Ngày 08-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tuần Thánh 2010: Năm Thánh Giáo hội Công giáo Việt Nam
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:09 08/03/2010
Chúng ta đi vào Tuần Thánh 2010. Tuần Thánh năm 2010 mang một ý nghĩa rất đặc biệt vì Giáo Hội Việt Nam đang mừng Năm Thánh của mình. Tuần Thánh không phải là tuần u sầu, ủ dột, không phải phải là tuần buồn thảm. Tuần Thánh giúp chúng ta thinh lặng nội tâm để sống mật thiết với Chúa, đặc biệt với cuộc khổ nạn và hạnh phúc được sống lại với Ngài.

THỨ HAI THÁNH: ĐẤNG XÓA TỘI TRẦN GIAN

Is 42, 1-7; Ga 12, 1-11

Bài ngôn sứ Is 42, 1-7 và Tin Mừng thánh Gioan 12, 1-11, cho chúng ta thấy bộ mặt đầy yêu thương của người tôi tớ Giavê là Đức Giêsu Kitô. Thánh Gioan giúp ta liên tưởng đến cuộc xuất hành của dân Do Thái xưa. Bữa ăn Vượt qua ( Xh 12, 3 ) ghi những chỉ thị quan trọng dạy Dân Do Thái phải bôi máu chiên lên thành cửa nhà và mi cửa nhà của mỗi gia đình Do Thái. Sở dĩ Sách Xuất Hành đoạn này tả lại chi tiết những việc người Do Thái phải làm trong Lễ Vượt Qua bởi vì đêm hôm ấy thiên thần của Chúa được lệnh giết tất cả những con đầu lòng của người Ai Cập. Với dấu hiệu máu của chiên được bôi lên cửa nhà, con trai đầu lòng của người Do Thái được cứu. Chính nhờ máu chiên mà dân Israen được cứu thoát. Như cái chết đang rình rập Chúa sẽ đem lại ơn cứu độ cho nhiều người, muôn người.

Maria xức dầu thơm cho Chúa. Giuđa ham tiền, giả hình, ích kỷ muốn chiếm số tiền dầu mà Maria đã mua để xức chân Chúa. Giuđa không thương người nghèo. Giuđa chỉ có một suy nghĩ duy nhất là trục lợi, là tích lũy của cải.Maria hiểu được việc mình làm là thể hiện sự thể hiện yêu thương. Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống.

Năm thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nhằm giúp mỗi người có cái nhìn tích cực hơn,vì rằng Giáo Hội đã hiện diện, đang hiện diện và sẽ tồn tại trên Quê hương Việt Nam là để phục vụ người nghèo và làm chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu, Chiên xóa tội trần gian.

THỨ BA THÁNH: GIUĐA ĐI TRONG ĐÊM TỐI

Is 49, 1-6; Ga 13, 21-33.36-38

Để thực hiện ý đồ đen tối, Giuđa đã ra đi trong đêm tối, liên kết với những vị có chức có quyền lúc đó để âm mưu hại Chúa Giêsu.

Ở đây, chúng ta thấy Giuđa hoàn toàn khác với Phêrô. Giuđa bỏ Chúa và bỏ Ngài luôn. Phêrô cũng bỏ Chúa qua hành động chối Chúa ba lần. Giuđa nộp Chúa. Phêrô ăn năn sám hối vì đã lỡ lầm chối Thầy. Giuđa tuyệt vọng. Phêrô trở lại. Phêrô đã sống với Chúa, ông rất hiểu Chúa, nên khi sa ngã nhất thời, ông đã mau mắn quay lại với Thầy và tìm lại sự tha thứ của Thầy.

Giuđa đã sống với Chúa, đã được Chúa tin tưởng giao cho làm Quản lý, nhưng Giuđa lại không hiểu Chúa. Do đó, ông đã đặt của cải, lợi nhuận lên trên tất cả. Ông ham hố danh vọng, tiền tài. Do đó, khi sa ngã ông tuyệt vọng không còn nhận ra lòng nhân từ, yêu thương của Thầy. Ông sa ngã và tuyệt vọng, ông không tin vào sự tha thứ của Chúa. Ông đã ngoảnh mặt luôn với Chúa. Ông đã tìm cái chết như sự giải thoát cuối cùng. Ông đã ra đi trong đêm tối nghĩa là ông đã đồng hóa với ma quỉ.

Tuần Thánh, đặc biệt Tuần Thánh của năm thánh Giáo Hội Việt Nam giúp chúng ta có cơ hội, dịp thuận tiện để sám hối ăn năn, quay trở về với Chúa, cầu nguyện và suy gẫm cuộc thương khó và cái chết của Chúa. Chúa gánh chịu những đau khổ vì yêu thương chúng ta. Chúng ta đừng có thái độ như Giuđa nộp Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có tâm tình sám hối như Phêrô để đáp trả lại tình thương vô biên của Chúa.

THÚ TƯ THÁNH: GIUĐA THƯƠNG LƯỢNG VỚI NGƯỜI DO THÁI BÁN NỘP CHÚA

Is 50, 4-9a; Mt 26, 14-25

Khi Phêrô chém đứt tai tên đầy tớ Mancô, Chúa Giêsu nói với Phêrô: ” Hãy xỏ gươm vào vỏ…”. Chúa muốn cho thấy Ngài không cần đến võ lực, nhưng cái chết là do Ngài tự nguyện theo ý của Cha Ngài.Chính vì thế, chúng ta cảm nghiệm được thế nào là thập giá ? Thế nào là cái chết xem ra hoàn toàn vô lý đối với Chúa Giêsu ? Nhìn vào cuộc hành trình của Chúa, chúng ta thấy có rất nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách cam go chẳng hạn có lần những người biệt phái lấy đá ném Chúa cho chết, có lần họ đưa Chúa Giêsu lên sườn núi cao để cố ý xô Ngài xuống vực thẳm cho chết nhưng Tin Mừng viết Chúa đã băng qua giữa họ mà đi. Như thế, để giải thích những sự việc trên, chúng ta hiểu rõ “ Giờ Ta chưa đến “. Giờ đây có nghĩa là giờ Cha ấn định trước.

Tin Mừng hôm nay cho hay Chúa hay Chúa biết giờ Cha Ngài ấn định cho Ngài, nên Ngài nói “ Giờ Ta sắp đến “. Chúa biết giờ chết của Ngài do sự phản bội của một người trong nhóm 12. Chúa biết thời điểm giờ chết đến gần nhưng quan trọng nhất là Ngài sẵn sàng vâng phục ý của Cha với tất cả lòng kính trọng và thảo hiền của Ngài đối với Cha của Ngài. Do dó, Ngài nói: ”…Không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự thí mạng sống Ta “ ( Ga 10, 17 ). Nơi khác Chúa Giêsu nói: ” Không có tinh yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu mến”( Ga 15, 13 ).

Nhìn lên thập giá chúng ta hiểu thế nào là động lực khiến Chúa tự hiến mạng sống vì nhân loại. Cái chết trên thập giá là một diễn tả hoàn hảo nhất của Chúa Giêsu một các vô vị lợi và hoàn toàn yêu thương Chúa dành cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta.

LỄ CHIỀU THỨ NĂM THÁNH: NGÀI YÊU HỌ ĐẾN CÙNG

Xh 12, 1-14; 1 Co 11, 23-26; Ga 13, 1-15

Trong khung cảnh của chiều thứ năm thánh, trước ngày Chúa Giêsu tự hiến thân làm của lễ hy sinh trên thập giá. Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu hai điều: vinh quang nước trời và thế gian tức nhân loại. Chúa nghĩ về Thiên Chúa Cha, về mối tương quan thâm sâu, về tình con thảo ngoan hiền vâng phục của Ngài đối với Cha của Ngài. Chúa Giêsu hạnh phúc tuyệt vời vì sắp được về với Chúa Cha và đồng thời Chúa cũng nghĩ tới mọi người nơi thế gian. Chúa yêu chúng ta nên ngài muốn chúng ta chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của Ngài: ” Ngài đã yêu mến những người thuộc về Ngài còn trong thế gian, Ngài đã yêu họ đến cùng “. Ngài đã nài xin Chúa Cha:” Tất cả những kẻ Cha đã ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đó với Con “ ( Ga 17, 21 ). Chính vì thế, chúng ta mới hiểu được bối cảnh Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, ban giới luật mới, thiết lập bí tích thánh thể và chức linh mục thừa tác.

Tin Mừng cho hay đang khi ăn, Chúa Giêsu đã làm các môn đệ hết sức ngạc nhiên, sửng sốt khi Ngài đứng lên, lấy nước, cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ. Đây là việc làm của những người nô lệ. Chúa Giêsu là Thầy, là Chủ, là Chúa mà làm như vậy. Nên, Phêrô đã phản kháng cử chỉ này của Chúa Giêsu thay các môn đệ khác, nhưng Chúa nói: ” Con cứ để Thầy làm, sau này chúng con sẽ hiểu…”. Vâng, Hội Thánh bây giờ hiểu và mọi người chúng ta đều hiểu. Chúa đã làm một việc hèn hạ của một tên nô lệ để nói lên tình yêu cao vời, một tình yêu vô vị lợi, quên hết bản thân cốt để phục vụ mà thôi.Cũng chính trong bối cảnh này, Chúa đã thiết lập bí tích thánh thể: để lại Mình và Máu làm lương thực nuôi sống con người. Chúa thiết lập bí tích thánh thể trong bữa ăn gia đình. Bữa Tiệc Ly đã để lại muôn vàn kỷ niệm và việc làm mãi không bao giờ phai. Việc rửa chân nói lên tính khiêm hạ của Chúa Giêsu, một cử chỉ tuyệt đối khiêm nhượng của Chúa Trời Đất. Bí tích thánh thể là bí tích tình yêu, bí tích hiệp nhất, bí tích yêu thương như lời cầu của Chúa: ” Để hết thảy chúng nên một cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha “. Và để tình yêu được dâng hiến như của lễ toàn thiêu: ”…hiến mạng sống vì người mình yêu: (Ga15, 13 ). Tình yêu tự hiến trao ban. Tình yêu hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu vô biên dâng hiến.Chúa đã truyền lệnh cho các môn đệ và đồng thời phong chức linh mục cho các Ngài: ” Hãy làm việc này để nhớ đến Ta “.Các môn đệ đã làm theo lời Chúa truyền dạy. Trong bí tích thánh thể, chúng ta cũng thực hiện tình yêu thương chia sẻ bác ái.” Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu thương nhau; cũng như Ta đã yêu các con thế nào, thì các con phải yêu thương nhau như vậy “ ( Ga 13, 34 “.

Trong thánh lễ chiều thứ năm thánh này, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và thực hiện lời Ngài truyền: ” Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta “. Do đó, thánh lễ chiều nay giúp chúng ta hiểu rõ rằng mọi thánh lễ chúng ta dâng đều là việc tưởng niệm về Chúa Giêsu Kitô và những việc Ngài đã làm để cứu độ nhân loại.

THÚ SÁU THÁNH: CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU

Ga 18

Cái chết thập giá là cái chết nhuốc hổ nhất, nhục nhã nhất vào thời Chúa Giêsu. Quả thực, không có một cái chết nào đau khổ, dằn vặt và ê chề bằng cái chết bị đóng đinh trên cây thập giá. Những kẻ thi hành án này thường là những người bị nguyền rủa, bị các tử tội và gia đình của những tử tội oán hận, căm thù. Nên, thường những tử tội đều bị cắt lưỡi để họ không còn nói được, không còn nguyền rủa những người thi hành án và nguyền rủa những người làm tội họ,kết án tử hình họ.Đối với Chúa Giêsu hoàn toàn khác bởi vì Chúa hiền lành, khiêm nhượng, nhẫn nhục không một lời phàn nàn, trách móc. Nếu những người lính lúc đó hiểu được bản án và chữ viết đóng trên thập giá:” Người này là Vua dân Do Thái “. Chắc chắn, họ sẽ hiểu được thế nào là sự chịu đựng, thế nào là sự nhẫn nhục của một Vị Vua trên hết các Vua, Vị Chúa trên hết các Chúa. Cái chết của Chúa là con đường dẫn tới vinh quang. Ngài là tư tế, cái chết của Ngài là để cứu chuộc.

Trước ngày, Ngài chịu chết trên thập giá, Ngài đã nói: ” Khi nào Ta bị đưa lên cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “ và “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu “. Nói lời này, Chúa Giêsu muốn chứng minh cả cuộc đời Ngài là một hiến lễ tình yêu. Ngài yêu thương nhân loại, yêu thương mọi người, yêu thương con người đến cùng bằng cái chết trên thập giá. Nơi thập giá, Chúa mang ơn cứu độ cho con người. Điều trớ trêu và ngạc nhiên nhất là Chúa Giêsu chịu chết cho ta khi ta đang là kẻ thù Ngài vì ta đang là tội nhân. Đây quả thực là điều tuyệt diệu, là một mầu nhiệm sâu xa, cao vời. Chết cho những người đã xúc phạm, đã làm khổ mình. Quả thật là kỳ diệu. Mầu nhiệm đức tin. Thập giá đã chiến thắng tội ác, đã đem lại sự sống cho con người. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu xa về thập giá, về cái chết tự nguyện của Chúa Giêsu, Ngài viết: ” Thiên Chúa minh chứng tình yêu của Ngài cho chúng ta “ ( Rm 5, 9 ).

Thứ sáu thánh nói lên sự im lặng thánh. Chúa chết để cứu độ nhân loại, cứu chuộc con người.

Trong Năm thánh của Giáo Hội Việt Nam, mỗi người chúng ta hãy dùng cơ hội tốt lành để trở về Chúa, ăn năn sám hối sống tinh thần hãm mình, siêng năng cầu nguyện, chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo. Sống như thế là chúng ta hiểu được thế nào là đau khổ, thế nào là cái chết và thế nào là thập giá của Đức Kitô.

Xin cho mọi Kitô hữu biết ăn năn sám hối trở về với Chúa, sẵn sàng lắng nghe Chúa nói và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

LỄ VỌNG PHỤC SINH: ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ

Lc 24, 1-12

Đêm vọng phục sinh có một ý nghĩa cao vời. Cây nến phục sinh tượng trưng cho Chúa Giêsu trải qua sự đau khổ, chịu chết và đã phục sinh khải hoàn. Đêm nay thánh Augustinô gọi “ Mẹ của các lễ vọng “. Đây là việc thực hiện lại cuộc Xuất Hành của dân Do Thái xưa trong Cựu Ước. Biến cố Xuất Hành là biến cố cực kỳ quan trọng trong lịch sử dân Chúa. Sách Xuất Hành 12, 42 viết thật rõ: ” Đó là đêm Chúa canh thức để dẫn dân Israen ra khỏi đất Ai Cập; vì vậy vào đêm này toàn thể con cái Israen phải canh thức cho Chúa qua hết các thế hệ của họ “. Nên, mỗi năm, đối với dân Israen, lễ Vượt Qua nói lên việc tưởng niệm vĩ đại, Môsê đã theo lệnh Chúa đưa dân Do Thái ra khỏi nước Ai Cập, giải thoát dân khỏi ách nô lệ của vua Pharaon. Đây cũng là biến cố giúp họ hướng về tương lai chờ đợi Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ sẽ đến.

Cây nến phục sinh được đốt lên từ cuối nhà thờ bằng than hồng rực cháy giữa màn đêm tối. Cây nến phục sinh được rước lên từ cuối nhà thờ với ba lần tung hô: ” Ánh sáng Chúa Kitô “. Cả nhà thờ thưa: ” Tạ ơn Chúa “. Rồi cây nến phục sinh được trang trọng đặt vào giá nến ở trên cung thánh. Chủ tế xông hương và ca mừng phục sinh được hát lên với tất cả niềm phấn khởi, hân hoan. Ánh sáng của nến phục sinh là ánh sáng cứu độ. Ở đây, có một niềm tin rất cổ xưa, thánh Giêrônimô nói:” Niềm tin này bắt nguồn từ các tông đồ, niềm tin cho thấy Chúa Giêsu phục sinh sẽ trở lại trong vinh quang ngày cánh chung, ngày tận cùng thế giới vào đúng đêm Vọng Phục Sinh.

Đêm nay với những cử hành phụng vụ thánh giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm khôn tả của việc tự nguyện hiến dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền, thánh thiện là thân xác của Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể và việc mỗi người sốt sắng rước Mình Máu của Ngài với đức tin thâm sâu.

Đêm Canh Thức, đêm Vọng Phục Sinh như thánh Augustinô nói: ” …Toàn bộ thời gian của suốt một đêm dài thực ra Giáo Hội chỉ tỉnh thức, chờ đợi việc Chúa trở lại, chờ đợi cho tới khi Ngài đến “.

Từ Parousia chỉ ngày tái lâm của Chúa. Từ này đem lại niềm vui bởi chữ Alléluia, lời tung hô hân hoan, hạnh phúc và phấn khởi sẽ được phụng vụ dùng trong suốt Mùa Phục Sinh.

Đêm Vọng Phục Sinh trong năm thánh của Giáo Hội Việt Nam gợi lên cho Hội Thánh Việt Nam và mỗi Kitô hữu Việt Nam,Chúa đã sống lại và luôn hiện diện, luôn đồng hành với Giáo Hội Việt Nam. Alléluia. Tạ ơn Chúa.
 
Xóm Mù
Nguyễn Trung Tây, SVD
08:21 08/03/2010
Xóm Mù!
Xóm mù, Ảnh NTT


Có người hỏi,

— Tại sao lại ăn chay vào mùa Chay?

Tại sao?

Theo như thánh sử Luca 16:19-31, tại một thành phố kia có một người nhà giàu ngày đêm yến tiệc linh đình. Ngày ngày ông ta khoác vào người một bộ quần áo đẹp sang trọng. Nằm ngay trước cửa nhà ông là người hàng xóm hành khất Lazarô ghẻ lở đầy mình. Người hành khất bần hàn chỉ có một giấc mơ nhỏ nhoi là được ăn những mảnh vụn của thức ăn dư thừa rơi từ bàn ăn của ông nhà giàu. Nhưng rất tiếc ước mơ nhỏ nhoi này cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Ngày ngày Lazarô nằm trước cửa nhà của ông nhà giàu. Không ai để ý tới sự hiện diện của người hành khất ngoại trừ những con chó, ngày ngày chạy đến liếm những vết thương ghẻ lở trên thân thể của ông ta. Cuối cùng người nhà giàu và ông hành khất cũng qua đời. Trong khi người hàng xóm bần hàn thuả xưa được đưa thẳng về trời, ông nhà giàu lãnh cái vé xe lửa tốc hành một chiều đi thẳng tới Hỏa Ngục.


Truyện Suy Niệm

Xóm nằm trên khu nghĩa trang. Hồi đó người Pháp kéo đại bác vào tấn công thành Gia Định. Xác lính triều và lính tây nằm lẫn lộn lên nhau, thối sình, tử khí bốc cao. Tây rút đi, quan quân triều đình đào lỗ chôn tất cả. Bắt đầu từ hồi đó, đêm đêm có người vẫn cứ nói ma chơi hiện ra chập chờn, ma tây nhìn béo và tròn, ma ta nhìn gầy và méo.

Cả xóm đi ăn mày. Ngày lê la ngoài phố chợ, tối về ngủ dưới những túp lều lụp xụp. Xóm không có tên nhưng có người cắc cớ gọi Xóm Chó Ỉa.

Bỗng một hôm từng đoàn xe vận tải kéo tới đổ từng đống gạch và bê tông cốt sắt xuống ngay giữa khu đất bỏ trống giữa xóm. Ngày hôm sau nhân công đầu đội mũ bảo hộ màu vàng mặc áo màu cam tấp nập kéo tới. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, ngày nào cũng thế, tiếng đinh tiếng búa, tiếng xe vận tải rền vang một khu đất trống, thiên hạ trong thôn xóm ngơ ngác hỏi nhau,

— Ủa, họ xây cái chi vậy?

— Không biết, đi mà hỏi ông chủ. Ổng đứng bên kia kià. Cái mặt trắng tròn tròn, trắng hồng như trái táo đó.

Chỉ trong vòng một tháng, tòa nhà cao ngất trời thành hình. Hôm tân niên có đốt pháo. Xe BMW và xe Mercedez bóng lộn đậu một hàng dài từ ngoài ngõ kéo vào tới gần cổng. Quan khách tham dự tiệc tân gia ai cũng mặc vét, cổ thắt cà vạt, phụ nữ son phấn lụa là, mùi nước hoa mắc tiền thơm nức đẩy xô mùi hôi của xóm.

Trong khi tiệc tân gia đang tưng bừng nổ vang tiếng pháo pha tiếng rượu sâm banh, nhiều người nghèo đói ghẻ lở đầy mình kéo tới trước cửa chìa tay ăn xin. Cánh cửa bật tung mở ra, đầy tớ trong nhà mặc quần tây áo ủi thẳng cứng đi ra thẳng tay xua đuổi,

— Đi! Đi chỗ khác chơi…

Nhìn đám đông không chuyển đổi hình dạng, ông chủ tiến ra nhổ nước miếng xuống nền gạch,

— Thế kỷ 20 rồi, lịch sự một chút có được không?

Cánh cửa đóng lại, nhưng ăn mày vẫn không giải tán. Từ trong nhà có người khách ngứa tay quẳng cục xương ngang qua khung cửa sổ, bao nhiêu thân hình còm cõi lao tới một đích điểm! Thế là xóm trên khu dưới nườm nượp kéo tới. Người người chảy ứa nước miếng nhìn cơm gạo trắng Nàng Hương và thịt heo quay chiên dòn... Một lần nữa, cánh cửa mở ra, nhưng lần này không phải là những người hầu mà là bầy chó dữ xua ra với hàm răng trắng nhởn. Có thằng bé ăn mày làm mặt bướng, cứ sấn tới, con chó dữ nhất nhào tới, thằng bé té lăn quay ra sàn nhà, máu đỏ loang lổ sàn gạch mới tinh.

Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Nhưng thằng bé ăn mày không đổ ruột, cho nên vẫn chẳng có chuyện gì xẩy ra. Xương bên trong tiếp tục ném ra, bên ngoài thiên hạ tiếp tục tranh nhau nhặt xương nhai, tiếng xương nhai nghe rau ráu, rôm rốp, vui tai, và ròn tan. Thằng bé ăn mày bị chó cắn vẫn nằm đó, vết cắn sâu hoắm, máu đỏ chảy thông thốc có vòi, tuôn ồng ộc như nước phông tên. Nhìn ông chủ khuôn mặt tròn xoe có mầu hồng đào của táo đang đứng bất động ngay cánh cửa làm bằng gỗ lim mầu nâu bóng, ông bố bế thằng con bị chó cắn lên tay yên lặng bỏ đi, miệng không nói chi nhưng ánh mắt khó hiểu.

Cứ thế, tòa lâu đài của xóm tiếp tục tiếng nhạc rập rình, xe hơi nối đuôi xếp hàng trước ngõ, và dân trong xóm tiếp tục đi ăn mày vào lòng từ tâm của khắp cùng thiên hạ.

Tối hôm đó, vầng trăng lưỡi liềm vừa vắt ngang qua cột dây điện cao thế của tòa nhà, người trong xóm hốt hoảng nhận ra tiếng rú như lợn bị thọc tiết phát ra từ tòa cao ốc. Người người chạy tới chỉ để nhận ra xác của người mặt tròn có mầu trái táo rớt từ trên lầu cao chót vót giờ đang nằm sõng soài ngay trước sân gạch, đúng ngay nơi thằng bé ăn mày bị chó cắn té vật mặt xuống, giờ đã chết, chôn được hơn nửa tháng.

Một tháng sau, tòa nhà treo bảng, “Bán nhà!”.

Có mấy người mặt tròn có mầu táo ghé vào hỏi thăm. Nhưng chỉ vỏn vẹn được ba bữa nửa tháng căn nhà lại treo bảng bán bởi tiếng đồn nhà có ma.

Thiên hạ đổi tên gọi Xóm Mù!

Có một buổi sáng, người trong thôn nhìn thấy một vị linh mục, tay cầm tràng hạt đi ngang qua Xóm Mù. Thấy căn nhà đồ sộ rũ mình trong hoang phế, ngài hỏi chuyện. Nghe xong, ông yên lặng bỏ đi.

Sáng hôm sau, người ta nhìn thấy trên cánh cửa bám dính màng nhện của tòa nhà có dán một bài thơ, chữ sắc và gọn,

Nếu biết rằng, dù có là phú quý cao sang,

cửa nhà gác tiá lộng lẫy huy hoàng,

vàng chôn trong nhà, phần chìm phần nổi,

nhưng đời nhân gian rồi cũng sẽ chìm vào dĩ vãng,

tôi sẽ sống khác, khác rõ ràng,

tương tự cõi âm phủ và chốn dương gian.

Nếu biết rằng không phải chỉ có riêng tôi sống trên mặt đất,

nhưng còn bao nhiêu triệu triệu người khác,

giống y như tôi, họ cũng biết đói khát,

biết đau khi bị gáo nước lạnh tạt vào mặt,

thì tôi sẽ sống khác,

sống tử tế hơn.

Và tôi sẽ không bao giờ sống

lạnh tanh như một xác chết đã chôn,

tối thui cặp mắt mù lòa,

không nhận ra

nhân diện của Bụt, của Phật, và của Chúa,

trên khuôn mặt của nhân gian,

và của những người anh chị em đói khổ bần hàn

sống chung quanh.

Những cuộc đời như thế, nhạt! tanh!

Buồn ơi là buồn cho những mảnh vụn đời có máu lạnh!


www.nguyentrungtay.com
 
Tình cha yêu con
Lm. Anphong Trần Đức Phương
09:10 08/03/2010
TÌNH CHA YÊU CON

(CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY, NĂM C)

Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm C (có thể dùng các bài Đọc Năm A), thường được gọi là Chúa Nhật “Hãy vui lên…”, “Rejoice”, “Laetare Sunday” do câu đầu trong “Ca Nhập Lễ” trích trong Isaia (66:10-11): “Laetare, Jerusalem…” và diễn tả niềm vui của các tín hữu đã sống tinh thần Mùa Chay Thánh được nửa đoạn đường, sắp tiến gần đến ngày vui mừng Đại Lễ Phục Sinh (Hôm nay Chủ Tế có thể mặc lễ phục màu hồng thay màu tím).

Bài Đọc I (Giôsua 5: 9, 10-12) ghi lại những ngày cuối cùng của cuộc hành trình về quê hương, và Dân Chúa tiến vào Đất Hứa để mừng Lễ Vượt Qua, không còn ăn manna nữa, nhưng bắt đầu ăn thổ sản địa phương, lúa mạch và bánh không men.

Bài Đọc II (2Corintô 5: 17-21) Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta là chúng ta đã trở nên “những con người được đổi mới” vì chúng ta đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ công nghiệp khổ nạn của Chúa Giêsu; vậy, chúng ta hãy thật lòng từ bỏ tội lỗi và trở về “làm hòa với Chúa và với nhau.”

Bài Phúc Âm (Luca 15: 1-3, 11-32) ghi lại dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (thường được gọi là dụ ngôn Người Con Phung Phá). Đây là một dụ ngôn thật cảm động nói đến Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn chờ đợi người con tội lỗi “ăn năn trở về” và sẵn sàng tha thứ tất cả, không một lời quở trách, lại còn động lòng thương, ôm chặt lấy mà hôn con, rồi cho mặc y phục mới, đeo nhẫn mới, đi giầy mới và mở tiệc ăn mừng “vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy!”

Theo lý luận thì thái độ giận dữ của Người Anh Cả cũng rất đúng. Anh hiếu thảo với Cha, suốt ngày lo làm ăn vất vả, thế mà Cha chẳng bao giờ cho anh một con bê nhỏ để làm tiệc chung vui với bạn bè. Trái lại, đứa em thì thật hư đốn, chẳng biết thương Cha, thương anh em, thương gia đình. Đúng là đứa con bất hiếu! vô luân! làm mang tiếng cả gia đình, cả dòng họ! Đòi chia của cải rồi ra đi ăn chơi thỏa thích, sa đoạ đến tận cùng, tiêu pha hết tiền bạc, phải đi làm thuê, làm mướn, phải đi chăn heo là loài vật “nhơ bẩn” (theo quan niệm người Do Thái thời đó, hay người Hồi Giáo bây giờ); đói khát cùng cực đến nỗi thèm ăn cả cám heo cũng không được! Chỉ lúc đó, và chỉ vì thèm những ngày ăn uống đầy đủ trong gia đình, mới hồi tâm muốn trở về, chứ chẳng vì thương Cha, thương gia đình mình! Thế nhưng người Cha nhân hậu, không cần đếm xỉa đến những điều ấy, miễn là người con đã trở về là mừng lắm rồi “vì người con đã chết, nay sống lại; đã mất, nay lại tìm thấy!”

Bài dụ ngôn thật là tuyệt hảo để diễn tả tình Chúa thương yêu chúng ta vô cùng, như người Cha thương con tuyệt đối; thương đến nỗi đã ban “Con Một” của mình xuống trần gian, chịu nạn, chịu chết nhục nhã trên Thập Giá để đền vì tội lỗi nhân loại!( 1Gioan 4: 9-10).

Chúa là Cha nhân từ, người dựng nên chúng ta theo hình ảnh Chúa (hơn mọi tạo vật khác),và ban cho chúng ta có ý thức Tự Do và Trách Nhiệm về cuộc đời mình. Ngài luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Nếu chúng ta muốn ra đi, từ bỏ Ngài, muốn trở nên “vô thần”, “vô luân” phản bội ngài, Ngài vẫn “chia gia tài cho chúng ta”, và để chúng ta tự do ra đi theo ý mình, chứ không cấm đoán. Ngài cũng không dùng quyền lực đi tìm kiếm, bắt trói đem về; nhưng hàng ngày chỉ “trông ngóng” con mình “trở về nhà!” Khi nhìn thấy người con trở về trong tàn tạ, rách rưới, đã không cần đếm xỉa gì đến quá khứ phung phá của nó, mà thấy con trở về từ đằng xa là đã vui mừng lắm rồi, chạy vội ra đón mừng! Ôi, tình thương của Chúa thật là bao la biết bao!

Đọc mấy câu đầu trong Bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để trả lời những người Biệt Phái và Luật Sĩ cứ luôn cho mình là đạo đức, sống đúng luật lệ, và chê bỏ “phường tội lỗi”, rồi kết án Chúa Giêsu là “cứ gần gũi và đến nhà ăn uống với những kẻ tội lỗi, phường thu thuế!”

Noi gương lòng nhân hậu của Chúa, chúng ta cũng đừng bao giờ lên án những người trót sa chân lỡ bước. Đừng bao giờ vội kết án, nói hành, nói xấu người khác. Cũng đừng bắt chước thái độ giận dữ của người anh cả trong dụ ngôn, nhưng hãy khoan dung và yêu thương giúp đỡ những người tội lỗi trở về với Chúa; dù đó là chính ngay đứa con của chúng ta, hay người chồng, hoặc người vợ của chúng ta. “Hãy rộng lòng tha thứ, thì sẽ được thứ tha!”

Hơn nữa, chúng ta hãy tuyệt đối tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa là Cha Nhân Từ của mỗi người chúng ta. Hãy ăn năn sám hối trở về, dù chúng ta đã trót sa đoạ đến đâu mặc lòng, đừng bao giờ thất vọng. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta với tất cả tấm lòng đại lượng, mong chờ và tha thứ.

Xin cùng cầu nguyện chung cho nhau để trong những ngày trọng đại này, chúng ta biết hy sinh dành nhiều thời giờ hơn để cầu nguyện, dự các cuộc Tĩnh Tâm Mùa Chay, hy sinh hãm mình thắng vượt những đam mê tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn qua Bí Tích Hòa Giải (Xưng Tội) và dành dụm tiền bạc giúp đỡ người nghèo khó trên thế giới. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được chết đi với tội lỗi, cải thiện đời sống để được cùng sống lại thật với Chúa trong đời sống trong sạch, hòa hợp, yêu thương và nhiệt thành phụng sự Chúa và mọi người trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện và cộng tác với chương trình của Giáo Hội Hoa Kỳ hiện nay đang mời gọi “người Công Giáo trở về với Chúa và Giáo Hội” (Catholics Come Home ). Xin Chúa chúc lành và cho công trình này được kết qủa tốt đẹp.
 
Mùa Chay và Gia đình
Thanh Thanh
11:22 08/03/2010
Những hình ảnh quen thuộc

Mùa chay là mùa làm đẹp. Mùa chay là thời gian thánh. Vì ơn Chúa ban rất nhiều trong mùa này giúp ta nhìn lại bản thân và gia đình. Nhờ ơn Chúa, ta và gia đình được đổi mới thành con người mới, xứng đáng đón nhận ơn cứu độ. Những khuôn mặt đẹp Giáo hội hay nhắc tới giúp ta suy gẫm trang tháng 3, là thánh Giuse, ông Simon và bà Vêrônica.

Những gợi ý quen thuộc

Thánh Giuse

Ngài đã khám phá ra ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho, là trở thành một gia trưởng, và Ngài đã vâng phục thực hiện ơn gọi này bằng cách đón nhận một gia đình gồm có Đức Maria cùng với bào thai Giêsu (Mt 1,18-25).

Ngài đã ý thức được mối nguy hiểm do vua Hêrôđê đang đe doạ gia đình, và đã bảo vệ gia đình bằng cách đem con trẻ và Đức Mẹ trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-18).

Ngài đã đưa gia đình trở về định cư tại Nazareth (Mt 2, 19-23) và nuôi dưỡng gia đình bằng nghề nghiệp và mồ hôi của mình. Ngài đã sống ơn gọi gia trưởng bằng cách dấn thân trọn vẹn, quảng đại cho sứ vụ hôn nhân.

Ngài không chỉ thực hiện nhiệm vụ một cách máy mọc theo các định chế xã hội, mà còn tự nguyện đáp lại lời mời gọi một các độc đáo theo chương trình của Thiên Chúa.

Ngài đã dùng lý trí, khôn ngoan và bình tâm để đón nhận gia đình mới với mọi khó khăn, thử thách: về dư luận, về Maria, và về bản thân trong đấu tranh tư tưởng là chọn Chúa, chọn mình, hay chọn Maria.

Ngài đã vượt lên chính mình để làm theo Ý Chúa theo như mộng báo. Nhờ ý riêng dẹp xuống, mà quyền năng Đấng Tối cao được thể hiện. Con Chúa đã “đến và ở giữa chúng ta”.

Ngài đã trở thành một gia trưởng gương mẫu, có có trách nhiệm, có tin tưởng phó thác nơi Chúa, có lòng đạo đức mạnh mẽ. Nhờ thế, gia đình thánh gia được bình an vượt qua sóng gió cuộc đời và kho tàng ơn cứu độ được an toàn.

Ông Simon

“Có một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Đồi Sọ” (Mc 15,21-22).

Ông Simon tuy là người dân ngoại, nhưng tâm hồn thì tốt lành, biết xót thương đồng loại, nên đã chia sẻ nỗi khốn khó của Đức Giêsu. Ông sẵn lòng ghé vai vác đỡ cho Ngài. Đáng lý lúc này, các tông đồ phải luôn có mặt, và chia sẻ thánh giá với Thầy Giêsu mới phải.

Lòng thương xót không bao giờ cột chặt con người vào tôn giáo này hay tôn giáo kia, cộng đoàn này hay giáo đoàn nọ, gia đình kia hay gia đình mình. Mà bức tường về địa lý, không gian, tuổi tác, giàu nghèo, tôn giáo… đã bị bẻ gãy, chỉ còn lại là tình người và nhu cầu cấp thiết liên quan trực tiếp đến đương sự đang thế nào và ra sao mà thôi.

Simon đã có hành động rất đẹp và thiết thực đáng ca ngợi.

Bà Vêrônica

“Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28).

Trời nóng nhưng lòng lại mát. Mát bởi nghĩa cử cao đẹp. Đẹp không bởi những sự lớn lao, nhưng là bé nhỏ mà tình thì sâu nặng. Bà cho Chúa tấm lòng yêu quý, đơn sơ, thiết thực vào chính lúc mà tất cả dường như đã bỏ rơi Ngài.

Phụ nữ đôi khi bị nam giới cho là sống theo cảm tính, không đáng tin; tiếng nói thì bị xem nhẹ, trí khôn thì cho là kém cỏi, không biết gì; còn việc làm thì không đáng trân trọng.

Nên đã làm cho ra làm, làm những việc lớn lao, nổi tiếng, để đời…

Nhưng thực tế, lúc Chúa Giêsu khốn khó vất vả thì lại không thấy những việc lớn lao của đàn ông thanh niên, không thấy hết các tông đồ, ngoài những phụ nữ cùng những lời an ủi và việc làm bé nhỏ.

Những áp dụng quen thuộc

Gia đình cũng cần phải có những việc làm cụ thể của từng thành viên thì hy vọng mới được ấm êm, an bình và phát triển toàn diện.

Đã đi vào đời sống hôn nhân, ai cũng muốn gia đình của mình bền vững, hạnh phúc. Vì thế người ta đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng và rất nhiều về kiến thức gia đình, tâm lý, giới tính, đạo đức, giáo luật, gia cảnh trước khi tiến tới việc kết hôn.

Về căn bản, gia đình nào cũng giống gia đình thánh Giuse. Nhưng có trở thành khuôn hay không, tuỳ vào cố gắng của bản thân, nhờ ơn Chúa.

Nếu chồng, vợ luôn chấp nhận nhau, cố gắng dẹp ý riêng để chu toàn trách nhiệm cao cả Chúa ban, thì

. luôn xác tín đây chính là ý định của Thiên Chúa, mà cảm tạ tri ân và đón nhận với tất cả lòng mến yêu, đem hết tâm trí, sức lực mà bảo vệ.

. luôn quan tâm, nhạy bén với các xu hướng thời đại, các trào lưu tục hoá đang đe dọa thân xác, tinh thần, tình cảm, tính tình, học vấn, lương tâm của con cái, thì mau chóng chặn lại, dẹp bỏ.

. luôn dùng hết thời gian, sức khoẻ, trí tuệ Chúa ban cùng với mồ hôi để lo có của nuôi sống gia đình. Hãy thức tỉnh sỏi đá bằng mồ hôi và kiên nhẫn. Có thế, con cái mới được an tâm vui sống trong tình thương cha mẹ.

. luôn nói năng với nhau bằng ngọt ngào, quan tâm với nhau trong nghĩa tình, đối xử với nhau bằng tình thương, hành xử với nhau trong bác ái, nâng đỡ nhau bằng nhẫn nại, chia sẻ với nhau trong khiêm tốn, hết mình vì nhau bằng tha thứ. Sống bằng tất cả là của mình, thương người như thể thương thân mà.

. luôn nhìn đến gương Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống vì gia đình nhân loại để quý trọng mọi người trong gia đình mình.

. luôn nhìn đến Đức Mẹ, người vô cùng vâng phục ơn Thánh, để quyền năng Đấng tối cao được tỏ bày, thì quyền năng ấy cũng đang được biểu lộ trong gia đình của mình.

. luôn nhìn đến ông Simon, thay vì chạy trốn trách nhiệm, tránh né, khép lòng, mà cùng đồng sức đồng lòng lèo lái con thuyền gia đình vượt qua sóng gió hiểm nguy. Luôn sẵn sàng gánh đỡ gánh nặng của nhau, vì nhau.

. luôn nhìn đến bà Vêrônica biết vượt qua chính mình, lột bỏ khuôn mặt lạnh nhạt, vô cảm với nhau mà chu đáo giúp đỡ bằng việc làm cụ thể đầy tình bác ái và yêu thương. Để gia đình luôn là trung tâm tình yêu và tình cảm, bao dung thương xót và thứ tha.

. luôn ý thức gia đình là miếng mồi ngon của ma quỷ, chúng luôn tìm cách chia rẽ, tấn công, mà nắm tay nhau vượt qua các cơn sóng cuộc đời là kinh tế, học vấn, giáo dục, đạo đức, tình cảm.

. luôn nhắc nhau vẽ lại khuôn mặt của thánh Giuse, Simon, Vêrônica, trong từng ngày sống của gia đình.

Với những người thân thuộc

Người thân chính là chồng, vợ và con cái.

Chỗ dựa của vợ là người chồng đạo đức, siêng năng, hiền lành, hết lòng vì gia đình.

Niềm an ủi của chồng là người vợ thuỳ mị, nết na, chu đáo.

Niềm vui của vợ chồng là con cái ngoan hiền, hiếu thảo, nên thân nên người.

Niềm hãnh diện của con cái chính là cha mẹ hiền hoà, yêu thương nhau.

Gia đình do ta tự nguyện chọn lựa, nên đừng bao giờ đứng núi này trông núi nọ hay so sánh với những gia đình khác. Mỗi gia đình đều có nét đẹp riêng cùng với khốn khó đi kèm.

Vợ, người dám cho đi thân xác, dâng vẹn tâm hồn, hiến trọn tuổi xuân, đem trao cả đời cho ta. Và chuỗi ngày trong đời, vợ là người gắn bó, gần gũi, hết lòng lo cho chồng con mà quên cả bản thân, sẵn sàng chịu thiệt về cơm áo, thời gian, sức khoẻ, niềm vui. Hãy kính trọng và biết ơn nàng.

Chồng, người có thể rong chơi cùng cuộc đời với người khác, nhưng lại dành cho vợ con. Một quyết định bởi tình yêu và hy sinh. Gia đình trở thành ách mang trên vai suốt đời. Một mình phải đương đầu với mọi thứ sóng gió và nhu cầu của vợ con. Từ vật chất đến tinh thần, từ đời này đến đời sau. Người phải cố gắng gấp nhiều lần người khác. Phải lo hoàn thiện bản thân, rồi đến vợ và con cái. Hãy biết quý trọng và cảm ơn chàng. Hãy biết đồng cảm, đồng chia sẻ, đồng vượt khó, đồng lòng với nhau.

Con cái, kết tinh bởi tình yêu vợ chồng. Là hạnh phúc của cha mẹ. Con cái hãy biết làm cho cha mẹ vui bằng cách chia sẻ gánh nặng hàng ngày qua các việc chăm sóc gia đình gọn gàng, sạch sẽ, đến hỗ trợ tinh thần khi không làm cho cha mẹ buồn, đến đồng lòng trong các quyết định chung, rồi chung sức vượt khó gia đình gặp phải.

Những câu nhắc nhở: Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha. Công cha như núi thái, nghĩa mẹ như suối nguồn.

Những đức tính quen thuộc

Có rất nhiều đức tính mà ta phải trau dồi để làm giàu bản thân và cuộc sống, cũng là cách bảo vệ và phát triển hạnh phúc gia đình.

Hài hước. Giúp cho đời sống thêm vui tươi, nhẹ nhàng. Nhờ hài hước, gánh nặng cuộc đời sẽ thấy nhẹ nhàng và mau qua. Có gì để bực bội với cỏ cây, cáu gắt với con vật, càng không có gì để gây hấn với nhau.

Lạc quan. Sau cơn mưa trời lại sáng mà. Nhờ lạc quan mà ta lướt qua được mọi gian nan khốn khó mà không để lại những vết thương tâm lý cho mình và cho người khác.

Hãy nhìn vào thánh Giuse để suy gẫm và nhớ lại lời Chúa Giêsu để đời ta luôn bình yên: “Ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11,28-30).

Thành Thật. Sự thật giải thoát chúng ta. Nhờ sự thật mà tâm hồn ta được thanh thản để đón nhận các biến cố vui buồn Chúa gởi đến trong cuộc sống.

Sống lý tưởng. Như chiếc thuyền phải có bánh lái, thì cuộc đời phải có lý tưởng. Nhờ vậy ta mới dồn hết tâm lực, trí lực, sức lực để đầu tư cho lý tưởng.

Có trách nhiệm. Ơn gọi nào cũng có vinh quang và thánh giá đi kèm. Nếu hết lòng yêu mến mà chu toàn bổn phận và trách nhiệm, thì ân phúc sẽ nở hoa cho ta và cho đời, người khác được chia sẻ hương thơm của nhân đức.

Ân cần, chu đáo. Nhờ vậy mà người xung quanh mới có được chăm sóc tận tình, kỹ càng. Để làm được, cần phải quan tâm bằng trái tim. Trái tim sẽ chỉ cho ta biết cách phải làm gì, và nói gì để người khác vui, hai lòng, quý mến.

Hiểu biết. Nhiệt tình mà không có hiểu biết sẽ rất khó diễn tả tình cảm của mình. Và cách hành xử sẽ rất vụng về, gượng gạo, có thể làm cho người hiểu lầm, cười chê…Cần trau dồi các kỹ năng để sống ở đời…

Khoan dung. Đây là sợi dây làm mờ đi các lỗi lầm, xoá đi các vết nứt do tội gây ra. Là sợi chỉ hồng nối kết tình thân cho thêm bạn, thêm tình, thêm người…

Nếu mỗi người biết dùng thời gian Giáo hội mời gọi thì đúng là mùa thánh, mùa làm đẹp cho ta, cho đời và cho người thì chắc chấn sẽ tích cực đáp ứng lời mời gọi của Giáo hội nhiều hơn.

Ta đừng để Chúa phải đợi ta lâu hơn nữa.

(http://niemvuimoi.org)
 
Mùa Chay - Mùa của lòng thương xót
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS
12:28 08/03/2010
Ngày 07-02-10, công an tỉnh Bình Dương đã bắt giam Nguyễn Anh Nguyệt (24 tuổi) can tội giết người. Nguyệt và chị Ngọc Hạnh (45 tuổi) cùng thuê chung phòng trọ, hai bên thường xảy ra xích mích dẫn đến đánh nhau. Nguyệt dùng dao đâm chết chị Hạnh rồi bỏ trốn (báo Thanh Niên, ngày 08-02-10).

Công an tỉnh Đồng Nai ngày 08-02-10 đã tạm giữ Nguyễn Văn Dũng (16 tuổi) để điều tra tội giết người. Giữa Dũng và Thanh (18 tuổi) thường xảy ra mâu thuẫn. Trong một lần đi chơi về, 2 bên cự cãi nhau. Dũng rút dao đâm Thanh một nhát trúng ngực khiến Thanh chết tại chỗ (báo Thanh Niên, CN 07-02-10).

Hằng ngày ta đọc thấy nhan nhãn những tin tức loại này trên các phương tiện truyền thông. Chỉ một xích mích nhỏ giữa 2 người hàng xóm, một va quẹt xe trên đường, hay chợt “nhìn thấy ghét!” cũng đủ để gây ra án mạng. Ngày nay người ta nói nhiều đến chữ “vô cảm”, “máu lạnh” để diễn tả tấm lòng không biết xót thương nhau, không biết thông cảm, tha thứ cho nhau giữa con người với con người.

Trong bối cảnh đó, việc cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt trong các xứ đạo ở vùng Tân Bình, Sài Gòn càng ngày càng phát triển. Giữa một thế giới của những cực đoan, của những mâu thuẫn và nghịch lý, con người đối xử với nhau thiếu tình người, ngay cả những người trong Đạo cũng xử với nhau “cạn tầu ráo máng”, chẳng biết xót thương nhau, thì người ta chỉ còn biết chạy đến Đức Giêsu “Đấng giầu lòng thương xót” mà thôi!

Những ngày khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã qua đi. Những nghi thức sám hối tập thể, những lời “chân thành thú tội, cúi đầu tạ tội”, những lời công khai “xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau và xin lỗi mọi người…” sẽ không còn lại âm vang nào, sẽ chỉ là những nghi thức rình rang nếu không có sự biến chuyển trong mỗi người Công Giáo Việt Nam. Mọi sự thay đổi phải bắt đầu từ chính bản thân mình như Gandhi nói: “Bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn thấy nơi thế giới. Thế giới mà bạn muốn thay đổi, khởi đầu ở chính sự thay đổi nơi con người bạn.” Thay đổi con người mình (thế giới bên trong) là thay đổi thế giới bên ngoài mà mắt thấy tai nghe và cảm xúc. Những lời xin lỗi sẽ chỉ là đầu môi chót lưỡi nếu ta không thật lòng tha thứ cho nhau. Làm sao người cúi đầu xin lỗi được tha thứ và bình an nếu người kia cứ chấp nhất không chịu thứ tha và hoà giải? Chúa xót thương con người, sao con người không biết xót thương nhau?

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta vẫn thường được nghe lại dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (quen gọi là dụ ngôn người con hoang đàng!) Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Tin Mừng Luca được Đức Giêsu nói tiếp sau những lời người biệt phái kêu trách Chúa. Khi thấy những người tội lỗi và thu thuế đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng, những người biệt phái và các kinh sư xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc 15,2)

Nghe những lời kêu ca này, tự nhiên chúng ta thấy không thể chấp nhận cái vẻ cao ngạo của nhóm biệt phái và thấy mình có thể có những tâm tình tốt hơn. Chúng ta chẳng những không khinh người tội lỗi, mà trái lại còn thường cầu nguyện cho những người có tội ăn năn trở về cùng Chúa nữa mà!

Như vậy giữa chúng ta và người biệt phái có hai tâm tình khác hẳn nhau: một đằng họ khinh người tội lỗi, một đàng ta thương những người lỗi tội. Ta có lòng xót thương đấy chứ ?

Nhưng giữa ta và biệt phái lại có một điểm giống nhau là cùng ở một giai cấp: “giai cấp đạo đức”. Mà ai ở “giai cấp đạo đức” thì không gặp được Chúa Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót. Chính Đức Giêsu đã khẳng định sứ vụ của mình: “Tôi đến không để kêu gọi những người đạo đức mà để kêu gọi những kẻ tội lỗi”. Trong dụ ngôn con chiên bị lạc mất và được tìm thấy, Chúa kết luận: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải hối cải.” (Lc 15,7). Và Đức Giêsu, chính Ngài cũng đã xếp chung hàng với người tội lỗi, đoàn đoàn lớp lớp xuống sông Giođan chịu Gioan thanh tẩy.

Đó là điều ta cần suy nghĩ trong Mùa Chay Năm Thánh-Mùa của Lòng Xót Thương. Khi Đức Giêsu nói gì dạy gì thì Người không lấy lý thuyết của dân gian, không lấy sách vở luân lý của người đời mà dạy dỗ. Đức Giêsu lấy cái có trong chính bản thân mình để cho người ta đón lấy, chịu lấy. Đó là tấm lòng xót thương của Thiên Chúa. Tôi có thể dạy giáo lý rất hay, có những bài diễn thuyết rất hùng hồn, văn chương bóng bảy. Nhưng đó chỉ là sách vở, là con chữ, là những cái chắp vá vay mượn, không phải của tôi, không phát xuất từ tấm lòng cảm thương của tôi, nên chẳng lay động lòng người, chẳng thu hút người khác đến với Chúa được.

Điều mà Đức Giêsu muốn cho chúng ta chiêm ngưỡng một cách kỹ càng, không phải là hình ảnh của đứa con phung phá, nhưng là tấm lòng vô cùng nhân hậu của một người Cha, “Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong các kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14). Người Cha ấy là Cha của Đức Giêsu, cũng là Cha của chúng ta (Ga 20,17). Nếu không có một người cha ngày đêm ngồi trước thềm mòn mỏi ngóng chờ đứa con lạc loài hư đốn, thì đứa con hoang đàng kia nếu có trở về cũng thành vô nghĩa và vô ích. Nó sẽ chẳng gặp được cái gì may mắn cho nó hơn cái số phận mà nó đang có, nghĩa là nó sẽ từ vùng tối tăm đói khổ này, rơi vào vùng tối tăm đói khổ khác. Và ngay cả nếu nó có gặp được một người cha phúc đức nào đó trên cõi đời này, mà không phải người cha mà Đức Kitô giới thiệu cho chúng ta, thì nó cũng chỉ gặp được những tâm hồn cứng lạnh như băng, sẵn sàng sửa trị xứng với tội làm “tán gia bại sản” của nó, rồi mới tính đến chuyện nó có được phần nào trong nhà hay không. Phần đó nhiều ít bao nhiêu, thì lại là vấn đề còn hậu xét! Theo luân lý thì phép “giáo nhi” là phải sửa trị những đứa con hư, người nghiêm phụ thì giữ gìn gia phong nề nếp, không thể để những đứa con đã “bôi gio trát trấu” vào mặt gia đình muốn đi về thế nào tùy ý nó, cho dù miệng nó có nói lời hối cải xin lỗi thì không phải đơn giản thế là xong.

Cho nên ít nhiều, những người “gọi là đạo đức” hôm nay cũng dễ dàng đồng tình với cách xử sự của người con cả, một mẫu người tử tế đạo đức, chí thú làm ăn, phục vụ cha hết mình. Thấy mình tốt như thế nên anh ta không thể nào chịu nổi mình lại có thằng em khốn khiếp vô lại như vậy! Và anh lại càng không chịu nổi thái độ của ông bố, vừa bất công với mình, vừa thương thằng út một cách vô lý đến mức có vẻ như nhu nhược. Ông đã không trị tội nó thì thôi còn ra như thưởng công nó: “bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 15,23). Dường như anh ta không chịu nổi một người cha giầu lòng thương xót như vậy. Có lẽ anh ta “suy bụng ta ra bụng người”, lấy tấm lòng hẹp hòi của mình để đo lòng người cha. Anh bất mãn tức giận đến nỗi không thèm vào nhà, không thèm nhìn nhận em mình nữa. Nó chỉ là “thằng con của cha” chứ không phải là anh em ruột thịt của anh. Anh buông những lời cứng cỏi hằn học thế này: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”(Lc15,28-30).

Phản ứng của người con cả đôi khi cũng là của ta ngày nay. Đứng ở “giai cấp đạo đức”, ta khoanh tay nhìn từng đoàn “người con hoang đàng” kéo đến cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, nghe Lời Chúa với ánh mắt… hơi khó chịu, nghi ngại. Tại sao họ kéo đến cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa đông thế? Hãy đến mà xem! Nhìn từng đoàn người kính cẩn quỳ cầu nguyện dưới cái nắng chói chan, ngước mắt lên trời kêu cầu lòng thương xót Chúa đoái thương đến thân phận tội lỗi của mình, ta sẽ hiểu vì sao. Chứng kiến hàng dài những hối nhân kiên nhẫn xếp hàng trước toà giải tội, chờ đến phiên mình vào lãnh Bí Tích của Lòng Xót Thương ta mới hiểu được nhu cầu tâm linh của con người ngày nay thế nào. Ta vẫn gọi Chúa là cha mà lại nhất định không nhìn nhận người khác là anh em của mình, vẫn cương quyết loại trừ người anh em đó, thậm chí còn nổi giận khi thấy Chúa tỏ lòng thương xót ưu ái cái con người “chẳng ra gì” trước mắt mình. Ta hãy nghe lại Lời Chúa phán với tên mắc nợ không biết thương xót: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?... Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 32-35). Trong “Bài Giảng Trên Núi”, Đức Giêsu khẳng định rõ ràng: “Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì cha của anh em cũng sẽ không tha thứ lỗi lầm cho anh em.” (Mt 6, 15). Ta còn dám và còn muốn loại trừ, không nhìn nhận, không tha thứ cho người anh em mình nữa không? Chính Phaolô cũng nhắc nhở tín hữu Êphêsô: “Anh em phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” (Ep 4,32)

Chúng ta là con người, mà lại là con người có tội, nên chúng ta suy nghĩ như con người, đối xử với nhau như con người, có vay có trả, ai vay người đó trả. Còn Đức Giêsu nói với chúng ta thế này: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15b).

Điều mà Đức Giêsu đã biết, đã nghe nơi Cha rồi tỏ cho chúng ta biết là tấm lòng của Cha đối với chúng ta, những đứa con tội lỗi. Tấm lòng chỉ biết chờ đứa con hư trở về để tha thứ yêu thương: “Mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng” (Lc 15, 22-23).

Thật là kỳ lạ! Tấm lòng không đòi đứa con hư phải trả lại đủ những gì nó đã vay, nó đã phá. Tại sao vậy ? Tại vì đã có người trả cho nó, trả đầy đủ, đền thay cho nó, đền dư thừa và đã lập công cho nó để nó đáng được thưởng. Người đó là ai ? Người đó không phải ai khác mà lại chính là Con của Cha, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô, Đấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa” (2C 5,21).

Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa biết bao nhiêu, vì tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội, nên đều được Cha xót thương như nhau, trừ những ai tự nhận mình thuộc “giai cấp đạo đức”, không cần được tha thứ cũng không chịu tha thứ, không cảm nghiệm được lòng xót thương của Chúa, nhất định “đứng ngoài, không chịu vào nhà” thì chính họ tự loại mình ra khỏi vòng tay yêu thương của Chúa,

Trong Mùa Chay Năm Thánh này, nếu tôi thấy mình thuộc “giai cấp đạo đức”, thấy mình đã làm đầy đủ bổn phận không cần quay trở về lăn vào vòng tay của Cha và tha thứ cho ai nữa, thì tôi nên cầu nguyện và thành thực suy xét lòng mình lại cho kỹ. Tôi có giống như người con cả chỉ cần đòi Thiên Chúa trả công cho tôi một con dê không ? Nhất là nếu tôi cương quyết không chịu tha thứ cho những người anh em đến xin lỗi tôi (mặc dù thực ra đôi khi họ chẳng có lỗi gì với tôi!) thì chính tôi đã tự cho mình là “kẻ làm công”, không còn là con Cha nữa rồi.

Tất cả thế gian là vùng tối tăm túng thiếu nghèo nàn, vì cả thế gian đã phạm tội và đã mất hẳn vinh quang Thiên Chúa. Nếu cứ ở lì trong cái vùng khốn khó này, thì số phận mọi người sẽ như số phận đứa con hoang đàng, nó phải kêu lên: “Tôi chết đói mất”. Chỉ khi nào biết khiêm tốn chỗi dậy quay trở về nhìn nhận mình đã “đắc tội đến trời và đến cha” thì mọi sự sẽ biến đổi tức khắc.

Từ thân phận tôi tớ, tôi được xỏ nhẫn đi giầy trở thành con Cha trong tự do.

Từ thân phận đói khổ mình trần, tôi được mặc áo đẹp và được vào bàn tiệc.

Tất cả những phúc lộc này của tôi và của cả nhân loại chỉ xảy ra khi tôi và mọi người mở lòng ra đón nhận lấy Đức Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót, vào đời mình, “Ai ở trong Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới”. Lúc đó chúng tôi sẽ được trở thành con người mới, thành con của Cha trên trời và là anh em với nhau, không còn kèn cựa, so bì, tranh hơn tranh thua với nhau nữa. Chúng tôi nắm tay nhau hân hoan đến dự tiệc Thánh Thể, quyết tâm thực hiện điều mà Đức Hồng Y Gioan Baotixita nhắn nhủ gia đình giáo phận trong thư công bố khai mạc Năm Thánh 2010 là “cùng nhau viết lại định nghĩa “Đạo Chúa là đạo yêu thương”, người Công Giáo là người ý thức được Chúa yêu thương, đồng thời là người biết yêu thương anh em đồng đạo và đồng bào, vì tất cả là con một Cha, là anh em một nhà…”

Cùng nhau thực hiện được như vậy, Mùa Chay Năm Thánh năm nay mới thực sự là Mùa của Lòng Xót Thương…
 
Dụ ngôn người con hoang đàng
Lm. Đinh Lập Liễm
19:10 08/03/2010
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY C

+++

A. DẪN NHẬP

Thiên Chúa dựng nên con người có hồn có xác. Ngài còn ban cho họ lý trí và tự do để sống theo thánh ý Ngài. Tự do là tặng phẩm vô giá Thiên Chúa đã tặng ban cho con người để họ tự do trung thành với Chúa hay phản bội Ngài. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Vì thế, tự do là con dao hai lưỡi, nếu biết dùng nó cho đúng thì sống, mà dùng sai thì chết.

Chính vì con người có quyền tự do nên họ đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, Ngài vẫn yêu thương con người khi họ còn ở trong vòng tội lỗi, Ngài kiên nhẫn chờ đợi, kêu mời và tạo mọi điều kiện để họ trở về sống trong ân tình của Ngài. Dụ ngôn đứa con hoang đàng hôm nay nói lên chân lý đó.

Thánh Luca đặc biệt nói về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn, mà dụ ngôn người con hoang đàng là sâu sắc hơn cả. Con người yếu đuối và hay sa ngã.. Nguyên tổ Adong Evà đã sử dụng sai tự do của mình, đã sa ngã, nhưng Chúa vẫn thứ tha. Rồi đến lượt con cháu ông bà cũng đi vào vết xe cũ đó, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi, kêu gọi họ trở về để được ơn tha thứ. Đavít, Madalena, Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld… đã đi vào con đường tăm tối và đã được giải thoát sang vùng ánh sáng tự do.

Có lẽ mỗi người đều sẽ phải nếm nỗi chua xót vì đã sử dụng tự do sai trái ! Tất cả đã đúc thành cái giá cắt cổ mà Con Thiên Chúa phải trả thay bằng chính mạng sống mình. Bài học sâu sắc của đứa con hoang đàng đã trở thành tiêu biểu cho những người dám chân thành và cam đảm làm cuộc trở về với Người Cha Nhân Hậu.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Gs 5,9-12

Trong 40 năm trên đường về Đất Hứa, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng dân Do thái bằng manna, ai muốn ăn bao nhiêu thì ăn, không bị hạn chế, nhưng khi đã đặt chân lên Đất Hứa rồi, mannna thôi rơi, và dân bắt đầu ăn thổ sản trong xứ.

Cuộc xuất hành về Đất Hứa đã kết thúc, họ mừng lễ Vượt Qua đầu tiên để tạ ơn Chúa đã thực thi lời hứa trong giai đoạn quyết định vừa qua. Từ nay, lễ Vượt qua được ấn định vào ngày 14 tháng Nisan hàng năm giúp dân Do thái luôn nhớ đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ.

Trong cuộc hành trình về quê trời, Mình Thánh Chúa là manna được Thiên Chúa ban cho loài người, một thứ thần lương nhiệm mầu nuôi sống linh hồn chúng ta và đem chúng ta đến sự sống đời đời.

+ Bài đọc 2: 2Cr 5, 17-21

Thiên Chúa là Đấng trung thành và thương xót, đã dùng Đức Kitô mà giao hòa chúng ta với Người, đã gánh tội của chúng ta và làm cho chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho chúng ta được tái sinh nhờ Bí tích rửa tội để sống một đời sống mới.

Nhưng điều đã được thực hiện dứt khoát một lần trong Đức Kitô còn phải được thực hiện nơi từng người: đó là tầm quan trọng của sứ mạng hòa giải được giao phó cho các vị Tông đồ. Do đó, Giáo hội có sứ mạng làm cho những ơn ích của sự hòa giải ấy được đến với mọi người.

+ Bài Tin mừng: Lc 15,1-3.11-32

Thiên Chúa luôn giầu lòng thương xót và tha thứ đối với tất cả mọi người. Thánh Luca đã diễn tả lòng thương xót đó qua 3 dụ ngôn:

- Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15,4-7).

- Dụ ngôn đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).

- Dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lc 15,1-3.11-33).

Trong dụ ngôn người con hoang đàng này, ta thấy người cha có hai đặc điểm: tôn trọng tự do của con, sẵn sàng chia gia tài cho con, và nhất là sẵn sàng tha thứ, luôn mong đợi con trở về ngay khi nó chưa hối lỗi. Người con thứ không phải là mẫu mực một kẻ tội lỗi hồi tâm: anh ta không có vẻ ăn năn thống hối thực sự, anh ta chỉ đi theo hướng có lợi, nghĩa là trở về cho khỏi bị chết đói.

Tuy thế, Thiên Chúa là người Cha tốt lành và nhẫn nại, Ngài tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngài đợi chờ chúng ta qua nhiều năm tháng dài. Ngài vui sướng đón nhận chúng ta vào cánh tay Ngài vì chúng ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Tình thương dạt dào, đó là lời mời gọi của Cha trên trời dành cho hết mọi người con của Ngài, dù họ biết bao lỗi lầm, dù họ chưa sẵn sàng trở về với Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Trở về với Cha nhân hậu

I. BA MÀN CỦA MỘT VỞ KỊCH

Theo giáo thuyết của các giáo sĩ Do thái thì những người thu thuế và tội lỗi bị tách ra khỏi cộng đồng tôn giáo và xã hội Do thái. Nhưng ở đây những người này lại đến gần Đức Giêsu để nghe Ngài giảng và họ còn mời Ngài đến dùng bữa tại nhà mình.

Thấy thái độ Đức Giêsu đón tiếp những người thu thuế và tội lỗi trái với giáo thuyết của Do thái, nên biệt phái và luật sĩ là những người chủ trương giữ luật rất khắt khe đã kêu trách Đức Giêsu. Họ kêu trách Ngài về hai điểm:

a) “Ông này đón tiếp những người tội lỗi”: Người Do thái hành động theo châm ngôn sau: Thiên Chúa yêu thương những người công chính và gớm ghét những người tội lỗi. Bởi vì Thiên Chúa gớm ghét người tội lỗi nên người Do thái cũng phải làm như thế. Nhưng ở đây Đức Giêsu làm ngược lại: Ngài đón tiếp các tội nhân.

b) “Và cùng ăn với chúng”: Không những tiếp đón những người tội lỗi mà Đức Giêsu còn đi xa hơn: là cùng ăn với họ. Thông thường bữa ăn diễn tả thân hữu liên đới giữa con người với nhau. Vì thế, ở đây với hai thái độ “Cùng ăn với họ” Đức Giêsu cho thấy Ngài muốn hiệp thông với chính những người tội lỗi. Ngài muốn cứu giúp những người tội lỗi và chính Ngài là nơi nương tựa cho những kẻ bị bỏ rơi.

Trong chương 15, ta thấy Đức Giêsu đã kể ra 3 dụ ngôn có ý nhằm vào luật sĩ và biệt phái vì họ tự cho mình là công chính mà khinh khi những người tội lỗi và những người bị loại trừ.. Ba dụ ngôn ấy là:

- Con chiên lạc (Lc 15,4-7).

- Đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).

- Đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32).

Ba dụ ngôn này được ngắt nhịp bằng một điệp khúc ca tụng tình thương Thiên Chúa được bầy tỏ nơi Đức Giêsu; tình thương ấy dành cho những người không được yêu thương và không đáng yêu, những người một cách gián tiếp lên án sự nghiệt ngã và nghiêm khắc mà những kẻ tự phụ là công chính dành cho họ. Phụng vụ hôm nay không ghi lại hai dụ ngôn trên mà chỉ ghi lại dụ ngôn thứ ba là dụ ngôn đứa con hoang đàng, tức là dụ ngôn về tình phụ tử. Dụ ngôn này thật quí báu, do được một mình Luca kể lại, vì nó đặc biệt phù hợp với tinh thần của sách Tin mừng này.

Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, những nhân vật được nêu ra ở đây có tính cách ám chỉ:

- Người kia tức là người cha: ám chỉ Thiên Chúa.

- Người con cả: ám chỉ dân Do thái, cách riêng các luật sĩ và biệt phái.

- Người con thứ: ám chỉ người có tội.

1. Màn thứ nhất: Người cha chia gia tài

Theo luật của người Do thái, người cha không được tự do phân chia gia tài mình tùy ý thích, đứa con cả đương nhiên được hai phần ba, đứa con thứ một phần ba (Đnl 21,1). Theo phong tục của nhiều dân tộc, người con chỉ được phép chia gia tài khi người cha đã chết. Cha còn sống mà đòi chia gia tài, chẳng khác nào muốn nguyền rủa cho cha chết sớm ! Nhưng đứa con thứ bất hiếu trong dụ ngôn này đã đòi cha chia gia tài sớm. Nó làm thế như có ý nói: “Cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng được lãnh khi cha chết, và hãy để tôi đi ra khỏi nhà này”.

Người cha không tranh luận gì, ông muốn tôn trọng sự tự do của nó. Ông cũng hiểu rằng nếu con ông cần được một bài học thì nó phải có một bài học đắt giá, và ông đã chia gia tài cho nó. Tức khắc đứa con lấy phần riêng của nó và bỏ nhà ra đi.

2. Màn thứ hai: Đứa con thứ ra đi và trở về

Nhận được phần gia tài rồi, hắn lên đường đi đến một phương xa, chơi bời trác táng, giao du với những quân du côn, với những cô gái đĩ điếm. Tiêu xài như thế thì đến núi cũng phải lở. Chẳng bao lâu hắn đã tiêu xài hết tiền của, đồng thời nạn đói cũng xẩy ra tại miền ấy. Hắn phải đi kiếm việc làm cho qua ngày, nhưng tìm được việc làm đâu có dễ, hắn chỉ xin được chăn heo, mà đối với người Do thái chăn heo là một điều xấu hổ, mất phẩm giá, vì heo là một con vật ô uế (Đnl 14,8).

Sống trong cảnh nhục nhã và túng thiếu đến cùng cực, hắn mới hồi tâm lại: ở nhà cha tôi thiếu gì của ăn, đến đứa đầy tớ cũng còn thừa cơm bánh, còn tôi ở đây thì phải cùng cực, muốn ăn cám heo người ta cũng không cho ăn. Ở trong hoàn cảnh này thì vô phương giải quyết, chỉ còn cách trở về kiếm miếng cơm cho khỏi chết. Hắn nghĩ thế này: tôi sẽ trở về xin lỗi cha và chỉ dám xin cho ở nhà cha với phận mọn là đứa tôi tớ thôi, đâu dám nghĩ đến chuyện được nhận lại làm con. Nhưng làm một tên nô lệ mạt trong nhà, một tên đầy tớ ở thuê, một tên lao động công nhật trong nhà cha, theo một nghĩa, thì nô lệ là một phần tử trong gia đình, nhưng đầy tớ ở thuê thì có thể bị đuổi sau khi chủ báo trước một ngày vì nó không thuộc về gia đình chút nào.

Sau khi đã suy nghĩ rất hung, hắn lên đường trở về, và mọi điều dự đoán của hắn đều sai hết. Thánh Luca đã mô tả: ”Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói: ”Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ”Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con tay đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.

3. Màn thứ ba: Người anh cả giận dữ

Đáng buồn thay, khi về đến nhà thấy người ta đang liên hoan ăn mừng người con thứ đã trở về, người anh cả giận điên lên không chịu vào nhà. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào nhà vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha.

Hóa ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: anh không trái lệnh cha chỉ để làm tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “thằng con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con. Anh ta là người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi thối càng ngã sâu hơn nữa.

II. BA MÀN KỊCH ĐỐI VỚI CHÚNG TA

1. Thiên Chúa giầu lòng thương xót

Thiên Chúa là người cha giầu lòng thương xót, chỉ biết thi ân giáng phúc muôn vàn cho con người một cách quảng đại và bao dung tha thứ, và rất tôn trọng con người hơn những người cha tôn trọng tự do con cái. Ngài không thẳng tay trừng phạt, chỉ biết nhẫn nại chờ đợi đứa con trở về. Vừa khi thấy nó trở về, Ngài chạy lại ôm chằm, hôn nó một hồi lâu, không cần nghe nó xin lỗi, vì nó trở về chỉ vì thống khổ, không sống được nữa, nó chỉ mong về được ăn cho no, thoát khổ, thoát chết.

Thái độ của người cha thật tuyệt vời, ông không để cho nó kịp mở miệng xin làm đầy tớ. Ông đã lên tiếng trước. Chiếc áo dài tượng trưng cho việc được tôn trọng, chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, vì nếu ai cho kẻ khác chiếc nhẫn ấn tín của mình thì cũng như ủy quyền cho người đó thay thế mình. Đôi giầy là dấu hiệu làm con khác với nô lệ vì con cái trong gia đình mới mang giầy, còn nô lệ thì không. Và một yến tiệc được bầy ra để mọi người ăn mừng đứa con đi hoang nay đã trở về nhà cha.

Ta thường gọi dụ ngôn này là dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, nhưng có lẽ phải gọi là dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mới đúng, vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.

Người cha hẳn đã mỏi mắt trông chờ đứa con trở về nhà, vì ông trông thấy con từ đàng xa. Khi con gặp cha thì cha liền tha thứ cho con và không một lời trách móc. Có nhiều cách tha thứ, có sự tha thứ được ban cho như một ân huệ, và tệ hơn nữa là khi một kẻ nào đó được tha thứ nhưng bao giờ cũng kèm theo một dấu hiệu, một lời nói, một ngăm đe rằng tội người ấy vẫn còn giữ đó.Hôm nay đứa con đi hoang biết mình đáng bị trừng phạt. Do đó, nếu người cha trừng phạt thì nó cũng sẵn sàng chịu đựng. Lòng nó nhẹ đi. Nhưng nó không vui. Chính sự tha thứ của người cha mới đem lại cho nó niềm vui thực sự.

Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln.

Một lần kia, Lincoln được hỏi ông sẽ đối xử thế nào với quân phiến loạn miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa kỳ ? Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời: ”Tôi sẽ đối xử với họ dường như chưa bao giờ họ ly khai với chúng tôi”.

Đây là một dụ ngôn có tầm vóc thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban cho con người. Dụ ngôn về tình yêu nhưng không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời gọi họ khám phá ra tình huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trao tặng cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Ngài ? Ngài là người Con được Cha sai đến loan báo sự hòa giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Đức Giêsu khắc họa hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình ảnh của người anh (Fiches dominicales).

Truyện: Đứa con hoang đàng của Phật giáo.

Trong giáo lý nhà Phật cũng có câu chuyện gọi là “Dụ ngôn người con hoang đàng”. Câu chuyện kể về một người con bỏ cha, lên đường đi đến một nơi xa xôi sinh sống theo sự tự do phóng khoáng của mình. Vì ăn chơi thái quá anh trở nên nghèo khổ. Người cha ở nhà, sau bao năm tháng chờ đợi không thấy con trở về, đành lên đường đi tìm con. Sau nhiều năm tìm kiếm, hỏi han, người cha đã tìm ra được tung tích của người con mình. Nhưng người con lại không thể nào nhận ra được cha nó, một ông già đầy quyền lực và cao sang. Người con vẫn tiếp tục từ chối và lẩn trốn. Người cha rất đau lòng để con mình lẩn trốn như vậy, nhưng ông ra lệnh cho gia nhân theo dõi cậu, mướn cậu vào nhà làm việc cho ông. Sau đó, người cha vứt bỏ quần áo sang trọng, ngọc ngà của mình đi, đóng vai một người đầy tớ để có cơ hội gần gũi và chinh phục người con. Qua nhiều năm thân thiết người cha đã chinh phục được trọn vẹn tình cảm của cậu. Sau cùng vào cuối đời, người cha mới tiết lộ cho biết anh là con của ông và được quyền thừa kế tất cả gia tài của cha để lại.

(Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 128)

Câu chuyện này không khác gì lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa luôn yêu thương tìm kiếm con người. Còn con người cứ lẩn trốn, để rồi sau cùng, Thiên Chúa phải sai Con Một xuống thế, làm người đầy tớ đau khổ (Is 53,10-12), dùng cái chết của mình để thuyết phục và nói cho con người biết chức vị làm con cái Thiên Chúa của mình với quyền thừa kế hạnh phúc đời đời trên Nước Trời (Ga 3,16-17).

2. Người con di hoang đã mất nay lại tìm thấy

Người con thứ được xác định là một tay ăn chơi trác táng… Nhưng khi đã hết nhẵn tiền thì anh mới cảm thấy hối tiếc cho bản thân mình. Nỗi đau của bản thân khiến anh nhận ra được nỗi đau mà anh đã gây ra cho người cha của anh. Do đó, anh tự nhủ “Tôi sẽ trở về với cha tôi, và xin lỗi người”. Đây là một quyết định can đảm vì đã thất bại và còn vác mặt về mà xin lỗi thì thật là xấu hổ.

Đúng thế, thật dễ dàng trở về nhà, khi bạn là một người anh hùng, với chiến công và vinh quang. Nhưng đứa con hoang đàng không có một chiến công nào để đem về cho anh, anh không hề có thành quả nào, để nhờ đó, anh xứng đáng được khen ngợi, đón tiếp và yêu thương. Anh đang trở về nhà, với đôi bàn tay trống rỗng. Tệ hơn nữa, anh đang trở về nhà, lòng nặng trĩu xấu hổ và nhục nhã.

Nhưng thật ngạc nhiên, khi người cha nhìn thấy anh trở về đang tiến lại với ông, ông liền chạnh lòng thương, và một phút sau đó, cha con đã ôm chầm lấy nhau. Người cha đã không chỉ chấp nhận cho anh trở về, mà còn đón tiếp anh nữa. Tất cả tội lỗi của anh đều được tha thứ.

Phát hiện vĩ đại nhất mà người con hoang đàng đã nhận ra đó là anh vẫn được yêu thương, trong tình trạng tội lỗi của anh. Người cha không bao giờ ngừng yêu thương anh. Trong tấm lòng nhân hậu của người cha, anh luôn đuợc yêu thương, đó không những là một điều tốt, nhưng khi vẫn được yêu thương ngay trong tình trạng tội lỗi, thì quả là một cảm nghiệm tuyệt vời.

Sự tha thứ của Thiên Chúa không phải là sự tha thứ lạnh lùng, nửa vời, nhưng là sự tha thứ nồng ấm và quảng đại. Thiên Chúa không chỉ tha thứ cho chúng ta, mà Ngài còn yêu thương chúng ta, và để cho chúng ta nhận biết được tình yêu thương đó (McCarthy).

“Giây phút người con hoang đàng quỳ gối và khóc lóc, anh ta đã biến cảnh lãng phí tài sản của mình bên những cô gái điếm, cảnh chăn heo và thèm khát những thức ăn của heo, trở thành những giây phút đẹp đẽ và thánh thiện trong cuộc đời của mình. Hầu hết mọi người khó mà thấu hiểu được ý tưởng đó. Tôi dám nói rằng người ta phải chịu cảnh tù tội, thì mới thấu hiểu được điều đó. Nếu như vậy, thì có thể thời gian sống trong tù thật đáng giá”(Oscar Wilde).

Truyện: Chúa quên hết tội rồi

Một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo:”Lần sau nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ? sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của Ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.

- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

- Thế bà có hỏi Ngài không ?

- Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

- Bà hỏi thế nào ?

- Thì con hỏi y như Cha đã bảo: ”Cha xứ con có tội gì nặng nhất” ?

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

- Vậy Chúa có trả lời không ?

- Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

- Chúa nói sao ?

- Chúa nói: ”Ta đã quên hết rồi.

Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.

(Kể theo ĐHY PX Nguyễn văn Thuận)

3. Người anh cả bất hợp tac

Người anh cả trở về nhà và anh thực sự buồn rầu vì em của anh đã trở về. Người anh cả đại diện cho các giáo sĩ Do thái tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Anh ta trách em về những lầm lạc của nó. Đây là một dấu chỉ cho thấy anh ta không hiểu lòng tốt của cha. Bao lâu anh này còn quá tự tín vào bản thân và những công trạng của mình, ganh ghét và khinh bỉ, đầy chua xót và giận dữ, không hoán cải và giao hòa với cha và với em mình, thì bàn tiệc chưa thể hoàn toàn là bữa tiệc liên hoan mừng cuộc gặp gỡ và tái ngộ.

Thái độ của người anh cả đối với người em trai phản ảnh lại thái độ của người biệt phái đối với tội nhân. Mặc dù là những người rất đạo đức, nhưng họ vẫn cho rằng tội lỗi xứng đáng bị kết án hơn là cứu độ. Nhưng lòng đạo đức có công dụng gì, nếu nó không làm cho người ta trở nên thương cảm hơn đối với những kẻ bị sa ngã ? Nếu chúng ta tự nhận thấy mình thông cảm với người anh cả, thì điều này càng chứng tỏ rằng tính cách người biệt phái đó đang ở trong chúng ta. Người anh cả này ghen tức chỉ muốn ông bố giết quách đứa em đi cho bõ ghét, không thể tha thứ được.

Truyện: Người cha giết con

Nhà truyền giáo T.R. Stevenson ở Thượng hải kể: một thương gia giầu có ở Quảng đông có hai con trai. Người con lớn thường kết bè tụ đảng với bọn bất lương phá phách xóm làng. Một lần, quá túng, hắn dẫn cả một băng về cướp ngay tại nhà mình. Khi tội hắn bị lộ, người cha cho người đến nói với hắn: nếu biết đường cải tà qui chính thì sẽ được tha. Người nhắn còn bảo đây là lần gia ân cuối cùng của ông chủ. Hắn chầm chậm đứng lên và quay về nhà cha. Một bữa tiệc đón tiếp xem ra cũng vui vẻ, nhưng trong đĩa thức ăn của hắn có bỏ thuốc độc. Hắn chết ngay đêm đó, nhưng người cha không bị ra tòa vì theo luật Trung hoa, cha có quyền giết con.

Từ câu chuyện này, các nhà truyền giáo thường đem đối chiếu với đoạn 15 Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta đọc hôm nay.

Suy nghĩ về dụ ngôn này, chúng ta dễ cảm thông với người con hoang đàng và dễ lên án thái độ cố chấp của người anh cả. Nhưng rồi sự suy nghĩ ấy lại đưa chúng ta đến một suy nghĩ khác:

Nói người phải nghĩ đến ta

Suy đi nghĩ lại hóa ra chính mình.

Người cha có hai người con: người con đây là ai ? Và đứa con hoang đàng chỉ ai ? Các nhà chú giải không đồng ý kiến.

Các nhà chú giải thời xưa cho rằng: người con cả chỉ người Do thái, con hoang đàng chỉ dân ngoại.

Ngày nay quan niệm đó hầu như bị bỏ, mà còn hai ý kiến sau đây:

- Một ý kiến cho rằng: con cả chỉ người biệt phái, con hoang đàng chỉ tội nhân. Người biệt phái lẩm bẩm kêu trách Chúa vì thái độ đối với tội nhân.

- Ý kiến thứ hai cho rằng: con cả chỉ người lành, con hoang đàng chỉ tội nhân. Kẻ lành không hiểu được thái độ Chúa đối với tội nhân trở lại.

Xem chừng người ta nghiêng về ý kiến thứ nhất.

Chúng ta là hạng người nào ? Dầu là anh cả, dầu là đứa con hoang đàng, tất cả đều phải sám hối, đều phải trở về, đừng cứng lòng trước ơn Chúa. Trong cuốn Au Gré de Sa Grâce, linh mục André Louf có đề cập đến không những kẻ tội lỗi cứng lòng (pécheurs endurcis) mà còn những người ngay chính (justes endurcis) cũng cứng lòng nữa. Người con hoang đàng là hình ảnh của những người tội lỗi, còn người anh cả có thể là hình ảnh của những người ngay chính cứng lòng. Người tự coi mình công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó mà sám hối, trở về.

Có lẽ thái độ của người anh tự coi mình công chính và ganh tị là hình ảnh gợi cho tất cả chúng ta, những người cảm thấy mình làm mọi sự đều đúng, đều tốt đẹp và đạo đức. Chúng ta biết mình là người tốt nên dễ dàng phê phán những người khác. Chúng ta đã mang trong mình tự mãn vì nghĩ rằng Thiên Chúa đang ngự trị trong đời sống của mình.

Chúng ta đã ở vào giữa Mùa Chay, chỉ còn một thời gian nữa là đến lễ Phục sinh. Mùa Chay là mùa được kêu mời trở lại, chúng ta hãy can đảm nhận khuyết điểm, sai phạm của mình, để mạnh dạn trở về cùng Chúa, cùng Giáo hội của Ngài. Thiên Chúa nhân từ trong vai người cha nhân hậu và yêu thương hôm nay, bảo đảm cho sự lầm lỗi của con người yếu đuối, sẽ được tha thứ. Ngài là Cha của tất cả mọi người, Ngài đang chờ đợi từng người một trở về. Đừng nghĩ rằng tội lỗi mình quá nặng, nên không thể giao hòa với Chúa. Cũng đừng cho rằng ân sủng của Chúa không đủ để phục hồi tội lỗi của mình. Hãy thống hối, hãy trở về, sẽ được thứ tha hết mọi lỗi lầm lớn nhỏ. Hãy tạ ơn Chúa, vì tạ ơn là có khả năng ý thức mình là kẻ có tội, và từ đó tập chú vào lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:29 08/03/2010
THĂM MOZART

N2T


Một nhạc sĩ trẻ đi thăm nhà soạn nhạc thiên tài Mozart, xin chỉ giáo làm thế nào để phát huy tài hoa của mình.

- “Theo tôi thì nên bắt đầu từ sự đơn giản, ví dụ như viết nhạc.”

- “Nhưng ngài từ nhỏ đã phổ nhạc giao hưởng rồi mà.”


Mozart trả lời:

- “Nói cũng đúng, nhưng lúc đó thì tôi không cần hỏi người khác là làm thế nào để phát huy tài hoa.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Muốn phát huy tài năng của mình thì phải tìm tòi học tập, bởi vì tài năng là năng lực làm việc và khả năng sáng tạo, nên có thể gọi là người biết nhiều ngành nghề; nhưng muốn tài hoa của mình thăng tiến thì phải biết nhìn, nghe, động não và nhất là phải có sự cam đảm khi bắt đầu, mà tài hoa chính là người giỏi một môn nào đó trong nghệ thuật.

Trên đường tu đức thì không thể lấy tài năng và tài hoa để thăng tiến, mà chỉ có lòng yêu mến Thiên Chúa và sự khiêm tốn mới có thể làm thăng tiến tâm hồn và con người của mình mà thôi, bởi vì cốt lõi của tu đức là làm cho người Ki-tô hữu nên thánh, nên giống Chúa Giê-su hơn mà thôi.

Do đó, ai lấy tài năng và tài hoa của mình để làm tiêu chuẩn cho sự thăng tiến sự tu đức của mình thì sẽ thất bại, bởi vì như thế thì quỷ kiêu ngạo và quỷ ghen ghét sẽ là kẻ phá hoại đời sống tu đức của chúng ta.

Phát triển tài hoa thì có thể không cần phải hỏi người khác, nhưng để trọn lành trên đường tu đức thì dứt khoát phải có linh mục dẫn đường, đó là cha sở cha phó và các cha linh hướng của mình.

Đó là sự thật.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:30 08/03/2010
N2T


12. Ma quỷ sợ hãi câu ca Alleluia trên tất cả.

(Thánh John of Cross)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:31 08/03/2010
N2T


384. Cần một buổi tối thành công phải bỏ ra thời gian hai mươi năm.

 
Biết ơn tất cả
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:33 08/03/2010
BIẾT ƠN TẤT CẢ MỌI SỰ

N2T


1. Biết ơn người làm tổn thương con, bởi vì họ rèn luyện tâm chí của con.

2. Biết ơn người lừa dối con, bởi vì họ làm tăng tiến sự khôn ngoan của con.

3. Biết ơn người làm hại con, bởi vì họ tôi luyện nhân cách của con.

4. Biết ơn người đánh con, bởi vì họ kích phát ý chí chiến đấu của con.

5. Biết ơn người từ bỏ con, bởi vì họ là người dạy con nên độc lập.

6. Biết ơn người làm cản trở con, bởi vì họ làm cho đôi chân con càng thêm mạnh.

7. Biết ơn người chỉ trích con, bởi vì họ nhắc nhở khuyết điểm của con.

8. Biết ơn tất cả những người đã làm cho con kiên cường.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa


--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Thiên Chúa tỏ ra là Đấng giàu lòng lân tuất, và không ngần ngại kêu gọi các tội nhân hãy xa tránh tội ác...
Bình Hòa
02:02 08/03/2010
Kinh Truyền tin chúa nhật III Mùa Bốn Mươi

Phụng vụ hai chúa nhật đầu Mùa Bốn mươi trùng hợp nhau ở đề tài chiến đấu kháng cự ma quỷ và đề tài Chúa biến hình. Từ chúa nhựt thứ ba trở đi, các đề tài thay đổi tuỳ năm. Năm nay (thuộc chu kỳ C) các bài Tin mừng chú trọng đến đề tài “cái hoán”, với lời kêu gọi cảnh tỉnh ở chúa nhật thứ ba, với dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về nhà Cha ở chúa nhật thứ bốn, và sự tha thứ phụ nữ ngoại tình ở chúa nhật thứ năm. Trong khi đó, các bài đọc thứ nhất tiếp tục trình bày những mẫu gương đáp trả lời Chúa: như ông Abraham (chúa nhật II), ông Moisen (chúa nhật III), lời tuyên xưng của dân Israel sau khi vào đất hứa (chúa nhật IV), cuộc hồi cư từ chốn lưu đày (chúa nhựt V).

Hôm qua, đức thánh cha đã có hai cơ hội chú giải các bài đọc sách thánh cho cộng đoàn Dân Chúa: trước hết trong Thánh lễ cử hành tại giáo xứ kính thánh Gioan Thánh giá, nằm ở vùng ngoại ô thành phố Rôma, vào lúc 9 giờ rưỡi sáng; tiếp đến là buổi đọc kinh Truyền tin ở quảng trường thánh Phêrô. Có hai điểm được nêu bật cách riêng: thứ nhất, Thiên Chúa mặc khải Dánh thánh cho ông Mosê với công thức không dễ hiểu (“Ta là kẻ Ta là”; “Ta là kẻ Tự hữu”); thứ hai, sự tách rời tai ương khỏi hình phạt tội lỗi. Xin kính mời quý vị theo dõi bài suy niệm trước khi đọc kinh Truyền tin.


Anh chị em thân mến

Phụng vụ chúa nhựt thứ ba Mùa Bốn Mươi trình bày cho chúng ta đề tài hoán cải. Trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách Xuất hành, khi ông Môsê đang chăn đàn vật thì ông thấy một bụi gai bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi. Ông tiến lại gần để quan sát điều lạ, bỗng một tiếng nói kêu tên ông và mời ông hãy ý thức sự bất xứng của mình, rồi truyền cho ông lột giày bởi vì đó là nơi thánh. Tiếng ấy nói rằng “Ta là Chúa của tổ tiên ngươi, Chúa của ông Abraham, Chúa của ông Isaac, Chúa của ông Giacop”, và thêm rằng “Ta là Đấng Hằng hữu” (Xh 3, 6a.14). Thiên Chúa đã tỏ mình bằng nhiều cách và ngay cả trong cuộc đời của chúng ta. Để có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài, cần phải đến với Chúa với một ý thức về nỗi cùng cực của mình và lòng tôn kính sâu thẳm. Nếu không thì ta sẽ không tài nào gặp được Ngài và hiệp thông với Ngài. Như thánh Phaolô đã viết, câu chuyện này được kể lại cho chúng ta như lời cảnh báo: nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa tỏ mình ra, không phải cho những kẻ đầy ắp tự mãn và hời hợt, nhưng là cho kẻ nào nghèo khó và khiêm tốn trước mặt Ngài.

Trong bài Tin mừng hôm nay, đức Giêsu được yêu cầu bình luận về vài câu chuyện tang thương: cuộc tàn sát một số người Galilê ở trong đền thờ do lệnh của tổng trấn Ponxiô Pilatô và chuyện cái tháp sập đè chết vài người đi ngang qua đường (xc. Lc 13,1-5). Thay vì kết luận đơn giản coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa, đức Giêsu hồi phục lại hình ảnh chân thực của Thiên Chúa là Đấng tốt lành và không thể nào muốn sự dữ; Người còn yêu cầu đừng coi những tai hoạ đó như là kết quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân. Người nói: “Các ông tưởng rằng những người Galilê ấy là những kẻ tội lỗi nhất ở xứ Galilê cho nên mới đáng hình phạt như vậy ư? Không phải đâu; nhưng nếu các ông không hoán cải thì tất cả sẽ bị huỷ diệt hết” (Lc 13,2-3). Đức Giêsu mời gọi hãy đọc các sự kiện đó dưới một viễn ảnh khác lồng trong bối cảnh của cuộc hoán cải: các tai hoạ, các chuyện tang tóc không nên gợi lên trong ta sự tò mò hoặc suy đoán về đầu mối tội lỗi, nhưng nên để cho chúng trở thành cơ hội để suy nghĩ, để vượt thắng cơn cám dỗ muốn sống mà không cần đến Thiên Chúa, và để nhờ ơn Chúa, khẳng định quyết tâm thay đổi nếp sống. Đứng trước tội lỗi, Thiên Chúa tỏ ra là Đấng giàu lòng lân tuất, và không ngần ngại kêu gọi các tội nhân hãy xa tránh tội ác, hãy gia tăng lòng yêu mến, hãy giúp đỡ người thân cận đang gặp quẫn bách, ngõ hầu có thể sống trong niềm vui của ân sủng và không rơi vào sự chết đời đời. Tuy nhiên, khả năng hoán cải đòi hỏi chúng ta hãy biết học cách đọc các sự kiện của cuộc sống trong viễn ảnh của đức tin, nghĩa là được thúc đẩy do lòng kính sợ Chúa. Đứng trước những sự đau khổ và tang tóc, kẻ khôn là người biết nghiền ngẫm về cuộc đời tạm bợ chóng qua, và biết đọc lịch sử đời người với cặp mắt của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn muốn điều tốt lành cho con cái của mình, và trong kế hoạch yêu thương khôn dò, đôi khi cho phép chúng ta chịu thử thách bởi đau khổ để đưa chúng ta đến điều lành tốt hơn.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy xin Đức Maria chí thánh đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình mùa Bốn Mươi, ngõ hầu Mẹ giúp mỗi người Kitô hữu thật lòng trở về với Thiên Chúa. Xin Mẹ nâng đỡ lòng quyết chí từ bỏ sự xấu, và lãnh nhận ý Chúa trong cuộc đời chúng ta.
 
Linh mục giảng phòng Phủ Giáo hoàng: Tại sao Đạo Chúa không giống đạo nào khác?
Phụng Nghi
08:24 08/03/2010
Những lý do làm cho ân sủng khó được chấp nhận

VATICAN CITY (Zenit.org).- Các tôn giáo hoặc các nền triết học phát xuất từ con người, thường bảo cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì để được cứu độ, được giải thoát. Kitô giáo thì khác, vì đạo này bảo cho con người những đìều gì Thiên Chúa đã thực hiện để cứu độ con người.

Cảm nghĩ đó được phát biểu do linh mục dòng Capuchin, cha Raniero Cantalamessa, người giảng phòng Phủ Giáo hoàng, trong bài giảng đầu tiên của Mùa Chay năm nay, trước sự hiện diện của Đức giáo hoàng Benedict XVI và nhân viên Giáo triều Roma.

Cha đặt trọng tâm các bài giảng vào chức linh mục. Trong Mùa Vọng, ngài suy niệm về linh mục là người tôi tớ của Chúa, trong quyền năng và sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Trong Mùa Chay, ngài nhìn vào người linh mục như là kẻ quản gia những điều huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Trong bài giàng này ngài minh họa những gì đặt Đạo Chúa vào vị trí khác các tôn giáo khác:

“Kitô giáo không bắt đầu bằng chuyện nói cho con người biết phải làm những gì, nhưng về những gì Thiên Chúa đã làm cho con người. Chúa Giêsu đã không bắt đầu giảng dậy thế này: Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng hầu để Nước Trời sẽ đến với các ngươi, nhưng Người đã bắt đầu nói: Nước Trời đang ở giữa các ngươi: vậy hãy hối cải và tin vào Tin Mừng. Chẳng phải hoán cải trước và rồi được cúu độ, mà là cứu độ trước rồi mới đến hoán cải.”

Cha gợi ý rằng ý thức về tính độc nhất của Kitô giáo như thế là điều căn bản trong các cuộc đối thoại liên tôn giáo:

“Chúng ta, những người Kitô hữu, không đi vào cuộc đối thoại với các tôn giáo khác trong lúc khẳng định sự khác biệt hoặc tính ưu việt của đạo chúng ta. Làm như thế là một điều quá tiêu cực trong cuộc đối thoại. Trái lại, chúng ta nên nhấn mạnh đến những gì kết hợp được các bên lại với nhau, những mục tiêu chung, công nhận nơi những người khác cũng có cùng một quyền lợi giống nhau – ít ra là chủ quan – khi coi niềm tin của họ là hoàn hảo nhất, xác quyết nhất. Dù sao, cũng không thể quên rằng những ai sống, với sự kiên định và với thiện ý, một tôn giáo hành động và có luật lệ, vẫn tốt đẹp hơn và đẹp lòng Thiên Chúa hơn là những kẻ tuy thuộc vào một tôn giáo có ân sủng nhưng hoàn toàn bỏ qua không tin vào đức tin hoặc không thực hành những công việc của đức tin.”

Nhưng một trái tim rộng mở trong đối thoại không nên khuyến khích người Kitô hữu hủy hoại đi “niềm tin vào sự mới mẻ và tính độc nhất của Chúa Kitô.”

“Không phải là vấn đề khẳng định tính ưu việt của một tôn giáo này trên các tôn giáo khác, mà là công nhận những đặc điểm của mỗi tôn giáo, biết rõ chúng ta là ai và những điều chúng ta tin.”

Và muốn hiểu tại sao ân sủng là một ý niệm khó khăn đối với người thời đại tân tiến này cũng chẳng phải là điều khó.

Cha giải thích: “Được cứu độ “nhờ ân sủng” có nghĩa là công nhận sự lệ thuộc của một người, và đây là điều quan trọng nhất. Đáng chú ý là khẳng định của Marx như sau: “Một hữu thể không được coi là độc lập trừ phi và chỉ khi nào y là chủ tể của chính bản thân y, và y không là chủ tể của chính bản thân y trừ phi và chỉ khi nào y tự mình có được sự hiện hữu. Một con người sống bằng “ân sủng” của người khác thì bị coi là một hữu thể phụ thuộc […] Nhưng tôi sẽ hoàn toàn sống bằng ân sủng của một người khác, nếu như ông ta tạo dựng nên sự sống của tôi, nếu ông ta là nguồn cội của cuộc đời tôi và cuộc đời tôi không phải do tôi tự tạo dựng được.”

“Lý do tại sao một đấng Thiên Chúa sáng tạo bị chối bỏ cũng chính là lý do tại sao một đấng Thiên Chúa cứu độ bị chối bỏ.”

Thái độ kiêu hãnh căn bản này là trọng tâm tội lỗi của Satan.

Trưng dẫn lời Thánh Bênađô, cha giải thích: “[Satan] thích làm kẻ bất hạnh nhất trong các vật thụ tạo mà dựa trên công lao riêng mình, hơn là làm kẻ hạnh phúc nhất mà phải nhờ vào ân huệ của người khác. Y muốn “thà là bất hạnh những được độc lập, còn hơn hạnh phúc mà bị lệ thuộc.”

“Sự chối bỏ Kitô giáo, đang diễn tiến ở một số cấp bực nào đó nơi nền văn hóa Tây phương của chúng ta, khi nào không phải là chối bỏ Giáo hội và chối bỏ người Kitô hữu, thì đó chính là sự chối bỏ ân sủng.”
 
Đức Thánh Cha nói Giáo dân không chỉ là cộng sự viên của các linh mục
Bùi Hữu Thư
10:11 08/03/2010
Ngài giải thích rằng họ có đồng trách nhiệm trong giáo hội.

ROME, ngày 7 tháng 3, 2010 (Zenit.org).- Hôm nay Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với các giáo dân của một giáo xứ Rôma là cần có sự thay đổi não trạng, để thấy giáo dân là những người có chung trách nhiệm trong giáo xứ, chứ không chỉ là các cộng sự viên của linh mục.

Đức Thánh Cha suy niệm như vậy ngày hôm nay khi ngài cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật tại một trong các giáo xứ miền bắc giáo phận Rôma, là giáo xứ Thánh Gioan Thánh Giá tại Colle Salario.

Đức Giám Mục Rôma có nhiều lời khuyên cụ thể tại giáo xứ này.

Về các phong trào và các cộng đồng giáo hội mới, ngài khen ngợi giáo xứ vì đã mở cửa rộng ngay từ lúc đầu để đón tiếp họ, do đó “phát triển được một ý thức bành trướng hơn về Giáo Hội và thử nghiệm được nhiều hình thức truyền giáo mới.”

Tuy nhiên, ngài tiếp: “Tôi kêu gọi các bạn tiếp tục đi theo chiều hướng này với lòng can đảm nhưng cũng tận hiến cho việc đem tất cả những thực tại này về một dự án mục vụ hợp nhất.”

Đức Thánh Cha bầy tỏ sự hài lòng của ngài là cộng đồng này đã “mong muốn cổ võ, về phương diện ơn gọi và vai trò của các vị có chức thánh và giáo dân, và sự đồng trách nhiệm của tất cả mọi thành viên của Dân Chúa.”

Ngài nói: “Muốn được như vậy, đòi hỏi một sự thay đổi não trạng, trên hết đối với các giáo dân, phải đổi từ việc coi họ là ‘cộng sự viên’ của các linh mục sang công nhận thực sự rằng họ có ‘đồng trách nhiệm’ đối với lợi ích chung và các hành động của Giáo Hội, và cỗ võ một hàng giáo dân trưởng thành và tận hiến theo đường lối này.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyên các gia đình kitô hữu và giới trẻ trong giáo xứ “hãy để cho mình ngày càng được thúc đẩy hơn bởi ước muốn tuyên xưng Phúc Âm của Chúa Kitô.”

Ngài khuyến khích, "Đừng chờ đợi người khác đem đến các sứ điệp không đưa dẫn đến sự sống, nhưng hãy tự biến mình thành các nhà truyền giáo của Chúa Kitô cho các anh chị em nơi sinh sống, nơi sở làm, nơi trường học, hay cả tại nơi đang giải trí trong thời giờ nhàn rỗi. Các bạn cần phải thiết lập nơi đây một chương trình ơn gọi để hướng dẫn các gia đình và người trẻ về việc cầu nguyện và sống một đời sống như một qùa tặng đến từ Thiên Chúa.”
 
Các Giám mục Hoa Kỳ thăm Port-au-Prince giúp dân Haiti bị động đất
Peter Nguyễn Minh Trung
12:23 08/03/2010
PORT-AU-PRINCE, HAITI, 06-03-2010 (CNA) -- Hồi đầu tuần này, một phái đoàn các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã có chuyến thăm Port-au-Prince, thủ đô mới bị động đất tàn phá gần đây của Haiti. Trong suốt thời gian lưu lại, các Giám mục đã thăm Trường Louverture Cleary, ngôi trường trung học Công giáo không thu học phí dành cho các trẻ em Haiti nghèo khổ.

Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của San Antonio và một số thành viên khác của phái đoàn Hoa Kỳ đã được Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần Tòa Thánh Bernardito Auza tại Haiti dẫn đi thị sát. Cùng nhau, các vị Giám mục đã đến thăm những nơi bị thiệt hại trong thành phố, nhằm định liệu phải chi tiêu sao cho thỏa đáng nhất số tiền mà người Công giáo Hoa Kỳ quyên góp để ủng hộ quốc gia vừa gánh chịu cơn động đất.

Các Giám mục đã dừng chân tại Trường Louverture Cleary (LCS), ngôi trường do Dự Án Haiti (THP) điều hành. THP là một tổ chức bác ái được sáng lập vào đầu thập niên 1980 bởi Giáo xứ Thánh Giuse tại Providence (Rhode Island) để giúp đỡ người dân Haiti.

Trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã CNA, Phó tế Patrick Moynihan (Chủ tịch THP) nói: “Tôi tin tưởng rằng dự án của chúng tôi sẽ mở ra thêm một cơ hội để người dân Haiti có thể thấy niềm hy vọng.”

Các Giám mục được Phó tế Moynihan tháp tùng đến viếng phần mộ của Đức Tổng Giám Mục Joseph Miot và Đức ông Tổng Đại Diện Charles Benoit của thủ đô Port-au-Prince, hai vị mục tử đã thiệt mạng trong trận động đất. Vị Phó tế Chủ tịch THP chỉ cho các Giám mục thấy những nét chữ trên phần mộ của TGM Miot là do tình nguyện viên tên Kristin Zeiler của THP khắc lên.

Sau chuyến viếng thăm Haiti, Đức Hồng Y O’Malley hứa sẽ thuật lại “công việc hết sức tốt lành” mà tổ chức THP đã làm tại Haiti với Đức cha Thomas J. Tobin, Giám mục Giáo phận Providence. Các vị Giám mục cũng đã ngồi lại với nhau cùng Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo Hoa Kỳ và Caritas để thảo ra kế hoạch chi tiêu hợp lý nhằm tái thiết Haiti nhờ số tiền lạc quyên được.

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/news/american_bishops_visit_port-au-prince_see_hope_in_haiti/)
 
Người dùng iPhone được tặng ứng dụng “Chặng Đàng Thánh Giá”
Peter Nguyễn Minh Trung
13:44 08/03/2010
SOUTH BEND, INDIANA, 05-03-2010 (ZENIT) -- Một ứng dụng mới trên iTunes của hãng Apple đang được cung cấp cho những Kitô hữu bận rộn như một phương pháp giúp họ cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi qua chiếc iPhone hoặc iPod Touch của mình. Đó là ứng dụng “Chặng Đàng Thánh Giá”.

Nhà Xuất Bản Ave Maria đã công bố việc ra mắt ứng dụng này. Người ta có thể download miễn phí nó cho máy điện thoại cảm ứng đa điểm iPhone và thiết bị giải trí số iPod Touch.

Ứng dụng được tạo ra “dành cho những người đầu óc luôn bận rộn và đây là sáng kiến cầu nguyện bỏ túi hoàn hảo”, theo thông cáo của NXB Ave Maria.

Là một trong những người dùng đầu tiên, Mary Ann Johnson, quả quyết: “Tôi đã muốn làm sao để tham dự các Chặng Đàng Thánh Giá tại nhà, và tôi nghĩ đây là một ứng dụng thật tuyệt vời để giúp cầu nguyện.”

Bà nói thêm: “Năm nay đã 60 tuổi, nhưng tôi cho rằng đây sẽ là những phương pháp của tương lai. Tôi hy vọng sẽ thấy nhiều ứng dụng loại này hơn nữa.”

Thông cáo báo chí của NXB Ave Maria làm ta liên tưởng tới những lời Đức Giáo Hoàng Benedict XVI viết trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông 2010, khi ngài thúc giục các tín hữu và hàng giáo sĩ “hãy loan báo Tin Mừng bằng cách tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông hiện đại nhất (hình ảnh, video, hiệu ứng động, blog, website, v.v) cùng với các phương tiện truyền thống để mở rộng những viễn tượng mới về đối thoại, truyền giáo và dạy giáo lý.”

Sáng kiến

Dianna Leinen, điều phối viên marketing của NXB Ave Maria, đã cho thông tấn xã ZENIT của Tòa Thánh cuộc phỏng vấn về ý tưởng này. Cô nói: “Giáng sinh vừa rồi tôi nhận được một chiếc iPhone là quà tặng, và ngay lập tức tôi thích thú khi download các ứng dụng thuộc nhiều thể loại từ kho iTunes.”

“Thế rồi tôi tìm thấy một cộng đồng Công giáo cũng ưa thích các gadget độc đáo có nội dung Công giáo từ iTunes như tôi. Tôi tự hỏi không biết làm sao để NXB Ave Maria tìm ra một chỗ đứng trong cộng đồng công nghệ mới này”, Leinen nói tiếp.

Cô giải kết luận: “Ứng dụng Chặng Đàng Thánh Giá này là một sản phẩm thú vị vì nó kết hợp giao diện tuyệt đẹp dành cho người dùng, và những bài suy niệm Công giáo sâu sắc giúp khuyến khích người ta cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi.”

Những lời nguyện trong ứng dụng này dựa trên quyển “Con Đường Thánh Giá của Đức Gioan Phaolô II” của Amy Welborn và Michael Dubruiel.

Tập sách được chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giới thiệu năm 1991, bao gồm 14 Chặng Đàng Thánh Giá, bắt đầu bằng bài suy niệm về Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu Gethsamani, Phêrô 3 lần chối Chúa, Chúa Giêsu chịu đánh đập và đội mão gai, cuối cùng là thời khắc Con Thiên Chúa hứa ban Nước Trời cho Người Trộm Lành.

Gần đây, có sự gia tăng về số lượng các ứng dụng Công giáo được phát triển dành cho người dùng iPhone và iPod, như: ứng dụng “Lịch Công Giáo”, ứng dụng “Những hướng dẫn lần hạt Mân Côi và xưng tội”, ứng dụng “Danh sách Giờ Lễ của các Giáo xứ trên thế giới”, hay trò chơi “Đi Tìm Chúa Ba Ngôi”, v.v.

Ứng dụng “Chặng Đàng Thánh Giá” có thể download tại đây.

(Nguồn: http://zenit.org/article-28549?l=english)
 
Malaysia: Giáo hội yêu cầu các nhà báo xin lỗi
Peter Nguyễn Minh Trung
13:46 08/03/2010
KUALA LUMPUR, MALAYSIA, 03-05-2010 (ZENIT) -- Tổng Giáo Phận Kuala Lumpur sẽ không theo đuổi vụ kiện chống lại hai nhà báo phỉ báng Thánh Thể, nhưng yêu cầu họ đưa ra lời xin lỗi.

Thông tấn xã FIDES của Bộ Truyền Giáo cho biết Đức Tổng Giám Mục Murphy Pakiam của Kuala Lumpur đã có bài phát biểu công khai rằng Giáo hội muốn vụ việc xúc phạm đến Thánh Thể, vốn gây ra giận giữ trong cộng đồng Kitô giáo tại nước này, phải được xử lý.

Ngài cũng nói: “Tuy nhiên, lòng khoan dung và sự tha thứ là một phần trong sứ mạng của chúng tôi.”

Tháng năm vừa qua, hai ký giả Hồi giáo đã tham dự một Thánh Lễ Công Giáo và đóng giả làm các Kitô hữu, rồi lên lãnh nhận Thánh Thể. Liền sau đó, họ chỉ trích và nhạo báng đức tin Kitô giáo trong một bài báo xuất bản trên tạp chí Al-Islam.

Vụ việc được trình báo với cảnh sát, và hai nhà báo Hồi giáo bị giới thẩm quyền buộc tội “gây mất hòa hợp và tạo nên tình trạng bất ổn, thù hằn tôn giáo trong lòng quốc gia.”

Án phạt cho tội này tại Malaysia là từ 2 đến 5 năm tù giam.

Giáo hội tại Malaysia hy vọng với cử chỉ khoan dung, là chỉ yêu cầu xin lỗi chứ không theo đuổi vụ kiện, sẽ tạo nên thành công trong việc tìm kiếm giải pháp giữa người Hồi giáo (chiếm đa số) và Công giáo về việc sử dụng từ “Allah” để chỉ Thiên Chúa trong các ấn phẩm, báo chí Công giáo, và kiến tạo bầu khí đối thoại, bằng hữu giữa hai tôn giáo.

Vào năm 2007, Giáo hội Công giáo đã thách thức Tòa Án Tối Cao mặt pháp lý về việc chỉ có người Hồi giáo được độc quyền sử dụng từ “Allah”.

Vụ kiện tưởng như đã kết thúc bằng phán quyết của Tòa Tối Cao trong đêm giao thừa vừa qua khi cho phép người Công giáo được sử dụng từ Allah.

Thế nhưng nhiều phản đối từ các nhóm Hồi giáo cực đoan và hành động bạo lực, đốt phá, tấn công bom các nhà thờ của họ đã diễn ra nhằm chống lại phán quyết cho phép Kitô hữu được gọi Thiên Chúa là Allah.

Tòa Tối Cao đã hoãn lại phán quyết do e ngại bất ổn, và do áp lực từ chính phủ thân Hồi giáo đe dọa chống lệnh của Tòa.

(Nguồn: http://zenit.org/article-28549?l=english))
 
Top Stories
Archbishop of Hanoi in Rome for medical treatment
Asia-News
07:33 08/03/2010
Archbishop Kiet in Italy since March 5. Before leaving, he reassured those who fear an Vatican agreement with the Vietnamese Government which has repeatedly called for his removal from the capital.

Hanoi (AsiaNews) - The archbishop of Hanoi, Mgr. Joseph Ngo Quang Kiet has left the capital of Vietnam and since 5 March has been in Rome for medical treatment. The prelate, who from the beginning of January was cared for in the monastery of Chau Son, is accompanied by Don Alfonse Pham Hung and is in Italy at the invitation of the Congregation for the Evangelization of Peoples and the Pontifical Council Cor Unum. In Rome he was greeted by a group of Vietnamese religious and faithful.

Archbishop Kiet suffers from chronic insomnia and stress, a condition attributable to the sustained pressure as the head of his archdiocese and for whom the Vietnamese have exhausted the medical care available to them.

Before his departure, Mgr. Kiet received messages of closeness, affection and solidarity from bishops, priests, religious and faithful from all over north Vietnam.

The news of his departure for Rome has created controversy and speculation about his possible removal from the pastoral leadership of the archdiocese of Hanoi, on the basis of a Vatican agreement with the Vietnamese government that has repeatedly called for his removal. Mgr. Kiet has, however, calmly denied this assumption. "God willing - he said – he will gift me the blessing of good health and I will be able to serve Him. The duration of the treatment will be decided by the doctors".

Speaking to a delegation from Vinh who had come to bid him farewell and who had expressed concern about the uncertainties of the future, the archbishop recalled that "we are priests, we need not fear God. If this is what God wants, we serve in faith, not in fear. " He then asked believers to "speak the truth" and "live in communion within the Church to bring it to strong and confident life. Whatever you do, strengthen your faith in God, trusting in His blessing and His power, to obtain final peace. Your prayers and solidarity are the weapons of the Church. "
 
L’arcivescovo di Hanoi a Roma per cure mediche
Asia-News
07:34 08/03/2010
Mons. Kiet è in Italia dal 5 marzo. Prima di partire ha tranquillizzato coloro che temono un accordo del Vaticano con il governo vietnamita che a più riprese ha chiesto il suo allontanamento dalla capitale.

Hanoi (AsiaNews) - L’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngo Quang Kiet è partito dalla capitale del Vietnam e dal 5 marzo è a Roma per cure mediche. Il prelato, che dall’inizio di gennaio è stato curato nel monastero di Chau Son, è accompagnato da don Alfonse Pham Hung ed è in Italia su invito della Congregazione per l’evangelizzazione dei popoli e del Pontificio consiglio Cor Unum. A Roma è stato accolto da un gruppo di religiosi e fedeli vietnamiti.

Mons. Kiet soffre di insonnia cronica e stress, condizione attribuibile alle pressioni subite nella guida della sua arcidiocesi e per la quale i medici vietnamiti hanno esaurito le cure a loro disposizione.

Prima della sua partenza, mons. Kiet ha avuto manifestazioni di vicinanza, affetto e solidarietà da vescovi, sacerdoti, religiosi e fedeli di tutto il nord del Vietnam.

La notizia della sua partenza per Roma ha creato controversie e illazioni su una sua possibile rimozione da arcivescovo di Hanoi, sulla base di un accordo del Vaticano col governo vietnamita che a più riprese ne ha chiesto l’allontanamento. Lo stesso mons. Kiet ha però serenamente negato tale ipotesi. “Se Dio vorrà - ha detto – mi donerà la benedizine di una buona salute e io potrò a servire. Per quanto tempo dureranno le cure lo decideranno i medici”.

A una delegazione di Vinh venuta a salutarlo e che gli ha espresso preoccupazione per le incertezze del futuro, l’arcivescovo ha ricordato che “siamo sacerdoti, non dobbiamo temere che Dio. Se questo è ciò che Dio vuole, dobbiamo servire nella fede, non nella paura”. Egli ha invitato poi a “parlare nella verità” e a “vivere in comunione all’interno della Chiesa per farla vivere forte e sicura. Qualunque cosa facciate, rinforzate la vostra fede in Dio, confidando nella sua benedizione e nella sua potenza, per ottenere la pace finale. La vostra preghiera e solidarietà sono le armi della Chiesa”.
 
Vietnam Government Blows Up Crucifix
John Vennari
08:44 08/03/2010
Parish Under Siege - Catholics Persecuted

On January 6 Vietnamese officials dynamited a crucifix in a cemetery belonging to the Dong Chiem Parish Church, 40 miles from Hanoi. Parishioners who tried to prevent the destruction were beaten by police. Since then, Catholic priests and faithful have been assaulted by uniformed and plainclothes police, and Catholics who try to visit the parish are harassed and beaten; one journalist pummeled to unconsciousness. The latest outrage is a February 24 attack on a group of nuns visiting various parishes in the area.

The demolition of crucifix began at 3:00 a.m. with the use of explosives. “On hearing the explosions, parishioners rushed to the site to protect their crucifix but they were stopped by police who tried to drive them back, “said Father Nguyen Van Huu, pastor of Dong Chiem parish.

The Archdiocese of Hanoi immediately issued a press release denouncing the government’s actions: “Police attacked the parish today, in the early morning, when both its pastor and the pastor’s assistant were at the annual retreat in the Archbishop’s Office. An estimated 500 heavily armed and well-entrenched police officers and a large number of trained dogs were deployed in the area to protect an army engineering unit that destroyed a large crucifix erected on a boulder inside the parish cemetery.”

Parishioners recounted being shot at close range with tear gas canisters, even as they were kneeling in prayer, asking the police to stop the devastation. Other parishioners were beaten with batons.

“At least a dozen people have been badly beaten,” said Father Le Trong Cung, Vice Chancellor of the Hanoi Archdiocese. “Two of them were seriously injured and taken to a clinic in Te Tie, where, however, they did not receive treatment. Later, the priest and faithful found them and they took them to Viet Duc hospital, where doctors intervened.”

Agence France Presse reported police used “electric prods, tear gas and stones against the crowd.”

The government tried to justify its actions, claiming the crucifix was “illegally built” on the top of mount Che “which lies on the public land area under the direct management of the An Phu Communist People’s Committee.”

Father John le Trong Cung responded this was not true, since the crucifix was on Church property. “The hill has always been on parish grounds since its inception, more than one hundred years ago,” he said.

Parish priest Father Nyuyen Van Huu likewise confirmed the cross was built on Church land. The hill became a parish cemetery in the “Time of the Great Hunger” when two million people died between October 1944 and May 1945. The crucifix has been on the parish’s hill “for years,” he said.

From March to November 2009, the government had told Catholics to take down the cross. The parish refused since the cross was on Church property. In response, the government took the matter into its own hands on January 6 and blew up the crucifix.

The Archdiocese of Hanoi publicly denounced the demolition of the crucifix as a “sacrilege”.

Hundreds of Catholics have since defied the government’s brutality, climbed the hill and planted clusters of bamboo crosses where the original crucifix was destroyed. The government has sealed off the roads on the way to Dong Chiem, but the faithful still manage to get through.

More Bloody Beatings

A few days after the crucifix was demolished, a Catholic journalist visiting the area was attacked and beaten by government strongmen.

On the evening of January 11, Father Ngyuen Van Lien, parish priest of Dong Dhiem, and journalist J.B. Ngyuyen Huu Vinh were taking a motorcycle ride around the area. The priest said, “I was trying to get around a big pile of dirt placed on the bridge of the Nang — placed there to prevent access to the area — when a group of uniformed and plainclothes police attacked us.”

Father Van Lien continued, “Seeing that the journalist had a camera around his neck, a dozen policemen jumped on him, trying to snatch it. I left the bike and rushed to his defense, but the agents used sticks to threaten me and make me turn back. Then, once they had the camera, they ran away, leaving the victim in the street unconscious, and with his face bloodied.”

“If he had not had a helmet, he would be dead,” said the nurse who treated the journalist after the attack.

Around the same time, police also attacked two disabled Catholic war veterans on bikes heading toward Don Chiem.

The assault on the priest and journalist sparked strong response. Thousands of Catholics took to the streets of Dong Hai in a protest march. The protesters also demanded the release of five Catholic prisoners taken on the day the crucifix was demolished. The government had summoned five poverty-stricken Catholics to the service center of the government on the pretext of filling out forms for food aid. At the day’s end, loudspeakers blared that the five had “bowed their heads, pleading guilty” to having built a bamboo cross on the spot where the crucifix had been destroyed.

The priests of Dong Chiem have also been accused by police of stirring up anti-government sentiments, when the priests’ only “crime” has been resisting the anti-Catholic harassment coming from the Vietnamese government.

The faithful throughout North Vietnam continued to respond to these outrages with pilgrimages to Dong Chiem. Despite threats of violence, the pilgrims succeeded in planting crosses on the hill where the original crucifix was demolished. “We will make this hill a mountain of the crosses, like the one the Catholics created in Lithuania in Communist times,” said a student from Hanoi whose team planted dozens of crosses on the hill. The group of students accomplished this by passing checkpoints and other police measures aimed at blocking the faithful’s access to the cemetery. Asia News reports “hundreds of crosses” are now on the hill.

Not all the Vietnamese Catholics who depart for Dong Chiem manage to skirt the government’s obstacles.

Father Joseph Pham Minh Trieu, who was leading a group of a thousand people to the hill, said he had to cancel the trip: “The police confiscated the licenses of all our bus drivers." Nonetheless, hundreds of parishioners at Ham Long used motorcycles to penetrate through police obstacles. Among them was the group of Hanoi students, who reached the summit of Nui Tho, which is now called “the mountain of prayer" where they enacted the Way of the Cross.

“Other faithful managed to arrive by boat,” reported Asia News.

As news spread around the world of this persecution of Catholics, the Socialist Republic of Vietnam denied any repression of Catholics in Dong Chiem. “Vietnam asserts ‘no suppression’ of parishioners at Hanoi’s outlying district”, headlined the state-run Vietnamese News Agency.

It was here the government asserted the cross was built illegally on public land. The report also claimed the government simply “dismantled” the cross, and was careful not to mention they destroyed the crucifix with explosives.

The story was an obvious falsehood, particularly since an Agence France Presse reporter had already been denied access to the area. The January 8 Manilla News reported that a journalist had been blocked from entering the Dong Chiem parish area. “This is by special order” said a plainclothes policeman as the journalist tried to enter the one road leading to the Dong Chiem parish. At the only other access, said the Manilla News, “several other policemen also refused to let the reporter pass.”

By mid-January, police had poured reinforcements and set up roadblocks to stop pilgrims from going to the hill at Dong Chiem parish. The violence against Catholics continued.

On January 20, a Vietnamese Catholic monk was beaten and seriously injured as he tried to reach the parish church. Agence France Presse reported, “About 20 uniformed and plainclothes officers on Wednesday [January 20] stopped Brother Nguyen Van Tang and several other Catholics from entering the Dong Chiem parish.”

The police seized the Brother’s camera and mobile phone. When he was making his way back, he was “attacked by unknown assailants and left with serious head injuries.” He was taken to a hospital for treatment.

By the beginning of February, the parish was still under siege; the police would threaten and attack anyone who approached it. Three students from Saint Anthony of Padua parish were attacked by police for just that reason. One was arrested.

The three students had gone to Dong Chiem to attend a Eucharistic adoration. On their way home, says Father John Luu Ngoc Quynh, “a group of police agents stopped them and savagely attacked them.”

One of the students “tried to run in a field but was chased and beaten,” continues Father Luu Ngoc Quynh. The next day, “at 11:30 p.m., police brought him to his dormitory and after searching the premises, took away two other students who shared his room.”

The priest denounced these actions as “continued violation of the law against Vietnamese citizens and against Catholics. Calling for the release of the students, for an end to the siege of the Dong Chiem parish, and for the right of Catholics to move freely, Father Luu Ngoc Quynh urged the Vietnamese government “to investigate the latest attack in order to bring the culprits to justice.”

The government continues its brutal harassment, the latest being an attack on nuns visiting the area.

On February 24, a group of nuns from the Lovers of the Holy Cross, who went to Ho Chi Minh City with dozens of lay Catholics to visit parishioners of the area, were attacked and beaten by plainclothes officers at the town’s entrance. Asia News reported the sisters were not seriously injured, “but the Hanoi volunteer who was their guide had to be admitted to the Viet Duc hospital in serious condition.”

Church Targeted

It is obvious the Church is being deliberately provoked. Redemptorist Superior Vincent Pham Trung said in late February, “The government is trying its best to lure the Archbishop of Hanoi and Thai ha Redemptorists into a trap in which the tiniest mistake [on their part] would give the government the excuse for open persecution, or at least an excuse to launch accusations against them.”

It is also obvious that Catholics alone are the targets of this brutality since those who visit the famous Huong Pagoda, in the vicinity as Dong Chiem, are warmly welcome and protected by agents who belong to the same department as those persecuting the Church.

The clash between the Church and the Socialist Republic of Vietnam is an ongoing conflict. In 2009, the government demolished a large statue of the Blessed Mother that had been erected by the poor parishioners of Bau Sen.

On the day of the statue’s destruction, government police with batons and dogs kept the parishioners back from the demolition site, and the faithful could only watch helplessly. This past January the government compounded the sacrilege by demanding the parishioners pay the $15,000 the government spent on the statue’s destruction.

Whoever believes the Consecration of Russia as requested by Our Lady of Fatima is accomplished need look no further than today’s Vietnam. The atrocities of the Vietnamese government bear all the hallmarks of Communist harassment of the Church throughout the Twentieth Century. The “period of peace” has yet to be granted to the world.

Despite what a highly placed churchman has said about Fatima’s prophecies belonging to the past, the “tragic human lust for power and evil” has not come to an end.

Let us pray for our fellow Catholics who daily face this brutal persecution, and let us learn from their fortitude as they publicly defy Vietnam’s anti-Catholic campaign.

(Source: www.cfnews.org/vietnam.htm)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xúc động và ấn tượng về cuộc Hội ngộ Linh mục tại La Vang
Lm. An-tôn Vũ Thanh Lịch
06:42 08/03/2010
XÚC ĐỘNG VÀ ẤN TƯỢNG
VỀ CUỘC HỘI NGỘ LINH MỤC TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
( Từ ngày 03 đến 05/03/2010, tại linh địa Lavang)


Điều khiến tôi xúc động tận đáy lòng và không thể quên – không phải là những bài chia sẻ bác học của các giám mục, hay những suy niệm sốt sắng của anh em linh mục – mà chính là bầu khí của nghi thức sám hối, hòa giải, buổi tối khai mạc cuộc Hội Ngộ linh mục Giáo tỉnh Huế. Đó là cảnh tượng làm “rúng động các Thiên thần”, khi chứng kiến các Giám mục cùng quỳ xuống thú tội với người anh em của mình. Các linh mục cũng lần lượt nhận và ban bí tích hòa giải cho nhau trong tâm tình thành khẩn và thống hối. Không còn phân biệt cha trẻ với cha già, giáo phận này với giáo phận kia, người quen và không quen. Tất cả tìm đến nhau trong tình huynh đệ và khiêm tốn. Hơn bao giờ hết, người ta cảm thấy như “sờ” vào mầu nhiệm an bình và bình đẳng của bí tích Hòa giải. Khi chết mọi người đều giống nhau, dù là Giáo hoàng, Giám mục hay giáo dân, vua chúa hay là hàng lê thứ. Giống nhau vì không thể làm được gì. Dù khi sống, giàu có và quyền uy. Nhưng ở bí tích Hòa giải, mọi người bình đẳng vì cùng cảm nhận sự yếu hèn, mong manh, tội lỗi của bản tính con người, và cùng đón nhận ơn tha thứ rộng lượng của Thiên Chúa giàu lòng thương xót …Có những giọt nước mắt âm thầm, có những vòng tay ấm áp biểu bộ sự hân hoan, thành khẩn của một tâm hồn vừa được hòa giải với Thiên Chúa và anh em mình.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng đẹp và ấn tượng như thế. Toàn thân tôi rân ran một cảm giác, vừa xúc động vừa sợ hãi, khi một anh em linh mục đứng bên, xin tôi giải tội. Tôi nghe lời thú tội mà lòng bồi hồi tủi hổ khi nghĩ đến sự yếu hèn bất xứng của chính mình. Trừ một vài trường hợp hạn hữu, trong mấy chục năm linh mục, tôi chỉ giải tội cho giáo dân như một người ban ơn…Đôi khi còn cảm thấy mình như bị quấy rầy, khi giáo dân đến xin xưng tội ngoài giờ và chương trình ấn định. Lần này, khi nghe lời thú tội của người anh em linh mục như mình, có khi thánh thiện hơn mình, và có thể là bậc thầy của mình, tôi thật xấu hổ… Với cảm thức về mình như vậy, tôi đến xin xưng tội với một linh mục bạn mà từ lâu không gặp. Tôi nhận được những lời khuyên thật khích lệ. Tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân. Tôi đọc kinh Magnificat đền tội với tâm tình vừa thống hối, vừa tạ ơn Thiên Chúa là Cha yêu thương, đoái nhìn đến phận hèn của tôi cũng như của những anh em linh mục đồng nghiệp với tôi.

Viết đến đây, tôi sực nhớ một giai thoại trong cuộc đời của Thánh Giê-rô-ni-mô, tiến sĩ Hội thánh. Truyện kể: vào một đêm Giáng sinh, Thánh Giê-rô-ni-mô quỳ bên máng cỏ, suy niệm về Mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể. Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra. Người hỏi thánh nhân: “ Gie-rô-ni-mô, con có gì làm quà cho ta trong ngày Giáng sinh không”? Thánh nhân đáp: “ Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng trái tim nhỏ bẻ của con”. Chúa đáp: “ Được lắm. Nhưng còn gì nữa không?”. Thánh nhân thưa: “ Con xin dâng tất cả những gì con có thể làm được”. Chúa hỏi tiếp: “ Ngoài những cái đó ra, còn gì khác nữa không?”. Thánh nhân khẩn khoản thưa: “ Nào con còn có điều gì khác để dâng cho Chúa đâu?”. Chúa bảo: “ Này con, con hãy dâng cho ta tội lỗi của con”. Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại: “ Ôi! Làm sao con có thể dâng cho Chúa những tội lỗi của con được?”. Chúa nói: “ Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta tha thứ cho con. Đó là điều Ta hằng mong đợi”. Nghe thế, thánh nhân bật khóc nức nở vì vui mừng sung sướng. Sung sướng vì tình yêu của Thiên Chúa muốn chia sẻ những gì thuộc về bản tính yếu đuối của con người.

Dâng lên Chúa con tim nhỏ bé chưa đủ, nếu trái tim đó không chứa đựng cả cuộc sống với thân phận con người yếu đuối và bất xứng. “ Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con, để Ta tha thứ cho con. Đó là điều Ta hằng mong đợi”. Chúa nói như thế để khẳng định lại những gì Người muốn trình bày trong Tin Mừng Lc 18, 9-14.

“ Lạy Chúa xin thương xót con vì con là người tội lỗi” ( Lc 18,3)

Tôi lặp đi lặp lại câu này của người thu thuế như là một lời van xin Chúa thanh tẩy tôi, để tôi xứng đáng đứng trong hàng ngũ những tư tế của Ngài.

Bầu khí huynh đệ của nghi thức hòa giải sám hối, buổi tối khai mạc cuộc Hội Ngộ linh mục Giáo tỉnh Huế, đã khiến tôi vô cùng xúc động và không thể quên, thì cuộc rước kiệu Đức Mẹ Lavang và lần chuổi Môi khôi đêm bế mạc cuộc “Gặp Gỡ Vĩ Đại” cũng đã ghi khắc trong tâm trí tôi những hình ảnh đậm nét không bao giờ phai lạt. Thật vậy, khoảng 450 linh mục và giám mục trong lễ phục áo dài trắng (áo alba), cùng với một đoàn giáo dân hành hương, tay cầm nến sáng, xếp hàng bốn, chậm rãi bước đi dưới bầu trời cao vút không một ánh sao, uốn lượn theo một lộ trình dài khoảng vài trăm mét từ nhà Trung tâm đến linh đài Đức Mẹ, tạo nên một dòng ánh sáng lung linh huyền ảo, nhiệm mầu… Cứ mỗi chục hạt, đoàn rước dừng lại, tay trái giơ cao nến sáng, miệng ca vang điệp khúc Ave Maria, đậm đà tình cảm hiếu thảo mẹ con… Ai tham dự và chứng kiến, cũng khó có thể giữ được những giọt nước mắt cứ hồn nhiên trào ra …

Tiếp sau cuộc cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Lavang là giờ chầu Thánh Thể. Một lần nữa, tôi lại được nghe những lời cầu thống thiết, nhờ Mẹ chuyển cầu, xin Chúa Giêsu giữ gìn hàng linh mục của Ngài được bền vững trong ơn gọi, nêu cao sự tinh tuyền của những người được chọn lên hàng tư tế vương giả.

Giờ chầu kết thúc. Tôi vẫn con thấy một số đông linh mục lưu luyến ở lại dưới chân tượng đài. Mắt hướng lên như nhìn ngắm Mẹ lần cuối, dường như muốn nói với Mẹ:

“ Mẹ ở, con về Mẹ Maria ơi
Mẹ ở, con về lòng con thương nhớ” ( Huyền Linh)

từ Giáo phận Ban Mê Thuột
 
Một đóa hồng cho ngày 8-3 - Hội thảo tại Saigòn về: Vai trò và sứ mạng phụ nữ trong gia đình
Mặc Trầm Cung ghi lại
07:51 08/03/2010
MỘT ĐÓA HỒNG CHO NGÀY 8 THÁNG 3


Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Hội Nghị Quốc Tế lần II (08-03-1910) chọn ngày 08/03 làm ngày Quốc Tế phụ nữ, để nhớ ơn những người phụ nữ đã đấu tranh cho nhân quyền, bình đẳng giới và nhân phẩm người nữ trên toàn thế giới. Hôm nay ngày 6/3/2010 Chương Trình Chuyên Đề Chiều Thứ Bảy của Ban Mục Vụ Gia Đình – GP Sài Gòn đã tổ chức một buổi tọa đàm nhằm nhìn lại “Vai trò và sứ mệnh của phụ nữ trong xã hội và giáo hội”, cũng là để suy tôn vai trò và vị trí của người phụ nữ không thể thiếu trong gia đình nói riêng và trong cộng đồng nhân loại nói chung. Đặc biệt là vai trò của người phụ nữ trong thế kỷ 21 ngày nay đã tự khẳng định được vai trò và tiếng nói của mình trong công cuộc xây dựng gia đình và xã hội. Những điều mà mọi người ngày nay đều nhận thấy là phụ nữ ngày nay xinh đẹp hơn, duyên dáng hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và thành đạt hơn. Người phụ nữ đã theo kịp những bước tiến của xã hội không thua kém gì nam giới, đã đóng góp những thành quả không nhỏ cho gia đình và cộng đồng. Đó chính là lý do mà Chương Trình Chuyên Đề hôm nay muốn có một buổi suy tôn vai trò của người phụ nữ.

Trong buổi tọa đàm mừng ngày 8/3 hôm nay còn sự tham dự của:

-Giáo sư Uông Đại Bằng, Hiệu trưởng trường Nam Mỹ
-Bà Maria Nguyễn Thị Ngọc, Hội trưởng hội các bà mẹ Tổng Gp Tp Sài Gòn
-Bà Maria Nguyễn Thị Xuyến, hội thẩm phán tòa án nhân dân Q 3, hội trưởng các bà mẹ Gx An Lạc
-Chị Têrexa Nguyễn Thị Thanh Thúy, cộng tác viên Ban Mục Vụ HN&GĐ
-Bác Xuân Thái, người phụ nữ đảm đang gánh vác việc gia đình cho chồng tham gia công tác truyền thông của giáo phận
-Bà Bà Têrêxa Nguyễn Thị Ngọc Thu, Trưởng nhóm Kinh thánh cầu nguyện Mai Khôi 5, ân nhân của CTCD
-Maria Đoàn Thị Nhài, ân nhân của CTCD
-Cô Têrexa Nguyễn Thị Bạch Vân, cộng tác viên đắc lực của CTCD
-Quý Nữ Tu Dòng Trinh Vương – Bùi Môn. Cộng tác viên CTCD.

Và hơn 200 tham dự viên thường xuyên của Chương Trình Chuyên Đề.

Trước hết Sr Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đã ôn lại một chặng đường lịch sử đấu tranh dài của người phụ nữ đòi quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng đúng phẩm giá của mình. Những nỗi gian nan, vất vả, bất công mà người phụ nữ phải chịu đựng trong cuộc sống trước đây, những áp bức càng ngày cứ tiếp tục đè nặng trên vai người phụ nữ.

Vào từ năm 1857 sự khởi xướng đấu tranh đầu tiên của các nữ công nhân ngành dệt ở New York chống chế độ bóc lột sức lao động làm việc 12 tiếng/1 ngày và đòi cải thiện môi trường làm việc của họ. Phải đến 2 năm sau 1859 họ mới giành được một số quyền lợi trong việc cải thiện đời sống cho công nhân.

Tình trạng bất công với người phụ nữ vẫn cứ âm ỉ kéo dài, đến năm 1908, 15.000 phụ nữ xuống đường, diễu hành qua các đường phố để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng như giảm giờ lao động, tăng lương, chống lạm dụng sức lao động trẻ em, họ đã dương cao khẩu hiệu “BREAD ANH ROSES” (Bánh Mì và Hoa Hồng) để nói lên khát vọng sống còn của họ và một cuộc sống được tôn trọng phẩm giá đúng nghĩa. Một năm sau, ngày 28 tháng 2 năm 1909 Đảng Xã Hội Mỹ công nhận và tuyên bố là Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Vào ngày 08/03/1910 trong Hội Nghị Phụ Nữ Quốc Tế Lần Thứ II (khối Xã Hội Chủ Nghĩa) 100 nữ đại biểu thuộc 17 nước đã lên tiếng đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Bà Chủ tịch Clara Zetkin là một phụ nữ Đức, bà đã đề nghị chọn một ngày để toàn thế giới tri ân những người nữ đã đấu tranh cho nhân quyền và nhân phẩm của nữ giới trên toàn cầu. Hội nghị đã chọn ngày 8 tháng 3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Những bất công vẫn giáng xuống trên người phụ nữ Ngày 25-03-1911, một sự kiện đau lòng 145 nữ công nhân của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Thành phố New York, phần lớn là người di dân Ái Nhĩ Lan và người Do Thái đã chết thảm trong một vụ cháy xưởng dệt, vì luật lệ khắc khe của giới chủ nhân, họ khóa chặt của không cho công nhân ra ngoài trong giờ làm việc. Vì thế, các công nhân đã bị chết cháy. Nỗi uất ức trào dâng, 80.000 người diễu hành để đưa đám tang và phản đối luật lệ lao động bất công thời ấy.

Tức nước vỡ bờ, năm 1912, Các nữ công nhân đã đồng lòng đình công 3 tháng và 14.000 công nhân hãng dệt la lớn "Better to starve fighting than starve working" (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Những nỗi gian truân của người phụ nữ cứ phải hứng chịu và học vẫn tiếp tục đấu tranh.

Mãi đến ngày 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, năm 1977, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 đã được chọn để trở thành ngày lễ chung cho người nữ ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

I. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH

Đối với người phụ nữ Việt Nam của chúng ta, trong mọi thời đại vẫn nêu cao giá trị phẩm chất của mình trong gia đình, người phụ nữ được coi như ngọn lửa hồng của gia đình trong những ngày đông giá, là chiếc quạt nan trong những buổi trưa hè, những hy sinh âm thầm của người phụ nữ cho chồng, cho con đề giữ vững niềm hạnh phúc cho gia đình đã tô đậm nét sự hy sinh thầm lặng của một trái tim anh hùng, nhờ đó mà cuộc đời này có thêm nhiều ý nghĩa.

Gia đình là cái nôi đầu tiên trong việc giáo dục con cái. Người mẹ mang con trong dạ 9 tháng 10 ngày, nuôi con lớn lên không những bằng dòng sữa ngọt ngào yêu thương, mà còn bằng lời ru êm đềm qua những điệu hò cầu ví,….Người con vẫn âm thầm lớn lên qua lời ru của mẹ, lời ru đã đi vào giấc ngủ, đọng lại sâu lắng trong tiềm thức của người con. Người phụ nữ đã cho con những bài học đầu đời bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Vì thế, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong việc giáo dục con cái. Vì một người mẹ tốt là một mối lợi cho gia đình và cho cộng đồng, gia đình là nơi hình thành nhân cách đầu tiên của con cái, là thế hệ tương lai của xã hội và đất nước. Trách nhiệm thiêng liêng của các bà mẹ Việt Nam nuôi dạy con cái từ tuổi bé thơ đến lúc trưởng thành thật cao quí và đã được xã hội ta trong mọi thời đại đánh giá cao: “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”.

Người phụ nữ là người có một tâm hồn nhạy cảm, chịu thương chịu khó, gắn bó và biết quan tâm đến mọi thành viên trong gia đình, ông bà, cha mẹ, quan hệ họ hàng, khéo léo thu vén công việc gia đình.. v..v.. Người phụ nữ có tấm lòng yêu thương chân thực bao la vô bờ bến, tấm lòng quảng đại vị tha và một ý chí kiên cường mới khiến cho người phụ nữ vượt qua mọi gian khổ, gánh vác cả một giang san gia đình, những phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đến nay trong ca dao Việt Nam chúng ta vẫn thường ca ngợi:

Như ca ngợi về tấm lòng hiếu thảo của người phụ nữ:

“Bao giờ cá chép hóa rồng
Đền ơn Cha mẹ ẵm bồng khi xưa”

Hoặc:

“Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa”

Hoặc:

“Em nguyện ở vậy không chồng
Lo nuôi cha mẹ hết lòng đạo con”


Hoặc:

“Giữa đêm con thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”


Như ca ngợi về tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ:

“Yêu anh cốt rũ xương mòn,
Yêu Anh đến thác vẫn còn yêu anh”


Hoặc:

“Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người”


Hoặc:

“Chồng người võng ngựa người yêu
Chồng em khố bện, em chiều em thương”


Hoặc:

“Đói no em chịu với chàng
Xuống sông, ra biển, lên ngàn cũng theo”


Như ca ngợi trong việc giáo dục con cái:

“Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”


Hoặc:

“Thà chết trong còn hơn sống đục”

Hoặc:

“Tay làm, hàm nhai, tay quai miệng trễ”

Như ca ngợi về người phụ nữ đóng góp cho sự thành đạt của chồng

“Theo chàng em quyết từ đây
Nâng khăn sửa túi, ra tay giúp mình
Sớm hôm trong chốn gia đình
Tề gia nội trợ xin mình mặc em
Việc ngoài chàng gắng cho nên
Học hành đèn sách đua chen với đời
Vụng hèn phận thiếp cũng thời thơm lây”


II. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử từ thời Vua Hùng dựng nước, những lớp người phụ nữ đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm kịch sử đã ghi lại không khí hào hùng của những người phụ nữ can trường trong các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược từ thời Bắc Thuộc và các thời kỳ khác trong lịch sử như: Hai Bà Trưng- oai dũng, khởi binh chống lại quân Hán; Bà Triệu -đánh đuổi quân Ngô; Thái hậu Dương Vân Nga – người anh thư đã tự tay tháo long bào, hy sinh danh tiếng và quyền lợi riêng tư cho sự tồn vong của đất nước; Ỷ Lan nguyên phi- đảm đang, chăm lo quốc sự, để Vua Lý Thánh Tông an tâm thân chinh đánh giặc; Đô đốc Bùi Thị Xuân – người nữ Bình Định kiên cường trong cuộc chiến chống quân Nguyễn...

Lịch sử dân tộc đã khắc nét về người nữ VN hào hùng trên chiến tuyến đã dành đến một phần ba thời gian cho 24 cuộc chiến tranh giữ nước vi quy mô cả nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa để giành độc lập cho dân tộc.

“Trên đất nước nghìn năm chảy máu,
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”.


Trong thời đại phong kiến, những luật lệ bất công gây bức xúc tâm lý cho người phụ nữ với quan niệm: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” đã tước đoạt của người phụ nữ niềm hạnh phúc chính đáng về một gia đình trọn vẹn, đồng thời hạ thấp nhân phẩm của họ trong gia đình và xã hội. Đau đớn trước thân phận của người phụ nữ Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã tố cáo chế độ hôn nhân phong kiến bất công trong thời kỳ đó, qua những uẩn khúc trong tâm hồn và cuộc sống của bà qua những vần thơ sau:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công”


Trong bất cứ thời đại nào, cũng nói lên vai trò của người phụ nữ đóng góp xây dựng xã hội và làm biến đổi xã hội. Ngày nay, thời đại của Công Nghệ Thông Tin, người phụ nữ của thời đại mới cũng đã thể hiện được chính vài trò của mình, đã tham gia và nắm giữ nhiều công việc, ngành nghề, chức vụ quan trọng trong xã hội. Chúng ta không thể phủ nhận công lao đóng góp rất lớn lao của người phụ nữ trong việc làm thăng hoa đời sống xã hội.

III. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI

Trong hai thập kỷ qua, người phụ nữ đã tham gia trong mọi lãnh vực giáo hội: từ việc giảng dạy về thần học cho đến dạy giáo lý cho các em và những người dự tòng. Tham gia vào việc cử hành phụng vụ Lời Chúa. Tất cả những cố gắng của phong trào bình đẳng nữ giới đã mang lại nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô giáo. Tuy nhiên, trong vấn đề chức thánh thì còn giới hạn.

Như trong Tin Mừng, Thánh Mac-cô cũng cho chúng ta biết Đức Giêsu đã đề cao hành động của một người phụ nữ đã đập bình dầu bạch ngọc quí giá để xức chân Chúa: “Nơi nào Phúc âm được rao giảng, trên khắp thế gian, thì người ta sẽ kể lại điều bà đã làm, để tưởng nhớ đến bà” (Mc 14, 9). Qua đó, bà cho thấy rằng phụ nữ là nhân tố không thể thiếu được trong quá trình hình thành Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng.

Trong gia đình, người phụ nữ là người truyền thụ đời sống đức tin cho con cái, những bài giáo lý khai tâm đầu tiên qua việc dạy con làm dấu Thánh Giá, đọc kinh cầu nguyện trước mỗi bữa ăn hay trước khi đi ngủ. Người phụ nữ trong gia đình đã ươm mần hạt giống đức tin cho thế hệ tương lai và gieo trồng nhân lực cho Giáo hội. Ngoài ra, người phụ nữ còn là những nhân tố đóng góp tích cực cho giáo hội trong việc phục vụ tông đồ.

Trong lá thư gửi phụ nữ, tháng 6 năm 1995 Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ như sau: “xin cám ơn chị em, hỡi các người nữ”

“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa người và người.

Trước Ngài còn có ĐTC Phaolo VI, trong bài diễn văn bế mạc Công Đồng Vatican II ngày 08.12.1965, cũng đã kêu gọi phụ nữ trong việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình ở từng bậc sống khác nhau như sau:

“Hỡi các hiền thê, từ mẫu, những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại, trong chốn âm thầm của gia đình, xin chị em lưu lại cho con cái truyền thống của cha ông, đồng thời chuẩn bị cho chúng đón nhận tương lai chưa thể dò thấu được.”

“Hỡi các trinh nữ dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà tính ích kỷ và sự tìm kiếm lạc thú muốn ngự trị, chị em hãy là những người bảo vệ đức thanh tịnh, tính vô vị lợi và lòng đạo đức. Chúa Giêsu đã làm cho tình yêu phụ nữ được viên mãn, Người cũng đã đề cao sự từ bỏ mối tình nhân loại này, khi người ta hy sinh nó vì tình yêu vô hạn và để phục vụ mọi người.”

“Hỡi chị em phụ nữ, các chị em là những người được trao phó cho nhiệm vụ chăm sóc, vun trồng sự sống. Trong giờ phút nghiêm trọng này của lịch sử, phần việc của chị em là cứu vãn hòa bình cho thế giới…”

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, trong lời giới thiệu quyển sách “Tâm lý nữ giới và chức năng mục tử của Linh Mục” đã nhìn nhận và đánh giá rất cao vai trò của nữ giáo dân và nữ tu trong Giáo Hội:

“Người phụ nữ trong họ đạo cũng được giao cho những sứ mệnh chăm sóc và vun trồng sự sống, và họ cần đến sự chỉ dẫn, trợ giúp của Linh Mục để chu toàn sứ mệnh của mình. Vậy người phụ nữ trong họ đạo là một đối tượng đặc biệt của chức năng mục tử của Linh mục, đối tượng đặc biệt vì sứ mệnh đặc biệt của họ, sứ mệnh mà người nam không thể thay thế được. Ngoài ra, người phụ nữ trong họ đạo, giáo dân cũng như nữ tu, còn là những trợ lực, những cộng tác viên của Linh mục, đồng thời cũng là những gương mẫu về kiên nhẫn, từ tốn, hy sinh tận tụy, thanh tịnh…cho Linh Mục.”

Và đặc biệt trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, chúng ta không thể không nhắc đến sự hiện diện của Đức Maria - người phụ nữ tuyệt vời hơn mọi người phụ nữ: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 42 ). Mẹ Maria là mẫu gương của một đời sống mạnh mẽ trong đức tin, kiên trì trong cầu nguyện, khiêm tốn trọng phục vụ, hy sinh trong yêu thương, dịu dàng trong lời nói... Người là tấm gương của ơn gọi làm phụ nữ trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phẩm giá của nữ giới được nâng cao qua việc trao dồi đời sống và thực thi công trình của Đức Maria – đem Chúa đến cho mọi người, giữa lòng thế gian.

***

Tôn vinh người phụ nữ trong đời sống là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng vì không ai có thể phủ nhận những công lao đóng góp to lớn của người phụ nữ từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt là trong lãnh vực giáo hội. những cống hiến hy sinh âm thầm của họ thật đáng trân quí. Sáng nay trong lớp học Hôn Nhân Mục Vụ Gia Đình cũng có những giây phút chúc mừng ngày 8/3 có một anh đại diện đã phát biều: “Vẫn biết người phụ nữ là người gây ra những mối tội đầu, nhưng đó là “tội hồng phúc”, nhờ đó mà Thiên Chúa mới có kế hoạch để Con của Ngài xuống thế làm người và ở giữa chúng ta, qua tiếng “Xin Vâng” của một người phụ nữ. Vì thế, nếu không có người phụ nữ trên cuộc đời này thì chúng ta còn sống làm chi”, những tràng pháo tay dòn giã vang lên chúc mừng các bạn nữ trong lớp học.

Chiều nay trong lớp học CTCT này cũng dành những giây phút trang trọng để suy tôn người phụ nữ. Tiếng hát của ca sĩ Thanh Sử chiều này đã đem lại những cảm xúc lắng đọng cho mọi người về những hình ảnh hy sinh cao quí của người phụ nữ qua 2 bài hát “Hòn Vọng Phu” và “Chị Tôi”. Trong lúc ca sĩ Thanh Sử hát mỗi người được nhận một mảnh giấy, người nữ thì nhận mãnh giấy màu hồng để ghi vào đó những ước muốn của mình trong ngày 8/3 này, người nam thì nhận mảnh giấy màu vàng ghi những lời chúc dành cho ai đó trong ngày 8/3, các tu sĩ thì nhận mảnh giấy màu xanh cũng ghi những cảm nghĩ và ước muốn của mình về một ai đó, người đó có thể là một linh mục, một nam tu sĩ hay một người cha, người anh trai, em trai của mình.

Sau khi ca sĩ Thanh Sử hát xong thì Sr Hòng Quế và một bạn nam đọc lên những thông điệp được ghi trên những mảnh giấy đó:

Hằng trăm thông điệp được gởi lên. Những lời lẽ thật chân tình và yêu thương phát xuất tận đáy lòng của những tâm hồn thầm lặng mà có lẽ trong những ngày bình thường khó nói ra. Xin được trích một số những thông điệp gây cảm xúc mạnh nơi tâm hồn người nghe.

Thông điệp từ những mảnh giấy màu hồng:

1. Em mong anh đừng nghĩ đến mình mà hãy quan tâm đến vợ con nhiều hơn.

2. Mong ước của em là luôn được anh tôn trọng nhân phẩm và dìu dắt vợ con bước theo hành trình của Chúa trên trần gian này.

3. Con không còn bố, cũng không còn chồng, chỉ còn 2 người con, con ước mong được Chúa nâng đỡ, hướng dẫn người con trai biết thương mẹ thương em gái. (gởi con trai Phạm Quang Huân).

4. Em ước mong anh hiểu nỗi lòng của em rất yêu chồng, yêu con. Xin anh đừng gắt gỏng mà hãy nói với em bằng những lời hòa nhã.

5. Em mong anh quan tâm hơn đến gia đình, quan tâm đến những vui – buồn, cố gắng của vợ con.

6. Ba ơi! Một điều mà con chưa bao giờ nói ra. Con đau lòng và xót xa lắm. Ba đã coi thường mẹ. Mẹ đã sinh cho Ba những đứa con dễ thương và ngoan lắm mà. Hãy một lần nhìn lại được không Ba. Con đã khóc thật nhiều Ba ạ. Khóc vì Ba, vì Mẹ và gia đình. Con đau lòng lắm. Con phải làm gì đây? Con yêu cả Ba và Mẹ. Con mong ước lắm Ba ạ.

7. Tôi mong ước được đối xử bình đẳng. Hãy cho tôi được làm người vợ đúng nghĩa.

8. Mong Ba mãi luôn là cột trụ trong gia đình và sẽ tổ chức được giờ kinh tối.

9. Tôi mong những người đàn ông hãy đối xử một cách công bằng với những người phụ nữ trong gia đình. Không còn cảnh bạo lực trong gia đình.

10. Ngày nào em cũng cảm thấy là ngày 8/3 kể từ ngày anh bỏ thuốc. Vì sức khỏe của anh là VÀNG đối với em.

11. Là một người phụ nữ, tôi mong có một gia đình hạnh phúc, một người chồng luôn đồng hành với tôi trong cuộc đời. Chúng tôi những người phụ nữ trong lớp Chuyên Đề mong luôn có được những buổi học giá trị cho phụ nữ, để giúp chúng tôi có những kiến thức căn bản xây dựng gia đình ngày càng tốt hơn.

12. Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban cho chồng con được bình an trong cuộc sống, để an ủi con những lúc khó khăn, nâng đỡ con những lúc đau bệnh, luôn là tấm gương sáng cho các con, để anh mãi mãi là người đi xây những công trình tốt đẹp cho đời.

13. Người phụ nữ dù có thành đạt hay mạnh mẽ thế nào đi nữa. Chúng tôi vẫn cần một bóng cây che chở.

14. Xin mọi người hãy cầu nguyện cho Ba tôi về tội tà dâm. Ông đã có tuổi, có 2 vợ và 11 người con mà ông vẫn chưa cảm thấy đủ hay sao? Xin Chúa đụng chạm vào tâm hồn tội lỗi này. Xin cám ơn mọi người.

Thông điệp từ những mảnh giấy màu xanh:

1. Tôi mơ ước các nam tu luôn sống đúng với những gì mà Chúa đã ban cho họ. Cầu chúc họ sống tốt giữa thời đại đầy thách đố hôm nay.

2. Tôi mong muốn nam tu luôn luôn có một đời sống thánh hiến thật trọn vẹn cho Chúa trên con đường lý tưởng của mình giữa một thời đại xa đọa đang níu kéo người tu sĩ. Những lời chúc này xin được gởi đến người anh và cũng là người thầy: Giuse Nguyễn Văn Bằng – Đan Viện XiTô.

3. Tôi ước mong quí linh mục và giới tu sĩ nam biết tôn trọng nữ tu nhiều hơn. Hãy tôn trọng và yêu mến họ như là chính họ. Đừng so sánh và kì thị, cũng đừng phỉ báng họ trước đám đông. Đừng coi họ là “thùng rác” để trút những cơn tức giận của mình. Hãy biết tôn trọng họ trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

4. Tôi ước mong các linh mục quản xứ nên quan tâm và khích lệ những nữ tu cộng tác với mình, dù đó chỉ là một lời thăm hỏi, một nụ cười phấn khích, ít là vào ngày đặc biệt của họ như sinh nhật hay lễ quan thầy.

5. Cám ơn anh đã hy sinh lo lắng cho mẹ để em có thể an tâm theo đuổi lý tưởng của mình. Cám ơn anh nhiều.

6. Tôi ước mơ cho những người cha, đặc biệt là “Bố tôi” luôn cảm nghiệm được những vất vả hy sinh của mẹ tôi để yêu thương và đồng cảm, cộng tác với mẹ tôi trong mọi công việc trong gia đình. Xin những người cha, người chồng hãy luôn yêu thương, tôn trọng người vợ như chính bản thân mình.

Thông điệp từ những mảnh giấy màu vàng:

1. Ca sĩ Thanh Sử: Tôi muốn các chị em luôn nở trên môi một nụ cười thật tươi ngay cả khi chị em đang gặp đau khổ.

2. Cám ơn mẹ đã chăm sóc con, có những lúc con đã quên điều đó. Nhưng không sao mẹ nhỉ, con hứa sẽ chăm sóc mẹ thật tốt sau này. Con: Nguyễn Quốc Bảo.

3. Trong ngày 8/3 tôi sẽ làm cho vợ và 2 con gái của tôi cảm thấy rằng: Tôi vô cùng hạnh phúc vì cuộc đời tôi có họ. Cám ơn em và 2 con gái cưng của Ba.

4. Anh nguyện vác thánh giá cùng em trọn đời.

5. Cám ơn Sr Hồng Quế đã cho phái nam chúng tôi cảm nhận được vai trò và vị trí của người phụ nữ trong đời sống chúng tôi. Chúng tôi ý thức hơn tinh thần ngày 8/3 trong cuộc sống gia đình và xã hội của mình. Cầu chúc các mẹ, các chị, các em mãi mãi luôn hạnh phúc.

6. Chúc em dồi dào sức khỏe và nhiều niềm vui của tuổi 70. Anh vô cùng biết ơn em về những hy sinh to lớn của em chăm sóc anh và gia đình. Hôm nay trong hội trường TTMV này, lần đầu tiên anh có dịp nói lên lời chúc lành và biết ơn em.

7. Nếu anh nói anh yêu em mà không làm gì cho em thì anh có lỗi với em và có lỗi trước mặt Chúa. Nhân dịp 8/3 Nguyện xin Chúa đổ tràn hồng ân xuống cho em, ban cho em sức khỏe dồi dào cùng anh sánh bước với nhau, chung vai sát cánh trong ngôi nhà nhỏ bé thân thương suốt trọn cuộc đời.

8. Anh sẽ bế em vào cuộc dời anh.

9. Mến chúc quí Soeurs những người thánh hiến luôn trẻ đẹp, vui tươi như Sr Hồng Quế để mọi người khi tiếp xúc cảm nhận được tình Chúa ngay trong cuộc sống đầy gian nan, thử thách này. Kính chúc Sr Hồng Quế hạnh phúc trong đời thánh hiến.

Một bầu khí yêu thương ngập tràn niềm vui, hạnh phúc khi những người nam trong phòng đi đến tặng quà cho từng người nữ, món quà tuy đơn sơ nhưng qua hành động đã nói lên tấm lòng của những người nam ý thức về vai trò của người nữ trong đời sống gia đình và xã hội. Người phụ nữ rất đáng được trân trọng và yêu quí. Vì họ chính là nhân tố không thể thiếu trong cuộc đời này, họ đã đem đến niềm vui, hạnh phúc và phát triển sự sống cho cộng đồng nhân loại được thăng hoa. Và phụ nữ, những người mẹ, những người vợ, người yêu của chúng ta rất xứng đáng được tôn vinh.

Còn bạn. Bạn sẽ dành cho người phụ nữ của mình thông điệp bất ngờ nào vào ngày đặc biệt này? Một đóa hoa, một cánh thiệp, một lá thư, một món quà nho nhỏ… hay chính tay mình sửa soạn một bữa cơm ngon cũng đủ đem lại niềm vui cho nữ giới.

Ngày 8/3 chính là ngày mà những người chồng, người anh, người bạn, người con cần mang lại niềm hạnh phúc cho phụ nữ bằng chính sự quan tâm xuất phát từ tình cảm trong trái tim mình.

Hãy dành một đóa hồng cho ngày 8/3 các bạn nhé.

***

Các chị em trong lớp Chuyên Đề Cuối Tuần chân thành cám ơn Linh Mục Nhạc Sĩ Phêrô Huy Hoàng, giáo xứ Bến Cát, GP, Phú Cường đã gởi tặng chị em 150 phần quà.

Cám ơn Nhà Xuất Bản Thái Hà Book và các thân hữu nam giới đã gởi hoa và quà tặng chị em trong ngày hôm nay.
 
Nhân ngày phụ nữ 8-3, một thoáng hồng nhan qua Cựu ước và Sử Việt
Nguyễn Đức Cung
08:55 08/03/2010
NHÂN NGÀY PHỤ NỮ 8-3,
MỘT THOÁNG HỒNG NHAN QUA CỰU-ƯỚC VÀ SỬ VIỆT


Đọc trong văn chương bình dân Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta gặp thấy một lời năn nỉ thở than như:

Mẹ ơi ! Chớ đánh con đau,
Để con mót lúa, hái rau mẹ nhờ
. (Ca dao)

hoặc là trong thơ mới:

Tằm em ăn rỗi hôm nay
Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua
. (Nguyễn Bính, Áo anh, 1939) 1

Trong một số công việc liên quan tới nông nghiệp hay công tác nơi đồng áng nông thôn Việt Nam, các việc làm như mót lúa hoặc hái dâu, hầu như chỉ dành cho lớp người phụ nữ nghèo khổ bình dân trong xã hội. Với bốn thành phần giai cấp sĩ, nông, công, thương của xã hội phong kiến Việt Nam từ ngàn xưa, những người chuyên nghiệp mót lúa, hái dâu cũng không được xếp vào hạng nào cả trong các hạng nói trên bởi vì điều kiện vật chất của họ tương đối thấp kém. Văn chương thi phú và các hình thái nghệ thuật bác học khác trước đây cũng ít khi nhắc tới hoặc viết đến họ. Họ không được một luật lệ nào của xã hội bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của họ cả. Trong thời tiền chiến, một số tác phẩm ít nhiều có viết về các đề tài xã hội và gần đây nền văn chương hiện thực của cái gọi là xã hội chủ nghĩa có nhắc đến với mục đích sử dụng tầng lớp nghèo của xã hội nông thôn làm đề tài trong một thể loại văn nghệ gọi là nền văn nghệ minh họa qua đó mượn họ mà đề cao một chế độ chính trị hoặc xưng tụng những kẻ cầm quyền của nền chuyên chính vô sản.

Tuy vậy đọc trong Cựu Ước và đối chiếu với sử Việt, chúng ta thấy được hai nhân vật nữ xuất thân từ hai nghề hèn mọn mót lúa và hái dâu, một ở Ít-ra-en và một Việt Nam đã để lại tên tuổi đáng ghi nhớ trong cuộc đời của họ ghi đậm dấu ấn vào nền văn hóa nông nghiệp và tang tằm của hai nước. Đó là RÚT (Ruth), bà cố của vua Đa-Vít (David) cách 10 thế kỷ trước Công Nguyên và Ỷ-LAN nguyên-phi, vợ vua Lý Thánh Tông (1054-1072), mẹ của Lý Nhân-Tông (1072-1127). Nhưng trước khi đi vào tìm hiểu những biến cố chính trong cuộc đời hai bậc nữ lưu này thiết tưởng cũng cần thoáng qua đôi nét về thực trạng của nghề nông trong lịch sử Do-Thái đối chiếu với nghề trồng dâu nuôi tằm trong xã hội Việt Nam vốn cũng có ít nhiều ảnh hưởng trên cuộc đời của bà Rút và Ỷ-Lan nguyên-phi.

1.- Văn hóa nông nghiệp Do Thái trong buổi đầu định cư trên đất hứa.

Trong tất cả các tư liệu lịch sử có thể nói Cựu Ước là bộ sách để lại cho nhân loại nhiều hiểu biết về tình hình nông nghiệp đã nuôi sống một số dân tộc vùng Cận Đông trong đó có Do-Thái vào thời cổ đại, ít nhất là vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên.

Tìm hiểu về nghề nông cùng những nông cụ cần thiết thời xưa ở đất Do-Thái, trong cuốn sách New Illustrated Bible Manners & Customs, How the People of the Bible really lived, Howard F. Vos cho biết: “Người nông dân dùng lưỡi cày bằng đá hay bằng đồng hoặc những cái cày bằng gỗ do bò kéo để trồng lúa mì, lúa mạch và các loại rau cải. Các bầy dê cừu gặm cỏ đó đây điểm xuyết thêm vào đó là những khóm chà là hoặc cây ăn trái. Cũng gặp thấy đó đây các hệ thống tưới tiêu mà buổi đầu đơn giản là những rãnh mương và những mô đất đắp cao làm bờ đê. Và phần lớn hệ thống tưới tiêu là như thế. Nhưng vào thời của Abraham, khi các vị vua còn cai trị các thị quốc (city-states), họ cho đào vét các kênh mương để dùng cho việc tưới tiêu và làm đường vận chuyển. Nông sản được chở tới các chợ trong thành phố trên những con kênh ấy từ nơi này đến nơi khác. Nhiều thuyền buồm tới tấp qua lại trên những con kênh của hệ thống tưới tiêu này.”2 Nền văn minh Ai Cập cũng như Lưỡng Hà Địa trong đó có quốc gia Ít-ra-en cơ bản là những nền văn minh nông nghiệp nên những hiểu biết cốt yếu về nghề nông như nông cụ, chính sách điền địa, hệ thống đê điều, thuế nông nghiệp, tình trạng những người dân nghèo, hạng bần nông, các nạn đói trong một quốc gia mới hình thành sau cuộc xuất hành khỏi đất Ai-Cập vào khoảng 1440 trước Công Nguyên v.v… là những mô thức đặc thù của một trong những nền văn minh tối cổ của nhân loại. Cũng trong cuốn sách trên, Howard F. Vos đã dựa trên các công trình nghiên cứu của Jacquetta Hawkes, Harriet Crawford và A. Leo Oppenheim cho biết từ khoảng năm 2.500 trước Công Nguyên đến 1.500 tr. CN nền văn minh nông nghiệp Sumer đã từng sáng chế một loại nông cụ vừa cày vừa gieo hạt được xem ra khá độc đáo: Một chiếc máy cày do đôi bò kéo với một người đi trước dẫn đường kéo theo một chiếc cày gắn một lưỡi nhọn vạch một đường nông vào mặt đất. Thân cày có hai chuôi do người thứ hai cầm lấy bằng hai tay. Trên thân cày có gắn một cái ống chạy dọc xuống theo chiều thẳng đứng, gần sát mặt đất, trên ống là một bộ phận hình như cái phễu. Một người thứ ba đi bên cạnh một tay bốc nắm hạt cho vào phễu, một tay mang bọc đựng hạt giống. Năm 1701 ở nước Anh, Jethro Tull đã sáng kiến chế ra loại máy gieo hạt nhưng đi đầu trong sáng kiến chế tạo nông cụ, người ta không thể không nhắc đến cái máy vừa cày vừa gieo nói trên.3

Ở Do Thái, cái liềm để gặt lúa thường làm bằng gỗ gắn vào đó là những mảnh đá lửa sắc cạnh. Dụng cụ này khá nặng cho nên chỉ dành cho đàn ông sử dụng.

Từ cuộc sống bán du mục, dân tộc Do Thái khi vào Đất Hứa đã hình thành quốc gia của họ và với đời sống định cư nông nghiệp đã trở thành căn bản của sinh hoạt hằng ngày, cho nên Cựu Ước đã phản ảnh rõ nét nền văn minh vật chất và tinh thần của dân tộc đó. Sách Sáng Thế cho biết thủy tổ nghề nông của nhân loại là Cain vì ông này làm nghề cày cấy đất đai. Khi viết về chuyện ông Giu-se kể lại giấc chiêm bao của mình với các anh, Sáng Thế đã dùng đến hình ảnh bó lúa: “Giu-se chiêm bao, cậu thuật lại cho các anh, khiến họ càng ghét cậu thêm. Cậu nói với họ: “Xin nghe em kể giấc chiêm bao của em. Em thấy chúng ta đang bó những bó lúa ở giữa đồng, thì bó lúa của em vươn dậy, đứng thẳng lên, còn những bó lúa của các anh bao quanh và sụp xuống lạy bó lúa của em. Các anh bảo cậu: “Mày muốn làm vua làm chúa thống trị chúng tao sao?” Và họ càng ghét cậu thêm vì những chiêm bao và những lời nói của cậu.” 4 Giấc mơ của vua Pha-ra-ô bên Ai Cập, một giấc mơ với nội dung kỳ bí mà chỉ có Giu-se mới giải nỗi, cũng được cấu thành theo hình ảnh hạt lúa, đã được Sáng Thế ghi lại như sau: “Vua ngủ lại và chiêm bao một lần thứ hai; vua thấy bảy bông lúa đâm lên trên cùng một cọng, mẩy và tốt. Rồi có bảy bông lúa lép và nám cháy vì gió đông, mọc lên sau chúng. Bảy bông lúa lép nốt chửng bảy bông lúa mẩy và chắc. Bấy giờ Pha-ra-ô tỉnh dậy, thì thấy rằng đó là một giấc chiêm bao.”5 Trong triều đình không ai giải thích nỗi chỉ trừ có Giu-se khi ông cho biết Ai Cập sẽ trải qua bảy năm được mùa rồi tiếp đến bảy năm mất mùa. Ở Ai-Cập cũng như vùng Cận Đông, các sông ngòi lớn như sông Nile, Tigris và Euphrates giữ một vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân. Ở các vùng ven sông, do nước sông dâng cao tràn vào các đồng bằng mà mùa màng tươi tốt, dân chúng cày cấy thuận lợi chứ không phải do lượng nước mưa. Những khi nước sông không dâng cao, người ta phải tìm cách kéo nước từ sông Nile lên tưới vào con kênh nằm cao hơn mặt nước sông. Từ thời Giu-se (khoảng thế kỷ 18 trước Công Nguyên), sau nhiều thế kỷ lăn lộn trong nghề nông, người dân Ai-Cập cũng như vùng Cận Đông đã biết làm thế nào để đưa những khối nước quý giá của sông Nile và các sông ngòi khác vào những kênh tưới trên những mực độ cao hơn mặt sông. Họ dựng hai trụ gỗ đứng khá cao với một thanh gỗ nằm ngang. Giữa thanh gỗ buộc một cần dài cũng bằng gỗ, một đầu buộc vào tảng đá lớn, đầu kia buộc sợi dây thừng cột một chiếc gàu. Họ cầm sợi thừng kéo nhúng chiếc gàu xuống đầy nước rồi nhấc nhẹ lên do sức trĩu nặng xuống của phía đầu cần gỗ có tảng đá. Cứ thế họ đổ nước vào những con kênh dẫn vào đồng ruộng.

Ở Ai-Cập cũng như tại Do-Thái, trong thời xưa, các trận đói không phải là ít khi xảy đến thường là do mưa không đúng thời vụ, mưa đá phá hoại mùa màng, nạn châu chấu hay bươm bướm gây thiệt hại cho hoa mầu, hoặc có khi nạn thiếu hụt thực phẩm vì bị vây hãm. Bệnh dịch tả thường xảy ra tiếp theo nạn đói. Các trận đói là hậu quả của những nguyên nhân tự nhiên được ghi lại qua cuộc đời của các tổ phụ như Abraham (Sáng thế 12:10), Giu-se (Sáng thế 41:56), các thủ lãnh (Rút 1:1), Đa-vít (2Sa 21:1) Ahab và Elijah (1Ki 17: 1; 18:2) và Elisha (2Ki 4:38; Lk 4:25) v.v…

Tuy nhiên, đặc biệt là nạn đói xảy ra ở đất Canaan khiến Gia-cóp phải sai các con của mình sang Ai-Cập tìm mua lúa để cứu đói. Sách Sáng Thế ghi lại trình thuật ấy như sau: “Ông Gia-cóp thấy bên Ai-cập có lúa bán, liền nói với các con trai: “Sao các con cứ ngồi nhìn nhau?”Rồi ông nói: “Cha nghe nói bên Ai-cập có lúa bán; các con hãy xuống đó mua lúa về, để chúng ta sống chứ không phải chết.”Mười người anh ông Giu-se bèn xuống mua lúa mì ở Ai-cập. Nhưng Ben-gia-min, em của ông Giu-se, thì ông Gia-cóp không sai đi với các anh, vì ông nói: “Lỡ ra nó gặp tai họa.”6 Ông Giu-se cùng Ben-gia-min là anh em cùng một cha một mẹ (mẹ là bà Ra-khen). Nhờ nạn đói và cũng nhờ mua được lúa mì ở Ai-cập mà anh em ông Giu-se được đoàn tụ lại với nhau, cũng đúng như người xưa thường nói “ Họa trung hữu phước”.

Một số nghi lễ có liên quan đến nông sản trong Do Thái giáo cũng được sách Cựu Ước ghi lại và sau đây là trình thuật của Lê-vi: “Nếu (các) ngươi tiến dâng ĐỨC CHÚA của đầu mùa làm lễ phẩm, thì phải tiến dâng gié lúa rang, hột lúa mới đã xay, làm lễ phẩm của đầu mùa. (Các) ngươi sẽ đổ dầu lên trên và bỏ nhũ hương vào. Đó là lễ phẩm. Tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút phần kỷ vật dành cho ĐỨC CHÚA, tức là một phần hột lúa xay và dầu cùng với tất cả nhũ hương. Đó là lễ hỏa tế dâng ĐỨC CHÚA.” 7 Trong một trình thuật khác của sách Lê-vi, chúng ta đọc thấy: “ ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: “Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan ĐỨC CHÚA để cá ngươi được đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày sa-bát. Ngày các ngươi làm nghi thức tiến dâng bó lúa ấy, các ngươi phải dâng một con chiên toàn vẹn, một tuổi, làm lễ toàn thiêu lên ĐỨC CHÚA, cùng với lễ phẩm là chín lít tinh boat nhào với dầu: đó là lễ hỏa tế dâng ĐỨC CHÚA, là hương thơm làm vui lòng ĐỨC CHÚA; lễ tưới rượu kèm theo là hai lít. Cho đến chính ngày đó, khi các ngươi mang lễ phẩm của Thiên Chúa các ngươi đến, các ngươi không được ăn bánh, ăn gié lúa rang và hột lúa mới. Đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở.”8 Sau khi vào Đất Hứa (1440 trước Công nguyên), dân Do Thái có tục thánh hiến ruộng đồng của mình cho Đức Chúa và được quy định theo sách Lê-Vi như sau: “Nếu một người thánh hiến cho ĐỨC CHÚA một cánh đồng là sở hữu của mình, thì phải dựa vào số lượng lúa giống mà định giá: hai mươi thùng giống lúa mạch là mười lăm lạng bạc. Nếu nó thánh hiến cánh đồng ngay từ năm toàn xá, thì cứ theo như giá đã định. Nếu nó thánh hiến cánh đồng sau năm toàn xá, thì tư tế sẽ tính giá tùy theo số năm còn lại cho đến năm toàn xá, và có giảm bớt giá đã định.”9 Tư liệu cũng quy định luật lệ về cánh đồng đã thánh hiến mà muốn chuộc lại, cánh đồng đã mua chứ không thuộc quyền sở hữu v.v. cũng nói lên tính phức tạp, chi li của các luật lệ Do Thái thời cổ.

Dưới con mắt của người thủ lãnh Do Thái, đôi khi một cánh đồng lúa của kẻ địch cũng trở thành mục tiêu phá hoại trong cuộc chiến đấu để nòi giống sinh tồn hay trút sự hận thù quốc gia lên các dân tộc khác. Xin đọc trình thuật sau đây của sách Thủ Lãnh nói về chuyện ông Sam-sôn, một nhân vật đứng trong hàng thủ lãnh của Ít-ra-en, thường được thần khí Thiên Chúa hỗ trợ, để tóc dài nên có sức mạnh vô địch: “Ít lâu sau, vào mùa gặt lúa miến, ông Sam-sôn mang một con dê tơ đến thăm vợ. Ông nói: “Tôi muốn vào phòng ngủ của vợ tôi”; nhưng bố vợ không cho ông vào. Bố vợ nói: “Thật sự tôi tưởng là anh đã chán ghét nó, nên tôi đã trao nó cho người đã làm phù rể cho anh. Con em nó lại chẳng khá hơn nó sao? Vậy để con em thay cho chị nó đi!” Ông Sam-sôn nói với họ: “Lần này thì tôi vô tội đối với người Phi-li-tinh, nếu tôi làm hại chúng.” Ông Sam-sôn đi bắt ba trăm con chó sói; lấy đuốc, rồi cột ngược đuôi con này với đuôi con kia và buộc một chiếc đuốc giữa hai đuôi. Ông châm lửa vào đuốc và lùa sói vào đồng lúa chín của người Phi-li-tinh, thiêu rụi từ gốc rạ cho đến bông lúa, thiêu cả nho và ô-liu nữa. Người Phi-li-tinh hỏi: “Ai đã làm chuyện này?” Và người ta đáp: “Đó là Sam-sôn, con rể ông người Tim-na, vì ông ấy đã đem vợ hắn gán cho người phù rể của hắn.” Những người Phi-li-tinh đi lên, nổi lửa đốt cả nàng lẫn cha nàng. Ông Sam-sôn nói với họ: “Vì chúng bay đã làm như thế, thì tao sẽ trả thù cho được mới thôi.” Ông đánh cho chúng một trận tơi bời, khiến chúng bị thảm bại. Rồi ông xuống ở trong một hốc đá tại Ê-tham.” 10 Trước năm 1975, ở Sài Gòn nhiều người đã có dịp thưởng thức cuốn phim Samson et Dalilah với màn ảnh đại vĩ tuyến chắc cũng còn nhớ đôi chút câu chuyện truyền kỳ về sức mạnh thần thánh của vị thủ lãnh Do Thái này.

Trong việc gặt lúa hay thu hoạch các cây trái, hoa quả, Cựu Ước cũng có những điều khoản quy định nhằm giúp đỡ cho người nghèo khổ, vô gia cư, hay kẻ góa bụa và ngoại kiều cư trú trên đất Do Thái và có lẽ đây là điều luật đặc biệt nhất mà nhiều quốc gia khác lúc bấy giờ và cho đến nay không có. Xuất hành ghi lại như sau: “Trong vòng sáu năm, ngươi sẽ cày cấy ruộng đất ngươi, gieo trồng và thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy, ngươi sẽ để đất ngưng sinh hoa màu, để đất hưu canh; những người nghèo trong dân ngươi sẽ được hưởng hoa màu đó, những gì còn lại thì bỏ cho dã thú ăn. Vườn nho và vườn ô-liu, ngươi cũng sẽ làm như thế.”11 Trong sách Lê-vi, có những điều khoản quy định cụ thể hơn: “Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi không được nhặt; (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.”12 Trong cuốn sách Great people of the Bible and how they lived, tác giả giải thích rằng có lẽ vì người gặt khó vung lưỡi liềm ở sát các bờ ruộng nên lúa mọc ở đó phải chừa lại.13 Thực tế là nếu người gặt tham lam, không có lòng bác ái thì góc nào, xó xỉnh nào họ cũng thu vén được hết, nhưng ở đây là điều luật của Thiên Chúa được ghi trong văn bản rõ ràng nên họ phải thi hành.

Ngoài ra sách Lê-vi còn quy định thuế thập phân như sau: “Mọi thuế thập phân đánh vào đất, trích từ sản phẩm của đất và từ hoa trái của cây cối, đều thuộc về ĐỨC CHÚA: đó là của thánh dâng ĐỨC CHÚA. Nếu người nào muốn chuộc một phần thuế thập phân, thì phải trả thêm một phần năm.” 14

2.- Nét hiền thục của một thiếu phụ mót lúa trong Cựu Ước.

Chuyện bà Rút mót lúa nằm trong sách Ruth mà trong bản Hy-lạp, La-tinh và các bản dịch mới, sách này (viết khoảng năm 1,000 trước Công Nguyên) được đặt liền sau sách Thủ lãnh. Tác giả sách đó vô danh, cũng được gán cho tiên tri Samuen. Câu chuyện xảy vào thế kỷ 12 trước Công Nguyên trong những ngày các thủ lãnh cai trị khi các bộ lạc miền bắc thường xuyên phải chiến đấu chống các thành phố có tường thành bảo vệ đồng thời hãn ngự các cuộc xâm lăng của các nhóm Ammonites và Midianites ở phía đông thì bộ tộc Judah chiếm vùng đất phía nam Ít-ra-en tương đối được hòa bình nhưng lại phải đương đầu với một kẻ thù khác đó là khí hậu. Bình thường đất đai phì nhiêu đủ để cho các loại lúa mì, lúa mạch hoặc các vườn nho, các đồi ô-liu hay cây vả có thể sinh hoa kết quả, nhưng rồi thỉnh thoảng trời hạn nên mùa màng thất bát và nạn đói kéo đến. Ở thành phố Bê-lem (Bethlehem) có ông Ê-li-me-léc (Elimelech), trong thảm cảnh đói kém, đã đem vợ là Na-o-mi (Naomi) cùng hai con trai là Mác-lôn (Mahlon) và Kin-giôn (Chilion) trẩy đến Mô-áp (Moab), một vương quốc ở trên cương vực phía đông của Biển Chết (Dead Sea) cách Bê-lem cũng khoảng 30 hay 40 dặm vì nghe nói ở đấy dễ sinh sống hơn. Truy nguyên về nguồn gốc tiên tổ, dân Ít-ra-en và dân Mô-áp có cùng huyết thống với tổ phụ Abraham nhưng dân Ít-ra-en thờ phụng Thiên Chúa, còn dân Mô-áp thờ thần Chemosh 15 với những lễ nghi mà dưới con mắt dân Ít-ra-en thì đó là tội lỗi. Trải qua nhiều thế kỷ, sự khác biệt về tôn giáo và tranh chấp về chính trị là nguồn gốc của tình trạng xung đột giữa hai sắc dân này. Con trai Ít-ra-en thường mê mẩn trước sắc đẹp của con gái Mô-áp nên nhiều kẻ bị dụ dỗ bỏ Thiên Chúa mà chạy theo thần Chemosh khiến cho Thiên Chúa đã giáng những trận ôn dịch xuống trên hàng ngàn những kẻ tội lỗi. Do vậy những người công chính trong hàng ngũ Ít-ra-en thường rất ghét đàn bà, con gái Mô-áp. Cho đến nay người ta cũng không rõ vì sao Ê-li-me-léc chọn Mô-áp làm đất lập lại cuộc đời, có thể vì những quan hệ cá nhân hay thương mãi khiến ông có thể thuê mướn đất cách dễ dàng, hoặc đó là nơi mưa hòa gió thuận có thể khiến ông thịnh vượng, sung túc lại cũng nên.16 Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó ông Ê-li-me-léc chết để lại bà Na-o-mi và hai đứa con trai. Hai con trai này lớn lên cũng lấy vợ Mô-áp bất kể các truyền thống thù nghịch giữa hai bên. Mác-lôn lấy cô Rút và Kin-giôn lấy cô Oóc-pa (Orpah). Mười năm sau hai người con trai cũng chết và bấy giờ cả ba bà góa này phải đối diện với một cuộc sống và tương lai hết sức bấp bênh.

Đối với việc kế thừa trong gia đình người Do-Thái, sách Đệ nhị luật quy định rằng: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xóa khỏi Ít-ra-en.Nhưng nếu người đàn ông ấy không thích lấy chị dâu hay em dâu mình, thì nàng sẽ lên cửa thành, gặp các kỳ mục và thưa: “Người anh em chồng tôi từ chối không chịu lưu truyền tên tuổi của anh em mình ở Ít-ra-en, người ấy không muốn chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với tôi.” Các kỳ mục trong thành sẽ gọi người đàn ông ấy đến và nói với người ấy. Người ấy sẽ đứng đấy và nói: “Tôi không thích lấy cô ấy.”Người chị hay em dâu sẽ đến gần người ấy trước mặt các kỳ mục, rút một chiếc dép người ấy ra khỏi chân, nhổ vào mặt người ấy và lên tiếng nói: “Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải xử như thế đó!” Trong Ít-ra-en, người ta sẽ gọi tên người ấy là “nhà kẻ bị lột dép.”17 Những điều khoản này sẽ có liên quan đến trường hợp góa bụa của bà Rút trong diễn tiến câu chuyện ở sau.

Đối với hai bà góa trẻ, hương sắc còn mặn mà thì việc tìm người đàn ông Mô-áp để tái giá là chuyện dễ dàng, nhưng còn bà Na-o-mi đã già cả và qua thời sinh con làm sao có thể lấy chồng lại được? Vì vậy bà Na-o-mi quyết định cho hai nàng dâu trở về nhà cha mẹ họ, còn bà sẽ trở về Bê-lem tìm cách sinh sống vì nghe nói Đức Chúa đã cho đất Giu-đa được mùa. Hai người con dâu khóc lóc nhưng rồi Oóc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà. Trình thuật của sách Rút chép rằng: “Bà Na-o-mi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin ĐỨC CHÚA phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết!” 18 Nghe vậy bà Na-o-mi không còn ép nữa và cả hai mẹ con lên đường ngược phía bắc đi khoảng 4, 5 ngày. Đến gần Giê-ri-khô, họ bước qua sông theo chỗ nông, hướng về phía tây qua vùng sa mạc cháy bỏng của đất Giu-đa và kìa những ngọn đồi mướt xanh màu cỏ của vùng trung tâm Giu-đa đã nằm trong tầm mắt của họ với ngôi làng nhỏ Bê-lem. Thời gian ấy khắp nơi đang bước vào mùa gặt lúa mạch trong bảy tuần lễ từ giữa tháng Tư đến khoảng giữa tháng Sáu. Tin tức bà Na-o-mi nghe là đúng: thời gian đói kém của xứ Giu-đa đã qua và năm ấy mưa nhiều nên ruộng đồng được vụ mùa bội thu sẵn sàng chờ gặt, lúa mạch trước và sau đó vài tuần là lúa mì. Bà Na-o-mi có một thân nhân bên họ nhà chồng, một người khá giả tên là Bô-át (Boaz). Rút, người Mô-áp, nói với bà Na-o-mi: “Xin mẹ để con đi ra ruộng mót lúa đằng sau người nào có lòng nhân từ đoái nhìn con.” Bà trả lời: “Con cứ đi đi.” Thật ra mót lúa không phải là công việc nhẹ nhàng vì phải cúi khom lưng suốt cả ngày, dưới bóng nắng thiêu đốt, theo dõi các cụm lúa sót khắp nơi và phải mót liền tay. Rút may mắn gặp một thửa ruộng của ông Bô-át. Ông Bô-át nói với người trông coi thợ gặt: “Cô kia là người của ai thế? Người kia trả lời: “Đó là một thiếu phụ Mô-áp, người đã cùng với bà Na-o-mi từ cánh đồng Mô-áp trở về. Cô đã nói: ‘Cho phép tôi mót và nhặt những bông lúa đằng sau thợ gặt.’ Cô ấy đã đến và ở lại từ sáng tới giờ: Cô ấy chẳng chịu nghỉ ngơi chút nào.”Ông Bô-át nói với Rút: “Này con, con có nghe không? Đừng đi mót ở ruộng nào khác, cũng đừng rời khỏi đây, nhưng cứ theo sát các tớ gái của ta. Con nhìn thửa ruộng chúng gặt và cứ đi theo chúng. Nào ta đã chẳng ra lệnh cho các tôi tớ không được đụng tới con sao? Nếu khát, con cứ đến chỗ để bình mà uống nước các tôi tớ đã múc. Rút liền cúi rạp xuống đất mà lạy ông, rồi nói: “Sao con lại được ông lấy lòng nhân từ đoái nhìn và quan tâm đến, dù con là một người ngoại quốc?” Ông Bô-át đáp: “Người ta đã kể lại cho ta nghe tất cả những gì con đã làm cho mẹ chồng sau khi chồng con mất, cũng như chuyện con đã bỏ cả cha mẹ và quê hương, mà đến với một dân trước kia con không hề biết tới. Xin ĐỨC CHÚA trả công cho con vì những gì con đã làm! Chớ gì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, thưởng công bội hậu cho con. Người là Đấng cho con ẩn náu dưới cánh Người!” Nàng nói: “Thưa ông, ước gì con được ông lấy lòng nhân từ đoái nhìn, vì ông đã an ủi con và nói những lời thân ái với nữ tỳ của ông, mặc dù con không đáng làm một nữ tỳ của ông.”19 Ông Bô-át cảm nhận được tất cả nét hiền thục, dịu dàng trong con người thiếu phụ tuy nghèo khổ nhưng chân chất nên đã tỏ ra ân cần săn sóc, thí dụ đến bữa ăn, ông nói với nàng: “Con lại gần đây, lấy bánh chấm vào nước dấm mà ăn.” Rút ngồi bên cạnh thợ gặt. Ông Bô-át đưa cho nàng một mớ lúa rang. Nàng ăn no và còn để dành nữa. Rồi nàng trỗi dậy mót lúa. Ông Bô-át dặn dò các tôi tớ ông rằng: “Cho dù cô ấy có mót ngay giữa những bó lúa đi nữa, các anh cũng đừng nhục mạ cô ấy. Hơn nữa, các anh hãy để ý rút vài bông lúa ra khỏi đống lúa đã gặt và để lại cho cô ấy mót. Đừng trách móc cô ấy làm gì.” Đến chiều, Rút đã kiếm được một số lượng lúa mạch khá nhiều đến gần hai thúng đưa về nhà. Bà Na-o-mi trố mắt vì ngạc nhiên trước thành quả người con dâu bà thu hoạch được. Ông Bô-át đã đối xử với Rút như người trong gia đình nhưng với phong cách thật tế nhị và đầy lòng thương yêu.

Tuy vậy, điều mà bà Na-o-mi quan tâm không phải là những bó lúa mót được mà là một tập tục liên quan tới anh em chồng (levirate marriage) 20 có thể ảnh hưởng tốt cho Rút trong tương lai khi mà ông Bô-át tỏ rõ lòng quý mến của ông đối với Rút bằng những cử chỉ săn sóc đặc biệt. Tập tục đó bảo đảm sự an toàn cho một bà góa nghèo khổ và không ai bạn bè là nếu bà góa không có con thì có quyền hy vọng em trai chồng mình có thể lấy mình làm vợ. Nếu chồng không có em trai thì một người đàn ông trong họ hàng được quyền làm chuyện đó. Bất cứ người thân thích nào cưới bà góa đó đương nhiên trở thành vị cứu tinh hay bảo hộ cho bà. Đứa con trai đầu có được với bà góa đó qua cuộc hôn nhân mới được kể như là con của người chồng trước đã quá cố và nó có quyền thừa hưởng gia nghiệp người kia. Bà Na-o-mi trước đây không nghĩ mình có thể được chi phối bởi tập tục đó vì bà đã qua thời sinh đẻ, còn Rút thì chỉ là một người đàn bà dân tộc Mô-áp vốn bị người Do-Thái coi khinh, nhưng nay thấy các cử chỉ thương yêu của ông Bô-át với Rút tức khắc trong lòng bà già kia bắt đầu bùng lên tia lửa hy vọng.

Sau vụ gặt dĩ nhiên công việc đập và sàng lúa bắt đầu. Dân Do-Thái cũng đập lúa nghĩa là tách hạt ra khỏi cọng lúa bằng cách dùng gậy đập mạnh vào các bó lúa hoặc dùng từng cặp bò dẫm xéo quanh sân lúa. Có khi người ta cột vào cổ súc vật một chiếc xe giống xe trượt tuyết ở dưới gầm có gắn nhiều cục đá hay kim loại cán đi cán lại trên các bó lúa, vừa tách hạt lúa vừa làm nát các cọng lúa biến thành rơm rạ. Lắm lúc người ta quạt lúa để tách hạt chắc ra khỏi vỏ trấu bằng cách dùng cái chĩa (VN ta gọi là đinh-ba) có 5, 6 ngạnh xĩa tung lên hoặc dùng cái thuỗng xòe như cánh quạt tung lên trời cho gió thổi vỏ trấu nhẹ và bụi bặm bay về một phía. Các hạt lúa mạch hay lúa mì nặng sẽ rơi xuống đất. Việc quạt lúa thường tiến hành vào buổi chiều hay xế chiều khi những cơn gió nhẹ và ấm từ Địa Trung Hải thổi vào.

Sau đó người ta sàng lúa để tách lần nữa các hạt ra khỏi vỏ trấu với những cái nia tròn có vành gỗ chung quanh bọc bằng những tấm da thuộc mềm. Hạt lúa sau khi được sàng sẩy sẽ cho vào các vò bằng đất nung cất trong kho.

Suy nghĩ về thân phận đứa con dâu bất hạnh của mình, bà Na-o-mi chợt nhớ về quyền bảo tồn dòng dõi của ông Bô-át nên nhân chính vào đêm ông đi rê lúa mạch ở dưới sân lúa, bà bảo Rút đi tắm rửa, xức dầu thơm, khoác áo choàng vào, rồi đi xuống sân lúa. Bà dặn Rút đừng cho ông Bô-át nhận ra trước khi ông ăn uống xong. Khi ông tới nằm ngủ đầu đống lúa, thì Rút nhẹ nhàng đi tới đó, lật góc chăn phủ chân ông và nằm xuống, dụng ý là muốn ông Bô-át là kẻ che chở cho nàng. Trình thuật của sách Rút viết về đoạn này như sau: “ Vào giữa đêm, ông Bô-át rùng mình; ông trở mình thì thấy một phụ nữ nằm dưới chân. Ông hỏi: “Chị là ai?” Nàng đáp: “Con là Rút, tớ gái của ông. Xin ông giăng vạt áo choàng ra mà phủ lấy tớ gái của ông, vì ông là người bảo tồn dòng dõi.”Ông nói: “Này con, xin ĐỨC CHÚA ban phúc lành cho con! Việc hiếu nghĩa thứ hai con đã làm còn có giá hơn việc trước: con đã không chạy theo các người trai trẻ, dù họ nghèo hay giàu. Giờ đây, hỡi con, con đừng sợ. Tất cả những điều con sẽ nói, ta sẽ làm cho con. Vì mọi người hội họp ở cửa thành này đều biết con là một phụ nữ đức hạnh. Quả thật hiện nay ta là người bảo tồn dòng dõi, nhưng còn có người bảo tồn dòng dõi họ hàng với con gần hơn ta. Con cứ qua đêm ở đây. Sáng mai, nếu người ấy muốn dùng quyền bảo tồn dòng dõi đối với con thì tốt, người ấy cứ việc; nếu người ấy không muốn thì, có ĐỨC CHÚA hằng sống, ta thề sẽ dùng quyền đó! Hãy ngủ đi cho đến sáng.” 21 Tờ mờ sáng, ông Bô-át chỗi dậy bảo Rút đưa vạt áo choàng ra cầm chắc lấy và ông đong cho nàng sáu đấu lúa mạch rồi nói: “Con không được trở về nhà mẹ chồng tay không.” Sau đó ông ra cửa thành Bê-lem là trung tâm sinh hoạt của thành phố và ngồi đợi thì kìa người bà con ông muốn tìm đã đi tới. Ông gọi người đó lại và cho mời 10 người trưởng lão đến để chứng kiến công việc ông dự trù trong trí. Sách Rút viết tiếp rằng: “Ông nói với người bảo tồn nòi giống: “Bà Na-o-mi từ cánh đồng Mô-áp mới về, định bán thửa ruộng của người anh em chúng ta là Ê-li-me-léc. Phần tôi, tôi nghĩ là cần phải báo cho ông biết rằng; trước mặt quý vị hiện diện ở đây và các kỳ mục trong dân, ông hãy tậu thửa ruộng ấy! Nếu ông muốn dùng quyền bảo tồn nòi giống của ông, thì xin hãy dùng; bằng không thì xin tuyên bố cho tôi biết, vì ngoài ông ra, không ai có quyền bảo tồn nòi giống; còn tôi thì chỉ đứng sau ông.”Người ấy nói: “Vâng, tôi sẽ dùng quyền bảo tồn đó.” Ông Bô-át nói: “Ngày nào ông tậu ruộng chính tay bà Na-o-mi bán, thì lúc đó ông cũng phải lấy cả cô Rút người Mô-áp, vợ của người quá cố, để gia nghiệp người đó mãi mãi mang tên người đó.”Người bảo tồn dòng dõi nói: “Thế thì tôi không thể dùng quyền bảo tồn đó được, để khỏi làm hại gia nghiệp của tôi. Xin ông thay tôi mà dùng quyền đó, vì tôi không thể dùng được.” 22

Trong đời sống xã hội của người Do-Thái, cửa thành (the city gate) là một vị trí trọng yếu vì là nơi hội họp của một số kỳ mục, trưởng lão để xét xử các việc tranh tụng về của cải, làm chứng cho các kết ước, và xét xử một số các vụ án từ ăn cắp súc vật cho đến sát nhân. Nói chung họ là thẩm phán của thời bình. Nếu các vị này quyết nghị một người nào đó là có tội, người ấy có thể bị trừng trị tại chỗ. Trong tác phẩm Archaeological Study Bible, có phần phụ chú nói về cửa thành (the city gate) như sau: “Cửa thành giữ một vai tuồng quan trọng trong cơ cấu phòng vệ của thành. Trong thực tế “chiếm được cửa thành” là “chiếm được thành” (Sáng thế 24: 60). Tuy nhiên, vai tuồng của một cửa thành như vậy cũng lan rộng ra trong các lãnh vực kinh tế, pháp lý và dân sự của cuộc sống. Ở Mesopotamia, các khu vực láng giềng thường hình thành dựa trên liên hệ về bà con và nghiệp vụ được tổ chức quanh các cửa thành khác nhau. Chợ búa hay các cơ sở pháp lý đặc thù thường tổ chức ở các cửa thành (2 Các vua 7:1). Thí dụ, Abraham mua hang Machpelah (Sáng thế 23:3ff.) tại một cửa thành và Boaz được trao quyền sở hữu của cải thực sự và có được bà Rút làm vợ ở tại một địa điểm như vậy (Ruth 4: 1ff). Các vị vua thường tổ chức các cuộc hội kiến với thần dân ở đó, và các tiên tri nói chuyện với các người trong hoàng tộc và dân chúng cũng tại các cửa thành như vậy. (2Samuen 19:8); 1Các vua 22:10; Giê-rê-mi-a 17:19). Ở Tel Dan, những cuộc khai quật khảo cổ bên trong cấu trúc một phần cửa thành ngoài đã phát hiện một khán đài cao trên đó thiết trí một ghế ngồi có tàn che cho vị vua hay thẩm phán và một ghế dài cho các vị trưởng lão. Sự thiết trí này điểm xuyết cho những mô tả của Kinh Thánh về những vụ án được đệ trình trước các bậc trưởng lão. (Đệ nhị luật 22:15; 25:7), và những bản án được đem ra thi hành (Đệ nhị luật 17:5; 22:24) tại một địa điểm như thế. Được ngồi tại một cửa thành giữa các bậc trưởng lão (Gióp 29:7; Châm ngôn 31:23) nói lên niềm vinh dự trong khi quyền được đi vào cửa thành biểu lộ quyền công dân (Sáng thế 23:10-18) ngay cả trong thành Giê-ru-sa-lem mới (Khải huyền 22:14). 23 Theo phong tục của người Do-Thái thời xưa, khi có chuyện liên quan tới quyền bảo tồn hay việc đổi chác, để xác nhận việc đó, người này phải cởi một chiếc dép trao cho người kia. Vì vậy người bảo tồn dòng dõi cởi ngay chiếc dép trao cho ông Bô-át và ông này giơ cao lên cho 10 vị trưởng lão kia thấy để làm chứng cho điều vừa kết ước. Ông Bô-át lúc đó được quyền hưởng tất cả gia nghiệp mà Ê-li-me-léc và các con trai ông để lại và được luôn cô Rút, người dân Mô-áp làm vợ của ông. Rút sinh cho ông Bô-át một đứa con trai. Bà Na-o-mi rất đỗi vui mừng. Các bà hàng xóm láng giềng đến thăm tấp nập và đặt tên cho nó là Ô-vết (Obed). Giới học giả Kinh Thánh cho rằng kết thúc có hậu của chuyện bà Rút cũng là một khởi đầu quan trọng bởi vì Ô-vết, con của Rút là cha của Gie-sê (Jesse), Gie-sê sinh ra vua Đa-vít là vị thánh vương được trọng vọng nhất trong lịch sử Do Thái và trong Thiên Chúa Giáo. Trong một cuốn truyện viết về cuộc đời vua David, có tên King of Kings, Malachi Martin, nguyên giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện Về Kinh Thánh cho biết kỹ nữ Ra-kháp mà chúng tôi có lần đề cập tới trong bài viết về tình báo trong Cựu Ước, là một thành viên trong danh gia vọng tộc của Gie-sê. 24

Nhìn chung, Rút tuy là người ngoại giáo nhưng chấp nhận Do Thái giáo làm tôn giáo của mình, lấy dân tộc mẹ chồng làm dân tộc của mình. Bà thương yêu, tận tâm và trung thành với mẹ chồng dù trong hoàn cảnh đói rách khốn quẩn. Sách Rút phản ánh sự quan phòng của Thượng Đế không chỉ đối với một dân tộc được chọn của Giao ước nhưng đã chiếu cố nâng đỡ cả đến trường hợp của một người ngoại giáo, thấm nhuần tinh thần cứu độ (trường hợp Boaz đối với Ruth) của bác ái, bao dung và khuyến khích ý thức can đảm, chịu đựng trước hoàn cảnh vất vả, khó khăn của cuộc sống. 25 Tác phẩm này tuy ngắn nhưng cảm động, được đặt vào giữa sách Thủ lãnh và 1 Sa-mu-en theo truyền thống Thiên Chúa giáo trong khi nó lại được đứng đầu trong năm cuốn Megillot (Festival Scrolls) theo truyền thống Do Thái giáo đọc trong các dịp lễ nhất định: Diễm ca đọc dịp lễ Vượt Qua, Rút dịp lễ Ngũ Tuần, Ai ca ngày 9 tháng Áp, kỷ niệm đền thờ bị thiêu hủy; Giảng viên, dịp lễ Lều; và Ét-te, ngày lễ Pu-rim 26.

3.- Nghề tang tằm, khía cạnh đặc thù của nền văn hóa Việt Nam.

Nếu cây lúa là biểu tượng cho cái ăn của người Việt Nam thì cây dâu, con tằm nói chung “tang tằm” chỉ cái mặc của tiền nhân chúng ta qua trường kỳ lịch sử. Nền văn hóa Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc mà trong nền văn chương Trung Quốc, cây dâu được dùng để ví von cho nhiều việc, nhiều sự kiện, tốt cũng như xấu, từ sự biến thiên thay đổi ngoài không gian đến tình tự lứa đôi giữa các cặp trai gái thời xưa, sự được thua may rủi trong cuộc đời, hình ảnh nói về cảnh quan địa lý, thậm chí đến cả kỹ thuật “chài mồi” bậc hoàng đế quân vương trong chốn tam cung lục viện của các cung nữ ngày xưa.

Trong văn chương ta thường nghe “tang bồng” tức tang hồ, bồng thỉ: cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Ngày xưa tục nước Tàu hễ đẻ con trai thì dùng cung tên bằng tang và bồng bắn sáu phát lên trời xuống đất và ra bốn phương, tỏ ý người con trai sẽ có công việc ở thiên địa tứ phương. Vì thế người ta dùng chữ tang-bồng hồ-thỉ mà tỏ chí khí của nam nhi. 27 Liên hệ đến tình cảm gia đình, người Trung Hoa dùng hai chữ tang và tử (cây dâu và cây thị qua kinh Thi với câu “Duy tang dữ tử, tất cung kính chi” ý nói cây tang, cây tử là của cha mẹ trồng, mình nhớ đến nó thì sinh lòng cung kính. Sau vì thế mà nói tang-tử là nơi quê nhà.

Trong văn học Trung Quốc, người ta thường nói “thương hải biến vi tang điền” hay ngắn gọn là “tang hải” chỉ sự đổi thay trong ngoại cảnh không gian (biển xanh hóa thành ruộng dâu). Thành ngữ “Bộc thượng tang gian” nói về tích xưa con trai nước Trịnh và con gái nước Vệ, thời Xuân Thu, hẹn nhau ra vườn dâu trên bờ sông Bộc để tư tình. Một điển tích khác nói rằng quan Thái sử vua Trụ hay đàn bản dâm cho vua nghe. Sau ông trầm mình chết ở sông Bộc, lưu truyền lại cho dân-cư tại đó những bản đờn dâm. 28 Trong Kinh Thi của Trung Hoa, bài “Tang trung” có câu: “Kỳ ngã vu tang trung” (hẹn với ta ở trong bãi dâu) cười chê con trai con gái hẹn nhau làm việc dâm bôn. “Tang trung chi lạc” nghĩa là “cái vui ở trong ruộng dâu” tức chuyện trai gái cẩu hợp.

Trung Quốc có chữ tang du. Sách Tàu xưa truyền rằng ở góc biển Tây có cây tang-du, mặt trời đến đó thì lặn, nên người ta nói cảnh tượng người già gần chết, thì nói rằng tang-du vãn-ảnh. Như vậy tang-du là phương tây nên còn có câu “ Thất chi đông ngung, thu chi tang du” nghĩa là mất ở góc đông, thu lại góc tây, ý nói mới ra lầm lỡ sau lại đền bù được vậy 29. Ở Trung Quốc, trong thời cổ, người dân không được phép trồng cây lớn trong ruộng, sợ mất đất trồng lúa, nhưng được phép trồng dâu, rau, trái cây chung quanh mỗi nhà, có lẽ cũng vì những lợi ích thực tiễn, ngắn ngày của chúng.

Trong văn chương bác học Việt Nam, qua tác phẩm Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn đưa vào đó hình ảnh cây dâu có lẽ cũng rất quen thuộc với xã hội nông thôn Việt Nam, phản chiếu bóng dáng của một “thương hải biến vi tang điền” đậm đặc nét Trung Hoa trong ý nghĩa điển tích:

Tương cố bất tương kiến,
Thanh thanh mạch thượng tang,
Mạch thượng tang, mạch thượng tang…
Thiếp ý quân tâm thùy đoản tràng
.

Đoàn Thị Điểm (?) đã dịch là:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
30

Cụm từ mạch thượng tang (mạch: đường nhỏ, đường bờ ruộng)31 được tác giả sử dụng kỹ thuật điệp ngữ để tạo ra hình ảnh trùng trùng điệp điệp ngàn dâu xanh trong văn bản chữ Hán vẫn được dịch giả tài tình diễn lại trọn tình, trọn ý trong bản Nôm!

Trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã mượn điển tích của văn học cổ Trung Hoa nói về người cung nữ rải lá dâu trước cửa phòng để dụ xe dê chở vị hoàng đế đi qua, dừng lại phòng mình để mong lọt mắt xanh đấng cửu trùng:

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Kiếp tằm vương tơ, biểu tượng số mệnh của người nghệ sĩ, vốn là điều ai cũng biết nhưng tìm nguồn gốc ví von này cũng không đơn giản. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Từ đó biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn nói đến thân phận tằm cũng để nói lên số kiếp của mình.

Trong văn chương bình dân nước ta, chúng ta cũng đọc thấy những vần điệu về nghề tằm tang như sau:

Trời mưa lác đác ruộng dâu,
Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay.
Bước chân xuống hái dâu này,
Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ.
Thương em chút phận ngây thơ,
Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng…


Hoặc là:

Sáng ngày ta đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng: Cô ấy vội vàng đi đâu?

- Thưa rằng tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
- Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.


Trong sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm cho biết văn minh tằm tang là của người phương Nam truyền ngược lên phương Bắc: “Trong những di chỉ khảo cổ thuộc hậu kỳ đá mới cách nay khoảng 5.000 năm (như di chỉ Bàu Tró), đã thấy có dấu vết của vải, có dọi xe chỉ bằng đất nung. Đến giai đoạn Đông Sơn (cách nay khoảng 3.000-2.500 năm), hình người trên trống đồng đều mặc áo, váy và đóng khố. Cấy lúa và trồng dâu, nông và tang – đó là hai công việc chủ yếu luôn gắn liền nhau của người nông nghiệp Việt Nam. Người Hán từ xưa đã luôn xem đó là hai đặc điểm tiêu biểu nhất của văn hóa phương Nam: Đó cũng chính là hai đặc điểm đầu tiên mà Từ Tùng Thạch kể đến trong cuốn Việt giang lưu vực nhân dân [Kim Định 1971a: 108]; trong chữ “Man”mà người Hán dùng để chỉ người phương Nam có chứa bộ trùng chỉ con tằm.” Và tác giả này trích dẫn: “ Từ phương Nam, nghề tằm tang đã được đưa lên phương Bắc. Sách Hoàng đế nội kinh của Trung Hoa nói về việc này một cách hình tượng là “Khi Hoàng Đế chặt đầu Si Vưu thì thần Tằm Tang dâng lụa cho ông”(hiểu là: khi bộ lạc phương Bắc do Hoàng Đế làm thủ lĩnh chiến thắng bộ lạc phương Nam do Si Vưu làm thủ lĩnh, thì người phương Bắc tiếp thu được bí quyết nghề trồng dâu nuôi tằm của người phương Nam). Các sách cổ Trung Quốc như Thủy kinh chú, Tam đô phú, Tề dân yếu thuật…đều nói rằng đến đầu công nguyên, trong khi ở Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp (Chăm-pa) một năm đạt được tới 8 lứa.”32 Nói như vậy có cường điệu phần nào chăng? Có thể là như vậy. Vả lại nền văn minh Đại Việt tiên vàn là nền văn minh Hán hóa và các tầng văn hóa Hòa Bình, Bắc sơn rồi Đông Sơn có thật sự là nền văn minh Việt Nam hay của dân sở tại thuộc giống Indonésien hay Mélanésien mà hậu duệ ngày nay là người Mường 33, một vấn đề đã được sử gia Nguyễn Phương nghiêm túc trình bày cách đây hơn bốn thập kỷ ?

Năm 1092, trong bước đầu củng cố và phát triển chế độ quân chủ tập quyền, nhà Lý tiến hành lập địa bạ lúc đó gọi là điền tịch trong đó xác nhận địa phận làng xã, kê rõ diện tích ruộng đất làng xã, phân loại chất lượng đất, phân loại theo cây trồng như trồng lúa, trồng dâu, trồng mía và như vậy nghề trồng dâu đã được minh định trên sổ sách giấu tờ từ rất lâu cách nay mười thế kỷ. 34 Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám cương Mục, gọi tắt là Cương Mục, sau khi đánh thắng Hai bà Trưng, “vì thấy huyện Tây Vu có đến ba vạn ba nghìn hộ, Mã Viện xin chia ra làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán y cho Mã Viện lại lập thành quách, đặt tỉnh ấp (xóm làng), đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê. Thành này hình tròn như cái tổ kén, nên gọi là thành Kiển Giang.” Lời chua sách Cương Mục tiếp đó chép:”Theo Đại Thanh Nhất thống chí, Thành Kiển Giang, thành Vọng Hải đều ở huyện An Lãng. Khoảng năm Kiến Vũ (25-56), trong khi Mã Viện nhà Hán sang bình Giao Chỉ, đắp hai thành ấy ở huyện Phong Khê và huyện Vọng Hải.” 35 Kiển là cái kén tằm, tức là cái tổ của con tằm nó tự nhả tơ ra để che mình nó. Như vậy từ thế kỷ I sau Công nguyên, nghề tăng tằm hay ít nhất ý niệm về nghề này cũng mới được truyền vào nước ta qua công trình kiến thiết thành lũy của Mã Viện, vị tướng nổi danh của phương Bắc. Việc Mã Viện dùng danh từ Kiển Giang để gọi kiến trúc phòng bị mới xây hoặc là vì cấu trúc chung của thành có hình giống cái tổ kén mà đặt tên về sau hoặc sơ đồ dự án xây cất dựa trên ý niệm thời thượng lúc bấy giờ trong một xã hội mà việc tang tằm mới được du nhập và cổ xúy ở nước ta.

Như một quy luật của lịch sử, các con sông lớn ở Việt Nam cũng như các con sông khác trên thế giới thường tạo nên một số các nền văn minh quốc gia. Thí dụ ở Trung Quốc có hai sông Hoàng Hà và Dương Tử tạo ra nền văn minh Trung Quốc. Ở Cận Đông và Lưỡng Hà Địa là văn minh của Mesopotamia thuộc hai sông Tigris và Euphrates. Ở Ai Cập, có văn minh sông Nile. Các sông lớn ở Bắc Mỹ như Mississipi, Amazone hoặc các sông ở Pháp như Rhône, Garonne, Rhin v.v… cũng từng giữ những vị trí quan trọng trong đời sống người dân ở các vùng đất chúng chảy qua. Ở Việt Nam, nói đến văn minh sông Nhị Hà, người ta thường gọi văn minh sông Hồng, hay ở trong Nam thì gọi văn minh Nam bộ hay văn minh miệt vườn, có khi gọi là văn minh sông Cửu Long.

Do việc những bãi đất tân bồi của sông ngòi xứ Bắc như bờ bãi sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thương là những vùng đất lý tưởng đối với việc trồng dâu nên đã khiến nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành một công nghệ gia đình phổ biến với diện tích độ từ 14.000 đến 15.000 héc-ta.36 Tại miền Trung, đất hẹp người đông, nhiều sông ngòi nên dân địa phương đã tranh thủ các vùng đất bồi từ các sông thuộc rằng Trường Sơn phía tây đổ về để phát triển nghề trồng dâu với một quá trình lịch sử cũng lâu đời như miền bắc và tơ tằm của ta ngay từ thời Lê mạt đã cạnh tranh rất đắc lực với tơ tằm Nhật và Trung Hoa.

Ở Quảng Nam có sông Thu Bồn, Quảng Ngãi có sông Trà Khúc, sông Vệ, sông La-châu với những bãi đất mới ven sông do các trận lụt thường niên bồi đắp, nông dân từ đời này sang đời khác tranh thủ biến thành ruộng lúa, nương dâu. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có khi được dùng để đan lưới rất chắc. Các vùng đất thuộc lưu vực các sông ở Bình Định như sông Vực-lấm, sông Đà-bàng, sông An-lão, sông Kim-sơn thuộc tỉnh Bình Định, lưu vực sông Đà-Rằng thuộc tỉnh Phú yên cũng có nhiều vườn dâu vì cây dâu ưa loại đất xôm xốp có thấm nước. Tơ lụa ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng nổi tiếng khắp nước, và dĩ nhiên nỗi vất vả còn theo mãi với cuộc sống người dân quê ở đây.

Ai về qua phố Hội An
Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên
(Trần Trung Đạo, Lụa Duy Xuyên).

Hay là:

Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy
Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai
Nghiệp tầm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài
Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ
. (Trần Trung Đạo, Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng).

Nói chung toàn bộ các tỉnh miền trung có khoảng 6.500 héc-ta vườn dâu. 37

Ở miền Nam, Trần Văn Giàu đã khái quát hóa khi cho rằng “trước khi Tây đến, nghề trồng dâu để tằm khá thịnh đạt; rất nhiều làng có những “xóm lụa”, “xóm lãnh”, “xóm cửi”. Vĩnh-long là một chợ quan trọng mua bán tơ, Sa-đéc, Bến-tre, Hà-tiên, Châu-đốc, Long-thành, Thủ-dầu-một, xưa kia đều thịnh vượng về nghề tằm tang lụa vóc. Nhưng đến sau 1914-1918 thì hầu như Nam-kỳ không còn có nghề trồng dâu để tằm đáng kể nữa. Đó là vì vải nước ngoài do Pháp đem vào cạnh tranh làm cho nghề trồng dâu để tằm, dệt lụa chết sạch. Nay (sau 1914-1918) chỉ còn có ở Tân-châu, Chợ-mới, Ba-tri, Cai-lậy, An-hóa. Từ năm 1920 đến 1927 chỉ có 450 éc-ta trồng dâu thôi; từ 1927 diện tích trồng dâu có lên, năm 1930, Nam-kỳ có 1.200 éc-ta trồng dâu.” 38

Dựa theo tài liệu của nhà đương cuộc Pháp trong Niên giám Đông Dương, Nguyễn Phan Quang đã viết khá đầy đủ về nghề tằm tơ. Theo ông vào những năm cuối thế kỷ XIX cây dâu được trồng phổ biến ở Nam Kỳ. Mỗi gia đình trồng dăm gốc dâu để nuôi tằm, nhưng nghề trồng dâu với quy mô lớn thì chưa thành hình. Giống dâu trồng phổ biến ở tỉnh Gia Định là dâu tàu (gốc Trung Hoa), cho nhiều lá, thân cây rất cao. Ngoài ra còn giống dâu sẻ, thích nghi với đất bùn, thu được ít lá. 39 Căn cứ theo phúc trình của công sứ tỉnh Gia Định, trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, ở Gia Định rất ít người nuôi tằm ươm tơ, chỉ thấy lác đác một số gia đình ở An Thạnh, Long Tuy Hạ và Bình Trị Thượng. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, diện tích trồng dâu ở Nam Kỳ có tăng thêm. Tổng diện tích trồng dâu năm 1924 là 438 ha; trong đó nhiều nhất là Châu Đốc (300 ha), Bến Tre (100 ha) 40. Tư liệu của Nguyễn Phan Quang cho biết ở Nam Kỳ lá dâu có thể thu hoạch quanh năm, còn ở Bắc Kỳ chỉ thu hẹp trong ba tháng mùa đông. 41 Nói chung toàn quốc có khoảng 20.000 hécta đất để trồng dâu.

Nghề tằm tang vốn là một nghề phụ của nông nghiệp nhưng đặc biệt lại là nghề riêng của đàn bà con gái. Trong các gia đình Việt Nam ngày xưa, việc cày sâu cuốc bẩm vốn để cho cánh đàn ông con trai vốn vai u thịt bắp, có sức khỏe chịu đựng được mưa nắng còn nghề hái dâu, chăn (nuôi) tằm thường để cho con gái bình dân nơi thôn xa, kể cả con gái nhà khá giả vốn cần mẫn, chịu thương chiu khó với nghề nghiệp của mình. Đàn bà, con gái Việt Nam sẵn khéo tay lại siêng năng, tỉ mỉ, chu đáo nên khá thích hợp với nghề đó. Nhiều người xác nhận đây là một nghề rất vất vả cực nhọc (Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa; Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng). Kinh nghiệm nghề nghiệp cho biết từ tơ tằm, người Việt chúng ta ngày trước đã từng dệt nên nhiều loại sản phẩm khác nhau như: tơ, lụa, lượt, là, gấm vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, đũi, địa, nái, sồi, thao, vân…

Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng nhắc nhở như là những vật thể kỷ niệm:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?


Trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính đã viết rất chi tiết về cách nuôi tằm và cách ươm tơ với những đoạn trích dẫn như sau:

“Cách nuôi tằm trước hết mua trứng ngài treo để chỗ mát cho nó nở ra các con sâu nho nhỏ rồi bỏ vào nong, lấy lá dâu thái thực nhỏ như sợi thuốc lào, rắc vào nong cho nó ăn. Mỗi ngày phải cho ăn độ ba mươi sáu hoặc bốn mươi tám lần, ít nhất cũng phải hai mươi sáu lần. Cho ăn như thế độ một tuần lễ, rồi thái to hoặc để cả lá mà cho ăn mỗi ngày độ năm sáu lần. Nuôi cho đến khi thấy con tằm vàng ánh bụng ra thì bắt nó lên né cho nó kéo tơ làm tổ, gọi là quả kén.

Cứ hai mươi bốn ngày hoặc một tháng thì được một lứa tằm. Nhà thường thường mỗi lứa nuôi vài chục nong, nhà giầu nuôi đến hàng trăm nong.

Nuôi tằm phải làm một phòng riêng hoặc phải làm riêng một cái nhà. Nền nhà phải cao cho khỏi ẩm thấp. Nhà phải kín và bốn mặt đều phải có cửa, thường thường phải mở cửa cho thông khí. Giời nóng phải mở cho mát, giời rét phải đóng cho ấm.

Phải giữ gìn đừng cho ruồi nhặng đậu vào con tằm. Nếu để ruồi nhặng đậu vào thì sinh ra bọ mà hại kén về sau. Lại phải giữ chuột vì chuột hay ăn tằm lắm.

Nuôi tằm kiêng nhất là hơi người chết. Nếu phạm phải hơi ấy thì tằm giã nước mồm ra, ăn kém, không kéo được ra tơ mà làm thành kén nữa.

Lại kỵ nhất là gió tây. Hễ mùa bức động có gió tây thì tằm chết nhiều, nên phải che kín chiều gió ấy mà mở cửa khác cho mát.”

Ngòi bút của Phan Kế Bính lướt vào lãnh vực ươm tơ từng chi tiết như độ nóng của nước, cách bỏ kén vào nồi ươm, cái cần để bắt chéo mối tơ v.v… và kết luận: “Nghề nuôi tằm và nghề làm ruộng đều là nghề nghiệp căn bản rất hệ trọng cho việc sinh nhai và lại rất khó nhọc hơn cả mọi nghề, nước nào, thì cũng phải trọng hai nghề ấy làm cốt. Nước Tàu và nước ta, nhà vua cũng phải có ruộng tịch điền, có nhà tàm thất, vua thì phải thân canh, bà hoàng hậu thì phải chăn tằm để làm gương cho thiên hạ, cũng là ý trọng nghề căn bản đấy thôi.”42

4.- Một nhân vật lịch sử xuất thân từ nghề hái dâu.

Dưới thời các vua nhà Lý, chính sách trồng dâu nuôi tằm được triều đình khuyến khích, đặc biệt Lý Thánh Tông thường “khuyên dân làm ruộng trồng dâu, chẩn cấp kẻ bần cùng, chấn chỉnh việc văn, xét duyệt võ bị, các chính sự tốt, trong sử chép luôn luôn.” 43 Thời Lý Thần Tông (1128-1138), nhà vua cho lập tại chùa Kim Liên một cung điện để công chúa Từ Hoa dạy dân trồng dâu nuôi tằm, thuở ấy mang tên là trại Tằm Tang. 44 Lịch sử Viêt Nam trong thế kỷ XI cung cấp mẫu chuyện về một người con gái xuất thân từ nghề hái dâu lại trở thành hoàng hậu, một bậc “mẫu nghi thiên ha” đã để lại một số nghi án trong lịch sử. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi tắt Toàn Thư chép như sau:

“Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông. (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Đồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn). 45 Trước hết, sự kiện cần được cẩn án lại đó là tên họ thực sự của người con gái hái dâu dựa trên một số tài liệu của quốc sử quán (chính sử) và sử liệu tư nhân (dã sử). Ông vua mà Toàn Thư vừa đề cập tới ở trên là Lý Thánh Tông, con trưởng của Lý Thái Tông, mẹ là Kim Thiên Thái Hậu họ Mai, lên ngôi năm 1054, tại vị 17 năm, mất năm 1072. Đa số các tư liệu Việt Nam chỉ đề cập đến nhân vật nữ này với cái tên là Ỷ Lan phu nhân (dựa vào cây lan). Cương Mục ghi mẹ đẻ của Thái tử Càn Đức (hay Kiền Đức) là Ỷ Lan nguyên phi và không rõ họ là gì. 46 Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ có ghi: “Vua mất, miếu hiệu là Thánh-Tôn, Thái-tử lên nối ngôi vua, mới 7 tuổi, mẹ đẻ là Ỷ-Lan Lê-Thị.”47 Như vậy, Ngô Thời Sỹ đã biết rõ họ của bà Ỷ Lan nhưng không ghi tên thật mà chỉ để Lê-Thị, vì theo lối viết sử trước đây, khi gặp nhân vật nữ người ta chỉ được phép ghi họ mà thôi.

Trong tác phẩm Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao & tông giáo triều Lý, học giả Hoàng Xuân Hãn có dẫn sách Mộng Khê Bút Đàm của Thẩm Hoạt đời Tống viết rằng “Nhật Tôn (Thánh Tông) mất, Càn Đức lên, lấy hoạn quan Lý Thường Cát và mẹ Lê Thị Yến Loan thái phi cùng coi việc nước.” 48 Như vậy Ỷ Lan phu nhân, mẹ của Lý Nhân Tông, có tên là Lê Thị Yến Loan.

Nếu chúng ta không đặt thành vấn đề việc một thiếu nữ không thèm ra đón nhìn xa giá là chuyện thật hay hư cấu thì sự kiện đó cũng là một việc khác thường. Hoặc là vì người con gái hái dâu kia thủ phận, không dám đua đòi với các chị em chung quanh, hoặc là vì nàng coi khinh mọi đối nhân, đối tượng dù đó là vị vua chúa giàu sang, quyền thế, mà trong đầu óc nàng đã xây dựng một mẫu người tình lý tưởng khác hay đang nghĩ vẩn vơ về một chuyện nào đó mà lơ là đối với sự kiện quan trọng kia chăng?

Toàn Thư ghi thêm: “Đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên phi.”49 Theo Trần Trọng Kim, làng này sau còn đổi là Thuận-quang có lẽ vì để tránh trùng tên với huyện Siêu-Loại cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh (nay là tỉnh Hà Bắc) chăng 50 ? Hoàng Xuân Hãn cho biết: “Làng là bởi chữ hương mà dịch ra. Nhưng hương không phải một làng nhỏ như bây giờ. Từ đời Tần, nước Trung Quốc chia ra từng quận. Quận chia thành huyện. Huyện chia thành hương. Hương chia thành đình. Đình chia thành Lý. Tuy đời sau có đổi chế độ ít nhiều. Nhưng Hương vẫn là phần của huyện. Lúc nước ta thuộc Bắc, nước thành quận, cũng bị chia ra châu hay huyện. Vậy chế độ hương có từ đời ấy. Mà hương là lớn như một tổng lớn đời sau.” 51. Việc đổi tên làng từ Thổ Lỗi ra Siêu Loại là một sự kiện khá đặc biệt trong lịch sử, có lẽ chịu ảnh hưởng của một tục lệ thời thượng (đổi tên) từ tên mới của kinh đô là Thăng Long chăng? Dưới thời nhà Nguyễn, khi viết về quê hương của Nguyễn Kim là làng Gia-Miêu (Gia Miêu ngoại trang) và huyện Tống-Sơn, Quốc sử quán thường viết là quý hương và quý huyện để tỏ lòng kính trọng (kị húy) chứ không đổi ra tên khác.

Lúc này mọi quyền hành thu vào trong tay Thái hậu Dương thị và Thái sư Lý Đạo Thành.

Cương Mục chép: “Tháng giêng, mùa xuân, Lý Thánh Tông mất. Nhà vua mất ở điện Hội Tiên; đặt tên thụy là Ứng Thiên sùng nhân chí đạo uy khánh long tường minh văn duệ vũ hiếu đức thánh thần hoàng đế, miếu hiệu là Thánh Tông, ở ngôi 17 năm, thọ 50 tuổi.

Thái tử Kiền Đức lên ngôi, đổi niên hiệu mới (tức là Lý Nhân Tông).

Tôn mẹ già (đích mẫu) là Thượng Dương thái hậu Dương thị làm hoàng thái hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi (không rõ họ là gì) làm hoàng thái phi. Thái hậu buông mành, ngồi bên trong, nghe bầy tôi tâu bày và quyết đoán mọi việc chính sự. Nhà vua mới bảy tuổi, thái hậu buông mành cùng tham dự chính sự. Thái sư Lý Đạo Thành làm phụ chính.” 52 Thái phi dĩ nhiên không có quyền hành cho bằng thái hậu. Vai trò của thái hậu lúc bấy giờ là “buông mành”, nghĩa là bắt chước quy luật của Trung Hoa, tức “thùy liêm thính chính” (buông rèm ngồi bên trong mà nghe việc nước). Trong triều đình nhà Lý lúc bấy giờ, quyền hành thuộc về bà Thái hậu họ Dương và Lý Đạo Thành. Biết mình lâm vào thế yếu nên dĩ nhiên thái phi phải tìm cách liên kết với một lực lượng để tranh đoạt quyền hành, đó là phe nhóm của Lý Thường Kiệt lúc bấy giờ đang cầm quân đội.

Toàn Thư trước đó chép rằng: “Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ 2 [1069]. (Từ tháng 7 về sau là niên hiệu Thần Vũ năm thứ 1; Tống Hy Ninh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!” Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.” 53 Vua Tự Đức trong lời phê ở sách Cương Mục cho rằng không thể có việc bà Nguyên phi cầm quyền trị nước thay vua Lý Thánh Tông trong cuộc đánh Chiêm Thành năm 1069 vì lúc bấy giờ Thái hậu “buông rèm nghe việc nước” nghĩa là nắm mọi quyền hành và nguyên-phi chỉ là một bóng hình mờ nhạt. Chính sự kiện này đã khiến cho Ỷ Lan nguyên phi sinh bất bình. Cương Mục chép rằng: “Thái phi thấy một mình Dương thái hậu được tham dự chính sự, đem lòng bất bình, nói với vua rằng: “Mẹ đây khó nhọc mới có ngày nay, bây giờ để cho người khác ngồi hưởng phú quý, thì đặt mẹ ở địa vị nào?” Nhà vua còn nhỏ tuổi, không biết phân biệt thế nào là phải, bèn giam cầm Dương thị ở cung Thượng Dương, bắt ép phải chết để chôn theo ở lăng vua Thánh Tông, rồi tôn Thái phi làm hoàng thái hậu.” 54

Sự việc này xảy ra phải có tay Lý Thường Kiệt giúp sức để tranh đoạt lại quyền hành. Vua Lý Nhân Tông, sau khi lên ngôi được bốn tháng, đã giết Thái hậu Dương thị và giáng truất Thái sư Lý Đạo Thành xuống làm Tả gián nghị đại phu, cho ra làm Tri châu Nghệ An. Theo Toàn Thư, Dương thị bị bức tử cùng với 76 người thị nữ khác, có tài liệu nói 72 người, vì thế về sau Ỷ Lan dựng 72 ngôi chùa để chuộc tội. Lý Đạo Thành ra Nghệ An lập viện Địa tạng, trong ấy để tượng Phật và vị hiệu vua Lý Thánh Tông để thờ cũng ngầm bày tỏ ý phản đối. Lúc bấy giờ Lý Thường Kiệt chuyên nắm mọi binh quyền cùng Thái phi được tôn lên làm Linh nhân Hoàng thái hậu. Sở dĩ người ta không dám thủ tiêu Lý Đạo Thành mà chỉ biếm vào Nghệ An là bởi họ Lý là một trọng thần, cao tuổi, đạo đức, được nhiều người nể phục nên phe Thường Kiệt – Ỷ Lan không dám động thủ, sợ hậu quả bất lường có thể xảy ra.

Vua Lý Nhân Tông gia phong cho Lý Thường Kiệt chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ và ban cho hiệu Thượng phụ công. Nhưng lúc bấy giờ, khoảng năm 1074, Chiêm Thành lại bắt đầu quấy phá vùng biên giới và dọc biên thùy miền Bắc nhà Tống cũng sửa soạn cuộc động binh. Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt (có lẽ cũng với sự đồng ý của Ỷ Lan Hoàng Thái hậu) đã cho mời Lý Đạo Thành từ Nghệ An trở về, giữ chức Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, hợp tác với Lý Thường Kiệt coi việc dân và quân trong nước, để Thường Kiệt rảnh tay sắp đặt việc chống nhau với quân nhà Tống, xóa tan sự bất mãn trong triều.

Người con gái hái dâu năm nào bây giờ là Thái hậu, tuy đầu óc còn vương vấn một số thủ đoạn chính trị do tham vọng tranh đoạt quyền bính nhưng tấm lòng cũng còn biết lo lắng cho cuộc sống người dân ở nông thôn. Cương Mục ghi rằng: “Tháng 3, nùa xuân. Nhà vua đi Ứng Phong xem xét việc cày ruộng. Mùa xuân, dân cày ruộng công. Nhà vua đến hành cung Ứng phong để xem xét. Từ đấy, xem cày, thăm gặt là việc thường hàng năm. Thái hậu nói với nhà vua rằng: “Luật lệnh về việc trộm trâu thi hành đã lâu. Gần đây, những người trốn tránh ở kinh thành, hương ấp, phần nhiều làm nghề trộm trâu; mà sự giết thịt trâu lại càng quá lắm. Hiện nay, vài nhà nông dân mới có một con trâu, thì nhờ vào đâu mà đủ sinh sống?”Nhà vua cho là phải; xuống chiếu, phàm những kẻ trộm trâu hay là giết trâu thì cả vợ lẫn chồng đều phải phạt 80 trượng, bị tội đồ và bồi thường trâu; người láng giềng không cáo tỏ phải phạt 80 trượng.” 55

Ý kiến của Ỷ Lan đã tỏ ra thích ứng với thực tế cuộc sống của người nông dân Đại Việt nên được vua Lý Nhân Tông chấp thuận.

“Tháng 7, mùa thu Linh Nhân hoàng thái hậu mất. Tháng 8. Làm lễ an táng Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu. Làm lễ hỏa táng. Lấy ba người hầu gái đem tuận táng. Đặt tên thụy cho hoàng thái hậu là Phù Thánh.” 56 Nhận định về hành động của bà Nguyên phi giết Dương thái hậu, sử gia Ngô Sĩ Liên đã hạ bút: “Giam cầm giết chết Dương hậu là một tội lớn. Đạo Thành bị giáng ra trấn thủ ở ngoại châu, biết đâu không phải vì cớ đã nói đến việc đó.”57 Trong mục đích gỡ tội ít nhiều cho Ỷ-Lan, Hoàng Xuân Hãn nhận rằng: “… đời Lý còn giữ tục bắt các cung nhân chết theo vua. Xem như sau khi Ỷ Lan mất (1117), có ba thị nữ chết theo (TT và VSL) và sau khi vua Lý Nhân Tông mất (1127) cũng có cung nữ lên giàn lửa để chết theo vua (TT).”58 Việc Dương thái hậu bị giam cầm và bị giết xảy ra bốn tháng sau khi Lý Thánh -Tông chết nên cũng khó mà ghép sự kiện bức tử đó vào với một tục lệ (tuận táng tức là lấy người sống chôn theo người chết) vốn có trong triều đình nhà Lý thời trước. Vả lại, tục lệ này vốn là của Trung Hoa. Trong sách Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Người ta khai quật được một số mộ các vua chúa đời Thương thấy ông vua nào chết cũng có nhiều người bị chôn sống theo. Nhà Chu bỏ tục đó và cả tục giết người để tế thần nữa. Những người bị chôn sống theo vua được thay bằng những tượng gỗ, đá. Đồng… Rồi những đời sau lại thay bằng những bộ đồ vàng mã. Tục này truyền qua nước ta, ngày nay mà vẫn chưa bỏ được. Sự mê tín sống dai thật!” 59

Vào triều đại nhà Lý (thế kỷ XI-XII), nước ta sống trong ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo nên triều đình nhà Lý từ vua quan đến hoàng thân quốc thích đều thấm nhuần tinh thần từ bi, hỉ xã của tôn giáo lớn này. Nguyên phi Ỷ Lan tuy có tham vọng quyền bính nhưng cũng phải nằm trong giới hạn của luật lệ quốc gia và tôn giáo mà thôi, không thể làm được những chuyện kinh thiên động địa như Vũ Tắc Thiên (624-705) hay như Từ –Hy Thái hậu ở Trung Quốc. Cô gái hái dâu ngày nào đã tìm lại được bản thể chân diện mục của mình, đó là tính đôn hậu chơn chất của một người con gái quê, và có lẽ vì hối hận nên đã ra lệnh xây 72 ngôi chùa để ngày đêm tụng kinh siêu độ cho những thị nữ của Thái hậu họ Vương (có thể kể cả cho vị Thái hậu bất hạnh này nữa) đã bị ép bỏ mình chết theo vua Lý Thánh Tông qua một cổ tục đã lỗi thời hay dưới kế hoạch thanh toán đối thủ chính trị do Ỷ Lan nguyên phi đề ra?

New Jersey, 8-3-2010

CHÚ THÍCH:
1.- Nguyễn Bính, sinh năm 1919 ở làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản (Nam Định) tác giả thi tập Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940 trong đó có nhiều bài thơ tình dùng cảnh sinh hoạt và đời sống tình cảm của người thôn quê làm bối cảnh. Nổi tiếng từ thời tiền chiến, Nguyễn Bính có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Đã đăng thơ trên Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Nam cường. Đã xuất bản Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi, Hương cố nhân…
2.- Howard F. Vos, New Illustrated Bible Manners &Customs, How the People of the Bible really lived, Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1999, trang 15.
3.- Howard F. Vos, Sách đã dẫn, trang 15.
4.- Sáng Thế 37: 5-8; Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, Kinh Thánh Trọn bộ Cựu Ước Và Tân Ước, Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1998, trang 88.
5.- Sáng thế 41:5-7; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 93.
6.- Sáng thế 42: 1-4; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 96.
7.- Lê-vi 2:14-16; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 182.
8.- Lê-vi 23: 9-13; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 219.
9.- Lê-vi 27: 16-17; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 230.
10.-Thủ lãnh 15: 1-8; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 438.
11.-Xuất hành 23:10-11; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 148.
12.- Lê-vi 19: 9-10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 212.
13.- Reader’s digest, Great People of the Bible and how they lived, The Reader’s digest Association, Inc. 1974, trang 129.
14.- Lê-vi 27: 30-31; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 231.
15.- Theo sách Sáng thế, 19: 35-37 ông Lót sau khi được Thiên Chúa cứu thoát khỏi thành Xơ-đôm, trong cơn say rượu đã ăn nằm với hai cô con gái khiến hai cô này có thai. Cô chị sinh một con trai đặt tên Mô-áp, đó là ông tổ người Mô-áp ngày nay. Cô em cũng sinh một con trai đặt tên Ben Am-mi, đó là ông tổ người Am-mon ngày nay.
16.- Reader’s digest, Sđd, trang 126.
17.- Đệ nhị luật 25: 5-10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 346.
18.- Rút 1: 15-17; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 451.
19.- Rút 2: 6-14; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 452.
20.- Cụm từ levirate marriage xuất phát từ chữ Levir (tiếng La-tinh có nghĩa là anh rể) nói về một tập tục của Do Thái trong thời cổ khi người anh chết, em trai có thể lấy chị dâu làm vợ.
21.- Rút 3: 8-13; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 454.
22.- Rút 4: 3-6; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 454.
23.- NIV Archaeological Study Bible, An illustrated Walk through Biblical history and culture, Nhà xuất bản Zondervan, 2005, trang 392.
24.- Malachi Martin, King of Kings, Nhà xuất bản Simon and Schuster, New York, 1980, trang 21. Nguyễn Đức Cung, Câu chuyện tình báo đọc trong Cựu Ước, đăng trên các Website Khoa Học.Net, Thông Luận, Cựu Chủng Sinh Huế Hải Ngoại, Tuần báo Sài Gòn Nhỏ số 631 ngày 29-5-2009 và số 632 ngày 5-6-2009, Tập San Y Sĩ (Canada), số 182, tháng 7-2009.
25.- John Bowker, The complete Bible Handbook, an illustrated companion, Dk Publishing, Inc. 1998, trang 110.
26.- Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 24.
27.- Đào Duy Anh, Hán Việt từ-điển, Nxb. Trường-Thi, in lần thứ ba, Sài-gòn, 1957, trang 233.
28.- Diên Hương, Tự điển thành-ngữ, điển-tích, Nxb, Zieleks, bản in lần thứ tư, 1981, trang 49.
29.- Thiều Chửu, Hán Việt tự-điển, Cơ sở xuất bản Đại-Nam, bản in lần thứ hai, trang 297.
30.- Xưa nay nhiều người cho rằng dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Nôm là của Đoàn Thị Điểm, nhưng với Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Dương dịch phẩm này là của Phan Huy Ích. Chúng tôi cho rằng luận cứ của hai vị học giả họ Hoàng và họ Nguyễn có phần đúng hơn.
31.- Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, trang 540).
32.- Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Viêt Nam, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, bản in lần thứ tư, 2004, trang 376).
33.- Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1964.
34.- Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, bài Địa bạ cổ ở Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 1998, trang 231.
35.- Viện Sử Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập I, Nxb Giáo Dục, 1998, trang 118).
36.- Trần Văn Giàu, Trần Văn Giàu Tuyển Tập, Nxb. Giáo Dục, 2000, trang 686.
37.- Trần Văn Giàu, Sách đã dẫn, trang 686.
38.- Trần Văn Giàu, Sđd, trang 686.
39.- Nguyễn Phan Quang, Theo Dòng Lịch Sử Dân Tộc, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004, trang 841.
40.- Nguyễn Phan Quang, Sđd, trang 841.
41.- Nguyễn Phan Quang, Sđd, trang 844.
42.- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Xuân Thu xuất bản, không đề năm in, trang 256.
43.- Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ trong Ngô Gia Văn Phái, Việt Sử Tiêu Án, Văn Sử tái bản, không đề năm in, trang 126.
44.- Mai Thục, Tinh Hoa Hà Nội, Văn Hóa xuất bản, trang 155.
45.- Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, tập I, Hà Nội, 1998, trang 273.
46.- Cương Mục, Sđd, trang 346.
47.- Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ, Sđd, trang 128.
48.- Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao & tông giáo triều Lý, Nhà xb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2003, trang 46).
49.- Toàn Thư, Sđd, trang 274.
50.- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản in lần thứ bảy, Sài Gòn, 1964, trang 103.
51.- Hoàng Xuân Hãn, Sđd, trang 50.
52.- Cương Mục, Sđd, trang 346.
53.- Toàn Thư, Sđd, trang 274.
54.- Cương Mục, Sđd, trang 348.
55.- Cương Mục, Sđd, trang 369.
56.- Cương Mục, Sđd, trang 370.
57.- Cương Mục, Sđd, trang 348.
58.- Hoàng Xuân Hãn, Sđd, trang 47.
59.- Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 2003, trang 90.
 
Vai trò và sứ mệnh của phụ nữ trong Xã hội và Giáo hội
Nt. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP
10:01 08/03/2010
TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI

(Bài chia sẻ tại Trung Tâm Mục Vụ - Tổng Gp. Tp. Hồ Chí Minh (06-03-2010) nhân kỷ niệm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 100th)

Giống như ở nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức cách trang trọng: một ngày tràn ngập sắc hoa và những lời chúc tốt đẹp dành cho các chị em phụ nữ. Hầu hết người ta đã không còn nhớ chính xác về ý nghĩa lịch sử của ngày này. Nam giới coi đây là cơ hội để thể hiện lòng quan tâm, sự ga-lăng của mình cho những người nữ mà họ yêu quý. Với sự tôn trọng, biết ơn và kết nối tình cảm từ trái tim của hai giới tính, ngày 8/3 đã bị xóa nhòa ranh giới về ý nghĩa thực của nó.

Với vòng xoay 365 ngày trong năm, người phụ nữ có riêng một ngày để được cả xã hội quan tâm, ngợi ca và cả bày tỏ lòng kính trọng. Một ngày "bù đắp" cho những vất vả của những người mẹ tảo tần sớm hôm, những người vợ đảm đang cả đời vun vén dựng xây tổ ấm gia đình, những người chị nặng gánh chăm lo cho đàn em. Không cần phải nói nhiều, bạn cũng có thể hình dung được vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ mọi thời, đặc biệt là thời hiện đại: Phụ nữ là người nội trợ chính trong gia đình, là người lao động kiếm tiền ngang bằng với nam giới, là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội; là người gánh vác trách nhiệm sinh nở, cùng dày công nuôi dạy con cái trưởng thành…

Thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn - đó là những hình ảnh tuyệt vời về những người phụ nữ Việt Nam của thế kỷ 21. Quả vậy, người phụ nữ đang dần khẳng định rằng mình là phái đẹp chứ không còn là... phái yếu như trước nữa!

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Hội Nghị Quốc Tế lần II (08-03-1910) chọn ngày 08/03 làm ngày Quốc Tế phụ nữ, để nhớ ơn những người phụ nữ đã đấu tranh cho nhân quyền, bình đẳng giới và nhân phẩm người nữ trên toàn thế giới, CTCD mời cả gia đình hãy dừng lại một chút để cùng nhau ôn lại lịch sử ngày 08/03.

Lịch sử ngày 8/3

Ngày 8/3 là cả một câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho người nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Chính phụ nữ là những người đã khai sinh nên ngày 8/3 lịch sử. Một thế kỷ trôi qua, để mỗi năm có một ngày ưu ái dành cho người nữ, thì đã có không ít máu và nước mắt đổ xuống trong quá khứ.

• Ngày 08-03-1857, tại Thành phố New York, công nhân ngành dệt chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ: 12 giờ làm việc mỗi ngày. Hai năm sau, năm 1859, cũng vào tháng 3, công đoàn đầu tiên do các nữ công nhân người Mỹ trong hãng dệt thành lập đã giành được một số quyền lợi trong việc cải thiện đời sống cho công nhân

• 51 năm sau, ngày 08-03-1908, 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, tăng lương và hủy bỏ tình trạng lao động trẻ em, với khẩu hiệu "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. Một năm sau đó, ngày 28 tháng 2 năm 1909, Đảng Xã hội Mỹ công nhận và tuyên bố là Ngày Quốc tế Phụ nữ.

• Trong Hội nghị phụ nữ Quốc tế lần thứ II (khối Xã hội chủ nghĩa) được tổ chức ngày 08-03-1910, 100 nữ đại biểu thuộc 17 nước đã lên tiếng đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch là Clara Zetkin, một phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày để toàn thế giới tri ân những người nữ đã đấu tranh cho nhân quyền và nhân phẩm của nữ giới trên toàn cầu. Hội nghị đã chọn ngày 8 tháng 3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ.

• Ngày 25-03-1911, 145 nữ công nhân của hãng Triangle Shirtwaist Company tại Thành phố New York, phần lớn là người di dân Ái Nhĩ Lan và người Do Thái đã chết thảm trong một vụ cháy xưởng dệt. Họ không thể thoát thân được vì cửa xưởng đã bị khóa chặt, để công nhân không được ra ngoài trước khi hết giờ làm việc. Có khoảng 80.000 người diễn hành trên các đường phố đễ đưa tang 145 nạn nhân chết cháy. Sự kiện đau lòng này đã thúc đẩy cho việc sửa đổi luật lệ lao động thời bấy giờ.

• Năm 1912, 14.000 công nhân hãng dệt đình công và la lớn "Better to starve fighting than starve working" (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Các nữ công nhân đã đồng lòng đình công 3 tháng.

• Năm 1912, sự can đảm đình công để đòi tôn trọng nhân phẩm và quyền sống tốt hơn của 14.000 nữ công nhân tại Lawrence, Massachusetts đã gây cảm hứng cho bài thơ Bread and Roses của nhà thơ người Mỹ, James Oppenheim (1882-1932). Bài hát này thường được cất lên trong ngày Quốc tế Phụ nữ cùng với bài Happy Women’ Day

-Women Workers (Strike 1912 Bread & Roses) http://www.youtube.com/watch?v=19bzfhs_flU&feature=related
-International Women's day March 8 http://www.youtube.com/watch?v=NivskAgQVpQ
-Happy Women's Day 8 3 http://www.youtube.com/watch?v=674p7gT6Adw&feature=related

• Ngày 8 tháng 3 năm 1914: Phụ nữ Đức đòi quyền bầu cử, nhưng cuộc đấu tranh của họ phải kéo dài hơn 4 năm. Vào ngày 12 tháng 10 năm 1918, quyền lợi công dân chính đáng và bình đẳng của họ mới được chính phủ chấp thuận..

• Ngày 23 tháng 2 năm 1917 theo lịch Nga, nhằm ngày 8 tháng 3 dương lịch, các nữ công nhân người Nga đã xuống đường biểu tình, đình công đòi bánh mì và đòi phóng thích chồng con của họ - những người trở về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến Sa hoàng Nicolas II phải thoái vị và góp phần rất lớn vào cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga.

• Ngày 21 tháng 4 năm 1944, Quốc hội Pháp chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 20 tháng 4 năm 1945, cách một thế kỷ so với thời điểm nam giới được quyền bầu cử (08-03-1848), phụ nữ Pháp được thực hiện quyền công dân, bỏ phiếu bầu hội đồng thành phố.

• Từ năm 1950 tại Việt Nam, mỗi năm vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng tại Sài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ nữ. Hàng năm, một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long được chọn để đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.

• Năm 1971, Thụy Sĩ chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.

• Ngày 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ.

• Năm 1977, nghĩa là hai năm sau, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho người nữ ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Trong bài “Vai trò và sứ mệnh của phụ nữ trong xã hội và giáo hội” hôm nay, tôi xin chia sẻ và trích dẫn nhiều từ kho tàng ca dao dân ca Việt Nam. Người phụ nữ VN đã đi vào huyền thoại và trở thành bất hủ trong văn học. Ca dao với muôn màu muôn sắc đã vẽ lên bức tranh trung thực, phản ánh đúng bản chất của xã hội, ghi nhận những tâm tư tình cảm trong sáng, giản dị, phản chiếu gương hy sinh, sự cần lao, ý chí đấu tranh quyết liệt của dân tộc và những khổ đau của thân phận người phụ nữ trong nhiều thời đại …..

Nhiều người, nhất là giới phụ nữ trí thức, khi nhắc đến ngày 8/3 liền gợi lên trong tâm trí họ những bất công, bất bình đẳng về mặt thể chất tinh thần và tình cảm, mà PN đã và đang phải gánh chịu từ trong gia đình đến ngoài xã hội và cả trong giáo hội. Còn tôi, tôi chỉ muốn gợi lên những nét đẹp, gia tăng những tích cực trong cuộc đời, hy vọng sẽ giảm được tiêu cực và hết lòng mong mỏi cuộc sống của chị em phụ nữ mỗi ngày luôn được yêu thương, trân trọng và hạnh phúc hơn.

Đã từ lâu, người phụ nữ trở thành nguồn cảm hứng phong phú, bất tận cho văn học và nghệ thuật. Người phụ nữ không chỉ đại diện cho cái đẹp, không chỉ là nhân tố cho hạnh phúc của trái tim, của bếp lửa gia đình, của những tình cảm tô đậm cho cuộc đời thêm ý nghĩa mà còn là đối tượng tập trung nhiều vấn đề trong nhiều thời đại xã hội khác nhau. Có người cho rắng: “Không có người phụ nữ thì không có văn học và nghệ thuật, và nếu không có bóng dáng người phụ nữ trong tác phẩm, thì tác phẩm ấy vô cùng buồn tẻ và đơn điệu”

I. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIA ĐÌNH

1. Tấm lòng hiếu thảo của người phụ nữ

Từ ngàn xưa, thảo kính cha mẹ luôn được xem là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người, là một yếu tố phải tuân giữ trong đạo làm người. Người Việt nam chúng ta có nhiều nghi lễ để bày tỏ lòng biết ơn thảo kính đối với Cha mẹ, kính nhớ cội nguồn tổ tiên. Đặc biệt người phụ nữ VN luôn chịu thương, chịu khó, mang nặng tình cảm, gắn bó với gia đình thể hiện qua tâm tư và những hành động cụ thể:

a. Biết rõ công ơn của cha mẹ

Người phụ nữ mang trong lòng một trái tim rất nhạy cảm, nên họ thường ý thức rõ công ơn sinh thành của mẹ cha.

“Nuôi con mới biết sự tình, cảm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa”. Từ khi đứa con thụ thai trong lòng cho tới khi sinh con, người mẹ đã trải qua biết bao cực nhọc, lo âu cho từng miếng ăn giấc ngủ của đứa con. Con gái thường gần gũi với mẹ nên hiểu rõ và khắc ghi trong tâm những nỗi khổ cực ấy:

“Cha mẹ trọng quá ngọc vàng
Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn”
“Bao giờ cá chép hóa rồng
Đền ơn Cha mẹ ẵm bồng khi xưa”


Hay:

Ơn Cha nặng lắm cha ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang


Với ý thức nhớ ơn sinh thành và dưỡng dục của Cha mẹ, người phụ nữ sẵn sàng hy sinh, gánh vác công việc để phụng dưỡng, báo hiếu song thân.

b. Làm lụng tảo tần để nuôi cha mẹ

Con người cần lao động để tồn tại và tiến hoá. Đối với người phụ nữ, sự gánh vác tảo tần, lo toan chén cơm manh áo không chỉ có giá trị về lao động mà còn mang một ý nghĩa cao đẹp về tấm lòng thảo hiếu đối với mẹ cha:

“Khó nghèo đòn gánh liền vai
Bán buôn nuôi mẹ, giàu ai mặc giàu”
“Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa”


c. Hy sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu

Bất kỳ người phụ nữ nào dù đẹp hay xấu, Tạo Hóa cũng đặt để trong lòng họ niềm khát khao về một mái ấm gia đình cho riêng mình và lòng khao khát yêu và được yêu. Thế nhưng, người con gái giàu lòng thảo hiếu lại sẵn sàng kềm chế hay từ bỏ những khát vọng chính đáng ấy, để báo ơn Cha mẹ bằng những hành động rất cụ thể đời thường:

“Mâm cơm em dọn, bát đầy em bưng”
“Em nguyện ở vậy không chồng
Lo nuôi cha mẹ hết lòng đạo con”


Họ nghĩ đến báo hiếu Đấng Sinh Thành trước khi nghĩ đến tình cảm và hạnh phúc riêng tư, vì thế người con gái đã nhắn nhủ với người yêu:

“Khoan khoan đợi với em cùng
Công ơn phụ mẫu em chưa có đến”


Cũng chính vì thế mà nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tác bài hát rất cảm động mang tên “Chị Tôi”. Xin mời mọi người cùng thưởng thức qua giọng hát của Ca sĩ Thanh Sử.

Trần Thu Hà – Chị Tôi 2 (http://www.youtube.com/watch?v=mJAiLj6AJ5w)

Và khi đã lấy chồng, lòng người phụ nữ luôn đau đáu nhớ về cha mẹ, lo lắng không biết “gối loan ai đỡ, kỷ trà ai dâng”. Họ xót xa vì không được gần kề, chăm sóc cho cha già mẹ yếu để rồi “trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Khi có ai về quê nhà, họ vội gởi vài quả chuối, buồng cau gối ghém ân tình và lòng nhớ thương trong đó:

“Ai về tôi gởi buồng cau
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy”
“Ai về tôi gởi đôi giày
Phòng khi mưa nắng cho thầy mẹ đi”


Là người con trong gia đình, người phụ nữ cầu mong cho cha mẹ sống đời với mình để khuyên răn dạy dỗ, để làm chỗ dựa tinh thần và để mình có cơ hội phụng dưỡng mẹ cha:

“Mỗi đêm thắp một nén hương
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Người còn thì của cũng còn
Để người ban bảo vuông tròn nhân duyên”


2. Tấm lòng của người phụ nữ đối với chồng con

Người phụ nữ VN vốn được xem là người thủy chung son sắt, hết lòng vì chồng vì con và lấy hạnh phúc của gia đình làm hạnh phúc của riêng mình. Ca dao dân ca đã ghi lại những hình ảnh của ngưới phụ nữ đầy yêu thương đối với chồng, đầy tình mẫu tử đối với con cái. Tất cả được thể hiện qua:

a. Tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ

Một trong những phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống của người phụ nữ VN là một lòng thủy chung, gắn bó và yêu thương chồng:

“Yêu anh cốt rũ xương mòn,
Yêu Anh đến thác vẫn còn yêu anh”


Keo sơn khắng khit trong tình nghĩa vợ chồng, nên người phụ nữ không dễ thay lòng đổi dạ:“dù cho nghiêng núi cạn sông chẳng rời” và “sang không phụ nghĩa, nghèo không phụ tình”. Họ đặt tất cả tâm tư nguyện vọng, tình thương và chính mạng sống mình cho việc vun đắp hạnh phúc gia đình, chỉ biết có chồng con:

“Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm, xông hương mặc người”
“Chồng người võng ngựa người yêu
Chồng em khố bện, em chiều em thương”


b. Tảo tần hy sinh chấp nhận mọi gian khổ vì yêu thương chồng

“Qua đồng ghé nón thăm đồng
Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu”

Bởi vì:

“Lòng em một mực thương chàng
Dù đá có nát dù vàng có phai”
“Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen


Chỉ có tấm lòng yêu thương chân thực vô bờ bến, tấm lòng quảng đại vị tha mới khiến cho người phụ nữ vượt qua mọi gian khổ, chia sẻ gánh nặng với chồng:

“Đói no em chịu với chàng
Xuống sông, ra biển, lên ngàn cũng theo”


Với những chăm sóc rất tinh tế và kín đáo, người phụ nữ sẵn sàng hy sinh miễn sao chồng được hạnh phúc và khỏe mạnh:

“Miếng nạc thời để phần chồng
Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng con ăn”


c. Người phụ nữ đóng góp cho sự thành đạt của chồng

Lịch sử cho thấy người PN VN không chỉ gánh vác núi công việc không tên trong gia đình, mà còn chăm lo công việc đồng áng, làng xã… mong sao cho chồng được thành đạt:

“Theo chàng em quyết từ đây
Nâng khăn sửa túi, ra tay giúp mình
Sớm hôm trong chốn gia đình
Tề gia nội trợ xin mình mặc em
Việc ngoài chàng gắng cho nên
Học hành đèn sách đua chen với đời
Vụng hèn phận thiếp cũng thời thơm lây”


Người chồng thành đạt, trở về về vinh quy bái tổ, một bước hai bước lên kiệu, thăng quan tiến chức, hữu dụng cho đời…Tất cả đều nhờ một phần đóng góp to lớn của người phụ nữ đứng phía sau họ. Hay nói cách khác, không có phụ nữ, thì người đàn ông khó có thể thành đạt một cách mỹ mãn trên đường đời.

Đối với người xa xứ, hình ảnh người mẹ, người vợ gắn liền với hình ảnh của quê hương đất nước. Sự gắn kết đó cũng tạo nơi tâm trí họ tình cảm dân tộc và những hình ảnh tích cực về một nơi chốn không thể phôi pha:

-“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai giãi nắng dầm sương
Nhớ tát nước bên đường hôm nao”


d. Giáo dục con cái

Trách nhiệm thiêng liêng của các bà mẹ Việt Nam nuôi dạy con cái từ tuổi bé thơ đến lúc trưởng thành, đã được xã hội ta đánh giá cao từ ngàn xưa đến nay: “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Mẹ mang con trong dạ 9 tháng 10 ngày, nuôi con bằng dòng sữa yêu thương, ru con ngủ bằng những điệu hát ầu ơ,….Tiếng ru của mẹ đi vào giấc ngủ, động lại sâu lắng trong tiềm thức của con. Mẹ cho con những bài học đầu đời và thứ tình mẫu tử thiêng liêng để con biết kính trọng ông bà tổ tiên; để con biết yêu đất nước quê hương, thương anh em đồng loại; để mai đây khôn lớn và bay xa, con vẫn nhớ mãi một nơi chốn để quay về.

Uống nước phải nhớ đến nhớ đến nguồn
Được ăn quả chín nhớ ơn người trồng


Mẹ dạy con phải yêu thương đoàn kết:

Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”,
“Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau


Mẹ dạy con nhân hòa với mọi người. Đó là cái gốc của đạo lý làm người, mà người mẹ mong muốn con phải sống trong suốt cuộc đời:

“Ra đi mẹ có dặn rằng
Ai hơn ta nhịn, ai bằng ta kiêng
Nhơn hòa ta để đầu tiên
Thì ta mới khỏi lụy phiền về sau”


Mẹ dạy con phong cách sống của người Việt Nam:

“Thà chết trong còn hơn sống đục”

Mẹ dạy con phải yêu quý lao động như lẽ sống ở đời:

“Tay làm, hàm nhai, tay quai miệng trễ”

Lướt qua một vài chấm phá trên, cho thấy trách nhiệm của các bà mẹ VN trong việc nuôi dạy con cái, được xã hội nhìn nhận và đánh giá rất cao. Câu “con dại cái mang” hay “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” cũng một phần nói lên con cái nên người hay không là lệ thuộc nhiều vào sự giáo dục của phụ nữ. Với trách nhiệm giáo dục cao cả ấy, người phụ nữ đã góp phần đào luyện những con người Việt Nam với những bản sắc văn hóa qua các thế hệ.

Gia đình là cái nôi của giáo dục, là nơi đầu tiên hình thành nhân cách của thế hệ tương lai. Một bà mẹ tốt là mối lợi cho gia đình và xã hội. Chính vì thế, người ta thường quan tâm đến sự thăng tiến của nữ giới trong các dự án giúp các nước chậm phát triển thoát khỏi đói nghèo. Đây là một sự đầu từ mang tính chất dài hạn cho sự phát triển của đất nước và nhân loại

II. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI

Từ khi Vua Hùng dựng nước và giữ nước, qua nhiều quốc biến, lịch sử hãy còn ghi dấu về nhân tính người phụ nữ VN thông minh, sáng tạo, cần cù lao động, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm……. Qua chặng đường bốn ngàn năm hào hùng dân tộc, hình ảnh người phụ nữ VN đã có một chỗ đứng cao trọng trong nền văn học dân gian và được lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau: Mẹ Âu Cơ đưa các con đi mở nước, dạy dân dựng làng; bà mẹ quê mùa kiên trì nuôi cậu bé Gióng “chậm lớn, chậm đi” và giúp con vững vàng trên lưng ngựa sắt đánh đuổi bạo thù; Nàng Quế Hoa, dùng đá làm vũ khí, tung hoành giữa đám giặc Ân...

Nguồn tư liệu khảo cổ học cũng bảo tồn những hình tượng thật về người phụ nữ “uy nghi chống nạnh trên chuôi kiếm” hoặc “nhịp nhàng giã cối, uyển chuyển đánh trống đồng”. Hình ảnh nổi bật về người phụ nữ Việt Nam cổ truyền là người nữ sĩ đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sử thi phản ánh không khí anh hùng ca về những người phụ nữ can trường trong các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa vũ trang chống xâm lược thời kỳ Bắc Thuộc và các thời kỳ khác: Hai Bà Trưng- dũng mãnh, hiên ngang trên bành voi; Bà Triệu -đánh đuổi quân Ngô; Thái hậu Dương Vân Nga – người anh thư đã tự tay tháo long bào, hy sinh danh tiếng và quyền lợi riêng tư cho sự tồn vong của đất nước; Ỷ Lan nguyên phi- đảm đang, chăm lo quốc sự, làm an lòng Vua Lý Thánh Tông đang thân chinh đánh giặc; đô đốc Bùi Thị Xuân – người nữ Bình Định kiên cường trong cuộc chiến chống quân Nguyễn...

Lịch sử dân tộc đã phải dành đến một phần ba thời gian cho 24 cuộc chiến tranh giữ nước vi quy mô cả nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa để giành độc lập, sử sách đã tốn nhiều giấy mực để khắc nét về người nữ VN hào hùng trên chiến tuyến:

Trên đất nước nghìn năm chảy máu,
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm


Trong thời đại phong kiến, chế độ đa thê đã tước đoạt của người phụ nữ niềm hạnh phúc chính đáng về một gia đình trọn vẹn, đồng thời hạ thấp nhân phẩm của họ trong gia đình và xã hội. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tố cáo chế độ hôn nhân phong kiến bất công, bằng thái độ rõ ràng, dứt khoát trong lời thơ sau:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công


III. VAI TRÒ VÀ SỨ MỆNH CỦA PHỤ NỮ TRONG GIÁO HỘI

Trên phương diện đức tin, gia đình là một giáo hội tại gia. Nơi đó, người phụ nữ dạy con những bài giáo lý đầu tiên của tuổi khai tâm qua việc lám dấu Thánh Giá, đọc kinh thường nhật và cầu nguyện. Nơi đó ươm mần giống đức tin cho thế hệ tương lai và gieo trồng nhân lực cho Giáo hội. Người phụ nữ còn là nhân tố đóng góp tích cực cho giáo hội trong việc phục vụ tông đồ.

Tất cả những cố gắng của phong trào bình đẳng nữ giới đã mang lại nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô giáo. Từ hai thập kỷ qua, người nữ đã có mặt trong mọi lãnh vực giáo hội: từ giáo lý viên đến giáo sư thần học, từ vai trò linh hoạt viên đến những chức vụ trong các hội đồng cao cấp. Riêng trong lãnh vực phụng tự, phụ nữ được cử hành phụng vụ lời Chúa như người nam, mà không có một sự phân biệt nào. Tuy nhiên, trong vấn đề chức thánh thì còn giới hạn. Dù Giáo Hội Tin Lành tại Pháp đã có mục sư từ 1966 và Anh giáo chấp thuận cho phụ nữ được phép nhận chức linh mục, thì số lượng người nữ có chức thánh cũng còn rất ít so với người nam. Trong khi đó số tín hữu giữ đạo chiếm tuyệt đại đa số lại là nữ giới. Riêng trong giáo hội Chính Thống và Công Giáo, người nữ không thể nhận chức linh mục.

Trong nhiều thời đại, não trạng kỳ thị giới tính của người nam đã khiến họ đọc sai và làm mờ nhạt vị trí của người nữ trong Kinh Thánh. Điển hình là Elisabeth Schussler-Fiorenza. Trong tác phẩm In Memory of Her (Để tưởng nhớ đến Bà), bà đã nhắc lại vị trí của người phụ nữ bằng cách lập lại lời sau đây của Chúa: “Nơi nào Phúc âm được rao giảng, trên khắp thế gian, thì người ta sẽ kể lại điều bà đã làm, để tưởng nhớ đến bà”. Qua đó, bà cho thấy rằng phụ nữ là nhân tố không thể thiếu được trong quá trình hình thành Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng.

Có lẽ nên trở về với những lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng, mà mọi người chắc chắn là những lời nói ấy xuất phát tự đáy lòng Ngài. Những lời hay nhất mà Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ “xin cám ơn chị em, hỡi các người nữ”, trong lá thư gửi phụ nữ, tháng 6 năm 1995 như sau:

“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa người và người.

Nhưng, tôi biết rằng chỉ cám ơn mà thôi thì chưa đủ. Đau lòng là chúng ta đã kế thừa từ lịch sử nhiều yếu tố tác động khiến cho, ở mọi thời và mọi nơi, con đường của phụ nữ thật khó đi: người ta coi nhẹ phẩm giá của họ, bỏ qua quyền hạn của họ, thường gạt họ ra ngoài lề xã hội và thậm chí biến họ thành nô lệ... Nhân loại đã mắc một món nợ khổng lồ vì cái “truyền thống” trọng nam khinh nữ ấy. Biết bao phụ nữ đã và đang bị đánh giá dựa trên ngoại hình hơn là dựa trên khả năng, trình độ nghiệp vụ, hoạt động trí thức, sự nhạy cảm phong phú của họ, và tóm lại, dựa trên chính cái phẩm giá của con người họ !”

Trong tông huấn Vita consecrata, tháng 3 năm 1996, ta không thể nào bỏ qua đoạn này: “Từ kinh nghiệm về Giáo hội và lối sống của người nữ trong Giáo hội, nữ tu góp phần xóa đi một số quan niệm một chiều; những quan niệm ấy ngăn cản không cho ta nhận thấy phẩm giá của họ, phần đặc thù mà họ đóng góp vào đời sống và hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo hội. Như vậy, quả là chính đáng nếu nữ tu ao ước được nhìn nhận rõ ràng hơn chân tính, khả năng, sứ mạng và trách nhiệm của họ, trong nhận thức của Giáo hội cũng như trong đời thường. [...] Do đó, khẩn thiết phải thực thi vài bước cụ thể, khởi sự bằng cách mở ra cho người nữ những không gian để họ tham gia vào nhiều khu vực khác nhau và ở mọi mức độ, kể cả trong tiến trình soạn thảo các quyết nghị, nhất là những quyết nghị liên quan đến họ.”

Tiền nhiệm của ĐGH Gioan Phaolo II, ĐTC Phaolo VI, trong bài diễn văn bế mạc Công Đồng Vatican II ngày 08.12.1965, cũng đã kêu gọi phụ nữ trong việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình ở từng bậc sống khác nhau như sau:

“Các chị em luôn được chia cho việc canh giữ gia đình, quí yêu truyền thống và săn sóc trẻ thơ. Chị em hiện diện trong mầu nhiệm sự sống mới bắt đầu. Chị em an ủi trong lúc chia ly tử biệt. Kỹ thuật của chúng ta có thể trở thành vô nhân đạo. Chị em hãy làm cho người ta biết hòa hợp với sự sống. Và nhất là chị em hãy canh chừng tương lai của loài người chúng ta…”

“Hỡi các hiền thê, từ mẫu, những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại, trong chốn âm thầm của gia đình, xin chị em lưu lại cho con cái truyền thống của cha ông, đồng thời chuẩn bị cho chúng đón nhận tương lai chưa thể dò thấu được.”

“Hỡi những phụ nữ đơn độc, chị em đừng quên rằng chị em có thể hoàn thành ơn gọi hy sinh tận tụy của mình. Xã hội kêu mời chị em từ khắp nơi. Và chính các gia đình cũng không thể sống được, nếu không có các sự trợ giúp của những người không có gia đình.”

“Hỡi các trinh nữ dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà tính ích kỷ và sự tìm kiếm lạc thú muốn ngự trị, chị em hãy là những người bảo vệ đức thanh tịnh, tính vô vị lợi và lòng đạo đức. Chúa Giêsu đã làm cho tình yêu phụ nữ được viên mãn, Người cũng đã đề cao sự từ bỏ mối tình nhân loại này, khi người ta hy sinh nó vì tình yêu vô hạn và để phục vụ mọi người.”

“Hỡi những chị em đang gặp gian lao thử thách, chị em đứng thẳng người dưới chân Thánh giá, giống Mẹ Maria, chị em là những người mà nhiều khi trong lịch sử đã làm cho nam giới có sức mạnh phấn đấu đến cùng, đổ máu đào ra để làm chứng, xin chị em hãy giúp họ một lần nữa biết mạnh dạn làm những công việc to tát, đồng thời cũng biết nhẫn nại và bắt đầu một cách từ tốn...”

“Hỡi chị em phụ nữ, các chị em là những người được trao phó cho nhiệm vụ chăm sóc, vun trồng sự sống. Trong giờ phút nghiêm trọng này của lịch sử, phần việc của chị em là cứu vãn hòa bình cho thế giới…”

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, trong lời giới thiệu quyển sách “Tâm lý nữ giới và chức năng mục tử của Linh Mục” đã nhìn nhận và đánh giá rất cao vai trò của nữ giáo dân và nữ tu trong Giáo Hội:

“Người phụ nữ trong họ đạo cũng được giao cho những sứ mệnh chăm sóc và vun trồng sự sống, và họ cần đến sự chỉ dẫn, trợ giúp của Linh Mục để chu toàn sứ mệnh của mình. Vậy người phụ nữ trong họ đạo là một đối tượng đặc biệt của chức năng mục tử của Linh mục, đối tượng đặc biệt vì sứ mệnh đặc biệt của họ, sứ mệnh mà người nam không thể thay thế được. Ngoài ra, người phụ nữ trong họ đạo, giáo dân cũng như nữ tu, còn là những trợ lực, những cộng tác viên của Linh mục, đồng thời cũng là những gương mẫu về kiên nhẫn, từ tốn, hy sinh tận tụy, thanh tịnh…cho Linh Mục.”

Trong xu hướng biến chuyển, nhân loại ngày nay đang dần dần trả lại cho phụ nữ chỗ đứng và phẩm giá của mình. Kinh Thánh cũng đã soi sáng và mặc khải cho chúng ta phần nào về quá trình chuyển biến trên. Là “Ađam mới”, là “Trưởng Tử trong mọi loài thọ sinh”, Chúa Giêsu qui tụ mọi giới –nam, nữ - lại thành một khối, vượt lên trên mọi ranh giới mà xã hội loài người đã dựng lên. Cái ranh giới kỳ thị bất công, sở hữu bất nhân, bạo hành bất nghĩa, đã chia cắt con người với nhau và đã làm nát lòng Thiên Chúa. Con người dù là nam hay nữ hằng ngày khám phá rằng mình nằm trong một mạng lưới có vô số mối tương quan với thế giới xung quanh, trong đó có Thiên Chúa và có anh em. Mỗi mắc lưới đều không thể tự rời bỏ vị trí của nó và có vai trò như nhau trong việc kết thành tấm lưới nguyên tuyền. Con người, dù nam hay nữ, đều có sứ mạng riêng trong mỗi bậc sống và môi trường khác nhau, nhưng đều được mời gọi góp phần làm cuộc sống nên ý nghĩa và phong phú hơn. Đức Kitô là “Anpha và Ômêga”, Người là khởi đầu và là thủ lĩnh của mỗi bước thăng tiến nhân loại. Nhờ vậy, “không còn chuyện Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả chỉ là một, trong Đức Kitô” ( Gl 3, 28 )

Trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, không thể không có sự hiện diện của Đức Maria - người phụ nữ tuyệt vời hơn mọi người phụ nữ: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 42 ). Mẹ Maria là mẫu gương của một đời sống mạnh mẽ trong đức tin, kiên trì trong cầu nguyện, khiêm tốn trọng phục vụ, hy sinh trong yêu thương, dịu dàng trong lời nói... Người là tấm gương của ơn gọi làm phụ nữ trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phẩm giá của nữ giới được nâng cao qua việc trao dồi đời sống và thực thi công trình của Đức Maria – đem Chúa đến cho mọi người, giữa lòng thế gian.

Bạn sẽ dành cho người phụ nữ của mình thông điệp bất ngờ nào vào ngày đặc biệt này? Một đóa hoa, một cánh thiệp, một lá thư, một món quà nho nhỏ… hay chính tay mình sửa soạn một bữa cơm ngon cũng đủ đem lại niềm vui cho nữ giới. Ngày 8/3 chính là ngày mà những người chồng, người anh, người bạn, người con cần mang lại niềm hạnh phúc cho phụ nữ bằng chính sự quan tâm xuất phát từ tình cảm trong trái tim mình. Và phụ nữ, những người mẹ của chúng ta rất xứng đáng được tôn vinh như thế!
 
Bà Mẹ Công Giáo thuộc TGP Sài Gòn nô nức tham dụ Thánh lễ mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Gx Tân Định
Maria Vũ Loan
11:03 08/03/2010
SAIGÒN - Kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ Nữ (8/3/1910 – 8/3/2010) các Bà Mẹ Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn đã nô nức đến nhà thờ Tân Định để tham dự thánh lễ do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế.

Xem hình ảnh

Khi nắng chiều đã tắt, con đường Hai Bà Trưng đang còn nhiều xe cộ chen chúc thì trong khuôn viên nhà thờ Tân Định, đoàn rước từ từ tiến vào thánh đường trước khi thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho tất cả các chị em phụ nữ trong giáo phận.

Cùng đồng tế với Đức cha Phaolô còn có cha GB. Võ Văn Ánh, tổng linh hướng Các Bà Mẹ Công Giáo, GP Sài Gòn và hai linh mục thân hữu. Dường như hôm nay các bà, các chị mặc chiếc áo đẹp nhất của mình, cũng có các chị em cùng mặc đồng phục của giáo xứ chọn. Ngôi thánh đường cổ kính với những chiếc cột to không còn một chỗ trống nào trên các dãy ghế, nhiều chị phải ngồi trên ghế nhựa ở dọc hành lang trong lòng nhà thờ. Sự đông đúc đó có lẽ không nói lên nhiều điều cho bằng cảm xúc vui hiện trên khuôn mặt của quí bà quí cô.

Trước khi bài giảng bắt đầu, Đức cha Phaolô chúc mừng niềm vui và hân hoan đến với tất cả các chị em phụ nữ trên thế giới, trong tiếng vỗ tay vang dội.

Đức Cha cho rằng ngày Quốc tế Phụ Nữ là một ngày vui chung nhưng đối với Giáo hội, đây là một cơ hội tốt để chúng ta có cái nhìn về người phụ nữ theo quan niệm Kitô giáo, đúng với chiều kích Tin Mừng. Dựa vào việc quan sát và những suy nghĩ của bản thân, Đức Cha cho rằng một người phụ nữ Công Giáo tốt cần có những nét đẹp sau:

- SỰ DỊU DÀNG của người phụ nữ quan trọng và có tác dụng đặc biệt trên người khác. Nét đẹp này tạo ra bầu khí êm ái, nhẹ nhàng, yêu thương trong cuộc sống. Người phụ nữ dịu dàng trở thành chứng tá cho sự dịu dàng của Thiên Chúa. Đức Maria là một thí dụ điển hình về nét đẹp này. Thử tưởng tượng một người phụ nữ mà hùng hùng hổ hổ thì làm sao diễn tả được tình yêu của Thiên Chúa?! Nhiều người đàn ông ngoại đạo và những thanh niên vô thần đã có lần thổ lộ rằng rất thích sự dịu dàng của phụ nữ Công giáo.

- LÒNG NHÂN HẬU: Lòng nhân hậu được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Một bà góa chỉ còn một chút dầu, một chút bột mà niềm nở làm bánh cho tiên tri Êlia ăn. Một cô gái người Israel bị bắt làm nô lệ cho ông vua Syria thù địch, lại bị cùi lở; cô bèn khuyên bà vợ của vua nên đưa chồng đến gặp tiên tri của Chúa để được chữa khỏi…

Người phụ nữ nhân hậu rất nhạy cảm trước những đau khổ của người khác, rất dễ chạnh lòng thương. Những người phụ nữ nhân hậu là hiện thân của lòng thương xót Chúa.

- SỰ ĐẢM ĐANG của người phụ nữ làm gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Được như thế, người vợ trở thành kho báu lớn nhất của người chồng. Tuy nhiên, ngày nay, gia đình cũng phải biết dung hòa công việc gia đình và công việc xã hội cho người phụ nữ. Sự dung hòa này giúp người phụ nữ cân bằng trong thế “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

- CAN ĐẢM: Những bà mẹ Công Giáo cần phải biết can đảm lội ngược dòng, nghĩa là phải mạnh dạn góp ý đối với chồng khi cần thiết; sửa dạy con một cách cứng rắn hoặc mềm dẻo tùy theo tình huống, không phải vì quí chồng thương con mà để mặc cho mọi việc tự trôi mà phải tìm hiểu sự việc để cân đối gia đình. Can đảm nhưng không quá lố đến độ cố chấp, độc đoán độc tài.

- CÓ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO: Có một chút khả năng lãnh đạo sẽ biết điều khiển, tổ chức, sắp xếp gia đình và biết quyết định kịp thời đúng lúc trước nhiều tình huống trong cuộc sống.

- BIẾT CẦU TIẾN: học hỏi để nâng cao kiến thức, phù hợp với thời đại trước một xã hội có nhiều chuyển biến phức tạp và khó khăn. Phải biết tiếp cận, trau dồi để nắm bắt về tâm lý, về giới tính, khoa học phổ thông….để không tụt hậu, để có thể rao giảng Tin Mừng một cách phù hợp.

Vậy nếu phải lựa chọn giữa HẠNH PHÚC và THÀNH CÔNG, chúng ta nên chọn cái nào? Có những lúc thành công đi đôi với hạnh phúc, nhưng nhiều khi thành công mà không hạnh phúc. Nhiều bậc cha mẹ đặt nặng sự thành đạt quá làm cho chồng con mất cả niềm vui. Thiên Chúa dựng nên chúng ta và mong chúng ta được hạnh phúc vì thế cần biết cân bằng, làm sao để gia đình luôn vui trong tình yêu thương của Chúa.

Chắc chắn bài giảng của Đức Cha đã đi vào tâm tư của các bà mẹ dù ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lời cầu nguyện chung hôm nay không biết của ai đã soạn cho các chị mà cũng ý nhị không kém: Hình ảnh của người phụ nữ là nét điểm xuyết tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ. Sự hoán cải, làm đẹp hình thể bề ngoài và trau chuốt trái tim bên trong là bổn phận của phụ nữ. Thế giới đề cao vai trò người phụ nữ, thế nên người phụ nữ cần được đối xử đúng với phẩm giá ở khắp nơi.

Hôm nay, có khoảng mười chị được làm thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ, một hình ảnh mà trước Công đồng Vatican II không ai dám nghĩ đến!

Lời cảm ơn của bà trưởng Các bà mẹ Công Giáo GP Sài Gòn Maria Nguyễn Thị Ngọc thật đậm đà tình cảm trước khi Đức cha chủ tế nhận món quà nho nhỏ.

Khi những hộp bánh được phát tận tay các bà các chị thì có một bà lên đọc một bài thơ rất hay, đại ý là dù có những lấn cấn trong cuộc sống, các thành viên trong gia đình vẫn yêu thương nhau:

Em đừng buồn khi thấy mẹ yêu anh,

Em đừng buồn khi thấy anh yêu mẹ…”


Thánh lễ khép lại, trong lòng nhà thờ, nhiều chị chụp hình chung với nhau còn sân nhà thờ Tân Định lại có nhiều tà áo dài tung bay trong không khí mát mẻ của buổi tối mùa hè.

Dù không được tham dự thánh lễ mừng ngày phụ nữ 8/3 hôm nay vì cơm áo gạo tiền, cũng xin cầu chúc các chị đang bôn ba vất vả vì gia đình được khỏe mạnh và vui tươi trên đường đời.
 
Hội thảo Công Trình Thiết Kế Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang
LM Đaminh Phan Hưng
11:18 08/03/2010
HUẾ - Sáng nay, ngày 8 tháng 3 năm 2010, Trung Tâm Toàn Quốc Hành Hương Đức Mẹ La Vang của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã hân hạnh đón tiếp các đoàn đại biểu đại diện các công ty thiết kế kiến trúc và các chuyên viên Kiến trúc sư trong và ngoài nước, đến tham dự Hội thảo và tham quan hiện trạng Trung tâm La Vang, và sau đó, được chủ đầu tư Dự Án Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang (TTHHĐMLV), Quảng Trị, là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), tổ chức thi tuyển phương án "Thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và Thiết kế Phương án Kiến Trúc tỷ lệ 1/200" dự án Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, nhằm tuyển chọn được một phương án quy hoạch chi tiết và kiến trúc tối ưu nhất thỏa mãn các yêu cầu mà HĐGMVN đề ra.

Xem hình ảnh cuộc hội thảo

Về phía đại diện HĐGMVN để thực hiện dự án, có Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Huế, và Đức Giám Mục Phụ tá Phanxicô Xavie Lê văn Hồng. Trưởng ban tổ chức cuộc hội thảo là Cha Tổng Thư ký Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh, trực thuộc HĐGMVN: Linh Mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành và đoàn thư ký. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Linh Mục Quản nhiệm và các Linh Mục thuộc Hội đồng Quản Trị TTHHĐMLV.

Về phía các công ty, tất cả có 35 đại biểu của 15 tổ chức đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch kiến trúc tham dự cuộc hội thảo và tìm hiểu thông tin chi tiết về hình thức thi tuyển dự án TTHHĐMLV.

Danh sách 15 công ty là:

1 - CÔNG TY TNHH KIẾN TRÚC Ý HOANG
2 - CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ VÀ TƯ VẤN XÂY DỰNG R.D.T.Q
3 - CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ KIẾN TRÚC LIB. A
4 - CÔNG TY CỔ PHẦN SONG THịNH
5 - DNTN THẢO NGUYÊN XANH
6 - CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC VÀ XÂY DỰNG TRÍ Á
7 - CÔNG TY CỔ PHẦN VIETHOME
8 - CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ KIẾN TRÚC XANH
9 - CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ KIỂM ĐịNH XÂY DỰNG DELTA-VINA
10 - CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ VÀ XÂY DựNG HƯNG ĐỨC
11 - CÔNG TY THIẾT KẾ KIẾN TRÚC GMP, BERLIN, GERMAN
12 - CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN XÂY DỰNG CHẤN HƯNG
13 - CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN ĐẦU TƯ MINH THÔNG
14 - CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN THIẾT KẾ VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KIẾN TRÚC VIỆT
15 - CÔNG TY CỔ PHẦN MỸ NGHỆ GỖ THIÊN THI ÂN

Chương trình buổi hội thảo đã được khởi động với một bầu khí cầu nguyện sâu lắng và đượm tình huynh đệ, an hòa vui tươi, không mang tính cạnh tranh quyết liệt như vốn có!

Có được điều đó, dĩ nhiên do nhiều yếu tố cộng hưởng, nhưng một phần cũng do sự hiện diện thân tình khích lệ của Đức Tổng suốt buổi hội thảo, và nhất là, bài phát biểu khai mạc đầy tính nhân văn của ngài, nhấn mạnh đến sự đóng góp tâm não và nhiệt huyết quý báu của những nghệ sỹ tài ba điêu luyện " làm sao để Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang này vừa là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, vừa là một không gian linh thánh cho việc phụng thờ. Làm sao thổi được hồn Đạo và hồn Việt vào các công trình kiến trúc của Trung Tâm này".

Chương trình của buổi làm việc như sau:

- Từ 9g30 - 9g45:
* Chào đón quý khách và quý Công ty
* Kinh thánh hóa buổi hội thảo
* Giới thiệu thành phần tham dự
* Lời phát biểu khai mạc của Đức TGM Huế
- 9g45 - 10g: Linh Mục Lê Sỹ Hiền Quản nhiệm TTHHĐMLV trình bày đôi nét về sinh hoạt thực tế và nhu cầu của công trình.
- Từ 10g - 11g20: Đi thực địa
- 11g30 - 12g30: Cơm trưa
- 13g - 14g: Linh Mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành trình bày về những vấn đề của một công trình tôn giáo.
- 14g - 15 g: Giải đáp thắc mắc của các công ty
- 15g - 15g30: TS. Kts Từ Phú Đức trình bày các yêu cầu kỹ thuật của phương án dự thi.
- 15g30 - 16g30: Giải đáp thắc mắc của các công ty.
* Lời cám ơn của Ban Tổ Chức

Chương trình đã khép lại nhẹ nhàng, nhưng âm vang của nó chắc chắn để lại nhiều suy tư trăn trở cho những nhà đầu tư thiết kế, cho mọi tham dự viên của buổi hội thảo, bởi dự án thiết kế Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang không chỉ là một công trình kiến trúc hiện đại, mỹ quan, mang bản sắc dân tộc cũng như thể hiện nét kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc công trình tôn giáo nói riêng, mà còn phải thể hiện được “cái đẹp là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm, còn là tiếng gọi mời ta lên cao, mời ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai" (Lời ĐTC Gioan Phaolô II)
 
Thành lập ''Qũy khuyến học'' giúp khuyến khích và đào tạo các sinh viên của 10 giáo phận miền Bắc
Giuse Nguyễn Tiến Đạt
12:08 08/03/2010
HỘI SINH VIÊN CÔNG GIÁO TGP HÀ NỘI
Phòng C1 - Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội
40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội
Email: svcgtgphn@gmail.com

THÔNG BÁO: V/v THÀNH LẬP QUỸ KHUYẾN HỌC

Kính gửi: Các bạn sinh viên Công giáo Tổng giáo phận Hà Nội

Vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thể kỷ 20, những người Công giáo chúng ta được học hành đàng hoàng trong mọi lĩnh vực và cống hiến rất nhiều cho sự hưng thịnh của dân tộc Viêt Nam. Nhưng từ giữa thế kỷ 20, do hoàn cảnh xã hội quá khó khăn nên những người Công giáo Miền Bắc chúng ta không được học hành cao và không có điều kiện phát triển.

Đến nay thì thế giới đã thay đổi và Viêt Nam cũng buộc phải thay đổi, những người Công giáo chúng ta đã được học hành. Nhưng có một điều mà chúng ta đang gặp phải, nó làm cản trở cho sự phát triển của cộng đồng Công giáo chúng ta. Đó là chúng ta bị thiếu thốn về kinh tế, thiếu các quỹ mang tính đoàn thể để đầu tư cho giáo dục, cho việc phát triển nhân tài. Điều đáng tiếc là nhiều em học sinh Công giáo có khả năng học hành rất tốt nhưng vì quá nghèo nên gia đình đã bắt các em phải bỏ học.

Để khắc phục phần nào tình trạng các em học sinh phải bỏ học, và cũng là để cho cộng đồng Công giáo chúng ta có một tương lai tươi sáng hơn, Hội sinh viên Công giáo Tổng giáo phận Hà Nội quyết định thành lập “Quỹ khuyến học”. Đồng thời kêu mời quý Ân nhân, các nhà hảo tâm ở trong nước cũng như hải ngoại, quý anh chị cựu sinh viên để ủng hộ cho quỹ này. Hiện tại thì chúng tôi được một giáo dân tại Lào Cai là anh Giuse Bùi Công Hoan đã ủng hộ cho quỹ này 20.000.000đ.

Phương hướng hoạt động của “Quỹ khuyến học” này như sau:

1- Đạo tạo cho một số sinh viên có khả năng giao tiếp và gửi về các giáo xứ trong 10 giáo phận Miền Bắc, đồng thời tìm kiếm những em học sinh có khả năng học hành tốt nhưng gia đình nghèo để động viên bố mẹ cho các em được đi học và hỗ trợ kinh tế cho các em học tới đại học.
2- Thường xuyên cho các bạn sinh viên về các giáo xứ để tổ chức các cuộc hội thảo, chia sẻ với các em học sinh để cổ vũ tinh thần phấn đấu học tập cho các em.

Kính mong các bạn sinh viên tha thiết cầu nguyện và giới thiệu cho mọi người được biết để ủng hộ cho quỹ khuyến học này.

Hà Nội, ngày 8 tháng 03 năm 2010

T/M BAN ĐẠI DIỆN
TRƯỞNG HỘI
 
Bà Mẹ Công Giáo thuộc TGP Sài Gòn nô nức tham dự Thánh lễ mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Gx Tân Định
Maria Vũ Loan
12:38 08/03/2010
Bà Mẹ Công Giáo thuộc TGP Sài Gòn nô nức tham dự Thánh lễ mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Gx Tân Định

SAIGÒN - Kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ Nữ (8/3/1910 – 8/3/2010) các Bà Mẹ Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn đã nô nức đến nhà thờ Tân Định để tham dự thánh lễ do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế.

Khi nắng chiều đã tắt, con đường Hai Bà Trưng đang còn nhiều xe cộ chen chúc thì trong khuôn viên nhà thờ Tân Định, đoàn rước từ từ tiến vào thánh đường trước khi thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho tất cả các chị em phụ nữ trong giáo phận.

Xem hình

Cùng đồng tế với Đức cha Phaolô còn có cha GB. Võ Văn Ánh, tổng linh hướng Các Bà Mẹ Công Giáo, GP Sài Gòn và hai linh mục thân hữu. Dường như hôm nay các bà, các chị mặc chiếc áo đẹp nhất của mình, cũng có các chị em cùng mặc đồng phục của giáo xứ chọn. Ngôi thánh đường cổ kính với những chiếc cột to không còn một chỗ trống nào trên các dãy ghế, nhiều chị phải ngồi trên ghế nhựa ở dọc hành lang trong lòng nhà thờ. Sự đông đúc đó có lẽ không nói lên nhiều điều cho bằng cảm xúc vui hiện trên khuôn mặt của quí bà quí cô.

Trước khi bài giảng bắt đầu, Đức cha Phaolô chúc mừng niềm vui và hân hoan đến với tất cả các chị em phụ nữ trên thế giới, trong tiếng vỗ tay vang dội.

Đức Cha cho rằng ngày Quốc tế Phụ Nữ là một ngày vui chung nhưng đối với Giáo hội, đây là một cơ hội tốt để chúng ta có cái nhìn về người phụ nữ theo quan niệm Kitô giáo, đúng với chiều kích Tin Mừng. Dựa vào việc quan sát và những suy nghĩ của bản thân, Đức Cha cho rằng một người phụ nữ Công Giáo tốt cần có những nét đẹp sau:

- SỰ DỊU DÀNG của người phụ nữ quan trọng và có tác dụng đặc biệt trên người khác. Nét đẹp này tạo ra bầu khí êm ái, nhẹ nhàng, yêu thương trong cuộc sống. Người phụ nữ dịu dàng trở thành chứng tá cho sự dịu dàng của Thiên Chúa. Đức Maria là một thí dụ điển hình về nét đẹp này. Thử tưởng tượng một người phụ nữ mà hùng hùng hổ hổ thì làm sao diễn tả được tình yêu của Thiên Chúa?! Nhiều người đàn ông ngoại đạo và những thanh niên vô thần đã có lần thổ lộ rằng rất thích sự dịu dàng của phụ nữ Công giáo.

- LÒNG NHÂN HẬU: Lòng nhân hậu được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Một bà góa chỉ còn một chút dầu, một chút bột mà niềm nở làm bánh cho tiên tri Êlia ăn. Một cô gái người Israel bị bắt làm nô lệ cho ông vua Syria thù địch, lại bị cùi lở; cô bèn khuyên bà vợ của vua nên đưa chồng đến gặp tiên tri của Chúa để được chữa khỏi…

Người phụ nữ nhân hậu rất nhạy cảm trước những đau khổ của người khác, rất dễ chạnh lòng thương. Những người phụ nữ nhân hậu là hiện thân của lòng thương xót Chúa.

- SỰ ĐẢM ĐANG của người phụ nữ làm gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Được như thế, người vợ trở thành kho báu lớn nhất của người chồng. Tuy nhiên, ngày nay, gia đình cũng phải biết dung hòa công việc gia đình và công việc xã hội cho người phụ nữ. Sự dung hòa này giúp người phụ nữ cân bằng trong thế “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

- CAN ĐẢM: Những bà mẹ Công Giáo cần phải biết can đảm lội ngược dòng, nghĩa là phải mạnh dạn góp ý đối với chồng khi cần thiết; sửa dạy con một cách cứng rắn hoặc mềm dẻo tùy theo tình huống, không phải vì quí chồng thương con mà để mặc cho mọi việc tự trôi mà phải tìm hiểu sự việc để cân đối gia đình. Can đảm nhưng không quá lố đến độ cố chấp, độc đoán độc tài.

- CÓ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO: Có một chút khả năng lãnh đạo sẽ biết điều khiển, tổ chức, sắp xếp gia đình và biết quyết định kịp thời đúng lúc trước nhiều tình huống trong cuộc sống.

- BIẾT CẦU TIẾN: học hỏi để nâng cao kiến thức, phù hợp với thời đại trước một xã hội có nhiều chuyển biến phức tạp và khó khăn. Phải biết tiếp cận, trau dồi để nắm bắt về tâm lý, về giới tính, khoa học phổ thông….để không tụt hậu, để có thể rao giảng Tin Mừng một cách phù hợp.

Vậy nếu phải lựa chọn giữa HẠNH PHÚC và THÀNH CÔNG, chúng ta nên chọn cái nào? Có những lúc thành công đi đôi với hạnh phúc, nhưng nhiều khi thành công mà không hạnh phúc. Nhiều bậc cha mẹ đặt nặng sự thành đạt quá làm cho chồng con mất cả niềm vui. Thiên Chúa dựng nên chúng ta và mong chúng ta được hạnh phúc vì thế cần biết cân bằng, làm sao để gia đình luôn vui trong tình yêu thương của Chúa.

Chắc chắn bài giảng của Đức Cha đã đi vào tâm tư của các bà mẹ dù ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lời cầu nguyện chung hôm nay không biết của ai đã soạn cho các chị mà cũng ý nhị không kém: Hình ảnh của người phụ nữ là nét điểm xuyết tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ. Sự hoán cải, làm đẹp hình thể bề ngoài và trau chuốt trái tim bên trong là bổn phận của phụ nữ. Thế giới đề cao vai trò người phụ nữ, thế nên người phụ nữ cần được đối xử đúng với phẩm giá ở khắp nơi.

Hôm nay, có khoảng mười chị được làm thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ, một hình ảnh mà trước Công đồng Vatican II không ai dám nghĩ đến!

Lời cảm ơn của bà trưởng Các bà mẹ Công Giáo GP Sài Gòn Maria Nguyễn Thị Ngọc thật đậm đà tình cảm trước khi Đức cha chủ tế nhận món quà nho nhỏ.

Khi những hộp bánh được phát tận tay các bà các chị thì có một bà lên đọc một bài thơ rất hay, đại ý là dù có những lấn cấn trong cuộc sống, các thành viên trong gia đình vẫn yêu thương nhau:

“Em đừng buồn khi thấy mẹ yêu anh,

Em đừng buồn khi thấy anh yêu mẹ…”

Thánh lễ khép lại, trong lòng nhà thờ, nhiều chị chụp hình chung với nhau còn sân nhà thờ Tân Định lại có nhiều tà áo dài tung bay trong không khí mát mẻ của buổi tối mùa hè.

Dù không được tham dự thánh lễ mừng ngày phụ nữ 8/3 hôm nay vì cơm áo gạo tiền, cũng xin cầu chúc các chị đang bôn ba vất vả vì gia đình được khỏe mạnh và vui tươi trên đường đời.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cuộc thăm viếng Luật sư Lê Thị Công Nhân tại nhà của cô
J.B Nguyễn Hữu Vinh
12:46 08/03/2010
HÀ NỘI - Tối Chủ nhật 7/3/2010, đường phố Hà Nội ồn ào, náo nhiệt. Người người vội vã, những quầy bán hoa tươi nhộn nhịp, các hàng lưu niệm đông đúc... dường như cả thành phố tấp nập bất chấp những khó khăn của thị trường, của cuộc sống để mừng ngày Quốc tế Phụ nữ - 8/3.

Chúng tôi, mấy giáo dân, sau khi đi thăm người thân trong Bệnh viện Bạch Mai, ngồi trong một quán cafe nhìn dòng người hối hả xuôi ngược mà thấy vui vui. Thì ra, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, con người vẫn nghĩ tới con người thật nhiều và dành cho nửa nhân loại những điều tốt đẹp nhất.

Công Nhân, một tín hữu Kitô mới trở về nhà của mình
Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc

Mấy anh em ngồi nói chuyện về giáo lý, giáo luật như lệ thường khi gặp nhau. Bỗng như một sự vô tình cùng nhau nói đến lời kinh “Thương người có mười bốn mối”, một bạn trẻ đọc “Thương xác bảy mối:... thứ bốn viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc...” đọc đến đây, một anh bạn chợt lên tiếng: “Chúng ta vừa đi thăm kẻ liệt, nhưng kẻ tù rạc thì chưa, chúng ta đã thăm nhiều kẻ ốm đau, giúp đỡ một số người đói rách, nhưng đúng là chưa bao giờ đến thăm những kẻ đã và đang ở tù, hình như chúng ta quên mất họ là một trong những thành phần chúng ta cần quan tâm”. Một người tiếp lời: “Thăm kẻ liệt thì còn được, thăm tù nhân thì coi chừng nhà nước lại coi là... liên quan chính trị đấy”.

Một người lên tiếng: “Tại sao lại sợ là liên quan nào, chúng ta chỉ đến thăm họ trong cảnh tù đày, khổ sở vì những lý do cụ thể là con người, còn việc họ ở tù vì sao, đó là việc của chính quyền với bản thân họ. Ai làm, người đó chịu chấp nhận, không có luật pháp nào cấm thăm kẻ tù đày, không luật pháp nào cấm được tình yêu thương, nếu tám giáo dân Thái Hà “được” đi tù thì hôm nay tớ đi thăm ngay”.

Mọi người đều tán thành điều đó, và cùng nghĩ tới Lê Thị Công Nhân, một Kitô hữu mới ra khỏi nhà tù để về với cuộc sống đời thường sau 24 tiếng. Hẳn giờ này, cô ấy còn chịu nhiều những choáng váng, đau khổ và áp lực của ba năm cách biệt với cuộc sống xã hội. Tất cả mọi người nhất trí đến thăm cô ấy nhân ngày phụ nữ 8/3, ngày mà mọi phụ nữ đều đáng được tôn vinh. Gọi chiếc taxi bên đường, ghé qua hàng bán hoa tươi mua một bó, chúng tôi cùng nhau lên đường.

Cuộc viếng thăm không hẹn trước

Chiếc taxi đưa chúng tôi vòng lượn hỏi thăm nhà mất chừng nửa tiếng. Một người làm nghề “xe ôm” hỏi: “Các anh đi thăm cô gì mới ra tù phải không? Phải đi vào ngõ 4 đường Phương Mai”. Cũng buồn cười cái anh xe ôm, đi tù về thì đâu chỉ có một người, nhưng anh ta đã chỉ đúng chỗ. Chiếc taxi đưa chúng tôi vào một ngõ, khi chiếc xe dừng lại, ngạc nhiên thấy Lê Thị Công Nhân đang ở đó, tay cầm mấy chiếc mắc áo trong tay.

Chúng tôi xuống xe, một bạn trẻ ôm bó hoa trên tay và cùng tới chào hỏi. Lê Thị Công Nhân ngạc nhiên: “Chào các anh, em chưa gặp các anh bao giờ”. Cũng đúng thôi, đã gặp nhau bao giờ mà quen được. Chúng tôi trả lời: “Chào em, chúng tôi là những tín hữu Kitô, ngày hôm nay, đến chúc mừng em và thăm em khi nghe tin em vừa mới được ra tù”. Cô nở nụ cười mời chúng tôi về nhà.

Con ngõ nhỏ, hơi tối dẫn chúng tôi đến khu tập thể, Công Nhân nói: “Ngõ tuy tối nhưng không đáng sợ”, qua dãy sân trước nhà tập thể, mấy anh em chúng tôi cùng nhau bước lên cầu thang, ngoài sân, một phụ nữ mặc áo đỏ, đội mũ bảo hiểm đang ngồi trên xe bấm điện thoại gọi đi đâu đó, Công Nhân nói: “Những người này ở vòng trong, là phụ nữ, còn nam giới thì ở vòng ngoài, chắc họ sắp đổi gác”.

Qua hai lần cửa, chúng tôi bước vào căn hộ của gia đình Công Nhân nằm ở cuối tầng 3 khu tập thể, một căn hộ nhỏ nhắn và xinh xắn. Một chiếc bàn giữa hai bên là chiếc ghế ngồi kê đệm. Trên tường nhà có Thánh giá mang tượng Chúa Giêsu và những câu Kinh Thánh được trích ra. Chúng tôi ngồi yên vị và bắt đầu cuộc nói chuyện.

Cuộc viếng thăm khá bất ngờ, chủ và khách đều mới mẻ, tôi giới thiệu: “Chúng tôi, những tín hữu Kitô, được tin em vừa ra khỏi nhà tù, chúng tôi đến thăm em nhân ngày Phụ nữ 8/3 và chúc mừng em đã ra khỏi nhà tù, cách biệt với xã hội để trở lại cuộc sống bình thường”.

Bác Trần Thị Lệ khá ngỡ ngàng khi thấy Công Nhân đưa chúng tôi vào nhà, những người khách không được mời và cũng chưa quen biết. Nhưng dường như sự cảnh giác biến mất, những nụ cười luôn nở trên môi khi biết chúng tôi là những Kitô hữu.

Buổi nói chuyện không dài, chúng tôi chúc mừng em được ra khỏi nhà tù về với gia đình, về với cuộc sống thường ngày của em. Lê Thị Công Nhân kể cho chúng tôi về những ngày tháng, những cảm xúc của em khi ở trong tù, khi được trở về với cộng đồng, với gia đình và em khẳng định rằng: “em không chấp nhận bản án, nghĩa là cái đuôi đằng sau là 3 năm quản chế không có giá trị gì với em”.

Cuộc viếng thăm không hẹn trước tại ngôi nhà nhỏ của cô
Chúa là người Cha, người Thầy và là người bạn đồng hành cùng em

Kể về nỗi sợ hãi khi sống trong nhà tù suốt ba năm, cô nói: “Những năm tháng trong tù, có những khó khăn khi cô đơn, khi ốm đau... tất cả em dần dần đều quen nhưng không tạo cho em nỗi sợ hãi.

Nhưng em đã có lần trải qua nỗi sợ thật sự, đó là khi truyền hình liên tục đưa tin về câu nói của Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, TV đưa đi đưa lại nhiều lần trong các chương trình thời sự, chương trình vì an ninh, cả buồng tù hơn 60 chục con người bắt đầu lên đồng, gào rú đòi đập chết cái lũ ấy đi, đòi chém đòi giết mà trong phòng tù đó, chỉ mỗi mình em là công khai xưng rằng mình là Kitô hữu... em thấy thực sự sợ hãi và báo với quản lý buồng giam. Tuy em chưa được nghe chính thức câu nói đó, nhưng em tin là không phải như thế, em đã có cách xem TV và đọc báo của em, em hiểu rằng, có một sự thật như thế nào đó chưa biết, nhưng không phải là sự thật này.”
Và cô kết luận: “Cái đáng sợ chính là sự ngu dốt của con người, nó có thể biến người ta trở thành những con người mất kiểm soát hành vi”.

Câu chuyện của chúng tôi có khi bị ngắt quãng bởi sự xúc động của cô, mắt ngấn lệ khi nói về những điều cô thao thức, những suy nghĩ về thế sự, về thời cuộc...

Để vượt qua ba năm tù tội với một phụ nữ là điều không hề đơn giản như những người chưa trải qua có thể nghĩ. Tuy nhiên, Lê Thị Công Nhân nói: “Để vượt qua ba năm trong nhà tù, em chỉ có mỗi cuốn Kinh Thánh, trang cuối cùng em đọc xong lần thứ nhất là đêm trước ngày em ra tòa Phúc thẩm. Ba năm trong tù, Chúa vừa là người bạn, là người Cha, là người Thầy của em, nâng đỡ, dìu dắt em vượt qua tất cả. Em mới về chưa thể cập nhật được thông tin, nhưng ở trong tù, em thấy trên TV những người giáo dân Thái Hà ra trước vành móng ngựa mặc rất đẹp, áo dài đỏ, áo vét... đó là điều để lại ấn tượng trong em ”. Em tỏ ý nói rằng, khi nghe được có những cuộc đi bộ hàng chục km của giáo dân đến trước phiên tòa, rực rỡ với cành thiên tuếem rất tiếc không được hòa chung vào dòng người đó, vì em nhỏ bé nên chắc chắn em sẽ đi hàng đầu.

Tôi nói với cô rằng: “Tôi không phải là người có thể hoạt động chính trị hay có khả năng làm chính trị, chỉ đơn giản là một tín hữu Kitô, hôm nay đến thăm em vì chúng ta là Kitô hữu, nhưng những câu chuyện em kể đã để lại cho chúng tôi thêm một lần xác tín, một niềm tin được tăng thêm. Khi chúng ta có Thiên Chúa là đấng tối cao, đấng soi sáng và dẫn đường làm Thầy, làm Cha và làm Bạn của chúng ta, chúng ta có thể đi đến bất cứ nơi nào Chúa muốn”.

Chia tay Lê Thị Công Nhân và gia đình cô, chúng tôi ấn tượng mãi về một cô gái, một con người nhỏ nhắn về hình thể, một con người yếu đuối về thể xác, nhưng có một tinh thần thép và một sự hiểu biết, lòng bao dung rộng lớn.

Chúng tôi tin cô sẽ vượt qua tất cả, vì trong cô có một niềm tin – Một Đức Tin, cô chữa lại.

Hà Nội ngoài kia vẫn dập dìu những chiếc xe với những bó hoa lớn, những hàng quán vẫn tấp nập... Chúng tôi ra về từ một ngõ nhỏ dưới trời lấp phất mưa xuân.

(Nguồn: nuvuongcongly.net)
 
Tâm tư và Nguyện vọng của Giáo dân Cồn Dầu trình lên Đức Giám Mục giáo phận Đà Nẵng
Người Sơn Trà
14:04 08/03/2010
ĐÀ NẴNG - Sau đây là bài phát biểu của ông Thái văn Liên - Chủ tịch HĐGX Cồn Dầu nói lên nguyện vọng của giáo dân Cồn Dầu trong thánh lễ mồng 3 Tết Canh Dần tại thánh đường Giáo xứ, có sự hiện diện của Đức Cha Đà Nẵng, Cha Tổng đại diện, Cha hạt trưởng và Cha quản lý của giáo phận:

Ông chủ tịch Cồn Dầu: Thái văn Liên
Trọng kính Đức cha, cha tổng đại diện,cha hạt trưởng,cha quản lý địa phận, cha sở,quý cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân bạn đã từ khắp nơi xa gần trong giáo phận đã tụ họp về đây dâng thánh lễ cầu nguyện cho công ăn việc làm trong ngày mồng 3 tết Canh Dần này.

Thật là rất vinh dự và rất hân hạnh cho chúng con được đón tiếp Đức Cha,quý cha,quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý vị đã về nơi này dâng thánh lễ cầu nguyện hiệp thông cho giáo xứ con,cho công ăn việc làm của chúng con,cách riêng cho những ai đang lo toan về kế sinh nhai trong những ngày tháng sắp tới của mình mà thư mục vụ của giáo phận đã nêu lên.Con xin đại diện cho cộng đoàn giáo dân giáo xứ Cồn Dầu nói lên vài tâm tư,nguyện vọng của đồng bào giáo dân giáo xứ chúng con

Trong tháng chín năm 2009 vừa qua,giáo dân chúng conchịu nhiều gian khổ bởi trận thiên tai lũ lụt.Mùa màng,hoa màu mất trắng làm đời sống chúng con rất khó khăn.Đức cha,cha sở,quý vị ân nhân xa gần đã chia sẻ,đã kêu gọi giúp đỡ chúng con khắc phục hậu quả thiên tai,đặc biệt đã giúp chúng con mua lại lúa giống để gieo lại vụ Đông Xuân.Giờ đây, nhìn cánh đồng lúa đang trải một màu xanh hy vọng,gieo vào lòng chúng con một niềm hy vọng được một mùa lúa bội thu.

Nhưng thiên tai chưa hết nguôi ngoai, cải thiện đời sống chưa xong thì lại đến cái nạn nhân tai!Cái nhân tai mà chúng con nói đến đã làm cho chúng con nghẹn ngào, khiếp đảm.Ai ai trong chúng con cũng ăn không ngon, ngủ không yên.,trừ những người đã chọn phần sung sướng cho riêng mình mà đánh mất quê hương, làng xóm, láng giềng.

Quê hương là con đò,là chiếc diều, là cây đa,là cội nguồn văn hóa dân tộc,là vựa lúa nuôi ta sống hằng ngày.Ai không quyến luyến,không yêu mến,không xót xa thì không phải là người.

Kính thưa Đức Cha,quý cha,quý vị, Trong những ngày qua chắc chắn Đức cha cùng mọi người đã hiểu được nỗi khổ đau của chúng con trước sự đàn áp, khủng bố của chính quyền.Chúng con đã phải, đóng cửa rào gai bỏ nhà đi lánh nạn"kiểm định"(kiểm tra,đo đạc,định giá trả tiền)Chúng con muốn đòi sự công bằng, công lý,sống để hưởng những giá trị tinh thần của quê hương,nhưng những tiếng kêu khóc của chúng con đều bị chính quyền làm ngơ.Đã qua nhiều cuộc họp, chúng con xin lãnh đạo chính quyền cho chúng con nguyện vọng được sống và được hưởng quyền lợi trên mảnh đất quê hương dựa trên hiến pháp và pháp luật,nhưng tất cả mọi sự kêu gào đều không được đáp ứng. Chính quyền một mực muốn đòi giải tỏa trắng.Bỏ đất, bỏ nhà, bỏ ông bà, bỏ nhà thờ đi nơi khác làm sao chúng con có thể sống?

Suốt hơn tuần lễ qua, lãnh đạo tỉnh là ông Nguyễn bá Thanh đã dẫn các ban ngành đoàn thể cùng hàng trăm công anh đủ loại; sắc phục có, thường phục có,an ninh có,CSCĐ có cùng đủ loại xe cộ,chó nghiệp vụ,dùi cui điện, roi điện,còng,phong tỏa khống chế các ngã đường, không cho người dân tiếp cận với các nhà bị kiểm định.Với một lực lượng hùng hậu như vậy trong khi chúng con chỉ có tay không làm sao mà không hoảng sợ?Chỉ vì mảnh đất tổ tiên,cái nhà, cái vườn mà chúng con đã chịu nhiều khổ đau kêu trời không thấu.Có thực mới vực được đạo.Không có đất đai làm sao chúng con kiếm sống?Hơn nữa, mảnh đất này rất linh thiêng đối với chúng con.Họ đã đưa ra những dự án rất to lớn nhưng trả cho chúng con những đồng bạc rất nhỏ.Một mét vuông không đủ mua một ký thịt.Như vậy đời sống chúng con sẽ ra sao khi mất hết nhà cửa,đất đai,ruộng vườn và cũng mất luôn ngôi nhà chung yêu dấu.

Giáo dân Cồn Dầu trong buổi gặp Giám mục Đà Nẵng
Thưa Đức Cha, quý cha, quý vị, Tài sản chúng con đang có là tài sản vô giá vì nó đã được gầy dựng bởi nước mắt, mồ hôi và cả bằng máu của tổ tiên, con cháu bao đời.Nhìn những tấm lưng còng của những ông già, bà cả trong làng chúng con mới thấu hiểu và thâm thiá những giá trị mảnh đất mình đang sống.Chính những con người già cả này đã gánh từng cục đất đắp lên nền nhà cao cho con cháu ngày nay hưởng dùng.Công lao vất vả,sự hy sinh to lớn của bậc tiên nhân không bút mực nào kể cho xiết.Điều chúng con muốn nói ra đây là sự công bằng, công lý, pháp luật dựa trên sự thật.Chúng con chỉ mong được sống an lành với gia đình, quê hương,làng xóm, láng giềng.Sáng chiều tham dự lễ kinh,hiệp thông nguyện cầu cho nhau.Giáo dân chúng con đã và đang cầu nguyện cho những ngày giông bão sắp đến.

Sau cái Tết Canh Dần đạm bạc này, chúng con sẽ đối mặt với trận bão sắp tới,lên đến cấp độ nào chúng con không rõ.Chỉ có điều là chúng con không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải bảo vệ mảnh đất tổ tiên, ông bà để lại.Qua bài đọc sách sáng thế đoạn 2, câu 15 hôm nay đã gieo vào lòng chúng con một nỗi niềm: Đức Chúa là Thiên Chúa đã đem con người đặt vào vườn Eden để trồng cấy và canh giữ đất đai,cũng như bài Tin Mừng ông chủ giao cho người đầy tớ những nén bạc phải làm lợi cho chủ tùy theo khả năng của mỗi người.

Trong thánh lễ sáng mồng 3 Tết này-thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm- chúng con muốn nói lên vài tâm tư nguyện vọng của giáo dân chúng con mong Đức Cha,quý cha,quý vị cảm thông và hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân chúng con được sống bình an và được tồn tại trên mảnh đất linh thiêng với bao nhọc nhằn, gian khổ mà chúng con cùng tổ tiên bao đời đã xây đắp,vun bồi.

Thay mặt cho cộng đoàn giáo xứ,chúng con xin cảm tạ Đức Cha, quý cha,quý nam nữ tu sĩ, giáo dân đang hiện diện nguyện cầu,hiệp thông cho giáo xứ chúng con trong thánh lễ này.Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban nhiều sự an lành và khôn ngoan cho Đức Cha,quý cha hầu hướng dẫn đoàn chiên sống thánh thiện trong ơn nghĩa của Đức Giêsu Kitô.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Xin Quẻ Đầu Năm
Nguyễn Bá Khanh
23:50 08/03/2010

XIN QUẺ ĐẦU NĂM



Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Ngun ngút khói hương vàng

Say trong giấc mơ màng,

Em cầu xin Trời, Phật

Sao cho em lấy chàng.

(Trích thơ của Nguyễn Nhược Pháp)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền