Ngày 21-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư Lễ Tro 22/02/2023 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:17 21/02/2023

BÀI ĐỌC 1 Ge 2:12-18

Bài trích sách ngôn sứ Giô-en.

Đây là sấm ngôn của Đức Chúa:

“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”

Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ.

Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.

Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú.

Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng:

“Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?” Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 2Cr 5:20-6:2

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy.

Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.

Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x. Tv 94:7b,8a

Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.

TIN MỪNG Mt 6:1-6,16-18

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.

Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Đó là Lời Chúa.
 
Yêu thương không oán hận
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:35 21/02/2023


YÊU THƯƠNG KHÔNG OÁN GIẬN

LỄ TRO 2023

Chúa nhật thứ VII thường niên năm A vừa mới qua, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm Chúa Giêsu truyền dạy: “Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình… Các con hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ…” (Lc 6, 27- 38).

Nếu mùa Chay là mùa của bác ái, tha thứ, khoan dung, chia sẻ… thì nội dung Tin Mừng trong Chúa nhật thứ VII vừa qua, là sự chuẩn bị vô cùng thuận lợi, giúp ta lấy đó mà suy xét bản thân, lấy đó làm hành trang bước vào mùa Chay.

Nhờ sự chuẩn bị đó, lòng mình thật sự có chất liệu cần thiết ngày đầu tiên của mùa chay, bằng việc xức tro lên đầu, ta không xức cho có, không xức tro hình thức, mọi người đi, tôi cũng đi. Nhưng là đường đường chính chính khai mạc mùa Chay bằng tâm hồn đã chuẩn bị từ trước, chuẩn bị thật sự, giờ đây được thể hiện qua việc tôi chịu xức tro với một quả tim đã thấm đẫm tình yêu, chan chứa lòng khoan dung, nhân hậu và thứ tha...

Cùng với việc khai mạc mùa Chay bằng nghi thức xức tro, và một tâm hồn đã được chuẩn bị như thế, tôi sẽ bước vào mùa Chay và sống mùa Chay với tất cả nỗi lòng của một người biết thống hối. Có ý thức, có dọn lòng ngay từ buổi đầu như thế, mới mong ta sống trọn vẹn ý nghĩa của mùa Chay.

Riêng tôi, được gợi hứng từ Tin Mừng của Chúa nhật thứ VII thường niên, sẽ quyết tâm sống lòng bác ái trong mùa Chay, thể hiện qua một nghĩa cử cụ thể đó để cho thấy lòng bác ái với cho anh chị em của mình.

Bởi tự bản thân, tôi thấy mình còn yếu kém về tình yêu thương tha nhân lắm. Đã nhiều lần cố gắng, nhưng rất nhiều lần thất bại. Được gợi hứng từ Tin Mừng, tôi đúc kết thành một lời ngắn gọn khác, làm quyết tâm cụ thể giúp bản thân sống mùa Chay này. Quyết tâm này chẳng phải điều gì xa xôi. Nó được rút ra từ ý nghĩa của Lời Chúa trong thư thứ I thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô, chương 13: “LÒNG MẾN KHÔNG OÁN GIẬN”.

Hôm nay tôi muốn chia sẻ quyết tâm này đi liền với tấm gương cao cả và thánh thiện mà vị Cha già kính yêu của Giáo Hội đã từng sống: Đó là gương của thánh Gioan Phaolô II, con người của sự hiếu hòa, con người của lòng mến và không oán giận.

Nói đến lòng mến, thường chúng ta áp dụng cho cả hai chiều kích:

1. Thiên Chúa và con người.

Thiên Chúa yêu con người, tha thứ cho con người. Con người sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa: con người yêu mến Thiên Chúa.

2. Con người với nhau.

Lòng mến là đón nhận nhau, tha thứ cho nhau, bác ái yêu thương nhau, hiền hòa, chịu đựng lẫn nhau…

Nhưng ở đây tôi muốn giới hạn thêm: “Lòng mến không oán giận” có nghĩa là trong bài này, tôi muốn nói riêng về sự tha thứ dành cho anh chị em.

Tôi học được bài học tha thứ và xin tha thứ của thánh Gioan Phaolô II. Trong cuộc đời làm giáo hoàng của mình, thánh nhân nhiều lần lên tiếng xin lỗi.

Đặc biệt, dịp cử hành năm Thánh 2.000, chính ngài đại diện cả Giáo Hội, xin lỗi thế giới, xin lỗi các giáo hội ly khai và nhiều tôn giáo khác. Đặc biệt, ngài xin Thiên Chúa tha lỗi cho Giáo Hội. Sau đó, Đức Gioan Phaolô lại còn làm sổ kê khai nhiều lỗi lầm của Giáo Hội trong suốt thiên niên kỷ thứ II.

Thực ra, trước thánh Gioan Phaolô, thánh Phaolô VI có một lần xin lỗi thế giới tại Công Đồng Vatican II. Nhưng sau đó, lời xin lỗi của Đức Phaolô VI chìm vào quá khứ. Vì thế, hành động của Đức Gioan Phaolô II, được coi là hành động can đảm, mang tầm cở lịch sử.

Đức Gioan Phaolô II được coi là vị Giáo hoàng đầu tiên trong 264 vị Giáo hoàng của Giáo Hội từ xưa tới nay, chính thức xin thế giới, xin các tôn giáo, và xin mọi người đồng thời với việc xin Thiên Chúa tha thứ cho Giáo Hội.

Là một người hiếu hòa, ưa thích hòa giải, Đức Thánh Cha chắc chắn rất đau lòng khi nhìn thấy nhân loại thiếu khoang dung, chỉ nuôi lòng thù hận.

Không đau lòng sao được, khi vị lãnh đạo của một tôn giáo lớn, nhìn thấy quê hương của Chúa Giêsu, người Palestine và người Israel cứ mải miết trong bạo lực, hận thù. Ngày nay, chắc chắn vị thánh của sự hiếu hòa đang cầu nguyện cho chiến tranh tại Ukraine, cũng như nhiều bức tường ngăn cách khác rải rác trên khắp thế giới... Bởi chúng là bằng chứng cho thấy lòng khoan dung nơi con người đã thất bại nặng nề.

Mặt khác, nguy cơ giết người trên thế giới nói chung, và tại nhiều điểm nóng của thế giới lớn đến mức làm cho người ta phải sống trong hồi hộp từng ngày.

Bởi thế lòng yêu thương con người là cần thiết, là điều kiện trên mọi điều kiện để nhân loại có hòa bình. Vì lòng yêu thương, trước hết, sẽ làm cho lòng người không chấp nhất, không oán hận.

Nhớ lại sự kiện hồi tháng 5.1980, sau khi bị ám sát trọng thương, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phải nằm viện một thời gian lâu. Nhưng ngay sau khi lành bệnh, ngài đã đến nhà tù thăm kẻ sát hại mình. Chính trong nhà giam ấy, vị Giáo hoàng như người cha âu yếm đứa con của mình. Ngài thân thiện đến gần anh, trao cho anh tình thương và sự tha thứ. Ít lâu sau, anh đã được tha bỏng.

Vị Cha chung của Giáo Hội đã đi đầu trong vấn đề yêu thương và không oán hận, lẽ nào chúng ta không lấy đó làm gương cho mình mà sống với anh chị em xung quanh. Nhất là viễn cảnh của mùa Chay, mùa phụng vụ thích hợp nhất để sống tình yêu, lòng bác ái, lời xin lỗi và hối hận vì đã lầm lỗi.

Tôi nghĩ, việc giữ chay kiêng thịt, hy sinh hãm mình của chúng ta chỉ có kết quả thật sự khi bản thân biết xóa bỏ hận thù, oán ghét.

Ăn chay mà lòng đầy căm giận thì thật là khó hiểu.

Nhưng tha thứ không phải dễ.

Ta phải chấp nhận nhiều sự từ bỏ, chấp nhận hạ mình mới mong lòng tha thứ thành công.

Lòng tha thứ chính là sự hy sinh hãm mình lớn nhất để ta sống trọn vẹn ý nghĩa của mùa Chay.

Bên cạnh nỗ lực cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng lãnh bí tích hơn, nhất là bí tích giao hòa, ăn chay, hy sinh, hãm dẹp thói hư tật xấu, xa tránh tội lỗi, xa tránh dịp tội… lòng tha thứ không oán giận đối với anh chị em sẽ là điểm sáng đáng để chúng ta nhân lên và cố gắng ngày một hơn.

Tuy đây chỉ là quyết tâm riêng, nhưng cũng có thể coi là lời đề nghị cụ thể chúng ta sống tinh thần mùa Chay.

Hành vi rắc tro lên đầu là nhắc nhỡ ta tự ý thức mình hèn mọn, bé nhỏ, yếu đuối. Từ đó ta ý thức hơn về bản thân, đừng cố chấp lỗi lầm của anh chị em.

Ta rắc tro lên đầu để bày tỏ lòng thống hối, vì thế đừng mang lòng thù hận mà xin rắc tro.

Hãy yêu thương và hãy tha thứ.

Vì yêu thương thì không oán giận.
 
Xót thương, tất cả chỉ có thế
Lm Minh Anh
15:49 21/02/2023

“XÓT THƯƠNG”, TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ!
“Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!”.

C. H. Spurgeon viết, “Khi nói về thiên đàng, hãy để khuôn mặt bạn sáng lên, hãy để nó rạng rỡ với ánh sáng mặt trời! Nhưng khi nói về địa ngục, cứ để nó tự nhiên, khuôn mặt bình thường của bạn làm được điều đó! Còn khi nói về Chúa, bạn chỉ cần cúi đầu để biết phận mình, phận những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng. Và Ngài, Thiên Chúa, Đấng ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’; và Mùa Chay, Mùa Xót Thương, tất cả chỉ có thế!’. Phụng vụ Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro cũng chỉ nói đến ngần ấy. Xót thương là thấu hiểu, chia sẻ và liên luỵ; vì thế, khi chúng ta kêu lên, “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!” như lời Thánh Vịnh đáp ca, là chúng ta đang kéo ghì Thiên Chúa xuống, để Ngài tiếp tục xót thương!

Nói đến Mùa Chay, chúng ta thường sợ hãi vì “phải từ bỏ một cái gì đó”; nhưng nếu đó là suy nghĩ thật, chúng ta đang mất điểm! “Phải từ bỏ một thứ gì đó?”. Vâng, đúng và không! Đúng, vì Chúa muốn điều này, và Chúa Giêsu đã nói đến thực hành khổ chế; chẳng hạn Tin Mừng hôm nay nói đến cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Quả là vậy! Nhưng đúng hơn, Mùa Chay là mùa mời gọi đến với ân sủng hơn là mùa của những gánh nặng.

“Từ bỏ một cái gì đó” thực sự mang ý nghĩa chìm hẳn vào lòng xót thương của Thiên Chúa ở một mức độ sâu hơn! Đó là cởi bỏ tất cả những gì đang trói buộc hầu có thể trải nghiệm một cuộc sống mới. “Từ bỏ một cái gì đó” đơn giản như nhịn ăn, nhịn uống vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Bởi lẽ, nó tiếp sức cho chúng ta về tinh thần và ý chí để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở mức độ Chúa muốn. Nhưng, “từ bỏ một điều gì đó” để được ‘Một Ai đó’ thì đáng giá hơn nhiều! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để phản ánh thiên đàng, “để khuôn mặt của bạn sáng lên, cho nó rạng rỡ bởi ánh sáng mặt trời!”.

Vậy mà trong cuộc sống, chúng ta thường bị thao túng bởi những cảm xúc và ham muốn; chúng điều khiển chúng ta một cách dễ dàng! Ấy thế, việc thực hành khổ chế, từ chối bản thân sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các khuynh hướng rối loạn hơn là bị chúng điều khiển. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ đồ ăn thức uống, nhưng còn cho những gì tích cực hơn; nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái đối với tha nhân.

‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’. Trải nghiệm lòng thương xót Chúa, chúng ta trải nghiệm việc Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là yêu theo cách Ngài yêu; tự do để tình yêu chiếm lấy và chấp cánh cho mình. Một khi được tình yêu chiếm hữu, chúng ta mẫn cảm hơn với Chúa; sợ mất lòng Ngài, muốn trở về với Ngài như Gioel và Phaolô hôm nay mời gọi. Được tình yêu chiếm hữu, việc cầu nguyện, giữ chay và thương xót sẽ không còn khó khăn!

Anh Chị em,

‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’. Đó là quà tặng miễn phí được trao ban hoàn toàn từ động lực của tình yêu, một tình yêu được Thiên Chúa ban tặng chúng ta, vốn là phận tro trấu, cách đặc biệt trong Mùa Chay. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn bạn và tôi suốt Mùa Chay này, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương, chúng ta biết xót thương nhau. Hãy biến Mùa Chay thành mùa ân sủng tuyệt vời, đừng mắc kẹt với ý nghĩ, những hy sinh là nặng nề; chúng là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến một cuộc sống mới mà Thiên Chúa muốn ban tặng mỗi người!
Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu, “Xót thương” là quà tặng Chúa ban cho con trong Mùa Chay này; chớ gì, con cũng biết tặng trao nó cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:53 21/02/2023

4. Dấu thương tích của Đức Chúa Giê-su có thể làm cảm động tâm hồn cứng cỏi, có thể đốt cháy linh hồn đóng băng, có thể trói buộc người tham vọng.

(Thánh Wenceslaus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Tro: tàn tro, tạm thời, tin tưởng
Lm Nguyễn Xuân Trường
15:54 21/02/2023
LỄ TRO: TÀN TRO, TẠM THỜI, TIN TƯỞNG

Có bà đi lên xức tro, lại cứ quen như lên rước lễ, tự động há miệng ra, may mà cha không quen tay đưa nắm tro vào mồm thì chết sặc mất! Xức tro trên đầu có phải để cho người già đỡ bị rụng tóc, trẻ con lại ít khóc hay ăn chóng lớn? Nếu không phải vậy, thì đâu là ý nghĩa của Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay thánh?

1. Tàn Tro. Kinh Thánh nhiều lần dùng hình ảnh tro để diễn tả lòng sám hối trở về cùng Chúa. Chúa yêu thương muốn gần con người. Nhưng tội lỗi lại luôn kéo đẩy con người rời xa Chúa. Tội lỗi thiêu rụi tình người với Chúa chỉ còn như nắm tro tàn. Nên sám hối là từ tro tàn, khơi lại ngọn lửa yêu thương với Chúa.

2. Tạm Thời. Lời đọc khi xức tro diễn tả phận người mong manh: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro.” Ta không sống mãi, trần gian chỉ là cõi tạm. Hãy hỏi lòng mình: ngày lìa đời tôi đem đi được gì? Mọi thứ chức quyền, danh vọng, tiền bạc, nhan sắc đều lìa xa, người cho ta vàng mã! Chỉ có công phúc nghĩa tình mới cùng ta đi vào cõi thiên thu. Thế nên, tro nhắc nhở mỗi người phân định cái gì chỉ là tạm thời, cái gì mới là vĩnh cửu.

3. Tin Tưởng. Ý thức thân phận tội lỗi và mong manh, việc xức tro dẫn con người tới Tin Tưởng như lời đọc: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đích điểm của Mùa Chay là Tin: tin vào Chúa yêu thương đến độ hy sinh mạng sống cứu con người; tin vào Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại; tin và sống Tin Mừng yêu thương của Chúa. Để tin và sống Tin Mừng thì trước tiên phải đọc, phải học, phải nghe Tin Mừng hằng ngày, bởi vì “vô tri bất mộ”. Không thể tin yêu Chúa nếu không biết Tin Mừng của Ngài.

Lễ Tro hãy lo sám hối từ bỏ tội lỗi, thay đổi đời sống, trở về để tin yêu Chúa và tha nhân. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:55 21/02/2023
68. VÌ NƯỚC MÀ YÊU MẠNG SỐNG

Nhung Di phản bội nước Tề bỏ chạy qua nước Sở, đúng lúc gặp thời tiết khô hanh, cửa thành nước Sở lại đóng kín, nên đành phải ngủ ngoài trời cùng với đệ tử.

Nửa đêm hàn khí lạnh thấu xương, Nhung Di nói với đệ tử:

- “Con cởi áo đưa cho thầy mặc thì ta mới không bị chết cóng; ta cởi áo cho con mặc, con cũng có thể duy trì sự sống. Nhưng ta là trí thức của nước nhà ( nhân tài của quốc gia), vì bá tánh mà ta phải quý trọng sinh mệnh của mình; con là người thấp kém không giống như ta, nên không cần phải qúy trọng thân thể mình, con nên đưa áo của con cho ta mặc.”

Đệ tử trả lời:

- “Con là người thấp kém không giống ai, làm sao có thể có phẩm chất cao thượng mà dám cởi áo cho người trí thức quốc gia được chứ?”

Nhung Di thở dài nói:

“Ái dà! Lý tưởng xã hội của ta, xem ra không dễ thực hiện được.”

Nói xong, liền cởi áo cho tên đệ tử, nửa đêm thì bị chết cóng, mà tên đệ tử thì lại sống.

( Lữ thị xuân thu)

Suy tư 68:

Người có học thì thời buổi nào cũng được nể nang, nể nang chứ không phải kính trọng hoặc kính nể. Nhưng được mọi người kính trọng và kính nể chưa chắc là người học rộng, mà là do đạo đức và cuộc sống của họ khiến cho mọi người đem lòng yêu mến kính trọng.

Người ta phân biệt: người có học là người có...đi học, thường là bậc trung học; nhưng để được coi là người trí thức thì phải bậc đại học trở lên, và muốn được người khác kính trọng thì phải có đạo đức đi kèm.

Xã hội thì luôn tìm người tri thức để trọng dụng, giữa người với người thì nể nang nhau không những bằng tri thức mà còn vì tình cảm đạo đức, mất đi đạo đức thì chỉ là nét giả tạo bên ngoài mà thôi.

Trước mặt Thiên Chúa người có học hay không có học, người trí thức hay không trí thức thì đều giống nhau, chỉ khác nhau ở một điểm: “Ai là người kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương người thân cận như chính mình” mà thôi.

Điều đó là quan trọng số một.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Tư Lễ Tro
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:57 21/02/2023
THỨ TƯ LỄ TRO

Tin mừng: Mt 6, 1-6; 16-18.

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”


Bạn thân mến,

Thói giả hình của bạn và tôi làm cho Đức Chúa Giê-su buồn bực trong vuồn Giết-sê-ma-ni, lòng kiêu ngạo của chúng ta làm cho Đức Chúa Giê-su phải chết trên thập giá, duy chỉ có lòng chân thành của chúng ta đối với Chúa và đối với anh em, mới làm cho Đức Chúa Giê-su phục sinh mỗi ngày trong tâm hồn chúng ta, và trong tâm hồn của tha nhân mà thôi.

Khởi đầu mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin vào Phúc Âm của ngày hôm nay: sống chân thực và chân thành với anh chị em của mình, không giả hình giả bộ, không đạo đức giả như những người Pha-ri-siêu mà Đức Chúa Giê-su vẫn thường quở trách, bởi vì thói giả hình chỉ làm cho chúng ta như cái mả tô vôi bên ngoài thì sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì hôi thối xấu xa.

Có nhiều lần bạn và tôi sống giả hình với tha nhân khi chúng ta trong lòng rất oán ghét họ, nhưng bên ngoài thì làm bộ thân thiện, miệng nói lời ngon ngọt nhưng trong lòng thì chất chứa những mưu thâm hại người; đã nhiều lần bạn và tôi ăn chay bên ngoài như làm việc thiện, đọc kinh, thân thiện, nhưng bên trong tâm hồn thì ăn mặn những thức ăn như kiêu ngạo, ghét ghen, giận hờn, vu khống hàm hồ cáo gian.v.v...tất cả những điều đó, đã làm cho chúng ta trở thành những tên quân dữ đóng đinh tha nhân vào thập giá với Đức Chúa Giê-su rồi.

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa của cầu nguyện, sám hối và hy sinh. Nếu bạn và tôi không cầu nguyện thì sẽ có ngày muốn cầu nguyện mà không được; nếu bạn và tôi không sám hối thì tất sẽ có ngày hối không kịp; nếu bạn và tôi không hy sinh thì sẽ có ngày muốn hy sinh mà cũng không có cơ hội, bởi vì ngày giờ của Đức Chúa Giê-su đến thì không ai biết được cả.

Mùa chay thánh năm nay, bạn và tôi –ít nữa- cũng có một quyết tâm cho mình, đó là phải sống tốt lành hơn mùa chay năm ngoái, phải sống làm chứng nhân cho Chúa hơn những ngày khác, bằng cách sống rất chân thực và chân thành với anh chị em của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Tro lo cõi lòng
Lm Nguyễn Xuân Trường
17:49 21/02/2023

LỄ TRO LO CÕI LÒNG
Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro nhấn mạnh về LÒNG: Lòng Chúa lòng con.

1. Hết lòng trở về. - Bài Đọc 1 mời gọi chúng ta hết lòng trở về cùng Chúa bằng câu nói giàu hình ảnh “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.” Sám hối là hết lòng trở về cùng Chúa bằng cả tấm lòng.

2. Lòng Chúa thương xót. - Bài Đọc 1 diễn tả lòng Chúa “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” Bài Đáp Ca làm nổi bật hình ảnh một Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu thương xót bằng việc rộng lòng tha thứ xóa sạch mọi tội lỗi cho dân Người.

3. Lòng con thay đổi. - Câu Tung hô Tin Mừng kêu gọi “anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.” Hãy thay đổi cứng lòng thành mềm lòng và mở lòng, để Chúa biến đổi chúng ta từ lòng chai dạ đá thành lòng ngay dạ thẳng, lòng tội lỗi thành lòng trong trắng, lòng bất trung thành lòng chung thủy, lòng xác thịt thành lòng đầy Thần Khí.

4. Chúa thấu lòng thành. - Bài Tin Mừng nhấn mạnh Thiên Chúa là Cha thấu suốt những gì kín đáo trong lòng. Thế nên, khi làm phúc, cầu nguyện, ăn chay, thì hãy làm thật lòng, làm với tất cả lòng thành chứ không phô trương hình thức bề ngoài.

Tin yêu Chúa, tin yêu nhau thực sự rất cần một tấm lòng thành để sống thật lòng, mở lòng, rộng lòng và hết lòng. Thế nên, Lễ Tro là dịp để lo cõi lòng mình. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nữ tu bóng rổ 103 tuổi Jean Dolores Sơ Schmidt ra mắt hồi ký
Đặng Tự Do
07:48 21/02/2023


Ở tuổi 103, Nữ tu Jean Dolores Schmidt thuộc Dòng Nữ tu Bác ái Đức Trinh Nữ Maria được hầu hết mọi người gọi đơn giản là “Sơ Jean” hay “nữ tu bóng rổ”.

Với phương châm “tôn thờ, làm việc, chiến thắng,” Sơ Schmidt từ lâu đã được sinh viên yêu thích tại Đại học Loyola của Chicago vì tốt bụng và tình yêu bóng rổ nhiệt thành của sơ.

Giờ đây, với sự giúp đỡ của nhà báo thể thao Seth Davis, sơ đang xuất bản cuốn hồi ký của mình, có tựa đề “Thức dậy với mục đích: Điều tôi đã học được trong một trăm năm đầu tiên của mình” (Harper Select, 2023).

Được dự trù phát hành vào ngày 28 tháng 2, cuốn hồi ký của Sơ Schmidt sẽ chia sẻ một số bài học và trí tuệ mà sơ đã tích lũy được trong 103 năm cuộc đời. Harper Select gọi cuốn hồi ký của Sơ Schmidt là “một phần câu chuyện cuộc đời, một phần văn bản triết học và một phần hướng dẫn tinh thần.”

Với tư cách là tuyên úy của đội bóng rổ nam Ramblers của Đại học Loyola, Sơ Schmidt đã giành được danh hiệu huyền thoại khi đội bóng thân yêu của sơ tiến vào Chung kết năm 2018.

Sinh năm 1919, Sơ Schmidt nói rằng lần đầu tiên sơ cảm thấy được Chúa kêu gọi trở thành một nữ tu khi sơ được truyền cảm hứng từ giáo viên lớp ba của mình, một Nữ tu Bác ái.

Trong cuốn hồi ký của mình, Sơ Schmidt viết rằng từ đó sơ cầu nguyện mỗi ngày: “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu điều con nên làm, nhưng xin hãy nói với con rằng con nên trở thành một nữ tu Dòng Bác ái Đức Trinh Nữ Maria.”

Sống qua cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai, Sơ Schmidt đã cống hiến toàn bộ cuộc đời trưởng thành của mình cho mục vụ giảng dạy.

Năm 1994, sơ được bổ nhiệm làm tuyên úy đội bóng rổ Ramblers. Trong cuốn hồi ký của mình, Sơ Schmidt gọi vai trò tuyên úy của mình là “vị trí siêu việt và biến đổi nhất” trong cuộc đời sơ.

“Thể thao rất quan trọng vì chúng giúp phát triển các kỹ năng sống,” Sơ Schmidt nói, theo Associated Press. Và trong những kỹ năng sống đó, bạn cũng đang nói về đức tin và mục đích.”

Cho đến ngày nay, sinh viên cũng như giảng viên đều ngạc nhiên trước nghị lực và sự tận tâm của Sơ Schmidt đối với cả bóng rổ và các sinh viên của sơ ấy.

“Sự nhiệt thành của sơ ấy thật đáng kinh ngạc,” Tom Welch, 22 tuổi, tiền đạo cấp cao của Ramblers, nói với AP. Sơ làm điều đó hàng ngày, mọi trận đấu. Sơ mang lại nguồn năng lượng tương tự cho những lời cầu nguyện trước khi thi đấu của chúng tôi.”

Matt Baugher của tạp chí Harper Select đã nói: “Ngày nay khó có thể đạt được sự thông thái, nhưng tôi không thể nghĩ ra một người nào có nhiều điều đó hơn Sơ Jean”.

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong 103 năm qua, nhưng những điều quan trọng vẫn không thay đổi,” Sơ Schmidt nói về cuốn hồi ký sắp xuất bản của mình. “Tôi muốn kể lại câu chuyện cuộc đời mình cho mọi người, không phải vì tôi cảm thấy mình quá đặc biệt hay cuộc sống của tôi quá phi thường, mà là một cách để mang đến cho mọi người hy vọng và sự lạc quan rằng một khi họ tìm thấy mục đích của mình, họ có thể trải qua cuộc sống với niềm vui và sự viên mãn.”

“Thức dậy với mục đích!” hiện đã có sẵn để đặt hàng trước.
Source:Catholic News Agency
 
Các Giám mục Hoa Kỳ: Tài liệu của FBI nhắm vào người Công Giáo là lập hồ sơ tôn giáo
Đặng Tự Do
07:50 21/02/2023


Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã phản hồi hôm thứ Năm về một tài liệu bị rò rỉ từ FBI dường như tiết lộ rằng bộ phận Richmond của cục đã mở một cuộc điều tra về những người Công Giáo “truyền thống cực đoan” và mối liên hệ có thể có của họ với “phong trào dân tộc chủ nghĩa da trắng cực hữu”.

“Trước tiên tôi xin nói rõ: Bất kỳ ai ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc cổ vũ bạo lực đều đang bác bỏ giáo huấn Công Giáo về phẩm giá vốn có của mỗi và mọi người,” Đức Hồng Y Timothy Dolan, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB, cho biết trong một tuyên bố ngày 16 tháng 2. “USCCB lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cực đoan như vậy và hoàn toàn ủng hộ công việc của các quan chức thực thi pháp luật để giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta.”

Tài liệu bị rò rỉ đã bị một số quan chức liên bang và tiểu bang, cũng như các giáo sĩ, lên án, bao gồm cả Đức Cha Barry Knestout của Giáo phận Richmond, người gần đây đã gọi bản ghi nhớ là “mối đe dọa đối với tự do tôn giáo”.

“Tôi đồng ý với Đức Cha Barry Knestout của tôi rằng bản ghi nhớ bị rò rỉ dù sao cũng 'gây rắc rối và xúc phạm' ở một số khía cạnh — chẳng hạn như hồ sơ tôn giáo và sự phụ thuộc vào nguồn đáng ngờ — và tôi rất vui vì nó đã bị hủy bỏ,” Đức Hồng Y Dolan nói. “Chúng ta khuyến khích các cơ quan thực thi pháp luật liên bang thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm các khía cạnh có vấn đề của bản ghi nhớ không tái diễn trong bất kỳ công việc nào của cơ quan họ trong tương lai.”

Kể từ khi tài liệu bị rò rỉ, nhiều người Công Giáo đã chỉ trích FBI, nhưng trong một tuyên bố gửi cho CNA vào ngày 9 tháng 2, cục này cho biết họ sẽ xóa tài liệu vì “nó không đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác của chúng tôi”.

Văn phòng báo chí quốc gia của FBI đã xác nhận với CNA rằng tài liệu đến từ văn phòng Richmond nhưng tuyên bố rằng họ sẽ “xóa tài liệu khỏi hệ thống FBI” vì nó “không đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác của FBI”.

“Mặc dù thông lệ tiêu chuẩn của chúng tôi là không bình luận về các sản phẩm tình báo cụ thể, nhưng sản phẩm cụ thể này - chỉ được phổ biến trong FBI - liên quan đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực có động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc không đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác của FBI,” tuyên bố viết.

“Sau khi biết được tài liệu, Trụ sở FBI đã nhanh chóng xóa tài liệu khỏi hệ thống của FBI và tiến hành đánh giá cơ sở của tài liệu. FBI cam kết thực hiện kỹ thuật phân tích hợp lý và điều tra, ngăn chặn các hành vi bạo lực cũng như các tội phạm khác trong khi bảo vệ các quyền hiến định của tất cả người Mỹ và sẽ không bao giờ tiến hành các hoạt động điều tra hoặc mở một cuộc điều tra chỉ dựa trên những hoạt động hoặc lời nói được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất,” tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Quốc gia FBI kết luận.

Bản ghi nhớ, có tựa đề “Sự quan tâm của những kẻ cực đoan bạo lực có động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc trong ý thức hệ Công Giáo truyền thống- cực đoan gần như chắc chắn không có những cơ hội giảm thiểu mới,” được đề ngày 23 Tháng Giêng và được báo cáo là đã bị rò rỉ bởi một đặc vụ FBI tại văn phòng Richmond. Tác giả giấu tên của nó chỉ ra rằng những người Công Giáo quan tâm đến Thánh lễ Latinh truyền thống và là thành viên của một số nhóm truyền thông xã hội đang đưa ra “những cơ hội mới để tăng thêm các mối đe dọa”.

Bản ghi nhớ bị rò rỉ đặc biệt chỉ ra Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP, và Hiệp hội Thánh Piô X, gọi tắt là SSPX, là những điểm liên lạc tiềm năng để tiếp cận cộng đồng. Cả hai đều cử hành Thánh lễ Latinh trong khu vực trách nhiệm của FBI Richmond.
Source:Catholic News Agency
 
Trong Nghĩa trang Nga ảm đạm này, biển thánh giá báo hiệu tổn thất thực sự của cuộc chiến
Đặng Tự Do
07:51 21/02/2023


Tờ New York Times có bài tường trình nhan đề “In Bleak Russian Cemetery, Sea of Crosses Signals War’s True Toll”, nghĩa là “Trong Nghĩa trang Nga ảm đạm này, biển thánh giá báo hiệu cuộc chiến thực sự.”

Ngày 15 tháng 2 năm 2023. Bakinskaya, Nga — Đó là một đám tang cô đơn. Bốn chiếc quan tài hẹp, vừa được kéo ra từ phía sau một chiếc xe tải có mái che, đặt trên giá đỡ dưới tuyết rơi dày đặc khi một linh mục Chính thống giáo thực hiện các nghi lễ cuối cùng. Ba người đào mộ trong chiếc áo khoác rách tả tơi đứng khoanh tay nghiêm trang. Một chiếc máy xúc đậu gần đó, sẵn sàng đào thêm những ngôi mộ.

“Lạy Chúa xin thương xót,” vị linh mục cầu nguyện khi thắp hương cho thi thể của những người lính Nga đã ngã xuống, chiếc áo lễ của ngài bị gió lạnh thổi bay.

Sau khi những xác chết đó được hạ xuống, bốn người lính nữa đã chết trong những chiếc quan tài phủ đầy màu đỏ thẫm được đưa đến với những nghi thức cuối cùng của họ.

Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều người đàn ông đã hy sinh khi chiến đấu cho lực lượng lính đánh thuê tư nhân được gọi là Wagner, lực lượng đã dẫn đầu nỗ lực quân sự của Nga trong trận chiến kéo dài nhiều tháng ở thành phố Bakhmut của Ukraine.

Người sáng lập Wagner, Yevgeny V. Prigozhin, một nhà tài phiệt có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir V. Putin, đã ca ngợi lực lượng của ông là “có lẽ là đội quân giàu kinh nghiệm nhất thế giới hiện nay”.

Nhưng nghĩa trang đang phát triển nhanh chóng ở Bakinskaya, một thị trấn gần Hắc Hải, là bằng chứng cho thấy đội quân đánh thuê của ông ta - bao gồm nhiều cựu tù nhân được huấn luyện kém - đang hứng chịu những tổn thất to lớn trên chiến trường. Vào một ngày trong tuần gần đây, 9 người đàn ông đã được an táng tại nghĩa trang tương đối mới này, được thành lập cho những tân binh của Wagner, những người đã cho biết rằng họ muốn được chôn cất ở đó.

Cuối năm ngoái, các nhà hoạt động đã được thông báo về hoạt động gia tăng tại khu mộ này, nằm liền kề với một nghĩa trang được sử dụng bởi cộng đồng địa phương. Sau đó, nó chứa khoảng 50 ngôi mộ. Giờ đây, nó có khoảng 300 người, và những người quan sát nghĩa trang cho biết trung bình có từ bốn đến tám binh sĩ được chôn cất mỗi ngày; ước tính của phương tiện truyền thông địa phương thậm chí còn cao hơn, họ báo cáo có tới 16 ngôi mộ mỗi ngày.

Hầu như tất cả các ngôi mộ, được bao phủ bởi lớp tuyết mới, đều giống hệt nhau, mặc dù đôi khi có một tấm bia mộ Hồi giáo mỏng manh đứng ở đầu mộ, thay vì một cây thánh giá Chính thống giáo. Mỗi chiếc có một vòng hoa bằng nhựa theo kiểu logo Wagner — đỏ, vàng và đen với một ngôi sao vàng ở giữa. Chỉ có một ngôi mộ của Andrey V. Orlov, qua đời ngày 15 tháng 12 ở tuổi 28, có một bức ảnh và thêm một vòng hoa.

Việc chôn cất ở đây ít được chú ý cho đến cuối tháng 12, khi một nhà hoạt động phản chiến, Vitaly V. Wotanovsky, bắt đầu công bố những hình ảnh về nghĩa trang, bao gồm tên và ngày sinh của người chết, trên kênh Telegram của anh ấy. Mười ngày sau, vào ngày đầu năm mới, những bức ảnh chụp ông Prigozhin đặt hoa trên các ngôi mộ đã xuất hiện.

Ông Wotanovsky cho biết thương vong bắt đầu tăng lên khi trận chiến giành Bakhmut và ngôi làng Soledar gần đó ngày càng căng thẳng.

“Kể từ tháng 11, số người chết đã tăng lên đáng kể,” ông Wotanovsky, 51 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở thành phố Krasnodar gần đó. Trước đây, ông đếm được khoảng 4 vụ chôn cất mỗi ngày, ông nói, nhưng lưu ý rằng vào những ngày gần đây, con số này là 11.

Ông Wotanovsky, người đã bị giam giữ 20 ngày kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vì các hoạt động phản chiến của ông, có kiến thức gần như bách khoa về các nghĩa trang trong khu vực của mình. Ông ấy thu thập lời khuyên từ cư dân địa phương và tiếp tục kiểm đếm những người chết trong chiến tranh được chôn cất trong khu vực và đăng ảnh về các điểm đánh dấu mộ trên kênh Telegram của mình. Ông ấy nói rằng thông báo cho công chúng biết tên và danh tính của những người đã ngã xuống là cách duy nhất để ông ấy phản đối và cố gắng thay đổi dư luận.

Ông Wotanovsky, một cựu quân nhân Nga đã có nhiều năm làm việc cho quân đội, cho biết: “Đây là cách hợp pháp, bình thường duy nhất để nói với mọi người rằng chiến tranh là chết chóc, rằng điều đó thật tồi tệ, để họ bằng cách nào đó suy ngẫm về điều đó trong đầu”, Wotanovsky nói. Trước khi nghỉ hưu, ông là một kỹ sư liên lạc vô tuyến trong quân đội Nga.

Theo một phân tích của The New York Times, nhiều chiến binh Wagner được chôn cất ở Bakinskaya là các tù nhân đã bị kết án tù hình sự. Các cơ quan tình báo phương Tây, chính phủ Ukraine và hiệp hội quyền của tù nhân, Russia Behind Bars, ước tính rằng khoảng 40.000 tù nhân đã gia nhập lực lượng Nga kể từ tháng 7 – chiếm khoảng 10% số tù nhân của đất nước. Các quan chức Ukraine đã tuyên bố rằng gần 30.000 người trong số họ đã đào ngũ hoặc bị giết hoặc bị thương, nhưng con số này không thể được xác minh độc lập.

Một trong những người đào mộ tự hào khi chỉ ra cho các nhà báo đến thăm rằng những chiếc quan tài không được đặt trên mặt đất mà được đặt trên các giá đỡ riêng lẻ “một cách trang nghiêm”.

Một số nhà quan sát đã suy đoán rằng nghĩa địa là một mánh khóe quan hệ công chúng của ông Prigozhin, người đang ngày càng tìm kiếm công lao cho việc chiếm lãnh thổ Ukraine và được cho là có tham vọng chính trị.

Samuel Ramani, một cộng tác viên tại RUSI, cho biết: “Không giống như xu hướng chung ở Nga là cố gắng giảm thiểu thương vong và giảm nhẹ thiệt hại về nhân mạng, ông Prigozhin đang cố gắng thúc đẩy chủ nghĩa anh hùng quân sự và sự hy sinh” của những người lính của mình. Tổ chức tư vấn quốc phòng ở Anh, với các nghiên cứu chuyên sâu về nhóm này nói.

Cách nghĩa trang không xa, 20 phút đi xe dọc theo đường cao tốc của khu vực, là một khu nhà có một nhà nguyện được dựng lên để tưởng nhớ những chiến binh Wagner đã chết. Trong một chuyến thăm gần đây, các cổng xung quanh khu nhà đã bị đóng hoàn toàn. Các video ông Prigozhin đến thăm địa điểm này cho thấy những bức tường chứa hài cốt hỏa táng của một số chiến binh không xác định.

Đi thêm 10 phút nữa theo đường cao tốc là căn cứ Molkino, nơi mà các nhà quan sát cho rằng đã từng là trại huấn luyện cho binh lính Wagner kể từ năm 2015. Theo báo cáo của truyền thông Nga, Bộ Quốc phòng đã chi ít nhất 1 tỷ rúp, tương đương 13,6 triệu USD, để phát triển hoạt động huấn luyện của cơ sở này.

Căn cứ cấm dân thường tiếp cận, nhưng những người lính trong nhiều bộ đồng phục khác nhau là khách hàng chính tại một số quán cà phê, cửa hàng thức ăn nhanh và một cửa hàng tiện lợi ở khu vực lân cận.

Một binh sĩ tên là Abkhat cho biết anh ta đến từ vùng Samara, gần biên giới với Kazakhstan, và anh ta được phái đến Ukraine vào tối hôm đó.

Anh ấy nói rằng anh ấy 30 tuổi và anh ấy “tình nguyện không phải vì tiền mà vì tình yêu đất nước của tôi.”

Tại thủ phủ vùng Krasnodar, một thành phố có 900.000 dân, chiến tranh không bao giờ xa. Hàng không dân dụng đã bị đình chỉ kể từ ngày 24 tháng 2 năm ngoái, ngày Nga xâm lược và các máy bay chiến đấu thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện trên không, bổ sung cho các cuộc tập trận chiến thuật đang diễn ra tại Molkino.

Khu vực Krasnodar, với dân số lớn thứ ba trong số 85 khu vực của Nga, có số vụ cao thứ hai về tội “làm mất uy tín của quân đội Nga”, một cáo buộc phổ biến đối với bất kỳ ai bày tỏ sự phản đối chiến tranh. Tái phạm có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Trong một trường hợp gây chú ý và báo động cho các nhà hoạt động phản chiến địa phương, một cặp vợ chồng đã thảo luận về sự phản đối của họ đối với cuộc xâm lược với nhau khi họ đang dùng bữa tối tại một nhà hàng. Chủ cơ sở đã gọi cảnh sát, họ buộc tội hai vợ chồng có hành vi côn đồ nhỏ. Người vợ cũng bị buộc tội “làm mất uy tín” của quân đội Nga.

Bất chấp bầu không khí đáng sợ, bạn thân của ông Wotanovsky, Viktor V. Chirikov, cũng là một cựu quân nhân, tin rằng hành động đơn giản là đăng tin về người chết cuối cùng sẽ không chỉ chấm dứt chiến tranh mà còn làm sụp đổ hệ thống mà ông Putin xây dựng.

“Bạn có biết tại sao Đế chế Nga sụp đổ không?” anh ấy nói trong bếp của ông Wotanovsky. “Vì số lượng quan tài từ các mặt trận trong Thế chiến thứ nhất trở về những ngôi làng nơi những người đã ngã xuống sinh sống.”

“Có một thứ để xem trên TV hoặc máy tính là 'ồ, họ đang chiến đấu ở đó, họ đang giết chóc ở đó', giống như trong các trò chơi bắn súng trên máy tính. Nhưng mọi người bắt đầu hỏi 'tại sao chúng ta làm điều này?' khi họ nhìn thấy quan tài hoặc mộ chí những người bạn học của họ.”

Hai người đàn ông cho biết họ sẽ tiếp tục đếm số người chết khi thương vong gia tăng. Tại nghĩa trang ở Bakinskaya, dường như có chỗ cho nhiều thi thể hơn.

Ông Wotanovsky nói: “Họ vẫn sẽ cần thêm không gian.”
Source:New York Times
 
Đức Thánh Cha Phanxicô làm rõ hai điểm trong Tự sắc ‘Việc Thực Thi Các Truyền Thống ’
Thanh Quảng sdb
14:39 21/02/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô làm rõ hai điểm trong Tự sắc ‘Việc Thực Thi Các Truyền Thống (Traditionis custodes)’

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố một tái bản liên quan đến tự sắc “Việc Thực Thi Các Truyền Thống (Traditionis custodes)”, và nói rõ các giám mục phải xin phép Tòa Thánh trước khi cấp phép cho các nhà thờ giáo xứ được xử dụng sách lễ Roma năm 1962 để cử hành Thánh Thể với nghi thức tiền Công đồng và trước khi cho phép các linh mục được phong chức sau ngày 16 tháng 7 2021 được xử dụng Sách Lễ Rôma 1962.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một cách rõ ràng hai điểm chính xác của việc thực thi Tự sắc Traditionis. Tự sắc được phát hành vào tháng 7 năm 2021 và xác định lại các quy tắc liên quan đến việc xử dụng Sách Lễ Rôma 1962 bằng cách khôi phục lại thẩm quyền cho phép xử dụng các nghi lễ trong sách Roma cũ này cho các giám mục.

Đức Thánh Cha đã nêu rõ những điều này trong một bản kiến nghị được ban hành hôm thứ Ba (21/2/23), sau buổi tiếp kiến riêng hôm thứ Hai với Đức Hồng Y Arthur Roche, Bộ trưởng Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Thẩm Quyền của Tòa Thánh

Hai điểm được giải quyết đã được giải thích trong các cuộc thảo luận gần đây, bao gồm trên cả các phương tiện truyền thông.

Những vấn đề này liên quan đến việc xử dụng tại các nhà thờ giáo xứ và có khả năng thành lập các giáo xứ riêng cho các nhóm cử hành nghi thức theo Sách lễ năm 1962, do thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành trước Công đồng Vatican II; và việc xử dụng Sách lễ năm 1962 bởi các linh mục được thụ phong sau ngày 16 tháng 7 năm 2021, nói cách khác là sau khi công bố tự sắc.

Trong bản văn của mình, Đức Thánh Cha tái khẳng định Tự sắc Việc Thực Thi Các Truyền Thống (Traditionis custodes), giải thích rằng văn kiện đã nêu rõ ràng về những điểm này.

Các giấy phép liên quan đến thẩm quyền của Giám mục địa phương, chính Giám mục phải xin phép Thánh Bộ Phụng tự trước khi đưa ra quyết định.

Theo tự sắc, bước này thực hiện thẩm quyền của Tòa thánh trong vấn đề này. Do đó, Thánh Bộ sẽ quyết định có cho phép hay không cho phép bản quyền giáo phận khi yêu cầu, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Bản tái khẳng định - ngoài khả năng hiểu lầm - rằng hai trường hợp được đề cập là "sự miễn chuẩn được dành riêng theo cách thức đặc biệt cho Tòa thánh." Các giám mục có nghĩa vụ xin phép Tòa thánh.

Xác nhận quyền thực hành Traditionis

Sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý, "Nếu một giám mục giáo phận đã ban phép miễn chuẩn trong hai trường hợp nêu trên, thì ngài có nghĩa vụ phải thông báo cho Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, cơ quan này sẽ đánh giá từng trường hợp."

Do đó, các Giám mục đã cho phép các nhà thờ giáo xứ xử dụng sách lễ Roma năm 1962 hay thành lập các giáo xứ riêng hoặc trao quyền xử dụng Sách Lễ 1962 cho các linh mục được thụ phong sau ngày 16 tháng 7 năm 2021 mà không có sự đồng ý của Tòa Thánh phải nộp đơn yêu cầu cho Thánh Bộ và chờ phán quyết của Thánh Bộ.

Cuối cùng, bản phúc trình của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố hôm thứ Ba “xác nhận những gì đã được thiết lập” trong các câu trả lời đối với nghi vấn được phát sinh sau khi xuất bản Tự sắc Việc Thực Thi Các Truyền Thống (Traditionis custodes). Những câu trả lời đó được công bố cùng với một số ghi chú giải thích vào ngày 4 tháng 12 năm 2021.
 
Những bài giảng thất lạc của cố Hồng Y Ratzinger được tìm thấy ở tu viện Áo hiện đang được xuất bản
Đặng Tự Do
17:10 21/02/2023


Không gì bằng tìm được một kho báu đã mất — và càng thú vị hơn khi kho báu đó có thể làm phong phú thêm cuộc sống của chính bạn và được trao cho những người khác.

Bị thất lạc gần 30 năm trong một tu viện ở Áo, băng cát-xét chứa các bài giảng của cố Hồng Y Jospeh Ratzinget cuối cùng đã được tìm thấy và hiện đang được nhà xuất bản Ignatius Press xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh.

Cuốn sách mới, The Divine Project: Reflections on Creation and the Church, nghĩa là “Dự Án của Thiên Chúa: Những Suy Nghĩ Về Sự Sáng Tạo và Giáo Hội” bao gồm các bài giảng mà Đức Hồng Y Ratzinger, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã thuyết trình vào năm 1985 tại Áo. Các cuộn băng mô tả cựu Giáo hoàng và Hồng Y “dẫn dắt thính giả của mình, bằng những bước nhỏ, cẩn thận nhưng chu đáo, qua địa hình dày đặc của thần học về câu chuyện Sáng tạo,” thông cáo báo chí của Ignatius Press cho biết như trên.

Dự Án của Thiên Chúa là một nghiên cứu về Chúa là Đấng Tạo Hóa và con người là kiệt tác của Đấng Tạo Hóa này. “Ratzinger,” như Giáo sư Matthew Levering viết, “hướng dẫn chúng ta qua những lĩnh vực khó khăn nhất của thần học hiện đại và cuộc sống hiện đại: cách đọc Kinh thánh; Lý trí của Chúa và sự hợp lý của vũ trụ; ý nghĩa của tội nguyên tổ; công nghệ, sinh thái và sinh vật; Thánh Giá và Thánh Thể; và Công đồng Vatican II, chủ nghĩa đa nguyên, Huấn quyền và bản chất của Giáo hội.”

Tracey Rowland, Chủ tịch Thần học Thánh Gioan Phaolô II, Đại học Notre Dame cho biết: “Những bài giảng này là 'Ratzinger cổ điển' - một kho tàng thần học. “Bất kỳ người Công Giáo nào cũng có thể theo học mà không cần được đào tạo chính quy về thần học. Một bản sao sẽ là một món quà tuyệt vời cho bạn bè, con đỡ đầu, học sinh, linh mục, chủng sinh và bất kỳ ai khác đang cố gắng hiểu Giáo hội và thế giới.”

Với việc Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô XVI vừa qua đời, cuốn sách gồm những bài giảng bị thất lạc này của ngài là hợp thời và sẽ được chào đón nồng nhiệt bởi tất cả những ai biết rằng Joseph Ratzinger vẫn tiếp tục là một kho báu đối với Giáo Hội.


Source:Aleteia
 
Báo cáo ghi lại tình trạng đàn áp Kitô giáo tràn lan ở Trung Quốc
Đặng Tự Do
17:11 21/02/2023


Cơ quan giám sát nhân quyền Kitô hữu ở Trung Quốc đã tiếp tục đối mặt với nhiều hình thức đàn áp bao gồm Hán hóa, cải cách giáo dục và lạm dụng nhân quyền phổ biến cùng với luật pháp nghiêm ngặt dưới chế độ đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một cơ quan theo dõi tình trạng nhân quyền Kitô giáo cho biết.

Cuộc bức hại các Kitô hữu ở Trung Quốc đã được nhấn mạnh trong Báo cáo về cuộc đàn áp hàng năm dài 63 trang năm 2022 do China Aid có trụ sở tại Hoa Kỳ phát hành vào ngày 14 tháng 2.

“Vào năm 2022, China Aid đã cảm thấy từng ngày các cuộc đàn áp ngày càng leo thang của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các nhà thờ Kitô giáo và Kitô hữu ở Trung Quốc đại lục, điều này giải thích tại sao các nhà thờ và Kitô hữu ở Trung Quốc ngày càng sợ hãi phơi bày những trải nghiệm bị đàn áp trực tiếp của họ ra thế giới bên ngoài,” báo cáo viết..

Những người bao gồm cả các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tham gia vào việc thúc đẩy quá trình Hán hóa giữa các Kitô hữu, gây áp lực buộc họ phải tuân theo ý thức hệ và tầm nhìn chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nhà phê bình cho rằng Hán hóa là một ý thức hệ chính trị nhằm áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với các xã hội dựa trên các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và nhằm xây dựng sự ủng hộ dựa trên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Uông Dương, Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết của các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ các chính sách chính trị do bọn cầm quyền đưa ra trong bài phát biểu ngày 27 Tháng Giêng năm 2022 tại một hội nghị chuyên đề ở Bắc Kinh, báo cáo viết.

Uông tuyên bố rằng “các nhóm tôn giáo nên đoàn kết phần lớn các tín hữu tôn giáo xung quanh Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ để tạo ra “năng lượng tích cực” nhằm giúp thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, báo cáo của China Aid viết.

Báo cáo chỉ ra rằng Uông đã gặp các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc vào ngày 23 tháng 8, tìm kiếm sự ủng hộ của họ đối với việc “Hán hóa Công Giáo ở Trung Quốc”.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo “kiên quyết đi theo con đường chính trị đúng đắn, kiên quyết ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tự giác chống lại sự xâm nhập của các thế lực nước ngoài, và sử dụng văn hóa Trung Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc và phong cách giao tiếp của Trung Quốc để giải thích và nghiên cứu các giáo luật tôn giáo”

Báo cáo tiếp tục tiết lộ những chi tiết đáng báo động về các phương pháp mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và các quan chức của nó sử dụng để đàn áp Kitô giáo và việc thực hành của nó trong nước.

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đã tham gia phá dỡ các nhà thờ trên khắp đất nước vào năm 2022.

Vào tháng 8 năm 2022, khu phức hợp Nhà thờ Bắc Hán (Beihan, 北汉) theo phong cách Gothic của Giáo phận Công Giáo Thái Nguyên đã bị phá bỏ trước tiên và tháp chuông cao 40 mét còn lại đã bị phá hủy trong một cuộc phá hủy phối hợp.

Vào tháng 6 năm 2022, sau khi Đức Cha Đồng Bảo Lộc (Dong Baolu, 董宝禄) từ chối gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước do nhà nước điều hành, nhà thờ của ngài ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đã bị các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc phá hủy.

Báo cáo chỉ ra rằng trong suốt năm 2022, các nhà thờ và trung tâm thờ phượng của các Kitô hữu, bao gồm nhiều nhà thờ Công Giáo, đã bị phá hủy ở Đại Liên, Giang Tây, Đồng Quan, Thiểm Tây và các tỉnh khác.

China Aid cũng cáo buộc các quan chức “bịa đặt các cáo buộc hình sự để bắt giữ, giam cầm, và kết án các nhà lãnh đạo cũng như tín hữu” trong nỗ lực đàn áp Kitô giáo.

“Chính quyền cấp tỉnh và địa phương đã tự ý giam giữ các nhà lãnh đạo và tín hữu Kitô giáo người Trung Quốc từ khắp Trung Quốc. Bọn cai ngục đã từ chối nhiều cuộc thăm viếng tù nhân của các luật sư hoặc những chuyến thăm nuôi của gia đình”.

Được biết, các tù nhân đã bị từ chối điều trị y tế và nhận “những bản án khắc nghiệt không tương xứng với tội danh mà họ bị cáo buộc”. Các tù nhân Kitô giáo khác đã bị giam giữ trong thời gian dài trước khi xét xử, hoặc vụ án của họ bị hoãn xét xử nhiều lần.

Một cáo buộc đáng báo động khác được đưa ra trong báo cáo là sự biến mất cưỡng bức của các giáo sĩ và giáo dân.

Báo cáo liệt kê các vụ mất tích không rõ nguyên nhân của Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱), Giám Mục Giáo phận Tân Hương; Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民) của Giáo phận Ôn Châu, Đức Cha Đồng Bảo Lộc (Dong Baolu, 董宝禄) và 10 linh mục từ Giáo phận Bảo Định.

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã sử dụng các cuộc tấn công, phạt tiền, quấy rối và tước quyền công dân để tra tấn các Kitô hữu.

Các quan chức đã tham gia vào việc làm gián đoạn các buổi lễ thờ phượng, lễ rửa tội, các cuộc hành hương và thậm chí cả các buổi lễ nhà thờ trực tuyến để đe dọa các Kitô hữu.

Các quan chức đàn áp của Trung Quốc cũng đã sử dụng các khoản tiền phạt nặng đối với các nhà lãnh đạo nhà thờ và những người cho thuê địa điểm tổ chức các buổi thờ phượng để ngăn cản mọi người tụ tập cùng nhau cầu nguyện.

Vào Tháng Giêng năm 2022, Hoàng Viễn Đạt (Huang Yuanda, 黄远达) một Kitô hữu từ Nhà thờ Tầm Tư Định (Xunsiding, 寻思定) ở Hạ Môn, đã bị Phòng Dân tộc và Tôn giáo quận Hạ Môn Tư Minh phạt 100.000 nhân dân tệ (tức là khoảng 14.500 đô la Mỹ) vì đã cung cấp một ngôi nhà thuê cho trường học của nhà thờ sử dụng.

Báo cáo cũng tiết lộ các luật và quy định do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra để kiểm soát và giám sát thông tin trong không gian mạng.

Thông qua “Các biện pháp hành chính đối với dịch vụ thông tin tôn giáo trên Internet” được ban hành vào tháng 3 năm 2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quy định việc bổ nhiệm các Kiểm toán viên thông tin tôn giáo trên Internet được đào tạo và cấp phép. Họ là các chủng sinh của các chủng viện hoặc các linh mục đã ghi danh chính thức với chính phủ, những người sẵn sàng báo cáo với bọn cầm quyền những anh chị em đồng đạo của họ.

Khóa đào tạo bao gồm “các luật và quy định liên quan đến các vấn đề tôn giáo, Bộ luật Dân sự, Luật An ninh Quốc gia, Luật An ninh Mạng nhưng cũng đề cập đến tư tưởng của Tập Cận Bình về pháp quyền, Hiến pháp và các giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa xã hội”.

Báo cáo cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tham gia vào việc kiểm soát các vấn đề tài chính của các tổ chức tôn giáo và sàng lọc các khuynh hướng tôn giáo của sinh viên đại học.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng các sinh viên Kitô ghi danh du học tại các cơ sở do Kitô giáo điều hành khác đã bị các quan chức từ chối cấp hộ chiếu.

“Nếu những người nộp đơn nói rằng họ nộp đơn xin hộ chiếu để ra nước ngoài học tập tại các cơ sở Kitô giáo, các cơ quan chính phủ sẽ từ chối đơn xin của họ với lý do phòng ngừa COVID,” báo cáo viết.


Source:UCANews
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Bác Ái Doanh nhân Công Giáo: trao - nhận yêu thương
Vĩnh Thân (TGPSG)
22:10 21/02/2023
Ban Bác Ái Doanh nhân Công Giáo: trao - nhận yêu thương

TGPSG -- “Cám ơn không chỉ với các vị có tấm lòng quảng đại, mà chúng ta còn cám ơn các vị hữu trách và em học sinh hiện diện nơi đây…”

Trên đây là lời chia sẻ thân tình, ấm áp của linh mục (Lm) Giuse Tạ Huy Hoàng, Linh hướng Giới Doanh nhân Công Giáo (DNCG) trong thánh lễ Chúa nhật tuần VII thường niên A, tại nhà nguyện Mái ấm Cộng thể Don Bosco - Cần Giờ cho đoàn hành hương, bác ái gồm các vị trong ban Bác Ái - Xã Hội giới DNCG, Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG) và các bạn sinh viên trong gia đình Tôma Thiện.

Xem Hình

Đoàn khởi hành tại Trung tâm Mục vụ TGPSG lúc 7g30 ngày 19.2.2023 do ông Micae Phạm Hồng Thái, Trưởng ban Bác Ái - Xã Hội DNCG làm trưởng đoàn. Đồng hành có Lm Giuse Tạ Huy Hoàng và khoảng 60 thành viên gồm giới DNCG và các bạn sinh viên Tôma Thiện.

Sau hành trình dài trên 30km (đường bộ và đường phà), đoàn đã đến Cộng thể Mái ấm Don Bosco Cần Giờ, số 114B Ấp Trần Hưng Đạo, Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ, Tp HCM.

Nơi đây, quý linh mục và các thầy chăm sóc cho 54 em nam, độ tuổi từ 11 đến 16, đang theo học chương trình trung học cơ sở, được tiếp nhận các em từ các mái ấm thuộc 22 tỉnh - thành trên cả nước có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi cả cha lẫn mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ; các em dân tộc thiểu số và các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đến đây, các em được cưu mang ăn ở, học văn hóa từ lớp 6 đến hết lớp 9. Sau khi hoàn thành chương trình cấp II, tùy vào học lực từng em: học lực giỏi, nhà Dòng sẽ tìm học bổng để giúp các em tiếp tục theo học đến tốt nghiệp Trung học phổ thông. Riêng các em học lực bình thường sẽ được chuyển đến 1 trong 3 trung tâm khác của nhà Dòng như: 1) Vĩnh Long, 2) Phước Lộc, Bà Rịa – Vũng Tàu, 3) Tân Hà,Tân Kiên - Bảo Lộc. Các trung tâm này sẽ tiếp tục lo cho các em ăn, học giúp các em hoàn thành chương trình học phổ thông tại các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên. Song song đó, các em được đào tạo nghề, để khi học xong chương trình phổ thông, các em cũng có được bằng trung cấp nghề để tự mưu sinh được khi trở ra ngoài xã hội. Đồng thời nơi đây cũng giúp các em định hướng ơn gọi, nếu các em có ý hướng dâng mình cho Chúa.

Tóm lại, nhà Dòng sẽ đồng hành cùng các em từ lớp 6 đến hết chương trình học phổ thông, đủ tuổi trưởng thành ra sống ngoài xã hội, góp phần giúp ích cho xã hội và giáo hội.

Được Lm Tôma Vũ Duy Tòng, SDB - Giám đốc Cộng thể Mái ấm Don Bosco trao đổi: Tất cả các em sống ở đây đều phải tuân thủ quy định: nhà Dòng sẽ lo cho các em ăn ở, học tập và rèn luyện đạo đức. Nếu em nào cá biệt hạnh kiểm, khi nhà trường không nhận dạy học nữa, nhà Dòng sẽ trả em về lại mái ấm trước đây, vì nhà Dòng không nhận nuôi những em không chịu học văn hóa.

Khi được trao đổi: Trường hợp số các em đủ điều kiện vào đây đông, cơ sở mình có hướng giải quyết như nào?

Lm Giám đốc Mái ấm cho biết: hiện tại nơi đây đã được trang bị sẵn 100 giường, đồng nghĩa sẵn sàng tiếp nhận 100 em đến với cơ sở. Ngài cũng cho biết thêm, năm nay cơ sở có 13 em hoàn thành chương trình cấp II và được đưa lên theo học tiếp chương trình cấp III, đồng thời cơ sở chuẩn bị tiếp nhận thêm 22 em từ các nơi đưa đến.

Khi đoàn hành hương - bác ái đến nơi được tiếp đón ân cần, niềm nở và được cha Giám đốc giới thiệu đôi nét về hoạt động của Cộng thể Mái Ấm. Đoàn đã tập trung nơi nhà nguyện cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn do Lm Giuse Tạ Huy Hoàng chủ tế. Qua phần Lời Chúa dạy sống quảng đại với anh em, được Lm chủ tế quảng diễn, đoàn hành hương thấm nhuần hơn khi được trao đi cho anh em mình là niềm vui, là sự cám ơn với người được nhận. Như vậy, lòng quảng đại mới thể hiện mình là môn đệ của Đức Kitô.

Sau thánh lễ là phần sinh hoạt và ăn trưa chung với các em. Trong dịp này, các cô chú trong giới DNCG đã trao đến mỗi em một phần quà và trao đến Lm Phó Giám đốc phần hiện kim để được chia sẻ với các ngài trong việc chăm lo cho các em.

Đoàn đã được tham dự chung với các em trong giờ viếng Thánh Thể sau bữa ăn trưa. Hình ảnh các em với khuôn mặt đơn sơ, thánh thiện quỳ bên Thánh Thể Chúa nơi nhà tạm, với kinh tiếng hát trong bầu khí sốt sắng, trang nghiêm đã cuốn hút mọi người nâng tâm hồn lên với Chúa trong sự thánh thiện của các em.

Trước khi ra về, đoàn đã chụp hình lưu niệm với cộng đoàn Mái ấm, với bao cảm xúc của từng người khi được đến nơi đây.

Trên đường trở về, được lắng nghe rất nhiều cảm nhận tốt đẹp từ những thành viên trong đoàn và những điều học được qua chuyến đi. Nhiều ý ngỏ đến ban tổ chức mong muốn được thực hiện nhiều chuyến đi như này để mọi người được tham gia.

Đoàn đã về tới TTMVSG lúc 15g cùng ngày, kết thúc chuyến đi sau khi được linh mục linh hướng ban phép lành của Chúa đến với mọi người.

Bài & Ảnh: Vĩnh Thân (TGPSG)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Điều Gì Sẽ Xảy Ra Sau Khi Chúng Ta Chết?
LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
21:58 21/02/2023
Điều Gì Sẽ Xảy Ra Sau Khi Chúng Ta Chết?

Dù sớm hay muộn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với một sự thật đáng buồn, là vào “một ngày không mấy đẹp trời” nào đó, chúng ta sẽ phải chết! Cái chết ấy dù biết trước hay do tai nạn thình lình, dù được an bình hay trong đau đớn, sẽ là cuộc kết thúc của đời sống mà chúng ta đã và đang biết.

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết? Để trả lời cho câu hỏi nói trên, chúng ta chỉ có thể dựa vào hai nguồn tư vấn: Hoặc là qua kinh nghiệm của con người hay từ lời dạy của Chúa.

Nếu chúng ta nhờ đến kinh nghiệm của con người thì chỉ có những lời phỏng đoán, những tư tưởng và những lý thuyết suông mà chẳng có câu trả lời xác định nào. Đó là vì, tự bản tính của trường hợp này, không con người nào biết đích xác. Những người biết rõ câu trả lời đều đã… chết! Như vậy chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh. Lời của Ngài giúp chúng ta tìm thấy những câu trả lời phong phú và đầy đủ. Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu điều sẽ xảy đến với chúng ta, sau khi chúng ta chết và Ngài đã không để chúng ta phải thắc mắc về điều đó.

Chúng ta có sự trả lời chỉ trong một câu: ĐIỀU SẼ XẢY ĐẾN SAU KHI CHÚNG TA CHẾT TÙY THUỘC VÀO NHỮNG ĐIỀU ĐÃ XẢY RA TRƯỚC KHI CHÚNG TA CHẾT.

Thánh Phaolô đã viết: “Như đã được ấn định là con người ta là phải chết một lần, và sau đó là sự phán xét.” (Do-thái 9:27). Chẳng ai lỡ “cuộc hẹn” này với Chúa và cũng chẳng ai tránh được. Chúng ta không thể biết được khi nào thì sự chết của chính mình sẽ xảy đến.

Liệu những người không tin và không sống theo lời dạy của Chúa, có cơ hội nào sau khi chết không?

Câu trả lời thật đơn giản: Kinh Thánh đã không hề nhắc đến một “cơ hội thứ hai.” Thơ gửi các tín hữu Do-thái (9:27) ở trên đã nói rõ rằng chúng ta chỉ chết một lần và sau đó là cuộc phán xét của Chúa. Chúng ta KHÔNG BAO GIỜ NÊN QUÊN SỰ THẬT NÀY. Cơ hội duy nhất mà chúng ta có thể được cứu rỗi là cơ hội Chúa ban cho chúng ta ngay trong lúc còn đang sống, bây giờ!

Trở lại câu trả lời tổng quát bên trên: Điều sẽ xảy đến SAU KHI chúng ta chết tùy thuộc vào những điều đã xảy ra TRƯỚC KHI chúng ta chết. Chúa Giêsu đã xếp toàn thể nhân loại vào hai nhóm: Những người được cứu rỗi và những người không được cứu rỗi. Được cứu rỗi là những người đã tin tưởng vào Đức Kitô là Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc, đồng thời cố gắng sống theo lời dạy của Ngài. Đơn giản là giữ các giới răn, nhất là hai giới răn yêu thương: yêu Chúa, yêu người. Những người không tin và không sống những điều trên thì không được cứu rỗi, nghĩa là không được vào Nước Trời (Thiên Đàng).

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CỨU RỖI

Kinh Thánh đã nói rất rõ ràng về điểm này. Khi những người được cứu rỗi, khi chết, họ tiến thẳng đến sự hiện hữu của Chúa. Chúng ta nhớ lại những lời của Chúa Giêsu với phạm nhân “được cứu rỗi” cùng bị đóng đinh trên đồi Can-vê với Ngài: “Amen, Ta bảo ngươi: Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta!" (Lu-ca 23:43).

Tuy nhiên, một số rất đông trong chúng ta sẽ đều phải trải qua một cuộc thanh tẩy trong luyện ngục (Purgatory). Sách giáo lý Công Giáo định nghĩa luyện ngục như một cuộc “thanh tẩy, để (các linh hồn) đạt tới sự thánh thiện cần thiết trước khi chính thức đi vào niềm vui của thiên đàng”, mà những người “chết trong ân sủng và sự thân hữu của Chúa nhưng chưa hoàn toàn trong sạch sẽ trải qua” (GLCG 1030). Được ghi nhận rằng: “Cuộc thanh tẩy cuối cùng này của những người được cứu rỗi thì hoàn toàn khác biệt với hình phạt của những người không được cứu rỗi.” (GLCG 1030).

Cần có cuộc thanh tẩy vì, như Kinh Thánh đã dạy: “Nhưng không có gì ô uế hay bất cứ kẻ nào làm điều đáng ghê tởm, gian dối, được vào thành; chỉ có những ai mà tên của họ đã được ghi trong sổ sự sống của Chiên Con.” (Khải-huyền 21:27).

Thánh Phaolô nói: “Tôi ước mong được thoát ly khỏi đời này và được ở cùng Chúa Kitô, đó là điều tốt đẹp bội phần.” (Phi-lip-pê 1:23). Ngài còn nói thêm: “Nhưng chúng tôi can đảm, và thà lìa xa thân xác, để được về nhà với Chúa.” (2 Cô-rin-tô 5:8).

Nhưng đó vẫn chưa phải là toàn thể câu chuyện. Linh hồn, sau khi chịu thanh tẩy, sẽ về thiên đàng với Chúa, còn thân xác thì bị mai táng cho đến ngày được phục sinh, khi Chúa Giêsu lại đến trong vinh quang. Thư thứ nhất gửi các tín hữu thành Tê-sa-lô-ni-ca (4:14) nói rằng: “Vì nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng thế, Thiên Chúa sẽ, qua Đức Giêsu, đưa những kẻ đã an nghỉ về với với Ngài.” Ở đây, chúng ta có cả hai mặt của sự thật: Những Kitô hữu tốt lành đã qua đời thì linh hồn của họ sẽ được sống với Chúa (thực sự nhận biết sự hiện hữu của Ngài); còn thân xác thì “an nghỉ” trong mồ. Thánh Phaolô đã diễn tả sự kết hợp tuyệt vời của linh hồn và thể xác: “Bởi vì khi lệnh vang ra, theo tiếng của tổng lãnh Thiên thần và loa của Thiên Chúa, thì từ trời chính Chúa sẽ ngự xuống, và những kẻ chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Những kẻ có lòng tin, rõ ràng đã được hứa về sự kết hợp giữa linh hồn và thể xác trong ngày phục sinh.

Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi các giáo hữu thành Cô-rin-tô (15:51-55) còn nêu sự thật quan trọng rằng các thân xác sẽ được cho sống lại và “người chết sẽ chỗi dậy không hề bị mục rữa”, có nghĩa là thân xác “phục sinh” (hay thân xác vinh quang) này sẽ được hoàn hảo, không tì vết của sự chết hay sự hủy hoại. Khi thân xác chúng ta được sống lại, đó là thân xác không còn bị phân hủy, chẳng hề bị hao mòn, hay bị gây tổn thương, hay trở nên già nua, hay còn bị đau ốm, và, tạ ơn Chúa, thân xác đó sẽ sống mãi mãi, không bao giờ phải chết nữa!

Nhiều người đã hiểu lầm về sự chết. Họ nghĩ rằng chết là đi từ đất của người sống đến đất của kẻ chết. Sự thật thì ngược lại, nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu, sự chết sẽ đưa chúng ta đi từ đất của những kẻ đang đi dần đến cái chết, để đến đất của những người được sống muôn đời.

Những người tin vào Chúa Kitô luôn luôn đối diện với sự chết trong tín thác. Họ chôn kẻ chết như một biểu dương đức tin về sự phục sinh. Có thể người của thế gian sẽ hỏi, làm thế nào để Chúa cho phục sinh những người chết vì bị thiêu rụi, bị bốc hơi (như nạn nhân của bom nguyên tử) hay tan xác vì một quả bom thật lớn? Xin thưa, đó là việc của Chúa, và với Ngài, chẳng có gì là không thể. (Lu-ca 1:37 và Mát-thêu 19:26).

Một khi thân xác của chúng ta được phục sinh và tái hợp với linh hồn, chúng ta sẽ sống trong Chúa mãi mãi. Bất cứ Ngài ở đâu, chúng ta sẽ ở đó, được hoan lạc, chúc tụng, ngợi khen và cử hành trong suốt cuộc sống vĩnh cửu. Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Tê-sa-lô-ni-ca (4:17) nói: “Chúng ta sẽ được ở với Chúa luôn luôn!” Nói về cuộc giáng thế lần thứ hai, Chúa Giêsu đã phán: “Trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở. Nếu không, Ta đâu có nói với các con là Ta đi dọn chỗ cho các con? Và nếu Ta ra đi dọn chỗ cho các con, thì Ta sẽ trở lại chào đón các con vào sự hiện hữu của Ta, để Ta ở đâu, các con cũng có thể ở đó.” (Gioan 14:2)

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC CỨU RỖI

Những người đã sống và chết mà không có Chúa Giêsu Kitô, họ có lý do để rất sợ chết. Sách “Ông Gióp” - Job (18:14) đã gọi sự chết là “vua kinh hoàng.” Thơ gửi các tín hữu Do-thái (2:14-15) nhắc nhở chúng ta rằng ma quỉ kềm kẹp dân chúng trong nỗi lo sợ về sự chết. Và thư thứ nhất gửi các tín hữu thành Cô-rin-tô (15:26) đã gọi sự chết là “kẻ thù cuối cùng.”

Có một sự tương tự giữa số phận kẻ được cứu rỗi cũng như người không được cứu rỗi, đó là khi chúng ta chết, thể xác sẽ bị chôn vùi còn linh hồn sẽ đi vào cõi mới. Với những kẻ có lòng tin, sự chết sẽ đưa họ đến với Chúa Kitô. Với người không tin, sự chết bắt đầu một kinh nghiệm khủng khiếp của án phạt đời đời.

Có thể tóm tắt số phận của những người không được cứu rỗi trong bốn đoạn sau đây:

1. Sự chết đưa linh hồn của kẻ không được cứu rỗi đến hỏa ngục, nơi họ sẽ phải chịu khổ hình trong ý thức. Trong Lu-ca (16:19-31), Chúa Giêsu kể câu chuyện một người giàu sau khi chết đã phải xuống hỏa ngục và chịu khổ hình trong lửa đỏ. Không cần biết người ta cho rằng đoạn Phúc Âm này có nghĩa đen hay chỉ có nghĩa bóng. Nếu đó là nghĩa đen thì quả thực hỏa ngục là một cực hình đời đời. Nếu chỉ là nghĩa bóng thì dù là nghĩa bóng cũng đã gây hình ảnh khủng khiếp, nói chi đến sự thật thì còn khủng khiếp hơn nhiều!

2. Hình phạt đời đời trong hỏa ngục là để dành cho những ai không tin vào Chúa hay tin nhưng lại sống bất xứng mà không ăn năn. Thánh Mác-cô (9:43-48) nói về “lửa không hề tắt” và “nơi mà giòi bọ không chết”, một dẫn chứng về sự tiếp tục hiện hữu của nhân tính trong hỏa ngục.

3. Sách Khải-huyền (20:11-15) diễn tả khung cảnh đáng kinh sợ của thân xác những người không được cứu rỗi, họ cũng được phục sinh và ra trước mặt Chúa, nhưng chỉ để công khai nhận án phạt muôn đời.

4. Kẻ không được cứu rỗi sẽ bị ném vào biển lửa muôn đời, vĩnh viễn cách biệt khỏi sự hiện hữu của Chúa Toàn Năng. Chỉ nghĩ đến thôi, đã khiến chúng ta cảm thấy đây là điều không thể chịu nổi. Nếu chúng ta còn nghĩ đến điều này thì hãy, bằng mọi cách chắc chắn, để bảo đảm rằng: Số phận của chúng ta và của những người thân yêu, sẽ không rơi vào tình trạng đau thương mãi mãi như vậy.

Cuối cùng, làm thế nào để chúng ta đối diện với sự chết trong tín thác?

Nếu chúng ra tin vào Chúa Giêsu thì chẳng có gì phải sợ hãi cái chết. Sự chết sẽ đến với tất cả chúng ta, nhưng nếu chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, chúng ta không cần phải sống trong sợ hãi. Sự chết có thể đến nhanh hay chậm, đau đớn hay không, nhưng khi nó đến chúng ta sẽ được đối diện với Chúa Giêsu và mãi mãi bên Ngài, sau cuộc thanh tẩy.

Tiến trình của sự chết thì như là làm một cuộc du hành để đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì cần thiết, khi cần thiết. Nếu chúng ta cảm thấy thiếu can đảm để đối diện với nó trong lúc này, thì đó là vì chúng ta chưa cần. Khi chúng ta cần sự can đảm, Chúa sẽ ban cho chúng ta và chẳng có gì phải sợ hãi.

Điều sẽ xảy đến SAU KHI chúng ta chết, tùy thuộc vào những điều đã xảy ra TRƯỚC KHI chúng ta chết. Cho nên, hãy tâm niệm rằng chúng ta luôn phải sống cách công chính, sẵn sàng đón nhận sự chết, được vậy thì chẳng có điều gì khiến chúng ta phải ngạc nhiên về những điều sẽ xảy ra sau đó.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (Tổng hợp)
 
Văn Hóa
Hạt Bụi Mùa Chay
Nguyễn Trung Tây
15:39 21/02/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Hạt Bụi Mùa Chay


Mùa Chay khởi đi với thứ Tư Lễ Tro, người người tín hữu trên khắp năm châu cúi đầu nhận hình thánh giá bằng dấu tro ghi trên trán. Mùa Chay cũng nhắc nhở người tín hữu, dưới lăng kính màu tím, thân phận tro than của con người, có đó rồi mất đó, tương tự như hoa Quỳnh Hương khuya nở sớm tàn. Nhưng nhìn dưới lăng kính màu hồng, Mùa Chay cũng gợi nhớ mối liên hệ phụ mẫu tử giữa trời cao và đất thấp, bởi vì “Chúa ơi, con chẳng là chi, chỉ là hạt bụi, mà sao Chúa lại yêu con vô cùng?”. Mùa Chay, hơn thế nữa, kêu gọi người tín hữu bóc lột miếng vỏ cũ, khoác vào tấm áo mới, một dạng thay đổi, một cuộc đổi thay để thôi không làm trứng, làm sâu, làm nhộng, nhưng vươn mình triển nở hóa ra cánh bướm tô thêm đậm đặc màu xanh thiên đàng ngay trên cõi trần gian.

Những hạt bụi tro Mùa Chay ghi trên trán có thể được ví với những vị thuốc diệu kỳ có khả năng chữa trị những căn bệnh của nhân loại. Từ những thời kỳ đầu tiên khi trái đất cất tiếng khóc oe oe chào đời, kéo xuống tới ngày người ta chà đạp đá sỏi kinh thành kéo vào Vườn Cây Dầu trói chặt Đức Giêsu mang đi, cho tới thời kỳ của bây giờ và hôm nay, đã bao nhiêu bàn chân bước đạp giẫm lên trên mặt đất đen của trái địa cầu, đã bao nhiêu linh hồn từng ghé xuống cõi trần rong chơi một khoảng, đã bao nhiêu hình hài nghiêng đổ bóng dài xuống cõi nhân gian? Ai ngồi tính toán cho ra? Cuộc sống tiếp tục xoay vần, Sinh! Bệnh! Lão! Tử! Con người nhịp nhàng xoay tròn quỹ đạo trăm năm. Tiếp nối trăm năm vẫn chưa là gì ngoại trừ tro bụi. Trong vòng quay cuốn hút của sinh, bệnh, lão, tử, người người vẫn cứ thường thường quên đi là một ngày sẽ tới, khi đó tôi sẽ hóa ra tro bụi của hình hài nguyên thủy mà tôi đang mang trên vầng trán vào ngày thứ Tư của Mùa Chay. Khi nhớ lại thân phận con người là hữu hạn, là tro bụi, tôi sẽ bớt, thôi, không khóc lóc, hoặc là bớt, thôi, không than thở, hoặc là bớt, thôi, không khó chịu với cuộc đời, khi những phiền toái của cuộc sống đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của tôi. Khi nhận ra cuộc sống đang được đếm từng ngày từng tháng, cho nên một giây không nên bỏ phí, một phút chớ nên bỏ quên, tôi sẽ dễ dàng gạt bỏ đi, bớt, thôi, không dõi nhìn những lăng kiếng khá tiêu cực của thường tình nhân gian.

Những hạt bụi màu đen của Mùa Chay cũng nhắc nhở tôi về liên hệ phụ mẫu tử của thiên đàng và trần gian. Thiên Chúa biết tôi là hạt cát, hạt bụi, thế mà tại sao Ngài lại yêu hại cát, hat bụi là tôi đến thế nhỉ? Đã bao nhiêu lần khi tôi bước chân lên bãi cãi dài vô tận của đại dương, bao nhiêu hạt cát đã lọt qua những kẻ chân hoặc bị tôi dẵm dí, chà đạp lên trên, nhưng có hạt cát nào đủ sức mời gọi tôi dừng bước kiên nhẫn cúi nhìn tìm kiếm sắc hình? Đã bao nhiêu lần khi tôi bước dẵm đạp lên trên những hạt bụi của sàn nhà, hạt bụi nào đủ ma lực kêu mời để tôi cúi xuống phân biệt bụi này bụi đỏ, bụi kia bụi tro? Hạt bụi nào? Chẳng có hạt bụi nào cả. Thế mà thiên đàng xa thẳm vẫn cứ tiếp tục từ trên trời cao vén mây kiếm tìm hạt bụi lạc loài trên trần gian là tôi. Đã từ bao lâu nay, vĩnh hằng vĩnh cửu vẫn cứ loay hoay đi ra đi vô than ngắn thở dài bên song cửa, bởi vì Phụ Mẫu thiên đàng vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng hạt bụi trần gian quay về nơi căn nhà xưa. Lạ nhi? Hay ghê? Nhìn tôi trong kiếng, ngắm mình trong gương, tôi vẫn thấy mình nguyên vẹn hình hài của một hạt cát, hạt bụi. “Thế mà vĩnh hằng thiên đàng ơi, con vẫn không hiểu tại sao Ngài lại yêu con đến như thế?”.

Mùa Chay cũng gợi lại trong tôi nhạc phẩm, “Kià con bướm vàng, xòe đôi cánh” của một thời ấu thơ. Đã có một thời của Lớp Mẫu Giáo, Lớp Một, tôi mê nhìn những cánh bướm màu sắc rực rỡ bay lượn trên những cánh đồng. Vào một khoảng của thơ ấu, đã biết bao lần tôi mơ làm bướm vàng bay xa bay cao vào trong bầu trời rực rỡ. Thời của ngây thơ đơn giản hóa vấn đề không bao giờ đặt trong tôi câu hỏi về mối tương quan và sợi giây liên hệ giữa trái trứng lốm đốm trên mặt lá xanh với con sâu lông lá xấu ơi là xấu, với con nhộng nằm chết héo khô lặng lẽ treo trên nhánh cây, và với chú bướm vàng đẹp đẽ bay lượn trong bầu trời. Thơ ấu trôi xa vào quá khứ để lại giọng khàn vỡ đục của tuổi bắt đầu làm người lớn cho tôi lại thêm một lần nữa hiểu biết và kinh nghiệm về đổi thay của trứng bướm, của con sâu, của con nhộng, và của con bướm. Nếu không thay đổi, tôi sẽ tiếp tục nằm chết trong quả trứng bướm, một quả trứng hư, trứng ung, trứng thối. Nếu tôi đổi thay chuyển động lắc mình, mầm trứng nhúc nhích biến hình đổi dạng, khiến tôi nứt vỏ trứng, mở mắt ngỡ ngàng hé nhìn thế gian. Nhưng thay đổi từ trứng sang sâu vẫn chưa đủ, bởi nếu tôi vỡ trứng hóa ra con sâu lông lá xấu xí, khắp cùng thiên hạ đều sẽ gớm ghét, tránh xa khi họ đối diện tôi. Mà có quý chi một kiếp sâu, bởi con sâu cũng chỉ làm tôi nổi bật hóa ra mồi thơm cho chim trời bay lượn trên không dừng lại một nhịp cánh, bay xuống nuốt trôi tôi vào vực thẳm tối tăm. Là con sâu, tôi cũng chỉ tiếp tục cong người trườn bò đi dưới mặt đất. Nếu thiên hạ giơ chân đạp xuống, thế là thân phận con sâu cái kiến biến dạng trên mặt đất. Nhưng thay đổi từ sâu sang nhộng vẫn chưa đủ, bởi nếu tôi chịu nhả tơ làm kén, hóa thành nhộng, thì tôi cũng vẫn tiếp tục lặng lẽ chết đi trong kén. Nếu vậy, cuộc đời cũng chẳng có chi gọi là khá hơn. Đáng giá gì một sợi tơ tằm? Lụa nào kết nối chỉ bởi một đường tơ? Con nhộng, hình hài của thây ma xác chết, ai xót thương, ai nhỏ lệ cho một chú nhộng?

Đổi thay, thương hải biến vi tang điền, biển cả (đổi thay) biến thành ruộng dâu.

Thay đổi, hạt lúa gieo vào đất đen đổi thay nảy mầm vươn cao biến thành cây mạ xanh non.

Đổi thay, thay đổi, khi vươn vai phá rách bốn bức tường bao bọc phận kén, tôi nhẹ mình bay bổng vào cõi trời xanh trong của rực rỡ hương hoa thiên đàng.

Mùa Chay, mùa để tôi thay đổi,
Tôi không dự tính, lên kế hoạch, vẽ họa đồ đổi thay ai khác, nhưng chính tôi, hạt bụi trần gian.
Tôi đang ngồi đếm trứng bướm trên mặt lá của cuộc đời vào những ngày đầu tiên của Mùa Chay.
Tôi thắc mắc không biết trái trứng nào cần phải chuyển mình nứt vỏ nhường lại cho tôi một đời sống mới của con bướm vàng.

Nếu chưa biết, tôi sẽ hỏi,
— Chúa ơi, xin chỉ cho con biết con sẽ phải chết đi thói hư tật xấu nào trong Mùa Chay này?
□ Nguyễn Trung Tây
(Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)
 
VietCatholic TV
Nga hô hào ám sát nhưng TT Biden đã qua Ba Lan. Quân Nga làm nổ tung chiến hào, tử trận còn bị mắng
VietCatholic Media
03:14 21/02/2023


1. Uất ức vì chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Joe Biden, chuyên gia tuyên truyền Nga đề cập đến khả năng ám sát

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Joe Biden Could be Assassinated in Ukraine, Russian Pundits Warn”, nghĩa là “Chuyên gia Nga cảnh báo Joe Biden có thể bị ám sát ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các chuyên gia truyền hình Nga đã thảo luận về khả năng Joe Biden có thể bị ám sát trong chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine.

Anton Geraschenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, đã chia sẻ một đoạn clip được dịch các bình luận lên trang Twitter của mình vào ngày 20 tháng 2, với chú thích cho video: “Các nhà tuyên truyền đang thảo luận về chuyến thăm của Biden tới Kyiv. Khát máu như mọi khi.”

Geraschenko không nêu tên ai đang phát biểu hoặc thời điểm chính xác các bình luận được đưa ra, tuy nhiên, chuyến đi của Biden đến Ukraine gây bất ngờ và chỉ được đưa tin rộng rãi sau khi ông đã đến nước này.

Theo bản dịch, một người nói: “Có thể ai đó trong Bộ Ngoại giao đã thuyết phục ông già Biden khoe khoang, nhưng thực tế ẩn ý có thể khác.”

“Đây là chỗ rò rỉ với đường ống dẫn khí đốt bị nổ và chuyến đi này có thể dẫn chúng ta đến một sự kiện nào đó chẳng hạn như biến cố ngày 11 tháng 9”.

“Khi Zelenskiy cũng sẽ ngã gục bên cạnh một vệ sĩ đeo kính râm.”

“Chà, đó là kiểu khiêu khích sang trọng mà họ có thể đã lên kế hoạch. Bạn có thể tưởng tượng nếu có thứ gì đó phát nổ trên quảng trường khi chúng ta đang ngồi ở đây.”

Một người khác đặt câu hỏi liệu một nỗ lực nhằm vào mạng sống của Zelenskiy có thực sự là một cuộc tấn công được dàn dựng hay không.

Họ nhận được phản hồi: “Và có lẽ họ cũng quyết định loại bỏ Biden như thế”.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói rằng Hoa Kỳ đã thông báo cho Mạc Tư Khoa về chuyến thăm Ukraine của Biden ngay trước khi ông rời Washington để tránh bất kỳ tính toán sai lầm nào có thể dẫn đến leo thang xung đột với Nga, theo báo cáo của AP.

Sullivan cũng lưu ý rằng sự chấp thuận cuối cùng của Tổng thống Joe Biden đã được đưa ra cho chuyến đi vào thứ Sáu và nó đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng. Biden cũng đã được thông báo về các kế hoạch an ninh cho chuyến thăm.

Phát biểu trên Twitter, Biden xác nhận chuyến thăm của mình và tận dụng cơ hội để chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga.

Trong một tweet, Biden nói: “Khi chúng ta sắp kỷ niệm cuộc xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine, hôm nay tôi ở Kyiv để gặp Tổng thống Zelenskiy và tái khẳng định cam kết vững chắc của chúng ta đối với nền dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Trong một dòng tweet tiếp theo, Biden viết: “Khi Putin phát động cuộc xâm lược gần một năm trước, ông ấy nghĩ Ukraine yếu và phương Tây bị chia rẽ. Ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể tồn tại lâu hơn chúng ta. Nhưng ông ta đã phạm phải sai lầm chết người”.

“Trong năm qua, Hoa Kỳ đã xây dựng một liên minh gồm các quốc gia từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương để giúp bảo vệ Ukraine với sự hỗ trợ chưa từng có về quân sự, kinh tế và nhân đạo-và sự hỗ trợ đó sẽ trường tồn.”

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc để xin bình luận.

2. Tổng thống Biden đã rời Ukraine đến Ba Lan an toàn. Những diễn biến nhanh chóng trong 24 giờ qua

Tổng thống Joe Biden đã đến Ba Lan sau chuyến đi chưa từng có tới thủ đô Kyiv của Ukraine vào thứ Hai. Tại đó, tổng thống đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình và công bố viện trợ mới cho Ukraine.

Trên chiến trường, Nga đang tăng số lượng binh sĩ ở Ukraine, khiến các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi các đồng minh tiếp tục gửi hỗ trợ quân sự và bổ sung đạn dược cho Kyiv.

Tổng thống Hoa Kỳ đã thực hiện một chuyến đi chưa từng có tới Kyiv vào thứ Hai, lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Biden đi bên cạnh Tổng thống Volodymyr Zelenskiy khi có thể nghe thấy tiếng còi báo động không kích vang khắp thủ đô. Biden đã công bố khoản viện trợ bổ sung trị giá nửa tỷ đô la cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt sắp tới đối với Mạc Tư Khoa khi ông tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv. Zelenskiy ca ngợi chuyến thăm của Biden, nói rằng chuyến thăm này đưa Ukraine “đến gần chiến thắng hơn”.

Theo CNN, trong 24 giờ qua, đã có các diễn biến quan trọng sau:

Bộ Quốc phòng Bồ Đào Nha cho biết họ sẵn sàng gửi ba xe tăng chiến đấu Leopard 2 A6 tới Ukraine vào tháng Ba. Một số quốc gia đã đề nghị cung cấp xe tăng cho Ukraine, mặc dù không phải tất cả đều xác nhận họ dự định gửi bao nhiêu xe tăng. Xe tăng từ các đồng minh xuất hiện vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến, khi Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa xuân và khi Ukraine hy vọng chiếm lại lãnh thổ bị chiếm giữ trong 12 tháng qua.

Nga đang tập trung “gần gấp đôi số lượng binh sĩ có mặt vào đầu cuộc chiến” ở Ukraine, Giám đốc Chính sách Đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell cho biết. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đây là kết quả của việc Nga đang cố gắng bù đắp cho trang thiết bị và hậu cần kém, mô tả chiến lược này là “dồn từng đợt người vào các tuyến phòng thủ”. Người đứng đầu NATO cho biết Putin đang “lên kế hoạch cho chiến tranh nhiều hơn”, khi Borrell kêu gọi các đồng minh gửi thêm đạn dược tới Ukraine để chống lại mối đe dọa.

Căng thẳng với Trung Quốc: Zelenskiy đang cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ Nga trong chiến tranh, nói rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới khác. Hôm Chúa Nhật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với chương trình “Face the Nation” của CBS rằng Washington lo ngại Trung Quốc đang xem xét cung cấp “sự hỗ trợ sát thương” cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Hoa Kỳ và hơn 30 quốc gia khác đang ủng hộ đề xuất cấm các vận động viên Nga và Belarus tham gia các môn thể thao quốc tế, theo một tuyên bố chung do chính phủ Anh công bố. Các quốc gia đã yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế, gọi tắt là IOC, đảo ngược quyết định tạo ra một lộ trình cho các vận động viên Nga và Belarus tham gia Thế vận hội sắp tới với tư cách là “các vận động viên trung lập”.

3. Chỉ huy Ukraine ở tiền tuyến ở Bakhmut cảm ơn Biden vì sự hỗ trợ

Các binh sĩ Ukraine bảo vệ thành phố Bakhmut phía đông đang bị các lực lượng Nga tranh chấp ác liệt đã cảm ơn Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến thăm Kyiv hôm thứ Hai, gần một năm kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện.

“ Đây là thông điệp ủng hộ mạnh mẽ nhất dành cho Ukraine vào thời điểm này,” Chỉ huy Yuriy Fedorovych Madyar, một đại tá trong Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 28 của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết trong một video được đăng trên kênh Telegram.

Madyar đang đi bên cạnh một người lính Ukraine khác giữa những tòa nhà bị phá hủy ở Bakhmut. Ông nói về tình hình trên chiến trường và đề cập đến bài phát biểu sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Ba.

“Cảm ơn ngài Tổng thống Biden! Chúa phù hộ nước Mỹ! Cảm ơn vì sự hỗ trợ và giúp đỡ của tổng thống,” người lính đi cùng anh nói trong video.

Madyar cho biết đã không có “thành công lãnh thổ cho đối phương ở vùng ngoại ô Bakhmut” vào hôm thứ Hai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Tư tuần trước rằng tình hình ở Bakhmut là “khó khăn nhất trong số tất cả” các khu vực tranh chấp ở Ukraine.

4. Zelenskiy ca ngợi tầm quan trọng của chuyến thăm Kyiv của Biden trong bài phát biểu buổi tối

Chuyến thăm hôm thứ Hai của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là một ngày quan trọng đối với Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Hai trong một bài phát biểu buổi tối.

“Hôm nay là một ngày mang tính biểu tượng. Ngày thứ 362 của cuộc chiến toàn diện, và chúng ta, tại thủ đô tự do của đất nước tự do của chúng ta, đang tổ chức chuyến thăm từ đồng minh hùng mạnh của chúng ta, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và nói chuyện với ông ấy về tương lai của Ukraine, các mối quan hệ của chúng ta, toàn bộ Âu Châu và nền dân chủ toàn cầu. Đây là một chỉ số cho thấy Ukraine kiên cường như thế nào. Và Ukraine quan trọng như thế nào đối với thế giới,” Zelenskiy nói.

Các bước cụ thể “để giải phóng các vùng lãnh thổ vẫn bị xâm lược của chúng ta và bảo đảm an ninh đáng tin cậy cho đất nước chúng ta và cho tất cả các dân tộc ở Âu Châu” đã được biết đến. Ông nói: “Tất cả những gì chúng ta cần là sự quyết tâm.”

Zelenskiy cảm ơn người dân Mỹ, các thành viên Quốc hội của cả hai đảng và các thành viên trong nhóm của Biden vì đã giúp củng cố liên minh giữa hai nước.

“Bây giờ chúng ta tin chắc rằng không có gì có thể làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta. Không một khía cạnh nào của cuộc sống Ukraine đang và sẽ trở nên mong manh. Sức mạnh của chúng ta là sự đóng góp to lớn vào sức mạnh của tất cả các quốc gia yêu chuộng tự do trên thế giới,” ông nói.

5. Quân đội Ukraine tiến hành 16 cuộc không kích vào các vị trí của đối phương

Hôm thứ Hai, ngày 20 tháng Hai, máy bay của lực lượng phòng vệ Ukraine đã tiến hành 16 cuộc không kích vào các vị trí của quân xâm lược Nga và một cuộc tấn công vào vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương.

“Trong suốt cả ngày, máy bay của Lực lượng Phòng vệ đã thực hiện 16 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân nhân và thiết bị của quân xâm lược và đánh trúng hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương ở vị trí khai hỏa,” Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết như trên.

Theo Bộ Tổng tham mưu, kẻ xâm lược hôm thứ Hai đã phóng ba hỏa tiễn và 22 cuộc không kích. Ngoài ra, đối phương đã sử dụng nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt hơn 30 lần.

Mối đe dọa về các cuộc không kích và hỏa tiễn tiếp theo của Nga vào Ukraine vẫn còn cao.

Đối phương tiếp tục tập trung nỗ lực chính vào việc tiến hành các hoạt động tấn công ở các khu vực Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk.

Theo Bộ Tổng tham mưu, những kẻ xâm lược tiếp tục buộc các công dân Ukraine sống ở các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời của vùng Kherson phải nhận hộ chiếu Nga. Đặc biệt, cái gọi là “chính quyền” ở Skadovsk và Kalanchak, đe dọa tịch thu tài sản cá nhân, yêu cầu đẩy nhanh quá trình lấy hộ chiếu Nga và ghi danh lại hoạt động kinh doanh bất động sản và động sản theo luật pháp Nga. Kết quả là, cư dân địa phương trải qua căng thẳng xã hội và lo sợ mất tài sản và công việc kinh doanh của họ.

6. Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ nói: Chuyến thăm của Biden tới Kyiv đã cho người dân Ukraine thấy rằng Hoa Kỳ “sát cánh cùng chúng tôi trong cuộc chiến này”.

Theo Oksana Markarova, đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Kyiv vào thứ Hai là “rất quan trọng” đối với người Ukraine như một minh chứng cho sự đoàn kết và thống nhất.

“Mặc dù các quốc gia của chúng ta bị chia cắt bởi hàng nghìn km và đại dương, nhưng chúng ta đoàn kết với nhau bằng lòng dũng cảm, tình yêu tự do và sự sẵn sàng chiến đấu vì nó. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với người dân Ukraine là được gặp tổng thống Mỹ vào Ngày Tổng thống ở Kyiv và nói rằng người bạn chiến lược số một của chúng ta, Hoa Kỳ, sẽ sát cánh cùng chúng ta trong cuộc chiến này,” bà nói với Wolf Blitzer của CNN.

Markarova cho biết cô hy vọng chuyến đi của Biden “cũng sẽ mở ra nhiều hỗ trợ bổ sung, điều rất cần thiết để kết thúc cuộc chiến này nhanh hơn.”

Zelenskiy đã thúc đẩy việc mua thêm vũ khí của Mỹ, bao gồm cả máy bay chiến đấu, một yêu cầu đang vấp phải sự hoài nghi của Mỹ và các quan chức phương Tây khác vì các hệ thống phòng không của Nga có thể dễ dàng bắn hạ chúng.

Tuy nhiên, khi ở Kyiv vào thứ Hai, Biden đã thông báo về hỗ trợ quân sự mới và các biện pháp trừng phạt sắp tới của Nga.

Về việc giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến sẽ như thế nào, Markarova cho biết Ukraine “đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ.

Cô nói: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ đất nước của mình. Như tôi đã nói một năm trước, người Ukraine sẽ không bỏ cuộc và sẽ không đầu hàng, và đó là điều chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi sẽ không đầu hàng và sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi giành được chiến thắng”.

7. Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu cảnh báo rằng Nga tung thêm quân vào Ukraine rất đông khiến Kyiv cạn kiệt đạn dược

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell cho biết, để chống lại số lượng binh sĩ Nga ngày càng tăng, Ukraine cần thêm đạn dược, bên cạnh các cam kết hỗ trợ quân sự khác từ các đồng minh.

Ông cho biết Nga đang tập trung “gần gấp đôi số binh sĩ đã có mặt khi bắt đầu cuộc chiến” ở Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng vài tuần tới sẽ rất quan trọng.

“Quân đội Ukraine đang rất cần một lượng lớn đạn dược để chống lại sự gây hấn của Nga,” Borrell nói. “Khẩu súng nào cũng cần phải có đạn.”

“Thời gian là điều cốt yếu. Tốc độ có nghĩa là cuộc sống. Chúng ta cần phải phản ứng nhanh chóng. Không chỉ hỗ trợ nhiều hơn mà còn cung cấp nhanh hơn,” Borrell nói thêm.

Ông nói, cách tốt nhất để nhanh chóng đưa đạn dược tới Ukraine là chia sẻ các kho dự trữ hiện có của quân đội Âu Châu để không lãng phí thời gian chờ đợi chúng được sản xuất.

“Chúng ta phải sử dụng những gì đã được sản xuất và dự trữ, hoặc những gì đã được ký hợp đồng và sẽ được sản xuất trong những ngày tới. Ông nói: “Chúng ta phải ưu tiên cung cấp cho quân đội Ukraine càng nhiều càng tốt.

Ông Borrel cũng cho biết gói trừng phạt thứ 10 chống lại Nga cũng đã được thảo luận tại cuộc họp của các ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels hôm thứ Hai, và thông báo rằng chúng đã được “trình bày dưới dạng Quy định để Hội đồng phê duyệt”, điều này sẽ diễn ra trong “những giờ tới”, hoặc những ngày tiếp theo.”

8. Ngoại trưởng Ukraine nói đừng 'đánh giá quá cao' khả năng sản xuất vũ khí của Nga

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định không nên “đánh giá quá cao” năng lực sản xuất vũ khí của Nga, đồng thời kêu gọi các đồng minh mở rộng lệnh trừng phạt đối với các thực thể sản xuất hỏa tiễn Nga.

Kuleba nói với các phóng viên báo chí rằng: “Các đối tác của chúng ta có một công cụ trong tay để ngăn chặn hoạt động sản xuất này, đó là các biện pháp trừng phạt”.

“Ví dụ, chúng ta đã đề xuất một danh sách rất cụ thể các thực thể Nga tham gia sản xuất hỏa tiễn. Vì vậy, hãy trừng phạt họ, làm cho cuộc sống của họ trở nên phức tạp hơn và ngăn chặn việc sản xuất hỏa tiễn”.

Giải quyết những lo ngại ngày càng tăng ở Âu Châu rằng nguồn cung cấp đạn dược đang giảm dần, Kuleba tuyên bố “sẽ không bao giờ có đủ đạn dược chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn”.

“Vâng, nếu bạn hỏi tôi rằng chúng tôi cần gì nhất ở đây và bây giờ, thì tôi sẽ nói rằng đó là đạn pháo. Nếu bạn yêu cầu tôi tưởng tượng rằng điều đó đã được giải quyết, thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, tôi sẽ nói rằng đó là các cỗ trọng pháo để sử dụng loại đạn này,” ngoại trưởng nói.

“Doanh nghiệp cần hợp đồng và để có hợp đồng bạn cần có tiền. Do đó, nếu các chính phủ muốn hỗ trợ Ukraine, họ có thể tài trợ cho các công ty của mình bằng cách ký hợp đồng sản xuất đạn dược và các loại vũ khí khác, và đó là những gì chúng ta đang làm”, Kuleba tiếp tục.

9. Báo cáo cho thấy lính Nga vô tình làm nổ tung họ bằng bếp nấu ăn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Accidentally Blow Themselves Up Using Cooking Stove-Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy lính Nga vô tình làm nổ tung họ bằng bếp nấu ăn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo từ địa phương, sáu binh sĩ Nga ở vùng Kursk, gần biên giới với Ukraine, đã thiệt mạng trong một vụ nổ vô tình gây ra khi những người này đang sử dụng bếp nấu ăn.

Vụ nổ xảy ra vào sáng thứ Hai tại một trong những quận của vùng Kursk, theo kênh Telegram Baza của Nga, là kênh thường xuyên đăng thông tin về các vấn đề an ninh trong nước.

Kênh này đưa tin rằng những người lính Nga đang ở trong chiến hào vào thời điểm đó đã đổ xăng lên một chiếc bếp gây ra vụ nổ và hỏa hoạn.

Baza đưa tin: “Chỉ có hai người lính chạy được ra ngoài đường.”

Theo thông tin sơ bộ, ít nhất 6 quân nhân Nga đã thiệt mạng do vụ nổ và hỏa hoạn.

Bộ Quốc phòng Nga nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng đám cháy bùng phát do “sự vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu an toàn của quân đội thuộc Quân khu phía Tây ở vùng Kursk”.

Vùng Kursk của Nga giáp Ukraine, nơi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn gần một năm kể từ khi Nga xâm lược. Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 12 cho biết Nga đã bắt đầu mở rộng hệ thống phòng thủ dọc biên giới với Ukraine trong bối cảnh lo ngại rõ ràng về một cuộc xâm lược và hệ thống chiến hào phức tạp đang được quân đội Nga đào ở Belgorod, gần biên giới.

Secretmag, một hãng tin kinh doanh của Nga, đưa tin rằng lực lượng an ninh đã dập tắt đám cháy, nhưng kết quả là chiến hào bị ngập trong nước.

Thi thể của 6 binh sĩ thiệt mạng vẫn chưa được tìm thấy.

Trong một sự việc vào tháng trước, truyền thông nhà nước đưa tin rằng quân đội Nga đóng quân ở Belgorod đã thiệt mạng trong một vụ nổ do “giải quyết bất cẩn đạn dược”

Các quan chức Nga đã công khai tiết lộ một số chi tiết về vụ việc, nhưng các cuộc điều tra ban đầu chỉ ra rằng việc quân đội sử dụng sai đạn dược là nguyên nhân gây ra vụ nổ. Ngoài những binh sĩ thiệt mạng, ít nhất 15 người khác bị thương chưa rõ mức độ.

“Nguyên nhân ban đầu của vụ nổ là do giải quyết đạn dược bất cẩn”, đại diện dịch vụ khẩn cấp nói với TASS vào thời điểm đó.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, một số khu vực gần biên giới, bao gồm Kursk, Bryansk và Belgorod, đã bị rung chuyển bởi các vụ nổ. Kho nhiên liệu và đạn dược đã trở thành mục tiêu trong một số cuộc tấn công. Kyiv chưa nhận trách nhiệm.

Và tại Mạc Tư Khoa, Nga được cho là đã lắp đặt các hệ thống phòng không trên nóc một số tòa nhà, mặc dù Ukraine chưa hề để lộ ý định chuẩn bị tấn công thủ đô Nga

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.
 
Bi thảm: Rùng mình trước biển thánh giá trên mộ lính Nga. Các GM Hoa Kỳ lên tiếng về tài liệu FBI
VietCatholic Media
07:47 21/02/2023


1. Nữ tu bóng rổ 103 tuổi Jean Dolores Sơ Schmidt ra mắt hồi ký

Ở tuổi 103, Nữ tu Jean Dolores Schmidt thuộc Dòng Nữ tu Bác ái Đức Trinh Nữ Maria được hầu hết mọi người gọi đơn giản là “Sơ Jean” hay “nữ tu bóng rổ”.

Với phương châm “tôn thờ, làm việc, chiến thắng,” Sơ Schmidt từ lâu đã được sinh viên yêu thích tại Đại học Loyola của Chicago vì tốt bụng và tình yêu bóng rổ nhiệt thành của sơ.

Giờ đây, với sự giúp đỡ của nhà báo thể thao Seth Davis, sơ đang xuất bản cuốn hồi ký của mình, có tựa đề “Thức dậy với mục đích: Điều tôi đã học được trong một trăm năm đầu tiên của mình” (Harper Select, 2023).

Được dự trù phát hành vào ngày 28 tháng 2, cuốn hồi ký của Sơ Schmidt sẽ chia sẻ một số bài học và trí tuệ mà sơ đã tích lũy được trong 103 năm cuộc đời. Harper Select gọi cuốn hồi ký của Sơ Schmidt là “một phần câu chuyện cuộc đời, một phần văn bản triết học và một phần hướng dẫn tinh thần.”

Với tư cách là tuyên úy của đội bóng rổ nam Ramblers của Đại học Loyola, Sơ Schmidt đã giành được danh hiệu huyền thoại khi đội bóng thân yêu của sơ tiến vào Chung kết năm 2018.

Sinh năm 1919, Sơ Schmidt nói rằng lần đầu tiên sơ cảm thấy được Chúa kêu gọi trở thành một nữ tu khi sơ được truyền cảm hứng từ giáo viên lớp ba của mình, một Nữ tu Bác ái.

Trong cuốn hồi ký của mình, Sơ Schmidt viết rằng từ đó sơ cầu nguyện mỗi ngày: “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu điều con nên làm, nhưng xin hãy nói với con rằng con nên trở thành một nữ tu Dòng Bác ái Đức Trinh Nữ Maria.”

Sống qua cuộc Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai, Sơ Schmidt đã cống hiến toàn bộ cuộc đời trưởng thành của mình cho mục vụ giảng dạy.

Năm 1994, sơ được bổ nhiệm làm tuyên úy đội bóng rổ Ramblers. Trong cuốn hồi ký của mình, Sơ Schmidt gọi vai trò tuyên úy của mình là “vị trí siêu việt và biến đổi nhất” trong cuộc đời sơ.

“Thể thao rất quan trọng vì chúng giúp phát triển các kỹ năng sống,” Sơ Schmidt nói, theo Associated Press. Và trong những kỹ năng sống đó, bạn cũng đang nói về đức tin và mục đích.”

Cho đến ngày nay, sinh viên cũng như giảng viên đều ngạc nhiên trước nghị lực và sự tận tâm của Sơ Schmidt đối với cả bóng rổ và các sinh viên của sơ ấy.

“Sự nhiệt thành của sơ ấy thật đáng kinh ngạc,” Tom Welch, 22 tuổi, tiền đạo cấp cao của Ramblers, nói với AP. Sơ làm điều đó hàng ngày, mọi trận đấu. Sơ mang lại nguồn năng lượng tương tự cho những lời cầu nguyện trước khi thi đấu của chúng tôi.”

Matt Baugher của tạp chí Harper Select đã nói: “Ngày nay khó có thể đạt được sự thông thái, nhưng tôi không thể nghĩ ra một người nào có nhiều điều đó hơn Sơ Jean”.

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong 103 năm qua, nhưng những điều quan trọng vẫn không thay đổi,” Sơ Schmidt nói về cuốn hồi ký sắp xuất bản của mình. “Tôi muốn kể lại câu chuyện cuộc đời mình cho mọi người, không phải vì tôi cảm thấy mình quá đặc biệt hay cuộc sống của tôi quá phi thường, mà là một cách để mang đến cho mọi người hy vọng và sự lạc quan rằng một khi họ tìm thấy mục đích của mình, họ có thể trải qua cuộc sống với niềm vui và sự viên mãn.”

“Thức dậy với mục đích!” hiện đã có sẵn để đặt hàng trước.
Source:Catholic News Agency

2. Các Giám mục Hoa Kỳ: Tài liệu của FBI nhắm vào người Công Giáo là 'lập hồ sơ tôn giáo'

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã phản hồi hôm thứ Năm về một tài liệu bị rò rỉ từ FBI dường như tiết lộ rằng bộ phận Richmond của cục đã mở một cuộc điều tra về những người Công Giáo “truyền thống cực đoan” và mối liên hệ có thể có của họ với “phong trào dân tộc chủ nghĩa da trắng cực hữu”.

“Trước tiên tôi xin nói rõ: Bất kỳ ai ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc cổ vũ bạo lực đều đang bác bỏ giáo huấn Công Giáo về phẩm giá vốn có của mỗi và mọi người,” Đức Hồng Y Timothy Dolan, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB, cho biết trong một tuyên bố ngày 16 tháng 2. “USCCB lên án mạnh mẽ chủ nghĩa cực đoan như vậy và hoàn toàn ủng hộ công việc của các quan chức thực thi pháp luật để giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta.”

Tài liệu bị rò rỉ đã bị một số quan chức liên bang và tiểu bang, cũng như các giáo sĩ, lên án, bao gồm cả Đức Cha Barry Knestout của Giáo phận Richmond, người gần đây đã gọi bản ghi nhớ là “mối đe dọa đối với tự do tôn giáo”.

“Tôi đồng ý với Đức Cha Barry Knestout của tôi rằng bản ghi nhớ bị rò rỉ dù sao cũng 'gây rắc rối và xúc phạm' ở một số khía cạnh — chẳng hạn như hồ sơ tôn giáo và sự phụ thuộc vào nguồn đáng ngờ — và tôi rất vui vì nó đã bị hủy bỏ,” Đức Hồng Y Dolan nói. “Chúng ta khuyến khích các cơ quan thực thi pháp luật liên bang thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm các khía cạnh có vấn đề của bản ghi nhớ không tái diễn trong bất kỳ công việc nào của cơ quan họ trong tương lai.”

Kể từ khi tài liệu bị rò rỉ, nhiều người Công Giáo đã chỉ trích FBI, nhưng trong một tuyên bố gửi cho CNA vào ngày 9 tháng 2, cục này cho biết họ sẽ xóa tài liệu vì “nó không đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác của chúng tôi”.

Văn phòng báo chí quốc gia của FBI đã xác nhận với CNA rằng tài liệu đến từ văn phòng Richmond nhưng tuyên bố rằng họ sẽ “xóa tài liệu khỏi hệ thống FBI” vì nó “không đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác của FBI”.

“Mặc dù thông lệ tiêu chuẩn của chúng tôi là không bình luận về các sản phẩm tình báo cụ thể, nhưng sản phẩm cụ thể này - chỉ được phổ biến trong FBI - liên quan đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực có động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc không đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác của FBI,” tuyên bố viết.

“Sau khi biết được tài liệu, Trụ sở FBI đã nhanh chóng xóa tài liệu khỏi hệ thống của FBI và tiến hành đánh giá cơ sở của tài liệu. FBI cam kết thực hiện kỹ thuật phân tích hợp lý và điều tra, ngăn chặn các hành vi bạo lực cũng như các tội phạm khác trong khi bảo vệ các quyền hiến định của tất cả người Mỹ và sẽ không bao giờ tiến hành các hoạt động điều tra hoặc mở một cuộc điều tra chỉ dựa trên những hoạt động hoặc lời nói được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất,” tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Quốc gia FBI kết luận.

Bản ghi nhớ, có tựa đề “Sự quan tâm của những kẻ cực đoan bạo lực có động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc trong ý thức hệ Công Giáo truyền thống- cực đoan gần như chắc chắn không có những cơ hội giảm thiểu mới,” được đề ngày 23 Tháng Giêng và được báo cáo là đã bị rò rỉ bởi một đặc vụ FBI tại văn phòng Richmond. Tác giả giấu tên của nó chỉ ra rằng những người Công Giáo quan tâm đến Thánh lễ Latinh truyền thống và là thành viên của một số nhóm truyền thông xã hội đang đưa ra “những cơ hội mới để tăng thêm các mối đe dọa”.

Bản ghi nhớ bị rò rỉ đặc biệt chỉ ra Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP, và Hiệp hội Thánh Piô X, gọi tắt là SSPX, là những điểm liên lạc tiềm năng để tiếp cận cộng đồng. Cả hai đều cử hành Thánh lễ Latinh trong khu vực trách nhiệm của FBI Richmond.
Source:Catholic News Agency

3. Trong Nghĩa trang Nga ảm đạm này, biển thánh giá báo hiệu tổn thất thực sự của cuộc chiến

Tờ New York Times có bài tường trình nhan đề “In Bleak Russian Cemetery, Sea of Crosses Signals War’s True Toll”, nghĩa là “Trong Nghĩa trang Nga ảm đạm này, biển thánh giá báo hiệu cuộc chiến thực sự.”

Ngày 15 tháng 2 năm 2023. Bakinskaya, Nga — Đó là một đám tang cô đơn. Bốn chiếc quan tài hẹp, vừa được kéo ra từ phía sau một chiếc xe tải có mái che, đặt trên giá đỡ dưới tuyết rơi dày đặc khi một linh mục Chính thống giáo thực hiện các nghi lễ cuối cùng. Ba người đào mộ trong chiếc áo khoác rách tả tơi đứng khoanh tay nghiêm trang. Một chiếc máy xúc đậu gần đó, sẵn sàng đào thêm những ngôi mộ.

“Lạy Chúa xin thương xót,” vị linh mục cầu nguyện khi thắp hương cho thi thể của những người lính Nga đã ngã xuống, chiếc áo lễ của ngài bị gió lạnh thổi bay.

Sau khi những xác chết đó được hạ xuống, bốn người lính nữa đã chết trong những chiếc quan tài phủ đầy màu đỏ thẫm được đưa đến với những nghi thức cuối cùng của họ.

Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều người đàn ông đã hy sinh khi chiến đấu cho lực lượng lính đánh thuê tư nhân được gọi là Wagner, lực lượng đã dẫn đầu nỗ lực quân sự của Nga trong trận chiến kéo dài nhiều tháng ở thành phố Bakhmut của Ukraine.

Người sáng lập Wagner, Yevgeny V. Prigozhin, một nhà tài phiệt có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir V. Putin, đã ca ngợi lực lượng của ông là “có lẽ là đội quân giàu kinh nghiệm nhất thế giới hiện nay”.

Nhưng nghĩa trang đang phát triển nhanh chóng ở Bakinskaya, một thị trấn gần Hắc Hải, là bằng chứng cho thấy đội quân đánh thuê của ông ta - bao gồm nhiều cựu tù nhân được huấn luyện kém - đang hứng chịu những tổn thất to lớn trên chiến trường. Vào một ngày trong tuần gần đây, 9 người đàn ông đã được an táng tại nghĩa trang tương đối mới này, được thành lập cho những tân binh của Wagner, những người đã cho biết rằng họ muốn được chôn cất ở đó.

Cuối năm ngoái, các nhà hoạt động đã được thông báo về hoạt động gia tăng tại khu mộ này, nằm liền kề với một nghĩa trang được sử dụng bởi cộng đồng địa phương. Sau đó, nó chứa khoảng 50 ngôi mộ. Giờ đây, nó có khoảng 300 người, và những người quan sát nghĩa trang cho biết trung bình có từ bốn đến tám binh sĩ được chôn cất mỗi ngày; ước tính của phương tiện truyền thông địa phương thậm chí còn cao hơn, họ báo cáo có tới 16 ngôi mộ mỗi ngày.

Hầu như tất cả các ngôi mộ, được bao phủ bởi lớp tuyết mới, đều giống hệt nhau, mặc dù đôi khi có một tấm bia mộ Hồi giáo mỏng manh đứng ở đầu mộ, thay vì một cây thánh giá Chính thống giáo. Mỗi chiếc có một vòng hoa bằng nhựa theo kiểu logo Wagner — đỏ, vàng và đen với một ngôi sao vàng ở giữa. Chỉ có một ngôi mộ của Andrey V. Orlov, qua đời ngày 15 tháng 12 ở tuổi 28, có một bức ảnh và thêm một vòng hoa.

Việc chôn cất ở đây ít được chú ý cho đến cuối tháng 12, khi một nhà hoạt động phản chiến, Vitaly V. Wotanovsky, bắt đầu công bố những hình ảnh về nghĩa trang, bao gồm tên và ngày sinh của người chết, trên kênh Telegram của anh ấy. Mười ngày sau, vào ngày đầu năm mới, những bức ảnh chụp ông Prigozhin đặt hoa trên các ngôi mộ đã xuất hiện.

Ông Wotanovsky cho biết thương vong bắt đầu tăng lên khi trận chiến giành Bakhmut và ngôi làng Soledar gần đó ngày càng căng thẳng.

“Kể từ tháng 11, số người chết đã tăng lên đáng kể,” ông Wotanovsky, 51 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở thành phố Krasnodar gần đó. Trước đây, ông đếm được khoảng 4 vụ chôn cất mỗi ngày, ông nói, nhưng lưu ý rằng vào những ngày gần đây, con số này là 11.

Ông Wotanovsky, người đã bị giam giữ 20 ngày kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vì các hoạt động phản chiến của ông, có kiến thức gần như bách khoa về các nghĩa trang trong khu vực của mình. Ông ấy thu thập lời khuyên từ cư dân địa phương và tiếp tục kiểm đếm những người chết trong chiến tranh được chôn cất trong khu vực và đăng ảnh về các điểm đánh dấu mộ trên kênh Telegram của mình. Ông ấy nói rằng thông báo cho công chúng biết tên và danh tính của những người đã ngã xuống là cách duy nhất để ông ấy phản đối và cố gắng thay đổi dư luận.

Ông Wotanovsky, một cựu quân nhân Nga đã có nhiều năm làm việc cho quân đội, cho biết: “Đây là cách hợp pháp, bình thường duy nhất để nói với mọi người rằng chiến tranh là chết chóc, rằng điều đó thật tồi tệ, để họ bằng cách nào đó suy ngẫm về điều đó trong đầu”, Wotanovsky nói. Trước khi nghỉ hưu, ông là một kỹ sư liên lạc vô tuyến trong quân đội Nga.

Theo một phân tích của The New York Times, nhiều chiến binh Wagner được chôn cất ở Bakinskaya là các tù nhân đã bị kết án tù hình sự. Các cơ quan tình báo phương Tây, chính phủ Ukraine và hiệp hội quyền của tù nhân, Russia Behind Bars, ước tính rằng khoảng 40.000 tù nhân đã gia nhập lực lượng Nga kể từ tháng 7 – chiếm khoảng 10% số tù nhân của đất nước. Các quan chức Ukraine đã tuyên bố rằng gần 30.000 người trong số họ đã đào ngũ hoặc bị giết hoặc bị thương, nhưng con số này không thể được xác minh độc lập.

Một trong những người đào mộ tự hào khi chỉ ra cho các nhà báo đến thăm rằng những chiếc quan tài không được đặt trên mặt đất mà được đặt trên các giá đỡ riêng lẻ “một cách trang nghiêm”.

Một số nhà quan sát đã suy đoán rằng nghĩa địa là một mánh khóe quan hệ công chúng của ông Prigozhin, người đang ngày càng tìm kiếm công lao cho việc chiếm lãnh thổ Ukraine và được cho là có tham vọng chính trị.

Samuel Ramani, một cộng tác viên tại RUSI, cho biết: “Không giống như xu hướng chung ở Nga là cố gắng giảm thiểu thương vong và giảm nhẹ thiệt hại về nhân mạng, ông Prigozhin đang cố gắng thúc đẩy chủ nghĩa anh hùng quân sự và sự hy sinh” của những người lính của mình. Tổ chức tư vấn quốc phòng ở Anh, với các nghiên cứu chuyên sâu về nhóm này nói.

Cách nghĩa trang không xa, 20 phút đi xe dọc theo đường cao tốc của khu vực, là một khu nhà có một nhà nguyện được dựng lên để tưởng nhớ những chiến binh Wagner đã chết. Trong một chuyến thăm gần đây, các cổng xung quanh khu nhà đã bị đóng hoàn toàn. Các video ông Prigozhin đến thăm địa điểm này cho thấy những bức tường chứa hài cốt hỏa táng của một số chiến binh không xác định.

Đi thêm 10 phút nữa theo đường cao tốc là căn cứ Molkino, nơi mà các nhà quan sát cho rằng đã từng là trại huấn luyện cho binh lính Wagner kể từ năm 2015. Theo báo cáo của truyền thông Nga, Bộ Quốc phòng đã chi ít nhất 1 tỷ rúp, tương đương 13,6 triệu USD, để phát triển hoạt động huấn luyện của cơ sở này.

Căn cứ cấm dân thường tiếp cận, nhưng những người lính trong nhiều bộ đồng phục khác nhau là khách hàng chính tại một số quán cà phê, cửa hàng thức ăn nhanh và một cửa hàng tiện lợi ở khu vực lân cận.

Một binh sĩ tên là Abkhat cho biết anh ta đến từ vùng Samara, gần biên giới với Kazakhstan, và anh ta được phái đến Ukraine vào tối hôm đó.

Anh ấy nói rằng anh ấy 30 tuổi và anh ấy “tình nguyện không phải vì tiền mà vì tình yêu đất nước của tôi.”

Tại thủ phủ vùng Krasnodar, một thành phố có 900.000 dân, chiến tranh không bao giờ xa. Hàng không dân dụng đã bị đình chỉ kể từ ngày 24 tháng 2 năm ngoái, ngày Nga xâm lược và các máy bay chiến đấu thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện trên không, bổ sung cho các cuộc tập trận chiến thuật đang diễn ra tại Molkino.

Khu vực Krasnodar, với dân số lớn thứ ba trong số 85 khu vực của Nga, có số vụ cao thứ hai về tội “làm mất uy tín của quân đội Nga”, một cáo buộc phổ biến đối với bất kỳ ai bày tỏ sự phản đối chiến tranh. Tái phạm có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Trong một trường hợp gây chú ý và báo động cho các nhà hoạt động phản chiến địa phương, một cặp vợ chồng đã thảo luận về sự phản đối của họ đối với cuộc xâm lược với nhau khi họ đang dùng bữa tối tại một nhà hàng. Chủ cơ sở đã gọi cảnh sát, họ buộc tội hai vợ chồng có hành vi côn đồ nhỏ. Người vợ cũng bị buộc tội “làm mất uy tín” của quân đội Nga.

Bất chấp bầu không khí đáng sợ, bạn thân của ông Wotanovsky, Viktor V. Chirikov, cũng là một cựu quân nhân, tin rằng hành động đơn giản là đăng tin về người chết cuối cùng sẽ không chỉ chấm dứt chiến tranh mà còn làm sụp đổ hệ thống mà ông Putin xây dựng.

“Bạn có biết tại sao Đế chế Nga sụp đổ không?” anh ấy nói trong bếp của ông Wotanovsky. “Vì số lượng quan tài từ các mặt trận trong Thế chiến thứ nhất trở về những ngôi làng nơi những người đã ngã xuống sinh sống.”

“Có một thứ để xem trên TV hoặc máy tính là 'ồ, họ đang chiến đấu ở đó, họ đang giết chóc ở đó', giống như trong các trò chơi bắn súng trên máy tính. Nhưng mọi người bắt đầu hỏi 'tại sao chúng ta làm điều này?' khi họ nhìn thấy quan tài hoặc mộ chí những người bạn học của họ.”

Hai người đàn ông cho biết họ sẽ tiếp tục đếm số người chết khi thương vong gia tăng. Tại nghĩa trang ở Bakinskaya, dường như có chỗ cho nhiều thi thể hơn.

Ông Wotanovsky nói: “Họ vẫn sẽ cần thêm không gian.”
Source:New York Times
 
Wagner bị Shoigu chơi xấu, thương vong nặng nề. NATO phản ứng trước diễn văn hiếu chiến của Putin
VietCatholic Media
16:32 21/02/2023


1. Quân Nga gánh chịu thương vong nặng nề vì kèn cựa với nhau

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 21 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua quân xâm lược tiếp tục các hoạt động tấn công ở các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk.

Trong ngày qua, các đơn vị của quân Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Nga trong các khu định cư Hrianykivka và Masiutivka ở vùng Kharkiv; Bilohorivka ở vùng Luhansk và Vasiukivka, Berkhivka, Bakhmut, Vasylivka, Novobakhmutivka, Vodiane, Nevelske và Maryinka ở vùng Donetsk.

Thứ trưởng Hanna Maliar mô tả tình hình xung quanh khu vực thành phố Bakhmut là rất khó khăn. Mỗi ngày, quân Nga đưa thêm từ vài trăm đến cả ngàn tân binh. Pháo binh của quân Ukraine bắn tới tấp để yểm trợ cho quân phòng thủ nên đã rơi vào tình trạng cạn kiệt đạn dược.

Tuy nhiên, điều may mắn là Nga cũng cạn kiệt. Chịu áp lực chính trị phải kiếm ra một chiến thắng, quân Nga bắn không tiếc đạn pháo. Ngoài ra, họ cũng chịu thiệt hại do cháy nổ tại các kho đạn dược gần Kadiivka ở khu vực Luhansk, nơi đã từng bị pháo binh Ukraine tấn công nhiều lần.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng kèn cựa với nhau. Trong 24 giờ qua, quân Wagner đã mất khoảng 400 quân khi tấn công Vasiukivka, cách thành phố Bakhmut 22 km về phía Bắc. Họ tấn công vào thị trấn này để cắt đứt xa lộ T0513. Trùm du đảng Wagner Yevgeny Prigozhin giải thích mức độ thương vong cao là do Bộ Quốc Phòng Nga không cung cấp đạn pháo cho nhóm của ông ta, và cũng chẳng bắn yểm trợ. CNN không thể xác minh các cáo buộc của ông ta. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là cuộc tấn công của Wagner vào Vasiukivka diễn ra đồng thời với các cuộc tấn công của quân chính quy Nga vào các hướng khác.

Prigozhin có mối hiềm khích công khai với Bộ Quốc Phòng Nga; và gần đây có thể cả với tổng thống Nga Vladimir Putin. Một số bloggers quân sự Nga đi xa đến mức cho rằng nếu Prigozhin ra tranh cử tổng thống Nga vào thời điểm này, hy vọng của ông ta không phải là nhỏ.

Sergei Markov, một đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một nhà phân tích chính trị người Nga, người ủng hộ Putin và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga nói với The New York Times trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm thứ Bảy 11 tháng Hai rằng Điện Cẩm Linh đã gửi một chỉ thị tới các chuyên gia truyền hình nhà nước Nga để không “quảng cáo quá mức cho Prigozhin và Wagner”.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, trong 24 giờ qua, 760 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 10 xe tăng, 9 xe thiết giáp, và 4 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 21 Tháng Hai, 144.440 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngoài ra, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 3.326 xe tăng Nga, 6.562 xe thiết giáp, 2.338 hệ thống pháo, 471 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 243 hệ thống phòng không, 299 máy bay chiến đấu, 287 trực thăng, 2.023 máy bay không người lái chiến thuật, 873 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.210 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 226 thiết bị chuyên dùng.

2. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận xét rằng tập đoàn Wagner có khả năng bị 'cắt đứt' khỏi nguồn cung cấp pháo binh của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Group Likely 'Cut Off' From Russian Artillery Supply: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận xét rằng tập đoàn Wagner có khả năng bị 'cắt đứt' khỏi nguồn cung cấp pháo binh của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Tập đoàn Wagner được cho là đã mất quyền tiếp cận nguồn cung cấp vũ khí của Bộ Quốc phòng Nga, theo đánh giá mới nhất từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW.

Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Wagner và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội Nga đã ngừng cung cấp đạn pháo cho nhóm lính đánh thuê tư nhân của ông do “mối quan hệ phức tạp” của ông với các quan chức Nga mà ông không nói rõ là những ai.

Tổ chức tư vấn báo cáo rằng Prigozhin có khả năng đề cập đến các quan chức của Bộ Quốc Phòng Nga, vì mối quan hệ giữa Tập đoàn Wagner và quân đội Nga tiếp tục suy yếu.

“Prigozhin tuyên bố rằng Wagner đã 'hoàn toàn đói đạn dược' do các quan chức quân đội Nga phớt lờ yêu cầu của ông ta và đưa ra những hạn chế mới đối với việc mua sắm đạn dược của ông ta,” bản đánh giá hôm thứ Hai cho biết như trên.

Kết quả là, Prigozhin tuyên bố, những người lính đánh thuê của Wagner phải đối mặt với “số lượng thương vong gấp đôi”

Bộ Quốc Phòng Nga cũng đã tạm dừng khả năng tuyển mộ tù nhân của Prigozhin và ngăn họ sử dụng các cơ sở huấn luyện chọn lọc của Nga cho quân đội của mình. Theo nhà sáng lập Wagner, một số sĩ quan Nga đã “vi phạm quân luật” khi vẫn cung cấp vũ khí cho nhóm lính đánh thuê của ông.

Mặc dù chia sẻ lịch sử thân thiện với Putin, quân đội của Prigozhin gần đây đã vướng vào mối thù với chính phủ Nga sau khi hai lực lượng xung đột về việc quân đội nào đóng vai trò hàng đầu trong cuộc tiến quân của Nga tới thành phố Bakhmut của Ukraine.

Lực lượng Wagner đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xâm lược của Nga, nhưng dường như đang nhanh chóng mất ảnh hưởng ở Ukraine, ISW trước đây đã báo cáo các trường hợp Putin thay thế lực lượng Wagner “kiệt sức” bằng quân đội của chính ông ta dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk.

Tập đoàn Wagner được cho là cũng đã phải đối mặt với số người chết nặng nề trong cuộc chiến với Nga, đặc biệt là trong số các binh sĩ được tuyển mộ từ các nhà tù của Nga. Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã báo cáo hôm thứ Sáu rằng các tân binh bị kết án được triển khai của Wagner có khả năng phải chịu tỷ lệ thương vong lên tới 50%.

Tuần trước, Tập đoàn Wagner đã đổ lỗi “hàng trăm” cái chết của họ cho chính phủ Nga trong một bài đăng trên tài khoản Telegram của mình, tuyên bố rằng Bộ Quốc phòng Nga đã không gửi “vũ khí, đạn dược và mọi thứ cần thiết đúng hạn” cho quân đội của họ dọc theo mặt trận với quân Ukraine.

Tuy nhiên, vào thứ Bảy, Prigozhin tiếp tục “chiến dịch thông tin” chống lại Điện Cẩm Linh, tuyên bố rằng Wagner “không trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga và 'không liên quan gì đến Quân đội Nga.'“

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc Phòng Nga để xin bình luận.

3. Putin tuyên bố Nga rút khỏi hiệp ước hạt nhân New Start với Mỹ

Trong một bài phát biểu dài đến một giờ 45 phút, tin tức mới thực sự duy nhất xuất hiện trong bài diễn văn này là ở đoạn gần cuối khi Putin nói rằng ông ta quyết định đình chỉ sự tham gia của Nga vào hiệp ước New Start với Mỹ.

Sau khi cáo buộc Mỹ và NATO không hợp tác, ông nói: “Về vấn đề này, hôm nay tôi buộc phải thông báo rằng Nga đình chỉ tham gia hiệp ước vũ khí tấn công chiến lược”.

Putin nói rằng Nga sẽ thực hiện các vụ thử hạt nhân mới nếu Mỹ làm như vậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang bằng một điệp khúc quen thuộc: Nga không có lựa chọn nào khác ngoài tấn công Ukraine.

Putin tuyên bố rằng phương Tây đang chuẩn bị biến Ukraine thành bệ phóng đầy vũ khí để tấn công Nga, nghĩa là Mạc Tư Khoa phải hành động trước khi còn có thể làm như vậy.

Điều này lặp lại bài phát biểu của ông ta vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, khi ông lập luận rằng Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực chống lại Ukraine.

“Họ không cho chúng ta bất kỳ lựa chọn nào khác để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta, ngoài lựa chọn mà chúng ta buộc phải sử dụng ngày nay”, ông nói.

“Trong những trường hợp này, chúng ta phải có hành động táo bạo và ngay lập tức. Cộng hòa nhân dân Donbas đã yêu cầu Nga giúp đỡ.”

Trong bài phát biểu hôm thứ Ba, Putin nói rằng Nga đã làm “mọi thứ có thể” để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình, đồng thời cáo buộc phương Tây nhắm mắt làm ngơ trước “hoạt động khủng bố” ở miền đông Ukraine.

Putin cũng lặp lại tuyên bố không có cơ sở rằng Ukraine đang thúc đẩy để được cung cấp vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định rằng ông coi cuộc xâm lược là một hành động phòng thủ, phủ đầu.

Ông tiếp tục đổ lỗi cho phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine.

“Tôi muốn nhắc lại: chính họ đã khơi mào chiến tranh”, ông Putin nói. “Và chúng ta đã sử dụng và tiếp tục sử dụng vũ lực để ngăn chặn nó.”

Bài phát biểu của Vladimir Putin trước giới tinh hoa chính trị và quân sự của Nga hôm thứ Ba cho thấy ông đã mất liên lạc với thực tế, một phụ tá cấp cao của tổng thống Ukraine cho biết.

“Ông ấy đang ở trong một thực tế hoàn toàn khác, nơi không có cơ hội tiến hành đối thoại về công lý và luật pháp quốc tế,” cố vấn chính trị Mykhailo Podolyak nói với Reuters.

4. Phản ứng trước bài diễn văn của Putin, Tổng thư ký NATO nói Putin đang “chuẩn bị nhiều hơn cho chiến tranh”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Vladimir Putin đang “chuẩn bị cho chiến tranh cho chiến tranh”. Ông đưa ra lập trường trên để đáp lại bài phát biểu về tình trạng quốc gia của tổng thống Nga hôm thứ Ba.

Ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng liên minh “ngày càng lo ngại” rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch hỗ trợ Nga.

“Chính Tổng thống Putin đã bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đế quốc này. Chính Putin là người tiếp tục leo thang theo cách này,” ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo ở Brussels hôm thứ Ba cùng với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell. “Một năm kể từ khi ông ấy phát động cuộc xâm lược, chúng ta không thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho hòa bình. Ngược lại, như ông ấy đã nói rõ ngày hôm nay, ông ấy đang chuẩn bị cho nhiều cuộc chiến hơn nữa.”

“Nga đang phát động các cuộc tấn công mới, huy động thêm binh sĩ và tiếp cận với Triều Tiên và Iran,” ông Stoltenberg nói. “Chúng ta cũng ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch hỗ trợ sát thương cho cuộc chiến của Nga.”

Ông Stoltenberg lặp lại những bình luận trước đây về sự ủng hộ dành cho Ukraine, hoan nghênh “những thông báo gần đây của các đồng minh về xe tăng mới, vũ khí hạng nặng và huấn luyện cho quân đội Ukraine”, nói rằng “việc thực hiện tất cả những cam kết này là khẩn cấp”.

Ông Stoltenberg nói thêm: “Chúng ta phải cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng và chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Âu Châu. “Các khả năng chính phải đến được với Ukraine trước khi Nga có thể nắm bắt được động lực.”

Stoltenberg nói rằng ông, Kuleba và Borrell đã thảo luận về việc tăng cường sản xuất để tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong các cuộc đàm phán diễn ra hôm thứ Ba.

“Theo yêu cầu của Ukraine, chúng tôi đã đồng ý rằng NATO sẽ hỗ trợ Ukraine phát triển một hệ thống mua sắm hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Hôm nay, chúng tôi cũng đã đồng ý triệu tập một cuộc họp gồm các chuyên gia NATO, Liên Hiệp Âu Châu và Ukraine để xem chúng ta có thể làm gì hơn nữa cùng nhau để bảo đảm Ukraine có vũ khí mà họ cần”.

5. Điện tặc tấn công vào các trang Web truyền thông truyền trực tiếp bài nói chuyện của Putin

Các trang web truyền thông nhà nước của Nga đang phát bài phát biểu của Vladimir Putin trước lưỡng viện quốc hội nước này hôm thứ Ba đã bị gián đoạn.

Các nhà báo của Reuters ở nhiều địa điểm không thể truy cập trang web của Công ty Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Toàn Nga hoặc nền tảng phát trực tiếp Smotrim trong các khoảng thời gian diễn ra bài phát biểu.

Một thông báo trên trang web cho biết “các công việc kỹ thuật đang được tiến hành” trong khi trang web Smotrim hoàn toàn không tải.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti cho biết sự việc ngừng hoạt động là kết quả của một cuộc tấn công từ chối dịch vụ của điện tặc.

6. Ukraine tiết lộ khi nào cuộc phản công chống lại Nga sẽ bắt đầu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Reveals When Counteroffensive Against Russia Will Begin”, nghĩa là “Ukraine tiết lộ khi nào cuộc phản công chống lại Nga sẽ bắt đầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Ukraine đã tiết lộ khi nào cuộc phản công chống lại Nga trong cuộc chiến kéo dài gần một năm sẽ bắt đầu.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã đưa ra một mốc thời gian tiềm năng trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, ngay sau khi các quan chức Ukraine và các quan chức phương Tây thảo luận về kế hoạch phản công vào mùa xuân của Kyiv.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói với các phóng viên rằng Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, một liên minh gồm 54 quốc gia hỗ trợ bảo vệ Ukraine trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga, sẽ giúp Kyiv “giữ vững và tiến lên trong cuộc phản công mùa xuân.”

Gerashchenko nói với Newsweek rằng cuộc tấn công của chính Nga đã bắt đầu ở Ukraine.

Ông nói: “Cuộc tấn công của Nga đang diễn ra – họ đang tấn công chúng ta và chúng ta đã thấy rằng cuộc chiến đã nóng lên ở một số khu vực của tiền tuyến.”

Gerashchenko nói Ukraine đang “chờ đợi nguồn cung cấp thiết bị phương Tây để bắt đầu cuộc phản công của riêng mình”.

Cả Mỹ và Đức hôm 25 Tháng Giêng đều tuyên bố sẽ gửi một số xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams và Leopard 2 tới Ukraine. Vương quốc Anh cũng cho biết sẽ gửi 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 tới Kyiv.

Đan Mạch, Đức và Hà Lan đã đồng ý gửi cho Ukraine tới 178 xe tăng Leopard 1A5 cũ phần lớn được sản xuất trong Chiến tranh Lạnh và không được sử dụng.

Tổng cộng, Kyiv đang mong đợi các đồng minh của mình cung cấp tới 320 xe tăng phương Tây. Tuy nhiên, tờ The Times of London đưa tin hôm Chúa Nhật rằng chỉ có 50 chiếc sẽ đến tiền tuyến ở Ukraine vào đầu tháng Tư.

Ngoài xe tăng, tháng trước, Mỹ, Pháp và Đức đã cam kết gửi cho Ukraine rất nhiều phương tiện chiến đấu bộ binh bọc thép mới - tương ứng là Bradley, AMX-10 RC và Marder.

Đức cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine bệ phóng hỏa tiễn đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất. Hoa Kỳ đã tặng Ukraine hệ thống Patriot đầu tiên và các binh sĩ Ukraine đang được đào tạo để sử dụng hệ thống này.

Geraschenko cũng cho biết đất nước của ông cần hàng trăm nghìn máy bay không người lái chiến đấu để hỗ trợ trong cuộc chiến cam go chống lại Nga.

“Chúng là siêu vũ khí ở đây,” ông nói. “Chúng ta sẽ giành chiến thắng nhanh hơn và ít tổn thất hơn nếu chúng ta có hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn máy bay không người lái do thám và chiến đấu”.

“Vũ khí là thứ duy nhất mà Nga hiểu. Vì vậy, cung cấp vũ khí, cung cấp đạn dược, đào tạo quân đội Ukraine là cơ sở để giải phóng các lãnh thổ của chúng ta và chấm dứt chiến tranh”, ông nói.

“Chúng ta cần máy bay chiến đấu đã được thảo luận rất nhiều gần đây. Và ngoài ra, như tôi vẫn thường nói—cuộc chiến này là cuộc chiến của máy bay không người lái, chúng là siêu vũ khí ở đây.”

Gerashchenko chỉ ra rằng máy bay không người lái có chi phí “thấp hơn nhiều” so với xe tăng và cho phép Ukraine tiêu diệt lực lượng Nga “ở khoảng cách lớn mà không cần tiếp xúc chiến đấu trực tiếp”.

Ông nói thêm, “Điều này cho phép cứu sống những người lính của chúng ta.”

Nhận xét của Gerashchenko được đưa ra trong bối cảnh Nga sẽ tấn công dữ dội vào mùa xuân này.

“Chúng ta cho rằng Belarus sẽ không tham chiến — nhưng nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ đáp trả và sẽ chiến đấu,” ông nói khi trả lời câu hỏi về những gì Ukraine đang mong đợi trong những tháng tới.

“Lãnh đạo quân sự Ukraine nhận thức được kế hoạch của đối phương và đang chuẩn bị cho phù hợp. Họ đang làm việc cùng với các đồng minh của chúng ta để bảo đảm Quân đội Ukraine có đủ vũ khí và đạn dược. Quân đội Ukraine có thể chống lại các cuộc tấn công của quân đội Nga”

7. Nhật Bản hào phóng trao tặng Ukraine 5,5 tỷ Mỹ Kim

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ tài chính trị giá 5,5 tỷ đô la cho Ukraine trước hội nghị truyền hình G7 vào hôm thứ Sáu sẽ bao gồm tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy.

Với tư cách là chủ tịch G7 năm nay, Nhật Bản hy vọng sẽ đưa cuộc chiến ở Ukraine lên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo của nhóm gặp nhau tại Hiroshima vào tháng 5.

Theo văn phòng của ông Kishida, Nhật Bản đã cùng với các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và đã hỗ trợ tài chính trị giá 600 triệu đô la cùng với hàng trăm triệu đô la hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Các hạn chế tự áp đặt đối với xuất khẩu vũ khí trong nửa thế kỷ đã ngăn Nhật Bản gửi vũ khí sát thương cho Ukraine, nhưng họ đã cung cấp các thiết bị phòng thủ, chẳng hạn như máy bay không người lái do thám, mũ bảo hiểm và áo khoác chống đạn, đồng thời chấp nhận khoảng 2.000 người tị nạn Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Kishida đã phát biểu tại một hội nghị chuyên đề vào tuần này rằng “vẫn cần phải hỗ trợ những người có sinh kế bị chiến tranh tàn phá và khôi phục cơ sở hạ tầng bị phá hủy”.

Cuộc họp G7 trực tuyến sẽ được tổ chức vào thứ Sáu, ngày kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Nga.

“Năm nay, Nhật Bản, với tư cách là chủ tịch G7 và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sẽ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga và dẫn đầu các nỗ lực của thế giới nhằm duy trì trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp. Kishida nói.

Kishida rất muốn tăng cường sự hiện diện toàn cầu của Nhật Bản thông qua hỗ trợ cho Ukraine và đã chỉ ra rằng ông sẵn sàng đến thăm Kyiv để đàm phán với Zelenskiy. Các báo cáo từ Ukraine cho thấy Zelenskiy rất vui với ý tưởng được tham gia cùng các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, nơi hành trình có thể bao gồm chuyến thăm bảo tàng hòa bình dành cho vụ đánh bom nguyên tử vào tháng 8 năm 1945 của thành phố.

Một số nhà phân tích tin rằng chuyến thăm Ukraine của Kishida, người đại diện cho một khu vực bầu cử ở Hiroshima, sẽ tạo thêm động lực cho những nỗ lực của ông nhằm ưu tiên giải trừ hạt nhân trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo.
 
Tình trạng đàn áp Kitô giáo tràn lan ở TQ. Tìm được di vật quan trọng của Đức Bênêđíctô XVI ở Áo
VietCatholic Media
17:08 21/02/2023


1. Bắt đầu ghi danh tham dự Đại hội Thánh Thể toàn quốc Mỹ

Hôm 14 tháng Hai vừa qua, các giám mục Mỹ đã bắt đầu cho ghi danh tham dự Đại hội Thánh Thể toàn quốc Hoa Kỳ lần đầu tiên từ 83 năm nay, sẽ tiến hành từ ngày 17 đến ngày 21 tháng Bảy năm 2024, tại thành phố Indianapolis.

Trang mạng về Đại hội này cho biết năm ngày Đại hội với các buổi cầu nguyện, thuyết trình và các thánh lễ, là cao điểm trong chiến dịch toàn quốc kéo dài ba năm để phục hưng Thánh Thể, bắt đầu từ ngày 19 tháng Sáu năm ngoái. Các tín hữu, cá nhân và nhóm, có thể ghi danh tham dự Đại hội. Sinh hoạt này sẽ có bầu khí lễ hội giống như Ngày Quốc tế Giới trẻ và ban tổ chức hy vọng sẽ thu hút 80.000 tín hữu đến tham dự. Nhất là các giám mục hy vọng Đại hội sẽ giúp tín hữu Công Giáo Mỹ đào sâu cuộc sống thân mật với Chúa trong Thánh Thể, cởi mở tâm trí đối với tình yêu Chúa.

Các giám mục Mỹ phát động chiến dịch Phục hưng Thánh Thể, như một trong các biện pháp đối lại sự suy giảm đức tin nơi các tín hữu Công Giáo đối với những nội dung nòng cốt của đức tin. Sáng kiến này được đề ra sau một cuộc thăm dò dư luận hồi năm 2019, cho thấy chỉ có 31% tín hữu Công Giáo Mỹ tin rằng Mình và Máu Chúa Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể.

Đức Cha Andrew Cozzens, Giám mục Giáo phận Crookston, Bang Minnesota, Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Loan báo Tin mừng và Huấn giáo, nói rằng: “Chúng ta tìm cách mời các tín hữu tham dự cuộc gặp gỡ biến đổi với Chúa Kitô trong Thánh Thể, cuộc gặp gỡ có thể chữa lành, liên kết và sai đi thi hành sứ vụ”.

Đại hội Thánh Thể năm tới sẽ là Đại hội toàn quốc Mỹ lần thứ X, kể từ Đại hội đầu tiện hồi năm 1941.

2. Những bài giảng thất lạc của cố Hồng Y Ratzinger được tìm thấy ở tu viện Áo hiện đang được xuất bản

Không gì bằng tìm được một kho báu đã mất — và càng thú vị hơn khi kho báu đó có thể làm phong phú thêm cuộc sống của chính bạn và được trao cho những người khác.

Bị thất lạc gần 30 năm trong một tu viện ở Áo, băng cát-xét chứa các bài giảng của cố Hồng Y Jospeh Ratzinget cuối cùng đã được tìm thấy và hiện đang được nhà xuất bản Ignatius Press xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh.

Cuốn sách mới, The Divine Project: Reflections on Creation and the Church, nghĩa là “Dự Án của Thiên Chúa: Những Suy Nghĩ Về Sự Sáng Tạo và Giáo Hội” bao gồm các bài giảng mà Đức Hồng Y Ratzinger, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, đã thuyết trình vào năm 1985 tại Áo. Các cuộn băng mô tả cựu Giáo hoàng và Hồng Y “dẫn dắt thính giả của mình, bằng những bước nhỏ, cẩn thận nhưng chu đáo, qua địa hình dày đặc của thần học về câu chuyện Sáng tạo,” thông cáo báo chí của Ignatius Press cho biết như trên.

Dự Án của Thiên Chúa là một nghiên cứu về Chúa là Đấng Tạo Hóa và con người là kiệt tác của Đấng Tạo Hóa này. “Ratzinger,” như Giáo sư Matthew Levering viết, “hướng dẫn chúng ta qua những lĩnh vực khó khăn nhất của thần học hiện đại và cuộc sống hiện đại: cách đọc Kinh thánh; Lý trí của Chúa và sự hợp lý của vũ trụ; ý nghĩa của tội nguyên tổ; công nghệ, sinh thái và sinh vật; Thánh Giá và Thánh Thể; và Công đồng Vatican II, chủ nghĩa đa nguyên, Huấn quyền và bản chất của Giáo hội.”

Tracey Rowland, Chủ tịch Thần học Thánh Gioan Phaolô II, Đại học Notre Dame cho biết: “Những bài giảng này là 'Ratzinger cổ điển' - một kho tàng thần học. “Bất kỳ người Công Giáo nào cũng có thể theo học mà không cần được đào tạo chính quy về thần học. Một bản sao sẽ là một món quà tuyệt vời cho bạn bè, con đỡ đầu, học sinh, linh mục, chủng sinh và bất kỳ ai khác đang cố gắng hiểu Giáo hội và thế giới.”

Với việc Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô XVI vừa qua đời, cuốn sách gồm những bài giảng bị thất lạc này của ngài là hợp thời và sẽ được chào đón nồng nhiệt bởi tất cả những ai biết rằng Joseph Ratzinger vẫn tiếp tục là một kho báu đối với Giáo Hội.


Source:Aleteia

3. Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương thăm Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm 17 tháng Hai năm 2023, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, đã lên đường viếng thăm các nạn nhân bị động đất tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh Cha với dân chúng bị thương tổn nặng nề vì địa chấn mới đây.

Vì không có chuyến bay trực tiếp đến Syria, do tình trạng bị cấm vận, nên Đức Tổng Giám Mục Gugerotti phải đi qua ngả Beirut, Liban để tới thành Aleppo. Ngài viếng thăm các cơ sở tôn giáo và dân sự đón tiếp các nạn nhân. Chiều ngày 17 tháng Hai, ngài cử hành thánh lễ tại giáo xứ Công Giáo Latinh và gặp gỡ các giám mục Công Giáo, Chính thống tại Aleppo, cũng như gặp một số vị lãnh đạo Hồi giáo.

Sáng Chúa nhật, ngày 19 tháng Hai, Đức Giám Mục Tổng trưởng sẽ gặp một số cơ quan bác ái đang hoạt động tại chỗ, như Tổ chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ, cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ, Caritas Syria, dịch vụ Dòng Tên trợ giúp người tị nạn, Hội Phò Thánh địa, cùng với các đại biểu của Ủy ban Giám mục Syria về dịch vụ bác ái tại nước này.

Ngài cũng sẽ viếng thăm một Đền thờ Hồi giáo đón tiếp người bị động đất, rồi cử hành thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Công Giáo Melkite.

Sau khi chào thăm cộng đoàn các nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta ở Aleppo, Đức Tổng Giám Mục Gugerotti sẽ khởi hành đi thủ đô Damasco của Syria. Tại đây, sáng thứ Hai, ngày 20 tháng Hai, ngài sẽ gặp các vị Thượng phụ và Giám mục Công Giáo ở thủ đô Syria, Công Giáo cũng như các vị thuộc các Giáo hội Kitô anh em. Ban chiều, ngài đi xe trở lại thành Beirut của Liban, rồi đáp máy bay đến thành Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại đây, sáng thứ Ba, ngày 21 tháng, Đức Tổng Giám Mục sẽ gặp các Giám mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ và các vị Giám đốc Văn phòng Caritas dấn thân trợ giúp nạn nhân bị động đất.

Cùng đi với Đức Tổng Giám Mục Tổng trưởng trong chuyến đi này, có vị Phó Tổng thư ký của Bộ và hai chức sắc khác, đặc biệt là Đức ông Kuriakose Cherupuzhatthottathil, Tổng thư ký tổ chức ROACO, quy tụ các tổ chức bác ái Công Giáo chuyên giúp đỡ các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.

Theo hãng tin Reuters của Anh quốc, đã có 42.000 người thiệt mạng vì động đất hôm 06 tháng Hai vừa qua, và hơn 100.000 người bị thương, khoảng hai triệu 400.000 người bị mất gia cư và phải di tản.

Mặt khác, hôm 16 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh Cha đã tiếp Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cạnh Tòa Thánh, ông Ufuk Ululas, và nhân dịp này, ngài trao cho ông Đại sứ một sứ điệp viết tay, trong đó ngài viết: “Tôi nghĩ đến và cầu nguyện cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ cao quý, trong thời điểm rất đau khổ này. Anh chị em thân mến, tôi gần gũi với anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Với tình huynh đệ quý mến. Ký tên: Phanxicô”.

4. Báo cáo ghi lại tình trạng đàn áp Kitô giáo tràn lan ở Trung Quốc

Cơ quan giám sát nhân quyền Kitô hữu ở Trung Quốc đã tiếp tục đối mặt với nhiều hình thức đàn áp bao gồm Hán hóa, cải cách giáo dục và lạm dụng nhân quyền phổ biến cùng với luật pháp nghiêm ngặt dưới chế độ đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một cơ quan theo dõi tình trạng nhân quyền Kitô giáo cho biết.

Cuộc bức hại các Kitô hữu ở Trung Quốc đã được nhấn mạnh trong Báo cáo về cuộc đàn áp hàng năm dài 63 trang năm 2022 do China Aid có trụ sở tại Hoa Kỳ phát hành vào ngày 14 tháng 2.

“Vào năm 2022, China Aid đã cảm thấy từng ngày các cuộc đàn áp ngày càng leo thang của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các nhà thờ Kitô giáo và Kitô hữu ở Trung Quốc đại lục, điều này giải thích tại sao các nhà thờ và Kitô hữu ở Trung Quốc ngày càng sợ hãi phơi bày những trải nghiệm bị đàn áp trực tiếp của họ ra thế giới bên ngoài,” báo cáo viết..

Những người bao gồm cả các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tham gia vào việc thúc đẩy quá trình Hán hóa giữa các Kitô hữu, gây áp lực buộc họ phải tuân theo ý thức hệ và tầm nhìn chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nhà phê bình cho rằng Hán hóa là một ý thức hệ chính trị nhằm áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với các xã hội dựa trên các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và nhằm xây dựng sự ủng hộ dựa trên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Uông Dương, Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết của các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ các chính sách chính trị do bọn cầm quyền đưa ra trong bài phát biểu ngày 27 Tháng Giêng năm 2022 tại một hội nghị chuyên đề ở Bắc Kinh, báo cáo viết.

Uông tuyên bố rằng “các nhóm tôn giáo nên đoàn kết phần lớn các tín hữu tôn giáo xung quanh Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ để tạo ra “năng lượng tích cực” nhằm giúp thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, báo cáo của China Aid viết.

Báo cáo chỉ ra rằng Uông đã gặp các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc vào ngày 23 tháng 8, tìm kiếm sự ủng hộ của họ đối với việc “Hán hóa Công Giáo ở Trung Quốc”.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo “kiên quyết đi theo con đường chính trị đúng đắn, kiên quyết ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tự giác chống lại sự xâm nhập của các thế lực nước ngoài, và sử dụng văn hóa Trung Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc và phong cách giao tiếp của Trung Quốc để giải thích và nghiên cứu các giáo luật tôn giáo”

Báo cáo tiếp tục tiết lộ những chi tiết đáng báo động về các phương pháp mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và các quan chức của nó sử dụng để đàn áp Kitô giáo và việc thực hành của nó trong nước.

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đã tham gia phá dỡ các nhà thờ trên khắp đất nước vào năm 2022.

Vào tháng 8 năm 2022, khu phức hợp Nhà thờ Bắc Hán (Beihan, 北汉) theo phong cách Gothic của Giáo phận Công Giáo Thái Nguyên đã bị phá bỏ trước tiên và tháp chuông cao 40 mét còn lại đã bị phá hủy trong một cuộc phá hủy phối hợp.

Vào tháng 6 năm 2022, sau khi Đức Cha Đồng Bảo Lộc (Dong Baolu, 董宝禄) từ chối gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước do nhà nước điều hành, nhà thờ của ngài ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đã bị các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc phá hủy.

Báo cáo chỉ ra rằng trong suốt năm 2022, các nhà thờ và trung tâm thờ phượng của các Kitô hữu, bao gồm nhiều nhà thờ Công Giáo, đã bị phá hủy ở Đại Liên, Giang Tây, Đồng Quan, Thiểm Tây và các tỉnh khác.

China Aid cũng cáo buộc các quan chức “bịa đặt các cáo buộc hình sự để bắt giữ, giam cầm, và kết án các nhà lãnh đạo cũng như tín hữu” trong nỗ lực đàn áp Kitô giáo.

“Chính quyền cấp tỉnh và địa phương đã tự ý giam giữ các nhà lãnh đạo và tín hữu Kitô giáo người Trung Quốc từ khắp Trung Quốc. Bọn cai ngục đã từ chối nhiều cuộc thăm viếng tù nhân của các luật sư hoặc những chuyến thăm nuôi của gia đình”.

Được biết, các tù nhân đã bị từ chối điều trị y tế và nhận “những bản án khắc nghiệt không tương xứng với tội danh mà họ bị cáo buộc”. Các tù nhân Kitô giáo khác đã bị giam giữ trong thời gian dài trước khi xét xử, hoặc vụ án của họ bị hoãn xét xử nhiều lần.

Một cáo buộc đáng báo động khác được đưa ra trong báo cáo là sự biến mất cưỡng bức của các giáo sĩ và giáo dân.

Báo cáo liệt kê các vụ mất tích không rõ nguyên nhân của Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱), Giám Mục Giáo phận Tân Hương; Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民) của Giáo phận Ôn Châu, Đức Cha Đồng Bảo Lộc (Dong Baolu, 董宝禄) và 10 linh mục từ Giáo phận Bảo Định.

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã sử dụng các cuộc tấn công, phạt tiền, quấy rối và tước quyền công dân để tra tấn các Kitô hữu.

Các quan chức đã tham gia vào việc làm gián đoạn các buổi lễ thờ phượng, lễ rửa tội, các cuộc hành hương và thậm chí cả các buổi lễ nhà thờ trực tuyến để đe dọa các Kitô hữu.

Các quan chức đàn áp của Trung Quốc cũng đã sử dụng các khoản tiền phạt nặng đối với các nhà lãnh đạo nhà thờ và những người cho thuê địa điểm tổ chức các buổi thờ phượng để ngăn cản mọi người tụ tập cùng nhau cầu nguyện.

Vào Tháng Giêng năm 2022, Hoàng Viễn Đạt (Huang Yuanda, 黄远达) một Kitô hữu từ Nhà thờ Tầm Tư Định (Xunsiding, 寻思定) ở Hạ Môn, đã bị Phòng Dân tộc và Tôn giáo quận Hạ Môn Tư Minh phạt 100.000 nhân dân tệ (tức là khoảng 14.500 đô la Mỹ) vì đã cung cấp một ngôi nhà thuê cho trường học của nhà thờ sử dụng.

Báo cáo cũng tiết lộ các luật và quy định do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra để kiểm soát và giám sát thông tin trong không gian mạng.

Thông qua “Các biện pháp hành chính đối với dịch vụ thông tin tôn giáo trên Internet” được ban hành vào tháng 3 năm 2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quy định việc bổ nhiệm các Kiểm toán viên thông tin tôn giáo trên Internet được đào tạo và cấp phép. Họ là các chủng sinh của các chủng viện hoặc các linh mục đã ghi danh chính thức với chính phủ, những người sẵn sàng báo cáo với bọn cầm quyền những anh chị em đồng đạo của họ.

Khóa đào tạo bao gồm “các luật và quy định liên quan đến các vấn đề tôn giáo, Bộ luật Dân sự, Luật An ninh Quốc gia, Luật An ninh Mạng nhưng cũng đề cập đến tư tưởng của Tập Cận Bình về pháp quyền, Hiến pháp và các giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa xã hội”.

Báo cáo cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tham gia vào việc kiểm soát các vấn đề tài chính của các tổ chức tôn giáo và sàng lọc các khuynh hướng tôn giáo của sinh viên đại học.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng các sinh viên Kitô ghi danh du học tại các cơ sở do Kitô giáo điều hành khác đã bị các quan chức từ chối cấp hộ chiếu.

“Nếu những người nộp đơn nói rằng họ nộp đơn xin hộ chiếu để ra nước ngoài học tập tại các cơ sở Kitô giáo, các cơ quan chính phủ sẽ từ chối đơn xin của họ với lý do phòng ngừa COVID,” báo cáo viết.


Source:UCANews
 
Khủng hoảng Mỹ-TQ: Khả năng khinh khí cầu TQ kích nổ EMP trên đất Mỹ. Kyiv phản đối kế hoạch của Tập
VietCatholic Media
22:10 21/02/2023


1. Zelenskiy giáng một đòn mạnh vào kế hoạch hòa bình Nga-Ukraine của Trung Quốc

Thứ Năm 23 tháng Hai, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine do Tổng thống Zelenskiy đưa ra. Trong một nỗ lực được nhiều người xem là nhằm phá đám, Tập Cận Bình sẽ đích thân phát biểu tại Liên Hiệp Quốc kế hoạch hòa bình của ông ta. Tờ Bloomberg cho rằng kế hoạch của Tập Cận Bình bao gồm việc ngưng bắn tức khắc, và chấm dứt tức khắc tất cả các viện trợ quân sự cho Ukraine. Một kế hoạch như thế sẽ tạo điều kiện cho quân Nga dưỡng quân, để sau đó đánh một trận quyết định chiếm lấy thủ đô Kyiv.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Delivers Blow to China's Russia-Ukraine Peace Plan”, nghĩa là “Zelenskiy giáng một đòn mạnh vào kế hoạch hòa bình Nga-Ukraine của Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch của Trung Quốc nhằm môi giới hòa bình giữa Nga và Ukraine, chỉ vài ngày trước khi cuộc xâm lược của Putin chạm mốc một năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch đọc “bài phát biểu hòa bình” trước Liên Hiệp Quốc vào hôm thứ Sáu, đúng một năm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine. Trong bài phát biểu của mình, ông dự kiến sẽ đề xuất một kế hoạch nhằm đạt được hòa bình giữa hai quốc gia vốn đang tiếp tục đấu tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ phía đông Ukraine.

Thông tin chi tiết về kế hoạch từ ông Tập, người đã bày tỏ sự đồng cảm với Nga trong bối cảnh phản ứng dữ dội về cuộc chiến lan rộng, vẫn còn hạn chế, nhưng đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một bên tham gia ngoại giao lớn, bất chấp mối quan hệ căng thẳng với các cường quốc thế giới khác bao gồm cả Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, kế hoạch của Tập Cận Bình dường như thiếu sự ủng hộ từ Zelenskiy.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, tổng thống Ukraine xem ra đã bác bỏ bất kỳ kế hoạch hòa bình tiềm năng nào từ ông Tập, theo hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda.

Thay vào đó, ông chỉ ra kế hoạch hòa bình của riêng mình, kế hoạch mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ấn định vào thứ Năm để bỏ phiếu thông qua.

“Đối với tôi, dường như tài liệu của chúng tôi, 'công thức hòa bình' của chúng tôi, đã được một số lượng lớn các quốc gia ủng hộ và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ ủng hộ nó vào ngày 23, khi sẽ có một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc và một cuộc bỏ phiếu về giải pháp tương ứng,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng ông tin rằng điều quan trọng là phải “có một quan điểm” về vấn đề này.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng đề xuất hòa bình của Zelenskiy “vẫn là ưu tiên hàng đầu.” Ông cho biết nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã chia sẻ với ông “một số yếu tố” trong kế hoạch của họ, nhưng Ukraine vẫn chưa nhìn thấy kế hoạch đầy đủ.

Trong số các điểm nổi bật của kế hoạch hòa bình 10 điểm sâu rộng của Zelenskiy là khôi phục lãnh thổ Ukraine, rút quân đội Nga khỏi toàn bộ Ukraine và thành lập tòa án đặc biệt để truy tố các tội ác chiến tranh của Nga.

Kế hoạch của Zelenskiy cũng bao gồm các biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân, bảo đảm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, trả tự do cho tất cả các tù nhân chiến tranh, ngăn chặn nạn diệt chủng và xung đột trong tương lai, đồng thời xác nhận kết thúc chiến tranh bằng một văn bản được ký kết chính thức.

Mặt khác, Trung Quốc đã không tiết lộ công khai kế hoạch của mình. Interfax Ukraine, trích dẫn Bloomberg, báo cáo rằng kế hoạch của Tập có thể bao gồm một lệnh ngừng bắn. Nó cũng có thể bao gồm việc ngừng cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine nhằm củng cố các nỗ lực phòng thủ, điều không được đề cập trong kế hoạch của Zelenskiy.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ông Vương cũng lưu ý sự cần thiết phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, theo The Guardian.

Nga đã phản đối kế hoạch của Zelenskiy, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov vào tháng 12 đã từ chối đề xuất hòa bình dựa trên các điều kiện rút quân, bồi thường thiệt hại và một tòa án quốc tế.

Newsweek đã liên hệ với trung tâm báo chí quốc tế của Trung Quốc để bình luận.

2. Người đứng đầu Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi thêm đạn cho Ukraine trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc thúc giục hòa bình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “EU Chief Calls for More Ammo in Ukraine as Top Chinese Diplomat Urges Peace”, nghĩa là “Người đứng đầu Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi thêm đạn cho Ukraine trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc thúc giục hòa bình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi người phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell kêu gọi các quốc gia Âu Châu cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine khi cuộc xâm lược của Nga sắp tròn một năm, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi hòa bình trước chuyến thăm Mạc Tư Khoa.

Trong cuộc họp tại Brussels, Bỉ, hôm thứ Hai, Borrell kêu gọi các thành viên của khối nhanh chóng sản xuất và cung cấp đạn dược cho Ukraine để giúp đánh bại Nga, Radio Free Europe/Radio Liberty đưa tin.

“Đó là vấn đề cấp bách nhất,” ông nói tại cuộc họp của các ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, đồng thời nói thêm rằng “nếu chúng ta thất bại trong vấn đề đó, hậu quả của cuộc chiến sẽ có nguy cơ xảy ra.”

Theo Borrell, Ukraine cần phải ngang tầm trong chiến đấu như các lực lượng Nga, vốn đang bắn khoảng 50.000 viên đạn mỗi ngày, đồng thời cho biết lực lượng Ukraine “có pháo, nhưng họ thiếu đạn dược”.

Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu cũng nói với các phóng viên rằng Liên Hiệp Âu Châu dự kiến sẽ thông qua một đợt trừng phạt mới đối với Nga trước ngày 24 tháng Hai, đánh dấu ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm ngoái.

Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cũng chia sẻ quan điểm tương tự đối với cuộc chiến của Nga, nêu bật đề xuất cho phép Liên minh Âu Châu thay mặt các quốc gia thành viên mua đạn dược cho quân đội Ukraine.

Theo đề xuất, các thành viên của khối sẽ cung cấp vốn cho Liên Hiệp Âu Châu, sau đó sẽ thuê các nhà sản xuất vũ khí, đạn dược để tăng sản lượng, theo Radio Free Europe.

“Nga sử dụng hàng ngày những gì Liên minh Âu Châu sản xuất mỗi tháng và với khả năng của ngành công nghiệp quân sự hiện tại, chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong khoảng sáu năm, vì vậy điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được,” Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nói như trên trước cuộc họp Brussels.

Trong khi Liên Hiệp Âu Châu và NATO tiếp tục kêu gọi hỗ trợ thêm cho Ukraine, Trung Quốc đang thúc giục một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, đã kêu gọi đàm phán hòa bình để giúp ích cho thế giới và đặc biệt là Âu Châu, Reuters đưa tin.

“Chúng tôi muốn một giải pháp chính trị để cung cấp một khuôn khổ hòa bình và bền vững cho Âu Châu,” ông Vương cho biết. Vương Nghị sẽ thăm Mạc Tư Khoa vào đầu tuần này để thảo luận về tầm nhìn của Trung Quốc đối với một giải pháp chính trị cho cuộc chiến. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Hai đã không loại trừ khả năng có một cuộc gặp giữa Vương và Putin.

Trong cuộc nói chuyện gần đây với Ngoại trưởng Hung Gia Lợi Peter Szijjarto, ông Vương nói rằng Hung Gia Lợi và Trung Quốc cùng tuyên bố rằng họ sẵn lòng hợp tác với “các quốc gia yêu chuộng hòa bình khác để chấm dứt tình trạng thù địch hiện tại càng sớm càng tốt”.

Trung Quốc, đồng minh của Nga, chưa bao giờ thừa nhận xung đột ở Ukraine là chiến tranh hay xâm lược. Tuy nhiên, ông Vương cho biết tại một hội nghị ở Munich vào cuối tuần qua rằng Bắc Kinh sẽ sớm đề xuất một lập trường mới về cuộc chiến dưới hình thức một tài liệu có thể đi kèm với “bài phát biểu hòa bình” được mong đợi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Sáu, đánh dấu một năm của cuộc chiến.

Cho đến nay, Putin không có dấu hiệu đầu hàng, mặc dù quân đội của ông tiếp tục gặp phải một số thất bại ở Ukraine. Lực lượng của anh ta đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công mới vào mùa xuân.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây cho biết cuộc tấn công mới của Nga ở miền đông Ukraine bắt đầu với việc quân đội tiến gần hơn đến việc kiểm soát thị trấn chiến lược Bakhmut ở vùng Donbas.

“Chúng ta không thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho hòa bình... Những gì chúng ta thấy là Tổng thống Putin và Nga vẫn muốn kiểm soát Ukraine”. “Chúng ta thấy cách họ gửi thêm binh lính, nhiều vũ khí hơn, nhiều khả năng hơn. Thực tế là chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một cuộc tấn công mới rồi.”

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao Nga và Ukraine để bình luận.

3. Kiểm tra thực tế: khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc có thể mang theo EMP để kích nổ ở Hoa Kỳ không?

Xung động điện từ, hay electromagnetic pulse, gọi tắt là EMP, là một đợt bùng nổ năng lượng điện từ trong thời gian ngắn. Nguồn gốc của EMP có thể là tự nhiên, như trong trường hợp sét đánh, hoặc nhân tạo. Nó có thể làm gián đoạn liên lạc và làm hỏng thiết bị điện tử; ở mức năng lượng cao hơn, EMP chẳng hạn như sét đánh có thể gây hư hại vật lý cho các vật thể như tòa nhà và máy bay.

Trung Quốc được tường trình đã có các tiến bộ trong lãnh vực chế tạo vũ khí EMP giải phóng năng lượng cao trong tích tắc được thiết kế để phá vỡ cơ sở hạ tầng không được bảo vệ. Trong thời chiến, cách sử dụng có khả năng nhất là khiến mạng lưới điện của một quốc gia ngừng hoạt động.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Fact Check: Could Chinese Spy Balloons Carry EMP to Detonate Over the U.S.?”, nghĩa là “Kiểm tra thực tế: khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc có thể mang theo EMP để kích nổ ở Hoa Kỳ hay không?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sự xuất hiện của khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị quân đội Mỹ bắn hạ hồi tháng 2 đã làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và công nghệ mà Trung Quốc sở hữu để tấn công vào Mỹ.

Tuần trước, trong cuộc họp đầu tiên kể từ khi phát hiện ra nó, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã “không xin lỗi” khi gặp gỡ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken, là người đã gọi vụ việc là “không thể chấp nhận được”.

Blinken lưu ý rằng Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất chặn được khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, nhưng những tuyên bố đầy lo lắng rằng nó có thể mang đến một EMP—hay xung động điện từ—tải trọng có sức tàn phá lớn đã bắt nguồn từ trên mạng.

Một dòng tweet do Cernovich đăng vào ngày 4 tháng 2 năm 2023, được xem hơn ba triệu lần, bao gồm một đoạn clip của nhà lý thuyết âm mưu Alex Jones trên Infowars thảo luận về khả năng Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu để phân phối các thiết bị EMP trên khắp Hoa Kỳ

Trong đoạn clip, Jones cho biết khinh khí cầu gián điệp được nhìn thấy ở Mỹ “rất có thể là một gói vũ khí EMP hoặc một gói thử nghiệm để kiểm tra một cuộc tấn công EMP”.

Jones nói: “Và bạn có thể đặt cược một cách chắc ăn rằng Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn hàng nghìn quả hỏa tiễn trong số đó để phóng và gửi qua Bắc Cực ngay vào Hoa Kỳ.”

“Họ có thể kích nổ chúng ở bất kỳ mục tiêu nào họ muốn và với vài chục quả như vậy, bạn bảo đảm sẽ hạ gục mọi thứ trên mặt đất ở Mỹ”.

Một tuyên bố tương tự đã được lặp lại vào ngày 16 tháng 2 năm 2023 bởi nhà hoạt động cánh hữu Laura Loomer, người đã trả lời một dòng tweet của Tổng thống Joe Biden về các mạng sạc xe điện của Hoa Kỳ, đã viết: “Điều này sẽ không thành vấn đề khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu một cuộc EMP ở Hoa Kỳ bây giờ họ biết rằng không có hậu quả nào đối với việc gửi bóng do thám để thực hiện một cuộc tổng dượt EMP ở Mỹ.

“Khi lưới điện bị tấn công và chúng ta không có điện, thì xe điện sẽ có ích gì?”

Theo báo cáo năm 2018 của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, gọi tắt là DHS, thuật ngữ EMP dùng để chỉ “xung điện từ do thiết bị hạt nhân hoặc thiết bị phi hạt nhân gây ra”.

“Xung điện từ hạt nhân, gọi tắt là NEMP, là một vụ nổ bức xạ điện từ được tạo ra bởi một vụ nổ hạt nhân làm điện trường và từ trường thay đổi nhanh chóng”

Báo cáo nói rằng các thiết bị điện tử tiếp xúc với EMP, đặc biệt là các thành phần bán dẫn, “có thể không hoạt động bình thường cho đến khi được cung cấp năng lượng theo chu trình—hoặc có thể bị hỏng do điện áp hoặc dòng điện tăng vọt”.

Độ cao của vụ nổ là rất quan trọng vì các vụ nổ ở độ cao dưới 20 km chỉ gây ra các hiệu ứng nhỏ. Tuy nhiên, một EMP tầm cao có thể tạo ra một xung “ở mức hàng chục kilovolt trên một mét với bán kính tác động từ hàng trăm đến hàng nghìn km”.

Rõ ràng, một cuộc tấn công như vậy có thể gây ra tác động đáng kinh ngạc đối với Hoa Kỳ, ngay cả khi một số thiết bị điện tử có gắn bảo vệ chống xung.

Như DHS tuyên bố, một cuộc tấn công vào dây dẫn trên lưới điện nếu nó “không được cấu hình đúng cách” có thể dẫn đến sự việc sập điện áp của hệ thống đó.

Do đó, sự xuất hiện của khinh khí cầu gián điệp trên khắp Hoa Kỳ, đặc biệt là ở gần các trung tâm an ninh quốc gia, đã dẫn đến lo ngại rằng một cuộc tấn công như vậy có nhiều khả năng xảy ra, vì khinh khí cầu dường như trốn tránh sự phát hiện.

Tuy nhiên, hai chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng mặc dù về mặt kỹ thuật có thể sử dụng khinh khí cầu trong một cuộc tấn công như vậy, nhưng điều đó là không thực tế và không hợp lý, đặc biệt là do Trung Quốc có khả năng thực hiện một cuộc tấn công như vậy bằng các phương tiện tinh vi hơn.

Giáo sư Andrew Futter, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Leicester, chuyên về các vấn đề vũ khí hạt nhân đương đại, nói với Newsweek rằng nó cần phải là một “quả khinh khí cầu rất lớn với trọng lượng có thể có của thiết bị” và, trong mọi trường hợp, sẽ không phải là một động thái hợp lý.

Futter nói: “Đầu tiên, những quả khinh khí cầu di chuyển chậm sẽ dễ dàng bị phát hiện và bắn hạ.

“Thứ hai, sẽ hợp lý hơn nhiều nếu tạo ra loại hiệu ứng này thông qua một hỏa tiễn đạn đạo di chuyển nhanh hơn nhiều, khó đánh chặn hơn và gây nhiều bất ngờ hơn.

“Thứ ba, sẽ là một canh bạc lớn khi tiến hành một cuộc tấn công EMP mà không có kế hoạch đối đầu quân sự lớn và có thể là đối đầu hạt nhân vì EMP rất có thể sẽ kích hoạt một vụ nổ hạt nhân trên lãnh thổ của đối phương.”

Nếu Trung Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, theo đuổi điều này như một cuộc tấn công (bất kể ý nghĩa của nó là gì) thì việc kích nổ vẫn có thể đạt được mà không cần điều khiển hoặc điều khiển từ xa.

Ví dụ, cả hai quả bom hạt nhân Fat Man và Little Boy đều lần lượt phát nổ ở Nagasaki và Hiroshima, ở độ cao, hàng thập kỷ trước khi có thể điều khiển hoặc điều khiển từ xa.

Đối với Futter, trong khi các cuộc tấn công EMP “rõ ràng là mối quan tâm lớn” thì hầu hết các chính phủ và quân đội đã bắt đầu “củng cố các hệ thống liên lạc chính và cơ sở hạ tầng khác để chống lại các hiệu ứng EMP”.

Tiến sĩ Gary Samore của Đại học Brandeis, người đã làm việc trong chính phủ Hoa Kỳ hơn 20 năm tập trung vào kiểm soát vũ khí hạt nhân và ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, cũng nói với Newsweek rằng việc sử dụng khinh khí cầu sẽ không mang lại phạm vi tấn công hiệu quả.

“Sẽ không có ý nghĩa gì khi sử dụng khinh khí cầu do thám Trung Quốc để cung cấp thiết bị EMP vì tầm bay của nó, khoảng 18 km hoặc 11 dặm, là quá thấp để đạt được hiệu quả tối đa,” Samore nói.

“Hơn nữa, khinh khí cầu chậm hơn nhiều và dễ bị phòng không tấn công hơn so với hỏa tiễn đạn đạo.

“Nếu Trung Quốc triển khai một thiết bị EMP chống lại Hoa Kỳ, nó sẽ được gắn vào một hỏa tiễn đạn đạo tầm xa liên lục địa được kích nổ ngoài không gian trên lục địa Hoa Kỳ”

Mặc dù các chính trị gia như Dân biểu Marjorie Taylor Greene đã bày tỏ lo ngại về việc khí cầu mang theo EMP, nhưng có vẻ như tính phi thực tế cao của một hệ thống như vậy (đặc biệt là với khả năng tiếp cận vũ khí hiệu quả hơn của Trung Quốc) khiến mối đe dọa trở nên khó xảy ra.

Người ta có thể gợi ý rằng Trung Quốc có thể tung một khinh khí cầu đến đất Mỹ, thậm chí có thể tung đến “nửa tá” thiết bị như vậy như Jones đề xuất.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc làm như vậy, các khinh khí cầu sẽ phải thực hiện đường bay thành công tới Mỹ và trốn tránh các cảnh báo phản gián và quân đội ở tốc độ chậm, trong khi cùng một thiết bị như thế có thể được bắn ra từ các bệ phóng với tốc độ cao hơn, cơ hội trốn tránh và độ chính xác cao hơn.

Các mối đe dọa về các cuộc tấn công hạt nhân trên khắp thế giới chắc chắn đã làm tăng cảm giác lo lắng, đặc biệt là sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Các chuyên gia truyền hình Nga đầu tháng này đã cảnh báo rằng Điện Cẩm Linh đủ “điên rồ” để sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng minh của Putin và người đứng đầu Cộng hòa Chechnya của Nga, Ramzan Kadyrov, trước đây đã ủng hộ việc sử dụng loại vũ khí này ở Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Infowars và Loomer để nhận xét.

Như các chuyên gia đã nói với Newsweek, mặc dù về mặt kỹ thuật có thể chế tạo một khinh khí cầu có khả năng mang trọng tải EMP cần thiết, nhưng nó không chỉ khó lập biểu đồ mà còn dễ bị can thiệp quân sự, cùng các vấn đề khác.

Trong trường hợp Trung Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, tiến hành một cuộc tấn công EMP trên đất Mỹ, lựa chọn hợp lý hơn và thực tế hơn là sử dụng một bệ phóng hỏa tiễn.