Ngày 25-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh
Lm. Anthony Trung Thành
10:21 25/03/2016
Suy Niệm Chúa Nhật PHỤC SINH NĂM C

Chúa đã phục sinh. Đó là nền tảng của niềm tin và niềm hy vọng của mỗi người kitô hữu chúng ta. Thánh Phaolô đã nói rất chí lý rằng: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 17-19). Vì thế, Ngài khẳng định rằng: “Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15, 20). Vậy, trong ngày trọng đại hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những bằng chứng của niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh và cố gắng sống niềm tin đó trong cuộc sống của chúng ta.

1. Niềm tin Phục sinh bắt đầu bằng Ngôi mộ trống

Ngôi mộ trống là yếu tố đầu tiên mà người ta gặp thấy sau khi Chúa Kitô chịu chết và táng xác. Tự nó, đây không phải là một chứng minh trực tiếp. Bởi vì, yếu tố không còn xác Chúa Kitô trong mộ có thể giải thích cách khác (x. Ga 20,23; Mt 28, 11-15). Dầu vậy, ngôi mộ trống đã là một dấu lạ đối với mọi người. Việc các môn đệ phát hiện sự kiện này đã là bước đầu cho việc nhận ra chính sự kiện Phục sinh: Đó là trường hợp của các phụ nữ thánh thiện (x. Lc 24,3.22-23), rồi của Phêrô (x. Lc 24,12). “Môn đệ của Chúa Giêsu thương yêu” (Ga 20,2) khẳng định rằng khi vào trong mộ trống và “phát hiện ra các dải vải còn để đó”, Tin mừng cho biết rằng “Ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,8). Điều này giải thích rằng ông đã thừa nhận trong tình trạng ngôi mộ trống là sự thiếu vắng thân xác của Chúa Giêsu không thể là việc của loài người, và Chúa Giêsu đã không chỉ đơn thuần trở lại cuộc sống trần gian như trường hợp ông Lazarô (x. GLHTCG, số 640). Như vậy, qua các dự kiên trên đây cho chúng ta khẳng định rằng: Ngôi mộ trống là bằng chứng Chúa đã Phục sinh.

2. Niềm tin Phục sinh dựa vào những lần hiện ra của Chúa Giêsu

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi và với nhiều người. Đặc biệt, Ngài hiện ra với các môn đệ, cùng ăn cùng uống với họ (x. Cv 10,41). Trước hết, Tin mừng cho biết, Ngài hiện ra với Maria Mađalêna và các phụ nữ khác (x. Ga 20, 11-18). Sau đó, Ngài hiện ra với ông Phêrô, với nhóm Mười Hai, với hai môn đệ đi đường Emmau, với hơn năm trăm người, và với Giacôbê. Thánh Phaolô kể rõ ràng rằng: “Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15, 5-8). Những lần Chúa Giêsu Kitô hiện ra trên đây sau khi Ngài chịu nạn chịu chết trên Thánh giá là bằng chứng cho chúng ta thấy Chúa đã Phục sinh.

3. Niềm tin Phục sinh dựa vào thái độ của các tông đồ và các kitô hữu đầu tiên trước và sau khi Chúa Sống Lại

Sau buổi chiều ngày thứ sáu, một bầu khí u ám, thất vọng nơi các Tông đồ và những người theo Chúa bấy lâu nay. Còn đâu những lời giảng dạy như Đấng có uy quyền (x. Mt 1,22). Còn đâu những phép lạ như: Phép lạ hoá bánh ra nhiều, gió yên biển lặng, kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ chết sống lại…Những hy vọng nơi Thầy Giêsu đã tan thành mây khói. Họ nghĩ rằng thế là hết. Tất cả đã chấm dứt. Vì vậy, một số trong các môn đệ trở lại nghề cũ, một số khác bỏ trốn về quê…

Thế rồi, sau khi thấy Chúa Phục Sinh, thái độ của họ thay đổi hoàn toàn. Bà Maria Mađalêna vội vã chạy về báo tin cho các Tông đồ. Phêrô và Gioan vội vã ra mồ. Khi thấy mọi sự trong mồ được xếp đặt gọn gàng, Gioan nhớ lại những lời Kinh thánh và ông đã tin. Hai môn đệ đi đường Emmau khi đã gặp Chúa Phục sinh, vội vã trở lại báo tin cho các Tông đồ khác.

Trước đây Phêrô đã nhát gan chối Chúa ba lần, nhưng giờ đây ông đã mạnh dạn rao giảng Tin mừng không biết mệt mỏi, không sợ quyền thế. Chính ông đã khẳng khái nói: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”(Cv 5,29).

Khi Chúa Phục sinh hiện ra bảo Tôma xỏ ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sường Người, ông đã tuyên xưng: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28).

Tóm lại, khi nhận ra Chúa Kitô đã sống lại thật, các môn đệ đã mạnh dạn rao giảng Tin mừng và sẵn sàng chết để làm chứng cho niềm tin của mình.

4. Niềm tin Phục sinh giúp gì cho chúng ta

1) Niềm tin Phục sinh giúp chúng ta vượt qua được thử thách, đau khổ:

Dịp Mùa Chay vừa qua, tôi có dành thời gian đi thăm những người già cả, ốm đau, bệnh tật. Tôi gặp một cụ bà đã trên 80 tuổi, nằm liệt giường hơn chục năm nay. Dầu vậy, tôi thấy tâm trạng của cụ luôn điềm tĩnh và bình an. Cụ tâm sự với tôi: “Suốt mười mấy năm qua, nhiều lúc con đau đớn lắm. Nhưng mỗi lần cơn đau hoành hành, con nhìn lên Thánh giá Chúa và tự nhủ mình rằng, Chúa cả trời đất, không có tội lỗi gì mà Ngài còn phải trải qua đau khổ mới tới ngày Phục Sinh. Phần con, là kẻ tội lỗi đáng phải chịu đau khổ trăm ngàn lần nữa. Suy nghĩ như thế, nên con cố gắng chấp nhận đau khổ để ngày sau cùng được phục sinh với Chúa”. Tôi thăm một bệnh nhân khác, đó là một chàng thanh niên 23 tuổi, bị liệt toàn thân do một vụ tai nạn xe máy. Anh vui vẻ kể lại cho tôi nghe vụ tại nạn xảy ra cách đây gần một năm. Tôi hỏi anh: “Từ một thanh niên khoẻ mạnh, bây giờ phải nằm liệt giường như vậy, con cảm thấy như thế nào?” Anh trả lời một cách xác tín rằng: “Chúa gửi thập giá tới thì phải vui lòng vác thôi Cha. Con hy vọng cùng chịu đau khổ với Chúa để ngày sau được gặp Ngài trên Thiên Đàng”. Đúng là câu trả lời của một người có niềm tin thực sự. Niềm tin có Chúa, niềm hy vọng vào sự Phục Sinh.

Thật vậy, nếu chúng ta biết nhìn lên Thánh giá mà nhớ lại rằng: Chính Đức Giêsu Kitô cũng đã trải qua đau khổ, thất bại, đòn vọt, chịu đội mạo gai và chết nhục nhã trên Thánh giá mới bước vào vinh quang Phục sinh. Những lúc đó, ánh sáng Phục Sinh sẽ len lỏi vào cõi lòng của chúng ta. Niềm hy vọng Phục sinh sẽ vụt lên trong tâm hồn của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua được những thử thách, đau khổ trong cuộc sống.

2) Niềm tin Phục sinh giải thoát chúng ta khỏi tội: Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là gì nếu không phải là tâm trí luôn hướng về niềm hạnh phúc Thiên Đàng. Khi chúng ta nghĩ tới hạnh phúc Thiên Đàng, nghĩ tới sự sống lại, chắc chắn chúng ta sẽ chống trả được những cơn cám dỗ, tránh xa được những thói hư tật xấu, đam mê tội lỗi. Nếu có sa ngã phạm tội thì nhờ hướng tới hạnh phúc Thiên Đàng mà chúng ta quyết tâm thống hối ăn năn và đi xưng thú tội lỗi của mình để làm hoà cùngThiên Chúa.

3) Niềm tin Phục sinh giúp chúng ta biết sống tha thứ, yêu thương mọi người hơn: Khi chúng ta bị bỏ vạ cáo gian, bị đánh đập, bị ghét bỏ, bị lên án, bị đối xử tệ bạc bất công, chúng ta không phàn nàn kêu trách, không trả thù, trái lại yêu thương, cầu nguyện, lấy ơn đền oán là chúng ta đang hướng tới sự Phục sinh của Chúa.

Như vậy, niềm tin vào sự Phục sinh rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người chúng ta. Tin vào sự Phục sinh sẽ giúp chúng ta vượt qua được mọi đau khổ; chống trả được các chước cám dỗ; giải thoát khỏi tội lỗi; dễ dàng chấp nhận những thiệt thòi mà người khác gây nên cho mình. Tin vào sự Phục sinh giúp chúng ta cố gắng sống tốt hơn, tha thứ và yêu thương mọi người hơn.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa đã từng mời gọi mọi người rằng: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ"(Ga 11, 25). Xin cho mỗi người chúng con luôn xác tín vào sự Phục Sinh của Chúa để sống niềm tin đó ở đời này và ngày sau được Phục sinh với Chúa trên Thiên Đàng. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:47 25/03/2016
18. QUAN CHẠY TRỐN...
Thời nhà Đường, một năm nọ, tặc binh xâm phạm biên giới, bao vây huyện Định. Quan huyện là Tôn Ngạn Cao, sợ hết hồn hết vía, gấp gáp sai thủ hạ đóng cửa huyện, trốn ở trong nhà, các cửa trước sau đều chốt lại, gặp việc gấp cần chuyển công văn thì chỉ từ nơi một cửa sổ nhỏ đưa vào đưa ra.
Không đầy mấy ngày, tặc binh đánh đến trước cổng thành, Tôn Ngạn Cao nghe tin báo, lật đật vào trốn trong tủ áo quần, sau đó lệnh cho quản gia:
- “Lấy khóa cửa ngục khóa cửa tủ lại cho ta, nếu tặc binh đánh vào, dù thế nào chăng nữa mày cũng phải nhớ là không mở, chúng nó nói thế nào chăng nữa, cũng đừng đưa chìa khóa cho chúng nó !”
(Kịch Đàm lục)

Suy tư 18:
Ở trần gian này, không có cửa nào khóa kỷ cho bằng cửa ngục tù, bởi vì bên trong toàn là những tội phạm nguy hiểm cho xã hội, nhưng ngục tù đau khổ nhất vẫn là ngục tù của tâm hồn.
Ngục tù của tâm hồn thì không như ngục tù của thân xác, nó không có ổ khóa chắc chắn hay tường thành cao xây quanh với hàng rào điện tử và hàng rào kẽm gai bén nhọn, nhưng hàng rào vây kín tâm hồn chính là những đam mê dục vọng, tiền tài danh lợi, nó bọc kín tâm hồn không cho tâm hồn tự do vươn tới trời cao với Đấng toàn thiện; nó cũng chẳng có những viên cai ngục dữ dằn hắc ám, nhưng chính ma quỷ là những tên cai ngục vượt trên mọi cai ngục trần gian, đã không những canh giữ, mà còn xúi giục, bày vẽ, cám dỗ để tâm hồn mãi miết đắm mình trong vũng bùn tội lỗi, rồi chết dần chết mòn trong cái chết êm ái của hưỡng thụ nhưng kinh khủng của ngày phán xét.
Những người dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa được coi là thoát khỏi ngục tù được vây quanh bởi những tiền tài, danh vọng và xác thịt, và tâm họ rất thảnh thơi vươn tới trời cao, nhưng nếu họ không quyết tâm vươn lên mãi, thì sẽ có ngày tâm hồn họ sẽ bị nhốt trong ngục tù vậy.
Ông quan Tôn Ngạn Cao đã tự giam mình trong ngục tù, khi tặc binh đánh thắng thì dù có đào lỗ dưới đất thì chúng nó cũng đào lên để hạch tội và giết...
Chỉ có những kẻ hèn nhát mới giam mình trong ngục tù thế gian và tâm hồn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Vọng Phục Sinh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:49 25/03/2016
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
(Vọng Phục Sinh)


Anh chị em thân mến,
Hôm qua chúng ta long trọng cử hành nghi thức Suy tôn Thánh Giá, tưởng nhớ và kỷ niệm Đức Chúa Giê-su chịu chết trên Thánh Giá vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta.
Hôm nay chúng ta cũng rất long trọng cử hành thánh lễ vọng Phục Sinh mừng Đức Chúa Ki-tô sống lại vinh hiển, trong niềm vui ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em mấy cảm nhận sau :

1. Ánh sáng Phục Sinh là Khiêm tốn phục vụ.
Với nghi thức làm phép lửa mới mà Giáo Hội cử hành trước thánh lễ, với nến phục sinh mà chúng ta đang rước vào nhà thờ và đặt bên cạnh giảng đài gần bàn thờ làm cho chúng ta xác tín sâu xa rằng: Đức Chúa Giê-su Ki-tô là ánh sáng trong đêm tối, là nguồn ân sủng và là sự sống của chúng ta.

Ánh sáng Phục Sinh đã bừng sáng trong đêm tối tội lỗi của hai ngàn năm trước, giờ đây vẫn đang chiếu rọi cho chúng ta trong ngày hôm nay, đó chính là Đức Chúa Ki-tô. Ngày hôm qua chúng ta than khóc vì tội lỗi của mình mà Ngài đã chết, ngày hôm nay chúng ta vui mừng vì Ngài đã sống lại, đó là niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta là những người đang đi trong đêm tối của tội lỗi trần gian.

Khiêm tốn chính là ánh sáng và là hành vi nổi bật nhất, mà chính Đức Chúa Ki-tô đã dùng để cứu chuộc nhân loại đã sa ngã vì tội kiêu ngạo, nó cũng là ánh sáng của chúng ta chiếu rọi qua người khác, khi chúng ta khiêm tốn phục vụ tha nhân trong tinh thần yêu thương.

Mọi người có thể nhìn thấy tài cao học rộng của chúng ta, nhưng ít người nhìn thấy Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh đang sống trong chúng ta, bởi vì học thức và tri thức không phải là ánh sáng, nó cũng không phải là đường dẫn chúng ta đi đến sự sống đời đời, nhưng khiêm tốn thật mới chính là ánh sáng nơi chúng ta, nó phản ảnh lại khuôn mặt phục sinh sáng chói của Đức Chúa Ki-tô nơi tất cả hành vi ngôn từ của chúng ta.

2. Ánh sáng phục sinh là sự đổi mới.
Trong đêm tối chúng ta không thể làm gì được vì đêm tối cũng đồng nghĩa với sự chết, cũng vậy, sống trong tội chúng ta cũng không thể làm gì được để linh hồn chúng ta được đổi mới, do đó đêm tối cần có ánh sáng và tội lỗi cần có ân sủng của Thiên Chúa.

Ánh sáng phục sinh đã đến đó chính là Đức Chúa Giê-su, Ngài đến để đổi mới những gì mà chúng ta đã làm trong bóng tối như hưởng thụ đến đam mê, là kiêu ngạo, là hận thù, là ghét ghen và vu khống.v.v... Ánh sáng đến chiếu sáng những nơi tăm tối, đổi mới tâm hồn chúng ta từ cũ qua mới, từ kiêu ngạo trở thành khiêm tốn, từ gian dâm đầy dục vọng trở thành trong sáng và hồn nhiên, từ ghét ghen hận thù trở thành yêu thương và tha thứ, từ lãnh đạm với Tin Mừng đến nhiệt tình và phục vụ Chúa trong tha nhân...

Ánh sáng phục sinh đã đến không phải chỉ đổi mới chúng ta đêm hôm nay mà thôi, nhưng suốt mọi ngày trong cuộc sống của chúng ta, nó luôn chiếu dọi thôi thúc và đổi mới tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta biết luôn trân trọng gìn giữ ánh sáng này cho khỏi bị cuồng phong của thế gian là những quyến rũ đam mê thổi tắt.

Anh chị em thân mến,
Đêm hôm nay trên tay của bạn của tôi và của mỗi người Ki-tô hữu tham dự thánh lễ đều cầm cây nến nho nhỏ, biểu tượng đức tin của anh chị em được cháy sáng nhờ tin vào Đức Chúa Ki-tô Phục sinh, cây nến nhỏ này sẽ cháy hết nhưng đức tin của chúng ta sẽ luôn trưởng thành và càng trưởng thành hơn trong hi sinh và thử thách, bởi vì trong thử thách, đức tin của chúng ta càng cháy sáng và toả sáng chiếu dọi cho mọi người thấy Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta đang tin và đang sống.

Xin Đức Chúa Kitô Phục Sinh chúc lành cho chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN Phuc Sinh)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:52 25/03/2016
Chúa Nhật PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 20, 1-9.
“Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.


Anh chị em thân mến,
“Chúa đã sống lại rồi- Alleluia !”
Đó là điệp khúc vui mừng của bạn và tôi và của cả nhân loại, vui mừng vì nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, vui mừng vì từ nay cửa thiên đàng rộng mở chờ đón chúng ta, vui mừng vì sự ác sẽ không còn thống trị mặt đất nữa, nhưng cái vui mừng hiện tại nhất của chúng ta hôm nay chính là chúng ta đã được cùng với Đức Chúa Giê-su sống lại sau bốn mươi ngày mùa chay chết cho tội lỗi.

Trong niềm vui phục sinh hôm nay, tôi xin chia sẻ với hai điểm này :

1. Phục Sinh là trỗi dậy và đi lên.
Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, Ngài đã trỗi dậy ra khỏi mồ và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, đó là đức tin và là niềm vui cứu độ của chúng ta.

Đức Chúa Giê-su đã phục sinh, nghĩa là Ngài đã trỗi dậy từ thân xác bất động trở nên sống động, từ trong mộ đá lạnh tanh toả sáng vinh quang phục sinh của Thiên Chúa, từ cõi chết đi qua sự sống, đó chính là những dấu hiệu để cho chúng ta thấy được rằng, Ngài chính là Thiên Chúa và là Đấng duy nhất cứu độ trần gian.

Chia sẻ niềm vui phục sinh này với Đức Chúa Ki-tô, không phải là bạn và tôi chỉ hân hoan hát Alleluia mà thôi, nhưng chúng ta phải thật sự sống lại với Ngài, đi ra khỏi tội lỗi và nơi chốn khiến chúng ta phạm tội, để nơi nào có mặt chúng ta là ở đó ánh sáng phục sinh của Đức Chúa Ki-tô chiếu rọi, để chúng ta hấp dẫn người khác đi theo ánh sáng Tin Mừng của Ngài.

2. Phục Sinh là hiệu quả của yêu thương.
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” và thế là mọi sự đã hoàn tất : hoàn tất cuộc khổ nạn, hoàn tất chương trình cứu độ ở trần gian, hoàn tất ba mươi ba năm chia sẻ thân phận làm người, để rồi đỉnh cao hoàn tất chính là sự phục sinh vinh hiển của Ngài –Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ trần gian.

Phục Sinh là hiệu quả của tình yêu, Đức Chúa Giê-su Ki-tô vì yêu thương nhân loại đã đi qua sự chết và đã sống lại, đó chính là hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chịu mục nát và trở thành cây lúa mì đơm hoa kết trái nuôi sống muôn người. Đức Chúa Giê-su chính là hạt lúa mì, là hạt tình yêu bởi trời gieo vào trong thế gian, để cho thế gian nhờ Ngài mà được sự sống đời đời.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, Ngài cũng mời gọi tất cả chúng tai cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu phục sinh này cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương, bởi vì tình yêu không qua đau khổ là tình yêu chưa trọn vẹn và chưa hoàn hảo. Do đó, khi chúng ta loan báo tin vui Phục Sinh cho tha nhân thì chính là lúc chúng ta làm chứng rằng, phục sinh không chỉ là Đức Chúa Giê-su Ki-tô sống lại mà thôi, nhưng còn là sự sống lại cho những kẻ tin yêu Ngài mà chịu nhiều gian khổ và hy sinh.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã sống lại như lời của Ngài đã nói, sự sống lại này đã đổi mới và thánh hóa tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài.

Ba ngày trong mồ đá là biểu tượng quyền lực của ma quỷ tạm thời thắng thế, nhưng ba ngày sau trở đi thì từ trong mồ đá này, ma quỷ đã thất bại vì Đấng tạm thời khuất phục sự chết - Đức Chúa Ki-tô- đã sống lại vinh hiển, đã chiến thắng tử thần và muôn đời thống trị ma quỷ ác thần. Chúa đã sống lại rồi, Alleluia.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:55 25/03/2016

10. Chỉ có vui vẻ thần linh, vừa ngọt ngào vừa chính đáng là kết quả của hạnh tu đức, là món quà Thiên Chúa thưởng cho người khiết tịnh.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn bộ Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsê Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016
J.B. Đặng Minh An dịch
06:43 25/03/2016
Văn Phòng Các Cử Hành Phụng Vụ Của Đức Giáo Hoàng
Thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm cuộc thương khó Chúa
Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsê
Rôma, 25 Tháng 3, 2016

“Thiên Chúa là Lòng Thương Xót”

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti Tổng Giám Mục Perugia

Lời Dẫn Nhập

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an (2 Cor 1:3)

Trong Năm Thánh ngoại thường này, chúng ta được lôi cuốn đến với Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh bởi một sức mạnh đặc biệt, là lòng thương xót của Cha chúng ta trên trời, là Đấng mong muốn lấp đầy chúng ta với Thần Khí là ân sủng và niềm an ủi của Ngài.

Lòng Thương Xót là máng chuyển ân sủng Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người ngày nay là những người nam nữ thường xuyên bị lạc lối và hoang mang, duy vật chất và tôn thờ ngẫu tượng, nghèo đói và cô đơn, những con người thuộc về một xã hội dường như đã đánh mất ý niệm về tội lỗi và sự thật.

“Họ sẽ nhìn vào Đấng họ đã đâm thâu qua” (Zech 12:10). Tối nay, những lời tiên báo của tiên tri Zechariah có thể được ứng nghiệm nơi chúng ta! Cầu xin cho ánh mắt chúng ta có thể được nâng lên từ sự nghèo đói của chúng ta để tìm kiếm Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng là tình yêu Thương Xót. Khi đó, chúng ta sẽ có thể chiêm ngưỡng thiên nhan Ngài và lắng nghe lời Người: “Cha đã yêu thương con với một tình yêu vĩnh cửu” (Gr 31: 3). Bằng sự tha thứ, Ngài lau sạch tội lỗi của chúng ta và mở ra cho chúng ta con đường nên thánh, trên đó chúng ta sẽ chấp nhận thánh giá chúng ta, cùng với Ngài, vì tình yêu đối với anh chị em của chúng ta. Giếng nước đã rửa sạch tội lỗi của chúng ta sẽ trở nên nơi chúng ta “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14).

Lời nguyện

Lạy Cha Hằng Hữu,
Nhờ cuộc khổ nạn của Con yêu dấu Cha,
Cha muốn mạc khải trái tim Cha cho chúng con
và tuôn đổ trên chúng con Lòng Thương Xót của Cha
Trong sự hiệp thông với Đức Maria, Mẹ Người và cũng là Mẹ chúng con,
Xin cho chúng con biết luôn luôn chào đón và bảo vệ món quà của tình yêu.
Xin Mẹ, Mẹ của Lòng Thương Xót,
Dâng lên Cha những lời cầu nguyện
chúng con dâng lên cho bản thân và cho tất cả nhân loại,
để các ân sủng của Đàng Thánh Giá này
có thể chạm đến mỗi trái tim con người
và đổ đầy chúng con với niềm hy vọng mới,
một niềm hy vọng không bao giờ tàn phai
tỏa ra từ thập giá của Chúa Giêsu.
Đấng sống hằng trị cùng Chúa
và Chúa Thánh Thần
đến muôn đời. Amen.

Chặng Thứ Nhất

Chúa Giêsu bị kết án tử hình

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Máccô (15:14-15)

Ông Philatô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, và truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Chúa Giêsu cô đơn trước các quyền lực của thế gian này. Ngài bó tay hoàn toàn trước công lý của loài người. Philatô thấy mình đứng trước một mầu nhiệm không thể hiểu được. Ông đặt ra những câu hỏi và yêu cầu những lời giải thích. Ông đang tìm kiếm một giải pháp và ông gần như chạm được vào ngưỡng cửa của sự thật. Tuy nhiên, ông quyết định không vượt qua nó. Giữa cuộc sống và sự thật, ông chọn cuộc sống riêng của mình. Giữa hiện tại và vĩnh cửu, ông lựa chọn hiện tại.

Đám đông đã chọn Baraba chứ không phải Chúa Giêsu. Đám đông mong muốn thứ công lý trần thế và kẻ mà họ nghĩ có thể mang thứ công lý ấy đến cho họ; họ từ bỏ Đấng có thể giải thoát họ khỏi sự áp bức và khỏi ách nô lệ. Nhưng công lý của Chúa Giêsu không đến thông qua một cuộc cách mạng; nhưng đến theo tai tiếng của thập giá. Chúa Giêsu gạt sang một bên mọi kế hoạch giải phóng vì Người gánh lên mình tội lỗi của thế gian, và Người không đáp lại cái ác với cái ác. Thế gian không hiểu rằng công lý của Thiên Chúa có thể đến từ sự thất bại của Con Người.

Hôm nay mỗi người chúng ta là một phần tích hợp trong đám đông đang gào lên “Đóng đinh nó đi!”. Không ai trong chúng ta là ngoại lệ. Đám đông và Philatô, trong thực tế, được dẫn dắt bởi một cảm thức đang đoàn kết tất cả họ lại với nhau là sự sợ hãi. Sợ mất an ninh, tài sản của họ, cuộc sống của họ. Nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một con đưòng khác.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con giống hệt như những con người này biết chừng nào.
Bao nhiêu nỗi sợ chồng chất trong cuộc sống chúng con!
Chúng con sợ những người khác với chúng con, người nước ngoài, người di cư.
Chúng con sợ tương lai, sợ những bất ngờ, đau khổ.
Bao nhiêu nỗi sợ trong gia đình, nơi làm việc của chúng con, thành phố, làng mạc của chúng con...
Và có lẽ chúng con cũng sợ Thiên Chúa, đó là sự sợ hãi công lý của Thiên Chúa phát sinh từ một đức tin yếu kém, từ kiến thức nghèo nàn về chính mình của chúng con, và sự hoài nghi lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã bị lên án bởi những người nam nữ đầy sợ hãi, xin giải thoát chúng con khỏi sự sợ hãi phán quyết của Chúa.
Xin đừng để tiếng rên la đau đớn của chúng con ngăn cản chúng con nghe lời mời gọi nhẹ nhàng của Chúa: “Đừng sợ!”

Chặng Thứ Hai

Chúa Giêsu vác Thánh Giá

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Máccô (15:20)

Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

Nỗi sợ dẫn đến bản án dành cho Chúa, nhưng nó không thể bộc lộ bản thân và do đó nó núp đằng sau những cách hành xử trần thế: chế nhạo, sỉ nhục, bạo lực và vu cáo. Chúa Giêsu giờ đây được mặc lại áo của Người, mặc lại sự cô đơn nhân loại của Người, buồn bã và đẫm máu, không có chút sắc màu vương giả hoặc bất cứ dấu chỉ nào khác nói lên thiên tính của Người. Và đây là cách Philatô giới thiệu Người với đám đông: “Này là người” (Ga 19: 5).

Đây là tình trạng của tất cả những ai theo Chúa Kitô. Kitô hữu không tìm kiếm sự ưng thuận của thế gian hay sự đồng thuận của dư luận. Kitô hữu không tâng bốc hay nói dối để đạt được quyền lực. Kitô hữu chấp nhận sự nhạo báng và chế nhạo vì tình yêu dành cho chân lý.

“Sự thật là gì?” (Ga 18:38), Philatô hỏi Chúa Giêsu. Đây là một câu hỏi cho mọi thời đại, kể cả thời đại của chính chúng ta. Thưa: đó là sự thật về Con Người đã tiên báo bởi các tiên tri (x. Is 52: 13-53: 12), một khuôn mặt nhân loại bị biến dạng ngõ hầu cho thấy sự trung tín của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, quá thường khi chúng ta đi tìm một sự thật rẻ tiền, có thể cung cấp sự thoải mái cho cuộc sống của chúng ta, và có thể đáp ứng nỗi bất an của chúng ta và thậm chí đáp ứng sự tò mò cơ bản nhất của chúng ta. Và như vậy, chúng ta hài lòng với những thứ chân lý phiến diện và hấp dẫn, bị lừa lọc bởi “các tiên tri thời thế mạt là những kẻ luôn rao giảng những điều tồi tệ nhất” (Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII) hoặc những kẻ thổi sáo lành nghề ru lòng chúng ta với thứ âm nhạc lôi cuốn để lôi kéo chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người,
Đã đến để chia sẻ với chúng con sự thật toàn bộ về Thiên Chúa và về loài người.
Chính Thiên Chúa đã vác thánh giá (x Ga 19:17)
và cất bước trên con đường của lòng thương xót tự hiến.
Và người được viên mãn trong chân lý là người dõi theo cùng một con đường này.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có thể chiêm ngưỡng Chúa trong sự mạc khải thần thiêng của thánh giá, là đỉnh cao sự mặc khải của Chúa, và xin cho chúng con có thể nhận ra chính mình trong ánh quang huy hoàng mầu nhiệm của thiên nhan Chúa.

Chặng Thứ Ba

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Bài trích sách Tiên Tri Isaia (53:4, 7)

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả.

Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.

Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.

Chúa Giêsu là con chiên, được tiên báo bởi các tiên tri, là Đấng mang lấy gánh nặng của tội lỗi tất cả nhân loại. Ngài vác lên vai mình những yếu đuối của những người mà Người yêu mến, nỗi buồn và tội lệ của họ, sự gian ác và bất hạnh của họ. Chúng ta đã đi đến những giới hạn tột cùng của Ngôi Lời nhập thể. Nhưng vẫn còn một điểm thấp hơn nữa: Chúa Giêsu ngã dưới sức nặng của thập giá. Một Thiên Chúa bị té ngã!

Trong cái té ngã này, Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho sự đau khổ của nhân loại. Đau khổ đôi khi chúng ta cho là một điều ngớ ngẩn, khó hiểu, một điềm báo của cái chết. Có những khoảnh khắc của sự đau khổ dường như là để phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở đâu trong các trại tử thần? Chúa đang ở đâu trong các hầm mỏ và nhà máy nơi mà trẻ em phải làm việc như nô lệ? Thiên Chúa ở đâu khi những con tàu đang chìm sâu ở Địa Trung Hải?

Chúa Giêsu ngã dưới sức nặng của thập giá, nhưng thập giá không nghiền nát được Ngài. Này đây, Chúa Kitô đứng đó; như một kẻ bị ruồng bỏ trong số những con người bị hất hủi, như một kẻ thất bại trong số cơ man những kẻ thua cuộc khác, như một nạn nhân bị chìm sâu giữa rất nhiều những người bị đắm tàu.

Thiên Chúa gánh lấy tất cả những điều này lên mình Ngài; một Thiên Chúa vì tình yêu không ra oai uy dũng của mình. Nhưng như thế, chính xác là như thế, đã té xuống đất như một hạt lúa mì, Thiên Chúa thành tín với chính mình: Ngài trung thành trong tình yêu.

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cùng Chúa,
cho tất cả những khoảnh khắc của sự đau khổ mà dường như là vô nghĩa,
cho người Do Thái đã chết trong các trại tử thần,
cho các Kitô hữu bị giết vì hận thù đức tin,
cho các nạn nhân của mọi đàn áp,
cho các trẻ em làm việc như nô lệ,
cho những người vô tội bị chết trong chiến tranh.
Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con hiểu, sự tự do và sức mạnh bên trong của sự mạc khải thiên tính chưa từng có này của Chúa cao cả biết bao, nhân bản đến là ngần nào khi chiụ té ngã dưới sức nặng là thập giá của tội lỗi nhân loại, thương xót hãi hà biết bao khi đánh bại tội lỗi đè nặng trên chúng con.

Chặng thứ Tư

Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu

Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Luca (2:34-35, 51)

Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”… mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng

Thiên Chúa muốn sự sống đi vào thế giới này thông qua những nỗi đau của việc sinh nở: qua sự đau khổ của một người mẹ, là người mang cuộc sống đến trong thế gian. Tất cả chúng ta cần có một người mẹ, ngay cả Thiên Chúa cũng vậy. “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14), trong cung lòng của một trinh nữ. Đức Maria đã đón nhận Ngài, đã đưa Ngài đến với cuộc sống ở Bethlehem, bọc Ngài trong tã, bảo vệ Ngài và nuôi lớn Ngài với sự ấm áp của tình yêu; và Mẹ đồng hành cùng Người khi đến “giờ” của Người. Bây giờ, ở chân đồi Canvê, lời tiên tri của ông Simeon được ứng nghiệm: một thanh kiếm xuyên qua trái tim Mẹ. Đức Maria thấy Con mình một lần nữa, bị biến dạng và kiệt sức dưới sức nặng của thập giá. Đôi mắt Mẹ chứa đầy nỗi buồn của một người mẹ, Đức Maria chia sẻ cho đến cuối cùng trong sự đau khổ của Con Mẹ; nhưng đôi mắt của Mẹ cũng đang tràn đầy hy vọng. Từ ngày Mẹ “thưa vâng” với lời Thiên Thần truyền (Lc 1: 26-38), đôi mắt Mẹ đã không bao giờ ngừng phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa rạng ngời ngay cả trong ngày đau khổ này.

Đức Maria là người bạn đời của Thánh Giuse, và là Mẹ của Chúa Giêsu. Thời đó, cũng như bây giờ, gia đình là trái tim đang đập của xã hội; là tế bào bất khả phân ly của cuộc sống hàng ngày; là xà ngang không thể thay thế được của các mối quan hệ con người; là tình yêu bất tận sẽ cứu thế giới.

Đức Maria là người phụ nữ và người mẹ với sự nhạy cảm và dịu dàng nữ tính; với trí tuệ và lòng bác ái. Là mẹ của tất cả, Đức Maria “là một dấu chỉ của hy vọng cho các dân tộc đang bị nỗi đau chào đời của công lý. Mẹ là nhà truyền giáo gần gũi chúng ta và đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời, mở lòng chúng ta ra với đức tin bằng tình yêu từ mẫu của Mẹ. Là một người mẹ thực sự, Mẹ đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ cuộc đấu tranh của chúng ta và liên tục bao quanh chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa “(Evangelii Gaudium, 286).

Ôi Maria, Lạy Mẹ Thiên Chúa,
Mẹ là sự phản ánh đầu tiên của lòng thương xót Chúa Cha từ Con chí thánh của Mẹ,
lòng thương xót mà Mẹ xin Ngài tại Cana.
Khi Con Mẹ tỏ cho chúng con thấy thiên nhan của Chúa Cha
thậm chí đến những hậu quả tột cùng của tình yêu,
Mẹ đặt mình âm thầm trên con đường của Người,
như môn đệ đầu tiên của Thập Giá.
Ôi Maria, Đức Nữ Trinh trung tín,
xin chăm sóc tất cả các trẻ em mồ côi của thế giới chúng con,
xin bảo vệ tất cả các phụ nữ đang bị khai thác và hứng chịu bạo lực.
Xin mang đến cho chúng con những phụ nữ dũng cảm vì lợi ích của Giáo Hội.
Xin truyền cảm hứng cho mỗi bà mẹ biết dạy cho con mình sự dịu dàng của tình yêu Thiên Chúa,
và, trong giờ thử thách, xin đồng hành cùng với họ
với sức mạnh thầm lặng của đức tin.

Chặng thứ Năm

Ông Simôn vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu

Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Máccô (15:21-22)

Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simôn, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Núi Sọ.

Trong lịch sử cứu độ một người đàn ông lạ xuất hiện. Ông Simôn người xứ Kyrênê, một nông dân từ ngoài đồng về, đã bị buộc phải vác thập giá. Chính là trong người ấy, ân sủng của tình yêu Chúa Kitô, do Thánh Giá mang lại, bắt đầu hành động lần đầu tiên. Và Simôn, buộc phải mang theo gánh nặng này trái với ý muốn của mình, đã trở thành một môn đệ của Chúa.

Đau khổ, khi nó gõ cửa cuộc đời chúng ta, nó đến thật bất ngờ. Nó luôn luôn xuất hiện như là một giới hạn, đôi khi thậm chí là một sự bất công. Và nó có thể thấy chúng ta đột ngột không chuẩn bị trước. Bệnh tật có thể phá hỏng kế hoạch cuộc sống của chúng ta. Một đứa trẻ khuyết tật có thể làm xáo trộn giấc mơ của một tình mẫu từ nung nấu từ lâu. Đó là một thử thách không mong muốn, nhưng lại đánh rất mạnh vào con tim những người nam nữ. Chúng ta phải ứng xử thế nào khi phải đối mặt với những đau khổ của một người nào đó mà chúng ta yêu thương? Chúng ta chú ý chu đáo đến mức nào trước tiếng khóc của một người nào đó đang đau khổ và đang sống xa chúng ta?

Con người xứ Kyrênê này giúp chúng ta tiến vào sự mong manh của tâm hồn con người và cho thấy một khía cạnh khác trong nhân tính của Chúa Giêsu. Ngay cả Con Thiên Chúa cũng cần một ai đó giúp Ngài vác thập giá. Vậy thì ai là người xứ Kyrênê đây? Người ấy chính là lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhân loại. Thiên Chúa làm bẩn tay mình vì chúng ta, với những tội lỗi và sự yếu đuối của chúng ta. Ngài không xấu hổ về điều này. Và Ngài không bỏ rơi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cảm ơn Chúa vì hồng ân này là điều vượt quá niềm hy vọng của mỗi người chúng con
là điều mạc khải cho chúng con lòng thương xót của Chúa dành cho chúng con.
Chúa không chỉ yêu thương chúng con bằng ơn cứu rỗi của Người dành cho chúng con
nhưng còn bằng cách làm cho chúng con trở nên công cụ của ơn cứu rỗi.
Thánh giá Chúa mang lại ý nghĩa cho mọi thập giá,
và mang lại cho chúng con ân sủng cao cả nhất trong cuộc sống: đó là
được dự phần tích cực vào các mầu nhiệm cứu chuộc,
và trở nên công cụ của ơn cứu rỗi cho anh chị em của chúng con.

Chặng thứ Sáu

Bà Vêrônica lau mặt Chúa Giêsu

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu

Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Trích Sách Tiên Tri Isaiah (53:2-3)

Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Giữa những hoang mang của đám đông theo Chúa Giêsu đến đồi Canvê, Veronica xuất hiện, một người phụ nữ với khuôn mặt và cuộc sống không có gì nổi bật. Nhưng cô là một người phụ nữ can đảm, sẵn sàng lắng nghe Chúa Thánh Thần và làm theo linh hứng của Ngài. Cô có thể nhận ra sự vinh hiển của Con Thiên Chúa trên khuôn mặt hoen ố của Chúa Giêsu, và cảm nhận được lời mời gọi của Ngài muốn nói với cô: “Này những ai qua lại, hãy nhìn kỹ xem còn nỗi khổ nào như nỗi sầu của tôi” (Ai Ca 1: 12).

Tình yêu, mà người phụ nữ này là hiện thân, khiến chúng ta không nói nên lời. Tình yêu làm cho cô đủ mạnh để dám thách thức đám quân binh, để vượt qua đám đông, đến gần Chúa và thực hiện một hành động từ bi và đầy đức tin: là chặn lại những giọt máu từ vết thương, làm khô những giọt nước mắt của nỗi đau, chiêm ngưỡng dung nhan biến dạng của Ngài, đang ẩn giấu thiên nhan đích thực của Thiên Chúa.

Chúng ta, theo bản năng, cố gắng chạy trốn khỏi đau khổ, vì đau khổ là điều phản cảm đối với chúng ta. Chúng ta đi ngang qua biết bao những khuôn mặt bị biến dạng bởi những phiền não của cuộc sống và chúng ta thường quay đi. Làm sao chúng ta lại có thể không nhìn thấy thiên nhan của Chúa trong khuôn mặt của hàng triệu những người lưu vong, tị nạn và di tản, những người đang lẩn trốn trong tuyệt vọng những khủng khiếp của chiến tranh, khủng bố và các chế độ độc tài? Đối với mỗi một người trong số họ, mỗi một khuôn mặt độc đáo, Thiên Chúa luôn tỏ mình ra qua một trong những con người can đảm chạy đến cứu giúp như trong trường hợp của Veronica, người phụ nữ có khuôn mặt không ai biết đến, là người đã trìu mến lau mặt Chúa Giêsu.

“Lạy Chúa, con tìm kiếm thánh nhan Ngài” (Tv 27: 8).
Xin giúp con nhìn thấy thánh nhan Chúa trong anh chị em của con
là những người đang đi trên những nẻo đường đau đớn và nhục nhã.
Xin dạy cho con biết làm khô những giọt nước mắt và máu của những người bị chà đạp trong mọi thời đại, của tất cả những người đang bị gạt tàn nhẫn sang một bên bởi một xã hội giàu có mà vô tâm.
Xin giúp tôi thoáng nhìn được thánh nhan Chúa với vẻ đẹp vô tận đằng sau mỗi khuôn mặt con người, kể cả những người bị bỏ rơi nhất.

Chặng thứ Bẩy

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu

Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Trích Sách Tiên Tri Isaiah (53:5)

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Chúa Giêsu ngã lần nữa. Bị giày xéo nhưng không chết bởi sức nặng của thập giá. Một lần nữa Ngài không che dấu nhân tính của mình. Đó là một kinh nghiệm về các giới hạn của sự bất lực, xấu hổ trước những kẻ chế giễu Người, hổ thẹn trước những ai đã từng hy vọng nơi Ngài. Không ai muốn té ngã và cảm nghiệm sự thất bại, đặc biệt là trước mặt người khác.

Mọi người thường nổi loạn chống lại ý tưởng không có quyền lực trong tay, không thể đi tiếp trong cuộc sống. Chúa Giêsu, thay vào đó, là hiện thân “sức mạnh của tình trạng vô quyền lực”. Ngài cảm nghiệm được cả đau khổ của thập giá lẫn sức mạnh cứu độ của đức tin. Chỉ có Chúa mới có thể cứu độ chúng ta. Chỉ có Chúa mới có thể biến đổi một dấu chỉ của cái chết thành một thánh giá vinh quang.

Nếu Chúa Giêsu đã ngã xuống đất lần thứ hai bởi sức nặng của tội lỗi chúng ta, thì chúng ta cũng phải chấp nhận những cái té ngã của chúng ta, nhìn nhận rằng chúng ta đã vấp ngã trong quá khứ, và chúng ta có khả năng lại vấp ngã một lần nữa bởi tội lỗi của chúng ta. Hãy để chúng ta nhận ra sự bất lực của chúng ta không thể tự cứu mình bằng sức mạnh của chính chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận sự sỉ nhục vì té ngã một lần nữa
khi tất cả mọi người đang nhìn vào,
chúng con muốn không chỉ chiêm niệm Chúa nằm sóng xoài trong cát bụi,
nhưng muốn nghĩ đến điều đó từ chính nơi chúng con đã vấp ngã vì những yếu đuối của chúng con.
Để chúng con nhận thức được tội lỗi của mình,
và cho chúng con ý chí, phát sinh từ đau đớn, để có thể đứng lên một lần nữa.
Xin ban cho toàn thể Giáo Hội của Chúa nhận thức về đau khổ.
Xin trao ban cách riêng cho các thừa tác viên của bí tích Hòa Giải ân sủng là những giọt nước mắt cho những tội lỗi của chính mình.
Làm sao họ có thể cầu xin lòng thương xót của Chúa cho bản thân và những người khác
nếu họ trước tiên không biết làm thế nào để hối tiếc những lỗi lầm của chính mình?

Chặng thứ Tám

Chúa Giêsu an ủi những người phụ nữ thành Giêrusalem

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Luca (23:27-28)

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm chi. Có khóc thì hãy khóc cho phận mình và cho con cháu mình.”

Chúa Giêsu, bị nhận chìm trong đau đớn, đang tìm kiếm sự an ủi từ Chúa Cha, vẫn cảm thấy một lòng trắc ẩn đối với những người đi theo Ngài. Người quay lại với những người phụ nữ đi theo Người trên đường đến đồi Canvê; và đưa ra một lời gọi hãy hoán cải mạnh mẽ.

Chúa Giêsu thành Nagiarét nói đừng khóc cho Ta, bởi vì Ta đang làm theo ý của Cha Ta. Thay vào đó hãy khóc cho mình và cho tất cả những lần các ngươi đã không làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Đây là Chiên Thiên Chúa Đấng đang nói và là Đấng đang khi vác thánh giá những tội lỗi của nhân loại vẫn còn muốn thanh tẩy cái nhìn của những người phụ nữ, là những người tuy đã hướng về phía Ngài, nhưng vẫn chưa hoàn hảo. Trước một người vô tội, nỗi buồn của họ dường như bật lên: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Đây cũng là câu hỏi đám đông đã đặt ra với Gioan Tẩy Giả (x Lk 3:10), và được lặp đi lặp lại bởi những người lắng nghe Phêrô sau ngày Lễ Ngũ Tuần với tâm hồn tan nát: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Cv 2:37).

Lời đáp trả là rõ ràng và đơn giản: “Hãy ăn năn”. Hãy hoán cải cá nhân cũng như cộng đồng. “Hãy cầu nguyện cho nhau, để anh em có thể được chữa lành” (Gc 5:16). Không có hoán cải nào mà không được đi kèm với lòng bác ái. Và bác ái là con đường của Giáo Hội.

Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho ân sủng của Chúa nuôi dưỡng chúng con trong hành trình hoán cải
để chúng con có thể hướng về Chúa,
trong sự hiệp thông với anh chị em chúng con,
là những người mà chúng con xin Chúa tuôn đổ Lòng Thương Xót vô hạn của Người trên họ,
và, với một tình yêu sâu xa như tình yêu của một người mẹ,
xin cho chúng con trở nên dịu dàng và từ bi đối với nhau,
thậm chí đến độ hy sinh chính bản thân cho phần rỗi của người hàng xóm của chúng con.

Chặng thứ Chín

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Trích thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Philípphê (2:6-7)

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba. Con Thiên Chúa cảm nghiệm những chiều kích sâu thẳm của con người. Với cái té ngã này, Ngài tiến vào lịch sử của nhân loại đầy đủ hơn nữa. Ngài đồng hành cùng với đau khổ của nhân loại trong mọi thời điểm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Con người vấp ngã quá thường biết chừng nào! Quá thường khi những người nam, nữ, và trẻ em phải đau khổ vì gia đình tan vỡ! Quá thường khi những người nam nữ thấy mình không có chút nhân phẩm nào bởi vì họ không có việc làm. Quá thường khi những người trẻ bị buộc phải sống trong tình trạng bất định, khiến họ mất đi niềm hy vọng cho tương lai!

Ai vấp ngã và chiêm niệm về Thiên Chúa, Đấng cũng đã ngã quỵ, là người cuối cùng có thể thừa nhận sự yếu đuối và bất lực của mình mà không sợ hay tuyệt vọng, chính vì Thiên Chúa đã có kinh nghiệm tương tự nơi Con Ngài. Chính vì lòng thương xót mà Chúa hạ mình đến độ nằm phủ phục trong cát bụi đường phố. Cát đất đẫm mồ hôi của Adong và máu của Chúa Giêsu và tất cả các vị tử đạo trong lịch sử; cát bụi được chúc phúc bởi những giọt nước mắt của rất nhiều anh chị em chúng ta đã trở thành nạn nhân của bạo lực và bóc lột. Chính vì thứ cát bụi - được chúc phúc, bị chà đạp, báng bổ và tước đoạt bởi sự ích kỷ của con người - này mà Chúa cứu độ cho tới hơi thở cuối cùng của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu,
phủ phục trên đất khô cằn này,
Chúa đang ở gần với tất cả những ai đau khổ;
Chúa đặt trong trái tim của họ sức mạnh để đứng lên trở lại.
Con cầu nguyện, xin Thiên Chúa của lòng thương xót,
cho tất cả những ai đã vấp ngã vì bất cứ lý do gì:
tội cá nhân, các cuộc hôn nhân đã bị gẫy đổ, sự cô đơn,
mất việc làm, gia đình khó khăn, hay những lo lắng cho tương lai.
Xin Chúa giúp họ hiểu rằng Chúa không xa cách họ,
bởi vì những người gần gũi nhất với Chúa, Đấng là Lòng Thương Xót nhập thể,
chính là những ai nhận thức rõ nhất nhu cầu của họ cần được thứ tha
và những ai tiếp tục hy vọng trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời!

Chặng thứ Mười

Chúa Giêsu bị lột áo

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Máccô (15:24)

Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì.

Dưới chân thập giá, bên dưới Đấng chịu đóng đinh và những kẻ tội phạm đau khổ, là những lính tráng đang tranh cãi với nhau về áo xống của Chúa Giêsu. Đây là sự ti tiện của cái ác.

Những biểu hiện trên khuôn mặt của những người lính quá cách biệt và khác hẳn với sự đau khổ cũng như những sự kiện xảy ra tỏ tường xung quanh họ. Dường như những chuyện đó không ảnh hưởng gì đến họ. Trong khi Con Thiên Chúa đang trải qua những đau khổ của thập giá, họ tiếp tục sống một cuộc sống bị chi phối duy nhất bởi đam mê của họ. Đây là nghịch lý lớn nhất của tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con cái mình. Đối mặt với cái chết của Chúa Giêsu, mỗi người nam nữ có thể lựa chọn: hoặc là chiêm ngưỡng Chúa Kitô hoặc là “bắt thăm”.

Khoảng cách giữa Đấng chịu đóng đinh và những đao phủ thủ hành hình Ngài là quá lớn. Trò chơi đáng thương để xem ai được áo xống của Người không làm cho họ nắm bắt được ý nghĩa của một cơ thể vô phương tự vệ và bị khinh miệt, bị chế giễu và chịu tử đạo, trong đó thánh ý Chúa được thực hiện cho phần rỗi của tất cả nhân loại.

Cơ thể mà Chúa Cha “chuẩn bị” cho Con của Ngài (xem Tv 40: 7; Dt 10: 5) giờ đây mạc khải tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha và ân sủng tổng thể mà Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại. Đó là cơ thể bị tước hết tất cả mọi thứ ngoại trừ tình yêu, là cơ thể chứa đựng trong chính nó sự đau khổ vô biên của nhân loại và cho thấy tất cả những vết thương của nó; trên tất cả, những vết thương đau đớn nhất: là các vết thương của những trẻ em bị lạm dụng.

Cơ thể lặng câm và đẫm máu ấy, chịu đánh đòn và bị sỉ nhục, chỉ ra con đường của công lý; đó là công lý của Thiên Chúa, là điều biến đổi sự đau khổ tồi tệ nhất bởi ánh sáng của sự sống lại.

Lạy Chúa Giêsu,
Con muốn mang đến với Chúa tất cả những khổ đau của nhân loại.
Những thi thể của những người nam, nữ, trẻ em và người già, người bệnh và người tàn tật mà nhân phẩm của họ không được tôn trọng.
Quá nhiều bạo lực trong lịch sử đã đánh vào điều thân thiết nhất của nhân loại, vào điều thánh thiêng và được chúc phúc bởi vì nó đến từ Thiên Chúa.
Chúng tôi cầu xin cùng Chúa, cho những ai đã bị vi phạm đến những chiều sâu của con người họ, cho những ai không biết đánh giá cao những mầu nhiệm của cơ thể mình, cho những ai không thể chấp nhận cái đẹp hay những kẻ làm biến dạng nó, cho những người không tôn trọng sự mỏng dòn và thánh thiêng của cơ thể đang già đi và chết dần.
Và một ngày nào đó, sẽ sống lại!

Chặng thứ Mười Một

Chúa Giêsu chịu đóng đinh

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Luca (23: 39-43)

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

Chúa Giêsu đang trên thập tự giá, “cây đáng yêu và chói lọi”, “là giường tân hôn, ngai vàng và bàn thờ” (Bài Ca Phụng vụ Nầy là Ngọn Cờ Thánh Giá). Từ những đỉnh cao của ngai vàng này, tâm điểm của toàn bộ vũ trụ (x Jn 12:32), Chúa Giêsu tha thứ cho những kẻ bắt bớ mình “bởi chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:24). Trên thập giá của Chúa Kitô, “khí cụ của ơn cứu chuộc chúng ta” (Nầy là Ngọn Cờ Thánh Giá)), sáng chói một đấng toàn năng mạc khải chính mình, một đấng thượng trí nhưng tự hạ mình đến mức điên rồ, một tình yêu trong đó trao ban chính mình trong sự hy sinh.

Ở hai bên của Chúa Giêsu là hai tên gian phi, có thể là những kẻ đã giết người. Hai tên tội phạm này nói ra hết tận cùng con tim của mỗi người chúng ta bởi vì họ tiêu biểu cho hai cách khác nhau trên cây thập tự: một là nguyền rủa Thiên Chúa; hai là nhận ra Thiên Chúa trên thập tự giá. Tên gian phi đầu tiên đề xuất một giải pháp thoải mái hơn cho tất cả mọi người. Anh ta đề nghị một sự cứu độ phàm trần và anh ta chỉ biết nhìn xuống dưới. Sự cứu rỗi đối với anh ta là làm sao thoát ra khỏi cây thập tự và loại bỏ đau khổ. Đó là tâm lý của một nền văn hóa loại bỏ. Anh ta cầu xin Chúa loại bỏ tất cả mọi thứ vô ích và không đáng phải trải qua.

Người tội phạm thứ hai, thì khác, người ấy không mặc cả. Anh ta đề xuất một sự cứu rỗi thánh thiêng trong khi dán mắt nhìn chằm chằm hoàn toàn về trời cao. Đối với anh ta, cứu rỗi có nghĩa là chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ nhất. Đó là chiến thắng của một nền văn hóa tình yêu và tha thứ.

Chính sự điên rồ của thập giá làm cho tất cả những sự khôn ngoan trần gian này mờ dần đi và câm nín.

Lạy Đấng chịu đóng đinh vào thập giá vì yêu thương,
xin ban cho con ơn tha thứ của Chúa không nhớ đến tội lỗi con,
và lòng thương xót làm mới lại trong con một lần nữa.
Xin cho con cảm nhận, trong mỗi lời thú tội,
ân sủng đã tạo ra con giống hình ảnh Ngài
và đổi mới con mỗi khi con phó thác cuộc sống của con,
với tất cả những đau khổ trong đời cho bàn tay nhân từ của Chúa Cha.
Xin ơn tha thứ của Chúa vang lên trong con
như một bảo chứng tình yêu cứu độ con,
làm cho con đổi mới và cho con được ở lại với Chúa mãi mãi.
Khi đó, con sẽ thực sự là một tên tội phạm được ban ơn,
và mỗi khi Chúa tha thứ, con sẽ như được nếm trước Thiên Đường,
từ hôm nay trở đi.

Chặng thứ Mười Hai

Chúa Giêsu chết trên thánh giá

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Máccô (15:33-39)

Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! “ Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? “Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a.” Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.” Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”

Bóng tối giữa ban ngày: một cái gì đó hoàn toàn chưa hề nghe nói tới và một chuyện bất thường đang xảy ra, không chỉ là chuyện của thế giới này. Nhân loại dám giết chết Thiên Chúa! Con Thiên Chúa bị đóng đinh như một tội phạm.

Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha, kêu lên những lời đầu tiên trong Thánh Vịnh 22. Đó là một tiếng kêu đau khổ và lạc lỏng, nhưng cũng là tiếng reo vui của “niềm tin hoàn toàn vào chiến thắng thần thánh” và “sự chắc chắn của vinh quang” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Buổi Giáo Lý ngày 14 Tháng 9 năm 2011).

Tiếng kêu của Chúa Giêsu là tiếng kêu của tất cả mọi người bị đóng đinh qua các thời đại, của mọi người đã bị bỏ rơi hoặc làm nhục, tiếng kêu của các vị tử đạo và các tiên tri, của những người bị phỉ báng và lên án bất công, của những người lưu vong hoặc chịu tù đày. Đó là tiếng kêu nhân bản tuyệt vọng, nhưng đã dẫn đến chiến thắng của một đức tin biến đổi sự chết thành sự sống đời đời. “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (Tv 22:23).

Chúa Giêsu chết trên thập tự giá. Đó có phải là cái chết của Thiên Chúa hay không? Chẳng phải, đó là lễ kỷ niệm long trọng nhất của một chứng nhân đức tin.

Thế kỷ 20 đã được xác định là thế kỷ của các vị tử đạo. Những mẫu gương như Maximilian Kolbe và Edith Stein cho thấy một ánh sáng mênh mông. Hôm nay cũng vậy, Thân Thể Chúa Kitô chịu đóng đinh ở nhiều nơi trên thế giới. Các vị tử đạo của thế kỷ 21 là các vị tông đồ thực sự của thế giới hiện đại.

Trong bóng tối tuyệt vời này, đức tin được thắp lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”, vì người chết theo cách này, biến sự tuyệt vọng của sự chết thành niềm hy vọng cho cuộc sống, không thể là một phàm nhân đơn thuần.

Đấng chịu đóng đinh là một lễ toàn thiêu.

Ngài không giữ lại một chút gì, không một chút áo xống của mình, không một giọt máu của mình, thậm chí cả Mẹ mình.

Ngài đã trao ban tất cả mọi thứ: “Consummatum est”.

Khi một người không còn bất cứ điều gì để giữ lại cho riêng mình, vì người ấy đã cho đi tất cả mọi thứ, thì lúc đó người ấy có thể trao ban một món quà thật sự.

Bị lột trần, bị đè bẹp bởi những vết thương, bởi cơn khát do bị bỏ mặc, bởi những lời lăng mạ đến độ không còn là hình ảnh con người.

Cho đi tất cả mọi thứ: đây chính là lòng bác ái.

Khi những gì là của tôi đến hồi kết thúc, thì khi đó thiên đường ló dạng.

(Don Primo Mazzolari)

Chặng thứ Mười Ba

Hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thánh giá

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Máccô (15: 42-43, 46a)

Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát, nên ông Giôxếp tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống.

Ông Giôxếp người thành A-ri-ma-thê chào đón Chúa Giêsu ngay cả trước khi ông nhìn thấy vinh quang của Người. Ông hoan nghênh Ngài khi Ngài xem chừng như đang thất bại, đang là một tên tội phạm, đang là một trong kẻ bị đời từ chối. Ông hỏi Philatô xin thi hài của Chúa Giêsu để thi hài ấy không bị ném vào một ngôi mộ chung. Ông Giôxếp chấp nhận những rủi ro cho danh tiếng mình và, có lẽ, như Tobit, cả những rủi ro cho mạng sống của mình nữa (x Tóp 1: 15-20). Nhưng lòng can đảm của ông Giôxếp không phải là lòng can đảm của một anh hùng trong trận chiến. Lòng dũng cảm của ông là sức mạnh của đức tin. Một đức tin được thể hiện ra trong sự cởi mở, vị tha và tình yêu. Tắt một lời, đó là lòng bác ái.

Trong lặng lẽ, sự đơn giản và trang nhã mà ông Giôxếp tiếp cận với cơ thể của Chúa Giêsu trái ngược với sự phô trương, lộng lẫy nhưng tầm thường của các đám tang những người có thế giá trong thế gian này. Tuy nhiên, chứng tá của ông Giôxếp nhắc nhớ đến tất cả các Kitô hữu, là những người mà thậm chí đến nay, vẫn phải liều mạng sống để chôn cất được những người thân yêu của mình.

Ai đáng được nhận lại cơ thể không còn sự sống của Chúa Giêsu nếu không phải là người đã cho Ngài cuộc sống? Chúng ta có thể tưởng tượng được cảm xúc của Đức Maria khi Mẹ đón nhận Ngài trong vòng tay của mình, Mẹ đã tin những lời thiên thần truyền và hằng suy đi nghĩ lại tất cả những điều này trong trái tim mình.

Đức Maria, khi ôm lấy xác con không còn chút sinh khí, đã lặp lại một lần nữa tiếng xin vâng của Mẹ. Đó là một bi kịch và một thử thách của đức tin. Không có thụ tạo nào đã phải chịu đựng như Đức Maria, mẹ của tất cả chúng ta mà Mẹ đã đón nhận trong đức tin dưới chân Thánh Giá.

Người đã lặp lại lời cầu nguyện cho thế giới:

“Lạy Cha, Abba, nếu có thể được.. .”

Một cành ôliu

rơi lặng lẽ trên đầu Ngài.. .

Tuy nhiên, Cha đã không nhổ đi thậm chí dù là một cái gai nhọn trên vương miện của Người.

Cả những suy nghĩ của Người cũng bị xuyên thấu,

và chảy máu trên thập giá ngất cao!

Cha cũng không gỡ ngay cả một tay Người khỏi cây gỗ

để Người có thể lau những vệt máu khỏi mắt mình

ít nhất để xem mẹ mình,

cô đơn.. .

Cả những kẻ gan dạ, và các bậc thầy trong nghề tra tấn

và đám đông dân chúng, khi nhìn thấy Người

phải che mặt lại.

Người bị trôi dạt trong một đám mây:

đám mây của sự bỏ rơi bởi Cha.

Và sau đó, chỉ sau đó,

Cha mới khôi phục lại sự sống cho Người, và cho chúng con.

(Padre Davide Turoldo)

Chặng thứ Mười Bốn

Táng xác Chúa Giêsu vào huyệt

X. Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu
Đ. Vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ


Phúc Âm theo Thánh Mátthêu (27:59-60)

Khi đã nhận thi hài, ông Giôxếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về

Khi ông Giôxếp đóng cửa mộ, Chúa Giêsu xuống hỏa ngục để mở tung cửa của nó.

Những gì Giáo Hội phương Tây gọi là “xuống hỏa ngục”, các Giáo Hội Đông Phương cử mừng như là Anastasis, nghĩa là, “Phục Sinh”. Các Giáo Hội chị em bằng cách này thể hiện toàn bộ sự thật của cùng một mầu nhiệm: “Này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta…Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.” ( Ez 37: 12,14).

Lạy Chúa, Giáo Hội của Chúa, hát mỗi hừng đông, “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”. (Lc 1: 78-79).

Con người, choáng ngợp bởi những ánh sáng chỉ mang lại bóng tối, bị thúc đẩy bởi các lực lượng của cái ác, đã lăn một hòn đá lớn và chôn vùi Chúa trong ngôi mộ. Nhưng chúng ta biết rằng Ngài, thân lạy Thiên Chúa khiêm hạ, trong thinh lặng, trong đó tự do của chúng con trông chờ nơi Chúa, Ngài đang làm việc hơn bao giờ hết để đem lại ân sủng mới cho nhân loại mà người yêu mến. Do đó, Ngài tiến vào ngôi mộ của chúng con: thắp lại tia lửa của tình yêu Ngài trong mỗi người nam nữ, trong trái tim của mỗi gia đình, dọc theo những nẻo đường mỗi người.

Ôi Chúa Giêsu Kitô!

Tất cả chúng con đang hành trình đi đến cái chết của chúng con và ngôi mộ của chúng con.

Xin ban ơn cho chúng con có thể hiệp nhất trong tinh thần trước ngôi mộ của Chúa.

Cầu xin sức mạnh của sự sống được thể hiện nơi đó,

xuyên qua trái tim của chúng con.

Hãy để Sự Sống này trở thành ánh sáng

trên con đường lữ hành trần thế của chúng con.

Amen.

(Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)
 
Top Stories
Good Friday Sermon, 2016, in St. Peter’s Basilica: Be Reconciled To God
Fr. Raniero Cantalamessa, ofmcp.
18:06 25/03/2016
“BE RECONCILED TO GOD”
Good Friday Sermon, 2016, in St. Peter’s Basilica

God . . . through Christ reconciled us to himself and gave us the ministry of reconciliation. . . . We beg you on behalf of Christ, be reconciled to God. For our sake he made him to be sin who knew no sin, so that in him we might become the righteousness of God. Working together with him, then, we entreat you not to accept the grace of God in vain. For he says, “At the acceptable time I have listened to you, and helped you on the day of salvation.” Behold, now is the acceptable time; behold, now is the day of salvation! (2 Cor 5:18–6:2)

These words are from Paul’s Second Letter to the Corinthians. The apostle’s call to be reconciled to God does not refer to the historical reconciliation between God and humanity (which, as we just heard, already occurred “through Christ” on the cross); neither does it refer to the sacramental reconciliation that takes place in Baptism and in the Sacrament of Reconciliation. It refers to an existential and personal reconciliation that needs to be implemented in the present. The call is addressed to baptized Christians in Corinth who belonged to the Church for a while, so it is therefore also addressed to us here and now. “The acceptable time, the day of salvation” for us, is the Year of Mercy that we are now in.

But what does this reconciliation with God mean in its existential and psychological dimension? One of the causes, and perhaps the main one, for people’s alienation from religion and faith today is the distorted image they have of God. What is the “predefined” idea of God in the collective human unconscious? To find that out, we only need to ask this question: “What ideas, what words, what feelings spontaneously arise in you without thinking about it when you say the words in the Lord’s Prayer, ‘May your will be done’”?

People generally say it with their heads bent down in resignation inwardly, preparing themselves for the worst. People unconsciously link God’s will to everything that is unpleasant and painful, to what can be seen as somehow destroying individual freedom and development. It is somewhat as though God were the enemy of every celebration, joy, and pleasure—a severe inquisitor-God.

God is seen as the Supreme Being, the Omnipotent One, the Lord of time and history, that is, as an entity who asserts himself over an individual from the outside; no detail of human life escapes him. The transgression of his law inexorably introduces a disorder that requires a commensurate reparation that human beings know they are not able to make. This is the cause of fear and at times hidden resentment against God. It is a vestige of the pagan idea of God that has never been entirely eradicated, and perhaps cannot be eradicated, from the human heart. Greek tragedy is based on this concept: God is the one who intervenes with divine punishment to reestablish the order disrupted by evil.

Of course in Christianity the mercy of God has never been disregarded! But mercy’s task is only to moderate the necessary rigors of justice. It was the exception, not the rule. The Year of Mercy is a golden opportunity to restore the true image of the biblical God who not only has mercy but is mercy.

This bold assertion is based on the fact that “God is love” (1 Jn 4:8, 16). It is only in the Trinity, however, that God is love without being mercy. The Father loving the Son is not a grace or a concession, it is a necessity; the Father needs to love in order to exist as Father. The Son loving the Father is not a mercy or grace; it is a necessity even though it occurs with the utmost freedom; the Son needs to be loved and to love in order to be the Son. The same can be said about the Holy Spirit who is love as a person.

It is when God creates the world and free human beings in it that love ceases for God to be nature and becomes grace. This love is a free concession; it is hesed, grace and mercy. The sin of human beings does not change the nature of this love but causes it to make a qualitative leap: mercy as a gift now becomes mercy as forgiveness. Love goes from being a simple gift to become a suffering love because God suffers when his love is rejected. "The LORD has spoken: ‘Sons have I reared and brought up, but they have rebelled against me’” (Is 1:2). Just ask the many fathers and mothers who have experienced their children’s rejection if it does not cause suffering—and one of the most intense sufferings in life.

***

But what about the justice of God? Has it been forgotten or underestimated? St. Paul answered this question once and for all. The apostle begins his explanation in the Letter to the Romans with this news: “Now the righteousness of God has been manifested” (Rom 3:21). We can ask, what kind of righteousness is this? Is it the righteousness that gives “unicuique suum,” each person his or her due, and distributes rewards and punishments according to people’s merits? There will of course come a time when this kind of divine righteous justice that gives people what they deserve will also be manifested. The apostle in fact wrote shortly before in Romans that God

will render to every man according to his works: to those who by patience in well-doing seek for glory and honor and immortality, he will give eternal life; but for those who are factious and do not obey the truth, but obey wickedness, there will be wrath and fury. (2:6-8

But Paul is not talking about this kind of justice when he writes, “Now the righteousness of God has been manifested.” The first kind of justice he talks about involves a future event, but this other event is occurring “now.” If that were not the case, Paul’s statement would be an absurd assertion that contradicts the facts. From the point of view of distributive justice, nothing changed in the world with the coming of Christ. We continue, said Jacques-Bénigne Bossuet, to see the guilty often on the throne and the innocent on the scaffold. But lest we think there is some kind of justice and some fixed order in the world, although it is upside down, sometimes the reverse happens and the innocent are on the throne and the guilty on the scaffold.[1] It is not, therefore, in this social and historical sense that the innovation brought by Christ consists. Let us hear what the apostle says:

Since all have sinned and fall short of the glory of God, they are justified by his grace as a gift, through the redemption which is in Christ Jesus, whom God put forward as an expiation by his blood, to be received by faith. This was to show God’s righteousness, because in his divine forbearance he had passed over former sins; it was to prove at the present time that he himself is righteous and that he justifies him who has faith in Jesus. (Rom 3:23-26)

God shows his righteousness and justice by having mercy! This is the great revelation. The apostle says God is “just and justifying,” that is, he is just to himself when he justifies human beings; he is in fact love and mercy, so for that reason he is just to himself—he truly demonstrates who he is—when he has mercy.

But we cannot understand any of this if we do not know exactly what the expression “the righteousness of God” means. There is a danger that people can hear about the righteousness of God but not understand its meaning, so instead of being encouraged they are frightened. St. Augustine had already clearly explained its meaning centuries ago: “The ‘righteousness of God’ is that by which we are made righteous, just as ‘the salvation of God’ [see Ps 3:8] means the salvation by which he saves us.”[2] In other words, the righteousness of God is that by which God makes those who believe in his Son Jesus acceptable to him. It does not enact justice but makes people just

Luther deserves the credit for bringing this truth back when its meaning had been lost over the centuries, at least in Christian preaching, and it is this above all for which Christianity is indebted to the Reformation, whose fifth centenary occurs next year. The reformer later wrote that when he discovered this, “I felt that I was altogether born again and had entered paradise itself through open gates.”[3] But it was neither Augustine nor Luther who explained the concept of “the righteousness of God” this way; Scripture had done that before they did:

When the goodness and loving kindness of God our Savior appeared, he saved us, not because of deeds done by us in righteousness, but in virtue of his own mercy” (Titus 3:4-5).

God, who is rich in mercy, out of the great love with which he loved us, even when we were dead through our own trespasses, made us alive together with Christ—by grace you have been saved. (see Eph 2:4-5)

Therefore, to say “the righteousness of God has been manifested” is like saying that God’s goodness, his love, his mercy, has been revealed. God’s justice not only does not contradict his mercy but consists precisely in mercy!

***

What happened on the cross that was so important as to explain this radical change in the fate of humanity? In his book on Jesus of Nazareth, Benedict XVI wrote, “That which is wrong, the reality of evil, cannot simply be ignored; it cannot just be left to stand. It must be dealt with; it must be overcome. Only this counts as a true mercy. And the fact that God now confronts evil himself because men are incapable of doing so—therein lies the ‘unconditional’ goodness of God.”[4]

God was not satisfied with merely forgiving people’s sins; he did infinitely more than that: he took those sins upon himself, he shouldered them himself. The Son of God, says Paul, “became sin for us.” What a shocking statement! In the Middle Ages some people found it difficult to believe that God would require the death of his Son in order to reconcile the world to himself. St. Bernard responded to this by saying, “What pleased God was not Christ’s death but his will in dying of his own accord”: “Non mors placuit sed voluntas sponte morientis.”[5] It was not death, then, but love that saved us!

The love of God reached human beings at the farthest point to which they were driven in their flight from him, death itself. The death of Christ needed to demonstrate to everyone the supreme proof of God’s mercy toward sinners. That is why his death does not even have the dignity of a certain privacy but is framed between the death of two thieves. He wants to remain a friend to sinners right up to the end, so he dies like them and with them.

***

It is time for us to realize that the opposite of mercy is not justice but vengeance. Jesus did not oppose mercy to justice but to the law of retaliation: “eye for eye, tooth for tooth” (Ex 21:24). In forgiving sinners God is renouncing not justice but vengeance; he does not desire the death of a sinner but wants the sinner to convert and live (see Ez 18:23). On the cross Jesus did not ask his Father for vengeance.

The hate and the brutality of the terrorist attacks this week in Brussels help us to understand the divine power of Christ’s last words: “Father, forgive them, for they know not what they do” (Lk 23:24). No matter how far the hate of human beings can go, the love of God always has been, and will be, greater. In these current circumstances Paul’s exhortation is addressed to us: “Do not be overcome by evil but overcome evil with good” (Rom 12:21).

We need to demythologize vengeance! It has become a pervasive mythic theme that infects everything and everybody, starting with children. A large number of the stories we see on the screen and in video games are stories of revenge, passed off at times as the victory of a good hero. Half, if not more, of the suffering in the world (apart from natural disasters and illnesses) come from the desire for revenge, whether in personal relationships or between states and nations.

It has been said that “Beauty will save the world.”[6] But beauty, as we know very well, can also lead to ruin. There is only one thing that can truly save the world, mercy! The mercy of God for human beings and the mercy of human beings for each other. In particular, it can save the most precious and fragile thing in the world at this time, marriage and the family.

Something similar happens in marriage to what happened in God’s relationship with humanity that the Bible in fact describes with the image of a wedding. In the very beginning, as I said, there was love, not mercy. Mercy comes in only after humanity’s sin. So too in marriage, in the beginning there is not mercy but love. People do not get married because of mercy but because of love. But then after years or even months of life together, the limitations of each spouse emerge, and problems with health, finance, and the children arise. A routine sets in that quenches all joy.

What can save a marriage from going downhill without any hope of coming back up again is mercy, understood in the biblical sense, that is, not just reciprocal forgiveness but spouses acting with “compassion, kindness, lowliness, meekness and patience” (Col 3:12). Mercy adds agape to eros, it adds the love that gives of oneself and has compassion to the love of need and desire. God “takes pity” on human beings (see Ps 102:13). Shouldn’t a husband and wife, then, take pity on each other? And those of us who live in community, shouldn’t we take pity on one another instead of judging one another?

Let us pray. Heavenly Father, by the merits of your Son on the cross who “became sin for us” (see 2 Cor 5:21), remove any desire for vengeance from the hearts of individuals, families, and nations, and make us fall in love with mercy. Let the Holy Father’s intention in proclaiming this Year of Mercy be met with a concrete response in our lives, and let everyone experience the joy of being reconciled with you in the depth of the heart. Amen!




[1] See Jacques-Bénigne Bossuet, “Sermon sur la Providence” (1662), in Oeuvres de Bossuet, eds. B. Velat and Y. Champailler (Paris: Pléiade, 1961), p. 1062.

[2] See St. Augustine, The Spirit and the Letter, 32, 56, in Augustine: Later Works, trans. and intro. John Burnaby (Philadelphia: Westminster Press, 1955), p. 241; see also PL 44, p. 237.

[3] Martin Luther, Preface to Latin Writings, in Luther’s Works, vol. 34 (Philadelphia: Fortress Press, 1960), p. 337.

[4] Joseph Ratzinger [Benedict XVI], Jesus of Nazareth, Part II (San Francisco: Ignatius Press, 2011), p. 133.

[5] St. Bernard of Clairvaux, Letter 190, “Against the Errors of Abelard,” in Anthony N. S. Lane, Theologian of the Cross (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2013), pp. 201-202. See also PL 182, p. 1070.

[6] Fyodor Dostoevsky, The Idiot, III, 5, trans. Henry and Olga Carlisle (New York: New American Library, 1969), p. 402.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đành Tháng Giá & Người Tỵ Nạn Năm 2016
Sr Thùy Linh FMA
02:32 25/03/2016
Đành Tháng Giá & Người Tỵ Nạn Năm 2016

Sr Thùy Linh FMA dọn
Cảnh I: Chúa đi tỵ nạn & cảnh người tỵ nạn hôm nay
Trong hai năm qua thế giới đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng di dân vĩ đại. 60 triệu người phải bỏ quê hương xứ sở ra đi. Chỉ riêng ở Syria đã có hàng trăm ngàn người bị giết hại, mà phân nửa trong số đó là trẻ em.
Trong một thế giới bị bão hòa bởi những tin tức xấu xa tàn bạo, và những thảm họa to lớn xúc phạm đến thánh danh Thiên Chúa, thì Năm Thánh Từ Bi do Đức Thánh Cha Phanxicô ban ra là một máng thông ơn sủng thật cần kíp để tuôn đổ cho nhân loại đại dương bao la của Lòng Thương Xót Chúa.
Được ban tặng cơ hội phi thường này để nhận lãnh ơn tha thứ và chữa lành từ lòng thương xót vô biên của Chúa, chúng ta cũng được kêu gọi tỏ lòng thương xót đến anh chị em đồng loại.
Hãy cùng đi chặng đường thánh giá của năm nay, mang trong tim những nỗi đau thương thống khổ của anh chị em đồng loại, những người tị nạn đang cầu xin lòng thương xót của chúng ta ngay tại nơi đây. Phúc cho những ai có lòng xót thương vì họ sẽ được thương xót.
Như những người tị nạn ngày hôm nay, gia đình Thánh gia đã phải chạy trốn trước cuộc tàn sát đẫm máu của Herode. Vượt biên giới từ Do thái sang Ai cập bằng những phương tiện thô sơ, băng qua sa mạc khắc nghiệt, gia đình Thánh gia chắc chắn đã phải trải qua rất nhiều gian truân nguy hiểm - một biến cố báo trước con đường thập giá mà chính Chúa Giêsu sẽ phải trải qua sau này.
Ông Giuse được thiên thần báo mộng, liền trỗi dậy và đang đêm đưa hài nhi cùng mẹ Người trốn sang Ai cập. Vua Herode thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê lem và toàn vùng lân cận.
Bài hát chủ đề: Đại Hội Giới Trẻ 2016 (Lời Anh – Việt do Sr Thùy Linh)

Xem hình (Lê Hải chụp)

I raise my eyes to the mountain top; Whence shall my help come?
My help comes from the Lord, after all. He’s the merciful God.

He looks for us when we lose the way; Takes us into his arms
To heal our wounds with blood of his wound. Breathe new life into us.

Blessed are the merciful. Blessed are the merciful. For they will be shown mercy (x2).

Trông lên đỉnh núi thấy đâu ơn phù trợ; Này Chúa đến hộ phù con
Con tin nơi Chúa Đấng con hằng tìm mong; Tình Ngài xót thương vô bờ.

Khi ta lạc lối Chúa sẽ đi tìm ta; Và bế ta trong vòng tay
Trong máu châu báu Chúa chữa lành ta; Thở trên ta sự sống mới.

Phúc thay kẻ biết xót thương người. Phúc thay cho ai biết xót thương. Ngươi sẽ được Thiên Chúa xót thương mình (x2).
Blessed are the merciful. Blessed are the merciful. For they will be shown mercy (x2).
Cảnh II: Đàng Thánh Giá và cảnh tỵ nạn
Chúa Giêsu bị kết án tử hình dù Ngài vô tội. Những người tị nạn hôm nay bị khước từ một nơi để sống và bị giam giữ vô thời hạn trong những trại tị nạn không có tương lai. Khi nào tiếng kêu của những người đau khổ được lắng nghe?
Dưới sức nặng Thập tự đè trên vai, Chúa qụy ngã để nhắc nhớ chúng ta trong những lúc yếu đuối chúng ta ngã xuống trong tội lội lỗi hay đam mê... Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta biết trỗi dạy và tiếp tục vác Thập gía mình mà theo Chúa.
Trước cảnh thảm thương bà Verônica can đảm vượt qua lính tráng và đám đông tiến ra lấy khăn mà lau mặt Chúa. Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng can đảm và sức mạnh để đẩy lùi cường quyền và phá đổ hàng rào của những trại tạm giam.
Bài Bên Em Đang Có Ta (lời Anh do Sr Thùy Linh & Việt)

I see those children like the flowers in the sun
Come running, laughing, playing and singing.
I see those children like the flowers in the sun
Why they have to go to the sea in a stormy night?

Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Cười hồn nhiên tung tăng hát vang, mừng nắng tươi
Bao nhiêu em bé thơ, như nụ hoa dưới mặt trời
Rời lòng nôi trong đêm gió mưa, ra biển khơi

I am by your side, for your fu-ture I cry
For your dream I sing, your youthful dream
I am by your side, cry-ing out to humanity
To save you from the darkness of the camp
Darkness of despair. Darkness of this camp.
[ Lyrics from: Lyricafe dot com ]
Their mother loves them more than her own life
Her heart is full of hope for their future
Their father loves them more than his own life
Why does he let the ocean take care of them?

Mẹ yêu em thiết tha, hơn mùa xuân trong cuộc đời
Chờ nhìn con theo hoa hướng dương, tìm nắng soi
Cha yêu em thiết tha, mang gởi con cho tình người
Mặc đại dương mênh mông khoác lên, thân nhỏ nhoi


Bên em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
Hát dùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
Bên em đang có ta, thống thiết kêu vang lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
Khóc trong lầm than. Khóc trong trại giam

Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi.

(Tất cả cùng giơ tay đưa qua trái phải và hát)
I am by your side, for your fu-ture I cry
For your dream I sing, your youthful dream
I am by your side, cry-ing out to humanity
To save you from the darkness of the camp
Darkness of despair. Darkness of this camp.

(Tất cả cùng nắm tay nhau, giơ lên phía trước và bước lên một bước)
All the world let’s come, let us sing together
A song of humanity and mercy
For all those children in the camp suffering
Weeping alone and in silence
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi.
Và các chặng đàng thánh giá tiếp diễn được suy tư qua cảnh người tỵ nạn cho đến cảnh Chúa chết trên Thập giá và tháo đanh xuống được Đức Mẹ ôm vào lòng thì người Mẹ cũng ôm xác con chết trên đường vượt thoát tỵ nạn như vậy cho tới khi Chúa được an táng trong mồ và người tỵ nạn cũng được an táng chung với Chúa.
(Mời quí vị đón xem video chặng đàng Thánh giá với chủ đề tỵ nạn theo như chủ đề năm thánh Từ bi và năm tỵ nạn 2016)
 
Giáo Xứ Vĩnh Hòa, Sàigòn: Thánh Lễ Tiệc Ly 2016
Văn Minh
09:40 25/03/2016
Giáo Xứ Vĩnh Hòa, Sàigòn: Thánh Lễ Tiệc Ly 2016

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (x.Ga 13,1-15)

Vào lúc 20g00 thứ Năm ngày 24.03.2016, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, cha xứ GioaKim Lê Hậu Hán đã long trọng cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly bước vào “Tam Nhật Thánh”. Đến hiệp dâng Thánh lễ, có đông đảo cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, 12 ông Tông đồ, quý vị đại diện quý chức trong HĐMVGX, các em Ban Lễ Sinh cùng cha chủ tế đã rước Chiên từ trước sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường.

Đầu lễ, cha xứ mời gọi cộng đoàn hướng tâm hồn cùng nhau chiêm ngắm thánh giá Chúa và hiệp dâng Thánh lễ Tiệc Ly hay còn gọi là bữa cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Đồng thời, ngài cũng mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho quý chức linh mục - vì các ngài được Thiên Chúa tuyển chọn và trao ban thiên chức linh mục để các ngài dâng Thánh lễ và cử hành các bí tích cho dân Chúa.

Trong bài giảng, cha GioaKim kể về câu chuyện đời thường: Một người kia được phân công đến những hộ gia đình để thu tiền thuế về cho công ty của mình, những gia đình mà anh ta được cử đến hầu hết họ không có khả năng chi trả. Qua tìm hiểu thì được biết, trong số những người thiếu nợ tiền thuế đó họ đều rơi vào những gia đình mà đời sống vợ hoặc chồng không có tình yêu thương, không biết quan tâm đến gia đình và thường xảy ra sung đột, bất hòa và chia rẽ. Thật vậy, khi con người mà không có tình yêu thương thì nơi ấy sẽ không cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Bí tích của tình yêu tự hiến. Một tình yêu cho không, biếu không, tình yêu ấy được thể hiện qua tấm bánh đơn sơ, nhỏ bé, nhưng nói lên tình yêu hiến dâng của người mình yêu. Thiên Chúa đã yêu thế gian, chính Ngài đã ban Con Một của Ngài xuống làm giá chuộc để cứu nhân loại, và cũng chính Ngài đã truyền dạy cho mỗi người chúng ta “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”.

Xin cho mỗi người trong các gia đình cũng luôn biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, người làm con phải vâng lời cha mẹ, người làm chồng phải biết yêu quý và tôn trọng vợ của mình, đối với anh em thì thuận hòa - ấm êm và cùng nhau làm bừng sáng đức tin trong gia đình và môi trường xung quanh, chia sẻ tấm bánh của lòng thương xót và hân hoan chuẩn bị đón mừng Đại lễ Phục Sinh.

Sau bài giảng, cha xứ chủ sự cử nghi thức rửa chân cho 12 ông Tông đồ ngay trên cung thánh.

Thánh lễ được tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau phần hiệp lễ, cha chủ tế, 12 ông Tông đồ, các em Ban lễ Sinh kiệu Mình Thánh Chúa qua nhà tạm. Sau Thánh lễ, các giáo họ và các hội đoàn thay nhau chầu Mình Thánh Chúa cho đến 24g00.
 
Thứ Sáu Tuần Thánh tại Cộng đoàn Công Giáo thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
23:33 25/03/2016
Melbourne, vào lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 25/3/2016. Nghi thức Cung Nghinh Thánh Giá và tưởng niệm ngày Chúa chịu chết, đã được linh mục quản nhiệm và Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm cử hành thật trọng thể tại khuôn viên Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm.

Mời xem hình

Với một buổi chiều mát mẻ, nắng vàng và gió nhẹ mọi người từ khắp nơi đã về trung tâm dự lễ rất đông, số lượng hằng ngàn người. Phần đông đều ngồi dưới tán dù trước lễ đài, nhưng cũng có rất nhiều người ngồi trong nhà, bên mái hiên và cả hai bên cầu thang lên nguyện đường.

Lễ đài, đơn sơ, mộc mạc để cho mọi người thấy một ngày đau buồn vì thiếu vắng Chúa. Hàng chữ trắng trên tấm vải mầu tím tang thương giăng ngang phía trên lễ đài: Lạy Cha Con xin phó thác linh hồn trong tay Cha. Linh mục chủ tế lên lễ đài và nằm sấp mình xuống tưởng niệm Chúa chết. Sau các bài đọc, Linh mục chủ tế cùng hai Ca trưởng của Ca đoàn Babylon và Cecillia trong lễ phục cùng Ca đoàn Vô Nhiễm đã cùng thể hiện bài Thương khó Tuần Thánh.

Nghi thức cung nghinh Thánh Giá Chúa được Linh mục chủ tế cử hành, nâng cao Thánh giá và xướng: “Đây là cây Thánh giá gỗ, nơi treo đấng cứu độ trần gian.” Cộng đoàn thưa: “Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Sau đó là nghi thức hôn kính Thánh giá. Mọi người được đón nhận của ăn linh hồn, trước khi rước tượng Chúa vác Thánh Giá cùng tượng Đức Mẹ Lên nhà nguyện để suy ngắm 15 sự Thương khó, dâng hạt.

Mười năm ngắm được đại diện các đoàn thể, các giáo khu lên ngắm đứng trước tượng Chúa và Mẹ Maria, có cả người trẻ và cả cụ già đi xe đẩy, nhưng vì lòng mến mộ, và cố gắng giữ gìn truyền thống nghi thức của Người Công Giáo Việt Nam, đã lên ngắm, dâng hạt do các chị em của đoàn Ngành Nữ Tông đồ Thánh Tâm dâng hạt. Lời suy ngắm làm mọi người có nhiều thời gian để thấy được rõ những sự thương khó Đức Chúa Giê Su phải chịu chết vì tội lỗi loài người.

Kết thúc nghi lễ Thứ Sáu tuần Thánh tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm là nghi thức tháo đanh và táng xác Chúa trong mồ để cộng đoàn viếng xác Chúa trong tiếng vãn hang đá quen thuộc với những người lớn tuổi.

Được biết, tại Melbourne, có nhiều Cộng đoàn Việt Nam đã tổ chức đi đàng Thánh Giá với các người đóng lại cảnh quân dữ đi bắt và hành hình Chúa Giê Su.
 
Đàng Thánh Giá tại nhà thờ St Margaret Brunswick, Melbourne, Australia
Br. Đạt Phùng
21:31 25/03/2016

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vòng mạo gai
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:57 25/03/2016
Vòng mạo gai

Trong các thánh đường và ở nhà người tín hữu Công Giáo có treo cây thập gía, trên đó có tượng Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh: hai tay giang ra hai bên ngang cây thập gía, hai chân cũng bị đóng đinh vào chiều thẳng đứng cây thập gía, đầu Chúa Giêsu nghiêng gục xuống có vòng mạo gai quấn trên đầu máu nhỏ xuống thành gịot.

Một hình ảnh đau đớn thương tâm. Đó là biến cố đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm trên đồi Golgotha ở thành Giêrusalem bên nước Do Thái. Nhưng với người tín hữu Chúa Kitô đó lại là hình ảnh sự hy sinh mang lại ơn cứu độ của Chúa Giêsu cho con người khỏi hình phạt tội lỗi.

Vòng mạo gai đóng trên đầu Chúa Giêsu truyền đi sứ điệp gì cho người tín hữu?

Gai cây cỏ hay gai bằng sắt thép đều gây ra vết thương đau nhức chảy máu khi chúng đâm vào da thịt con người hay con thú vật. Gai như vậy qúa nguy hiểm, tốt nhất đừng nên đụng chạm vào gai.

Chúa Giêsu sau khi bị thẩm vấn xét xử, đã bị cho đội vòng mạo gai đóng trên đầu.Lẽ tất nhiên đau đớn nhức nhối. Nhưng Chúa Giêsu bị trói không thể cựa quậy có phản ứng gì được. Ngài cam chịu trận. Một người phải chịu đựng đau đớn nhục nhã đến tận cùng vì sự đau khổ của người khác.

Trong Kinh Thánh nói đến lòng Thiên Chúa thương xót con người: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.“ ( Xh 3,7).

Gai là hình ảnh dấu chỉ sự hiện của Thiên Chúa. Trong sách kinh thánh Xuất Hành thuật lại biến cố Thiên Chúa giải thoát cứu dân Do Thái khỏi cảnh sống nô lệ như bị gai đâm gây ra đau khổ cực nhọc bên Ai Cập. Và Thiên Chúa đã hiện ra với Ngên sứ Mose trong bụi gai không bị ngọn lửa thiêu rụi ( Xh 3,2).

Một ngọn lửa cháy mà không không thiêu rui cây cỏ. Phải chăng đây là hìn ảnh diễn tả về tình yêu? Phải, một ngọn lửa tình yêu có lửa bốc chháy nồng ấm, nhưng không hủy diệt.

Những gai nhọn của vòng mạo gai trên đầu Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía, người tôi tớ của Thiên Chúa như Ngôn sứ Isaia nói về ngài, diễn tả cụ thể về tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa như ngọn lửa bừng cháy, nhưng không hủy diệt phá hủy.

Nơi Chúa Giêsu bị đau khổ người tín hữu Chúa Kitô nhận ra ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Điều Ngôn sứ Mose nghe Thiên Chúa nói nơi bụi gai cháy, cũng như vậy, khi chúng ta đi tìm nhìn lên Chúa Giêsu bị chết treo trên cây thập gía. Và qua đó cảm nghiệm nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, đấng đã hạ mình đi xuống, và như ngọn lửa tình yêu trong bụi gai mang lại sự giải thoát và niềm hy vọng.

Chúng ta tôn kính thờ lạy Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá đội mạo gai. Vòng mạo gai trên đầu Chúa Giêsu truyền đi sứ điệp ngọn tình yêu của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình yêu đó bừng cháy nơi tâm hồn con người.

Thứ sáu Tuần Tuần 2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ngày thứ ba trong kinh thánh
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:59 25/03/2016
Ngày thứ ba trong kinh thánh

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: „Ngày thứ ba Người ( Chúa Giêsu Kitô) sống lại như lời Thánh Kinh“

Ngày thứ ba không phải là ngày thứ ba trong tuần, nhưng là ba ngày sau khi Chúa chết trên thập gía.

Sau khi Chúa Giêsu chết, ngài được an táng trong huyệt mộ dưới lòng đất. Thân xác Chúa Giêsu nằm trong lòng đất hai ngày đêm, trong u tối lạnh lẽo. Nhưng đến ngày thứ ba bóng tối lạnh lẽo bị đẩy sang một bên nhường chỗ cho ánh sáng, cho sức sống mới bung nở bừng lên.

Đó là tin mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết u tối. Tin mừng sự sống mới xảy ra vào ngày thứ ba sau khi ngài chết.

Bản tường thuật công trình sáng tạo vũ trụ trong Kinh thánh nơi sách Sáng thế nói đến sự sống mới được tạo dựng bừng lên vào ngày thứ ba.. Ngày thứ nhất ánh sáng được tạo dựng. Ngày thứ hai nước được tạo dựng. Và ngày thứ ba sự sống cây cỏ trồi mọc lên trên mặt đất. (St 1, 1-12).

Dân Do Thái trong sa mạc từ Ai Cập trở về quê hương đất Chúa hứa cũng đã có kinh nghiệm với ngày thứ ba. Họ ra đi từ Ai Cập ba ngày không tìm thấy nước uống. Nhưng vào ngày thứ ba họ tìm đến được một nguồn dòng nước. Nơi đây họ có đủ nước uống cần dùng.

Trong ngày thứ ba ở giữa sa mạc dân Do Thái đang khát nước được chứng kiến, Ngôn sứ thủ lãnh Mose qua sự phù trợ quan phòng của Thiên Chúa, đã biến hóa nước đau khổ đắng cay thành nước ngọt tươi mát đem lại sức sống phấn khởi vươn lên. Ngày thứ ba đem lại sự giải thoát và sự sống dồi dào trọn vẹn. ( Xh 15,22-24).

Khi dân Do Thái đến núi Sinai, họ và Ngôn sứ Mose phải chờ đợi dưới chân núi hai ngày ròng rã, đến ngày thứ ba Thiên Chúa Giavê xuất hiện từ trên núi. ( Xh 19,11…)

Ngôn sứ trẻ tuổi Giona có kinh nghiệm hơn ai hết về ba ngày sống trong bóng tối. Ông bị ném xuống biển, cá nuốt ông vào bụng nó. Sau ba ngày trong bụng cá ông được cá phun ra ngoài. Ông sống sót trở lại. Một sự sống mới hồi sinh đến với Ông. Thiên Chúa đã để Ngôn sứ Giona hai ngày dài sống trong bóng tối. Ngày thứ ba cho Ông sự sống mới trở lại.

Chính Chúa Giêsu đã nói trước về sực hết và sống lại của mìnt, khi ngài nói đến hình ảnh Ngôn sứ Giona nằm trong bụng cá ba ngày rồi được sống trở lại ra khỏi bụng cá. Với ngài cũng vậy, sau ba ngày nằm trong lòng đất sẽ chỗi dậy sống lại. ( Mt 12,40).

Như thế, ngày thứ ba giới hạn sự đau khổ hoạn nạn. Ngày thứ ba đặt ranh giới cho bóng tối. Ngày thứ ba kéo rào chắn ngăn cản sự đau khổ, sự chết chóc.

Tin mừng Chúa Giêsu sống lại vào ngày thứ ba sau khi tử chết vẽ ra lằn ranh đường giới hạn sự thống khổ hoạn nạn, mang đến niềm hy vọng được giải thoát cứu độ cho con người.

Chúc mừng lễ Chúa Giêsu phục sinh
Daminh Nguyễn ngọc Long