Ngày 21-03-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 30
VietCatholic Network
07:09 21/03/2012
Thật khó cho con người trong thời của Chúa Giê-su chấp nhận Ngài là một ngôn sứ hay Ðấng Messiah. Nhưng Ngài đã cho họ một thử thách rất lớn: để tin rằng Ngài là con Thiên Chúa, Ngài thi hành quyền ban sống của Thiên Chúa. (Ga 8.51; Ga 5: 19-27). Lời tuyên bố như thế có nghĩa rằng Ngài có một sự tương quan với Thiên Chúa mà không một người nào được hưởng. Chúa Giê-su đã đi quá xa để nói với những người nghe, cho dẫu họ là con cháu của Abraham, không có nghĩa là họ đương nhiên biết Thiên Chúa (Ga 8:55), cách riêng họ từ chối chấp nhận Ngài là con Thiên Chúa. Những lời can đảm có thể đưa Chúa Giê-su lâm vào tình huống khó khăn hơn, nhưng Ngài vẫn nói cho họ biết.

Khi Chúa Giê-su nói:" trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !" (Ga 8:58), Ngài tuyên bố sự hiện hữu trước thời Áp-ra-ham. "Tôi hằng hữu" là một từ ngữ mà Thiên Chúa nói về chính mình. Nhiều đoạn văn khác, đã xuất hiện ở sách Isaiah 41:4; 43:10; và 45:18 (mặc dầu không luôn rõ ràng giải thích trong nhiều đoạn). Tự nói lên rằng "Tôi hằng hữu", Chúa Giê-su rõ ràng diễn tả mình với Thiên Chúa.

Như nhân cách hóa "Ðức Khôn Ngoan" trong sách Châm Ngôn, Chúa Giê-su trình bày Thiên Chúa trong thời sáng thế (Cn 8:27-31). Ngài luôn hướng về Thiên Chúa (Ga,1:1-5). Ngài sẽ hiển trị đến muôn đời (Kh 11,15). Chương trình Thiên Chúa cứu loài người khỏi tội và sự chết luôn can dự bởi Người Con của Thiên Chúa. Người Con luôn kết hợp mật thiết, hoàn toàn ưng thuận với Chúa Cha liên quan đến sự cứu độ mà Ngài đã thi hành cho nhân loại.

Tất cả những điểm này có thể nghe rất là thần học và trừu tượng, nhưng dựa vào những chân lý này để cầu nguyện sẽ mang lại cho chúng ta sự chữa lành và hứa hẹn. Bởi vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta có thể đặt cuộc đời ta trong tay Ngài với trọn lòng tin tưởng. Ngài yêu thương chúng ta với tình yêu trước khi tạo dựng và tự biểu lộ rõ ràng trọn vẹn nhất qua cái chết hy sinh của Ngài để chuộc lại mỗi người trong chúng ta. Chúa Giê-su không bao giở bỏ rơi những ai tín thác nơi Ngài. Khi chúng ta đụng chạm đến nhiều thử thách trong cuộc sống hàng ngày, đức tin chúng ta có thể bắt đầu lay chuyển. Ðể giữ thế thăng bằng, chúng ta hãy nhớ rằng "Ðức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời." (Dt 13:8).

"Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biết con từ khi còn trong lòng mẹ. Con tín thác cuộc đời con cho Chúa. Con biết Chúa sẽ không bao giờ đổi thay".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Vâng phục để hoàn thiện
Gioan Lê Quang Vinh
08:19 21/03/2012
Vâng phục để hoàn thiện

Năm nay, Đại Lễ Truyền Tin trùng với ngày Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, và Hội Thánh long trọng mừng vào ngày thứ hai sau đó. Ngày Lễ áo trắng giữa mùa áo tím dường như có nhiều sự trùng hợp với Chúa Nhật này. Nếu đọc lại các bài đọc Chúa Nhật V Mùa Chay năm B, người ta nhận thấy những trùng hợp đặc biệt đó.

Khi suy ngắm Lễ Truyền Tin dưới khía cạnh đức vâng phục, người ta nhận thấy sự thành công của mầu nhiệm nhập thể gắn liền với tiếng Fiat, Xin Vâng, của Đức Trinh Nữ Maria. Lời Xin Vâng này đã làm cho ý định Cứu độ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể được thực hiện ngay tức khắc. Và từ ngày đó, lời Xin Vâng trở thành đối tượng của suy tư, nguồn hứng của nghệ thuật và định hướng cho muôn tâm hồn trên con đường đức tin.

Sự trùng hợp đặc biệt có thể nhìn thấy trước hết qua Bài đọc I của Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, trích sách ngôn sứ Giêrêmia, nhắc lại việc tín trung trong giao ước, nghĩa là con người cần biết xin vâng: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (Gr. 31, 33b)

Thư Do thái (Bài đọc II) nhấn mạnh sự vâng phục nơi Đức Kytô như mẫu gương cho toàn thể nhân loại: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”.

Đức Maria vâng phục trong ngày Truyền Tin để làm gì vậy? Câu trả lời có sẵn: Để Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, đi vào thế gian này, sống cuộc đời vâng phục như Mẹ của Người. Và mục đích của việc Đức Kytô vâng phục là “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất”, Người sẽ kéo mọi người lên với Người (xem Ga. 12, 32).

Để cứu nhân loại khỏi kiếp nô lệ, Đấng Cứu thế lại không dạy họ cách tìm tự do, mà là dạy cách vâng phục trước. Lý do là vì con người quá kiêu căng muốn tự mình làm chủ, không biết vâng phục Đấng Tạo Thành, nên họ đã phải chịu sự suy sụp và mất mát.

Mùa Chay trong Hội Thánh Công Giáo kéo dài 40 ngày, để nhắc lại thời lữ hành 40 năm trong sa mạc của Dân thánh thời Cựu Ước và 40 ngày Chay tịnh trong sa mạc của Đức Giêsu Kytô. Con số 40 cũng là số ngày của lụt Đại Hồng thuỷ, là thời gian Môisê ở lại với Thiên Chúa trên núi Sinai, và đồng thời là số ngày mà dân thành Ninivê được ngôn sứ Giôna cho phép để thống hối. Chưa hết, tiên tri Êlia cũng phải đi trong sa mạc 40 đêm ngày trước khi đến núi Horeb.

Con số 40 trong Kinh Thánh như vậy rõ ràng là thời gian thuận lợi để đón nhận ơn Chúa, để con người thống hối và được nghe Lời Đức Kytô rao giảng. Và muốn đón nhận ơn Chúa, muốn nghe và hiểu Lời Chúa rao giảng, thì trước hết phải học vâng phục như Chúa Giêsu và Đức Maria Mẹ của Người.

Trong một xã hội mà mọi thứ dường như tan hoang vì con người tự phụ kiêu căng và luôn tìm cách loại trừ Đấng Tạo Hoá, đức vâng phục trở thành chiếc phao để con người ngoi lên mà tìm đến với Thiên Chúa.

Khi tôi hỏi học trò của mình: “Em tin vào ai?” thì nhiều người trả lời: “Em tin vào chính bản thân em, khả năng của em và sự cố gắng của em”. Có người còn bảo là tin vào ông nọ ông kia... Tự tin quả là đức tính đáng quí, nhưng khi sự tự tin biến thành tự phụ, coi mình là trung tâm, hay chọn ai đó làm trung tâm cuộc đời mình, gạt bỏ vai trò của Đấng Tạo Thành, thì niềm tin ấy sẽ dẫn con người đến chỗ sai lạc và thất vọng.

Xã hội duy vật dạy con người đặt niềm tin vào nơi không có gì bảo đảm. Và khi con người tin vào ai và cái gì, thì họ hành xử theo sự sai bảo của người ấy và điều ấy. Hoàn toàn tin vào chính mình và tin vào xã hội nhiều bất toàn, con người lấy gì bảo đảm mình sẽ hành xử đúng đắn và hiệu quả? Và điều quan trọng nhất: cuối cùng ai sẽ cứu họ, khi mà những người và những điều họ tin vào cũng sẽ qua đi?

Sống Mùa Chay không chỉ là hãm mình, ăn chay để kiềm hãm thân xác. Sống Mùa Chay còn một ý nghĩa sâu xa là chọn Đức Kytô làm chủ cuộc đời mình, đặt cuộc đời mình quy phục Người và cùng với Người vâng phục Thiên Chúa Cha như Người và Mẹ Thánh của Người.

Ai không vâng phục Thiên Chúa là chống đối Thiên Chúa, là loại trừ Thiên Chúa. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong lần đầu tiên về quê hương Ba Lan của Ngài, Ngài nhắn nhủ: “Không thể loại Đức Kitô ra khỏi lịch sử nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới này… Loại trừ Đức Giêsu khỏi lịch sử nhân loại là một tội ác chống lại loài người”.

Ước chi không những con người không loại trừ Thiên Chúa, mà cùng nhau vâng phục Ngài. Mà để vâng phục Thiên Chúa, việc đầu tiên là cần tập sống đức tin một cách sâu sắc và cụ thể, như trong sách Đời Sống và Nội Qui của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres viết: “Đức Vâng phục đâm rễ sâu trong Đức Tin. Được Thánh Linh soi sáng trong tâm hồn, người tín hữu biết khám phá ra ý Thiên Chúa qua mọi biến cố và nơi mọi người” (số 28).

Gioan Lê Quang Vinh

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc: Cảnh sát đập phá bia mộ của một linh mục
Khương Duy Hải
07:41 21/03/2012
Trung Quốc, 20/3/2012 - Hôm qua, cảnh sát Trung Quốc đã phá hủy bia mộ của một linh mục “hầm trú” bị thiệt mạng cùng với 6 chủng sinh hồi tháng 12 vừa qua trong một vụ tai nạn xe hơi. Đây là một trong những nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm ngăn cấm buổi cầu nguyện đánh dấu giỗ 100 ngày của ngài.

Theo một nguồn tin địa phương, hôm Chúa Nhật, chính quyền ở Cẩm Châu và Bảo Định (phía bắc tỉnh Hà Bắc) đã cảnh báo các giáo xứ địa phương không được tổ chức lễ giỗ cho Cha Giuse Sử Lê Minh (史黎明).

Cha Sử là linh mục thuộc cộng đoàn “hầm trú” của Giáo phận Bảo Định. Ngài qua đời khi mới 39 tuổi trong một vụ tai nạn giao thông vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái. Sáu trong số bảy chủng sinh đi cùng ngài cũng bị thiệt mạng khi xe của họ tông với 2 xe tải khác.

Hôm quan, tấm bia mộ mang dòng chữ "Phần mộ của Cha Sử Lê Minh" dự kiến sẽ được dựng lên phần mộ của ngài tại Triệu Huyện, quê hương ngài. Tuy nhiên, cảnh sát huyện này đã ngăn cản việc dựng bia mộ. Khi gia đình của ngài cố gắng phản kháng thì họ đã đập vỡ tấm bia mộ bằng một cái búa tạ.

Sau đó, cảnh sát nói rằng Cha Sử không được chính phủ công nhận và việc dựng bia mộ ghi rằng ngài là một linh mục là phạm pháp.

Chỉ có gia đình và một số người Công giáo sống trong làng mới có thể cầu nguyện tại mộ của Cha Sử. Cảnh sát bao vây quanh làng để ngăn cản người từ các khu vực khác đến tham dự buổi cầu nguyện cho linh hồn ngài (ucanews.com).
 
Sân Chơi Dân Ngoại và Văn hóa hợp pháp
Lã Thụ Nhân
08:24 21/03/2012
Sân Chơi Dân Ngoại và Văn hóa hợp pháp

Vatican City (VIS) – Sáng ngày 20 tháng Ba, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã tổ chức cuộc họp báo để giới thiệu cuộc ra mắt "Sân Chơi Dân Ngoại (Courtyard of the Gentiles)" ở Palermo, một sáng kiến của Hội đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại giữa các tín hữu và người ngoại về những vấn đề trọng đại phải đối mặt trong thế giới hiện đại. Sự kiện này sẽ diễn ra tại Palermo, Italy, vào ngày 29 và 30 tháng Ba với chủ đề "Văn hóa Hợp Pháp và Xã hội Đa Tôn Giáo".

Tham gia trong cuộc họp báo có Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Đức Giám Mục Antonino Raspanti của Acireale, Đức Giám Mục Carmelo Cuttitta, Giám Mục Phụ Tá và là Tổng Đại Diện của Palermo, Ông Giusto Sciacchitano, Công tố viên chống Mafia, và Cha Jean-Marie Laurent Mazas FSJ, Giám Đốc Điều Hành của Sân Chơi Dân Ngoại.

Sau Bologna, Paris, Bucharest, Florence, Rome và Tirana, Sân Chơi Dân Ngoại được chuyển đến Sicily, nơi mà theo một thông báo của Văn phòng Báo chí Tòa Thánh các tín hữu và người ngoại phải đối mặt với "một thách đố quan trọng: hưởng ứng một nền văn hóa đối thoại và hợp pháp, bắt nguồn từ truyền thống đa tôn giáo và đa văn hóa tuyệt vời của Sicily, đối lại tình trạng vô văn hóa của tội phạm có tổ chức, và mở ra những chiếc cầu đối thoại bằng việc thức tỉnh vốn đang khuấy động xã hội Ả Rập trên bờ biển Đông Nam Địa Trung Hải. Palermo là nơi lý tưởng để làm điều này, vì bản chất kép của nó như là điểm gặp gỡ lịch sử của các nền văn hóa và tôn giáo, và là cái nôi ban đầu của Mafia, đồng thời là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại Mafia (nơi đó Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã được ký kết vào năm 2000).

Sự kiện này sẽ bắt đầu ở Nhà thờ chính tòa Monreale vào ngày 29 tháng Ba với buổi nói chuyện của Đức Hồng Y Ravasi về "Văn hóa, Xã hội và Đức tin". Đức Hồng Y Ravasi tuyên bố: "Sự hiện diện của ‘Sân Chơi’ ở Sicily là một diễn đạt mong muốn chính thức khởi động lại sự dấn thân của Giáo Hội chống lại sự bất hợp pháp và bất kỳ sự suy đồi nào của pháp luật". Ngày 30 tháng Ba "Sân chơi" sẽ đến Đại Học Palermo, nơi mà các triết gia, tu sĩ, luật gia, nhà sử học và trí thức sẽ thảo luận về "luật thiêng liêng và công lý của con người", "tôn giáo và nhân quyền", "đa nguyên và phổ quát", "tôn giáo và không gian công cộng". Các diễn giả bao gồm Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, triết gia Remi Brague và nhà sử học Mafia Salvatore Lupo. Buổi tối hôm đó, tại Nhà thờ Chính tòa Palermo, Đức Hồng Y Ravasi, Công tố viên chống Mafia Piero Grasso, giới trẻ của Hiệp hội chống Mafia "Addiopizzo" và Đức Hồng y Paolo Romeo, Tổng Giám Mục của Palermo sẽ tham dự cuộc gặp mở với các công dân Sicily để tái khẳng định sự phổ biến và đặc tính hàng ngày của các dấn thân đối thoại và hợp pháp.

Các khía cạnh khác của sáng kiến này bao gồm "Sân Chơi Kể Chuyện" cho sinh viên đại học, sẽ được tổ chức vào ngày 29 tháng Ba tại chi nhánh Palermo của Đại học LUMSA, và "Sân chơi trẻ em" dành cho cậu trai và cô gái địa phương, được tổ chức ở tiền sảnh Nhà thờ Chính tòa Palermo vào tối 30 tháng Ba.

Lã Thụ Nhân
 
Được tự ý thay đổi nghi thức trong Tuần Thánh không?
Nguyễn Trọng Đa
08:26 21/03/2012
Được tự ý thay đổi nghi thức trong Tuần Thánh không?

ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Câu hỏi 1: Trong hai năm qua, tại giáo xứ của chúng tôi, phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh đã được thay đổi theo cách sau đây: Linh mục và các người đọc sách bắt đầu phụng vụ bằng cách đọc một phần của bài Thương Khó. Sau đó, họ dừng lại sau khi đọc khoảng 1/5 bài Thương khó, và các người đọc lần lượt đọc bài đọc 1 và bài đọc 2. Sau đó, linh mục và các người đọc tiếp tục công việc, đọc thêm 1/5 bài Thương khó nữa, sau đó họ đọc lời nguyện chung. Tiếp đến, 1/5 bài Thương khó được đọc, sau đó là tôn kính Thánh Giá. Kế đến, 1/5 bài Thương khó tiếp theo được đọc, và sau đó là phần Rước lễ. Sau phần Rước lễ, 1/5 bài Thương khó còn lại được đọc, và buổi phụng vụ kết thúc. Rõ ràng, trật tự của phụng vụ này không tuân theo luật chữ đỏ. Bởi vì phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, nên câu sau đây trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium vẫn phải áp dụng, vì dẫu sao phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh là một phụng vụ thánh: "Việc điều hành Phụng Vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục...Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ” (22,1, 2).

Câu hỏi 2: Mùa Chay năm ngoái, trong các Chủ nhật trước Chủ Nhật Lễ Lá, linh mục của chúng tôi và các phụ tá của ngài sử dụng các thay đổi khi đọc Tin Mừng: linh mục và giáo dân đọc Tin Mừng theo cách giống như bài Thương khó được đọc bởi nhiều người trong Chủ nhật lễ Lá hoặc Thứ Sáu Tuần Thánh, nghĩa là linh mục đọc lời của Chúa Giêsu, và các người đọc khác đọc các phần của người đàn ông mù, bà Martha, bà Maria, người phụ nữ Samaria, vv... Ngoài ra, ca trưởng mời cộng đoàn hát một câu đáp nhiều lần trong thời gian đọc Tin mừng. Vì vậy, tại nhiều điểm khác nhau trong Tin Mừng, hoặc là linh mục hay giáo dân sẽ ngưng đọc, và toàn cộng đoàn sẽ hát một câu đáp, nhiều lần theo cách hát Thánh vịnh. Tôi lo ngại về điều này diễn ra, bởi vì theo Huấn thị Redemptionis Sacramentum: "Vì vậy, một giáo dân, kể cả một tu sĩ, không được phép công bố Tin Mừng trong cử hành Thánh Lễ, kể cả trong các trường hợp khác, mà quy tắc không có rõ ràng cho phép" (63). Trong khi người đọc không đọc toàn bộ đoạn Tin Mừng, liệu giáo dân có được phép đọc một phần trong đoạn Tin mừng ấy không? Theo tôi, sự tự do thực hiện cách thay đổi như thế dường như là một lạm dụng phụng vụ. - E.R., San Clemente, bang California (Mỹ)

Câu hỏi 3: Tôi không dám chắc rằng đất nước tôi là duy nhất trong việc cố gắng "thiết lập lại" phụng vụ của tam nhật Tuần Thánh, nhưng tôi đã nhìn thấy và nghe đủ để tưởng tượng rằng có lẽ hàng giáo sĩ của chúng tôi không quá quen thuộc với các luật chữ đỏ, hoặc ý nghĩa của tam nhật Vượt Qua. Câu hỏi của tôi, về cơ bản, là làm sao một linh mục có thể bỏ qua các qui định để cử hành những gì, vốn xem ra là không còn Tam nhật Vượt Qua nữa, nói về pháp lý? Một số ví dụ từ các nghi thức phụng vụ được truyền hình: Vào một Thứ Sáu Tuần Thánh, Phụng Vụ Thương khó được cử hành tại Quận Kerry. Bài Kinh Thánh duy nhất được đọc là trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu (dường như là một bản dịch mới) và được diễn theo lối kịch câm. Tôi nghĩ rằng phần còn lại của buổi phụng vụ là nhiều hoặc ít kém phụng vụ hơn. Sau đó, Đêm Vọng Phục Sinh của cùng một giáo xứ ấy đã được cấu trúc như sau: đốt lửa (bên ngoài nhà thờ), các giáo sĩ đi vào nhà thờ và bắt đầu các bài đọc Cựu Ước. Sau bài đọc Cựu ước cuối cùng, cây nến Phục Sinh được thắp theo nghi thức bình thường, mọi người thắp nến của mình, thánh thi Exsultet (‘Mừng vui lên’) được hát, tiếp đến hát bài Vinh danh. Phần còn lại của buổi phụng vụ diễn ra như thường lệ. - F.R., Dublin, Ireland

Trả lời: Đây chỉ là một số lựa chọn từ nhiều thắc mắc về việc tái sắp xếp trắng trợn của phụng vụ nói chung và lễ Phục Sinh nói riêng. Tại sao các điều này xảy ra, và tại sao một số linh mục đang bị lừa để suy nghĩ rằng đó là một phương pháp tiếp cận "mục vụ" hơn là tuân theo luật chữ đỏ đã qui định, vẫn còn là một bí ẩn.

Tôi vẫn xác tín rằng chính sách mục vụ tốt nhất và hiệu quả nhất là cung cấp cho tín hữu của Chúa Kitô các nghi thức, mà Giáo Hội của Người đã đưa ra. Đó là những gì đã chịu sự thử thách của thời gian và sử dụng rộng rãi. Sự chắp vá của cá nhân chúng ta chỉ làm nghèo nàn và làm suy yếu tính hiệu quả của chúng.

Từ quan điểm pháp lý, tất cả các sáng kiến này vi phạm nguyên tắc cơ bản số 22 của luật phụng vụ trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium, được trích dẫn bởi người nêu câu hỏi số 1. Qui định này không chỉ giới hạn cho Thánh lễ, mà còn cho toàn bộ phụng vụ, kể cả mọi cử hành các bí tích và các á bí tích. Trong trường hợp của các á bí tích và Phụng Vụ Các Giờ Kinh, các sách chính thức thỉnh thoảng cho phép một sự tự do hơn trong việc lựa chọn bài đọc và phương thức cử hành, miễn rằng các tiêu chuẩn cốt lõi phải được tuân thủ.

Như người nêu câu hỏi số 1đã nhận xét, họ cũng vi phạm minh nhiên nhiều qui định phụng vụ khác. Đây là trường hợp trong câu hỏi số 2, nói rằng các trường hợp duy nhất mà giáo dân được phép đọc Tin Mừng cách hiệu quả cùng với linh mục là trong Chủ Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngoại lệ khác, dự kiến có trong số 47 của Cuốn Chỉ nam cho Thánh lễ dành cho Thiếu nhi, không áp dụng cho các Thánh Lễ được cử hành cho toàn bộ cộng đồng giáo xứ.

Đối với Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi sẽ nói rằng mặc dù buổi phụng vụ này không phải là một Thánh Lễ, nó là một trong các buổi lễ cổ xưa nhất và quan trọng nhất của một năm, và nó đáng hưởng mức độ tối đa trong tuân thủ luật chữ đỏ. Thư luân lưu của Thánh bộ Phụng tự (ngày 20-2-1988) về cử hành các ngày này là rất rõ ràng:

"64. Thứ tự cho việc cử hành cuộc Thương khó của Chúa (phụng vụ Lời Chúa, tôn thờ thánh giá, và rước Mình Thánh Chúa), vốn bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa của Giáo Hội nên được tuân thủ cách trung thành và đạo đức, và không ai có thể sửa đổi chúng theo sáng kiến riêng của mình.

66. Các bài đọc phải được đọc đầy đủ. Bài Thánh vịnh xướng đáp và thánh ca trước Tin mừng phải được hát theo cách thông thường. Trình thuật cuộc Thương khó của Chúa theo thánh Gioan được hát hay đọc, theo cách quy định cho Chủ nhật trước (xem số 33.). Sau bài Thương khó, cần có bài giảng, và sau đó các tín hữu có thể được mời suy niệm chốc lát."

Về Đêm Vọng Phục Sinh, các chỉ dẫn cũng là tương tự:

"2. Cấu trúc của Đêm Vọng Phục Sinh và ý nghĩa của các yếu tố và các phần khác nhau

"81. Thứ tự Đêm Vọng Phục Sinh được bố trí sao cho sau nghi thức đốt lửa và thắp nến, và công bố Tin mừng phục sinh (vốn là phần đầu của Vọng Phục sinh), Thánh Giáo Hội suy niệm về các công trình tuyệt vời mà Chúa là Thiên Chúa đã làm cho dân Chúa từ thuở ban đầu (phần thứ hai hoặc phụng vụ Lời Chúa) đến thời điểm khi cùng với những thành viên mới được tái sinh trong phép rửa tội (phần thứ ba), Giáo Hội được mời gọi đến bàn thánh do Chúa chuẩn bị cho Giáo Hội, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa, cho đến khi Chúa đến (phần thứ tư).”

"Thứ tự phụng vụ này không được thay đổi bởi bất cứ ai theo sáng kiến riêng của mình."

Vì vậy, các nghi thức trên kia có một luận lý thiêng liêng nội tại, vốn bị phá vỡ, khi nghi thức không được tôn trọng.

Một số các thao tác, được độc giả của chúng tôi mô tả, là quá nghiêm trọng đến nỗi người ta có thể nói rằng nghi thức ấy không còn là của Giáo Hội Công Giáo nữa. (Zenit.org 20-3-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Thánh Cha sẽ gặp Fidel Castro khi đến Cuba
Lã Thụ Nhân
08:28 21/03/2012
Đức Thánh Cha sẽ gặp Fidel Castro khi đến Cuba

Vatican (CWN) - Các viên chức Tòa Thánh Vatican cho hay trong chuyến tông du đến Cuba vào cuối tháng này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ gặp riêng với Cựu Chủ tịch Fidel Castro nếu nhà lãnh đạo lâu năm của Cuba này sẵn sàng. Nhưng Đức Thánh Cha sẽ không gặp những người bất đồng chính kiến chính trị.

Một cuộc gặp với Fidel Castro không nằm trong lịch trình của Đức Thánh Cha nhưng các viên chức nói rằng Đức Thánh Cha sẽ thu xếp thời gian để gặp gỡ nhà lãnh đạo Cuba. Việc sẵn sàng sắp xếp cuộc gặp riêng với Fidel Castro đã gây ra một số phản đối từ các lực lượng thù địch của chế độ độc tài Cuba, những người phản đối chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ không bao gồm một cuộc gặp các nhà bất đồng chính kiến chính trị. Những phản đối lớn giọng hơn khi cảnh sát đáp ứng một yêu cầu từ Tổng Giáo Phận Havana nhằm trục xuất những người biểu tình tổ chức một buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Chính tòa của thành phố, nhằm hy vọng thuyết phục một cuộc gặp với Đức Thánh Cha.

Sau nhiều năm công khai đàn áp đức tin Công Giáo, chính quyền Cuba đã nới rộng tự do hơn đối với Giáo Hội, và các nhượng bộ rõ ràng của chính quyền trong kế hoạch cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Chính quyền cho phép Đức Hồng Jaime Ortega Alamino của Havana có một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia về chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, và nhân viên chính quyền sẽ được phép nghỉ để tham dự các nghi thức phụng vụ của Đức Giáo Hoàng. Ga hàng không chính tại Havana sẽ đóng cửa ngày 26 tháng Ba ngoại trừ chuyến bay của Đức Giáo Hoàng hạ cánh.

Tại Mexico, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ dừng lại trước khi thăm Cuba, một yếu tố dễ thấy đã không thấy trong lịch trình các sự kiện. Trong các chuyến tông du nước ngoài khác, Đức Giáo Hoàng có cuộc gặp gỡ các nạn nhân lạm dụng tình dục nhưng không có cuộc gặp như vậy trong lịch trình của ngài ở Mexico, và Tòa thánh Vatican nói rằng không có dự kiến như vậy. Họ giải thích rằng các giám mục Mexico đã không yêu cầu một cuộc gặp kiểu đó. Hàng giáo phẩm Mexico đã để lại vết sẹo do những tiết lộ rằng cha cố Marciel Macial, người sáng lập Dòng Đạo Binh Chúa Kitô và là người bản địa Mexico, đã bị cáo buộc quấy rầy một người đàn ông trẻ.

Lã Thụ Nhân
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI tại Guanajuato, một thành phố Mễ Tây Cơ tuyệt đẹp
Bùi Hữu Thư
09:08 21/03/2012
Tặng phẩm của Mẹ Maria

ROME, Thứ ba 20 tháng 3, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Guanajuato, nơi Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ viếng thăm trong chuyến đi Mễ Tây Cơ (23-26 tháng 3) là một thành phố tuyệt đẹp. Ngay khi mới tới, du khách đã bị thu hút bởi bầu khí thời thuộc điạ với những con đường lát đá, những hành lang gợi lại những hoạt động của các thợ mỏ thời xưa, với các ngọn đồi (cerros), và các ngôi nhà sơn nhiều mầu sắc dường như nổi bật trên một hậu cảnh tuyệt vời.

Giờ đây chúng ta đang ở trung tâm thành phố, đã được tuyên bố là di sản văn hóa của nhân loại. Chúng ta đi lang thang trong các đường phố, đi ngang qua khu chợ Mercado Hidalgo, đã được xây cất giữa thế kỷ XIX và XX, với kiến trúc bằng sắt nung và gạch.

Chúng ta đến Công Trường Hòa Bình (Place de la Paz), nơi Đức Thánh Cha sẽ ghé ngày thứ bẩy 24 tháng 3, ngay trước mặt Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Guanajuato, được bao quanh bởi các dinh thư thời thuộc điạ, những ngân hàng và tiệm ăn. Chính nơi đây khi xưa các bá tước và những nhà quý tộc đã cư ngụ.

Chính tại đây, ở bên trong có bức tượng được tạc bằng gỗ rất đẹp của Mẹ Chúa Kitô.

Lịch sử cho biết cộng đồng Công Giáo Granada, tại Tây Ban Nha, cũng đã tôn kính cùng hình ảnh này của Đức Mẹ. Năm 714, khi rợ Maures xâm chiếm bán đảo Ibéria, dân chúng đã dấu bức tượng Mẹ trong một cái hang ẩm ướt để che chở cho khỏi bị xúc phạm. Tượng này đã ở đó trong vòng tám thế kỷ rưỡi.

Một thời gian dài như thế đáng lẽ phải phá hủy bất cứ loại gỗ cứng nào, nhưng bức tượng Mẹ Maria, mặc dầu phải trải qua tất cả thời gian dài trong một hầm dưới đất, ẩm ướt, không thoáng khí, đã vẫn đến được đây hoàn toàn không bị hư hại.

Mẹ đã được cất dấu trong suốt thời kỳ đô hộ của người Hồi giáo, trước khi được lấy lại, sau cuộc tái chiếm miền Granada bởi các vị vua Công Giáo, và vào giữa thế kỷ XVI đã được ban tặng cho Đại Đế Charles V của Đế Quốc La Mã, cũng là Vua Tây Ban Nha với danh hiệu Charles I.

Việc truyền giáo Tân Tây Ban Nha (la Nouvelle Espagne) đã bắt đầu năm 1546, và các ngọn đồi của Guanajuato đã được đặt dưới quyền của vua Castille (Tây Ban Nha).

Có những tin đồn là có những mỏ vàng và bạc bắt đầu được loan truyền từ năm 1548 đến 1550. Chính lúc đó Vua Charles V (Charles Quint) đã ban tặng tượng Đức Mẹ được tìm lại hoàn toàn không hư hại tại Santa Fe ở Granada cho miền đất Guanajuato.

Khi Vua Charles Quint nhường ngôi cho con là Philippe II, vị vua mới đã thực hiện nguyện ước của vua cha và gửi bức tượng Đức Mẹ sang Guanajuato, và trao cho nhà quý tộc Perafán de Rivera, là thị trưởng đầu tiên của Những Mỏ Hoàng Gia (Real de Minas) của Guanajuato, như tên được dân điạ phương thường dùng.

Đức Mẹ là quan thầy của Guanajuato từ năm 1557, đúng 455 năm về trước. Nhưng biết rằng Mẹ đã bị chôn dấu trong tám thế kỷ rưỡi trong Hang tại Granada (la Grotte de Granada), như vậy tượng Mẹ dã hiện hữu trên 1200 năm!

Từ đó, Đức Bà Guanajuato đã cầu bầu rất nhiều phép lạ, để tăng cường đức tin. Phép lạ đầu tiên được biết, là chính ông Perafán de Rivera đã trải qua trong chuyến hành trình để hoàn tất sứ mạng vua Philippe II trao phó.

Kiến trúc sư Cuauhtémoc Robles Bello, giảng sư khoa kiến trúc tại đại học Guanajuato và là thành viên của nhóm Perafanes kể rằng: "Don Perafán đã mang tượng Mẹ trên tầu Santa-Maria. Khi tới Veracruz (phiá nam Mễ Tây Cơ), tượng được chuyên chở trên lưng lừa tới cao nguyên Yerbabuena tại Guanajuato (trung tâm Mễ Tây Cơ). Sợ bị lạc đường và có thể bị dân bản xứ Chichimecas chống lại việc truyền giáo sẽ tấn công, đoàn người hộ tống tượng Mẹ đã phải cắm trại dọc đường để chờ sáng. Họ đã đặt tượng Mẹ trên một cái trống - như một tượng đài tạm thời - và cầu nguyện cho sự an toàn, và xin Mẹ làm la bàn dẫn đưa họ tới đích điểm."

Robles đã kể tiếp câu chuyện về phép lạ đầu tiên gán cho Đức Bà Guanajuato như sau: "Ngày hôm sau, đoàn người đã thấy hai chim bồ câu trắng bay về phía họ phải đi theo để hoàn tất sứ mạng, nhờ đó họ đã tới được thị trấn hoàng tộc Minas de Guanajuato, ngày 9 tháng 8, 1557."

Bây giờ là đúng ngọ. Các chuông đang đánh gọi Kinh Truyền Tin. Kiến trúc sư ngưng kể chuyện một lát, như tất cả mọi người trên đường phố cũng đứng dừng lại. Đài phát thanh người ta đang nghe trong một cửa hàng cũng ngưng phát thanh bài hát để đọc kinh. Sau vài phút, kiến trúc sư nói: "Tại Salamanque Guanajuato, tôi đã thấy người ta quỳ gối khi chuông gọi kinh Truyền Tin nổi lên."

Đây là một trong những phép lạ của Đức Bà Guanajuato! Trước những khó khăn của đời sống hàng ngày, những hối hả, những nguồn tin của các hãng truyền thông, tại Guanajuato biết bao nhiêu người đã chỉ biết chạy đến cùng Đức Mẹ vào buổi trưa.

Chúng tôi tiếp tục câu chuyện. Kiến trúc sư kể thêm một phép lạ khác của Đức Mẹ Guanajuato: "Đã qua nhiều năm, vào thế kỷ thứ XIX, các thợ mỏ đã bị chôn vùi trong hầm mỏ trong khi làm việc, tình trạng này đã thúc đẩy tức khắc một phong trào cầu nguyện và các thánh lễ và lễ vật dâng lên Mẹ. Và khác với những hy vọng, vì thấy những tình trạng của vụ hầm mỏ bị sập, và sự thiếu thốn các phương tiện kỹ thuật cứu cấp vào thời đó, tuy nhiên, các thợ mỏ đã thoát chết."

Ông Robles không che dấu niềm hãnh diện được làm công dân Guanajuato và là một người tôn sùng Đức Mẹ. Ông tiếp: "trong những năm - 1983 nếu tôi không lầm - quốc gia này đã trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Một nạn hạn hán chưa từng có trong bao nhiêu năm. Chúng tôi không có nước cho những cánh đồng và cả cho con người. Thật khủng khiếp! Do đó chúng tôi đã rước kiệu Đức Mẹ cho tới bờ đê La Speranza, nơi cha xứ vương cung thánh đường đã cử hành thánh lễ với hàng trăm ngàn tín hữu. Chúng tôi đã xin Đức Mẹ cầu bầu, xin ngài giúp đỡ trong vấn đề thiếu nước trầm trọng. Sau Thánh Lễ, chúng tôi quay trở về, ngay trước khi tới nhà thờ thì trời đổ mưa rất nặng, cho phép đập nước được tràn đầy. Còn dấu chỉ của tình yêu nào cao quý hơn của Đức Mẹ đã ban cho chúng tôi vào lúc đó?" Ông kiến trúc sư đã kết luận rất cảm xúc.

Đức Ông Juan Rodríguez Alba chánh xứ vương cung thánh đường tuyên bố: Trong năm 2012 này, Đức Mẹ đã ban cho con cái người một quà tặng khác: đó là cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Benedict XVI.

Chúng tôi sẽ kể tiếp về cuộc gặp gỡ giữa Đức Bà Guanajuato với Đức Thánh Cha và Hành Trình của Đức Mẹ trong quốc gia Mễ Tây Cơ.
 
Anh Quốc tái định nghĩa hôn nhân
Vũ Văn An
18:31 21/03/2012
Các nhà lập pháp của Anh đang cố gắng thông qua một đạo luật nhằm định nghĩa lại hôn nhân để bao gồm cả những người đồng tính luyến ái, trái với tâm thức của đại đa số công dân nước này, là những người luôn luôn muốn bảo vệ định chế hôn nhân hiểu theo nghĩa hiện hành. Mới đây, hãng tin Zenit đã gặp gỡ Ông Peter D. Williams, một nhà hộ giáo Công Giáo và là người phát ngôn của tổ chức Catholic Voices (Tiếng Nói Công Giáo), một sáng kiến muốn sử dụng hữu hiệu các phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo đức tin. Ông đã dành cho Zenit cuộc phỏng vấn sau đây.

Zenit: Trong cuộc trưng cầu mới đây của Catholic Voices, con số thống kê cho biết 70% người được trưng cầu chống lại việc tái định nghĩa hôn nhân để bao gồm những cặp đồng phái. Do đâu mà có cái áp lực định nghĩa lại hôn nhân tại Anh về phương diện pháp luật?

Williams: Cố gắng tái định nghĩa hôn nhân chủ yếu phát sinh từ tình hình chính trị tại Vương Quốc Thống Nhất. Ban lãnh đạo của Đảng Dân Chủ Tự Do (Liberal Democrats), một đảng nhỏ trong Chính Phủ Liên Minh, cho các đối tác cao cấp của đảng Bảo Thủ biết rõ: dẫn khởi hôn nhân đồng phái là điều kiện tiên quyết để họ hỗ trợ dự luật thay đổi biên giới bầu cử. Việc thay đổi này hết sức quan trọng đối với ban lãnh đạo của Bảo Thủ, vì nó sẽ loại bỏ sự thiên vị có hệ thống chống lại họ trong các cuộc bầu cử Nghị Viện và cho phép họ thắng thêm một số ghế. Thêm nữa, đạt được một thắng lợi lớn về văn hóa như thế này sẽ tăng cường sự ủng hộ ngay bên trong hàng ngũ Đảng Dân Chủ Tự Do đối với ban lãnh đạo. Ban này hiện đang bị các đảng viên thường và các đảng viên trong Nghị Viện không hài lòng về cung cách họ ủng hộ các chính sách khác của Bảo Thủ. Như thế, đối với cả hai Đảng, lợi ích chính trị hỗ tương đã lên động lực cho động thái này.

Mặt khác, Thủ Tướng David Cameron và những người ủng hộ ông ta muốn có việc tái định nghĩa hôn nhân để bao gồm những cặp đồng phái, vì họ tin rằng trong quá khứ, đảng của họ cũng bị tai tiếng vì bị coi là một đảng ‘tệ’, đầy thiên kiến đối với những người bị lôi cuốn bởi đồng phái. Họ cho rằng nhờ dẫn khởi luật lệ để công nhận hôn nhân đồng phái, việc này sẽ đảo ngược cái nhìn đó và sẽ ‘giải độc’ được nhãn hiệu Tory. Ngoài ra, chính họ cũng khá tự do về phương diện văn hóa, và là các thành viên dễ nhận diện của nhóm ‘ưu tú đô thị’ tự do. Nên họ rất muốn có sự thay đổi này dựa trên chính quan điểm ý thức hệ của riêng họ.

Điều rõ ràng được những điều trên tô đậm là chủ nghĩa vô liêm sỉ chính trị (political cynicism) và những động lực thấp hèn trong cố gắng tái định nghĩa hôn nhân. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng vì có đến 70% công chúng không muốn hôn nhân bị định nghĩa lại, nên những người chủ mưu muốn khua động chiến dịch này quả đã xa rời quan điểm và quan tâm thực sự của người dân thường Nước Anh biết là bao nhiêu.

ZENIT: Đâu là những cách cụ thể khiến xã hội bị ảnh hưởng bởi việc tái định nghĩa hôn nhân này?

Williams: Chủ yếu, việc tái định nghĩa hôn nhân sẽ tác động tệ hại lên nền văn hóa của ta. Thẩm quyền luật pháp đã thay đổi cách xã hội tự nghĩ, tự tri giác về chính mình. Khi thay đổi hôn nhân để bao gồm các thành viên của một thiểu số tính dục, tức các cặp đồng phái, ngữ cảnh tốt nhất để dưỡng dục con cái, tức liên hệ giữa chồng và vợ, sẽ không còn được nhà nước coi trọng nữa. Điều này sẽ chính thức hóa quan điểm ngược lại, một quan điểm vốn đã bàng bạc trong hậu cảnh văn hóa của xã hội nước Anh rồi. Vì chính sách hợp thức hóa việc người đồng phái nhận con nuôi, và chỉ thị của luật pháp không đòi khai sinh của đứa trẻ phải kể tên người cha nhưng được phép đăng ký tên ‘bạn đời’ đồng phái của người mẹ, nền văn hóa của xứ sở ta đã bắt đầu khẳng định quan điểm cho rằng người này hay người kia trong hai cha mẹ của đứa trẻ không còn cần thiết cho việc dưỡng dục em nữa. Điều này rõ ràng đi ngược lại lợi ích tốt nhất của trẻ em, những chủ thể nên có cơ may được dưỡng dục với nam tính của cha và nữ tính của mẹ. Định nghĩa lại hôn nhân, là Chính Phủ đã bác bỏ thực tại ấy, và đẩy xã hội ta đi xa hơn về hướng lầm lẫn.

Việc định nghĩa lại hôn nhân cũng sẽ tạo ra một tiền lệ tệ hại về chính trị và văn hóa. Nếu đã thay đổi hôn nhân để bao gồm một thiểu số tính dục đặc thù nào đó, thì tại sao không thay đổi nó để bao gồm bất cứ thiểu số nào khác? Nếu tính bổ túc của người nam và người nữ trong hôn nhân bị định nghĩa tiêu hủy thì tại sao lại không bỏ câu xác quyết rằng chỉ có hai con người mới lập thành một kết hợp vợ chồng? Nếu tình yêu và cam kết của những cặp đồng phái cần được chính thức công nhận vì lợi ích của bình đẳng, thì tại sao lại không chính thức công nhận những người đa hôn hay đa ái (polyamorists)? Cần phải nhấn mạnh rằng các cố gắng luật pháp đã được nhen nhúm tại Gia Nã Đại, tại Hiệp Chúng Quốc và tại Âu Châu để hợp thức hóa đa hôn, chỉ chờ việc hợp thức hóa hôn nhân đồng phái. Bất chấp sự thật là đa hôn gây hại ngay trong nội tại nó, vì sự ghen tương giữa các bên do nó gây ra và hiệu quả nó mang lại trên con cái của những gia đình ấy.

Các hậu quả của việc tái định nghĩa hôn nhân đối với nền văn hóa của ta, và hiệu quả nó đem lại cho chính hôn nhân, gia đình, và quyền lợi trẻ em, là những thực tại ta có thể vững tâm tiên đoán được, và điều đó khiến chúng ta phải làm mọi việc có thể để ngăn cản nó.

ZENIT: Cho dù các giáo hội không bó buộc phải cử hành các nghi thức hôn phối cho các cặp đồng phái, liệu còn có hệ luận nào đối với các định chế tôn giáo vốn chống đối hôn nhân đồng phái hay không?

Williams: Một cách đáng lo ngại, tự do tôn giáo rất có thể bị ảnh hưởng xấu bởi việc tái định nghĩa hôn nhân. Tại Hiệp Chúng Quốc, các tổ chức tôn giáo từng bị buộc phải cung cấp cho người sống trong các liên hệ đồng phái các lợi ích nhân dụng vốn dành cho các các nhân viên có gia đình với người khác phái. Nhiều nhóm khác bị tước mất tài trợ của chính phủ chỉ vì bác bỏ hôn nhân đồng phái. Vì những tấn công đối với tự do tôn giáo đã từng xẩy ra tại Vương Quốc Thống Nhất với Các Qui Định Về Khuynh Hướng Tính Dục và Đạo Luật Bình Đẳng, nên không có lý do gì để nghĩ rằng các hậu quả như trên sẽ không xẩy ra tại đây.

Bất chấp các bảo đảm của Chính Phủ sẽ làm ngược lại, rất có thể các nhóm tôn giáo từ khước việc tổ chức các đám cưới đồng phái sẽ bị tước mất quyền được cử hành hôn phối. Một động thái như thế từng được Mike Weatherly, một Thành Viên Bảo Thủ của Nghị Viện, công khai gợi ý. Và ta không có lý do gì để nghĩ rằng điều ấy không xẩy ra trong tương lai.

Ngoài các hệ luận chính trị và công dân ra, hình như vì việc tái định nghĩa hôn nhân này, các giáo huấn của Giáo Hội về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân, cũng như của tính dục con người, có thể bị đẩy thêm ra khỏi các bàn luận công cộng, vì nền văn hóa của ta sẽ càng ngày càng đi xa khỏi sự thật để chạy theo cái hiểu lầm lẫn về cả hai chủ đề ấy. Điều này sẽ gia tăng sự bất khoan dung đối với Giáo Hội, và, nới rộng ra, đối với mọi định chế tôn giáo nào chống lại hôn nhân đồng phái.

ZENIT: Cần phải có các loại hành động nào để duy trì việc định nghĩa hôn nhân như hiện nay?

Williams: Để duy trì và bảo vệ hôn nhân như nó được định nghĩa đúng đắn hiện nay, mọi người thiện chí tại Vương Quốc Thống Nhất cần phải viết cho ủy ban tham khảo của chính phủ hiện nay về hôn nhân đồng phái, và trả lời câu hỏi đầu tiên của ủy ban này, tức câu hỏi hỏi bạn nghĩ gì về đề nghị căn bản. Việc này sẽ giúp ta cơ hội cho Chính Phủ thấy sức mạnh chống đối chính sách của họ, sức mạnh này sẽ khích lệ họ bãi bỏ nó.

Tuy nhiên, điều cũng quan trọng đối với chúng ta là viết cho các Thành Viên của Nghị Viện, bình thản giải thích sự chống đối của ta đối với việc tái định nghĩa hôn nhân, và lý do tại sao họ nên bỏ phiếu chống lại nó, hay ít nhất bỏ phiếu trắng khi dự luật được dem ra trước Nghị Viện. Một vận động như thế đối với các vị dân cử của ta là điều tuyệt đối cần thiết để ta đánh bại các biện pháp của Chính Phủ, vì nó giúp họ ý thức được việc cử tri của họ coi nặng vấn đề này như thế nào, và họ sẽ mất bao nhiêu phiếu nếu họ ủng hộ phía lầm lẫn.

Cách riêng, người Công Giáo từng ngăn cản được các luật lệ tai hại thời Chính Phủ cũ từng đe doạ các trường tôn giáo, chỉ nhờ đủ số người viết thư cho các Thành Viên của Nghị Viện. Trước đây, ta đã từng đứng lên cho lẽ phải, và đã thắng! Nhờ ơn Chúa, ta cũng sẽ thành công một lần nữa.
 
Vai trò của Giáo Hội Công Giáo giữa lòng xã hội Cuba
Linh Tiến Khải
20:33 21/03/2012
Phỏng vấn Đức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Habana

Thứ sáu 23-3-2012 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ lên đường công du Mêhicô sau đó ngày 26-3-2012 ngài sẽ viếng thăm Cuba. Đây là lần thứ hai một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm dân nước Cuba. Chuyến viếng thăm đầu tiên do Đức Gioan Phaolô II thực hiện hồi năm 1998 đã mở ra giai đoạn mới khiến cho tương quan giữa nhà nước và Giáo Hội bớt căng thẳng hơn. Đáp lại lời mời gọi của Đức Gioan Phaolô II Giáo Hội Cuba đã dấn thân thăng tiến một nền văn hóa đối thoại và hòa giải. Tuy nhiên bầu khí xã hội Cuba vẫn căng thẳng. Trong các ngày 18-20 tháng 3 năm 2003 chủ tịch Fidel Castro ra lệnh bắt giam 75 người bất đồng chính kiến với nhà nước gồm các thi sĩ, nhà báo, văn sĩ, trí thức phê bình nhà nước. Qua một vụ xử án sơ sài chính quyền đã đưa ra các bản án nặng nề khiến cho dư luận thế giới phẫn nộ.

Tháng 7 năm 2006 vì đau yếu chủ tịch Fidel Castro tạm nhường quyền cho em là ông Raul Castro. Ngày 20 tháng 2 năm 2008 Đức Hồng Y Tarcisio Bertona Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đến thăm Cuba và trao cho chủ tịch Fidel Castro môt bức thư kêu gọi hòa giải. Ngày hôm sau ông Fidel Castro tuyên bố chính thức từ chức để cho em làm chủ tịch nước.

So sánh với tình hình cách đây 14 năm, Giáo Hội công giáo Cuba đã có nhiều tiến triển lớn. Số linh mục từ 200 lên đến 360 vị. Bên cạnh đó Giáo Hội có 1000 tu sĩ nam nữ. Nhân lực của Giáo Hội bảo đảm các sinh hoạt của 600 giáo xứ trong 8 giáo phận và 3 tổng giáo phận. Ngoài ra Giáo Hội cũng điều khiển 12 trung tâm đào tạo và 27 trung tâm bác ái xã hội. Giáo Hội hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống xã hội với các sinh hoạt in ấn và các trung tâm thảo luận, trong đó có trung tâm văn hóa Felix Varela. Các tuần lễ xã hội do Giáo Hội tổ chức rộng mở cho tất cả mọi người với mục đích cống hiến không gian cho mọi trình bầy thảo luận, gặp gỡ trao đổi các vấn đề liên quan tới mọi lãnh vực cuộc sống xã hội Cuba.

Giáo Hội muốn thay đổi cái luận lý của sự đụng độ bằng thứ luận lý của sự gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng, khoan nhượng và chung sống. Trong các năm qua từ cả hai phía nhà nước và xã hội dân sự nảy sinh các nhóm có tinh thần cải tiến và từ từ trưởng thành, chấp nhận đối thoại. Trong khi các nhóm thủ cựu cứng nhắc đối nghịch với mọi thay đổi tìm cách cản trở họ, thì các cải tổ kinh tế và kiểu lãnh đạo thực tế của ông Raul Castro khích lệ họ và khiến cho phe chủ trương rộng mở lớn mạnh. Một trong các dấu chỉ của sự thay đổi đó là sự kiện chủ tịch Raul Castro đã tuyên bố các ngày Đức Thánh Cha viếng thăm Cuba là lễ nghỉ trên toàn quốc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Habana về vai trò của Giáo Hội công giáo giữa lòng đất nước Cuba. Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino sinh tại Matanzas năm 1936. Gia nhập chủng viện năm lên 19 tuổi, thầy Jaime Ortega thụ phong linh mục năm 1964. Giữa các năm 1966-1967 cha Ortega đã bị tù trong trại lao động quân đội tại Camaguey với nhiều linh mục tu sĩ trí thức khác. Năm 1981 Tòa Thánh chỉ định Đức Cha làm Tổng Giám Mục thủ đô La Habana, và Đức Gioan Phaolô II đã vinh thăng ngài làm Hồng Y năm 1994.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ý tưởng chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha đã nảy sinh như thế nào?

Đáp: Ngay từ khi mới lên giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bảy tỏ ước muốn chấp nhận lời mời mà Giáo Hội và cả nhà nước Cuba đã mau mắn gửi đến Đức Thánh Cha xin ngài đến viếng thăm Cuba.

Nhân chuyến viếng thăm Tòa Thánh lần đầu tiên của tôi, Đức Thánh Cha đã cho biết các dè dặt của ngài, vì tuổi tác khiến cho ngài phải hạn chế việc di chuyển xa như vậy. Nhưng trong các cuộc gặp gỡ sau đó, trong thời gian này Đức Thánh Cha đã viếng thăm Brasil, Phi châu và cả Australia nữa, khi tôi lập lại lời mời ngài đến thăm Cuba, Đức Thánh Cha luôn trả lời ”Nếu Chúa muốn”, cho tới hồi tháng 8 năm ngoái. Ngài vẫn có ý định viếng thăm Cuba nên đã lồng chuyến viếng thăm vào chuyến công du Mêhicô.

Hỏi: Quyết định này của Đức Thánh Cha có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội và dân nước Cuba, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Sự kiện Đức Thánh Cha đã muốn đến viếng thăm Cuba trong dịp kỷ niệm 400 năm tìm thấy tượng Đức Mẹ Bác Ái, Bổn Mạng của dân nước Cuba, và cùng với toàn dân Cuba hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Mỏ Đồng, nhân chuyến công du mục vụ Mêhicô, thì đây là một vinh dự và là dấu chỉ sự chú ý đặc biệt của ngài đối với Giáo Hội và đất nước Cuba. Lý do là vì Cuba là một nước bé nhỏ so sánh với các quốc gia khác tại châu Mỹ Latinh.

Hỏi: Như vậy đây thực sự là một biến cố lịch sử, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đúng thế. Đề tài của chuyến viếng thăm ”Người hành hương của Đức Ái” có một ý nghĩa sâu xa đối với mọi người dân Cuba, công giáo cũng như không công giáo. Lòng sùng kính đối với Đức Bà Bác Ái rất phổ biến trong toàn nước Cuba, vì nó vừa là một biểu tượng công giáo vừa là một dấu chỉ căn tính quốc gia của Cuba.

Hỏi: Mười bốn năm đã trôi qua kể từ chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có gì được thay đổi tại Cuba thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Hai chuyến viếng thăm xảy ra trong hai lúc khác nhau của lịch sử Cuba. Đã có các thay đổi bên trong chính quyền Cuba: một quốc trưởng mới, các bộ trưởng và các nhân viên mới, các cải tổ kinh tế dự kiến việc tái phân chia đất đai cho các nông dân, việc tạo ra các cơ sở kinh doanh tại nông thôn cũng như thành thị, các hợp tác xã tư và các thay đổi khác tạo thuận lợi cho sáng kiến tư nhân và công ăn việc làm tự lập, trong lãnh vực phục vụ cũng như trong lãnh vực sản xuất.

Hỏi: Như vậy Đức Hồng Y đánh giá các cải tổ này như thế nào?

Đáp: Các cải cách kinh tế đã được đề ra là những điều thiết yếu không thể thiếu và cũng không thể quay trở lại đàng sau được nữa. Sự chậm chạp trong việc thi hành các cải tổ này là lỗi của các kháng cự và nạn bàn giấy rườm rà và việc cần thiết phải thay đổi não trạng, là điều khó mà có ngay được.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vậy trên bình diện tôn giáo thì đã có các thay đổi nào?

Đáp: Cả trên bình diện này cũng có một sự khác biệt lớn, nhất là liên quan tới mức độ mà việc công khai diễn tả đức tin đã đạt được trong các năm qua, một phần chính là nhờ chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II. Con số các linh mục và tu sĩ gia tăng. Một đại chủng viện quốc gia mới đã được xây trong thủ đô La Habana. Giáo Hội cũng có các in ấn khác nhau được phổ biến và đánh giá cao. Con số các ứng sinh linh mục gia tăng. Giáo Hội cũng có thể sử dụng các phương tiện truyền thông mặc dù một cách chưa có hệ thống; và các biểu lộ đức tin công khai trở thành việc bình thường. Bằng chứng là chuyến thánh du của tượng Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng tại khắp nơi trong toàn nước Cuba trong suốt 15 tháng trời vươt qua hơn 30.000 cây số đường dài. Chuyến thánh du của tương Đức Mẹ đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người dân Cuba. Sự tham dự của tín hữu đã thật là ngoại thường trên bình diện số người tham gia cũng như trên bình diện phẩm chất là lòng hăng say sốt sắng. Đề tài tôn giáo không còn là cái gì cấm kỵ hay một sự kiện thuộc lãnh vực cá nhân nữa. Đức tin có một chiều kích và sự hiện diện công cộng, xã hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, hồi năm 2010 Giáo Hội đã nắm giữ vai trò trung gian cho việc trả tự do cho một nhóm tù nhân chính trị. Đức Hồng Y đã là một trong các nhân vật làm trung gian này, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Chính nhà nước Cuba đã xin Giáo Hội làm trung gian liên quan tới vấn đề tù nhân chính trị, khi các tù nhân chính trị yêu cầu chủ tịch Raul Castro có thái độ đúng đắn đối với các bà vợ và các bà mẹ của họ biểu tình yêu cầu nhà nước trả tự đo cho chồng con của họ. Chủ tịch Castro đã lập tức xin Giáo Hội làm trung gian với các thân nhân của các tù nhân chính trị. Các phụ nữ này không chỉ yêu cầu nhà nước cải tiến các diều kiện sống của chồng con họ, mà còn đòi hỏi phải trả tự do cho họ nữa. Và chính quyền đã quyết định trả tự do cho họ, một cách từ từ. Một số các tù nhân đã di cư sang Tây Ban Nha, trong khi 12 người khác ở lại Cuba. Vấn đề ban đầu chỉ liên quan tới 53 tù nhân bị bắt giữ trong ”Mùa xuân đen” năm 2003, nhưng sau cùng đã kết thúc với việc trả tự do cho 130 tù nhân. Và như thế trong nhà tù không có các tù nhân chính trị nữa.

Hỏi: Hồi năm ngoái 2011 đã có một vụ ân xá khác nữa cho các tù nhân, có phải vậy không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, hồi trước lễ Giáng Sinh năm ngoái, để mừng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha và để cử hành Năm Thánh, chủ tịch Raul Castro đã ân xá cho gần 3.000 tù nhân thường phạm vì lý do nhân đạo và nhờ lời yêu cầu của Giáo Hội công giáo và các Giáo Hội kitô khác. Giáo Hội đánh giá tích cực sự kiện nhà nước đã xin tham dự vào tiến trình này.

Hỏi: Và đó đã là một sự tham dự chưa từng có...

Đáp: Sự hiện diện và sự tham dự của Giáo Hội vào các lãnh vực xã hội của đất nước là một cái gì hoàn toàn mới mẻ so với thời Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Cuba cách đây 14 năm. Nhà nước tham dự để khiến cho Giáo Hội có thể chuẩn bị tiếp đón Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với một ý thức sâu xa hơn về ý nghĩa sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội cũng như ý nghĩa chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha.

(Avvenire 18-3-2012)
 
Diễn biến mới trong cuộc đấu tranh giành Tự Do Tín Ngưỡng tại Hoa Kỳ.
Trần Mạnh Trác
23:59 21/03/2012
Những nỗ lực xoa dịu giới cử tri Công Giáo của chính quyền Obama, đặc biệt bản thông cáo công bố vội vàng vào cuối chiều thứ Sáu trước lể St Patrick Day, đã không đưa lại kết quả mong muốn cho chính quyền.

Nhiều chiến dịch vận động quần chúng, từ biểu tình cho tới cầu nguyện tập thể, đã được các đòan thể giáo dân và hàng giáo phẩm công bố để bảo vệ sự Tự Do Tín Ngưỡng.

Chiến dịch xoay quanh đề tài "Cầu nguyện cho Tự do Tôn giáo", đồng thời tạo nên "một tiếng nói rõ ràng và thống nhất" để bảo vệ quyền lương tâm "trong giờ phút quyết định lịch sử của đất nước."

Họat động giáo dân:

Ngày 23 tháng 3 này, 120 cuộc biểu tình do Liên đoàn "Hành động Phò Sự Sống" sẽ được tổ chức trên nhiều thành phố lớn của hầu hết các tiểu bang. Liên Đòan kêu gọi các giáo dân tham gia tại các địa điểm sau:

http://standupforreligiousfreedom.com/locations/

Khởi đầu Liên đòan chỉ hy vọng sẽ tổ chức biểu tình tại 50 di tích lịch sử và các cơ sở liên bang mà thôi, nhưng sau khi tin tức được loan ra, thì nhiều đòan thể Công Giáo đã nhập cuộc và ghi danh, và chỉ trong vòng có hai tuần lễ, số địa điểm đã tăng lên đến 120.

"Tôi không thể tin được," theo lời tuyên bố ngày 20 tháng 3 của ông Eric Scheidler, giám đốc điều hành của Liên đoàn, "Tôi nhận được điện thoại từ người dân khắp nơi trên đất nước."

"Nhiều thành phố và thị trấn mới đã được ghi thêm vào chương trình biểu tình mỗi ngày...Trước lúc Cuối Tuần chúng tôi mới chỉ có 110 thành phố, vào ngày Chúa Nhật thì con số đã tăng lên đến 120 và còn tiếp."

Ông lưu ý rằng "Số lượng bài đăng trên các blog, những câu chuyện kể, và các cuộc đàm luận trên Facebook là những dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của dân chúng đã lên rất cao". Dựa trên các dấu hiệu của cả hai phương tiện truyền thông Internet và truyền thông truyền thống (Điên thọai, báo chí), ông hy vọng số người tham dự có thể đạt tới số hàng chục ngàn.

Ngày 23 tháng 3 tới là ngày Thứ Sáu trước Lễ Truyền Tin. Ngày đó cũng là ngày kỷ niệm lời phát biểu bất hủ của ông Patrick Henry, từng là khẩu hiệu cho tinh thần cách mạng của người Mỹ từ năm 1775 cho đến nay, "Cho tôi tự do, hoặc tôi thà chết".

Chương trình của hàng giáo phẩm:

Ngòai các họat động của các đòan thể giáo dân, hàng giáo phẩm Hoa kỳ cũng bắt đầu một chương trình giáo dục đại chúng khởi đầu bằng một chương trình cầu nguyện.

Hội Đồng Các giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi "mọi người Công giáo và tất cả những người có đức tin trên toàn quốc thực hiện một ngày cầu nguyện và ăn chay cho tự do tôn giáo và bảo vệ lương tâm" vào ngày 30 tháng 3.

"Cầu nguyện là nguồn gốc tối hậu của sức mạnh của chúng ta," bản kêu gọi viết, "không có Thiên Chúa, chúng ta không thể làm gì, nhưng với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể."

Các giám mục kêu gọi mọi người hiệp thông với hàng giáo phẩm "trong lời cầu nguyện và đền tội cho các nhà lãnh đạo của chúng ta và để bảo vệ đầy đủ quyền tự do "thứ Nhất" - tự do tôn giáo - không chỉ là bảo vệ pháp luật và phong tục, nhưng còn bảo vệ cái nguồn gốc của các truyền thống vĩ đại của chúng ta. "

Các hướng dẫn được đăng trên trang web của Hội Ðồng Giám Mục:

http://www.usccb.org/issues-and-action/religious-liberty/conscience-protection/resources-on-conscience-protection.cfm

Các thẻ "Cầu nguyện cho Tự do Tôn giáo" được xuất bản bằng Anh ngữ và Tây Ban Nha, với các hình ảnh khác nhau: Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của Hoa Kỳ, Đức Bà Guadalupe, bổn mạng của các nước châu Mỹ và của những trẻ chưa sinh, và Thánh Thomas More, vị thánh bảo trợ của nghề luật và của những người chịu tử đạo cho niềm tin tôn giáo của mình.

Chiến dịch Cầu Nguyện thừa nhận rằng "quyền sống, quyền tự do, và mưu cầu hạnh phúc" của con người đến từ "bàn tay quan phòng của Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa."

Do đó con người có "quyền và nghĩa vụ" để thờ phượng Thiên Chúa bằng cách sống đức tin "ở giữa thế giới".

Và con người phải sử dụng "sức mạnh của tâm trí và trái tim để sẵn sàng bảo vệ quyền tự do khi bị đe dọa," cũng như "can đảm cất cao tiếng nói cho các quyền của Giáo Hội và cho quyền tự do lương tâm của tất cả mọi người có đức tin."

Lời cầu nguyện cầu xin Thiên Chúa hộ phù để vượt thắng mọi thử thách và gian nguy, để những thế hệ tương lai có thể tiếp tục trải nghiệm sự vĩ đại của nước Mỹ là "một quốc gia, dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, không thể phân ly, với tự do và công lý cho tất cả mọi người."

Lý do và diễn biến về những chiến dịch cho Tự Do Tôn Giáo.

Cuộc tranh luận về các quy tắc Ngừa Phá Thai đã gia tăng cường độ trong những tuần gần đây, sau khi Tòa Bạch Cung thông báo ngày 20 tháng 1 là sẽ áp dụng mà không hề có thay đổi nào về Sắc Lệnh được bộ Y Tế và Nhân Sinh đề nghị vào tháng 11 năm ngóai.

Nhắc lại vào tháng 11 năm ngóai sau khi đưa ra đề nghị và "thu thập ý kiến", Obama đã gặp riêng với ĐHY Dolan và long trọng hứa hẹn "rằng ông sẽ không làm gì để cản trở công việc của giáo hội trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và từ thiện, và rằng ông coi việc bảo vệ lương tâm là một nhiệm vụ thiêng liêng."

ĐHY Dolan cho biết ngài đã cảm thấy rất ấn tượng với vị Tổng Thống tại Phòng Bầu Dục, ngài đã rời cuộc họp với một cảm giác yên tâm.

Trong những tháng kế tiếp, chính quyền và phe Cấp Tiến đã âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh truyền thông ồ ạt trong khi HĐGM HK và các giới Công Giáo đặt niềm tin vào lời hứa của vị lãnh đạo Quốc Gia, nhẫn nại đóng góp ý kiến cho chính quyền và chờ đợi.

Khi bà bộ trưởng Sebelius công bố các quy định 'kết cuộc' vào ngày 20 tháng 1, ĐHY Dolan nói rằng ngài đã bị sốc, và rõ ràng cảm thấy bị phản bội.

Những miễn trừ chỉ áp dụng cho những nơi thờ phượng mà thôi.

Đối với Giáo Hội, Nhà Nước lấy quyền mà quyết định 'thế nào mới thực sự là một công việc Mục Vụ của Giáo hội' là một sự xâm phạm.

Lập tức các cơ quan truyền thông của phe Obama cáo buộc các giám mục là phát động một "cuộc chiến tranh chống lại phụ nữ" và trình bày các lập luận của Obama như là một cuộc tranh luận về quyền truy cập vào các lợi ích phòng bệnh.

Động thái của chính phủ rõ ràng là một hành vi lường gạt. Nhiều tôn giáo và hàng ngàn học giả đã lên tiếng ủng hộ Công Giáo và ngay cả Sơ Keehan là người từng ủng hộ Obama cũng phải gọi đó là một sai lầm. Obama đã nhanh chóng rút lui, ra lệnh sửa đổi.

Một lần nữa chính quyền Obama làm việc mà không có sự tham gia của HĐGM, chỉ dựa vào ý kiến của Sơ Keehan. Kết quả là những "thích ứng" công bố ngày 10 tháng 2, chuyển trách nhiệm cung cấp các dịch vụ Ngừa Phá Thai từ người sử dụng lao động tôn giáo qua các hãng bảo hiểm. Sơ Keehan ngay lập tức hoan nghênh kế hoạch.

Obama gọi điện thoại cho ĐHY Dolan vào buổi sáng để công bố kế hoạch. ĐHY Dolan kể lại "Tôi nói với tổng thống,'Thưa TT, ngài muốn yêu cầu tôi suy nghĩ về điều này? hay là ngài tìm hiểu để xem điều này có thể đựơc không? Hay là ngài muốn nói với tôi rằng đây là quyết định của ngài?' " ĐHY Dolan cho biết câu trà lời của Obam là " là điều sau cùng. " (là quyết định)

Sau khi bàn thảo, HĐGM HK tuyên bố những "thích ứng" là không đủ, và các giám mục quyết định tiếp tục tranh đấu.

Mục tiêu chính của cuộc tranh đấu không phải là vì vấn đề kiểm sóat sinh sản của Chính Quyền, mà chính là vì chính quyền đã đặt để một định nghĩa rất hẹp hòi thế nào là tôn giáo.

"Giáo Hội không ép buộc bất cứ ai phải làm điều gì", bản thông cáo của HĐGM HK ngày 14 tháng 3 viết, nhưng vấn đề ở đây là "Giáo Hội đang bị ép buộc bởi một sắc lệnh của chính phủ Liên Bang, đòi hỏi những tín hữu và một số các cơ quan của giáo hội phải hành động trái nghịch với giáo huấn của giáo hội."

Các giám mục nhấn mạnh rằng "cuộc tranh đấu này không phải là nhắm vào việc cấm đóan cung cấp thuốc ngừa thai. Thực ra các lọai thuốc ngừa và phá thai đã bầy bán đầy dẫy ở khắp nơi với một giá rẻ mạt" ($9 tại các quầy hàng Safeway chẳng hạn)

Nhưng cuộc tranh đấu cần phải tiếp tục là vì đây là một sắc lệnh "không chính đáng" và "chưa từng có" của chính phủ đòi xác định lại "thế nào là một người có đức tin và thế nào mới được kể là những công việc mục vụ của một giào hội."

Do đó sắc lệnh này cần phải bị dẹp bỏ.

Chỉ 2 ngày sau khi Hội Đồng Các Giám Mục Hoa Kỳ tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc tranh đấu cho Tự Do Tín Ngưỡng, chính quyền Obama lại vội vã tung ra một đòn phép mới, là một thông báo gọi là “Advance Notice of Proposed Rulemaking on Preventive-Services Policy” (Thông báo trước về dự thảo của qui tắc áp dụng cho chính sách 'ngừa bệnh').

Để mua thêm thời gian, bản thông cáo cũng công bố một thời kỳ "thu thập ý kiến 90 ngày" mới.

Đồng thời chính quyền cũng tung ra nhiều 'tin hành lang' do những nhân viên 'giấu tên' rằng "sẽ cho phép các nhóm Tôn Giáo - giáo phận, giáo phái và những người khác - quyết định về các tổ chức trực thuộc là 'Tôn Giáo' hay không, và do đó được miễn trừ "

Để giải quyết sự lo ngại của các giám mục là Chính phủ có thể dựa vào Sắc Lệnh này mà làm tiền lệ cho các quyết định hành chánh khác trong tương lai với mục đích lọai trừ tôn giáo ra khỏi các dịch vụ xã hội, bản thông cáo ghi chú rằng "những miễn trừ tôn giáo này được dự định chỉ duy nhất cho mục đích bảo hiểm tránh thai" và không "thiết lập một tiền lệ cho bất kỳ mục đích nào khác."

Ông Stephen F. Schneck, giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách & Nghiên cứu Công giáo tại Đại học Catholic, cho rằng những đề nghị trên có thể là một khởi đầu cho sự tiến bộ.

Nhưng một số các cơ quan pháp lý của Công Giáo khác đã lên tiếng chỉ trích bản thông cáo chỉ là một 'cái thùng rỗng'.

Hội 'The Cardinal Newman Society' ( 'Hội Đức Hồng Y Newman') tỏ ý thất vọng. "Không có gì để làm giảm sự vi phạm Tự do Tín Ngưỡng tại các trường cao đẳng Công giáo".

Và Quỹ Becket đại diện cho một số thách thức pháp lý liên quan đến sắc lệnh 'ngừa phá thai.' cho rằng "Hành động của chính quyền chỉ là một chiến thuật trì hoãn."

Ngay cả Sơ Carol Keehan, chủ tịch Hiệp hội Y tế Công giáo, đại diện cho hàng trăm bệnh viện Công Giáo, cho biết Sơ và các thành viên "sẽ phải xem xét kỹ lưỡng" trước khi trả lời.

Hy vọng Sơ Keehan lần này sẽ học được bài học sau khi đã bị "hố" tới 2 lần với chính quyền Obama.

Tương lai cuộc đấu tranh

Người Việt Nam có câu "quá tam ba bận", nghĩa là không nên tin ai đã lừa phỉnh mình.

Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy thái độ của giới Công Giáo là nghi ngờ thiện chí mới của chính quyền này.

Vả lại đây chỉ là một đề nghị. Không có gì bảo đảm sau 90 ngày, Obama sẽ không tiếp tục công bố "không có gì thay đổi cả".

Lúc đó thì tình thế sẽ khác xa lắm.

Ngay bây giờ, có vẻ như các giám mục đang trên đà thắng thế với khẩu hiệu "tự do tôn giáo", ít ra là trên bình diện thống kê ngôn luận.

Lập luận của chính quyến cho rằng hầu hết người Mỹ, đặc biệt là giới phụ nữ, đang hổ trợ sắc lệnh cùa Bộ Y tế là hòan tòan sai sự thật. Các cuộc thăm dò chứng minh điều đó.

Tờ New York Times cho biết cuộc thăm dò mới nhất giữa hai câu hỏi "kế hoạch bảo hiểm y tế nên bao gồm các chi phí kiểm soát sinh đẻ " và "chủ nhân lao động với niềm tin tôn giáo có thể chọn không tham gia lọai bảo hiểm này" thì giới phụ nữ có vẻ chia đều nhau.

Nhưng thục sự tờ Times đã gian giối khi bình luận (có sự chia đều nhau) như vậy, sự thực thì tỷ số là 46-44, với 46% phụ nữ ủng hộ sự miễn trừ tôn giáo cho tất cả mọi người sử dụng lao động. Trong trường hợp chủ nhân là một cơ quan liên hệ với tôn giáo, thì tỳ số còn lớn hơn: 53-38.

Với đàn ông, số người ủng hộ sự miễn trừ còn cao hơn nữa, nâng tỷ số chung cho cả hai giới là 57-36 (cho phép người sử dụng lao động tôn giáo được miễn trừ)

Cuộc thăm dò của Wall Street Journal/NBC News cũng cho thấy kết quả tương tự: 49-34%.

Nhưng những con số thống kê sẽ thay đổi tùy theo cảm tính nhất thời của thời cuộc. Điều quan trọng của cuộc đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo là tin tưởng, kiên trường và đòan kết.

Mà với những điểm này thì giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ mới đây đã chứng tỏ là một lực lượng có sức mạnh.
 
Top Stories
Vatican moves toward beatification of Vietnamese cardinal
AFP
15:20 21/03/2012
A Vatican delegation is heading to Vietnam to advance the beatification of a cardinal who spent 13 years in detention following the fall of South Vietnam, church media said.

The delegation will visit Vietnam from March 23 to April 9 to speak to people who knew Francois-Xavier Van Thuan, media said.

Van Thuan was appointed Saigon's assistant archbishop a week before the South Vietnamese capital fell to communist forces in April 1975, marking the end of the Vietnam War.

Van Thuan, who was the nephew of Ngo Dinh Diem, South Vietnam's first president until his assassination in 1963, was then locked up in a detention camp in the town of Nha Trang.

In his cell, he wrote meditations on his spiritual experiences on the back of old calendars.

In an interview with missionary news agency Fides on Tuesday, Vietnamese Bishop Paul Nguyen Thai Hop said Van Thuan was a man "who had the Gospel as his only criteria."

After he was freed in 1989, he was forced into exile in Rome, where he eventually was made cardinal by Pope John Paul II. Van Thuan died in 2002.

Beatification is a high Catholic honour that bestows the title of "Blessed". It is one step away from canonisation, which bestows sainthood.

About seven percent of Vietnam's population is Roman Catholic.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ tĩnh tâm Mùa Chay SVCG Vinh
Pet. Vĩnh Yên
07:49 21/03/2012
Trong tâm tình sám hối mùa chay, được sự quan tâm đặc biệt của Đức giám mục, quý cha trong ban đặc trách giới trẻ cùng cha Antôn Hoàng Trung Hoa đặc trách sinh viên giáo phận. Quý Cha đã nhận thấy được sự cần thiết giúp đỡ các bạn trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên công giáo về việc nhìn lại bạn thân mình trong đời sống tâm linh thường ngày. Giúp các bạn trẻ thanh tẩy đền thờ tâm hồn của chính mình để đón rước Chúa như thuở xưa dân Chúa chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua.

Xem hình ảnh

Như chương trình đã thông báo, sáng Chúa nhật IV mùa chay đã diễn ra Thánh lễ và chương trình tĩnh tâm cho các bạn sinh viên và những người làm ăn xa quê hiện đang sinh sống, học tập và sinh hoạt tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Dường như đây là cơ hội để các bạn trẻ được gặp gỡ Thiên Chúa, được sống tâm tình cùng với Ngài sau những ngày tháng lăn lộn miệt mài học tập và làm việc. Ý thức được vấn đề thanh tẩy tâm hồn là việc cần thiết và quan trọng đối với người Kitô hữu, chính vì thế mà từ rất sớm ngôi thánh đường giáo xứ Cầu Rầm đã kín chỗ. Mặc dù có những bạn sinh viên phải đi cả chẳng đường dài gần 20 km để tham dự.

Khởi đầu chương trình của ngày tĩnh tâm hôm nay là Thánh lễ Chúa nhật IV mùa chay vào lúc 7h do cha trưởng ban đặc trách giới trẻ giáo phận Fx Hoàng Sỹ Hướng cử hành. Với tâm tình sốt mến mùa chay Thánh lễ diễn ra trong sự trang trọng và linh thiêng. Giảng trong Thánh lễ Cha Fx đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của mùa chay trong chương trình phụng vụ của Giáo hội. “ Mùa chay không chỉ là mùa sám hối ăn năn, mùa thanh tẩy đền thờ tâm hồn mà còn là nơi kín múc nguồn ơn cứu độ của nhân loại. Hơn ai hết các bạn sinh viên cần phải hiểu và sống tâm tình mùa chay bằng cả tâm hồn và lòng mến thực sự. Bởi môi trường sống của các bạn trẻ ở xã hội hiện nay có vô vàn cảm bẩy, đầy dậy những thú vui đang rình rập và cuốn hút các bạn. Chính vì thế các bạn cần chảy đến và kín múc sức mạnh từ nơi Thiên Chúa để nuôi dưỡng tâm hồn mong manh nhỏ bé của chính mình.” Cùng với bàn tiệc lời Chúa nuôi dưỡng chúng ta qua vị mục tự thì Thiên Chúa cũng luôn dọn sẵn bàn tiệc Thánh thể của chính mình và máu con một Ngài làm lương thực Thần linh dưỡng nuôi chúng ta trong suốt hành trình lữ thứ nơi trần gian.

Kết thúc Thánh lễ là giờ tịnh tâm đặc biệt dành cho các bạn sinh viên, Cùng với tâm tình của vị chủ tế trong Thánh lễ, linh mục Anrê Phạm Hòa Lạc linh hướng ĐCV Vinh Thanh cũng đã khơi gởi tâm hồn các bạn trẻ trong giờ giảng tịnh tâm. Đến với các bạn sinh viên hôm nay cha Anrê đã mang tới chủ đề tịnh tâm “Hãy Trỗi Dậy” khá là mới mẻ và phù hợp với tâm tình mùa chay cũng như sát sao với các bạn trẻ. Đầu tiên Ngài khơi gởi tâm hồn nguội lạnh của các bạn trẻ bằng mối tương quan với Thiên Chúa. Ngài đưa ra các câu hỏi nhằm giúp các bạn trẻ nhận định vị trí của Thiên Chúa ở trong chính mình: “ Chúa có ở vị trí nào trong cuộc đời con? Con có đặt Chúa ở vị trí sâu nhất và cao nhất của đời con không? Con đã tham dự bí tính Thánh thể và Hòa giải với tâm tình và thái độ như thế nào? Lòng tin, lòng cậy và lòng mến của con hiện giờ ra sao?...” Với những câu hỏi đặt ra nhằm chất vấn tâm hồn của chính mình và được Cha Anrê chỉ ra những phương thế hữu hiệu giúp các bạn sinh viên tìm và nhận định lại mối tương quan với Thiên Chúa trong đời sống thường nhật của mình. Bên cạnh đó Cha Anre còn giúp các bạn sinh viên nhận ra mối tương quan với tha nhân: “ Con đã sống tình bác ái yêu thương như thế nào? Có sẵn sàng tha thứ cho người khác không? Con có hy sinh quyên mình để người khác được hạnh phúc và triển nở không? Con có cởi mở, khiêm tốn đi bước trước đến với tha nhân chưa?...”

Với những câu hỏi chất vấn lương tâm các bạn sinh viên như vậy, phần nào giúp các bạn trẻ tự tìm cho mình câu trả lời chân thành mà chỉ có chính mình và Thiên Chúa mới nhân biết được. Ngoài hai mối tương quan trên cha Anrê đã chỉ ra cho các bạn thêm một mối tương quan mà dường như mọi người rất ít để tâm tới đó là mối tương quan với chính mình. Cũng bằng những câu hỏi tự chất vấn chính mỗi người trẻ: “ Con có chấp nhận

những giới hạn của mình không? Có yêu mến và tha thứ cho chính mình chưa? Con có quý trọng thân xác mình là nơi Chúa hiện diện không? Có để cho thân xác mình bị ô nhơ bởi sách báo, phim ảnh, dục vọng, đam mê và khoái lạc thấp hèn không? Con đã sử dụng thời giờ, tiền bạc và năng lực Chúa ban cho con như thế nào?... ”.

Bằng những câu hỏi sát với thực trạng của mỗi người trẻ, cùng với những phương thế sống mà Cha Anrê đã đưa ra cho các bạn sinh viên dường như đã thấu tâm can và phá vỡ bức tường thành cạn ngăn sởi dây tương quan của mỗi người. Thiết nghị rằng phải chăng những câu hỏi mà Cha Anre đã đặt ra cho mỗi người trẻ cũng chính là những câu hỏi mà rồi đây chính Chúa Giêsu sẽ hỏi mỗi người trước tòa phán xét vào ngày sau hết.

Sau những huấn từ của Cha Anrê Phạm Hòa Lạc thì dường như các bạn sinh viên đã phần nào xác định và nhận ra chính mình đang ở vị trí nào trong tình yêu của Thiên Chúa. Cùng với tâm tình sốt mến mà cha Anrê đã lan truyền là những phương cách xét mình giúp các bạn đến với bí tích Hòa Giải cởi mở tâm hồn cùng Thiên Chúa. Kết thúc giờ tĩnh tâm dành cho sinh viên là thời gian dành riêng cho mỗi người đến với tòa cáo giải để

mạc lấy con người mới cho chính mình. Tiếp đó là hai giờ chầu suy niệm thinh lẳng trước thánh thể Chúa, trong tâm tình trang nghiêm sốt mến mỗi một người trẻ đang trầm tư suy niệm và chiêm ngắm thánh nhan Chúa. Bằng những bản nhạc hòa tấu du dương đã dẫn nâng tâm hồn của mọi người lên với Chúa.

Sau hết kết thúc chương trình tịnh tâm là buổi gặp mặt của hơn một ngàn sinh viên đang học tập và sinh hoạt tại 16 nhóm trong hội sinh viên công giáo Vinh cùng với mười linh mục đã giúp giảng tỉnh tâm và giải tội bằng buổi cơm trưa đạm bạc nhằm két nối tình huynh đệ. Trên khuôn mặt thánh thiện và trong sáng của mỗi người là những nụ cười, những cử chỉ yêu thương được các bạn trao ban cho nhau sau những giây phút hồi tâm. Kếtthúc buổi tịnh tâm để rồi mở ra cho các bạn trẻ con đường mới, con đường luôn có hình bóng của Thiên Chúasoi dõi. Để từ đây các bạn trẻ kín múc lấy nguồn sinh khí dồi dào từ Thiên Chúa để vững bước trên con đườngchứng nhân.
 
Phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam thu thập chứng từ cho việc phong thánh ĐHY Nguyễn Văn Thuận
BBC
08:17 21/03/2012
Phái đoàn Tòa Thánh sang Việt Nam thu thập chứng từ cho việc phong thánh ĐHY Nguyễn Văn Thuận

Một phái đoàn Tòa thánh Vatican sẽ đến Việt Nam trong tháng này để thu thập chứng từ về việc phong Á thánh và Hiển thánh cho Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận.

Ngài từng là Tổng Giám mục phó Sài Gòn từ 1975 và bị chính quyền cộng sản bắt giam 13 năm tù, trước khi được Vatican vinh thăng Hồng y năm 2001 và qua đời năm 2002 tại Rome.

Giáo phận Rome, vào năm 2010, chính thức mở án phong Á thánh và Hiển thánh cho Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.

Một thông cáo vào ngày đầu năm 2012 của Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Giáo phận TP. HCM, cho hay "để được tuyên phong Á Thánh và Hiển Thánh, vị Tôi Tớ Chúa phải được Giáo Hội nhìn nhận là người có danh thơm tiếng tốt về sự thánh thiện và những nhân đức anh hùng".

Phái đoàn Vatican sẽ có khoảng hai tuần ở nhiều nơi tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội, TP. HCM, Huế, và Nha Trang, nơi Đức cố Hồng y từng là Giám mục Giáo phận (1967-1975).

Dự kiến chuyến công tác sẽ kết thúc vào ngày 9/04.

Thời gian qua, một số giáo phận ở Việt Nam đã gửi thư đề nghị những ai muốn làm chứng trước phái đoàn thì viết thành văn bản và gửi cho giáo phận.

Tù đày

Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1928 ở Huế, trong gia đình mẹ là bà Ngô Đình Thị Hiệp, em ruột của Giám mục Ngô Đình Thục và Tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa.

Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận khi bị tù ở miền Bắc Việt Nam sau 1975

Được thụ phong linh mục năm 1953, Ngài được cử đi du học tại Roma và đậu bằng tiến sỹ tại đó năm 1959.

Năm 1967, Ngài được chọn làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.

Tám năm sau, vào ngày 24/04/1975, Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị.

Nhưng rồi thay vì vào Sài Gòn để nhận nhiệm sở mới, Ngài bị bắt, trải qua 13 năm tù giam, tại nhiều trại giam khác nhau, trong đó có chín năm biệt lập.

Sau khi được thả năm 1988, Ngài sống lưu vong ở Rome, được phong chức Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình của Vatican năm 1998.

Ngài được phong Hồng y năm 2001, một năm trước ngày qua đời.
 
Giáo họ Vinh Hà: Tuần Đại Phúc trong Mùa Chay
Đức Sỹ
14:54 21/03/2012
Từ ngày 15/03 đến ngày 18/03, tuần chầu lượt của Giáo họ Vinh Hà đã diễn ra trong bầu không khí thánh thiêng, sốt sắng. Trong suốt thời gian cử hành tuần chầu, các giờ chia sẻ tĩnh tâm, giờ chầu Thánh Thể và Thánh Lễ luôn thu hút được sự tham gia đông đảo của bà con giáo dân.

Xem hình ảnh

Vinh Hà là một trong 11 giáo họ thuộc giáo xứ Buôn Hô, hạt Đắk Lắk I; nằm trên ranh phận xã Chưk Bô, Krông Buk, Đắk Lắk. Theo số liệu trên website “http://gpbanmethuot.vn”, Giáo họ Vinh Hà có hơn 2.200 giáo dân với 398 hộ. Được biết, đa phần bà con giáo dân nơi đây là những người gốc Giáo phận Vinh thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, di cư vào đây từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Với 11 giáo họ, tổng số giáo dân của giáo xứ Buôn Hô lên đến hơn 15.000 người (gồm cả sắc tộc) trải dài từ thị xã Buôn Hồ qua huyện Krông Buk đến huyện Ea H’leo dưới sự chèo lái của cha chính xứ Phêrô Trương Văn Khoa cùng với các cha phó Giuse Nguyễn Văn Huỳnh - SVD, cha Giuse Nguyễn Hoàng Sơn - CSsR và cha Phêrô Nguyễn Đức Tuyên. Với thực tế như vậy thì nhu cầu mục vụ đời sống đạo của giáo xứ nói chung và của giáo họ Vinh Hà nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Vinh Hà cũng là một trong 3 giáo họ biệt lập của giáo xứ Buôn Hô cùng với 2 giáo họ Pơng Drang và Ea H’leo.

Cha quản nhiệm giáo họ hiện nay là cha Giuse Nguyễn Văn Huỳnh – SVD (Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam). Ngài chính thức quản nhiệm Vinh Hà từ hồi tháng 9 – 2010 với vai trò là phó biệt cư, tức vừa là cha phó xứ Buôn Hô vừa đi truyền giáo theo sự bổ nhiệm của Tỉnh Dòng Ngôi Lời.

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, tuần chầu lượt của Giáo họ Vinh Hà năm nay diễn ra trong bầu khí trời mát mẻ, mưa thuận gió hòa. Những cơn mưa lớn đổ xuống nương rẫy khu vực này mà các vùng lân cận khác không có được, đã làm vơi đi khó nhọc của các giáo dân khi bước vào mùa tưới cà phê. Hồng ân Chúa càng được giáo dân nơi đây cảm nghiệm sâu sắc hơn khi có sự hiện diện đông đảo của quý cha trong hạt Đắk Lắk I, cha Phó Giám Tỉnh và các quý cha trong Tỉnh Dòng Ngôi Lời cùng về đồng tế trong thánh lễ khai mạc.

Để tuần chầu lượt gặt hái được nhiều kết quả linh thiêng, cha quản nhiệm và bà con giáo dân đã có sự chuẩn bị cần thiết và chu đáo về mọi mặt, nhất là việc chuẩn bị tâm hồn với khẩu hiểu thực hiện: “sống mầu nhiệm Giáo hội trong Đức tin”. Những ngày trước tuần chầu lượt, cha quản nhiệm đã mời cha Gioankim Nguyễn Ngọc Phúc Thịnh-SVD về cùng giúp bà con chuẩn bị tâm hồn. Có nhiều tâm hồn xa Chúa lâu năm, nay cũng trở lại xưng tội, rước lễ để đón nhận ơn Chúa.

Ngoài thánh lễ vào các buổi sáng thứ 5, thứ 6 và thứ 7 thì cũng vào buổi chiều của 3 ngày này có giảng tĩnh tâm, học hỏi, chia sẻ về nhiều chủ đề dành cho giới hiền mẫu, phụ huynh và giới trẻ. Sau các buổi giảng tĩnh tâm là những giờ phút tôn thờ Thánh Thể. Đó chính là điểm nhấn mới mẻ của tuần đại phúc năm nay mà đã tạo ra được hiệu quả rất tốt và sâu sắc đến bà con giáo dân.

Giảng tĩnh tâm trong 3 ngày là các cha đến từ Dòng Ngôi Lời; cha Pet. Nguyễn Trọng Hiếu – Phó Giám Tỉnh, cha An-tôn Thái Bá Đại và Cha An-tôn Võ Công Ánh. Các ngài đã đặc biệt hướng bà con giáo dân xoáy sâu vào tâm tình mùa Chay, nhận chân tình yêu của Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn thập giá của Chúa Giêsu. Quý cha giảng phòng đã nêu lên những thách đố, cám dỗ đối với đức Tin Công Giáo khi trào lưu sống ích kỷ, thụ hưởng chạy theo vật chất, đi ngược lại với luân lý và tín lý. Chính vì vậy, việc giáo dục trong gia đình công giáo có tầm quan trọng bậc nhất, là ngọn đuốc đức tin sống động và chiếu sáng cho mọi người. Chính từ gia đình mà mỗi thành viên được nên thánh. Chia sẻ trong dịp tĩnh tâm này quý cha giảng phòng còn quảng diễn cho bà con giáo dân thấy được rằng, dù ở đấng bậc nào hay ở một địa vị nào đó thì tất cả mọi người chúng ta đều có một ơn gọi, đó là ơn gọi NÊN THÁNH. “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”, (Mt 5,48).
“…Lời mời gọi nên thánh được gửi đến mỗi người chúng ta, là những người đang sống giữa cuộc đời còn đầy gian truân trắc trở. Tuy vậy lời mời gọi này nhiều khi không được đón nhận và đáp trả. Chúng ta thường có khuynh hướng ưa bóng tối hơn ánh sáng, thích sống đời này hơn đời sau, chọn thỏa mãn những gì chóng qua hơn là hạnh phúc vĩnh cửu…”. Quý cha giảng phòng đã cụ thể hóa “Kinh cải tội bảy mối” như là cốt lõi cho bài chia sẻ và quan trọng hơn như là một bản xét mình để giúp mọi người có thể nhìn lại chính mình, nhìn lại thái độ của mình đối với Chúa và nhìn lại cuộc sống của mình đối với anh chị em xung quanh; và cần phải tập nhân đức gì để sửa mình và sống tốt hơn.
Sau thánh lễ cao điểm tuần chầu-Chúa nhật IV mùa Chay, là những giờ phút linh thiêng của đoàn con giáo dân Vinh Hà quây quần bên Thánh Thể Cha nhân hiền Giêsu. Đây chính là những giờ phút để mọi người lắng đọng, cảm nghiệm sau xa về tình yêu, về muôn vàn hồng ân Chúa đã ban suốt thời gian qua và nhất là trong tuần chầu này.
Giờ chầu chung đã khép lại tuần chầu lượt của giáo họ trong âm hưởng của niềm vui và niềm tin. Niềm vui vì một tuần đại phúc chắc hẳn đã và sẽ giúp cho giáo dân Vinh Hà chiêm nghiệm, nhìn ngắm sâu hơn về bản thân, về sự yếu hèn của mình. Niềm tin vì có “Thiên Chúa là tình yêu”, (1Ga 4,8), và vì lòng vị tha vô bờ của Thiên Chúa giúp con người vững bước trên đường lữ thứ trần gian.

Hy vọng sẽ có nhiều những thay đổi tốt đẹp, những xây dựng nền móng vững chắc cả về cơ sở vật chất lẫn con người nơi đây. Như vậy thì niềm tin vào một tương lai không xa, từ một họ đạo Vinh Hà sẽ vươn mình lớn mạnh thành một giáo xứ Vinh Hà hùng mạnh theo ước muốn của tiền nhân khi lựa chọn đặt tên cho vùng đất của mình.
 
Thánh lễ khai mạc Năm Thánh giáo xứ Lào Cai
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
14:58 21/03/2012
Hưng Hóa: Ngày 19.03.2012, ĐTGM Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, chủ tế Thánh lễ khai mạc Năm Thánh, kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Cùng đồng tế với ĐTGM, có Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục Giáo phận Hưng Hóa, cha tổng đại diện và 20 linh mục. Tham dự Thánh lễ còn có các thầy phó tế, các tu sĩ nam nữ và khoảng 3 ngàn giáo dân đến từ nhiều giáo xứ trong và ngoài Giáo phận.

Nhân dịp này, giáo xứ Lào Cai cũng mời chính quyền địa phương tới chung vui. Ngoài chính quyền tỉnh Lào Cai, thành phố Lào Cai, giáo xứ còn mời 6 huyện và 15 phường – xã có liên quan. Đây cũng là dịp thuận lợi để chia sẻ và cảm thông với nhau.

Trong chuyến viếng thăm 2 ngày tại giáo xứ Lào Cai, ĐTGM chủ tế 2 Thánh Lễ: Cung hiến nhà thờ và khai mạc Năm Thánh, kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Hơn nữa, ĐTGM lần đầu tiên nghỉ đêm tại một giáo xứ ở Giáo phận Hưng Hóa nhân chuyến viếng thăm mục vụ.

Trước khi bước vào Thánh lễ, một vị đại diện đã đọc lược sử giáo xứ từ khi hình thành đến nay. Giáo xứ được thành lập từ năm 1912 dưới thời Đức Cha Paul Ramond (Lộc). Giáo xứ Lào Cai nằm trong 7 huyện và 1 thành phố thuộc tỉnh Lào Cai, diện tích khoảng hơn 7 ngàn km2.

Theo phân bố địa lý, Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp Yên Bái và Sơn La.

Lào Cai có 27 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh, H’Mông, Tày, Dao, Giáy là chủ yếu. Vì có nhiều dân tộc cùng sinh sống nên Lào Cai có nền văn hoá đa dân tộc và giàu bản sắc. Vì thế, Lào Cai cũng là một miền đất hứa về truyền giáo, nhưng cũng là một thách đố rất lớn cho công cuộc truyền giáo.

Đúng 9g15: Đoàn đồng tế bắt đầu tiến vào lễ đài trong tiếng kèn vang: “Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa”. Đúng vậy, sự hiện diện của mọi người nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho giáo xứ Lào Cai trong 100 năm qua.

9g30: Thánh lễ được cử hành. Mọi người đều cảm thấy rất vui khi nghe ĐTGM nói bằng Việt câu: “Chúa ở cùng anh chị em… Anh chị em thân mến…”

Chia sẻ trong Thánh lễ, ĐTGM nói về những khó khăn mà các gia đình hiện nay đang gặp phải: “…Tại Châu Á nói chung, và Việt nam nói riêng, con cháu chúng ta đang ở trong những nguy hiểm nếu họ không nhận ra “Đấng Sáng Tạo thật sự của Sự Sống!” Đức Kitô là con đường duy nhất dẫn đến Sự Sống đời đời.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho thánh Giuse sức mạnh để tin vào lời loan báo của thiên thần. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho anh chị em, những bậc làm cha mẹ và những đôi hôn nhân, sức mạnh canh tân đời sống gia đình anh chị em theo như thánh ý Thiên Chúa mong muốn…”.

ĐTGM cũng nói lên niềm hi vọng vào Đức Kitô phải là cứu cánh: “Nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta phải “hy vọng trên tất cả mọi hy vọng” (Rm 4:18) và không sợ để tin tưởng, hy vọng và yêu thương; không sợ để nói rằng: Đức Giêsu là là Đường, là Sự thật, và là Sự Sống, và chúng ta chỉ có thể được cứu độ bởi Đức Giêsu mà thôi”.

Sau Thánh lễ, cha quản xứ Lào Cai thay mặt cho giáo xứ cám ơn ĐTGM, Đức cha, cha Tổng đại diện, chính quyền các cấp và mọi thành phần dân Chúa, trong đó có đoạn nói: “Hôm nay, một biến cố trọng đại đã đến với chúng con. Đó là kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Đứng trước sự kiện lớn lao này, chúng con chỉ biết Tạ Ơn Thiên Chúa, cám ơn đời, biết ơn người.

Nhân dịp trọng đại này, được sự cho phép của Tòa Thánh, được sự đồng ý của Đức cha giáo phận, được sự chấp thuận của chính quyền tỉnh Lào Cai, giáo xứ Lào Cai tổ chức mừng kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ (từ ngày 19.03 đến ngày 29.06) trong niềm tri ân và cảm tạ”.

Trong niềm vui hân hoan mừng Năm Thánh và đúng ngày 19.03, lễ Thánh Giuse, quan Thầy của nhiều người nam giới trong đó có cả các linh mục và các thầy phó tế, hiện diện trên lễ đài, giáo xứ Lào Cai cũng chúc mừng và tặng hoa các đấng. Hơn nữa, vì lòng hiếu khách, giáo xứ cũng cám ơn và tặng hoa các linh mục hiện diện trong Thánh lễ.

Thánh lễ kéo dài 1 tiếng 45 phút trong sự nghiêm trang và sốt sáng. Đây là sự kiện lớn nhất đối với giáo xứ Lào Cai từ ngày thành lập đến này. Vì thế, Thánh lễ khai mạc hôm nay mở ra một thời khắc lịch sử và thời gian ân sủng cho giáo xứ.
 
Tĩnh Tâm Mùa Chay tại Cộng đoàn Việt Nam tại Miami
LM Giuse Nguyễn Kim Long
23:42 21/03/2012
Mùa Chay kéo dài 40 ngày là thời gian thánh thiện nhất trong năm Phụng vụ để mỗi người Ki-tô hữu có cơ hội dừng chân trong dòng đời bận rộn, lo âu, nhìn lại chính mình, sửa đổi tật xấu và thăng tiến đời sống thiêng liêng. Mùa Chay cũng là dịp để các xứ đạo hoặc cộng đoàn có những ngày tĩnh tâm giúp anh chị em giáo dân cầu nguyện, sám hối và lãnh bí tích Hòa giải.

Xem hình ảnh

Cộng đoàn Đức Mẹ Lavang, một cộng đoàn Công giáo Việt Nam duy nhất của Tổng giáo phận Miami, cũng đã cố gắng tổ chức ba ngày Tĩnh Tâm, Sám hối và Xựng tội nhằm giúp anh chị em giáo dân chuẩn bị tâm hồn mừng Đại lễ Phục sinh.

Ba ngày Tĩnh Tâm của Cộng đoàn diễn ra từ ngày thứ Hai 19-03 đến thứ Tư 21-03 với chương trình bắt đầu từ 8:00 tối có giảng, Thánh Lễ. Ngày cuối cùng là thứ Tư chỉ có Sám hối và Xưng tội. Chương trình của ba ngày đều bắt đầu lúc 8:00 tối vì đó là thời gian thuận tiện để anh chị em giáo dân có thể đến tham dự sau một ngày làm việc.

Chủ đề chung của Ba ngày Tĩnh Tâm là: THẬP GIÁ ĐỨC KI-TÔ.
Ngày đầu tiên, cha giảng tĩnh tâm triển khai chủ đề: Thập giá Đức Ki-tô biến đổi cuộc đời người.
Ngày thứ hai, ngải triển khai đề tài: Thập giá Đức Ki-tô nảy sinh tình đệ huynh.
Bài hát làm nền cho những ngày Tĩnh tâm: THẬP GIÁ ĐỨC KI-TÔ, một bài hát sinh hoạt quen thuộc với mọi người.

Số người tham dự trong hai ngày có chia sẻ chủ đề vào khoảng trên 200, một con số tương đối so với số giáo dân ghi danh vào Cộng đoàn. Riêng ngày thứ Tư có Sám hối, Xưng tội thì số người đông hơn và các cha giúp giải tội (3 cha Việt và 3 cha Mỹ) phải ngồi tòa hơn 1 tiếng đồng hồ. Những người tham dự đã cảm nghiệm được ý nghĩa của Thập giá không chỉ là sự hy sinh, trách nhiệm, nhưng còn là cả niềm vui và hạnh phúc qua những tiếng cười thoải mái trong lúc nghe giảng.

Cảm tạ Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Lavang, đã cho Cộng đoàn chúng con ba ngày Tĩnh Tâm thật sốt sắng và tốt đẹp với sự hiện diện của quí xơ (trong đó có 2 xơ dòng Nữ Tỳ Chúa Giê-su LM đến từ Việt Nam và California), Ban Thường vụ, quí khách và Quí Ông bà anh chị em.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lịch sử Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn
Minh Tâm
10:35 21/03/2012
LỊCH SỬ ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE, SÀI GÒN

Năm 1659, Đức Thánh Cha Alexandre VII phái ba Giám mục thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris sang Á châu mở đầu công cuộc truyền giáo dưới sự chỉ đạo của Thánh Bộ Truyền Giáo. Đức cha Cotolendi Đại diện Tông tòa cho Giáo hội Trung Hoa. Đức cha Pallu Đại diện Tông tòa cho Giáo hội Đàng Ngoài. Đức cha Lambert Đại diện Tông tòa cho Giáo hội Đàng Trong. Ngài đã giao cho các vị Huấn Dụ năm 1659, tóm tắt về ba điểm sau:

1- Huấn luyện ơn gọi cẩn thận theo khả năng và hoàn cảnh cho phép để thiết lập hàng giáo sĩ người bản xứ thánh đức, đông đảo.
2- Hòa mình vào các phong tục tập quán của đất nước bản địa. Tránh dính líu đến những vụ việc chính trị.
3- Không quyết định bất cứ điều gì quan trọng trước khi tham vấn ý kiến của Tòa Thánh.


Trong tinh thần vâng phục, hy sinh, kiên trì bám sát mục tiêu của người chiến sĩ Phúc Âm, các vị Thừa sai nêu cao gương tuân giữ Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh qua Huấn dụ của Đức Giáo Hoàng. Dù phải tù đầy, hao mòn thân xác hoặc phải hiến cả mạng sống, các ngài cũng không tiếc, như lời Thánh Phaolô: “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội Thánh” (Cl 1, 24-29). Tín hữu, lương dân và quan quân đương thời không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng và cảm động trước lòng nhân ái, nhiệt huyết của những con người xa lạ, từ đâu không biết. Không là đồng bào, không cùng dòng máu chủng tộc, da vàng mũi tẹt. Những con người học vị cao chưa từng có ở xứ An Nam. Những nhà bác học làu thông những nền văn minh kim cổ. Các ngài lại cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng làm, cùng sống chung với thứ dân hạ cấp, quê mùa, mù chữ, bán khai… Động lực nào? Mục đích nào? Không ai biết! Dân Việt chỉ biết các ngài xả thân không vì danh, không vì lợi…

Gần hai thế kỷ sau, vào đầu thế kỷ XIX, một tờ báo tại Paris đã vẫn tiếp tục đăng quảng cáo tuyển người đi truyền giáo hải ngoại như sau: “Chúng tôi sẽ cống hiến cho các bạn không lương bổng, không bảo hiểm, không người chỉ dẫn, không chế độ hưu trí… mà phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, chỗ ở tồi tàn, rất ít an ủi, rất nhiều thất vọng, đau ốm thường xuyên, một cái chết đau đớn trong cô đơn và một nấm mồ vô danh”. (Saint of the day, January 23, 2005, http://www.americancatholic.org)

Đúng là chỉ có những kẻ điên mới từ giã nếp sống tiện nghi, an nhàn để chuốc vào thân những bất trắc khủng khiếp, cô đơn nghiệt ngả, thiếu thốn mọi bề. Hoặc đó là những vị anh hùng khác thường có trái tim nồng say tình mến Chúa và đồng loại, dám sống, dám chết cho lý tưởng cao vời. Họ nối gót theo vị Tông Đồ Dân Ngoại thành người điên, kẻ dại vì Đức Kitô. Tình yêu có những lý lẽ riêng của nó! ‘Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người ! Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô…’ (1 Cor 4, 9-10). Ngày nay, họa chăng chỉ có những người, vì lòng mến, đã dấn thân nơi các thí điểm truyền giáo thuộc thế giới thứ ba, hoặc đến với thổ dân da đỏ, da đen, da nâu… mới có thể đồng cảm với các vị Thừa Sai Dân Ngoại ngày ấy.

NHÀ CHUNG JUTHIA

Ngày 09-09-1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII thành lập địa phận Đàng Ngoài gồm khu vực Chúa Trịnh và vương quốc Lào ủy thác cho Đức cha Francois Pallu. Địa phận Đàng Trong gồm khu vực Chúa Nguyễn và xứ Cao Miên giao cho Đức cha Lambert De Lamotte.

Đức cha Pierre Lambert de la Motte
Đức cha Pierre Lambert de la Motte
Sinh ngày 16-01-1624 tại Lisieux, Pháp quốc.
Năm 1646 làm thẩm phán tòa án Rouen.
27-12-1655: Thụ phong linh mục tại Coutances.
11-6-1660: Tấn phong Giám mục tại Paris đặc trách địa phận Đàng Trong.
22-8-1662: Tới Juthia, thủ đô Thái Lan.
Từ 1669-1676: Đi kinh lược Đàng Ngoài một lần Đàng Trong hai lần.
15-4-1679: Lâm bệnh và qua đời tại Thái Lan.
http:/vi.wikimedia.org/kiwi
1625: Tháng 12, Sãi Vương (Nguyễn Phúc Nguyên) ra sắc chỉ cấm người Việt Nam Công giáo không được mang trên mình hoặc treo trong nhà thánh giá và các ảnh tượng.
1628: Ngày 18 tháng 6, Trịnh Tráng ra lệnh cấm người Việt Nam không được tiếp xúc với các Tây dương Đạo trưởng.


Đức cha Lambert dấn thân đến với giáo dân Việt Nam vào thời Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cấm đạo, trục xuất các Đạo trưởng gay gắt nhất. Không thể định cư tại Đàng Trong, Đức cha Lambert đành phải đặt trụ sở Giám mục tại Juthia, kinh đô Thái Lan. Ngài là vị Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên không thường trú tại Việt Nam. Từ Juthia, ngài đi kinh lược ba chuyến tại Việt Nam, lần I tại Đàng Ngoài 1669-1670, hai lần đến Đàng Trong: lần I từ 1671-1672, lần 2 từ 1675-1676.

Nhằm gầy dựng những lớp giáo sĩ bản xứ kế thừa sứ vụ truyền giáo tại vùng Viễn Đông xa xôi này như Huấn Dụ năm 1659, Đức cha Lambert De La Motte đã cầu nguyện và ra sức vận động với quốc vương Thái Lan về việc thành lập một Chủng viện. Năm 1665, Đức cha đã lập được một Trường Chung tại Juthia, có thể thu nhận 100 chủng sinh thuộc các nước trong miền Đông Á. Các thánh linh mục tử đạo miền Nam đều xuất thân từ đây.

Tháng 3-1668, tại Thái Lan, Đức cha Lambert phong chức hai linh mục Việt Nam đầu tiên của Đàng Trong: Joseph Trang và Luca Bền. Tháng 6, cũng tại Thái Lan, ngài đã phong chức cho hai linh mục Việt Nam đầu tiên của Đàng Ngoài được phong chức là cha Benedito Hiển và cha Gioan Huệ.

Năm 1669 ĐTC giao cho Đức cha Lambert quản nhiệm thêm vương quốc Thái Lan. Tháng 5-1676: Trong chuyến công tác mục vụ tại Đàng Trong vì không quen khí hậu khắc nghiệt miền nhiệt đới, lại thêm chay tịnh quá mức Đức cha đuối sức và ngả bệnh. Về tới Thái Lan sức khỏe yếu dần, ngày 15.4.1679 ngài an nghỉ trong Chúa, vừa tròn 55 tuổi.

Một Giám mục trẻ, ngoài ba mươi tuổi, đã quyết tâm ăn chay trường đến mãn đời, trừ ngày Chúa nhật và Bát Nhật Phục sinh. Mỗi ngày nguyện ngắm ba giờ đồng hồ. Đánh tội hãm xác hằng đêm… Ngài thấu hiểu trọng trách của vị thừa sai là chiến đấu với ác thần để mang các linh hồn về cho Chúa. ‘Giống quỉ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện’ (Mt 17, 21). Giáo hội Việt Nam đang ra sức vận động xin thành lập mở án Chân phước cho ngài, quả là điều hợp tình hợp lý.

Trước lúc qua đời, ngài đã ân cần để lại di chúc sáu điều. Điểm bốn dưới đây, ngài đã di chúc lại cho công trình Chủng viện tông tòa Đàng Trong. Qua đó, chúng ta thấy công tác đào tạo linh mục bản xứ mãi mãi nằm trong quả tim nhân ái của ngài Giám mục Thừa sai thánh đức.

Điều Bốn.- Tôi để lại cho Chủng Viện đã được thiết lập nhằm lo việc hoán cải dân ngoại tại Paris, nơi khu phố Saint-Germain của Paris, tất cả mọi tài sản thuộc về tôi lúc tôi từ trần, thuộc bất kỳ loại nào, từ tiền cho thuê nông trại, của cải thừa kế, các lợi tức thường niên và bổng lộc của chức vụ, các khoản thu nhập, các công trái, v.v., nói chung, tất cả những gì tính được là tài sản để lập nên một ngân quỹ dùng vào việc thiết lập và duy trì chủng viện của giáo phận tông tòa Đàng Trong và việc chăm sóc các kẻ ngoại đang học đạo, các tín hữu và các chủng sinh được nuôi dạy trong chủng viện ấy. Vì việc này, tất cả ngân quỹ trên sẽ được sử dụng ngay sau khi việc trao chuyển tiền bạc được thực hiện tại kinh thành Xiêm La để tạo lợi tức cho mục đích ấy. (http:// daoquangtoan.pagesperso-orange)

Sau khi Đức cha Lambert qua đời, sự nghiệp Chủng viện chung cho miền Đông Á tại Juthia vẫn đứng vững tròn một thế kỷ. Đó là một điều lạ trong một vương quốc mà người Công giáo chưa đến một phần ngàn. Điều đó cho thấy sức mạnh của ơn Chúa, qua lời cầu bầu của Đức cha Lambert trên Thiên quốc. Mãi đến năm 1765, khi quân Miến Điện xâm lấn Thái Lan, Nhà chung Juthia phải đành tàn lụi trong khói lửa chiến tranh.

Nhà trường chung dời về Chantabun thuộc Cao Miên. Các vị Thừa sai rất muốn đưa Chủng viện về định cư tại Nam Kỳ, nơi chứa một kho ơn gọi Thiên triệu dồi dào. Nhưng không thể, vì từ năm 1690 Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1678-1690) đến các đời Chúa Nguyễn sau: Nguyễn Phúc Tru (1671-1725), Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ra sắc chỉ cấm đạo tàn khốc đến cuối thế kỷ XVIII.

Năm 1723: Hai linh mục Dòng Tên người Italia Messari và Buccharelli bị bắt: Messari chết trong tù (23.6.1723) và Buccharelli bị chém đầu (11.10.1723). Đây là hai linh mục người nước ngoài đầu tiên bị hành quyết ở Việt Nam.

CHỦNG VIỆN LƯU ĐỘNG

Chủng viện tại Hòn Đất, Hà Tiên.

Xét thấy số tín hữu tại Việt Nam đông nhất khu vực, người Việt hiếu khách, đạo đức, lại thêm tư chất thông minh, học một biết mười, nên năm 1765 Đức cha Piguel (1764-1774) chuyển Nhà chung từ xứ Cao Miên về Hòn Đất, cách thị xã Hà Tiên khoảng một giờ thuyền. Đức cha Piguel đặt cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) làm Bề trên. Quan quân Việt Nam nghi cha từ Thái Lan đến Việt Nam có thông đồng với vua Thái Lan nên họ đã bắt giam cha Pingneau. Sau ba tháng giam cầm điều tra xét hỏi, kết quả không có chứng cứ buộc tội gián điệp, họ đành thả cha về với nhà trường Hòn Đất.

Chủng viện tại Pondichery, Ấn Độ

Về sau, thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), trộm cướp thường đến phá phách cơ sở, sát hại nhân sự, cha giám đốc Bá Đa Lộc đành di chuyển trường về Mallaca, rồi lại chuyển sang Pondichery, Ấn Độ vào năm 1769. Năm 1771, Nguyễn Nhạc khởi nghiệp. Đại Chủng viện chung Pondichery lúc ấy có 39 chủng sinh gồm 12 người Trung Quốc, 16 người Đàng Trong, 5 người Đàng Ngoài, 4 người Thái Lan, 1 người Cao Miên và 1 người Mã Lai. Các chủng sinh được chia thành 4 ban: ban thứ nhất là ban thần học và 3 ban còn lại học tiếng La-tinh, văn chương và tôn giáo.

Chủng viện tại Cần Cao, Hà Tiên.

Năm 1776, khi lên nhậm chức giám mục, Đức cha Bá Đa Lộc chuyển chủng viện về Cần Cao, Hà Tiên. Nhưng cũng như ở Hòn Đất, Cần Cao cũng không tránh khỏi nạn cướp bóc vì khu vực Hà Tiên sát biên giới Cao Miên. Thời buổi đói khổ do hậu quả chiến tranh khốc liệt giữa nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn Phúc Thuần, vua quan không thể kiểm soát được những vùng đệm biên giới giữa hai nước. Năm 1778, cướp từ Cao Miên tràn qua biên giới đốt nhà trường Hà Tiên, giết bảy bà phước và bốn chủng sinh.

Chủng viện về Tân Triều, Đồng Nai.

Ba năm sau, Chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được Biên Hòa, Đức cha Bá Đa Lộc liền di chuyển Chủng viện về Tân Triều (Đồng Nai), cứ điểm chiến lược của Nguyễn Ánh.

Nhưng tháng 3-1782 nhà Tây Sơn (1778-1802) quật khởi chiếm lại Đồng Nai. Trường Chung lại di tản qua Nam Vang. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc lúc đó rất có thế lực, đưa thư đòi vua Miên phải bắt nạp những Việt Kiều lưu trú tại Cao Miên, Đức cha và các chủng sinh phải trốn vào rừng Lào nương thân gần 04 tháng. Cho đến tháng 7-1782, Đức cha Bá Đa Lộc và Trường chung mới lục tục theo chân quân Nguyễn Ánh kéo về miền Nam, hy vọng vào lời hứa bảo trợ của Chúa Nguyễn lưu vong này.

Vua Gia Long (1762-1820)
Tên húy: Nguyễn Phúc Ánh.
Giai đoạn trị vì: 1802-1820.
Ông có 31 người con: 13 trai, 18 gái.


Nhưng chưa yên bề được bao lâu, tháng 3-1783, Nguyễn Huệ chiếm lại Sài Gòn. Đất Miên thì nguy hiểm từ người, đất Lào thì hiểm nguy từ thiên nhiên, rừng thiêng nước độc, không biết phải nương thân nơi nào, Đức cha và các chủng sinh đành lênh đênh ngoài biển khơi, khi ghé đảo này, núp đảo khác.

Nội lực yếu kém, bị nhà Tây Sơn truy sát liên tục, Nguyễn Ánh cho thuộc hạ sang cầu cứu đồng minh láng giềng Thái Lan. Sau chiến thắng vang dội đại quân Thái Lan tại Rạch Gầm – Xoài Mút, trong cửa biển Cần Giờ, Gia Định ngày 20-01-1785 của Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh quay sang cầu viện Pháp quốc qua trung gian của Đức cha Bá Đa Lộc. Cùng năm 1785, Đức cha mang hoàng tử Cảnh vừa mới 05 tuổi sang Pháp nhờ hỗ trợ vũ khí chống lại nhà Tây Sơn. Tháng 6-1789, bốn năm sau, Đức cha mới về đến Gia Định thành mang theo nhiều vũ khí tối tân thượng hạng của Âu Châu, mở một trang sử mới cho quân lực Nguyễn Ánh.

Năm 1785, khi Đức cha Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, vua Nguyễn Nhạc ra chỉ cấm đạo. Từ năm đó cho đến cuối triều đại, vào năm 1802, nhà Tây Sơn quyết tâm tận diệt đạo Giatô vì cho tín hữu Công giáo là tay chân, thuộc hạ của Nguyễn Ánh.

Năm 1798, vua Cảnh Thịnh gắt gao ra sắc chỉ bách hại Giatô giáo trên toàn quốc. Giáo hữu vùng Quảng Trị rút vào rừng La Vang để tị nạn. “Trong lúc lánh nạn tại đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần chuỗi. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp đẽ mặc áo choàng hiện ra gần gốc cây đa, họ nhận biết ngay là Đức Mẹ vì có bồng Chúa Hài Đồng. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi và dạy bẻ lá quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ này về sau ai đến cầu nguyện tại chốn này sẽ được Đức Mẹ ban ơn phù trợ”.

Tượng đồng Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh
tại Saigon (không còn nữa). Hình Nguyễn Tấn Lộc


Đức cha Bá Đa Lộc lâm bịnh nặng trong khi hộ tống Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm Quy Nhơn, tổng hành dinh của nhà Nguyễn Tây Sơn. Sau hai tháng lâm bệnh, ông mất ngày 9 tháng mười 1799 tại cửa Thị Nại - Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thọ 58 tuổi. Nhiều người tự hỏi nếu không có cặp bài trùng Bá Đa Lộc-Nguyễn Phúc Ánh thì lịch sử Việt Nam đã xoay dần nơi nao? “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17).

Tính từ thời điểm 1765, Đức cha Piguel chuyển nhà chung về Hòn Đất cho đến khi Đức cha Bá Đa Lộc qua đời, chủng viện không có chỗ định cư gần nửa thế kỷ! Đức cha Bá Đa Lộc qua đời, giới Công giáo không còn hy vọng vào một sự bảo trợ của triều đại nhà Nguyễn Ánh nữa.

Chủng viện tại Lái Thiêu

Qua đến thời Đức cha Labartette, giáo phận Trung và Nam Việt có 60.000 giáo dân nhưng chỉ có 15 linh mục Việt Nam, năm linh mục thừa sai. Cuối thời Gia Long, vì nhu cầu cấp thiết, Đức cha Labartette liều lập một cơ sở Chủng viện tại Lái Thiêu, sát cạnh Sài Gòn.

Vua Minh Mạng lên ngôi được 05 năm thì hạ dụ cấm đạo, nhưng may nhờ có Tả quân Lê Văn Duyệt ra tận Huế cương quyết can ngăn, nhà vua đành tạm ngưng. Tháng 8-1832 Tả quân từ trần. Ngày 06- 01-1833, nhà vua liền ra sắc chỉ cấm đạo triệt để toàn quốc, Trường chung Lái Thiêu lúc đó có 28 chủng sinh phải tan đàn xẻ nghé. Chỉ trong tháng đó, địa phận Đàng Trong có 300 nhà thờ bị triệt hạ, 18 nữ tu viện bị giải tán.

Vua Minh Mạng (1791-1840).
Tên húy: Nguyễn Phúc Đảm,
Giai đoạn trị vì (1820- 1840)
Ông là em của Hoàng tử Cảnh,
Nhiều đại thần phản đối khi vua Gia Long
lập ông kế vị, trong số đó có
Tả quân Lê Văn Duyệt tại Gia Định thành.


Đức Tả quân Lê Văn Duyệt
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Theo lời trăn trối của vị tiền nhiệm, đồng thời cũng để thi hành Huấn Dụ năm 1659, Đức cha Guénot kế vị cố gắng tái lập Chủng viện chung tại Lái Thiêu nhưng cũng không bền vì lệnh cấm cách quá khắt khe.

Chủng viện tại Penang, Mã Lai.

Năm 1841, Đức cha Guénot triệu tập Hội đồng Gò Thị, gồm các giám mục vùng Đông Á, để cùng nhất trí một phương hướng chung về công cuộc đào tạo linh mục bản xứ: Từ rày mỗi linh mục nuôi năm bảy chú, để chăm sóc, xem xét, uốn nắn tính tình và dạy La ngữ. Khi có dịp thì gửi các chú sang chủng viện Penang, Mã Lai, thành lập năm 1807, thuộc quyền hội Thừa Sai Paris (MEP). Các chú học tại đó khoảng 7, 8 năm rồi sẽ trở về tập sự mục vụ ít lâu tùy hoàn cảnh. Độ 35, 40 tuổi các thầy sẽ chịu chức linh mục.

Dầu chủng viện phải lưu động, bôn ba đây đó, các đấng Thừa sai vẫn một mực kiên định trung thành với sứ mạng đào tạo “thợ gặt” cho Nước Trời. Không gian lao nguy hiểm nào, kể cả cái chết cũng không làm nhụt quyết tâm của các ngài. Phải kết luận rằng các vị đã tín thác, trông cậy, vững lòng ngay cả trong cơn hấp hối. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt quá ít, Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).

ĐẠI CHỦNG VIỆN SÀI GÒN HÌNH THÀNH

Đức cha LEFÈBVRE

Địa phận Đàng Trong lúc đó (trước năm 1844) gồm nửa nước Việt, từ sông Gianh trở vào miền Nam, thêm cả xứ Cao Miên và Thái Lan. Giáo hữu còn ít, Địa phận lại rộng lớn, bao la, … đường sá thời đó chưa có, phương tiện đi lại chỉ là ghe thuyền ở miền xuôi, miền sông nước hoặc xe ngựa ở miền cao, chưa kể đến bao hiểm nguy do người và thiên nhiên chực chờ bủa vây dầy đặc tứ phía. Một giám mục trong hoàn cảnh đó không thể chu toàn trách nhiệm cho một nhiệm sở quá rộng lớn như vậy.

Đức Grêgôriô XIV, nguyên là Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, ngài rất am hiểu tình hình khó khăn và đáng thương của các xứ truyền giáo, nên sau khi đắc cử Giáo hoàng, ngài lập địa phận TÂY ĐÀNG TRONG (sau này gọi là địa phận Sài Gòn) bao gồm các tỉnh: Bình Thuận, Di Linh, Lục tỉnh Nam Kỳ: Đồng Nai (Biên Hòa), Gia Định, Định Tường (Mỹ Tho), Long Hồ (Vĩnh Long), An Giang (Châu Đốc) và Hà Tiên; kiêm cả Cao Miên. Địa phận được trao phó cho Giám mục Domonique Lefèbvre (1844-1864) lãnh đạo. Đức cha lưu trú ở Cái Nhum thay thế Đức cha Alexandre.

Vào năm đó, Địa phận Sài Gòn được 23.000 giáo dân, ba cha Thừa sai Pháp và 16 linh mục bản xứ, giữa một tình trạng thật bi đát: đói khổ, giặc giã. Tín hữu bị cấm cách triệt để phải lẩn trốn khắp nơi, các cơ sở tôn giáo gần như bị triệt hạ hoàn toàn.

Đức cha Dominique Lefèbvre, Giám mục tiên khởi Địa phận Sài Gòn, quê ở Bayeux, Pháp quốc, sau khi chịu chức phó tế, ngài gia nhập hội Thừa Sai Paris. Tháng 09-1833, ngài thụ phong linh mục và ngày 15-03-1835 xuống tàu sang Nam Việt, dù biết rõ đó là thời vua Minh Mạng bắt đạo rất gắt gao, triệt để, hàng trăm đồng liêu của ngài đã ra đi mà không bao giờ trở về cố quốc. Đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước: “Này Thầy sai anh em đi như con chiên đi giữa sói rừng” (Lc 10, 3).

Năm 1844, khi nhận gánh vác Địa phận Sàigòn, ngài còn đang ẩn trốn tại Cái Nhum. Các bạn đồng liêu vẫn gọi ngài là “ông thánh”, và thực sự ngài có lòng đạo đức, hoàn toàn tín thác vào Chúa. Ngày 31-10-1844, ngài bị bắt theo sắc chỉ cấm đạo của vua Thiệu Trị. Ngài bị giải ra tới kinh đô Huế, đi bộ mất 51 ngày đường, để lãnh án tử.

Vua Thiệu Trị: 1807-1847.
Tên húy: Nguyễn Phúc Tuyền,
Giai đoạn trị vì: 1841-1847.
Ông có 64 người con:
29 hoàng tử, 35 công chúa.


Trong vòng lao lý, ngài vẫn canh cánh bên lòng: “Một chủng viện, một chủng viện trường cửu cho Sài Gòn”. Ngài luôn nhớ tấm gương giáo hội Nhật Bản phải lâm vào cảnh tang thương vì không có linh mục bản xứ. Trong cơn cấm đạo, các Thừa sai bị trục xuất hoặc bị giết, không có linh mục bản xứ thì không có ai nâng đỡ tinh thần giáo hữu và không ai tiếp tục rao giảng, nuôi dưỡng Đạo Chúa, nên Giáo Hội các nơi đó phải sụp đổ. Quả thật, “Người làm thuê không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ đàn chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12).

Ngài cũng đã nói: “Âu châu có thể cung cấp thừa sai. Các vị ấy có thể tử đạo để vun tưới cánh đồng truyền giáo. Tây phương có thể gieo vãi đức tin khắp nơi, nhưng nếu không lo đào tạo giáo sĩ bản quốc thì chỉ làm việc nửa chừng”.

Ngài bị giam cầm nửa năm. May nhờ có đô đốc Cecile thúc bách, triều đình trả tự do cho các vị Thừa sai. Tháng 4 năm 1845, nhà vua đồng ý trả tự do cho Đức cha kèm lệnh trục xuất khỏi nước Việt. Ngài đành phải lên tàu Pháp qua Singapore, lúc đó gọi là Phố Mới.

Một tháng sau, thuyền buôn của ông Lái Gẫm (thánh Lê Văn Gẫm) lén đưa ngài trở lại Việt Nam. Ngài vừa lên bờ đã bị quan quân vây bắt và lại giải ra Huế. Trong chuyến này chỉ có thánh Gẫm được phúc tử đạo, còn ngài lại bị ép lên tàu trở lại Phố Mới. “Tôi bị giằng co giữa hai đàng, ao ước của tôi là ra đi để được ở với đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1, 23). Đức cha than phiền: “Uổng thay, gươm kề tận cổ mà lại trở về yên lành, thất vọng biết bao. Tôi thấy triều thiên tử đạo rất gần, nhưng tôi lại phải tự nhủ: triều thiên đó không dành cho tôi. Tuy nhiên, khi còn một giọt máu trong huyết quản trên giải đất tử đạo này thì vẫn còn hy vọng đôi chút.”

Mấy ai coi cái chết nhẹ tợ lông hồng? Thưa có, hàng trăm linh mục Thừa sai, linh mục Việt Nam và hàng trăm nghìn giáo dân, con cháu Lạc Hồng, đã hiên ngang như thế đó. “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35).

Không đành lòng rời xa đàn chiên của mình để tìm kiếm sự an nhàn cho bản thân, ít lâu sau, Đức cha lén trở về Việt Nam. Lần này may mắn hơn, ngài không bị bắt, nhưng với án trục xuất trên vai, quan quân gặp ngài thì có quyền tiền trảm hậu tấu nên ngài không thể đi lại, xuất hiện như trước kia được. Tòa Giám mục của ngài là chiếc thuyền con chui rúc trong những con rạch vắng bóng người, đầy thú dữ. Đến tối, ngài mới lần mò trở về tìm đến nhà giáo dân để giải tội, dâng lễ, giảng dạy cho con dân Nước Trời, cho công dân nước Việt biết làm lành lánh dữ. Ngài vui mừng, gặp gỡ, chung sống với những kẻ thân thương ấy cho đến hừng sáng, rồi lại lên đường tiếp tục cách sống lẻ loi, phiêu bạt, chập chờn trôi nổi đó đây như kẻ tội đồ hại dân hại nước. “Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tim 4, 17).

Chủng viện tạm tại Thị Nghè, Sài Gòn.

Trước tình hình khó khăn máu lửa như thế, năm 1850, ngài vẫn cố gắng lập một Chủng viện tạm tại Thị Nghè, nay là nhà dưỡng lão Thị Nghè (Phú Mỹ), do chính ngài coi sóc dạy dỗ. Lúc phải lẩn trốn để bảo tồn lực lượng thì tạm uỷ thác lại cho cha Triêm hoặc cho cha Lộc (thánh tử đạo Phaolô Lộc), người gốc giáo xứ An Nhơn, giáo hạt Xóm Mới ngày nay.

Chủng viện tạm tại Cù Lao Giêng, tại Cái Nhum.

Cùng năm ấy, ngài cũng lập một Nhà trường tạm tại Cù Lao Giêng, tục gọi là trường Đầu Nước. Ngài giao cho cha Borelle, Bề trên Địa phận, phụ trách. Thêm một Nhà trường tạm nữa, đặt tại Cái Nhum, Vĩnh Long, giao cho cha Pernot quản lý. Thực chất các Nhà trường này chỉ là nơi quy tụ khoảng 10 chú (tiểu chủng sinh). Các chú học La ngữ và những môn tối cần thiết khác nhằm chuẩn bị sang Đại Chủng viện tại Penang.

Năm 1855, vua Tự Đức hạ lệnh cấm đạo toàn quốc. Trước tình thế quá khó khăn này, ngài phải chạy sang Miên. Tuy nhiên khi nào có thể, dù án tử treo lơ lửng trên đầu, ngài cũng cố len lỏi về thăm con chiên tại miền Hậu Giang, Hà Tiên, cũng có lúc căng buồm lang thang ra tận hải đảo Phú Quốc mù khơi. Người bản xứ thấy hình như việc đào tạo linh mục bản xứ và công tác mục vụ chăm sóc giáo dân là lẽ sống của ngài. Nếu phải sống mà không chu toàn hai sứ mạng đó thì sống không bằng chết. “Bởi vậy tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cùng đạt ơn cứu độ trong Đức Kitô và được hưởng vinh quang muôn đời (2 Tim 2, 10).

Mãi đến năm 1859, Pháp chiếm đóng Lục tỉnh ngài mới có thể về lại Sài Gòn tiếp tục công tác mục vụ và đào tạo linh mục tương lai, một sứ vụ hằng canh cánh trong lòng của ngài.

Vua Tự Đức (1829-1883).
Tên húy: Nguyễn Phúc Thì,
Giai đoạn trị vì: 1847-1883, 36 năm.
Thời gian trị vì dài nhất triều Nguyễn. Ông không có con.
Từ cuối năm 1849 đến hết năm 1850,
cả nước bị dịch bệnh làm chết 589.460 người
(theo tài liệu của các vị thừa sai, ôn dịch đã giết một phần năm tổng số quốc dân).


Trước ngày mất Nam kỳ Lục tỉnh, trong khói lửa chiến tranh khốc liệt, quan quân nhà Nguyễn vẫn cố tìm thời giờ thẳng tay càn quét các cơ sở Công giáo. Do các thế lực thù địch gán cho đạo Chúa là nguyên nhân chiến tranh thuộc địa, Tây Dương Đạo trưởng là gián điệp của Pháp, giáo dân và linh mục bản xứ là tay sai của Tây … những người đương thời thường dễ hiểu lầm thiện ý tuyệt hảo của các vị Thừa sai và những giáo dân lương thiện. Trong thời kỳ cuối, trước lúc chính quyền thuộc về tay người Pháp, những cơn bắt đạo lại nổi dậy bất ngờ và mãnh liệt chưa từng có như để trả thù, như để trút cơn hận lên những con chiên vô can, vô tội.

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10, 17).

Năm 1860, trong một bản báo cáo gửi về Rôma, Đức cha Lefèbvre đã viết: “Nội trong năm 1860 ở tại địa phận Sài Gòn có đến 300 người Công giáo mang gông xiềng… Có nhiều người Công giáo đã chạy vào khu vực do quân đội Pháp chiếm đóng. Nơi đây, họ được hưởng tự do vui sống, vì họ thoát được nanh vuốt của vua chúa tàn nhẫn. Bởi không làm gì được họ nên quan quân mới phao vu Công giáo theo địch, rồi tàn sát những người Công giáo còn sống dưới quyền của họ”.

Thực ra họ là những con dân trung với vua, hiếu với nước. Công đồng Juthia năm 1669, nơi chương 9 (b) có dạy các tín hữu: “Phải dâng những lời nguyện chung, những lời nguyện riêng, những kinh đọc, những lễ tạ ơn cho mọi thứ người, cho vua chúa và những kẻ cầm quyền…” Khi bị xiềng xích, biệt giam hay đối diện với đại đao của đao phủ nơi pháp trường, họ vẫn không oán hận bất kỳ ai: quân, quan hay vương đế, mà còn một mực vui lòng tha thứ cầu nguyện cho những người vô tình làm khổ mình do hiểu lầm đáng tiếc, như Đức Giêsu đã dạy: “Thầy bảo anh em: Hãy yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (x. Mt 5, 43-48).

Đáng tiếc hơn nữa là cho đến ngày hôm nay, thuộc thế kỷ XXI, kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai Địa phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam, kỷ niệm hơn 475 năm đất nước Âu Cơ đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu độ chúng sinh, vẫn còn không ít con dân nước Việt chưa đồng cảm với thiện ý của giới Công giáo, dù giáo dân Công giáo Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc trong mọi biến cố thăng trầm của lịch sử.

12.6.1909: Mật thám Pháp bắt ba linh mục của giáo phận Vinh và sau đó đày đi Côn Đảo vì tội tham gia chống Pháp. Đó là linh mục Đậu Quang Lĩnh, Thư ký Tòa Giám mục. Linh mục Nguyễn Thần Đồng, Quản xứ nhà thờ Chính tòa Vinh. Linh mục Nguyễn Văn Tường, Quản lý Nhà Chung Xã Đoài. Hàng ngàn chiến sĩ Công giáo đã anh dũng hy sinh nằm xuống cho cuộc chiến chống thực dân. Nhiều linh mục và giáo dân Công giáo dưới vĩ tuyến 17 cũng đã tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève năm 1954 để xả thân đóng góp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Chưa kể tín hữu Công giáo cả nước cũng đã đóng góp tích cực về mọi mặt kinh tế, nghệ thuật, văn hóa, y tế, xã hội… tạo nên sự hưng thịnh của tổ quốc. Hơn thế nữa, những người lãnh đạm nhất đối với anh em Công giáo Việt Nam cũng phải công nhận sự đóng góp to lớn của thiên tài, của nhà tư tưởng lớn Alexandre De Rhodes đối với nền văn học nước nhà. Ngài đã Việt hóa mẫu tự La Tinh, khai sinh chữ quốc ngữ Việt Nam.

Linh mục Alexandre De Rhodes
Cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes)
sinh ngày 15-3-1591 tai Avignon, Pháp quốc.
1618: Thụ phong linh mục, nhận bài sai đến Nhật Bản.
27-12-1624: Đến Hội An, Đàng Trong giảng đạo 18 tháng.
Từ 1640 đến 1645: Cha thường đến giúp chỉnh đốn, giảng dạy tại địa phận Đàng Trong.
03-7-1645: Bị trục xuất lần ba, cha rời bỏ Đàng Trong, vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam.
05-11-1660: Cha từ trần tại Ispahan, Ba Tư.


Đầu năm 1625, ngài Rhodes có mặt tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kẻ Chăm) cách Hội An về phía Tây chừng 4km. Cha Alexandre, do lệnh trục xuất của chúa Nguyễn, phải rời bỏ Đàng Trong ngày 9-7-1645. Ngài tôn kính mang theo di tích thánh là sọ của thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo ngày 26-7-1644, mà chính cha chứng kiến tận mắt. Từ đó trở đi, không bao giờ cha Alexandre trở lại nước Đại Việt này nữa. Theo cha Chézaud, vị đại ân nhân của nền văn học Việt Nam qua đời khoảng 10 giờ đêm, ngày 5-11-1660 khi đang truyền giáo tại xứ Ba Tư.

Phiên âm chữ Latinh cho tiếng Việt là một kiệt tác độc nhất vô nhị trên thế giới. Từ nửa thế kỷ trở lại đây, nhiều học giả thuộc các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc… ao ước chia sẻ phát kiến độc đáo của các vị Thừa sai dành cho Việt Nam, để áp dụng rộng rãi vào chữ viết bản xứ, nhằm hỗ trợ cho cạnh tranh kinh tế đối ngoại và cuộc chiến trên mạng toàn cầu… nhưng kết quả rất hạn chế. Chỉ có dân tộc Việt Nam hưởng trọn kiệt tác ấy. Tiếc cho công đức của ngài chưa được dân tộc Lạc Hồng ghi ơn và tôn vinh xứng tầm. Lại có không ít người lại muốn sửa đổi kiệt tác nghìn năm ấy, để quên đi công đức của ngài, bất kể những hổn loạn chữ nghĩa khôn lường cho dân tộc. Vị Thừa sai này là đỉnh cao trí tuệ nhân loại, hàng ngàn năm trước không có một ai bằng ngài và ngàn năm sau có lẽ không có ai như ngài.

Thiết tưởng cũng nên nghĩ đến những đóng góp to lớn của hai tín hữu Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ… mà những ai hiểu biết chút ít về lịch sử cận đại Việt Nam đều biết đến hai vị này.

Petrus Trương Vĩnh Ký
Tháng 6-1863, Phái bộ Phan Thanh Giản lên đường sang Pháp điều đình việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam bộ đã nhượng cho Pháp theo Hòa ước Nhâm Tuất. Trong phái bộ có chủng sinh (sau này là linh mục) Phaolô Nguyễn Hoàng của Địa phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) với tư cách là thông dịch viên của triều đình và Petrus Trương Vĩnh Ký cũng là thông dịch viên do Soái Pháp ở Sài Gòn cử đi theo giúp phái bộ. Ông là người có công trạng phổ biến chữ quốc ngữ cho toàn nước An Nam.

Tháng giêng năm 1859, quan quân bao vây làng Đầu Nước. Lúc đó có hai cha tại Nhà trường Cù Lao Giêng: cha Borelle và cha Quý (thánh Phêrô Đoàn Công Quý). Hai cha tranh nhau ở lại, cuối cùng Thánh Quý là người bản xứ được ở lại, vì cho rằng quan quân không thể biết ngài là linh mục. Khi quan đến tra hỏi, không dám nói dối, ngài hiên ngang xưng mình là Đạo trưởng, họ bắt giam ngài và vua Tự Đức xuống lệnh xử trảm ngày 31-07-1859 tại Châu Đốc.

Trường Cái Nhum, trường Thị Nghè dần dần cũng chung số phận ly tán. Ngày 3.7.1853: Thánh Philipphê Phan Văn Minh, cha giáo Chủng viện Cái Nhum, bị hành quyết tại Đình Khao, Vĩnh Long.

Ngày 21-12-1858: cha Phaolô Lộc, Giám đốc Nhà trường Thị Nghè bị bắt. Chưa đầy hai tháng sau, ngày 13-02-1859, ngài bị trảm quyết tại Trường Thi (hiện nay là góc đường Hai Bà Trưng và Xô Viết Nghệ Tỉnh).

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6, 22-23).

Nếu nói được: “Máu tử đạo trổ sinh tín hữu”, thì cũng có thể nói: “Lao tù và máu tử đạo làm nền móng và trổ sinh Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn”.

A - CHA WIBAUX, NHÀ XÂY DỰNG

Linh mục WIBAUX
Cha Théodore Louis Wibaux sinh tại Roubaix
ngày 20-03-1820. Theo truyền thống gia đình, ngài theo học trường luật. Nhưng khi vừa mãn trường luật, theo ơn Chúa gọi, ngài đã vào chủng viện để rồi năm 1846 cha thụ phong linh mục.

Ngày 24-11-1857, cha Wibaux gia nhập Hội Thừa sai Paris. Ngày 08-02-1858, xuống tàu sang Việt Nam, cho tới đầu tháng giêng 1860 cha mới đến được Sàigòn. Trước khi sang Việt Nam, cha có đến xứ Ars, mong được thỉnh ý cha Thánh Vianney. Thánh nhân liền bảo: “Cha hãy mau qua nơi đó, nhiều linh hồn đang chờ đợi cha”. Lời ấy quả thật linh ứng.


Cha đến đúng lúc Sàigòn đã ổn định trong tay người Pháp. Tuy nhiên, địa phận Sàigòn vẫn còn trong tình trạng hoang tàn, di chứng của chiến tranh thuộc địa vẫn còn hằn sâu dấu ấn trên vùng đất cuối hoang vu, kham khổ, an phận của quê hương này. Thánh ý Chúa đã sắp xếp gửi ngài đến lúc thời cơ thuận tiện để xây dựng ngôi nhà vật chất: Chủng viện Sàigòn. Qua cơ sở vật chất ấy, Hội Thánh quyết tâm xây dựng những tâm hồn linh mục nhiệt thành, thánh thiện, kiên định ra đi xây dựng Nước Trời trường cửu, bất kể muôn nghìn khổ nhọc, xương máu đang chào đón họ.

Linh mục sử gia Louver đã viết: “Đông phương đóng cửa không cho Tây phương xâm nhập, lại còn sát hại các sứ đồ rao giảng Phúc Âm. Lời người tông đồ không chọc thủng được thành lũy Đông phương, thì đại bác lại phá vỡ… Người Âu tưởng rằng nhờ vũ khí mà họ mở được thị trường mới. Nhưng Chúa Quan phòng có mục đích sâu xa hơn và hướng dẫn tham vọng người ta đến một cứu cánh mà họ không thể ngờ. Các dân tộc phải phối hợp nhau chuẩn bị một ngày mà Đức Kitô đã phán: Erit unum ovile et unus Pastor – Sẽ nên một ràn và một chủ chăn”

Khi cha Wibaux vừa đặt chân đến đất Sàigòn, ngay ngày hôm sau Đức cha Lefèbvre liền đưa cha đi ngắm nhìn địa thế để tìm nơi định cư lâu dài cho Đại Chủng viện Sàigòn. Như thế đủ hiểu ước mơ xây cất Đại Chủng viện cho Địa phận Sàigòn đã chiếm lĩnh hết tâm trí Đức cha. Tìm được rồi, các ngài phải cầu nguyện và vận động với chánh quyền. Mãi cho đến giữa năm 1862, đề đốc Bonnard mới chấp thuận và ngày 28-08-1862 chính thức ký giấy nhường lại cho Hội Thừa Sai Paris 07 mẫu đất. Đức cha dành bốn mẫu giao cho Chủng viện còn ba mẫu chia cho Nhà Trắng (Saint Paul De Chartre) vì chính ngài, vào năm 1860, đã mời các xơ dòng Trắng sang Nam Việt để tiếp tay với ngài nơi cánh đồng bội thu trĩu hạt. Ngày 20-05-1860, theo lời mời của Đức cha Lefèbvre, Hội Dòng đã gởi 2 nữ tu đầu tiên đến phục vụ tại Sàigòn. Trong khi đợi chờ ngày Chủng viện hình thành, Đức cha giao cho cha Wibaux coi sóc Chủng viện tạm tại Thị Nghè.

Một vị giáo sư đại học tại Paris, kinh đô ánh sáng, giờ đây phải sống chung với 10 chú học sinh trong hai gian nhà tranh ẩm thấp, hễ thủy triều lên thì lội nước, còn thủy triều xuống thì lội bùn. Thật đức tính hy sinh thừa sai cao cả dường bao!

Nhưng nào có yên! Chủng viện tạm ấy không yên ổn lâu, chưa đầy hai năm, cơ sở nghèo nàn ấy cũng bị quân kháng chiến thiêu rụi trong ngọn lửa vô tình. Cha con dắt díu nhau về kho Năm, gần nhà thờ Xóm Chiếu. Giữa thể kỷ 19, nơi đây thật hoang vu, tránh được kháng chiến quân, nhưng lại gặp phải thú dữ. Sau vụ việc ông Ba mươi vồ mất con heo cưng của các chú chủng sinh, cha Wibaux lại đưa chủng sinh về trung tâm Sàigòn.

B - XÂY DỰNG TRONG MỌI TRỞ NGẠI

Lúc đó, có một cơ sở dạy Pháp văn của chánh quyền thuộc địa đang bỏ trống vì cha giáo sư Puginier bận công tác phải trở về Bắc Việt. Đây là một dãy nhà kiên cố, rộng rãi tại khu vực bệnh viện Nhi đồng 2 bây giờ. Thật là một cơ ngơi lý tưởng cho các chủng sinh vô gia cư, lận đận rày đây mai đó. Chánh quyền đồng ý cho đàn con của cha cư ngụ tại đấy với điều kiện: một nửa dành lại để dạy Pháp văn. Vì tình thế bắt buộc, cha đành chấp nhận điều kiện đó. Dầu vậy, cũng không bền, vì ít lâu sau, chánh quyền đã lấy lại phần đất này để xây dựng một quân y viện là nhà thương Đồn Đất (Grall) lúc bấy giờ - nay là bệnh viện Nhi Đồng 2.

Giữa tình hình dầu sôi lửa bỏng như thế, việc hình thành chủng viện chính thức thật cấp thiết vô cùng. Tuy nhiên, việc xây cất chủng viện vẫn phải đương đầu với quá nhiều khó khăn, những lời ong tiếng ve về trình độ giáo sĩ Việt Nam… Nhưng chính Đức cha Lefèbvre và cha Wibaux đều đồng cảm tin tưởng về nhân đức hào hùng của 20 linh mục bản xứ hiện có nơi Địa phận Sàigòn.

“Tôi buộc lòng phải khen ngợi chủng sinh của tôi ờ Sàigòn. Chủng sinh là những con cái tôi yêu mến. Một người cha mà khen con, theo thường tình rất đáng ngờ vực, tuy nhiên trường hợp này tôi chắc tình thương của người cha không khoan nhu thiên vị đâu. Nếu Đức Giám mục của tôi mà cầm bút, thiết tưởng ngài cũng đồng ý với tôi mà còn khen hơn nữa là khác”. Năm 1870, trong tạp chí Truyền giáo, cha Wibaux đã có viết như vậy.

Miền Bắc còn trong vòng quản lý của vua Tự Đức, trong vòng 12 năm cũng đã có nhiều linh mục bản quốc tử đạo. Ngoài Bắc, Đức cha Néez đã bênh vực phẩm chất của các linh mục Việt Nam trước làn sóng phản đối của những người đồng hương về công cuộc đào tạo linh mục bản quốc theo Huấn dụ của Đức Thánh Cha năm 1659. Ngài đã xuất bản quyển “Hàng giáo sĩ Bắc kỳ thế kỷ 17 và 18” để giới thiệu cho mọi người biết linh mục bản xứ thông minh, tốt lành, kiên định trước nghịch cảnh như thế nào.

Chương 10, công đồng Juthia có ghi rõ: “Linh mục bản xứ thường là chọn trong số các Thầy Giảng tuổi tác, đã ở lâu năm, nhiều kinh nghiệm truyền giáo và đời sống đạo hạnh bảo đảm. Các Thầy sẽ được học La ngữ, biết cách dâng lễ và làm các phép Bí tích, biết cách giải đáp các vấn đề lương tâm và các ngăn trở hôn phối”


Trở ngại thứ hai là vấn đề tài chánh. Địa phận non trẻ, sau 40 năm bách hại triệt để của ba đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, giờ đây gia tài còn lại chỉ tấm lòng trung kiên giữa đống tro tàn nghi ngút khói. Vị chủ chăn hai lần mang án tử vẫn xông xáo không mệt mỏi kiến thiết lại những nơi thờ phượng, nơi cư trú. Giáo dân thì đa số nghèo túng, moi đâu ra số tiền to tát để xây cất chủng viện trong tình cảnh túng thiếu đó. Phó thác vào Chúa, cha Wibaux nghĩ ngay đến gia tài riêng của mình và lòng rộng rãi của người em nơi quê nhà, cha mạnh dạn tiến hành công tác xây dựng. Thầy Đậu từ Penang trở về bắt đầu gọi thợ phát cỏ, ban nền, đào móng…

C - ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN – KHỞI CÔNG XÂY DỰNG

Qua năm 1863, Đức cha Lefèbvre vui mừng, cảm động rơi nước mắt đặt viên đá đầu tiên cho Đại chủng viện Sàigòn, cơ sở tư tưởng đầu não triết lý, thần học trung tâm của địa phận Sàigòn hôm nay và mãi về sau. Cánh đồng bất tận, óng ánh lúa vàng, chạy dài đến tít mù khơi như Lời Chúa tiên báo: “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt hiếm hoi…” (Lc 10, 2), mãi lắng đọng nơi tâm tư các vị sáng lập chủng viện Sàigòn, những ân nhân vĩ đại của Giáo hội Việt Nam, những ngôi sao không hề tắt trong tâm tưởng của mọi con dân nước Việt từ ngày ấy cho đến ngàn sau.

Tháng 7-1864: Đức cha Lefèbvre khánh thành nhà nguyện và các cơ sở của Dòng Thánh Phaolô (ở 6 đường Tôn Đức Thắng, quận I ngày nay) do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế và thi công. Các kiến trúc cơ bản của thiên tài họ Nguyễn cách đây gần 150 năm vẫn còn sừng sững cho tới ngày nay. Cụ Nguyễn Trường Tộ, một nhân sĩ Công giáo quê ở làng Bùi Chu (thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay) đã dâng lên triều đình Huế các bản điều trần đầu tiên: Trần Tình khải, Thiên Hạ Đại Thế luận, Giáo Môn luận và Tế Cấp bát điều.

Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871) cun191.violet.vn
Sinh tại Bùi Chu, Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông học rất giỏi, ngoài việc học với cha ở nhà, ông còn theo học nhiều thầy đồ nổi tiếng trong vùng. Tuy mất sớm ở tuổi 43 nhưng ông đã đề xuất rất nhiều kế hoạch cải cách táo bạo, nhằm đưa đất nước thoát khỏi cảnh trì trệ, tiến lên trở thành một quốc gia dân giàu nước mạnh. Đáng tiếc, những bản điều trần của ông thời đó đã không được trọng dụng. http://www.tiasang.com.vn


Tiếc thay chính quyền xã hội ngày ấy, vào thời khó khăn đó, đã không nhận ra những việc cần cải cách để đưa đất nước đi lên đến chỗ phát triển, hùng cường giữa trời bể năm châu. Tiếc thay, họ không biết tận dụng nội lực thâm hậu, không kể lương dân hay giáo dân, của mọi từng lớp nhân dân nơi hội nghị Diên Hồng ngày nào để tạo sức bật diệu kỳ đánh đuổi ngoại xâm. Có lẽ do lòng ích kỷ, họ muốn bám chặt ghế ngồi của mình bằng chính sách “bế quan tỏa cảng”, bất kể hậu quả nghiệt ngã mà ngàn đời sau phải gánh chịu và phê phán.

D - VỊ SÁNG LẬP, ĐỨC CHA LEFÈBVRE, QUA ĐỜI

Tưởng cũng nên chia sẻ tâm tình của Đức cha, để đồng cảm với ngài mà chính các đồng liêu đã có lời chứng: Có lẽ tính tình cầu toàn của ngài đã khiến ngài phải đau khổ vào cuối đời vì người đồng hương của mình. “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 3, 17).

Dĩ nhiên, ngài vẫn muốn đạo quân Tây phương đến giải thoát cho địa phận và tín hữu khỏi cảnh tan tác, đầu rơi, máu chảy… Nhưng tiếc thay, họ đến vì mục đích hoàn toàn thế tục, không quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tôn giáo thiêng liêng. Vì thế, ngài không hiểu vì sao họ quá chần chờ hay cố tình không muốn ra tay bênh đỡ để một số đông giáo hữu bị tàn sát và tài sản của Giáo hội Việt Nam nhiều lần bị tiêu hủy trước mắt họ!

Lính viễn chinh đồn trú tại Sàigòn lại thường dở trò bỉ ổi, làm nhục nhiều thiếu nữ bản xứ, nên ngài cảm thấy quá đỗi đau lòng như đạo thánh Chúa bị xúc phạm. Quá đau phiền, thất vọng cho ngài, người ta cảm thán cho ngài: Bốn năm tạm gọi là hòa bình dưới bóng cờ Tam Tài (1859-1863) đã làm cho ngài mau già hơn quãng thời 20 năm bị truy nã phải sống trôi dạt, ngủ bờ ngủ bụi.

Do đó, sau khi đặt viên đá đầu tiên cho cơ ngơi chủng viện, chưa kịp nhìn thấy cơ sở ấy được hoàn thành, ngài đành gạt nước mắt, đệ đơn thỉnh nguyện Đức Piô IX cho phép ngài từ chức. Ngày 11-12-1864, ngài xuống tàu rời Việt Nam thân thương của ngài. Giáo dân tiễn ngài quá đông. Khi tàu rời cảng Nhà Rồng, nhiều tiếng nức nở vang lên… quyện theo làn gió Đông Noel năm ấy như muốn bao bọc lấy con người khả kính, khả ái một đời hy sinh cho Giáo Hội Việt Nam.

Trước khi về quê nhà, ngài không quên trực chỉ Rôma để tấu trình lên Đức Giáo hoàng về tình hình địa phận thân yêu mà ngài đã gắn bó, vun đắp suốt cả một đời. Xong việc, ngài về quê mong có giờ tịnh tâm, cầu nguyện cho những con người hiền hòa của xứ An Nam, những người mà không bao giờ rời khỏi tâm trí ngài. Nhưng vừa đến Marseille, một cơn bạo bệnh đã đến và Thiên Chúa đã gọi ngài về an nghỉ trong tay Chúa vào ngày 30-04-1865, sau trọn cuộc đời phục vụ Nước Chúa đầy gian nan, thử thách cả trong hai mặt trận: mặt trận thuộc thể và mặt trận thuộc linh.

E – KHÁNH THÀNH ĐẠI CHỦNG VIỆN SÀIGÒN

Đức cha MICHE

Đức cha Lefèbvre ra đi, Tòa Thánh gọi Đức cha Miche đang cai quản Cao Miên về thay thế coi sóc địa phận Sàigòn.

Trong thời gian đó, cha Wibaux vẫn tiếp tục xây cất để chủng viện sớm hoàn thành, mong bù đắp lại thời gian hơn hai mươi năm trước, khi mà Đức cha Lefèbvre thân thương và đoàn con chủng sinh của ngài phải học tập trên sóng nước bập bềnh, trong ánh đèn dầu chập chờn khi tỏ khi mờ.

Vì thiếu hụt tài chánh nên công trình xây dựng phải đình hoãn đến ba lần để đợi chờ người em của ngài tiếp sức. Nhà chưa cất xong, vào năm 1865 đã có những cha: cha Võ, cha Dư, cha Nhu, cha Nhi, cha Đậu, cha Bình, cha Đường, cha Thạch, cha Sâm mãn trường lớn Penang được Đức cha Miche gọi về thụ phong linh mục trong nhà nguyện tạm của chủng viện.

Đại Chủng viện Thánh Giuse do cha Wibaux xây dựng.

Mỗi ngày có đến gần bốn mươi công nhân, chưa kể mấy chục chủng sinh trai tráng trợ giúp, mãi đến ba năm sau mới hoàn thành. Năm 1866, Đức cha Miche long trọng làm lễ khánh thành và cho khai giảng chính thức. Theo di chúc của vị tiền nhiệm đã đặt viên đá đầu tiên, ngài đặt cho tên cho cơ sở này: Chủng viện THÁNH GIUSE.

Ngày làm phép chủng viện, chủng sinh được 60 (gồm cả các chú và các thầy), Địa phận lúc ấy có 30.000 giáo dân, quy tụ trong 126 họ đạo lớn nhỏ do 17 linh mục bản xứ và 25 linh mục thừa sai hướng dẫn.

F - XÂY CẤT NHÀ NGUYỆN CHỦNG VIỆN

Nhà nguyện Chủng viện

“Ba dãy nhà dành cho chủng sinh lưu trú đồ sộ, mà nhà nguyện sơ sài thì không thể được. Chỗ phượng tự, chính nó phải tôn nghiêm trang trọng, huống chi là nhà nguyện của Chủng viện, cần phải bộc lộ, phải biểu tượng hóa lòng tôn thờ đặc biệt của Chủng sinh, tất nhiên nhà nguyện phải được đẹp đẽ uy nghiêm”, cha Wibaux suy nghĩ.

Nghĩ là làm, mặc dầu tài chánh eo hẹp, thiếu thợ lành nghề, nhưng với kinh nghiệm đã qua, năm 1867, chưa đầy một năm sau ngày khánh thành Chủng viện, cha Wibaux lại khởi công kiến trúc nhà nguyện cho chủng viện.

Xây dựng được hai năm trong lao tâm lao lực ngày đêm, qua năm 1867, cha lâm bệnh nặng vì kiệt sức. Bác sĩ người Pháp khuyến cáo cha phải tịnh dưỡng nếu muốn tiếp tục công trình của ngài. Cha đành sang trụ sở MEP tại Hồng Kông, rồi trở về quê nhà Pháp quốc để dưỡng bệnh. Công tác xây dựng nhà nguyện tạm ủy thác lại cho cha Đậu, vị phụ tá chuyên nghiệp, tiếp nối công trình.

Quả thật, Thiên Chúa Tình yêu thường rút từ sự dữ ra sự lành:
Một là nhờ cơn bệnh khó trị, cha có dịp bệ kiến Đức Thánh Cha PIO IX và tường thuật những công trình cha đã thực hiện tại Việt Nam với những khó khăn gặp phải khi xây cất Chủng viện Sàigòn. Đức Thánh Cha đã an ủi: “Con đừng buồn, nhà chung đó là hạt giống châu báu sẽ trổ sinh nhiều hoa quả tốt đẹp”. Ngài cũng chúc phúc, qua những thanh niên chủng sinh, cho miền Nam Nước Việt một tương lai tươi sáng.

Hai là trong dịp này, phóng viên tạp chí Truyền giáo đã phỏng vấn cha Wibaux về tình trạng Địa phận Sàigòn, nhứt là về công tác kiến tạo Chủng viện. Nhờ đó, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ tài chánh cho việc xây dựng và công cuộc đào tạo giáo sĩ tại Việt Nam.

Năm 1871, sức khỏe vừa bình phục, nghe cha Đậu báo tin công trình xây cất tạm hoàn tất, cha vội vã trở lại quê hương thứ hai để tổ chức khánh thành nhà nguyện. Chính ngài dâng cho nhà nguyện: Tượng Đức Mẹ Maria đặt sau bàn thờ. Còn tượng hai thánh Phêrô và Phaolô và các tượng nhỏ nơi bàn thờ cạnh, cả những đồ lễ chén thánh đều do những ân nhân từ Pháp gửi sang dâng cúng.

Đức cha Miche làm phép nhà nguyện. Có đến 28 linh mục thừa sai và bản xứ đến tham dự. Thời đó mà quy tụ được số linh mục như thế là một trường hợp hết sức đặc biệt.

G - CHA WIBAUX QUA ĐỜI

Từ ngày sang Việt Nam cho đến khi từ trần, trong vòng 17 năm, ngài đã cống hiến tất cả cho Chủng viện. Sống cho chủng viện mà cũng chết vì Chủng viện. Khi nhắm mắt, hai tay phủi sạch nợ trần, ngài không còn tiền bạc chi cả.

Có một lần, một tân linh mục đến từ giã ngài, xin ngài cầu nguyện để đi nhận nhiệm sở, ngài đặt tay trên đầu cha ấy, chúc phúc lành rồi hôn mặt và đọc lời Thánh vịnh mà cụ già Simeon đã đọc: Nunc dimittis servum tuum, Domine, secundum verbum tuum in pace, quia viderunt oculi mei salutare tuum: Lạy Chúa, xin cho đầy tớ Chúa được nghỉ an như lời Chúa hứa, vì mắt tôi đã nhìn thấy Đấng Chúa sai (Lc 2, 29).

Sau một cơn bệnh kéo dài hơn ba tuần lễ, ngày 07-10-1877 cha trở về cùng Chúa, hưởng dương được 57 tuổi. Có lẽ vì quá lao nhọc với kiếp sống chật vật và liên tục xây dựng những công trình để đời cho những thế hệ giáo sĩ về sau mà cha không thọ được lâu dài.

Ngôi mộ của cha Wibaux

Hiện nay, ngôi mộ của ngài nằm sau nhà nguyện chủng viện… có vẻ cô quạnh. Tuy nhiên cũng lưu lại cho các bạn đồng liêu tấm gương hy sinh cao quý, và để lại cho con cái một cơ nghiệp uy nghi, đồ sộ về vật chất lẫn tinh thần.

Uống nước nhớ nguồn là văn hóa nghìn đời của dân tộc Hồng Lạc.
Ước chi trong đại lễ kỷ niệm 150 năm khánh thành Chủng viện Thánh Giuse sắp tới, những người thừa hưởng thuộc thế hệ hiện thời sẽ có những động thái cụ thể để tuyên dương và ghi nhớ mãi công ơn xương máu của đấng Tổ phụ Giám đốc Chủng viện một cách chân thành và thiết thực xứng tầm.

H - CHI NHÁNH TIỂU CHỦNG VIỆN

Từ lâu nay, các chú tiểu chủng sinh vẫn học chung một nơi với các thầy đại chủng sinh, tạo nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, đào luyện. Cha Thiriet, giám đốc đại chủng viện, khẩn khoản xin Đức cha cho thành lập một Tiểu chủng viện riêng biệt. Đức cha đặt cơ sở tại An Đức, nơi đây có sẵn cơ sở Tu hội Thầy Giảng, Địa phận chỉ cần cất thêm vài căn nhà là có thể khai giảng.

Ba mươi năm sau ngày khai khóa Đại chủng viện Giuse, năm thứ 7 thời vua Thành Thái, trường Tiểu chủng viện An Đức chính thức khai giảng đầu năm 1896, thâu nhận được 76 tiểu chủng sinh do Cha Ernest điều khiển. Nhưng nơi đây khí hậu không tốt. Trong vòng một năm các chú bị cúm hai lần, buộc lòng Tiểu chủng viện phải chuyển về Tân Định.

Vua Thành Thái: 1879-1955.
Tên húy: Nguyễn Phúc Chiêu,
Giai đoạn trị vì: 1889-1907. Vua có tư tưởng chống Pháp nên ông
bị buộc thoái vị lấy cớ mắc bệnh tâm thần. Năm 1907 ông đi an trí tại Vũng Tàu.
Qua năm 1916 thực dân đầy ông đến đảo La Réunion, thuộc Phi Châu.
Năm 1947, Pháp đưa ông về sống tại Sàigòn cho đến cuối đời.


Cha Thiriet, giám đốc Đại chủng viện, qua đời năm 1897 sau 33 năm điều khiển chủng viện. Cha Dumas, một giáo sư dầy kinh nghiệm giảng dạy từ 1873 được chỉ định thay thế. Qua năm sau, 1898, Đức cha Depierre từ giã trần thế. Đức cha Depierre chỉ cai trị địa phận có hai năm, nhưng trước khi qua đời, ngài đã hân hạnh truyền chức linh mục cho 08 cha, con số cao nhất so với những khóa trước.

Đầu tháng 8-1898, chính ngài cũng đã hân hạnh khánh thành cơ sở Tân Định và đặt tên là Tiểu chủng viện Thánh Louis De Gonzague. Tiểu chủng viện này nằm trên một khoảnh đất cao ráo, rộng rãi thuộc viện Pasteur ngày nay.

Tiểu chủng viện Louis De Gonzague Tân Định được 40 chú, nhưng rồi vì không đủ tài chánh, năm 1901, Đức cha Mossard đành ra lệnh đóng cửa cơ sở này.

Sau khi Đức cha Mossard từ trần, ngày 23-3-1926, Đức cha Dumortier được tấn phong kế vị, ngài ưu tư về một Tiểu chủng viện nề nếp
và muốn nâng cấp Đại chủng viện Thánh Giuse.

Qua năm sau, cha Bề trên chủng viện Ernest cũng qua đời. Cha chính địa phận Delignon lên thế quyền. Năm 1929, cha Delagnes lên thay thế.

Ngôi nhà chủng viện bề thế ngày xưa do cha Wibaux kiến trúc trước đó hơn 60 năm chỉ đủ dung nạp 150 chủng sinh lớn nhỏ. Nhưng hiện nay số tiểu chủng sinh đã lên đến 200, nên ngài đã cho xây cất thêm một tòa nhà cho Tiểu

Tiểu Chủng viện Thánh Giuse, hiện nay là Trung Tâm Mục vụ TGP Tp. HCM

chủng sinh. Đức cha Dumortier đã viết: “Vì nhu cầu của địa phận, chúng tôi cần phải xây thêm một tòa nhà nữa để đáp ứng cho nhu cầu truyền giáo hiện nay. Chúng tôi đã khởi công và đã hoàn thành trong tháng 3-1928 một ngôi nhà ba tầng (hai lầu) ngang 13 mét, dài 46 mét”.

Sau khi khánh thành cơ ngơi chính thức Tiểu chủng viện Sàigòn, ngài cũng nâng cấp Đại chủng viện. Ngày 29-11-1932, Đức cha Dumortier đã long trọng khánh thành một tòa nhà cũng hai lầu dài 58 mét, ngang 14 mét có thể tiếp nhận 100 đại chủng sinh. Hai sự kiện này diễn ra trong triều đại vua Bảo Đại, triều đại thứ 13, triều đại cuối cùng của nhà Nguyễn.

Vua Bảo Đại: 1913-1997.
Tên húy: Nguyễn Phúc Thiển,
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.
Giai đoạn trị vì: 1925-1945.


Tiếp liền năm sau, Đức cha tách biệt đại và tiểu chủng viện. Cha Seminel làm Giám đốc Tiểu chủng viện đầu tiên. Trước kia, một cha Bề trên kiêm cả hai trường lớn nhỏ.

Vào năm 1933, Đại chủng viện Sàigòn tách biệt rạch ròi riêng một Tiểu Chủng viện, đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của cơ sở đầu não này, cũng là năm Tòa Thánh phong cha Nguyễn Bá Tòng làm Giám mục tiên khởi bản quốc, cai quản Địa phận Phát Diệm, đánh dấu thêm sự trưởng thành của hàng Giáo sĩ Việt Nam.

Đức cha GB Nguyễn Bá Tòng
Giám mục tiên khởi Việt Nam.
Ngài sinh tại Gò Công ngày 07-08-1868.
Từ trần năm 1949.


Năm 1883, Linh mục Dépierre đỡ đầu cho Nguyễn Bá Tòng vào học Tiểu chủng viện dưới quyền giám đốc lúc bấy giờ là Linh mục Thiriet nổi tiếng là một người thông thái. Những năm học ở Tiểu chủng viện, ngài luôn là một chủng sinh xuất sắc. Ngày 24 tháng 9 năm 1887 thày Nguyễn Bá Tòng vào học Đại chủng viện Sàigòn và cho tới năm 1896 thì tốt nghiệp. Ngày 11-6-1933, Đức Thánh Cha Piô XI tấn phong giám mục cho ngài tại đền thánh Phêrô, Vatican.
Khẩu hiệu: “Hãy châm rễ sâu trong dân ta chọn”.

III - BỊ CHIẾM ĐÓNG THỜI ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Khi Nhật hoàng xua quân đến đất Việt, chủng viện cũng phải nếm mùi bom đạn vì xung quanh là các khu quân sự đầu não: Hải quân, Ba son, doanh trại bộ binh… Nhiều quả bom vô tình đã đi lạc vào bệnh thất và khu lưu trú của các xơ trong Chủng viện.

Để tránh thương vong về người, cha Bề trên quyết định cho Đại chủng sinh và hai lớp nhỏ nhất Tiểu Chủng viện đến tạm trú tại Lái Thiêu. Các Tiểu chủng sinh còn lại đành tản cư về Cái Nhum, thuộc Giáo phận Vĩnh Long ngày nay.

Sẵn nhà cao cửa rộng bỏ trống, quân đội Phù Tang vào chiếm đóng một thời gian. Sau đó quân đôi Pháp trở lại xung công làm nơi tiếp đón các nạn nhân chiến cuộc.

Đến giữa năm 1946, các thầy Đại chủng sinh và cả các chú trường nhỏ tề tựu về Sàigòn. Khi kiểm điểm lại sĩ số thì thấy kém đi khá nhiều, vì có nhiều chủng sinh chán nản bỏ cuộc. Đó là thời kỳ Đức cha Cassaigne (1941-1955). Nhưng sau thời kỳ khốn khó ấy, giáo phận Sàigòn và Chủng viện lại phát triển tốt lành hơn. Sau cơn mưa, trời lại sáng.

IV- THỜI KỲ PHÁT TRIỂN

Năm 1952, Đức cha Cassaigne chỉ định cha Lesouef, một vị Thừa sai uyên bác, làm Giám đốc Đại Chủng viện thay cho cha Delagnes đã lớn tuổi. Từ đây như có một luồng gió mới thổi mạnh vào Chủng viện:
*Thứ nhất, cha Lesouef vận động với cha Bề trên Hội Thừa Sai Paris và các Giám mục liên hệ gửi đến cho Chủng viện những vị giáo sư tài đức.
*Thứ đến, cha cũng vận động thành công xin Tòa Thánh trợ cấp cho Đại Chủng viện Sàigòn một số tiền khá lớn hằng năm.

Có thể nói được: Đại Chủng viện Sàigòn, từ ngày thành lập, chưa lúc nào phát triển như lúc này.

Năm 1954, Đức cha Cassaigne, vị tông đồ người hủi, đã mở rộng Địa phận tiếp đón những anh em theo làn sóng di cư từ Bắc tràn vào Nam. Qua năm 1955, khi anh em di cư đã an cư ở các giáo xứ tân lập trong Địa phận, ngài đã làm đơn xin về hưu mong thực hiện ý muốn của Tòa Thánh là giao trách nhiệm cai quản lại cho Hàng Giáo phẩm bản xứ. Ngài đã trao Địa phận Sàigòn lại cho Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, vị Giám mục tiên khởi bản xứ của Địa phận Sàigòn. Ngài đã trở về với trại phong Di Linh. Sau khi qua đời, ngài đã an nghỉ giữa nghĩa địa người phong.

V - THỐNG NHẤT CHỦNG VIỆN ĐỂ THĂNG TIẾN

Khi Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền gánh lấy trọng trách, Địa phận Sàigòn trăm mối bộn bề. Trong Địa phận, bên cạnh Chủng viện Sàigòn còn có

những Chủng viện Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm, Bắc Ninh… Mỗi Chủng viện có những truyền thống riêng, tâm tính riêng, lối sống riêng, giáo dục riêng… Việc thống nhất làm một chủng viện cho một Giáo quyền địa phương không đơn giản chút nào. Truyền thống cha ông vẫn là: lũy tre xanh bao quanh thôn làng, mỗi làng một giếng nước, một ao nước… Ta về ta tắm ao ta… Làm sao cho con cháu mở rộng tâm lòng, mở rộng tầm nhìn qua làng lân cận! Nhưng rồi ân điển Chúa Thánh Thần đã làm nên mọi sự. Ut unum sint.

Cuộc họp Hội đồng, gồm các Giám mục miền Nam và Đức Khâm sứ Tòa Thánh, đã quyết định thống nhất các Chủng viện hiện có trong Địa phận Sàigòn. Văn thư số 274, ngày 12-04-1960, Đức Khâm sứ Brini đã quyết định:

1/ Sau niên khóa 1959-1960, các Tiểu Chủng viện di cư ngưng thu nhận chủng sinh mới.
2/ Các Tiểu Chủng viện trực thuộc Bản quyền địa phương (Giáo phận Sàigòn).
3/ Thiết lập hai Đại Chủng viện Miền.

- Đại Chủng viện Quy Nhơn: tiếp nhận các ơn gọi thuộc các Địa phận Quy Nhơn, Huế, Kontum, Nha Trang... do các cha dòng Xuân Bích hướng dẫn.
- Đại Chủng viện Sàigòn: tiếp nhận các ơn gọi thuộc các Giáo phận Sàigòn, Vĩnh Long, Cần Thơ (thời ấy chưa lập Giáo phận Đà Lạt, Phú Cường, Xuân Lộc, Mỹ Tho, Long Xuyên, Bà Rịa), các cha Thừa Sai Paris vẫn phụ trách hướng dẫn.

Ngày 17-06-1960, trong cuộc họp tại Trung tâm Công giáo, Đức cha Lê Hữu Từ và Đức cha Nguyễn Văn Bình đặt tên cho Đại Chủng viện mới là Lê Bảo Tịnh, cơ sở đặt tại đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định, thuộc giáo xứ Vô Nhiễm hiện nay và giao cho cha Giuse Phạm Văn Thiên làm Giám đốc. Từ đó Chủng viện Sàigòn có thêm thánh bổn mạng thứ hai là Lê Bảo Tịnh.

VI - CHỦNG VIỆN SÀIGÒN TRƯỞNG THÀNH
& HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM


Đức cha Phao lô Nguyễn Văn Bình.

Tông huấn Venerabilium Nostrorum, ngày 24-11-1960, thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam chia làm ba Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sàigòn.

Ngày 02-04-1961, chánh thức nhận Tổng Giám mục Sàigòn, kiêm Giáo tỉnh miền Nam, Đức Tổng Giám mục tiên khởi Phaolô liền dành mọi tâm sức cho Chủng viện.

Tháng 07-1961, trước ngày khai giảng năm học mới, các giáo sư Thừa sai đã vui lòng trao Chủng viện Sàigòn cho hàng giáo sĩ Việt Nam quản lý. Đức cha Phaolô chỉ định cha Giuse Trần Văn Thiên, linh mục Việt Nam đầu tiên, làm bề trên Đại Chủng viện Sàigòn.

Cổng chính ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE

Khai giảng niên khóa 1961-1962:
- Khoa Triết, học tập tại cơ sở Thánh Lê Bảo Tịnh, Gia Định,
cha Đaminh Trần Thái Hiệp làm Giám đốc.
- Khoa Thần, học tập tại cơ sở Thánh Giuse,
cha Giuse Trần Văn Thiên làm Giám đốc.


Qua một năm học, hai cơ sở triết học và thần học tách biệt nhau phát sinh nhiều bất tiện.

Tháng 05-1962, Đức TGM Phaolô quyết tâm cho trùng tu Chủng viện và xây dựng thêm những tòa nhà mới để giải quyết nhu cầu sáp nhập các Chủng viện miền Bắc.

Khu nhà Triết học

Ngày 19-03-1963, Đức Khâm sứ Salvatore Asta đã khánh thành dãy nhà Triết học, dọc theo đường Cường Để (hiện nay là đường Tôn Đức Thắng). Trong tương lai, khu nhà Triết học này sẽ không tồn tại, vì nhu cầu mở rộng đại lộ Tôn Đức Thắng. Chuẩn bị mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Đại Chủng viện, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn đã lên kế hoạch trùng tu cơ sở này, gồm chương trình xây cất khu nhà Triết học mới, thay thế dãy nhà Triết học hiện hữu.

Ngày 07-08-1963, hoàn tất xây dựng mới khu nhà Thần học năm 3 & 4 bên cạnh nhà nguyện Đại Chủng viện.

Khu nhà Thần Học

Thượng tuần tháng 08-1963, Đức TGM Phaolô cảm động nhìn thấy 235 thầy Đại Chủng sinh tề tựu về ngôi trường chung Thánh Giuse Sàigòn. Cũng trong năm đáng ghi nhớ ấy, trong hai ngày 29 và 30-12-1963, Đức TGM Phaolô cũng đã long trọng tổ chức Đại lể kỷ niệm Bách Chu Niên thành lập Chủng viện Thánh Giuse, Tổng Giáo phận Sàigòn.

Năm 1965, cha Giacôbê Phạm Văn Mầu làm Giám đốc Chủng viện thay cho cha Giuse Trần Văn Thiên nhận chức Giám mục giáo phận Phú Cường.

Năm 1968, cha Giacôbê Phạm Văn Mầu nhận chức Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, cha Phaolo Huỳnh Ngọc Tiên làm Bề Trên Chủng viện.

Từ năm 1975, số đại chủng sinh giảm hẳn, nhưng Đại Chủng viện vẫn cố gắng sinh hoạt bình thường giữa bao khó khăn tư bề. Năm 1977, Tiểu Chủng viện đóng cửa, trao cho Bộ Tài Chánh quản lý. Đại chủng viện vẫn tự lực âm thầm hoạt động. Đến năm 1982, vì hoàn cảnh bắt buộc, đành phải ngưng hoạt động.

Năm 1987, năm năm sau, Đại Chủng viện Sàigòn được cấp phép hoạt động trở lại để tiếp nhận đào tạo chủng sinh thuộc sáu giáo phận: Sàigòn, Mỹ Tho, Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Cường và Xuân Lộc.

Khóa I: khai giảng ngày 06-02-1987, năm 1992 mãn khóa.
Khóa II: khai giảng ngày 01-10-1991, năm 1997 mãn khóa.
Từ khóa III: tuyển sinh hai năm một lần.
Đến nay đã tuyển sinh được mười khóa.

Ngày 08-12-1990, Đức TGM Phaolô ra thông báo 68/90 trưng dụng ngôi nhà cổ của Tiểu Chủng viện, tọa lạc trước nguyện đường, làm nhà Truyền Thống Tổng Giáo phận.

Ngày 01-07-1995, sau nhiều cơn bệnh kéo dài, ngài đã trở về cùng Chúa để lại bao tiếc nuối khôn nguôi cho mọi người đến cả hôm nay. Ngài là tấm gương an bình trong ly loạn, bền gan trong nghiệt ngã, vui tươi trong thử thách, tín thác trong đau khổ. ‘Đức cố Tổng Giám mục Phaolô không còn hiện diện hữu hình trên cõi đời này, nhưng tinh thần và công trình của ngài cần được tiếp nối trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay của Giáo phận” (trích bài giảng lễ Giỗ mãn tang Đức Cố TGM Phaolô của Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita, tại nhà thờ Chánh tòa, ngày 04-07-1998).

Ngày 02-04-1998, Đức Tân Tổng Giám mục Gioan Baotixita, từ Giáo phận Mỹ Tho, đã chính thức gánh vác Tổng Giáo phận. Ít lâu sau, ngài đã giao nhà Truyền thống cho Đức cha Phụ tá Giuse Nguyễn Duy Thống (2001-2009).

THỜI KỲ LỘT XÁC và ĐỔI MỚI


Nhà Trung Tâm Văn Hóa Đức Tin

Với bàn tay khéo léo của một nghệ nhân, Đức cha Giuse đã phục chế lại từ bên trong Ngôi nhà Truyền thống trở nên xứng tầm như chúng ta đang thấy.

Ngày 04-12-2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Phúc Âm Cho Các Dân Tộc đã cắt băng khánh thành nhà Truyền Thống này và từ đó gọi là Nhà Trung Tâm Văn Hóa Đức Tin.

Đầu năm 2005, cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng giữ quyền Giám đốc, cha Gioakim Trần Văn Hương Phó Giám đốc cho đến ngày nay. Tháng 09-2005 bệnh xá Đại chủng viện được tháo dỡ. Ngày 29-11-2005, nhà nguyện lâu nay của Đại chủng viện trở thành nhà ăn cho quý Thầy Đại chủng sinh.

Nhà nguyện của Tiểu Chủng viện Sàigòn do cha Bề Trên Wibaux xây dựng từ năm 1867-1871, tạm đóng cửa từ năm 1977. Ngày 24-12-2005, Đức cha Phụ tá Giuse đã làm phép bàn thờ và nhà nguyện để trở thành nhà nguyện chính thức của Đại Chủng viện Sàigòn.

Từ ngày 23-03-2006, cha Bề trên Ernest cho khởi công san bằng dãy nhà ngói dài cạnh nhà nguyện để làm quảng trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Tượng đài Thánh Giuse trước khu Triết Học

Ngày 03-04-2006, ngài cho xây dựng tượng đài Thánh Giuse, bổn mạng Đại chủng viện, trên phần đất bệnh xá trước kia. Ngày 01-05-2006, lễ kính Thánh Giuse, cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ đã khánh thành và làm phép tượng Thánh Giuse do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện.

Từ ngày 22-11-2005, Giáo phận Xuân Lộc tách thêm Giáo phận Bà Rịa. Đại chủng viện Sàigòn đào tạo linh mục cho bảy Giáo phận của Giáo tỉnh Sàigòn. Đại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ chịu trách nhiệm đào tạo linh mục cho ba Giáo phận còn lại: Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên.

Bảy tài nguyên ơn gọi thuộc bảy Giáo phận như trên đã nói, lại nằm gọn trong một chiếc “nôi” duy nhất là ĐCV Sàigòn, quả là chật hẹp và khó khăn cho công tác đào tạo. Sau một thời gian dài chờ đợi, Nhà nước đã cho phép Đại Chủng viện Sàigòn mở thêm một chi nhánh thứ nhì tại Giáo phận Xuân Lộc.

Ngày 28-06-2006, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng ĐCV Thánh Giuse chi nhánh Xuân Lộc.

Đầu năm học mới, ngày 15-10-2006, chi nhánh II này đã bắt đầu hoạt động để tiếp đón tân chủng sinh.

Từ niên học 2007-2008, cơ sở I tiếp nhận tân chủng sinh thuộc ba Giáo phận: Sàigòn, Mỹ Tho, Phú Cường. Cơ sở II tiếp nhận tân chủng sinh thuộc bốn Giáo phận: Xuân Lộc, Đà Lạt, Phan Thiết và Bà Rịa.
Cũng từ năm học này, các chủng sinh của các Giáo phận thuộc cơ sở II, đang theo học từ đầu khóa tại cơ sở I, tất cả đều về cơ sở II học tập tiếp tục cho đến khi mãn khóa.

Cơ sở 1: tọa lạc tại số 06, Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận I, TpHCM.
Cơ sở 2: tọa lạc Y 70, Hùng Vương, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Danh sách các Giám đốc Đại Chủng viện Sàigòn từ năm 1859:

- 1859-1877: cha Wibaux
- 1877-1897: cha Thiriet
- 1897-1913: cha Dumas
- 1913-1916: cha Delignon
- 1916-1927: cha Ernest
- 1927-1930: cha Delignon
- 1930-1952: cha Delagnes
- 1952-1961: cha Lesouef
- 1961-1966: cha Giuse Trần Văn Thiên
- 1966-1968: cha Phêrô Nguyễn Văn Mầu
- 1968-1975: cha Phaolô Huỳnh Văn Tiên
- 1975-1992: cha PhêrôTrần Thái Hiệp
- 1992-2005: cha Phêrô Lê Tấn Thành
- 2005 đến nay: cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Cơ Sở II

- 2006-2009: - Đức cha Giuse Nguyễn Năng.
- 2009 đến nay: Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu.

Kết thúc cho dòng lịch sử Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn, tưởng cũng nên liên kết với một sự kiện vô tiền khoáng hậu của Giáo Hội Công giáo Việt Nam:
ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010 TẠI VIỆT NAM
Diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Tp. HCM
Từ ngày 21- 25 / 11 / 2010.
Trung tâm Mục vụ là một trong những tòa nhà thuộc Tiểu Chủng viện Sàigòn năm xưa. Tiểu Chủng viện này phải đóng cửa từ năm 1977, kể cả nhà nguyện Chủng viện. Năm 2004, Tiểu Chủng viện được trao trả lại cho Giáo quyền Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Từ năm 2005, Đức Hồng y Gioan Baotixita thành lập nơi đây: Trung Tâm Mục vụ TGP Tp. HCM, giao trọng trách cai quản cho linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Ngày 15-11-2008 ngài được tấn phong là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Tp. HCM. Ngài vẫn tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc Trung Tâm này cho đến ngày nay.

LỜI KẾT

Mỗi Giáo phận Công giáo, trong mọi thời đại, luôn hiện hữu một Đại Chủng viện: trụ sở tư tưởng chính thống của Giáo Hội Địa phương. Trong hoàn cảnh thuận lợi thì cơ sở này hiện diện công khai, phong chức linh mục công khai. Giữa hoàn cảnh cấm cách thì cơ sở này vẫn hiện diện sống và sống dồi dào bằng nhiều cách khác như chúng ta đã thấy trong quá khứ, cho dù phải đổ máu, hy sinh cả mạng sống của hàng hàng lớp lớp con người. Lớp người trước nằm xuống, lớp kế thừa vẫn anh dũng tiến lên bảo vệ trong máu lửa, sẵn sàng nằm xuống cho thế hệ mai sau “sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10).

Có thể kết luận Đại Chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn đã
Khởi sự trong máu đào
Hình thành trong nước mắt
Gặt hái trong hân hoan.

Suốt hơn 350 năm qua, cơ sở đào tạo linh mục của Giáo phận Sàigòn, dù có hiện hữu hay không hiện hữu trước mắt xã hội, cũng vẫn sản sinh ra biết bao vị linh mục thánh đức sống theo khuôn mẫu Linh mục đời đời là chính Đức Kitô. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi” (x. Ga 10, 26-30). Giữa môi trường càng khắc nghiệt thì xã hội loài người càng chứng kiến nhiều linh mục thánh đức đến không ngờ. Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh, đã công bố vang dội:
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18).

Mừng kính Thánh GIUSE, 19.03.2012

Tham khảo:
- Bách chu niên Kỷ Yếu Đại Chủng viện Sàigòn năm 1963.
- Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, 1965.
- Kỷ Yếu Đại Chủng viện Sàigòn năm 1967.
- Kỷ Yếu ĐCV thánh Giuse, TGP TpHCM khóa I (1986-1992).
- Kỷ Yếu ĐCV thánh Giuse, TGP TpHCM khóa IV (1993-1999).
- Kỷ Yếu ĐCV thánh Giuse, TGP TpHCM khóa VII (2001-2007).
- Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh, Lược Sử Giáo Hội Việt Nam, 1994.
- Đỗ Quang Chính, Hai Giám mục đầu tiên tại VN, 2005.
- Benigne Vachet, Chuyện Đức cha LAMBERT, Cao Kỳ Hương dịch thuật, 2005.
- Bản tin Hiệp Thông số 37, tháng 9 & 10 năm 2006
- Văn phòng Thư Ký HĐGMVN, Giáo Hội Công giáo Việt Nam,
Niên giám 2004, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2004.
- Ủy ban Văn hóa HĐGMVN, Dấu Ấn Đức Tin, 2008.
- Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các Triều đại Việt Nam, 2009.
- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tái bản 2010
- Lm Đào Quang Toản, Đức cha PALLU và Dòng Mến Thánh Giá, 2010.
http://www.americancatholic.org
http://www.dunglac.org
http://vi.wikipedia.org
http://www.catholic.org
http:// daoquangtoan.pagesperso-orange
http://www.amthuc365.vn
http://thanhcavietnam.net
 
Tin Đáng Chú Ý
Cảnh sát Pháp tiến hành bắt thủ phạm Toulouse
Hà Minh Thảo
07:40 21/03/2012
Vào lúc 3 giờ 10 sáng hôm nay,ngày 21.03.2012, tại khu vực Croix-Daurade (Toulouse- Pháp), các cảnh sát viên tinhnhuệ của đơn vị RAID (recherche,assistance, intervention, dissuation, truy tầm, hỗ trợ, can thiệp) đã bắt đầu cuộc hành quân để bắt nghi can trongcác vụ sát hại ba quân nhân Nhảy Dù (một tại Toulouse ngày15.03.2012 và hai tại Montauban ngày15.03.2012) và 4 người song tịch Pháp Việt (một giáo sư và ba học sinh) tại tư thục Do thái OzarHatorah ở Toulouse ngày19.03.2012.

Khi cảnh sát đến hiện trường, tay súngđã nổ súng và làm bị thương nhẹ hai cảnh sát. Sáu hoặc bảy tiếng súng nổ đã được nghe. Cảnh sát liên lạc với bà mẹ để nhờ can thiệp, nhưng bà cho biết bà không có ảnh hưởng để nói gì.

Đương sự là một thanh niên 24 tuổi, quốc tich Pháp gốc Algeria, đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới Afghanistan vàPakistan, khai thuộc al-Qaeda để trả thù cho trẻ em Palestine và với lý do khác là những quân nhânđã can thiệp quân sự của họ tại Afghanistan.

Các anh trai của nghi can đãbị bắt và một số hoạt động khác đang được tiến hành tại Toulouse và đang tiếp tục.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cổng Hẹp
Nguyễn Hùng
21:34 21/03/2012
CỔNG HẸP
Ảnh của Nguyễn Hùng
'Hãy vào cổng hẹp;
vì rộng rãi và thênh thang là con đường dẫn tới hư vong'

Enter through the narrow gate;
for the gate is wide and the road broad that leads to destruction.
(Matthew 7:13)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền