Ngày 17-03-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khát Khao Gặp Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:08 17/03/2021
Chúa Nhật 5 Chay B
Khát Khao Gặp Chúa

Trong ba câu đầu của Phúc Âm Chúa nhật hôm nay (Ga 12,20-22), Thánh Gioan đã kể lại lời giới thiệu về Chúa Giêsu. Khi Người long trọng tiến vào Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua lần cuối cùng và cũng là chuyến từ giã thế gian để về cùng Cha, có những người Hylạp khi được nghe giới thiệu, họ đã muốn tìm gặp Người. Họ là dân ngoại có cảm tình với Do thái giáo "Họ lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa dịp Lễ Vượt Qua". Những người dân ngoại này tìm gặp Chúa Giêsu không chỉ để trông thấy mà thôi, mà còn muốn gặp để chuyện trò đàm đạo với Người. Họ đang bước tới trên con đường đức tin.

Họ đến gần Philipphê và xin ông giới thiệu để gặp Chúa Giêsu. Philipphê đi nói với Anrê. Cả hai ông đến thưa với Chúa. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của vai trò trung gian, của người giới thiệu, đến với Chúa cần có người giới thiệu, người dẫn đường.

Những người Hy lạp năn nỉ Tông đồ Philípphê: Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp Thầy Giêsu. Người Hy lạp ái mộ “muốn gặp Đức Giêsu”(Ga 12,21). Như thế họ đã có lòng khâm phục và muốn tin tưởng vào Chúa. “Trong Tin Mừng Gioan, gặp có nghĩa là tin. Đức Giêsu cho biết họ sẽ gặp Người nếu họ tin vào Người ngang qua cái chết” (Disciples in Mission 1999:22). Nghĩa là họ sẽ gặp Người trong vinh quang trên khổ giá. Bởi vậy thay vì trả lời trực tiếp, Đức Giêsu đã nói lên một sự thật. Giờ gặp Người là lúc Người bước vào vinh quang: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Nhưng vinh quang đó phải ngang qua khổ giá. Đúng hơn, chính trên khổ giá, chính lúc chương trình cứu độ được thực hiện, vinh quang Thiên Chúa tỏa sáng. Niềm tin của những người Hy lạp phải ngang qua thập giá mới đạt được. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói với các môn đệ về sự thật trên bước đường theo Người. (Lm. Giuse Đỗ Vân Lực).
Chúng ta có ao ước gặp Chúa Giêsu không?

Để trả lời, trước hết nên tự hỏi lòng mình: tôi có yêu mến Chúa Giêsu không? Nếu thực sự tôi yêu mến Chúa, tôi rất ước muốn, khao khát gặp gỡ Người, và tôi sẽ tìm mọi cách để gặp Người cho bằng được. Dĩ nhiên, tôi cũng biết rằng, không giống như khi Chúa Giêsu còn tại thế, lúc mà những ai ao ước trông thấy Người, có thể thấy bằng mắt phàm; còn bây giờ tôi chỉ có thể thấy Chúa bằng con mắt đức tin, gặp Chúa bằng đức tin. Và nếu tôi ao ước thấy Chúa, gặp gỡ Chúa bằng đức tin, thì tôi sẽ toại nguyện, vì Chúa đã dạy rõ ràng : ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

Thứ đến, Chúa luôn hiện diện cho chúng ta gặp Người, đặc biệt là trong Thánh lễ. Gặp gỡ Chúa khi dâng lễ mới là quan trọng. Chính vì thế mà khi Anrê và Philípphê đến thưa với Chúa Giêsu ước nguyện của mấy người Hy lạp, thì Chúa lại hướng các môn đệ đến Giờ Tử Nạn Phục Sinh của Người. Chúa bảo, đã đến giờ Con Người được Tôn vinh, rồi Người lại nói đến hạt lúa mì gieo xuống đất phải chết đi mới sinh nhiều hạt khác. Và bấy giờ Người mới mời gọi ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó!. Như vậy là Ý của Chúa Giêsu đã rõ. Người hướng tất cả những ai muốn gặp Người, trong số đó có chúng ta, đến Giờ Tử Nạn Phục Sinh. Nơi đó, lúc đó chúng ta sẽ gặp được Chúa. Điều đó không có nghĩa là phải đợi đến ngày lễ Phục Sinh, chúng ta mới gặp được Chúa. Chúng ta cùng nhau gặp Chúa ngay bây giờ khi cùng nhau cử hành Thánh lễ, và đón Chúa đến với chúng ta trong lòng Giáo Hội. Với đức tin, chúng ta gặp được Chúa trong mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh.

Chúa Giêsu đến trong Thánh lễ là Đấng đã chịu đóng đinh và chịu chết vì chúng ta, đã mặc lấy thân phận loài người như chúng ta, đã trải qua nhiều đau khổ, đã xin Thiên Chúa Cha cứu mình khỏi chết như lời thư gởi tín hữu Do Thái. Nhưng cuối cùng Người đã vâng phục Chúa Cha, sẵn sàng chịu chết. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã tôn vinh Người, cho Người sống lại từ cõi chết.Đó là mầu nhiệm Giáo Hội tuyên xưng và cử hành trong mỗi thánh lễ, là bí tích Giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với nhân loại nhờ Máu của Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, làm cho chúng ta thành Dân riêng của Thiên Chúa. Thánh lễ là bí tích của sự gặp gỡ, là bí tích của tình bằng hữu giữa Thiên Chúa và chúng ta nhờ Chúa Giêsu. Mỗi lần đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, hãy nhớ câu nói của mấy người Hylạp: Chúng tôi muốn được gặp Thầy Giêsu. (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Philípphê và Anrê là những người đầu tiên chia sẻ kinh nghiệm và đưa những người khác đến với Chúa (1,35-46). Bổn phận người môn đệ phải chu toàn trong đời sống là làm trung gian để cho nhân loại có thể gặp gỡ Chúa Giêsu.Thế giới ngoại giáo chưa hề biết trực tiếp Chúa Giêsu, mà chỉ nhờ lời rao giảng của các tông đồ: người ngoại đã “thấy” Chúa Giêsu nhờ Tin Mừng được rao giảng cho họ. Nhưng giữa ước muốn được “thấy” Chúa Giêsu và việc “gặp” Người còn có cuộc Thương Khó-Chết-Phục Sinh của Chúa nữa. Chỉ khi đó họ mới bắt đầu những kinh nghiệm đầu tiên về niềm tin chân chính vào Đức Kitô hằng sống, là những kinh nghiệm không thể có được trước Phục Sinh.

Hôm nay, Giáo xứ chúng ta có nghi thức tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng gia nhập vào Giáo hội. Đây là những lương dân thiện chí muốn trở nên Kitô hữu.Họ khao khát chân lý. Họ mong muốn tìm gặp Chúa Kitô và đón nhận tình yêu của Người. Sau những ngày tháng học hỏi về giáo lý, họ được tiếp nhận vào cộng đoàn và chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh để trở thành con cái Chúa.

Kính thưa anh chị em Dự Tòng.

Trở thành Kitô hữu không chỉ là gia nhập vào cộng đoàn giáo xứ,chấp nhận giáo lý của Chúa Giêsu và Giáo hội mà còn quan trọng hơn là gặp gỡ Thiên Chúa và khám phá ra tình yêu vô bờ bến của Ngài trong chính cuộc đời mỗi người.

Thật ra, mỗi Dự Tòng đã được Thiên Chúa yêu thương. Ngài hiện diện trong cuộc đời mỗi người từ lầu rồi, mặc dù anh chị em chưa bao giờ nghĩ tới để nhận ra Ngài. Anh chị em tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực sự Thiên Chúa tìm kiếm anh chị em trước. Nhờ Ngài mà cuộc tìm kiếm của anh chị em thành tựu và hôm nay chúng ta đang gặp gỡ Ngài.

Một cuộc gặp gỡ,một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng.Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, kể từ nay cuộc đời anh chị em sẽ thay đổi dần.Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời anh chị em. Hãy đón nhận Ngài với lòng tri ân cảm tạ. Cùng với Ngài anh chị em hãy bắt đầu một cuộc sống mới. Đó là cách tốt nhất để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho anh chị em.

Kính thưa cộng đoàn.

Hôm nay giáo xứ chúng ta tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng. Hạt giống đức tin đã ươm mầm và mọc lên. Biết bao công sức, bao nỗ lực của các hội đoàn, bao người đã dày công chăm sóc cho những hạt giống đức tin ấy để hôm nay Thiên Chúa cho mọc lên.

Những Dự Tòng đây đến với Chúa, tin và gặp gỡ Ngài là nhờ lời giới thiệu và gương sống chứng tá của tất cả chúng ta.

Có biết bao người trở lại vì trước đây đã có những kỷ niệm đẹp về Đạo của Chúa. Có những người theo Đạo vì trước kia đã học trường Đạo. Có người khác theo Đạo vì đã có một ân nhân là người Công Giáo. Cũng có những người cảm phục một tấm gương chứng tá của Phúc Âm. Có người lại nhận thấy đời sống người Kitô hữu trong gia đình, làng xóm tràn đầy tình bác ái.

Hôm nay giáo xứ chúng ta hân hoan thu hoạch một mùa lúa do công lao của biết bao người. Tạ ơn Chúa và tri ân những người truyền giáo âm thầm cho Giáo hội. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng Chúa ban.Khi giới thiệu Chúa cũng chính là lúc chúng ta thánh hoá bản thân mình.

Thiên Chúa là tình yêu.Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương, ao ước và gặp gỡ Thiên Chúa tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn " Đây là Chiên Thiên Chúa.Đây Đấng xoá tội trần gian". (Ga 1,29). Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa chưa chắc đã cần nói nhiều.Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay.Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Khuôn mặt đúng nhất của Chúa là tình yêu thương: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài" (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

Chúng ta hãy là hạt lúa,đến mảnh đất nào thì gieo mầm xanh tình thương để mảnh đất ấy bừng lên sự sống xanh tươi, hứa hẹn một mùa gặt tốt đẹp.


 
Ngạc nhiên và sững sờ
Lm. Minh Anh
05:13 17/03/2021
NGẠC NHIÊN VÀ SỮNG SỜ
“Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này!”

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất ‘ngạc nhiên và sững sờ’ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ cho chúng ta đôi điều về mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm tình yêu không bao giờ con người có thể hiểu thấu; đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu Thiên Chúa giữa các ngôi vị của Người.

Isaia nói đến một Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu hơn cả tình mẹ dành cho con mình, “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”. Thật ‘ngạc nhiên và sững sờ!’, một Thiên Chúa Tạo Hoá quyền năng, cao cả tỏ tình với thọ tạo của mình bằng những ngôn từ rất người; Thánh Vịnh đáp ca cũng khẳng định điều đó, “Chúa là Đấng nhân ái và từ bi!”.

Chúa Giêsu hôm nay lại tiết lộ cho chúng ta mối tương quan của Ngài với Chúa Chúa Cha; đúng hơn, Ngài nói đến mầu nhiệm trọng tâm và vinh quang nhất của niềm tin Kitô, mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngài xác định Cha trên trời là Cha của Ngài; còn hơn thế, Ngài và Cha là một. Cũng vì lý do đó, nhiều người Do Thái muốn giết Ngài vì Ngài “Coi mình ngang hàng với Thiên Chúa”. Thực tế đáng buồn là chân lý vĩ đại nhất, vinh quang nhất về đời sống nội tại của Thiên Chúa lại là một trong những lý do khiến Chúa Giêsu trở nên thù nghịch của nhiều người; và rõ ràng, chính sự thiếu hiểu biết của họ về sự thật vinh quang này đã đẩy họ đến chỗ hận thù với Ngài. Đầu óc con người quá thiển cận, trái tim con người quá hẹp hòi! Phần chúng ta, chúng ta gọi Thiên Chúa là một mầu nhiệm, không phải vì chúng ta không thể biết được Thiên Chúa, nhưng vì không bao giờ chúng ta có thể hiểu hết Người là ai. Ngày kia, ở chốn vĩnh hằng, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào kiến thức của mình về Người; lúc bấy giờ, chúng ta sẽ ‘ngạc nhiên và sững sờ’ ở một mức độ sâu sắc hơn.

Khi nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa, một khía cạnh quan trọng khác không thể bỏ qua là mỗi chúng ta được mời gọi thông phần vào chính mầu nhiệm ấy. Chúng ta sẽ mãi mãi khác biệt Thiên Chúa nhưng với ân sủng và thời gian, chúng ta được Thánh Thần “thần hoá”, nghĩa là được thông phần vào sự sống thần linh của Người nhờ sự kết hợp thể xác, linh hồn mình với Chúa Giêsu Kitô; nhờ đó, dần dần trổ sinh hoa trái mang phẩm tính thần linh. Nhờ sự kết hợp đó, chúng ta liên kết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Sự thật này hẳn cũng sẽ khiến chúng ta ‘ngạc nhiên và sững sờ’.

Hướng đến Tuần Thánh, lắng nghe Phúc Âm Gioan với các giáo huấn sâu nhiệm của Chúa Giêsu về tương quan của Ngài với Chúa Cha, chúng ta không chỉ làm quen để khoác cho mình các ngôn ngữ bí nhiệm Ngài dùng; nhưng cần hơn, chúng ta phải chiêm ngắm, cầu nguyện, và xin cho được khả năng bước vào mầu nhiệm này, cũng như cho phép mình thâm nhập mầu nhiệm này; nhờ đó, có thể thực sự ‘ngạc nhiên và sững sờ’ trước huyền nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Chính sự ‘ngạc nhiên và sững sờ’ này sẽ tất yếu dẫn đến một sự hoán cải và biến đổi bên trong; từ đó, chọn lựa cách ăn nết ở sao cho xứng với hồng ân làm con Chúa. Tắt một lời, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết Thiên Chúa, nhưng phải cho phép những chân lý về Người nắm lấy chúng ta, đổi mới chúng ta, nới rộng khối óc và con tim hẹp hòi của chúng ta; nhờ đó, trở nên phong phú, ít nhất, theo cách mà chúng ta không biết bao nhiêu; và kiến thức đó sẽ tiếp tục gây ‘ngạc nhiên và sững sờ’.

Phillips Brooks, một giáo sĩ; không lâu trước khi qua đời, một bạn trẻ viết thư hỏi ông về bí mật sức mạnh và sự thanh thản nơi ông. Rất chân thành, Brooks cho biết, đó là mối tương quan của ông với Chúa Giêsu; ông viết, “Càng suy nghĩ kỹ, tôi càng tin chắc rằng, những năm tháng cuối cùng của đời tôi thật bình yên và sung mãn mà trước đây tôi chưa từng có. Đó là sự hiểu biết sâu sắc hơn và một tình yêu đích thực hơn của Chúa Kitô. Tôi không thể nói cho bạn biết trải nghiệm riêng tư này lớn lên trong tôi thế nào; nhưng Chúa Kitô đang ở đây, Ngài biết tôi và tôi biết Ngài”.

Anh Chị em,

“Chúa Kitô đang ở đây, Ngài biết tôi và tôi biết Ngài”. Đó là điều mà Giáo Hội đang mời gọi chúng ta cảm nghiệm trong những ngày Mùa Chay còn lại này. Sự hiểu biết lẫn nhau, hoà quyện trong nhau ấy dẫn chúng ta đến sự thông hiệp với mầu nhiệm Thiên Chúa thực sự. Chớ gì chúng ta biết ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần để Ngài dẫn chúng ta vào huyền nhiệm này, một huyền nhiệm không ngừng tiếp tục gây ‘ngạc nhiên và sững sờ’ cho những ai biết mình được yêu và được cứu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con làm con Chúa. Con không hiểu hết Chúa, nhưng Chúa biết con hơn con biết con; xin cho con luôn ‘ngạc nhiên và sững sờ’ trước tình yêu Chúa để con biến đổi nội tâm và cách sống; nhờ đó, con cũng có thể gây ‘ngạc nhiên và sững sờ’ cho anh em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chính Khi Hiến Thân Là Khi Nhận Lãnh
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:53 17/03/2021
Chính Khi Hiến Thân Là Khi Nhận Lãnh

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B

(Ga 12, 20 – 33)

Sau khi đã đi được nửa chặng đường của Mùa Chay Thánh (Chúa nhật IV) với lời mời gọi “Mừng Vui Lên“, và tiến bước sang chặng thứ hai, Giáo hội khuyến khích con cái mình tiếp tục tiến lên không ngừng nghỉ trên con đường ăn năn đền tội, cải đổi đời sống để chuẩn bị Lễ Phục Sinh. Việc đền tội này gia tăng niềm vui cho chúng ta khi tiến gần tới đích.

Bước vào Chúa nhật thứ V Mùa Chay, Giáo hội trình bày cho chúng ta đoạn Tin Mừng (Ga 12, 22-30), giúp chúng ta chuẩn bị bước vào Tuần Thánh tốt hơn và sống một cách sâu xa những mầu nhiệm quan trọng trong đời sống người Kitô hữu. Đàng Thánh Giá đối với người tín hữu là con đường phải qua, chết là để sống lại và hơn nữa để sống trọn vẹn đời sống người Kitô hữu, chúng ta phải chết.

Một phần đầu của đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24). Trong hình ảnh này chúng ta tìm thấy một khía cạnh khác nữa của Thập Giá Chúa Kitô. Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu là một nguồn suối vô tận của sự sống mới, bởi vì nó mang theo trong chính nó sức mạnh tái sinh của tình yêu thương của Thiên Chúa. Ðược dìm mình trong tình yêu đó qua bí tích Rửa Tội, kitô hữu có thể trở thành “các hạt lúa” và đem lại nhiều bông hạt, nếu họ “liều mất sự sống mình” vì yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như Chúa Giêsu (Ga 12, 25).

Khi chú giải đoạn Tin Mừng này thánh Augustinô đã giải thích như sau: “Chúa Giêsu tự ví mình là “hạt lúa mì” được gieo vào lòng đất chịu mục nát đi để sinh nhiều bông hạt; Người được Chúa Cha sai xuống trần gian phải được hiến tế vì sự bất trung của người Do thái ngõ hầu đức tin của cả nhân loại được triển nở”. Bánh Thánh, được làm nên bởi muôn hạt lúa miến, được nhân lên và bẻ ra để trở nên tấm bánh cho mọi người. Của chết của các vị tử đạo luôn làm nảy sinh những người tín hữu; vì thế mới có cái ngược đời là, “ai yêu mạng sống mình” thì sẽ mất. Chúa Kitô chết để trao ban thịt máu mình cho chúng ta: phần chúng ta, chúng ta cũng phải bắt chước Chúa trao ban chính mình để được sống lại với Chúa và cùng với Chúa, trao ban quả phúc. Có biết bao người sống trong thinh lặng để mưu cầu lợi ích cho anh em? Từ sự thinh lặng và khiêm nhường ấy chúng ta học được bài học trở nên hạt lúa mì mục nát đi để lấy lại sự sống.

Phần kết của đoạn Tin Mừng hôm nay là một lời khuyên chúng ta tiến bước trong ánh sáng của Con Thiên Chúa trên toàn cõi địa cầu: “ … phần Ta, khi nào Ta chịu đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa là Cha nhân lành xua tan bóng tối ra khỏi lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Ðã đến giờ con người được tôn vinh” (Ga 12, 23). Chúng ta tự hỏi: Giờ đó là giờ nào? Thưa, đây là giờ của Thập Giá! Ðó cũng là giờ bại trận của Satan, ông hoàng của sự dữ, giờ chiến thắng vĩnh viễn của tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa. Chúa Kitô tuyên bố rằng “Người sẽ được nâng cao khỏi đất” (Ga 12, 32), đây là một kiểu diễn tả có hai nghĩa: “được nâng cao” bởi vì bị đóng đinh, và “được nâng cao” bởi vì được Thiên Chúa Cha tán dương trong việc Sống Lại, để lôi kéo tất cả mọi người đến với Người và hòa giải con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Giờ của Thập Giá, giờ đen tối nhất lịch sử, cũng là suối nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Người. Đây là giờ của Thiên Chúa, giờ phút được trao ban cho chúng ta, chúng ta đừng bỏ qua! “Các con còn ngủ ư?” chúng ta không thể thôi là ánh sáng thế gian này. Khi mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời, chúng ta phải phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa.

Thật vậy, chính từ trên thập giá mà Chúa Giêsu sẽ mạc khải cho thế gian biết tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại đang cần ơn cứu rỗi. Thiên Chúa là Chúa duy nhất của chúng ta, chúng ta là dân Ngài. Giao ước tình yêu bền vững giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thực hiện cách trọn vẹn trong hy tế Vượt Qua của Chúa Kitô.

Nhờ tham dự vào Mầu Nhiệm Thương Khó của Chúa Kitô, mà chúng ta có thể sống sự phong phú của hạt giống gieo xuống đất, và được Chúa đón nhận vào trong Vương Quốc trên trời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ V Mùa Chay. Năm B.21.3.2021
Lm Francis Lý văn Ca
15:57 17/03/2021
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng đã và đang cùng với Giáo Hội tiến dần đến những ngày của Tuần Thánh và Phục Sinh. Sứ điệp Đức Kitô trong những lời Ngài rao giảng mỗi ngày một rõ rệt hơn.
Chúa dùng dụ ngôn về hạt giống gieo xuống đất, phải chết đi, rồi nẩy mầm lớn lên, trổ sinh nhiều bông hạt.... để sánh ví với cái chết mà Ngài phải đương đầu trong những ngày sắp tới. Qua ý nghĩa dụ ngôn nầy, Chúa mời gọi chúng ta phải chết cho chính mình, từ khướt tội lỗi, thống hối và làm lại cuộc đời.
Chỉ còn một tuần nữa, chúng ta sẽ bước vào Tuần Thánh, còn gọi là Tuần Thương Khó hay Tuần Chịu Nạn. Một tuần với bao nghi lễ đặc biệt của Giáo Hội cử hành như nhắc nhở chúng ta về biến cố Chúa chịu chết và sống lại, và qua biến cố nầy, chúng ta được cứu rỗi. Mỗi người trong chúng ta, cố gắng mời gọi những anh chị em Công Giáo về tham dự những lễ nghi của cộng đoàn xứ đạo trong tuần lễ sắp tới, để họ cùng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với những người chúng ta yêu mến.
Với tất cả tâm tình chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bước vào thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa hứa qua tiên tri Jêrêmia, Ngài sẽ thiết lập giao ước với nhân loại. Giao ước đặt căn bản nơi tâm hồn và trí khôn. Qua giao ước nầy chúng ta tìm được sự bình an trong tâm hồn.

TRƯỚC BÀI II:
Chúa Giêsu là nguồn mạch của sự cứu rỗi. Qua sự khổ nạn, Chúa đã mang đến cho con người ơn cứu độ. Đời sống của người tín hữu tại thế cũng sẽ trải qua đau khổ trước khi vào vinh quang.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa dùng dụ ngôn về hạt giống gieo xuống đất, phải chết đi... Qua hình ảnh nầy thánh Gioan muốn ám chỉ Đức Kitô phải trải qua sự đau khổ và chết để nhân loại được cứu thoát.




LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đang chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong những ngày sắp tới. Chúng ta cầu xin Chúa cho thế giới, được thấm nhuần mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa:

1. Là những phần tử trong đại gia đình Giáo Hội, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân. Xin cho mỗi việc chúng ta làm sáng danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi tha nhân. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em tân tòng, đang chuẩn bị để lãnh nhận bí tích rửa tội trong Mùa Phục Sinh. Xin Chúa chúc lành cho bước đường họ đang đi tìm Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Qua sự hiệp thông và chia sẻ Lời Chúa và Bánh Hằng Sống mỗi ngày Chủ Nhật, xin Chúa giúp chúng ta luôn nối kết với nhau trong tình tương thân tương ái và giúp nhau thăng tiến. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin Chúa ban ơn để chúng ta tìm gặp được Chúa qua bí tích hòa giải trong Mùa Chay và Phục Sinh năm nay. Đồng thời, gặp gỡ anh chị em trong sự chia sẻ những hồng ân Chúa ban một cách cụ thể. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Tháng Tư hằng năm trở về, chúng con phần nào hướng những lời nguyện cầu cho những tiền nhân đã yên nghỉ, những đồng bào và chiến sĩ đã “vị quốc vong thân”. Xin cho hồn thiêng của các ngài luôn phụ hộ cho chúng con là con cháu luôn sống xứng đáng trong cuộc sống chứng nhân giữa đời. Chúng ta cũng nhớ đến những nạn nhân của Covid-19. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Chúa đã yêu thương và ban cho mỗi người trong chúng con những ân huệ dồi dào phần hồn cũng như phần xác. Xin cho chúng con biết dùng những ân huệ đó để mưu ích cho phần rỗi của mình cũng như tha nhân. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 17/03/2021

50. Đức Chúa Giê-su dũng cảm chịu khổ nạn như thế, nguyên nhân là vì muốn cứu linh hồn nhân loại.

(Thánh Didacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:43 17/03/2021
93. THÂY SỐNG CỦA QUAN HUYỆN

Có một quan huyện có bệnh hay quên, có một thương nhân đắc tội với tên gác cổng của quan huyện, lúc ông ta ngồi trên văn phòng của công đường, tên gác cổng ấy bèn sai người đi bắt thương nhân đến.

Sai dịch báo cáo người nọ đã bắt xong, tên gác cổng bèn rút trong ống thăm nơi công án một thẻ tre sáu chân, kêu sáu tên sai dịch đến đánh thương nhân ba mươi sáu hèo, sau đó tên gác cửa lớn tiếng hạ lệnh:

- “Cút mau !”

Huyện quan chỉ trợn con mắt mà nhìn, sau khi vào sau công đường thì hỏi tên gác cổng:

- ”Vừa rồi ai kêu thương nhân ấy lại vậy?”

Gác cổng đáp:

- “Thì lão gia kêu tới mà !”

Lại hỏi:

- “Tại sao phải đánh ông ta?”

Gác cổng đáp:

- “Lão gia, khi ngài nhìn ống thăm thì tiểu nhân bèn hiểu là phải đánh ông ta”.

Huyện quan ngẩng đầu lên rồi lại cúi xuống, suy nghĩ rất lâu, trong lòng vẫn cứ mơ mơ màng màng, ông ta nhìn tên gác cổng nói:

- “Chuyện này quả thực là tao biểu mày làm hay sao?”

(Tiếu Tán)

Suy tư 93:

Giáo hội có thừa khôn ngoan để quy định các giám mục đúng 75 tuổi là làm đơn xin về hưu, sự khôn ngoan này được suy tư theo bề dày kinh nghiệm của giáo hội và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, bởi vì đa số người già thì hay quên, nên thường dễ gây ra những chuyện dở khóc dở cười cho người khác, nhất là những thuộc cấp của mình.

Hay quên là bệnh của người già đã đành, nhưng những người trẻ cũng mang bệnh hay quên mới là chuyện đáng nói, có người hay quên là vì họ làm quá nhiều việc nên đầu óc rối cả lên, loại này có thể thông cảm; có người hay quên là vì đầu óc cứ để vào nơi chốn ăn chơi nên không chú ý đến công việc, loại này thì đáng trách; nhưng có loại hay quên đáng trách hơn đó chính là những người vô trách nhiệm, họ giao việc cho nhân viên làm rồi sau đó thì quên đi khi dính đến pháp luật, lại còn đổ thừa cho nhân viên cố ý làm sai !!

Quan huyện có tính rất hay quên nên giống như cái thây ma sống, bởi vì sống mà hay quên để cho cấp dưới làm loạn thì cũng giống như cái thây ma đã chết mà thôi.

Có một việc nên quên mãi mãi, đó là đừng nhớ những gì mình đã làm cho người khác vì đức ái, cái quên này không làm cho chúng ta giống thây ma sống, trái lại nó làm cho chúng ta sống mãi trong tình yêu của Thiên Chúa và trong tâm hồn của những người biết ơn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Kính Thánh Giuse 19/3/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
17:57 17/03/2021

Video sẽ bắt đầu từ 2g chiều ngày 18-March-2021 theo giờ Việt Nam


BÀI ĐỌC I: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16

“Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Ðavít, tổ phụ Người”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời (c. 37).

1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

2) Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.

BÀI ĐỌC II: Rm 4, 13. 16-18. 22

“Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 83, 5

Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời.

PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a

“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Ðó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật V Mùa Chay B
Lm. Jude Siciliano, OP
22:06 17/03/2021
CHÚA NHẬT V MC (B)
Giêrêmia 31: 31-34; T.vịnh 50; Do Thái 5: 7-9; Gioan 12: 20-33

Ngôn sứ Giêrêmia nói Thiên Chúa sẽ lập một giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuda. Israel sẽ nên một, không còn bị chia rẽ và sẽ ở dưới quyền cai trị của Đức Chúa. Người dân được nhắc nhở về Đấng đang thực hiện lời hứa này với họ. Chính Đức Chúa, Đấng đã đưa họ ra khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Nhưng họ đã không giử lời giao ước, nhưng Đức Chúa vẫn không bỏ rơi họ, ngay cả khi chúng ta rời xa Đức Chúa và đường lối của Ngài.

Đó sẽ là một “giao ước mới” - không chỉ là tái lập lề luật cũ mà dân chúng đã không tuân giữ. Điều đáng chú ý là Đức Chúa đã hứa một giao ước mới này với một dân tộc tội lỗi. Ngôn sứ không nói là dân chúng đã ăn năn sám hối, hay đã hoán cải. Không phải do đức tin cứng cỏi không tuân theo lời giao ước của họ, nhưng bởi chính lòng yêu thương của Đức Chúa và sự độ lượng của Ngài. Đã được xác ghi trong giao ước mới với lời này: "Ta sẽ là Đức Chúa của ngươi và họ sẽ là dân của Ta". Đức Chúa tha thứ tội lỗi cho họ, và với lời giao ước mới này được khắc ghi trong lòng họ. Họ sẽ trở nên một dân tộc mới, đã được biến đổi.

Ngôn sứ Giêrêmia viết cho dân Do thái về thời bị nô lệ một lần nữa, và lần này họ bị lưu đày ở Babylon. Ngôn sứ coi việc lưu đày này như là một hình phạt do họ đã vi phạm lời giao ước mà Đức Chúa đã lập ra với họ trong chuyến Xuất Hành của họ. Tại sao lại phải viết một lề luật khác trên phiến đá, hay trên tấm da loài vật, làm cho vài người yếu đuối lại phá hủy lần nữa? Dân chúng cần nhiều hơn là lề luật, và được hướng dẫn sống liên hợp hoàn toàn với Đức Chúa và đường lối của Ngài. Bởi thế, Ngài trở lại ban cho họ một cơ hội khác. Nhưng, lần này Thiên Chúa sẽ viết lề luật trong lòng dân chúng.

Đó chính là điều mà Thiên Chúa đã làm trong Chúa Kitô, qua sự chết và sự sống lại của Ngài đã mang lại kết quả là tuôn đổ tràn đầy ơn huệ của Chúa Thánh Thần xuống trên những người có đức tin. Công việc đầu tiên của ngôn sứ là không loan báo tương lai, nhưng, nói lời của Thiên Chúa cho các dân tộc cùng thời của họ. Nhưng, hình như ngôn sứ Giêrêmia đang nói về một sự kiện trong tương lai mà Chúa Giêsu đã và đang tiếp tục thực hiện.

Lời đáp chung chúng ta đọc hôm nay trong thánh vịnh 51 với lời loan báo của ngôn sứ Giêrêmia thành lời kinh nguyện xin cho được một tấm lòng thay đổi mới. "Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một trái tim trong sạch". Phải chăng đó là điều chúng ta cầu nguyện cho lãnh thổ này, một “tấm lòng trong sạch" đổi mới, biết nhận lãnh và đáp ứng với lề luật của Thiên Chúa?

Một lời yêu cầu đơn giản của một số người Hy lạp đối với các môn đệ của Chúa Giêsu dường như tỏ ra không một đáp ứng nào gắn kết với Ngài. Họ yêu cầu được "nhìn thấy" Chúa Giêsu như là một cơ hội để Chúa Giêsu giảng cho họ về việc được "thấy" Ngài. Chúng ta không nói đến việc trông thấy bằng mắt, phải không? Theo phúc âm thánh Gioan từ "thấy" là nhìn với cặp mắt đức tin, nghĩa là hãy trở nên người có đức tin mới thấy Chúa Giêsu Kitô. Việc nhìn thấy này đòi hỏi điều gì? Ở đây thánh Gioan cho thấy điểm chính của lời dạy phúc âm: hạt lúa phải chết đi.

Người Hy lạp và chúng ta sẽ được nhìn thấy Chúa Giêsu, chỉ sau khi ngài chết. Trong sứ vụ của mình, Chúa Giêsu thường ở với người Do thái, là dân của Ngài. Khi Ngài chết mọi người sẽ nhìn thấy Ngài. Nhưng, trước hết Ngài phải được "Giương lên cao" rồi người Do thái và dân ngoại sẽ không còn bị chia cắt nhau nữa theo luật của lời giao ước đầu tiên. Sau khi Chúa Giêsu chết, các môn đệ sẽ ra đi rao giảng Đức Kitô chịu chết trên cây thập giá cho hết mọi người. Đó là lúc hạt lúa đã chết, sẽ thêm nhiều hoa trái. Lời tiên tri của ngôn sứ Giêrêmia đã được ứng nghiệm trong Chúa Kitô. Qua cái chết của Ngài, một lề luật mới đã được viết vào lòng chúng ta - một lề luật mà bất cứ người nào có đức tin đều có thể đọc được, và với Thần khí Chúa Giêsu ban cho, sự thực hiện nên trọn.

Mùa Chay là thời gian để giúp chúng ta nhớ lại, không chỉ tội lỗi của chúng ta, mà còn cả những cách chúng ta đã vấp phạm trong tình yêu thương của Thiên Chúa và tha nhân. Hãy nhớ đến nhu cầu cần được tha thứ và chữa lành của chúng ta, có lời nào khuyến khích chúng ta hơn được câu cuối cùng trong lời ngôn sứ Giêrêmia mà Đức Chúa đã hứa: "Vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Vì Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng". Theo ngôn sứ Giêrêmia, những ai biết Đức Chúa, những ai có luật pháp của Đức Chúa ghi trong lòng họ, họ biết chắc một điều là: chúng ta đã được tha thứ, và Ngài không còn nhớ tội lỗi của chúng ta nữa. Hay nói một cách khác. "Đó là một ngày mới, và chúng ta đã có được một khởi đầu mới".

Trong bài giảng của Chúa Giêsu, chúng ta nghe tháy tiếng vọng từ các phúc âm khác, về việc vác thập giá mình theo Chúa Giêsu. “Hể ai phục vụ Thầy, sẽ phải theo Thầy, và Thầy ở đâu, thì tôi tớ Thầy cũng ở đó". Tôi tớ của Chúa Giêsu sẽ ở đâu và lúc nào? Cũng như vói Ngài chúng ta được mời gọi tử bỏ cuộc sống của chúng ta, thay vì níu kéo nó trong do dự và sợ hải. Điều này chắc chắn đúng cho các môn đệ sau khi Chúa Giêsu sống lại, trong khi biết bao nhiêu người đã hy sinh mạng sống của họ vì đức tin vào Chúa Giêsu. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình". Chúa Giêsu lại nói, nếu khi Ngài được "giương cao lên khỏi mặt đất, Ngài sẽ kéo mọi người lên với Ngài". Người Hy lạp đến gặp Chúa Giêsu là một dự đoán trước về khả năng tiếp cận toàn thể nhân loại nhờ cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu đến mọi người như thế nào.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Chúng ta dùng từ tôn vinh một cách khác với ý trong phúc âm thánh Gioan. Khi ăn một bữa ăn thịnh soạn chúng ta nói là được "tôn vinh", hay mô tả một kỳ đi nghĩ tốt đẹp thì gọi là "tôn vinh". Nhưng trong phúc âm thánh Gioan "tôn vinh" của Con Người là nói đến sự chết, sự sống lại và việc Ngài trở về với Chúa Cha. Chúa Giêsu sẽ được "tôn vinh" và tất cả các dân tộc sẽ được hưởng lợi từ điều đó. Môn đệ Phillip và Anrê là người nói với Chúa Giêsu về các người Hy lạp muốn gặp Ngài. Đây là 2 môn đệ phục vụ truyền giáo nơi dân ngoại. Nói cách khác, khi Chúa Giêsu được tôn vinh, tất cả thế giới sẽ được “nhìn thấy" Ngài, như những gì các người Hy lạp yêu cầu. Có thể chúng ta còn xa rời Chúa Kitô trong thời gian dài, nhưng qua đức tin của mình, chúng ta "nhìn thấy" Ngài. Ngài hiện diện với chúng ta trong lúc này, cũng như Ngài hiện ra với các môn đệ, sau khi Ngài chết và sống lại.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP

5th SUNDAY OF LENT (B)
Jeremiah 31: 31-34 Psalm 51 Hebrews 5: 7-9 John 12: 20-33

The prophet Jeremiah says God is going to make a new covenant with the house of Israel and the house of Judah. Israel will be one, no longer divided and will be under God’s rule. The people are reminded of the one who is making this promise to them. It is the God who led them out of Egyptian slavery. They broke the covenant; but God doesn’t give up on us, even when we walk away from God and God’s ways.

It will be a “new covenant” – not just a recital of the old laws which people did not observe. What is remarkable is that God is promising this new covenant with a sinful people. The prophet does not say that people were repentant, or had reformed. Is not because of their sterling faith that God is offering them a new covenant; but solely because of God’s mercy and generosity. This new covenant is implied in the covenantal formula, “I will be there God and they shall be my people.” God forgives their sins and with this covenant on their hearts, they will become a new, transformed people.

Jeremiah wrote to the Jews enslaved once again, this time in Babylon. The prophet sees the exile as a punishment for their breaking the covenant God made with them during the Exodus. Why write another law on tablets of stone, or on parchment, only to have weak humans break it again? People need more than laws and guidelines to live in full harmony with God and God’s ways. So, God returns to give them another chance. But this time God will write the law on the hearts of the people.

That is exactly what God has done in Jesus Christ whose death and resurrection resulted in the overflowing gift of the Holy Spirit into the hearts of believers. The primary work of the prophets was not to predict the future, but to speak God’s word to their generation. But Jeremiah does seem to be speaking of a future event that Jesus has and continues to fulfill.

Our response today from Psalm 51 turns Jeremiah’s prophecy into a prayer for a transformed and renewed heart: “A clean heart create for me, O God.” Isn’t that what we are praying for this Land, a renewed, “clean heart,” receptive and responsive to the law of the Lord?

A simple request made by some Greeks to Jesus’ disciples seems to evoke a disconnected response from him. Their asking to “see” Jesus is the opportunity for Jesus to give a discourse on “seeing” him. We are not talking about a physical seeing, are we? To “see” in John’s Gospel is to see with the eyes of faith, that is, to become believers in Jesus Christ. What does this seeing entail? Here John presents a core gospel teaching: the grain of wheat must die.

The Greeks and we will see Jesus, only after his death. In his ministry Jesus was mostly with the Jews, his own people. When he dies, all people will come to see. But first, he must be “lifted up,” then Jews and Gentiles will not be separated from one another by the law of the first covenant. After Jesus’ death the disciples will go forth to proclaim the crucified Christ to all people. That’s when the grain of wheat that has died, will bear much fruit. Jeremiah’s prophecy has been fulfilled in Christ. Through his death a new law has been written on our hearts – a law which any believer can read and. with the Spirit Jesus gives, fulfill.

Lent is the time for us to call to mind, not only our sins, but the ways we have slipped in our love of God and neighbor. Mindful of our need for forgiveness and healing, are there any more encouraging words to hear than the closing verse from Jeremiah in which God promises, “‘All from the least to the greatest shall know me,’ says the Lord, ‘for I will forgive their evil doing and remember their sin no more.”’ According to Jeremiah those who know God, who have God’s law within them, written on their hearts, know one thing for sure about our God: we are forgiven and God remembers our sin no more. Or to put it in another way, “It is a new day and we have been given a new beginning.”

Within Jesus’ discourse we hear an echo from the other Gospels, about taking up his cross to follow him. “Whoever serves me must follow me and where I am, there also will my servant be.” Where then will Jesus’ servants be? Like him we are called to let go of our life, rather than grasping it in fear and hesitancy. This was certainly true of the disciples after his resurrection when many gave up their lives for their faith in him, “Unless a grain of wheat falls to the ground and dies it remains just a grain of wheat.” Jesus also says, that when he is “… lifted up from the earth I will draw everyone to myself.” The Greeks coming to see Jesus are a foretaste of the universal outreach the crucified Jesus will have.

Jesus tells his disciples, “The hour has come for the Son of Man to be glorified.” We use the word “glory” in very different ways than what it means John’s Gospel. We eat a delicious meal and say it was “glorious.” Or, describe our vacation as “glorious.” But in John the glorification of the Son of Man refers to his death, resurrection and his return to his Father. Jesus will be glorified and all nations will benefit from it. Philip and Andrew are the ones who tell Jesus of the Greeks wanting to see him. These are the very two disciples who were associated with the mission to the Gentiles. In other words, when Jesus is glorified the whole world will come to “see” him, just as the Greeks requested. We may be a long time separated from Christ, but through our faith we “see” him. He is as present to us at this time, as he was to his disciples after his death and resurrection.
 
Con đường qua đau khổ vào trong vinh quang
Lm. Đan Vinh
22:37 17/03/2021
CN V MÙA CHAY B
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
CON ĐƯỜNG QUA ĐAU KHỔ VÀO TRONG VINH QUANG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 12,20-33

(20) (Khi ấy) trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp, (21) họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su. (22) Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. (23) Đức Giê-su trả lời: “Đã đến Giờ Con Người được vôn vinh! (24) Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (25) Ai yêu quí mạng sống mình ở đời này thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (26) Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy. Và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quí trọng người ấy. (27) Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. (28) Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”. (29) Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!”. Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” (30) Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. (31) Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! (32) Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. (33) Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

2. Ý CHÍNH:

Việc dân Do Thái suy tôn khi đón rước Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem và việc dân ngoại đến xin gặp mặt là dấu hiệu tiên báo đã đến “Giờ” Đức Giê-su được tôn vinh. Được tộn vinh nghĩa là được vào trong vinh quang qua khổ nạn thập giá, giống như hạt lúa chỉ phát sinh được nhiều hạt lúa khác sau khi trải qua một quá trình tự hủy trong ruồng đất. Đức Giê-su qua cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, để ban ơn cứu độ cho loài người, và đến ngày tận thế Người sẽ đến lần thứ hai để phán xét và tiêu trừ ma quỷ cùng những kẻ theo chúng vào hỏa ngục đời đời.

3) CHÚ THÍCH:

- C 20-22: + Mấy Người Hy lạp: Đây là lương dân theo văn hóa Hy-lạp, có thiện cảm với đạo Do Thái hoặc mới theo đạo Do Thái. Họ lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua (x. Ga 11,55). Được chứng kiến cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su, họ đã mạnh dạn đến xin gặp Người. + Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su: Sở dĩ hai ông Phi-líp-phê và An-rê cùng đến thưa Đức Giê-su điều này vì cả hai ông đều nói thạo tiếng Hy-lạp, và cả hai đều sống ở Bết-xai-đa, nơi có nhiều dân ngoại sinh sống.
- C 23-25: + Đã đến Giờ: Tin Mừng nhiều lần nói đến “Giờ”: Giờ của Ta (x. Ga 2,4), Giờ của Người chưa đến (x. Ga 7,30; 8,20), Đã đến Giờ Người phải rời khỏi thế gian (x. Ga 13,1), Giờ phải uống chén đắng (x. Mc 14,35), Giờ của kẻ thù và của tối tăm (x. Lc 22,53), Giờ Đức Giê-su bị bỏ rơi (x. Ga 16,32), Giờ Con Người được tôn vinh (x. Ga 12,23). + được tôn vinh: là Giờ Chúa Cha tôn vinh Chúa Con (Ga 17,1). Được tôn vinh nghĩa là Đức Giê-su phải trải qua cuộc khổ nạn rồi sống lại để vào trong vinh quang cùng với Chúa Cha. + Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất: Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn hạt lúa để giải thích: Hạt lúa có chết đi mới gây được một mùa gặt bội thu. Cũng vậy, Đức Giê-su cũng phải trải qua cuộc thương khó và bị giết chết, rồi mới được Chúa Cha cho sống lại vinh quang. Từ cạnh sườn của Người bị đâm thâu, Hội Thánh được sinh ra và ngày một phát triển. + Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này...: Coi thường hay ghét mạng sống mình nghĩa là yêu mến ít hơn. Đây là một câu có hai vế đối nghịch nhau: Ai chăm lo hưởng thụ ở đời này thì sẽ mất sự sống vĩnh cửu đời sau. Còn ai chấp nhận gian nan thử thách đời này, thì sẽ được sống vĩnh cửu ở đời sau (x. Mc 8,35; Mt 16,25; Lc 9,24).
- C 26-28: + Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy: Ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su thì phải đi con đường khổ nạn mà Người đã đi và sẽ được cùng Người sống lại. +Tâm hồn Thầy xao xuyến: Đứng trước cuộc tử nạn gần kề, Đức Giê-su cảm thấy bất an xao xuyến, vì Người có nhân tính giống như loài người chúng ta mọi đàng, ngoại trừ Người vô tội (x. Ga 8,46; 1 Ga 3,5). + Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì Giờ này mà con đã đến: Mang thân phận loài người, Đức Giê-su cũng sợ hãi, đau khổ trước cái chết như mỗi người chúng ta. Người đã cầu xin Chúa Cha cứu mình khỏi “Giờ khổ nạn” ấy. Nhưng Người sẵn sàng chấp nhập vâng theo Ý Chúa Cha, nghĩa là cứu chuộc loài người bằng con đường đau khổ. Lời cầu xin này cũng được lặp lại trong vườn Câu Dầu (x. Lc 22,42-44). + Có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”: Tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống như khi Đức Giê-su chịu phép Rửa (x. Mt 3,17) và biến hình (x. Mt 17,5). Từ trước đến nay, Thiên Chúa đã tôn vinh Danh Ngài nhờ những “dấu chỉ” do Đức Giê-su thực hiện. Từ đây, Thiên Chúa sẽ lại tôn vinh Đức Giê-su khi cho Người từ cõi chết trỗi dậy.
- C 29-30: + Đó là “tiếng sấm!”... “Tiếng một thiên thần!”: Chỉ mình Đức Giê-su mới nghe được tiếng Chúa Cha. Còn các người khác chỉ nghe thấy âm thanh rền vang mà không hiểu nội dung nói gì? nên kẻ thì cho đó là tiếng sấm, kẻ khác lại nghĩ là tiếng thiên sứ nói với Đức Giê-su. Sự kiện này tương tự như trường hợp Sao-lô sau khi bị ngã ngựa tại cửa thành Đa-mát (x. Cv 9,3-7; 22,9). + Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài: Giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su là Giờ phán xét và kết án: Những kẻ không tin sẽ bị liệt vào hàng ngũ Xa-tan đối nghịch với Thiên Chúa. Họ sẽ chịu chung số phận là bị loại ra khỏi Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập.
- C 31-33: + Được nâng cao lên khỏi mặt đất: Đức Giê-su sẽ bị treo trên thập giá (x. Ga 8,28), rồi được đưa lên trời (x. Ga 3,13; 6, 62), sau khi từ cõi chết trỗi dậy (x. Ga 20,17). + Tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi: Đức Giê-su sẽ đưa các tín hữu lên trời hưởng vinh quang với Người. Với điều kiện họ cũng phải đi theo con đường tự hủy là bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo Người (x. Mt 16,24); nghĩa là chấp nhận cùng uống chén đắng với Người (x. Mt 20,23).

4. CÂU HỎI:
1) Đức Giê-su đã tuyên bố điều gì trước sự kiện dân Do thái hoan hô đón rước Người vào thành Giê-ru-sa-lem và một số lương dân đến xin gặp mặt?
2) “Giờ” của Đức Giê-su được Tin Mừng nhắc đến bao nhiêu lần?
3) “Giờ được tôn vinh” của Đức Giê-su nghĩa là gì?
4) Từ “ghét” sự sống mình ở đời này nghĩa là gì?
5) Tại sao Đức Giê-su cảm thấy xao xuyến bất an trước giờ tử nạn?
6) Đức Giê-su đã cầu xin Chúa Cha thế nào?
7) Thế gian bị phán xét và ma quỷ thủ lãnh thế gian sẽ hoàn toàn bị đánh bại vào lúc nào?
8) Muốn được Chúa ban ơn cứu độ, đưa lên thiên đàng hưởng vinh quang với Người đời đời thì ngay từ bây giờ các tín hữu phải làm gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Hạt lúa gieo vào lòng đất nếu chết đi mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG HY SINH CHỊU CHẾT THAY CHO BẠN TÙ:

Vào năm 1941, tại nhà tù Ốt-suýt (Auschiwits), một trại tập trung của Đức Quốc Xã nổi tiếng tàn bạo và khủng khiếp nhất, có một tù nhân vượt ngục vào đêm hôm trước. Theo qui định của nhà tù, sáng sớm hôm sau viên sĩ quan coi tù đã tập họp tất cả tù nhân lại và lần lượt chọn ra 10 người phải chịu chết thay cho kẻ đào thoát. Một trong những người bị tử thần điểm danh ấy, khi được gọi tên, đã kêu to lên rằng: “Trời ơi! Thế là hết! Tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại vợ con tôi nữa!”. Tiếng kêu than tuyệt vọng của anh khiến cho nhiều tù nhân phải rơi lệ. Bấy giờ một tù nhân liền tách ra khỏi hàng ngũ tiến đến gần viên sĩ quan chỉ huy để xin chết thay cho người bạn tù kia. Ông tự xưng là Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê (Maximiliano Kolbe), một linh mục Công giáo. Lý do xin chết thay vì ông là linh mục đã tình nguyện sống độc thân, ông cảm thương người kia còn có vợ con phải chăm sóc. Sau khi được chấp thuận, Cha Kôn-bê cùng 9 bạn tù đi hàng một tiến về phía hầm chết đói. Tại đây, Cha và các bạn tù sẽ phải nhịn đói đến chết. Trong thời gian này Cha luôn động viên mọi người kiên vững đức tin và cậy trông phó thác cuộc đời trong tay Chúa Quan Phòng. Cha giúp họ can đảm chấp nhận cái chết mà không oán than, không chửi bới kêu khóc như nhiều người đã làm khi gặp hoàn cảnh tương tự. Cha là người sống dai nhất trong lúc các bạn tù đều lần lượt chết vì đói khát. Sau hai tuần lễ, Cha đã bị chích thuốc độc cho chết hẳn trước khi bị hỏa táng làm phân bón!

Người tù nhờ Cha Kôn-bê được thoát chết tên là Phăng-xít (Francis Gap Wniczeck). Về sau ông đã kể lại sự biến đổi của nhà tù đó như sau: “Sau khi Cha Kôn-bê tình nguyện chịu chết thay cho tôi thì tinh thần của các tù nhân trong trại giam đã biến đổi hẳn. Trước đây họ thường ích kỷ, khép kín, bắt nạt người mới và yếu thế hơn để tranh giành thực phẩm được người thân tiếp tế... thì bây giờ họ đã đối xử với nhau trong tình thân ái, sẵn sàng nhường cơm xẻ áo cho nhau. Ai cũng cảm phục và muốn noi gương vị linh mục đã có tinh thần tự hủy khi sẵn sàng hy sinh chết thay cho một người không quen biết.

2) THÁNH GIÁ TRỞ THÀNH HẢI ĐĂNG DẪN ĐƯỜNG :


Phi trường quốc tế Pen-syl-va-ni-a là một trong những sân bay lớn nhất và hiện đại nhất trong các sân bay của Hoa kỳ. Cách sân bay chỉ khoảng một cây số có một ngôi thánh đường nằm đúng vào hướng bay của phi đạo đón nhiều chuyến bay nhất của phi trường.

Do sợ tháp chuông nhà thờ có thể gây nguy hiểm cho các máy bay khi đáp xuống phi đạo, cộng đoàn giáo dân nhà thờ đã gắn trên đỉnh tháp chuông một cây thánh giá bằng đèn nê-ông. Từ đó, mỗi lần đáp xuống phi đạo vào ban đêm, các viên phi công đều lấy cây thánh giá nê-ông này làm chuẩn để đáp máy bay xuống phi đạo. Cây thánh giá trên nóc nhà thờ được sử dụng như ngọn đèn hải đăng giúp cho tầu thuyền từ ngoài khơi có thể cập bến an toàn.

Cũng vậy, con đường bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa Giê-su cũng chính là đường duy nhất dẫn đưa ta lên trời với Chúa Cha.

3) GIÁ ĐẮT PHẢI TRẢ CHO THÁI ĐỘ BẤT NHÂN VÔ CẢM:

Ở bên Trung Quốc, một chiếc xe buýt 16 chỗ chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, ba tên côn đồ có vũ khí đã để mắt tới cô tài xế xinh đẹp. Đến khúc đường rừng, chúng ép cô tài xế phải lái xe vào bìa rừng và dừng xe lại. Tên cầm đầu bắt đầu có hành vi sàm sỡ với cô gái trước sự chứng kiến của hành khách trên xe. Khi bị tấn công, cô tài xế đã la hét cầu cứu, nhưng hầu như tiếng kêu cứu của cô chỉ được đáp lại bằng sự im lặng.

Bỗng một người đàn ông trung niên với dáng vẻ gầy yếu ngồi gần tài xế đã lên tiếng yêu cầu tên cầm đầu dừng tay, nhưng ông liền bị hai tên kia đánh đập tàn nhẫn. Ông càng lớn tiếng kêu gọi mọi người ngăn cản hành động man rợ kia lại, nhưng không một ai hưởng ứng. Sau đó cô tài xế đã bị bọn côn đồ lôi vào bụi rậm gần đó và để lại một tên cầm súng ra lệnh cho mọi hành khách phải ngồi yên trên xe.

Một giờ sau, bọn cướp đưa cô tài xế áo quần sốc xếch quay lại xe để tiếp tục cuộc hành trình... Trước khi nổ máy cho xe chạy, cô tài xế yêu cầu người đàn ông khi nãy đã bênh vực cô như sau: "Này ông kia, yêu cầu ông xuống xe đi!". Người đàn ông ngạc nhiên nói: "Cô làm sao thế? Tôi là người duy nhất đã lên tiếng bênh vực cô mà. Chẳng lẽ tôi đã làm sai hay sao?"

Cô gái vẫn tỏ ra cương quyết: "Nếu ông không xuống, tôi sẽ không cho xe chạy." Ðiều bất ngờ là các hành khách trước đó đã im lặng thì bây giờ lại nhao nhao đòi người đàn ông kia phải mau xuống xe. Thậm chí hai hành khách trẻ còn hè nhau lôi người đàn ông ra khỏi xe và chiếc xe tiếp tục cuộc hành trình. Cô tài xế vuốt lại mái tóc và vặn radio to hết cỡ. Chiếc xe đã lên đến đỉnh đồi và bắt đầu đi xuống sườn đồi. Phía tay phải đường đèo là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ chiếc xe buýt tăng dần. Gương mặt cô lái xe trở nên căng thẳng, hai tay cô giữ chặt vô lăng và hai hàng nước mắt trào ra. Nhận thấy có điều không ổn, tên cầm đầu liền nói với cô tài xế: "Chạy chậm thôi, cô đang làm gì thế hả?" Cô tài xế không nói tiếng nào và tiếp tục nhấn ga cho xe chạy mỗi lúc một nhanh hơn. Tên côn đồ đã cố giành lấy vô lăng, nhưng chiếc xe đã lao lên lề đường và rơi xuống vực sâu như tên bắn.

Hôm sau, môt tờ báo địa phương đã loan tin một tai nạn thảm khốc đã xảy ra ở vùng "Phục Hổ Sơn": Một chiếc xe cỡ trung đã rơi xuống vực sâu bên sườn núi. Tài xế và 14 hành khách trên xe đều thiệt mạng. Trong thành phố, một người đàn ông đã bật khóc khi đọc được bản tin này!

4) NHỮNG MẪU GƯƠNG HY SINH TỰ HỦY CHO HẠNH PHÚC CỦA THA NHÂN:

Ngày 3/11/1995 Cái chết của Thủ Tướng Ít-raen là YITZHAK RABIN, đã làm cả thế giới chấn động. Những người Do Thái quá khích đã giết ông, vì họ không chấp nhận con đường mà ông đang thực hiện mang lại nền hòa bình giữa dân Ít-ra-en với dân Palestine và các nước vùng Trung Đông.

Cái chết của Thủ tướng Rabin làm cho thế giới nhớ lại cái chết của MAHATMA GANDHI 50 năm trước: một thanh niên Ấn Giáo quá khích đã sát hại vị Cha già của dân tộc Ấn, vì anh ta không thể chấp nhận việc ngài tha thứ và dạy người Ấn giáo tha thứ cho người Hồi Giáo.

Người ta cũng không thể không nhắc đến cái chết vào năm 1968 của MARTIN LUTHER KING, vị mục sư da đen người Mỹ, khi ông đang hăng say đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da đen tại Hoa Kỳ bằng phương pháp ôn hòa và bất bạo động.

Lịch sử nhân loại đã được viết bằng máu của bao gương mặt kiến tạo hòa bình như thế. Cách đây hơn 2000 năm, cái chết của Đức Giê-su chính là khởi điểm cho những cái chết của các vĩ nhân đã hy sinh tự hủy chịu chết để đấu tranh cho nhân loại được sống an vui hạnh phúc hơn.

5) HY SINH CỤ THỂ LÀ QUẢNG ĐẠI CHIA SẺ CHO NGƯỜI NGHÈO:

Mẹ TÊ-RÊ-SA thành Can-quýt-ta đã kể câu chuyện về thái độ quảng đại chia sẻ như sau:

Hồi đó, nhằm lúc thiếu đường trong thành phố, thì ngày kia có một cậu bé bốn tuổi, đem đến cho mẹ một chén đường và nói: “Thưa mẹ con đã nhịn đường suốt cả một tuần lễ nay, xin mẹ dùng ít đường này cho các trẻ mồ côi của mẹ”. Một cử chỉ thật anh hùng biết bao đối với một em bé 4 tuổi. Em đã học biết yêu thương kẻ khác đến mức hy sinh tất cả những gì mình cần thiết. Một dịp khác, đang lúc mẹ đang vo gạo thì có một người đàn ông đến gặp mẹ và nói: “Thưa mẹ, gần đây có một gia đình người Hindu gồm tám đứa con, nhưng đã cả tuần lễ nay họ không có gì để ăn”. Lập tức mẹ bưng rá gạo đi theo người đàn ông đó đến nhà người Hindu kia. Bước vào túp lều xiêu vẹo, mẹ đã gặp được trên những nét mặt xanh xao đó cơn đói đang hành hạ. Không cầm lòng được, mẹ đã đưa cả rá gạo cho người đàn bà. Bà này cảm động cầm lấy rá gạo rồi lập tức chia làm hai phần, bưng một nửa ra đi, lát sau mới trở lại. Thấy vậy mẹ ngạc nhiên hỏi: “Bà đi đâu vậy và đem gạo cho ai?” Không chút do dự người đàn bà trả lời: “Họ cũng đói lắm”. “Nhưng họ là ai?”- “Là những gia đình Hồi giáo, cũng có những người con đói khổ như con. Họ ở bên kia đường và cả tuần lễ nay họ cũng chẳng có gì để ăn”.

Câu chuyện trên cho thấy: yêu thương chính là quảng đại chia sẻ. Là cho đi không những các của dư thừa, nhưng cho cả những gì cần thiết cho chính cuộc sống của mình.

6) GIÁ TRỊ CỦA ĐAU KHỔ: CÂU CHUYỆN CỦA MỘT CHIẾC CỐC SỨ.

Một hôm chiếc cốc sứ tâm sự: “Ban đầu tôi chỉ là một cục đất sét nhỏ, và người thợ gốm đã không ngừng hành hạ làm khổ tôi: Đầu tiên bác ta nhào nặn tôi, lăn qua lăn lại và đập vào người tôi khiến tôi bị đau. Khi bị đau đớn tôi đã kêu xin: “Đừng, đừng đập tôi nữa, hãy đối xử nhẹ nhàng với tôi”. Nhưng bác thợ gốm chỉ cười và đáp: “Chưa đủ đâu!”.

Rồi tôi được đặt lên một chiếc guồng quay và bị quay cuồng chóng mặt và mất phương hướng. Trong khi bị hành hạ, tôi gào thét lên: “Dừng lại! Làm ơn dừng lại”. Nhưng bác thợ vẫn im lặng làm việc và nói: “Chưa hết đâu!”.

Một lát sau, bác đặt tôi vào trong lò nướng. Tôi chưa khi nào trải qua sự đau đớn khủng khiếp đến như vậy. Tôi tuyệt vọng kêu la: “Cứu tôi với, làm ơn đưa tôi ra khỏi nơi này”. Nhưng bác thợ chỉ nhìn tôi và vẫn… lắc đầu.

Khi nghĩ mình không thể chịu đựng thêm một phút giây nào nữa, thì cửa lò bỗng mở ra. Bác thợ cẩn thận đưa tôi ra bên ngoài, đặt tôi lên chiếc kệ và quạt mát cho tôi. Tôi cảm thấy mọi thứ dường như đã tốt lên và hy vọng mình đã qua khỏi cơn đau. Nhưng sau đó bác lại nhìn tôi, lắc đầu và nói: “Chưa xong đâu!”.

Rồi bác ta tiếp tục đặt tôi vào trong lò lần thứ hai. Vì đã từng trải qua những phút đau khổ trong chiếc lò đó nên tôi nghĩ chắc mình sắp bị chết. Tôi sợ hãi khóc lóc và muốn từ bỏ tất cả. Nhưng bác thợ vẫn lạnh lùng bỏ ngoài tai lời van xin của tôi. Tôi muốn chết ngay để khỏi phải chịu đựng những cơn đau hành hạ. Rồi chính lúc bị tuyệt vọng nhất thì cánh cửa lò lại mở ra. Lần này, tôi được lấy ra đặt trên kệ, được làm lạnh và chờ đợi. Một giờ sau, bác thợ đưa cho tôi một tấm gương và nói: “Bây giờ bạn hãy nhìn vào mình đi”. Tôi ngỡ ngàng thốt lên: “Đó không phải tôi, không thể là tôi và không còn là tôi nữa! Quả thật, một hình ảnh hoàn toàn khác hiện ra trước mắt, một chiếc cốc sứ đẹp đẽ hoàn hảo và nhiều màu sắc xuất hiện trong tấm gương soi, thay vì một cục đất sét lúc ban đầu.

Sau cùng, bác thợ gốm điềm tĩnh kết luận: “Khi tôi nhào nặn bạn, tôi biết điều đó sẽ làm cho bạn bị tổn thương. Nhưng nếu tôi không làm như vậy thì bạn vẫn chỉ là một cục đất sét tầm thường vô dụng. Khi tôi đặt bạn lên guồng quay, tôi biết nó sẽ làm bạn bị mất phương hướng. Nhưng nếu tôi dừng lại quá sớm, bạn sẽ bị té ngã và bị bể tan. Tôi biết ở trong lò, bạn sẽ bị sức nóng thiêu đốt đau đớn. Nhưng nếu không có những cơn đau đó, bạn sẽ không bao giờ trở nên cứng cáp và có màu sắc đẹp như bây giờ. Vì thế, trong cuộc sống, bạn cần phải luôn dũng cảm đón nhận mọi nỗi đau khổ gặp phải để ngày một nên hoàn thiện hơn bạn nhé”.

3. SUY NIỆM:

1) Sự hy sinh tự hủy của hạt lúa:

Hôm ấy, một bác nông dân đã mang thóc giống đi gieo trên ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời bỗng nổi cơn giông. Nhiều hạt giống gieo đã rơi xuống ruộng, nhưng cũng có những hạt bị cơn gió mạnh thổi bay lên mặt đường. Các hạt giống nằm trên đường cảm thấy mình thật diễm phúc khi nằm ở nơi khô ráo, đang khi bao hạt giống khác bị ngụp lặn dưới lớp bùn đen nhão trong ruộng. Các hạt giống trên đường liền nói với các hạt nằm dưới bùn đen như sau: "Các bạn thật đáng thương! Trong lúc chúng tớ được nằm ở nơi khô ráo sạch sẽ, thì các bạn lại phải ngụp lặn dưới lớp bùn đen nhơ bẩn!”

Hạt lúa vừa dứt lời thì bỗng bị một bàn chân người giẫm đạp khiến nó gãy thành ba đoạn. Sau đó, nó lại bị một chiếc xe cán qua nát thành bột trên đường và một cơn gió ào tới thổi bay tứ tán. Những hạt lúa còn nằm lại đã trở thành mồi ngon cho lũ chim chóc và bầy chuột gặm nhấm!

Đang khi đó, từ những hạt lúa tưởng chừng bất hạnh kia, chỉ ít ngày sau đã ngoi lên thành những chồi non đầy sức sống và trở nên những cây lúa cứng cáp. Cây lúa lớn dần và không đầy ba tháng sau đã trổ sinh bông lúa với hàng trăm hạt lúa khoe mình dưới ánh nắng mặt trời, và được vinh dự trở nên lương thực nuôi sống loài người. Từ một hạt lúa đơn độc ban đầu, cuối cùng nó đã biến thành trăm hạt lúa mới sau một quá trình biến đổi âm thầm!

Tin Mừng Gio-an hôm nay diễn tả hạt lúa bị mục nát trước khi biến thành cây lúa mang lại mùa gặt bội thu như sau: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quí mạng sống mình ở đời này thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).

2) Đường hy sinh tự hủy của Đức Giê-su.

Đức Giê-su đã trỗi dậy từ trong cõi chết và mở ra con đường cứu độ cho loài người chúng ta là “Qua đau khổ vào trong vinh quang”.
Tông đồ Phao-lô đã diễn tả mầu nhiệm tự hủy của Đức Giê-su qua ba giai đoạn sau:
+ Mầu nhiệm Nhập Thể: "Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế" (Pl 2,6-7). Người như hạt lúa phải được gieo vào lòng đất.
+ Mầu nhiệm Tử Nạn: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,8). Đức Giê-su chấp nhận chịu chết đau thương trên cây thập giá như hạt lúa phải chịu mục nát đi.
+ Mầu nhiệm Phục Sinh: "Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2,9-11). Đức Giê-su đã từ cõi chết trỗi dậy tương tự như hạt giống gieo vào lòng đất phải bị mục nát trước khi trở thành cây lúa và đến mùa trổ sinh nhiều bông hạt khác.

Tin Mừng Mát-thêu đã trình bày quá trình hy sinh tự hủy của Đức Giê-su như sau: "Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

3) Đường hy sinh tự hủy của các môn đệ Đức Giê-su.

Đức Giê-su đã mời gọi các môn đệ đi theo con đường thập giá hy sinh của Người: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24). Nhóm 12 Tông đồ sau khi nhận được Thánh Thần đã chấp nhận con đường tự hủy của Đức Giê-su như tông đồ Phao-lô đã chia sẻ với các kỳ mục ở Ê-phê-sô như sau: "Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi" (Cv 20,22-23).
Sau các Tông đồ, đến lượt các tín hữu cũng chọn đi con đường hy sinh tự hủy là chấp nhận chịu chết vì danh Chúa, nhờ đó Hội Thánh mới có điều kiện để phát triển như lời Téc-tu-li-a-nô đã tiên báo: "Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu".

4) Đường hy sinh tự hủy của các tín hữu hôm nay.

Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy đi theo đường “Qua đau khổ vào vinh quang” là quyết tâm loại trừ các thói hư bằng việc thực tập các nhân đức đối lập như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” đã dạy:
- Mỗi ngày chúng ta hãy quyết tâm làm ít nhất một việc hy sinh tự hủy như sau:
Để loại trừ thói ích kỷ lười biếng, chúng ta sẽ chu toàn việc xếp gọn quần áo đồ dùng của mình và vệ sinh nhà cửa mỗi ngày. Hãy cho tha nhân một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay thân ái, cho người ăn xin một số tiền cứu đói…
Để làm chủ thói xấu vô cảm, chúng ta quyết tâm sẽ bênh vực những người thân cô thế cô thay cho thái độ im lặng mần ngơ.
Để loại trừ thói kiêu ngạo tự mãn, chúng ta sẽ nói lời động viên khen ngợi tha nhân cách thành thật.
Để loại trừ thói ganh ghét đố kỵ, chúng ta sẽ bào chữa lỗi lầm thay vì phê phán chỉ trích người vắng mặt.
Để loại trừ thói quan liêu cửa quyền, chúng ta sẽ mỉm cười thân thiện và chào hỏi trước người mới gặp. Tránh to tiếng la mắng nạt nộ người dưới.
Để “thêm bạn bớt thù”, chúng ta sẽ mở rộng vòng tay kết thân với tha nhân. Mỗi gia đình Công Giáo sẽ quan tâm cầu nguyện và đến thăm chào hỏi làm quen với một gia đình mới dọn đến khu xóm để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.

4. THẢO LUẬN:
Trong những ngày Mùa Chay này, mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để sống mầu nhiệm hy sinh tự hủy noi gương Đức Giê-su?

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU, Khi đóng đinh Chúa trên cây thập giá, bọn đầu mục Do Thái tưởng mình đã hoàn toàn chiến thắng Chúa. Nhưng Giờ Tử Nạn đối với Chúa không phải là sự thất bại, nhưng là Giờ được Chúa Cha tôn vinh. Cũng như hạt lúa có chết đi mới sinh được nhiều bông hạt mới, thì nhờ cái chết thập giá, Chúa đã được Chúa Cha tôn vinh cho sống lại và đặt làm Chúa tể muôn loài. Rồi Hội Thánh về sau cũng noi gương Chúa chấp nhận bị Đế quốc Rô-ma bách hại, và cuối cùng đã được tôn vinh, khi chinh phục cả Đế quốc Rô-ma tin Chúa và gia nhập vào Hội Thánh.

Trong những ngày Mùa Chay này, xin đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con vui lòng đón nhận những đau khổ gặp phải trong cuộc sống, với niềm tin yêu hy vọng. Xin cho chúng con ý thức rằng: thập giá là con đường hy sinh tự hủy mà Chúa đã chọn để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Nhờ đó chúng con sẽ ngày nên hoàn thiện và hy vọng sau này sẽ được Chúa Cha tôn vinh trên Nước Trời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- D) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Thứ Sáu 19/3: Mừng kính Thánh Giuse. Suy niệm của linh mục Đỗ Tuấn Anh, CSsr
Giáo Hội Năm Châu
22:53 17/03/2021

Video sẽ bắt đầu từ 5g chiều ngày 18-March-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a

“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thảm sát dã man tại Atlanta, hầu hết nạn nhân là người Á Châu.
Đặng Tự Do
15:53 17/03/2021


Đức Tổng Giám Mục Gregory John Hartmayer của Atlanta đã lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân và sự an ủi của những người thân đang gánh chịu những mất mát bất ngờ trong hai vụ thảm sát dã man gây âu lo về những căng thẳng sắc tộc.

“Những vụ giết hại dã man như thế này luôn luôn đáng bị lên án, nhưng còn nghiêm trọng hơn nữa khi chúng diễn ra ngay giữa Mùa Chay khi chúng ta được mời gọi hoán cải và giúp đỡ tha nhân.”

Bốn người đã thiệt mạng ở Quận Cherokee, phía bắc Atlanta, vào khoảng 5 giờ chiều ngày thứ Ba 16 tháng Ba, tức khoảng 5g sáng theo giờ Việt Nam. Chưa đầy một giờ sau đó, bốn phụ nữ Á Châu bị giết trong một vụ thảm sát khác tại Atlanta. Cho đến nay, ít nhất 8 người bị thiệt mạng, trong đó 6 người được ghi nhận là các phụ nữ người Á Châu.

Bộ Ngoại giao Nam Hàn nói với NBC News rằng bốn trong số những phụ nữ thiệt mạng là người Nam Hàn.

Cảnh sát Atlanta cho biết tối thứ Ba rằng nghi phạm trong cả hai vụ xả súng đều là một người. Đại úy Jay Baker, cảnh sát trưởng Quận Cherokee cho biết cụ thể hơn nghi phạm tên là Robert Aaron Long, 21 tuổi, đã bị bắt.

Baker nói: “Cảnh sát Quận Cherokee đã phát hiện ra hai người chết và ba người khác bị thương tại một tiệm mát-xa trong cộng đồng Acworth. Những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện, hai người trong số họ sau đó đã chết tại đây vì vết thương quá nặng”.

Khoảng 45 phút sau đó, cách hiện trường vụ án thứ nhất 48km, cảnh sát ở thành phố Atlanta được báo cáo về một vụ cướp trên đường Piedmont ở phần phía đông bắc của thành phố.

Cảnh sát Atlanta cho biết các viên chức cảnh sát đã phát hiện ra ba phụ nữ chết vì vết thương do đạn bắn, và khi đang ở hiện trường, là một tiệm xông hơi, thì nhận được một cuộc gọi khác ở bên kia đường, nơi cảnh sát tìm thấy một phụ nữ đã chết bên trong một tiệm xông hơi bằng dầu thơm.

Long, đã bị bắt ở Crisp County, cách hiện trường vụ thứ hai khoảng 200km về phía nam Atlanta khi đang tìm cách bỏ trốn trên xa lộ I-75.

Tại thành phố New York, cảnh sát chống khủng bố đã được triển khai đến các cộng đồng Á Châu như một biện pháp đề phòng.

Thị trưởng Seattle Jenny Durkan gọi bạo lực ở Atlanta là “một hành động thù hận” và nói rằng bà và Cảnh sát trưởng Adrian Diaz đang thực hiện các bước bổ sung để bảo vệ các cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Seattle, bao gồm cả các cuộc tuần tra bổ sung của cảnh sát.
Source:Reuters
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nâng vị thế của Đền thờ Knock của Ái Nhĩ Lan lên hàng đền thánh Đức Mẹ quốc tế
Đặng Tự Do
15:54 17/03/2021


Địa điểm hành hương nổi tiếng của Ái Nhĩ Lan là Đền Thánh Đức Mẹ Knock sẽ sớm mang một danh hiệu quốc tế. Đức Thánh Cha Phanxicô có kế hoạch chính thức công bố Đền Thánh Đức Mẹ Knock được chỉ định là một đền thờ Đức Mẹ và Thánh Thể quốc tế. Việc nâng cao này diễn ra vào ngày lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng Ba.

Thật phù hợp khi thông báo chính thức sẽ đến vào ngày lễ Thánh Giuse, trong năm Thánh Giuse. Vào thế kỷ 19, Thánh Giuse đã hiện ra ở Knock, cùng với Đức Mẹ và Thánh Gioan Tiền hô. Các cuộc hiện ra được chứng kiến vào một ngày mưa năm 1879, khi cả ba vị được nhìn thấy ở đầu hồi phía nam của Nhà thờ Giáo xứ Knock.

Theo một thông cáo báo chí từ Đền Thánh Đức Mẹ Knock, những lần hiện ra này rất độc đáo:

Điểm độc đáo đối với cuộc hiện ra tại Knock là phép lạ Thánh Thể khi Chúa Phục sinh xuất hiện với tư cách là Chiên Con trên bàn thờ, đứng trước Thập giá của Ngài và được bao quanh bởi một loạt các thiên thần. Khía cạnh này của cuộc Hiện ra được kể chi tiết bởi mười lăm nhân chứng, vào ngày 21 tháng 8 năm 1879. Họ đã đứng dưới mưa tầm tã trong hai giờ để đọc kinh mân côi trước cảnh Hiện ra này.

Kể từ đó, Knock đã trở thành một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất của Ái Nhĩ Lan, chào đón khoảng 1.5 triệu du khách mỗi năm. Năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm thánh địa với tư cách là một người hành hương. Tiếp theo là Mẹ Teresa thành Calcutta, vào năm 1993, là người đã nói chuyện tại đền thờ về sự thánh thiêng của cuộc sống con người, đặc biệt của những đứa trẻ chưa chào đời. Vào năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm Knock khi ở Ái Nhĩ Lan trong Cuộc họp Thế giới của các Gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gửi một thông điệp video được phát trong Thánh lễ vào ngày 19 tháng 3. Điều này sẽ mở đầu cho lễ kỷ niệm kéo dài ba ngày sẽ có các cuộc nói chuyện từ Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám mục Vienna và Đức Tổng Giám Mục Michael Neary, của Tuam. Về danh hiệu mới, Cha Richard Gibbons, Giám đốc Đền thánh Quốc gia Knock, cho biết:

Chúng tôi thực sự biết ơn sự công nhận này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thông qua Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, công nhận Knock trên bình diện quốc tế với vị thế đặc biệt là Đền thờ Đức Mẹ và Thánh Thể… Đây là một cột mốc lịch sử đối với Quốc gia Ái Nhĩ Lan và Đền thờ Đức Mẹ Knock.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch thế giới, Đền Thánh Đức Mẹ Knock đã không ngừng nỗ lực hỗ trợ cho các tín hữu. Vào tháng 11 năm 2020, họ đã tổ chức một thánh lễ đặc biệt để tưởng nhớ tất cả các công dân Ái Nhĩ Lan đã chết vì COVID-19. Điện thờ được đặt hơn 3,000 ngọn nến xung quanh cung thánh tượng trưng cho những người đã mất vì đại dịch. Thánh lễ đã được hơn 120,000 người tham dự trực tuyến.
Source:Aleteia
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Cầu nguyện và Chúa Thánh Thần
Vũ Văn An
17:55 17/03/2021


“Hãy không ngừng khẩn nài Chúa Thánh Thần để Người hiện diện trong đời sống ta”, đó là lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi yết kiến ảo diễn ra tại Thư Viện Tông Toà ngày 17 tháng 3, 2021. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài:



Giáo lý về cầu nguyện: bài 26. Cầu nguyện và Chúa Ba Ngôi (2)

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ hoàn tất loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện trong tương quan với Chúa Ba Ngôi, nhất là với Chúa Thánh Thần.

Hồng phúc đầu tiên của mọi cuộc sống Kitô hữu là Chúa Thánh Thần. Đó không phải là một trong nhiều hồng phúc, mà là hồng phúc căn bản. Chúa Thánh Thần là hồng phúc mà Chúa Giêsu đã hứa gửi tới cho chúng ta. Không có Chúa Thánh Thần thì không có mối liên hệ nào với Chúa Kitô và với Chúa Cha, vì Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta để đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và cuốn hút nó vào “vòng xoáy” của tình yêu là chính trái tim Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ đơn thuần là những người khách và những người hành hương trong cuộc hành trình trên trái đất này; chúng ta cũng là khách và những người hành hương của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta giống như Ápraham, một ngày nọ, khi đón tiếp ba người khách lạ trong lều của mình, đã gặp Thiên Chúa. Nếu chúng ta thực sự có thể cầu khẩn Thiên Chúa, gọi Người là “Abba - Cha ơi”, thì chính là vì Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta; Người là Đấng biến đổi chúng ta từ thẳm sâu nội tâm và làm chúng ta cảm nghiệm được niềm vui xúc động được Thiên Chúa yêu thương như những đứa con đích thực của Người. Tất cả công việc thiêng liêng bên trong chúng ta đối với Thiên Chúa đều được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, hồng phúc này. Người làm việc trong chúng ta để đem đời sống Kitô hữu hướng tới Chúa Cha, cùng với Chúa Giêsu.

Về phương diện này, Sách Giáo Lý nói: “Mỗi lần chúng ta muốn cầu nguyện với Chúa Giêsu, chính Chúa Thánh Thần dùng ơn tiền sủng đưa chúng ta vào kinh nguyện. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cầu nguyện bằng cách nhắc ta nhớ đến Chúa Kitô, Vậy tại sao ta không cầu xin chính Chúa Thánh Thần? Vì thế, Hội Thánh kêu gọi chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc mỗi việc quan trọng” (số 2670). Đây là việc làm của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Người “nhắc nhở” chúng ta nghĩ tới Chúa Giêsu và làm cho Người hiện diện với chúng ta - chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là ký ức Ba Ngôi của chúng ta, Người là ký ức về Thiên Chúa trong chúng ta - và Người làm cho nó hiện diện với Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu không bị giản lược thành một nhân vật quá khứ: nghĩa là, Chúa Thánh Thần đưa Chúa Giêsu vào hiện tại tâm thức của chúng ta. Nếu Chúa Giêsu chỉ ở xa trong thời gian, chúng ta sẽ cô đơn và lạc lõng giữa thế giới. Vâng, chúng ta sẽ nhớ đến Chúa Giêsu, ở đó, rất xa nhưng chính Chúa Thánh Thần đã mang Người đến hôm nay, bây giờ, lúc này, trong trái tim chúng ta. Nhưng trong Chúa Thánh Thần, mọi sự đều có sinh khí: khả thể gặp gỡ Chúa Kitô được mở ra cho các Kitô hữu mọi nơi mọi lúc. Khả thể gặp gỡ Chúa Kitô, không những với tư cách một nhân vật lịch sử, đang mở ra. Không: Người thu hút Chúa Kitô vào lòng chúng ta, chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Người không ở đâu xa, Chúa Thánh Thần ở với chúng ta: Chúa Giêsu vẫn dạy các môn đệ của Người bằng cách biến đổi tâm hồn họ, như Người đã làm với Phêrô, với Phaolô, với Maria Magdalêna, với mọi tông đồ. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại hiện diện? Vì chính Chúa Thánh Thần là Đấng mang Người đến với chúng ta.

Đây là kinh nghiệm của rất nhiều người cầu nguyện: những người nam và người nữ mà Chúa Thánh Thần đã đào tạo theo “thước đo” của Chúa Kitô, trong lòng thương xót, trong phục vụ, trong cầu nguyện, trong giáo lý… Thật là một ân sủng khi có thể gặp gỡ những người như thế: anh chị em nhận ra rằng một cuộc sống khác đang đập nhịp trong họ, cách họ nhìn “quá bên kia”. Chúng ta không những có thể nghĩ đến các đan sĩ và ẩn sĩ; họ cũng được tìm thấy giữa những người bình thường, những người đã dệt nên một lịch sử đối thoại lâu dài với Thiên Chúa, đôi khi là đấu tranh nội tâm, để thanh luyện đức tin của họ. Những nhân chứng khiêm tốn này đã tìm kiếm Thiên Chúa trong Tin Mừng, trong Bí tích Thánh Thể được lãnh nhận và tôn thờ, khi đối diện với các anh chị em đang gặp khó khăn, và họ bảo vệ sự hiện diện của Người như ngọn lửa bí mật.

Nhiệm vụ đầu tiên của người Kitô hữu chính là giữ cho ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang xuống trần gian này (xem Lc 12:49), và ngọn lửa này là gì? Là tình yêu, Tình yêu Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần. Nếu không có ngọn lửa Chúa Thánh Thần, những lời tiên tri của Người sẽ bị dập tắt, buồn sầu sẽ thay thế niềm vui, lề thói hàng ngày thay thế tình yêu và việc phục vụ biến thành nô dịch. Hình ảnh ngọn đèn cháy bên cạnh Nhà Tạm, nơi đặt Bí tích Thánh Thể, xuất hiện trong tâm trí. Ngay cả khi nhà thờ trống rỗng và màn đêm buông xuống, ngay cả khi nhà thờ đóng cửa, ngọn đèn đó vẫn leo lét, và tiếp tục cháy; không ai thấy nó, nhưng nó vẫn cháy trước mặt Chúa. Đây là cách Chúa Thánh Thần ở trong lòng chúng ta, luôn luôn hiện diện như ngọn đèn đó.

Một lần nữa chúng ta đọc trong Sách Giáo Lý: “Khi chúng ta được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người ta, trở thành người Thầy nội tâm dạy cho ta biết cầu nguyện. Người là tác giả truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh. Có bao nhiêu người cầu nguyện thì cũng có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng tác động trong mọi người và cùng với mọi người. Được hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần, khi Kitô hữu cầu nguyện, họ cầu nguyện trong Hội Thánh” (số 2672). Rất thường xảy ra trường hợp chúng ta không cầu nguyện, không cảm thấy thích cầu nguyện, hoặc nhiều lần chúng ta cầu nguyện như vẹt, bằng miệng, nhưng trái tim chúng ta không ở trong đó. Đây là thời điểm để nói với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin sưởi ấm trái tim con. Xin hãy đến dạy con cầu nguyện, dạy con nhìn Chúa Cha, nhìn Chúa Con. Xin dạy con con đường đức tin. Xin dạy con cách yêu thương và hơn hết xin dạy con có thái độ hy vọng ”. Điều này có nghĩa là kêu cầu Chúa Thánh Thần liên tục, để Người hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Do đó, chính Thánh Thần viết nên lịch sử của Giáo Hội và của thế giới. Chúng ta là những cuốn sách mở, sẵn sàng đón nhận các nét chữ của Người. Và trong mỗi chúng ta, Chúa Thánh Thần sáng tác các công trình độc đáo, bởi vì không bao giờ có một Kitô hữu nào hoàn toàn giống Kitô hữu khác. Trong lãnh vực thánh thiện vô hạn, Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi Tình Yêu, cho phép nhiều loại nhân chứng phát triển: tất cả đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng cũng độc đáo về vẻ đẹp mà Chúa Thánh Thần vui lòng tự đổ vào mỗi người mà lòng thương xót của Thiên Chúa muốn biến thành con cái của Người. Chúng ta đừng quên, Chúa Thánh Thần hiện diện, Người hiện diện trong chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy kêu cầu Chúa Thánh Thần - Người là hồng phúc, là quà phúc mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta - và hãy thưa với Người: “Lạy Chúa Thánh Thần, con không biết mặt Chúa - chúng con không biết mặt Chúa- nhưng con biết Chúa là sức mạnh, Chúa là ánh sáng, Chúa có thể làm con tiến bước và dạy con cách cầu nguyện. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Đó là lời cầu nguyện tuyệt đẹp: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Thánh Giuse, người phù hộ bảo trợ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:56 17/03/2021
Hình ảnh Thánh Giuse, người phù hộ bảo trợ

Ngoài Đức Mẹ Maria, người mẹ sinh hạ nuôi dưỡng Chúa Giesu ở trần gian ra, Thánh Giuse người được nhắc nói tới là nhân vật quan trọng cốt lõi ngay từ khởi đầu đời sống Chúa Giêsu Kitô ở trần gian nơi các sách phúc âm viết thuật về Chúa Giêsu Kitô.

Tên Thánh cả Giuse được nhắc kể đến 05 lần trong Phúc âm theo Thánh Matthêo ( Mt 1,16,18,19,20,24); 05 lần trong phúc âm theo Thánh Luca ( Lc 1,27; 2,4,16;3,23;4,22), và 01 lần trong Phúc âm theo Thánh Gioan ( Ga 1,45).

Tên Thánh Giuse được nhắc đến trong Phúc âm như vậy đều có liên quan đến đời sống Chúa Giêsu vào giai đoạn khởi đầu từ khi Chúa Giêsu còn trong cung lòng mẹ Maria, rồi thời thơ ấu Chúa Giêsu sinh ra làm người trên trần gian., giai đoạn lớn lên ở Ai Cập và thời gian sống ở quê nhà Nazareth

Từ giai đoạn thời Chúa Giêsu trưởng thành ra giảng đạo nước Thiên Chúa, tên Thánh Giuse, người cha nuôi Chúa Giêsu, không còn được nhắc tới nữa.

Cũng không có sách nào ghi viết tiểu sử của Thánh Giuse, người cha nuôi Chúa Giêsu. Nhưng Thánh Giuse lại là vị Thánh được cả Hội Thánh hoàn vũ biết đến với lòng sùng kính mộ mến xưa nay.

Sử sách không ghi chép nói gì về cuộc đời Thánh Giuse. Nhưng những đặc thù cá biệt tốt lành thánh thiện của cuộc đời Thánh Giuse lại luôn sống động cùng là gương mẫu cho mọi người trong đời sống đức tin.

Trong đời sống làm người xưa nay, khi lớn lên đi vào đời, con người ai cũng phải làm việc xây dựng bản thân mình, cùng góp phần kiến tạo đời sống xã hội chung cũng như riêng. Và có như thế, đời sống con người mới có phát triển và có niềm vui hạnh phúc.

Trong đời sống con người thường đi tìm một gương sống như kim chỉ nam, như động lực thúc đẩy cố gắng học hỏi làm việc theo đuổi, cả những khi gặp khó khăn, nhất là về con đường đời sống thiêng liêng. Chính vì thế, trong kinh cầu Ông Thánh Giuse có lời ca tụng cầu xin:
„Ông Thánh Giuse là mẫu mực các kẻ làm ăn.“

Xưa nay gia đình là nền tảng của xã hội cũng như của Hội Thánh. Đời sống gia đình có niềm vui hạnh phúc không phải vì gia đình có đời sống của cải sung túc dư thừa, tuy của cải là yếu tố cần thiết để sinh sống. Nhưng hạnh phúc gia đình còn tùy thuộc nơi đời sống tinh thần nhiều hơn nữa.
Vì thế, người tín hữu Chúa Kitô cầu xin cùng Thánh Giuse qua lời cầu xin trong kinh cầu:
„Ông Thánh Giuse là Đấng mọi nhà phải cậy nhờ cho được vững vàng“

Cuộc đời con người ai cũng mong muốn sao cho xuông xẻ thuận buồm xuôi gió trong mọi giai đoạn đường đời. Nhưng nỗi vướng trở khúc mắc, niềm bất hạnh đau khổ thường xảy đến trong đời sống nhiều hơn.

Gặp vướng mắc vào hoàn cảnh như thế, là con người hầu như ai cũng lúng túng chao đảo mất tinh thần. Những lúc như thế này, niềm tin, sự an ủi rất cần thiết cho tinh thần được đứng vững, nhất là khi cảm nhận thấy có người cùng thông cảm nâng đỡ.

Vì vậy, trong kinh cầu Thánh Giuse, chúng ta thành khẩn kêu xin:
„Ông Thánh Giuse yên ủi các người gặp cảnh khó khăn.“

Trong đời sống sức khoẻ thể xác cũng như tinh thần là món qùa tặng cao qúy của Trời cao, mà không gì có thể so sánh với, cùng không sao mua được bằng tiền bạc. Chúng ta có hay không có sức khoẻ. Khi có sức khoẻ phải qúi trọng gìn giữ bảo vệ.

Khi đau yếu bệnh nạn cần phải tìm cách chữa chạy để có sức khoẻ bình an trở lại. Thuốc uống phương thức chữa trị y khoa là điều cần thiết cho việc chữa trị để sức khoẻ bình phục trở lại. Nhưng lòng cậy trông vào sức thiêng liêng cũng là phương dược hiệu nghiệm giúp cho không chỉ cho tinh thần mà còn cho cả thể xác tìm trở lại được sức sống bình an, niềm hy vọng phấn khởi vươn lên. Như trong lúc này sức khoẻ đời sống con người đang bị đe dọa do vi trùng Corona gây ra cơn đại dịch lây lan truyền nhiễm khắp nơi trên hoàn cầu.

Nên người tín hữu Chúa Kitô trong kinh cầu đã có tâm tình cầu xin: „Ông Thánh Giuse là như cột trụ cho người bệnh nạn được cậy trông.“

Theo ơn Chúa kêu gọi, xưa nay trong sống Giáo Hội có những người tín hữu Chúa Kitô chọn đời sống độc thân không lập gia đình, vì nước trời. Đó là bậc sống của những người chọn nếp sống quảng đại dâng hiến đời sống mình trong các nhà Dòng, trong chủng viện của Giáo hội. Họ muốn dành trái tim tình yêu suốt cả đời sống mình cho lý tưởng phụng sự Thiên Chúa và con người trong khu vườn Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Nếp sống lý tưởng cao qúi này đòi hỏi liên lỉ sự hy sinh dấn thân để chống lại những cám dỗ nghiêng ngả chiều theo bản tính tự nhiên nằm sẵn trong máu mủ, nơi ý hướng lòng muốn của con người. Vì thế người tu trì càng cần sự nâng đỡ thiêng liêng, để có sức mạnh tinh thần chống lại cơn cám dỗ.

Thánh Giuse là người phù hộ bên ngai tòa Thiên Chúa cho những người chọn nếp sống tu trì, như lời ca ngợi cầu xin trong kinh cầu:
„Ông Thánh Giuse gìn giữ các kẻ đồng trinh.“

Đời người xưa nay ai cũng có ngày mở mắt sinh ra trên trần gian. Khi sinh ra bước chân vào đời, con người dù còn thơ bé cũng nắm chặt hai bàn tay lại. Qua cử chỉ này muốn truyền đi tín hiệu: tôi ham sống. Đời sống là niềm vui. Tôi sẵn sàng bắt nắm cơ hội sống vươn lên!

Nhưng đời sống đâu có ai được mãi trẻ khoẻ đẹp. Trái lại, ai cũng có thời gian thêm nhiều tuổi gìa đi, yếu đau và ngày cùng tận. Khi ngày cùng tận tới kề, lúc đó sức lực cũng hết, đôi bàn tay nắm chặt ngày xưa lúc còn thơ bé, lúc tuổi thanh thiếu niên, quãng đời trưởng thành, giờ đây không còn sức lực nữa., nên duỗi buông xuôi thẳng mềm ra. Đức tin vào Thiên Chúa là điểm tựa cuối cùng của đời sống.

Và trong giờ phút đó, người có niềm tin kêu xin:
„Ông thánh Giuse là quan thầy các kẻ mong sinh thì“

Chúa Giêsu sinh sống trên trần gian giữa con người tất cả 33 năm. Ngài dành ba năm đi rao giảng tình yêu nước Thiên Chúa cho con người. Trong quãngthời gian đó, Ngài kêu gọi 12 Tông đồ làm nền tảng xây dựng Hội Thánh ở trần gian.

Sau khi Chúa Giêsu trở về trời, Hội Thánh do Chúa Giêsu thành lập trên nền tảng 12 Tông đồ có nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng gìn giữ, làm chứng cùng loan truyền giáo lý Chúa đã rao giảng cho con người: Anh em hãy đến với muôn dân!

Trong dòng thời gian lịch sử hơn hai ngàn năm, Hội Thánh Chúa Giêsu đã trải qua không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm. Vâng có rất nhiều bóng tối, nhiều chao đảo thử thách biến đổi. Nhưng đức tin vào Chúa là sức mạnh giúp Hội Thánh vượt qua khó khăn, vượt qua được sóng gió vùng thung lũng bóng tối thử thách.

Nhìn vào Thánh Giuse, là người gìn giữ bảo vệ gia đình Chúa Giêsu ngày xưa. Nên Hội Hội hằng kêu xin cùng Thánh nhân:
„Ông Thánh Giuse gìn giữ phù hộ Hội Thánh.“

Hội Thánh Chúa Giesu, người tín hữu Chúa Kitô cầu xin khấn nguyện cùng Thánh cả Giuse xin ơn phù hộ giúp đỡ. Vì khi nhìn vào Thánh Giuse, họ đọc nhận ra nếp sống của ngài xưa kia đã sống phù hộ bảo vệ cho Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu:

„-Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong nội bộ cộng đoàn tôn giáo của mình. Bởi vì ngài biết trong nội bộ có những lớp người tự nhận là đạo đức sẽ ra tay bắt bớ và xua đuổi Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

-Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ một cách khôn ngoan, nghĩa là không lên tiếng khích bác và chống đối ai. Nhưng chỉ lặng lẽ sống những giá trị Phúc Âm một cách tích cực.

- Thánh Giuse đã bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ một cách tế nhị. Nghĩa là ngài luôn lui vào địa vị kẻ phục vụ, vui lòng nhận vào mình những việc nặng nề vất vả nhọc nhằn, để che chở cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ.“ ( Đức Giám Mục GB. Bùi Tuần, Thánh Giuse sống ơn gọi bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ, 19.03.2018)

Mỗi người có thể nhìn vào Thánh Giuse với cách nhìn tầm suy hiểu khác nhau. Nhưng Thánh Giuse vẫn luôn là gương mẫu cho người tín hữu Chúa Kitô về đời sống đức tin vào Thiên Chúa trong mọi cảnh ngộ đời sống:
„Ông Thánh Giuse là Đấng rất trung nghĩa“

Lễ kính Thánh cả Giuse, 19.03.2021
Năm Thánh Giuse 2020 -2021 “Patris corde – Trái tim của người Cha.“
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Chiếc Bóng Lặng Thầm
Sơn Ca Linh
09:51 17/03/2021
“Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ để Chúa Giêsu đi một mình” (Tông huấn Patris Corde của ĐGH Phanxicô).

Không phải siêu sao, không là thần tượng…
Một “anh chồng hờ”, suốt một đời “nín câm”,
“Cha nuôi” thôi, một “chiếc bóng lặng thầm”,
Nhưng là “bóng Hương Nam” muôn đời râm mát…

Bóng mát cho Maria,
trên đường về Ai Cập mịt mù nắng chát,
Bóng mát để Giêsu,
Yên giấc nồng giữa những ngày trôi dạt lênh đênh…
Bóng mát nơi xưởng thợ nghèo cuộc sống bấp bênh,
Được làm nên,
Bởi những giọt mồ hôi và đôi bàn tay chai sạn !

Thánh Gia ngày xưa,
Hay “Nhiệm Thể” hôm nay cuộc lữ hành vạn dặm,
Luôn cần Ngài “Người Thợ Cả vô danh”.
Cần người cha cương nghị yên ủi, dỗ dành,
Cần bậc phu quân tín thành chung thuỷ…

Cần “bóng mát” quyền năng,
Để bảo vệ khỏi bụi trần nhớp nhơ quỷ mị,
Để con thuyền Hội Thánh,
Vượt ba đào về tới bến bình yên.
Để mọi gia đình nên tổ ấm thiêng liêng,
Để lớp lớp đàn con,
Vững bước đi trên “nẻo đường công chính”.

Cha Giuse ơi !
Bóng mát lặng thầm từ muôn đời tiền định,
Xin cho chúng con,
“Mỗi ngày tỉnh dậy” để vâng phục ý Cha.
Để trái tim hồng bừng lửa mến thiết tha,
Dẫu “lặng thầm”,
Mãi là “chiếc bóng mang dáng hình “yêu thương phục vụ” !

Sơn Ca Linh (Lễ Thánh Giuse 2021)




 
VietCatholic TV
Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin: Không thể chúc lành cho kết hiệp đồng tính. Giáo Hội bị tấn công
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:00 17/03/2021


1. Phúc đáp của Bộ Giáo lý Đức tin đối với nghi vấn về việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới, 15.03.2021

Trong thời gian gần, tại Đức có một số giám mục và linh mục tuyên bố ủng hộ và đã đưa ra thực hành việc chúc lành cho các cặp đồng giới và tình trạng này đang lan tràn rất nhanh.

Hôm thứ Hai 15 tháng Ba, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố bản phúc đáp sau.

CÂU HỎI ĐƯỢC ĐỀ XUẤT:

Giáo Hội có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới tính không?

TRẢ LỜI:

Không.

Ghi chú giải thích

Trong một số bối cảnh của Giáo hội, các kế hoạch và đề xuất việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới đang được đưa ra. Những dự án như vậy không thường xuyên được thúc đẩy bởi mong muốn chân thành chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái, những người được đề nghị những con đường thăng tiến đức tin, “để những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái có thể nhận được sự trợ giúp mà họ cần để hiểu và thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ” [1].

Trên những con đường như vậy, việc lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, tham gia vào các hoạt động phụng vụ của Giáo hội và thực thi bác ái có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ dấn thân đọc lịch sử của chính mình và tuân thủ tự do và có trách nhiệm đối với lời kêu gọi nhận được trong phép Rửa Tội của người ấy, bởi vì “Thiên Chúa yêu thương mọi người và Giáo hội cũng vậy” [2], bác bỏ mọi sự phân biệt đối xử bất công.

Trong số các hành động phụng vụ của Giáo Hội, các á bí tích có một tầm quan trọng nổi bật: “Đây là những dấu chỉ thiêng liêng giống với các bí tích: chúng biểu thị những hiệu quả, đặc biệt là những hiệu quả thiêng liêng, có được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội. Nhờ các á bí tích này, con người được chuẩn bị để lãnh nhận hiệu quả chính các bí tích, và được thánh hóa trong các dịp khác nhau của cuộc sống” [3]. Do đó, Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo chỉ rõ rằng “các á bí tích không ban ơn Chúa Thánh Thần theo cách mà các bí tích làm, nhưng bằng lời cầu nguyện của Giáo hội, chúng chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ân sủng và để chúng ta hợp tác với ơn thánh đó” (# 1670).

Việc chúc phúc thuộc hàng các á bí tích, nhờ đó Giáo hội “kêu gọi chúng ta ca ngợi Thiên Chúa, khuyến khích chúng ta khẩn cầu sự bảo vệ của Người, và khuyên chúng ta tìm kiếm lòng thương xót của Người bằng sự sống thánh thiện của chúng ta” [4]. Ngoài ra, “được thiết lập như một kiểu bắt chước các bí tích, việc chúc phúc trên hết là dấu chỉ của các hiệu quả thiêng liêng đạt được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội” [5].

Do đó, để phù hợp với bản chất của các á bí tích, khi một hành động chúc phúc được cầu khẩn trên các mối quan hệ cụ thể của con người, ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia, điều cần thiết là những gì được ban phép lành phải xứng hợp một cách khách quan và tích cực để nhận được và thể hiện ân sủng theo kế hoạch của Thiên Chúa đã ghi khắc trong sáng tạo, và được Chúa Giêsu Kitô mặc khải hoàn toàn. Vì vậy, chỉ những thực tại tự nó xứng hợp nhằm phục vụ những mục đích đó mới phù hợp với bản chất của việc chúc phúc do Giáo hội trao ban.

Vì lý do này, sẽ không hợp luật khi ban phép lành cho các mối quan hệ, hoặc các trường hợp sống chung, thậm chí ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân (nghĩa là, bên ngoài sự kết hợp bất khả phân ly của một người nam và một người phụ nữ tự nó mở ra cho việc truyền sự sống), như trong trường hợp kết hiệp đồng giới [6]. Trong các mối quan hệ như vậy, sự hiện diện của các yếu tố tích cực, tự bản thân chúng đã được coi trọng và đánh giá cao, không thể biện minh cho những mối quan hệ này, cũng không thể biến chúng trở thành đối tượng hợp pháp của một sự chúc phúc của Giáo Hội, vì các yếu tố tích cực này tồn tại trong bối cảnh của một kết hiệp không theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.

Hơn nữa, vì việc ban phép lành trên con người liên quan đến các bí tích, nên không thể coi việc chúc phúc cho kết hiệp đồng tính luyến ái là phù hợp. Điều này là bởi vì chúng sẽ tạo thành một sự bắt chước hoặc một sự tương tự nhất định đối với việc chúc hôn [7] được cầu khẩn trên người nam và người nữ được kết hợp trong Bí tích Hôn phối, trong khi trên thực tế “hoàn toàn không có căn cứ nào để coi sự kết hợp đồng tính luyến ái là tương tự hoặc thậm chí tương đồng xa xôi với kế hoạch của Thiên Chúa cho hôn nhân và gia đình” [8].

Do đó, việc tuyên bố tính chất bất hợp pháp của việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới không phải, và không có ý định, là một hình thức phân biệt đối xử bất công, mà là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi thức phụng vụ và của chính bản chất của các á bí tích như Giáo hội hiểu chúng.

Cộng đồng Kitô hữu và các Mục tử được kêu gọi chào đón với sự tôn trọng và nhạy cảm với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, và sẽ biết cách tìm ra những cách thức thích hợp nhất, phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, để loan báo Tin Mừng một cách trọn vẹn cho họ. Đồng thời, họ phải nhận ra sự gần gũi đích thực của Giáo hội – trong lời cầu nguyện cho họ, trong sự đồng hành với họ và chia sẻ hành trình đức tin Kitô của họ [9] - và đón nhận những giáo lý với sự cởi mở chân thành.

Câu trả lời cho nghi vấn được đề ra không loại trừ các phép lành được ban cho những cá nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái [10], những người biểu lộ ý muốn sống trung thành với các kế hoạch đã được mạc khải của Thiên Chúa như giáo huấn của Giáo hội đã đề xuất. Thay vào đó, câu trả lời cho câu hỏi này tuyên bố tính chất bất hợp pháp của bất kỳ hình thức chúc phúc nào có xu hướng thừa nhận sự kết hiệp của họ như vậy. Trong trường hợp này, trên thực tế, sự chúc phúc sẽ không biểu lộ ý định giao phó những cá nhân như vậy cho sự bảo vệ và giúp đỡ của Thiên Chúa, theo nghĩa đã đề cập ở trên, nhưng là chấp thuận và khuyến khích một lựa chọn và một lối sống không thể được công nhận là xứng hợp một cách khách quan với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa [11].

Đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng chính Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này, bởi vì “chúng ta quan trọng đối với Thiên Chúa hơn tất cả những tội lỗi mà chúng ta có thể phạm” [12]. Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào: Ngài ban phước cho con người tội lỗi, để anh ta có thể nhận ra rằng anh ta là một phần trong kế hoạch yêu thương của Người và để cho mình được hoán cải bởi Người. Trên thực tế, Ngài “coi chúng ta như chúng ta vốn có, nhưng không bao giờ bỏ chúng ta như chúng ta vốn có” [13].

Vì những lý do đã đề cập ở trên, Giáo hội không có và không thể có quyền chúc phúc cho sự kết hợp của những người cùng giới tính theo nghĩa đã xác định ở trên.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi Tiếp kiến được dành cho Tổng Trưởng của Bộ này là người ký tên dưới đây, đã được thông báo và đồng ý cho công bố Bản phúc đáp nêu trên, với Bản giải thích phụ lục.

Rôma, từ Văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 22 tháng 2 năm 2021, Lễ Kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, Tông đồ.

✠ Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, SI

Tổng trưởng

✠ Giacomo Morandi

Tổng giám mục hiệu tòa Cerveteri

Thư ký

_______________________

[1] Francis, Tông huấn Amoris laetitia, 250.

[2]Thượng Hội Đồng Giám Mục, Văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XV, 150.

[3] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 60.

[4] RITUALE ROMANUM ex Decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Ioannis Pauli PP. Il Issgatum, De bentictionibus, Praenotanda Generalia, n.9.

[5] Thượng dẫn, số 10.

[6] Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2357.

[7] Thực ra, lời chúc hôn liên quan đến trình thuật về sự sáng tạo, trong đó lời chúc phúc của Thiên Chúa trên người nam và người nữ có liên quan đến sự kết hiệp sinh hoa trái của họ (x. St 1:28) và sự bổ sung cho nhau (x. St 2: 18-24. ).

[8] Francis, Tông huấn Amoris laetitia, 251.

[9] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư về việc Chăm sóc Mục vụ cho người Đồng tính luyến ái, 15.

[10] Trên thực tế, Benedictionibus trình bày một danh sách mở rộng các tình huống kêu cầu Chúa chúc phúc.

[11] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư về việc Chăm sóc Mục vụ cho người Đồng tính luyến ái, 15.

[12] Francis, Buổi tiếp kiến chung vào ngày 2 tháng 12 năm 2020, Giáo lý về Cầu nguyện, sự chúc lành.

[13] Thượng dẫn.
Source:Holy See Press Office

2. Vatican phản ứng với kế hoạch của Đức về những lời chúc phúc đồng giới

Liên tục trong suốt 24 giờ sau khi Đức Hồng Y Luis Ladaria công bố phúc đáp của Bộ Giáo Lý Đức Tin theo đó Giáo Hội không có thẩm quyền ban phép lành cho các kết hiệp đồng tính, Giáo Hội đã bị tấn công rất quyết liệt trên các mạng xã hội. Người ta dự đoán đợt tấn công cường tập của những người hoạt động cho người đồng tính và cả những người không liên quan đến gì đến người đồng tính, nhưng muốn nhân cơ hội này để tấn Công Giáo Hội, sẽ kéo dài ít nhất là hàng tháng trời. Chúng ta cần tìm hiểu để bênh vực Giáo Hội và cầu nguyện cho Giáo Hội trước thử thách rất lớn này.

Tờ The Pillar của Công Giáo Hoa Kỳ có bài nhận định nhan đề “Nicht, nicht: Vatican responds to German plans for same-sex blessings” nghĩa là “Không, không. Vatican phản ứng với kế hoạch của Đức về những lời chúc phúc đồng giới.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Bộ Giáo lý Đức tin hôm thứ Hai đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Liệu Giáo hội có quyền ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới không?” Câu trả lời, được ký bởi Đức Hồng Y Luis Laradria Ferrer, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, là “KHÔNG”.

Bản phúc đáp đã được công bố vào ngày 15 tháng 3. Văn bản giải thích kèm theo của Đức Hồng Y Ladaria cho biết câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF, đã được xây dựng vào tháng trước, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân phê duyệt và truyền cho công bố.

Tuyên bố từ CDF được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một số viên chức lãnh đạo của Giáo triều Rôma nói với tờ The Pillar rằng ngày càng có nhiều lo ngại ở Vatican rằng các kế hoạch chúc phúc cho người đồng giới, được đề xuất bởi cái gọi là Tiến Trình Công Nghị (Synodaler Weg) do Hội đồng Giám mục Đức tổ chức, đã được thực hiện ở một số nơi.

Cũng chính các viên chức này, bao gồm cả những người thân cận với CDF, nói với The Pillar vào tuần trước rằng, trong khi CDF và các bộ phận khác của Vatican đã sẵn sàng đối phó với những thách thức ở Đức đối với giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, thì Đức Hồng Y Ladaria và những người đứng đầu các cơ quan trung ương khác của Giáo triều Rôma đang chờ đợi sự dẫn dắt rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi đối đầu với các giám mục Đức.

Câu trả lời của CDF cho dubium, tức là một câu hỏi chính thức nhằm tìm kiếm sự minh định về giáo huấn của Giáo hội, đã không đề cập cụ thể đến Tiến Trình Công Nghị Đức, hoặc xác định ai là người ban đầu đã gửi câu hỏi để yêu cầu trả lời. Tuy nhiên, một viên chức lãnh đạo gần gũi với CDF nói với The Pillar hôm thứ Hai rằng “câu trả lời là dành cho người Đức”.

“Bản dubium đã được hỏi và trả lời, nhưng công bố câu trả lời là cần thiết vì sự lầm lạc công khai được tạo ra bởi một số giám mục ở Đức, và Tiến Trình Công Nghị - vốn không phải là một thượng hội đồng”.

Trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức, bắt đầu vào năm 2019 và dự kiến kết thúc vào năm sau, không có thẩm quyền thay đổi kỷ luật hoặc giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Bộ Giám mục trước đây đã bác bỏ kế hoạch của Tiến Trình Công Nghị Đức, chủ đề của nó, các cấu trúc và các kết quả được đề xuất là “không có giá trị về mặt giáo hội học”.

Tuy nhiên, Tiến Trình Công Nghị Đức vẫn tiếp diễn, đưa ra các khuyến nghị về những thay đổi đối với giáo luật và giáo lý của Giáo hội trong một số lĩnh vực, bao gồm việc quản trị Giáo hội, luân lý tình dục, chức linh mục và việc phong chức phụ nữ. Tháng mười một năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối “quan tâm rất lớn” trước đường hướng mà các giám mục Đức theo đuổi.

Một số giám mục Đức đã tuyên bố công khai ủng hộ việc ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới, bất kể làm như thế là mâu thuẫn với giáo huấn và kỷ luật Công Giáo.

Tháng trước, Giám mục Peter Kohlgraf của Mainz nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc công nhận các kết hiệp đồng giới và bảo vệ sự tán thành của ông đối với một cuốn sách về các phép lành và nghi thức phụng vụ dành cho các kết hiệp đồng giới.

Giám mục Georg Bätzing, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, cũng đã nhiều lần kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục con người, việc truyền chức cho phụ nữ và cho người không Công Giáo được rước lễ.

Năm ngoái, trong một phản ứng tương tự, CDF đã bác bỏ những lời kêu gọi của các giám mục Đức về hiệp thông Thánh Thể chung với những người theo đạo Tin lành.

Phúc đáp từ Đức Hồng Y Ladaria đã trích dẫn cả tài liệu cuối cùng từ Thượng hội đồng năm 2019 về phân định Giới trẻ, Đức tin và Ơn gọi và Tông huấn hậu Thượng hội đồng năm 2016 Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Dựa trên các tài liệu này, CDF nhắc lại rằng “không hợp luật để ban phép lành cho các mối quan hệ hoặc việc chung sống, cho dù là ổn định đi chăng nữa, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân”, bao gồm các kết hiệp đồng tính, cũng như các kết hiệp dị tính không phải là những cuộc hôn nhân hợp lệ, bao gồm cả những kết hợp đơn thuần về mặt dân sự liên quan đến người Công Giáo sau khi ly hôn.

Đức Hồng Y Ladaria nhắc lại rằng Giáo hội bác bỏ mọi hình thức “phân biệt đối xử bất công” đối với những người đồng tính luyến ái. Ngài cũng nhìn nhận rằng những người kêu gọi chúc phúc cho những người đồng tính luyến ái thường làm như vậy vì “mong muốn chân thành được chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái”.

Tuy nhiên, câu trả lời giải thích rõ rằng các phép lành là các á bí tích, “là những dấu chỉ thiêng liêng tương tự như các bí tích: chúng biểu thị những hiệu quả, đặc biệt là về mặt tâm linh, có được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội”.

“Do đó, để phù hợp với bản chất của các á bí tích, khi một phước lành được cầu xin trên những mối quan hệ cụ thể của con người, ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia, điều cần thiết là những gì được ban phước phải xứng hợp một cách khách quan và tích cực để tiếp nhận và thể hiện ân sủng, theo ý định của Thiên Chúa được ghi trong sáng tạo, và được Chúa Kitô mạc khải hoàn toàn”.

Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, “Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’ (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này là không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.” (GLCG 2357)

Sách Giáo lý đưa ra sự phân biệt giữa các hành vi đồng tính luyến ái và phẩm giá nhân bản thiết yếu của “những người đàn ông hay những người phụ nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái”.

“Khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống, và, nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp những khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình với hy lễ thập giá của Chúa.”

CDF tiếp tục giải thích rằng “Trong các mối quan hệ như vậy, sự hiện diện của các yếu tố tích cực, tự bản thân chúng đã được coi trọng và đánh giá cao, không thể biện minh cho những mối quan hệ này, cũng không thể biến chúng trở thành đối tượng hợp pháp của một sự chúc phúc của Giáo Hội, vì các yếu tố tích cực này tồn tại trong bối cảnh của một kết hiệp không theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.”

“Do đó, việc tuyên bố tính chất bất hợp pháp của việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới không phải, và không có ý định, là một hình thức phân biệt đối xử bất công, mà là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi thức phụng vụ và của chính bản chất của các á bí tích như Giáo hội hiểu chúng.”
Source:Pillar Catholic
 
Đức Bênêđíctô đang yếu dần. Thảm sát kinh hoàng ở Atlanta. Các phép lạ tại Đền thánh Đức Mẹ Knock.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:53 17/03/2021


1. Tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Tuyên bố với RomeReports, Đức Tổng Giám Mục thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cho biết “Đức Giáo Hoàng danh dự rất yếu về thể lý và giọng nói của ngài ngày càng yếu hơn, nhưng năng lực của đôi mắt, sức mạnh và cường độ của tâm trí ngài thật là không thể tưởng tượng được”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói thêm rằng chính Đức Giáo Hoàng danh dự không ngờ mình có thể sống lâu như vậy, ngài không tưởng tượng là “cần nhiều thời gian như thế phải trải qua, từ khi ngài chấm dứt nhiệm vụ Giáo hoàng cho đến khi gặp thánh Phêrô ở cổng thiên đàng”.

Đức Tổng Giám Mục cũng kể rằng Đức Giáo Hoàng danh dự vẫn dùng bữa tối với các nữ tu giúp việc và khi Đức Tổng nói: “Thưa Đức Thánh Cha, ngài ăn ít quá!”, Đức Bênêđíctô thứ 16 đáp: “Đúng vậy, tôi ăn không thấy ngon nữa. Tôi ăn nhưng tôi không đói”.

Ban sáng ngài vào nhà nguyện để dự lễ. Ngài không đứng được, nhưng ngồi trên xe lăn và đồng tế với Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Cả Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự đều đã được chích ngừa coronavirus hai lần.
Source:Rome Reports

2. Thảm sát dã man tại Atlanta, hầu hết nạn nhân là người Á Châu.

Đức Tổng Giám Mục Gregory John Hartmayer của Atlanta đã lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân và sự an ủi của những người thân đang gánh chịu những mất mát bất ngờ trong hai vụ thảm sát dã man gây âu lo về những căng thẳng sắc tộc.

“Những vụ giết hại dã man như thế này luôn luôn đáng bị lên án, nhưng còn nghiêm trọng hơn nữa khi chúng diễn ra ngay giữa Mùa Chay khi chúng ta được mời gọi hoán cải và giúp đỡ tha nhân.”

Bốn người đã thiệt mạng ở Quận Cherokee, phía bắc Atlanta, vào khoảng 5 giờ chiều ngày thứ Ba 16 tháng Ba, tức khoảng 5g sáng theo giờ Việt Nam. Chưa đầy một giờ sau đó, bốn phụ nữ Á Châu bị giết trong một vụ thảm sát khác tại Atlanta. Cho đến nay, ít nhất 8 người bị thiệt mạng, trong đó 6 người được ghi nhận là các phụ nữ người Á Châu.

Bộ Ngoại giao Nam Hàn nói với NBC News rằng bốn trong số những phụ nữ thiệt mạng là người Nam Hàn.

Cảnh sát Atlanta cho biết tối thứ Ba rằng nghi phạm trong cả hai vụ xả súng đều là một người. Đại úy Jay Baker, cảnh sát trưởng Quận Cherokee cho biết cụ thể hơn nghi phạm tên là Robert Aaron Long, 21 tuổi, đã bị bắt.

Baker nói: “Cảnh sát Quận Cherokee đã phát hiện ra hai người chết và ba người khác bị thương tại một tiệm mát-xa trong cộng đồng Acworth. Những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện, hai người trong số họ sau đó đã chết tại đây vì vết thương quá nặng”.

Khoảng 45 phút sau đó, cách hiện trường vụ án thứ nhất 48km, cảnh sát ở thành phố Atlanta được báo cáo về một vụ cướp trên đường Piedmont ở phần phía đông bắc của thành phố.

Cảnh sát Atlanta cho biết các viên chức cảnh sát đã phát hiện ra ba phụ nữ chết vì vết thương do đạn bắn, và khi đang ở hiện trường, là một tiệm xông hơi, thì nhận được một cuộc gọi khác ở bên kia đường, nơi cảnh sát tìm thấy một phụ nữ đã chết bên trong một tiệm xông hơi bằng dầu thơm.

Long, đã bị bắt ở Crisp County, cách hiện trường vụ thứ hai khoảng 200km về phía nam Atlanta khi đang tìm cách bỏ trốn trên xa lộ I-75.

Tại thành phố New York, cảnh sát chống khủng bố đã được triển khai đến các cộng đồng Á Châu như một biện pháp đề phòng.

Thị trưởng Seattle Jenny Durkan gọi bạo lực ở Atlanta là “một hành động thù hận” và nói rằng bà và Cảnh sát trưởng Adrian Diaz đang thực hiện các bước bổ sung để bảo vệ các cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Seattle, bao gồm cả các cuộc tuần tra bổ sung của cảnh sát.
Source:Reuters

3. Đức Thánh Cha Phanxicô nâng vị thế của Đền thờ Knock của Ái Nhĩ Lan lên hàng đền thánh Đức Mẹ quốc tế

Địa điểm hành hương nổi tiếng của Ái Nhĩ Lan là Đền Thánh Đức Mẹ Knock sẽ sớm mang một danh hiệu quốc tế. Đức Thánh Cha Phanxicô có kế hoạch chính thức công bố Đền Thánh Đức Mẹ Knock được chỉ định là một đền thờ Đức Mẹ và Thánh Thể quốc tế. Việc nâng cao này diễn ra vào ngày lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng Ba.

Thật phù hợp khi thông báo chính thức sẽ đến vào ngày lễ Thánh Giuse, trong năm Thánh Giuse. Vào thế kỷ 19, Thánh Giuse đã hiện ra ở Knock, cùng với Đức Mẹ và Thánh Gioan Tiền hô. Các cuộc hiện ra được chứng kiến vào một ngày mưa năm 1879, khi cả ba vị được nhìn thấy ở đầu hồi phía nam của Nhà thờ Giáo xứ Knock.

Theo một thông cáo báo chí từ Đền Thánh Đức Mẹ Knock, những lần hiện ra này rất độc đáo:

Điểm độc đáo đối với cuộc hiện ra tại Knock là phép lạ Thánh Thể khi Chúa Phục sinh xuất hiện với tư cách là Chiên Con trên bàn thờ, đứng trước Thập giá của Ngài và được bao quanh bởi một loạt các thiên thần. Khía cạnh này của cuộc Hiện ra được kể chi tiết bởi mười lăm nhân chứng, vào ngày 21 tháng 8 năm 1879. Họ đã đứng dưới mưa tầm tã trong hai giờ để đọc kinh mân côi trước cảnh Hiện ra này.

Kể từ đó, Knock đã trở thành một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất của Ái Nhĩ Lan, chào đón khoảng 1.5 triệu du khách mỗi năm. Năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm thánh địa với tư cách là một người hành hương. Tiếp theo là Mẹ Teresa thành Calcutta, vào năm 1993, là người đã nói chuyện tại đền thờ về sự thánh thiêng của cuộc sống con người, đặc biệt của những đứa trẻ chưa chào đời. Vào năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm Knock khi ở Ái Nhĩ Lan trong Cuộc họp Thế giới của các Gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gửi một thông điệp video được phát trong Thánh lễ vào ngày 19 tháng 3. Điều này sẽ mở đầu cho lễ kỷ niệm kéo dài ba ngày sẽ có các cuộc nói chuyện từ Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám mục Vienna và Đức Tổng Giám Mục Michael Neary, của Tuam. Về danh hiệu mới, Cha Richard Gibbons, Giám đốc Đền thánh Quốc gia Knock, cho biết:

Chúng tôi thực sự biết ơn sự công nhận này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thông qua Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Tân Phúc âm hóa, công nhận Knock trên bình diện quốc tế với vị thế đặc biệt là Đền thờ Đức Mẹ và Thánh Thể… Đây là một cột mốc lịch sử đối với Quốc gia Ái Nhĩ Lan và Đền thờ Đức Mẹ Knock.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch thế giới, Đền Thánh Đức Mẹ Knock đã không ngừng nỗ lực hỗ trợ cho các tín hữu. Vào tháng 11 năm 2020, họ đã tổ chức một thánh lễ đặc biệt để tưởng nhớ tất cả các công dân Ái Nhĩ Lan đã chết vì COVID-19. Điện thờ được đặt hơn 3,000 ngọn nến xung quanh cung thánh tượng trưng cho những người đã mất vì đại dịch. Thánh lễ đã được hơn 120,000 người tham dự trực tuyến.
Source:Aleteia