Ngày 16-02-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:01 16/02/2017
MÔN KHÁCH KIÊNG HUÝ

Thời Ngũ Đại, lúc môn khách của Hồng Doanh vương giảng về trang đầu của “Đạo đức kinh”, có hai câu như thế này : “Đạo có thể (nói) là đạo, thật là đạo”.
Mà chữ “đạo” là tên của Hồng, nên môn khách sợ mạo phạm ông ta, cho nên khi giảng giải thì nói như sau:
- “Không dám nói, có thể không dám nói, thật là không dám nói”.
(Tịch Xuyên tiếu lâm)

Suy tu 16:
Đạo Công Giáo là đạo thật, vì do Đức Chúa Giê-su Ki-tô thiết lập trên nền tảng thánh Phê-rô, nhưng có những người Công Giáo không biết đạo mình đang tin theo là đạo thật, bởi vì cuộc sống của họ hầu như không có sự thật: họ không màng đến thánh lễ ngày Chúa Nhật, họ không màng đến các bí tích, họ cũng không buồn nghĩ đến bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận để trở thành con cái của sự sáng, của Thiên Chúa.
Đạo Công Giáo là đạo thật, vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế, Giáo Hội đã dạy như thế và đức tin cũng đã dạy chúng ta như thế, nhưng có một vài người Ki-tô hữu không còn đức tin Công Giáo nữa, mà nơi họ chỉ còn sự tin tưởng vào quyền năng của tiền bạc, của địa vị, của danh vọng, cho nên không những họ không làm chứng gì được cho Đạo thật, mà lại còn làm cho khuôn mặt của Đạo thật –Đức Chúa Giê-su- bị người khác nhìn cách méo mó què quặc trong cuộc sống của họ.
Đạo Công Giáo là đạo thật, bởi vì được Chúa Thánh Thần là Sự Thật hướng dẫn, nhưng có rất nhiều mục tử không thèm để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và có khi “chê” Thánh Thần là “lỗi thời, lạc hậu”, các ngài tự mình hướng dẫn đời mình theo cách của mình, đó là kiêu ngạo và thích nổi danh, và các ngài đã quên mất mình đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Truyền Chức Thánh, cho nên không lạ gì họ đã từ bỏ ơn gọi để ra đi theo sự hướng dẫn của cá nhân mình, và cũng không lạ gì khi có nhiều giáo hữu mất đức tin khi nhìn thấy các mục tử của mình thiếu vắng Đức Chúa Thánh Thần...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:04 16/02/2017

30. Suy niệm có rất nhiều cái lợi: trong khi suy niệm có thể nghĩ đến việc lành, có thể xuất phát tình yêu, có thể dấy lên khát vọng trong tâm hồn, có thể được nghị lực để toàn tâm phụng sự Chúa, có thể vì Thiên Chúa mà hy sinh những khoái lạc giả dối của thế tục và những tham tình không phù hợp.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Dẫn Lễ & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ 7 Mùa Thường Niên A. 19.2.2017
Lm Francis Lý văn Ca
15:55 16/02/2017
Đầu Lễ: Anh Chi Em thân mến

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta áp dụng giáo huấn của Chúa vào đời sống hằng ngày, đặc biệt là gieo rắc tình thương và là sứ giả hòa bình như chính Chúa Giêsu đã mang an bình và ơn chữa lành đến cho nhân loại. Chúng ta cũng phải tiếp tục mang đến cho tha nhân những ơn phúc lành của Cha trên trời.

Thế gian đang bị sự dữ đe dọa và thống trị, Thiên Chúa muốn chúng ta mang sự tha thứ và cảm thông đến với anh chị em, chấp nhận những khác biêt và dị biệt của nhau. Chính nhờ sự chấp nhận những dị biệt và khác biệt qua sự thứ tha và thông cảm, mỗi ngày chúng ta sẽ gần giống Thiên Chúa là Cha đầy lòng tha thứ.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

Trước Bài Đọc I:

Ngay trong thời Cựu Ước, dân riêng của Thiên Chúa cũng được kêu mời không được thù ghét giữa nhau nhưng phải sống yêu thương. Nền tảng của sự yêu thương căn cứ trên tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài. Chúng ta là dân riêng của Chúa phải chia sẻ tình yêu đó giữa nhau.



Trước Bài Đọc II:

Cộng Đoàn Dân Chúa là nơi Thiên Chúa ngự trị và gặp gỡ dân riêng của Ngài qua tác động của Thánh Linh. Cho nên mỗi người trong chúng ta là Đền Thờ của Chúa Thánh Linh.

Trước Bài Phúc Âm

Chúa Kitô đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải có một trái tim quảng đại cho dù đối với kẻ thù. Chúng ta phải vượt qua những sự cám dỗ của ma quỷ đế có thể thực hành những điều tốt trong đời sống hằng ngày.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến

Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là người Cha từ bi và nhân hậu, chữa lành và ban những ơn cần thiết mà chúng ta cầu xin với Ngài hôm nay.

1. Xin cho Giáo Hội - Dân Thánh Chúa luôn sống kết hợp mật thiết trong việc loan báo Tin Mừng và sống thực thi Tin Mừng trong sự tha thứ, chữa lành và hàn gắn những rạn nứt trong Cộng Đoàn Dân Thánh Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho các Giáo Hội Kitô Giáo Ly Khai đã nhiều thế hệ qua sự hiểu lầm do những dị biệt hay chính kiến mỗi ngày sẽ tiến gần nhau hơn trong Chúa Kitô qua sự tha thứ, chấp nhận nhau trong tình liên đới huynh đệ Kitô hữu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho chính chúng ta là những Kitô hữu, luôn biết tha thứ cho nhau từ tâm hồn bằng cách không thù hận nhau và luôn tìm phương thế để cảm thông và hòa giải. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho mọi gia đình, luôn biết cố gắng để hòa giải mọi bất bình hơn là tích trữ những hận thù trong gia đình hay đại gia đình, để các phần tử trong gia tộc cùng chung hưởng niềm an bình và hạnh phúc. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, luôn đặt để sự hòa giải, tha thứ và yêu thương là kim chỉ nam trong đời sống cộng đoàn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đã qua đời: giáo dân trong cộng đoàn xứ đạo, thân nhân, bạn bè, họ hàng… Xin cho các ngài được nhìn thấy ánh sáng an bình trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh Mục:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhìn nơi tha nhân bằng ánh mắt của chính Chúa, nhờ đó, chúng con sẽ dễ dàng chấp nhận nhau trong tình yêu của Con Một Chúa, là Đấng đã mang lửa yêu mến đến trần gian và ước mong lửa đó được tỏa sáng luôn mãi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen.
 
Yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình
Lm Đan Vinh
22:24 16/02/2017
Chúa nhật 7 Thường niên A
Lv 19,1-2.17-18; 1 Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

Yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình>

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 5,38-48.
38 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

2. Ý CHÍNH: Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương hết mọi người: kẻ thù của mình, kẻ ghét mình, kẻ ngược đãi và vu khống mình… để chúng ta được nên trọn lành giống như Chúa Cha trên trời, "là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương."

3. CHÚ THÍCH:
- C 38-39: + Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng: Đây là luật hình sự dựa trên nguyên tắc đối trọng: ai đã gây thiệt hại, thì phải sửa chữa thiệt hại đã gây ra. (x. Xh 21,23-25; Lv 24,19-20; Đnl 19,21). + Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa: Đức Giê-su dạy môn đệ khi bị kẻ khác xúc phạm, hãy đối xử từ bi nhân ái để biến thù thành bạn.
- C 41-42: + Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm: Có lẽ đây là một dịch vụ do người Rô-ma bắt buộc người Do thái phải làm, như trường hợp quân Rô-ma bắt ông Si-môn Ky-rê-nê vác đỡ thập giá của Đức Giê-su. + Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi: Ở bên đất thánh Pa-lét-ti-na, "cho vay” cũng giống như “bố thí” (x. Hn 29,1). Nghĩa là người Do thái không được cho người đồng chủng Do thái vay tiền để lấy tiền lãi (x. Xh 22,24).
- C 43-44: + Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em: Đức Giê-su muốn các môn đệ mở rộng tình thương đến các người dân ngoại và cả với những kẻ đối xử không tốt hoặc có hành vi ngược đãi mình.
- C 45-48: + Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện: Đức Giê-su dạy môn đệ phải có tình thương tột đỉnh noi gương Thiên Chúa Cha trên trời, đã không phân biệt đối xử khi ban ơn cho cả những kẻ xấu và kẻ bất lương.

4. CÂU HỎI:
1) Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” là luật gì và có nghĩa thế nào?
2) Đức Giê-su muốn dạy các môn đệ chúng ta điều gì qua bài Tin Mừng hôm nay: “Đừng chống cự người ác; sẵn sàng đi gấp đôi số dặm mà những kẻ mạnh thế bắt mình phải đi; quảng đại đáp ứng nhu cầu của kẻ ăn xin vay mượn; yêu kẻ thù…” ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

2. CÂU CHUYỆN:


1) SỨC MẠNH HOÁN CẢI TỘI NHÂN CỦA LÒNG NHÂN ÁI:
Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm ăn, ngửa tay ra và nói:
- Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.
Tức thì các thực khách cười lên hô hố tỏ vẻ khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói:
- Một miếng ư, được lắm.
Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân đã phản ứng thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái tát tai. Nhưng không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói:
- Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.
Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta không thể rằng trên cõi đời nham nhở này mà lại có người khí phách như vậy. Anh lồm cồm ngồi dậy và lắp bắp nói:
- Tôi... tôi sẽ gởi tặng cho các em.
Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp và trao tận tay thánh nhân số tiền lớn để tạ lỗi.

2) GIÓ VÀ MẶT TRỜI AI MẠNH HƠN AI?
Một lần nọ, gió bão và mặt trời tranh cãi nhau xem ai có sức mạnh hơn. Cả hai đều kể lại những chiến tích oai hùng của mình để chứng minh mình có sức mạnh hơn đối phương. Vừa lúc đó có một khách bộ hành đang từ xa tới gần. Cả hai đồng ý kiểm tra sức mạnh bằng cách cố cởi cái áo choàng của người khách bộ hành đang mặc trong thời gian ngắn nhất.
Cơn gió bão đòi ra tay trước. Nó tạo ra một luồng gió xoáy dữ dội nhất từ trước đến giờ, và ngay từ lần cố gắng đầu tiên, gần như nó đã có thể xé rách cái áo choàng của người bộ hành. Nhưng người đàn ông kia đã dùng tay ôm chặt chiếc áo choàng, và còn nằm đè lên chiếc áo choàng, khiến gió bão dù tốn rất nhiều sức lực mà vẫn không làm cho chiếc áo bung ra khỏi người khách bộ hành được. Sau cùng cơn gió bão đành chấp nhận chịu thua.
Đến lượt mặt trời ra tay. Đầu tiên mặt trời xua tan những đám mây đen giăng kín bầu trời và rọi những tia nắng xuống đầu người khách bộ hành. Một vài phứt sau, cảm thấy mồ hôi xuất ra do nhiệt độ tăng đột ngột, người khách bộ hành vội vã cởi chiếc áo choàng ra phơi và đến chỗ cây có che bóng râm gần đó tránh nắng, và chung cuộc mặt trời đã chiến thắng gió bão.
Như vậy trong việc giáo dục con người, dùng tình thương thuyết phục sẽ có hiệu quả hơn dùng biện pháp đánh phạt chửi mắng.

3) TÔI ĐÃ TRẢ THÙ ĐƯỢC RỒI ! :
Có hai người đàn ông thổ dân nước Nam Phi rất thù hằn ganh ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp thấy đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang dạo chơi trong rừng, liền bắt cô bé chặt đứt ngón tay út rồi thả ra. Cô bé bị đau la khóc dùng tay còn lại ôm chặt bàn tay bị chặt đứt ngón út chạy mau về nhà chữa trị, đang khi tên hung thủ la to rằng: “Ta đã trả thù được rồi!”.
Mười năm sau, cô bé bị chặt ngón đã lấy được một người chồng Công Giáo giàu có trong vùng. Ngày kia, một kẻ ăn xin tới xin ăn, bà chủ nhà nhận ngay ra kẻ trước đây đã chặt ngón tay của mình. Bà vào trong nhà, sai gia nhân đem cơm thịt ra đãi người ăn xin. Khi kẻ thù đã ăn no, bà mới giơ bàn tay có ngón út bị cụt ra và nói: “Hôm nay tôi đã trả thù được rồi!”.
Tên ăn mày lập tức nhận ra người đàn bà đối xử tốt với mình không ai khác hơn là cô bé năm xưa đã từng bị hắn chặt đứt ngón tay để trả thù, nên hắn rất hối hận và đã quỳ gối cám ơn bà không những không chấp nhất tội hắn mà còn đối xử nhân hậu là cho hắn một bữa ăn ngon.

III. SUY NIỆM:

1) “ĐỪNG CHỐNG CỰ NGƯỜI ÁC...":
- So sánh Luật đạo cũ với đạo mới: Luật Mô-sê đã tiến bộ hơn nếu so sánh với thời đại trước đó, vì về việc báo oán, Luật Mô-sê chỉ đòi kẻ tấn công bị đối xử ngang bằng điều xấu mà hắn đã gây ra cho nạn nhân. Thực vậy, sách Sáng thế ký đã ghi lại lời của La-méc: "Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy" (St 4,24), đang khi Mô-sê ra luật trả báo công bình như sau: “Nếu hai người đàn ông đánh nhau mà có gây tổn thương… , thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21,22-25). Tuy nhiên Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay lại kêu gọi môn đệ nên hoàn thiện bằng thái độ nhẫn nhịn chịu đựng và lấy tình thương xóa bỏ hận thù như sau: "Nếu ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa... Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài... Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm... Ai xin thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn thì anh đừng ngoảnh mặt đi" (c 39-42).
- Trước những lời dạy nầy của Đức Giê-su, những kẻ suy nghĩ nông cạn vội cho đây là thái độ của kẻ hèn nhát nhu nhược, khuyến khích kẻ gian ác lộng hành: “Chúng được đằng chân, sẽ lân đằng đầu”; Nhưng những người khôn ngoan lại công nhận đây là lối hành xử tối ưu để giải quyết tận gốc các xung đột xã hội và mang lại hòa bình lâu dài. Thực vậy, nếu bị kẻ ác đánh một cái mà ta đánh lại, thì chắc chắn chúng sẽ đánh tiếp và bạo lực sẽ ngày một gia tăng. Nhưng nếu ta chịu đựng và nói chuyện phải quấy thì có thể kẻ đó sẽ bị khuất phục. Chúng ta có thể ví bạo lực giống như sức mạnh của cây búa tạ trong tay thợ đập đá, tảng đá dù cứng rắn đến đâu, cũng sẽ bị bể tan! Đang khi hồ nước mềm mại có bị búa tạ bổ xuống vẫn không hề hấn gì, trái lại còn có thể nhấn chìm cây búa tạ kia xuống đáy hồ. Trước cơn bão táp cuồng phong, những cây cổ thụ cao lớn cứng cáp kháng cự lại sẽ bị gãy cành trốc gốc, đang khi rặng tre, lau sậy chịu uốn mình theo chiều gió nên vẫn được an toàn. Thế nên Lão tử đã dạy các môn sinh: “Lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Môn phái Judo cũng theo quy luật nầy dùng sự mềm dẻo để tự vệ, đánh bại đòn tấn công hung hãn của đối phương.
- Khi dạy các điều trên, chắc chắn Đức Giêsu không muốn duy trì tình trạng những người thân yếu thế cô phải cam chịu sự đàn áp của những kẻ tàn bạo gian ác. Nhưng nếu chủ trương lấy ác báo ác, thì con người sẽ lâm vào vòng xoáy bạo lực: Thay vì chỉ có một kẻ ác, giờ đây lại thêm kẻ ác thứ hai là người đang bị áp bức. Đức Giêsu muốn các môn đệ lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu đáp trả hận thù để hóa giải và biến thù thành bạn. Nhưng giả như kẻ ác vẫn cố chấp thì bấy giờ mới xử lý, giống như Đức Giê-su trước Thượng Hội Đồng Do thái đã bị một tên gia nô của thượng tế Khan-na tát, đã không giơ má kia, nhưng hạch lại hắn: "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23).

2) HÃY YÊU KẺ THÙ VÀ CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ NGƯỢC ĐÃI ANH EM:
- Thái độ thông thường của người đời chúng ta là yêu ai yêu mình, và ghét những kẻ ghét hại mình và chống lại Thiên Chúa như Sách Thánh đã ghi lại lời cầu nguyện của dân Do thái: "Lạy Chúa, ước chi Ngài tiêu diệt kẻ gian tà... Lạy Chúa, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét? Con ghét chúng, ghét cay, ghét đắng, chúng trở thành thù địch của chính con" (Tv 139,19-22).
- Nhưng Đức Giê-su dạy các môn đệ phải vượt lên những điều bình thường này bằng cách yêu những kẻ ghét mình noi gương Chúa Cha: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính" (Mt 5,44-45).

3) HÃY NÊN HOÀN THIỆN NOI GƯƠNG CHÚA CHA NHƯ ĐỨC GIÊ-SU:
- Đức Giê-su đã yêu thương tha thứ cho những kẻ thù ghét làm hại mình: Người nhẫn nhịn chịu đựng khi bị xét xử bất công, bị xỉ vả đánh đập, bị lột áo trong áo ngoài, bị hành hình đóng đinh tay chân vào thập giá giữa hai tên trộm cướp… Người đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
- Chúng ta cũng phải tha thứ cho tha nhân: khi giận hờn, căm ghét người khác, tâm hồn chúng ta sẽ mất bình an, ta sẽ không còn thiết ăn uống vì dạ dày không làm việc, sẽ hay suy nghĩ thở dài và không ngủ yên giấc, bệnh tim mạch gia tăng và sẽ bị đột quỵ... trong khi kẻ bị ta thù ghét vẫn sống yên ổn! Như vậy sự giận ghét không những không làm hại kẻ thù mà còn quay ra làm hại chính ta và cắt ngắn tuổi thọ của ta. Vậy chúng ta còn đợi gì mà không tha thứ cho tha nhân theo lời Chúa dạy?
- Hãy cầu nguyện và làm điều tốt để đáp trả kẻ đang thù ghét làm hại mình: Thay vì nuôi lòng thù hận, chúng ta hãy cầu xin Chúa thay đổi lòng trí kẻ thù ghét ta. Hãy tìm dịp thuận tiện để khen ngợi nói tốt cho họ. Khi nghe ai chỉ trích nói xấu họ, thay vì “đổ dầu vào lửa”, chúng ta hãy làm trạng sư để bào chữa lỗi lầm cho họ…

IV. THẢO LUẬN:
1) Bạn có đồng ý về các tai hại của thái độ giận ghét và ích lợi của thái độ khoan dung tha thứ các lỗi lầm cho tha nhân không? Tại sao?
2) Hãy tự xét xem hiện giờ bạn đang giận ghét người nào nhất? Bạn sẽ làm gì để thực hành lời Chúa dạy hôm nay?

V. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh đẹp nhất là hình ảnh của Chúa xưa kia trên núi Sọ: Dù đang bị đám đông thù ghét phỉ báng, hành hạ, đòi phải đóng đinh vào thập giá mà Chúa vẫn nhẫn nhịn chịu đựng và còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình. Xin ban cho chúng con tình yêu thương và lòng từ bi nhân hậu của Chúa, bằng thái độ bao dung cảm thông, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã nói lời xúc phạm đến chúng con, hầu chúng con nên “con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Chúa Cha” noi gương Chúa khi xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG COM.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin thêm về tên trùm khủng bố Rachid Kassim
Lê Đình Thông
06:16 16/02/2017
Tin thêm về tên trùm khủng bố Rachid Kassim

Như tin đã loan, tên trùm khủng bố hồi giáo Rachid Kassim, chủ mưu sát hại cha Jacques Hamel, đã bị bắn hạ ngày 10/02/2017 tại Mossoul (Irak).

Con chim sắp chết kêu thương, người sắp chết lời nói phải. Kassim và những tên hồi giáo cực đoan mất hết nhân tính. Những lời cuối cùng chỉ toàn là oán hờn, tiếp tục gieo rắc tang tóc, khổ đau cho bao người vô tội.

Khoảng 21 giờ hôm qua (15/02/2017), các hệ thống tuyên truyền của băng đảng hồi giáo cực đoan Daech đã phổ biến lời nói của Kassim bằng tiếng ả rập, lâu 20 phút, bắt đầu như sau: ‘‘As salamu alaykoum Wa Rahmatullahi Wa barakatuh oummati’’ (Chúng tôi gửi đến quý thính giả thông điệp quan trọng của Rachid Kassim. Kính mời quý vị theo dõi thông điệp quan trọng này’’. (Phát ngôn viên nhắc lại hai lần : thông điệp quan trọng). Sau đó là tiếng nói của tên đồ tể Kassim : ‘‘Khi nghe những lời này là tôi không còn nữa’’.

Kassim ca ngợi đồng bọn trong tổ chức Daech, đồng thời lên án những tên đạo đức giả trong tổ chức khủng bố mà không nói thêm chi tiết. Sau đó, Rachid Kassim kêu gọi các cảm tình viên của Daech tiếp tục hành động khủng bố, gây rối tại Pháp, áp dụng sách lược tuyển mộ các thành phần hồi giáo trẻ tại chỗ.

Rachid Kassim 29 tuổi, người ả rập, mang quốc tịch Pháp, cư ngụ ở Roanne (Loire). Y dùng internet để tuyển mộ và chỉ huy nhiều vụ khủng bố tại Pháp, quan trọng nhất là vụ cắt cổ cha Hamel cạnh bàn tiệc thánh tại Saint-Étienne-du-Rouvray ngày 26/07/2016, cũng như vụ giết hại vợ chồng nhân viên công lực tại Magnanville, một vụ khủng bố bất thành khác nhắm vào Vương cung Thánh đường Paris.

Ngày 10/02/2017 vừa qua, Ngũ giác đài xác nhận đã bắn hạ Kassim trong một cuộc không tập tại Mossoul (Irak). Kết quả thử nghiệm ADN đã xác nhận thi thể đúng là Kassim. Việc Daech truyền đi mấy lời nhắn nhủ cuối cùng của Kassim cho thấy thông tin về cái chết của Kassim là chính xác.

Kassim thường mặc bộ đồ rằn ri, chít khăn, hàm râu đen, xuất hiện lần cuối cùng trong một vidéo tuyên truyền của tổ chức Daesch, ca ngợi việc đồng bọn dùng xe vận tải hạng nặng, nghiền nát 86 người dân vô tội ở Nice trong đêm quốc khánh 14/07/2016.

Kassim, gốc người Algérie, được coi là người chỉ huy các cuộc khủng bố qua internet, đứng ra tuyển mộ và trực tiếp huấn luyện tân binh. Địa chỉ internet của Kassim được truy cập lần chót ngày 11/02/2016.

Sách Luận Ngữ (論語) chép rằng: ‘‘Điểu chi tương tử, kỳ minh dã ai; nhân chi tương tử, kỳ ngôn dã thiện’’ (鳥之將死, 其鳴也哀; 人之將死, 其言也善) : Con chim sắp chết, tiếng kêu bi thương; người sắp chết nói lời tốt lành. Nếu cha Hamel là hiện thân của chim câu hiền hòa, trắng ngần vốn là hình ảnh của Ngôi Ba Thiên Chúa, Hamel là diều hâu, quạ cú. Cha Hamel 86 tuổi đã dùng hết cuộc đời để chăm lo cho các tín hữu, Kassim 29 tuổi phí phạm tuổi xuân, chuyên gieo rắc hận thù, giết chóc.

Ta hãy lắng nghe di ngôn của vị cha già tử đạo, viết trong lá thư mục vụ họ đạo tháng 06/2016 : ‘‘Nào ta hãy cầu nguyện cho những ai cần đến, cho hòa bình, cho cuộc sống chung tốt đẹp. Trong khoảnh khắc này, ta hãy lắng nghe lời Chúa mời gọi, chăm lo cho nhân gian, dấn thân phục vụ để tình người thêm nồng ấm, tình huynh đệ thêm đậm đà.’’

Linh mục Hamel quê quán Darnétal. 1958 : thụ phong linh mục. Năm 2008 là lễ kim khánh của ngài. Ngài từng làm cha sở nhiều họ đạo ở Seine-Maritime, chịu thương chịu khó, can đảm. Năm 75 tuổi, vì tình trạng thiếu linh mục tại nông thôn, thay vì về an dưỡng tuổi già, ngài đã tự nguyện tiếp tục dâng Thánh lễ và ban mình thánh Chúa. Ngài không từ nan một công việc lớn nhỏ nào, cuối cùng chấp nhận cái chết để làm chứng cho đức tin.

Tưởng cũng nên nhắc lại Đức Cha Dominique Lebrun, Tổng giám mục Rouen từng lên tiếng mời gọi các tín hữu tiếp tục đến thắp nến tại thánh đường Saint-Etienne-du-Rouvray, vì nến sáng là dấu chỉ phục sinh, giúp soi sáng tấm lòng cầu nguyện. Ngài nhấn mạnh Giáo Hội Công Giáo không có vũ khí nào khác hơn lời cầu nguyện và tình anh em.

Paris, ngày 16/02/2017

Lê Đình Thông
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 15/2/2017
VietCatholic Network
09:52 16/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha nói: Niềm hy vọng Kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa.

2- Hội đồng Hồng Y công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với con người và huấn quyền của ĐTC Phanxicô.

3- Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vừa qua đời tại Việt Nam.

4- ĐTC gửi Đặc Sứ đến Medjugorje để tìm hiểu nhu cầu mục vụ.

5- Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công Giáo và Tin lành Đức.

6- Một linh mục Chính Thống Giáo bị bắt về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II.

7- Người Kitô hữu lục tục trở về Mosul.

8- Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ.

9- ĐHY Charles Maung Bo của Miến Điện nói: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ.

10- Cộng sản đánh đập dã man linh mục và dân đi khiếu kiện Formosa.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Đức Thánh Cha nói: Niềm hy vọng kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa.

“Niềm hy vọng Kitô vững vàng và không gây thất vọng, vì nó dựa trên chính tình yêu trung thành và chắc chắn mà Thiên Chúa có đối với từng nguời trong chúng ta, chứ không dựa trên điều chúng ta có thể làm hay có thể là, hoặc có thể tin.” ĐTC Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 15 tháng 2 năm 2017, trong đại thính đường Phaolô 6. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài niềm hy vọng không gây thất vọng, dựa trên đoạn kinh thánh trích từ chương 5 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma. ĐTC nói:

“chúng ta được mời gọi khoe khoang về ơn thánh dồi dào, trong đó chúng ta được thấm nhuần trong Đức Giêsu Kitô, qua lòng tin. Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta học đọc hiểu mọi sự với ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận ra rằng tất cả là ơn thánh! Tất cả là quà tặng. Thật vậy, nếu chúng ta chú ý hành động – trong lịch sử cũng như trong cuộc sống chúng ta – chúng ta không cô đơn, nhưng trước hết có Thiên Chúa hành động. Chính Ngài là nhân vật tuyệt đối, là Đấng tạo dựng mọi sự như một ơn của tình yêu thương, là Đấng dệt chương trình cứu độ của Ngài, và đưa nó tới chỗ thành toàn cho chúng ta, qua Đức Giêsu Con Ngài.”

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thánh Phaolô còn khích lệ chúng ta khoe khoang trong khốn khó nữa. Điều này không dễ mà hiểu được… Thật ra sự bình an mà Chúa cống hiến và bảo đảm cho cho chúng ta không được hiểu như là vắng bóng lo lắng, vỡ mộng, thiếu sót, và các lý do khổ đau. Nếu đã là như thế, thì trong trường hợp chúng ta thành công ở trong an bình, lúc đó sẽ mau kết thúc và chúng ta sẽ rơi vào sự chán nản không thể tránh được.

Và ĐTC nói thêm, … niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta không chia rẽ chúng ta với những người khác, lại càng không đưa chúng ta tới chỗ làm mất uy tín họ, hay gạt bỏ họ ngoài lề. Trái lại, đây là một ơn ngoại thường mà chúng ta được mời gọi làm kênh dẫn truyền tới mọi người, với lòng khiêm tốn và đơn sơ. Khi đó sự khoe khoang lớn nhất của chúng ta sẽ là có một Thiên Chúa là Cha, là Đấng không có các ưu tiên, không loại trừ ai hết, nhưng mở rộng cửa nhà cho tất cả mọi người như con cái Ngài , bắt đầu từ những người sau cùng và xa nhất; để như là con cái của Ngài chúng ta học an ủi và nâng đỡ nhau.

ĐTC đã chào các tín hữu và các đoàn hành hương đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Đức Thánh Cha cũng chào ca đoàn thiếu nhi Note Ascendenti, Italia và các em đã hát chào mừng ĐTC.

Sau khi nghe các em hát ĐTC nói: Khi muốn một điều thì cũng phải làm như thế. Chúng ta phải làm như thế với lời cầu nguyện, khi chúng ta xin Chúa điều gì đó: năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ… đó là một thí dụ đẹp, một thí dụ đẹp của lời cầu nguyện, xin cám ơn chúng con.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

- Hội đồng Hồng Y công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với con người và huấn quyền của Đức Phanxicô,

Theo tin của Cindy Wooden, thuộc Catholic News Service, ngày 13/2/2017, sau một số thách thức công khai đối với giáo huấn và thẩm quyền của ĐTC Phanxicô, các thành viên của Hội Đồng 9 Hồng Y do chính Ngài thành lập, nhân dịp phiên họp thứ 18, đã bày tỏ “sự ủng hộ hoàn toàn” của các vị đối với việc làm của ngài. Thực vậy, theo một bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ĐHY người Honduras, Oscar Rodriguez Maradiaga, phối trí viên của Hội Đồng, khởi đầu phiên họp, với sự hiện diện của ĐTC Phanxicô, đã cam đoan với ĐTC rằng: các Hồng Y hoàn toàn ủng hộ con người và huấn quyền của ngài. Bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay việc ủng hộ hoàn toàn này đã được đưa ra liên quan tới các biến cố gần đây. Tuy Bản Tuyên Bố không cho biết đó là những biến cố nào, nhưng nó được công bố chỉ vài ngày sau khi một ấn bản giả của nhật báo Tòa Thánh là L’Osservatore Romano được gửi qua điện thư cho các giới chức Tòa Thánh và một tuần lễ sau khi các bích chương được phát hiện trên các bức tường quanh Thành Phố Rôma chỉ trích ngài về các hành vi liên quan tới Hội Hiệp Sĩ Malta và một số nhóm khác. Nó cũng xuất hiện một vài tháng sau ngày Đức Hồng Y người Mỹ Raymond Burke và 3 vị Hồng Y đã về hưu công khai tỏ ý hoài nghi đối với giáo huấn của ngài trong chương 8 của Tông Huấn "Amoris Laetitia".

- Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vừa qua đời tại Việt Nam

Theo bản Cáo Phó của Giáo phận Nha Trang, đăng trên VietCatholic ngày hôm qua, 14/ 2/2017, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, với 58 năm Linh mục và 42 năm Giám mục, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã được về cùng Chúa lúc 8.00 chiều thứ Ba ngày 14/ 2/ 2017, tại Tòa Giám Mục Nha Trang, hưởng thọ 86 tuổi. Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 9.00 sáng thứ Bảy ngày 18/ 2/ 2017 tại Tòa Giám Mục Nha Trang. Sau đây là phần tóm lược tiểu sử của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, trích từ bản Cáo Phó của Giáo Phận Nha Trang:

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa sinh ngày 20/7/1931, tại Bối Kênh, Bình Lục, Hà Nam.

Ngài thụ phong Linh mục tại Roma ngày 10/ 12/1959, trong thời gian còn đang du học tại Đại Chủng viện Propaganda Fide, Roma – Italia. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học và Cử nhân Thánh Nhạc tại Đại học Urbaniana và Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc, Roma – Italia.

Trở về Việt Nam năm 1963, ngài được bổ nhiệm làm linh mục phó xứ Chánh Tòa Đà Lạt, kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Trí Đức, Đà Lạt. Năm 1968, ngài gia nhập Giáo phận Ban Mê Thuột, được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa Giám mục, đồng thời kiêm nhiệm Linh hướng Dòng Nữ Vương Hoà Bình, Ban Mê Thuột.

Ngày 10/1/1975, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phan Thiết. Ngài chọn khẩu hiệu ‘’ Trong Tinh thần và Chân lý ‘’ làm châm ngôn mục vụ.

Ngày 5/4/1975, ngài được tấn phong Giám mục tại Tòa giám mục Ban Mê Thuột, và sau đó, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô VI thuyên chuyển làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.

Từ 2001-2007, ngài là Chủ tịch HĐGMVN trong 2 nhiệm kỳ VIII và IX.

Từ 2006 -2009, ngài được chỉ định làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.

Ngày 4/12/2009, ngài được Tòa thánh chấp nhận cho nghỉ hưu vì lý do tuổi tác.

Như đã thông báo ở phần đầu của bản tin này, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã được về cùng Chúa tại Tòa Giám Mục Nha Trang, vào lúc 20g00, thứ Ba ngày 14/2/2017.

4- Đức Thánh Cha gửi Đặc Sứ đến Medjugorje để tìm hiểu nhu cầu mục vụ.

VATICAN - Hôm 11/ 2/ 2017, ĐTC đã bổ nhiệm ĐC Henryk Hoser, TGM giáo phận Varsava-Praga - Ba Lan, đến Medjugorje trong tư cách là Đặc Sứ của Tòa Thánh. Làng Medjugorje, cũng gọi là làng Mễ-Du thuộc cộng hòa Bosni Erzegovine, là nơi 6 thiếu niên Công Giáo người Croát quả quyết họ đã được Đức Mẹ hiện ra từ ngày 24/ 6/ 1981. Từ đó đến nay, đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây. Giáo Quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Hồi tháng 3/ 2010, ĐTC Biển Đức XVI cũng đã lập Ủy ban điều tra gồm 20 chuyên gia quốc tế, và bổ nhiệm ĐHY Camillo Ruini, nguyên Giám quản Roma, làm chủ tịch. Sau gần 4 năm làm việc, hồi tháng 2/2014 Ủy ban đã đệ trình lên ĐTC Phanxicô, nhưng cho đến nay Tòa Thánh chưa công bố kết quả cuộc điều tra hoặc quyết định gì về Medjugorje.

Vì chưa được công nhận, nên Giáo quyền chỉ cám các cuộc hành hương chính thức, nhưng không cấm các tín hữu đến hành hương với tư cách riêng.

Thông cáo công bố hôm 11/2/2017 của Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng:

“Sứ vụ của Đức TGM Đặc Sứ Hoser là thu thập thêm những kiến thức sâu xa hơn về tình hình mục vụ tại Medjugorje và nhất là về những nhu cầu của các tín hữu đến đó hành hương, và dựa theo đó, đề nghị những sáng kiến mục vụ cho tương lai. Vì thế, sứ vụ này hoàn toàn có tính chất mục vụ.”

- Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công Giáo và Tin lành Đức.

5 thế kỷ sau cuộc Cải cách của Tin lành, các lãnh đạo Công Giáo và các Giáo Hội Tin lành Luther đã hiệp nhất với nhau trong việc đưa ra các bản dịch Thánh Kinh mới. Các bản dịch Thánh Kinh tiếng Đức được chỉnh sửa đã được đưa ra trong một buổi họp mặt đại kết tại nhà thờ thánh Eberhard của Công Giáo, với sự có mặt của các chức sắc tôn giáo của hai bên. Một nhóm 200 người của hai Giáo Hội đã tham gia vào tiến trình chỉnh sửa này.

ĐHY Reinhard Marx của TGP Munich và Freising, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã nhấn mạnh Sách Thánh Kinh như là sợi dây liên kết chặt chẽ được chia sẻ bởi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành. Các vị lãnh đạo của Công Giáo và Tin lành thông báo rằng họ sẽ dùng bản dịch Thánh Kinh mới trong các buổi đại kết trong tương lai. Cuộc cải cách của nhà thần học Martin Luther xảy ra vào năm 1517 khi ông phát triển 95 luận đề chất vấn các thực hành lâu đời của Giáo Hội Công Giáo.

Cuộc cải cách gây ra một cuộc chiến tranh tôn giáo, để lại sự chia rẽ sâu sắc giữa các tín hữu Tin lành và Công Giáo hàng thế kỷ. Giáo Hội Công Giáo tại Đức hiện có khoảng 24 triệu tín hữu và Tin Lành khoảng 23 triệu tín hữu, đa số là Tin Lành Luther trên tổng số hơn 82 triệu dân.

- Một linh mục Chính Thống Giáo bị bắt về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II.

Linh mục Georgy Mamaladze, giám đốc ủy ban quản lý tài sản của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Georgia, đã bị bắt giữ về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II. Viện trưởng Viện Công Tố Irakly Shotadze đã cho biết như trên hôm thứ Hai 13 tháng Hai. Ông Irakly Shotadze nói: “Linh mục Georgy Mamaladze đã có một mối quan hệ căng thẳng với Đức Thượng Phụ và những người bên cạnh ngài. Cuộc điều tra xác định được rằng cha Mamaladze đã chuẩn bị giết một người và đó là lý do tại sao ông đã mua cyanide từ một người chưa quen biết”.

Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu, và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả trong quan hệ với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Cộng đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 vừa qua ở đảo Creta bên Hy Lạp. Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm Georgia của Đức Thánh Cha Phanxicô hồi cuối tháng Chín năm ngoái, Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II, năm nay 84 tuổi, là nhà lãnh đạo Chính Thống được kính trọng nhất tại Georgia, đã ra tận sân bay đón Đức Thánh Cha, và trong buổi gặp gỡ tại Tòa Thượng Phụ Georgia, tựa vào chiếc gậy chống, ngài chào đón ĐTC Phanxicô như là “người anh em thân mến của tôi”.

- Người Kitô hữu lục tục trở về Mosul.

Mosul - Theo trang web ankawa.com, thì ít nhất đã có 3 gia đình người Armenia trở về nhà ở khu vực phía đông cuả thành phố Mosul. Họ là các gia đình Kitô giáo đầu tiên trở về, mặc dù tình hình an ninh vẫn chưa được ổn định hoàn toàn trên toàn thành phố. Gần đây, vẫn còn xảy ra nhiều vụ đánh bom tự sát hoặc bắn súng cối gây tử thương cho 9 thường dân. Đám chiến binh Hồi Giáo Daesh thuộc tổ chức khủng bố ISIS đã đánh chiếm Mosul ngày 9 tháng 6 năm 2014. Trong những tuần kế tiếp, tất cả các Kitô hữu trong thành phố đã bị trục xuất và phải chạy qua các làng Kitô giáo ở vùng bình nguyên Nineveh; rồi khi quân ISIS tiến chiếm vùng này, họ lại phải chạy về các trại tị nạn ở Kirkuk và Erbil là những nơi có quân Peshmerga của người Kurd bảo vệ. Nhóm tị nạn cuối cùng là một nhóm 10 cụ già, bị trục xuất ngày 7/1/2015 vì từ chối không bỏ đạo. Cả nhóm, toàn là những người già yếu không đủ sức lê chân, đã mò tới được Kirkuk sau hai ngày lặn lội qua vùng chiến tuyến “bắn bỏ tự do (no man's land)” trong cái lạnh thấu xương cuả vùng sa mạc.

- Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ.

New Delhi – Nhu cầu về văn chương Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ và thị trường đang mở rộng. Cha Saju Chackalackal, dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm và là giám đốc về Loan báo Tin mừng và mục vụ của dòng đã nói với hãng tin Fides như thế. Cha nói: “Rất nhiều người, cả người học thức cũng như dân làng và dân ở các thành phố, mong muốn có một bản Thánh kinh, đặc biệt là Tân Ước. Hiện nay có một mong ước giữa dân chúng là có thể có các sách về Kitô giáo để giúp các tin hữu có một ý niệm rõ ràng và đào sâu nội dung đức tin Kitô giáo và cụ thể là về Giáo Hội Công Giáo.” Cha Saju cũng cho biết là các thừa sai dòng Cát minh và các dòng khác yêu cầu cung cấp Thánh kinh để phân phát cho dân chúng, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, … nhưng do yêu cầu gia tăng nên các nguồn của ủy ban Loan báo Tin mừng và mục vụ không đủ để cung cấp. Dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm được thành lập trong Giáo Hội Siro-Malaba và là hội dòng Công Giáo đầu tiên ở Ấn độ.

- ĐHYCharles Maung Bo: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ.

Miến Điện – Tại Myanmar đang bị khuấy động bởi các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đẫm máu, Đức Mẹ là đấng duy nhất hiệp nhất con người của mọi sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Đó là lời khẳng định của ĐHY Charles Maung Bo, TGM Yangon, với 100 ngàn khách hành hương thuộc các tôn giáo khác nhau, trong cuộc hành hương hàng năm tại đền thánh Đức Maria ở Nyaunglebin, miền Bago, Myanmar. Đối với ĐHY, sự liên kết – đặc tính của cuộc hành hương kính Đức Mẹ - là “một sự kiện hiếm hoi” và hòa bình mà “anh chị em đang cảm nghiệm” không phải là một yếu tố chung cho cả nước Myanmar. ĐHY nhấn mạnh đến các cuộc xung đột làm cho hơn 200 ngàn người trở thành tị nạn tại chính đất nước mình.

Ngài nói: “Không phải chính phủ hay Liên hiệp quốc có thể là nguồn hiệp nhất như Mẹ Maria làm hôm nay cho tất cả chúng ta.” ĐHY mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt với Mẹ Maria, là Nữ vương hòa bình, để xin Mẹ ban bình an cho quốc gia của Ngài, từ 60 năm nay vẫn phải sống trong chiến tranh, không phải chiến tranh với ngoại bang nhưng giữa anh em với nhau.

- Cộng sản đánh đập dã man linh mục và dân đi khiếu kiện Formosa

Ngày 14/ 2/2017, một đoàn hàng trăm người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km đến Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện Formosa, công ty đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung, khiến người dân mất nguồn sinh kế.

Một vị linh mục và ngư dân trong đoàn người này cho biết họ đã bị tấn công “tàn nhẫn”, nhiều người “sống dở chết dở” khi đang trên đường đi nộp đơn kiện. Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn giáo dân của ngài, cho đài VOA biết: “Cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và an ninh mặc thường phục đã tràn ra vây bắt tôi và đánh đập. Bà con giáo dân đến bảo vệ tôi thì nó bắt những người làm truyền thông cho lên xe và chở đi.”

Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết thêm: “Nó đuổi, nó bắt và nó đánh đập tàn nhẫn. Nó đánh đập rất nhiều người bây giờ sống giở chết giở ngoài bệnh viện. Rất nhiều người, khoảng vài ba chục người, đã bị đánh đập, … hiện các nạn nhân đang được cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá địa phương.”

Những hình ảnh được cập nhật liên tục trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã bị đánh với những vết thương khá nặng, bị rách trán, bầm mắt, dập môi…

Vợ của một ngư dân tham gia trong đoàn đi kiện cho đài VOA biết: “Chết sống gì chúng tôi cũng phải đi để đòi lại sự thật, đòi họ đền bù cho chúng tôi, chứ chúng tôi bị thiệt hại, chúng tôi không biết phải sống bằng nghề gì. Nếu họ có đánh đập, chúng tôi chết vì sự thật, chúng tôi vẫn cứ sẵn sàng.”
 
Cuộc thăm dò mới của PEW cho thấy thái độ tích cực gia tăng đối với người Công Giáo và mọi tôn giáo khác
Vũ Văn An
18:08 16/02/2017
Một cuộc thăm dò mới vừa được Trung Tâm Nghiên Cứu Pew công bố vào ngày 15 tháng Hai cho thấy thái độ của người Mỹ đối với những người có đức tin đã gia tăng trong ba năm qua, và người Do Thái Giáo và người Công Giáo đặc biệt được mọi người có đức tin coi trọng.

Cuộc thăm dò trên được tiến hành trong các ngày 9-23 tháng Giêng năm 2017. Những người tham gia cuộc thăm dò này thuộc cả hai Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đàn ông và đàn bà, người già và người trẻ. Họ được yêu cầu sắp hạng các tôn giáo trên một “hàn thử biểu tâm tình”, với 0 ít nồng ấm nhất tới 100 nồng ấm nhất.

Lần trước đây nhất cuộc thăm dò này được tiến hành là tháng Sáu, năm 2014. Lúc đó, người Do Thái Giáo và Công Giáo đã dẫn đầu danh sách các nhóm tôn giáo được coi trọng nhất rồi; nhưng từ đó, hai nhóm tôn giáo này đã được gia tăng cảm tình của người được thăm dò. Thái độ công cộng đối với người Do Thái Giáo tăng 4 điểm, từ 63 lên 67. Cùng trong giai đoạn này, cảm tình nồng ấm dành cho người Công Giáo tăng từ 62 lên 66.

Các nhóm tôn giáo khác cũng nhận được sự gia tăng cảm tình tuy không cùng một mức độ như hai nhóm vừa kể. Các nhóm tôn giáo được gia tăng cảm tình là Phật Giáo (60), Ấn Giáo (58), Mormons (58), Vô thần (50) và Hồi Giáo (48). Chỉ có Kitô Hữu Phúc Âm (Evangelical Christians) là vẫn giữ mức 61.

Một số khám phá không gây ngạc nhiên bao nhiêu, như, đích thân biết một ai đó trong một nhóm tôn giáo đặc thù khiến người có cảm tình nồng ấm hơn đối với nhóm này nói chung.

Và xét chung, các người trả lời có trình độ học vấn cao thường phát biểu các tình cảm tích cực đối với mọi nhóm tôn giáo hơn các người có trình độ học vấn thấp. Luật trừ là các Kitô hữu Phúc Âm: họ ít được nhìn một cách nồng ấm (trung bình là 57) bởi những người có trình độ bằng cấp cao đẳng hơn những người không có bằng cấp cao đẳng; những người sau xếp các Kitô hữu Phúc Âm ở mức 63.

Những khác nhau giữa người già và người trẻ

Một khám phá do cuộc thăm dò này mang lại là sự khác nhau trong việc người già và người trẻ Hoa Kỳ nhìn các đồng công dân của họ thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau. Những người Hoa Kỳ 65 tuổi hay cao tuổi hơn cho thấy một khoảng cách khá lớn về cảm tình đối với các nhóm tôn giáo khác nhau: họ sắp hạng người Thệ Phản Chính Dòng ở mức 75 nhưng xếp người Vô Thần ở mức 44. Khoảng cách 31 điểm này được giảm bớt đáng kể nơi người Hoa Kỳ trẻ hơn (khoảng tuổi 18-29), những người này sắp hạng cao nhất và thấp nhất chỉ cách nhau 12 điểm. Những người trẻ tuổi hơn sắp hạng Phật Giáo lên đầu, với 66 điểm, trong khi sắp hạng người Mormons thấp nhất (54 điểm).

Việc làm hẹp lại khoảng cách như trên nơi người trẻ Hoa Kỳ là điều tốt hay là điều xấu?

Một đàng, nếu kết quả thăm dò mang ý nghĩa một lòng khoan dung lớn hơn đối với những người có quan điểm khác với mình, thì đây hẳn là điều tốt. Đàng khác, nếu đó là do thiếu thông tin và, tệ hơn, do thiếu quan tâm về những điều nói tới Thiên Chúa, thì đây có thể là dấu hiệu không tốt dẫn đến một xã hội càng ngày càng bị thế tục hóa, đẩy mọi tín ngưỡng vào phạm vi tư riêng.

Nếu cái nhìn khác biệt nhau hơn của người Hoa Kỳ có tuổi về các nhóm tôn giáo khác nhau cho thấy một thiên kiến và kỳ thị cố hữu, thì đây là một điều xấu. Nhưng nếu khoảng cách khá rộng về cảm tình của họ là do kết quả của kinh nghiệm sống và kiến thức bản vị sâu sắc hơn, thì đây là thái độ vừa thực tiễn vừa hũu ích.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh nói về vụ khiếu kiện Formosa
Mặc Lâm / RFA
06:37 16/02/2017
Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh nói về vụ khiếu kiện Formosa
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Sáng ngày 14 tháng 2, đúng vào ngày lễ Valentine, hàng trăm giáo dân từ giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu lên đường tiến về Kỳ Anh với mục đích nộp đơn khởi kiện Formosa xả thải gây thiệt hại trực tiếp cho gia đình họ. Chính quyền đã thẳng tay ngăn cản đàn áp. Một số người bị đánh đập, bắt giữ khiến tình hình càng thêm căng thẳng. Mặc Lâm phỏng vấn Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh, đương kim Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam để tìm hiểu thêm quan điểm của Giáo Hội trước vấn đề quan trọng này.

Do hai bên khác quan điểm

Mặc Lâm: Thưa Đức Giám Mục, chắc ngài cũng đã được thông báo ngày hôm nay 14 tháng 2 tại Giáo xứ Song Ngọc do linh mục Nguyễn Đình Thục làm quản xứ có cuộc tập trung về Kỳ Anh để nộp dơn khiếu kiện Formosa và cuộc tập trung ấy đã bị đàn áp, tấn công và có người bị thương cũng như bị giam giữ. Đức Giám Mục có chia sẻ gì về việc này?

ĐGM Nguyễn Chí Linh: Thú thật là ngày hôm nay tôi hơi bận việc thành ra tôi không nắm thông tin này lắm. Tôi có nghe loáng thoáng nhưng chưa kịp tìm hiểu thêm chi tiết. Tôi chưa đọc báo trên mạng thành thử ra tôi không dám đưa ra nhận định gì vì quá sớm.

Đây là hồ sơ đã kéo dài từ lâu rồi, bà con trong đó họ cũng cảm thấy cuộc sống của họ bị ảnh hưởng quá nặng nề và họ chỉ có mỗi cái nguyện vọng là nhà nước giải quyết cho họ một cách công bằng để họ khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thảm họa về môi trường do nhà máy Formosa tạo ra.

Nói chung thì hai bên, một bên là nhà nước một bên là bà con giáo dân do chưa có cùng quan điểm cho nên nó cũng tạo nên những xung khắc. Tôi chỉ xin nói chung chung như thế chứ thú thật cũng chưa nắm vững chi tiết nên không thể nói nhiều hơn được. Tôi ở ngoài giáo phận Thanh Hóa và bây giờ tôi còn là Giám mục Huế nên phải đi ra đi vô còn việc xảy ra thì ở Giáo phận Vinh nên cũng khó.

Hội đồng Giám mục có thể làm gì?

Mặc Lâm: Có lẽ do nóng lòng với những hình ảnh anh em mình bị đánh đập có người dổ máu và nhất là Linh mục Nguyễn Đình Thục cũng bị đánh, trên mạng xã hội đã đưa ra câu hỏi về sự im lặng của hàng giáo phẩm Việt Nam, Đức Giám Mục là Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam ngài có câu trả lời nào cho hiện tình này?

ĐGM Nguyễn Chí Linh: Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng phải lựa chọn thái độ nào mà nó không gây tổn thất lớn cho cả hai phía. Trong những bức thư chung trước đây chúng tôi cũng có đề cập đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra nhưng thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam thì nó phải chừng mực nếu không thì nó sẽ bị ngộ nhận.

Cái vấn đề Hội đồng Giám mục đặt ra là hậu quả của những phản ứng. Làm thế nào để phản ứng của bà con giáo dân không trở thành cái cớ để câu chuyện phức tạp hơn. Hội đồng Giám mục Việt Nam vẫn cho rằng thảm họa môi trường là điều phải quan tâm và chúng tôi trong chỗ riêng tư hay khi có dịp cũng có trao đổi với bên phía nhà nước rằng sự đấu tranh của bà con giáo dân nó không mang màu sắc chính trị mà chỉ mang màu sắc công lý và hòa bình mà thôi.

Cho tới bây giờ thì hai bên cũng chưa đồng thuận được với nhau. Bên Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa thể tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ nhưng cũng có chia sẻ những suy nghĩ của mình đối với phía các cơ quan công quyền một cách kín đáo.

Chẳng hạn như vừa rồi vào trước Noel thì Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm trong Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng được mời với tư cách đại biểu của tôn giáo đến dự buổi tọa đàm do Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức tại Dinh Độc lập Sài Gòn thì Đức Cha Khảm cũng có đề cập đến vấn đề môi trường. Cho nên không phải là Hội đồng Giám mục Việt Nam im lặng hoàn toàn đâu nhưng cái cách tham gia ý kiến nó phải có chừng mực nào đó và có sự khôn ngoan để không tạo ra những điều đáng tiếc. Cho tới bây giờ thì tôi chỉ có thể nói như vậy thôi.

Mặc Lâm: Bây giờ thì ít nhiều ngài cũng đã rõ hoàn cảnh của giáo dân Song Ngọc cũng như các giáo xứ lân cận, Ngài có chia sẻ gì muốn gửi tới họ ạ?

ĐGM Nguyễn Chí Linh: Trước đây tôi đã từng đi thăm chỗ giáo xứ Đông Yên và giáo xứ gần đó tức là trong khu vực của nhà máy Formosa. Tôi đến để động viên họ và bây giờ cái điều mà tôi muốn nhắn gửi cho bà con ở những vùng lâm nạn mà theo thông tin trên mạng họ bị đối xử không như người ta mong đợi. Dĩ nhiên tôi đồng cảm và cố gắng tối đa để có thể làm cái gì đó để nguyện vọng của bà con được nhà cầm quyền lắng nghe hơn, còn như thế nào thì cũng phải bàn thảo với các vị khác trong Hội đồng Giám mục.

Một lần nữa cũng xin cáo lỗi vì tôi chưa nắm vững tình hình nên không có đủ tự tin để mà nói một cách xác quyết hơn, hy vọng sẽ có một dịp khác.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Đức Giám Mục.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tái Đi-Tái Lại Vẫn Còn Thiu
Phạm Trần
06:21 16/02/2017
Tái Đi-Tái Lại Vẫn Còn Thiu

Hội nghị Trung ương 5 tháng 5/2017 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bàn kế hoạch xây dựng lại nền kinh tế, hay “Tái cơ cấu kinh tế đợt 2”, sau 5 năm “Tái cơ cấu thứ nhất” vẫn chưa đi đến đâu.

Đó là nội dung mà ai ở Việt Nam cũng đọc được từ bài phát biểu của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm và làm việc Ban Kinh tế Trung ương ngày 11/02/2017.

Đợt “Tái cơ cấu” đầu tiên bắt đầu từ năm 2012, một năm sau khi ông Trọng được khóa Đảng XI bầu vào chức Tổng Bí thư, đồng thời có quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương để tham mưu cho Đảng “về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.”

Sau khi kiểm điểm công tác, ông Trọng đã tự an ủi “có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay” , nhưng lập tức ông trở lại với tình hình thực tế không sáng như ông tuyên truyền.

Ông nói:” Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trên con đường phát triển vẫn rất nặng nề và gay gắt. Tình hình đất nước, thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nợ xấu, nợ công tăng cao; việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, yếu kém.” (nguồn: báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), 12/02/2017)

Chi tiết hơn, “đảng trưởng” Nguyễn Phú Trọng thừa nhận :”Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập; vi phạm về môi trường xảy ra nghiêm trọng, gây tác hại lớn và bức xúc trong xã hội trong khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra sớm và nặng nề hơn so với dự báo…”

HẬU QỦA TRƯỚC MẮT

Đem lời ông Trọng ứng vào thực tế thì thấy chất lượng hàng hóa của Việt Nam sản xuất không thể cạnh tranh được với hàng hoá của các nước trong khu vực, ngọai trừ Lào, Campuchia và Myanmar (tên cũ là Burma hay Miến Điện).

Nhưng về năng xuất lao động của công nhân Việt Nam, báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp (DĐDN) ngày 08/05/2016 viết:”Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam đã thua Lào, chỉ còn cao hơn được Myanmar và Campuchia. Năng suất lao động của người Việt đang tăng chậm lại và tụt hậu so với nhiều nước khác.”

Nghiêm trọng hơn, DĐDN viết:”Tốc độ tăng năng suất chỉ bằng một nửa tốc độ của Trung Quốc, trong khi thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp qua.

Mặc dù năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2015 tính theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu VND, tương đương 3.657 USD/lao động, tăng 6,42% so với năm 2014, đưa bình quân giai đoạn 2005 – 2015 tăng 3,9%/năm, tuy nhiên, nghiên cứu của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Central Institute for Economic Management) về năng suất lao động chỉ ra từ năm 2005, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam có xu hướng đi xuống đến mức thấp nhất là 2,57% vào năm 2009. Kể cả trong giai đoạn 1992 – 2014, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam ở mức khá cao là 4,64%/năm, thì tốc độ này ở Trung Quốc là 9,07%/năm. Thu nhập bình quân người Việt năm 2015 ở mức 2.109 USD, chỉ tương đương 1/6 thu nhập của người Malaysia và 1/16 Singapore.”

Thời kỳ được gọi là “dân số vàng” của Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 khi Ngân hàng Thế giới (World Bank) ghi nhận Việt Nam có số người lao động trẻ trung đông gấp đôi so với người phụ thuộc. Tuy nhiên, theo báo DĐDN thì:” Dấu hiệu già hóa dân số xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu vào năm 2011. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 18 tới 20 năm nữa, Việt Nam sẽ già hóa dân số.”

Điều này có nghĩa năng xuất lao động của “lớp gìa” này sẽ giảm theo thời gian tuổi và do đó sẽ làm chậm mức tăng trưởng kinh tế.

Về ô nhiễm Môi Trường đang phá họai kinh tế và làm suy yếu sức khỏe con người Việt Nam, báo Zing.VN cho biết trong số ra ngày 19/11/2016:”Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Con số này của Trung Quốc là 10%. Với đà này, Việt Nam sắp vượt Trung Quốc về chỉ số này.”

Báo này còn trích lời Phó Giáo Sư-Tiến sỹ (PGS.TS) Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân dẫn chứng, thì trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% đang vi phạm quy định về môi trường.

Vẫn theo Zing.VN thì :”Trong đó, số doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Invesment) chiếm tới 60% trên tổng các doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn. Tình hình xả thải ở hầu hết các doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, nghiên cứu về hành vi môi trường của các doanh nghiệp do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện cho thấy có 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ các chất BOD, COD, TSS vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến 12 lần.”

Báo này công khai tố cáo trong số các Doanh nghiệp nước ngoài, đa số từ Trung Hoa và Đài Loan, đã và đang thải chất độc ở Việt Nam có các Công ty như: “Công ty TNHH Huyndai- Vinasin (Khánh Hoà); công ty TNHH Miwon Việt Nam; công ty Tung Kuang; công ty TNHH Mei SHeng Textiles Việt Nam (Trung Quốc). Đặc biệt là vụ Vedan năm 2011 và Formosa năm 2016.”

Gíao sư Trường tố cáo:” Hiện có đến 80% doanh nghiệp FDI coi môi trường là yếu tố để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã mang công nghệ bị cấm sử dụng ở nước họ sang Việt Nam, nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn, để tiếp tục vòng đời công nghệ, tranh thủ chi phí đầu tư môi trường thấp, loại thuế, phí đánh vào môi trường thấp hơn ở công ty mẹ.”

TRÁCH AI –AI TRÁCH ?

Như vậy khi ông Nguyễn Phú Trọng than phiền đủ chuyện để ta thán và đổ lỗi cho cấp thừa hành thì ông và 18 Ủy viên Bộ Chính trị làm gì mà không có các giải pháp làm giảm bớt hay chận đứng tình trạng sa sút này ?

Cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong suốt bài phát biểu tại Ban Kinh tế Trung ương ngày 11/02/2017, không ai nghe ông Trọng nhận lỗi hay nhân danh Bộ Chính trị, cơ chế quyết định mọi việc của đảng và nhà nước, xin lỗi đã gây tác hại kinh tế cho đất nước và sức khỏe người dân như thế nào.

Điều này có lẽ cũng giải thích lý do tại sao không hề thấy ông Trọng quan tâm đến tình trạng ô nhiễm trong không khí ngay tại Thủ đô Hà Nội, nơi ông sống và làm việc.

Theo số thống kê của Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội ngày 5/10/2016 thì ô nhiễm trong không khí ở thành phố này từ 241 đến 245, đứng số 1 trên Thế giới. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Hoa, nơi bị các hãng Du lịch khuyên du khách nên tránh đứng hàng thứ 5 với chỉ số 152.

Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy ông Trọng lập lại lời kêu gọi quen thuộc:”Tình hình trên đòi hỏi chúng ta, cả hệ thống chính trị, trong đó có Ban Kinh tế Trung ương phải nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn để tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.”

Mấy chữ “tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn” không mới mà cũ lắm rồi. Quan điểm này được lập lại cho thấy trong 5 năm qua, chủ trương “tái cơ cấu kinh tế” đã không đem lại kết qủa.

Vì vậy ông Trọng đã yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương hãy tìm câu trả lời xem:

1)” Thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu ?”

2) “ Vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra; vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng ngàn tỷ đồng “bị đắp chiếu”?

Vì vậy, chính ông cũng thắc mắc:”Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình “đắp chiếu”, nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?”

Đồng thời ông cũng yêu cầu :”Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.”

Như vậy rõ ràng sau 30 năm gọi là “Đổi mới” và 5 năm “Tái cơ cấu”, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều trì trệ vì nhà nước vẫn không coi “kinh tế tư nhân” ngang hàng với “kinh tế nhà nước” mà chỉ muốn “phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.”

Từ bao nhiêu năm qua, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã khuyên đảng Cộng sản Việt Nam hãy mạnh dạn bỏ cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” khi làm “kinh tế thị trường” nhưng đảng không nghe. Đảng chỉ sợ mất quyền và mất cả lợi nên cứ mãi bám lấy mớ bòng bong được gọi là “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” để lê lết không giống ai.

Đã vậy, đảng còn khăng khăng để cho “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” , tức là khối Doanh nghiệp nhà nước trong các Tổng công ty hay độc lập phải là đầu tầu của nền kinh tế.

ĐUA NHAU THUA LỖ

Ngặt nỗi phần đông các Công ty này đều làm ăn thua lỗ vì tham nhũng, lợi ích nhóm bao vây chia phần, đầu tư ngoài mục tiêu, dàn trải và lãng phí ngân sách nên nợ nần chống chất.

Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Việt Nam, VOV) viết trong bản tin ngày 21/07/2016 :”Kết quả kiểm toán vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước hiệu quả hoạt động giảm sút, thua lỗ.”

Theo đó, :”Kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, qua kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), công ty thì hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút, thua lỗ.”

Chi tiết hơn, VOV viết:”Chẳng hạn, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2014 của TCT Lâm nghiệp là 8,6% (giảm 3,48% so với năm 2013); Vinaconex 8,5% (giảm 3,33%); PVN 15,56% (giảm 10,45%); Hfic 22,64% (giảm 2,64%); IDICO 9,8% (giảm 1,42%)…

Có đến 5/38 TĐ, TCT, công ty kinh doanh thua lỗ, như: Vinalines lỗ 3.478,48 tỷ đồng; TCT 15 lỗ 471,1 tỷ đồng; Vinaincon lỗ 131,96 tỷ đồng; TCT Mía đường II lỗ 15,18 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng.

Nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn như các tổng công ty: Văn hóa Sài Gòn, Công nghiệp Sài Gòn, Mía đường II, Vinataba, Đường sông miền Nam, Du lịch Sài Gòn, EVN miền Trung, EVN Hà Nội, Vinalines…”

Ngoài ra còn có:”Nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng để tình trạng nợ khó đòi lớn, như: Mobifone thì riêng Công ty mẹ có nợ khó đòi chiếm 30,4% nợ phải thu; Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố Hồ Chí Minh có nợ khó đòi chiếm 81,19%; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông lâm hải sản có nợ khó đòi chiếm 62%; Hapro cũng tới 25,7% nợ khó đòi; TCT Điện lực miền Bắc nợ khó đòi 49,8 tỷ đồng, TCT Điện lực miền Nam 16,7 tỷ đồng, TCT Điện lực thành phố Hồ Chí Minh 34,3 tỷ đồng, TCT Truyền tải điện Quốc gia 53,8 tỷ đồng ...”

Nếu bấy nhiêu thua lỗ chưa đủ thì hãy đọc thêm trên báo Nhân Dân ngày 08/02/2017, theo đó:”12 dự án kém hiệu quả có nguy cơ đóng cửa, phá sản.”

Trong đó bao gồm: “Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.”

Tờ báo chính thức của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN không ngần ngại vạch ra rằng:”Cả theo báo cáo sơ bộ trước đây và thực tế, có thể thấy lý do thua lỗ hay không hiệu quả khá đa dạng: Ngoài đầu tư dở dang vì thiếu vốn, lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng và tỷ giá tăng, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, sản phẩm có sức cạnh tranh kém trong bối cảnh dư cung và giá bán giảm sâu; không ngoại trừ những lý do liên quan trực tiếp hay gián tiếp ít nhiều là sự chi phối bởi lợi ích nhóm gắn với hạn chế về năng lực và trách nhiệm, chất lượng xây dựng, thẩm định và cơ chế quản lý của các dự án… Ngoài ra, có thể còn bộc lộ thêm những lý do đặc thù cụ thể khác của từng dự án.”

Làm ăn như thế mà bấy lâu nay chả có ai bị đem ra chặt đầu mới lạ. Đã vậy, ông Trọng còn thúc bách Ban Kinh tế Trung ương hãy tập trung trí tuệ để giúp Hội nghị Trung ương 5 ban hành “một nghị quyết mới, đúng tầm, góp phần làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.”

TÁI DI TÁI LẠI

Nói như thế nhưng chả hiểu ông Trọng có biết rằng khối doanh nghiệp nhà nước đã “nồng cốt” từ lâu mà có ra cơ đồ gì đâu ? Bây giờ muốn vực chúng dậy thì phải có 10,5 triệu tỷ đồng, (tương đương khoảng 480 tỷ U.S. Dollars) để “tái cơ cấu kinh tế” lần thứ hai cho giai đọan 2016-2020.

Con số 10,5 triệu tỷ đồng do Bộ trưởng Kế họach-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bầy trước Quốc hội ngày 20/10/2016. Ông nói rằng kế họach này được”tập trung vào phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý FDI; tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước.” (VNNET, 20/10/2016)

Ông Dũng nói 5 nội dung trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 gồm:

1. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

2. Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.

3. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.

4. Hiện đại hóa công tác quy hoạch,cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

5. Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Đó là những “dự kiến tái” của nhà nước. Có làm được hay không lại là chuyện khác.

Nhưng lấy tiền đâu ra mà “tái” với “gía” ?

Theo báo chí bên Việt Nam thì nhà nước dự kiến :

(1)Nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành và địa phương chiếm tỷ lệ lớn. Dự kiến khoảng 3,57 triệu tỷ đồng (tương đương gần 180 tỷ USD).

(2) Một nguồn vốn khác là từ đầu tư nước ngoài (FDI). Trong thời kỳ này dự kiến thu hút được trên 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 68 tỷ USD).

(3) Chính phủ cũng tính đến huy động thêm nguồn vốn ODA (Official development assistance (ODA) và vốn vay ưu đãi. Cụ thể giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt khoảng 39,5 tỷ USD.

Những nguồn vốn khác cũng sẽ được huy động để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu.

(4) Chẳng hạn, việc đẩy mạnh quyết liệt thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cũng có thể tạo ra nguồn thu từ 15 - 20 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2020.

Kế họach “tái cơ cấu” lần 2 mang nhiều “dự kiến” hơn kế họach thực tế nên đang được tranh luận sâu rộng trong các giới chuyên môn với nhiều nghi ngờ và dè dặt

CHUYÊN GIA PHÊ BÌNH

Báo VietNamNet (VNNET) đưa tin ngày 24/10/2016:” Phát biểu gần đây tại hội thảo chuyên đề về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Tiến sĩ Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế thời gian qua tiếp tục “mở” theo chiều rộng thay vì mục tiêu chiều sâu, trong khi cả 3 trụ cột tái cơ cấu đều chuyển biến chậm chạp, trì trệ.”

Ba trụ cột chính của Việt Nam gồm: “Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.”

VNNET viết tiếp:”Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cách tiếp cận theo bề rộng dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ đã không thể tiếp tục do nguồn lực đã huy động tới hạn. “Trong thời gian dài, Nhà nước đã đặt trọng tâm là luôn huy động, chứ không phải phân bổ nguồn lực hiệu quả. Cách thức tăng trưởng như thế chắc chắn tạo rủi ro bất ổn kinh tế và bỏ qua các cải cách thị trường”, ông Cung cảnh báo.”

Ông Cung nói:” Vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực, mà quan trọng hơn là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội.”

Chuyên gia này cho rằng:” Việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước nhưng lại không được sử dụng hiệu quả. Nếu mải mê huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên.”

Ông Cung nói thẳng:” Khi nói đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều người thường băn khoăn lấy nguồn lực ở đâu.

“Từ đó, người ta mới bắt đầu hô hào “Huy động, huy động và huy động!” nhưng tôi nghĩ cách đó không phải. Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa!”

Báo VNNET còn trích lời Tiến Sỹ Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng” khi điều hành kinh tế.

Ông Du nói:“Công bằng hiểu đơn giản là người thổi sáo tốt nhất nên được nhận cây sáo tốt nhất. Khi đó, hiệu quả sẽ tốt lên. Nhưng Việt Nam ngược lại. Thời gian qua, người thổi sáo tệ nhất lại được nguồn lực tốt nhất, cây sáo tốt nhất”.

Ông Du còn trách :”Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả mà lại được ưu ái nhiều. Còn DN tư nhân làm ăn tốt lúc này bị đóng thuế nhiều và gặp nhiều cản trở để trở lên tốt hơn.”

Theo quan điểm ngay thẳng của chuyên gia này thì :”Để kinh tế Việt Nam thay da đổi thịt, thời gian tới chìa khóa là phải làm sao chặn được động cơ khuyến khích ngược trong các lĩnh vực nền kinh tế; tránh kiểu làm tốt lại bị phạt, làm kém lại nhiều lợi ích.

“Nếu không câu chuyện tái cơ cấu hết năm này đến năm khác vẫn bàn mà nền kinh tế không đột phá được”.

Như vậy thì có phải càng tái càng thiu không bà con ? -/-

Phạm Trần

(02/017)
 
Vì một Việt Nam có môi trường sinh thái xanh sạch
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
17:58 16/02/2017
Trong thời gian vừa qua, cả nước lắng lo trước vấn nạn môi trường đang ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng: cá chết hàng loạt trải dài từ Bắc vào Trung. Báo đài đưa tin, nhà nước vào cuộc để truy tìm nguyên nhân. Sau một thời gian, Formosa đã cúi đầu thừa nhận sai phạm. Rất nhiều ngư dân, trong đó có các giáo dân thống thiết mong chờ một giải pháp hợp tình hợp lý hơn từ nhà hữu trách. Tuy nhiên, vì không như lòng ước nguyện nên họ lên đường gửi đơn kiện Formosa.

Trong ngày lễ Valentine vừa qua, hơn 1000 người dân thuộc giáo xứ Song Ngọc – đa số làm nghề đi biển và làm muối từ nước biển – bằng con đường pháp luật, họ đi đòi lại quyền sống, đòi lại môi trường trong sạch, đòi lại sự công bằng. Tiếc là họ bị đàn áp, bị ném đá… khiến nhiều người bị thương. Trong biến cố này có người đồng tình ủng hộ, có người chê bai trách móc cha xứ và giáo dân, có người im lặng thờ ơ. Nhưng dẫu sao, là người Việt, ai chẳng mong có được môi trường sinh thái xanh sạch trên quê hương Việt Nam!

Khi chứng kiến đoàn người vì miếng cơm manh áo phải đứng lên tìm kiếm công lý và hoà bình như thế, các Kitô hữu được mời gọi xích lại gần nhau bằng mối dây của tình đồng bào bằng lời cầu nguyện và tình liên đới với những ai bị ảnh hưởng do thảm họa môi trường và bị đối xử bất công. Đó là nguồn ai ủi lớn lao dành cho những ai đang bị thiệt thòi, đang vì thảm họa môi trường mà chịu khó khăn trăm bề. Đôi khi trong hoàn cảnh khó khăn như thế, họ cảm thấy mình bị lãng quên, vì chưa nhận được nhiều hỗ trợ. Hơn nữa, ít người biết đến họ vì họ bị cách xa sự chú ý của giới truyền thông. Hẳn nhiên trong những ngày vừa qua, giáo xứ Song Ngọc may mắn được nhiều người biết đến nhờ mạng Facebook. Qua đó, họ nhận được nhiều sự đồng cảm, sẻ chia và nguyện cầu của nhiều người trong và ngoài nước.

Là những người mang dòng máu Việt Nam, ai chẳng mong cho nước Việt thêm giàu mạnh, thêm đẹp xinh! Tuy nhiên, trước những hoàn cảnh phức tạp và khó khăn do nhiều yếu tố, đôi khi người ta cảm thấy bất lực trước hàng loạt nguyên do gây nên bất công; và nhiều lúc cũng bất lực trước hàng ngàn lý do gây nên thảm họa môi trường. Chúng dường như vượt quá sự kiểm soát của cá nhân hay một tập thể nhỏ. Phải thừa nhận rằng trong hoàn cảnh như thế, những người nghèo nhất trong số những người nghèo sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề trước tiên. Họ có thể là anh chị em, là đồng bào của ta. Họ là những nạn nhân đáng thương cần được giúp đỡ, cần được liên đới và cần những lời cầu nguyện của biết bao nhiêu người. Ước mong nhiều người trên quê hương Việt Nam này cùng chia sẻ khó khăn với những ai đang vì công bằng, vì cuộc sống ấm no, vì một môi trường thiên nhiên trong sạch lại phải chịu nhiều chống đối bất công. Hy vọng những hy sinh quả cảm của họ sớm được lắng nghe, đón nhận, để các bên cùng nhau đối thoại công bằng, minh bạch với tình đồng bào dân Việt.

Nơi từng đau khổ về thể lý cũng như tinh thần của những nạn nhân trong ngày valentine vừa qua, có sự hiện diện của Đức Giêsu vác thập giá. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi họ, không lãng quên những ai đau khổ. Ngài không cách xa những ai tìm kiếm công lý và xây dựng hòa bình. Trong hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng, sức mạnh của Thiên Chúa có thể mang đến sự sống mới cũng như sự chữa lành cho những ai đang bị tổn thương, cho nhưng nơi chịu thảm họa môi trường. Không có phương thế nào hữu hiệu hơn sức mạnh của lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Phương thế ấy giúp ta kiên trì chống lại sức mạnh của bạo bực và bất công, bằng lối nẻo của đối thoại và phi bạo lực theo Tin Mừng.

Dù đang phải trải qua thời gian khó khăn với vấn nạn môi sinh, một thiên nhiên đang oằn mình vì biết bao chất độc hại, nhưng chúng ta vẫn dám ước mơ kiến tạo một đất nước, một môi trường và một xã hội tốt đẹp hơn. Bởi khi chúng ta tin yêu và cậy trông vào Chúa, thì Người “có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới.” (x. Ep 3, 20); và vì vậy, người Kitô cần đứng vững, “chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an.” (x. Ep 6, 15). Trước Thiên Chúa tình yêu, mỗi Kitô hữu được mời gọi tiếp tục cầu nguyện cho sự thịnh vượng của đất nước, cùng nhau dấn thân kiến tạo hòa bình và không còn bất công!

Lạy Chúa, chúng con đến trước nhan Chúa để cầu nguyện cho những ai đang dấn thân vì công lý và hòa bình. Xin ban cho họ ơn an ủi. Chúa là sức mạnh của họ. Chúa là đường là sự thật và là sự sống. Xin trao ban bình an của Chúa cho mỗi người chúng con, và chúc lành cho môi trường thiên nhiên chúng con đang sống. Xin giúp những nhà lãnh đạo tìm được an bình và làm cho sự thật được triển nở trong tâm hồn. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Có Đôi
Đặng Đức Cương
19:15 16/02/2017
CÓ ĐÔI
Ảnh của Đặng Đức Cương
Đến như hoa lá cũng cần có nhau…
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 15/2/2017
VietCatholic Network
09:52 16/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha nói: Niềm hy vọng Kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa.

2- Hội đồng Hồng Y công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với con người và huấn quyền của ĐTC Phanxicô.

3- Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vừa qua đời tại Việt Nam.

4- ĐTC gửi Đặc Sứ đến Medjugorje để tìm hiểu nhu cầu mục vụ.

5- Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công Giáo và Tin lành Đức.

6- Một linh mục Chính Thống Giáo bị bắt về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II.

7- Người Kitô hữu lục tục trở về Mosul.

8- Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ.

9- ĐHY Charles Maung Bo của Miến Điện nói: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ.

10- Cộng sản đánh đập dã man linh mục và dân đi khiếu kiện Formosa.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Đức Thánh Cha nói: Niềm hy vọng kitô dựa trên tình yêu thương của Thiên Chúa.

“Niềm hy vọng Kitô vững vàng và không gây thất vọng, vì nó dựa trên chính tình yêu trung thành và chắc chắn mà Thiên Chúa có đối với từng nguời trong chúng ta, chứ không dựa trên điều chúng ta có thể làm hay có thể là, hoặc có thể tin.” ĐTC Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 15 tháng 2 năm 2017, trong đại thính đường Phaolô 6. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài niềm hy vọng không gây thất vọng, dựa trên đoạn kinh thánh trích từ chương 5 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma. ĐTC nói:

“chúng ta được mời gọi khoe khoang về ơn thánh dồi dào, trong đó chúng ta được thấm nhuần trong Đức Giêsu Kitô, qua lòng tin. Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta học đọc hiểu mọi sự với ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận ra rằng tất cả là ơn thánh! Tất cả là quà tặng. Thật vậy, nếu chúng ta chú ý hành động – trong lịch sử cũng như trong cuộc sống chúng ta – chúng ta không cô đơn, nhưng trước hết có Thiên Chúa hành động. Chính Ngài là nhân vật tuyệt đối, là Đấng tạo dựng mọi sự như một ơn của tình yêu thương, là Đấng dệt chương trình cứu độ của Ngài, và đưa nó tới chỗ thành toàn cho chúng ta, qua Đức Giêsu Con Ngài.”

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thánh Phaolô còn khích lệ chúng ta khoe khoang trong khốn khó nữa. Điều này không dễ mà hiểu được… Thật ra sự bình an mà Chúa cống hiến và bảo đảm cho cho chúng ta không được hiểu như là vắng bóng lo lắng, vỡ mộng, thiếu sót, và các lý do khổ đau. Nếu đã là như thế, thì trong trường hợp chúng ta thành công ở trong an bình, lúc đó sẽ mau kết thúc và chúng ta sẽ rơi vào sự chán nản không thể tránh được.

Và ĐTC nói thêm, … niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta không chia rẽ chúng ta với những người khác, lại càng không đưa chúng ta tới chỗ làm mất uy tín họ, hay gạt bỏ họ ngoài lề. Trái lại, đây là một ơn ngoại thường mà chúng ta được mời gọi làm kênh dẫn truyền tới mọi người, với lòng khiêm tốn và đơn sơ. Khi đó sự khoe khoang lớn nhất của chúng ta sẽ là có một Thiên Chúa là Cha, là Đấng không có các ưu tiên, không loại trừ ai hết, nhưng mở rộng cửa nhà cho tất cả mọi người như con cái Ngài , bắt đầu từ những người sau cùng và xa nhất; để như là con cái của Ngài chúng ta học an ủi và nâng đỡ nhau.

ĐTC đã chào các tín hữu và các đoàn hành hương đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Đức Thánh Cha cũng chào ca đoàn thiếu nhi Note Ascendenti, Italia và các em đã hát chào mừng ĐTC.

Sau khi nghe các em hát ĐTC nói: Khi muốn một điều thì cũng phải làm như thế. Chúng ta phải làm như thế với lời cầu nguyện, khi chúng ta xin Chúa điều gì đó: năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ, năn nỉ… đó là một thí dụ đẹp, một thí dụ đẹp của lời cầu nguyện, xin cám ơn chúng con.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

- Hội đồng Hồng Y công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với con người và huấn quyền của Đức Phanxicô,

Theo tin của Cindy Wooden, thuộc Catholic News Service, ngày 13/2/2017, sau một số thách thức công khai đối với giáo huấn và thẩm quyền của ĐTC Phanxicô, các thành viên của Hội Đồng 9 Hồng Y do chính Ngài thành lập, nhân dịp phiên họp thứ 18, đã bày tỏ “sự ủng hộ hoàn toàn” của các vị đối với việc làm của ngài. Thực vậy, theo một bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ĐHY người Honduras, Oscar Rodriguez Maradiaga, phối trí viên của Hội Đồng, khởi đầu phiên họp, với sự hiện diện của ĐTC Phanxicô, đã cam đoan với ĐTC rằng: các Hồng Y hoàn toàn ủng hộ con người và huấn quyền của ngài. Bản tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho hay việc ủng hộ hoàn toàn này đã được đưa ra liên quan tới các biến cố gần đây. Tuy Bản Tuyên Bố không cho biết đó là những biến cố nào, nhưng nó được công bố chỉ vài ngày sau khi một ấn bản giả của nhật báo Tòa Thánh là L’Osservatore Romano được gửi qua điện thư cho các giới chức Tòa Thánh và một tuần lễ sau khi các bích chương được phát hiện trên các bức tường quanh Thành Phố Rôma chỉ trích ngài về các hành vi liên quan tới Hội Hiệp Sĩ Malta và một số nhóm khác. Nó cũng xuất hiện một vài tháng sau ngày Đức Hồng Y người Mỹ Raymond Burke và 3 vị Hồng Y đã về hưu công khai tỏ ý hoài nghi đối với giáo huấn của ngài trong chương 8 của Tông Huấn "Amoris Laetitia".

- Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa vừa qua đời tại Việt Nam

Theo bản Cáo Phó của Giáo phận Nha Trang, đăng trên VietCatholic ngày hôm qua, 14/ 2/2017, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, với 58 năm Linh mục và 42 năm Giám mục, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã được về cùng Chúa lúc 8.00 chiều thứ Ba ngày 14/ 2/ 2017, tại Tòa Giám Mục Nha Trang, hưởng thọ 86 tuổi. Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 9.00 sáng thứ Bảy ngày 18/ 2/ 2017 tại Tòa Giám Mục Nha Trang. Sau đây là phần tóm lược tiểu sử của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, trích từ bản Cáo Phó của Giáo Phận Nha Trang:

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa sinh ngày 20/7/1931, tại Bối Kênh, Bình Lục, Hà Nam.

Ngài thụ phong Linh mục tại Roma ngày 10/ 12/1959, trong thời gian còn đang du học tại Đại Chủng viện Propaganda Fide, Roma – Italia. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học và Cử nhân Thánh Nhạc tại Đại học Urbaniana và Học viện Giáo hoàng về Thánh nhạc, Roma – Italia.

Trở về Việt Nam năm 1963, ngài được bổ nhiệm làm linh mục phó xứ Chánh Tòa Đà Lạt, kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Trí Đức, Đà Lạt. Năm 1968, ngài gia nhập Giáo phận Ban Mê Thuột, được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa Giám mục, đồng thời kiêm nhiệm Linh hướng Dòng Nữ Vương Hoà Bình, Ban Mê Thuột.

Ngày 10/1/1975, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phan Thiết. Ngài chọn khẩu hiệu ‘’ Trong Tinh thần và Chân lý ‘’ làm châm ngôn mục vụ.

Ngày 5/4/1975, ngài được tấn phong Giám mục tại Tòa giám mục Ban Mê Thuột, và sau đó, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô VI thuyên chuyển làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.

Từ 2001-2007, ngài là Chủ tịch HĐGMVN trong 2 nhiệm kỳ VIII và IX.

Từ 2006 -2009, ngài được chỉ định làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.

Ngày 4/12/2009, ngài được Tòa thánh chấp nhận cho nghỉ hưu vì lý do tuổi tác.

Như đã thông báo ở phần đầu của bản tin này, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã được về cùng Chúa tại Tòa Giám Mục Nha Trang, vào lúc 20g00, thứ Ba ngày 14/2/2017.

4- Đức Thánh Cha gửi Đặc Sứ đến Medjugorje để tìm hiểu nhu cầu mục vụ.

VATICAN - Hôm 11/ 2/ 2017, ĐTC đã bổ nhiệm ĐC Henryk Hoser, TGM giáo phận Varsava-Praga - Ba Lan, đến Medjugorje trong tư cách là Đặc Sứ của Tòa Thánh. Làng Medjugorje, cũng gọi là làng Mễ-Du thuộc cộng hòa Bosni Erzegovine, là nơi 6 thiếu niên Công Giáo người Croát quả quyết họ đã được Đức Mẹ hiện ra từ ngày 24/ 6/ 1981. Từ đó đến nay, đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây. Giáo Quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Hồi tháng 3/ 2010, ĐTC Biển Đức XVI cũng đã lập Ủy ban điều tra gồm 20 chuyên gia quốc tế, và bổ nhiệm ĐHY Camillo Ruini, nguyên Giám quản Roma, làm chủ tịch. Sau gần 4 năm làm việc, hồi tháng 2/2014 Ủy ban đã đệ trình lên ĐTC Phanxicô, nhưng cho đến nay Tòa Thánh chưa công bố kết quả cuộc điều tra hoặc quyết định gì về Medjugorje.

Vì chưa được công nhận, nên Giáo quyền chỉ cám các cuộc hành hương chính thức, nhưng không cấm các tín hữu đến hành hương với tư cách riêng.

Thông cáo công bố hôm 11/2/2017 của Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng:

“Sứ vụ của Đức TGM Đặc Sứ Hoser là thu thập thêm những kiến thức sâu xa hơn về tình hình mục vụ tại Medjugorje và nhất là về những nhu cầu của các tín hữu đến đó hành hương, và dựa theo đó, đề nghị những sáng kiến mục vụ cho tương lai. Vì thế, sứ vụ này hoàn toàn có tính chất mục vụ.”

- Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công Giáo và Tin lành Đức.

5 thế kỷ sau cuộc Cải cách của Tin lành, các lãnh đạo Công Giáo và các Giáo Hội Tin lành Luther đã hiệp nhất với nhau trong việc đưa ra các bản dịch Thánh Kinh mới. Các bản dịch Thánh Kinh tiếng Đức được chỉnh sửa đã được đưa ra trong một buổi họp mặt đại kết tại nhà thờ thánh Eberhard của Công Giáo, với sự có mặt của các chức sắc tôn giáo của hai bên. Một nhóm 200 người của hai Giáo Hội đã tham gia vào tiến trình chỉnh sửa này.

ĐHY Reinhard Marx của TGP Munich và Freising, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã nhấn mạnh Sách Thánh Kinh như là sợi dây liên kết chặt chẽ được chia sẻ bởi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành. Các vị lãnh đạo của Công Giáo và Tin lành thông báo rằng họ sẽ dùng bản dịch Thánh Kinh mới trong các buổi đại kết trong tương lai. Cuộc cải cách của nhà thần học Martin Luther xảy ra vào năm 1517 khi ông phát triển 95 luận đề chất vấn các thực hành lâu đời của Giáo Hội Công Giáo.

Cuộc cải cách gây ra một cuộc chiến tranh tôn giáo, để lại sự chia rẽ sâu sắc giữa các tín hữu Tin lành và Công Giáo hàng thế kỷ. Giáo Hội Công Giáo tại Đức hiện có khoảng 24 triệu tín hữu và Tin Lành khoảng 23 triệu tín hữu, đa số là Tin Lành Luther trên tổng số hơn 82 triệu dân.

- Một linh mục Chính Thống Giáo bị bắt về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II.

Linh mục Georgy Mamaladze, giám đốc ủy ban quản lý tài sản của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Georgia, đã bị bắt giữ về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II. Viện trưởng Viện Công Tố Irakly Shotadze đã cho biết như trên hôm thứ Hai 13 tháng Hai. Ông Irakly Shotadze nói: “Linh mục Georgy Mamaladze đã có một mối quan hệ căng thẳng với Đức Thượng Phụ và những người bên cạnh ngài. Cuộc điều tra xác định được rằng cha Mamaladze đã chuẩn bị giết một người và đó là lý do tại sao ông đã mua cyanide từ một người chưa quen biết”.

Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu, và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả trong quan hệ với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Cộng đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 vừa qua ở đảo Creta bên Hy Lạp. Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm Georgia của Đức Thánh Cha Phanxicô hồi cuối tháng Chín năm ngoái, Đức Thượng Phụ Georgia Ilia II, năm nay 84 tuổi, là nhà lãnh đạo Chính Thống được kính trọng nhất tại Georgia, đã ra tận sân bay đón Đức Thánh Cha, và trong buổi gặp gỡ tại Tòa Thượng Phụ Georgia, tựa vào chiếc gậy chống, ngài chào đón ĐTC Phanxicô như là “người anh em thân mến của tôi”.

- Người Kitô hữu lục tục trở về Mosul.

Mosul - Theo trang web ankawa.com, thì ít nhất đã có 3 gia đình người Armenia trở về nhà ở khu vực phía đông cuả thành phố Mosul. Họ là các gia đình Kitô giáo đầu tiên trở về, mặc dù tình hình an ninh vẫn chưa được ổn định hoàn toàn trên toàn thành phố. Gần đây, vẫn còn xảy ra nhiều vụ đánh bom tự sát hoặc bắn súng cối gây tử thương cho 9 thường dân. Đám chiến binh Hồi Giáo Daesh thuộc tổ chức khủng bố ISIS đã đánh chiếm Mosul ngày 9 tháng 6 năm 2014. Trong những tuần kế tiếp, tất cả các Kitô hữu trong thành phố đã bị trục xuất và phải chạy qua các làng Kitô giáo ở vùng bình nguyên Nineveh; rồi khi quân ISIS tiến chiếm vùng này, họ lại phải chạy về các trại tị nạn ở Kirkuk và Erbil là những nơi có quân Peshmerga của người Kurd bảo vệ. Nhóm tị nạn cuối cùng là một nhóm 10 cụ già, bị trục xuất ngày 7/1/2015 vì từ chối không bỏ đạo. Cả nhóm, toàn là những người già yếu không đủ sức lê chân, đã mò tới được Kirkuk sau hai ngày lặn lội qua vùng chiến tuyến “bắn bỏ tự do (no man's land)” trong cái lạnh thấu xương cuả vùng sa mạc.

- Nhu cầu về sách Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ.

New Delhi – Nhu cầu về văn chương Kitô giáo gia tăng ở Ấn độ và thị trường đang mở rộng. Cha Saju Chackalackal, dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm và là giám đốc về Loan báo Tin mừng và mục vụ của dòng đã nói với hãng tin Fides như thế. Cha nói: “Rất nhiều người, cả người học thức cũng như dân làng và dân ở các thành phố, mong muốn có một bản Thánh kinh, đặc biệt là Tân Ước. Hiện nay có một mong ước giữa dân chúng là có thể có các sách về Kitô giáo để giúp các tin hữu có một ý niệm rõ ràng và đào sâu nội dung đức tin Kitô giáo và cụ thể là về Giáo Hội Công Giáo.” Cha Saju cũng cho biết là các thừa sai dòng Cát minh và các dòng khác yêu cầu cung cấp Thánh kinh để phân phát cho dân chúng, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, … nhưng do yêu cầu gia tăng nên các nguồn của ủy ban Loan báo Tin mừng và mục vụ không đủ để cung cấp. Dòng Cát Minh Đức Maria Vô nhiễm được thành lập trong Giáo Hội Siro-Malaba và là hội dòng Công Giáo đầu tiên ở Ấn độ.

- ĐHYCharles Maung Bo: Chỉ có Mẹ Maria hợp nhất các sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ.

Miến Điện – Tại Myanmar đang bị khuấy động bởi các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đẫm máu, Đức Mẹ là đấng duy nhất hiệp nhất con người của mọi sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Đó là lời khẳng định của ĐHY Charles Maung Bo, TGM Yangon, với 100 ngàn khách hành hương thuộc các tôn giáo khác nhau, trong cuộc hành hương hàng năm tại đền thánh Đức Maria ở Nyaunglebin, miền Bago, Myanmar. Đối với ĐHY, sự liên kết – đặc tính của cuộc hành hương kính Đức Mẹ - là “một sự kiện hiếm hoi” và hòa bình mà “anh chị em đang cảm nghiệm” không phải là một yếu tố chung cho cả nước Myanmar. ĐHY nhấn mạnh đến các cuộc xung đột làm cho hơn 200 ngàn người trở thành tị nạn tại chính đất nước mình.

Ngài nói: “Không phải chính phủ hay Liên hiệp quốc có thể là nguồn hiệp nhất như Mẹ Maria làm hôm nay cho tất cả chúng ta.” ĐHY mời gọi cầu nguyện cách đặc biệt với Mẹ Maria, là Nữ vương hòa bình, để xin Mẹ ban bình an cho quốc gia của Ngài, từ 60 năm nay vẫn phải sống trong chiến tranh, không phải chiến tranh với ngoại bang nhưng giữa anh em với nhau.

- Cộng sản đánh đập dã man linh mục và dân đi khiếu kiện Formosa

Ngày 14/ 2/2017, một đoàn hàng trăm người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km đến Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện Formosa, công ty đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung, khiến người dân mất nguồn sinh kế.

Một vị linh mục và ngư dân trong đoàn người này cho biết họ đã bị tấn công “tàn nhẫn”, nhiều người “sống dở chết dở” khi đang trên đường đi nộp đơn kiện. Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn giáo dân của ngài, cho đài VOA biết: “Cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và an ninh mặc thường phục đã tràn ra vây bắt tôi và đánh đập. Bà con giáo dân đến bảo vệ tôi thì nó bắt những người làm truyền thông cho lên xe và chở đi.”

Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết thêm: “Nó đuổi, nó bắt và nó đánh đập tàn nhẫn. Nó đánh đập rất nhiều người bây giờ sống giở chết giở ngoài bệnh viện. Rất nhiều người, khoảng vài ba chục người, đã bị đánh đập, … hiện các nạn nhân đang được cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá địa phương.”

Những hình ảnh được cập nhật liên tục trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã bị đánh với những vết thương khá nặng, bị rách trán, bầm mắt, dập môi…

Vợ của một ngư dân tham gia trong đoàn đi kiện cho đài VOA biết: “Chết sống gì chúng tôi cũng phải đi để đòi lại sự thật, đòi họ đền bù cho chúng tôi, chứ chúng tôi bị thiệt hại, chúng tôi không biết phải sống bằng nghề gì. Nếu họ có đánh đập, chúng tôi chết vì sự thật, chúng tôi vẫn cứ sẵn sàng.”
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 17/02/2017: Câu Chuyện Hạt Thóc Dâng Tặng Ðức Vua
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:30 16/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Cám dỗ chạy trốn Thiên Chúa

Khi yếu đuối sa chước cám dỗ, tất cả chúng ta cần ơn sủng của Chúa nâng đỡ giúp sức, để chúng ta không sống kiểu che giấu, nhưng biết nài xin ơn tha thứ của Chúa để đứng dậy và làm lại từ đầu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 10 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta.

Có những cám dỗ thôi thúc chúng ta che giấu chính mình trước Chúa. Chúng ta giấu giếm các tội lỗi, những yếu đuối, những sai lầm. Trong bài đọc trích sách Sáng Thế, ma quỷ dưới hình dạng con rắn ma lanh, đầy hấp dẫn và nhiều mưu mẹo lừa gạt, nó là chuyên gia trong chuyện lừa dối, là cha của kẻ gian dối, và là kẻ gian dối. Nó đi lừa người ta. Nó làm cho bà Eva cảm thấy thích thú, nó nói chuyện với bà, và từng bước dẫn dụ bà làm theo ý nó.

Chúng ta hãy nhớ lại, Chúa Giêsu thì khác. Trong sa mạc, Chúa đã làm cho ma quỷ phải bẽ mặt. Khi ấy, ma quỷ cố tìm cách nói chuyện với Chúa Kitô, để tìm cách lừa Chúa, bởi vì ma quỷ lừa người ta khi nó nói chuyện với họ. Chúa Giêsu không vấp ngã, vì Chúa không dựa vào lời của tên cám dỗ, Chúa cũng không dựa vào lời của bản thân, nhưng dựa vào Lời của Thiên Chúa. Anh chị em không thể nói chuyện với ma quỷ, vì nếu nói chuyện với ma quỷ thì sẽ có kết cục giống như Adam Evà, và cuối cùng cả hai đều trần trụi.

Ma quỷ đối xử rất tệ, trả công rất kém! Nó chuyên lừa đảo. Nó hứa hẹn là cho anh chị em mọi thứ, nhưng thực tế kết cục là manh áo che thân, anh chị em cũng không có. Ma quỷ là con rắn rất thông minh, anh chị em không thể nói chuyện với nó. Chúng ta đều biết cám dỗ là gì, chúng ta biết, vì tất cả chúng ta đều bị nhiều cám dỗ. Những cám dỗ đó là hư danh, kiêu ngạo, tham lam…v.v. Nhiều lắm.

Người ta thường nói và tiếp tục nói về tham nhũng. Chúng ta cần xin ơn Chúa nâng đỡ để khỏi sa vào cơn cám dỗ này.

Có quá nhiều vụ tham nhũng, có nhiều vụ tham nhũng tai tiếng trên thế giới mà chúng ta biết. Có lẽ những vụ ấy đã bắt đầu với những gì rất nhỏ. Tôi không biết, “chẳng lẽ lại không biết điều chỉnh tốt cho ngân sách một chút, một gam thì đáng gì: không đáng gì, chúng tôi coi 900 gam thì có vẻ cũng giống như một ký thôi”. Tham nhũng bắt đầu như thế đó. Nó giống như cuộc đối thoại: “Ồ không có gì đâu, trái cây đó không làm hại bạn đâu. Ăn đi, nó tốt lắm! Chuyện nhỏ mà, không có gì đáng kể đâu. Làm đi bạn, làm đi!” Từng chút từng chút một, và rồi bạn sẽ lún sâu vào tội lỗi, bạn sẽ rơi vào băng hoại.

Chúng ta đừng ngây ngô, đừng ngốc nghếch chạy trốn như Adam Eva. Chúng ta hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa, vì tự sức mình chúng ta không thể. Hãy nài xin ân sủng của Chúa Giêsu để chúng ta có thể trở lại mà xin ơn tha thứ.

Khi bị cám dỗ chạy trốn, khi bị cám dỗ không dám thưa chuyện với Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, con yếu đuối lắm, xin Chúa nâng đỡ con! Con không muốn che giấu Chúa điều gì.” Đó chính là dũng cảm, và đó chính là cách chiến thắng cám dỗ. Khi anh chị em bắt đầu thưa chuyện với Chúa, cũng là lúc anh chị em chiến thắng cám dỗ. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, nguyện xin Chúa cùng đồng hành với mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể can đảm, và nếu chúng ta có yếu đuối mà bị cám dỗ lừa dối chăng nữa, chúng ta vẫn có đủ can đảm để đứng dậy và tiến về phía trước. Vì lý do này, mà Chúa Giêsu đã đến trần gian. Chúa đến để cứu giúp chúng ta.

2. Câu Chuyện Hạt Thóc Dâng Tặng Ðức Vua

Đại thi hào Tagore có kể câu chuyện sau: “Có một người hành khất ngồi bên vệ đường. Ông nghe người ta kháo nhau rằng hôm đó, Ðức Vua sẽ ngự giá đi qua ngôi làng. Người hành khất cố gắng lê lết đến trước cổng làng, lòng nhủ thầm: “Ðây là dịp may duy nhất đời tôi”. Từ đằng xa, khi vừa thấy xa giá xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, khi xa giá vừa đến trước cổng làng, Ðức Vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin người hành khất bố thí.

Người hành khất bèn đưa tay vào trong chiếc bị cũ kỹ nhơ bẩn của mình để kéo ra một hạt thóc. Anh trịnh trọng đặt hạt thóc vào trong tay Ðức Vua. Ðức Vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù.

Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra. Lạ lùng thay, giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một hạt vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khóc nức nở hối tiếc: “Phải chi ta đã cho Ðức Vua tất cả những gì ta có...”

Thiên Chúa đối xử với chúng ta cũng giống như vị Vua đối xử với người hành khất. Ngài muốn trao ban cho chúng ta tất cả kho báu trên Thiên Ðàng. Qua người con một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta chính Sự Sống của Ngài. Qua Sự Sống chúng ta đã lãnh nhận, qua sự hiện diện của những người anh em chúng ta, qua ngay cả những thất bại và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn nhắc đến với từng người chúng ta như một người hành khất. Chúng ta tưởng chúng ta đang chìa tay van xin trước. Kỳ thực, chính Ngài mới là kẻ không ngừng đưa tay ra để xin chúng ta mở rộng đôi tay và quả tim của chúng ta. Tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là như những con người có tự do, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tôn trọng chúng ta. Ngài muốn trao ban tất cả cho chúng ta vì yêu thương. Nhưng cũng chính vì yêu thương, cho nên Ngài không làm cách nào khác hơn là van lơn, kêu mời chúng ta. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một cái gật đầu, một hạt thóc nhỏ rút từ trong chiếc bị khốn cùng của chúng ta. Một nghĩa cử nhỏ mọn làm cho người anh em, một chút tin yêu hy vọng giữa bao nhiêu thử thách khó khăn của cuộc sống, một chút khiêm tốn và sám hối sau những lần vấp ngã: đó là những hạt thóc bé nhỏ mà chúng ta có thể trao tặng cho Chúa để từ đó lãnh nhận trở lại tất cả kho tàng Yêu Thương của Ngài.

3. Người phụ nữ mang đến cho thế giới vẻ đẹp hài hòa

Nếu không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Người nam và người nữ không phải là bằng nhau, cũng không phải là hơn kém nhau; nhưng không phải là người nam mà là chính người nữ mang lại sự hài hòa cho thế giới và làm cho thế giới xinh đẹp. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm mùng 9 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta

Rất nhiều lần chúng ta nói về người phụ nữ theo kiểu: “là phụ nữ thì phải làm cái này”. Nhưng hãy lưu ý rằng, người phụ nữ có thể mang đến điều mà nam giới không thể, đó là vẻ đẹp hài hòa của Đấng Tạo Hóa.

Khi không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa. Khi nói chuyện, chúng ta nói: nhưng đây là một xã hội với ưu thế mạnh mẽ của nam giới, và thế là? Bỏ quên nữ giới. Ừ thì phụ nữ phải rửa bát quét nhà giặt ủi… Không, không, không. Người phụ nữ đem đến sự hài hòa. Thật không công bằng, không được thiên vị cho bên này hoặc bên kia. Không. Chỉ có người nam thôi, thì không hài hòa, cần có người phụ nữ nữa. Và người phụ nữ dạy cho chúng ta cách trân trọng, cách yêu thương, sự dịu hiền, và làm cho thế giới những điều tuyệt đẹp.

Trong câu chuyện Sáng Thế, người đàn ông cảm thấy cô đơn, rồi ông ước mơ, và Thiên Chúa dẫn đến cho ông một người phụ nữ, thế là cả hai vui mừng và nên một xương một thịt. Trong một buổi tiếp kiến, khi chào mọi người, tôi hỏi một cặp vợ chồng kỷ niệm 60 năm ngày cưới rằng: “Ai trong hai người đã kiên nhẫn hơn?”

Họ nhìn tôi, nhìn vào mắt tôi. Tôi không bao giờ quên ánh mắt ấy. Sau đó họ trở lại và nói với tôi, cả hai cùng nói với tôi: Chúng con yêu thương nhau. Sau 60 năm, điều ấy thực sự có nghĩa là một xương một thịt. Và đây chính là điều mà người phụ nữ đem tới: đó là khả năng yêu thương. Đó là sự hài hòa trong thế giới. Nhiều lần, chúng ta nghe thấy rằng: “Không, điều cần thiết cho xã hội này, cho tổ chức này, là ở đây phải có phụ nữ để làm việc này làm việc kia…” Không, không, không, không: các công việc chức năng ấy không phải là mục đích của người nữ. Đúng là người phụ nữ cũng phải làm việc như tất cả chúng ta. Nhưng mục đích chính là: người phụ nữ đem đến sự hài hòa, và không có phụ nữ thì sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Khai thác con người, là một tội ác chống lại nhân loại. Và khi tận dụng lợi thế của người phụ nữ quá mức, thì đó là đang phá hủy vẻ đẹp hài hòa mà Thiên Chúa ban cho thế giới. Khai thác phụ nữ chính là phá hủy.

Thiên Chúa ban cho chúng ta một người nữ tuyệt vời là Mẹ Maria. Đây chính là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta những người phụ nữ. Trong Tin Mừng, chúng ta nghe về những người phụ nữ đầy can đảm và tốt lành. Nhưng còn hơn cả lòng dũng cảm, còn hơn thế nữa: người phụ nữ là vẻ đẹp hài hòa là vẻ đẹp nên thơ. Nếu không có người phụ nữ, thế giới không còn đẹp đẽ, thế giới sẽ mất đi sự hài hòa. Tôi thích nghĩ như thế, bản thân tôi nghĩ như thế. Thiên Chúa đã tạo nên người nữ, vì tất cả chúng ta có chung một người mẹ.

4. Thiên Chúa ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá

Thiên Chúa là Cha đã ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá: một là căn tính làm con của Cha trên Trời, hai là trái đất này cùng công trình sáng tạo, ba là tình yêu mến của Ngài. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba mùng 7 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta.

Trên tất cả, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta “DNA” và thế là Ngài dựng nên một con người, Ngài sáng tạo chúng ta theo hình ảnh Ngài, và giống như Ngài. Khi một người con được sinh ra, thì không thể đảo ngược được nữa: người con ấy đã thành hình, người con ấy đã hiện hữu, đã có đó. Dù ít dù nhiều, người con nhận lấy căn tính của cha.

Nếu người con trở nên tốt đẹp, thì người cha tự hào về con, bằng không thì? Nhưng nếu “xem ra là tốt thì!” Nếu có chút gì đó xấu, thì người cha vẫn nói: “Ồ, thật là tốt đẹp!” vì người cha là người cha. Luôn luôn như thế. Nếu đứa con trở nên tồi tệ, thì người cha bênh đỡ người con, chờ đợi người con… Chúa Giêsu dạy chúng ta về một người cha đợi chờ con cái. Chúa Giêsu ban cho chúng ta căn tính của người làm con: dù là nam hay nữ chúng ta phải nói thêm rằng chúng ta là những người con. Chúng ta giống Thiên Chúa bởi vì chúng ta là con cái Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã lao tác để làm nên công trình sáng tạo, và Ngài ban công trình ấy cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta công trình sáng tạo để đưa tất cả về cùng Đấng Tạo Hóa. Đừng phá hủy công trình sáng tạo, nhưng hãy làm cho công trình này phát triển, hãy chăm sóc, gìn giữ và làm trổ sinh hoa trái. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mọi sự.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì ba món quà Ngài đã ban cho chúng ta: căn tính làm con Thiên Chúa, quà tặng là công trình sáng tạo, và tình yêu mến của Ngài. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, để chúng ta gìn giữ căn tính làm con Thiên Chúa, để chúng ta lao tác với những tài năng nén bạc được trao phó mà làm sinh hoa kết trái, và để học biết yêu mến mỗi ngày một hơn.
 
Thời sự tuần qua 17/02/2017: Biến cố Medjugorje - 5 điều nên biết về phép lạ và các cuộc hiện ra
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:20 16/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Diễn biến đáng chú ý trong tuần qua là việc Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm một vị Tổng Giám Mục Ba Lan làm Đặc Sứ của ngài đến Medjugorje.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy 11 tháng Hai, đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ông Greg Burke, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, của tổng giáo phận Varsava-Praga, Ba Lan, đến Medjugorje trong tư cách là Đặc Sứ của Tòa Thánh để tìm hiểu nhu cầu mục vụ tại đây.

Ông Greg Burke nhấn mạnh rằng công việc của Đức Tổng Giám Mục Hoser tại Medjugorje không liên quan đến tính chất xác thực của các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại đây và chỉ thu hẹp trong phạm vi đời sống phụng vụ và bí tích ở Đền Thánh, nghĩa là những khía cạnh mục vụ.

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”. Đến nay đã có hơn 40 triệu người đến hành hương tại đây mặc dù giáo quyền địa phương đã điều tra và không nhìn nhận tính chất siêu nhiên của sự kiện.

Tháng Ba năm 2010, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Vatican đã thiết lập một ủy ban do Đức Hồng Y Ruini lãnh đạo để điều tra về các cuộc cho là Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje. Cuộc điều tra đã chấm dứt vào ngày 18 tháng Giêng 2014.

Đến nay Tòa Thánh chưa công bố chính thức kết luận của ủy ban điều tra nhưng căn cứ vào câu trả lời các ký giả trong chuyến bay trở về từ Sarajevo hôm 6 tháng Sáu, 2015, người ta cũng có thể đoán được Tòa Thánh sẽ không công nhận biến cố Medjugorje.

Trong khi chờ đợi một kết luận chính thức của Tòa Thánh, trong chương trình này, Trúc Ly xin giới thiệu một bài của nhà nghiên cứu Michael O'Neill được đăng trên National Geographic có tựa đề là “5 điều cần biết về phép lạ và các cuộc hiện ra”

1. Thứ Nhất: Giáo Hội khẳng định có phép lạ

Giáo Hội Công Giáo rất thận trọng trong rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề phép lạ. Tuy nhiên, Giáo Hội thực sự công nhận rất nhiều phép lạ và khẳng định rằng các phép lạ này thực sự đã xảy ra. Trong hầu hết các lễ tuyên phong Chân Phước và tuyên Thánh, Đức Thánh Cha công bố việc nhìn nhận một hay hai phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của vị Chân Phước và vị Thánh được tuyên phong, như một bảo chứng cho thấy các ngài đang được hầu cận thiên nhan Chúa. Như thế, Giáo Hội Công Giáo, trong mọi thời đại, ngay cả trong thời đại này tiếp tục khẳng định rằng phép lạ thực sự xảy ra. Đã có hàng ngàn hàng ngàn các trường hợp đã và đang được Giáo Hội xem xét. Nhiều trường hợp đã được phê duyệt, cho thấy phép lạ được nhìn nhận là đã xảy ra trên khắp mọi quốc gia trên thế giới, trong suốt toàn bộ lịch sử.

2. Thứ Hai: Các cuộc hiện ra được báo cáo nhiều nhất là các cuộc hiện ra của Đức Mẹ

Một trong những điều khá lý thú là đa số các cuộc hiện ra được báo cáo là các cuộc hiện ra của Đức Mẹ. Cũng có các báo cáo về các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu và các Thánh, nhưng cho đến nay số cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria được báo cáo là nhiều nhất. Cùng với các cuộc hiện ra này, nhiều người cũng đưa ra các thông điệp được cho là rất quan trọng cho tất cả các tín hữu.

3. Thứ Ba: Đến nay Tòa thánh chỉ công nhận 16 cuộc hiện ra

Trong suốt lịch sử, Giáo Hội rất thận trọng trong việc nhìn nhận các cuộc hiện ra. Lý do phải thận trọng là vì rất nhiều các cuộc hiện ra được đính kèm với các thông điệp. Có những thông điệp phù hợp với đức tin Công Giáo, hướng dẫn các tín hữu sống tốt lành, và làm thế nào để trở nên gần gũi hơn với Chúa Kitô. Nhưng cũng có cả các “thông điệp” đưa ra những điều kỳ quái trái nghịch với đức tin Công Giáo, những lời tiên tri về thời sau hết, sự trở lại trái đất của các vật thể lạ, một số điều rất điên rồ, nên Giáo Hội cần phải tìm hiểu xem những điều nào có thể trở thành một vấn đề đối với các tín hữu hoặc đi ngược lại đức tin và luân lý và thực hiện các điều chỉnh về mục vụ.

4. Thứ Tư: Cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ được biết đến là vào năm 40 sau Chúa Giáng Sinh

Theo truyền thống cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ được biết đến là vào năm 40 sau Chúa Giáng Sinh. Lúc đó, Thánh Giacôbê Tông Đồ, con ông Zêbêđê, đang tuyệt vọng không biết làm thế nào để thúc đẩy công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Compostela, bên Tây Ban Nha. Trong khoảnh khắc tuyệt vọng này, Đức Mẹ hiện ra với ngài để khuyến khích và an ủi. Sự tích này còn được ghi lại tại Vương Cung Thánh Đường Santiago de Compostela nơi được xem là còn lưu giữ lại thánh tích của ngài chịu tử đạo vào năm 44. Cuộc hiện ra này của Đức Trinh Nữ Maria là cuộc hiện ra rất lạ lùng vì lúc đó Đức Mẹ vẫn còn sống.

5. Thứ Năm: Các thị kiến về Đức Mẹ tại Medjugorje là lạ lùng hơn bất kỳ nơi nào khác trên trái đất.

Trường hợp Medjugorje rất độc đáo theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Trước hết, đã có rất nhiều người trên thế giới nói rằng họ đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria hoặc nhận được các thông điệp hoặc một phép lạ nào đó đã xảy ra cho họ tại Medjugorje.

Thứ hai là từ năm 1981 đến nay đã 36 năm. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981 vẫn kiên trì quan điểm của họ. Nhiều người băn khoăn không biết 6 người này thực sự đã thấy Đức Mẹ hiện ra với họ, hay suốt hơn 30 năm vẫn kiên trì phối hợp với nhau trong một nỗ lực lừa bịp rất quy mô như thế.

Medjugorje còn độc đáo ở chỗ có rất nhiều thông điệp hàng ngàn và hàng ngàn thông điệp hàng ngày xảy ra từ năm 1981. Những thông điệp này đã được phân phối trên toàn thế giới thông qua mạng lưới được phối hợp rất tốt. Điều này chưa từng bao giờ xảy ra trong lịch sử của thế giới. Thông qua Internet và các mạng truyền thông xã hội thật là dễ dàng để tung các thông điệp như các thông điệp Medjugorje ra cho các tín hữu.
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News