Ngày 18-02-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:38 18/02/2019
36. NAO MÓC NÃO HỔ

Nao là một loại khỉ nhỏ, nhưng nó có thể cầm được trái thơm và trèo được cây cao.

Một hôm, con hổ bị ngứa trên đầu bèn kêu con nao (khỉ) đến gãi giùm, gãi hè, gãi hè, gãi đến khi đầu con hổ bị thủng một lổ, con hổ chỉ biết được gãi thì rất là thống khoái, lại còn kêu con nao (khỉ) gãi tiếp.

Con nao (khỉ) thấy con hổ nhắm mắt hưởng thụ khoái lạc, bèn moi một chút tuỷ não của con hổ ra bỏ vào trong miệng.

Con hổ nghe tiếng nhai của con nao (khỉ), bèn mở mắt ra hỏi:

- “Mày ăn cái gì ?”

Con nao (khỉ) trả lời: “Vị tươi !”

Rồi lại còn chấm chút đưa cho con hổ ăn, con hổ cho rằng con nao (khỉ) rất trung thành với mình, bèn thêm tin tưởng nó.

Không lâu sau, cái sọ của con hổ từ từ sạch trơn nên phát bệnh, nó tỉnh ngộ, cần phải tính chuyện với con nao (khỉ), nhưng làm gì được nó, vì thân con nao (khỉ) lướt qua nhanh nhẹn trèo lên trên cây cao.

(Hiền dịch thiên)

Suy tư 36:

Con nao là loại khỉ cổ xưa, rất nhỏ, nhưng có móng nhọn, gãi da hổ thì rất hợp, nên con hổ thích nó, bởi vì nó không làm hại ai, nhưng con hổ lại không ngờ nó lại ăn cả óc não của mình...

Đi uống cà phê và nói chuyện với mấy cô tiếp viên thì không có gì là tội, nhưng hôm nay cô mặc áo xanh để lửng ngang bụng, ngày mai mặc áo hở cổ, ngày mốt mặc quần đùi ngắn, ngày kia ngồi kế bên, rồi một ngày nọ chợt “sáng mắt” ra thấy mình đã đắm chìm trong đam mê, không phải mê cà phê nhưng là mê cái thân xác, cái ẻo lã và nụ cười của cô tiếp viên áo lửng quần ngắn, đến lúc này thì đừng có mà nói uống cà phê nói chuyện với tiếp viên thì...có chi đâu !!!

Tội nhẹ thì không làm cho con người mất linh hồn trong hoả ngục, cho nên, có rất nhiều người thích phạm tội nhẹ, bởi vì nghĩ rằng nó không hại ai, nhưng rồi đùng một cái, họ đã và đang sống trong bóng tối mà không thấy ánh sáng...

Cái cần cảnh giác nhất chính là cái bình thường nhất, bởi vì khi con người không để ý đến thì ma quỷ sẽ dùng cái bình thường ấy để tấn công làm cho chúng ta mất linh hồn mà vẫn cảm thấy an vui.

Khiếp thật.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 18/02/2019

84. Chiến thắng chính mình, từ bỏ ý chí của nó, thì đó là ân sủng lớn nhất mà con người đạt được từ nơi Thiên Chúa.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu thương cả kẻ thù
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
19:45 18/02/2019
Chúa Nhật VII THƯƠNG NIÊN, năm C
Lc 6,27-38

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì những lời dạy của Người thật mới mẻ, đi vào tận cõi lòng, tận xương tủy của mỗi người. Đức Giêsu đưa con người, đưa nhân loại lên tầm cao của đức ái, bởi vì yêu thương kẻ thù không phải là chuyện dễ làm đối với con người. Chúa không muốn chúng ta nhu nhược, kiểu gọi dạ bảo vâng, kiểu ờ ờ cạp cạp. Người muốn chúng ta yêu như Người. Yêu như Người yêu có nghĩa là tha thứ, yêu cho đến chết trên Thập giá…

Thường, chúng ta yêu những người yêu, có cảm tình với chúng ta hay nói một cách nôm na hơn những người thuộc phe ta. Còn những ai không có cảm tình, không có thiện cảm với chúng ta, không thuộc về ta, chúng ta cũng không thiện cảm và yêu thương họ…Đó là lẽ thường tình của con người ở trần gian này. “ Hãy yêu thương kẻ thù “. Lời dạy của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này có một giá trị cao vời. Kẻ thù của chúng ta là ai ? Thưa đó chính là những kẻ ghét, nguyền rủa và vu khống chúng ta.Đó là những kẻ tạt vào mặt và đoạt áo choàng của chúng ta. Kẻ thù của chúng ta là những người chúng ta thường gặp hàng ngày. Họ là những người hay làm phiền, hay bực tức, hay lợi dụng hay xúc phạm đến nhân vị, đến danh dự của chúng ta vv…Họ là những người không ua chúng ta hay chúng ta không thích họ. Đức Giêsu không nói chúng ta yêu kẻ thù như những bạn thân thiết nhưng Người muốn chúng ta vượt lên cả tình thân để yêu bằng việc làm.Yêu như Chúa yêu là tha thứ, quảng đại, quan tâm, cho đi…Yêu là chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Vâng, khi vượt lên tình cảm tự nhiên để yêu thương kẻ thù, chúng ta tránh khỏi việc ăn miếng, trả miếng, mắt thế mắt răng đền răng vv…Nếu sống kiểu mắt thế măt, răng đền răng, chúng ta rất tầm thường vì không vượt ra khỏi con người ích kỷ, ghen ghét của chúng ta. Nếu chúng ta biết chúc lành, làm điều tốt cho kẻ thù, thì chính kẻ thù cũng sẽ vượt được khỏi con người ty tiện, xấu xa của họ…Khi thương yêu kẻ thù bằng những việc làm tử tế, những hành động tỏa sáng, chúng ta không còn coi họ là kẻ thù nữa. Đồng thời dần dần tình cảm của chúng ta biến đổi, lớn mạnh, khiến chúng ta có thể biến kẻ thù thành bạn thân thiết của chúng ta.Yêu là vượt thắng, là xả thân, can đảm và quên mình. Một cố gắng mỉm cười, bắt tay với kẻ thù sẽ là một sự vượt thắng trên con người tự nhiên của mình. Đây không phải là động của những con người yếu, bạc nhược nhưng là hành động anh hùng.

Người môn đệ của Chúa được mời gọi sống vượt lên trên cái tự nhiên của mình để sống tình yêu. Bởi vì thánh Gioan đã định nghĩa “ Thiên Chúa là Tình Yêu “. Sống tình yêu là biết yêu như Chúa. Do đó, lệnh truyền của Chúa Giêsu:” Hãy yêu kẻ thù “ khó nhưng không phải là không thực hiện được vì chính Chúa đã làm gương cho nhân loại, cho chúng ta, Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết mình, đóng đinh mình vào thập giá…Con người chúng ta chỉ tồn tại khi chúng ta biết yêu thương và tha thứ…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết cho đi mà không mong đền đáp.Xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ để chúng con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp vv…Xin cho chúng con đôi mắt của Chúa để chúng con biết nhìn ra điều tốt nơi anh em.Xin cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con yêu thương mọi người. Xin cho chúng con tư tưởng, sự suy nghĩ của Chúa để chúng con biết nhìn ra sự tích cực, điều lành nơi anh em chúng con. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Giới luật mắt thế mắt răng đền răng ở đâu ?
2.Tại sao Chúa Giêsu lại dạy :” Mến Chúa yêu người “ ?
3.Yêu thương như Chúa nghĩa là làm sao ?
4.” Tại sao Chúa dạy :” Hãy yêu kẻ thù “ ? Kẻ thù đây là ai ?
5.Người Kitô hữu được mời gọi sống thế nào ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chung quanh vụ cởi áo dòng cựu Hồng Y McCarrick
Vũ Văn An
00:17 18/02/2019
Tin cựu Hồng Y McCarrick bị cởi áo dòng, kiểu nói nôm na thay cho việc hoàn tục một giáo sĩ, không làm ai ngạc nhiên, dù đây là một giáo sĩ lừng danh, cả đạo lẫn đời, vào hàng bậc nhất xưa nay của Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ.

Tuy thế, tin trên đã gây nên cả một làn nhận định ngược xuôi đủ điều. Ngoài thông báo chính thức của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ có tiếng nói gần như cuối cùng trong việc phán xử một giáo sĩ phạm tội lạm dụng tình dục, nhất là lạm dụng tình dục trẻ em, Tòa Thánh không có nhận định gì thêm. Tuy nhiên, dựa vào bản tin của VaticanNews ngày 16 tháng Hai, 2019, người ta thoáng thấy một nhận định mặc nhiên.

Kết tội, tội phạm, và hình phạt

Thực vậy, VaticanNews trước nhất cho biết đây là phán quyết gần như tối hậu của Bộ Giáo Lý Đức tin: Theodore McCarrick “mắc tội theo đuổi các tội phạm (delicts) trong khi là một giáo sĩ: gạ gẫm người ta phạm tội khiết tịnh trong Bí Tích Giải Tội, và các tội phạm đến Điền răn Thứ Sáu với vị thành niên và người trưởng thành, với nhân tố gia trọng là lạm dụng quyền hành”. Hình phạt là: “sa thải khỏi bậc giáo sĩ”.

Dĩ nhiên, không có mô tả nào về những tố cáo cụ thể. Nhưng liền sau đó, VaticanNews thuật lại lịch sử các lời tố cáo. Bắt đầu với tháng 9 năm 2017 khi Tổng Giáo Phận New York thông báo cho Tòa Thánh các lời tố cáo chống McCarrick lúc đó còn là Hồng Y vì đã lạm dụng một thiếu niên hồi thập niên 1970. Đức Giáo Hoàng Phanxicô bèn ra lệnh mở cuộc điều tra do tổng giáo phận New York phụ trách. Kết thúc cuộc điều tra, tổng giáo phận New York, qua Đức Hồng Y Dolan, tuyên bố rằng các lời tố cáo là “đáng tin cậy và được chứng minh”, và mọi tài liệu và khám phá đã được trình cho Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Hậu quả tức khắc: Hồng Y McCarrick bị cấm mọi thừa tác vụ công khai. VaticanNews cho hay: Vị này đã hợp tác với cuộc điều tra, chấp nhận quyết định của Tòa Thánh, trong khi duy trì sự vô tội của mình.

Cùng ngày, giáo phận Metuchen, và tổng giáo phận Newark, cả 2 ở New Jersey, tiết lộ rằng họ biết các lời tố cáo trong dĩ vãng về hành vi sai trái về tình dục của McCarrick, trong đó, có hai vụ phải “sắp xếp” theo luật pháp.

Chỉ có thế, VaticanNews không kể thêm trường hợp nào khác, cho thấy mấy trường hợp này đủ để Bộ Giáo Lý Đức Tin phán xử.

Tuy nhiên, VaticanNews cho biết thêm: sau khi công bố các lời tố cáo ban đầu trên đây, “các nguồn tin tức” đã cho đăng các lời tố cáo thêm về các hành vi tồi tệ chống lại các chủng sinh đã trưởng thành, cũng như các lạm dụng khác đối với các trẻ em.

Thời điểm đáng lưu ý thứ hai là ngày 28 tháng Bẩy, 2018 khi Đức Phanxicô chính thức chấp nhận đơn xin rút lui khỏi Hồng Y đoàn của McCarrick và buộc ông phải “ở tại một nhà sẽ được chỉ định, để sống 1 đời cầu nguyện và đền tội cho tới khi các lời tố cáo chống lại ngài được khảo sát trong một phiên tòa giáo luật thông thường”.

Liền sau đó, VaticanNews nhắc đến cam kết của Tòa Thánh trong việc chống lạm dụng và che đậy lạm dụng, cả hai đều ngụ hàm trong vụ McCarrick, bằng cách nhắc đến tuyên bố của Tòa Thánh ngày 6 tháng Mười, 2018: “cả việc lạm dụng lẫn việc che đậy nó không thể còn dung túng được nữa và việc đối xử khác với các giám mục phạm tội lạm dụng hay che đậy lạm dụng, trên thực tế là một hình thức giáo sĩ trị, không còn có thể chấp nhận được nữa”.

VaticanNews cũng cho hay: Dự ứng cuộc họp thượng đỉnh các chủ tịch hội đồng giám mục thế giới tại Vatican trong các ngày 21 tới 24 tháng Hai này, Tuyên bố trên nhấn mạnh lời lẽ của Đức Phanxicô trong Thư Gửi dân Chúa rằng: “cách duy nhất chúng ta phải đáp ứng sự xấu xa từng làm đen tối quá nhiều cuộc đời là cảm nhận nó như một trách vụ liên quan đến mọi người chúng ta như là Dân Thiên Chúa. Việc ý thức mình là một phần của một dân và một lịch sử chung này sẽ giúp chúng ta khả năng nhìn nhận tội lỗi và sai lầm quá khứ của ta với một sự cởi mở thống hối có thể giúp ta đổi mới từ bên trong” (20 tháng Tám, 2018).

Cũng nhân dịp này VaticanNews “biện hộ” cho đáp ứng mà nhiều người vẫn cho là muộn màng của Tòa Thánh đối với vụ McCarrick bằng cách đề cập tới vai trò của Bộ Giám Mục, Bộ, dù sao, cũng phải chịu trách nhiệm đối với “lịch sử” thăng cấp như diều gặp gió của McCarrick.

VaticanNews cho biết ngày 7 tháng 10, 2018, Đức Hồng Y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám Mục, cho công bố bức thư ngỏ trả lời các tố cáo của Đức Tổng Giám Mục Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh ở Hoa Kỳ, chống Bộ này, cho rằng Bộ đã góp một tay vào việc che đậy hành vi xấu xa của McCarrick. Trong bức thư, để trả lời cho câu hỏi chính ngài nêu lên rằng làm thế nào một con người như McCarrick lại có thể được tiến cử trong quá nhiều dịp như thế, thậm chí được cử làm Tổng Giám Mục Washington D.C. và làm Hồng Y, Đức Hồng Y Ouellet viết rằng: “các quyết định về nhân sự của các giáo hoàng dựa vào thông tin tốt nhất hiện có lúc đó và đều là những phán đoán ‘khôn ngoan’ không có tính vô ngộ”, nghĩa là có thể sai lầm! Vả lại, Đức Hồng Y Ouellet “đổ lỗi” cho McCarrick quá “khéo léo trong việc tự bênh vực mình chống lại các lời tố cáo nêu ra về mình”. Người ta có thể diễn dịch thêm rằng: khéo đến nỗi khiến Bộ Giám Mục không bao giờ điều tra. Vì quả Đức Hồng Y Ouellet không nói gì tới hành động của Bộ này, Bộ do ngài đảm nhận. Nhưng ngài nhấn mạnh: “một khi có đủ các chứng cớ có thực chất, các quyết định mạnh mẽ đã được đưa ra”.

Thực ra, Đức Hồng Y Ouellet có mặc nhiên nói đến “hành động” của Tòa Thánh đối với các “đồn đại” về McCarrick khi nhắc đến việc dưới triều giáo hoàng Bênêđíctô XVI, McCarrick đã “được thúc giục mạnh mẽ” đừng du hành và xuất hiện nơi công chúng, nhưng ông ta “làm ngơ các chỉ thị này”. Chắc hẳn đây là chỉ thị miệng, nên Đức Hồng Y Ouellet minh xác rằng “các chỉ thị này không phải là ‘các chế tài’ do Đức Bênêđíctô thứ 16 áp đặt, nên không có chuyện Đức Phanxicô gỡ bỏ các chế tài này”. Đức Hồng Y cũng cho rằng Đức Đức Thánh Cha Phanxicô không dính dáng gì tới việc bổ nhiệm McCarrick tại New York, Metuchen, Newark và Washington, nhưng ngài là người đã tước mũ Hồng Y của vị này khi lời tố cáo lạm dụng 1 vị thành niên được suy đoán là đáng tin cậy.

Để chứng minh việc không dính dáng gì của Đức Phanxicô trong các thăng thưởng của McCarrick, VaticanNews còn cẩn thận đăng cả tiểu sử của McCarrick và các niên hiệu ông được thăng thưởng, tất cả đều xẩy ra trước năm 2013, thậm chí, MacCarrick chỉ tham dự việc bầu Đức Bênêđíctô 16, chứ không tham dự việc bầu Đức Phanxicô!

Tóm lại, đối với Tòa Thánh, quyết định tước bậc giáo sĩ của McCarrick nhằm mục đích chứng tỏ quyết tâm chống lạm dụng và che đậy lạm dụng, một việc diễn ra ở đâu đâu chứ không dính dáng gì tới các bộ sở của Tòa Thánh kể từ Đức Phanxicô trở xuống.

Không những thế, theo Crux, các bộ sở Vatican còn “đổ lỗi” cho nhau. Trong bài “McCarrick becomes most senior cleric to be defrocked over abuse scandals”, đăng ngày 16 tháng Hai, tờ này thuật lại lời của Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna nói với họ ngày 14 tháng Hai vừa qua rằng: “... một ai đó có thể thao túng hệ thống đến độ có thể sống thoát cả một bãi mìn phao đồn như vậy được không? Đây là một câu hỏi căn bản, một câu hỏi may mắn thay không thuộc năng quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Mặt khác, hành động của Tòa Thánh lần này chỉ nhằm vào McCarrick, kẻ lạm dụng, hay nhằm vào một mặt của vấn đề kép: chống lạm dụng và chống che đậy lạm dụng. Việc minh nhiên hay mặc nhiên che đậy cho McCarrick để ông ta “thao túng hệ thống” như Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói, thì chưa được nói tới, hay được gián tiếp nói tới để thoát chỉ trích của công luận.

Phản ứng của công luận

Thành thử Crux nhận định rằng “đối với nhiều người quan sát, điều còn cần được thấy là liệu Tòa Thánh có sẽ đưa ra hành động nào chống những người che đậy cho McCarrick hay làm ngơ các lời tố cáo".

Tuy nhiên, hành động trên được James Grein, nạn nhân bị McCarrick lạm dụng tồi tệ nhất, tỏ ra hài lòng. Grein năm nay đã ở tuổi 60, người từ lúc 11 tuổi đã bị McCarrick lạm dụng. Trong bài báo đăng trên New York Times, ngày 19 tháng Bẩy, 2018, ông chỉ cho biết tên riêng khi tiết lộ lần đầu tiên việc mình bị McCarrick lạm dụng. Đến mãi tháng Mười Một cùng năm, trong một cuộc mít tinh bên ngoài cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ở Baltimore, ông mới cho biết tên đầy đủ. Vatican đã sử dụng chứng từ của ông để kết tội McCarrick lạm dụng tình dục ông trong lúc xưng tội, một tội quá nặng theo giáo luật, đủ để bị loại ra khỏi hàng giáo sĩ.

Dù Grein cho rằng trong vụ này “không có ai thắng cả” nhưng ông “hạnh phúc vì Đức Giáo Hoàng đã tin tôi”. Và ông cho rằng “tình hình lịch sử và thánh thiện này làm nức lòng mọi người Công Giáo và nạn nhân bị lạm dụng khắp thế giới. Đây là lúc để chúng ta thanh tẩy Giáo Hội” và “tôi muốn trở về”. Ông hô hào “Hãy đứng lên vì Chúa Giêsu và bước đi cùng tôi”.

Edward Pentin của tờ National Catholic Register thì cho hay về phương diện kỹ thuật, hình phạt cởi áo dòng hay hoàn tục không hề có nghĩa là McCarrick hết còn là linh mục hay giám mục, vì việc phong chức linh mục và giám mục thì không ai cởi bỏ được. Ông chỉ không được thi hành bất cứ chức năng nào của hai chức thánh này mà thôi.

Dù sao thì đây cũng là một hình phạt rất nặng, nặng hơn cả tuyệt thông, vì tuyệt thông chỉ tạm thời và kéo dài bao lâu người phạm tội còn tiếp tục sống trong tội. Nó rất hiếm, chỉ mới xẩy ra cho Emmanuel Milingo ở Zambia năm 2009, Raymond Lahey ở Canada năm 2012, và Józef Wesołowski ở Ba Lan năm 2014. Nhưng McCarrick là giáo phẩm cao cấp nhất (Hồng Y) bị hoàn tục. Ông sẽ không bị truy tố ở tòa đời do Quy Chế Kỳ Hạn (statutes of Limitations) một điều Grein kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ bãi bỏ.

Nhân cơ hội này, Pentin trích lời tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong đó, ngài cho rằng động thái của Tòa Thánh là “một dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc lạm dụng sẽ không được dung túng. Không giám mục nào, bất kể gây ảnh hưởng ra sao, cũng không ở trên luật lệ của Giáo Hội”.

Tuy nhiên, không thấy ngài nhắc gì tới việc che đậy, tuy có nhắc đến nó một cách mặc nhiên, khi cho rằng “Đối với những người bị McCarrick lạm dụng, tôi cầu xin phán quyết này là một bước nhỏ, trong nhiều bước khác, hướng tới việc hàn gắn. Đối với các giám mục chúng tôi, bước này củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc buộc mình phải giải trình trách nhiệm đối với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

Theo Pentin, lời tuyên bố của Đức Hồng Y O’Malley của Boston còn rõ ràng hơn thế hướng tới một bước có tính quyết định hơn nhiều: “không kể tính nghiêm trọng của việc sa thải tối hậu, trong nó và tự nó, việc này không thể cung cấp việc hàn gắn cho những người bị hại khủng khiếp đến thế bởi các vi phạm gây tai tiếng của vị cựu Tổng Giám Mục đối với thừa tác vụ của ngài hay đối với gia đình họ”.

“Ngoài ra, tự nó, hành động của Đức Thánh Cha cũng sẽ không mang lại sự hàn gắn cần thiết trong cộng đồng Công Giáo và xã hội bao quát hơn của chúng ta; cả hai đều ngỡ ngàng và tức giận một cách hữu lý khi thấy vị cựu Tổng Giám Mục có thể gây hại lâu đến thế cho các trẻ vị thành niên và người trẻ trưởng thành dễ bị tổn thương trong đời sống Giáo Hội”.

Christopher White của tờ Crux thuật lại lời tuyên bố của Đức Hồng Y Joseph Tobin của Tổng Giáo Phận Newark, Tổng Giáo Phận ngày xưa vốn là tòa của McCarrick, “tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự lãnh đạo của ngài suốt trong cuộc điều tra và quyết định khó khăn này. Sự cương quyết của ngài phản ảnh quết tâm của ngài trong việc bảo vệ người yếu đuối và người dễ bị thương tổn, tôn trọng nhân phẩm, chấp nhận trách nhiệm, và củng cố cam kết của Giáo Hội trong việc hàn gắn, hoà giải, và liên đới với các nạn nhân”. Không thấy ngài nhắc chi đến việc chống che đậy.

Đức cha James Checchio của Metuchen, giáo phận mà McCarrick là giám mục tiên khởi, cũng “rất biết ơn sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hành động một cách cương quyết, khi tiến hành nhanh thủ tục này và đạt được kết luận thích đáng”.

Riêng Đức Cha Michael Olson của Forth-Worth, Texas, thì rõ ràng và đầy đủ hơn khi nói rằng “tôi ủng hộ và biết ơn Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về quyết định bất phản hồi của ngài sa thải Theodore McCarrick khỏi bậc giáo sĩ sau nột diễn trình thích đáng... Công lý bao hàm điều này: bất cứ ai trợ giúp ông ta trong các hành động này hay che đậy chúng cũng buộc phải giải trình”.

Chính vì thế, John L. Allen thì cho rằng việc hoàn tục McCarrick chưa chấm dứt câu truyện do ông ta tạo ra. Theo ông, “Vatican rất có thể muốn vụ McCarrick được giải quyết xong trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mạc hội nghị thượng đỉnh được nhiều người mong chờ gồm các chủ tịch hội đồng giám mục khắp thế giới... nhưng có ít nhất 4 chiều kích nữa cho thấy 'bụi phóng xạ' (fallout) từ tai tiếng McCarrick sẽ còn tiếp tục ám ảnh Vatican và Giáo Hội Hoa Kỳ trong một thời gian nữa”.

Bốn chiều kích đó là: các cuộc điều tra giáo phận, cuộc duyệt xét của Vatican, việc bảo vệ danh tiếng, và tập chú có lựa lọc.

Ý ông muốn nói: bốn giáo phận, nơi McCarrick từng phục vụ lâu năm (New York, Metuchen, Newark và Washington, D.C.) đều đang tiến hành các cuộc điều tra riêng của họ. Các cuộc điều tra này vẫn chưa xong.

Đàng khác, như mọi người đã biết: ngày 6 tháng Mười, 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra lệnh “một cuộc duyệt xét thấu đáo” các hồ sơ của Tòa Thánh liên quan đến McCarrick để trả lời câu hỏi vốn là tâm điểm của vấn đề: ai biết gì, khi nào biết thế và tại sao lại không hành động? Cuộc duyệt xét này mới giải quyết được vế thứ hai của phương trình chống lạm dụng tình dục mà chính tuyên bố ngày 6 tháng Mười, 2018 của Tòa Thánh đã nói rõ. Tòa Thánh cũng nói rõ kết quả cuộc duyệt xét này sẽ được công bố kịp thời. Cho đến nay, chưa có công bố nào về việc này.

Về việc che chở tiếng tăm, Allen cho rằng một lý do khiến Tòa Thánh chưa cho công bố kết quả duyệt xét trên là vì “sự nhậy cảm chính trị” đối với tiếng tăm của một số nhân vật. Và điều này đã được tuyên bố ngày 6 tháng Mười, 2018 hàm ý: “từ việc khảo sát các sự kiện và hoàn cảnh, rất có thể xẩy ra điều này: các quyết định đưa ra có thể không phù hợp với cách tiếp cận đương thời đối với các vấn đề như thế”.

Nói rõ hơn, dường như Tòa Thánh không muốn phủ một bóng mờ lên Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, vì chính dưới triều đại ngài, McCarrick đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Newark và Washington D.C. Ai cũng biết, McCarrick đóng một vai trò khá lớn trong việc nâng đỡ tài chánh cho Phong Trào Đoàn Kết Ba Lan.

Còn về việc tập chú có lựa lọc (selective focus), Allen cho rằng người Công Giáo ở các nơi khác không phải là Hoa Kỳ sẽ thắc mắc tại sao lại quá chú ý đến Hoa Kỳ mà không chú ý như thế đối với các nơi khác, như Chile chẳng hạn, nơi chính Đức Phanxicô đã tố cáo hàng giám mục ở đó che đậy, thậm chí hủy cả bằng chứng. Nhưng ở đó, truyền thông cũng như công luận đâu có lưu ý bằng và Vatican đâu có hành động quyết liệt như thế này.

Linh mục Jeffrey F. Kirby trong bài Voicing ‘immense hope’ that Francis will act swiftly and honestly on abuse (Lớn tiếng hy vọng rằng Đức Phanxicô sẽ hành động nhanh chóng và trung thực trong vấn đề lạm dụng) đăng trên Crux ngày 17 tháng Hai, viết rất mạnh rằng “đời sống trong Giáo Hội và hàng loạt các thăng thưởng của Theodore McCarrick cần phải được điều tra đầy đủ. Chúng ta phải ở quá bên kia việc hoàn tục. Giờ đây, tên tuổi những người thêm sức (enablers) và che chở cần được công bố. Các giáo sĩ khác cần được áp dụng kỷ luật. Nếu điều này không diễn ra, thì lòng tin tưởng vào việc cai trị nội bộ của Giáo Hội sẽ tan biến. Hàng giáo phẩm sẽ chỉ như một câu lạc bộ bị hoen ố chỉ biết nhìn ra ngoài và che chở những người của mình ngay cả họ đang lạm dụng và làm tổn thương người khác. Những kẻ thêm sức và che chở cho McCarrick cần bị loại bỏ và tước hết ân huệ vì sự đồng loã đáng xấu hổ với sự ác. Cần phải làm rõ với mọi người rằng hợp tác với sự ác sẽ lãnh hậu quả”.

Ed Condon của CNA thì cho rằng phán quyết về McCarrick có tốc độ “sấm chớp” theo tiêu chuẩn Vatican: tháng Sáu, 2018 mất mũ Hồng Y, tháng Hai, 2019 mất cả bậc giáo sĩ. Nhưng theo ông, việc hoàn tục trả lời rất ít cho các câu hỏi nêu lên bởi vụ này, mà thúc bách nhất là làm thế nào một con người gây tai tiếng như thế lại có thể leo cao đến như vậy trong Giáo Hội.

Có thể sau Hội Nghị Thượng Đỉnh thứ Năm này, Tòa Thánh sẽ cho công bố tên tuổi các “kẻ thêm sức và che chở” như Cha Kirby đòi hỏi chăng.
 
Tin tức cập nhật về Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo Vệ Các Vị Thành Niên
Vũ Văn An
17:49 18/02/2019
Chỉ còn 2 ngày nữa tới hội nghị thượng đỉnh được nhiều người mong chờ bàn về việc bảo vệ trẻ em trong Giáo Hội. Sau đây là một vài tin cập nhật:



1.Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin mọi người cầu nguyện cho Hội Nghị Thượng Đỉnh về lạm dụng tình dục

Ngày 17 tháng Hai vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin các tín hữu cầu nguyện cho hội nghị bàn về việc che chở trẻ em được dự định tổ chức trong các ngày 21 tới 24 tháng Hai này, với sự tham dự của các chủ tịch các hội đồng Giám Mục thế giới.
Ngài nói: “Từ thứ Năm tới cho đến Chúa Nhật, một hội nghị sẽ diễn ra tại Vatican gồm các Chủ Tịch của mọi Hội Đồng Giám Mục, bàn về vấn đề bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho hội nghị này, một hội nghị tôi muốn là một hành vi trách nhiệm mục vụ mạnh mẽ trước một thách đố cấp bách của thời ta”.

2. Tuyên bố của Tòa Thánh

Trước đó một ngày, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti, đã gặp gỡ các nhà báo. Nhân dịp này, một tuyên bố cũng đã được đưa ra, nội dung như sau:

Hội nghị tháng Hai về việc bảo vệ các vị thành niên có một mục đích cụ thể: mục tiêu là mọi Giám Mục hiểu rõ điều các ngài cần làm để ngăn ngừa và chống trả vấn đề hoàn cầu về việc lạm dụng tình dục các vị thành niên. Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết rằng một vấn đề hoàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng một giải pháp hoàn cầu. Đức Giáo Hoàng muốn đây là một cuộc hội họp của các Mục Tử, chứ không phải là một hội nghị học thuật – một cuộc hội họp có đặc điểm là cầu nguyện và biện phân, một cuộc hội họp giáo lý và làm việc.

Điều nền tảng đối với Đức Thánh Cha là các Giám Mục, những vị đến Rôma sau đó trở về đất nước và giáo phận của các ngài, hiểu các luật lệ cần được áp dụng và đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc lạm dụng, săn sóc các nạn nhân, và bảo đảm để không một trường hợp nào được che đậy hay chôn vùi.

Về các hoài mong cao đã được tạo ra quanh Hội Nghị, điều quan trọng phải nhấn mạnh là Giáo Hội không phải chỉ mới bắt đầu cuộc tranh đấu chống việc lạm dụng. Hội Nghị chỉ là một giai đoạn trên cuộc hành đình đau đớn mà Giáo Hội đã không ngừng và cương quyết dấn thân hơn 15 năm qua.

3. Ban Tổ Chức Hội Nghị họp báo

Sau đó 2 ngày, tức ngày 18 tháng Hai, cũng tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã có cuộc họp báo của ban tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Bảo vệ các Vị thành niên.

Trong cuộc họp báo này, Cha Lombardi, điều hợp viên của Hội nghị, công bố chương trình, các tham dự viên và các diễn giả và cho biết báo chí cũng như các quan sát viên và tín hữu quan tâm có thể vào trang mạng pbc2019.org, đã được chuyên biệt phát động để gặp gỡ, thu lượm tin tức, tài liệu về chính Hội nghị và vấn đề chủ chốt.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna thì nhắc nhở các người hiện diện “Đây là một giai đoạn của một diễn trình tổng thể rộng lớn hơn”
Các buổi họp báo hàng ngày để tiếp đón số lượng rất đông báo chí sẽ diễn ra tại phòng Augustianum gần Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Hiện diện hàng ngày, ngoài 1 vị khách sẽ được công bố một ngày trước, sẽ có Ông Alessandro Gisotti, Giám đốc Phòng Báo Chí, Ông Paolo Ruffini , Bộ trưởng Bộ Truyền Thông, Cha. Lombardi and Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna.

Tại Hội Nghị, mỗi ngày sẽ bắt đầu bằng việc cầu nguyện, sau đó, có hai góp ý (interventions) vào buổi sáng, và một góp ý vào buổi chiều, mỗi góp ý sẽ được tiếp nối bằng một buổi hỏi đáp, rồi chia nhóm thảo luận theo ngôn ngữ. Các cao điểm trong các ngày này sẽ là Phụng Vụ Thống Hối chiều Thứ Bẩy và Thánh Lễ sáng Chúa Nhật. Đức Giáo Hoàng sẽ giảng một bài giảng trong 1 trong 2 biến cố này; sau Thánh Lễ buổi sáng và Kinh Truyền tin buổi trưa, Đức Giáo Hoàng sẽ có diễn văn bế mạc. Một số nạn nhân, cả nam lẫn nữ, sẽ hiện diện trong các buổi cầu nguyện. Ban tổ chức sẽ gặp một số nạn nhân và những người bênh vực họ trước Hội Nghị, và điều hợp viên, tức Cha Lombardi, đã đề nghị với các nạn nhân mang theo sứ điệp viết tay của họ và phân phối cho các vị dự họp.

Một vài khoảnh khắc của Hội Nghị có thể theo dõi trên truyền hình trực tiếp (streaming): các buổi cầu nguyện buổi sáng, lời giới thiệu ngắn của Đức Thánh Cha hôm đầu tiên, mọi góp ý của Tường Trình Viên, Phụng Vụ Thống Hối và diễn văn bế mạc của Đức Thánh Cha vào ngày cuối cùng.

Các vị trong ban tổ chức nhấn mạnh rằng đã có sẵn các chỉ dẫn và qui định hữu hiệu, nhất là chính sách tuyệt đối không khoan nhượng đối với việc lạm dụng tình dục vị thành niên và đối với việc thiếu trách nhiệm của các giám mục trong tự sắc ‘Giống Một Bà Mẹ Đầy Yêu Thương’ năm 2016 của Đức Phanxicô.

Vấn đề là các hướng dẫn này phải được tuân giữ trọn vẹn chứ không được làm ngơ. Trong khi một số nơi trên thế giới, nhất là tại các nước nói tiếng Anh, và một số nước ở Châu Âu tuân giữ, thì các nơi khác chưa thi hành.

4. Các câu hỏi và trả lời về đồng tính...

Được hỏi: 80% các vụ lạm dụng liên hệ tới các bé trai, như vậy vấn đề đồng tính có được bàn đến hay không, Đức Hồng Y Cupich trả lời rằng “đúng là phải nhìn nhận rằng một phần trăm khá lớn các vụ lạm dụng là lạm dụng của nam đối với nam, nhưng đồng thời, theo các báo cáo chuyên nghiệp như Báo Cáo John Ray hay Ủy Ban Hoàng Gia Úc, đồng tính cũng chỉ là một nhân tố góp phần vào việc lạm dụng y như các nhân tố khác”.

Ngài nhắc nhở rằng những vụ rất lan tràn ở Hoa Kỳ trong các thập niên 1960, 1970 nay đã giảm một cách đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp hữu hiệu trong việc đào tạo linh mục, giám mục, nam nữ tu sĩ và cá người giữ trọng trách trong Giáo Hội. Ngài nói: từ năm 2002 trở đi, “chúng ta thấy một sự giảm thiểu khổng lồ”, chỉ còn khoảng 5 vụ 1 năm, riêng năm 2017 có 7 vụ nhưng 4 vụ phạm bởi cùng 1 linh mục.

Hỏi về việc vi phạm của chính các nhân viên ở Vatican, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh: “Rôma cần biết rằng điều họ yêu cầu nơi các giáo hội địa phương, họ cần áp dụng ngay trong nhà”.

Cha Zollner thì cho hay: “Các hướng dẫn và thực hành cần được thực thi khắp thế giới. Ở đây, chúng ta có nhiều người từ Tây Phương. Nhưng việc này cần sự chú ý và phản ứng không chỉ từ Bắc và Nam Mỹ, và Trung Âu, nhưng từ xa hơn thế”.

Được hỏi về 1 cuốn sách gần đây nói về sự giả hình của hàng giáo phẩm trong Giáo Hội, không những không giữ độc thân mà đôi khi còn đồng tính luyến ái và điều này lên sức cho việc che đậy, Đức Tổng Giám Mục Scicluna bắt đầu nói rằng “Tôi điều tra các vụ [lạm dụng], chứ không điều tra việc che đậy chúng”. Nhưng sau đó, cho biết rõ: “một hệ thống bảo vệ hay lên sức cho việc che đậy cần phải bãi bỏ và chúng ta phải kết án nó”.

Được hỏi trong số 190 tham dự viên, chỉ có 10 phụ nữ, Đức Tổng Giám Mục Scicluna và Đức Hồng Y Cupich đồng ý nên có nhiều phụ nữ hơn. Tuy nhiên các vị cho rằng các vị phó hội, trước khi đến đây, đã tham khảo các chuyên viên giáo dân, đa số là phụ nữ. Các ngài thừa nhận rằng chính phụ nữ giúp các ngài phát triển chuyên môn về chủ đề này và với việc đưa ra quyết định trong các vụ lạm dụng. Cha Zollner thì nhận định: “Các phụ nữ, nhất là các nữ tu ở Á Châu và Phi Châu có tầm quan trọng nhất trong việc bảo vệ”.
 
Đức Phanxicô khoan hồng cho một linh mục đã từng bị Đức Gioan Phaolô II điểm mặt và treo chén
Đặng Tự Do
17:55 18/02/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phục hồi cho cha Ernesto Cardenal, một nhà thơ linh mục mê say cộng sản đã từng bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II treo chén khoảng 35 năm trước vì không chịu rời bỏ chức vụ trong chính phủ cộng sản Sandinista tại Nicaragua.

Linh mục Cardenal, hiện đã 94 tuổi và sắp chết, đã bị vị Giáo Hoàng Ba Lan cấm cử hành Thánh lễ và ban các phép bí tích vào năm 1984.

Cha Cardenal sinh năm 1925, trong một gia đình thượng lưu tại Granada, Nicaragua. Ngài đã từng du học tại Managua, Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ. Năm 1950, sau khi theo học 2 năm tại New York, ngài về nước bí mật tham gia vào phong trào cộng sản và tham dự vào cuộc đảo chính tháng Tư, 1954 nhằm lật đổ tổng thống Anastasio Somoza García. Cuộc đảo chính thất bại, nhiều người thân bị giết, ngài bị truy nã nên trở lại Hoa Kỳ. Tại đây, ngài gia nhập Tu viện Giệtsimani của dòng Trap tại Kentucky. Năm 1959, ngài bỏ Tu viện này sang Mễ Tây Cơ theo học Thần học tại Cuernavaca.

Sau khi tổng thống Anastasio Somoza García bị ám sát, ngài trở về quê nhà và được thụ phong linh mục vào năm 1965 tại quê nhà Granada. Cha Cardenal được cử chăm sóc mục vụ cho người dân tại quần đảo Solentiname, nơi đa số là dân nghèo. Cuốn “El Evangelio en Solentiname” – (Tin Mừng của người Solentiname) được viết vào thời kỳ này. Cuốn sách phản ảnh những kỳ vọng hoang tưởng của ngài vào khả năng của chủ nghĩa cộng sản trong việc chấm dứt tình cảnh lầm than của dân nghèo. Đối với các Giám Mục Nicaragua, cuốn “Tin Mừng” này là một điều đáng âu lo: Nó bóp méo những giá trị chân thật của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô dưới ‘bóng tối” [chứ không phải là ánh sáng] của học thuyết cộng sản.

Ngày 17 tháng Bẩy 1979, cộng sản chiếm được thủ đô Managua. Hai ngày sau đó, chính phủ cộng sản ra mắt dân chúng. Hàng giáo phẩm Nicaragua và người Công Giáo tại quốc gia này ngỡ ngàng thấy cha Ernesto Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Văn Hoá. Em trai, nhỏ hơn ngài 9 tuổi, là linh mục dòng Tên Fernando Cardenal được giới thiệu là Bộ trưởng Giáo dục.

Cũng như ở tất cả các nước cộng sản khác, sau khi nắm được chính quyền. Bọn cộng sản Mác Sandinista thực thi một chính sách đàn áp dã man Giáo Hội tại quốc gia này.

Tấm hình bên cạnh là một tấm hình lịch sử. Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nicaragua vào tháng Ba năm 1983, trong một cử chỉ đầy kịch tính cha Ernesto Cardenal, Bộ trưởng Văn Hoá cộng sản, quỳ trước mặt Đức Gioan Phaolô II để chào đón ngài.

Theo tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, toàn bộ là một vở kịch của cộng sản. Trong tính toán của chúng, Đức Gioan Phaolô II chắc không biết Ernesto Cardenal là ai. Trước một người quỳ gối trước mặt ngài như thế, ngài chắc sẽ ban phép lành cho y hay ít nhất cũng có một vài cử chỉ thân thiện nào đó. Hình ảnh đó sẽ được guồng máy tuyên truyền của cộng sản diễn dịch như thể Đức Giáo Hoàng chúc phúc cho Ernesto Cardenal và công việc của ông.

Đó là một tính toán sai lầm. Vị Giáo Hoàng Ba Lan không để mình bị lọt bẫy. Ngài chỉ thẳng vào mặt Ernesto Cardenal nói dõng dạc bằng tiếng Tây Ban Nha “Usted tiene que arreglar sus asuntos con la Iglesia” – “Ông phải làm hòa với Giáo Hội”.

Linh mục dòng Tên Fernando Cardenal đứng ngay gần bên, định quỳ xuống đóng kịch như anh, thấy không xong, lảng đi chỗ khác, bỏ lại người anh đang bơ mặt ra ngượng ngùng tê tái.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Nicaragua buộc hai anh em nhà Cardenal phải từ bỏ các chức vụ trong chế độ cộng sản. Cả hai đều bất tuân lệnh của các Giám Mục. Do đó, dòng Tên ra quyết định trục xuất Fernando Cardenal.

Ngày 4 tháng Hai, 1984, đích thân vị Giáo Hoàng Ba Lan ra lệnh treo chén cả hai anh em nhà Cardenal theo giáo luật 285 triệt 3: “Các giáo sĩ bị cấm đảm nhận các chức vụ công quyền đòi hỏi phải tham gia vào việc thực thi quyền lực dân sự”

Ernesto Cardenal vẫn tiếp tục là Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho đến năm 1987, khi Bộ của ông bị đóng cửa vì lý do kiệt quệ kinh tế. Em trai ngài, linh mục Fernando Cardenal, đã qua đời ngày 20 tháng Hai, 2016.

Quyết định khoan hồng cho Ernesto Cardenal của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ xuất phát từ lòng thương xót, dựa trên các báo cáo là ông đang hấp hối. Quyết định này đã được chào đón một cách lạnh nhạt tại Nicaragua, nơi Giáo Hội trong những ngày này vẫn tiếp tục đụng độ với Daniel Ortega.

Thật thế, Daniel Ortega, là một lãnh tụ cộng sản trong phong trào Mác Sandinista đã lật đổ chế độ độc tài của tướng Anastasio Somoza Debayle, và đã cai trị Nicaragua từ năm 1979 cho đến năm 1990 khi trào lưu cộng sản bị lật nhào trên quy mô toàn thế giới.

Trong những năm sau đó, Daniel Ortega đã diễn nhiều vở kịch hay: tuyên bố sám hối vì tội lỗi với Giáo Hội Công Giáo, đi nhà thờ, tham dự các nghi lễ tưởng niệm. Nhờ khả năng diễn xuất quá thành công, nhờ những khó khăn trong buổi đầu chuyển từ thời cộng sản sang kinh tế thị trường tự do, Ortega lại dần dần lấy lại được uy tín và giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và 2011.

Ngồi vững trở lại trên quyền lực, Daniel Ortega lại bắt đầu những chiến dịch đàn áp Giáo Hội một cách tinh vi và nham hiểm hơn.


Source:La Croix
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ chúc thọ các vị Cao Niên tại giáo xứ CTTĐVN Seattle Xuân Kỷ Hợi.
Nguyễn An Qúy
17:59 18/02/2019
Tukwila. Tết Nguyên Đán năm nay rơi vào những ngày đầu tháng 02 năm 2019, lại là những ngày tuyết trắng phủ đầy xứ cao nguyên tình xanh với thời gian kéo dài gần 2 tuần lễ. Các khu phố khắp tiểu bang Washington phủ kín tuyết trắng có nơi lên đến gần 3 feet. Tin tức nghiên cứu về thời tiết cho biết đây là trận bảo tuyết lớn nhất chưa từng có tại Tiểu Bang Washington trong vòng 70 năm .

Xem Hình

Hôm nay, Chúa Nhật ngày 17 tháng 02 năm 2019 , thời tiết của xứ cao nguyên tình xanh đã trở lại yên ổn với ánh mặt trời dịu mát, nhiệt độ trên dưới 45 độ F nên cũng tương đối khá dễ chịu. Sáng Chúa Nhật đẹp trời này, giáo xứ hân hoan chào đón các vị cao niên tuổi từ 70 trở lên trong thánh lễ tạ ơn mừng tuổi thọ các vị được cử hành vào lúc 11giờ 30. Mừng tuổi thọ các vị cao niên trong giáo xứ là thông lệ hằng năm được cử hành sau ngày Tết Nguyên Đán để các thế hệ trẻ tỏ lòng biết ơn các bậc ông bà cha mẹ đã có công xây dựng cộng đoàn đức tin Công Giáo Việt Nam nơi đây kể từ ngày người Việt đến định cư tại Seattle và các vùng phụ cận.

Vào khoảng 11 giờ 20, những cụ ông cụ bà được choàng vòng hoa với màu sắc rực rỡ đã chỉnh tề đứng vào nghi đoàn để chuẩn bị dâng Thánh lễ. Đúng 11:30 một ca viên trong ca đoàn đọc lời dẫn lễ. Lời dẫn lễ vừa dứt, ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng sự trang trọng của nghi lễ . Ba hồi chiêng trống dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với quý cha cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh . Đoàn đồng tế do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cùng đồng tế có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ. Một bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nơi cung thánh . Cha chủ tế đã cử hành nghi thức xông hương bàn thánh và bàn thờ Tổ Tiên một cách long trọng.

Mở đầu Thánh Lễ, cha chủ tế nói: hôm nay giáo xứ chào đón 2 cha cố và quý cụ ông cụ bà đến với giáo xứ . Trong tâm tình tạ ơn, giáo xứ chúc mừng tuổi thọ quý cha, và quý cụ. Đây là truyền thống tốt đẹp của giáo xứ để bày tỏ lòng biết ơn các bậc cao niên đã có công xây dựng cộng đoàn Đức tin Việt Nam nơi đây từ lúc phôi thai, nay trở thành giáo xứ khá đông đảo. Xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón quý cha và quý cụ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật VI Mùa Thường Niên. Tin mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu cho chúng ta về các mối phúc cho những ai đang tìm kiếm nước Trời và các mối họa mà Chúa Giêsu đã tỏ bày cho mỗi người: "Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ: Đề cập đến bài Tin Mừng ngài nói: "Thường chúng ta nghe 8 mối phúc, nhưng hôm nay tin mừng theo Thánh Luca lại chỉ đề cập đến 4 mối phúc mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ và dân chúng cùng hiện diện với Ngài. Bên cạnh đó, Chúa lại đề cập đến 4 mối họa cho những ai chỉ biết nương tựa vào cuộc sống trần gian mà quên đi đường lối của Chúa."

Liên tưởng đến ngày lễ chúc thọ ngài nói: "Hôm nay trong niềm vui tạ ơn, giáo xứ chào đón 2 cha cố, quý cụ ông cụ bà tuổi từ 70 trở lên. Đây là tầng lớp nòng cốt tiên phong trong nhiều công tác xây dựng Cộng Đoàn Đức Tin Việt nam tại địa phương này kể từ lúc khởi đầu. Đây là lực lượng nòng cốt xông pha việc gói bánh chưng bánh tét hằng năm. Đây cũng là tầng lớp trụ cột xây dựng và duy trì truyền thống văn hoá Việt Nam nơi đây. Truyền thống mừng tuổi thọ của giáo xứ là để nhắc nhở các thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với các bậc già nua, đó cũng là việc để thực thi đạo hiếu của người Việt Nam. Xin Chúa chúc lành cho quý cha và quý cụ trong tuổi già được nhiều ân phúc."

Sau bài giảng và lời nguyện giáo dân là nghi thức xức dầu chúc lành cho tất cả các vị cao niên được diễn ra một cách long trọng .

Nghi thức xức dầu kết thúc, Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Sau Lời nguyện kết lễ, anh Nguyễn Kiên chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ đại diện giáo xứ đã có lời cảm ơn quý cha và quý vị cao niên một cách trân trọng với lời kết: "kính xin quý cụ tiếp tục cầu nguyện cho chúng con và giáo xứ, nhất là giáo xứ đang bước vào giai đoạn thực hiện việc xây dựng cơ sở của giáo xứ".

Các em trường Việt Ngữ Đắc Lộ lại có bài chúc thọ các cha và các cụ với lời nhập đề khá cảm động: Tết đến Xuân sang- mai nở thắm vàng - Đoàn con nhỏ rộn ràng vui tuổi mới- Cũng không quên đôi lời thưa gởi- Đến quý Cha cùng quý lão cao niên..."

Thánh lễ được kết thúc với phép lành cuối lễ trọng thể được quý cha long trọng chúc lành.

Sau Thánh Lễ là phần tiệc mừng tại Hội trường, đông đảo các cụ ông cụ bà tham dự với những món ăn đơn giản nhưng đậm tình gia đình giáo xứ trong một buổi gặp gỡ thân hữu dành cho những cụ ông cụ bà. Buổi tiệc mừng với phần văn nghệ do Ca Đoàn Chiên Con, Trường Việt Ngữ Đắc Lộ phụ trách, đặc biệt có sự hiện diện của Đoàn Văn Nghệ Hướng Việt đến giúp vui với những nhạc cụ mang tínnh dân tộc Việt, phần nhiều là đàn tranh. Phần văn nghệ khá phong phú đã giúp cho buổi tiệc tăng thêm phần vui nhộn mang tính hồn Việt. Buổi tiệc mừng kết thúc vào khoảng gần 3 gìờ chiều , mọi người ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý.
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Hội chợ Xuân Kỷ Hợi
Văn Minh
18:02 18/02/2019
Hòa trong không khí mừng đón Xuân Kỷ Hợi2019, đồng thời, đây cũng là chương trình khởiđộng giai đoạn II của năm học giáo lý (2018-2019) của Đoàn TNTT Phanxicô Xaviê giáo xứ Vĩnh Hòa.

Vào lúc 9g00 sáng Chúa Nhật ngày 17.02.2019, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, các anh chị huynh trưởng, giáo lý viên(HT- GLV)phối hợp với Ban Trợ tá đã đứng ra tổ chức chương trình Hội chợ Xuân dành cho các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý thông qua các trò chơi dân gian như: Tô tượng màu, đập lon, ném lon, ném phi tiêu, bắt cá, và Relax Time.

Xem Hình

Đúng 9g10, anh Vinh Sơn Nguyễn Sĩ Huy, trưởng ban tổ chức lên giới thiệuchương trình và hướng dẫn cho các em thiếu nhi cách thức chơi sao cho có trật tự và đạt được kết quả tốt đẹp. Sau đó, cha xứ Gioakim Lê Hận Hán lên ban phép lành và chúc cho các em có một buổi vui chơi mang lại nhiều điều bổ ích và được bình an. Kế đó, các anh chị HT- GLV, phát cho mỗi emthiếu nhi sáu tấm phiếu (vé) tương ứng với sáu trò chơi nơi các gian hàng.

Do khuôn viên của giáo xứ nhỏ hẹp, nên các anh chị HT - GLV phân chia các em thành hai khu vực: Khu vực trên tiền sảnh nhà thờ dành cho các em Ngành Chiên con, và trước sân là Ngành Thiếu. Khu vực dưới hội trường dành cho các em Ngành Ấu, và trên sân sau nhà thờ dành cho Ngành Nghĩa và lớp Nghĩa 4.

“Đập niêu và ném lon” là tiết mục khởi đầu do các em Ngành Thiếu thể hiện, các em xếp thành hai hàng và em đứng đầu hàng được vị đại diện trong Ban Trợ tá lấy khăn bịt mắt lại và trao cho một khúc cây tiến lên đập sao cho trúng niêu thì sẽ nhận được một phần quà. Tiếp theo là trò chơi ném lon, những chiếc lon được sếp trồng lên nhau tạo thành một hình tam giác, các anh chị HT-GLV trao lần lượt cho từng emtheo thứ tựsếp hàng cùng một trái banh nhỏ vàđứng cách xa 5m ném sao cho đổtrồng lon thì sẽ nhận được một phần quà.

Tại hội trường, các em Ngành Ấu đang đùa vui reo hò ầm ĩ, làm cho bầu khí của ngày hội trở nên ồn ào và náo nhiệt hơn qua tiết mục “Bắt cá”lần lượt từng emtiến vào trong hồ nước qua đôi tay khéo léo làm sao bắt được con cá nhỏ thả trong hồ thì sẽ nhận được một phần quà. Khác với không khí ồn ào dưới hội trường, trên tiền sảnh nhà thờ các em Chiên non đang âm thầm miệt mài tô vẽ từng nét trêncác con vật sao chohoàn thành thì sẽ nhận được một phần quà. Bé Lê Phúc Khải, 5 tuổi, đeo khăn màu hồng, và bé Lê Như Khuê, 4 tuổi, là anh em ruột đang cùng nhau tô hình tượng một con rùa. Khi được hỏi, hai anh em vẽ như này có ai hướng dẫn không, bé Khải trả lời; không có ai mà tự con vẽ đấy, vậy tô vẽmà quần áo lấm lem hếtnhư vầy về nhà cháu có sợ ba mẹ rầy la không?. Bé hồn nhiên trả lời: dạ không ạ! Chúng con rất thích chơi ở nhà thờ vì có đông các bạn, và còn có quà nữa,còn ở nhà chúng con không được chơi vui như vậy. Quả thật, nhìn các em hồn nhiên vui chơi, quần áo lấm lem ướt đẫm mồ hôi, nhưng nét mặt vẫn cười nói vui vẻ. Qua đây, phần nào gợi nhớ cho người lớn chúng ta quay về kí ức tuổi thơ trước đây của mình. Được biết, đâylà một trong chuỗi chương trình giáo dục giáo lý của Đoàn TNTT định hướng cho các em thiếu nhi trong giáo xứ.

Ngày Hội Xuân của Đoàn TNTT Phanxicô Xaviê của giáo xứ Vĩnh Hòa khép lại lúc 10g30. Trước khi ra về, một anh HT-GLV đại diện lên ngỏ lời cảm ơn cha chánh xứ, quý vị phụ huynh, cách riêng, đối với Ban Trợ tá đã chung tay góp sức tổ chức cho các em thiếu nhi có được buổi vui chơi và mang lại nhiều ý nghĩa, phần nào giúp cho các em tránh xa những đam mê và các tệ nạnxấu ở bên ngoài xã hội hiện nay.
 
Thông Báo
Các Bề Trên Liên Dòng Nữ Tu Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ họp vào tháng 4 tại Bay St. Louis
Liên Đoàn CGVNHK
09:29 18/02/2019
HỌP BỀ TRÊN LIÊN DÒNG NỮ TỤ VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Ngày 15 tháng 2 năm 2019

Kính gửi: Quý Đức Ông và quý Cha
Quý Phó Tế, quý Ông Bà và Anh Chị Em

Hằng năm, Bề Trên Liên Dòng Nữ Tu Việt Nam tại Hoa Kỳ họp chia sẽ kinh nghiệm mục vụ : những khó khăn và thuận lợi trong việc phục vụ người Công Giáo Việt Nam và các sắc dân trong Giáo Hội Hoa Kỳ, và giúp đỡ nhau phát triển dòng tu.

Năm nay, quý Sơ Bề Trên sẽ họp từ ngày 23-26 tháng 4 năm 2019 tại St. Augustine’s William J. Kelly Retreat Center, thuộc Dòng Ngôi Lời
510 North Second Street, Bay St. Louis, MS 39520, Phone : 228-467-2032 (Cách phi trường New Orleans khoảng 70 miles)

Nội dung kỳ họp lần này, có những thuyết trình viên :
Chuyên viên Giáo Luật (Canon Lawer)
CPA (Certified Public Accountant)
Sr. Stephanie Still, PBVM của NRRO (Văn Phòng Hưu Dưỡng Tu Sĩ Toàn Quốc)

Kính xin quý Ông Bà, Anh Chị Em, Phó Tế, quý Cha và quý Đức Ông thêm lời cầu nguyện cho quý Sơ Bề Trên có kỳ họp thành công tốt đẹp.

Trân trọng,

Văn Phòng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thắp Hương Đầu Năm
Nguyễn Bá Khanh
09:34 18/02/2019
THẮP HƯƠNG ĐẦU NĂM
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh

Đầu năm lên chùa thắp hương
Cầu may cầu phúc muôn phương an bình..
(nbk)