Ngày 31-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:46 31/03/2016
21. BẮT ĐẦU TỪ CHỖ NÀO.
Nước Tề có một người thường khuyên bảo can ngăn Tề Cảnh công rất mạnh, Cảnh Công nổi giận, ra lệnh đem người khuyên giải này ra phân thây. Uy Nhiếp nói:
- “Người nào dám khuyên lại, cũng sẽ bị xử như thế !”
Đại phu Yến tử tiến lên phía trước, tay trái nắm đầu của người khuyên giải, tai phải cầm dao, ngẩng đầu hỏi Cảnh công:
- “Từ xưa đến nay có rất nhiều vị vua chúa anh minh, trong số các vị đó, ai là người bắt đầu phanh thây người ?”
Cảnh công chợt tỉnh, tha cho người khuyên giải, nói:
- “Tội tại quả nhân, không phải tại người khuyên bảo !”
(Độc Dị chí)

Suy tư 21:
Nhà vua quyền uy tột cùng là thế, quyền sinh sát trong tay là thế, mà cũng có những bầy tôi hiền không sợ chết dám căn ngăn những hành vi tội lỗi, xấu xa của vua mình, thật hiếm có, đó là phúc của nhà vua. Và nhà vua, vì muốn mình trở thành người anh minh như những vị vua của các triều đại trước, không muốn trở thành người độc ác nên đã nghe và hiểu lời nói của Yến tử –vị đại thần trung trực.
Có những giáo hữu rất bức xúc trước những thái quá của một số linh mục của mình như: thái độ kiêu ngạo, hành vi hống hách với con chiên bổn đạo, nhân bản kém, rượu uống không nguyên tắc đến nỗi say xỉn cả trên bàn thờ khi dâng lễ, cuộc sống xa rời với bài giảng của mình.v.v... con chiên bổn đạo biết rất rõ nhưng không dám nói, không dám góp ý, vì sợ cha làm khó dễ hạch sách đủ điều khi con mình xin đăng ký kết hôn. Không dám góp ý vì họ nghĩ rằng cha thay mặt Chúa, nếu ngài có lỗi thì Chúa sẽ phạt, mình là con cái không được góp ý, và thế là họ im lìm lặng lẽ, một sự im lặng đáng sợ cho các linh mục tự thỏa mãn với mục đích đã đạt được: làm cha.
Một linh mục anh minh là một linh mục khiêm tốn.
Một linh mục khiêm tốn là một linh mục thánh thiện.
Một linh mục thánh thiện là một linh mục khiêm tốn và anh minh.
Khiêm tốn để thấy mình không xứng đáng làm linh mục, nhưng Chúa vẫn chọn mình.
Khiêm tốn để thấy mình không xứng đáng làm người lãnh đạo dân thánh Chúa, nhưng Chúa vẫn chọn mình.
Khiêm tốn để thấy mình không một chút tài năng, thế mà Chúa vẫn chọn để trở thành công cụ thánh hóa nhân loại.

Vĩ đại thay một linh mục biết khiêm tốn, vì họ sẽ trở nên người của mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 31/03/2016

13. Người có tâm hồn khiết tịnh là cung điện của Chúa Thánh Thần.

(Thánh nữ Lucia)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tình hình chiến dịch giải phóng Mosul
Nguyễn Việt Nam
03:15 31/03/2016
Quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Mosul đã ra lệnh giới nghiêm sau khi đại pháo của quân Iraq và quân Kurd cùng với xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại Bardah Rash al Kabir, phía Đông Bắc Mosul pháo kích liên tục vào thành phố này hôm Thứ Sáu Tuần Thánh 25 tháng Ba.

Trong ngày thứ Hai 28 tháng Ba, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tung lên YouTube một video cho thấy chúng trả thù các vụ pháo kích bằng cách bắt 3 người Kurd qùy gối và chặt đầu một người trong số họ với lời đe doạ sẽ giết thêm nếu quân Kurd không chịu ngưng các cuộc pháo kích. Tên sát thủ cũng đe doạ sẽ có thêm nhiều vụ tấn công khủng bố tại Tây Âu nếu Mosul bị tấn công.

Các nguồn tin từ Mosul cũng cho biết 10 chiến binh khủng bố IS đã bị hành quyết tập thể vì đào ngũ. Bên cạnh đó, 15 thân nhân của các chiến binh khủng bố IS cũng đã bị hành quyết tập thể.

Hiện nay, quân IS bị bao vây về phía bắc bởi 3,000 quân Kitô Giáo trú đóng tại Khorsobad trong vùng bình nguyên Ninivê và lực lượng du kích Yazidis gồm khoảng 1,000 người. Quân Kurd trong miền tự trị Kurdistan trú đóng ở phía Đông thành phố Mosul. Trong khi đó, 5,000 quân Iraq và một số Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đánh vào thị trấn Al-Qayyarah ở phía Nam cách Mosul 70km.

Hôm thứ Năm 31 tháng Ba, đài phát thanh Baghdad loan tin tên chỉ huy quân khủng bố Hồi Giáo IS tại thị trấn Al-Qayyarah đã bị giết chết trong một cuộc không kích của liên quân.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS hiện vẫn kiểm soát được con đường Đông Tây nối liền sang Syria.

Các quan sát viên nhận định rằng chiến dịch giải phóng Mosul có lẽ sẽ rất cam go so với hai chiến dịch trước đây là tái chiếm Tirik và Ramadi. Tại Tirik, bọn khủng bố Hồi Giáo IS chỉ có tối đa là 1,000 quân và gần như không có một dân thường nào để đưa ra làm bia đỡ đạn. Tại Ramadi, bọn khủng bố Hồi Giáo IS có khoảng hơn 2,000 quân và 700 dân thường bị bắt làm con tin. Quân Iraq mất 2 tháng để tái chiếm Tirik với một quân số 10 lần đông hơn bọn khủng bố Hồi Giáo IS; và 4 tháng cho Ramadi với quân số 5 lần đông hơn. Tại Mosul, bọn khủng bố Hồi Giáo IS có 10,000 quân. 700,000 dân được tin vẫn đang cư ngụ trong thành phố. Ước lượng Baghdad chỉ có thể điều động tối đa 24,000 quân tham chiến.
 
Công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
Đặng Tự Do
15:33 31/03/2016
Tông Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm tổng kết các Thượng Hội Đồng về gia đình sẽ được công bố tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh lúc 11:30 sáng thứ Sáu ngày 08 Tháng Tư.

Tông Huấn này có tựa đề “Amoris Laetitia” (Niềm vui Yêu Thương).

Các văn bản của Tông Huấn bằng tiếng Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được chuyển cho các nhà báo có ghi danh với Tòa Thánh từ 08 giờ sáng theo giờ Roma ngày thứ Sáu 08 tháng 4. Tuy nhiên, các tài liệu này chỉ được công bố sau 12 giờ trưa ngày hôm đó.

Tông Huấn “Amoris Laetitia” sẽ được trình bày trong khuôn khổ một cuộc họp báo. Những vị trình bày tông huấn này gồm:

- Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới,

- Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo

- Hai vợ chồng Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli.

Tông Huấn là kết luận của một quá trình thượng hội đồng hai năm thảo luận về cả vẻ đẹp và những thách thức của cuộc sống gia đình ngày nay.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm 2014 có chủ đề là “Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hoá”. Thượng Hội Đồng này quy tụ 253 tham dự viên trong đó có 181 nghị phụ có quyền bỏ phiếu.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng thường lệ năm 2015 là “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại”, diễn ra từ 4 đến 25 tháng 10 năm 2015 với 279 nghị phụ có quyền bỏ phiếu và 90 chuyên gia.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói Mẹ Mary Angelica lên trời rồi
Đặng Tự Do
15:46 31/03/2016
Trong buổi triều yết chung thứ Tư 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự tin tưởng của ngài là Mẹ Mary Angelica, nữ tu sáng lập hệ thống truyền hình Công Giáo lớn nhất toàn cầu EWTN, giờ đây đã được hưởng vinh phúc trên trời.

"Sơ ấy ở trên trời rồi". Đức Giáo Hoàng chỉ vào bầu trời khi ngài nói những lời này với Martha Calderon, giám đốc EWTN tại Rôma và các ký giả tháp tùng, là những người đã mang một di ảnh của Mẹ Mary Angelica đến buổi triều yết chung cho Đức Thánh Cha chúc lành như là một dấu chỉ của tình cảm và tưởng nhớ.
 
Quan sát viên Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong việc kiến tạo hòa bình
Đặng Tự Do
16:05 31/03/2016
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã bày tỏ “sự kính trọng đặc biệt” đối với “những phụ nữ đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến cuộc sống của hàng triệu người và sự phát triển của các quốc gia thông qua những công việc vị tha và dài hạn của họ trong lãnh vực giáo dục, y tế và chăm sóc cho giới trẻ”.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh diễn ra hôm 28 tháng 3 năm 2016, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza đã trình bày đề tài “vai trò của phụ nữ trong phòng ngừa và giải quyết xung đột ở châu Phi”. Ngài nói rằng phụ nữ “thậm chí trong nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn nổi bật vì lòng dũng cảm, kiên định và sự cống hiến của họ”.

“Phụ nữ và trẻ em gái thường trở thành nạn nhân của hiếp dâm và các hình thức bạo lực trong các cuộc xung đột. Những nạn nhân này tìm được an ninh và sự cảm thông trong các tổ chức được điều hành bởi những người phụ nữ, thường là bởi các nữ tu.”

Nhà ngoại giao Vatican nhắc nhớ cử tọa với “lòng biết ơn và nỗi buồn” về sự hy sinh của bốn nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái là các chị Anselm từ Ấn Độ, chị Marguerite và chị Reginette từ Rwanda, và chị Judit từ Kenya, là “những người đã bị thảm sát bởi những thành phần cực đoan hèn nhát vào ngày 4 tháng 3 tại Aden, Yemen.”

“Họ cống hiến trọn đời mình cho phụ nữ nghèo và người già, hơn một chục người trong số này cũng đã bị giết chết cùng với họ, trong khi một số nguồn tin cho rằng những kẻ khủng bố đã bắt cóc linh mục Ấn Độ là cha Tom và đóng đinh Ngài vào Thứ Sáu Tuần Thánh.”

Đức Tổng Giám mục Auza ca ngợi nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và các chính phủ nhằm “nâng cao nhận thức và đi đến một sự thừa nhận đầy đủ hơn về vai trò quan trọng của phụ nữ” trong việc ngăn ngừa xung đột và xây dựng hoà bình.

Nhà ngoại giao của Vatican ghi nhận là phụ nữ có một “năng khiếu đặc biệt trong việc giáo dục con người trở nên cởi mở hơn và nhạy cảm trước những nhu cầu của những người xung quanh họ và xa hơn nữa” và rằng sự đóng góp của họ trong lĩnh vực này “là rất quan trọng trong việc giải quyết xung đột và thúc đẩy hòa giải sau xung đột.”
 
Vụ tấn công khủng bố tại Bỉ là một đòn chí mạng đánh vào người tị nạn
Đặng Tự Do
17:36 31/03/2016
Hôm 31 tháng Ba, bộ trưởng ngoại giao Ba Lan cho biết chính phủ giữ vững cam kết của mình tiếp nhận 7,000 người tị nạn theo những “điều kiện nghiêm ngặt”. Trước đó, ngay sau vụ tấn công khủng bố tại Brussels giết chết hàng chục người, thủ tướng Ba Lan nói nước bà rút lại các thỏa thuận với Liên minh châu Âu.

Thông báo này được đưa trong bối cảnh nỗi thất vọng đang ngày càng tăng giữa các nhà hoạt động nhân quyền và người tị nạn bị mắc kẹt gần biên giới với Macedonia vì sau vụ khủng bố một số nước đã quyết định đóng cửa biên giới của họ và công bố các biện pháp mới để ngăn chặn dòng người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.

Bộ trưởng Ngoại giao Witold Waszczykowski của Ba Lan đã nói với truyền hình Ba Lan rằng nước ông sẽ sẵn sàng để “xem xét lại các đơn xin” của người tị nạn. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nước ông sẽ chỉ chấp nhận những người có danh tính được xác nhận, những người được tìm thấy là không đe dọa an ninh và những người sẵn sàng muốn định cư lâu dài ở Ba Lan. Ông bày tỏ sự nghi ngờ khả năng có thể tìm được 7,000 người tị nạn như vậy. Tuy nhiên, ý kiến của ông gợi ý rằng chính phủ cánh hữu của Ba Lan sẽ giữ cho cánh cửa mở một chút cho những người tị nạn. Sau vụ tấn công tại Brussels, là thủ đô của cả Bỉ lẫn Liên Hiệp Âu Châu, Thủ tướng Beata Szydlo cho biết bà thấy “không có khả năng” chấp nhận bất kỳ người di cư nào.

Nước Áo cũng lên kế hoạch đặt ra nhiều giới hạn hơn nữa trên những người muốn nhập cư. Bộ trưởng Nội vụ Johanna Mikl-Leitner nói rằng theo quy định mới, Áo chỉ nhận đơn xin tị nạn của những người mà Áo bắt buộc phải nhận vào, ví dụ những người đang phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh ở các nước láng giềng với Áo mà người ấy quá cảnh.

Áo đã thiết lập một giới hạn chỉ nhận 37,500 đơn xin tị nạn trong năm nay, sau khi đã nhận gần 90,000 người trong năm 2015. Các quan chức nói cho đến cuối tháng Ba 14,000 người đã nộp đơn.

Bên cạnh đó một số nước dọc theo tuyến đường Balkan truyền thống sang phương Tây đã đóng cửa biên giới của họ. Chính phủ ở Hung Gia Lợi, chẳng hạn, đã dựng lên một hàng rào dây thép gai dọc theo biên giới với Serbia và Croatia và gửi hơn 6,000 binh sĩ đến biên giới.

Những diễn biến này đã gây thêm thất vọng cho hàng chục ngàn người tị nạn bị mắc kẹt ở Hy Lạp, gần biên giới Macedonia và trong các khu vực khác. Một người tị nạn từ Afghanistan nói với các phóng viên rằng dù sao ông cũng không từ bỏ ước mơ để bắt đầu một cuộc sống tốt hơn ở phương Tây. “Chúng tôi không mong muốn gì từ chính phủ Hy Lạp. Chính họ đang gặp khó khăn với nền kinh tế Hy Lạp hiện nay. Chúng tôi đang yêu cầu thế giới, các nước lớn, hãy mở cửa biên giới cho chúng tôi. Chúng tôi đến đây không phải vì tiền. Chúng tôi muốn tìm một nơi an toàn, và một vùng đất thanh bình trên hành tinh này.”

Ông là một trong số hàng trăm người tị nạn, đã cùng các nhà hoạt động nhân quyền và những sinh viên biểu tình trên đường phố Athens kêu gào “mở biên giới.” Hôm thứ Tư 30 tháng Ba, họ đã bày tỏ sự tức giận sau khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn bắt đầu trục xuất những người họ coi là những “người di cư bất hợp pháp” từ Hy Lạp.
 
20,000 người Trung Quốc được rửa tội vào đêm Vọng Phục sinh
Đặng Tự Do
18:01 31/03/2016
"Ước tính có khoảng 20.000 người đã được rửa tội vào đêm Phục Sinh" tại Trung Quốc, thông tấn xã Công Giáo AsiaNews của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cho biết như trên hôm 29 tháng Ba.

Bất chấp những chính sách bách hại dai dẳng của chế độ cộng sản, làn sóng gia nhập Giáo Hội Công Giáo vẫn diễn ra với một tốc độ đáng ngạc nhiên. AsiaNews cho biết riêng tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Bắc Kinh, 100 người lớn đã được rửa tội trong Lễ Vọng Phục Sinh. Trong khi đó, tại một giáo xứ nhỏ ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, 27 tân tòng đã được đón nhận vào một cộng đồng nhỏ bé chỉ khoảng 100 người Công Giáo.

Hàng năm, việc rửa tội tập thể như thế cũng diễn ra vào dịp Giáng Sinh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và lễ Đức Mẹ Lên Trời, nâng tổng số người lớn được rửa tội lên tới 100,000 người mỗi năm.

Giáo Hội Tin Lành thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Chế độ Bắc Kinh xem sự tăng trưởng nhanh chóng của Kitô giáo là một hiện tượng đáng báo động. Một số quan chức ước tính số Kitô hữu vào khoảng 100 triệu người, nhiều hơn so với 85 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Các phản ứng nhân dịp sắp công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Gia Đình ''Amoris Laetitia''
Vũ Văn An
18:45 31/03/2016
Điều đáng lưu ý gần đây là: người nôn nóng nhất mong Tông Huấn hậu thượng hội đồng về gia đình được công bố là Đức Hồng Y Walter Kasper. Thực vậy, theo ký giả Edward Pentin, ngày 16 tháng Ba vừa qua, vị Hồng Y này cho biết: tông huấn này sẽ được công bố vào thứ Bẩy 19 tháng Ba, nhằm Lễ Thánh Cả Giuse, quan thầy các gia đình.

Khi loan tin đó, vị Hồng Y trên còn tiên đoán cả “bước thứ nhất” trong cuộc canh tân Giáo Hội mà phải mất gần hai nghìn năm, ta mới đạt được!

Cụ thể hơn, ngài cho biết: Đức Thánh Cha sẽ “dứt khoát cho biết quan điểm của ngài về các vấn đề gia đình đã được bàn thảo ở Thượng Hội Đồng vừa qua, và đặc biệt về sự tham dự của các tín hữu ly dị và tái hôn vào đời sống tích cực của cộng đồng Công Giáo”.

Mạnh mẽ hơn, ngài còn nhấn mạnh rằng “chúng ta không nên nhắc lại những công thức quá khứ và tự án ngữ mình phía sau bức tường của chủ nghĩa chuyên nhất và chủ nghĩa giáo sĩ trị”. Trái lại, Giáo Hội phải sống trong thời hiện tại và “biết giải thích nó”.

Cũng nên biết: trong bài thuyết giảng năm 2014 nhằm khai diễn cuộc thảo luận về Thượng Hội Đồng Gia Đình, vị Hồng Y trên đã dẫn khởi khả thể cho phép người ly dị tái hôn rước lễ sau “một thời gian đền tội”. Từ đó trở đi, ngài thường xuyên lên tiếng bênh vực quan điểm này, ngầm cho thấy Đức Phanxicô sẽ thay đổi thực hành mục vụ của Giáo Hội có lợi cho đề xuất của ngài.

Tuy nhiên, rất nhiều thần học gia, giáo luật gia và học giả khác mạnh mẽ chống lại đề xuất trên, vì nó rõ ràng đi ngược lại giáo huấn hôn nhân bất khả tiêu của Giáo Hội. Đức Phanxicô thì chưa chính thức cho biết quan điểm của ngài về đề xuất ấy, nhưng hằng kêu gọi phải tích nhập (integration) các đối tượng trên nhiều hơn vào đời sống Giáo Hội. Chữ tích nhập này cũng đã được đưa vào Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng năm 2015, một tài liệu đã chính thức duy trì giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, trong khi làm nổi bật vai trò của “tòa trong”, cho phép sự biện phân lương tâm dưới sự hướng dẫn của một linh mục. Tài Liệu này không nói gì tới việc rước lễ của các đối tượng trên.

Trong tuần trước lễ Phục Sinh, các nguồn tin đáng tin cậy của Tòa Thánh cho tờ National Catholic Register hay Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng sẽ lấy nhiều đoạn của Tài Liệu Sau Cùng nói trên.

Dù Đức Hồng Y Kasper cho biết cả số trang của Tông Huấn, ngầm cho thấy ngài đã đọc nó, nhưng những điều ngài cho biết không hẳn phản ảnh thực tại, cụ thể là ngày phát hành tài liệu này. Thực vậy, một ngày sau, tức ngày 17 tháng Ba, phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho hay: Tông Huấn được Đức Phanxicô ký ngày 19 tháng Ba, nhưng sẽ được công bố sau Phục Sinh, có thể vào giữa tháng Tư.

Còn về nội dung của Tông Huấn, Đức Tổng Giám Mục George Gänswein, đứng đầu Phủ Giáo Hoàng, cho hay: Đức Phanxicô sẽ trung thành với giáo huấn của Giáo Hội về ly dị tái hôn. Ngài cho biết như thế sau khi có những đồ đoán của Đức Hồng Y Kasper.

Đề cập tới việc canh tân Giáo Hội nói chung, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhấn mạnh rằng “Giáo Hội Công Giáo là một con tầu lớn” cần được điều khiển “thận trọng, khôn ngoan và sâu sắc”. Nó không phải là một “con thuyền mái chèo mà bạn có thể nhẩy vào một buổi sáng nào đó rồi thay đổi mọi sự được. Cần có thời gian”.

Vả lại, theo Đức Tổng Giám Mục, Đức Phanxicô “có một đường đi rõ ràng, con đường này không ẩn khuất, nhưng ngài đã trình bầy nó, ngài đã đi theo nó”.

Người ta hy vọng các phát biểu trên, từ một nhân vật gần gũi Đức Phanxicô hơn Đức Hồng Y Kasper sẽ phản ảnh thực tại nhiều hơn. Tuy nhiên, việc đề cử Đức Hồng Y Christoph Schonborn làm người giới thiệu Tông Huấn cho thế giới, vào ngày 8 tháng Tư này, như loan báo mới đây của Tòa Thánh, khiến người tha thiết với giáo huấn của Giáo Hội quan ngại.

Ký giả John L. Allen, khi loan tin này, cho hay việc đề cử trên là một động thái có thể hàm nghĩa: Đức Phanxicô đứng về phía cấp tiến đối với một số vấn đề gây tranh cãi liên quan tới gia đình.

Trong hai thượng hội đồng về gia đình vừa qua, Đức Hồng Y Schönborn được coi là người trình bầy hàng đầu của chủ trương ôn hòa nghiêng về cấp tiến trong các vấn đề nói trên. Ngài thuộc nhóm nói tiếng Đức, nghĩa là gần gũi với các Hồng Y như Kasper và Marx, những người được coi là cấp tiến hạng nặng. Chính nhóm này đề xuất giải pháp “tòa trong” cho vấn đề rước lễ của người Công Giáo ly dị và tái hôn.

Điều thứ hai, cha mẹ của Đức Hồng Y Schonborn vốn ly dị lúc ngài mới chỉ là một thiếu niên. Điều này chắc hẳn có tác động đối với ngài. Tuy trong cuộc họp báo ngày 26 tháng Mười năm ngoái, ngài nói với các phóng viên rằng ngài cảm thấy thượng hội đồng sẽ không khuyến cáo một cách rõ ràng “có” hay “không” nên cho người ly dị tái hôn rước lễ. Vì cho rằng tình huống khác nhau ở nhiều nơi nên Giáo Hội phải tùy cơ ứng biến.

Tuy nhiên, xem ra ngài cởi mở hoơn đối với người đồng tính qua việc cổ vũ phương thức bao gồm (inclusive). Ngài cho hay: “Giáo Hội không nên nhìn vào phòng ngủ trước nhất, nhưng vào phòng ăn! Chúng ta có thể và phải tôn trọng quyết định thiết lập sự kết hợp với người cùng phái, [và] tìm các phương thế của luật dân sự để che chở lối sống của họ…”.

Trong thượng hội đồng năm 2014, Đức Hồng Y Schönborn cũng cho rằng Giáo Hội có thể tìm thấy các yếu tố tích cực trong các liên hệ không có tính truyền thống như sống chung bên ngoài hôn nhân.

Xem như trên, người ta sợ việc chọn Đức Hồng Y Schönborn giới thiệu Tông Huấn "Amoris Laetitia" chứng tỏ Đức Giáo Hoàng nghiêng về phía cấp tiến. Tuy nhiên, theo John Allen, việc chọn này cũng có thể phản ảnh một xảo thuật chính trị. Vì dù có những quan điểm xem ra cấp tiến về một số vấn đề được bàn cãi tại thượng hội đồng, Đức Hồng Y Schönborn không thiếu các tín chỉ bảo thủ vững chắc.

Trước nhất, ngài là học trò cưng của Đức Bênêđíctô XVI. Thứ hai, ngài vốn là tổng biên tập Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo thời Đức Gioan Phaolô II. Thứ ba, trong tư cách thành viên của Dòng Đa Minh, vị Hồng Y 71 tuổi này vốn được coi là một trong các thành viên trí thức nhất của Hồng Y Đoàn và từng được nhắc đến như một ứng viên giáo hoàng trong cả hai cơ mật viện bầu giáo hoàng năm 2005 và năm 2013.
 
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi Lần Thứ 53
LM. Gioan Lê Quang Tuyến dịch
21:19 31/03/2016
Giáo Hội, Mẹ của Ơn Gọi

Thưa anh chị em,

Niềm hy vọng lớn lao của tôi trong suốt thời gian năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót là tất cả mọi người được rửa tội có thể trải nghiệm được niềm vui thuộc về Giáo Hội và tái khám phá ra điều này: ơn gọi Kitô hữu, giống như mọi ơn gọi đặc biệt, được sinh ra từ Dân Chúa và là quà tặng của Lòng Thương Xót Chúa. Giáo Hội là đền thờ của lòng thương xót, và là "mảnh đất" cho mọi ơn gọi được nuôi trồng, trưởng thành và sinh hoa kết trái.

Do đó, nhân dịp Ngày Thế giới lần thứ 53 cầu cho Ơn Gọi, tôi mời tất cả anh chị em cùng sư tư về cộng đoàn tông đồ, và biết ơn vì những đóng góp của cộng đoàn đối với hành trình ơi gọi của mỗi cá nhân. Trong Trọng Sắc khai mở Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, tôi nhắc lại những lời của thánh Bê-đa đáng kính đã nói về ơn gọi của Thánh Mattheu: "Miserando atque eligendo" - Do lòng xót thương và được tuyển chọn (VT, số 8). Hành động đầy lòng thương xót của Chúa đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống mới, nơi mà ơn gọi làm môn đệ và truyền giáo được hình thành. Mỗi ơn gọi trong Giáo Hội đều xuất phát từ ánh mắt xót thương của Chúa Giêsu. Hoán cải và ơn gọi luôn đan quyện vào nhau như hai mạt của một đồng xu, và chúng kết nối với nhau luôn mãi trong suốt toàn bộ sứ truyền giáo của người môn đệ.

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) trình bày về các bước khác nhau trong việc rao giảng Tin Mừng. Một trong những bước này là được thuộc về các cộng đoàn Kitô hữu (x. số 23), đó là cộng đoàn mà chúng ta biết được các chứng nhân của đức tin và việc loan báo rõ ràng về lòng thương xót của Chúa trước hết. Sự tháp nhập vào các cộng đoàn Kitô hữu này đem lại chúng ta tất cả sự phong phú của đời sống Giáo Hội, đặc biệt là qua các bí tích. Thật vậy, Giáo Hội không chỉ là nơi mà chúng ta đặt niềm tin tưởng, nhưng còn là đối tượng cho niềm tin của chúng ta; đó là lý tại sao chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Tôi tin kính Giáo Hội".

Ơn Thiên triệu đến với chúng ta qua những phương thế trung gian là cộng đoàn. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên một thành phần của Giáo Hội, và nhờ đó chúng ta đã đạt đến một sự trưởng thành chắc chắn trong Giáo Hội, Thiên Chúa ban cho chúng ta một ơn gọi đặc biệt. Hành trình ơn gọi ấy được hình thành cùng với các anh chị em, những người mà Chúa đã ban cho chúng ta: đó là ơn Thiên triệu. Sự năng động của Giáo Hội đối với Ơn gọi là một liều thuốc giải độc đối với sự dửng dưng và chủ nghĩa cá nhân. Giáo Hội tạo nên sự hiệp thông qua đó làm cho sự dửng dưng tan biến bởi tình yêu, vì Giáo Hội gọi mời chúng ta vượt qua chính mình và hãy đặt cuộc sống chúng ta trong sự phục vụ theo kế hoặc của Thiên Chúa, đón nhận mọi hoàn cảnh lịch sử của Dân Thánh Chúa.

Vào ngày được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em Kitô Hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi. Khi các Tông Đồ tìm kiếm người để thế chỗ của Giu-đa Itcario, thánh Phêrô đã quy tụ một trăm hai mươi anh chị em lại (Cv 1, 15); và để chọn bảy phó tế, một nhóm tông đồ đã được triệu tập (Cv 6, 2). Thánh Phaolô đã vạch ra cho Titô nhưng tiêu chí cụ thể cho việc lựa chọn các kỳ mục (x. Tt 1, 5-9). Mãi đến hôm nay, cộng đoàn Kitô giáo luôn hiện diện trong việc biện phân các ơn gọi, trong việc huấn luyện và trong sự kiên trì của họ (x. Tông thư Niềm vui Tin Mừng, số 107).

Các ơn gọi được trổ sinh từ Giáo Hội. Từ giây phút ơn gọi được hình thành cho đến lúc trở nên rõ ràng, điều cần thiết là có được một sự "nhận thức" chính chắn của Giáo Hội. Không ai được chọn gọi cách độc đoán cho một vùng đặc biệt, hoặc cho một nhóm hoặc cho một phong trào của Giáo Hội, nhưng đúng hơn là được chọn gọi cho Giáo Hội và cho thế giới. "Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng này là đặc tính Giáo Hội của ơn gọi, đó là khả năng hoà hợp cách cân đối giữa đời sống thánh thiện của Thiên Chúa và trung tín của con người vì lợi ích của tất cả" (Tông Thư Niêm Vui Tin Mừng, số 130). Để đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, những người trẻ hãy nhìn vào viễn cảnh rộng mở của Giáo Hội riêng của họ; họ hãy chú ý đến các đặc sủng khác nhau và thực hiện một sự biện phân khách quan hơn. Bằng cách này, cộng đoàn sẽ trở thành nơi nương tựa và là gia đình nhờ đó ơn gọi được trổ sinh. Các ứng sinh chiêm ngưỡng một cách biết ơn về sự trung gian của cộng đoàn như là một yếu tố cần thiết cho tương lai của họ. Họ học biết và yêu thương anh chị em mình, những người theo đuổi ơn gọi của mình bằng những phương thế khác nhau; và những cam kết này được cũng cố nơi họ sự hiệp thông mà họ chia sẻ.

Ơn gọi lớn lên trong Giáo Hội. Trong quá trình đào luyện, các ứng viên ơn gọi khác nhau cần trau dồi kiến ​​thức về cộng đoàn Giáo Hội, khắc phục những cách nhìn thiển cận cho rằng tất cả chúng ta đều có khởi đầu như nhau. Để đạt đến cùng đích, thật hữu ích khi khám phá ra những trải nghiệm của các tông đồ khi cùng ở với các thánh tông đồ khác trong cộng đoàn, chẳng hạn như: qua việc đồng hành với một giáo lý viên tốt, để loàn truyền sứ điệp Kitô giáo; qua một cộng đoàn tu sỹ, để trải nghiệm việc truyền giáo tại những vùng xa xôi; qua việc chia sẻ cuộc sống của các đan sĩ, để khám phá những kho tàng quí báu của việc chiêm niệm; qua việc tiếp xúc với các nhà truyền giáo, để hiểu rõ hơn sứ vụ đến với muốn dân ad gentes; và qua sự đồng hành của các linh mục giáo phận, để đào sâu những trải nghiệm của đời sống mục vụ của linh mục trong giáo xứ và giáo phận. Đối với những người đã được huấn luyện, cộng đoàn Giáo Hội luôn vẫn là môi trường nền tảng của việc đào luyện, qua đó mà người ứng viên ơn gọi sẽ cảm nhận cảm giác của lòng biết ơn.

Ơn gọi được nuôi dưỡng bởi Giáo Hội. Sau khi cam kết dứt khoát, hành trình ơn gọi của chúng ta trong Giáo Hội không đi đến sự thành toàn, nhưng nó vẫn tiếp diễn trong sự sẵn sàng để phục vụ, và sự kiên trì và việc thường huấn của chúng ta. Ai đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa thì luôn sẵn sàng để phục vụ Giáo Hội ở bất cứ nơi đâu Giáo Hội cần. Nhiệm vụ của Phaolô và Barnabas là một ví dụ điển hình về sự sẵn sàng phục vụ Giáo Hội. Được sai đi bởi Chúa Thánh Thần và bởi cộng đồng của Antiokia (Cv 13, 1-4), họ đã trở lại cộng đồng ấy và kể cho cộng đoàn biết những gì Chúa đã làm qua họ (14: 27). Nhà truyền giáo nhận được sự đồng hành và nuôi dưỡng nhờ các cộng đoàn Kitô hữu, và sự trợ giúp này luôn tồn tại như một sự qui chiếu sống động, một miền đất hữu ích cung cấp sự an toàn cho tất cả những người đang trên hành trình hướng về sự sống đời đời.

Trong số những người tham dự vào các hoạt động mục vụ, các linh mục là những người đặc biệt quan trọng. Trong sứ vụ của họ, họ hoàn hiện những lời của Chúa Giêsu đã nói: "Ta là cửa chuồng chiên [...] Tôi là mục tử tốt lành" (Ga 10, 7-11). Việc chăm sóc mục vụ ơn gọi là một phần cơ bản của sứ vụ của các linh mục. Các linh mục đồng hành với những ai đang biện phận về ơn gọi của họ, cũng như những ai đã tận hiến cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và của cộng đoàn.

Tất cả các tín hữu được mời gọi trân trọng sự phong phú của các ơn gọi trong Giáo Hội, qua đó, theo gương của Đức Trinh Nữ Maria, các cộng đoàn đức tin để có thể trở thành cung lòng của người mẹ đón nhận những quà tặng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35-38). Giáo Hội như Mẹ hiền tìm thấy trong lời cầu nguyện liên nỉ cho các ơn gọi và trong công việc giáo dục và đồng hành với tất cả những ai được Thiên Chúa chọn gọi. Tình mẫu tử này cũng được diễn tả qua việc lựa chọn cẩn thận của các ứng viên cho sứ vụ của của người được phong chức và cho đời sống thánh hiến. Sau hết, Giáo Hội là Mẹ của mọi ơn gọi qua việc hỗ trợ liên tục cho những ai đã tận hiến cuộc đời của mình để phục vụ người khác.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho tất cả những ai đang trên hành trình ơn gọi cảm nhận sâu sắc mình thuộc về Giáo Hội; và hiểu rằng Chúa Thánh Thần sẽ cũng cố nơi các mục tử, và tất cả các tín hữu, một cảm nhận sâu sắc của sự hiệp thông, sự phân biệt và tình phụ tử và mẫu tử thiêng liêng.

Lạy Cha của lòng thương xót, Cha đã ban Con của Cha để cứu rỗi của chúng con và những Người đã củng cố chúng con luôn mãi bằng quà tặng của Thánh Thần của Cha, xin ban cho cộng đoàn Kitô hữu chúng con đang sống, lửa nhiệt thành và niềm vui là nên tảng của đời sống huynh đệ và là nguồn nuôi dưỡng nơi các bạn trẻ khát khao dâng hiến chính mình cho Cha và cho công việc truyền giáo. Xin nuôi sống các cộng này bằng cam kết cung cấp những bài giáo lý tương thích về ơn kêu gọi và nhưng cách thế hành động hường đến mỗi ơn gọi được thánh hiến cách đặc biệt của mỗi người. Xin ban sự khôn ngoan cần thiết đển biện phân ơn gọi, nhờ đó, trong tất cả mọi sự, tình yêu thương xót lơn lao của Cha được toả sáng. Xin Mẹ Maria, là Mẹ và là người hướng dẫn Chúa Giêsu, cầu bầu cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu, nhờ đó, mọi sự được trỏ sinh trong Chúa Thánh Thần, là nguồn của ơn gọi đích thực cho các dịch vụ của dân thánh của Thiên Chúa.

Từ Vatican, ngày 29 tháng 11 năm 2015, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng

Phan-xi-cô.

LM. Gioan Lê Quang Tuyến, chuyển ngữ từ https://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/vocations/documents/papa-francesco_20151129_53-messaggio-giornata-mondiale-vocazioni.html
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huấn luyện quý chức Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ hạt Phú Thọ
Martino Lê Hoàng Vũ
12:27 31/03/2016
Giáo hạt Phú Thọ: Huấn luyện dành cho Quý Chức HĐMVGX

Vào chiều tối thứ tư 30.3.2016 có khoảng 300 quý chức là thành viên của HĐMVGX,các ban điều hành giáo họ,giáo khu của 15 giáo xứ trong giáo hạt Phú Thọ đã về nhà thờ Phú Bình tham dự buổi học tập huấn luyện.

Xem Hình

Chương trình buổi huấn luyện HĐMVGX hạt Phú Thọ được bắt đầu vào lúc 19 giờ.Trước hết,cha chánh xứ Phú Bình Giuse Vương Sĩ Tuấn chào mừng quý chức tham dự,sắp xếp và ổn định chỗ ngồi cho mọi người bên trong nhà thờ.

Phần khai mạc,cha hạt trưởng Phú Thọ Giuse Phạm Bá Lãm khái quát nội dung chương trình huấn luyện cho HĐMVGX.Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc trong cuộc họp mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn vào tháng 9.2015 đã quyết định trong 3 tháng (tức là tháng 10,11,12 năm 2015) tất cả các giáo xứ trong giáo phận bầu cử HĐMVGX và sau đó từ đầu năm 2016 đến lễ Phục sinh sẽ tổ chức Huấn luyện HĐMVGX theo các cấp.Giáo hạt Phú Thọ đã tổ chức Huấn luyện HĐMVGX cấp ban thường vụ vào trước Tết Nguyên Đán và hôm nay là buổi huấn luyện HĐMVGX cấp ban điều hành giáo họ, giáo khu.

Hai cha giảng huấn là cha chánh xứ Phú Bình Giuse Vương Sĩ Tuấn và cha Giuse Tạ Huy Hoàng chánh xứ Tống Viết Bường,các ngài là những cha giáo có trình độ chuyên môn,đang giảng dạy mục vụ tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn,

Chương trình học hỏi hôm nay có 2 phần.Phần một là bài huấn đức của cha Giuse Tạ Huy Hoàng giúp cho quý chức có một cái nhìn thần học tổng quan về HĐMVGX,sứ vụ tông đồ giáo dân tại giáo xứ,sứ mạng loan báo Tin Mừng trong vai trò ban điều hành khu đạo.

Trong 40 phút cha Giuse Tạ Huy Hoàng trình bày những điểm quan trọng trong quản trị mục vụ giáo xứ.Giáo xứ là gia đình của Chúa.Cha xứ không những được trù định là chủ gia đình giáo xứ thay mặt Đức Giám Mục giáo phận.Người làm chủ gia đình giáo xứ, giáo phận là Mục Tử viết hoa, tức là Đức Giêsu Kitô,chúng ta vâng lời cha sở không phải vì ngài học cao,thánh thiện,đạo đức hay tài giỏi.Mỗi người chúng ta đều là thợ làm vườn nho,mỗi người một việc,mỗi người một vị trí,người bắt sâu,nhổ cỏ,người tưới cây..Không phải mỗi người đều làm một việc.Nhưng mà một việc dành cho tất cả.Không phải tất cả đều là ngang nhau,nhưng là tất cả một lòng cho nhau.Vậy cùng làm nhé là đồng trách nhiệm.Chìa khóa của quan trị mục vụ là thống nhất trong điều chính,tương nhượng trong điều phụ,bác ái trong mọi sự.

Để cụ thể bài học cha nói đến lòng bác ái yêu thương qua câu chuyện cậu bé đánh giày.Quý chức trong HĐMVGX vừa nhanh trí, nhạy cảm, không quan trọng ở vinh dự,nhưng là khiêm tốn phục vụ,chính như vậy chúng ta mới rạng rỡ.Hơn nữa chúng ta cũng phải thấy mình bất toàn để cậy nhờ ơn Chúa nâng đỡ trợ giúp.

Xong phần thứ nhất sau bài của cha Giuse Tạ Huy Hoàng, quý chức được nghỉ giải lao 10 phút ở sân nhà thờ với bánh giò và nước uống.

Phần thứ hai của buổi học,cha Giuse Vương Sĩ Tuấn trình bày những nét chính trong bài “Va chạm và giận dữ,cơ hội và nguy hiểm”.Nhất là cha nói về việc: “Điều hành sắp xếp một buổi họp”Va chạm là bởi chúng ta khác nhau,trong suy nghĩ, lập trường,không ai giống nhau.Vạ chạm giúp cho chúng ta hiểu nhau hơn.Va chạm căng thẳng là điều bình thường. Khác biệt nhau ở mỗi người là một hồng ân.Quan trọng là thái độ chúng ta, tìm một giải pháp cho các vấn đề.Chúng ta phải tập luyện cho mình những phản ứng kiềm chế thái độ tiêu cực của mình.Cha lưu ý: khi tổ chức buổi họp phải có chương trình họp,lắng nghe ý kiến của người khác,thảo luận,người điều hành buổi học phải giúp cho buổi học đi vào trọng tâm buổi họp,bắt đầu đúng giờ và kết thúc đúng giờ.

Hai cha giảng huấn cũng gởi đến quý chức các bài về nhà đọc thêm, vì không có thởi gian khai triển.Các bài được soạn khá chi tiết về những vấn đề được nói đến trong buổi huấn luyện hôm nay.

Kế đó, ông Chủ tịch HĐMVGX Phú Bình có những lời tri ân cha Hạt trưởng,cha giảng huấn và cha xứ Phú Bình đã tạo điều kiện cho quý chức học hỏi và nâng cao ý thức sứ mạng của người Tông đồ giáo dân, biết dấn thân phục vụ hơn nữa, nhất là để sống và loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Sau cùng kết thúc buổi học,cha Hạt trưởng cám ơn hai cha giảng huấn,quý chức đã tham dự buổi học hôm nay đông đủ,đặc biệt là cha cám ơn HĐMV giáo xứ Phú Bình và cha xứ đã yêu thương đón tiếp mọi người đến tham dự buổi học.Và cha cũng thông báo về những sinh hoạt sắp tới của HĐGX trong giáo hạt, tổ chức ngày lễ trao chứng chỉ buổi học,lễ nhậm chức và trao bổ nhiệm thư cho các HĐMVGX thuộc giáo hạt Phú Thọ.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne mừng đại lễ Lòng Chúa Thương Xót
Trần Văn Minh
15:37 31/03/2016
Melbourne, Vào lúc 6 giờ 30 chiều Thứ Năm 31 Tháng Ba Năm 2016. Tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Thánh lễ đồng tế trọng thể khai mạc tuần đại lễ Lòng Chúa Thương Xót, do hai Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne và Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản Giám mục Ban Mê Thuộc đồng tế cùng linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm Cộng đoàn Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm.

Mời xem hình

Chủ đề của Thánh lễ khai mạc đại lễ Thứ năm là: Thánh Thể - Bí Tích Của Tình Yêu và Lòng Thương Xót do Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản giảng thuyết. Ca đoàn Belem phụ trách thánh ca cho Thánh lễ khai mạc. Trước khi dâng lễ, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long đã ngỏ lời chào mừng Đức Cha Bản, vì Ngài đã đáp lại lời mời của cộng đồng đến Melbourne để cùng cộng đồng tham dự đại lễ Lòng Chúa Thương Xót năm nay.

Trong phần chia sẻ lời Chúa thứ Năm Bát nhật Phục Sinh. Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản đã chia sẻ tin Mừng theo Thánh Luca, các Tông đồ bối rối khi Chúa hiện ra. Tâm lý chung của người đời khi mất người thân, muốn được gặp lại nhau nhưng lại sợ “ma”! Và Chúa Giê Su đã chúc bình an và còn chứng minh để các môn đệ còn đang bối rối tin là Chúa đã sống lại bằng cách Chúa ăn cùng các ông.

Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc Hội đồng Giám mục. Đức Cha Nguyễn Văn Bản đã dành cho Liên Ca đoàn Các Thánh Tử đạo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, một buổi nói chuyện về Thánh nhạc phụng vụ trong Thánh lễ. Tươi vui trong bản nhạc “Hành trang tuổi trẻ” Đức Cha và các ca viên đã cùng nhau hát trước khi bắt đầu buổi nói chuyện. Với nhiều hướng dẫn bổ ích để mọi người biết những bài Thánh ca nào được phép hát trong các Thánh lễ. Không dùng những bản nhạc đời dù nổi tiếng rồi viết lời đạo vào, kể cả những bản nhạc ngoại quốc. Các đáp ca phải dùng đúng trong Thánh Vịnh của lễ.

Với hơn một giờ nói chuyện, liên ca đoàn và cộng đoàn đã được nghe Đức Cha hướng dẫn cặn kẽ, về Thánh nhạc và quyền hạn của các đấng bản quyền nào có quyền cho phép được dùng các bài hát trong phụng vụ, trả lời những câu hỏi về Thánh nhạc, một buổi nói chuyện thật quý mà Đức Cha đã dành riêng cho các ca trưởng, ca viên và cộng đoàn Dân Chúa.

Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã được chuẩn bị hoàn tất, lễ đài, khuôn viên, âm thanh, ánh sáng đều sẵn sàng phục vụ cho đại lễ, xin kèm chương trình đại lễ cùng bản tin này để tiện việc theo dõi.

Thứ Năm (31/03): THÁNH THỂ – BÍ TÍCH CỦA TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT (Chủ đề của Thánh lễ)
– 6.30pm: Thánh Lễ (có thể dao động từ 6.00 – 6.30)
o Chủ tế: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long. Mel
o Gỉang lễ: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản. BMT
o Đồng tế: Quí Cha
– 7.30 Thuyết Giảng: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản. BMT
o Phụng vụ Thánh nhạc
Thứ Sáu (01/04): TRÁI TIM CHÚA – NGUỒN MẠCH THƯƠNG XÓT (Chủ đề của Thánh lễ)
– 3.00pm: Suy tôn LTX: Các đơn vị LCTX trong Giáo Phận
– 5.00pm: Thuyết giảng: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản, BMT
– 6.30pm: Thánh lễ
o Chủ tế: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản, BMT
o Giảng lễ: Lm Giuse Trần Ngọc Tân,sss
o Đồng tế: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long và Quí Cha
Thứ Bảy (02/04): TÔN VINH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
– 3.00pm: Suy tôn LTX: Các đơn vị LCTX trong Giáo Phận
– 5.00pm: Thuyết giảng: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản, BMT
– 6.30pm: Thánh lễ:
o Chủ tế: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản, BMT
o Giảng lễ: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long. Mel
Chúa Nhật(02/04): TÔN VINH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
– 1.00pm: Thuyết Giảng: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản, BMT
– 3.00pm: Suy tôn LTX,: Các đơn vị LCTX trong Giáo Phận
– 5.00pm: Kiệu Tượng, ảnh CTX: toàn thể các Ban, Ngành, Đoàn Thể trong Cộng đồng
– 6.00pm Thánh Lễ Đồng Tế
o Chủ tế: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long. Mel
o Giảng lễ: Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản. BMT
o Đồng tế: Quí Cha trong và ngoài Giáo Phận
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Trình thuật Phục Sinh trong Tin Mừng Luca
Vũ Văn An
00:27 31/03/2016
Phần thứ bẩy và là phần chót trong Tin Mừng Thánh Luca là trình thuật phục sinh, phần trong đó, “cuộc xuất hành (exodus, Lc 9:31) của Chúa Giêsu hoàn tất, khi Người “trỗi dậy” (Lc 24:6), bước vào “vinh quang của Người” (Lc 24:26) và sau cùng “rời khỏi” các môn đệ và “được đem về trời” (Lc 24:51). Nó là cao điểm của Tin Mừng Luca xét như một toàn thể và tạo bước chuyển tiếp sang cuốn sách thứ hai của ngài, tức Tông Đồ Công Vụ. Tính trung tâm của Giêrusalem đã được nhấn mạnh vì chính ở đây Chúa Giêsu đã hoàn tất số phận của Người để bước vào vinh quang. Thành phố này được coi như tiêu điểm của viễn tượng địa dư vì nó đã trở nên địa điểm mà từ đó các lời nói về Người sẽ “phải được rao giảng cho mọi dân nước, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24:47; xem Cv 1:8). Hơn nữa, trình thuật phục sinh là trình thuật của một ngày duy nhất; tất cả những gì thuật lại ở đây đều đã diễn ra vào “ngày đầu tiên trong tuần”: sống lại, hiện ra và lên trời (câu 1; xem các câu 13, 33, 36, 44, 50-51).

Phần này trùng hợp với ba Tin Mừng kia ở tình tiết đầu khi nhắc tới các phụ nữ đi viếng mộ và thấy nó trống trơn (Lc 23:56b-24:12; xem Mc16:1-8; Mt 28:1-8; Ga 20:1-13). Nhưng sau đó, mỗi Tin Mừng đi theo con đường riêng của mình. Tình huống này đòi phải xem xét một số điểm tổng quát của bản chất trình thuật phục sinh, trước khi chuyên biệt đi vào trình thuật phục sinh của Thánh Luca.

I. Trình thuật Phục Sinh nói chung

Cũng như hai trình thuật tuổi thơ và khổ nạn, trình thuật phục sinh là một phân hạng của thể loại văn chương Tin Mừng. Nó không luôn luôn tách biệt với trình thuật khổ nạn. Ấy thế nhưng vì tính đa dạng của truyền thống tin mừng thấy ở đây, nó đáng được bàn tới cách riêng. Hơn nữa, người ta thường thắc mắc không biết phần này có phải là nguyên thủy hay cổ xưa như trình thuật khổ nạn hay không. Một vài mảnh của sơ truyền (kerygma) tiền Phaolô nguyên thủy được lồng vào các trước tác Tân Ước không những đã nhắc tới việc Chúa Giêsu sống lại (thí dụ 1Tx 1:10; 1Cr 15:4; Rm 4:24-25; 10:8-9) mà cả các lần hiện ra của Chúa Kitô phục sinh nữa (thí dụ 1Cr 15:5-7) đến nỗi nội dung căn bản của trình thuật phục sinh hẳn phải là một phần của lời tuyên xưng ban sơ (“Chúa Kitô chết… được mai tang… đã trỗi dậy… và hiện ra…”); nó có đặc điểm cũng nguyên thủy như nội dung căn bản của trình thuật khổ nạn. Cần phải nhấn mạnh điều này, dù ta hiểu rằng việc lên công thức cho các câu truyện cá biệt trong trình thuật phục sinh có thể chỉ xuất hiện sau này trong truyền thống.
Mặt khác, cũng có một truyền thống tiền Phaolô nhắc tới việc siêu tôn Chúa Giêsu lên tư thế trên trời như là cái hậu việc Người chịu chết trên thập giá, nhưng lại không hề nhắc đến việc phục sinh (xin xem Pl 2:8-11).Cũng nên so sánh kiểu nói mơ hồ về việc Chúa Giêsu “được nâng lên” trong truyền thống Gioan, trong đó, người ta thắc mắc không biết nó nói tới việc “được nâng lên” thập giá hay lên vinh quang nước trời, hay cả hai (Ga:14; 8:28;12:32,34). Tương tự như thế là việc vượt qua từ hy sinh thập giá tới cung thánh thiên quốc trong Dt 9:12, 24-26. Việc vượt qua này không bác bỏ việc phục sinh, càng không mâu thuẫn với nó; nhưng chúng có thể phản ảnh lối nói trước đó về việc siêu tôn Chúa Kitô mà không cần nhắc tới phục sinh.

Không Tin Mừng nào trong bốn Tin Mừng cố gắng thuật lại chính việc phục sinh như Thánh Luca cố gắng thuật lại việc lên trời trong Cv 1:9-11), ấy thế nhưng các Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Gioan đều có câu truyện tìm thấy ngôi mộ trống, điều mà trong truyền thống Nhất Lãm cũng đã bao gồm các nét căn bản của praeconium paschale (công bố phục sinh)…

Ngoài câu truyện ngôi mộ trống và việc công bố phục sinh của nó trong truyền thống Nhất Lãm ra, việc thiếu nhất trí trong các trình thuật phục sinh của các Tin Mừng là điều đáng lưu ý. Thực vậy, sự thiếu nhất trí này đáng lưu ý ví nó tương phản rất lớn trước sự nhất trí của các trình thuật khổ nạn trước đó. Sự nhất trí này được giải thích là do nhu cầu cần phải có một câu truyện liên tục và có gắn bó cho thấy cuộc đời Chúa Giêsu tại sao đã kết thúc như nó đã kết thúc và kết thúc như thế nào. Còn nhu cầu cần một câu truyện liên tục về những lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra vừa không hề có vừa không được coi là chủ yếu. Như nhận định của V. Taylor trong Formation of the Gospel Tradition, 59-60:

“Ở đây, nhu cầu tức khắc là việc bảo đảm cho một sự kiện mới và đáng ngạc nhiên. Có thật là Chúa Giêsu đã trỗi dậy và đã hiện ra với các Môn Đệ không? Để thỏa mãn câu hỏi này, các câu truyện riêng rẽ cũng đã đủ rồi; không đòi phải có một câu truyện liên tục như lòng mong ước của con người hiện nay. Chứng từ làm bằng chứng cho sự kiện hiện ra là điều chủ yếu đầu tiên đối với cả người giảng lẫn người nghe. Cho nên, ta có thể hiểu rằng các chu trình kể truyện khác nhau đã thịnh hành tại nhiều trung tâm khác nhau của Kitô Giáo tại Palestine và Syria, nhưng không có câu truyện liên tục nào cho thấy diễn tiến liên tục các biến cố từ Ngôi Mộ tới lúc Chúa Giêsu rời xa các môn đệ của Người lần cuối cùng”.

Điều trên giải thích lý do tại sao, ta không thể đặt các câu truyện hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh vào các cột song song trong một nhất lãm (synopsis) được. Tính đa dạng của phần này trong truyền thống tin mừng sẽ được thấy rõ khi ta xem xét 6 hình thức của nó nghĩa là 6 trình thuật phục sinh:

1) Máccô 16:1-8: Đây là đoạn kết thực sự của Tin Mừng Máccô theo nhiều thủ bản Hy Lạp. Các câu từ 1 tới 8 này tường thuật việc các phụ nữ (Maria Mađalêna, Maria Mẹ của Giacôbê, và Salômê) khám phá ra ngôi mộ trống vào lúc hừng đông của ngày thứ nhất trong tuần. Họ đến để xức dầu thơm cho xác của Chúa Giêsu; việc praeconium paschale (công bố phục sinh) đã được một thanh niên ngồi ở phía tay phải ngôi mộ nói cho các bà; người thanh niên này truyền cho các bà đi nói cho các môn đệ và Phêrô hay Chúa Giêsu đi Galilê trước họ, nơi họ sẽ thấy Người; các phụ nữ trốn chạy và không dám nói với ai điều gì “vì sợ”. Ở đây, không có mô tả nào về việc Chúa Giêsu phục sinh cũng như các lần Người hiện ra.

2) Mátthêu 28:1-20: Đây là đoạn kết của Tin Mừng Mátthêu. Các câu 1-8 thuật lại việc các phụ nữ (Maria Mađalêna và bà Maria khác) tìm ra ngôi mộ trống vào lúc hừng đông của ngày thứ nhất trong tuần; việc praeconium paschale (công bố phục sinh) đã được một thiên thần của Chúa nói với các bà; thiên thần này từ trời xuống lăn tảng đá; ngài truyền cho các bà đi nói với các môn đệ rằng Chúa Giêsu đã trỗi dậy và đi Galilê trước các ông. Vừa sợ vừa mừng, các bà chạy đi báo tin sốt dẻo, nhưng trong hai câu 9-10, Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường đi báo tin. Các câu 11-15 thuật lại việc hối lộ lính canh, và các câu 16-20, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với 11 tông đồ ở Galilê và trao cho các ông nhiệm vụ chiêu dụ các môn đệ khác, dạy dỗ và rửa tội. Ở đây, cũng không có mô tả nào về việc phục sinh; nhưng có việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra ở Giêrusalem và Galilê; không có việc Chúa Giêsu rút lui (như về trời chẳng hạn).

3) Luca 23:56b-24:53: Đây cũng là đoạn kết của Tin Mừng Luca, với 5 tình tiết: (a) Các phụ nữ (Maria Mađalêna, Maria mẹ Giacôbê, Gioanna và các người khác) tìm ra ngôi mộ trống vào lúc hừng đông ngày thứ nhất trong tuần (23:56b-24:12); việc praeconium paschale (công bố phục sinh) được hai người đàn ông vận áo sáng láng bỗng xuất hiện với các bà loan báo. Hai người này truyền cho các bà nhớ lại những lời Chúa Giêsu đã nói với các bà lúc Người còn ở Galilê; các bà trở về loan báo cho nhóm Mười Một, bị các ông coi là chuyện vớ vẩn. Chỉ có Phêrô là vội ra đi để tự tìm hiểu (và Chúa Giêsu đã hiện ra với ông đầu tiên ở câu 34). (b) Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ trên đường đi Emmau; họ trở về thuật lại những điều họ trải nghiệm (các câu 13-35). (c) Chúa Kitô hiện ra với 11 tông đồ và các bằng hữu của các ngài ở Giêrudalem (các câu 36-43). (d) Người ủy nhiệm cho các ông làm “chứng tá cho việc này” và rao giảng nhân danh Người (các câu 44-49); và cuối cùng (e), Người dẫn các ông tới Bêtania, nơi Người từ giã các ông và về trời vào đêm Chúa Nhật Phục Sinh (các câu 50-53). Một lần nữa, vẫn không có mô tả nào về phục sinh; chỉ hiện ra ở Giêrusalem và vùng phụ cận; từ giã các ông bằng việc lên trời.

4) Ga 20:1-29: Đoạn kết thực sự của Tin Mừng Gioan. Các câu 1-10 cho ta một câu truyện tỉ mỉ về việc Maria Mađalêna tìm ra ngôi mộ trống, sau đó, bà kể lại cho Simong Phêrô và Người Môn Đệ Yêu Quí; hiện ra với Maria Mađalêna, cho bà hay Người sẽ thăng thiên (các câu 11-18); hiện ra với các môn đệ tại Giêrusalem vào tối Chúa Nhật Phục Sinh, không có Tôma (các câu 19-23); và hiện ra với các ông một tuần sau, lần này có Tôma (các câu 24-29). Vẫn không có mô tả nào về phục sinh; ba lần hiện ra đều diễn ra ở Giêrualem; không nhắc tới việc từ giã.

5) Ga 21:1-23: Phụ lục của Tin Mừng Gioan. Chúa Kitô phục sinh hiện ra với 7 môn đệ đang đánh cá ở Hồ Tibêria (các câu 1-14) sau khi Phêrô được ủy thác việc chăm sóc các chiên của Chúa Kitô, và các vai trò tương phản của Phêrô và của Môn Đệ Yêu Quí được đặt trình bầy (các câu 15-23). Ở đây, không nhắc gì tới phục sinh, ngôi mộ trống; chỉ có một lần Chúa Kitô hiện ra ở Galilê.

6). Máccô 16:9-20: Phụ lục của Tin Mừng Máccô. Những câu này chỉ tìm thấy ở một số bản chép tay và được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là thành phần của Tin Mừng Máccô. Sở dĩ như thế, vì không có lần hiện ra nào ở Mc 16:1-8. Ở đây, ba lần hiện ra tại khu vực Gêrusalem vào ngày thứ nhất trong tuần: lần đầu tiên, với Maria Mađalêna (các câu 9-11); lần thứ hai, với hai môn đệ đang đi về vùng quê, họ trở lại Giêrusalem và thông báo với các môn đệ và được các môn đệ tin (các câu 12-13); rồi với 11 tông đồ, ngài quở trách các ông không tin nhưng sau đó, đã ủy thác cho các ông việc rao giảng tin mừng cho mọi dân tộc (các câ 14-18). Cuối cùng, nói xong, Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, còn các tông đồ thì ra đi rao giảng (các câ 19-20). Ở đây, cũng không nhắc gì tới việc phục sinh, ngôi mộ trống; ba lần hiện ra ở khu vực Giêrusalem; lên trời vào đêm sau ngày thứ nhất trong tuần.

Ngoại trừ ngôi mộ trống và việc công bố phục sinh trong truyền thống Nhất Lãm ra, chỉ có các song hành sau đây mà thôi: (a) Chúa hiện ra với các môn đệ trên đường Emmau (Lc 23:13-25) và các câu 12-13 của phụ lục Máccô; và (b) Chúa lên trời (Lc 24:50-51) và câu 19 trong phục lục Máccô. Dù chúng phát xuất từ một nguồn độc lập, cả hai đều phản ảnh việc khai triển sau này trong truyền thống trình thuật phục sinh.

Mặt khác, việc công bố phục sinh trong truyền thống Nhất Lãm có 3 hình thức khác nhau dù bản chất của nó đều có ở từng trình thuật:

a) Máccô 16:6: Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa!

b) Mátthêu 28:5-6: Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói!

c) Luca 24:5-6: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi!

II. Việc Phục Sinh

Trước khi đi vào chính trình thuật phục sinh của Thánh Luca, thiết tưởng cũng nên xem qua cung cách Tân Ước nói tới việc phục sinh.

Trong Tông Đồ Công Vụ 1:22, ở tình tiết chọn Matthia thay thế cho Giuđa, một trong các tiêu chuẩn chọn lựa là người được chọn phải là “chứng nhân của phục sinh”. Ấy thế nhưng như ta đã thấy, cả thánh Luca lẫn các thánh sử khác, không vị nà đã mô tả bất cứ ai chứng kiến việc phục sinh, nghĩa là tận mắt nhìn thấy hành vi Thiên Chúa làm Chúa Giêsu đã chết được sống lại cả. Vì quả không có vị nào đã chứng kiến nó, và nó cũng không được ngụ hàm cả trong Mt 28:2b lúc thiên thần của Chúa từ trời xuống lăn tảng đá khỏi cửa mộ, một chi tiết chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu. Trong Công Vụ, ý nghĩa của Thánh Luca rất rõ ràng: Một ai đó phải thế chỗ của Giuda trong nhóm Mười Hai, nhưng ai đó này phải là chứng nhân của việc Chúa Kitô phục sinh. Tuy nhiên, ngài chỉ đề cập tới vấn đề một cách trừu tượng, như một tiêu chuẩn để được chọn.

Điều các soạn giả Tân Ước không nói về việc phục sinh, thì truyền thống tin mừng ngụy thư đã đảm nhiệm. Như Tin Mừng Phêrô chẳng hạn (§35-42) đã viết như sau:

“Trong đêm rạng sáng Ngày của Chúa, khi các binh sĩ đang canh giữ, mỗi phiên hai người, thì có tiếng nói lớn từ trời. Họ thấy các tầng trời mở ra, và từ đó, hai người đàn ông rất sáng láng xuất hiện, các ngài tiến lại gần mộ thánh. Phiến đá chắn cửa vào mộ bắt đầu tự lăn ra một bên và mộ được mở ra, và cả hai người đàn ông bước vào. Lúc ấy, khi các binh sĩ thấy vậy, liền đánh thức viên bách quản và các kỳ lão, vì các người này cũng có mặt ở đó để phụ giúp việc canh chừng. Và trong khi họ đang thuật lại việc này, họ lại thấy ba người từ mộ đi ra, và hai người đỡ người kia, và thập giá theo sau họ. Họ thấy đầu hai người chạm tới trời, nhưng còn người được họ cầm tay dẫn ra đã vượt quá các tầng trời. Rồi họ nghe thấy một tiếng nói từ trời: 'Con đã giảng cho họ nghe giấc ngủ ấy chưa?' Và từ thập giá câu trả lời sau đây đã được nghe thấy: 'Con đã' (xem Hennecke-Schneemelcher, New Testament Apocrypha 1. 185-186).

Mô tả về phục sinh như trên rõ ràng cho thấy một cố gắng nhằm trả lời cho các thắc mắc sau đó về việc nó đã diễn ra thế nào. Đây là một khai triển vượt quá các chi tiết do thánh Mátthêu thêm vào câu truyện ngôi mộ trống, nhưng chắc chắn cùng một thể loại.

Dù Thánh Luca có chêm vào một khoảng thời gian giữa việc Chúa sống lại và việc Người lên trời (khoảng 40 ngày sau, xem Cv 1:3, nhưng ở Cv 13:31chỉ nói “nhiều ngày sau), nhưng ngài cũng không bao giờ mô tả Chúa Sống Lại cư ngụ trên trái đất hoặc hiện ra như một ai đó ngự phía sau một tấm thảm sặc sỡ. Dù mô tả Chúa Kitô sánh bước với hai môn đệ trên đường đi Emmau (Lc 24:15), ngài cho ta hay khi được nhận ra, Chúa Kitô đã biến mất khỏi mắt họ. Thực vậy, Thánh Luca minh nhiên cố gắng (Lc 24:37-39) đánh tan ý niệm cho rằng Chúa Kitô giống như một bóng ma, khi nhấn mạnh tới thực tại tính nơi thân xác sống lại của Người, mô tả Người ăn cá nướng và nhấn mạnh rằng thân xác Người không bị hư nát (Cv 2:27; 13:35,37).

Hơn nữa, không tác giả Tân Ước nào mô tả việc phục sinh của Chúa Giêsu như chỉ là một cuộc hồi sinh (resuscitation) hay trở lại với lối hiện hữu tự nhiên, trần thế như trước [như hồi sinh đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim (Lc 7:15) hay đứa con gái ông Giairô (Lc 8:54-55) hay ngay cả Ladarô (Ga 11:43-44; 12:1-2)]. Cách riêng, Thánh Luca nhấn mạnh rằng Chúa Kitô phục sinh, Đấng cùng đi với các môn đệ tới làng Emmau, thực sự đã bước vào “vinh quang của Người” (Lc 24:26: “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, trước khi bước vào vinh quang của Người đó sao?”). Câu vừa rồi phát ra từ cửa miệng Đấng, khi được các môn đệ nhận ra tại làng Emmau, đã biến mất trước mắt họ. Biến đi đâu? Rõ ràng, tới “vinh quang của Người”! Nói cách khác, chính từ “vinh quang” nghĩa là từ nhan Cha của Người, Chúa Kitô phục sinh đã hiện ra với với các môn đệ, không những trong khoảng thời gian trước ngày Người lên trời mà cả trong cuộc hiện ra này nữa, tức chính việc lên trời, vốn không là gì khác ngoài việc hiện ra từ vinh quang trong đó, Người từ giã các môn đệ một cách hữu hình lần cuối cùng.

Sơ truyền nguyên khởi, tức việc xác nhận Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, đã được phát biểu tại Palestine và trong một nền văn hóa ít khi có khả năng quan niệm nó là gì khác ngoài việc là một cuộc “phục sinh” thể xác. Như thế, nó xuất phát từ một môi trường chưa chịu sự thống trị hoàn toàn của ý niệm lưỡng phân (dichotomy) xác hồn trong nền triết học Hy Lạp hay ý niệm bất tử của linh hồn. Ý niệm sau tuy có trong Sách Khôn Ngoan (Kn 3:4; 4:1 v.v…), nhưng có nguồn Do Thái từ Alexandria. Khuôn khổ sơ truyền là một khuôn khổ luôn bao hàm việc “phục sinh”. Ấy thế nhưng niềm tin này đã phải lưu ý tới sự dị biệt giữa thân xác trần gian và thân xác phục sinh, như một số cột mức trong Tân Ước đã cho thấy nhân dịp nói tới Chúa Kitô phục sinh. Luca 24:16 mô tả các môn đệ trên đường tới Emmau thoạt đầu đã không nhận ra Chúa Kitô. Nếu việc này liên hệ với Máccô 16:12, thì ta biết lý do tại sao các ông đã không nhận ra Người: “Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác (en hetera morphe) cho hai người trong nhóm các ông”. Tương tự như thế, Maria Mađalêna, thoạt đầu, cũng khó khăn lắm mới nhận ra Chúa Giêsu (Ga 20:14-16). Muốn giải thích điều này, ta phải đọc 1Cr 15:42-44 của Thánh Phaolô khi ngài phân biệt “thân xác sinh khí” (soma psychikon), một thân xác gieo xuống thì khả diệt, hèn hạ, yếu đuối, và “thân xác thần khí” (soma pneumatikon), một thân xác trỗi dậy thì bất diệt, vinh quang, mạnh mẽ. Khi Thánh Phaolô muốn nói một điều gì đó về thân xác phục sinh, ngài thường sử dụng lối nghịch dụ (oxymoron) và đồng hóa cùng một “thân xác” này với tất cả những gì không phải là thân xác, nghĩa là với tinh thần, thần khí. Dù cũng như bất cứ người nào khác, có thể ngài biết rất ít về thể tạng của thân xác phục sinh, nhưng Thánh Phaolô vẫn cố gắng duy trì thực tại của thân xác này.

Sơ truyền của Kitô Giáo sơ khai, một sơ truyền tìm thấy biểu thức gây ấn tượng sâu sắc ngay ở tình tiết đầu tiên trong mỗi trình thuật phục sinh của bốn Tin Mừng chính quy, đã không hài lòng chỉ khẳng định việc Chúa Giêsu quả đang sống hay Người chỉ trở thành ảnh hưởng sống động duy nhất trong đời sống và trong tâm trí các tông đồ và môn đệ mà thôi. Nó còn quả quyết rằng: Người đã trỗi dậy mà bước vào “trạng thái vinh quang trước nhan Chúa Cha” và điều này có nghĩa “trong hình thức thân xác”.

Thời hiện đại, người ta nghi vấn việc “phục sinh” của Chúa Kitô vì có những mưu toan muốn làm nó phù hợp với tính lưỡng phân hồn xác thừa hưởng được từ triết học Hy Lạp và là điều khá thông thường đối với mọi tư duy của Tây Phương hiện đại. Nó cũng bị nghi vấn vì nhiều khó khăn triết học khác mà người ta vốn có đối với ý niệm này, do các bác khước khoa học hay cách thế nhìn nhân sinh của thời hậu Ánh Sáng gây ra. Nhưng ta cần nhớ rằng các soạn giả Tân Ước, những vị soạn ra các trình thuật phục sinh và tổng hợp sơ truyền nguyên thủy về phục sinh vào trong đó ít khi phải loay hoay với loại suy nghĩ này. Việc bác bỏ “phục sinh” đã có từ thời Thánh Phaolô, như 1Cr 15 đã chứng tỏ, nhưng ngài đâu có băn khăn chi với các vấn nạn thời nay; và quả có hơi không hợp thời khi mong chờ các nhà thần học trả lời các câu hỏi này dựa vào các văn bản của thế kỷ thứ nhất. Cả Thánh Luca cũng cố gắng đương đầu với việc tỏ dấu hoài nghi đối với việc phục sinh, nhưng cách ngài làm thế ít có tính triết lý hơn là Thánh Phaolô (xem Lc 24:41-43; Cv 1:3a; 10:41).

III. Trình thuật phục sinh của Thánh Luca

Các tình tiết trong trình thuật phục sinh của Thánh Luca không nói tới cuộc hiện ra nào của Chúa Kitô tại Galilê. Câu duy nhất nhắc tới khu vực này là câu 6 kể lại việc hai người mặc áo sáng láng nói với các phụ nữ, không phải Chúa Giêsu sẽ đi trước họ và các môn đệ tới Galilê, như trong Máccô 16:7, nhưng họ phải nhớ lại những gì Người đã nói với họ lúc còn ở Galilê. Nhờ thế, việc nhắc tới Galilê đã được duy trì, nhưng nó đảm nhận một chức năng khác. Trong Tin Mừng Luca, xuất phát từ Galilê để tới Giêrusalem, Chúa Giêsu sẽ không trở về Galilê nữa, vì viễn tượng địa dư đã thắng thế. Giêrusalem sẽ trở thành tiêu điểm của phần còn lại trong chương này và sau đó giữ vai trò quan trọng trong phần đầu của Công Vụ. Thánh Luca chắc chắn biết các lần Chúa Giêsu hiện ra ở các khu vực khác; nhưng ngài đã quyết định loại bỏ chúng vì viễn tượng văn chương bao quát của ngài.

Trình thuật phục sinh của Thánh Luca sẽ kết thúc khi nhắc tới việc các môn đệ dành thì giờ cầu nguyện tại Đền Thờ Giêrusalem “liên lỉ ca tụng Thiên Chúa” (Lc 24:53), do đó, đã đem Tin Mừng đến chỗ kết thúc tại khu vực nó đã khởi đầu. Vì tình tiết đầu của Tin Mừng này thuật lại việc Ông Giacaria phục vụ tại Đền Thờ Giêrusalem (Lc 1:5-24); chính trong lúc ấy, việc sinh hạ Gioan Tẩy Gỉa đã được công bố.
Ở đây, ta cũng nên lưu ý: trình thuật phục sinh của Thánh Luca đã nổi bật về chủ đề ứng nghiệm lời tiên tri của Cựu Ước và các hy vọng của dân Do Thái. Nhất là các câu 19b-21, 25-27, 44-46. Chứng cớ tiên tri sẽ được dùng để nhấn mạnh liên tục tính của Kitô Giáo đối với Do Thái Giáo thời xưa.

Cuối cùng, ta nên lưu ý đến sự tương phản xuyên suốt cả chương này: việc công bố phục sinh hay các chứng cớ về việc Chúa Giêsu sống lại bị thách thức bởi việc thiếu niềm tin và am hiểu của con người. Thánh Luca không mô tả việc các môn đệ bỏ trốn và đào ngũ lúc Người chịu khổ nạn; nhưng ngài không hề xem nhẹ việc các ông trì độn trước sự phục sinh của Người.

Thiển nghĩ nên khảo sát kỹ đoạn 23:56b-24:12. Trong tình tiết đầu của trình thuật phục sinh, tức việc các phụ nữ viếng ngôi mộ trống, Thánh Luca không những theo sát thứ tự của Thánh Máccô, mà còn trình bầy một hình thức biên tập nào đó đối với Mc 16:1-8 trong các câu 1-9. Câu 56b, nói về các phụ nữ nghỉ ngơi ngày Sabát, có thể đã đến với Thánh Luca từ nguồn “L” (nguồn Luca), giống như Lc 24:12; nhưng câu cuối cùng này đã được Thánh Luca cho vào điều được một tác giả gọi là “đơn vị trong ngoặc đơn” (parenthetic unit), do Thánh Luca soạn thảo dựa vào Máccô 16:1a và một truyền thống đước đó. Máccô 16:7 đã kể riêng Thánh Phêrô song song với “các môn đệ của Người”, còn Luca 24:34 (“Người đã hiện ra với Simong” [xem 1 Cr 15:5]) cho thấy ngài có biết một truyền thống xưa từng cho rằng: không những các phụ nữ mà cả Phêrô nữa cũng đã đi thăm mộ, xem Lc 24:24 [tines, “vài người trong nhóm chúng tôi”]. Đơn vị này kết thúc với câu 12, một câu rất giống với Gioan 20:3,4,5,6,10, và được trích dẫn từ một nguồn chung của cả Tin Mừng Luca lẫn Tin Mừng Gioan.

Trên đây xem ra là quan điểm của đa số các nhà giải thích thời nay về đoạn này. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ các nhà giải thích thích nghĩ hơn rằng ở đây, Thánh Luca sử dụng một trình thuật độc lập lấy từ nguồn không phải Máccô, một nguồn tương tự như Máccô 16:1-8, nhưng một số chi tiết Máccô đã được lồng thêm vào…

Các dị biệt chính trong trình thuật phục sinh của Thánh Luca là việc các phụ nữ nghỉ ngơi ngày Sabát, không có việc lo lắng xem ai sẽ lăn tảng đá ra, minh nhiên cho thấy các phụ nữ không tìm thấy xác Chúa Giêsu, nhắc đến “hai người đàn ông” thay vì một chàng thanh niên, diễn tả lại sứ điệp ngỏ với các phục nữ, hoãn nói tới tên các phụ nữ, và việc Phêrô ra mộ kiểm chứng.

Các câu sau đây cho thấy một số chi tiết vụn vặt trong việc biên tập của Thánh Luca: (1) “vừa tảng sáng” (Lc 24:1; xem 24:22; 21: 38; Cv 5:21); (2) nhắc đến việc “chuẩn bị” dầu thơm (Lc 24:1b; xem 23:56a); (3) “họ không thấy” (Lc 24:3); (4) nhắc đến lời Chúa Giêsu nói ở Galilê (Lc 24:6-8; xem 9:22,44); (5) dùng ngoa ngữ “tất cả” (Lc 24:9b); (6) nhắc đến Nhóm Mười Một (xem Lc 24:33; Cv 1:26; 2:14); (7) “Đứng lên” (Lc 24:12); (7) “rất đỗi ngạc nhiên” (Lc 24:12); (8) “sự việc đã diễn ra” (Lc 24:12).

Vì có nhiều động từ giống như Tin Mừng Gioan, nên một số người coi câu 12 ở đây là sử dụng văn chương của Thánh Gioan (Johannism). Nhưng thực ra, theo linh mục Joseph A. Fitzmeyer (The Gospel According to Luke, X-XXIV), điều này cùng lắm chỉ chứng minh hai tin mừng này cùng sử dụng chung một nguồn mà thôi. Cùng với các câu 3b, 6a, câu 12 này phải được kể là thành phần của Tin Mừng Luca. Như thế, Thánh Luca đã phối hợp một phần truyền thống khác về việc, ngoài các phụ nữ ra, còn nhiều người khác và Thánh Phêrô đi thăm ngôi mộ trống nữa, vào điều ngài đã biên tập được từ Mc 16:1-8.

Xét về phương diện phê bình hình thức, tình tiết này hẳn phải được coi như câu truyện khác về Chúa Giêsu, dù nó chỉ gián tiếp nói về Người; nó là thành phần của truyền thống kể truyện của Tin Mừng. Có tác giả cảm thấy rất đúng rằng Máccô 1-8 đã không tiếp nối Máccô 15, vì các phụ nữ, từng đã được kể tên ở Mc 15:40, 47), đâu cần phải kể tên lần nữa ở đây ngay ở đầu chương 16. Đàng khác, ý định của họ trong việc ướp xác Chúa Giêsu không ăn ý mấy với câu 15:46 là câu không ngụ ý cho thấy họ coi việc chôn cất Chúa Giêsu là tạm bợ, chưa hoàn tất. Tuy nhiên, khi biên tập nguồn “Mk” (nguồn Máccô), Thánh Luca đã loại bỏ một số điểm không nhất quán đó bằng cách chỉ nêu tên các phụ nữ sau đó (câu 10, một câu đã phối hợp Mc 16:1 và việc ngài nhắc tới các phụ nữ ở Lc 8:2).

Trọng tâm của cảnh này là việc công bố phục sinh trong câu 6b: “Người không ở đây, nhưng đã trỗi dậy!”. Ở đầu tình tiết, Thánh Luca mô tả các phụ nữ Galilê, sau khi chuẩn bị dầu và thuốc thơm, đã nghỉ ngơi vào ngày Sabát “như Luật truyền” (câu 56b). Như thế, việc công bố đã được ngỏ trước nhất cùng các phụ nữ Do Thái ngoan đạo, giữ Luật, những người đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Giờ đây, họ vâng theo bổn phận, tới mộ thực hiện cho xác Chúa Giêsu điều mà Giuse Arimathêa đã không đủ thì giờ hoàn thành (nên để ý câu 23:55d, “Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào”). Họ thấy ngôi mộ, nhưng không thấy xác của Người. Rồi các bà được hai người đàn ông mặc áo sáng láng trao cho nhiệm vụ công bố việc Chúa Giêsu phục sinh: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”. Như thế, chỉ có trình thuật phục sinh của Thánh Luca là nhắc tới lời tiên đoán Chúa Giêsu sẽ chết và phục sinh. Sau khi đã nhớ lại những lời ấy, các phụ nữ đã trở về thuật lại sự việc cho nhóm Mười Một, nhưng không được các ngài tin.

Nói tóm lại, chứng từ về phục sinh đã được ngỏ trước nhất với các phụ nữ Galilê. Nhưng chứng từ của họ đã không sản sinh ra niềm tin; nó không đem lại “sự bảo đảm chắc chắn” (asphaleia). Câu truyện của Thánh Luca còn dám đơn cử “các tông đồ” như những người không tin phúc trình này. Niềm tin của các ngài còn tùy thuộc ở việc chính mắt các ngài được trông thấy (xem Cv 1:22). Chỉ có ông Phêrô là được đánh động, nhưng là do tò mò; ông ra đi tự tìm hiểu lấy, và lúc trở về “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xẩy ra” (câu 12), nhưng vẫn chưa tin. Việc này cần việc hiện ra của Chúa phục sinh, một việc sẽ diễn ra trong câu 34. Câu truyện này sẽ được tóm tắt trong Lc 24:22-24 để chuẩn bị cho câu truyện về Thánh Phêrô.

Mục đích của tình tiết này, một tình tiết vốn xoay quanh việc công bố phục sinh, là trình bầy Chúa Giêsu như người chiến thắng sự chết. Qua “đau khổ” của Người, Chúa Giêsu đã trở thành Đấng Kitô và Chúa Tể phục sinh (xem Cv 2:36); Người đã từ địa vị một bậc thầy và người chữa lành trần thế vươn tới địa vị Chúa Con được siêu tôn, Đấng sẽ đổ tràn “lời hứa của Cha Ta” (Cv 1:4) xuống tất cả những ai biết nhận ra Người lúc bẻ bánh. Sự chết không còn kìm giữ được Người nữa. Trong tình tiết này, ta đã chứng kiến sự kiện: ngay các môn đệ nhiệt thành cũng thấy việc thấu hiểu được cuộc chiến thắng sự chết của Người là điều khó khăn ra sao. Sự khó khăn này sẽ trở nên càng rõ rệt hơn trong những tình tiết tiếp theo, khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với những con người đó và chỉ dần dần mới được họ thừa nhận trong con người thực của Người. Chỉ lúc đó, lời Chúa Giêsu ngỏ với người ăn trộm biết ăn năn mới có ý nghĩa: “Hôm nay, anh sẽ ở với Ta trên Thiên Đàng” (Lc 23: 43). Như người đã chiến thắng sự chết, Chúa Giêsu giờ đây quả đã bước vào nước của Người. Việc chia phần với Người đang chờ đợi bất cứ người môn đệ nào biết nhìn nhận Người như Chúa Tể đã sống lại.


 
Sự sung mãn của đời sống chiêm niệm (I)
Lm. Nguyễn Hữu Thy
03:41 31/03/2016
Sự sung mãn của đời sống chiêm niệm

Khi người ta từ cuộc sống bon chen ồn ào ở chốn thị thành bước chân vào khuôn viên một Đan Viện chiêm niệm, điều đầu tiên chắc chắn người ta sẽ cảm nhận được là cả một không gian hoàn toàn thanh vắng yên tĩnh đầy linh thiêng thánh thiện. Nhưng phải chăng sự thanh bình vắng lặng nơi chốn Đan Viện mang lại cho tâm hồn ta sự thanh thoát an bình, hay ngược lại, sẽ gây nên trong ta nỗi lo lắng sợ hãi? Để trả lời cho câu hỏi đó, Linh mục Martin Gutl (1942-1994), một văn sĩ người Áo đã phát biểu tư tưởng của ông qua bốn câu thơ như sau:

Manche fürchten sich,
sie sind ständig tätig.
Manche fürchten,
die Stille könnte sie stören.


Tạm dịch:

Lắm người vì hoảng sợ,
luôn khép mình vào công việc.
Lắm người lại hoảng sợ,
nơi thanh vắng làm họ lo!


Phải chăng chúng ta sợ sự thanh vắng chốn Đan Viện? Phải chăng vì cuộc sống nơi ấy cắt đứt hay làm gián đoạn các tương tác của ta với thế giới bên ngoài, các hoạt động của ta, các nghiên cứu khoa học của ta hay chính cuộc sống bình thường của ta?

Trong một bài thơ khác với tựa đề „Gesegnetes Nichtstun“ (Sự vô vi được chúc phúc) của ông, Linh mục Martin Gutl đã viết:

Im Sterben,
wird uns die Stille
als Person begegnen.
Der eine wird sie als vertraut begrüßen,
der andere wird vor ihr erschrecken.


Tạm dịch:

Trong giây phút lâm chung,
sự thanh vắng lại gặp ta,
như thể một ai đó.
Người thì hoan hỉ được đón chào,
kẻ lại run lẩy bẩy vì lo sợ!


Vậy, phải chăng sự thanh vắng chốn Đan Viện mang trên mình một sứ mệnh thánh thiêng, chứ không chỉ là một sự trống vắng những tiếng ồn ào náo động của cuộc sống thế nhân? Phải chăng sự thanh vắng Đan Viện là một điều quan trọng cho ta, khiến ta phải cùng nhau nỗ lực duy trì và bảo vệ nó, thực hành nó trong cuộc sống hằng ngày như một phương tiện cần thiết cho cuộc sống tâm linh, cho nỗ lực tiến đức của mình, vâng, cho nỗ lực đi tìm gặp Thiên Chúa?

Người ta sẽ đánh mất chính mình, nếu như họ không thể giữ mình thinh lặng được. Hay chính hiện tượng người ta chạy trốn chính mình là do nguyên nhân người ta không thể giữ mình thinh lặng bình tĩnh được, vâng, vì người ta không muốn giữ mình thinh lặng? “Bởi vì, nếu như người ta thực sự giữ mình thinh lặng, thì người ta sẽ gặp lại chính mình và nhìn thấy rõ được chính con người thật của mình, một điều họ không thể chấp nhận được” như lời nhận định của nhà thần học Dòng Tên thời danh Romano Guardini. Thế thì tại sao lại có bao người đã từ bỏ những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống đời thường để đi tìm kiếm sự thanh vắng trong nơi cô tịch và luôn tiếp tục tìm cách tạo ra quanh mình một không gian thanh vắng, yên lặng?

Tiếng mời gọi của sa mạc

Trong suốt dòng lịch sử Kitô giáo, người ta đã tìm gặp được bao điều huyền nhiệm cao cả. Chính ngay trong thời đại khởi đầu thế kỷ IV, khi Giáo Hội Kitô giáo, sau trên dưới ba thế kỷ bị bách hại và bị đàn áp một cách khủng khiếp, đã không những được nhìn nhận như một tôn giáo hợp pháp và ngang hàng với các tôn giáo thờ thần linh khác của Rô-ma vào lúc bấy giờ, mà còn được coi như là quốc giáo trong toàn cõi đế quốc Rô-ma rộng lớn, thì cũng chính là lúc khởi đầu một phong trào “xuất hành” của rất nhiều các Kitô hữu mộ đạo thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội: Họ từ bỏ cuộc sống tiện nghi tại các thành thị trong khắp đế quốc và lui vào sống trong các sa mạc, trong các nơi cô tịch, trong sự trống vắng và thiếu thốn tất cả, để thực hiện lý tưởng ẩn tu chiêm niệm. Đứng đầu phong trào ẩn tu chiệm niệm này, người ta phải kể tên nhà ẩn tu thời danh, thánh Antonius (250-356), vị Tổ Phụ đáng kính và là gương mẫu của các Đan Sĩ thuộc mọi thời đại. Thánh nhân đã tự nguyện rời bỏ quê hương của ngài ở miền Trung Ai-cập và đồng thời từ bỏ cả việc thừa hưởng gia tài kếch xù của gia đình vốn thuộc về ngài, để lui vào trong sa mạc Thebäis sống đời ẩn dật, hoàn toàn xa lánh mọi ồn ào và mời mọc quyến rũ của thế gian. Vâng, trong sa mạc không còn gì khác ngoài một mình Thiên Chúa.

Cuộc sống triệt để xa lánh mọi sinh hoạt thế tục như thế luôn là lý tưởng theo đuổi của các Đan Sĩ, đúng như lời nhận định của thánh Hieronymus: “Chốn thành thị đối với tôi là gông cùm, còn chốn cô tịch vắng lặng là thiên đàng.”(1) Đối với thánh nhân, Giáo Hội vào thời bấy giờ quá giàu có và quyền lực, nhưng lại quá nghèo nàn về đời sống đức hạnh. Đời sống Kitô giáo chân chính, các gương mẫu sống đức tin một cách sáng ngời của các Kitô hữu tiên khởi như đã được trình bày trong Công Vụ Tông Đồ cũng như dòng máu kiên cường và can đảm của các vị Tử Đạo trong thời Giáo Hội bị bắt bớ đàn áp, vào thời đại thánh nhân đã trở nên như những điều xa lạ trong một Giáo Hội không chỉ được nhìn nhận, được tự do mà còn được coi như quốc giáo với bao ưu đãi của thế quyền. Trước thái độ tìm cách thích nghi đời sống Giáo Hội với thế giới trần tục xa hoa và trước tinh thần sống đạo xuống dốc trầm trọng đến mức báo động như thế, các Đan Sĩ đã theo đuổi và hiện thực một lối sống theo đúng tinh thần Phúc Âm một cách triệt để là xa lánh thế tục với những mời mọc lôi cuốn của nó và chỉ đi tìm kiếm một mình Thiên Chúa như cứu cánh đời mình mà thôi. Bởi vậy, thánh Basilius đã từng dứt khoát khẳng định: “Những ai yêu mến Chúa, thì từ bỏ tất cả và chỉ lo bước theo Chúa mà thôi”(2)

Sa mạc luôn là hình ảnh gợi lại cho ta nhớ đến bốn mươi ngày đêm chay tịnh của Đức Giêsu và thái độ kiên cường bền vững của Ngài trước những cám dỗ đầy quỷ quyệt và thâm độc của một kẻ thù vô cùng gian manh xảo quyệt là ma quỷ. Nhưng nhất là sa mạc đã nhắc ta nhớ lại cuộc hành trình dài 40 năm trường trong sa mạc Sinai đầy sỏi đá và đất cát nóng bỏng của con cái Ít-ra-en, Dân Tuyển Chọn của Chúa, như là trường học quan trọng và phương tiện thanh lọc cần thiết của Giao Ước, và tiếp đến là nhớ tới lời hứa của các vị Ngôn Sứ nhân danh Chúa: „Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông (…) Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.“ (Is 35,1-3) Giờ đây, lời hứa này của các vị Ngôn Sứ như đã được hiện thực, khi các Đan Sĩ, những tâm hồn mộ đạo và thành tâm đi tìm kiếm một mình Thiên Chúa, đã cùng nhau tìm vào trong sa mạc, vào trong miền đất sỏi đá khô cằn và thiếu sự sống, để xây dựng lên đó những túp lều, hay tạo ra những cái hang trong hốc đá, v.v… hầu để sống hoàn toàn cho một mình Chúa và ngày đêm chỉ ca ngợi Ngài mà thôi. Đó chính là nguyên nhân sự hiện hữu của hàng trăm hàng ngàn hang động chi chít của các vị ẩn tu ở miền Nitrien. Ngày nay, chính hòn đảo Athos ở Hy lạp, mà người ta thường gọi là „quốc đảo của các Đan Sĩ“, là một hòn đảo hoàn toàn chỉ có các Đan Sĩ Chính Thống cư ngụ, chứ không có bất cứ người đời nào và tuyệt đối không có nữ giới.

Do đó, thánh Hieronymus đã có lý khi ngài hân hoan nhảy mừng: “Hỡi sa mạc, bông hoa tươi nở trong Đức Kitô! Hỡi chốn cô tịch, ngươi vui mừng hoan hỉ được tiếp cận Thiên Chúa! Người Đan Sĩ quăng bỏ gánh nặng thế gian để thong dong bay về trên Thiên quốc. Thầy là người nghèo của cải vật chất, nhưng chính Đức Kitô đã gọi người nghèo khó là người có phúc. Thầy luôn phải lao động: vì không một người lực sĩ nào muốn đạt tới được vòng hoa chiến thắng mà lại không phải đổ mồ hôi. Nhưng thầy lại không phải lo cho mình miếng cơm manh áo: vì người có đức tin thì không hề lo phải đói khát. Thầy ngủ nghỉ dưới sàn đất, nhưng Đức Kitô luôn ở bên thầy. Thầy không hề lo sợ phải sống trong cảnh cô đơn tịch liêu, vâng, thầy luôn thẳng bước trên đường tiến về Thiên đàng. Thầy không cần phải tắm rửa, vì thầy luôn được tắm gội trong Đức Kitô và do đó thầy không còn phải tắm rửa thêm nữa.”(3)

Giữ thinh lặng và việc nói chuyện

Khi sống trong sa mạc, sống trong sự cô tịch, thì chính là lúc người Đan Sĩ sống trong mầu nhiệm của sự thinh lặng. Sống mầu nhiệm sự thinh lặng đồng thời cũng là phương tiện đi sâu vào mầu nhiệm Ngôi Lời. Như vậy, sự thinh lặng chiêm niệm hoàn toàn khác biệt với tình trạng câm điếc, tức tình trạng không thể nghe và không thể nói được. Còn sự thinh lặng thì chỉ những ai có khả năng nói được mới có thể thực hiện được. Người giữ thinh lặng là người giữ được miệng lưỡi và làm thinh hay là người biết hy sinh không phát biểu, không nói và làm thinh.

Mục đích việc giữ thinh lặng của các Đan Sĩ trước hết là để lắng nghe tiếng Chúa, mà khi sống trong sự ồn ào giao động của thế gian người ta sẽ không thể nghe được, vì Chúa chỉ nói với ta trong thanh vắng của tâm hồn ta mà thôi. Tiếng Chúa là suối nguồn bất tận mà con người có thể múc lấy cho mình sức mạnh. Sự đáp trả của con người dành cho Chúa không thể chỉ là những lời nói suông và trống rỗng, nhưng phải được phát xuất từ một sự thinh lặng đầy nhận thức và đầy cảm xúc, tức từ một sự thinh lặng được ẩn chứa sự sung mãn của con tim, của tình yêu mến nồng nàn, mà lời lẽ ngôn ngữ loài người không sao diễn tả hết.

Dĩ nhiên, các nhà ẩn tu, các Đan Sĩ cũng luôn cần tới những trao đổi trong tình huynh đệ với nhau, để cùng động viên khuyên nhủ nhau cũng như để giúp nhau đào sâu thêm sự hiểu biết và kinh nghiệm trên con đường tiến đức, vâng, trên con đường tìm kiếm Chúa và hoàn thiện bản thân. Nhất là những người mới tập sự bước vào đời sống Đan Tu nhất thiết phải cần tới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các vị cha anh đi trước. Trong thanh vắng chiêm niệm họ sẽ được đón nhận, được chăm sóc lo lắng và được thử thách rèn luyện. Những hướng dẫn chỉ bảo khôn ngoan đúng đắn và dày kinh nghiệm của các vị Tổ phụ, của các vị Bề Trên dành cho họ cần được ghi chép rõ ràng cẩn thận như là kim chỉ nam giúp họ tìm tới được lý tưởng chiêm tu, lý tưởng tìm kiếm Chúa trong sa mạc của chốn Đan Viện, của thanh vắng. Chẳng hạn thánh Athanasius đã biên chép cuộc đời thánh Antonius như là một cuộc sống gương mẫu sáng chói của người tôi tớ Chúa; thánh Gioan Casian thành Marseille vào thế kỷ V đã thu tập tất cả các lời giáo huấn đầy khôn ngoan của các vị Tổ Phụ chiêm niệm Đông Phương và đem giới thiệu cho thế giới Đan Tu Tây Phương, v.v…!

Lòng khao khát tìm kiếm một mình Chúa, nỗ lực hoàn thiện bản thân và kiến tạo sự an bình thư thái trong Chúa cũng như thực hiện lời dạy của Thánh Tông Đồ là luôn luôn chuyên cần cầu nguyện, v.v… luôn phải sống động trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội. Ở đây chúng ta không quên nhắc tới thánh Nicolaus Flüe ở Thụy Sĩ vào thế kỷ XV. Ngài là gia trưởng thánh thiện của một gia đình mười đứa con và đã cảm thấy mình được Chúa mời gọi một cách mãnh liệt sống đời ẩn tu. Chính điều này đã khiến ngài phải khắc khoải cầu nguyện và suy nghĩ giữa tiếng gọi của Chúa sống đời ẩn tu một mình trong chốn rừng sâu xa vắng và bổn phận của một gia trưởng đối với vợ con và gia đình. Sau bao năm cầu nguyện xin Chúa soi sáng, suy nghĩ kỹ càng cẩn thận và bàn hỏi với các vị Linh Hướng và nhất là với người bạn đời trăm năm ngoan hiền đạo hạnh của ngài, để biết rõ được đâu là ý Chúa, đâu là nguyện vọng cá nhân của mình và đâu là sự vẽ vời của óc tưởng tượng hay cả mưu mô thâm độc của ma quỷ, thánh nhân đã được các giáo quyền sở tại và nhất là được người bạn trăm năm cũng như cả gia đình khuyên nên đáp lại tiếng Chúa kêu mời! Và Nicolaus đã rũ bỏ tất cả để ra đi vào chốn thanh vắng, sống trong một cái túp lều bằng gỗ khoảng ba thước vuông giữa khu rừng bạt ngàn giá buốt thấu tận xương tủy, nhất là khi mùa đông về, và hằng ngày trong vòng trên dưới bốn mươi năm trời Nicolaus chỉ rước lễ, chứ không ăn uống gì cả. Và ngài thực sự đã trở thành một vị đại thánh khổ tu chiêm niệm và là người cha già của dân tộc Thụy Sĩ không phân biệt tôn giáo.

Và trong lịch sử Giáo Hội, con đường nên thánh bằng đời sống cầu nguyện chiêm niệm trong thanh vắng của thánh Nicolaus Flüe chỉ là một trong hàng ngàn hàng vạn trường hợp mà các Kitô hữu đã hiện thực.

Nói cách khác, đời sống chiêm niệm trong thanh vắng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng bất khả thay thế trong lòng Giáo Hội, vì chính từ đời sống trong thanh vắng chiêm niệm, trong sự thân giao với Chúa qua kinh nguyện hằng ngày của các Đan Sĩ, sự thánh thiện của Giáo Hội càng trở nên rực rỡ hơn, càng trở nên hấp dẫn và có sức thuyết phục hơn đối với người đời.

Cuộc sống Đan Tu cộng đoàn

Qua những dòng trình bày trên đây, chúng ta thấy rằng các vị Ẩn Tu đã đóng một vai trò quan trọng mang tính chất quyết định vào thời khởi đầu lối sống Đan Tu trong Giáo Hội và ngay trong Tu Luật Thánh Biển Đức hình ảnh các vị Ẩn Tu vẫn còn được xem như là lý tưởng hấp dẫn cho những tâm hồn muốn tìm kiếm Chúa trong thanh vắng.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho lý tưởng chiêm niệm và cầu nguyện trong thanh vắng của mình được trung thực và bền vững, chứ không bị ma quỷ lừa dối và sống theo ý riêng mình, thì theo thánh Tổ Phụ Biển Đức người ta cần phải sống chung trong một cộng đoàn Đan Tu, giữa những anh em cùng đồng chí hướng chiêm tu với nhau. Vâng, các Đan Sĩ sẽ sống và hiện thực lý tưởng chiêm niệm Kitô giáo của mình ngay trong lòng cộng đoàn Đan Tu, nơi có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô, vì Người đã khẳng định: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ“ (Mt 18,20). Vì thế, thánh Pachomius, một môn sinh thánh thiện của thánh Antonius và là người đầu tiên sáng lập đời sống Đan Tu cộng đoàn, đã cảm nhận được từ căn lều ẩn tu của ngài lời nhắn nhủ: “Con hãy đi và nhóm họp các bạn trẻ lại, và dạy cho họ con đường sống.”(4) Và vì thế, đã bắt đầu phát sinh hình thức sống Coenobium, hình thức sống chung thành cộng đoàn của các Đan Sĩ trong Đan Viện. Ngược lại với cuộc sống theo ý riêng mình, thì cuộc sống chung với những luật lệ nghiêm nhặt của Đan Viện sẽ mang lại cho cuộc sống các Đan Sĩ ý nghĩa và sự quân bình. Đó là luật lệ của lao động và cầu nguyện, của ăn uống và chay tịnh, cũng như của đức vâng lời.

Thánh Basilius chọn cuộc sống Đan Tu trong vùng đất thuộc văn hóa Hy Lạp và ngài đã đề cao giá trị nội tại của đời sống Đan Tu cộng đoàn và đã so sánh Cộng Đoàn các Đan Sĩ như thân mình mầu nhiệm Đức Kitô mà mỗi Đan Sĩ là một bộ phận, là một phần của thân thể đó. Như vậy, gương sống chung của các Cộng Đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Họ chỉ còn một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng nữa, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”(Cv 4,32) đã trở thành mẫu mực sống lý tưởng cho các Đan Sĩ và đó cũng là điều được ghi rõ trong các Luật Dòng.

Để bảo đảm và duy trì đời sống chung trong Cộng Đoàn, các Đan Sĩ phải xây dựng các nhà cửa cần thiết cho các sinh hoạt chiêm tu „Ora et Labora“ của mình và được gọi là „Nhà Dòng“, „Nhà Chúa“ hay là „Nhà Cầu Nguyện“. Vì theo truyền thống các Đan Viện chiêm niệm, thì các nhà cửa trong Đan Viện được xây nối liền với nhau thành hình vuông: Nhà Thờ, nhà làm việc, nhà cơm và nhà ngủ nghỉ. Đó là hình ảnh biểu tượng chính đời sống của mỗi người Đan Sĩ: Cầu nguyện, làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi, và tất cả chỉ nhằm mục đích duy nhất là đi tìm kiếm và phụng sự một mình Thiên Chúa trong thanh vắng chiêm niệm. Một cuộc sống hoàn toàn quân bình và hợp lý.

Chốn vĩnh cư của các Đan Sĩ

Trong các vị Tổ Phụ, những bậc Thầy dạy đời sống Đan Tu, người ta phải kể đặc biệt đến danh tính Thánh Phụ Biển Đức thành Nursia, qua đời vào khoảng 547. Ngài là người đầu tiên đã khẳng định một cách đầy xác tín rằng Đan Viện là chốn vĩnh cư, là nơi cư trú thuận tiện nhất cho những ai thật lòng đi tìm kiếm phụng sự Chúa trong thanh vắng chiêm niệm. Vâng, đời sống chung trong Cộng Đoàn Đan Viện là sự chọn lựa hàng đầu của Thánh Phụ Biển Đức, vị Thầy dạy đường nhân đức dày kinh nghiệm.

Vào thời thánh Biển Đức, phong trào Đan Tu chiêm niệm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự giao động mạnh do trào lưu di cư thay đổi chỗ ở của dân chúng và kết quả là đã gây nên ảnh hưởng tâm lý không nhỏ nơi một số các vị Ẩn Tu, khiến họ bị hoang mang giao động và dần dà sống sai lệch lý tưởng chiêm niệm của mình và chủ trương sống lang thang lưu động nay đây mai đó, theo trào lưu di cư của dân chúng. Trước tình trạng lý tưởng chiêm niệm xuống dốc và biến thể như thế, thánh Biển Đức đã đề cao và chủ trương sống đời sống chiêm niệm chung trong Cộng đoàn Đan Tu. Thánh nhân đã khắt khe phê bình lối sống “chiêm niệm lưu động” của một số Đan Sĩ thời bấy giờ, những người không bao giờ muốn sống vĩnh cư tại một nơi chốn, không bao giờ chịu sống trung thành gắn bó với một Cộng Đoàn nhất định nào cả. Bởi vậy, thánh nhân muốn các Đan Sĩ của ngài, sau khi đã trải qua bao thử thách cần thiết trong một Đan Viện và đã tìm hiểu rõ ràng đầy đủ đời sống của một Đan Sĩ, phải tuyên hứa lời khấn “Vĩnh Cư”, tức luôn trung kiên bền bỉ với cộng đoàn Đan Tu của mình.

Từ đó Đan Viện trở thành dấu chỉ chống lại tất cả mọi bất an trong tâm hồn, chống lại tất cả những khuynh hướng tự nhiên của con người là “thích thì ở, dở thì bỏ đi”, vâng, một khi phải đối mặt với những khó khăn thử thách và gian nan trái ý trong cuộc sống Đan Tu, thì tìm cách cuốn gói ra đi, tìm cách thay đổi hết chỗ này sang chỗ kia.

Thực ra, theo tâm lý tự nhiên, nếu trong đời thường chúng ta càng có được nhiều điều kiện sống, càng có được nhiều sự tự do lựa chọn theo ước vọng của mình, thì chúng ta càng phải chín chắn và trưởng thành trong sự nhận thức hơn, càng phải có sự xác quyết chắc chắn hơn, v.v…, và những điều đó phải được phát xuất từ sự tự nguyện gắn bó với cộng đoàn Đan Viện của ta. Thánh Grêgôriô Cả đã từng tường thuật về một vị Ẩn Tu đã tự xiềng chân mình vào một sợi xích sắt để nhắc nhủ mình là phải trung thành triệt để với nơi tu hành của mình, chứ không được chiều theo tính lông bông tự nhiên của một con người cứ thích nay đây mai đó. Khi nghe biết thế, thánh Phụ Biển Đức đã sai một Đan Sĩ đến với vị Ẩn Tu và nói với ngài: “Nếu thầy hoàn toàn thuộc về một mình Thiên Chúa, thì thầy không cần phải xiềng chân mình vào sợi xích sắt như thế, nhưng thầy hãy xiềng mình vào sợi xích Đức Kitô.”(5) Nghe xong những lời khuyên bảo khôn ngoan này của thánh Biển Đức, vị Ẩn Tu đã không còn xiềng chân mình vào xích sắt nữa, và tuy thế thầy vẫn không bao giờ rời khỏi túp lều của mình.

Thánh Phụ Biển Đức chỉ muốn cho các Đan Sĩ của Dòng ngài luôn trung thành bền đỗ, luôn có sự xác tín nội tâm hoàn toàn tự nguyện với Đan Viện của mình. Mục đích mà thánh nhân nhằm tới – xin xem Tu Luật thánh Biển Đức chương nói về đức khiêm nhường – là trong mọi sự người Đan Sĩ phải hành động vì tình yêu, chứ không vì sợ hãi, và sự nên thánh hằng ngày không được dừng lại trong giới hạn bổn phận bắt buộc, nhưng trở thành như bản tính nội tại của người Đan Sĩ. Dĩ nhiên, để đạt tới được mức độ đó, đương sự phải nỗ lực ra sức tập luyện mỗi ngày trong “xưởng thợ” của Đan Viện. Ngoài ra, người Đan Sĩ còn cần phải biết can đảm hy sinh nhiều thứ khác nữa, mà bản tính tự nhiên của con người thường hay ước muốn và tìm kiếm, hầu để tâm trí thầy hoàn toàn được rảnh rang, không bị ràng buộc vào bất cứ những gì thuộc hạ giới nữa, mà chỉ thẳng hướng bay về hiệp nhất với Thiên Chúa trong tâm tình cầu nguyện chiêm niệm đầy sâu lắng và luôn nỗ lực thực thi thánh ý Người.

Vâng, chính nhờ vào sự trung thành bền vững vĩnh cư trong một nơi chốn nhất định, trong Đan Viện, của các Đan Sĩ như thế, các Đan Viện trong Giáo Hội trở thành dấu chỉ của chốn vĩnh cư lý tưởng, trở thành dấu chỉ của sự bền bỉ trung thành sống Lời Chúa của các tâm hồn muốn tìm kiếm Chúa trong một thế giới đầy ồn ào giao động về mọi lãnh vực.

(còn tiếp)

_________________________

Chú thích
1. Franz Xaver Sieber: Jesus Christus der wahre lebendige in die ewigen Lichtwohnungen führende Lichtern – Ein Lehr- und Gebetbuch für Katholische Christen. Augsburg 1845, Verlag Anton Herzog, trang 585, IV.
2. Die Mönche in der Wüste | Fokolar-Bewegung
www.focolare.org/de/news/2015/.../i-monaci-del-deserto/
3. Hans-Günther Kaufmann & Odilo Lechner: Kraft der Stille, München 2001, Verlag Pattloch, trang 8.
4. Sách đã trích dẫn, trang 9.
5. Sách đã trích dẫn, trang 10.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Mới Vào Xuân
Thérésa Nguyễn
18:21 31/03/2016
HOA MỚI VÀO XUÂN
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Ơn trời mưa nắng hài hòa
Cây xanh cỏ biếc xuân hoa đầy đồng.
(nđc)
 
Thánh Ca
Khẩn Cầu Thánh Cả Giuse - Trình bày: Ca Sĩ Lý Mai Trang
VietCatholic Network
19:29 31/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Tiễn Con Chiều Hoang Vắng - Trình bày: Phương Thảo
Br. Đạt Phùng
19:13 31/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Ca Vang Lòng Thương Xót Chúa - Trình bày: Đình Trinh
Br. Đạt Phùng
19:12 31/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây