Ngày 05-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình yêu cứu sống
Lm Phan Văn Lợi
00:51 05/03/2024
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM B : GA 3,14-21

Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”


TÌNH YÊU CỨU SỐNG

Bầu khí căng thẳng gây nên do việc Đức Giê-su đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ chưa lắng dịu (x. Ga 2,13-25, Tin Mừng Chúa nhật tuần trước), thì ông Ni-cô-đê-mô, một kỳ mục trong dân Do-thái, đã đến tìm gặp Người. Ông tới ban đêm, nhằm giữ kín sự việc, nhưng dưới ngòi bút của Gio-an, điều này mang một ý nghĩa biểu tượng : đang ở trong bóng tối, Ni-cô-đê-mô tìm tới ánh sáng.

Cuộc đối thoại mở đầu với đề tài “phải tái sinh”. Đức Giê-su tuyên bố : “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,3). Trước thắc mắc của Ni-cô-đê-mô (c.9) : “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giê-su đáp : chuyện sinh lại bởi ơn trên có thể thực hiện được nhờ việc Con Người được giương cao. Con Người ấy chính là Con Một Thiên Chúa đã ban xuống vì quá yêu thương thế trần (x. 3,10-17). Thành thử ai tin vào Người Con ấy thì được cứu thoát, lãnh sự sống muôn đời, còn ai không tin thì tự chuốc lấy án phạt (3,18-21).

1. Thiên Chúa đã tự ý trao ban

Để nêu bật việc Con Người được giương cao, Đức Giê-su trước hết nhắc lại một điển cố-dấu chỉ trong Cựu Ước : con rắn đồng nơi sa mạc (x. Ds 21,4-9). Ai trong con cái Ít-ra-en vì kêu trách và thiếu tin vào Thiên Chúa mà bị rắn độc cắn phải thì cứ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng, sẽ được toàn mạng. Để tránh lối giải thích ma thuật, sách Khôn ngoan sau này sẽ viết : “Bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Đấng cứu độ muôn người hết thảy” (Kn 16,7).

Dấu chỉ giờ đây nhường chỗ cho thực tại mà nó ám chỉ : đó là Đức Giê-su, Phương dược, Nguồn sống, Ơn cứu độ của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa Cứu Độ. Người cũng sẽ “được giương cao”, vừa bởi những kẻ đóng đinh Người vào thập giá, vừa bởi Thiên Chúa, Đấng nâng Người lên trong vinh quang thần linh (x. Ga 8,28; 12,32-34). Để những ai nhìn lên, nghĩa là tin vào, thì được cứu độ.

Nguồn gốc của hành vi cứu độ này nằm ngay trong tình thương điên dại của Thiên Chúa đối với thế gian : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Ở trung tâm của tất cả mọi sự, đặc biệt là vai trò Đức Giê-su và con đường thập giá, ta đều thấy tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Lời khẳng quyết trên nêu bật hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương cách tuyệt đối và mãi mãi. Tình thương thần linh đó đi trước mọi sự, bao trùm mọi sự và chỉ có một ý định là ban ơn cứu độ và ơn trường sinh.

Như thế ở đây, thập giá được trình bày như địa điểm mạc khải tình thương của Thiên Chúa và ơn cứu tử của Người : “Đức Ki-tô là sự sống, thế mà Người đã bị treo trên thập giá. Đức Ki-tô là sự sống, thế mà Người đã tử vong. Nhưng trong cái chết của Người, sự chết đã chết. Khi Đức Ki-tô chết, sự sống đã tiêu diệt sự chết, nguồn sung mãn của sự sống đã chôn vùi sự chết, sự chết đã bị nuốt chửng trong thân xác của Người. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng sẽ nói điều đó, trong ngày sống lại, khi hát khúc khải hoàn : “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?”... Như những ai nhìn lên con rắn đồng không phải chết vì rắn cắn, thì những ai lấy đức tin mà chiêm ngắm cái chết của Đức Ki-tô, cũng sẽ được chữa lành khỏi vết thương tội lỗi. Nhưng những kẻ đó được cứu chữa cho khỏi chết, để được sống đời này, còn Đức Ki-tô thì nói với chúng ta : để được sống đời đời, sống vĩnh cửu” (Thánh Augustinô).

2. Con người được tự do đón nhận

Nhưng tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa bày tỏ qua Đức Giê-su Con của Người, luôn kêu mời con người tự do đáp trả, đón nhận. Và nó đòi một sự đáp trả ngay lúc này. Bởi lẽ ngay từ bây giờ, cuộc xét xử đang được thực hiện.

Hoặc từ khước Thiên Chúa, đóng cửa không đón tiếp Người, mù quáng chẳng muốn nhận ánh sáng, chấp nhận chìm đắm trong tối tăm, và như thế là bị luận phạt. Dĩ nhiên đây là một án phạt do con người tự mình chuốc lấy chứ không phải do Thiên Chúa trả thù. Có ai sống trong tội lỗi mà tâm hồn được bình an, mà làm cho những kẻ quanh mình được hạnh phúc? Có ai chống lại Trời mà yêu thương người một cách chân thật? Có xã hội duy vật vô thần nào mà trong đó chẳng có tham nhũng, hối lộ, bóc lột, đàn áp, che giấu, dối trá tràn đầy? Có hiến pháp hay chính sách nào gạt Thiên Chúa ra bên lề xã hội và đàn áp hay trói buộc tôn giáo mà đất nước phát triển, dân tình an vui, mọi vấn đề xã hội được giải quyết ổn thỏa? Việc chống lại Thiên Chúa bao giờ cũng mang đến hậu quả tai hại lập tức cho cá nhân và xã hội, chẳng cần đợi tới Ngày cuối cùng. Bởi lẽ từ khước Thiên Chúa là từ khước tình yêu, từ khước sự sống. “Không có Trời, ai ở được với ai?”

Hoặc ngược lại, cởi mở đón nhận ánh sáng, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, và như thế tất cả đều thay đổi, vì mọi hoạt động của chúng ta “sẽ được thực hiện trong Thiên Chúa”, sẽ được nhìn nhận như những hoạt động của Thiên Chúa, và trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Người.

Tóm lại, “sự sống vĩnh cửu và luật phạt đời đời không chỉ được thi hành vào ngày thế mạt. Cả hai được thực hiện ngay trong giây phút hiện tại, ngay khi con người gặp gỡ Đức Giê-su. Tin vào Đức Giê-su, lập tức được sống; trái lại, từ khước tin Người, con người tự ý chọn lựa cái chết (vĩnh viễn) mà Thánh Kinh thường ám chỉ bằng từ ‘bị xét xử’” (X. Léon-Dufour).

Phải chăng như vậy là nói rằng những người ngoài Ki-tô giáo, nghĩa là không gắn bó với Đức Giê-su, đều bị mất phần rỗi? Thánh Gio-an nhìn nhận rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa còn sâu xa hơn nhiều; nó được thể hiện trong sự thành tâm, trong giá trị của các hành động và trong sự mở rộng tâm hồn ra với người khác. Thánh sử hẳn đã nghĩ tới vấn nạn trên khi viết : “Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng”. Công đồng Vatican cũng nêu rõ trong hiến chế Ánh sáng Muôn dân số 16 : “Những kẻ vô tình không nhận biết Tin Mừng của Chúa Ki-tô và Giáo hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc của mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Tin Mừng, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống”.

Một vị vua hỏi viên tể tướng hết lòng yêu mến Chúa của mình, giọng chế nhạo : “Đức Chúa Trời nắm hết quyền bính trên trời và dưới đất, tại sao không dùng sức mạnh đánh thắng Xa-tan, cứu loài người khỏi tội, mà phải đích thân giáng thế?” Viên tể tướng mỉm cười yên lặng. Nhà vua lấy làm đắc ý vì câu hỏi. Một hôm vua dạo thuyền cùng đám cận thần trên hồ. Hồ sâu rộng, có vách đá cao dựng đứng. Viên tể tướng cho thuộc hạ đẽo một hình người bằng gỗ, bận xiêm y của hoàng tử vào. Từ núi cao, thuộc hạ ném “hoàng tử” xuống nước trước mặt vua. Trông thấy thế, vua rú lên kinh hoàng, quên cả long bào nặng nề lao mình xuống nước về phía “hoàng tử”. Vua suýt chết đuối nếu không nhờ đám cận thần cứu vớt, vì vua quên cả chuyện mình không biết bơi. Việc xong, viên tể tướng hỏi : “Tâu Bệ hạ, vừa rồi xung quanh Bệ hạ đầy đủ cận thần tài giỏi, cớ sao Bệ hạ không sai khiến mà phải liều long thể đến thế?” Vua đáp : “Vì tình yêu ! Ta yêu con ta, nó sắp chết mất và ta không thể đứng yên được”. Viên tể tướng ôn tồn giải thích: “Tâu Bệ hạ, Thiên Chúa cũng thế. Người cũng yêu nhân loại như cha yêu con. Người cũng không thể đứng yên nhìn con người đang chết mất trong tội lỗi. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su xuống trần và chịu nạn chịu chết để đền thay và cứu vớt nhân loại vậy”.
 
Ngày 06/03: Luật Lệ khi Ta yêu – Ta không cảm thấy nhọc nhằn – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
01:19 05/03/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:21 05/03/2024

14. Lương thực mà chúng ta ăn là để nuôi dưỡng thân thể chúng ta, bí tích Thánh Thể là để nuôi sống linh hồn chúng ta. Bởi vì giống như lương thực biến thành một phần thân thể của chúng ta, thì bí tích Thánh Thể đem chúng ta biến thành Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

(Thánh John of Toulouse)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:25 05/03/2024
96. PHỤNG CHỈ ĐIỀN TỪ

Thời nhà Tống có người nổi tiếng là Liễu Vĩnh Sơ Danh Tam Biến, không câu nệ tiểu tiết, quản nhiệm viên ngoại lang, đã tự mình làm một bài từ:

- “Lời của người tài hoa, tự là bạch y Liễu tướng” (ý là: người tài tử mặc dù vô công danh, cũng vào được trong triều với các đại thần, có thể lưu danh hậu thế).

Có người đem câu này của ông ta giới thiệu với triều đình, Tống Nhân Tông nói:

- “Hắn ta thích phong tiền nguyệt hạ thì để cho nó đi Điền Từ”.

Do đó mà Liễu Vĩnh mãi bất đắc chí, nên cũng không chú ý kiểm điểm lại hành vi của mình, tự gọi mình là “phụng chỉ Điền Từ Liễu Tam Biến”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 96:

Không ai có thể tự nhân mình là tài giỏi bởi vì như thế sẽ bị cho là kiêu ngạo, cũng không ai có thể tự nhiên mà trở thành tài giỏi nổi tiếng, nhưng cần phải học hành và tự mình rèn luyện thêm nhiều.

Thành công nào cũng phải bắt đầu từ sự quyết tâm và hăng say học tập, tiến bộ nào cũng phải có sự cố gắng làm bàn đạp để đi lên, bởi vì không một thành công hay tiến bộ nào mà không có mồ hôi và nước mắt đổ ra.

Người Ki-tô hữu nào cũng ước mong mình nên thánh như Liễu Vĩnh mong được đến triều đình để hội họp với các đại thần, nhưng muốn nên thánh mà không muốn tập luyện đi đàng nhân đức thì biết đường nào mà đi? Muốn nên thánh mà cứ thích tửu sắc trăng hoa thì làm sao mà để lòng yên tĩnh được...?

Đức Chúa Giê-su đã “phụng chỉ xuống trần” để cứu chuộc nhân loại mà không bất đắc chí, trái lại Ngài hoàn toàn tự nguyện và tự nguyện hy sinh mạng sống mình để thế gian được sống, đó chính là sự phụng chỉ trong yêu thương và vâng phục.

Đó chính là con đường mà người Ki-tô hữu phải đi qua mới thấy được “đường nên thánh” của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đỉnh cao toàn thiện
Lm. Minh Anh
15:07 05/03/2024
ĐỈNH CAO TOÀN THIỆN
“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn!”.

“Khi ngu khờ, bạn muốn chinh phục thế giới; khi khôn ngoan, bạn muốn chinh phục cái tôi! Cuộc sống không được đo bằng những gì giành được, nhưng bằng nỗ lực của toàn bộ xác hồn khi bạn biết yêu như Chúa yêu. Đó là đỉnh cao toàn thiện!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến lề luật, khuôn vàng thước ngọc, Thiên Chúa ban cho dân qua Môsê. Với Chúa Giêsu, ‘Môsê mới’, lề luật được kiện toàn nơi chính con người Ngài. Từ đó, Ngài trở nên mẫu mực cho tất cả những ai muốn mặc lấy ‘linh hồn mới’ của lề luật. Nói cách khác, ai nên giống Ngài, sẽ đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện!’.

Thừa lệnh Thiên Chúa, Môsê truyền cho dân các thánh chỉ của Ngài, ai tuân giữ thì “Được sống và được vào chiếm hữu phần đất Chúa hứa” - bài đọc một. Chúa Giêsu đến, “Không để bãi bỏ nhưng để kiện toàn”. Với Ngài, lề luật nay không chỉ được khắc trên bia đá hay da thuộc, nhưng được viết trong tim, chạm trong hồn; được nâng lên một tầm cao mới từ luân lý cho đến những định hướng phượng thờ. Bấy giờ, còn hơn cả việc chiếm hữu Đất Hứa, nó trở nên hồng ân giải thoát con người; từ đó, hướng tới một tầm cao mới. Nói cách khác, ai giữ luật theo tinh thần của Chúa Giêsu, sẽ nên giống Ngài, nghĩa là nên thánh; và như thế, đạt đến ‘đỉnh cao toàn thiện’.

Với Môsê, luật phát xuất từ những lý do nhân loại như “Ngươi không được giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối…”. Với Chúa Giêsu, Ngài đưa nó đi xa hơn, cao hơn; xa tận cõi lòng Thiên Chúa, tận tầm mức ân sủng. Không chỉ kêu gọi chúng ta tiến sâu hơn trong việc giữ luật, Ngài ban ân sủng để chúng ta hoàn thành chúng. Từ đó, “Ngươi không được giết người” chìm sâu vào mệnh lệnh tha thứ triệt để và tiến tới mức “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình”. Để đạt được tầm cao đó, tiến trình này phải là một tiến trình ‘được ân sủng nâng đỡ’. Có lý trí, có ước muốn mà không có ân sủng, không ai đạt đến tầm cao đó.

Anh Chị em,

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn!”. Đức Phanxicô nói, “Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách yêu thương chúng ta như một người say mê. Không phải ở mức tối thiểu mà ở mức tối đa! Ngài không nói: “Ta yêu con đến một mức độ nào đó”. Không, tình yêu đích thực không bao giờ đạt đến một mức độ nhất định và không bao giờ thoả mãn; nó luôn vượt ra ngoài và không thể làm khác được. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều này bằng cách hiến mạng sống trên thập giá và tha thứ cho những kẻ sát hại mình. Và Ngài đã giao phó cho chúng ta điều răn quý giá nhất, là chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Đây là tình yêu kiện toàn lề luật, mang lại sự viên mãn cho lề luật, cho đức tin, cho sự sống đích thực bằng việc kiện toàn lề luật, chịu lề luật bức hại đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hài lòng với những gì đạt được ở tầm thấp khi tuân giữ luật Chúa. Cho con biết vươn tới những ‘đỉnh cao toàn thiện’, đỉnh cao Giêsu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tĩnh tâm mùa chay 2024 : Hãy xé lòng, đừng xé áo.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:54 05/03/2024
Giảng tĩnh tâm Mùa Chay 2024 cho Hội Minh Viễn Tại Thế của Taiwan.

Chủ đề:

NẾU YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG THÌ HÃY XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO



Cha giảng: Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Mở đầu:

- Hát kinh Đức Chúa Thánh Thần.

- Đọc Lời Chúa trong sách tiên tri Giô-en: 2, 12-18.

“Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi”.

Bài trích sách Tiên tri Giô-en.

Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?

Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

THẬT YÊU THƯƠNG: HÃY XÉ TÂM HỒN

Mỗi người chỉ có một tâm hồn, nếu xé đi thì còn gì là tâm hồn nữa, mà tâm hồn thì được con người ta gán cho nhiều danh từ đẹp và xấu như: tâm hồn ăn uống, tâm hồn thoải mái, tâm hồn bi quan, tâm hồn lạc quan, tâm hồn phóng khoáng.v.v...

Thế nhưng ngay từ đầu mùa chay, Giáo Hội qua tiên tri Giô-en đã mời gọi chúng ta hãy xé lòng, tức là xé tâm hồn ra từng mảnh để thấy cuộc đời khi thất vọng đau thương thì càng cảm thấy cần đến tình thương của Thiên Chúa, bời vì khi chúng ta không còn biết nương tựa vào ai nữa thì cảm nhận được rằng, chỉ có Chúa mới là niềm cậy trông mà thôi. Chẳng hạn như trong cơn đại dịch Corona Vũ Hán, khi con người ta đi đến tận cùng của sợ hãi thì người ta tìm đến Thiên Chúa. Khi các nhà thờ của những người tin vào Chúa đóng lại và cấm cử hành các buổi thờ phượng chung, thì người ta -các tín hữu, càng cảm thấy mình cần đến Thiên Chúa hơn.

“Hãy xé lòng” tức là xé tâm hồn của mình giữa những hưởng thụ đam mê của cuộc sống, giữa những cô đơn và thất vọng, giữa dòng đời bon chen lừa đảo. Xé lòng không có nghĩa là như xé một tờ giấy hay một miếng vải, nhưng phải tưởng tượng mình đang xé tở bạc 500 ngàn đồng tiền Việt, hoặc xé 1000 đồng tiền Taiwan, hay 100 đồng đô la Mỹ...Bởi vì khi xé những đồng tiền với mệnh giá lớn như vậy thì chúng ta cảm thấy tiếc và không dám xé. Cũng vậy, xé tâm hồn là từ bỏ những thói quen mà chúng ta đã làm đã nói trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng Thiên Chúa có cách của Ngài để chúng ta xé tâm hồn mình để trở về với Chúa...

Cách của Thiên Chúa là nạn dịch Corona-Vũ Hán xảy ra để cảnh tỉnh nhân loại.

Và không kể những thời kỳ giáo hội bị bách hại, thì mùa chay năm 2020 là một mùa chay rất đặc biệt đậm nét chay tịnh, sám hối và ăn năn của người Ki-tô hữu trên khắp thế giới. Qua cơn đại dịch nguy hiểm này, con người ta mới nhận ra rằng mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc, chỉ cần một con virus cực nhỏ cũng có thể cướp đi sinh mạng của con người.

Yêu Thương tha nhân: Hãy xé bỏ lòng giận ghét.

Cuộc sống con người chỉ muốn người ta yêu mến mình, tâng bốc mình, nịnh bợ mình, nhưng lại ghét những ai nổi trội hơn mình, ghét những ai không về cùng phe cánh của mình, ghét những ai nói to nói nhỏ về mình.v.v...

Mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy xé lòng, tức là làm ngược lại những gì mà ước muốn xác thịt và ma quỷ đòi hỏi, đó là đem một tâm hồn hưởng thụ mà xé đi để ân sủng của Chúa kiến tạo lại đẹp hơn mới hơn.

Xé gì?

- Xé sự giận ghét chất chứa trong lòng vì những thành tựu của các anh em chị em trong cộng đoàn.

- Xé toang sự hiềm tỵ do lòng ghen ghét tha nhân mà có, sự hiềm tỵ này là chất độc làm cho tâm hồn của chúng ta chết dần tình yêu và sự thông cảm giữa người với nhau, nó như bệnh truyền nhiễm lây lan từ tâm hồn này đến tâm hồn khác, mà nếu ai không biết cầu nguyện thì sẽ không có lá chắn nào để ngăn chặn sự ô nhiễm độc hại bởi lòng ghen ghét.

- Sự ghen ghét này ngay từ thuở tạo dựng đã có, đó là Ca-in vì ghen ghét mà giết em mình là A-ben, rồi từ đó sự ghét ghen đã luôn trở thành khí cụ để ma quỷ phá hoại chương trình cứu độ của Thiên Chúa trên mỗi người chúng ta.

Trong cơn đại dịch corona-vuhan, khi lệnh cấm tụ họp chung, hạn chế đi ra ngoài đường, nội bất xuất ngoại bất nhập, đã khiến cho gia đình “đoàn tụ”, anh em chị em trong cộng đoàn có cơ hội để tiếp xúc gần gủi nhau nhiều hơn, lúc đó mọi người đều có thể hiểu biết thêm tâm hồn của anh em chị em mình nhiều hơn chút nữa, và khi đã hiểu nhau thì có sự cảm thông, có sự cảm thông thì dễ dàng bỏ qua những khuyết điểm của nhau, và tha thứ cho nhau. Và như thế lòng ghen ghét sẽ không có cơ hội chia rẽ mọi người trong gia đình hay trong cộng đoàn nữa.

Người có đời sống tu đức thì nhận ra trong cơn đau khổ vẫn nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc sống của con người.

Phục vụ tha nhân: Hãy xé bỏ sự kiêu ngạo trong lòng.

Đức Chúa Giê-su vì tội lỗi của chúng ta mà đã xuống thế làm người, chịu khổ hình thập giá, chịu chết và sống lại để chúng ta được sống đời đời, đó chính là ơn cứu độ của chúng ta.

Chính sự kiêu ngạo của các thiên thần đã hủy hoại chính mình không những trở thành ma quỷ và còn trở thành đối nghịch với Thiên Chúa.

Chính sự kiêu ngạo đã làm cho chúng ta –trong cuộc sống hằng ngày- trở thành đối nghịch với Thiên Chúa và với anh chị em mình, sự kiêu ngạo đã che mắt tâm hồn của mình để chúng ta không còn nhìn thấy những ưu điểm của anh chị em, không còn thấy thiện chí của tha nhân để cộng tác. Sự kiêu ngạo là hàng rào chắn kiên cố ngăn cách chúng ta không nhận thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, lại càng không chấp nhận giá trị việc làm của anh chị em, và dễ dàng phủ nhận những tài năng của tha nhân đã thực hiện...

Khi xé bỏ sự kiêu ngạo trong lòng thì chúng ta nhổ từng cái đinh nhọn do chính tội lỗi của chúng ta hoặc tội lỗi của người khác ra khỏi cây thập giá, để cho Đức Chúa Giê-su được “tự do” thực hiện ơn cứu độ nơi anh chị em của mình...

Quan trọng nhất trong đời sống tu đức, đó là sự kiêu ngạo làm cho chúng ta cảm thấy buồn bực khi anh em chị em tài giỏi hơn mình; sự kiêu ngạo làm cho mình cảm thấy mình là người quan trọng trong cộng đoàn mà coi thường khinh chê an hem chị em của mình; sự kiêu ngạo làm cho mình dễ dàng tranh chấp hơn thua không nhường nhịn với người khác, do đó mà có sự đau khổ trong tâm hồn…

Yêu mến Thiên Chúa: Hãy xé bỏ lòng chai đá cứng cỏi với ơn Chúa.

Thiên Chúa hằng yêu thương chúng ta, Ngài luôn ban ơn cho chúng ta trong cuộc sống để chúng ta làm tròn bổn phận của mình, đó là bổn phận của người con của Chúa. Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, là mẹ hiền của chúng ta, hằng năm Giáo Hội hội mở kho tàng ân sủng của Chúa ra để ban ơn cho con cái mình, nhất là trong Mùa Chay Thánh là mùa mà Chúa tuôn tràn ân huệ cho con cái Ngài gấp bội, để chúng ta trở về với Chúa, từ bỏ con người cũ của mình, chết cho tội và để sống lại với Đức Chúa Giê-su phục sinh.

Có rất nhiều lần chúng ta đã lòng chai dạ đá trước lời mời gọi hoán cải của Chúa, đã rất nhiều lần chúng ta đã nghe theo lời của thế gian, của những tư tưởng xấu bi quan trong mình mà không nghe lời của Chúa qua Giáo Hội, qua các chủ chăn và bề trên của mình để sống thỏa mãn với xác thịt mỏng dòn yếu đuối trước những cơn cám dỗ. Sự chai đá này có rất nhiều nguyên nhân, mà các nguyên nhân này thường làm cho chúng ta thờ ơ trước lời mời gọi của Chúa:

a/ Thiếu đời sống cầu nguyện.

Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Tại sao vậy, thưa vì là sự cám dỗ không phải chỉ đến một lần trong ngày, nó cũng không có nghỉ ngơi hay đình chiến, nhưng nó liên lĩ cám dỗ chúng ta rời xa Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và sẽ ban cho chúng ta phúc trường sinh Nước Trời; bởi vì ma quỷ là kẻ xảo quyệt nó không ngừng cám dỗ chúng ta dưới mọi hình thức, đó là lý do mà Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn.

Người luôn cầu nguyện không phải là các tu sĩ nam nữ sao, bởi vì các tu sĩ nam nữ là những người luôn ý thức được mình là người mỏng dòn dễ sa ngã, là người mà ma quỷ rất khó chịu, bởi vì mỗi một tu sĩ là một vị tướng, mỗi một người Ki-tô hữu là một chiến sĩ của Chúa đánh lại ma quỷ và những cám dỗ của chúng nó. Bởi vì khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta đang trò chuyện với Đức Chúa Giê-su đang ngự trong tâm hồn chúng ta, Ngài ở đó lắng nghe, ban ơn và an ủi chúng ta. Một con người cầu nguyện là người luôn có tâm hồn sẵn sàng nghe tiếng của Chúa phán qua mọi hoàn cảnh, là người nhạy bén với ơn Chúa trong cuộc sống của mình...

b/ Thiếu sự sốt sắng khi tham dự thánh lễ.

Thánh lễ là đỉnh cao của việc thờ phượng Thiên Chúa của Giáo Hội Công Giáo, là việc làm công khai của toàn thể dân Chúa trên thế gian này qua vị đại diện của Chúa, của Giáo Hội là các linh mục. Thánh lễ chính là suối nguồn tình yêu và ân sủng của Chúa tuôn đổ trên chúng ta qua lời cầu xin của Giáo Hội nhờ Đức Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha.

Thánh lễ dù là chúa nhật hay ngày thường thì cũng giá trị như nhau, là chính Đức Chúa Giê-su chủ tế và là của lễ dâng lên Chúa Cha xin Ngài tha tội và thương xót chúng ta.

Trong thánh lễ chúng ta được rước Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su là lương thực hằng sống nuôi linh hồn chúng ta, người Ki-tô hữu coi thường việc dâng thánh lễ là coi thường phúc trường sinh mà Đức Chúa Giê-su đã hứa, linh hồn họ không được sống khỏe mạnh vì không ăn Thịt và Máu của Đức Chúa Giê-su. Khi chúng ta rước lễ là chúng ta được kết hợp với Đức Chúa Giê-su, nghĩa là thịt của Đức Chúa Giê-su sẽ là thịt của chúng ta, máu của Ngài cũng sẽ là máu của chúng ta, như lời của Đức Chúa Giê-su dạy: ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì Ta sẽ ở trong người ấy và người ấy sẽ ở trong Ta. Lời hứa này đã được thực hiện khi chúng ta đi rước lễ kết hợp với Đức Chúa Giê-su trong Thánh Thể.



c/ Thiếu tính bác ái huynh đệ.

Giáo Hội là cộng đoàn dân thánh của Chúa, trong cộng đoàn này chúng ta đều là huynh đệ với nhau và được mời gọi nên thánh, từ trong cộng đoàn này chúng ta trở thành những chi thể của thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, mà đầu chính là Ngài.

Ngay từ thời buổi đầu của Giáo Hội, đời sống “một lòng một ý” của giáo dân đã làm cho họ trở nên mạnh mẽ trong đức tin và đức mến, họ sẵn sàng nâng đỡ nhau khi hoạn nạn gian nan và bị bắt bớ, họ không còn là những người xa lạ nữa, nhưng trong đức tin họ trở thành anh em chị em của nhau.

Khi trong cộng đoàn thiếu vắng tình huynh đệ thì cộng đoàn ấy sẽ trở thành miếng mồi ngon của ma quỷ và những thế lực chống phá Giáo Hội. Chính sự thiếu vắng tình bác ái với nhau mà những anh chị em trong cộng đoàn trở thành những người xa lạ, thậm chí coi nhau như kẻ thù, đó chính là một trong những nguyên nhân làm cho lòng dạ chúng ta chai đá trước lời nời gọi nhận lãnh ơn Chúa của Giáo Hội và của anh chị em mình. Không ai có thể tự mình nên thánh nếu không có ơn Chúa giúp, cũng vậy chúng ta chỉ thật sự nên thánh khi đời sống bác ái của chúng ta trỗi vượt hơn những người khác, nhờ đời sống cộng đoàn huynh đệ mà đức bác ái của mỗi người được thực hiện và thăng tiến, nhờ bác ái thăng tiến mà tâm hồn chúng ta dễ dàng đón nhận ơn thánh Chúa và tâm hồn chúng ta không còn chai lì nữa vì gương sáng của anh chị em trong cộng đoàn của mình.

YÊU THƯƠNG THÌ XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường nhìn cách ăn mặc của người khác để mà đánh giá con người của họ, mặc dù chúng ta biết rằng cái áo không làm nên thầy tu. Tuy cái áo không làm nên thầy tu, nhưng con người vẫn cứ luôn lấy cái áo làm thước đo lòng và đo độ cao danh vọng, nghèo hèn của người khác. Vì thế mà trong cuộc sống có nhiều người xé áo của mình để chứng tỏ mình là người công chính ngay thẳng, nhưng thật ra tâm hồn của họ đầy những gian dối và bất công.

Anh công nhân khoác lên mình cái áo công nhân và khi cần thiết cho cuộc trốn khỏi công ty, thì chỉ việc vứt bỏ cái áo hoặc xé bỏ nó để che giấu thân phận công nhân của mình; người bác sĩ sẽ rất dễ dàng cởi chiếc áo trắng bác sĩ của mình vì lợi ích cá nhân hơn là vì bệnh nhân; cũng có những người dâng mình làm tôi Chúa tuy khoác trên mình chiếc áo dòng hay chiếc áo chùng thâm đen, nhưng khi vì quyền lợi cá nhân, vì danh vọng, vì kiêu ngạo mà xé luôn cả áo tu sĩ của mình (nghĩa bóng).v.v...

Xé một cái áo đã cũ thì dễ dàng hơn xé cái áo mới.

Cũng vậy, người ta dễ dàng thề thốt lấy danh dự mình ra thề để che lấp cái xấu xa trong lòng mình, và con người ta thì chỉ nhìn vẻ bên ngoài để khen chê mà thôi, cho nên tiên tri Giô-en đã cảnh cáo chúng ta hãy xé lòng mà đừng xé áo, bởi vì có nhiều người xé áo của mình nhưng vẫn cứ sống như người không biết Thiên Chúa là ai.

Xé áo chính là lời thề thốt, xé áo chính là những cử điệu đạo đức bên ngoài, xé áo chính là lời xin lỗi gian dối để được lòng người, xé áo chính là miệng nói lời ngon ngọt nhưng trong lòng thì đầy cả bồ dao găm.v.v...hôm nay xé áo ngày mai mua lại cái mới hơn để lòe loẹt thiên hạ và anh chị em mình. Cũng có nghĩa là khi chúng ta chỉ xé cái áo bên ngoài, tức xé cái có thể xé và có thể mua lại, thì chẳng khác chi chúng ta miệng nói chừa bỏ, miệng nói xin lỗi nhưng sau đó thì vẫn cứ chứng nào tật đó không thay đổi.

Xé áo chỉ là hình thức

Ông thượng tế Cai pha đã xé áo mình (Mt 26, 65) để bày tỏ sự phẫn nộ và lên án Đức Chúa Giê-su vì Ngài cho mình có địa vị Thiên Chúa. Việc xé áo này cũng bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo và thị uy để khẳng định quyền bính của mình. Xé áo này không phải là sự khiêm tốn biết mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa và tha nhân.

Xé áo chỉ là che giấu lòng dạ xấu xa của mình

Có những người sẵn sàng xé cái áo mới của mình để chứng tỏ tâm hồn mình ngay thật, hoặc tâm hồn không có gì dối trá, nhưng bên trong tâm hồn chất chứa những mưu toan hại người. Xé toạc cái áo này thì đi mua cái áo khác để thế lại, cho nên cuộc sống của họ vẫn cứ ngày ngày mang mặt nạ để che giấu cái xấu xa trong tâm hồn của họ.

Có những người xé áo mới nhưng lòng không đau không tiếc, bởi vì cái áo đó không phải là của họ, họ xé áo nhưng lòng vui vẻ vì tưởng là che mắt được mọi người tâm hồn xấu xa của họ, cũng có nghĩa là họ đem trách nhiệm của mình đổ qua cho người khác.

Trong cuộc sống vì để che lấp che giấu một tâm hồn chai lỳ đón băng vì kiêu ngạo và ghen ghét, thì người ta sẵn sàng xé bỏ cái áo đẹp nhất của mình, để đánh lừa con mắt thế gian, nhưng họ sẽ không che giấu lừa được Thiên Chúa là đấng thấu suốt mọi sự.

Cho nên, Thiên Chúa không muốn chúng ta xé áo mình, Ngài cũng chẳng muốn chúng ta đứng trước mặt anh chị em mà xé toạc áo mình rồi tuyên bố tôi là người vô tội, vô can với người anh chị em của mình. Nhưng Chúa muốn tôi cứ mặc lấy áo của mình -dù là áo cũ, áo xấu xí- và xé tâm hồn của mình rướm máu vì những tội lỗi mà chúng ta xúc phạm đến Chúa và tha nhân.

Xé áo thì tâm hồn không đau mà chỉ tiếc cái áo mới mua, nhưng xé tâm hồn thì thân xác và tâm hồn cùng đau, nhưng là nỗi đau của vui mừng, nỗi đau của sự sống lại, bởi vì hạt lúa mì rơi xuống đất mà không mục nát thì sẽ không thể sinh nhiều hạt khác được...

Mùa chay thánh năm nay, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin ơn Chúa giúp để chúng ta cùng quyết tâm xé lòng mình chứ không xé áo, để chúng ta cùng chết và cùng sống lại với Đức Chúa Giê-su phục sinh.

Xét mình.

1/ Trong cuộc sống tôi có phân biệt được xé lòng và xé áo không?

2/ Cuộc sống có nhiều cám dỗ làm cho chúng ta không muốn nghe Lời Chúa dạy bảo, tôi có thật lòng xé lòng để nghe theo Lời Chúa không?

3/ Mùa chay đối với tôi có ích gì cho việc xé lòng xé áo không?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Cordileon của San Francisco phát động dự án tôn vinh và học hỏi các vị tử đạo của Chủ nghĩa Cộng sản
Vũ Văn An
15:50 05/03/2024

Tạp chí The Pillar, ngày 1 tháng 3, 2024 đăng tải bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Cordileon của San Francisco về việc phải làm nhiều hơn nữa để ghi dấu chứng tá của những người Công Giáo anh hùng chống lại chế độ toàn trị ở các quốc gia như Nicaragua và Trung Quốc.



Nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone được đưa ra khi Viện Benedict XVI của Tổng Giáo phận San Francisco triển khai một dự án mới nhằm tưởng nhớ các vị tử đạo của Chủ nghĩa Cộng sản.

Trong suốt thế kỷ 20, nhiều Hồng Y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã phải chịu sự đàn áp dưới bàn tay của các chế độ toàn trị Marxist.

Cuộc đàn áp vẫn tiếp tục ngày nay ở các quốc gia như Trung Quốc và Nicaragua, nơi chính phủ đặt ra những hạn chế khắc nghiệt đối với việc thực hành đức tin và bỏ tù những người Công Giáo vì làm chứng cho tự do tôn giáo và phẩm giá con người.

Trong khi nhiều vị tử đạo này được tưởng niệm theo từng quốc gia, dưới các danh mục như “các vị tử đạo của Trung Quốc”, viện này nói rằng việc phân loại, mặc dù hợp lý, có xu hướng chôn vùi những điểm chung của các vị tử đạo này và các anh hùng khác: đó là những người đàn ông và đàn bà của đức tin đã đứng lên trước các hệ tư tưởng toàn trị từng lan rộng trên hoàn cầu trong thế kỷ 20 và 21.

Nói chuyện với The Pillar, Đức Tổng Giám Mục San Franciso Salvatore Cordileone giải thích lý do tại sao ngài thấy cần phải công nhận, tưởng nhớ và tôn vinh chứng tá của các vị tử đạo của Chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới, và ngài nghĩ họ có thể dạy gì cho Giáo hội về việc chịu đựng sự bách hại.

Cuộc phỏng vấn này đã được chỉnh sửa để có độ dài và rõ ràng.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, ngài đang khởi động một dự án tưởng nhớ “Các vị Tử đạo của Chủ nghĩa Cộng sản”. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy như một chuyện của thế kỷ 20. Đây có phải là chuyện nhớ lại quá khứ hay không?

Quá khứ và hiện tại. Những hệ tư tưởng toàn trị Marxist này, chúng có những biểu hiện khác nhau, nhưng tất cả đều nói về việc nhà nước kiểm soát và đàn áp những người lên tiếng phản đối. Chủ nghĩa cộng sản là hình thức rõ ràng nhất và nó cũng có những hình thức khác.

Điều đó chắc chắn đang diễn ra trên thế giới ngày nay rất nhiều. Bạn thấy những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, những gì đang xảy ra ở Nicaragua. Nó vẫn còn ở với chúng ta ngày nay.

Và Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng đây là điều có tác động đặc biệt đến Giáo hội, hay Giáo hội có vai trò đặc biệt trong việc làm chứng chống lại kiểu áp bức này?

Đó là cả hai.

Có một tác động đặc biệt đối với Giáo hội. Giáo hội luôn là mục tiêu của các chế độ này vì Giáo hội sẵn sàng lên tiếng cho những người không có tiếng nói và bảo vệ người nghèo. Và người nghèo có xu hướng có đức tin và họ tin tưởng vào Giáo hội.

Sức mạnh của đức tin có thể chịu đựng được, như Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ cho chúng ta thấy, có thể lật đổ những chế độ tàn bạo này. Đó là điều cản trở những kẻ độc tài này nên họ luôn cố gắng hạ bệ Giáo hội.

Khi mọi người nói về "Chủ nghĩa Cộng sản" và các chế độ cộng sản, thuật ngữ này có thể trở thành hạn từ chung cho bất cứ điều gì liên quan đến các chính sách kinh tế cánh tả.

Nhưng Giáo hội phải nói gì về Chủ nghĩa Cộng sản thực sự và những biện pháp chữa trị thực sự cho người nghèo so với các loại chế độ mà Đức Tổng Giám Mục đang nêu bật?

Ở nước ta, chúng ta có những cuộc tranh luận về chính phủ lớn, chính phủ nhỏ, chính sách xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Câu trả lời của Giáo hội là tính bổ trợ. Mà chính những người ở cấp địa phương là những người nắm rõ tình hình nhất, có thể đưa ra những nhận định tốt nhất. Và vì vậy họ là những người cần được trao quyền để làm điều đó. Khi họ không thể làm được thì xã hội cao hơn sẽ hỗ trợ họ làm điều đó. Vì vậy, các gói cứu trợ trong thời kỳ COVID chẳng hạn, sẽ là một ví dụ về điều đó.

Tôi nghĩ đó là phản ứng của Giáo hội đối với vấn đề này. Đó không phải là chủ nghĩa tập thể hay chủ nghĩa cá nhân. Mà là ý nghĩa của bổ trợ. Hãy để xã hội nào gắn kết nhất với người dân làm người chăm sóc và quản lý họ.

Về mặt phẩm giá con người và tình liên đới, theo ngài điều gì là chứng tá chính yếu của Giáo hội được Giáo hội cung ứng nhưng bị một chính phủ chẳng hạn theo phong cách Marxist không công nhận và không thể cung ứng?

Chứng tá đó là con người không tồn tại vì lợi ích của nhà nước - toàn bộ danh tính của họ không bị ràng buộc bởi bản sắc của nhà nước.

Ngoài ra, nếu trong giáo huấn xã hội, Giáo hội ủng hộ một loại nền kinh tế thị trường tự do có nguyên tắc thì đó là nền kinh tế có nguyên tắc. Nếu nó không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc, thì điều đó cũng trở nên mất nhân tính khi cuối cùng nó cũng giống như việc con người được sử dụng như một phương tiện để đạt được mục đích. Chúng tôi làm bất cứ điều gì có thể để kiếm lợi nhuận.

Đáng buồn thay, chúng ta thấy điều đó đang xảy ra ở đất nước chúng ta ngày nay khiến bất cứ điều gì tạo ra lợi nhuận đều là những gì tốt và được thực hiện... Chúng ta thấy việc phá thai đã trở thành một ngành công nghiệp ở đất nước này - đó là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la.

Chúng ta là những hữu thể tinh thần cũng như thể chất, nhưng chúng ta cũng là những hữu thể xã hội. Chúng ta thực hiện sự cứu rỗi của mình trong bối cảnh xã hội và nơi làm việc là một trong những nơi ưu tuyển để chúng ta làm điều đó, nơi chúng ta có thể sử dụng ý chí của mình, kỹ năng và sự chăm chỉ của chúng ta để không chỉ kiếm tiền nuôi gia đình mà còn đóng góp cho ích chung.

Khi nói đến các vị tử đạo của chủ nghĩa cộng sản trong Giáo hội, ngài đặc biệt nghĩ tới ai?

Ngài có vị thánh hay vị tử đạo cụ thể nào, hay lớp thánh hay vị tử đạo nào mà ngài đặc biệt sùng mộ không?

Hầu hết những người tôi nghĩ đến không phải là những người thực sự đã chết mà là những người bị bách hại nặng nề.

Một trong những anh hùng vĩ đại của tôi luôn là Cha Walter Ciszek. Tôi đã đọc những câu chuyện của ngài với Chúa và nước Nga. Ngài truyền cảm hứng cho tôi với những gì ngài đã trải qua.

Các giám mục và Hồng Y vĩ đại trong chế độ Xô Viết cũng như dưới thời Đức Quốc xã - Đức Quốc xã, chúng ta hãy nhớ, chúng ta thích gọi nó là một hệ tư tưởng “cánh hữu”, nhưng hãy nhớ rằng tên đầy đủ của nó là: chủ nghĩa xã hội quốc gia. Vì vậy, một lần nữa, về cơ bản nó giống nhau.

Vì vậy, những người như [Clemens] von Galen, Hồng Y Mindszenty, Karol Wojtyła, những người đó luôn là những anh hùng vĩ đại của tôi. Cách đây vài năm, tôi đã giảng về Cha Anton Lull, một linh mục người Albania. Tôi đã nghe ngài làm chứng tại Thính đường Phaolô VI vào năm 1996. Đó là năm Đức Gioan Phaolô kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục và ngài đã mời tất cả các linh mục trên thế giới được thụ phong năm đó cùng cử hành lễ này với ngài.

Một người bạn của tôi ở giáo phận nơi tôi học cũng học lớp đó nên ngài đã đến để tôi có thể tham dự những sự kiện này. Và đó là Cha Anton Lull, ngài được thụ phong linh mục vào năm 46, ngay trước Lễ Giáng Sinh. Ngài bị chế độ cộng sản ở Albania bắt và tống vào tù. Và đó là nơi ngài trải qua Giáng sinh thứ hai trong tư cách linh mục. Và trong khoảng 20 năm tiếp theo, phần lớn thời gian đó ngài bị biệt giam.

Những câu chuyện cá ngài chia sẻ thật khủng khiếp, nhưng ngài là một người có niềm vui lớn lao. Ngài bị đánh đập, bị bức hại, bị tra tấn. Về cơ bản, Ngài ngủ trong phòng tắm, tiêu tiêu trên sàn nhà. Sau đó, ngài nói rằng sau khi được thả, ngài tình cờ gặp một trong những lính canh đã bách hại ngài dọc đường, và ngài nói: “Tôi đã ôm lấy anh ta và tha thứ cho anh ta.”

Đây là những anh hùng đã luôn truyền cảm hứng cho tôi và đó là những người hiện lên trong đầu tôi khi bạn hỏi tôi nghĩ đến ai.

Ngài đã yêu cầu Viện Benedict XVI, một tổ chức do ngài thành lập, xem xét một dự án kéo dài nhiều năm, kể lại câu chuyện của những vị tử đạo này. Đây có phải là để khuyến khích lòng sùng đạo ngoan đạo? Hay nó cũng là về giáo dục công cộng?

Con biết có một cuộc thăm dò mà ngài đã trích dẫn gợi ý rằng khoảng 30% “Thế hệ Z” hiện có quan điểm ủng hộ chủ nghĩa Mác. Điều đó hẳn là đáng báo động đối với ngài.


Đó là điều đáng báo động. Hôm qua tôi vừa nghe một số thanh niên được phỏng vấn trên NPR về thái độ của họ, về những gì đang xảy ra trong thế giới chính trị. Và một trong những mối lo ngại là [chống lại] việc phụ huynh có tiếng nói trong những gì con họ được dạy ở trường. Vì vậy, vâng, nó đáng báo động đối với tôi.

Vì vậy, sự sùng đạo, đúng. Nhưng tôi muốn nói chủ yếu là về giáo dục. Chúng ta cần lưu giữ những ký ức này và chúng ta cần trân trọng những di sản này. Chúng ta không thể để những ký ức này chết đi được. Nếu không, như người ta thường nói, “Chúng ta nhất định phải lặp lại điều đó”.

Vì vậy, chúng ta muốn giữ cho nó tồn tại và chúng ta muốn tôn vinh họ. Đây là những anh hùng của đức tin. Và vâng, chúng tôi muốn giáo dục mọi người về điều này.

Ngài thấy chương trình giáo dục này đang hình thành như thế nào? Viện Benedict XVI chủ yếu là một trung tâm nghệ thuật và phụng vụ.

Đúng. Dù sao, chúng ta sẽ sử dụng tất cả các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Đầu tiên sẽ là Thánh lễ tôi cử hành tại Miami vào ngày 15 tháng 3.

Điều này có thể nói phát triển từ việc chúng tôi ủy nhiệm nó cho viện Benedict XVI như một Thánh lễ dành cho Người vô gia cư, được các cư dân của chúng tôi đề nghị. Sau đó, James Matthew Wilson, nhà thơ thường trực làm việc với chúng tôi, đã viết một bài thơ trở thành lời cho bài thánh ca kính các vị tử đạo ở Ukraine. Vì vậy, chúng tôi đã mở rộng dự án thành Thánh lễ cầu nguyện cho những người bị lãng quên - những người bị xã hội lãng quên, vì họ nghèo và bị ruồng bỏ, như người vô gia cư, hoặc họ bị chính phủ đàn áp, hoặc họ nghiện ma túy, hoặc bất cứ tình huống nào, đó là Thánh lễ cầu nguyện cho những người bị lãng quên. Và chúng tôi sẽ hát bài thánh ca này cho các vị tử đạo Ukraine trong thánh lễ đó.

Và đối với những người Công Giáo bị thu hút bởi tất cả những điều này, làm thế nào họ có thể ủng hộ hoặc tham gia vào những gì ngài đang làm?

Tôi muốn họ duy trì kết nối với Viện Benedict XVI của chúng tôi, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Đây là lần ra mắt đầu tiên của toàn bộ dự án. Nhưng họ có thể lên mạng tại benedictinstitute.org và theo dõi tin tức về dự án “Tử đạo vì Chủ nghĩa Cộng sản” của chúng tôi.

Người ta có thể nghĩ thật kỳ lạ khi nhìn nó theo cách này, “Những người tử vì đạo của Chủ nghĩa Cộng sản”, nhưng đây mới là điều độc đáo, phải không? Giáo hội luôn phân loại các vị tử đạo theo quốc tịch của họ: các vị tử đạo Hàn Quốc, các vị tử đạo Việt Nam, các vị tử đạo Trung Quốc, các vị tử đạo Mexico. Nhưng điều này hơi khác một chút. Chúng tôi nhóm họ lại vì tất cả họ đều là nạn nhân của loại ý thức hệ đang bách hại Giáo hội và bách hại các nhà lãnh đạo trong Giáo hội, những vị sẵn sàng lên tiếng cho những người bị chế độ làm hại.

Những loại ý thức hệ Marxist khác nhau trong thế kỷ 20 và bây giờ là thế kỷ 21, nhưng đó là điểm chung của chúng.

Đó là di sản mà chúng ta cần ghi nhớ để tôn vinh và chúng ta cần noi gương dũng cảm của các ngài.
 
Hồng Y Angel Fernandez Artime SDB, hiện là Cha Bề trên cả của Tu hội Salediêng, sẽ được tấn phong Tổng Giám mục và là Hồng Y trong Thánh bộ Tu sĩ.
Thanh Quảng sdb
16:51 05/03/2024
Hồng Y Angel Fernandez Artime SDB, hiện là Cha Bề trên cả của Tu hội Salediêng, sẽ được tấn phong Tổng Giám mục và là Hồng Y trong Thánh bộ Tu sĩ.

(ANS - Rome) – Thứ Ba, ngày 5 tháng 3 năm 2024, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ángel Fernández Artime, SDB, đương kim bề trên bề trên cả của Tu hội Salêdiêng Don Bosco, trở thành Giám mục hiệu tòa Ursona, với đẳng cấp Tổng giám mục, nhân dịp lễ tấn phong giám mục của ngài dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 4 tới.

Cha Bề trên cả Ángel Fernández Artime, Người kế vị thứ mười của Don Bosco trông coi Tu hội Salêdiêng, Ngài được bầu chọn lần đầu tiên vào năm 2014 và sau đó được tái bầu lại vào năm 2020. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố vào buổi đọc kinh Truyền tin Chúa nhật ngày 9 tháng 7 năm 2023, là một trong số Hồng Y và được trao nhẫn Hồng Y trong Công nghị vào ngày 30 tháng 9 năm 2023.

Vào thứ Tư, ngày 4 tháng 10 năm 2023, ngài sẽ đảm nhận trách vụ đầu tiên tại Giáo triều Rôma, là thành viên của Thánh Bộ về Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Tông đồ (DIVCSVA).

Vào ngày 17 tháng 12 năm 2023, Hồng Y Fernández Artime đã lãnh nhận tước Hồng Y phó tế trông coi Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu ở đường Tuscolana, do chính Đức Giáo Hoàng trao phó.

Theo những dàn xếp với Tu hội Salêdiêng do Đức Thánh Cha sắp xếp thì Hồng Y Fernández Artime sẽ triệu tập Tổng Tu nghị lần thứ 29 (sẽ diễn ra từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 12 tháng 4 năm 2025), trong Tổng tu nghị này sẽ bầu chọn một người kế nhiệm ngài đứng đầu Tu hội Salêdiêng. Lúc đó ngài cũng chính thức kết thúc trách vụ là bề trên cả của tu hội để toàn thân toàn ý sẵn sàng phục vụ Đức Thánh Cha trong sứ mạng được giao phó cho ngài.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sống Mùa Chay 2024_Gx Tụy Hiền - Vạn Thắng Tgp Hà Nội
BTTGx. Tụy Hiền
06:30 05/03/2024
TUẦN TĨNH TÂM MÙA CHAY TẠI TUỴ HIỀN VÀ VẠN THẮNG TGP. HÀ NỘI

Xem Hình

Để mọi dân Chúa đón nhận được nhiều ơn Thánh và sống Mùa Chay Thánh cho nên. Cha xứ Antôn đã mời Cha Antôn Nguyễn Quốc Hưng DCTT về giúp cộng đoàn từ chiều Chúa nhật II (25/02/2024) Mùa Chay đến sáng Chúa nhật III (03/3/2024) Mùa Chay.

Trong những ngày này, Cha giảng phòng đã dành thời gian đến mỗi nơi tuỳ số người với sự đồng hành Cha xứ và Cha phó. Đông Mỹ 3 ngày, Tuỵ Hiền 1 ngày, Hà Đoạn Tiên Mai 1 ngày, Vạn Thắng 3 ngày.

Giáo dân có được giờ Chầu Thánh Thể, giờ xét mình, giờ hành hương kính Đức Mẹ, nghe giảng, lãnh Bí tích Hoà Giải, Bí tích xứ Dầu Bệnh Nhân và được thăm viếng.

Giáo dân có thói quen gần lễ Phục Sinh mới đi xưng tội, ít biết đến tĩnh tâm, nhất là lãnh nhận Bí tích Hoà Giải trước mấy tuần, đòi hỏi họ cố gắng sống đúng ý nghĩa của Mùa Chay hơn là gia tăng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ.

Kết thúc Tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay năm 2024 tại hai giáo xứ Tuỵ Hiền và Vạn Thắng Tgp. Hà Nội, mọi người ý thức được ý nghĩa của Mùa Chay hơn và xin ơn Chúa cố gắng tận dụng thời gian thuận tiện để kín múc ơn lành của Chúa vào trong tâm hồn.
 
Church Documents
Cẩm Yến 05/03/2024
VietCatholic Media
02:51 05/03/2024
1. Cuộc tấn công bằng thuyền không người lái của hải quân Crimea phá hủy tàu tuần tra trị giá 65 triệu Mỹ Kim mới nhất của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Naval Drone Attack Destroys Russia's Newest $65M Patrol Ship”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Kyiv cho biết lực lượng Ukraine đã phá hủy tàu tuần tra mới nhất của Hạm đội Hắc Hải của Nga, tàu Sergey Kotov, bằng cách sử dụng thuyền không người lái của hải quân trong một cuộc tấn công trong đêm.

“Tàu 'Sergey Kotov' của quân xâm lược đã bị phá hủy”, Thiếu Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của hải quân Ukraine cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 5 Tháng Ba.

Ông cho biết hoạt động này được thực hiện bởi lực lượng đặc biệt gọi là Nhóm 13 của Ukraine gần eo biển Kerch.

Tin tức về việc con tàu bị phá hủy đánh dấu đòn mới nhất giáng vào lực lượng của Putin. Hạm đội Hắc Hải của ông ta đã và đang bị Ukraine nhắm tới khi nước này tìm cách đảo ngược việc sáp nhập Crimea năm 2014 của nhà độc tài. Khu vực này là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine.

Theo hãng tin Unian, tàu tuần tra Dự án 22160 mới nhất của Nga có chi phí đóng khoảng 65 triệu Mỹ Kim và có thủy thủ đoàn 80 người, mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trên tàu.

Con tàu này trước đây được cho là đã được Nga sử dụng để thực thi lệnh phong tỏa Hắc Hải đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Thiếu Tá Dmytro Pletenchuk cho biết con tàu được đóng vào năm 2021 đã “hư hỏng nặng do hỏa hoạn ở vùng lãnh hải Ukraine và đang chìm dần”.

Ông cho biết thêm : “Do cuộc tấn công của thuyền không người lái Magura V5, tàu dự án 22160 'Sergey Kotov' của Nga đã bị hư hại ở đuôi tàu, bên phải và bên trái”.

Ukraine từng sử dụng thuyền không người lái Magura V5 trong các cuộc tấn công vào Hạm đội Hắc Hải trước đây, bao gồm cả vụ tấn công tàu đổ bộ lớp Ropucha Caesar Kunikov của Nga vào tháng trước.

“Nhiệm vụ diễn ra với sự hợp tác của Lực lượng Hải quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine và với sự hỗ trợ của Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine,” ông nói thêm.

Phát ngôn nhân tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov nói với Radio Liberty rằng Nga có “kế hoạch lắp đặt hệ thống hỏa tiễn phòng không trên con tàu này”.

Ông nói: “Càng ít tàu như vậy thì càng ít hệ thống hỏa tiễn phòng không được triển khai trên chúng và điều này có nghĩa là có nhiều cơ hội hơn cho lực lượng an ninh và phòng thủ Ukraine”.

Yusov cho biết đã có thương vong do vụ tấn công.

“Có người chết và bị thương. Tuy nhiên, có khả năng một phần thủy thủ đoàn đã di tản kịp. Xe cứu thương được biết là đã được đối phương gọi đến vùng đất gần nhất. Nghĩa là, hoạt động di tản vẫn được thực hiện”, Yusov nói thêm

Người dùng X có tên “Mặt trận Ukraine”, một blogger quân sự người Ukraine, nói rằng tàu Sergey Kotov được bàn giao cho Hạm đội Hắc Hải của Nga vào ngày 30 tháng 7 năm 2022, vài tháng sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

“Vậy đây là chiếc tàu mới nhất bị ảnh hưởng trong chiến tranh. Con tàu tiêu tốn ngân sách Nga 100 triệu Mỹ Kim. Hỏa tiễn cỡ nòng lớn và các loại vũ khí khác có thể được lắp đặt trên tàu”, blogger này nói.

“Các thuyền không người lái của hải quân Ukraine đã tấn công tàu tuần tra 'Sergey Kotov' của Nga tại cầu Kerch. 'Sergey Kotov' được xây dựng vào năm 2021,” Sergej Sulenny, người sáng lập tổ chức tư vấn Đức, Trung tâm Sáng kiến Phục hồi Âu Châu, viết trên X.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã chịu thương vong nặng nề trong suốt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine diễn ra ác liệt kể từ năm 2022. Soái hạm Moskva của hạm đội này đã bị tấn công và phá hủy vào tháng 4 năm đó. Vào tháng 9 năm 2023, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, được cho là đã giết chết một số sĩ quan lãnh đạo và hạ gục một tàu ngầm Nga.

Các chuyên gia thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang bắt tay vào chiến lược “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải như một phần trong các bước tiến tới giải phóng Crimea.

2. Trùm tình báo của lữ đoàn Nga tử trận ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Intelligence Chief for Russian Brigade Killed in Ukraine: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Lãnh đạo cơ quan tình báo của lữ đoàn khét tiếng “Hispaniola” của Nga được tường trình đã bị giết ở Ukraine.

Đại Tá Ukraine Anatoliy Shtefan nói rằng Vyacheslav Subbotin, còn được biết đến với biệt danh “Cuối tuần”, đã “xuất ngũ thành công”.

Ivan Polyansky, phóng viên của hãng truyền thông nhà nước Nga Russia Today, gọi tắt là RT, đưa tin rằng cái chết xảy ra vào Chúa Nhật và đang được chính quyền Nga “điều tra”, theo The New Voice of Ukraine.

Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, lưu ý trong một bài đăng gửi X rằng Subbotin đã “hứa sẽ mang cho trẻ em Nga chiếc tai của một chiến binh Azov” trước khi bị giết.

Vào Tháng Giêng, Gerashchenko đã chia sẻ một đoạn video Subbotin nói với những đứa trẻ Nga trên chiến trường rằng anh ta sẽ mang “một chiếc tai bị cắt rời của một người lính Ukraine từ Azov” đến “cho những bạn nào đạt điểm cao trong lớp”.

Mặc dù người ta cho rằng anh ta đã thiệt mạng trong trận chiến, nhưng hoàn cảnh chính xác về cái chết của Subbotin vẫn chưa được biết rõ vào thời điểm xuất bản. Newsweek đã đưa ra bình luận với Bộ Quốc phòng Nga qua email vào hôm Thứ Ba.

Lữ đoàn Hispaniola được cho là ban đầu bao gồm các “côn đồ” bóng đá bạo lực người Nga, thường liên kết chính trị với phe cực hữu, những người đã được tuyển dụng để chiến đấu trong cuộc xâm lược Ukraine của Putin.

Lữ đoàn được đặt tên theo biệt danh của người sáng lập và lãnh đạo hiện tại Stanislav Orlov, còn được gọi là “người Tây Ban Nha”. Orlov trước đây là thành viên của nhóm côn đồ “cực đoan” “Những chiến binh xanh đỏ”, những người ủng hộ đội bóng đá CSKA Mạc Tư Khoa.

Trang web tin tức độc lập Meduza có trụ sở tại Latvia đưa tin vào tháng 4 rằng các thành viên của lữ đoàn Hispaniola đã cảm thấy bị xúc phạm trong bài phát biểu tại một trường đại học ở Saint Petersburg sau khi một sinh viên chỉ ra những điểm tương đồng giữa biểu tượng đầu lâu xương chéo trên đồng phục của họ và biểu tượng được Đức Quốc xã sử dụng.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, hồi đầu năm cho biết nhóm này đã chuyển đổi thành một công ty quân sự tư nhân và bắt đầu tích cực tuyển dụng dưới sự giám sát của Đảng Nước Nga Thống nhất của Putin.

“Tại các trung tâm tuyển dụng của Hispaniola hoạt động trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, các tình nguyện viên được hứa trả 220.000 rúp, tức là khoảng 2.400 Mỹ Kim, mỗi tháng để tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến chống lại Ukraine,” GUR nêu trong một thông cáo vào thời điểm đó. “Hợp đồng ít nhất có thời hạn nửa năm.”

“Tuy nhiên, động lực tài chính chỉ đóng vai trò như một lớp vỏ bọc. Đối với hầu hết các tân binh, trận chiến đầu tiên là tấm vé một chiều. Người Nga không nhận những người chết và bị thương nặng trong số 'bia đỡ đạn' được tuyển dụng từ chiến trường, họ đưa họ vào danh sách 'người mất tích' để không trả cho người thân những đồng tiền cho người trụ cột gia đình được Mạc Tư Khoa cử đến chết.

Theo GUR, gia đình của Subbotin có thể mong đợi sẽ sớm nhận được khoản thanh toán 5 triệu rúp hay 54.650 Mỹ Kim cho cái chết của anh ta, vì Mạc Tư Khoa đang đề nghị số tiền này như một “khoản thanh toán bảo hiểm” cho các trường hợp tử vong của lữ đoàn Hispaniola.
 
VietCatholic TV
Oanh liệt: Ukraine đánh sập cầu ở Nga cắt đường tiếp tế quân Putin. 7000 quân, 100 xe tăng Nga ra đi
VietCatholic Media
01:50 05/03/2024


1. Vụ nổ làm hư hỏng cây cầu hỏa xa quan trọng của Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Explosion damages key Russian railway bridge”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cây cầu hỏa xa ở vùng Samara của Nga đã bị hư hại do vụ nổ hôm thứ Hai, khiến giao thông hỏa xa bị đình trệ.

Theo các hãng thông tấn Nga, các nhà khai thác hỏa xa cho biết “sự can thiệp bất hợp pháp của những người không có thẩm quyền” đã làm hư hại trụ cầu bắc qua sông Chapaevka, phía tây nam nước Nga.

TASS, trích dẫn các dịch vụ vận hành, đưa tin rằng “sức công phá của thiết bị nổ” đã gây ra thiệt hại.

Tình báo Ukraine xác nhận vụ nổ và cho biết cây cầu được sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Ba, 5 Tháng Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết, “vào khoảng 6 giờ sáng ngày 4 tháng 3 năm 2024, cây cầu đã bị hư hại do bị nổ tung các công trình điện”.

Ông cho biết như trên mặc dù không nhận trách nhiệm cụ thể cho cuộc tấn công. Khi được hỏi ai gây ra vụ nổ, Yusov chỉ mỉm cười và nói rằng:

“Tuyến hỏa xa được nhà nước xâm lược sử dụng để vận chuyển hàng hóa quân sự, bao gồm cả đạn dược kỹ thuật,” từ một nhà máy ở thành phố gần đó.

Ông nói thêm: “Do tính chất hư hỏng của cầu hỏa xa, việc sử dụng nó trong thời gian dài sẽ không thể thực hiện được”.

“Giao thông hỏa xa trên đoạn này đã bị đình chỉ. Do sự việc này, dự kiến các chuyến tàu chở khách và tàu ra vào từ các vùng ngoại ô sẽ bị chậm trễ”, các nhà điều hành hỏa xa Nga cho biết và cho biết thêm rằng không có thương vong.

Viện trợ từ Hoa Kỳ cho Kyiv đã bị ngưng từ Tháng Mười, năm ngoái cho đến nay và chưa thấy có triển vọng cụ thể cho việc tái tục viện trợ từ Hoa Kỳ. Chính vì thế, trong bối cảnh này, nếu Kyiv không đánh mạnh vào các tuyến hậu cần của Nga, nhiều khả năng người Nga sẽ đánh chết họ.

2. Baerbock kêu gọi chính quyền liên minh Đức 'xem xét kỹ lưỡng' việc giao hỏa tiễn Taurus cho Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Baerbock urges German coalition to ‘intensively consider’ Taurus deliveries to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm thứ Hai kêu gọi chính phủ của cô “xem xét kỹ lưỡng” khả năng chuyển giao hỏa tiễn hành trình Taurus cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng “sự thật là rất, rất rõ ràng”.

Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Montenegro, Baerbock nói rằng Đức nên nghĩ đến việc gửi “tất cả vật liệu” tới Ukraine có thể giúp nước này bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ người dân của mình.

Câu trả lời của cô được đưa ra để trả lời câu hỏi liệu cô có đồng ý với lập luận của Scholz rằng Berlin không thể gửi hỏa tiễn hành trình đường dài vì điều này đòi hỏi sự hiện diện của quân đội Đức trên đất Ukraine.

Tuy nhiên, Scholz hôm nay nhắc lại sự phản đối của ông đối với việc gửi hỏa tiễn và nói rõ rằng việc đưa ra quyết định cuối cùng là tùy thuộc vào ông.

“Tôi là thủ tướng, và do đó quyết định cuối cùng là của tôi,” ông nói trong chuyến thăm Sindelfingen, phía tây nam nước Đức.

3. Ukraine bắn hạ 14 chiến đấu cơ của Nga trong hai tuần, quân đội cho biết

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Downs 14 Russian Fighter Jets in Two Weeks, Military Says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, Ukraine đã hạ gục 14 máy bay phản lực của Nga trong hai tuần, gây tổn thất nặng nề cho phi đội máy bay của mình ngay cả khi lực lượng mặt đất của Mạc Tư Khoa tiến về phía tây qua tiền tuyến ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Hôm thứ Bảy, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-34 của Nga, chỉ một ngày sau khi Kyiv cho biết họ đã hạ gục một chiếc Su-34 khác gần thành phố Mariupol phía nam do Nga kiểm soát vào khoảng 9 giờ sáng giờ địa phương.

Hôm thứ Năm, Kyiv cho biết lực lượng không quân của họ đã phá hủy 10 chiếc Su-34 và 2 chiếc Su-35 kể từ ngày 17 tháng 2. Ukraine cũng phá hủy một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50 vào ngày 23 tháng 2. Chiếc máy bay A-50 được đánh giá cao và đắt tiền này giúp Nga phối hợp tấn công bằng chiến đấu cơ của Nga.

Mặc dù lực lượng không quân của Nga lớn hơn và tiên tiến hơn nhiều so với Ukraine nhưng những tổn thất được báo cáo vẫn khiến Điện Cẩm Linh phải tổn thất nặng nề. Việc bắn hạ số lượng máy bay phản lực ở mức hai con số trong vài tuần là sự tương phản rõ rệt với những lợi ích về lãnh thổ mà Nga đã giành được với lực lượng mặt đất của mình trong những tuần gần đây, bao gồm cả việc chiếm được thành phố chiến lược Avdiivka của Donetsk ở tiền tuyến phía đông.

Đánh giá của phương Tây vào cuối tuần này cho thấy Nga đã tiến dọc theo tiền tuyến phía đông bắc, phía tây và phía nam thành phố Kreminna do Mạc Tư Khoa kiểm soát, cũng như phía tây Avdiivka và chống lại các lực lượng Ukraine gần sông Dnipro ở khu vực Kherson phía nam Ukraine.

Cùng với việc mất đi những chiếc máy bay đắt tiền và có giá trị, Nga cũng sẽ mất đi những chuyên môn quan trọng khi các phi công thiệt mạng khi máy bay rơi.

Nhưng “các lực lượng Nga dường như sẵn sàng mạo hiểm với tổn thất hàng không liên tục để theo đuổi lợi ích chiến thuật ở miền đông Ukraine”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Mỹ đánh giá hôm thứ Bảy.

Mạc Tư Khoa có thể đang cố gắng tái lập ưu thế trên không xung quanh Avdiivka để hỗ trợ những tiến bộ chiến thuật của mình, đánh giá rằng “các hoạt động tấn công tiếp tục với sự hỗ trợ của không quân sẽ lớn hơn nguy cơ mất thêm máy bay”, tổ chức nghiên cứu này cho biết trong đánh giá mới nhất của mình.

Viện nghiên cứu cho biết thêm, Nga có thể có khoảng 300 chiến đấu cơ Sukhoi, bao gồm cả các mẫu Su-34 và Su-35.

Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết Mạc Tư Khoa đã tránh triển khai bất kỳ chiếc A-50 nào còn lại quanh Biển Azov trong những ngày gần đây, người đã đề nghị các chiến đấu cơ của Nga cần “bay gần hơn” tới mục tiêu của họ để thả bom trên không.

Nga tăng cường sử dụng bom lượn để chiếm Avdiivka, áp đảo lực lượng phòng thủ Ukraine ở thành trì cũ trước khi Kyiv rút quân vào giữa tháng 2.

4. Phản công mà không có pháo binh, xe tăng M-1 Abrams của Ukraine bị lộ và chịu tổn thất

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Counterattacking Without Artillery, The Ukrainians’ M-1 Abrams Tanks Are Exposed—And Taking Losses”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Chiến đấu để ngăn chặn bước tiến của quân Nga về phía tây khu tàn tích Avdiivka ở miền đông Ukraine, Lữ đoàn cơ giới số 47 của quân đội Ukraine đã mất thêm một cặp xe thiết giáp tốt nhất do Mỹ sản xuất: một xe tăng M-1 Abrams và một xe công binh phá mìn.

Những tổn thất có thể không phải là vĩnh viễn: đặc biệt là chiếc M-1 có thể được phục hồi nếu các kỹ sư có thể tiếp cận nó trước khi máy bay không người lái của Nga làm được. Nhưng sự mất mát, dù chỉ là tạm thời, càng nhấn mạnh tính khốc liệt của trận chiến ở Berdychi.

Hai tuần sau khi quân đồn trú Ukraine thiếu đạn dược phải rút lui khỏi Avdiivka, một thành trì cũ của Ukraine ngay phía tây bắc Donetsk bị Nga tạm chiếm ở miền đông Ukraine, Tập đoàn quân vũ trang hỗn hợp số 2 và 41 của Nga đã chuyển sự chú ý sang Berdychi và các thị trấn khác ở phía tây Avdiivka.

Lữ đoàn 47—đơn vị điều hành chính các xe thiết giáp bánh xích của Ukraine, ban đầu bao gồm 31 chiếc M-1, 90 xe chiến đấu bộ binh M-2 Bradley và có lẽ là sáu chiếc xe phá mìn—đã rút lui khỏi Stepove, trên sườn phía bắc Avdiivka, và thành lập một căn cứ quân sự mới, là tuyến phòng thủ ở Berdychi, năm dặm về phía tây.

Ở đó, họ đã gặp các nhóm tấn công của Nga triển khai chiến thuật kiểu banzai. Mỗi cuộc tấn công của Nga đều liên quan đến một số nhóm phương tiện chiến đấu – gần đây là những chiếc BTR-80 có bánh lốp – sau các đợt oanh tạc dữ dội từ trên không của chiến binh-ném bom của lực lượng không quân Nga, ném bom lượn 2.200 pound, hướng về phía phòng tuyến của Ukraine.

Các tổ lái BTR trên thực tế đã thách thức người Ukraine bắn một số loại đạn pháo đang cạn dần của họ, vốn đang thiếu hụt trầm trọng kể từ khi Quốc hội Hoa Kỳ cắt viện trợ của Mỹ cho Ukraine bắt đầu từ tháng 10.

Các phương tiện thả bộ binh xuống một vị trí có thể phòng thủ nào đó - thường là một tòa nhà bỏ hoang - rồi phóng đi. Bộ binh chuẩn bị sẵn sàng cho các máy bay không người lái có chất nổ đang lao tới cũng như cuộc phản công không thể tránh khỏi của Ukraine trong khi chờ đợi nhóm tấn công thứ hai, thứ ba và thậm chí thứ tư của Nga tham gia cùng họ.

Mục tiêu của người Nga là đưa đủ quân để tạo chỗ trú ẩn bên trong phòng tuyến của Ukraine. Mục tiêu của quân Ukraine là tiêu diệt quân tấn công Nga ngay khi chúng đến. Đối với Lữ đoàn 47, điều đó có nghĩa là triển khai M-1 và M-2 dưới sự yểm trợ của máy bay không người lái — và được hỗ trợ bởi các xe phá mìn đang rà phá bom mìn — để áp sát bộ binh Nga được hỗ trợ nhẹ.

Đây là công việc nguy hiểm đối với những người lính mệt mỏi của Lữ đoàn 47, những người đã chiến đấu không ngừng nghỉ trong 9 tháng. Chỉ trong hai tuần qua, lữ đoàn đã mất hai chiếc M-1, một số chiếc M-2 và hai chiếc xe phá mìn: có lẽ là 5% số xe thiết giáp tốt nhất của họ. Không rõ có bao nhiêu thủy thủ đoàn đã thoát ra ngoài trước khi xe của họ bị đốt cháy.

Nhưng Lữ Đoàn 47 đang gây ra nhiều tổn thất hơn những gì nó nhận được. Có một số video mô tả các cuộc phản công gần đây của M-2 dẫn đến việc các phương tiện chiến đấu bị phá hủy, với pháo tự động 25 ly, và hàng ngàn bộ binh Nga tử trận một ngày.

Berdychi là như vậy, theo Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov đưa tin hôm Chúa Nhật: “Đối phương đang sử dụng Stepove làm điểm phát động cho cuộc tấn công vào Berdychi, tuy nhiên một số đơn vị tấn công của họ đã bị lực lượng của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 47 đẩy lùi”.

Nhưng rõ ràng là tình trạng thiếu pháo binh của Lữ đoàn 47 đang buộc họ phải chiến đấu ở cự ly gần thay vì ở xa — và mạo hiểm sử dụng M-1, M-2 và xe phá mìn.

Lữ Đoàn 47 có thể cầm cự được bao lâu? Hy vọng đủ lâu để hàng triệu quả đạn pháo - mà Liên minh Âu Châu và Cộng hòa Tiệp đang chuẩn bị vận chuyển - cuối cùng sẽ đến Ukraine trong những tuần tới. Và nếu lữ đoàn có thể trụ vững thêm vài tuần sau đó, họ cũng có thể bắt đầu nhận được đạn pháo từ Hoa Kỳ.

Đó là bởi vì, dưới áp lực ngày càng tăng từ gần như toàn bộ thế giới tự do cũng như từ một số nhà lập pháp ôn hòa, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Mike Johnson đã ra hiệu rằng cuối cùng ông có thể cho phép một cuộc bỏ phiếu về viện trợ mới cho Ukraine vào một thời điểm nào đó, vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.

5. Truyền thông nhà nước Nga cho biết tòa nhà chung cư ở St Petersburg bị hư hại trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Hãng thông tấn nhà nước Nga cho biết một chiếc máy bay không người lái đã đâm vào một tòa nhà chung cư ở St. Petersburg.

Hãng tin AP trích dẫn một báo cáo của RIA Novosti cho biết sáu người đã được trợ giúp y tế sau vụ nổ vào cuối tuần qua, trích dẫn dịch vụ báo chí của ủy ban chăm sóc sức khỏe thành phố.

Trang tin Mash cho biết tòa nhà chung cư đã bị máy bay không người lái của Ukraine / tấn công - một tuyên bố không thể được xác minh bởi AP

Trang này đăng tải đoạn video ghi lại khoảnh khắc tòa nhà chung cư bị tấn công, cho thấy một tia sáng mạnh nhấn chìm một bên tòa nhà và các mảnh vỡ bay lên không trung.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về vụ việc.

6. Nga mất gần 7.000 quân và 100 xe tăng trong một tuần: Kyiv

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Loses Nearly 7,000 Troops and 100 Tanks in a Week: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo quân đội Ukraine, Nga đã mất gần 7.000 quân, 98 xe tăng và hơn 200 hệ thống pháo binh trong tuần qua khi Mạc Tư Khoa tiến vào một số điểm dọc chiến tuyến.

Quân đội Kyiv cho biết trong số liệu thống kê cập nhật hôm Chúa Nhật rằng Mạc Tư Khoa đã mất tổng cộng 416.800 quân kể từ tháng 2 năm 2022. Ukraine cho biết Nga cũng đã mất 6.640 xe tăng trong hơn 2 năm chiến tranh toàn diện và 10.188 hệ thống pháo binh.

Số lượng thương vong chính xác và tổn thất thiết bị nổi tiếng là khó xác định. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Không hoàn toàn rõ ràng quân đội Ukraine tính toán con số cập nhật hàng ngày về tổn thất nhân sự của Nga như thế nào. Tuy nhiên, nếu nó bao gồm tổng số thương vong, cũng như các chiến binh Nga mất tích hoặc chết trong hoàn cảnh không chiến đấu, thì đó là một con số “hoàn toàn hợp lý”, Nick Reynolds, nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Royal United Services có trụ sở tại Luân Đôn. Viện nghiên cứu, nói với Newsweek vào tháng trước.

Những số liệu này đưa ra một cái nhìn sâu sắc về tổn thất mà quân đội Nga phải gánh chịu trong những năm chiến tranh. Vào cuối Tháng Giêng, Bộ trưởng lực lượng vũ trang Anh, James Heappey, nói với các nhà lập pháp Anh rằng Nga đã gây ra khoảng 350.000 thương vong ở Ukraine, không bao gồm các tay súng đánh thuê.

Điện Cẩm Linh hiếm khi bình luận về số lượng thương vong của mình và Kyiv chỉ đưa ra những cập nhật lẻ tẻ về những tổn thất của chính mình.

Nga không công bố con số thiệt hại được cho là của Ukraine, nhưng Mạc Tư Khoa hôm Chúa Nhật cho biết Ukraine đã mất gần 1.000 binh sĩ trong 24 giờ trước đó. Newsweek đã liên hệ với quân đội Ukraine để yêu cầu bình luận qua email.

Vào cuối tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong hơn hai năm giao tranh.

Vào tháng 8 năm 2023, các quan chức Mỹ nói với The New York Times rằng khoảng 70.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và có tới 120.000 người bị thương.

Những tổn thất xảy ra khi Nga tiến tới một số điểm dọc theo chiến tuyến hiện tại ở miền đông và miền nam Ukraine, giành lãnh thổ từ tay các lực lượng Ukraine đang chờ đợi thêm viện trợ từ những người ủng hộ phương Tây.

Nga đã tuyên bố chủ quyền với thành trì Avdiivka trước đây của Ukraine ở vùng Donetsk phía đông nước này vào tháng trước. Trong những tuần kể từ đó, Nga đã tiến về phía tây, chiếm được một số thị trấn, bao gồm Stepove, Lastochkyne và Sieverne.

Hôm Chúa Nhật, quân đội Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi hơn chục cuộc tấn công trong 24 giờ qua, bao gồm xung quanh Orlivka, phía tây bắc Lastochkyne và Berdychi, phía bắc Orlivka. Nga hôm Chúa Nhật cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi 11 cuộc phản công của Ukraine, bao gồm cả xung quanh Orlivka và Berdychi.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, hôm thứ Bảy cho biết đoạn phim được định vị địa lý cho thấy lực lượng Nga đã tiến vào miền trung và miền đông Orlivka trong những ngày gần đây.

“Bộ chỉ huy quân sự Nga được cho là đang cam kết bổ sung các yếu tố cho các hoạt động tấn công ở phía tây Avdiivka, điều này cho thấy thêm rằng các lực lượng Nga có ý định tiếp tục nỗ lực tiến xa nhất có thể trước khi lực lượng Ukraine thiết lập các tuyến phòng thủ khó xuyên thủng hơn”, tổ chức nghiên cứu lập luận trong bài viết trên. đánh giá mới nhất của nó.

Quân đội Mạc Tư Khoa cũng đã tiến về phía tây và phía nam thành phố Kreminna do Nga kiểm soát, ISW cho biết hôm thứ Bảy, bao gồm cả phía đông làng Terny. Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công xung quanh Terny và làng Tabaivka, phía tây bắc thành phố Svatove do Mạc Tư Khoa kiểm soát.

ISW trước đây gọi các hoạt động gia tăng của Nga xung quanh Svatove, Kreminna và Kupiansk – một trung tâm hỏa xa quan trọng – là “hoạt động tấn công đa trục gắn kết”.

Nga đang “có một số thành công” trong lĩnh vực tiền tuyến này, chỉ huy Lữ đoàn 13 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine nói với Newsweek hôm thứ Ba.

ISW cho biết hôm thứ Bảy rằng Mạc Tư Khoa cũng đã đạt được một số lợi ích ở làng Krynky, trên bờ đông sông Dnipro ở vùng Kherson, nơi Ukraine đang nỗ lực mở rộng quyền kiểm soát.

7. Nỗi lo về cuộc xâm lược sắp xảy ra của Nga dấy lên ở nước Âu Châu

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Fears of Imminent Russian Invasion Sparked in European Country”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các quan chức ở Transnistria, khu vực ly khai thân Nga ở Moldova, đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi trong đó họ kêu gọi Mạc Tư Khoa giúp đỡ về an ninh.

Đã có báo cáo cho rằng hội đồng đại biểu khu vực có thể kêu gọi Nga sáp nhập Transnistria, nơi quân đội Nga đã đóng quân, gây ra mối đe dọa an ninh cho Moldova khi cuộc chiến ở nước láng giềng Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt.

Trong khi họ không làm điều đó, các quan chức đã kêu gọi Hội đồng Liên bang và quốc hội Nga thường được gọi là Duma Quốc gia giúp bảo vệ khu vực “trước áp lực ngày càng tăng từ Moldova”, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin.

Đơn yêu cầu đề cập đến “tư cách của người bảo lãnh và hòa giải” của Nga đối với Moldova, trong đó Chisinau bị cáo buộc phá hủy nền kinh tế của khu vực ly khai và vi phạm các quyền tự do của người dân nước này.

Tài liệu được 600 đại biểu đại diện cho quốc hội và hội đồng thành phố, quận và làng đồng ý, cho biết Transnistria sẽ “đấu tranh cho bản sắc riêng cũng như quyền và lợi ích” của người dân.

Dionis Cenusa, nhà phân tích rủi ro của Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu có trụ sở tại Lithuania, nói với Newsweek rằng tuyên bố này “được đặc biệt chú ý ở phần liên quan đến yêu cầu đối với Nga” và “có giọng điệu ôn hòa liên quan đến việc lên án Chisinau”.

Tuy nhiên, tài liệu này đã làm dấy lên suy đoán về những gì Nga có thể làm tiếp theo, do nước này đã can thiệp vào khu vực Donbas của Ukraine trước cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào nước này.

“Transnistria đang phối hợp với đối phương để khởi động kịch bản Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk và Cộng hòa Nhân Dân Luhansk ở Moldova,” nhóm truyền thông công dân Ukraine Front Lines đăng trên X, đề cập đến cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk liên kết với Mạc Tư Khoa mà Putin sau đó đã tuyên bố là những vùng lãnh thổ bị sáp nhập.

Bài viết nói thêm: “Ukraine nên nói rõ rằng các lực lượng Nga ở Transnistria là mục tiêu hợp pháp của Ukraine và bộ chỉ huy quân sự của chúng tôi nên sẵn sàng giúp Moldova giải phóng Transnistria khỏi các lực lượng Nga”.

Người dùng X Jürgen Nauditt, đã đăng: “Transnistria hôm nay quay sang Nga để 'giúp đỡ…Các phương tiện truyền thông của nước xâm lược đã phổ biến một đoạn của dự thảo nghị quyết mà các đại biểu nói về 'áp lực' từ Moldova.”

Tác giả và nhà báo, Pekka Virkki, đã viết trên X: “Khi Tập thể phương Tây tiếp tục do dự, sự xâm lược của Nga tiến triển nhanh hơn hầu hết chúng ta dự đoán...đây có phải là thời điểm thích hợp để Ukraine và Moldova đánh phủ đầu và giải tỏa Transnistria?”

Moldova không có quyền kiểm soát Transnistria, quốc gia tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ, dẫn đến sự can thiệp của Mạc Tư Khoa.

Quân đội Nga vẫn ở trong khu vực mà cả Mạc Tư Khoa lẫn cộng đồng quốc tế đều không công nhận nền độc lập của mình.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết trong tuần này rằng bài phát biểu của Vladimir Putin vào tháng 11 năm 2023 về “thế giới Nga” cho thấy ông coi những người nói tiếng Nga và những người ở các quốc gia hậu Xô Viết như Moldova đang xâm lược một phần lãnh thổ lịch sử hợp pháp của Mạc Tư Khoa.

Viện nghiên cứu cho biết Điện Cẩm Linh coi Transnistria là một công cụ để thực hiện các hoạt động chiến tranh hỗn hợp chống lại Moldova và Ukraine, cũng như gây bất ổn cho NATO.

8. Hơn 20 khu định cư ở tỉnh Kharkiv phía đông Ukraine được cho là đã hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo và súng cối của Nga.

Thống đốc khu vực Kharkiv sáng nay cho biết tỉnh miền đông Ukraine đã hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo và súng cối của Nga, trong khi các tòa nhà cao tầng ở thủ phủ khu vực, còn được gọi là Kharkiv, bị hư hại do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Ông cho biết không có thương vong nhưng có 3 người bị “phản ứng căng thẳng cấp tính”.

Theo Lực lượng Vũ trang nước này, trên khắp đất nước, lực lượng phòng không đã bắn hạ 14 trong số 17 máy bay không người lái được phóng tới Ukraine.

Trong khi đó, tại vùng Kherson bị tạm chiếm một phần, AP đưa tin rằng trận pháo kích của Nga đã giết chết một người đàn ông 53 tuổi vào sáng thứ Bảy.

9. Đức điều tra vụ rò rỉ ở Nga đoạn ghi âm được cho là ghi lại cuộc đàm phán về viện trợ Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Germany investigating leak in Russia of audio purportedly showing talks on Ukraine aid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền Đức đang điều tra vụ rò rỉ đoạn ghi âm trong đó các sĩ quan quân đội Đức cố tình thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả khả năng sử dụng hỏa tiễn Taurus.

Thủ tướng Olaf Scholz gọi đây là “vấn đề rất nghiêm trọng” sau khi đoạn ghi âm được công bố ở Nga, đồng thời nói thêm rằng chính phủ Đức đang nỗ lực làm rõ vụ việc “rất cẩn thận, rất sâu sắc và rất nhanh chóng”.

Trong đoạn ghi âm dài 38 phút do cơ quan truyền thông nhà nước Nga Russia Today công bố, các sĩ quan quân đội thảo luận về câu hỏi Ukraine có thể sử dụng hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus như thế nào, hãng tin AP đưa tin. Berlin đã miễn cưỡng cung cấp cho Kyiv những hỏa tiễn cực mạnh, một vấn đề đang gây ra tranh cãi trong liên minh chính phủ của nước này.

Cuộc tranh luận về viện trợ cho Ukraine đang nóng lên ở Berlin khi Ukraine phải đối mặt với những thất bại trên chiến trường và gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine đã sa lầy vào cuộc tranh luận chính trị tại Quốc hội.

Trong đoạn ghi âm gây tranh cãi do tổng biên tập tờ Russia Today Margarita Simonyan công bố, các quan chức của lực lượng vũ trang Đức, Bundeswehr, thảo luận về cách lực lượng không quân có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc chuyển giao hỏa tiễn Taurus sau một quyết định chính trị giả định của Thủ tướng Scholz. POLITICO không thể xác minh độc lập nội dung hoặc tính xác thực của bản ghi âm.

Trong cuộc trò chuyện được ghi âm, các quan chức quân sự cũng được cho là đã thảo luận về các mục tiêu có thể có, bao gồm Cầu Kerch nối Nga và Crimea bị tạm chiếm.

Bộ Quốc phòng Đức cho biết hôm thứ Bảy rằng Cơ quan phản gián quân sự Đức đã bắt đầu một cuộc điều tra để tìm hiểu xem “liệu các liên lạc nội bộ trong lực lượng không quân” có thể bị chặn hay không.

10. Lãnh đạo đồng minh NATO đối đầu với Elon Musk về một tuyên bố liên quan đến liên minh

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Ally Leader Confronts Elon Musk on Claim About Alliance”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống của một quốc gia thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO đã chất vấn Elon Musk hôm Chúa Nhật về tuyên bố sai lầm mà ông đưa ra về liên minh quân sự trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

Musk, người sáng lập Tesla và SpaceX, người đã mua X, vào năm 2022, đã đưa ra những nhận xét trái chiều về NATO và cuộc chiến Nga-Ukraine, do Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Trong khi ông cung cấp cho Ukraine các vệ tinh Starlink để cải thiện thông tin liên lạc Trước khi bắt đầu chiến tranh, ông cũng kêu gọi một thỏa thuận hòa bình có khả năng nhượng lại một số lãnh thổ Ukraine cho Nga và phản đối viện trợ cho Ukraine, khiến ông bất hòa với nhiều nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ quốc gia Đông Âu chống lại cuộc xâm lược của Putin.

Ông ta đã gây ra phản ứng dữ dội vào thứ Bảy trong một bài đăng X sau khi viết rằng ông ta “luôn tự hỏi tại sao NATO tiếp tục tồn tại mặc dù đối phương và lý do tồn tại của nó, Hiệp ước Warsaw, đã tan rã”.

Các nhà phê bình nhanh chóng lưu ý rằng Hiệp ước Warsaw, một liên minh của Liên Xô và các đồng minh, được thành lập sáu năm sau NATO như một phản ứng đối với tổ chức này trong Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs nằm trong số những người chỉ trích bình luận của ông.

“@elonmusk thân mến, lý do NATO được thành lập, tồn tại và sẽ tồn tại là Nga và những đối phương khác của thế giới tự do,” ông nói.

Các nhà phê bình khác không nói một cách ngoại giao Tổng thống Edgars Rinkēvičs nhưng thẳng thừng chỉ ra Elon Musk ngu dốt về lịch sử.

Họ chỉ ra rằng NATO là một liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ, Canada và một số nước Âu Châu. Điều 5 trong hiến chương NATO quy định rằng “một cuộc tấn công chống lại một nước Đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các nước Đồng minh”, nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một quốc gia NATO có thể gây ra phản ứng quân sự từ tất cả các nước khác.

Nó được thành lập vào năm 1949 để cung cấp an ninh tập thể chống lại Liên Xô trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Tổng thư ký đầu tiên của NATO, Lord Hastings Lionel Ismay, cho biết NATO tồn tại để “ngăn Liên Xô ở ngoài, ngăn chặn người Mỹ ở trong và ngăn chặn người Đức”.

Trong khi đó, Hiệp ước Warsaw được thành lập vào năm 1955 để đáp lại NATO.

Những người khác cũng cân nhắc về bình luận của Musk về X. Cựu đại diện Adam Kinzinger, một đảng viên Đảng Cộng hòa ở bang Illinois, đã viết: “Tại sao Chính phủ Hoa Kỳ không xem xét tư cách nhà thầu của @elonmusk?”

“1) “Sự thù địch của NATO” là lời tuyên truyền của Điện Cẩm Linh chống lại một liên minh phòng thủ đang hạn chế tham vọng đế quốc của nước này. 2) Các quốc gia tự do gia nhập NATO để được bảo vệ. 3) Bản thân Putin đã nhiều lần bác bỏ NATO là động cơ cho cuộc xâm lược của mình. 4) Hãy hỏi các nước Baltic, Ba Lan, các thành viên mới Phần Lan và Thụy Điển — hoặc thay vào đó hãy hỏi Ukraine trước khi truyền bá những điều rác rưởi,” Garry Kasparov, một đại kiện tướng cờ vua người Nga viết.

“Đúng vậy, thật kỳ lạ khi các quốc gia xung quanh Nga đều quyết định tự nguyện xin gia nhập NATO. Tôi tự hỏi tại sao,” Oliver Alexander, một nhà phân tích tình báo nguồn mở viết.

“Bởi vì phòng thủ tập thể tiết kiệm chi phí và bảo đảm khả năng răn đe. Lịch sử chứng minh điều đó; Linas Kojala, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu, viết: điều khoản phòng thủ tập thể chỉ được viện dẫn một lần trong 75 năm NATO tồn tại - để đáp trả vụ tấn công ngày 11/9 vào Mỹ.

Musk cũng bị thu hút bởi một ghi chú cộng đồng trên bài đăng X của mình có nội dung: “Hiệp ước Warsaw là một phản ứng đối với NATO, không phải ngược lại. NATO là một hệ thống an ninh tập thể, không nhằm vào một đối thủ duy nhất và đã hoạt động tích cực ở Âu Châu, Phi Châu và Á Châu.”

11. Mẹ của Navalny mang hoa đến mộ anh một ngày sau khi hàng ngàn người đến dự đám tang của anh ở Mạc Tư Khoa

Mẹ và mẹ vợ của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny nằm trong số những người đến đưa hoa đến mộ ông ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Bảy, một ngày sau khi hàng ngàn người biến đám tang của ông thành một trong những cuộc biểu tình lớn nhất gần đây.

Kênh truyền hình độc lập Dozhd của Nga đưa tin cảnh sát vẫn hiện diện dày đặc tại nghĩa trang nhưng tình hình đã trở nên bình lặng.

“Cảnh sát để những người muốn chia tay chính trị gia đi qua và không xô đẩy bất cứ ai”, hãng tin này viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, dẫn lời một độc giả có mặt tại hiện trường.

Dozhd cũng đưa tin rằng “các đài tưởng niệm tự phát” về Navalny đã bị phá hủy ở một số thành phố của Nga. Nó cho biết hoa đã bị dỡ bỏ ở các thành phố bao gồm St. Petersburg và Voronezh.
 
Tài tình: Ukraine đánh chìm Tuần Dương Hạm của Nga mới tinh, 65 triệu USD. Bí ẩn quanh cầu Crimea
VietCatholic Media
16:15 05/03/2024


1. Cuộc tấn công bằng thuyền không người lái của hải quân Crimea phá hủy tàu tuần tra trị giá 65 triệu Mỹ Kim mới nhất của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Naval Drone Attack Destroys Russia's Newest $65M Patrol Ship”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Kyiv cho biết lực lượng Ukraine đã phá hủy tàu tuần tra mới nhất của Hạm đội Hắc Hải của Nga, tàu Sergey Kotov, bằng cách sử dụng thuyền không người lái của hải quân trong một cuộc tấn công trong đêm.

“Tàu 'Sergey Kotov' của quân xâm lược đã bị phá hủy”, Thiếu Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của hải quân Ukraine cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 5 Tháng Ba.

Ông cho biết hoạt động này được thực hiện bởi lực lượng đặc biệt gọi là Nhóm 13 của Ukraine gần eo biển Kerch.

Tin tức về việc con tàu bị phá hủy đánh dấu đòn mới nhất giáng vào lực lượng của Putin. Hạm đội Hắc Hải của ông ta đã và đang bị Ukraine nhắm tới khi nước này tìm cách đảo ngược việc sáp nhập Crimea năm 2014 của nhà độc tài. Khu vực này là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine.

Theo hãng tin Unian, tàu tuần tra Dự án 22160 mới nhất của Nga có chi phí đóng khoảng 65 triệu Mỹ Kim và có thủy thủ đoàn 80 người, mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trên tàu.

Con tàu này trước đây được cho là đã được Nga sử dụng để thực thi lệnh phong tỏa Hắc Hải đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Thiếu Tá Dmytro Pletenchuk cho biết con tàu được đóng vào năm 2021 đã “hư hỏng nặng do hỏa hoạn ở vùng lãnh hải Ukraine và đang chìm dần”.

Ông cho biết thêm : “Do cuộc tấn công của thuyền không người lái Magura V5, tàu dự án 22160 'Sergey Kotov' của Nga đã bị hư hại ở đuôi tàu, bên phải và bên trái”.

Ukraine từng sử dụng thuyền không người lái Magura V5 trong các cuộc tấn công vào Hạm đội Hắc Hải trước đây, bao gồm cả vụ tấn công tàu đổ bộ lớp Ropucha Caesar Kunikov của Nga vào tháng trước.

“Nhiệm vụ diễn ra với sự hợp tác của Lực lượng Hải quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine và với sự hỗ trợ của Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine,” ông nói thêm.

Phát ngôn nhân tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov nói với Radio Liberty rằng Nga có “kế hoạch lắp đặt hệ thống hỏa tiễn phòng không trên con tàu này”.

Ông nói: “Càng ít tàu như vậy thì càng ít hệ thống hỏa tiễn phòng không được triển khai trên chúng và điều này có nghĩa là có nhiều cơ hội hơn cho lực lượng an ninh và phòng thủ Ukraine”.

Yusov cho biết đã có thương vong do vụ tấn công.

“Có người chết và bị thương. Tuy nhiên, có khả năng một phần thủy thủ đoàn đã di tản kịp. Xe cứu thương được biết là đã được đối phương gọi đến vùng đất gần nhất. Nghĩa là, hoạt động di tản vẫn được thực hiện”, Yusov nói thêm

Người dùng X có tên “Mặt trận Ukraine”, một blogger quân sự người Ukraine, nói rằng tàu Sergey Kotov được bàn giao cho Hạm đội Hắc Hải của Nga vào ngày 30 tháng 7 năm 2022, vài tháng sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

“Vậy đây là chiếc tàu mới nhất bị ảnh hưởng trong chiến tranh. Con tàu tiêu tốn ngân sách Nga 100 triệu Mỹ Kim. Hỏa tiễn cỡ nòng lớn và các loại vũ khí khác có thể được lắp đặt trên tàu”, blogger này nói.

“Các thuyền không người lái của hải quân Ukraine đã tấn công tàu tuần tra 'Sergey Kotov' của Nga tại cầu Kerch. 'Sergey Kotov' được xây dựng vào năm 2021,” Sergej Sulenny, người sáng lập tổ chức tư vấn Đức, Trung tâm Sáng kiến Phục hồi Âu Châu, viết trên X.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã chịu thương vong nặng nề trong suốt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine diễn ra ác liệt kể từ năm 2022. Soái hạm Moskva của hạm đội này đã bị tấn công và phá hủy vào tháng 4 năm đó. Vào tháng 9 năm 2023, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, được cho là đã giết chết một số sĩ quan lãnh đạo và hạ gục một tàu ngầm Nga.

Các chuyên gia thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang bắt tay vào chiến lược “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải như một phần trong các bước tiến tới giải phóng Crimea.

2. Kyiv xác nhận vụ nổ tấn công cây cầu được quân đội sử dụng ở sâu trong nước Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Explosion Hits Bridge Used by Military Deep Inside Russia, Kyiv Confirms”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine cho biết họ đã cho nổ tung một cây cầu quan trọng được quân đội Nga sử dụng ở khu vực Samara của Nga hôm thứ Hai.

Chính quyền địa phương nói với hãng thông tấn nhà nước Tass rằng cây cầu hỏa xa bắc qua sông Chapaevka ở Samara đã bị sập vào khoảng 5 giờ sáng thứ Hai, khiến giao thông hỏa xa trong khu vực bị đình chỉ.

“Khoảng 5 giờ sáng, có tiếng nổ trên cầu hỏa xa bắc qua sông Chapaevka. Dịch vụ vận hành cho biết giao thông tàu hỏa trên cầu đã bị đình chỉ.” Thống Đốc khu vực Samara, Dmitry Azarov, cho biết như trên.

Vụ việc này đánh dấu vụ mới nhất trong một số vụ tấn công hỏa xa ở Nga trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin. Vào tháng 6 năm ngoái, một vụ nổ đã làm rung chuyển tuyến hỏa xa ở khu vực Feodosia của Crimea, và một tháng trước đó, một vụ nổ đã làm đình trệ giao thông hỏa xa giữa Simferopol, thủ đô của Crimea bị sáp nhập và Sevastopol.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Ba, 5 Tháng Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, đã không nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, sau đó, Trung Tướng Kyrylo Budanov, Giám đốc Tổng cục Tình báo Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết Ukraine đứng sau vụ tấn công.

“Ở Nga, một cây cầu hỏa xa đã bị nổ tung - hoạt động di chuyển của các đoàn tàu bị tê liệt”.

“Nhà nước xâm lược đã sử dụng ngành hỏa xa để vận chuyển hàng hóa quân sự, bao gồm cả đạn dược do công ty Polimer ở thành phố Chapaevsk, tỉnh Samara sản xuất. Do cầu hỏa xa bị hư hỏng nên sẽ phải ngừng hoạt động trong thời gian dài,” Tướng Budanov nói.

Kênh Telegram Baza của Nga, được liên kết với các cơ quan an ninh của Nga, cho biết vụ nổ đã làm hư hỏng cấu trúc kim loại của cây cầu và hàng rào của nó. Nó nói thêm rằng trụ bê tông của cây cầu không bị hư hại trong vụ nổ.

Chỉ vài tuần sau cuộc chiến ở Ukraine, bốn sinh viên phản đối cuộc xung đột đã phá hoại hỏa xa ở nước này. Bốn sinh viên Nga và nước ngoài trong độ tuổi từ 17 đến 18 đã bị bắt tại thành phố Ufa vào tháng 3 năm 2022 và bị buộc tội tổ chức một hành động khủng bố.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào thời điểm đó ủng hộ việc khôi phục án tử hình ở Nga để đáp lại. Ông ta gọi các bị cáo là “những con quái vật” và nói rằng, trong Thế chiến thứ hai, những “kẻ phá hoại” như thế đã bị bắn từ lâu rồi.

“Chỉ có một bản án dành cho những kẻ vô lại như vậy; thi hành án mà không cần xét xử hay điều tra. Ngay tại hiện trường vụ án”, Medvedev viết.

3. Đồng minh của Putin cho rằng xe tăng T-14 Armata được đánh giá cao của Nga 'quá giá trị' để sử dụng trong chiến tranh

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Russia's Prized T-14 Armata Tank 'Too Valuable' to Use in War—Putin Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một đồng minh của Tổng thống Nga cho biết, quân đội của Vladimir Putin khó có thể sử dụng xe tăng T-14 Armata quý giá của mình trong chiến đấu ở Ukraine vì nó “quá giá trị”.

Những bình luận này được đưa ra bởi Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành của Rostec, tập đoàn quốc phòng nhà nước của Nga, trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, xuất bản hôm Chúa Nhật.

Mạc Tư Khoa được cho là đã triển khai một thời gian ngắn một số xe tăng chiến đấu chủ lực cho các hoạt động chiến đấu vào tháng 7 năm 2023, trước khi chúng được rút khỏi tiền tuyến. Chiếc xe tăng này từng được một quan chức cao cấp của quân đội Anh mệnh danh là “chiếc xe tăng mang tính cách mạng nhất trong một thập kỷ”.

Chemezov nói: “Nhìn chung, Armata hơi đắt. Về mặt chức năng, tất nhiên nó vượt trội hơn nhiều so với các xe tăng hiện có, nhưng nó quá giá trị nên quân đội khó có thể sử dụng nó vào lúc này. Họ sẽ dễ dàng mua những chiếc T-90 tương tự hơn”.

Chemezov cũng cho biết quân đội Nga cần thêm kinh phí để sản xuất xe tăng và vũ khí mới.

“Bây giờ chúng tôi cần tiền để tạo ra xe tăng mới, vũ khí mới, có lẽ rẻ hơn. Vì vậy, nếu có cơ hội mua được những sản phẩm rẻ hơn thì tại sao không”, ông nói.

Năm 2016, tờ báo The Telegraph của Anh đã có được một bài viết tóm tắt về T-14 Armata do một sĩ quan tình báo quân đội cao cấp giấu tên viết.

Quan chức này viết: “Không hề cường điệu, Armata đại diện cho bước thay đổi mang tính cách mạng nhất trong thiết kế xe tăng trong nửa thế kỷ qua”.

Thiệt hại về thiết bị đã ở mức cao đối với Kyiv và Mạc Tư Khoa trong những tuần gần đây, khi cả hai bên đều tranh giành thị trấn pháo đài Avdiivka ở khu vực phía đông Donetsk của Ukraine. Lực lượng Ukraine đã rút khỏi khu vực vào tháng Hai.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Hai rằng Mạc Tư Khoa cho đến nay đã mất 6.648 xe tăng kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Các số liệu được cung cấp bởi Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, nơi đưa ra ước tính về tổn thất về quân đội và thiết bị của Nga hàng ngày.

Kyiv cho biết Nga cũng đã mất tổng cộng 417.960 binh sĩ, 10.210 hệ thống pháo binh, 12.660 xe thiết giáp cũng như 347 máy bay phản lực quân sự trong cuộc chiến đang diễn ra. Newsweek không thể xác minh độc lập số liệu của Ukraine và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

4. Điện Cẩm Linh cho biết quân đội Đức đang bàn kế hoạch tấn công Nga

Điện Cẩm Linh cho biết đoạn ghi âm có chủ đích về các cuộc thảo luận của quân đội Đức cho thấy lực lượng vũ trang Đức đang thảo luận về kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Truyền thông Nga hôm thứ Sáu đã công bố đoạn ghi âm dài 38 phút về cuộc gọi trong đó các sĩ quan Đức thảo luận về vũ khí cho Ukraine và khả năng tấn công của Kyiv vào một cây cầu ở Crimea, khiến các quan chức ở Mạc Tư Khoa yêu cầu giải thích.

Hôm thứ Bảy, Đức gọi đây là hành động nghe lén rõ ràng và cho biết họ đang điều tra.

“Bản thân đoạn ghi âm nói rằng trong Bundeswehr hay lực lượng vũ trang Đức, kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đang được thảo luận một cách thực chất và cụ thể. Điều này không yêu cầu bất kỳ giải thích pháp lý. Mọi thứ ở đây còn hơn cả hiển nhiên “, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Hai.

“Ở đây chúng ta phải tìm hiểu xem Bundeswehr có chủ động thực hiện việc này hay không. Vậy thì câu hỏi là: Bundeswehr có thể kiểm soát được đến mức nào và Scholz kiểm soát được tình hình đến mức nào? Hay nó là một phần trong chính sách của chính phủ Đức?” Peskov nói.

“Cả hai kịch bản đều rất tệ. Cả hai một lần nữa nhấn mạnh sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine.”

Đức là một trong những quốc gia NATO đã cung cấp vũ khí cho Ukraine bao gồm cả xe tăng.

5. Bí ẩn Crimea khi cây cầu lại đóng cửa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Mystery as Bridge Closed Again”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính quyền được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn ở vùng Crimea bị tạm chiếm đã chặn giao thông trên cây cầu giữa bán đảo này và Nga trong đêm thứ hai.

Động thái này của cơ quan ủy quyền của Nga tại Crimea diễn ra vào đầu giờ thứ Hai, một ngày sau khi cây cầu bị đóng cửa sau khi có báo cáo về vụ nổ gần thành phố cảng Feodosia của Crimea, cách cây cầu khoảng 60 dặm.

Cầu Kerch dài 11 dặm hay 19 km nối khu vực Krasnodar của Nga và bán đảo mà Vladimir Putin đã sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Trong hai năm Putin xâm lược toàn diện Ukraine, Kyiv đã nhiều lần tấn công vào cây cầu, thường sử dụng hỏa tiễn do phương Tây cung cấp, gây hư hại tuyến đường tiếp tế cho quân đội Nga.

Khoảng 12h30 sáng thứ Hai, các phương tiện truyền thông Nga cho biết giao thông đã bị dừng lại và “những người trên cầu và trong khu vực kiểm tra được yêu cầu giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của nhân viên an ninh giao thông”.

Trong vòng ba giờ, có 79 phương tiện xếp hàng ở phía Krasnodar và không có hàng đợi nào ở phía Kerch của cầu vì người dân đã bị buộc quay xe trở lại.

Giao thông tiếp tục trở lại vào khoảng 4:45 sáng, 4 giờ sau khi giao thông bị tắc nghẽn, mặc dù không có lời giải thích nào thêm về việc đóng cửa. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận. Theo các blogger quân sự Nga, một làn đường đã bị hư hại nhưng giao thông vẫn khả thi mặc dù chậm hơn bình thường.

Hôm Chúa Nhật, Bộ này cho biết Kyiv đã tấn công vào Crimea bằng 38 máy bay không người lái nhưng hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ tất cả chúng, mặc dù Mạc Tư Khoa không nói rõ chúng bị bắn trúng ở đâu hoặc liệu chúng có gây ra thiệt hại gì hay không.

Muốn đánh sập hẳn cây cầu Kerch, người Ukraine phải có hỏa tiễn Taurus của Đức. Diễn biến này xảy ra sau một báo cáo của hãng truyền thông Russia Today của Điện Cẩm Linh vào tuần trước rằng họ đã thu được một đoạn ghi âm các quan chức quân sự Đức thảo luận về các cuộc tấn công trên cây cầu, trong những tuyên bố mà Newsweek đã đưa tin trước đó, và đang được Bộ Quốc phòng Đức điều tra.

Hãng thông tấn Tass của nhà nước đưa tin hôm thứ Hai, dẫn một nguồn tin giấu tên, cho biết Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Đức tại Mạc Tư Khoa, Alexander Lambsdorff.

Mặc dù tuyên bố của Russia Today chưa được xác minh, nhưng chúng cho thấy tầm quan trọng của cây cầu mà đối với Kyiv được coi là biểu tượng cho sự xâm lược của Nga và do đó là mục tiêu cho các cuộc tấn công, trong khi đối với Mạc Tư Khoa, là đường dẫn chính cho nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói với Diễn đàn An ninh Aspen vào tháng 7 năm 2023, cây cầu là mục tiêu quân sự hợp pháp của Kyiv trong viễn tượng giải phóng bán đảo.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2022, một vụ nổ lớn trên cầu đã khiến nhiều đoạn đường đi qua Crimea bị sập các toa xe chở dầu trên một đoạn hỏa xa, sau đó, bốc cháy.

6. Rò rỉ thông tin tình báo Đức làm dấy lên lo ngại NATO bị Nga 'nghe lén'

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “German Intelligence Leak Raises Fears of Russia's NATO 'Wiretap'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các đồng minh NATO đang nỗ lực xoa dịu vụ rò rỉ thông tin tình báo rõ ràng từ Đức mà Nga viện dẫn là bằng chứng cho thấy phương Tây có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng biên tập Russia Today, gọi tắt là RT, Margarita Simonyan, được biết đến như một trong những nhà tuyên truyền nổi bật nhất của Tổng thống Vladimir Putin, hôm thứ Sáu đã công bố đoạn ghi âm dài 38 phút ghi lại các quan chức quân sự cao cấp của Đức thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cùng với một cuộc tấn công giả định của Kyiv vào Ukraine. Cầu eo biển Kerch ở Crimea sử dụng hỏa tiễn hành trình Taurus của Đức mà Ukraine đã nhiều lần yêu cầu.

Đức không phủ nhận tính xác thực của đoạn ghi âm. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho biết vào cuối tuần này: “Vụ việc không chỉ đơn thuần là chặn và công bố một cuộc trò chuyện”. “Đó là một phần của cuộc chiến thông tin mà Putin đang tiến hành.”

“Đó là một cuộc tấn công làm sai lệch thông tin kết hợp. Đó là về sự chia rẽ. Đó là làm suy yếu sự đoàn kết của chúng ta.” Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Đức để thảo luận về cuộc gọi bị rò rỉ, Tass đưa tin hôm thứ Hai. Pistorius cho rằng bất kỳ ý kiến nào cho rằng Berlin đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nga là “vô lý”.

Vụ rò rỉ có thể gây thêm lo ngại cho NATO. Nhà lãnh đạo không quân Đức hay Luftwaffe, Ingo Gerhartz, đã vô tình tiết lộ bí mật quân sự của Anh trong cuộc gọi được ghi âm, nói với những người tham dự rằng quân đội Anh đang hoạt động trên đất Ukraine, The Telegraph đưa tin. Gerhartz nói trong cuộc họp: “Họ có một số người trên thực địa.

Cuộc gọi được cho là được thực hiện bằng nền tảng hội nghị WebEx của Cisco, thay vì hệ thống nội bộ được bảo mật.

Thủ tướng Olaf Scholz – người tuần trước dường như đã tiết lộ các chi tiết bí mật về các hoạt động của Pháp và Anh ở Ukraine – gọi khả năng rò rỉ là “rất nghiêm trọng”, đồng thời nói thêm rằng Berlin đang nỗ lực làm rõ tình hình “rất cẩn thận, rất kỹ lưỡng và rất nhanh chóng”.

Vụ việc có thể cần phải xem xét lại ở quy mô lớn hơn. Ivan Stupak – cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và hiện là cố vấn cho ủy ban tình báo, quốc phòng và an ninh quốc gia của quốc hội Ukraine – nói với Newsweek: “Không ai biết người Nga đã nghe lén được các sĩ quan Đức trong bao lâu, hay một số người khác. các quan chức Đức khác hoặc thậm chí các thành viên NATO khác.”

Stupak nói thêm: “Một cuộc điều tra quy mô lớn phải được tiến hành trên khắp các thành viên NATO”.

Hai quan chức ngoại giao Âu Châu nói chuyện với Newsweek đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ rò rỉ và tầm quan trọng của nó đối với nỗ lực chiến tranh. “Tôi chắc chắn rằng người Nga biết rất rõ ai đang làm gì ở Ukraine,” một quan chức giấu tên cho biết.

“ Đối với công chúng trong nước, sự bối rối chỉ mang tính chất nội bộ, trong vài ngày đối với các quốc gia đã bị các đồng minh khác làm lộ bí mật. Nhưng không sao cả, liên minh chưa bao giờ không có vấn đề và sự cạnh tranh.”

“Thực sự là có lợi khi có cuộc tranh luận về việc ai đang làm gì cho Ukraine, nhưng có lẽ là đằng sau những cánh cửa đóng kín.”

Nhà ngoại giao nói thêm rằng Đức và Scholz không đồng nghĩa với nhau. “Tôi sẽ không xếp tất cả người Đức vào loại của Scholz; độ tin cậy của họ đã tăng lên rất nhiều trong hai năm qua,” họ nói. “Tôi có thể nói rằng người Đức là những đồng minh đáng tin cậy và thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của mình với NATO.”

Nỗi sợ hãi của phương Tây về sự leo thang ở Ukraine đã chi phối phản ứng chung của họ trước cuộc xâm lược của Nga. Các quốc gia ở biên giới Nga đặc biệt chỉ trích sự do dự của phương Tây, mặc dù các nhà lãnh đạo bao gồm Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Scholz đã nhấn mạnh đến mối nguy hiểm - bao gồm cả vấn đề hạt nhân - của một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Mạc Tư Khoa và NATO.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến các đồng minh lo lắng khi đề nghị NATO triển khai quân đội trên lãnh thổ Ukraine với vai trò hỗ trợ và cố vấn. Điện Cẩm Linh cho rằng động thái như vậy sẽ khiến xung đột không thể tránh khỏi.

“Tôi nghi ngờ rằng bạn có thể thay đổi tính toán của Nga chỉ bằng cách gửi huấn luyện viên đến Ukraine”, một trong những quan chức đồng minh nói chuyện với Newsweek cho biết. “Ukraine cần đạn và phòng không; đó là nơi cần tập trung ngay lập tức.”

Một nhà ngoại giao Âu Châu thứ hai đồng tình. Họ nói với Newsweek với điều kiện giấu tên: “Mối nguy hiểm cấp tính lớn nhất vẫn đến từ tiền tuyến ở Ukraine”. “Sự thiếu hụt đạn dược rất lớn và áp lực của Nga rất lớn”.

Họ nói thêm: “Phương Tây bị tê liệt vì sợ hãi”. “Cho đến nay, tất cả những 'ranh giới đỏ' mà chúng ta đã vượt qua đều chưa mang đến trận Armageddon mà chúng ta rất sợ hãi.”

7. Ukraine cho biết họ chưa nhận được hơn 16 tỷ euro từ những người gây quỹ

Ukraine cho biết họ chưa thấy số tiền 16 tỷ euro thu được từ hai hội nghị tài trợ được tổ chức tại Ba Lan vào năm 2022, ngay từ đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ở Kyiv có những lo ngại xung quanh việc hỗ trợ quân sự và tài chính khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal phát biểu trong một cuộc họp báo rằng hai sự kiện vào năm 2022 đã huy động được lần lượt 10 tỷ và 6 tỷ euro.

“Ukraine không nhận được gì từ họ. Số tiền này được Ba Lan cùng với Ủy ban Âu Châu gây quỹ để hỗ trợ Ukraine”, ông nói.

Ông nói thêm: “Số tiền đã đi đâu, số tiền đó ủng hộ điều gì… Ukraine chẳng nhận được gì cả”.

Kyiv đã cảnh báo rằng họ rất cần thêm hỗ trợ quân sự và tài chính khi chờ đợi gói viện trợ mới trị giá 60 tỷ Mỹ Kim của Mỹ đang được giữ lại ở Washington.

8. Video cho thấy Nga tiêu diệt xe tăng Abrams thứ hai do Mỹ sản xuất trong một tuần

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Video Shows Russia Destroy Second US-Made Abrams Tank in a Week”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga hôm thứ Hai đã chia sẻ một đoạn video quay cảnh máy bay không người lái của Mạc Tư Khoa phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất, là chiếc thứ hai trong vòng một tuần, gần tiền tuyến ở Ukraine.

Theo báo cáo từ hãng tin TASS thuộc sở hữu của Điện Cẩm Linh, chiếc xe tăng đã bị phá hủy gần làng Avdiivka ở khu vực phía đông Donetsk của Ukraine. Mỹ đã cung cấp cho Kyiv 31 xe tăng chiến đấu Abrams kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2/2022.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố đã tiêu diệt hơn 490 binh sĩ Ukraine và 4 phương tiện chiến đấu bộ binh, trong đó có 3 chiếc Bradley do Mỹ sản xuất, trong 24 giờ qua, TASS đưa tin. Mạc Tư Khoa hôm thứ Ba tuyên bố rằng họ đã phá hủy xe tăng Abrams đầu tiên của mình chỉ vài ngày sau khi Nga nắm quyền kiểm soát Avdiivka.

Một đoạn video quay bằng máy bay không người lái ghi lại cảnh xe tăng chiến đấu bị phá hủy đã được hãng truyền thông RIA Novosti do Nga hậu thuẫn chia sẻ lên Telegram. Theo báo cáo, các thành viên của Tập đoàn quân Trung tâm Nga đã tấn công xe tăng Abrams bằng hai máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất.

Nga cũng tuyên bố đã phá hủy 3 xe chiến đấu bọc thép, 12 xe cơ giới, một xe tăng bọc thép thứ hai và 91 máy bay không người lái của Ukraine trong ngày qua. Bộ Quốc phòng Mạc Tư Khoa hôm thứ Hai báo cáo rằng họ đã tiêu diệt hơn 15.300 xe tăng và các xe thiết giáp khác của Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Con số xe tăng và xe thiết giáp đó cao hơn số mà Kyiv có thể có.

Đoạn phim được lan truyền trực tuyến hôm Chúa Nhật cho thấy một chiếc M1 Abrams của Mỹ chìm trong khói gần Avdiivka. Truyền thông nhà nước Nga cũng đưa tin lực lượng Mạc Tư Khoa đã tấn công 3 xe tăng do Mỹ sản xuất ở Ukraine trong tuần qua, trong đó có một chiếc được cho là đã bị phá hủy bằng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất vào ngày 26/2. Điện Cẩm Linh chưa nêu rõ chiếc xe tăng thứ ba bị tấn công có bị thiệt hại hay không.

Quân đội Ukraine đã buộc phải rút lui khỏi Avdiivka vào tháng 2 sau nhiều tháng Nga tấn công quyết liệt để giành quyền kiểm soát thị trấn. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, lực lượng Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến về phía đông bắc Avdiivka trong những tuần gần đây.

Cuộc chiến giành Avdiivka đã tiêu tốn của Điện Cẩm Linh một số lượng lớn binh lính và trang thiết bị. Theo ước tính của Ukraine, lực lượng Nga đã mất hơn 47.000 binh sĩ, 360 xe tăng, 248 hệ thống pháo binh và 5 máy bay phản lực trong trận chiến kéo dài khoảng 4 tháng. Tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrsky cho biết sau khi quân đội rút khỏi làng rằng cần phải rút lui để “tránh bị bao vây” và cứu sống binh lính Kyiv.

Bộ Quốc phòng Anh hôm Chúa Nhật cho biết Nga đã mất hơn 355.000 nhân sự kể từ khi tiến hành tấn công Ukraine và trung bình có khoảng 983 người thương vong mỗi ngày trong tháng Hai.

9. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết Ba Lan đã ký thỏa thuận mua súng phóng lựu chống tăng từ Saab của Thụy Điển trong một thỏa thuận trị giá 6,5 tỷ złotys (1,3 tỷ bảng Anh).

Warsaw là một trong những người ủng hộ trung thành nhất của Kyiv kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và tuyên bố Ukraine phải giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình để ngăn chặn Mạc Tư Khoa gây hấn thêm.

Năm nay, Ba Lan – giáp ranh với vùng Kaliningrad của Nga – đang chi khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng khi nước này tìm cách tăng cường lực lượng vũ trang trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

10. Tổng thống Pháp rút lại bình luận về việc gửi quân tới Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “French President Walks Back Comments on Sending Troops to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như đã rút lại những bình luận trước đây của ông về việc gửi quân tới Ukraine.

Tuần trước, khi trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu tại Paris, ông Macron nói rằng “không có gì nên loại trừ” khi ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến kéo dài hai năm nhằm chống lại lực lượng xâm lược của Putin.. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng cho biết “chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này” về việc đưa bộ binh của phương Tây vào Ukraine chiến đấu.

Trong cuộc phỏng vấn với cơ quan truyền thông Novinky.cz của Tiệp được công bố một phần vào hôm thứ Hai, Macron đã thảo luận về nhận xét ngày 26 tháng 2 của mình nhưng nhấn mạnh rằng Pháp không tích cực xem xét việc gửi lực lượng quân sự tới Ukraine.

“Trả lời một câu hỏi mà tôi được hỏi về việc gửi quân, tôi đã nói rằng không có gì là không thể,” Macron nhắc lại nhận xét của mình khi nói chuyện với phương tiện truyền thông.

“Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang xem xét khả năng gửi quân đội Pháp tới Ukraine trong tương lai gần, nhưng chúng tôi đang bắt đầu thảo luận và suy nghĩ về mọi thứ có thể làm để hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là trên lãnh thổ Ukraine”, ông Macron nói.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng những người tham gia cuộc họp ở Paris tuần trước đã đi đến thỏa thuận muốn cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine trong 5 lĩnh vực, đó là phòng thủ mạng, sản xuất thiết bị quân sự, an ninh cho các quốc gia bị đe dọa bởi cuộc tấn công của Nga, hỗ trợ dọc biên giới Belarus và các hoạt động rà phá bom mìn.

Các nước phương Tây, trong khi cung cấp hàng tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự cho Kyiv, vẫn do dự hoặc thẳng thừng bác bỏ ý tưởng gửi quân, điều này sẽ khiến họ trực tiếp rơi vào cuộc đối đầu với Nga.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby trước đó đã bác bỏ bình luận của ông Macron về việc các nước phương Tây gửi quân tới Ukraine. Một ngày sau bình luận của tổng thống Pháp, Kirby nói rằng Tổng thống Joe Biden “rõ ràng” phản đối việc gửi quân đội Mỹ hoặc NATO, một động thái có thể buộc liên minh chiến lược này phải chống lại Nga và châm ngòi cho sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh thế giới.

Gần đây, Ukraine đã phải hứng chịu hàng loạt thất bại sau khi viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây giảm. Chúng bao gồm việc mất thành phố Avdiivka của Dontesk vào cuối tháng 2 sau nhiều tháng giao tranh và ít nhất ba khu định cư gần thành phố.

11. Theo một rò rỉ trên phương tiện truyền thông Nga về một cuộc gọi tuyệt mật có sự tham gia của các sĩ quan không quân Đức, binh lính Anh đang “có mặt” ở Ukraine để giúp lực lượng Kyiv bắn hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow.

Điện Cẩm Linh cho biết vụ rò rỉ chứng tỏ sự liên quan trực tiếp của “tập thể phương Tây” vào cuộc chiến ở Ukraine – trong khi các cựu bộ trưởng quốc phòng Anh bày tỏ sự thất vọng với quân đội Đức trước những tiết lộ này.

Được phát hành vào thứ Sáu bởi biên tập viên của kênh tin tức RT do Điện Cẩm Linh kiểm soát, Margarita Simonyan, đoạn ghi âm - được Đức xác nhận là xác thực - ghi lại cảnh các sĩ quan Không quân Đức thảo luận về cách sử dụng hỏa tiễn Taurus của Berlin để cố gắng làm nổ tung Cầu Kerch nối Nga với Crimea bị tạm chiếm.

Trong cuộc trò chuyện, Trung tướng Ingo Gerhartz, nhà lãnh đạo Không quân Đức, mô tả cách Anh hợp tác với Ukraine trong việc triển khai hỏa tiễn Storm Shadow chống lại các mục tiêu cách xa phòng tuyến của Nga tới 250 dặm.

“Khi nói đến việc lập kế hoạch nhiệm vụ,” chỉ huy người Đức nói, “Tôi biết người Anh làm điều đó như thế nào, họ làm điều đó hoàn toàn trong tầm tay. Họ cũng có một số người ở hiện trường, họ làm điều đó, người Pháp thì không.”

Reachback là một thuật ngữ quân sự để mô tả cách thức cung cấp thông tin tình báo, thiết bị và hỗ trợ từ phía sau cho các đơn vị triển khai ở mặt trận, nhưng Gerhartz cho rằng đường lối của Anh sâu sắc hơn, bao gồm hỗ trợ tại chỗ.
 
Các GM Nga bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia: GH Nga sẽ biến mất nếu áp dụng. ĐTC và chương trình Tuần Thánh
VietCatholic Media
17:19 05/03/2024


1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Tư tuần thứ 3 Mùa Chay

THỨ TƯ 6/3/2024

Đnl 4:1, 5-9

Thánh Vịnh 147:12-13, 15-16, 19-20

Mt 5:17-19

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17)

Đúng và sai chỉ có thể được xác định bằng cách quyết định điều gì là tốt và xấu đối với con người. Và vì tất cả mọi người đều khác nhau và hoàn cảnh cũng khác nhau nên mỗi vấn đề phải được quyết định theo giá trị riêng của nó.

Cuộc tranh luận này đã diễn ra trong một thời gian dài. Có những hàm ý của nó trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng Người đến không phải để bãi bỏ Lề Luật nhưng để kiện toàn nó. Sự cần thiết của sự bảo đảm như vậy đã nảy sinh từ cuộc tranh luận. Một bên là các thầy thông luật và người Pharisêu. Đối với họ, Luật pháp là tất cả. Họ có một cuốn sách quy tắc chứa đựng câu trả lời ngắn gọn cho mọi câu hỏi. Ở phía bên kia là Chúa Giêsu. Mối quan tâm của Ngài đối với mọi người luôn khiến Ngài xung đột với những chính sách cứng nhắc của người Pharisêu. Nhà máy tin đồn đã coi Chúa Giêsu là người phá vỡ luật lệ một cách triệt để với mục đích cuối cùng là phá hủy Luật pháp. Ngay cả các môn đệ Ngài cũng có chút lo lắng.

Làm sao mối quan tâm đến con người và sự cam kết tuân thủ Luật pháp có thể đi đôi với nhau? Cái nào hợp lệ? Đối với Chúa Giêsu, cả hai. Trong hệ thống đạo đức của Ngài, cả hai đều cần thiết.

Ngài tin rằng điều thiêng liêng nhất trên đời chính là nhân cách con người. Nhưng Ngài không bao giờ tách điều này ra khỏi cam kết về nguyên tắc. Như Ngài thấy, Luật nhằm mục đích bảo vệ và làm phong phú cuộc sống. Vì vậy, con người vẫn là chủ yếu nhưng Ngài đã sử dụng những hiểu biết sâu sắc từ quá khứ để đáp ứng nhu cầu của con người ở hiện tại.

Chúng ta cần những quy tắc. Chúng ta cần tiền lệ. Chúng ta cần những hướng dẫn nếu muốn sống đích thực trong thế giới hỗn loạn về mặt đạo đức này. Nhưng con người phải vẫn là chính. Như vậy, hai lập trường đối lập nhau đến với nhau trong một sự hòa quyện tuyệt đẹp giữa luật pháp và tình yêu.

Lạy Chúa, xin dạy con hiểu rằng yêu thương là chu toàn lề luật. Amen.

2. Lịch trình Tuần Thánh, Tam Nhật Thánh của Đức Thánh Cha rất bận rộn bất kể bệnh tật gần đây

Đức Tổng Giám Mục Diego Ravelli, phụ trách các buổi cử hành Phụng vụ Giáo hoàng, đã công bố danh sách các buổi cử hành mà Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ chủ trì vào tháng Ba.

Lịch trình Tuần Thánh và Tam Nhật Thánh của Đức Thánh Cha không ảnh hưởng gì đến căn bệnh gần đây của ngài, khiến ngài phải đình chỉ một số buổi tiếp kiến riêng. Theo thông lệ, Đức Thánh Cha dự kiến chủ sự Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật Lễ Lá, 24 Tháng Ba,, Thánh lễ Truyền Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh, phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đàng Thánh Giá vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đấu trường Rôma, Thánh lễ Vọng Phục sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Thánh lễ sáng Chúa nhật Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, và sau đó là phép lành Urbi et Orbi.

Như đã trở thành thông lệ trong triều đại giáo hoàng này, Đức Tổng Giám Mục Ravelli đã không công bố địa điểm cử hành Thánh lễ Tiệc Ly của Đức Thánh Cha vào tối Thứ Năm Tuần Thánh. Đức Thánh Cha đã chủ trì Thánh lễ đó ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm các nhà tù và vào năm 2021 tại nhà nguyện riêng của Đức Hồng Y bị thất sủng Giovanni Angelo Becciu.

3. Các giám mục Công Giáo Nga gọi việc chúc phúc cho các cặp đồng giới là không thể chấp nhận được

Các giám mục Công Giáo lưu ý rằng giáo hội nhận thức được trách nhiệm đặc biệt của mình trong việc hỗ trợ và củng cố hôn nhân và gia đình “như một sự kết hiệp đặc quyền và đơn vị chính của xã hội”, đồng thời chúc phúc và bao bọc các cuộc kết hợp hôn nhân và gia đình bằng sự chăm sóc mục vụ.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga cho biết trong một thông cáo liên quan đến kết quả của một cuộc họp toàn thể ở Listvyanka, Vùng Irkutsk, rằng giáo lý về hôn nhân và gia đình của Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn không thay đổi ngay cả sau khi Vatican công bố một tuyên bố có liên quan, và việc chúc phúc cho các cặp đồng giới là không thể chấp nhận được.

“Xét đến những hiểu lầm nảy sinh liên quan đến tuyên bố 'Fiducia supplicans' của Tòa Thánh được công bố ngày 18 tháng 12 năm 2023, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga cho rằng cần phải nhấn mạnh rằng giáo lý Công Giáo về gia đình và hôn nhân vẫn tồn tại không thay đổi. Chỉ có người nam và người nữ kết hợp với nhau trong hôn nhân mới tạo thành một gia đình cùng với con cái của họ. Để tránh bị cám dỗ và nhầm lẫn, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga nhấn mạnh thực tế là phước lành của bất kỳ loại cặp vợ chồng nào kiên trì trong các mối quan hệ không được kiểm soát theo quan điểm đạo đức Kitô giáo (sống thử, hôn nhân thứ hai, hôn nhân đồng tính) là không thể chấp nhận được,” thông cáo của các nhà lãnh đạo Giáo Hội nêu rõ.

Các giám mục Công Giáo lưu ý rằng giáo hội nhận thức được trách nhiệm đặc biệt của mình trong việc hỗ trợ và củng cố hôn nhân và gia đình “như một sự kết hiệp đặc quyền và đơn vị chính của xã hội”, đồng thời chúc phúc và bao bọc các cuộc kết hợp hôn nhân và gia đình bằng sự chăm sóc mục vụ.

“Theo tinh thần lòng thương xót Phúc Âm và tình mẫu tử, Giáo hội không và không từ chối lời cầu nguyện chuyển cầu cho các cá nhân trong những tình huống khác nhau, cầu xin ân sủng của Thiên Chúa dành cho họ, điều cần thiết cho sự hoán cải, củng cố các ý định tốt, và sự khởi đầu hoặc tiếp tục con đường chính nghĩa,” các Giám Mục nói.

Tuyên bố “Fiducia supplicans” của Vatican đã được Bộ Giáo lý Đức tin của Giáo Hội Công Giáo Rôma thông qua vào ngày 18 tháng 12 năm 2023 và sau đó được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ký. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Rôma, một tài liệu của Vatican đề xuất các hình thức ban phước cho sự kết hợp đồng giới, đồng thời làm rõ rằng những lời chúc phúc đó không tương đương với bí tích hôn nhân.

Sau khi Vatican công bố tuyên bố, các giám mục Công Giáo ở Phi Châu và Madagascar, Kazakhstan, Hung Gia Lợi và một số quốc gia khác, cũng như hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, đã quyết định rằng họ sẽ không ban phép lành cho các cuộc kết hợp đồng giới, và rằng tài liệu của Vatican không có hiệu lực giáo hội hoặc pháp lý. Tuyên bố này cũng bị Giáo hội Chính thống Nga lên án. Trước đó, Vatican cũng tuyên bố rằng đại diện của các nhóm thiểu số giới tính, giống như bất kỳ tín hữu nào, có thể được rửa tội, đồng thời có thể làm cha mẹ đỡ đầu và nhân chứng tại lễ cưới được cử hành trong nhà thờ.

4. Đức Thánh Cha có một ngày hẹn đầy đủ sau khi vào bệnh viện xét nghiệm

Một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Bệnh viện Gemelli Isola ở Rôma để “xét nghiệm chẩn đoán”, ngài đã có một buổi tiếp kiến đầy đủ, bao gồm cả cuộc gặp gỡ với các giám mục đến từ vùng Emilia Romagna của Ý đang thực hiện chuyến thăm “ad limina” của các ngài.

Các giám mục, bao gồm cả Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna, đã được lên kế hoạch gặp Đức Thánh Cha vào ngày 26 tháng 2, nhưng cuộc gặp đã bị hoãn lại đến ngày 29 tháng 2 vì điều mà văn phòng báo chí Vatican mô tả là “các triệu chứng cúm nhẹ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 28 tháng 2, nhưng bắt đầu buổi họp mặt bằng cách nói với các quan khách rằng: “Tôi vẫn còn hơi ốm” và yêu cầu các phụ tá đọc hầu hết các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của ngài.

Ngay sau buổi tiếp kiến, “Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Bệnh viện Gemelli Isola Tiberina để thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán. Sau đó, ngài trở lại Vatican”, một tuyên bố ngày 28 tháng 2 từ văn phòng báo chí Vatican cho biết.

Hãng tin Reuters đưa tin Đức Giáo Hoàng đã được chụp CT tại bệnh viện trên đảo Tiber ở Rôma; văn phòng báo chí Vatican đã không trả lời yêu cầu xác nhận.

Vị giáo hoàng 87 tuổi đã hủy bỏ các cuộc hẹn vào ngày 24 tháng 2 và ngày 26 tháng 2, nhưng ngài đã chủ trì buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 25 tháng 2 mà không gặp khó khăn gì rõ ràng. Vatican không cung cấp thông tin cập nhật về sức khỏe vào ngày 27 tháng 2 vì thứ Ba là ngày nghỉ thường lệ của ngài và ngài không phải hủy bất kỳ cuộc hẹn nào.

Ngoài việc gặp gỡ nhóm các giám mục Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô còn có các buổi tiếp kiến riêng vào ngày 29 tháng 2 với: Đức Hồng Y Kevin J. Farrell, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống; với Cha Andrzej Komorowski, bề trên tổng quyền của Huynh đoàn linh mục Thánh Phêrô; và có Đức Tổng Giám Mục Rui Manuel Sousa Valério của Lisbon, Bồ Đào Nha, và một nhóm người tháp tùng ngài. Không có buổi tiếp kiến nào liên quan đến việc Đức Giáo Hoàng phát biểu hoặc nhờ ai đó đọc văn bản của ngài.

Đến buổi tiếp kiến chung vào ngày 28 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng xe lăn thay vì chống gậy đi bộ. Giọng ngài khàn khàn và yếu hơn bình thường.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đến Bệnh viện Gemelli Isola vào cuối tháng 11 để chụp CT phổi. Vào thời điểm đó, ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican đã nói: “Kết quả chụp CT đã loại trừ bệnh viêm phổi, nhưng cho thấy tình trạng viêm phổi gây ra một số khó khăn về hô hấp”.

Các vấn đề đã buộc ngài phải hủy chuyến đi đã lên kế hoạch tới Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12 để tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Trong một số trường hợp trong những tuần đầu tiên của tháng 12, ngài đã nhờ các trợ lý đọc bài phát biểu của ngài. Vào giữa Tháng Giêng, nói rằng mình “hơi bị viêm phế quản”, ngài đã bỏ qua một số bài phát biểu mặc dù vẫn tiếp tục gặp gỡ các nhóm khác nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua cuộc phẫu thuật vào năm 1957 để cắt bỏ một phần phổi của mình sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Ngài khẳng định cuộc phẫu thuật không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của ngài.

Nhưng năm ngoái, ngài đã phải vào bệnh viện Gemelli từ ngày 29 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 vì tình trạng mà các bác sĩ nói là “nhiễm trùng đường hô hấp”. Ngài có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Vào năm 2022, bệnh viện trên Đảo Tiber của Rôma, do Dòng Anh em Bệnh viện Thánh Gioan Thiên Chúa thành lập và điều hành, đã liên kết với bệnh viện Gemelli nơi Thánh Gioan Phaolô II và chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua các cuộc phẫu thuật.