Ngày 03-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hạt tro nhắc nhở
Ngô xuân Tịnh
05:31 03/03/2010
Hạt tro nhắc nhở

Nhận lên vầng trán chút tro
Mở đầu chay thánh con đò sang sông
Bỏ hết vướng mắc cõi lòng
Trở về với Chuá suối trong tuôn tràn
Hồng ân cứu độ chứa chan
Để cho cuộc sống ngút ngàn yêu thương
Phúc âm thấm đẫm đời thường
Thực thi bác ái con đường sẻ chia
Mùa xuân cứu độ vào mùa
Em ơi sám hối sớm trưa chân thành
Trong vòng tay Chuá về nhanh
Cuộc đời em sẽ long lanh rạng ngời
Hồng ân của Chuá tuôn rơi
Cùng nhau xây dựng cuộc đời phúc âm
Tránh xa cuộc sống mê lầm
Như là trần thế ngàn năm sống đời
Em là hạt bụi mà thôi
Một mai em sẽ xa rời thế gian
Xác vào lòng đất căn phần
Hồn còn tùy thuộc phúc lành tạo nên
Để còn vinh hưởng phúc trên
Hay đày khổ ải triền miên trọn đời
Hạt tro nhắn nhủ em ơi
Đâu là căn tính trọn đời của em
Suốt đời em mãi tiến thêm
Hạnh phúc trọn hảo như niềm ước mơ

Rong rêu thánh sủng

Con tròn như hòn đá cuội
Lăn trong dòng chảy cuộc đời phù vân
Gập ghềnh bao ngọn thác nguồn
Lăn tròn luôn mãi hao mòn xác thân
Vinh hoa phú quý hồng trần
Tiền tài danh vọng bao lần cuốn theo
Dòng thác tình ái bọt bèo
Bao lần hối hả cuốn theo tháng ngày
Rồi con đọng lại gì đây ?
Linh hồn tàn úa xác gầy héo hon
Tha ma nhuộm ánh hoàng hôn
Vi vu gió thổi oan hồn thở than
Đời đời hỏa ngục căn phần
Đốt thiêu đầy ải sống gần Satan
Cho con dừng lại vòng lăn
Theo dòng giả dối phù vân cuộc đời
Im lìm đắy nước ngắm trời
Rong rêu thánh sủng phủ đời đá trơn
Muôn màu hạnh phúc dập dờn
Ngân nga cùng sóng ngập hồn ngợi ca
Hồng ân Thiên Chúa hải hà
Biến đời cát bụi sao sa bầu trời
Như là bảo chứng tuyệt vời
Phúc vinh trần thế và đời mai sau
Rong rêu thánh sủng ươi màu.
 
Giuse trầm lặng
Trầm Thiên Thu
05:32 03/03/2010
Thánh Giuse sống âm thầm
Cả đời biết giữ lặng im, vâng lời
Nghe tin Đức Mẹ mang thai
Ngài không nói, chỉ định rời đi xa
Thiên thần khuyên nhủ đừng đi
Ngài liền ở lại chăm lo cho Nàng
Làm nghề thợ mộc gian nan
Giuse chịu đựng, không than trách gì
Lúc Con lạc ở Đền thờ
Đức Mẹ trách Chúa, Giuse đứng nhìn
Cả đời Ngài vẫn lặng im
Thánh Kinh cũng chẳng một lần nhắc chi
Nhưng Người Công Chính Giuse
Hy sinh thầm lặng, sớm khuya không lời
Nhọc nhằn gian khổ cả đời
Không ai khen tặng, không ai chúc mừng
Thương con, thương vợ hết lòng
Dẫu cô đơn lắm vẫn không nói gì
Lạ kỳ mà cũng diệu kỳ
Làm nhiều, nói ít, đó là Giuse
Con người trầm lặng, đơn sơ
Nhưng chẳng hững hờ, một mực tin yêu.
 
Thánh Giuse, Người Công Chính
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
05:34 03/03/2010
Người công chính, là người cần thiết để xây dựng công bằng và chân lý, tình yêu trên thế giới. Những đức tính của người công chính không những điểm tô nhân cách của mình còn là một bảo đảm cho hậu duệ và thành trì vững chắc bảo vệ an bình, đồng thời là nền móng cho thế giới không bị lay chuyển.

Thánh Giuse được giới thiệu là Đấng Công Chính, dựa trên những nét tiêu biểu.

Công bằng, vị tha, tình yêu.

Công bằng:

Công bằng không chỉ là trả cho mỗi người những gì thuộc về người đó, theo cách hiểu của cụm từ “dare cuique suum” mà còn là thái độ trách nhiệm sống tình yêu với người khác.

Đối với Thánh Giuse, được Thánh Kinh giới thiệu là bác thợ mộc. Thời đó gọi là thợ mộc bao gồm cả những người sửa chữa vặt những đồ dùng trong gia đình bị hư gãy. Thánh Giuse chấp nhận là một người thợ sửa chữa vụn vặt ấy. Vấn đề không thuộc về tay nghề cao thấp, xứng với đồng lương lãnh. Vấn đề nghề nghiệp của Thánh Giuse lựa chọn là phục vụ những con người nghèo trong xã hội, chính họ chứ không ai khác phải sửa chữa những gì vặt vãnh, nếu giàu có họ đã thay thế cái hư thành cái tốt hơn. Xã hội của những người nghèo chỉ đủ trả cho những người thợ chấp nhận nghèo như họ để làm những công việc nhiều hơn đồng lương được lãnh. Sống nghèo với người nghèo là tái lập sự công bằng giữa những người nghèo đang chịu sự bóc lột bởi giới giàu có. Đó là lối sống lên tiếng mời gọi trả lại công bằng cho mọi người được sống, không phải để hưởng những gì mình có mà trả lại đúng nghĩa công bằng cho mọi phẩm giá của con người được tôn trọng. Không giống như những trào lưu của những cao bồi nghĩa hiệp được người ta ca tụng, chiếm lấy của người giàu để chia cho người nghèo. Sống công bằng theo Thánh Giuse là cách lựa chọn sống nghèo để thông chia với người nghèo trong những khả năng đã được nhận lãnh, thể hiện đời sống Tin Mừng một cách trung thành: “Anh em đã nhận một cách nhưng không hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10, 8).

Thánh Giuse trong cách sống công bằng, chấp nhận cuộc sống đơn nghèo của mình để sẻ chia. Có thể thấy trong đời sống tự nguyện nghèo khó, một tâm hồn đã tôi luyện khỏi những ích kỷ, cái tôi, biện luận cho lối sống gây bất công. Cội rễ của bất công nằm trong tâm khảm của mỗi người khi “muốn ở trên và đối kháng với người khác” (Sứ Điệp Mùa Chay 2010, Benedicto XVI). Đón nhận tự nguyện đời sống nghèo khó để cùng với người nghèo khó xây dựng đời sống bảo vệ cho phẩm giá cao quý của con người, đó là chứng nhân cho công bằng giữa những bất công.



Vị tha:


Ra khỏi cái tôi để hướng về người khác vì họ là “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 27). Trước hết để tách mình ra khỏi cái tôi “ích kỷ”, là hướng về Thiên Chúa, chỉ khi quy hướng về Thiên Chúa mới có thể thắng được cái tôi của mình. Ra khỏi là biến cố xuất hành của từng cá nhân, nghe Lời của Thiên Chúa ra khỏi chính mình và để thực hiện đời mình theo ý Chúa.

Thánh Giuse cho thấy điểm quan trọng đó trong đời sống ra khỏi chính mình mà Thánh Kinh thuật lại: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." (Mt 1, 19 – 21). Quy chiếu cuộc đời của mình với ý muốn của Thiên Chúa, dẹp bỏ những dự định ước mơ của mình để ý muốn Thiên Chúa thực hiện. Ý muốn của Thiên Chúa bao giờ cũng là ý muốn hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Được xưng tụng là công chính, bởi vì Thánh Giuse đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đâng hoàn hảo” (Mt 5, 48), bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Có ra khỏi chính mình quy hướng về Thiên Chúa mới có thể là tác nhân xây dựng công bằng trên trái đất được. Cụ thể ý muốn của Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là ra khỏi chính mình, để có được đặt ở trên người khác thì cũng có cách thi hành: “trở thành người phục vụ” (Mt 23, 11), loại trừ được tính đối kháng mà sống với nhau như anh chị em con một Cha trên trời.

Thánh Giuse, trong đời sống phục vụ chẳng thấy một lời lẽ nào được ghi lại. Phục vụ không phải là để tên tuổi mình được rạng danh mà để Danh Thiên Chúa hiển trị. Đó là mẫu gương đích thực cho đời sống phục vụ trong khiêm tốn và trong tình yêu.

Tình Yêu:

Đón nhận ý muốn của Thiên Chúa để thực hiện trong cuộc đời mình là thực hiện đời sống trong Tình Yêu.

Thánh Giuse, đón nhận ý muốn Thiên Chúa nhờ mặc khải về con trẻ sẽ được đặt tên là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ dân Người. Đón nhận nên như khí cụ Thiên Chúa dùng thực thi công trình cứu độ. Thánh Giuse cũng như những người Do Thái mộ mến Thiên Chúa khác đã hiểu cụ thể rằng: Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa giải thoát. Điều đó Chúa đã thực hiện với dân của Người khi đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập. Từ minh chứng cụ thể đó, dân Do Thái hiểu thêm, Thiên Chúa yêu thương cũng là Thiên Chúa đã giải thoát nhân loại khỏi hư vô mà tạo dựng nên con người. Giải thoát vượt xa tầm hiểu biết của con người “từ không đến có” và từ “tội lỗi đến chỗ tinh tuyền”. Nhờ vào đời sống kinh nghiệm về lòng yêu thương của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã tự nguyện hiến dâng của lể chính cuộc đời của Ngài trở thành công cụ cho Giải Thoát.

Thánh Giuse, người công chính cũng chính trong điểm son này. Sống cuộc đời trở thành của lễ hiến dâng, cho Thiên Chúa và cho nhiều người. Cuộc sống không còn sống cho chính mình nữa mà là sống trong Thiên Chúa. Tình yêu không còn mang tính cá nhân nữa mà mang chiều kích Toàn Thể. Chỉ trong Đấng là cội nguồn mọi sự, cá nhân mỗi người mới được thực hiện trong Chúa Giêsu “trở nên tất cả cho mọi người, để cứu sống nhiều người” (1 Cor 9, 22).

Sống tình yêu là cách sống đưa nhiều người về với Thiên Chúa, để chính Thiên Chúa giải thoát họ, đó là cách sống công bình trong Tình Yêu. Trả lại lẽ đúng cho con người, mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương.

Xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con trong cuộc đời trần thế này, theo gương Ngài sống đáp lại Lời Chúa mời gọi: “Nên hoàn hảo”, thực thi đời sống trong kinh nghiệm giải thoát để ra khỏi chính mình và sống kết hiệp với Tình Yêu Chúa để nên mọi sự cho mọi người.

(Suy niệm về Thánh Giuse cùng với sứ điệp mùa chay 2010 của Đức giáo Hoàng Bênêdictô XVI)
 
Năm Thánh 2010 - Sám hối
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:23 03/03/2010
NĂM THÁNH 2010 -- SÁM HỐI

"Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt. 3:2).

Một cha bề trên đang đi dạo với các đệ tử, một em trong nhóm hỏi: Thưa cha, khi nào người ta nên hối cải? Cha bề trên trả lời cách nhẹ nhàng: “Con hãy bảo đảm rằng con sẽ hối cải vào ngày sau cùng của cuộc đời”. Nhưng rồi có vài em khác phản kháng lại, chúng ta không bao giờ biết được ngày giờ nào là ngày sau cùng của cuộc đời. Cha bề trên cười và nói: “Cách đơn giản nhất là hãy hối cải ngay bây giờ”. Mùa chay là mùa sám hối. Sám hối là nhận biết lỗi lầm của mình, rồi hối lỗi và xin tha lỗi, sau cùng là sửa lỗi để nên hoàn thiện. Mùa chay đưa dẫn chúng ta trở về với Chúa và về với lòng mình. Nếu lòng chúng ta đầy ứ những lo lắng và bận bịu trong cuộc sống bên ngoài, vậy còn chỗ đâu cho chính chúng ta. Chúng ta hãy dừng lại đôi chút và tìm nơi thanh vắng để vui hưởng sự thảnh thơi, thư giãn và tìm nhìn lại chính mình.

1. Biết Mình

Mùa chay là thời gian trở về. Chúng ta cần có những giây phút thinh lặng giúp suy tư và xét mình để nhận diện con người thật của mình. Truyện kể rằng những người hàng xóm thấy Nasruddin đang bò dưới đất. Một người hỏi: anh đang tìm gì thế? Ông trả lời: Tìm cái chìa khóa của tôi. Và cả hai người cùng bò xuống đất đi tìm. Tìm một hồi, không thấy, người hàng xóm hỏi: Anh mất chìa khóa ở đâu vậy? Nasruddin trả lời: Tôi mất chìa khóa tại nhà. Người bạn hỏi: Vậy chứ tại sao ông lại tìm chìa khóa ở đây? Ông trả lời: Bởi vì ở đây có nhiều ánh sáng hơn. Truyện lạ! Làm sao tìm được đồ vật đã mất nơi một địa điểm không liên quan gì cả. Mất ở đâu phải tìm ở nơi đó chứ. Chúng ta chỉ tìm đồ vật đã mất nơi chúng ta không biết chính xác khi có nhiều lý do để nghi ngờ thôi.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta không có vấn đề gì cả. Chúng ta vẫn chu toàn tốt mọi công việc hàng ngày. Sống yên vui trong tổ ấm gia đình của chúng ta. Chúng ta sống trọn vẹn mọi giây phút có được trong cuộc sống. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sống trọn hảo. Nhưng chúng ta có biết đâu rằng, hầu như trong mọi lúc chúng ta đều bị cuốn hút vào một cái gì đó. Những hành động lập đi lập lại nhiều lần trở thành thói quen và chúng ta không còn nhận ra cái sai hay sự phiền hà mà chúng ta đang gây ra cho người khác. Như khi lái xe hay khi đi đường, chúng ta nghe nhạc lớn hoặc nói truyện phôn to. Chúng ta có nghĩ rằng chúng ta làm phiền người khác không? Khi chúng ta đi làm về nhà, chúng ta lại tự động mở máy vi tính hay truyền hình xem tin tức, thể thao và các mục chúng ta ưa thích nhưng chúng ta quên đi là chúng ta đang sống trong một gia đình. Chúng ta nên biết là cần phải tế nhị chia sẻ niềm vui với người khác.

2. Hoàn Cảnh Sống

Mỗi người chúng ta sinh sống ở những môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Có người sống trong đời sống gia đình, có mẹ có cha và anh chị em. Có người sống riêng rẽ một mình, có người sống trong cộng đoàn lớn hoặc nhỏ hoặc có những người sống đời âm thầm lặng lẽ nơi cô tịch Chùa Chiền hay Tu Viện. Có những người sống công khai và suốt ngày phải đối diện với xã hội bên ngoài. Nhìn vào cuộc sống riêng của mình để tìm ra chỗ đứng của mình trong các sinh hoạt qua sự thành công hay thất bại và cả những lỗi lầm mình đã đang phạm phải. Tìm về nơi mình sinh sống để biết được con người thật của mình. Nơi đây sẽ giúp chúng ta xét mình và dễ dàng nhận diện ra mình để sám hối. Những lỗi lầm không xa lạ xảy ra hàng ngày và có thể lập đi lập lại. Thí dụ: những người sống trong bậc gia đình, chúng ta sống và đối diện với chính những người thân nhất. Chúng ta đã nghĩ gì, nói gì và làm gì hoặc không làm điều gì để phải phật lòng hay buồn phiền người khác. Môi trường gia đình giúp chúng ta xét đến các việc bổn phận của mình đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái và cháu chắt trong nhà. Con cái đã làm điều chi mắc lỗi với bề trên như ông bà, cha mẹ, anh chị, cô dì chú bác của mình. Từ tổ ấm gia đình, chúng ta sẽ tìm thấy cái chìa khóa đã mất. Hãy hối lỗi và xin ơn tha thứ.

3. Về Nguồn

Những lỗi lầm chúng ta thường phạm xảy ra ở đâu? Có thể là nơi phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc hay phòng ngủ? Thái độ cộc cằn hay những cơn cám dỗ của chúng ta thường lập đi, lập lại ở những nơi nào? Chúng ta có thể bị cám dỗ hay phạm những tội lỗi như nhìn xem những phim ảnh vô luân và kiêu dâm trên đài truyền hình hoặc trước màn ảnh vi tính hay là qua những cuộn phim lôi cuốn nào đó. Lỗi phạm cũng có thể xảy ra nơi chúng ta đang làm việc như tại bàn giấy, nơi phòng giao tiếp khách hàng. Qua những cách thế cư xử, bàn bạc công việc làm ăn, tính toán xổ sách, gian lận thuế má liên quan đến sự công bằng xã hội…nơi đây là môi trường làm ăn. Chúng ta thường hành xử thế nào?

Tiếp đến là các học sinh, sinh viên và nhà giáo trách nhiệm thế nào nơi Học Đường? Sự liên hệ phái tính, ngay thẳng trong bài vở, ghen tị qua khả năng, đối chọi về tôn giáo, phân biệt về văn hóa và chủng tộc và công bằng đối xử với nhau ra sao? Những đòi hỏi của sự chọn lựa văn hóa sự sống hay sự chết, liên hệ bạn bè, thói hư tật xấu như hút sách, chơi bời, phá phách hay dung tục luân lý thế nào? Ngoài xã hội, những nơi công cộng như ngoài công viên, trên đường phố, nơi siêu thị, trên xe lửa, xe bus hay những chuyên chở công cộng,… nơi chúng ta đặt chân đến, chúng ta đã để lại dấu vết gì?

Trong các nơi thờ phượng, nhà thờ, nhà nguyện, nơi hành hương và chỗ tụ họp đọc kinh cầu nguyện. Chúng ta cư xử với nhau thế nào? Dùng lời lẽ ra sao? Chúng ta có nhìn nhận nhau như là anh chị em con cùng một Cha, có cùng một đức tin, một niềm hy vọng và có tôn trọng lẫn nhau không? Thường thường chúng ta có ba nơi mà chúng ta thường xuyên có mặt: ở nhà, nơi làm việc hoặc trường học và nhà thờ.

Xét mình cuộc sống qua những nơi chúng ta đã đến, đã làm việc và những người mà chúng ta đã gặp. Khi chúng ta nhận diện ra được những yếu điểm của mình, chúng ta có thể bắt đầu có một thái độ khác trong cư xử và sự chọn lựa cách sống. Con người chúng ta dễ thường hướng chiều về sự dữ và làm điều xấu gọi là bản năng. Đôi khi chính chúng ta tự tìm đến những cơn cám dỗ và mở cửa cho thần dữ xâm nhập. Có khi chúng ta bị đặt vào trong những hoàn cảnh éo le khó tránh các cơn cám dỗ. Đôi khi chúng ta không đủ sức chống lại cơn cám dỗ và bị chìm đắm, nghiện ngập trong các cám dỗ về đàng xấu. Thường thì chúng ta sẽ thua cuộc trong các cơn cám dỗ, nhất là về sự tham lam và dục tình.

4. Tự Kiểm

Truyện kể có một người phụ nữ chuẩn bị rời nhà đi làm việc. Công việc của cô rất quan trọng, cô sẽ xuất hiện trên truyền tin để đưa tin tức mỗi ngày. Sự xuất hiện của cô đòi buộc cô phải rất cẩn thận trong cách trang phục. Thói quen mỗi buổi sáng, trước khi ra ngoài, lần cuối cùng cô ngó qua chiếc gương lớn và cẩn thận xem lại khuôn mặt mình, tóc tai và y phục cho xứng hợp. Cô hoàn toàn thỏa mãn với y phục và các trang sức của mình và cô nói: Bây giờ cô sẵn sàng đối diện với một ngày mới. Nhưng rồi trong thâm tâm của cô, một tiếng nói thì thầm bỗng hiện lên trong đầu: Những trang phục bên ngoài của cô đã sẵn sàng nhưng còn con người bên trong của cô thì thế nào? Cô đã có điểm tâm cho thân xác, nhưng cô đã có gì dưỡng nuôi cho tâm hồn và thần trí của cô không? Làm thế nào để đối diện qua con người thật của cô trong ngày mới? Bao nhiêu cay đắng, thù ghét, ghen tị, giận hờn mà cô đang mang theo với cô vào đời. Có những điều xấu có thể sẽ đổ trên đầu trên cổ những người chung quanh khi cô gặp gỡ họ?

Chúng ta đang sống trong thế giới xô bồ và lẫn lộn các giá trị luân lý đạo đức. Biết rằng hành trình cuộc sống của chúng ta được kết dệt bằng những lựa chọn không ngừng. Đôi khi chúng ta không biết lựa chọn thế nào cho đúng: giữa thiện và ác, giữa đúng và sai và giữa xấu và tốt. Đôi khi làm chúng ta phải so đo tính toán và rất khó quyết định giữa hai khoảng cách này. Chúng ta không thể buông xuôi theo thị yếu và sự đòi hỏi của nhu cầu cuộc sống. Chúng ta cần có những suy nghĩ đúng đắn và phân biệt thế nào là tốt, xấu và đúng, sai. Mỗi một quyết định chọn lựa của chúng ta, chúng ta phải trả giá và chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể đổ thừa cho hoàn cảnh hay môi trường sống.

5. Sự Thay Đổi

Ma quỉ cám dỗ rất khôn khéo. Từng bước dẫn ta vào đường lầm lạc. Bà Evà đã bị trúng kế của ma qủy về sự cám dỗ. Bà đi từ việc muốn ăn trái cấm tới việc kiêu ngạo muốn được biết mọi sự bằng Thiên Chúa. Truyện kể về họa sĩ Leonardo de Vinci, khi ông vẽ bức họa nổi tiếng “Bữa Tiệc Ly”. Ông đã chọn một người bạn trẻ đẹp trai tên là Pietri Bandenelli, làm người mẫu để vẽ hình Chúa Giêsu. Bức vẽ phải mất mấy năm mới có thể hoàn thành. Nhân vật sau cùng là Giuđa. Họa sĩ đã đi tìm khắp hang cùng ngõ hẻm, cả những nơi sào huyệt tội lỗi, để kiếm người làm mẫu vẽ khuôn mặt của Giuđa. Sau cùng, ông đã tìm đuợc một người vừa ý, anh chàng tiều tụy và xấu xa ghê tởm. Khi ông đang vẽ, Leonardo cảm nhận có một cái gì quen quen với người này và ông đã hỏi chàng thanh niên rằng hình như chúng ta đã gặp nhau trước đây. Anh ta nói: Phải, chúng ta đã gặp nhưng đã có nhiều đổi thay trong đời tôi từ ngày đó. Anh nói rằng tên của tôi là Bandenelli, là người đã làm mẫu vẽ hình Chúa Giêsu trước đây.

Cuộc đời thay đổi nhưng chúng ta biết rằng, hiện bây giờ mỗi người đều còn có cơ hội đổi thay từ Giuđa trở thành Giêsu. Chúng ta hãy tỉnh thức cầu nguyện luôn, xin Chúa đừng để chúng con xa chước cám dỗ. Biết rằng chúng ta không thể tránh các cơn cám dỗ trong cuộc sống. Phải phấn đấu và thắng vượt các cơn cám dỗ, chúng ta sẽ được hưởng phước bên Chúa. Muốn thắng vượt các cơn cám dỗ, chúng ta không thể cậy dựa vào sức riêng mình mà cậy dựa vào ơn Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Thần Khí của Chúa thanh tẩy và rửa sạch tâm hồn. Vua thánh Đavid đã cảm nhận được sự yếu đuối và xấu xa tội lỗi của mình, ngài đã nài xin Chúa tẩy sạch tâm hồn nhơ nhớp: Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết (Tv. 51:9).

6. Ăn Năn

Truyện kể rằng: Ngày xưa, khi xã hội loài người chưa được phát triển, các hình phạt dành cho các tội nhân rất khắc nghiệt. Có một người đàn ông ăn trộm con cừu, ông đã bị đóng dấu trên trán chữ ST (sheep stealer) cho mọi người nhận diện. Sau đó, ông đã hối cải trở về cùng Chúa và dành hết giờ để phục vụ mọi người láng giềng. Khi ông về già, nhiều người rất qúy mến và tôn trọng ông. Khi các con cái, cháu chắt trong làng hỏi cha mẹ của chúng, chữ ST trên trán ông cụ có nghĩa gì? Cha mẹ chúng nói rằng đó là chữ Thánh (Saint).

Sự cám dỗ đưa đẩy chúng ta vào những việc sai trái mà đôi khi chúng ta không hay biết. Cứ thế chúng ta an vui tự tại trong cách suy nghĩ và cách sống của mình. Những cám dỗ thường ngày rất nhẹ nhàng và tinh tế. Chúng ta rất khó để phân biệt thiện hay ác. Khi chúng ta sa phạm tội lỗi thì chúng ta chỉ nghĩ là vui chơi tí thôi, đâu có hại chi và cứ thế chúng ta dìm ngập trong tội lúc nào không hay. Nhớ câu truyện con ếch ngồi trong nồi nước. Nếu chúng ta bỏ một con ếch vào trong một nồi nước lạnh, rồi đem đun xôi từ từ. Nước nóng dần, con ếch vẫn cảm thấy thoải mái nằm yên hưởng phước và rồi từ từ nước nóng xôi lên, chú ếch chết lúc nào không hay biết.

7. Sám Hối Trở Về

Chúa mời gọi chúng ta: “Thời giờ đã mãn, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hãy sám hối, chúng ta đã nghe đi nghe lại biết bao nhiêu lần, nhưng chúng ta thực sự sám hối được gì. Muốn sám hối trước tiên chúng ta phải nhận biết mình. Biết mình đang ở đâu và tâm hồn mình đang trong tình trạng nào? Biết mình rồi, chúng ta có muốn sửa mình hay không ? Sửa mình là phải bỏ mình. Bỏ mình thì không dễ. Bỏ thì rất đau và tiếc nuối. Tiếc những thói hư đã nhiễm. Tiếc những tội đã làm chúng ta nghiện. Tiếc những giây phút ân ái nhẹ nhàng khoan khoái. Chúng ta tiếc thương cho tội phải chừa và phải bỏ đi. Chúng ta muốn nên hoàn thiện đòi hỏi là thế đó. Phải dứt khoát chừa bỏ thôi !

Sám hối là sửa mình và đổi mới con người. Sống theo lời mời gọi của Tin mừng. Muốn có một khởi đầu tốt, tiên vàn chúng ta phải tìm nơi thanh tịnh, xét mình và cầu nguyện. Có ơn Chúa phù trì, chúng ta có thể từng bước đổi thay cách sống và cuộc sống của chúng ta thành con người mới trong Chúa Kitô. Thánh Vịnh 51 là một bài ca tuyệt vời nói về lòng nhân hậu của Chúa đối với những tâm hồn tội lỗi sám hối trở về: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy (Tv. 51:12).

8. Đừng Trì Hoãn

Những điều gì chúng ta có thể thực hiện được trong ngày hôm nay, đừng để tới ngày mai. Mỗi ngày có những niềm vui và nỗi buồn của nó. Chúng ta biết rằng những gì đã qua là quá khứ, chúng ta không thể làm gì với quá khứ nữa. Ngày mai thì chưa tới, chúng ta có thể dự tính nhiều việc cho ngày mai, nhưng thời gian vẫn là tương lai. Chúng ta có thể vui thú nghĩ về và nói về ngày mai nhưng chúng ta không thể sống khoảng thời gian chưa tới. Vậy mỗi giây phút hiện tại vẫn là món qùa qúy báu nhất mà chúng ta có được. Trong giây phút hiện tại chúng ta vẫn có thể nhớ về quá khứ và hướng tới tương lai nhưng chúng ta vui vì chúng ta biết rằng mình đang hiện hữu và đang sống. Từng giây phút nối dài làm cho đời của chúng ta thêm trưởng thành, khôn ngoan và kinh nghiệm. Chúng ta đừng để lỡ một giây phút nào mà chúng ta không sống. Có nghĩa là đừng để thời gian qua đi một cách vô ích.

Truyện kể rằng: Ngày xưa Archias là vua dân Thêba. Ngày đó, trong triều đình có một nhóm triều thần lập mưu ám hại ông. Một hôm bọn họ lẻn vào trong thành nhưng có một người bạn thân của vua hay cơ mưu, liền viết thơ khẩn báo cho vua. Người đưa thư tới giữa lúc vua đang dự tiệc. Dù được báo là tối quan trọng, nhà vua vẫn bỏ thư vào túi rồi nói: Việc quan trọng thì cũng để mai hãy tính. Nhưng thương thay đêm đó, nhà vua bị sát hại. Trong cuộc sống hàng ngày, Chúa cũng cảnh báo chúng ta bằng nhiều cách. Khi thì bằng lời giảng, sách đọc hoặc có khi thì bằng nghịch cảnh mà chúng ta phải đối diện. Giáo Hội luôn luôn mời gọi con cái mình qua các dấu chỉ thời gian. Một năm có 12 tháng, lịch phụng vụ phân chia có những mùa vui, mùa thương, mùa sám hối, mùa mong đợi để giúp mỗi người chúng ta ý thức về cuộc hành trình. Ai cũng phải đi tới cùng đích nhưng tới đích để lãnh triều thiên chứ không phải tới để lãnh hình phạt.

Quyết Tâm

Lạy Chúa, chúng ta đang trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam. Những việc cử hành bên ngoài rất hoành tráng. Mỗi nơi, mỗi Giáo Phận hay Giáo Xứ có rất nhiều người đã đến tham dự. Chúng con đã có rất nhiều những suy tư gợi nhớ về hình ảnh các bậc Tiền Nhân. Họ đã anh dũng nêu cao ngọn cờ chiến thắng tin tưởng vào Chúa Giêsu, Vua của Vũ Trụ. Các Ngài đã đổ máu đào minh chứng niềm tin. Các Ngài đã chiến đấu và đã đi đến cùng đường. Các Ngài đáng hưởng triều thiên vinh quang, Chúng con đang lữ hành dưới thế, chúng con cũng đang dõi bước theo chân các cha ông để sống trọn lành. Xin Chúa thêm ơn phù trợ để chúng con biết bỏ đi những thói hư tật xấu, những dung tục trong cuộc sống thế trần và giúp chúng con sám hối trở về bên lòng Chúa khoan dung.

Bronx, New York, Mùa Chay 2010
 
Không thánh giá không hạnh phúc
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
08:56 03/03/2010
KHÔNG THÁNH GIÁ KHÔNG HẠNH PHÚC

... Nhiều người, rất nhiều người, mỗi khi rơi vào tình trạng bất ổn, âu sầu thường đổ lỗi cho THIÊN CHÚA và đánh mất Đức Tin Công Giáo.

Đó cũng là trường hợp của tôi, xét vì, ngay từ thơ ấu cuộc đời tôi không bao giờ tươi đẹp như cánh hoa. Năm lên 6 tuổi, tôi mất cả Cha lẫn Mẹ. Chỉ có điều may mắn là các Cậu Dì thương yêu chăm sóc tôi như chính con ruột của các ngài.

Rồi đến một ngày tôi được hồng phúc quen biết Valeria một thiếu nữ trong trắng và kiều diễm. Nơi nàng như tỏa ra luồng sáng hòa điệu. Càng tiếp xúc với nàng chúng tôi càng hiểu nhau và quý mến nhau. Chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng. Sau 5 năm nối kết tình thân, chúng tôi quyết định đính hôn. Trong thời gian đính hôn, tình trạng tâm hồn của tôi hoàn toàn biến đối. Tôi khám phá ra ý nghĩa đích thật của Tình Yêu. Tôi cũng tìm lại Đức Tin Công Giáo mà tôi luôn muốn bóp nghẹt bên trong tôi.

Gần một năm rưỡi sau đính hôn, chúng tôi nghĩ đến chuyện tiến đến hôn nhân. Chúng tôi cùng nhau dệt nên không biết bao nhiêu mộng đẹp và dự án, trong đó có chuyện làm một chuyến hành hương đi Lộ Đức với tư cách là nhân viên thiện nguyện của tổ chức UNITALSI. Unitalsi là Hiệp Hội Ý chuyên lo việc đưa bệnh nhân và người tàn tật đi hành hương Lộ Đức và các Đền Thánh Quốc Tế.

Thế nhưng, cuộc đời luôn luôn có trăm nghìn cái bất ngờ. Có cái bất ngờ tuyệt đẹp nhưng không thiếu những cái bất ngờ cay đắng và thảm thương. Và tôi đã nhận một trong những cái bất ngờ đau thương nhất. Đó là cái chết đột ngột của Valeria vị hôn thê dấu ái của tôi. Nàng tử nạn trong khi đi xe đạp và bị một chiếc xe hơi húc mạnh vào. Nàng chết ngay tại chỗ. Chết tức tưởi đang độ tuổi xuân không lời trăn trối!

Sau cái chết đột ngột của vị hôn thê, tôi từ từ tìm kiếm cho mình một câu giải thích về ý nghĩa cuộc đời. Nhờ tình yêu Valeria còn lại trong tôi, tôi tìm thấy câu trả lời trong Đức Tin Công Giáo. Một trong các câu là:

- Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì Chúa cho con hiểu rằng không có Thánh Giá thì không ai có thể sống hạnh phúc. Bởi vì, khi chịu đau khổ người ta nhận bài học: ”mỗi kinh nghiệm đẹp và xấu của cuộc sống đều luôn luôn có những lý do giúp con người hạnh phúc”. Con sung sướng cả khi con có thánh giá và từ thánh giá mà Chúa ban cho con, con xin cảm tạ Chúa.

Sau khi hiểu rõ ý nghĩa Thánh Giá và Đau Khổ tôi quyết định làm một chuyến hành hương Lộ Đức với tư cách nhân viên thiện nguyện như từng hoạch định với Valeria, trước khi nàng qua đời. Tôi đi hành hương Lộ Đức mang theo hành trang là tình yêu và niềm thương nhớ Valeria.

Ngay khi khởi hành chuyến đi, mặc dầu có rất nhiều công tác phải chu toàn, tôi đã cảm nghiệm một bầu khí vui tươi lan tỏa suốt trong cuộc hành trình. Niềm vui an hòa đến từ các bệnh nhân và tàn tật, những người kém may mắn hơn chúng ta rất nhiều. Vậy mà, với một nụ cười bình dị trong sáng, với một lời cầu nguyện đơn sơ, họ biết dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA về tất cả các ơn lành THIÊN CHÚA ban cho họ. Với lòng tin tưởng phó thác và tâm tình khiêm tốn tột độ, các anh chị em bệnh nhận và tàn tật tự để hoàn toàn cho chúng tôi hướng dẫn họ. Họ cảm động và sung sướng ngay cả đối với những cử chỉ phục vụ nhỏ nhặt nhất.

Kể từ sau chuyến hành hương Lộ Đức đáng mến đáng yêu ấy, tôi hiểu rằng chúng ta phải từ bỏ cái ích kỷ chỉ nghĩ đến mình và tìm kiếm lợi ích riêng tư. Mỗi người, mỗi tín hữu Công Giáo đều có thánh giá. Và không ai có thể thoát khỏi thánh giá. Trái lại, với niềm tin nơi THIÊN CHÚA, trong mỗi giây phút cuộc đời, chúng ta đều có thể làm một phép lạ, thực hiện một nghĩa cử cao đẹp khi trao hiến cho nhau một tình huynh đệ chân thành.

Chứng từ của ông Fabio tín hữu Công Giáo Ý.

... Đức Chúa GIÊSU phán với các môn đệ rằng: ”Chúa CHA đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong Tình Yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của CHA Thầy và ở lại trong Tình Yêu của CHA Thầy. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi CHA Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Gioan 15,9-15).

(Gianni Toni, ”I volti del treno bianco”, Editrice AVE, Seconda ristampa Ottobre 2007, trang 19-21)
 
Toàn gia đình sống Mùa Chay thánh
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
10:30 03/03/2010
TOÀN GIA ĐÌNH SỐNG MÙA CHAY THÁNH

... Mùa Chay Thánh 2010 toàn gia đình Ông Bà Michel và Blandine cùng với 5 đứa con - tuổi từ 5 tháng đến 10 tuổi - quyết định sống tinh thần chay tịnh cách cụ thể.

Chúng tôi cố gắng thích nghi thời gian chay tịnh để chuẩn bị tâm lòng đón mừng Niềm Vui Phục Sinh tùy theo tuổi tác của từng đứa con. Trước Thứ Tư Lễ Tro, chúng tôi tụ họp 5 đứa con lại để cùng nhau hoạch định một chương trình chung. Chúng tôi muốn các con đích thân dự phần vào cách hoàn toàn tự do chứ không bị ép buộc. Rồi chúng tôi cùng nhau chọn một quyết định chung. Chẳng hạn khi ăn ngoài bữa lúc 10 giờ sáng hoặc 4 giờ chiều thì mỗi người chỉ lấy một thẻ nhỏ sôcôla thay vì hai thẻ. Chúng tôi cẩn thận không chọn những quyết định to tát lắm để có thể thực hiện được và không lỗi lời dốc lòng. Tiếp đến là buổi cầu nguyện chung vào mỗi buổi tối thứ sáu nơi căn phòng được trang trí cách riêng cho việc cầu nguyện. Chúng tôi cũng hứa cố gắng lãnh bí tích Giải Tội và toàn gia đình sẽ tham dự các buổi Cử Hành Phụng Vụ trong Tuần Thánh.

Để cụ thể các hành động trong Mùa Chay chúng tôi chọn một tấm bảng lớn có hình vẽ bầu trời và sa mạc trên đó có con đường dài tượng trưng cho hành trình tiến về Lễ Phục Sinh. Khi một phần tử trong gia đình thực hiện một hành vi tốt hoặc sốt sắng đọc một Lời Kinh ngắn thì dán lên tấm bảng một cánh hoa hoặc tô màu một cây nến được vẽ trên con đường dẫn đến Lễ Phục Sinh.

Tất cả công việc nhỏ bé thực hiện trong gia đình dọc theo Mùa Chay Thánh có mục đích hướng dẫn con cái đi trên lộ trình Đức Tin Công Giáo. Chúng tôi khuyến khích các con tích cực tham gia. Như thế, vào cuối con đường, nghĩa là vào Ngày Lễ Phục Sinh, niềm vui của các con chúng tôi sẽ tràn đầy khi chúng cảm thấy đã trung thành với lời dốc lòng, đã thực hiện những điều quyết định tốt lành được đề ra.

... Mọi phần tử trong gia đình không bắt buộc phải có những hành động giống nhau. Nhưng mọi người có thể tham gia vào buổi tụ họp cầu nguyện chung vào mỗi buổi tối chẳng hạn. Hoặc vào các bữa ăn khi chia sẻ cho nhau những tin tức vui buồn thì sau các bữa ăn, tất cả cùng phó thác và dâng lên THIÊN CHÚA. Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhắc nhớ toàn gia đình đưa cuộc sống thiêng liêng vào thực tại hàng ngày. Thông thường, mỗi giáo xứ có tổ chức một Ngày Thống Hối chung. Nếu toàn thể gia đình cùng tham dự thì sẽ nâng cao ý thức về chỗ đứng của cộng đoàn giáo xứ trong lòng Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ.

Mùa Chay Thánh là thời điểm quan trọng mà Cha Mẹ Công Giáo đạo đức có thể lợi dụng để giáo dục con cái trong tinh thần từ bỏ và chia sẻ. Các con em được khuyến khích nhịn bớt kẹo bánh để lấy tiền giúp người nghèo. Sự chia sẻ cũng diễn tả qua việc chú ý đến người khác. Tất cả thực hiện với ý hướng hân hoan chuẩn bị tiến về đại Lễ Phục Sinh. Thánh Biển Đức từng nhắn nhủ:

- Trong Niềm Vui Chúa Thánh Linh chúng ta cùng nhau chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh.

Ngoài ra nơi các Trường Học Công Giáo, người ta cũng phát động các Chiến Dịch Mùa Chay với mục đích nhắc nhở học sinh sinh viên sống tinh thần quảng đại, nhịn bớt một cái gì đó để góp vào món quà trao tặng người nghèo, người kém may mắn. Mùa Chay Thánh năm 2009 toàn nước Pháp đã có rất nhiều rất nhiều học sinh tham gia Chiến Dịch Mùa Chay. Thật cảm động và đáng khuyến khích biết bao!

... Có lời THIÊN CHÚA phán với tôi rằng. Phần ngươi, hỡi con người, hãy nói với con cái dân ngươi rằng: Sự công chính của người công chính sẽ không cứu được nó vào ngày nó phản nghịch; và sự gian ác của người gian ác sẽ không làm cho nó nghiêng ngửa vào ngày nó từ bỏ sự gian ác mà trở lại. Người công chính không thể sống nhờ sự công chính của mình vào ngày nó phạm tội. Giả như Ta nói với người công chính rằng chắc chắn nó sẽ sống, nhưng nếu nó lại ỷ vào sự công chính của mình mà làm điều bất công, thì chẳng việc công chính nào của nó còn được nhớ đến nữa; nhưng chính vì mọi điều bất công nó đã làm nên nó sẽ phải chết. Hoặc giả Ta nói với kẻ gian ác: ”Chắc chắn ngươi phải chết”, nhưng nếu nó từ bỏ tội lỗi mà trở lại và thực hành điều công minh chính trực, nếu nó trả lại của cầm, đền của lấy cắp, sống theo những lề luật đưa tới sự sống và không làm điều bất công thì chắc chắn nó sẽ được sống và không phải chết. Mọi tội lỗi nó đã phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến nữa: nó đã thi hành lẽ công minh, nó sẽ được sống (Êdêkien 33,12-16).

(”Pèlerin”, L'Hebdo du Quotidien, N 6637, Jeudi 11 Février 2010, trang 34)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 03/03/2010
BUỘC LẠC ĐÀ

N2T


Đệ tử cỡi lạc đà đi gặp đại sư Ba Tư, đi đến bên ngoài lều bạt thì xuống lạc đà, đi thẳng vào bên trong, cúi mình thật sâu chào đại sư, nói:

- “Con vạn phần tin tưởng vào Đức Chúa, do đó mà con bỏ lạc đà ở bên ngoài lều bạt mà không buộc nó lại. Con tin tưởng Đức Chúa sẽ bảo hộ tất cả những đồ vật của tôi trung Ngài.”

Đại sư nói:

- “Đồ ngốc, mau đi buộc lạc đà lại gấp. Đức Chúa không phiền phức như thế, không quấy rầy khi ngươi có thể tự mình giải quyết được vấn đề.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Thiên Chúa đã ban cho con người trí khôn để biết phân biệt điều tốt và điều xấu, để biết cái gì nên làm và cái gì không nên làm; Thiên Chúa đã ban cho con người một quả tim để biết yêu thương và chia sẻ, chứ không phải để chứa chất hận thù.

Có những người Ki-tô hữu không làm gì cả mà chỉ tín thác vào Chúa, thế là họ nghèo vẫn cứ nghèo, bởi vì họ không dùng trí óc và sức lực của mình để làm việc, Thiên Chúa không hề ban ơn cho những kẻ biếng nhác; có người đem chiếc xe mới mua của mình đậu ở trong sân nhà thờ mà không khóa, rồi xin Chúa giữ dùm để vào nhà thờ cầu nguyện, khi ra khỏi nhà thờ thì xe không cánh mà bay mất, bởi vì Chúa không bao giờ giữ dùm khi chúng ta có thể khóa xe và giữ xe...

Thiên Chúa sẽ can thiệp khi con người biết dùng trí óc và sức lực của mình để làm việc, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho con người một trí khôn và một con tim để làm cho vũ trụ mà Ngài tạo dựng ngày càng đẹp hơn.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:21 03/03/2010
N2T


7. Nước nhạt mà chảy ra biển thì biến thành nước mặn, cũng vậy, khoái lạc của thế tục kết cuộc vẫn chỉ là đau khổ.

(Thánh Bonaventura)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:22 03/03/2010
N2T


379. Phục vụ tha nhân là nguồn gốc của vui vẻ.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội và việc bảo vệ quyền của các người du mục
Linh Tiến Khải
05:11 03/03/2010
Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ cho mgười di cư và lưu động

Trong những ngày này các vị giám đốc mục vụ toàn Âu châu đang tham dự cuộc họp đo Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ cho người di cư và lao động triệu tập tại Roma. Cuộc họp có đề tài là: ”Sự quan tâm của Giáo Hội đối với các người du mục: tình hình và các viễn tượng” đã bắt đầu hôm 2-3 và sẽ kết thúc vào ngày 4-3-2010.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh về cuộc họp này.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Marchetto, tình hình sống của các anh chị em du mục tại Âu châu hiện nay ra sao?

Đáp: Trước hết tôi xin nêu bật rằng tình trạng sống nghèo túng tột cùng của hàng triệu anh chị em du mục tại Âu châu đã trở thành trầm trọng hơn vì bầu khí căng thẳng và thù nghịch đối với họ. Dĩ nhiên, không phải trong mọi nước Âu châu đều có cùng cường độ chống người du mục, kỳ thị và bài trừ họ như nhau. Tuy nhiên, đây là các điều tiếp tục tồn tại khắp nơi. Giáo Hội có bổn phận bênh vực phẩm giá và các quyền lợi của họ, đồng thời cũng nhắc nhở cho các anh chị em du mục biết các bổn phận dân sự của họ.

Trong phiên họp này chúng tôi duyệt xét tình trạng sống của người du mục trong các nước Âu châu cả trên bình diện mục vụ và nhấn mạnh các thách đố và các cơ may. Đồng thời chúng tôi cũng tìm minh nhiên các ưu tiên và đưa ra các đề nghị cho một công tác mục vụ hữu hiệu và có phối hợp hơn giữa các Giáo Hội địa phương Âu châu và các tổ chức giáo hội và không giáo hội đang nỗ lực dấn thân trợ giúp người du mục. Ngoài ra chúng tôi cũng tìm các phương thế làm sao để Giáo Hội được các cộng đoàn du mục tiếp nhận một cách tốt đẹp hơn.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đề tài của cuộc họp là ”Sự quan tâm của Giáo hội đối với người du mục: tình trạng và các viễn tượng”. Giáo Hội chứng tỏ cho thấy sự lo lắng của mình đối với các anh chị em này như thế nào?

Đáp: Giáo Hội hiện diện giữa các người du mục với một công tác mục vụ chuyên biệt, chú ý tới các đặc thù văn hóa của họ và tôn trọng căn cước và sự khác biệt của họ, như Công Đồng Chung Vaticăng II đã đòi hỏi. Trong hầu hết các nước Âu châu đều có các cơ cấu và văn phòng được thành lập cho công tác mục vụ chuyên biệt này, trong đó có các linh mục và nhân viên mục vụ hoạt động để bảo đảm việc trợ giúp tinh thần một cách hữu hiệu và thích hợp cho người du mục. Số nhân viên mục vụ này thay đổi tùy theo từng nước. Bên Pháp chẳng hạn là nước có truyền thống mục vụ lâu đời cho người du mục có khoảng 100 nhân viên, trong đó có hai Linh Mục, các Phó Tế vĩnh viễn các thừa tác giúp lễ và đọc sách thuộc sắc tộc Manouche. Nhiều vị chia sẻ cuộc sống lang thang nay đây mai đó của người du mục tại các trại hay trong các xe làm nhà ở và thành lập các ”cộng đoàn cầu nối”. Và như thế các nhân viên mục vụ này chia sẻ các khổ đau và các âu lo thường ngày của các anh chị em du mục, bằng cách tạo ra các mối dây liên đới và hiệp thông huynh đệ.

Còn có một cách thức cụ thể khác diễn tả sự lưu tâm của Giáo Hội đối với anh chị em du mục: đó là con số nhiều dòng tu và hiệp hội tu sĩ dấn thân trong việc rao truyền Tin Mừng cho người du mục và trong các hoạt động đôi khi nhắm mục đích cống hiến cho người du mục sự phát triển toàn diện. Ngoài ra công tác mục vụ của khoảng 100 linh mục tu sĩ nam nữ và phó tế phát xuất từ các sắc tộc du mục cũng rất là hữu hiệu. Thêm vào đó cũng nên nhớ rằng còn có các tổ chức quốc tế dấn thân bênh vực các quyền của người du mục và thăng tiến cuộc sống xã hội văn hóa và tôn giáo của họ nữa.

Hỏi: Theo Đức Cha, sự kiện năm 2010 đã được tuyên bố là ”Năm Âu châu chống lại nạn nghèo túng và loại trừ bên lề xã hội” có thể có ý nghĩa nào đối với các anh chị em du mục thuộc các sắc dân Rom, Sinti và các nhóm du mục khác?

Đáp: Số người du mục tại Âu châu xê xích từ 12 đến 14 triệu. Đa số, như tôi đã nói trên đây, phải sống trong cảnh nghèo túng cùng cực: không có nước trong lành để uống, không có thực phẩm, nhà ở và không được trợ giúp y tế. Sự nghèo túng và bị kỳ thị khiến cho rất nhiều anh chị em du mục bị gạt bỏ ra ngoài các lãnh vực lao động và chính trị, các hệ thống giáo dục và các tiến trình quyết định kể cả đối với những gì liên quan tới họ. Đã có nhiều hoạt động và các dự án từ phía các chính quyền và chúng tôi hy vọng là chúng sẽ được thực hiện để giúp các người du mục ra khỏi tình trạng bị cô lập hóa này, tình trạng mà chính họ cũng có phần trách nhiệm.

Dầu sao đi nữa, cần phải chú ý tới điều Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã yêu cầu trong Thông Điệp ”Bác Ái trong chân lý”, nghĩa là lưu tâm làm sao để các hoạt động, các dự án và các sáng kiến không hạ nhục người nghèo, trong trường hợp ở đây là các người du mục. Bởi vì rất thường khi người ta quên rằng họ cũng là người như chúng ta, với phẩm giá của họ. Cần có các cử chỉ bác ái và các lộ trình cởi mở đối với nhau. Tôi cầu mong rằng mọi sáng kiến trợ giúp các anh chị em du mục thuộc sắc tộc Rom, Sinti và các nhóm sắc tộc khác là các chương trình dài hạn, nghĩa là không kết thúc với ”Năm Âu châu cho người du mục”, nhưng tiếp tục cho tới khi họ hội nhập vào cuộc sống xã hội và dân sự.

Hỏi: Trong chương trình cuộc họp các vị giám đốc mục vụ cho người du mục Âu châu cũng có một cuộc thảo luận về các ”đề nghị giúp gia tăng đối thoại và cộng tác bên trong và bên ngoài Giáo Hội”. Tại sao người ta lại cho khía cạnh này tầm quan trọng lớn như thế thưa Đức Cha?

Đáp: Đối thoại và cộng tác là hai cột trụ nâng đỡ mọi hoạt động chung và vì thế chúng rất quan trọng trong công việc mục vụ. Các anh chị em du mục, đa số đều là những người bị gạt bỏ bên lề xã hội dân sự, và hậu qủa là họ cũng bị loại bỏ một cách dễ dàng bởi các cộng đoàn giáo xứ tại nơi họ sống. Vì vậy cần phải có một công tác mục vụ chuyên biệt cho họ. Nhưng rất tiếc là không phải mọi Giám Mục và linh mục chánh xứ đều cảm nhận được sự cấp thiết đó.

Mục đích chúng tôi nhắm tới đó là tìm ra các phương thức và đường lối thuận tiện giúp các Giáo Hội địa phương, các giáo phận, giáo xứ tham gia nhiều hơn vào công tác mục vụ cho người du mục, bằng cách khuyến khích sự cộng tác và chia sẻ giữa chúng tôi với nhau. Thật ra có những giáo phận đã thành công trong việc tạo ra các ủy ban bao gồm đại diện của người du mục và tín hữu bản địa. Nhiều giáo phận khác đã thành công trong nỗ lực thiết lập các tương quan huynh đệ và đưa ra các lộ trình cộng tác và hiệp thông tập thể. Một vài Giáo Hội và giáo phận đã phát triển các dự án lôi cuốn sự tham dự của cả các anh chị em du mục và đòi hỏi phải có một ý thức và tinh thần trách nhiệm lớn hơn. Chẳng hạn đã có một giáo phận mở cho anh chị em du mục một ”Văn phòng lo cho người Rom và Sinti”, hoạt động như là văn phòng xã hội, nơi các anh chị em du mục Rom và Sinti có thể được hưởng quy chế trợ giúp tài chánh cho các dự án nhỏ. Đây không phải chỉ là khuynh hướng duy trợ giúp, mà là các chiến thuật qua đó người du mục Rom và Sinti trở thành các người chủ động. Đây là điều xa lạ với bản chất của họ. Nhưng người ta hy vọng là việc chia sẻ các kinh nghiệm này giúp củng cố dấn thân mục vụ của các Giáo Hội địa phương và các phong trào và hiệp hội của Giáo Hội trong nỗ lực thăng tiến cuộc sống của người du mục.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Marchetto, Giáo Hội có nhiệm vụ chống lại các thành kiến và các thái độ bài người du mục Rom và Sinti tại một số quốc gia, kể cả Italia, hay không?

Đáp: Chắc chắn là có rồi. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng mới nhắc lại cho chúng ta biết trong Thông Điệp ”Bác ái trong chân lý”. Giáo Hội ”có một sứ mệnh về sự thật phải chu toàn, trong mọi thời và mọi hoàn cảnh, nhắm tới một xã hội phù hợp với con người, với phẩm giá và ơn gọi của nó”.

Các thành kiến và các thái độ bài ngoại trái nghịch với các quyền con người và gây nguy hại cho việc chung sống trong xã hội dân sự. Ngoài ra đối với chúng ta là Kitô hữu đó là thiếu bác ái và công bằng đối với tha nhân, dù họ có khác biệt với chúng ta, hoặc thiếu sót hay có lỗi đi nữa. Thế rồi các hình thức nghi kỵ này cũng là các triệu chứng của sự nghèo nàn tinh thần mà Giáo Hội công giáo phải tố cáo và trợ giúp thắng vượt nó. Đó là lý do giải thích sự khích lệ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm đối với việc đưa vào trong công tác mục vụ việc bênh vực và bảo vệ các quyền con người. Liên quan tới điều này chúng ta có giáo huấn xã hội của Hội Thánh là một phần của luân lý công giáo, luôn đặc biệt lắng nghe các người yếu đuối nhất và bênh vực những người đau khổ vì các kỳ thị và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tuy nhiên Giáo Hội cũng cảnh cáo những người đòi các quyền lợi của họ một cách chính đáng, để họ đừng quên các bổn phận riêng của mình, bởi nếu không thì có nguy cơ xảy ra cảnh ”một tay xây dựng một tay phá” (Gioan XXIII, Pacem in Terris).(RG 27-2-2010)
 
Hoa Kỳ: phân nửa các trẻ em da đen không được sinh ra
Bùi Hữu Thư
07:01 03/03/2010
Một hiện tượng nô lệ ngày nay?

ROME, Thứ hai ngày 1 tháng 3, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Phân nửa các trẻ em da đen không được sinh ra: nhận xét này gợi ra một suy tư về sự liên hệ giữa hiện tượng phá thai trong sắc dân da đen tại Hoa Kỳ và hậu quả của chế độ nô lệ.

Ông Trent Franks, dân biểu Cộng Hòa tiểu bang Arizona đã gây nên những phản ứng tại Hoa Kỳ khi ông tuyên bố “tình trạng của người Mỹ gốc Phi Châu ngày nay tệ hại hơn so với thời kỳ nô lệ,” và tố cáo con số quá cao các vụ phá thai trong sắc dân Mỹ gốc Phi Châu.

Ông Franks khẳng định: Nếu lịch sử về hàng triệu người Châu Phi nô lệ “đã để lại những vết thương không thể xóa mờ trong tâm hồn người Hoa Kỳ [...] thì tiếc thay, phân nửa các trẻ em da đen vẫn còn đang bị phá thai. Các chính sách ngày nay đang tàn phá một phần quan trọng hơn trong cộng đồng Mỹ gốc Phi Châu so với các chính sách liên quan đến việc nô lệ.”

Một số các dân biểu “còn nói đây là một hiện tượng diệt chủng,” như các người tổ chức một chiến dịch quảng cáo tại Atlanta, nơi trên 80 tấm bảng vĩ đại có vẽ hình một đứa trẻ da đen với một trong hai câu sau đây: “Trẻ em da đen là một loại tạo vật đang bị đe dọa tiêu diệt,” và “Các phụ nữ da đen phá thai con mình ba lần nhiều hơn các phụ nữ da trắng.”

Bà Catherine Davis, thuộc tổ chức Quyền Sống Georgia (Georgia Right to Life) đã tuyên bố như vậy khi đề cập đến chiến dịch này: “người dân tôi đang tự hủy diệt, và không có ai đoái hoài. Tôi muốn mọi người thấy được điều này.” Thật vậy, tại tiểu bang Georgia, “Trong số 35.000 phụ nữ phá thai năm 2008, 21.000 là người da đen.” Hơn nữa, trên bình diện quốc gia, 37% các vụ phá thai được thực hiện trên các thành viên của cộng đồng Mỹ gốc Phi Châu, với phân xuất chỉ có 13% dân số Hoa Kỳ.

Những người tổ chức chiến dịch tại Atlanta tấn công đặc biệt bà Margaret Sanger, sáng lập viên của tổ chức Kế Họach Hóa Gia Đình (Planned Parenthood), mà đa số các bệnh xá nằm trong các khu da đen. Ở đây các người ủng hộ “quyền được phá thai của phụ nữ” giải thích con số khác biệt lớn về các vụ phá thai trong cộng đồng da đen, trong khi khẳng định rằng “các vụ mang thai ngoài ý muốn xẩy ra rất nhiều hơn trong nhóm này so với các nhóm kia,” đối với nhiều người khác, tỉ lệ này có nghĩa là “các lý thuyết về ưu sinh học (eugénique) bà Sanger đã ủng hộ vào thập niên 30.” Một cuốn phim thời sự có tên “Hiện tượng diệt chủng da đen tại Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ 21” (Black Genocide in 21st Century America), được phát hành năm ngoái thiết lập một sự liên hệ giữa chính sách nô lệ, ưu sinh học và việc phá thai, và cho lưu hành trong các tổ chức Mỹ gốc Phi Châu. Theo cuốn phim, việc hợp thức hóa phá thai đã được thúc đẩy bởi “các người da trắng theo thuyết ưu sinh, mà bà Sanger, một biểu tượng của nhóm phụ nữ bình quyền, đã muốn tiêu diệt người Mỹ da đen.” Cuốn phim cho xuất hiện bà Alveda King, cháu của TS Martin Luther King, “người tố cáo ‘sự kỳ thị chủng tộc của việc phá thai’ sau khi chính bà đã phải chiụ đựng hai lần IVG ». Bà đã hai lần viết trong báo Washington Times năm 2009: “Đa số, có thể tới 75% các bệnh xá thực hiện các vụ phá thai nằm trong các khu vực có con số các dân thiểu số đông đảo. Những kẻ bênh vực việc phá thai nói rằng đó là vì họ muốn phục vụ cho người nghèo. Tuy nhiên, họ không phục vụ người nghèo, nhưng đã lấy tiền để tiêu diệt những đứa con của những người này.”
 
Đức Thánh Cha được mời tới Santiago de Compostela (TÂy Ban Nha) để tham dự Năm Thánh “Giacôbê”
Bùi Hữu Thư
10:17 03/03/2010
Thánh Tông Đồ Giacôbê Cả là quan thầy của Tây Ban Nha

VATICAN, ngày 2 tháng 3, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI được mời thăm viếng Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha vào năm 2010, là Năm Thánh “Giacôbê”,đang tiếp diễn cho tới cuối năm nay.

Ông Alberto Núñez Feijoo, chủ tịch cộng đồng tự trị Galicia, đã đến Vatican ngày thứ hai vừa qua để trình thư mời lên Đức Thánh Cha. Tháp tùng phái đoàn có Tổng Giám Mục Julián Barrio tại Santiago de Compostela, họ trình dâng Đức Thánh Cha huy hiệu kỷ niệm đầu tiên của Năm Thánh.

Thánh Tông Đồ Giacôbê Cả (tên Tây Ban Nha là Santiago) là quan thầy của Tây Ban Nha. Theo tục truyền, ngài đã truyền giáo tại Tây Ban Nha, và ngôi mộ của ngài được đặt bên trong nhà thờ chánh tòa Santiago de Compostela, và chính là đích điểm của cuộc hành hương rất thịnh hành El Camino de Santiago de Compostela (Con đường Thánh Giacôbê).

Ngày lễ kính thánh Giacôbê là ngày 25 tháng 7, và một năm thánh được cử hành vào những năm có ngày lễ trùng vào ngày Chúa Nhật, việc này xẩy ra 14 lần trong mỗi thế kỷ.

Năm Thánh này bắt đầu ngày 31 tháng 12, 2009, và kéo dài tới cuối năm 2010, sẽ là Năm Thánh “Giacôbê” thứ hai của thiên niên kỷ thứ ba này. Năm Thánh kế tiếp sẽ xẩy ra vào năm 2021.

Trong lời tuyên bố dành cho giới truyền thông vào cuối buổi họp, ông chủ tịch Feijoo bầy tỏ niềm hy vọng là “chúng tôi sẽ có tin vui” về thư mời Đức Thánh Cha. Ông nói: “Tin mừng này phải được xác định bởi Đức Thánh Cha và các cộng sự viên của ngài.”

Ông Núñez Feijoo giải thích trong buổi họp là ông đã trình bầy với Đức Thánh Cha tầm quan trọng đối với Galicia và toàn thể quốc gia Tây Ban Nha về việc cử hành Năm Thánh Santiago de Compostela.

"Chúng tôi chỉ muốn trình bầy ước muốn sâu xa của chúng tôi là được thấy ngài tại Santiago và tôi rất hài lòng, sung sướng và hy vọng sẽ được thấy ngài tại Santiago, một thành phố duy nhất, giống như Rôma, đã có một ngôi mộ được xác nhận là của một vị Thánh Tông Đồ."

Ông tiếp: "Tôi chỉ chờ mong ngài như một người xứ Galicia."

Phái đoàn cũng tặng Đức Thánh Cha một mô hình nhỏ của một Botafumeiro (có nghĩa là người đẩy lui khói hương) của nhà thờ chánh tòa, và một bản sao tiếng Galicia của sách Codex Calixtinus, một ấn bản viết tay vào thế kỷ 12 chỉ dẫn cho các khách hành hương đi theo “Con Đường của Thánh Giacôbê.”

Botafumeiro là một bình sông hương nổi tiếng được thấy trong nhà thờ chánh Santiago de Compostela.

Ông Núñez Feijoo thông báo là vào tháng Năm, sẽ có một cuộc triển lãm được khai mạc tại Rôma trình bầy đời sống của vị Tổng Giám Mục tiên khởi của Santiago, là Tổng Giám Mục Diego Gelmírez (hay Xelmírez, 1059-1139), là người thúc đẩy việc xây cất nhà thờ chánh tòa, được cung hiến năm 1211.

2011

Đức Thánh Cha Benedict XVI dự trù thăm viếng Tây Ban Nha vào tháng Tám 2011, nhân dịp Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid. Vatican cũng xác định vào đầu tháng này là ngài cũng đã nhận được thơ mời đến Barcelona để thánh hiến nhà thờ Sagrada Familia, do kiến trúc sư Antoni Gaudí phác họa.

Phái đoàn Galicia hy vọng là nếu Đức Thánh Cha không thể đến Tây Ban Nha năm nay, ngài sẽ thêm Santiago de Compostela vào lịch trình của ngài năm 2011. Ông chủ tịch cũng mời Đức Thánh Cha tham dự ngày kỷ niệm 800 năm lễ cung hiến nhà thờ chánh tòa Santiago de Compostela.

Tổng Giáo Phận Santiago de Compostela đã tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1989.
 
Top Stories
Sisters of Saint Paul de Chartres Congregation restored in Hanoi
J.B. An Dang
08:27 03/03/2010
Archdiocese of Hanoi welcomed back the congregation of Sisters of St. Paul de Chartres after its 50 years of absence.

Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi, Archbishop Stephen Nguyen Nhu The of Hue, Bishop Josep Nguen Chi Linh of Thanh Hoa, and dozens of bishops and priests from various dioceses in Vietnam concelebrated on March 1 the re-establishment of the congregation of Sisters of St. Paul de Chartres in Hanoi.

The congregation of the Sisters of St. Paul de Chartres is an international, missionary congregation founded by Fr.Louis, parish priest of Levesville-la-Chenard, a small village in France. Sisters of St. Paul de Chartres arrived in Vietnam in 1860 when the Church in the country was being suffered harsh persecutions under the kingdom of Tu Duc (1847-1883).

They had established a congregation in Hanoi in 1883, near the end of the period of 261 years from 1625 to 1886 when 130,000 Catholics were killed throughout the country.

They taught children about God, visited the sick, and helped patients at hospitals. Despite of wave after wave of persecutions, quietly they sowed the seeds of the Kingdom of God, hoping that they would grow, blossom, and produce much fruit.

Unfortunately, after the communist takeover of the North in 1954, all their missions in Hanoi had to be abandoned due to the extreme hostility towards Catholics of the new regime.

In his sermon, Archbishop Joseph Ngo encouraged those attending the ceremony to join him in “praising the Lord for testimonies of unwavering faith of the Sisters of St. Paul de Chartres. Their properties were confiscated one by one. Area of the remaining ones got smaller and smaller. Their number reduced, some dead, others in jail. Despite all those, the Sisters kept serving people with all their hearts.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, Chương Trình Chuyên Đề về Ơn gọi làm người -- Vai trò và sứ mệnh của người Phụ Nữ Việt Nam
BMV Gia Đình SG
05:28 03/03/2010
CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN ĐỀ XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU

Cách đây MỘT THẾ KỶ, năm 1910, Hội nghị quốc tế phụ nữ lần II họp tại Côpenhagen- thủ đô nước Đan Mạch -đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc Tế Phụ Nữ, đề cao vai trò của mọi tầng lớp chị em năm châu, tôn vinh những người phụ nữ đã đấu tranh cho quyền bình đẳng giới và nhân phẩm người nữ trên toàn thế giới.

Trong thư gửi phụ nữ ngày 29/06/1995, ĐGH Gioan Phaolo II đã đề cập đến phẩm giá của người phụ nữ góp phần làm cho cuộc sống ngày càng thú vị và hạnh phúc hơn.

Ngài cũng bày tỏ sự đau lòng khi nhân loại ngày nay “đã kế thừa từ lịch sử nhiều yếu tố tác động khiến cho, ở mọi thời và mọi nơi, con đường của phụ nữ thật khó đi: người ta coi nhẹ phẩm giá của họ, bỏ qua quyền hạn của họ, thường gạt họ ra ngoài lề xã hội và thậm chí biến họ thành nô lệ... Nhân loại đã mắc một món nợ khổng lồ vì cái “truyền thống” trọng nam khinh nữ ấy”.

Vượt qua thân phận hẩm hiu của người phụ nữ trong những thập niên trước, ngày nay, với sự nâng cao kiến thức, trình độ văn hóa, đời sống vật chất, dần dần người phụ nữ đã khẳng định được vị trí, vai trò và năng lực của mình trong đời sống gia đình và xã hội.

Chương Trình Chuyên Đề Cuối Tuần xin trân trọng mời Cả Nhà tới tham dự buổi nói chuyện:

Ơn gọi làm người: Lm. Louis Nguyễn Anh Tuấn Trưởng ban mục vụ HNGĐ.
Vai trò và sứ mệnh của người Phụ Nữ Việt Nam trong Xã Hội và Giáo Hội: Nt. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP.

Đặc biệt, hai Nam Ca Sĩ Công Giáo Thanh Sử và Hoàng Hiệp tình nguyện đến hát tặng QUÝ NỮ TU, QUÝ MẸ, QUÝ CHỊ - EM và TOÀN THỂ KHÁN GIẢ THÂN THƯƠNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN ĐỀ 3 bài hát:

- Lòng Mẹ (Ns. Y Vân) do Ca sĩ Thanh Sử trình bày
- Chị Tôi (Ns. Trần Tiến) do Ca sĩ Thanh Sử trình bày
- Cám ơn em (Ns Lê Việt Dũng) do Ca sĩ Hoàng Hiệp trình bày

Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, Chương Trình Chuyên Đề tặng quà đặc biệt cho Quý Nữ Tu, Quý Mẹ và Chị Em tham dự Khóa Ơn Gọi Làm Người và Thai Giáo.

Thời gian: từ 2g00 – 5g00, chiều thứ Bảy ngày 06.03. 2010.
Địa Điểm: Giảng Đường Phanxico X. Nguyễn Văn Thuận (B102) Lầu 1, TTMV Tổng Giáo Phận Sài Gòn, số 6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, Tp. HCM.

Chuyên Đề Cuối Tuần rất hân hạnh đón chào toàn thể quý vị.
 
Tĩnh tâm tại Sở Kiện và chuyến đi thăm trại phong Ba Sao của sinh viên TGP Hà Nội
Bình An
11:48 03/03/2010
SỞ KIỆN - Ngày 27/02/2010 (tức 14 tháng giêng Âm lịch), khi mà dư âm của năm mới Canh Dần vẫn còn phảng phất đâu đây bên những mâm cơm gia đình đầm ấm thì anh chị em trong Ban điều hành Hội sinh viên Công Giáo TGP Hà Nội chúng tôi đã mời gọi nhau đến với Đền Thánh Sở Kiện để cùng chia sẻ về những cảm nghiệm thiêng liêng của mình trong Mùa Chay Thánh...

Hình ảnh sinh hoạt

Đúng như lịch hẹn, 7h45’ sáng ngày 27/02/2010, gần 50 anh chị em chúng tôi đã có mặt đông đủ tại cuối nhà thờ chính toà Hà Nội để sẵn sàng lên đường, sau một ít phút cầu nguyện cùng Đức Mẹ cả đoàn bắt đầu lên xe và xuất phát hướng về Sở Kiện. Hành trình của chúng tôi bắt đầu một cách khá yên ả, tĩnh lặng, vì dường như sự mệt mỏi của giấc ngủ vội đêm qua vẫn còn phảng phất đâu đây trên mỗi khuôn mặt của các thành viên trong đoàn.

9h30’, khi cả đoàn đặt chân đến Đền Thánh Sở Kiện thì một không gian cổ kính, đẹp, rộng rãi, thoáng mát, xanh ngút ngàn chải dài mở ra trước mặt khiến cho anh chị em chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và bị choáng ngập. Sau ít phút lặng người đi để hoà mình vào cảnh vật, không gian nơi đây, anh chị em chúng tôi đã đem hết sức trẻ, sự vui tươi, lòng nhiệt huyết, cùng niềm tôn kính của mình vào chào Đức Cha và quý Cha quản xứ. Chải lòng mình trước những người Cha đáng kính, đoàn chúng tôi được chia thành hai tốp (nam - nữ) để đi nhận chỗ ở nghỉ ngơi. Các bạn nữ được về nghỉ cùng với các Dì dòng Biển Đức trong một không gian khá bình lặng và tách biệt, còn anh em con trai chúng tôi thì được dẫn đến nghỉ tạm tại một căn nhà cũ kĩ, rêu phong - nơi đã từng là Chủng viện của Giáo phận đàng ngoài, rồi bị chính quyền tịch thu và “được” trả lại khi giá trị sử dụng gần như không còn nữa…

13h30, sau khi dùng bữa và nghỉ trưa xong, anh chị em chúng tôi trở lại nhà nguyện để bắt đầu tham dự những chương trình chính trong hai ngày tĩnh tâm của mình. Để tiện cho việc sinh hoạt và quản lý, 50 anh chị em chúng tôi được chia đều thành 4 tổ; những chiếc điện thoại như vật bất ly thân của chúng tôi được ban tổ chức gom lại và giữ giúp để cho mọi người đỡ mất tập trung trong suốt hai ngày tĩnh tâm; những cuộc trao đổi được đề nghị thay bằng cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ để cho tâm hồn mỗi người trở nên phong phú và bình lặng hơn… Hai ngày tĩnh tâm được bắt đầu với Thánh lễ khai mạc lúc 14h30 trong một ngôi Thánh đường uy nghi, trầm cổ. Lễ vật chân thành của anh chị em chúng tôi được dâng lên trong lời nguyện tha thiết của Cha chủ tế, cùng tiếng đàn hát ngân vang khắc sâu vào những nét chạm trổ tinh xảo của ngôi Thánh đường đã làm nên một Thánh lễ vô cùng sốt sáng. Đến khi trở về nhà nguyện sau Thánh lễ rồi mà trong lòng chúng tôi vẫn như đang dâng trào một cảm giác hạnh phúc đến tột độ.

Buổi tĩnh tâm được tiếp diễn với giờ giảng phòng. Hơn một tiếng đồng hồ giảng dạy say sưa, Cha giảng phòng đã đưa chúng tôi qua hết sự kiện này tới sự kiện khác liên quan đến bất công bình, chống lại sự thật, chống lại con người với những lập luận vô cùng chặt chẽ, xúc tích khiến cho bao mệt mỏi, bất an, lo lắng của chúng tôi tan biến hết và chỉ còn lại đó một nỗi niềm thao thức đang thúc bách chúng tôi phải chung tay bảo vệ cho sự thật, cho công lý được thực thi trên quê hương đất nước thân yêu này.

Giờ chia sẻ của Cha kết thúc, từng tổ từng tổ chúng tôi cùng nhau ra đi, cùng nhau bước ra khỏi bốn bức tường nhà nguyện kín đáo, tìm đến những bãi cỏ xanh non, êm ái để chia sẻ với nhau những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống, những niềm hạnh phúc dâng trào khi được gặp Chúa trong công việc, trong cuộc sống và trong quá trình hoạt động nhóm. Biết bao tâm sự, biết bao nỗi niềm được chia sẻ hết cho nhau trong sự tin yêu khiến chúng tôi quên đi tất cả những gì đang xảy ra, đang hiện hữu xung quanh mình… Chỉ đến khi bóng tối bao trùm hết không gian xung quanh, khiến chúng tôi không còn nhìn rõ mặt nhau nữa thì những tâm tình mới tạm lắng lại đưa anh chị em chúng tôi trở về nhà nguyện để cùng tổng kết lại tất cả tâm tình trong giờ chia sẻ theo tổ.

Buổi chiều khép lại cùng bữa cơm huynh đệ ấm cúng, hoà với tiếng nhạc du dương, êm đềm khiến cho bao mệt mỏi, ưu tư của mỗi người đều được trút bỏ hết trước khi chúng tôi bước vào giờ sinh hoạt buổi tối. Giờ sinh hoạt ban tối chúng tôi lại được nghe Cha giảng phòng chia sẻ về chủ đề “sinh viên Công giáo với cầu nguyện”. Thực sự sau khi nghe Cha chia sẻ chúng tôi mới chợt nhận ra rằng con người mình nhiều lúc khô khan, vì chúng ta đôi khi chỉ biết xin đủ thứ mà không biết tạ ơn, chỉ biết than trách, đổ tội mà không chịu nhận lỗi. Rồi chúng tôi đã cùng nhau sám hối, cùng nhau nhìn nhận lại tất cả những lỗi lầm của mình để xin được hoà giải, được trở về bên Cha Từ Ái. Đúng là ách Cha lúc nào cũng êm ái, chúng tôi đã cùng được lãnh nhận bí tích hoà giải giữa một không gian thoáng đãng. Không còn tấm màn che kín đáo và lạnh lẽo nơi toà giải tội, không còn ghế quỳ nằm ẩn khuất trong một góc tối nơi nhà nguyện; Cha đã đưa chúng tôi đến bên ghế đá mộc mạc nằm giữa những bãi cỏ xanh non trong khu vườn để lãnh nhận bí tích hoà giải, khiến cho việc xưng tội không còn nặng nề, khó khăn như chúng tôi vẫn hình dung nữa, mà thực sự là một nơi dốc bầu tâm sự và hối cải chân thành. Thật nhẹ nhàng, thật hân hoan, chúng tôi lại cùng nhau tạ ơn Chúa qua giờ Chầu Thánh Thể ban đêm trong “hơi thở” se se lạnh. Và một ngày khép lại trong màn đêm thanh vắng.

5h30’ ngày 28/02/2010, tiếng chuông báo vang lên báo cho chúng tôi biết đã đến giờ cầu nguyện ban sáng và ngày tĩnh tâm tiếp theo bắt đầu. Chương trình sinh hoạt buổi sáng tương đối nhẹ nhàng, vì sinh hoạt khá mở. Khép lại một năm đã qua với bao thành công đáng nhớ, chúng tôi lại cùng dành hơn 1 giờ sinh hoạt ban sáng để bàn về phương hướng hoạt động, cũng như công việc phải thực hiện của Hội sinh viên Công Giáo TGP trong một năm tới đây. Những vấn đề, những chương trình lớn được đưa ra bàn bạc, phản biện để đi tới thống nhất đều nhận được rất nhiều ý kiến của anh chị em, tuy không đủ thời gian cho chúng tôi đưa ra một kế hoạch hoàn chỉnh cho các chương trình trong một năm tới đây, nhưng ít nhiều chúng tôi cũng vạch ra được con đường, sứ vụ được mời gọi của mình.

Ít phút tiếp sau đó chúng tôi được giao lưu với Cha Giuse Kỷ - một người con của quê hương Sở Kiện mới về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn sau gần 70 năm xa cách. Cha từng là giáo sư dạy về triết học tại nhiều Chủng viện và Đại học của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã cùng đặt ra những câu hỏi cho Cha để rồi được nhận lại sự mãn nguyện vì nhiều thao thức, bối rối đều được giải toả. Chia tay Cha, anh chị em chúng tôi lại được mời gọi đi vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu và chiêm ngắm mười bốn đàng Thánh Giá, mười bốn đường tình yêu của Ngài. Những bước đi nhọc nhằn, những lời kinh thương đau, những tiếng khóc than tha thiết trên mười bốn đường thập giá khiến chúng tôi cảm nhận được sâu sắc hơn những nỗi đau mà Chúa Giêsu đã chấp nhận chỉ vì tình yêu nhân loại đến tột cùng. Đường thập giá kết thúc cũng thật tuyệt vời dưới chân của tượng đài Thánh An Rê Dũng Lạc - người anh hùng đã sẵn sàng tử Đạo để thể hiện sự tín thác, kiên trung với Thiên Chúa tình yêu. Đúng là một sự kết thúc không thể hoàn hảo hơn, vì nó đã mở ra cho tất cả anh chị em chúng tôi một con đường mới, đó là con đường nên Thánh trong sự thật, công lý, tín thác và cầu nguyện. Hai ngày tĩnh tâm khép lại cùng Thánh lễ tạ ơn trong niềm thành kính, giữa sự ấm áp, nồng nàn, tin yêu, bình an của tất cả các thành viên tham gia. Có những nỗi vất vả, có những lúc căng thẳng, mệt mỏi, nhưng có lẽ chẳng thấm vào đâu, nếu đem ra so sánh với những cảm nghiệm thiêng liêng mà anh chị em chúng tôi đã thu lượm được sau đợt tĩnh tâm này.

Tạm chia tay Đền Thánh Sở Kiện, đoàn chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với trại phong Ba Sao mà dường như vẫn thấy hương vị thơm ngon, nồng nàn của cơm cháy, cá kho vùi, quyện với tiếng chim hót ríu rít vấn còn văng vẳng đâu đây. 15h30’ ngày 28/02/2010, chiếc xe Bus chầm chậm dừng bánh tại trại phong Ba Sao và hiện ra trước mắt chúng tôi là một khung cảnh núi rừng thật an bình. Chỉ với một nụ cười tươi tắn tôi đã làm quen được với hai cụ và ba em nhỏ là thành viên trong ngôi làng “xa quê” nơi đây. Sau ít phút nói chuyện với hai cụ, ba em nhỏ đã kéo tôi tới thăm ngôi nhà nhỏ, hơi thấp và ít ánh sáng, nhưng rất ấm áp của các em. Các em hăng hái kéo tôi đi thăm vườn cây, rồi cả hang động ở dãy núi gần đó nữa, nhưng tôi không đủ can đảm để vào đó, vì leo núi được một chút đã khiến tôi mệt đứt cả hơi, hơn nữa cũng đã đến lúc cả đoàn phải trở về hội trường để bắt đầu chương trình giao lưu cùng các cụ ở nơi đây. Khi tôi trở về hội trường - ngôi nhà rộng và đẹp nhất làng thì đã không còn một chỗ trống nào nữa, các cụ đã đến đông đủ và tỏ ra rất phấn khởi khi được đón tiếp đoàn chúng tôi về thăm. Tiếng ca, tiếng nhạc hoà với tiếng lòng đã tạo cho không gian thật sự ấm áp, thân tình vô cùng. Tôi không thể quên được hình ảnh một cụ ông đã ngoài 80 rồi mà hát liền một lúc 3 bài Thánh ca với cung giọng cao vút mà không thấy chút mệt mỏi nào hiện hữu trên khuôn mặt, hay bị hụt hơi trong khi hát, rồi cả một cụ bà ngoài 70 nhưng hát chèo vẫn rất da diết, đằm thắm vô cùng, lại còn tiết mục của các em thiếu nhi nữa, thật khó mà nói được hết sự ngỡ ngàng và xúc động của tất cả anh chị em chúng tôi. Những cái bắt tay, ôm hôn, cùng những lời động viên của các bác khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng, nếu không cố kìm nén cảm xúc và vì sợ bị trêu là “mít ướt”, chắc tôi đã khóc như một đứa trẻ con đang đòi quà mẹ vậy. Dù rất lưu luyến nhưng chúng tôi vẫn phải chia tay các cụ, chia tay các em thiếu nhi nơi đây để về lại với thủ đô để tiếp tục học tập và hướng tới những mục tiêu mới. Xin cảm ơn tất cả các cụ và các em... vì đã cho chúng tôi hiểu được một chân lý rất đỗi bình thường mà mỗi người chúng ta thường hay bị quên lãng, đó là thứ quý giá nhất trên đời này là tình yêu thương chân thành và nó chỉ để trao ban chứ không phải để bố thí. Chúng tôi đến để thăm, nhưng thực ra lại chính là để học hỏi và được học hỏi rất nhiều…

Rời bệnh viện phong Ba Sao, chiếc xe đưa thẳng chúng tôi về Hà Nội trong những lời ca, tiếng hát kéo dài bất tận. Một chuyến đi đầy ý nghĩa, cùng những giây phút nghỉ ngơi trong Chúa thực sự khiến cho lòng trí chúng tôi cảm thấy bình an, hân hoan, vui mừng hơn bao giờ hết. Tiếng ca hoà với tiếng lòng khiến anh chị em chúng tôi càng thêm gần gũi, thân thiết nhau hơn và chắc hẳn một tương lai tươi sáng cho Hội sinh viên Công Giáo TGP Hà Nội cũng sẽ bắt đầu từ đây chăng?!
 
Linh Mục Đoàn các Giáo Phận thuộc Giáo Tỉnh Huế hội ngộ tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang
Trương Trí
13:29 03/03/2010
Chiều ngày 3.3.2010, Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc LaVang tưng bừng nhộn nhịp hơn bao giờ hết, không phải vì Đại hội thường niên, cũng không phải vì khách hành hương đông đúc. Mà là một sự kiện trọng đại, có lẻ lần đầu tiên đông đủ các linh mục của 6 giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế hội ngộ, và cuộc hội ngộ đặc biệt này lại diễn ra trong NĂM THÁNH LINH MỤC. Dẫn đầu các linh mục đoàn của mỗi giáo phận là vị giám mục chủ chăn.

Xem hình ảnh sinh hoạt

Tổng giáo phận Huế với tư cách chủ nhà nên các linh mục tất bật đón tiếp, đồng thời sắp xếp chổ nghỉ ngơi cho các đoàn. Mặc dù thời tiết oi bức nắng nóng của miền gió Lào Quảng trị, nhưng các ngài ai nấy đều tay bắt mặt mừng, quên đi tất cả mỏi mệt của chặng đường dài vừa trãi qua.

Đêm khai mạc hội ngộ tại linh đài Đức Mẹ La Vang

Buổi Hội ngộ được bắt đầu lúc 19 giờ 30, dưới ánh đèn lung linh chiếu tỏa từ ba cây đa, với hương trầm hòa quyện tăng phần linh thiêng của Linh Địa LaVang, trong tiếng hát trầm bỗng và thiết tha của toàn thể linh mục:”Con là linh mục đời đời theo dòng Menkisêđê...”.Các linh mục giáo phận Huế cung nghinh ảnh tượng vị Cha Thánh linh mục Gioan Maria Vianey lên bàn thờ Linh đài Đức Mẹ LaVang.

Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu toàn quốc LaVang trân trọng chào mừng các Đức Giám mục cùng linh mục đoàn các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế về dự Hội ngộ, Đức Đan Viện phụ Đan viện Thiên an và các linh mục, các linh mục dòng Chúa Cứu thế và dòng Thánh Tâm Huế.

Đức Tổng Giám mục giáo tỉnh Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể chào mừng và khai mạc, Ngài nói:” Trung tâm hành hương toàn quốc Đức Mẹ LaVang xin gởi đến quý Đức cha và quý cha thuộc giáo tỉnh miền Trung, gồm các giáo phận Quy nhơn, Nha trang, Ban Mê thuột, Kontum, Đà nẵng và Huế lời chào thân ái và chúc mừng trong Chúa Kitô, linh mục Thượng phẩm, và từ mẫu Người là Thánh Mẫu Maria, Mẹ Lavang, mẹ của các linh mục và cũng là Mẹ của giáo hội.

Chúng ta về đây hội ngộ với nhau trong những ngày tràn trào ý nghĩa của mùa chay Thánh, mùa của con tim ngưỡng vọng hồng ân tha thứ và tâm thành đón nhận ơn cứu độ, cũng là mùa của NĂM LINH MỤC. Năm mà chủ ý của Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 muốn tái lập trong linh mục một bản sắc thiêng liêng vững mạnh, trung thành với sứ mệnh của mình. Đồng thời giúp loại trừ những uế tạp đã làm cho hàng giáo sĩ bị ô nhiễm, bị giới hạn trong vai trò sứ vụ. Đức Hồng y Claudio Hummes Tổng trưởng bộ Giáo sĩ nói rằng:” Đức Thánh cha đã tuyên bố lằNm Thánh đặc biệt này, muốn giúp cho các linh mục hướng đến sự hoàn thiện thiêng liêng mà tính hiệu quả của Thừa tác vụ của họ đặc biệt tùy thuộc vào đó. Chính vì thế, một cách hoàn toàn đặc biệt, đây phải là năm cầu nguyện cho các linh mục, cầu nguyện với các linh mục và cầu nguyện cho các linh mục.Một năm canh tân linh đạo của hàng linh mục.

Ngoài ra, chúng ta hội ngộ với nhau hôm nay, cũng là cơ hội quý báu để cùng nhaulãnh nhận ơn Toàn xá Năm Thánh cứu độ của giáo hội Việt nam...”

Sau lời khai mạc của Đức Tổng Giám mục, nghi thức SÁM HỐI và HÒA GIẢI do giáo phận Ban Mê Thuột phụ trách. Đức Giám mục Vinh sơn Nguyễn văn Bản chủ sự nghi thức đã chia sẽ:”...Trong giây phút thiêng liêng khởi đầu cuộc hội ngộ của các linh mục thuộc giáo tỉnh miền Trung, tại Linh địa Đức Mẹ LaVang, chúng ta cùng dành một khoảng thời gian thích hợp để cùng nhau xét mình về ý nghĩa phục vụ của cuộc đời mục tử theo gương Thầy Chí Thánh.Và xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để sống đời linh mục một cách có ý nghĩa hơn.”

Trong bầu khí trầm lắng và yên tĩnh của màn đêm nơi Thánh địa, với tinh thần sám hối, các linh mục tìm đến với nhau một cách sốt sắng để được nhận bí tích hòa giải, nhờ đó các ngài đến gần với sứ vụ linh mục hơn.

Nghi thức lãnh nhận ơn Toàn xá do giáo phận Đà nẵng phụ trách, lịnh mục đại diện linh mục đoàn Đà nẵng công bố sắc lệnh của tòa Ân giải tối cao về việc lãnh nhận ơn toàn xá. Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Đà nẵng đã nói:” Trong năm Thánh 2010 này,ơn Toàn xá được Hội Thánh rộng ban cho cộng đoàn dân Chúa giáo hội Việt nam. Là những người lãnh đạo cộng đoàn, chúng ta cần được đón nhận cách đặc biệt, để rồi trao ban lại cho các tín hữu. Ngài đã mời các Đức Giám mục hiện diện cùng ban phép lành tòa Thánh một cách long trọng. Sau đó Ngài cũng mời gọi các linh mục hiện diện chúc lành cho các giám mục và cầu nguyện tha thiết cho các ngài.

Cuối đêm khai mạc là buổi chầu Thánh thể trọng thể do cha Tổng Đại diện giáo phận Kontum chủ sự. Với lời kinh tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, vì tình yêu thương cứu độ loài người, Ngài đã sai Con Một xuống thế và chính Người đã lập bí tích Thánh Thể, Người đã nương náu trong hình bánh:” Đây là Mình ta”.

Buổi khai mạc hội ngộ dưới chân Mẹ LaVang kết thúc bằng kinh tối và hòa vang bài ca ngợi khen Mẹ: SALVE REGINA với tin tưởng cậy trông vào Mẹ. Cộng đoàn hành hương cùng chung niềm vui với các linh mục và hiệp dâng lời cầu nguyện cho các ngài.
 
Chiều ngày thứ Năm 4/03/2010, Đức TGM Hà Nội sẽ lên đường sang Roma chữa bệnh và dưỡng sức
PV VietCatholic
13:32 03/03/2010
HÀ NỘI - Vào lúc 20h00 ngày 4/3/2010 giờ Hà Nội, Đức TGM Ngô Quang Kiệt sẽ lên máy bay tại phi trường Nội Bài để lên đường đi Roma chữa bệnh và dưỡng sức. Chuyến đi xa của Ngài dự trù sẽ kéo dài trong thời gian 2 tháng.

Xem hình ảnh buổi tiễn đưa

Các chuyến đi của Đức Tổng ra nước ngoài có thể nói rất nhiều, nhưng chắc chưa có chuyến đi nào được mọi người quan tâm như chuyến đi này.

Trong mấy ngày qua các linh mục thuộc TGP Hà Nội cũng đã loan báo rõ ràng về mục đích chuyến đi của Đức TGM Hà Nội cho giáo dân các giáo xứ biết rõ là chiều ngày thứ Năm này Đức Tổng sẽ lên đường đi Roma chữa bệnh để tránh có dư luận xuyên tạc về chuyến đi lần này của Ngài.

Khi được tin như vậy, nhiều đoàn thể và giáo dân thuộc các giáo xứ tại Hà Nội đã cố gắng muốn biết thời gian chắc chắn giờ bay và dự định tổ chức một cuộc tiễn chân thật đặc sắc như một biểu lộ lòng qúi mến sâu xa và muốn chứng tỏ sự ủng hộ nhiệt tâm đối với Đức Tổng mà họ hằng yêu mến và kính trọng. Hàng ngàn người đã ngỏ ý muốn cùng tiễn Đức Tổng tại sân bay, nhưng chính Đức Tổng đã ngỏ ý và động viên các linh mục và giáo dân rằng vì những lí do tế nhị không nên làm như vậy. Giáo dân đã hiểu được ý của Ngài nên đã bỏ ý định cuộc tiễn đưa long trọng tại sân bay.

Ngày hôm qua và hôm nay đã có rất nhiều đoàn từ các giáo xứ về Tòa TGM Hà Nội chào thăm và chúc mừng Bổn mạng sớm Đức Tổng, và chúc ngài lên đường bình an để mau chóng trở về mạnh khỏe hoàn toàn.

Nhất là vào buổi chiều thứ Tư hôm nay tại Tòa TGM Hà Nội, nhiều đoàn người vào ra, gặp gỡ Đức Tổng nói lời chào tạm biệt. Họ bịn rịn không muốn ra về và lại nuối tiếc việc Đức Tổng sắp lên đường đi trị bệnh, nhưng Ngài thoải mái và rất vui vẻ. Những người được dịp tiếp truyện với Ngài đều có nhận xét là hôm nay Đức Tổng nhẹ nhàng, hiền hậu và chân thành như một người cha, tiếng Ngài nhỏ nhẹ, rõ ràng và âm vang.

Khi có dịp tâm sự với các linh mục và giáo dân Hà Nội tới chào mừng và tiễn đưa, Đức TGM Hà Nội cho biết rằng Ngài cám đội ơn Chúa dồi dào đã tuôn đổ xuống Tổng Giáo phận và Giáo hội Việt Nam, ngay cả khi những sóng gió, những cơn nguy khốn, nhưng Chúa sẽ có cách của Ngài và Chúa sẽ là sức mạnh của chúng ta.

Trong tất cả những biến cố dồn dập xẩy ra từ cuối năm 2007 đến nay, hầu như mọi người Công giáo khắp nơi đều nhận chân ra rằng nơi vị mục tử của Giáo phận Hà Nội chúng ta cảm nhận được một tình thương chân tình của Ngài với giáo dân và một niềm tín thác sâu xa vào ơn quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện vai trò một chủ chăn với tinh thần khiêm cung nhưng rất mực chính đại, phục vụ quên mình, dù đôi khi biết rằng sẽ ảnh hưởng tới sự an ninh của cá nhân Ngài. Một chủ chăn luôn đi tìm sự thật, công lý và an bình cho đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho Ngài. Đó là chân dung của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong lòng giáo dân.

Hôm 1-3-2010, khi Đức Tổng gặp các Giám mục Miền Bắc và Miền Trung tại nguyện đường Sainte Marie của Dòng Phaolô tại Hà Nội nhân dịp 50 tái lập Nhà Dòng tại Hà Nội, các Giám mục đã ngỏ ý muốn tiễn đưa Đức Tổng tại sân bay, nhưng Đức Tổng đã ngỏ ý cám ơn và chối khéo là không cần thiết như vậy.

Tuy nhiên vào trưa ngày thứ Năm 4.3 tất cả các Đức Giám mục của giáo tỉnh Hà nội sẽ về Tòa TGM Hà Nội dùng cơm với Đức Tổng, tất cả các linh mục thuộc TGP Hà Nội cũng sẽ về chào ngài và tiễn ngài lên đường bình an.

Một số người vẫn còn có thắc mắc trong đầu về chuyến đi xa lần này của Đức Tổng, thế nhưng qua những cuộc tiếp xúc thân tình với những người thân tín thì tậm tình của Đức Tổng càng bình an và vô ưu vô lo, Ngài trấn an rằng: “sang đó có bác sĩ riêng của Tòa Thánh lo chữa trị, có thể khoảng 2 tháng hay hơn sẽ về Hà Nội”. Dĩ nhiên Tòa Thánh cũng đã dự liệu việc nhiều người lo ngại là Đức Tổng sẽ không thể trở lại Việt Nam, nhưng ngài nói: yên tâm, không sao đâu! Nghe như vậy nhiều người đã an lòng để Ngài ra đi và luôn luôn theo sát Ngài bằng lời cầu nguyện.

Dầu được trấn an như vậy nhưng không ít người cảm vẫn còn cảm thấy hoang mang và lo lắng. Một làn nữa Ngài nói: “Nếu Chúa muốn, Chúa sẽ cho tôi được khỏe mạnh để tôi sớm trở về làm việc, việc ra đi chữa bệnh nhanh hay chóng phụ thuộc vào bệnh viện và bác sĩ”.

Tín thác vào Chúa là điều Ngài luôn luôn khẳng định. Một lần khác khi gặp anh em cộng đoàn Vinh tại Hà Nội, Ngài đã khẳng định rằng: “Chúng tôi là những người tu hành, chẳng có gì phải sợ ngoài Thiên Chúa, vì vậy nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ làm việc mà không có gì phải sợ hãi”.

Tại Roma, Đức Tổng sẽ cư ngụ tại Trụ sở của Cor Unum (Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm) theo lời mời của Hội Đồng này, vì ngài cũng là thành viên của Hội Đồng. Tưởng cũng nên biết chính tại tòa nhà lớn nơi có trụ sở Cor Unum, cũng là nơi có Văn Phòng và nơi cư ngụ trước đây của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khi Ngài làm Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.

Khi tạm chia tay những linh mục cộng sự và những người than quen lần này, Đức TGM Hà Nội đã ân cần dặn dò là cần tiếp tục nói lên sự thật, cần giữ vững tinh thần hiệp nhất, và sống torng sự liên kết và thông công trong Giáo hội. Có như vậy, sức mạnh của Giáo hội vững vàng, và nhất là làm gì thì làm luôn phải biết cậy trông và sức mạnh và ơn Chúa thì rồi mọi việc sẽ giúp cho chúng ta được có tâm hồn bình an thanh thòa. Sức mạnh của lời cầu nguyện và sự lien kết là khí giới của người Công giáo chúng ta.
 
Văn Hóa
Sáng hôm nay
lykhách
18:01 03/03/2010
Sáng hôm nay,

Em thấy không sáng xuân nay rực nắng
Xanh tím đỏ vàng trộn rực rỡ như tranh
Lần đầu tiên anh thấy màu nhựa đường tươi hẳn
Đẹp hơn màu lòng của sở thích riêng anh!

Anh mơ ước một ngày mai em ạ
Người yêu người nhẹ như bản tình ca
Người tìm người nghe lòng nhau rất lạ
Những cái bắt tay, ôm ấp, hôn như là:

Chợt hội ngộ nhau tưởng lỡ đời qua
Tưởng chẳng bao giờ nhận nhau ra
Nhưng tình yêu nó mầu nhiệm khôn tả
Có lúc làm cho đất đá cười khóc òa!

Sáng hôm nay trời đất mới nhiệm mầu
Nắng rực lên lộng lẫy vời vợi cao
Hoa muôn sắc mặc lòng muôn áo
Làm anh bâng khuâng chả biết chọn màu nào!

Vì màu nào cũng thắm ý yêu em ạ
Khi con tim chợt rộng mở thật thà
Bỏ hận thù, dối gian, bỏ tất cả mặt nạ
Nhìn thật nhau mới thấy nhau xinh kỳ lạ!

Ô la la…
Sáng nay anh nghe trời rộn rã
Màu tim anh y chang màu hoa lá
Đủ mọi màu, muôn màu nhiệm lạ
Làm lòng anh mềm nhũn tựa sương-sa

Ánh mặt trời cứ như là hạt lựu
Hồng long lanh, gió mát tựa nước đá
Tình quê mình đậm như xi-rô ngọt quá
Anh làm thơ thật dễ như nước pha!

Anh cảm tạ trời đã cho anh hôm nay
Cảm ơn người vui buồn sống từng ngày
Cảm ơn thời gian cưu mang đưa đẩy
Tưởng như là ôm sau trước trong tay

Em thấy không? riêng anh chợt thấy
Một bình minh lộng lẫy muôn sắc màu
Quê hương mình người ta sống yêu nhau
Bỏ qua thảy những trước sau trách móc

Khi người ta buồn, người ta ôm nhau khóc
Khi giận hờn người ta chọc cười nhau
Khi mừng vui ngỡ tâm hiệp ý đầu
Chưa quen biết cũng tưởng đâu chừng gặp

Anh nhớ lại những đêm trời sao thắp
Nạm kim cương trên non nước quê mình
Những ruộng nương lúa óng ánh bình minh
Màu sông núi hữu tình như tranh vẽ

Hãy mơ cùng anh những điều sẽ có thể
Hãy tin cùng anh mọi điều sẽ như thế
Chúng ta nhìn tương lai qua mắt mẹ già đẫm lệ
Qua mồ hôi cha khốn khổ bao thế hệ cho con

Nước mắt, mồ hôi đã đổ xuống mỏi mòn
Cho mơ ước chúng mình chóng vuông tròn em ạ
Như hạt giống chết đi để đâm chồi kết lá
Tương lai chúng mình là ân nghĩa của mẹ cha

Biết bao giờ cân! nhưng nên ân đền nghĩa trả
Phải không em, phải không chúng ta?
Hôm nay trời trải sắc yêu trên màu lá
Phương trời này gởi mộng phương trời xa!