Ngày 10-02-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Sáu Mùa Quanh Năm 11 tháng Hai dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:07 10/02/2024


BÀI ĐỌC 1 Lv 13, 1-2.44-46

Bài trích sách Lê-vi.

Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron như sau:

“Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, là những triệu chứng bệnh phong hủi, thì phải đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. Nếu mắc bệnh phong hủi, thì người ấy trở thành ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; vì người ấy bị vết thương ở đầu.

“Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1 Cr 10,31 – 11,1

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi cho riêng tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.

Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 7:16

Alleluia. Alleluia.

Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.

Alleluia.

TIN MỪNG Mc 1, 40-45

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Đó là Lời Chúa.
 
Tro Ngày Lễ Tro - Lịch sử và ý nghĩa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:22 10/02/2024
Tro Ngày Lễ Tro - Lịch Sử Và Ý Nghĩa

Thứ Tư trước Lễ Phục sinh sáu tuần, Giáo Hội cử hành Lễ Tro. Với Thứ Tư Lễ Tro Giáo Hội khai mạc Mùa Chay Thánh. Lễ này có nguồn gốc từ tên gọi của nó, vì sau bài giảng có nghi thức làm phép tro được đốt từ cành lá dừa của Chúa nhật Lễ Lá năm trước, ngày này khắp nơi ăn chay” (x. Quy luật tổng quát phụng vụ, số 28 và 29). Tro đã được làm phép sẽ được rắc lên đầu hay xức trên trán các tín hữu theo dấu thánh giá và nói : “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” (x. St 3,19) hay “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro”. Năm 2021, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành hướng dẫn đề xuất rằng các linh mục nên sử dụng phương pháp rắc tro trong mọi trường hợp, do đại dịch COVID-19.

Tro trong Cựu Ước

Thời Cựu Ước, Tro được dùng để chỉ sự u buồn, thống hối và sự chết. Cụ thể như trong sách Esther, Mordecai mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ của vua Ahasuerus (hay Xerxes, 485-464 BC) ra lệnh giết hết người Do Thái trong Đế quốc Ba Tư (Et 4,1).

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ VII và V trước Chúa Giêsu giáng sinh, Ông Gióp đã mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (G 42, 6). Khoảng 550 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh, khi tiên báo thành Giêrusalem bị quân Babylon chiếm đóng, Đaniel đã viết: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Tiếp đến là Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải, cả thành Ninivê mặc áo vải nhặm, ngồi trên đống tro và ăn chay (Gn 3, 5-6). Những bằng chứng trên cho thấy Tro được sử dụng từ lâu trong Cựu Ước với những ý đặc biệt của nó. việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).

Tro trong Tân Ước

Chính Chúa Giêsu cũng nhắc đến tro: khi dân các thành phố không nghe lời Chúa Giêsu rao giảng, họ từ chối thống hối dù đã chứng kiến những phép lạ và nghe Tin Mừng, Người nói: “Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Siđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11, 21).

Tro trong truyền thống Kitô Giáo

Việc thực hành Mùa Chay đã có ngay ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm. Trong suốt thời kỳ giáo hội sơ khai, tro được dùng với các ý nghĩa biểu tượng của nó như rắc lên đầu những người bị buộc phải thú tội và sám hối công khai. Trong cuốn De Poenitentia (về sự sám hối), Tertullian (khoảng năm 160-220) quy định người sám hối phải “sống u buồn sầu thảm trong sự thô ráp của áo vải nhặm và tro bụi dơ dáy”.

Trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội, Tro được dùng để bỏ trên đầu hay trên mình người phạm tội nặng công khai, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình… và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, định chế Giáo hội qui định, ngoài việc thống hối công khai, mặc áo vải nhặm, vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay hối nhân phải nhận tro nữa.

Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, Tro được các đan sĩ và tu viện dùng để chỉ mối liên hệ sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, tại một số nơi các đan sĩ, tu sĩ có thói quen nằm trên đống tro với chiếc áo nhậm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm để nằm trên đó khi hấp hối và khi chết.

Từ đó, những người sắp qua đời được đặt nằm trong tấm vải rắc tro để trên đất. Linh mục rảy nước thánh trên người đấy và nói: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Tiếp theo, linh mục hỏi: “Anh (chị) có đồng ý mặc áo vải thô và rắc tro trên minh để chứng lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét không?”. Người ấy đáp: “Con xin đồng ý”. Đây là những bằng chứng cho thấy ý nghĩa biểu trưng cho tang chế, cái chết và thống hối.

Sang thế kỷ thứ X, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo. Sang thế kỷ thứ XI, chính Ðức Giáo Hoàng làm phép tro, trước đó chỉ xức cho giáo dân, nay bỏ tro trên hết mọi người, và kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhặm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đến nhà thờ, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13).

Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước Thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa.

Tóm lại, Lễ Tro có nghi làm phép tro và xức tro là dịp để chúng ta suy nghĩ về bụi tro, cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng, nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi.
 
Tự do chứ không phải tro bụi
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
13:49 10/02/2024
SUY NIỆM THỨ TƯ LỄ TRO
(Mt 6, 1-6; 16-18)

Tự do chứ không phải tro bụi

Lại một Mùa Chay Thánh về với chúng ta. Bầu không khí ba ngày Tết vẫn còn đó. Chúng ta đã xin Chúa ban bình an cho Năm Mới, chúng ta chúc tết ông bà cha mẹ, anh chị em và chúc tết nhau. Trước hôm qua, chúng ta đã xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm, và hôm nay cùng toàn thế Giáo hội bước vào Mùa Chay Thánh.

Thoát khỏi ảo tưởng chạy theo tro bụi

Mùa Chay Thánh mở đầu bằng Lễ Tro, một biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Với nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : "Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng", hoặc : "Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi" (SLRM).

Trong lúc cúi mình nhận Tro lên đầu làm chúng ta làm chúng ta liên tưởng đến sự chóng qua, mau hết. Và cũng để nói với chúng ta một cách tế nhị và thực tế rằng, bao nhiêu điều mà ngươi đang chạy theo, làm cho ngươi vất vả, sẽ chẳng còn lại gì. Dù ngươi có cơ cực hay giầu sang đến đâu đi nữa, ngươi sẽ chẳng mang theo được gì từ cuộc sống này. Những thực tại trần thế sẽ biến tan, như tro bay theo chiều gió. Của cải là tạm bợ, quyền lực là tạm thời, thành công sớm vụt tắt. Thứ văn hóa hào nhoáng bên ngoài đang thịnh hành ngày nay làm cho người ta sống cho những thứ chóng qua, đó thực là một sự lường gạt lớn. Vì nó như một ngọn lửa : cháy xong, nó chỉ còn lại tro". Từ nhận xét đó, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng : "Mùa chay giải thoát chúng ta khỏi những ảo tưởng chạy theo tro bụi". Nhưng chẳng ai giải thoát chúng ta được ngoài Chúa, vì "Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do" (Tựa đề của Sứ điệp Mùa Chay 2024).

Trong Sứ Điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha viết : "Mùa Chay là thời gian hoán cải, thời gian tự do" (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay 2024). Quả thật, chúng ta được dựng nên giống hình Chúa, làm con cái Chúa chứ không phải thân nô lệ, "không giống như Pharaô, Chúa không muốn thần dân mà là con cái" (ibi.,). Đức Thánh Cha viết tiếp : "Cảnh nô lệ đã làm dân Israel tê liệt trong sa mạc, ngăn cản họ tiến lên" (ibi.,). Đức Thánh Cha thừa nhận : “Mọi người đều có thể bám vào tiền bạc, địa vị, mục tiêu, truyền thống… Những thứ "Thay vì giúp chúng ta tiến bước, chúng sẽ làm chúng ta tê liệt" (ibi.,). Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta tận dụng sa mạc là nơi chốn trong đó "sự tự do của chúng ta có thể lớn lên thành một quyết định của cá nhân không quay trở lại tình trạng nô lệ" (ibi.,).

Mùa Chay giúp chúng ta khám phá ra rằng, chúng ta được tạo thành cho ngọn lửa nồng cháy mãi, chứ không phải cho thứ tro tắt ngúm ngay; chúng ta được tạo thành cho Thiên Chúa, chứ không phải cho thế gian; cho cuộc sống vĩnh cửu trên Trời, chứ không phải cho sự lường gạt dưới đất này; cho tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ sự vật.

Tóm lại, Lễ Tro có nghi làm phép tro và xức tro là dịp để chúng ta suy nghĩ về bụi tro, cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng làm con, được Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi.

Sứ điệp Lời Chúa

Các bài đọc (Ge 2,12-18; 2C 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18) vang lên, kêu gọi chúng ta hoán cải tâm hồn: trong tương quan nội tâm với Thiên Chúa và tương quan xã hội với loài người.

Lời Chúa qua miệng tiên tri Gioen thôi thúc chúng ta, "Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay" (Ge 2,15). Lời ấy mời gọi chúng ta : "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc... Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng" (2,12-13).

Những lời trên gợi lên cho ta cả một bầu khí trang trọng ở trong lịch sử Dân Israel bấy giờ đang lầm than khổ sở, khiệt sức, hao mòn. Họ bất lực, không thể tự chỗi dậy. Chúa sai tiên tri Giôen đến, bảo họ thống hối ăn năn; trở về với Chúa; xin Ngài tha thứ và cứu độ. Ðó là đường lối duy nhất để được cứu vãn. Thế nên, từ già đến trẻ, từ tư tế đến thứ dân, từ cô dâu mới cưới đến người góa phụ khổ sở, toàn dân, cả nước hãy tuyên bố mở mùa chay tịnh, ăn năn thống hối các lỗi lầm để được giải thoát và cứu độ.

Hôm nay, Giáo hội cũng muốn mượn lời tiên tri Gioen, tâm tình của thánh Phaolô để khai mạc Mùa Chay Thánh. Đồng thời khuyên con cái mình sống Mùa Chay Thánh cho nên. "Hãy làm hoà cùng Chúa đi… Bây giờ là cơ hội thuận tiện" (x. 2 Cor 5,20-6,2). Thánh Phaolô nhấn mạnh : "Dịp thuận tiện đến rồi… Bây giờ là cơ hội thuận tiền, giờ đay là ngày cứu thoát" ( 2 Cor 5,…). Ta hãy bắt chước con cái Israel ngày trước và toàn dân Chúa ngày xưa, lấy tro rắc trên mình để công bố ý chí đi vào mùa Chay Thánh, mà thống hối canh tân, để đi vào con đường tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Tin Mừng Thánh Matthêu hôm nay cũng đề ra cho chúng ta những việc làm trong mùa Chay là : Ăn Chay, Cầu Nguyện và Làm Phúc (x. Mt 6, 1-6; 16-18)

Cách thức cầu nguyện, làm phúc và ăn chay

Vậy chúng ta ăn chay, cầu nguyện thế nào, và bố thí ra làm sao?

Thánh Gioan Kim Khẩu viết : “Chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện, và làm phúc là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách rời ba việc ấy, vì chúng không thể tách rời nhau được. Ai chỉ làm một trong ba, hay không làm đủ cả ba một trật, thì người ấy chẳng làm gì hết. Vì thế, ai cầu nguyện thì cũng phải giữ chay, ai giữ chay thì cũng phải làm phúc. Ai cầu xin mà ao ước được Chúa nhậm lời thì phải biết lắng nghe lời người khác xin mình. Ai không từ chối lắng nghe lời người khác xin thì dễ được Chúa lắng nghe.

Ai mong ước được Thiên Chúa thông cảm điều mình đói khát, hãy thông cảm với người đang đói khát. Ai mong được thương xót, hãy thể hiện lòng thương xót. Ai kiếm tìm lòng tốt, hãy làm điều tốt. Ai muốn được người ta cho mình, thì hãy cho người khác. Người cầu xin cho mình điều chính mình đã từ chối người khác, quả là người bất lương. Thánh Gioan Kim Khẩu nói : Này bạn, bạn hãy trở nên mẫu mực về lòng thương xót. Nếu bạn muốn được thương xót như thế nào, bao nhiêu, mau lẹ chừng nào, thì chính bạn hãy thương xót người khác cách mau lẹ cũng chừng ấy và cũng một cách thế như vậy.

Vì thế, cầu nguyện, làm phúc và ăn chay, cả ba việc họp lại thành một, vừa bênh vực, vừa là lời biện hộ, vừa là lời cầu xin cho chúng ta theo ba hình thức. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô : "Cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba việc làm độc lập, mà là một động tác duy nhất cởi mở và dứt bỏ: loại bỏ những thần tượng đang đè nặng chúng ta, loại bỏ những ràng buộc đang giam cầm chúng ta. Khi đó trái tim teo tóp và cô độc sẽ thức tỉnh. Vì thế hãy chậm lại và dừng lại” (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Mùa Chay 2024).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin nâng đỡ những quyết tâm của chúng con trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh. Amen.
 
Vĩ nhân của các vĩ nhân
Lm. Minh Anh
18:56 10/02/2024
VĨ NHÂN CỦA CÁC VĨ NHÂN
“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhớ lại một tập tục của người thượng, đó là tục “bỏ mả”. Với một số dân tộc vùng cao, sau khi chôn người chết, hàng ngày, con cháu mang cơm nước ra mộ; khoảng một năm sau, họ làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này được tổ chức linh đình. Sau đó, họ san phẳng mộ; từ đó, không ai nhớ đến nó nữa. “Bỏ mả”, “bãi mả”, một tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng kính nhớ các ngài như những ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’.

Sách Huấn Ca coi các ngài như những vĩ nhân, “Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng!”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ họ đã sinh ra các vĩ nhân và thánh nhân. Các ngài được kính nhớ trọn tháng Các Đẳng; đầu năm, mồng 2 Tết; trong mỗi thánh lễ; và sau kinh Nhật Một, 3 lần mỗi ngày.

Trước hết, phải kể đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài. “Sinh” là xé ruột, rứt ruột, rút ruột… máu chảy lênh láng; “Dưỡng” là cho ăn, cho mặc; “Dục” là giáo dục, dạy cho nên người, nên thánh. Không được “dục”, nhất định không thành người. Một em bé được thả vào rừng, có lẽ vì đấu tranh sinh tồn, sẽ kiếm được cái ăn, cái uống, nhưng đó không phải là một con người toàn diện, đó là một con vật ‘hao hao giống người’. Vì thế, ngoài sinh, dưỡng, phải nói đến “dục”, “Bé chẳng vin, cả gãy cành”. Bên cạnh đó, một điều khác còn khó hơn: làm gương sáng. Trên đời này, không việc nào khó hơn làm gương sáng. Như thế, công đức của cha mẹ ông bà dành cho chúng ta thật bao la. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tôn kính các ngài, ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’, và không được ‘bỏ mả’ là điều phải lẽ.

Lần kia, đang điểm tâm với một đôi vợ chồng Pháp trên một con phố, tôi thấy từ trên xe bước xuống một nhóm cỡ chừng sáu bảy người. Điều đáng nói là trong nhóm, có một cụ bà trạc ngoài 80. Một người đàn ông, khoảng lục tuần, dìu bà xuống xe; đúng hơn, ông ta nâng niu, dắt bà vào tiệm. Khi ăn, ông đút cho bà từng cọng bún một với chiếc khăn trên tay. Nhìn từng cử chỉ ấy, tôi đờ người! Vợ chồng người Pháp hỏi tôi làm sao thế; tôi nói với họ, tôi thèm, tôi ghen với ông ấy vì ông ấy còn mẹ. Mắt tôi bỗng cay cay. Giờ đây, tôi ước được dắt ba mẹ mình, ít là một lần, nhưng không thể; ‘nửa lần’ cũng không.

Tiếp đến, bạn đối xử làm sao với cha mẹ, con cái sẽ đối xử với bạn như thế! Không cần đợi 30, 40 năm sau, nhưng nhãn tiền. Bạn hiếu thảo với cha mẹ bây giờ, con cái sẽ thảo hiếu với bạn mai ngày. Chúng ta không nhớ cầu nguyện cho các ngài, con cái không học được thói quen tốt đó; mai kia, nằm ngoài mộ, ai nhớ đến chúng ta? Không làm gương cho con cái ngay bây giờ, trong luyện hình, đừng ngạc nhiên khi con cái ‘bỏ mả’ chúng ta mai ngày.

Anh Chị em,

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”. Công đức các đấng sinh thành góp phần làm nên những gì chúng ta là, chúng ta có! ‘Vĩ nhân của các vĩ nhân’ không chỉ chuyển trao sự sống của Thiên Chúa nhưng còn chuyển trao đức tin để chúng ta có được sự sống của Ngài trong Chúa Kitô. Vì thế, hãy yêu thương, kính trọng; đúng hơn, trân quý các ngài khi các ngài còn sinh tiền và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã khuất núi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘bỏ mả’ với các đấng đã khuất; dạy con biết con biết ‘nâng niu’ các bậc chưa khuất!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:23 10/02/2024

30. Người luôn để cho linh hồn không lãnh nhận Thánh Thể, tức là hết lòng với sứ vụ của ma quỷ.

(Chân phước Alvarez of Cordova)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:34 10/02/2024
76. PHONG CÔNG ÂM ĐỨC

Có một lão nhà giàu họ Lý nọ có con làm quan lớn, tự mình cũng phong làm “phong công”.

Có lần đi qua nhà người ta uống rượu, có người hỏi ông ta:

- “Con trai ông là trạng nguyên giáo lễ bộ thượng thư (tương đương thừa tướng), ông tuổi thọ lại cao có phúc khí, ông muốn sau này tích nhiều âm đức chứ?”

Lý phong công cười nói:

- “Âm đức lớn thì không dám nói, âm đức nhỏ thì có chút ít”.

Người hỏi hỏi ba lần là có âm đức nào, Lý phong công mới nói:

- “Tôi cũng không có những đức gì khác, chỉ là mỗi lần có người mời uống, không đi, thì phải nói với người ta; đi, thì phải đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi. Tôi nghĩ đại khái như thế là tích âm đức rồi vậy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 76:

Có những người tích lũy âm đức bằng cách bố thí cho người nghèo khó tiền bạc, nhưng lại thường hay chưởi mắng đầy tớ; có những người tích lũy âm đức bằng cách cách dâng cúng tiền bạc cho nhà thờ, nhưng lại hay đi nói xấu người này người nọ; lại có người tích lũy âm đức để đức lại cho con cháu, nhưng cuộc sống thì đanh ác dữ tợn hơn cả chằn tinh...

Cách tích lũy âm đức của ông nhà giàu họ Lý rất đơn giản nhưng rất đậm tình người, và lại là người lịch sự nữa, ông khiêm tốn nói:“Tôi cũng không có những đức gì khác, chỉ là mỗi lần có người mời uống, không đi, thì phải nói với người ta; đi, thì phải đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi. Tôi nghĩ đại khái như thế là tích âm đức rồi vậy !”

Người ta mời dự tiệc mà nếu bận việc không đi được thì nói không đi được, nếu đã nhận lời thì đi đến sớm một chút kẻo chủ nhà đợi, đó là đạo lý làm người rất đơn giản mà hiệu quả cao, khiến cho mọi người bái phục...

Có những người tai to mặt lớn khi được mời dự tiệc thì luôn đến trễ, làm cho chủ nhà và khách được mời phải đợi một mình họ, nguyên nhân đến trễ thì có nhiều nhưng vẫn cứ là để bày tỏ ta đây là người quan trọng. Đã nhận lời thì nên sắp xếp đi đến trước như mọi người, để bày tỏ mình là người đúng giờ hơn là bày tỏ mình là người quan trọng, đến đúng giờ để làm người lịch sự khiêm tốn hơn là làm người kiêu ngạo bất lịch sự.

Cách tích lũy âm đức của người Ki-tô hữu cũng thế mà thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môi-sen và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12; Lc 6, 31).

Mình không muốn người khác bắt mình đợi lâu, thì cũng đừng để người khác đợi mình lâu như vậy, đạo lý này hỏi có mấy người hiểu chứ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ an táng cảnh sát trưởng New Jersey
Đặng Tự Do
16:05 10/02/2024


Vụ tự tử bi thảm của một cảnh sát trưởng được yêu mến ở một quận nhỏ ở New Jersey cho thấy Giáo Hội Công Giáo, vốn từng cấm tổ chức tang lễ Công Giáo cho những người chết do tự tử, giờ đây một phản ứng với việc tự sát theo một chiều hướng khác.

“Tự tử là một thảm kịch của con người làm rung chuyển các gia đình và làm tan nát trái tim,” Giám mục Kevin Sweeney của Paterson nói trong một tuyên bố với CNA sau cái chết của Cảnh sát trưởng Quận Passaic Richard Berdnik. Theo báo cáo, hàng ngàn người đã tập trung tại Nhà thờ St. John the Baptist ở Giáo phận Paterson để tưởng niệm và cầu nguyện trong tang lễ cảnh sát trưởng, một Hiệp sĩ Công Giáo cấp bốn của Columbus.

Berdnik, người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành thực thi pháp luật, đã chết vào tháng trước do một phát súng tự bắn vào đầu.

Cha sở nhà thờ, Đức ông Geno Sylva, đã biết Berdnik và gia đình ông trong nhiều năm. Ngài đã giảng trong Thánh lễ an táng vào hôm Thứ Tư. Trong bài giảng, Cha Sylva nhớ lại “cảnh sát trưởng của chúng tôi” đang sửa chữa thiết bị HVAC trước lễ rửa tội của cháu trai ông trong cùng một nhà thờ.

“Khi chúng ta tụ tập ở đây ngày hôm nay, vấn đề không phải là cảnh tượng viên cảnh sát trưởng bước vào bảng điều khiển của hệ thống sưởi để đánh lừa cơ chế của nó, mà là nhớ lại cách Richard Berdnik đã đi vào trái tim chúng ta để thay đổi cuộc sống của chúng ta,” ngài nói tại tang lễ.

Đức Cha Sweeney Ngài nói trong một thông cáo báo chí: “Trước thảm kịch, lòng thương xót là lời hứa chữa lành của Thiên Chúa”. “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là bảo vệ món quà thiêng liêng của sự sống. Thứ hai là quyết tâm của người Kitô hữu trở thành công cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tan vỡ và tuyệt vọng.”

Đức Cha Sweeney lưu ý: “Mặc dù trước đây Giáo hội đã cấm tổ chức tang lễ và chôn cất theo Kitô giáo đối với những người tự kết liễu đời mình, nhưng những diễn biến trong tâm lý học hiện đại cho thấy rằng sự mất cân bằng về cảm xúc, sự đau khổ trầm trọng hoặc nỗi sợ hãi thường xuyên làm giảm bớt trách nhiệm đối với một người tuyệt vọng như vậy”

Trong phần lớn lịch sử của Giáo hội, những người chết do tự sát được chôn cất ở những khu đất riêng biệt, không thánh hiến và không được tổ chức tang lễ theo Công Giáo.

Kể từ đó, thực tiễn đã thay đổi, tập trung ngày càng nhiều vào việc ngăn ngừa tự tử và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ tự tử đã tăng lên kể từ năm 2000. Khoảng 1 trong 5 người Mỹ được cho là đang sống chung với một số dạng bệnh tâm thần và tính đến năm 2022, hơn 4% người Mỹ trên 18 tuổi cho biết bị trầm cảm.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Ambongo của Congo nổi lên với tư cách là ứng viên giáo hoàng sáng giá nhất hiện nay
Đặng Tự Do
16:07 10/02/2024


John Allen của tờ Crux có bài bình luận nhan đề “On the ‘Cobra Effect’ and Congo’s Ambongo as an emerging papal candidate”, nghĩa là “Về 'Hiệu ứng Rắn hổ mang' và Đức Hồng Y Ambongo của Congo với tư cách là ứng viên giáo hoàng mới nổi”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mặc dù có thể là ngụy tạo, nhưng câu chuyện kể rằng trong thời kỳ Anh cai trị Ấn Độ, các quan chức thuộc địa đã lo ngại về rắn hổ mang độc ở thành phố Delhi và quyết định treo thưởng cho mỗi con rắn chết. Một cách tự nhiên, những người dân địa phương dám nghĩ dám làm bắt đầu nhân giống rắn hổ mang để thu về phần thưởng. Khi người Anh phát hiện ra mưu mẹo và rút lại lời đề nghị, các nhà lai tạo đã thả những con rắn hổ mang hiện đã vô giá trị của họ, do đó khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn đáng kể.

Cái gọi là “Hiệu ứng rắn hổ mang” là một minh họa kinh điển về cái được gọi là “Quy luật về những hậu quả không lường trước được”. Thông thường, các hành động được thiết kế để đạt được một kết quả nào đó lại thực sự tạo ra một loạt các hiệu ứng khác, hầu hết trong số đó người thực hiện chưa bao giờ hình dung hoặc mong muốn.

Ngay bây giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong phiên bản “Hiệu ứng rắn hổ mang” của chính ngài đối với tài liệu Fiducia Supplicans của Vatican về việc ban phước cho những người kết hợp đồng giới.

Trớ trêu thay, một hậu quả chính của cuộc tranh cãi xung quanh tài liệu này lại dường như đã tạo cơ hội cho những người chỉ trích bảo thủ đối với Đức Giáo Hoàng tấn công những ứng cử viên có thể có trong Cơ Mật Viện tương lai, nghĩa là những ứng cử viên có thể lèo lái giáo hội theo một hướng khác..

Hiện tại, cuộc tranh luận về ai sẽ là Giáo Hoàng tương lai đã tăng lên nhiều trong cuộc tranh cãi liên quan đến Fiducia và có lẽ không có ai sáng giá hơn trong tư cách ứng viên giáo hoàng, như Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu của Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo, người cũng là nhà lãnh đạo được bầu các Giám Mục Phi Châu bầu là chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM.

Một bài báo gần đây trên tờ báo Ý Il Messaggero, của phóng viên kỳ cựu chuyên về Vatican, Franca Giansoldati, đã nói lên tất cả: “Hồ sơ của Đức Hồng Y Ambongo tiến bộ trong số các giáo hoàng tương lai: Ngài lãnh đạo cuộc phong tỏa Phi Châu về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính”.

Bài báo đề cập đến thực tế là Đức Hồng Y Ambongo, 64 tuổi, là người chủ động trong một tuyên bố ngày 11 Tháng Giêng từ SECAM tuyên bố Fiducia Supplicans là một Tuyên ngôn chết trên tòan lục địa Phi Châu. Các vị Giám Mục Phi Châu “không coi việc Phi Châu ban phước cho các cặp đồng tính hoặc các cặp đồng giới là phù hợp bởi vì, trong bối cảnh của chúng ta, điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn và sẽ mâu thuẫn trực tiếp với đặc tính văn hóa của các cộng đồng Phi Châu”.

Tất nhiên, tuyên bố SECAM hầu như không phải là phản ứng tiêu cực duy nhất mà Fiducia tạo ra, nhưng nó đặc biệt đáng chú ý vì hai lý do.

Trước hết, đây là lần đầu tiên các giám mục của cả một lục địa tuyên bố rằng sắc lệnh của Vatican sẽ không được áp dụng trên toàn lãnh thổ của các ngài. Nhìn chung rất khó để có được một nhóm giám mục đồng ý về bất cứ điều gì, nên cách thức phản hồi ngắn gọn và nhanh chóng của SECAM, ngoài những điều khác, là một minh chứng cho sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Ambongo.

Hơn nữa, tuyên bố của SECAM còn gây ấn tượng mạnh về cách thức nó được thực hiện với sự phối hợp của Đức Giáo Hoàng và các cố vấn hàng đầu của ngài.

Đức Hồng Y Ambongo đã kể câu chuyện này trong một cuộc trò chuyện với một blog Công Giáo Pháp. Sau khi yêu cầu các hội đồng giám mục Phi Châu trả lời Fiducia, ngài bay tới Rôma để chia sẻ chúng với Đức Giáo Hoàng. Đức Phanxicô đã yêu cầu ngài làm việc với Đức Hồng Y người Á Căn Đình Victor Manuel Fernández của Bộ Giáo lý Đức tin, là điều mà Ambongo đã làm, đồng thời tham khảo ý kiến của Đức Thánh Cha trong quá trình thực hiện, để khi tuyên bố SECAM xuất hiện, nó mang theo một con dấu chấp thuận trên thực tế của Đức Giáo Hoàng.

Nói cách khác, Ambongo đã tìm ra cách để người Phi Châu phản đối Đức Giáo Hoàng, ít nhất là gián tiếp, nhưng không có vẻ bất trung. Đó là một trong những chiếc kim khó xỏ chỉ nhất trong đời sống Công Giáo, và phong cách nghệ thuật mà Đức Hồng Y Ambongo sử dụng để tháo nó ra đã thu hút nhiều sự chú ý.

Đây là cách Soldati tóm tắt mọi thứ trong bài viết của mình cho Messaggero:

“Vào thời điểm rất tế nhị này, Đức Hồng Y Ambongo đã thể hiện một vai trò quan trọng, chứng tỏ cho Hồng Y đoàn thấy khả năng hòa giải không thể nghi ngờ cũng như lòng dũng cảm tuyệt vời, đến mức có những người hiện đang xem ngài như một ứng viên Giáo Hoàng khả thi trong mật nghị tiếp theo, trong một tương lai giả định, bất cứ khi nào có thể: Một Hồng Y được bầu từ một lục địa đang phát triển, bám chặt vào truyền thống, trung thành với nguyên tắc đồng nghị, người biết rõ các cơ chế giáo triều, và có tầm nhìn có khả năng đối mặt với một tương lai phức tạp”.

Soldati viết: “Tóm lại, ngài có tất cả những phẩm chất của một Giáo hoàng da đen trong tương lai.”

Là thành viên của Dòng Phanxicô Capuchin, Đức Hồng Y Ambongo có bằng thần học luân lý tại Học viện Alphonsô danh giá do Dòng Chúa Cứu Thế điều hành vào cuối những năm 1980. Trong những năm sau đó, ngài làm việc trong một giáo xứ, giảng dạy trong các chủng viện và giữ nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong dòng Capuchin cho đến khi được phong làm giám mục vào năm 2004 ở tuổi 44.

Vào năm 2016, Đức Cha Ambongo trở thành Tổng Giám mục của Mbandaka-Bikoro và, giống như người thầy của ngài, cố Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, ngài sớm nhận thấy mình bị đẩy vào vòng xoáy chính trị Congo. Khi Tổng thống lúc bấy giờ là Joseph Kabila trì hoãn các cuộc bầu cử vào năm 2016 để duy trì quyền lực, Đức Cha Ambongo đã trở thành nhà lãnh đạo phe đối lập ủng hộ dân chủ và giúp đàm phán Thỏa thuận khung St. Sylvester mở đường cho các cuộc bầu cử mới vào năm 2018.

Đức Hồng Y Ambongo chắc chắn không thiếu sự táo bạo. Sự ủng hộ thẳng thắn về môi trường của ngài, bao gồm cả những lời chỉ trích cả các công ty khai thác và dầu mỏ khổng lồ toàn cầu cũng như các chính trị gia địa phương, đã tạo ra những mối đe dọa tử vong trong nhiều năm; có thời điểm, ngài tự gọi mình là “người gặp nguy hiểm ở Congo”.

Rõ ràng ngài được sự ưu ái của Đức Thánh Cha Phanxicô, được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Hồng Y của Giáo hoàng vào năm 2020, thay thế Đức Hồng Y Monsengwo, và sau đó được xác nhận vào vị trí đó vào năm 2023. Ngài cũng đã tổ chức chuyến tông du thành công của Đức Giáo Hoàng tới Congo vào tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, như sự lên men ở Fiducia đã minh họa, ngài cũng có khả năng phá vỡ dàn hợp xướng hallelujah luôn vây quanh bất kỳ giáo hoàng nào khi ngài tin rằng một vấn đề nguyên tắc đang bị đe dọa.

Do đó, Ambongo có thể thu hút các Hồng Y bảo thủ đang tìm kiếm sự thay đổi, nhưng ngài cũng nhận được sự tôn trọng của những người trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô vì cách đối thoại mà ngài đã giải quyết. Lý lịch của ngài chắc chắn thể hiện sự nghiêm chỉnh - một chính khách và chuyên gia giải quyết rắc rối trong nền chính trị quốc gia, lãnh đạo lục địa của một hội đồng giám mục, và một cố vấn của Đức Giáo Hoàng với kiến thức nội bộ về các nỗ lực cải cách của Vatican.

Bất cứ ai cũng có thể đoán được liệu đó có phải là công thức tạo nên một giáo hoàng tương lai hay không. Tuy nhiên, điều có vẻ an toàn hơn là hồ sơ của vị Giám Mục mới là vấn đề quan trọng, bây giờ và trong tương lai.


Source:Crux
 
Nửa triệu người Công Giáo ở Ấn Độ thỉnh cầu chính phủ có điều kiện sống tốt hơn
Đặng Tự Do
16:08 10/02/2024


Hàng trăm ngàn người Công Giáo Ấn Độ đang kiến nghị chính phủ cải thiện điều kiện sống ở đó.

Đại hội Công Giáo Syro-Malabar đã trình lên Thủ hiến bang Kerala Pinarayi Vijayan bản kiến nghị vào cuối tháng trước sau một chiến dịch chữ ký lớn, một chiến dịch nhằm giải quyết điều mà đại hội mô tả là “những cuộc khủng hoảng chưa từng có” mà cộng đồng Kitô giáo ở đó phải đối mặt.

Chủ tịch Nghị hội Công Giáo Biju Parayannilam nói với UCA News trong tháng này rằng Vijayan “rất quan tâm và yên tâm xem xét các yêu cầu của chúng tôi”.

“ Khoảng nửa triệu người Công Giáo” ở Kerala đã ký tên thỉnh nguyện.

Cha Philip Kaviyil, giám đốc ủy ban toàn cầu của Đại hội Công Giáo, nói với hãng tin: “Những người bình thường đang phải vật lộn để kiếm sống và chúng tôi muốn chính phủ tập trung sự chú ý vào các vấn đề của họ”.

Trong số các yêu cầu được đưa ra với chính phủ là việc cung cấp các khoản thanh toán an sinh xã hội kịp thời. Vị linh mục cho biết, những công dân cao tuổi trong tiểu bang được chính phủ cấp số tiền tương đương khoảng 20 Mỹ Kim mỗi tháng, nhưng họ “không nhận được đúng hạn, khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ”.

Nông dân cũng được cho là đang phải vật lộn để kiếm sống đồng thời phải đối phó với các cuộc tấn công của động vật hoang dã.

Parayannilam cho biết các nhà hoạt động “hy vọng rằng chính phủ sẽ đưa ra một số thông báo tích cực liên quan đến các yêu cầu của chúng tôi trong phiên họp ngân sách hiện tại của quốc hội bang”.

Vatican News lưu ý rằng các Kitô hữu chiếm khoảng 20% dân số địa phương ở Kerala, cộng đồng Kitô giáo ở đó có nguồn gốc xa xưa từ Thánh Thomas Tông đồ.

Giáo hội Syro-Malabar là một trong 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự trị hiệp thông hoàn toàn với Rôma. Có trụ sở tại Kerala, nó có hơn 4 triệu thành viên trên toàn thế giới, trở thành nhà thờ Công Giáo Đông phương lớn thứ hai sau Nhà thờ Công Giáo Đông Phương Ukraine.


Source:Catholic News Agency
 
Toàn văn bài phát biểu của Đức Phanxicô với các tham dự viên Hội nghị Quốc tế về việc đào tạo các linh mục
Vũ Văn An
21:09 10/02/2024

Theo tin Tòa Thánh, trước Hội nghị Quốc tế về việc thường trực đào tạo các linh mục diễn ra ngày 09 tháng 2 năm 2024 tại Rôma, Đức Phanxicô đã đọc bài diễn từ sau đây; chúng tôi xin chuyển ngữ sang tiếng Việt dựa vào bản tiếng Pháp do Tòa Thánh công bố:



“Hãy làm sống lại hồng ân của Thiên Chúa ở trong anh em” (2Tm 1:6)
Một việc đào tạo độc đáo, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo.

Anh chị em thân mến!

ôi cảm ơn anh chị em bằng cả trái tim vì khoảnh khắc tôi có thể sống với anh chị em này. Tôi cảm ơn anh chị em đã đến Rôma để tham gia hội nghị quốc tế về việc thường xuyên đào tạo linh mục, được cổ vũ bởi Bộ Giáo sĩ - đặc biệt là bởi vị lãnh đạo vĩ đại người Hàn Quốc - và bởi Bộ Truyền giáo và Bộ Giáo hội Đông phương. Tôi xin cảm ơn các bộ trưởng đứng đầu các cơ quan liên quan và tất cả những người đã làm việc để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này. Đối với nhiều người trong các anh chị em, việc đến Rôma không hề dễ dàng; nhưng trên hết tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những gì anh chị em làm trong giáo phận và quốc gia của anh chị em, đối với sự phục vụ mà anh chị em cung cấp và điều mà cuộc khảo sát được thực hiện cho hội nghị này cũng đã nêu bật.

Trong những ngày này, anh chị em sẽ có ân sủng để chia sẻ những thực hành tốt, thảo luận về những thách thức và vấn đề, đồng thời xem xét những chân trời tương lai của việc đào tạo linh mục trong thời đại đang thay đổi này, luôn hướng về phía trước, luôn sẵn sàng thả lưới lần nữa theo lời Chúa ( xem Lc 5:4-5; Ga 21:6). Đó là việc đi tìm những công cụ và ngôn ngữ giúp ích cho việc đào tạo linh mục mà không nghĩ đến việc có trong tay tất cả các câu trả lời - tôi sợ những người có tất cả các câu trả lời trong tay, họ làm tôi sợ -, nhưng tin tưởng rằng chúng ta sẽ tìm thấy chúng trên đường đi.

Do đó, những ngày này, anh chị em hãy lắng nghe nhau và để cho mình được truyền cảm hứng bởi lời mời được thánh tông đồ Phaolô gửi cho Timôtê và lời mời gọi đó là tiêu đề cho cuộc hội thảo của anh chị em: “Hãy làm sống lại ân sủng của Thiên Chúa ở trong anh em” (2Tm 1:6) ). Hãy thắp lại hồng ân, tái khám phá việc xức dầu, thắp lại ngọn lửa để lòng nhiệt thành đối với sứ vụ tông đồ không tắt lịm.

Và làm thế nào chúng ta có thể làm sống lại hồng ân chúng ta đã nhận được? Tôi muốn chỉ cho anh chị em ba con đường mà anh chị em đang đi: niềm vui của Tin Mừng, thuộc về người dân, hoa trái của việc phục vụ.

Trước hết là niềm vui của Tin Mừng. Trọng tâm của đời sống Kitô hữu là hồng ân tình bạn với Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi buồn của chủ nghĩa cá nhân và nguy cơ một cuộc sống bị tước đoạt ý nghĩa, tình yêu và niềm hy vọng. Niềm vui của Tin Mừng, tin mừng đồng hành với chúng ta, chính là điều này: chúng ta được Thiên Chúa yêu thương một cách âu yếm và thương xót.

Và chúng ta được mời gọi làm cho lời loan báo vui mừng này vang vọng trong thế giới, làm chứng bằng đời sống của chúng ta để tất cả mọi người có thể khám phá vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại (x. Evangelii gaudium, số 36). Chúng ta hãy nhớ điều Thánh Phaolô VI đã nói: hãy là những chứng nhân hơn là những thầy giáo (x. Evangelii Nuntiandi, số 41), những chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa, đó là điều duy nhất đáng kể. Và khi ai đó không thể làm nhân chứng thì thật là buồn, rất buồn.

Ở đây, chúng ta tìm thấy nền tảng của việc đào tạo liên tục, không chỉ đối với các linh mục mà còn đối với mọi Kitô hữu, điều mà văn kiện Ratio Fundamentalis (của Bộ Giáo sĩ về hồng phúc đào tạo linh mục) cũng nhấn mạnh: chỉ khi chúng ta là và vẫn là môn đệ, chúng ta mới có thể trở thành thừa tác viên của Thiên Chúa và là nhà truyền giáo của Vương quốc Người. Chỉ bằng cách đón nhận và vun trồng niềm vui Tin Mừng, chúng ta mới có thể mang niềm vui này đến cho người khác. Trong quá trình đào tạo liên tục, chúng ta đừng quên rằng chúng ta luôn là môn đệ trên hành trình và điều này, bất cứ lúc nào, tạo nên điều đẹp đẽ nhất đã xảy ra với chúng ta, nhờ ân sủng! Và khi chúng ta tìm thấy những linh mục không có khả năng phục vụ này, có lẽ ích kỷ, những linh mục đi theo con đường có phần “kinh doanh”, thì họ đã mất khả năng cảm thấy mình là môn đệ, họ chỉ cảm thấy mình là những bậc thầy.

Ân sủng luôn bao hàm bản nhiên, và đó là lý do tại sao chúng ta cần đào tạo con người một cách toàn diện. Thật vậy, làm môn đệ Chúa không phải là một sự ngụy trang tôn giáo, mà là một lối sống, và do đó đòi hỏi phải chăm sóc nhân tính của chúng ta. Ngược lại là linh mục “trần tục”, khi tính trần tục đi vào tâm hồn linh mục và hủy hoại mọi thứ. Đây là điều tôi yêu cầu anh chị em dồn hết sức lực và nguồn lực của mình vào: chăm sóc việc đào tạo con người. Và cũng phải cảnh giác để sống một cách nhân bản. Có lần một linh mục già nói với tôi: “Khi một linh mục không thể chơi với trẻ em, ngài đã thua cuộc”.

Thật đáng lưu ý, đó là một thử nghiệm. Cần có những linh mục hoàn toàn nhân bản, chơi đùa với trẻ em và vuốt ve người già, có khả năng quan hệ tốt, trưởng thành để đối đầu với những thách thức của thừa tác vụ, để niềm an ủi của Tin Mừng đến với dân Chúa qua nhân tính được biến đổi của họ bởi Thánh Thần của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng bao giờ quên sức mạnh nhân bản hóa của Tin Mừng! Một linh mục cay đắng, một linh mục có sự cay đắng trong lòng là một “cậu bé già”.

Con đường thứ hai phải đi: thuộc về dân Chúa. Các môn đệ truyền giáo chỉ có thể ở với nhau. Chúng ta chỉ có thể sống sứ vụ linh mục một cách sâu sắc trong dân tư tế, là dân tộc mà chúng ta cũng xuất phát. Điều thuộc về dân chúng này - không bao giờ cảm thấy bị tách rời khỏi con đường của dân thánh trung thành của Thiên Chúa - bảo vệ chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong những nỗi buồn phiền, đồng hành với chúng ta trong những lo lắng mục vụ và bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ tách mình ra khỏi thực tại và làm chúng ta cảm thấy mình toàn năng. Chúng ta hãy cẩn thận, vì nó cũng là căn nguyên của mọi hình thức lạm dụng.

Để luôn đắm chìm trong lịch sử thực sự của dân Chúa, điều cần thiết là việc đào tạo linh mục không được quan niệm là “tách biệt”, nhưng có thể sử dụng sự đóng góp của dân Chúa: các linh mục và giáo dân, nam nữ, độc thân và các cặp đã kết hôn, người già và người trẻ, không quên những người nghèo và những người đau khổ có quá nhiều điều để dạy dỗ. Trong Giáo hội, có sự hỗ tương và luân chuyển giữa các bậc sống, giữa các ơn gọi, giữa các thừa tác vụ và các đặc sủng. Điều này đòi hỏi chúng ta sự khôn ngoan khiêm tốn để học cách đồng hành cùng nhau, biến tính đồng nghị thành một phong cách của đời sống Kitô hữu và của chính đời sống linh mục.

Các linh mục, đặc biệt ngày nay, được yêu cầu cam kết “thực hiện tính đồng nghị”. Chúng ta hãy luôn nhớ: cùng nhau bước đi. Linh mục luôn ở với dân mình thuộc về, nhưng cũng ở với giám mục và linh mục. Chúng ta đừng bỏ bê tình huynh đệ linh mục! Chính về khía cạnh kết hợp với dân Thiên Chúa này mà Thánh Phaolô đã cảnh cáo Timôtê: “Hãy nhớ mẹ nhớ bà ngoại. Hãy nhớ về cội nguồn của xon, lịch sử của con, lịch sử của gia đình con, lịch sử của dân tộc con”. Linh mục không được sinh ra bởi việc sinh hạ tự phát. Hoặc ngài là dân của Chúa hoặc ngài là một nhà quý tộc cuối cùng trở nên loạn thần kinh.

Cuối cùng, con đường thứ ba là tính phong phú của việc phục vụ. Phục vụ là đặc điểm nổi bật của các thừa tác viên của Chúa Kitô. Thầy đã cho chúng ta thấy điều này trong suốt cuộc đời của Người, đặc biệt là trong Bữa Tiệc Ly, khi Người rửa chân cho các môn đệ. Từ góc độ phục vụ, đào tạo không phải là một hoạt động bên ngoài, truyền tải sự giảng dạy, mà nó trở thành nghệ thuật đặt người khác vào trung tâm, làm nổi bật vẻ đẹp của họ, những điều tốt đẹp mà họ mang trong mình, làm nổi bật vẻ đẹp của những hồng phúc và cả những bóng râm, những vết thương và những ham muốn của họ. Do đó, đào tạo linh mục có nghĩa là phục vụ họ, phục vụ cuộc sống của họ, khuyến khích hành trình của họ, giúp đỡ họ trong việc phân định, đồng hành với họ trong những khó khăn và hỗ trợ họ trong những thách thức mục vụ.

Như vậy, vị linh mục được huấn luyện sẽ đặt mình phục vụ dân Chúa, gần gũi với dân chúng và giống như Chúa Giêsu trên thập giá, ngài chăm sóc mọi người. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhìn lên ngai tòa này: Thánh Giá. Từ đó, bằng việc yêu thương chúng ta cho đến cùng (x. Ga 13,1), Chúa đã sinh ra một dân tộc mới. Và cả chúng ta nữa, khi chúng ta phục vụ người khác, khi chúng ta trở thành cha mẹ của những người được giao phó cho chúng ta, chúng ta tạo ra sự sống của Thiên Chúa. Đây là bí quyết của một mục vụ phong phú: không phải một mục vụ mà chúng ta là trung tâm, nhưng là một mục vụ sản sinh ra những con cái và con trai đến với cuộc sống mới trong Chúa Kitô, Đấng mang nước hằng sống của Tin Mừng đến lãnh vực trái tim con người và thời điểm hiện tại.

Tôi chúc anh chị em mọi điều tốt đẹp nhất. Và thưa anh chị em – tôi muốn nói thêm điều này và cũng lặp lại điều tôi đã nói trước đây – xin đừng mệt mỏi sống lòng thương xót. Luôn luôn tha thứ. Khi người ta đến xưng tội, họ đến để xin sự tha thứ chứ không phải để nghe một bài học thần học hay việc đền tội. Xin hãy thương xót. Hãy luôn tha thứ, bởi vì sự tha thứ có ân sủng vuốt ve, đón nhận. Sự tha thứ luôn phong phú ở bên trong. Đây là điều tôi khuyên: hãy luôn tha thứ.

Tôi chúc anh chị em những điều tốt đẹp nhất cho đại hội của anh chị em và tôi để lại cho anh chị em ba chữ chính: niềm vui của Tin Mừng là nền tảng của cuộc sống chúng ta, thuộc về một dân tộc luôn bảo vệ và hỗ trợ chúng ta, thuộc về Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, tính phong phú của việc phục vụ làm cho chúng ta trở thành những người cha và những mục tử. Xin Đức Trinh Nữ luôn đồng hành cùng anh chị em. Đức Trinh Nữ ban cho các linh mục một điều: ân sủng của tình âu yếm. Tình âu yếm mà chúng ta cũng thấy ở những người gặp khó khăn, người già, đau ốm, các trẻ em bé nhỏ... Hãy cầu xin ân sủng này và đừng sợ phải âu yếm. Tình âu yếm thật mạnh mẽ. Cảm ơn anh chị em!
 
Tiến sĩ George Weigel: Tohu Wa-Bohu Trên Tiber - Hỗn Loạn Và Lầm Lẫn Từ Vatican
J.B. Đặng Minh An dịch
22:41 10/02/2024

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Tohu Wa-Bohu On The Tiber”, nghĩa là “Hỗn loạn và lầm lẫn từ Vatican”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong vòng 24 giờ vào tháng trước, ba trang web Công Giáo chính thống đã đăng tải những câu chuyện mô tả cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các thành viên và cố vấn của Bộ Giáo lý Đức tin, với các tiêu đề sau:

“Đức Thánh Cha Phanxicô bảo vệ việc chúc phúc cho các cặp vợ chồng trong 'những tình huống bất thường', bao gồm cả những cuộc kết hợp đồng giới” (America Media, ngày 26 Tháng Giêng);

“Đức Thánh Cha bảo vệ tài liệu ban phép lành cho các cặp vợ chồng ‘bất thường’” (La Croix International, 27 Tháng Giêng);

“Giữa sự phẫn nộ về tài liệu của Vatican, Đức Thánh Cha nói rằng mục đích là để ban phước cho mọi người, chứ không phải cho các kết hiệp đồng giới” (Crux, ngày 27 Tháng Giêng).

Có sự đa dạng thần học hợp pháp trong Giáo Hội Công Giáo. (Các nhà thần học theo trường phái Thánh Tôma và các nhà thần học về nguồn đều đóng góp vào việc giảng dạy của Công đồng Vatican II.) Có những khác biệt chính đáng về phương pháp thần học trong việc thúc đẩy một nền chính thống năng động. (Xem các tác phẩm của Cha Thomas Joseph White, Dòng Đa Minh, và Cha Robert Imbelli.) Thậm chí còn có những cách hợp pháp khác nhau để diễn đạt những chân lý truyền thống của đức tin Công Giáo. (Hãy so sánh phong cách của chương đầu tiên và chương thứ ba trong thông điệp Veritatis Splendor năm 1993 của Đức Gioan Phaolô II với chương thứ hai.)

Sau đó là Tohu wa-bohu: một cụm từ tiếng Do Thái có thể được dịch là “hỗn loạn và lầm lẫn”.

Những gì đang phát ra từ Rôma ngày nay là Tohu wa-bohu.

Sự hỗn loạn và lầm lẫn, thuộc loại được gợi ý bởi ba tiêu đề trên, làm xáo trộn hòa bình và sự hiệp nhất của Giáo hội, đặc biệt là giữa những người sùng đạo nhất. Sự hỗn loạn và lầm lẫn là những trở ngại cho việc tuyển dụng ơn gọi: Nhiều người sẵn sàng đảm nhận những gánh nặng và thách đố của đời sống linh mục hoặc đời sống thánh hiến vì mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa; rất ít người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì một dấu chấm hỏi (và những người làm vậy gần như chắc chắn sẽ gặp rắc rối). Sự hỗn loạn và nhầm lẫn là những trở ngại nghiêm trọng cho việc truyền giáo: Ai muốn gia nhập một Giáo hội thiếu xác tín, vốn chỉ là một thứ Giáo hội chạy theo hương khói và sự ồn ào của Tinh thần Thời đại?

Và Tohu wa-bohu— hỗn loạn và lầm lẫn —chính xác là điều mà sứ vụ Phêrô trong Giáo hội được thành lập để giảm thiểu.

Chúa Kitô đã hứa rằng, qua công việc của Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ được bảo tồn trong chân lý (Ga 14:16–17). Sau khi đã hứa điều đó, Chúa Kitô đã thành lập sứ vụ Phêrô - mà chúng ta gọi là giáo hoàng - để đưa ra hình thức lịch sử cụ thể cho lời hứa đó. Do đó, mô tả công việc của giáo hoàng, Giám mục Rôma, được gói gọn trong Lu-ca 22:32, khi Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, truyền lệnh cho Thánh Phêrô “hãy củng cố anh em của mình”.

Củng cố anh em không có nghĩa là làm họ bối rối. Nó cũng không có nghĩa là cho phép lơ là không sửa chữa những nhầm lẫn do những người có thẩm quyền trong Giáo hội đề xuất. Sự đa dạng trong sự hiệp nhất mà sứ vụ Phêrô cũng được kêu gọi bảo vệ không phải là sự đa dạng về quan điểm trong các vấn đề đã được xác lập của đức tin Công Giáo, dù là những vấn đề về giáo lý hay luân lý. Đa dạng trong sự thống nhất không phải là Tohu wa-bohu.

Thế giới thế kỷ 21 đầy rẫy sự hỗn loạn và lầm lẫn, trong đó phần lớn là những hỗn loạn và lầm lẫn gây chết người. Thế giới không cần thêm sự hỗn loạn và lầm lẫn từ Giáo Hội Công Giáo; nếu thế giới muốn Tohu wa-bohu mang vẻ bề ngoài tôn giáo, thì có rất nhiều lựa chọn để lựa chọn. Dù muốn hay không, điều thế giới cần từ Giáo Hội Công Giáo là một lời tuyên bố thuyết phục, sáng tạo, dễ tiếp cận và đầy cảm thương về các chân lý của phúc âm—và các chân lý của đời sống đạo đức đón nhận Chúa Kitô và chính nghĩa của Ngài giúp chúng ta nắm bắt, ngay cả khi chúng ta cũng có thể nắm bắt chúng bằng lý trí (là một mặt hàng khác đang thiếu hụt vào năm 2024).

Chương thứ ba trong cuốn sách nhỏ của tôi, The Next Pope: Office of Peter and a Church in Mission – Vị Giáo Hoàng tiếp theo: Sứ vụ Phêrô và một Giáo Hội truyền giáo - bắt đầu với điều có vẻ như là một tuyên bố hiển nhiên: “Vị giáo hoàng tiếp theo phải nắm vững bản chất của sứ vụ Phêrô và các vai trò của sứ vụ ấy trong Giáo Hội Tân Phúc Âm Hóa.” Nhưng việc trình bày lại những điều hiển nhiên dường như là cần thiết trong Năm 2024 này.

Thành thật mà nói, tôi rất vui mừng khi, tại Ngày Giới trẻ Thế giới 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng một số tiếng lóng của người Á Căn Đình để kêu gọi những người trẻ “làm loạn” - là điều mà tôi hiểu là một lời kêu gọi can đảm và sáng tạo trong việc thúc đẩy việc Tân Phúc âm hóa: Hãy mạnh dạn. Đừng ngại thử điều gì đó mới mẻ trong việc mang đến cho người khác tình bạn với Chúa Giêsu Kitô. Liệu đó có phải là cách giải thích quá thật thà hay không, tôi để điều đó cho người khác đánh giá.

Điều chắc chắn là việc gây ra tình trạng lộn xộn không phải là quyền hạn của người giữ chức vụ Phêrô trong Giáo hội. Sẽ có một lượng Tohu wa-bohu trong Giáo hội cho đến khi Chúa tái lâm trong vinh quang. Một nhiệm vụ của sứ vụ Phêrô là giữ cho sự hỗn loạn và nhầm lẫn không thể tránh khỏi ở mức tối thiểu. Chứ không phải là để làm trầm trọng thêm. Và chắc chắn là không phải để khuyến khích điều đó.


Source:First Things
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Đêm Giao Thừa Giáp Thìn - CDCGVN - TGP SYDNEY
Khanh Lai
15:39 10/02/2024
Thánh Lễ Đêm Giao Thừa Giáp Thìn - CDCGVN - TGP SYDNEY

Giao thừa Âm Lịch được cho là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, một̀ thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới của năm mới Giáp Thìn.

Xem hình ảnh

Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, Giao thừa là thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Mọi người cùng quây quần về đây để tạ ơn Thiên Chúa và cầu bình an cho Gia Đình, Cộng Đoàn và Quê Hương. Trong tâm tình đó, Thánh lễ Giao Thừa của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney, đã được cử hành vào lúc 19g30 ngày 9/2/2024, nhằm 30 Tết. tại Trường Trung Học Mt St Joseph Catholic College, số 273 Horsley Rd, Milperra NSW 2214. Trong Thánh Lễ có nghi thức Dâng Hương Chúc Xuân Thiên Chúa và Dân Hương trước bàn thờ Tổ Quốc Tổ Tiên Với những tiếng Pháo Đêm Giao Thừa… Quý vị đại diện các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, tới tham dự đông đảo và giáo dân Công Giáo tại Sydney cùng nhau họp mặt. Tối nay, không khí trở nên yên bình và trang trọng, sự lạc quan và niềm vui tràn ngập trong không gian và trên nét mặt mọi người, nhất là các em thiếu nhi, khoe áo mới tung bay trong niềm vui tràn ngập sức sống.

Mọi người tham dự Thánh Lễ trong đêm Giao Thừa hôm nay đều thấy sự trang trọng và linh thiêng trong không gian này. Những cây mai, những chậu hoa vạn thọ quyện với ánh sáng dịu dàng từ nến và đèn trang trí tạo nên không khí ấm áp và trang trọng. Những khúc nhạc Xuân và lời kinh nguyện vang lên trong niềm vui của tâm hồn và làm cho người tham dự cảm thấy kết nối với vẻ đẹp linh thiêng của Thánh Lễ Đêm Giao Thừa.

Đúng 19g30, 3 hồi 9 tiếng Chiêng Trống vang lên cộng thêm tiếng pháo đì đùng báo cho mọi người biết giờ khai mạc Thánh Lễ Giao Thừa bắt đầu. MC đọc lời dẫn nhập sau Tiếng trống và tiếng pháo: “Đêm nay, Đêm Giao Thừa, đêm từ giã năm cũ Quý Mão, để đón mừng Năm Mới Giáp Thìn 2024. 3 hồi 9 tiếng chiêng trống truyền thống từ ngàn xưa của Tổ Tiên Việt Nam vang lên khai mạc Thánh Lễ Đêm Giao Thừa hôm nay, nhắc nhở chúng ta về lịch sử trên 4000 năm Văn Hiến của Dân Tộc Việt Nam từ 2879 BC đến năm nay 2024AD. Và ngàn tiếng pháo nổ để chúc Xuân Thiên Chúa, chúc xuân Tổ Quốc và Tổ Tiên Việt Nam, chúc mừng năm mới cho nhau. Tiếng pháo xuân xua trừ những sự dữ, đón nhận những hồng ân trong Năm Mới Giáp Thìn, để mọi người, mọi gia đình, và toàn thể CĐCGVN Sydney hân hoan đón mừng Xuân Giáp Thìn”.

Cộng Đoàn dân Chúa đứng lên cùng đoàn Lễ Nghi Phụng vụ và quý Cha đồng tế khai mào Thánh Lễ tiến lên lễ đài từ cuối sân trường học, cùng lúc đó ca đoàn cùng hát vang lên ca nhập lễ. Đi đầu đoàn rước là Nhang, Thánh Giá nến cao, Các em Thiếu Nhi giúp lễ, đoàn quốc phục gồm có người đọc sách Thánh, Lời nguyện giáo dân, và đoàn dâng lễ vật, các Thừa Tác Viên, Quý Cha, Cha Chủ Tế.

Khi đến trước lễ đài, đoàn Thừa tác viên Thánh Thể và dâng lễ vật cúi đầu và về chỗ ngồi, sau đó quý Cha dâng hương cúi đầu bái Chúa Xuân Chúa Ba Ngôi trước lễ đài chính.

Tiếng pháo nổ dòn, hướng dẫn chương trình đọc ý nghĩa của Lễ Nghi: “Xuân Giáp Thìn đã về. đó đây người Việt Nam trên quê hương thân yêu và khắp nơi trên thế giới đón mừng xuân mới. Xuân đến với bao ước mơ, hạnh phúc, yêu thương và an bình trong nếp sống gia đình, cuộc sống xã hội. Đêm linh thiêng của Ngày Lễ Giao Thừa Giáp Thìn năm nay, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam cùng họp mặt đón xuân. Trong nghi lễ Phụng Vụ, trước thềm Năm Mới, quý Cha dâng hương lên Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa của Mùa Xuân. Dâng hương và chúc xuân Tổ Tiên, để kính nhớ công ơn Tiền Nhân đã hy sinh xây đắp Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam, đã dầy công xây dựng và phong phú hoá nền Văn Hóa Dân Tộc Việt với bao hy sinh và cố gắng.

Xuân Giáp Thìn năm nay, chúng con tụ họp nơi đây, để cùng chúc xuân Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa của Mùa Xuân Giáp Thìn.

Cha Paul Văn Chi đọc lời chúc xuân Chúa Ba Ngôi:

Tạ ơn Chúa nhân từ thương mến

Đấng toàn năng vô thủy vô chung

Dựng đất trời vạn vật mênh mông

Ơn phúc lộc chan hòa lai láng

Năm cũ hết, Giáp Thìn đăng đến

Chúng con dâng Việt Nam ly hương

Ngày đầu xuân thắp nến hương lòng

Dâng lên Chúa, ngàn lời cảm tạ

Dâng tiếng trống chúc xuân lên Chúa

Nguyện kính dâng Ba Ngôi ba lạy.

Và tất cả quý Cha dâng hương với 3 theo tiếng trống chiêng. Hướng dẫn chương trình mời Quý Cha tiến sang Trước bàn thờ Tổ Quốc và Tổ Tiên. Xuân Giáp Thìn năm nay, chúng con tụ họp chúc xuân Tổ Quốc, Tổ Tiên, và Tiền Nhân Việt Nam. Trong đêm Linh Thiêng này, chúng con tưởng nhớ và cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam. Xin Thiên Chúa Toàn Năng, Thiên Chúa của Mùa Xuân chúc lành cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam.

Lời chúc xuân Tổ Quốc và Tổ Tiên trước Bàn Thờ Tổ Tiên:

Đầu xuân trước bàn thờ Tiên tổ

Nến lung linh Tổ Quốc Việt Nam

Nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành

Thắp nén hương dâng lên tưởng nhớ

Nguyện cầu cho Việt Nam vạn thuở

Ngày tươi sáng tụ họp muôn phương

Khắp đất trời xuân về lựng hương

Dâng Tổ Quốc, Tổ Tiên ba lạy.

Sau đó quý Cha tiến lên lễ đài hôn bàn thờ, cha Chủ tế chào mừng và Thánh Lễ bắt đầu. Đặc biệt Thánh Lễ đêm giao thừa năm nay, quý anh chị em đọc sách thánh, lời nguyện giáo dân, và đoàn dâng lễ vật, tất cả mặc quốc phục cổ truyền, khăn đống áo dài gợi nhớ về quê hương Việt Nam.

Cha Phêrô Trần Văn Trợ tuyên úy cộng đoàn đọc phúc âm hôm nay, sau đó Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết tuyên úy công đồng giảng về ý nghĩa tết Giáp Thìn: Tổ Tiên của người Việt Nam là Lạc Long Quân vốn cốt rồng, và Âu Cơ vốn cốt Tiên, gặp nhau ở động Đình Hồ, sau đó sinh ra một bọc 100 trứng, nở ra trăm người con, Rồng ở nước, Tiên ở núi, nên khi chia ly, trăm người con được chia ra 2 ngã, 50 con lên theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi và đó là truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên của người Việt Nam…. Kết thúc bài giảng cha chia sẻ trong năm con rồng là một Kitô hữu, chúng ta quyết tâm vươn lên đức tin mạnh mẽ, đức cậy bền bỉ và đức ái cao cả, chúng ta cùng vươn lên cao trong việc làm chứng cho Chúa, là ngọn đuốc tỏa ánh sáng Tin Mừng chiếu soi cho những ai còn cô đơn, thất vọng, đem tình yêu đến cho những tâm hồn Thiếu vắng yêu thương.

Anh Giuse Mai Phước Thành thông báo, và đại diện ban Thường Vụ chúc Xuân tới mọi người, anh cũng không quên tạ ơn Thiên Chúa đã ban muôn hồng ân xuống cho cộng đồng, để lớn mạnh như hôm nay.

Đáp từ Cha Remy Bùi Sơn Lâm Tuyên Úy trưởng cộng đồng Công Giáo Việt Nam có lời chúc Chúa Xuân tới quý Cha, quý Tu Sĩ, Quý Sơ và toàn thể giáo dân một năm mới an khang và thịnh vượng.

Cuối cùng tất cả 4 cha Tuyên Úy cộng thêm 2 cha khách phát lộc đầu Xuân cho mọi người, để mang lời Chúa Xuân tới từng giáo dân trong cộng đồng.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 9 giớ tối. với nhiều ánh đèn lóe sáng, những chậu hoa vạn thọ, hoa mai vàng, để ghi lại những khoảnh khắc linh thiêng của đêm Giao thừa. Ngày lễ Giao Thừa thường là một dịp quan trọng để gia đình và bạn bè tụ tập, chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt và dự định cho năm mới. năm nay Quý Cha Tuyên Úy phát Lộc Đầu Xuân và lì xì cho Giáo dân.

Cộng đoàn ra về trong hân hoan và tin tưởng vì có Chúa cùng đồng hành với họ trong năm mới. Cung Chúc Tân Xuân.

Khanh Lai tường trình
 
Nam Úc: Thánh Lễ đón Giao Thừa và hái Lộc Xuân tại Gx Ottoway,TB Nam Úc
Jo. Vĩnh SA
17:37 10/02/2024
Thánh lễ đón Giáo Thừa và hái Lộc Xuân do cộng đoàn người Việt tổ chức tại nhà thờ thánh Maximillian Kolbe giáo xứ Ottoway, TGP Adelaide, tiểu bang Nam Úc

Chủ tế thánh lễ Lm. Phêrô Trần Trọng Mỹ phó xứ nhà thờ chính toà TGP Adelaide, cùng đồng tế có cha Marek Ptak chánh xứ giáo xứ Ottoway, kiêm tuyên úy cộng đồng Ba Lan tại Nam Úc

XEM VIDEO

Sau thánh lễ các linh mục tu sĩ và giáo dân cùng nhiều sắc dân i Ba Lan, Ấn Độ, Philipines cũng lên hái Lộc Xuân đón giao thừa Giáp Thìn 2024. Mừng Xuân mới. Họ rất thích khi được tham gia vào các lễ hội phong tục Việt Nam.

Lộc thánh được in bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Ba Lan và Việt Nam
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tết trong ngục tù cộng sản!
Đinh văn Tiến Hùng
13:56 10/02/2024
Tết trong ngục tù cộng sản!

Tết là ngày trọng đại mang nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam.Tết gợi lên những vui tươi đầm ấm nhất của tình gia đình, thân tộc và bạn bè. Những với người tù chính trị Tết mất hết cả ý nghĩa trên.

Chỉ còn ba ngày nữa là Tết đến với chúng tôi, những người tù tại miền rừng núi thâm sơn chướng khí giá lanh này, nên người địa phương có câu ‘Nước Sơn la, ma Nghĩa lộ’.Hoa dại đang thi nhau phô sắc trên đỉnh núi mây mù giăng toả mà chúng tôi gọi là’Cổng trời’. Đứng trên nhìn xuông phía dưới chỉ toàn màu trắng đục. Ngồi trên phiến đá cùng người bạn tù, lấy hai củ khoai ăn lót dạ sau khi leo lên tới đỉnh đã thấm mệt. Ăn xong vẫn còn thấy bụng cồn cào, sợ không đủ sức làm, tôi nói với bạn :

- Chúng ta tìm quanh đây xem có gì ăn được không?

- Ngoài măng còn gì nữa !

- Thôi cũng được, có còn hơn không.

Chúng tôi đứng lên kiếm một bụm măng non.Thật ra chẳng phải tìm kiếm khó khăn,vì đây là đỉnh vầu mọc nhiều hơn giang.Vầu là một loại giống cây tre, nhưng to và dài hơn nhiều, người Sơn cước dùng làm máng dẫn nước từ trên núi xuông bản làng. Măng vầu khi đã trồi khỏi mặt đất ăn rất đắng, nhưng còn chìm dưới đất ăn lại rất ngọt – nhiều người vì quá đói và thèm chất ngọt ăn nhiều bị sốt rét phù thủng – Hì hục đào bới mãi mới moi lên mặt đất một bụm măng bằng cổ tay. Đang ăn ngon lành anh bạn ngừng hỏi :

- Bạn trong ban tổ chức mừng Xuân, tối qua họp bàn có gì lạ không?

- Truyền thống muôn đời không thay đổi.Văn nghệ đón Xuân, viết báo liếp (làm gì có tường), mỗi người ba cái bánh chưng bằng lòng bàn tay, ba gói thuốc lá Tam đảo, Đồ sơn, thịt trâu già xào với rau lang.

- Thôi cũng được, có còn hơn không!

Tôi mỉm cười vì câu nói chua xót hoà vốn của người bạn được nhắc lại. Sau khi chặt đủ chỉ tiêu mỗi người 10 cây giang, chúng tôi chuẩn bị hạ sơn khi ánh nắng đã lên cao,vì buổi chiều còn phải về sớm chẻ lạt cung cấp cho nhà bếp gói bánh.Vì đường dốc lại trơn trựơt không đủ sức vác cả bó xuông núi, nên mỗi người khắc tên mình vào từng cây. Đứng trên lao xuống và hô thật lớn :

- Xuống cây ! Xuống cây !

Tiếng hô vang vọng núi đồi để bạn tù phia dưới biết mà tránh cho an toàn. Khi lao hết số cây, chúng tôi men theo đường mòn xuống núi, tìm đủ số cây gom lại vác về trại. Khi băng qua dòng suối chúng tôi dừng lại rửa mặt chân tay. Tiếng nước chảy róc rách qua khe đá cùng với tiếng chày rơi đều đều vào lòng cối mà người Thiểu số đã lợi dụng sức nước chuyển động để giã gạo. Bọn cán ngố gọi là ‘Chiếc chày tự giác’ mà người dân tộc nhờ ‘Đỉnh cao trí tuệ’ của “cán bộ Bác Đảng hướng dẫn”, đã biết vận dụng thiên nhiên thay cho sức người, cũng như chiếc xe ba gác kéo tay vang danh một thời của nhân dân tỉnh Kiến an để biến sức người thay sức ngựa.

Tôi đang bực mình vì sự khoe khoang ngu dốt của những “đỉnh cao trí tuệ loài người”, bỗng nghe tiếng cười vang của các cô gái Thái từ trên đỉnh đồi đi xuống lấy nước. Khi nhìn thấy những người tù ốm yếu, rách rưới, các cô e ngại dừng bước. Chúng tôi hiểu ý gật đầu làm hiệu rồi đi lên. Hai cô gái còn rất trẻ, nước da trắng trẻo, mặc quần đen áo trắng có riềm màu sặc sỡ nổi bật giữa núi đồi hoang dại. Nhưng với thân phận người tù có ‘tức cảnh sinh tình’cũng đành để lắng đọng trong tâm hồn mình. Theo đuổi những ý nghĩ quên cả sức nặng bó giang đè trên vai áo rách, chúng tôi lầm lũi theo con đường mòn về trại mà đâu hay mùa Xuân đang về trên cây cỏ rừng chiều hoang lạnh !

Chiều 30 Tết, khung cảnh trại tù được trang hoang sạch sẽ hơn mọi ngày. Ngay chiếc cổng tre ra vào hàng chữ đỏ nổi trên tấm vải vàng :”Chúc mừng năm mới “.Trước các lán (nhà), khẩu hiệu được treo lên theo chỉ thị như :”Lao động là vinh quang – Vui Xuân không quên học tập lao động tốt- Xuân về Bắc Nam xum họp, nhà nhà yên vui”.Trong hội trường phía trước là cờ đỏ sao vàng với hình Hồ chí Minh. Phía trên là hàng chữ ‘Không có gì quí hơn độc lập tự do’,dưới ảnh ‘Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta’. Chung quanh hội trường treo những tờ báo liếp được cắt dán loạn xạ từ những tờ báo “Liên sô, Nhân dân, Quân đội hay Sài gòn giải phóng…” với đủ các hình màu hí họa, các bài thơ và các câu châm ngôn của lãnh tụ như:

- “Hoà bình phát sinh từ nòng súng (Ông Mao )
- - Thiên tài chỉ có 10%, còn 90% nhờ lao động không ngừng (Lê-nin)
- Không có gì qúi hơn độc lập tự do (Ông Hồ )
- -Xưa yêu phong cảnh thiên nhiên đẹp, Mây gíó trăng hoa tuyết núi sông, Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong
(Ông Hồ với văn thi sĩ miền Bắc)

- -Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
( Tố Hữu )
“ -Mưa lớn coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ coi như không mưa. Mỗi người tích cực làm việc bằng hai” (Châm ngôn trại tù).

Sở dĩ chúng tôi cp nhặt tài liệu trong báo nhiều hơn là tự chế vì đa số anh em không muốn bộc lộ tâm tư mình.

Tối 30 thay vì tổ chức đón Giao thừa, “cán bộ” cho chúng tôi nghỉ lao động sớm để chuẩn bị ngày mai đón Xuân mới. Vì thực ra nếu có tổ chức lấy gì mà đón giao thừa. Pháo thì không có. Đạn thì phải để cho “bộ đội biên phòng ngăn giặc không đuợc bắn bậy”. Đồ ăn lại không có tiêu chuẩn cho đêm 30. Khi ‘cửa chuồng ’(danh từ tù viên đặt để chỉ nhà tù bằng tre nứa hai tầng giường giống chiếc chuồng gà khổng lồ) đóng lại, chúng tôi tụ tập từng nhóm. Người nhắc lại những kỷ niệm vui buồn về Xuân, vài anh ca nhè nhẹ những khúc nhạc Xuân quen thuộc. Nhóm Công Giáo quây quần quanh vị Tuyên úy trẻ tĩnh tâm ít phút trước khi dự Thánh lễ giao thừa âm thầm khó nghèo thật cảm động.

Khi tiếng cồng bằng trái bom vỡ vang dội núi rừng, trại tù hoàn toàn im lìm đen tối, nhường lại cho những âm thanh huyền bí núi rừng. Tiếng cựa mình của những bạn tù không ngủ, còn thao thức với những suy tư dằn vặt về thân phận mình và đồng bạn trong đêm Xuân đầu tiên biệt xứ. Giá lạnh sương đêm dâng lên mỗi lúc một nhiều, cùng với cơn đói cồn cáo ruột gan bào mòn thân xác….

Sáng ngày mùng 1 Tết, không phải thức dậy 6 giờ như ngày thường và đuợc miễn vác đá. Vì cứ mỗi sáng vừa nhảy xuống giường, đã nghe tiếng còi réo gọi của những tên “quản giáo”, bắt mọi người lao xuống suối vác một tảng đá chạy ngược lên đồi, xếp thành đống lớn chuẩn bị xây nhà tù biệt giam.Việc làm này không được miễn ngay cả những ngày mùa đông mưa phùn gíó bấc lạnh buốt da thịt, có lẽ cũng là tác dụng làm cho người tù tỉnh ngủ và quên lạnh.

-Mùng Một Tết được ngủ đến 8 giờ sáng, nhưng mọi người đã thức dậy. Không khí trong phòng xôn xao hơn ngày thường, tiếng chào gọi chúc nhau:’Chúc năm mới khỏe mạnh! Chúc sớm xum họp với gia đình!’ Tôi đi một vòng chúc các bạn tù. Riêng anh TĐB người bạn rất thân cùng Binh chủng LLĐB–mấy hôm nay bị tiêu chảy còn quá yếu vẫn nằm trên giuờng.Tôi tiến đến vỗ nhẹ lên người anh: “Chúc bạn sớm bình phục! Hãy cố gắng lên!’Anh khẽ gạt đầu rơm rớm nước mắt. Anh B và tôi đã cùng sống với nhau qua nhiều trại tù miền Bắc, cùng chia sẻ đắng cay tủi nhục để cố vượt qua mong có ngày trở về. Rồi tôi chuyển trại vào Nam và được phóng thích trước anh mấy tháng. Khi anh trở về chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên. Tôi sang Hoa kỳ định cư trước anh. Những ngày đầu vội vã bận rộn mưu sinh nơi quê nguời, tôi chưa kịp liên lạc cùng bạn bè nơi quê nhà, thì một hôm đọc báo qua lời Phân ưu mới biết anh đã vĩnh viễn ra đi. Ôi những năm tháng nghiệt ngã trong lao tù anh đã gượng sống mong ngày trở về, nhưng anh lại nằm xuống khi những ước vọng làm lại cuộc đời chưa thực hiện được….

Đúng 9 giờ cửa phòng giam mở, sắp hàng lên hội trường. Các đội lần lượt vào hội trường, trên tay mỗi người cầm một chiếc ghế tre để ngồi. Bọn “cán bộ” và “vệ binh” cũng có mặt đông đủ, “quân phục” gắn “quân hàm” (cấp bậc) và chúng không quên mang theo vũ khí. Một lát sau tên trại trưởng và cán bộ ‘khung’ bước vào sau tiếng hô nghiêm, mọi người đứng dậy.

Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức “chào cờ và suy tôn lãnh tụ”. Tiếp theo tên chính trị viên đọc “thư chúc Tết của Chủ tịch Nước gửi đồng bào”. Một trại viên (tù binh) đại diện đọc “thư chúc Tết cán bộ và toàn thể trại viên” (bài được soạn sẵn theo ý của chính trị viên). Sau cùng tên trại trưởng mang “quân hàm thiếu tá” vuốt áo ngay ngắn đứng lên, cất cao giọng thuộc lòng như vẹt :

“Nhân danh thủ trưởng trại, đại diện Nhà nước, Đảng và cán bộ trại, tôi gửi lời chúc các anh trại viên một năm mới: học tập lao động tốt để sớm xum họp với gia đình. Nhà nước và Đảng luôn quan tâm đến các anh, đặc biệt năm nay lần đâu tiên các anh đuợc hưởng một cái Tết tại miền Bắc với 30 năm’ tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa’. Miền Nam gọi, miền Bắc thưa. Suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, miền Bắc là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam từ hạt gạo bẻ đôi, hạt muối cắn làm hai để mới có như ngày hôm nay. Nam Bắc đã thống nhất, nhưng hậu quả của Mỹ-ngụy để lại còn nặng nề cần phải cải tạo để miền Nam theo chân miền Bắc đi lên. Các anh là những người lầm đường, đã tiếp tay phá hoại Đất nưóc.Tội các anh trước nhân dân rất lớn, nhiều như lá rừng nước biển, nhưng các anh nếu biết thành tâm hối cải, học tập lao động tốt sẽ được nhân dân và nhà nước khoan hồng để sớm trở thành người công dân tốt, hữu ích cho gia đình và Đất nước….”

Gịong điệu này chúng tôi nghe đã quá chán không biết bao nhiêu lần mỗi khi lên lớp học chính trị. Chúng tôi tự hỏi: Không biết “30 năm xây dựng XHCN miền Bắc” như thế nào, mà xe chở tù chạy suốt dọc đường qua các phố thị, làng mạc, chỉ thấy nhà cửa xiêu vẹo, ruộng vườn xác xơ. Hình ảnh hai phụ nữ gầy ốm xanh xao gồng người kéo cầy, cùng cụ già áo rách đẩy phía sau làm tôi không sao quên đuợc. Những nhà cũ kỹ từ thời Pháp còn sót lại lên mầu nâu xậm. Người đi bộ nhiều hơn xe đạp nơi các thành phố. Những ngôi nhà thờ, chùa chiền vắng tiếng chuông vì đã biến thành hợp tác xã nông nghiệp hay chăn nuôi. Nhưng chẳng thấy lúa gạo, trâu bò, gà vịt đâu cả, có lẽ “đã chi viện cho miền Nam hết rồi”. “Tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc” quá đến nỗi trẻ em không đuợc cắp sách đến trường, mùa đông ngồi trước căn nhà lá xiêu vẹo với chiếc áo rách mong manh, trông nhà cho cha mẹ đi “lao động XHCN”. Những cô gái dâng cả tuổi xuân “cho Bác và Đảng” trong Nông trường tập thể. Bao thanh niên vượt Trường sơn vào Nam để chôn xác nơi khe núi rừng sâu.

Mãi suy tư tôi chẳng để ý tên “thủ trưởng” nói tiếp những gì cho tới khi mọi người lục tục ra khỏi hội trường, mặt trời đã gần đứng bóng. Đội nhà bếp thông báo anh em lãnh tiêu chuẩn ba ngày Tết. Mỗi ngừoi ba bánh chưng bằng lòng bàn tay, ba gói thuốc lá hay thuốc lào. Phần ăn trưa: một chén cơm “thực đơn cao cấp”, vì ngày thường chỉ ăn khoai hay sắn, một chén thịt trâu hầm (tính luôn cả xương và da), một chén rau lang xào với ba miếng lòng bằng đốt ngón tay và nước chè tươi không giới hạn tiêu chuẩn. Bữa ăn của một gia đình nghèo nhất tại miền Nam đón Xuân còn thịnh soạn hơn nhiều, nhưng đối với người tù đây là biến cố để đời.

Tối mùng một Tết là chương trình văn nghệ đặc biệt mừng Xuân do các tù viên’ tự biên tự diễn’. Mở đầu là hoạt cảnh “Táo cải tạo du Xuân” do một tù viên đóng vai Táo quân hia mão chỉnh tề. Ông Táo mặt mày hí hửng, tay dắt xe đạp, vai mang cái “đài” (radio) và tay đeo chiếc “đồng hồ hai cửa sổ” (những đồ này cán bộ vui vẻ cho mượn vui Xuân), lững thững bước ra, vạch ống tay áo xem giờ, vặn đài rú lên, cúi chào tứ phía, rồi cất cao giọng : “Tôi là Táo cải tạo, trước khi về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế trình tâu mọi việc của trại trong suốt năm qua. Xin chúc Quí cán bộ sống lâu trăm tuổi, quí anh em trại viên học tập lao động tốt mau về đoàn tụ với gia đình..”

Đang thao thao, bỗng tiếng đài tít tít báo hiệu giờ điểm.Táo quân vội giơ đồng hồ lên xem hốt hoảng: “Chết rồi, đã đến giờ về chầu Ngọc Hoàng, ta phải khẩn trương không trễ mất, cũng may có cái xe đạp tranh thủ cũng còn kịp.” Nói rồi dắt chiếc xe đạp chạy vào văng cả hia mão. Hội trường được dịp tha hồ vỗ tay cười la hét cổ vũ. Có vài anh còn hô to ‘Bis ! Bis !’. Bọn cán bộ cũng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng chúng không ngờ màn hoạt cảnh vừa rồi anh em đã nghiên cứu trước và được “cán bộ chính trị thông qua” với mục đích chế diễu phong trào “3 Đê” của “cán bộ” miền Bắc khi mới vào Nam sau 30/4/75 – đều ao ước có một chiếc xe Đạp mới, vai mang cái Đài và tay đeo Đồng hồ hai cửa sổ.

Những màn trình diễn tiếp theo gồm đơn ca, hợp ca, có cả vũ quạt, múa nón do tù viên giả trai trông khá hấp dẫn. Cuối cùng là kịch vui ‘Xã Xệ, Lý Toét du Xuân’gồm hai màn độc đáo. Xen kẽ còn có vọng cổ rất mùi…Buổi trình diễn kéo dài tới khuya mới chấm dứt.

-Sáng mùng 2 lại được dậy trễ, tiếp tục các trò chơi như kéo giây, nhạy bị, cướp cờ, chơi cờ tướng…Giải thưởng là báo ảnh, thuốc lào, thuốc lá và bánh chưng.Tiêu chuẩn thực đơn giống ngày mùng 1. Nhân dịp vui Xuân cho phát biểu ý kiến, chúng tôi đề nghị được thay đổi thực đơn và tăng thêm khẩu phần cơm (vì chỉ một chén cơm ăn vẫn còn đói) đã được cán bộ trả lời :”Nơi miền rừng núi gạo rất hiếm, từ miền xuôi (đồng bằng) chuyển lên có định mức nhất định.Thịt heo, gà,vịt cũng thiếu, chỉ có thịt trâu do đồng bào thiểu số thông cảm chia bớt cho trại (thực tế đó là những con trâu già ốm không còn cầy bừa nổi nên thịt dai như cao su).Vì thế không thể thay đổi. Các anh chịu khó khắc phục đợi đến Xuân sau.

Tối mùng 2 Tết xem chiếu phim. Nhờ công lao vất vả của đội trực phải lặn lội trên 10 cây số, gồng gánh khiêng vác máy và phim, vượt đồi lội suối mượn từ huyện về, gồm 3 bộ phim ‘đặc sắc’ là: “Chiến thắng Điện biên – Giải phóng miền Nam và bác Hồ với thiếu nhi”.

Trước khi chiếu, cán bộ văn hoá huyện có dịp đề cao tuyên truyền từng phim. Phim thì cũ rích, ráp nối nên hay đứt.Tiếng’ thuyết minh’ rời rạc khó nghe, hoà với tiếng máy rè rè suốt 4 tiếng đồng hồ đưa nhiều tù viên vào giấc mộng du Xuân, chỉ bừng tỉnh khi tiếng vỗ tay trổi lên sau mỗi cuốn phim chấm dứt.

Cuộc vui nào rồi cũng qua mau, nhất là những cuộc vui gượng ép trong chốn ngục tù lại càng qua mau hơn chẳng để lại chút gì vấn vương.

Tập tục dân tộc Việt nam là nghỉ ít nhất là 3 ngày Tết, có nhiều nơi tại miền Nam kéo dài cả tuần với những Lễ Hội tưng bừng. Trong tù bọn cán bộ nói cho nghỉ 3 ngày, nhưng đến ngày mùng 3 chúng bày trò truyền thống ‘trồng cây nhớ ơn Bác’. Chỉ tiêu mỗi người 100 hốc sắn đào trên đồi đá khô cứng. Những tên cán bộ vờ vĩnh tham gia công tác, nhưng ở khu đất mềm trước ban chỉ huy và mỗi tên lãnh bao nhiêu hốc ai mà biết được, chỉ thấy chừng 1 tiếng sau chúng đã phủi tay về trại. Còn bọn chúng tôi hì hục tới 5,6 giờ chiều mới xong.Về trại còn phải lo tổng vệ sinh để sáng mùng 4 tiếp rục đi lao động sản xuất cho “đủ chỉ tiêu và kịp thời vụ.”

Rửa tay chân xong về trại lãnh khẩu phần mùng 3 Tết gồm hai củ khoai lang và chén rau luộc chấm muối thì trời đã tối. Đêm núi rừng xuống mau mang theo giá lạnh gió núi sương rừng tê buốt cả thân xác và tâm hồn.Từng người tù ngồi yên lặng trong bóng đêm, chậm chạp nhai từng miếng khoai như những con trâu già nhai lại. Chúng tôi đang nghĩ về thân phận mình và đặc biệt các bạn tù bị biệt giam nơi hốc đá phía sau đồi, về cuộc vui giả tạo vừa qua, về một chế độ coi con người thua thú vật. Tiếng từ điếu thuốc lào rít lên của người bạn tù. Những đóm lửa lập loè ma quái của đầu điếu thuốc đang cháy dở, mùi thơm thoang thoảng bay theo gió rừng.

Bụng càng cồn cào khi ăn hết hai củ khoai và chén rau rừng, tôi định bóc chiếc bánh chưng thứ ba còn lại ăn nốt. Nhưng lại thôi vì chợt nghĩ đến ngày mai cần ‘bồi dưỡng’ cho một ngày lao động kiệt lực.Tôi giơ tay lên vuốt mặt, không ngờ nước mắt mình đã trào ra. Các bạn tù chắc cũng đang mang một tâm trạng như mình. Lúc mày tôi mới hiểu thấm thía câu :

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”./.

(Trích Nhật ký trong ngục tù Cộng sản)
 
Văn Hóa
Về Quê 2
Vũ Văn An
22:11 10/02/2024

Hà Nội

Ngày 31/12, đại gia đình chúng tôi cùng bay ra Hà Nội, sau khi tất cả các cháu đã từ Phú Quốc trở lại Sài Gòn. Lúc này, mọi người đều mạnh khỏe, chỉ riêng một mình tôi là phục hồi cơn đau cổ họng kéo dài cũng đến cả gần tuần lễ. Không gì lo lắng bằng bị “bệnh trên đất khách quê người”. Tôi tự đi tìm mua thuốc đau cổ họng, nhân lúc đi bọc răng ở đường Nguyễn Cư Trinh. Hỏi người giữ an ninh của cơ sở chữa răng về địa chỉ nhà bán thuốc, anh ta bảo ngay trước mặt kìa. Nhưng nhìn mãi mới nhận diện được tiệm thuốc, nó giống như một tiệp tạp hóa ở một khu ngoại ô thời trước 1975. Vừa nói thuốc đau cổ họng, cô bán thuốc đã gói cho 5 gói, mỗi gói có đến năm thứ thuốc khác nhau, tôi bảo có thuốc ngậm chữa đau cổ họng không, cô bán trao cho một thứ thuốc ngậm của Đức. Ít nhất cũng bảo đảm hơn vì thuốc “có tên có tuổi”, chứ 5 thứ thuốc kia không “có tên có tuổi” ai mà dám uống! Anh con rể bác sĩ bảo tôi như thế.

Họa sĩ vỉa hè Hà Nội


Đến Hà Nội vào buổi chiều. Hãng du lịch đón chúng tôi từ phi trường Nội Bài bằng một xe buýt 45 chỗ ngồi, chở về khách sạn Dal Vostro ở Ngõ Bảo Khánh cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Xe vượt cầu Thăng Long, bắc qua Sông Hồng, song song và nằm cạnh cầu Long Biên, đưa chúng tôi vào khu vực cổ thành Hà Nội, qua các phố đầy trang trí Hàng Gai, Hàng Lược, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Mã... Xe buýt phải đậu ngoài đường Bảo Khánh không vào được ngõ Bảo Khánh khá hẹp, nên chúng tôi buộc phải xuống đi bộ vào khách sạn cách đó chừng mấy chục thước, lần đầu tiên chạm trán với lượng người ngược xuôi của Hà Nội. Cũng giống như ở Sài Gòn, mình mà nhường người lái xe ôtô và môtô ở đây, thì đến “tận thế” cũng không thể đi đến nơi về đến chỗ được.

Đêm ấy, Hà Nội lên cơn sốt. Mấy ông công an ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cứ luôn mồm: đã cấm mà cứ chạy xe vào “nà nàm sao?”. Chúng tôi khá vất vả mới tụ tập nhau được ở Mẹt Vietnamese Restaurant ở Hàng Gai để tiễn năm 2023, đón mừng năm 2024. Hóa ra thức ăn ở đây cũng thường thôi. Các thực khách chúng tôi lại cứ đòi uống cho được Bia Sài Gòn, chứ không chịu uống Bia Hà Nội, làm mấy chiêu đãi viên hơi ngạc nhiên. Vì mệt, sau bữa ăn, người lớn chúng tôi về lại khách sạn nghỉ ngơi, để bọn nhỏ khám phá Hà Nội đêm giao thừa. Lạ một điều, đêm ấy tôi ngủ rất ngon.

Sáng hôm sau, sau khi dùng bữa sáng ở Khách Sạn, chúng tôi chia tay nhau đi thăm thú Hà Nội, tôi và nhà tôi chọn đi quanh Hồ Hoàn Kiếm ngay bên cạnh Khách Sạn. Dù sân khấu khổng lồ dựng lên ở đường Đinh Tiên Hoàng đã lần lượt được gỡ đi, nhưng lượng người quanh Hồ Hoàn Kiếm, nhất là dọc Đường Đinh Tiên Hoàng, vẫn đông vô kể từ sáng sớm đến chiều hôm. Thật khác với năm 2001, khi lần đầu tiên, vợ chồng tôi và vợ chồng con gái thứ hai đến đây, cũng vào dịp đầu năm dương lịch, nhưng quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ lác đác một số người, chúng tôi muốn chụp hình lúc nào cũng được, không bị trở ngại như dịp này. Người Hà Nội quả đã “phú quý sinh lễ nghĩa”, lũ lượt kéo nhau dạo quanh hồ. Có điều, người đông như thế, nhưng không hề có một trò giải trí nào cả, dù là của mấy anh chị nghệ sĩ “nghiệp dư” hát hay trình diễn kiếm “đồng xu lẻ”. Người ta chỉ đi đi lại lại quanh hồ Hoàn Kiếm, dọc theo Đường Đinh Tiên Hoàng, “ngắm nhau”. Những người “kiếm đồng xu lẻ” duy nhất quanh hồ là các họa sĩ vẽ chân dung. Ôi thôi đủ cả ông già, cô gái, chàng trai. Ai cũng trưng những hình chân dung đẹp đẽ để mời mọc. Tôi “sa chước cám dỗ” cũng đã ngồi để người họa sĩ dạo vẽ chân dung. Anh ta bảo tôi ngồi yên, không cần cười và nhìn thẳng để anh ta vẽ. Chỉ khoảng 20 phút sau, bức chân dung của tôi được hoàn thành, tôi bảo: đâu có giống, nhưng anh ta quả quyết: giống chứ! Trông mặt tôi dài ra và trẻ hơn. Bức chân dung của người họa sĩ khác vẽ cả gia đình đứa con trai út của tôi gồm 4 người cũng thế, ai cũng trẻ hơn và không giống lắm. Thôi, một trăm năm mươi nghìn cho một bức chân dung thì làm sao giống cho được!

Lượng người đông như thế mà “toilets” công cộng chỉ có 1 hoặc 2 chiếc, thì làm sao “giải quyết” được vấn đề. Tôi vốn gặp rắc rối về phương diện này. Còn nhớ ở Đài Bắc năm 2012, trên đường đi thăm ngọn núi lưu huỳnh, tôi đã nói với hướng dẫn viên du lịch về nhu cầu “phải giải quyết vấn đề” của tôi, nhưng anh ta cứ nằng nặc cho rằng sắp đến nơi rồi, thành thử chưa đến nơi, tôi đã làm ướt cả quần. Rồi năm 2018, ở Dubai, hôm ấy vì thấy chân xưng lên, nên tôi phải uống Frusemide để thoát nước, hy vọng đến khu Burj Al-Arab Jumeirah sẽ có toilet cho mình “giải quyết vấn đề”, bất ngờ tôi không tìm thấy toilet nào ở đó cả, do dự kiện chúng tôi chỉ đứng ở bên ngoài tòa nhà giống như chiếc buồm. Tôi phải nép sau một trạm xe buýt dọc đường gần đấy để “giải quyết vấn đề”, may mà không bị ai phát hiện. Lần này cũng thế, sau 2, 3 giờ dạo quanh hồ, tôi cảm thấy có nhu cầu, nên vội đi tìm McDonald ở góc đường Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay. Chạy vội lên lầu, thấy toilet nhưng nhiều người trước mình đang đứng chờ, tôi phải xin lỗi, vượt hàng rào nhào tới trước. Vậy mà cũng không kịp! Chiều về đành phải ra Càfê Sinh gần đó nhờ giặt đồ. Chẳng biết hai bộ quần áo của tôi nặng bao nhiêu ký (họ tính ký), nhưng người quản lý bảo tôi trả 96 nghìn đồng, tôi đưa cho anh ta trọn 1 trăm nghìn. Anh ta cám ơn, nói: cái ông bà người Úc trước chú kẹo quá, trả giá từng đồng!

Tôi biết Nhà thờ lớn Hà Nội nằm đâu đó gần Hồ Hoàn Kiếm, nhưng mãi buổi chiều hôm 1 tháng 1, tôi mới tới được, kịp tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Nhà thờ này vốn có từ rất lâu, theo sử sách được khánh thành vào dịp lễ Giáng Sinh năm Đinh Hợi (1887), tuy từ thập niên 1920, mới được dùng làm nhà thờ chính tòa và tòa giám mục của Địa phận Tây Đàng Ngoài, chuyển từ Sở Kiện đến vị trí ngày nay. Có lẽ vì thế, bên ngoài, nhà thờ lớn Hà Nội trông xấu xí, vì đen đúa, mặc dù khách ngọai quốc tuôn đến đó rất đông và phần lớn trầm trồ khen ngợi và chụp hình lưu niệm ở bên ngoài, nhưng bên trong thì tuyệt đẹp. Tôi cho rằng từ ngày Đức Cha Thiên về tri nhậm tổng giáo phận Hà Nội, gian cung thánh nhà thờ này đã có nhiều cải thiện, trông rực rỡ hơn năm 2001 nhiều, nhất là ngai tòa Giám Mục, hết sức hoành tráng, kiểu Gôtích, vút cao tới trần nhà thờ. Ca đoàn hát cũng hay hơn, tôi đã ghi âm các ca khúc của họ. Hôm đó có đám cưới của một thanh niên có tên nửa tây nửa ta còn người vợ thì tên Việt hoàn toàn. Nhà thờ rất đông, nhưng nhìn kỹ thì đa phần không đứng, quỳ, bái gối đúng phép, nhiều người vào chụp hình rồi rời khỏi. Nhà tôi cứ trách tôi tham dự thánh lễ mà mặc áo thung. Nghĩ cho cùng, tôi đâu có chủ ý tham dự Thánh Lễ, chỉ muốn đến Nhà Thờ thăm thú, nào ngờ có thánh lễ, lại là Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, lễ trọng, làm sao bỏ dịp may cho được. Chúa nào chấp áo thung hay áo vét.

Chiều tối hôm đó, tôi và nhà tôi cùng bọn trẻ cuốc bộ đến khu vực thưởng thức xe lửa chạy sát qua bên mình! Một trò tiêu khiển, nhất là của khách ngoại quốc khi đến Hà Nội, mà các cháu nhà tôi thì “ngoại quốc” hết cả rồi. Đi bộ với chúng quả hụt hơi. Rồi cũng tới nơi. Nhưng tôi và nhà tôi đành bỏ cuộc không thưởng thức cảm giác xe lửa chạy sát bên mình, vì thái độ của các chủ quán cà phê hai bên đường xe lửa. Họ tự động bít đường đoạn xe lửa chạy sát nhất, không cho ai ra vào cho đến khi xe lửa chạy qua, chỉ cho những người chịu trả tiền cho các ly cà phê của họ vào mà thôi. Thực ra thì trả tiền uống cà phê của họ đâu có chi là sái luật, nhưng việc họ bít đường thì quả là người trọng luật không thể chịu đựng được. Không chịu được thì cút đi! Đó là nguyên văn lời một chủ quán. “Người ngoại quốc” là các cháu của tôi chẳng ngại gì lời thóa mạ ấy, vì đến Hà Nội mà không thưởng thức trò giật gân này là không xong.

Ninh Bình

Sáng hôm sau, chúng tôi từ giã Hà Nội đi Ninh Bình, đất dấy nghiệp của ba họ Đinh, Lê, Lý, nổi tiếng về thịt dê, thịt dê tươi, thịt dê đủ thứ, có cả “dê ủ chấu” [nguyên văn, phải là trấu] và những ngôi nhà to xây theo lối tây phương có “dome” tròn nổi bật. Xe búy đưa chúng tôi qua ngả Hưng Yên đến Ninh Bình vào buổi trưa, dừng lại dùng bữa trưa tại một nhà hàng ven đường. Ngoài chúng tôi ra, không có một thực khách nào khác tại phòng ăn rộng mênh mông. Dù nhà hàng quảng cáo thịt dê, nhưng trong bữa ăn, chúng tôi không gọi món ăn này.

Thủy Đình, Tràng An, Ninh Bình


Theo chương trình, sau bữa ăn trưa, chúng tôi sẽ tới Tam Cốc, ngụ tại Tam Cốc Bungalow, được tự do cả buổi chiều hôm ấy. Nhưng hướng dẫn viên chuyến đi, dựa vào tiên đoán thời tiết sẽ có mưa vào ngày hôm sau, đã thay đổi chương trình, dẫn chúng tôi tới Hang Múa ngay chiều hôm đó.

Đường vào Hang Múa vẫn chưa trải nhựa và tương đối hẹp, hẹp đến nỗi tôi không biết các xe ngược chiều sẽ xoay trở ra sao. Nhưng họ đã xoay trở được. Vào đến địa điểm thì đường tuy đã đổ bêtông nhưng vẫn hẹp như đường bên ngoài. Lúc chúng tôi tới chỉ lác đác một vài chiếc xe chở khách, nhưng lúc rời đó, rất nhiều xe chở khách đậu kín cả bãi đậu xe. Có thể nói, người “muôn nước” đổ về đây từng đoàn, đông nhất và đáng chú ý hình như người Ấn Độ, vì họ nói năng ồn ào như “ở nhà”.

Lần đầu tiên tôi thấy dê tung tăng trên lưng chừng núi, mầu trắng rất dễ nhận dạng. Đất dê có lẽ vì vậy chăng, đi khắp thành phố, ra cả ngoại ô đến 30 phút chạy xe, vẫn thấy các bảng quảng cáo về thịt dê! Đường từ bãi đậu xe vào đến chân Hang Múa rất hẹp, phải cuốc bộ thôi. Cuốc bộ đường thẳng không có vấn đề gì với tôi, vì ngày nào tôi cũng cuốc bộ một tiếng đồng hồ, kể cả Chúa Nhật và ngày lễ. Nhưng leo bậc thang thì chắc chắn là một vấn đề lớn đối với tôi. Dù đã trang bị chiếc gậy tôi vốn có từ hồi 2018 lúc leo lên Dome chính của Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma, tôi cũng chỉ leo được 243 bậc trong số 500 bậc của Núi Múa. Con số này tôi biết được, vì khi dừng lại cùng một bậc với tôi, một em bé, dường như Ấn Độ, nói với bố two hundred and forty three! Đường đi xuống có khi còn gây trở ngại cho tôi nhiều hơn đường đi lên. Được cái vừa dựa vào gậy vừa dựa vào tường, nên từ từ tôi xuống tới nơi an toàn, dọc đường nhận được không ít lời khích lệ, “ba con bằng tuổi bác không đi được như vậy đâu”. Không biết chị bạn này có biết tuổi thật của tôi hay không?

Xe buýt đưa chúng tôi tới Tam Cốc, dừng lại tại bến thuyền chở du khách đi sông. Từ đó, chúng tôi phải cuốc bộ chừng 10 phút dọc theo sông để tới Tam Cốc Bungalow, một quần thể gồm tới 15, 16 căn hộ mái tranh tường tre, có máy lạnh, giữa cảnh trí khá nên thơ vì dựng ngay cạnh Sông Ngô Đồng trên đó những con thuyền gỗ được các phụ nữ chèo bằng chân đưa du khách đi tham quan. Căn số 5 của vợ chồng tôi thực tế nằm sát bờ con sông, thấy thuyền du khách mặc áo phao chạy qua thong thả trên một dòng sông phẳng lặng thấp thoáng sau hàng bưởi đầy trái chín vàng, mà vui. Có điều đèn đóm hơi tù mù. Tôi có thói quen làm việc với chiếc laptop mang theo, nên hơi thất vọng khi không thực hiện được việc này vì thiếu ánh sáng. Muốn làm như thế, tôi phải tới khu sinh hoạt chung, lúc nào đèn đóm cũng sáng choang.

Tối hôm đó, chúng tôi ra ngoài khu phố Tam Cốc dùng bữa tối cả gia đình. Hóa ra thực phẩm Tam Cốc không đến nỗi tệ, ít nhất cũng khá hơn Mẹt Vietnamese Restaurant ở đường Hàng Gai, Hà Nội mà lại rẻ hơn nhiều. Điều đáng nói là bọn nhỏ “ăn đến phát sợ”, gọi đủ món, kể cả một con vịt nướng than, chưa bao giờ từng thấy! Tiện đi dạo phố Tam Cốc, ngắn thôi nhưng cũng đủ mặt hàng, kể cả Pizza đúng điệu Ý và đầy du khách ngoại quốc, ngồi nhâm nhi bia, hoặc đọc sách. Trên đường trở về Bungalow, một đoàn phụ nữ đang diễn tập thể vũ nhịp nhàng, có đến hơn 5 chục chị, khiến nhiều người trong chúng tôi nhập đoàn. Tam Cốc về đêm thật yên tĩnh giữa cảnh sông nước hai bên tràn đầy ánh sáng.

Ngày hôm sau, trời trở mưa thật và có gió lạnh. Lần đầu tiên các áo mùa đông được mang ra sử dụng, bõ công mang theo từ Sydney mà chưa bao giờ trước đó được sử dụng, kể cả ở Hà Nội. Hôm nay, chúng tôi đi Tràng An, khu vực được UNESCO liệt kê là di sản của thế giới. Tại đây có di tích của ba triều vua cai trị Việt Nam cuối thiên niên kỷ thứ nhất đầu thiên niên kỷ thứ hai: Đinh, Lê, Lý. Chúng tôi thăm đền Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Công Uẩn. Điều đập vào mắt tôi là lối xây các ngôi nhà từ ngoài vào trong, lối đi qua các ngôi nhà này không hoàn toàn mở mà được xây ngang bằng một bức tường đủ cao để người vào phải cúi đầu khi bước qua, vô tình, tỏ lòng cung kính nhà vua. Điều thứ hai là long sàng, giường vua, không biết có đúng lịch sử không, nhưng tất cả đều bằng xi măng. Các đền vua này thật vô nghĩa khi so sánh với Tử Cấm Thành của Bắc Kinh hay các đền vua của Hán Thành, những nơi tôi từng được đến thăm. Ở lối dẫn vào Đền Đinh Tiên Hoàng, có một con trâu và người “mục đồng” cầm sẵn một bó bông lau hay tương đương gì đó. Tôi thấy một cặp tây phương dừng lại để người đàn ông tiến tới người “mục đồng” xin đội nón và ngồi lên con trâu tay mang bó bông lau đúng điệu Đinh Bộ Lĩnh lúc còn nhỏ.

Trừ triều Lý tương đối dài (đến 200 năm), triều Đinh chỉ vỏn vẹn 12 năm, triều Lê cũng không hơn gì, qua được 3 đời vua, chấm dứt với Lê Long Đĩnh. Thái Hậu Dương Vân Nga của nhà Đinh, thức thời ở điểm vì họa Nhà Tống, nên đã bằng lòng trao ngôi vua của con là Đinh Phế Đế, lúc đó mới có 6 tuổi, cho Lê Hoàn nhờ thế Lê Hoàn, tức Lê Đại Hành, đã đánh đuổi được quân Nhà Tống. Điều không nên là bà đã trở thành hoàng hậu của Lê Đại Hành, vi phạm đạo đức Khổng Mạnh một cách lộ liễu. Điều đáng nói là với tôi Lê Long Đĩnh, tức Ngọa Triều, vốn là ông vua trác táng, vô dụng để mất sản nghiệp cha ông về tay Lý Công Uẩn. Nhưng Wikipedia vẽ nên một Lê Long Đĩnh khác: Ông đầy tham vọng, tuy là con thứ năm của Lê Đại Hành, nhưng khi người con đầu vốn được Lê Đại Hành chọn làm đông cung thái tử qua đời sớm, Long Đĩnh đã tự ứng cử làm thái tử. Động thái này được Lê Đại Hành hoan nghinh, nhưng không được triều đình ủng hộ, chọn Lê Long Việt con cùng mẹ với Long Đĩnh. Cai trị được đúng 3 ngày, Long Việt bị Long Đĩnh giết. Long Đĩnh lên ngôi lấy tên hiệu dài thoòng Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế.

Việc đầu tiên là Long Đĩnh lùng sục các hoàng tử anh em, giết đi hoặc loại trừ để tránh hậu họa. Nhưng về ngoại giao, Long Đĩnh thân thiện với Trung Hoa, nhận được của Vua Nhà Tống “bộ Cửu kinh gồm: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ; là 9 bộ sách nền tảng của văn minh Trung Hoa, lần đầu tiên nhập vào Việt Nam là do Lê Long Đĩnh lấy về. Cả bộ “kinh Đại Tạng là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa sưu tầm và dịch thuật suốt 1,000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5,000 quyển”. Ngoài ra, ông cũng chăm lo kinh tế bằng cách cho xây đắp các tuyến đường lớn, những con đường thủy bộ cho vững chắc để tiện việc giao thương.

Wikipedia cũng cho rằng “Vào những năm cuối đời, sách sử đa số nhận định rằng Lê Long Đĩnh là một hôn quân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nói, Lê Ngọa Triều tính hiếu sát thường thiêu sống, dìm nước hay dùng dao cùn mà tùng xẻo tù nhân; sư sãi vốn có thế lực rất lớn đối với chính sự nhưng Ngọa Triều từng sai người róc mía trên đầu sư Quách Ngang để làm trò cười; lại nuôi nhiều bọn hề làm trò khôi hài trong triều để làm loạn lời tâu việc của các quan. Do những việc làm đó, Ngọa Triều bị quan lại và dân chúng căm ghét. Sử cũng chép rằng, vì chơi bời sa đọa, nên Lê Long Đĩnh bị bệnh trĩ không ngồi được, phải nằm mà coi chầu, nên được gọi là Lê Ngọa Triều. Tuy nhiên, nhiều người nhận định chơi bời sa đọa không phải là nguyên nhân sinh ra bệnh trĩ, mà có thể Lê Long Đĩnh bị suy nhược bởi nhiều nguyên nhân nào đó. Vào lúc này, vị vua họ Lê suy nhược đang không biết có một người mình tin cậy lại là người có khả năng thay thế mình. Chính là vị trưởng quản lính thân vệ Lý Công Uẩn”.

Long đĩnh chết lúc 24 tuổi, các con còn trẻ, nên triều đình đã tôn Lý Công Uẩn, người vốn được Long Đĩnh tin cậy đến phút chót tuy vẫn nghi ngờ nhà họ Lý nói chung, lên làm vua, mở đầu nhà hậu Lý. Lý Công Uẩn hay Lý Thái Tổ, là người đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La vào năm 1010, đổi tên thành Thăng Long, nay là Hà Nội.

Trưa hôm nay, chúng tôi được hãng du lịch đãi ăn trưa tại khu vực Tràng An có cả thịt dê luộc, cuốn bánh tráng với rau sống và chấm nước chấm. Có điều, thịt dê không ngon như quảng cáo, nên chỉ được chúng tôi dùng một hai miếng, để lại phần lớn, khiến hướng dẫn viên du lịch không hài lòng. Ước chi họ nấu lẫu dê giống như có lần tôi được thưởng thức tại nhà một người bạn ở Lakemba, một khu ngoại ô của Sydney, do một đầu bếp người Miền Nam nấu.

Ăn trưa rồi, chúng tôi tới “hải cảng” để đi thuyền. Không giống như Tam Cốc, địa điểm lên thuyền ở đây trang trọng hơn: đường dẫn tới bến được trang trí đèn lồng rực rỡ, đường chữ chi dẫn tới thuyền có lan can bằng gỗ sơn bóng. Từng 5 người một lên một con thuyền, được một người thường là phụ nữ chèo. Người hướng dẫn du lịch dặn dò chúng tôi: tiền vé [dường như một triệu đồng] phần lớn vào tay chủ thuyền, người chèo nhận được rất ít, nên xin mỗi thuyền “tip” cho người chèo 200 nghìn đồng. Không ai phản đối việc này.

Ai nấy mặc áo phao cho đúng “qui định của Nhà Nước”. Nhờ thế mà mặt sông tươi vui hẳn lên. Thằng cháu đích tôn 9 tuổi của tôi hứng chí cầm mái chèo hân hoan chèo theo sức đẩy của người chèo thuyền. Tôi cũng bắt chước cháu. Thuyền chúng tôi băng qua các Hang Lấm, cái tên thật lạ, Hang Vạng (dài 250m, khi vào hang, nói chuyện sẽ có tiếng vang lớn), Hang Thánh Trượt (dài 300m, có hệ thống thạch nhũ đẹp giống như những búp sen, lung linh, huyền ảo. Dân gian tương truyền rằng, từ xa xưa có một vị thánh mải mê ngắm cảnh đẹp nơi đây nên trượt chân ngã xuống), và Hang Đại (dài 200m; lòng hang này rất rộng, thông thoáng) và 3 ngôi đền: Đền Cao Sơn (gồm 3 ngôi đền được vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành quanh kinh đô Hoa Lư, vì thế nên có tên gọi là Hoa Lư tứ trấn. Phía Tây thì có thần Cao Sơn trấn giữ, phía Đông thì có thần Thiên Tôn, phía Nam có thần Quý Minh trấn giữ); Hành cung Vũ Lâm (một căn cứ quân sự đời Trần trong chiến tranh Mông Cổ thế kỷ 13; phía trước cụm di tích Hành cung Vũ Lâm là Thủy Đình, bên trong Thủy Đình có một quả chuông lớn và được thỉnh lên vào những ngày lễ). Đền Suối Tiên (cách hang Thánh Trượt khoảng 20 phút đi thuyền: tương truyền rằng ở nơi đây có con suối trong xanh và mát mẻ nên các nàng tiên thường đến đây tắm vì thế nên gọi là đền Suối Tiên. Đền Suối Tiên thờ Đức thánh Quý Minh Đại Vương, một trong ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh).

Vui nhất là lúc thuyền qua Hang Thánh Trượt, hang duy nhất vừa dài vừa khúc khuỷu, nhiều thạch nhũ, lại được chiếu sáng với nhiều mầu sắc khác nhau, nên rất thú vị, tôi xém đụng đầu một thạch nhũ. Mới hay người chèo quả có nhiều kinh nghiệm. Và dĩ nhiên rất có ấn tượng khi giữa sông nước được giáp mặt với Thủy Đình. Thuyền nào cũng được người chèo thuyền chụp cho một bức hình kỷ niệm ở đây.

Hạ Long

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi từ giã Tam Cốc sớm, sau khi dùng vội tô phở của Tamcoc Bungalow, để lên đường đi Hạ Long. Có người gọi khu vực du lịch Tam Cốc và Tràng An này là Hạ Long của Ninh Bình. Tôi nghĩ sự so sánh không được chỉnh cho lắm. Bởi nếu chỉ tính về thiên nhiên thì sự so sánh phần nào đúng, nhưng còn về tổ chức du lịch và sự phát triển cảnh quang, thì sự so sánh này ít có giá trị.

Hang Sửng Sốt, Hạ Long


Quả tình như thế, tôi đến Hạ Long lần này là lần thứ ba, hai lần trước là cuối năm 2000 và giữa năm 2011. Hạ Long của các năm đó rất thô sơ với phần lớn thuyền gỗ mầu gụ đưa du khách tới lui trong Vịnh, trên bờ, mấy tòa nhà thấp thè làm nơi cho du khách qua đêm. Tôi từng qua đêm tại đó năm 2011, sau một bữa ăn tối hết sức ngon miệng trên thuyền.

Thực ra thuyền đâu có cung cấp bữa ăn. Chúng tôi phải tự lo lấy. Số là đến Hạ Long vào buổi trưa, tưởng như năm 2000 có thể tìm thấy những hàng rong bán thực phẩm ngay tại bến tầu để giải quyết cơn đói sau chuyến bay Sài Gòn – Hải Phòng và chuyến xe đò Hải Phòng – Hạ Long trên con lộ gập ghềnh, nhưng mọi hàng rong ấy đã bị dẹp từ thuở nào, khiến chúng tôi bụng đói meo, càng đói thêm khi phải leo hết hang Sửng Sốt đến động Thiên Cung, đến chiều tối, thì bụng quả cồn cào, may thuyền đưa chúng tôi tới làng chài, nhờ thế mua được một con cá, to bằng bàn tay một ông tây. Hỏi người bán cá xem giá bao nhiêu, anh ta bảo một triệu. Một triệu hồi cuối năm 2000 không nhỏ, tương đương với 150 úc kim. Sao mắc quá vậy, “thì 400,000 đồng một cân mà cá này 2 cân rưỡi lận”. Cân đây là cân tây đấy, người bán cá nói thế. Biết làm sao hơn. Mang cá lên thuyền, nhờ thuyền làm cá với tiền công 250,000 đồng nữa, có bữa ăn tối chưa bao giờ ngon thế, giống như bữa ăn trưa tại Chùa Hương đầu năm 2001, sau khi cuốc bộ từ bến đò qua Động Tuyết Quynh leo đồi tới Chùa Hương quạnh hiu bụi bặm với thùng quyên tiền to gần bằng tượng Phật, rồi trở lui, lúc nào mồ hôi cũng ra như tắm, được chuyến du lịch cho ăn trưa, đâu có gì thịnh soạn, chỉ là canh bí, đậu hũ kho với giá sống, nhưng ngon ơi là ngon, ngon chưa từng thấy.

Hạ Long nay khác quá rồi. Xa lộ dẫn tới Hạ Long rộng thênh thang, êm ru, không còn gập gềnh như trước. Ngay từ xa, đã thấy hàng dẫy nhà cao tầng in trên nền trời và hàng hàng lớp lớp du thuyền chở khách tới lui. Mầu trắng đã thay mầu gụ. Và du khách thì ôi thôi. Đâu còn lác đác như xưa và mầu sắc của họ cũng đã thay đổi, đủ cả trắng, vàng và đen, tây, tầu, đại hàn, ấn độ, phi châu; tôi nghe loáng thoáng có cả ý, tây ban nha, lẫn ả rập. Họ đi đi lại lại, ăn nói tự nhiên “như ở nhà”, gọi nhau ơi ới, cười hô hố sau một câu bông đùa nào đó chắc. Hạ Long chào đón họ một cách nồng nhiệt. Nó cũng chào đón bọn tôi cách chân thành. Tôi giữ được cảm tình với anh Dân, hướng dẫn viên du lịch trên du thuyền qua đêm của chúng tôi. Chúng tôi lên du thuyền Amanda ở Bến Tuần Châu cùng với 19 người Ấn độ, 4 người Singapore và 4 người Ái Nhĩ Lan.

Bữa trưa trên du thuyền theo kiểu “buffet” diễn ra ngay sau đó. Con gái thứ hai của tôi nói toáng lên: trời ơi, ông Ấn Độ lấy tay bốc thức ăn! Tôi bảo cháu, nếu ông ta chỉ bốc duy nhất thứ ông ta cần chứ không rà khắp mọi thứ thì đâu có gì đáng phàn nàn, người Ấn Độ thích dùng tay mà. Nói thế, chứ tôi vẫn còn nhớ thái độ của đại tá Hoàng của Trung Hoa Quốc Gia ở một căn hộ chúng tôi thuê chung ở Davenport, Iowa, Hoa Kỳ năm 1974, lúc chúng tôi trọ ở đó để tham dự khóa Phân tích Quản trị của Lục quân Hoa Kỳ tại Rock Island, Illinois bên cạnh. Cùng trọ với chúng tôi là Trung tá Darvanto của Nam Dương. Darvanto có thói quen ăn bốc. Mỗi lần như thế, Hoàng đều nhìn đi hướng khác!

Hóa ra người Ấn Độ khá thân thiện, tôi bắt chuyện với hai người đàn ông trung niên của nhóm này. Họ rất vui vẻ tiếp chuyện với tôi, thành thực đưa ngón cái xuống khi tôi hỏi về Nehru và gia đình Indira Gandhi nhưng hết lời ca ngợi Modi. Chê gia đình Indira còn có lý. Chê cả Nehru nữa thì thật khó hiểu. Theo hai người này, họ quá tây phương! Modi đương nhiên duy quốc gia hơn hay đúng hơn duy ấn giáo, như có người nói, đề cao các giá trị Ấn Độ. Có lẽ vì vậy mà ông ta không mấy có cảm tình với Mẹ Têrêxa và ảnh hưởng của bà cũng như định chế của bà đối với Ấn Độ.

Người Ấn Độ cũng khá xông xáo và sẵn sàng truyền bá văn hóa của họ. Dạ tiệc đầu tiên của chúng tôi trên du thuyền khởi đầu bằng một bài hát và điệu nhẩy Ấn Độ do một người đàn ông trung niên Ấn Độ trình diễn. Dù không hiểu nội dung bài hát, chúng tôi cũng đã vỗ tay hoan hô vang dậy giữa bầu trời đêm Hạ Long êm ả. Bữa tiệc được chuẩn bị và chiêu đãi theo lối tây phương. Các du thuyền bên cạnh cũng vang vọng lời ca tiếng hát. Cả Vịnh sáng choang nhờ ánh đèn phát ra từ các du thuyền đậu trên vịnh. Màn trình diễn thứ hai là của Vincent, bạn trai con gái út tôi. Cháu trình bầy bản nhạc quen thuộc “Caroline” của Neil Diamond, được toàn thể cử tọa tham gia tích cực, nhất là hai nhóm Ái Nhĩ Lan và Singapore, đến chỗ “so Good” họ giơ tay cùng “hô” và vẫy vẫy thật vui nhộn; hứng chí một trong số khán giả Ái Nhĩ Lan đã lãnh Micro và đơn ca tiếp theo. Màn trình diễn tiếp theo là múa sạp (cheraw dance) tức điệu nhảy trên những thanh tre, được nhiều người tham dự sau màn biểu diễn điêu luyện của anh Dân, hướng dẫn viên du lịch. Và nhân lúc cho nghe nhiều bản nhạc không lời, anh đã mở bản “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, một việc hình như bắt buộc anh phải làm, tuy không có lời dẫn nhập.

Sau bữa tiệc, một số bọn nhỏ của chúng tôi đi câu cá mực ở cuối du thuyền. Cháu Mishea câu được một con. Vợ chồng tôi đi ngủ sớm, sau khi tắm trên thuyền. Phòng tắm của Amanda quả lớn hơn phòng tắm của du thuyền Perma trên biển Aegian, Địa Trung Hải, năm 2005 nhân chuyến hành hương tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne của vợ chồng tôi. Hồi ấy, tuy du thuyền Perma cao đến 7 tầng, nhưng 4 chúng tôi phải ngụ trong một “cabin”, tôi và cháu Thạc phải ngủ trên cao, nhường chỗ nằm dưới cho nhà tôi và vợ cháu. Phòng ngủ trên Amanda rộng rãi, có bàn làm việc để tôi viết bài cho Vietcatholic. Từ Việt Nam, tôi không thể tự đăng bài lên Vietcatholic được, phải gửi cho Đặng Minh An để anh đăng lên giùm, thành thử khi sai lỗi, như hai lần Cha Tuân ofm, ở Hoa Kỳ chỉ cho, sửa không được.

Từ phòng của vợ chồng tôi, có thể nhìn thấy các đảo và các du thuyền đủ loại đậu hoặc di chuyển trong Vịnh, làn nước êm ả của Vịnh lúc nào cũng làm tâm hồn bình thản trở lại, cảm giác mà lúc chưa đến đảo, lúc chỉ là một cậu học trò lớp nhất, tôi vốn đã nhắc đến, trong một bài luận được thầy giáo khen nức nở, khiến ông anh ruột cùng lớp lấy làm ngạc nhiên.

Tôi nhớ lại chuyến thăm đảo Titốp trong ngày. Tầu nhỏ chở chúng tôi đến đó. Trên tầu, anh Dân giải thích Titốp là phi hành gia Nga, “bạn” của “Bác”, hai người đến thăm đảo năm 1962, lúc ít người biết đến Hạ Long, huống chi là thăm đảo. Để kỷ niệm chuyến thăm này, “Bác” đã lấy tên Titốp đặt cho Đảo. Tượng của ông được dựng ngay ở chỗ chúng tôi đổ bộ lên bờ. Trên đỉnh núi có tòa nhà không biết đặt tên là gì, nhưng muốn lên đến đó, phải leo tới 450 bậc thang. Tôi và nhà tôi leo thử, nhưng chỉ đến bậc 100 là cùng, đành bỏ cuộc, kém hơn ở Hang Múa, Ninh Bình, phần vì bậc leo hẹp hơn, dốc hơn và lượng người chen chúc hơn khiến mình bị áp lực, đi không thoải mái. Đành leo xuống, ngồi cạnh bãi biển, ngắm bãi biển hình bán nguyệt có bãi cát được quảng cáo là luôn sạch và làn nước luôn trong xanh quanh năm. Nhận xét đầu tiên: ít người Việt đến đây. Nhìn khắp ngả, phần lớn là người nước ngoài, đông nhất dường như Đại Hàn và Trung Hoa, sau đến Ấn Độ và Tây Phương. Tôi lưu ý một hiện tượng nghịch lý: một người ông có tuổi dáng người Tây Phương, trên người vỏn vẹn chiếc quần lót nhỏ xíu, rõ ràng vừa ở dưới nước lên, khuyến khích thằng cháu trai cởi quần áo ngoài xuống tắm biển. Hắn lắc đầu hoài. Nhưng cuối cùng chiều người ông, cháu đã cởi quần áo ngoài, nhào xuống biển!

Tầu nhỏ lại chở chúng tôi trở lại tầu lớn, đón những người không đi thăm Đảo Titốp đi thăm Hang Sửng Sốt, trong số này có con gái thứ ba và thằng cháu ngoại thứ nhất của tôi. Từ dưới tầu lớn nhìn lên lối vào Hang Sửng Sốt trên cao mà ớn. Hình như nó cao hơn hồi năm 2011. Thế mới biết mình “già” đi hẳn rồi. Nhưng rồi cũng leo lên tới chốn. Ít nhất hơn 100 bậc. Nhờ gậy mang theo và lan can dọc lối lên. Hang Sửng Sốt vẫn như ngày xưa ở đèn đóm, tuy lối đi có vẻ rộng rãi hơn. Tôi nghĩ nếu là người Úc hẳn họ sẽ thay đổi lối chiếu ánh sáng làm nổi bật các thạch nhũ bên trong Hang hơn, như họ làm ở Jenolan Cave, New South Wales. Nhưng anh Dân không đồng ý: anh cho là làm vậy mất vẻ tự nhiên của Hang.

Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng, chúng tôi còn dùng thuyền đi thăm Hang Luồn. Đã thăm các hang ở Tràng An, Ninh Bình, nhất là Hang Thánh Trượt rồi, Hang Luồn không có chi đặc biệt, ngoại trừ được coi các chú khỉ vàng chạy nhẩy, ăn chuối do du khách đãi! Trở lại tầu Amanda trước 12 giờ, chúng tôi còn được tầu đãi bữa “brunch” trước khi rời tầu.

Kỳ tới: Nam Am, Hải Phòng
 
VietCatholic TV
Quốc Hội Mỹ tới Kyiv, hy vọng có viện trợ. Nga chiêu mộ lính Syria để tấn công biển người ở Ukraine
VietCatholic Media
02:33 10/02/2024


1. Lockheed Martin tăng cường sản xuất F-16 cho các đồng minh của Hoa Kỳ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China-Sanctioned Lockheed Martin Ramps Up F-16 Production for US Allies”, nghĩa là “Lockheed Martin bị Trung Quốc trừng phạt tăng cường sản xuất F-16 cho các đồng minh của Hoa Kỳ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lockheed Martin dự kiến sẽ tăng đáng kể việc sản xuất F-16 Fighting Falcon trong những năm tới, mặc dù hãng sẽ gặp khó khăn trong việc khắc phục sự chậm trễ trong việc giao hàng cho các đối tác an ninh quan trọng của Mỹ như Đài Loan.

Công ty—hai lần bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt vì cung cấp vũ khí và thiết bị cho Đài Bắc—đang đặt mục tiêu tăng sản lượng hàng năm của biến thể F-16 Block 70 và 72 mới nhất, hay còn gọi là F-16V, lên 36 chiếc vào cuối năm nay. Năm ngoái, các quan chức của công ty nói với tạp chí chuyên ngành Lực lượng Không quân và Vũ trụ rằng đến năm 2025, họ muốn chế tạo 48 máy bay phản lực mỗi năm.

Nhưng các đơn đặt hàng tại nhà máy của nhà thầu quốc phòng ở Greenville, Nam Carolina, đang chồng chất - một minh chứng cho sự phổ biến đáng kể của chiến đấu cơ, loại máy bay này đã kỷ niệm nửa thế kỷ vào tháng trước kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1974.

Khách hàng lâu năm Đài Loan sẽ sớm xếp hàng cùng với Bahrain, Bulgaria, Jordan và Slovakia, và có thể là Ukraine. Lực lượng không quân của hòn đảo là đơn vị vận hành chính khung máy bay, nhưng các phi công và phi đội già cỗi của họ tiếp tục bị căng thẳng trước các cuộc diễn tập của chiến đấu cơ của Trung Quốc trong không phận xung quanh.

Đài Bắc đã đặt mua 150 máy bay phản lực F-16 vào năm 1992. Một chương trình trang bị thêm trị giá 4,5 tỷ Mỹ Kim bắt đầu vào năm 2016 và dự kiến bao gồm 144 máy bay. Khi Trung tâm Quản lý Vòng đời Lực lượng Không quân có trụ sở tại Ohio công bố hoàn thành dự án vào thứ Hai, kế hoạch hiện đại hóa F-16V đã đạt tới 139 máy bay - một sự suy giảm do tổn thất phi chiến đấu trong những năm gần đây.

Giai đoạn thứ hai của chương trình đang được tiến hành nhằm trang bị cho chiến đấu cơ của Đài Loan những loại vũ khí phức tạp hơn.

Năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan, Quốc hội đã thông qua đơn đặt hàng trị giá 8 tỷ Mỹ Kim mua 66 chiếc F-16 mới cho Đài Loan. Khi đơn hàng được hoàn thành, Đài Loan sẽ vận hành phi đội F-16 lớn nhất Á Châu với hơn 200 máy bay phản lực, nhưng thời gian giao hàng vẫn chưa chắc chắn.

Việc Trung Quốc rõ ràng sẵn sàng phô trương sức mạnh của mình trên khắp Tây Thái Bình Dương đã khiến Đài Bắc và Washington ngày càng khẩn trương. Cả hai đều muốn Đài Loan tăng cường nhanh chóng khả năng tự vệ của mình để ngăn cản Bắc Kinh thực hiện bất kỳ hành động phiêu lưu quân sự nào, nhưng cả hai đều không thể thoát khỏi những hạn chế trong thế giới thực.

Lực lượng Không quân và Không gian cho biết, mặc dù sản lượng tăng lên, nhưng Lockheed Martin có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp những chiếc F-16 mới cho hòn đảo trước thời hạn ban đầu là năm 2026, mặc dù lực lượng không quân Đài Loan dự kiến sẽ nhận được chiếc máy bay phản lực đầu tiên vào cuối năm nay.

Chiến binh này là một phần trong lượng vũ khí tồn đọng kéo dài của Đài Bắc, mà các nhà lập pháp và nhà phân tích Hoa Kỳ tính toán đang chờ đợi phần cứng trị giá hơn 19 tỷ Mỹ Kim do Mỹ sản xuất.

Vấn đề này là trọng tâm của một bức thư gửi tới Bộ trưởng Không quân Frank Kendall vào tháng 11 bởi hai chục nhà lập pháp, trong đó có Dân biểu Rob Wittman, một đảng viên Cộng hòa ở Virginia, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện.

Wittman viết rằng việc giao hàng bị trì hoãn hơn 15 tháng “do sự phức tạp trong phát triển nhu liệu mà nhà sản xuất thiết bị ban đầu không lường trước được”, đồng thời lưu ý rằng mốc thời gian đã chuyển từ 2025-2026 sang 2026-2027.

Các nhà lập pháp cho biết: “Để đối phó với các cuộc biểu tình sức mạnh không quân ngày càng leo thang của Trung Quốc, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết và giải quyết sự chậm trễ kéo dài và bất ngờ trong việc giao chiến đấu cơ đa chức năng F-16 nâng cấp và thiết bị hỗ trợ mặt đất mà chúng tôi nợ Đài Loan”.

Trong phản hồi từ văn phòng của Kendall, Andrew Hunter, trợ lý thư ký Lực lượng Không quân phụ trách mua sắm, cho biết cơ quan này “tiếp tục khám phá tất cả các lựa chọn để ưu tiên và đẩy nhanh” việc giao hàng, nhưng cho biết trật tự của hòn đảo có thể bị gián đoạn do “những lo ngại về an ninh khu vực xung quanh hòn đảo”. thế giới.”

Tháng trước, Slovakia đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên sau khi cho phi đội MiG-29 thời Liên Xô nghỉ hưu vào năm 2022 và chấp thuận chuyển giao những chiếc này cho Ukraine vào năm ngoái.

F-16 Fighting Falcon lần đầu tiên được chế tạo bởi General Dynamics. Hàng ngàn chiếc đã được sản xuất và phần lớn vẫn còn được sử dụng ở khoảng 20 quốc gia. Năm nay, lực lượng không quân Ukraine có thể sẽ gia nhập danh sách các đơn vị sử dụng ngày càng tăng.

2. Tổng thống Biden nói rằng sẽ 'gần giống với tội thất chức' nếu Quốc hội không phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đức Olaf Scholz

Tổng thống Joe Biden yêu cầu Quốc hội thông qua thêm viện trợ cho Ukraine hôm thứ Sáu trong cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, nói rằng sẽ là một thảm họa nếu các nhà lập pháp không phê duyệt gói hỗ trợ mới.

Ông nói: “Việc Quốc hội Hoa Kỳ không ủng hộ Ukraine, nếu xảy ra, gần như có thể coi là tội phạm thất chức”. 'Thật là thái quá.'

Scholz đến thị trấn để giúp củng cố trường hợp của Tổng thống Biden và thuyết phục đảng Cộng hòa cho phép một đợt viện trợ khác.

Một ngày trước đó, Thượng viện đã thúc đẩy dự luật phê duyệt viện trợ trị giá 95 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, Israel và Đài Loan, vài ngày sau khi một gói khác, bao gồm cải cách nhập cư, bị hủy bỏ.

Scholz nói: “Hy vọng rằng Quốc hội sẽ hành động theo yêu cầu của Tổng thống và đưa ra quyết định về việc cung cấp những hỗ trợ cần thiết”.

'Bởi vì nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và không có sự hỗ trợ của các quốc gia Âu Châu, Ukraine không thể có cơ hội bảo vệ đất nước.'

Tổng thống Biden chào đón nhà lãnh đạo Đức tới Phòng Bầu dục và trong hai phút phát biểu khai mạc đã gọi đúng thủ tướng Đức là 'Olaf.'

Điều này đến như một sự giải thoát cho các nhân viên Tòa Bạch Ốc. Tổng thống Biden tuần này đã phải vật lộn với tên tuổi của các nhà lãnh đạo thế giới.

Hôm thứ Tư, ông đề cập đến cuộc trò chuyện với người tiền nhiệm của Thủ tướng Sholz là Angela Merkel vào năm 2021 nhưng nhầm lẫn và cho rằng cuộc gặp gỡ đã diễn ra với cố Thủ tướng Đức Helmut Kohl. Trên thực tế, Thủ tướng Kohl đã chết bốn năm trước đó.

Nó xảy ra sau khi ông mắc sai lầm tương tự với các tổng thống Pháp, khi mô tả cuộc trò chuyện với Emmanuel Macron như thể nó diễn ra với Francois Mitterand /phăng xoa mít tơ ran/, người qua đời vào những năm 1990.

Tòa Bạch Ốc cũng đang ở chế độ hạn chế thiệt hại kể từ khi công bố một báo cáo hôm thứ Năm về việc Tổng thống Biden giải quyết sai các tài liệu nhạy cảm của chính phủ.

Mặc dù Công tố viên Đặc biệt Robert Hur khuyến nghị không đưa ra cáo buộc nào, nhưng báo cáo của ông đã vẽ ra một bức tranh đáng sợ về một tổng thống đang phải vật lộn với 'năng lực bị suy giảm'.

Các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết những lời chỉ trích là không chính đáng và không đúng chỗ, và hôm thứ Sáu, họ chỉ ra thành tích tại chức của Tổng thống Biden là thành tích của một tổng thống đã hoàn thành công việc.

Và điều đó có nghĩa là sẽ có cuộc đàm phán với Thủ tướng Scholz vào thứ Sáu về cách bảo đảm có thêm viện trợ cho lực lượng Ukraine, những người đã bị sa lầy trong nhiều tháng sau khi chống trả cuộc tấn công ban đầu của Nga.

Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần cảnh báo rằng việc không gửi thêm viện trợ cho Kyiv sẽ làm suy yếu khả năng chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Tuần trước, Liên minh Âu Châu đã phê duyệt gói 4 năm trị giá 54 tỷ Mỹ Kim.

Nhưng ở Washington, câu hỏi đã trở nên sa lầy vào chính trị trong nước, khi các thành viên Quốc Hội lần đầu tiên tìm cách gắn thêm viện trợ vào một thỏa thuận tăng cường an ninh ở biên giới phía Nam.

3. Nga chiêu mộ lính đánh thuê Syria để tấn công biển người ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Enlisting Syrian Mercenaries for 'Meat Assaults' in Ukraine: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga chiêu mộ lính đánh thuê Syria để 'tấn công thịt' ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tình báo quân đội Ukraine hôm thứ Năm cáo buộc Nga tuyển mộ lính đánh thuê từ Syria để chiến đấu trong “các cuộc tấn công thịt” của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Tổng cục tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, đã trình bày chi tiết về những nỗ lực được cho là của Nga ở Syria. Theo GUR, các buổi huấn luyện cho nhóm lính đánh thuê đầu tiên - được cho là có khoảng 1.000 người Syria - đang được tiến hành.

Nga trước đây đã phải đối mặt với cáo buộc cố gắng tuyển dụng người từ Syria. Trong những tuần đầu của cuộc xâm lược mà Putin phát động vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã báo cáo rằng Nga đang cố gắng tuyển mộ người Syria để bổ sung vào lực lượng chiến đấu của mình.

“Chúng tôi thấy điều đáng chú ý là Putin tin rằng ông ấy cần phải dựa vào các chiến binh nước ngoài để bổ sung cho cam kết rất quan trọng về sức mạnh chiến đấu bên trong Ukraine như hiện tại,” Tướng Kirby nói hôm 2 tháng 3 năm 2022.

Trong báo cáo hôm thứ Năm, GUR viết cáo buộc gần đây “việc tuyển dụng người Syria cho cuộc chiến cho thấy tình trạng đạo đức và tâm lý của lực lượng xâm lược của Nga đang suy giảm do tổn thất quy mô lớn và nhu cầu bổ sung lực lượng cho các cuộc tấn công thịt tiếp theo”.

Trong suốt cuộc chiến, quân đội Nga thường xuyên bị cáo buộc sử dụng “các cuộc tấn công bằng thịt”, còn được gọi là “làn sóng thịt”. Thuật ngữ này là biệt ngữ để chỉ các cuộc tấn công trực diện do bộ binh chỉ huy, nhằm cố gắng áp đảo phe đối diện bằng cách gửi một số lượng lớn những người được coi là binh lính cơ bản chỉ sử dụng một lần đến tiền tuyến mà ít quan tâm đến số người chết.

GUR viết rằng các nguồn tin tình báo của họ phát hiện ra Nga đã sử dụng các công ty du lịch ở Syria để dụ dỗ đàn ông sang phục vụ ở Ukraine. Sau lần đầu tiên được hứa hẹn làm nhân viên bảo vệ tại các nhà máy lọc dầu ở cộng hòa Yakutia của Nga, những người đàn ông này sau đó được mời làm “công việc lương cao hơn” ở Buryatia, một khu vực khác của Nga.

Theo GUR, khi đến Buryatia, các tân binh Syria sẽ được thông báo rằng họ sẽ chiến đấu ở Ukraine với tư cách là một phần của Lữ đoàn xe tăng cận vệ biệt lập số 5 của Lực lượng vũ trang Nga.

Cơ quan tình báo Ukraine cũng cho biết các binh sĩ Syria được cấp quốc tịch Nga và cấp hộ chiếu Nga trước khi họ được cử đi chiến đấu ở Ukraine.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã chia sẻ trên tài khoản X của mình một video GUR có trong bài đăng Telegram của mình. Đoạn clip cho thấy những người được cho là tân binh người Syria đang giơ hộ chiếu và giấy tờ công dân mới của họ.

4. Zelenskiy trao danh hiệu Anh hùng Ukraine cho Zaluzhnyi

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Ukraine cho cựu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi

Nghị định tương ứng số 61/2024 ngày 8/2 đã được công bố trên trang web của Tổng thống.

“Vì những thành tích cá nhân xuất sắc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, sự phục vụ quên mình đối với nhân dân Ukraine, tại thời điểm này tôi ra sắc lệnh: Trao tặng danh hiệu Anh hùng Ukraine cùng Huân chương Sao Vàng cho Đại Tướng Zaluzhnyi Valerii Fedorovych,” sắc lệnh viết.

Như đã đưa tin, ngày 8/2, Zelenskiy đã gặp Zaluzhnyi và cảm ơn ông vì hai năm bảo vệ Ukraine.

Sau đó, Văn phòng Tổng thống ra sắc lệnh bổ nhiệm Đại tướng Oleksandr Syrskyi làm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Đồng thời, Zelenskiy đề nghị Zaluzhnyi tiếp tục là thành viên của đội nhà nước Ukraine.

5. Liên Hiệp Âu Châu chỉ trích các chính phủ vì hàng cấm vẫn vào được Nga

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “EU slams governments for banned goods reaching Russia”, nghĩa là “Liên Hiệp Âu Châu chỉ trích các chính phủ vì hàng cấm vẫn vào được Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Liên Hiệp Âu Châu đã yêu cầu các chính phủ khẩn trương trấn áp dòng hàng hóa bất hợp pháp đang tiếp tục tràn vào Nga, trong bối cảnh thúc đẩy Brussels kiểm soát các lỗ hổng trừng phạt.

Trong một lá thư gửi tới Brussel hôm thứ Tư và được POLITICO xem, Ủy ban Âu Châu đã cảnh báo các quốc gia cần có “hành động ngay lập tức, phối hợp và kiên quyết của tất cả chúng ta”.

Khi sự kiên nhẫn ngày càng cạn kiệt với những người tái phạm, giám đốc tài chính Liên Hiệp Âu Châu Mairead McGuinness và giám đốc thương mại Valdis Dombrovskis, người đồng ký bức thư, cho biết họ sẽ sớm chia sẻ “thông tin chi tiết” về nơi các công ty đang trốn tránh các lệnh trừng phạt. Họ cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi, và vào giữa tháng 4 sẽ đưa ra đánh giá hành động đã thực hiện.

Trong khi bản thân các biện pháp trừng phạt đã được thống nhất ở cấp Liên Hiệp Âu Châu, các chính phủ chịu trách nhiệm thực thi và được Ủy ban giám sát. Các quốc gia đã thông qua một loạt hạn chế mới chống lại Nga vào tháng 12 và đang thực hiện các hạn chế tiếp theo khi Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine đã bước sang năm thứ ba. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao đang nỗ lực để quản lý những kỳ vọng về mức độ thực chất của bất kỳ thay đổi nào trong gói tiếp theo.

Bức thư cho biết các mặt hàng bị trừng phạt từ Liên Hiệp Âu Châu đến Nga bằng cách trước tiên đi qua các nước ngoài Liên Hiệp Âu Châu trước khi tái xuất sang Nga - và thông qua các công ty con của các công ty Âu Châu hoạt động bên ngoài khối để sản xuất các mặt hàng này.

Đây thường là những vật phẩm và công nghệ không phải là vũ khí nhưng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và được đưa ra chiến trường.

Ủy ban đang khám phá khả năng thành lập một cơ quan của Liên Hiệp Âu Châu để thực thi các biện pháp trừng phạt, nhằm giành lấy công việc đó khỏi tay các chính phủ một cách hiệu quả.

Theo một quan chức thân cận với cuộc đàm phán, người đã nói chuyện với POLITICO với điều kiện giấu tên để thảo luận về vấn đề nhạy cảm, ý tưởng này đang trở nên phổ biến và có thể nằm trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen nếu bà được bổ nhiệm vào nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu vào cuối năm nay.

Bức thư cho biết, việc xuất khẩu các mặt hàng bị cấm của Liên Hiệp Âu Châu sang các nước ngoài Liên Hiệp Âu Châu đã tăng từ 3 tỷ euro trước khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu lên 5,6 tỷ euro vào giữa năm 2023. Sự gia tăng “cực kỳ đáng lo ngại” này bù đắp cho việc mất đi giao dịch thương mại hợp pháp những mặt hàng đó với Nga trước chiến tranh.

Bức thư yêu cầu các chính phủ “phải chịu trách nhiệm đối với các nhà khai thác Liên Hiệp Âu Châu đã tích cực phá hoại các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu, bất kể họ đang hoạt động ở đâu” và ngăn chặn các công ty khai thác các lỗ hổng trong lệnh trừng phạt bằng cách xuất bản các trường hợp “minh họa hơn” và các hình phạt của họ.

McGuinness cũng yêu cầu các nước thành viên liên hệ với các công ty liên quan đến việc sản xuất hàng hóa bị trừng phạt để thúc đẩy họ thẩm định kỹ hơn chuỗi cung ứng của mình nhằm tuân thủ các quy định trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu.

Bức thư viết: Chính quyền các quốc gia nên chia sẻ thêm thông tin về các công ty và cá nhân ngoài Liên Hiệp Âu Châu có thể liên quan đến việc khai thác các lỗ hổng trong lệnh trừng phạt và nên “đặc biệt cảnh giác” về việc miễn trừ các lệnh trừng phạt có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Ý tưởng thành lập một cơ quan Âu Châu để thực thi lệnh trừng phạt đã trở nên phổ biến trong quá khứ, với khoảng 10 quốc gia, bao gồm Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, ủng hộ nỗ lực thành lập một cơ quan như vậy do Hà Lan dẫn đầu vào năm ngoái.

Năm ngoái, Pháp đã vận động hành lang để mở rộng quyền hạn của Văn phòng Công tố Âu Châu nhằm che đậy những lỗ hổng trong lệnh trừng phạt.

Một nhà ngoại giao cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu, cũng được giấu tên để thoải mái phát biểu, cho biết có “những vấn đề lớn” với việc triển khai các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả việc áp dụng “không đồng đều” từ nước này sang nước khác.

Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu khác nói với POLITICO rằng họ ủng hộ bất kỳ công cụ nào giúp các nước Liên Hiệp Âu Châu thực thi các lệnh trừng phạt.

Người thứ ba cảnh báo không nên thành lập một cơ quan có thẩm quyền cấp Liên Hiệp Âu Châu, lập luận rằng Ủy ban sẽ bước vào địa hạt của các chính phủ quốc gia bằng cách thay thế trách nhiệm của chính quyền họ. Người này cho biết bất kỳ cơ quan trừng phạt nào của Liên Hiệp Âu Châu chỉ nên giám sát công việc ở cấp quốc gia và đưa ra hướng dẫn.

Họ nói thêm: “Chúng tôi không nghĩ các quốc gia thành viên sẽ từ bỏ thẩm quyền này”, đồng thời cho rằng động thái như vậy có thể có “tác động đến các lĩnh vực khác”.

McGuinness sẽ thảo luận về bức thư với các bộ trưởng quốc gia tại cuộc họp trừng phạt vào ngày 13 tháng 2.

6. Đối thủ ủng hộ hòa bình của Putin trong cuộc tranh cử Tổng thống nghĩ gì về Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Where Putin's Pro-Peace Opponent Stands On Crimea”, nghĩa là “Đối thủ ủng hộ hòa bình của Putin trong cuộc tranh cử Tổng thống nghĩ gì về Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Boris Nadezhdin, người thách thức cuộc bầu cử tổng thống “ủng hộ hòa bình” của Putin, dường như đồng ý với Putin về tình trạng của Crimea.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhiều lần tuyên bố sẽ lấy lại bán đảo tranh chấp vốn bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014, trước khi kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 2 năm giữa nước ông với Mạc Tư Khoa.

Nadezhdin, cựu thành viên Duma Quốc gia, người công khai phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với mạng tin tức Đức Deutsche Welle rằng Zelenskiy “hoàn toàn không thể” đạt được mục tiêu của mình.

Ứng cử viên tổng thống đầy triển vọng đưa ra nhận xét này trong khi trình bày chi tiết kế hoạch đề nghị Ukraine ngừng bắn và thực hiện các bước ngay lập tức để chấm dứt chiến tranh nếu ông gây ra thất vọng lớn bằng cách đánh bại Putin trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng tới.

“Ngay ngày đầu tiên… tôi sẽ đề xuất với Ukraine, lãnh đạo Ukraine, lãnh đạo Mỹ và tất cả các nước Âu Châu… làm hai việc,” Nadezhdin nói, theo bản dịch từ cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko.

“Việc đầu tiên có thể được thực hiện nhanh chóng, là ngừng bắn. Hãy ngừng bắn để hỏa tiễn và đạn pháo không bắn trúng Belgorod hay Kharkiv, và mọi người không giết nhau... Chúng ta có thể đồng ý về một hình thức ngừng bắn trong vài ngày tới.”

Nadezhdin nói rằng mục thứ hai trong chương trình nghị sự trước mắt của ông sẽ “khó hơn nhiều” để đạt được – các cuộc đàm phán hòa bình mà ông khẳng định không thể bao gồm khả năng Ukraine được phép lấy lại Crimea.

Nadezhdin nói: “Đó sẽ là một câu chuyện dài trong vài năm. “Những người tham gia cuộc xung đột hoàn toàn trái ngược nhau. Người Ukraine muốn giải phóng và quay trở lại Crimea về mặt quân sự, điều này theo tôi là hoàn toàn không thể”.

Ông nói thêm: “Đó là quan điểm mà tổng thống Nga... chắc chắn không thể chấp nhận được”. “Thật không may, điều này là 100%. Vì vậy, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài.”

Zelenskiy đã nhiều lần tuyên bố rằng chiến tranh “sẽ kết thúc với Crimea”. Các chuyên gia có quan hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang theo đuổi chiến lược “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải của Nga như một phần trong kế hoạch giải phóng Crimea.

Bất kể quan điểm của ông về cuộc chiến như thế nào, cơ hội thực sự giành được quyền lực từ Putin vào tháng 3 của Nadezhdin trông rất mong manh. Tổng thống Nga hiện tại tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu so với tất cả những người thách thức, mặc dù các chuyên gia từ lâu đã đặt câu hỏi về tính liêm chính của việc bỏ phiếu và bầu cử ở Nga.

Khả năng tranh cử của Nadezhdin cũng có thể bị nghi ngờ do Ủy ban bầu cử trung ương Mạc Tư Khoa tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ nghi ngờ một số trong hơn 100.000 chữ ký mà ông thu thập được để xuất hiện trên lá phiếu là “khiếm khuyết”. Nadezhdin tuyên bố sẽ kháng cáo nếu tên của ông bị xóa bỏ.

Tuần trước, nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, cho rằng thách thức Putin của Nadezhdin có thể là một sai lầm chết người, đồng thời dự đoán rằng ứng cử viên được Đảng Sáng kiến Dân sự trung hữu của Nga hậu thuẫn sẽ bị đầu độc hoặc “phải ngồi tù những năm tháng tuổi già của mình”.

7. Phái đoàn quốc hội lưỡng đảng Mỹ tới Kyiv

Phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ do Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Turner dẫn đầu đã đến Kyiv.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget Brink đã cho biết như trên hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Hai.

“Thật vui mừng được chào đón phái đoàn quốc hội lưỡng đảng do Chủ tịch Tình báo Hạ viện Mike Turner dẫn đầu và bao gồm French Hill, Jason Crow, Abigail Spanberger và Zach Nunn,” Đại Sứ Brink nói.

Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Chính trị Hoa Kỳ Victoria Nuland cũng đã thăm Kyiv ngày 31 Tháng Giêng.

8. Đồng minh của Putin cảnh báo hỏa tiễn đạn đạo sẽ tấn công NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Warns Of Ballistic Missile Strikes on NATO”, nghĩa là “Đồng minh của Putin cảnh báo hỏa tiễn đạn đạo sẽ tấn công NATO”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đe dọa sử dụng hỏa tiễn đạn đạo và cảnh báo về “ngày tận thế” nếu xảy ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Mạc Tư Khoa.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin cho biết rằng đã có “cuộc tranh cãi nguy hiểm” về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mạc Tư Khoa và NATO giữa các nhà lãnh đạo chính trị của khối, mặc dù Nga “liên tục” nói rằng họ không có kế hoạch cho một cuộc xung đột như vậy.

Ông nói rằng mục đích của cuộc nói chuyện như vậy là để biện minh cho việc các đồng minh của nước này chi tiêu rất lớn cho Ukraine để sản xuất thêm xe tăng, đạn pháo, máy bay không người lái và các loại vũ khí khác.

Ông cho biết năng lực quân sự của liên minh có ngân sách quân sự hơn 1,5 ngàn tỷ Mỹ Kim sẽ đòi hỏi Mạc Tư Khoa phải có phản ứng “bất cân xứng” nếu xung đột giữa các bên xảy ra.

Ông nói: “Các hỏa tiễn đạn đạo và hành trình có đầu đạn đặc biệt sẽ được sử dụng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta”. “Do tiềm lực quân sự của chúng ta không thể so sánh được, chúng ta đơn giản là sẽ không có lựa chọn nào khác.

Hôm thứ Tư Medvedev nói: “Điều này dựa trên các tài liệu quân sự mang tính học thuyết của chúng tôi và được mọi người biết đến”. “Đây là Ngày tận thế khét tiếng, sự kết thúc của mọi thứ.”

Ông viết: “Vì vậy, các chính trị gia phương Tây nên nói với cử tri của mình sự thật cay đắng và đừng coi họ như những kẻ ngu ngốc”. “Hãy giải thích cho họ điều gì sẽ thực sự xảy ra và đừng lặp lại câu thần chú sai lầm về việc sẵn sàng chiến tranh với Nga.”

Trong vòng ba giờ, bài đăng của Medvedev đã nhận được hơn 648.000 lượt xem trên Telegram và 340.000 lượt xem trên X.

Medvedev là nguyên thủ quốc gia từ năm 2008 đến năm 2012. Trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, ông đã đăng những tuyên bố diều hâu trên kênh Telegram của mình và đưa ra nhiều lời đe dọa chống lại phương Tây.

Medvedev đã nhiều lần cảnh báo chiến tranh hạt nhân có thể là hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và chủ đề này thường xuyên được thảo luận trên truyền hình nhà nước Nga.

Putin cho biết vào tháng 9 năm 2022 rằng Mạc Tư Khoa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ” của mình.

Dẫn lời Bộ Giáo dục Nga, tờ báo kinh doanh Kommersant hôm thứ Ba đưa tin rằng học sinh trung học sẽ được giáo dục về chiến tranh hạt nhân như một phần của chương trình giảng dạy quốc gia.

Cơ quan truyền thông của Nga cho biết thêm, họ sẽ tìm hiểu về “các đặc tính chiến đấu và tác hại của vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các phương pháp bảo vệ chống lại chúng”.
 
Mỹ đánh giá cao Tân Tổng Tư Lệnh Ukraine. Lính bắn tỉa Putin hạ gục đào binh Nga. F-16 sớm đến Kyiv
VietCatholic Media
15:20 10/02/2024


1. Phát biểu đầu tiên của Tân Tổng Tư Lệnh quân đội Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Armed Forces Must Evolve in Order to Win: New Military Chief”, nghĩa là “Tân Tổng Tư Lệnh Ukraine nói: Lực lượng vũ trang Ukraine phải phát triển để giành chiến thắng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đại tướng Ukraine Oleksandr Syrsky hôm thứ Sáu đã đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh quân Ukraine, nói rằng những thay đổi và “cải tiến liên tục” của Lực lượng vũ trang Ukraine là cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Syrsky được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bổ nhiệm hôm thứ Năm, thay thế cựu tổng tư lệnh, Tướng Valerii Zaluzhny, người đã giữ vai trò này từ tháng 7 năm 2021. Trong một bài phát biểu đầu tiên, Syrsky đã cảm ơn “những người anh chị em chiến đấu” của mình vì cuộc chiến chống xâm lược của Nga, ca ngợi “sự thành công, tính chuyên nghiệp, sự cống hiến của các chiến sĩ trong việc bảo vệ Tổ quốc”.

“Các nhiệm vụ mới đang được đưa vào chương trình nghị sự,” tổng tư lệnh nói tiếp. “Trước hết, đây là một kế hoạch hành động rõ ràng và chi tiết của tất cả các cơ quan, hiệp hội, liên kết và đơn vị quân sự, có tính đến nhu cầu của mặt trận về vũ khí mới nhất đến từ các đối tác quốc tế.”

Trong số các nhiệm vụ được Syrsky liệt kê bao gồm việc biết “cách phân phối và cung cấp mọi thứ cần thiết cho chiến đấu nhanh nhất và hợp lý nhất”. Ông cũng lưu ý rằng việc nắm rõ nhu cầu của quân đội Ukraine ở tiền tuyến “không có ngoại lệ” là mục tiêu của “bộ chỉ huy các cấp” của Lực lượng Vũ trang và nhấn mạnh rằng “tính mạng và sức khỏe của quân nhân” là “giá trị chính” của Lực lượng vũ trang Kyiv hứa hẹn duy trì sự cân bằng “giữa việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và khôi phục các đơn vị”.

Chỉ huy nói thêm: “Chỉ những thay đổi và cải tiến liên tục các phương tiện và phương pháp chiến tranh mới có thể đạt được thành công trên con đường này”. “Nhưng tất nhiên, hậu phương đáng tin cậy là một trong những yếu tố chính tạo nên thành công chung trong chiến tranh.”

Syrsky, 58 tuổi, trước đây giữ chức Tư Lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine trước khi đảm nhận vai trò tổng tư lệnh và cũng là người chỉ huy cuộc phản công thành công của Kyiv chống lại Nga vào mùa thu năm 2022. Theo Reuters, vị tướng này đã sống ở Ukraine từ những năm 1980 khi đó đang theo học tại Trường Chỉ huy Quân sự cao cấp ở Mạc Tư Khoa. Vào thời điểm đó, Ukraine được gọi là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine” và là một phần của Liên Xô.

Các câu hỏi liên quan đến vị trí của tổng tư lệnh Ukraine đã được lưu hành trong nhiều tháng sau khi có báo cáo xuất hiện vào tháng 11 rằng những bất đồng đã leo thang giữa Zaluzhny và Zelenskiy. Tổng thống Ukraine cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình tối thứ Năm rằng quyết định thay thế Zaluzhny “không phải về chính trị” mà là về “hệ thống quân đội của Ukraine, về việc quản lý Lực lượng Vũ trang Ukraine và liên quan đến kinh nghiệm của những người cứng rắn trong cuộc chiến này”.

2. Ngũ Giác Đài cho biết sẽ làm việc hiệu quả với tân Tổng Tư Lệnh quân Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có quyền lựa chọn người sẽ lãnh đạo Lực lượng Vũ trang của đất nước và Hoa Kỳ sẽ hợp tác hiệu quả với Tổng tư lệnh mới của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder, cho biết: “Tổng thống Zelenskiy là tổng thống của đất nước ông và Ukraine, không giống như Nga, có quyền kiểm soát dân sự dân chủ đối với Lực lượng Vũ trang”.

Ông gọi Oleksandr Syrsky là “một chỉ huy thành công và giàu kinh nghiệm”.

Syrskyi là Tham mưu trưởng Chiến dịch chống khủng bố kể từ khi bắt đầu cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine. Đặc biệt, ông là một trong những chỉ huy chính của lực lượng Ukraine trong trận chiến giành Debaltseve vào mùa đông năm 2015. Ông đã điều phối việc rút quân đội Ukraine khỏi Debaltseve. Nhóm “Bars” do Syrskyi thành lập bảo vệ việc rút Lực lượng vũ trang Ukraine an toàn khỏi thành phố.

Năm 2016, ông đứng đầu Sở chỉ huy tác chiến chung của Lực lượng vũ trang Ukraine, nơi điều phối các hoạt động tác chiến của nhiều lực lượng an ninh Ukraine ở Donbas. Năm 2017, ông là chỉ huy toàn bộ Chiến dịch chống khủng bố ở miền đông Ukraine, sau đó được thay thế bằng Chiến dịch Lực lượng chung.

Từ ngày 6/5 đến ngày 5/8/2019, ông là Tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến liên hợp các lực lượng vũ trang. Kể từ ngày 5 tháng 8 năm 2019, ông là Tư lệnh Lực lượng Lục quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Syrskyi chịu trách nhiệm bảo vệ Kyiv, và sau đó là một trong những chỉ huy cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang ở khu vực Kharkiv.

3. Đại sứ Ukraine cảnh báo về tình trạng thiếu vũ khí 'nghiêm trọng' của Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Ambassador Warns of Kyiv's 'Critical' Weapons Shortage”, nghĩa là “Đại sứ Ukraine cảnh báo về tình trạng thiếu vũ khí 'nghiêm trọng' của Kyiv.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ cho biết đất nước của cô đang phải đối mặt với tình trạng “thiếu hụt trầm trọng” vũ khí và thiết bị quân sự.

Đại sứ Ukraine Oksana Markarova đã kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ phê duyệt gói viện trợ mới cho đất nước của cô, nói rằng hỗ trợ bổ sung là cần thiết để Ukraine chống lại quân đội Nga.

Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ sớm bỏ phiếu về gói chi tiêu khẩn cấp trị giá 95 tỷ Mỹ Kim cho Israel và Ukraine. Khoảng 60 tỷ Mỹ Kim trong số tiền trong gói này sẽ dành cho vũ khí và huấn luyện cho Ukraine khi nước này tiếp tục tự vệ trước cuộc xâm lược mà Putin đã phát động gần hai năm trước.

Markarova nói với Bloomberg: “Chúng tôi vẫn còn đủ người muốn chiến đấu. Thực ra, chúng tôi không có lựa chọn nào khác, chúng tôi đang bảo vệ ngôi nhà của mình – nhưng chúng tôi đang thiếu trang thiết bị, đặc biệt là hỏa tiễn và hỏa tiễn đánh chặn”. “Chúng tôi cần sự hỗ trợ này ngày hôm qua.”

Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã bỏ phiếu thông qua gói viện trợ khẩn cấp như một dự luật độc lập không bao gồm các cải cách đối với chính sách biên giới của Mỹ. Dự luật—được lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer, một đảng viên Đảng Dân chủ ở New York, đưa ra sau khi một biện pháp trước đó bao gồm cả viện trợ nước ngoài và các điều khoản biên giới không được Thượng viện thông qua hôm thứ Tư.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Markarova bày tỏ hy vọng rằng gói tài trợ trị giá 95 tỷ Mỹ Kim sẽ được Quốc hội thông qua.

Cô nói: “Tôi rất vui khi biết rằng đây là sự ủng hộ rất mạnh mẽ của lưỡng đảng, tất nhiên chưa phải là cuối cùng, chỉ là bước đầu tiên đi đúng hướng”. “Không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục hỗ trợ này.”

Cô nói thêm: “Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để Mỹ tiếp tục mạnh mẽ và tiếp tục hỗ trợ chúng tôi”.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cũng chia sẻ quan điểm tương tự về việc cung cấp vũ khí cho Kyiv trong một tuyên bố mà ông gửi tới các đồng minh Âu Châu của Ukraine.

Trong tin nhắn mà Bloomberg có được, Umerov cho biết Ukraine đang gặp phải tình trạng thiếu đạn pháo “nghiêm trọng” và không thể theo kịp mức sử dụng đạn pháo trung bình hàng ngày của Nga.

Ông viết: “Bên có nhiều đạn dược nhất thường chiến thắng”.

Tháng trước, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Celeste Wallander cũng nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Kyiv đang cạn kiệt vũ khí cần thiết để chống lại Nga.

Trong khi kêu gọi Quốc hội cung cấp thêm tài chính cho quân đội Ukraine, Wallander cho biết Kyiv hiện “không có đủ kho đạn dược mà họ cần” để tự vệ trước lực lượng của Putin.

4. Tình báo Nga phát động chiến dịch chống phương Tây, chống Ukraine ở Serbia

Các đặc vụ của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao ở Serbia đang điều phối một chiến dịch nhằm mở rộng tình cảm chống phương Tây ở Serbia và chống lại việc cung cấp đạn dược quốc tế cho Ukraine.

Cuối cùng, đã có tường thuật sai sự thật xung quanh những hậu quả được cho là của việc sử dụng đạn uranium cạn kiệt trong chiến đấu, một nguồn tin trong chính phủ Serbia cho biết như trên.

Nguồn tin cho biết, vào Tháng Giêng năm 2024, đặc vụ tình báo Nga Andrei Temyashov, làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao là cố vấn trưởng đại sứ quán Nga) và Mikhail Generalov (đóng giả là cố vấn đặc mệnh của Đại sứ quán Nga) đã gặp luật sư người Serbia và Ý Srdjan Aleksic và Angelo Fiore Tartaglia để lên kế hoạch và điều phối một loạt sự kiện trong khuôn khổ chiến dịch nói trên.

Để đạt được những mục tiêu này, Nga đang khai thác chủ đề về hậu quả của việc sử dụng đạn uranium nghèo trong cuộc xung đột ở Nam Tư, điều chỉnh nó cho phù hợp với nhiệm vụ chiến lược là chống lại việc cung cấp đạn dược quan trọng cho Ukraine.

Vào năm 2022, Srdjan Aleksic và Angelo Fiore Tartaglia đã soạn thảo một vụ kiện chống lại NATO về việc sử dụng đạn uranium nghèo trong cuộc xung đột ở Nam Tư vào năm 1999. Vụ kiện đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao Serbia vào năm 2022 và bản thân chiến dịch này đã được hỗ trợ bởi Truyền thông nhà nước Nga Sputnik và RT.

Angelo Fiore Tartaglia, người cũng đại diện cho lợi ích của Tổng thống thân Nga của Republika Srpska, Miroslav Dodik, cũng đại diện cho Hiệp hội nạn nhân Uranium cạn kiệt quốc gia Ý. Vào ngày 28 tháng 2 năm 2022, các đại diện hiệp hội đã có buổi tiếp kiến riêng với Giáo hoàng, trong đó những người tham gia cáo buộc các quốc gia phương Tây sử dụng đạn uranium đã cạn kiệt.

Srdjan Aleksic và Angelo Fiore Tartaglia công khai phản đối việc phương Tây cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine. Vào tháng 3 năm 2023, Srdjan Aleksic, trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, nói rằng việc sử dụng đạn pháo có uranium nghèo ở vùng chiến sự ở Ukraine và các nơi khác trên thế giới nên bị cấm. Cũng trong tháng 3 năm 2023, Angelo Fiore Tartaglia, trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Il Manifesto của Ý, đã chỉ trích việc cung cấp loại đạn như vậy cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Cần nhớ lại rằng một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc đã phát hiện ra rằng đạn uranium nghèo được sử dụng ở các vùng chiến sự Nam Tư và Bosnia không ảnh hưởng gì đến môi trường, dân số và các chiến binh. Các báo cáo về tỷ lệ ung thư gia tăng ở Nam Tư sau khi sử dụng đạn uranium nghèo đã bị bác bỏ bởi một nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Ý thực hiện.

5. Lính bắn tỉa từ Mạc Tư Khoa đe dọa bắn những binh sĩ đào ngũ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Talk Snipers From Moscow Threatening to Shoot Deserters”, nghĩa là “Lính Nga đề cập đến lính bắn tỉa từ Mạc Tư Khoa đe dọa bắn những người đào ngũ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhóm binh sĩ Nga đang chiến đấu ở Ukraine hôm thứ Năm đã quay một đoạn video trong đó họ thảo luận về việc “chặn các đơn vị” lính bắn tỉa do Mạc Tư Khoa cử đến để ngăn quân đội chạy trốn khỏi chiến trường.

Đoạn clip được chia sẻ lên X, vào thứ Sáu bởi WarTranslation, một dự án truyền thông độc lập chuyên dịch các tài liệu về cuộc chiến Nga-Ukraine sang tiếng Anh.

“Sau cuộc tấn công ngày hôm qua, trong quá trình rút quân, những người bị thương hoặc sợ hãi bị lính rào cản gọi là 'đồ khốn nạn' và 'đồ thịt'“, một binh sĩ nói trong video.

Anh nói tiếp: “Họ không coi chúng tôi là con người. Họ đã bố trí các đơn vị chặn. Những tay bắn tỉa hành động chống lại chúng tôi.”

Trong suốt cuộc chiến do Putin phát động vào tháng 2 năm 2022, nhiều báo cáo đã xuất hiện về việc Mạc Tư Khoa sử dụng cái gọi là “các đơn vị phong tỏa”, còn được gọi là “quân rào chắn”. Các đơn vị này được cho là đã được sử dụng ở Ukraine để bắn những binh lính Nga cố gắng đầu hàng hoặc trốn thoát khỏi trận chiến.

Vào tháng 11 năm 2022, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã ghi nhận sự hiện diện của các đơn vị chặn đường của Nga ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga viết vào thời điểm đó: “Do tinh thần xuống thấp và không sẵn lòng chiến đấu, các lực lượng Nga có thể đã bắt đầu triển khai 'đội quân rào chắn' hoặc 'các đơn vị phong tỏa'. “Các đơn vị này đe dọa bắn những người lính đang rút lui của họ để buộc các cuộc tấn công và đã được lực lượng Nga sử dụng trong các cuộc xung đột trước đây.”

Những người lính trong video mới là thành viên của lữ đoàn Dù ở Novomikhailovka, một thị trấn ở vùng Donetsk.

“Chúng tôi muốn bắt đầu một cuộc kêu gọi quần chúng tới tất cả các bộ phận để việc này cuối cùng chấm dứt. Ba nhóm tấn công đã được cử đi ngày hôm qua. Chỉ có ba người trở lại”.

“Không có di tản nào cho những người bị thương. Một số đã quay trở lại bằng mọi cách có thể”, người lính nói thêm.

Người lính Nga sau đó bày tỏ sự bất bình của đại đội anh ta với các chỉ huy của họ, nói rằng các sĩ quan đối xử với họ “như thịt, theo đúng nghĩa đen”.

Ông nói rằng họ sẵn sàng chiến đấu, nhưng họ “yêu cầu giải tán ban lãnh đạo này”.

WarTranslation thường xuyên đăng tải video binh lính Nga bày tỏ sự bất bình với Putin hoặc các nhà lãnh đạo quân sự Nga. Đầu tháng này, tài khoản X của WarTranslation đã chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh một nhóm binh sĩ Nga bị thương phàn nàn rằng họ đã bị “vứt bỏ” tại một bệnh viện dã chiến ở Ukraine mà không có thuốc men cần thiết.

Dự án truyền thông này cũng đã đăng tải một đoạn video trước đó vào tháng 11 trên X được cho là quay cảnh những người lính Nga khỏa thân bị buộc phải ở trong một cái hố vì họ không chịu chiến đấu. Tương tự, WarTranslation đã đăng một đoạn video vào cuối tháng 6 về một công ty Storm-Z của quân đội Nga nói rằng họ sẽ không quay trở lại cái mà họ gọi là “máy xay thịt” tiền tuyến.

6. Vào bất cứ lúc nào từ hôm nay trở đi, Ukraine sẽ lặng lẽ nhận được F-16

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Any Day Now, Ukraine Will Finally Get Its F-16s”, nghĩa là “Bất cứ ngày nào từ giờ trở đi, Ukraine cuối cùng cũng sẽ nhận được F-16”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Bất cứ ngày nào, lực lượng không quân Ukraine cũng có thể nhận được những chiếc chiến đấu cơ Lockheed Martin F-16 đã qua sử dụng đầu tiên.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã cảm ơn chính phủ Hà Lan “vì quyết định bắt đầu chuẩn bị 18 máy bay phản lực F-16 ban đầu để chuyển giao cho Ukraine”.

Bộ Quốc phòng Hà Lan nhấn mạnh rằng F-16 sẽ không được xuất xưởng cho đến khi mọi thủ tục giấy tờ được hoàn tất và Bộ Quốc phòng Ukraine có căn cứ không quân phù hợp cũng như đủ nhân lực được đào tạo.

Các phi công Ukraine đã đến Rumani học cách lái chiếc F-16 nhanh nhẹn. Có lẽ không có lý do gì mà lô F-16 đầu tiên của Ukraine lại không được giao trong vòng vài tuần, thậm chí là vài ngày tới đây.

Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy đều đã cam kết cung cấp cho Ukraine những chiếc F-16 dư thừa của họ. Có khả năng Ukraine sẽ có được hơn 60 chiến đấu cơ siêu thanh một động cơ, một chỗ ngồi, siêu âm để hỗ trợ các chiến đấu cơ MiG và Sukhoi hiện có (và ít phức tạp hơn nhiều).

18 chiếc F-16 đầu tiên này - trong số 42 chiếc mà lực lượng không quân Hà Lan có thể cung cấp trong khoảng thời gian tới - đã được “cải tiến”, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết,

Đó là sự thật: Bản cập nhật giữa vòng đời của F-16A/B, hay MLU, được cải tiến so với chiếc F-16 ban đầu từ đầu những năm 1980. Nhưng đừng hy vọng máy bay Ukraine sẽ nhận được những cải tiến mới nhất mà Không quân Mỹ đang bổ sung cho những chiếc F-16 của mình.

Chiếc MLU cổ điển của những năm 1990, được một số lực lượng không quân Âu Châu sử dụng hoặc gần đây đã được sử dụng—không chỉ lực lượng không quân Hà Lan, mà cả lực lượng không quân Đan Mạch, Na Uy và các lực lượng không quân khác—có radar Northrop Grumman APG-66V2.

Đó là radar nhanh hơn và đáng tin cậy hơn APG-66 ban đầu. Nhưng nó vẫn là một radar cơ học có thể theo dõi đồng thời nhiều nhất một vài mục tiêu. Radar mới mà USAF đang lắp đặt trên những chiếc F-16—APG-83 được quét điện tử của Northrop—đồng thời có thể theo dõi hàng chục mục tiêu.

Chỉ mất vài ngày để đổi một chiếc APG-66 lấy một chiếc APG-83 mới, nhưng không rõ Ukraine có bận tâm đến điều đó hay không – nhất là khi nhu cầu về chiến đấu cơ mới của họ là cấp thiết. Đặc biệt, mỗi chiếc APG-83 có giá hơn 2 triệu Mỹ Kim.

Lực lượng không quân Ukraine có lẽ chỉ có chưa đến một trăm chiếc Mikoyan MiG-29 và Sukhoi Su-27 cổ điển của thập niên 1980 để chống lại các chiến đấu cơ, máy bay không người lái và hỏa tiễn của Nga. Và trong khi người Mỹ đã giúp Ukraine sửa đổi các máy bay phản lực này để mang bom lượn và hỏa tiễn chống bức xạ do Mỹ sản xuất, thì người Mỹ dường như chưa làm gì để cải thiện khả năng không đối không của máy bay Ukraine.

Để chiến đấu tốt hơn trên không, Ukraine cần máy bay mới. Họ cần F-16.

F-16 dễ bay hơn máy bay phản lực kiểu Liên Xô, tự hào có phần cứng cảnh báo radar và gây nhiễu radar hiệu quả và trong điều kiện thích hợp, có thể theo dõi mục tiêu trên không và bắn hỏa tiễn AIM-120 trên không từ khoảng cách 50 dặm hoặc xa hơn, tất nhiên tùy thuộc vào mẫu AIM-120 cụ thể mà Ukraine treo trên máy bay F-16 của mình.

Khoảng cách đó có thể xa hơn hàng chục dặm so với khả năng một chiếc MiG hoặc Sukhoi có thể theo dõi mục tiêu và bắn hỏa tiễn R-27.

Các máy bay đánh chặn tốt nhất của lực lượng không quân Nga, Mikoyan MiG-31 và Sukhoi Su-35, có thể tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách 80 dặm hoặc xa hơn bằng hỏa tiễn R-37 của chúng, vì vậy phi công F-16 Ukraine có thể chọn tránh thay vì giao chiến với một chiếc MiG. -31 hoặc Su-35.

Nhưng so với các loại chiến đấu cơ, hỏa tiễn hoặc máy bay không người lái khác, F-16 thể hiện sự cải tiến rõ rệt so với MiG-29 và Su-27.

Những chiếc F-16 cũ của Hà Lan đã tích lũy rất nhiều sự mệt mỏi của khung máy bay trong quá trình phục vụ lâu dài ở Hà Lan. Nhưng ít nhất trong vài năm tới, chúng sẽ tăng cường đáng kể khả năng và năng lực phòng không của lực lượng không quân Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết: “Với F-16, Ukraine có thể tự vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công của Nga”.

7. Hoa Kỳ và NATO phô diễn 'hỏa lực' để cảnh báo Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Phái bộ NATO Mỹ phô diễn 'hỏa lực' cảnh báo Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo tờ NewsWeek, phái đoàn Mỹ tại NATO đã khoe dàn xe tăng khổng lồ trong một bài đăng thể hiện sức mạnh quân sự tổng hợp của Mỹ và Âu Châu nhằm cảnh báo Nga.

Các bức ảnh được đăng lên X, cho thấy ít nhất 21 phương tiện chiến đấu quân sự mới nhất xếp hàng với cờ của các quốc gia bao gồm Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Anh cùng với quốc kỳ Mỹ.

Bài đăng tuyên bố đây là một “cuộc phô trương hỏa lực” và viết: “Chúng tôi đã đồng ý với các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh được thiết kế để chống lại hai mối đe dọa chính đối với Liên minh của chúng ta: Nga và khủng bố.”

Trong hội nghị thượng đỉnh gần đây của Nhóm Visegrad – bao gồm Ba Lan, Hung Gia Lợi, Slovakia và Cộng hòa Tiệp – Tổng thống Tiệp Petr Pavel được truyền thông Nga trích dẫn rằng các lực lượng Âu Châu đang chuẩn bị cho một “cuộc xung đột cường độ cao” với Mạc Tư Khoa.

Theo nhà báo truyền thông nhà nước Nga Pavel Zarubin, Điện Cẩm Linh đáp trả bằng tuyên bố từ phát ngôn nhân Dmitry Peskov rằng: “Không phải Nga đe dọa Âu Châu, mà là Âu Châu đặt ra mối đe dọa cho Nga”.

Những bức ảnh về bộ sưu tập xe tăng do phái đoàn Mỹ tại NATO công bố có thể báo hiệu cam kết của liên minh quân sự Mỹ và Âu Châu trong việc mở rộng sức mạnh trong bối cảnh Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức công bố báo cáo cho biết tổ chức này phải sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn trong vòng năm đến chín năm.

Báo cáo cho biết liên minh này đang trong một “cuộc chạy đua với thời gian” vì Nga “là mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất đối với các nước NATO”, tác giả Christian Mölling và Torben Schütz cho biết.

Báo cáo nói thêm: “Một khi giao tranh khốc liệt kết thúc ở Ukraine, chế độ ở Mạc Tư Khoa có thể cần ít nhất từ 6 đến 10 năm để tái thiết lực lượng vũ trang của mình. Trong khung thời gian đó, Đức và NATO phải cho phép lực lượng vũ trang của họ ngăn chặn và, nếu cần thiết, chiến đấu chống lại Nga. Chỉ khi đó họ mới có thể giảm nguy cơ một cuộc chiến khác nổ ra ở Âu Châu.”

Nga gần đây bị cáo buộc cố tình gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Phần Lan, thành viên NATO nhằm gây bất ổn cho thành viên mới nhất của liên minh quân sự này.

Chính quyền Phần Lan đã đóng cửa bốn cửa khẩu biên giới với Nga vào tuần trước sau khi số người xin tị nạn không có giấy tờ cố gắng vào nước này tăng đột biến. Điện Cẩm Linh phủ nhận tuyên bố đây là một âm mưu có chủ ý.

Nhưng Mikko Kinnunen, đại sứ, truyền thông chiến lược, tại Bộ Ngoại giao Phần Lan, nói với Newsweek hôm thứ Năm: “Mọi người đều hiểu rõ đây là một hoạt động gây ảnh hưởng ác ý của Nga”.
 
Nếu Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng diễn ra lúc này, vị Hồng Y nào là ứng viên sáng giá nhất?
VietCatholic Media
16:04 10/02/2024


1. Thánh lễ an táng cảnh sát trưởng New Jersey

Vụ tự tử bi thảm của một cảnh sát trưởng được yêu mến ở một quận nhỏ ở New Jersey cho thấy Giáo Hội Công Giáo, vốn từng cấm tổ chức tang lễ Công Giáo cho những người chết do tự tử, giờ đây một phản ứng với việc tự sát theo một chiều hướng khác.

“Tự tử là một thảm kịch của con người làm rung chuyển các gia đình và làm tan nát trái tim,” Giám mục Kevin Sweeney của Paterson nói trong một tuyên bố với CNA sau cái chết của Cảnh sát trưởng Quận Passaic Richard Berdnik. Theo báo cáo, hàng ngàn người đã tập trung tại Nhà thờ St. John the Baptist ở Giáo phận Paterson để tưởng niệm và cầu nguyện trong tang lễ cảnh sát trưởng, một Hiệp sĩ Công Giáo cấp bốn của Columbus.

Berdnik, người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành thực thi pháp luật, đã chết vào tháng trước do một phát súng tự bắn vào đầu.

Cha sở nhà thờ, Đức ông Geno Sylva, đã biết Berdnik và gia đình ông trong nhiều năm. Ngài đã giảng trong Thánh lễ an táng vào hôm Thứ Tư. Trong bài giảng, Cha Sylva nhớ lại “cảnh sát trưởng của chúng tôi” đang sửa chữa thiết bị HVAC trước lễ rửa tội của cháu trai ông trong cùng một nhà thờ.

“Khi chúng ta tụ tập ở đây ngày hôm nay, vấn đề không phải là cảnh tượng viên cảnh sát trưởng bước vào bảng điều khiển của hệ thống sưởi để đánh lừa cơ chế của nó, mà là nhớ lại cách Richard Berdnik đã đi vào trái tim chúng ta để thay đổi cuộc sống của chúng ta,” ngài nói tại tang lễ.

Đức Cha Sweeney Ngài nói trong một thông cáo báo chí: “Trước thảm kịch, lòng thương xót là lời hứa chữa lành của Thiên Chúa”. “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là bảo vệ món quà thiêng liêng của sự sống. Thứ hai là quyết tâm của người Kitô hữu trở thành công cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tan vỡ và tuyệt vọng.”

Đức Cha Sweeney lưu ý: “Mặc dù trước đây Giáo hội đã cấm tổ chức tang lễ và chôn cất theo Kitô giáo đối với những người tự kết liễu đời mình, nhưng những diễn biến trong tâm lý học hiện đại cho thấy rằng sự mất cân bằng về cảm xúc, sự đau khổ trầm trọng hoặc nỗi sợ hãi thường xuyên làm giảm bớt trách nhiệm đối với một người tuyệt vọng như vậy”

Trong phần lớn lịch sử của Giáo hội, những người chết do tự sát được chôn cất ở những khu đất riêng biệt, không thánh hiến và không được tổ chức tang lễ theo Công Giáo.

Kể từ đó, thực tiễn đã thay đổi, tập trung ngày càng nhiều vào việc ngăn ngừa tự tử và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ tự tử đã tăng lên kể từ năm 2000. Khoảng 1 trong 5 người Mỹ được cho là đang sống chung với một số dạng bệnh tâm thần và tính đến năm 2022, hơn 4% người Mỹ trên 18 tuổi cho biết bị trầm cảm.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Ambongo của Congo nổi lên với tư cách là ứng viên giáo hoàng sáng giá nhất hiện nay

John Allen của tờ Crux có bài bình luận nhan đề “On the ‘Cobra Effect’ and Congo’s Ambongo as an emerging papal candidate”, nghĩa là “Về 'Hiệu ứng Rắn hổ mang' và Đức Hồng Y Ambongo của Congo với tư cách là ứng viên giáo hoàng mới nổi”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mặc dù có thể là ngụy tạo, nhưng câu chuyện kể rằng trong thời kỳ Anh cai trị Ấn Độ, các quan chức thuộc địa đã lo ngại về rắn hổ mang độc ở thành phố Delhi và quyết định treo thưởng cho mỗi con rắn chết. Một cách tự nhiên, những người dân địa phương dám nghĩ dám làm bắt đầu nhân giống rắn hổ mang để thu về phần thưởng. Khi người Anh phát hiện ra mưu mẹo và rút lại lời đề nghị, các nhà lai tạo đã thả những con rắn hổ mang hiện đã vô giá trị của họ, do đó khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn đáng kể.

Cái gọi là “Hiệu ứng rắn hổ mang” là một minh họa kinh điển về cái được gọi là “Quy luật về những hậu quả không lường trước được”. Thông thường, các hành động được thiết kế để đạt được một kết quả nào đó lại thực sự tạo ra một loạt các hiệu ứng khác, hầu hết trong số đó người thực hiện chưa bao giờ hình dung hoặc mong muốn.

Ngay bây giờ, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong phiên bản “Hiệu ứng rắn hổ mang” của chính ngài đối với tài liệu Fiducia Supplicans của Vatican về việc ban phước cho những người kết hợp đồng giới.

Trớ trêu thay, một hậu quả chính của cuộc tranh cãi xung quanh tài liệu này lại dường như đã tạo cơ hội cho những người chỉ trích bảo thủ đối với Đức Giáo Hoàng tấn công những ứng cử viên có thể có trong Cơ Mật Viện tương lai, nghĩa là những ứng cử viên có thể lèo lái giáo hội theo một hướng khác..

Hiện tại, cuộc tranh luận về ai sẽ là Giáo Hoàng tương lai đã tăng lên nhiều trong cuộc tranh cãi liên quan đến Fiducia và có lẽ không có ai sáng giá hơn trong tư cách ứng viên giáo hoàng, như Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu của Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo, người cũng là nhà lãnh đạo được bầu các Giám Mục Phi Châu bầu là chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM.

Một bài báo gần đây trên tờ báo Ý Il Messaggero, của phóng viên kỳ cựu chuyên về Vatican, Franca Giansoldati, đã nói lên tất cả: “Hồ sơ của Đức Hồng Y Ambongo tiến bộ trong số các giáo hoàng tương lai: Ngài lãnh đạo cuộc phong tỏa Phi Châu về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính”.

Bài báo đề cập đến thực tế là Đức Hồng Y Ambongo, 64 tuổi, là người chủ động trong một tuyên bố ngày 11 Tháng Giêng từ SECAM tuyên bố Fiducia Supplicans là một Tuyên ngôn chết trên tòan lục địa Phi Châu. Các vị Giám Mục Phi Châu “không coi việc Phi Châu ban phước cho các cặp đồng tính hoặc các cặp đồng giới là phù hợp bởi vì, trong bối cảnh của chúng ta, điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn và sẽ mâu thuẫn trực tiếp với đặc tính văn hóa của các cộng đồng Phi Châu”.

Tất nhiên, tuyên bố SECAM hầu như không phải là phản ứng tiêu cực duy nhất mà Fiducia tạo ra, nhưng nó đặc biệt đáng chú ý vì hai lý do.

Trước hết, đây là lần đầu tiên các giám mục của cả một lục địa tuyên bố rằng sắc lệnh của Vatican sẽ không được áp dụng trên toàn lãnh thổ của các ngài. Nhìn chung rất khó để có được một nhóm giám mục đồng ý về bất cứ điều gì, nên cách thức phản hồi ngắn gọn và nhanh chóng của SECAM, ngoài những điều khác, là một minh chứng cho sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Ambongo.

Hơn nữa, tuyên bố của SECAM còn gây ấn tượng mạnh về cách thức nó được thực hiện với sự phối hợp của Đức Giáo Hoàng và các cố vấn hàng đầu của ngài.

Đức Hồng Y Ambongo đã kể câu chuyện này trong một cuộc trò chuyện với một blog Công Giáo Pháp. Sau khi yêu cầu các hội đồng giám mục Phi Châu trả lời Fiducia, ngài bay tới Rôma để chia sẻ chúng với Đức Giáo Hoàng. Đức Phanxicô đã yêu cầu ngài làm việc với Đức Hồng Y người Á Căn Đình Victor Manuel Fernández của Bộ Giáo lý Đức tin, là điều mà Ambongo đã làm, đồng thời tham khảo ý kiến của Đức Thánh Cha trong quá trình thực hiện, để khi tuyên bố SECAM xuất hiện, nó mang theo một con dấu chấp thuận trên thực tế của Đức Giáo Hoàng.

Nói cách khác, Ambongo đã tìm ra cách để người Phi Châu phản đối Đức Giáo Hoàng, ít nhất là gián tiếp, nhưng không có vẻ bất trung. Đó là một trong những chiếc kim khó xỏ chỉ nhất trong đời sống Công Giáo, và phong cách nghệ thuật mà Đức Hồng Y Ambongo sử dụng để tháo nó ra đã thu hút nhiều sự chú ý.

Đây là cách Soldati tóm tắt mọi thứ trong bài viết của mình cho Messaggero:

“Vào thời điểm rất tế nhị này, Đức Hồng Y Ambongo đã thể hiện một vai trò quan trọng, chứng tỏ cho Hồng Y đoàn thấy khả năng hòa giải không thể nghi ngờ cũng như lòng dũng cảm tuyệt vời, đến mức có những người hiện đang xem ngài như một ứng viên Giáo Hoàng khả thi trong mật nghị tiếp theo, trong một tương lai giả định, bất cứ khi nào có thể: Một Hồng Y được bầu từ một lục địa đang phát triển, bám chặt vào truyền thống, trung thành với nguyên tắc đồng nghị, người biết rõ các cơ chế giáo triều, và có tầm nhìn có khả năng đối mặt với một tương lai phức tạp”.

Soldati viết: “Tóm lại, ngài có tất cả những phẩm chất của một Giáo hoàng da đen trong tương lai.”

Là thành viên của Dòng Phanxicô Capuchin, Đức Hồng Y Ambongo có bằng thần học luân lý tại Học viện Alphonsô danh giá do Dòng Chúa Cứu Thế điều hành vào cuối những năm 1980. Trong những năm sau đó, ngài làm việc trong một giáo xứ, giảng dạy trong các chủng viện và giữ nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong dòng Capuchin cho đến khi được phong làm giám mục vào năm 2004 ở tuổi 44.

Vào năm 2016, Đức Cha Ambongo trở thành Tổng Giám mục của Mbandaka-Bikoro và, giống như người thầy của ngài, cố Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, ngài sớm nhận thấy mình bị đẩy vào vòng xoáy chính trị Congo. Khi Tổng thống lúc bấy giờ là Joseph Kabila trì hoãn các cuộc bầu cử vào năm 2016 để duy trì quyền lực, Đức Cha Ambongo đã trở thành nhà lãnh đạo phe đối lập ủng hộ dân chủ và giúp đàm phán Thỏa thuận khung St. Sylvester mở đường cho các cuộc bầu cử mới vào năm 2018.

Đức Hồng Y Ambongo chắc chắn không thiếu sự táo bạo. Sự ủng hộ thẳng thắn về môi trường của ngài, bao gồm cả những lời chỉ trích cả các công ty khai thác và dầu mỏ khổng lồ toàn cầu cũng như các chính trị gia địa phương, đã tạo ra những mối đe dọa tử vong trong nhiều năm; có thời điểm, ngài tự gọi mình là “người gặp nguy hiểm ở Congo”.

Rõ ràng ngài được sự ưu ái của Đức Thánh Cha Phanxicô, được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Hồng Y của Giáo hoàng vào năm 2020, thay thế Đức Hồng Y Monsengwo, và sau đó được xác nhận vào vị trí đó vào năm 2023. Ngài cũng đã tổ chức chuyến tông du thành công của Đức Giáo Hoàng tới Congo vào tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, như sự lên men ở Fiducia đã minh họa, ngài cũng có khả năng phá vỡ dàn hợp xướng hallelujah luôn vây quanh bất kỳ giáo hoàng nào khi ngài tin rằng một vấn đề nguyên tắc đang bị đe dọa.

Do đó, Ambongo có thể thu hút các Hồng Y bảo thủ đang tìm kiếm sự thay đổi, nhưng ngài cũng nhận được sự tôn trọng của những người trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô vì cách đối thoại mà ngài đã giải quyết. Lý lịch của ngài chắc chắn thể hiện sự nghiêm chỉnh - một chính khách và chuyên gia giải quyết rắc rối trong nền chính trị quốc gia, lãnh đạo lục địa của một hội đồng giám mục, và một cố vấn của Đức Giáo Hoàng với kiến thức nội bộ về các nỗ lực cải cách của Vatican.

Bất cứ ai cũng có thể đoán được liệu đó có phải là công thức tạo nên một giáo hoàng tương lai hay không. Tuy nhiên, điều có vẻ an toàn hơn là hồ sơ của vị Giám Mục mới là vấn đề quan trọng, bây giờ và trong tương lai.


Source:Crux

3. Nửa triệu người Công Giáo ở Ấn Độ thỉnh cầu chính phủ có điều kiện sống tốt hơn

Hàng trăm ngàn người Công Giáo Ấn Độ đang kiến nghị chính phủ cải thiện điều kiện sống ở đó.

Đại hội Công Giáo Syro-Malabar đã trình lên Thủ hiến bang Kerala Pinarayi Vijayan bản kiến nghị vào cuối tháng trước sau một chiến dịch chữ ký lớn, một chiến dịch nhằm giải quyết điều mà đại hội mô tả là “những cuộc khủng hoảng chưa từng có” mà cộng đồng Kitô giáo ở đó phải đối mặt.

Chủ tịch Nghị hội Công Giáo Biju Parayannilam nói với UCA News trong tháng này rằng Vijayan “rất quan tâm và yên tâm xem xét các yêu cầu của chúng tôi”.

“ Khoảng nửa triệu người Công Giáo” ở Kerala đã ký tên thỉnh nguyện.

Cha Philip Kaviyil, giám đốc ủy ban toàn cầu của Đại hội Công Giáo, nói với hãng tin: “Những người bình thường đang phải vật lộn để kiếm sống và chúng tôi muốn chính phủ tập trung sự chú ý vào các vấn đề của họ”.

Trong số các yêu cầu được đưa ra với chính phủ là việc cung cấp các khoản thanh toán an sinh xã hội kịp thời. Vị linh mục cho biết, những công dân cao tuổi trong tiểu bang được chính phủ cấp số tiền tương đương khoảng 20 Mỹ Kim mỗi tháng, nhưng họ “không nhận được đúng hạn, khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ”.

Nông dân cũng được cho là đang phải vật lộn để kiếm sống đồng thời phải đối phó với các cuộc tấn công của động vật hoang dã.

Parayannilam cho biết các nhà hoạt động “hy vọng rằng chính phủ sẽ đưa ra một số thông báo tích cực liên quan đến các yêu cầu của chúng tôi trong phiên họp ngân sách hiện tại của quốc hội bang”.

Vatican News lưu ý rằng các Kitô hữu chiếm khoảng 20% dân số địa phương ở Kerala, cộng đồng Kitô giáo ở đó có nguồn gốc xa xưa từ Thánh Thomas Tông đồ.

Giáo hội Syro-Malabar là một trong 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự trị hiệp thông hoàn toàn với Rôma. Có trụ sở tại Kerala, nó có hơn 4 triệu thành viên trên toàn thế giới, trở thành nhà thờ Công Giáo Đông phương lớn thứ hai sau Nhà thờ Công Giáo Đông Phương Ukraine.


Source:Catholic News Agency