Ngày 13-02-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:13 13/02/2016
94. TRANH CẢI TÊN TRƯỚC TÊN SAU.
Một hôm, hai người là Chu Cát Lệnh và Vương thừa tướng, chỉ vì tên họ trước sau mà tranh cãi ồn cả lên, Vương thừa tướng đưa ra lý do:
- “Tên họ được xếp ở giữa, tại sao không gọi là Cát Vương, mà lại gọi là Vương Cát ?”
Chu Cát Lệnh cãi lại nói:
- “Cái này không dễ dàng giải thích, trong cuộc sống thường ngày chúng ta nói lừa ngựa, mà không nói ngựa lừa, ngài cũng biết, lẽ nào ngựa không như lừa sao ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 94:
Nói “lừa ngựa” hay là nói “ngựa lừa” thì cũng giống nhau mà thôi, chẳng qua là do thói quen nói lâu ngày rồi trở thành nếp, không quan trọng, cái quan trọng là một khi đã thành thói quen rồi, có bằng lòng sửa lại không, bởi vì sửa lại một thói quen đã thành nếp thì rất khó.
Thói quen hách dịch với người khác, thói quen muốn chơi trên đầu trên cổ người ta, thói quen nói móc họng anh em.v.v...và rất nhiều thói quen không tốt khác của chúng ta đã làm cho người khác khó chịu và chịu không nổi, mà đôi lúc chúng ta cứ cho là “bản tính tôi” nó như thế, mà không chịu sửa đổi. Linh mục Vincent Lebbe đã dạy các đệ tử của mình rằng: “Làm thì có phương pháp, không làm thì không có phương pháp”, có nghĩa là nếu trong mọi công việc, dù khó khăn đến đâu, nếu chúng ta bắt tay làm thì tự nhiên sẽ có phương pháp làm, còn nếu chúng ta không muốn làm, thì nhất định sẽ không có phương pháp. Nếu chúng ta quyết tâm sửa đổi những thói quen xấu, những thói quen không mấy tốt đẹp, thì nhất định chúng ta sẽ có phương pháp làm và sẽ thành công.
Đương nhiên chúng ta cũng rất cần ơn Chúa giúp mới có thể thành công, nhưng nếu chúng ta không quyết tâm làm, thì chúng ta lấy tư cách gì mà đòi Chúa giúp chứ ? Ngài chỉ giúp khi chúng ta quyết tâm làm mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:16 13/02/2016

15. Nếu các con kỳ vọng được ân huệ của đức trinh khiết, thì phải tránh xa tất cả thời cơ và duyên phận không lương thiện.

(Thánh Dominicus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN I MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:19 13/02/2016
Chúa Nhật I MÙA CHAY
( Năm C )


Tin mừng : Lc 4, 1-13
“Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ.”


Anh chị em thân mến,
Mở đầu tuần thứ nhất của mùa chay năm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về việc Đức Chúa Giê-su bị ma quỷ cám dỗ ba lần, và mời gọi chúng ta cùng nhau học hỏi nơi Đức Chúa Giê-su biết bình tĩnh cậy vào ơn Chúa để đối phó với cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

1. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Cám dỗ thứ nhất của ma quỷ đó là hưởng thụ xác thịt qua việc ăn uống.
Ăn uống là chuyện bình thường của con người, nhưng ăn uống để có sức khoẻ và ăn uống để hưởng thụ thoả mãn xác thịt thì không giống nhau, con người ta càng được no nê thân xác thì càng sinh ra nhiều điều bất lợi cho phần linh hồn vì những đòi hỏi của xác thịt, do đó tiết chế trong ăn uống là điều cần thiết không những cho hợp vệ sinh mà còn là phù hợp với tinh thần Phúc Âm...

2. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
Cám dỗ thứ hai của ma quỷ là tìm cách đưa con người vào tham mê quyền lực và vật chất.
Con người ta thường hay bị cám dỗ về quyền lực và sùng bái, một phần vì để chứng tỏ mình không thua ai, phần khác là vì để thỏa lòng tham vọng của mình, cho nên không quản ngại gì mà không tìm cách đoạt lấy quyền lực khi cơ hội đến. Có quyền lực thì sẽ có tiền và có vật chất, cho nên ma quỷ thường hay lợi dụng những ngừơi có chức quyền để làm nên công cụ cho sự dữ, nếu những người ấy không có tâm hồn khiêm tốn và yêu thương...

3. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Cám dỗ thứ ba của ma quỷ là thử thách lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa.
Con người ta khi đã có đầy đũ mọi thứ để hưởng thụ thì lại quay về với bản tính kiêu ngạo của mình và nghi ngờ vào Đấng Thiên Chúa toàn năng, họ đem cái giàu có chức quyền của mình ra thách thức Thiên Chúa, họ phủ nhận cái mà họ có không phải tự Thiên Chúa mà đến nhưng là bởi họ làm ra...

Anh chị em thân mến,
Ma quỷ đã đánh gục thế gian với những cám dỗ tiền tài, danh vọng và xác thịt, nhưng nó lại bị ngã gục trước sự khôn ngoan và can đảm của Đức Chúa Giê-su, chính nó đã lôi kéo rất nhiều người theo nó nhưng lại cúi mặt chạy dài khi cám dỗ Ngài, điều đó cũng đã chứng minh cho tên cám dỗ biết rằng, con người ta ngoài việc ăn uống để sống thì còn có thứ lương thực quý báu hơn nhiều, đó chính là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

Trong mùa chay này, cám dỗ của ma quỷ sẽ tăng thêm gấp bội trên chúng ta, do đó mà chúng ta cần phải tỉnh thức đề phòng, phải noi gương của Đức Chúa Giê-su: chay tịnh, cầu nguyện, bác ái và luôn kết hợp với Cha trên trời, có như thế tên cám dỗ sẽ rút lui khi cám dỗ chúng ta, và mùa chay sẽ trở nên mùa hồng ân cho tất cả mọi người.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa Giêsu biến hình trên núi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:44 13/02/2016
Chúa Nhật II MÙA CHAY, năm C
Lc 9, 28b-36

CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH TRÊN NÚI

Câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê với ba môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacobê nhằm đưa chúng ta đi vào vinh quang tuyệt vời của Chúa sau khi Ngài Phục sinh khải hoàn. Bài Tin Mừng của thánh Luca hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu. Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu trên núi Tabôrê sẽ giúp chúng ta thâm tín và xác tín sâu xa gương mặt rạng ngời, uy nghi thánh thiện của Chúa. Thánh Luca là thánh sử duy nhất viết :” Đang lúc Chúa Giêsu cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác…” ( Lc 9, 29 ).

Gặp gỡ Chúa Giêsu, nhìn ngắm khuôn mặt sáng láng của Chúa, chúng ta như được biến đổi : biến đổi nội tâm, biến đổi cả thân xác vì rằng gặp được Chúa Giêsu, đức tin của chúng ta sẽ được củng cố vững chắc, lòng chúng ta hừng hực ấm lên, những gì chúng ta sử dụng hầu như cũng được biến đổi :” Y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa “ ( Lc 9, 29 ).Tin Mừng của thánh Luca thuật lại :” …có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia “ ( Lc 9, 30 ). Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở năm thánh Lòng Chúa Thương Xót. Ngài cho thấy nhân loại và mỗi người chúng ta phải thay đổi, phải nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót để nhận ra những yếu đuối, những vấp phạm của mình cần được thanh luyện để nhận ơn tha thứ của Lòng Thương Xót của Chúa. Một Phêrô chối Chúa ba lần, nhưng đã hối cải ăn năn, được Chúa yêu thương tha thứ, một Giakêu bị người Pharisêu và những người Do Thái kết án là tội lỗi, đã được Chúa ghé nhà, làm cho Ông sám hối, trở về và qua đó, cả gia đình của Giakêu cũng được ơn trở về…Mùa chay năm nay có một điều rất đặc biệt là Giáo Hội đang nao nức, nhiệt tâm sống Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Do đó, mỗi người chúng ta phải mau mắn đi tìm gặp Chúa. Gặp Ngài, chúng ta tin tưởng Ngài sẽ biến đổi chúng ta. Lên núi để gặp Chúa biến hình như ba môn đệ thân tín của Chúa khi xưa, ngày nay, chúng ta không có cơ hội như ba môn đệ. Tuy nhiên, lên núi là trở về cõi lòng thâm sâu của mình để như ngôn sứ Êdêkiên đã thưa cùng Chúa :” Hãy tạo cho con quả tim trong sạch…”. Quả tim trong sạch, cõi lòng trong sạch là nơi Chúa ngự. Chúng ta phải đổi mới con tim, đổi mới cõi lòng. Chúng ta phải đổi mới tư duy, đổi mới suy nghĩ, đổi mới cái nhìn. Chúng ta chỉ có thể nhận ra người khác khi chúng ta có con mắt sáng ngời của đức tin, chúng ta có suy nghĩ tốt về người khác. Miệng chúng ta không thốt ra những lời độc địa, cay chua, nhưng chúng ta chỉ nói những điều tốt lành.Cả đời sống chúng ta phải luôn dành giờ để gặp Chúa bởi vì chúng ta dễ nại nhiều lý do để lãng quên Chúa. Chúng ta phải dành nhiều giờ để cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã dành rất nhiều giờ để cầu nguyện. Cả cuộc đời của Ngài là lời cầu nguyện không ngừng. Ngài cầu nguyện trước khi chọn các tông đồ, cầu nguyện khi hóa bánh và cá, cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống. Có thể nói, Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngơi. Ngài gặp gỡ Chúa Cha…Chúng ta đã dành cho Chúa bao nhiêu giờ cầu nguyện trong ngày, trong đời. Đọc lại Tin Mừng, chúng ta nhận thấy các môn đệ cũng thờ ơ với việc cầu nguyện. Trong giờ phút quan trọng, quyết định, Chúa Giêsu đã tỉnh thức, mồ hôi và máu chảy ra trong vườn Cây Dầu, nhưng các môn đệ vẫn ngủ vùi, không tỉnh thức, không cầu nguyện. Hôm nay, trên núi thánh Tabôrê, các môn đệ đang ngủ khi Chúa biến hình.Các ông chỉ tỉnh dậy và thoáng thấy vinh quang của Chúa.Điều này thực sự chưa đủ vì tuy có thấy vinh quang thoáng qua của Chúa đó trong khi ông Môsê và ông Êlia biến mất. Dụi mắt để thấy rõ hơn, Phêrô muốn kéo dài cái vinh quang của Chúa, nên ông xin Chúa được dựng ba lều trên núi như thầm nghĩ rằng các ông sẽ được Chúa cho thấy vinh quang sáng ngời ấy mãi. Tuy nhiên, các ông chưa có can đảm để nhìn thấy Chúa đau khổ, và chịu nhục hình thập giá trên núi Canvariô.Các ông là các môn đệ thân tín của Chúa thật đấy nhưng các ông chỉ hưng phấn chốc lát khi thấy khuôn mặt rạng ngời của Chúa biến đổi. Mùa chay là cơ hội, là dịp thuận tiện giúp ta quay trở về với Chúa, làm hòa với anh em. Chúng ta đã thực sự để cho Chúa biến đổi chúng ta chưa ? Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta có để Chúa nói với chúng ta không ? Chúng ta có nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi chúng con, xin tăng thêm đức tin cho chúng con, xin tạo cho chúng con một trái tim mới, một cõi lòng mới, xin giúp chúng con biết nhận ra tiếng Chúa trong cõi thâm sâu của cõi lòng và nhận ra Chúa đang hiện diện nơi anh chị em của chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu đã đem ba môn đệ lên núi Tabôrê để làm gì ?
2. Ai đã hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu ?
3.Mặt mũi của Chúa Giêsu trở nên thế nào ?
4.Y phục Người thế nào ?
5. Phêrô thưa với Chúa Giêsu làm sao ?
6.Mùa Chay là cơ hội nào đối với chúng ta ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố chung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Kirill
Vũ Văn An
02:46 13/02/2016
Sau khi hội kiến riêng với nhau trong hai tiếng đồng hồ tại PhiTrường José Marti ở Havana, Cuba, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thượng Phụ Kirill của Giáo Hội Chính Thống Nga đã ký bản tuyên bố chung, trước sự chứng kiến của Chủ Tịch Raul Castro của Cuba, với nội dung như sau:

“Ơn Thánh của Chúa Giêsu Kitô và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13:13).

1. Do ý muốn của Thiên Chúa Cha, mà từ Người mọi ơn phúc đã phát sinh, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần An Ủi, chúng tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Kirill, Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Thể Nước Nga, hôm nay đã gặp nhau tại Havana. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa, hiển vinh trong Ba Ngôi, vì cuộc gặp gỡ này, lần đầu tiên trong lịch sử.

Chúng tôi đã hân hoan gặp nhau như anh em trong đức tin Kitô Giáo, những người gặp nhau “để nói với nhau mặt đối đối mặt” (2Ga 12), lòng với lòng, để thảo luận các liên hệ hỗ tương giữa các Giáo Hội, các vấn đề chủ yếu của các tín hữu của chúng tôi, và quan điểm đối với sự tiến bộ của văn minh con người.

2. Cuộc gặp gỡ huynh đệ của chúng tôi diễn ra tại Cuba, ngã ba đường của Bắc và Nam, của Đông và Tây. Chính từ hòn đảo này, vốn là biểu tượng cho các niềm hy vọng của “Tân Thế Giới” và của các biến cố đầy cảm kích của lịch sử thế kỷ 20, chúng tôi muốn ngỏ lời với mọi người dân Châu Mỹ La Tinh và các lục địa khác.

Quả là một nguồn vui khi thấy đức tin Kitô Giáo đang lớn mạnh một cách năng động tại đây. Tiềm năng tôn giáo mạnh mẽ của Châu Mỹ Latinh, truyền thống Kitô Giáo nhiều thế kỷ của nó, đặt cơ sở trên kinh nghiệm bản thân của hàng triệu con người, là một bảo đảm cho tương lai vĩ đại của vùng này.

3. Nhờ gặp gỡ cách xa các cuộc tranh cãi lâu dài của “Cựu Thế Giới”, chúng tôi đặc biệt cảm nhận được một cảm thức khẩn thiết phải có sự làm việc chung của người Công Giáo và người Chính Thống Giáo, những người vốn được kêu gọi giải thích bằng một sự hòa nhã và tôn trọng cho thế giới thấy lý do niềm hy vọng của chúng ta (xem 1 Pr 3:15).

4. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng phúc nhận được từ việc xuống thế của Con Một Người. Chúng tôi vốn có chung cùng một Thánh Truyền thiêng liêng của thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Các chứng tá của Thánh Truyền này là Mẹ Cực Thánh của Thiên Chúa, Đức Nữ Trinh Maria, và các thánh mà chúng tôi vốn tôn kính. Trong số các vị thánh này, có rất nhiều vị tử vì đạo, những vị đã làm chứng cho lòng trung thành của mình với Chúa Kitô và đã trở thành “hạt giống các Kitô Hữu”.

5. Bất kể Thánh Truyền chung của mười thế kỷ đầu này, trải dài gần một nghìn năm nay, người Công Giáo và người Chính Thống Giáo đã bị tước mất sự hiệp thông Thánh Thể. Chúng ta đã chia rẽ bởi các vết thương gây ra do các tranh chấp cũ và mới, do các khác biệt truyền lại từ cha ông chúng ta, trong việc hiểu và phát biểu đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta đau đớn vì để mất hợp nhất, hậu quả của yếu đuối và tội lỗi con người, một sự mất mát vẫn xẩy ra bất chấp lời khẩn cầu tư tế của Chúa Kitô Cứu Chúa chúng ta: “Để chúng tất cả nên một như Cha, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để chúng nên một, như chúng ta là một” (Ga 17:21).

6. Ý thức được tính lâu dài của nhiều trở ngại, chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ góp phần vào việc tái lập sự hợp nhất mà Thiên Chúa muốn có và Chúa Kitô từng cầu nguyện cho này. Ước mong cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ linh hứng các Kitô hữu khắp thế giới cầu xin Chúa với một lòng sốt sắng đổi mới cho sự hợp nhất trọn vẹn của mọi môn đệ Người. Trong một thế giới đang khát mong không những lời nói của chúng tôi mà còn các cử chỉ trông thấy, ước mong sao cuộc gặp gỡ này trở thành dấu hy vọng cho mọi người thiện chí!

7. Trong quyết tâm của chúng tôi muốn thực hiện mọi điều cần thiết để vượt thắng mọi bất đồng lịch sử mà chúng tôi vốn thừa hưởng, chúng tôi muốn phối hợp các cố gắng của chúng tôi nhằm làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô và di sản chung của Giáo Hội thiên niên kỷ thứ nhất, cùng nhau đáp ứng các thách thức của thế giới hiện thời. Người Chính Thống và người Công Giáo phải học cách đồng tâm nhất trí làm chứng tá trong các lãnh vực này khi có thể và cần thiết. Nền văn minh của con người đã bước vào một thời kỳ có những biến đổi có tính thời đại. Lương tâm Kitô Giáo và trách nhiệm mục vụ của chúng tôi buộc chúng tôi không được tiếp tục thụ động trước các thách đố đòi có đáp ứng chung.

8. Chúng tôi phải chú mục trước nhất vào các vùng thế giới trong đó, các Kitô hữu đang là nạn nhân bị bách hại. Tại nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, toàn bộ các gia đình, các làng mạc và thành phố của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô đang bị tận diệt. Các nhà thờ của họ đang bị tàn phá, cướp bóc man rợ, các đồ vật thánh của họ đang bị xúc phạm, các đền đài của họ đang bị phá hủy. Chúng tôi đau lòng nhắc đến tình hình ở Syria, Iraq và nhiều nước khác ở Trung Đông, và việc di cư hàng loạt của Kitô hữu ra khỏi mảnh đất, nơi mà đức tin của chúng ta đã được gieo vãi và họ từng sinh sống từ thời các Tông Đồ, cùng với nhiều cộng đồng tôn giáo khác.

9. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp hành động để ngăn chặn việc xua đuổi thêm nữa các Kitô hữu ra khỏi Trung Đông. Khi cất cao tiếng nói của chúng tôi nhằm bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại, chúng tôi muốn nói lên lòng thương cảm của chúng tôi đối với nỗi đau khổ mà tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác đang phải chịu đựng, họ cũng đang trở thành nạn nhân của nội chiến, của hỗn loạn và bạo lực khủng bố.

10. Hàng nghìn nạn nhân đã được xác nhận trong cảnh bạo lực ở Syria và Iraq, một bạo lực đã khiến hàng triệu người khác không nhà hay phương tiện sinh sống. Chúng tôi thúc giục cộng đồng quốc tế tìm cách chấm dứt bạo lực và khủng bố và, đồng thời, qua đối thoại, đóng góp vào việc mau chóng phục hồi hòa bình dân sự. Sự trợ giúp nhân đạo với quy mô lớn phải được bảo đảm cho những người dân đang thống khổ và cho nhiều người tỵ nạn đang tìm an ổn tại các lãnh thổ lân bang.

Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai có thể gây ảnh hưởng tới số phận những người bị bắt cóc, trong đó có các vị tổng giám mục của Aleppo, Paul và John Ibrahim, những vị bị bắt từ tháng Tư năm 2013, hãy hết sức cố gắng để bảo đảm cho những người này được chóng thả tự do.



11. Chúng tôi dâng lời cầu nguyện của chúng tôi lên Chúa Kitô, Cứu Chúa của thế giới, xin cho hòa bình, “hoa trái của công lý” (Is 32:17), trở lại với Trung Đông, để sự sống chung huynh đệ giữa các sắc dân, các Giáo Hội và tôn giáo được củng cố, giúp các tỵ nạn khả năng hồi hương, các vết thương lành lại, và linh hồn các nạn nhân bị giết được nghỉ ngơi trong an bình.



Với lời kêu gọi tha thiết, chúng tôi ngỏ lời với mọi bên có liên hệ với các tranh chấp hiện nay hãy chứng tỏ thiện chí và ngồi vào bàn thương thuyết. Đồng thời, cộng đồng quốc tế phải thực hiện mọi cố gắng có thể có để chấm dứt chủ nghĩa khủng bố bằng một hành động chung và phối hợp. Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia can dự vào cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố hãy có những hành động có trách nhiệm và khôn ngoan. Chúng tôi khuyên mọi Kitô hữu và mọi người tin vào Thiên Chúa hãy cầu nguyện sốt sắng cùng Đấng quan phòng đã tạo nên thế giới che chở tạo thế của Người khỏi họa diệt vong và đừng cho phép một thế chiến mới. Để bảo đảm một nền hoà bình vững chắc và lâu dài, các cố gắng chuyên biệt phải được thực hiện để tái khám phá các giá trị chung vốn hợp nhất chúng ta, dựa trên Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

12. Chúng tôi cúi đầu trước phúc tử đạo của những vị đã dùng giá đời mình mà làm chứng cho chân lý Tin Mừng, thà chết hơn chối bỏ Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng những vị tử đạo thời chúng ta này, những người thuộc các Giáo Hội khác nhau nhưng cùng hợp nhất với nhau bằng các đau khổ chung của mình, là một bảo đảm cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Chính với anh chị em, những người chịu đau khổ vì danh Chúa Kitô, mà Thánh Tông đồ đã ngỏ những lời này: “Anh em thân mến,…. anh em hãy vui mừng vì đã dự phần vào các đau khổ của Chúa Kitô, để khi vinh quang của Người mạc khải ra, anh em cũng được vui mừng hớn hở” (1 Pr. 4:12–13).

13. Cuộc đối thoại liên tôn là điều không thể miễn chước trong thời nhiễu nhương này. Các dị biệt trong việc hiểu các chân lý tôn giáo không ngăn chặn người thuộc các tín ngưỡng khác nhau sống hòa bình và hòa hợp. Trong bối cảnh hiện nay của chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt phải giáo dục các tín hữu của các vị về tinh thần tôn kính đối với các xác tín của những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Các mưu toan dùng các khẩu hiệu tôn giáo để biện minh cho các hành vi tội ác là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Không một tội ác nào được vi phạm nhân danh Thiên Chúa cả, “vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của vô trật tự mà là của hòa bình” (1 Cr 14:33).

14. Khi khẳng định giá trị hàng đầu của tự do tôn giáo, chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì sự canh tân đức tin Kitô Giáo chưa từng có hiện nay ở Nga, cũng như ở nhiều nước khác ở Đông Âu, trước đây dưới sự thống trị hàng mấy thập niên của các chế độ vô thần. Ngày nay, xiềng xích của chủ nghĩa vô thần đấu tranh đã bị bẻ gẫy và tại nhiều nơi, các Kitô hữu có thể tự do tuyên xưng đức tin của mình. Hàng nghìn nhà thờ mới đã được xây dựng trong một phần tư thế kỷ vừa qua, cũng như hàng trăm đan viện và định chế thần học. Các cộng đồng Kitô hữu đang đảm nhiệm những công trình đáng kể trong lãnh vực trợ giúp bác ái và phát triển xã hội, cung cấp nhiều hình thức trợ giúp đa dạng cho người thiếu thốn. Người Chính Thống và người Công Giáo làm việc bên cạnh nhau. Bằng cách làm chứng cho các giá trị của Tin Mừng, họ chứng thực sự hiện hữu của các nền tảng thiêng liêng chung cho việc sống chung của con người.

15. Đồng thời, chúng tôi quan tâm tới tình hình tại nhiều quốc gia trong đó, các Kitô hữu đang càng ngày càng phải đương đầu với nhiều hạn chế về tự do tôn giáo, về quyền làm chứng cho các xác tín của mình và quyền được sống phù hợp với các xác tín này. Cách riêng, chúng tôi nhận thấy rằng việc biến đổi của một số quốc gia trở thành các xã hội tục hóa, xa lìa hẳn mọi tham chiếu về Thiên Chúa và chân lý của Người, đang tạo ra một đe dọa trầm trọng đối với tự do tôn giáo. Một nguồn gây lo ngại cho chúng tôi là việc hiện có sự tước đoạt các quyền lợi của Kitô hữu, nếu không muốn nói họ bị kỳ thị thẳng thừng, khi một số lực lượng chính trị, bị một ý thức hệ duy tục thường hết sức hiếu chiến hướng dẫn, đang tìm cách đẩy họ ra ngoài cuộc sống công cộng.

16. Diễn trình hội nhập Âu Châu, một diễn trình khởi sự sau nhiều thế kỷ tranh chấp đẫm màu, được nhiều người đầy lòng hy vọng hoan nghinh, như là bảo đảm cho hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, chúng tôi mời gọi mọi người tỉnh táo chống lại thứ hội nhập không hề tôn trọng các căn tính tôn giáo. Dù vẫn tiếp tục cởi mở trước sự đóng góp của các tôn giáo khác vào nền văn minh của chúng ta, chúng tôi vẫn xác tín rằng Âu Châu phải tiếp tục trung thành với các cội rễ Kitô Giáo của nó. Chúng tôi kêu gọi các Kitô hữu của cả Đông lẫn Tây Âu hợp nhất lại trong việc làm chứng chung cho Chúa Kitô và Tin Mừng, để Âu Châu bảo tồn được linh hồn của nó, vốn đã được truyền thống Kitô Giáo của hai nghìn năm nay khuôn đúc.

17. Cái nhìn của chúng tôi cũng hướng về những ai đang gặp các khó khăn nghiêm trọng, đang sống trong thiếu thốn và cảnh nghèo cùng cực dù của cải vật chất của nhân loại mỗi ngày mỗi gia tăng. Chúng tôi không thể tiếp tục dửng dưng đối với số phận của hàng triệu di dân và tỵ nạn đang gõ cửa các quốc gia giầu có. Chủ nghĩa duy tiêu thụ không thương xót của một số quốc gia phát triển hơn đang dần dần tiêu hao các tài nguyên của hành tinh chúng ta. Sự bất bình đẳng mỗi ngày một lớn hơn trong việc phân phối của cải vật chất đang làm tăng cảm thức bất công nơi trật tự quốc tế vừa xuất hiện.

18. Các Giáo Hội Kitô Giáo được kêu gọi bênh vực các yêu sách của công lý, tôn trọng các truyền thống của các dân tộc, và tình liên đới chân chính đối với tất cả những ai đang đau khổ. Kitô hữu chúng ta không thể quên rằng “Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có, ngõ hầu đừng có xác phàm nào dám vinh vang trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 1:27-29).

19. Gia đình là tâm điểm tự nhiên của sự sống và xã hội con người. Chúng tôi quan tâm tới cuộc khủng hoảng trong gia đình tại nhiều quốc gia. Người Chính Thống và người Công Giáo có chung cùng một quan niệm về gia đình, và được mời gọi làm chứng điều này: nó là con đường dẫn tới sự thánh thiện, chứng thực cho lòng trung thành của vợ chồng trong hành động hỗ tương của họ, chứng thực cho sự cởi mở đón nhận sự sinh sản và nuôi dậy con cái, cho tình liên đới giữa các thế hệ và cho việc tôn trọng người yếu đuối nhất.

20. Gia đình đặt căn bản trên hôn nhân, một hành vi của yêu thương tự hiến và trung thành giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Đây là một tình yêu đóng ấn cho sự kết hợp của họ và dạy họ chấp nhận lẫn nhau như một hồng phúc. Hôn nhân là một trường dạy yêu thương và trung thành. Chúng tôi tiếc rằng các hình thức sống chung khác đã được đặt ngang hàng với sự kết hợp này, trong khi ý niệm làm cha và làm mẹ, một ý niệm được thánh hiến trong truyền thống Thánh Kinh, như là ơn gọi khác biệt của người đàn ông và của người đàn bà trong hôn nhân, đã bị loại ra ngoài lương tâm công cộng.

21. Chúng tôi kêu gọi mọi người tôn trọng quyền sống bất khả nhượng. Hàng triệu người đang bị từ khước quyền được sinh vào đời. Máu của trẻ chưa sinh đang kêu thấu tới Thiên Chúa (xem St 4:10).

Việc ra đời của điều tự gọi là an tử đang khiến nhiều người cao niên và khuyết tật bắt đầu cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình và của xã hội nói chung.

Chúng tôi cũng quan tâm trước sự phát triển kỹ thuật sinh y (biomedical) trong việc sinh sản, vì sự thao túng sự sống con người là biểu tượng của một cuộc tấn công vào chính các nền tảng của sự hiện hữu của con người, vốn được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Chúng tôi tin rằng bổn phận của chúng ta là cần phải nhắc nhớ tính bất di bất dịch trong các nguyên tắc luân lý Kitô Giáo, đặt căn bản trên lòng kính trọng phẩm giá cá nhân được mời gọi vào hiện hữu theo kế hoạch của Tạo Hóa.

22. Hôm nay, chúng tôi ngỏ lời một cách đặc biệt với giới trẻ Kitô Giáo. Các bạn trẻ thân mến, các bạn có trách vụ không được giấu tài năng của mình dưới đất (xem Mt 25:25), nhưng phải sử dụng mọi năng khiếu Thiên Chúa đã ban cho các bạn để xác nhận chân lý của Chúa Kitô trong thế gian, nhập thân trong chính cuộc sống các bạn các lệnh truyền Tin Mừng phải yêu Thiên Chúa và người lân cận của mình. Các bạn đừng sợ phải đi ngược giòng, bênh vực chân lý của Thiên Chúa, chân lý mà các qui phạm thế tục hiện thời thường rất không vâng theo.

23. Thiên Chúa yêu thương mỗi người các bạn và trông mong các bạn trở thành môn đệ và tông đồ của Người. Các bạn hãy là ánh sáng thế gian để những ai ở chung quanh các bạn nhìn thấy việc làm tốt lành của các bạn mà vinh danh Cha trên trời của các bạn (xem Mt 5:14, 16). Các bạn hãy dưỡng dục con cái các bạn trong đức tin Kitô Giáo, truyền thụ cho chúng viên ngọc vô giá là đức tin (xem Mt 13:46) mà các bạn từng nhận được từ cha mẹ và tổ tiên các bạn. Các bạn hãy nhớ rằng “các bạn đã được mua bằng một giá rất đắt” (1Cr 6:20), bằng giá cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là người vừa là Thiên Chúa.

24. Người Chính Thống và người Công Giáo hợp nhất không những nhờ ThánhTruyền chung của Giáo Hội thiên niên kỷ thứ nhất, mà còn nhờ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho thế giới ngày nay. Sứ mệnh này bao hàm việc tôn trọng hỗ tương đối với thành viên các cộng đồng Kitô Giáo và loại bỏ bất cứ hình thức cải đạo (proselytism) nào.

Chúng ta không phải là những người cạnh tranh mà là anh em, và ý niệm này phải điều hướng mọi hành động hỗ tương của chúng ta cũng như các hành động hướng ra thế giới bên ngoài. Chúng tôi thúc giục người Công Giáo và người Chính Thống ở mọi quốc gia học cách sống chung với nhau trong hòa bình và yêu thương, và sống “hoà hợp với nhau” (Rm 15:5). Thành thử, không thể chấp nhận được việc này: sử dụng các phương thế bất trung để xúi giục các tín hữu từ Giáo Hội này chạy qua Giáo Hội nọ, chối bỏ quyền tự do tôn giáo và các truyền thống của họ. Chúng ta được kêu gọi đem ra thực hành lời khuyên của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Tôi chỉ giảng giải Tin Mừng ở đâu Danh Ðức Kitô chưa dội đến, để khỏi đi xây trên nền móng kẻ khác đã đặt” (Rm 15:20).

25. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của chúng tôi cũng sẽ góp phần vào việc hoà giải ở bất cứ nơi nào có các căng thẳng giữa người Công Giáo và Chính Thống Hy Lạp. Ngày nay, điều rõ ràng là phương pháp “duy hợp nhất” (uniatism) của quá khứ, hiểu như sự hợp nhất của một cộng đồng vào một cộng đồng khác, tách biệt cộng đồng này khỏi Giáo Hội của nó, không phải là cách để tái lập hợp nhất. Tuy nhiên, các cộng đồng Giáo Hội từng phát sinh trong các hoàn cảnh lịch sử này có quyền hiện hữu và thực hiện tất cả những gì cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu thiêng liêng của tín hữu họ, trong khi vẫn tìm cách sống hòa bình với các người lân cận của họ. Người Chính Thống Giáo và Công Giáo Hy Lạp cần sự hòa giải và các hình thức chung sống hai bên cùng chấp nhận với nhau.

26. Chúng tôi lấy làm tiếc tình trạng thù địch tại Ukraine, một tình trạng từng tạo ra nhiều nạn nhân, gây ra nhiều vết thương vô kể trên các cư dân hòa bình và đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu xa. Chúng tôi mời gọi mọi bên có liên hệ tới cuộc tranh chấp hãy khôn ngoan, có tình liên đới xã hội và hành động nhằm xây dựng hòa bình. Chúng tôi mời gọi các Giáo Hội tại Ukraine làm việc hướng tới hòa hợp xã hội, tự chế việc dự phần vào tranh chấp, và đừng hỗ trợ bất cứ sự phát triển tranh chấp nào nữa.

27. Chúng tôi hy vọng rằng sự ly giáo giữa tín hữu Chính Thống Giáo tại Ukraine được vượt qua nhờ các qui định giáo luật hiện hành, mọi Kitô hữu Chính Thống Giáo của Ukraine được sống trong hòa bình và hòa hợp, và các cộng đồng Công Giáo của xứ sở góp phần vào việc này, một cách khiến cho tình anh em Kitô Giáo trở nên mỗi ngày một hiển hiện hơn.

28. Trong thế giới hiện nay, một thế giới vừa đa hình vừa hợp nhất bởi một số phận chung, người Công Giáo và người Chính Thống Giáo được mời gọi làm việc với nhau một cách huynh đệ trong việc công bố Tin Mừng cứu rỗi, cùng nhau làm chứng cho phẩm giá tinh thần và quyền tự do chân chính của con người, “để thế gian có thể tin” (Ga 17:21). Thế gian này, một thế gian trong đó các cột trụ thiêng liêng chống đỡ hiện sinh con người đang từ từ mất đi, đang chờ đợi nơi chúng ta một chứng tá Kitô Giáo có sức thuyết phục trong mọi lãnh vực của đời sống bản thân và đời sống xã hội. Phần lớn tương lai của nhân loại sẽ tùy thuộc ở khả năng của chúng ta trong việc cùng nhau làm chứng cho Thần Khí sự thật trong những lúc khó khăn này.

29. Ước mong việc làm chứng can đảm của chúng ta cho chân lý Thiên Chúa và cho Tin Mừng cứu rỗi được Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô, Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta, nâng đỡ; Người là Đấng làm ta vững mạnh với lời hứa không sai này: “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, các con đừng sợ hãi nữa, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con” (Lc 12:32)!

Chúa Kitô là nguồn suối hân hoan và hy vọng. Đức tin vào Người đã hiển dung sự sống nhân bản, làm nó đầy ý nghĩa. Đây là xác tín phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả những ai từng được Thánh Phêrô ngỏ trong các lời lẽ sau: “Xưa kia, anh em không phải ‘là dân’, nhưng nay anh em là dân của Thiên Chúa; anh em không được thương xót, nhưng nay đã được xót thương” (1 Pr 2:10).

30. Với lòng biết ơn đầy ơn thánh vì hồng phúc hiểu nhau biểu hiện trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi, chúng ta hãy hy vọng hướng về Mẹ Cực Thánh của Thiên Chúa, khẩn cầu ngài bằng những lời lẽ của lời kinh xưa: “Lạy Mẹ Thánh Thiên Chúa, chúng con tìm ẩn náu dưới sự che chở của lòng thương xót Mẹ”. Xin Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, qua lời cầu bầu của ngài, linh hứng tình huynh đệ nơi mọi người tôn kính ngài, để họ được tái hợp nhất, vào thời điểm Thiên Chúa muốn, trong hòa bình và hòa hợp của một dân duy nhất của Thiên Chúa, vì vinh quang của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh và bất phân chia!

Phanxicô

Giám Mục Rôma

Giáo Hoàng Giáo Hội Công Giáo

Kirill

Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Nước Nga
 
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các nhà cầm quyền dân sự Mễ Tây Cơ
Vũ Văn An
14:56 13/02/2016
Việc đầu tiên trong ngày đầy đủ thứ nhất ở Mễ Tây Cơ của Đức Phanxicô là tới Cung Điện Quốc Gia để gặp gỡ Tổng Thống Enrique Pena Nieto, các nhà cầm quyền dân sự và ngoại giao đoàn. Tại đây, ngài đã đọc bài diễn văn đầu tiên trong chuyến tông du 6 ngày của ngài:

Thưa Tổng Thống, tôi cám ơn ngài về những lời nghinh đón của ngài. Tôi sung sướng được đặt chân lên đất Mễ Tây Cơ, đất nước chiếm một chỗ đặc biệt trong trái tim Mỹ Châu. Hôm nay, tôi đến như một nhà truyền giáo của lòng thương xót và hòa bình nhưng cũng như một người con muốn tôn kính mẹ mình, Nữ Trinh Diễm Phúc Guadalupe, và đặt mình dưới sự chăm sóc khôn nguôi của ngài.

Cố gắng làm một đứa con ngoan, bước theo bước đi của mẹ chúng ta, tôi muốn chính tôi bày tỏ lòng tôn trọng đối với dân tộc này và đối với mảnh đất này, một đất nước hết sức phong phú về văn hóa, lịch sử, và tính đa dạng. Thưa Tổng Thống, qua ngài, tôi muốn chào kính và ôm hôn nhân dân Mễ Tây Cơ trong nhiều biểu thức của họ và trong tình hình đa dạng nhất họ từng kinh qua. Cám ơn qúi vị đã nghinh đón tôi tới lãnh thổ qúy vị.

Mễ Tây Cơ là một quốc gia vĩ đại. Nó được chúc phúc với những tài nguyên thiên nhiên phong phú và một sinh thái đa dạng mênh mông, trải dài khắp lãnh thổ. Vị trí địa dư ưu tiên của nó biến nó thành điểm qui chiếu đối với Mỹ Châu; và các nền văn hóa bản địa mestizocriollo đã mang lại cho nó một bản sắc riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho một sự phong phú văn hóa không luôn dễ dàng tìm thấy và nhất là lượng giá. Sự khôn ngoan của tổ tiên biểu hiện qua chủ nghĩa đa văn hóa là một trong các tài nguyên vĩ đại nhất, vượt xa, về đời người. Đó là một bản sắc từ từ học được cách phải tự lên khuôn mình ra sao giữa muôn hình muôn dạng và nay chắc chắn đã tạo nên một di sản phong phú cần được đánh giá, khuyến khích và bảo vệ.

Tôi tin và dám nói rằng ngày nay, sự phong phú chính của Mễ Tây Cơ có một khuôn mặt trẻ; đúng thế, sự phong phú này chính là giới trẻ của qúy vị. Hơn một nửa dân số của qúy vị là người trẻ. Điều này làm cho việc dự tính và đặt kế hoạch cho tương lai, cho ngày mai trở thành khả hữu. Điều này đem lại hy vọng và viễn ảnh tương lai. Dân tộc nào có một dân số trẻ trung là một dân tộc có khả năng tự canh tân và biến đổi; nó là một lời mời nhìn về tương lai với niềm hy vọng và, ngược lại, nó thách thức chúng ta một cách tích cực tại đây và ngay bây giờ. Thực tại này nhất định dẫn chúng ta tới chỗ phải suy nghĩ về các trách nhiệm của mình khi đề cập tới việc xây dựng một loại Mễ Tây Cơ như lòng chúng ta mong muốn, một Mễ Tây Cơ mà chúng ta muốn trao lại cho các thế hệ đang đến. Nó cũng dẫn chúng ta tới chỗ hiểu ra rằng tương lai đầy hy vọng phải được tạo dựng trong hiện tại bởi những con người nam nữ chính trực, trung thực, và có khả năng làm việc cho ích chung, “cái ích chung” mà ở thế kỷ 21 này người ta ít khi chịu tìm kiếm. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng mỗi khi chúng ta tìm con đường đặc quyền hay đặc lợi cho một số ít người mà gây hại tới lợi ích mọi người, chẳng sớm thì muộn, đời sống xã hội sẽ trở thành mảnh đất mầu mỡ của tham nhũng, buôn bán ma túy, loại trừ các nền văn hóa khác, bạo lực và buôn người, bắt cóc và chết chóc, đem lại đau khổ và một sự phát triển trì trệ.

Nhân dân Mễ Tây Cơ đặt trọn niềm hy vọng của họ vào một bản sắc đã được lên khuôn trong các thời điểm thử thách và khó khăn của lịch sử. Bản sắc này đã được rèn đúc bởi các chứng tá công dân tuyệt vời, những người hiểu rõ rằng muốn vượt qua các tình huống phát sinh từ sự cố chấp của chủ nghĩa duy cá nhân, điều cần là phải có đồng tâm nhất trí giữa các định chế chính trị, xã hội và tài chánh, và của mọi người nam nữ dấn thân cho ích chung và phát huy phẩm giá con người nhân bản.

Một nền văn hóa tổ tiên cùng với việc khuyến khích các tài nguyên nhân bản như nền văn hóa của qúy vị phải là một kích thích để tìm ra các hình thức mới cho đối thoại, thương thảo và bắc cầu có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường liên đới dấn thân. Khởi đi từ những con người tự cho mình là Kitô hữu, đây là một dấn thân mà tất cả chúng ta phải cam kết, để xây dựng “một đời sống chính trị trên căn bản thực sự con người” (Gaudium et Spes, 73), và một xã hội trong đó, không ai cảm thấy mình là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ.

Các nhà lãnh đạo đời sống xã hội, văn hóa và chính trị có một nghĩa vụ đặc thù là đem lại cho mọi công dân cơ hội để đóng góp xứng đáng cho chính tương lai của họ, bên trong gia đình họ và trong mọi phạm vi diễn ra các tương tác nhân bản và xã hội. Với cách này, họ sẽ giúp các công dân thực sự có quyền sử dụng các của cải vật chất và tâm linh hết sức cần thiết: nhà ở thỏa đáng, việc làm xứng đáng, thực phẩm, công lý thực sự, an ninh hữu hiệu, một môi trường lành mạnh và yên ổn.

Đây không chỉ là vấn đề cần phải cập nhật và cải thiện luật lệ, một điều luôn cần thiết, nhưng đúng hơn cần phải khẩn thiết đào tạo trách nhiệm bản thân nơi mỗi cá nhân, với việc tôn trọng đầy đủ đối với người khác vì mọi người nam nữ đều có chung trách nhiệm phải cổ vũ việc thăng tiến quốc gia. Đây là một nghĩa vụ liên quan tới mọi người Mễ Tây Cơ thuộc các lãnh vực khác nhau, bất kể là công hay tư, là tập thể hay cá nhân.

Thưa Tổng Thống, tôi bảo đảm với ngài rằng trong cố gắng này, Chính Phủ Mễ Tây Cơ có thể trông cậy vào sự hợp tác của Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội vốn đồng hành với đời sống của quốc gia này và luôn đổi mới cam kết và sự sẵn sàng của mình để phục vụ chính nghĩa vĩ đại của nhân loại: xây dựng nền văn minh tình thương.

Tôi sẵn sàng du hành khắp đất nước xinh đẹp và rộng lớn này như một nhà truyền giáo và như một người hành hương muốn được cùng qúy vị đổi mới cảm nghiệm thương xót như một chân trời mới đầy cơ may nhất định sẽ đem lại công lý và hòa bình. Tôi cũng xin phó thác trong tầm nhìn của Đức Maria, Nữ Trinh Diễm Phúc Guadalupe, để nhờ lời cầu bầu của ngài, Cha hay thương xót sẽ ban ơn để những ngày này và tương lai của lãnh thổ này sẽ là một cơ hội để gặp gỡ, hợp nhất và hoà bình. Xin cám ơn qúy vị.
 
Ngày đầu tiên của Đức Phanxicô tại Mễ Tây Cơ, 12 tháng Hai, 2016: cầu nguyện cho cả người làm hại ta
Vũ Văn An
17:50 13/02/2016
Hãng Tin AP ghi vội mấy hàng sau đây về ngày đầu tiên của Đức Phanxicô tại Mễ Tây Cơ:

8:25 giờ tối

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt chân lên Thủ Đô Mễ Tây Cơ để bắt đầu chuyến tông du đầu tiên nước này. Ngài muốn mang tới đây một sứ điệp liên đới với các nạn nhân của bạo lực và các cộng đồng đang kẹt cứng trong nghèo đói.

Đức Giáo Hoàng tới phi trường quốc tế của Mexico City từ Havana, nơi ngài thực hiện cuộc gặp gỡ có tính lịch sử với thượng phụ của Giáo Hội Chính Thống Nga.

Đức Phanxicô sẽ thăm khắp Mễ Tây Cơ, quốc gia Công Giáo nhất trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Theo cuộc kiểm tra dân số mới đây nhất, phần trăm người Công Giáo Mễ Tây Cơ đã giảm từ 96 năm 1970 xuống 83 năm 2010.

Ngài dự tính đi thăm những nơi chịu ảnh hưởng bởi nghèo đói, bạo lực và di dân hơn cả.

9.00 giờ tối

Tại phi trường của Mexico City, Đức Phanxicô tươi cười được nghinh đón bằng một màn trình diễn nhạc rock kiểu đại nhạc hội với đèn rọi mầu lam chiếu sáng khán đài và bục dàn nhạc và đám đông vẫy khăn tay mầu vàng. Các ca sĩ nhạc mariachi ca vang khi chiếc máy bay bao thuê của ngài chạy vào chỗ dừng lại và dân chúng hô to “Anh Phanxicô, anh đã là người Mễ Tây Cơ”.

Tổng Thống Enrique Pena Nieto và phu nhân đã nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại Phi Trường. Đám đông hoan hô vang dội khi thấy 3 vị đi với nhau trên thảm đỏ, dừng lại để truyện trò với 4 trẻ em vận đồ dân tộc. Rồi ánh sáng mờ đi và đám đông vẫy đèn trong khi bài ca chính thức sáng tác cho chuyến tông du của Đức Phanxicô được trình diễn. Các nam nghệ sĩ đội nón rộng và các nữ nghệ sĩ vận váy đỏ nhẩy múa trên sân phi trường. Cả một trời ánh sáng huyền diệu và âm nhạc vui tươi.

Đức Phanxicô bước tới một nhóm trẻ em vận đồ trắng để chúc lành cho các em và đặt tay lên đầu từng em.

Rồi 3 vị rời thảm đỏ, tới gần các đám đông trên các khán đài. Ngài được hoan hô vang dậy. Có lúc, ngài dừng lại để ôm hôn trẻ em hoặc thăm hỏi những người ngồi xe lăn, thậm chí còn đội cả chiếc nón sombrero mầu đen của một ca sĩ nhạc mariachi.

9:35 giờ tối

Các đám đông người Mễ Tây Cơ tụ tập nhau trên đường phố thủ đô để hoan hô Đức Giáo Hoàng khi xe của ngài tiến về cư sở của Đức Sứ Thần Tòa Thánh.

Đứng đợi Đức Giáo Hoàng, cụ già Carlos Garcia, 85 tuổi, cho hay cụ và nhiều người Mễ Tây Cơ rất yêu thương Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đã được thấy ngài nhiều lần trong 5 chuyến tông du Mễ Tây Cơ của ngài. Cụ nói rằng bây giờ họ sẵn sàng nghinh đón vị giáo hoàng Châu Mỹ Latinh đầu tiên. Lời cụ: “Mễ Tây Cơ thực sự cần sứ điệp của Đức Giáo Hoàng”.

Luật Sư Victor Lopez đứng đợi với cây Thánh Giá lớn bằng bạc quanh cổ. Ông nói: “Đức Giáo Hoàng thăm viếng một đất nước bị thương đang cần lời lẽ khuyến khích của ngài”.

Rosaura Gutierrez chiếm được chỗ tốt từ sáng sớm Thứ Sáu và đang trông mong được Đức Giáo Hoàng cầu nguyện và khuyến khích Mễ Tây Cơ. Bà nói rằng nước bà đã bị “tàn sát bởi những người sống xa Thiên Chúa”.

10:15 giờ đêm

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới cư sở của Đức Sứ Thần Tòa Thánh nơi ngài sẽ cư ngụ trong thời gian 5 ngày viếng thăm Mễ Tây Cơ.

Xe mở cửa chở ngài từ phi trường chạy vào phía nam thủ đô. Xe vừa chạy, ngài vừa tươi cười vẫy tay chào đón đám đông xếp hàng dọc đường. Theo đúng dự tính, ngài không đưa ra nhận định công khai nào.

Đoàn xe hộ tống bỗng dừng lại khi một người đàn ông vượt hàng rào an ninh và chạy về hướng giáo hoàng xa. Người này đã bị nhân viên an ninh chặn lại và đoàn xe tiếp tục lăn bánh.

Bên ngoài cư sở của Đức Sứ Thần, an ninh rất chặt chẽ. Nhiều người tiếp tục đứng ở bên ngoài, co ro vì gió lạnh, một số đem theo mền.

Laura Garcicrespo cho hay bà đợi 8 tiếng đồng hồ để được thấy Đức Giáo Hoàng. Bà đội chiếc nón giám mục bằng bìa cứng do bà chế tạo với bức hình của Đức Giáo Hoàng trên đầu.

Bà bảo: Đức Phanxicô “đến ôm hôn những người đau khổ”, có ý nói tới việc Đức Phanxicô sẽ viếng thâm các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bạo lực và nghèo đói.

11:10 giờ đêm

Sau khi tới chưa đầy một tiếng đồng hồ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra ngoài cư sở của Đức Sứ Thần để chào hỏi những người ái mộ, khiến họ hoan hô vang dội.

Theo lịch trình ngày hôm nay, ngài sẽ không lên tiếng công khai.

Ngài tiến lại đám đông và nhận hai cành hồng trắng trước khi cầm lấy máy vi âm. Ngài cầu nguyện với đám đông hiện diện và nói: mọi người đều cần nghỉ ngơi cho những gì sẽ xẩy ra hôm Thứ Bẩy và Chúa Nhật.

Nhưng trước hết, trước khi đi ngủ, ngài bảo: “Hãy nhìn lên Đức Nữ Trinh và nhớ những khuôn mặt này: những người yêu thương anh chị em, những người chúng ta yêu thương và những người làm hại chúng ta”.
 
Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ tại Đền Đức Mẹ Guadalupe
Vũ Văn An
21:44 13/02/2016
Vào ngày đầy đủ đầu tiên của ngài trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ, 13 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Guadalupe ở Mexico City. Đền Nữ Trinh Guadalupe là địa điểm hành hương Công Giáo được nhiều người viếng thăm nhất trên thế giới và là một đền thờ hết sức quan trọng đối với vị Giáo Hoàng Châu Mỹ Latin đầu tiên này.

Trong bài giảng của ngài, lấy hứng từ câu truyện Nữ Trinh Maria đi thăm viếng người chị em họ của mình là Êlisabét, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, khiến ngài mau mắn ra đi gặp gỡ người khác.

Ngài nói: Đức Mẹ Guadalupe “muốn đến với các cư dân của lãnh thổ Mỹ Châu này trong con người của người thổ dân Juan Diego” và “ngài đã và vẫn tiếp tục đồng hành với việc phát triển của lãnh thổ diễm phúc Mễ Tây Cơ này”.

Nhắc đến Phép Lạ thứ nhất năm 1531, Đức Phanxicô nói rằng “Thiên Chúa đánh thức niềm hy vọng của những người bé nhỏ, đau khổ, di tản hoặc bị bác bỏ, tất cả những ai cảm thấy không có chỗ xứng đáng trên lãnh thổ này”.

Thánh Juan, người tự coi mình là bé nhỏ và bất xứng, đã cảm nghiệm được trong đời mình điều gì là hy vọng, điều gì là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài được kêu gọi xây dựng một đền thờ và các Đức Giáo Hoàng hiểu ra rằng các đền thờ mà các ngài được kêu gọi xây dựng chính là người nghèo và người bị áp bức.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng:

Chúng ta vừa nghe Đức Maria đã gặp người chị em họ Êlisabét của ngài ra sao. Ngài vội vã ra đi, không một chút hoài nghi do dự, không giảm nhịp bước, để được ở bên cạnh người thân thuộc của ngài đang ở cữ vào những tháng cuối cùng của thai kỳ.

Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với thiên thần không giữ ngài ở lại nhà vì ngài không hề coi mình là người được ưu đãi, hay làm cho ngài do dự trong việc phải xa lìa những người ở chung quanh ngài. Trái lại, nó đổi mới và linh hứng một thái độ mà vì đó, Đức Maria được và luôn được biết đến: ngài là người phụ nữ biết nói “xin vâng”, một lời “xin vâng” hoàn toàn phó thác trong tay Thiên Chúa, và đồng thời, là một lời “xin vâng” hoàn toàn phó thác trong tay anh chị em mình. Đây là lời “xin vâng” thúc đẩy ngài cho đi phần tốt nhất của chính ngài, ra đi gặp gỡ người khác.

Lắng nghe đoạn Tin Mừng này tại nơi này quả có một ý nghĩa đặc biệt. Đức Maria, người phụ nữ biết nói lời “xin vâng” của mình, cũng muốn đến với các cư dân của lãnh thổ Mỹ Châu này trong con người của người thổ dân là Thánh Juan Diego. Người từng rong ruổi các nẻo đường ở Giuđêa và Galilê thế nào, thì ngài cũng bước qua Tepeyac như thế, mình vận bộ đồ thổ dân và sử dụng ngôn ngữ của họ, để cả ngài nữa đã và tiếp tục đồng hành với việc phát triển của lãnh thổ diễm phúc Mễ Tây Cơ này. Ngài đã tỏ mình với người bé nhỏ Juan ra sao, ngài cũng tiếp tục tỏ mình với tất cả chúng ta như thế, nhất là với những người cảm thấy “vô gia trị” như người bé nhỏ này (xem Nican Mopohua, 55). Việc lựa chọn đặc biệt này, một lựa chọn mà ta có thể gọi là ưu tiên, không hề chống lại bất cứ ai nhưng đúng hơn có lợi cho mọi người. Người thổ dân bé nhỏ Juan, người tự gọi mình là “cái quai da, cái khung đeo lưng, cái đuôi, cái cánh, bị áp bức bởi gánh nặng của người khác” (Ibid.), đã trở thành “một vị đại sứ, đáng tin hơn hết”.

Buổi sáng ấy, tháng Mười Hai năm 1531, phép lạ đầu tiên đã diễn ra, sau này trở thành ký ức sống động của tất cả những gì Đền Thánh này bảo vệ. Buổi sáng hôm đó, trong cuộc gặp gỡ đó, Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng của đứa con Juan của Người, và niềm hy vọng của cả dân tộc anh. Buổi sáng hôm đó, Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng của những con người bé nhỏ, đau khổ, di tản hay bị bác bỏ, của tất cả những người cảm thấy mình không có chỗ đứng xứng đáng trên lãnh thổ này. Buổi sáng hôm đó, Thiên Chúa đã đến gần và vẫn còn đến gần các trái tim đau khổ nhưng rất kiên cường của rất nhiều người mẹ, người cha, ông bà từng chứng kiến con cái mình lìa gia đình, trở thành mất tăm hoặc thậm chí bị những tên tội phạm bắt cóc.

Vào buổi sáng hôm đó, Juan cảm nghiệm được trong đời mình hy vọng là gì, lòng thương xót của Thiên Chúa là gì. Anh đã được chọn để giám sát, trông coi, bảo vệ và cổ vũ việc xây dựng đền thánh này. Trong nhiều dịp, anh nói với Đức Mẹ rằng anh không phải là người thích đáng; trái lại, nếu ngài muốn công việc được tiến triển, ngài nên chọn những người khác, vì anh vốn không có học, hay biết viết và không thuộc nhóm những người có thể biến nó thành thực tại. Đức Maria, đấng rất kiên nhẫn, cái kiên nhẫn phát sinh từ trái tim hay thương xót của Chúa Cha, nói với anh: anh sẽ là đại sứ của ngài.

Bằng cách trên, Đức Mẹ đã có thể đánh thức một điều mà chính anh không biết phải phát biểu ra sao, một thứ ngọn cờ đích thực của tình yêu và công lý: không ai bị loại ra ngoài việc xây dựng một đền thánh khác, đền thánh sự sống, đền thánh các cộng đồng, các xã hội và các nền văn hóa của chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần thiết, nhất là những người bình thường không đáng kể vì “không xứng với nghĩa vụ” hoặc “không có các ngân khoản cần thiết” để xây dựng các công trình này. Đền Thánh của Thiên Chúa chính là sự sống của con cái Người, của mọi người trong bất cứ điều kiện nào, nhất là của những người trẻ không tương lai đang gặp vô vàn tình huống đau đớn và nguy hiểm, và của người cao niên, những người không được thừa nhận, bị quên lãng và đẩy xa cho khuất mắt. Đền Thánh của Thiên Chúa là các gia đình của chúng ta chỉ cần những điều chủ yếu nhất để phát triển và tiến bộ. Đền Thánh Thiên Chúa là gương mặt của nhiều người ta gặp mỗi ngày…

Viếng đền thánh này, cùng những điều đã xẩy ra cho Juan Diego cũng có thể xẩy ra cho chúng ta. Anh chị em hãy nhìn Mẹ Diễm Phúc từ bên trong các đau khổ của chúng ta, các nỗi sợ của chúng ta, niềm vô vọng của chúng ta, niềm sầu khổ của chúng ta, và nói với Mẹ, “Con biết dâng gì vì con là kẻ vô học?” Chúng ta ngước nhìn lên Mẹ bằng đôi mắt nói lên tư tưởng của mình: có biết bao tình huống khiến chúng ta bất lực, khiến chúng ta cảm thấy rằng chẳng còn chỗ nào để hy vọng, để thay đổi, để biến đổi.

Và do đó, một chút thinh lặng sẽ có ích để ta dừng lại ngắm nhìn Mẹ và nhắc lại cho ngài nghe những lời lẽ sau đây của một đứa con yêu qúy khác:

Lạy Mẹ, chỉ nhìn Mẹ thôi,
chỉ dành đôi mắt cho Mẹ,
chỉ nhìn Mẹ mà không nói lời nào,
kể với Mẹ mọi điều, một cách không lời và tôn kính.
Mẹ đừng khuấy động bầu khí trước mặt Mẹ;
chỉ nâng niu nỗi cô đơn bị đánh cắp của con
bằng đôi mắt yêu thương tình mẫu thân của Mẹ,
trong tổ ấm của thửa đất trinh trong của Mẹ.
Thời khắc qua đi vội vã, và một cách chát chúa,
cái hao hụt của sự sống và sự chết nghiến nát người khờ dại.
Lạy Mẹ, chỉ nhìn Mẹ thôi, chỉ ngắm Mẹ thôi
bằng trái tim trở nên thinh lặng nhờ sự âu yếm của Mẹ,
sự im lặng của Mẹ, trong trắng như huệ đồng.


Và nhờ ngắm nhìn Mẹ, chúng ta sẽ nghe lại điều Mẹ muốn nhắn nhủ chúng ta một lần nữa, “hỡi con cưng bé nhỏ, điều gì làm tâm hồn con buồn sầu?” (Nican Mopohua, 107). “nhưng nếu Mẹ không ở đây với con, ai sẽ có vinh dự làm mẹ của con?” (Ibid., 119).

Đức Maria nói với chúng ta rằng ngài được “vinh dự” làm Mẹ chúng ta., bảo đảm với ta rằng những người đau khổ không khóc lóc vô ích. Những người này là lời cầu nguyện thinh lặng dâng lên tới trời, luôn tìm được chỗ ẩn náu dưới tà áo Mẹ. Trong ngài và với ngài, Thiên Chúa đã biến chính Người thành anh em và đồng bạn của chúng ta trên đường lữ thứ; Người vác thập giá với chúng ta để chúng ta không bị trấn áp bởi đau khổ.

Mẹ không phải là mẹ của các con sao? Mẹ không ở đây hay sao? Mẹ bảo ta: các con đừng để thử thách và đau khổ trấn áp các con. Hôm nay, Mẹ sai chúng ta ra đi một lần nữa; hôm nay, Mẹ đến với chúng ta một lần nữa: các con hãy là đại sứ của Mẹ, đại sứ Mẹ phái đi để xây dựng các đền thánh mới, đồng hành với nhiều cuộc đời, lau khô nhiều nước mắt. Hãy đơn giản trở thành đại sứ của Mẹ bằng cách cùng bước các nẻo đường của khu xóm, của cộng đồng, của giáo xứ các con; chúng ta có thể xây dựng các đền thánh bằng cách chia sẻ niềm vui vì biết rằng chúng ta không cô đơn, vì Đức Maria luôn đồng hành với chúng ta. Ngài bảo ta: hãy là đại sứ của Mẹ, cung cấp thực phẩm cho người đói ăn, thức uống cho người khát uống, nơi trú ẩn cho người thiếu thốn, quần áo cho người trần truồng và thăm viếng người bệnh. Hãy trợ giúp người lân cận, tha thứ cho bất cứ ai xúc phạm đến các con, an ủi người sầu khổ, kiên nhẫn với người khác, và trên hết tìm kiếm và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Há Mẹ không phải là Mẹ các con sao? Há Mẹ đang không ở đây với các con sao? Đức Mẹ nói với chúng ta như thế một lần nữa. Các con hãy ra đi xây dựng đền thánh Mẹ, giúp Mẹ nâng cao cuộc sống của con cái nam nữ của Mẹ, vốn cũng là anh chị em của các con.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân đến với người nghèo tại giáo xứ Tân Triều, Gp. Xuân Lộc
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
06:26 13/02/2016
Xin xem hình ảnh

Xuân đã đến trên quê hương Việt Nam, đem theo bao niềm vui và mơ ước. Riêng với giáo xứ Tân Triều, xuân năm nay đặc biệt hướng về người nghèo và các anh chị em lương dân.

Từ 4 giờ chiều khuôn viên nhà thờ Tân Triều đã có rất đông người. Lớp thì phụ dọn bàn ăn, lớp thì sắp xếp thức ăn. Tiếng í ới vang lên một góc làng Bưởi Biên Hòa.

Được biết cha Giuse Vũ Đức Hiệp, chánh xứ Tân Triều đã có sáng kiến tổ chức các bữa tiệc tinh thần vào các dịp Giáng Sinh, Tết qua các chương trình văn nghệ cho người nghèo thưởng thức. Đây là lần thứ hai lễ hội Xuân đến với người nghèo được tổ chức.

Tiệc tân niên được dọn lên với súp măng cua, xôi lá cẩm, chả giò chiên, đùi gà chiên, gỏi và lagu bò ăn với bánh mì, tráng miệng với nước sâm lạnh mát rượi. tất cả các món ăn đều được con chiên giáo xứ Phúc Hải, là nơi cha đã coi sóc trước đó về đây nấu nướng.

Sau bữa ăn còn có tiền lì xì của cha cho mỗi người. Bốn mươi bảy bàn ăn được dọn lên với khoảng 470 thực khách. Tôi thầm hỏi giáo xứ Tân Triều chỉ có vỏn vẹn hơn một ngàn giáo dân, người nghèo ở đâu đông thế ? Như thể đọc được ý nghĩ của tôi, cha G. Vũ Đức Hiệp cho biết: Giáo xứ Tân Triều nằm trên địa bàn của bốn xã: Tân Bình; Bình Hoà; Bình Lợi; Thạnh Phú. Chiều dài là 10 cây số. Chiều rộng là 12 cây số. Tôi về đây được hai năm bốn tháng năm ngày ! Giáo dân ban đầu là 1.000 người. Đến nay đã lên được 1.800 người. Hiện nay đang có 89 gia đình theo học dự tòng với 201 người ( cả lớn lẫn nhỏ ) không kể những người học để lấy vợ lấy chồng.

Như vậy, Tân Triều có lẽ là một trong những giáo xứ có số lượng người theo đạo rất cao, mà theo cả gia đình chứ không tính theo đạo để lập gia đình. Được biết giáo phận Xuân Lộc có chương trình “Tin Mừng ba lô”, vợ chồng anh chị Quảng – Thu đi thăm anh chị em lương dân mỗi ngày như một việc làm chính.

Cùng lúc là hội chợ cho các em thiếu nhi. Em nào có phiếu đi lễ thì đổi phiếu chơi. Người lớn thấy các gian hàng thu hút cũng tò mò bước vào và bị cuốn hút vào các gian hàng: ném gòn, ném lon, thảy xu, thảy vòng, xử tử trư bát giới ( bịt mắt đập heo đất). Tò mò với trò chơi cuối cùng, tôi cũng thử thời vận, cũng bịt mắt và đập …trật. Tiếng cười giòn tan của các em thiếu nhi hòa lẫn trong tiếng cổ vũ hò reo của các anh chị giáo lý viên trên loa thùng làm vỡ òa đi cái e ngại và sống bừng sắc xuân Tân Triều.

Chương trình văn nghệ đặc sắc tiếp theo với sự góp mặt của các giáo xứ cha Giuse từng coi sóc như: Xuân Đường, Phúc Hải. Các em thiếu nhi thị xã Long Khánh, giới trẻ giáo xứ Xuân Trà và đội chủ nhà. Mỗi nơi góp từ một đến hai tiết mục làm cho sức sống ngày Xuân ở Tân Triều như bừng dậy mãnh liệt hơn. Được biết, giáo xứ Xuân Đường và Long Khánh cách xa Tân Triều hơn hai tiếng lái xe, vậy mà các em nhiệt tình tập luyện và cống hiến cho anh chị em nghèo. Sau buổi diễn các em lại lên xe về ngay. Quý là quý công lao các em tập luyện trong những ngày Tết khi chúng bạn đang du xuân.

Riêng tôi, MC “ bị bắt cóc” cho chương trình do MC đã mời nhưng phút chót anh không đến được. Nhờ tiếng vỗ tay động viên của khán giả mà tôi đã hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp. Xin tạ ơn Chúa và anh chị em.

Xen kẽ văn nghệ là phần rút thăm trúng thưởng, giải đặc biệt là chiếc xe máy Yamaha Sirius giá hai mươi triệu đồng. Khán giả ở lại cho đến khi chiếc xe máy được trao vào tay anh Bình, một gia đình thật sự nghèo tại Tân Triều. Hai vợ chồng có năm đứa con, làm ăn kiếm từng bữa qua ngày. Vé số mà anh trúng cũng do cha xứ mang đến nhà lì xì hôm trong tết. Nhìn anh run run nhận chiếc chìa khóa vàng, tượng trưng cho chiếc xe mà cả hội trường cùng vui và chúc mừng cho anh.

Tạ ơn Chúa với những ánh mắt trẻ thơ khi được chơi hội chợ, trở về thời ấu thơ. Tạ ơn Chúa với những anh chị em khó khăn được nâng đỡ đời sống tinh thần qua buổi lễ hội. Tạ ơn Chúa với những tấm lòng quảng đại đến với Tân Triều. Tạ ơn Chúa đã cho cha Giuse tấm lòng nhiệt huyết không ngưng nghỉ đến với anh chị em lương dân. Tạ ơn Chúa với sự phục vụ của thầy giúp xứ và quý Dì Đa Minh Bà Rịa đang phục vụ tại Tân Triều.

Ước chi những mô hình đến với anh chị em lương dân và tôn giáo bạn như thế này được tổ chức nhiều hơn nữa, không chỉ ở Tân Triều mà còn nhiều nơi trên dải đất Việt Nam thân yêu.



 
Dạ Tiệc Mừng Xuân Bính Thân 2016 tại Sydney
Diệp Hải Dung
10:42 13/02/2016
Dạ Tiệc Mừng Xuân Bính Thân 2016 tại Sydney

Tối thứ Sáu 12/02/2016 (Mùng 4 Tết) khoảng 800 người đã đến nhà hàng Crystal Palace vùng Canley Heights Sydney tham dự buổi Dạ Tiệc Mừng Xuân Tết Bính Thân 2016 do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức với mục đích bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam và tạo cơ hội giúp cho các con em hiếu thảo nhớ đến ông bà cha mẹ trong dịp Xuân về. Dạ tiệc với chủ đề: “Dâng Chúa Mùa Xuân ”

Xem Hình

Khai mạc buổi Dạ Tiệc với 3 hồi chiêng trống cổ truyền và mở màn tiết mục hoạt cảnh Xuân Họp Mặt với ban hợp ca Liên Đoàn Lê Bảo Tịnh. Kế tiếp là nghi thức chào quốc kỳ Úc Việt đồng thời hai Mc Minh Châu và Cao Thượng mời quý Cha với sắc phục khăn đống áo dài truyền thống Việt Nam lên sân khấu. Cha Paul Văn Chi đại diện Ban Tuyên Úy dâng lời nguyện đầu năm lên Thiên Chúa và tuyên bố khai mạc Dạ Tiệc Mừng Xuân Bính Thân 2016, qúy Cha và mọi người cùng hợp ca nhạc phẩm Tán Tụng Hồng Ân để chúc tụng Thiên Chúa và qúy Trưởng Ban Mục Vụ các Giáo Đoàn cùng lên sân khấu hợp ca bài Ly Rượu Mừng để mừng Xuân. Sau đó anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng ngỏ lời chúc Tết qúy Cha quý Sơ và tất cả mọi người và Cha Nguyễn Văn Tuyết ban phép lành của ăn.

Khai mạc buôi liên hoan văn nghệ Dạ Tiệc Mừng Xuân, đoàn Múa Lân chào mừng quan khách những màn múa rất ngoạn mục và sau đó chương trình văn nghệ vời những tiết mục Đơn Ca, Song Ca, Hợp Ca, Hoạt Cảnh về Xuân rất đượm tình quê hương do 3 Liên Đoàn Trẻ Thiếu Nhi Thánh Thể, Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo và Liên Ca đoàn Lê Bảo Tịnh cùng phối hợp trình diễn rất đặc sắc.

Sau đó quý Cha Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên, anh Trần Anh Vũ cùng ra sân khấu chúc Tết đến các Cụ Ông Cụ Bà và các vị Cao Niên được mời lên trước sân khấu. Ba em Hồng Ân, Thảo Vi và Thanh Thúy thay mặt các bạn trẻ hát tặng quý vị Cao Niên nhạc phẩm Ơn Nghĩa Sinh Thành rất được mọi người tán thưởng nồng nhiệt. Kế tiếp quý Cha, anh Trần Anh Vũ, ông bà Đường Ngọc Phước Giáo đoàn Miller và ông bà Hà Quang Thuấn Giáo đoàn Cabramtta cùng cắt chiếc Bánh Chưng và trái Dưa Hấu mừng Xuân Mới, đồng thời quý Cha, qúy Sơ phát Lộc Thánh đầu Năm Mới cho quý vị cao niên để được tràn đầy ơn lành của Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Đặc biệt Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng ngỏ lời cám ơn Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Cựu Tuyên úy Trưởng CĐCGVN TGP Sydney đã dìu dắt Cộng Đồng trong 2 năm qua được thăng tiến và phát triển. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Cha trong sứ vụ nhiệm sở mới..và Cha Dương Thanh Liêm cũng ngỏ lời cám ơn và chúc Tết mọi người trong Cộng Đồng.

Sau khi chấm dứt phần chúc Tết, chương trình văn nghệ tiếp tục và lồng vào đó có màn Xổ Số lấy hên đầu Năm Mới. Trước khi kết thúc buổi Dạ Tiệc Mừng Xuân. Anh Trần Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự buổi Dạ Tiệc Mừng Xuân Bính Thân 2016 hôm nay được mọi sự tốt đẹp.

Diêp Hải Dung
 
Đức TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng dâng thánh lễ minh niên tại La Vang
Trương Trí
10:55 13/02/2016
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHANXICÔ XAVIÊ LÊ VĂN HỒNG DÂNG THÁNH LỄ MINH NIÊN TẠI LAVANG

Sau một đợt rét kéo dài, những ngày Tết Nguyên đán ở Huế năm nay trời nắng ấm nên số người hành hương viếng Đức Mẹ La Vang những ngày này rất đông. Hằng năm, lễ Minh niên tại La Vang thường được cử hành ngày mùng Ba Tết, nhưng năm nay lại đùng vào dịp thứ Tư Lễ Tro nên lễ Minh niên được tổ chức vào ngày mồng Sáu Tết. So với mọi năm thì năm nay lượng khách hành hương đông hơn rất nhiều. Nhiều đoàn xe ô tô từ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Vinh, Quảng Bình cũng hành hương về La Vang kính viếng Mẹ đầu năm mới.

Xem Hình

Đùng 8 giờ sáng, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế chủ tế Thánh lễ Minh niên mừng năm mới tại Linh đài Đức Mẹ, cùng đồng tế cóa Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Đức Ông Giêrôm Nguyễn Ngọc Hàm, quí Cha Hạt trưởng và đông đảo linh mục.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục chào cộng đoàn và cầu chúc mọi người sức khỏe, ngày càng biết phó thác vào Mẹ Maria, đặc biệt là trong năm Thánh Lòng Thương xót này, biết cậy trông vào Mẹ để được nhận lãnh lòng xót thương của Đức Giêsu Kitô con Mẹ.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh đến tình yêu thương và sự lo lắng của Mẹ đối với cuộc sống của nhân loại. Như trong tiệc cưới tại Cana, Mẹ đã cậy nhờ vào Chúa Giêsu can thiệp để chủ nhà không bị thiếu rượu, khỏi bị bẻ mặt trong ngày vui.

Đức Tổng Giám mục mời gọi cộng đoàn hãy biết tín thác vào Đức Kitô, đặc biệt trong năm Bính Thân này, cũng là năm Thánh Lòng Thương xót. Để có thể vượt qua những cám dỗ trong cuộc sống đầy sa đọa giữa xã hội ngày nay. Đồng thời cũng biết đem tình yêu của Chúa đến với những người chung quanh. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn hãy noi gương Mẹ, học nơi Mẹ nghệ thuật kiên trì cầu nguyện. Để mở được kho tang Lòng Thương xót, Mẹ đã trao cho chúng ta chìa khóa: “Người bảo gì, các ngươi cứ làm theo”. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn: trong năm mới Bính Thân, cũng là năm Lòng Thương xót này, biết thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là hạnh phúc đời con! Chúa là gia nghiệp đời con! Lạu Chúa con tín thác vào Chúa”.

Sau Thánh lễ, các em thiếu nhi thuộc giáo xứ La Vang chúc mừng Năm Mới cộng đoàn hành hương với “Vũ khúc mừng Xuân” hết sức vui nhộn. Đức Tổng Giám mục nói lời cảm ơn các em, Ngài cũng nhắc lại việc xây dựng Vương cung Thánh đường đang tiến triển tốt đẹp, Tiền đường và Lễ đài đang xong phần thô. Hy vọng rằng ngày 15 tháng 8 này sẽ hoàn thiện phần Lễ đài để có thể dâng Thánh lễ kính Đức Mẹ. Ngài gởi lời chúc Năm mới và tri ân tất cả các ân nhân trong nước cũng như hải ngoại đã rộng tay đóng góp tiền của cho công trình xây dựng sớm hoàn thành.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục ban Phép lành Năm Thánh Lòng Thương xót đầu Năm mới cho cộng đoàn hành hương.

Trương Trí
 
Hình ảnh Tết tại DCCT Long Beach, Cali.
Trần Mạnh Trác
17:50 13/02/2016
Xem hình ảnh

Có ai mà lại đi vào một dòng tu mà ăn Tết không nhỉ?

Ấy thế mà thể theo lời mời "hãy đến mà xem" cuả Cha Dũng Giám đốc báo DMHCG, tôi đã bỏ mọi sự 'cám dỗ' (nhưng chắc chắn là 'vui nhộn') khác, mà vác máy đi đến DCCT tại Long Beach, để tìm hiểu quí vị tu hành ở đây ăn Tết ra sao?

Nhộn thì chắc chắn là không có rồi, nhưng Vui thì thật rõ ràng, và nhìn qua khuôn mặt cuả những người tham dự, 'hài lòng' là một điều hiển nhiên.

Tôi đã tìm thấy một cộng đoàn nhỏ bé, không danh phận vì không có danh nghĩa chính thức, gồm phần lớn là những 'ân nhân bảo trợ', những người cộng tác với tờ báo DMHCG và chương trình Radio TV cuả nhà dòng, những thân hữu, những cựu đệ tử và những người hàng xóm.

Tuy nhỏ bé nhưng họ cũng có một ca đoàn 'người lớn' lấy tên là 'Sêraphim', tập dượt hàng tuần ngay trước thánh lễ; và vì là 'giống thiên thần' cho nên giọng hát 'điêu luyện' thì không thể chối cãi được.

Thêm vào đó là một ca đoàn 'thiếu nhi' với một dàn hợp tấu vĩ cầm cũng 'điêu luyện' không kém. Mỗi khi các em có dịp 'biểu diễn', tôi lập tức thấy hàng chục máy hình nhớn nhác chớp đèn lia lịa từ hàng ghế giáo dân. Có lẽ sự hiện diện cuả một em có nghĩa là ở dưới kia có thêm hiện diện cuả cả một đại gia đình gồm cha mẹ ông bà và anh chị em chăng?

Sau lễ và sau cuộc 'lì xì' từ các cha (toàn là lời Chuá phán), là một buổi văn nghệ tổ chức trên khuôn viên nhà dòng, các thiện nguyện viên đã bỏ ra nhiều tuần để giăng lều, lập sân khấu và chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ.

So với các cộng đoàn lớn, những nơi có dư tiền và nhân tài lại đông 'như lá muà thu', thì cộng đoàn ở đây không được một phần, tuy nhiên họ bù đắp sự thiếu thốn đó bằng việc đầu tư hợp tác.

Hầu như ai cũng đóng một vai 'văn nghệ' nào đó để giúp vui cho người khác, đúng với ý nghiã 'đồng chung cộng hưởng', làm cho chương trình văn nghệ vui xuân kéo dài 2 giờ vừa hấp dẫn vừa phong phú.

Vào lúc cuối văn nghệ, tình cờ chúng tôi được làm quen với một cụ bà trên 80, bà cụ hãnh diện đưa ra khoe một cái thẻ căn cước rất cũ, có từ thời Pháp thuộc, cấp bởi Phủ Thủ Hiến Bắc Việt. Bà hãnh diện với cái căn cước đầu tiên cuả mình, với cái danh hiệu là người Việt Nam.

Có lẽ niềm tự hào là người Việt đó mà những cộng đoàn nhỏ bé như thế này vẫn có thể tồn tại mãi trên giải đất Hoa Kỳ mông mênh này?
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nghiã vụ ứng cử và bầu cử
Hà Minh Thảo
15:52 13/02/2016
NGHĨA VỤ ỨNG CỬ VÀ BẦU CỬ

Trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng giữa Dê và Khỉ, một nguồn tin gây sự quan tâm phấn khởi nơi tôi là ‘công dân Nguyễn Quang A kêu gọi đồng bào ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân’. Đồng thời, để ‘lời nói đi đôi với hành động’, ông tuyên bố sẽ ghi danh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 vào ngày 22.05.2016. Do đó, thật chính đáng để đồng bào thiện chí ủng hộ Ông, cử tri tín nhiệm Ông và những vị yêu nước khác hãy can đảm hưởng ứng lời mời gọi này. Nhiệm vụ Quốc hội nhiệm kỳ này cực kỳ quan trọng đối với Tổ Quốc và Toàn Dân chúng ta trước thời điểm 2020.

I.- ĐẢNG CƯỚP CHỦ QUYỀN TOÀN DÂN CHÚNG TA.

A./ Thế nào là Dân Chủ ?

Ngay khi được tái cử sau cuộc bầu cử độc diễn và đầy tranh luận, Tổng Bí thư Nguyễn phú Trọng, trong lúc họp báo ngày 28.01.2016, đã đề cao chế độ tập thể độc đảng lãnh đạo Việt Nam ‘dân chủ hơn hẳn’ so với những nước tổ chức phổ thông đầu phiếu. Giới bình luận thế giới chỉ mĩm cười tha thứ, chứ không muốn bình luận. Nói đến ‘Dân Chủ’, chúng ta, kể cả ‘ngài’ Tổng Trọng, đều đồng ý : ‘Chủ quyền quốc gia là tổng khối chủ quyền của 62.675.812 cử tri (số liệu người Việt ghi danh bầu đại biểu Quốc hội năm 2011). Mỗi người dân hợp lệ đầu phiếu (cử tri), bằng lá phiếu, trao phần quyền mình cho một ứng cử viên. Ứng cử viên thu nhiều phiếu hợp lệ được tuyên bố đắc cử đại biểu để đến Quốc hội hành xử Quyền Lập pháp (làm luật), biểu quyết Ngân sách, kiểm soát các cơ quan nhà nước, quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo… (Điều 70 Hiến pháp ngày 28.11.2013).

B./ Điều 4 Hiến pháp cho phép Đảng đoạt quyền toàn dân.

Từ Hiến pháp năm 1980 và các Bản kế tiếp, Đảng Cộng sản đã ra lịnh cho các đại biểu, được đắc cử do ân huệ Đảng ban, bỏ phiếu thuận ban cho Đảng ‘lãnh đạo Nhà nước và xã hội’ tại Điều 4 các văn kiện luật căn bản này. Đọc điều 4 này, chúng ta sẽ mắc cở vì sự dối trá với những chữ nghĩa sai sự thật. Sự trói buộc ‘lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng vào một ý thức hệ duy nhất và ngoại lai từ nhiều thập niên qua đã kìm hãm tư duy sáng tạo của đồng bào Việt, đưa tới tình trạng trì trệ và chậm tiến của Dân Tộc về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật. Do đó, Đảng từ chối truyền thống văn hóa phong phú dân tộc Việt Nam, đã được hình thành trãi qua nhiều thế kỷ, giúp dân tộc Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước, kiến tạo lối sống đầy tính nhân văn. Đây chính là nền tảng cho đời sống xã hội dân tộc Việt Nam, cần đón nhận những tư tưởng mới để bổ túc làm phong phú, hầu ước mong giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Làm ngược lại là hành động của những kẻ đang muốn dâng Việt Nam cho ngọai bang.

B./ Tai hại sự thiếu vắng ‘tam quyền phân lập’.

Đảng cộng sản tự cho Việt Nam theo chế độ Cộng hòa, nhưng một chế độ Cộng hòa đòi hỏi quốc gia theo chế độ đó phải thực thi nguyên tắc ‘tam quyền phân lập’. Ngày 25.02.2013, nhân dịp ‘góp ý kiến sửa đổi dự thảo Hiến pháp’, ông Nguyễn phú Trọng chửi thẳng : « Xem ai có tư tưởng là muốn ‘tam quyền phân lập’ vì ý kiến này có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, … » . Nếu không có ‘tam quyền phân lập’ thì đó chỉ là một nước quân chủ. Trong đó, Vua nắm cả ba quyền và thực thi quyền Vua theo ý Vua. Suy từ sự độc tài đó, đảng trưởng Trọng đã tự chế luật (Quyết định 244) để cho về vườn các đối thủ quá tuổi khác (Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng) trừ ông (72 tuổi). Cũng nhờ sự độc tài đó, đảng trưởng sai ngay hai đồng chí Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng có gốc Tàu để tóm quyền sinh sát người dân sống tại Hà nội và TP. Hồ Chí Minh. Cũng thế, nhờ đặc quyền của đảng, tuy bầu cử Quốc hội chưa được tổ chức, nhưng đồng chí ‘gái’ Nguyễn thị Kim Ngân đã chắc chắn không những sẽ đắc cử đại biểu mà còn đắc cử Chủ tịch Quốc hội. Điều đó cho thấy, Đảng muốn ai thắng cử thì người đó được ? Hãy nên hợp lý một chút !

Ngoài ra, khi bầu bán ở Đại hội đảng 12, ông Nguyễn Phú Trọng đã chiếm chức Tổng Bí thư quá dễ trước sự im lặng của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng do có những tin đồn xấu về tham nhủng, con gái làm dâu nhà ‘ngụy’ (đảng kiểm soát cả tình yêu. Gớm.), …. Nhờ chế độ Việt cộng không có ‘tam quyền phân lập’, nên ông Dũng đã tuy đã đáp bãi được an toàn, nhưng không ‘trắng án’ trước những tin đồn đó.

II.- QUYỀN BẦU CỬ VÀ ỨNG CỬ TRONG HIẾN PHÁP.

Điều 27 Hiến pháp năm 2013 qui định : « Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định Ừ. Điều này đã thể hiện sự dân chủ và bình đẳng như chúng ta có thể tìm thấy trong những Hiến pháp các nước Cộng hòa văn minh khác. Tuy nhiên, khi nói chuyện với Đài phát thanh BBC, công dân Nguyễn Quang A cho biết quyền chính trị cơ bản - bầu cử và ứng cử của người dân Việt- vẫn còn là ‘quyền hão’ và không được xem trọng trên thực tế.

A./ Lịch sử bầu cử ở hai Miền Việt Nam.

1. Tại Cộng hòa Dân chủ Việt Nam.

(những đặc tính của một quốc gia theo chính thể Cộng hòa là : độc lập, tự do và dân chủ. Như vậy, khi gọi Cộng hòa Dân chủ, tức Việt Nam có đến hai lần dân chủ. Nhưng, trong thực tế, người dân đã không có tự do ứng cử và chỉ có quyêàn bầu, sau khi Mặt trận Tổ quốc đã cử).

Năm 1954, sau khi Đất Nước bị chia đôi bởi Cộng sản Việt và Thực dân Pháp, nhà nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam tiếp thu Miền Bắc. Bằng thủ đoạn khủng bố, chiêu dụ giới trí thức đua nhau nhập đảng bằng chiêu bài ‘hồng hơn chuyên’. Trong khi đại đa số người dân cam chịu thân phận bị dọa đày như Quê hương, thiểu số dựa Đảng để ăn trên ngồi trước và hiếp đáp đồng bào. Thế hệ cha mẹ như thế thì đến phiên con cái cũng cam phận sống hèn để được Đảng trọng dụng. Năm 2001, hai Giáo sư HNH và NHC, nhờ nhóm Mỹ cộng WJC cho sang Hoa kỳ để nghiên cứu văn hóa Việt Nam hải ngoại đã gây ra những ‘trò khỉ’ làm nhục cho cộng đồng Dân tộc mà thôi. Tại sao không ở nhà để nghiên cứu về ‘đồng chí Đỗ Mười’. Ông có học lực lớp ba (thợ thiến heo, theo wikipedia tiếng Việt) đã đắc cử Thủ tướng (1988) và hai lần được bầu vào chức vụ Tổng Bí thư Đảng (1991 và 1996). Dĩ nhiên, ông đã có mặt trong Mật nghị Thành đô năm 1990. Việt cộng không ai hơn ông ? Do đó, năm 1954, Miền Bắc hơn Cam-bốt và Lào nhiều và nay, Việt Nam thống nhất thua ai quốc gia này. Không ứng cử và bầu cử dân chủ và công bằng thì làm sao có nhân tài và đạo đức ra phục vụ Đất Nước và Dân Tộc.

2. Tại Việt Nam Cộng hòa.

Sau khi được Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm vào chức vụ Thủ tướng ngày 18.06.1954, công dân Ngô Đình Diệm tuyên thệ nhậm chức và trình diện Chánh phủ ngày 07.07.1954. Được sự cộng tác của các chuyên viên trẻ từ hải ngoại về cộng tác, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam, từ Ải Nam quan đến Mũi Cà mau, dành quyền Độc lập cho Đất Nước từ Cao ủy Pháp, Thống tướng Paul Ely, đại diện Tổng thống Pháp tại Việt Nam, bằng bàn giao dinh Norodom ngày 07.09.1954. Khi đó, quốc kỳ Pháp được hạ xuống và cờ Việt Nam được kéo lên. Thủ tướng cho đổi tên thành dinh Độc lập. Ngày 02.01.1955, ngân khoản viện trợ từ các nước được chuyển thẳng vào trương mục của Việt Nam, không phải qua Ngân hàng Pháp quốc (Banque de France) như trước. Từ đây, chánh phủ Việt Nam toàn quyền quản lý ngân sách quốc gia. Khi Cao ủy Pháp Paul Ély mãn nhiệm Pháp ngày 20.06.1955, Thủ tướng Diệm yêu cầu Pháp chỉ cử Đại sứ và phải được Việt Nam chấp nhận trước (Chủ quyền quốc gia về ngoại giao) như các nước khác và yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước. Quân nhân Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Việt Nam vào ngày 28.04.1956.

Tuy nhiên, thành quả độc đáo nhất của Tổng thống (từ ngày 26.10.1955) Ngô Đình Diệm là cuộc Tiếp đón, An cư và Lập nghiệp cho gần một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Miền Nam để tìm Tự do. Tại đây, chính phủ Việt Nam Cộng hòa cung cấp các phương tiện để khai phá rừng hoang và được cấp quyền sở hữu chủ để làm chủ đất đai (Đất Nước dân chủ này không có cái thứ ‘đất đai thuộc quyền sở hữu chủ toàn dân’ để dễ dàng bị Đảng cướp đi). Tiếp đến, chính phủ ông Diệm đã xây dựng một nền Giáo dục Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Mục tiêu nền Giáo dục này là :

- Phát triển toàn diện mỗi cá nhân ;

- Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh (ghi chú : tinh thần quốc gia tức không theo cộng sản) ;

- Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.

Dĩ nhiên, các thành quả khác về kinh tế, xã hội, v.v.. ông Diệm cũng đã hoàn thành vì ông đã làm việc không biết mệt… Trước những thành quả đó, các chính trị gia khác tưởng dễ đạt được, nên đòi ông chia ghế Bộ trưởng. Tổng thống Diệm từ chối, họ sang Hoa kỳ và mét với các cố vấn Tổng thống Kennedy. Không may cho người dân Việt Nam Cộng hòa, bọn tư bản vũ khí cần bán súng đạn nên nhờ nhà nước Mỹ gởi binh lính. Để bảo vệ Chính nghĩa và tránh khủng hoảng kinh tế và xã hội, là Tổng thống một nước độc lập, ông Diệm dứt khoát từ chối. Bây giờ, không may xảy tới cho ông, ‘chúng’ tạo ra cái gọi là ‘đàn áp Phật giáo’ và, dĩ nhiên, vì có kẻ tham tiền và quyền, ông Ngô Đình Diệm đã bị ám sát sáng ngày 02.11.1963. Khoảng hơn 14 giờ, tại Hà nội, khi đọc xong điện tín báo cái chết này, ông Hồ Chí Minh nói với người trao văn bản ‘Bác cháu sẽ thắng’.

Tưởng cần nhắc lại, ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore, từng sống tại Biên hòa trong thập niên 1960, đã ước mong Singapore sẽ phát triển giống như Sài gòn. Việt Nam được ông hết lòng giới thiệu và vận động các nước thành viên chấp thuận cho gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tháng 07/1995 và vẫn là một thành viên yếu kém, chỉ hơn Lào mà thôi. Sau 40 năm bị đảng Cộng sản đàn áp, người Việt Nam lại muốn Đất nước mình cường thịnh như Singapore.

III.- NIỀM VUI TỰ DO ỨNG CỬ VÀ ĐẦU PHIẾU.

(Lưu ý : chúng tôi không kể chuyện tuyển cử thời Đệ Nhất Cộng hòa vì chưa tới tuổi đi đầu phiếu).

Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Đệ Nhất Cộng hòa đẩy Việt Nam Cộng hòa (VNCH) rơi vào khoảng trống lãnh đạo… Trong những năm 1963-1966, các Chính phủ, quân nhân lẫn dân sự, nối tiếp nhau điều khiển Đất Nước, nhưng thiếu căn bản dân chủ vì không do sự ủy nhiệm của người dân qua những cuộc đầu phiếu dân chủ và công bằng. Dù vậy, đây vẫn là những chính quyền hợp pháp do công cử, được các Chính phủ ngoại quốc công nhận và giao tiếp.

Là một quốc gia theo thể chế Cộng hòa, Việt Nam cần có một Hiến pháp. Trong đó, chủ quyền người dân được qui định và ghi rõ ràng cùng nguyên tắc ‘Tam quyền phân lập’.

A.- Hiến pháp Đệ Nhị Việt Nam Cộng hòa 1967.

1. Quốc hội Lập hiến. Sau những tháng bình định cuộc nổi loạn Phật giáo tại Miền Trung đầu năm 1966. Đến tháng 06ù, trật tự quốc gia được tái lập. Niềm tin nơi Chính quyền hồi phục nơi người dân. Hai yếu tố đó tạo cơ hội cho công cuộc xây dựng dân chủ và thiết lập căn bản hợp hiến cho VNCH. Đáp lại nguyện vọng toàn dân, ngày 19.06.1966, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, Trung tướng Nguyễn văn Thiệu ký sắc lệnh tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến vào ngày 13.09.1966. Quốc hội với 117 dân biểu, trong vòng 6 tháng, đã hoàn thành và thông qua Dự thảo Hiến pháp ngày 18.03.1967. Ngày 01.04.1967, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia ký ban hành Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa, có hiệu lực pháp lý từ ngày ký.

2. Nội dung. Tin tưởng lòng ái quốc, chí quật cường, truyền thống đấu tranh của Dân tộc bảo đảm tương lai huy hoàng của Đất Nước. Ý thức sau bao năm ngoại thuộc, rồi lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể Cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau. Gồm 117 điều, Hiến pháp 1967 bảo đảm những quyền căn bản và quyền đối lập chính trị của người dân cũng như tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập.

Tam quyền phân lập (Điều 3). « Ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng Xã hội ». Như vậy, quyền lực quốc gia được phân chia thành 3 quyền và trao cho 3 cơ quan khác nhau :

- quyền Lập pháp trao cho Quốc hội lưỡng viện : Thượng nghị viện và Hạ nghị viện (Điều 30, 31 và 33);

- quyền Hành pháp giao cho Tổng thống do dân bầu, nhiệm kỳ 4 năm (Điều 51 và 52);

- quyền Tư pháp được ủy nhiệm cho Tối cao Pháp viện và được hành xử bởi các Thẩm phán xử án (Điều 76). Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành ngành Tư pháp.

B. Tuyển cử Tổng thống, Phó Tổng thống và Nghị sĩ.

1. Ứng cử Tổng thống và Phó Tổng thống : 11 liên danh tranh cử để chọn một ;

2. Ứng cử nghị sĩ Thượng nghị viện : 48 liên danh gồm 10 ứng cử viên và 6 liên danh với 60 ứng viên đắc cử nghị sĩ.

Nhận xét : Đây có thể là lần đầu những người có khả năng ứng cử đều nộp đơn không bỏ qua cơ hội để mời cử tri toàn quốc tín nhiệm 10 ứng cử viên trong liên danh để trở thành 10 nghị sĩ trong Thượng nghị viện khóa đầu tiên. Mọi xu hướng chánh đảng (Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân…), tôn giáo (Cao đài, Hòa hảo, Phật giáo, Công Giáo), xã hội (quân nhân, trí thức, khoa bảng…) đều hiện diện.

C. Kết quả đầu phiếu. Số cử tri tham gia đầu phiếu là 4.868.266 trên tổng số 5.853.348 người nhận thẻ cử tri, tức 83%. Hai cuộc tuyển cử thành công.

1. Tuyển cử Tổng thống và Phó Tổng thống.

- liên danh Nguyễn văn Thiệu - Nguyễn cao Kỳ, đắc cử với 1.638.902 phiếu;

- liên danh Trương đình Dzu - Trần văn Chiêu thu được 800.285 phiếu;

- liên danh Phan khắc Sửu - Phan quang Đán thu được 502.285 phiếu;

- liên danh Trần văn Hương – Mai thọ Truyền thu được 464.638 phiếu …

Nhận xét : Ông Thiệu và ông Kỳ đắc cử như tiên đoán; Hai ông Dzu và Trần văn Chiêu về nhì gây bất ngờ, nhờ ông Dzu đã khoe là được vài chính giới Mỹ đở đầu và ngạc nhiên hơn là, sau ngày 30.04.1975, ông Chiêu mặc đồ thượng tá cộng sản… Rất tiếc, nếu hai ông Sửu và Hương đứng cùng liên danh để về nhì, xứng đáng và đúng sự thật hơn.

2. Tuyển cử Nghị sĩ Thượng nghị viện. 1.- Liên danh Nông Công Binh thu được 978 ngàn phiếu; 2.- Liên danh Công Ích và Công Bình Xã Hội, thu được 600 ngàn phiếu; 3.- Liên danh Đại Đoàn Kết thu được 599 ngàn phiếu; 4.- Liên danh Trời Việt thu được 569 ngàn phiếu; 5.- Liên danh Bông Lúa thu được 551 ngàn phiếu; 6.- Đoàn kết để Tiến bộ, thu được 550 ngàn phiếu.

Nhận xét :

- Các liên danh được tín nhiệm đều không màu sắc đảng phái. Nếu Liên danh Nông Công Binh gồm các quân nhân và thành viên các nghiệp đoàn, các Liên danh đều do những tín hữu các tôn giáo đứng đầu: Cao đài (Liên danh Bông Lúa) và Công Giáo (4 Liên danh còn lại). Tuy nhiên, trong mỗi liên danh phải bao gồm ứng cử viên có những tiêu chuẩn khác nhau.

- Mỗi cử tri có quyền bầu từ 1 đến 6 phiếu.

C.- Tam quyền phân lập mang lợi ích cho đồng bào.

Tối cao Pháp viện có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp, phán quyết về tính cách hợp hiến các đạo luật, sắc luật; tiùnh cách hợp hiến và hợp pháp các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh (Điều 81 khoản 1). Nhờ thế, giới cầm quyền không thể hình thành một Hiến Pháp với những điều khoản đầy hứa hẹn dân chủ, pháp trị, nhưng, trong thực tế, Quốc hội biểu quyết các đạo luật bất hợp hiến hay Chính phủ ban hành các nghị định và quyết định hành chánh bất hợp hiến hay/và bất hợp pháp như ngày nay tại Việt Nam cộng sản.

Một tối tháng 05.1970, sau khi Thượng nghị viện thảo luận ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ của Chánh phủ Trần thiện Khiêm và thông qua tuyên bố phản đối, Nguyễn văn Huyền, Chủ tịch Thượng nghị viện, đã đến thẳng Đài Truyền hình Việt-Nam, qua màn ảnh nhỏ, giải thích và lên án sự vi hiến của Sắc luật này. Sau đó, nhờ tài hùng biện của một Nghị sĩ khác, luật sư Nguyễn văn Chức, ngày 30.06.1970, Tối cao Pháp viện tuyên bố tiêu hủy ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ vì vi hiến. Nhờ đó, người dân tiêu thụ khỏi phải trả một loại thuế vi hiến.

Không như Quốc hội cộng sản, Thượng viện và Hạ viện VNCH không có Nghị sĩ hay Dân biểu nào kiêm nhiệm một chức vụ nào nơi cơ quan Hành pháp hay Tư pháp. Đồng thời, các công chức Hành pháp không có nhiệm vụ trong các cơ quan Tư pháp. Một điểm khác, Quân nhân, có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không được sinh hoạt đảng phái. Khi được dân cử hay công cử vào các chức vụ dân sự tại cơ quan trung ương (như Quốc hội hay Chánh quyền cấp trung ương), phải xin giải ngũ hoặc nghỉ dài hạn (Điều 23).

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo
 
Thông Báo
Hướng dẫn tham gia Thư Viện Điện Tử Công Giáo
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
10:29 13/02/2016
Hướng dẫn tham gia Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và anh chị em,

Chúng tôi xin gợi ý một số hướng dẫn để mọi người có thể sử dụng Thư viện này cách dễ dàng và hiệu quả.

1. Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam là gì?

- Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam là nơi lưu trữ sách báo, tài liệu của tiền nhân thực hiện trong quá khứ hoặc các tác giả sáng tác trong thời hiện tại và tổ chức cho các bạn đọc trong nước cũng như ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, có thể sử dụng chúng dễ dàng, đồng thời cũng để lưu giữ chúng cho các thế hệ mai sau.

- Gọi là Thư viện điện tử vì chúng tôi thu thập, lưu trữ, quản lý, trình bày nội dung các sách báo, tài liệu bằng các phương tiện điện tử thay vì dùng một cơ sở vật chất để chứa các sách báo, tài liệu cụ thể như các thư viện thông thường.

- Gọi là Thư viện Công Giáo vì chúng tôi xin dành ưu tiên cho tác phẩm của người Công Giáo hay liên hệ tới người Công Giáo. Chúng tôi không có tham vọng mở rộng cho tất cả các sách báo, tài liệu thuộc về mọi lĩnh vực như một loại thư viện tổng hợp của quốc gia hay quốc tế. Tuy nhiên, thư viện cũng sẵn sàng đón nhận mọi tác phẩm ngoài Công Giáo để bất cứ ai muốn cống hiến cho cộng đồng xã hội đều có thể gửi sách báo, tài liệu của mình vào Thư viện này.

- Gọi là Thư viện Công Giáo Việt Nam vì chúng tôi dành sự quan tâm nhiều đến tác phẩm của người Việt Nam hay liên hệ đến người Việt Nam, chứ không dám mở rộng cho mọi người thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ trên thế giới như những thư viện tổng hợp cấp quốc gia hay quốc tế. Thí dụ như chúng tôi lưu trữ các tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm của các Thừa sai nước ngoài thời trước vì liên quan đến người Việt Nam.

- Thật ra, không phải sách báo nào cũng đáng lưu trữ và sử dụng, vì có những sách sai lạc về tín lý, luân lý hay cổ vũ những điều tiêu cực gây chia rẽ, hiểu lầm, thí dụ cuốn Tây dương Gia tô Bí lục. Đối với những loại sách này, bộ phận thu thập và phân loại sẽ thẩm định giá trị để có thể vẫn được lưu giữ nhưng không đưa vào danh mục độc giả tự do sử dụng để tránh phổ biến những sai lầm. Những ai cần nghiên cứu, có thể liên lạc với người quản thủ thư viện để giải mã số bảo mật cho việc sử dụng sách.

2. Thư viện điện tử Công Giáo Việt Nam được tổ chức như thế nào?

2.1. Ban Sáng lập.

Thư viện này được một nhóm anh em có sáng kiến thành lập và thông báo cho cộng đồng vào ngày 01/5/2015. Đứng đầu nhóm là Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh và các anh em sau đây:

- Lm. Giuse Phạm Bá Lãm

- Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh

- Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

- Anh Tôma Nguyễn Trí Dũng

- Anh Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

- Anh Giuse Nguyễn Trọng Đa

- Anh Philipphê Nguyễn Ngọc Phượng

- Anh Giuse Phạm Văn Tại

- Anh Gioan Baotixita Lê Hải Nam

- Anh Gioan Baotixita Lưu Văn Lộc

- Anh Giuse Trần Quý Hiệp

- Anh Giuse Nguyễn Đức Khang

2.1. Ban Quản trị

Thư viện này có một Ban quản trị để quản lý và điều hành mọi công việc của Thư viện. Ban Quản trị gồm những anh chị em đảm nhận các công tác sau đây:

- Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn: Chủ nhiệm, điều hành chung,

- Lm. Giuse Phạm Bá Lãm: Phó chủ nhiệm, quản lý tài chính, vật chất, cung cấp các phương tiện làm việc, tiếp nhận các đóng góp tiền bạc, sách báo, tài liệu cho Thư viện.

- Lm. Phêrô Võ Tá Khánh: phụ trách về thơ, văn, giới thiệu các sách mới, sáng tác mới trên trang web, đưa bài lên các mục mình phụ trách trên trang web.

- Anh Giuse Nguyễn Trọng Đa phụ trách phần thu thập, chọn lọc các sách báo, tài liệu.

- Anh Giuse Phạm Văn Tại, Nguyễn Ngọc Phượng: phụ trách phân loại, sắp xếp, đánh mã số các sách báo, tài liệu.

- Anh Giêrônimô Nguyễn Văn Nội phụ trách việc chọn lựa, đánh giá các tài liệu thần học, Thánh Kinh trước khi xử lý.

- Anh Thomas Nguyễn Trí Dũng: phụ trách phần đánh giá các tác phẩm khác, ngoài lĩnh vực thần học, Thánh Kinh, để chọn lựa, phân loại.

- Anh J.B. Nguyễn Hải Nam phụ trách phần xử lý dữ liệu, thiết kế các dự án phát triển Thư viện.

- Anh Giuse Trần Quý Hiệp phụ trách phần thiết kế trang Web, quản lý dữ liệu trong kho lưu trữ, phối hợp với anh Nam và các kỹ sư tin học để chuyển các dữ liệu xử lý thành các sách điện tử (e- book) hoà nhập với hệ thống e-book toàn cầu.

- Anh J.B. Lưu Văn Lộc: phụ trách các phần dịch thuật cho các sách ngoại ngữ, viết phần đánh giá tác phẩm để đưa lên trang web.

- Anh Giuse Nguyễn Đức Khang phụ trách phần liên lạc với các anh em hải ngoại để vận động sự giúp đỡ và thu thập các tác phẩm ở nước ngoài.

- Nữ tu Maria Phạm Thị Thuỳ Trinh: Quản thủ Thư viện, phụ trách phần quản lý trang web, đưa tin lên trang web, trả lời các thư liên lạc.

3. Thư viện điện tử Công Giáo Việt Nam được thực hiện như thế nào?

Công việc thư viện được thực hiện theo những bước sau đây: thu thập, chọn lọc, phân loại và sắp xếp các sách báo, tài liệu thu nhận được, sau đó chuyển hoá chúng thành dữ liệu điện tử và giới thiệu chúng trên trang web để độc giả truy cập và sử dụng.

3.1. Bước đầu tiên: Thu thập

* Trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi các vua Hùng dựng nước cho đến khi bị người Trung Hoa đô hộ trong suốt 11 thế kỷ (từ 111 TCN đến 938), Nhà nước Việt Nam sử dụng chữ Hán của Trung Quốc mãi cho đến đầu thế kỷ XX. Với ý thức độc lập dân tộc, song song với việc sử dụng chữ Hán, người Việt sáng tạo ra chữ Nôm vào khoảng thế kỷ thứ VIII và cộng tác với các giáo sĩ Công Giáo Tây Phương trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Đây là công trình ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh do các vị thừa sai Dòng Tên sáng tạo ra trong khoảng những năm 1615-1657, đặc biệt với 2 tác phẩm của Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và Phép Giảng Tám Ngày in năm 1651 tại Roma, Ý.

Người ta ước tính Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có hàng ngàn tác phẩm bằng chữ Hán, Nôm và chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên rất nhiều tác phẩm trong số đó đã bị huỷ hoại do sự bất cẩn của con người và sự khắc nghiệt của môi trường nóng và ẩm của Việt Nam. Vì thế Thư viện Công Giáo Việt Nam sẽ tích cực thu thập tất cả những tác phẩm còn sót lại của tiền nhân để có thể giới thiệu cho người đọc.

Trong thực tế hiện nay có hàng ngàn tác phẩm liên quan đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có thể được đưa vào trong Thư viện này. Nhiều tác phẩm đang được lưu giữ trong thư viện của quốc gia hay của các học viện, đại chủng viện, dòng tu cũng như trong tủ sách của tư nhân. Số tác phẩm trong các thư viện ở nước ngoài như trong thư viện của Toà Thánh Vatican, thư viện của Hội Thừa sai Paris, của các cha Dòng Tên… cũng không nhỏ.

* Các sách báo, tài liệu được thu thập có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau:

- Từ những cá nhân và tập thể (như dòng tu, chủng viện, tổ chức, cộng đồng, thư viện khác…) là chủ nhân của các tác phẩm. Họ cho phép Thư viện được quyền sử dụng tác phẩm của mình để lưu trữ trong Thư viện và giới thiệu cho mọi người sử dụng với mục đích là để phổ biến và bảo tồn văn hoá Việt Nam.

- Từ những cá nhân và tập thể gửi về Thư viện các tác phẩm, tuy không phải của họ, nhưng đã thu thập được từ trước, bây giờ họ nhờ Thư viện trình bày trên website cho mọi người biết và truy cập, nếu những tác phẩm đó không cần xin phép tác giả (50 năm sau khi tác phẩm được xuất bản), hoặc tác giả không đòi tác quyền.

- Từ những độc giả có thiện cảm với thư viện, tuy không trực tiếp gửi các tập tin (files), nhưng thấy tác phẩm ích lợi cho nhiều người đọc, nên đã gửi tới Thư viện những đường kết nối (links) để người đọc có thể biết và truy cập chúng ở các địa chỉ liên kết.

- Tác phẩm sẽ được ghi chú theo nguồn thu thập để bạn đọc có thể liên lạc với người làm chủ tác phẩm.

* Trong thời gian vừa qua, từ tháng 5/2015 đến 1/2016, Thư viện đã thu nhận được một số tác phẩm sau đây:

- Thầy 27/5/2015 Micae Nguyễn Hạnh đã gửi đến hơn 1.000 tập tin (files) dạng PDF gồm các sách Hán Nôm thầy thu thập được.

- Thi sĩ Lê Đình Bảng gửi hơn 20 cuốn sách mới xuất bản và cho phép Thư viện sử dụng tất cả các tác phẩm của mình.

- Ngày 20/6/2015, Cha Antôn Nguyễn Hữu Triết, Trưởng ban Văn hoá TGP Tp.HCM và cô Quỳnh Trâm, đại diện Cố Lm. Giáo sư Thanh Lãng và Nguyễn Hưng, trao quyền sử dụng các sách báo tài liệu của các ngài cho Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam.

- Nhiều cá nhân đã gửi các tập tin sách báo tài liệu cho Thư viện. Cha Stephan Huỳnh Trụ sẵn sàng đóng góp những sách Hán Nôm quý giá của ngài cho thư viện.

- Ngày 11/11/2015, Ông Đồng Phước Vinh, giám đốc Cty Sách Điện tử Trẻ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lập thư viện ebooks và tặng không những files sách thuộc thẩm quyền mình.

Như thế là trong kho sách của Thư viện chúng ta đang có khoảng hơn 1.000 cuốn sách đã thu thập được.

3.2. Bước 2: Chọn lọc, phân loại và sắp xếp theo mã số cho từng tác phẩm.

Trong số hàng ngàn sách báo, tài liệu gửi về, các nhân viên Thư viện sẽ chọn lọc theo các tiêu chuẩn ở số 1 để xác định sách nào xứng đáng được đặt vào danh mục của Thư viện. Để thực hiện các công tác này, nhất là đối với các sách Hán Nôm, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, anh Giuse Trần Quý Hiệp và một vài anh chị giáo dân đã đi học thêm tiếng Hán Nôm. Các anh chị phụ trách thư viện cũng đến học hỏi tại Công ty TNHH Sách Điện Tử Trẻ (Ebook Trẻ) tại 161B Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. HCM về quy trình thực hiện sách điện tử. Công ty này đã có kinh nghiệm trên 3 năm với hơn 4.000 cuốn sách đã thực hiện.

- Để tiện việc lưu trữ và sử dụng: tất cả các sách báo, tài liệu thu thập được, sẽ được chọn lọc, phân loại và sắp xếp theo hệ thống thập phân của Melvil Dewey như hầu hết các thư viện tổng hợp trên toàn thế giới. Trong hệ thống thập phân này, các sách báo được phân loại theo nội dung thành 10 đề tài hay lĩnh vực lớn gọi là đại mục, đánh số từ 0 đến 9. Mỗi đại mục lại được chia thành 10 phần nhỏ hơn gồm những đề tài hay lĩnh vực liên quan gọi là trung mục, được đánh số từ 00 đến 99. Mỗi trung mục lại được chia thành 10 phần nhỏ, gồm những lĩnh vực chi tiết hơn của cùng một đề tài hay lĩnh vực, gọi là tiểu mục, đánh số từ 000 đến 999.

- Tuy nhiên, hệ thống thập phân này đã được hai linh mục G. Courtois và J. Pihan khai triển, áp dụng cho các sách báo Công Giáo nên chúng tôi sử dụng công trình này cho Thư viện chúng ta như khá nhiều thư viện Công Giáo trên thế giới đang dùng. Trong hệ thống này, có 8 phần dành cho các khoa học Kitô giáo, 1 phần (phần đầu, số 0) cho Kiến thức phổ thông và 1 phần (phần cuối, số 9) cho lĩnh vực giáo dục.

Các tác phẩm đến từ các cơ quan, thư viện khác, dù đã được phân loại theo hệ thống Dewey, cũng sẽ được phân loại và sắp xếp lại theo hệ thống mới của Thư viện này. - Chúng tôi đã gửi 1 tập sách nhỏ, tên là Phiếu tài liệu theo hệ thống thập phân, dày 72 trang, có ghi sẵn các đại mục, trung mục và tiểu mục cho các anh chị em phụ trách công việc phân loại này. Sau khi được phân loại, mỗi tác phẩm có một mã số riêng để được lưu trữ trong thư viện và các độc giả có thể dễ dàng tìm đọc.

- Sau đây là một thí dụ về việc phân loại sách theo các đại mục, trung mục và tiểu mục: Thí dụ: Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2010 được ghi mã số 208 vì thuộc đại mục 2 (tín lý), trung mục 0 (tín lý tổng quát), tiểu mục 8 (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo). Các sách giáo lý khác như Bản Toát yếu Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, xuất bản năm 2007, Sách Giáo lý Tân Định… đều được ghi theo mã số này (x. Phiếu tài liệu theo hệ thống thập phân [dành cho Công Giáo]).

3. 3. Bước 3: Chuyển hoá sách báo bằng kỹ thuật số và xử lý dữ liệu

Để các sách báo tài liệu có thể được bất cứ người nào trên thế giới truy cập trên mạng internet vào bất cứ lúc nào, chúng cần được chuyển hoá thành những dữ liệu điện tử theo kỹ thuật số và được truyền thông trên mạng vô tuyến toàn cầu. Công trình này gồm các công đoạn sau đây:

- Trước hết, tác phẩm sẽ được sao chụp qua máy photocopy đời mới để lấy ra các tập tin (files) hình ảnh hay quét qua máy quét “scanner” thành tập tin dữ liệu dưới dạng PDF. Chúng tôi cũng đã đầu tư một số tiền để mua 1 máy quét và đã làm thử cho những cuốn sách đầu tiên. Sau 5-7 tháng dò dẫm, chúng tôi mới làm được vài chục cuốn sách. Công việc này được anh Giuse Đặng Văn Chiến thuộc giáo xứ Hoà Hưng phụ trách.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Công ty Ebook Trẻ, máy quét của chúng tôi còn rất hạn chế về độ cong của sách khi sao chụp, về độ phân giải của hình ảnh và dung lượng tập tin quá lớn cho mỗi cuốn sách…Đúng hơn thay vì đầu tư vài chục triệu đồng mua máy quét, chúng tôi nên khai thác các máy quét có giá trị cả tỷ đồng của các thư viện quốc gia để có thể quét nhanh hơn, giá rẻ hơn, hình ảnh đẹp và rõ hơn. Trung bình 1 cuốn sách với nội dung 200 trang khổ A5, 14x20cm, mỗi trang giá khoảng 1.000đ VN, sẽ tốn khoảng 200.000đ tiền chụp dữ liệu.

- Công đoạn tiếp theo là xử lý các tập tin ảnh PDF để chuyển hoá thành tập tin văn bản (text). Đối với nhiều thư viện hiện nay, người ta chỉ đưa các tập tin dạng ảnh nên độc giả chỉ có thể “xem” nhưng không sử dụng được theo ý của mình như cắt, dán, phóng to, thu nhỏ chữ trong bản văn. Muốn làm được như thế, các tập tin dạng hình ảnh phải chuyển đội thành dạng văn bản để định dạng từng chữ, từng số như trong bản văn.

Các dữ liệu sẽ được xử lý trên máy tính cao cấp nhờ một chương trình gọi là “optical character recognition” (nhận dạng ký tự quang học) để “đọc lại” và chuyển hoá chúng thành các tập tin dạng “văn bản”, thay vì phải thuê người đánh máy lại toàn bộ tác phẩm. Nhờ chương trình này, trong vòng ít giây, trang chữ biến thành những tập tin theo dạng văn bản. Ngày 6/8/2015, chúng tôi đã nhận được 1 máy tính Apple Mc Pro do các anh Phong, Liêm-Sử, Ngà, ở Hoa Kỳ mua tặng.

- Tuy nhiên, vì các bản văn tiếng Việt có nhiều dấu giọng chồng lên các chữ như ă â, ê, ơ ô, ư, nên việc chuyển hoá tự động qua việc nhận dạng hình ảnh luôn có những sai sót vài % nên cần có người đọc dò lại, so sánh với nguyên bản và sửa chữa. Đây là công việc nặng nhọc, tốn tiền bạc, thời gian nhất. Trung bình 1 cuốn sách dày 200 trang, khổ 14x20 cm, mỗi trang có khoảng 2.000 từ, có độ sai sót 3% nghĩa là mỗi trang có60 từ sai cần sửa bằng cách đánh máy trực tiếp, nên cần khoảng 10-20 giờ kiểm tra, hiệu đính. Trong thời gian vừa qua, nữ tu Thuỳ Trinh đã đảm nhận công việc dò bài này nên rất vất vả và chị còn phải lo phần quản lý trang web cho nên chúng tôi dự tính sẽ thuê các sinh viên thực hiện công việc này và trả thù lao cho họ.

Chúng ta thử tưởng tượng, một cuốn Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh của Giáo hoàng Học viện Piô X, 4 tập, dày trên 2.000 trang, cần đến 400 giờ kiểm soát và sửa chữa, nghĩa là cần đến hơn 1 tháng làm việc, mỗi ngày 8 giờ. Nói ra điều này để các bạn hình dung khối lượng công việc trong thư viện của chúng ta. Vì thế mỗi năm, chỉ có thể làm vài chục cuốn sách mà thôi. Chúng tôi đã thấy Công ty Ebook Trẻ thuê hàng chục người đọc và đánh máy, trả thù lao hàng tỷ đồng cho công việc này. Vì thế chúng ta không thể mong làm thật nhanh để có một thư viện có hàng ngàn cuốn sách ngay một lúc được.

- Thư viện cũng phải số hoá những tài liệu viết tay, những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, thần học, học giả. Thí dụ tài liệu nghiên cứu của Lm. Thanh Lãng với vài ngàn trang giấy viết tay, rất ích lợi cho các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam hay cho các sinh viên làm luận văn. Nếu cần phải thuê người đánh máy một số thành văn bản. Đây cũng là công việc nặng nhọc, tốn tiền bạc, thời gian.

- Một số tác phẩm được các thư viện khác lưu trữ bằng những bản vi phim (microfilm), muốn cho độc giả biết và sử dụng các tác phẩm này, Thư viện cũng phải chuyển hoá thành các dữ liệu thông thường cho độc giả truy cập.

3.4. Bước 4: Lưu trữ trong kho

Các sách báo, tài liệu sau khi được số hoá sẽ được lưu trữ trong một kho, giống như các sách được lưu trữ trong một toà nhà cụ thể, gọi là Kho dữ liệu (server). Kho dữ liệu này phải có dung lượng khá lớn để có thể chứa tới vài chục ngàn cuốn sách, phải an toàn để không bị những nhóm “hacker” quấy phá hay tổ chức đối kháng xâm nhập làm hư hỏng, phải có không gian đủ rộng để việc truy cập của độc giả được nhanh chóng và sau cùng phải tồn tại lâu dài.

Qua sự giúp đỡ của Anh Nguyễn Đức Hạnh ở Hoa Kỳ, chúng tôi đã thuê được 1server đủ điều kiện và đặt ở Hoa Kỳ. Tiền thuê sẽ trả hàng năm. Theo thời giá, tiền thuê khoảng 5.000-8.000 Đôla Mỹ/ năm. Hiện nay anh Hạnh đang đóng góp tiền thuê server cho Thư viện chúng ta.

Các tác phẩm lưu giữ trong server được phân loại dữ liệu, được gắn công cụ tìm kiếm tiện dụng và các ứng dụng (app.) như một thư viện điện tử thực thụ: theo Đề mục, tên tác phẩm, tên tác giả, loại dữ liệu như trong một thư viện điện tử hiện chứa các sách điện tử (e-books). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chia sẻ của Công ty Ebook Trẻ, việc lưu trữ này đang có những kỹ thuật mới và Công ty đang thực hiện cho mình cũng như sẵn sàng chia sẻ cho thư viện chúng ta. Vì thế trong thời gian qua chúng tôi phải tìm hiểu để chọn được kỹ thuật tốt nhất cho Thư viện chúng ta.

3.5. Bước 5: Giới thiệu trên trang website

Muốn cho người đọc biết và sử dụng được những gì Thư viện đang có, chúng tôi giới thiệu tất cả sách báo, tài liệu trên 1 website mang tên thuvienconggiaovietnam.net (.com hay. org). Chúng tôi đã nhờ các chuyên viên tin học, đứng đầu là kỹ sư Lê Thái Dương, thiết kế trang web này trong suốt mấy tháng vừa qua và vẫn còn tiếp tục hoàn chỉnh nó. Đây là công việc khá phức tạp và chúng tôi rất mong được sự góp ý và trợ giúp của các bạn đọc cũng như các chuyên viên điện tử trong lĩnh vực này. Vì thế chúng tôi giới thiệu trang web này từ hôm nay. Chúng tôi giới thiệu trang web này ở phần sau đây.

4. Hướng dẫn sử dụng trang web của Thư viện

Trang web này được ví như cửa hàng sách bày những sách báo, tài liệu cho các bạn xem, đọc và có thể tải về làm thành tủ sách riêng của mình. Đối với các bạn đã từng sử dụng internet, chúng tôi hy vọng các bạn có thể dễ dàng thực hiện vài công việc cần thiết cho phần đăng ký và đăng nhập như bất cứ trang web nào. Còn đối với các bạn chưa quen với internet, chúng tôi xin giới thiệu phần hướng dẫn sau đây.

4.1. Việc đăng ký và đăng nhập

Trên trang chủ của website này, bạn thấy dòng chữ đầu tiên là Đăng ký và Đăng nhập. Để đọc được nội dung của các sách, bạn cần phải đăng ký và đăng nhập.

- Việc đăng ký: Bạn điền các thông tin cá nhân cần thiết như Tên của bạn, Địa chỉ, email, Mật khẩu (bạn tự chọn và ghi nhớ mật khẩu này), Ngày sinh, Giới tính để chúng tôi có thể giúp đỡ bạn trong việc sử dụng Thư viện cách hiệu quả.

- Việc đăng nhập: Sau khi điền các thông tin, bạn nhấn vào ô chữ Đăng ký là hoàn thành việc đăng nhập. Ở góc phải màn hình sẽ hiện lên tên bạn đã đăng ký và từ nay bạn có quyền vào thư viện để truy cập các sách trong đó.

4.2. Các phần chính trên trang chủ

Trên dòng “Menu” bạn sẽ thấy các ô: Hình ngôi nhà (Trang chủ), Thư viện, Tủ sách, Giới thiệu, Nhập từ khoá…, Tìm tất cả thể loại, Tìm kiếm. Nhấn vào từng ô bạn sẽ thấy trải ra nhiều nội dung.

- Trang chủ: Có 4 nội dung chính sau đây: Sách mới đưa vào Thư viện, Sách sắp đưa vào Thư viện, Sách hay nên đọc, Tham khảo.

- Thư viện: nhấn vào ô chữ này, bạn sẽ thấy xuất hiện ở bên trái màn hình cột Danh mục-Thể loại, dưới đó là 10 ô kể tên 10 đại mục, mỗi đại mục có 1 ô dấu +. Nhấn vào dấu cộng này, bạn sẽ thấy xuất hiện 10 trung mục liên quan. Nhấn vào dấu + ở trung mục, bạn sẽ thấy xuất hiện 10 tiểu mục liên quan.

Người đọc chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm ở phía bên phải màn hình theo tên sách hay tên tác giả hoặc tên chủ đề sẽ thấy hiện ra mã số của các sách trong mỗi mục và tác phẩm muốn tìm. Hiện nay số sách giới thiệu trên trang web còn ít vì chúng tôi thiếu người đọc dò bài, sửa lỗi cũng như người viết lời giới thiệu cho từng cuốn sách nên trong các mục còn để trống. Hy vọng kho sách sẽ dần dần đầy lên nhờ sự cộng tác của mọi người.

4.3. Tủ sách

Trong phần này bạn có các mục: Thông tin, Phần mềm đọc sách: ứng dụng cho PC, IOS hay Android, Hỗ trợ: các hướng dẫn. Ngoài việc đọc và tìm kiếm thông tin, bạn có thể tạo 1 tủ sách cho riêng bạn với cách sách bạn ưa thích, đã đọc hay sẽ đọc.

4.4. Giới thiệu

Trong phần này có Lời giới thiệu về Thư viện của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Hướng dẫn tham gia TVĐTCG của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Danh sách các nhà tài trợ cho Thư Viện.

5. Mời gọi tham gia vào việc xây dựng nền văn hóa

Chúng tôi quan niệm rằng Thư Viện này là 1 phương tiện để xây dựng nền văn hoá và văn minh Kitô giáo. Vì thế chúng tôi cũng mời gọi những ai sử dụng Thư viện này tham gia vào công trình xây dựng nền văn hoá sự sống và văn minh tình yêu cách tích cực và năng động qua những ứng dụng khác của trang Web. Do đó, trong trang web này chúng tôi có một số ứng dụng trong phần Tham Khảo như:

+ Luận văn nghiên cứu: giới thiệu các luận văn tốt nghiệp, chuyên đề nghiên cứu của các giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ Công Giáo trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoá.

+ Nghiên cứu trải nghiệm: về văn hoá theo các chuyên đề như Đặc ngữ Công Giáo, Bàn luận từ ngữ, Lịch sử văn hoá, Chơi Ô chữ- Học Thánh Kinh… do thầy Micae Nguyễn Hạnh phụ trách.

+ Sáng tác văn học: giới thiệu những sáng tác mới về thơ, văn do các thi sĩ Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng phụ trách.

+ Lời Chúa Hằng ngày: gồm các phần suy niệm Lời Chúa, các Lời kinh, Lời khuyên mục vụ…do Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ; anh Trần Quý Hiệp phụ trách.

Chúng tôi hy vọng các mục này có thể giúp các bạn độc giả có thêm hứng thú trước những trang chữ khô khan, kích thích khả năng sáng tạo của người đọc.

6. Việc truy cập trên website có phải trả phí?

- Người đọc truy cập với tư cách nghiên cứu cá nhân được hoàn toàn miễn phí và truy cập không giới hạn. Tuy nhiên một vài tác phẩm có thể được mã hoá để hạn chế việc truy cập do nội dung có những điểm tiêu cực (Thí dụ: Sách Tây Dương Gia Tô Bí Lục) hay cần xác định độ tuổi (Thí dụ: Sách về giới tính và quan hệ tình dục).

- Việc truy cập các file dữ liệu thuộc quyền sở hữu của Thư viện nhằm mục đích in ấn, xuất bản thành sách để bán, hay nghiên cứu, in thành văn bản để đạt các học vị của cá nhân hay tập thể đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản Trị Thư Viện và phải trả một phần phí cho việc thực hiện các file dữ liệu đó.

7. Quyền sở hữu của Thư viện

- Thư viện chỉ giữ quyền sở hữu đối với những tác phẩm đã được uỷ thác cho Thư viện từ những cá nhân và tập thể muốn nhượng quyền sở hữu tác phẩm của mình để từ nay Thư viện quản lý chúng. Trên trang Web sẽ có mã số chỉ rõ tác phẩm nào thuộc quyền sở hữu của Thư Viện.

- Các tác phẩm khác được tác giả hay người nắm quyền sở hữu cho Thư viện mượn để số hoá và đưa vào Thư viện sử dụng thì Thư viện chỉ có tác quyền trên dữ liệu điện tử mà thư viện đã bỏ công sức, tiền bạc ra thực hiện mà thôi. Các cá nhân và tập thể vẫn giữ nguyên tác quyền đối với tác phẩm vật thể của họ và có quyền trao tặng cho người khác sử dụng theo ý mình.

- Thư viện không có tác quyền trên những tác phẩm mà bạn đọc gửi tới qua đường kết nối (link) hay trao cho mà không có giấy uỷ quyền.

- Thư viện tha thiết xin các tác giả, các văn nghệ sĩ, các tổ chức có quyền sở hữu tác phẩm như các cá nhân, cộng đồng dòng tu, các nhà xuất bản và các thư viện khác gửi các tác phẩm mình sở hữu về cho Thư viện Điện tử Công Giáo Việt Nam mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện tài chính nào. Lý do là vì Thư viện này được lập ra hoàn toàn vì mục đích phục vụ cộng đồng Dân Chúa và nhân loại cách vô vị lợi mà không đòi hỏi ai bất cứ điều kiện nào.

- Trong trường hợp vì một lý do bất ngờ ngoài ý muốn, mà Thư viện phải đột ngột đóng cửa, không còn phục vụ được nữa, thì tất cả tài sản vật chất cũng như tinh thần của Thư viện đều được giao về cho Hội đồng Giám mục Việt Nam quản lý và sử dụng.

8. Nguồn lực của Thư viện gửi về đâu?

Để có thể vận hành, Thư viện cần sự đóng góp các ngưồn lực vật chất và tinh thần của mọi cá nhân và tập thể nào muốn xây dựng và phổ biến nền văn hoá và văn minh Kitô Giáo. Cụ thể như sau:

- Xin gửi các files sách báo, tài liệu Công Giáo đang có cho Thư Viện theo địa chỉ: thuviencgvn@gmail.com

- Xin gửi các sách báo, tài liệu, băng đĩa, hình ảnh… Công Giáo chưa được số hoá về địa chỉ: Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến thành, P.15, Q. 10, Tp. HCM, Việt Nam. Đt: 0902509090.

- Xin chuyển tiền bạc, máy móc, vật chất đóng góp cho Thư viện về Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến thành, P.15, Q. 10, Tp. HCM, Việt Nam. Đt: 0902509090.

- Các ý kiến đóng góp về việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành… xin gửi về Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, 1b Tôn Thất Tùng, Q.1, Tp. HCM, Việt Nam theo địa chỉ: thuviencgvn@gmail.com

- Xin các anh chị em văn nghệ sĩ và các chuyên viên tham gia đảm nhận những mục trong trang website để giới thiệu, sách báo, thơ văn cho thiếu nhi, thanh thiếu niên và người lớn.

9. Dự liệu nguồn lực để thực hiện dự án Thư viện

- Sau phần chuẩn bị nhân sự, Thư viện cần 1 địa điểm để làm việc, chứa các sách báo, tài liệu “vật thể” từ các nơi gửi về, đặt các máy móc làm việc cũng như để thỉnh thoảng các anh chị em trong các ban có thể gặp nhau. Nhờ sự giúp đỡ của Cha Lãm, Phó chủ nhiệm, địa điểm đó hiện nay đặt tại 1 phòng trong giáo xứ Hoà Hưng. Về lâu dài, khi Cha Lãm không làm cha xứ nữa, Thư viện này cũng cần một địa điểm thích hợp.

- Thư viện cần một số tiền để thực hiện việc số hoá và xử lý dữ liệu, trả lương cho nhân viên thường trực.

Nếu 100 trang sách khổ A5 quét thành dữ liệu dạng PDF hiện nay tốn khoảng 100.000 đ và cần tối thiểu 3 ngày làm việc để dò bài và xử lý chỗ sai 150.000đ/ngày. Tổng cộng là 450.000 đ/cuốn. Cộng thêm các chi phí khác như điện, nước... khoảng 50.000 đ. Tổng cộng 600.000 đ.

Nếu mỗi năm Thư viện làm được 100 cuốn x 600.000 đ = 60.000.000 đ

- Thư viện cần trả lương cho 1 người quản thủ thường trực làm việc tại văn phòng. Nếu mỗi tháng 4 triệu đồng x 12 tháng = 48 triệu đồng. Đây là người lãnh thù lao duy nhất, còn các anh em khác đều làm tự nguyện, không lấy thù lao.

-Thư viện dành khoảng 10 triệu đồng cho các đồ dùng văn phòng như tủ đựng sách báo, tài liệu, giấy in nhãn mã hoá, bút…

- Trong văn phòng, về lâu dài, có lẽ cần phải có 1 máy photocopy, máy scanner, máy tính văn phòng, một máy điện thoại để việc xử lý được an toàn và nhanh chóng

- Đó là chưa kể tiền thuê 1 server hằng năm, khoảng 100 triệu đồng (5.000 USD).

Tổng cộng, dự án này mỗi năm cần từ 200 đến 250 triệu đồng VN (khoảng 10.000 đến 12.000 USD). Trong trường hợp xử lý nhiều tác phẩm, tiền chi sẽ cao hơn.

Đây là một công trình lớn, có tính cách cần thiết, ích lợi lâu dài cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam nên chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người chung tay góp sức và có các vị ân nhân giúp đỡ.

Lời kết

Thay mặt cho Ban Quản trị Thư Viện, chúng tôi xin hết lòng cám ơn Quý Đức Cha, Quý Cha, và tất cả anh chị em đang hy vọng Thư viện này sớm thành hình. Cầu chúc tất cả luôn tràn đầy niềm vui của Chúa Phục Sinh và ơn lành của Chúa Thánh Thần tronh Năm Thánh về Lòng Chúa Thương Xót.

Kính thư,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Chủ nhiệm