Ngày 17-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Năm 18/2: Sự Lựa Chọn Khi Theo Chúa Giêsu – Thầy Phó Tế Antôn Nguyễn Văn Nam, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:05 17/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 17-February-2021 theo giờ Việt Nam


Tin Mừng LC 9, 22-25

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình, hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
 
Con số 3 trong Mùa Chay
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:19 17/02/2021
CN I CHAY B

Con số 3 trong Mùa Chay

Mỗi năm, vào đầu Mùa Chay, tôi đặc biệt nhớ tới con số 3 vì nó hiện diện ở ngay ngày thứ tư đầu Mùa Chay và ở ngày Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay.Thứ tư Lễ Tro, trong Phúc âm Thánh Matthêu (Mt 6,1-6.16-18), Chúa dạy 3 điều cần phải làm ba việc này:

Thứ nhất: Bố thí: làm việc lành, việc phước thiện, để nâng đỡ tha nhân, như thăm viếng người bệnh, người già, giúp công, giúp của cho những người cùng túng, lâm nạn, những người cô thân, cô thế và tàn tật...

Thứ hai: cầu nguyện: có thời giờ sống bên Chúa, thưa chuyện với Chúa, lắng nghe tiếng Người, đọc sách báo linh đạo, suy niệm về Ơn lành Cứu Ðộ và về những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu tại Giêrusalem, về cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Cầu nguyện để phát triển đời sống nội tâm, trong thinh lặng, với tâm tình cảm tạ và kính mến.

Thứ ba: Ăn chay: hãm dẹp các vọng động, giảm bớt tiêu pha và hưởng thụ, như bớt ăn, bớt uống, bớt coi điện ảnh, ngưng hút thuốc, bỏ ăn quà vặt, không chơi bài bạc và không chè chén say sưa...

3 điều trên đây có liên hệ mật thiết với nhau, như nhân với quả, như hoa với trái. Ví dụ: ta chỉ có thể có tiền và có thời giờ để giúp đỡ tha nhân, nếu ta đã tự hãm mình, dẹp bớt các nhu cầu và bỏ đi lòng vị kỷ. Hơn nữa, sự cầu nguyện và lòng kính mến Chúa sẽ thúc đẩy ta biết mở rộng lòng ra, biết cảm thông với những người đang gặp đau khổ về vật chất và tâm linh.

Vậy, nếu thực sự chúng ta kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, thì chúng ta chú trọng thực hành 3 việc là ăn chay, cầu nguyện và bố thí, một cách vui vẻ, âm thầm và kín đáo, như Chúa Giêsu dạy: “tay trái không biết việc tay phải làm”. Khi cầu nguyện, ăn chay và làm việc từ thiện, bác ái, chúng ta không tìm tiếng khen của người khác, mà chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa là Cha của chúng ta mà thôi.

Trong Phúc âm Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay (Lc, 4,1-13) ta gặp lại con số 3 một lần nữa: Đức Giêsu bị Satan dụ dỗ về 3 điểm, tức là 3 ước muốn mãnh liệt nhất của cái tôi giả tạo: thụ-hưởng, danh-vọng và quyền-lực. Đó là 3 điều dụ dỗ rất mực tế nhị và độc hại, đã từng làm cho loài người điên đảo, phạm những điều ngang ngược, phi nhân, phi nghĩa. Đức Giêsu đã dùng thần lực của Thánh Kinh mà khử trừ 3 dụ dỗ thâm hiểm đó của Satan. (Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD).

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta sống 3 thực hành quen thuộc của Mùa chay: “Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6,1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.” (Sứ điệp Mùa chay 2021, dẫn nhập).

Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có 3 phương thế để có thể chiến thắng.

1. Lời Chúa.

Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.

Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:

- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)

- Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)

- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).

“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nỗi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39b); “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.

Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.

2. Ăn Chay

Ăn chay giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. Ăn chay đi đôi với sự hãm mình. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại ăn chay hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu người. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.

3. Cầu Nguyện.

Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta!

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.

Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay. Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: “Hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.

Ghi nhớ con số 3 của Mùa Chay để thực hành sám hối, canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.
 
Những hạt bụi được yêu thương
Lm. Minh Anh
05:32 17/02/2021
NHỮNG HẠT BỤI ĐƯỢC YÊU THƯƠNG
“Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai sẽ trở về bụi tro”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đi vào Mùa Chay, chúng ta nhận một chút tro trên đầu. Tro rắc trên đầu đưa chúng ta về lại với đất; nó nhắc nhở chúng ta là tro bụi, sẽ trở về bụi tro. Vậy mà, bụi tro đó, dẫu yếu đuối, sa sẫy và chết chóc… vẫn là ‘những hạt bụi được yêu thương’; Thiên Chúa đã vui lòng gom những hạt bụi đó trong tay và thổi vào nó hơi thở sự sống của Người.

Vì là vật sống sống chính sự sống của Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, được cứu chuộc bởi máu châu báu của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi sống cho Thiên Chúa; nói đúng hơn, được mời gọi để cho Thiên Chúa sống trong mình. Mùa Chay là thời gian ân sủng, chúng ta xé lòng mình ra để ân sủng Thiên Chúa đổ vào, hầu có thể trở về với Người, làm hoà với Người như thư Côrintô nhắc nhở. Trong nơi sâu thẳm của lòng mình, chúng ta cầu nguyện; ở đó, Thiên Chúa đang ngự trị, Đấng sẽ nói với chúng ta những gì đang cản trở sự sống của Người lớn lên.

Một trong những điều quan trọng nhất của việc cầu nguyện chân chính là nó được diễn ra ngay trong căn phòng bên trong sâu kín nhất của tâm hồn; chính nơi sâu thẳm bên trong này, chúng ta sẽ được gặp Chúa. Thánh Têrêxa Avila mô tả linh hồn như một lâu đài Chúa ngự. Việc cầu nguyện đòi hỏi chúng ta phải đi vào chốn sâu nhất và trong cùng nhất của lâu đài nội tâm này; ở đó, nơi trong cùng này, sự vinh hiển và vẻ đẹp trọn vẹn của Thiên Chúa sẽ được tái khám phá.

Thiên Chúa không chỉ là một Thiên Chúa “ở ngoài kia”, hoặc xa xôi ở chốn thiên đàng; Người là một Thiên Chúa gần gũi và thân thiết hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Mùa Chay là thời điểm chúng ta cố gắng thực hiện một hành trình hướng nội để khám phá ở đó sự ngự trị của Ba Ngôi Chí Thánh. Và chúng ta có thể đoan chắc, mong muốn sâu xa nhất của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Mùa Chay này là chúng ta phải cầu nguyện, và cầu nguyện là để đổi thay. Không chỉ đổi thay tương quan với Chúa, nhưng với tha nhân và với chính mình. Đó chính là quỹ đạo của lòng thương xót. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Con ăn chay mùa này như thế nào? Chay những lời gây thương tổn, để nói những lời tử tế; chay sự buồn sầu, để lấp đầy mình lòng biết ơn; chay sự giận giữ, để giữ lòng nhẫn nại; chay thái độ bi quan, để lấp đầy mình niềm hy vọng; chay nỗi bận tâm, để lòng tín thác vào Thiên Chúa; chay những tiếng phàn nàn, để vui hưởng sự giản đơn; chay sự vội vã, để sống tâm tình cầu nguyện; chay sự cay nghiệt, để lấp đầy mình với niềm vui; chay sự ích kỷ để vun trồng lòng trắc ẩn; chay lòng thù hận, để lòng mình được an hoà; chay bớt lời nói, để lòng được lặng thinh và lắng nghe”.

Ngày kia, một vị vua cải trang thân hành bách bộ trên các đường phố; ông gặp một người hành khất, người ấy ngửa tay xin bố thí. Thay vì cho anh một chút gì, vua mời anh cùng theo mình về nhà. Về đến hoàng cung, người hành khất thất kinh vì biết rằng, đây là cung điện. Anh vô cùng sợ hãi vì thấy mình quá bẩn thỉu. Vua trấn an, tặng cho anh những bộ quần áo mới và một số tiền khá lớn để anh có thể đổi đời. Ít lâu sau, vua dạo phố, lại gặp người ăn mày này và ngạc nhiên khi thấy anh vẫn rách rưới như trước. Tìm hiểu, vua biết rằng, sở dĩ anh không mặc những quần áo mới vua ban vì nếu như thế, anh không thể tiếp tục nghề cũ. Anh đã quen sống với nghề ăn mày đến nỗi không thể làm một công việc nào khác dù anh có đủ điều kiện.

Anh Chị em,

Như người hành khất, chúng ta thay đổi áo xống thật dễ; thay đổi cách sống, một điều không dễ chút nào. “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai sẽ trở về bụi tro”, nhưng chúng ta là ‘những hạt bụi được yêu thương’. Thật hạnh phúc khi chúng ta nghe được những lời của Isaia, “Trước mắt Ta, ngươi thật là quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương”. Mùa Chay, mùa khám phá chúng ta là “cục cưng” của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là chút tro bình thường để bón ruộng. Chúng ta được Chúa Kitô cứu chuộc; cái chết của Ngài đã mặc cho chúng ta chiếc áo cứu độ. Đừng để mình mãi mãi chỉ là con người tầm thường. Hãy trở về với Đấng đang sống ở bên trong tâm hồn và biến chúng ta thành lâu đài của Thánh Thần. Một khi tâm hồn trở nên lâu đài của Thiên Chúa, thì cách cư xử, hành động, tâm tình, lời nói của chúng ta sẽ được biến đổi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì hôm nay Chúa cho con ý thức con chỉ là tro bụi, nhưng là ‘những hạt bụi được yêu thương’ bởi chính Chúa. Xin cho con biết ham thích cầu nguyện, trở về với nội tâm từng giây, từng phút, trong từng biến cố, hầu con thật sự sống thánh trong Mùa Chay này”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thao Luyện
Lm Vũđình Tường
21:01 17/02/2021
Samạc là hầm mỏ của hiểm nguy. Tai vạ tràn lan, vận may khan hiếm. Cuộc sống samạc bị thử thách tận tâm can. Những ai chịu cực, chịu khổ được một thời gian dài trong samạc được coi như người có í chí sắt đá, bền gan, kiên tâm, bền chí trong trường đời. Đại đa số trong chúng ta khi cuộc sống gặp khó khăn, nghịch cảnh, cách thông thường là tháo lui, chạy trốn, mong được an toàn, tồn tại, sống sót. Chúng ta coi nhẹ cân nhắc hơn thiệt, lợi hại người khác trong chọn lựa, và không ngại chọn ngay cả việc làm bất lợi, điều xấu, điều tệ miễn là giảm bớt hoàn cảnh cơ cực chính mình đang trải qua. Đau khổ, khó khăn, sợ hãi là những yếu tố làm nhụt í chí phấn đấu. Tệ hại nhất là không lượng được sức mạnh bản thân, tự tin vào khôn ngoan cá nhân. Phấn đấu không dựa vào sức mạnh Thiên Chúa. Bất cứ hành động, quyết định lớn nhỏ nào, sức mạnh Thiên Chúa là thứ yếu; hành động đó, quyết định đó đều sai lầm. Cái lợi ngay lúc đó, lợi trước mắt làm lu mờ, che khuất thấy cái hại khổng lồ trong tương lai. Nguy hiểm hơn cả khi vấn đề đó hại đức tin. Hại niềm tin đi chung với hại sự sống vĩnh cửu. Đức Kitô chọn đối đầu với nghịch cảnh. Thay vì đầu hàng, Đức Kitô đối chọi nghịch cảnh mong tìm phương thế thi hành thánh í Chúa Cha.

Đức Kitô sống bốn mươi ngày trong samạc. Con số 'bốn mươi' cho biết nghịch cảnh nào cũng có điểm khởi hành và điểm kết. Thử thách nào cũng có đoạn kết. Samạc đời người cũng như samạc tâm linh đều có điểm kết. Khi đối diện với samạc tâm linh, thay vì than thân, trách phận, than khóc, vật vã, so sánh; hãy dùng thời gian đó củng cố niềm tin, tịnh dưỡng, tăng sức cho ơn gọi. Biến nghịch cảnh thành cơ hội thuận tiện cho việc củng cố tâm linh.

Trước khi bước vào cuộc sống rao giảng, Thánh Thần Chúa dẫn Đức Kitô vào hoang địa. Nơi đó Đức Kitô sống qua nghịch cảnh để nhận biết khả năng mạnh yếu khi thân xác đối diện với nghịch cảnh. Đây cũng là thời gian ước định sức mạnh tâm linh. Samạc là đấu trường khắc nghiệt không biên giới, không thời gian. Ngày cũng như đêm, cần đề phòng, chuẩn bị, sẵn sàng chống lại tấn công bất cứ khi nào nó đến. Sống sót khỏi nanh vuốt ban ngày, chưa chắc đã thoát nọc độc ban đêm. Ngoài sức nóng rát mặt ban ngày, cơn lạnh căng da về đêm, còn phải chịu cảnh thực phẩm khan hiếm, nước uống hạn chế; bệnh không thuốc, thương tật không băng bó. Tất cả những điều trên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ. Mệt mỏi, lo lắng, bất an đều làm cho cơ thể rã rời. Tỉnh thức cầu nguyện lúc bình thường đã khó, nói chi đến tỉnh thức, yên tâm cầu nguyện khi cơ thể rã rời. Đức kitô đã trải qua hoàn cảnh này. Kinh nghiệm Ngài sống nơi samạc giúp ích rất nhiều trong chiến trường tâm linh, chống lại sức mạnh ác thần. Đức Kitô vào hoang địa với một mục đích duy nhất, suy gẫm về sứ mạng cứu thế của Ngài. Đó là hoàn thành thánh í Chúa Cha, giải thoát nhân loại khỏi bóng tối ác thần.

Kinh nghiệm chống lại nghịch cảnh, đói khát, giá lạnh, đau khổ, sợ sệt đều là những kinh nghiệm thật của một con người. Ngài bộc lộ những kinh nghiệm bản thân trên qua các dụ ngôn. Từ đó chúng ta nhận biết Đức Kitô tận dụng thời gian samạc là thời gian suy gẫm về kế hoạch. Tìm phương thế vẹn toàn, trọn hảo, thực hành thánh í Chúa Cha. Sách lược rao giảng nước Thiên Chúa. Hoạch định phương sách tiêu diệt ác thần. Tìm biện pháp chống lại cơn cám dỗ bằng cách dựa vào sức mạnh Lời Chúa.

Đức kitô loan báo trước Ngài sẽ chiến thắng ma quỉ, chiến thắng ác thần, nhưng cuộc chiến nhiều cam go, đau khổ chồng chất. Trước khi ma quỉ đầu hàng, bị tiêu diệt, chúng sẽ giẫy chết vừa bạo động, vừa hung tàn. Đức Kitô chiến thắng ác thần. Môn đệ trung tín Đức Kitô sẽ được Ngài hỗ trợ, ban sức chiến thắng ác thần, và vào chung hưởng vinh quang trong nước Chúa.
Bước theo Đức Kitô, chúng ta có kinh nghiệm đôi khi chiến thắng ma quỉ; đôi khi thất bại trong tội lỗi. Đức Kitô không bao giờ thất bại. Ngài luôn đứng vững trước cám dỗ, thử thách. Ngài không trốn chạy nhưng ngang nghiên đương đầu với mọi nghịch cảnh. Ngài kiêu hùng dối diện với đóng đanh thập giá. Trung tín vâng phục Chúa Cha đến hơi thở cuối cùng.

'Lậy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha' Lk 23,46.

Nói xong Ngài tắt thở.

Samạc với ta là nơi sức sống héo tàn; tương lai màu cát xám. Đức kitô vào samạc chỉ cho nhân loại con đường sống, cách sống vui, sống mạnh, sống vĩnh cửu. Ngài vạch ra con đường tương lai tươi sáng cho ai bước theo con đường Ngài đi qua. Ngài đến loan báo khởi đầu nước Thiên Chúa nơi trần gian. Những ai bước theo con đường Samạc Kitô sẽ tiến vào nước Thiên Chúa khi hoàn thành cuộc lữ hành trần gian:

'Thời kì đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng'. Mk 1,15.

Nước Thiên Chúa đến cho những ai đón nhận Đức Kitô làm chủ đời mình. Tìm kiếm nước Thiên Chúa mà từ chối đón nhận Đức Kitô là một cám dỗ lớn. Tìm kiếm nước Thiên Chúa hàng ngày chính là một phần của cuộc sống Kitô hữu. Mọi chiến thắng lớn nhỏ đều trông cậy vào ơn Chúa giúp sức, phù trợ, ban ơn. Ngoài ra đều là tìm vinh danh cho chính mình.

TiengChuong.org

Challenging Times

Desert is a place, where hidden dangers are numerous, and good fortune is a scarcity. In the desert, human life is being challenged to its core, and those who survive the physical desert would be considered resilient in his/her spiritual journey. When facing wilderness of life, we often look for a way out. We would do whatever it takes for our own survival. In doing so we would weigh all options and variations, including surrendering. Pain, hardship, and fear factors weaken our spirit, and worst of all we tend to rely not on God's power, but solely on our own strength. Whenever we let go of God's power; our own strength will fail us. Failure caused by short sightedness. A small immediate gain blinds us from seeing enormous future loss. Jesus took His wilderness head- on, and persevered in doing His Father's will.

Jesus spent forty days in the wilderness. The number 'forty' tells us that every wilderness has starting and ending times. Our for personal spiritual wilderness also has a starting and an ending times. We need to learn from Jesus. Spiritual wilderness is not a time for finding the way out, but it is the best time focusing on our vocation. Before Jesus' public ministry, God's Spirit led Him to enter the desert, to face His own physical, and spiritual strengths and weaknesses. Desert's hostile environments are unfriendly for life. The fluctuation of climate between day and night, and lack of food, and rare water supplies all contribute to health hazards. Physical tiredness makes it harder for staying awake in prayer. Being fully alert from dust to dawn is a 'must' for survival.

Jesus endured them all. His wilderness experience was vital for His spiritual battles in fighting the power of darkness. Jesus entered the wilderness for a single purpose, and that was contemplation of His own mission; fulfilling His Father's will, to save the human race from the power of darkness. Jesus' wilderness experience was real. His hunger, thirst, suffering, and temptations were all truly authentic. From His teaching, we know, Jesus spent much of His time in the wilderness to contemplate His Father's will. He worked out strategies to fight against temptations, to combat Satan and to proclaim God's kingdom.

Jesus had announced in advance, that Satan could not win, but the fight was brutal and deadly. The announcement asserted God's kingdom would prevail, and Satan's kingdom would be destroyed, and those who had faith in Jesus would join Him in His kingdom. In following Jesus, we experience both winning and failing in our own temptations. The man, Jesus, never failed. He stood firm against any form of temptation, including the extreme ones, suffering on the cross. Jesus stood firm till the end, till His last breath 'Father, into your hands I commit my Spirit' Lk.23,46.

For us, spiritual desert kills life; it destroys future. Jesus entered the desert to show us the way, to draw life, to multiply joy, and to brighten His disciples' future. Jesus' arrival, and preaching marked the beginning of God's kingdom.

'The time has come' he said 'and the kingdom of God is close at hand'. Mk.1,14.


God's kingdom is close for those who welcome Jesus into their hearts. Searching for God's kingdom independently of Jesus is regarded as a temptation. Searching for God's kingdom is part of Christians living. To win over any big or small temptation, we need to fight it with God's help, not to fight it alone.
 
Chọn lựa của Tình Yêu
Lm. Minh Anh
21:27 17/02/2021
CHỌN LỰA CỦA TÌNH YÊU
“Hãy chọn lựa sự sống, để anh em và dòng dõi anh em được sống”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ không mấy bất ngờ, khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay có chung một chủ đề, đó là chọn lựa; thế nhưng, sẽ bất ngờ hơn khi Môisen của Cựu Ước và Chúa Giêsu của Tân Ước từ hai bài đọc cùng cho thấy việc chọn Thiên Chúa, chọn sự sống, chọn bỏ mình là một ‘chọn lựa của tình yêu’.

‘Môisen Cựu Ước’ đưa ra cho Israel dân Chúa những chọn lựa: Thiên Chúa hay thần ngoại, chúc lành hay chúc dữ, sự sống hay sự chết, hạnh phúc hay bất hạnh, đất hứa hay lưu đày? Ông nói với dân, “Tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, sự chúc lành và sự chúc dữ”; và này, ông kết luận, “Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em”. Đó là một ‘chọn lựa của tình yêu’.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu, một ‘Môisen Tân Ước’, cũng đưa ra cho những ai theo Ngài những chọn lựa: bỏ mình hay tìm mình, cứu mạng hay mất mạng, được cả thế giới hay đánh mất chính mình? Ngài nói, “Ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Tôi, sẽ được sống. Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi?”. Đó cũng là một ‘chọn lựa của tình yêu’.

Bản thân Chúa Giêsu, Ngài đã chọn lựa tình yêu. Hôm nay Ngài tuyên bố, “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ khai trừ và giết chết”; thế nhưng, chúng ta đừng bỏ qua một chi tiết then chốt mang tính quyết định liên quan đến niềm tin Kitô, “Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Qua tuyên bố đó, Tin Mừng cho thấy quyết tâm của Chúa Giêsu mạnh mẽ như thế nào; Ngài quyết định ôm lấy thập giá đời mình với sự tự tin và lòng can đảm. Sở dĩ, Ngài có thể nói lên điều đó vì Ngài biết, đó ‘chọn lựa của tình yêu’ là một chọn lựa mang tính cứu độ, một chọn lựa đem lại sự sống đời đời cho một nhân loại đáng chết ngàn đời. Tình yêu đích thực là sự lựa chọn để làm những gì tốt nhất cho người khác, bất biết giá cả, bất chấp khó khăn và bất kể rủi ro đến thế nào. Tình yêu đích thực không phải là cảm giác tìm kiếm sự thoả mãn ích kỷ nhưng là một sức mạnh không gì lay chuyển, vốn chỉ tìm kiếm những điều tốt đẹp cho người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại mạnh mẽ đến nỗi Ngài được thúc đẩy về phía cái chết đang chờ đợi với một dũng khí kiên cường, một ý chí kiên định; để từ đó, liều thân hy sinh mạng sống cho tất cả chúng ta, và không một điều gì có thể cản ngăn Ngài chối từ sứ mệnh đó. Chọn lựa của Ngài rõ ràng là một ‘chọn lựa của tình yêu’.

Alcazar, một pháo đài có từ thế kỷ 16, toạ lạc uy nghiêm trên một đỉnh đồi cao nhất ở Toledo, Tây Ban Nha. Trong cuộc nội chiến những năm 1930, Alcazar trở thành chiến trường đẫm máu, đỏ lửa ngày đêm khi nhóm Trung Thành tìm cách lật đổ những người theo Chủ Nghĩa Quốc Gia, phía đang nắm giữ pháo đài. Trong một trận chiến khốc liệt, nhà lãnh đạo Chủ Nghĩa Quốc Gia nhận được một cuộc điện thoại khi đang ở văn phòng của mình. Đó là cuộc điện thoại từ con trai của ông, người đã bị bắt bởi nhóm Trung Thành. Nội dung là một tối hậu thư: Nếu người cha không giao nộp pháo đài Alcazar, họ sẽ giết con trai ông. Người cha đã cân nhắc các lựa chọn của mình suốt nhiều tiếng đồng hồ; sau đó, dừng lại với một trái tim nặng trĩu, ông nói với con trai, “Con hãy chết như một người đàn ông!”. Đó cũng là một ‘chọn lựa của tình yêu’.

Anh Chị em,

Để cứu cả nhân loại, chứ không chỉ cứu lấy một pháo đài, Thiên Chúa Cha cũng đã để Con Một Người chịu chết còn hơn cái chết của một người đàn ông, ‘Con hãy chết như một vị Thiên Chúa!’. Đó chính là sự ‘chọn lựa của tình yêu’ vĩ đại nhất; sự chọn lựa này được lặp đi lặp lại mỗi ngày trên các bàn thờ để cứu lấy không chỉ một pháo đài, nhưng cứu lấy ‘muôn triệu lâu đài’ của Thiên Chúa là linh hồn những kẻ tin yêu Người trong một nhân loại mà máu châu báu của Đức Kitô đã đổ ra để cứu chuộc. Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói, “Giá mà chúng ta biết trước những gì mình sẽ nhận được khi từ bỏ mọi sự!”. Chúa Giêsu biết điều đó, nên Ngài dám bỏ mọi sự; hôm nay, Ngài nói cho chúng ta bí mật ấy. Cái khó nhất phải từ bỏ là bỏ mình; bỏ mọi sự mà không bỏ mình, vẫn chưa bỏ gì cả. Đó vẫn là chọn lựa hơn thua, không phải là ‘chọn lựa của tình yêu’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Mùa Chay, mùa của những chọn lựa; xin ban cho con ân sủng và sức mạnh của Ngài để con có thể chọn lấy những ‘chọn lựa của tình yêu’ mỗi ngày. Cho con biết bỏ mình, bỏ mọi hình thức yêu thương ích kỷ, hầu tham phần vào tình yêu cứu độ hoàn hảo nhất của Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro 2021 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
07:45 17/02/2021


Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Do tình trạng đại dịch coronavirus, năm nay tất cả những nghi lễ này phải hủy bỏ.

Sáng ngày thứ Tư 17 tháng 2, lúc 9 giờ 30 theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ, làm phép và xức tro tại Bàn thờ Ngai Tòa, trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Buổi lễ đã diễn ra với sự hiện diện của một số lượng rất hạn chế các tín hữu theo các phương thức được sử dụng trong những tháng qua, liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, với những lời của tiên tri Joel, là những lời chỉ ra hướng đi cho chúng ta. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim Thiên Chúa, Đấng với đôi tay rộng mở và đôi mắt đầy nỗi nhớ nài nỉ chúng ta: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2:12). Hãy quay lại với Ta. Mùa Chay là một cuộc hành trình trở về với Chúa. Đã bao lần, vì bận rộn hay thờ ơ, chúng ta đã nói với Ngài: “Lạy Chúa, sau này con sẽ đến với Ngài, xin hãy chờ đợi… Hôm nay con không thể, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho người khác”. Chúng ta cứ làm như thế, hết lần này, đến lần khác. Tuy nhiên, ngay bây giờ Chúa đang kêu gọi trái tim của chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có những việc phải làm và chúng ta sẽ luôn có những lý do để thoái thác, nhưng thưa anh chị em, hôm nay là lúc để trở về với Chúa.

Ngài nói: Hãy quay lại với Ta bằng cả trái tim. Mùa Chay là một cuộc hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Đây là lúc để kiểm tra những con đường chúng ta đang đi, để tìm đường trở về nhà, để khám phá lại mối liên kết cơ bản với Chúa, mà mọi thứ đều phụ thuộc vào đó. Mùa Chay không chỉ là thực hiện một vài hy sinh nhỏ, nhưng là lúc phân định xem tâm hồn chúng ta hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay: lòng tôi đang hướng về đâu? Chúng ta hãy thử tự hỏi: hệ thống điều hướng của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu, đến với Chúa hay đến với chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa, hay để được chú ý, khen ngợi, ưa thích, được chỗ nhất, v.v.? Có phải tôi đang có một trái tim “khiêu vũ”, tiến một bước, rồi lại lùi một bước, yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay tôi có một tâm hồn kiên định nơi Chúa? Tôi có hài lòng với thói đạo đức giả của mình không, hay tôi đang đấu tranh để giải thoát trái tim mình khỏi sự giả tạo và giả dối đang trói buộc tâm hồn tôi?

Hành trình của Mùa Chay là một cuộc xuất hành, một cuộc xuất hành từ nô lệ đến tự do. Bốn mươi ngày này tương ứng với bốn mươi năm dân Chúa vượt qua sa mạc để trở về quê hương của họ. Rời bỏ Ai Cập khó biết chừng nào! dân Chúa rời bỏ mảnh đất Ai Cập đã khó, nhưng còn chông gai hơn nhiều khi họ muốn rời bỏ cái Ai Cập trong lòng họ, cái Ai Cập mà họ mang trong tim. Thật khó để bỏ lại Ai Cập sau lưng. Trong cuộc hành trình của họ, luôn có một cám dỗ thường hằng là luyến nhớ những củ hành củ tỏi, cám dỗ quay trở lại, bám vào những kỷ niệm của quá khứ hoặc ngẫu tượng này, ngẫu tượng kia. Điều đó cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta luôn bị chặn lại bởi những dính bén không lành mạnh của chúng ta, luôn bị kìm hãm bởi những cạm bẫy tội lỗi, bởi sự an toàn giả tạo về tiền bạc và vẻ bề ngoài, bởi sự tê liệt vì bất mãn của chúng ta. Để bắt tay vào cuộc hành trình này, chúng ta phải vạch trần những ảo tưởng đó.

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để chúng ta thực hiện cuộc hành trình trở về với Chúa? Thưa: Chúng ta có thể được hướng dẫn bằng những cuộc hành trình trở về được mô tả trong Lời Chúa.

Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng, đối với chúng ta, đã đến lúc phải trở về với Cha. Giống như người con trai ấy, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà mình, chúng ta đã phung phí một gia sản quý giá vào những thứ xoàng xỉnh và cuối cùng đã ra đến nông nỗi là chỉ còn hai bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ nhỏ liên tục bị ngã, những đứa bé sơ sinh đang cố gắng bước đi nhưng cứ bị ngã và hết lần này đến lần khác cần được bố bế lên. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn nâng chúng ta dậy và đứng vững trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – qua Bí Tích Hòa Giải - là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta. Khi đề cập đến Bí Tích Hòa Giải, tôi xin các cha giải tội hành xử như những người cha, không trao ra một cây gậy nhưng là một cái ôm.

Sau đó, chúng ta cần quay trở lại với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi đã từng được chữa khỏi, và đã quay trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở lại với Chúa Giêsu (x. Lc 17,12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tật xấu thâm căn mà chúng ta không thể tự mình nhổ bỏ. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi gây tê liệt mà chúng ta không thể vượt qua một mình. Chúng ta cần noi gương người bệnh phong đó, là người đã trở lại với Chúa Giêsu và tự ném mình vào chân Ngài. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, chúng ta cần trình bày vết thương của mình cho Ngài và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con ở trước mặt Chúa, cùng với tội lỗi của con, với nỗi buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải phóng con. Xin chữa lành trái tim con”.

Một lần nữa, lời Chúa mời gọi chúng ta trở về với Chúa Cha, trở về với Chúa Giêsu. Lời Chúa cũng kêu gọi chúng ta trở về với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi này của chúng ta, Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Ngài. Vì vậy, chúng ta không nên sống một cuộc đời chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Thánh Linh, Đấng Ban Sự Sống; chúng ta hãy trở về với Lửa có thể phục sinh những tro tàn của chúng ta, về với Lửa dạy chúng ta yêu thương. Chúng ta sẽ luôn là cát bụi, nhưng như một bài thánh ca phụng vụ đã nói, đó là “cát bụi trong tình yêu”. Một lần nữa, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và tái khám phá ngọn lửa ngợi khen, ngọn lửa làm tiêu tan tro tàn của sự than thở và cam chịu.

Anh chị em thân mến, cuộc hành trình trở về với Chúa của chúng ta thực hiện được chỉ vì Ngài đã đến với chúng ta trước. Nếu không, điều đó sẽ là không thể. Trước khi chúng ta đến với Ngài, Ngài đã đến với chúng ta. Ngài đi bước trước; Ngài xuống để gặp chúng ta. Vì thiện ích của chúng ta, Ngài đã tự hạ mình hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Ngài gánh vào mình tội lỗi của chúng ta, và chết vì chúng ta. Vì thế, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” ( 2Cr 5:21). Ngài đã chấp nhận tội lỗi và cái chết của chúng ta, không phải để bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành trong cuộc hành trình của chúng ta. Ngài đã chạm vào tội lỗi của chúng ta; Ngài đã chạm vào cái chết của chúng ta. Cuộc hành trình của chúng ta, do đó, là để cho Người nắm lấy tay chúng ta. Người Cha chào mời chúng ta trở về nhà, cũng chính là người Cha đã bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa chữa lành chúng ta cũng chính là Đấng đã để mình chịu đau khổ trên thập tự giá; Thánh Linh, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thở nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên bụi đất của chúng ta.

Vì thế, đây là lời cầu xin của vị Tông Đồ: “Hãy làm hòa cùng Chúa” (câu 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta. Không ai có thể tự mình giao hòa với Chúa theo ý mình. Sự hoán cải chân thành, với những việc làm và thực hành thể hiện sự hoán cải ấy, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu với tính ưu việt của kỳ công Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta quay trở lại với Ngài không phải là khả năng hay công lao của chúng ta, mà là ân sủng Ngài ban cho chúng ta. Ân sủng cứu chúng ta; ơn cứu rỗi là ân sủng thuần khiết, ân sủng nhưng không. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng. Ngài nói rằng điều khiến chúng ta nên công chính không phải là sự công chính mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Sự khởi đầu của việc trở lại với Chúa là sự nhận biết nhu cầu của chúng ta đối với Ngài và lòng thương xót của Ngài, nhu cầu của chúng ta đối với ân sủng của Ngài. Đây là chính lộ, là con đường của sự khiêm tốn. Tôi có cảm thấy thiếu thốn không, hay tôi cảm thấy quá đủ, không còn thiếu thốn chi?

Hôm nay chúng ta cúi đầu nhận tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi đầu thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả về nội tâm và đối với người khác. Đó là việc nhận ra rằng ơn cứu rỗi không phải là sự đi lên đến đỉnh vinh quang, nhưng là sự xuống dốc trong tình yêu. Đó là sự trở nên nhỏ bé. Chúng ta đừng lạc lối trên cuộc hành trình của mình, nhưng chúng ta hãy đứng trước thập giá của Chúa Giêsu: là ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Hàng ngày, chúng ta hãy chiêm ngắm những vết thương của Người, những vết thương mà Người đã lên trời và bày tỏ với Chúa Cha hàng ngày trong lời cầu bầu của Người. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm nghiệm những vết thương đó. Nơi những vết thương này, chúng ta nhận ra sự trống rỗng, những thiếu sót của chúng ta, những vết thương tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào ai, mà chính là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương của Người đã phải chịu là vì thiện ích của chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Pr 2:25; Is 53: 5). Bằng cách hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Ngài. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Ngài đã đến gặp chúng ta. Và khi đến gặp chúng ta, giờ đây Ngài mời gọi chúng ta quay trở lại với Ngài, để tái khám phá niềm vui được yêu thương.
Source:Holy See Press Office
 
Sắc Lệnh Phụng Vụ trong thời gian đại dịch Covid-19
Thanh Quảng sdb
16:17 17/02/2021
Sắc Lệnh Phụng Vụ trong thời gian đại dịch Covid-19 (II)

Xét về tình trạng đại dịch Covid-19 đang lan tràn nhanh chóng và xem xét những đề nghị của nhiều Hội đồng Giám mục, Thánh Bộ Phụng tự đưa ra một sắc lệnh cập nhật những hướng dẫn và đề xuất chung đã được gửi cho các Giám mục trong sắc lệnh trước đây vào ngày 19 tháng 3 năm 2020.

Vì lý do không thể dời Lễ Phục sinh, nên tại những quốc gia đang bị dịch bệnh hoàng hành và những nơi phải tuân thủ những hạn chế về việc tụ họp, đi lại của dân chúng, các Giám mục và linh mục có thể cử hành các nghi thức Tuần Thánh mà không cần có sự hiện diện của giáo dân tại một nơi thích hợp, không nên đồng tế và không nên có phần chúc bình an.

Nên thông báo thời gian cử hành các cuộc cử hành này để giáo dân có thể hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện ngay trong gia đình của họ. Các phương tiện truyền hình trực tuyến (không được quay trước) được phát tuyến là đều rất tiện ích. Trong mọi trường hợp, điều quan trọng vẫn là dành thời giờ thích hợp cho việc cầu nguyện, và trên hết là dành cho Nghi thức Phụng Vụ một tầm quan trọng.

Các Hội đồng Giám mục và các giáo phận sẽ đưa ra những phương tiện cần thiết hầu giúp cho việc cầu nguyện cá nhân và gia đình.

1 - Chúa Nhật Lễ Lá: Lễ kỷ niệm Chúa vào thành thánh Giêrusalem sẽ được cử hành tại một nơi linh thiêng; trong các nhà thờ chính tòa, hình thức thứ hai có thể được áp dụng, nghi thức được ấn hành trong Sách Lễ Rôma; tại các nhà thờ giáo xứ và ở những nơi khác, hình thức thứ ba cũng có thể được sử dụng.

2 - Thánh lễ Truyền Dầu (Chrism): Tùy theo tình hình cụ thể ở từng quốc gia khác nhau, Hội đồng Giám mục có thể đưa ra những hướng dẫn như chuyển sang một ngày nào khác thích hợp và thuận tiện.

3 - Thứ Năm Tuần Thánh: Việc rửa chân là một nghi thức có thể giữ hay có thể bỏ. Vào cuối lễ Tiệc ly, cuộc rước Thánh Thể cũng có thể đục bỏ và Mình Thánh Chúa sẽ được cất giữ trong nhà tạm. Trong ngày này, việc cử hành thánh lễ ở một nơi thích hợp, không có sự hiện diện của giáo dân, là trường hợp đặc biệt được phép cho tất cả các linh mục.

4 - Thứ Sáu Tuần Thánh: Trong phần các Lời cầu nguyện chung, các Giám mục có thể thêm vào một ý chỉ đặc biệt cầu cho những người bị bệnh, người chết (tham khảo trong Sách lễ Roma). Việc suy tôn Thánh giá bằng cách hôn kính chỉ dành cho chủ tế mà thôi.

5 - Lễ Vọng Phục Sinh: Chỉ được cử hành trong các nhà thờ chính tòa và các giáo xứ. Đối với “Phụng vụ Phép Rửa” chỉ giữ phần “Lặp lại các Lời hứa khi Rửa tội” (xin xem Sách lễ Roma).

Các chủng viện, các nhà xứ, các tu viện và các Dòng tu buộc phải tuân thủ các chỉ dẫn của sắc lệnh này.

Các việc tôn sùng đạo đức bình dân và các cuộc rước trong các ngày này trong Tuần Thánh và Tam nhật Vượt qua có thể được chuyển sang các ngày thích hợp khác trong năm, chẳng hạn ngày 14 và 15 tháng 9, theo phán quyết của Giám mục Giáo phận.

Từ văn phòng của Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ngày 25 tháng 3 năm 2020, ngày Lễ trọng Truyền tin.

Hồng Y Robert Sarah
Tổng trưởng Thánh Bộ
 
Báo động: Linh mục bác sĩ kêu gọi điều tra về vụ bệnh nhân virút Tầu thiểu năng bị bỏ cho chết
Đặng Tự Do
16:19 17/02/2021


Hôm Chúa Nhật 14 tháng Hai, một bác sĩ và cũng là một linh mục đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Anh mở một cuộc điều tra độc lập trước báo cáo cho rằng các bệnh nhân COVID-19 thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ “không được cứu sống” nếu nhiễm coronavirus trong đợt lây nhiễm thứ hai ở Anh

Cha Patrick Pullicino, một nhà thần kinh học đã được thụ phong linh mục vào năm 2019, đã lên tiếng sau khi tờ Guardian đưa tin vào ngày 13 tháng 2 rằng những người thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ “không được cứu sống”, bất chấp những phản đối kịch liệt về việc làm này vào năm ngoái khiến chính phủ đã phải mở một cuộc điều tra khẩn cấp.

Tổ chức bác ái Mencap cho biết họ đã biết vào tháng trước rằng những người bị thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ không được chăm sóc y tế nếu họ bị nhiễm coronavirus.

Ủy ban Phẩm Chất Chăm sóc, cơ quan giám sát việc chăm sóc y tế của Vương quốc Anh, đã kết luận vào tháng 12 rằng các thông báo “không được cứu sống” tim phổi đã gây ra những ca tử vong có thể tránh được vào năm 2020 khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại quốc gia này.

Năm ngoái, Cha Pullicino đã kêu gọi một cuộc điều tra công khai về lý do tại sao rất nhiều người già chết trong các viện dưỡng lão ở Anh trong đợt coronavirus đầu tiên.

Vương quốc Anh, quốc gia có dân số 67 triệu người, có số người chết do COVID-19 được ghi nhận cao thứ năm trên thế giới sau Hoa Kỳ, Brazil, Mễ Tây Cơ và Ấn Độ.

“Cuộc tấn công đại trà này đầu tiên nhắm vào người già và bây giờ là người thiểu năng trí tuệ đòi hỏi phải có một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập”, Cha Pullicino nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 14 tháng 2.

“Tại sao những người dễ bị tổn thương lại bị nhắm đến khi lẽ ra họ cần được bảo vệ?”

Cha Pullicino là cựu chủ nhiệm Khoa Thần kinh và Khoa học Thần kinh tại Trường Đại Học Y Khoa New Jersey. Vào năm 2012, ngài đã lên tiếng cảnh báo về chương trình Liverpool Care Pathway, nghĩa là Lộ Trình Chăm Sóc Liverpool, gọi tắt là LCP. Chương trình LCP dựa trên một ý thức hệ cực đoan gọi là “Quality of Life”, nghĩa là “Phẩm Chất Cuộc Sống”. Nó cho rằng người già và những người mắc phải các chứng nan y là những người có phẩm chất cuộc sống thấp kém. Chẳng hạn, như họ không thể đi du lịch, không thể ăn những món ngon theo ý thích, cuộc sống phải phụ thuộc vào người khác… Ý thức hệ cực đoan “Quality of Life” cho rằng cho những người có phẩm chất cuộc sống thấp chết sớm là làm phước cho họ.

Chương trình LCP đã bị bãi bỏ sau một cuộc điều tra do chính phủ Vương quốc Anh thực hiện. Tuy nhiên, theo Cha Pullicino, ý thức hệ cực đoan “Quality of Life” vẫn bao trùm Dịch vụ Y tế Quốc gia.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Naumann: Đạo Công Giáo tự mâu thuẫn của Biden về ngừa thai cần được sửa chữa
Vũ Văn An
18:03 17/02/2021

Theo Hãng tin CNA ngày 16 tháng Hai, 2021, việc Tổng thống Joe Biden từ lâu vốn tự trình bầy mình như một người Công Giáo sùng đạo mâu thuẫn với lập trường chính trị mạnh mẽ của ông ta trong việc ủng hộ phá thai. Đối với Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, điều này có nghĩa là Biden cần phải thừa nhận việc đó, và các giám mục cần phải sửa sai ông ta.



Đức Cha Naumann, Tổng giám mục của Thành phố Kansas, thuộc tiểu bang Kansas, nói với Catholic World Report , trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 13 tháng 2, rằng, “Tổng thống nên chấm dứt việc tự định nghĩa mình như một người Công Giáo sùng đạo, và thừa nhận rằng quan điểm của ông về việc phá thai là trái với giáo huấn luân lý Công Giáo. Sẽ là một cách tiếp cận trung thực hơn khi ông nói rằng ông không đồng ý với Giáo hội của mình về vấn đề quan trọng này và ông đã hành động trái với giáo huấn của Giáo hội”.

Vị tổng giám mục nói thêm, “Khi ông ta nói rằng ông ta là một người Công Giáo sùng đạo, chúng tôi các giám mục có trách nhiệm sửa chữa ông ta. Mặc dù người ta đã trao cho vị tổng thống này quyền lực và thẩm quyền, nhưng ông ta không thể định nghĩa thế nào là người Công Giáo và thế nào là giáo huấn luân lý Công Giáo”.

Ngài nói, “Điều ông ta đang làm bây giờ là soán vai trò các giám mục và khiến mọi người bối rối. Ông ta tuyên bố rằng ông ta là người Công Giáo nhưng sẽ buộc mọi người ủng hộ việc phá thai thông qua tiền thuế của họ. Các giám mục cần phải chấn chỉnh ông ta, vì tổng thống đang hành động trái với đức tin Công Giáo”.

Đức Cha Naumann cũng là chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Với vai trò này, ngài đã đưa ra phản ứng nhanh chóng của các giám mục đối với tuyên bố ngày 22 tháng 1 của Biden ủng hộ việc phá thai hợp pháp vào dịp kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade của Tối cao Pháp viện.

Tuyên bố của các giám mục Hoa Kỳ viết, “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi tổng thống bác bỏ phá thai và cổ vũ việc viện trợ phò sinh cho phụ nữ và các cộng đồng đang cần trợ giúp”.

Cuộc phỏng vấn Đức Cha Naumann diễn ra chỉ vài tuần sau khi Biden trở thành người Công Giáo thứ hai làm tổng thống Hoa Kỳ, với các viên chức chính phủ luôn nhấn mạnh đến việc ông tham dự Thánh lễ.

Trong khi trước đây, với tư cách là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho Delaware, Biden từng ủng hộ một số hạn chế đối với hoạt động phá thai và tài trợ cho hoạt động phá thai, nhưng kể từ đó, Biden đã ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án Hyde, vốn cấm hầu hết các khoản tài trợ liên bang cho việc phá thai.

Tại một cuộc họp báo ngày 20 tháng 1 vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của Biden, Owen Jensen của EWTN News đã hỏi thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki rằng Biden dự định làm gì liên quan đến Tu chính án Hyde và Chính sách Mexico City.

Psaki không đưa ra bất cứ chi tiết nào. Anh ta chỉ nói với các phóng viên, “Nhưng tôi xin nhân cơ hội này nhắc nhở tất cả các bạn rằng ông ấy (Biden) là một người Công Giáo sùng đạo và là người thường xuyên đi lễ nhà thờ. Ông ấy bắt đầu một ngày của mình bằng việc tham dự nhà thờ vào sáng nay".

Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Biden đã bãi bỏ Chính sách Mexico City, là chính sách cấm liên bang tài trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cổ vũ hoặc thực hiện phá thai như một phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Với Phó Tổng thống Kamala Harris, Biden đã nhấn mạnh cam kết của mình trong việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang ủng hộ quyền phá thai và hệ thống hóa các tiền lệ của tòa án ủng hộ phá thai thành luật liên bang.

Vấn đề các giáo sĩ Công Giáo nên phản ứng ra sao với các chính trị gia ủng hộ quyền phá thai được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Biden. Cuộc phỏng vấn Naumann của Catholic World Report đã thảo luận về các hành động của Cha Robert Morey, một linh mục ở Nam Carolina, người đã từ chối cho Biden rước lễ trong Thánh lễ năm 2019 vì quan điểm phá thai của ông ta.

Đức Tổng Giám Mục nói về linh mục ấy, “Tôi nghĩ rằng ngài đã hành động dựa vào và làm theo lương tâm của mình. Tôi tin rằng tổng thống có trách nhiệm không tiến lên Rước Lễ".

Đức Tổng Giám Mục nói thêm, “Khi người Công Giáo lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, họ thừa nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, và cũng tin vào các giáo huấn của Giáo hội. Tổng thống Biden không tin vào những lời dạy của Giáo hội về tính thánh thiêng của sự sống con người, và ông ta không nên đặt linh mục vào tình huống phải quyết định có cho phép ông ta rước Thánh Thể hay không. Ông ta nên biết điều đó sau 78 năm làm một người Công Giáo”.

Đức Cha Naumann cho biết "mối quan tâm lớn nhất" của ngài là việc có thể loại bỏ Tu chính án Hyde.

Trong năm bầu cử Hoa Kỳ 2004, các giám mục Hoa Kỳ đã ban hành bản tuyên bố “Người Công Giáo trong Đời sống Chính trị” dành cho các giám mục cá thể quyền quyết định từ chối cho các chính trị gia ủng hộ việc phá thai Rước Lễ.

Cùng năm đó, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã gửi một lá thư cho Theodore McCarrick, lúc đó là Tổng Giám mục của Washington, với mong muốn rằng nó sẽ được đọc cho các giám mục đồng nghiệp.

Bức thư nói rằng các chính trị gia ủng hộ việc phá thai, sau lần đầu tiên bị mục tử của họ nhắc nhở về giáo huấn của Giáo hội và cảnh báo không nên tiến lên rước lễ, “không được phép rước lễ”.

Đức Hồng Y Ratzinger, người sẽ được bầu làm Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào năm 2005, cho biết: định nghĩa của Giáo Hội về việc tham dự “tỏ tường” vào “tội trọng” áp dụng vào “trường hợp một chính trị gia Công Giáo, khi ông ta nhất quán vận động và bỏ phiếu cho các đạo luật phá thai và an tử bừa bãi”.

McCarrick đã đọc một số đoạn nhưng không phải trọn bức thư gửi cho các giám mục đồng nghiệp của mình tại cuộc họp mùa hè năm 2014 của họ, bỏ qua những phần chính. Ông ta nói rằng Ratzinger đồng ý với quyết định của các giám mục dành quyền phán quyết về việc không cho Rước Lễ cho từng giám mục. Toàn bộ bức thư của Ratzinger sau đó đã được tường trình công khai.

Các chủ đề khác trong cuộc phỏng vấn Đức Cha Naumann của Catholic World Report bao gồm các suy nghi về Cuộc Diễn Hành Phò Sinh, một dự thảo sửa đổi hiến pháp Kansas để bác bỏ kết luận của Tòa án Tối cao Tiểu bang về quyền phá thai, việc có thể cho phép vắc xin về mặt đạo đức và liệu việc sử dụng chúng có phải là bắt buộc hay không, và việc tạo luật lệ như dự luật Equality Act liên bang, một dự luật có thể buộc các định chế tôn giáo hành động chống lại các niềm tin tôn giáo của họ.
 
Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng: Erbil bị pháo kích bằng hỏa tiễn
Đặng Tự Do
21:56 17/02/2021
Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào lực lượng liên quân ở Iraq gần Sân bay Quốc tế Erbil ở Kurdistan thuộc Iraq đã khiến một người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Một nhà thầu dân sự người Iraq đã chết, bên cạnh đó còn có một quân nhân Hoa Kỳ và một số nhà thầu Mỹ bị thương khi quả hỏa tiễn phát nổ.

Erbil là địa điểm chủ yếu Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Ba. Thật vậy, theo dự trù, sáng 7 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ khởi hành từ Baghdad đến Erbil. Khi đến sân bay, ngài sẽ được chào đón bởi các nhà chức trách tôn giáo và dân sự trong khu vực của người Kurd ở Iraq. Sau các nghi thức chào đón và gặp gỡ xã giao, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến Mosul. Nơi đây, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại Hosh al-Bieaa.

Kế đó, ngài sẽ đáp trực thăng đến Qaraqosh để thăm cộng đồng Qaraqosh tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại Erbil, nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại sân vận động “Franso Hariri”. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Baghdad.

Trong công cuộc giải phóng Mosul và vùng đồng bằng Nineveh, các tín hữu Kitô trong vùng đã thành lập một lữ đoàn Kitô Giáo, gọi là Lữ đoàn Babylon, để giải phóng các vùng lãnh thổ lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sau khi thành phố này được giải phóng, lữ đoàn này đã được giải tán. Tuy nhiên, Lực lượng Huy động Nhân dân - Popular Mobilization Forces, gọi tắt là PMF - của người Shiite, được Iran hậu thuẫn, không bị giải tán và ngày càng lớn mạnh.

Trong tổng số 39,650,000 dân Iraq; người Hồi Giáo chiếm đến 99% dân số; trong đó 59% theo Hồi Giáo Shiite; 40% theo Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, tại Mosul người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số. Sau khi tổng thống Saddam Hussein, một người Hồi Giáo Sunni, bị Hoa Kỳ lật đổ vào tháng Tư năm 2003, người Hồi Giáo Sunni tại Mosul thường không coi chính quyền Baghdad, với đa số các thành viên theo Hồi Giáo Shiite là những người đại diện cho mình. Theo ước lượng của lực lượng cảnh sát liên bang Iraq, là một trong các lực lượng tinh nhuệ tham chiến tại Mosul và đang điều hành việc vãn hồi an ninh tại thành phố này, ít nhất 15% dân số Mosul đã theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chính vì thế, trong cuộc tổng tấn công giải phóng Mosul vào đầu năm 2017, 16,000 quân PMF bị cấm không được vào thành Mosul vì lo ngại họ sẽ tắm máu người Hồi Giáo Sunni.

Ngày nay, quân PMF vẫn tiếp tục hoạt động trong vùng. Một tuyên bố được cho là từ một lực lượng dân quân của PMF đưa ra nhìn nhận trách nhiệm về vụ này. Tuy nhiên, các giới chức Iraq nói họ không tin và vẫn đang làm việc để xác định ai là người chịu trách nhiệm. Iran đã phủ nhận mọi dính líu đến vụ này.

Nhóm chiến binh Shiite đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm tự xưng là “Những người bảo vệ của Lữ đoàn máu” - “The Guardians of the Blood Brigade”.

Nhóm này nói: “Sự chiếm đóng của Mỹ sẽ không an toàn trước các cuộc tấn công của chúng tôi ở bất kỳ tấc đất nào của quê hương, và ngay cả ở Kurdistan, nơi chúng tôi hứa sẽ thực hiện các hoạt động hiệu quả khác”

Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các cuộc tấn công hôm thứ Hai ở Erbil. “Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ những tin đồn cho rằng Iran dính líu vào vụ này. Chúng tôi cũng lên án những nỗ lực khác nhằm bôi nhọ Iran” Khatibzadeh nói, theo hãng thông tấn nhà nước Mehr của Iran.

Bằng cách tính toán quỹ đạo của các hỏa tiễn, Mỹ có thể xác định vị trí địa điểm phóng hỏa tiễn khá nhanh. Quân đội Mỹ và Iraq đã đến địa điểm này. Các binh sĩ đã tìm thấy một bệ phóng hỏa tiễn di động được gắn ở phía sau một chiếc xe tải, cũng như một bệ phóng cố định. Họ cũng tìm thấy sáu hỏa tiễn chưa nổ.
Source:CNN
 
Văn Hóa
Hạt Mầm Và Tro Bụi
Sơn Ca Linh
09:58 17/02/2021
Mới khoe sắc trên cành xuân, mới đó,
Mà hôm nay đà héo hắt đời hoa !
Một kiếp hồng nhan, cơn gió thoảng qua !
“Từ đất bụi nên trở về bụi đất” !

Chuyện thế nhân, có không và được mất,
Trạm ga đời kẻ xuống lại người lên…
Nẻo trăm năm cuộc hành lữ chênh vênh,
Sáng nụ hân hoan, chiều hoang cổ mộ !

Xuân chưa hết diệu Hạ đã về nắng đổ,
Thu vẫn còn buồn bão tố đã tràn Đông !
Hạnh phúc đầy môi hay nước mắt cạn dòng,
Vĩa hè cũng qua hay ngai vàng cũng mất…

Kể từ lúc có hạt “Lời” tan vào đất,
Lời Thiên Thu mang kiếp phận mong manh.
Tội lỗi nhân gian hay “tro bụi tạo thành”,
Đã nở lộc thiêng, đã ươm mầm sự sống !

Chiều núi Sọ máu loang và biến động,
Mãi ngàn năm còn lưu chuyện “Vượt Qua” !
Chuyện “Hạt lúa mì mục nát… sẽ đơm hoa”,
Chuyện “Thập Giá, Phục Sinh”, bản “tình ca thế kỷ”.

Dẫu “tro bụi” vẫn ngọc ngà tuyệt mỹ,
Kệ đớn hèn, tội lụy, vẫn đầy ắp yêu thương.
Mùa Chay Thánh, mùa của cuộc lên đường,
(Trong bác ái, nguyện cầu, hy sinh…)
Để tìm lại mùa xuân và vang khúc “Hallêluia” bất tận !

Sơn Ca Linh (Thứ Tư Lễ Tro 2021)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Sơn Nữ Tuổi Xuân
Dominic Đức Nguyễn
14:43 17/02/2021
NỤ CƯỜI SƠN NỮ TUỔI XUÂN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Nụ cười sơn nữ tuổi xuân
Đẹp như hoa nở cành xuân trên đồi
(bt)
 
VietCatholic TV
Tự hào: Linh mục khoa học gia Dòng Đa Minh chế ra vắc xin cho người nghèo. Phỏng vấn ĐHY Charles Bo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:01 17/02/2021


1. Đáng tự hào: Linh mục khoa học gia Công Giáo bào chế vắc xin COVID-19 cho người nghèo

“Mọi người nên tiêm phòng để bảo vệ chính mình và những người thân yêu của họ,” Cha Nicanor Robles Austriaco nói với Aleteia.

Cha Nicanor Robles Austriaco là một nhà khoa học, nhà vi sinh vật học và giáo sư người Mỹ gốc Phi Luật Tân, đồng thời là một linh mục dòng Đa Minh. Dự án của ngài có tên là Pagasa, là tiếng Phi Luật Tân có nghĩa là Hy vọng. Nếu vắc-xin này thành công, nó sẽ là niềm hy vọng lớn cho hàng triệu người nghèo trên thế giới và người dân nói chung. Ngài đưa ra lập trường trên trong cuộc phỏng vấn độc quyền với trang web Aleteia, nghĩa là “Chân lý tỏ tường”.

Thưa cha, cha đến từ đâu?

Tôi là một linh mục người Phi Luật Tân thuộc dòng Đa Minh. Tôi cũng là một nhà sinh học phân tử, và đã sử dụng các tế bào nấm men trong 20 năm qua để nghiên cứu cơ sở phân tử của bệnh ung thư.

Ơn gọi đầu tiên mà cha cảm thấy là gì: đến với chức tư tế hay trở thành một nhà nghiên cứu? Tại sao cha lại trở thành một linh mục khoa học gia? Nó có vẻ như là một sự kết hợp bất thường đối với nhiều người.

Tôi đã gặp Chúa khi đang hoàn thành chương trình Tiến sĩ Sinh học tại MIT, Hoa Kỳ, vì vậy tôi là một khoa học gia trước khi được thụ phong linh mục. Nó không bình thường, nhưng nó không nhất thiết là không thể. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở Giáo hội, đức tin và lý trí đều là ân sủng của Thiên Chúa.

Cha sẽ mô tả COVID như thế nào? Đó có phải là một lời nguyền, một dấu hiệu của thời cánh chung? Virus này có phải là virus ngày tận thế không thưa cha?

COVID-19 là một bệnh đường hô hấp do một loại coronavirus mới gây ra, đã đạt đến mức độ đại dịch. Thế giới đã từng trải qua những trận đại dịch trước đây và sẽ lại trải nghiệm chúng. Đại dịch là một phần của lịch sử. Theo quan điểm thần học, chúng có thể vừa là thời kỳ trừng phạt vừa là thời kỳ đổi mới.

Các loại vắc xin đang được phát triển có an toàn không? Tiêm vắc xin có an toàn không, và người Công Giáo có nên tiêm phòng không?

Các vắc xin thường là an toàn nếu nó trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng cẩn thận. Mọi người nên tiêm phòng để bảo vệ chính mình và những người thân yêu.

Chúa đã ban cho các nhà khoa học khả năng tạo ra vắc xin COVID-19 trong thời gian kỷ lục. Bây giờ chúng ta nên sử dụng các loại vắc xin này để bảo vệ người già và những người dễ bị bệnh nhất để chấm dứt đại dịch. Điều này đang được thực hiện bởi nhiều chính phủ trên thế giới. Nếu không có vắc-xin, mọi người sẽ tiếp tục bị bệnh và một số sẽ tiếp tục tử vong, đặc biệt là người già.

Theo cha nghĩ, có khả thi và có thể phát triển một loại vắc-xin cho người nghèo không?

Người nghèo được Chúa yêu quý. Chúng ta nên cung cấp miễn phí vắc xin COVID-19 cho họ. Đây vừa là điều phải làm về phương diện đạo lý, bởi vì chúng ta nên cung cấp cho những người có nhu cầu. Đồng thời điều phải làm về phương diện khoa học, bởi vì người nghèo thường sống ở những khu vực đông dân cư có xu hướng chứa vi rút. Nếu chúng ta muốn diệt trừ vi rút thì chúng ta phải tiêm phòng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị bệnh nhất.

Cha đang phát triển một loại vắc xin. Công việc đang tiến triển thế nào? Xin Cha chia sẻ vài nét về những tiến bộ cha đã đạt được với chúng con.

Tôi là một nhà sinh học phân tử nấm men. Tôi đang cố gắng phát triển một hệ thống phân phối vắc xin từ men cho COVID-19. Nó sẽ rẻ hơn và dễ thực hiện hơn các loại vắc xin tiêu chuẩn hiện có. Đó là một ý tưởng táo bạo, nhưng có rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng một hệ thống phân phối vắc xin nấm men như vậy có thể hoạt động. Tôi đặt phòng thí nghiệm của mình vào dự án này sau khi biết về những thách thức mà người dân Phi Luật Tân sẽ gặp phải trong việc mua và triển khai các loại vắc xin được phát triển trên thế giới. Chúng tôi đã bắt đầu phát triển vắc xin và sẽ mất nhiều tháng để xác định xem nó có hiệu quả trong các mẫu động vật hay không.

Ai đang tài trợ cho nghiên cứu của cha? Loại vắc xin cha đang phát triển sẽ có giá bao nhiêu? Cha đã có nhà tài trợ hoặc những đóng góp nào chưa?

Tôi có một khoản trợ cấp nhỏ từ trường Cao đẳng Chúa Quan Phòng để hỗ trợ các giai đoạn tiền lâm sàng trong kế hoạch phát triển vắc xin của chúng tôi. Hiện tại, mục tiêu chính của chúng tôi là phát triển hệ thống và sau đó thử nghiệm hệ thống trên chuột để xem nó có hoạt động hay không. Nếu vắc-xin hoạt động trên động vật, thì tôi sẽ phải khám phá các bước tiếp theo. Tôi hiện không có nhà tài trợ hoặc các mạnh thường quân và tôi không tìm kiếm họ vào lúc này. Chúa đã cung cấp cho chúng tôi đủ tiền để bắt đầu công việc. Tôi biết Ngài sẽ cung cấp những gì chúng tôi cần sau này nếu điều này có hiệu quả. Chúng tôi không có tên cho vắc-xin vì chúng tôi vẫn đang phát triển nó. Dự án được gọi là Dự án Pagasa, có nghĩa là “ hy vọng” theo tiếng Tagalog.

Cuối cùng, Cha coi điều gì là liều thuốc tốt nhất cho tâm hồn, khi đối mặt với sự chán nản, buồn bã và tuyệt vọng?

Một tình bạn cá nhân và thân thiết với Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi của thế giới!


Source:Aleteia

2. Báo động: Linh mục bác sĩ kêu gọi điều tra về vụ bệnh nhân virút Tầu thiểu năng bị bỏ cho chết

Hôm Chúa Nhật 14 tháng Hai, một bác sĩ và cũng là một linh mục đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Anh mở một cuộc điều tra độc lập trước báo cáo cho rằng các bệnh nhân COVID-19 thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ “không được cứu sống” nếu nhiễm coronavirus trong đợt lây nhiễm thứ hai ở Anh

Cha Patrick Pullicino, một nhà thần kinh học đã được thụ phong linh mục vào năm 2019, đã lên tiếng sau khi tờ Guardian đưa tin vào ngày 13 tháng 2 rằng những người thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ “không được cứu sống”, bất chấp những phản đối kịch liệt về việc làm này vào năm ngoái khiến chính phủ đã phải mở một cuộc điều tra khẩn cấp.

Tổ chức bác ái Mencap cho biết họ đã biết vào tháng trước rằng những người bị thiểu năng trí tuệ đã được thông báo rằng họ sẽ không được chăm sóc y tế nếu họ bị nhiễm coronavirus.

Ủy ban Phẩm Chất Chăm sóc, cơ quan giám sát việc chăm sóc y tế của Vương quốc Anh, đã kết luận vào tháng 12 rằng các thông báo “không được cứu sống” tim phổi đã gây ra những ca tử vong có thể tránh được vào năm 2020 khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại quốc gia này.

Năm ngoái, Cha Pullicino đã kêu gọi một cuộc điều tra công khai về lý do tại sao rất nhiều người già chết trong các viện dưỡng lão ở Anh trong đợt coronavirus đầu tiên.

Vương quốc Anh, quốc gia có dân số 67 triệu người, có số người chết do COVID-19 được ghi nhận cao thứ năm trên thế giới sau Hoa Kỳ, Brazil, Mễ Tây Cơ và Ấn Độ.

“Cuộc tấn công đại trà này đầu tiên nhắm vào người già và bây giờ là người thiểu năng trí tuệ đòi hỏi phải có một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập”, Cha Pullicino nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 14 tháng 2.

“Tại sao những người dễ bị tổn thương lại bị nhắm đến khi lẽ ra họ cần được bảo vệ?”

Cha Pullicino là cựu chủ nhiệm Khoa Thần kinh và Khoa học Thần kinh tại Trường Đại Học Y Khoa New Jersey. Vào năm 2012, ngài đã lên tiếng cảnh báo về chương trình Liverpool Care Pathway, nghĩa là Lộ Trình Chăm Sóc Liverpool, gọi tắt là LCP. Chương trình LCP dựa trên một ý thức hệ cực đoan gọi là “Quality of Life”, nghĩa là “Phẩm Chất Cuộc Sống”. Nó cho rằng người già và những người mắc phải các chứng nan y là những người có phẩm chất cuộc sống thấp kém. Chẳng hạn, như họ không thể đi du lịch, không thể ăn những món ngon theo ý thích, cuộc sống phải phụ thuộc vào người khác… Ý thức hệ cực đoan “Quality of Life” cho rằng cho những người có phẩm chất cuộc sống thấp chết sớm là làm phước cho họ.

Chương trình LCP đã bị bãi bỏ sau một cuộc điều tra do chính phủ Vương quốc Anh thực hiện. Tuy nhiên, theo Cha Pullicino, ý thức hệ cực đoan “Quality of Life” vẫn bao trùm Dịch vụ Y tế Quốc gia.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Chales Bo nói chuyện với The Pillar về cuộc đảo chính ở Miến Điện

Kể từ khi quân đội nắm quyền sau cuộc bầu cử, Đức Hồng Y đã nói về cú sốc mà nhiều người ở Miến Điện cảm thấy. Người dân Miến Điện đã phản ứng như thế nào trong 10 ngày qua? Phản ứng tâm linh thích đáng cho các Kitô hữu trong nước ra sao?

Người dân của chúng tôi bị xáo trộn sâu xa. Con đường chữa lành họ cần phải bắt đầu bằng sự cầu nguyện và khẩn nài. Chúng tôi đã dành ra một Chúa nhật để cầu nguyện và ăn chay. Đất nước này bị tổn thương sâu xa, về mặt tinh thần và xúc cảm. Đây là đất nước nổi tiếng với nguồn suối tâm linh tinh khôi. Nó nên bắt đầu uống từ đó.

Như Martin Luther King Jr đã nói, bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối, hận thù không thể xua tan hận thù, chỉ có tình yêu. Cho đến nay, Tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng nguyên tắc này sẽ được duy trì chặt chẽ. Nhưng tương lai có thể khó nắm vững. Chúng tôi sống với lời cầu nguyện trên môi và hy vọng trong trái tim của chúng tôi.

The Pillar: Kể từ khi quân đội nắm quyền sau cuộc bầu cử, Đức Hồng Y đã nói về cú sốc mà nhiều người ở Miến Điện cảm thấy. Người dân Miến Điện đã phản ứng như thế nào trong 10 ngày qua? Phản ứng tâm linh thích đáng cho các Kitô hữu trong nước ra sao?

Đức Hồng Y Bo: Người dân của chúng tôi bị xáo trộn sâu xa. Con đường chữa lành họ cần phải bắt đầu bằng sự cầu nguyện và khẩn nài. Chúng tôi đã dành ra một Chúa nhật để cầu nguyện và ăn chay. Đất nước này bị tổn thương sâu xa, về mặt tinh thần và xúc cảm. Đây là đất nước nổi tiếng với nguồn suối tâm linh tinh khôi. Nó nên bắt đầu uống từ đó.

Như Martin Luther King Jr đã nói, bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối, hận thù không thể xua tan hận thù, chỉ có tình yêu. Cho đến nay, Tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng [rằng] nguyên tắc này [sẽ] được duy trì chặt chẽ. Nhưng tương lai có thể khó nắm vững. Chúng tôi sống với lời cầu nguyện trên môi và hy vọng trong trái tim của chúng tôi.

The Pillar: Điều gì là mối quan tâm mục vụ cấp thiết nhất của Đức Hồng Y đối với người dân của đất nước Đức Hồng Y nói chung, và đối với những người Công Giáo nói riêng, kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2?

Đức Hồng Y Bo: “Về mặt mục vụ, chúng tôi quan tâm sâu xa đến sự an toàn của người dân. Lịch sử của chúng tôi là một lịch sử bị thương với biết bao nước mắt và đổ máu. Cái ác tự khẳng định trong lịch sử bằng sự tàn bạo vô nhân đạo. Đối mặt với điều đó cần có năng lực tinh thần và cảm thức bình tĩnh và phản kháng dựa trên tình yêu đối với cả kẻ thù.

Chúa Kitô đã phải đối đầu với những thử thách y hệt và cuối cùng từ Thập giá, Người vẫn có thể nói: 'Hãy tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm'. Nói thì dễ, nhưng khi thấy hàng ngàn thanh niên diễn hành mỗi ngày, chúng tôi lo ngại rằng cơn sóng thần tuyệt vọng không nên kết thúc bằng sự tự hủy hoại và mất hy vọng.

Chúng tôi hy vọng những người Công Giáo tham gia vào tất cả [các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ] với tình yêu thương dành cho tất cả mọi người. Hận thù sẽ kết thúc bằng bạo lực tàn bạo. Quả có quyền lực trong ‘hai bàn tay trắng’, như [khi] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đối đầu với chủ nghĩa Cộng sản Ba Lan, hoặc khi Mahatma Gandhi làm tan rã chủ nghĩa đế quốc Anh bằng một nắm muối.

Cuộc đấu tranh của chúng tôi là tự trang bị cho mình bộ áo giáp đạo đức chứ không phải cơn tức giận tự đánh bại mình. Cuộc đấu tranh còn lâu dài.

The Pillar: Làm thế nào để Giáo hội, và đặc biệt là ngài với tư cách một Hồng Y, có thể góp phần ngăn chặn bạo lực và tạo ra đối thoại?

Đức Hồng Y Bo: Chúng tôi không phải là chính trị gia. Chính trị là một trò chơi quyền lực. Các bên liên quan không phải lúc nào cũng được thúc đẩy bởi một la bàn đạo đức. Sức mạnh duy nhất của chúng tôi là làm chứng cho sức mạnh của hy vọng và hòa giải.

Như lịch sử gần đây của đất nước các bạn đã chứng minh, những cái tôi được thổi phồng có thể làm tổn thương cả quốc gia, xé nát sợi chỉ đạo đức của một quốc gia vĩ đại. Cùng những lời cầu nguyện và các hoạt động [mà] Giáo hội [ở Hoa Kỳ] dự kiến cũng giống như [đối với Miến Điện]. Chúng ta cố gắng hết sức mình. Chúng ta có thể được hoặc thua. Nhưng như Môsê đã dạy chúng ta, việc tham gia là điều quan trọng. Chúng tôi có những sáng kiến về đối thoại mà chúng tôi có thể không thảo luận một cách công khai vào thời điểm hiện nay.

The Pillar: Nhiều linh mục, nữ tu và thanh niên Công Giáo đã chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội kêu gọi bất tuân dân sự một cách hòa bình, bất bạo động, và tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Đức Hồng Y có lo lắng cho sự an toàn của họ, và Đức Hồng Y có tin rằng các cuộc biểu tình ôn hòa có thể giúp khôi phục nền dân chủ không?

Đức Hồng Y Bo: Một chỉ thị đã được đưa ra cho họ bởi hội đồng giám mục. Cuộc đề kháng hiện nay được dẫn dắt bởi một thế hệ trẻ lớn lên qua mạng xã hội và [rất hiểu biết] về nhiều vấn đề. Họ hiểu biết thế giới tốt hơn những thế hệ trước.

Giống như mọi gia đình, Giáo hội có một thế hệ trẻ năng động với năng lực lớn và sự khẩn trương muốn nhìn thấy kết quả. Chúng tôi, những người đã trải qua ba cuộc đề kháng lớn - và những thất bại của chúng cũng như những hậu quả đáng buồn tiếp theo đó- chúng tôi muốn [thấy rằng] những ranh giới cần thiết cần được tuân giữ trong mọi phong trào đề kháng. Chúng tôi lo ngại cho sự an toàn và tương lai của họ.

Chúng tôi không ngăn cản bất cứ ai tham gia vào cuộc đấu tranh này. Chúng tôi là những người đầu tiên đưa ra tuyên bố chống lại cuộc đảo chính. Các cuộc biểu tình trên đường phố cần được phối hợp và có chiến lược để giảm thiểu rủi ro cho sự sống. Chúng tôi muốn nói điều này với toàn bộ dân số trẻ, những người ngày này qua ngày khác đứng lên để phản đối.

The Pillar: Nhìn vào tình hình ở Trung Quốc, và bây giờ là sự mất dân chủ ở đất nước của Đức Hồng Y, quan trọng xiết bao việc Giáo hội trở thành nhân chứng tiên tri đối với nhân quyền, và lớn tiếng chống lại những hành vi lạm dụng khi chúng xảy ra?

Đức Hồng Y Bo: Nhân quyền bắt nguồn từ khái niệm Kitô giáo về nhân phẩm được nêu rõ trong các trang đầu tiên của Kinh thánh. Đó là một yếu tố cấu thành để trở thành một Kitô hữu. Toàn bộ tiến trình của Xuất Hành và Tuyên ngôn Galilê của Đức Kitô trong Luca 4: 16-19 là sự trình bày rõ ràng về nhân quyền bằng ngôn ngữ đức tin. Vì vậy chúng tôi không thể tránh việc ủng hộ Nhân quyền.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã biến thành chính dòng hai quyền lợi chính: Quyền kinh tế và Quyền môi trường.

Vấn đề của Trung Quốc là việc họ trở thành nô lệ cho một ý thức hệ đã giết chết hàng triệu người trong quá khứ. Giờ đây, họ bị mắc kẹt vào một sự pha trộn kỳ cục trong đó quyền lực nhà nước kết hợp với chủ nghĩa tư bản liều lĩnh. Nền kinh tế thị trường không được kiểm soát là một con quái vật, và trong cuộc hùn hạp với Con Rồng Trung Quốc, đây là cuộc xung đột tận thế giữa chủ nghĩa duy vật trần trụi và cuộc đấu tranh cho nhân phẩm.

Vì vậy, khi lên tiếng chống lại việc vi phạm nhân quyền, Giáo hội đang phát biểu rõ đức tin của mình trên quảng trường công cộng. Từ 'lòng mẹ đến lòng đất’, con người có nhiều quyền lợi. Công bố điều đó là Tin mừng và là việc truyền bá Tin Mừng. Nó không những có tính tiên tri. Nó còn là bản sắc hiện sinh của chúng tôi.

The Pillar: Đức Hồng Y sẽ yêu cầu điều gì nơi cộng đồng quốc tế vào lúc này? Người Công Giáo ở các nước khác có thể giúp đỡ và thể hiện tình liên đới ra sao với người Công Giáo và những người khác ở Miến Điện?

Đức Hồng Y Bo: “Miến Điện là một triệu chứng. Mỹ với tư cách là một cường quốc đạo đức đã sụp đổ trong thời gian gần đây. Tranh cãi về 'gian lận bầu cử' ở Miến Điện đã nổi lên sau cuộc Bạo loạn ở Capitol của truyền thống dân chủ tôn kính của bạn. Ai đó hắt hơi ở Washington và thế là một chính phủ dân cử bị lật đổ ở Miến Điện. Đây là một cuộc truyền nhiễm của Covid đạo đức.

Mỹ phải chữa lành vết thương nội tạng gây ra cho ý niệm dân chủ và bầu cử. Đó sẽ là bước đầu tiên của tình liên đới.

Người Công Giáo ở mọi quốc gia cần cầu nguyện cho chúng tôi: tương lai của chúng tôi nằm trong tay Chúa và ơn thánh của Người có thể mang lại sự thay đổi cõi lòng con người. Cộng đồng quốc tế không nên vội vàng trừng phạt người dân Miến Điện. Họ cần hiểu lịch sử và nền kinh tế chính trị của chúng tôi trước khi dự tính các biện pháp trừng phạt.

(Hôm thứ Tư, Tổng thống Biden đã công bố các lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân sự của Miến Điện, lợi ích kinh doanh và các thành viên gia đình của họ)

The Pillar: Làm thế nào để Giáo hội trên khắp thế giới có thể phục vụ tốt hơn trong tư cách làm nhân chứng tiên tri – một tiếng nói cho nhân phẩm và nhân quyền ở những nơi như Miến Điện và Trung Quốc?

Đức Hồng Y Bo: “Tôi tin rằng Vatican đã thành công đưa ra một phương thức hành động và cách sống cho người Công Giáo Trung Quốc. Tự do tôn giáo đang gặp nguy cơ lớn ở nhiều quốc gia. Kitô hữu đang trở thành nhóm tôn giáo bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

Giáo hội đang vật lộn với sự lựa chọn trở thành tiên tri và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất của mình. Các quốc gia giỏi trừng phạt những người dễ bị tổn thương nhất trong các nhóm thiểu số tôn giáo. Các lựa chọn bị giới hạn ở những quốc gia này đối với các Kitô hữu địa phương.

Chỉ một chiến dịch được hoàn cầu nâng đỡ và sự giám sát của Liên hiệp quốc mới có thể làm giảm bớt nước mắt và sự tan vỡ của các Kitô hữu bị đàn áp.
 
Phóng sự đặc biệt: Các nghi thức cảm động Thứ Tư Lễ Tro khai mạc Mùa Chay thánh tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 17/02/2021


Truyền thống cử hành Thứ Tư Lễ Tro tại Vatican

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Do tình trạng đại dịch coronavirus, năm nay tất cả những nghi lễ này phải hủy bỏ.

Thứ Tư Lễ Tro năm nay

Sáng ngày thứ Tư 17 tháng 2, lúc 9 giờ 30 theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ, làm phép và xức tro tại Bàn thờ Ngai Tòa, trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Buổi lễ đã diễn ra với sự hiện diện của một số lượng rất hạn chế các tín hữu theo các phương thức được sử dụng trong những tháng qua, liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Trong khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ, ca đoàn đã hát bài: Attende, Domine, nghĩa là Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe với những lời như sau:

Lạy Vua, Đấng cứu chuộc mà tất cả chúng con đang ngước mắt lên kêu cầu. Chúa ơi, xin đoái thương lắng nghe những lời cầu nguyện.

Lạy Đấng là cánh tay hữu của Chúa Cha, Ngài là đá tảng, là con đường cứu rỗi, là cửa ngõ dẫn vào thiên đàng, xin rửa sạch vết nhơ tội lỗi chúng con.

Chúng con cầu xin Chúa xin nghe tiếng thở dài vì những tội ác chúng con gây ra.

Chúng con đã phạm những tội kếu thấu đến trời cao, xin hãy tha thứ cho chúng con.

Một người vô tội đã bị bắt, không kháng cự, bị kết án bởi những kẻ gian xảo với những nhân chứng giả: Lạy Đấng cứu chuộc, xin thương xót chúng con.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, với những lời của tiên tri Joel, là những lời chỉ ra hướng đi cho chúng ta. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim Thiên Chúa, Đấng với đôi tay rộng mở và đôi mắt đầy nỗi nhớ nài nỉ chúng ta: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2:12). Hãy quay lại với Ta. Mùa Chay là một cuộc hành trình trở về với Chúa. Đã bao lần, vì bận rộn hay thờ ơ, chúng ta đã nói với Ngài: “Lạy Chúa, sau này con sẽ đến với Ngài, xin hãy chờ đợi… Hôm nay con không thể, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho người khác”. Chúng ta cứ làm như thế, hết lần này, đến lần khác. Tuy nhiên, ngay bây giờ Chúa đang kêu gọi trái tim của chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có những việc phải làm và chúng ta sẽ luôn có những lý do để thoái thác, nhưng thưa anh chị em, hôm nay là lúc để trở về với Chúa.

Ngài nói: Hãy quay lại với Ta bằng cả trái tim. Mùa Chay là một cuộc hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Đây là lúc để kiểm tra những con đường chúng ta đang đi, để tìm đường trở về nhà, để khám phá lại mối liên kết cơ bản với Chúa, mà mọi thứ đều phụ thuộc vào đó. Mùa Chay không chỉ là thực hiện một vài hy sinh nhỏ, nhưng là lúc phân định xem tâm hồn chúng ta hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay: lòng tôi đang hướng về đâu? Chúng ta hãy thử tự hỏi: hệ thống điều hướng của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu, đến với Chúa hay đến với chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa, hay để được chú ý, khen ngợi, ưa thích, được chỗ nhất, v.v.? Có phải tôi đang có một trái tim “khiêu vũ”, tiến một bước, rồi lại lùi một bước, yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay tôi có một tâm hồn kiên định nơi Chúa? Tôi có hài lòng với thói đạo đức giả của mình không, hay tôi đang đấu tranh để giải thoát trái tim mình khỏi sự giả tạo và giả dối đang trói buộc tâm hồn tôi?

Hành trình của Mùa Chay là một cuộc xuất hành, một cuộc xuất hành từ nô lệ đến tự do. Bốn mươi ngày này tương ứng với bốn mươi năm dân Chúa vượt qua sa mạc để trở về quê hương của họ. Rời bỏ Ai Cập khó biết chừng nào! dân Chúa rời bỏ mảnh đất Ai Cập đã khó, nhưng còn chông gai hơn nhiều khi họ muốn rời bỏ cái Ai Cập trong lòng họ, cái Ai Cập mà họ mang trong tim. Thật khó để bỏ lại Ai Cập sau lưng. Trong cuộc hành trình của họ, luôn có một cám dỗ thường hằng là luyến nhớ những củ hành củ tỏi, cám dỗ quay trở lại, bám vào những kỷ niệm của quá khứ hoặc ngẫu tượng này, ngẫu tượng kia. Điều đó cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta luôn bị chặn lại bởi những dính bén không lành mạnh của chúng ta, luôn bị kìm hãm bởi những cạm bẫy tội lỗi, bởi sự an toàn giả tạo về tiền bạc và vẻ bề ngoài, bởi sự tê liệt vì bất mãn của chúng ta. Để bắt tay vào cuộc hành trình này, chúng ta phải vạch trần những ảo tưởng đó.

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để chúng ta thực hiện cuộc hành trình trở về với Chúa? Thưa: Chúng ta có thể được hướng dẫn bằng những cuộc hành trình trở về được mô tả trong Lời Chúa.

Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng, đối với chúng ta, đã đến lúc phải trở về với Cha. Giống như người con trai ấy, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà mình, chúng ta đã phung phí một gia sản quý giá vào những thứ xoàng xỉnh và cuối cùng đã ra đến nông nỗi là chỉ còn hai bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ nhỏ liên tục bị ngã, những đứa bé sơ sinh đang cố gắng bước đi nhưng cứ bị ngã và hết lần này đến lần khác cần được bố bế lên. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn nâng chúng ta dậy và đứng vững trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – qua Bí Tích Hòa Giải - là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta. Khi đề cập đến Bí Tích Hòa Giải, tôi xin các cha giải tội hành xử như những người cha, không trao ra một cây gậy nhưng là một cái ôm.

Sau đó, chúng ta cần quay trở lại với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi đã từng được chữa khỏi, và đã quay trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở lại với Chúa Giêsu (x. Lc 17,12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tật xấu thâm căn mà chúng ta không thể tự mình nhổ bỏ. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi gây tê liệt mà chúng ta không thể vượt qua một mình. Chúng ta cần noi gương người bệnh phong đó, là người đã trở lại với Chúa Giêsu và tự ném mình vào chân Ngài. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, chúng ta cần trình bày vết thương của mình cho Ngài và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con ở trước mặt Chúa, cùng với tội lỗi của con, với nỗi buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải phóng con. Xin chữa lành trái tim con”.

Một lần nữa, lời Chúa mời gọi chúng ta trở về với Chúa Cha, trở về với Chúa Giêsu. Lời Chúa cũng kêu gọi chúng ta trở về với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi này của chúng ta, Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Ngài. Vì vậy, chúng ta không nên sống một cuộc đời chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Thánh Linh, Đấng Ban Sự Sống; chúng ta hãy trở về với Lửa có thể phục sinh những tro tàn của chúng ta, về với Lửa dạy chúng ta yêu thương. Chúng ta sẽ luôn là cát bụi, nhưng như một bài thánh ca phụng vụ đã nói, đó là “cát bụi trong tình yêu”. Một lần nữa, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và tái khám phá ngọn lửa ngợi khen, ngọn lửa làm tiêu tan tro tàn của sự than thở và cam chịu.

Anh chị em thân mến, cuộc hành trình trở về với Chúa của chúng ta thực hiện được chỉ vì Ngài đã đến với chúng ta trước. Nếu không, điều đó sẽ là không thể. Trước khi chúng ta đến với Ngài, Ngài đã đến với chúng ta. Ngài đi bước trước; Ngài xuống để gặp chúng ta. Vì thiện ích của chúng ta, Ngài đã tự hạ mình hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Ngài gánh vào mình tội lỗi của chúng ta, và chết vì chúng ta. Vì thế, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” ( 2Cr 5:21). Ngài đã chấp nhận tội lỗi và cái chết của chúng ta, không phải để bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành trong cuộc hành trình của chúng ta. Ngài đã chạm vào tội lỗi của chúng ta; Ngài đã chạm vào cái chết của chúng ta. Cuộc hành trình của chúng ta, do đó, là để cho Người nắm lấy tay chúng ta. Người Cha chào mời chúng ta trở về nhà, cũng chính là người Cha đã bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa chữa lành chúng ta cũng chính là Đấng đã để mình chịu đau khổ trên thập tự giá; Thánh Linh, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thở nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên bụi đất của chúng ta.

Vì thế, đây là lời cầu xin của vị Tông Đồ: “Hãy làm hòa cùng Chúa” (câu 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta. Không ai có thể tự mình giao hòa với Chúa theo ý mình. Sự hoán cải chân thành, với những việc làm và thực hành thể hiện sự hoán cải ấy, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu với tính ưu việt của kỳ công Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta quay trở lại với Ngài không phải là khả năng hay công lao của chúng ta, mà là ân sủng Ngài ban cho chúng ta. Ân sủng cứu chúng ta; ơn cứu rỗi là ân sủng thuần khiết, ân sủng nhưng không. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng. Ngài nói rằng điều khiến chúng ta nên công chính không phải là sự công chính mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Sự khởi đầu của việc trở lại với Chúa là sự nhận biết nhu cầu của chúng ta đối với Ngài và lòng thương xót của Ngài, nhu cầu của chúng ta đối với ân sủng của Ngài. Đây là chính lộ, là con đường của sự khiêm tốn. Tôi có cảm thấy thiếu thốn không, hay tôi cảm thấy quá đủ, không còn thiếu thốn chi?

Hôm nay chúng ta cúi đầu nhận tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi đầu thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả về nội tâm và đối với người khác. Đó là việc nhận ra rằng ơn cứu rỗi không phải là sự đi lên đến đỉnh vinh quang, nhưng là sự xuống dốc trong tình yêu. Đó là sự trở nên nhỏ bé. Chúng ta đừng lạc lối trên cuộc hành trình của mình, nhưng chúng ta hãy đứng trước thập giá của Chúa Giêsu: là ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Hàng ngày, chúng ta hãy chiêm ngắm những vết thương của Người, những vết thương mà Người đã lên trời và bày tỏ với Chúa Cha hàng ngày trong lời cầu bầu của Người. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm nghiệm những vết thương đó. Nơi những vết thương này, chúng ta nhận ra sự trống rỗng, những thiếu sót của chúng ta, những vết thương tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào ai, mà chính là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương của Người đã phải chịu là vì thiện ích của chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Pr 2:25; Is 53: 5). Bằng cách hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Ngài. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Ngài đã đến gặp chúng ta. Và khi đến gặp chúng ta, giờ đây Ngài mời gọi chúng ta quay trở lại với Ngài, để tái khám phá niềm vui được yêu thương.

Nghi thức xức tro

Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã làm phép tro. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Đấng là nguồn mạch phong phú các ân sủng, xin chúc phúc cho những tro tàn này, mà chúng con đặt trên đầu mình như một dấu chỉ sám hối.

Rồi ngài nói tiếp:

Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và thứ tha cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngay chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lễ nghi đã được tiếp tục với phần xức tro.

Lời nguyện giáo dân

Sau khi xức tro xong, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Hành trình sám hối của Mùa Chay mời gọi chúng ta tăng cường sự gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô, Đấng là mô hình nhân loại đổi mới trong tình yêu.

Quyết tâm trung thành theo bước chân của Thầy, chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời cầu nguyện khiêm nhường và kiên trì sau đây của chúng ta với Cha.

Cầu cho Hội thánh Chúa:

Chúng ta hãy xin cho nghi thức xức tàn tro khắc khổ, mở đầu Mùa Chay này, khơi dậy trong tất cả những người đã rửa tội ước muốn có một trái tim mới, được thanh tẩy bởi tác động của Thánh Linh.

Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho các giám mục, linh mục và phó tế:

Chúng ta hãy xin cho Mùa Chay thánh này hình thành nơi các ngài tấm lòng khiêm tốn, biết lắng nghe, và vâng theo Lời Chúa,

Xin cho các ngài đánh thức lại sự khao khát Lời Chúa trong tất cả các tín hữu và ý chí thực thi một sự hoán cải đích thực.

Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho những người nam nữ trong thời đại chúng ta

Chúng ta hãy xin cho những người nam nữ trong thời đại chúng ta có tấm lòng biết ơn vì vô số lợi ích họ nhận được, chú ý đến những đau khổ của anh chị em xung quanh, và thực hiện những cử chỉ chia vui sẻ buồn.

Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho những người bệnh tật và đau khổ:

Chúng ta hãy xin cho họ nhận được sự gần gũi chân thành và quan tâm của cộng đồng Kitô hữu, hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống lại cái ác; và củng cố trong họ xác tín chắc chắn được tham gia vào chiến thắng Phục sinh của Chúa Kitô.

Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho những người hiện diện ở đây:

Chúng ta hãy xin cho những ai có mặt trong thánh lễ này được soi sáng bởi lời Chúa và được củng cố bởi Bánh sự sống, và để cho mình bị thu hút với một trái tim rộng mở trước ân sủng của Lễ Phục sinh.

Xin Chúa nhận lời chúng con

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin ban cho chúng con niềm vui được cứu độ và hướng dẫn chúng con, với sức mạnh của Thánh Linh Chúa, đến với bữa tiệc lớn mà Chúa đã chuẩn bị cho con cái Chúa.

Chúng con cầu xin nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Thánh lễ sau đó đã được tiếp tục như thường lệ.
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Con Đường Chúa Đã Đi Qua trình bày saxophone nhạc sĩ Đinh Thành
Sáng tác: Nhạc sĩ Văn Chi
10:17 17/02/2021