Ngày 25-02-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thanh Tẩy Đền Thờ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:09 25/02/2024
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Xh 20,1-17; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25
THANH TẨY ĐỀN THỜ

Với Chúa Nhật I Mùa Chay, Lời Chúa dẫn chúng ta đi vào sa mạc cùng với Chúa Giêsu để chiến thắng các chước cám dỗ. Với Chúa Nhật II Mùa Chay, chúng ta lên núi cao để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Với Chúa Nhật III này, Lời Chúa dẫn chúng ta đến đền thờ Giêrusalem để chứng kiến việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ.

1. Đền thờ Giêrusalem bị tục hóa

Đối với Người Do Thái, đền thờ Giêrusalem là trung tâm điểm của toàn bộ đời sống con người. Bởi lẽ, đền thờ là nơi thánh thiêng, nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Người, là nơi con người cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa; đền thờ cũng là nơi con người gặp gỡ và nối kết với nhau.

Tuy nhiên, Tin Mừng thánh Gioan (Ga 2,13-25) cho biết: khi Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua của người Do Thái, Người chứng kiến cảnh tượng đền thờ đã bị “tục hóa.” Người ta biến đền thờ vốn là nơi thánh thiêng trở thành nơi buôn bán chiên bò, bồ câu, đổi chác tiền bạc… thành sào huyệt của bọn cướp (x. Lc 19,46). Trước sự phạm thánh này, Đức Giêsu đã bừng bừng nổi giận. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò và những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Người tuyên bố với họ:
Ra khỏi đây. Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

Sự kiện này đã gây một sự chấn động lớn trong thành Giêrusalem. Đối với Chúa Giêsu, có lẽ đây là lần duy nhất trong cuộc đời Chúa Giêsu đã không thể chấp nhận và im lặng trước sự nhố nhăng tục hóa đền thờ. Quả đó là một “cơn giận thánh” của một ngôn sứ vì lòng nhiệt tâm Nhà Chúa. Nhưng hành động này cũng đã khiến cho những người lãnh đạo tôn giáo và những ai liên hệ vốn đã có thái độ thù địch với Chúa lại càng thù ghét Người hơn. Đó là lý do tại sao họ tìm cách giết Chúa Giêsu.

2. Đức Giêsu là đền thờ mới

Hành vi lật đổ bàn ghế của Chúa Giêsu là biểu tượng của việc Người lật đổ những quan niệm về đền thờ và cách thực hành tôn giáo trong Do Thái giáo. Người mang đến cho con người mạc khải mới mẻ về đền thờ. Khi Người Do Thái thắc mắc: “Ông lấy quyền nào làm như thế?” Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi: nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do Thái hiểu đó là đền thờ Giêrusalem, nhưng Chúa Giêsu muốn ám chỉ thân thể Người.

Quả thế, với mầu nhiệm nhập thể, nhân tính trở thành đền thờ để thần tính Con Thiên Chúa cư ngụ. Ngôi Lời trở thành xác phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta. Đức Giêsu Kitô là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Từ nay, việc tôn thờ Thiên Chúa không hệ tại ở nơi chốn, đền thờ, hay hy lễ, nhưng nơi một Con Người, là Đức Giêsu Kitô:
Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).

Ai thấy Người là thấy Chúa Cha. Ai ở trong Người là ở trong Thiên Chúa (x. Ga 14,9).
Đặc biệt, với biến cố tử nạn và phục sinh, điều Chúa Giêsu nói đã ứng nghiệm. Quả thế, thập giá là nỗi ô nhục không thể chấp nhận đối với Người Do Thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại, giờ đây trở thành sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,22-25). Ngôi đền thờ là thân thể Chúa bị phá hủy và sau ba ngày, Người xây dựng lại. Vì Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết, sống lại nhờ Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,24). Như thế, thân thể huyền nhiệm của Đấng Phục Sinh là Đền Thờ mới để thờ phượng Thiên Chúa.

3. Anh em là đền thờ của Thánh Thần

Các Kitô hữu sơ khai đã trải qua nhiều thế kỷ không có đền thờ, không có thánh đường, không có nhà thờ. Nhưng họ ý thức rằng cộng đoàn Giáo Hội (trong tiếng Hy Lạp ekklesia) chính là đền thờ đích thực của Thiên Chúa, là sự nối dài của thân thể Chúa Kitô và là đền thờ của giao ước mới.

Với giao ước này, những ai tin vào Chúa Giêsu và được rửa tội trong Thánh Thần đều trở thành đền thờ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô vốn là người đã sống ở Giêrusalem, đã từng gắn bó với đền thờ Giêrusalem. Người hiểu rõ về vai trò và ý nghĩa của đền thờ vật chất. Nhưng khi trở lại và được tiếp nhận mạc khải mới mẻ của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrintô rằng:
Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16).

Nơi khác, Người nói rõ hơn:
Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1 Cr 6,19).

Rồi thánh Phaolô cảnh cáo:
“Vậy ai phá huỷ đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3,17).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, Người khuyên chúng ta:
Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người (Rm 12,1).

Như thế, đền thờ Thiên Chúa không chỉ là những đền thờ vật chất bằng gỗ đá, nhưng là chính tâm hồn mỗi Kitô hữu. Tâm hồn chúng ta là cung thánh của Thiên Chúa. Toàn bộ con người và đời sống chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Vì thế, chúng ta được mời gọi phải biết gìn giữ cho tâm hồn chúng ta thành nơi thánh thiêng, trong sáng, sạch sẽ, để xứng đáng là nơi Chúa Thánh Thần cư ngụ.

Nếu Chúa Giêsu đã “nổi giận” vì đền thờ Giêrusalem bị tục hóa. Chắc chắn Chúa cũng “khóc” và “nổi giận” khi đền thờ là tâm hồn chúng ta bị ô uế bởi tội lỗi. Vì thế, chúng ta hãy tuân giữ Mười Giới Răn mà Lời Chúa hôm nay mời gọi: “Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbát. Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu” (x. Xh 20,1-3.7-8.12-17).

Ước gì mỗi người chúng ta luôn ý thức gìn giữ nhà thờ và những nơi thánh thiêng được sạch sẽ, tôn nghiêm và thánh thiện, đồng thời chúng ta biết ý thức bảo vệ và gìn giữ tâm hồn mình thành ngôi đền thờ thiêng liêng luôn xứng đáng Thiên Chúa cư ngụ. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Ngày 26/02: Sống theo Tin Mừng – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:55 25/02/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Quá đỗi khập khiễng
Lm. Minh Anh
14:22 25/02/2024
QUÁ ĐỖI KHẬP KHIỄNG
“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Ngày kia, Paderewski đến London công diễn; Parker, một nhạc sĩ tài năng, đến nghe. Quá cảm kích; về nhà, Parker gọi người hầu, “Mang cây rìu cho tôi! Tôi chưa bao giờ nghe một bản nhạc tuyệt vời đến thế; nếu phải so sánh, dẫu là một so sánh ‘quá đỗi khập khiễng’, tôi chẳng là gì cả! Phải bổ cây đàn của tôi ra từng mảnh!”. Và dù không làm thế, nhưng Parker nhận ra rằng, không bao giờ ông có thể trở thành một Paderewski, may lắm là hơi giống ông ta! Để được vậy, ông cần một trái tim vĩ đại như trái tim người nhạc sĩ vĩ đại!

Kính thưa Anh Chị em,

Parker “Cần một trái tim vĩ đại như trái tim người nhạc sĩ vĩ đại!”. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa cũng có một trái tim vĩ đại; và thú vị hơn, nếu phải so sánh về mức nhân ái, dù là một so sánh ‘quá đỗi khập khiễng’, Chúa Giêsu buộc chúng ta lấy trái tim Thiên Chúa làm tiêu chí! Ngài nói, “Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Đó không chỉ là một đề nghị, nhưng là một đòi buộc! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải là một tình yêu không mệt mỏi Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài yêu nó với một trái tim không biên giới. Cái chết thập giá của Con Một Ngài là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Chúa và người, một chuyện tình lớn đến nỗi chỉ mình Thiên Chúa hiểu! So với tình yêu vô bờ này, tình yêu con người sẽ luôn què quặt, chắp vá và ‘quá đỗi khập khiễng’.

Trái tim con người thì sao? Chúa Giêsu biết trái tim con người là một chiến trường! Hãy xem, chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc mặc dù không còn nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn thường tìm cách ‘cung phụng’ những vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn và tôi biết nhìn vào trái tim người xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Hãy đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác được thần tượng hoá! Nhìn vào trái tim, Chúa Giêsu luôn đặt cược vào mặt tốt!

Những gì Đaniel thốt lên trong bài đọc hôm nay cho thấy trái tim tuyệt vời của ông! Lời nguyện sám hối của ông ‘mang tính quốc gia’, mô tả sự trọn hảo của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người. Đó là một lời cầu nguyện khiêm nhường, thờ phượng, xưng thú và cầu xin xót thương, “Chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác”. Thật là ‘hàm ân’ với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.

Anh Chị em,

“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”. Nhân từ như Thiên Chúa là có một trái tim như trái tim của Ngài. Con Thiên Chúa đã làm người, với một trái tim người, cho con người noi theo! Ngài đã từ bỏ áo trong áo ngoài, từ bỏ danh lợi, từ bỏ tất cả. Trên thập giá, Ngài phơi trần một trái tim thoi thóp và rồi, bị đâm thủng cho đến khi khô đét; mà trong đó, chỉ có xót thương! Thông thường, chúng ta cảm thấy hài lòng khi so sánh và tự cho mình hơn người khác; thế mà, không phải với họ, nhưng với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu là ‘mẫu mực’ để chúng ta so sánh, dẫu đây là một so sánh không tưởng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới cần những con người có những trái tim vĩ đại, đó là những trái tim “đập nhịp xót thương”, xin ban cho con một trái tim có tên “Giêsu!””, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cho đến khi nào? Đã hai năm qua, cuộc chiến ở Ukraine!...
Thanh Quảng sdb
01:30 25/02/2024
Cho đến khi nào? Đã hai năm qua, cuộc chiến ở Ukraine!...

Sau hai năm cuộc chiến cầy nát Ukraine, điều gì phải tới để chấm dứt cuộc xâm lược vô nghĩa này và đòi buộc chúng ta phải ngồi vào bàn đàm phán về một nền hòa bình công bằng?

(Tin Vatican - Andrea Tornielli)

Mặc dù những tin tức khủng khiếp vẫn dồn về từ Thánh địa trong những tháng ngày gần đây, và bây giờ là cái chết của nhà bất đồng chính kiến người Nga, đã làm lu mờ những tin tức về cuộc chiến ở Ukraine, mà hôm nay chúng ta muốn nhắc nhớ tới!... Chúng ta đã từng làm như vậy trong những ngày gần đây bằng cách lên tiếng thay cho các nạn nhân, cho những người không nhượng bộ sự thù hận, cho những người tiếp tục cầu nguyện và tiếp tục hành động để xoa dịu nỗi đau của một dân tộc đã bị suy thoái trong 24 tháng qua trước những nhận mưa bom!

Chúng ta đã làm bằng cách để những con số tự lên tiếng, bởi vì thực tế rõ ràng những gì đang xảy ra, thường không được chú ý tới nhiều, chúng nói lên sự vô nhân đạo phi lý của cuộc chiến! Hàng chục nghìn sinh mạng đang gục ngã để chỉ chinh phục được vài cây số lãnh thổ, hàng chục nghìn người nam - trẻ và già - bị thương hoặc tàn tật, toàn bộ các thành phố của Ukraina bị san bằng, hàng triệu người phải di cư đang nương sống nhờ vả ở nước ngoài, hàng nghìn người bị những quả mìn được gài để hủy hoại cuộc sống tương lai của những người dân vô tội... Cần phải làm gì hơn nữa để chấm dứt những hành vi xâm lăng và mời gọi chúng ta ngồi vào bàn đàm phán về một nền hòa bình công bằng?

Vô số lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm thu hút sự chú ý tới “Ukraine bị tàn phá” đã bị bỏ ngoài tai. Chiến tranh và bạo lực dường như đã trở thành phương pháp giải quyết tranh chấp. Cuộc chạy đua vũ trang nhằm hướng tới các cuộc chiến trong tương lai hiện là điều hiển nhiên và được chấp nhận là không thể tránh khỏi. Số tiền không bao giờ có thể dành để xây dựng trường mẫu giáo và trường học, tài trợ cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, chống lại nạn đói hoặc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sinh thái bằng cách đặt trọng tâm vào việc bảo tồn hành tinh của chúng ta, nhưng ngược lại, luôn được sẵn sàng nói về vũ khí. Ngoại giao dường như im lặng khi đối diện với tiếng còi hiếu chiến. Còn những từ viển vông như hòa bình, đàm phán, đình chiến, đối thoại đều bị nhìn với nhãn quan ngờ vực nghi nan!... Rất ít thông tin được nghe từ châu Âu, ngoài sự nổi cộm của các cá nhân lãnh đạo.

Không bao giờ hơn lúc này cần phải cái thái độ cứng rắn với chiến tranh. Cần phải tiếp tục cầu xin Thiên Chúa ban tặng hòa bình, như Người kế vị Thánh Phêrô không ngừng làm, biết trân quí nhìn nhận những đốm than hồng của niềm hy vọng đang âm ỉ dưới tấm chăn dày đặc của tro bụi hận thù. Cần có một nền lãnh đạo mới có tính tiên tri, sáng tạo và tự do, có khả năng táo bạo, đặt trọng tâm vào hòa bình và trách nhiệm về tương lai của nhân loại. Cần phải có sự cam kết có trách nhiệm của tất cả mọi người trong việc đưa ra tiếng nói của những người không chịu đầu hàng, chống lại thái độ hân thù Cain “Cain-ist” của các cấp “lãnh chúa” vốn đe dọa đẩy đưa chúng ta vào chỗ tự hủy, dập tắt mọi khát vọng một cách mạnh mẽ và đang tâm.
 
Thánh Tôma Aquinô sẽ làm gì với trí khôn nhân tạo?
Vũ Văn An
16:27 25/02/2024

AC Wimmer, Tổng biên tập sáng lập của CNA Deutsch, ngày 20 tháng 2 năm 2024, đặt câu hỏi: Thánh Tôma Aquinô sẽ nghĩ gì về trí khôn nhân tạo và một mô hình ngôn ngữ lớn sẽ nghĩ gì về Thánh Tôma Aquinô?



Ông tường trình rằng theo một nhà thần học người Đức, vị thánh Công Giáo và tiến sĩ của Giáo hội có thể đóng góp vào các cuộc thảo luận đương thời về những rủi ro của trí khôn nhân tạo và vai trò của nó trong xã hội.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, Thomas Marschler, người giữ chức Chủ tịch Khoa Tín lý tại Đại học Augsburg, cho biết: “Tất nhiên, Thánh Tôma không thể đoán trước được công nghệ thế giới sẽ phát triển như thế nào trong 800 năm kể từ khi ngài sinh ra. Không ai ở thời của ngài có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó máy móc sẽ được phát minh ra và sử dụng công nghệ máy tính để giải quyết vấn đề theo cách tương tự như con người thông minh hoặc thậm chí vượt qua họ.”

Nhưng trong khi tác phẩm của Thánh Tôma không có tuyên bố trực tiếp nào về trí khôn nhân tạo - cũng như về du hành vũ trụ hay vật lý lượng tử - thì tác phẩm của Thánh Tôma đã làm sáng tỏ các khía cạnh triết học và đạo đức sâu sắc của trí khôn nhân tạo, nhà thần học người Đức cho biết.

“Ví dụ, khi hiện tượng trí khôn nhân tạo được sử dụng như một lập luận mạnh mẽ ủng hộ quan điểm theo chủ nghĩa tự nhiên về con người - ở đây Thánh Tôma có thể cứu chúng ta khỏi những kết luận sai lầm nhờ những hiểu biết sâu sắc của ngài về bản chất của linh hồn và khả năng của nó, về tính độc đáo của ý thức tâm linh và người đích thân mang nó,” Marschler nói với CNA Deutsch.

Thánh Tôma cũng khuyến khích người Công Giáo “suy nghĩ xem liệu điều gì khả thi về mặt kỹ thuật có luôn là điều chúng ta nên thực hiện trong hành động của mình hay không”, ông nói thêm.

“Công nghệ mới nhất không phải lúc nào cũng giúp chúng ta đạt được mục tiêu thực sự của cuộc sống và trở nên tốt đẹp và hạnh phúc như những con người là hình ảnh của Chúa trong tâm hồn thiêng liêng của họ”.

Xét cho cùng, Thánh Tôma được mệnh danh là “Tiến sĩ thiên thần” vì những nhân đức của ngài, đặc biệt là công việc trong sáng và trí tuệ sâu sắc cũng như các tác phẩm thần học toàn diện của ngài về các thiên thần.

Marschler lưu ý rằng đã có chatbot trên internet sử dụng trí khôn nhân tạo để trả lời các câu hỏi trong vai trò của Thánh Tôma. Ông nói: “Tuy nhiên, đọc các tác phẩm của Thánh Tôma có lẽ vẫn là cách tốt nhất để thực sự hiểu về ngài”.

'Một chàng trai có tư duy khá cầu tiến'

Khi hỏi ChatGPT điều gì tạo nên Thánh Tôma, câu trả lời là: “Tôi xem Thánh Tôma là một nhân vật tiêu biểu trong triết học và thần học phương Tây, đặc biệt được biết đến với sự kết hợp giữa triết học Aristốt với học thuyết Kitô giáo, một điều mang tính đột phá vào thời đại của ông, ” nói thêm rằng ngài “vẫn có ảnh hưởng trong thần học và triết học Kitô giáo.”

Chatbot Grok trên X, khi ở chế độ vui nhộn, có quan điểm khác về Thánh Tôma: “Tôi nghĩ ông ấy đã có một số đóng góp đáng kể cho các lĩnh vực triết học và thần học,” Grok nói. “Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận rằng quan điểm của ông ấy về một số chủ đề nhất định, chẳng hạn như phụ nữ và những kẻ dị giáo, không mấy lý tưởng nếu nhìn từ góc độ hiện đại. Nhưng này, không ai hoàn hảo cả, phải không? Và xét theo thời gian ông ấy sống, ông ấy là một chàng trai có tư duy khá cầu tiến.”

Sự hồi sinh của Thánh Tôma

Đối với bất cứ ai quan tâm đến việc tìm hiểu tư tưởng thực tế của Thánh Tôma, Marschler gợi ý kênh YouTube và công việc của Viện Thomistic ở Washington, D.C., nhấn mạnh rằng “Những vị tu sĩ Đaminh, có nhiệm vụ trau dồi và phát triển di sản Thánh Tôma, cũng đang hoạt động ở Pháp và Ý”.

Marschler nói thêm: “Sự trỗi dậy trở lại của mối quan tâm đến tư tưởng Thánh Tôma, đặc biệt là trong thế giới nói tiếng Anh, cho thấy sự liên quan lâu dài của những lời dạy của Thánh Tôma”.

Suy nghĩ về tác động rộng lớn hơn của công trình Thánh Tôma, Marschler nhấn mạnh việc cuối cùng công nhận Thánh Tôma là một tiến sĩ của Giáo hội.

“Việc phong thánh cho ngài vào năm 1323 và nêu danh ngài là bậc thầy trong Giáo hội vào năm 1567 đã công nhận thế giá của ngài như một 'bậc thầy phổ quát'. Bất chấp một số phản đối từ các trường phái thần học khác, tư tưởng của Thánh Tôma đã định hình sâu sắc thần học Công Giáo đến mức các nhà thần học đương thời như Yves Congar hay Karl Rahner gần như không thể nói gì nếu không nhắc tới Thánh Tôma.”
 
Đức Hồng Y Quân công bố bài phê bình mới về Thượng Hội đồng về tính đồng nghị
Đặng Tự Do
17:52 25/02/2024


Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, đã đưa ra một bài phê bình khác về Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, cho rằng quá trình thảo luận và phân định đang diễn ra đưa ra “hai tầm nhìn đối lập nhau” về bản chất, tổ chức và vai trò của Giáo hội.

“Một mặt, Giáo hội được trình bày như được Chúa Giêsu thành lập trên các tông đồ và những người kế vị các ngài, với một hệ thống các thừa tác viên được phong chức hướng dẫn các tín hữu trên hành trình hướng tới Giêrusalem trên trời”, vị Hồng Y 92 tuổi nhận xét trong một bài phát biểu. Bài bình luận gần 3.600 từ được đăng vào ngày 15 tháng 2 với tựa đề “Thượng hội đồng sẽ tiếp tục và kết thúc như thế nào?”

“Mặt khác, người ta đang nói về một công đồng không xác định, một ‘nền dân chủ của những người đã được rửa tội. Những người đã được rửa tội nào? Ít nhất họ có đến nhà thờ thường xuyên không? Họ có rút ra được đức tin từ Kinh thánh và sức mạnh từ các bí tích không?”

Ngài cảnh báo: “Cái nhìn khác này, nếu được hợp pháp hóa, có thể thay đổi mọi thứ, giáo lý đức tin và kỷ luật trong đời sống luân lý”.

Đi sâu vào việc xem xét sâu hơn những tầm nhìn này về giáo hội học, Đức Hồng Y viết rằng “để không thấy sự mâu thuẫn trong đó, chúng ta phải hiểu lời mời tham gia tính đồng nghị này không phải là phải làm một điều gì đó hoàn toàn mới mà là tạo ra một động lực mới cho một điều gì đó luôn luôn hiện hữu trong Giáo Hội.”

Đức Hồng Y Quân thừa nhận rằng các thượng hội đồng đã là một “thực tại lịch sử” của Giáo hội. Tuy nhiên, trong khi các Thượng hội đồng trước đó diễn ra trong khuôn khổ truyền thống tông đồ và được hướng dẫn bởi “phẩm trật các thừa tác viên được phong chức, những người hướng dẫn các tín hữu trên hành trình hướng tới Giêrusalem trên trời”, thì Thượng hội đồng hiện tại được đặc trưng bởi một “tính đồng nghị mơ hồ” và “ nền dân chủ của những người đã được rửa tội”.

“Họ nói với chúng ta rằng tính đồng nghị là một yếu tố cấu thành nền tảng của đời sống Giáo hội, nhưng đồng thời họ nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là điều Chúa mong đợi ở chúng ta ngày nay. Sự tham gia và hiệp thông rõ ràng là những đặc điểm thường trực của Giáo Hội Công Giáo và tông truyền duy nhất. Nhưng khi nói rằng tính đồng nghị là ‘điều mà Chúa mong đợi ở chúng ta ngày nay’ phải chăng họ muốn nói rằng nó là một điều gì đó mới mẻ sao?”.

“Để không thấy sự mâu thuẫn trong đó, chúng ta phải hiểu lời mời tham gia tính đồng nghị này không phải là phải làm một điều gì đó hoàn toàn mới mà là tạo ra một động lực mới cho một điều gì đó luôn tồn tại trong Giáo hội”.

Một trong những mối quan tâm chính của Đức Hồng Y là làm thế nào Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị được tiến hành ở cấp độ hoàn vũ, bắt đầu với hội nghị đầu tiên tại Vatican vào tháng 10 năm 2023 và lên đến đỉnh điểm vào cuối năm nay với hội nghị cuối cùng vào tháng 10.

Đề cập đến lời kêu gọi của Thượng Hội đồng “đồng hành cùng nhau”, ngài hỏi: “Mục tiêu của cuộc hành trình này là gì? Có hướng dẫn nào bảo đảm đi đúng hướng không?”

Trong bài luận của mình, Đức Hồng Y cũng đặt vấn đề với việc Thượng Hội đồng kết hợp “cuộc đối thoại trong Thánh Thần”, một tiến trình đối thoại mà ngài nói đã được các tu sĩ Dòng Tên ở Canada khởi xướng. Ngài lập luận: “Áp dụng phương pháp này trong thủ tục tố tụng của Thượng Hội đồng là một sự thao túng nhằm tránh các cuộc thảo luận”. “Tất cả chỉ là tâm lý học và xã hội học, không có đức tin và không có thần học.”

Đức Hồng Y đã bày tỏ mối quan ngại của mình về lộ trình của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị trong một lá thư gửi cho các giám mục được gửi đi chỉ vài ngày trước khi bắt đầu phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm ngoái.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25/2/2024
Đặng Tự Do
18:34 25/02/2024


Chúa Nhật 25 Tháng Hai, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng của Chúa nhật thứ hai Mùa Chay này trình bày cho chúng ta đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu Biến Hình (x. Mc 9:2-10).

Sau khi loan báo cuộc Khổ nạn của Người cho các môn đệ, Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan đi cùng lên một ngọn núi cao, và Người hiện ra ở đó dưới ánh sáng của Người. Bằng cách này, Người tiết lộ cho họ ý nghĩa của những gì họ đã cùng nhau trải qua cho đến thời điểm đó. Việc rao giảng về Nước Trời, việc tha tội, chữa lành và làm các dấu lạ thực sự là những tia sáng của một ánh sáng lớn lao hơn, tức là ánh sáng của Chúa Giêsu, ánh sáng mà Chúa Giêsu là. Và các môn đệ không bao giờ được rời mắt khỏi ánh sáng này, nhất là trong những lúc thử thách, như những lúc trong Cuộc Khổ Nạn gần đến thời điểm này.

Đây là thông điệp của ngày hôm nay: đừng bao giờ rời mắt khỏi ánh sáng của Chúa Giêsu. Điều này hơi giống với những gì người nông dân thường làm trước đây khi cày ruộng: họ tập trung ánh nhìn vào một điểm cụ thể phía trước và trong khi vẫn dán mắt vào điểm đó, họ vạch ra những luống cày thẳng.

Đây là điều mà chúng ta được mời gọi làm với tư cách là những Kitô hữu khi chúng ta hành trình trong cuộc sống: đó là luôn giữ khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu trước mắt chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cởi mở đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu! Ngài là tình yêu, Ngài là sự sống bất tận. Trên những con đường của cuộc sống, đôi khi có thể quanh co, chúng ta hãy tìm kiếm khuôn mặt của Ngài, Đấng đầy lòng thương xót, trung thành và hy vọng. Chính cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là xưng tội và Thánh Thể, giúp chúng ta làm được điều này. Tôi xin nhắc lại: Cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và các Bí tích giúp chúng ta luôn hướng mắt về Chúa Giêsu.

Và đây là một giải pháp tốt trong Mùa Chay: trau dồi một cái nhìn chào đón, trở thành “những người tìm kiếm ánh sáng”, những người tìm kiếm ánh sáng của Chúa Giêsu, cả trong cầu nguyện lẫn trong con người.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có luôn hướng mắt tới Chúa Kitô đồng hành với tôi không? Và để làm được như vậy, tôi có dành không gian cho sự thinh lặng, cầu nguyện và thờ phượng không? Cuối cùng, tôi có tìm kiếm từng tia sáng nhỏ bé của Chúa Giêsu, được phản chiếu nơi tôi và nơi mỗi anh chị em tôi gặp gỡ không? Và tôi có nhớ cảm ơn Ngài vì điều này không?

Xin Mẹ Maria, Đấng chiếu sáng bằng ánh sáng của Thiên Chúa, giúp chúng ta luôn chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu và nhìn nhau với lòng tin tưởng và yêu thương.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Thật đau buồn khi chúng ta nhớ đến lễ kỷ niệm đệ nhị chu niên ngày bắt đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Ukraine hôm qua, ngày 24 tháng Hai. Biết bao nạn nhân và người bị thương, biết bao sự tàn phá, thống khổ và nước mắt trong một thời kỳ đang trở nên dài khủng khiếp và chưa thể thấy được hồi kết của nó! Đó là một cuộc chiến không chỉ tàn phá khu vực Âu Châu mà còn gây ra làn sóng sợ hãi và hận thù toàn cầu. Trong khi đổi mới tình cảm chân thành của tôi đối với những người Ukraine đang bị dày vò, tôi không ngừng cầu nguyện cho mọi người, đặc biệt là cho vô số nạn nhân vô tội. Tôi tha thiết nài xin rằng nhân loại nhỏ bé cần phải tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao trong việc tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Và, xin anh chị em, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho Palestine, cho Israel, và cho nhiều dân tộc bị chia cắt bởi chiến tranh, và giúp đỡ một cách cụ thể những người đang đau khổ! Chúng ta hãy nghĩ đến vô số khổ đau, chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ vô tội, bị thương.

Tôi lo ngại khi theo dõi tình trạng bạo lực gia tăng ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Tôi tham gia lời kêu gọi của các giám mục để cầu nguyện cho hòa bình, hy vọng rằng các cuộc đụng độ có thể chấm dứt và có thể tìm được một cuộc đối thoại chân thành và mang tính xây dựng.

Tình trạng bắt cóc ngày càng thường xuyên ở Nigeria là điều vô cùng đáng lo ngại. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình trong lời cầu nguyện với người dân Nigeria, hy vọng rằng những nỗ lực sẽ được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của những sự việc này càng nhiều càng tốt.

Tôi cũng gần gũi với người dân Mông Cổ đang bị ảnh hưởng bởi đợt rét đậm đang gây hậu quả nghiêm trọng về mặt nhân đạo. Hiện tượng cực đoan này cũng là dấu hiệu của biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó. Cuộc khủng hoảng khí hậu là một vấn đề xã hội toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của nhiều anh chị em, đặc biệt là cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất: chúng ta hãy cầu nguyện để có thể đưa ra những lựa chọn khôn ngoan và can đảm để góp phần chăm sóc công trình sáng tạo.

Tôi chào anh chị em tín hữu ở Rôma và từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những người hành hương đến từ Jaén (Tây Ban Nha), giới trẻ Công Giáo Đông Phương đến từ Paris, các Cộng đồng Tân Dự tòng đến từ Ba Lan, Rumani và Ý.

Tôi cũng chào Chủng viện Giáo hoàng Liên vùng Posillipo, Ban Thư ký của Diễn đàn Quốc tế về Công Giáo Tiến hành, các Hướng đạo sinh Paliano, và các em vừa chịu phép Thêm sức từ Lastra Signa, Torre Maina và Gorzano.

Tôi cũng xin chào Liên đoàn Bệnh hiếm Ý, Nhóm Văn hóa “Reggio Ricama”, các thành viên của Phong trào Bất bạo động và các tình nguyện viên của Hiệp hội NOETAA. Và tôi chào các bạn trẻ của Immacolata.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chuyện Tình Thập Giá
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:05 25/02/2024
CHUYỆN TÌNH THẬP GIÁ

Dư âm những ngày xuân chưa hết thì mùa Chay thánh lại về. Đoàn dân Chúa bước vào mùa thanh luyện, mùa chiến đấu “thiêng liêng”. Không ai phủ nhận sự thật này: Mùa chay thánh góp phần hình thành tâm tình đạo đức sâu lắng nơi người tín hữu Kitô cách đặc biệt hơn so với cách mùa khác trong năm. Phải chăng nhờ cái bầu khí bên ngoài của các cuộc cử hành Phụng vụ? Xức tro? Phẩm phục màu tím? Các buổi ngắm nguyện hay cung điệu thánh ca trầm buồn? Có thể lắm. Tuy nhiên xét cho cùng thì điều làm cho tín hữu lắng đọng tâm tư cũng như tăng lòng sốt mến đó là sứ điệp tình yêu Thiên Chúa được nhấn mạnh trên cái phông nền là tội lỗi của con người. Và tình yêu ấy hiễn lộ cách rõ nét và hoàn hảo qua mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô. Chuyện tình thập giá luôn còn đó tính thời sự cho con người, mọi thời. “Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, sống vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” (x.Pl 2,8).

Yêu là hy sinh: Sự hy sinh của người cha, người mẹ vì đàn con, nhất là với đứa con tật nguyền, hư hỏng quả là đáng cảm phục. Người ta cũng dễ mủi lòng trước sự hy sinh của người tình cho người mình yêu được hạnh phúc trong các chuyện phim tình cảm. Có khi các tình tiết lâm ly đã làm rơi lệ không ít người vốn đa sầu đa cảm. Người ta rơi lệ, cảm động hay cảm phục trước những hy sinh quả cảm nhưng rồi trong thâm tâm vẫn mong rằng ước gì chuyện kết thúc có hậu mà không có những đau thương kia. Và dĩ nhiên với Đấng mà không có sự gì là không thể được thì chuyện hy sinh mạng sống mình, chịu chết trên thập giá có cần thiết hay là thái quá chăng? Mỗi khi đề cao cách thái quá sự hy sinh thì người ta có vô tình rơi vào tình trạng yếm thế hay thậm chí là nghiêng chiều tâm lý khổ dâm? Máu chiên bò Chúa chẳng ưng và Người cũng chẳng muốn nhận thì sao Chúa lại đòi giá máu của chính Con một dấu yêu của mình?

Chẳng một ai có thể trả lời cho câu hỏi tại sao. Sao không như thế này, sao không như thế kia? Không có thần học giả thiết. Chỉ có thần học dữ kiện. Thập giá đã có đó. Sự hy sinh là một dữ kiện như là tất yếu của ân tình. Mặc dù sự hy sinh, chịu khó, việc chịu khổ chưa hẳn là tình yêu, nhưng trong tình yêu dường như không thể thiếu những yếu tố ấy. Chúng có thể là những điều kiện dường như cần có nhưng không phải là đích đến của tình yêu.

Yêu là trao ban: Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình của người hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Đã yêu thì ta không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách thế để trao ban điều tốt nhất cho người mình yêu. Hằng năm cứ đến ngày lễ tình yêu (Valentine – 14-02), người ta trao cho nhau biết bao tặng vật. Hoa hồng và kẹo sôcôla tha hồ lên giá. Nhưng có tặng vật nào quý giá cho bằng chính bản thân mình. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình… (Ga 3,16). Hành vi trao ban quả là đẹp và đáng khâm phục. Hành vi trao ban vốn mang nét cao cả hay cao thượng. Tuy nhiên khi trao ban điều tốt cho một ai đó thì có thể là do lòng thương xót mà cũng có thể là do sự thương hại. Và một đôi khi người ta dùng sự trao ban như là phương thế để cởi bỏ một gánh nặng tâm lý hay trút bỏ một lỗi lầm kiểu lập công quả để chuộc tội, đền bù các bất công đã gây ra.

Dẫu sao đi nữa khi đã yêu là phải trao ban hay dâng hiến. Dĩ nhiên điều dâng hiến hay trao ban phải là điều tốt đẹp và hữu ích cho người mình yêu. Không ai phủ nhận giá trị cao quý của các hành vi trao ban khi yêu thương. Thế nhưng vẫn có đó dáng dấp của kẻ trên, của người ở thế thượng phong trong chính hành vi trao ban.

Yêu là đón nhận: Ngữa tay ra để trao ban điều tốt cho người mình yêu là điều không mấy dễ dàng. Giang tay ra để đón nhận nhau như nhau đang là thì khó khăn gấp bội. Đón nhận cả những mặt mạnh lẫn những hạn chế của nhau, đón nhận những ưu điểm lẫn khuyết điểm, những thành công lẫn thất bại, nhất là đón nhận con người tội lỗi, bất trung, phản bội của nhau thì mới đích thực là yêu thương. Chúa Giêsu đã hình tượng hóa tình yêu của Thiên Chúa qua người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca chương 15. Người cha nhân hậu ấy đã đón nhận cả người con thứ hoang đàng lẫn người con cả ganh tương, ích kỷ, đố kỵ. Điều này được thể hiện nơi chính cung cách sống của Thầy Chí thánh. Người không ngại ngần đón nhận “phường thu thuế” và “bọn đĩ điếm” khi đồng bàn với họ. Người đón nhận những kẻ phải gọi Người là Thầy và là Chúa thành bạn hữu thân tình. Trên thập giá, đôi tay Người giang ra ôm trọn cả những người đang uất hận đóng đinh Người để xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết.

Chính khi đón nhận cả nhân loại bằng việc nhập thể, nhập thế thì Đức Kitô đã trao ban chính phận là phận của một vị Thiên Chúa đầy vinh quang và uy quyền. Vào trần gian, khi đón nhận thân phận tội nhơ của kiếp nguời thì Đức Kitô đã tự xếp mình theo dòng người trên bờ sông Giođan để cho Gioan làm phép rửa và Người đã trao ban phận Con Chiên tinh tuyền của bản thân. Khi nhận lấy bao khổ lụy tật bệnh của con người cùng thời vào chính mình thì Người đã trao ban sự minh trí của mình để rồi ngay chính người thân cũng đã lầm tưởng rằng Người mất trí. Và trên thập giá khi đón nhận thân phận tội lỗi của nhân loại, Người đã trao ban phận Con Thiên Chúa hằng sống bằng cái chết nhục nhã, tủi hổ, trần truồng thậm chí chẳng còn hình tượng con người.

Có thể nói mục đích hay điểm đến của động thái yêu thương là đón nhận nhau. Chính khi đón nhận nhau như nhau đã là, đang là và sẽ là, thì ta đang trao ban chính con người của mình từ phẩm vị, quyền năng và cả sự sống. Và khi trao ban những gì mình có, mình là cho nhau để đón nhận nhau thì sự hy sinh đang có đó như là dữ kiện tất yếu.

Thập giá là sự mạc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Chúa Kitô trên Thánh Giá với đôi bàn tay giang rộng để Kitô hữu chúng ta biết yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta. Và cách thế yêu thương tuyệt vời đó là chân thành đón nhận nhau, đón nhận anh chị em đồng đạo lẫn khác tôn giáo, đón nhận người công chính lẫn kẻ bất lương, đón nhận những người có thiện cảm với ta hay đang có dã tâm với mình… Khi thực thi nghĩa cử yêu thương đón nhận này là lúc ta sống mầu nhiệm tự hủy của Thầy Chí Thánh. Thật khó biết bao và cũng là cần phải nỗ lực hy sinh quên mình biết bao khi phải bỏ cả dáng vẻ đáng kính của bản thân, bỏ đi sự huy hoàng của tôn giáo mình, bỏ đi cả thói trịch thượng, độc chiếm chân lý... Đón nhận nhau không phải là chấp nhận thụ động hay là a tòng với những điều không hay, những sự xấu của nhau nhưng là để chủ động làm cho nhau ngày thêm thanh sạch, vẹn tuyền, làm cho nhau được sống và phát triển ngày mỗi hơn. Một điều chắc chắn là nếu ta không chấp nhận sự thật này thì ta chưa sống lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13,34). Và con đường nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời quả thật còn rất xa vời.

Chuyện tình có hậu theo công lý (x.Dn.13,1-9.15-17.19-30.33-62)

Thưở còn “làm chú” trong Tiểu Chủng Viện, dù phải nghe một bài đọc rất dài, bài trích sách tiên tri Daniel, nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy oải vì chuyện kể về bà Suzana vừa hấp dẫn vừa lôi cuốn trí tò mò của các chú thiếu niên đang độ tuổi nhổ giò. Hơn nữa, ai cũng hể hả như vừa theo dõi một cuốn phim hay, một câu chuyện đậm tính bi hài mà lại kết thúc có hậu: kẻ gian ác phải chết còn người vô tội thì được cứu sống. Câu chuyện bà Suzana còn trên môi miệng những chú tinh nghịch trong các giờ chơi những ngày sau đó: “nè, cho tao biết: cây chò hay cây sồi?” Sự tinh nghịch của chúng tôi cũng có phần do thích thú trước trí thông minh của cậu bé Đanien biết phân biệt điểm khác nhau giữa sự thật và điều dối trá.

Sự thật vì chỉ có một nên phải tương đồng còn điều dối trá thì thường mâu thuẩn nhau. Đây là một trong những chìa khoá giúp các nhà điều tra tìm ra sự thật hoặc phát giác sự giả dối. Hai người gian dối nếu không quá lanh mưu hay lưu manh thì rất dễ lộ tẩy do những khác biệt trong lời khai về một vấn đề hay một sự kiện. Đanien đã khôn ngoan tách hai ông lão dù tóc đã bạc nhưng tuổi mãi ở tầm “ba lăm” riêng ra để tra xét. Và thế là sự dối trá đã lộ ra nơi chính lời khai của hai ông. Người thì nói bà Suzana phạm tội dưới gốc cây sồi, còn ông kia lại bảo dưới gốc cây chò.

Thú thật khi chọc ghẹo nhau, lũ mới lớn chúng tôi đã tự thú nhận trí tò mò của mình về những chuyện “rồi ai cũng sẽ biết”. Tuy nhiên phải nhìn nhận điều này rằng tính có hậu của câu chuyện làm ai ai cũng hể hả. Kẻ gian ác, dù là vị vọng hay quyền cao chức trọng cũng phải chết, phải bị nghiêm trị còn người vô tội cần được cứu sống, người thấp cổ bé miệng và người bị bóc lột, bị áp bức cần được giải phóng. Chúa đã thực thi điều ấy và chúng ta đương nhiên phải làm như vậy. Phải có công bình và cần giữ công lý nghiêm minh.

Chuyện tưởng như thiếu công minh nhưng rất có hậu (x.Ga 8,1-11)

Trên núi cây dầu, trời vừa tảng sáng, một đoàn người trai gái, già trẻ, lớn chức, bé quyền đủ cả, mặt hí hửng dẫn một chị phụ nữ ngoại tình đến gặp Chúa Giêsu: “Thưa thầy hạng phụ nữ này theo luật Môsê thì phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy thế nào?”. Thánh Gioan nhận ra đây chính là một mũi tên nhắm hai mục đích mà mục đích chính là Chúa Giêsu. Những tưởng rằng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Chúa Giêsu thế nào cũng bị sập bẫy, một cái bẫy tinh quái, hiểm ác do các luật sĩ và biệt phái giăng ra để thực hiện âm mưu thâm độc của mình. Các ông này không ngần ngại thức trắng đêm để bắt tại trận tội yếu đuối, bất trung của người phụ nữ để làm mồi nhử, hãm hại Chúa Giêsu. Nếu tội của người phụ nữ là một, thì tội các ông này phải đáng mười vì đâu phải do yếu đuối như chị phụ nữ kia mà là do lòng nham hiểm, ác độc, một sự độc ác, nham hiểm tột độ đến nỗi không chừa một thủ đoạn bỉ ổi nào.

Chúa Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất và khi bị gặn hỏi nhiều lần Ngài đã đứng lên rồi ôn tồn: “Ai trong các ngươi xét mình vô tội hãy ném đá chị này trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống tiếp tục lấy ngón tay viết lên đất. Không biết Chúa Giêsu viết những gì nhưng chắc chắn khó có ai đọc ra vì trời vừa tảng sáng và khoảng cách giữa Ngài với đám đông chắc không thể gần vì có sự ngăn cách của người phụ nữ, nhất là đám đông đứng đối diện thật khó mà đọc được những gì Ngài viết. Xét theo công lý như cảm nghĩ của con người, thì trừ Chúa Giêsu, những người có mặt sáng hôm ấy, tất thảy đều phải chết, nhất là những kẻ lòng dạ nham hiểm, ác độc.

“Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của ta và đường lối của ta vượt cao hơn tư tưởng và đường lối các ngươi bấy nhiêu”(x.Is 55,8-9). Mạc khải của Thiên Chúa dần hé mở qua lời của tiên tri Isaia. Mạc khải ấy nay hiện thực và nên hoàn hảo nơi chính Đức Giêsu: kẻ có tội, người gian ác không phải chết. Đám đông hung dữ hôm ấy lẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đã được cứu sống bằng lòng nhân hậu của Chúa Giêsu. “Ta cũng không kết tội chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không chỉ khoan dung với chị phụ nữ mà còn tế nhị đánh thức lương tri của đám đông hiểm độc bấy giờ. Thánh Gioan đã tường thuật rằng sau khi ngẩng lên nói: “Ai trong các ngươi……” thì Người lại cúi xuống viết dưới đất. Giả như lúc bấy giờ sau khi nói câu ấy mà Chúa Giêsu vẫn ngước mắt nhìn chằm chằm vào đám đông thì thử hỏi có được mấy ai tự nguyện rút lui, nhất là người rút lui đầu tiên. Hình như Chúa Giêsu không muốn nhìn, Người tế nhị tạo cơ hội cho những người hôm ấy nhìn nhận tôi lỗi mình và rút lui trong danh dự. “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi của loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11,23). Kẻ gian ác đã được cứu sống đúng như lời Chúa đã phán: “Ta lấy mạng sống ta mà thề: Ta đâu muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống” (x.Ed 18,23).

Chuyện tình có hậu nhưng thật nghịch lý nếu không tin vào Tình Yêu.

Lẽ công minh theo cảm nghĩ của con người, một kết cục có hậu mà thường ai cũng thích khi xem phim hay đọc tiểu thuyết đó là kẻ gian ác phải chết và người công chính được cứu sống. Tuy nhiên đây chỉ là lẽ công minh hay là sở thích của đám đông dân thường. Với các hiền triết, các nhà đạo đức thì dường như có cao hơn một bậc. Nên khoan dung với người có tội, cần lượng thứ cho người gian ác để giúp họ hoán cải, ăn năn. “Buông đao thành Phật. Quay đầu là bờ”. Những lời giáo huấn trong Phật giáo cho ta hay chân lý này. Các quốc gia tiến bộ đã và đang dần bỏ án tử hình. Án hình giam giữ cũng là một trong những cách thế giúp tội nhân có cơ hội ăn năn và sửa đổi. Kẻ gian ác không bị diệt trừ ngay, nhưng cần được giáo huấn để đổi thay.

Tuy nhiên để thực hiện điều này thì một người công chính, duy nhất xứng là công chính đã không được cứu sống. “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47). Để kẻ gian ác được cứu sống thì Giêsu Kitô, người công chính đích thực đã phải chết. Để tội nhân được thứ tha thì một Người vô tội đã bị kết án cách bất công và chịu chết cách nhục nhả trên thập giá.

Chuyện thật nghịch lý nhưng rất đượm tình. Chết cho người công chính thì xưa nay vốn hiếm, ở đây Thiên Chúa lại tự nguyện hy sinh vì chúng ta là những tội nhân. Tình yêu thật khó lý giải vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu. Có nhiều người dễ biện minh rằng nếu ta hành xử như thế thì có thể làm cho nhiều người lạm dụng tình yêu và không chịu đổi thay hay vươn lên. Cũng có thể lắm nhưng ngược với khôn ngoan loài người như Tào Tháo đã quan niệm: “thà ta phụ người chứ không để người phụ ta hay thà giết lầm hơn bỏ sót” thì với tình yêu đích thật phải chăng phải là “thà yêu lầm còn hơn bỏ sót”. Và dẫu có lầm thì cái lầm trong tình yêu cũng thật đáng yêu thay.

Ban Mê Thuột
 
Đọc thơ tình yêu Lê Đình Bảng
Bùi Công Thuấn
21:13 25/02/2024
Đọc thơ tình yêu Lê Đình Bảng

***

Mời bạn đọc bài thơ
CHUYỆN HOA XOAN MÙA THƯƠNG KHÓ
Francis Assisi Lê Đình Bảng.


Em còn nhớ
từ Thứ Tư Lễ Tro, ra Tết?
và Giêng, Hai trong cái rét Nàng Bân?
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, muộn mằn
Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi

Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?

Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ? Chuyện chung lứa, chẳng chung đôi
Mới chớm quen nhau
đã nhuốm đầy nước mắt!
…..
Tôi lên phố, đi học xa nhà…
Ai bắt trẻ đồng xanh?
để em tôi nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc
Người một phương
chả biết đến bao giờ?
Chuyện thật buồn…
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…

“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!
… Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!
Tôi thảng thốt
được tin em quá muộn
Thời buổi binh đao, xa xôi, cách trở đi về
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt

Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Như hồn ma bóng quế, hư huyền
Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Nơi ký ức thiên đường, tôi đánh mất…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…

Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ:
kẻ, hoa thơm Chúa hái đầu ngày
Vốc nẻ năm xưa, ai còn giữ trong tay?
không đếm được, Vui, Thương, Mừng, em ạ


Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Chuyện hoa xoan
mùa Thương Khó đã lâu…
Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu
Đuốc hoa bập bùng, gà khuya gáy sớm?
… Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…

***

Đọc xong bài thơ, tôi lặng người đi rất lâu trong thế giới nghệ thuật của Lê Đình Bảng. Một nỗi buồn thương man mác như màu tím hoa xoan bao trùm không gian làm lòng tôi day dứt khôn nguôi. Bỗng dưng tôi đặt mình trong một tư thế trang nghiêm và rất đỗi thành kính để chia sẻ sự mất mát không bù đắp được của nhân vật Tôi; sự mất mát làm cạn khô nước mắt suốt bao nhiêu năm tháng. Cùng với cuộc thương khó “Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu,” nỗi bi thương của nhân vật Tôi tưởng không thể vượt qua được. Nhưng sau phút đắm chìm cảm thương ấy, tâm hồn tôi bừng sáng đến ngỡ ngàng. Thơ chắp cánh cho hồn tôi bay lên. Tôi thốt lên: Bài thơ hay quá!. Tôi lại lặng đi để cảm nhận cái hạnh phúc được đọc một bài thơ hay. Nói thơ hay là nói cái cảm xúc trực giác, cảm xúc này là sự tổng hợp những khám phá nhận thức về bài thơ, kết hợp với sự rung cảm của trái tim khi nhập thân vào thế giới nghệ thuật. Với thơ Lê Đình Bảng, thật khó nói ra “cái hay” mà người đọc tiếp nhận được. Bởi tiếng thơ Lê Đình Bảng không chỉ là tiếng lòng của nhà thơ mà còn khơi gợi được cả một thế giới ký ức trong lòng người đọc, hơn thế, thơ Lê Đình Bảng còn mở ra một vùng trời khác mà có khi người đọc chưa tiếp cận nhưng vẫn cảm được cái đẹp. Vâng, bài thơ đẹp quá.

MỘT CHUYỆN TÌNH ĐẸP

Bài thơ là lời đối thoại trong tâm tưởng của Tôi với em. Tôi nói chuyện với em, nhớ lại những kỷ niệm yêu thương. Và, em như một nhân vật đang sống, đang ở bên Tôi, chia sẻ những giây phút hai trái tim cùng một nhịp rung cảm, đồng cảm.

Và câu chuyện được kể trong hồi ức về Mùa Chay ở “quê nhà ta”. Nghệ thuật kể chuyện đầy kịch tính với tốc độ nhanh, nhiều tình huống bất ngờ của Lê Đình Bảng góp phần tạo nên cái hay của bài thơ. Đó là nghệ thuật kể chuyện hiện đại. Câu thơ ngắn kết hợp với ngắt nhịp biến hóa, và thay đổi góc trần thuật liên tục: tác giả kể, rồi mẹ kể; quá khứ và hiện tại đồng hiện; thế giới thực tại với thế giới tâm linh lồng vào nhau, vừa tái hiện hiện thực, vừa khắc họa được sự bất tử của nhân vật em, sự vĩnh cửu của tình yêu.

Nghệ thuật kể chuyện ấy kết hợp với cái nhìn đức Tin, tạo nên sự chuyển hóa rất mới lạ. Xưa nay sinh ly tử biệt là nỗi buồn đau bi kịch, nhấn chìm con người trong bóng tối. Nhưng trong chuyện tình này, cái chết bất ngờ đầy đau thương của em “ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ” là một cuộc tử vì đạo, vì em cùng chết với Đức Giêsu. “…mẹ kể…/…Lạy Chúa tôi !”/ Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!”. Em bước thẳng một bước vào cửa thiên đàng để trở thành “thánh nữ trên trời”, và hiển linh ngay trước mắt mọi người. :
Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!...

Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó…

…Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng

Đó là sự thăng hoa tuyệt vời của sáng tạo nghệ thuật, nhưng cũng là của một đức
tin tinh ròng ngay trong những hoàn cảnh đau thương nhất. Cái Đẹp của chuyện tình mang phẩm chất Mỹ học Kitô giáo, nhưng lại được thể hiện một cách tự nhiên như trong đời thường, như trong tâm linh dân gian (người ta tin rằng, ở những nơi tưởng niệm, khi có con bướm lạ bay vào, đó chính là hồn người chết hiện về).

Từ sự thăng hoa cái chết của em, mọi yếu tố của câu chuyện đều được chuyển hóa và hiện lên với một vẻ đẹp mới lạ. Không gian tâm linh và không gian nghệ thuật giao hòa trong hoan ca. Những cảnh “nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc” trong “thời buổi binh đao”, hình ảnh “một buổi sớm tinh mơ…/ Em gục chết/ ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ”, đêm trước cuộc thương khó, “Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu”… những biến động xã hội lớn lao đau thương ấy trở thành bè trầm hùng vĩ của một bản đại giao hưởng Phục Sinh. Giờ em ở trên cao, là “thánh nữ trên trời”. Có lẽ trong văn chương Việt, không có nhân vật nữ nào tuyệt đẹp như thế. Tiên Dung công chúa, hay Lý Thị Thiên Hương (Linh Sơn Thánh Mẫu-Núi Bà Đen-Tây Ninh) ( https://songdep.com.vn/358-linh-son-thanh-mau-duoc-tho-o-nui-ba-den-la-ai-d2107.html) là những nữ thần tình yêu xinh đẹp linh thiêng lẫm liệt, thì nhân vật Em cũng có những phẩm chất ấy, hơn nữa nàng đơn sơ, thánh khiết hơn: nàng đi lễ sớm dù trời lạnh buốt, nàng quỳ cầu nguyện nghiêm trang, nàng dâng hạt, lời kinh như mật:
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở…

Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…

Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Từ sự Phục Sinh của Em, những kỷ niệm trong thời gian trước và sau cái chết của em, cũng phục sinh. Nói cách khác, tình yêu đã vượt qua tử sinh. Những kỷ niệm ấy vẫn đang sống động như trong hiện thực (lưu ý Lê Đình Bảng dùng chữ “chiều nay” ở thì hiện tại). Em đi lễ sớm trong giá rét…Tôi ngắt vội chùm hoa.
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?

Và:

Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi…
Và tôi suy nghĩ nhiều về em để nhận ra Tôi. Em là “hoa thơm Chúa hái đầu ngày”; Em là trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ (Mt 25, 1-13) “Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước”để đón tân lang (đón Chúa). Cả hai tứ thơ đều ca ngợi em, đều diễn tả cái chết của em đẹp ý Chúa, em về trời trong sự quan phòng của Chúa. Còn tôi:
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Khắp làng thôn rộn ràng xưng tội Mùa Chay, còn tôi thì chưa, vì lòng trí còn lơ đãng “nghe chim hót ngoài vườn, còn lưu luyến tơ vương “những rơi rớt của vàng hương xưa cũ”. Em trang nghiêm thánh thiện bao nhiêu thì tôi nghịch ngợm bấy nhiêu
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng…
Em dâng Hạt, lời kinh ngọt mật, nhưng tôi lại lo ra:
lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Những thổ lộ như thế của Tôi khắc họa một nhân vật Tôi có vai trò đặc biệt trong kiến tạo tác phẩm và làm nên sự hấp dẫn của bài thơ.
Tôi là nhân vật kể chuyện, tự kể chuyện tình của mình. Tôi còn là nhân vật tâm trạng, Tôi độc thoại trong tâm tưởng với em (ở thì hiện tại). Sự kết hợp hai góc trần thuật này của Tôi tạo nên hiệu quả kép. Tức là, vừa tái hiện dòng chảy của hiện thực ngoài kia, vừa mở ra cái dòng chảy tâm trạng của Tôi. Ngoài kia là khung cảnh làng quê rộn ràng mùa kinh hạt, ngoài kia là buổi binh đao dân nheo nhóc tản cư, giáo dân chết đạn ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, ngoài kia là ly tán đôi ngả đôi quê, “đành đoạn sinh ly tử biệt”.
Còn Tôi, tâm trạng cuồn cuộn chảy, ào ạt, những lớp sóng tâm hồn với nhiều suy nghĩ và cảm xúc cứ tràn lên hết lớp này đến lớp khác. Chính những lớp sóng cảm xúc này của Tôi làm nên sự phong phú và chiều sâu nghệ thuật của bài thơ.
Tôi với tâm trạng “ngọt ngào” trên đường quê đầy hoa xoan nở khi đi theo em đến nhà thờ. Tôi hạnh phúc biết bao nhiêu “Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn/ Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi”. Tôi nghịch ngợm và tinh tế. Mùi thơm của áo em sao nồng nàn quyến rũ thế!
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Tôi buồn bã khi phải đi học xa nhà: Người một phương/ chả biết đến bao giờ?
Nghe mẹ kể về cái chết của em, tôi đau đớn bất lực:
Tôi thảng thốt/ được tin em quá muộn
Và Tôi không nguôi thương nhớ, không thôi độc thoại, không thôi sống trong tâm tưởng những kỷ niệm với em, và tôi muốn đi theo em (điệp từ: “Tôi còn nhớ”;“nhớ là nhớ”)
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?...
…Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…”
Rõ ràng sự kết hợp nhân vật tôi kể chuyện với nhân vật tôi tâm trạng đã tạo nên sắc thái thẩm mỹ rất riêng cho bài thơ. Bài thơ vừa bao quát được hiện thực rộng lớn ngoài kia, vừa dẫn người đọc thâm nhập rất sâu vào tâm thức của một con người trong nhiều chiều kích: chiều rộng của bối cảnh lịch sử xã hội, chiều cao thẳm của tâm linh (vượt qua tử sinh vươn tới thiên đàng), chiều phức tạp của tâm lý con người trong tình yêu, trong những nghịch cảnh và trong hành trì tư tưởng nhằm giải thích “có nhân có quả” những vấn đề nhân sinh, tư tưởng và tôn giáo (chiến tranh loạn lạc, cái chết bất ngờ đau đớn của người dân, sinh ly tử biệt, mối tương quan giữa người sống và người chết, sự tự ý thức và tự sám hối, niềm tin “ được phước ăn năn/ Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi”…)
Trong vai trò của nhân vật tôi kể chuyện, Tôi còn chêm vào những lời bình ngoại đề một cách tự nhiên như thổ lộ tâm sự (theo cách kể chuyện dân gian), để thổi bùng lên cảm xúc của người đọc.
Đang kể chuyện theo em đi nhà thờ Tôi chen vào “ lên bốc nẻ, hôn chân”, và cảm
nhận mùi hoa soan, mùi áo em nồng nàn gần gũi. Một tình yêu còn e ấp, chực chờ, Tôi tạm ngưng kể mà bình luận (cũng là tâm tình chia sẻ):

Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ?
Sau khi kể lại kỷ niệm cùng em “ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…” trong đêm thứ Sáu tuần Thánh, Tôi quay ra suy gẫm:
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Cuối bài thơ là một loạt câu hỏi (cũng là một cách bình luận), để nâng tầm tư tưởng
cho bài thơ, bởi vì việc kể chuyện đã kết thúc. Không gian, thời gian, tâm tưởng mở rộng biên độ ra mãi. Khổ thơ này đòi hỏi người đọc phải có vốn sống, có tri thức văn hóa Việt và sự hiểu biết Kinh Thánh mới cảm hết cái hay của tư tưởng:
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Kết bài thơ là lời Tôi đề nghị với em, tuy ngắn gọn, nhưng tạo ra dư âm vang vọng mãi.
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
Chuyện tình yêu chưa kết thúc. Em sẽ dẫn Tôi và người đọc vào thế giới của ánh sáng, vào Thiên Đàng vĩnh cửu, không còn-mất đau thương, không “bên lở, bên bồi”…
Trở lại vấn đề, nhân vật tôi kể chuyện, Tôi kể câu chuyện của đời thực, tạo ra sự khả tín đối với người đọc. Trái lại, nhân vật tôi tâm trạng, tạo nên chất lãng mạn cho bài thơ. Một bài thơ vừa hiện thực nhưng lại đẫm màu sắc lãng mạn, đó là cái chất riêng của thơ Lê Đình Bảng.

VẺ ĐẸP THI CA MỚI

Khi đặt bài thơ này bên cạnh những bài thơ tình yêu Việt Nam, bạn sẽ nhận ra sự mới mẻ nghệ thuật mà Lê Đình Bảng mang lại cho thơ Việt đương đại. Thơ tình Xuân Diệu đầy nhục cảm. Thơ tình Nguyễn Bính dập dìu lễ hội dân gian, thơ tình Phạm Thiên Thư thấp thoáng ánh vàng cửa Thiền, thơ tình thời chiến tranh sáng rực màu đỏ (Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Núi Đôi của Vũ Cao; Quê hương của Giang Nam, Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn). Nhưng cái màu tím hoa xoan mùa thương khó là một khám phá mới về tứ thơ.

Khi tưởng niệm đức Giêsu chịu chết (thứ Sáu Tuần Thánh), người phụ trách lễ thường hái hoa xoan đem trộn với hạt cốm (thóc rang- mà tác giả gọi là “nẻ”), bỏ vào trong áo quan đựng xác Chúa. Giáo dân lên hôn chân Chúa sẽ cảm nhận mùi thơm hoa soan rất nhẹ và thanh khiết. Hôn xong, người tín hữu đưa tay bốc một ít “nẻ”(cốm có trộn hoa xoan) trong áo quan của Chúa, gọi là xin “lộc” của Chúa. Trẻ con hôn chân Chúa chủ yếu là để bốc nẻ ăn.

Trong bài thơ này, Lê Đình Bảng khám phá màu tím hoa xoan để diễn tả nỗi đau
buồn mùa Chúa chịu nạn, nhưng cũng để diễn tả tình yêu. Lứa đôi đi nhà thờ trên con đường đầy hoa xoan.
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, …

…Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
điệp khúc “hoa xoan… mùa Thương Khó”được tiếp tục nhắc lại ở cuối bài thơ tô đậm tình yêu lứa đôi, tô đậm nỗi buồn thương thánh thiện. Hoa xoan là “hoa xoan… mùa Thương Khó”(tức là mùa lễ thánh, người giáo dân đau buồn trước cái chết của Chúa). Điều tinh tế và kỳ diệu là tình yêu lứa đôi vừa hồn nhiên ngây thơ, vừa hòa trong nỗi đau buồn mùa lễ thánh, và trở thành hy lễ của cả hai người dâng lên Chúa trong ngày Thương Khó. Thế nên tình yêu ấy tuyệt vời thánh thiện và mới lạ trong thi ca Việt. Mở đầu là hoa xoan nở hai bên con đường tình lứa đôi, cuối cuộc tình là “hoa xoan…mùa thương khó”. Đó là sự phát triển tư tưởng. Tình yêu hồn nhiên thánh thiện nở hoa tím đau thương hòa trong Ơn Cứu Độ.

Những tứ thơ mang tư tưởng như thế thật mới lạ trong thơ tình Việt. Với thơ tình Công Giáo, Lê Đình Bảng còn khám phá cái đẹp ngay trong sinh hoạt đạo đức của giáo dân. Góc máy quay của Lê Đình Bảng linh hoạt vô cùng. Mở đầu là font nền có góc rất rộng trong không gian, thời gian: những con đường làng đầy hoa xoan tím, gió thổi lạnh,
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội.
Rồi ống kính zoom lại, tập trung vào lứa đôi:
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Ống kính gần hơn, soi vào chỗ riêng tư :
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Sau cùng ống kính dừng lại ở em:
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn.

Những chi tiết sinh hoạt rất riêng của “nhà đạo” như “bàn tay giấu trong khăn/ Đi lễ sớm”, xưng tội, hôn chân Chúa, quỳ song đôi cầu nguyện, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, nghi thức táng xác, dâng hạt là những điều rất đỗi bình thường của mùa Thương Khó. Không gian nhà thờ chìm ngập trong màu tang (Thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, giáo dân ở nhiều giáo xứ đội khăn tang, để thương tiếc Chúa), chẳng thơ chút nào. Nhưng những chi tiết sinh hoạt ấy bỗng trở thành thơ, rất thơ, rất mới lạ mà trong thơ ca Việt chưa có bao giờ, kể cả trong thơ Hà Mạc Tử, và trong thơ “nhà đạo” hôm nay. Vấn đề là ở chỗ, nhà thơ là người khám phá ra cái đẹp mới mẻ ấy, và biến chúng thành thi liệu đắt giá. Đó là tài năng nghệ sĩ, đó cũng là con đường khai phá mà Lê Đình bảng đóng góp cho thi ca Công giao đương đại.

Và Lê Đình Bảng đã chuyển hóa những sinh hoạt đời thường ấy thành yếu tố văn hóa, thành chất liệu thi ca, đóng góp vào thi ca Việt những phẩm chất mới lạ, thuần Việt, hồn Việt trong trẻo đến lạ lùng. Xin lưu ý rằng, thơ Việt trung đại sử dụng nhiều điển tích Trung Quốc. Thời Pháp thuộc, thơ Việt chịu ảnh hưởng thơ Lãng mạn Pháp.

Một điều rất thú vị làm nên chất tài hoa của thơ Lê Đình Bảng là việc sử dụng ngôn ngữ bình dân bên cạnh những cách diễn đạt rất sang trọng lịch lãm.

Câu thơ này như một câu nói ngày thường: “Ở nhà quê/ thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy”. Hoặc một câu nói như nghe từ cửa miệng các bà mẹ quê: “Người một phương/ chả biết đến bao giờ?”, có cả cách nói triết lý của người nông dân: “Thế mới biết/ ngọn ngành, có nhân, có quả”. Điều này giúp người đọc nhận ra Lê Đình Bảng đã sống rất sâu trong văn hóa dân gian, văn hóa thuần Việt, từ đó chuyển hóa thành thơ. Và trên cái nền nã giản dị, tự nhiên, trong trẻo ấy, bất chợt xuất hiện những tứ thơ như lấp lánh vàng:
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Tứ thơ sau đây có bóng dáng của “chùm hoa năm ngoái”, cũng có cái mê hoặc cõi Thiên Thai: sang trọng, cổ kính nhưng mới lạ
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời

Chữ “thôi”, chữ “bởi vì” là khẩu ngữ, có thể bỏ đi không ảnh hưởng ngữ nghĩa câu thơ, nhưng chính những từ ngữ ấy lại đem đến cái duyên cho thơ, cái ý nhị trong lời nói, và cái tài hoa của một phong cách thơ.

VỸ THANH

Câu chuyện tình đã kết thúc. Em đã là thánh nữ trên trời, vậy còn điều gì làm cho lòng ta day dứt?
Đó là cái chết của em, một cái chết đột ngột quá, một cái chết thương tâm quá. Người đọc chưa được chuẩn bị tâm thế để đón nhận một tin buồn giữa lúc đang dõi theo tình yêu lứa đôi tưởng là sẽ rất lãng mạn, tưởng là sẽ được Chúa chúc phúc.
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…

“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Chuyện kể với tốc độ nhanh như chính sự việc xảy ra trong nháy mắt làm choáng váng. ”Viên đạn ở đâu?/ bay thẳng vào trái tim em “ và tiếng kêu của mẹ “…Lạy Chúa tôi” thảng thốt, rồi ngưng bặt không thốt thành lời. Nếu trước đó nhà thơ miêu tả chiến tranh thì người đọc còn có thể liên tưởng được và nỗi đau không choáng ngợp như thế. Cái chết ấy, ai đã trải qua chiến tranh, để lại bao điều day dứt.
Thôi thì, người chết đã yên phận, trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, em đã là thánh nữ trên trời, nhưng người còn sống, nhân vật Tôi (người kể chuyện, nhân vật tâm trạng) người yêu của em sống thế nào. Thôi thì
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt…
…Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Một ước vọng nhỏ nhoi không thành:
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ
Nên vọng mãi đến thiên thu một câu hỏi không có hồi đáp.
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Một thãng thốt trong mơ như đang ở giữa đời thực
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi…

…Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…

Lòng tôi rưng rưng mãi khi đọc những câu thơ gan ruột của một người yêu với người yêu, của một thi nhân tài hoa và đa tình rất mực, của một hồn thơ mênh mang như dòng sông kia chảy mãi tới cõi Thiên đàng. Xin cám ơn người đã để lại cho đời một bông hoa tuyệt vời hương sắc.

Tháng 3/ 2022
 
Church Documents
TV 26 Feb 2024
VietCatholic Media
23:17 25/02/2024
1. Cha sở tại Gaza cho biết Tình hình bắc Gaza cam go hơn

Linh mục Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Công Giáo duy nhất ở Gaza, cho biết tình hình dân chúng ở miền bắc Gaza ngày càng khó khăn hơn: ngày càng ít lương thực có thể mua được, và những đồ ăn tìm được để mua thì lại quá đắt.

Cha Romanelli người Á Căn Đình, thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, từ 28 năm nay hoạt động tại Thánh địa. Ngày 07 tháng Mười năm ngoái, khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố của Hamas chống Israel, cha bị kẹt ở Bethlehem và từ đó cha chưa được quân đội Israel cho phép trở lại giáo xứ Thánh Gia của cha. Dầu vậy, cha vẫn có thể tiếp xúc hằng ngày với cha phó ở xứ này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức KNA, truyền đi ngày 24 tháng Hai vừa rồi, cha cho biết dân chúng ở Gaza thiếu thốn mọi sự. Hiện nay, vẫn còn 400.000 người ở thành phố Gaza. Đồ cứu trợ ít ỏi đưa tới, nhưng diễn ra trong tình trạng hỗn độn. Số các tín hữu Kitô ở Gaza bị giết từ đầu chiến tranh hoặc vì thiếu thuốc men và săn sóc y tế cho đến nay là 29 người, gần 2,9% Kitô hữu ở Gaza.

Theo cha Romanelli, hiện nay vẫn còn khoảng 600 tín hữu Kitô tại giáo xứ Thánh Gia. Ngoài ra, có 200 người tị nạn tại giáo xứ Chính thống ở Gaza. Trong khi đó nhiều gia đình bị kẹt ở miền nam Gaza không thể trở về thành phố Gaza. Kế hoạch di tản cộng đoàn giáo xứ về miền Nam Gaza hiện nay không được đặt ra.

Từ đầu chiến tranh ở Gaza đến nay, khoảng một triệu 100.000 người bị quân đội Israel yêu cầu rời bỏ miền bắc và phần lớn tị nạn tới thành phố Rafah ở miền nam. Cha Romanelli nói: “Chúng tôi cố gắng tiếp tục là một ốc đảo an bình. Ngoài việc đón nhận và giúp đỡ các tín hữu Kitô, trong cộng đoàn giáo xứ Thánh Gia cũng có mấy trăm người Hồi giáo láng giềng. Trong khuôn viên giáo xứ có một bệnh xá được thiết lập để săn sóc những người bị thương”.

2. Quân đội Israel yêu cầu giải tỏa giáo xứ Công Giáo ở Gaza

Quân đội Israel muốn giải tỏa giáo xứ Thánh Gia, giáo xứ Công Giáo duy nhất tại Gaza.

Nữ tu Nabila, thuộc Dòng Mân Côi, nói với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 21 tháng Hai rằng: “Từ hôm qua, Israel lại dội bom vào khu vực chúng tôi. Chúng tôi lại ở dưới bom đạn và có tin từ Israel, theo đó quân đội nước này yêu cầu các thường dân phải di tản khỏi vùng này. Nhưng dù có nguy hiểm, những người tản cư trú ngụ trong khu vực giáo xứ, khoảng 600 người, quyết định tiếp tục ở lại giáo xứ”.

Cha sở Gabriel Romanelli của giáo xứ vẫn chưa được quân đội Israel cho phép trở về Gaza, nhưng cha vẫn luôn theo dõi tình hình xứ đạo của cha. Cha gọi tình trạng hiện nay là “con đường thánh giá của các Kitô hữu và dân chúng tại Gaza”. Tình trạng tiếp tục trở nên tệ hơn mỗi giờ, trong khi số nạn nhân từ đầu cuộc xung đột đến nay, tiếp tục lên cao. Trong thời gian gần đây, nhà bếp của giáo xứ hoạt động ba ngày mỗi tuần. Các tín hữu tìm cách kiếm lương thực như họ có thể. Bột mì chưa chế biến được sử dụng để nướng bánh, hiện thời đó là điều duy nhất họ có được”.

Cha Romanelli nói rằng: “Sau bốn tháng chiến tranh, dân chúng mệt mỏi, đau buồn, xuống tinh thần. Họ không thấy tương lai, dầu vậy họ cố gắng đứng lên bảo vệ giúp đỡ những người ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn họ”.

3. Trong một động thái hiếm hoi, Đức Thánh Cha bổ nhiệm người phụ tá cho vị giám mục hàng đầu của Á Căn Đình

Trong một động thái hiếm hoi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một Giám Mục Phụ Tá để hỗ trợ, và sau đó kế nhiệm, một vị Giám Mục hàng đầu của Á Căn Đình đã quá tuổi nghỉ hưu.

Giám mục Óscar Vicente Quintana của San Isidro, Á Căn Đình, đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 10 năm 2021, khi ngài tròn 75 tuổi. Thay vì chấp nhận đơn từ chức của ngài, như thông lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã để ngài tại vị, và bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Guillermo Caride, một linh mục của giáo phận, làm phụ tá của ngài.

Quyết định của Đức Thánh Cha để Đức Giám Mục Quintana tại vị là một dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng của Đức Thánh Cha đối với ngài. Đức Giám Mục Quintana là chủ tịch hiện tại của Hội đồng Giám mục Á Căn Đình và đã giữ chức vụ đó kể từ năm 2017.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ rằng ngài đã yêu cầu Đức Giám Mục Quintana chọn điều tra viên trong cuộc điều tra giáo luật đầu tiên về các cáo buộc chống lại Đức Giám Mục Gustavo Zanchetta. “Tôi đã buộc ngài phải lựa chọn,” Đức Giáo Hoàng nói.

4. Nhà truyền giáo sử dụng mạng xã hội trong Mùa Chay

Vị Hồng Y vốn quen thuyết giảng cho các giáo hoàng và các viên chức của Giáo triều Rôma hiện đang trực tiếp đưa thông điệp Tin Mừng của mình đến các tín hữu thông qua mạng xã hội.

Trong sáu ngày trong Mùa Chay, Vatican đã phát hành những bài suy tư ngắn gọn – dài khoảng hai phút – của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, nhà giảng thuyết trong gia đình giáo hoàng, thông qua các kênh trên X, Facebook, Instagram và WhatsApp.

Tính đến ngày 20 tháng 2, ngày thứ hai của sáng kiến, chỉ có các video bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha được đăng tải trực tuyến.

Theo một bài báo của Vatican News thông báo về việc khởi động các buổi suy tư trực tuyến của Đức Hồng Y, sáng kiến này nhằm mục đích cho phép mọi người “cầu nguyện với Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma” trong các buổi linh thao Mùa Chay của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô và các thành viên của Giáo triều đã tạm dừng các nghĩa vụ thể chế của mình để tham gia các buổi linh thao một cách riêng tư từ ngày 18 đến 23 tháng 2.

“Trên thế giới, có rất ít lời có thể nói ra trong một phút mà đủ lấp đầy một ngày và trên thực tế là một cuộc đời: đó là những lời đến từ miệng Chúa Giêsu,” Đức Hồng Y Cantalamessa nói khi bắt đầu video đầu tiên của mình trong loạt phim, lưu ý rằng ngài hy vọng phần suy ngẫm ngắn gọn sẽ giống như một “kẹo cao su” tinh thần mà người xem có thể quay lại suốt cả ngày của họ.

Đức Hồng Y suy tư về câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ của Người trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Các con đang tìm gì?” Trích dẫn Thánh Augustinô, ngài gợi ý rằng cuối cùng mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống của mình, một điều chỉ có thể tìm thấy nơi Chúa.

Ngài nói: “Hỡi anh chị em, hãy tự xét mình và xem liệu lời giải thích cho quá nhiều nỗi buồn và sự bồn chồn của anh chị em có nằm ở đây hay không? Đừng tìm kiếm nước trong những cái giếng nứt thay vào đó hãy tìm kiếm nguồn nước hằng sống là Thiên Chúa”.

Trong video thứ hai của Đức Hồng Y, phát hành ngày 20 tháng 2, ngài đã suy ngẫm về những lời của Chúa Giêsu nói với Martha trong Tin Mừng Thánh Luca, “Chỉ cần một điều thôi,” đó là Chúa, và nhắc đến triết gia Đan Mạch Soren Kierkegaard, người đã nói rằng một cuộc sống không có điều đó sẽ là một cuộc sống bị lãng phí.

Đức Hồng Y Cantalamessa thuyết giảng cho Đức Thánh Cha và các thành viên của Giáo triều Rôma vào hầu hết các ngày Thứ Sáu trong Mùa Vọng và Mùa Chay. Ngài cũng là nhà giảng thuyết trong Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh về Cuộc Thương Khó của Chúa với sự tham dự của Đức Thánh Cha tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

5. Tổng giám mục Kenya chứng kiến cuộc tấn công 'chưa từng có' vào đời sống gia đình

Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Kenya đã cảnh báo chống lại “việc tầm thường hóa cách hiểu truyền thống về hôn nhân Kitô giáo,” trong bài phát biểu ngày 22 tháng 2 tại cuộc họp của Hiệp hội các Hội đồng Giám mục Thành viên khu vực Đông Phi, gọi tắt là AMECEA.

Đức Tổng Giám Mục Maurice Muhatia Makumba của Kisumu cho biết: “Những thách thức đối với hôn nhân và gia đình Kitô giáo chưa bao giờ liên tục như trong thời đại chúng ta”. Ngài nhắc lại lời phát biểu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Ecclesia in Africa rằng “tương lai của thế giới và Giáo hội sẽ đi qua gia đình”. Đức Tổng Giám Mục nói rằng cuộc khủng hoảng trong đời sống gia đình chắc chắn sẽ mang lại tác hại cho Giáo hội.

Đức Tổng Giám Mục Makumba cũng nhắc lại rằng trong Thượng hội đồng về Phi Châu, các vị Giám Mục tham dự đã cảnh báo: “Đừng để gia đình Phi Châu bị chế giễu trên chính mảnh đất của mình”. Ngài nhấn mạnh rằng, lời cầu xin đó đã không được chú ý khi hội nghị dân số Liên Hiệp Quốc ở Cairo năm 1994 “đã khẳng định mong muốn quyết liệt thông qua các nghị quyết mâu thuẫn rõ ràng với các giá trị của gia đình Phi Châu. Đó thực sự là một cái tát vào mặt Phi Châu.”

6. Giáo Hội Công Giáo thiểu số ở Hy Lạp lên án cuộc bỏ phiếu về hôn nhân đồng giới của Quốc hội

Giáo Hội Công Giáo thiểu số ở Hy Lạp đã phản đối cuộc bỏ phiếu của quốc hội về việc cho phép hôn nhân đồng giới và nhận con nuôi. Đó là cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở một quốc gia có đa số người theo Chính thống giáo.

Tổng Giám mục Josif Printezis của Naxos, Andros, Tinos và Mykonos, tổng thư ký của Giáo phận Naxos, Andros, Tinos và Mykonos, cho biết: “Phản ứng của chúng tôi rất rõ ràng – giáo hội không chấp nhận hôn nhân đồng giới, và chúng tôi rất ngạc nhiên khi chính phủ thúc đẩy nhanh chóng biện pháp này”.

“Tôi không biết liệu người dân ở thủ đô Athens có nhu cầu lớn hay không. Nhưng những người sống ở những nơi khác ở Hy Lạp không cảm thấy thoải mái với điều đó, và nó sẽ gây ra cho chúng tôi rất nhiều vấn đề khi nói đến việc rửa tội và lãnh nhận các bí tích”.

Đức Tổng Giám Mục phát biểu khi đám cưới đồng giới đầu tiên được tiến hành sau khi dự luật được chính phủ trung hữu của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis tài trợ, được Tổng thống Katerina Sakellaropoulou ký thành luật một ngày sau đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với OSV News, tổng giám mục cho biết chính phủ Mitsotakis trước đây đã ủng hộ việc giảng dạy Kitô giáo và duy trì mối quan hệ tốt với nhà thờ Chính thống giáo chiếm ưu thế ở Hy Lạp, vốn phản đối mạnh mẽ đạo luật này, nhưng được nhiều người cho là đã bị Liên minh Âu Châu gây áp lực buộc phải đưa ra cải cách.

Ngài nói thêm rằng ngài và các giám mục khác sẽ tư vấn cho các giáo xứ Công Giáo cách đối phó với các cặp đồng giới, nhưng sẽ chống lại các yêu cầu tán thành “bình đẳng hôn nhân”.

“Người Công Giáo tin vào sự bình đẳng - trong giáo hội của chúng tôi cũng vậy, một số người cho rằng mọi người nên có quyền bình đẳng đối với bạn đời và gia đình”, Đức Tổng Giám Mục Printezis nói với OSV News. “Nhưng hiện tại tất cả chỉ nằm trong phạm vi lý thuyết. Khi nói đến thực tiễn, tôi không biết liệu người Công Giáo có chấp nhận các cặp đồng giới tìm cách tham gia vào phụng vụ nhà thờ hay không”.

Đạo luật định nghĩa lại hôn nhân là sự kết hợp của “hai người cùng giới hoặc khác giới” đã được Mitsotakis công bố sau khi đảng Dân chủ Mới của ông được bầu lại vào tháng 6 năm 2023 và được đưa ra thảo luận vào tháng 2 tại Quốc hội Hy Lạp, với sự ủng hộ từ cánh tả.

Biện pháp này, một sửa đổi đối với Bộ luật Dân sự, được 52% người Hy Lạp ủng hộ trong cuộc thăm dò Pulse vào tháng 12 năm 2023 cho nhóm truyền thông Skai, với 33% phản đối và 15% chưa quyết định hoặc thờ ơ, mặc dù việc nhận con nuôi đồng giới chỉ được 42% ủng hộ với 47% phản đối.

Trong một tuyên bố ngày 12 Tháng Giêng, các giám mục Công Giáo Hy Lạp cho biết “việc thay đổi định nghĩa về hôn nhân và gia đình” sẽ “ảnh hưởng đến toàn thể xã hội Hy Lạp”, và họ bác bỏ tuyên bố của các nhà vận động ủng hộ thay đổi rằng hôn nhân “chỉ đơn giản là một cấu trúc hợp pháp”.

Các giám mục cho biết: “Đề xuất này là một bước thụt lùi đối với văn hóa pháp lý của chúng ta, đối với đạo đức và văn hóa nói chung – nó đánh dấu một điểm suy thoái của xã hội Hy Lạp”.

Trong khi đó, Giáo Hội Chính thống Hy Lạp, chiếm hầu hết dân số 10,3 triệu người, đã “bác bỏ một cách dứt khoát” sự thay đổi pháp lý trong một bức thư ngỏ ngày 30 Tháng Giêng gửi tới các nghị sĩ vì “đi chệch khỏi hôn nhân Kitô giáo và khuôn khổ đã được thiết lập của hôn nhân truyền thống.”

Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo nói thêm: “Những hậu quả của đạo luật này, không hề trừu tượng, sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi cơ bản của xã hội Hy Lạp, biến cha mẹ từ những người cha và người mẹ truyền thống thành những người giám hộ trung lập và ưu tiên quyền của những người trưởng thành đồng tính luyến ái hơn lợi ích của những đứa trẻ tương lai”.

Việc phê chuẩn dự luật diễn ra sau cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài hai ngày tại quốc hội Athens gồm 300 ghế đã được các nhóm bảo vệ quyền của người đồng tính và lãnh đạo chính phủ Mitsotakis hoan nghênh, người đã nói trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 15 tháng 2 rằng nó đánh dấu “một cột mốc quan trọng cho nhân quyền” và phản ánh “Hy Lạp ngày nay: một quốc gia tiến bộ, dân chủ, cam kết tuân thủ các giá trị Âu Châu”.

Tuy nhiên, cuộc cải cách đã bị một thành viên trong đảng cầm quyền của thủ tướng phản đối. Phản đối cũng xảy ra tại các cuộc biểu tình của Chính thống giáo ở Athens và các thành phố khác, bao gồm một cuộc biểu tình cầu nguyện trước khi bỏ phiếu tại Quảng trường Syntagma của thủ đô vào ngày 12 tháng 2, do Tổng giám mục Chính thống giáo Hy Lạp Ieronymos II chủ trì. Ngài đã cảnh báo rằng nó sẽ đặt những người ủng hộ “bên ngoài nhà thờ”.

Cuộc bỏ phiếu khiến Hy Lạp trở thành quốc gia thứ 16 trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu cho phép hôn nhân đồng giới và thứ 37 trên toàn thế giới, đồng thời là quốc gia đầu tiên trong số 10 quốc gia Chính thống giáo truyền thống của Âu Châu cho phép thực hành.

Trong cuộc phỏng vấn với OSV News, Đức Tổng Giám Mục Printezis cho biết quyết định của các nghị sĩ thách thức Giáo Hội Chính thống giáo chiếm ưu thế cho thấy ảnh hưởng của Giáo Hội đang suy yếu ở Hy Lạp, nhưng nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Chính thống giáo vẫn có thể gây áp lực lên các cơ quan chính quyền địa phương không cho phép hôn nhân đồng giới.

Ngài nói thêm rằng sự phản đối chung đối với luật mới đã gắn kết các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống lại với nhau, nhưng ngài cho biết ngài nghi ngờ sự hợp tác sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác.

“Khi các cuộc thảo luận về đạo luật này bắt đầu, Giáo hội Chính thống đã kêu gọi chúng tôi đứng về phía họ - và chúng tôi đã làm như vậy,” tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo nói với OSV News.

“Trong khi đó, một số linh mục và giám mục Chính thống giáo cũng hoan nghênh những tuyên bố của cộng đoàn Công Giáo, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng cũng ca ngợi sự rõ ràng về mục vụ của họ. Nhưng trong khi chúng tôi hy vọng điều này có thể báo hiệu một sự mở màn, thì một số nhà lãnh đạo Chính thống giáo lại có quan điểm nghiêm khắc chống lại sự hợp tác đại kết”.
 
VietCatholic TV
Zelensky: Nga sẽ có thêm bất ngờ ở Hắc Hải. Đại đội Nga tập hợp, HIMARS lao tới. F16 đến vào mùa hè
VietCatholic Media
04:00 25/02/2024


1. Zelenskiy thề Nga sẽ thấy thêm 'bất ngờ' trên Hắc Hải

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng có nhiều “điều bất ngờ” sắp xảy ra với các tài sản quân sự của Nga ở Hắc Hải.

Nói chuyện với Bret Baier của Fox News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được phát sóng vào tối thứ Sáu, nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng một trong những mục tiêu của Kyiv cho năm 2024 là “tiếp tục câu chuyện thành công của chúng tôi trên Hắc Hải”.

“Và chúng tôi sẽ làm điều đó,” Zelenskiy nói. “Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết, nhưng họ sẽ nhận được một số điều bất ngờ…Điều đó rất quan trọng.”

2. Tổng thống Biden mở đường cho Mark Rutte lãnh đạo NATO - và đối đầu với Putin

Một quan chức Mỹ hôm thứ Tư cho biết Tổng thống Joe Biden đang ủng hộ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trở thành tổng thư ký tiếp theo của NATO.

Sự ủng hộ của Tổng thống Biden có thể sẽ thu hút thêm nhiều đồng minh ủng hộ đề cử của Rutte, sau nhiều tháng cạnh tranh giữa Rutte và một số nhà lãnh đạo Âu Châu khác để giành được chức vụ này. Quan chức Mỹ được giấu tên để tiết lộ sự ủng hộ của tổng thống về một vấn đề mà ông chưa công khai ủng hộ.

POLITICO trước đó đã đưa tin hôm thứ Tư rằng 2/3 số nước NATO đang ủng hộ việc đề cử Rutte đảm nhận vai trò lãnh đạo liên minh quân sự vào cuối năm nay.

Nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo NATO hiện tại Jens Stoltenberg, người đã vững vàng lèo lái khối chính trị-quân sự vượt qua thời kỳ hỗn loạn trong nền chính trị xuyên Đại Tây Dương kể từ năm 2014, sẽ kết thúc vào tháng 10.

Áp lực đang gia tăng để chấp thuận nỗ lực lãnh đạo của Rutte trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, sẽ được tổ chức tại Washington để kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas bày tỏ sự quan tâm đến vị trí đứng đầu NATO trong một sự kiện do POLITICO tổ chức vào tháng 11. Nhưng các quan chức NATO nói rằng cô không nằm trong số đó vì cô chưa tuyên bố ứng cử. Điều tương tự cũng xảy ra với Ngoại trưởng Latvia Krišjānis Kariņš, người đã thực hiện một chuyến tham quan truyền thông nhỏ vào năm ngoái để kiểm tra tình hình.

Con đường đến với vai trò tổng thư ký của Rutte khiến ông rơi vào tình thế xung đột với Nga, khi liên minh này tự rèn luyện bản thân để chống lại sự gây hấn của Vladimir Putin hai năm kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Và nếu cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại Phòng Bầu dục, nhà lãnh đạo Hà Lan sẽ phải điều chỉnh sự hoài nghi của đảng Cộng hòa đối với NATO và an ninh tập thể.

Rutte sẽ không thảo luận về nỗ lực lãnh đạo liên minh tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới, nói rằng anh ta đã học được bài học vào tháng 10 khi phát biểu rằng anh ta quan tâm đến công việc này.

Rutte có nhiều điều phải làm trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Theo quy định của NATO, tổng thư ký phải được quyết định bằng sự đồng thuận đồng thanh, nghĩa là Rutte vẫn phải giành được sự ủng hộ của tất cả 31 quốc gia thành viên. Bất kỳ ứng cử viên nào cho vị trí này đều phải vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi, những quốc gia đã chứng tỏ trở ngại lớn nhất trong việc chấp nhận thành viên mới. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã yêu cầu sự trấn an trước khi ủng hộ Rutte, trong khi Hung Gia Lợi đã có những bất đồng lâu dài với thủ tướng Hà Lan.

Phát biểu với đài truyền hình Hà Lan cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Tướng Onno Eichelsheim cho biết “rất có khả năng” Rutte sẽ nhận được công việc cao nhất.

Chi tiêu quốc phòng vẫn là mối quan tâm lớn của liên minh, khi các quốc gia đang nỗ lực đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP mà liên minh đã thiết lập sau cuộc xâm lược Ukraine lần đầu của Nga vào năm 2014.

Năm nay, 18 trong số 31 quốc gia NATO cuối cùng đã đạt được tiêu chuẩn 2%, so với chỉ 7 quốc gia vào năm ngoái. Hà Lan vẫn chưa đạt được mốc đó nhưng đang trên đà chi tiêu 2% trong năm nay.

Dù né tránh những câu hỏi về khả năng lãnh đạo liên minh xuyên Đại Tây Dương tại Munich, nhưng Rutte vẫn có vẻ là nhà lãnh đạo được cho là của NATO. Ông nói với các phóng viên trong cùng một cuộc thảo luận rằng mối đe dọa Nga tấn công một quốc gia NATO là có thật, nhưng “cách tốt nhất để ngăn chặn điều đó là bảo đảm rằng chúng ta đã làm mọi thứ để đầu tư vào quốc phòng của mình, bảo đảm rằng liên minh vẫn vững mạnh. “

Một phần của điều đó có nghĩa là phải giữ Washington trong tầm kiểm soát, điều mà nhà lãnh đạo NATO sắp mãn nhiệm Stoltenberg đã đầu tư rất nhiều thời gian và sức lực để bảo đảm.

Với việc Stoltenberg - người đã hai lần gia hạn nhiệm kỳ - rời nhiệm sở vào tháng 10, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo, người kế nhiệm ông có thể phải đối mặt với nhiệm vụ tương tự.

Dù chiếm được Tòa Bạch Ốc, NATO sẽ phải đối mặt với điều mà nhiều người mong đợi vẫn là một cuộc chiến ở Ukraine và sự thúc đẩy của nhiều thành viên Quốc Hội ở Washington để rời cuộc chiến ở Kyiv sang Âu Châu, chuyển sự chú ý của Mỹ sang Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một trong những mối quan tâm lớn của liên minh vào năm 2024 và hơn thế nữa là làm thế nào để hợp tác với từng quốc gia đang bổ sung kho của họ sau hai năm chuyển vũ khí và thiết bị sang Ukraine và trước đó đã chi tương đối ít cho quốc phòng sau sự sụp đổ của Liên Xô..

Liên minh có những quyết định lớn cần thực hiện trong việc đầu tư dài hạn cho các loại vũ khí dẫn đường chính xác, mới, thường đắt tiền. Nó cũng phải đạt được sự cân bằng giữa những lời kêu gọi của Washington nhằm mua lại tham vọng của chính Mỹ và Âu Châu nhằm xây dựng khả năng sản xuất quốc phòng của lục địa này.

Dưới thời Rutte, thủ tướng Hà Lan tại vị lâu năm và là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở Âu Châu, Hà Lan đã cam kết gửi cho Ukraine 24 chiến đấu cơ F-16 của mình - nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào - và đang giúp đào tạo phi công Ukraine. Quân đội Hà Lan cũng đã gửi xe tăng, hệ thống pháo binh, đạn dược và hệ thống phòng không Patriot tới Kyiv trong hai năm qua. Chính phủ đã cam kết viện trợ quân sự và nhân đạo thêm 2,1 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine trong năm tới.

Rutte cho biết tại Munich rằng nhu cầu Âu Châu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng của mình có liên quan nhiều đến Nga hơn là nước ngồi trong Tòa Bạch Ốc.

Ông nói: “Chúng ta hãy ngừng rên rỉ, cằn nhằn và than vãn”. “Chúng ta cần đầu tư vào chi tiêu quốc phòng. Chúng ta cần tăng cường sản xuất vũ khí một cách ồ ạt và sau đó chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine.”

3. Nguồn tin Reuters cho biết Iran đã cung cấp cho Nga hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo

Sáu nguồn tin nói với Reuters rằng Iran đã cung cấp cho Nga một số lượng lớn hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất đầy uy lực, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai quốc gia bị Mỹ trừng phạt.

Ba nguồn tin Iran cho biết, việc Iran cung cấp khoảng 400 hỏa tiễn bao gồm nhiều hỏa tiễn thuộc dòng vũ khí đạn đạo tầm ngắn Fateh-110, chẳng hạn như Zolfaghar. Các chuyên gia cho biết hỏa tiễn cơ động này có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách từ 300 đến 700 km.

Bộ Quốc phòng Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng - lực lượng tinh nhuệ giám sát chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Iran - từ chối bình luận về báo cáo của Reuters. Bộ Quốc phòng Nga cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Một trong những nguồn tin của Iran nói với Reuters rằng các chuyến hàng bắt đầu vào đầu Tháng Giêng sau khi một thỏa thuận được hoàn tất trong các cuộc họp vào cuối năm ngoái giữa các quan chức quân sự và an ninh Iran và Nga diễn ra ở Tehran và Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby hồi đầu Tháng Giêng cho biết Mỹ lo ngại Nga sắp mua được vũ khí đạn đạo tầm ngắn từ Iran.

Một quan chức quân sự Iran – giống như các nguồn tin khác, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của thông tin – cho biết đã có ít nhất 4 chuyến hàng hỏa tiễn và sẽ có nhiều hơn trong những tuần tới. Ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Một quan chức cao cấp khác của Iran cho biết một số hỏa tiễn đã được gửi tới Nga bằng tàu qua Biển Caspian, trong khi số khác được vận chuyển bằng máy bay. Quan chức thứ hai của Iran cho biết: “Sẽ có nhiều chuyến hàng hơn”. “Không có lý do gì để che giấu nó. Chúng tôi được phép xuất khẩu vũ khí tới bất kỳ quốc gia nào mà chúng tôi muốn”.

Các hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với việc Iran xuất khẩu một số hỏa tiễn, máy bay không người lái và các công nghệ khác đã hết hạn vào tháng 10. Tuy nhiên, Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu vẫn giữ nguyên các lệnh trừng phạt đối với chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Iran trong bối cảnh lo ngại về việc xuất khẩu vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Trung Đông và sang Nga.

Nguồn tin thứ tư, quen thuộc với vấn đề này, xác nhận với Reuters rằng Nga gần đây đã nhận được một số lượng lớn hỏa tiễn từ Iran nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Phát ngôn nhân an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết vào đầu Tháng Giêng, Mỹ lo ngại rằng Nga sắp mua vũ khí đạn đạo tầm ngắn từ Iran, bên cạnh các hỏa tiễn có nguồn gốc từ Bắc Hàn. Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Washington đã thấy bằng chứng về các cuộc đàm phán đang tiến triển tích cực nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc giao hàng đã diễn ra. Ngũ Giác Đài đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về việc chuyển giao hỏa tiễn.

Công tố viên hàng đầu của Ukraine hôm thứ Sáu cho biết các hỏa tiễn đạn đạo do Bắc Hàn cung cấp cho Nga đã được chứng minh là không đáng tin cậy trên chiến trường, chỉ có 2 trong số 24 hỏa tiễn bắn trúng mục tiêu. Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc Bắc Hàn cung cấp cho Nga vũ khí được sử dụng ở Ukraine.

Ngược lại, Jeffrey Lewis, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, cho biết dòng hỏa tiễn Fateh-110 và Zolfaghar là vũ khí chính xác. Lewis cho biết: “Chúng được sử dụng để nhắm vào những thứ có giá trị cao và cần gây sát thương chính xác”, đồng thời cho biết thêm rằng 400 quả đạn dược có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các cuộc oanh tạc của Nga vốn đã “khá tàn bạo”.

4. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen kêu gọi các đồng minh quyên góp nhiều hơn cho Ukraine sau khi công bố gói viện trợ quân sự mới.

Nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu hôm Thứ Sáu, 23 Tháng Hai, rằng “Cần phải nhấn mạnh rằng nếu Ukraine muốn thành công trên chiến trường thì phải có thêm nhiều khoản quyên góp ngay bây giờ.”

“Chính vì vậy mà chúng tôi tiếp tục quyên góp thêm từ Đan Mạch với hy vọng rằng nhiều quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy, không phải trong sáu hay 12 tháng, mà là ngay bây giờ khi nhu cầu là rất, rất lớn.”

5. Các nhà lập pháp Đức ủng hộ việc cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine gần hai năm sau cuộc xâm lược của Nga, nhưng bác bỏ lời kêu gọi của phe đối lập cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus cho Kyiv.

Đức là nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhưng thủ tướng Olaf Scholz đã chống lại áp lực trong và ngoài nước để cung cấp hỏa tiễn Taurus vì lo ngại xung đột sẽ leo thang trên phạm vi quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nói với Hạ viện Bundestag:

Nước Nga của Putin đang và sẽ vẫn là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Âu Châu trong tương lai gần.

Ông nói thêm rằng Đức sẽ chống lại nó “bằng tất cả sức mạnh của mình”.

Đề xuất do liên minh của Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholz đưa ra, bao gồm Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ tăng viện trợ, cam kết cung cấp “bổ sung hệ thống vũ khí tầm xa và đạn dược” nhưng không đề cập cụ thể đến Taurus.

Gây áp lực lên Scholz, phe đối lập bảo thủ đã đưa ra một đề nghị rõ ràng kêu gọi chuyển giao hỏa tiễn hành trình có thể mang lại cho Ukraine khả năng gây ra thiệt hại đáng kể sâu hơn trong lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Nêu bật sự chia rẽ trong liên minh khó xử của Scholz, nhà lãnh đạo FDP của ủy ban bảo vệ quốc hội Marie-Agnes Strack-Zimmermann đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của phe đối lập.

6. Cựu Tổng thống Nga tuyên bố chiến tranh sẽ không kết thúc nếu không vây hãm Kyiv

Nga đã phải bỏ ra 4 tháng và 47.000 quân để có thể chiếm được thị trấn Avdiivka với diện tích chỉ bằng 1 phần muời Thủ Đức. Tuy nhiên, chiến thắng hiếm hoi này đã làm cho bọn lãnh đạo rất là cao hứng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Former Russian President Declares War Won't End Without Siege of Kyiv”, nghĩa là “Cựu Tổng thống Nga tuyên bố chiến tranh sẽ không kết thúc nếu không vây hãm Kyiv.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin, từng cho rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc cho đến khi quân đội của Putin nắm quyền kiểm soát Kyiv.

Medvedev, hiện đang giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã lập luận trong một cuộc phỏng vấn do cơ quan truyền thông nhà nước Nga TASS công bố hôm thứ Năm rằng Kyiv là “một thành phố của Nga” đang được điều hành bởi một nhóm “đối thủ của Nga”, dẫn đầu bởi Hoa Kỳ.

Cựu tổng thống nói rằng ông không chắc chắn biên giới Ukraine sẽ bị đẩy lùi bao xa sau khi kết thúc “chiến dịch quân sự đặc biệt”, là thuật ngữ hoa mỹ của Mạc Tư Khoa để chỉ cuộc chiến Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng Kyiv “có lẽ nên” trở thành một phần của Nga.

“Dừng lại ở đâu? Tôi không biết”, Medvedev nói. “Tôi nghĩ rằng xem xét những gì tôi đã nói về sự cần thiết phải tạo ra một hàng rào an toàn, chúng tôi sẽ phải làm việc rất nhiều và chăm chỉ. Sẽ là Kyiv phải không? Vâng, có lẽ đó cũng là Kyiv. Nếu không phải bây giờ thì một thời gian sau, có thể là trong một giai đoạn phát triển khác của cuộc xung đột này.”

Ông nói tiếp: “Kyiv vốn là một thành phố của Nga, nó được quản lý bởi một nhóm quốc tế gồm những đối thủ của Nga, đứng đầu là Hoa Kỳ”. “Mọi quyết định đều được đưa ra ở bên ngoài và tại trụ sở NATO. Điều này là hoàn toàn rõ ràng. Đây là lý do tại sao, có thể đó cũng là Kyiv.”

Medvedev nói tiếp rằng cơ hội Ukraine tiếp tục là một quốc gia sau chiến tranh là “không cao lắm”, đồng thời đề xuất rằng nếu bất kỳ quốc gia độc lập nào còn tồn tại thì đó có thể là một lãnh thổ nhỏ có trung tâm là thành phố Kyiv, nằm ở phía đông Ukraine. tới biên giới Ba Lan.

Ông nói thêm: “Nhưng đây là một quá trình phức tạp, không chỉ về mặt quân sự mà còn cả chính trị”. “Và không chỉ các lực lượng quân sự, không chỉ quân đội, mà cả những người sinh sống trên những vùng đất đó cũng nên thực hiện hoặc nói lời của mình trong quá trình này.”

Mặc dù từng được coi là người kế nhiệm tiềm năng ôn hòa hơn cho Putin, nhưng Medvedev đã trở nên khét tiếng vì thường xuyên đưa ra những tuyên bố cường điệu trong gần hai năm kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.

Medvedev đã nhiều lần đề nghị tiến hành tấn công hạt nhân vào đối phương của Nga. Ông cũng đã đưa ra những tuyên bố đe dọa đối với các quốc gia thành viên NATO, với việc liên minh này đang mở rộng liên tục là một trong những lý do khiến Putin viện dẫn việc phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Chúa Nhật tuần trước, Medvedev đã nói rõ rằng bất cứ điều gì khác ngoài một chiến thắng hoàn toàn ở Ukraine sẽ không thể chấp nhận được đối với Mạc Tư Khoa, đồng thời thề sẽ bắt đầu một “cuộc chiến tranh toàn cầu với các nước phương Tây” bằng cách bắn vũ khí hạt nhân vào Kyiv, Washington DC, Berlin và Luân Đôn nếu lực lượng Nga bị đánh bại.

7. Anh giáng 50 lệnh trừng phạt vào quân đội Nga vì Cameron nói Anh sẽ ủng hộ Ukraine 'chừng nào còn cần thiết'

Vương quốc Anh đã bổ sung thêm 50 thực thể mới vào danh sách trừng phạt Nga, trong đó Ngoại trưởng David Cameron nói rằng “các biện pháp trừng phạt của chúng tôi đang khiến Putin không còn nguồn lực mà ông ấy rất cần để tài trợ cho cuộc chiến đang gặp khó khăn của mình”.

Chính phủ tuyên bố mục tiêu của các lệnh trừng phạt là người dân và doanh nghiệp cung cấp đạn dược như hệ thống phóng hỏa tiễn, hỏa tiễn và chất nổ.

Trong số những người bị trừng phạt có các nhà sản xuất vũ khí và máy công cụ. Nhà điều hành chuyến bay thứ 224 của State Airlines và giám đốc của hãng này đã bị nhắm tới sau khi có báo cáo cho rằng họ có liên quan đến việc chuyển vũ khí từ Bắc Hàn sang Nga.

Các công ty được coi là hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Nga và được đưa vào danh sách bao gồm ba công ty từ Trung Quốc.

Đây là loạt biện pháp trừng phạt mới thứ hai đối với lợi ích của Nga trong vài ngày kể từ chính phủ Anh, với các biện pháp được Anh áp dụng ngày hôm qua đối với những nhà lãnh đạo thuộc địa hình sự Bắc Cực nơi nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị giam giữ.

Thông báo về các biện pháp trừng phạt mới trong một tuyên bố, Cameron nói:

Ukraine đã chứng tỏ rằng họ có thể và sẽ tự bảo vệ mình. Putin đã lầm tưởng rằng vì kinh tế Nga lớn hơn Ukraine nên ông sẽ giành chiến thắng nhanh chóng. Nhưng nền kinh tế của những người bạn của Ukraine lại lớn hơn Nga 25 lần. Và hai năm sau, chúng ta đoàn kết ủng hộ Ukraine.

Áp lực kinh tế quốc tế của chúng tôi có nghĩa là Nga không thể chịu đựng được cuộc xâm lược bất hợp pháp này. Các biện pháp trừng phạt của chúng ta đang khiến Putin thiếu hụt các nguồn lực mà ông ấy rất cần để tài trợ cho cuộc chiến đang gặp khó khăn của mình. Cùng nhau, chúng ta sẽ không bỏ cuộc trước sự chuyên chế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nước này đấu tranh cho dân chủ - miễn là cần thiết

8. Bản đồ Ukraine cho thấy 'cuộc tấn công đa trục' mới của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Map Show Russia's New 'Multi-Axis Offensive'“, nghĩa là “Bản đồ Ukraine cho thấy 'cuộc tấn công đa trục' mới của Nga” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, Nga đang tấn công lực lượng Ukraine ở phía đông bắc đất nước trong một cuộc tấn công có thể báo trước những lợi ích về lãnh thổ cho Mạc Tư Khoa. Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với một Ukraine đang phải vật lộn để giành được viện trợ quân sự mới của phương Tây sau hai năm tham gia cuộc chiến toàn diện.

Mạc Tư Khoa đang thực hiện một “chiến dịch tấn công đa trục gắn kết” dọc theo khu vực phía bắc của tiền tuyến hiện tại ở miền đông Ukraine, hướng tới “mục tiêu hoạt động quan trọng gần như lần đầu tiên sau hơn một năm rưỡi vận động ở Ukraine”. “ Viện nghiên cứu chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Hoa Kỳ cho biết trong một phân tích hôm thứ Tư.

Nga đã gây sức ép lên các tuyến phòng thủ của Ukraine gần biên giới khu vực Kharkiv và Luhansk của Ukraine trong nhiều tuần. Đồng thời, nó đã ném các nguồn lực vào Avdiivka, thành phố Donetsk đang bị vây hãm mà lực lượng của Kyiv đã rút lui vào cuối tuần qua.

Mạc Tư Khoa cũng đã đạt được một số lợi ích xung quanh khu định cư Zaporizhzhia của Robotyne, một trong số ít thị trấn mà Ukraine đã chiếm thành công từ tay Nga trong cuộc phản công vào mùa hè năm 2023.

Tổ chức nghiên cứu ISW cho biết những nỗ lực của Nga xung quanh Kharkiv và Luhansk bao gồm “các cuộc tấn công dọc theo bốn trục song song” có thể mang lại chiến thắng thực sự cho Nga.

Các bản đồ mới do ISW sản xuất cho thấy các cuộc tấn công của Nga về phía Kupiansk từ phía đông bắc và đông nam, cũng như nỗ lực tiến về phía tây bắc từ các vị trí phía nam Svatove, một thành phố Luhansk dưới sự kiểm soát của Nga.

Bản đồ cho thấy quân đội của Điện Cẩm Linh cũng đang nỗ lực tiến về phía tây bắc và tây nam Kreminna, bao gồm cả hướng tới thị trấn Lyman của Kharkiv.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm cho biết nhóm lực lượng phía tây của họ đã tấn công lực lượng Ukraine xung quanh Petropavlivka, một thị trấn nằm ngay phía tây thành phố Kupiansk. Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đã “đẩy lùi” ba cuộc tấn công của Ukraine xung quanh Synkivka, ngay phía bắc Petropavlivka.

Quân đội Ukraine cho biết trong bản cập nhật hôm thứ Năm rằng Nga đã tấn công xung quanh Synkivka và Tabaivka, phía đông nam của khu vực cũ.

ISW cho biết các lực lượng Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công cục bộ xung quanh Synkivka và Petropavlivka vào tháng 10 năm 2023. Mạc Tư Khoa có thể hy vọng giành quyền kiểm soát bờ đông sông Oskil chảy qua khu vực Kharkiv.

Trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Mạc Tư Khoa đã tuyên bố chủ quyền các vùng lãnh thổ ở phía đông bắc Ukraine. Kyiv sau đó đã đòi lại phần lớn đất đai đã chiếm được trong cuộc phản công năm 2022 qua Kharkiv.

Cuộc phản công của Ukraine vào năm sau đó đạt được ít thành công hơn, điều mà Kyiv cho rằng một phần là do sự chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí của phương Tây và kho đạn dược cạn kiệt. Ukraine vẫn đang chờ đợi cam kết viện trợ quân sự nhiều hơn từ Mỹ, người ủng hộ lớn nhất của họ, vốn đã suy yếu trong Quốc hội kể từ cuối năm ngoái.

9. Cuộc tập hợp của quân đội Nga dẫn đến thảm kịch khi HIMARS bay tới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “HIMARS Strike Wipes Out Concentration of Russian Troops, Video Shows”, nghĩa là “Video cho thấy cuộc tấn công HIMARS xóa sạch cuộc tập hợp của quân đội Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một số lượng lớn binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, của Ukraine vào khu vực bị Nga tạm chiếm ở khu vực phía nam Kherson hôm thứ Năm.

Vài giờ sau khi hàng chục binh sĩ Nga được cho là đã thiệt mạng gần tiền tuyến ở miền đông Ukraine khi Kyiv tấn công một sân tập bằng HIMARS do Mỹ cung cấp, có thông tin cho rằng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công tương tự ở một khu vực khác.

HIMARS do Mỹ cung cấp đã cho phép Ukraine phá hủy các hệ thống hỏa tiễn phòng không tiên tiến nhất của Nga. Vào tháng 10 năm 2023, đoạn phim được cho là chiếu hậu quả của cuộc tấn công HIMARS vào một tiểu đoàn Nga.

Dự án OSINT DeepState của Ukraine đưa tin rằng cuộc tấn công được thực hiện trên một sân tập nằm gần làng Podo-Kalynivka ở Kherson bị tạm chiếm. BBC Russian Service dẫn một nguồn tin từ cơ quan đặc biệt Ukraine cho biết vụ tấn công diễn ra ở cùng địa điểm.

Một đoạn video chưa được xác minh được cho là ghi lại thời điểm cuộc tấn công xảy ra với quân đội Nga đã được lan truyền trên các kênh Telegram. Newsweek đã liên hệ với chính quyền Nga và Ukraine để bình luận qua email.

Cơ quan truyền thông Ukraine Zerkalo Nedeli đưa tin ít nhất 60 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công Kherson.

Điện Cẩm Linh chưa bình luận về vụ việc. Newsweek đã liên hệ với quân đội Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận hôm thứ Tư nhằm cung cấp thêm thông tin về cuộc tấn công được báo cáo.

Serhii Sternenko, một nhà hoạt động người Ukraine trong một bài đăng trên X,, cho biết: “Việc thanh lý hàng loạt người Nga gần Podo-Kalynivka ở vùng Kherson”, đồng thời nói thêm rằng “không phải ai cũng sống sót” sau cuộc tấn công HIMARS.

Jimmy Rushton, một nhà phân tích an ninh và chính sách đối ngoại có trụ sở tại Kyiv, viết: “Một cuộc tấn công HIMARS/GMLRS khác của Ukraine nhằm vào người Nga tập trung tại một sân tập, lần này là ở Kherson”. “Có thể thấy rõ một số lượng đáng kể thương vong.”

Trước đó, Serhiy Bratchuk, một quan chức Ukraine ở miền nam Ukraine, cho biết lực lượng Kyiv đã tấn công một khu vực huấn luyện của quân đội Nga gần thành phố Volnovakha của Donetsk bằng HIMARS.

Ông cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram hôm thứ Ba rằng cuộc tấn công đã giết chết khoảng 65 binh sĩ Nga gần làng Trudivske, nơi các đơn vị của Lữ đoàn súng trường cơ giới hóa cận vệ riêng biệt số 39 của Nga đóng quân.

Trích dẫn một số nguồn tin giấu tên, ban tiếng Nga của BBC đưa tin quân đội Kyiv đã sử dụng hai hỏa tiễn trong cuộc tấn công.

Bratchuk đã xuất bản hai video đồ họa chưa được xác minh mà ông cho rằng đã cho thấy “hậu quả” của cuộc tấn công HIMARS.

10. Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu nói: Các nước phải gửi thêm đạn tới Ukraine

Ukraine cần thêm đạn dược và các nước Liên Hiệp Âu Châu nên làm bất cứ điều gì cần thiết để cung cấp cho quốc gia này, Đại diện cao cấp về đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã nói với các bộ trưởng.

Ukraine gần đây đang phải vật lộn để đẩy lùi các bước tiến của Nga, khi cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin sắp bước sang năm thứ ba.

Borrell viết trong một bức thư mà POLITICO đã nhìn thấy gửi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu vào hôm thứ Năm: “Các binh sĩ Ukraine đang bị cản trở trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm lược - bởi vì họ thiếu đạn dược”.

Ông kêu gọi các nước hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách có thể, bao gồm cả việc “đào sâu hơn vào kho hàng của bạn, nếu có thể; đặt hàng bằng cách tự mình mua sắm hoặc – tốt nhất – cùng nhau mua sắm từ ngành công nghiệp Âu Châu; mua đạn dược có sẵn trên thị trường; hoặc tài trợ cho ngành công nghiệp Ukraine.”

Trong những tuần gần đây, bế tắc chính trị ở Washington đã dẫn đến những trở ngại trong việc gửi viện trợ từ Mỹ.

Ông nhấn mạnh: “Không làm gì không phải là một lựa chọn”.

Theo những con số được trích dẫn trong bức thư, Liên Hiệp Âu Châu đã quyên góp 355.000 viên đạn. Đến cuối tháng 3, họ đặt mục tiêu quyên góp khoảng 524.000 viên đạn và đến cuối năm, mục tiêu là 1.155.000 viên đạn.

Vào tháng 3 năm 2023, Liên Hiệp Âu Châu đã đạt được thỏa thuận gửi 1 triệu viên đạn cho Ukraine trước tháng 3 năm 2024 và họ đã bỏ lỡ mục tiêu đó khi cuộc phản công của Ukraine bị đình trệ.

Nga hôm Chúa Nhật tuyên bố họ hiện đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Avdiivka của Ukraine sau khi Kyiv rút lực lượng khỏi khu vực, đây dường như là thành công lớn nhất của Mạc Tư Khoa trong 9 tháng khi chiến tranh tạm dừng.

Borrell cũng kêu gọi các nước Liên Hiệp Âu Châu tiết lộ những gì họ đang làm ở cấp độ song phương, nơi Liên Hiệp Âu Châu không có sự giám sát. Trong số các cường quốc quân sự lớn nhất Âu Châu, Pháp đang thực hiện công việc mờ nhạt nhất trong việc gửi vũ khí và đạn dược tới Ukraine, theo tính toán về viện trợ quốc tế của Viện Kiel của Đức.

“Cùng nhau, tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt – cho Ukraine và an ninh của Âu Châu – nhưng điều này đòi hỏi [sic] phải hành động ngay lập tức. Thời gian là điều cốt yếu.”

11. Đan Mạch cho biết Ukraine sẽ nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào mùa hè này

Hôm thứ Sáu 23 Tháng Hai,, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết các chiến đấu cơ F-16 đầu tiên sẽ được giao cho lực lượng không quân Ukraine vào mùa hè này.

Poulsen cho biết Đan Mạch sẽ giao những chiếc F-16 đầu tiên trong vòng vài tháng “nếu quá trình chuẩn bị diễn ra theo đúng kế hoạch” cho việc đào tạo phi công và phát triển cơ sở hạ tầng.

Các quốc gia khác cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine là Hà Lan, Na Uy và Bỉ; nhiều nước hơn đang đào tạo phi công Ukraine.

Bình luận của Poulsen được đưa ra khi Copenhagen phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 228 triệu euro nữa cho Ukraine.

Poulsen nói: “Cuộc chiến ở Ukraine đang bước vào năm thứ ba, và vì vậy việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine có ý nghĩa quyết định hoàn toàn đến kết quả của cuộc chiến”.

Theo Bộ Quốc phòng, gói hàng này bao gồm 15.000 quả đạn pháo - được Đan Mạch trả tiền và mua thông qua Cộng hòa Tiệp - sẽ được giao “trong vòng vài tháng” tới Ukraine, theo Bộ Quốc phòng, cùng với các thiết bị rà phá bom mìn, máy bay không người lái, radar và thiết bị liên lạc.

Tin tức này được đưa ra sau khi Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rằng cô sẽ cam kết toàn bộ kho vũ khí pháo binh của đất nước cho Ukraine, và vài ngày sau khi Thụy Điển công bố một đợt quyên góp khác.

Bất chấp cam kết tiếp tục hỗ trợ, quân đội Ukraine hiện đang bị áp đảo về số lượng đạn và nòng pháo.

12. Kyiv cho biết Nga đã sử dụng ít nhất 20 hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn trong các cuộc tấn công vào Ukraine

Nga đã sử dụng ít nhất 20 hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn trong các cuộc tấn công vào Ukraine kể từ cuối tháng 12, Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết hôm thứ Sáu.

Các nhà điều tra cho biết hỏa tiễn Hwasong-11 do Nga bắn - còn được gọi là KN-23 và KN-24 - đã giết chết ít nhất 24 dân thường và làm bị thương ít nhất 100 người ở Ukraine.

Theo một tuyên bố hôm thứ Năm, SBU đã đưa ra các mảnh vỡ của thứ trông giống như hỏa tiễn đạn đạo KN-23.

SBU cho biết lần đầu tiên Nga sử dụng hỏa tiễn của Bắc Hàn được ghi nhận vào ngày 30/12/2023, trong vụ pháo kích vào vùng Zaporizhzhia phía đông nam Ukraine. Cuộc tấn công tiếp theo bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn được ghi nhận vào đầu tháng 1 ở Kyiv.

Theo cơ quan an ninh, 4 cư dân của một tòa nhà chung cư ở Kyiv đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương nặng. Người Nga cũng đã sử dụng hỏa tiễn của Bắc Hàn để pháo kích 5 thị trấn tiền tuyến ở khu vực Donetsk vào tháng 2, khiến 17 dân thường thiệt mạng.

“Những kẻ xâm lược cũng bắn hỏa tiễn của Bắc Hàn vào nhà riêng của người dân Kharkiv và qua đó giết chết 3 thường dân. Hơn 60 cư dân ở Kharkiv bị thương nặng”, phát ngôn nhân SBU Artem Dehtiarenko cho biết trong tuyên bố.

Một báo cáo gần đây do Cơ quan nghiên cứu vũ khí xung đột, gọi tắt là CAR, công bố cũng xác nhận việc Nga sử dụng hỏa tiễn của Bắc Hàn để chống lại Ukraine. Mặc dù Bắc Hàn đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế nhưng hỏa tiễn đạn đạo của nước này vẫn phụ thuộc vào hơn 290 phụ tùng nước ngoài.

“Các nhà điều tra của CAR, khi ghi lại tàn tích hỏa tiễn sau cuộc tấn công ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, phát hiện ra rằng không chỉ nhiều bộ phận trong số này mang thương hiệu của các công ty có trụ sở chủ yếu ở Hoa Kỳ mà một số lượng lớn đã được sản xuất trong vòng ba năm qua. “, báo cáo viết.

SBU đã mở hai thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến việc sử dụng hỏa tiễn và hiện đang cố gắng thiết lập các tuyến hậu cần để cung cấp vũ khí của Bắc Hàn cho Nga.
 
Putin tê tái: Chỉ mấy ngày mất 9 chiến đấu cơ. Tây Ban Nha lộ lý do phi công đào tẩu bị Putin lần ra
VietCatholic Media
14:43 25/02/2024


1. Nga mất chiến đấu cơ thứ chín trong vài ngày

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Loses Ninth Fighter Jet in Days”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khả năng hàng không của Nga trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine đã bị giáng thêm một đòn nữa, sau vụ một máy bay quân sự khác của nước này bị rơi và có thông tin rằng nhà máy sản xuất chiến đấu cơ Sukhoi ở Mạc Tư Khoa đã bốc cháy.

Đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay Sukhoi Su-34 ở quận Henichesk, vùng Kherson của Ukraine. Các nhân chứng được Radio Liberty và kênh Crimea Wind Telegram dẫn lời cho biết, chiếc chiến đấu cơ đã bị rơi khoảng 10 giờ tối thứ Sáu.

Crimea Wind cho biết chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao 6.000 feet so với quận Henichesk sau khi phóng hỏa tiễn vào các thành phố của Ukraine. Ít nhất 4 xe cứu hỏa và xe cứu thương đã tới hiện trường vụ tai nạn.

Trong khi đó, đoạn phim được đăng lên mạng xã hội cho thấy các nhà kho của Sukhoi ở quận Begovoy của Mạc Tư Khoa bị cháy hôm thứ Bảy. “Công ty này tham gia vào việc phát triển, sản xuất, tiếp thị, đào tạo nhân viên bay, dịch vụ bảo trì cho chiến đấu cơ và dân sự của các nhãn hiệu “Su” (Sukhoi) và “Be” (Beriev),” Anton Gerashchenko, một quan chức nội bộ Ukraine cho biết như trên.

Trước đó một ngày, lực lượng quốc phòng Ukraine cho biết họ đã bắn hạ một máy bay phát hiện radar tầm xa A-50U của Nga gần Biển Azov bằng hệ thống phòng không S-200 của Liên Xô. “Chiếc A-50 với ký hiệu 'Bayan' đã bay chuyến cuối cùng!” Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk nói.

Interfax Ukraine dẫn các nguồn tin quân sự cho biết chiếc A-50 đã bị lực lượng không quân Ukraine và ban giám đốc tình báo của nước này bắn rơi trên lãnh thổ Nga giữa Rostov-on-Don và khu vực Krasnodar.

Quân đội Nga chưa bình luận về tuyên bố của Ukraine. Một số blogger quân sự cho biết lực lượng Nga đã bắn nhầm chiếc máy bay này khiến chiếc máy bay thứ hai như vậy bị mất chỉ trong vòng hơn một tháng. Các blogger người Nga cáo buộc quân đội Nga có những vấn đề mang tính hệ thống mà họ phải khắc phục để tránh xảy ra thêm các vụ nổ súng thiện chiến.

Ngày 14/1, giới chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã bắn rơi một chiếc A-50 trên biển Azov. Máy bay có thể phát hiện mục tiêu cách xa tới 400 dặm và là máy bay trung tâm chỉ huy chủ chốt chuyển tiếp thông tin cho quân đội trên mặt đất. Những chiếc A-50 thường bay với tối đa 15 phi hành đoàn và có giá hơn 300 triệu Mỹ Kim.

Trong khi đó, Trung tướng O Meatchuk hôm thứ Tư cho biết lực lượng Kyiv đã hạ gục một máy bay ném bom chiến đấu Su-34, chiếc máy bay thứ bảy của Nga được cho là đã bị Ukraine phá hủy trong vòng một tuần.

Số liệu mới nhất của Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Bảy cho biết người Nga đã mất 340 máy bay phản lực kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Bộ Quốc phòng cũng cho biết Mạc Tư Khoa đã tấn công 103 khu định cư và 79 cơ sở hạ tầng ở 10 khu vực từ thứ Sáu đến thứ Bảy. Newsweek vẫn chưa thể xác minh những số liệu này.

2. Những người biểu tình cho biết họ đã đổ hai tấn phân bên ngoài nhà của đại sứ Nga tại Ba Lan hôm thứ Bảy, nhân dịp kỷ niệm hai năm cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Các nhà hoạt động đặt một lá cờ Nga đẫm máu với chữ “Z” trên đống phân và dán một tấm biển có nội dung “Nga = khốn kiếp! Chúng tôi không muốn bạn ở Liên Hiệp Âu Châu! Hãy ra ngoài!”, những bức ảnh về cuộc biểu tình ở Konstancin-Jeziorna cho thấy như trên. Thị trấn gần Warsaw này là nơi đại sứ Nga sinh sống.

Ở những nơi khác ở Warsaw vào lúc 6 giờ sáng theo giờ địa phương, những người biểu tình khác đã phát ra tiếng còi báo động, tiếng súng và tiếng nổ bên ngoài tòa nhà có các nhà ngoại giao Nga, Reuters đưa tin.

“Chúng tôi muốn có một tín hiệu rõ ràng tới chính quyền Ba Lan và Liên minh Âu Châu. Đã đến lúc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi đất nước chúng ta”, Dominik, một người biểu tình được trích dẫn trong một tuyên bố.

3. Von der Leyen, các nhà lãnh đạo khác cam kết hỗ trợ Ukraine trong chuyến thăm kỷ niệm tới Kyiv

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã có mặt tại Kyiv hôm thứ Bảy để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày Nga tấn công toàn diện.

“Hơn bao giờ hết, chúng tôi luôn sát cánh bên Ukraine. Về tài chính, kinh tế, quân sự, đạo đức. Cho đến khi đất nước cuối cùng được tự do”, von der Leyen cho biết như trên sau khi cô đến Kyiv.

Cô đến ngay sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga tấn công một tòa nhà dân cư ở thành phố Odesa phía nam, khiến ít nhất một người thiệt mạng.

Von der Leyen đi cùng các quan chức khác, bao gồm Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu, và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng đã có mặt tại Kyiv, nơi bà tiến hành hội nghị truyền hình G7 vào thứ Bảy. Cuộc họp ảo G7 có sự tham gia của các nhà lãnh đạo G7 trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra tuyên bố chung ủng hộ việc họ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.

Các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong tuyên bố của mình: “Khi Ukraine bước vào năm thứ ba của cuộc chiến không ngừng nghỉ này, chính phủ và người dân nước này có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của G7 trong thời gian dài”.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang gặp khó khăn về quân sự và kinh tế sau hai năm xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa, với việc lực lượng của Putin giành được ưu thế trên chiến trường và Ukraine bị cản trở do thiếu đạn dược do phương Tây cung cấp. Các nhà lãnh đạo đã tham dự lễ đặt vòng hoa kỷ niệm 2 năm ngày Nga xâm lược.

“Hôm nay, chúng tôi ở đây để nói với các bạn rằng Âu Châu sẽ tiếp tục sát cánh cùng các bạn cho đến chừng nào cần có thêm hỗ trợ tài chính, nhiều đạn dược, huấn luyện nhiều hơn cho quân đội của các bạn, nhiều phòng không hơn và đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế của Âu Châu và Ukraine, đặc biệt là vào ngành công nghiệp quốc phòng,” von der Leyen nói t5i Kyiv.

Đầu tháng này, Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý cung cấp viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine và đang nỗ lực sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị tịch thu của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Liên Hiệp Âu Châu cũng đồng thanh về gói trừng phạt mới chống lại Nga, bổ sung khoảng 200 cái tên vào danh sách các cá nhân bị cấm đi du lịch tới Liên Hiệp Âu Châu.

Tuy nhiên, 27 chính phủ Liên Hiệp Âu Châu vẫn chưa đạt được thỏa thuận bổ sung quỹ quốc phòng của khối và đồng ý mua vũ khí chung cho Ukraine. Von der Leyen đầu tuần này cũng dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của Kyiv về việc nhanh chóng thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu trong tương lai.

Hôm thứ Bảy tại Kyiv, von der Leyen cho biết Ủy ban sẽ đệ trình khuôn khổ đàm phán về việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào giữa tháng 3. Cô nói: “Chúng tôi đã bắt đầu quá trình sàng lọc với lịch trình họp rất bận rộn.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhân dịp kỷ niệm ngày Nga xâm lược để nhắc lại rằng Ukraine đang trên đường trở thành thành viên của liên minh phòng thủ. “Ukraine sẽ gia nhập NATO. Vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào”, ông Stoltenberg nói trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

“Putin phát động cuộc chiến này vì muốn đóng cửa NATO và tước bỏ quyền lựa chọn con đường của Ukraine. Nhưng ông ấy đã đạt được điều hoàn toàn ngược lại: Ukraine giờ đây gần gũi với NATO hơn bao giờ hết”, ông nói.

Tại Kyiv hôm thứ Bảy, von der Leyen cũng đã bàn giao 50 phương tiện do Liên Hiệp Âu Châu cung cấp cho Cảnh sát Quốc gia Ukraine và Văn phòng Tổng Công tố Ukraine. Ủy ban cho biết các phương tiện này sẽ được sử dụng để hỗ trợ điều tra và truy tố tội ác chiến tranh tại các khu vực được chiếm lại từ sự xâm lược của Nga. Việc cung cấp này là một phần trong gói hỗ trợ lớn hơn của Liên Hiệp Âu Châu liên quan đến các dịch vụ công trong môi trường có rủi ro cao.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp tại Paris vào thứ Hai với lãnh đạo một số quốc gia về việc hỗ trợ cho Ukraine, AFP đưa tin và nêu rõ các quốc gia được mời.

4. Điều tra viên Nga dọa chôn Navalny tại khu nhà tù

Chính quyền Nga đã gọi điện cho mẹ của Alexei Navalny là Lyudmila Navalnaya và đưa ra tối hậu thư cho bà: Đồng ý tổ chức tang lễ bí mật cho con trai bà nếu không họ sẽ chôn Navalny tại khu nhà tù.

Ivan Zhdanov, trợ lý của Navalny cho biết: “Hoặc bà ấy đồng ý tổ chức một đám tang bí mật mà không có lời từ biệt công khai trong vòng ba giờ, hoặc Alexei sẽ được chôn cất tại một nhà tù hình sự”.

Ban đầu, Navalnaya từ chối đàm phán với Ủy ban điều tra và nhất quyết tổ chức tang lễ đàng hoàng. Bà yêu cầu ủy ban tuân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau đó bà đã phải đồng ý với mọi điều kiện của bọn cầm quyền và các nguồn tin từ Nga cho biết gia đình đã nhận lại được thi thể của Navalny.

Zhdanov tuyên bố rằng các nhà điều tra lẽ ra phải trao trả thi thể trong vòng hai ngày kể từ khi xác định được nguyên nhân cái chết. Theo các tài liệu y tế mà Navalnaya đã ký, sau khi cuối cùng bà được phép gặp con trai mình vào tối thứ Tư - sáu ngày sau khi anh qua đời.

Một tuần sau khi chính quyền Nga thông báo cái chết của chính trị gia đối lập, họ vẫn chưa trao trả thi thể.

“Đây hoàn toàn là một sự ô nhục. Tận cùng mà không ai có thể tưởng tượng được”, thư ký báo chí của Navalny nói trong một video. “Không thể tưởng tượng rằng sự khốn nạn lại có thể vô biên đến vậy.”

Trong khi đó, nhóm của Navalny kêu gọi cơ quan an ninh Nga chia sẻ thông tin về cái chết của Navalny.

5. Kyiv cho biết Nga mất hơn 20.000 quân trong tháng 2

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Has Lost Over 20,000 Troops in February: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo dữ liệu do quân đội Kyiv công bố, lực lượng Nga ở Ukraine đã mất hơn 20.000 binh sĩ trong tháng 2 trong khi còn một tuần nữa mới hết tháng.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Năm báo cáo rằng Nga đã mất tổng cộng 407.240 quân kể từ khi Putin phát động cuộc tấn công vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Vào đầu tháng, con số này là 387.060, nghĩa là Nga tổn thất 20.180 binh sĩ.

Theo Ukraine, 1.160 trong số đó thương vong về người xảy ra vào ngày hôm qua. Nga cũng mất 7 xe tăng, 35 xe chiến đấu bọc thép, 41 hệ thống pháo binh và 36 máy bay không người lái trong khoảng thời gian 24 giờ. Trong suốt cuộc chiến, quân đội của Putin đã mất 6.523 xe tăng, 12.373 xe chiến đấu bọc thép và 7.596 máy bay không người lái.

Trong bản cập nhật hôm thứ Năm, Bộ Tổng tham mưu báo cáo có 64 cuộc giao tranh trên tiền tuyến của cuộc chiến trong ngày qua. Lực lượng Không quân Ukraine được cho là đã tấn công vào 10 khu vực nơi lực lượng Nga đóng quân và một máy bay ném bom chiến đấu Su-34 của Nga cùng ba máy bay không người lái trinh sát đã bị bắn hạ.

Báo cáo cho biết: “Tổng cộng, quân xâm lược Nga đã thực hiện 3 cuộc tấn công hỏa tiễn và 113 cuộc không kích, cũng như 105 cuộc tấn công hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của Lực lượng Phòng vệ Ukraine và các khu vực đông dân cư”. “Thật không may, do các cuộc tấn công khủng bố của Nga, đã có thường dân thiệt mạng và bị thương. Các tòa nhà dân cư tư nhân và cơ sở hạ tầng dân sự khác đã bị phá hủy và hư hại.”

Quân đội Kyiv báo cáo về các cuộc đụng độ tại các khu định cư trên khắp Ukraine trong ngày qua, bao gồm cả gần Robotyne ở vùng Zaporizhzhia. Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã viết trong một bản cập nhật tình báo rằng Nga đang xây dựng lực lượng của mình ở Robotyne trong một nỗ lực có thể nhằm cố gắng chiếm giữ thị trấn đã bị Ukraine chiếm lại vào năm ngoái.

Trong bản cập nhật của mình, Bộ Tổng tham mưu cho biết: “Tại khu vực Kherson, Lực lượng Phòng vệ đang duy trì thành công vị trí của mình và đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng xâm lược của Nga”. “Mặc dù chịu tổn thất đáng kể, đối phương vẫn kiên trì tìm cách đánh bật các đơn vị Ukraine khỏi vị trí của họ. Chỉ trong ngày hôm qua, địch đã 4 lần tấn công vào các vị trí của quân Ukraine ở tả ngạn sông Dnipro.”

6. Meloni của Ý nhận định rằng nếu Nga không xâm lược Ukraine, Hamas đã không tấn công Israel

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Italy’s Meloni: If Russia hadn’t invaded Ukraine, Hamas wouldn’t have attacked Israel”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng Ý nói với Il Giornale: “Không thể tránh khỏi rằng việc vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng như vậy sẽ gây ra hậu quả hàng loạt ở các khu vực khác trên thế giới”.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết, cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine hai năm trước là tiền đề cho cuộc tấn công của nhóm chiến binh Hamas vào Israel vào tháng 10 năm ngoái.

“Nếu Nga không xâm lược Ukraine, rất có thể Hamas sẽ không phát động một cuộc tấn công như vậy chống lại Israel”, Meloni nói với tờ Il Giornale của Ý, đề cập đến vụ tấn công ngày 7/10, trong đó phiến quân Hamas đã giết chết 1.200 người ở Israel và bắt cóc 250 người khác.

“Không thể tránh khỏi rằng một việc vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng như vậy, hơn nữa lại do một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thực hiện, sẽ gây ra hậu quả nặng nề đối với các khu vực khác trên thế giới, từ Trung Đông đến Balkan, cho đến Phi Châu, Meloni cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố khi cô đến Kyiv để đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày Putin xâm lược toàn diện vào Ukraine.

“Đây là trò chơi chúng ta đang chơi và chúng ta phải nhận thức được. Nếu luật pháp quốc tế không được tái lập ở Ukraine, xung đột sẽ tiếp tục bùng phát”, cô nói.

Meloni cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước mà cô cho rằng “vì lợi ích của mọi người, cả Israel và Palestine”.

7. Tại sao phi công đào tẩu bị mật vụ của Putin phát hiện?

Ở một khía cạnh nào đó, thật dễ hiểu tại sao Maksim Kuzminov lại chọn bắt đầu cuộc sống mới ở Villajoyosa trên Costa Blanca. Nó nhìn ra Địa Trung Hải, với cảnh bình minh ngoạn mục. Những quả chanh và cam rủ xuống từ những tán cây, những ngôi nhà rực rỡ sắc màu nằm rải rác trên bờ biển và Villajoyosa nổi tiếng với sô cô la. Tên có nghĩa là Thị trấn vui vẻ.

Quan trọng hơn, Kuzminov hẳn đã tính toán rằng anh ta có thể hòa nhập vào cộng đồng người Nga và người Ukraine, những người lấp đầy góc này của Tây Ban Nha bằng ngôn ngữ, ẩm thực và khuôn mặt Slav. Với danh tính mới – hộ chiếu cho biết anh ta là Igor Shevchenko – đây là một nơi ẩn náu trong tầm mắt, an toàn trước sự trả thù của Vladimir Putin.

Phi công Nga đào tẩu rất kín đáo. Anh ta sống trong một khu chung cư được bao quanh bởi các khu chung cư khác, học một ít tiếng Tây Ban Nha, ăn sáng bằng cà phê, bánh mì nướng và giăm bông một mình tại một quán cà phê gần đó và hầu như tránh xa những người Nga đồng hương. Anh tránh siêu thị bán các loại bánh ngọt Đông Âu và 52 nhãn hiệu rượu vodka. Nó có thể cô đơn, nhưng ít nhất anh ta vẫn có thể sống.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Tây Ban Nha nhận định rằng anh ta có lẽ đã không sao nếu không nhắn tin cho một người bạn gái cũ đến gặp anh ta.

8. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Bảy cho biết ông đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Kyiv.

Canada cùng với Ý, Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch ký kết thỏa thuận an ninh 10 năm với Kyiv.

Các thỏa thuận này nhằm mục đích củng cố an ninh của Ukraine cho đến khi nước này có thể đạt được mục tiêu trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây, NATO.

9. Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo kỷ nguyên hòa bình của Âu Châu đã kết thúc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Europe's Era of Peace is Over, Ukraine Foreign Minister Warns”, nghĩa là “Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo kỷ nguyên hòa bình của Âu Châu đã kết thúc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhân kỷ niệm 2 năm Nga xâm lược Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết kỷ nguyên hòa bình của Âu Châu đã “kết thúc” khi đất nước ông tiếp tục chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga.

Thứ Bảy, 24 Tháng Hai, đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine để tiến hành cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Năm, quân đội Ukraine cho biết Nga đã phải hứng chịu 407.240 thương vong kể từ tháng 2 năm 2022, trong đó có 1.160 người trong 24 giờ trước đó. Trong bản cập nhật hoạt động hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã mất gần 1.200 binh sĩ trong ngày hôm trước. Mạc Tư Khoa không cung cấp số liệu thống kê về tổn thất được cho là của Ukraine. Newsweek không thể xác minh độc lập số lượng

Kuleba cho biết hôm thứ Bảy rằng Ukraine không chỉ là tiền tuyến trong cuộc chiến của đất nước ông với Nga mà còn đóng vai trò là tiền tuyến của Âu Châu nói chung.

“Phải mất quá nhiều thời gian để thừa nhận rằng các nước Âu Châu phải đầu tư vào sản xuất vũ khí lâu dài. Hãy đối mặt với điều đó, sản xuất vũ khí không phải là lĩnh vực đầu tư phổ biến nhất ở Âu Châu”, ông nói. “Nhưng bây giờ đang có chiến tranh. Kỷ nguyên hòa bình ở Âu Châu đã kết thúc. Người Âu Châu phải chấp nhận thực tế đó. Cho dù có ai đó thích hay không.”

Seth Grutz, một chuyên gia quan hệ công chúng đến từ Virginia và là cố vấn của Sáng kiến Đổi mới, đã viết hôm thứ Sáu trên chuyên mục ý kiến của Newsweek rằng ông “xấu hổ” vì các thành viên Quốc Hội tại Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ rơi Ukraine.

“Khi lễ kỷ niệm lần thứ hai cuộc xâm lược toàn diện của Nga đang đến gần, chúng ta có nguy cơ bỏ rơi Ukraine nếu không hành động. Tôi là người bảo thủ. Tôi xấu hổ vì các thành viên Quốc Hội đang chùn bước trước việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Chủ tịch Mike Johnson thậm chí sẽ không đưa dự luật đã được thông qua tại Thượng viện vào tuần trước ra bỏ phiếu,” ông viết.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết Putin có thể tuyên bố sáp nhập khu vực ly khai thân Nga Transnistria.

Trong khi tổ chức nghiên cứu Washington DC cho biết khả năng như vậy khó xảy ra trong ngắn hạn, báo cáo hôm thứ Năm của họ mô tả một hoạt động hỗn hợp đang diễn ra của Mạc Tư Khoa nhằm gây bất ổn cho quốc gia thuộc Liên Xô cũ, giáp biên giới Ukraine.

Được quốc tế công nhận là một phần của Moldova, nơi mà tham vọng của Liên minh Âu Châu đã khiến Điện Cẩm Linh tức giận, Transnistria nằm giữa Sông Dniester và biên giới Moldovan-Ukraine. Moldova không có quyền kiểm soát khu vực nói tiếng Nga đã tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ, dẫn đến sự can thiệp của Mạc Tư Khoa.

“Tôi đang nhấn mạnh quan điểm khi nói chuyện với các đồng nghiệp Âu Châu của mình rằng mọi loại vũ khí và mọi loại đạn dược được sản xuất ở Âu Châu đều phải phục vụ mục đích bảo vệ Âu Châu. Và nơi Âu Châu đang được bảo vệ là Ukraine”, Kuleba nói hôm thứ Bảy.

10. Nga có thể sáp nhập một quốc gia Âu Châu khác

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia May Annex Another European Country”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết Putin có thể tuyên bố sáp nhập khu vực ly khai thân Nga Transnistria.

Trong khi tổ chức nghiên cứu Washington DC cho biết khả năng như vậy khó xảy ra trong ngắn hạn, báo cáo hôm thứ Năm của họ mô tả một hoạt động hỗn hợp đang diễn ra của Mạc Tư Khoa nhằm gây bất ổn cho quốc gia thuộc Liên Xô cũ, giáp biên giới Ukraine. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Moldova để bình luận.

Được quốc tế công nhận là một phần của Moldova, nơi có tham vọng Liên minh Âu Châu đã khiến Điện Cẩm Linh tức giận, Transnistria nằm giữa Sông Dniester và biên giới Moldovan-Ukraine. Moldova không có quyền kiểm soát khu vực nói tiếng Nga đã tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ, dẫn đến sự can thiệp của Mạc Tư Khoa.

Quân đội Nga vẫn ở trên lãnh thổ này. Trong khi nền độc lập của Transnistria không được Mạc Tư Khoa hay cộng đồng quốc tế công nhận, lãnh thổ nơi quân đội Nga đóng quân vẫn là công cụ hữu ích để Điện Cẩm Linh ngăn chặn Moldova tìm kiếm mối quan hệ lớn hơn với Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

ISW cho biết Đại hội đại biểu xuyên Nistrian đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi tại thủ đô Tiraspol của họ vào thứ Tư. Trong thời gian đó, họ đổ lỗi cho Chisinau vì đã phá hủy nền kinh tế của khu vực và vi phạm quyền tự do của khoảng nửa triệu người dân.

Nhà hoạt động đối lập Transnistria Ghenadie Ciorba cho biết hôm thứ Tư rằng các đại biểu sẽ yêu cầu Mạc Tư Khoa sáp nhập Transnistria vào ngày 28 tháng 2, một ngày trước khi Putin phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga, hãng tin Deschide của Moldova đưa tin.

Tổ chức cố vấn ISW có trụ sở tại Washington, DC cho biết họ có thể chứng kiến Putin “trong hành động nguy hiểm nhất, tuyên bố sáp nhập Transnistria vào Nga trong bài phát biểu dự kiến của ông ấy... mặc dù điều đó có vẻ khó xảy ra”.

ISW cho biết trên X: Tổng thống Nga “nhiều khả năng sẽ hoan nghênh bất kỳ hành động nào mà Đại hội đại biểu Transnistrian thực hiện và đưa ra những quan sát về tình hình”.

ISW cho biết, các đại biểu có thể sẽ khởi xướng một cuộc trưng cầu dân ý mới nhằm tìm cách sáp nhập Mạc Tư Khoa hoặc yêu cầu hành động đối với các cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào năm 2006 không được quốc tế công nhận, một trong số đó ủng hộ việc gia nhập Nga. Putin có thể sẽ hoan nghênh bất kỳ hành động nào mà quốc hội thực hiện, “mặc dù ông ấy có thể ngừng hành động theo yêu cầu sáp nhập ngay lập tức”, nó nói thêm.

ISW cho biết không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy quân đội Nga đang chuẩn bị can thiệp vào Transnistria hoặc Moldova, điều này dù sao cũng sẽ là thách thức vì những nơi này nằm trong lục địa và chỉ có thể tiếp cận được qua lãnh thổ Rumani hoặc Ukraine.

Trong một bài báo xuất bản hôm thứ Ba, Dionis Cenusa, nhà phân tích rủi ro của Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu có trụ sở tại Lithuania, cho biết ưu tiên của Moldova và các đối tác phương Tây là ngăn chặn sự xâm lược quân sự của Nga lan ra bên ngoài Ukraine.

Cenusa cho rằng, nếu khu vực Transnistrian bị Nga sáp nhập, Ukraine sẽ có thể hành động phủ đầu, bao gồm cả việc sử dụng khả năng quân sự của mình để bảo vệ biên giới phía Tây của mình. Điều này làm cho một kịch bản như vậy khó xảy ra. Cenusa nói với Newsweek: “Chế độ này cố gắng tồn tại và không có lựa chọn nào khác ngoài việc gia tăng leo thang”.

“Việc công nhận và sáp nhập phụ thuộc vào tính toán của Nga. Điều đó có liên quan đến bức tranh rộng hơn về những lợi ích chiến thuật của nước này đối với Ukraine và các lợi ích chiến lược của nước này ở khu vực Transnistrian, đặc biệt nếu các sự kiện diễn ra theo chiều hướng bất lợi đối với ảnh hưởng lâu dài của nước này” đối với khu vực cũng như toàn bộ Moldova.

Điện Cẩm Linh coi động thái gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và liên kết chặt chẽ hơn với NATO của Moldova là không thể chấp nhận được. Bài phát biểu của Putin vào tháng 11 năm 2023 về “thế giới Nga” đã đưa ra tầm nhìn của ông về những người nói tiếng Nga và những người sống ở các quốc gia hậu Xô Viết như Moldova như một phần lãnh thổ lịch sử hợp pháp của Mạc Tư Khoa.

ISW lưu ý rằng Điện Cẩm Linh sử dụng Transnistria làm đại diện để ngăn chặn việc Moldova gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và có thể sử dụng nó làm đòn bẩy để thực hiện các hoạt động chiến tranh hỗn hợp chống lại Moldova, Ukraine và NATO nhằm gây bất ổn cho liên minh.

11. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết Nga khó có thể tham gia ngay từ đầu hội nghị hòa bình cho Ukraine

Một tờ báo hôm thứ Bảy dẫn lời Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết Nga khó có thể tham gia ngay từ đầu hội nghị hòa bình cao cấp Ukraine mà Thụy Sĩ trung lập dự định tổ chức trong những tháng tới.

Cuộc phỏng vấn của Amherd với nhật báo Neue Zuercher Zeitung được đăng vài giờ sau khi Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis nói với Liên Hiệp Quốc rằng Bern muốn tổ chức hội nghị “vào mùa hè này” sau khi ý tưởng này được đưa ra vào tháng Giêng.

Nga, nước bắt đầu xâm lược Ukraine từ hai năm trước, tháng trước đã gọi kế hoạch hội nghị hòa bình là “vô nghĩa” và cho biết kế hoạch này sẽ thất bại nếu không có sự tham gia của Mạc Tư Khoa.

Khi được hỏi liệu Thụy Sĩ có nhận được tín hiệu tích cực nào từ Nga hay không, Amherd nói với tờ báo:

Hiện tại, có vẻ như Nga sẽ không tham gia vòng đầu tiên của hội nghị.

Chúng tôi đang trong quá trình bắt đầu với một liên minh rất rộng lớn bao gồm các nước BRICS, các nước từ thế giới Ả Rập, cũng như từ phía Nam bán cầu.

Amherd cho biết Thụy Sĩ hy vọng sẽ tổ chức vòng đầu tiên vào mùa hè và chính phủ của bà biết rằng hội nghị thượng đỉnh cần có triển vọng thành công. Cô nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu ngay bước đầu tiên”.

Tổng thống không nêu tên các quốc gia cụ thể. Các thành viên BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
 
Lời khuyên của HY Áo dành cho các GM Đức. ĐHY Quân phê bình Thượng Hội đồng về tính đồng nghị
VietCatholic Media
17:50 25/02/2024


1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Hai tuần 2 Mùa Chay

THỨ HAI 26/2/ 2024

Đaniel 9:4-10

Thánh Vịnh 78(79):8-9, 11, 13

Lc 6:36-38

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” Lc 6:36

Tất cả chúng ta đều có hành lý, và càng lớn tuổi chúng ta càng có nhiều hành lý hơn. Sẽ đến một giai đoạn trong cuộc đời chúng ta khi chúng ta muốn bắt đầu lại từ đầu, để rũ bỏ những khoảnh khắc trong cuộc đời đã kìm hãm chúng ta và cản trở chúng ta thành công. Khi thực hiện một sự thay đổi trong cuộc sống, chúng ta không muốn quá khứ ám ảnh mình, đặc biệt là xung quanh những người chúng ta quen biết. Chúng ta muốn những người chúng ta gặp hoặc làm việc cùng đánh giá cao con người chúng ta và con người mà chúng ta phấn đấu trở thành.

Trong những hoàn cảnh như thế này, chúng ta cũng phải thay đổi quan điểm của mình về cách chúng ta nhìn và tương tác với người khác trong nhiều tình huống khác nhau. Bằng cách này, chúng ta có thể dang rộng đôi cánh và bay theo hướng trở thành một tạo vật được đổi mới, tận hưởng sự tôn trọng mà người khác dành cho chúng ta bằng sự tôn trọng mà chúng ta dành cho người khác.

Bí tích Hòa giải là một món quà đẹp nhất từ Thiên Chúa - một cơ hội mà chúng ta được ban cho một cách thường xuyên để có thể trở thành một thụ tạo mới và cố gắng trở thành một người tốt hơn. Tất cả chúng ta đều cần sự hoán cải hàng ngày khi chúng ta nuôi dưỡng mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Hòa giải cho chúng ta cơ hội trút bỏ gánh nặng đang cản trở chúng ta và hướng tới một tương lai tích cực hơn. Chúng ta phạm tội nhiều lần, nhưng chúng ta cần nhắc nhở mình về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong bí tích này.

Để xưng tội xứng đáng, chúng ta xem xét lương tâm mình, chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của mình và giải trình với Chúa, từ đó ra đi với sự tha thứ và ân sủng của Ngài để trở thành một người làm chứng tốt hơn cho Ngài trong thế giới.

Khi chúng ta sa ngã, chúng ta không chìm đắm trong những thất bại của mình, nhưng chúng ta đứng dậy và bước tiếp với tư thế ngẩng cao đầu khi biết rằng điều này là để làm vinh danh Chúa hơn, và qua bí tích này, chúng ta áp dụng tình yêu thương và lòng trắc ẩn của Chúa đối với những người đó. xung quanh chúng ta, và thực sự gặt hái được những món quà tình yêu của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì món quà ơn tha thứ của Chúa, xin ban cho con ơn biết thứ tha và cảm thông với người khác. Amen.

2. Hội đồng Nghiên cứu Gia đình cho biết các cuộc tấn công vào các nhà thờ ở Hoa Kỳ tăng hơn gấp đôi vào năm 2023

Hội đồng Nghiên cứu Gia đình cho biết các vụ việc đốt phá, phá hoại và các hành động thù địch khác chống lại các nhà thờ ở Hoa Kỳ đã tăng lên ít nhất 436 vụ vào năm ngoái, cao hơn gấp đôi con số được ghi nhận vào năm 2022.

Khi công bố báo cáo “Sự thù địch chống lại các nhà thờ” lần thứ sáu trong Hội nghị Truyền thông Kitô giáo Quốc tế của các Đài Truyền hình Tôn giáo Quốc gia năm 2024 tại đây, nhóm ủng hộ các giá trị gia đình cho biết con số này cao gấp hơn 8 lần số vụ việc được ghi nhận vào năm 2018, khi họ bắt đầu theo dõi những vụ việc như vậy.

Bên cạnh hành vi phá hoại và đốt phá, các hành động chống lại các giáo đoàn còn bao gồm các sự việc liên quan đến súng và đe dọa đánh bom, cùng nhiều hành động khác. Hội đồng Nghiên cứu Gia đình đã xác định được tổng cộng 915 hành vi như vậy kể từ năm 2018.

Năm ngoái, các nhà thờ ở 48 tiểu bang và Quận Columbia đã bị tấn công, báo cáo của FRC cho biết. Hawaii và Wyoming là những bang duy nhất báo cáo không có sự việc nào, trong khi California có số lượng lớn nhất, 33. Texas, với 28 biến cố, đứng thứ hai.

Theo báo cáo, ít nhất 315 vụ phá hoại, 75 vụ tấn công hoặc cố gắng đốt phá, 10 vụ liên quan đến súng, 20 vụ đe dọa đánh bom và 37 vụ khác đã xảy ra tại các nhà thờ từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023. FRC cho biết 17 vụ việc được báo cáo rơi vào nhiều danh mục.

Báo cáo ghi nhận một sự việc gây thiệt hại 100.000 Mỹ Kim vào tháng 6 tại Nhà thờ Giám lý Liên hiệp Fowler, một giáo đoàn lịch sử của người da đen ở Annapolis, Maryland. Những kẻ phá hoại đã xé các trang Kinh thánh và thánh ca, một cây thánh giá lớn bằng gỗ bị hạ xuống và những chiếc ghế bọc nệm bị xé toạc. Những kẻ phá hoại đã gỡ bỏ một lá cờ Kitô giáo khỏi giá đỡ và tước bỏ dòng chữ ngoài trời của nhà thờ.

Báo cáo được đưa ra ngay sau một nghiên cứu trước đó của FRC cho biết rằng cuộc đàn áp các tín hữu Kitô của các chính phủ phương Tây đã tăng 60% vào năm ngoái.

3. Đức Hồng Y Schönborn khuyên các giám mục Đức: Hãy duy trì sự hiệp nhất với Rôma

Trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Đức với Communio, Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna nói rằng tranh chấp giữa Vatican và Tiến trình Công Nghị của các giám mục Đức cuối cùng là về nội dung đức tin chứ không phải về quyền lực.

Đức Hồng Y Schönborn nói: “Ngay từ đầu, sự đồng hành quan trọng của Đức Thánh Cha đối với Tiến trình Công Nghị đã được thúc đẩy bởi sự quan tâm đến đức tin”. “Những căng thẳng gia tăng không phải là biểu hiện của sự xung đột giữa 'Roma và Đức', mà là biểu hiện của sự hiểu biết cơ bản về Giáo hội”.

Ngài nói tiếp rằng: “Các giám mục Đức phải nghiêm chỉnh tự hỏi liệu họ có thực sự muốn thoát khỏi sự hiệp thông với và dưới quyền Đức Giáo Hoàng hay không”. “Tôi không mong muốn Giáo Hội Công Giáo ở Đức chịu chung số phận với Giáo Hội Công Giáo Cũ,” vốn đã rơi vào tình trạng ly giáo sau Công đồng Vatican I.

Đức Hồng Y Schönborn nói thêm rằng đề xuất của Tiến trình Công Nghị về quản trị giáo dân, không phù hợp với tinh thần của Công đồng Vatican II, mâu thuẫn với giáo huấn của công đồng.

“Giám mục không thể ủy thác trách nhiệm cá nhân trong việc truyền bá đức tin cho các ủy ban”, vị Giám Mục nói.

4. Đức Hồng Y Quân công bố bài phê bình mới về Thượng Hội đồng về tính đồng nghị

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, đã đưa ra một bài phê bình khác về Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, cho rằng quá trình thảo luận và phân định đang diễn ra đưa ra “hai tầm nhìn đối lập nhau” về bản chất, tổ chức và vai trò của Giáo hội.

“Một mặt, Giáo hội được trình bày như được Chúa Giêsu thành lập trên các tông đồ và những người kế vị các ngài, với một hệ thống các thừa tác viên được phong chức hướng dẫn các tín hữu trên hành trình hướng tới Giêrusalem trên trời”, vị Hồng Y 92 tuổi nhận xét trong một bài phát biểu. Bài bình luận gần 3.600 từ được đăng vào ngày 15 tháng 2 với tựa đề “Thượng hội đồng sẽ tiếp tục và kết thúc như thế nào?”

“Mặt khác, người ta đang nói về một công đồng không xác định, một ‘nền dân chủ của những người đã được rửa tội. Những người đã được rửa tội nào? Ít nhất họ có đến nhà thờ thường xuyên không? Họ có rút ra được đức tin từ Kinh thánh và sức mạnh từ các bí tích không?”

Ngài cảnh báo: “Cái nhìn khác này, nếu được hợp pháp hóa, có thể thay đổi mọi thứ, giáo lý đức tin và kỷ luật trong đời sống luân lý”.

Đi sâu vào việc xem xét sâu hơn những tầm nhìn này về giáo hội học, Đức Hồng Y viết rằng “để không thấy sự mâu thuẫn trong đó, chúng ta phải hiểu lời mời tham gia tính đồng nghị này không phải là phải làm một điều gì đó hoàn toàn mới mà là tạo ra một động lực mới cho một điều gì đó luôn luôn hiện hữu trong Giáo Hội.”

Đức Hồng Y Quân thừa nhận rằng các thượng hội đồng đã là một “thực tại lịch sử” của Giáo hội. Tuy nhiên, trong khi các Thượng hội đồng trước đó diễn ra trong khuôn khổ truyền thống tông đồ và được hướng dẫn bởi “phẩm trật các thừa tác viên được phong chức, những người hướng dẫn các tín hữu trên hành trình hướng tới Giêrusalem trên trời”, thì Thượng hội đồng hiện tại được đặc trưng bởi một “tính đồng nghị mơ hồ” và “ nền dân chủ của những người đã được rửa tội”.

“Họ nói với chúng ta rằng tính đồng nghị là một yếu tố cấu thành nền tảng của đời sống Giáo hội, nhưng đồng thời họ nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là điều Chúa mong đợi ở chúng ta ngày nay. Sự tham gia và hiệp thông rõ ràng là những đặc điểm thường trực của Giáo Hội Công Giáo và tông truyền duy nhất. Nhưng khi nói rằng tính đồng nghị là ‘điều mà Chúa mong đợi ở chúng ta ngày nay’ phải chăng họ muốn nói rằng nó là một điều gì đó mới mẻ sao?”.

“Để không thấy sự mâu thuẫn trong đó, chúng ta phải hiểu lời mời tham gia tính đồng nghị này không phải là phải làm một điều gì đó hoàn toàn mới mà là tạo ra một động lực mới cho một điều gì đó luôn tồn tại trong Giáo hội”.

Một trong những mối quan tâm chính của Đức Hồng Y là làm thế nào Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị được tiến hành ở cấp độ hoàn vũ, bắt đầu với hội nghị đầu tiên tại Vatican vào tháng 10 năm 2023 và lên đến đỉnh điểm vào cuối năm nay với hội nghị cuối cùng vào tháng 10.

Đề cập đến lời kêu gọi của Thượng Hội đồng “đồng hành cùng nhau”, ngài hỏi: “Mục tiêu của cuộc hành trình này là gì? Có hướng dẫn nào bảo đảm đi đúng hướng không?”

Trong bài luận của mình, Đức Hồng Y cũng đặt vấn đề với việc Thượng Hội đồng kết hợp “cuộc đối thoại trong Thánh Thần”, một tiến trình đối thoại mà ngài nói đã được các tu sĩ Dòng Tên ở Canada khởi xướng. Ngài lập luận: “Áp dụng phương pháp này trong thủ tục tố tụng của Thượng Hội đồng là một sự thao túng nhằm tránh các cuộc thảo luận”. “Tất cả chỉ là tâm lý học và xã hội học, không có đức tin và không có thần học.”

Đức Hồng Y đã bày tỏ mối quan ngại của mình về lộ trình của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị trong một lá thư gửi cho các giám mục được gửi đi chỉ vài ngày trước khi bắt đầu phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng vào tháng 10 năm ngoái.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Ôi Mạng Nhện Cuộc Đời
Phạm Trung
22:18 25/02/2024
 
Lời Sám Hối Bên Vệ Đường
Phạm Trung
22:19 25/02/2024