PHÚC ÂM: Ga 5, 17-30
“Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta”.
Ðó là lời Chúa.
“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra”.
Kính thưa Anh Chị em,
Êzêkiel đã thấy trước dòng nước cứu độ này trào tuôn từ bên phải đền thờ, lênh láng chảy mà ‘không gì có thể cản ngăn’, đến nỗi hoá thành sông và “Nơi nào nước chảy đến, nơi đó sẽ nên trong lành và sự sống được phát triển”. Thánh Vịnh Đáp Ca như mạch nối dòng chảy của Êzêkiel với dòng nước Giêsu, Êzêkiel nhìn dòng chảy này như sự hiện diện của Chúa Thiên Binh đến với dân Người, “Chúa Thiên Binh hằng ở cùng ta, và ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ”.
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến dòng nước Bếtsaiđa; ở đó, “Trong các hành lang, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt”; và bất ngờ, Chúa Giêsu có mặt ở đó để kịp cứu lấy một người tê liệt đã 38 năm. 38 năm! Con số mang tính biểu tượng của một người bại liệt hoàn toàn do tội lỗi, bị cùm trói bởi tội lỗi, một con người mất hết tự do. Vậy mà, một ngày bất ngờ, anh không cần lết xuống để dầm mình trong nước nhưng chính ‘Nước’ đã đến bên anh, ôm chầm anh và ‘đắm chìm’ trong anh; dòng Giêsu đã chạm đến anh, rửa sạch anh, chữa lành anh bất chấp ngày Sabbat, vì với Ngài, ‘không gì có thể cản ngăn’ việc cứu sống và làm cho sống bất cứ giá nào.
Sẽ rất thú vị khi chúng ta mục kích một số chi tiết như muốn nói rằng, lòng thương xót vô bờ của dòng nước Giêsu ‘như một dòng suối phải chảy’; và dòng lưu ấy rất mạnh mẽ để ‘không gì có thể cản ngăn’ dù đó là tội cao hơn núi, là vô ơn, vô tâm, và vô tình. Trước hết, không phải người bệnh nhìn thấy Ngài, van xin Ngài nhưng “Ngài thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu”. Cũng thế, có lẽ Chúa Giêsu nhìn thấy mỗi người chúng ta lê lết trong tội từ lâu, và có thể chúng ta chạy trốn Ngài, vờ vịt không nhận ra Ngài; vậy mà Ngài nhìn thấy chúng ta “Đã đau từ lâu” và Ngài nhất định cứu sống, chạm đến và rửa sạch; bởi lẽ, ‘không gì có thể cản ngăn’ lòng Ngài xót thương.
Chi tiết thú vị thứ hai là khi Chúa Giêsu đưa ra một câu hỏi sống chết, “Anh muốn được lành bệnh không?”, người ấy không trả lời ‘Muốn’ hay ‘Không’ nhưng anh ta càu nhàu, “Tôi không được ai đem xuống hồ mỗi khi nước động”. Cũng thế, bao lần chúng ta không muốn được sạch, không muốn lành; chúng ta dễ chịu khi đã quen sống trong tội và đổ lỗi cho điều này điều kia. Vậy mà bất chấp sự loanh quanh, không nóng, không lạnh của người bệnh, Chúa Giêsu vẫn quyết đoán, “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về!” vì dòng nước phải làm sạch những gì nó chảy qua. Một chi tiết vô cùng thú vị khác, là sau 38 năm liệt lào, 38 năm, giờ đây được chữa khỏi, người ấy không buồn thốt lên một lời cám ơn nhưng chỉ biết nghênh ngang vác chõng ra về. Và ‘kinh hoàng hơn!’ anh cũng ‘không thèm biết người ấy’ là ai, một người phải lánh vào đám đông vì hôm ấy là ngày Sabbat. Thật không tin nổi! Ấy thế, không ít lần, chúng ta còn tệ hơn người ấy sau khi được sạch; vạy mà Chúa Giêsu vẫn yêu chúng ta vì ‘không gì có thể cản ngăn’ lòng Ngài xót thương.
Anh Chị em,
Đức Giêsu, dòng ‘Nước’ cứu độ chảy ra từ “Đền Thờ” chính là cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi; dòng ấy âm thầm chảy vào lòng người dẫu được đón nhận hay bị chối từ, trân trọng hay bất kính. Dòng ‘Nước’ ấy đã từng bị một ngọn giáo đâm thủng để chảy cho cạn kiệt; thế nhưng, kỳ diệu thay, nó đã tuôn trào nhiều hơn ân sủng thiên linh cho nhân thế bao đời. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi vào đêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh hân hoan hát lên bài ca, “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, ‘Halléluia’”. Dòng nước Giêsu đang chảy vào lòng chúng ta, chảy vào gia đình, cộng đoàn chúng ta, Ngài chờ chúng ta để Ngài đụng đến, ôm lấy, và nhất là để cho Ngài thanh tẩy và chữa lành. Mùa Chay, Hội Thánh mời gọi chúng ta khơi lên niềm vui được xót thương để mỗi người có thể chạy đến với nguồn ơn cứu độ và tiếp tục là dòng chảy thương xót cho tha nhân mà ‘không gì có thể cản ngăn’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa chính là dòng chảy xót thương và ân sủng đang đổ xuống đời con, xin đừng để con làm tắc nghẽn dòng chảy vì tội lỗi, vì vô tâm, vô ơn và vô tình; nhưng xin cho con tiếp tục làm cho dòng nước ‘không gì có thể cản ngăn’ này không ngừng trào tuôn đến anh chị em con”, Amen.
(Tgp. Huế)
49. Yên vui của xác thịt, trước khi chưa đạt được thì ai cũng mong đợi, nhưng sau khi được rồi thì phiền não. Còn như cái phúc của linh hồn, con người ta khi chưa được thì cũng không biết quý trọng, nhưng sau khi được rồi thì biết quý trọng nó.
(Thánh Gregory)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có một người tên là Triệu Thế Kiệt ban đêm đang ngủ thì tỉnh dậy nói với vợ:
- “Tôi nằm mơ thấy mình động phòng với một phụ nữ khác, không biết người phụ nữ ấy có nằm mơ như thế không?”
Bà vợ trả lời:
- “Người nữ và người nam có gì khác biệt chứ?”
Triệu Thế Kiệt nghe thì rất giận dữ bèn đánh vợ một trận. Ngưởi địa phương bèn lấy câu chuyện này chế ra câu tục ngữ lưu truyền cho đến nay:
- “Triệu Thế Kiệt, nữa đêm tỉnh dậy đánh khác biệt”.
(Tiếu Tán)
Suy tư 92:
“Đồng sàng dị mộng” là chuyện bình thường, bởi vì con người ta hiếm ai ngủ chung với nhau mà nằm mộng giống nhau, dù là ngừơi nữ hay người nam, không khác biệt gì cả.
Có những người Ki-tô hữu tức tối khi thấy người khác cũng làm việc bác ái như mình, khó chịu khi thấy người khác cũng bố thí cho người nghèo như mình, bởi vì những người Ki-tô hữu ấy muốn độc quyền làm việc bác ái, nhưng không muốn làm việc bác ái, họ thích làm việc bác ái trông mộng hơn là thực hiện bác ái trong thực tế.
Chuyện nằm mơ nằm mộng là chuyện không có thực tế, nhưng những người cần chúng ta giúp đỡ thì có thực và rất nhiều, đi tìm họ mà thực hành đức ái hơn là cứ ngồi nhà tức tối giận dữ khi có người khác đi phục vụ tha nhân...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
PHÚC ÂM: Ga 5, 31-47
“Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống. Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?”
Ðó là lời Chúa.
Ngày 15 tháng 3 năm 2021, Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh đã công bố Bản Trả Lời cho câu hỏi về việc chúc lành các cuộc kết hợp đồng tính. Sau đây là nguyên văn Bản Trả Lời, kèm theo một bình luận chính thức:
Bản Trả Lời của Bộ Giáo lý Đức tin cho câu hỏi liên quan đến việc chúc lành cho các cuộc kết hợp của những người cùng giới tính
CHO CÂU HỎI ĐƯỢC ĐỀ XUẤT:
Giáo Hội có quyền ban phúc lành cho các cuộc kết hợp của những người cùng giới tính không?
TRẢ LỜI:
Không.
Bản giải thích
Trong một số bối cảnh Giáo hội, các kế hoạch và đề xuất chúc lành cho các cuộc kết hợp của những người cùng giới tính đang được thúc đẩy. Những dự án như vậy không thường xuyên được động viên bởi mong muốn chân thành chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái, mà với họ nhiều nẻo đường phát triển đức tin được đề xuất, “để những người biểu lộ khuynh hướng đồng tính luyến ái có thể nhận được sự trợ giúp mà họ cần để hiểu và thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong đời họ”[1].
Trên những nẻo đường như vậy, việc lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, tham dự các hoạt động phụng vụ của Giáo hội và thực thi bác ái có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ cam kết đọc lịch sử của họ và trung thành một cách tự do và có trách nhiệm đối với ơn gọi phép rửa của họ, vì “Thiên Chúa yêu thương mọi người và Giáo hội cũng vậy” [2], bằng cách bác bỏ mọi sự kỳ thị bất công.
Trong số các hành động phụng vụ của Giáo hội, các á bí tích có một tầm quan trọng đặc biệt: “Đó là những dấu chỉ thánh thiêng giống các bí tích: chúng biểu thị các hiệu quả, nhất là thuộc loại thiêng liêng, nhận được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội. Nhờ chúng, con người được chuẩn bị để lãnh nhận hiệu quả chính của các bí tích, và các dịp khác nhau của cuộc sống được thánh hóa ”[3]. Do đó, Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo chỉ rõ rằng “các á bí tích không ban ơn Chúa Thánh Thần theo cách mà các bí tích ban, nhưng nhờ lời cầu nguyện của Giáo hội, chúng chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ơn thánh và để chúng ta hợp tác với ơn thánh đó” (# 1670).
Các việc chúc lành thuộc về phạm trù các á bí tích, nhờ đó Giáo hội “kêu gọi chúng ta ca ngợi Thiên Chúa, khuyến khích chúng ta khẩn cầu sự che chở của Người, và khuyên chúng ta tìm kiếm lòng thương xót của Người bằng sự sống thánh thiện của chúng ta” [4]. Ngoài ra, chúng “đã được thiết lập như một kiểu mô phỏng các bí tích, các việc chúc lành là những dấu hiệu trước hết có các hiệu quả thiêng liêng đạt được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội” [5].
Do đó, để phù hợp với bản chất của các á bí tích, khi một việc chúc lành được cầu xin trên các mối liên hệ nhân bản đặc thù, ngoài ý định đúng đắn của những người tham dự, điều cần thiết là điều được chúc lành phải được sắp đặt một cách khách quan và tích cực để nhận lãnh và bày tỏ ơn thánh, theo các kế sách của Thiên Chúa đã ghi sẵn trong sáng thế, và được Chúa Giêsu Kitô mặc khải trọn vẹn. Vì vậy, chỉ những thực tại nào tự chúng được sắp đặt để phục vụ các mục đích đó mới phù hợp với yếu tính của phúc lành do Giáo hội trao ban.
Vì lý do này, sẽ không được phép ban phúc lành cho các mối liên hệ, hoặc các mối chung thân (partnerships), dù là ổn định, có bao gồm hoạt động tình dục ngoài hôn nhân (nghĩa là, bên ngoài sự kết hợp bất khả phân ly của một người đàn ông và một người đàn bà tự trong nó cởi mở đối với việc truyền sinh), như trường hợp các cuộc kết hợp giữa những người cùng giới tính [6]. Sự hiện diện trong các mối liên hệ như vậy của các yếu tố tích cực, tự trong chúng vốn được coi trọng và đánh giá cao, không thể biện minh cho các mối liên hệ này và khiến chúng trở thành đối tượng hợp pháp của một việc chúc lành trong Giáo hội, vì các yếu tố tích cực hiện hữu trong bối cảnh của một cuộc kết hợp không được sắp đạt theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.
Hơn nữa, vì các việc chúc lành trên con người có liên quan đến các bí tích, nên không thể coi việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái là được phép. Điều này vì chúng sẽ tạo thành một mô phỏng hoặc một điều tương tự với việc chúc lành hôn phối [7] được khẩn cầu trên người đàn ông và người đàn bà kết hợp trong Bí tích Hôn nhân, trong khi trên thực tế “tuyệt đối không có cơ sở nào để coi sự kết hợp đồng tính luyến ái là tương tự hoặc thậm chí tương tự xa với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình”[8].
Do đó, việc tuyên bố tính bất hợp pháp của việc chúc lành cho các cuộc kết hợp giữa những người cùng giới tính không phải là một hình thức kỳ thị bất công, mà đúng hơn, là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi thức phụng vụ và về chính bản chất của các á bí tích, như Giáo hội hiểu chúng.
Cộng đồng Kitô hữu và các Mục tử của nó được kêu gọi chào đón một cách tôn trọng và nhạy cảm những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, và biết cách tìm ra những cách thức thích hợp nhất, nhất quán với giáo huấn của Giáo hội, để loan báo Tin Mừng một cách trọn vẹn cho họ. Đồng thời, họ nên nhận ra sự gần gũi đích thực của Giáo hội – vốn cầu nguyện cho họ, đồng hành với họ và chia sẻ hành trình đức tin Kitô giáo của họ [9] - và đón nhận các giáo huấn một cách cởi mở chân thành.
Bản trả lời cho câu hỏi đề xuất không loại trừ các việc chúc lành trao ban cho các cá nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái [10], những người biểu lộ ý muốn sống trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa như được giáo huấn của Giáo hội đề xuất. Thay vào đó, bản trả lời tuyên bố bất hợp pháp bất cứ hình thức chúc lành nào có xu hướng thừa nhận các cuộc kết hợp của họ. Thực vậy, trong trường hợp này, việc chúc lành không biểu lộ ý định giao phó những cá nhân đó cho sự che chở và giúp đỡ của Thiên Chúa, theo nghĩa đã đề cập ở trên, nhưng chấp thuận và khuyến khích một sự lựa chọn và một lối sống không thể được công nhận là được sắp đặt cách khách quan theo các kế hoạch mạc khải của Thiên Chúa [11].
Đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng chính Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc lành cho mỗi con cái của Người đang lữ hành trên thế giới này, vì đối với Người “chúng ta quan trọng đối với Thiên Chúa hơn tất cả những tội lỗi chúng ta có thể phạm” [12]. Nhưng Người không và không thể chúc lành cho tội lỗi: Người chúc lành cho con người tội lỗi, để họ có thể nhận ra rằng họ là một phần trong kế hoạch tình yêu của Người và để họ được Người thay đổi. Thực thế, Người “nhận chúng ta như chúng ta vốn có, nhưng không bao giờ bỏ chúng ta như chúng ta vốn có” [13].
Vì những lý do đã đề cập ở trên, Giáo hội không có và không thể có quyền chúc lành cho các cuộc kết hợp của những người cùng giới tính theo nghĩa đã định ở trên.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi Yết kiến ban cho Tổng Thư ký ký tên dưới đây của Thánh bộ này, đã được thông tri và đồng ý cho việc công bố Bản Trả Lời Cho Câu Hỏi đề cập ở trên, với Bản giải thích đính phụ.
Rôma, từ Văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 22 tháng 2 năm 2021, Lễ Ngai Toà Thánh Phêrô, Tông đồ.
Hồng Y Luis F. Ladaria, S.I.
Bộ trưởng
✠ Giacomo Morandi
Tổng Giám Mục hiệu tòa Cerveteri
Tổng thư ký
_______________________
[1] Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia, 250.
[2] Thượng Hội Đồng, Tài liệu sau cùng của Khóa họp thường lệ lần thứ 15, 150.
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 60.
[4] Nghi Lễ Rôma ex Decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Ioannis Pauli PP. Il Issgatum, De bentictionibus, Praenotanda Generalia, n.9.
[5] Đã dẫn, n. 10.
[6] Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2357.
[7] Thực vậy, lời chúc lành hôn phối tham chiếu chính trình thuật sáng thế, trong đó lời chúc phúc của Thiên Chúa trên người nam và người nữ có liên quan đến sự kết hợp sinh hoa trái của họ (x. St 1:28) và tính bổ sung cho nhau của họ (x.St 2:18-24).
[8] Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia, 251.
[9] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Homosexualitatis problema về Mục vụ Chăm sóc các Người Đồng tính luyến ái, 15.
[10] Thực thế, De benedictionibus trình bày một danh sách mở rộng các tình huống để cầu xin sự chúc lành của Chúa.
[11] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư Homosexualitatis problema về Mục vụ Chăm sóc các Người Đồng tính luyến ái, 7.
[12] Đức Phanxicô, Buổi yết kiến chung vào ngày 2 tháng 12 năm 2020, Giáo lý về Cầu nguyện, sự chúc lành.
[13] Đã dẫn.
Kỳ sau: Bình luận chính thức
Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô Giáo, đã ủng hộ một đề xuất rằng Công Giáo và Chính thống giáo làm việc với nhau để thống nhất cử hành Lễ Phục sinh vào một ngày chung.
Một đại diện của Tòa Thượng phụ Constantinople thuộc Hội đồng các Giáo hội Thế giới, gọi tắt là WCC, cho biết một ngày Lễ Phục sinh chung có thể là một dấu chỉ khích lệ cho phong trào đại kết.
Đức Tổng Giám Mục Chính thống giáo Job Getcha của Telmessos gợi ý rằng năm 2025, kỷ niệm 1,700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên Nicê, sẽ là một năm tốt để giới thiệu việc cải cách lịch này.
Phát biểu với hãng thông tấn Thụy Sĩ Kath.ch, Đức Hồng Y Kurt Koch hoan nghênh đề xuất này, và nói rằng kỷ niệm Công đồng Nicê là “một cơ hội tốt” cho sự thay đổi này.
Công Đồng đầu tiên tại Nicê, được tổ chức vào năm 325, đã quyết định rằng Lễ Phục sinh sẽ được cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau khi trăng tròn sau khi bắt đầu mùa xuân, lấy ngày sớm nhất có thể cho Lễ Phục sinh là ngày 22 tháng 3 và muộn nhất có thể là ngày 25 tháng 4.
Ngày nay, các Kitô hữu Chính thống sử dụng lịch Julian để tính ngày Phục sinh thay vì lịch Gregoriô, được giới thiệu vào năm 1582 và được hầu hết thế giới sử dụng. Bởi vì lịch Julian tính một năm dài hơn một chút, lịch này hiện chậm hơn 13 ngày so với lịch Gregoriô.
Đức Hồng Y Koch nói “Tôi hoan nghênh động thái của Đức Tổng Giám Mục Job của Telmessos” và “Tôi hy vọng rằng nó sẽ nhận được được một phản ứng tích cực.”
“Sẽ không dễ dàng để thống nhất về một ngày lễ Phục sinh chung, nhưng đó là điều rất đáng làm,” ngài nói. “Ước mơ này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Tawadros của Coptic ấp ủ.”
Đức Cha Getcha lưu ý rằng ngay từ năm 1997, WCC đã tổ chức một cuộc tham vấn để thảo luận về một ngày lễ Phục sinh chung cho người Công Giáo và Chính thống giáo. Vào thời điểm đó, WCC đã được quyết định giữ nguyên các tiêu chuẩn do Công Đồng Nicê thiết lập.
Source:Catholic News Agency
Liên tục trong suốt 24 giờ sau khi Đức Hồng Y Luis Ladaria công bố phúc đáp của Bộ Giáo Lý Đức Tin theo đó Giáo Hội không có thẩm quyền ban phép lành cho các kết hiệp đồng tính, Giáo Hội đã bị tấn công rất quyết liệt trên các mạng xã hội. Người ta dự đoán đợt tấn công cường tập của những người hoạt động cho người đồng tính và cả những người không liên quan đến gì đến người đồng tính, nhưng muốn nhân cơ hội này để tấn Công Giáo Hội, sẽ kéo dài ít nhất là hàng tháng trời. Chúng ta cần tìm hiểu để bênh vực Giáo Hội và cầu nguyện cho Giáo Hội trước thử thách rất lớn này.
Tờ The Pillar của Công Giáo Hoa Kỳ có bài nhận định nhan đề “Nicht, nicht: Vatican responds to German plans for same-sex blessings” nghĩa là “Không, không. Vatican phản ứng với kế hoạch của Đức về những lời chúc phúc đồng giới.”
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bản phúc đáp đã được công bố vào ngày 15 tháng 3. Văn bản giải thích kèm theo của Đức Hồng Y Ladaria cho biết câu trả lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF, đã được xây dựng vào tháng trước, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân phê duyệt và truyền cho công bố.
Tuyên bố từ CDF được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một số viên chức lãnh đạo của Giáo triều Rôma nói với tờ The Pillar rằng ngày càng có nhiều lo ngại ở Vatican rằng các kế hoạch chúc phúc cho người đồng giới, được đề xuất bởi cái gọi là Tiến Trình Công Nghị (Synodaler Weg) do Hội đồng Giám mục Đức tổ chức, đã được thực hiện ở một số nơi.
Cũng chính các viên chức này, bao gồm cả những người thân cận với CDF, nói với The Pillar vào tuần trước rằng, trong khi CDF và các bộ phận khác của Vatican đã sẵn sàng đối phó với những thách thức ở Đức đối với giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội, thì Đức Hồng Y Ladaria và những người đứng đầu các cơ quan trung ương khác của Giáo triều Rôma đang chờ đợi sự dẫn dắt rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi đối đầu với các giám mục Đức.
Câu trả lời của CDF cho dubium, tức là một câu hỏi chính thức nhằm tìm kiếm sự minh định về giáo huấn của Giáo hội, đã không đề cập cụ thể đến Tiến Trình Công Nghị Đức, hoặc xác định ai là người ban đầu đã gửi câu hỏi để yêu cầu trả lời. Tuy nhiên, một viên chức lãnh đạo gần gũi với CDF nói với The Pillar hôm thứ Hai rằng “câu trả lời là dành cho người Đức”.
“Bản dubium đã được hỏi và trả lời, nhưng công bố câu trả lời là cần thiết vì sự lầm lạc công khai được tạo ra bởi một số giám mục ở Đức, và Tiến Trình Công Nghị - vốn không phải là một thượng hội đồng”.
Trước đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức, bắt đầu vào năm 2019 và dự kiến kết thúc vào năm sau, không có thẩm quyền thay đổi kỷ luật hoặc giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.
Bộ Giám mục trước đây đã bác bỏ kế hoạch của Tiến Trình Công Nghị Đức, chủ đề của nó, các cấu trúc và các kết quả được đề xuất là “không có giá trị về mặt giáo hội học”.
Tuy nhiên, Tiến Trình Công Nghị Đức vẫn tiếp diễn, đưa ra các khuyến nghị về những thay đổi đối với giáo luật và giáo lý của Giáo hội trong một số lĩnh vực, bao gồm việc quản trị Giáo hội, luân lý tình dục, chức linh mục và việc phong chức phụ nữ. Tháng mười một năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối “quan tâm rất lớn” trước đường hướng mà các giám mục Đức theo đuổi.
Một số giám mục Đức đã tuyên bố công khai ủng hộ việc ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới, bất kể làm như thế là mâu thuẫn với giáo huấn và kỷ luật Công Giáo.
Tháng trước, Giám mục Peter Kohlgraf của Mainz nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc công nhận các kết hiệp đồng giới và bảo vệ sự tán thành của ông đối với một cuốn sách về các phép lành và nghi thức phụng vụ dành cho các kết hiệp đồng giới.
Giám mục Georg Bätzing, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, cũng đã nhiều lần kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục con người, việc truyền chức cho phụ nữ và cho người không Công Giáo được rước lễ.
Năm ngoái, trong một phản ứng tương tự, CDF đã bác bỏ những lời kêu gọi của các giám mục Đức về hiệp thông Thánh Thể chung với những người theo đạo Tin lành.
Phúc đáp từ Đức Hồng Y Ladaria đã trích dẫn cả tài liệu cuối cùng từ Thượng hội đồng năm 2019 về phân định Giới trẻ, Đức tin và Ơn gọi và Tông huấn hậu Thượng hội đồng năm 2016 Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Dựa trên các tài liệu này, CDF nhắc lại rằng “không hợp luật để ban phép lành cho các mối quan hệ hoặc việc chung sống, cho dù là ổn định đi chăng nữa, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân”, bao gồm các kết hiệp đồng tính, cũng như các kết hiệp dị tính không phải là những cuộc hôn nhân hợp lệ, bao gồm cả những kết hợp đơn thuần về mặt dân sự liên quan đến người Công Giáo sau khi ly hôn.
Đức Hồng Y Ladaria nhắc lại rằng Giáo hội bác bỏ mọi hình thức “phân biệt đối xử bất công” đối với những người đồng tính luyến ái. Ngài cũng nhìn nhận rằng những người kêu gọi chúc phúc cho những người đồng tính luyến ái thường làm như vậy vì “mong muốn chân thành được chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái”.
Tuy nhiên, câu trả lời giải thích rõ rằng các phép lành là các á bí tích, “là những dấu chỉ thiêng liêng tương tự như các bí tích: chúng biểu thị những hiệu quả, đặc biệt là về mặt tâm linh, có được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội”.
“Do đó, để phù hợp với bản chất của các á bí tích, khi một phước lành được cầu xin trên những mối quan hệ cụ thể của con người, ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia, điều cần thiết là những gì được ban phước phải xứng hợp một cách khách quan và tích cực để tiếp nhận và thể hiện ân sủng, theo ý định của Thiên Chúa được ghi trong sáng tạo, và được Chúa Kitô mạc khải hoàn toàn”.
Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, “Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’ (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này là không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.” (GLCG 2357)
Sách Giáo lý đưa ra sự phân biệt giữa các hành vi đồng tính luyến ái và phẩm giá nhân bản thiết yếu của “những người đàn ông hay những người phụ nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái”.
“Khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống, và, nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp những khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình với hy lễ thập giá của Chúa.”
CDF tiếp tục giải thích rằng “Trong các mối quan hệ như vậy, sự hiện diện của các yếu tố tích cực, tự bản thân chúng đã được coi trọng và đánh giá cao, không thể biện minh cho những mối quan hệ này, cũng không thể biến chúng trở thành đối tượng hợp pháp của một sự chúc phúc của Giáo Hội, vì các yếu tố tích cực này tồn tại trong bối cảnh của một kết hiệp không theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.”
“Do đó, việc tuyên bố tính chất bất hợp pháp của việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới không phải, và không có ý định, là một hình thức phân biệt đối xử bất công, mà là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi thức phụng vụ và của chính bản chất của các á bí tích như Giáo hội hiểu chúng.”
Source:Pillar Catholic
Bốn cây sồi Pháp đứng sừng sững hàng trăm năm trong khu rừng hoàng gia, nay đã mang thiên mệnh thiêng liêng. Bị đốn ngã hôm thứ Ba tại Rừng Berce của vùng Loire, chúng đã được chọn để tái tạo lại ngọn tháp bị đổ của Vương Cung Thánh Đường Notre Dame de Paris.
Ngọn tháp cao 93 mét, làm bằng gỗ và phủ chì, đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ nhất của ngọn lửa tháng 4 năm 2019 khi nó được nhìn thấy chìm trong biển lửa, sụp đổ nghiêm trọng xuống đất.
Tháng 7 năm ngoái trong bối cảnh dư luận phản đối kịch liệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấm dứt suy đoán rằng ngọn tháp thế kỷ 19 do Eugène Viollet-le-Duc thiết kế có thể được xây dựng lại theo phong cách hiện đại. Cuối cùng, ông tuyên bố nó sẽ được xây dựng lại y như cũ. Và điều đó đã bắt đầu một cuộc săn tìm cây trên toàn quốc, lên đến đỉnh điểm là cuộc tuyển chọn kỹ lưỡng vào tháng Giêng và tháng Hai năm nay.
Khoảng 1,000 cây sồi trong hơn 200 khu rừng của Pháp, cả tư nhân và công cộng, đã được chọn để làm khung cho ngọn tháp của nhà thờ dự định sẽ được chiêm ngưỡng trên đường chân trời Paris trong hàng trăm năm.
“Với vị trí của thánh đường này trong lòng người Pháp, trong lịch sử nước Pháp và thế giới chúng tôi rất vui là toàn bộ ngành công nghiệp - từ những người làm rừng đến những người thợ xẻ - đã được huy động để đáp ứng thách thức này”, Michel Druilhe, Chủ tịch của France Bois Foret, một mạng lưới lâm nghiệp quốc gia nói.
Việc xây dựng lại một nhà thờ thế kỷ 12 như Nhà thờ Đức Bà bằng gỗ là một viễn cảnh khó khăn. Bên trong là một mạng lưới các xà ngang và những thanh cây hỗ trợ chằng chịt đến nỗi nó được gọi một cách trìu mến là “khu rừng”. Các lời kêu gọi gia cố nó bằng bê tông chống cháy đã bị bác bỏ, ngay cả sau khi những vật liệu như vậy đã giúp hạn chế bụi phóng xạ từ một đám cháy ở Nhà thờ Chính Tòa Nantes, theo kiểu Gothic, vào năm ngoái.
Kích thước yêu cầu đối với các loại gỗ dùng trong kết cấu của Nhà thờ Đức Bà có thể tóm lược như sau: Nhiều thân cây phải đo rộng hơn 1 mét và dài ít nhất 18 mét. Tám trong số những cái cây - dành cho phần hoành tráng nhất của ngọn tháp - đã được tìm thấy trong Rừng Berce từng thuộc về các vị Vua của Pháp.
Trên thực tế, còn có một yêu cầu khác đòi hỏi tính kiên nhẫn. Các thân cây phải được phơi khô trong tối đa 18 tháng. Chỉ riêng thực tế đó đã cho thấy lý do tại sao lời cam kết xây dựng lại nhà thờ của tổng thống Macron trong vòng 5 năm – tức là phải hoàn thành vào năm 2024 - đã bị nhiều người bác bỏ là viển vông.
Source:AP
Nữ ký giả Inés San Martín của tờ Crux, là người đã tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Iraq có bài nhận định sau về phản ứng của những người tị nạn Iraq đối với chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô từ 5 đến 8 tháng Ba vừa qua.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Hãy tưởng tượng bạn chạy trốn khỏi nhà vào lúc nửa đêm để thoát khỏi bạo lực chống lại các tín hữu Kitô, phải trải qua nhiều năm sống tị nạn ở một quốc gia láng giềng và xem Đức Giáo Hoàng đến thăm thành phố quê hương của bạn.
“Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Iraq là một thông điệp của tình yêu và hòa bình”, Karmen, một người tị nạn Iraq nói.
“Những kẻ khủng bố viết trên tường: Chúng ta sẽ mở cửa thành Rôma bằng gươm, nhưng Đức Giáo Hoàng đã đến vùng đất của chúng mang theo một con chim bồ câu hòa bình. Cảm giác của tôi là sự đan xen giữa niềm vui và nỗi buồn, niềm vui khi ngài đến thăm thị trấn thân yêu của tôi”, cô nói. Karmen đến từ Qaraqosh, nơi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm vào ngày 7 tháng Ba.
Thông qua sự giúp đỡ của Della Shenton, người được ủy thác sáng lập tổ chức bác ái có tên là Phúc Âm Thứ 5 có trụ sở tại Vương quốc Anh, Crux đã nói chuyện với một số người tị nạn Iraq hiện đang ở Jordan. Tất cả đều là những người tị nạn quá cảnh, có nghĩa là họ không thể làm việc hợp pháp và đang chờ tái định cư.
Ước tính có khoảng 30% người tị nạn đến vào năm 2014, sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo, hay còn gọi là ISIS, nắm quyền kiểm soát phần lớn Đồng bằng Ninivê, nơi có nhiều dân tộc thiểu số Iraq, bao gồm cả các Kitô hữu và người Yazidis, sinh sống.
Vì lo lắng cho sự an toàn của họ và không để tình trạng tị nạn của họ gặp rủi ro, họ chỉ cung cấp tên họ và tiểu sử tóm tắt, nhưng tất cả đều đến từ Qaraqosh, thị trấn Kitô Giáo lớn nhất ở Iraq, với hơn 50,000 người, trước khi có sự xuất hiện của ISIS.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô ở Qaraqosh ngày 7 tháng 3, ngài đã đến thăm một nhà thờ mà các chiến binh thánh chiến sử dụng làm trường tập bắn.
“Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây hôm nay cho thấy rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Lời cuối cùng thuộc về Thiên Chúa và Con Ngài, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên cái chết,” ngài nói.
Ước tính khoảng 45% những người chạy trốn khỏi thị trấn đã quay trở lại, nhưng nhiều người hướng tới Li Băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, với Úc, Canada, Âu Châu và Hoa Kỳ là điểm đến cuối cùng trong dự định của họ.
Đối với nhiều người trong số những người chạy trốn, sự ngờ vực khó có thể lay chuyển, và mặc dù họ cảm thấy vui mừng khi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng đến thăm thị trấn của họ, nỗi sợ hãi vẫn khắc sâu trong tim họ.
“Tôi cảm thấy phấn khởi khi nghe những người phụ nữ trong thị trấn của tôi, Qaraqosh, cổ vũ”, Karmen nói với Crux. “Tôi ước được ở đó và hạnh phúc với người dân thị trấn của tôi và những người tôi yêu quý”.
Cô nói, chuyến thăm của Đức Phanxicô là một may mắn cho một đất nước đã phải chịu đựng quá nhiều năm. Cô ấy nói hy vọng về hòa bình, an toàn và sự an tâm.
“Nhưng đối với chúng tôi, đối với gia đình tôi, chúng tôi sẽ không quay trở lại vì chúng tôi đã mất mát rất nhiều, tổn thương và mất mát quá nhiều mạng sống. Nếu một ngày nào đó chúng tôi trở lại Iraq, xin hãy biết rằng chúng tôi sẽ trở về trái với ý muốn của mình”, cô nói.
Inaam, 43 tuổi; Fada 19; Bassam, 40 tuổi; và Rivin, 24 tuổi, tất cả đều đồng ý: Nhìn thấy Đức Giáo Hoàng đến thăm thị trấn của họ, ở bên những người thân yêu của họ, là một khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn. Họ ước mình có thể quay trở lại nhưng quá sợ hãi nên không thể làm được điều đó.
“Tôi rất hạnh phúc khi xem Đức Thánh Cha của chúng tôi đến thăm đất nước của tôi và đặc biệt là thị trấn đáng yêu của tôi”, Inaam nói. “Tôi ước tôi đã ở đó để ăn mừng và chào đón ngài cùng với người dân của tôi. Đó là một giấc mơ của tất cả các tín hữu Kitô và cuối cùng đã trở thành sự thật. Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm của ngài sẽ mang lại hòa bình và phước lành cho đất nước của chúng tôi”.
Anh cho biết anh muốn khóc vì sung sướng khi nhìn thấy Đức Thánh Cha bước vào Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, trong khi vẫn lo sợ cho sự an toàn của Đức Phanxicô.
Anh cho biết tính mạng của anh và gia đình đang gặp rủi ro nên anh không thể quay trở lại. Nhưng Inaam cũng tin rằng ngay cả những người chưa bị khủng bố tiêu diệt nhưng đã tìm cách chạy trốn khỏi Iraq cũng sẽ không quay trở lại: “tình hình rất khó khăn, và mọi người không tin tưởng các chính trị gia, chính phủ và nền kinh tế rất là nghèo”.
Ngoài ra, anh ấy nói, “chúng tôi không thể tin tưởng người Hồi giáo nữa”. Trong chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, anh đã theo dõi các bình luận trên Facebook, và những bình luận từ người Hồi giáo, theo anh, là rất tiêu cực. “Họ không thích chúng tôi, và họ nghĩ rằng Iraq không phải là đất nước của chúng tôi”.
Fada rời Qaraqosh với cha mẹ và anh chị em của mình khi cô ấy còn ở tuổi thiếu niên, và trong bảy năm qua đã sống một cuộc sống không ổn định, không có gì chắc chắn về nơi cô ấy sẽ ở trong năm tới, vẫn ở Jordan, hoặc trong trận chung kết của cô ấy là điểm đến ước mơ.
Cô lấy làm tiếc vì cùng với gia đình mình, họ không thể chia sẻ niềm vui trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, vì họ đang ở xa nhà, và “chúng tôi không bao giờ có thể trở về”.
“Chuyến thăm tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến tôi buồn hơn bao giờ hết về những gì đã xảy ra”, bạo lực mà họ chứng kiến và những thách thức mà họ phải đối mặt kể từ khi ISIS tiếp quản Qaraqosh.
“Tôi vui mừng vì niềm vui của họ”, qua chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, nhưng đồng thời, “thất vọng, buồn và đau lòng” về tất cả những gì đã mất.
Bassam, người đã chạy trốn khỏi Iraq vào năm 2016, gọi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là một thông điệp của tình yêu và hòa bình.
“Thông điệp của Đức Giáo Hoàng rất rõ ràng: Iraq vẫn là một đất nước không an toàn và các tín hữu Kitô vẫn bị đàn áp. Nhà thờ và nhà cửa của chúng tôi đã bị đốt cháy và phá hủy, đó là điều ngăn cản chúng tôi quay trở lại, và điều này khiến tôi rất buồn”, anh nói.
Anh nói thêm: “Chúng tôi không thể quay trở lại vì luật pháp của Iraq là luật Hồi giáo, và một người Hồi giáo không thể sống chung với người của các tôn giáo khác”, và anh hy vọng “các quốc gia an toàn” sẽ sớm mở cửa cho những người đã phải chạy trốn cuộc đàn áp.
Rivin định nghĩa chuyến thăm là “tuyệt vời không thể nào quên, một sự kiện lịch sử”. Anh chia sẻ niềm vui khi thấy Qaraqosh sống lại “sau một thời gian dài đen tối”, nhưng với những người còn lại, anh cho biết anh ước có thể cảm thấy đủ an toàn để trở về.
“Xem họ trên TV khiến tôi cảm thấy buồn, vì họ xứng đáng được sống một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng họ không thể, vì tình hình an ninh vẫn còn rất tồi tệ, người ta quay lại Iraq nhưng họ không thể ở lại”, Rivin nói và tuyên bố rằng cuối cùng hầu hết những người quay trở lại đều cố gắng đi di cư.
Về việc Đức Giáo Hoàng kêu gọi các Kitô hữu quay trở lại, người tị nạn này cho biết đơn giản là anh ta không thể, bởi vì không có cơ hội có công ăn việc làm, không có sự an toàn và nền kinh tế quá bất ổn.
Rivin nói: “Không có tương lai cho các Kitô hữu ở Iraq”.
“Ở Qaraqosh, chúng tôi là những người tin tưởng vào Chúa; chúng tôi đã có những bữa tiệc lớn liên quan đến cả thị trấn vào Giáng sinh, Lễ Phục sinh và vào Chúa Nhật Lễ Lá, tất cả đều mặc trang phục truyền thống đẹp nhất của chúng tôi”, anh nhớ lại.
“Chúng tôi đã nhảy múa, ca hát và rất hạnh phúc. Chúng tôi nhịn ăn suốt Mùa Chay, chỉ ăn cơm và rau và uống nước, trừ ra các ngày thứ Tư và thứ Sáu khi chúng tôi có cá. Chúng tôi mặc đồ đen, đặc biệt là vào các ngày thứ Sáu. Ở đây ở Jordan này, những người thuộc thế hệ của tôi đều nhớ như in hình ảnh này”.
“Khi tôi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng, và nhìn thấy thị trấn đáng yêu của mình, tôi đã tự hỏi mình, tại sao chúng ta lại ở đây? Tại sao chúng tôi ở Jordan với tư cách là những người tị nạn? Nếu có cơ hội, tôi có quay lại không? Và tôi biết mình sẽ không làm thế, vì đất nước của tôi không an toàn”, anh nói. “Có rất nhiều lời bàn tán, nhưng không có gì thực sự thay đổi. Chính phủ không giúp chúng tôi”.
Trong chuyến thăm của Giáo hoàng, Rivin cũng theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là YouTube. Tóm lại, những bình luận mà anh ấy tìm thấy ở đó, là lý do tại sao anh ấy tin rằng anh ấy sẽ không bao giờ quay trở lại Iraq.
“Có những bài viết chỉ trích các cô gái Công Giáo vì không đội khăn trùm đầu, đưa ra những bình luận không hay về các tín hữu Kitô, Chúa Giêsu và Đức Thánh Cha Phanxicô. Các tín hữu Kitô ở Iraq phải chịu sự đối xử phân biệt như vậy. Chúng tôi không muốn”.
Source:Crux
Kèm với Bản Trả Lời của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái, là bài bình luận cũng của Thánh Bộ này về Bản Trả Lời ấy. Chúng tôi xin chuyển sang tiếng Việt để tìm hiểu thêm về chính Bản Trả Lời:
Tuyên bố mới của Bộ Giáo lý Đức tin là câu trả lời cho một câu hỏi - mà thuật ngữ cổ điển vốn gọi là một dubium (hồ nghi)- được nêu ra bởi các mục tử và tín hữu, những người yêu cầu được làm rõ và hướng dẫn về một vấn đề gây tranh cãi. Khi các câu hỏi được kích hoạt bởi những khẳng định hoặc thực hành gây vấn nạn trong các lĩnh vực quan trọng của đời sống Kitô hữu, một câu trả lời khẳng định hoặc phủ định sẽ được cung cấp, cùng với một tuyên bố về lý luận hỗ trợ câu trả lời được trình bày. Mục đích của những can thiệp như vậy là để giúp Giáo hội hoàn vũ đáp ứng tốt hơn đối với các đòi hỏi của Tin Mừng, giải quyết các cuộc tranh luận, và cổ vũ sự hiệp thông lành mạnh giữa dân thánh của Thiên Chúa.
Trong trường hợp này, một câu hỏi gây tranh cãi đã nảy sinh trong khuôn khổ “mong muốn chân thành chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái, những người vốn được đề nghị nhiều nẻo đường tăng trưởng đức tin” (Bản Giải Thích), như được nhấn mạnh bởi Đức Thánh Cha, Đức Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi kết thúc hai Thượng Hội Đồng về gia đình: “để những người biểu lộ khuynh hướng đồng tính luyến ái có thể nhận được sự trợ giúp mà họ cần để hiểu và thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống họ” (Tông Huấn Amoris laetitia, n. 250). Những lời lẽ này là một lời mời để, với sự biện phân thích đáng, đánh giá các dự án và đề nghị mục vụ nhắm mục đích này. Trong số này có các việc chúc lành ban cho các cuộc kết hợp của những người cùng giới tính. Do đó, người ta đặt câu hỏi liệu Giáo hội có đủ quyền để ban bố việc chúc lành của mình hay không: đây là công thức chứa trong phần câu hỏi.
Bản trả lời – gọi là Responsum ad dubium - được giải thích và thúc đẩy trong Bản Giải thích đính kèm của Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 22 tháng 2 năm 2021, về việc công bố được chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đồng ý.
Bản Giải Thích tập trung vào sự khác biệt căn bản và có tính quyết định giữa con người và cuộc kết hợp. Điều này để việc phán đoán tiêu cực về sự kết hợp của những người cùng giới tính không ngụ hàm một phán đoán về con người.
Con người trước nhất và quan trọng nhất. Liên quan đến họ, điều được tuyên bố trong số 4 của văn kiện Những Xem Xét Liên quan tới các Đề Nghị Dành sự Nhìn nhận Hợp pháp cho Các cuộc Kết hợp Giữa những Người Đồng tính Luyến ái do cùng Thánh bộ này soạn thảo, và được Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc lại: “Theo giáo huấn của Giáo hội, các người đàn ông và đàn bà có xu hướng đồng tính luyến ái 'phải được chấp nhận một cách tôn trọng, cảm thương và nhạy cảm. Mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ nên được xa tránh'(2358)”. Giáo huấn này được nhắc lại và khẳng định lại trong Bản Giải Thích.
Đối với các cuộc kết hợp của những người cùng giới tính, Bản Trả Lời cho Câu Hỏi “tuyên bố là bất hợp pháp bất cứ hình thức chúc lành nào có xu hướng thừa nhận các cuộc kết hợp của họ”. Bản Giải Thích dựa tính bất hợp pháp trên ba lý do có liên quan qua lại với nhau.
Lý do đầu tiên phát sinh từ sự thật và giá trị của các việc chúc lành. Chúng thuộc thể loại á bí tích, vốn là “những hành động phụng vụ của Giáo hội” đòi hỏi sự đồng điệu về lối sống với những gì chúng biểu thị và phát sinh. Có những ý nghĩa và thành quả ơn thánh được Bản Giải Thích minh giải dưới hình thức súc tích. Do đó, một hành vi chúc lành cho một mối liên hệ nhân bản đòi mối liên hệ này phải được sắp đặt để vừa lãnh nhận vừa phát biểu điều tốt lành được việc chúc lành công bố và ban cho.
Như thế, chúng ta bàn tới lý do thứ hai: sự sắp đặt khiến người ta thích đáng để lãnh nhận ơn phúc được ấn định bởi “các thiết kế của Thiên Chúa vốn được khắc ghi trong sáng thế, và được Chúa Giêsu Kitô mặc khải trọn vẹn”. Đây là các thiết kế theo đó “các mối liên hệ, hoặc các mối chung thân (partnerships), dù ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân” đều không tương ứng, vì chúng “nằm ngoài sự kết hợp bất khả hủy tiêu của một người đàn ông và một người đàn bà tự nó cởi mở đối với việc truyền sinh”. Tuy nhiên, không những chỉ các cuộc kết hợp này mà thôi - như thể vấn đề chỉ là những sự kết hợp như vậy –mà, theo giáo huấn lâu năm của Huấn quyền Giáo hội, bất cứ sự kết hợp nào liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân cũng đều bất hợp pháp theo quan điểm luân lý.
Tất cả điều trên ngụ hàm một quyền mà Giáo hội không hề có, vì Giáo hội không có quyền đối với các thiết kế của Thiên Chúa, một điều nếu khác đi sẽ bị bác bỏ và phủ nhận. Giáo hội không phải là người phân xử các thiết kế đó và các chân lý được chúng phát biểu, nhưng chỉ là người giải thích và làm chứng trung thành cho chúng.
Lý do thứ ba là để tránh một sai lầm mà người ta dễ mắc phải: đó là đồng hóa việc chúc lành cho các cuộc kết hợp của những người cùng giới tính với việc chúc lành cho các cuộc kết hợp hôn phối. Vì mối liên kết giữa các việc chúc lành con người và các bí tích, nên việc chúc lành cho các cuộc kết hợp như vậy, theo một nghĩa nào đó, có thể hàm ngụ “một mô phỏng hoặc tương tự nào đó với sự chúc lành hôn phối”, vốn được ban cho một người đàn ông và một người đàn bà kết hợp trong Bí tích Hôn phối. Điều này sẽ sai lầm và gây hiểu lầm.
Vì những lý do trên “không thể coi việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái là hợp pháp”. Tuyên bố này không làm giảm đi sự ân cần xem xét nhân bản và Kitô giáo trong đó Giáo hội đối xử với mỗi người. Đến mức Bản Trả Lời cho Câu Hỏi "không loại trừ các việc chúc lành cho những cá nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái biểu lộ ý muốn sống trung thành với các kế hoạch đã mặc khải của Thiên Chúa như giáo huấn của Giáo hội đã đề nghị”.
1. Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng một cặp vợ chồng nhờ con mà quay lại với Chúa
“Tôi thấy mình bình yên, mặc dù Mara ra đi quá nhanh. Cô ấy ra đi trong thanh thản vì cô ấy đã hòa giải mình Chúa.” Đây là những lời của Paco Roig, một người Tây Ban Nha ở Valencia, là người vào tháng 9 năm 2020 đã kết hôn với Mara Vigagany trong Nhà thờ sau nhiều năm bên nhau.
Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường”, đã cho biết như trên trong bản tin hôm 11 tháng Ba.
Vào thời điểm diễn ra lễ cưới, Mara đã ốm rất nặng và qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 16 tháng Giêng. Vào thời điểm đó, Paco nghĩ rằng điều đáng để chia sẻ với mọi người là sự thay đổi căn bản đã xảy ra trong cuộc đời họ vào năm ngoái.
Paco và Mara đã chung sống với nhau được 40 năm. Cả hai đều là người Công Giáo đã được rửa tội, nhưng họ chưa bao giờ đến nhà thờ. Họ tin rằng họ không cần Bí tích Hôn phối để thể hiện tình yêu trọn đời dành cho nhau. Nhưng tất cả những điều đó đã thay đổi gần đây, và họ rất vui vì thay đổi này đã xảy ra.
Một quá trình chuyển đổi
Mặc dù cha mẹ lạnh nhạt với đức tin, con trai út của Paco và Mara, là Victor, lại quan tâm đến đức tin từ khi còn rất nhỏ. Sự quan tâm của anh đã truyền cảm hứng cho hai vợ chồng này bắt đầu quá trình hoán cải, cuối cùng dẫn đến việc họ kết hôn trong Nhà thờ.
Paco giải thích với tờ báo Paraula, của giáo phận Valencia, rằng họ đã kết hôn tại Vương cung thánh đường Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Valencia. Cha sở là Cha Luis Miguel Castillo, đã gửi một bản sao của bài báo cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
Lời chúc mừng từ Đức Giáo Hoàng
Điều mà Cha Castillo không thể ngờ là Đức Giáo Hoàng đã đáp lại bằng những lời chúc mừng dành cho Paco và Mara. Ngài khuyến khích họ dựa vào lời cầu nguyện và bằng chính những dòng chữ viết tay của mình, Đức Giáo Hoàng đã viết những lời này: “Tôi cầu nguyện cho các bạn, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi”.
Mara đã gần chết. Cô xin các bí tích. Vào ngày cưới, lần đầu tiên cô được rước lễ.
Bây giờ Mara đã qua đời, Paco cảm thấy rằng đã đến lúc phải công khai chứng tá của mình về việc hoán cải, sau nhiều năm sống trong sự thờ ơ với tôn giáo. Anh ấy muốn cảm ơn “Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô, các bác sĩ đã chăm sóc Mara trong thời gian cô ấy bị bệnh và cộng đồng các tín hữu Công Giáo đã ở bên cạnh chúng tôi”.
Về các nhân viên y tế chăm sóc Mara, anh ấy nói: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều người chuyên nghiệp, những người coi chúng tôi không phải là những con số, mà là những con người”.
“Chúa đã cư xử nhân hậu với chúng tôi”
Chỉ một thời gian ngắn trôi qua kể từ khi Mara qua đời và anh ấy vẫn còn đang để tang, nhưng Paco giải thích những gì đã xảy ra với họ như sau:
“Chúa đã nhân lành với chúng tôi và chúng tôi cũng đã tìm thấy rất nhiều sự giúp đỡ nơi các bác sĩ và các linh mục cũng như anh chị em của chúng tôi trong đức tin; đó là một quá trình rất vất vả và bây giờ tôi thấy mình cảm thấy mất mát, nhưng họ đã làm cho tất cả những điều này trở nên dễ chịu hơn nhiều”.
Cộng đồng Con Đường Tân Dự Tòng của giáo xứ San Martin Obispo và San Antonio Abad của Valencia, nơi mà hai vợ chồng đã rất thân thiết trong thời gian gần đây, cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hoán cải này. Cha xứ họ đạo, Cha Mariano Trenco, đã cử hành đám tang của Mara.
Source:Aleteia
2. Đức Hồng Y Kurt Koch ủng hộ ý tưởng ngày lễ Phục sinh chung cho người Công Giáo và Chính thống giáo
Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô Giáo, đã ủng hộ một đề xuất rằng Công Giáo và Chính thống giáo làm việc với nhau để thống nhất cử hành Lễ Phục sinh vào một ngày chung.
Một đại diện của Tòa Thượng phụ Constantinople thuộc Hội đồng các Giáo hội Thế giới, gọi tắt là WCC, cho biết một ngày Lễ Phục sinh chung có thể là một dấu chỉ khích lệ cho phong trào đại kết.
Đức Tổng Giám Mục Chính thống giáo Job Getcha của Telmessos gợi ý rằng năm 2025, kỷ niệm 1,700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên Nicê, sẽ là một năm tốt để giới thiệu việc cải cách lịch này.
Phát biểu với hãng thông tấn Thụy Sĩ Kath.ch, Đức Hồng Y Kurt Koch hoan nghênh đề xuất này, và nói rằng kỷ niệm Công đồng Nicê là “một cơ hội tốt” cho sự thay đổi này.
Công Đồng đầu tiên tại Nicê, được tổ chức vào năm 325, đã quyết định rằng Lễ Phục sinh sẽ được cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau khi trăng tròn sau khi bắt đầu mùa xuân, lấy ngày sớm nhất có thể cho Lễ Phục sinh là ngày 22 tháng 3 và muộn nhất có thể là ngày 25 tháng 4.
Ngày nay, các Kitô hữu Chính thống sử dụng lịch Julian để tính ngày Phục sinh thay vì lịch Gregoriô, được giới thiệu vào năm 1582 và được hầu hết thế giới sử dụng. Bởi vì lịch Julian tính một năm dài hơn một chút, lịch này hiện chậm hơn 13 ngày so với lịch Gregoriô.
Đức Hồng Y Koch nói “Tôi hoan nghênh động thái của Đức Tổng Giám Mục Job của Telmessos” và “Tôi hy vọng rằng nó sẽ nhận được được một phản ứng tích cực.”
“Sẽ không dễ dàng để thống nhất về một ngày lễ Phục sinh chung, nhưng đó là điều rất đáng làm,” ngài nói. “Ước mơ này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Tawadros của Coptic ấp ủ.”
Đức Cha Getcha lưu ý rằng ngay từ năm 1997, WCC đã tổ chức một cuộc tham vấn để thảo luận về một ngày lễ Phục sinh chung cho người Công Giáo và Chính thống giáo. Vào thời điểm đó, WCC đã được quyết định giữ nguyên các tiêu chuẩn do Công Đồng Nicê thiết lập.
Source:Catholic News Agency
3. Bộ Các Giáo Hội Đông Phương báo cáo về việc quyên góp cho Thánh Địa Giêrusalem năm 2020
Quỹ quyên góp cho Thánh Địa được ra đời từ mong muốn của các Giáo hoàng nhằm duy trì một mối liên kết bền chặt giữa tất cả các tín hữu và Thánh địa. Đây là nguồn hỗ trợ vật chất chính cho đời sống Kitô hữu ở Thánh Địa Giêrusalem và là công cụ đặc biệt mà Giáo hội đưa ra cho con cái của mình ở những nơi khác trên thế giới có thể bày tỏ tình đoàn kết với các cộng đồng giáo hội ở Trung Đông. Trong thời gian gần đây, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tạo ra một động lực mạnh mẽ trong việc ủng hộ Thánh Địa Giêrusalem qua Tông Thư ‘Nobis in Animo’ nghĩa là ‘Nhu cầu của các Giáo Hội tại Thánh Địa’ (ngày 25 tháng 3 năm 1974).
Thông qua việc quyên góp truyền thống vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Dòng Phanxicô quản thụ Thánh Địa Giêrusalem có thể thực hiện sứ mệnh quan trọng là: bảo tồn các Địa điểm Linh thiêng, là những viên đá của ký ức; và thúc đẩy sự hiện diện của Kitô hữu, là những viên đá sống động, thông qua nhiều cấu trúc mục vụ, giáo dục, phúc lợi, sức khỏe và xã hội.
Các lãnh thổ được hưởng lợi dưới nhiều hình thức hỗ trợ từ quỹ này là Jerusalem, Palestine, Israel, Jordan, Cyprus, Syria, Lebanon, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq.
Theo quy định, Dòng Phanxicô quản thụ Thánh Địa Giêrusalem nhận được 65% tiền quyên góp được, trong khi 35% còn lại Bộ Các Giáo Hội Đông Phương cung cấp cho việc đào tạo các ứng viên linh mục, hỗ trợ giáo sĩ, giáo dục, các hoạt động hình thành văn hóa và trợ cấp cho các nhu cầu đa đạng của Giáo hội ở Trung Đông.
Trong năm 2020, Bộ Các Giáo Hội Đông Phương đã nhận được tổng cộng $9,775,603 Mỹ Kim.
Source:Holy See Press Office
4. Lời kêu gọi quyên góp cho Thánh Địa của Bộ Các Giáo Hội Đông Phương
Hôm 11 tháng Ba, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố lời kêu gọi của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, tổng trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông Phương về việc quyên góp cho Thánh Địa Giêrusalem vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2 tháng Tư tới đây.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Mỗi Tuần Thánh, chúng ta trở thành những người hành hương đến Giêrusalem trong tinh thần và chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa chúng ta là Chúa Giêsu, Chết và Phục sinh. Trong Thư gửi tín hữu Galát, Tông đồ Phaolô, người đã có kinh nghiệm sống động và cá vị đối với mầu nhiệm này, đi xa đến mức nói rằng: “Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2:20). Những gì vị Tông đồ đã sống cũng là nền tảng của một mô hình mới về tình huynh đệ bắt nguồn từ công cuộc hòa giải và kiến tạo hòa bình giữa mọi dân tộc do Đấng bị đóng đinh thực hiện, như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô.
Trong năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn nhắc nhở chúng ta về những hệ quả của ân sủng hòa giải này và ngài đã làm như vậy qua thông điệp “Fratelli tutti”. Với thông điệp này, Đức Thánh Cha, bắt đầu từ chứng tá tiên tri do Thánh Phanxicô Assisi đưa ra, nhằm giúp chúng ta xem xét tất cả các mối quan hệ của chúng ta - tôn giáo, kinh tế, sinh thái, chính trị và truyền thông - trên nguyên tắc tình huynh đệ. Nền tảng của việc trở thành tất cả anh chị em của chúng ta chính là ở trên đồi Canvê. Ở đó, nhờ ân sủng lớn nhất của tình yêu, Chúa Giêsu đã ngăn chặn vòng xoáy thù hận, phá vỡ vòng luẩn quẩn của hận thù và mở ra cho mọi người con đường hòa giải với Chúa Cha, giữa chúng ta với nhau và với chính tạo vật.
Những con đường vắng vẻ xung quanh Mộ Thánh và Thành cổ Jerusalem vang vọng Quảng trường Thánh Phêrô trống rỗng và ẩm ướt, nơi mà Đức Thánh Cha đã băng qua vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 trên đường đến với Đấng Bị Đóng Đinh, trước khi cả thế giới quỳ gối cầu xin cho kết thúc đại dịch, và làm cho mọi người cảm thấy đoàn kết bởi cùng một mầu nhiệm đau thương.
Đó là một năm đầy thử thách đối với Thành Thánh Jerusalem, đối với Thánh Địa Giêrusalem và đối với cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé sống ở Trung Đông, những người đang tìm cách trở thành muối, ánh sáng và men của Tin Mừng. Vào năm 2020, các tín hữu Kitô của những vùng đất đó phải chịu sự cô lập khiến họ cảm thấy xa cách hơn nữa, bị cắt đứt liên lạc quan trọng với các anh em từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Họ bị mất việc làm, do vắng bóng người hành hương, và hậu quả là họ gặp khó khăn trong cuộc sống và trong việc chu cấp cho gia đình và con cái họ. Ở nhiều quốc gia, chiến tranh dai dẳng và các lệnh trừng phạt đã làm tăng thêm tác động của đại dịch. Ngoài ra, một phần viện trợ kinh tế thu nhận được hàng năm cho Thánh Địa Giêrusalem cũng bị thiếu hụt do những khó khăn liên quan đến việc thực hiện điều đó ở nhiều quốc gia.
Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu hình ảnh Người Samaritanô nhân hậu cho tất cả các Kitô hữu, như một mô hình gương mẫu của lòng bác ái tích cực, của tình yêu dám dũng cảm và tương trợ. Ngài cũng khuyến khích chúng ta suy ngẫm về các thái độ khác nhau của những nhân vật trong dụ ngôn để vượt qua sự thờ ơ của những người nhìn thấy anh chị em của họ gặp khó khăn và nói: “Anh chị em có nhận ra chính mình trong số những người này không? Câu hỏi này, thẳng thắn như vậy, rất trực tiếp và sâu sắc. Anh chị em giống với nhân vật nào trong số những nhân vật này? Chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta thường xuyên bị cám dỗ để phớt lờ người khác, đặc biệt là những người yếu thế. Chúng ta hãy thừa nhận rằng, bất chấp tất cả những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, chúng ta vẫn còn “mù chữ” khi đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ những thành viên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta. Chúng ta đã quen với việc nhìn theo hướng khác, lướt qua, phớt lờ các tình huống cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta” (Fratelli tutti, 64 tuổi).
Ước gì việc quyên góp cho Thánh Địa năm nay sẽ là cơ hội để mọi người không bỏ qua hoàn cảnh khó khăn của anh chị em ở Thánh Địa chúng ta mà phải làm nhẹ gánh hơn cho họ. Nếu cử chỉ nhỏ của tinh thần đoàn kết và chia sẻ (Thánh Phaolô và Thánh Phanxicô thành Assisi sẽ gọi nó là “đền bồi”) mà thất bại, thì sẽ còn khó khăn hơn đối với nhiều người trong số họ trong cố gắng cưỡng lại cám dỗ rời khỏi đất nước, yêu cầu hỗ trợ các giáo xứ trong công việc mục vụ và giáo dục của họ sẽ còn gay go hơn nữa, và còn khó khăn hơn nữa trong việc duy trì cam kết xã hội đối với người nghèo và người đau khổ. Những đau khổ của rất nhiều người phải di tản và những người tị nạn đã phải ra đi vì chiến tranh kêu gọi một bàn tay giúp đỡ dang rộng để đổ dầu xoa dịu vào vết thương của họ. Chúng ta không được từ bỏ việc chăm sóc các Địa điểm Thánh là bằng chứng cụ thể về mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, và sự hiến dâng mạng sống của Ngài cho chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta.
Trong viễn cảnh bất thường này, được đánh dấu bởi sự vắng mặt của những người hành hương, chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải một lần nữa thực hiện những lời mà vị Tông đồ Dân ngoại đã nói với người Cô-rinh-tô hai ngàn năm trước, đó là mời gọi anh chị em đến với một tình đoàn kết không chỉ dựa trên bác ái nhưng dựa trên động cơ Kitô học: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2 Cr 8:9). Và sau khi nhắc lại các nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và sự giúp đỡ lẫn nhau về của cải vật chất và tinh thần, Thánh Tông đồ nói thêm những lời hùng hồn vào thời ấy cũng như bây giờ mà thiết tưởng không cần phải bình luận thêm: “Tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện” (2 Cr 9:6-8).
Kính thưa Quý Đức Cha, quý Linh mục, Tu sĩ và anh chị em Tín hữu, những người bằng nhiều cách khác nhau đã phấn đấu cho sự thành công của quỹ trợ giúp Thánh Địa, trong niềm trung tín với sự tham gia mà Giáo hội yêu cầu tất cả con cái của mình, chúng tôi có niềm vui được chuyển đến Quý Đức Cha, quý Linh mục, Tu sĩ và anh chị em Tín hữu lòng biết ơn sâu sắc của Đức Thánh Cha chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Cuối cùng, khi chúng tôi cầu xin các phước lành Thiên Chúa tuôn đổ dư dật trên Giáo phận của quý vị và anh chị em, chúng tôi xin gởi đến lời chào huynh đệ nhất của chúng tôi trong Chúa Giêsu.
+ Đức Hồng Y Leonardo Sandri
Tổng trưởng Bộ Các Giáo Hội Đông Phương
+ Đức Tổng Giám Mục Giorgio Demetrio Gallaro
Tổng Thư Ký
Source:Holy See Press Office
1. Phép lạ chữa lành tiếp tục xảy ra tại đền thờ Đức Mẹ ở Wisconsin
Vào ngày 8 tháng 10 năm 1871, tại Peshtigo, một vùng hẻo lánh của bang Wisconsin, các nhân viên làm đường hỏa xa đã đốt rừng để mở đường. Do không có phương tiện dự báo thời tiết, ngọn lửa đã vượt quá khả năng khống chế của họ khi một trận cuồng phong ập đến.
Trận cháy rừng Peshtigo Firestorm đã xảy ra. Đến nay, nó vẫn là trận “cháy rừng khủng khiếp nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ. Cho đến tận ngày nay, chưa có trận cháy rừng nào ở Mỹ đã từng gây ra con số tử vong lớn như thế. Người ta ước tính gần 2,500 người thiệt mạng trong địa ngục kinh hoàng cả ngàn độ đó.
Bên cạnh những câu chuyện bi thảm được lưu truyền từ đời này sang đời khác, có một chuyện thật đáng kinh ngạc. Một cách lạ lùng, một ngôi nhà thờ ở ngay giữa đám cháy và những người trốn trong ngôi nhà thờ đó đã không hề hấn gì dù rằng nhiệt độ bên ngoài lên đến cả ngàn độ.
Đây là lần hiện ra Đức Mẹ chính thức được công nhận duy nhất tại Hoa Kỳ.
Phép lạ này chỉ là sự khởi đầu, và kể từ đó, nhiều người khác đã cảm động trước thông điệp của Đức Mẹ Trợ Giúp Ơn Lành và đã được chữa lành cả về thể chất lẫn tâm linh.
Phóng viên Megyn Kelly của NBC đã phỏng vấn một phụ nữ đã được chữa khỏi bệnh ung thư một cách thần kỳ.
Nancy Foytik ở Reedsville, Wiscosin, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết giai đoạn 4, và nó đã di căn vào cả hai lá phổi. Các bác sĩ đã đưa ra một tiên đoán nghiệt ngã cho cô. Sau một đợt hóa trị, Foytik và gia đình quyết định đến thăm Đền thánh Đức Mẹ Trợ Giúp Ơn Lành Quốc gia ở thị trấn Champion, không xa Green Bay, vào năm 2012.
“Chúng tôi không có bất kỳ hy vọng nào. Chúng tôi đến đó để được hướng dẫn”, cô vừa khóc vừa kể câu chuyện của mình trên NBC’s Today. Tuy nhiên, sau khi cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria ở đó, “Chúng tôi chỉ biết khi tôi bước ra khỏi nhà nguyện vào ngày hôm đó tôi đã được chữa khỏi… Tôi không thể giải thích điều đó. Tôi không nghe thấy gì, nhưng tôi cảm nhận được là tôi đã được chữa khỏi, tôi nghe như ai đó nói rằng ‘con sẽ ổn thôi’”
Các bác sĩ phẫu thuật đã loại bỏ một khối u có kích thước bằng quả bóng tennis từ ruột kết của cô và các khối u nhỏ hơn từ phổi phải của cô. Khi họ thực hiện cuộc phẫu thuật thứ ba, họ phát hiện các khối u trong phổi trái của cô đã biến mất. Foytik đã không còn ung thư kể từ đó.
“Tôi là một người Công Giáo tích cực,” cô nói. “Tôi đã cầu nguyện, nhưng tôi chưa bao giờ cầu nguyện với Mẹ Maria nhiều như tôi đã cầu nguyện với Chúa. Đức Maria chính là người tôi cần đến vào thời điểm đó”.
Trong chuyến thăm Đền thánh Đức Mẹ Trợ Giúp Ơn Lành vào năm 2013, một gia đình ở thành phố Kansas, tiểu bang Missouri đã hết sức lo lắng khi ống dẫn thức ăn cho đứa con gái 18 tháng tuổi của họ đột nhiên bị tuột ra. Cháu bé đang trong tình trạng phải dùng ống dẫn thức ăn trực tiếp để sống còn. Cuối cùng, ngày hôm đó, các bác sĩ phòng cấp cứu thông báo rằng họ không thể lắp lại ống vì lỗ thủng đã lành, và bệnh của cháu đã chấm dứt mà không thể giải thích về phương diện Y khoa.
Source:Aleteia
2. Bốn cây sồi, một định mệnh thiêng liêng: Tái tạo ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà
Bốn cây sồi Pháp đứng sừng sững hàng trăm năm trong khu rừng hoàng gia, nay đã mang thiên mệnh thiêng liêng. Bị đốn ngã hôm thứ Ba tại Rừng Berce của vùng Loire, chúng đã được chọn để tái tạo lại ngọn tháp bị đổ của Vương Cung Thánh Đường Notre Dame de Paris.
Ngọn tháp cao 93 mét, làm bằng gỗ và phủ chì, đã trở thành biểu tượng mạnh mẽ nhất của ngọn lửa tháng 4 năm 2019 khi nó được nhìn thấy chìm trong biển lửa, sụp đổ nghiêm trọng xuống đất.
Tháng 7 năm ngoái trong bối cảnh dư luận phản đối kịch liệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấm dứt suy đoán rằng ngọn tháp thế kỷ 19 do Eugène Viollet-le-Duc thiết kế có thể được xây dựng lại theo phong cách hiện đại. Cuối cùng, ông tuyên bố nó sẽ được xây dựng lại y như cũ. Và điều đó đã bắt đầu một cuộc săn tìm cây trên toàn quốc, lên đến đỉnh điểm là cuộc tuyển chọn kỹ lưỡng vào tháng Giêng và tháng Hai năm nay.
Khoảng 1,000 cây sồi trong hơn 200 khu rừng của Pháp, cả tư nhân và công cộng, đã được chọn để làm khung cho ngọn tháp của nhà thờ dự định sẽ được chiêm ngưỡng trên đường chân trời Paris trong hàng trăm năm.
“Với vị trí của thánh đường này trong lòng người Pháp, trong lịch sử nước Pháp và thế giới chúng tôi rất vui là toàn bộ ngành công nghiệp - từ những người làm rừng đến những người thợ xẻ - đã được huy động để đáp ứng thách thức này”, Michel Druilhe, Chủ tịch của France Bois Foret, một mạng lưới lâm nghiệp quốc gia nói.
Việc xây dựng lại một nhà thờ thế kỷ 12 như Nhà thờ Đức Bà bằng gỗ là một viễn cảnh khó khăn. Bên trong là một mạng lưới các xà ngang và những thanh cây hỗ trợ chằng chịt đến nỗi nó được gọi một cách trìu mến là “khu rừng”. Các lời kêu gọi gia cố nó bằng bê tông chống cháy đã bị bác bỏ, ngay cả sau khi những vật liệu như vậy đã giúp hạn chế bụi phóng xạ từ một đám cháy ở Nhà thờ Chính Tòa Nantes, theo kiểu Gothic, vào năm ngoái.
Kích thước yêu cầu đối với các loại gỗ dùng trong kết cấu của Nhà thờ Đức Bà có thể tóm lược như sau: Nhiều thân cây phải đo rộng hơn 1 mét và dài ít nhất 18 mét. Tám trong số những cái cây - dành cho phần hoành tráng nhất của ngọn tháp - đã được tìm thấy trong Rừng Berce từng thuộc về các vị Vua của Pháp.
Trên thực tế, còn có một yêu cầu khác đòi hỏi tính kiên nhẫn. Các thân cây phải được phơi khô trong tối đa 18 tháng. Chỉ riêng thực tế đó đã cho thấy lý do tại sao lời cam kết xây dựng lại nhà thờ của tổng thống Macron trong vòng 5 năm – tức là phải hoàn thành vào năm 2024 - đã bị nhiều người bác bỏ là viển vông.
Source:AP
3. Những người tị nạn Iraq hài lòng với chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, nhưng nói rằng họ vẫn sẽ không quay trở lại
Nữ ký giả Inés San Martín của tờ Crux, là người đã tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Iraq có bài nhận định sau về phản ứng của những người tị nạn Iraq đối với chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô từ 5 đến 8 tháng Ba vừa qua.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Hãy tưởng tượng bạn chạy trốn khỏi nhà vào lúc nửa đêm để thoát khỏi bạo lực chống lại các tín hữu Kitô, phải trải qua nhiều năm sống tị nạn ở một quốc gia láng giềng và xem Đức Giáo Hoàng đến thăm thành phố quê hương của bạn.
“Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Iraq là một thông điệp của tình yêu và hòa bình”, Karmen, một người tị nạn Iraq nói.
“Những kẻ khủng bố viết trên tường: Chúng ta sẽ mở cửa thành Rôma bằng gươm, nhưng Đức Giáo Hoàng đã đến vùng đất của chúng mang theo một con chim bồ câu hòa bình. Cảm giác của tôi là sự đan xen giữa niềm vui và nỗi buồn, niềm vui khi ngài đến thăm thị trấn thân yêu của tôi”, cô nói. Karmen đến từ Qaraqosh, nơi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm vào ngày 7 tháng Ba.
Thông qua sự giúp đỡ của Della Shenton, người được ủy thác sáng lập tổ chức bác ái có tên là Phúc Âm Thứ 5 có trụ sở tại Vương quốc Anh, Crux đã nói chuyện với một số người tị nạn Iraq hiện đang ở Jordan. Tất cả đều là những người tị nạn quá cảnh, có nghĩa là họ không thể làm việc hợp pháp và đang chờ tái định cư.
Ước tính có khoảng 30% người tị nạn đến vào năm 2014, sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo, hay còn gọi là ISIS, nắm quyền kiểm soát phần lớn Đồng bằng Ninivê, nơi có nhiều dân tộc thiểu số Iraq, bao gồm cả các Kitô hữu và người Yazidis, sinh sống.
Vì lo lắng cho sự an toàn của họ và không để tình trạng tị nạn của họ gặp rủi ro, họ chỉ cung cấp tên họ và tiểu sử tóm tắt, nhưng tất cả đều đến từ Qaraqosh, thị trấn Kitô Giáo lớn nhất ở Iraq, với hơn 50,000 người, trước khi có sự xuất hiện của ISIS.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô ở Qaraqosh ngày 7 tháng 3, ngài đã đến thăm một nhà thờ mà các chiến binh thánh chiến sử dụng làm trường tập bắn.
“Cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây hôm nay cho thấy rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Lời cuối cùng thuộc về Thiên Chúa và Con Ngài, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên cái chết,” ngài nói.
Ước tính khoảng 45% những người chạy trốn khỏi thị trấn đã quay trở lại, nhưng nhiều người hướng tới Li Băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, với Úc, Canada, Âu Châu và Hoa Kỳ là điểm đến cuối cùng trong dự định của họ.
Đối với nhiều người trong số những người chạy trốn, sự ngờ vực khó có thể lay chuyển, và mặc dù họ cảm thấy vui mừng khi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng đến thăm thị trấn của họ, nỗi sợ hãi vẫn khắc sâu trong tim họ.
“Tôi cảm thấy phấn khởi khi nghe những người phụ nữ trong thị trấn của tôi, Qaraqosh, cổ vũ”, Karmen nói với Crux. “Tôi ước được ở đó và hạnh phúc với người dân thị trấn của tôi và những người tôi yêu quý”.
Cô nói, chuyến thăm của Đức Phanxicô là một may mắn cho một đất nước đã phải chịu đựng quá nhiều năm. Cô ấy nói hy vọng về hòa bình, an toàn và sự an tâm.
“Nhưng đối với chúng tôi, đối với gia đình tôi, chúng tôi sẽ không quay trở lại vì chúng tôi đã mất mát rất nhiều, tổn thương và mất mát quá nhiều mạng sống. Nếu một ngày nào đó chúng tôi trở lại Iraq, xin hãy biết rằng chúng tôi sẽ trở về trái với ý muốn của mình”, cô nói.
Inaam, 43 tuổi; Fada 19; Bassam, 40 tuổi; và Rivin, 24 tuổi, tất cả đều đồng ý: Nhìn thấy Đức Giáo Hoàng đến thăm thị trấn của họ, ở bên những người thân yêu của họ, là một khoảnh khắc buồn vui lẫn lộn. Họ ước mình có thể quay trở lại nhưng quá sợ hãi nên không thể làm được điều đó.
“Tôi rất hạnh phúc khi xem Đức Thánh Cha của chúng tôi đến thăm đất nước của tôi và đặc biệt là thị trấn đáng yêu của tôi”, Inaam nói. “Tôi ước tôi đã ở đó để ăn mừng và chào đón ngài cùng với người dân của tôi. Đó là một giấc mơ của tất cả các tín hữu Kitô và cuối cùng đã trở thành sự thật. Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm của ngài sẽ mang lại hòa bình và phước lành cho đất nước của chúng tôi”.
Anh cho biết anh muốn khóc vì sung sướng khi nhìn thấy Đức Thánh Cha bước vào Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, trong khi vẫn lo sợ cho sự an toàn của Đức Phanxicô.
Anh cho biết tính mạng của anh và gia đình đang gặp rủi ro nên anh không thể quay trở lại. Nhưng Inaam cũng tin rằng ngay cả những người chưa bị khủng bố tiêu diệt nhưng đã tìm cách chạy trốn khỏi Iraq cũng sẽ không quay trở lại: “tình hình rất khó khăn, và mọi người không tin tưởng các chính trị gia, chính phủ và nền kinh tế rất là nghèo”.
Ngoài ra, anh ấy nói, “chúng tôi không thể tin tưởng người Hồi giáo nữa”. Trong chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, anh đã theo dõi các bình luận trên Facebook, và những bình luận từ người Hồi giáo, theo anh, là rất tiêu cực. “Họ không thích chúng tôi, và họ nghĩ rằng Iraq không phải là đất nước của chúng tôi”.
Fada rời Qaraqosh với cha mẹ và anh chị em của mình khi cô ấy còn ở tuổi thiếu niên, và trong bảy năm qua đã sống một cuộc sống không ổn định, không có gì chắc chắn về nơi cô ấy sẽ ở trong năm tới, vẫn ở Jordan, hoặc trong trận chung kết của cô ấy là điểm đến ước mơ.
Cô lấy làm tiếc vì cùng với gia đình mình, họ không thể chia sẻ niềm vui trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, vì họ đang ở xa nhà, và “chúng tôi không bao giờ có thể trở về”.
“Chuyến thăm tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến tôi buồn hơn bao giờ hết về những gì đã xảy ra”, bạo lực mà họ chứng kiến và những thách thức mà họ phải đối mặt kể từ khi ISIS tiếp quản Qaraqosh.
“Tôi vui mừng vì niềm vui của họ”, qua chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, nhưng đồng thời, “thất vọng, buồn và đau lòng” về tất cả những gì đã mất.
Bassam, người đã chạy trốn khỏi Iraq vào năm 2016, gọi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là một thông điệp của tình yêu và hòa bình.
“Thông điệp của Đức Giáo Hoàng rất rõ ràng: Iraq vẫn là một đất nước không an toàn và các tín hữu Kitô vẫn bị đàn áp. Nhà thờ và nhà cửa của chúng tôi đã bị đốt cháy và phá hủy, đó là điều ngăn cản chúng tôi quay trở lại, và điều này khiến tôi rất buồn”, anh nói.
Anh nói thêm: “Chúng tôi không thể quay trở lại vì luật pháp của Iraq là luật Hồi giáo, và một người Hồi giáo không thể sống chung với người của các tôn giáo khác”, và anh hy vọng “các quốc gia an toàn” sẽ sớm mở cửa cho những người đã phải chạy trốn cuộc đàn áp.
Rivin định nghĩa chuyến thăm là “tuyệt vời không thể nào quên, một sự kiện lịch sử”. Anh chia sẻ niềm vui khi thấy Qaraqosh sống lại “sau một thời gian dài đen tối”, nhưng với những người còn lại, anh cho biết anh ước có thể cảm thấy đủ an toàn để trở về.
“Xem họ trên TV khiến tôi cảm thấy buồn, vì họ xứng đáng được sống một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng họ không thể, vì tình hình an ninh vẫn còn rất tồi tệ, người ta quay lại Iraq nhưng họ không thể ở lại”, Rivin nói và tuyên bố rằng cuối cùng hầu hết những người quay trở lại đều cố gắng đi di cư.
Về việc Đức Giáo Hoàng kêu gọi các Kitô hữu quay trở lại, người tị nạn này cho biết đơn giản là anh ta không thể, bởi vì không có cơ hội có công ăn việc làm, không có sự an toàn và nền kinh tế quá bất ổn.
Rivin nói: “Không có tương lai cho các Kitô hữu ở Iraq”.
“Ở Qaraqosh, chúng tôi là những người tin tưởng vào Chúa; chúng tôi đã có những bữa tiệc lớn liên quan đến cả thị trấn vào Giáng sinh, Lễ Phục sinh và vào Chúa Nhật Lễ Lá, tất cả đều mặc trang phục truyền thống đẹp nhất của chúng tôi”, anh nhớ lại.
“Chúng tôi đã nhảy múa, ca hát và rất hạnh phúc. Chúng tôi nhịn ăn suốt Mùa Chay, chỉ ăn cơm và rau và uống nước, trừ ra các ngày thứ Tư và thứ Sáu khi chúng tôi có cá. Chúng tôi mặc đồ đen, đặc biệt là vào các ngày thứ Sáu. Ở đây ở Jordan này, những người thuộc thế hệ của tôi đều nhớ như in hình ảnh này”.
“Khi tôi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng, và nhìn thấy thị trấn đáng yêu của mình, tôi đã tự hỏi mình, tại sao chúng ta lại ở đây? Tại sao chúng tôi ở Jordan với tư cách là những người tị nạn? Nếu có cơ hội, tôi có quay lại không? Và tôi biết mình sẽ không làm thế, vì đất nước của tôi không an toàn”, anh nói. “Có rất nhiều lời bàn tán, nhưng không có gì thực sự thay đổi. Chính phủ không giúp chúng tôi”.
Trong chuyến thăm của Giáo hoàng, Rivin cũng theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là YouTube. Tóm lại, những bình luận mà anh ấy tìm thấy ở đó, là lý do tại sao anh ấy tin rằng anh ấy sẽ không bao giờ quay trở lại Iraq.
“Có những bài viết chỉ trích các cô gái Công Giáo vì không đội khăn trùm đầu, đưa ra những bình luận không hay về các tín hữu Kitô, Chúa Giêsu và Đức Thánh Cha Phanxicô. Các tín hữu Kitô ở Iraq phải chịu sự đối xử phân biệt như vậy. Chúng tôi không muốn”.
Source:Crux
4. Trách nhiệm của hàng Giám Mục thế giới trước sự bội giáo của người Đức
Cuộc nghiên cứu được công bố ngày 11 tháng 3, được thực hiện bởi Viện nghiên cứu ý kiến INSA Consulere có trụ sở tại Erfurt cộng tác với tuần báo Công Giáo Die Tagespost cho thấy 33% người Công Giáo đang tính đến việc rời khỏi Giáo Hội. Một trong những lý do được đưa ra là vì những tai tiếng liên tục liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, tờ Die Tagespost cảnh báo rằng tình trạng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ cùng lắm thì cũng như ở các quốc gia khác, không phải là vấn đề nổi cộm. Vấn đề trở thành nghiêm trọng không phải con số các vụ lạm dụng tính dục mà là chính sách “lạm dụng tội lỗi lạm dụng”. Nói cho dễ hiểu hơn là chính một số Giám Mục đã và đang lợi dụng các tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ để cổ vũ cho các ý thức hệ xa lìa đức tin dưới chiêu bài đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục. Cho người Tin lành rước lễ hay chúc lành cho các kết hiệp đồng tính thì có liên quan đến việc đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục?
Một số Giám Mục Đức cho rằng Giáo Hội Công Giáo tụt hậu ít nhất là 200 năm so với xã hội đương đại. Các vị này chủ trương hiện đại hóa Giáo Hội bằng cách thay đổi các chuẩn mực và giáo lý phổ quát của Giáo Hội về đồng tính luyến ái, và đạo đức tình dục nói chung, cũng như các bí tích truyền chức thánh và hôn nhân, cho phù hợp với những cái họ gọi là “nhận thức mới của khoa học ngày nay”. Theo Đức Cha Voderholzer, Giám Mục Regensburg, động tác này thay vì đem đức tin làm muối men cho đời như lời dạy của Công Đồng Vatican II, lại làm ngược lại là tục hóa đức tin và Giáo Hội của chúng ta.
Đức Cha Voderholzer cũng cảnh cáo tâm lý mị dân của một số giám mục Đức khi nhấn mạnh đến triển vọng phong chức linh mục cho phụ nữ và các cải cách khác mâu thuẫn với giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội đã được thiết định. Ngài nói rằng “càng gia tăng các trông đợi và hy vọng như thế chỉ gây thêm nhiều thất vọng.” Đường hướng mị dân của một số giám mục Đức cuối cùng sẽ dẫn đến ly giáo và càng gia tăng dòng người kìa xa Giáo Hội.
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có bài nhận định nhan đề “The World Episcopate and the German Apostasy” nghĩa là “Hàng Giám Mục thế giới và sự bội giáo của người Đức”.
Một đặc điểm của thời kỳ hoàng kim của các giám mục này là tập tục thách thức và sửa chữa huynh đệ trong hàng giám mục. Các giám mục địa phương ở giữa ngàn năm thứ nhất tin rằng các ngài thuộc về, và chia sẻ trách nhiệm đối với một sự hiệp thông toàn thế giới. Xác tín rằng những gì xảy ra ở một phần của cơ thể có ảnh hưởng đến toàn bộ, các giám mục như Cyprianô, Basilô thành Xêxarê, Ambrosiô, và Augustinô đã không ngần ngại sửa chữa các giám mục anh em mà họ cho là đã sai lầm trong tín lý hoặc trong các thực hành kỷ luật của họ - và đôi khi đã làm như vậy, bằng một ngôn ngữ rất mạnh mẽ.
Khái niệm trách nhiệm chung này của các giám mục đối với Giáo hội thế giới đã được đúc kết trong giáo huấn của Công đồng Vatican II về tính hợp đoàn giám mục. Tuy nhiên, tập tục thách thức và sửa chữa huynh đệ của các Giáo phụ vẫn còn cần được phục hồi. Sự phục hồi này bây giờ là điều chủ yếu khi Giáo hội ở Đức rơi vào tình trạng bội giáo - một sự phủ nhận các chân lý của đức tin Công Giáo đang đe dọa sẽ có ly giáo.
Cơ chế của việc này là cái gọi là “Tiến Trình Công Nghị Đức”, một tiến trình kéo dài nhiều năm nhằm mục đích thay đổi căn bản Kho tàng Đức tin về các vấn đề tín lý, phẩm trật Giáo hội và đời sống luân lý, do đó phản bội ý định của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đối với Công đồng Vatican II. Theo “Tài liệu căn bản” được phát hành gần đây, Tiến Trình Công Nghị Đức sẽ chỉnh sửa cả những đạo lý về Chúa Giêsu, về hiến pháp của Giáo hội và quyền quản trị giám mục. Bản văn tiếng Đức tuyên bố rằng “Thời gian đã vượt qua các mô hình này”. Nó cũng sẽ chỉnh sửa và thay đổi giáo huấn của Giáo hội về “công bằng giới tính…. đánh giá các khuynh hướng tình dục của người đồng tính, và tung ra đường lối giải quyết các thất bại trong hôn nhân và tạo ra những khởi đầu mới, nghĩa là hôn nhân sau khi ly dị.
Sao có thể như thế được? Theo Tài liệu căn bản thì có thể vì “không có một chân lý nào của thế giới tôn giáo, đạo đức và chính trị, cũng như không có một hình thức tư tưởng nào có thể cho rằng mình có thẩm quyền tối cao”. Do đó, “trong Giáo hội… những quan điểm và cách sống hợp pháp có thể cạnh tranh nhau ngay trong những xác tín cốt lõi… những tuyên bố chính đáng về mặt thần học đối với sự thật, sự đúng đắn, dễ hiểu và trung thực… có thể mâu thuẫn với nhau….”
Đây không chỉ là một thuật ngữ “rau trộn” được các học giả ham chơi về mặt ý thức hệ và các quan chức Giáo Hội say mê quyền lực sáng chế. Nó chỉ là một sự bội giáo và bội giáo để phục vụ tín ngưỡng hậu hiện đại, một tín ngưỡng có thể là “sự thật của bạn” và “sự thật của tôi” nhưng không có gì có thể mô tả một cách đúng đắn như sự thật. Và để các bạn đừng nghĩ rằng cách tiếp cận này sẽ dẫn đến một sự khoan dung mới của đa dạng, Tài liệu căn bản cảnh báo những người tuyên xưng Kinh Tin Kính Nicê, chứ không phải kinh tin kính hậu hiện đại, rằng họ sẽ bị buộc phải “hỗ trợ” và “cổ vũ” những gì họ vốn bác bỏ như xa rời đức tin Kitô giáo. Xem ra bản năng cưỡng chế toàn trị đã cố thủ trong một số nền văn hóa rồi vậy.
Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, tuyên bố rằng “Tiến Trình Công Nghị” của Đức đang được theo dõi nhiệt tình ở những nơi khác trong Giáo hội thế giới. Nếu vậy, điều đó chỉ xảy ra trong số những cán bộ đang thu hẹp dần của Catholic Lite, những người đã không học được từ điển hình Đức rằng Catholic Lite sẽ dẫn đến Catholic Zero như được đơn cử bởi Tài liệu căn bản này. Do đó, điều bắt buộc là các giám mục anh em phải làm Giám mục Bätzing tỉnh ngộ khỏi ảo tưởng rằng ngài, cùng với tuyệt đại đa số giám mục Đức, và bộ máy hành chính của Giáo hội Đức là những người tiên phong can đảm của một Đạo Công Giáo mới dũng cảm.
Trách nhiệm đầu tiên ở đây thuộc về Giám mục Rôma, là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người nên làm những gì Thánh Giáo hoàng Clêmentê I đã làm với những người Côrintô ồn ào trong thời kỳ hậu tông đồ và những gì Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã làm với các giám mục anh em trong thời đại các Giáo phụ: kêu gọi các giám mục Đức trở lại với “đức tin đã được chuyển giao cho các thánh một lần mãi mãi” (Gđ 1: 3). Tuy nhiên, trách nhiệm này không phải của riêng Đức Giáo Hoàng. Các giám mục khác trên khắp Giáo hội thế giới nên cho Giám mục Bätzing biết mối quan tâm nghiêm trọng của họ về tính chất xói mòn của Tài liệu căn bản của Con đường đồng nghị.
Đó là điều mà những người tầm cỡ như Ambrosiô, Augustinô, Athanasiô và Gioan Kim Khẩu - là những người sẽ nghẹn lời trước việc ca tụng “tính mơ hồ” của Tài liệu căn bản - sẽ làm.
Source:First Things
Tính đến chiều Chúa Nhật 14 tháng Ba, tử vong toàn thế giới đã lên đến 2,661,275 người, trong số 120,143,989 trường hợp nhiễm coronavirus.
Tử vong tại Bồ Đào Nha đã lên đến 16,669 người, trong số 813,716 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp tử vong trong 24 giờ qua tại quốc gia này là 19 người, là con số người thiệt mạng ít nhất tại Bồ Đào Nha từ tháng 10 năm ngoái đến nay. Số trường hợp nhiễm bệnh mới trong 24 giờ là 564 người.
Trong bối cảnh này, Đức Hồng Y António dos Santos Marto, Giám mục giáo phận Leiria-Fátima, thông báo rằng cuộc hành hương thường niên từ 14 đến 21/3/2021 tại đền thánh Đức Mẹ Fatima phải diễn ra trực tuyến vì tình trạng đại dịch coronavirus ở Bồ Đào Nha vẫn hoành hành đáng sợ tại đây.
Trong thông điệp mục vụ có tựa đề “Tám ngày hành hương tâm linh tới Đền thờ Fatima”, Đức Hồng Y Marto giải thích rằng giáo phận không thể tổ chức cuộc hành hương có giáo dân tham dự do nhu cầu bảo vệ “lợi ích chung cho sức khỏe của mọi người.”
Ngài cho biết những biện pháp này gây đau đớn và làm tăng mong muốn của các tín hữu được tụ họp với các cộng đồng ở đó để cầu nguyện như trong quá khứ. “Đây là một khoảnh khắc thật đau lòng: Thánh địa tồn tại để chào đón khách hành hương mà ‘lực bất tòng tâm’ chúng tôi không thể thực hiện được điều đó, càng thêm đau lòng xót dạ.”
Vì thế, Đức Hồng Y Marto cầu mong các tín hữu trên toàn thế giới thực hiện “cuộc hành hương thiêng liêng đặc biệt này đến Đền Đức Mẹ Fatima,” và cho biết ngài đã chuẩn bị cho các trẻ em của giáo phận tham gia vào cuộc hành hương trực tuyến này.
Đức Hồng Y cho biết ngài sẽ cầu nguyện trong sự thanh vắng của đền thờ dưới chân Đức Trinh Nữ Fatima để cầu mong cho sớm chấm dứt “tai họa của đại dịch kinh hoàng này.”
“Tôi sẽ đến Đền Fatima, ôm tất cả anh chị em trong trái tim tôi, và ở đó tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em và cho sự chấm dứt của tai họa đại dịch này, giao phó tất cả chúng ta cho sự bảo vệ của Mẹ Thiên đàng và Đáng bảo trợ của quốc gia chúng tôi”.
Vì thế, chúng tôi phối hợp với Đền Thánh thực hiện cuộc hành hương trực tuyến này.
Xin kính mời quý vị và anh chị em hiệp ý cầu nguyện với Đức Hồng Y, và cộng đoàn tại đền thánh Đức Mẹ Fatima cho sớm chấm dứt tai họa của đại dịch kinh hoàng này.