Ngày 08-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/03: Hai số phận khác biệt – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:53 08/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”

Đó là lời Chúa
 
Suy niệm Chúa nhật III Mùa Chay – năm A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:39 08/03/2023
Chúa Nhật Nước

Suy niệm Chúa nhật III Mùa Chay – năm A

(Ga 4, 5 - 42)

Phụng vụ lời Chúa hôm nay từ bài đọc I trích sách Xuất hành đến bài Tin Mừng đều nói về Nước, ám chỉ Nước Rửa tội. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô cũng giúp chúng ta hiểu về Bí tích Thánh Tẩy, nên Chúa nhật này có thể gọi là Chúa nhật Nước giúp chúng ta suy nghĩ về Nước trong Cựu Ước nơi Tân Ước và tại Giếng Rửa tội.

Lộ trình tới Nước Đêm Vọng Phục Sinh

Trong sách Nghi Thức Khai Tâm từ số 133 đến số 135 ghi : “Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay cử hành nghi thức “Ghi Danh” hay “Tuyển Chọn” các dự tòng. Các số từ 152 đến 180 ghi là : “Chúa Nhật hôm nay (tức Chúa nhật III, IV, V Mùa Chay) cử hành Nghi Thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho những người lớn sẽ lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 152-166). Như vậy, lộ trình phụng vụ Mùa Chay năm A từng bước dẫn đưa chúng ta sống con đường của anh chị em dự tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội, làm sống dậy trong chúng ta ơn Thánh Tẩy chúng ta đã lãnh nhận.

Giáo Hội luôn kết hợp lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành bí tích Rửa tội, hiện thực hóa mầu nhiệm cao cả của đời sống người kitô hữu là : chết đi cho tội lỗi, tham dự vào sự sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Ðấng đã cho Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại (x. Rm 8,11). Thế nên, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay gọi là Chúa Nhật cám dỗ. Chúa Nhật thứ hai gọi là Chúa Nhật của tổ phụ Abraham và Chúa Nhật Chúa Biến Hình. Bí Tích Rửa tội là bí tích của đức tin và thiên chức làm con Thiên Chúa: theo Abraham tin tưởng vào Chúa và ra đi để trở nên con cái Chúa.

Bước vào Chúa Nhật thứ ba, kể về cuộc đối thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria bên giếng nước cổ xưa có từ thời của tổ phụ Giacóp. Và ngày hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt mỏi sau một chặng hành trình (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu chính là Nước Hằng Sống, Người làm cho con người đỡ khát, Nước Chúa Thánh Thần.

Nước trong công trình của Chúa

Sáng Sáng Thế mô tả, Nước đã có trong công trình sáng tạo thế giới và vũ trụ muôn loài (x.St 1,1-2). Chúa đã tạo ra nước để làm cho ruộng đất phì nhiêu. Nước tưới vườn Êđen địa đàng trần gian. Nước làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở (x.St 1, 6 - 9), cho thân xác con người được mát mẻ sạch sẽ. Chúa còn tạo ra nước như dụng cụ của lòng từ bi Chúa : Chúa đã làm cho Nước Biển Ðỏ và Nước sống Giorđan dựng lên thành tường để dân Chúa thoát ách nô lệ và đi vào Đất Hứa. Và lời Chúa hôm nay minh chứng nhờ nước Chúa đã làm dịu cơn khát của dân Chúa trong sa mạc (x. Xh 17,3-7); các tiên tri đã dùng hình ảnh nước mà loan báo giao ước mới Chúa sẽ thiết lập với loài người; sau hết nhờ nước mà Đức Kitô đã thánh hóa trong sông Gioađan (x. Mt 3,13-17; Mc 1,7-11; Lc 3,15-16.21-22), Chúa đã đổi mới bản tính hư hỏng của ta con trong giếng nước tái sinh.

Chúa đã dùng Nước để sửa phạt dân Chúa, như cho Nước lụt Đại Hồng Thủy phủ lấp toàn cõi địa cầu tội lỗi (St 7,17-24), hoặc không cho mưa rơi để dân tội lỗi ăn năn thống hối. Chúa đã dùng Nước để cứu sống khi truyền cho Môsê cầm cây gậy đập Nước Biển Ðỏ để nó rẽ ra cho Dân đi qua, rồi sau khép lại giết hết quân quốc Aicập (x. Xh 14,15-31). Trên núi Horeb, Chúa cũng bảo Môsê đập đá để Nước chảy ra cho Dân uống.

Cây gậy Môsê cầm đập vào đá, Nước ở đá chảy ra để Dân uống cho khỏi khát nhắc cho những người uống nước hôm nay nhớ đến cây gậy Môsê cầm đập Nước Biển Ðỏ rẽ ra thành hai bên tả hữu để dân Chúa đi qua ráo chân ngày Chúa đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ. Vậy nếu cuộc vượt qua Biển Ðỏ thường được dùng để nói về Ơn Nước Rửa tội trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, thì câu chuyện Môsê đập đá để có Nước chảy ra cho Dân uống, cũng thích hợp để đưa tâm trí chúng ta nghĩ tới Ðức Giêsu Kitô là Môsê mới sẽ ban Nước cứu sống và cứu độ cho những ai đến gần Người.

Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống

Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Các Giáo phụ đã sớm nhận ra nơi "Nước Hằng Sống" biểu tưởng của phép Rửa tội, mà Đức Kitô chính là Nguồn Nước ấy. Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời. Đó chính là nguồn nước mà Tin Mừng nói tới khi Người xin nước của người đàn bà xứ Samaria… Thực ra, nguồn nước ấy không bao giờ cạn, Đấng là Nước Hằng Sống không thể uống nước bị ô nhiễm ở vùng đất này.

Đức Kitô, Đấng ngồi nghỉ trên miệng giếng chính là Nguồn Nước, từ cạnh sườn bên phải Người, tuôn trào dòng nước xót thương; một phụ nữ có sáu đời chồng đã được tẩy sạch bằng dòng Nước Hằng Sống ấy. Một người phụ đến giếng Samaria kín nước, bà lấy nước từ dòng Nước Giêsu ! Tìm được Nước, bà ra đi với sự tiết hạnh. Ngay lập tức bà xưng thú các lỗi mà Chúa Giêsu ám chỉ, bà nhận ra Đức Kitô và loan báo Đấng Cứu Thế. Bà để vò nước xuống, mang ơn sủng vào thành; vai nhẹ bớt, bà trở về tràn đầy sự thánh thiện… Đúng là ai đến trong tội lỗi sẽ trở về với sứ mạng tiên tri.

Nước hằng sống này đối với chúng ta là nguồn suối dâng trào sự sống đời đời, nước này là nước hòa với Máu Chúa Kitô, đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên cây Thánh giá. Nước tuôn chảy từ tảng đá do Môsê đập ra (Xh 17, 3-7) là hình ảnh tiên trưng của Nước chẩy ra từ cạnh sườn Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.

Lạy Chúa Giê su, xin ban cho chúng con chính Chúa là Nước Hằng Sống, để chúng con khỏi còn khát Nước Chúa ơi.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Vô Danh và Lazarô - Luke 16:19-31
Nguyễn Trung Tây
13:45 08/03/2023
Nguyễn Trung Tây
Vô Danh và Lazarô - Luke 16:19-31


Theo như thánh sử Luca 16:19-31, tại một thành phố kia có một người nhà giàu ngày đêm yến tiệc linh đình. Ngày ngày ông ta khoác vào người một bộ quần áo đẹp sang trọng. Nằm ngay trước cửa nhà ông là người hàng xóm hành khất Lazarô ghẻ lở đầy mình. Người hành khất bần hàn chỉ có một giấc mơ nhỏ nhoi là được ăn những mảnh vụn của thức ăn dư thừa rơi từ bàn ăn của ông nhà giàu. Nhưng rất tiếc ước mơ nhỏ nhoi này cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Ngày ngày Lazarô nằm trước cửa nhà của ông nhà giàu.

Không ai để ý tới sự hiện diện của người hành khất ngoại trừ những con chó, ngày ngày chạy đến liếm những vết thương ghẻ lở trên thân thể của ông ta. Cuối cùng người nhà giàu và ông hành khất cũng qua đời. Trong khi người hàng xóm bần hàn thuả xưa được đưa thẳng về trời, ông nhà giàu lãnh cái vé xe lửa tốc hành một chiều đi thẳng tới Hỏa Ngục.

Vào một ngày kia ngước mắt nhìn lên, ông nhà giầu nhận ra người hàng xóm Lazarô đang ngồi trong lòng của tổ phụ Abraham, hình ảnh của Thiên Chúa. Người nhà giàu mở miệng xin một giọt nước, bởi ông ta bị đốt cháy trong ngọn lửa nóng. Nhưng Thiên Chúa nói qua miệng của tổ phụ Abraham,

— Trễ quá rồi con! Trễ quá rồi!

Suy Niệm
Một giọt nước chẳng là chi. Một trăm giọt nước cộng lại ra một chén nước lạnh cũng không là gì. Không ai buôn bán một giọt nước. Chẳng ai nỡ lòng từ chối một chén nước lạnh với người qua đường. Nhưng yêu cầu nhỏ nhoi, một giọt nước làm nguội đầu lưỡi của ông nhà giàu trong Hỏa Ngục cũng bị Thiên Chúa, một Thiên Chúa của từ bi và nhân hậu thẳng thắn chối từ.

Thiên Chúa không phạt ông nhà giàu bởi sự giàu có của ông ta, bởi nếu con cái của Ngài trở thành triệu phú, sống trong nhung êm nệm gấm, Thiên Chúa cũng mừng vui cho họ. Ông nhà giàu bị phạt rớt thẳng xuống Hỏa Ngục bởi đời sống thiếu bác ái, nói một cách khác, đời sống ích kỷ của chính ông ta.

Cả một đời sống trong cơm ngon áo đẹp, không bao giờ ông ta mở mắt nhìn đến người hàng xóm đang ngày ngày nằm ngay trước cửa nhà của mình.

Có một điều khá lạ, tên của người hành khất được đánh vần viết rõ từng chữ, Lazarô, nhưng tên của người nhà giàu là chi, không ai biết, chẳng ai hay. Người nhà giàu trở thành một nhân vật vô danh bởi tên tuổi của ông ta không được thánh sử Luca nhắc tới.

Một trong những cách để giải thích hiện tượng thiếu vắng tên tuổi này là bởi vì đời sống ích kỷ của ông ta đã biến người nhà giàu trở thành một thứ rác rưởi của xã hội. Một người có đời sống rác rưởi như vậy, tên tuổi của người đó không xứng đáng được ai nhắc tới.

Hỏa Ngục hay Sheol trong tiếng Cổ Do Thái cũng có nghĩa là nơi chứa rác rưởi. Ðời sống ích kỷ của người nhà giàu đã biến ông thành rác rưởi. Bởi vậy, Sheol, Hỏa Ngục, nơi chứa rác rưởi là nơi duy nhất xứng đáng dành cho những con người rác rưởi như ông ta định cư lâu đời và định cư mãi mãi.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin mở mắt con để con thấy.
 
Không phải là một phần của cảnh quan
Lm Minh Anh
15:41 08/03/2023

KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHẦN CỦA CẢNH QUAN
“Ta là Chúa, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”.

“Hãy trân trọng từng phút giây bạn có; chia sẻ cho người khác khi còn kịp! Ngày kia, bạn sẽ thấy của cải vô dụng như thế nào. Người nghèo luôn có đó, họ ‘không phải là một phần của cảnh quan’ tô điểm cuộc sống bạn, nhưng là một phần định mệnh của bạn! Hãy nhớ, chiếc đồng hồ không ngưng nghỉ, không đợi bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với ý tưởng của nhà tu đức, cả hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy, tha nhân ‘không phải là một phần của cảnh quan!’. Đó là những con người cần được tôn trọng, yêu thương và đỡ nâng. Chúa Giêsu từng ví họ là Ngài. Họ là ‘Nhà Tạm di động’ của Ngài!

Bài đọc Giêrêmia tiết lộ, Thiên Chúa ghi nhận và ân thưởng cho mọi hành vi bác ái của bạn, “Ta là Chúa, thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”. Đó là những con người nương ẩn nơi Chúa, Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”.

Trái với ai ‘nương ẩn’ nơi Chúa, Tin Mừng thuật chuyện một người ‘nương nơi’ của cải! Đó là một phú hộ xa hoa, sống cách biệt, đam mê thời trang và những món ăn ngon. Tuy thế, ông không làm hại ai; không tước đoạt Lazarô; không ngại việc Lazarô lảng vảng; cũng chẳng miệt thị Lazarô không chịu làm việc. Vậy thì đâu là tội của ông? Tội của ông là không coi Lazarô như một con người; ông không biết rằng, Lazarô ‘không phải là một phần của cảnh quan’ nhà ông. Một người mù đã từng nói, “Tôi thấy người ta như cây cối!”. Đúng thế, người giàu kia xem ra cũng chỉ nhìn thấy Lazarô ‘ngang mức cây cối!’.

Như vậy, tội của ông là tội không xót thương! “Xót thương” bắt nguồn từ tiếng Latin và Hy Lạp, có nghĩa là “cùng chịu đựng”. Thua cả người nghèo, nhà phú hộ ‘không biết đến chịu đựng!’. Đang khi việc chịu đựng đau khổ có thể khiến một con người nên ‘người’ hơn, nhân đạo hơn, cởi mở hơn trước cảnh ngộ của đồng bào. Nhờ trải nghiệm khổ đau, tầm nhìn của một người sẽ mẫn cảm hơn trước khó khăn của người khác, và trái tim người ấy dễ hoà nhịp hơn với nhịp đập trái tim của tha nhân.

Lazarô, một biểu tượng cho mọi ‘tiếng kêu thầm lặng’ thời hiện đại và những mâu thuẫn của một thế giới mà của cải và tài nguyên vô ngần đang nằm trong tay một số người. Điều này giúp chúng ta hiểu, bỏ qua một người nghèo, hoặc chỉ coi họ ‘ngang mức cây cối’ đích thị là khinh miệt Thiên Chúa! Họ ‘không phải là một phần của cảnh quan’ trong cuộc sống! Họ là ‘một phần định mệnh’ của bạn và tôi, như Lazarô là một phần định mệnh của ông nhà giàu!

Anh Chị em,

“Người nghèo, một phần định mệnh” của bạn và tôi! Như thế, họ không phải là một điều gì chúng ta muốn, hoặc không muốn. Người nghèo là những món quà Chúa gửi đến cho bạn và tôi! Quả thế, nhờ họ và qua họ, chúng ta lãnh nhận bao phần phúc của Chúa. Đừng quên, Thiên Chúa không bao giờ xem chúng ta là một phần cảnh quan có cũng được không cũng được đối với Ngài, nhưng là những con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài, những con cái đáng được máu châu báu của Con Một Ngài đổ ra để cứu chuộc. Mùa chay, mùa chúng ta ý thức, ngày kia “của cải sẽ vô dụng như thế nào”; mùa sử dụng của cải để “làm những gì có thể khi còn kịp”; mùa mỗi người không còn coi anh chị em mình ‘ngang mức cây cối’ nhưng là ‘những Nhà Tạm Giêsu di động’, hầu có thể yêu, trân trọng và cứu giúp! Vì họ ‘không phải là một phần của cảnh quan!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết rằng, con luôn luôn mắc nợ người nghèo. Cho con biết yêu mến và phục vụ Chúa trong những Nhà Tạm di động này!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Trở nên mạch nước ban ơn cứu độ
Lm Đan Vinh
15:49 08/03/2023

CN 3 MÙA CHAY A
Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42
TRỞ NÊN MẠCH NƯỚC BAN ƠN CỨU ĐỘ ĐỜI ĐỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Ga 4,5-42

(5) Vậy Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. (6) Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. (7) Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !”. (8) Quả thế, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. (9) Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. (10) Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước Hằng Sống”. (11) Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra Nước Hằng Sống? (12) Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ Gia-cóp chúng tôi, là người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy”. (13) Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. (14) Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. (15) Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. (16) Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. (17) Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng”. Đức Giê-su bảo : “Chị nói : Tôi không có chồng là phải, (18) vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. (19) Người phụ nữ nói với Người : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một Ngôn sứ… (20) Cha ông chúng tôi đã phờ phượng Thiên Chúa trên núi này. Còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. (21) Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. (22) Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. (23) Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (24) Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật”. (25) Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô sẽ đến. Khi Người đến, người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. (26) Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. (27) Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi : “Thầy cần gì vậy?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?”.(28) Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : (29) “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (30) Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. (31) Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa”. (32) Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. (33) Các môn đệ hỏi nhau : “Đã có ai mang thức ăn cho Thầy rồi chăng?”. (34) Đức Giê-su nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. (35) Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem : đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái !”.(36) Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời. Và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. (37) Thật vậy, câu tục ngữ “Kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng ! (38) Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả. Còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ”. (39) Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng : "Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm". (40) Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. (41) Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. (42) Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng : Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian”.

2. Ý CHÍNH :

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại của Đức Giê-su với một phụ nữ Sa-ma-ri. Người đã từng bước đưa chị ta đón nhận mặc khải quan trọng : Người chính là Đấng Thiên Sai, ban Nước Hằng Sống cho những ai tin vào Người và họ cũng sẽ biến thành mạch nước giúp người khác đón nhận sự sống đời đời.

3. CHÚ THÍCH :

- C 5-9 : + Đến một thành xứ Sa-ma-ri : Từ Giê-ru-sa-lem về Ga-li-lê ngang qua xứ Sa-ma-ri, Đức Giê-su đã tới giếng Gia-cóp gần thành Sy-kha (hay Si-khem) tại đất Ca-na-an (x. St 33,18; 48,22). Đây là đất mà tổ phụ Gia-cóp đã cho Giu-se và con cháu làm gia nghiệp (x. Gs 24,32). + Khoảng giờ thứ sáu : Tức khoảng mười hai giờ trưa. Người Do thái tính thời gian như sau : ban ngày có 12 giờ và ban đêm có 4 canh giờ. Ngày bắt đầu từ giờ Thứ Nhất (6g sáng) lúc mặt trời mọc, và kết thúc vào giờ Thứ Mười Hai (18g00) lúc mặt trời lặn. + “Chị cho tôi xin chút nước uống !”: Đức Giê-su chủ động xin nước uống để có cơ hội bắt chuyện, giúp người phụ nữ dần dần nhận ra Người là Đấng ban Nước Hằng Sống, đem lại ơn cứu độ cho loài người. + “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”: Từ sau khi đi lưu đày trở về, dân Do thái xây dựng lại Đền Thờ mà không cho người Sa-ma-ri cộng tác, nên họ đã xúi vua Ba-tư cản trở công cuộc tái thiết này (x. Er 4,1-16). Từ đó hai dòng giống Do thái và Sa-ma-ri tuy cùng một tổ tiên, sống sát bên nhau, nhưng lại có ác cảm và không giao tiếp với nhau. Ở đây, người phụ nữ này nhận ra Đức Giê-su là người Do thái qua giọng nói và cách ăn mặc nên đã tỏ ra ngạc nhiên và từ chối như vậy.
- C 10-15 : + “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị Nước Hằng Sống”…: Nhân dịp này, Đức Giê-su cho người phụ nữ kia biết Người là Đấng ban Nước Hằng Sống. + “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra Nước Hằng Sống?...: Người phụ nữ này chỉ hiểu lời nói của Đức Giê-su theo nghĩa thông thường là nước giếng tự nhiên, đang khi Đức Giê-su lại có ý nói đến Nước Hằng Sống là Ơn Cứu Độ. + “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” : Đức Giê-su so sánh nước giếng tự nhiên chỉ làm đã khát nhất thời, với Nước Hằng Sống mang lại sự sống đời đời mà Người sẽ ban, để khơi dậy sự khao khát nơi người này. + “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” : Đức Giê-su dẫn dắt người phụ nữ từ thái độ thù nghịch đến chỗ thân thiện. Từ vai một người xin nước đến chỗ là Đấng ban Nước Hằng Sống và chị ta đã xin Người ban thứ Nước ấy.
- C 16-22 : + “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây” : Đức Giê-su tỏ ra là người lịch sự khi muốn nói chuyện với người phụ nữ trước mặt chồng chị ta, đồng thời Người cũng muốn chị ta ý thức về thân phận tội nhân của mình. + “Chị nói : Tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng” : Đức Giê-su cho người phụ nữ ý thức tình trạng hôn nhân bất hợp pháp của mình. Một số nhà chú giải còn nhìn thấy 5 đời chồng là hình ảnh tượng trưng dân Sa-ma-ri vừa kính sợ Đức Chúa, lại vừa phụng thờ 5 vị thần khác (x. 2V 17,29-34.41). + Thưa ông, tôi thấy ông thật là một Ngôn Sứ : Người phụ nữ sửng sốt khi thấy Đức Giê-su thấu suốt đời tư của mình, và tôn xưng Người là một Ngôn sứ. Đồng thời, chị ta xin Đức Giê-su chỉ dẫn phải tôn thờ Thiên Chúa trên núi Ga-ra-dim như người Sa-ma-ri, hay thờ Chúa tại Đền Thánh Giê-ru-sa-lem như người Do Thái? + Đã đến giờ : Đức Giê-su dạy chị phụ nữ với tư cách vị Ngôn sứ : Đã đến giờ Người xuất hiện để thực hiện chương trình cứu độ. Người cho biết : việc thờ phượng tại núi này hay tại Giê-ru-sa-lem chỉ là hình bóng và đã qua rồi. Bây giờ là thời Thiên Sai, phải chấm dứt việc thờ phượng cũ để bắt đầu cách thờ phượng mới nơi bản thân Người. + Thờ Đấng mà các người không biết : Người Sa-ma-ri chỉ công nhận bộ sách Ngũ Kinh và không biết đến các sách khác, nhất là các Ngôn Sứ mặc khải về Thiên Chúa. + Còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết : Người Do thái tuân giữ toàn bộ các sách Thánh Kinh. Sau này, Tông đồ Phao-lô cũng nhấn mạnh về đặc ân đó của người Do thái (x. Rm 9,4).
- C 23-29 : + Thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí : là tôn thờ Thiên Chúa dưới sự soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. + Trong Sự Thật : Thờ Thiên Chúa trong Đức Giê-su, Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6). Tóm lại, từ nay Đức Giê-su trở nên Đền Thờ mới sẽ thay Đền Thờ cũ trên núi Ga-ra-dim hay tại Giê-ru-sa-lem. + Thiên Chúa là Thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật” : Đức Giê-su đã nêu ra một điều được cả người Do thái và người Sa-ma-ri chấp nhận là lời quả quyết: “Thiên Chúa là Thần Khí, và người ta phải thờ Người ở khắp mọi nơi, thờ chính Thiên Chúa chứ không phải thờ hình bóng của Người. Thiên Chúa là Đấng vô hình, nên Người đòi người ta phải thờ phượng Người trong tâm hồn. Một số người dựa vào câu này để từ chối thờ Chúa bằng những hình thức lễ nghi bên ngoài. Thực ra Đức Giê-su vẫn thường xuyên lên Đền thờ (x. Ga 2,13; 7,14; 11,55) và đến hội đường Do thái (x. Mt 1,21; Mt 13,54) để tham dự các nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa. Người chỉ chống lại những nghi lễ vụ hình thức mà thôi (x. Mt 15,7-9; 21,12-13). + Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô sẽ đến : Dù chưa hiểu được ý nghĩa về lời giải thích trên đây, người đàn bà này cũng quan tâm đến tôn giáo. Bà hy vọng Đấng Ki-tô sẽ đến loan báo mọi sự. + Đấng ấy chính là tôi : Bình thường, Đức Giê-su không muốn tỏ ra là Đấng Thiên Sai vì sợ dân Do thái hiểu vai trò Thiên Sai theo nghĩa chính trị. Còn ở đây nói với người phụ nữ Sa-ma-ri, Người không sợ bị hiểu lầm nên đã tỏ mình chính là Đấng Thiên Sai. + Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ : Phong tục Do thái không cho phép đàn ông nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng. Làm như vậy, Đức Giê-su đã bãi bỏ tục lệ này vì sứ mệnh rao giảng Tin Mừng quan trọng hơn thói tục của người đời. Người đến với tha nhân, bất kể họ là ai hay thuộc phái tính, dân tộc nào, để đem Tin Mừng cứu rỗi cho họ. + Đến mà xem : có một người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm : Thực ra Đức Giê-su mới chỉ nói về những người chồng của người phụ nữ này chứ chưa nói về tất cả những gì chị đã làm. Nhưng khi nói với dân chúng, chị ta đã phóng đại lên để cho người ta dễ tin theo mà thôi.
- C 30-38 : + “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết” : Đức Giê-su muốn dựa vào của ăn phần xác mà các môn đệ mời Người để nói về của ăn thiêng liêng mà các ông chưa biết. + Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy : Đức Giê-su coi việc làm theo thánh ý Chúa Cha chính là lương thực của Người. + Đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái !: Đức Giê-su dựa vào câu tục ngữ người nông dân hay nói : “Bốn tháng có qua, mùa gặt có tới”. Qua đó Người nói đến mùa gặt thiêng thiêng là cánh đồng truyền giáo đã chín vàng, vì dân Sa-ma-ri sắp kéo tới để gặp Người. Đây là hoa trái đầu mùa của mùa gặt Thiên Sai. + Đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái ! : Trong Cựu Ước, mùa gặt tượng trưng sự phán xét của Thiên Chúa, hoặc niềm vui ơn cứu độ (x. Is 9,2; Am 9,13, Tv 126,5). Trong Tân Ước, mùa gặt tượng trưng cho hoa quả của việc truyền giáo (x. Mt 9,37). Đức Giê-su gợi lên niềm vui và phần thưởng của thợ gặt là các tông đồ, khi các ông giúp nhiều người tin để được hưởng hạnh phúc Nước Trời. + Câu tục ngữ “Kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng !: Câu tục ngữ này được hiểu như sau : Người gieo chính là Đức Giê-su và hạt giống là Tin Mừng (x. Lc 8,11); Thợ gặt là các môn đệ. Mặc dù các ông chưa được sai đi, nhưng Đức Giê-su đã thấy trước viễn ảnh tốt đẹp là hoa quả do việc truyền giáo mang lại. Việc Người sắp chịu chết trên thập giá giống như hạt giống, phải chết đi mới sinh ra nhiều hoa trái (x. Ga 12,24). Công việc truyền giáo là một việc tập thể mỗi người một nhiệm vụ: “Người gieo kẻ gặt”. Do đó khi việc tông đồ mang lại nhiều kết quả thì đừng nghĩ rằng đó là thành quả do công sức của riêng mình.
- C 39-42 : + Ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm : Lời chứng của người phụ nữ được coi là dấu chỉ, là giai đoạn đầu dẫn dân thành đến niềm tin vào Đức Giê-su. + Dân Sa-ma-ri xin người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa : Đức tin sẽ được tiếp tục triển nở nhờ lời giảng dạy của Đức Giê-su. + “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng : Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian” :  Qua lời của dân thành Sa-ma-ri, chúng ta thấy một đức tin trưởng thành thì không được dựa vào người khác như cha mẹ, vợ chồng, người thân hay theo số đông, mà phải do sự lắng nghe và thực hành lời Chúa.

3. CÂU HỎI :

1) Cách tính giờ của người Do thái thế nào?
2) Đức Giê-su chủ động xin nước uống với người phụ nữ Sa-ma-ri nhằm mục đích gì?
3) Nước Hằng Sống mà Đức Giê-su hứa ban là thứ nước gì?
4) Lời Đức Giê-su dạy thờ Thiên Chúa vô hình trong Thần Khí và Sự Thật phải chăng là Người bãi bỏ tất cả các lễ nghi thờ phương bề ngoài?
5) Câu chuyện người phụ nữ Sa-ma-ri hôm nay dạy ta bài học gì về sứ mệnh loan báo Tin Mừng?
6) Câu nói của dân làng cho thấy hiệu quả của Lời Chúa tác động thế nào nơi những người tin?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,13-14a).

2. CÂU CHUYỆN :

1) ĐỨC GIÊ-SU - “NƯỚC HẰNG SỐNG” MANG LẠI HẠNH PHÚC ĐỜI ĐỜI :
Cách đây ít lâu, một số chị em người Bỉ khi suy niệm đoạn Tin mừng này, đã cùng nhau lập một tu hội tên là “Ô Vi” (Eau Vive) dịch là “Nước Hằng Sống”. Ngoài việc cầu nguyện trước Chúa Thánh Thần mỗi ngày, chị em còn mở quán ăn phục vụ khách. Trong quán, các chiêu đãi viên chính là các nữ tu. Châm ngôn của tu hội là “Phục vụ Chúa trong các thực khách”. Mỗi buổi tối vào giờ đóng cửa, chị em biến quán ăn trở thành nhà nguyện. Các thực khách được mời ở lại tham dự giờ chia sẻ Lời Chúa. Mọi người sẽ được nghe Lời Mặc Khải là Nước Hằng Sống như Đức Giê-su đã hứa ban cho người phụ nữ Sa-ma-ri xưa.

2) SỨC MẠNH LÔI CUỐN CỦA LÒNG BÁC ÁI ĐÍCH THỰC :

Có một người đàn ông nọ mới xin theo đạo. Một hôm có người muốn thử đức tin của ông ta liền lên tiếng hỏi : “Ông theo đạo Công Giáo, nhưng ông có biết Đức Giê-su là ai không?” Người tân tòng trả lời : “Dĩ nhiên là tôi biết chứ”. Người kia hỏi tiếp : “Thế Đức Giê-su sinh ra tại đâu?” Người tân tòng im lặng không trả lời được. Người kia hỏi tiếp : “Đức Giê-su chết năm bao nhiêu tuổi?” Một lần nữa, người tân tòng lại không thể trả lời. Người kia liền kết luận : “Ông chẳng hiểu biết gì về đạo. Vậy tại sao ông lại gia nhập đạo?” Bấy giờ người tân tòng mới nói : “Thú thật với ông : tôi biết rất ít về giáo lý. Nhưng điều tôi biết rất rõ là : Cách đây hai năm, do nợ ngân hàng không thanh toán được đúng hạn, nên gia đình tôi bị đuổi ra khỏi nhà mình và phải lang thang nay đây mai đó. Trong thời gian ấy, tôi trở nên nghiện rượu và hay la mắng vợ con. Vợ tôi lúc nào cũng buồn sầu khóc lóc. Các con tôi thì luôn sợ nhìn thấy bộ mặt ba của chúng. Nhưng sau đó một năm, tôi may mắn đã gặp được một linh mục tốt bụng. Ông đã tận tình giúp đỡ gia đình tôi vượt qua khó khăn : Ông giúp tôi có việc làm ổn định, và giúp gia đình tôi trở nên con cái Chúa, còn giúp tôi sống tiết độ hơn. Hiện nay tôi đã lấy lại được căn nhà cũ. Vợ chồng tôi sống rất hòa hợp hạnh phúc. Các con tôi đều khỏe mạnh, học hành tiến bộ và ngoan ngoãn hiếu thảo. Tôi xác tín rằng : Chính Đức Giê-su đã biến đổi gia đình tôi từ khi tôi gặp được Người qua con người của một vị linh mục !”
Quả thật, đúng như lời Đức Giê-su đã phán trong Tin Mừng hôm nay : “Ai uống nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

3) LÒNG MẾN CHÚA PHẢI THỂ HIỆN QUA ĐỨC YÊU NGƯỜI :
Vào một đêm trăng sáng, khi nhìn qua cửa sổ, vị tu sĩ già nhìn thấy một thiên thần đang ngồi trên một tảng đá trong khu vườn phía sau tu viện. Thiên thần cầm bút viết vào quyển sổ vàng để trước mặt. Lòng tràn ngập niềm vui, vị tu sĩ tiến lại gần thiên thần và lên tiếng hỏi : “Ngài đang viết gì vào sổ vàng thế?” Thiên thần trả lời : “Ta đang ghi tên những tín hữu đủ điều kiện để được lên thiên đàng”. Vừa hồi hộp và lo lắng, vị tu sĩ liền hỏi thiên thần xem trong sổ vàng có tên của mình không? Thiên thần liền lần giở từng trang sách ra dò, nhưng tìm mãi mà vẫn không thấy tên của vị tu sĩ. Thiên thần cho biết sở dĩ ông chưa được ghi tên vào sổ vàng, vì ông còn thiếu lòng mến Chúa. Bấy giờ vị tu sĩ lên tiếng hỏi thiên thần : “Tuy tôi chưa mến Chúa đủ, nhưng nếu tôi có tình thương tha nhân thì tôi có được ghi tên trong sổ vàng không?”. Nghe vậy, thiên thần liền gật đầu đồng ý. Thế là từ hôm đó, vị tu sĩ nhiệt tình thực hành bác ái bằng việc hăng say phục vụ những người bệnh tật, đui mù và nghèo khổ bất hạnh.
Sau khi vị tu sĩ qua đời, anh em trong dòng đã tìm thấy cuốn nhật ký của vị tu sĩ. Trong đó, ông đã viết ở trang đầu tiên như sau : ”Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy” (1 Ga 4,20). Tiếp theo là lời tâm tình của vị tu sĩ : ”Lúc đầu tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng tôi chẳng thể gặp được vì Ngài là Đấng thiêng liêng; tiếp đến, tôi đi tìm linh hồn tôi, nhưng tôi không tìm được, vì linh hồn có đặc tính vô hình; Rồi sau cùng, khi tôi quyết tâm tìm kiếm tha nhân và yêu thương họ, bằng việc chia sẻ và âm thầm phục vụ họ như phục vụ Chúa, thì tôi đã gặp cả Thiên Chúa và linh hồn mình” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

4) LÒNG THAM SẼ DẪN ĐƯA NGƯỜI TA LẠC XA CHÚA :
Có một anh thợ đào vàng mới chết và đến cổng Thiên Đàng xin thánh Phê-rô mở cửa cho vào. Thánh nhân hỏi : “Ở trần gian anh làm nghề gì?” Anh thưa : “Con làm thợ đào vàng”.
Thánh Phê-rô liền nói : “Trên thiên đàng hiện đã có quá nhiều thợ đào vàng rồi”. Nhưng anh ta vẫn nài nỉ : “Xin ngài cứ cho con vô, để con sẽ cầm đầu bọn nó, không để chúng do lòng tham mà tranh giành nhau làm mất an toàn trật tự trên thiên đàng”.
Sau đó anh chàng đã được thánh Phê-rô cho vào thiên đàng. Trước tiên anh ta đi tham quan một vòng quanh thiên đàng và đã gặp nhiều bạn bè đào vàng trước kia. Bấy giờ anh liền rỉ tai một người bạn và nói như sau : “Tớ nghe đồn là dưới hoả ngục có một mỏ vàng cực lớn. Chú mày hãy mau đi rủ bạn bè xuống dưới đó mà đào”. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, các tay thợ đào vàng liền bỏ thiên đàng, mang theo cuốc xẻng nhảy xuống hoả ngục đi tìm vàng.
Còn lại một mình, anh thợ đào vàng đứng ngồi không yên. Anh liền xin thánh Phê-rô cho xuống hoả ngục để xem tình hình ra sao. Biết đâu ở đó thực sự có mỏ vàng thì sao? Vì anh thấy bọn bạn cũ của anh đã vào hoả ngục lâu rồi mà vẫn chưa quay lại” Thánh Phê-rô liền khuyên anh : “Con đừng có ảo tưởng ! Dưới hỏa ngục làm sao có mỏ vàng được, trái lại, chỉ có đau khổ nước mắt và thói xấu ganh ghét mà thôi. Nhưng anh chàng kia không nghe lời khuyên, cứ quyết định leo rào ra ngoài để tìm đường đi xuống hỏa ngục.
Than ôi ! Thế là chính vì lòng tham không đáy mà cả bọn thợ đào vàng đều bị mất hạnh phúc thiên đàng. Ngày nay trên trần gian, do lòng tham không đáy, mà nhiều người cũng hứa sẽ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng mình để chạy theo lòng tham vàng bạc vật chất, nhắm mắt phạm các tội ác nghiêm trọng như : cướp của, giết người… để rồi phải vào tù chịu hình phạt đau khổ đời này và còn chịu bất hạnh hỏa ngục đời sau.

3. SUY NIỆM :

1) ĐỨC GIÊ-SU LÀ “NƯỚC HẰNG SỐNG” CỦA NHÂN LOẠI :
Tin Mừng CN hôm nay tường thuật cuộc đối thoại tại bờ giếng Gia-cóp, giữa Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri đại diện cho dân ngoại. Qua đó, Người đã từng bước mặc khải cho chị ta về ơn cứu độ. Đức Giê-su đã chủ động xin chị ta nước uống vật chất, để sau đó hứa ban cho chị “Nước Hằng Sống”. Tiến trình đức tin nơi chị phụ nữ Sa-ma-ri trong Tin Mừng như sau :
- Đầu tiên Đức Giê-su đi bước trước mở lời : “Cho tôi chút nước uống” (c. 7). Xin nước không phải cần nước uống, nhưng nhằm bắc một nhịp cầu vượt qua hố ngăn cách giữa hai dân tộc Do thái và Sa-ma-ri. Tuy cùng là con cháu của tổ phụ Gia-cóp, nhưng do hoàn cảnh lịch sử đã phân thành hai dân tộc nghi kỵ nhau và không giao tiếp với nhau, như lời chị phụ nữ Sa-ma-ri nói với Đức Giê-su : “Ông là người Do thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri cho ông nước uống hay sao?” (c. 9). Sau đó, từ nước giếng vật chất, Đức Giê-su đã từng bước mặc khải cho chị ta về “Nước Hằng Sống” (c. 10).
- Chính do hiểu lầm hiềm khích mà hai dân tộc Do thái và Sa-ma-ri đã chia rẽ nhau về đức tin : Người Do thái chỉ thờ Đức Chúa tại Đền Thánh Giê-ru-sa-lem, đang khi người Sa-ma-ri lại muốn phải thờ Đức Chúa tại núi Ga-ri-dim ! Còn theo Đức Giê-su : Người ta không được giới hạn Thiên Chúa tại đền thờ vật chất tại Giê-ru-sa-lem hay trên núi Ga-ri-dim. Thiên Chúa là Đấng vô hình như “Gió” và “Thần Khí”, sự thờ phượng đúng đắn nhất là thờ Thiên Chúa trong “Thần Khí” và “Sự Thật” (c. 20-24).

2) PHẢI THỜ CHÚA TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT :
Đức Giê-su dạy phải thờ phượng Thiên Chúa như sau : “Nhưng giờ đã đến,  và chính lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 23).
- Phải thờ Thiên Chúa trong Thần Khí :
Ðức Giê-su nói : “Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật”. Ngày nay nhiều người cũng đồng quan điểm khi chủ trương : “Đạo tại tâm”. Thánh Phao-lô cũng nói : “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao” (1 Cr 3,17). Mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay cũng cần xin ơn Chúa Thánh Thần giúp ta thực thi đức tin bằng đức cậy là cầu nguyện dâng lễ; và bằng đức mến là phục vụ tha nhân.  
- Phải thờ Thiên Chúa trong Sự Thật :
Sự thật là chính Đức Giê-su như Người đã tuyên bố : “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ma quỷ là cha của sự dối trá và các môn đệ của Đức Giê-su phải tránh dối trá như các đầu mục dân Do thái đã bị Đức Giê-su quở trách : “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). Còn Thiên Chúa của chúng ta thờ là Thiên Chúa của sự thật, vì thế, những kẻ gian dối, sẽ không thể gặp được Ngài là Sự Thật. Do đó mỗi người chúng ta cần có một lương tâm ngay thẳng: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,36), không quanh co, lươn lẹo, gian dối, nói một đàng làm một nẻo… thì mới có thể gặp gỡ Ngài.

3) SỨ MẠNG TRỞ THÀNH MẠCH “NƯỚC HẰNG SỐNG” CHO THA NHÂN :
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su nói về sứ vụ của người tín hữu như sau : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”? (Ga 4,13-14). Cũng như ông Phi-lip-phê sau khi đã gặp và tin Đức Giê-su, liền đi tìm bạn mình là Na-tha-na-en để chia sẻ niềm tin (x. Ga 1,45); Ma-ri-a Ma-đa-lê-na sau khi gặp Chúa Phục Sinh cũng vội đi tìm các môn đệ để loan báo Tin vui gặp Chúa Phục Sinh (x. Ga 20,18); Người phụ nữ Sa-ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay sau khi gặp gỡ và tin Đức Giê-su, cũng đã chạy vội về làng loan báo cho mọi người : “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (Ga 4,29). Mọi người nghe lời chị nói đã kéo nhau đến gặp Đức Giê-su và mời Người vào ở trọ trong làng của họ. Sau khi nghe giảng và tin Người là Đấng Thiên Sai, họ đã khẳng định niềm tin qua câu nói : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

4) LÀM GÌ ĐỂ SỐNG VÀ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN HÔM NAY? :
- Trong những ngày Mùa Chay này, chúng ta cần dành nhiều thời gian để đến gặp gỡ Chúa Giê-su trong thánh lễ, qua các buổi tĩnh tâm Mùa Chay, các giờ kinh tối gia đình… Nhờ đó chúng ta sẽ có một nguồn suối làm thỏa mãn cơn khát nội tâm, và làm cho lòng chúng ta trở thành một mạch nước mới dẫn đến ơn cứu độ.
- Cần hãm mình ăn chay để có điều kiện làm nhiều việc bác ái yêu thương như phương thế truyền giáo hữu hiệu trong hoàn cảnh xã hội hôm nay : Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã khẳng định : “Trong thế giới hôm nay người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu họ có nghe thầy dạy thì thầy dạy đó cũng là chứng nhân”. Câu chuyện sau đây chứng minh điều này:
“Có một người đàn ông nọ mới theo đạo. Một hôm có người muốn thử đức tin của ông liền hỏi : “Anh theo đạo nhưng có biết Đức Giê-su là ai không?” Người tân tòng trả lời : “Dĩ nhiên là biết chứ”. Người kia hỏi tiếp : “Thế Đức Giê-su sinh ra tại đâu?” Người tân tòng im lặng không trả lời được. Người kia hỏi tiếp : “Thế Đức Giê-su chết khi được bao nhiêu tuổi?” Một lần nữa, người tân tòng lại không biết. Người kia liền nói : “Anh chẳng biết gì về đạo. Vậy tại sao anh lại theo đạo?” Bấy giờ người tân tòng mới nói : “Thú thật với anh : tôi biết rất ít về giáo lý. Nhưng điều tôi biết rất rõ là : Cách đây hai năm, do nợ ngân hàng mất khả năng chi trả, nên gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khốn cùng bị đuổi ra khỏi nhà để sống lang thang nay đây mai đó. Trong thời gian ấy, tôi buồn chán đi uống rượu và trở thành một kẻ luôn say xỉn và khi về đến nhà là lại la mắng vợ con. Vợ tôi lúc nào cũng buồn rầu khóc lóc. Các con tôi thì luôn sợ phải nhìn thấy mặt ba của chúng. Nhưng sau đó. tôi rất may đã gặp được một linh mục tốt bụng. Ông đã tận tình giúp đỡ gia đình tôi vượt qua cơn khó khăn: Ông giúp tôi có được một công việc thu nhập ổn định, và giúp gia đình tôi trở thành con Thiên Chúa. Ông còn giúp bản thân tôi trở thành một con người sống tiết độ và có trách nhiệm hơn đối với gia đình của mình. Hiện nay tôi đã đòi lại được căn nhà cũ trước kia. Vợ chồng tôi sống với nhau rất hòa hợp hạnh phúc. Các con tôi đều khỏe mạnh, học hành tiến bộ và luôn ngoan ngoãn hiếu thảo. Tôi xác tín rằng : “Chính Đức Giê-su đã biến đổi gia đình tôi từ khi tôi gặp được Người qua trung gian một vị linh mục !” Quả thật đúng như lời Đức Giê-su đã phán trong Tin Mừng hôm nay : “Ai uống nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14b).

4. THẢO LUẬN : Bạn sẽ làm gì để đức tin vào Đức Giê-su trở thành nguồn Nước Hằng Sống cho bạn bè và người thân?

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy biến đổi chúng con trong Mùa Chay này. Xin cho chúng con gặp được Chúa trong thánh lễ, những buổi tĩnh tâm và qua những người nghèo khó … Xin cho chúng con được uống Nước Hằng Sống là Lời Chúa. Nhờ đó, cuộc đời của chúng con sẽ vui tươi hạnh phúc hơn. Xin cho chúng con quảng đại tha thứ, quên mình phục vụ và luôn đi bước trước đến với tha nhân, như Chúa đã đi bước trước bắt chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri trong Tin Mừng hôm nay.- AMEN.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:02 08/03/2023

11. Thánh danh Ma-ri-a đối với người khẩn thiết kêu cầu Mẹ chính là chìa khóa cửa thiên đàng.

(Thánh Elfleda)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 08/03/2023
81. BÁ NHẠC ĐẾN THĂM

Có một người nuôi ngựa, dắt ngựa ra chợ bán.

Anh ta đứng cả ba ngày rồi mà không có người đến hỏi mua, bèn đi đến hỏi Bá Nhạc là người chuyên môn coi tướng ngựa, nói:

- “Mời ngài đi một vòng đến chỗ ngựa tôi đứng, lúc đến thì nhìn nhìn tôi, rồi đi qua, sau đó lại quay đầu lại ngó ngó tôi, chắc chắn tôi sẽ trả ơn ngài rất hậu.”

Quả nhiên Bá Nhạc nhận lời mà đến.

Ông ta đi đến bên con ngựa, lim dim con mắt nhìn một hồi, rồi đi qua đi lại, rồi lại quay mình, rồi lại đưa tay vẽ lên vẽ xuống trên lưng con ngựa một hồi rồi mới bỏ đi.

Bá Nhạc vừa đi khỏi thì có rất nhiều khách chen nhau đến, xoay quanh bên chủ nhân con ngựa, coi ngựa hỏi giá.

Lập tức, giá của con ngựa tăng cao gấp mười lần, bán cái vèo hết ngay.

( Chính Quốc sách)

Suy tư 81:

Có một người hỏi tôi: “Khoa tướng học có phái là dị đoan không?

Tôi trả lời: “Nếu bạn đi coi bói, coi bói, bói chân gà, hoặc rờ mu rùa để người ta đoán số phận hên xui… xin sâm hoặc coi bùa Lỗ Ban… thì là dị đoan. Nhưng tướng học tự nó không phải là môn khoa học huyền bí, nên không thể là dị đoan, nó là một môn khoa học thật sự, bởi vì, tướng học là dựa trên cơ sở kinh nghiệm từ ngàn năm của con người và đúc kết lại thành một điểm thực tế cho một hành động, một bộ vị trên cơ thể con người. Chẳng hạn như đàn bà con gái mà có cái trán rộng và cao là tướng người lận đận về tình duyên, nhưng lại là người thông minh; hoặc người có môi thâm đen tự nhiên là người nham hiểm.v.v... đó không phải là dị đoan, mà là qua nghiên cứu cả ngàn người đều giống nhau như thế, trán cao mà rộng, tính tình như thế… và người ta đúc kết lại.. đàn bà có dáng cao như thế là… như thế.”

Mỗi một bộ vị trên cơ thể con người đều nói lên một hành vi, một cá tính, một sức khoẻ của người ấy, mà chính Thiên Chúa đã an bài tìềm tàng trong cơ thể con người, cái còn lại là con người tìm tòi, khám phá, nghiên cứu để phát huy cái ưu điểm và loại trừ các khuyết điểm nơi mình, nơi đồng nghiệp, nơi nhân viên, để họ ngày càng tốt hơn. Thật đúng như câu nói: “ Tướng tuỳ tâm sinh, tướng tuỳ tâm diệt.”

Nhưng cũng có những người biết võ vẽ, coi chút tướng học thì phán liều mạng làm cho người khác hoang mang.

“ Coi tướng” là coi các bộ vị trên con người mà biết tính tình của họ, nhưng nó không đơn giản như thế, vì trên cơ thể con người mỗi một bộ vị đều có liên quan đến nhau, không thể nhìn ngó như thế mà nói là như thế, nhưng cần phải tổng hợp các vị trí, bộ vị để bổ sung, ăn khớp và chính xác mới gọi là “ coi tướng”…

Tóm lại, tướng học là những nét chấm phá trên cơ thể con người, mà tạo hóa đã an bài tiềm tàng để con người khi hiểu được, khám phá ra được thì giúp nhau thăng tiến, giúp nhau phát huy cái tốt nơi người khác, để phục vụ Chúa trong mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng phụ nữ trong Ngày Quốc tế Phụ nữ
Thanh Quảng sdb
15:18 08/03/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng phụ nữ trong Ngày Quốc tế Phụ nữ

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, Đức Thánh Cha mời gọi vỗ một tràng pháo tay dành cho phụ nữ, ĐTC nói "họ xứng đáng được như vậy", đồng thời ca ngợi "trái tim dịu dàng" và "khả năng xây dựng một xã hội nhân văn hơn" của nữ giới.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

"Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi nghĩ đến tất cả quí chị em: Tôi cảm ơn quí chị em vì những cam kết xây dựng một xã hội nhân văn hơn, thông qua khả năng nắm bắt thực tế bằng con mắt sáng tạo và trái tim nhân hậu."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu như vậy trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư (8/3/2023) tại Vatican, ngài nhắc lại rằng Ngày quốc tế được kỷ niệm vào ngày 8 tháng 3, “Đây là một đặc ân của riêng cho phụ nữ!

“Một lời chúc đặc biệt cho tất cả phụ nữ ở quảng trường. Và một tràng pháo tay cho chị em phụ nữ! Họ xứng đáng điều đó!”

Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào đến các bệnh nhân, người già, các cặp vợ chồng mới cưới và các bạn trẻ.

Ngài nói: “Trong những ngày Mùa Chay này, chúng ta hãy can đảm bước đi theo bước chân của Chúa Kitô, noi gương khiêm nhường và trung thành với thánh ý Chúa”.

Mời gọi nhớ đến anh chị em Ukraine

Đức Thánh Cha kêu gọi: “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên nỗi đau của người dân Ukraine đang bị vùi dập, họ phải chịu đựng quá nhiều khổ đau… chúng ta hãy nhớ họ trong trái tim và trong lời cầu nguyện của chúng ta.”

Sáng nay, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha cũng tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, tuần này ngài nhấn mạnh đến lãnh vực rao giảng Tin Mừng của Giáo hội.
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Nhiệt tình Rao giảng Tin Mừng, Công đồng Vatican II
Vu Van An
15:53 08/03/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 8 tháng 3 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới Công đồng Vatican II. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong bài giáo lý vừa qua, chúng ta đã thấy rằng “công đồng” đầu tiên trong lịch sử Giáo hội - một công đồng, giống như Công đồng Vatican II -, công đồng đầu tiên, được triệu tập tại Giêrusalem để bàn về một vấn đề liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng, tức là việc loan báo Tin Mừng cho những người không phải là người Do Thái – người ta tin rằng chỉ có người Do Thái mới được loan báo Tin Mừng. Vào thế kỷ 20, Công đồng chung Vatican II đã trình bầy Giáo hội như dân Chúa lữ hành trong thời gian và có bản chất truyền giáo (x. sắc lệnh Ad Gentes, 2). Điều đó nghĩa là gì? Có một cây cầu giữa Công đồng đầu tiên và Công đồng cuối cùng, dưới ngọn cờ rao giảng Tin Mừng, một cây cầu mà kiến trúc sư là Chúa Thánh Thần. Hôm nay chúng ta lắng nghe Công đồng Vatican II, để khám phá ra rằng việc rao giảng Tin Mừng luôn là một công việc phục vụ của Giáo hội, không bao giờ đơn độc, không bao giờ cô lập, không bao giờ cá nhân chủ nghĩa. Việc truyền giảng Tin Mừng luôn luôn được thực hiện trong Giáo hội, nghĩa là trong cộng đồng và không có việc cải đạo vì đó không phải là truyền giảng Tin Mừng.

Thật vậy, người rao giảng Tin Mừng luôn thông truyền những gì mình đã nhận được. Thánh Phaolô là người đầu tiên viết rằng: Tin Mừng mà ngài loan báo và các cộng đoàn đã đón nhận và họ vững vàng trong đó cũng chính là Tin Mừng mà Tông Đồ đã đón nhận (x. 1 Cr 15:1-3). Đức tin được đón nhận và đức tin được thông truyền. Tính năng động giáo hội trong việc truyền tải Thông điệp này có tính ràng buộc và bảo đảm tính xác thực của việc loan báo Kitô giáo. Chính Thánh Phaolô viết cho người Galát: “Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (1:8). Đây quả là điều đẹp đẽ và tốt lành cho nhiều quan điểm hợp thời trang...

Do đó, chiều kích giáo hội của việc loan báo Tin Mừng tạo nên một tiêu chuẩn để kiểm chứng lòng nhiệt thành tông đồ. Một xác minh cần thiết, bởi vì sự cám dỗ muốn diễn tiến "một mình" luôn hiện diện, đặc biệt là khi con đường trở nên khó khăn và anh chị em cảm thấy sức nặng của việc cam kết. Nguy hiểm không kém là cơn cám dỗ muốn đi theo những con đường giả giáo hội dễ dàng hơn, chấp nhận luận lý thế gian, vốn chuộng các số liệu và các cuộc thăm dò, dựa vào sức mạnh của ý tưởng, chương trình, cấu trúc của chúng ta, "các mối liên hệ đáng kể". Điều này sai lầm, nó chỉ giúp ích một chút nhưng sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho anh chị em để loan báo sự thật về Chúa Giêsu Kitô, loan báo Tin Mừng, mới là nền tảng. Những thứ khác chỉ là thứ yếu.

Giờ đây, thưa anh chị em, chúng ta hãy đặt mình trực tiếp hơn vào trường học của Công đồng Vatican II, đọc lại một vài số của Sắc lệnh Ad Gentes , văn kiện về hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Những bản văn này của Vatican II hoàn toàn giữ nguyên giá trị của chúng ngay cả trong bối cảnh phức tạp và đa dạng của chúng ta.

Trước hết, văn kiện Ad Gentes này mời gọi chúng ta hãy coi tình yêu của Thiên Chúa Cha như nguồn mạch, vốn “do lòng nhân từ bao la và đầy lòng thương xót của Người mời gọi chúng ta tham dự cùng Người vào sự sống của Người, và tiếng kêu của Người, tức ơn gọi của chúng ta, đã quảng đại tuôn đổ và tiếp tục tuôn đổ lòng tốt thần linh của Người. Như vậy, Đấng tạo thành muôn vật cuối cùng có thể là “tất cả trong tất cả” (1Cr 15:28), đồng thời mang lại vinh quang của chính Người và hạnh phúc của chúng ta” (số 2). Đoạn văn này có tính căn bản, bởi vì nó nói rằng tình yêu của Chúa Cha dành cho mỗi con người. Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ, không … dành cho tất cả mọi người. Anh chị em hãy ghi nhớ lời này trong trí và trong tim: mọi người, mọi người, không ai bị loại trừ: đây là điều Chúa phán. Và tình yêu này dành cho mỗi con người là một tình yêu đến với mọi người nam nữ nhờ sứ mệnh của Chúa Giêsu, Đấng trung gian cứu độ và là Đấng cứu chuộc chúng ta (x. Ad Gentes, 3), và nhờ sứ vụ của Chúa Thánh Thần (x. Ad Gentes, 4), Đấng – Chúa Thánh Thần – hoạt động trong mọi người, cả ở những người đã được rửa tội và chưa được rửa tội. Chúa Thánh Thần hoạt động!

Hơn nữa, Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng nhiệm vụ của Giáo hội là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, Đấng “được sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”; do đó, văn kiện Ad Gentes tiếp tục viết, “Giáo hội, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, phải đi trên cùng một con đường mà Chúa Kitô đã đi: con đường khó nghèo và vâng phục, phục vụ và hy sinh cho đến chết, từ cái chết này, Người đã trỗi dậy thành một người chiến thắng nhờ sự phục sinh của Người” (Ad Gentes , 5). Nếu mãi trung thành với “con đường” này, thì sứ mệnh của Giáo hội là “một sự hiển linh, hay một sự biểu lộ sắc lệnh của Thiên Chúa, và sự nên trọn của nó trong thế giới và trong lịch sử thế giới” (Ad Gentes , 9).

Thưa anh chị em, những nhận xét ngắn gọn này cũng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa giáo hội về lòng nhiệt thành tông đồ của mỗi môn đệ-truyền giáo. Nhiệt tâm tông đồ không phải là lòng hăng hái; đó là một điều khác, nó là một ân sủng của Thiên Chúa, mà chúng ta phải gìn giữ. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó, bởi vì nơi dân Chúa lữ hành và loan báo Tin Mừng, không có những cá nhân chủ động hay thụ động. Không có những người rao giảng, những người loan báo Tin Mừng bằng cách này hay cách khác, và những người im lặng. Evangelii gaudium nói rằng “Tất cả những người đã được rửa tội, bất kể địa vị của họ trong Giáo hội hay trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là những tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). Anh chị em có là Kitô hữu không? “Có, con đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội”. Và anh chị em có truyền giáo không?” "Nhưng điều đó nghĩa là gì?" Nếu anh chị em không loan báo Tin Mừng, nếu anh chị em không làm chứng, nếu anh chị em không làm chứng cho Bí tích Rửa tội mà anh chị em đã lãnh nhận, cho đức tin mà Chúa đã ban cho anh chị em, thì anh chị em không phải là một Kitô hữu tốt. Nhờ phép Rửa tội đã lãnh nhận và do đó được tháp nhập vào Giáo hội, mọi người đã được rửa tội đều tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội và, trong đó, vào sứ mệnh của Chúa Kitô Vua, Tư tế và Ngôn sứ. Thưa anh chị em, nhiệm vụ này “là một và giống nhau ở mọi nơi và trong mọi điều kiện, mặc dù nó có thể được thực hiện khác nhau tùy theo hoàn cảnh” (Ad Gentes ,, 6). Điều này mời gọi chúng ta đừng trở nên cứng ngắc hoặc hóa đá; nó cứu chúng ta khỏi sự khắc khoải không phải của Thiên Chúa. Lòng nhiệt thành truyền giáo của người tín hữu cũng thể hiện như một cuộc tìm kiếm sáng tạo những cách thức mới để loan báo và làm chứng, những cách thức mới để gặp gỡ nhân loại bị tổn thương mà Chúa Kitô đã đảm nhận. Tóm lại, những cách thức mới để phục vụ Tin Mừng và phục vụ nhân loại. Truyền giảng Tin Mừng là một việc phục vụ. Nếu ai nói rằng mình là người rao giảng Tin Mừng, mà không có thái độ đó, tấm lòng đầy tớ đó, và tự cho mình là ông chủ, thì người đó không phải là người rao giảng Tin Mừng, không… họ thật khốn nạn.

Việc trở về với suối nguồn tình yêu của Chúa Cha và sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần không đóng kín chúng ta trong không gian tĩnh lặng bản thân. Ngược lại, nó dẫn chúng ta đến chỗ nhận ra tính nhưng không của hồng phúc sự sống viên mãn mà chúng ta được mời gọi, một hồng phúc mà vì thế chúng ta ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Hồng phúc này không chỉ dành cho chúng ta, mà còn được trao cho những người khác. Và nó cũng dẫn chúng ta đến việc sống trọn vẹn hơn bao giờ hết những gì chúng ta đã lãnh nhận, bằng cách chia sẻ nó với người khác, với tinh thần trách nhiệm và cùng nhau đồng hành trên những nẻo đường, thường là những chặng đường quanh co và khó khăn của lịch sử, trong sự chờ đợi tỉnh táo và siêng năng việc nên trọn của nó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn này, để nắm lấy ơn gọi Kitô hữu này và tạ ơn Chúa vì những gì Người đã ban cho chúng ta, tức kho báu này. Và để cố gắng truyền đạt nó cho người khác.
 
Thống kê của Vatican cho thấy sự suy giảm giáo sĩ và nam nữ tu sĩ trên toàn thế giới vào năm 2021
Thanh Quảng sdb
16:56 08/03/2023
Thống kê của Vatican cho thấy sự suy giảm giáo sĩ và nam nữ tu sĩ trên toàn thế giới vào năm 2021

(UCA - Carol Glatz)

Theo thống kê của Vatican, số người Công Giáo và phó tế vĩnh viễn trên thế giới đã tăng lên vào năm 2021, trong khi số lượng chủng sinh, linh mục và nam nữ tu sĩ giảm sút.

Vào cuối năm 2021, số người Công Giáo trên thế giới đạt 1,378 tỷ người, tăng 1,3% so với 1,36 tỷ người Công Giáo vào cuối năm 2020, theo Văn phòng Thống kê Giáo hội Trung ương của Vatican. Trong khi dân số thế giới tăng 1,6% trong cùng thời kỳ.

Theo tờ L'Osservatore Romano của Vatican đã đăng một bài tổng quan ngắn gọn về các số toàn cầu vào ngày 3 tháng Ba năm nay.

Trong khi người Công Giáo vẫn chiếm khoảng 17,67% dân số toàn cầu, tỷ lệ ở Châu Phi khoảng 3,1% và ở Châu Mỹ và Châu Á khoảng 1% mỗi nơi, bản tóm tắt dựa trên những con số được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Châu Mỹ có 48% người Công Giáo trên thế giới và Brazil là quốc gia có số lượng người Công Giáo nhiều nhất thế giới với gần 180 triệu người.

Trong khi châu Mỹ có 48% người Công Giáo trên thế giới, thì châu Mỹ chỉ có 29% linh mục trên thế giới. Chỉ hơn 20 phần trăm người Công Giáo trên thế giới sống ở Châu Âu, nhưng 39,3 phần trăm linh mục trên thế giới phục vụ ở đó.

Vatican cho hay 19,3% người Công Giáo trên thế giới sống ở Châu Phi và được phục vụ bởi hơn 12% linh mục trên thế giới; 11 phần trăm người Công Giáo ở Châu Á và được phục vụ bởi hơn 17 phần trăm linh mục trên thế giới; và chỉ 0,8% dân số Công Giáo toàn cầu sống ở Châu Đại Dương, nơi có 1% linh mục trên thế giới phục vụ.

Giáo Hội Công Giáo cũng có 5.340 giám mục vào cuối năm 2021, giảm nhẹ so với 5.363 vào cuối năm 2020. Trên toàn cầu, trung bình mỗi giám mục có 76 linh mục.

Văn phòng Vatican cho biết tổng số linh mục triều và dòng đã giảm 0,57% trên toàn cầu xuống còn 407,872. Mức giảm cụ thể là 0,32% đối với các linh mục triều và 1,1% đối với các linh mục dòng.

Văn phòng thống kê ghi nhận sự mất cân bằng "nghiêm trọng" trong tỷ lệ người Công Giáo trên một linh mục ở Châu Mỹ và Châu Phi. Trên toàn cầu, cứ 3.373 người Công Giáo trên thế giới thì có một linh mục. Nhưng tỷ lệ là một linh mục cho 5.534 người Công Giáo ở Châu Mỹ và một linh mục cho mỗi 5.101 người Công Giáo ở Châu Phi. Có 1.784 người Công Giáo trên một linh mục ở Châu Âu, 2.137 người Công Giáo trên một linh mục ở Châu Á và 2.437 người Công Giáo trên một linh mục ở Châu Đại Dương.

Văn phòng cho biết số lượng tu sĩ giảm vào năm 2021 xuống còn 49.774 - giảm khoảng 1,6% so với 50.569 của năm trước. Các con số giảm ở mọi khu vực ngoại trừ Châu Phi nơi nó tăng 2,2%.

Báo cáo cho biết tổng số nữ tu là 608.958 vào cuối năm 2021 – giảm 1,7% so với 619.546 vào cuối năm 2020.

Con số các phó tế vĩnh viễn - 49.176 - đã tăng 1,1 phần trăm so với năm trước, phần lớn trong số họ phục vụ ở Châu Mỹ.

Số chủng sinh trên toàn cầu giảm 1,8% xuống còn 109.895. Khoảng 61 phần trăm trong số họ là chủng sinh cho giáo phận và 39 phần trăm trong số họ cho dòng tu.

Văn phòng Vatican cũng cho biết số lượng chủng sinh đã giảm hàng năm kể từ năm 2013. Mức tăng duy nhất theo khu vực trong năm 2021 là ở Châu Phi với 0,6% và số lượng chủng sinh giảm mạnh nhất là ở Bắc Mỹ và Châu Âu với mức giảm 5,8% mỗi khu vực vào năm 2021.
 
Từ người vô thần đến linh mục: Chúa chiếm được trái tim tôi trong 30 giây
Đặng Tự Do
17:04 08/03/2023


Chỉ 30 giây là tất cả những gì Chúa cần để cho Christopher Kralka thấy ơn gọi thực sự của mình là chức tư tế.

Chàng thanh niên người Ba Lan đến từ Kielce, đông nam Ba Lan, này đã hoàn toàn quay lưng lại với Giáo hội. Trong nhiều năm, anh ta thậm chí còn không bước qua ngưỡng cửa của bất kỳ tòa nhà tôn giáo nào, tin rằng Giáo hội là một thể chế lạc hậu không liên quan gì đến thế giới quan hiện đại. Cho đến ngày mọi thứ thay đổi, trong chuyến tông du Ba Lan của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào tháng 8 năm 2002.

Hôm đó, ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, Christopher tỏ ra khó chịu. Anh ấy tự hỏi làm thế nào anh ấy có thể sống sót sau sự kiện này, sự kiện đã được đưa tin bởi tất cả các phương tiện truyền thông của đất nước. Tất nhiên, không giống như phần lớn đồng bào của mình, anh ấy không có ý định xem các chương trình phát sóng trên truyền hình.

“Tôi không muốn bật tivi lên, nhưng ngày hôm đó tôi cảm thấy một áp lực nội tâm lạ thường: áp lực phải lắng nghe những lời của Đức Giáo Hoàng. Chủ đề cuộc hành hương của ngài là một câu trong Kinh thánh: 'Thiên Chúa giàu lòng thương xót' (Eph 2:4). Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Giêsu đã chết cho tất cả mọi người. Tôi xúc động trước những lời nói của ngài đến nỗi không thể đứng dậy khỏi ghế của mình,” người thanh niên vài năm sau trở thành Cha Christopher nói với Aleteia.

Khi bắt đầu lắng nghe những lời của Đức Gioan Phaolô II, Christopher cảm thấy như mình đang ở trong trạng thái xuất thần. Và khi bố mẹ anh nhờ anh giúp họ làm vườn, anh từ chối, nói rằng anh không thể rời khỏi màn hình vì anh đang xem Đức Giáo Hoàng.

“Họ nghĩ đó là cái cớ để tôi không giúp họ! Nhưng tôi đã có kinh nghiệm về Chúa, về tình yêu và sự đón nhận của Người. Tôi cảm thấy niềm vui, sự tự do và một sự bình yên vô cùng vào lúc đó. Bây giờ tôi biết đó là Chúa Thánh Thần”. Một giọng nói bên trong thì thầm với anh rằng anh sẽ nhận được một món quà đặc biệt. “Khi tôi nói với Chúa rằng tôi chọn Ngài, tôi gần như ngay lập tức nghe thấy câu trả lời của Ngài trong lòng: 'Hãy trở thành một linh mục',” anh nói.

Cha Christopher thừa nhận rằng ngay sau khi khoảnh khắc này trôi qua, anh đã đặt câu hỏi về tính thực tế của nó. “Sau khi ngừng lắng nghe Đức Giáo Hoàng, tôi đã có một lúc nghi ngờ. Tại thời điểm đó, tôi đã nói 'không!' Tôi không thể tưởng tượng mình là một linh mục. Tôi là ví dụ hoàn hảo của một người chống đối. Đối với tôi, các linh mục dường như là những người thấp kém. Nói theo con người, tôi nghĩ đó thực sự là lựa chọn tồi tệ nhất. Nhưng bên trong, không mất nhiều thời gian để trải nghiệm thấm nhuần. Tôi vui mừng và nhẹ nhõm nhận ra con đường mà Chúa đã chuẩn bị cho tôi, và chính con đường này sẽ cho phép tôi được chữa lành và khiến tôi hạnh phúc”.

Đó là lý do tại sao, sau khoảng 30 giây, Christopher cuối cùng đã nói “vâng” với Chúa. “Đó là một tính toán nhanh chóng. Tôi nhận ra rằng hoặc tôi sẽ sống một cuộc đời như tôi đã sống cho đến lúc đó, nghĩa là chìm đắm trong tội lỗi, hoặc tôi sẽ chọn một cuộc sống trong ánh sáng, với tư cách là một linh mục. Và đó không phải là một quyết định giữa những con đường tốt hơn hay tệ hơn. Không, đó là sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết,” Christopher, người đã trở thành Cha xứ Pallottine từ năm 2009, thừa nhận.

Truyền giáo cho giới trẻ

Trước đó, cuộc sống của Christopher bao gồm “giả vờ, thể hiện mặt tốt nhất của tôi, nghĩa là liên tục đeo mặt nạ.” Nhưng Thiên Chúa đã có thể “phá vỡ tất cả sự giả dối đó. (…) Tôi không nghi ngờ gì về việc Ngài tiếp tục theo dõi và hướng dẫn tôi. Ngài ở đó, Ngài dõi theo tôi, Ngài truyền cảm hứng cho tôi trong niềm đam mê thực sự của mình: đó là truyền giáo cho những người trẻ tuổi.”

“Tôi cố gắng cho các bạn trẻ thấy Chúa Giêsu là ai, Ngài đã làm gì cho chúng ta và làm thế nào Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự yếu đuối. Tôi giải thích điều gì xảy ra với một người tiếp nhận Chúa Giêsu vào cuộc sống của họ. Tôi cũng nói với họ rằng con người không thể chiến thắng cái ác nếu không có Chúa. Cuối cùng, tôi hỏi họ có muốn Chúa Giêsu giải thoát họ khỏi tội lỗi, nghĩa là khỏi những gì họ không thể chịu đựng được không. Họ quyết định xem họ có muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa Giêsu hay không, họ có muốn Ngài là Đấng Cứu Rỗi của họ hay không”. Cha Christopher kết luận rằng sẽ rất tốt cho những người trẻ này biết rằng Giáo hội có một kho tàng nơi con người Chúa Giêsu, là câu trả lời cho những đau khổ và khó khăn của chúng ta. Ngài hiểu điều này bằng cách thưa “vâng” với Chúa Giêsu. Chỉ mất 30 giây để Chúa Giêsu chiếm được trái tim của ngài.
Source:Aleteia
 
Ở nơi Chúa cũng ngậm ngùi: Số nhà 144 đường Yablunska, Bucha
Đặng Tự Do
17:05 08/03/2023


Hôm thứ Hai, ngày 6 tháng 3, tại Bucha, số nhà 144 phố Yablunska, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã cầu nguyện cho những người Ukraine bị giết trong ngày đầu tiên quân Nga xâm lược thành phố. Người thân của các nạn nhân đã tham gia buổi cầu nguyện cùng với nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Một năm trước, khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, tám người đàn ông ở Bucha đã tự nguyện thành lập một lực lượng bảo vệ lãnh thổ. Vào ngày 4 tháng 3 năm 2022, khi người Nga vào thành phố, họ tìm thấy họ trong một ngôi nhà ở số 144 đường Yablunska, đưa họ đi chân trần ra ngoài, tra tấn và giết họ.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã đến thăm nơi này, “nơi đẫm máu và đau thương,” và tưởng nhớ các nạn nhân. Các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ Irpin, Cha Myroslav Latynnyk, cha sở giáo xứ Chúa Giáng Sinh của Đức Trinh Nữ Maria, và Cha Vitaliy Voetsa, tuyên úy quân y của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã cầu nguyện với Đức Tổng Giám Mục.

“Hôm nay chúng ta ở đây, tại nơi này - nơi giao tranh đẫm máu, nơi tất cả đã xảy ra một năm trước. Nơi này sẽ trở thành biểu tượng cho nỗi đau của Ukraine, biểu tượng cho tội ác mà những kẻ xâm lược Nga đã gây ra khi đến vùng đất yên bình của chúng ta để giết chóc, tàn phá và hủy diệt”.

Thi thể của 13 cư dân được tìm thấy tại căn cứ Agrobudpostach, nơi quân xâm lược đặt trụ sở sau khi Bucha được giải phóng.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav kêu gọi mọi người ghi nhớ tội ác của đối phương và nhấn mạnh rằng anh hùng không chết.

“Giống như mặt trời vượt qua bóng tối, mùa xuân chắc chắn sẽ chiến thắng mùa đông, vì vậy chúng ta, những Kitô Hữu, tin rằng những anh hùng không chết. Đó là điều Chúa đã ban cho những người sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ vì sự bất tử của quê hương”.

Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây. “Chúng ta muốn nói với cả thế giới những gì đang xảy ra ở Ukraine. Vì vậy, hôm nay, chúng ta nói: 'Hãy đến và nhìn vào đây, tại nơi đẫm máu này. Hãy nhìn vào mắt của những người đàn ông đã không nao núng hy sinh mạng sống của họ cho quê hương của họ.'“

Sau buổi cầu nguyện, Đức Tổng Giám Mục đã gặp gỡ gia đình của các anh hùng: cha mẹ, vợ, anh chị em và bạn bè. Ngài bày tỏ lời chia buồn, bày tỏ lòng kính trọng và cảm ơn họ.

“Với tới tất cả các bạn, gia đình và bạn bè, cho phép tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất. Hôm nay chúng ta muốn cầu nguyện với anh chị em ở đây và chia sẻ nỗi đau của anh chị em vì nỗi đau được chia sẻ ít đau hơn. Nó được nhìn thấy trong mắt anh chị em. Những vết thương này làm anh chị em đau lòng. Những chàng trai trẻ đó lẽ ra đã sống và tiếp tục sống, nhưng họ không còn ở bên anh chị em ngày hôm nay nữa. Ai đó đã có quyền quyết định ai nên sống và ai nên chết. Vì vậy, hãy chấp nhận lời chia buồn của chúng ta, sự tôn trọng của chúng ta đối với nỗi đau của anh chị em.”

Ngài kêu gọi tôn vinh nơi hành quyết những người Ukraine ở Bucha, tại 144 phố Yablunska, và bày tỏ hy vọng rằng một đài tưởng niệm sẽ sớm được dựng lên ở đó để tưởng nhớ các anh hùng trong lời cầu nguyện.
Source:UGCC
 
Thống kê mới nhất của Giáo Hội Công Giáo: Phi Châu có thêm gần 1.000 linh mục trong một năm
Đặng Tự Do
17:09 08/03/2023


Nhà xuất bản Vatican vừa công bố ấn bản năm 2023 của Niên giám Tòa Thánh, tập hợp dữ liệu về đời sống của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới từ ngày 1 tháng 12 năm 2021 đến ngày 30 tháng 11 năm 2022, cũng như Annuarium Statisticum Ecclesiae 2021 hay Niên Giám Thống Kê hàng năm, cung cấp một cái nhìn toàn cầu về hoạt động mục vụ của Giáo Hội Công Giáo trong 3.030 khu vực giáo hội trên thế giới.

Dữ liệu cho thấy ơn gọi tu sĩ và linh mục đang giảm sút ở Âu Châu, trong khi đang gia tăng ở Phi Châu.

Một bản tóm tắt được xuất bản bởi trên tờ Quan Sát Viên Rôma xem xét dữ liệu được tổng hợp bởi niên giám thống kê này, cho thấy số người Công Giáo đã được rửa tội tăng 1,3% trên thế giới từ năm 2020 đến năm 2021, một tỷ lệ ít hơn hơn tốc độ tăng dân số toàn cầu, ước tính là 1,6%. Cột mốc mang tính biểu tượng của tám tỷ cư dân trên trái đất đã được vượt qua, với việc Liên Hiệp Quốc xác định thời điểm vượt qua ngưỡng này là ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Theo xu hướng trong vài năm qua, sự phát triển của số lượng người Công Giáo theo các hướng khá khác nhau tùy theo các châu lục, với sự gia tăng đáng kể ở Phi Châu (+3,1%), khiêm tốn hơn ở Mỹ Châu (+1,01%) và Á Châu (+0,99%), và tình trạng trì trệ ở Âu Châu.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, người Công Giáo chiếm tổng cộng 17,67% dân số thế giới. Người Công Giáo chỉ chiếm đa số ở Mỹ Châu với 64,1% dân số, và thiểu số ở Âu Châu (39,6%), Châu Đại Dương (25,9%), Phi Châu (19,4%) và ở Á Châu chỉ có (3,3%).

Tỷ lệ người Công Giáo trên toàn cầu đã giảm ở lục địa Âu Châu, từ 21% xuống 18% tổng số chỉ trong một năm. Một cách hợp lý, dựa trên tháp tuổi, tỷ lệ của Phi Châu đang tăng lên, gấp đôi so với Âu Châu, với 19,3% người Công Giáo đã được rửa tội trên thế giới.

Ở cấp độ toàn cầu, số lượng giáo sĩ đã giảm 0,39% trong một năm. Niên giám liệt kê 5.340 giám mục, 407.872 linh mục và 49.176 phó tế vĩnh viễn tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021. Trung bình, trên phạm vi toàn thế giới, Niên giám thống kê tính cứ 76 linh mục và 258.000 người Công Giáo thì có một giám mục.

Thách thức đối với ơn gọi linh mục vẫn còn, với số lượng linh mục giảm 0,57% trên toàn thế giới từ năm 2020 đến năm 2021, từ 410.219 xuống còn 407.872 đơn vị.

Sự gia tăng gần một nghìn linh mục ở Phi Châu, và sự gia tăng nhiều sắc thái hơn ở Á Châu và Châu Đại Dương, đã bù đắp một phần cho sự sụt giảm hàng giáo sĩ ở Âu Châu.

Tuy nhiên, Lục địa già vẫn có tỷ lệ nhân viên linh mục cao, với một linh mục cho mỗi 1.784 người được rửa tội, so với một linh mục cho mỗi 5.000 người được rửa tội ở Nam Mỹ.

Chức phó tế vĩnh viễn đang phát triển ở Âu Châu (với 15.438 phó tế) và ở Mỹ Châu (tổng cộng 32.373, với sự hiện diện mạnh mẽ của chức phó tế ở Hoa Kỳ nói riêng), nhưng vẫn còn hiếm ở Phi Châu, Á Châu và Châu Đại Dương.

Số tu sĩ nam nữ không có chức linh mục đang giảm đi đáng kể, đặc biệt là ở Âu Châu, Châu Đại Dương và Mỹ Châu, trong khi số người thánh hiến đang gia tăng ở Phi Châu. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới có tổng cộng 608.958 nữ tu và 49.774 nam tu không phải là giáo sĩ.

Số lượng chủng sinh cũng tiếp tục giảm, với mức giảm chung là 1,8% trên toàn thế giới và mức giảm đặc biệt đáng chú ý ở Bắc Mỹ và Âu Châu (-5,8%). Về mặt tương đối, số lượng chủng sinh vẫn cao hơn ở Âu Châu (5,01 trên 100.000 người Công Giáo) so với ở Nam Mỹ (4,13). Á Châu có một tỷ lệ đáng kể về ơn gọi linh mục trong bối cảnh thiểu số, với 20,96 chủng sinh trên 100.000 người được rửa tội.

Ngưỡng canh tân hàng giáo sĩ được ước tính là 12,5 chủng sinh trên 100 linh mục. Âu Châu thấp hơn (9 chủng sinh trên 100 linh mục), cũng như Bắc Mỹ (11,21 trên 100), trong khi Phi Châu cho thấy một tỷ lệ ngoạn mục (65 trên 100), điều này cho thấy rằng nó sẽ tiếp tục phát triển về nhân khẩu giáo hội trong những thập kỷ tới.
Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tháo dỡ hai cây Thánh giá 127 năm tuổi trên đỉnh tháp kẽm Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Sơn Nữ, SPC
11:15 08/03/2023
Tháo dỡ hai cây Thánh giá 127 năm tuổi trên đỉnh tháp kẽm Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Ngày 08/03/2023

TGPSG - “Hôm nay chạm vào cây Thánh giá này là chạm đến điều linh thiêng nhất đối với chúng ta”, Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân - Trưởng ban Trùng tu Nhà thờ Đức Bà - đã xúc động thốt lên điều này khi đón cây Thánh giá từ trên đỉnh tháp kẽm xuống mặt đất vào lúc 9g40 ngày 6-3-2023.

Xem Hình

Vào lúc 9g30 ngày 6-3-2023, sau khi từng bu-lông, ốc vít liên kết Thánh giá với đỉnh tháp kẽm được tháo ra, cây Thánh giá phía trường Hòa Bình cao 3m95, chiều ngang 1m84 đã được nhấc lên khỏi đỉnh tháp kẽm dưới sự hướng dẫn của ông Mark Willems (Giám đốc kỹ thuật dự án trùng tu) và ông Ghislain Claerbout (Chuyên gia cao cấp về kết cấu và trùng tu của Tập đoàn Monument, Bỉ).

Ông Ghislain và ông Mark Willems đã ra hiệu lệnh cho người điều khiển cần cẩu nhấc Thánh giá lên và đưa xuống mặt đất an toàn.

Đón cây Thánh giá tại mặt đất có sự chứng kiến của Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân - Trưởng ban Trùng tu, Linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh - Phó ban Trùng tu, Bà Ngô Phương Thanh - Giám đốc công ty Eurohaus-Haustechnik.

Linh mục Ignatio và Linh mục Phêrô đã đến chạm tay và ngắm nhìn cây Thánh giá với sự xúc động.

10g10, cây Thánh giá phía Bưu điện cũng được đưa xuống an toàn.

Khi hai cây Thánh giá đã được đưa nằm xuống cách an toàn và trân trọng, Linh mục Trường ban Trùng tu, Ban Trùng tu cùng các chuyên gia đã rất vui mừng chạm tay vào hai vật phẩm thánh thiêng này.

Linh mục Trưởng ban Trùng tu xúc động chia sẻ:

“Hôm nay là một ngày đặc biệt quan trọng đối với Tổng Giáo phận Sài Gòn. Sau thời gian chuẩn bị rất lâu và trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, gian nan, cùng với cả nước mắt nữa, tôi, ban Trùng tu và các chuyên gia đã chạm tay vào hai cây Thánh giá đã từng được đặt trên nóc Nhà thờ của chúng ta trong suốt 127 năm qua. Tất cả các chuyên gia, anh em kỹ sư, các công nhân đã rất xúc động khi chạm vào hai cây Thánh giá được gỡ xuống để đem sang Bỉ phục chế. Chạm vào cây Thánh giá là chạm đến điều linh thiêng nhất đối với chúng ta.”

Linh mục Ignatio dâng lời tạ ơn Chúa và cảm ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện và đóng góp cho việc trùng tu và xin thêm lời cầu nguyện cho cho công việc chung của cả Giáo phận.

Sau khi đã sắp xếp hai cây Thánh giá xong, Linh mục Ignatio đã ban phép lành để hành trình đưa Thánh giá qua Bỉ phục chế được bình an.

Bài: Sơn Nữ, SPC

Ảnh: Sơn Nữ, SPC & Lê Bình

Video: Media TGPSG
 
Chuyện Bà Ngãi, Người Quét Rác Âm Thầm tại GP Hà Nội
Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa
21:50 08/03/2023
Chuyện Bà Ngãi, Người Quét Rác Âm Thầm

Mọi người đều gọi bà theo tên gọi của chồng là bà Ngãi. Mãi cho đến hôm bà qua đời, tôi mới được biết tên thật của bà là bà Maria Trần Thị Mầu. Bà sinh ra và lớn lên ở họ Đinh Đồng thuộc xứ An Phú, nay là giáo xứ Đinh Đồng. Bà lấy chồng về làng Tâng. Bà có năm người con. Tất cả đều đã trưởng thành. Chồng bà đã về với Chúa được mười bẩy năm. Kể từ đó, bà sống âm thầm một mình trong căn nhà cấp bốn đơn sơ. Có lần ra thăm, tôi hỏi bà là tại sao bà không sống với các con? Bà bảo bà thích sống một mình cho thanh thản. Bà rất ít nói. Thi thoảng mới thấy bà mỉm cười. Bà chỉ lo làm việc và cầu nguyện chứ không hề to tiếng với ai bao giờ. Có lẽ, bà là hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam luôn âm thầm hy sinh cho chồng, cho con.

Những ai đến với giáo xứ An Phú vào các buổi sáng, chắc chắn sẽ gặp hai người phụ nữ quét rác đó là bà Ngãi và bà Lành. Bà Ngãi ngoài làm công việc quét rác, bà còn là trưởng hội cầu nguyện tại hang đá Đức Mẹ. Sau khi làm sạch sẽ khuôn viên nhà thờ, nhà xứ, một nhóm các bà cùng nhau lần hạt mân côi trước hang đá Đức Mẹ. Cũng không nhiều giáo xứ có được các nhóm đạo đức như thế này. Tuy chỉ có 8 người nhưng họ luôn giữ thói quen cầu nguyện mỗi ngày. Dù trời nắng hay trời mưa, dù là trời nóng hay trời lạnh thì các bà vẫn trung thành với việc quét rác và giờ cầu nguyện. Bà Ngãi tuy đã ngoài chín mươi nhưng trông bà vẫn còn rất linh hoạt và nhanh nhẹn. Hồi mới về xứ, tôi cứ tưởng bà Ngãi với bà Lành bằng tuổi nhau, nhưng thực ra hai người chênh nhau tới mười lăm tuổi. Bà quét rác trong sự bình tĩnh, không vội vàng, không hấp tấp. Tôi học được rất nhiều bài học từ người phụ nữ trầm lắng và ít nói này.

Bài học đầu tiên bà để lại cho tôi đó là làm các công việc dù nhỏ bé tầm thường nhưng làm với sự tự nguyện và vui tươi. Mỗi ngày trên trần gian này có biết bao nhiêu công việc con người phải thực hiện. Thử hỏi có được mấy người làm các công việc của mình với tình yêu và niềm vui? Các linh mục chúng tôi mỗi ngày có năm giờ kinh phụng vụ. Nhiều khi chúng tôi cũng chỉ làm cho xong chuyện chứ chưa làm với một con tim nồng nàn tình yêu. Vì thế mà chất lượng của các công việc đó, cho dù là thiêng liêng cao cả nhưng lại chẳng có giá trị là bao nhiêu. Nhiều người thì vật lộn với công việc để mưu sinh. Công việc đôi khi là gánh nặng khiến họ trở nên căng thẳng. Dừng lại một chút để suy tư, ta mới thấy chỉ khi ta làm việc với một con tim nồng nàn tình yêu thì công việc mới cho ta niềm vui sống và hạnh phúc thực sự.

Bài học thứ hai tôi học được nơi bà đó là sự sẵn sàng cho đi tất cả. Hầu như tháng nào bà cũng dành dụm tiền tiết kiệm các con gửi cho bà chữa bệnh để dâng vào nhà thờ. Mỗi lần bà đưa tiền cho tôi, bà đều dặn tôi rằng xin cha đừng nói cho ai biết. Tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh bà goá nghèo trong Tin Mừng được Chúa khen là đã bỏ nhiều nhất vào hòm tiền Đền Thờ dù bà chỉ bỏ có ¼ xu, số tiền chẳng đáng là bao so với những người giàu có khác, nhưng bà đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có (x. Mc 12, 41-44). Tới thăm bà, tôi thấy ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, chẳng có vật dụng gì giá trị. Bà không dùng tiền để sắm sửa tiện nghi cho bản thân mà luôn nghĩ dâng cho Chúa để xây dựng nhà Chúa. Đó là một bông hoa đẹp trong vườn hoa của Giáo Hội.

Bài học thứ ba mà tôi học được nơi bà đó là sự tự lập trong mọi việc. Dù đã ngoài chín mươi, nhưng bà không cần con cái hầu hạ. Bà vẫn làm mọi công việc cơm nước nhà cửa một cách chu tất. Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20, 28). Nhìn lại đời sống của các linh mục chúng tôi, nhiều khi chúng tôi chưa thực sự làm được những gì Chúa dạy. Chúng tôi vẫn còn thích được phục vụ hơn là phục vụ người khác. Chúng tôi dựa vào quyền bính để sai khiến anh em chứ chưa dấn thân để đem lại hạnh phúc cho anh em. Một số linh mục trẻ mới ra trường đã bắt đầu có tư tưởng hưởng thụ. Đó quả là một nỗi âu lo không hề nhỏ cho Giáo Hội.

Những ngày tháng cuối đời, bà đã có sự chuẩn bị sẵn sàng. Bà đã được đón nhận các bí tích sau hết và được rước Mình Thánh Chúa đến tận ngày cuối cùng. Sơ Đài, người cử hành nghi thức liệm xác cho bà nói với tôi rằng khuôn mặt của bà rất đẹp, có khi còn đẹp hơn lúc sống. Tôi tin rằng đây là một người đã sống AN nên cuối cùng đã được chết LÀNH. Hơn mười năm quét rác cho nhà thờ, bà đã làm sạch sẽ cho Nhà Chúa nên tâm hồn bà cũng đã được Chúa tẩy sạch mọi vết nhơ tội khiên. Trong Thánh lễ an táng của bà, tôi chọn đọc bài Tin Mừng của Thánh Gioan “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi thì mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24). Quả thực, giờ chết là giờ con người được tôn vinh. Bà đã sống một cuộc đời quá đẹp nên chắc chắn bà sẽ đi về miền hạnh phúc, nơi mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những kẻ yêu mến Người.

Chúng tôi sẽ luôn nhớ cầu nguyện cho bà. Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót tha thứ cho những khiếm khuyết của bà để bà sớm được về hưởng nhan thánh Chúa. Xin bà cũng cầu cùng Chúa cho chúng tôi được sống một cuộc đời an yên như bà đã sống.

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

 
TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023 - Phần 2 - chủ đề Tham Gia
Khanh Lai
22:52 08/03/2023
TĨNH TÂM MÙA CHAY 2023.

CHỦ ĐỀ: SỐNG TINH THẦN GIÁO HỘI HIỆP HÀNH.

Ngày Thứ Hai tại Lakemba với chủ đề “Tham Gia”

“SỐNG TINH THẦN GIÁO HỘI HIỆP HÀNH – chủ đề Tham Gia” - là chủ đề mà Cha Phaolo Nguyễn Trọng Thiên, dòng Ngôi Lời SVD Giảng thuyết trong ngày thứ 2, tĩnh tâm mùa Chay 2023 vào lúc 7pm, tại Lakemba.



Mọi người đều hát bài Hành Trang Tuồi Trẻ để chuẩn bị cho buổi giảng thuyết hôm nay, sau đó Lm. Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết và cha Nguyễn Trọng Thiên bước lên bàn thờ, thắp hương trước Thánh Giá, với 33 ngọn nến cháy lung linh, tượng trưng cho 33 năm cuộc đời Chúa Giêsu. Qua lời giới thiệu của Lm. Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết về vài hàng tiểu sử và chủ đề thuyết giảng hôm nay, sau đó ca đoàn Lakemba cất tiếng hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần và bắt đầu Thuyết Giảng.



Với khuôn mặt hiền lành của Lm. Nguyễn Trọng Thiên và nụ cười vui tươi như một lời chào tới tất cả giáo dân tới tham dự hôm nay, mở đầu bằng câu chuyện 2 vợ chồng giận nhau và muốn chia tay, mỗi người bước đi một hướng và đếm tới 100 bước, nhưng mới có 99 bước thì ông chồng quay lại nhìn bà vợ, bỗng giật mình vì thấy vợ đăng đứng sau lưng, 2 người ôm choàng lấy nhau vì biết rằng tình cảm sâu đậm đã có từ lâu và không thể bỏ nhau được, Em Yêu Anh và Anh Cũng Yêu Em, xin lỗi Anh xin lỗi em.

Đây là câu chuyện làm chúng ta cần suy nghĩ thật nhiều.

Thứ tư ngày 8/3/2023 tại Thánh Đường St, Therese, Lakemba NSW lúc 7 tối, Thuyết giảng phần 2: với chủ đề “Tham Gia”



Mới đầu ai cũng nghĩ chữ “Tham Gia” này có nghĩa là tham gia các đoàn thể hội đoàn, nhưng không phải thế, Lm. Nguyễn Trọng Thiên nói về 7 Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối. Bí Tích là dấu bề ngoài Ðức Chúa Giêsu đã lập để ban ơn bề trong cho ta.



• Bí Tích Rửa Tội: Làm cho ta trở thành người Kitô hữu mới và được chia sẻ sự sống với Chúa Kitô. Bí tích này phải có thì mới có các Bí Tích sau,

• Bí Tích Thêm Sức: Chúng ta được mời gọi lên trong đức tin và làm chứng nhân cho Chúa Kitô bằng lời nói và việc làm của chúng ta.

• Bí Tích Mình Thánh Chúa: Nhắc nhở sự hiện diện của Chúa Kitô luôn ở với chúng ta, cùng hiệp nhất với Giáo Hội.

• Bí tích Giải Tội: Là bí tích do Chúa Giêsu lập để tha tội riêng ta phạm qua quyền hành Chúa ban cho các linh mục, cùng giao hòa ta với Chúa và Hội Thánh.

• Bí tích Xức Dầu: Là bí tích do Chúa Giêsu đã lập để ban ơn nâng đỡ sức mạnh phần hồn xác cho những người đang yếu đau vì lý do bệnh tật, thương tích hay tuổi già.

• Bí tích Truyền Chức Thánh: Là bí tích Chúa Giêsu đã lập để ban quyền Linh Mục cho những người chọn đặc biệt, ban ơn thánh để ăn ở xứng đáng, chu toàn chức vụ cứu rỗi loài người.

• Bí Tích Hôn Phối: Là bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh và ban ơn đặt biệt để giúp họ sống chu toàn nghĩa vụ.



Ông Gandhi vị anh hùng dân tộc, lãnh tụ tinh thần của người dân Ấn Độ. nói cuốn Thánh Kinh là cuốn sách tuyệt vời nhất của thế kỷ. Sau phần chi sẻ có 2 người thắc mắc về Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria, công của Thánh Giuse trong công cuộc Cứu độ và ngài chết như thế nào mà trong kinh Thánh không thấy nhắc tới.

Sau phần trả lời thắc mắc là Thánh Lễ do bốn Lm đồng tế: Lm. Remy Bùi Sơn Lâm Tuyên Úy Trưởng, Lm. Paul Chu Văn Chi,





Lm. Nguyễn Trọng Thiên và Lm. Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết chủ tế Thánh Lễ, Phúc Âm do Lm. Paul Văn Chi đọc, bài giảng Thánh Lễ hôm nay do cha Nguyễn Trọng Thiên phụ trách:

“Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”



Đặc biệt sau thánh lễ hôm nay là vài thông báo bài Thuyết giảng phần 3: “Sứ Vụ” và cùng nhau chúc mừng sinh nhật Lm. Nguyễn Văn Tuyết một tràng pháo tay thật lớn.

Khanh Lai tường trình
 
VietCatholic TV
Putin tung xe tăng cổ lổ sĩ ra trận, lính Dù chung số phận với TQLC. Ukraine vào mùa lợi thế hơn Nga
VietCatholic Media
03:11 08/03/2023


1. Giao tranh đang bùng lên ở khu vực Luhansk. Lữ Đoàn Dù Nga có nguy cơ bị xóa sổ như Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở thành phố Vuhledar.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư mùng 8 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong khi hầu hết sự chú ý tập trung vào trận chiến giành thành phố Bakhmut, các trận chiến khốc liệt vừa bộc phát cách đó không xa về phía bắc.

Cụ thể, Thống Đốc Miền Luhansk, Serhiy Haidai, cho biết tình hình “rất khó khăn ở khu vực Luhansk nhưng được kiểm soát bởi Lực lượng Phòng vệ Ukraine.”

Ông nói, qua cầu truyền hình, rằng “những khu vực khó khăn nhất là Bilohorivka và Kreminna”, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công và pháo kích của quân đội Nga.

“Họ đang cố gắng đẩy lùi quân phòng thủ của chúng ta để tiếp cận Stelmakhivka, Nevske và chiếm lại những khu định cư này.”

Stelmakhivka và Nevske là những ngôi làng ở biên giới của vùng Luhansk và Kharkiv đã bị lực lượng Ukraine chiếm lại vào tháng 9.

Haidai cho biết: “Khi người Nga mất nhân sự và khí tài chiến tranh, họ sẽ mất thời gian để hồi phục trong vài ngày, bổ sung nguồn cung cấp và sau đó tiếp tục tấn công.”

“Bây giờ có nhiều pháo kích hơn. Chúng ta có thể thấy rõ rằng họ đã được cung cấp đạn dược và khí tài chiến tranh gần đây. Đó là lý do tại sao số lượng các cuộc tấn công bằng pháo và xe tăng 'hạng nặng' đã tăng lên.”

Haidai cho biết người Nga thường xuyên thay đổi chiến thuật của họ, không phải vì họ thông minh hơn, hay vì họ học được kinh nghiệm trong quá khứ nhưng vì họ có ít khí tài chiến tranh hơn. “Có những nhóm nhỏ; có những cuộc tấn công có tới ba đại đội chỉ gồm toàn bộ binh không có xe tăng hay xe thiết giáp yểm trợ; gần đây mới có một cuộc tấn công sử dụng xe thiết giáp với tối đa hai đại đội được hỗ trợ bởi khí tài chiến tranh hạng nặng”.

Tại thành phố Vuhledar, trong vùng Donetsk, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155, được báo chí gọi là Lữ Đoàn bất hạnh nhất. Họ gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Trong một trường hợp tương tự, Lữ Đoàn Dù 108 cũng bất hạnh không kém tại thành phố Kreminna trong vùng Luhansk.

Sau khi rút lui khỏi Kherson, hai Tiểu Đoàn Dù của Lữ Đoàn Dù 108 được điều động đến Kreminna vào trung tuần tháng 11, năm ngoái. Họ phải rút về vùng Kherson sau khi bị tổn thất quá nặng.

Đầu năm nay, các tiểu đoàn của Lữ Đoàn Dù 108 lại được tái triển khai tới khu vực Kreminna. Hôm 9 Tháng Giêng, họ đã bị tổn thất nặng trong cuộc giao tranh với quân Ukraine tại Bilohorivka. Họ bỏ chạy về hướng Rubizhne bỏ lại hàng trăm xác đồng đội, 4 hệ thống pháo, và 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Theo Thống Đốc Serhiy Haidai, từ ngày 14 tháng Giêng, sau khi được bổ sung quân từ các tân binh mới bị gọi nhập ngũ, họ lại giao tranh với quân Ukraine tại 3 khu định cư Stelmakhivka, Makiivka và Chervonopopivka. Tuy nhiên, tình hình của Lữ Đoàn Dù Nga này xem ra còn bi thảm hơn trước. Các tân binh mới bị gọi nhập ngũ không có kinh nghiệm chiến đấu, không được huấn luyện đầy đủ. Chính các lính Dù của Lữ Đoàn này cũng nhát đảm sau nhiều lần thất bại tại Kreminna. Thành ra, họ lại phải bỏ chạy.

Mặc dù vậy, theo ông Haidai, những ngày gần đây, họ lại bị điều động tấn công vào Bilohorivka, nơi hàng ngàn quân Nga đã tử trận hồi tháng 9 năm ngoái khi quân Ukraine giải phóng thị trấn này.

Khó khăn cho Lữ Đoàn Dù 108 là kỳ này họ không được yểm trợ bằng xe tăng và xe thiết giáp như những lần tấn công trước. Sau một thời gian dưỡng quân tại Belarus và bổ sung thêm các tân binh mới bị gọi nhập ngũ, Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một đã quay lại chiến trường Ukraine và đang giao tranh với quân Ukraine xung quanh thành phố Kreminna. Đây là lực lượng yểm trợ chủ lực cho Lữ Đoàn Dù 108. Tuy nhiên, Tập Đoàn Quân Xe Tăng này đã chịu thiệt hại nặng. Giờ đây, thay cho những chiếc T-90 và T-80, họ được tái trang bị với những chiếc xe tăng T-62 có gần 60 năm tuổi. Loại xe tăng này không có lớp giáp bảo vệ hữu hiệu với các loại hỏa tiễn và súng chống tăng hiện đại nên bắn trúng bất cứ chỗ nào cũng bị nổ tung.

2. Ukraine bước vào mùa có lợi thế hơn Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Heads Into Season of Advantage Over Russia”, nghĩa là “Ukraine bước vào mùa có lợi thế hơn Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng thời tiết mùa đông để tạo lợi thế trong cuộc chiến ở Ukraine đã thất bại và thời tiết mùa xuân ấm hơn ở Ukraine có thể sẽ chống lại Nga.

Bùn lầy sẽ ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của các lực lượng Nga và quân đội của Putin không được trang bị tốt cho thời tiết như quân đội Ukraine.

Mùa hè sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn cho Ukraine, chẳng hạn như tầm nhìn tốt hơn và tăng tán lá để che giấu.

Nga vẫn có thể tin tưởng vào các loại vũ khí mạnh mẽ để giúp bù đắp một số bất lợi mà nước này gặp phải khi không chiến đấu trên địa hình quê hương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã có chiến lược sử dụng mùa đông như một công cụ trong cuộc chiến của ông ở Ukraine. Kế hoạch đó không những không thành công mà giờ đây, lực lượng của ông có thể sẽ gặp bất lợi do thời tiết ấm hơn ở Ukraine.

Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tây Bắc William Reno nói với Newsweek: “Bùn là một yếu tố, đặc biệt nếu một người bị mắc kẹt trong rãnh lầy lội hoặc lái xe trên một con đường không trải nhựa.”

Theo các nhà phân tích quân sự, bùn của Ukraine chỉ là một khía cạnh tự nhiên sẽ chống lại quân đội Nga.

Một số nhà quan sát cho biết, sau khi hứng chịu nhiều thất bại trên chiến trường trong phần lớn chiến dịch năm 2022 ở Ukraine, Nga đã lên kế hoạch vào mùa đông để giúp quân đội của mình điều chỉnh hướng đi. Putin được cho là đã tin tưởng vào thời tiết lạnh giá đóng băng trên địa hình lầy lội của Ukraine để cho phép quân đội của ông điều động chiến thuật tốt hơn, trong khi các cuộc tấn công bằng pháo nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự để lấy đi các nguồn nhiệt và điện.

Nga đã cố gắng đạt được một số lợi ích quân sự trong những tháng gần đây, nhưng không có lợi ích nào trong số đó có khả năng là kết quả của mùa đông ôn hòa hơn bình thường ở Ukraine. Giờ đây, địa hình nổi tiếng màu mỡ của Ukraine - nơi cho phép nước này trở thành một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới - sẽ ngày càng trở nên lầy lội.

John Spencer, một thiếu tá Quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là chủ tịch Nghiên cứu Chiến tranh Đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, nói với Newsweek rằng không thể phủ nhận tầm quan trọng của bùn Ukraine trong chiến tranh.

“Nó có tác động trực tiếp đến khả năng ra khỏi đường, và phân tán các đội hình chiến thuật, cũng như các phương tiện. Nó ảnh hưởng đến việc bảo dưỡng phương tiện, điều mà chúng ta biết rằng Nga đang thực sự gặp khó khăn... Bạn cố gắng đưa một phương tiện qua bùn, nó sẽ hỏng và mắc kẹt,” ông nói.

Spencer cho biết quân đội Nga sẽ buộc phải sử dụng hầu hết các con đường để tránh những cánh đồng lầy lội, khiến họ dễ bị tổn thương hơn.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng vấn đề lớn hơn là khi bùn tăng lên, các tuyến đường mà người Nga có thể đi - cả để tấn công hoặc thậm chí để tiếp tế - trở nên hạn chế hơn nhiều. “Vì bùn hạn chế những con đường bạn có thể đi, điều đó làm tăng khả năng bị tấn công.”

Spencer, người đã đến thăm Ukraine vào năm 2022 trong cuộc xâm lược, cũng cho biết quân đội của Putin dường như không được trang bị tốt cho thời tiết như quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Ông nói: “Cực lạnh không nguy hiểm bằng lạnh và ẩm ướt. Bùn làm tăng độ ẩm ở bàn chân bên trong ủng, và điều đó gây thương tích cho binh lính.”

“Nga có thể có nhiều quân nhân, nhưng lại không có nhiều thiết bị quân sự phẩm chất cao,” Spencer nói, đồng thời cho biết thêm rằng phương Tây đang cung cấp những thiết bị như vậy cho Ukraine.

Ông Spencer cho biết, thậm chí nhiều hành động quân sự hơn có thể sẽ diễn ra ở Ukraine khi đất nước này tiếp tục ấm lên.

“Mùa hè là mùa chiến đấu. Mọi thứ đều tăng lên,” ông nói. “Mùa hè làm tăng những gì bạn có thể làm với tài sản trên không. Tầm nhìn trở nên tốt hơn và thời tiết ít bị ảnh hưởng bên ngoài hơn so với mặt đất thực tế. Một lần nữa, có nhiều lợi thế hơn cho Ukraine.”

Reno nói rằng mùa ấm hơn cũng có nghĩa là “tán lá sẽ là một yếu tố, cung cấp một số biện pháp che giấu các phương tiện”.

Tuy nhiên, Reno cảnh báo về việc cho Ukraine quá nhiều lợi thế về thời tiết. Ông cho biết Nga vẫn sở hữu pháo tầm xa có thể tấn công các mục tiêu Ukraine từ các vị trí mà lực lượng của Zelenskiy không thể tiếp cận để tiêu diệt.

Ông nói: “Chiến trường đó có lẽ nguy hiểm hơn hầu hết người Mỹ tưởng tượng. Người Ukraine chiến đấu trong một cuộc chiến tranh đẫm máu trên bộ với một đối phương có nhiều năng lực vượt trội, nhưng ít động lực hơn và có nhiều sai sót và thiếu hiệu quả trong hoạt động”.

Reno nói tiếp, “Câu chuyện trước đó là về những người Ukraine có động cơ chiến đấu với những người Nga bất tài. Nhưng các lực lượng Nga đang thích nghi. Trong khi vũ khí và chiến thuật chiến trường vẫn quan trọng, có thể ý chí chiến đấu sẽ trở thành một yếu tố lớn hơn trong tương lai của cuộc chiến này.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

3. Tướng hàng đầu của Ukraine đã thảo luận về tình hình ở Bakhmut với các nhà lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ và NATO

Nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, đã thảo luận về tình hình ở Bakhmut với các nhà lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ và NATO.

Ông nói: “Đầu tiên, tôi thông báo cho họ về tình hình chiến trường. Tôi tập trung vào hướng Đông một cách chi tiết nhất. Đặc biệt là tình hình ở Bakhmut,” Tổng tư lệnh Ukraine nói. “Chúng ta đã thảo luận chi tiết về việc cung cấp viện trợ quân sự, bao gồm cả vũ khí và đạn dược. Các vấn đề tăng cường phòng không và cung cấp vũ khí tầm xa vẫn rất quan trọng”.

Tham dự cuộc họp có Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, tướng Christopher G. Cavoli, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, Đô đốc Sir Anthony Radakin; Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ba Lan, Tướng Rajmund Andrzejczak và Tư lệnh Nhóm Hỗ trợ An ninh Hoa Kỳ–Ukraine Trung Tướng Antonio Aguto.

4. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biết về “video khủng khiếp” hành quyết người lính Ukraine không vũ trang

Phát ngôn nhân Ned Price cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã biết về “đoạn video khủng khiếp” về vụ hành quyết một binh sĩ Ukraine không vũ trang, được tường trình đang bị Nga giam giữ.

“Hình ảnh đau lòng về việc người Ukraine không vũ trang này bị hành quyết sau khi đưa ra tuyên bố đơn giản 'Vinh quang cho Ukraine' thật khủng khiếp xét về mức độ man rợ của nó,” Price nói trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao.

“Chúng ta tin rằng Nga nên xấu hổ về chính mình. Nó đang coi thường các quy tắc cơ bản của chiến tranh, tính nhân văn cơ bản, sự đứng đắn cơ bản... khi các lực lượng của nó tham gia vào những hành động tàn bạo như thế này.”

Price nói thêm rằng đó không phải là bằng chứng đầu tiên về sự tàn bạo của Nga ở Ukraine. Ông nói: “Thật không may, đây có thể sẽ không phải là lần kiểm đếm cuối cùng mà các đối tác Ukraine của chúng ta đang duy trì các tội ác chiến tranh tiềm tàng hiện có hàng chục nghìn trường hợp như thế.

Một số thông tin cơ bản: Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv vào chiều thứ Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng cho biết người lính Ukraine bị Nga hành quyết là anh Tymofiy Mykolayovych Shadura, một quân nhân của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 30. Anh Shadura được ghi nhận mất tích kể từ ngày 3 tháng 2 năm 2023 sau các cuộc chiến ở thành phố Bakhmut, vùng Donetsk.

Đoạn video cho thấy anh trong bộ quân phục chiến đấu của Ukraine được lính Nga trao cho một điếu thuốc như ân huệ cuối cùng trước khi bị xử bắn. Anh hút điếu thuốc đó gần nơi dường như là một vị trí chiến đấu. Người lính sau đó rút điếu thuốc khỏi miệng, thổi khói và có thể nghe thấy tiếng nói “Slava Ukraini” (Vinh quang cho Ukraine), trước khi quân Nga bắn nhiều phát vào anh ta.

Thi thể của anh Shadura hiện đang ở trong lãnh thổ tạm thời bị xâm lược. Vào ngày 6 tháng 3, bộ phận điều tra chính của Cơ quan An ninh Nhà nước SBU của Ukraine đã tiến hành tố tụng hình sự sau khi xuất hiện cảnh quay cho thấy anh Shadura bị người Nga bắn.

5. Zelenskiy cảnh báo về “con đường rộng mở” qua miền đông Ukraine nếu Nga chiếm được Bakhmut

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với CNN, khi ông bảo vệ quyết định giữ lực lượng Ukraine ở lại thành phố bị bao vây.

“Đây là vấn đề chiến thuật đối với chúng tôi,” Zelenskiy nói, nhấn mạnh rằng quân đội của Kyiv thống nhất trong việc kéo dài thời gian bảo vệ thành phố sau nhiều tuần các cuộc tấn công của Nga khiến nó sắp rơi vào tay quân đội Mạc Tư Khoa.

“Chúng tôi hiểu rằng sau Bakhmut, họ có thể tiến xa hơn. Họ có thể đến Kramatorsk, họ có thể đến Sloviansk, đó sẽ là con đường rộng mở cho người Nga sau Bakhmut đến các thị trấn khác ở Ukraine, theo hướng Donetsk. Đó là lý do tại sao các chàng trai của chúng ta đang chiến đấu ở đó.”

Một cuộc tấn công kéo dài hàng tuần từ quân lính đánh thuê Wagner, đã tăng tốc trong những ngày gần đây, buộc hàng nghìn người phải rời khỏi thành phố và phá hủy cơ sở hạ tầng của nó. Nhưng quân đội Ukraine cũng đã tăng cường phòng thủ khu vực, cản trở bước tiến của Nga.

Zelenskiy cho biết động cơ giữ thành phố của ông “rất khác” với các mục tiêu của Nga. “Chúng tôi hiểu những gì Nga muốn đạt được ở đó. Nga cần ít nhất một số chiến thắng – một chiến thắng nhỏ – thậm chí bằng cách phá hủy mọi thứ ở Bakhmut, giết chết mọi thường dân ở đó”, ông Zelenskiy nói.

Ông nói rằng nếu Nga có thể “cắm lá cờ nhỏ của họ” lên đỉnh Bakhmut, điều đó sẽ giúp “huy động xã hội của họ để tạo ra ý tưởng rằng họ là một đội quân hùng mạnh”.

6. Ukraine cho biết các lực lượng của họ tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở Bakhmut

Các lực lượng Ukraine đã tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga tại thành phố Bakhmut bị tàn phá nặng nề, Bộ Tổng tham mưu quân đội cho biết trong một bản cập nhật tình hình hôm thứ Ba.

“Đối phương tiếp tục tấn công theo hướng Bakhmut. Họ không ngừng tấn công thành phố Bakhmut. Lực lượng phòng thủ của chúng ta đã đẩy lùi các cuộc tấn công ở các khu vực Ivanivske, Klishchiivka và Bakhmut”.

Theo quân đội Ukraine, các lực lượng Nga tiếp tục tập trung tấn công không chỉ vào Bakhmut mà còn tấn công có tính chất thăm dò ở Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Shakhtarsk.

“Trong ngày, đối phương đã tiến hành 19 cuộc không kích và một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, cũng như năm cuộc tấn công bằng nhiều bệ phóng hỏa tiễn”.

7. Putin đã thảo luận về các tiểu đoàn tình nguyện với thống đốc Zaporizhzhia do Nga cài đặt

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp vào hôm thứ Ba với Yevgeny Balitsky, quyền thống đốc vùng Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm - nơi bị Putin tuyên bố sáp nhập vào tháng 9 năm 2022. Theo thông tấn xã Tass của Nga, họ thảo luận về các vấn đề an ninh và một tiểu đoàn tình nguyện, theo phát ngôn viên của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov.

“Nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của khu vực Zaporizhzhia, hoạt động kinh tế của các thực thể kinh doanh và các khía cạnh khác của tình hình kinh tế xã hội đã được thảo luận,” ông Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Peskov cũng nói rằng “Balitsky đã nêu vấn đề về tình trạng của Tiểu đoàn tình nguyện Sudoplatov với Tổng thống.”

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Crimea 24 hôm thứ Hai, Balitsky cho biết “vấn đề chưa được giải quyết” về tình trạng của các tiểu đoàn tình nguyện khiến họ gặp khó khăn trong việc nhận vũ khí.

Một số thông tin cơ bản về tuyên bố của Nga đối với các khu vực sáp nhập: Vào cuối tháng 9 năm 2022, Putin tuyên bố Nga sẽ chiếm gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm các vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Động thái này diễn ra sau cái gọi là trưng cầu dân ý ở các khu vực bị Ukraine và các quốc gia phương Tây coi là “trò giả tạo”.

8. Ukraine và Nga trao đổi hơn 100 tù nhân chiến tranh trong cuộc trao đổi mới nhất

Ukraine và Nga đã trao đổi tù nhân chiến tranh trong một cuộc trao đổi khác, được cả hai bên công bố hôm thứ Ba.

Mạc Tư Khoa cho biết họ đã có thể đưa 90 quân nhân trở về từ lãnh thổ do Kyiv kiểm soát, trong khi Ukraine cho biết họ đã có thể đưa 130 quân nhân của mình trở về từ những nơi bị Nga giam giữ.

“Một cuộc trao đổi tù nhân khác — chúng ta đã đưa được 130 người của chúng ta về nhà — 126 nam và 4 nữ,” Tham mưu trưởng của Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đăng trên Telegram hôm thứ Năm. “Trong số đó - 87 người bảo vệ Mariupol, 71 người trong số họ đến từ Azovstal. Chúng ta cũng đang nhận được những người bị bắt làm tù binh ở khu vực Bakhmut và Soledar - tổng cộng 35 người từ hướng Donetsk”.

“Hầu hết những người chúng ta trở về hôm nay đều bị thương nặng. Như Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói, nhà nước phải quan tâm đến từng người trong số họ. Mỗi anh hùng của chúng ta nên cảm thấy rằng nhà nước quan tâm đến họ,” ông nói thêm.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết những binh sĩ mà họ có thể trao đổi đang trong tình trạng “nguy hiểm tính mạng” và cho biết họ sẽ được đưa tới Mạc Tư Khoa để điều trị.

“Kết quả của quá trình đàm phán là 90 quân nhân Nga đang gặp nguy hiểm đến tính mạng đã được trả về từ lãnh thổ do chế độ Kyiv kiểm soát,” nó cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba. “Các máy bay của lực lượng hàng không vận tải quân sự của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga sẽ vận chuyển các quân nhân được thả về Mạc Tư Khoa để điều trị và phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng Nga.”

“ Tất cả những người được thả đang được cung cấp sự hỗ trợ cần thiết về y tế và tâm lý,” nó nói thêm.
 
TQ: Chính sách tôn giáo mới, không mấy ai còn dám đến nhà thờ. Chiến tranh Mỹ-TQ ngày càng khó tránh
VietCatholic Media
05:17 08/03/2023


1. Ứng dụng 'Tôn giáo thông minh' mới của Trung Quốc buộc các tín hữu phải ghi danh mới được tham dự các buổi thờ phượng

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, gióng lên tiếng chuông báo động của một nhóm nhân quyền hoạt động ở Trung Quốc đang báo cáo rằng các tín hữu tôn giáo ở một tỉnh đông dân của Trung Quốc hiện bị buộc phải ghi danh trên một ứng dụng của bọn cầm quyền để tham dự các buổi lễ thờ phượng.

ChinaAid, một tổ chức bác ái Kitô giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã báo cáo vào ngày 6 tháng 3 rằng ban tôn giáo của chính quyền tỉnh Hà Nam đang triển khai một hệ thống theo đó tất cả các tín hữu phải đặt chỗ trực tuyến trước khi họ có thể tham dự các buổi lễ tại nhà thờ, đền thờ Hồi Giáo hoặc chùa chiền Phật giáo.

Việc đặt trước sẽ được thực hiện thông qua một ứng dụng có tên là “Tôn giáo thông minh” do Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo của tỉnh Hà Nam phát triển. Theo ChinaAid, người nộp đơn phải điền thông tin cá nhân, bao gồm tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, nghề nghiệp và ngày sinh trước khi họ có thể đặt chỗ. Những người được phép vào nơi thờ phượng cũng phải được đo nhiệt độ – nhằm làm cho người ta thấy ứng dụng có thể liên quan theo một cách nào đó đến các hạn chế của COVID-19 – nhưng thực tế là để đàn áp tôn giáo.

Hà Nam, nằm ở phía đông trung tâm của đất nước, có một trong những cộng đồng Kitô giáo lớn nhất ở Trung Quốc — chiếm tới 6% dân số — theo một cuộc khảo sát của bọn cầm quyền vào năm 2012. Chính phủ cộng sản của Trung Quốc chính thức là thế tục, và cuộc khảo sát tương tự cho thấy chỉ 13% trong số 98 triệu dân của Hà Nam thuộc về một tôn giáo có tổ chức.

Chính phủ Trung Quốc về mặt kỹ thuật công nhận Công Giáo là một trong năm tôn giáo ở nước này, nhưng vẫn tồn tại một Giáo Hội Công Giáo thầm lặng, bị đàn áp và trung thành với Rôma. Các nhà thờ Công Giáo được chính phủ phê duyệt có quyền tự do thờ phượng tương đối nhiều hơn nhưng phải đối mặt với những thách thức khác, bao gồm áp lực từ chính phủ để kiểm duyệt các phần của giáo lý Công Giáo, đồng thời đưa chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và tình yêu đảng vào việc rao giảng. Các tín hữu tôn giáo thuộc mọi thành phần đều bị theo dõi ở Trung Quốc.

ChinaAid báo cáo rằng có những lo ngại rằng những người cao tuổi ít hiểu biết về công nghệ có thể bị cô lập khi ghi danh các dịch vụ tôn giáo, nhưng các quan chức cho biết nhân viên sẽ hỗ trợ họ làm như vậy.

ChinaAid cho biết việc phát triển và triển khai ứng dụng này là một phần trong nỗ lực của chính quyền cộng sản nhằm “quản lý chặt chẽ tôn giáo một cách toàn diện”, một phần bằng cách thu thập dữ liệu về các tín hữu tôn giáo. Nhóm cũng bày tỏ lo ngại rằng việc đưa ra rào cản bổ sung này sẽ khiến mọi người quay lưng lại với việc thực hành tôn giáo.

“Các biện pháp quản lý này không xuất phát từ ý định bảo vệ quyền tôn giáo của những người theo đạo mà là phương tiện để đạt được mục đích chính trị,” nhóm này viết.

“Nhật báo Hà Nam của Trung Quốc đưa tin rằng vào ngày 24 tháng 2 năm nay, Trương Lỗi Minh (Zhang Leiming, 张磊明) Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Thống nhất, đã đến Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo của tỉnh để điều tra và chỉ đạo rằng cần quản lý chặt chẽ tôn giáo một cách toàn diện, đoàn kết và hướng dẫn đại bộ phận tín hữu tôn giáo kiên định đi theo Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Hà Nam là nơi bọn cầm quyền đã san bằng một số Nhà thờ Công Giáo vào năm 2017, họ cũng đã giam giữ hàng chục người. Theo báo cáo, bọn cầm quyền đã coi các nhà thờ là những “cấu trúc bất hợp pháp” và ra lệnh dỡ bỏ. Tài sản của nhà thờ, cũng như của giáo dân và công nhân xây dựng, đã bị tịch thu. Trong một số trường hợp, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tuyên bố rằng các nhà thờ đã không trả “phí sử dụng đường bộ” để lấy cớ san bằng.

Vào tháng 4 năm 2016, Lý Kiến Công (Li Jiangong, 李建功) một mục sư ở Trú Mã Điếm, một thành phố khác của tỉnh Hà Nam, đã mất đi người vợ khi hai vợ chồng cố gắng cứu nhà thờ tư gia của họ khỏi bị san bằng trong một cuộc phá hủy nhà thờ theo lệnh của chính quyền. Theo báo cáo thường niên gần đây nhất của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông được ghi nhận là “may mắn thoát chết” trong cuộc xung đột với công an, vợ ông đã không may mắn như thế.


Source:Catholic News Agency

2. Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng khó tránh sau khi Trung Quốc bảo vệ quyền cung cấp vũ khí cho Nga

Cũng liên quan đến Trung Quốc, các quan sát viên thừa nhận rằng sau vụ khinh khí cầu đi lạc, Trung Quốc đã theo đuổi một đường lối công khai đối đầu với Hoa Kỳ, và chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng khó tránh khi Trung Quốc công khai bảo vệ quyền cung cấp vũ khí cho Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Urges U.S. To 'Put the Brakes On' To Avoid Conflict”, nghĩa là “Trung Quốc kêu gọi Mỹ 'Hãm phanh' để tránh xung đột”.

Tần Cương, bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc, đã cáo buộc Hoa Kỳ cố gắng gây khó khăn cho Trung Quốc trong cuộc họp báo khai mạc sôi nổi của ông ta hôm thứ Ba, trong đó ông bác bỏ những nỗ lực nhằm tạo nền tảng cho mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng giữa hai nước.

Quan điểm của người Mỹ đã “hoàn toàn đi chệch khỏi con đường hợp lý và hợp pháp,” Cương nói, và ví von nhận thức về Trung Quốc là “đối thủ chính” của Hoa Kỳ với “chiếc nút đầu tiên trên chiếc áo sơ mi bị cài sai.”

Quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa phục hồi từ mức thấp nhất kể từ khi quan hệ chính thức được thiết lập cách đây 44 năm. Trong khi đó, hai nền kinh tế vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau, mỗi bên coi nhau là đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Hai quốc gia vẫn bất đồng về một số vấn đề, từ việc Hoa Kỳ ngày càng ủng hộ Đài Loan cho đến sự liên kết chiến lược của Trung Quốc với Nga và những tác động của nó đối với cuộc chiến ở Ukraine.

Tòa Bạch Ốc đã dành hai năm để cố gắng không thành công trong việc thiết lập “các hàng rào bảo vệ” trong mối quan hệ nhằm ngăn chặn xung đột ngoài ý muốn về bất kỳ điểm nóng tiềm ẩn nào.

Mong muốn của Washington về hàng rào bảo vệ “đơn giản có nghĩa là Trung Quốc không nên đáp trả bằng lời nói hoặc hành động khi bị vu khống hoặc tấn công. Điều đó là không thể,” Cương nói, lặp lại một lập luận mà các học giả Trung Quốc đã đưa ra một cách riêng tư.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lại yêu cầu bình luận của Newsweek trước khi bài báo này được xuất bản.

“Một tai nạn có thể tiết lộ điều gì đó cơ bản,” Cương nói về cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt nguồn từ việc Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hồi tháng Hai, mà Bắc Kinh đã nói là một khí cầu dân sự tiến hành nghiên cứu khí tượng. “Trong trường hợp này, nhận thức và quan điểm của Hoa Kỳ về Trung Quốc bị bóp méo nghiêm trọng.”

“Mỹ nói rất nhiều về việc tuân theo các quy tắc. Nhưng hãy tưởng tượng hai vận động viên thi đấu trong một cuộc đua Olympic. Nếu một vận động viên, thay vì tập trung vào việc cống hiến những gì tốt nhất của mình, lại luôn cố gắng vượt qua người kia hoặc thậm chí gửi họ đến Paralympic, thì đó không phải là một cuộc cạnh tranh công bằng mà là sự đối đầu ác ý và chơi xấu,” ông nói.

“ Nếu Mỹ không hãm lại và tiếp tục tăng tốc trên con đường sai lầm, thì không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn chặn sự trật bánh, và chắc chắn sẽ xảy ra xung đột và đối đầu”.

Tần Cương, 56 tuổi, được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao vào tháng 12 sau 17 tháng làm Đại Sứ của Bắc Kinh tại Washington. Cuộc họp báo chính thức đầu tiên của ông ta diễn ra bên lề cuộc họp lập pháp hàng năm của Trung Quốc.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm tránh một cuộc chiến tranh nóng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới diễn ra song song với sự thay đổi chính sách của chính quyền Biden nhằm khắc phục các lỗ hổng sau nhiều thập kỷ Trung Quốc bị cáo buộc là gián điệp công nghiệp và hàng xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ đã vô tình hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Cương mô tả mục tiêu của Hoa Kỳ là “kiềm chế và đàn áp Trung Quốc trên mọi phương diện”. Ông nói: “Việc ngăn chặn và đàn áp sẽ không làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại, và nó sẽ không ngăn được bước tiến tới sự trẻ hóa của Trung Quốc.”

Cương cũng bảo vệ quyền cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến tại Ukraine và so sánh điều này với việc Hoa Kỳ cung cấp các trợ giúp quân sự cho Đài Loan mà ông ta cho là một tỉnh của Trung Quốc.


Source:Newsweek
 
Bakhmut kinh hoàng: Ukraine pháo như mưa, không biết chạy đâu, 700 quân Nga tử trận cùng 13 chiến xa
VietCatholic Media
15:47 08/03/2023


1. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo ngày 8 tháng 3, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 4 tháng 3 năm 2023, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video về chuyến thăm hiếm hoi tới Ukraine của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Có khả năng thực tế rằng điều này một phần là để đáp lại đoạn phim gần đây về chủ sở hữu của Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, đến thăm các chiến binh của mình trên tiền tuyến.

Wagner đang có tranh chấp cấp cao với Bộ Quốc phòng Nga và Shoigu có vẻ nhạy cảm khi bị so sánh với Prigozhin.

Chỉ huy chiến trường duy nhất của Nga được nhìn thấy trong video là Đại Tướng Rustam Muradov. Đáng chú ý là Muradov chịu trách nhiệm về khu vực Vuhledar của khu vực Donetsk, nơi một số cuộc tấn công đã thất bại trong ba tháng qua.

Cho đến gần đây, bộ chỉ huy Nga có thể đã coi một thành công tại Vuhledar là một cách quan trọng để đạt được một bước đột phá quan trọng về mặt chiến thuật vào các phòng tuyến của Ukraine.

Các nhà lập kế hoạch của Nga có khả năng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi thực hiện một cuộc tấn công Vuhledar khác hoặc hỗ trợ giao tranh dữ dội xa hơn về phía bắc gần Bakhmut và Kremina.

2. Quân đội Ukraine cho biết người Nga chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công tăng cường quanh Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư mùng 8 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các cuộc tấn công của Nga ở khu vực Bakhmut vẫn tiếp tục, nhưng cho biết tất cả đều không thành công và quân Nga chịu tổn thất nặng nề.

Thứ trưởng Hanna Maliar đã đề cập đến các hành động tấn công của lực lượng Nga xung quanh một số khu định cư ở phía tây Bakhmut. Cô không đề cập đến tuyên bố của người đứng đầu nhóm Wagner, Yevgeny Prigozhin, rằng các chiến binh của ông ta hiện đang nắm giữ phần phía đông của thành phố.

Cô cho biết “quân phòng thủ của chúng ta đã đẩy lùi hơn 100 cuộc tấn công của đối phương” dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk vào hôm thứ Ba.

Chỉ riêng tại tuyến đường Orikhovo-Vasylivka, cách thành phố Bakhmut 20 km về phía tây bắc, các lực lượng Nga đã thực hiện hơn 30 cuộc tấn công không thành công trong ngày qua. “Đối phương, bất chấp những tổn thất đáng kể… vẫn tiếp tục xông vào thị trấn Bakhmut,” cô nói.

Từ Chasiv Yar, Lữ Đoàn Pháo Binh số 40 hỗ trợ cho Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và Lữ đoàn cơ giới số 28 và 53 bảo vệ xa lộ T0504 chạy về phía tây đến Kostiantynivka. Được tăng cường đạn pháo từ các nước Đông Âu, Lữ Đoàn Pháo Binh bắn suốt ngày đêm để yểm trợ cho quân phòng thủ Ukraine trong thành phố Bakhmut. Cả 3 xa lộ nối với thành phố Bakhmut là E40 Sloviansk-Bakhmut ở phía tây bắc thành phố, T0513 Bakhmut-Siversk ở phía bắc thành phố và T0504 đều không thể sử dụng đối với cả hai bên vì đều nằm trong tầm hỏa lực của nhau.

Trong 24 giờ trước đó, khoảng 700 quân nhân Nga đã thiệt mạng, cùng với 4 xe tăng và 9 xe thiết giáp. Quân Nga bỏ chạy để lại 7 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 8 Tháng Ba, 155.530 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Trong khoảng thời gian này, quân phòng thủ Ukraine cũng đã phá hủy 3.436 xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga, 6.723 xe thiết giáp, 2.463 hệ thống pháo, 488 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Quân xâm lược cũng mất 253 hệ thống tác chiến phòng không, 303 máy bay chiến đấu, 289 máy bay trực thăng, 2.098 máy bay không người lái chiến thuật, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.330 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 236 mảnh thiết bị đặc biệt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Ba rằng, nếu người Nga chiếm được Bakhmut, họ sẽ có một con đường rộng mở tới các thành phố công nghiệp lớn hơn của Ukraine ở phía tây.

Một số binh sĩ Ukraine ở khu vực Bakhmut cho biết việc ra vào thành phố gần như là bất khả thi vì người Nga đã kiểm soát tất cả các tuyến đường về phía tây bằng hỏa lực của họ. Con đường đất đang được sử dụng đã trở nên gần như không thể vượt qua đối với bất kỳ đoàn xe quân sự có tổ chức nào. Ngay cả xe di tản dân thường cũng không thể đi.

Nga có thể làm gì với Bakhmut: Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức quân sự có trụ sở tại Washington theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Ukraine, đánh giá rằng “Các lực lượng Nga khó lòng đánh chiếm được thành phố Bakhmut, và nếu có chiếm được cũng không có khả năng khai thác chiến thuật lợi thế này”.

Phân tích của ISW cho biết “tổn thất lớn về nhân sự và khí tài chiến tranh sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các lực lượng Nga trong việc khai thác hợp lý bất kỳ con đường tiến công nào được mở ra khi chiếm được của Bakhmut.”

3. Chưa đến 4.000 thường dân vẫn ở lại thành phố Bakhmut bị bao vây

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk của Ukraine cho biết gần 4.000 dân thường vẫn ở bên trong thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine.

“Tính đến hôm nay, chưa đến 4.000 người vẫn ở Bakhmut. Nói về trẻ em, khoảng 38 trẻ em, theo như chúng tôi biết, vẫn ở Bakhmut,” Vereshchuk nói trong một bài phát biểu trên truyền hình. “Trước khi chiến cuộc bùng phát, hơn 70.000 người sống ở Bakhmut, trong đó có 12.000 trẻ em. Nói cách khác, 95% đã được di tản.”.

Vereshchuck cho biết các quân nhân Ukraine vẫn đang làm việc để di tản những người dân còn lại nhưng tình hình hiện tại khiến công việc của họ thậm chí còn khó khăn hơn.

“Chúng ta có các đội di tản đặc biệt, những người giúp đỡ và xe bọc thép. Nhưng mọi người thường ở dưới tầng hầm, không để lại thông tin về nơi ở của họ,” cô nói. “Điều này làm cho việc di tản trở nên khó khăn hơn nhiều.”

“Bakhmut đã bị phá hủy về cơ sở hạ tầng và nhà ở. Gần 80% nhà cửa bị hư hại. Cơ sở hạ tầng xã hội không hoạt động,” cô nói.

4. Ông chủ của Wagner, Prigozhin, xuất hiện để chỉ trích bộ trưởng quốc phòng Nga vì tránh xa tiền tuyến

Người đứng đầu nhà thầu quân sự tư nhân Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã có một cú tát khác vào Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong khi trả lời các câu hỏi về tiến độ của các chiến binh của ông trong và xung quanh Bakhmut.

Prigozhin được hỏi về tuyên bố của Shoigu rằng các lực lượng Nga đã giết 11.000 binh sĩ Ukraine xung quanh Bakhmut vào tháng Hai.

Ông ta đồng ý với đánh giá này nhưng đã nhanh chóng khẳng định công lao “Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đánh giá chúng một cách chính xác. PMC 'Wagner' đã giết khoảng 11.000 người vào tháng Hai.”

Không thể xác minh các số liệu do Shoigu hoặc Prigozhin đưa ra. Và tình báo NATO ước tính rằng cứ mỗi binh sĩ Ukraine thiệt mạng khi bảo vệ Bakhmut, lực lượng Nga đã mất ít nhất 5 người.

Prigozhin nói: “Tôi không thể bình luận gì về lời nói của Shoigu theo bất kỳ cách nào. Tôi không gặp anh ấy ở Artemovsk. Artemovsk là tên tiếng Nga của Bakhmut.”

Prigozhin đã nhiều lần được nhìn thấy ở khu vực Bakhmut. Shoigu đã đến thăm các khu vực của Ukraine do Nga xâm lược vào cuối tuần nhưng dường như đã tránh xa tiền tuyến.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo trên Telegram, Prigozhin ước tính có khoảng 12.000 đến 20.000 quân Ukraine vẫn còn ở khu vực Bakhmut.

“Nếu muốn quét sạch họ khỏi Bakhmut, thì không thể làm trong một ngày “ ông ta nói.

Prigozhin đã nhiều lần công kích Bộ Quốc phòng vì đã không cung cấp đạn dược và khí tài chiến tranh cho Wagner, đồng thời đổ lỗi cho Bộ Quốc Phòng về cái chết của các chiến binh của ông ta.

Ông ta nói thêm: “Những trận chiến cam go nhất đang diễn ra cả ngày lẫn đêm, nhưng người Ukraine không bỏ chạy đi đâu cả.... Người Ukraine không chạy trốn. Họ chết hàng loạt vì Bakhmut và chỉ đầu hàng như một phương sách cuối cùng. Ngừng gọi họ là những kẻ hèn nhát. Họ cũng giống như chúng ta và cũng có dòng máu chảy trong người”.

5. Quan chức Nga nói: Ukraine là 'Bãi thử' cho Chiến tranh mạng Nga-Mỹ

Thống Đốc Belgorod là ông Vyacheslav Gladkov cho biết sáng thứ Tư 22 tháng Hai, tại các khu vực Bryansk, Kursk, Voronezh, và Belgorod, nhiều cảnh hỗn loạn đã diễn ra. Tại thị trấn Grayvoron, trong khu vực Belgorod, nơi có khoảng 6.000 dân, dân chúng nhốn nháo tìm chỗ tránh hỏa tiễn. Trong khi đó, tại thành phố Verigovka, người lái xe đi làm đã tấp vào lề đường, ngơ ngác nhìn lên bầu trời; nhiều người khác lại quay đầu xe vòng về nhà.

Cảnh hỗn loạn kéo dài gần cả buổi sáng cho đến khi Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga cho biết các đài phát thanh thương mại ở các vùng của Nga đã phát sai tin tức về cảnh báo không kích và khả năng tấn công bằng hỏa tiễn sau khi máy chủ của họ bị điện tặc Ukraine tấn công.

Liên quan đến chiến tranh mạng, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Is a 'Testing Ground' for Russia-U.S. Cyber War: Official”, nghĩa là “Quan chức Nga nói: Ukraine là 'Bãi thử' cho Chiến tranh mạng Nga-Mỹ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đại diện an ninh mạng của Nga tại Liên Hiệp Quốc, Irina Tyazhlova, cáo buộc các nước phương Tây huấn luyện lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga.

Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt của Nhà nước Ukraine đã báo cáo số lượng sự việc mạng được ghi nhận vào năm 2022 đã tăng gấp ba lần.

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng mối đe dọa mạng do Nga gây ra vẫn có thật và nghiêm trọng.

Đại diện an ninh mạng của Nga tại Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc các đối thủ phương Tây của Mạc Tư Khoa sử dụng Ukraine như một “bãi thử nghiệm” cho các khả năng chiến tranh mạng mới, đồng thời huấn luyện lực lượng mạng Ukraine để tấn công các mục tiêu của Nga.

Irina Tyazhlova đã cáo buộc hôm thứ Ba rằng các cảnh báo của Mỹ và đồng minh về các nhóm tin tặc Nga và các mối đe dọa mạng khác là nhằm “che giấu các hoạt động phá hoại của chính họ trong không gian mạng,” theo hãng thông tấn Tass của nhà nước Nga.

“Các quốc gia NATO công khai tìm cách quân sự hóa không gian mạng, tích cực tăng cường khả năng tấn công và cải thiện các cách thức tiến hành các cuộc tấn công mạng,” Tyazhlova nói. “Có nhiều bằng chứng tài liệu về điều này, bao gồm cả những tiết lộ công khai của các quan chức cấp cao về hành vi phá hoại mạng chống lại Nga.”

Năng lực không gian mạng của Nga từ lâu đã là yếu tố then chốt trong cuộc đối đầu hỗn hợp của nước này với phương Tây. Các tin tặc có liên hệ với Mạc Tư Khoa—hoặc các nhóm được cho là tư nhân có liên kết với Điện Cẩm Linh, hoặc các nhân viên tình báo chính thức của Nga—đã bị cáo buộc can thiệp trên diện rộng vào các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội liên tiếp của Hoa Kỳ, chống lại các tập đoàn tư nhân lớn và chống lại các mục tiêu cơ sở hạ tầng nhạy cảm.

Mạc Tư Khoa cũng thường xuyên tấn công vào các đồng minh NATO khác và Ukraine trong những năm gần đây. Cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022 trùng hợp với một loạt các cuộc tấn công mạng lớn đã đánh sập các trang web của nhiều cơ quan chính phủ và làm gián đoạn liên lạc của Ukraine.

Mặc dù hoạt động mạng của Nga chống lại các mục tiêu Ukraine và phương Tây ít hơn dự kiến kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng mối đe dọa vẫn còn.

Chẳng hạn, Robert Joyce, giám đốc an ninh mạng của Cơ quan An ninh Quốc gia, đã nói với The Wall Street Journal vào tháng 6: “Từ thông tin tình báo, điều tôi có thể nói là mối đe dọa đã và đang có thật. Người Nga có khả năng mà chúng ta cần thận trọng, và họ đang ở thời điểm quyết định liệu họ có chọn áp dụng điều đó hay không hoặc khi nào”.

Cơ quan Nhà nước về Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt, gọi tắt là SSSCIP, của Ukraine cung cấp các bản cập nhật thường xuyên về hoạt động mạng của Nga và báo cáo số vụ việc được ghi nhận đã tăng gấp ba lần vào năm 2022. Yurii Shchyhol, người đứng đầu SSSCIP, đã kêu gọi thành lập một “Cơ quan quản lý mạng Liên Hiệp Quốc” để chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mạng và chuẩn bị cho các cuộc tấn công trong tương lai.

Shchyhol nói với Newsweek vào tháng 9 rằng đất nước của anh ấy “không chỉ trở thành mục tiêu tấn công mà còn là nơi thử nghiệm vũ khí mạng hiện đại,” và nói thêm rằng “Thực tế chúng ta đã có chiến tranh với Nga trong 8 năm rồi”.

Tyazhlova cho biết cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine—hiện đã bước sang năm thứ hai mà giao tranh chưa có hồi kết—đã mở ra một kỷ nguyên đối đầu mới trên mạng. “Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các quốc gia phương Tây đã phát động một chiến dịch chính thức chống lại Nga, tìm cách kiểm tra sức mạnh của nền kinh tế, lĩnh vực tài chính và năng lượng cũng như các ngành công nghiệp quan trọng của chúng ta,” bà nói, đề cập đến cuộc chiến sử dụng thuật ngữ của điện Cẩm Linh.

“Các cơ sở thông tin của Nga liên tục phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng lớn, đã tăng gấp 10 lần kể từ khi triển khai chiến dịch đặc biệt,” Tyazhlova nói. “Khối phương Tây tích cực tuyển dụng tin tặc đánh thuê và sử dụng tiềm năng thông tin và liên lạc của các đồng minh cũng như các công ty tư nhân mà họ kiểm soát, cố tình lôi kéo người dùng từ khắp nơi trên thế giới vào các hoạt động tội phạm này.”

“Kịch bản này bao gồm Ukraine như một bãi thử,” nhà ngoại giao nói thêm. “Phương Tây phân bổ ngân sách đáng kể, đào tạo nhân sự và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường tiềm năng tấn công mạng của chế độ Kyiv.”

“Không có gì ngạc nhiên khi họ lôi kéo Kyiv vào các hoạt động của trung tâm phòng thủ mạng NATO có trụ sở tại Tallinn,” bà nói thêm, đề cập đến sự hợp tác của Ukraine với NATO thông qua Trung tâm An ninh mạng của liên minh ở Estonia.

Newsweek đã liên hệ với Cơ quan Thông tin và Truyền thông NATO qua email để yêu cầu bình luận.

6. Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Tư họ tin rằng một video lan truyền cho thấy rõ ràng quân đội Nga hành quyết một người lính Ukraine bị bắt

Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Tư rằng họ tin rằng một video lan truyền cho thấy việc quân đội Nga hành quyết một người lính Ukraine bị bắt có thể là xác thực.

Đoạn phim cho thấy một chiến binh Ukraine bị giam giữ đang đứng trong một rãnh cạn bị bắn chết bằng nhiều vũ khí tự động sau khi nói “Vinh quang cho Ukraine”.

“Chúng tôi biết đoạn video này được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một người lính Ukraine không phải trong chiến đấu bị lực lượng vũ trang Nga hành quyết. Dựa trên kiểm tra sơ bộ, chúng tôi tin rằng video có thể là xác thực,” phát ngôn nhân của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói với Agence France-Presse.

Bà nói: “Kể từ cuộc tấn công vũ trang của Nga vào Ukraine hơn một năm trước, Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận nhiều hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế đối với tù nhân chiến tranh, bao gồm các trường hợp hành quyết tập thể các tù binh.

“Các cuộc điều tra công bằng và hiệu quả phải được thực hiện đối với tất cả các cáo buộc này và những người chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm.”

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã thề sẽ “tìm ra những kẻ giết người”. Quân đội Ukraine cho biết người lính trong đoạn phim là Tymofiy Mykolayovych Shadura.

7. Đêm qua, đèn đường của Kharkiv được bật lên lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh,

Đêm qua, đèn đường của Kharkiv được bật lên lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Thị trưởng thành phố cho biết.

“Trong hơn một năm, nguồn sáng duy nhất ở Kharkiv trong những giờ tối trong ngày chủ yếu là đèn pha xe hơi. Trong thời gian này, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người bị thương,” Ihor Terekhov viết trên Telegram.

8. Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan để cung cấp xe tăng cho Ukraine

Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan vào năm ngoái để cung cấp cho Ukraine lựu pháo Krab, được chế tạo bằng các bộ phận của Hàn Quốc, một quan chức mua sắm quốc phòng ở Hán Thành nói với Reuters hôm thứ Tư.

Các bình luận này là xác nhận đầu tiên rằng Hàn Quốc chính thức đồng ý ít nhất là gián tiếp cung cấp các thành phần vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Các quan chức Hán Thành trước đó đã từ chối bình luận về Krabs, làm dấy lên suy đoán về việc liệu Hàn Quốc đã chính thức đồng ý hay chỉ đơn giản là tìm cách khác.

Giám đốc bộ phận Âu Châu-Á Châu của Cục Hợp tác Quốc tế, cho biết văn phòng kiểm soát công nghệ của Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng, gọi tắt là DAPA, đã xem xét và phê duyệt việc chuyển giao.

Ông nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở DAPA ở ngoại ô Hán Thành: “Chúng tôi đã xem xét tất cả các tài liệu và các vấn đề có thể xảy ra trong DAPA… sau đó chúng tôi đưa ra quyết định cấp giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan.

9. Von Der Leyen nói: Liên Hiệp Âu Châu sẽ không bao giờ chấp nhận các mối đe dọa của Nga

Chủ tịch Ủy ban Liên minh Âu Châu Ursula von der Leyen, phát biểu trước quốc hội Canada hôm thứ Ba trong chuyến thăm nhằm tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, cho biết Âu Châu sẽ không bao giờ chấp nhận các mối đe dọa của Nga đối với an ninh của mình.

Bà nói trong một bài phát biểu hơn một năm sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga: “Chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận việc một cường quốc quân sự với ảo tưởng về đế chế điều xe tăng của mình qua biên giới quốc tế.”

Bà nói thêm, khối 27 quốc gia “sẽ không bao giờ chấp nhận mối đe dọa này đối với an ninh Âu Châu và nền tảng của cộng đồng quốc tế của chúng ta”.

Von der Leyen kêu gọi “hỗ trợ kinh tế và quân sự kiên định” cho Ukraine đồng thời kêu gọi Nga “trả giá cho tội ác xâm lược” sau khi đề xuất vào tháng 11 thành lập một tòa án chuyên trách để truy tố những tội ác như vậy.
 
Ở nơi Chúa cũng ngậm ngùi: Số 144 Yablunska, Bucha. Thống kê mới nhất về GH. Từ vô thần trở thành LM
VietCatholic Media
17:03 08/03/2023


1. Từ người vô thần đến linh mục: “Chúa chiếm được trái tim tôi trong 30 giây”

Chỉ 30 giây là tất cả những gì Chúa cần để cho Christopher Kralka thấy ơn gọi thực sự của mình là chức tư tế.

Chàng thanh niên người Ba Lan đến từ Kielce, đông nam Ba Lan, này đã hoàn toàn quay lưng lại với Giáo hội. Trong nhiều năm, anh ta thậm chí còn không bước qua ngưỡng cửa của bất kỳ tòa nhà tôn giáo nào, tin rằng Giáo hội là một thể chế lạc hậu không liên quan gì đến thế giới quan hiện đại. Cho đến ngày mọi thứ thay đổi, trong chuyến tông du Ba Lan của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào tháng 8 năm 2002.

Hôm đó, ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, Christopher tỏ ra khó chịu. Anh ấy tự hỏi làm thế nào anh ấy có thể sống sót sau sự kiện này, sự kiện đã được đưa tin bởi tất cả các phương tiện truyền thông của đất nước. Tất nhiên, không giống như phần lớn đồng bào của mình, anh ấy không có ý định xem các chương trình phát sóng trên truyền hình.

“Tôi không muốn bật tivi lên, nhưng ngày hôm đó tôi cảm thấy một áp lực nội tâm lạ thường: áp lực phải lắng nghe những lời của Đức Giáo Hoàng. Chủ đề cuộc hành hương của ngài là một câu trong Kinh thánh: 'Thiên Chúa giàu lòng thương xót' (Eph 2:4). Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Giêsu đã chết cho tất cả mọi người. Tôi xúc động trước những lời nói của ngài đến nỗi không thể đứng dậy khỏi ghế của mình,” người thanh niên vài năm sau trở thành Cha Christopher nói với Aleteia.

Khi bắt đầu lắng nghe những lời của Đức Gioan Phaolô II, Christopher cảm thấy như mình đang ở trong trạng thái xuất thần. Và khi bố mẹ anh nhờ anh giúp họ làm vườn, anh từ chối, nói rằng anh không thể rời khỏi màn hình vì anh đang xem Đức Giáo Hoàng.

“Họ nghĩ đó là cái cớ để tôi không giúp họ! Nhưng tôi đã có kinh nghiệm về Chúa, về tình yêu và sự đón nhận của Người. Tôi cảm thấy niềm vui, sự tự do và một sự bình yên vô cùng vào lúc đó. Bây giờ tôi biết đó là Chúa Thánh Thần”. Một giọng nói bên trong thì thầm với anh rằng anh sẽ nhận được một món quà đặc biệt. “Khi tôi nói với Chúa rằng tôi chọn Ngài, tôi gần như ngay lập tức nghe thấy câu trả lời của Ngài trong lòng: 'Hãy trở thành một linh mục',” anh nói.

Cha Christopher thừa nhận rằng ngay sau khi khoảnh khắc này trôi qua, anh đã đặt câu hỏi về tính thực tế của nó. “Sau khi ngừng lắng nghe Đức Giáo Hoàng, tôi đã có một lúc nghi ngờ. Tại thời điểm đó, tôi đã nói 'không!' Tôi không thể tưởng tượng mình là một linh mục. Tôi là ví dụ hoàn hảo của một người chống đối. Đối với tôi, các linh mục dường như là những người thấp kém. Nói theo con người, tôi nghĩ đó thực sự là lựa chọn tồi tệ nhất. Nhưng bên trong, không mất nhiều thời gian để trải nghiệm thấm nhuần. Tôi vui mừng và nhẹ nhõm nhận ra con đường mà Chúa đã chuẩn bị cho tôi, và chính con đường này sẽ cho phép tôi được chữa lành và khiến tôi hạnh phúc”.

Đó là lý do tại sao, sau khoảng 30 giây, Christopher cuối cùng đã nói “vâng” với Chúa. “Đó là một tính toán nhanh chóng. Tôi nhận ra rằng hoặc tôi sẽ sống một cuộc đời như tôi đã sống cho đến lúc đó, nghĩa là chìm đắm trong tội lỗi, hoặc tôi sẽ chọn một cuộc sống trong ánh sáng, với tư cách là một linh mục. Và đó không phải là một quyết định giữa những con đường tốt hơn hay tệ hơn. Không, đó là sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết,” Christopher, người đã trở thành Cha xứ Pallottine từ năm 2009, thừa nhận.

Truyền giáo cho giới trẻ

Trước đó, cuộc sống của Christopher bao gồm “giả vờ, thể hiện mặt tốt nhất của tôi, nghĩa là liên tục đeo mặt nạ.” Nhưng Thiên Chúa đã có thể “phá vỡ tất cả sự giả dối đó. (…) Tôi không nghi ngờ gì về việc Ngài tiếp tục theo dõi và hướng dẫn tôi. Ngài ở đó, Ngài dõi theo tôi, Ngài truyền cảm hứng cho tôi trong niềm đam mê thực sự của mình: đó là truyền giáo cho những người trẻ tuổi.”

“Tôi cố gắng cho các bạn trẻ thấy Chúa Giêsu là ai, Ngài đã làm gì cho chúng ta và làm thế nào Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự yếu đuối. Tôi giải thích điều gì xảy ra với một người tiếp nhận Chúa Giêsu vào cuộc sống của họ. Tôi cũng nói với họ rằng con người không thể chiến thắng cái ác nếu không có Chúa. Cuối cùng, tôi hỏi họ có muốn Chúa Giêsu giải thoát họ khỏi tội lỗi, nghĩa là khỏi những gì họ không thể chịu đựng được không. Họ quyết định xem họ có muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa Giêsu hay không, họ có muốn Ngài là Đấng Cứu Rỗi của họ hay không”. Cha Christopher kết luận rằng sẽ rất tốt cho những người trẻ này biết rằng Giáo hội có một kho tàng nơi con người Chúa Giêsu, là câu trả lời cho những đau khổ và khó khăn của chúng ta. Ngài hiểu điều này bằng cách thưa “vâng” với Chúa Giêsu. Chỉ mất 30 giây để Chúa Giêsu chiếm được trái tim của ngài.
Source:Aleteia

2. Ở nơi Chúa cũng ngậm ngùi: Số nhà 144 đường Yablunska, Bucha

Hôm thứ Hai, ngày 6 tháng 3, tại Bucha, số nhà 144 phố Yablunska, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã cầu nguyện cho những người Ukraine bị giết trong ngày đầu tiên quân Nga xâm lược thành phố. Người thân của các nạn nhân đã tham gia buổi cầu nguyện cùng với nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Một năm trước, khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, tám người đàn ông ở Bucha đã tự nguyện thành lập một lực lượng bảo vệ lãnh thổ. Vào ngày 4 tháng 3 năm 2022, khi người Nga vào thành phố, họ tìm thấy họ trong một ngôi nhà ở số 144 đường Yablunska, đưa họ đi chân trần ra ngoài, tra tấn và giết họ.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã đến thăm nơi này, “nơi đẫm máu và đau thương,” và tưởng nhớ các nạn nhân. Các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ Irpin, Cha Myroslav Latynnyk, cha sở giáo xứ Chúa Giáng Sinh của Đức Trinh Nữ Maria, và Cha Vitaliy Voetsa, tuyên úy quân y của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã cầu nguyện với Đức Tổng Giám Mục.

“Hôm nay chúng ta ở đây, tại nơi này - nơi giao tranh đẫm máu, nơi tất cả đã xảy ra một năm trước. Nơi này sẽ trở thành biểu tượng cho nỗi đau của Ukraine, biểu tượng cho tội ác mà những kẻ xâm lược Nga đã gây ra khi đến vùng đất yên bình của chúng ta để giết chóc, tàn phá và hủy diệt”.

Thi thể của 13 cư dân được tìm thấy tại căn cứ Agrobudpostach, nơi quân xâm lược đặt trụ sở sau khi Bucha được giải phóng.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav kêu gọi mọi người ghi nhớ tội ác của đối phương và nhấn mạnh rằng anh hùng không chết.

“Giống như mặt trời vượt qua bóng tối, mùa xuân chắc chắn sẽ chiến thắng mùa đông, vì vậy chúng ta, những Kitô Hữu, tin rằng những anh hùng không chết. Đó là điều Chúa đã ban cho những người sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ vì sự bất tử của quê hương”.

Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây. “Chúng ta muốn nói với cả thế giới những gì đang xảy ra ở Ukraine. Vì vậy, hôm nay, chúng ta nói: 'Hãy đến và nhìn vào đây, tại nơi đẫm máu này. Hãy nhìn vào mắt của những người đàn ông đã không nao núng hy sinh mạng sống của họ cho quê hương của họ.'“

Sau buổi cầu nguyện, Đức Tổng Giám Mục đã gặp gỡ gia đình của các anh hùng: cha mẹ, vợ, anh chị em và bạn bè. Ngài bày tỏ lời chia buồn, bày tỏ lòng kính trọng và cảm ơn họ.

“Với tới tất cả các bạn, gia đình và bạn bè, cho phép tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất. Hôm nay chúng ta muốn cầu nguyện với anh chị em ở đây và chia sẻ nỗi đau của anh chị em vì nỗi đau được chia sẻ ít đau hơn. Nó được nhìn thấy trong mắt anh chị em. Những vết thương này làm anh chị em đau lòng. Những chàng trai trẻ đó lẽ ra đã sống và tiếp tục sống, nhưng họ không còn ở bên anh chị em ngày hôm nay nữa. Ai đó đã có quyền quyết định ai nên sống và ai nên chết. Vì vậy, hãy chấp nhận lời chia buồn của chúng ta, sự tôn trọng của chúng ta đối với nỗi đau của anh chị em.”

Ngài kêu gọi tôn vinh nơi hành quyết những người Ukraine ở Bucha, tại 144 phố Yablunska, và bày tỏ hy vọng rằng một đài tưởng niệm sẽ sớm được dựng lên ở đó để tưởng nhớ các anh hùng trong lời cầu nguyện.
Source:UGCC

3. Thống kê mới nhất của Giáo Hội Công Giáo: Phi Châu có thêm gần 1.000 linh mục trong một năm

Nhà xuất bản Vatican vừa công bố ấn bản năm 2023 của Niên giám Tòa Thánh, tập hợp dữ liệu về đời sống của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới từ ngày 1 tháng 12 năm 2021 đến ngày 30 tháng 11 năm 2022, cũng như Annuarium Statisticum Ecclesiae 2021 hay Niên Giám Thống Kê hàng năm, cung cấp một cái nhìn toàn cầu về hoạt động mục vụ của Giáo Hội Công Giáo trong 3.030 khu vực giáo hội trên thế giới.

Dữ liệu cho thấy ơn gọi tu sĩ và linh mục đang giảm sút ở Âu Châu, trong khi đang gia tăng ở Phi Châu.

Một bản tóm tắt được xuất bản bởi trên tờ Quan Sát Viên Rôma xem xét dữ liệu được tổng hợp bởi niên giám thống kê này, cho thấy số người Công Giáo đã được rửa tội tăng 1,3% trên thế giới từ năm 2020 đến năm 2021, một tỷ lệ ít hơn hơn tốc độ tăng dân số toàn cầu, ước tính là 1,6%. Cột mốc mang tính biểu tượng của tám tỷ cư dân trên trái đất đã được vượt qua, với việc Liên Hiệp Quốc xác định thời điểm vượt qua ngưỡng này là ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Theo xu hướng trong vài năm qua, sự phát triển của số lượng người Công Giáo theo các hướng khá khác nhau tùy theo các châu lục, với sự gia tăng đáng kể ở Phi Châu (+3,1%), khiêm tốn hơn ở Mỹ Châu (+1,01%) và Á Châu (+0,99%), và tình trạng trì trệ ở Âu Châu.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, người Công Giáo chiếm tổng cộng 17,67% dân số thế giới. Người Công Giáo chỉ chiếm đa số ở Mỹ Châu với 64,1% dân số, và thiểu số ở Âu Châu (39,6%), Châu Đại Dương (25,9%), Phi Châu (19,4%) và ở Á Châu chỉ có (3,3%).

Tỷ lệ người Công Giáo trên toàn cầu đã giảm ở lục địa Âu Châu, từ 21% xuống 18% tổng số chỉ trong một năm. Một cách hợp lý, dựa trên tháp tuổi, tỷ lệ của Phi Châu đang tăng lên, gấp đôi so với Âu Châu, với 19,3% người Công Giáo đã được rửa tội trên thế giới.

Ở cấp độ toàn cầu, số lượng giáo sĩ đã giảm 0,39% trong một năm. Niên giám liệt kê 5.340 giám mục, 407.872 linh mục và 49.176 phó tế vĩnh viễn tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021. Trung bình, trên phạm vi toàn thế giới, Niên giám thống kê tính cứ 76 linh mục và 258.000 người Công Giáo thì có một giám mục.

Thách thức đối với ơn gọi linh mục vẫn còn, với số lượng linh mục giảm 0,57% trên toàn thế giới từ năm 2020 đến năm 2021, từ 410.219 xuống còn 407.872 đơn vị.

Sự gia tăng gần một nghìn linh mục ở Phi Châu, và sự gia tăng nhiều sắc thái hơn ở Á Châu và Châu Đại Dương, đã bù đắp một phần cho sự sụt giảm hàng giáo sĩ ở Âu Châu.

Tuy nhiên, Lục địa già vẫn có tỷ lệ nhân viên linh mục cao, với một linh mục cho mỗi 1.784 người được rửa tội, so với một linh mục cho mỗi 5.000 người được rửa tội ở Nam Mỹ.

Chức phó tế vĩnh viễn đang phát triển ở Âu Châu (với 15.438 phó tế) và ở Mỹ Châu (tổng cộng 32.373, với sự hiện diện mạnh mẽ của chức phó tế ở Hoa Kỳ nói riêng), nhưng vẫn còn hiếm ở Phi Châu, Á Châu và Châu Đại Dương.

Số tu sĩ nam nữ không có chức linh mục đang giảm đi đáng kể, đặc biệt là ở Âu Châu, Châu Đại Dương và Mỹ Châu, trong khi số người thánh hiến đang gia tăng ở Phi Châu. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới có tổng cộng 608.958 nữ tu và 49.774 nam tu không phải là giáo sĩ.

Số lượng chủng sinh cũng tiếp tục giảm, với mức giảm chung là 1,8% trên toàn thế giới và mức giảm đặc biệt đáng chú ý ở Bắc Mỹ và Âu Châu (-5,8%). Về mặt tương đối, số lượng chủng sinh vẫn cao hơn ở Âu Châu (5,01 trên 100.000 người Công Giáo) so với ở Nam Mỹ (4,13). Á Châu có một tỷ lệ đáng kể về ơn gọi linh mục trong bối cảnh thiểu số, với 20,96 chủng sinh trên 100.000 người được rửa tội.

Ngưỡng canh tân hàng giáo sĩ được ước tính là 12,5 chủng sinh trên 100 linh mục. Âu Châu thấp hơn (9 chủng sinh trên 100 linh mục), cũng như Bắc Mỹ (11,21 trên 100), trong khi Phi Châu cho thấy một tỷ lệ ngoạn mục (65 trên 100), điều này cho thấy rằng nó sẽ tiếp tục phát triển về nhân khẩu giáo hội trong những thập kỷ tới.
Source:Aleteia