BÀI ĐỌC 1 Ed 37:12-14
Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.
Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Rm 8:8-11
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Ga11:25a,26
Chúa nói: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống;
ai tin vào Thầy sẽ không phải chết bao giờ.
TIN MỪNG Ga 11:1-45
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa".
Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
Người xúc động và hỏi: "Đã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.
Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
Đó là Lời Chúa.
(Chúa Nhật V Mùa Chay năm A 2023)
Tin vào Đấng là nguồn mạch sự sống và nỗ lực làm chứng cho Tin mừng sự sống đó chính là trọng tâm của sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật V Mùa Chay. Chúng ta cùng dừng lại để nghe cách chuyển tải ý nghĩa nầy của Lời Chúa.
Trước hết, từ hơn năm trăm năm trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, chính trong cái “vũng lầy nhầy nhụa” đầy những đống xương khô của bóng tối và sự chết, của đọa đầy và thất vọng, của đắng cay ưu phiền trong kiếp nô lệ của thời lưu đầy Babylon (587 B.C)… dân Israel đã nghe vang lên lời của Thiên Chúa như “tiếng kèn hy vọng” qua miệng của ngôn sứ Êgiêkien mà chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc một: “Nầy hỡi dân ta, Ta sẽ mở cửa huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi huyệt… Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh...”.
Nếu thân phận lưu đày của Israel là ảnh hình của một nhân loại đọa đầy tội lỗi, thì “tin vui hy vọng” của ngôn sứ Êgiêkien kia cũng chính là tín thư riêng tặng cho mỗi người chúng ta mà nội dung xuyên suốt chính là: niềm hy vọng chứa chan vào lòng trung tín của Thiên Chúa vượt trên khổ đau và chết chóc và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa mãi mãi là sức mạnh hồi sinh, là quyền uy giải thoát.
Nói cách khác, Lời Chúa muốn nói với muôn thế hệ con người rằng: chúng ta không được quyền thất vọng cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, cả cái chết. Bởi vì Thiên Chúa đang có mặt trên mọi nẻo đường và biến cố để thổi vào Thần Khí tác sinh, để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ. Niềm tin đó không là chuyện mê tín của những đầu óc mê lầm, hoang tưởng (như đánh giá của những người tự cho mình là theo chủ nghĩa vô thần, duy khoa học…), nhưng là một chân lý rõ như ban ngày đúng như nhận xét thâm thúy của Gilbert K. Chesterton: “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao”.
Và có một điều kỳ lạ là Thiên Chúa không bao giờ chỉ nói suông mà “Lời luôn đi kèm hành động”. Biến cố “cải tử hoàn sinh” cho người bạn Lagiarô chết thúi bốn ngày trong huyệt mộ là một minh họa rõ nét cho chân lý nầy. Thật vậy, chính ngay “quê hương của tử thần”, ngay cánh cửa dẫn vào huyệt mộ tối tăm, một tiếng nói quyền năng đã âm vang thấu tận âm phủ, mở toang cánh cửa âm ty: “Hỡi Ladarô hãy bước ra”, “Ta là sự sống lại và là sự sống” (TM).
Thế nhưng, cũng có người đặt vấn nạn: tin vào một Thiên Chúa tình yêu ban sự sống, tin vào một Đấng Kitô Phục sinh dẫn ta vào cuộc sống vĩnh hằng, tin vào Chúa Thánh Linh đang thổi vào hồn ta nguồn sống mới, thì liệu có mang lại chuyển biến nào cho chính ta và cho thế giới hay chăng? Thưa có đấy !
- Những người cùi hủi bị ném ra ngoài hoang mạc để chết dần mòn trong niềm đau thất vọng, nhưng niềm tin vào Thầy Giêsu, Đấng thương xót: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi” đã kéo họ ra khỏi chốn tử vong để được hoàn sinh trong một cuộc đời mới. (Lc 17,1-14).
- Chị em nhà Bêtania nhờ tin vào Đấng Được xức dầu Con Thiên Chúa nhập thể: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”, mà người em trai Lagiarô chết thúi 4 ngày đã đĩnh đạc hoàn sinh từ mộ đá.
- Và có lẽ, hơn ai hết, khi đứng trước cái giờ “thập tử nhất sinh”, đứng trước cả một quá khứ tội lỗi đang đè nặng, người trộm bị đóng đinh bên hữu đã tìm được bình an và hạnh phúc để nhắm mắt lìa đời khi đón nhận được câu trả lời của Đấng ban sự sống: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”…
- Riêng trong hàng ngũ các thánh Tử Đạo Việt Nam, nhờ đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa Kitô Phục sinh, xác tín vào niềm hy vọng sự sống đời đời trong tình yêu Thiên Chúa… mà các ngài coi cái chết nhẹ như lông hồng, như những chứng từ sau đây:
- Thanh Đa Minh Đinh Đức Mậu đại diện cho anh em nói với quan: "Thưa quan, chúng tôi mong ước tìm về bên Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy". Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm vui vẻ nói với mọi người: "Cha con chúng tôi hôm nay vào nước Thiên Đàng đây". Linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh cũng tươi tĩnh đi chào mọi người: "Anh em ở lại nhé ! Chúng tôi đi về Thiên Đàng đây". Thánh G.B. Trần Ngọc Cỏn thấy người anh em sụi sùi nước mắt, ông nói: "Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ?"…
- Vị Tôi Tớ Chúa rất gần gũi với chúng ta, Đức cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đã làm chứng rằng: “Trong thẳm sâu những đau khổ của tôi, có một vài tâm tình mang lại cho tôi an bình trong tâm hồn: tôi không loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ: chính Thiên Chúa là tình thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không phải Nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa không thay đổi…"[1].
- Riêng, dân tộc Ukraina trong những ngày này, dù đang oằn mình dưới bom đạn khủng khiếp của thế lực xâm lược nước lớn Liên Bang Nga, vẫn đặt niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa để hy vọng một ngày chiến thắng không xa !
Vâng, chỉ với niềm tin đó thì chúng ta mới trụ vững giữa trăm chiều thử thách, mới đủ can đảm mỉm cười với số phận cho dù số phận có khắc nghiệt oái ăm, mới đủ quảng đại và khoan dung để yêu thương và tha thứ, cho dù bị bách hại đọa đầy. Và nhất là, chỉ với niềm tin đó, chúng ta mới bình thản sống cuộc sống hôm nay như một cuộc lên đường, một cuộc vượt qua, một cuộc tái sinh để bước vào quê hương vĩnh cửu.
Cách riêng đối với những anh chị em dự tòng sắp sửa lãnh nhận các bí tích gia nhập kitô giáo, niềm tin vào sự sống lại sẽ là một cảm nghiệm mới mẻ tinh khôi của những con người vừa kết thúc một chặng đường “vượt qua” đầy nhiêu khê và thử thách để hân hoan tiến vào “miền đất của tái sinh”, hội nhập vào một cuộc sống mới mẻ của một đoàn dân được cứu chuộc.
Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng: Tin vào sự sống, còn có nghĩa là tin vào một Thiên Chúa đã nhập thể trong chính nỗi đau và cái chết:
Quả thật, khi vào đời, Con Thiên Chúa nào tránh né cái kiếp phận long đong của con người. Hãy xem: những giọt nước mắt đã lăn dài trên má của Chúa Giêsu khi chứng kiến cái chết của người bạn thân Ladarô ở Bêtania. Sống đức tin hôm nay đó chính là ý thức mãnh liệt rằng: Đức Kitô phục sinh đang hiện diện trong mọi ngõ ngách và biến cố cuộc sống, nhất là, Ngài có mặt ngay trong những phút giây và cảnh ngộ bi đát nhất như cảnh ngộ của gia đình Bêtania trong biến cố Lagiarô qua đời. Trong Bài Giảng lễ Vọng Phục Sinh năm 2021, năm mà Đại dịch Covid đang phủ bóng tối chết chóc và thất vọng lên toàn thể địa cầu, ĐGH Phanxicô đã cảm nhận về chân lý nầy: “Thậm chí từ những mảnh vụn vỡ của nhân loại chúng ta, Thiên Chúa có thể mở ra một trang sử mới. Người luôn đi trước chúng ta: trong Thập Giá của khổ đau, của cô đơn, của cái chết. Cũng thế, Người đi trước chúng ta trong vinh quang của một cuộc đời được tái sinh, của một lịch sử được biến đổi, của một niềm hy vọng được hồi sinh. Trong những ngày tháng tối tăm của cơn đại dịch này, chúng ta hãy lắng nghe Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta bắt đầu lại, và đừng bao giờ để vuột mất niềm hy vọng của mình”.
Tin vào sự sống, tin vào Đấng đã nhập thể trong nổi đau và cái chết để phục hồi tất cả trong vinh quang phục sinh sẽ không là một công thức suông được lặp đi lặp lại như “điệp khúc của mùa Chay”, mà phải hiện thực ngay trong thánh lễ nầy, khi chút nữa đây, Thịt Máu Ngài sẽ trở nên lương thực trường sinh để biến cuộc đời ta, thân xác ta ngập tràn Thần Khí.
Như vậy, điều quan trọng còn lại không chỉ ngay giờ nầy, hay trong độ đường còn lại của Mùa Chay, mà phải là trong suốt cuộc sống, đó là ta hãy mạnh dạn trả lời câu hỏi của Đức Kitô: “Con có tin như thế không?”. Nhưng, không phải bằng cách lặp lại thuộc lòng câu trả lời của cô Matta: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”, nhưng là bằng tất cả con tim và cuộc sống, như Á Thánh Tử đạo Anrê Phú Yên: “Lấy tình yêu đáp trả trình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống…” hay cô gái Vêrônica phung cùi người Camêrun, cho dù mù mắt, cùi tay, cụt giò, vẫn vui tươi biến cuộc đời thành hy lễ và nhận chân đời mình được đong đầy kỳ diệu, để Lời Chúa kết trái đơm bông nơi bao nhiêu anh chị em thương tật cùi hủi khác…
Để yêu và để sống như thế, dĩ nhiên, sẽ là chuyện bất khả khi với thân phận con người, nhưng lại là chuyện có thể khi chúng ta biết sẵn sàng để cho “Thần Khí chi phối”. Đó chính là kinh nghiệm của Thánh Phaolô mà ngài chia sẻ lại cho cộng đoàn Rôma vào buổi khai sinh Kitô giáo, và cũng cho chúng ta hôm nay: “Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ngự trong anh em” (BĐ 2). Nguyện xin Thần khí của Đức Kitô hôm nay cũng biến đổi tất cả chúng ta nên những con người mới, nên những chứng nhân của Tin Mừng Sống lại giữa một thế giới đang bị bao phủ ngập tràn bởi một nền văn minh mang tên sự chết. Bởi vì, như Đức Phanxicô xác tín: “Đức tin không phải là một tiết mục thuộc về quá khứ. Đức Giêsu không phải là một nhân vật đã lỗi thời. Người vẫn sống, ở đây và ngay lúc này. Người bước đi cùng bạn mỗi ngày, trong chính hoàn cảnh cuộc đời mà bạn đang sống, trong những thử thách mà bạn đang phải trải qua, trong những ước mơ mà bạn đang ấp ủ…” (BG Vọng PS 2021). Amen.
Trương Đình Hiền
Qua phép lạ Lazarô sống lại : Chúa Giêsu muốn nói gì? Giáo Hội muốn nói gì?
Robert Ingersoll một người nổi tiếng của phái Bất khả tri đã chết năm 1899. Trong một buổi diễn thuyết, ông cố gắng chứng tỏ cho cử toạ thấy trình thuật Phép lạ Lazarô sống lại mà ông vừa nghe đọc, chỉ là một phép lạ giả, nhằm quảng cáo cho thầy Giêsu. "Đây là một âm mưu tập thể," ông Robert nói. "Lazarô thì giả bộ làm cho người ta tin anh bị bệnh, rồi chết. Các chị của Lazaro thì giả bộ giấu anh trong một cái hang, cung cấp đồ ăn vào ban đêm để không ai thấy, rồi dặn em đợi đến khi thầy Giêsu đến, gọi tên mới được ra nghe em".
Muốn củng cố thêm cho lý chứng của mình. Ông Robert hỏi cử toạ: "Ai trong các bạn ở đây có thể nói cho tôi biết lý do tại sao ông Giêsu lại gọi : Lazarô hãy ra đây ! – mà không chỉ nói đơn sơ : hãy ra đây !" (nếu đã chết rồi, thì có gọi tên cũng vô ích) - cứ làm phép lạ thẳng như biến một cục đá nào đó thành chiếc bánh bao, một xác chết khô héo nào đó thành người bảnh bao! Còn nếu gọi rõ tên như vậy thì chắc là lòi ra chàng kia còn sống, còn sống thì mới nghe được có ai đó gọi tên mình. "Ai trong các bạn ở đây có thể nói cho tôi biết lý do tại sao ông Giêsu lại gọi : Lazarô hãy ra đây ! – mà không chỉ nói đơn sơ : hãy ra đây !"
Một lời thách thức tuy không hóc búa lắm nhưng cũng có thể thuyết phục được một số người nào đó. Ông Robert chờ đợi, và ông cũng chẳng cần chờ lâu: Một ông già vóc dáng nhỏ bé đứng dậy trả lời
-Thưa ông Robert, tôi có thể trả lời cho ông hay: Nếu Đức Giêsu không nói rõ tên Lazarô hãy ra đây, mà chỉ nói trống : Hãy ra đây, thì tất cả những người được chôn trong nghĩa địa với Lazarô sẽ trỗi dậy hết để đến gặp Chúa Cứu Thế của họ...
Sau này Robert thú nhận lối phát biểu của cụ già đó thực sự làm ông ta bối rối, ngỡ ngàng, bởi vì phải tin mạnh lắm, không chút nghi ngờ gì mới có thể trả lời nhanh và gọn như vậy.
Việc làm cho người bạn Lazarô chết 4 ngày sống lại; cho con trai bà goá Naim nằm trong quan tài trở lại với mẹ; cho con gái ông Giairô mới chết rồi còn trỗi dậy …Việc cho 3 người chết sống lại: hồi sinh kẻ đã chết, chắc không phải là mục tiêu của Chúa đâu. Nhưng qua phép lạ này Chúa muốn nói với ta điều gì, và Giáo hội muốn nói với ta điều gì.
1. Chúa muốn nói với ta điều gì? - Ngài là sự sống.
Sự sống quan trọng hơn sự sống lại: Câu nói của Chúa cho Matta không phải là câu "Ta là sự sống và sự sống lại" nhưng là : "Ta là sự sống lại và là sự sống". Sống lại mà không có sự sống mãi thì sẽ chết – rồi lại phải làm phép lạ để sống lại. Cứ đi vòng vòng như kiếp luân hồi tái sinh. Trong kinh Tin Kính chúng ta cũng kết thúc bằng sự sống mãi chứ không dừng ở xác sống lại thôi. "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại – Tôi tin hằng sống vậy. Amen".
Dĩ nhiên niềm tin xác sống lại ngày sau hết khác với việc Lazaro chết rồi sống lại.. nhưng dù sao chúng ta cũng thấy cái chính là "sự sống".
“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta dù chết cũng sẽ sống. Và ai tin ta không chết bao giờ, con có tin điều đó không?” Chúa đòi Matta tin điều đó: Ngài là sự sống – nơi Ngài không có sự chết (chứ không chỉ tin ở sự sống lại).
Đức Giê-su không làm phép lạ chỉ vì muốn cho La-da-rô sống thêm một số năm tháng ở trần gian rồi lại chết sau cảnh già lão, yếu đuối tự nhiên của một kiếp người. Không. Qua qua phép lạ này, Ngài muốn dạy cho tất cả loài người hiểu rằng : một khi tin Ngài là sự sống lại và là nguồn sự sống, người ta không còn lo sợ cái chết nữa, nhưng sẽ được Ngài chia sẻ sự sống dồi dào của Thiên Chúa…
Người ta hay dùng hình ảnh cuộc sống đế vương để chỉ những người thường, mà giàu có, ăn sung mặc sướng chẳng khác gì khanh tướng đế vương. Tức là người thường mà như được sống kiếp vua. Ta có thể phóng đại hình ảnh đó lên để so sánh ta là người thường phải chết mà được chia sẻ cuộc sống thần linh bất tử của Chúa hằng sống. Chúa xuống trần chia sẻ 'kiếp người phải chết' để cho chúng ta được dự phần vào 'mệnh Chúa bất tử'.
Một hôm vợ của Trang Tử chết. Huệ-Tử đến viếng thăm, thấy Trang Tử ngồi duỗi chân xoặc cẳng ra gõ nhịp vào cài bồn nước mà ca hát. Huệ-Tử bảo :
- Mình đã sống với người ta được mấy mặt con, bây giờ người ta gìa người ta chết, mà mình lại không khóc cũng đã khó coi rồi, mà lại còn gõ nhịp ca hát thì qúa lắm !
- Không phải thế. Vợ tôi chết, tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm chứ... Nhưng xét cho cùng, thì người ta chết là trở về với Đấng Tạo Hóa. Cũng như người ra ngoài mà về lại nhà mình, thế mà người ta cứ vẫn theo đuổi than van khóc lóc thì chẳng hóa ra ta không biết đến mệnh Trời ư? Cho nên ta không khóc mà lại còn ca hát nữa là đúng rồi.
Trang Tử đã suy nghĩ như quan niệm "sinh kí, chàng ơi, tử tắc qui," và quan niệm này rất gần với Chúa Giêsu : chết là về Nhà Cha, không phải về chôn tại đó, ở Lăng cha cả, mà là sống mãi.
Chúa Giêsu muốn nói gì qua phép lạ này: Chúa là sự sống. Ta đến cho loài người được sống và sống dồi dào: tức là sống mãi, cuộc sống thần linh..
2. Giáo hội muốn nói với ta điều gì khi đặt bài Phúc m này vào Chúa nhật hôm nay? Phép Rửa Tái Sinh
Điều Giáo hội nói thì rõ rệt lắm. Hôm nay là bài Giáo lý cuối cùng về Phép Rửa chuẩn bị cho dự tòng và nhắc nhở chúng ta nhớ lại Phép Rửa của mình. Hai bài trước là :
- CN 3 : Chúa là Nước hằng sống, nước đem lại sự sống qua câu chuyện với phụ nữ bên giếng nước, nhắc ta nước Rửa Tội
- CN 4 : Chúa là Ánh sáng : qua trình thuật chữa người mù thuở mới sinh ra. Khi chịu phép rửa là ta được ánh sáng Đức Kitô chiếu soi. Và hôm nay,
- CN 5: Phép Rửa mang lại cho ta sự sống mới qua phép lạ cho Lazaro chết 4 ngày sống lại. Ta đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn.
Ý của Chúa Giêsu muốn nói qua phép lạ chữa Lazaro : Ta là sự sống được Giáo hội hiểu và đưa vào Phụng vụ vào những ngày chót của quá trình chuẩn bị cho Phép Rửa. Chúa đến để loài người được sống và sống dồi dào hơn. Không phải chỉ sống người ra người mà là sống dồi dào hơn, tức cuộc sống của người con Chúa mà chính Phép Rửa mang lại cho ta sự sống dồi dào đó: một cuộc sống thần linh. Nói đổi lời, “sự sống” không chỉ là sự sống của thể xác mà là sự sống trọn vẹn, chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Ladarô đã được Chúa Giêsu trả lại sự sống thể xác nhưng về sau thân xác ông cũng sẽ lại chết như bao người khác. Cho nên sự sống thể xác không quan trọng và quý giá cho bằng sự sống trọn vẹn trong sự kết hợp với Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau. Chính Phép Rửa Tái Sinh mang lại cho ta điều đó.
Trong thư Roma 6, 3-4 (*), thánh Phaolô sánh ví rất hay rằng chịu Phép Rửa như cùng chịu chết với Đức Giêsu và cùng sống lại với Người. Dìm xuống nước, là chết, là an táng. Lên khỏi nước, là sống lại, là sống mãi.
Vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Đêm Vọng Phục-Sinh tới đây, trong phần Phụng vụ Phép Rửa, chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh :
-Đức Kitô là Nước hằng sống: - Đức Kitô là Ánh sáng : qua phần Phụng vụ Ánh sáng và sau đó thắp sáng nến cho các tân tòng.
-Đức Kitô là Sự Sống, sự sống dồi dào qua việc họ cùng với chúng ta có một người Cha toàn năng và giàu lòng thương xót đã ban cho ta một người Anh là Đức Kitô đã đến thế gian để cho ta sống và sống dồi dào.
Chúng ta hãy cầu cho các dự tòng và cầu cho cả chúng ta nữa là những hình ảnh của Lazaro được Chúa cho sống lại, sống dồi dào hơn trong địa vị cao trọng của người con cái Chúa, mà Phép Rửa Tái Sinh bằng Nước và Thánh Thần mang lại cho ta quà tặng siêu vời đó.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
(*) Rm 6:3, Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?
Rm 6:4, Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.
KHÔNG CÒN BỊ RÀNG BUỘC VÀ HOÀN TOÀN TỰ DO
“Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”. Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Chúa Giêsu bảo, “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!”.
Trong một bài giảng, Giám mục John Fisher nói, “Có lẽ một số tội nhân sẽ bảo, ‘Tôi không nhận thấy và cũng không cảm thấy bất kỳ một trọng lượng nào trong tôi, tôi đâu có phạm tội nhiều đến thế!’. Và tôi trả lời người ấy rằng, “Nếu một con chó với một hòn đá lớn buộc quanh cổ bị ném từ trên tháp cao xuống, nó không cảm thấy sức nặng của hòn đá đó chừng nào nó đang rơi. Nhưng một khi tới đất, nó vỡ ra từng mảnh bởi chính sức nặng đó. Vì thế, bao lâu còn kịp, bạn hãy chạy xa khỏi tội lỗi, để mình ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Đối mặt với cái chết của Lazarô, Chúa Giêsu “thổn thức trong lòng và xao xuyến”; “Ngài khóc”; “Ngài lại thổn thức và kêu lớn tiếng”. Dẫu là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chọn mang lấy bản chất nhân loại, Ngài trải nghiệm những cảm xúc và đau khổ một cách ‘rất người’ của con người để dạy chúng ta cách thức phản ứng trước tội lỗi. Trong trường hợp này, Ngài bồi hồi xao xuyến, khóc lóc và kêu lớn tiếng. Bởi lẽ, Chúa Giêsu biết, tội lỗi giết chết tinh thần, giết chết linh hồn! Và kết quả là chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề nếu phạm tội trọng hoặc chứng kiến một tội trọng.
Bài học chúng ta có thể rút ra ở đây là khi bạn hoặc một người thân yêu phạm một tội trọng, thì chúng ta không được bỏ qua điều đó. Việc không ăn năn một tội lỗi, hoặc không có sự hối hận thích hợp về nó; để rồi, phản ứng với nó một cách tuỳ tiện... thì đây không thể là phản ứng của chúng ta. Hãy bắt đầu bằng cách xem xét giá trị to lớn của việc nhìn nhận tội lỗi một cách nghiêm túc, phản ứng với nó bằng tâm tình hối tiếc, u buồn như Chúa Giêsu, và cầu xin Ngài thứ tha.
Với chi tiết “Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải”, thánh Augustinô dạy, “Một phần, điều này tượng trưng cho quá trình ‘xưng tội và tha tội’. Thứ nhất, không ai có thể tự mình xưng tội. Hẳn là họ được đánh động bởi ân điển và mệnh lệnh của Chúa để bước ra ánh sáng; nhưng họ vẫn ở trong tình trạng bị ràng buộc. Việc Lazarô vâng theo lời truyền của Chúa Giêsu tượng trưng cho phản ứng của Kitô hữu khi họ được kêu gọi ăn năn. Ngài nói, “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!”, điều này tượng trưng cho hiệu quả vô song của Bí Tích Giải Tội và sức mạnh của nó. Nó giải thoát một người không chỉ khỏi tội lỗi mà còn khỏi những hậu quả liên tục của tội lỗi đó; từ đó, họ ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do’ thực hành các nhân đức”.
Anh Chị em,
“Hãy ra khỏi mồ!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về tính biểu tượng phong phú được tìm thấy trong câu chuyện về sự sống lại từ cõi chết của Lazarô. Khi bạn làm thế, hãy lắng nghe tiếng nói đầy nhiệt huyết của Chúa Giêsu đang gọi bạn, “Hãy ra khỏi mồ!”. Ngài kêu gọi bạn giải thoát khỏi tội lỗi nào? Hãy gọi tên tội lỗi đó và ăn năn với cùng một sự dằn vặt mà chính Chúa Giêsu đã thể hiện. Từ đó, hãy xem xét bất kỳ cám dỗ nào đang diễn ra mà bạn phải vật lộn, bất kỳ sự gắn bó nào mà bạn vẫn có đối với một tội cụ thể. Chúa Giêsu mong muốn bạn ‘không còn bị ràng buộc và hoàn toàn tự do’. Hãy cởi mở với ân sủng Ngài và làm tất cả những gì có thể để chấp nhận nó!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi ràng buộc, để con vững bước trên con đường nhân đức, hầu dẫn đến một niềm vui vĩnh cửu!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Luke Coppen, trên trang mạng The Pillar ngày 25 tháng 3 nhận định rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức, trong năm 2023, đã thống trị các tiêu đề cho đến nay, nhờ vào “Con đường Đồng nghị” đầy tranh cãi, vốn kết thúc vào tháng này với sự tán thành việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính, nữ phó tế và “sự đa dạng phái tính”.
Đo lường bằng sự chú ý của giới truyền thông quốc tế mà thôi, Công Giáo Đức dường như là một sự hiện diện có tính chỉ huy trên sân khấu thế giới, đi tiên phong trong những thay đổi căn bản đối với tín lý và thực hành của Giáo hội.
Nhưng nghịch lý thay, có thể nào ảnh hưởng của nó trong Giáo Hội Công Giáo rộng lớn hơn đang suy giảm hay không?
Hãy xem xét các diễn biến sau đây:
• Khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố danh sách mới của Hội đồng Hồng Y của ngài vào ngày 7 tháng 3, một cái tên đáng chú ý đã không còn: đó là Hồng Y người Đức Reinhard Marx, Tổng giám mục của Munich và Freising đã phục vụ trong “C9” kể từ khi nó được thành lập vào năm 2013.
• Ngày 15 tháng 3, khi Vatican công bố ủy ban chuẩn bị cho thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 ở Rome, không ai trong số bảy thành viên phát xuất từ Đức.
• Sau cuộc bầu cử các nhà lãnh đạo mới của Ủy ban các Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE) vào ngày 22 tháng 3, Giáo hội Đức không còn một đại diện nào trong ban chủ tịch của cơ quan này. Trước đây, Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen đã từng là một trong bốn phó chủ tịch.
Tất cả điều này có thể được coi như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nó cũng có thể là một phần của mô hình mới xuất hiện trong đó người Đức bị coi là quá gây tranh cãi hoặc thiếu tinh thần đồng đội để được chọn vào các tổ chức Công Giáo quốc tế.
Một lực lượng kinh tế - nhưng trong bao lâu?
Tất nhiên, sự giàu có của Giáo hội Đức bảo đảm rằng Giáo hội này tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể trên toàn thế giới. Sự hào phóng của nó đối với Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Vatican chắc chắn tạo ra những kỳ vọng về sự hỗ trợ lẫn nhau, hoặc ít nhất là khuyến khích sự khoan dung đối với những đổi mới gây tranh cãi của nó.
Giáo Hội Đức đã nhận được khoản tiền đáng kinh ngạc 6.3 tỷ euro từ thuế nhà thờ vào năm 2021 — con số cao thứ hai được ghi nhận — mặc dù năm đó mất nhiều thành viên hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, có một sự công nhận rộng rãi ở Đức rằng tình huống đặc biệt, trong đó thu nhập từ thuế nhà thờ tiếp tục tăng mặc dù số lượng người Công Giáo rời bỏ Giáo hội ở mức kỷ lục, sẽ không tồn tại mãi mãi.
Giáo phận Aachen được cho là đang chuẩn bị một kịch bản trong đó thuế nhà thờ giảm một nửa vào giữa thế kỷ 21. Trong khi đó, Giáo phận Eichstätt ở Bavaria vừa công bố các biện pháp cắt giảm chi phí nghiêm ngặt.
Ngày 16 tháng 3, Thomas Schäfers, viên chức giáo phận Eichstätt, cho biết: “Hậu quả tài chính của cuộc khủng hoảng Giáo hội liên tục đang giáng xuống giáo phận của chúng tôi một sức mạnh mà chúng tôi không ngờ nó ở quy mô này.”
Với việc các giáo phận Đức áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, có thể Đạo Công Giáo Đức sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp mức tài trợ tương tự cho Giáo hội trên toàn thế giới trong những thập niên tới. Điều đó sẽ có tác động dây chuyền đối với ảnh hưởng của nó, mặc dù rõ ràng đó là một sự cân nhắc ít quan trọng hơn nhiều so với tác động mà nó sẽ có đối với người Công Giáo ở các nước đang phát triển.
Một vùng đất không có đại sứ
Trong những năm sau Công đồng Vatican II, các nhân vật người Đức luôn đóng một vai trò đáng chú ý trên sân khấu Công Giáo thế giới. Những nhân cách lớn bao gồm các nhà thần học như Joseph Ratzinger/Benedict XVI và Hồng Y Walter Kasper, và những người có quan hệ tốt trong Giáo Hội như Hồng Y Karl Lehmann.
Sau sự ra đi của Đức Hồng Y Kasper và Đức Hồng Y Paul Josef Cordes vào năm 2010, và Đức Hồng Y Gerhard Müller vào năm 2017, nước Đức thiếu vắng những nhân vật hàng đầu trong Giáo triều Rôma. Trong số các đại diện của nó ngày nay có cựu Giám mục Limburg Franz-Peter Tebartz-van Elst trong Bộ Truyền giáo và Đức ông Daniel Pacho của Fulda tại Phủ Quốc vụ khanh.
Giáo phẩm Đức có ảnh hưởng nhất ngày nay được cho là Hồng Y Marx. Ngài chỉ mới 69 tuổi và giữ vai trò điều hợp viên quốc tế đáng chú ý của Hội đồng Kinh tế Vatican.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự hiển thị của ngài đã giảm đi. Vào năm 2020, ngài tuyên bố rằng ngài sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ nữa trong tư cách chủ tịch hội đồng giám mục Đức, lấy lý do là tuổi tác và mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho tổng giáo phận của mình.
Sau đó vào tháng 5 năm 2021, ngài đệ đơn từ chức tổng giám mục Munich và Freising, nói rằng ngài cảm thấy buộc phải “rút ra những hậu quả bản thân” từ cuộc khủng hoảng lạm dụng đang nhấn chìm Giáo hội Đức và hy vọng “gửi một tín hiệu bản thân cho một khởi đầu mới, cho một sự thức tỉnh mới của Giáo hội, không chỉ ở Đức.” Đức Giáo Hoàng đã từ chối đơn từ chức của Hồng Y Marx một tháng sau đó - từ chối cho ngài cơ hội gửi tín hiệu cho một sự thức tỉnh mới.
Quyết định của Hồng Y Marx từ bỏ chức vụ chủ tịch hội đồng giám mục Đức bảo đảm rằng ngài không còn là gương mặt đại diện cho Con đường Đồng nghị của đất nước. Vai trò đó thuộc về người kế nhiệm ngài, Giám mục Georg Bätzing, người đã vạch ra một con đường phía trước nhưng thiếu khả năng xoa dịu Vatican của Hồng Y Marx.
Hội đồng giám mục Đức thường được lãnh đạo bởi một Hồng Y (ngoại trừ Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch từ năm 2008 đến 2014). Bätzing vì thiếu chiếc mũ đỏ, nên bị coi là hạn chế sự tiếp xúc của ngài với các nhà lãnh đạo Công Giáo quốc tế cao cấp khác và hạn chế ảnh hưởng của ngài tại Vatican. (Không có người Đức nào được bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn kể từ khi Hồng Y Karl-Josef Rauber nghỉ hưu vào năm 2015.)
Vì vậy, Giáo hội Đức dường như thiếu một đại sứ thuyết phục ngay khi nó phải đối diện với một thử thách quan trọng về vị thế hoàn cầu của mình tại Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10.
Sự kiện đó sẽ làm rõ liệu những diễn biến gần đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay ảnh hưởng của Đức thực sự đang bắt đầu suy yếu.
Theo tin CNA, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của một giám mục người Đức vào thứ Bảy, người đóng vai trò quan trọng trong Con đường Đồng nghị Đức và đã chịu áp lực về việc xử lý lạm dụng tình dục của giáo sĩ trong giáo phận của mình.
Giám mục Franz-Josef Bode trước đó đã từ chối từ chức, bất chấp một báo cáo lạm dụng cho thấy ngài đã xử lý sai các trường hợp trong giáo phận của mình ở tây bắc nước Đức.
CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đưa tin Tòa thánh thông báo vào ngày 25 tháng 3 rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của giám mục Osnabrück. Không có dấu hiệu nào trước thông báo hôm thứ Bảy rằng Giám Mục Bode đã đề nghị từ chức.
Vị giám mục 72 tuổi này là phó chủ tịch hội đồng giám mục Đức từ năm 2017.
Phản ứng trước tin tức, Giám mục Georg Bätzing — chủ tịch hội đồng — cho biết vào ngày 25 tháng 3: “Hôm nay tôi mất đi người bạn đồng hành thân thiết nhất của mình trên Con đường Đồng nghị, con đường vẫn còn nhiều giai đoạn phía trước chúng ta”.
Chỉ hai tuần trước, Giám mục Bode đã gây chú ý khi tuyên bố sẽ thực hiện các nghị quyết được thông qua trong quá trình gây tranh cãi, bao gồm cả việc dẫn nhập việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính. Trước đây ngài đã công khai ủng hộ các nữ phó tế.
Trong một tuyên bố được công bố hôm thứ Bảy, Giám Mục Bode cho biết: “Trong gần 32 năm thi hành chức vụ giám mục của tôi, gần 28 năm trong số đó là giám mục của Osnabrück, tôi đã gánh vác trách nhiệm trong một giáo hội không chỉ mang phước lành mà còn mang cả tội lỗi nữa”.
Giám Mục Bode thừa nhận: “Đặc biệt là khi giải quyết các trường hợp giáo sĩ bạo hành tình dục, trong một thời gian dài, bản thân tôi có xu hướng tập trung nhiều hơn vào thủ phạm và định chế hơn là nạn nhân. Tôi đã đánh giá sai các trường hợp, thường hành động do dự, đưa ra nhiều quyết định sai lầm và không làm tròn trách nhiệm của mình với tư cách giám mục.”
Cho đến hai tháng trước, Giám Mục Bode đã nhiều lần từ chối từ chức, bất chấp một báo cáo lạm dụng tạm thời được công bố vào ngày 20 tháng 9 năm 2022, cho thấy ngài đã xử lý sai các vụ lạm dụng trong giáo phận mà ngài đã lãnh đạo từ năm 1995.
Bản báo cáo tạm thời dài 600 trang có tiêu đề “Bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương bởi các giáo sĩ trong Giáo phận Osnabrück kể từ năm 1945.”
Báo cáo cho biết trong những thập niên đầu tiên của nhiệm kỳ, Giám Mục Bode “liên tục” giữ những người bị cáo buộc lạm dụng tại chức vụ hoặc bổ nhiệm họ vào các vị trí khác, bao gồm các nhiệm vụ quản trị trong chăm sóc mục vụ thanh thiếu niên.
Vào tháng 12, một cơ quan cố vấn gồm những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã kêu gọi các thủ tục giáo luật chống lại Giám Mục Bode.
Hội đồng nạn nhân cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại chính thức tại Rome và đề cập đến sắc lệnh Vos estis lux mundi, được ban hành vào năm 2019 bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhằm cung cấp các quy tắc và thủ tục để giải quyết việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Vatican hôm thứ Bảy thông báo rằng Đức Giáo Hoàng đã phê chuẩn một phiên bản cập nhật của các quy tắc đó, hiện là một phần của giáo luật.
Trong một tuyên bố kèm theo khiếu nại của họ, hội đồng đã kêu gọi Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße của Hamburg, người đứng đầu tổng giáo phận đô thị, thực hiện “các bước hành động” chống lại Giám Mục Bode.
Ngoài Giám Mục Bode, một số giám mục nổi tiếng khác của Đức đã bị cáo buộc xử lý sai các trường hợp lạm dụng tình dục. Họ bao gồm Đức Hồng Y Reinhard Marx, người khởi xướng Con đường Đồng nghị, Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Con đường Đồng nghị – người kế vị Marx với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục – và Đức Tổng Giám Mục Heße của Hamburg.
Tất cả họ cho đến nay vẫn còn tại vị.
Lúc 9g sáng thứ Sáu 24 tháng Ba, trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng thứ Tư trong Mùa Chay 2023 với chủ đề “Mầu Nhiệm Đức Tin: Phụng vụ”.
Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Sau khi suy tư về việc phúc âm hóa và thần học, hôm nay tôi muốn đề xuất một số nhận định về phụng vụ và việc thờ phượng của Giáo hội, luôn luôn với ý định đóng góp, dù khiêm tốn và gián tiếp, vào công việc của Thượng hội đồng. Phụng vụ là điểm đến, là điều mà việc truyền giáo hướng tới. Trong dụ ngôn Tin Mừng, những người đầy tớ được sai đi khắp các ngã tư đường phố để mời mọi người dự tiệc. Giáo Hội là phòng tiệc và Thánh Thể là “bữa ăn của Chúa” (1 Cor 11:20) được dọn sẵn trong đó.
Trong những suy tư của chúng ta, chúng ta hãy bắt đầu với một cụm từ trong Thư gửi tín hữu Do Thái. Cụm từ ấy nói rằng, để đến gần Thiên Chúa, trước hết, người ta phải “tin rằng Ngài hiện hữu” (Dt 11:6). Tuy nhiên, ngay cả trước khi tin rằng Ngài hiện hữu (vốn đã là một phần của phương thế này), thì ít nhất cũng cần phải có “gợi ý” về sự hiện hữu của Ngài. Đây là điều mà chúng ta gọi là cảm giác thánh thiện và là điều mà một tác giả nổi tiếng gọi là “cảm thức thánh thiêng”, coi đó là một “mầu nhiệm to lớn và hấp dẫn”.
Thánh Augustinô đã dự đoán một cách đáng ngạc nhiên về khám phá hiện tượng học hiện đại về tôn giáo này. Hướng về Chúa, trong cuốn Tự Thú của mình, ngài nói, “Khi con gặp Chúa lần đầu tiên…, con đã run lên vì tình yêu và sự kinh hoàng.” Và một lần nữa, “Con rùng mình và con bùng cháy; Con rùng mình vì khoảng cách, con bùng cháy vì sự giống nhau.”
Nếu cảm giác thiêng liêng hoàn toàn bị mất đi, thì đất đai hoặc khí hậu, nơi mà hành động đức tin nở hoa, sẽ không còn nữa. Đây là hậu quả tồi tệ nhất của sự tục hóa. Charles Péguy đã viết rằng “sự khan hiếm và nghèo nàn đáng sợ những thứ thiêng liêng là dấu ấn sâu sắc của thế giới hiện đại.” Tuy nhiên, nếu cảm giác về sự thánh thiện đã biến mất, thì nỗi nhớ về nó vẫn còn mà ai đó đã định nghĩa, theo thuật ngữ thế tục là “sự khao khát về cái khác hoàn toàn”.
Những người trẻ tuổi cảm thấy cần phải thoát khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày và họ đã nghĩ ra những cách riêng để thỏa mãn nhu cầu này. Các nhà tâm lý học đại chúng đã quan sát thấy rằng những người trẻ tuổi từng tham dự các buổi hòa nhạc rock nổi tiếng, chẳng hạn như của The Beatles, của Elvis Presley hay Lễ hội Woodstock năm 1969, đã bị đưa ra khỏi thế giới hàng ngày của họ và được phóng vào một chiều kích mang lại cho họ ấn tượng của một cái gì đó siêu việt và thiêng liêng.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người ngày nay tham gia vào các cuộc tụ họp lớn của các ca sĩ và ban nhạc. Thực tế là có nhiều người, rung động đồng thanh với một đám đông, sẽ khuếch đại vô hạn cảm xúc của chính mình. Người ta có cảm giác là một phần của một thực tại cao siêu khác. Thuật ngữ “fan” - “người hâm mộ” (là chữ viết tắt của từ “fanatic” – “cuồng tín”) tương đương với thuật ngữ thế tục hóa “người sùng đạo”. Phẩm chất “thần tượng” được trao cho những người họ yêu thích có sự tương ứng sâu sắc với thực tại.
Những cuộc tụ tập đông người này có thể có giá trị nghệ thuật và đôi khi truyền tải những thông điệp cao quý và tích cực, chẳng hạn như hòa bình và tình yêu. Chúng là “các buổi phụng vụ” theo nghĩa gốc và trần tục của thuật ngữ này, nghĩa là các buổi biểu diễn được cung cấp cho công chúng xuất phát từ nghĩa vụ hoặc để đạt được sự ưu ái của họ. Tuy nhiên, chúng không liên quan gì đến trải nghiệm đích thực về sự thánh thiêng. Trong tiêu đề “Phụng vụ thánh”, tính từ thánh đã được thêm vào chính xác để phân biệt nó với các nghi lễ của con người. Có một sự khác biệt về chất giữa hai điều này.
Chúng ta hãy cố gắng xem xét qua phương tiện nào mà Giáo hội có thể trở thành, đối với con người ngày nay, là nơi đặc quyền để trải nghiệm thực sự về Thiên Chúa và về sự siêu việt. Những trường hợp đầu tiên xuất hiện trong tâm trí - do sự giống nhau bên ngoài - là những cuộc tụ họp lớn được thúc đẩy bởi các Giáo hội Kitô khác nhau. Chúng ta hãy nghĩ đến “Ngày Giới trẻ Thế giới” và vô số sự kiện – đại hội, hội nghị và các cuộc tụ họp – trong đó hàng chục (và đôi khi thậm chí hàng trăm) hàng nghìn người trên khắp thế giới tham gia. Không thể thống kê được số lượng người mà những sự kiện này mang đến cơ hội để họ có kinh nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa và khởi đầu một mối quan hệ mới và cá vị với Chúa Kitô.
Điều làm nên sự khác biệt giữa kiểu gặp gỡ quần chúng này so với những kiểu gặp gỡ được mô tả ở trên, là ở đây nhân vật chính không phải là một con người, mà là Thiên Chúa. Cảm giác về sự thiêng liêng mà một người trải nghiệm trong những cuộc tụ họp ấy là cảm giác thực sự chân chính duy nhất, chứ không phải là một sự thay thế bởi vì nó được khơi dậy bởi Đấng Chí Thánh chứ không phải bởi một “thần tượng”.
Tuy nhiên, đây là những sự kiện đặc biệt mà không phải ai cũng có thể tham gia và không phải lúc nào cũng vậy. Cơ hội tuyệt vời và phổ biến nhất, để trải nghiệm cảm thức thánh thiêng trong Giáo hội, là phụng vụ. Phụng vụ Công Giáo đã trải qua một sự chuyển đổi từ một hành động mang đậm dấu ấn thiêng liêng và tư tế sang một hành động mang tính cộng đồng và có sự tham gia nhiều hơn, trong đó tất cả dân Chúa đều có phần của mình, mỗi người có sứ vụ riêng.
Tôi muốn nói cách tôi nhìn thấy và giải thích sự thay đổi này cho chính mình. Điều này hoàn toàn không phải để đặt mình vào vị trí phán xét quá khứ, mà để hiểu rõ hơn về hiện tại. “Hiện tại” trong Giáo hội không bao giờ là sự phủ nhận “quá khứ”, mà là sự phong phú của nó, hoặc, như trong trường hợp hiện tại, đó là quay trở lại từ một quá khứ tương đối gần đây đến một quá khứ cổ xưa và nguyên bản hơn.
Trong quá trình phát triển của Giáo hội với tư cách là cộng đồng, một điều gì đó xảy ra tương tự như điều xảy ra với việc xây dựng nhà thờ. Hãy nghĩ về một số vương cung thánh đường và các nhà thờ chính tòa nổi tiếng: có bao nhiêu biến đổi kiến trúc đã diễn ra qua nhiều thế kỷ để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của mọi thời đại! Nhưng nó luôn luôn là cùng một nhà thờ, dành riêng cho cùng một vị thánh. Nếu có một xu hướng chung đang diễn ra trong thời kỳ hiện đại, thì đó là khuynh hướng khôi phục những tòa nhà này về cấu trúc và phong cách ban đầu của chúng – bất cứ khi nào điều này là có thể và xứng đáng. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trong Giáo hội với tư cách là một cộng đồng, và đặc biệt là trong phụng vụ của Giáo Hội. Công đồng Vatican II là một thời điểm quyết định trong tiến trình này, nhưng không phải là khởi đầu tuyệt đối. Công Đồng thu thập thành quả của nhiều công việc trước đó.
Chắc chắn không cần phải đi sâu vào lịch sử thế tục của phụng vụ ở đây – những người khác đã làm điều đó – và chính xác là từ quan điểm mà chúng ta quan tâm. Tôi chỉ cố gắng làm nổi bật sự tiến hóa liên quan đến cảm thức về sự thánh thiêng.
Vào thời kỳ đầu của Giáo hội và trong ba thế kỷ đầu tiên, phụng vụ thực sự là một “phụng vụ”, nghĩa là hành động của người dân (laos – dân chúng – nằm trong số các thành phần từ nguyên của từ leitourgia). Từ Thánh Giúttinô, từ tác phẩm Truyền Thống Tông đồ của Thánh Hippolytô, và các nguồn khác vào thời kỳ đó, chúng ta có được một hình ảnh về Thánh lễ chắc chắn gần với hình ảnh thánh lễ cải cách của chúng ta ngày nay hơn là hình ảnh của các thế kỷ chúng ta vừa bỏ lại sau lưng. Chuyện gì đã xảy ra thế? Câu trả lời là một từ khó xử mà chúng ta dù thế nào cũng không thể tránh khỏi: đó là giáo quyền hóa! Không có lĩnh vực nào khác lại dễ thấy hơn trong phụng vụ.
Việc thờ phượng của Kitô giáo, và đặc biệt là hy tế Thánh Thể, đã trải qua một sự biến đổi nhanh chóng, cả ở phương Đông và phương Tây, từ hành động của người dân thành hành động của giáo sĩ. Trong nhiều thế kỷ, phần trọng tâm của Thánh lễ, được gọi là Canon – hay Kinh Nguyện Thánh Thể - hoặc Anaphora - hay Kinh Nguyện Thánh Thể Đông phương, được linh mục đọc bằng một giọng trầm, bằng tiếng Latinh, đằng sau bức màn hoặc bức tường (một ngôi đền trong một ngôi đền!), ngoài tầm nhìn và nghe của người dân. Vị chủ sự chỉ cao giọng ở những lời cuối cùng của Kinh Nguyện: “Per omnia saecula saeculorum,” – “đến muôn thuở muôn đời” - và mọi người đáp lại, “Amen!” với những gì họ đã không nghe, chứ đừng nói là hiểu. Sự tiếp xúc duy nhất với Bí tích Thánh Thể, được thông báo bằng tiếng chuông, là thời điểm nâng cao Bánh Thánh.
Có một sự trở lại hiển nhiên đối với những gì đang diễn ra trong việc thờ phượng thời Giao ước thứ nhất. Vị Thượng tế tiến vào thánh điện, với bình hương và máu của các của lễ, còn dân chúng đứng bên ngoài thì run rẩy, choáng ngợp trước cảm thức về sự thánh thiện và uy nghiêm vô cùng của Thiên Chúa. Ý nghĩa thiêng liêng ở đây cao nhất, nhưng, đến thời Tân Ước, đó có phải là điều đúng đắn và chân chính không? Đây là câu hỏi quan trọng của chúng ta.
Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy: “Anh em đã chẳng thể tới gần … có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa… Nhưng anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben.”(Dt 12:18-24). “Nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.” (Dt 10:19-20). Chúa Kitô đã xuyên qua bức màn và không đóng lối đi phía sau Ngài (Dt 10:20).
Sự thánh thiện đã thay đổi cách thể hiện: không còn như một bí ẩn uy nghi và quyền năng, mà như một khả năng ẩn giấu và đau khổ vô biên. Sau khi truyền phép, chủ tế đọc hoặc hát: “Đây là mầu nhiệm đức tin!” Những người ở độ tuổi của tôi sẽ nhớ rằng, có một thời câu cảm thán này được đưa vào chính giữa công thức truyền phép rượu: “Hic est enim calix sanguinis mei, novi et aeternitesti – Mysterium fidei! – qui pro vobis et pro multis effundetur in remissionem peccatorum.” – “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu – đây là mầu nhiệm đức tin! - sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Như thể Giáo hội dừng lại, giữa chừng câu chuyện, ngạc nhiên về những gì mình đang nói!
Tất nhiên, cuộc cải cách đã đúng khi chuyển câu cảm thán này đến phần cuối của phần truyền phép, nhưng chúng ta không nên đánh mất cảm giác kinh ngạc chứa đựng trong đó. Tuy nhiên, quan trọng hơn điều này là hiểu được lý do thực sự khiến chúng ta kinh ngạc. Nó phải cùng loại với những gì chúng ta đọc được trong các bài thơ về Người tôi trung đau khổ của Yavê, là Đấng “sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói đến bao giờ” (Is 52:15).
Rúng động và run rẩy vẫn có một vị trí trong Giao ước mới, nhưng trước sự khiêm nhường và tình yêu của Thiên Chúa, hơn là sự uy nghiêm của Ngài. Một người có tâm tình này rất sâu sắc là thánh Phanxicô thành Assisi: Ngài viết trong một lá thư gửi cho toàn Dòng rằng, “Nhân loại hãy run sợ, hãy để cả vũ trụ run sợ và thiên đàng hân hoan khi ở trên bàn thờ, trong tay linh mục, Chúa Kitô, con Thiên Chúa hằng sống hiện diện.”
Một lần nữa, run rẩy vì cái gì? “Ôi sự khiêm nhường siêu phàm!”, thánh nhân tiếp tục. “Ôi sự siêu phàm khiêm nhường, rằng Chúa của vũ trụ, Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, đã hạ mình đến mức ẩn mình, vì phần rỗi của chúng ta, dưới một lượng bánh nhỏ nhất! Hỡi anh em, hãy nhìn xem sự khiêm nhường của Thiên Chúa!”
Vấn đề là không được lãng phí khả năng mới này do phụng vụ cải cách mang lại bằng những ứng biến tùy tiện và kỳ lạ, nhưng duy trì sự điều độ và điềm tĩnh cần thiết ngay cả khi Thánh lễ được cử hành trong những tình huống và môi trường cụ thể.
Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, xưa và nay, lời mời gọi ngay sau khi truyền phép là luôn luôn tưởng nhớ: “Unde et memores…” – “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ …” Đó là câu trả lời cho mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!” Nhưng trên hết, chúng ta phải nhớ gì về Ngài? “Mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén này, là anh em rao truyền cuộc tử nạn của Chúa” (1 Cr 11:26). Chúng ta hãy thử một lần cố gắng vượt ra ngoài ngôn từ, hay nói đúng hơn là mang đến cho ngôn từ một nội dung hiện sinh chứ không chỉ là một nội dung mang tính nghi thức.
Chúng ta hãy trở lại thời điểm Chúa Giêsu công bố những lời đó và cố gắng hiểu trong những điều kiện nội tại nào mệnh lệnh “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” đến từ môi miệng Đấng Cứu Chuộc. Ngài thấy rõ những gì Ngài đang dự phần. Ngài đã nhiều lần đề cập đến điều đó, nhưng như thể vẫn còn xa xôi. Nay giờ đã đến; thậm chí không còn một khoảng thời gian nào để giảm bớt nỗi thống khổ. Những lời “Đây là chén máu Thầy” không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là người biết rằng trong vài giờ nữa, Ngài sẽ chết một cái chết khủng khiếp. “Qui pridie quam pateretur” – “ngay trước cuộc khổ nạn…”
Và những gì đang xảy ra xung quanh Ngài? Thưa: Các tông đồ lại tìm cách tranh luận xem ai là người lớn nhất (Lc 22:24-27), giống như những người anh em, đang quây quần bên giường cha, tranh giành gia tài. Một trong số họ, trong vài giờ nữa, sẽ bán Ngài với giá 30 denarii – “In qua nocte tradebatur” – “vào đêm Ngài bị phản bội!”
Trong những tình cảnh này, Ngài đã thiết lập bí tích mà Ngài sẽ để lại với gia đình của mình cho đến tận thế. Người ta có thể tìm thấy ở đâu một mầu nhiệm “kinh hoàng và hấp dẫn” hơn thế này? Điều gì trên trần gian này có thể thánh thiêng liêng hơn? Vào ngày mà Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta, dù chỉ một thoáng, được nhìn vào vực sâu của vực thẳm yêu thương và đau khổ này, tôi tin rằng chúng ta sẽ không còn có thể sống như trước nữa. Điều này giải thích tại sao Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh dường như gặp khó khăn trong Thánh lễ và không thể hoàn thành việc truyền phép.
Nhưng chúng ta phải hoàn thành việc ôn lại Thánh lễ. Thánh lễ không chỉ bao gồm Kinh Nguyện Thánh Thể và Truyền phép; ngoài ra còn có Phụng vụ Lời Chúa và Hiệp lễ. Chúng ta có sẵn một số phương tiện không có sẵn trong quá khứ để nâng cao Phụng vụ Lời Chúa và cũng biến điều đó thành cơ hội để trải nghiệm điều thánh thiêng. Nhờ những tiến bộ mà Giáo hội đã đạt được trong nhiều lĩnh vực trong thời gian này, chúng ta có cơ hội tiếp cận trực tiếp hơn với Lời Chúa. Lời Chúa có thể vang dội với sự phong phú và quyền lực lớn hơn trong quá khứ.
Phụng vụ hiện nay rất phong phú về Lời Chúa, được sắp xếp một cách khôn ngoan, theo trình tự của lịch sử cứu độ, trong một khuôn khổ các nghi thức thường được đưa trở lại tính tuyến tính và đơn giản của nguyên bản. Chúng ta phải coi trọng những phương tiện này. Không gì có thể thấm nhập vào trái tim con người và làm cho tâm hồn con người cảm nhận được thực tại siêu việt của Thiên Chúa hơn là lời hằng sống của Thiên Chúa được công bố trong phụng vụ với đức tin và sự gắn bó với cuộc sống. Thánh Phaolô nói, đức tin phát sinh từ việc lắng nghe lời Chúa Kitô – Fides ex auditu (Rm 10:17).
Nhiều lời của Chúa Giêsu, có lẽ vừa được nghe trước đó một chút trong bài Tin Mừng trong ngày, vào lúc truyền phép, lại vang vọng trong trái tim, như được chính tác giả của những lời ấy nói lại một lần nữa, một cách sống động và thực sự hiện diện trên bàn thờ. Tôi sẽ luôn nhớ cái ngày mà, sau khi đưa ra những bình luận về những lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng: “Ở đây có người hơn ông Giôna; bây giờ ở đây còn hơn cả Salomon nữa” (Mt 12:41-42), đứng dậy sau khi bái lạy sau khi truyền phép, tôi cảm thấy như thốt lên trong lòng đầy kinh ngạc: “Kìa, ở đây còn hơn cả Salomon!”
Ngay cả bài đọc từ Cựu Ước, được chọn theo quan điểm của đoạn Tin Mừng, cũng đưa ra những ý nghĩa mới và sáng tỏ. Thánh Augustinô nói, trong quá trình chuyển đổi từ hình ảnh sang hiện thực, tâm trí sáng lên như “một ngọn đuốc đang chuyển động”. Như với hai môn đệ làng Emmau, Chúa Giêsu tiếp tục giải thích cho chúng ta “mọi lời Kinh Thánh chỉ về Người” (Lc 24:27).
Và sau đó chúng ta có Tiệc Thánh. Làm thế nào để phụng vụ có thể làm cho thời điểm này trở thành một cơ hội để trải nghiệm điều thánh thiêng, không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ cộng đồng? Tôi sẽ nói, đó là thông qua sự im lặng! Có hai loại im lặng: một loại im lặng mà chúng ta có thể gọi là khổ hạnh, và một loại im lặng thần bí. Một sự thinh lặng nhờ đó thụ tạo tìm cách vươn tới Thiên Chúa, và một sự thinh lặng do Thiên Chúa đến gần thụ tạo khơi dậy. Sự im lặng sau khi rước lễ là một sự im lặng thần bí, giống như sự im lặng mà chúng ta thấy trong các cuộc thần hiện của Giao ước thứ nhất. Sau khi hiệp lễ, người ta sẽ nghe lời khuyên của tiên tri Xôphônia vang lên trong không trung (1:7), “Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa là Chúa Thượng!” Nên có một vài khoảnh khắc, cho dù ngắn ngủi, im lặng tuyệt đối sau khi rước lễ.
Truyền thống Công Giáo cảm thấy cần phải kéo dài và dành nhiều thời gian hơn cho thời điểm tiếp xúc cá nhân này với Chúa Kitô Thánh Thể và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, đặc biệt là bắt đầu từ thế kỷ XIII, việc sùng kính Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Đó không phải là sự sùng bái tách rời và độc lập khỏi bí tích; nhưng là sự tiếp nối của việc “tưởng nhớ” Đức Kitô, các mầu nhiệm và lời của Người – một cách để nội tâm hoá mầu nhiệm mà chúng ta đã lãnh nhận. Chầu Thánh Thể là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy sự khiêm nhường và ẩn mình của Chúa Kitô không làm cho chúng ta quên rằng chúng ta đang ở trước mặt “Đấng Rất Thánh”, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng trời đất.
Nơi nào Chầu Thánh Thể được thực hành – bởi các giáo xứ, cá nhân và cộng đồng – thì hoa trái của nó có thể nhìn thấy được, ngay cả khi có liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng. Một nhà thờ đầy tín hữu trong sự thinh lặng tuyệt đối, trong suốt một giờ Chầu Thánh Thể lộ thiên, sẽ khiến bất cứ ai tình cờ bước vào phải thốt lên: “Chúa ở đây!” Tôi nhớ lời nhận xét của một người không Công Giáo, vào cuối giờ Chầu Thánh Thể thinh lặng, trong một nhà thờ giáo xứ lớn ở Hoa Kỳ, đông nghịt tín hữu, người ấy nói với một người bạn, “Bây giờ tôi hiểu điều mà các bạn người Công Giáo đề cập đến khi các bạn nói về 'sự hiện diện thực sự'!”
Nếu có một lý do khiến tôi lấy làm tiếc về việc mất tiếng Latinh, thì đó là vì khi tiếng Latinh bị bỏ rơi, một số bài hát đã phục vụ nhiều thế hệ tín hữu thuộc mọi ngôn ngữ để bày tỏ lòng sùng kính nồng nhiệt trước Thánh Thể không còn được sử dụng nữa: những bài như Adoro te devote – Con kính thờ, Ave Verum – Kính Lạy, Panis Angelicus – Bánh Các Thiên Thần. Bây giờ những bài ấy tồn tại được gần như hoàn toàn nhờ âm nhạc mà các nghệ sĩ nổi tiếng đã viết về chúng.
Chúng ta là “những tôi tớ của Chúa Kitô và những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cor 4:1) và, theo những cách khác nhau, mọi tín hữu tham gia vào việc thờ phượng Giáo hội, có thể cảm thấy bị đè bẹp và bất lực trước một nhiệm vụ cao cả như vậy. Làm thế nào chúng ta, những người cảm thấy nơi chính mình tất cả sự nặng nề của thân xác, có thể giúp mọi người cảm nghiệm được sự thánh thiêng và siêu nhiên trong phụng vụ? Câu trả lời luôn giống nhau, “Bạn sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần!” Đấng được định nghĩa là “linh hồn của Giáo hội” cũng là linh hồn của phụng vụ, là ánh sáng và sức mạnh nội tại của các nghi thức.
Thật là một hồng ân khi cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II đã đặt epiclesis, tức là Kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vào tâm điểm của Thánh lễ: trước tiên là trên bánh và rượu, sau đó là trên toàn nhiệm thể của Giáo hội. Tôi rất kính trọng Kinh nguyện Thánh Thể đáng kính của Lễ Qui Rôma [thường được gọi là Kinh nguyện Thánh Thể I], và tôi thích thỉnh thoảng sử dụng nó, là Kinh nguyện mà tôi đã được thụ phong linh mục. Tuy nhiên, tôi không thể không lưu ý với sự tiếc nuối về sự vắng mặt hoàn toàn của Chúa Thánh Thần trong đó. Thay vì lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần trong lời truyền phép hiện tại trên bánh và rượu, chúng ta tìm thấy trong đó công thức chung, “Lạy Chúa, xin thánh hóa lễ vật này với quyền năng chúc lành của Chúa…”
Đây cũng là một hậu quả đáng buồn của cuộc luận chiến giữa Đông và Tây. Trong quá khứ, nó đã thúc giục người Latinh chúng ta đặt vai trò của Chúa Thánh Thần trong ngoặc để gán tất cả hiệu quả cho lời truyền phép, và nó đã thúc đẩy người Hy Lạp đặt lời truyền phép trong ngoặc để gán mọi hiệu quả cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Như thể mầu nhiệm được thực hiện bằng một loại phản ứng hóa học có thể xác định được thời điểm chính xác.
Tuy nhiên, có một viên ngọc quý mà Kinh nguyện Thánh Thể I truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và việc cải cách phụng vụ đã bảo tồn và đưa vào tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể mới một cách đúng đắn; và đó chính là bài tán tụng cuối cùng: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”
Công thức này diễn tả một chân lý cơ bản mà Thánh Basilô đã trình bày trong chuyên luận đầu tiên về Chúa Thánh Thần. Ngài viết, trên bình diện khởi đi từ Thiên Chúa đến các thụ tạo, mọi sự bắt đầu từ Chúa Cha, đi qua Chúa Con và đến với chúng ta trong Chúa Thánh Thần; theo thứ tự các tạo vật trở về với Thiên Chúa, thì ngược lại, mọi sự bắt đầu với Chúa Thánh Thần, đi qua Chúa Con và trở về với Chúa Cha. Vì phụng vụ là thời điểm tuyệt vời nhất để các thụ tạo trở về với Thiên Chúa, nên mọi sự trong đó phải bắt đầu và lấy động lực từ Chúa Thánh Thần.
Sách Lễ cổ có một loạt các kinh nguyện mà linh mục phải đọc để chuẩn bị cho Thánh Lễ. Hôm nay chúng ta có thể chuẩn bị cho việc cử hành, tốt nhất là bằng một lời cầu nguyện ngắn nhưng mãnh liệt xin Chúa Thánh Thần canh tân việc xức dầu linh mục của Người trong chúng ta và đặt trong lòng chúng ta cùng một động lực mà Người đã đặt vào trái tim Chúa Kitô để dâng chúng ta lên Chúa Cha như của lễ sống động. Thư gửi các tín hữu Do Thái nói rằng “được Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9:14) Chúng ta hãy cầu nguyện để những gì đã xảy ra nơi Đấng là Đầu cũng xảy ra trong chúng ta, những chi thể của nhiệm thể Người.
1. Augustine, Confessions, VII, 10: “contremui amore et orrore”.
2.Ib. XI, 9: “et inhorresco et inardesco”.
3.Max Horkheimer
Source:Cantalamessa
“Legio Mariae, Đạo Binh Của Đức Mẹ, những người con của Đức Mẹ được mời gọi tiếp tục lên đường như Mẹ với một tâm tình “Xin Vâng” nhiệt thành, hăng say để yêu mến Chúa và phục vụ người khác.”
Đối với các hội viên Legio, ngày Lễ Truyền Tin được xem như ngày “Đại Lễ” hằng năm của Hội. Trong bầu không khí hân hoan đó, mọi người đã có mặt từ rất sớm để sửa soạn chuẩn bị Nghi Thức Dâng Mình cho Đức Mẹ và Thánh Lễ Tạ Ơn. Ngày lễ hôm nay còn là dịp rất đặc biệt để các hội viên được gặp gỡ nhau cách đông đủ. Quý ông, qúy bà, quý anh chị em tuy đã đứng tuổi, nhưng đã không quản ngại đường xa, đến tham dự Thánh Lễ. Sự háo hức với một con tim trẻ trung đầy nhiệt huyết làm cho khuôn mặt tuy đã có nhiều nếp nhăn cũng trở nên sáng ngời rạng rỡ.
Từ 8g sáng thứ bảy, ngày 25.3.2023, tại Revesby đã diễn ra ngày Đại Lễ Acies của toàn thể hội viên Legio Mariae, Curia Nữ Vương Mân Côi trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney, cùng tụ về hội trường Giáo Xứ St. Luke REVESBY số 1 Beaconsfiled St, Revesby NSW 2212.
Trong Đại Lễ Acies của Legio Mariae, các thành viên cùng nhau tham dự Thánh Lễ và trước đó, cùng nhau tham dự một nghi lễ trọng thể, được gọi là "Lễ Nghi Dâng Mình" cho Đức Mẹ với lời tận hiến: “Lạy Nữ Vương Là Mẹ Con, Toàn Thân Con Thuộc Về Mẹ, và Mọi Sự Của Con Là Của Mẹ.” Trong lễ nghi Dâng Mình này, các thành viên của Legio Mariae hát và cầu nguyện cùng nhau để tôn vinh Mẹ Maria và nhận những phúc lành từ Chúa. Lễ kết thúc bằng việc các thành viên của Legio Mariae cam kết trung thành với Đức Mẹ Maria và theo đuổi những mục tiêu của Legio Mariae trong công việc rao giảng Tin Mừng qua các công tác Tông Đồ.
Đúng 9 sáng, 13 đội Legio xếp thành hàng dài 500m rước kiệu Đức Mẹ từ khuôn viên trường học St Luke’s Revesby và tiến vào nhà thờ, trên tay cầm chuỗi Mân Côi, và ngắm 5 chục kinh Kính Mừng. Đoàn rước theo thứ tự:
Xem hình tại link này
• Thánh Giá Nến Cao.
• Cờ Vexillum,
• TTV Thánh Thể.
• Cờ Đội Đức Bà Là Ngôi Sao Sáng.
• Cờ Đội Đức Mẹ Truyền Tin
• Cờ Đội Nữ Vương Truyền Giáo
• Cờ Đội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
• Cờ Đội Đức Mẹ Vô Nhiễm
• Cờ Đội Đức Mẹ Sầu Bi
• Cờ Đội Đức Mẹ Thăm Viếng
• Cờ Đội Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu
• Cờ Đội Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
• Cò Đội Nữ Vương Hòa Bình
• Cờ Đội Nữ Vương Các Thánh Nam Nữ
• Cờ Đội Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Kiệu Nữ Tướng Maria và 2 cha Linh Giám, Lm. Paul Văn Chi với Lm. Trần Văn Trợ.
Khi Thánh Tượng Mẹ an vị, người điều hợp chương trình lời chào mừng Quý Cha Linh Giám, và đọc qua chương trình Đại Lễ Acies.
Anh Trưởng Curia Giuse Lý Ngọc Thuyên giới thiệu và nói về tiểu sử từng đội Legio, số hội viên của từng hội, và ngày thành lập. Tổng cộng Curia có 1738 hội viên, 105 hội viên Hoạt Động, 1588 hội viên Tán Trợ, 21 Nghĩa Sĩ, 50 hội viên Bảo Trợ.
Sau đó, Nghi thức Dâng Mình cho Đức Mẹ bắt đầu hát bài “Tận Hiến Cho Mẹ.” Mọi người xếp thành hàng 2 cùng bước lên trước tượng Đức Mẹ, một tay đặt lên cờ Vexillum đọc lời dâng mình cho Đức Mẹ: “Lạy Nữ Vương Là Mẹ Con, Toàn Thân Con Thuộc Về Mẹ, và Mọi Sự Của Con Là Của Mẹ.” Có những ông cụ bà cụ đọc trong nước mắt nghẹn ngào vì cảm thấy gần gũi với Mẹ.
Đầu tiên là Cha Linh Giám đặt tay lên cờ Vexillum, Quý Cha, Quý Sơ, Ban Chấp Hành Curia, các Ủy Viên Curia và các thành viên chuyên môn, các Hội Viên theo thứ tự tiến lên đọc lời Dâng Mình cho Đức Mẹ. Tổng cộng với hơn 500 Hội Viên tham dự Đại Lễ Acies hôm nay.
Thánh Lễ tạ ơn do Lm. Paul Văn Chi Linh Giám và Lm. Nguyễn Thái Hoạch cựu Linh Giám đồng tế. Trong bài giảng, Cha Linh Giám nói về Lễ Truyền Tin ghi nhớ sự kiện Sứ Thần Gabriel truyền tin cho Trinh Nữ Maria sẽ thụ thai qua quyền năng của Chúa Thánh Linh và trở thành Mẹ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Ngài cũng kể về câu chuyện một tù nhân Pierre, trước khi bị tử hình, chàng tù nhân đó xin được phép tìm tấm hình Đức Mẹ mà chàng tin tưởng và yêu kính Mẹ trước khi chết…Sau khi trại tù bị hỏa hoạn, chàng thoát ra khỏi trại tù…Chàng đi gần về nhà, nhìn qua khung của sổ thấy vợ và con đang quỳ gối cầu nguyện cùng Mẹ Maria cho chàng…Chàng tiến vào nhà và cả nhà ôm nhau khóc vì sung sướng và cùng nhau tạ ơn Đức Mẹ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị khẳng Định với Legio: “Nơi nào có Mẹ, nơi đó có Chúa Giêsu con Mẹ.”
Mọi người sốt sắng đọc Kinh Tin Kính và tới câu “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.” Mọi người đều quỳ gối tưởng nhớ Mầu Nhiệm Nhập Thể thật sốt sáng,
Sau phần Rước Lễ, mọi Hội Viên cùng đọc kinh Catena. Sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, Anh Trưởng Curia Nữ Vương Mân Côi Giuse Lý Ngọc Thuyên cám ơn Quý Cha Linh Giám, Quí Sơ Trợ Giám, các cộng sự viên, anh Khánh Lai, đã ghi lại hình ảnh cho buổi Đại Lễ hôm nay, Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby, Ca Đoàn Legio, và tất cả các Hội Viên tới tham dự Đại Lễ Acies đông đủ. Nhiều cụ ông cụ bà bị bệnh đi bằng xe lăn cũng tới tham dự và dâng mình cho Đức Mẹ.
Đại Lễ Acies giúp các Hội Viên nhìn lại mối tương quan của từng hội viên cũng như mỗi Praesidium đối với Đức Mẹ, đặc biệt trong việc thực hành lòng sùng kính Mẹ Maria theo gương thánh Louis Marie de Montfort để Tận Hiến cho Mẹ. Lễ Nghi Dâng Mình cho Đức Maria được cô đọng trong lời tận hiến đầy ý nghĩa: “Lạy Nữ Vương Là Mẹ Con, Toàn Thân Con Thuộc Về Mẹ, và Mọi Sự Của Con Là Của Mẹ.” Chỉ tâm tình Dâng Mình này gói trọn tất cả những gì thuộc về đời sống của một Kitô hữu và mối tương quan mật thiết của Hội Viên với Mẹ Maria. Những lời Dâng Mình này còn diễn tả sự tin tưởng, phó thác, và dấn thân của mỗi hội viên Legio trong công tác Tông Đồ. Cha Linh Giám cũng mời mọi người ở lại chụp chung tấm hình làm kỷ niệm Đại Lễ Acies năm 2023.
Mọi người ra về trong tình yêu kính Mẹ Maria. Và quyết tâm noi gương theo Mẹ, Hiền Mẫu Maria.
Khanh Lai tường trình
- Đức Giám Mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay là Giám Mục Phụ Tá (hiệu tòa Catrum) Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh.
- Linh mục Phêrô Kiều Công Tùng, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh và hiện nay là linh mục Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục Tp. Hồ Chí Minh, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm.
- Linh mục Phêrô Lê Tấn Lợi, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ và hiện nay là linh mục Giám học của Đại Chủng viện thánh Quý, làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
- Sinh ngày 26 tháng 12 năm 1962 tại Quảng Nam, Đà Nẵng
- 1969 - 1979: Học các trường Lasan Mossard, Lasan Taberd Saigon, Trần Quốc Tuấn
- 1979 - 1984: Học Đại học Tổng hợp (Khoa học Tự nhiên) Tp. HCM, tốt nghiệp Cử nhân Toán - Tin học
- 1993 - 1999: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon
- Ngày 30/06/1999: Được Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp.HCM
- 1999 - 2001: Linh mục phụ tá giáo xứ Phú Nhuận, trợ giảng sinh ngữ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
- 2001 - 2006: Học tại Học viện Gia Đình Gioan-Phaolô II (Đại học Lateranensis), Roma; tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học (S.T.D) chuyên biệt về Hôn nhân và Gia đình
- 2006: Học về Đào tạo Ơn gọi tại Đại học Gregoriana, Roma
- 2007 - 2013: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Tp. HCM
- 2007 - 2017: Trưởng ban Mục vụ Gia đình Tổng Giáo phận Tp. HCM; Thư ký Uỷ ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
- 2007 - 2017: Giám đốc Nhà Huấn luyện Tiền Chủng viện Thánh Phaolô Lộc (Dự bị Đại Chủng viện) của Tổng Giáo phận Tp. HCM
- 2009 - 2014: Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (Giáo tỉnh Saigon)
- 2014 - 2018: Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam
- Ngày 25 tháng 08 năm 2017 được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá (hiệu toà Catrum) Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh;
được truyền chức Giám mục ngày 14 tháng 10 năm 2017, khẩu hiệu Giám mục: “Này con đây”
- Ngày 19 tháng 03 năm 2021 Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Hà Tĩnh
- Ngày 25 tháng 03 năm 2023 được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Hà Tĩnh
Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn cũng đảm trách các trách vụ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam:
- Tại Đại hội lần thứ XIV (30/9/2019 – 04/10/2019) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
- Tại Đại hội lần thứ XV (03 – 07/10/2022) của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Luy được bầu làm Phó Tổng Thư ký HĐGM
***
- Sinh ngày 28 tháng 07 năm 1972, tại giáo xứ An Hội, Giáo phận Cần Thơ
- 1991 - 1993: Dự tu lớp Carôlô của Giáo phận Cần Thơ
- 1993 - 2000: Học tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ
- 22/06/2000: Được Đức Giám Mục Emmanuel Lê Phong Thuận truyền chức linh mục, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ
- 2000 - 2003: Phó xứ giáo xứ Phụng Hiệp, hạt Đại Hải, Giáo phận Cần Thơ
- 2004 - 2011: Du học tại đại học Giáo Hoàng Urbaniana, Rôma; tốt nghiệp học vị tiến sĩ Thần học Thánh Kinh
- Từ 2011 đến nay: Phục vụ tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ:
+ Đặc trách Chủng Sinh Giáo phận Cần Thơ
+ Năm 2012 - 2018: Trưởng Ban Thánh Kinh, Giáo phận Cần Thơ
+ Năm 2015 đến nay: Giáo sư thỉnh giảng tại Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm, Giáo phận Bùi Chu
+ Năm 2017 đến nay: Giám học tại Đại Chủng viện Thánh Quý
- 25/03/2023: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ.
- Sinh ngày 24/8/1964 tại Thủ Đức, thuộc Giáo xứ Cao Thái, Tổng giáo phận Sài Gòn
- 1993 - 1999: Tu học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
- Ngày 30/06/1999: Được Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Tp.HCM
- 1999 - 2003: Phụ tá Giáo xứ Bùi Phát, Tổng giáo phận Tp. HCM
- 2003 - 2004: Phục vụ tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
- 2004 - 2009: Du học tại Hoa Kỳ (Boston College & Boston University); tốt nghiệp Thạc sĩ các chuyên ngành Mục vụ - Thánh nhạc và Thần học
- 2009 - 2010: Phụ tá nhà thờ Chính tòa
- 2010 ˗ 2016: Linh mục nội trú tại Đại Chủng viện Thánh Giuse
- 2010 - nay: Giảng dạy tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Học viện Công Giáo Việt Nam và một số Học viện Dòng tu
- 2016 ˗ nay: Chưởng ấn Tòa Tổng giám mục Tổng Giáo phận TP. HCM
- 25/3/2023: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm
***
1. Lính đánh thuê Wagner 'tìm cách tái tập trung vào Phi Châu sau tổn thất nặng nề ở Ukraine và sự thất sủng của Yevgeny Prigozhin với Putin'
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm 24 tháng Ba, Đại Tá Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm phía Đông của các lực lượng vũ trang cho biết quân Wagner tiếp tục chiến thuật biển người lăn xả vào quân phòng thủ Ukraine, “Chúng tôi hạ gục chúng. Trên thực tế, sẽ không còn chiến binh Wagner nào nữa nếu họ tiếp tục động lực như cũ”.
Ký giả Christian Oliver của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Wagner mercenaries 'look to refocus on Africa after suffering huge losses in Ukraine and Yevgeny Prigozhin's fall-out with Putin'“, nghĩa là “Lính đánh thuê Wagner 'tìm cách tái tập trung vào Phi Châu sau tổn thất nặng nề ở Ukraine và sự thất sủng của Yevgeny Prigozhin với Putin'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Tập đoàn Wagner của Nga được cho là hiện đang chuyển trọng tâm sang Phi Châu sau khi chịu tổn thất nặng nề ở Ukraine trong bối cảnh ông trùm của tập đoàn lính đánh thuê bất hòa với Vladimir Putin.
Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm, đã có tranh chấp kéo dài với Điện Cẩm Linh, đặc biệt là với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Anh ta đã cáo buộc Shoigu ngăn chặn việc cung cấp đạn dược và nhân sự cho nhóm quân sự tư nhân của anh ta.
Prigozhin và nhóm lính đánh thuê của hắn hiện đang tham chiến ở Bakhmut thuộc vùng Donetsk của Ukraine. Giao tranh trong khu vực đã diễn ra ác liệt trong tám tháng, tạo ra một số trận chiến đẫm máu và kéo dài nhất trong cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine.
Cuộc chiến tàn khốc đã chứng kiến Prigozhin mất hàng ngàn người từ tiền tuyến, bị giết hoặc bị thương. Nhiều tù nhân đã ghi danh gia nhập hàng ngũ của nhóm Wagner cũng đã được ân xá sau khi phục vụ sáu tháng trong quân đội. Prigozhin được cho là đã bị Điện Cẩm Linh cấm tăng quân bằng cách tuyển mộ tân binh tù nhân.
Sự thay đổi chiến thuật từ Wagner diễn ra sau những lo ngại được báo cáo trong Điện Cẩm Linh rằng Prigozhin có thể cố gắng tập hợp những người lính đánh thuê của mình để chống lại Putin và nắm quyền ở các vùng ngoại ô Nga sau cuộc chiến ở Ukraine.
Tin tức về sự thay đổi trọng tâm của nhóm Wagner - được báo cáo bởi Bloomberg, là phương tiện truyền thông đã trích dẫn các nguồn tin thân cận với vấn đề - có thể sẽ khiến Mạc Tư Khoa lo ngại sau khi Kyiv cho biết họ đã sẵn sàng tiến hành một cuộc phản công mới vào Bakhmut đang bị chiến tranh tàn phá.
Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết: “Quân xâm lược không từ bỏ hy vọng chiếm được Bakhmut bằng mọi giá, bất chấp tổn thất về người và thiết bị, chúng ta sẽ sớm tận dụng cơ hội này, như chúng ta đã làm gần Kyiv. Kharkiv, Balakliya và Kupiansk.”
Prigozhin đã công khai chỉ trích quân đội và giới lãnh đạo quân sự của Nga. Trước đó, ông đã chỉ trích và làm mất uy tín của các quan chức quân đội hàng đầu cũng như bất kỳ ai cản đường ông, khiến nhiều người trong chính phủ Nga muốn ông ta phải bị kiềm chế tức giận.
Nhưng trong khi họ đã giành được thành công ở các thị trấn như Soledar, Popasna và Lysychansk, nhóm này đã mất quân nhanh chóng vì một số lớn đã tử trận, và nhiều người trong hàng ngũ tội phạm của quân Wagner được trả tự do sau thời hạn 6 tháng chiến đấu.
Trong bối cảnh giao tranh ở Bakhmut, Prigozhin liên tục yêu cầu Điện Cẩm Linh cung cấp đạn dược, quân tiếp viện và hỗ trợ thêm cho ông ta.
Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu được cho là đặc biệt bất đồng với Prigozhin về chiến lược mặc dù ông trùm Wagner đã mang lại thành công trên chiến trường và dẫn đầu cuộc tấn công vào Bakhmut.
Việc vận chuyển đạn dược được cho là đã bị dừng lại vào đầu tháng này trước khi chúng có thể đến được với Prigozhin và nhóm Wagner của ông ta ở Bakhmut, cản trở bất kỳ bước tiến quân sự nào.
Đầu tháng này, Prigozhin nói rằng lực lượng của ông sẽ phải 'thiết lập lại và cắt giảm quy mô' sau những tổn thất đáng kể ở thành phố bị chiến tranh tàn phá.
Nhưng giờ đây, Wagner đang công khai tuyển dụng nhân sự để hoàn thành các hợp đồng mà họ có ở Phi Châu. Nhóm này đã được tuyển dụng để bảo vệ các mỏ và cung cấp bảo mật cho các dịch vụ của chính phủ. Nhóm đang tìm kiếm các ứng viên cho thời gian làm việc từ 9 đến 14 tháng ở Phi Châu.
2. Nhà lãnh đạo NATO cảnh báo Putin đang 'lên kế hoạch cho chiến tranh nhiều hơn'
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đang trong tình trạng bế tắc. Nếu không huy động thêm, quân Nga sẽ sớm sụp đổ ở Ukraine. Nếu điều đó xảy ra, chính quyền của Putin sẽ nhanh chóng sụp đổ theo, và một chính quyền mới sẽ trao Putin ra cho Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, để thoát khỏi các lệnh trừng phạt. Chính vì thế, Putin không còn con đường nào khác hơn là mở rộng chiến tranh để kéo dài tuổi thọ của ông ta.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Chief Warns Putin Is 'Planning for More War'“, nghĩa là “Nhà lãnh đạo NATO cảnh báo Putin đang 'lên kế hoạch cho chiến tranh nhiều hơn'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch cho chiến tranh nhiều hơn chứ không phải hòa bình ở Ukraine.
Stoltenberg đã đưa ra tuyên bố này trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The Guardian, nơi ông thảo luận về niềm tin của mình rằng Putin đang bị nhốt trong “một cuộc chiến tiêu hao”.
Trong suốt cuộc chiến, NATO đã kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục cung cấp cho Ukraine những nhu yếu phẩm cần thiết. Gần đây, ông Stoltenberg nói rằng các nước NATO không nên lo lắng về các yêu cầu của liên minh đối với kho đạn dược và thay vào đó hãy tập trung vào việc hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Đầu tuần này, Ukraine được khích lệ khi Liên minh Âu Châu tuyên bố sẽ cung cấp 1 triệu viên đạn pháo cho nước này trong vòng 12 tháng tới. Mặc dù vậy, Stoltenberg nói với The Guardian rằng ông hy vọng NATO sẽ tiếp tục cung cấp thêm nguồn cung cấp cho Ukraine trong nỗ lực ngăn chặn các kế hoạch quân sự của Putin.
Ông nói: “Nhu cầu sẽ tiếp tục ở đó vì đây là cuộc chiến tiêu hao. Tổng thống Putin không lên kế hoạch cho hòa bình, ông ấy đang lên kế hoạch cho chiến tranh nhiều hơn.”
Để duy trì các cuộc tấn công của lực lượng của mình vào Ukraine, Putin đã ra lệnh cho Nga tăng cường sản xuất công nghiệp quân sự đồng thời “tiếp cận với các chế độ độc tài như Iran hoặc Triều Tiên và các nước khác để cố gắng có thêm vũ khí,” Stoltenberg nói.
Cho rằng Ukraine đang sử dụng hàng nghìn viên đạn pháo mỗi ngày, tổng thư ký thừa nhận rằng “tỷ lệ chi tiêu đạn dược hiện tại cao hơn tốc độ sản xuất hiện nay”. Tuy nhiên, ông nói rằng các hợp đồng sản xuất mới sẽ giải quyết nhu cầu này.
Ông Stoltenberg ca ngợi các thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự như xe tăng và pháo phản lực, nói rằng những đóng góp đó đã cho phép quân đội của Zelenskiy “chiếm lại lãnh thổ để giải phóng ngày càng nhiều đất đai” mà lực lượng của Putin đã xâm lược trong những ngày đầu của cuộc xâm lược. được ra mắt vào tháng 2 vừa qua.
Về chủ đề gửi máy bay phản lực phương Tây đến Ukraine, Stoltenberg nói với The Guardian, “Chúng ta nên tiếp tục giải quyết nhu cầu có nhiều khả năng hơn.”
Ba Lan và Slovakia đầu tháng này tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu MiG-29. Ông Stoltenberg cho biết các thành viên NATO khác có thể sớm cung cấp thêm máy bay phản lực cho Zelenskiy. Ông cũng ám chỉ rằng Tổng thống Joe Biden có thể đảo ngược hướng đi sau khi nói rằng những chiếc F-16 “Chim ưng chiến đấu” do Mỹ sản xuất không nằm trong bàn đàm phán với Ukraine.
Theo Stoltenberg, “Chưa có bất kỳ quyết định nào về F-16.”
Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.
3. Đại sứ nói Putin 'sẽ bị bắt' nếu tới Đức
Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hô hào các quốc gia thi hành lệnh bắt giữ Putin do ICC đưa ra hôm 18 tháng Ba. Đức cho biết họ sẽ bắt giữ Putin ngay khi có thể.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin 'Will Be Arrested' If He Travels to Germany, Ambassador Says”, nghĩa là “Đại sứ nói Putin 'sẽ bị bắt' nếu tới Đức.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Các quan chức Đức đã nói rõ rằng họ có ý định thực thi lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu có cơ hội, bất kể Mạc Tư Khoa phản đối biện pháp này và phủ nhận việc họ phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, mặc dù có nhiều bằng chứng.
Hôm thứ Tư, nhà ngoại giao hàng đầu của Berlin tại Ukraine đã trở thành nhân vật mới nhất của Đức cam kết tuân thủ lệnh của ICC, được ban hành vào tuần trước về việc Nga bắt cóc hàng nghìn trẻ em Ukraine sang lãnh thổ Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái.
“Nếu Putin xuất hiện trên lãnh thổ Đức, chắc chắn ông ấy sẽ bị bắt,” Anka Feldhusen nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo của Trung tâm Truyền thông Ukraine “Điều đó đã được xác nhận bởi bộ trưởng tư pháp Đức,” cô nói thêm. Thủ tướng Olaf Scholz cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với lệnh này, khi nói với các phóng viên trong chuyến thăm Nhật Bản vào tuần trước: “Không ai đứng trên luật pháp.”
“Chúng tôi là một phần của Quy chế Rôma,” đại sứ nói, đề cập đến thỏa thuận làm nền tảng cho thẩm quyền của ICC. “Không chỉ chúng tôi, mà hơn 120 quốc gia. Vì vậy, Putin sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các chuyến công du tới bất kỳ quốc gia nào như vậy”.
“Tôi nghĩ rằng lệnh bắt giữ này là rất kịp thời và cuộc thảo luận đang hướng nhiều hơn đến trách nhiệm pháp lý của Nga đối với tội ác xâm lược, đối với tất cả các tội ác chiến tranh mà họ đã gây ra,” Feldhusen nói thêm. “Và chúng tôi đang làm việc với các đối tác Ukraine của chúng tôi.”
Lệnh của ICC đã gây ra cơn thịnh nộ ở Mạc Tư Khoa, với cựu Tổng thống Dmitry Medvedev - người đã trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc mở rộng cuộc chiến chống Ukraine - thậm chí còn đe dọa tấn công hỏa tiễn vào ICC.
“Tòa án tối cao của Nga hiện đã mở cuộc điều tra riêng chống lại ICC và các thẩm phán chịu trách nhiệm về lệnh bắt giữ Putin,” Medvedev nói.
Tổng thống Nga khó có thể bị bắt sớm. Nhưng phán quyết của ICC đã được hiểu là một tín hiệu cho các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga - cũng như quân đội tiền tuyến - rằng tòa án quốc tế cam kết trừng phạt những kẻ tham gia vào các tội ác đang diễn ra ở Ukraine.
Lệnh bắt giữ cũng đã được ban hành đối với ủy viên quyền trẻ em của tổng thống Maria Lvova-Belova, người đã công khai lãnh đạo việc tái định cư trẻ em Ukraine đến Nga trong năm qua. Theo Kyiv, hơn 16.000 trẻ em Ukraine đã được đưa đến Nga kể từ tháng 2/2022.
Vasily Nebenzya, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cho biết những đứa trẻ sẽ được trao trả khi tình hình đủ an toàn để cho phép. Nhưng các quan chức Ukraine và các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc nói rằng việc bắt cóc như thế là một trong những tội ác chiến tranh do lực lượng Nga gây ra.
Mark Voyger - cựu cố vấn đặc biệt về các vấn đề Nga và Á-Âu cho Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Âu Châu, Tướng Ben Hodges - nói với Newsweek: “Điều đó cho giới tinh hoa của họ thấy rằng Putin có dấu ấn trên trán của ông ta”.
“Giới thượng lưu Nga đã cố gắng hội nhập vào phương Tây trong nhiều thập kỷ nay, với tất cả lối sống xa hoa của họ: du thuyền, đầu tư, tài khoản ngân hàng, con cái học tập ở Anh, Mỹ, Pháp, v.v. thành viên cấp cao thường trú tại Trung tâm Phân tích Âu Châu và là giáo sư tại Đại học Kyiv của Mỹ—cho biết. “Điều này cho họ thấy rằng Putin phản đối tất cả những điều này.”
“Tôi nghĩ hy vọng ở đây là họ sẽ bắt đầu dao động, hoặc ít nhất là những người bằng cách nào đó vẫn còn bị ràng buộc với phương Tây, và có thể họ sẽ thấy rằng tình thế đang đổi chiều,” Voyger nói thêm.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.
Cũng cần nói thêm rằng theo Cục Thông tin Quốc gia Ukraine, người Nga đã trục xuất 16.226 trẻ vị thành niên Ukraine. Tuy nhiên, nhằm mục đích tuyên truyền, ngay trước khi Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra lệnh bắt giữ, ủy viên quyền trẻ em của Putin, Maria Lvova-Belova, cũng là một người ICC ra lệnh bắt giữ, khoa trương rằng số trẻ em bị đưa ra khỏi Ukraine lên tới 744.000 em. Người ta không biết bà Maria Lvova-Belova tìm đâu ra trả em để trao trả cho Ukraine.
4. Biden hạ thấp sức mạnh của liên minh Nga-Trung: “Tôi nghĩ chúng ta đã phóng đại nó quá mức”
Tổng thống Joe Biden cho biết hôm thứ Sáu rằng ông không lo lắng sau các cuộc gặp cấp cao hồi đầu tuần này giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa. Thay vào đó, Biden nói “chúng ta là những người mở rộng liên minh.”
“Hãy nhìn xem, tôi không xem nhẹ Trung Quốc. Tôi không xem nhẹ Nga, nhưng tôi nghĩ chúng ta đã phóng đại nó quá mức,” Biden nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Ottawa, Canada.
Tổng thống lưu ý rằng trong khi các quan chức Hoa Kỳ gần đây đã cảnh báo về các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đang xem xét tăng cường hỗ trợ quân sự cho Nga, thì “họ vẫn chưa làm như vậy”.
“Không có nghĩa là họ sẽ không làm, nhưng họ vẫn chưa làm,” Biden nói. “Và nếu có bất cứ điều gì xảy ra, phương Tây đã đoàn kết nhiều hơn đáng kể.”
Biden tiếp tục trích dẫn sự hợp tác ngày càng tăng giữa các liên minh, bao gồm thông qua G7, Liên minh Quad, ASEAN và AUKUS. Ông nói thêm rằng ông hiện đã gặp 80% các nhà lãnh đạo trên thế giới.
“Vì vậy, tôi chỉ muốn nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, tôi không xem nhẹ nó… những gì Trung Quốc và Nga đang làm, và nó có thể trở nên tồi tệ hơn đáng kể,” Biden nói. “Nhưng hãy đặt nó vào đúng vị trí. Chúng ta là những liên minh thống nhất — chúng ta, chúng ta Hoa Kỳ và Canada.”
Trong những ngày qua, các tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh ra sức tán dương chuyến thăm Mạc Tư Khoa của Tập Cận Bình, như thể giờ đây Nga được tiếp thêm sức mạnh từ Trung Quốc mà họ mô tả là quốc gia có quân đội hàng đầu thế giới. Putin xem ra đang sử dụng cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình để lên giây cót tinh thần cho người dân Nga sau các thất bại liên tục về quân sự trên chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông của Nga có tính chất trung lập hơn đã có những hy vọng dè dặt hơn. Ngay trước khi Tập Cận Bình đến Mạc Tư Khoa, các phương tiện truyền thông Nga thẳng thừng cho rằng trong khi nước Nga ngày càng nghèo đi vì cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc ngày càng giầu lên; và nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc mạnh nhất toàn cầu, không có đối thủ.
Tờ Moscow Times tố cáo rằng khi Liên Hiệp Âu Châu ép giá dầu của Nga xuống. Trung Quốc mua dầu của Nga với giá bị ép xuống, chứ không phải giá bình thường trước đây. Người Nga tỏ ra không có thiện cảm với người Tầu, nếu không muốn nói rằng họ khinh bỉ người Tầu.
5. Nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng kêu gọi Biden hỗ trợ Tòa án Hình sự Quốc tế bằng cách cung cấp bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga
Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng muốn chính quyền Biden tiếp tục hỗ trợ các cuộc điều tra quốc tế về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga, họ đã viết trong một bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Các nhà lập pháp cho biết họ “hoan nghênh sự hỗ trợ đáng kể” mà chính quyền đã cung cấp để ghi lại các tội ác tiềm ẩn trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, bức thư viết.
Bức thư cho biết họ thừa nhận vai trò của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, trong việc điều tra những vụ việc như vậy và kêu gọi chính quyền Biden hỗ trợ ICC và chia sẻ bằng chứng với các công tố viên.
“Hành động của quốc hội lưỡng đảng năm ngoái nhằm tăng cường sự hỗ trợ đó đã được thực hiện với sự cộng tác của chính quyền của tổng thống để cân bằng tất cả các quan điểm về mối quan hệ của Hoa Kỳ với ICC. Tuy nhiên, nhiều tháng sau, khi ICC đang làm việc để xây dựng các vụ kiện chống lại các quan chức Nga, bao gồm cả chính Putin, Hoa Kỳ được cho là vẫn chưa chia sẻ bằng chứng quan trọng có thể hỗ trợ cho các vụ truy tố này,” bức thư viết.
Các thượng nghị sĩ viết trong thư rằng việc thúc đẩy các cuộc điều tra quốc tế là rất quan trọng để “Putin và những người xung quanh ông ấy biết chắc chắn rằng trách nhiệm giải trình và công lý cho tội ác của họ sắp xảy ra”.
Tuần trước, ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và quan chức Nga Maria Lvova-Belova vì âm mưu trục xuất trẻ em Ukraine về Nga.
Một ngày trước khi công bố lệnh bắt giữ, Liên Hiệp Quốc đã tìm thấy trong một báo cáo rằng Nga đã “vi phạm một loạt các luật nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế” ở Ukraine.
Báo cáo tuyên bố rằng các tội ác chiến tranh do người Nga gây ra bao gồm “các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng, giết người có chủ ý, giam giữ trái pháp luật, tra tấn, hãm hiếp và bạo lực tình dục khác, cũng như vận chuyển trái phép và bắt cóc trẻ em”.
6. Mỹ và Canada cam kết sát cánh cùng Ukraine như những đối tác tin cậy
Ukraine có thể dựa vào Hoa Kỳ và Canada với tư cách là đối tác, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết trong một bài phát biểu trước quốc hội ở Ottawa cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Sáu.
Thủ tướng Trudeau cho biết giống như Mỹ, Canada đã cung cấp “hỗ trợ quân sự đáng kể” cho Ukraine, chẳng hạn như pháo binh, đạn dược, thiết giáp và xe tăng. Ông cho biết các lực lượng vũ trang Canada đã huấn luyện các thành viên quân đội Ukraine từ năm 2015.
“Như ngài đã biết, thưa ngài Tổng thống, Canada sẽ tiếp tục đứng vững với Ukraine, bằng bất cứ giá nào,” Trudeau nói. “Cùng với nhau, cả hai chúng ta đều là những đối tác mà Ukraine — và thế giới — có thể tin cậy.”
Thủ tướng chỉ ra các biện pháp trừng phạt và các biện pháp kinh tế khác do Mỹ, Canada và các đồng minh khác đưa ra “để tiếp tục làm cạn kiệt kho vũ khí chiến tranh của Điện Cẩm Linh”.
Trudeau gọi Biden là “người bạn thực sự của Canada”, nói rằng liên minh “quan trọng hơn bao giờ hết trong thời điểm quan trọng này.”
Biden chỉ trích Putin: Phát biểu trước quốc hội sau thủ tướng Trudeau, Biden nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đạt được các mục tiêu của mình với cuộc xâm lược Ukraine.
“Ham muốn đất đai và quyền lực của ông ta cho đến nay đã thất bại”, nhà lãnh đạo Mỹ nói về Putin. “Tình yêu của người dân Ukraine đối với đất nước của họ sẽ chiếm ưu thế.”
Biden lặp lại nhận xét của Trudeau về việc Hoa Kỳ và Canada ủng hộ Ukraine.
“Hãy khẳng định một lần nữa rằng chúng ta sẽ giữ cho ngọn đuốc tự do đó cháy sáng và ủng hộ người dân Ukraine,” Biden nói.
Tổng thống cũng cho biết Mạc Tư Khoa đã thất bại trong việc lay chuyển quyết tâm của liên minh NATO.
“Putin chắc chắn rằng ông ấy đã có thể phá vỡ NATO,” Biden nói với các nhà lập pháp tập hợp.
Tuy nhiên, ông nói, Hoa Kỳ và Canada sẽ “giữ cho liên minh của chúng ta mạnh mẽ và thống nhất, và chúng ta sẽ bảo vệ từng inch lãnh thổ của NATO. Một cuộc tấn công chống lại một người là một cuộc tấn công chống lại tất cả.”
7. Tướng Úc nói: Quân đội Ukraine hiện là quân đội tốt nhất thế giới
Một vị tướng Úc xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông để đưa ra các nhận định về cuộc chiến tại Ukraine, hiện đang có mặt tại Kyiv. Ông đã dành cho tờ Kyiv Post, một cuộc phỏng vấn.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Army Is Now the Best in the World, Retired General Says”, nghĩa là “Tướng hồi hưu nói: Quân đội Ukraine hiện là quân đội tốt nhất thế giới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Mick Ryan, một thiếu tướng đã nghỉ hưu trong quân đội Úc, cho biết quân đội Ukraine hiện là lực lượng tốt nhất thế giới trong bối cảnh họ đang tiếp tục chiến tranh với Nga.
Trong khi nói chuyện với Kyiv Post, Ryan đã nói về các khía cạnh khác nhau của lực lượng vũ trang Ukraine và cách họ sử dụng một số khả năng, như phòng thủ hỏa tiễn, phòng thủ máy bay không người lái và quân chiến đấu tiền tuyến, trong cuộc chiến chống lại Nga.
“Và quan điểm của tôi là Ukraine có lẽ là quân đội tốt nhất trên thế giới vào lúc này,” Ryan nói. “Họ là những người có kinh nghiệm nhất trong chiến tranh hiện đại, họ đã chứng minh điều đó trong 13 tháng qua.”
“Thành thật mà nói, bây giờ họ đã đổ rất nhiều máu và mất rất nhiều nam nữ thanh niên và cả những người lớn tuổi để rút ra nhiều bài học, nhưng họ là đội quân tốt nhất trên thế giới. Có rất nhiều điều mà tất cả chúng ta có thể học hỏi từ họ.”
Bình luận của ông Ryan được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra bắt đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Ryan nói với Kyiv Post rằng có một số “yếu tố” đối với quân đội Ukraine.
“Để bảo vệ lãnh thổ, các bạn có quân đội chuyên nghiệp bao gồm những người lính cũ và những người lính mới được huy động. Dường như có rất nhiều đơn vị độc lập”.
“Các bạn cũng có quân đội nước ngoài và tập hợp tất cả lại với nhau là một thách thức khá lớn trong một đội quân đã mở rộng nhanh chóng. Và ngay cả những vị tướng giỏi nhất cũng sẽ bị thách thức bởi loại công việc đó và thực hiện nó trong thời chiến thậm chí còn khó khăn hơn.”
Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế, Chương trình An ninh Quốc tế, nói với Newsweek hôm thứ Năm rằng “Ryan hoàn toàn đúng khi nhấn mạnh yếu tố con người trong chiến tranh, đặc biệt là huấn luyện và lãnh đạo. Và không còn nghi ngờ gì nữa, người Ukraine có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn bất kỳ quốc gia nào kể cả Nga. Như Ryan đã nhiều lần chỉ ra, người Ukraine giỏi hơn người Nga. Tuy nhiên, điều đó chưa khiến họ trở thành đội quân tốt nhất thế giới ngay lập tức.”
Cancian tiếp tục trích dẫn các khóa đào tạo khác nhau mà quân đội Hoa Kỳ trải qua so với quân đội Ukraine, vốn chỉ nhận được “hai hoặc ba tuần huấn luyện trước khi tham chiến”.
Ông nói: “Mỗi tân binh Thủy quân lục chiến đều trải qua 22 tuần huấn luyện. Ukraine đang gửi hai tiểu đoàn qua huấn luyện chiến đấu ở Âu Châu. Trong một năm điển hình, Quân đội Hoa Kỳ cử khoảng 60 tiểu đoàn tham gia khóa huấn luyện tương tự. Hầu hết các chỉ huy Ukraine đã thể hiện mình có kỹ năng cao trên chiến trường nhưng có thể thiếu sự đào tạo chuyên sâu cần thiết để thực hiện các cuộc diễn tập chung phức tạp”.
Hôm thứ Năm, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã cung cấp thông tin cập nhật về các trận chiến gần biên giới phía Đông. Theo cập nhật, nhóm lực lượng đặc biệt của Cơ quan An ninh Ukraine đã “hủy diệt” 22 mục tiêu của Nga: 14 xe tăng, 4 xe bọc thép BMP, một máy rà mìn và một kho chứa đạn dược.
Một bản cập nhật khác từ Bộ Tổng tham mưu đã tính toán tổng thiệt hại của Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh là hơn 3.000 xe tăng, 6.898 xe bọc thép, 305 máy bay và máy bay, 290 máy bay trực thăng và 273 “hệ thống tác chiến phòng không”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Ukraine qua email để xin bình luận.
1. Đức Hồng Y Cantalamessa cảnh báo về việc đánh mất tính thánh thiêng của phụng vụ
Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Vị Giảng Thuyết của Phủ Giáo Hoàng, có bài giảng thứ tư trong Mùa Chay 2023 cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.
Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng viên Phủ Giáo hoàng, cho biết: “Nếu ý thức về sự thiêng liêng bị mất hoàn toàn, thì đất đai hoặc khí hậu nơi mà hành động đức tin nở rộ sẽ không còn nữa đối với dân Chúa”. Ngài đã đưa ra lập trường trên trong bài giảng thứ tư cho Mùa Chay 2023.
Bài giảng của ngài, tập trung vào chủ đề “Mầu Nhiệm Đức Tin: Phụng vụ” đã được trình bày tại Vatican vào lúc 9g sáng thứ Sáu cho Giáo triều Rôma, với sự tham dự của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Hồng Y Cantalamessa bắt đầu bằng việc lưu ý rằng, sau khi suy tư về truyền giáo và thần học, ngài muốn đề xuất một số cân nhắc về phụng vụ và việc thờ phượng của Giáo Hội. Ngài làm như vậy với “ý định đóng góp, dù khiêm tốn và gián tiếp,” vào công việc của thượng hội đồng.
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng phụng vụ là điểm đến, là điều mà công cuộc truyền giáo hướng tới.
Đức Hồng Y đã nhắc lại những cảm xúc mãnh liệt đã xâm chiếm Thánh Augustinô khi thánh nhân gặp Chúa.
Hướng về Chúa, trong tác phẩm “Confessions” hay “Tự Thú”, vị Tiến sĩ Hội thánh đã nói: “Khi con gặp Chúa lần đầu tiên…, con đã run lên vì yêu và kinh hãi.” Và một lần nữa, “Tôi rùng mình và tôi cháy bỏng; Tôi rùng mình vì khoảng cách, tôi bùng cháy vì sự giống nhau.”
Đức Hồng Y nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự thánh thiêng của phụng vụ.
“Nếu cảm giác về sự thiêng liêng hoàn toàn bị mất đi, thì đất đai, hoặc khí hậu, nơi mà hành động đức tin nảy nở sẽ không còn nữa.”
Ngài nói, đây là tác động tồi tệ nhất của quá trình thế tục hóa.
Đức Hồng Y nhắc nhớ rằng “Charles Péguy đã viết rằng 'sự khan hiếm và nghèo nàn đáng sợ của những điều thiêng liêng là dấu ấn sâu sắc của thế giới hiện đại.' Tuy nhiên, nếu ý thức về sự thiêng liêng đã biến mất, thì nỗi hoài niệm về nó vẫn còn, mà ai đó đã định nghĩa, theo thuật ngữ thế tục là 'sự khao khát về điều hoàn toàn khác'“.
Đức Hồng Y chỉ ra rằng những người trẻ tuổi thường cảm thấy cần thoát khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày và đã nghĩ ra những cách riêng để thỏa mãn nhu cầu này.
Sau đó, ngài phân tích làm thế nào Giáo hội có thể trở thành, đối với con người ngày nay, là nơi đặc quyền để trải nghiệm thực sự về Thiên Chúa và về sự siêu việt, và thảo luận về nhiều cơ hội mà người ta có thể cảm nhận được một trải nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa và sự khởi đầu của một mối quan hệ mới và cá vị với Chúa Kitô.
Đức Hồng Y Cantalamessa đã cảnh báo chống lại việc bóp méo vẻ đẹp của phụng vụ “bằng những ngẫu hứng tùy tiện và kỳ lạ,” và “kêu gọi “duy trì sự tỉnh táo và điềm tĩnh cần thiết ngay cả khi Thánh lễ được cử hành trong những tình huống và môi trường cụ thể.”
“Vì phụng vụ là thời điểm tuyệt vời nhất để các thụ tạo trở về với Thiên Chúa, nên mọi sự trong đó phải bắt đầu và lấy động lực từ Chúa Thánh Thần.”
2. Tiến sĩ George Weigel: Naaman, người thành Nadarét và người Đức
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Naaman, The Nazarenes, And The Germans”, nghĩa là “Naaman, người thành Nadarét và người Đức”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Để phản bác Oscar Wilde, [là người cho rằng tôn giáo là đơn điệu, lặp đi, lặp lại, ta có thể thấy rằng], đời sống phụng vụ của Giáo hội thường bắt chước nghệ thuật bằng cách thích hợp một cách đáng lưu ý với một thời điểm cụ thể. Điều đó chắc chắn đúng vào Thứ Hai của Tuần Thứ Ba Mùa Chay, năm 2023 — một ngày mà Kinh thánh trong phụng vụ Thánh Thể mời gọi chúng ta suy ngẫm về tội trọng nhất trong các tội trọng, đó là lòng kiêu ngạo, qua câu chuyện của Naaman, vị tướng xứ Syria, và cuộc đối đầu của Chúa Giêsu với những người Nadarét đồng hương của Người. Năm nay, thứ Hai tuần III Mùa Chay diễn ra ngay sau cuộc họp kết thúc “Tiến trình Công Nghị” của Đức. Và trong khi có nhiều lý do tại sao đạo Công Giáo định chế của Đức đang rơi vào tình trạng bội giáo, và có thể rơi xuống vách đá dẫn đến ly giáo, thì lòng kiêu ngạo là một trong số những lý do đó.
Naaman tìm cách chữa khỏi bệnh phong cùi của mình từ “người của Thiên Chúa”, là tiên tro Êlisa, người kế vị tiên tri Êlia với tư cách là “nhà tiên tri trong dân Israel” (2 Cv 5:8). Vị tướng Syria này sẵn sàng thực hiện một hành trình dài và khó khăn để đạt được những gì ông ta tìm kiếm. Ông ta sẵn sàng đền bù cho nhà tiên tri về việc chữa bệnh bằng vàng và bạc. Nhưng khi Êlisa bảo ông tắm bảy lần ở sông Giócđan, Naaman từ chối. Tại sao dòng nước Israel tầm thường này lại có nhiều khả năng chữa bệnh hơn những dòng sông lớn hơn của Đamát? Khi ông ta sắp sửa quay về trong cơn giận dữ thì những người hầu của ông ta nài nỉ ông ta tắm ở sông Gióđan, lập luận rằng, vì ông ta sẵn lòng làm một việc khó khăn nếu nhà tiên tri yêu cầu, tại sao không làm một việc dễ dàng?
Naaman tắm theo chỉ dẫn của Êlisa, được chữa khỏi và sau đó tuyên bố rằng “Tôi biết không có Thiên Chúa nào trên khắp trái đất, ngoại trừ ở Israel” (2 Cv 5:15). Tính kiêu ngạo của Naaman đã là trở ngại cho việc chữa trị của ông, và cuối cùng suýt là cản trở đức tin của ông nơi Thiên Chúa duy nhất chân thật.
Bài Tin Mừng Thứ Hai tuần III Mùa Chay cung cấp cho Giáo Hội một song hành Tân Ước so với câu chuyện Naaman và Êlisa. Trong đoạn Tin Mừng Luca liền trước đó, Chúa Giêsu đã lấy sách cuộn của tiên tri Isaia tại một buổi lễ ngày Sabát ở hội đường quê hương của Người, đề cập đến Đấng sẽ “công bố năm hồng ân của Chúa,” rồi tuyên bố rằng “hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” — và được sự hoan nghênh của mọi người “nói tốt về Người” (Lc 4:20-22). Tuy nhiên, bầu không khí nhanh chóng thay đổi, và câu chuyện được đọc vào hôm Thứ Hai của tuần III Mùa Chay cho thấy một bộ mặt khác của người thành Nadarét.
Vì, trong niềm kiêu ngạo của họ, họ bắt đầu thắc mắc về người mới phất lên này. Há anh ta không phải là con trai của Giuse, một bác thợ mộc hay sao? Anh ta nghĩ anh ta là ai đây? Và đây là loại đấng Mêsia nào? Chúng ta đã có một điều gì đó khác biệt, một điều gì đó tốt hơn, trong tâm trí. Vì vậy, họ đuổi Chúa Giêsu ra khỏi Nadarét và định ném Người xuống một doi đất thì “Người đi ngang qua giữa họ và bỏ đi” (Lc 4:30). Một lần nữa, sự kiêu ngạo là một trở ngại cho đức tin. Chúng ta, những người Nadarét, biết loại đấng Mêsia nào mà Thiên Chúa nên phái đến — giống như Ađam và Evà, với lòng kiêu ngạo, đã nghĩ rằng họ biết rõ hơn Thiên Chúa về điều thiện và điều ác, biểu lộ ra sự kiêu ngạo là điều đã đuổi họ ra khỏi Địa đàng trong chương 3 sách Sáng thế.
Khi Tiến trình Công Nghị của Đức tuyên bố rằng họ biết rõ hơn cả Thiên Chúa về điều gì tạo nên cuộc sống công bình, hạnh phúc và hạnh phúc tối thượng - đó là điều mà Tiến trình Công Nghị đã làm khi bác bỏ nhân học Kinh thánh của chương 1 sách Sáng thế và chấp nhận ý thức hệ phái tính và chương trình nghị sự LGBTQ - thì Tiến trình Công Nghị Đức đã cư xử giống hệt như Ađam và Evà, như Naaman trước khi hoán cải và như người dân thành Nadarét. Khi Tiến trình Công Nghị của Đức tán thành một loại hệ thống quản trị Giáo hội theo kiểu nghị viện bất chấp trật tự mà chính Chúa Kitô đã thiết lập cho Giáo hội của Người, người Đức đang làm chính điều mà mọi kẻ tội lỗi kiêu ngạo từ Ađam và Evà cho đến Naaman phung cùi và những người Nadarét khinh miệt đã làm: đó là bác bỏ mặc khải Thiên Chúa. Do đó, có sự đối xứng đáng chú ý, đầy nghệ thuật của những bài đọc đó trong ngày Thứ Hai Tuần thứ Ba Mùa Chay tiếp ngay sau khi kết thúc Tiến trình Công Nghị của Đức, đã phá nát cấu trúc của đạo Công Giáo nhân danh nền văn hóa được cho là cao hơn ngày nay.
Vài tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Veritatis Splendor hay “Ánh quang rạng ngời của Chân Lý” năm 1993 về cải cách thần học luân lý Công Giáo, một cuốn sách bình luận về thông điệp đó - tất cả đều tiêu cực - đã được xuất bản bởi các nhà thần học người Đức. Người biên tập cuốn sách đã viết trong lời nói đầu rằng cuốn sách được xuất bản vì nước Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với nền thần học trong Giáo Hội Công Giáo..
Đó là kiểu kiêu ngạo đã khiến nhiều nhà thần học người Đức coi Đức Gioan Phaolô II lỗi lạc là một người Slav phản động, tiền hiện đại, không hoàn toàn theo tiêu chuẩn khai sáng của họ. Cũng chính lòng kiêu ngạo đó đã ngấm vào và làm hỏng triệt để Tiến trình Công Nghị của Đức.
Túy Vân xin được mở ngoặc giải thích thêm một chút, trong bài này Tiến sĩ George Weigel có nhắc đến Oscar Wilde. Ông này là ai?
Oscar Wilde sinh ngày 16 tháng 10 năm 1854 và qua đời ngày 30 tháng 11 năm 1900 là một nhà thơ và nhà viết kịch người Ái Nhĩ Lan. Sau khi viết dưới nhiều thể loại khác nhau trong suốt những năm 1880, ông trở thành một trong những nhà viết kịch nổi tiếng nhất ở Luân Đôn vào đầu những năm 1890. Ông được nhớ đến nhiều nhất nhờ các vở kịch, cuốn tiểu thuyết nhan đề “Bức tranh của Dorian Gray”, cũng như hoàn cảnh mà ông ấy bị kết án hình sự vì hành vi khiếm nhã đồng tính luyến ái nghiêm trọng trong “một trong những phiên tòa xét xử người nổi tiếng đầu tiên”. Ông bị bỏ tù và chết sớm vì bệnh viêm màng não ở tuổi 46.
1. Cựu chỉ huy Nga nhận định Putin sẽ bị bóp cổ hoặc bị bắt nếu Nga thua
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Will Be Strangled or Arrested if Russia Loses: Ex-Russian Commander”, nghĩa là “Cựu chỉ huy Nga nhận định Putin sẽ bị bóp cổ hoặc bị bắt nếu Nga thua”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Igor Girkin, cựu chỉ huy Nga, tuần này suy đoán rằng nếu Nga thua cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc sẽ bị giết hoặc bị đưa ra xét xử trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Dự đoán này được đưa ra sau khi tòa án phát lệnh bắt giữ Putin vào tuần trước, cáo buộc ông ta phạm tội ác chiến tranh.
Girkin đã trở thành người lớn tiếng chỉ trích Putin và các nhà lãnh đạo quân sự của Nga về cách họ giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.
Cựu chỉ huy Nga Igor Girkin tuần này cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ bị “bóp cổ” hoặc hầu tòa trước Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, nếu Nga thua trong cuộc chiến ở Ukraine.
Girkin, người còn được biết đến với bí danh Igor Strelkov, đã đưa ra nhận xét trong một video được tải lên kênh Telegram của mình, kênh có gần 800.000 người ghi danh.
Nhận xét của ông được đưa ra vài ngày sau thông báo ngày 18 tháng 3 của ICC rằng họ đã ban hành lệnh bắt giữ Putin vì tội ác chiến tranh. Các nhà điều tra của ICC ở The Hague /hây/ được tường trình đã nghiên cứu bằng chứng chống lại Putin trong hơn một năm trước khi tòa án ban hành lệnh bắt giữ. ICC cáo buộc nhà lãnh đạo Nga “chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh bắt cóc bất hợp pháp dân số trẻ em và di chuyển bất hợp pháp dân số trẻ em từ các khu vực bị xâm lược của Ukraine sang Liên bang Nga”.
Hôm thứ Sáu, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã chia sẻ trên Twitter một đoạn video được dịch về những bình luận của Girkin liên quan đến lệnh của ICC.
Đoạn clip mở đầu bằng cảnh Girkin đọc một câu hỏi từ điện thoại thông minh của anh ấy. Câu hỏi có nội dung: “Bạn đánh giá thế nào về khả năng tổng thống bị nhóm thân cận của ông ta giao nộp theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế vừa được ban hành?”
“Nếu chúng ta thua cuộc chiến và Putin không bị bóp cổ chết, thì Navalny sẽ 'có điều kiện' sẽ đưa ông ta đến The Hague,” Girkin nói, dường như ám chỉ đến Alexei Navalny, nhà hoạt động và lãnh đạo phe đối lập đang bị giam giữ trong nhà tù của Nga.
Girkin trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Nga vì vai trò nổi bật của ông trong quân đội nước này và là một sĩ quan trong Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, là cơ quan kế thừa của KGB. Ông được cho là có công trong việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và chỉ huy các chiến binh Nga ở vùng Donbas của Ukraine.
Kể từ khi rời quân ngũ, Girkin tự khẳng định mình là một blogger nổi tiếng ở Nga và thường xuyên tuyên truyền ủng hộ Điện Cẩm Linh. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc xâm lược Ukraine, ông đã trở thành người lớn tiếng chỉ trích Putin và các nhà lãnh đạo quân sự của Nga về cách thức tiến hành cuộc chiến ở Ukraine.
Tuần trước, Girkin đã đăng một bài phê bình trên kênh Telegram của mình, trong đó ông viết rằng các nhà lãnh đạo quân sự của Nga đã “chứng tỏ sự bất tài trắng trợn” ở Ukraine và phải bị thay thế nếu không Nga có nguy cơ thua cuộc chiến.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, đã viết về những lời chỉ trích gần đây của Girkin trong bản đánh giá vào hôm Chúa Nhật về cuộc chiến ở Ukraine. Tổ chức cố vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết Girkin đã chừa ra FSB và Giám đốc FSB Alexander Bortnikov khi lên án các quan chức Nga.
“Nhận xét của Girkin có thể chỉ ra rằng có những căng thẳng đáng kể giữa bộ chỉ huy quân sự Nga và FSB, cũng như trong chính FSB,” ISW viết. “Bài bình luận gay gắt của Girkin tiếp tục cung cấp cái nhìn sâu sắc về những xích mích ngày càng tăng của vòng tròn bên trong Nga.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng: Ngay sau lệnh bắt giữ Putin của ICC, Điện Cẩm Linh đã tung ra các video cho thấy Putin đến thăm Crimea và Mariupol. Tuy nhiên, giờ đây nhiều người Nga tin rằng đó chỉ là thế thân của Putin. Putin thật vẫn ở Mạc Tư Khoa để chữa trị và chờ gặp gỡ Tập Cận Bình. Trước diễn biến này, Girkin lặp lại một nhận xét nổi tiếng của anh ta rằng Zelenskiy thường bị gắn mác 'chú hề' vì anh ấy là một diễn viên hài truyền hình trước khi được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, thực ra Putin mới là một thằng hề.
Một người dám nói một câu như thế ở Nga mà không bị bắt cho thấy người ấy phải có một quan hệ rất sâu sắc với FSB, và được FSB chống lưng. Nhiều quan sát viên cho rằng ngay cả trước khi Alexei Navalny có cơ hội bắt giữ Putin và giao cho ICC, FSB có lẽ sẽ bóp cổ Putin hay tự mình giao Putin cho ICC.
2. Tướng Ukraine nói trận chiến giành Bakhmut vẫn là trận chiến khó khăn nhất trên tiền tuyến
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine đã nhấn mạnh sự khó khăn của trận chiến giành thành phố Bakhmut phía đông trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu với người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Anh.
Tướng Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã chia sẻ một bài đăng Telegram phác thảo cuộc trò chuyện của ông với Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh, Đô đốc Sir Tony Radakin.
“Tôi đã thông báo cho đồng nghiệp của mình về tình hình hoạt động dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Tình hình ở hướng Bakhmut là khó khăn nhất”, Zaluzhnyi cho biết. “Nhờ những nỗ lực to lớn của Lực lượng Phòng vệ, tình hình đã được ổn định.”
“Chúng tôi cũng đã thảo luận về vấn đề tăng cường phòng không Ukraine,” ông nói thêm.
Zaluzhnyi cảm ơn Radakin, Vương quốc Anh và các đồng minh khác vì sự hỗ trợ của họ.
“Nhờ sự giúp đỡ của các đối tác, chúng ta đang cầm cự và chắc chắn sẽ giành chiến thắng”, ông nói.
Thành phố Bakhmut bị bao vây ở khu vực Donetsk của Ukraine là tâm điểm của cuộc chiến tiền tuyến giữa Nga và Ukraine trong nhiều tháng.
Một trong những tướng lĩnh hàng đầu của Kyiv tuần này nói rằng các lực lượng Nga đang cạn kiệt ở Bakhmut, và một cuộc phản công của Ukraine có thể sớm được phát động.
Trong khi các chuyên gia cho rằng việc Nga chiếm được Bakhmut khó có thể làm thay đổi đáng kể bức tranh tổng thể về cuộc chiến ở miền đông Ukraine - nơi có ít lãnh thổ đã đổi chủ vào năm 2023 - nhưng nó sẽ mang lại cho Nga một chiến thắng mang tính biểu tượng và đánh dấu thành phố đầu tiên của Ukraine mà nước này chiếm được sau 8 tháng. Nga đã tung một số lượng quân đáng kể vào chiến trường thành phố Bakhmut, kể cả các lực lượng thiện chiến nhất. Tuy nhiên, hy vọng của Nga ngày càng nhạt nhòa.
3. Ukraine hướng đến một cuộc tấn công xung quanh thành phố Bakhmut phía đông đang bị bao vây, khi động lực của Nga bị đình trệ
Một trong những tướng lĩnh hàng đầu của Kyiv cho biết, các lực lượng Nga đang cạn kiệt ở Bakhmut và một cuộc phản công của Ukraine có thể sớm được phát động, làm tăng khả năng xảy ra một sự thay đổi ở thành phố bị bao vây.
Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết “Người Nga đang mất lực lượng đáng kể ở Bakhmut và đang cạn kiệt năng lượng.”
“Chúng ta sẽ sớm tận dụng cơ hội này, như chúng ta đã làm trong quá khứ gần Kyiv, Kharkiv, Balakliya và Kupyansk,” ông nói.
Bình luận của ông được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thực hiện chuyến đi bất ngờ tới tiền tuyến của khu vực Donetsk, và sẽ làm dấy lên hy vọng ở phương Tây rằng quyết định gây tranh cãi của Kyiv về việc giữ quân ở Bakhmut sẽ mang lại kết quả.
Chỉ một tuần trước, người ta vẫn đánh giá rằng một cuộc phản công của quân Ukraine dường như là một triển vọng khó xảy ra, khi các lực lượng từ nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đã bắn phá Bakhmut và tiến gần hơn đến việc giành quyền kiểm soát thành phố.
Nhưng nỗ lực của quân Wagner và quân chính quy Nga đã phải trả một cái giá đáng kể về nhân lực và tài nguyên, và giờ đây dường như đã chậm lại.
Chỉ riêng trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã tiến hành hơn 200 cuộc tấn công vào khu vực này nhưng đang mất hàng trăm người mỗi ngày trong các nỗ lực của họ, phát ngôn nhân của Nhóm Lực lượng Vũ trang phía Đông, Serhii Cherevatyi, cho biết.
Cherevatyi cho biết một khu vực khác đang chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội là phía đông bắc của Bakhmut, trên chiến tuyến chạy về phía bắc từ thị trấn Kreminna.
Phát biểu trên truyền hình Ukraine hôm thứ Sáu, Cherevatyi nói rằng “Không phải Wagner đang rút lui, cũng không phải vì chúng bị Bộ Quốc Phòng Nga gạt ra, chúng vẫn ở đó, nhưng do tổn thất nặng nề, tử trận gần hết, nên chúng phải được tăng cường bởi các đơn vị quân đội chính quy của Liên bang Nga, chủ yếu là lính dù”.
Ông nói thêm rằng các lực lượng Nga trong khu vực đang “thực hiện vài chục cuộc tấn công mỗi ngày. Có 32 vụ đọ súng trong ngày qua,” trong và xung quanh Bakhmut. Ông cho biết cũng có các cuộc không kích do cả máy bay cánh cố định và trực thăng tấn công thực hiện, nhưng nói thêm rằng “pháo binh là yếu tố ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với các hoạt động quân sự ở đó so với hàng không”.
4. “Chiếc máy bay hạng sang” của tổng thống Belarus bị trừng phạt theo vòng hành động mới của Bộ Tài chính Hoa Kỳ
Trong các biện pháp trừng phạt tài chính và ngoại giao mới nhất của mình, Hoa Kỳ đang truy lùng các công ty và cá nhân liên quan đến cuộc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ của Belarus và sự tham gia của chế độ hiện tại vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Chính quyền Biden hôm thứ Sáu đã trừng phạt “máy bay hạng sang” cá nhân của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Bộ Tài chính Brian Nelson, một quan chức hàng đầu về lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, cho biết chế độ của Lukansheko “dựa vào các doanh nghiệp nhà nước và các quan chức chủ chốt để tạo ra doanh thu đáng kể, cho phép thực hiện các hành động áp bức chống lại người dân Belarus”.
Tuyên bố cho biết thêm, Hoa Kỳ vẫn “cam kết áp đặt cái giá phải trả” đối với chế độ của Lukashenko vì đã đàn áp nền dân chủ và ủng hộ cuộc chiến của Putin.
Dưới đây là các cá nhân và tổ chức khác phải đối mặt với lệnh trừng phạt:
Hai công ty — Công ty Cổ phần Nhà máy Xe hơi Belarus và Công ty Cổ phần Nhà máy Xe hơi Minsk — và giám đốc của cả hai công ty này “vì đã hỗ trợ và tạo doanh thu cho chính phủ Belarus.”
Ủy ban bầu cử trung ương của Belarus và bảy thành viên mới của họ vì vai trò của họ trong việc “cấm các ứng cử viên đối lập, từ chối tiếp cận các quan sát viên thăm dò ý kiến và xác nhận kết quả kiểm phiếu không chính xác” trong cuộc bầu cử gian lận năm 2020.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đang ban hành các hạn chế về thị thực đối với 14 cá nhân bổ sung, bao gồm cả các quan chức chính quyền. Theo Bộ Tài chính, chiếc máy bay phản lực của Lukashenko, EW-001PA, là một chiếc Boeing 737 được nhà lãnh đạo Belarus và gia đình sử dụng để đi du lịch quốc tế.
Thông tin thêm về mối quan hệ Belarus-Nga: Lukashenko là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã cho phép quân đội Nga sử dụng Belarus để tiến hành cuộc xâm lược ban đầu của họ vào Ukraine vào năm ngoái. Kể từ đó, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã tấn công vào Minsk bằng một loạt các biện pháp trừng phạt sâu rộng. Ngoài ra, Liên minh Âu Châu không công nhận kết quả của cuộc bầu cử Belarus năm 2020 và Hoa Kỳ đã gọi đó là “gian lận”. Gian lận lan rộng đã gây ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt dẫn đến một cuộc đàn áp tàn bạo từ chính phủ.
5. Rúng động vì lệnh bắt giữ của ICC, Nga cho biết 56 trẻ em Ukraine đang chờ đoàn tụ với gia đình
Ủy viên phụ trách quyền trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova hôm thứ Sáu cho biết 56 trẻ em Ukraine hiện đang ở Crimea và Krasnodar Krai đang chờ đoàn tụ với gia đình của các em.
“Hiện tại 56 trẻ em vẫn ở trong các khu nghỉ dưỡng sức khỏe của Krasnodar Krai và Crimea. Họ an toàn và liên lạc với gia đình của họ. Có một kế hoạch hành động cho mỗi đứa trẻ để chúng được đoàn tụ với gia đình,” Lvova-Belova cho biết như trên.
Thứ Sáu tuần trước, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ Lvova-Belova vì cáo buộc âm mưu bắt cóc trẻ em Ukraine sang Nga. ICC nói rằng Lvova-Belova “bị cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh là trục xuất bất hợp pháp.”
Theo Lvova-Belova, đến nay 33 trẻ em Ukraine đã trở về với cha mẹ ở các vùng Kharkiv, Kherson và Zaporizhzhia. Các em được cha mẹ hoặc người đại diện đáng tin cậy đưa về nhà.
“Trẻ em đã ở trong các trại y tế ở Crimea và Lãnh thổ Krasnodar kể từ mùa thu. Với sự đồng ý của cha mẹ họ, công dân Ukraine, họ tạm thời được đưa ra khỏi chiến sự - để nghỉ ngơi và lấy lại sức mạnh,” cô nói.
“Không thể ngay lập tức bảo đảm chuyến trở về an toàn cho mọi người, vì chiến tuyến đã thay đổi đáng kể, và cha mẹ và con cái thấy mình ở hai phía khác nhau,” cô nói thêm.
Lvova-Belova cho biết kể từ tháng 10 năm ngoái, chính quyền Nga đã “liên tục hỗ trợ việc đoàn tụ những đứa trẻ đến trong kỳ nghỉ” từ các khu vực xung đột; và từ nhóm này, hơn 2.000 em đã về với gia đình.
Lvova-Belova đang phải đối diện với một tình huống hết sức khó khăn cho bà ta. Theo Cục Thông tin Quốc gia Ukraine, người Nga đã trục xuất 16.226 trẻ vị thành niên Ukraine. Tuy nhiên, nhằm mục đích tuyên truyền, ngay trước khi Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra lệnh bắt giữ, Lvova-Belova khoa trương rằng số trẻ em bị đưa ra khỏi Ukraine lên tới 744.000 em, nghĩa là 45 lần nhiều hơn. Người ta không biết bà Maria Lvova-Belova tìm đâu ra trẻ em để trao trả cho Ukraine.
6. Nga tuyên bố đang tăng cường sản xuất máy bay ném bom chiến lược
Nhà máy chế tạo máy bay Kazan tuyên bố họ đang tăng cường sản xuất phiên bản hiện đại hóa của máy bay ném bom chiến lược Tu-160M, theo tuyên bố được công bố hôm thứ Sáu bởi tập đoàn công nghiệp nhà nước Nga Rostec.
“Nhà máy đang sản xuất máy bay mang hỏa tiễn chiến lược Tu-160M nâng cấp. Quyết định tiếp tục sản xuất của họ được đưa ra bởi Tổng thống Nga. Các máy bay được cập nhật đã mở rộng đáng kể khả năng chiến đấu, chúng có tiềm năng đáng kể”, tuyên bố cho biết. “Sự phát triển hơn nữa của nền tảng này sẽ cho phép sử dụng nó cho các loại vũ khí mới, bao gồm cả những loại tiên tiến.”
Thông tin cơ bản khác: Nga phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu linh kiện phương Tây cho ngành công nghiệp quân sự của mình và đã phải vật lộn để sản xuất hỏa tiễn tầm xa tiên tiến cũng như các thiết bị khác để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine do lệnh trừng phạt. Mạc Tư Khoa đã phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị cũ hơn và thậm chí còn mang trở lại các xe bọc thép và xe tăng đã ngừng hoạt động trước đó, có tuổi đời còn cao hơn tuổi của Putin, với phân tích cho thấy điều này xảy ra một phần là do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một nỗ lực quy mô lớn nhằm xây dựng năng lực sản xuất nhiều vũ khí hơn cho cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Putin cho biết việc tăng cường sản xuất một “khối lượng bổ sung” vũ khí là “cần thiết khẩn cấp” và bảo đảm rằng sẽ đặc biệt chú ý đến tính hợp pháp và phân bổ kinh phí cho sáng kiến này.
7. Đồng minh của Putin nhắc lại lằn ranh đỏ cho phản ứng hạt nhân có thể xảy ra trong Chiến tranh Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Reiterates Red Line for Possible Nuclear Response in Ukraine War”, nghĩa là “Đồng minh của Putin nhắc lại Lằn ranh đỏ cho phản ứng hạt nhân có thể xảy ra trong Chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng Mạc Tư Khoa sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine nếu quốc gia Đông Âu này cố gắng giành lại Crimea, nơi bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.
Một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Medvedev, đồng thời là cựu tổng thống và thủ tướng Nga, đã đưa ra ý tưởng rằng Mạc Tư Khoa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine để đáp trả bất kỳ nỗ lực nào nhằm tái chiếm Crimea mà ông ta gọi là chia rẽ một phần của nước Nga.
“Đối với một số cuộc tấn công nghiêm trọng liên quan đến nỗ lực chiếm lại Crimea, rõ ràng là điều này sẽ là cơ sở cho việc sử dụng tất cả các biện pháp bảo vệ, bao gồm cả những biện pháp được cung cấp bởi học thuyết cơ bản về răn đe hạt nhân. Medvedev đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với truyền thông Nga, bao gồm TASS và mạng xã hội VKontakte (VK). Medvedev cho biết việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào chống lại Nga đều đặt ra mối đe dọa đối với sự tồn tại của một quốc gia như vậy.
Giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine kéo dài khắp các thành phố lớn ở Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, bao gồm Kyiv, Odessa, Kherson và gần đây nhất và các liệt nhất là ở Bakhmut. Chiến tranh vẫn chưa có hồi kết, nhưng các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine để giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá này đứng vững và tự vệ.
Kyiv cũng đã nhắc lại cam kết giành lại Crimea. Tuần trước, giám đốc tình báo quân đội Ukraine, Vadym Skibitsky, nói rằng Nga “thực sự chuẩn bị cho các hành động phòng thủ” ở Crimea, đồng thời cho biết thêm “cơ sở hạ tầng được duy trì ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.
Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức quốc tế tập trung vào nhân quyền, kể từ khi sáp nhập, Crimea đã chứng kiến những vi phạm nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Trong khi đó, Medvedev giải thích hôm thứ Sáu rằng nỗ lực chiếm một phần của Nga sẽ “tương đương với sự xâm phạm đến sự tồn tại của chính quốc gia đó”.
“Do đó, hãy rút ra kết luận của riêng bạn: có những cơ sở rõ ràng để sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào. Hoàn toàn là bất kỳ,” Medvedev nói thêm. “Tôi hy vọng 'những người bạn' bên kia đại dương của chúng ta nhận ra điều này.”
Tuy nhiên, những chiến thắng gần đây của Ukraine trước Nga đã làm tăng hy vọng rằng quân đội của họ có thể chiếm lại Crimea và truyền thông Ukraine gần đây đã đưa tin rằng các lực lượng Nga ở bán đảo Crimea bị sáp nhập có thể “chuẩn bị cho cái gọi là di tản bắt buộc có thể xảy ra”. Tuy nhiên, Medvedev tin rằng những tuyên bố của Ukraine về việc “lấy lại” Crimea chủ yếu là “tuyên truyền”.
“Tất cả các loại tuyên bố về việc chiếm lại Crimea hay điều gì khác...Bạn thấy đấy, đây là tuyên truyền và nó nên được đề cập đến như vậy. Bạn luôn thấy điều đó trong thời chiến,” ông nói.
Tháng trước, ông Medvedev đã nhắc lại ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân và nói trong một cuộc phỏng vấn rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào Crimea sẽ bị “đáp trả”.
Putin đã đến thăm Crimea vào cuối tuần trước để kỷ niệm 9 năm ngày Crimea sáp nhập vào Ukraine, một ngày sau khi ông bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, ban hành lệnh bắt giữ vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, nhiều người, kể cả người Nga tin rằng đó chỉ là thế thân của Putin. Ông ta vẫn ở Mạc Tư Khoa chữa trị và chờ gặp gỡ Tập Cận Bình.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
1. Một linh mục bị giám mục bản quyền tước năng quyền giải tội vì cổ võ việc tiết lộ ấn tín Bí tích Hòa giải
Một linh mục ở Mỹ bị giám mục bản quyền tước năng quyền giải tội, sau khi cổ võ việc tiết lộ bí mật tòa giải tội trong trường hợp những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong thông cáo công bố ngày 22 tháng Ba vừa qua, Đức Cha Jerome Listecki, Tổng giám mục Giáo phận Milwaukee, bang Wisconsin ở Mỹ, nói rằng: “Tôi đã thông báo cho cha James Connell, với hiệu lực tức khắc, rằng cha phải ngưng mọi thông tin sai lầm, xuyên tạc giáo huấn của Giáo hội về ấn tích tòa giải tội. Tôi cũng tước bỏ ngay tức khắc các năng quyền theo giáo luật của cha Connell, trong việc cử hành bí tích giải tội và ban phép xá giải tại Tổng giáo phận Milwaukee này và do đó, việc tước bỏ này cũng có hiệu lực trong toàn Giáo Hội Công Giáo”.
Cha Connell là một linh mục hồi hưu trong Tổng giáo phận Milwaukee và nguyên là Phó chưởng ấn. Tuyên bố hôm 13 tháng Ba vừa qua, với trang mạng delawareonline.com, cha ủng hộ dự luật của nghị viện bang Delaware, buộc các linh mục phải trình báo với nhà chức trách những vụ lạm dụng tính dục trẻ em mà các vị biết được trong khi giải tội. Cha viết: “Không có tổ chức nào trong xã hội chúng ta, kể cả một tôn giáo được nhìn nhận, có ưu thế hơn những quan tâm và trách nhiệm của chính quyền trong việc bảo vệ các trẻ em chống lại những thiệt hại do lạm dụng hoặc thiếu sót. Vì thế, không có lý lẽ hữu hiệu về tự do tôn giáo thực sự, - do sự vắng bóng sự thật-, có thể biện minh về luân lý cho việc che chở những kẻ phạm tội lạm dụng, hoặc thiếu sót trong việc bảo vệ trẻ em, để tránh cho những kẻ phạm tội ấy không bị trừng phạt, làm như thế là gây thiệt hại cho các nạn nhân”.
Đây không phải là lần đầu tiên linh mục Connell, một nhà giáo luật, công khai lên tiếng về vấn đề này. Hồi năm 2018, cha đã viết một bài trên mạng kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bãi bỏ ấn tích tòa giải tội liên quan đến mọi thông tin về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương. Cha viết: “Ấn tòa giải tội không phải là một luật Chúa”.
Giáo luật số 983 khẳng định rằng “Ấn tín tòa giải tội là điều bất khả vi phạm, vì thế tuyệt đối cấm vị giải tội phản bội một hối nhân bằng bất cứ cách nào, bằng lời nói hoặc bằng cách khác, và vì bất cứ lý do nào”.
Năm 2019, cha Connell đã đệ đơn kiện lên tòa án địa phương chống bang Wisconsin và chín bang khác ở Mỹ vì miễn chuẩn cho các giáo sĩ khỏi phải trình báo với nhà chức trách những vụ lạm dụng tính dục biết được trong tòa giải tội, và cho rằng những miễn chuẩn này là trái hiến pháp. Đơn kiện của cha Connell bị thẩm phán bác bỏ ngay hôm sau.
2. Công bố sáu sắc lệnh về án phong chân phước
Với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, sáng ngày 23 tháng Ba vừa qua, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã công bố các sắc lệnh liên quan sáu vị tôi tớ Chúa đã thực hiện các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng.
Các vị gồm năm phụ nữ: ba nữ tu và hai giáo dân, cùng với một linh mục thừa sai Dòng Don Bosco tại Ecuador.
Vị kỳ cựu nhất là nữ tôi tớ Chúa Têrêsa Enríquez de Alvaredo, sống vào thế kỷ XV và XVI. Ngay từ nhỏ, chị được giáo dục về đời sống đức tin. Khi còn là một người phụ giúp bà hoàng Isabella xứ Castilla, do ý muốn gia đình, Têrêsa kết hôn với một bộ trưởng trong triều đình và có bốn người con. Nhưng năm 1503, Têrêsa trở thành góa phụ. Niềm tin vững chắc và lòng kính mến Chúa Giêsu Thánh Thể khiến bà xa tránh sự sa hoa của triều đình Tây Ban Nha để sống đời cầu nguyện và hoạt động bác ái. Bà lui về Torrijos, gần thành phố Toledo, sống đời nhiệm nhặt trong những năm cuối đời.
Như một người mẹ, Têrêsa săn sóc và giáo dục các trẻ mồ côi, vì cha mẹ chúng chết vì dịch tễ và đói kém, giúp đỡ các thiếu nữ và phụ nữ đường phố, chăm sóc các bệnh nhân, dấn thân cổ võ lòng sùng kính Thánh Thể. Bà cũng quản lý khôn ngoan tài sản của gia đình, phần lớn để dùng để thực hiện các việc bác ái và xây dựng các nơi thờ phượng, góp phần thành lập nhiều hội đoàn, một đan viện và bốn tu viện.
Bà Têrêsa de Alvaredo qua đời năm 1529 và gần đây, tấm gương của bà được nhắc đến trong các Đại hội Thánh Thể.
Vị nam tôi tớ Chúa duy nhất được Giáo hội công nhận các nhân đức anh hùng, hôm 23 tháng Ba vừa qua là cha Carlo Crespi Croci, sinh năm 1891 ở thành Legnano, gần Milano bắc Ý. Sau khi được thụ phong linh mục trong Dòng Don Bosco, năm 1923, cha tới Cuenca bên Ecuador Nam Mỹ và thi hành công tác loan báo Tin mừng trong 59 năm trời, qua những sáng kiến thăng tiến con người và đời sống đức tin. Cuộc sống chứng tá và khả năng rao giảng, cũng như tiếng tăm là một nhà khoa học, nhất là trong lãnh vực thực vật học và khảo cổ học, đã giúp cha rất nhiều trong việc truyền giáo, đặc biệt cho giới trẻ,
Trong những năm cuối đời, cha Crespi Croci tận tụy thi hành sứ vụ giải tội, nhiều khi tới 17 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha qua đời lúc 90 tuổi.
Nữ tu tôi tớ Chúa Leonilde thánh Gioan Tẩy Giả, tục danh là Amelia Rossi, sinh tại tỉnh Trento, bắc Ý và gia nhập Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở Pola năm 1906. Chị có đời sống đức tin sâu xa, qua kinh nguyện và luôn chu toàn thánh ý Chúa.
Trong đời tu, chị Leonilde trải qua nhiều đau khổ thể lý nhưng luôn nuôi dưỡng lòng tín thác nơi Chúa và kiên nhẫn chịu đựng những thử thách, giữ niềm an bình nội tâm. Chị nổi bật về lòng quảng đại trong lãnh vực giáo dục và trở thành điểm tham chiếu cho các học sinh và gia đình các em cũng như những người nghèo và người gặp khó khăn về vật chất và tinh thần mà chị giúp đỡ. Trong thời Thế chiến thứ II, chị thường hy sinh cả những điều cần thiết của mình để giúp đỡ những người túng thiếu. Chị Leonilde qua đời năm 1945 khi được 55 tuổi đời.
3. Tân Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu
Ủy ban COMECE đang nhóm khóa họp mùa xuân tại Roma, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng Ba năm 2023, và trong ngày đầu tiên các tham dự viên đã bầu vị Chủ tịch mới là Đức Cha Mariano Crociata, Giám mục Giáo phận Latina ở Ý.
Đức Cha Crociata năm nay 70 tuổi. Ngài kế nhiệm Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Dòng Tên, Tổng giám mục Giáo phận Luxemburg, vừa mãn nhiệm kỳ 5 năm. Đức Cha đã từng là đại biểu trong 5 năm qua của Hội đồng Giám mục Ý tại COMECE và đã từng làm Phó Chủ tịch ủy ban này. Trước đó, Đức Cha là Khoa trưởng Thần học viện tại thành phố Palermo, trên đảo Sicilia, trước khi được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Noto, năm 2007. Đức Cha đã làm Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý từ năm 2008 đến 2013, là năm ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Latina, thuộc vùng Lazio.
Hôm 22 tháng Ba vừa qua, Ủy ban đã bầu bốn vị Phó Chủ tịch mới cho bốn miền địa lý của Liên hiệp Âu châu, cho đến năm 2028: gồm một vị người Pháp, một vị Bồ Đào Nha, một vị người Lituani, và một vị cho vùng Bắc Âu.
Tuyên bố sau khi được bầu chọn, Đức Cha Crociata nói rằng: “Đây là thời điểm quan trọng đối với Âu châu và Giáo hội. HIệp nhất và liên đới là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng phải hướng chúng ta qua nhiều biến chuyển mà xã hội chúng ta đang phải đương đầu.
“Tôi đặc biệt nói đến sự cần thiết phải có một sự phục vụ đúng đắn và lâu bền, sau những hậu quả của đại dịch Covid-19, làm sao để không ai bị thụt lùi đằng sau, cũng như canh tân ơn gọi của Âu châu là trở thành một nguồn phát triển và một lời hứa hòa bình cho đại lục chúng ta và cho thế giới”.
Sau khi bầu ban lãnh đạo Ủy ban COMECE, các thành viên đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và trao đổi về những khía cạnh nhân đạo, địa lý chính trị và hệ lụy xã hội của chiến tranh ở Ukraine, cũng như về cách thức Giáo Hội Công Giáo có thể khuyến khích mọi người góp phần vào vai trò của Liên hiệp Âu châu, như một tác nhân xây dựng hòa bình thế giới.
Lúc 9g sáng thứ Sáu 24 tháng Ba, trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng thứ Tư trong Mùa Chay 2023 với chủ đề “Mầu Nhiệm Đức Tin: Phụng vụ”.
Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Sau khi suy tư về việc phúc âm hóa và thần học, hôm nay tôi muốn đề xuất một số nhận định về phụng vụ và việc thờ phượng của Giáo hội, luôn luôn với ý định đóng góp, dù khiêm tốn và gián tiếp, vào công việc của Thượng hội đồng. Phụng vụ là điểm đến, là điều mà việc truyền giáo hướng tới. Trong dụ ngôn Tin Mừng, những người đầy tớ được sai đi khắp các ngã tư đường phố để mời mọi người dự tiệc. Giáo Hội là phòng tiệc và Thánh Thể là “bữa ăn của Chúa” (1 Cor 11:20) được dọn sẵn trong đó.
Trong những suy tư của chúng ta, chúng ta hãy bắt đầu với một cụm từ trong Thư gửi tín hữu Do Thái. Cụm từ ấy nói rằng, để đến gần Thiên Chúa, trước hết, người ta phải “tin rằng Ngài hiện hữu” (Dt 11:6). Tuy nhiên, ngay cả trước khi tin rằng Ngài hiện hữu (vốn đã là một phần của phương thế này), thì ít nhất cũng cần phải có “gợi ý” về sự hiện hữu của Ngài. Đây là điều mà chúng ta gọi là cảm giác thánh thiện và là điều mà một tác giả nổi tiếng gọi là “cảm thức thánh thiêng”, coi đó là một “mầu nhiệm to lớn và hấp dẫn”.
Thánh Augustinô đã dự đoán một cách đáng ngạc nhiên về khám phá hiện tượng học hiện đại về tôn giáo này. Hướng về Chúa, trong cuốn Tự Thú của mình, ngài nói, “Khi con gặp Chúa lần đầu tiên…, con đã run lên vì tình yêu và sự kinh hoàng.” Và một lần nữa, “Con rùng mình và con bùng cháy; Con rùng mình vì khoảng cách, con bùng cháy vì sự giống nhau.”
Nếu cảm giác thiêng liêng hoàn toàn bị mất đi, thì đất đai hoặc khí hậu, nơi mà hành động đức tin nở hoa, sẽ không còn nữa. Đây là hậu quả tồi tệ nhất của sự tục hóa. Charles Péguy đã viết rằng “sự khan hiếm và nghèo nàn đáng sợ những thứ thiêng liêng là dấu ấn sâu sắc của thế giới hiện đại.” Tuy nhiên, nếu cảm giác về sự thánh thiện đã biến mất, thì nỗi nhớ về nó vẫn còn mà ai đó đã định nghĩa, theo thuật ngữ thế tục là “sự khao khát về cái khác hoàn toàn”.
Những người trẻ tuổi cảm thấy cần phải thoát khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày và họ đã nghĩ ra những cách riêng để thỏa mãn nhu cầu này. Các nhà tâm lý học đại chúng đã quan sát thấy rằng những người trẻ tuổi từng tham dự các buổi hòa nhạc rock nổi tiếng, chẳng hạn như của The Beatles, của Elvis Presley hay Lễ hội Woodstock năm 1969, đã bị đưa ra khỏi thế giới hàng ngày của họ và được phóng vào một chiều kích mang lại cho họ ấn tượng của một cái gì đó siêu việt và thiêng liêng.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người ngày nay tham gia vào các cuộc tụ họp lớn của các ca sĩ và ban nhạc. Thực tế là có nhiều người, rung động đồng thanh với một đám đông, sẽ khuếch đại vô hạn cảm xúc của chính mình. Người ta có cảm giác là một phần của một thực tại cao siêu khác. Thuật ngữ “fan” - “người hâm mộ” (là chữ viết tắt của từ “fanatic” – “cuồng tín”) tương đương với thuật ngữ thế tục hóa “người sùng đạo”. Phẩm chất “thần tượng” được trao cho những người họ yêu thích có sự tương ứng sâu sắc với thực tại.
Những cuộc tụ tập đông người này có thể có giá trị nghệ thuật và đôi khi truyền tải những thông điệp cao quý và tích cực, chẳng hạn như hòa bình và tình yêu. Chúng là “các buổi phụng vụ” theo nghĩa gốc và trần tục của thuật ngữ này, nghĩa là các buổi biểu diễn được cung cấp cho công chúng xuất phát từ nghĩa vụ hoặc để đạt được sự ưu ái của họ. Tuy nhiên, chúng không liên quan gì đến trải nghiệm đích thực về sự thánh thiêng. Trong tiêu đề “Phụng vụ thánh”, tính từ thánh đã được thêm vào chính xác để phân biệt nó với các nghi lễ của con người. Có một sự khác biệt về chất giữa hai điều này.
Chúng ta hãy cố gắng xem xét qua phương tiện nào mà Giáo hội có thể trở thành, đối với con người ngày nay, là nơi đặc quyền để trải nghiệm thực sự về Thiên Chúa và về sự siêu việt. Những trường hợp đầu tiên xuất hiện trong tâm trí - do sự giống nhau bên ngoài - là những cuộc tụ họp lớn được thúc đẩy bởi các Giáo hội Kitô khác nhau. Chúng ta hãy nghĩ đến “Ngày Giới trẻ Thế giới” và vô số sự kiện – đại hội, hội nghị và các cuộc tụ họp – trong đó hàng chục (và đôi khi thậm chí hàng trăm) hàng nghìn người trên khắp thế giới tham gia. Không thể thống kê được số lượng người mà những sự kiện này mang đến cơ hội để họ có kinh nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa và khởi đầu một mối quan hệ mới và cá vị với Chúa Kitô.
Điều làm nên sự khác biệt giữa kiểu gặp gỡ quần chúng này so với những kiểu gặp gỡ được mô tả ở trên, là ở đây nhân vật chính không phải là một con người, mà là Thiên Chúa. Cảm giác về sự thiêng liêng mà một người trải nghiệm trong những cuộc tụ họp ấy là cảm giác thực sự chân chính duy nhất, chứ không phải là một sự thay thế bởi vì nó được khơi dậy bởi Đấng Chí Thánh chứ không phải bởi một “thần tượng”.
Tuy nhiên, đây là những sự kiện đặc biệt mà không phải ai cũng có thể tham gia và không phải lúc nào cũng vậy. Cơ hội tuyệt vời và phổ biến nhất, để trải nghiệm cảm thức thánh thiêng trong Giáo hội, là phụng vụ. Phụng vụ Công Giáo đã trải qua một sự chuyển đổi từ một hành động mang đậm dấu ấn thiêng liêng và tư tế sang một hành động mang tính cộng đồng và có sự tham gia nhiều hơn, trong đó tất cả dân Chúa đều có phần của mình, mỗi người có sứ vụ riêng.
Tôi muốn nói cách tôi nhìn thấy và giải thích sự thay đổi này cho chính mình. Điều này hoàn toàn không phải để đặt mình vào vị trí phán xét quá khứ, mà để hiểu rõ hơn về hiện tại. “Hiện tại” trong Giáo hội không bao giờ là sự phủ nhận “quá khứ”, mà là sự phong phú của nó, hoặc, như trong trường hợp hiện tại, đó là quay trở lại từ một quá khứ tương đối gần đây đến một quá khứ cổ xưa và nguyên bản hơn.
Trong quá trình phát triển của Giáo hội với tư cách là cộng đồng, một điều gì đó xảy ra tương tự như điều xảy ra với việc xây dựng nhà thờ. Hãy nghĩ về một số vương cung thánh đường và các nhà thờ chính tòa nổi tiếng: có bao nhiêu biến đổi kiến trúc đã diễn ra qua nhiều thế kỷ để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của mọi thời đại! Nhưng nó luôn luôn là cùng một nhà thờ, dành riêng cho cùng một vị thánh. Nếu có một xu hướng chung đang diễn ra trong thời kỳ hiện đại, thì đó là khuynh hướng khôi phục những tòa nhà này về cấu trúc và phong cách ban đầu của chúng – bất cứ khi nào điều này là có thể và xứng đáng. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trong Giáo hội với tư cách là một cộng đồng, và đặc biệt là trong phụng vụ của Giáo Hội. Công đồng Vatican II là một thời điểm quyết định trong tiến trình này, nhưng không phải là khởi đầu tuyệt đối. Công Đồng thu thập thành quả của nhiều công việc trước đó.
Chắc chắn không cần phải đi sâu vào lịch sử thế tục của phụng vụ ở đây – những người khác đã làm điều đó – và chính xác là từ quan điểm mà chúng ta quan tâm. Tôi chỉ cố gắng làm nổi bật sự tiến hóa liên quan đến cảm thức về sự thánh thiêng.
Vào thời kỳ đầu của Giáo hội và trong ba thế kỷ đầu tiên, phụng vụ thực sự là một “phụng vụ”, nghĩa là hành động của người dân (laos – dân chúng – nằm trong số các thành phần từ nguyên của từ leitourgia). Từ Thánh Giúttinô, từ tác phẩm Truyền Thống Tông đồ của Thánh Hippolytô, và các nguồn khác vào thời kỳ đó, chúng ta có được một hình ảnh về Thánh lễ chắc chắn gần với hình ảnh thánh lễ cải cách của chúng ta ngày nay hơn là hình ảnh của các thế kỷ chúng ta vừa bỏ lại sau lưng. Chuyện gì đã xảy ra thế? Câu trả lời là một từ khó xử mà chúng ta dù thế nào cũng không thể tránh khỏi: đó là giáo quyền hóa! Không có lĩnh vực nào khác lại dễ thấy hơn trong phụng vụ.
Việc thờ phượng của Kitô giáo, và đặc biệt là hy tế Thánh Thể, đã trải qua một sự biến đổi nhanh chóng, cả ở phương Đông và phương Tây, từ hành động của người dân thành hành động của giáo sĩ. Trong nhiều thế kỷ, phần trọng tâm của Thánh lễ, được gọi là Canon – hay Kinh Nguyện Thánh Thể - hoặc Anaphora - hay Kinh Nguyện Thánh Thể Đông phương, được linh mục đọc bằng một giọng trầm, bằng tiếng Latinh, đằng sau bức màn hoặc bức tường (một ngôi đền trong một ngôi đền!), ngoài tầm nhìn và nghe của người dân. Vị chủ sự chỉ cao giọng ở những lời cuối cùng của Kinh Nguyện: “Per omnia saecula saeculorum,” – “đến muôn thuở muôn đời” - và mọi người đáp lại, “Amen!” với những gì họ đã không nghe, chứ đừng nói là hiểu. Sự tiếp xúc duy nhất với Bí tích Thánh Thể, được thông báo bằng tiếng chuông, là thời điểm nâng cao Bánh Thánh.
Có một sự trở lại hiển nhiên đối với những gì đang diễn ra trong việc thờ phượng thời Giao ước thứ nhất. Vị Thượng tế tiến vào thánh điện, với bình hương và máu của các của lễ, còn dân chúng đứng bên ngoài thì run rẩy, choáng ngợp trước cảm thức về sự thánh thiện và uy nghiêm vô cùng của Thiên Chúa. Ý nghĩa thiêng liêng ở đây cao nhất, nhưng, đến thời Tân Ước, đó có phải là điều đúng đắn và chân chính không? Đây là câu hỏi quan trọng của chúng ta.
Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy: “Anh em đã chẳng thể tới gần … có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa… Nhưng anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben.”(Dt 12:18-24). “Nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người.” (Dt 10:19-20). Chúa Kitô đã xuyên qua bức màn và không đóng lối đi phía sau Ngài (Dt 10:20).
Sự thánh thiện đã thay đổi cách thể hiện: không còn như một bí ẩn uy nghi và quyền năng, mà như một khả năng ẩn giấu và đau khổ vô biên. Sau khi truyền phép, chủ tế đọc hoặc hát: “Đây là mầu nhiệm đức tin!” Những người ở độ tuổi của tôi sẽ nhớ rằng, có một thời câu cảm thán này được đưa vào chính giữa công thức truyền phép rượu: “Hic est enim calix sanguinis mei, novi et aeternitesti – Mysterium fidei! – qui pro vobis et pro multis effundetur in remissionem peccatorum.” – “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu – đây là mầu nhiệm đức tin! - sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Như thể Giáo hội dừng lại, giữa chừng câu chuyện, ngạc nhiên về những gì mình đang nói!
Tất nhiên, cuộc cải cách đã đúng khi chuyển câu cảm thán này đến phần cuối của phần truyền phép, nhưng chúng ta không nên đánh mất cảm giác kinh ngạc chứa đựng trong đó. Tuy nhiên, quan trọng hơn điều này là hiểu được lý do thực sự khiến chúng ta kinh ngạc. Nó phải cùng loại với những gì chúng ta đọc được trong các bài thơ về Người tôi trung đau khổ của Yavê, là Đấng “sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói đến bao giờ” (Is 52:15).
Rúng động và run rẩy vẫn có một vị trí trong Giao ước mới, nhưng trước sự khiêm nhường và tình yêu của Thiên Chúa, hơn là sự uy nghiêm của Ngài. Một người có tâm tình này rất sâu sắc là thánh Phanxicô thành Assisi: Ngài viết trong một lá thư gửi cho toàn Dòng rằng, “Nhân loại hãy run sợ, hãy để cả vũ trụ run sợ và thiên đàng hân hoan khi ở trên bàn thờ, trong tay linh mục, Chúa Kitô, con Thiên Chúa hằng sống hiện diện.”
Một lần nữa, run rẩy vì cái gì? “Ôi sự khiêm nhường siêu phàm!”, thánh nhân tiếp tục. “Ôi sự siêu phàm khiêm nhường, rằng Chúa của vũ trụ, Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, đã hạ mình đến mức ẩn mình, vì phần rỗi của chúng ta, dưới một lượng bánh nhỏ nhất! Hỡi anh em, hãy nhìn xem sự khiêm nhường của Thiên Chúa!”
Vấn đề là không được lãng phí khả năng mới này do phụng vụ cải cách mang lại bằng những ứng biến tùy tiện và kỳ lạ, nhưng duy trì sự điều độ và điềm tĩnh cần thiết ngay cả khi Thánh lễ được cử hành trong những tình huống và môi trường cụ thể.
Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, xưa và nay, lời mời gọi ngay sau khi truyền phép là luôn luôn tưởng nhớ: “Unde et memores…” – “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ …” Đó là câu trả lời cho mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!” Nhưng trên hết, chúng ta phải nhớ gì về Ngài? “Mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén này, là anh em rao truyền cuộc tử nạn của Chúa” (1 Cr 11:26). Chúng ta hãy thử một lần cố gắng vượt ra ngoài ngôn từ, hay nói đúng hơn là mang đến cho ngôn từ một nội dung hiện sinh chứ không chỉ là một nội dung mang tính nghi thức.
Chúng ta hãy trở lại thời điểm Chúa Giêsu công bố những lời đó và cố gắng hiểu trong những điều kiện nội tại nào mệnh lệnh “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” đến từ môi miệng Đấng Cứu Chuộc. Ngài thấy rõ những gì Ngài đang dự phần. Ngài đã nhiều lần đề cập đến điều đó, nhưng như thể vẫn còn xa xôi. Nay giờ đã đến; thậm chí không còn một khoảng thời gian nào để giảm bớt nỗi thống khổ. Những lời “Đây là chén máu Thầy” không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là người biết rằng trong vài giờ nữa, Ngài sẽ chết một cái chết khủng khiếp. “Qui pridie quam pateretur” – “ngay trước cuộc khổ nạn…”
Và những gì đang xảy ra xung quanh Ngài? Thưa: Các tông đồ lại tìm cách tranh luận xem ai là người lớn nhất (Lc 22:24-27), giống như những người anh em, đang quây quần bên giường cha, tranh giành gia tài. Một trong số họ, trong vài giờ nữa, sẽ bán Ngài với giá 30 denarii – “In qua nocte tradebatur” – “vào đêm Ngài bị phản bội!”
Trong những tình cảnh này, Ngài đã thiết lập bí tích mà Ngài sẽ để lại với gia đình của mình cho đến tận thế. Người ta có thể tìm thấy ở đâu một mầu nhiệm “kinh hoàng và hấp dẫn” hơn thế này? Điều gì trên trần gian này có thể thánh thiêng liêng hơn? Vào ngày mà Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta, dù chỉ một thoáng, được nhìn vào vực sâu của vực thẳm yêu thương và đau khổ này, tôi tin rằng chúng ta sẽ không còn có thể sống như trước nữa. Điều này giải thích tại sao Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh dường như gặp khó khăn trong Thánh lễ và không thể hoàn thành việc truyền phép.
Nhưng chúng ta phải hoàn thành việc ôn lại Thánh lễ. Thánh lễ không chỉ bao gồm Kinh Nguyện Thánh Thể và Truyền phép; ngoài ra còn có Phụng vụ Lời Chúa và Hiệp lễ. Chúng ta có sẵn một số phương tiện không có sẵn trong quá khứ để nâng cao Phụng vụ Lời Chúa và cũng biến điều đó thành cơ hội để trải nghiệm điều thánh thiêng. Nhờ những tiến bộ mà Giáo hội đã đạt được trong nhiều lĩnh vực trong thời gian này, chúng ta có cơ hội tiếp cận trực tiếp hơn với Lời Chúa. Lời Chúa có thể vang dội với sự phong phú và quyền lực lớn hơn trong quá khứ.
Phụng vụ hiện nay rất phong phú về Lời Chúa, được sắp xếp một cách khôn ngoan, theo trình tự của lịch sử cứu độ, trong một khuôn khổ các nghi thức thường được đưa trở lại tính tuyến tính và đơn giản của nguyên bản. Chúng ta phải coi trọng những phương tiện này. Không gì có thể thấm nhập vào trái tim con người và làm cho tâm hồn con người cảm nhận được thực tại siêu việt của Thiên Chúa hơn là lời hằng sống của Thiên Chúa được công bố trong phụng vụ với đức tin và sự gắn bó với cuộc sống. Thánh Phaolô nói, đức tin phát sinh từ việc lắng nghe lời Chúa Kitô – Fides ex auditu (Rm 10:17).
Nhiều lời của Chúa Giêsu, có lẽ vừa được nghe trước đó một chút trong bài Tin Mừng trong ngày, vào lúc truyền phép, lại vang vọng trong trái tim, như được chính tác giả của những lời ấy nói lại một lần nữa, một cách sống động và thực sự hiện diện trên bàn thờ. Tôi sẽ luôn nhớ cái ngày mà, sau khi đưa ra những bình luận về những lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng: “Ở đây có người hơn ông Giôna; bây giờ ở đây còn hơn cả Salomon nữa” (Mt 12:41-42), đứng dậy sau khi bái lạy sau khi truyền phép, tôi cảm thấy như thốt lên trong lòng đầy kinh ngạc: “Kìa, ở đây còn hơn cả Salomon!”
Ngay cả bài đọc từ Cựu Ước, được chọn theo quan điểm của đoạn Tin Mừng, cũng đưa ra những ý nghĩa mới và sáng tỏ. Thánh Augustinô nói, trong quá trình chuyển đổi từ hình ảnh sang hiện thực, tâm trí sáng lên như “một ngọn đuốc đang chuyển động”. Như với hai môn đệ làng Emmau, Chúa Giêsu tiếp tục giải thích cho chúng ta “mọi lời Kinh Thánh chỉ về Người” (Lc 24:27).
Và sau đó chúng ta có Tiệc Thánh. Làm thế nào để phụng vụ có thể làm cho thời điểm này trở thành một cơ hội để trải nghiệm điều thánh thiêng, không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ cộng đồng? Tôi sẽ nói, đó là thông qua sự im lặng! Có hai loại im lặng: một loại im lặng mà chúng ta có thể gọi là khổ hạnh, và một loại im lặng thần bí. Một sự thinh lặng nhờ đó thụ tạo tìm cách vươn tới Thiên Chúa, và một sự thinh lặng do Thiên Chúa đến gần thụ tạo khơi dậy. Sự im lặng sau khi rước lễ là một sự im lặng thần bí, giống như sự im lặng mà chúng ta thấy trong các cuộc thần hiện của Giao ước thứ nhất. Sau khi hiệp lễ, người ta sẽ nghe lời khuyên của tiên tri Xôphônia vang lên trong không trung (1:7), “Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa là Chúa Thượng!” Nên có một vài khoảnh khắc, cho dù ngắn ngủi, im lặng tuyệt đối sau khi rước lễ.
Truyền thống Công Giáo cảm thấy cần phải kéo dài và dành nhiều thời gian hơn cho thời điểm tiếp xúc cá nhân này với Chúa Kitô Thánh Thể và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, đặc biệt là bắt đầu từ thế kỷ XIII, việc sùng kính Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Đó không phải là sự sùng bái tách rời và độc lập khỏi bí tích; nhưng là sự tiếp nối của việc “tưởng nhớ” Đức Kitô, các mầu nhiệm và lời của Người – một cách để nội tâm hoá mầu nhiệm mà chúng ta đã lãnh nhận. Chầu Thánh Thể là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy sự khiêm nhường và ẩn mình của Chúa Kitô không làm cho chúng ta quên rằng chúng ta đang ở trước mặt “Đấng Rất Thánh”, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng trời đất.
Nơi nào Chầu Thánh Thể được thực hành – bởi các giáo xứ, cá nhân và cộng đồng – thì hoa trái của nó có thể nhìn thấy được, ngay cả khi có liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng. Một nhà thờ đầy tín hữu trong sự thinh lặng tuyệt đối, trong suốt một giờ Chầu Thánh Thể lộ thiên, sẽ khiến bất cứ ai tình cờ bước vào phải thốt lên: “Chúa ở đây!” Tôi nhớ lời nhận xét của một người không Công Giáo, vào cuối giờ Chầu Thánh Thể thinh lặng, trong một nhà thờ giáo xứ lớn ở Hoa Kỳ, đông nghịt tín hữu, người ấy nói với một người bạn, “Bây giờ tôi hiểu điều mà các bạn người Công Giáo đề cập đến khi các bạn nói về 'sự hiện diện thực sự'!”
Nếu có một lý do khiến tôi lấy làm tiếc về việc mất tiếng Latinh, thì đó là vì khi tiếng Latinh bị bỏ rơi, một số bài hát đã phục vụ nhiều thế hệ tín hữu thuộc mọi ngôn ngữ để bày tỏ lòng sùng kính nồng nhiệt trước Thánh Thể không còn được sử dụng nữa: những bài như Adoro te devote – Con kính thờ, Ave Verum – Kính Lạy, Panis Angelicus – Bánh Các Thiên Thần. Bây giờ những bài ấy tồn tại được gần như hoàn toàn nhờ âm nhạc mà các nghệ sĩ nổi tiếng đã viết về chúng.
Chúng ta là “những tôi tớ của Chúa Kitô và những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cor 4:1) và, theo những cách khác nhau, mọi tín hữu tham gia vào việc thờ phượng Giáo hội, có thể cảm thấy bị đè bẹp và bất lực trước một nhiệm vụ cao cả như vậy. Làm thế nào chúng ta, những người cảm thấy nơi chính mình tất cả sự nặng nề của thân xác, có thể giúp mọi người cảm nghiệm được sự thánh thiêng và siêu nhiên trong phụng vụ? Câu trả lời luôn giống nhau, “Bạn sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần!” Đấng được định nghĩa là “linh hồn của Giáo hội” cũng là linh hồn của phụng vụ, là ánh sáng và sức mạnh nội tại của các nghi thức.
Thật là một hồng ân khi cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II đã đặt epiclesis, tức là Kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần, vào tâm điểm của Thánh lễ: trước tiên là trên bánh và rượu, sau đó là trên toàn nhiệm thể của Giáo hội. Tôi rất kính trọng Kinh nguyện Thánh Thể đáng kính của Lễ Qui Rôma [thường được gọi là Kinh nguyện Thánh Thể I], và tôi thích thỉnh thoảng sử dụng nó, là Kinh nguyện mà tôi đã được thụ phong linh mục. Tuy nhiên, tôi không thể không lưu ý với sự tiếc nuối về sự vắng mặt hoàn toàn của Chúa Thánh Thần trong đó. Thay vì lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần trong lời truyền phép hiện tại trên bánh và rượu, chúng ta tìm thấy trong đó công thức chung, “Lạy Chúa, xin thánh hóa lễ vật này với quyền năng chúc lành của Chúa…”
Đây cũng là một hậu quả đáng buồn của cuộc luận chiến giữa Đông và Tây. Trong quá khứ, nó đã thúc giục người Latinh chúng ta đặt vai trò của Chúa Thánh Thần trong ngoặc để gán tất cả hiệu quả cho lời truyền phép, và nó đã thúc đẩy người Hy Lạp đặt lời truyền phép trong ngoặc để gán mọi hiệu quả cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Như thể mầu nhiệm được thực hiện bằng một loại phản ứng hóa học có thể xác định được thời điểm chính xác.
Tuy nhiên, có một viên ngọc quý mà Kinh nguyện Thánh Thể I truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và việc cải cách phụng vụ đã bảo tồn và đưa vào tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể mới một cách đúng đắn; và đó chính là bài tán tụng cuối cùng: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”
Công thức này diễn tả một chân lý cơ bản mà Thánh Basilô đã trình bày trong chuyên luận đầu tiên về Chúa Thánh Thần. Ngài viết, trên bình diện khởi đi từ Thiên Chúa đến các thụ tạo, mọi sự bắt đầu từ Chúa Cha, đi qua Chúa Con và đến với chúng ta trong Chúa Thánh Thần; theo thứ tự các tạo vật trở về với Thiên Chúa, thì ngược lại, mọi sự bắt đầu với Chúa Thánh Thần, đi qua Chúa Con và trở về với Chúa Cha. Vì phụng vụ là thời điểm tuyệt vời nhất để các thụ tạo trở về với Thiên Chúa, nên mọi sự trong đó phải bắt đầu và lấy động lực từ Chúa Thánh Thần.
Sách Lễ cổ có một loạt các kinh nguyện mà linh mục phải đọc để chuẩn bị cho Thánh Lễ. Hôm nay chúng ta có thể chuẩn bị cho việc cử hành, tốt nhất là bằng một lời cầu nguyện ngắn nhưng mãnh liệt xin Chúa Thánh Thần canh tân việc xức dầu linh mục của Người trong chúng ta và đặt trong lòng chúng ta cùng một động lực mà Người đã đặt vào trái tim Chúa Kitô để dâng chúng ta lên Chúa Cha như của lễ sống động. Thư gửi các tín hữu Do Thái nói rằng “được Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9:14) Chúng ta hãy cầu nguyện để những gì đã xảy ra nơi Đấng là Đầu cũng xảy ra trong chúng ta, những chi thể của nhiệm thể Người.
1. Augustine, Confessions, VII, 10: “contremui amore et orrore”.
2.Ib. XI, 9: “et inhorresco et inardesco”.
3.Max Horkheimer
Source:Cantalamessa