số tiền mang theo để có vốn mà làm ăn.

Bởi đời thì nhan nhãn cảnh “Cậu Ấm về làng”, “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “Vinh quy bái tổ”, v.v….. Chỉ rất ít thành phần ra đi rồi mất tích luôn, biệt tăm, và không bao giờ trở về làng nữa …. Hay nếu có trở về thì các cụ cũng chẳng còn sống nữa!. Đó là chúng ta nói chuyện thường tình ở đời là vậy nhưng tình yêu Thiên Chúa thì bao la, vô bến vô bờ, và vô biên giới …. Dù chính chúng ta đã tự hủy thân xác của mình, không còn được lành lặn như xưa nữa nhưng Thiên Chúa Người vẫn luôn thương yêu, thương xót, và tội nghiệp vì sự ngu khờ và quá dại dột của từng con người của chúng ta.

Có phải khi ta nói về Lòng Thương Xót Chúa thì ta muốn nói về tình yêu không giới hạn của Chúa?. Không một hình ảnh nào hạnh phúc cho bằng ta thấy một bức tranh rất sống động cho bằng bức tranh của tông đồ Phêrô ngờ vực tình yêu của Chúa và bàn tay yêu thương của Chúa Giêsu đã đưa ra nắm bắt lấy bàn tay của ông Phêrô trước khi ông bị đắm chìm xuống lòng biển sâu. Bức tranh này quả đã nói lên lòng tin rất yếu kém của con người luôn có, đối với một Thiên Chúa vô cùng quyền năng và hằng hữu. Phải nói rằng cả thế giới ai cũng đều giống như tông đồ Phêrô không nhiều thì ít trong cuộc đời, thưa có phải?.

Quan trọng nhất là ở lúc ta gần chết đuối mà nhanh nhẹn bắt lấy bàn tay cứu sống của Chúa mà không để tự ái chế ngự hay khi ấy mà còn kiêu căng tự phụ, ỷ vào sức riêng của mình thì sự chết thật đến với con người vô vọng ấy!. Khi ta hiểu được nguyên tắc và tình yêu hải hà của một Thiên Chúa Đấng tối cao, luôn yêu thương con người, thì ta phải sống sao để cho thật xứng đáng với Lòng Thương Xót Chúa của ta chứ??.

Thiết nghĩ ai trong chúng ta cả một đời mà nói rằng tôi không biết việc tôi làm đã làm buồn lòng cha mẹ, anh chị em, và Thiên Chúa hẳn người ấy đã tự dối lòng và đang tự biện hộ cho chính mình. Ngược lại mình biết mình quá đi chứ vì chính mình đã làm chủ trên mọi sự suy nghĩ và hành động ngu muội của mình mà!?. Chỉ vì sự hưởng thụ cá nhân và trên cái thân xác hay chết này chúng ta đã bị ma quỷ chúng chiêu dụ cho siêu lòng, khó mà ai có thể từ chối hay muốn tránh cả!. Vì có mấy ai trên đời lại từ chối tiền bạc, danh vọng, chức vụ, và mọi đam mê sắc dục của trần gian???.

Còn lại rất ít người là tiếp tục bị chúng quỷ làm cho siêu lòng là vì họ đã trải qua, đã được Thiên Chúa cứu khỏi cơn chìm đắm của biển đời tội lỗi, gần chết mất cả linh hồn, hiện đang phục hồi và được sống trong thanh thản trong bình an; có Chúa gần bên họ. Ôi con người đam mê, sống ngụp lặn trong tội lỗi! Xin cho hết thảy chúng ta biết bắt chước như người thu thuế tội lỗi đứng cuối nhà thờ kia, đầu cúi gục, tay đấm ngực nói lời ăn năn, hối lỗi, thưa cùng Chúa rằng “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng …. Hay “Mea cupa, Mea cupa” …. Xin Lòng Thương Xót Chúa hãy luôn xót thương con người tội lỗi chúng con, để chúng con có thể xa tránh được tội lỗi và thoát khỏi Hỏa Ngục kinh hoàng muôn đời! Amen.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bó Hoa Xuân
Thérésa Nguyễn
21:06 09/04/2013
BÓ HOA XUÂN
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Khi yêu cổ nghẹn lời câm
Bó hoa có lưỡi thì thầm hộ ta.
(Trích thơ của Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh)
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News