Ngày 13-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vĩ nhân của các vĩ nhân
Lm. Minh Anh
03:08 13/02/2021
VĨ NHÂN CỦA CÁC VĨ NHÂN
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhắc lại một tập tục của người thượng, đó là tục “bỏ mả”. Với một số dân tộc vùng cao, sau khi chôn cất người chết, hàng ngày, con cháu vẫn mang cơm nước ra mộ; khoảng một năm sau, họ làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này được tổ chức linh đình, kết thúc với một bữa tiệc lớn; sau đó, họ sẽ quên hẳn hoặc san phẳng ngôi mộ; từ đó, không ai ngó ngàng tới nó nữa, dù đó là mộ cha mẹ, ông bà. “Bỏ mả”, “bãi mả” là một tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng các ngài được kính nhớ như những ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’.

Bài đọc Huấn Ca hôm nay ca ngợi các ngài như những vĩ nhân, “Đó là cha ông của chúng ta qua các thế hệ, các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen”. Còn hơn các vĩ nhân, các đấng sinh thành là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ, các ngài đã sinh ra các vĩ nhân và thánh nhân. Các ngài được kính nhớ mỗi năm với trọn cả tháng Các Đẳng Linh Hồn; đầu năm, với mồng hai Tết; trong mỗi thánh lễ; và sau kinh Nhật Một, ba lần mỗi ngày.

Những lời chúng ta vừa đọc nói lên công ơn sinh thành dưỡng dục vô lượng của các ngài. “Sinh” là xé ruột, rứt ruột, rút ruột, rựt ruột… đến nỗi máu chảy lênh láng; “Dưỡng” là cho ăn, cho uống, cho mặc; tiếp đến là “Dục”, “dục” là giáo dục, dạy dỗ cho thành người, thành thánh; không được giáo dục, dạy dỗ, nhất định không thành người. Một em bé được sinh ra, được nuôi dưỡng đến một tuổi nào đó rồi được thả vào rừng, em bé đó sẽ ra cái gì? Có lẽ vì đấu tranh sinh tồn, em sẽ kiếm được cái ăn, cái uống như các con vật khác nhưng đó không phải là một con người toàn diện, đó là một con vật ‘hao hao giống người’. Thật khủng khiếp! Vì thế, ngoài việc sinh, dưỡng, phải nói đến “dục”; có thể nói, “dục” quan trọng nhất, “Bé chẳng vin, cả gãy cành”. Vậy mà bên cạnh sinh dưỡng dục, còn một điều khác còn khó hơn cả sinh, nhọc hơn cả dưỡng và khổ hơn cả dục, đó là việc làm gương sáng. Phải, trên đời này, không việc nào khó hơn việc làm gương sáng. Như thế, công nghiệp của ông bà cha mẹ dành cho chúng ta thật bao la; Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tôn kính các ngài, ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’, và không được ‘bỏ mả’ là điều phải lẽ.

Lần kia, khi đang điểm tâm với một đôi vợ chồng người Pháp trên một con phố, tôi thấy từ trên xe bước xuống một nhóm cỡ chừng sáu bảy người. Điều đáng nói là trong nhóm, có một cụ bà trạc ngoài tám mươi. Một người đàn ông, tuổi hơn lục tuần, có lẽ là con trai trưởng của bà, chậm rãi dìu bà xuống xe. Đúng hơn, ông ta nâng niu, dắt bà vào tiệm. Và khi ăn, ông đút cho bà từng muỗng, từng cọng bún một với chiếc khăn trên tay. Dõi theo những cử chỉ ấy, tôi sững người! Đúng hơn, tôi thèm thuồng. Vợ chồng người Pháp hỏi tôi làm sao thế; tôi nói với họ, tôi ghen, tôi ghen với ông ấy vì ông ấy hạnh phúc, bởi ông còn mẹ. Mắt tôi bỗng cay cay; tôi nhắm mắt, lặng người, tôi đã khóc tự lúc nào. Giờ đây, tôi ước được dắt mẹ mình, được dìu ba mình ít là một lần, nhưng không thể; ‘nửa lần’ cũng không có, ‘nửa phút’ cũng không dám mơ.

Một điều cuối cùng, đó là chúng ta đối xử làm sao với cha mẹ thì con cái sẽ đối xử với chúng ta như thế. Không cần đợi đến hai mươi, ba mươi năm sau, nhưng nhãn tiền hôm nay. Một điều chắc chắn, chúng ta hiếu thảo với cha mẹ bây giờ thì con cái sẽ hiếu thảo với chúng ta mai ngày. Chúng ta không nhớ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ; con cái không học được thói quen tốt lành đó nơi chúng ta thì mai kia, nằm ngoài mộ, ai nhớ đến chúng ta? Không làm gương tốt hiếu đễ cho con cái ngay bây giờ thì chúng ta đừng ngạc nhiên với tục ‘bỏ mả’ mai ngày của con cái.

Anh Chị em,

Bố mẹ chúng ta qua đời, nhưng Thiên Chúa sẽ mãi mãi không bao giờ qua đời. Ngài vẫn có đó, vẫn sinh, dưỡng, dục chúng ta mỗi ngày. Chúng ta không thể kể hết những gì Thiên Chúa đã làm; Thiên Chúa mong chờ chúng ta đáp lại ân huệ của Người, bằng cách kính tôn Người, là Thiên Chúa của các vĩ nhân; cùng lúc, Thiên Chúa dạy chúng ta hiếu đễ với cha mẹ mình, “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, với người đã khuất, xin đừng để con bỏ mả như người thượng; với người chưa khuất, cho con biết trân quý và nâng niu từng ngày vì quả, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Suy niệm Thứ Tư Lễ Tro
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
14:10 13/02/2021
Mùa Chay, nhớ về thân tro bụi, mùa của tình yêu và hy vọng

(Mt 6, 1-6; 16-18)

Hôm nay khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc : Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).

Tro, dù nhỏ nhặt, nhưng nhắc nhở chúng ta một thực tế rằng chúng ta theo đuổi và lo lắng mỗi ngày, chăm chỉ làm việc, muốn chiếm hữu tất cả, nhưng chúng ta sẽ không mang theo được sự giàu có khi từ giã cuộc sống này, chúng ta sẽ không còn gì. Thực tại trần gian biến mất như tro trong gió. Những thứ chúng ta đang có chỉ là tạm thời, quyền lực qua đi, thành công sẽ phai nhòa. Nó giống như một ngọn lửa: một khi lụi tàn, chỉ còn lại tro.

Mùa Chay là thời gian để giải thoát bản thân khỏi ảo ảnh đuổi theo cát bụi. Mùa Chay giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được tạo thành vì Chúa, chứ không phải vì thế gian; vì sự vĩnh cửu của thiên đàng, chứ không phải vì sự tạm thời trần thế; vì tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ cho vạn vật.

Chủ đề sứ điệp Mùa Chay năm 2021 này là : “Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18). Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.

Đức Thánh Cha viết : “Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và làm phúc, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta” (Trích sứ điệp Mùa Chay 2021).

Hành trình của Mùa Chay hướng về Phục Sinh. Toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu được chiếu soi nhờ ánh sáng phục sinh. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc cần làm là Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực (x. Sứ điệp Mùa Chay 2021).

Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là : nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.

Vậy làm thế nào để thực hiện ba điều Tin Mừng nhắc nhở chúng ta : Ăn chay - cầu nguyện - bố thí.

Những việc đạo đức chúng ta làm hàng ngày qui vào ba điều đó. Không phải Mùa Chay chúng ta vẫn làm. Bằng chứng là chúng ta vẫn cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ, lãnh nhận các bí tích là chúng ta cầu nguyện. Các ngày thứ Sáu, Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, và các dịp lễ khác chứng ta vẫn ăn chay. Giúp đỡ người nghèo, góp tiền cho người nghèo ăn Tết là bố thì. Nhưng trong Mùa Chay Thánh, chúng ta phải làm những việc bình thường đó với một tinh thần mới mẻ, tinh thần của Đức Kitô, tinh thần của Tin Mừng. Ăn chay để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến là chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm đời ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Đức Thánh Cha viết : “Trong hoàn cảnh lo âu hiện nay, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, thì việc nói về niềm hy vọng dường như là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chắc chắn là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại để chăm sóc thụ tạo của Người, đang khi chúng ta lại thường ngược đãi” (x. TĐ. Laudato si’, 32-33; 43-44).

Đức Thánh Cha khuyên, trong Mùa Chay, “hãy nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224).

Tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta, cân bước theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông. Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta.

Sống Mùa Chay với tình yêu, là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

Lạy Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse xin đồng hành với chúng con trong Mùa Chay Thánh này. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Lễ Mùng Ba Tết 2021
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
14:13 13/02/2021
Xin Chúa sáng soi cho biết việc phải làm

(Ga 20, 19-31)

Để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh Việt Nam đã chỉ định Ngày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt.

Sau khi đã vui chơi ăn Tết, đến lúc phải bắt tay vào làm việc. Lời nguyện nhập lễ giao thừa chúng ta cúi xin Chúa rộng ban cho chúng ta một năm mới dồi dào phúc lộc và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh.

Thánh Phaolô đã có một kinh nghiệm tuyệt vời khi chia sẻ: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm 7,19). Điều này có nghĩa là, chúng ta không thể điều khiển được chính mình, chúng ta không đủ nghị lực để dám chắc mọi điều ta làm đều tốt. Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc“Kinh Sáng Soi” để xin Chúa hướng dẫn, nhất là thánh hóa trước khi bắt đầu việc làm trong năm mới. “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

Lời kinh này chất chứa niềm tin tưởng và lòng cậy trông vững vàng của những người con Chúa.

Quả thật, khi chúng ta : “Xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm” là chúng ta khơi lên niềm khát mong được nguồn ánh sáng của Chúa soi dẫn tâm trí, lời nói, việc làm… cho chính bản thân ta và đồng thời xin Chúa thánh hóa. Bởi đã có không ít lần chúng ta bắt đầu làm việc mà không biết phải làm gì hoặc phải bắt đầu từ đâu. Vì thế, khi giục lòng cậy trông xin ơn Chúa soi sáng là ta nhận biết về uy quyền của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta suốt năm tháng ngày giờ.

Thiên Chúa đặt con người làm chủ

Sau khi đã tạo dựng vạn vật muôn loài, Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất" (St 1, 26). Thế là "Thiên Chúa lấy bù đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vường tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên" (St 2, …). Việc con người được dựng nên từ bùn đất cho thấy tính chất yếu hèn, mỏng giòn của thân phận. Nhưng Thiên Chúa lại tạo nên con người và ban cho con người hình ảnh Chúa, cho con người được chia sẻ sự sống của Chúa, phú ban cho con người sự sống siêu nhiên và nhiều đặc ân như trí khôn minh mẫn, ý chí hướng thiện, không phải đau khổ và không phải chết và nhất là đặt con người làm chủ công trình Chúa sáng tạo, làm chủ chính mình trong ơn sủng mà Thiên Chúa đã ban cho.

Việc làm trong chương trình của Thiên Chúa

Công ăn việc làm là một phần trong chương trình của Thiên Chúa Sáng Tạo. Trong sách Sáng Thế, đề tài trái đất như là nhà - vườn được trao phó cho con người săn sóc và canh tác (x. St 2,8.15) đã đuợc diễn tả như sau : "Ngày Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai, và Người làm trào lên từ đất nước của các con kinh để tưới" (St 2,4b-6). Vẻ đẹp của trái đất và phẩm giá của công ăn việc làm được làm ra để nối kết với nhau. Cả hai song hành cùng nhau: trái đất trở nên xinh đẹp, khi nó được con người canh tác.

Hình ảnh địa đàng, nơi con người là chủ, sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15), cho thấy con người nguyên thủy sống trong mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và với cả vạn vật chung quanh. Trong tình trạng hạnh phúc và công chính nguyên thủy đó, con người làm chủ chính mình, không phải đau khổ và không phải chết. Lao động không là gánh nặng nhưng là sự cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm kiện toàn chính bản thân và cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa.Vì “khi chúng ta làm việc là chúng ta cộng tác với Đấng đang làm việc…bởi vì không có Chúa chúng ta không thể làm được gì” (Thánh Augustino - GL HTCG Số 2001). Ý thức được giá trị ấy, con người phải có nghĩa vụ sinh lời từ những ân phúc do Chúa tặng ban.

Làm gì với nén bạc Chúa trao

Tin Mừng ngày xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm hôm nay thuật lại câu chuyện ba người đầy tớ được ông chủ tin tưởng trao phó tài sản của mình trước khi ông bắt đầu một cuộc hành trình dài. Hai trong số họ đã làm rất tốt công việc của mình, vì họ đã làm sinh lợi gấp đôi cái nhận được. Nhưng người thứ ba thì không: “Người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình” (Mt 25,18). Anh đào lỗ chôn giấu, vì sợ ông chủ, không biết làm thế nào để sinh hoa lợi. Đây có lẽ là trung tâm của dụ ngôn.

Việc gì đến cũng sẽ đến, chủ trở về, ông gọi các đầy tớ lại để tính sổ những gì ông đã trao phó cho họ. Ông hoanh nghênh hai người đầu tiên, và tỏ sự thất vọng đối với người thứ ba. Trong thực tế, người thứ ba đã sai lầm khi chôn kín số tiền nhận được, anh hành xử như thể sẽ không có ngày anh sẽ bị hỏi về những việc anh đã làm. Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta cách sử dụng tốt những gì chúng ta đã được ban tặng.

Ý nghĩa của dụ ngôn này thật rõ ràng. Ông chủ trong dụ ngôn này là Chúa Giêsu, những đầy tớ là chúng ta và những nén bạc là tài sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Khi thông ban cho chúng ta sự sống, Thiên Chúa cũng phú ban cho chúng ta những nén bạc, có thể là khả năng nhiều hay ít. Các nén bạc tượng trưng cho những ơn ban của Chúa để phát triển cá nhân, đạo đức và tôn giáo. Các nén bạc ấy, Ngài đã ủy thác để chúng ta làm cho chúng sinh lời. Cái hố được đào dưới đất bởi người “đầy tớ xấu xa và biếng nhác” (Mt 25, 26). Chúa không yêu cầu chúng ta phải bảo quản ân ban của Ngài trong két sắt! Nhưng mong muốn rằng, chúng ta sử dụng nó để sinh lợi cho tha nhân.

Những nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhiều hay ít, số lượng không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người làm việc với những nén bạc đó. Chúa chú ý tới cố gắng của mỗi người. Bởi thế, người đã lãnh năm nén và người đã lãnh hai nén mà xử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ” (x.Mt 25, 21.23). Bạc Chúa trao cho chúng ta phải ra sức làm việc để sinh lời. Việc sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ, người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa sáng soi, để chúng ta biết việc phải làm. Đồng thới luôn ý thức về sứ mạng Chúa trao ban là làm chủ, để chúng ta mến yêu lao động, cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Chúng ta không làm việc một mình, nhưng có Chúa cùng hoạt động.

Xin Chúa chúc phúc cho công ăn việc làm của chúng con trong suốt cả năm mới này. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:04 13/02/2021

6. Ngoài việc phạm tội ra, thì không có gì phải đáng hổ thẹn.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:09 13/02/2021
64. UỐNG RƯỢU NHẠO QUAN

Trước đây có một huyện quan và huyện thừa (1) rất tham tiền, nhưng quan chủ bộ (2) thì lại thanh liêm.

Một hôm, ba người cùng nhau uống rượu, uống cho đến khi ngất ngư thì huyện quan đưa ra một trò chơi, và quy định mỗi trò chơi phải bao hàm một câu thiên gia thơ, phía dưới phải dùng hai câu tục hóa nói rõ ý thơ.

Quan huyện tự mình nói trước:

- “Lữ Chước Sinh đem củi và lá đi đốt, một bếp lạnh, một bếp nóng”.

Huyện thừa tiếp lời:

- “Cây trượng lê đỡ tôi qua cầu đông, trái áp sát tôi, phải cũng áp sát tôi”.

Trò chơi của chủ bộ ý bao hàm ám chỉ châm biếm:

- “Mai và tuyết tranh xuân chưa dám rơi, nguyên cáo một lượng ba, bị cáo cũng một lượng ba” (3) .

(Tiếu Hải Thiên Kim)

Suy tư 64:

Thời nay có những ông quan án nhận tiền hối lộ để thay án tội cho người có tội thành vô tội, và người vô tội thành án chung thân, sự công bằng trước mắt bị thế lực đồng tiền và lòng tham của ông quan án đánh gục, nhưng sự thật vẫn là sự thật, đức công bằng vẫn là công bằng, bởi vì sự thật chính là Thiên Chúa và công bằng cũng chính là Ngài, cho nên Ngài sẽ trả lại cho những ai bị xét xử oan ức ở đời này được phúc lành mai sau.

Làm quan án là một sứ mệnh thiêng liêng mà Thiên Chúa đã trao cho họ để đem lại sự công bằng cho người áp bức, cho nên có thể nói là rất vinh dự, nhưng đồng thời cũng là án tử cho linh hồn của họ khi họ bẻ cong sự thật và dập nát đức công bằng bởi lòng tham không đáy của mình, chính họ -quan xét xử- sẽ bị xét xử nặng nề trong ngày phán xét bởi Đấng phán xét rất công bằng là Thiên Chúa.

Hạnh phúc thay cho người làm quan án thay mặt Thiên Chúa để đem sự thật và công bằng đến cho tha nhân...

(1) Người trợ tá cho quan huyện.

(2) Quan coi sổ sách trong huyện.

(3) Nguyên cáo và bị cáo đều yêu cầu nộp một lượng ba đồng bạc trắng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hans Feichtinger: Những Điều Cần Biết Về Tiến Trình Công Nghị ở Đức
J.B. Đặng Minh An dịch
04:42 13/02/2021

Trong các trường hợp liên quan đến ly giáo, và lạc giáo, thông thường, Giáo Hội phải đối phó với tình trạng là một số thần học gia đưa ra các lý thuyết sai lầm nghịch lại với đạo lý đã được xác lập và tin tưởng của Giáo Hội. Trong các trường hợp như thế, các Giám Mục, trong tư cách là thầy dạy, là những người bảo vệ đạo lý.

Tình hình ở Đức hiện nay lại khác. Nhiều Giám Mục lại chính là những người tạo ra vấn đề. Ví dụ nổi bật nhất là Tiến Trình Công Nghị (tiếng Đức Synodaler Weg) hiện nay nhằm thảo luận trên bốn chủ đề chính: “thẩm quyền, sự dự phần và phân chia quyền lực” giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, “đạo đức tình dục”, “hình thái đời sống linh mục”, và “ phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo Hội”, trong viễn tượng thay đổi giáo huấn và kỷ luật phổ quát của Giáo Hội.

Đức Ông Hans Feichtinger là người Đức, được thụ phong linh mục tại giáo phận Passau, miền Nam Bavaria, vào năm 1998. Sau khi nhận được bằng Tiến sĩ Thần học về Các Giáo Phụ từ Đại Học Giáo Hoàng Augustinianum ở Rôma, ngài phục vụ tại Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Ngài cũng có bằng tiến sĩ triết học tại Khoa Triết học của Dòng Tên ở Munich.

Từ ngày 3 tháng Giêng năm 2017, ngài là Cha Sở cho giáo xứ Thánh Albertus Pfarrgemeinde của cộng đoàn Công Giáo Đức ở Ottawa, Canada.

Đức Ông Hans Feichtinger là cây bút thường xuyên của Crisis Magazine và First Things.

Hôm 11 tháng 2, ngài có một bài viết giải thích về Tiến Trình Công Nghị tại Đức với nhan đề “What to Know About the Synodal Way”, nghĩa là “Những Điều Cần Biết Về Tiến Trình Công Nghị”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

What to Know About the Synodal Way

By Hans Feichtinger

Những Điều Cần Biết Về Tiến Trình Công Nghị


COVID-19 phá vỡ tất cả mọi thứ, ngoại trừ Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Công Giáo ở Đức. Tiến Trình Công Nghị là một quy trình được khởi động vào tháng 12 năm 2019 dưới chiêu bài tìm kiếm “các bước nhằm củng cố chứng tá Kitô Giáo”. Nó được coi là rất cần thiết cho sự tồn tại của Giáo hội, đến nỗi khi bắt đầu đại dịch, các nhà tổ chức đã nhanh chóng áp dụng mô hình phi tập trung, phân tán ra các khu vực và trực tuyến, để Tiến Trình Công Nghị có thể tiếp tục ngay cả trong trường hợp bị cách ly.

Tiến Trình Công Nghị bao gồm các nhóm tập trung vào bốn chủ đề: thẩm quyền và sự phân chia quyền lực trong Giáo hội; cuộc sống linh mục ngày nay; phụ nữ trong các thừa tác vụ và các chức năng trong Giáo Hội; và làm thăng tiến các mối quan hệ — sống tình yêu trong tình dục và quan hệ đối tác. Đáng chú ý là ba trong bốn chủ đề này liên quan đến những người được Giáo hội tuyển dụng, và do đó ít nhiều là chủ đề của hàng giáo sĩ. Bất chấp yêu cầu khẩn cấp của Đức Thánh Cha Phanxicô, chủ đề tân phúc âm hóa đã không được thực hiện. Việc truyền giáo được đề cập trong các tài liệu do Tiến Trình Công Nghị cung cấp, nhưng hãy xem kỹ cách nó được đề cập. Trong số những người tham gia Thượng Hội đồng, cả các giám mục và những người khác, xác tín phổ biến là Giáo hội cần phải thay đổi cách sống và làm việc của mình, thay vì đề cao những gì mình tin tưởng và tuyên xưng, trước khi có thể tiến tới việc truyền giáo. Bốn mươi lăm năm sau khi Đức Thánh Cha Phaolô VI viết Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng - Evangelii Nuntiandi, người Đức vẫn nghĩ rằng cần phải xảy ra nhiều điều trước khi chúng ta có thể bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên và là sứ mệnh cốt lõi của Giáo hội.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục thường được trích dẫn để giải thích sự cần thiết của Tiến Trình Công Nghị. Các cáo buộc gần đây đã được nhắm vào Tổng giáo phận Köln. Ngay cả báo chí thiên tả cũng không thật sự tin rằng Đức Hồng Y Woelki, Tổng giám mục của Köln, đã làm sai điều gì đó. Nhưng Đức Hồng Y Woelki là nhân vật hàng đầu trong việc chỉ trích Tiến Trình Công Nghị, và điều này khiến ngài trở thành cột thu lôi. Đức Hồng Y Woelki có vẻ thực sự quan tâm đến việc đi đến tận cùng của các cáo buộc hơn là làm hài lòng công chúng đang tức giận bằng một thứ Chính Trị Biểu Tượng mà người Đức vô cùng yêu thích. [Chính Trị Biểu Tượng – Symbolpolitik: Chính Trị Biểu Tượng đề cập đến một nền chính trị dựa trên cử chỉ. Nó không trực tiếp thay đổi tình hình cụ thể hoặc vấn đề cụ thể, nhưng nhằm gây ra những phản ứng nhất định. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về chính trị biểu tượng là cử chỉ quỳ gối ở Warsaw của cựu Thủ tướng Willy Brandt, người cầu xin Ba Lan tha thứ cho những tội ác của Đức trong Thế chiến II. Trong trường hợp của Đức Hồng Y Woelki, ngài có thể thực thi chính trị biểu tượng bằng cách công bố danh sách các linh mục bị cáo buộc lạm dụng tính dục như một cách xoa dịu quần chúng. Nhưng ngài muốn có một cuộc điều tra chi tiết – chú thích của người dịch]

Tiến Trình Công Nghị đề cao một nghiên cứu gần đây như một nền tảng mà Giáo hội phải dựa vào để giải quyết các trường hợp lạm dụng trong quá khứ. Nghiên cứu này thiên vị và đưa ra những gợi ý ngầm về những gì cần phải thay đổi để ngăn ngừa những lỗi hệ thống tương tự như thế trong tương lai. Hai vấn đề nảy sinh ở đây. Nghiên cứu mô tả những thất bại trong quá khứ trong việc ngăn chặn lạm dụng tình dục với các đặc điểm của Công Giáo, như cấu trúc phẩm trật, đời sống độc thân, giáo lý về luân lý. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giải thích những thất bại trong quá khứ theo cách này khi chúng ta biết, như chúng ta vẫn hằng biết, rằng các tổ chức rất khác nhau, tôn giáo và phi tôn giáo, đã hành xử theo những cách rất giống nhau? Và nếu sự lãnh đạo theo phẩm trật như hiện tại là gốc rễ của vấn đề, như Tiến Trình Công Nghị quả quyết, thì làm sao Giáo hội ngày nay có thể là người đi đầu trong việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương?

Tiến Trình Công Nghị muốn hướng tới và tiến tới như một “Giáo Hội hữu hình”, do đó, họ chọn một khẩu hiệu Công Giáo cực đoan là “ecclesia visibilis” – “Giáo Hội hữu hình”. Đối với Tiến Trình Công Nghị, điều này có nghĩa là hai điều sau: thứ nhất tiến hành với sự minh bạch và thứ hai là duy trì Giáo hội ở Đức như một tổ chức hữu hình, được định nghĩa là một tổ chức công khai “có liên quan” với xã hội, và là một phần của xã hội chính mạch. Người ta tự hỏi liệu đây có phải là một công thức chân thực để tạo ra một ecclesia invisibilis, hay chẳng qua chỉ là một Giáo Hội hòa nhập và biến mất vào nền văn hóa.

Tiến Trình Công Nghị muốn làm cho Giáo hội phù hợp với thế kỷ XXI, tẩy sạch tội lỗi và thất bại trong quá khứ, và chuẩn bị cho việc truyền giáo. Đây là những mục tiêu tốt. Nhưng các phương tiện đề xuất để đạt được những mục tiêu này vẫn chưa thuyết phục, ít nhất là ở giai đoạn này. Tại thời điểm này, các báo cáo và tài liệu do Tiến Trình Công Nghị đưa ra gần như phản bội sứ mệnh truyền giáo và tông đồ của Giáo hội. Sự thỏa hiệp trong đức tin và giáo lý của Giáo hội không phải là tân phúc âm hóa mà là lướt theo xu thế thời đại; và thực hiện những bước mà người Tin lành Luther và những người Tin lành khác đã thực hiện từ lâu, những bước ấy không mang lại kết quả tốt, không phải là đổi mới Giáo hội. Chúng sẽ không cải thiện cơ hội sống sót của Giáo hội hoặc giúp tránh bị lạm dụng trong tương lai. Hãy hỏi bất kỳ tín hữu Tin lành Đức trung thực nào, thiếu gì những người như thế.

Giáo hội ở Đức yêu thích các cấu trúc và vai trò cụ thể của chính mình trong xã hội Đức, một xã hội đã từng là Kitô Giáo nhưng nay là hậu Kitô Giáo. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn không hay. Việc đóng cửa bất kỳ cơ sở thần học nào (do nhà nước tài trợ) đều bị coi là một thảm họa, trong khi việc từ bỏ các truyền thống Công Giáo, thậm chí đến mức ảnh hưởng đến cấu trúc bí tích của Giáo hội, được cho là có thể tranh luận được. Các Nghị phụ của Công đồng Vatican II đang bị lật tung trong mộ phần của các ngài.

Tiến Trình Công Nghị than thở về một Giáo hội hướng nội, tự cuộn tròn trong chính mình, nhưng về cơ bản, tiến trình này đang làm tăng thêm tính chất đó. Nó tuyên bố là một Giáo hội học hỏi, nhưng chỉ sau khi sắp xếp lại các nguồn cảm hứng và chân lý cho phù hợp với kết quả mong muốn. Nó muốn trở thành Công Giáo, nhưng tự làm giảm ý nghĩa của từ đó thành các nguyên tắc của một xã hội đa dạng, đa nguyên. Phẩm trật Giáo Hội được xem như một thứ cần được điều chỉnh cho phù hợp với các nguyên tắc của nền dân chủ tự do để trở nên “thuyết phục” với xã hội ngày nay. Đây là sự kết hợp tân thời của ngai vàng và bàn thờ.

Tiến Trình Công Nghị tin rằng một nền giáo hội học về sự hiệp thông bằng cách nào đó có nghĩa là “ít quyền lực hơn” cho những người được phong chức và “nhiều quyền lực hơn” cho những người không được phong chức. Nhưng việc canh tân Giáo hội chủ yếu không phải là tái phân phối quyền lực. Và trong bất kỳ trường hợp nào, không có thẩm quyền nào trong Giáo hội có quyền thay đổi đức tin và cấu trúc của Giáo hội để phù hợp với các nhu cầu và sở thích của một Tiến Trình Công Nghị. Cơ cấu phẩm trật được Chúa Kitô đưa ra để bảo đảm rằng người nhiếp chính của Ngài không bị thỏa hiệp và không chịu sự thao túng của hàng giáo sĩ cũng như sự thích nghi của một thượng hội đồng dân chủ. Tuy nhiên, người Đức chúng tôi ưa chuộng cách làm việc của chính mình hơn, như vẫn thường được thấy trong các hiệp ước giữa Nhà Nước Đức và các Bang, như một hình thức tiên tri nào đó. Người Đức chúng tôi có xu hướng tin rằng phần còn lại của Giáo hội nên học hỏi từ người Đức.

Theo Tiến Trình Công Nghị, giải pháp mới cho hầu hết các vấn đề là sự “tách biệt quyền lực”, được coi là ý nghĩa cốt lõi của “tính đồng nghị”. Chúng tôi được thông báo rằng phương pháp này sẽ ‘hội nhập văn hóa’ đức tin Công Giáo vào chế độ dân chủ tự do. Giới tinh hoa của Giáo hội Đức tin chắc rằng những gì chúng ta cần là ít đức tin truyền thống hơn và phục tùng nhiều hơn các nguyên tắc tự do. Điều này có vẻ giống như việc bảo vệ các chế độ quân chủ Kitô Giáo vào năm 1918, mặc dù trong trường hợp này đó là Nghị viện Âu Châu. Thật là đáng ngạc nhiên khi có ai đó dám đặt hy vọng như vậy vào sự tái tưởng tượng dân chủ hóa việc quản trị Giáo hội. Tuy nhiên, người Đức tin rằng một “sự đồng nghị” tự do-dân chủ là phương pháp chữa khỏi mọi tệ nạn.

Các tham chiếu mơ hồ của Tiến Trình Công Nghị đến các khái niệm quan trọng trong Kinh thánh và truyền thống thiêng liêng không ngăn cản được nó, đặc biệt là vì họ tùng phục bản chất và sứ mệnh bí tích của Giáo hội vào các lợi ích và nguyên tắc thế tục. Giáo hội ở Đức tự hào về ảnh hưởng to lớn và thành công của mình trong quá khứ, bao gồm cả vai trò quan trọng của Giáo Hội trong việc chống lại và tái thiết sau chế độ Quốc xã. Giờ đây, Giáo Hội Đức tin rằng nếu không xác định lại vai trò của các linh mục và giám mục, không phong chức cho phụ nữ và không xóa bỏ trên thực tế chế độ độc thân linh mục, không hình dung lại hoàn toàn chính bản chất và cấu trúc của Giáo hội, và không sửa đổi mạnh mẽ luân lý tình dục trong Kinh thánh, Giáo Hội không thể có tương lai. Ở một mức độ đáng chú ý, Giáo hội Đức muốn áp dụng cấu trúc của các xã hội dân chủ tự do. Và một khi đạt được điều đó, hy vọng rằng Giáo hội trên toàn thế giới sẽ học hỏi từ những gì mà người Đức đã bắt đầu một cách tiên tri và hiện đang đưa đến sự hoàn thiện.

Có rất nhiều hình thái giáo sĩ trị trong trào lưu chống giáo sĩ ngày nay. Tôi vẫn ngạc nhiên bởi chúng ta ít sẵn lòng học hỏi từ cuộc đối thoại đại kết khi các bài học không phù hợp với quan niệm của chúng ta về “bên nào của lịch sử” mà chúng ta tin rằng chúng ta phải thuộc về. Điều này đối lập với việc truyền giáo, vốn thường phải đối đầu với tinh thần thời đại, và do đó Tiến Trình Công Nghị đi ngược lại những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cho Giáo hội ở Đức. Tiến trình ấy cũng đi ngược lại kinh nghiệm của nhiều anh em Tin lành của chúng ta, những người đã chứng kiến sự tan loãng đạo lý trước đây. Và nó đi ngược lại những gì Chúa đã ủy quyền cho Giáo hội của Ngài trở thành, ở Đức và bất cứ nơi nào khác.

Trên thực tế, Giáo hội ở Đức đã thực hiện rất ít nỗ lực tân Phúc âm hóa, thay vào đó chỉ dựa vào các đề xuất tự định đoạt của Tiến Trình Công Nghị. Mối quan tâm đến sự sống còn về cấu trúc của chính Giáo hội Đức và sự phù hợp với xã hội đã khiến chúng ta không thể nghe lời thách thức và giải phóng của Chúa. Ở giai đoạn này, tôi tự hỏi liệu toàn bộ mọi thứ có thể và vẫn nên được cứu vãn hay không. Rõ ràng, Giáo hội trên toàn thế giới ngày càng ít chú ý đến thần học Đức. Một khi hết tiền, những phương thế ảnh hưởng đến các Giáo Hội khác trên thế giới sẽ biến mất.

Sự phục hưng và đổi mới thực sự sẽ phụ thuộc vào những người đứng lên vì chân lý của đức tin Công Giáo mà không thỏa hiệp. Điều chúng ta cần làm là chỉ ra rằng những thay đổi về tổ chức và cơ cấu sẽ không thể làm chậm lại sự biến mất của Giáo hội. Giáo hội tồn tại để đào tạo các môn đệ, để truyền giáo; tất cả các cấu trúc mà Giáo Hội cần là để phục vụ sứ mệnh này. Đó là quyền tự do mà Giáo Hội được mời gọi (Gal 5:13). Bạn thậm chí không thể biết mình cần gì với tư cách là một Giáo hội trừ khi và cho đến khi bạn can đảm bắt đầu truyền giáo. Đáng buồn thay, người Đức muốn “cải cách” trước và truyền bá Tin Mừng sau.
Source:First Things
 
Nữ FBI đồng thời là nữ giáo lý viên của tổng giáo phận bị giết gây xúc động mạnh
Đặng Tự Do
16:07 13/02/2021


Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami đã đưa ra một bài giảng lễ xúc động để tuyên dương Laura Schwartzenberger, một đặc vụ FBI 43 tuổi, đã bị giết trong khi theo đuổi một cuộc điều tra về một tên truyền bá nội dung khiêu dâm trẻ em.

Thánh lễ an táng được cử hành vào ngày 6 tháng 2, bốn ngày sau khi Đặc vụ FBI Laura Schwartzenberger, một người mẹ của hai cậu con trai nhỏ, một giáo lý viên của tổng giáo phận Miami, và là một thành viên tích cực của giáo xứ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu ở Parkland, Florida bị bắn chết cùng với Đặc vụ Daniel Alfin.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh sự đau lòng của cộng đồng sau cái chết của Schwartzenberger, người không chỉ cam kết vì sự an toàn của trẻ em thông qua sự nghiệp của mình mà còn dạy giáo lý cho trẻ em tại giáo xứ.

“Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất tới chồng của Laura, Jason, tới hai con trai của họ, Gavin và Damon; chúng tôi cũng xin gửi lời chia buồn đến gia đình của anh Daniel Alfin. Chúng tôi chia sẻ sự đau buồn của họ và sự tiếc thương của cha mẹ, anh chị em và những người có mối quan hệ huyết thống của những công chức đã thiệt mạng khi thi hành công vụ”, ngài nói.

“Nỗi đau của anh chị em rất sâu sắc; và toàn bộ cộng đồng của chúng ta ở đây Nam Florida chia sẻ điều đó với anh chị em - và chúng tôi mong muốn rằng khi chia sẻ điều đó, chúng tôi có thể xoa dịu nỗi đau của anh chị em. Và mặc dù chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi muốn anh chị em biết rằng anh chị em không phải gánh vác nó một mình. Toàn bộ cộng đồng sát cánh với anh chị em và sẽ tiếp tục làm như vậy trong những ngày tới”.

Lúc 6:04 sáng 2 tháng 2, hai Đặc vụ FBI là Laura Schwartzenberger và Daniel Alfin, 36 tuổi, được sự hỗ trợ của 3 cảnh sát viên địa phương quận Sunrise đã mang lệnh khám xét của tòa án đến nhà nghi phạm David Lee Huber để tịch thu computer và các bằng chứng khác. Huber bị nghi là buôn bán các nội dung khiêu dâm trẻ em. Hắn ta nhìn thấy họ qua camera an ninh và đã dùng một khẩu tiểu liên tự động bắn ở cự ly gần khi họ đang gõ cửa nhà y. Vì bất ngờ, Laura Schwartzenberger và Daniel Alfin đều tử trận, trong khi 3 cảnh sát viên địa phương bị thương. Nghi phạm đã dùng súng tự sát.

Đức Tổng Giám Mục Wenski nói rằng trong suốt sự nghiệp của Schwartzenberger, cô đã gặp phải mặt tối của bản chất con người và bảo vệ những người trẻ dễ bị tổn thương khỏi sự xấu xa của những kẻ săn mồi tình dục. Khi nói chuyện với hai con trai của Laura, ngài nói rằng mẹ của họ là một anh hùng thực sự, người kiên quyết theo đuổi thiện.

“Gavin và Damon, mẹ của chúng con là một anh hùng cũng như mọi đặc vụ, mọi thành viên thực thi pháp luật đeo huy hiệu và báo cáo nhiệm vụ. Họ không phải là người nổi tiếng; nhưng họ là những anh hùng.”

“Nhưng trở thành anh hùng không có nghĩa là chúng ta không biết sợ hãi; nó có nghĩa là không để nỗi sợ hãi lấn át chúng ta khiến chúng ta không thể giúp đỡ người xung quanh. Cô và tất cả những người chết trong nhiệm vụ đều là những anh hùng vì đối mặt với cái ác họ đã kiên quyết, kiên quyết bảo vệ và phục vụ thiện ích chung”.

Một buổi lễ tưởng niệm Schwartzenberger cũng được tổ chức tại Miami Gardens vào ngày 6 tháng 2. Trong buổi lễ, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết những câu chuyện về người đặc vụ này nói lên một cuộc đời “quyết tâm, sự cống hiến và lòng dũng cảm”.

Ông cho biết Schwartzenberger gia nhập FBI vào năm 2005 và sau khi tốt nghiệp Quantico, cô đã có gia nhập biệt đội đầu tiên ở Albuquerque. Vào năm 2007, cô trở thành thành viên nữ FBI SWAT đầu tiên của Albuquerque. Ba năm sau, cô chuyển đến Miami và tham gia Đội Điều tra Tội phạm Bạo lực Chống Trẻ em.

“Tôi hiểu rằng Laura là một phụ nữ có đức tin - một người Công Giáo sùng đạo, đã tham dự đều đặn các sinh hoạt tại nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu. Đó là một phần quan trọng trong cuộc đời cô ấy và là một phần của con người cô ấy trong mọi việc cô ấy làm”, ông nói thêm.
Source:Catholic News Agency
 
Biểu tình bạo động bùng lên tại Iraq
Đặng Tự Do
16:08 13/02/2021


Hôm thứ Hai, Vatican đã công bố một lịch trình bận rộn cho chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq. Thật không may là việc công bố lịch trình này trùng với thời điểm bùng phát các cuộc biểu tình khắp cả nước khi người dân Iraq kêu gọi cải cách chính trị.

Iraq trước đây đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình bạo lực vào năm 2011, 2015 và 2018 trong đó những người biểu tình yêu cầu những thay đổi sâu sắc trong ban lãnh đạo chính trị quốc gia mà họ tin rằng đã cho phép tham nhũng phát triển mạnh, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Iraq vẫn chưa thể phục hồi từ sau nhiều năm chiến tranh, khủng bố, lầm than và sự thất bại của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề.

Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình mới đã nổ ra ở nhiều tỉnh ở cả miền trung và miền nam Iraq, trong đó có cả một số cuộc biểu tình bạo động với một số người biểu tình bị thương.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Nasiriyah, miền nam nước này hôm thứ Sáu, ba trong số những người biểu tình đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động.

Trong các cuộc biểu tình, những người tham gia đã chặn một cây cầu chính ở trung tâm thành phố trước khi quay trở lại Quảng trường Habboubi. Vào tháng 10, 2019, Quảng trường Habboubi đã là nơi diễn ra một số cuộc đàn áp tàn bạo nhất.

Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq hiện xếp thứ 162 trên thế giới về tính minh bạch, chỉ khá hơn một số quốc gia bao gồm Somalia, Nam Sudan, Syria, Yemen và Venezuela.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Iraq từ 5 đến 8 tháng Ba, chấm dứt 15 tháng gián đoạn các chuyến tông du bên ngoài Italia của ngài. Tuy nhiên, hy vọng cho chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố kép ở Baghdad vào sáng thứ Năm 21 tháng Giêng làm rung chuyển thủ đô Baghdad.

Các quan chức Iraq cho biết, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 110 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát kép xé nát một khu vực sầm uất ở trung tâm Baghdad vào sáng thứ Năm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Yahya Rasool cho biết một trong hai thủ phạm đã dụ đám đông đến gần mình trong một khu chợ ở trung tâm Quảng trường Tayaran bằng cách giả bệnh té xuống đất và kêu la cầu cứu. Khi đám đông những người tốt bụng đến gần, y kích hoạt chất nổ quấn quanh người.

Rasool cho biết, kẻ đánh bom thứ hai đã tấn công khi mọi người xúm lại giúp đỡ các nạn nhân của cuộc tấn công đầu tiên.

Đây là vụ nổ bom tự sát đầu tiên ở Baghdad kể từ tháng Giêng năm 2018, khi 35 người thiệt mạng và 90 người bị thương tại cùng một quảng trường vừa bị tấn công.
Source:Crux
 
Tòa thánh kêu gọi hòa bình, công bằng xã hội cho Myanmar
Thanh Quảng sdb
18:00 13/02/2021
Tòa thánh kêu gọi hòa bình, công bằng xã hội cho Myanmar

Thứ Sáu (12/2/2021) Cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết, kêu gọi quân đội Myanmar hãy thả các nhà lãnh đạo được dân chúng bầu chọn để cai quản quốc gia và hãy thả tự do cho các quan chức và những người biểu tình, Tòa thánh bày tỏ sự gần gũi với dân chúng và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Những người ủng hộ nhà lãnh đạo Myanmar bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi đã đụng độ với cảnh sát vào thứ Sáu và hàng trăm nghìn người tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trên toàn quốc bất chấp lời kêu gọi của quân đội cấm các cuộc tụ tập từ 5 người trở lên. Các cuộc biểu tình chủ yếu là hòa bình, lớn nhất từ trước tới nay.

Các cuộc biểu tình của dân chúng tràn lan trên các đường phố đã bước sang ngày thứ Bảy tuần thứ hai mà cả người biểu tình và quân đội đều không có bên nào chịu lùi bước.

Sự gần gũi thiêng liêng của Tòa thánh

“Trong những ngày này, Tòa Thánh đã và đang theo dõi với sự quan tâm sâu sắc và hết sức quan tâm đến những diễn biến đang diễn ra tại Myanmar, một đất nước mà kể từ khi ĐTC thăm viếng vào năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có nhiều tình cảm.

Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên hợp quốc tại Geneva, đã phát biểu trong phiên họp đặc biệt lần thứ 29 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 12 tháng 2, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này. “Trong thời điểm tế nhị nhất này,” ĐTGM nói, “Tòa thánh mong muốn một lần nữa đảm bảo sự gần gũi tinh thần, sự cầu nguyện và tình đoàn kết với người dân Myanmar.”

Khủng hoảng

Quân đội Myanmar đã đảo chính ngày 1 tháng 2, sau khi bắt giữ các nhà lãnh đạo được dân chúng bầu chọn một cách dân chủ từ Liên đảng Quốc gia Dân chủ (NLD). Cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, vốn cho rằng cuộc tổng tuyển cử tháng 11, mà đảng NLD thắng cử, là gian lận. Kể từ đó các vụ bắt giữ tăng không ngừng...

Những người phản đối cuộc đảo chính quân sự Myanmar đã duy trì các cuộc biểu tình lớn trong bảy ngày liên tiếp vào thứ Sáu khi việc tiếp tục bắt giữ những người chỉ trích quân đội càng gây thêm sự tức giận trước việc giam giữ bà Suu Kyi.

Hàng nghìn người tập trung tại trung tâm Yangon, trong khi các người biểu tình xuống đường tại Naypyitaw, thành phố thứ hai ở Mandalay và các thị trấn khác; theo hãng tin Reuters bình luận thì đây là một cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay ở một quốc gia Đông Nam Á.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva hôm thứ Sáu cho biết có hơn 350 người, bao gồm các quan chức, nhà hoạt động và nhà sư, đã bị bắt ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính, trong đó có một số người phải đối mặt với cáo buộc hình sự với "lý do không rõ ràng". "Hãy chấm dứt bắt cóc vào ban đêm", là một trong những biển ngữ được những người biểu tình ở Yangon giơ lên để phản đối các cuộc đột kích bắt giữ trong những ngày gần đây.

Đối thoại và tôn trọng phẩm giá con người

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic nói, “Tòa thánh cũng khẩn khoản những người có trách nhiệm trong đất nước hãy tôn trọng nhân quyền và quyền lợi dân chúng, với thiện chí hãy chân thành phục vụ cho lợi ích chung, cho các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, thúc đẩy công bằng xã hội và quốc gia, ổn định chung sống hài hòa, dân chủ và an hòa.”

ĐTGM mời gọi “mọi người hãy gạt bỏ tất cả những gì cản trở để tiến trình tất yếu của đối thoại và tôn trọng phẩm giá con người được thực hiện”. Ngài hy vọng một giải pháp hòa bình, nhanh chóng xoa dịu những căng thẳng vì “tin tưởng rằng đối thoại có thể mang lại hòa bình mà nhiều người mong muốn”.

Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc gồm 47 thành viên hôm thứ Sáu đã nhất trí thông qua nghị quyết do Anh và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mà không cần bỏ phiếu, thúc giục các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar thả ngay bà Suu Kyi và các nhân viên của chính phủ dân sự. Tuy nhiên, văn bản dự thảo ban đầu đã bị Trung Quốc và Nga từ khước cho rằng họ "xin không đứng trong danh sách đồng thuận". Trước cuộc bỏ phiếu, đặc phái viên của Myanmar nói rằng nghị quyết này "không thể chấp nhận được".

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã phải chịu đựng một thời gian dài dưới sự cai trị của một chính quyền quân sự từ năm 1962 đến năm 2011. Trong gần 5 thập kỷ, hầu như tất cả những người bất đồng chính kiến đều bị trấn áp không có nhân quyền, đã bị quốc tế lên án và trừng phạt. Quá trình tự do hóa dần dần được bắt đầu vào năm 2010, dẫn đến các cuộc bầu cử tự do vào năm 2015 và thành lập được chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo vào năm sau.

Đức Thánh Cha Phanxicô


Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình đoàn kết của mình với người dân Myanmar và kêu gọi những người đảo chính hãy sẵn sàng phục vụ vì lợi ích chung. Phát biểu trong buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 7 tháng 2, Ngài đã kêu gọi những người nắm giữ quyền lực hãy thể hiện thiện chí chân thành phục vụ lợi ích chung, thúc đẩy công bằng xã hội và ổn định quốc gia, chung sống hòa hợp hòa giải dân chủ.

Và một lần nữa, trong bài phát biểu trước phái đoàn ngoại giao ngày hôm sau (8/2/2021), Đức Thánh Cha đã bày tỏ tình cảm và sự gần gũi của ngài đối với người dân cả nước. Ngài bày tỏ sự thất vọng vì "con đường dẫn đến dân chủ được thực hiện trong những năm gần đây đã bị vi phạm một cách rõ ràng" bởi cuộc đảo chính gần đây. ĐTC hy vọng các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ "sẽ sớm được trả tự do ngay lập tức như một dấu hiệu thiện chí của cuộc đối thoại chân thành nhằm mục đích tốt đẹp cho đất nước".
 
YouTube vĩnh viễn cấm LifeSiteNews khiến người ta lo ngại đối với việc kiểm duyệt
Vũ Văn An
22:50 13/02/2021

Trên đây là nhận định của hãng tin CNA ngày 12 tháng 2. Theo hãng tin này, chủ bút của LifeSiteNews, John-Henry Westen, nói rằng trang mạng của ông không nhận được "lý do chuyên biệt nào cho việc xóa bỏ tài khoản" và việc xóa bỏ tài khoản có nghĩa là trang mạng của ông không có quyền truy cập để xem video bị gắn cờ hoặc kháng án quyết định.



Thực vậy, việc YouTube cấm nhóm ủng hộ sự sống LifeSiteNews vì cho rằng đã thông tin sai lệch về COVID-19, đã gây nhiều lo ngại đối với việc kiểm duyệt và tranh luận tự do.

Một nhà đạo đức học tại Trung tâm Đạo đức Sinh học Công Giáo Quốc gia không đồng ý với việc trình bày của LifeSiteNews về khoa học và đạo đức liên quan đến vắc-xin COVID-19, nhưng ông bảo vệ sự hiện diện của tổ chức này trên YouTube, nơi họ nhận được hơn 2 tỷ người dùng đăng nhập mỗi tháng.

Edward Furton, nhà đạo đức học tại Trung tâm Đạo đức Sinh học Công Giáo Quốc gia, nói với CNA ngày 11 tháng 2 rằng, “Trung tâm Đạo đức Sinh học Công Giáo Quốc gia lên án quyết định tùy tiện của YouTube kiểm duyệt nội dung chỉ vì họ thấy nội dung đó không hợp hoặc đối lập với quan điểm chính trị của họ.

YouTube không có các nhân viên là khoa học gia, mà chỉ là các kỹ sư và kỹ thuật viên, những người hiểu rất ít về các vấn đề khoa học. Tệ hơn nữa, họ ủng hộ ý thức hệ cấp tiến chuyên cổ vũ việc phá thai không chỉ ở trong nước mà ở khắp thế giới. Họ tin rằng có một quyền phổ quát được giết các thai nhi. Một quan điểm như vậy quả đã thu hồi quyền họ đòi cho họ ưu thế đạo đức trên người khác”.

Furton nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe các quan điểm đa dạng.

Ông nói với CNA, “Sự kiểm duyệt của các công ty kỹ thuật lớn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các nguyên tắc dân chủ mà chúng ta đã được chứng kiến trong nhiều thập niên. Điều này được thực hiện chỉ nhằm mục đích kiểm soát thông tin và ngăn chặn việc thảo luận ý kiến tự do giữa các đồng công dân của họ. Thật không may, điều này ngày càng trở nên thông thường cho đến khi các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta gom đủ can đảm để ban hành luật lệ bảo vệ quyền tự do phát biểu ý kiến”.

Google, chủ nhân của YouTube, sau đó cho biết họ cấm LifeSiteNews do vi phạm chính sách thông tin sai lệch về COVID-19 của họ, trong đó có “nội dung cổ vũ các phương pháp phòng ngừa mâu thuẫn với cơ quan y tế địa phương hoặc WHO”. Người phát ngôn của Google nói với Daily Caller News Foundation rằng những kênh nào nhận được ba cảnh cáo trong thời gian 90 ngày sẽ bị xóa vĩnh viễn.

Phát biểu với CNA trước tuyên bố này, chủ bút John-Henry Westen của LifeSiteNews cho biết trang mạng của ông không nhận được “lý do chuyên biệt nào cho việc xóa tài khoản” và việc xóa tài khoản có nghĩa là trang mạng của ông không có quyền truy cập để xem video bị gắn cờ hoặc để kháng án quyết định.

Ông cho biết việc xóa khỏi YouTube “gây đau lòng”. Kênh LifeSiteNews đã có hơn 300,000 người đăng ký, trung bình hơn 50,000 lượt xem chương trình chính và một số chương trình đạt đến hơn 2 triệu người xem.

LifeSiteNews không phải là một ấn phẩm chính thức của Công Giáo. Nó phát xuất từ Liên minh Tranh đấu cho Sự sống đặt trụ sở tại Canada và hiện có các tổ chức riêng biệt ở Hoa Kỳ và Canada.

Trong khi hầu hết các thẩm quyền Công Giáo nhấn mạnh các nguy hiểm của đại dịch và sự cho phép về mặt đạo đức việc sử dụng các vắc-xin COVID-19 nếu chúng sử dụng vật liệu có nguồn gốc xâm hại về mặt đạo đức, LifeSiteNews đã đăng một số ý kiến và bình luận đặt nghi vấn về đại dịch và việc sử dụng vắc-xin.

Vào tháng 12, LifeSiteNews cho biết YouTube đã xóa bỏ cuốn video của họ “trong đó một bác sĩ nổi tiếng của Canada phản đối ‘sự cuồng loạn công khai vô căn cứ’ về COVID-19”.

Cuốn Video đó liên quan đến nhà bệnh lý học Roger Hodkinson, người mà LifeSiteNews tuyên bố là cựu chủ tịch của Ủy ban Gia Nã Đại Kiểm tra bệnh lý của Cao đẳng Hoàng gia. Trong một cú điện thoại nhân dịp một cuộc hội họp công khai ở Edmonton, Hodkinson cho rằng COVID-19 là "trò lừa bịp lớn nhất từng xảy ra" và "chỉ là một cơn cúm tồi tệ khác".

Tuy nhiên, hãng tin AP trong một cuộc kiểm tra sự kiện ngày 2 tháng 12 cho biết Hodkinson chưa bao giờ là chủ tịch của tập đoàn. Trong khi ấy, Hodkinson cho rằng “mặt nạ hoàn toàn vô dụng”, và “không có bằng chứng” nào về tính hữu hiệu của chúng, việc sử dụng chúng được khuyến cáo bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, một cơ quan trích dẫn nhiều nghiên cứu trong một bản tóm tắt khoa học được cập nhật lần cuối vào ngày 20 tháng 11.

YouTube sau đó đã tấn công một video của LifeSiteNews trình bầy về Giám mục Joseph Strickland của Tyler, trong đó ngài nói rằng ngài sẽ “không bao giờ sử dụng vắc xin COVID trái đạo đức”. Vào tháng 1, YouTube đã gắn cờ LifeSiteNews vì một video có tiêu đề “Những đứa trẻ chưa sinh được sử dụng để phát triển vắc-xin vẫn còn sống khi chiết xuất tế bào”.

Westen nói với CNA, “Dự đoán tốt nhất của chúng tôi là kênh của chúng tôi bị gỡ xuống vì cuộc thảo luận thẳng thắn và dựa vào sự kiện của chúng tôi về cuộc tranh cãi xung quanh thuốc và vắc xin có liên quan đến việc phá thai. Nguồn gốc của những loại vắc-xin này và mối liên hệ của chúng với việc phá thai đã được đại đa số các nhà khoa học thừa nhận. Các cú tấn kích trước đây đã được đưa ra vì chúng tôi nói sự thật về việc cấm cửa vì COVID và sự hiện diện của các tế bào bào thai bị phá trong vắc xin".

Westen cho biết: “Mọi người đều biết rằng vắc-xin COVID-19 trực tiếp và gián tiếp dựa trên các tế bào lấy từ những đứa trẻ bị phá thai.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trong một tuyên bố ngày 11 tháng 12 nói rằng về mặt đạo đức, người Công Giáo có thể dùng hai trong ba loại vắc xin COVID-19 có sẵn, những loại do Pfizer và Moderna sản xuất. Chúng được khai triển trong một “nối kết xa xôi” với các dòng tế bào “không tinh tuyền về mặt đạo đức” ở giai đoạn thử nghiệm, như thông thường trong nhiều loại thuốc hiện đại.

Các giám mục cho biết loại vắc-xin do AstraZeneca sản xuất “nên được tránh nếu có sẵn các vắc-xin thay thế”, vì vắc-xin này “ít tinh tuyền hơn về mặt đạo đức”. Tuy nhiên, các ngài cho biết trong một số trường hợp, việc tiêm vắc-xin AstraZeneca “ít tinh tuyền về mặt đạo đức” này thậm chí còn được phép về mặt đạo đức, dù được khai triển trong nối kết chặt chẽ hơn với các dòng tế bào bị hủy bỏ. Các ngài nhấn mạnh rằng người Công Giáo không thể cho phép đại dịch “vô cảm hóa” hoặc “làm suy yếu quyết tâm của chúng ta” trong việc chống lại tệ nạn phá thai.

Mối quan tâm tập trung vào việc sử dụng dòng tế bào HEK293, có nguồn gốc từ thận của phôi thai người. Năm 1972, một trẻ em nữ bị phá thai ở Hoà Lan, và các tế bào khởi đầu được lấy ra và khai triển từ thận của em. Tế bào từ dòng HEK293 đã được sử dụng một cách thông thường trong nghiên cứu sinh học từ cuối những năm 1970.

Westen cho rằng các nguồn của LifeSiteNews rất hợp lý.

Ông nói với CNA: “Chúng tôi đã trích dẫn nhiều nhà đạo đức sinh học đứng hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Ba giao phẩm hàng đầu, những vị đã tiết lộ sự thật về COVID-19 trên trang mạng của chúng tôi là Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano, Giám mục Athanasius Schneider và Giám mục Joseph Strickland”.

LifeSiteNews đã bị cấm trên Twitter vì đưa tin về một nhà hoạt động chuyển giới người Canada, về mặt sinh học là nam nhưng nhận dạng là nữ. Westen cho biết trang mạng của ông sẽ tồn tại.

Westen nói với CNA, “Cũng giống như khi chúng tôi bị Twitter cấm vì đã gọi một người nam sinh học là nam, chúng tôi sẽ tiếp tục nói sự thật và sẽ không đầu hàng những lời đe dọa từ Các Ông Lớn của Kỹ Thuật và những người kiểm duyệt muốn xóa bỏ những sự thật không thuận tiện khỏi quảng trường công cộng. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng đang thực hiện các bước pháp lý, nên chúng tôi đánh giá cao những lời cầu nguyện và bất cứ sự hỗ trợ nào".

Tháng trước, Catholic World Report đã bị Twitter đình chỉ sau khi đăng tải một đường dẫn đến một câu chuyện của Catholic News Agency được lưu trữ trên trang mạng riêng của nó. Bài đăng trên Twitter, trích dẫn câu chuyện của CNA, mô tả một người được Biden bổ nhiệm là một nam giới về sinh học nhưng tự xác định là một phụ nữ chuyển giới. Twitter sau đó cho biết việc đinh chỉ là do lỗi lầm.

Đối với chính sách thông tin sai lệch của Google, nó cũng cấm “các video cho rằng vắc-xin COVID-19 có chứa các mô bào thai”. Nó cũng ngăn chặn nội dung nhằm tranh cãi về tính hữu hiệu trong hướng dẫn của cơ quan y tế về “các biện pháp gián cách thể lý hoặc tự cách ly để giảm lây truyền COVID-19”.

LifeSiteNews cung cấp tài liệu của Children’s Health Defense, được thành lập bởi nhà phê bình vắc xin Robert F. Kennedy, Jr.

Một phát ngôn viên của Facebook cho biết Kennedy đã bị cấm tham gia Instagram do Facebook sở hữu vào ngày 10 tháng 2 vì “liên tục chia sẻ những tuyên bố đã bị lật tẩy về coronavirus hoặc vắc xin”. CNN đưa tin, phương tiện truyền thông xã hội khổng lồ này đã công bố một kế hoạch mới để chống lại thông tin sai lệch về vắc xin vào ngày 8 tháng 2.

Một câu chuyện của LifeSiteNews ngày 5 tháng 2 cho biết, Mẹ Miriam Chiên Thiên Chúa, một Nữ Đan sĩ Dòng Biển Đức và là người dẫn chương trình trên LifeSiteNews, đã bị YouTube “kiểm duyệt sau khi đăng một video về sự nguy hiểm của vắc-xin Covid-19”. YouTube vào ngày 4 tháng 2 đã xóa một video trên kênh của riêng Bà, trong đó Bà cho rằng Covid-19 đang “được sử dụng để kiểm soát dân số bằng dối trá”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021 của CĐVN tại GX OTTOWAY - NAM ÚC
Jos. Vĩnh SA
19:28 13/02/2021
Gx. OTTOWAY, NAM ÚC - CĐVN TỔ CHỨC THÁNH LỄ MINH NIÊN MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021

Và Cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cha Diệp

Mỗi độ xuân về theo truyền thống Việt Nam, ngày Tết là thời khắc của sự sum vầy, là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, bạn bè lâu ngày gặp gỡ ôn lại kỉ niệm xưa. Nhắc đến Tết, ai cũng nghĩ đến niềm vui. Tết rộn ràng là thế, nhưng Tết năm nay, đâu đây lại nhen nhúm một nỗi buồn, nỗi buồn vì dịch covid còn đang hoành hành khắp nơi, mọi người đón xuân trong mùa dịch nên tất cả đều diễn ra trong phạm vi giới hạn, giãn cách …. Thế nhưng, niềm ước mong tìm lại hơi ấm mùa xuân yêu thương và ngày Tết cổ truyền lại được làm ấm lên và tái hiện qua Thánh lễ đầu năm mừng xuân Tân Sửu tại nhà thờ Ottoway thuộc tiểu bang Nam Úc.

Buổi chiều vào lúc 6.30 Pm Thứ Sáu ngày 12/02/2021 (nhằm ngày mùng 1 tết Tân Sửu) trời Nam Úc có nắng đẹp, không khí tươi mát hòa lẫn với những làn gió biển thổi về, hòa trong niềm vui của quý tín hữu trong các khu vực lân cận giáo xứ Ottoway hân hoan quy tụ về thánh đường Thánh Maximilian Kolbe để tham dự thánh lễ ngày đầu năm và cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cha Trương Bửu Diệp.

Thánh lễ được bắt đầu với bài ca nhập lễ, rộn rã niềm hân hoan hòa trong tiếng chiêng trống cùng đoàn rước trong các bộ quốc phục với 2 cha đồng tế tiến lên bàn thờ.

Thánh lễ với sự Chủ tế của Cha Phêrô Trần trọng Mỹ đến từ nhà thờ chánh tòa TGP Adelide, cùng đồng tế là cha Marek, chánh xứ giáo xứ Ottoway với sự tham dự đông đảo của cộng đoàn dân Chúa từ nhiều vùng trong thành phố Adelaide quy tụ về. Đặïc biệt trong thánh lễ cũng có sự hiện diện của nhiều tín hữu người Úc, Phi, Balan và có cả những người VN lương dân có lòng mến mộ cha Diệp vẫn thường hiện diện trong các thánh lễ hằng tháng.

XEM VIDEO

Mở đầu thánh lễ là lời chào mừng của cha chủ tế và giới thiệu những ý cầu nguyện trong thánh lễ đầu năm: là cầu bình an trong năm mới, cầu cho tiến trình tuyên thánh cha Diệp và cầu cho đức cố tổng giám mục Philip Wison mới qua đời.

Trong phần phụng vụ lời Chúa qua 2 bài đọc trong sách Sáng Thế ký: Thiên Chúa tạo dựng muôn loài trên trời dưới đất cho chúng ta hưởng dùng. Đặc biệt Người dựng nên mặt trời mặt trăng và các ngôi sao để xác định ngày giờ năm tháng.

Và bài đợc 2 Thánh Phaolô xác quyết với mọi người chúng ta rằng: Thiên Chúa là nguồn vui, nguồn hạnh phúc và bình an, chúng ta cần sống đạo đức thánh thiện để được hưởng các ơn lành đó của Chúa.

Tiếp đến là bài phúc âm thánh Matthêu trong ngày đầu năm để nhắc nhở cho các tín hữu về lời dạy của Chúa Giêsu, rằng "Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con". Từ ý nghĩa đó, Cha chủ tế trong bài giảng, đã chia sẻ về, ước mơ muôn thuở của con người là được sống sung túc, dư đầy và trường sinh bất tử. Đây cũng là ước muốn mà con người thường dành cho nhau trong những lời chúc đầu năm. Nhưng loài người khi được sinh ra đều phải gặp đau khổ và phải chết. Đó chính là bi kịch của kiếp người trần gian. Chỉ có Thiên Chúa mới mang lại cho con người một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cữu bởi Ngài là chủ của thời gian, là nguồn gốc mọi phúc lành, chỉ có Ngài mới làm cho giấc mơ của con người chúng ta trở thành hiện thực.

Thánh lễ tiếp diễn với những lời nguyện cầu, diễn tả niềm ước mong và khẩn nài lên Thiên Chúa ban muôn ơn lành xuống cho muôn người, cầâu xin những ước nguyện trong cuộc sống, cho năm mới bình an, cho nhân loại được ơn thái bình thịnh trị và cho thế giới thoát khỏi cơn đại dịch hoành hành.

Thánh lễ sốt sáng với khoảng 170 người tham dự đông nghẹt cả nhà thờ với khoảng giãn cách ấn định trong mùa dịch, nên đã có một số người phải đứng ngoài sân để tham dự thánh lễ.

Hoà với tâm tình người tham dự thánh lễ ngày đầu năm ca đoàn cha Diệp đã hiệp dâng lên Chúa Xuân những bài thánh ca ngày Tết khiến cho người tham dự thánh lễ thêm lòng sốt sáng và hân hoan trong ngày đầu năm.

Sau lời nguyện hiệp lễ vị đại diện hội cha Diệp Nam Úc đã có lời chúc mừng năm mới đến quý cha, quý cộng đoàn và bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến 2 cha đăïc biệt là cha chánh xứ đã giúp đỡ tận tình để mọi sinh hoạt cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cha Diệp được diễn tiến tốt đẹp tại giáo xứ trong hơn 5 năm qua. Nhân dịp đầâu năm theo truyền thống và văn hóa Việt, ban tổ chức cũng đã trao tặng quý cha bao lixì trong ngày đầu năm, như bày tỏ lòng biết ơn đến quý cha trong ngày tết dân tộc.

Tiếp đến, cộng đoàn cầu nguyện hướng về cây lộc xuân cùng với 2 cha qua nghi thức làm phép cây lộc và hái lộc lời Chúa trong năm Tân Sửủ 2021 này.

Kết thúc nghi thức cộng đoàn cùng tiến lên hái lộc đầâu năm. Vì theo luật an toàn trong mùa dịch, mọi người lên nhận lộc lời Chúa cũng phải giữ luận giãn cách bắt buộc, do người trong ban tổ chức hái lộc chuyển đến cho mọi người.

Thánh lễ và nghi thức hái lộc Lời Chúa kết thúc vào lúc 8 giờ cùng ngày đã để lại trong lòng mỗi người tham dự niềm an bình về một mùa xuân nhiều ơn lành của Thiên Chúa tình thương.

Truyền thông Cha Diệp
 
Văn Hóa
Chuyện Vợ Chuyện Chồng: Mùng Ba Tết: Năm Tuổi, Năm Xui
Lm. Nguyễn Trung Tây
19:39 13/02/2021
□ Chuyện thời bây giờ kể rằng, ở thung lũng điện tử Silicon, San Jose, California của Hoa Kỳ có một đôi vợ chồng, con trai tên Bòn, bốn tuổi, con gái tên Bon, mười tháng. Chồng là Kỹ Sư điện. Vợ làm Assembler trong hãng điện tử. Cả hai vợ chồng là những thành viên trung thành trong Ban Giáo Lý giáo xứ Việt Nam.

Sáng Mùng Ba Tết, vợ nói với chồng,

— Anh! Năm nay năm tuổi của anh đó...

Tối hôm qua, thức khuya chơi lô tô, chồng giờ buồn ngủ, mắt nhắm mắt mở cất giọng hững hờ,

— Năm tuổi, rồi thì sao?

Vợ thì thào,

— Rồi thì sao! Vậy mà cũng nói được! Cẩn thận đó ông tướng! Năm tuổi là năm xui. Người đụng tới năm tuổi làm ăn lỗ lã, thất bại trăm đàng!

Vợ quên mất hôm nay mùng ba Tết, thản nhiên mở miệng kể…toàn chuyện xui,

— Có lần em dính năm tuổi, đầu năm kiếm việc làm, vác đơn tới đâu, mộc xù tới đó. Kiếm được việc làm, đang ngồi làm, hãng hết hàng...

Vợ ngừng lại, thở lấy hơi, tiếp tục kể chuyện xui,

— Tưởng thế là xong, hết xui. Ai ngờ, giữa năm, mẹ gọi điện thoại qua nói nhà cần tiền gấp. Em lái xe lên phố gửi $2000 đô về Việt Nam. Họ hẹn trong vòng một ngày thôi, thân nhân bên Việt Nam sẽ nhận được. Một tuần sau, mẹ em gọi qua hỏi, “Ủa, đã gửi tiền về chưa?” Em phóng xe lên tiệm gửi tiền. Tới nơi mới biết cửa tiệm bị niêm phong rồi. Em tá hỏa luôn!

Vợ trợn tròn mắt,

— Hóa ra tên ông chủ tiệm đã xuất hiện trong danh sách “The Most Wanted” của Sở Cảnh Sát Liên Bang, mà lại còn đứng đầu bảng... Well! Well! Well!

Vợ nuốt nước miếng, kết luận,

— Năm tuổi năm xui, cho nên nó xui tới bến. Cuối năm, em đụng xe hai lần. Mà lần nào cũng oan hết trơn! Người ta đụng mình rõ rang mà họ nói mình đụng họ. Xui hết chỗ nói.

Chồng ôm ngực,

— Em! Em! Mới Mùng Ba Tết mà em đe dọa quá. Làm sao anh sống cho qua con trăng này,

Vợ cười xòa, nụ cuời ăn chắc mặc bền,

— Em biết. Cho nên anh biết chi không? Sáng nay thánh lễ Mùng Ba, em xin cha xứ cầu cho hai ý lễ. Một lễ em xin Chúa phù hộ cho công ăn việc làm của hai vợ chồng mình. Lễ kia em cầu xin bình an cho riêng anh, bởi năm nay anh dính năm tuổi đó…

Chồng nửa đùa nửa thật,

— Sướng không? Tự nhiên “năm nay năm tuổi, em xin một lễ cầu bình an cho anh”. Hết chối nhé... Mê tín dị đoan rồi người đẹp ơi.

Vợ cự nự ngon lành,

— Ông tướng! Nói vậy mà cũng nói. Có kiêng thì mới có lành chứ.

Chồng làm mặt đe dọa, hai tay ôm lại như người đang đứng hầu việc cửa nhà quan,

— Mai tôi lên bẩm trình với Frère Trưởng Ban Giáo Lý là, “Con bẩm với Frère hôm Mùng Ba Tết cô giáo nòng cốt của Ban Giáo Lý dám xin nguyên một thánh lễ cầu bình an cho ông chồng của cô ấy, bởi vì năm nay hắn dính năm tuổi.”

Vợ cộ mắt,

— Anh dám?

Chồng ngọt ngào nhắc nhở,

— Ơ, ơ! Người đẹp. Đừng quên, hôm nay mới Mùng Ba Tết. Ai vừa mới nhắc nhở, "Có kiêng thì mới có lành?"

Lời Chúa

Thiên Chúa đem con người vào ngôi vườn Êđen để cày cấy và chăm sóc khu Vườn (Stk 2:15).

Suy Niệm

Con người sau khi được tạo dựng được Thiên Chúa đưa vào Vườn Địa Đàng để cày cấy và chăm sóc ngôi Vườn chung của nhân loại (Stk 2:15). Ngày Mùng Ba Tết do đó trở thành ngày thánh hóa công việc. Hy vọng rất nhiều năm Tân Sửu sẽ tạo ra nhiều hứng khởi mới, để con người chung góp một bàn tay, xây dựng trái đất trở thành một khu Vườn xanh tươi cho tất cả mọi sinh vật trên quả địa cầu.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, hôm nay Mùng Ba Tết, xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm của chúng con để chúng con trở thành những người cày cấy cho khu vườn Địa Đàng mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại và tất cả mọi sinh vật.
 
VietCatholic TV
Hiếm có: Nữ FBI gan dạ, ngoan đạo, dạy giáo lý cho trẻ em, vừa bị giết gây xúc động mạnh ở Miami
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:06 13/02/2021


1. Nữ FBI đồng thời là nữ giáo lý viên của tổng giáo phận bị giết gây xúc động mạnh

Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami đã đưa ra một bài giảng lễ xúc động để tuyên dương Laura Schwartzenberger, một đặc vụ FBI 43 tuổi, đã bị giết trong khi theo đuổi một cuộc điều tra về một tên truyền bá nội dung khiêu dâm trẻ em.

Thánh lễ an táng được cử hành vào ngày 6 tháng 2, bốn ngày sau khi Đặc vụ FBI Laura Schwartzenberger, một người mẹ của hai cậu con trai nhỏ, một giáo lý viên của tổng giáo phận Miami, và là một thành viên tích cực của giáo xứ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu ở Parkland, Florida bị bắn chết cùng với Đặc vụ Daniel Alfin.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh sự đau lòng của cộng đồng sau cái chết của Schwartzenberger, người không chỉ cam kết vì sự an toàn của trẻ em thông qua sự nghiệp của mình mà còn dạy giáo lý cho trẻ em tại giáo xứ.

“Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất tới chồng của Laura, Jason, tới hai con trai của họ, Gavin và Damon; chúng tôi cũng xin gửi lời chia buồn đến gia đình của anh Daniel Alfin. Chúng tôi chia sẻ sự đau buồn của họ và sự tiếc thương của cha mẹ, anh chị em và những người có mối quan hệ huyết thống của những công chức đã thiệt mạng khi thi hành công vụ”, ngài nói.

“Nỗi đau của anh chị em rất sâu sắc; và toàn bộ cộng đồng của chúng ta ở đây Nam Florida chia sẻ điều đó với anh chị em - và chúng tôi mong muốn rằng khi chia sẻ điều đó, chúng tôi có thể xoa dịu nỗi đau của anh chị em. Và mặc dù chúng tôi không thể làm điều đó, chúng tôi muốn anh chị em biết rằng anh chị em không phải gánh vác nó một mình. Toàn bộ cộng đồng sát cánh với anh chị em và sẽ tiếp tục làm như vậy trong những ngày tới”.

Lúc 6:04 sáng 2 tháng 2, hai Đặc vụ FBI là Laura Schwartzenberger và Daniel Alfin, 36 tuổi, được sự hỗ trợ của 3 cảnh sát viên địa phương quận Sunrise đã mang lệnh khám xét của tòa án đến nhà nghi phạm David Lee Huber để tịch thu computer và các bằng chứng khác. Huber bị nghi là buôn bán các nội dung khiêu dâm trẻ em. Hắn ta nhìn thấy họ qua camera an ninh và đã dùng một khẩu tiểu liên tự động bắn ở cự ly gần khi họ đang gõ cửa nhà y. Vì bất ngờ, Laura Schwartzenberger và Daniel Alfin đều tử trận, trong khi 3 cảnh sát viên địa phương bị thương. Nghi phạm đã dùng súng tự sát.

Đức Tổng Giám Mục Wenski nói rằng trong suốt sự nghiệp của Schwartzenberger, cô đã gặp phải mặt tối của bản chất con người và bảo vệ những người trẻ dễ bị tổn thương khỏi sự xấu xa của những kẻ săn mồi tình dục. Khi nói chuyện với hai con trai của Laura, ngài nói rằng mẹ của họ là một anh hùng thực sự, người kiên quyết theo đuổi thiện.

“Gavin và Damon, mẹ của chúng con là một anh hùng cũng như mọi đặc vụ, mọi thành viên thực thi pháp luật đeo huy hiệu và báo cáo nhiệm vụ. Họ không phải là người nổi tiếng; nhưng họ là những anh hùng.”

“Nhưng trở thành anh hùng không có nghĩa là chúng ta không biết sợ hãi; nó có nghĩa là không để nỗi sợ hãi lấn át chúng ta khiến chúng ta không thể giúp đỡ người xung quanh. Cô và tất cả những người chết trong nhiệm vụ đều là những anh hùng vì đối mặt với cái ác họ đã kiên quyết, kiên quyết bảo vệ và phục vụ thiện ích chung”.

Một buổi lễ tưởng niệm Schwartzenberger cũng được tổ chức tại Miami Gardens vào ngày 6 tháng 2. Trong buổi lễ, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết những câu chuyện về người đặc vụ này nói lên một cuộc đời “quyết tâm, sự cống hiến và lòng dũng cảm”.

Ông cho biết Schwartzenberger gia nhập FBI vào năm 2005 và sau khi tốt nghiệp Quantico, cô đã có gia nhập biệt đội đầu tiên ở Albuquerque. Vào năm 2007, cô trở thành thành viên nữ FBI SWAT đầu tiên của Albuquerque. Ba năm sau, cô chuyển đến Miami và tham gia Đội Điều tra Tội phạm Bạo lực Chống Trẻ em.

“Tôi hiểu rằng Laura là một phụ nữ có đức tin - một người Công Giáo sùng đạo, đã tham dự đều đặn các sinh hoạt tại nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu. Đó là một phần quan trọng trong cuộc đời cô ấy và là một phần của con người cô ấy trong mọi việc cô ấy làm”, ông nói thêm.


Source:Catholic News Agency

2. Biểu tình bạo động bùng lên tại Iraq

Hôm thứ Hai, Vatican đã công bố một lịch trình bận rộn cho chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq. Thật không may là việc công bố lịch trình này trùng với thời điểm bùng phát các cuộc biểu tình khắp cả nước khi người dân Iraq kêu gọi cải cách chính trị.

Iraq trước đây đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình bạo lực vào năm 2011, 2015 và 2018 trong đó những người biểu tình yêu cầu những thay đổi sâu sắc trong ban lãnh đạo chính trị quốc gia mà họ tin rằng đã cho phép tham nhũng phát triển mạnh, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Iraq vẫn chưa thể phục hồi từ sau nhiều năm chiến tranh, khủng bố, lầm than và sự thất bại của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề.

Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình mới đã nổ ra ở nhiều tỉnh ở cả miền trung và miền nam Iraq, trong đó có cả một số cuộc biểu tình bạo động với một số người biểu tình bị thương.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Nasiriyah, miền nam nước này hôm thứ Sáu, ba trong số những người biểu tình đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động.

Trong các cuộc biểu tình, những người tham gia đã chặn một cây cầu chính ở trung tâm thành phố trước khi quay trở lại Quảng trường Habboubi. Vào tháng 10, 2019, Quảng trường Habboubi đã là nơi diễn ra một số cuộc đàn áp tàn bạo nhất.

Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq hiện xếp thứ 162 trên thế giới về tính minh bạch, chỉ khá hơn một số quốc gia bao gồm Somalia, Nam Sudan, Syria, Yemen và Venezuela.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Iraq từ 5 đến 8 tháng Ba, chấm dứt 15 tháng gián đoạn các chuyến tông du bên ngoài Italia của ngài. Tuy nhiên, hy vọng cho chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố kép ở Baghdad vào sáng thứ Năm 21 tháng Giêng làm rung chuyển thủ đô Baghdad.

Các quan chức Iraq cho biết, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 110 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát kép xé nát một khu vực sầm uất ở trung tâm Baghdad vào sáng thứ Năm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Yahya Rasool cho biết một trong hai thủ phạm đã dụ đám đông đến gần mình trong một khu chợ ở trung tâm Quảng trường Tayaran bằng cách giả bệnh té xuống đất và kêu la cầu cứu. Khi đám đông những người tốt bụng đến gần, y kích hoạt chất nổ quấn quanh người.

Rasool cho biết, kẻ đánh bom thứ hai đã tấn công khi mọi người xúm lại giúp đỡ các nạn nhân của cuộc tấn công đầu tiên.

Đây là vụ nổ bom tự sát đầu tiên ở Baghdad kể từ tháng Giêng năm 2018, khi 35 người thiệt mạng và 90 người bị thương tại cùng một quảng trường vừa bị tấn công.


Source:Crux

3. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thay đổi cách dịch câu kết luận các lời cầu

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã quyết định rằng trong bản dịch sang tiếng Anh, câu kết luận của các lời cầu trong Sách lễ Rôma, “one God, for ever and ever”, từ nay sẽ là “God, for ever and ever”, nghĩa là bỏ đi chữ “one”.

Quyết định này được đưa ra sau một lá thư được Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích gửi vào tháng 5 năm 2020 cho các Hội Đồng Giám Mục các quốc gia nói tiếng Anh, đề cập đến mối quan ngại về bản dịch tiếng Anh.

Một lưu ý vào ngày 4 tháng 2 từ Ủy ban Phụng Tự của USCCB cho biết việc sửa đổi sẽ có hiệu lực tại các giáo phận của Hoa Kỳ từ ngày 17 tháng 2, Thứ Tư Lễ Tro.

Cho đến nay, câu kết luận của các lời cầu, tiếng Latinh “Deus, per omnia sæcula sæculorum”, đã được dịch sang tiếng Anh là “one God, for ever and ever”.

Thông báo của ủy ban nói rằng Đức Hồng Y Sarah đã nhận xét rằng “trong văn bản Latinh không có đề cập đến chữ ‘one’, và từ ‘Deus’ trong văn bản Latinh đề cập đến Chúa Kitô. Vị Hồng Y Tổng Trưởng đã chỉ ra tầm quan trọng của việc khẳng định chân lý Kitô học này giữa tình trạng đa nguyên tôn giáo của thế giới ngày nay”.

Ghi chú nói thêm rằng những Sách Lễ tiếng Anh có trước Công đồng Vatican II “phản ánh bản dịch đúng. Nhưng, khi các văn bản hậu công đồng được xuất bản bằng tiếng Anh, từ ‘one’ đã được thêm vào.”

Công thức phổ biến nhất, được sử dụng khi một lời cầu được hướng đến Chúa Cha trước đây là:

“Through our Lord Jesus Christ, your Son, who lives and reigns with you in the unity of the Holy Spirit, one God, for ever and ever.”

Sẽ được sửa lại là:

“Through our Lord Jesus Christ, your Son, who lives and reigns with you in the unity of the Holy Spirit, God, for ever and ever.”

Nghĩa là:

“Nhờ Đức Kitô, Con Cha, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.

Sự thay đổi này phù hợp với các Hội Đồng Giám Mục của Anh và xứ Wales, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan, cũng như các lãnh thổ nói tiếng Anh khác.

Sự thay đổi tương tự đã được thực hiện bởi các giám mục Anh và xứ Wales, bắt đầu từ ngày 29 tháng 11 năm 2020.

Nghị định của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales nói rằng “Việc thêm từ ‘one’ vào trước ‘God’ trong câu kết của lời cầu có thể tạo ra hiểu nhầm và có vấn đề. ‘Deus’ - ‘God’ ở đây đề cập đến từ ‘Son’ trước đó và là một khẳng định Kitô học, chống bè rối Ariô, và không trực tiếp đề cập đến Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh này”.

Các ngài nhấn mạnh rằng việc thêm từ ‘one’ vào trước từ ‘God’ “có thể làm giảm giá trị tuyên bố về phẩm giá độc nhất của Chúa Con trong Ba Ngôi”, hoặc “có thể được hiểu là nói rằng Chúa Giêsu là ‘một Thiên Chúa’”

“Một trong hai hoặc cả hai cách giải thích này đều gây tổn hại cho đức tin của Giáo hội.”

Các ngài giải thích thêm rằng từ “one” “có nguy cơ gợi ý rằng Chúa Giêsu đã trở thành một vị thần độc lập với Ba Ngôi Thiên Chúa và là một vị thần trong số rất nhiều vị thần. Những gì chúng ta cầu nguyện cần thể hiện những gì Giáo hội tin tưởng, và đòi hỏi rằng, trong các công thức phụng vụ, chúng ta đề cao giáo lý về Chúa Ba Ngôi”.

Tụng thức Ba Ngôi Thiên Chúa trong câu kết thúc “nhấn mạnh đến thần tính của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng với tư cách là Con Nhập thể, thay mặt chúng ta cầu bầu với Chúa Cha... do đó, vai trò trung gian tư tế cầu thay nguyện giúp của Chúa Con được làm rõ.”

Ghi chú giải thích cho biết tụng thức này đã được sử dụng vào thế kỷ thứ tư “như một phương tiện để chống lại tà giáo Ariô,” cho rằng Chúa Giêsu Kitô đã trở thành Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa hằng có đời đời.

Hơn nữa, ghi chú cho biết thêm, từ “một” không được sử dụng trong các bản dịch của câu kết luận các lời cầu bằng tiếng Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha: “Do đó, bản dịch tiếng Anh có sự khác biệt với bản dịch của các nhóm ngôn ngữ chính khác.”

Bản giải thích của các giám mục Anh và xứ Wales nói rằng “vì việc thêm từ ‘one’ có thể tạo ra các cản trở cho lời cầu nguyện và do đó ảnh hưởng đến niềm tin, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã phán quyết rằng nó không còn được sử dụng trong việc dịch các bản văn Latinh sang tiếng Anh nữa.”

USCCB đã phê duyệt các bản dịch mới của các phần trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, một bản dịch mới của Sách Lễ Rôma đã được thông qua vào năm 2011.
Source:Catholic News Agency

4. Tiến sĩ George Weigel: Chúng ta đang rơi ngược từ thời Kitô Giáo về thời các Tông đồ

Sau thời kỳ khó khăn ban đầu, mà lịch sử Giáo Hội gọi là “Apostolic times” - thời các Thánh Tông đồ - chúng ta bước sang thời kỳ “Christendom times” - thời Kitô Giáo - trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà đa số dân chúng tán thành tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp truyền bá trung thành đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 10 tháng Hai, 2021 với nhan đề “From Christendom Times to Apostolic Times”, nghĩa là “Từ thời Kitô Giáo đến thời các Tông đồ”. Ông cho rằng chúng ta đang sống trong một không khí văn hóa thù địch với đức tin, đến mức có lẽ chúng ta đang rơi ngược trở lại thời sơ khai, chập chùng các khó khăn của Giáo Hội.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi toàn văn bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Vi.

Ba mươi năm trước, vào ngày 22 tháng Giêng năm 1991, thông điệp thứ tám của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, nghĩa là Sứ vụ của Đấng Cứu Thế, được công bố. Trong một triều đại giáo hoàng giàu ý tưởng đến nỗi giáo huấn của triều đại này chỉ mới bắt đầu được tiêu hóa, Redemptoris Missio nổi bật như một kế hoạch chi tiết cho tương lai Công Giáo. Các phần sống động của Giáo hội trên thế giới đang sống viễn tượng môn đệ truyền giáo mà thông điệp mời gọi chúng ta. Những phần đang hấp hối của Giáo hội trên thế giới vẫn chưa nhận được thông điệp, hoặc hiểu sai, hay đã từ chối thông điệp này — đó là lý do tại sao họ đang chết dần.

Redemptoris Missio đã đặt ra một thách thức thẳng thắn và ghê gớm đối với những người Công Giáo sống tà tà thoải mái: Hãy nhìn xung quanh các bạn và hãy nhận ra rằng thời của chúng ta là thời kỳ tông đồ, không phải thời kỳ Kitô giáo. Thời kỳ Kitô giáo, Christendom, như Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã nói vào năm 1974, đã kết thúc.

“Christendom” nghĩa là một tình huống trong đó các quy tắc văn hóa của xã hội và cách sống mà họ tán thành giúp truyền bá “đức tin đã từng được truyền cho các thánh Tông đồ” (Gđ 1: 3). Những nơi như thế tồn tại trong ký ức sống động; Tôi lớn lên trong những khoảnh khắc cuối cùng, thoáng qua của một, trong các nền văn hóa Công Giáo đô thị của những năm 1950 ở Baltimore. Hình thức “Christendom” đó bây giờ đã biến mất từ lâu. Trên khắp thế giới phương Tây ngày nay, không khí văn hóa mà chúng ta hít thở không truyền tải đức tin và cũng không trung lập về đức tin; đó là thứ không khí văn hóa thù địch với đức tin. Và khi sự thù địch đó chiếm được đỉnh cao chỉ huy của nền chính trị, nó sẽ ráo riết tìm cách gạt đức tin ra bên lề. Chẳng hạn, đó là điều xảy ra khi các chính phủ tìm cách áp đặt LGBTQ và tư tưởng giới tính lên xã hội bằng cách trừng phạt những người, vì lý do niềm tin, không chịu khuất phục trước quan niệm có hại về tính tuỳ tiện vô hạn của con người - ý tưởng Kinh Thánh và Kitô Giáo về con người bị hình sự hóa. Những người tưởng tượng ra rằng “điều đó làm sao có thể xảy ra ở đất nước này” nên đọc Sắc lệnh hành pháp về “bản sắc giới tính” do ông Biden ký vài giờ sau khi ông nhậm chức Tổng thống.

“Thời các Tông đồ” mời gọi chúng ta sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai, được mô tả một cách sống động trong Tông đồ Công vụ. Ở đó, chúng ta thấy những người bạn của Chúa Phục Sinh bùng cháy với lòng say mê truyền giáo. Các “tin mừng” mà Chúa Giêsu tuyên bố trước khi chết đã được xác nhận qua sự phục sinh của Người từ trong cõi chết và qua những lần xuất hiện của Người với các bạn bè trong nhân tính đã được chuyển hóa, và tôn vinh của Người. Đây không phải là tin mừng cho một số ít người được chọn; đây là một tin mừng cần được chia sẻ với mọi người.

Vì vậy, một loạt những người vô danh tiểu tốt, sống bên lề của một thế giới tự tưởng tượng mình là văn minh, đã bất ngờ xuất hiện để chuyển đổi thế giới đó sang một thế giới đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô là Chúa của họ. Họ phải đối mặt với sự chế giễu; một số nghĩ rằng họ say rượu, họ “đầy rượu rồi” (Cv 2:13). Những người khác coi họ là những người nói lảm nhảm, như Thánh Phaolô đã nhận ra trên đồi Areopagus của thành Nhã Điển (Cv 17:18). Vẫn còn những người khác cho rằng họ điên rồ, như khi thống đốc La Mã Phét-tô hét lên với Phaolô, “Ông Phaolô, ông điên mất rồi! Ông hay chữ quá nên hoá điên” (Cv 26:24). Nhưng các Tông đồ vẫn kiên trì. Các ngài đã thể hiện một cách sống khiêm tốn hơn, nhân ái hơn. Một số đã chết như những vị tử vì đạo. Và đến năm 300 sau Chúa Giáng Sinh, họ đã cải đạo một phần đáng kể đế quốc La Mã sang niềm tin vào Chúa Kitô.

Trong thời kỳ Kitô giáo, một “nhà truyền giáo” là người rời khỏi vùng thoải mái về văn hóa và đi rao giảng Tin Mừng ở nơi mà trước đây người ta chưa từng nghe thấy. Thông Điệp Redemptoris Missio dạy rằng vào thời các Tông đồ, mỗi người Công Giáo là một nhà truyền giáo đã được giao nhiệm vụ “ra đi, làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Trong thời các Tông đồ, “lãnh thổ truyền giáo” không phải là một điểm du lịch xa lạ; nó ở khắp mọi nơi. Lãnh thổ truyền giáo ở ngay bàn nhà bếp, khu phố, và nơi làm việc; sứ mệnh truyền giáo mở rộng đến cuộc sống của chúng ta trong tư cách là những người tiêu dùng và các công dân. Giáo dân, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, có một nghĩa vụ đặc biệt là trở thành những người truyền giáo cho văn hóa, kinh doanh và chính trị, vì chứng tá của giáo dân ở những địa điểm đó có uy tín đặc biệt.

Là một Giáo hội gồm các môn đệ truyền giáo, chúng ta phải sử dụng phương pháp tự nguyện, tự do, không áp đặt. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp Redemptoris Missio, được in nghiêng những lời của mình để nhấn mạnh rằng “Giáo hội đề xuất; Giáo Hội không áp đặt gì cả”. Nhưng chúng ta phải đề xuất, chúng ta phải mời gọi, chúng ta phải làm chứng cho ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã được ban tặng — đó là tình bạn với Chúa Giêsu Kitô và sự kết hợp vào nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội. Như chính Chúa đã nói trong Mt 10: 8, vì chúng ta đã nhận được cách nhưng không, nên chúng ta phải trao ban một cách cách nhưng không.

Giáo Hội Công Giáo của thế kỷ 21 đang được kêu gọi chuyển từ thế thủ sang truyền giáo, có nghĩa là phải chuyển đổi các tổ chức của chúng ta thành bệ phóng cho việc truyền giáo. Bản lĩnh tư cách môn đệ của chúng ta sẽ được đo lường bằng cách chúng ta đáp lại lời kêu gọi là tiến ra chia sẻ ân sủng mà chúng ta đã được chúc phúc.
Source:First Things
 
Tin vui mùng 3 Tết: Phản ứng của Tổng thống Trump khi được tuyên bố trắng án. Sứ điệp Mùa Chay 2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:50 13/02/2021


1. Trò luận tội đã kết thúc. Nancy Peolosi thua lần thứ hai. Tổng thống Trump trắng án.

Lẽ ra sau khi ông Joe Biden đã thắng cử, ưu tiên hàng đầu phải là đoàn kết toàn dân, giảm bớt các chia rẽ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã không làm như thế. Bà ta quyết chí ăn thua đủ với Tổng thống Trump bất kể khả năng làm trầm trọng thêm các chia rẽ giữa người Mỹ. Mưu toan này của bà ta đã thất bại.

Thật vậy, tối thứ Bẩy 13 tháng Hai, tức là sáng mùng Ba Tết theo giờ Việt Nam, Thượng viện Hoa Kỳ đã tuyên bố trắng án cho Tổng thống Donald Trump. Như thế Tổng thống Trump sẽ có thể tái tranh cử vào Tòa Bạch Ốc vào năm 2024.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng diễn ra sau một buổi sáng hỗn loạn, trong đó phe Dân Chủ tại Thượng viện đã từ chối một kế hoạch bất ngờ kéo dài phiên tòa bằng cách kêu gọi hàng trăm nhân chứng ra điều trần trước Thượng viện. Trước đó, Dân biểu Jamie Raskin, của đảng Dân Chủ đơn vị Maryland đã khiến Thượng viện kinh ngạc khi yêu cầu các nhân chứng xuất hiện tại phiên tòa. Nhóm luật sư của Tổng thống Trump cho biết họ có ít nhất 100 nhân chứng sẵn sàng ra tòa làm chứng. Trong trường hợp này, trò luận tội này sẽ kéo dài bất tận và hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra cho đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc Hội vào năm 2022.

Hầu hết các đảng viên Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu không kết tội Tổng thống Trump kích động cuộc bạo động ngày 6 tháng Giêng ở Điện Capitol.

Thượng viện đã bỏ phiếu 57-43 để kết tội Trump, với bảy thành viên Đảng Cộng hòa tham gia cùng với tất cả 50 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tuyên bố Tổng thống Trump phạm tội kích động nổi dậy.

Bẩy người này là: Mitt Romney, Susan Collins, Lisa Murkowski, Pat Toomey, Ben Sasse, Bill Cassidy và Richard Burr là bảy thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu để kết tội Trump.

Để kết tội Tổng thống Trump, cần phải có ít nhất 67 trong số 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu để tuyên bố Tổng thống Trump có tội.

Phản ứng trước diễn biến mới nhất này, Tổng thống Trump hoan nghênh quyết định của Thượng Viện trong một tuyên bố. Ông nói: “Đây là một giai đoạn khác của cuộc săn lùng phù thủy vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta.”

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sớm trở lại sân khấu công cộng.

“Trong những tháng sắp tới, tôi có nhiều điều để chia sẻ với các bạn và tôi mong muốn tiếp tục cuộc hành trình đáng kinh ngạc của chúng ta cùng nhau để đạt được sự vĩ đại của Mỹ cho tất cả người dân của chúng ta,” tổng thống Trump nói.

Luật sư Van der Veen cho biết phiên tòa luận tội Tổng thống Trump là “vi hiến rõ ràng” do cựu tổng thống không còn tại vị.

“Cuộc luận tội này là một trò chơi ma giáo hoàn toàn từ đầu đến cuối,” anh nói.

Trong một phản ứng vô cùng tức giận, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tố cáo các thượng nghị sĩ đã khiến Tổng thống Trump được tuyên bố trắng án là một ‘nhóm đảng viên Cộng hòa hèn nhát’ và đổ lỗi cho lãnh tụ Cộng Hòa tại Thượng Viện McConnell vì đã không cho phép Hạ viện chuyển cáo buộc luận tội lên Thượng viện trong khi Tổng thống Trump vẫn còn tại chức.
Source:Sky News Australia

2. Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 12/2/2021

Hôm thứ Sáu 12 tháng Hai, 2021, Mùng Một Tết Tân Sửu, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp Mùa Chay Thánh 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nguyên bản tiếng Ý và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Nào chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20:18)

Mùa Chay: Thời gian canh tân Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu


Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu sắc nhất trong sứ vụ của Người khi loan báo cho họ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người để hoàn thành Thánh ý Chúa Cha. Sau đó, Ngài mời gọi họ chia sẻ sứ mạng này để cứu độ thế giới.

Trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ đến Đấng đã “hạ mình và vâng phục cho đến chết, và chết trên cây thập tự” (Phi 2:8). Trong suốt mùa hoán cải này, chúng ta hãy canh tân đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa, là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Vào đêm Canh thức Vượt qua, chúng ta sẽ lặp lại những lời hứa trong Bí tích Rửa tội và trải nghiệm sự tái sinh như những con người mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của cuộc đời Kitô hữu, ngay lúc này đã được soi sáng bởi ánh sáng phục sinh, là điều linh hứng những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như Chúa Giêsu đã dạy bảo chúng ta (x. Mt 6: 1-18), giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải của chúng ta. Con đường khó nghèo và từ bỏ chính mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và trò chuyện như trẻ thơ với Chúa Cha (cầu nguyện) giúp chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái hiệu quả.

1. Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước tất cả anh chị em mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô có nghĩa trước hết là mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sự thật này không phải là khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn. Trái lại, đó là một sứ điệp mà tất cả chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của một tâm hồn biết mở rộng ra trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức được điều này. Chính Chúa Kitô là sự thật này. Bằng cách mặc lấy thân phận con người của chúng ta, ngay cả trong những giới hạn của nó, Người đã làm cho chính mình trở thành con đường - tuy có nhiều đòi buộc nhưng mở ra cho tất cả mọi người - và dẫn họ đến sự sống viên mãn.

Khi được trải nghiệm như một hình thức từ bỏ chính mình, chay tịnh sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân sủng Chúa và nhận ra rằng chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Người và giống với Người, chỉ tìm được sự viên mãn của mình nơi Thiên Chúa. Khi chấp nhận trải qua sự khó nghèo, chay tịnh làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của một tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Như thế, chay tịnh giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập trung những chú ý của chúng ta vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và để cho Người “cư ngụ” với chúng ta (x. Ga 14: 23). Chay tịnh giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì đè nặng lên cuộc đời chúng ta, như chủ nghĩa tiêu thụ hay tình trạng thừa mứa thông tin cả thông tin thật lẫn thông tin giả - để chúng ta có thể mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, khó nghèo trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 14): Đó là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.

2. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” cho phép chúng ta tiếp tục hành trình

Người phụ nữ xứ Samaritanô mà Chúa Giêsu xin nước uống bên giếng đã không hiểu khi Chúa Giêsu nói rằng Người có thể cho bà “nước hằng sống” (Ga 4:10). Bà nghĩ một cách thường tình rằng Người đề cập đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu có ý nói về Thánh Linh Thiên Chúa, mà Người sẽ ban dư dật qua mầu nhiệm Vượt qua, mang đến niềm hy vọng không gây thất vọng. Khi loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói về niềm hy vọng này: “ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20:19). Chúa Giêsu đang nói về một tương lai rộng mở nhờ lòng thương xót của Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin rằng lịch sử không kết thúc với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta, hay với tội ác đã đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Niềm hy vọng đó có nghĩa là đón nhận từ trái tim rộng mở của Người ơn tha thứ của Chúa Cha.

Trong những thời khắc gian nan này, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, nói về hy vọng xem ra là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chính là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại chăm sóc thụ tạo của Người, mà chúng ta thường xuyên ngược đãi (x. Laudato sí, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta đặt niềm hy vọng nơi việc hòa giải: “Hãy giao hòa với Thiên Chúa” (2 Cor 5:20). Khi đón nhận ơn tha thứ trong bí tích trọng tâm quá trình hoán cải của chúng ta, đến lượt mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho người khác. Một khi chính chúng ta đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao ban sự thứ tha qua việc sẵn sàng bước vào cuộc đối thoại ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua những buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, được trao ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm một lễ Phục sinh của tình huynh đệ.

Trong Mùa Chay, cầu mong chúng ta quan tâm nhiều hơn với việc “nói những lời tích cực để vỗ về, hỗ trợ, an ủi và khích lệ chứ đừng nói những lời miệt thị, bi quan, giận dữ hay chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Để trao ban hy vọng, đôi khi chỉ cần tử tế một chút, “sẵn sàng dẹp qua một bên những thứ khác ngõ hầu cho thấy sự lưu tâm đến người khác, trao tặng một nụ cười, nói một lời khích lệ, lắng nghe giữa một tình trạng dửng dưng phổ biến” (nt., 224).

Qua việc tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, hy vọng được trao ban cho chúng ta như một sự linh hứng và một ánh sáng nội tâm, soi sáng những thách đố và những chọn lựa trong sứ vụ của chúng ta. Vì thế, chúng ta cần cầu nguyện (x. Mt 6:6), và cầu nguyện trong thanh vắng, để gặp gỡ Cha đầy tình yêu dịu dàng.

Sống Mùa Chay trong hy vọng bao gồm việc nhận thức ra rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, trong đó Chúa “đổi mới mọi sự” (x. Kh 21,5). Sống Mùa Chay trong hy vọng là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thánh giá và được Thiên Chúa cho sống lại vào ngày thứ ba, và “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3: 15).

3. Biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta là yêu mến, quan tâm và thương cảm mọi người theo bước Chúa Kitô.

Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì thế, tình yêu đau buồn khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị xem thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên những mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.

“Tình yêu xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, trong đó mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được mời gọi. Nhờ sức năng động phổ quát, tình yêu có khả năng xây dựng một thế giới mới. Tình yêu không chỉ đơn thuần là cảm thức, nhưng còn là một phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu cho mọi người” (Fratelli Tutti, 183).

Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn những người túng quẫn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn bè, như anh chị em. Một số lượng ít ỏi, nếu được trao ban bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn nhưng trở nên nguồn sống và hạnh phúc. Như trường hợp hũ bột và bình dầu của bà góa thành Xarépta, l2 là người đã làm một chiếc bánh cho tiên tri Êlia (x. 1 V 17:7-16); đó cũng là trường hợp những chiếc bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (x. Mc 6,30-44). Đó cũng là trường hợp khi chúng ta bố thí, dù ít hay nhiều, khi chúng ta trao ban với niềm vui và sự đơn sơ.

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi hay sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong những ngày đầy bất định về tương lai này, chúng ta hãy ghi nhớ lời Chúa nói với Người Tôi Trung: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43:1). Trong đức ái của chúng ta, cầu mong cho chúng ta biết nói lên những lời trấn an và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những con cái của Người.

“Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp chúng ta - trong tư cách là các cộng đồng và từng cá nhân – làm sống lại đức tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng từ hơi thở của Chúa Thánh Thần, và tình yêu tuôn đổ từ trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Cha.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, Đấng luôn trung thành đứng dưới chân thánh giá và ở trong lòng Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện từ ái của Mẹ. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với chúng ta trong hành trình hướng về ánh sáng Phục Sinh.

Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tua.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô
Source:Holy See Press Office