Ngày 15-02-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill
VietCatholic Network
07:25 15/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 7h45 sáng thứ Sáu ngày 12 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến sân bay Fiumicino để đáp chuyến máy bay của hãng hàng không Alitalia đi La Habana, thủ đô Cuba.

Trên màn ảnh là ông Alberto Gasbarri, giám đốc hành chánh của đài Vatican và là người tổ chức các chuyến viếng thăm của ngài tại nước ngoài. Từ 47 năm nay ông làm việc tại Vatican và ngày 1 tháng 3 này ông về hưu. Đây là chuyến đi cùng với Đức Thánh Cha lần cuối cùng của ông.

Đức Thánh Cha đã tự mình bước lên máy bay và ngài vấp té một vài lần. Hôm 26 tháng 9 năm ngoái khi lên máy bay đi từ New York sang Philadelphia, và hôm 8 tháng 11 khi tiến lên bàn thờ trong Đền Thờ Thánh Phêrô Đức Thánh Cha đã vấp té trên các bậc thang. Điều này gây nên những quan ngại cho tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha.

Theo dự trù, lúc 8h, máy bay cất cánh nhưng đã phải trễ lại để nhường phi đạo cho một chiếc máy bay của hãng Easyjet đáp xuống khẩn cấp.

Cùng tháp tùng Đức Thánh Cha trên máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia, có 30 vị thuộc đoàn tùy tùng, đứng đầu là Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và 76 ký giả quốc tế.

Trên máy bay, Đức Thánh Cha đã chào thăm các ký giả tháp tùng. Ngài đặc biệt cám ơn ông Alberto Gasbarri.

Tiếp đến, bà Valentina, người Mễ Tây Cơ, niên trưởng các ký giả tháp tùng Đức Thánh Cha, đã tặng ngài chiếc mũ vành rộng của Mêhicô, để ngài không bị nắng và giống người Mễ Tây Cơ hơn!

Sau chuyến bay dài 12 giờ 15 phút, máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đáp xuống phi trường José Martí của thủ đô La Habana, Cuba, lúc 2 giờ chiều giờ địa phương.

Ngài dừng lại đây hơn 3 tiếng đồng hồ để gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo chủ Chính Thống Nga.

Đức Thượng Phụ Kirill đã đến Cuba một ngày trước Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm dài 11 ngày tại Cuba. Ngài đến thăm Cuba theo lời mời của chủ tịch Raoul Castro nhân dịp kỷ niệm 45 năm khánh thành nhà thờ Chính Thống Nga đầu tiên tại La Habana. Tại đây có khoảng 15 ngàn tín hữu Chính Thống Nga.

Đức Thượng Phụ Kirill năm nay 70 tuổi, sinh ngày 20-11 năm 1946 tại thành phố Leningrad, nay là Petroburgo, trong một gia đình thân phụ là một linh mục Chính Thống giáo và thụ phong linh mục năm 1969 lúc mới 23 tuổi, rồi làm Giám Mục lúc 30 tuổi, trước khi được thăng Tổng Giám Mục năm sau đó. Năm 1984, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga và là thành viên thường trực thánh Hội đồng, tức là cơ quan cai quản Giáo Hội này. Năm 2009, ngài được bầu làm Thượng Phụ Chính Thống Mascơva và toàn nước Nga thứ 16, với số phiếu rất lớn.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva đứng hàng thứ 5 trong số 14 Giáo Hội Chính Thống, xét về niên thứ được nâng lên hàng Thượng Phụ, sau Constantinople ở Thổ Nhĩ kỳ, Alessandria bên Ai Cập, Antiokia nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ kỳ và Jerusalem, nhưng xét về số tín hữu, thì đây là Giáo Hội Chính Thống quan trọng nhất, vì trong số hơn 200 triệu tín hữu Chính Thống trên thế giới, có tới 2 phần 3 thuộc Chính Thống Nga.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha đã được chủ tịch Raoul Castro của Cuba tiếp đón cùng với Đức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Habana sở tại, một vài Giám Mục nước này và các chức sắc thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đón tiếp. Liền đó, Chủ tịch Raoul Castro hướng dẫn Đức Thánh Cha vào phòng khách của Ông, để rồi từ đây tiến vòng phòng khánh tiết của phi trường, cùng lúc Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga tiến vào phòng này từ một cửa khác.

Tại đây hai vị nói chuyện với nhau, Đức Thượng Phụ dùng tiếng Nga còn Đức Thánh Cha dùng tiếng Tây Ban Nha, có thông dịch viên giúp hai vị trao đổi với nhau. Hiện diện trong dịp này có Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Theo Cha Lombardi và Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ đề chính cuộc hội kiến là những cuộc bách hại các tín hữu Kitô tại Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Cả Đức Thánh Cha lẫn Đức Thượng Phụ Kirill nhiều lần lên tiếng tố giác các cuộc bách hại Kitô hữu tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Đông trong thời gian gần đây.

Tiếp sau cuộc hội kiến là phần trao đổi quà tặng. Rồi chủ tịch Raoul Castro tiến vào phòng khánh tiết vào lúc 4 giờ rưỡi chiều. Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ ký vào một tuyên ngôn chung với hai bản bằng tiếng Nga và Italia, trước khai trao đổi hai văn bản.

Lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha giã từ Đức Thượng Phụ Kirill và được Chủ Tịch Raoul của Cuba tháp tùng đến máy bay của hãng Alitalia. Lúc 5 giờ rưỡi chiều máy bay cất cánh chở Đức Thánh Cha đến phi trường thủ đô Mễ Tây Cơ để khởi sự cuộc viếng thăm như chương trình đã định.

Theo chương trình, sau 3 giờ bay, vượt qua 1,780 cây số, máy bay chở Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường thủ đô Mễ Tây Cơ lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Tại đây sau nghi thức đón tiếp ngài sẽ về tòa Sứ Thần ở thành phố Mexico City cách phi trường 19 cây số để dùng bữa và nghỉ đêm.
 
Chưa từng có quốc gia nào đón tiếp một vị Giáo Hoàng ngoạn mục như Mễ Tây Cơ
VietCatholic Network
07:25 15/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chuyến tông du thứ 12 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý đã được đánh dấu bằng một buổi lễ ngoạn mục chưa từng thấy.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Một phần của phi trường quốc tế Benito Juárez ở thủ đô Mễ Tây Cơ đã được biến thành một nhà hát khổng lồ với 3 lễ đài được dựng ngay gần phi đạo với hàng ngàn nhạc sĩ, nhạc công với những màn vũ dân tộc rất đẹp mắt. Họ ca hát và trình diễn những điệu vũ chào mừng Đức Thánh Cha từ 5 giờ chiều, tức là hai tiếng rưỡi đồng hồ trước khi máy bay đáp xuống.

Máy bay chở Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường quốc tế Benito Juárez lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Đây là lần thứ 7 một vị Giáo Hoàng đến thăm nước này: 5 lần do Đức Gioan Phaolô 2 và một lần do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 từ 23 đến 26 tháng 3 năm 2012, nhưng ngài không đến thủ đô Mễ Tây Cơ vì thành phố này ở cao độ 2,240 mét, không hợp cho sức khỏe của ngài theo lời khuyên của các bác sĩ.

Như Kim Thúy đã tường thuật hôm qua với quý vị và anh chị em là:

Sau cuộc gặp gỡ và từ biệt Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, Chủ tịch Raoul Castro đã tiễn Đức Thánh Cha đến chân thang máy bay.

Máy bay chở ngài cất cánh lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày 12-2 và trực chỉ phi trường thủ đô Mễ Tây Cơ cách đó 1,780 cây số về hướng tây. Trên chuyến bay dài 2 tiếng rưỡi, Đức Thánh Cha đầy vui mừng và phấn khởi vì cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, nên ngài đến gặp 76 ký giả tháp tùng. Ngài nói:

“Chào anh chị em, tôi nghĩ là với bản tuyên ngôn chung, anh chị em sẽ làm việc suốt đêm và cả ngày mai nữa! Vì thế, chúng ta không làm cuộc phỏng vấn bây giờ, nhưng tôi muốn nói với anh chị những tâm tình của tôi:

- Trước tiên là về cuộc tiếp đón và sự sẵn sàng của chủ tịch Castro. Lần trước thăm Cuba, tôi đã nói với ông về dự án cuộc gặp gỡ nhau và ông sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, và chúng ta thấy ông đã chuẩn bị tất cả cho cuộc gặp gỡ. Cần cám ơn ông chủ tịch về điều này.

- Thứ hai, với Đức Thượng Phụ Kirill. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện như giữa anh em với nhau. Những điểm rõ ràng, những bận tâm của hai bên, chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn. Tôi có cảm tưởng đang đứng trước một người anh em, và cả Đức Thượng Phụ cũng nói với tôi như vậy. Chúng tôi nói về tình hình hai Giáo Hội liên hệ, về thế chiến thứ 3 từng mảnh, nhưng có liên hệ tới mọi người. Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn cởi mở với nhau.

- Thứ ba, chúng tôi đã đề ra chương trình hoạt động chung vì hiệp nhất được thực hiện qua sự đồng hành. Chúng tôi cũng nói về bản tuyên ngôn mà anh chị em đang cầm ở tay. Sẽ có rất nhiều giải thích. Nhưng nếu có nghi ngờ thì cha Lombardi có thể nói ý nghĩa đích thực. Đây không phải là tuyên ngôn chính trị, xã hội học, nhưng là tuyên ngôn mục vụ... Và bây giờ, 23 cây số đi trên xe mui trần đang chờ đợi tôi ở Mễ Tây Cơ...

Trở lại với nghi thức đón tiếp tại phi trường Benito Juárez.

Thưa quý vị và anh chị em,

Từ trên máy bay bước xuống, Đức Thánh Cha đã được tổng thống Enrique Pena (Penha) Nietro và phu nhân tiếp đón. 4 em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa và một bình đựng đất Mễ Tây Cơ cho ngài.

Ngài tiến lại gần để chào thăm họ. Một đám trẻ em chạy tới ôm ngài. Đức Thánh Cha cũng chúc lành và một em bé bị bệnh đang được cha em bế trên tay. Có nhóm nhạc sĩ tặng Đức Thánh Cha chiếc mũ rộng vành của Mễ Tây Cơ.

Đức Thánh Cha lên xe díp có mái kiếng trong che trần để về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, và dọc đường 23 cây số, rất đông đảo dân chúng đứng hai bên đường dành cho ngài một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt. Họ mang theo đèn pin để soi đường và chiếu sáng để chào mừng Đức Thánh Cha. Đoàn xe không thể chạy nhanh được vì dân chúng quá đông đảo.

Tuy mệt vì cuộc dành trình dài gần 24 tiếng đồng hồ, nhưng chắc chắn Đức Thánh Cha rất hài lòng vì ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm 6 ngày.
 
Bài Giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ tại khu nghèo Ecatepec
Vũ Văn An
00:58 15/02/2016
Bước sang ngày đầy đủ thứ hai trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp trực thăng tới khu nghèo nàn, đầy tội ác Ecatepec của thủ đô Mexico City, để cử hành Thánh Lễ với những người “ở ngoại vi”, tương phản hoàn toàn với ngày hôm trước khi ngài gặp gỡ chính phủ và các nhà cầm quyền Mễ Tây Cơ tại Dinh Quốc Gia và sau đó, gặp các giám mục Mễ Tây Cơ tại Nhà Thờ Chính Tòa lộng lẫy Mông Triệu rồi cử hành Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe.

Theo tiếng thổ dân Nahunta, Ecatepec có nghĩa là “đồi gió”. Nó vang danh thời Đế Quốc Aztec, nhưng nay chỉ là một khu nghèo nàn rác rưởi, biệt danh là “barrio bravo”, một mỹ từ thay cho khu vô luật pháp nơi tội ác có tổ chức mặc sức tung hoành, nơi “phần lớn người ta không dám đặt chân tới”.

Nhưng Đức Phanxicô đã đặt chân tới, nó là địa điểm của lòng thương xót trong Năm Thương Xót, ngài không thể không tới. Năm 2014, công nhân ống cống đã phát giác hàng trăm xương người và cơ thể của 5 người đàn ông và 16 phụ nữ vùi dập ở đây. Phụ nữ đặc biệt bị chiếu cố: bị hiếp hoặc buộc phải làm điếm và khi không chịu, bị tạt acxít vào mặt hoặc bị giết trước sự dửng dưng của cảnh sát. Còn con trai thì được các ông chúa buôn bán ma túy tuyển dụng ngay lúc còn nhỏ, lúc lên 18, trở thành “pozoleros” chuyên giấu xác người, hay “sicarios” sát nhân.

Trong Thánh Lễ tại đây, Đức Phanxicô nói tới 3 cơn cám dỗ của Chúa Kitô (Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay), cũng là 3 cơn cám dỗ của Kitô hữu: cám dỗ giầu sang, cám dỗ phù hoa và cám dỗ vênh vang. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

Thứ Tư vừa qua, chúng ta đã bắt đầu mùa Chay phụng vụ, trong mùa này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chuẩn bị cử hành đại lễ Phục Sinh. Đây là một thời gian đặc biệt để nhắc nhớ hồng ân rửa tội của chúng ta, khi chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta đổi mới hồng ân Giáo Hội đã ban cho chúng ta, đừng để hồng ân này nằm ngủ như thể là một điều của quá khứ hoặc bị khóa cứng trong một thứ “hòm ký ức”. Mùa Chay là thời điểm tốt để tái khám phá niềm vui và niềm hy vọng khiến chúng ta cảm thấy là những đứa con yêu qúy của Chúa Cha. Người Cha này đang đợi chúng ta để ném đi những chiếc áo kiệt lực, lãnh cảm, bất tín, và sau đó mặc cho chúng ta phẩm giá mà chỉ người cha hay người mẹ mới biết phải cho con cái mình ra sao mà thôi, với những y phục dệt bằng tình âu yếm và yêu thương.

Cha chúng ta, Người là Cha của một gia đình vĩ đại; Người là Cha chúng ta. Người biết rằng Người có một tình yêu độc đáo, nhưng Người không biết cưu mang hay dạy dỗ một “đứa con một”. Người là Thiên Chúa của mái ấm, của tình huynh đệ, của bánh được bẻ ra và chia sẻ. Người là Thiên Chúa, Đấng là “Cha chúng tôi”, không phải ‘cha tôi” hay “cha kế của anh”.

Giấc mơ của Thiên Chúa làm nhà cho nó và sống trong mỗi người chúng ta để trong mọi Lễ Phục Sinh, trong mọi Thánh Thể chúng ta cử hành, chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Đây là một giấc mơ mà không biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta đã có trong suốt lịch sử. Một giấc mơ được làm chứng bằng máu của rất nhiều tử đạo, cả xưa kia lẫn ngày nay.

Mùa Chay là thời hồi tâm, là thời để hàng ngày cảm nhận được trong đời mình việc giấc mơ này bị liên tục đe dọa ra sao bởi cha của mọi dối trá, bởi cái tên đang hết sức cố gắng phân rẽ chúng ta, tạo nên một xã hội chia rẽ và phe phái. Một xã hội của số ít và phục vụ số ít. Trong cuộc sống mình, trong gia đình mình, giữa bạn bè và khu xóm mình, biết bao lần, chúng ta cảm thấy nỗi đau phát sinh từ việc phẩm giá mà chúng ta mang trong mình bị bác bỏ. Biết bao lần chúng ta đã phải khóc than hay hối tiếc khi hiểu ra rằng chính chúng ta cũng không thừa nhận phẩm giá này nơi người khác. Biết bao lần, và tôi đau đớn nói ra điều này, chúng ta đã đui mù và trơ trơ không chịu thừa nhận phẩm giá của chính chúng ta và của người khác.

Mùa Chay là thời để xem xét lại các tâm tư của chúng ta, để con mắt ta mở to, nhìn rõ các bất công rất thường thấy đang đi ngược lại giấc mơ và kế hoạch của Thiên Chúa. Đây là thời để lột mặt nạ 3 cơn cám dỗ vĩ đại vốn xói mòn và xé nát hình ảnh mà Thiên Chúa muốn hình thành trong chúng ta:

Có ba cơn cám dỗ của Chúa Kitô… ba cơn cám dỗ đối với Kitô hữu, chúng tìm cách phá hủy những gì chúng ta vốn được kêu gọi trở thành; ba cơn cám dỗ cố gắng xói mòn chúng ta và xé nát chúng ta.

Giầu sang: chiếm giữ những của cải vốn dành cho mọi người, và chỉ sử dụng chúng cho “người của tôi”. Nghĩa là, chiếm “miếng bánh” do lao công của nhiều người khác, hoặc thậm chí còn gây hại cho chính mạng sống của họ nữa. Cái thứ giầu sang đầy mùi đau đớn, đắng cay và đau khổ. Đó là miếng bánh mà gia đình hay xã hội thối nát ban phát cho con cái của riêng họ.

Phù hoa: Theo đuổi uy thế dựa trên việc không ngừng, tàn nhẫn loại bỏ những ai “không giống như tôi”. Chạy theo một cách vô ích những năm phút nổi tiếng ấy, không chịu tha thứ “danh tiếng” của người khác. “Tạo củi đốt từ cây bị đốn ngã” nhường chỗ cho cơn cám dỗ thứ ba:

Vênh vang: hay đúng hơn, đặt mình lên một bậc cao hơn là bậc mình thực sự có, cảm thấy mình không cùng chung đời sống với “những kẻ thuần túy tử sinh”, và vẫn mỗi ngày mỗi đọc “con tạ ơn Chúa đã không tạo nên con giống những người khác…”.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Kitô… Ba cơn cám dỗ mà Kitô hữu phải đương đầu hàng ngày. Ba cơn cám dỗ tìm cách xói mòn, tiêu hủy và giập tắt niềm vui và sự tươi mát của Tin Mừng. Ba cơn cám dỗ khóa cứng chúng ta vào vòng hủy diệt và tội lỗi.

Và do đó, đáng để chúng ta tự hỏi:

Ta ý thức đến đâu ba cơn cám dỗ này trong đời sống ta, trong chính con người chúng ta?

Ta đã trở nên quen thuộc đến đâu cái lối sống trong đó ta nghĩ rằng nguồn suối và sức sống của ta chỉ hệ ở giầu sang?

Ta cảm thấy tới đâu rằng quan tâm tới người khác, quan tâm tới chúng ta và việc mưu sinh của chúng ta, tới danh thơm tiếng tốt và phẩm giá người khác mới là nguồn phát sinh hạnh phúc và hy vọng?

Chúng ta đã chọn Chúa Giêsu, không chọn tên gian ác; chúng ta muốn bước theo bước chân Người, dù biết rằng điều này không dễ.

Chúng ta biết thế nào là bị cám dỗ bởi tiền bạc, danh tiếng và quyền lực.Vì lý do này, Giáo Hội cho ta hồng ân Mùa Chay, mời gọi ta hồi tâm, đem lại cho ta sự chắc chắn duy nhất này: Người đang chờ chúng ta và muốn hàn gắn trái tim ta khỏi tất cả những gì xé nát ta. Người là Thiên Chúa có tên: Thương Xót. Tên Người là sự giầu sang của chúng ta, tên Người là điều làm chúng ta nổi tiếng, tên Người là quyền lực của chúng ta và nhân danh Người, một lần nữa chúng ta nói như Thánh Vịnh rằng “Chúa là Thiên Chúa của con và con tin tưởng nơi Chúa”. Chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại những lời ấy: “Chúa là Thiên Chúa của con và con tin tưởng nơi Chúa”.

Trong Thánh Lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần đổi mới trong chúng ta sự chắc chắn này: danh Người là Thương Xót, và xin Người cho chúng ta cảm nghiệm hàng ngày rằng “Tin Mừng tràn đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu…”, vì biết rằng “với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn phát sinh như mới” (xem Evangelii Gaudium, 1).
 
Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các giám mục Mễ Tây Cơ
Vũ Văn An
03:58 15/02/2016
Sáng ngày 13 tháng Hai, sau khi rời Dinh Tổng Thống Mễ Tây Cơ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Nhà Thờ Chính Tòa để gặp gỡ các giám mục nước này. Nhân dịp này, ngài đã có bài nói chuyện khá chi tiết với các vị:

Tôi vui mừng có dịp được gặp các hiền huynh một ngày sau khi tôi tới đây, tới đất nước qúy yêu này, đất nước tôi cũng đến đây để thăm viếng theo chân các vị tiền nhiệm của tôi.

Làm sao tôi không đến đây cho được! Có thế nào người kế vị Phêrô, được gọi từ miền nam xa xôi Mỹ Châu Latinh, lại có thể để mình mất dịp may được diện kiến la Virgen Morenita? (Nữ Trinh Mầu Nâu).

Tôi cám ơn các hiền huynh đã tiếp đón tôi trong Nhà Thờ Chính Tòa này, một casita (“căn nhà nho nhỏ”) lớn hơn nhưng vẫn luôn sagrada (“thánh thiêng”), như Nữ Trinh Diễm Phúc vốn yêu cầu. Tôi cũng cám ơn các hiền huynh vì những lời nghinh đón tốt đẹp.

Tôi biết rằng ở đây có trái tim bí mật của mỗi người Mễ Tây Cơ, và tôi rón rén bước vào đây vì điều này xứng hợp với một người dám bước vào tổ ấm và linh hồn của dân tộc này; và tôi hết sức biết ơn vì các hiền huynh đã mở cửa sẵn cho tôi. Tôi biết rằng khi nhìn vào đôi mắt Nữ Trinh Diễm Phúc, tôi có thể theo dõi cái nhìn của con cái nam nữ của ngài, những người đã học được nơi ngài cách tự biểu lộ ra. Tôi biết rằng không một tiếng nói nào khác có thể nói với tôi một cách mạnh mẽ về trái tim Mễ Tây Cơ bằng Mẹ Diễm Phúc; ngài gìn giữ các khát vọng cao cả nhất và các niềm hy vọng sâu kín nhất của họ; ngài gom góp mọi niềm vui và nước mắt của họ. Ngài hiểu các ngôn ngữ khác nhau của họ và ngài đáp trả bằng một tình âu yếm mẫu thân vì những con người nam nữ này quả là con cái riêng của ngài.

Tôi sung sướng được ở với các hiền huynh tại đây, gần Cerro del Tepeyac, một cách nào đó, gần gũi với hừng đông truyền giảng Tin Mừng trên lục địa này. Xin các hiền huynh vui lòng cho phép la Guadalupana (Đức Mẹ Guadalupe) được là khởi điểm của mọi điều tôi sẽ nói với các hiền huynh. Tôi muốn xiết bao được ngài chuyên chở tới các hiền huynh tất cả những gì thân thiết đối với trái tim Đức Giáo Hoàng, muốn vươn tới những chỗ sâu kín nhất trong trái tim mục vụ của các hiền huynh, và qua các hiền huynh, tới mỗi Giáo Hội đặc thù đang có mặt trên đất nước bao la Mễ Tây Cơ này.

Lâu nay, Đức Giáo Hoàng vốn nuôi dưỡng khát mong được diện kiến la Guadalupana (Đức Mẹ Guadalupe) hệt như Thánh Juan Diego từng được diện kiến, và nhiều thế hệ trẻ em nối tiếp nhau sau ngài. Còn hơn thế nữa, tôi muốn được cái nhìn mẫu thân của Mẹ thôi miên. Tôi từng suy niệm về mầu nhiệm của cái nhìn này và tôi xin các hiền huynh, trong lúc này, tiếp nhận những gì được thổ lộ ra từ trái tim tôi, trái tim một Mục Tử.

Cái nhìn âu yếm dịu dàng

Trên hết, la Virgen Morenita (Nữ Trinh Mầu Nâu) dạy chúng ta rằng sức mạnh duy nhất có thể chiếm được trái tim các người nam nữ là tình âu yếm của Thiên Chúa. Điều gì gây thích thú và lôi cuốn, điều gì khiêm hạ mà lại thắng thế, điều gì cởi mở và giải phóng, không hề là sức mạnh của dụng cụ hay lề luật, mà đúng hơn là sự yếu đuối vạn năng của tình yêu Thiên Chúa, vốn là sức mạnh không thể nào cưỡng được của lòng nhân hậu và lời bảo đảm bất phản hồi của lòng thương xót.

Một nhân vật văn chương ưa tìm tòi và nổi tiếng của các hiền huynh, Octavio Paz, từng nói rằng tại Guadalupe, những mùa gặt vĩ đại và những thửa đất mầu mỡ không còn cần được cầu xin nữa, nhưng thay vào đó, là nơi nghỉ ngơi trong đó, người ta, tuy vẫn còn mồ côi và nghèo rớt, có thể tìm được một nơi trú ẩn, một mái ấm.

Với nhiều thế kỷ qua đi kể từ biến cố khai sinh ra đất nước này và việc truyền giảng Tin Mừng cho lục địa này, người ta có thể đặt câu hỏi: liệu nhu cầu có loãng đi hay thậm chí bị quên đi không đối với nơi nghỉ ngơi ấy, một nơi các trái tim người Mễ Tây Cơ được ủy thác cho các hiền huynh săn sóc từng khát khao mãnh liệt đến thế?

Tôi biết lịch sử lâu dài và đau buồn mà các hiền huynh từng trải qua chưa bao giờ lại không có đổ máu, không có những biến động dữ dội và xé lòng, không có bạo lực và hiểu lầm. Vì những lý do vững chãi, vị tiền nhiệm đáng kính và thánh thiện của tôi, một người cảm thấy ở đây, ở Mễ Tây Cơ này như ở nhà, từng muốn nhắc nhở chúng ta rằng: “giống như những dòng sông đôi khi ẩn khuất và dư tràn, có lúc hợp lưu và có lúc cho thấy các dị biệt bổ túc cho nhau, chưa bao giờ hoàn toàn hợp lưu với nhau: tính nhậy cảm lâu đời và phong phú của các dân tộc bản xứ được Juan de Zumárraga và Vasco de Quiroga yêu mến, những người được nhiều sắc dân này tiếp tục gọi là cha ông; Kitô Giáo, bén rễ trong linh hồn Mễ Tây Cơ; và lý tính hiện đại kiểu Âu Châu, một lý tính rất muốn hiển dương độc lập và tự do” (Gioan Phaolô II, Diễn Văn, Nghi Lễ Nghinh Đón, 22 tháng Giêng, năm 1999).

Và trong lịch sử này, chỗ nghỉ ngơi của mẫu thân nói trên, một chỗ nghỉ ngơi liên tiếp đem sự sống lại cho Mễ Tây Cơ, dù đôi khi giống như “một chiếc lưới 1 trăm 53 con cá” (xem Ga 21:11), chưa bao giờ không có hoa trái, luôn luôn có khả năng hàn gắn các chia rẽ đầy đe dọa.

Vì lý do trên, tôi mời gọi các hiền huynh khởi đầu lại từ nhu cầu cần có chỗ nghỉ ngơi ấy, một nhu cầu phát sinh từ tinh thần của dân tộc các hiền huynh. Nơi nghỉ ngơi của đức tin Công Giáo có khả năng hoà giải quá khứ, thường nặng tính cô đơn, cô lập và hắt hủi, với một tương lai, liên tiếp trao cho ngày mai những gì lọt khỏi bàn tay. Chỉ ở chỗ của đức tin ấy, ta mới “khám phá được chân lý sâu sắc về một nhân loại mới, trong đó, mọi người đều được kêu gọi trở thành con cái Thiên Chúa” (Gioan Phaolô II, Bài Giảng, Lễ Phong Thánh cho Juan Diego) mà không phải từ bỏ bản sắc riêng của ta.

Như thế, các hiền huynh hãy cúi đầu, một cách im lặng và kính cẩn, trước tinh thần sâu sắc của dân tộc các hiền huynh, các hiền huynh hãy thận trọng cúi xuống để giải đoán khuôn mặt mầu nhiệm của dân tộc này. Hiện tại, thường bị pha trộn với phân tán và lễ lạc, đối với Thiên Chúa, Đấng duy nhất hiện diện trọn vẹn, há không phải là một giai đoạn chuẩn bị đó ư? Đã quen với đau đớn và chết chóc, há chúng không phải là các hình thức can đảm và đường dẫn tới hy vọng đó sao? Và quan điểm cho rằng thế giới luôn luôn và độc đáo cần được cứu chuộc, há điều này không phải là một phản cực đối với sự tự mãn kiêu căng của những người nghĩ họ có thể bất cần Thiên Chúa đó sao?

Vì lý do trên, điều tự nhiên cần thiết là có một quan điểm có khả năng phản ảnh lòng âu yếm của Thiên Chúa. Vì thế, tôi xin các hiền huynh hãy trở thành các giám mục có viễn kiến trinh trong, có linh hồn trong sáng, và một khuôn mặt hân hoan. Các hiền huynh đừng sợ sự trong sáng. Giáo Hội không cần bóng tối để thi hành các công việc mình làm. Các hiền huynh hãy tỉnh táo để viễn kiến của các hiền huynh không bị lu mờ vì sương khói của tính thế gian; các hiền huynh đừng để mình bị hủ hóa bởi chủ nghĩa duy vật chất tầm thường hay bởi ảo tưởng đầy quyến rũ của những thỏa hiệp dối trá; các hiền huynh đừng đặt đức tin của các hiền huynh vào “chiến xa và kỵ binh” của các Pharaô ngày nay, vì sức mạnh của ta là ở trong “cột lửa” từng rẽ biển thành hai, mà không cần nhiều trống phách (xem Xh 14:24-25).

Thế gian, trong đó, Chúa kêu gọi chúng ta thi hành sứ mạng của chúng ta đã trở nên cực kỳ phức tạp. Và ngay ý niệm đầy kiêu hãnh cogito (tôi suy nghĩ), một ý niệm ít nhất cũng không chối cãi điều này: có một tảng đá trên hạt cát hữu thể, ngày nay cũng đang bị khuất phục bởi một quan niệm về sự sống hơn bao giờ hết bị nhiều người coi là do dự, lang bang và vô luật lệ vì thiếu một nền tảng vững chắc. Các ranh giới vốn được nại tới và tuân giữ một cách cuồng nhiệt nay cũng đang mở cửa cho cái oái oăm của một thế giới trong đó quyền lực của một số người không thể sống còn được nữa nếu không có sự yếu thế của những người khác. Sự lai giống (hybridization) bất phản hồi của kỹ thuật đang đem lại gần nhau những gì xa cách nhau; tuy nhiên, đáng buồn thay, nó cũng tách xa nhau những gì nên gần nhau.

Trong chính cái thế giới đó, Thiên Chúa đang yêu cầu các hiền huynh phải có một quan điểm có khả năng nắm bắt lời kêu van phát xuất từ trái tim dân tộc các hiền huynh, một lời kêu van có lịch sách đàng hoàng, tức Ngày Lễ Kêu Van. Tiếng kêu van này cần lời đáp ứng: Thiên Chúa hiện hữu và gần gũi trong Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới là thực tại để ta xây dựng trên đó, vì, “Thiên Chúa là thực tại nền tảng, không phải một Thiên Chúa chỉ được tưởng tượng hay giả thiết, nhưng là Thiên Chúa với gương mặt con người” (Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn với CELAM, 13 tháng Năm, 2007).

Quan sát gương mặt các hiền huynh, dân tộc Mễ Tây Cơ có quyền mục kích được các dấu chỉ của những người “đã nhìn thấy Chúa” (xem Ga 20:25), của những người đã ở với Thiên Chúa. Điều này là điều thiết yếu. Do đó, các hiền huynh đừng phí thì giờ hay năng lực vào những điều phụ thuộc, vào tán gẫu hay mưu đồ, vào mưu kế lừa lọc để tiến thân, vào những kế sách trống rỗng nhằm trổi vượt, vào những nhóm vô dụng chuyên mưu cầu lợi lộc chung với nhau. Các hiền huynh đừng để mình bị lôi vào tán gẫu và vu khống. Các hiền huynh hãy dẫn nhập các linh mục của các hiền huynh vào việc hiểu đúng đắn thừa tác vụ thánh của họ. Đối với chúng ta, các thừa tác viên của Thiên Chúa, được ơn “uống chén của Chúa”, được hồng phúc bảo vệ phần gia nghiệp đã được ủy thác cho chúng ta ấy, dù chúng ta có thể là những nhà quản trị kém tài, cũng đã đủ rồi. Chúng ta hãy để Chúa Cha chỉ chỗ Người đã chuẩn bị cho chúng ta (Mt 20:20-28). Chúng ta có thể thực sự quan tâm tới những việc không phải của Chúa Cha không? Không lo lắng “các việc của Chúa Cha” (Lc 2:48-49), chúng ta sẽ đánh mất căn tính của mình và, vì lỗi lầm của chúng ta, chúng ta sẽ lột hết ý nghĩa của ơn thánh Người.

Nếu viễn kiến của chúng ta không làm chứng được rằng mình đã thấy Chúa Giêsu, thì các lời lẽ ta dùng để nhắc đến Người chỉ là tu từ học và những ngôn từ sáo rỗng. May lắm chúng chỉ có thể nói lên lòng hoài nhớ của những người không thể nào quên được Chúa, nhưng dù gì, cũng đã trở nên những trẻ mồ côi bép xép bên cạnh một ngôi mộ. Cuối cùng, chúng có thể chỉ là những lời lẽ không hề có khả năng ngăn cản được thế giới chúng ta khỏi bị bỏ rơi và bị giản lược vào sức mạnh tuyệt vọng của nó.

Tôi nghĩ đến nhu cầu phải cung cấp chỗ nghỉ ngơi của mẫu thân ấy cho giới trẻ. Ước mong sao viễn kiến của các hiền huynh gặp gỡ các viễn kiến của họ, yêu thương họ và hiểu rõ những điều họ đang tìm kiếm bằng một năng lực từng linh hứng cho nhiều người như họ bỏ cả thuyền và lưới lại phía bên kia hồ (Mc 1:17-18), bỏ cả các lạm dụng của khu vực ngân hàng để theo Chúa trên đường tìm sự thịnh vượng đích thực (xem Mt 9:9).

Tôi đặc biệt quan tâm tới nhiều người khác, vì bị mê hoặc bởi quyền lực trống rỗng của thế gian, nên đang ca ngợi các ảo tưởng và ủng hộ các biểu tượng ma quái nhằm thương mãi hóa sự chết để đổi lấy tiền bạc, một thứ, cuối cùng, “bị mối và rỉ sét tiêu hao” và “trộm cắp xé rào cướp mất” (Mt 6:19). Tôi thúc giục các hiền huynh đừng đánh giá thấp thách đố luân lý và phản xã hội mà việc buôn bán ma túy đem lại cho xã hội Mễ Tây Cơ như một toàn thể, cũng như cho Giáo Hội.

Tính lớn lao của hiện tượng trên, tính phức tạp trong các nguyên nhân của nó, tính bao la và phạm vi của nó, những thứ đang nuốt trửng như một di căn, và tính trầm trọng của bạo lực đang chia rẽ bằng các biểu thức méo mó của nó, đừng khiến chúng ta, các Mục Tử của Giáo Hội, ẩn mình phía sau các tố cáo chỉ có tính xoa dịu (anodyne denunciations). Đúng hơn, chúng đòi nơi chúng ta một lòng can đảm tiên tri cũng như một kế hoạch mục vụ đáng tin và có phẩm chất, để chúng ta có thể từ từ giúp xây dựng mạng lưới liên hệ nhân bản mỏng manh mà nếu không có mạng lưới này tất cả chúng ta sẽ bị đánh bại ngay từ đầu trước một đe dọa qủy quyệt như thế. Chỉ bằng cách bắt đầu với các gia đình, xích lại gần và ôm lấy những ngoại biên của hiện sinh con người tại các khu vực bị tàn phá của các thành phố chúng ta và tìm cách lôi cuốn sự can dự của các cộng đồng giáo xứ, các trường học, các định chế cộng đồng, các cộng đồng và định chế chính trị có trách nhiệm về an ninh, cuối cùng người dân mới thoát khỏi những dòng nước tàn hại từng nhận chìm quá nhiều người, bất kể là nạn nhân của nạn buôn bán ma túy hay những người đứng trước mặt Thiên Chúa mà tay thì vấy đầy máu, dù túi đầy tiền bạc nhơ bẩn và lương tâm của họ đã chết.

Một viễn kiến có khả năng xây dựng

Trong tà áo tinh thần của Mễ Tây Cơ, Thiên Chúa đã sử dụng sợi chỉ mestizo để dệt và biểu lộ khuôn mặt của dân tộc Mễ Tây Cơ vào la Morenita. Thiên Chúa không cần các mầu sắc dịu dàng để vẽ nên khuôn mặt này, vì bản vẽ của Người không lệ thuộc mầu sắc hay sợi chỉ mà đúng hơn lệ thuộc tính vĩnh viễn trong tình yêu của Người, một tình yêu luôn ước mong đóng ấn trên chúng ta.

Do đó, các hiền huynh hãy là các giám mục có khả năng bắt chước sự tự do của Thiên Chúa, Đấng lựa chọn người khiêm nhường để mạc khải sự uy nghi của nhan thánh Người; có khả năng lặp lại sự kiên nhẫn thần thánh bằng cách dệt nên con người mới mà đất nước các hiền huynh đang mong đợi bằng những sợi chỉ mịn màng làm bằng những con người nam nữ mà các hiền huynh gặp được. Đừng để mình bị hướng dẫn bởi các cố gắng rỗng tuếch nhằm thay đổi người ta như thể tình yêu của Thiên Chúa không đủ mạnh để đem lại sự thay đổi này.

Các hiền huynh hãy tái khám phá ra tính kiên trì đầy khiêm nhường mà Cha Ông trong đức tin của xứ sở này đã truyền lại cho các thế hệ nối tiếp nhau bằng ngôn ngữ mầu nhiệm Thiên Chúa. Các ngài làm điều này bằng cách trước nhất học hỏi, rồi truyền dạy thứ văn phạm cần thiết để đối thoại với Thiên Chúa; một Thiên Chúa dấu ẩn trong nhiều thế kỷ tìm tòi và rồi được đem tới gần trong con người của Con Người là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là tương lai của ta và là Đấng được thừa nhận như thế bởi rất nhiều người đàn ông và đàn bà khi họ ngắm nhìn khuôn mặt đầy máu và bị hạ nhục của Người. Các hiền huynh hãy bắt chước sự khiêm nhường nhân hậu này và việc Người hạ mình xuống giúp đỡ chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được một cách tạm đủ làm thế nào, chỉ với những sợi chỉ mestizo của nhân dân các hiền huynh, Thiên Chúa đã có thể dệt nên khuôn mặt nhờ đó Người cần được biết đến. Không bao giờ, chúng ta có thể cảm tạ cho đủ.

Tôi yêu cầu các hiền huynh tỏ bầy một sự âu yếm đặc biệt trong cung cách cư xử với các dân tộc bản địa và các nền văn hóa hấp dẫn nhưng thường bị phá hoại của họ. Mễ Tây Cơ cần các gốc gác Mỹ Châu và Bản Địa của nó để không còn là một điều bí ẩn chưa được giải quyết. Người bản địa của Mễ Tây Cơ vẫn đang chờ việc nhìn nhận chân thực sự phong phú trong các đóng góp của họ và tính hoa trái của sự hiện diện của họ. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể thừa hưởng thứ bản sắc có thể biến họ thành một dân tộc đơn nhất chứ không phải một bản sắc giữa các bản sắc khác.

Nhiều dịp, người ta nói tới một tương lai liều mình bị thất bại của quốc gia này, tới một mê hồn trận lẻ loi trong đó, nó bị vây hãm bởi địa dư cũng như bởi một số phận gài bẫy nó. Đối với một số người, tất cả những điều này là một trở ngại đối với kế hoạch đạt được một bộ mặt thống nhất, một bản sắc trưởng thành, một địa vị độc đáo giữa hợp quần các quốc gia và một sứ mệnh chung.

Nhiều người khác coi Giáo Hội tại Mễ Tây Cơ một là bị kết án phải chịu địa vị thấp kém, một địa vị nó từng bị đẩy vào trong nhiều thời kỳ của quá khứ, như khi tiếng nói của nó bị giập tắt và người ta cố gắng tận diệt nó; hai là như bị kết án phải liều lĩnh bước vào các biểu thức của chủ nghĩa chính thống cực đoan, do đó, bám lấy những điều chắc chắn tạm bợ mà quên đặt trái tim mình vào Đấng Tuyệt Đối và được kêu gọi kết hợp mọi người chứ không phải chỉ một nhóm người trong Chúa Kitô (xem Lumen Gentium 1:1).

Mặt khác, các hiền huynh đừng bao giờ ngưng nhắc nhở tín hữu của mình nhớ tới gốc rễ xưa hết sức mạnh mẽ của họ, những gốc rễ giúp tạo ra một tổng hợp Kitô Giáo sinh động đối với sự thống nhất về nhân bản, văn hóa và tâm linh vốn được rèn luyện tại đây. Các hiền huynh hãy nhớ rằng trong nhiều dịp, cánh của nhân dân các hiền huynh đã xòe rộng bay bổng lên trên các tình huống đổi thay. Các hiền huynh hãy bảo vệ ký ức của cuộc hành trình lâu dài từng thực hiện được xưa nay và biết cách làm thế nào linh hứng cho niềm hy vọng muốn vươn tới những đỉnh cao mới, vì tương lai sẽ phát sinh ra một lãnh thổ “phong phú hoa trái” dù phải đương đầu với những thách đố đáng kể (Ds 13:27-28).

Ước mong sao viễn kiến của các hiền huynh, nhờ luôn dựa vào một mình Chúa Kitô, có khả năng đóng góp vào việc hợp nhất mọi người dưới sự chăm sóc của các hiền huynh; làm dễ dàng việc hòa giải các khác biệt và việc hội nhập các đa dạng; cổ vũ một giải pháp cho các vấn đề nội sinh (endogenous); ghi nhớ các tiêu chuẩn cao mà Mễ Tây Cơ có thể đạt tới khi học cách thuộc về chính mình hơn là thuộc về người khác; giúp tìm ra các giải pháp chung và lâu dài cho số phận hẩm hiu của mình; động viên toàn bộ quốc gia để đừng bằng lòng với những điều kém hơn điều người ta trông đợi nơi cách sống của người Mễ Tây Cơ trên thế giới.

Một viễn kiến gần gũi và chú ý, chứ không ngủ mê

Tôi thúc giục các hiền huynh đừng để mình tê liệt trong các giải đáp tiêu chuẩn đối với các câu hỏi mới mẻ. Quá khứ của các hiền huynh là nguồn của nhiều tài nguyên phong phú cần được khai thác và là những tài nguyên có thể gợi hứng cho hiện tại và soi sáng cho tương lai. Nhưng bất hạnh xiết bao cho các hiền huynh nếu các hiền huynh chỉ biết ngồi trên các vinh quang của mình! Điều quan trọng là đừng tiêu phí di sản mà các hiền huynh đã nhận được bằng cách che chở nó với việc làm liên tục. Các hiền huynh đang đứng trên vai các bậc khổng lồ: các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân “cho tới tận cùng”, những người từng hiến đời họ để Giáo Hội có thể chu toàn sứ mệnh của mình. Từ những đỉnh cao này, các hiền huynh được mời gọi hướng tầm nhìn của mình về vườn nho của Chúa để đặt kế hoạch cho việc gieo trồng và chờ đợi mùa gặt.

Tôi kêu mời các hiền huynh hiến thân một cách không mệt mỏi và không sợ sệt cho nghĩa vụ truyền giảng Tin Mừng và thâm hậu hóa đức tin bằng một nền giáo lý khai nhiệm (mystagogical) biết trân qúy lòng đạo bình dân của người ta. Thời đại ta đòi phải chú tâm mục vụ tới những con người và những nhóm người đang hy vọng gặp được Chúa Giêsu hằng sống. Chỉ có sự hồi tâm can đảm có tính bản vị nơi các cộng đồng của chúng ta mới có thể tìm kiếm, phát sinh và nuôi dưỡng được các môn đệ của Chúa hiện nay mà thôi (xem Aparecida, 226, 368, 370).

Do đó, điều cần thiết đối với các Mục Tử chúng ta là thắng vượt cơn cám dỗ muốn sống xa cách và chủ nghĩa giáo sĩ trị, cơn cám dỗ lạnh lùng và dửng dưng, cơn cám dỗ hãnh tiến (triumphalism) và qui chiếu vào chính mình. Guadalupe dạy chúng ta rằng Thiên Chúa được biết đến nhờ sự phù giúp (countenance) của Người, và sự gần gũi cũng như khiêm nhường hạ mình xuống luôn mạnh mẽ hơn sức mạnh.

Như truyền thống Guadalupe vốn dạy chúng ta, Đức Mẹ Nâu tụ tập những ai chiêm ngưỡng ngài lại với nhau, và phản ảnh khuôn mặt của những người tìm thấy ngài. Điều chủ yếu cần phải học là trong mọi con người đang hướng về chúng ta trong lúc họ đi tìm Thiên Chúa đều có một điều độc đáo. Chúng ta phải ý tứ đừng trở nên trơ trơ trước những cái nhìn như thế nhưng đúng hơn nhận chúng vào trái tim ta và che chở chúng. Chỉ Giáo Hội nào biết che chở những khuôn mạo đàn ông đàn bà đến gõ cửa nhà mình mới có khả năng nói với họ về Thiên Chúa. Nếu chúng ta không biết cách giải đoán các đau khổ của họ, nếu chúng ta không tiến tới chỗ hiểu được các nhu cầu của họ, thì chúng ta không thể đem lại cho họ bất cứ điều gì. Sự giầu có của chúng ta chỉ tuôn đổ khi chúng ta gặp sự bé nhỏ của những người đến xin và cuộc gặp gỡ này diễn ra ngay trong tâm hồn ta, tâm hồn Mục Tử.

Khuôn mạo đầu tiên tôi muốn các hiền huynh che chở trong trái tim mình là khuôn mạo các linh mục của các hiền huynh. Các hiền huynh đừng để họ bị cô đơn và bỏ rơi, dễ dàng làm mồi cho tính thế gian vốn luôn cắn xé tâm hồn. Các hiền huynh hãy chú tâm và học cách đọc được các phát biểu của họ để hân hoan với họ khi họ cảm thấy vui vì tất cả những điều “họ làm và dạy” (Mc 6:30) đều được xem xét tính toán. Các hiền huynh cũng đừng rút lui khi họ cảm thấy bị bẽ mặt và chỉ biết kêu than vì “đã chối Chúa” (xem Lc 22:61-62), và các hiền huynh phải nâng đỡ, trong tình hiệp thông với Chúa Kitô, khi một người trong họ, vì ngã lòng, đã cùng Giuđa đi vào “đêm tối” (xem Ga 13:30). Là các giám mục trong các tình huống này, sự chăm sóc của các hiền huynh như một người cha đối với các linh mục của các hiền huynh không bao giờ được thiếu. Các hiền huynh hãy khuyến khích việc hiệp thông giữa họ với nhau; các hiền huynh hãy tìm sự hoàn hảo cho các tài năng của họ; hãy để họ can dự vào các dự án vĩ đại, vì tâm hồn của một tông đồ không được tạo ra cho những chuyện nhỏ nhặt.

Nhu cầu thân mật nằm ngay trong trái tim Thiên Chúa. Bởi thế, Đức Mẹ Guadalupe của chúng ta vốn xin một casita sagrada, một “căn nhà thánh nho nhỏ”. Dân chúng Châu Mỹ Latinh của chúng ta biết rất rõ các hình thức phát biểu giảm nhẹ (diminutive) và sẵn sàng sử dụng chúng. Họ cần các hình thức giảm nhẹ này có lẽ vì làm khác đi họ thấy chới với. Họ đã thích ứng với việc cảm thấy nhỏ bé và đã quen với lối sống khiêm tốn.

Khi tụ họp nhau trong các nhà thờ chính tòa tráng lệ, Giáo Hội không nên quên coi mình như một “căn nhà nho nhỏ” trong đó, con cái cảm thấy thoải mái. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục hiện diện trước nhan thánh Chúa khi còn là những đứa trẻ bé nhỏ, mồ côi và ăn xin.

Một “căn nhà nho nhỏ”, một casita, vừa thân mật mà đồng thời lại “thánh thiêng”, sagrada, vì nó tràn đầy sự cao cả toàn năng của Thiên Chúa. Chúng ta là những người trông nom mầu nhiệm này. Có lẽ chúng ta đã không còn cảm thức được các cung cách khiêm nhường của thể thần linh và cảm thấy mệt mỏi trong việc cung ứng cho những người đàn ông và đàn bà thời nay “căn nhà nho nhỏ” nơi đó, họ cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa. Có khi, việc không còn cảm nhận được sự cao cả toàn năng đã dẫn chúng ta tới việc mất đi một phần sự kính sợ đối với tình yêu cao cả này. Nơi Thiên Chúa ở, nếu không được mời, con người không thể bước vào được và họ chỉ được bước vào sau khi “đã cởi giầy” (Xem Xh 3:5), để thú nhận sự bất xứng của mình.

Việc chúng ta quên không “cởi giầy” để bước vào, có lẽ chẳng phải là nguyên nhân cội rễ của việc mất hết cảm thức thánh thiêng đối với sự sống con người, đối với nhân vị, đối với các giá trị nền tảng, đối với sự khôn ngoan tích lũy trong bao nhiêu thế kỷ, và đối với việc kính trọng môi sinh đó sao? Nếu không cứu các cội rễ sâu xa này trong lương tâm các người nam nữ và lương tâm xã hội cũng như nếu không có các cố gắng đại lượng để cổ vũ các nhân quyền hợp pháp, thì nhựa sống sẽ không còn; và nhựa sống này chỉ phát xuất từ một nguồn mà chính nhân loại không thể nào cung ứng.

Một viễn kiến toàn diện và hợp nhất

Chỉ nhìn lên Đức Mẹ Nâu, người ta mới hiểu được Mễ Tây Cơ trong tính toàn diện của nó. Và do đó, tôi mời gọi các hiền huynh lượng định điều này: sứ mệnh mà Giáo Hội ủy thác cho các hiền huynh đòi phải có một viễn kiến bảo bọc mọi sự. Việc này không thể hiện thực hóa một cách riêng rẽ mà chỉ có thể trong hiệp thông mà thôi.

Đức Mẹ Guadalupe có một dải băng hẹp quanh thắt lưng của ngài có ý tuyên xưng khả năng sinh sản của ngài. Ngài là Nữ Trinh Diễm Phúc mang trong dạ mình Người Con được mọi người nam nữ mong đợi. Ngài là Người Mẹ đã cưu mang nhân tính của thế giới mới. Ngài là Nàng Dâu tiên báo tính sinh hoa trái mẫu thân của Giáo Hội Chúa Kitô. Các hiền huynh đã được ủy thác sứ mệnh mặc cho quốc gia Mễ Tây Cơ tính sinh hoa trái của Thiên Chúa. Không phần nào của dải băng hẹp này có thể bị khinh thường.

Trong những năm tháng kể từ thời Công Đồng, hàng giám mục Mễ Tây Cơ đã thực hiện được những bước dài có ý nghĩa; nó đã gia tăng số thành viên; nó đã cổ vũ việc đào tạo thường xuyên rất nhất quán và chuyên nghiệp; nó đã tạo được bầu khí huynh đệ; tinh thần hợp đoàn đã chín mùi; các cố gắng mục vụ đã gây một ảnh hưởng lên các Giáo Hội địa phương và lên lương tâm quốc gia; các sáng kiến mục vụ chung đã đem lại thành quả trong nhiều phạm vi trọng yếu của sứ mệnh Giáo Hội, như gia đình, ơn gọi và sự hiện diện của Giáo Hội trong xã hội.

Dù chúng ta được khuyến khích bởi con đường đã chọn trong những năm qua, tôi muốn yêu cầu các hiền huynh đừng ngã lòng trước các khó khăn và đừng giữ lại bất cứ cố gắng nào trong việc cổ vũ, giữa các hiền huynh và trong các giáo phận của các hiền huynh, một lòng nhiệt thành truyền giáo, nhất là đối với các khu vực thiếu thốn nhất trong cơ thể duy nhất của Giáo Hội Mễ Tây Cơ. Tái khám phá ra rằng Giáo Hội là sai đi là một điều nền tảng đối với tương lai Giáo Hội, vì chỉ duy có “lòng phấn khởi và tin tưởng ngưỡng mộ” của các nhà truyền giảng Tin Mừng mới có sức thu hút mà thôi. Do đó, tôi yêu cầu các hiền huynh lưu ý rất nhiều đến việc đào tạo và chuẩn bị các tín hữu giáo dân, khắc phục mọi hình thức duy giáo sĩ và mời họ can dự tích cực vào sứ mệnh của Giáo Hội, trên hết làm cho Tin Mừng Chúa Kitô hiện diện trong thế giới bằng chứng tá bản thân.

Có lợi lớn cho nhân dân Mễ Tây Cơ sẽ là chứng tá hợp nhất của tổng hợp Kitô Giáo và viễn kiến chung về bản sắc và tương lai nhân dân nước này. Trong chiều hướng này, điều quan trọng đối với Giáo Hoàng Đại Học Mễ Tây Cơ là càng ngày càng can dự nhiều hơn vào các cố gắng của Giáo Hội nhằm bảo đảm có được một viễn ảnh phổ quát; vì nếu không có viễn ảnh này, lý trí, vốn có khuynh hướng chia ngăn (compartmentalize), sẽ từ khước lý tưởng cao cả nhất là đi tìm chân lý.

Sứ mệnh quả lớn lao, và để nó tiến về phía trước, đòi phải có nhiều nẻo đường. Tôi mạnh mẽ nhắc lại lời kêu gọi của tôi để các hiền huynh duy trì sự hiệp thông và hợp nhất hiện đang có giữa các hiền huynh. Hiệp thông là hình thức chủ yếu của Giáo Hội, và sự hợp nhất của các Mục Tử Giáo Hội làm chứng cho chân lý của nó. Mễ Tây Cơ và Giáo Hội rộng lớn, đa diện của nó, đang cần có những giám mục làm đầy tớ và người trông nom sự hợp nhất vốn được xây dựng trên lời Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng ThánhThể Người và được Thần khí Người hướng dẫn, Đấng vốn là hơi thở cung cấp sự sống cho Giáo Hội.

Chúng ta không cần “các ông hoàng”, nhưng đúng hơn một cộng đồng các chứng tá của Chúa. Chúa Kitô là ánh sáng duy nhất; Người là giếng nước hằng sống; từ hơi thở của Người phát sinh ra Thần Khí, Đấng làm căng buồm con thuyền Giáo Hội. Trong Chúa Kitô hiển vinh, Đấng mà nhân dân nước này yêu mến tôn làm Vua, ước chi các hiền huynh cùng nhau đốt ánh sáng lên và được tràn đầy thánh nhan Người, một thánh nhan không bao giờ tắt ngúm; các hiền huynh hãy hít sâu trọn bầu khí của Thần Khí Người. Các hiền huynh được trao nghĩa vụ gieo vãi Chúa Kitô trên lãnh thổ này, duy trì sống động ánh sáng khiêm nhường này, một ánh sáng soi sáng mà không gây bất cứ hỗn độn nào, bảo đảm rằng trong giếng nước hằng sống của Người, cơn khát của người ta sẽ được giải thoát; giăng buồm lên để làn gió Chúa Thánh Thần làm chúng căng phồng, không bao giờ để con thuyền Giáo Hội ở Mễ Tây Cơ mắc cạn.

Các hiền huynh hãy nhớ: Nàng Dâu biết rằng Mục Tử yêu qúy (xem Dc 1:7) chỉ sẽ được tìm thấy ở nơi có đồng cỏ xanh rì và suối nước mát trong. Nàng không tin tưởng các đồng bạn nào của Chú Rể đôi khi vì lười hay ù lì, dẫn đoàn chiên qua những mảnh đất khô cằn và những khu vực sỏi đá. Khốn thay cho các mục tử chúng ta, các đồng bạn của Mục Tử Tối Cao, nếu ta để Nàng Dâu lang thang vì chúng ta đã dựng lều ở những nơi Chú Rể không thể được tìm thấy!

Các hiền huynh hãy cho phép tôi nói lời cuối cùng để chuyển tải lời đánh giá cao của Đức Giáo Hoàng đối với mọi điều các hiền huynh đang thực hiện để đương đầu với thách đố của thời đại: vấn đề di dân. Hiện có hàng triệu con cái nam nữ của Giáo Hội ngày nay phải sống nơi đất khách quê người (diaspora) hoặc trong các nơi quá cảnh, lặn lội lên miền bắc để tìm các cơ hội mới. Nhiều người trong số họ để lại mọi gốc gác sau lưng ngõ hầu đương đầu với tương lai, ngay trong các điều kiện lén lút, hàm ẩn vô vàn nguy hiểm; họ làm thế để tìm “đèn xanh” mà họ coi là hy vọng. Do đó, nhiều gia đình đã ly tán; và việc hội nhập vào điều gọi là “đất hứa” không luôn dễ dàng như một số người tin tưởng.

Anh em thân mến, ước mong sao trái tim anh em có khả năng theo gót những người nam nữ này và vươn tới họ ở bên kia biên giới. Anh em hãy tăng cường sự hiệp thông với các anh em của anh em thuộc hàng giám mục Bắc Mỹ, để sự hiện diện đầy tình mẫu thân của Giáo Hội có khả năng duy trì sống động các gốc rễ đức tin của những người nam nữ này cũng như cổ động cho niềm hy vọng của họ và sức mạnh của tình bác ái nơi họ. Ước chi đừng xẩy ra việc này: treo đàn lên, các niềm vui của họ trở thành cụt hứng, họ quên cả Giêrusalem và tự đầy ải chính mình (xem Tv 136). Tôi xin anh em cùng nhau làm chứng rằng Giáo Hội là người gìn giữ một viễn kiến hợp nhất hóa của nhân loại và Giáo Hội không thể bằng lòng để mình bị giản lược chỉ còn là một “tài nguyên” hoàn toàn có tính nhân bản.

Các cố gắng của các hiền huynh sẽ không vô ích khi các giáo phận của các hiền huynh biểu lộ sự quan tâm bằng cách xức dầu các bàn chân bị thương của những người đi qua lãnh thổ của các hiền huynh, chia sẻ với họ các tài nguyên quyên góp được từ hy sinh của nhiều người; Đấng Samaritano thần thánh cuối cùng sẽ làm giầu cho người không dửng dưng với Người khi Người nằm bên vệ đường (xem Lc 10:25-37).

Anh em thân mến, Đức Giáo Hoàng biết chắc rằng Mễ Tây Cơ và Giáo Hội nước này sẽ thực hiện kịp thời cuộc gặp gỡ với chính mình, với lịch sử và với Thiên Chúa. Có lẽ một vài cục đá giữa đường sẽ làm chậm bước chân của họ và cuộc chiến đấu có thể cần sự nghỉ ngơi, nhưng sẽ không có gì làm họ mất đích nhắm. Vì làm thế nào người ta có thể về trễ khi mẹ họ đang mong đợi? Ai có thể không nghe thấy tiếng nói này trong nội tâm họ ‘Mẹ há không đang ở đây đó sao, Mẹ người là Mẹ con’?
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhà cầm quyền dân sự Mễ Tây Cơ
VietCatholic Network
07:24 15/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Chuyến tông du thứ 12 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý đã được đánh dấu bằng một buổi lễ ngoạn mục chưa từng thấy.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Một phần của phi trường quốc tế Benito Juárez ở thủ đô Mễ Tây Cơ đã được biến thành một nhà hát khổng lồ với 3 lễ đài được dựng ngay gần phi đạo với hàng ngàn nhạc sĩ, nhạc công với những màn vũ dân tộc rất đẹp mắt. Họ ca hát và trình diễn những điệu vũ chào mừng Đức Thánh Cha từ 5 giờ chiều, tức là hai tiếng rưỡi đồng hồ trước khi máy bay đáp xuống.

Máy bay chở Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường quốc tế Benito Juárez lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Đây là lần thứ 7 một vị Giáo Hoàng đến thăm nước này: 5 lần do Đức Gioan Phaolô 2 và một lần do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 từ 23 đến 26 tháng 3 năm 2012, nhưng ngài không đến thủ đô Mễ Tây Cơ vì thành phố này ở cao độ 2,240 mét, không hợp cho sức khỏe của ngài theo lời khuyên của các bác sĩ.

Tuy mệt vì cuộc dành trình dài gần 24 tiếng đồng hồ, nhưng chắc chắn Đức Thánh Cha rất hài lòng vì ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm 6 ngày. Trên con đường từ sân bay về tòa Sứ Thần Tòa Thánh dài 23 cây số, rất đông đảo dân chúng đứng hai bên đường dành cho ngài một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt. Họ mang theo đèn pin để soi đường và chiếu sáng để chào mừng Đức Thánh Cha. Đoàn xe không thể chạy nhanh được vì dân chúng quá đông đảo.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sáng thứ Bẩy, lúc 7h30 sáng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Hoạt động đầu tiên trong ngày đầy đủ thứ nhất ở Mễ Tây Cơ của Đức Phanxicô là tới Cung Điện Quốc Gia để gặp gỡ Tổng Thống Enrique Pena Nieto, các nhà cầm quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9h30 sáng. Tại đây, ngài đã đọc bài diễn văn đầu tiên trong chuyến tông du 6 ngày của ngài. Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ diễn từ này của anh Vũ Văn An.

Thưa Tổng Thống, tôi cám ơn ngài về những lời nghinh đón của ngài. Tôi sung sướng được đặt chân lên đất Mễ Tây Cơ, đất nước chiếm một chỗ đặc biệt trong trái tim Mỹ Châu. Hôm nay, tôi đến như một nhà truyền giáo của lòng thương xót và hòa bình nhưng cũng như một người con muốn tôn kính mẹ mình, Nữ Trinh Diễm Phúc Guadalupe, và đặt mình dưới sự chăm sóc khôn nguôi của ngài.

Cố gắng làm một đứa con ngoan, bước theo bước đi của mẹ chúng ta, tôi muốn chính tôi bày tỏ lòng tôn trọng đối với dân tộc này và đối với mảnh đất này, một đất nước hết sức phong phú về văn hóa, lịch sử, và tính đa dạng. Thưa Tổng Thống, qua ngài, tôi muốn chào kính và ôm hôn nhân dân Mễ Tây Cơ trong nhiều biểu thức của họ và trong tình hình đa dạng nhất họ từng kinh qua. Cám ơn qúi vị đã nghinh đón tôi tới lãnh thổ qúy vị.

Mễ Tây Cơ là một quốc gia vĩ đại. Nó được chúc phúc với những tài nguyên thiên nhiên phong phú và một sinh thái đa dạng mênh mông, trải dài khắp lãnh thổ. Vị trí địa dư ưu tiên của nó biến nó thành điểm qui chiếu đối với Mỹ Châu; và các nền văn hóa bản địa mestizo và criollo đã mang lại cho nó một bản sắc riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho một sự phong phú văn hóa không luôn dễ dàng tìm thấy và nhất là lượng giá. Sự khôn ngoan của tổ tiên biểu hiện qua chủ nghĩa đa văn hóa là một trong các tài nguyên vĩ đại nhất, vượt xa, về đời người. Đó là một bản sắc từ từ học được cách phải tự lên khuôn mình ra sao giữa muôn hình muôn dạng và nay chắc chắn đã tạo nên một di sản phong phú cần được đánh giá, khuyến khích và bảo vệ.

Tôi tin và dám nói rằng ngày nay, sự phong phú chính của Mễ Tây Cơ có một khuôn mặt trẻ; đúng thế, sự phong phú này chính là giới trẻ của qúy vị. Hơn một nửa dân số của qúy vị là người trẻ. Điều này làm cho việc dự tính và đặt kế hoạch cho tương lai, cho ngày mai trở thành khả hữu. Điều này đem lại hy vọng và viễn ảnh tương lai. Dân tộc nào có một dân số trẻ trung là một dân tộc có khả năng tự canh tân và biến đổi; nó là một lời mời nhìn về tương lai với niềm hy vọng và, ngược lại, nó thách thức chúng ta một cách tích cực tại đây và ngay bây giờ. Thực tại này nhất định dẫn chúng ta tới chỗ phải suy nghĩ về các trách nhiệm của mình khi đề cập tới việc xây dựng một loại Mễ Tây Cơ như lòng chúng ta mong muốn, một Mễ Tây Cơ mà chúng ta muốn trao lại cho các thế hệ đang đến. Nó cũng dẫn chúng ta tới chỗ hiểu ra rằng tương lai đầy hy vọng phải được tạo dựng trong hiện tại bởi những con người nam nữ chính trực, trung thực, và có khả năng làm việc cho ích chung, “cái ích chung” mà ở thế kỷ 21 này người ta ít khi chịu tìm kiếm. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng mỗi khi chúng ta tìm con đường đặc quyền hay đặc lợi cho một số ít người mà gây hại tới lợi ích mọi người, chẳng sớm thì muộn, đời sống xã hội sẽ trở thành mảnh đất mầu mỡ của tham nhũng, buôn bán ma túy, loại trừ các nền văn hóa khác, bạo lực và buôn người, bắt cóc và chết chóc, đem lại đau khổ và một sự phát triển trì trệ.

Nhân dân Mễ Tây Cơ đặt trọn niềm hy vọng của họ vào một bản sắc đã được lên khuôn trong các thời điểm thử thách và khó khăn của lịch sử. Bản sắc này đã được rèn đúc bởi các chứng tá công dân tuyệt vời, những người hiểu rõ rằng muốn vượt qua các tình huống phát sinh từ sự cố chấp của chủ nghĩa duy cá nhân, điều cần là phải có đồng tâm nhất trí giữa các định chế chính trị, xã hội và tài chánh, và của mọi người nam nữ dấn thân cho ích chung và phát huy phẩm giá con người nhân bản.

Một nền văn hóa tổ tiên cùng với việc khuyến khích các tài nguyên nhân bản như nền văn hóa của qúy vị phải là một kích thích để tìm ra các hình thức mới cho đối thoại, thương thảo và bắc cầu có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường liên đới dấn thân. Khởi đi từ những con người tự cho mình là Kitô hữu, đây là một dấn thân mà tất cả chúng ta phải cam kết, để xây dựng “một đời sống chính trị trên căn bản thực sự con người” (Gaudium et Spes, 73), và một xã hội trong đó, không ai cảm thấy mình là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ.

Các nhà lãnh đạo đời sống xã hội, văn hóa và chính trị có một nghĩa vụ đặc thù là đem lại cho mọi công dân cơ hội để đóng góp xứng đáng cho chính tương lai của họ, bên trong gia đình họ và trong mọi phạm vi diễn ra các tương tác nhân bản và xã hội. Với cách này, họ sẽ giúp các công dân thực sự có quyền sử dụng các của cải vật chất và tâm linh hết sức cần thiết: nhà ở thỏa đáng, việc làm xứng đáng, thực phẩm, công lý thực sự, an ninh hữu hiệu, một môi trường lành mạnh và yên ổn.

Đây không chỉ là vấn đề cần phải cập nhật và cải thiện luật lệ, một điều luôn cần thiết, nhưng đúng hơn cần phải khẩn thiết đào tạo trách nhiệm bản thân nơi mỗi cá nhân, với việc tôn trọng đầy đủ đối với người khác vì mọi người nam nữ đều có chung trách nhiệm phải cổ vũ việc thăng tiến quốc gia. Đây là một nghĩa vụ liên quan tới mọi người Mễ Tây Cơ thuộc các lãnh vực khác nhau, bất kể là công hay tư, là tập thể hay cá nhân.

Thưa Tổng Thống, tôi bảo đảm với ngài rằng trong cố gắng này, Chính Phủ Mễ Tây Cơ có thể trông cậy vào sự hợp tác của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội vốn đồng hành với đời sống của quốc gia này và luôn đổi mới cam kết và sự sẵn sàng của mình để phục vụ chính nghĩa vĩ đại của nhân loại: xây dựng nền văn minh tình thương.

Tôi sẵn sàng du hành khắp đất nước xinh đẹp và rộng lớn này như một nhà truyền giáo và như một người hành hương muốn được cùng qúy vị đổi mới cảm nghiệm thương xót như một chân trời mới đầy cơ may nhất định sẽ đem lại công lý và hòa bình. Tôi cũng xin phó thác trong tầm nhìn của Đức Maria, Nữ Trinh Diễm Phúc Guadalupe, để nhờ lời cầu bầu của ngài, Cha hay thương xót sẽ ban ơn để những ngày này và tương lai của lãnh thổ này sẽ là một cơ hội để gặp gỡ, hợp nhất và hoà bình. Xin cám ơn qúy vị.
 
Tâm tình cảm động của Đức Thánh Cha dành cho Đức Mẹ trong Thánh Lễ tại Guadalupe
VietCatholic Network
22:06 15/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Bẩy 13 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Guadalupe ở Mexico City. Đền Nữ Trinh Guadalupe là địa điểm hành hương Công Giáo được nhiều người viếng thăm nhất trên thế giới và là một đền thờ hết sức quan trọng đối với vị Giáo Hoàng Châu Mỹ Latin đầu tiên này.

Trong bài giảng của ngài, lấy hứng từ câu truyện Nữ Trinh Maria đi thăm viếng người chị em họ của mình là Êlisabét, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, khiến ngài mau mắn ra đi gặp gỡ người khác.

Ngài nói:
Đức Mẹ Guadalupe “muốn đến với các cư dân của lãnh thổ Mỹ Châu này trong con người của người thổ dân Juan Diego” và “ngài đã và vẫn tiếp tục đồng hành với việc phát triển của lãnh thổ diễm phúc Mễ Tây Cơ này”.

Nhắc đến Phép Lạ thứ nhất năm 1531, Đức Phanxicô nói rằng “Thiên Chúa đánh thức niềm hy vọng của những người bé nhỏ, đau khổ, di tản hoặc bị bác bỏ, tất cả những ai cảm thấy không có chỗ xứng đáng trên lãnh thổ này”.

Thánh Juan, người tự coi mình là bé nhỏ và bất xứng, đã cảm nghiệm được trong đời mình điều gì là hy vọng, điều gì là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài được kêu gọi xây dựng một đền thờ và các Đức Giáo Hoàng hiểu ra rằng các đền thờ mà các ngài được kêu gọi xây dựng chính là người nghèo và người bị áp bức.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng theo bản dịch của Vũ Văn An.

Chúng ta vừa nghe Đức Maria đã gặp người chị em họ Êlisabét của ngài ra sao. Ngài vội vã ra đi, không một chút hoài nghi do dự, không giảm nhịp bước, để được ở bên cạnh người thân thuộc của ngài đang ở cữ vào những tháng cuối cùng của thai kỳ.

Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với thiên thần không giữ ngài ở lại nhà vì ngài không hề coi mình là người được ưu đãi, hay làm cho ngài do dự trong việc phải xa lìa những người ở chung quanh ngài. Trái lại, nó đổi mới và linh hứng một thái độ mà vì đó, Đức Maria được và luôn được biết đến: ngài là người phụ nữ biết nói “xin vâng”, một lời “xin vâng” hoàn toàn phó thác trong tay Thiên Chúa, và đồng thời, là một lời “xin vâng” hoàn toàn phó thác trong tay anh chị em mình. Đây là lời “xin vâng” thúc đẩy ngài cho đi phần tốt nhất của chính ngài, ra đi gặp gỡ người khác.

Lắng nghe đoạn Tin Mừng này tại nơi này quả có một ý nghĩa đặc biệt. Đức Maria, người phụ nữ biết nói lời “xin vâng” của mình, cũng muốn đến với các cư dân của lãnh thổ Mỹ Châu này trong con người của người thổ dân là Thánh Juan Diego. Người từng rong ruổi các nẻo đường ở Giuđêa và Galilê thế nào, thì ngài cũng bước qua Tepeyac như thế, mình vận bộ đồ thổ dân và sử dụng ngôn ngữ của họ, để cả ngài nữa đã và tiếp tục đồng hành với việc phát triển của lãnh thổ diễm phúc Mễ Tây Cơ này. Ngài đã tỏ mình với người bé nhỏ Juan ra sao, ngài cũng tiếp tục tỏ mình với tất cả chúng ta như thế, nhất là với những người cảm thấy “vô gia trị” như người bé nhỏ này (xem Nican Mopohua, 55). Việc lựa chọn đặc biệt này, một lựa chọn mà ta có thể gọi là ưu tiên, không hề chống lại bất cứ ai nhưng đúng hơn có lợi cho mọi người. Người thổ dân bé nhỏ Juan, người tự gọi mình là “cái quai da, cái khung đeo lưng, cái đuôi, cái cánh, bị áp bức bởi gánh nặng của người khác” (Ibid.), đã trở thành “một vị đại sứ, đáng tin hơn hết”.

Buổi sáng ấy, tháng Mười Hai năm 1531, phép lạ đầu tiên đã diễn ra, sau này trở thành ký ức sống động của tất cả những gì Đền Thánh này bảo vệ. Buổi sáng hôm đó, trong cuộc gặp gỡ đó, Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng của đứa con Juan của Người, và niềm hy vọng của cả dân tộc anh. Buổi sáng hôm đó, Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng của những con người bé nhỏ, đau khổ, di tản hay bị bác bỏ, của tất cả những người cảm thấy mình không có chỗ đứng xứng đáng trên lãnh thổ này. Buổi sáng hôm đó, Thiên Chúa đã đến gần và vẫn còn đến gần các trái tim đau khổ nhưng rất kiên cường của rất nhiều người mẹ, người cha, ông bà từng chứng kiến con cái mình lìa gia đình, trở thành mất tăm hoặc thậm chí bị những tên tội phạm bắt cóc.

Vào buổi sáng hôm đó, Juan cảm nghiệm được trong đời mình hy vọng là gì, lòng thương xót của Thiên Chúa là gì. Anh đã được chọn để giám sát, trông coi, bảo vệ và cổ vũ việc xây dựng đền thánh này. Trong nhiều dịp, anh nói với Đức Mẹ rằng anh không phải là người thích đáng; trái lại, nếu ngài muốn công việc được tiến triển, ngài nên chọn những người khác, vì anh vốn không có học, hay biết viết và không thuộc nhóm những người có thể biến nó thành thực tại. Đức Maria, đấng rất kiên nhẫn, cái kiên nhẫn phát sinh từ trái tim hay thương xót của Chúa Cha, nói với anh: anh sẽ là đại sứ của ngài.

Bằng cách trên, Đức Mẹ đã có thể đánh thức một điều mà chính anh không biết phải phát biểu ra sao, một thứ ngọn cờ đích thực của tình yêu và công lý: không ai bị loại ra ngoài việc xây dựng một đền thánh khác, đền thánh sự sống, đền thánh các cộng đồng, các xã hội và các nền văn hóa của chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần thiết, nhất là những người bình thường không đáng kể vì “không xứng với nghĩa vụ” hoặc “không có các ngân khoản cần thiết” để xây dựng các công trình này. Đền Thánh của Thiên Chúa chính là sự sống của con cái Người, của mọi người trong bất cứ điều kiện nào, nhất là của những người trẻ không tương lai đang gặp vô vàn tình huống đau đớn và nguy hiểm, và của người cao niên, những người không được thừa nhận, bị quên lãng và đẩy xa cho khuất mắt. Đền Thánh của Thiên Chúa là các gia đình của chúng ta chỉ cần những điều chủ yếu nhất để phát triển và tiến bộ. Đền Thánh Thiên Chúa là gương mặt của nhiều người ta gặp mỗi ngày…

Viếng đền thánh này, cùng những điều đã xẩy ra cho Juan Diego cũng có thể xẩy ra cho chúng ta. Anh chị em hãy nhìn Mẹ Diễm Phúc từ bên trong các đau khổ của chúng ta, các nỗi sợ của chúng ta, niềm vô vọng của chúng ta, niềm sầu khổ của chúng ta, và nói với Mẹ, “Con biết dâng gì vì con là kẻ vô học?” Chúng ta ngước nhìn lên Mẹ bằng đôi mắt nói lên tư tưởng của mình: có biết bao tình huống khiến chúng ta bất lực, khiến chúng ta cảm thấy rằng chẳng còn chỗ nào để hy vọng, để thay đổi, để biến đổi.

Và do đó, một chút thinh lặng sẽ có ích để ta dừng lại ngắm nhìn Mẹ và nhắc lại cho ngài nghe những lời lẽ sau đây của một đứa con yêu qúy khác:

Lạy Mẹ, chỉ nhìn Mẹ thôi,
chỉ dành đôi mắt cho Mẹ,
chỉ nhìn Mẹ mà không nói lời nào,
kể với Mẹ mọi điều, một cách không lời và tôn kính.
Mẹ đừng khuấy động bầu khí trước mặt Mẹ;
chỉ nâng niu nỗi cô đơn bị đánh cắp của con
bằng đôi mắt yêu thương tình mẫu thân của Mẹ,
trong tổ ấm của thửa đất trinh trong của Mẹ.
Thời khắc qua đi vội vã, và một cách chát chúa,
cái hao hụt của sự sống và sự chết nghiến nát người khờ dại.
Lạy Mẹ, chỉ nhìn Mẹ thôi, chỉ ngắm Mẹ thôi
bằng trái tim trở nên thinh lặng nhờ sự âu yếm của Mẹ,
sự im lặng của Mẹ, trong trắng như huệ đồng.

Và nhờ ngắm nhìn Mẹ, chúng ta sẽ nghe lại điều Mẹ muốn nhắn nhủ chúng ta một lần nữa, “hỡi con cưng bé nhỏ, điều gì làm tâm hồn con buồn sầu?” (Nican Mopohua, 107). “nhưng nếu Mẹ không ở đây với con, ai sẽ có vinh dự làm mẹ của con?” (Ibid., 119).

Đức Maria nói với chúng ta rằng ngài được “vinh dự” làm Mẹ chúng ta., bảo đảm với ta rằng những người đau khổ không khóc lóc vô ích. Những người này là lời cầu nguyện thinh lặng dâng lên tới trời, luôn tìm được chỗ ẩn náu dưới tà áo Mẹ. Trong ngài và với ngài, Thiên Chúa đã biến chính Người thành anh em và đồng bạn của chúng ta trên đường lữ thứ; Người vác thập giá với chúng ta để chúng ta không bị trấn áp bởi đau khổ.

Mẹ không phải là mẹ của các con sao? Mẹ không ở đây hay sao? Mẹ bảo ta: các con đừng để thử thách và đau khổ trấn áp các con. Hôm nay, Mẹ sai chúng ta ra đi một lần nữa; hôm nay, Mẹ đến với chúng ta một lần nữa: các con hãy là đại sứ của Mẹ, đại sứ Mẹ phái đi để xây dựng các đền thánh mới, đồng hành với nhiều cuộc đời, lau khô nhiều nước mắt. Hãy đơn giản trở thành đại sứ của Mẹ bằng cách cùng bước các nẻo đường của khu xóm, của cộng đồng, của giáo xứ các con; chúng ta có thể xây dựng các đền thánh bằng cách chia sẻ niềm vui vì biết rằng chúng ta không cô đơn, vì Đức Maria luôn đồng hành với chúng ta. Ngài bảo ta: hãy là đại sứ của Mẹ, cung cấp thực phẩm cho người đói ăn, thức uống cho người khát uống, nơi trú ẩn cho người thiếu thốn, quần áo cho người trần truồng và thăm viếng người bệnh. Hãy trợ giúp người lân cận, tha thứ cho bất cứ ai xúc phạm đến các con, an ủi người sầu khổ, kiên nhẫn với người khác, và trên hết tìm kiếm và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Há Mẹ không phải là Mẹ các con sao? Há Mẹ đang không ở đây với các con sao? Đức Mẹ nói với chúng ta như thế một lần nữa. Các con hãy ra đi xây dựng đền thánh Mẹ, giúp Mẹ nâng cao cuộc sống của con cái nam nữ của Mẹ, vốn cũng là anh chị em của các con.

 
Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ với người bản địa Mễ Tây Cơ
Vũ Văn An
17:13 15/02/2016
Vào ngày đẩy đủ thứ ba trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới San Cristobal de Las Casas để thăm viếng người bản địa của Bang Chiapas, miền nam Mễ Tây Cơ, cử hành Thánh Lễ với họ, và nói với họ rằng: thế giới ngày nay cần các giá trị và truyền thống cổ xưa của họ.

Thánh Lễ ngoài trời, cử hành tại vận động trường thể thao thành phố, bao gồm các lời nguyện và bài đọc bằng nhiều ngôn ngữ bản địa. Dù rất phong phú về tài nguyên thiên nhiên, vùng miền nam này vẫn tiếp tục kém mở mang hơn các vùng khác trong nước, với mức nghèo và mù chữ khá cao.

Trong bài giảng lễ, Đức Giáo Hoàng ghi nhận rằng “trong một đường lối có hệ thống và tổ chức”, các nền văn hóa bản địa đã bị hiểu lầm và bị loại ra khỏi xã hội. Đức Phanxicô nói rằng: “Một số người coi các giá trị, nền văn hóa và các truyền thống của anh chị em là thấp kém” trong hi đó, nhiều người khác “vì say sưa với quyền lực, tiền bạc và khuynh hướng thị trường, đã đánh cướp các đất đai của anh chị em và chuốc độc chúng”. Ngài nhấn mạnh rằng mỗi người nên “xét lương tâm mình và học cách nói: xin tha thứ cho tôi!”.

Đặc biệt, Đức Phanxicô nói rằng các dân tộc bản địa có nhiều điều để dạy thế giới về “cách phải tương tác một cách hoà hợp ra sao với thiên nhiên, mà họ vốn tôn kính như là ‘nguồn thực phẩm, căn nhà chung và là bàn thờ của chung nhân loại”.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

‘Li smantal Kajvaltike toj lek’ – lề luật của Chúa thì hoàn hảo; nó làm linh hồn sống lại. Thánh vịnh chúng ta vừa nghe đã bắt đầu như thế. Lề luật của Chúa thì hoàn hảo và thánh vịnh gia đã sốt sắng liệt kê mọi điều lề luật đề xuất với những ai chịu nghe và tuân theo nó: nó làm linh hồn sống lại, nó đem khôn ngoan tới cho người đơn sơ, nó làm tâm hồn ta hân hoan, nó cho mắt ta ánh sáng.

Đó là lề luật mà Dân Israel đã tiếp nhận từ tay Môsê, một lề luật sẽ giúp Dân Thiên Chúa sống trong tự do mà họ được kêu gọi bước vào. Một lề luật nhằm làm ánh sáng dẫn đường và đồng hành với cuộc hành hương của dân Người. Một dân tộc từng cảm nghiệm cảnh nô lệ và bạo chúa của Pharaô, chịu đau khổ và áp bức đến nỗi Thiên Chúa phải nói: “Đủ rồi! Không được nữa! Ta đã thấy sự thống khổ của chúng, Ta đã nghe thấy tiếng kêu của chúng, Ta biết các đau khổ của chúng” (xem Xh 3:9). Và ở đây, người ta đã thấy gương mặt thực sự của Thiên Chúa, gương mặt của Người Cha đau khổ khi thấy con cái mình chịu đau khổ, ngược đãi và bất công. Lời lẽ, lề luật của Người, do đó, trở thành biểu tượng của tự do, biểu tượng của hạnh phúc, khôn ngoan và ánh sáng. Nó là một cảm nghiệm, một thực tại được chuyên chở bằng câu kinh cầu trong ‘Popol Vuh’ và phát sinh từ sự khôn ngoan tích lũy trên các lãnh thổ này từ những thời không ai nhớ được: “Hừng đông mọc lên trên mọi bộ lạc. Mặt trái đất tức khắc được mặt trời chữa lành” (33). Mặt trời mọc lên để dân, ở các thời điểm khác nhau, tiến bước giữa các thời khắc đen tối nhất của lịch sử.

Trong cách phát biểu trên, người ta nghe thấy khát vọng được sống trong tự do, khát mong được ngắm nhìn đất hứa nơi áp bức, ngược đãi và nhục mạ không còn là chuyện thường ngày. Trong trái tim con người và trong ký ức nhiều người thuộc các dân tộc anh chị em đã có in sẵn lòng hoài mong ấy, lòng hoài mong đất đai, lòng hoài mong đến lúc thối nát của con người sẽ được lướt thắng bằng tình anh em, bất công sẽ bị chinh phục bởi tình liên đới và bạo lực sẽ bị hòa bình làm câm họng.

Cha chúng ta không những chia sẻ hoài mong trên, Người còn linh hứng nó và tiếp tục linh hứng như thế bằng cách ban cho ta Con của Người là Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, ta khám phá ra tình liên đới của Chúa Cha, Đấng vẫn đi cạnh ta. Nơi Người, ta thấy lề luật hoàn hảo đã mang lấy xác thịt, đã mang khuôn mặt người, đã chia sẻ lịch sử ta để cùng sánh bước và nâng đỡ dân của Người ra sao. Người đã trở nên Đường, Người đã trở nên Sự Thật, Người đã trở nên Sự Sống, để bóng tối không có lời nói cuối cùng và hừng đông sẽ không ngừng mọc lên trên đời sống con cái nam nữ của Người.

Bằng nhiều cách, người ta từng mưu toan làm cho lòng hoài mong trên im lặng và lu mờ, và bằng nhiều cách, người ta đã cố gắng chuốc mê linh hồn chúng ta, và bằng nhiều cách, người ta đã gắng sức khuất phục và ru ngủ con cái và giới trẻ chúng ta vào một thứ uể oải bằng cách gợi ý rằng không điều gì có thể thay đổi, các giấc mơ của chúng không bao giờ có thể trở thành thực tại. Đối đầu với những mưu toan này, chính tạo thế cũng phải lên tiếng phản đối: “Người chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sỡ hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở”(Rm 8, 22) (Laudato Si’, 2). Thách đố môi trường mà chúng ta đang trải nghiệm và các nguyên nhân nhân bản của nó, ảnh hưởng tới mọi người chúng ta (xem Laudato Si’, 14) và đòi chúng ta phải trả lời. Chúng ta không thể giữ im lặng được nữa trước một trong các cuộc khủng hoảng môi trường lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Về phương diện trên, anh chị em có nhiều điều để dạy dỗ chúng tôi. Như các giám mục Mỹ Châu Latinh vốn thừa nhận, các dân tộc của anh chị em biết cách tương tác một cách hòa hợp với thiên nhiên, một thiên nhiên mà họ tôn kính như là “nguồn thực phẩm, căn nhà chung và là bàn thờ của chung nhân loại” (Aparecida, 472).

Ấy thế nhưng, nhiều dịp, trong một đường lối có hệ thống và tổ chức, dân chúng của anh chị em đã bị hiểu lầm và bị loại ra khỏi xã hội. Một số người coi các giá trị, nền văn hóa và các truyền thống của anh chị em là thấp kém. Nhiều người khác, vì say sưa với quyền lực, tiền bạc và khuynh hướng thị trường, đã đánh cướp các đất đai của anh chị em và chuốc độc chúng. Điều này đáng buồn xiết bao! Điều đáng làm xiết bao là mỗi người nên xét lương tâm mình và học cách nói: “xin tha thứ cho tôi!” Thế giới ngày nay, bị nền văn hóa vứt bỏ làm cho tan nát như hiện nay, rất cần anh chị em!

Bị đẩy vào một nền văn hóa luôn tìm cách giập tắt mọi di sản và đặc điểm văn hóa nhằm theo đuổi một thế giới đồng nhất hóa (homogenized), tuổi trẻ ngày nay cần bám chặt vào sự khôn ngoan của các bậc trưởng thượng!

Thế giới ngày nay, bị khuất phục bởi tiện lợi, cần học lại giá trị của lòng biết ơn!

Chúng ta hân hoan vì biết chắc rằng “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta; Người không bao giờ từ bỏ kế hoạch đầy yêu thương của Người hay hối hận vì đã dựng nên ta” (Laudato Si’, 13). Chúng ta hân hoan vì Chúa Giêsu tiếp tục chết và sống lại trong mọi cử chỉ ta hiến tặng cho những người bé nhỏ nhất trong anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy quyết tâm làm chứng cho sự Thống Khổ và sự Phục Sinh của Người, bằng cách lên xương thịt cho những lời này: Li smantal Kajvaltike toj lek – lề luật của Chúa thì hoàn hảo và khích lệ linh hồn.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc
Tiền Hô
22:42 15/02/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc

VATICAN - Đức Thánh Cha Phanxicô vừa bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic người Slovenia giữ chức quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại văn phòng trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva. Đây là bổ nhiệm đáng được chú ý vì những kinh nghiệm ngoại giao của ngài trong những năm vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic đã từng giữ chức Sứ thần Tòa Thánh ở Nga và Uzbekistan kể từ năm 2011. Thông báo bổ nhiệm lại được công bố vào ngày 13 tháng 2 - chỉ một ngày sau cuộc hội kiến đầu tiên trong lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga tại Cuba. Giới phân tích cho rằng, kinh nghiệm ngoại giao của Đức Tổng Giám Mục Jurkovic được dày dặn thêm bởi việc ngài đã tác động tạo nên mối quan hệ gần gũi giữa Giáo Hội Công Giáo và Moskva.

Ngoài chức quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, ngài cũng sẽ giữ chức quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic sinh tại Kocevje, Slovenia. Ngài từng mục vụ ở Ljubljana trong 24 năm trước khi bắt đầu sự nghiệp ngoại giao. Ngài đại diện Tòa Thánh tại Moskva từ năm 1992-1996. Sau đó vào năm 2001, ngài được tấn phong chức tổng giám mục để làm Sứ thần Tòa Thánh ở Belarus (Bạch Nga). Chỉ ba năm sau, vào năm 2004, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần ở Ukraina, kế vị Đức Tổng Giám Mục Antonio Mennini. Đức Tổng Giám Mục Mennini là cựu sứ thần ở Ukraine, hiện ngài là Sứ thần tại Vương quốc Anh; ngài vốn là nhân vật xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Tòa Thánh, để trở thành quan hệ ngoại giao đầy đủ như hiện nay.

Đức Tổng Giám Jurkovic giữ chức sứ thần Tòa Thánh ở Nga và Uzbekistan từ sau chuyến thăm của cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hội kiến Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI hồi tháng 2 năm 2011. Trong vai trò Sứ thần ở Nga, Đức Tổng Giám Jurkovic đã tham gia vào trong tất cả các bước tiến triển với phía Nga, mà đỉnh điểm là cuộc gặp gỡ lịch sử hôm 12 tháng 2 năm 2016 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill. Hai nhà lãnh đạo Kitô giáo đã ký một tuyên bố chung tại sự kiện này.

Đức Tổng Giám Mục Jurkovich giờ đây sẽ kế vị Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi Maria, người sẽ nghỉ hưu trong năm nay khi ngài bước sang tuổi 75. Đức Tổng Giám Mục Tomasi giữ chức quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva trong hơn 10 năm qua. (CNA)

Tiền Hô
 
Các thừa sai Lòng Thương Xót không thể can thiệp cho những trường hợp giám mục tấn phong bất hợp thức
Tiền Hô
22:43 15/02/2016
Các thừa sai Lòng Thương Xót không thể can thiệp cho những trường hợp giám mục tấn phong bất hợp thức

VATICAN - Các Thừa sai Lòng Thương Xót sẽ không thể can thiệp cho các giám mục bị vạ tuyệt thông bởi việc tấn phong (hoặc nhận tấn phong) mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng. Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella - Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa và cũng là điều phối viên Năm Thánh đã khẳng định điều này trong lá thư cá nhân ngài gửi đến từng vị thừa sai.

Bức thư đề ngày 10 tháng 2 năm 2016 có đoạn:

"Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban cho quý cha năng quyền để ân tha những tội lỗi thuộc thẩm quyền Tòa Thánh trong suốt thời gian Năm Thánh này. Theo ý chỉ của Đức Thánh Cha, năng quyền trên phải được hiểu là có giới hạn và chỉ dành cho các tội lỗi sau đây:

- xúc phạm đến Thánh Thể bằng cách đem đi hoặc cất giữ để nhằm mục đích phạm thánh;

- sử dụng bạo lực tấn công Đức Giáo Hoàng;

- người đồng lõa trong một tội lỗi chống lại Điều răn thứ sáu;

- trực tiếp vi phạm ấn tích tòa giải tội.

Tôi đoan chắc rằng các cha sẽ là những người hân hoan công bố về Lòng Thương Xót và hoán cải các tín hữu, thông qua việc cử hành Bí tích Hòa giải."

Chúng ta đã biết, theo Bộ Giáo Luật hiện hành, có 5 tội mà chỉ dành cho Tòa Thánh có quyền ân tha thông qua Tòa Ân Giải Tối Cao (cơ quan lâu đời nhất của Tòa Thánh được thành lập năm 1200 bởi Đức Giáo Hoàng Honorius III) là:

- Tội phạm thánh với Thánh Thể (Điều 1367: Ai ném bỏ bánh thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Ngoài ra, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng hình phạt khác, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ.)

- Tội bạo lực tấn công Đức Thánh Cha (Điều 1370: (1) Người nào hành hung Ðức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Nếu là giáo sĩ, tùy theo mức nặng của tội phạm, có thể bị phạt thêm một hình phạt khác nữa, kể cả hình phạt khai trừ khỏi hàng giáo sĩ)

- Tội với Điều răn thứ Sáu (Ðiều 977: Sự xá giải cho đồng lõa về tội phạm điều răn thứ sáu thì vô hiệu, đừng kể khi nguy tử. và Điều 1378 (1) Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.)

- Tội vi phạm ấn tín tòa giải tội (Ðiều 1388: (1) Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Còn ai chỉ vi phạm gián tiếp, sẽ bị phạt tùy theo mức nặng của tội phạm.)

Danh sách này cũng bao gồm các tội truyền chức linh mục cho phụ nữ (theo Nghị định của Bộ Giáo lý Đức tin năm 2007) và vi phạm "lời tuyên thệ giữ bí mật" của các cuộc mật nghị bầu giáo hoàng, theo quyết định của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Ngay sau lá thư này của Hội đồng Giáo hoàng được công bố, một số nhà quan sát bắt đầu suy nghĩ liệu có khả năng ân tha cho các giám mục thuộc nhóm Lefebvrian và các giám mục bất hợp thức ở Trung Quốc thông qua các Thừa Sai Lòng Thương Xót hay không.

Hiện nay, đối với tất cả các tội nhân, kể cả những người phạm các tội nghiêm trọng nhất, đếu có cùng một nguyên tắc áp dụng đó là hình phạt vẫn còn cho đến khi nào mà tội nhân thực lòng ăn năn sám hối thì mới kết thúc.

Như đã nêu trong Tông Huấn "Hòa Giải và Thứ Tha" năm 1984, (tạm dịch) "các hành động cần thiết trong cuộc hòa giải của hối nhân là: một sự ăn năn sám hối, một lời từ bỏ rõ ràng và dứt khoát về tội lỗi, cùng với một cam kết không tái phạm tội đó một lần nữa".

Vấn đề đặt ra cho các nhà thực thi giáo luật là sự khác biệt giữa "tội" - "sin" (mà một Thừa sai Lòng Thương Xót có thể ân tha) và "vạ" - "censure" (hiện thẩm quyền ân tha vẫn chỉ thuộc về Tòa Thánh). Như vậy, ngay cả khi một giám mục bất hợp thức được ân tha, người đó vẫn còn đang phải chịu một "vạ" trước khi có thể tái kết nạp vào hàng mục tử. Cho đến nay, Tòa Thánh vẫn yêu cầu các giám mục tấn phong bất hợp thức ở Trung Quốc viết thư cho Đức Giáo Hoàng, giải thích tình trạng của họ, thừa nhận trách nhiệm cá nhân của họ, nếu có, và xin sự tha thứ.

Sau khi nhận được sự tha thứ từ Roma, các giám mục này phải công khai xin tha thứ trước tín hữu của mình để chữa lành vụ việc. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là sẽ ra sao nếu các giám mục đó vẫn tiếp tục tham gia vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, với nhiệm vụ là xây dựng một Giáo Hội "độc lập" khỏi Đức Thánh Cha.

Tiền Hô
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăm Nụ Cười
Đặng Đức Cương
19:44 15/02/2016
TRĂM NỤ CƯỜI
Ảnh của Đặng Đức Cương
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.
Trăm nụ cười
thuốc bổ cần chi.
(bt)