Ngày 25-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hào Quang Thiên Chúa
Lm Vũđình Tường
04:49 25/02/2021
Hào Quang Thiên Chúa trên đỉnh núi ngày Chúa Biến Hình vượt khỏi trí tưởng của các tông đồ. Sự hiện diện sáng chói của hai tổ phụ Môisen and Elijah chứng tỏ sau cuộc sống trần gian còn một cuộc sống khác tươi sáng hơn, chói lọi hơn, hào quang hơn. Cuộc sống đó dành riêng cho những kẻ tín trung với Thiên Chúa. Hai tổ phụ là những nhân chứng đức tin, vị trước biểu tượng của lề luật và vị sau đại diện các tiên tri. Cả tổ phụ Môisen lẫn Elijah sống trước các tông đồ ngàn năm và các tông đồ không hề gặp trở ngại trong việc nhận ra các ngài. Nhận ra các tổ phụ ngay tức khắc. Chúng ta vẫn thắc mắc làm sao nhận ra tiền nhân khi chúng ta gặp lại các ngài nơi Thiên Quốc. Tông đồ Đức Kitô có câu trả lời xác đáng, bởi chính các ngài đã có kinh nghiệm đó.

Tựa như mặt trăng nhận ánh sáng từ mặt trời. Chúa tỏ vinh quang Chúa qua các tạo vật Chúa dựng nên. Nhân loại không gặp trở ngại gì trong việc thưởng thức loại vinh quang thứ hai Chúa ban tạo vật. Thực ra, tạo vật được tạo dựng cho nhân loại hưởng dùng. Nhân loại bàng hoàng cảnh rực rỡ ban mai, hừng đông hay chiều tà. Con người ngạc nhiên cảnh hùng vĩ của núi rừng, thả hồn nơi bầu trời xanh mát, hay thất thần ngắm nhìn vực thẳm, kinh ngạc vẻ bao la của đại dương, thất thần nhìn sóng thần cuồn cuộn đổ. Cánh hoa sau nhà, trước ngõ, rực rỡ, sáng nở, tối tàn cũng mang lại nguồn vui, nguồn cảm hứng và là quà tặng cao quí trong hầu hết mọi trường hợp. Còn có loại vinh quang thứ ba do con người tạo nên. Loại vinh quang này khi nó mang tiếng cười cho người này, nó lại làm lệ rơi người khác; người này dư thừa của ăn, thức uống, kẻ khác đói đêm, khát ngày. Vinh quang đó là tiền tài, danh vọng, chức tước, bổng lộc.

Vinh quang Thiên Chúa sáng hơn mặt trời, trong hơn tuyết, không gì có thể làm lu mờ vinh quang Chúa. Vinh quang đó chính là tình yêu Chúa. Tham vọng con người không thể đụng chạm đến. Vinh quang nơi tạo vật, con người có thể dùng quyền lực tranh giành, làm vẩn đục vinh quang nơi tạo vật. Chúa dựng nên cho mọi người dùng chung, nhưng tham vọng khiến con người dùng quyền thế, ngăn người này, cấm người kia, dành riêng cho phe nhóm hưởng dùng. Loại vinh quang thứ ba do con người tạo ra là loại vinh quang tồi tệ nhất. Vinh quang trần thế là đầu mối mọi đau khổ, đầu mối mọi tội phạm, gây nên bởi tính kiêu ngạo và lòng tham con nguời. Vinh quang trần thế bị Satan lợi dụng, chúng là mồi nhử gây thù, tạo hận, nuôi ghen, dưỡng ghét. Satan tự nhận đó là của chúng, do chúng làm chủ. Có lần Satan nói với Đức Kitô, 'Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa, lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy í'. Lc 4, 6. Lời nói vừa đại nghịch, vừa đại lừa dối. Ai trao cho chúng hay chính chúng phịa ra câu nói tụ phụ kia. Tù nhân nghe kẻ có quyền trong tay tuyên bố, 'tao để cho mày sống thì mày được sống, tao bắt mày chết thì mày phải chết, tao cho ăn thì được ăn, cho uống thì được uống'. Cách nói lạm quyền, giọng điệu, ngôn ngữ của Satan.

Trên đỉnh núi ánh sáng vinh quang Chúa chói loà khiến các tông đồ không thể nhìn thẳng vào, mà phải cúi gằm mặt xuống đất tránh bị loá mắt. Nhân loại không được tạo dựng để trực tiếp đối diện Thiên Chúa. Môn đệ trung tín Đức Kitô hy vọng trực diện vinh quang Chúa trong lần Đức Kitô quang lâm lần thứ hai. Môn đệ Đức Kitô nghe tiếng Chúa và tiếng các tổ phụ. Phêrô đại diện anh em xin cùng Đức Kitô lập ba lều trên núi thánh. Điều xin, Đức Kitô chưa đáp trả thì có tiếng Chúa Cha phán bảo các ông,

'Đây là Con Ta hằng yêu mến, các ngươi hãy nghe lời Ngài'. c.8.

Nghe lời Đức Kitô, các ông xuống núi và trên đường đi Ngài dặn thêm,

'Không được kể lại cho ai những điều tai nghe, mắt thấy cho đến sau khi Con Người từ cõi chết sống lại'. c. 9.

Môn đệ Đức Kitô thích lưu lại trên núi bởi các ông chưa hiểu nhìn thấy vinh quang Chúa có kèm theo sứ vụ. Trường hợp Môisen, sứ vụ của ông là dẫn dân Chúa vào miền Đất Hứa. Sứ vụ Đức Kitô là cứu dân Chúa thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, ma qủi và dẫn đưa dân Chúa vào cuộc sống trường sinh.

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta chọn vinh quang Chúa, khi khác lại lầm lẫn, yếu đuối chọn vinh quang trần thế. Thiên Chúa yêu thương không bỏ mặc con người, dù người đó đang sống trong tình trạng tội lỗi, Thiên Chúa vẫn thương, tha thứ, cứu giúp, kiên nhẫn đợi chờ con người nhận điều sai trái, thống hối, ăn năn, trở về cùng Chúa. Nhìn thấy vinh quang Chúa nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa luôn ở cùng nhân loại. Ngài tiếp tục hướng dẫn, bảo vệ và chia sẻ đau khổ, khó khăn của con người. Bước theo Đức Kitô trong tin yêu, hy vọng. Đức Kitô hứa sai Thánh Thần xuống hướng dẫn, cùng đồng hành với ta trong mọi tình huống của cuộc sống. Điều này lần nữa cho biết nhân loại không bao giờ cô đơn trên đường lữ hành, nhưng luôn có Thánh Thần Chúa cùng đồng hành.

Mùa chay là mùa làm cho vinh quang Chúa sáng toả cho mọi người. Qua ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, và việc bác ái, hy vọng vinh quang Chúa sáng toả nơi muôn dân.

TiengChuong.org

Glory
The account of the Transfiguration reveals the incomprehensible kind of glory God had shown to Jesus' apostles. The presence of the two historical figures in dazzling light, Moses and Elijah, confirmed that when our earthly life is ended; there is another life, a life of God's glory, waiting for those who are faithful to God. Both Moses and Elijah were men of faith; the former was a symbol of the Law and the latter was a prophet. For Jesus' apostles the two men had left this earth thousand years earlier, and yet their presence confirms the afterlife is an everlasting life. Jesus' Apostles had never seen the patriarch, and yet it was no trouble to recognize them. They instantly recognized Moses and Elijah. This may be the answer for the query 'How do I recognize my loved ones in heaven?'. The correct answer lies with the apostles.

Like moon gets lights from sun, God shows this glory through God's creations. We, human beings, have no trouble enjoying God's glory in His creations. They actually were created for us to enjoy. We enjoy a beautiful sunrise or sunset; we admire the glory of mountain range and ocean reef; we marvel at the beauty of flowers. There are other kinds of glory, the ones created by the world, such as fame and power. God's glory is incorruptible; glory in His creations is utilizable, and the glory created by the world is the worst one. It is highly corruptible; it is the cause of all evils, such as, greed and pride, because Satan uses them to tempt us. Satan made claim to world's glory. Satan once told Jesus that he owned it. 'I will give you all this power and the kingdoms of the world, for it has been committed to me and I give it to anyone I choose' Lk 4,6.

The apostles faced down when they saw Jesus' brightness. Human beings are not made to view the Divine directly. Jesus' disciples are hoping to see God's glory and power at His second coming. The apostles heard God's voice, and the voices of the Patriarch. Peter's petition to Jesus about putting up Tents on the mountain was interrupted by God's voice. God told them to listen to Jesus' voice. This is my Son, the Beloved, listen to Him'. v. 8. Jesus told them to come down, and keep quiet about what they had seen and heard, until, 'After the Son of Man has risen from the dead' v.9.

Jesus' Apostles preferred to stay up on the mountain, because they failed to understand, that seeing God's glory implied a mission to follow. In the case of Moses, he saw God's glory up on the mountain. He returned to God's people, and led them to enter the Promised Land. Jesus saw God's glory up in the mountain. He returned to God's people to lead them to the 'Everlasting Promised Land' which is God's kingdom. We sometimes choose to follow not God's ways, but our own or the worldly ways. Our loving God would never abandon us, but patiently waits for us to return, to listen to Jesus' voice, and to reconcile. The glimpse of God's glory is the assurance that God is always with us. Through Jesus, God continues to guide us, journey with us, share our daily cross. We follow Jesus in trust, and hope. His promise to send the Holy Spirit to guide us confirms we will never be alone in our pilgrimage.

Lent is the time for us to keep God's glory shining. By praying, fasting and acts of charity, others may know that we are Jesus' disciples.
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ II Mùa Chay. Năm B.28.2.2021
Lm Francis Lý văn Ca
13:27 25/02/2021
ầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cùng đồng hành với Giáo Hội và đông đảo Anh Chị Em tín hữu khắp nơi trong lộ trình Mùa Chay. Hôm nay, bắt đầu tuần lễ thứ II của Mùa Chay Thánh. Tuần vừa qua, chúng ta đã vào sa mạc với Chúa. Tuần nầy, chúng ta cùng với Ngài và ba tông đồ thân tín: Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabôrê.
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều hướng cộng đoàn tín hữu về việc Chúa biến hình trên núi. Hình ảnh Chúa biến hình sáng láng cũng là hình ảnh của mỗi người trong chúng ta sau ngày phán xét cánh chung. Nhưng để thân xác được biến đổi trở nên sáng láng, thì chúng ta phải trải qua những thử thách ở đời, như chính Chúa đã bị cám dỗ trong hoang địa và Ngài đã chiến thắng. Chúng ta phải chiến thắng trong cuộc đời trần thế nầy trước những cơn cám dỗ, những thử thách của ma quỷ. Nếu được như thế, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng dung nhan thánh Chúa. Đó là ý nghĩa chính của thánh lễ hôm nay.
Giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI ĐỌC I:
Tổ phụ Abraham được gọi là Cha của những kẻ có lòng tin. Thiên Chúa đã ban cho ông đứa con là Isaác. Dòng dõi của ông đã được Chúa chúc phúc.

TRƯỚC BÀI ĐỌC II:
Thánh Phaolô khuyên nhủ dân thành Rôma, hãy luôn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ từ chối lời van xin của Dân Ngài. Chính Con Một Ngài đã ban tặng cho nhân loại như lời Ngài đã hứa.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Phúc Âm thuật lại việc Chúa biến hình trên núi Tabôrê. Qua việc biến hình nầy, Ngài muốn tỏ hiện cho 3 môn đệ - và cho cả chúng ta nữa - Ngài không phải là một người như bao người khác, nhưng là một vị Chúa oai phong.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh Mục: Anh Chị Em thân mến,
Tổ phụ Abraham được gọi là Cha của những kẻ có lòng tin, chúng ta là con cháu của người cha đầy lòng tin đó. Giờ đây, chúng ta tin tưởng dâng lên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Xin cho tất những Anh Chị Em tin vào Chúa Kitô, luôn biết lắng nghe Lời Chúa phán dạy trong kho tàng Kinh Thánh. Xin cho giới trẻ biết ý thức sự quan trọng của việc học hỏi Lời Chúa qua những lớp giáo lý và trong những sinh hoạt đoàn thể. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho anh chị em tân tòng đang chuẩn bị để lãnh nhận bí tích rửa tội trong mùa Phục Sinh, luôn được thấm nhuần đạo lý của Phúc Âm. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho toàn thể cộng đoàn tín hữu của chúng ta nơi đây, với ơn Chúa giúp, sẽ luôn tuân giữ mùa Phục Sinh trong việc xưng tội và rước lễ, ngõ hầu, tất cả chúng ta đều được đổi mới trong Mùa Ơn Thánh Năm Nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Cùng hiệp sức với Giáo Hội, xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết đem về cho Giáo Hội, những Anh Chị Em nguội lạnh trể nãi trong Mùa Phục Sinh năm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời, đặc biệt là những nạn nhân của Covid-19 và những linh hồn mồ côi đuợc an nghỉ trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh Mục:
Lạy Chúa, Chúa đã kêu gọi chúng con từ bóng tối tội lỗi đến ánh sáng. Xin cho những ngày của Mùa Chay nầy sẽ trở nên ích lợi cho phần rỗi chúng con, và tha nhân cũng được hưởng nhờ lòng bác ái của chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 25/02/2021

15. Con người ta nếu nhận tội của mình nặng như thế nào, dù trong lòng buồn bực nhưng bên ngoài thì dù khổ cực như thế nào cũng không cảm thấy là ghê gớm.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 25/02/2021
73. CÓ CỎ ẨN THÂN

Một anh ngốc gặp một người thông minh, người thông minh tặng anh ta một cây cỏ và nói:

- “Cây này gọi là cỏ ẩn thân, cầm nó trong tay thì người khác sẽ không thấy anh”.

Anh ngốc cầm cây “cỏ ẩn thân” và lập tức đi vào trong chợ lấy tiền của người khác rồi nghênh ngang mà đi, chủ tiền bắt anh ta đánh cho một trận, anh ngốc la lên:

- “Ông làm sao đánh tôi được vì ông không thấy tôi, bởi vì tôi có cây “cỏ ẩn thân” mà !”

(Tiêu Tán)

Suy tư 73:

Thời đại hiện nay người ta chỉ nghe nói có máy bay tàng hình, tàng hình theo nghĩa kỹ thuật quân sự là con mắt của máy ra đa nhìn không thấy được nó, chứ thật ra nó vẫn bay lù lù ấy mà.

Thời nay “cỏ ẩn thân” thì chỉ có trong những chuyện phim thần thoại và phim khoa học giả tưởng mà thôi.

Thời nay tuy không có “cỏ ẩn thân” để mà đi ăn cắp tiền của người khác, nhưng có một loại “giấy ẩn thân” không những ăn cắp tiền của người dân, mà còn “rút ruột” những công trình lớn nhỏ làm hại quốc gia, làm nghèo đất nước, làm hại cộng đoàn, đó là loại giấy “báo cáo láo”, trong “giấy ẩn thân báo cáo láo” này sự thực thì chỉ có một nhưng lại báo cáo hàng trăm, hàng trăm báo cáo hàng ngàn, hàng ngàn báo cáo hàng triệu.v.v...cứ thế mà báo cáo láo để ăn cắp tiền của người dân, dựa vào “giấy ẩn thân” này để ăn cắp thì cũng sẽ có ngày bị phát hiện, họ là những người ngốc nhất trần gian.

Người Ki-tô hữu tuy không có “cỏ ẩn thân”, nhưng có một nơi ẩn thân kín đáo nhất, kiên cố nhất và an tòan nhất mà ma quỷ và những cám dỗ của nó không làm gì được, đó chính là bí tích Thánh Thể, núp trong tình yêu của Ngài thì ba thù của người Ki-tô hữu là ma quỷ, thế gian và xác thịt làm gì được chứ? Núp trong sự che chở của Chúa Giê-su Thánh Thể thì thế gian làm được gì chứ?

Phúc cho những ai biết ẩn thân trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su Thánh Thể, họ là người khôn ngoan và thông minh nhất trần gian vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chiều sâu của Lòng Thương Xót
Lm. Minh Anh
21:56 25/02/2021
CHIỀU SÂU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ‘chiều sâu của lòng thương xót’ của Thiên Chúa, một chiều sâu thăm thẳm của Đấng vô hình; trong đó, chúng ta sẽ trầm mình. Để rồi, khi bước ra, chúng ta có thể tha thứ cho anh em, những con người hữu hình.

Êzêkiel chỉ ra chiều kích sâu thẳm đó nơi một Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, vốn phải hạ cố trước con người hầu chỉ cho nó nẻo chính đường ngay, “Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại, đường lối của các ngươi không chính trực?”. Dẫu là một Thiên Chúa quyền năng mà không phàm nhân nào có thể tồn tại nếu Người chấp tội như lời đáp ca nói, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”, thì cũng Thiên Chúa đó, với ‘chiều sâu của lòng thương xót’ Người, đã phải xuống nước, cãi lẫy với con người chỉ vì Người muốn cứu nó.

Một lần nữa, lòng từ bi sâu thẳm đó được gặp thấy nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay. Ngài dạy chúng ta hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em; “đi làm hoà” như thể nhận lấy phần sai về mình; hạ mình làm người đi bước trước để nói lời xin lỗi; hãy tha thứ cho người anh em và dàn xếp trước khi đối mặt với công quyền. Ngài dạy chúng ta bày tỏ lòng thương xót với bất cứ ai và tất cả những ai có thể được coi là “kẻ thù” của mình.

Tha thứ cho người khác là điều cấp thiết, nó không cho phép chúng ta chần chờ. Thế nhưng, chỉ tha thứ thôi, thực sự là không đủ; mục tiêu cuối cùng phải là sự hoà giải vốn phải tiến xa hơn nhiều. Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta “dàn xếp”, trong đó, ngụ ý một sự hòa giải. Một phiên bản Thánh Kinh đề nghị đọc câu ấy thế này, “Hãy nhanh chóng kết bạn với người tố cáo con”; hãy làm một điều gì đó để thúc đẩy ‘một tình bạn’ với người đã buộc tội chúng ta, đặc biệt nếu đó là một lời buộc tội sai; và như thế, không chỉ đơn giản là tha thứ nhưng còn là xót thương; hãy cư xử với người có khúc mắc như thể chúng ta chỉ còn một ngày để sống. Hoà giải và tái lập một tình bạn thực sự, nghĩa là chúng ta không chỉ tha thứ nhưng còn bảo đảm rằng, chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để thiết lập lại mối tương quan yêu thương với người đó; nghĩa là cả hai phía đều bỏ qua những bất bình của nhau hầu bắt đầu lại. Tất nhiên, điều này cần đến sự hợp tác của cả hai phía; nhưng về phần chúng ta, chúng ta làm hết sức để thiết lập sự hoà giải này.

Chuyện xảy ra với Joe, một cụ già sắp qua đời. Trong nhiều năm, cụ đã mâu thuẫn với Bill, một trong những người bạn thân nhất của Joe trước đó. Vì muốn giải quyết mọi chuyện, cụ Joe đã nhắn Bill đến gặp mình. Bill đến, cụ nói với Bill rằng, “Tôi sợ phải đi vào cõi vĩnh hằng với một cảm giác tồi tệ như thế giữa hai chúng ta”. Sau đó, rất miễn cưỡng và với nhiều cố gắng, cụ Joe xin lỗi Bill về những điều ông đã nói và đã làm; ông cũng bảo đảm, đã tha thứ hết cho Bill. Mọi người có mặt tỏ vẻ vui mừng và mọi thứ xem ra rất ổn… cho đến khi Bill quay đi. Bill vừa bước ra khỏi phòng, bỗng cụ Joe gọi theo; ông nói, “Nhưng, hãy nhớ, nếu tôi khá hơn, thì không phải như thế!”.

Anh Chị em,

Tha thứ thật không dễ nếu chúng ta không thấu cảm ‘chiều sâu của lòng thương xót’ của Thiên Chúa. Hãy chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, “Như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, Người chẳng mở miệng hé môi”. Nhận lấy những đòn vọt, Ngài trả lại cho đời những gì tinh tuý nhất của ơn cứu độ từ vết thương hoang hoác của thân xác; nhận lấy lưỡi đòng đâm thấu tim, Ngài trả lại cho đời mạch nước trường sinh làm linh dược chữa lành; nhận lấy những lời chửi rủa, Ngài trả lại cho đời lời cầu xin, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúa Giêsu thật tự do, Ngài thật bay bổng. Cụ già Joe đã không có được điều đó; bởi lẽ, cụ đã không biết, chính khi tha thứ, con người tự giải thoát chính mình và cứu độ cả những người khác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa từ nhân, con tạ ơn Chúa đã ban cho con Đức Giêsu, Người Con tuyệt vời của Trời; Đấng đã xuống đất để chỉ cho con thấy ‘chiều sâu của lòng thương xót’ của Thiên Chúa bằng lời giảng dạy, cuộc sống và cái chết. Xin cho con thấu cảm nỗi lòng của Chúa, hầu lòng con cũng được biến đổi nên giống như lòng Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thổ Nhĩ Kỳ - Bắt giữ một kẻ gian cố gắng bán Vương cung thánh đường Thánh Antôn
Thanh Quảng sdb
04:52 25/02/2021
Thổ Nhĩ Kỳ - Bắt giữ một kẻ gian cố gắng bán Vương cung thánh đường Thánh Antôn

Istanbul (Thông tấn xã Fides 24/2/2021) cho hay một vương cung thánh đường mang tên Thánh Antôn thành Padua, nằm ngay ở trung tâm Istiklal Caddesi, một trong những vùng nổi tiếng nhất ở Thủ đô Istanbul, chấm dứt cái nguy cơ mua bán tư nhân một bất động sản xa xỉ!

Trong những ngày gần đây, tên Sebahattin Gök đã bị bắt và bị đưa ra tòa, năm ngoái, nhờ vào mạng lưới truy quyét tội phạm, hắn đã bị lộ tảy một loạt các hoạt động lừa đảo, nhằm chiếm hữu bất hợp pháp Vương cung thánh đường Chính thống Công Giáo lớn nhất ở Istanbul nhằm bán lại nó với một giá cắt cổ.

Các cuộc điều tra về vụ việc đã xác nhận rằng "băng nhóm" của ông Gök và các cộng sự của hắn chuyên lừa đảo bất động sản, đặc biệt nhắm vào các cộng đồng tôn giáo và Giáo hội cũng như những chủ sở hữu là người nước ngoài hoặc những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.

Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng trong khu vực Vương cung thánh đường này được dựng vào năm 1725 do cộng đồng người Ý ở Istanbul. Trọn vẹn khu vực Vương cung thánh đường này được các tu sĩ Dòng Phanxicô phục vụ, được xây dựng lại theo lối kiến trúc tân Gothic của thành phố Venice cổ vào thập từ năm 1906 đến năm 1912. Theo phong tục thời đó, tài sản của nhà thờ thuộc sở hữu của các thành viên của Hoàng gia Ý. Nhưng vào tháng 1 năm 1971, những người thừa kế của gia đình hoàng gia từ bỏ các quyền này đối với các tài sản như thế này, và vì lợi ích chung cho cộng đoàn thánh Antuan Kilisesi (nghĩa là Giáo xứ Thánh Antôn), một cộng đồng Công Giáo Chính Thống địa phương.

Trong những năm gần đây, tên Sebahattin Gök đã thực hiện nhiều chuyến đi Ý, Pháp và Hoa Kỳ, thu thập các giấy tờ ủy quyền và ký kết của các phái đoàn những người mà sau này ông tự cho là những người thừa kế hợp pháp của Vương cung thánh đường.

Thông qua những bức thư này, và sau khi lấy được tờ giấy chứng nhận thừa kế Vương cung thánh đường này từ một Ủy ban công lý hòa bình, tên doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ này đã trình lên cơ quan đăng ký đất đai để đòi quyền sở hữu nơi thờ phượng này. Năm ngoái, các tu sĩ dòng Phanxicô chịu trách nhiệm về nhà thờ đã khiếu nại đến Bộ công lý Thổ Nhĩ Kỳ, xin bảo vệ nhằm bảo tồn nơi thờ phượng này cùng các cơ sở của Vương cung thánh đường.

Trong quá trình điều tra, Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra một mạng lưới đồng phạm, liên quan tới Gök đã thực hiện một nỗ lực tương tự nhằm chiếm đoạt bất hợp pháp các nơi thờ phượng ở Galata thuộc nước Bulgaria và các nơi thờ tự và các tòa nhà được xây dựng trong quá khứ của người Armenia, Pháp và Cộng đồng người Ý và Do Thái, tất cả lên đến 34 vụ mà hắn đã chiếm đoạt! (GV) (Agenzia Fides, 24/2/2021)
 
Các giám mục Công Giáo Miến Điện kêu gọi hòa bình và đối thoại sau khi hai người biểu tình đã bị giết
Đặng Tự Do
16:14 25/02/2021


Các giám mục Công Giáo Miến Điện đã kêu gọi “trở lại đối thoại” khi hai người biểu tình bị giết trong các cuộc biểu tình vào cuối tuần qua.

“Những cảnh đau lòng khi những người trẻ chết trên đường phố đã làm tổn thương lương tâm của một quốc gia”, các giám mục cho biết trong một bức thư ngày 21 tháng Hai.

“Quốc gia này nổi tiếng được mệnh danh là vùng đất vàng. Đừng để đất thiêng của nó thấm đẫm máu anh em”, các Giám Mục nói. “Nỗi buồn của những bậc cha mẹ chôn cất con mình đã phải dừng lại. Nước mắt của những người mẹ không bao giờ là điều may mắn đối với bất kỳ quốc gia nào”.

Bức thư được ký bởi 10 giám mục, trong đó có Hồng Y Charles Bo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện.

Lời kêu gọi của các giám mục được đưa ra sau khi có hai người chết và ít nhất 20 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Mandalay.

Những người biểu tình đang phản đối cuộc đảo chính quân sự vào tháng này và kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự được bầu của đất nước.

Bà đã bị bắt giữ cùng với Tổng thống Miến Điện Win Myint và các thành viên khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, khi quân đội nắm chính quyền vào ngày 1 tháng 2, dưới chiêu bài là có các gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, mà NLD đã giành được thắng lợi.

Các báo cáo hôm Chúa Nhật cho biết một số người biểu tình ở Mandalay đã ném đá vào cảnh sát, và cảnh sát đã đáp trả bằng súng bắn đạn thật và hơi cay.

Các giám mục kêu gọi bọn cầm quyền tìm kiếm hòa giải và hàn gắn, bắt đầu bằng việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị giam giữ.

“Chỉ một tháng trước đây, quốc gia này quy tụ với nhau chung quanh một lời hứa vĩ đại: đó là những giấc mơ tăng cường hòa bình và dân chủ mạnh mẽ”, các ngài viết. Một cuộc bầu cử đã được tổ chức bất chấp đại dịch coronavirus và “ thế giới ngưỡng mộ năng lực quản lý sự khác biệt của chúng ta”.

“Hôm nay thế giới khóc với chúng ta, một lần nữa tan vỡ bởi sự chia cắt của quốc gia này. Tuổi trẻ của chúng ta xứng đáng được sống tốt hơn”, các giám mục viết.

Các ngài nói rằng nếu Miến Điện không học cách giải quyết các vấn đề của mình một cách hòa bình, nó có thể bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.

“Hãy khẩn trương, việc sử dụng bạo lực phải dừng lại. Những bài học trong quá khứ cảnh báo chúng ta bạo lực không bao giờ chiến thắng. Bảy mươi hai năm sau khi độc lập, những người nắm quyền cần đầu tư vào hòa bình.”

“Cổ vũ hòa bình sẽ hàn gắn quốc gia này. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Hòa bình là có thể, hòa bình là con đường duy nhất”.


Source:Catholic News Agency
 
Trung Quốc mua lại các trường học của Anh để dạy cái nhìn tích cực về chính trị Trung Quốc
Đặng Tự Do
16:15 25/02/2021


Theo một cuộc điều tra của tờ Daily Mail của Anh, ngày càng có nhiều trường tư thuộc hàng trứ danh bị các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại.

Mặc dù xu hướng này đã rõ ràng trong bốn năm qua, với mười bảy thương vụ được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc, mà đa số có liên quan đến các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản, dự kiến rằng “ hàng trăm,” trường học hiện đang được nhắm mục tiêu, khi nhiều trường phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu đáng kể do các hạn chế COVID-19.

Theo Daily Mail, các chủ sở hữu mới của Trung Quốc trong một số trường hợp đang sử dụng vị thế của mình để thúc đẩy quan điểm tích cực về chính trị và các sáng kiến thương mại của Trung Quốc.

Doanh thu của các trường bị sụt giảm trước hết là do sự sút giảm số người ghi danh học, sau đó học phí phải giảm, vì trẻ em phải ở nhà trong điều kiện khóa cửa, làm giảm số tiền phải trả cho học phí nội trú và tại chỗ. Các trường đã phải giảm 20 phần trăm trở lên cho học sinh học ban ngày, và giảm 35 phần trăm cho học sinh nội trú. Đồng thời, họ không thể cắt giảm chi phí giảng dạy vì các trường cần tiếp tục mở lớp “trực tuyến,” và đón con em của công nhân lao động không thể theo học ở nhà.

Ấn bản mới nhất của tờ The Mail on Sunday - ấn bản Chúa Nhật của Daily Mail - đã bắt đầu câu chuyện của mình với một cảnh báo thảm khốc: “ Các trường học ở Anh bán rẻ cho Bắc Kinh: các công ty Trung Quốc không chỉ mua lại các trường tư thục, còn đang dạy các bài học được cộng sản phê duyệt, đó là một mối đe dọa cho tự do ngôn luận”.

Tờ báo nói thêm rằng “các chuyên gia dự đoán một ‘cơn điên cuồng mua lại các trường’ khi các công ty, bao gồm cả một số công ty do các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ đối với hệ thống giáo dục của Anh”. Cuộc điều tra của tờ báo cho thấy “9 trong số 17 trường trứ danh nhất của Anh” đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc “thuộc sở hữu của các công ty mà người sáng lập hoặc ông chủ là những đảng viên cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.


Source:Life Site News
 
Lịch sử các tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma
Đặng Tự Do
16:16 25/02/2021


Trong gần 100 năm, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm.

Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma bắt đầu tĩnh tâm Mùa Chay kéo dài một tuần, nhưng lần đầu tiên kể từ Công đồng Vatican II, cuộc tĩnh tâm này không diễn ra như một thời gian cầu nguyện chung vì đại dịch coronavirus.

Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các thành viên của Giáo triều Rôma tự thu xếp một cuộc tĩnh tâm Mùa Chay riêng từ ngày 21 đến 26 tháng 2. Tất cả các sự kiện của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư, đều bị hủy bỏ trong tuần này.

Đức Giáo Hoàng Piô XI bắt đầu thực hành tĩnh tâm hàng năm tại Vatican. Ngài mời các linh mục Dòng Tên hướng dẫn các bài linh thao của Thánh Inhaxiô, hay còn gọi là Thánh I Nhã, cho chính mình và Giáo triều vào năm 1925. Đức Piô XI là một người rất ngưỡng mộ Thánh Inhaxiô thành Loyola, người sáng lập Dòng Tên, nên vào năm 1922, ngài tuyên bố rằng Thánh Inhaxiô là đấng bảo trợ các tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma.

Trong thông điệp “Mens nostra” nhằm cổ vũ việc thực hành tĩnh tâm, Đức Piô XI đã chính thức thiết lập tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma như một thông lệ hàng năm vào năm 1929.

Ngài viết: “Từ lâu, Tòa thánh này, nơi thường khen ngợi các bài tĩnh tâm bằng thuyết giảng, đã dạy các tín hữu bằng chính gương sáng và uy quyền của mình, biến ngôi đền Vatican lộng lẫy thành Phòng Tiệc ly để suy tư và cầu nguyện; đó là phong tục mà chúng tôi đây sẵn lòng đón nhận, với niềm vui và niềm an ủi không nhỏ cho chính chúng tôi”.

“Và để chúng tôi có thể bảo đảm niềm vui và sự an ủi này, cho cả chính chúng tôi và những người ở gần chúng tôi, chúng tôi đã có những sắp xếp để tổ chức các cuộc tĩnh tâm hàng năm tại Vatican”.

Các bài tĩnh tâm tại Vatican ban đầu diễn ra trong tuần đầu tiên của Mùa Vọng. Trong số các tu sĩ Dòng Tên đã giảng về các bài tập của Thánh Inhaxiô tại Vatican có Cha Paolo Dezza, người đã hướng dẫn các bài tĩnh tâm vào năm 1942 cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12. Cha Dezza sau này trở thành cha giải tội của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Trong khi các tu sĩ Dòng Tên thường hướng dẫn các tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma hàng năm trong suốt 30 năm, thì Thánh Giáo hoàng Gioan 23 đã mời các giáo sĩ Ý khác, bao gồm một linh mục quản xứ và một giám mục, để hướng dẫn các bài suy niệm cho giáo triều. Ngài cũng đình chỉ hoàn toàn các tuần tĩnh tâm vào năm 1963 do các cuộc họp của Công đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã chuyển các buổi suy niệm hàng năm từ Mùa Vọng sang Mùa Chay và là người đầu tiên chọn những người không phải là người Ý để giảng các bài tĩnh tâm. Ngài đặc biệt mời một vị Hồng Y trẻ đến từ Ba Lan hướng dẫn cuộc tĩnh tâm Mùa Chay: đó là Đức Hồng Y Karol Wojtyła, người đã thuyết giảng vào năm 1976 về “Chúa Kitô, một dấu chỉ của sự hạ mình” hai năm trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Giáo Hoàng tương lai Bênêđíctô 16, đến giảng các bài tĩnh tâm vào năm 1983. Đặc biệt, vào năm 2000, một năm trước khi ngài được phong Hồng Y, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã thuyết giảng cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma.

Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, sinh ngày 17 tháng Tư, 1928, đã bị cộng sản bắt ngày 15 tháng 8, 1975 khi ngài đang là Giám Mục Phó tổng giáo phận Sàigòn. Sau 13 năm kiên giam, ngài được trả tự do ngày 21 tháng 11, 1988 và bị quản thúc tại Hà Nội. Năm 1991, ngài được sang Rôma nhưng không được về nước. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào phái đoàn Di Dân quốc tế tại Geneva. Ngày 24 tháng 11, 1994, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cùng với quyết định mãn nhiệm Tổng Giám Mục Phó của Sàigòn. Ngày 21 tháng Hai, 2021, ngài được tấn phong Hồng Y hiệu tòa Santa Maria della Scala, tức là nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang. Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 16 tháng 9, 2002.

Đức Bênêđíctô XVI đã mời các Hồng Y từ Phi Châu đến giảng các bài tĩnh tâm, trong số đó có Đức Hồng Y Francis Arinze và Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên chuyển tuần tĩnh tâm từ Vatican đến một nhà tĩnh tâm bên ngoài Rôma. Trong bảy năm qua, cuộc tĩnh tâm đã diễn ra trong một ngôi nhà tĩnh tâm ở thị trấn Ariccia ở Alban Hills, phía đông nam của Rôma. Năm ngoái, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tham gia vì bị cảm lạnh.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia khóa tĩnh tâm Mùa Chay “ở nhà”, theo dõi với các bài tĩnh tâm và suy niệm từ nơi ở của ngài, Casa Santa Marta.

Theo linh mục Pauline, người điều hành trung tâm tĩnh tâm Casa Divin Maestro, nơi đã diễn ra khóa tĩnh tâm của giáo hoàng từ năm 2014, một ngày điển hình trong khóa tĩnh tâm bắt đầu bằng Thánh lễ. Sau bữa sáng, các Giám Mục và Hồng Y nghe bài suy niệm đầu tiên trong nhà nguyện.

Cha Olinto Crespi nói với CNA vào năm 2017 rằng bài suy niệm thứ hai được trình bày sau bữa trưa. Các thời gian khác dành cho việc cầu nguyện. Nhà tĩnh tâm cũng cung cấp truy cập internet, vì vậy những người đứng đầu cần trả lời email hoặc làm một số công việc trong tuần có thể làm được.

Do những hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus, Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cho mỗi thành viên của Giáo triều Rôma một cuốn sách để các ngài đọc thay thế cho tuần tĩnh tâm.

Cuốn sách được viết bởi một tu sĩ Xitô ẩn danh vào thế kỷ 17 và có tựa đề “Abbi a cuore il Signore”, có nghĩa là “Hãy giữ Chúa trong trái tim bạn”. Ban đầu cuốn sách được viết để giúp các tu sĩ ở tu viện San Bartolo của Ý phát triển đời sống tâm linh.

Trong cuốn sách này, vị thầy của tu viện San Bartolo viết: “Chúa sẽ gặp bạn ở nơi mà nhân tính của bạn đã chịu hạ mình đến tận cùng của sự yếu hèn và bạn sẽ đạt đến nhận thức về giới hạn của mình. Nếu bản thân bạn không chọn con đường hạ mình, cuộc sống sẽ đưa bạn đến nơi bạn không muốn vì như Chúa dạy, chỉ những ai sống sự yếu đuối của mình với sự khiêm nhường mới được tôn cao”.


Source:Catholic News Agency
 
Amazon loại bỏ sách của một học giả phê bình ý thức hệ chuyển giới
Đặng Tự Do
16:17 25/02/2021


Cuốn sách phê bình của một học giả về phong trào chuyển giới đã bị xóa khỏi Amazon.com.

Vào chiều Chúa Nhật, Ryan Anderson - chủ tịch hiện tại của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công, gọi tắt là EPPC - đã thông báo rằng cuốn sách “When Harry Became Sally: Responding to the Transgender Moment” nghĩa là “Khi Harry trở thành Sally: Đáp lại Phong Trào Chuyển Giới” của ông không còn được niêm yết trên trang bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon.com. Cuốn sách đã được phát hành ba năm trước, vào ngày 20 tháng 2 năm 2018.

Anderson nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào sáng thứ Hai rằng ông đã được cảnh báo về tình hình theo đó “những người cố gắng mua nó nói với tôi rằng nó đã biến mất”.

“Và không chỉ giống như nó hết hàng. Các trang bị xóa bỏ. Bạn không thể mua cả một cuốn sách cũ đã qua sử dụng. Bạn không thể mua bản kindle. Bạn không thể tải phiên bản Audible”, Anderson nói với CNA. Ông nói rằng nhà xuất bản cuốn sách của ông đã yêu cầu Amazon giải thích tại sao nó không được niêm yết trực tuyến, nhưng vẫn chưa nhận được lời giải thích.

Tính đến chiều thứ Hai, cuốn sách không được liệt kê trên Amazon, nhưng vẫn có tại nhà bán lẻ sách Barnes and Noble.

Người phát ngôn của Amazon từ chối bình luận về những tuyên bố của Anderson vào thứ Hai.

Trong số các nội dung bị cấm theo nguyên tắc của Amazon có những nội dung mà Amazon đơn phương “xác định là ngôn từ kích động thù địch” cùng với “tài liệu khác mà chúng tôi cho là không phù hợp hoặc xúc phạm”.

Ngoài ra, Amazon tuyên bố rằng nếu họ quyết định xóa bỏ một nội dung, chính sách của họ là thông báo cho “tác giả, nhà xuất bản hoặc đối tác bán hàng” về việc hủy niêm yết và cho phép họ kháng nghị.

“Nếu chúng tôi xóa một tựa sách, chúng tôi sẽ thông báo cho tác giả, nhà xuất bản hoặc đối tác bán hàng và họ có thể kháng nghị quyết định của chúng tôi”, công ty tuyên bố.

Tuy nhiên, Anderson nói với CNA rằng tính đến chiều thứ Hai, ông vẫn chưa nghe bất kỳ lời giải thích nào từ công ty này về việc cuốn sách của ông không được niêm yết trên mạng.

“Khi Harry trở thành Sally” là cái nhìn chỉ trích của Anderson về phong trào chuyển giới, khám phá các lĩnh vực sinh học, tâm lý và triết học của cuộc tranh luận về người chuyển giới. Ông đã thẳng thắn đối với các chủ đề như khái niệm về tính linh hoạt của giới tính, những lợi ích tâm lý có chủ đích của phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho những người mắc chứng phiền muộn giới tính, và những tác động của trào lưu “hủy bỏ sự phân biệt giới tính” — như quyền đi vào các phòng tắm, và phòng thay quần áo trên cơ sở tự nhận dạng giới tính.

Cuốn sách của Anderson đã được khen ngợi bởi các giáo sư tâm thần học, tâm lý học và y đức tại các trường đại học như Johns Hopkins, Đại học Boston, Đại học New York và Đại học Columbia.

Bất chấp sự hoan nghênh từ các học giả, ông cho biết nó vẫn bị triệt hạ tại Amazon. “Không phải là bạn nói như thế nào, không phải là bạn lập luận chặt chẽ ra sao, không phải là bạn trình bày nó một cách thận trọng như thế nào, bạn bất đồng hay ủng hộ trào lưu mới này mới là vấn đề,” ông nói.

Hôm thứ Sáu, một dự luật đã được đưa ra tại Hạ viện để công nhận khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính là những gì sẽ được pháp lý được bảo vệ.

Những người chỉ trích như Anderson đã lập luận rằng luật này sẽ làm xói mòn các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo và sẽ yêu cầu phụ nữ phải chia sẻ những không gian nhạy cảm như phòng tắm, nơi cư trú hoặc phòng thay quần áo, với những người đàn ông về mặt sinh học nhưng tự coi mình có “bản săc giới tính” là phụ nữ.

“Đừng mắc sai lầm, cả các Đại Gia Nhà Nước lẫn các Đại Gia Kỹ Thuật đều có thể làm suy yếu phẩm giá và tự do của con người, chà đạp phúc lợi của cá nhân và lợi ích chung”, Anderson tuyên bố hôm thứ Hai.


Source:Catholic News Agency
 
Giáo hội Úc công bố tài liệu làm việc cho Hội đồng Toàn thể
Thanh Quảng sdb
16:26 25/02/2021
Giáo hội Úc công bố tài liệu làm việc cho Hội đồng Toàn thể

Hội đồng Toàn thể của giáo hội Úc Châu đang ở trong giai đoạn hai. Hội nghị lần thứ nhất dự kiến diễn ra vào ngày 2-10 tháng 10 tại Adelaide và hội nghị thứ hai vào năm nay.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Giáo Hội Công Giáo Australia hôm thứ Năm (25/2/2021) đã công bố tài liệu làm việc cho Hội đồng Toàn thể của giai đoạn đầu được nối tiếp vào tháng 10 năm nay.

Với tiêu đề là “Tiếp tục cuộc hành trình”, tài liệu, được gọi là 'toolsum laboris' bằng tiếng Latinh, tập trung nhiều vào những đúc kết được lắng nghe, thu thập trong giai đoạn 'Lắng nghe và Đối thoại', 'Lắng nghe và Phân định' của Giáo hội trong toàn quốc, cũng như từ các cuộc học hỏi khác nhau, theo thông cáo báo chí của Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC).

Sự sáng suốt

Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, Perth, chủ tịch của Hội đồng Toàn thể, cho biết vai trò của tài liệu làm việc là “cung cấp một bản tường trình về những gì dân Chúa đã bày tỏ như một lời mời gọi cho sự biện phân liên tục”. Ngài nói: “Đây là một bước tiến thú vị và chúng tôi cùng nhau thực hiện nó, giữa thời điểm có nhiều thay đổi”.

Hội đồng Toàn thể lần thứ 5, một sự kiện quan trọng của Giáo hội toàn quốc, đề cập tới mọi lĩnh vực của Giáo hội, đang diễn ra trong giai đoạn hai. Hội nghị lần thứ nhất ban đầu dự kiến sẽ diễn ra ở Adelaide, vào tháng 10 năm 2020 và lần thứ hai ở Sydney vào tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19, nên chương trình có những thay đổi!

Hội đồng Toàn thể sẽ được nhóm họp tại Adelaide từ ngày 2 đến 10 tháng 10 năm 2021 và cuộc họp lần 2 sẽ được tổ chức tại Sydney, ngày 4-9 tháng 7 năm 2022. Vì đại dịch, Hội nghị tháng 10 sẽ được tổ chức kết hợp giữa trực tuyến và sự hiện diện cá nhân của một số nghị viên trên toàn Úc châu.

Đức Tổng Giám Mục Costelloe cho hay có hơn 220.000 người đã tham dự vào giai đoạn đầu tiên về “Lắng nghe và Đối thoại”, và “những tiếng nói đó đã được ghi lại trong các tài liệu làm việc”. ĐTGM Tim nói rằng nó cung cấp một nguồn tài liệu để Giáo hội đổi mới qua hành trình cầu nguyện và biện phân trong Hội nghị lần thứ nhất.

Một sự kiện Giáo hội toàn quốc

Hội đồng Toàn thể là cuộc họp chính thức cao nhất của tất cả các Giáo phận địa phương trong một quốc gia. Mục đích của Hội đồng Toàn thể của Giáo hội Úc là tạo điều kiện cho mọi tranh luận, đối thoại liên quan đến tương lai của Giáo hội trong toàn nước.

Những lý do cần có Hội đồng toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các Giáo hội địa phương hãy học hỏi và đối thoại cùng nhau. Xã hội đương đại của Úc đã thay đổi đáng kể sau Hội đồng Toàn thể cuối cùng được tổ chức cách đây 80 năm vào năm 1937, 28 năm trước khi Công đồng Vatican II kết thúc vào năm 1965.

Nhưng quan trọng nhất, với báo cáo cuối cùng năm 2017 của Ủy ban Hoàng gia về những Ứng dụng cho những Thể chế đề phòng Lạm dụng Tình dục Trẻ em ở Úc đã kêu gọi một sự cần xem xét và phản hồi sâu sắc từ Giáo hội.

Tiếng nói và vấn đề

Giải thích về nội dung của tài liệu làm việc dài 76 trang, Đức Tổng Giám Mục Costelloe cho biết nó được đúc kết từ những “cảm hứng từ Kinh thánh, các tác phẩm và giáo huấn của Giáo hội, bao gồm các văn kiện của Công đồng Vatican II, các thông điệp và huấn dụ của Đức Thánh Cha, các thư mục vụ của các giám mục Úc Châu v.v…”

Ngài cũng cho biết một tài liệu hướng dẫn làm việc là "tìm cách cung cấp một bản tường trình về những gì dân Chúa đã bày tỏ như một lời mời gọi cho sự phân định liên tục". Về vấn đề này, tài liệu nêu bật một số vấn đề, chẳng hạn như đồng trách nhiệm trong sứ mệnh và quản trị, phản ảnh lại những đề nghị của Ủy ban Hoàng gia về các cơ cấu đề phòng nạn lạm dụng tình dục trẻ em, sự đoàn kết của Giáo hội với những người Úc thế hệ thứ nhất và những người sống bên lề xã hội và thúc đẩy một Hệ sinh thái không thể thiếu cho sự sống còn của ngôi nhà chung của chúng ta là Trái đất.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) đã chính thức công bố Hội đồng Toàn thể vào tháng 5 năm 2016, quyết định đã được ĐTC Phanxicô phê chuẩn vào tháng 3 năm 2018. Tuy nhiên, Hội nghị Toàn thể Giáo hội Úc đã chuẩn bị cho sự kiện toàn quốc này ngay cả trước đây rồi. Hành trình phân định bắt đầu từ Giai đoạn Lắng nghe và Đối thoại, sau đó là Giai đoạn Lắng nghe và Phân định.
 
Giáo Hội Úc công bố Tài Liệu Làm Việc của Công đồng Toàn thể
Vũ Văn An
20:32 25/02/2021

VaticanNews ngày 25 tháng 2 cho hay Giáo Hội Công Giáo Úc Đại Lợi hôm thứ Năm đã công bố tài liệu làm việc cho Công đồng Toàn thể, giai đoạn đầu tiên của Công đồng này được dự liệu vào tháng 10 năm nay.



Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC), với tiêu đề là “Continuing the Journey” (“Tiếp tục cuộc hành trình”), tài liệu, trong tiếng Latinh gọi là 'instrumentum laboris', phần lớn rút tỉa từ nhiều tiếng nói phát biểu trong các giai đoạn 'Lắng nghe và Đối thoại' và 'Lắng nghe và Biện phân' của biến cố Giáo hội goàn, cũng như từ các nguồn chủ chốt khác.

Biện Phân

Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của Perth, chủ tịch của Công đồng Toàn thể, cho biết vai trò của tài liệu làm việc là “cung cấp một bản tường trình về những gì dân Chúa đã phát biểu như một lời mời gọi biện phân liên tục”. Ngài nói, “Đây là một bước tiến tới đáng lưu ý và chúng ta cùng nhau thực hiện nó, giữa thời điểm có nhiều thay đổi này”.

Công đồng Toàn thể lần thứ 5, một biến cố Giáo hội toàn quốc quan trọng đại diện cho mọi thành phần của Giáo hội, sẽ diễn ra trong hai giai đoạn. Phiên họp thứ nhất ban đầu dự kiến sẽ diễn ra ở Adelaide, tháng 10 năm 2020 và lần thứ hai ở Sydney tháng 7 năm 2021. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19, chúng đã được lên lịch lại.

Phiên họp 1 nay sẽ được tổ chức tại Adelaide từ ngày 2 đến 10 tháng 10 năm 2021 và Phiên họp 2 sẽ được tổ chức tại Sydney, ngày 4-9 tháng 7 năm 2022. Vì đại dịch, Phiên họp tháng 10 sẽ được tổ chức kết hợp giữa trực tuyến và có người tham dự trên khắp nước Úc.

Đức Tổng Giám Mục Costelloe nhấn mạnh rằng có hơn 220,000 người đã tham gia vào giai đoạn Lắng nghe và Đối thoại, và “những tiếng nói đó đã được phản ảnh rõ trong tài liệu làm việc”. Ngài nói rằng nó cung cấp một chất xúc tác để Giáo hội đổi mới hành trình cầu nguyện và biện phân hướng tới Phiên họp thứ nhất.

Biến cố giáo hội toàn quốc

Công đồng Toàn thể là cuộc họp chính thức cao nhất của mọi giáo hội địa phương trong một quốc gia. Mục đích của Công đồng Toàn thể của Giáo hội Úc là tạo điều kiện cho cuộc đối thoại liên quan đến tương lai của Giáo Hội Công Giáo trong nước.

Có một số lý do đằng sau Công đồng Toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn mời Giáo hội địa phương đối thoại. Xã hội đương thời của Úc cũng đã thay đổi đáng kể từ Công đồng Toàn thể cuối cùng được tổ chức cách đây 80 năm vào năm 1937, 28 năm trước khi Công đồng Vatican II kết thúc vào năm 1965.

Nhưng quan trọng nhất, báo cáo cuối cùng năm 2017 của Ủy ban Hoàng gia về Đáp ứng Định chế Đối với việc Lạm dụng Tình dục Trẻ em ở Úc đã kêu gọi Giáo hội xem xét và đáp ứng sâu xa.

Các tiếng nói và vấn đề

Giải thích về nội dung của tài liệu làm việc dài 76 trang, Đức Tổng Giám Mục Costelloe cho biết nó lấy “cảm hứng từ Kinh thánh, các trước tác và giáo huấn của Giáo hội, kể cả các văn kiện của Công đồng Vatican II, các thông điệp và tông huấn của Đức Giáo Hoàng, các thư mục vụ của các giám mục Úc và v.v...”.

Ngài cho biết tài liệu làm việc "tìm cách cung cấp một bản tường trình về những gì dân Chúa đã phát biểu như một lời mời gọi biện phân liên tục". Về phương diện này, tài liệu nêu bật một số vấn đề, như đồng trách nhiệm trong sứ mệnh và việc quản trị, đáp ứng Ủy Ban Hoàng Gia về Đáp ứng Định chế Đối với việc Lạm dụng Tình dục Trẻ, tình liên đới của Giáo hội với những người Úc đầu tiên và những người ở bên lề xã hội và cổ vũ một Hệ sinh thái toàn diện của sự sống đối với trọn ngôi nhà chung của chúng ta, là Trái đất.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) đã chính thức công bố Công đồng Toàn thể vào tháng 5 năm 2016, một quyết định được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn vào tháng 3 năm 2018. Tuy nhiên, toàn thể Giáo hội Úc đã chuẩn bị cho biến cố giáo hội toàn quốc này ngay cả trước đó. Hành trình biện phân bắt đầu bằng Giai đoạn Lắng nghe và Đối thoại được tiếp nối bằng Giai đoạn Lắng nghe và Biện phân.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Năm Thánh Giuse Đã Mở
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:38 25/02/2021
Năm Thánh Giuse Đã Mở

Năm Thánh Giuse đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mở. Chúng ta tận dụng thời gian quí báu này đến với Thánh Giuse, tìm hiểu về Ngài để yêu mến Ngài, nhất là xin Ngài cầu nguyện giúp cho. Vậy, hãy đến cùng Giuse.

Khẩn xin sự chuyển cầu của ngài

Năm 2021 là một năm thật đặc biệt đối với Giáo hội hoàn vũ. Vì là Năm dành riêng để tưởng nhớ Thánh Giuse. Chúng ta biết cách đây 150 năm, ngày 8 tháng 12 năm 1870, Đức Thánh Cha Piô IX đã ban hành sắc lệnh Quemadmodum Deus, đặt Thánh Giuse làm quan thày cả và Hội Thánh. Trước đó, ngày 10 tháng 9 năm 1847, sắc lệnh của bộ Nghi lễ Inclytus Patriarcha Joseph (10/9/1847), mở rộng ra toàn thể Giáo hội lễ kính Thánh Giuse được cử hành vào thứ Tư tuần thứ ba sau lễ Phục sinh.

Ngày mùng 08 tháng 12 năm 2020 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố và khai mạc luôn Năm Thánh Giuse, truyền dạy cả Hội Thánh khẩn xin sự chuyển cầu của Ngài khi thế giới đang trong cơn gian nan khốn khó như lũ lụt, động đất, sóng thần, bão tuyết… cụ thể là đại dịch Covid 19, đồng thời mời gọi chúng ta noi theo các nhân đức của Ngài có trái tim hiền hậu của một người cha.

Thế giới hôm nay vắng bóng người cha. Trẻ em mồ côi. Vì không cha. Vì người cha không đảm nhận trách nhiệm. Vì thiếu trái tim nhân hiền của người cha. Đức Thánh Cha mời gọi các người cha hãy noi gương Thánh Cả Giuse đảm nhận trách nhiệm. Đức Thánh Cha viết : “Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (x. Patris Corde, 7)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cổ vũ lòng sùng kính đối với Thánh Giuse trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, và kết thúc tông thư mới của mình bằng cách thúc giục người Công Giáo cầu nguyện với Thánh Giuse.

Thần thế trước tòa Chúa

Nói đến sự trợ giúp của Thánh Giuse thì Thánh Têrêxa Avila cho chúng ta một kinh nghiệm tuyệt vời. Trong cuốn “Tự Thuật”, thánh nữ đã viết như sau :

... Những ơn lành Chúa ban cho tôi, qua lời cầu bầu của Thánh Cả GIUSE thật vô số. Thánh Cả còn cứu tôi thoát nhiều hiểm nguy, cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi thấy Chúa ban cho các vị thánh khác được quyền cứu giúp trong một số trường hợp. Nhưng đối với Thánh Cả GIUSE, tôi kinh nghiệm thấy Thánh Cả cứu giúp trong bất cứ trường hợp nào chúng ta kêu cầu Ngài. Khi trao ban cho Thánh Cả GIUSE quyền năng như thế, Chúa muốn dạy chúng ta hiểu rằng : Nếu ngày xưa, trong cuộc đời dương thế, Chúa GIÊSU đã chấp nhận Thánh Cả GIUSE làm Cha nuôi, và sẵn sàng tuân phục Thánh Nhân, thì ngày nay trên Thiên Quốc, Chúa GIÊSU vẫn tiếp tục lắng nghe mọi lời Thánh Cả cầu xin. Những người tôi khuyên nên khẩn cầu cùng Thánh Cả GIUSE, cũng có cùng kinh nghiệm như tôi. Và nhờ những ơn lành nhận lãnh, những người ấy càng tăng thêm lòng mộ mến Thánh Cả GIUSE.

... Hằng năm vào ngày lễ kính Thánh Cả GIUSE, 19-3, tôi thường mừng lễ này hết sức long trọng. Tôi muốn khuyến khích mọi người hãy có lòng sùng kính Thánh Cả GIUSE, vì tôi đã từng kinh nghiệm rằng, Thiên Chúa nhận ban tất cả những ơn Thánh Cả GIUSE cầu xin cùng Ngài. Tôi chưa từng thấy ai thật lòng mộ mến Thánh Cả GIUSE mà lại không tấn tới trong đàng nhân đức. Các linh hồn được nhiều lợi ích khi phó thác cho Thánh Cả. Từ nhiều năm nay, vào ngày lễ kính Thánh Cả GIUSE, 19-3, tôi xin ơn gì cùng Ngài, Thánh Cả đều nhận lời tôi cầu xin. Đôi khi những ơn tôi xin không đúng lắm, thì Thánh Cả tu chỉnh lại, có lợi hơn cho tôi.

... Nếu ai không tin lời tôi nói đây, thì cứ tự thử đi, và kinh nghiệm sẽ chứng minh cho thấy rằng, phó thác và sùng kính Thánh Cả GIUSE, luôn luôn đạt được những điều may lành. Đặc biệt những người sống trong bậc chiêm niệm, cần phải mộ mến Thánh Cả GIUSE hơn, vì tôi không biết làm sao người ta có thể nghĩ đến Đức MARIA, Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần, về những ngày Mẹ sống cạnh Con Trẻ GIÊSU nơi dương thế, mà lại không dâng lời cảm tạ Thánh Cả GIUSE đã hết lòng bảo trợ Hai Đấng. Ước gì những ai không tìm được vị thầy hướng dẫn trong việc suy ngắm thì nên chọn Thánh Cả GIUSE làm Thầy hướng dẫn, và như thế họ sẽ không bị lạc đường. Cầu mong chính tôi cũng không bị lầm lạc khi cao rao lòng sùng kính Thánh Cả GIUSE.. (”THÉRÈSE D'AVILA, Oeuvres Complètes”, Desclée de Brouwer 1989, trang 39-42).

Vậy, hãy đến cùng Giuse như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá ra nơi Thánh Giuse một người không được chú ý, hiện diện hàng ngày, kín đáo và ẩn giấu một người chuyển cầu, hỗ trợ và hướng dẫn trong những lúc gian nan” (Patris Corde).

Ông thánh Giuse là gương tốt lành

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, hình ảnh của thánh Giuse là gương mẫu trong một thế giới “cần những người cha và từ chối những ông chủ”, từ chối những người nhầm lẫn “quyền hành với sự độc tài, phục vụ với nô lệ, đối mặt với áp bức, bác ái với phúc lợi, sức mạnh với sự phá hủy”.

Đức Thánh Cha nêu bật những nhân đức trổi vượt như : Thánh Giuse là người cha được các tín hữu yêu mến, một người cha dịu dàng, một người cha vâng lời Thiên Chúa, một người cha của sự đón tiếp, một người cha can đảm sáng tạo, một người cha lao động, một người cha luôn là bóng mát chở che. Đó là nhừng lý do khiến Đức Thánh Cha Phanxicô công bố mở Năm Thánh Giuse (x. Patris Corde).

Còn tiếp….

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phượng Tím
Diệp Hải Dung
13:22 25/02/2021
PHƯỢNG TÍM
Ảnh của Diệp Hải Dung

Phượng tím là màu tôi vẫn thương
Vì hoa gợi nhớ nỗi buồn vương
Hoa tàn lại nở theo năm tháng
Hoa tím tôi yêu mọc cuối đường..
(DHD)
 
VietCatholic TV
Tự hào: Lịch sử Giáo Đô ghi nhận một vị Việt Nam giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 25/02/2021


1. Các giám mục Công Giáo Miến Điện kêu gọi hòa bình và đối thoại sau khi hai người biểu tình đã bị giết

Các giám mục Công Giáo Miến Điện đã kêu gọi “trở lại đối thoại” khi hai người biểu tình bị giết trong các cuộc biểu tình vào cuối tuần qua.

“Những cảnh đau lòng khi những người trẻ chết trên đường phố đã làm tổn thương lương tâm của một quốc gia”, các giám mục cho biết trong một bức thư ngày 21 tháng Hai.

“Quốc gia này nổi tiếng được mệnh danh là vùng đất vàng. Đừng để đất thiêng của nó thấm đẫm máu anh em”, các Giám Mục nói. “Nỗi buồn của những bậc cha mẹ chôn cất con mình đã phải dừng lại. Nước mắt của những người mẹ không bao giờ là điều may mắn đối với bất kỳ quốc gia nào”.

Bức thư được ký bởi 10 giám mục, trong đó có Hồng Y Charles Bo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện.

Lời kêu gọi của các giám mục được đưa ra sau khi có hai người chết và ít nhất 20 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Mandalay.

Những người biểu tình đang phản đối cuộc đảo chính quân sự vào tháng này và kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự được bầu của đất nước.

Bà đã bị bắt giữ cùng với Tổng thống Miến Điện Win Myint và các thành viên khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, khi quân đội nắm chính quyền vào ngày 1 tháng 2, dưới chiêu bài là có các gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, mà NLD đã giành được thắng lợi.

Các báo cáo hôm Chúa Nhật cho biết một số người biểu tình ở Mandalay đã ném đá vào cảnh sát, và cảnh sát đã đáp trả bằng súng bắn đạn thật và hơi cay.

Các giám mục kêu gọi bọn cầm quyền tìm kiếm hòa giải và hàn gắn, bắt đầu bằng việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị giam giữ.

“Chỉ một tháng trước đây, quốc gia này quy tụ với nhau chung quanh một lời hứa vĩ đại: đó là những giấc mơ tăng cường hòa bình và dân chủ mạnh mẽ”, các ngài viết. Một cuộc bầu cử đã được tổ chức bất chấp đại dịch coronavirus và “ thế giới ngưỡng mộ năng lực quản lý sự khác biệt của chúng ta”.

“Hôm nay thế giới khóc với chúng ta, một lần nữa tan vỡ bởi sự chia cắt của quốc gia này. Tuổi trẻ của chúng ta xứng đáng được sống tốt hơn”, các giám mục viết.

Các ngài nói rằng nếu Miến Điện không học cách giải quyết các vấn đề của mình một cách hòa bình, nó có thể bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.

“Hãy khẩn trương, việc sử dụng bạo lực phải dừng lại. Những bài học trong quá khứ cảnh báo chúng ta bạo lực không bao giờ chiến thắng. Bảy mươi hai năm sau khi độc lập, những người nắm quyền cần đầu tư vào hòa bình.”

“Cổ vũ hòa bình sẽ hàn gắn quốc gia này. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Hòa bình là có thể, hòa bình là con đường duy nhất”.


Source:Catholic News Agency

2. Trung Quốc mua lại các trường học của Anh để dạy cái nhìn tích cực về chính trị Trung Quốc

Theo một cuộc điều tra của tờ Daily Mail của Anh, ngày càng có nhiều trường tư thuộc hàng trứ danh bị các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại.

Mặc dù xu hướng này đã rõ ràng trong bốn năm qua, với mười bảy thương vụ được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc, mà đa số có liên quan đến các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản, dự kiến rằng “ hàng trăm,” trường học hiện đang được nhắm mục tiêu, khi nhiều trường phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu đáng kể do các hạn chế COVID-19.

Theo Daily Mail, các chủ sở hữu mới của Trung Quốc trong một số trường hợp đang sử dụng vị thế của mình để thúc đẩy quan điểm tích cực về chính trị và các sáng kiến thương mại của Trung Quốc.

Doanh thu của các trường bị sụt giảm trước hết là do sự sút giảm số người ghi danh học, sau đó học phí phải giảm, vì trẻ em phải ở nhà trong điều kiện khóa cửa, làm giảm số tiền phải trả cho học phí nội trú và tại chỗ. Các trường đã phải giảm 20 phần trăm trở lên cho học sinh học ban ngày, và giảm 35 phần trăm cho học sinh nội trú. Đồng thời, họ không thể cắt giảm chi phí giảng dạy vì các trường cần tiếp tục mở lớp “trực tuyến,” và đón con em của công nhân lao động không thể theo học ở nhà.

Ấn bản mới nhất của tờ The Mail on Sunday - ấn bản Chúa Nhật của Daily Mail - đã bắt đầu câu chuyện của mình với một cảnh báo thảm khốc: “ Các trường học ở Anh bán rẻ cho Bắc Kinh: các công ty Trung Quốc không chỉ mua lại các trường tư thục, còn đang dạy các bài học được cộng sản phê duyệt, đó là một mối đe dọa cho tự do ngôn luận”.

Tờ báo nói thêm rằng “các chuyên gia dự đoán một ‘cơn điên cuồng mua lại các trường’ khi các công ty, bao gồm cả một số công ty do các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ đối với hệ thống giáo dục của Anh”. Cuộc điều tra của tờ báo cho thấy “9 trong số 17 trường trứ danh nhất của Anh” đã nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc “thuộc sở hữu của các công ty mà người sáng lập hoặc ông chủ là những đảng viên cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.


Source:Life Site News

3. Lịch sử Vatican ghi nhận một vị Việt Nam giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma

Trong gần 100 năm, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm.

Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma bắt đầu tĩnh tâm Mùa Chay kéo dài một tuần, nhưng lần đầu tiên kể từ Công đồng Vatican II, cuộc tĩnh tâm này không diễn ra như một thời gian cầu nguyện chung vì đại dịch coronavirus.

Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu các thành viên của Giáo triều Rôma tự thu xếp một cuộc tĩnh tâm Mùa Chay riêng từ ngày 21 đến 26 tháng 2. Tất cả các sự kiện của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư, đều bị hủy bỏ trong tuần này.

Đức Giáo Hoàng Piô XI bắt đầu thực hành tĩnh tâm hàng năm tại Vatican. Ngài mời các linh mục Dòng Tên hướng dẫn các bài linh thao của Thánh Inhaxiô, hay còn gọi là Thánh I Nhã, cho chính mình và Giáo triều vào năm 1925. Đức Piô XI là một người rất ngưỡng mộ Thánh Inhaxiô thành Loyola, người sáng lập Dòng Tên, nên vào năm 1922, ngài tuyên bố rằng Thánh Inhaxiô là đấng bảo trợ các tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma.

Trong thông điệp “Mens nostra” nhằm cổ vũ việc thực hành tĩnh tâm, Đức Piô XI đã chính thức thiết lập tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma như một thông lệ hàng năm vào năm 1929.

Ngài viết: “Từ lâu, Tòa thánh này, nơi thường khen ngợi các bài tĩnh tâm bằng thuyết giảng, đã dạy các tín hữu bằng chính gương sáng và uy quyền của mình, biến ngôi đền Vatican lộng lẫy thành Phòng Tiệc ly để suy tư và cầu nguyện; đó là phong tục mà chúng tôi đây sẵn lòng đón nhận, với niềm vui và niềm an ủi không nhỏ cho chính chúng tôi”.

“Và để chúng tôi có thể bảo đảm niềm vui và sự an ủi này, cho cả chính chúng tôi và những người ở gần chúng tôi, chúng tôi đã có những sắp xếp để tổ chức các cuộc tĩnh tâm hàng năm tại Vatican”.

Các bài tĩnh tâm tại Vatican ban đầu diễn ra trong tuần đầu tiên của Mùa Vọng. Trong số các tu sĩ Dòng Tên đã giảng về các bài tập của Thánh Inhaxiô tại Vatican có Cha Paolo Dezza, người đã hướng dẫn các bài tĩnh tâm vào năm 1942 cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12. Cha Dezza sau này trở thành cha giải tội của Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Trong khi các tu sĩ Dòng Tên thường hướng dẫn các tuần tĩnh tâm của Giáo triều Rôma hàng năm trong suốt 30 năm, thì Thánh Giáo hoàng Gioan 23 đã mời các giáo sĩ Ý khác, bao gồm một linh mục quản xứ và một giám mục, để hướng dẫn các bài suy niệm cho giáo triều. Ngài cũng đình chỉ hoàn toàn các tuần tĩnh tâm vào năm 1963 do các cuộc họp của Công đồng Vatican II.

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã chuyển các buổi suy niệm hàng năm từ Mùa Vọng sang Mùa Chay và là người đầu tiên chọn những người không phải là người Ý để giảng các bài tĩnh tâm. Ngài đặc biệt mời một vị Hồng Y trẻ đến từ Ba Lan hướng dẫn cuộc tĩnh tâm Mùa Chay: đó là Đức Hồng Y Karol Wojtyła, người đã thuyết giảng vào năm 1976 về “Chúa Kitô, một dấu chỉ của sự hạ mình” hai năm trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Giáo Hoàng tương lai Bênêđíctô 16, đến giảng các bài tĩnh tâm vào năm 1983. Đặc biệt, vào năm 2000, một năm trước khi ngài được phong Hồng Y, Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã thuyết giảng cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma.

Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, sinh ngày 17 tháng Tư, 1928, đã bị cộng sản bắt ngày 15 tháng 8, 1975 khi ngài đang là Giám Mục Phó tổng giáo phận Sàigòn. Sau 13 năm kiên giam, ngài được trả tự do ngày 21 tháng 11, 1988 và bị quản thúc tại Hà Nội. Năm 1991, ngài được sang Rôma nhưng không được về nước. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào phái đoàn Di Dân quốc tế tại Geneva. Ngày 24 tháng 11, 1994, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, cùng với quyết định mãn nhiệm Tổng Giám Mục Phó của Sàigòn. Ngày 21 tháng Hai, 2021, ngài được tấn phong Hồng Y hiệu tòa Santa Maria della Scala, tức là nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang. Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 16 tháng 9, 2002.

Đức Bênêđíctô XVI đã mời các Hồng Y từ Phi Châu đến giảng các bài tĩnh tâm, trong số đó có Đức Hồng Y Francis Arinze và Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên chuyển tuần tĩnh tâm từ Vatican đến một nhà tĩnh tâm bên ngoài Rôma. Trong bảy năm qua, cuộc tĩnh tâm đã diễn ra trong một ngôi nhà tĩnh tâm ở thị trấn Ariccia ở Alban Hills, phía đông nam của Rôma. Năm ngoái, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tham gia vì bị cảm lạnh.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia khóa tĩnh tâm Mùa Chay “ở nhà”, theo dõi với các bài tĩnh tâm và suy niệm từ nơi ở của ngài, Casa Santa Marta.

Theo linh mục Pauline, người điều hành trung tâm tĩnh tâm Casa Divin Maestro, nơi đã diễn ra khóa tĩnh tâm của giáo hoàng từ năm 2014, một ngày điển hình trong khóa tĩnh tâm bắt đầu bằng Thánh lễ. Sau bữa sáng, các Giám Mục và Hồng Y nghe bài suy niệm đầu tiên trong nhà nguyện.

Cha Olinto Crespi nói với CNA vào năm 2017 rằng bài suy niệm thứ hai được trình bày sau bữa trưa. Các thời gian khác dành cho việc cầu nguyện. Nhà tĩnh tâm cũng cung cấp truy cập internet, vì vậy những người đứng đầu cần trả lời email hoặc làm một số công việc trong tuần có thể làm được.

Do những hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus, Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cho mỗi thành viên của Giáo triều Rôma một cuốn sách để các ngài đọc thay thế cho tuần tĩnh tâm.

Cuốn sách được viết bởi một tu sĩ Xitô ẩn danh vào thế kỷ 17 và có tựa đề “Abbi a cuore il Signore”, có nghĩa là “Hãy giữ Chúa trong trái tim bạn”. Ban đầu cuốn sách được viết để giúp các tu sĩ ở tu viện San Bartolo của Ý phát triển đời sống tâm linh.

Trong cuốn sách này, vị thầy của tu viện San Bartolo viết: “Chúa sẽ gặp bạn ở nơi mà nhân tính của bạn đã chịu hạ mình đến tận cùng của sự yếu hèn và bạn sẽ đạt đến nhận thức về giới hạn của mình. Nếu bản thân bạn không chọn con đường hạ mình, cuộc sống sẽ đưa bạn đến nơi bạn không muốn vì như Chúa dạy, chỉ những ai sống sự yếu đuối của mình với sự khiêm nhường mới được tôn cao”.


Source:Catholic News Agency

4. Amazon loại bỏ sách của một học giả phê bình ý thức hệ chuyển giới

Cuốn sách phê bình của một học giả về phong trào chuyển giới đã bị xóa khỏi Amazon.com.

Vào chiều Chúa Nhật, Ryan Anderson - chủ tịch hiện tại của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công, gọi tắt là EPPC - đã thông báo rằng cuốn sách “When Harry Became Sally: Responding to the Transgender Moment” nghĩa là “Khi Harry trở thành Sally: Đáp lại Phong Trào Chuyển Giới” của ông không còn được niêm yết trên trang bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon.com. Cuốn sách đã được phát hành ba năm trước, vào ngày 20 tháng 2 năm 2018.

Anderson nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào sáng thứ Hai rằng ông đã được cảnh báo về tình hình theo đó “những người cố gắng mua nó nói với tôi rằng nó đã biến mất”.

“Và không chỉ giống như nó hết hàng. Các trang bị xóa bỏ. Bạn không thể mua cả một cuốn sách cũ đã qua sử dụng. Bạn không thể mua bản kindle. Bạn không thể tải phiên bản Audible”, Anderson nói với CNA. Ông nói rằng nhà xuất bản cuốn sách của ông đã yêu cầu Amazon giải thích tại sao nó không được niêm yết trực tuyến, nhưng vẫn chưa nhận được lời giải thích.

Tính đến chiều thứ Hai, cuốn sách không được liệt kê trên Amazon, nhưng vẫn có tại nhà bán lẻ sách Barnes and Noble.

Người phát ngôn của Amazon từ chối bình luận về những tuyên bố của Anderson vào thứ Hai.

Trong số các nội dung bị cấm theo nguyên tắc của Amazon có những nội dung mà Amazon đơn phương “xác định là ngôn từ kích động thù địch” cùng với “tài liệu khác mà chúng tôi cho là không phù hợp hoặc xúc phạm”.

Ngoài ra, Amazon tuyên bố rằng nếu họ quyết định xóa bỏ một nội dung, chính sách của họ là thông báo cho “tác giả, nhà xuất bản hoặc đối tác bán hàng” về việc hủy niêm yết và cho phép họ kháng nghị.

“Nếu chúng tôi xóa một tựa sách, chúng tôi sẽ thông báo cho tác giả, nhà xuất bản hoặc đối tác bán hàng và họ có thể kháng nghị quyết định của chúng tôi”, công ty tuyên bố.

Tuy nhiên, Anderson nói với CNA rằng tính đến chiều thứ Hai, ông vẫn chưa nghe bất kỳ lời giải thích nào từ công ty này về việc cuốn sách của ông không được niêm yết trên mạng.

“Khi Harry trở thành Sally” là cái nhìn chỉ trích của Anderson về phong trào chuyển giới, khám phá các lĩnh vực sinh học, tâm lý và triết học của cuộc tranh luận về người chuyển giới. Ông đã thẳng thắn đối với các chủ đề như khái niệm về tính linh hoạt của giới tính, những lợi ích tâm lý có chủ đích của phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho những người mắc chứng phiền muộn giới tính, và những tác động của trào lưu “hủy bỏ sự phân biệt giới tính” — như quyền đi vào các phòng tắm, và phòng thay quần áo trên cơ sở tự nhận dạng giới tính.

Cuốn sách của Anderson đã được khen ngợi bởi các giáo sư tâm thần học, tâm lý học và y đức tại các trường đại học như Johns Hopkins, Đại học Boston, Đại học New York và Đại học Columbia.

Bất chấp sự hoan nghênh từ các học giả, ông cho biết nó vẫn bị triệt hạ tại Amazon. “Không phải là bạn nói như thế nào, không phải là bạn lập luận chặt chẽ ra sao, không phải là bạn trình bày nó một cách thận trọng như thế nào, bạn bất đồng hay ủng hộ trào lưu mới này mới là vấn đề,” ông nói.

Hôm thứ Sáu, một dự luật đã được đưa ra tại Hạ viện để công nhận khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính là những gì sẽ được pháp lý được bảo vệ.

Những người chỉ trích như Anderson đã lập luận rằng luật này sẽ làm xói mòn các biện pháp bảo vệ tự do tôn giáo và sẽ yêu cầu phụ nữ phải chia sẻ những không gian nhạy cảm như phòng tắm, nơi cư trú hoặc phòng thay quần áo, với những người đàn ông về mặt sinh học nhưng tự coi mình có “bản săc giới tính” là phụ nữ.

“Đừng mắc sai lầm, cả các Đại Gia Nhà Nước lẫn các Đại Gia Kỹ Thuật đều có thể làm suy yếu phẩm giá và tự do của con người, chà đạp phúc lợi của cá nhân và lợi ích chung”, Anderson tuyên bố hôm thứ Hai.


Source:Catholic News Agency