Ngày 09-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khởi đi từ bên trong
Lm. Minh Anh
03:55 09/02/2022

KHỞI ĐI TỪ BÊN TRONG
“Chỉ những gì từ con người xuất ra, mới làm cho họ ra ô uế”.

Trong một tác phẩm của mình, nhà thần học Carl Henry viết, “Một điều khiến lương tâm con người nhạy bén với Thiên Chúa là thói quen cởi mở với Ngài ‘khởi đi từ bên trong!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với Carl Henry, Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một cái gì ‘khởi đi từ bên trong! “Chỉ những gì từ con người xuất ra, mới làm cho họ ra ô uế”; ngược lại, cũng chỉ những gì phát xuất từ con người cũng là điều làm cho người ta nên thánh thiện! Chúa Giêsu từng nói, “Vương Quốc Thiên Chúa, ở giữa anh em”; “ở trong anh em”. Do đó, mọi cuộc chiến chống lại Vương Quốc cũng ‘khởi đi từ bên trong’ mỗi người!

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 405 cho biết, tội nguyên tổ “tước đoạt sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ”; bản chất con người “tổn thương bởi những năng lực tự nhiên của nó”; vì thế, nó phải chịu “sự ngu dốt, đau khổ và thống trị của cái chết; và có khuynh hướng nghiêng chiều về tội”. “Sự nghiêng chiều này được gọi là dục vọng!”. Chính dục vọng khuynh đảo mọi khuynh hướng rối loạn vốn nổi lên bên trong con người. Những khuynh hướng này, nếu được chấp nhận, như Chúa Giêsu nói, là điều làm cho người ta ra ô uế. Như vậy, sự thánh thiện và thanh tẩy cũng phải ‘khởi đi từ bên trong’; những tư tưởng và ước muốn phải được sắp xếp theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Bấy giờ, sự thánh thiện cũng sẽ nổi lên bề mặt, bằng những việc lành cụ thể trong lời nói và hành động.

Vậy mà, con người lại quan tâm đến điều bên ngoài hơn bên trong. Chúng ta thường lo lắng thái quá về việc được người khác nhìn nhận; bộ tịch chúng ta ra sao, danh tiếng chúng ta thế nào trong mắt thế giới! Chúa Giêsu không đồng ý với người Pharisêu khi họ cho rằng, ăn một số thức ăn nhất định, sẽ làm cho một người nào đó ra ô uế. Ngài không tốn tiền mua những thứ này! Ngài hướng sự chú ý vào trái tim; chính điều xuất phát từ trái tim mới thật sự quan trọng!

Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự trong trái tim, cả khi không ai khác nhìn thấy; Chúa Giêsu thấy hai đồng kẽm của bà goá trong đền thờ, là tất cả những gì bà có để nuôi sống. Như vậy, điều ‘khởi đi từ bên trong’ có thể tác hại to tát, cũng là điều làm nên những việc trọng đại. Nhiều người, trong nhận thức của công chúng, là không đáng gì; nhưng dưới nhãn quan của Thiên Chúa, họ đang đi đúng mục tiêu. Ngược lại, nhiều người là sao sáng trong dư luận quần chúng; ấy thế, trong cái nhìn của Thiên Chúa, họ thật vô tích sự! Vậy, điều quan trọng là, Chúa nghĩ gì?

Bài đọc Cựu Ước hôm nay cho biết, khi nữ hoàng Saba nhìn thấy sự giàu có và xa hoa của Salômon, bà thất kinh. Salômon đã vượt xa mong đợi của bà cả về sự khôn ngoan lẫn sự thịnh vượng. Bà nói, “Phúc cho thần dân ngài, phúc cho các cận vệ của ngài; họ được ở trước mặt ngài và nghe lời khôn ngoan” đúng như Thánh Vịnh đáp ca cho biết, “Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan”. Bà thốt lên, “Chúc tụng Thiên Chúa của ngài là Đấng yêu thương ngài, và đặt ngài lên ngôi báu Israel”. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì bên ngoài mà nữ hoàng nhìn thấy, bà không thấy những gì ‘khởi đi từ bên trong’ lòng dạ của vị vua này. Quả thế, Salômon đã coi thường Chúa; về sau, ông chạy theo thần ngoại của các bà vợ; vì thế, Chúa truất phế ông.

Anh Chị em,

“Những gì xuất ra tự con người cũng là điều làm cho người ta nên thánh thiện!”. Sự thánh thiện phát xuất từ con tim được tìm thấy trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, chứ không được tìm thấy trong việc chúng ta phục vụ một hình ảnh được quần chúng yêu thích. Lời Chúa mời gọi chúng ta xét xem động lực nội tâm; đồng thời, thách thức chúng ta thanh luyện con tim của mình. Tại sao tôi làm điều này? Đó có phải là lựa chọn xuất phát một từ trái tim lương thiện và chân thành không? Hay đó chỉ là những lựa chọn nghiêng chiều vào cách tôi sẽ được người khác nhìn nhận? Ước mong sao, mọi động lực ‘khởi đi từ bên trong’ trái tim chúng ta là trong sáng; vì lẽ, nó khởi đi từ một trái tim kết hợp sâu sắc với trái tim rất thánh của Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho mọi việc con làm được phát xuất từ một động cơ trong sạch; được ‘khởi đi từ bên trong’ một trái tim luôn kết hợp mật thiết với Thánh Tâm rất yêu dấu của Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 10/02: Học theo Đức Giêsu – Suy Niệm: Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
05:41 09/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

Đó là lời Chúa
 
Phúc cho Anh Em là những kẻ nghèo khó
Lm. Đan Vinh
06:54 09/02/2022

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN C
Gr 17,5-8; 1 Cr 15,12.16-20; Lc 6,17.20-26
PHÚC CHO ANH EM LÀ NHỮNG KẺ NGHÈO KHÓ

HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 6,17.20-26
(17) Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông. Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. (20) Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. (21) Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. (22) Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. (23) Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa. Vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các Ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. (24) Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. (25) Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. (26) Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

2. Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng Lu-ca hôm nay ghi lại bài giảng khai mạc của Đức Giê-su tương đương với Tám Mối Phúc Thật trong Tin mừng Mát-thêu. Nội dung được tóm lại như sau:
- BỐN LỜI CHÚC PHÚC (c 20-23) : Phúc cho những kẻ nghèo khó, đói khát, ưu sầu và bị bách hại, vì bây giờ Chúa đến thiết lập Nước Thiên Chúa, họ sẽ được đền bù những thiệt thòi đang phải chịu bằng ơn cứu độ là hạnh phúc đời đời
- BỐN LỜI THỞ THAN (c 24-26) : Đây là những lời cảnh báo và ngăm đe đối với những kẻ đang sống trong giàu có, được no đầy, vui cười và được ca tụng, vì những điều ấy sẽ không còn tồn tại khi Nước Thiên Chúa đến trong Ngày của Chúa. Bấy giờ kẻ giàu có sẽ trở thành trắng tay, kẻ no nê sẽ phải chịu đói khát, kẻ vui cười sẽ phải chịu khổ đau, kẻ được vinh dự trước mặt người đời sẽ bị tước đọat tất cả.

3. CHÚ THÍCH :
- C 20-21 : + Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó... : Nghèo khó ở đây là sự nghèo về tiền bạc vật chất, khác với Tin mừng Mát-thêu nói về sự nghèo khó trong tâm hồn. Nghèo khó còn được hiểu là sự bé mọn (x. Lc 10,21), khiêm nhường tự hạ (x. Lc 14,11), là thái độ không dựa vào thế lực của tiền bạc, mà chỉ biết tín thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. + Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói... : Sự đói khát và no thỏa ở đây cần hiểu theo chiều hướng cánh chung hay thế mạt. + đang phải khóc... : Người ta cần phải biết đón nhận đau khổ gặp phải hằng ngày trong mầu nhiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
- C 22-23 : + Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa : “Bị xóa tên như đồ xấu xa” nghĩa là bị bôi nhọ thanh danh. +Hãy vui mừng nhảy múa : vì Chúa đến sẽ thiết lập một Trời Mới Đất Mới (x. Kh 21,1), và sẽ đền bù cho những ai bị thiệt thòi bằng ơn cứu độ.
- C 24-26 : +Khốn cho các ngươi... : Bốn lời tuyên bố đây song đối với bốn mối phúc trên. Đây không phải là những lời nguyền rủa, nhưng chỉ là sự xác nhận, than thở và ngăm đe, nhằm kêu gọi người ta ăn năn hối cải để mau thay đổi đời sống. + Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có : Lời kêu gọi người giàu có hãy hồi tâm sám hối, vì không thể cùng lúc làm tôi hai chủ là Thiên Chúa và tiền bạc được (x. Lc 16,13). + Khốn cho các ngươi bây giờ đang được no nê, đang được vui cười : Đức Giê-su cảnh báo về một sự đảo ngược tình thế : No nê bây giờ, nếu không chịu chia sẻ cơm bánh cho người nghèo thì sau này chính mình sẽ bị đói khát ! Vui cười hôm nay, cần phải đề phòng vì mai ngày sẽ phải khóc than ! + Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng : Kẻ nào chỉ lo tìm kiếm hư danh ở đời này, nếu không sống theo sự chân thật công chính, thì số phận sau này sẽ phải chịu đau khổ nhục nhã mà bọn ngôn sứ đạo đức giả sẽ phải gánh chịu !

4. CÂU HỎI : Tại sao Đức Giê-su lại chúc phúc cho những kẻ nghèo khó tiền bạc, những kẻ đang chịu đói khát, khóc lóc sầu khổ và bị người đời thù ghét bách hại, là những điều không ai muốn và thường đem lại bất hạnh?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20).

2. CÂU CHUYỆN :

1) GIÁ TRỊ TƯƠNG ĐỐI CỦA TIỀN BẠC, DANH VỌNG, CHỨC QUYỀN :
Một cuộc khảo sát do Đại Học PO-LY-TECH-NIC ở Hong Kong thực hiện phỏng vấn 2 ngàn người giúp việc Phi-lip-pines ở Hong Kong và 300 ông bà chủ của họ. Kết quả là 92% người giúp việc Phi cảm thấy “hạnh phúc” hơn các ông bà chủ của họ.
- Tuy nhiên, khi hỏi nếu được hoán đổi vị trí xã hội để trở thành ông bà chủ, thì 100% các chị em ô-sin đều sẵn sàng hoán đổi, dù họ biết rất rõ là các người chủ của họ hàng ngày phải lo lắng đối phó với bao điều phức tạp như : Bị căng thẳng do áp lực của việc kinh doanh, lúc nào cũng lo xem chỉ số chứng khoán lên xuống, nên không có giờ vui chơi giải trí hay giao tiếp với người thân, luôn phải suy nghĩ để cải tiến kỹ thuật giúp công ty tồn tại và phát triển...
- Ngược lại, khi hỏi các ông bà chủ có muốn hoán đổi vị trí để trở thành ô-sin không, thì 100% đều dứt khoát trả lời “không bao giờ”, dù trước đó họ vừa công nhận những người giúp việc đang sống “hạnh phúc” hơn họ nhiều.
Như vậy tiền bạc tuy có giá trị vì là thành quả của tài trí khôn ngoan và lao động chăm chỉ. Nhưng giá trị của tiền bạc cũng chỉ tương đối, dễ bị tiêu tan và không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc… như tựa đề một cuốn phim : “Người giàu cũng khóc !”. Chính thái độ đối với tiền bạc mới là nguyên nhân làm cho người ta được hạnh phúc hay bị bất hạnh. Người nghèo tiền bạc vẫn có thể hạnh phúc nếu biết quan tâm và quảng đại chia sẻ đồng tiền đang có cho tha nhân. Và người giàu cũng có thể bị bất hạnh nếu coi đồng tiền là ông chủ và tìm mọi cách để sở hữu càng nhiều càng tốt. Chính khi biết quên mình để chia sẻ cơm áo cho những người nghèo khó bên cạnh theo lời Chúa dạy : “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) thì người giàu mới được Chúa chúc phúc.

2) HẠNH PHÚC TRONG CẢNH NGHÈO CỦA GÃ CHĂN CHIÊN :
Một ông vua kia có đủ mọi thứ của cải trên đời : Nào là cung điện nguy nga tráng lệ, vàng bạc đầy kho, ăn uống no say với đủ cao lương mỹ vị, lại có cả một đoàn hầu thiếp mỹ nữ phục vụ ngày đêm... Thế mà nhà vua vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Nhà Vua bị buồn phiền không thiết ăn uống đến nỗi phát bệnh. Các thày thuốc giỏi trong triều đình ngày đêm lo chữa trị cho nhà vua nhưng tất cả đều bó tay. Cuối cùng một vị danh y đã được triệu vào hoàng cung chũa bệnh cho nhà vua. Sau khi bắt mạch, vị danh y cho biết đức vua chỉ bị tâm bệnh, không cần dùng thuốc, mà chỉ cần mặc được chiếc quần lót của người nào thực sự hạnh phúc là bệnh sẽ khỏi. Một đoàn thái y được sai đi khắp nơi tìm kiếm con người hạnh phúc để lấy chiếc quần lót mang về trị bệnh cho nhà vua. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không sao tìm được người nào thực sự hạnh phúc, nên viên quan trưởng đoàn đành quyết định quay về triều chịu tội. Rồi một hôm khi đi ngang qua một cánh đồng cỏ thì đột nhiên đoàn thái y nghe thấy có tiếng ca hát rất hồn nhiên vui vẻ. Lần theo tiếng hát thì gặp một gã chăn chiên đang nằm dưới gốc cây đa và đang nghêu ngao ca hát. Khi được hỏi, gã chăn chiên cho biết dù luôn nghèo khó, nhưng lúc nào gã cũng cảm thấy hạnh phúc. Đoàn người liền vui mừng hè nhau trói gã lại để lấy chiếc quần lót đem về chữa bệnh cho nhà vua. Thế nhưng thật bất ngờ: Gã chăn chiên này lại nghèo đến nỗi ngoài chiếc áo khoác sờn rách đang mặc, trên người gã chẳng còn bất kỳ thứ nào khác, ngay cả một chiếc quần lót cũng không !

Nhiều người nghĩ rằng, chỉ những người giàu sở hữu nhiều của cải mới được hạnh phúc. Vì thế, họ không thỏa mãn với số tài sản đang có, và luôn tìm cách để gia tăng của cải. Đang khi thực ra hạnh phúc không hệ tại ở sự sở hữu nhiều vàng bạc tiền của, mà từ sự bình an trong tâm hồn như lời Chúa phán : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời sẽ là của họ” (Mt 5,3).

3) ĐỒNG TIỀN VÀO NHÀ THÌ CHÚA ĐI RA :
Có một đôi vợ chồng tá điền kia làm công cho một lãnh chúa giàu có. Hai vợ chồng tuy nghèo nhưng lại rất đạo đức: Hằng ngày, cả hai đều thức giấc khi gà vừa gáy sáng và dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Họ cũng đọc kinh tối trước khi nghỉ đêm. Tiếng lành về lòng đạo đức của đôi vợ chồng tá điền đến tai lãnh chúa. Ông quyết định thử xem lòng đạo đức của hai vợ chồng này thực hư ra sao?
Một hôm vào lúc đêm khuya, lãnh chúa sai đầy tớ bí mật mang một túi tiền đựng 100 đồng vàng đến đặt trước cửa nhà của vợ chồng tá điền, rồi bí mật quan sát động tĩnh. Sáng hôm sau, khi nghe tiếng gà gáy sáng, theo lệ thường hai vợ chồng nông dân liền thức dậy đọc kinh râm ran rồi ăn sáng trước khi vác cuốc ra đồng làm việc. Chợt anh chồng phát hiện ra một chiếc túi trước cửa nhà. Anh liền gọi vợ và hai người khiêng chiếc túi kia vào nhà. Họ rất ngạc nhiên đếm được tới 100 đồng tiền vàng, một tài sản rất lớn mà không bao giờ họ dám mơ ước. Thế là họ không ra đồng làm việc như mọi khi, mà ở nhà bàn nhau cất giấu túi tiền. Họ đào góc nhà để chôn xuống, rồi sau đó lại moi lên cất giấu chỗ khác vì không yên tâm. Hôm ấy hai người không thiết gì ăn uống và đã bỏ ăn cả bữa trưa và bữa chiều. Đến tối họ cũng không ngồi lại đọc kinh như mọi khi. Ba ngày sau, do ăn uống thất thường và bị mất ngủ, nên sức khỏe hai vợ chồng suy yếu phải nằm liệt giường với túi tiền vàng cất giấu ngay dưới gầm giường.
Tình trạng sức khoẻ của đôi vợ chồng tá điền đã được gia nhân báo cáo cho lãnh chúa. Ba ngày sau, ông đã đích thân đến thăm nhà đôi vợ chồng với lý do không thấy họ ra đồng làm việc. Ông cũng cho biết nhà ông mới bị kẻ gian lấy cắp một túi tiền vàng. Lúc đầu cả hai vợ chồng đều chối không biết. Nhưng khi biết không thể tiếp tục che giấu vì sợ sẽ bị đi tù nếu bị phát hiện, nên hai vợ chồng đành phải khai thật về túi tiền vàng và sẵn sàng trả lại cho ông chủ. Từ ngày đó, hai vợ chồng người nông dân đã dần bình tâm trở lại và lại tiếp tục đọc kinh sớm hôm như trước. Họ cũng đã rút được bài học như sau : “Khi tiền vào nhà thì Chúa đi ra !”.

4) GIÁ TRỊ CỦA SỰ QUẢNG ĐẠI CHO ĐI :
Ðại thi hào TAGORE người Ấn độ cũng đã có một bài thơ rất phù hợp với lời dạy của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay như sau :
“Khi ấy tôi là kẻ hành khất đang đi xin bố thí từ nhà nầy sang nhà kia dọc theo đường làng. Bấy giờ tôi thấy một chiếc xe tứ mã rất sang trọng của đức vua đang từ đàng xa đi tới và ngừng lại ngay chỗ tôi đứng. Đức vua bước xuống xe và mỉm cười nhìn tôi. Tôi thầm nghĩ : “Hôm nay chắc là vận may nên mới gặp được đức vua thế này. Tôi hy vọng đức vua sẽ giúp tôi một số tiền để tôi sớm thoát cảnh nghèo đói khất thực như hiện tại.” Nhưng, thật bất ngờ, thay vì cho tôi tiền thì đức vua lại chìa tay ra xin tôi bố thí : “Ngươi có gì cho ta không?” Tôi thấy lòng bối rối không biết nói gì. Sau đó tôi cho tay vào chiếc bị bên mình lấy ra một hạt thóc người ta mới cho rồi đặt vào bàn tay đức vua. Ngài gật đầu cám ơn và lên xe tiếp tục chuyến đi.
Đến cuối ngày khi về lại căn lều tồi tàn, tôi liền giốc chiếc bị chứa đồ ăn xin ra nền đất kiểm tra. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy từ giữa các của bố thí xuất hiện một hạt thóc bằng vàng óng ánh. Thì ra hạt thóc tôi trao vào tay đức vua ban nãy đã biến thành thóc vàng rất giá trị. Bấy giờ tôi mới hối tiếc và thầm nghĩ : Giá lúc đó ta quảng đại cho đức vua tất cả số thóc trong bị thì ta đã thành người giàu to rồi !”

3. THẢO LUẬN : Mỗi người chúng ta phải làm gì để góp phần xóa đói giảm nghèo từ trong gia đình ra ngoài xã hội?

4. SUY NIỆM :

1) Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó và đang bị đói khát :
Nghèo đói là những tai hoạ mà mọi người đều sợ hãi xa lánh. Vậy tại sao Đức Giê-su lại nói : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó: Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói”? Chẳng lẽ Đức Giê-su lại đề cao sự nghèo nàn, đói khát là nguyên nhân gây bao đau khổ cho con người hay sao?
Tất nhiên là không. Đức Giê-su muốn mọi người đều được hạnh phúc no đủ. Trong kinh lạy Cha, Người đã dạy môn đệ cầu xin Chúa Cha “ban cho lương thực hằng ngày”, và chính Người cũng đã làm phép lạ nhân năm chiếc bánh và hai con cá ở nơi hoang địa nuôi năm ngàn người đang bị đói được ăn no. Nhưng tại sao Đức Giê-su lại chúc phúc cho những người nghèo đói như thế?
Người đời thường nghĩ rằng : hạnh phúc chỉ có được từ người giàu sang, no đủ, có địa vị và danh thơm tiếng tốt. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã cho các môn đệ biết rằng: các ông mới là những người có phúc, khi theo Người mà phải chịu nghèo đói, đau khổ, bị bách hại … Vì hạnh phúc Nước Thiên Chúa sẽ thuộc về các ông từ hôm nay, và hạnh phúc sẽ viên mãn vào ngày tận thế sau này.

2) Gương thực hành các mối phúc :
Đức Giê-su đã sống cảnh nghèo khi chọn cha mẹ là người nghèo. Người làm nghề thợ mộc vất vả kiếm sống hằng ngày tại Na-da-rét. Rồi khi đi giảng đạo Người đã sống siêu thoát như Người đã nói với kẻ muốn theo làm môn đệ rằng : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Người đã nhỏ lệ khóc thương La-gia-rô (x. Ga 11,35-36), đã chấp nhận bị bắt bớ, xét xử, đánh đòn, vác thập giá và chết nhục nhã trên cây thập giá giữa hai tên gian phi (x. Mc 14-15). Nhưng Đức Giê-su luôn được hạnh phúc, vì đã vâng theo ý Cha (Mc 14,36). Người đã được Cha xác nhận là con yêu dấu luôn đẹp lòng Cha (x. Mc 1,11). Người đã chúc phúc cho những người nghèo bị thiệt thòi do thiếu ăn thiếu mặc, bệnh tật đau khổ… nếu họ biết tin và đi theo làm môn đệ của Người. Họ sẽ được Người bù đắp bằng ban thưởng hạnh phúc Nước Thiên Chúa đời này và đời sau.

3) Sống tinh thần nghèo khó là điều kiện để được hạnh phúc :
Trong cuộc sống trần gian, biết bao người đã không bị đồng tiền mê hoặc. Họ chọn lối sống nghèo khó siêu thoát noi gương Đức Giê-su. Bù lại, họ sẽ được Người ban hạnh phúc Nước Thiên Chúa : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị nguời ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên hư đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.” (Lc 6,17-23).

4) Một số việc làm cụ thể để xây dựng Nước Thiên Chúa :
- Hôm nay Đức Giê-su muốn các tín hữu chúng ta cộng tác với Chúa trong sứ vụ cứu độ loài người. Người muốn chúng ta tích cực sống giới răn yêu thương bằng việc xóa đói giảm nghèo, loại trừ các tệ nạn xã hội như : ma túy, đĩ điếm, tạo thêm công ăn việc làm cho người thất nghiệp, sản xuất ra nhiều của cải cho xã hội...
- Người muốn chúng ta loại bỏ lòng tham tiền bạc bất chính : Một em học sinh sẵn sàng trả lại số tiền lượm được cho người đánh rơi; Một giáo viên nghèo nhưng kiên trì với nghề dạy học; Một thư ký riêng của giám đốc sẵn sàng từ bỏ công việc thu nhập cao để tránh phải bán rẻ nhân phẩm; Một giám đốc cơ quan sẵn sàng từ chối những đồng tiền bất chính…
- Chúng ta hãy cầu xin cho mọi tín hữu, biết noi gương Chúa Giê-su để lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình. Biết tích cực góp phần biến đổi thế giới mình đang sống nên “Trời Mới Đất Mới” như sách Khải huyền tiên báo : “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đã chúc phúc cho người nghèo không phải để họ tiếp tục sống bần cùng nghèo khổ. Sứ mệnh của Chúa đến là để thiết lập Nước Trời, biến đổi thế giới đang sống trở thành thiên đàng trần gian, trong đó mọi người biết sống siêu thoát với của cải trần gian, biết quảng đại chia sẻ tình thương cho nhau. Xin cho chúng con ý thức trách nhiệm biến đổi xã hội chúng con đang sống ngày một ấm no hạnh phúc hơn và công bình nhân ái hơn, đón chờ ngày Chúa quang lâm.- AMEN.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:21 09/02/2022

5. Không nghi ngờ, nhờ đọc Kinh Thánh mà linh hồn con người ta bừng cháy lên trong Thiên Chúa, do đó mà được tinh luyên tội lỗi.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:24 09/02/2022
93. CÔ LỆ TỨ CỨU MÌNH

Cô Lệ là một phụ nữ làm nghề nông, một hôm nghe nói mẫu thân bị bệnh, không đợi chồng cùng đi, nên vội vội vàng vàng một mình trở về quê thăm mẹ.

Giờ đó thì đã tối rồi, đi và đi, đột nhiên nghe sau lưng có tiếng chân bước đi, giống như kẻ cướp, mà đây là chỗ núi non cất tiếng kêu cứu thì có ích gì, cô ta đảo người đi đến bên dưới cây bạch dương bên ngôi cổ mộ, cởi dây thắt lưng ra vắt trên cổ, xỏa tóc xuống, le lưỡi dài ra, trợn hai con mắt lên đứng đợi.

Tên cướp ấy đến gần nghe ngóng cẩn thận và nhìn thấy “con quỷ treo cổ”, sợ hãi kêu lên một tiếng và té lăn ra đất, cô Lệ vội vàng chạy về nhà mẹ.

Qua ngày hôm sau, nghe người trong thôn nói: có một thanh niên hôm qua thấy quỷ hiện về, trúng độc tà nên điên điên khùng khùng, nói năng bậy bạ. Sau đó người ấy chữa cả trăm thứ thuốc nhưng bất trị, suốt đời điên khùng.

(Duyệt Vi Thảo Đường bút ký)

Suy tư 93:

Có ma quỷ thật và ma quỷ giả.

Ma quỷ thật thì ở trong hỏa ngục, ma quỷ giả thì ở trên trần gian, và con người ta sống ở đời thường gặp ma quỷ giả hơn là gặp ma quỷ thật.

Ma quỷ giả đôi khi là người vừa tan lễ xong thì lên tiếng thóa mạ chửi bới người khác; đôi khi là người nói đạo lý rất hay nhưng sống thì như người không có đạo lý; đôi khi là người có vóc dáng đẹp nhưng lòng dạ thì xấu xa; ăn nói đãi bôi nhưng toàn là giả dối phỉnh gạt; hào phóng giúp đỡ nhưng nhiều lợi dụng; nói một đường làm một nẻo.v.v...đó là những ma quỷ giả mà nếu không đề phòng thì không ai biết cả, do đó mà có người ôm hận muốt cay vì những ma quỷ giả này.

Ma quỷ thật thì rất sợ ơn thánh của Thiên Chúa, còn ma quỷ giả thì Chúa Mẹ nó cũng coi như pha, như không có kí lô gam nào cả...

Phải tỉnh thức đề phòng ma quỷ thật và ma quỷ giả, bởi vì cả hai đều cùng là cá mè một lứa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Giá Trị Thực
Lm Vũđình Tường
19:21 09/02/2022
Chúng ta quan sát cùng một sự vật, nhưng khi diễn tả, mỗi người diễn tả cách khác nhau. Điều này giải thích tường thuật bài giảng Mối Phúc Thật, có chung chủ í, nhưng ít nhiều khác biệt về chi tiết giữa thánh Mathêu và thánh Luca. Phần cốt lõi bài giảng giống nhau, nhưng chi tiết có khác. Thánh Mathêu ghi lại Đức Kitô giảng trên núi và ghi lại chi tiết tỉ mỉ hơn; thánh Luca ghi Đức Kitô giảng nơi đồng bằng, vắn, gọn hơn và ít chi tiết hơn.

Khác biệt trên núi và đồng bằng thể hiện hai cách nhìn khác biệt về chương trình cứu chuộc của Đức Kitô. Mỗi tác giả Kinh Thánh chú trọng đến cách nhìn của riêng mình. Thánh Mathêu muốn nói đến điểm Đức Kitô 'nâng nhân loại lên khỏi vũng lầy tội lỗi', bằng cách kêu gọi nhân loại đi lên, theo Ngài đi lên, thoát khỏi vòng u tối của ma quỉ và tội lỗi. Trình thuật thánh Luca muốn nhấn mạnh đến điểm Đức Kitô 'nâng nhân loại lên khỏi vũng lầy tội lỗi' bằng cách không phải kêu gọi nhân loại đi lên với Ngài, nhưng chính bản thân Ngài đi xuống, xuống cùng chung sống với nhân loại để cứu chuộc nhân loại. Ngoài việc giảng dậy ra, Ngài còn cùng đồng hành, cùng chia sẻ đau khổ, lo lắng, nỗi thống khổ của nhân loại. Hình ảnh rõ ràng nhất là Ngài cùng chịu đau khổ, đói khát, chịu vu vạ, cáo gian, chịu đóng đanh, chịu chết và sống lại vinh quang. Vì thế Đức Kitô luôn kèm theo sau mỗi đớn đau, tủi nhục một lời hứa, một hy vọng trong bài giảng bằng niềm vui thật, hạnh phúc thật, 'Phúc cho anh em'.

Đức Kitô kêu gọi môn đệ luôn tìm hy vọng vào tình yêu, lòng Chúa xót thương. Chúng ta thường nghe nói 'không ai thành công trong nhung lụa'. Mọi thành công lớn nhỏ trên đời đều đòi cố gắng, hy sinh. Điều này đúng cho mọi thành công nơi trần thế và cũng đúng với thành công về mặt tâm linh. Niềm vui thật, nỗi mừng thật trong cuộc lữ hành trần thế không đến trước, nhưng đến sau khi đau khổ, thử thách qua đi; lúc đó niềm vui thật mới xuất hiện. Thiên Chúa tạo lập thế giới với nhiều niềm vui, hạnh phúc, không phải của riêng ai, nhưng cho tất cả mọi người chung hưởng. Chúa cũng ban cho con người quyền tự do chọn lựa trong cuộc sống. Ma quỉ nhảy vào ăn có, dụ dỗ, con người lún sâu vào cám dỗ. Thứ nhất, chúng dụ dỗ con người lạm dụng quyền tự do. Chọn sống theo í riêng, làm ngơ điều tốt lành Chúa dậy bảo. Từ đó sinh ra giai cấp lãnh đạo, nắm quyền thống trị và giai cấp phục vụ, bị cai trị. Thứ hai, quyền hành và tham vọng luôn chung vai, sát cánh, vì thế kẻ có quyền luôn có tham vọng kèm theo. Tham vọng nảy sinh từ đó. Vũ trụ Chúa tạo dựng có khả năng cung cấp đủ thực phẩm cho toàn thể nhân loại. Đói khổ, thiếu ăn, rách rưới là do khôn ngoan con người tạo ra cảnh thầy tớ, chủ thợ. Một khi đặt chân vào nấc thang danh vọng, mấy ai có khả năng từ chối leo cao. Người nào cũng muốn leo cao hơn, leo cho tới đỉnh. Ghen tị xảy ra, lập bè, kéo phái, tạo đảng tranh giành vật chất, quyền hành. Tranh giành không tránh khỏi chém giết, thù oán gây đau khổ cho mọi người. Tranh giành không thắng thì tạm hoà hoãn, hoà đàm, chia chác vì thế giới lãnh đạo nắm hầu hết tài sản đất nước trở thành đại tỉ phú, trong khi đó đại đa số tằn tiện đủ ăn, đủ mặc, số khác cố gắng lắm cũng ngày đói, ngày no. Đức Kitô loan báo Tin Mừng cho giới nghèo.

Đức Kitô nói với Kitô hữu, dù đang sống trong hoàn cảnh đớn đau, sầu khổ, đói khát; đừng bao giờ thất vọng. Thứ nhất những đau khổ trên có giới hạn, sẽ có ngày chúng qua đi. Thứ hai, sau đau khổ là chân trời hy vọng, tươi sáng bởi tình Chúa thắng mọi toan tính của con người. Những gì trần gian coi là 'bất hạnh' sẽ trở thành 'ân sủng' trong tình yêu Chúa. Của cải, vật chất, danh vọng là những thứ trao tay. Hôm nay chúng ở tay người này, ngày mai có thể sẽ sang tay người khác. Theo nghĩa đó của cải, danh vọng gắn liền với đau khổ, thất vọng. Thứ hai, danh vọng, vật chất mang lại niềm vui nhất thời, vì thế người ham thích chúng ngày đêm chăm lo cầm giữ, mong chúng khỏi vuột khỏi tay.

Giới nghèo vừa chiếm đại đa số, vừa là nạn nhân của áp bức, đè nén, chèn ép, thiệt thòi đủ điều, vì thế Tin Mừng Đức kitô loan báo là Tin Mừng cho giới nghèo, không phải Tin Mừng cho thiểu số mà cho đại đa số. Thực ra Tin Mừng là cho bất cứ ai chọn sống, thực hành điều Đức Kitô rao giảng: Mến Chúa, yêu tha nhân như chính mình. Ân sủng Chúa ban mang lại niềm vui hạnh phúc muôn đời, bất tận.

Những gì thuộc về trần thế sẽ ở lại trần thế; những gì thuộc về Chúa sẽ về nước trời với Chúa. Những gì thuộc về Chúa không phải là những gì con người gom góp, tích trữ mà chính là những gì con người cho đi, ban phát, thi ân. Những gì làm cho cuộc sống tha nhân tốt hơn, ít bất hạnh hơn, no ấm hơn tồn tại mãi mãi. Cho đi có thể nghèo hơn về vật chất nhưng lại giầu hơn về tinh thần, giầu hơn về lòng mến. Đây chính là điều Đức Kitô dậy trong bài giảng Phúc Thật. Cốt lõi bài giảng chính là chọn sống theo í Chúa, từ bỏ í riêng. Í riêng cho riêng mình; trong khi í Chúa cho tha nhân, cho mọi người. Chọn í Chúa chính là chọn sống cho tha nhân. Sống không có Chúa, là sống tạm bợ, không có hy vọng trong tương lai. Chúng ta cầu xin đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô.

TiengChuong.org

True Value

We see the same thing, but each person sees it differently. This explains the differences, not in substance but in the details, about Jesus' teaching on the Beatitudes between the Gospels of Matthew and Luke. The former had a long version and was on the hill; the latter was short and was on level ground.

From St Luke's perspective, Jesus came to the ground level to meet His disciples. Jesus shared our human misery and pain before redeeming us. Jesus told His disciples not to lose hope in God's love and mercy. As we say, 'no pain, no gain'; this dictum is true of both our physical life and our spiritual journey. Everlasting happiness comes, not before, but after trials and pain. When God created the world, God wanted the human race to have a happy life, a life full of joy and happiness. God gave us the freedom to choose. We chose to do not God's will, but our own. Due to the deception of sin, we humans made two fatal mistakes. First, we created a division, separating humanity into ruling and serving class. Second, we fell deeper into human’s misery by allowing personal ambition to dominate our decision making, which caused the inequality of the world's resources. The poor, hungry and mourning suffered not because the world's resources could not sustain us all, but by the disproportionate distribution of the world's resources. By allowing human ambition to rule, a handful of people accumulate two-thirds of the entire world’s wealth; while the majority of us share the leftovers and have little to save, and many struggled daily to make ends meet. This reality makes the world a poor place.

Things such as poverty and hunger; weeping and persecution appear to be bad and miserable. However, Jesus told us, that these states of life would last just for some time, and that one day they would disappear. When the time came, what the world considered as the ' state of the unfortunate', would turn out to be the states of the fortunate, of the blessed. Jesus asked His disciples not to lose hope, but to see ahead because a bright future was on the horizon. No matter how clever humankind's way, only God's way has the power to change human misery into the source of joy, and of eternal everlasting happiness.

Jesus' teaching became the source of wisdom and hope. Humanity's power inflicts pain on many but it has no final word. God's goodness is on the horizon. The Good News of Jesus was for the poor, and the majority of the world population was poor. They learnt that God's love and mercy were unlimited. God would not discriminate against anyone who would like to follow God's way.

Jesus told His disciples that world's materials was in a state of flux. What one owns today, will be someone else’s tomorrow. Happiness, richness, and laughter derived from world's materials share the same fate. These qualities of life belong to the world. That which belongs to the world, remains in the world. That which belongs to God finally returns to God. That which belongs to God's kingdom is not of world's materials we accumulate, but services we provide for others. Whatever we give that lightens life's heavy burden, they are valuable in God's eyes. They are the things that last forever. They are the things Jesus' disciples bring with them when they come to see God face to face. By giving, the donor may be poorer in materials but richer in love, in spirituality.

The challenge of the Beatitudes is choosing God's will, not ours. Choosing God's will means choosing a life of service, of providing assistance, when we can, to those in need, to promote and support life. Choosing God's will means to live in hope. Choosing to follow our will means to live for oneself, regardless of others' needs. Choosing to follow our will means to say no to God's invitation to follow. Without God, life has no true meaning
 
Nghèo khó và giàu có
Lm. Thái Nguyên
20:32 09/02/2022


NGHÈO KHÓ VÀ GIÀU CÓ

Chúa Nhật 6 thường Niên năm C: Lc 6, 20-26

Suy niệm

Cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc thật. Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang phú quý, được danh thơm tiếng tốt và quyền cao chức trọng… ai cũng rất sợ nghèo nàn, túng thiếu, thấp kém… Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với một não trạng khác:“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó…”. Các môn đệ Đức Giêsu là những người có phúc, vì phải chịu nghèo, chịu đói, chịu oán ghét, và bị khai trừ vì Ngài. Nước Trời thuộc về họ từ hôm nay và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Người nghèo phải chăng là người thiếu thốn của cải vật chất? Phải chăng Đức Giêsu chúc phúc cho một giai cấp xã hội? Thật ra chẳng có thực trạng xã hội nào được phong thánh hay được đặt quan hệ trực tiếp với Nước Trời. Chúa Giêsu đến cho mọi thành phần xã hội chứ không chỉ riêng cho người nghèo. Tuy nhiên, sứ mạng của Đức Giêsu liên hệ cấp bách đến những người bị đói khát, khóc lóc, bách hại, ngược đãi... Họ là những người bị bỏ rơi, bị loại ra bên lề xã hội vì bệnh tật, nghèo hèn hay vì thành kiến của xã hội và tôn giáo. Chúa Giêsu đến trước tiên là để giải thoát họ khỏi tình trạng quá éo le trong đời. Họ phải là những người được chúc phúc đầu tiên khi Nước Trời đến, và như vậy Ngài đem lại một trật tự mới, vượt qua sự phân chia giai cấp giàu nghèo. Nghèo không thể là ý nghĩa dự phóng của đời người, vì Chúa đến là để cho mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).

Thật ra, tự bản chất giàu - nghèo chưa là gì cả, không xấu cũng không tốt. Hạnh phúc hay đau khổ phát xuất từ trong tâm chứ không đến từ bên ngoài. Những gì bên ngoài chỉ làm tăng thêm cảm xúc chứ không tăng thêm hạnh phúc. Hạnh phúc hay không là tùy thuộc tâm thái của mỗi người trước mọi tình cảnh, dù nghèo vẫn sống vui. Hạnh phúc hay đau khổ là một tâm thái, nên nó cũng là một lựa chọn: sống yêu thương hay ích kỷ, tha thứ hay thù hằn, mở ra hay khép lại, đón nhận hay từ khước… Phúc hay họa đã nằm sẵn trong thái độ sống.

Giàu có bị phủ nhận vì mãi lực của nó muốn biến thành tuyệt đối, đòi được tôn thờ, khiến toàn thể cuộc sống con người bị cuốn hút vào đó. Giàu có làm ta xao lãng và xa cách Thiên Chúa, vì nghĩ rằng hạnh phúc phát sinh từ những gì ta có. Thực chất, giàu chỉ đem lại một thứ an toàn giả tạo, vật hóa tinh thần, vô hiệu hóa khả năng hiệp thông. Những kẻ giàu phải bảo vệ những gì họ có, nên khó sống chân tình với mọi người. “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”. Không yêu tiền bạc, không đặt nặng vật chất, không coi nhẹ tình nghĩa, sao có thể làm giàu?

Lời Chúa hôm nay cũng cảnh cáo:“khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”. Chúa Giêsu đã từng nói nhiều về vấn đề này: Ngài gọi kẻ lo thu tích của cải là “đồ ngốc” (Lc 12, 20), coi sự ham muốn giàu có là “bất chính” (Lc 16, 9), ham mê tiền của là điều “ghê tởm” (Lc 16, 14), và khẳng định: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19, 24). Ngài yêu cầu các môn đệ phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và tiền của (x. Lc 16, 13).

Tuy nhiên, nghèo không phải là không có nguy cơ. Nghèo cũng dễ đưa tới gian tham, trộm cắp và mọi thứ tội phạm, có khi đưa tới tuyệt vọng. Những lý do nghèo có thể là tiêu cực, nhưng căn nguyên của nó vẫn là sự bóc lột lẫn nhau, tạo nên một phân chia giai cấp, bất bình đẳng và phi nhân hóa. Chỉ khi từ bỏ não trạng chạy theo lợi nhuận, xa hoa và thu tích tài sản, con người mới tạo được một xã hội nhân bản, công bình và huynh đệ. Lúc đó giàu mới là điều tốt và được chúc phúc, vì giữ được tâm hồn sạch tội, không chạy theo của cải, tiền tài (x. Hc 31, 8).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Kitô (x. Lc 6, 20) nhằm xây dựng Nước Trời tại trần gian, người Kitô hữu cần phải sống đơn sơ giản dị, giảm bớt nhu cầu, để có thể sống yêu thương và chia sẻ cho bao người đang lâm cảnh túng thiếu. Điều cần thiết là sống thân phận thụ tạo, thoát khỏi sự kiềm chế của bản năng tham lam, quyền hành và độc chiếm, để đón nhận và trao ban. Mọi của cải đều là ân huệ Chúa ban, nên cũng phải biến thành ân huệ cho người khác. Đã được cho không thì cũng phải cho không. Điều quan trọng là hoàn thiện bản thân, trong việc sống gắn bó và tùy thuộc vào Thiên Chúa. Đây là cốt lõi của tinh thần khó nghèo, cho ta có được hạnh phúc siêu nhiên thanh thoát ngay ở đời này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Mối phúc đầu tiên Chúa công bố,

dành cho ai có tâm hồn nghèo khó,

là điều làm cho con phải giằng co,

giữa việc sở hữu và sống đời từ bỏ.

Thật ra chẳng có gì là mâu thuẫn,

giữa văn minh tiến bộ và hồng ân cứu độ,

giữa đời này và hạnh phúc đời sau,

vì ơn Chúa trao là cuộc sống dồi dào.

Nhưng lời Chúa cho con biết rõ hơn,

tâm hồn nghèo khó là yếu tố quyết định,

để mọi phát triển trở thành điều chân chính,

vì chúng con dễ ham mê tiền tài danh vọng,

nên cũng dễ lật lọng và đối xử bất công,

gây ra bao khốn cùng cho cuộc sống.

Nghèo khó tinh thần cho con sự bình tâm,

không để cho cảm xúc đẩy đưa hay chế ngự,

không bị lôi cuốn theo những thứ bên ngoài,

để tâm hồn luôn thoải mái an vui.

Hạnh phúc không chỉ là tinh thần nghèo khó,

mà còn dám có một cuộc sống khó nghèo,

là cuộc sống rất thanh cao và giản dị,

tự giải thoát mình khỏi tính tham sân si.

Thật ra sự nghèo khó tự nó chẳng tốt gì,

khi người ta đành phải chịu vì cam phận,

chứ không vui lòng đón nhận vì tình yêu,

hay không chờ đợi mọi điều từ nơi Chúa.

Con nghèo khó khi không ham mê giàu có,

coi mọi sự trong đời dù có cũng như không,

để mở rộng lòng quảng đại biết cho đi,

và dám dâng hiến ngay những gì còn lại.

Cho con sống trọn vẹn giây phút hiện tại,

luôn bên Chúa với tâm hồn thư thái. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các cố vấn của Đức Bênêđíctô phân tích Báo cáo Munich về Lạm dụng, bác bỏ các lời chỉ trích ngài.
Vũ Văn An
00:54 09/02/2022

Như Đức Bênêđíctô đã nhắc đến trong lá thư của ngài về Báo cáo Munich, 3 luật gia giáo luật và một luật sư đã phân tích và bác bỏ các lời chỉ trích Đức Giáo Hoàng Hưu trí trong một tuyên bố kèm theo lá thư của ngài. Sau đây là nguyên văn bản phân tích của họ, dựa vào bản tiếng Anh tại https://www.ncregister.com/news/benedict-s-advisors-provide-analysis-on-munich-abuse-report-rebutting-criticisms-full-text:



Trong báo cáo về các vụ lạm dụng trong Tổng giáo phận Munich và Freising, có tuyên bố cho rằng:

Joseph Ratzinger, trái ngược với những gì ngài tuyên bố trong bản giác thư được soạn thảo để trả lời các chuyên gia, đã có mặt tại cuộc họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980, trong đó (vấn đề của) Linh Mục X. đã được thảo luận.

Và người ta khẳng định rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã sử dụng linh mục này trong hoạt động mục vụ, mặc dù ngài biết các hành vi lạm dụng do vị này vi phạm, và do đó đã che đậy các hành vi lạm dụng tình dục của vị này.


Điều này không tương ứng với sự thật, theo các xác minh của chúng tôi:

Joseph Ratzinger không biết cả việc Linh mục X. là một người lạm dụng, lẫn việc đưa vị này vào hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cho thấy tại phiên họp của Tòa Bản quyền ngày 15 tháng Giêng năm 1980, đã không có việc quyết định cho Linh mục X. tham gia vào hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cũng cho thấy phiên họp được đề cập không thảo luận việc vị linh mục này đã có hành vi lạm dụng tình dục.

Nó hoàn toàn nói đến chỗ ở của Linh mục trẻ X. ở Munich vì ngài phải điều trị ở đó. Yêu cầu này đã được chấp thuận. Trong cuộc họp, lý do của liệu pháp không được đề cập.

Do đó, tại phiên họp đã không quyết định để người lạm dụng tham gia công việc mục vụ.

Trong báo cáo lạm dụng của Tổng giáo phận Munich và Freising có tuyên bố rằng:

Liên quan đến sự hiện diện của mình tại phiên họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1980, Đức Bênêđíctô XVI có thể đã cố ý khai man, có thể đã nói dối.

Điều này không đúng, thực vậy:

Lời khẳng định trong hồi ký của Đức Bênêđíctô XVI rằng ngài không tham gia cuộc họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1980 quả thực không chính xác. Và Đức Bênêđíctô XVI đã không nói dối hoặc cố ý đưa ra một tuyên bố sai:

Trong quá trình soạn thảo cuốn hồi ký, Đức Bênêđíctô XVI đã được sự hỗ trợ của một nhóm cộng tác viên. Nó bao gồm luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke (Cologne) và những người cộng tác về luật giáo hội: Giáo sư Tiến sĩ Stefan Mückl (Rome), người theo lệnh của Đức Bênêđíctô XVI đã kiểm tra các tài liệu, Giáo sư Tiến sĩ Helmuth Pree và Tiến sĩ Stefan Korta. Các cộng tác viên được mời đến vì Đức Bênêđíctô XVI không thể tự mình phân tích khối lượng vấn đề trong một thời gian ngắn và vì công ty luật phụ trách báo cáo chuyên môn đã đặt câu hỏi liên quan đến giáo luật, để một khuôn khổ trong giáo luật cần thiết cho câu trả lời. Chỉ có GS Mückl được phép xem các tài liệu dưới dạng điện tử, và ông không được phép lưu trữ, in hay sao chép bất cứ tài liệu nào. Không có các cộng tác viên nào khác được phép xem các tài liệu. Sau khi Giáo sư Mückl xem xét các tài liệu kỹ thuật số (8,000 trang) và phân tích chúng, một bước xử lý tiếp theo được tiến hành bởi Tiến sĩ Korta, người đã vô tình mắc lỗi sao chép. Tiến sĩ Korta đã ghi nhầm rằng Joseph Ratzinger không có mặt trong cuộc họp của Tòa Bản quyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1980. Các cộng tác viên đã bỏ sót mục nhập sai sót này về một sự vắng mặt không xảy ra. Họ đã dựa vào dấu hiệu sai lầm được đưa vào một cách sai lầm khi không hỏi rõ ràng Đức Bênêđíctô XVI xem ngài có hiện diện trong phiên họp đó hay không. Trên cơ sở sao chép sai sót các biên bản, thay vào đó, người ta đã cho rằng Joseph Ratzinger đã không có mặt. Đức Bênêđíctô XVI, do quá gấp rút phải kiểm tra ký ức của mình trong vài ngày, với giới hạn thời gian do các chuyên gia ấn định, đã không nhận thấy sai lỗi, nhưng tin vào việc sao chép được cho là vắng mặt của ngài.

Người ta không thể gán lỗi sao chép này cho Đức Bênêđíctô XVI như một lời tuyên bố sai lầm có ý thức hoặc "lời nói dối".

Hơn nữa, không có nghĩa gì để Đức Bênêđíctô cố tình bác bỏ sự hiện diện của ngài tại phiên họp: thực vậy, biên bản phiên họp có báo cáo các tuyên bố của Joseph Ratzinger. Do đó, sự hiện diện của Joseph Ratzinger là hiển nhiên. Hơn nữa, vào năm 2010, một số bài báo đưa tin - sau đó không bị phủ nhận - về sự hiện diện của Đức Hồng Y Ratzinger tại phiên họp. Tương tự, một tiểu sử của Đức Bênêđíctô XVI được xuất bản năm 2020 nói rằng: "Với tư cách một giám mục, trong phiên họp của Tòa Bản quyền năm 1980, ngài chỉ đồng ý cho linh mục được đề cập có thể đến Munich để chịu liệu pháp tâm lý" (Peter Seewald, Benedikt XVI., Droemer Verlag 2020, trang 938).

Báo cáo lập luận rằng:

Báo cáo của các chuyên gia cũng buộc tội Đức Bênêđíctô XVI có hành vi sai trái trong ba trường hợp khác. Thực thế, ngay trong những trường hợp này, ngài cũng đã biết rằng các linh mục là những người lạm dụng.

Điều này không tương ứng với sự thật, theo xác minh của chúng tôi, thực vậy:

Không có trường hợp nào được phân tích bởi báo cáo của chuyên gia là Joseph Ratzinger biết về hành vi lạm dụng tình dục hoặc nghi ngờ lạm dụng tình dục của các linh mục. Báo cáo của các chuyên gia không cung cấp bằng chứng ngược lại.

Về trường hợp của Linh mục X. đã được thảo luận công khai trong phiên họp của Tòa Bản quyền năm 1980 liên quan tới chỗ ở sẽ được cấp cho ngài để trị liệu, cùng một chuyên gia - trong cuộc họp báo ngày 20.01.2022 nhân dịp trình bày về báo cáo lạm dụng - tuyên bố rằng không có bằng chứng cho thấy Joseph Ratzinger đã biết về điều đó. Đối với câu hỏi sau đó của một nhà báo liệu các chuyên gia có thể chứng minh rằng Joseph Ratzinger đã biết rằng linh mục X. đã có hành vi lạm dụng tình dục, chuyên gia khẳng định rõ ràng rằng không có bằng chứng cho thấy Joseph Ratzinger biết điều đó. Chỉ theo ý kiến chủ quan của các chuyên gia nhân chứng nó mới “nhiều xác suất hơn” mà thôi.

Vào phút thứ 2:03:46 câu hỏi của nhà báo có thể được tìm thấy: "Câu hỏi của tôi cũng vẫn đề cập đến trường hợp của Linh mục X. Liệu công ty luật có thể chứng minh rằng Đức Hồng Y Ratzinger khi đó đã biết rằng Linh mục X. là kẻ lạm dụng không? ‘rất có xác suất’ trong bối cảnh này có nghĩa gì?" [...]

Một chuyên gia trả lời, "[...] Nhiều xác suất hơn có nghĩa là chúng tôi giả định nó với xác suất cao hơn. [...]".

Báo cáo của các chuyên gia không có bằng chứng đối với cáo buộc hành vi sai trái hoặc âm mưu trong bất cứ sự che đậy nào.

Với tư cách một tổng giám mục, Đức Hồng Y Ratzinger không tham gia vào bất cứ hành vi che đậy lạm dụng nào.

Báo cáo cáo buộc rằng:

Trong hồi ký của mình, Đức Bênêđíctô XVI bị cáo buộc đã hạ thấp tác phong phô trương (chỗ kín). Để làm chứng cho khẳng định này, dấu hiệu sau đây trong cuốn hồi ký được tường thuật: "Linh mục xứ X. có tiếng là người thích phô trương, nhưng không phải là một người lạm dụng theo đúng nghĩa".

Điều này không tương ứng với sự thật, thật vậy:

Trong hồi ký của mình, Đức Bênêđíctô XVI đã không giảm thiểu hành vi phô trương, nhưng đã lên án rõ ràng hành vi đó. Cụm từ được sử dụng làm bằng chứng cáo buộc làm giảm thiểu tác phong phô trương được đưa ra ngoài ngữ cảnh.

Thực vậy, trong cuốn hồi ký, Đức Bênêđíctô XVI đã nói một cách rõ ràng rằng các cuộc lạm dụng, kể cả tác phong phô trương, là "khủng khiếp", "tội lỗi", "đáng trách về mặt đạo đức" và "không thể sửa chữa được". Trong đánh giá giáo luật về biến cố này, được các cộng tác viên chúng tôi đưa vào hồi ký và phát biểu theo phán đoán của chúng tôi, chỉ mong muốn nhắc lại rằng theo giáo luật hiện hành, tác phong phô trương không phải là tội phạm theo nghĩa hẹp, vì quy định hình sự liên hệ không bao gồm hành vi thuộc loại đó.

Do đó, hồi ký của Đức Bênêđíctô XVI không giảm thiểu tác phong phô trương, nhưng đã lên án nó một cách rõ ràng và dứt khoát.

Bản xác minh bằng sự kiện này do các cộng tác viên soạn thảo bằng tiếng Đức. Nếu có bất cứ sự khác biệt nào về ngôn ngữ trong diễn trình dịch thuật, bản tiếng Đức sẽ được ưu tiên áp dụng.

Giáo Sư Tiến Sĩ Stefan Mückl - Rôma (Giáo luật)
Giáo Sư Hưu trí Tiến sĩ Mag. Helmuth Pree - "Ludwig-Maximilians-Universität" ở Munich (Giáo luật)
Tiến sĩ Stefan Korta - Buchloe (Giáo luật)
Luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke - Cologne (Quyền tự do ngôn luận)
 
Giám mục Mễ Tây Cơ gây nhiều tranh cãi đã qua đời vì COVID-19
Đặng Tự Do
05:48 09/02/2022


Đức Cha Onésimo Cepeda Silva, Giám mục đã nghỉ hưu của giáo phận Ecatepec, một trong những giáo phận khó khăn nhất của Mễ Tây Cơ, đã qua đời vào ngày 31 tháng Giêng vì coronavirus. Ngài thọ 84 tuổi.

Đức Cha Onésimo là vị giám mục Mễ Tây Cơ gây nhiều tranh cãi, được xem là thân thiết với những người giàu có, và thực hiện một bước đột phá ngắn, nhưng tai hại vào chính trị khi ra tranh cử Quốc Hội.

Giáo phận Ecatepec đã xác nhận cái chết của Đức Cha Cepeda, cùng với Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ. Chỉ 10 tháng trước đó, Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ, đã cương quyết chống lại việc Đức Cha Cepeda ghi danh tranh cử Quốc Hội cho một đảng chính trị nhỏ.

Theo tuyên bố của Giáo phận Ecatepec, Đức Cha Cepeda đã nhiễm COVID-19 ba tuần trước đó. Truyền thông Mễ Tây Cơ đưa tin ngài đã được đưa vào ICU và đặt máy trợ thở.

Đức Cha Cepeda đã gây nhiều tranh cãi trong cuộc sống công cộng của Mễ Tây Cơ. Ngài phục vụ ở các vùng ngoại ô xiêu vẹo của Thành phố Mexico, nhưng lại xuất hiện trên các ấn phẩm xã hội và chơi gôn tại các câu lạc bộ đồng quê đắt tiền.

Các chính trị gia và giới kinh doanh thường xuyên đến dự lễ kỷ niệm sinh nhật của ngài. Ngài được cho là đã bị Tòa Thánh điều tra vì mua được một bộ sưu tập nghệ thuật từ các nhà tài trợ giàu có, trong đó có các tác phẩm của các bậc thầy hội họa như Latin Diego Rivera và Rufino Tamayo. Theo truyền thông Mễ Tây Cơ, Đức Cha Cepeda cũng từng là cha đỡ đầu cho các vận động viên đấu bò.

Tầm vóc của ngài như vậy nên cái chết của ngài là một chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội - với một tiểu sử bất thường, các mối quan hệ chính trị và xu hướng ăn nói ngang tàng của ngài.

Truyền thông Mễ Tây Cơ dẫn lời Đức Cha Cepeda: “Bạn bè của tôi là người nghèo và người giàu. Thật không may, mới chào đời tôi đã giàu có”.

Đức Cha Cepeda sinh ngày 25 tháng 3 năm 1937 tại Thành phố Mexico. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ngài bước vào thế giới tài chính và thành lập ngân hàng cùng với Carlos Slim Helu, người sau này trở thành người giàu nhất thế giới một thời.

Nhưng sau đó ngài lại cảm thấy ơn gọi đến với chức tư tế. Ngài từng là Giám Đốc chủng viện của Giáo phận Cuernavaca. Trong thời gian đó, nhà lãnh đạo giáo phận địa phương, là Đức Cha Sergio Méndez Arceo, được các nhà phê bình phong là “giám mục đỏ” vì đã cổ vũ thần học giải phóng.

Theo nhà báo Emiliano Ruiz Parra, người chuyên về Giáo Hội Công Giáo Mễ Tây Cơ, Đức Cha Cepeda chia tay về mặt ý thức hệ với Đức Cha Méndez và hướng về phong trào canh tân đặc sủng Công Giáo. Năm 1995, Thánh Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm giám mục của Giáo phận Ecatepec mới được thành lập ở vùng ngoại ô đông bắc của Thành phố Mexico. Ngài đã nghỉ hưu vào năm 2012.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm giáo phận vào năm 2016. Khi đến thăm chủng viện của giáo phận, ngài đã ký vào cuốn lưu bút, “Đừng là giáo sĩ quốc doanh”.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador - một người phản đối nhiều chính trị gia thân thiện với Đức Cha Cepeda – đã bày tỏ lời chia buồn trước cái chết của vị giám mục i tại cuộc họp báo sáng ngày 1 tháng 2.
Source:Crux
 
Chính Thống Giáo âu lo rằng Đức Thượng Phụ Kirill đang muốn trở thành Giáo Hoàng Chính Thống Giáo
Đặng Tự Do
05:49 09/02/2022


Orthochristian.com, một trang web bằng tiếng Anh liên kết với Tu viện Sretensky ở Mạc Tư Khoa, đã đăng một bài báo có tựa đề: “Kenya: Đa số các linh mục Giáo phận Kisumu ồ ạt gia nhập Giáo Hội Nga”. Kisumu là thành phố lớn thứ ba ở Kenya và nằm trên bờ Hồ Victoria. Đây là trụ sở của Giáo phận Chính Thống Giáo Kisumu và Tây Kenya của Tòa Thượng Phụ Alexandria. Giáo phận được lãnh đạo bởi một trong những giám mục mới nhất của Tòa Thượng phụ, là Đức Cha Marcos Theodosi, người chào đời tại Johannesburg với cha mẹ là người Síp gốc Hy Lạp.

Sự thật hầu hết các giáo xứ của giáo phận nằm ở vùng nông thôn của Tây Kenya chứ không phải ở Kisumu. Tuy nhiên, có vẻ những người điều hành trang web Orthochristian có liên lạc trực tiếp với một số linh mục Phi Châu và việc nhiều linh mục Chính Thống Giáo bỏ Tòa Thượng Phụ Alexandria để sang Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thật. Do đại dịch coronavirus, các linh mục ở Phi Châu được tin là không có lương trong suốt 2 năm qua. Bài báo viết:

Theo Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga tại Phi Châu, là Đức Tổng Giám Mục Leonid, số lượng các linh mục Phi Châu tham gia Chính Thống Giáo Nga đã tăng lên 150 người so với 102 người ban đầu vào đầu tuần trước. Và con số đó tiếp tục tăng đều.

Theo các nguồn tin ở Phi Châu, một số lớn các linh mục đó đến từ Giáo phận Kisumu của Tòa Thượng phụ Alexandria. OrthoChristian ban đầu được thông báo rằng 53 trong số 71 linh mục của giáo phận đã gia nhập Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Trong khi con số chính xác đó chưa được xác nhận, một số nguồn tin khác đã xác nhận rằng phần lớn các linh mục Kisumu đã chuyển sang Chính Thống Giáo Nga.

“Hầu như tất cả các linh mục sẽ chuyển sang Chính Thống Giáo Nga. Rất nhiều linh mục đang yêu cầu ký tên vào lời tuyên thệ”. Một nguồn khác báo cáo: “Tôi không biết có bao nhiêu, nhưng gần như toàn bộ giáo phận Kisumu.” Trong quá trình viết bài báo này, một linh mục Kenya khác nói với OrthoChristian rằng hơn 60 linh mục Kisumu đã gia nhập Giáo Hội Nga.

Orthodox News, cơ quan thông tin của Tòa Thượng Phụ Constatinople bày tỏ âu lo rằng Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đang mưu toan mở rộng Chính Thống Giáo Nga trên quy mô toàn thế giới với tham vọng trở thành Giáo Hoàng Chính Thống Giáo.


Source:ilsismografo
 
Tuyên bố từ phía Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 phản bác tất cả các cáo buộc nhắm vào ngài
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
05:50 09/02/2022


Sau đây là toàn văn bài phân tích được Vatican công bố vào ngày 8 tháng 2 năm 2022, về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khi ngài làm tổng giám mục của Munich và Freising. Nguyên bản được viết bằng tiếng Đức và được ký bởi bốn chuyên gia pháp lý làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng danh dự.

Nguyên bản tiếng Đức có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong báo cáo về các vụ lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich và Freising, người ta nói rằng: trái với những gì ngài đã tuyên bố trong bản ghi nhớ được soạn thảo để trả lời các chuyên gia, Đức Joseph Ratzinger đã có mặt tại cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980, trong đó vấn đề Linh mục X. đã được thảo luận. Và người ta khẳng định rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã cho linh mục này được hoạt động mục vụ, mặc dù ngài nhận thức được những hành vi lạm dụng do linh mục ấy thực hiện, và do đó ngài đã che đậy những hành vi lạm dụng tình dục của ông ta.

Điều này không đúng sự thật, theo xác minh của chúng tôi: Đức Joseph Ratzinger không biết rằng Linh mục X. là một kẻ lạm dụng, cũng như không cho ông ta tham gia vào các hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cho thấy tại cuộc họp Giáo Vụ ngày 15 tháng Giêng năm 1980, đã không có quyết định nào cho phép Linh mục X. tham gia vào hoạt động mục vụ.

Các hồ sơ cũng cho thấy cuộc họp được đề cập không thảo luận về việc vị linh mục đã có các hành vi lạm dụng tình dục.

Đó hoàn toàn là một vấn đề về chỗ ở của Linh mục trẻ X. ở Munich vì anh ta phải điều trị ở đó. Yêu cầu này đã được chấp nhận. Trong cuộc họp, lý do của liệu pháp không được đề cập.

Do đó, tại cuộc họp đã không hề có quyết định bổ nhiệm kẻ lạm dụng vào công việc mục vụ.

Trong bản báo cáo lạm dụng của Tổng giáo phận Munich và Freising có ghi rằng: Liên quan đến sự hiện diện của ngài tại cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980, Đức Bênêđíctô XVI đã cố ý khai gian, đã nói dối.

Điều này không đúng, trên thực tế:

Lời khẳng định trong bản ghi nhớ của Đức Bênêđíctô XVI rằng ngài không tham gia cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980 quả thực là không chính xác. Và Đức Bênêđíctô XVI đã không nói dối hoặc cố ý đưa ra một tuyên bố sai sự thật:

Trong quá trình soạn thảo bản ghi nhớ, Đức Bênêđíctô XVI đã được sự hỗ trợ của một nhóm cộng tác viên. Nhóm này bao gồm luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke (ở Köln) và những cộng tác viên về giáo luật là Giáo sư Tiến sĩ Stefan Mückl (Rôma), là người theo yêu cầu của Đức Bênêđíctô XVI đã kiểm tra các tài liệu, cũng như Giáo sư Tiến sĩ Helmuth Pree và Tiến sĩ Stefan Korta. Các cộng tác viên được gọi đến vì Đức Bênêđíctô XVI không thể tự mình phân tích khối lượng vấn đề trong một thời gian ngắn và vì công ty luật phụ trách báo cáo chuyên môn đã đặt câu hỏi liên quan đến giáo luật, vì thế cần có một khuôn khổ giáo luật cho câu trả lời. Chỉ có Giáo sư Mückl mới được phép xem các tài liệu dưới dạng điện tử, và ông không được phép lưu trữ, in hay sao chép bất kỳ tài liệu nào. Không có cộng tác viên nào khác được phép xem các tài liệu. Sau khi Giáo sư Mückl xem xét các tài liệu kỹ thuật số (8,000 trang) và phân tích chúng, một bước xử lý tiếp theo được tiến hành bởi Tiến sĩ Korta, người đã vô tình mắc lỗi phiên âm. Tiến sĩ Korta đã ghi nhầm rằng Đức Joseph Ratzinger không có mặt trong cuộc họp Giáo Vụ vào ngày 15 tháng Giêng năm 1980. Các cộng tác viên đã bỏ sót chi tiết sai sót này về một sự vắng mặt đã không xảy ra. Họ đã dựa vào chỉ dẫn không đúng được đưa vào một cách sai lầm mà không hỏi rõ ràng Đức Bênêđíctô XVI xem ngài có hiện diện trong cuộc họp đó hay không. Trên cơ sở phiên âm sai sót của biên bản, thay vào đó, Đức Joseph Ratzinger đã được giả định là không có mặt. Đức Bênêđíctô XVI, do quá gấp rút phải xem lại bản ghi nhớ của mình trong vài ngày, với giới hạn thời gian mà các chuyên gia đưa ra, đã không nhận thấy sai sót, nhưng tin tưởng vào bản phiên âm trong đó cho rằng ngài đã vắng mặt.

Người ta không thể gán lỗi phiên âm này cho Đức Bênêđíctô XVI như một lời tuyên bố sai sự thật có ý thức hoặc một “lời nói dối”.

Hơn nữa, sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu Đức Bênêđíctô cố tình phủ nhận sự hiện diện của ngài tại cuộc họp: trên thực tế, biên bản cuộc họp được đưa ra bởi Đức Joseph Ratzinger. Do đó, sự hiện diện của Đức Joseph Ratzinger là hiển nhiên. Hơn nữa, vào năm 2010, một số bài báo đã đưa tin – và đến nay chưa từng bị phủ nhận - về sự hiện diện của Đức Hồng Y Ratzinger tại cuộc họp. Tương tự, một tiểu sử của Đức Bênêđíctô XVI được xuất bản vào năm 2020 cho biết: “Với tư cách là một giám mục, trong cuộc họp Giáo Vụ năm 1980, ngài chỉ đồng ý rằng linh mục được đề cập có thể đến Munich để trải qua liệu pháp tâm lý” (Peter Seewald, Benedikt XVI., Droemer Verlag 2020, trang 938).

Bản báo cáo lập luận rằng:

Báo cáo của chuyên gia cũng buộc tội Đức Bênêđíctô XVI có hành vi sai trái trong ba trường hợp khác; và cho rằng trên thực tế, ngay cả trong những trường hợp này, ngài cũng đã biết rằng các linh mục là những kẻ lạm dụng.

Điều này không đúng sự thật, theo xác minh của chúng tôi, trên thực tế: Không có trường hợp nào trong các trường hợp được phân tích trong báo cáo của chuyên gia mà Đức Joseph Ratzinger biết về hành vi lạm dụng tình dục hoặc nghi ngờ lạm dụng tình dục do các linh mục thực hiện. Báo cáo của chuyên gia chẳng hề cung cấp bằng chứng ngược lại.

Liên quan đến trường hợp của Linh mục X. đã được thảo luận công khai trong cuộc họp Giáo Vụ năm 1980 về chỗ ở được cung cấp cho ông để trị liệu, một chuyên gia - trong cuộc họp báo ngày 20 tháng Giêng 2022 nhân dịp trình bày về báo cáo lạm dụng – đã tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy Đức Joseph Ratzinger đã biết về điều đó. Trước câu hỏi sau đó của một nhà báo rằng liệu các chuyên gia có thể chứng minh rằng Đức Joseph Ratzinger đã biết rằng Linh mục X. đã thực hiện hành vi lạm dụng tình dục hay không, chuyên gia đó nói rõ rằng không có bằng chứng nào cho thấy Đức Joseph Ratzinger biết điều đó. Ý kiến cho rằng “rất có thể” là Đức Joseph Ratzinger biết điều đó chỉ đơn thuần là ý kiến chủ quan của các chuyên gia.

Xin xem buổi họp báo tại đường dẫn sau: https://vimeo.com/668314410

Vào phút 2:03:46 câu hỏi của nhà báo có thể được tìm thấy: “Câu hỏi của tôi cũng vẫn đề cập đến trường hợp của Linh mục X. Liệu công ty luật có thể chứng minh rằng Đức Hồng Y Ratzinger khi đó đã biết rằng Linh mục X. là một kẻ lạm dụng hay không? Cụm từ “rất có thể” có nghĩa là gì trong bối cảnh này?” [...]

Một chuyên gia trả lời: “[...] rất có thể có nghĩa là chúng tôi giả định điều đó với xác suất cao hơn. [...]”.

Báo cáo của chuyên gia không có bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc [Đức Hồng Y Ratzinger] có hành vi sai trái hoặc đồng lõa trong bất kỳ sự che đậy nào.

Với tư cách là một tổng giám mục, Đức Hồng Y Ratzinger không tham gia vào bất kỳ hành vi che đậy hành vi lạm dụng nào.

Báo cáo cáo buộc rằng:

Trong bản ghi nhớ của mình, Đức Bênêđíctô XVI bị cáo buộc đã xem nhẹ các hành vi phô bày thân thể. Để làm bằng chứng cho khẳng định này, chỉ dấu sau đây trong bản ghi nhớ được tường thuật: “Cha xứ X. được ghi nhận là một người thích phô bày thân thể, nhưng không phải là một kẻ lạm dụng theo đúng nghĩa”.

Trên thực tế, điều này không đúng sự thật:

Trong bản ghi nhớ của mình, Đức Bênêđíctô XVI đã không xem nhẹ hành vi phô bày thân thể, nhưng đã lên án rõ ràng hành vi đó. Cụm từ được sử dụng làm bằng chứng cho cáo buộc về việc xem nhẹ việc phô bày thân thể được trích dẫn ngoài ngữ cảnh.

Trên thực tế, trong bản ghi nhớ, Đức Bênêđíctô XVI đã nói một cách rõ ràng rằng những lạm dụng, kể cả việc phô bày thân thể, là “khủng khiếp”, “tội lỗi”, “đáng trách về mặt đạo đức” và “không thể sửa chữa được”. Đánh giá giáo luật về sự kiện, được các cộng tác viên đưa vào bản ghi nhớ của chúng tôi và được trình bày theo nhận định của chúng tôi, chỉ có mong muốn nhắc lại rằng theo giáo luật hiện hành, việc phô bày thân thể không phải là tội phạm theo nghĩa nghiêm nhặt, bởi vì chuẩn mực hình sự liên quan không bao gồm hành vi loại đó trong trường hợp được đề cập đến.

Do đó, bản ghi nhớ của Đức Bênêđíctô XVI không hề xem nhẹ tội lỗi phô bày thân thể, nhưng đã lên án nó một cách rõ ràng và dứt khoát.

Giáo sư Tiến sĩ Stefan Mückl - Rôma (Giáo luật)

Giáo sư Tiến sĩ Mag. Helmuth Pree - Đại học Ludwig Maximilian của Munich (Giáo luật)

Tiến sĩ Stefan Korta - Buchloe (Giáo luật)

Luật sư Tiến sĩ Carsten Brennecke - Cologne (Quyền tự do ngôn luận)

Source:Il Sismografo
 
Phép lạ nhãn tiền xảy ra tại Loreto: Đức Mẹ tới bên giường cứu tôi!
Thanh Quảng sdb
05:51 09/02/2022
Phép lạ nhãn tiền xảy ra tại Loreto: Đức Mẹ tới bên giường cứu tôi!

Aleteia: Silvia Lucchetti

Fabrizio Chồng của Maria Rita Musino kể về cách anh sống sót ra sao sau cơn bạo bệnh.

Trong tờ báo tháng 6 năm 2021 “Thông điệp của Đền Thánh Loreto” (“Il Messaggio della Santa Casa di Loreto”), kể lại một chứng từ của cặp vợ chồng Fabrizio và Maria Rita Musino. Người chồng kể lại câu chuyện làm sao anh đã sống sót nhờ sự cứu giúp của Mẹ Maria trong lúc thập tử nhất sinh!

Đó là vào ngày 13 tháng 6 năm 2019 khi Fabrizio, một nhạc sĩ, anh cảm thấy đầu đau dữ dội, đang khi ở nhà một mình. Anh chỉ có đủ thời giờ điện thoại cho vợ mình (một bác sĩ) trước khi anh bị hôn mê.

Xuất huyết não nghiêm trọng

Vợ anh, bác sĩ Maria Rita, ngay lập tức chạy về và nhận ra rằng chồng mình bị đột quỵ nghiêm trọng. Cô kêu số cấp cứu khẩn cấp, và cùng Fabrizio đi bằng máy bay trực thăng đến khoa phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rome.

Fabrizio đã trải qua một cuộc phẫu thuật khẩn cấp để cầm máu và hút máu bầm trong hộc sọ, nếu không thần kinh sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

Cận tử

Sau ba ngày được chăm sóc đặc biệt, nhưng anh vẫn bị đau dữ dội ở cổ, buồn nôn và ói mửa, nhưng may mắn, anh còn có thể cử động tay và chân.

Cầu kinh Kính Mừng

Thật không may, anh bị nhiễm trùng tiết niệu do ống thông tiểu, và nó đã chuyển thành nhiễm trùng máu. Anh bị sốt rất cao và thuốc kháng sinh không còn hiệu quả và hạ sốt được. Anh Fabrizio kêu cầu Mẹ Maria tại Đền Thánh Loreto, anh kể lại:

Tôi nhớ buổi chiều hôm đó, tôi muốn cùng với vợ tôi cầu nguyện, vì nàng là người duy nhất được vào phòng của tôi vài phút, với ngàn điều kiện phòng ngừa và như mặc quần áo hoàn toàn mới... Chúng tôi đã cùng nhau đọc kinh Kính Mừng, với những giọt nước mắt ứa tràn, chúng tôi lập lại lời kết ước hôn nhân… “Dù vui buồn, lúc mạnh khỏe cũng như bệnh tật cho đến hết đời”. Sau đó, vợ tôi xức lên trán tôi dầu thánh của Đền Thánh Loreto, và dâng lên Chúa linh hôn tôi, rồi nàng lặng lẽ ra khỏi phòng...

Mẹ Maria đến thăm tôi

Fabrizio sợ phải đối diện với bóng tối tử thần, nhưng rồi chàng bình tâm và cảm thấy mình không còn cô đơn nữa. Chàng đã chia sẻ trải nghiệm:

Đêm đó, Mẹ Thiên Chúa cao cả, Đức Maria Rất Thánh, đã đến bên giường tôi. Lúc đó tôi không ngủ, tôi không dùng thuốc có chất ma túy và cũng không dùng loại thuốc nào có thể gây ra ảo giác. Đột nhiên tôi có cảm giác nhận thức được một sự Siêu việt bao trùm tôi. Những gì nằm ngoài trải nghiệm giác quan của tôi và tôi thấy mình thật bình yên, và tôi cảm nghiệm mình được yêu thương đặc biệt – một sự bình yên, một tình yêu và một sự hòa hợp cao siêu...

Chính lúc này, Fabrizio đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ xuất hiện, trong một bộ áo uy nghiêm kiều diễm, Mẹ bồng Chúa Hài Đồng trên tay. Mẹ đến bên giường của anh và mỉm cười với anh, nhưng Mẹ không nói gì.

Mẹ mặc một chiếc áo dài tân thời như trong biểu tượng của Mẹ Loreto, và được che bởi một tấm màn, cho phép ánh sáng thấy những lấp lánh của những viên đá quý trên áo Mẹ, cũng như khuôn mặt xinh đẹp tỏa sáng của Mẹ.

Mọi nỗi đau của anh đều tan biến

Ngay lập tức, mọi cơn đau của anh được chấm dứt: anh vẫn im lặng, và cảm giác mình khỏe mạnh và thanh thản khiến anh chìm vào giấc ngủ yên bình, “như một trẻ thơ trong vòng tay của Mẹ ”.

Trong những ngày sau đó, các loại thuốc trở nên hiệu quả và chữa anh khỏi nhiễm trùng, và giúp anh lành bệnh.

Hôm nay, Fabrizio tỏ lòng biết ơn nhiều người, tu sĩ và giáo hữu, đã cầu nguyện cho anh tại Đền thánh Loreto, nơi anh và vợ đã đến hành hương nhiều lần ở Ý. Anh Fabrizio nói, chính sức mạnh của dàn đồng ca và hòa tấu đã khiến Mẹ nhận lời và đến giải cứu anh.

Anh đã gửi ra một Thông điệp cho Đền Thánh Loreto như sau:

Những tâm tư cùng nhau cầu nguyện, mà tôi tin rằng, đã vang tới tận thiên đường, và kêu cầu quyền năng và lòng thành kính đến Đức Trinh Nữ Maria khiến Mẹ không chỉ cứu tôi khỏi cái chết mà còn cho tôi sống để làm chứng về quyền năng yêu thương chữa lành của Mẹ.
 
Cha Federico Lombardi: Đức Bênêđíctô không bao giờ tìm cách che giấu tội lỗi trong Giáo Hội
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
07:28 09/02/2022


Cha Federico Lombardi, Chủ tịch Quỹ Joseph Ratzinger - Bênêđíctô XVI của Vatican, và là cựu phát ngôn viên của Vatican, nói: “Với tư cách là cộng sự viên [của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô], tôi có thể làm chứng rằng đối với ngài, việc phục vụ sự thật luôn được đặt lên hàng đầu,” cho dù đau đớn.

Cha Federico Lombardi, SJ, nói trong cuộc phỏng vấn với Gabriella Ceraso của Đài Phát thanh Vatican, rằng: “Tôi bị ấn tượng bởi sự chân thành, sức mạnh và chiều sâu của ngài.

Gabriella Ceraso: Điều gì gây ấn tượng nơi cha về bức thư của Đức Bênêđíctô?

Cha Federico Lombardi: Điều gây ấn tượng cho tôi là sự chân thành, sức mạnh và sự sâu sắc của ngài. Như ngài nói trong lá thư, ngài đã trải qua một giai đoạn đau đớn, trong đó ngài đã kiểm tra lương tâm: về cuộc sống của ngài, hành vi của ngài, và tình hình của Giáo Hội ngày nay. Ngài đã suy ngẫm về điều này. Bức thư là kết quả của một thời gian sâu sắc và đau đớn khi thành tâm kiểm tra trước mặt Thiên Chúa. Ngài là một người lớn tuổi, ngài biết rằng mình đang hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa và do đó đến với sự phán xét của Thiên Chúa, và điều này cho thấy sự chân thành và sâu sắc của văn bản cũng như cách ngài sống với phản ứng mà ngài đưa ra, sau một thời gian chắc chắn là một thời gian suy tư và đau khổ đối với ngài, nhưng cũng gây tranh luận lớn trong Giáo Hội, về sự bối rối, hoang mang... Ngài đưa ra lời chứng của mình, đưa ra một sự giúp đỡ để nhìn thấy sự thật, một cách khách quan, và với sự chân thành và thanh thản, tình hình cụ thể và các triển vọng.

Gabriella Ceraso: Ý nghĩa của lời cầu xin tha thứ của ngài trong bức thư này là gì, thưa cha?

Cha Federico Lombardi: Đức Giáo Hoàng Danh Dự đặt mình vào một hoàn cảnh mà ngài đang sống mỗi ngày, khi cử hành Bí tích Thánh Thể. Mở đầu thánh lễ là lời cầu xin tha thứ trước khi gặp gỡ Chúa, và ngài luôn cảm nghiệm rất sâu sắc về điều đó. Và điều này liên quan đến tất cả sự suy tư của ngài về hoàn cảnh cá nhân của mình và về tình hình của Giáo Hội, trong đó ngài cảm thấy có liên quan đến cá nhân mình. Vì vậy, ngài đưa ra những lời mà chúng ta đã lặp đi lặp lại vô số lần - lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng - với ý nghĩa rất to lớn. Ngài cố gắng nhìn rõ ràng tuyệt đối bản chất của tội lỗi gây đau buồn nhất này là gì mà ngài cũng cảm thấy liên đới, trong tình liên đới với toàn thể Giáo Hội. Và ngài nói rõ rằng đó là một câu hỏi, tại thời điểm này và trong thời gian suy nghĩ của ngài, về tội lỗi gây đau buồn nhất liên quan đến toàn bộ vấn đề lạm dụng tình dục. Ngài đã thực hiện suy tư sám hối này trước sự chứng kiến của chính các nạn nhân bị lạm dụng. Ngài gợi lại những cuộc gặp gỡ mà Ngài đã có với các nạn nhân và kiến thức ngày càng sâu sắc của ngài về mức độ nghiêm trọng trong nỗi đau khổ của các nạn nhân và hậu quả của việc lạm dụng này. Ngài thể hiện, với sự chân thành tuyệt vời và một cách rất rõ ràng, sự xấu hổ, đau đớn, một lời cầu xin chân thành được tha thứ. Đây là những cách diễn đạt mà chúng ta cũng đã nghe thấy trong những năm gần đây trên môi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và đó là những lời nói cũng được nhắc lại một cách sâu sắc đối với những ai ôn lại một chút toàn bộ lịch sử của ngài về chủ đề lạm dụng, từ những kinh nghiệm ban đầu của ngài trong giáo phận Munich cho đến trách nhiệm của ngài ở Rôma, và chính triều đại giáo hoàng.

Sự phản ánh này của ngài không nên được coi là trừu tượng và chung chung, nhưng cụ thể: ngài đề cập đến việc thiếu chú ý đến các nạn nhân, đến các môn đệ đang ngủ say trước sự đau khổ của Chúa Giêsu, điều này đương nhiên cũng bao gồm sự đau khổ của các nạn nhân; thiếu cam kết đầy đủ để chống lại tai họa này và những tội ác này... Vì vậy, ngài đưa ra các tham chiếu rất chính xác đến thực tế này, ngài không đưa ra một diễn từ trừu tượng và chung chung. Vì vậy, cuối cùng, lời cầu xin tha thứ của ngài cũng là một lời cầu xin cầu nguyện cho chính ông, dâng lên Thiên Chúa nhưng cũng hướng đến những anh chị em của ngài, và do đó cho những nạn nhân như thế và cho toàn thể cộng đồng của Giáo Hội cảm thấy bị liên lụy trong tội lỗi đau lòng này trước mặt Chúa. Đó là một câu hỏi rất rộng, trong đó ngài cảm thấy liên lụy và nhìn thấy toàn bộ thực tế về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này là điều mà ngài phải cầu xin sự tha thứ, thanh tẩy bản thân và cam kết hết sức mình để thay đổi thái độ và trung thành hơn trước những đòi hỏi của Tin Mừng.

Gabriella Ceraso: Thưa Cha, Đức Giáo Hoàng Danh Dự bị buộc tội đã nói dối về việc ngài tham gia cuộc họp vào tháng Giêng năm 1980, khi quyết định tiếp nhận một linh mục lạm dụng vào giáo phận Munich. Chuyện gì đã xảy ra thế?

Cha Federico Lombardi: Có một phần tham chiếu đến chuyện này trong thư của Đức Giáo Hoàng Danh Dự và sau đó có phần giải thích chi tiết hơn trong một phụ lục được xuất bản, có chữ ký của các chuyên gia tư vấn, các chuyên gia pháp lý, là những người đã giúp Đức Giáo Hoàng Danh Dự trong phản ứng của ngài đối với các tuyên bố, cả trong câu trả lời đầu tiên mà họ đưa ra, và bây giờ ở vị trí tổng hợp và kết luận về vấn đề này. Có một sai sót trong phản hồi đầu tiên - một bản ghi nhớ dài 82 trang - được trao cho những người đang soạn thảo báo cáo: bản ghi nhớ nói rằng Đức Giáo Hoàng đã không tham dự một cuộc họp. Chỉ vài ngày sau khi công bố báo cáo, chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự đã đưa ra một tuyên bố, trong đó ngài nói: “Không, không đúng: Tôi đã tham dự cuộc họp này, và tôi sẽ yêu cầu giải thích về cách mà lỗi lầm này đã xảy ra, điều này đã gây ra một sự nhầm lẫn nhất định, tất nhiên, tất nhiên rồi, và một sự cộng hưởng nhất định.” Và trong phần phụ lục, những người soạn thảo câu trả lời này giải thích điều này đã xảy ra như thế nào trong quá trình soạn thảo câu trả lời này. Hơn nữa, họ giải thích rằng điều này không ảnh hưởng đến thực tế là Đức Tổng Giám Mục Ratzinger lúc bấy giờ không biết thực tế của cáo buộc lạm dụng đối với linh mục này; và do đó, sai sót liên quan đến sự hiện diện của ngài tại cuộc họp là kết quả của sự giám sát trong quá trình soạn thảo, chứ không phải là điều gì đó đã được viết một cách có ý thức để từ chối sự hiện diện của ngài mà dù thế nào đều rõ ràng trong giao thức cuộc họp và các cân nhắc khác, và do đó không có lý do gì để từ chối điều đó.

Lời thú nhận từ tận đáy lòng

Ở đây, bây giờ, tôi sẽ không đi vào quá nhiều chi tiết. Vấn đề là ở chỗ: Đức Giáo Hoàng Danh Dự phải chịu đựng lời buộc tội này đã được đưa ra nhằm chống lại ngài, cho rằng ngài là một kẻ nói dối, đã cố ý nói dối về những tình huống cụ thể. Không chỉ vậy, mà còn trong toàn bộ báo cáo, cáo buộc rằng ngài cố ý che đậy cho những người lạm dụng, và do đó ngài thiếu quan tâm đến nỗi đau khổ của các nạn nhân và khinh thường họ. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Danh Dự trả lời: “Không, tôi không phải là kẻ nói dối. Lời buộc tội này đã khiến tôi vô cùng đau khổ, nhưng tôi xin tuyên thệ rằng tôi không phải là kẻ nói dối”. Tôi phải nói, ngay cả trên phương diện cá nhân, rằng tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Tôi nghĩ việc ngài nên minh oan cho sự trung thực của mình là đúng. Bởi vì đó là một đặc điểm trong tính cách và hành vi của ngài trong suốt cuộc đời của ngài, mà tôi cũng có thể làm chứng cho điều này, khi đã sống gần gũi với ngài với tư cách là một cộng tác viên trong vài năm: việc phục vụ sự thật luôn được đặt lên hàng đầu. Ngài không bao giờ cố gắng che giấu những điều có thể gây đau đớn cho Giáo Hội khi phải thừa nhận; ngài không bao giờ cố gắng đưa ra một hình ảnh sai lệch về thực tại của Giáo Hội hoặc về những gì đang xảy ra. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng người ta không thể nghi ngờ sự trung thực của ngài theo bất kỳ cách nào. Và ngài chứng thực điều này, và tôi tin rằng việc chấp nhận điều đó với sự tin tưởng và xác tín là đúng.

Gabriella Ceraso: Cha có nghĩ rằng bức thư này có thể có ý nghĩa đối với Giáo Hội trong thời điểm đặc biệt, khó khăn này không?

Cha Federico Lombardi: Chắc chắn, lá thư này biểu lộ một thái độ sám hối rất sâu sắc và rất chân thành trong việc tham gia và chia sẻ nỗi đau khổ của các nạn nhân, nhưng tất cả những gì điều này có ý nghĩa, không chỉ cho các nạn nhân mà còn cho cộng đồng Giáo Hội. Và thái độ sám hối chân thành này trước mặt Thiên Chúa, tôi tin rằng, là một chứng tá Kitô tuyệt vời mà Ngài ban cho chúng ta.

Tuy nhiên, có một khía cạnh cuối cùng mà ngài muốn thể hiện trong bức thư và điều đó xem ra quan trọng đối với tôi, và điều đó là thế này: mặc dù việc nhận ra mức độ nghiêm trọng của tội lỗi là đúng đắn - một tội lỗi gây đau buồn nhất – cũng như gánh nặng hậu quả của nó. Nhưng đối với chúng ta, về mặt thiêng liêng, chúng ta không được mất hy vọng. Cảm thấy rằng mình đang đối mặt với sự phán xét của Thiên Chúa sắp xảy ra, vào cuối cuộc đời của mình, ngài nói: “Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công minh, mà còn là người bạn và người anh em … và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết” Vì vậy: việc chúng ta đang sống trong hoàn cảnh vô cùng tủi nhục, đau khổ tột cùng của Giáo Hội cùng với những nạn nhân và bắt đầu từ những gì đã xảy ra, không được làm chúng ta tuyệt vọng. Chúng ta cũng phải tiếp tục trông cậy vào ân sủng của Chúa, tin cậy nơi Ngài.
Source:Vatican News
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thánh Giuse, quan thầy sự chết lành
Vũ Văn An
14:06 09/02/2022


Theo Tin Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về Thánh Giuse trong buổi yết kiến chung ngày thứ Tư, 9 tháng 2. Trong bài giáo lý hôm nay diễn ra tại Đại sảnh Phaolô VI, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khía cạnh Thánh Giuse là quan thầy sự chết lành. Sau đây là trọn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong bài giáo lý tuần trước, một lần nữa, được kích thích bởi hình ảnh Thánh Cả Giuse, chúng ta đã suy gẫm về ý nghĩa của việc các thánh cùng thông công hay hiệp thông. Và bắt đầu từ đó, hôm nay tôi xin đào sâu lòng sùng kính đặc biệt mà người dân Kitô giáo luôn dành cho Thánh Cả Giuse như vị thánh quan thầy của sự chết lành. Một lòng sùng kính nảy sinh từ ý nghĩ cho rằng Thánh Giuse đã chết với sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, trước khi ngài rời mái nhà Nadarét. Không có dữ kiện lịch sử nào, nhưng vì Thánh Giuse không còn được nhìn thấy trong đời sống công cộng nữa, nên người ta cho là ngài đã chết ở Nadarét, với sự hiện diện của gia đình. Và bên cạnh ngài khi qua đời là Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Đức Bênêđíctô XV, một thế kỷ trước, đã viết rằng "qua Thánh Giuse, chúng ta trực tiếp đến với Mẹ Maria, và qua Mẹ Maria, đến nguồn gốc của mọi sự thánh thiện, đó là Chúa Giêsu". Cả Thánh Giuse và Mẹ Maria đều giúp chúng ta đến với Chúa Giêsu. Và bằng cách khuyến khích các thực hành ngoan đạo để tôn vinh Thánh Giuse, ngài đặc biệt đề nghị một thực hành, và nói như vậy: "Vì ngài xứng đáng được coi là người bảo vệ hữu hiệu nhất cho những người hấp hối, từng qua đời với 'sự trợ giúp của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nên sẽ là việc chăm sóc của các Mục tử thánh thiện khi cổ vũ và ưu ái [...] các hiệp hội đạo đức đã được thành lập để cầu khẩn Thánh Giuse giúp người hấp hối, chẳng hạn như hiệp hội "Chết lành", hiệp hội "Quá cảnh Thánh Giuse" và "cho Những Người hấp hối" (Tự sắc Bonum sane, 25 tháng 7 năm 1920): đó là những hiệp hội vào thời đó.

Anh chị em thân mến, có lẽ ai đó nghĩ rằng ngôn ngữ này và chủ đề này chỉ là di sản của quá khứ, nhưng thực tế mối liên hệ của chúng ta với cái chết không bao giờ là về quá khứ cả, nó luôn luôn hiện diện. Đức Bênêđíctô cho biết, cách đây mấy ngày, khi nói về bản thân rằng "ngài đang đứng trước cánh cửa tối tăm của sự chết". Ta nên cảm ơn Đức Bênêđíctô, người, ở tuổi 95, vẫn còn sáng suốt nói với chúng ta rằng: "Tôi đang đối đầu với cảnh tối tăm của sự chết, cánh cửa tối tăm của sự chết". Đó không phải là một lời khuyên tuyệt vời ngài đã dành cho chúng ta hay sao! Điều gọi là nền văn hóa "cảm thấy tốt" tìm cách xóa bỏ thực tại chết chóc, nhưng một cách bi đát, đại dịch coronavirus đã mang nó trở lại hàng đầu. Thật là khủng khiếp: cái chết ở khắp mọi nơi, và rất nhiều anh chị em đã mất đi những người thân yêu mà không thể gần gũi với họ, và điều này càng làm cho cái chết trở nên khó chấp nhận và xử lý hơn. Một y tá nói với tôi rằng một người bà bị bệnh covid sắp chết và nói: "Tôi muốn từ biệt gia đình tôi, trước khi tôi đi." Và cô y tá can đảm lấy điện thoại di động của cô và để bà tiếp xúc với họ. Quả là cảnh dịu dàng của cuộc từ biết ấy...

Mặc dù vậy, chúng ta cố gắng bằng mọi cách loại bỏ ý nghĩ về sự hữu hạn của mình, do đó tự đánh lừa bản thân vì nghĩ rằng mình có thể lấy sức mạnh khỏi cái chết và xua đuổi nỗi sợ hãi. Nhưng đức tin Kitô giáo không phải là cách để xua đuổi nỗi sợ hãi cái chết, đúng hơn, nó giúp chúng ta đối đầu với nó. Không sớm thì muộn, tất cả chúng ta sẽ đi đến cánh cửa đó.

Ánh sáng đích thực, một ánh sáng soi sáng mầu nhiệm sự chết, phát xuất từ sự phục sinh của Chúa Kitô. Đây là ánh sáng. Và Thánh Phaolô viết: Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15: 12-14). Có một điều chắc chắn: Đức Kitô đã phục sinh, Đức Kitô đã sống lại, Đức Kitô đang sống giữa chúng ta. Và đây là ánh sáng đang chờ đợi chúng ta đằng sau cánh cửa tử thần tăm tối đó.

Anh chị em thân mến, chỉ nhờ đức tin vào sự sống lại, chúng ta mới có thể phớt lờ vực thẳm của sự chết mà không bị sợ hãi lấn át. Không chỉ vậy: chúng ta có thể trả lại một vai trò tích cực cho cái chết. Thật vậy, suy nghĩ về cái chết, được soi sáng bởi mầu nhiệm Chúa Kitô, sẽ giúp chúng ta nhìn mọi sự của cuộc sống bằng con mắt mới. Tôi chưa bao giờ thấy một chiếc xe dọn đồ di chuyển đằng sau một chiếc xe tang! Đằng sau một chiếc xe tang: Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó. Chúng ta sẽ đi một mình, không có gì trong túi của tấm vải liệm: không có gì. Vì tấm vải liệm không có túi. Sự cô đơn của cái chết: đó là sự thật, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc xe tang mà đàng sau có một chiếc xe dọn đồ. Tích lũy chẳng ích gì nếu một ngày kia chúng ta sẽ chết. Điều chúng ta phải tích lũy là lòng bác ái, là khả năng chia sẻ, khả năng không thờ ơ với nhu cầu của người khác. Hoặc, tranh luận với anh / chị / em, bạn bè, người thân trong gia đình, hoặc với anh / chị / em trong đức tin có ích chi nếu một ngày nào đó chúng ta sẽ chết? Nổi nóng, nổi nóng với người khác có ích gì? Đối đầu với cái chết, nhiều vấn đề được giản lược. Khi chết mà được hòa giải là điều tốt, không để lại mối hận thù và ân hận nào! Tôi muốn nói một sự thật: tất cả chúng ta đều đang trên đường đến cánh cửa đó, tất cả mọi người.

Tin Mừng cho chúng ta biết cái chết đến như một tên trộm, vì vậy Chúa Giêsu nói: nó đến như một tên trộm, và dù chúng ta cố gắng kiểm soát sự xuất hiện của nó đến mức nào, có lẽ bằng cách lên kế hoạch cho cái chết của chính chúng ta, nó vẫn là một biến cố mà chúng ta phải đối phó và trước nó chúng ta cũng phải lựa chọn.

Vẫn còn hai điều Kitô hữu chúng ta phải xem xét. Đầu tiên: chúng ta không thể tránh khỏi cái chết, và chính vì lý do này, sau khi đã làm mọi cách con người có thể làm được để cứu người bệnh, sẽ là vô luân khi dấn thân vào những cách chữa trị vô ích (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2278). Câu nói đó của những người trung thành với Thiên Chúa, của những người đơn sơ: “Hãy để ngài chết trong bình an”, “giúp ngài chết trong bình an”: khôn ngoan biết bao nhiêu! Xem xét thứ hai liên quan đến phẩm chất của chính sự chết, phẩm chất của nỗi đau, của đau khổ. Thực vậy, chúng ta phải biết ơn tất cả những sự giúp đỡ mà y học đang cố gắng cung cấp, để nhờ điều gọi là “chăm sóc giảm đau”, mọi người đang chuẩn bị sống phần cuối cùng của cuộc đời, có thể làm được điều đó một cách xứng với con người hết sức có thể. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận để không nhầm lẫn sự trợ giúp này với mưu toan không thể chấp nhận được là dẫn đến việc giết người. Chúng ta phải đồng hành với người đang tiến đến sự chết, nhưng không được gây ra cái chết hoặc giúp đỡ bất cứ hình thức tự sát nào. Tôi nhớ rằng quyền được chăm sóc và chữa trị của tất cả mọi người luôn phải được ưu tiên, để những người yếu nhất, đặc biệt là người già và bệnh tật không bao giờ bị vứt bỏ. Sống là một quyền, chứ không phải chết, là điều phải chấp nhận, không được áp đặt. Và nguyên tắc đạo đức này áp dụng cho mọi người, không chỉ các Kitô hữu hay tín hữu.

Nhưng ở đây, tôi muốn chỉ ra một vấn đề xã hội có thật. Việc “Lập kế hoạch” đó - tôi không biết đó có phải là từ ngữ đúng hay không - nhưng nó đẩy nhanh cái chết của những người già. Rất nhiều lần người ta thấy trong một tầng lớp xã hội nào đó người già, vì họ không có phương tiện, được cho ít thuốc hơn mức họ cần, và điều này là vô nhân đạo: điều này không giúp đỡ họ, điều này còn đẩy họ vào cái chết sớm hơn. Và điều này không phải là con người cũng không phải là Kitô hữu. Người cao niên phải được coi như một báu vật của nhân loại: họ là túi khôn của chúng ta. Và nếu họ không còn nói được nữa, và nếu họ không còn làm chúng ta hiểu được nữa, họ vẫn là biểu tượng của túi khôn con người. Họ là những người đã đi trước chúng ta và để lại cho chúng ta biết bao điều đẹp đẽ, bao kỉ niệm, bao khôn ngoan. Làm ơn, xin đừng cô lập người già, đừng tăng tốc cái chết của người già. Vuốt ve một người già cũng có hy vọng giống như vuốt ve một đứa trẻ, bởi vì khởi đầu và kết thúc của cuộc đời luôn là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm cần phải được trân trọng, đồng hành, chăm sóc, yêu thương.

Xin Thánh Cả Giuse giúp chúng ta sống mầu nhiệm sự chết một cách tốt nhất. Đối với một Kitô hữu, chết lành là được cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đến gần chúng ta ngay trong giây phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Ngay trong kinh Kính Mừng, chúng ta cũng cầu xin Đức Mẹ ở gần chúng ta “và trong giờ lâm tử”. Chính vì lý do này, tôi muốn kết thúc bài giáo lý này bằng cách cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho những người đang hấp hối, cho những người đang trải qua giây phút vượt qua cánh cửa tối tăm này, và cho các thân nhân trong gia đình đang trải qua tang tóc. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện:

Kính mừng Maria

Xin cám ơn anh chị em.
 
Lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là một bài giáo lý tuyệt vời
Đặng Tự Do
15:12 09/02/2022


“Xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” là cái tựa người ta viết sẵn để khi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đưa ra một lá thư phản hồi những cáo buộc nhắm vào ngài trong báo cáo lạm dụng của tổng giáo phận Munich – Freising thì tung lên nhằm đón nhận những tràng pháo tay của giới truyền thông, bất kể Đức Bênêđíctô viết gì trong bức thư của ngài, và bất kể cái “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” đó bôi tro trát trấu vào mặt Giáo Hội như thế nào.

Trong bài “Un sanissimo senso della colpa”, nghĩa là “Một cảm thức lành mạnh về tội lỗi”, ký giả Simone M. Varisco của Caffestoria, nhấn mạnh rằng lá thư của Đức Bênêđíctô là một bài giáo lý tuyệt vời chứ không phải giọng điệu “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” như yêu cầu của Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Thật vậy, trong tài liệu phản bác đính kèm với lá thư của Đức Bênêđíctô, các cố vấn pháp lý của ngài bác bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ngài.

Simone viết:

“Sau những lời cảm ơn, nhất thiết cũng phải có một lời thú nhận”, Đức Bênêđíctô XVI viết sau những lời cảm ơn về nhiều biểu hiện đoàn kết với ngài sau những cuộc tấn công cường tập trong vài ngày qua trong đó người ta xuyên tạc các sự kiện và hoàn cảnh.

Tội lỗi lạm dụng tính dục là một tội nghiêm trọng trong Giáo Hội, một nhà lãnh đạo của Giáo Hội mà không cảm thấy bị liên lụy, không có cảm thức tội lỗi thì có nghĩa là tự biến sự tồn tại của mình thành một bản cáo trạng. Tuy nhiên, Đức Bênêđíctô XVI nói tiếp “dù lỗi của tôi có lớn đến đâu, hôm nay, Chúa vẫn tha thứ cho tôi, nếu tôi thành tâm cho phép mình được Ngài kiểm tra và thực sự chuẩn bị thay đổi.”

Sự thay đổi đó đã diễn ra trong vô số cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của lạm dụng tình dục, ở Vatican và trong các chuyến tông du của ngài. “Tôi đã thấy những hậu quả của một lỗi lầm nghiêm trọng nhất. Và tôi hiểu rằng bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra. Trong những cuộc gặp gỡ đó, một lần nữa tôi chỉ có thể bày tỏ với tất cả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự xấu hổ sâu sắc, nỗi buồn sâu sắc và lời cầu xin tha thứ chân thành của tôi.”

Đến đây vẫn chưa đủ cho những người đã phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê các nhà điều tra cố gắng bới lông tìm vết vạch ra những tội lỗi của người khác. “Tôi đã có những trách nhiệm lớn lao trong Giáo Hội Công Giáo”, Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục. “Tôi đã có những trách nhiệm lớn lao trong Giáo Hội Công Giáo. Trên tất cả là nỗi đau của tôi vì những lạm dụng và những sai sót đã xảy ra ở những nơi khác nhau trong thời gian tôi được giao nhiệm vụ. Mỗi trường hợp lạm dụng tình dục riêng lẻ đều kinh hoàng và không thể sửa chữa được. Những nạn nhân của lạm dụng tình dục có sự đồng cảm sâu sắc nhất của tôi và tôi cảm thấy vô cùng đau buồn cho từng trường hợp riêng lẻ.”

Đức Bênêđíctô XVI nhận thức rõ rằng lòng thương xót là cần thiết trước những tội lỗi không thể tránh khỏi đè nặng lên sự yếu đuối của mỗi chúng ta.

“Không bao lâu, tôi sẽ tìm thấy chính mình trước tòa phán xét cuối cùng của cuộc đời mình. Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công minh, mà còn là người bạn và người anh em, là Đấng đã phải chịu đựng những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là trạng sư của tôi, “Đấng Bầu Chữa” của tôi. Trong giờ phán xét, tôi càng thấy rõ ân sủng của việc trở thành tín hữu Kitô. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với Đấng phán xét cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”

Chính những đoạn cuối cùng này, ngoài ý nghĩa tinh thần và nhân văn của toàn bộ bức thư, đã khiến bức thư trở thành một bài giáo lý quan trọng cho Giáo Hội bất kể một số sai lầm của thể chế và của một số cá nhân. Bức thư là một minh chứng tinh thần. Có lẽ là một bài giáo lý cuối cùng của Đức Bênêđíctô XVI. Bức thư của một con người vĩ đại, và tất nhiên là của Giáo Hội.

Một số đoạn văn và phần kết của bức thư cho thấy rõ sự khác biệt về phong cách giữa lời cầu xin tha thứ mà Đức Bênêđíctô XVI yêu cầu và lời cầu xin của những nhân vật khác trong Giáo Hội, đặc biệt là ở Đức, những người quá say mê trước những tiếng vỗ tay ồn ào của giới truyền thông.

Trong những tuần gần đây, giám mục Limburg và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, ngài Georg Bätzing, đã liên tục đòi hòi nơi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 công khai “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ”. Trong nhiều năm, Bätzing liên tục chỉ trích Đức Bênêđíctô XVI, và lập tức yêu cầu Đức Giáo Hoàng Danh Dự phải xin lỗi trên báo chí, chỉ vài giờ sau khi báo cáo về các vụ lạm dụng trong giáo phận của Munich và Freising được phổ biến. Theo lời của Bätzing, báo cáo nêu bật những “hành vi tai hại” của Giáo Hội, ngay cả trong hàng giáo phẩm cao cấp nhất, “bao gồm cả một Giáo hoàng Danh dự”. Bätzing nói thêm: “Đôi khi tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng chúng ta đã từng có quá khứ như vậy.”

Hồng Y Reinhard Marx, tổng giám mục đương nhiệm của Munich và Freising và là cựu chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức tán đồng những lời của Bätzing: “Không có tương lai cho Kitô giáo ở đất nước này nếu không có một Giáo Hội đổi mới”. Cũng theo lời của Hồng Y Marx: “Đối với nhiều người Giáo Hội thực sự là một nơi gây ra tai họa hơn là cứu rỗi, một nơi đáng sợ hơn là an ủi.”

Đó là những bài phát biểu tự cho mình là trung tâm, mị dân và vô thần thực tiễn, trong đó cho rằng tương lai của Giáo Hội phụ thuộc vào sự khôn ngoan của họ, vào các chương trình nghị sự của họ như bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, cho người Tin lành được rước lễ…

Tuy nhiên, chiến lược mị dân ấy không có tác dụng. Trên thực tế, không thiếu những lời chỉ trích từ “cánh tả” của Giáo Hội ở Đức. Tờ Der Spiegel hàng tuần tóm tắt một mẫu tin thú vị. “Không ai nhận trách nhiệm cá nhân. Theo nhà thần học và giáo luật Thomas Schüller, Tổng giáo phận Munich-Freising đang đi vào chế độ giải quyết và tiến hành các hoạt động hàng ngày như thường lệ […]. Nhà hoạt động và cựu ứng cử viên trong hàng ngũ xã hội chủ nghĩa của SPD, Matthias Katsch, khẳng định rằng “rất khó tiếp nhận bài phát biểu có tính vị kỷ này của Đức Hồng Y Marx”. Một lần nữa, phản ứng của Marx được đánh giá là một phản ứng “mơ hồ một cách đáng ngạc nhiên” bởi Chủ tịch Ủy ban Trung ương những người Công Giáo Đức (ZdK), nhà xã hội học Irme Stetter-Karp, là người vừa phê phán ý kiến của Hồng Y Marx trong đó xem bãi bỏ luật độc thân linh mục như một cách để chống tội lỗi lạm dụng tính dục. “Phải chăng dưới con mắt của Hồng Y Marx, phụ nữ chỉ là một công cụ tình dục,” bà ta hỏi.

Tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn. Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.

Nhà triết học và thần học Tin lành Lytta Basset đã viết: “Theo quan điểm đức tin, sự mù quáng nguy hiểm nhất là sự nhầm lẫn giữa tầm nhìn thuần túy của con người với tầm nhìn của Thiên Chúa”.

Tự vấn trong trạng thái như đang đứng trước mặt Chúa trong giờ phán xét sau cùng, và từ đó hoán cải, và thay đổi là đường lối cơ bản của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16. Đường lối ấy giúp chúng ta tiếp tục rửa tội cho thế giới sa ngã này, bất kể những yếu đuối trong Giáo Hội.

Trái lại, lạm dụng tội lỗi lạm dụng để mạ lỵ Giáo Hội, để bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái.. là để cho cái thế giới sa ngã này rửa tội cho chúng ta.
Source:Caffestoria.it
 
Cựu linh mục Cleveland McWilliams tự tử chết
Đặng Tự Do
17:08 09/02/2022


Đức Cha Edward C. Malesic, Giám Mục Cleveland cho biết Robert McWilliams, cựu linh mục Cleveland đang ngồi tù chung thân vì nhiều tội liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em, đã tự tử chết trong khi bị giam giữ trong nhà tù liên bang vào sáng thứ Sáu.

McWilliams qua đời ngay sau 3:00 sáng ngày 4 tháng 2. Cái chết của anh ta đang được báo cáo là một vụ tự sát, theo một tuyên bố từ văn phòng điều tra của Quận Union.

McWilliams đang thụ án chung thân trong Nhà tù Liên bang Allenwood ở Pennsylvania. Anh ta bị kết án vào tháng 11 năm 2021, sau khi phạm tội lạm dụng trẻ em.

Ông đã bị Vatican trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vào tháng 12 năm 2021.

McWilliams, 41 tuổi, được thụ phong linh mục ở Cleveland, Ohio vào năm 2017. Anh ta đã trải qua hai năm trong thừa tác vụ linh mục trước khi bị bắt vào năm 2019, và cuối cùng bị buộc tội lạm dụng tính dục nhiều trẻ em bao gồm lạm dụng tinh thần và tình dục một số cậu bé.

Trong quá trình xét xử và tuyên án, các công tố viên đã mô tả McWilliams là “gian xảo, tính toán và cực kỳ độc ác.”

Tại phiên tòa tuyên án vào tháng 11, McWilliams đọc một lá thư mà anh ta nói rằng anh ta đã viết cho các nạn nhân.

“Tất cả những gì tôi muốn đưa ra cho các bạn bây giờ là lời cầu nguyện và lời xin lỗi của tôi”

“Tôi cầu nguyện cho đức tin của các bạn vào Chúa và vào Giáo Hội sẽ được chữa lành. Xin lưu ý rằng đây không phải là lỗi của Giáo Hội hay lỗi của chức tư tế, đây là lỗi của tôi, tội lỗi của tôi”.

McWilliams nói thêm rằng anh ấy “xấu hổ và đau buồn vì hành động và tội lỗi của tôi.”

Trong một cuộc phỏng vấn với The Pillar, được xuất bản sau khi McWilliams bị kết án vào tháng 11, một trong những nạn nhân của anh ta cho biết anh ta đã tha thứ cho kẻ ngược đãi mình, nhưng bị tổn thương tinh thần lâu dài.

Một phát ngôn viên của Giáo phận Cleveland đã đưa ra một tuyên bố về cái chết của McWilliams cho The Pillar vào chiều thứ Sáu, và nói rằng giáo phận “đã biết vào chiều nay về việc Robert McWilliams qua đời”.

“Chúng tôi đặt điều này và tất cả các tình huống khó khăn trong bàn tay của Chúa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho những người bị tổn thương bởi hành động của anh ấy. Xin Chúa là nguồn chữa lành cho họ”.

Đức Cha Edward C. Malesic nhấn mạnh rằng Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn tất cả các tội lỗi của chúng ta nên chúng ta đừng mất lòng trông cậy nơi Lòng Thương Xót của Ngài bất kể những tội lỗi chúng ta có thể đã phạm.
Source:Pillar Catholic
 
Phải chăng đang có một trào lưu Tin Lành mới đang bắt đầu xuất hiện ở Đức?
Đặng Tự Do
17:09 09/02/2022


Khi cuộc họp khoáng đại lần thứ ba của Tiến Trình Công Nghị Đức vừa khai mạc, sáng kiến ”Khởi đầu mới” đã cảnh báo về một cuộc ly giáo trong Giáo Hội Công Giáo phát sinh từ đất nước này. Trong một lá thư gửi cho các giám mục ở Đức và trên khắp thế giới, những người lãnh đạo sáng kiến “Khởi đầu mới” mô tả “một tinh thần nổi loạn” đang ráo riết hoạt động để phản bội Phúc Âm.

Trong bài tiểu luận của họ nhan đề “Bảy câu hỏi đối với Giáo Hội Công Giáo ở Đức về Tự do và Tự trị”, sáng kiến này bày tỏ lo ngại rằng Tiến Trình Công Nghị đang công bố một mô hình mới về quyền tự quyết cấp tiến, và triệt để đến mức có thể dẫn Giáo Hội ở Đức đến chỗ ly giáo.

Sáng kiến này tự mô tả mình là một hiệp hội gồm các nhà thần học, triết học và nhân học, những người kêu gọi cải cách trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng không coi Tiến Trình Công Nghị Đức là một giải pháp khả thi.

Bài luận viết, “Trọng tâm không còn là về Chúa - lời và thánh ý của Ngài - mà là con người - ý chí, sở thích, danh vọng, ước muốn, tự do của mình là các yếu tố xác định đâu là vấn đề trong Giáo Hội, đâu là các giáo huấn có vẻ hợp lý trước tòa án hiện đại… những giáo huấn nào có thể được dạy và những giáo huấn nào bị cấm không được dạy và sống”.

Sáng kiến này yêu cầu các giám mục của Giáo Hội Công Giáo sử dụng ảnh hưởng của họ để ngăn chặn tình trạng ly giáo: “Việc Đức Giáo Hoàng Lêô X từng bác bỏ luận điểm của Martin Luther, coi ông ta chỉ là một tu sĩ “bướng bỉnh”, vớ vẩn có lẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội. Đúng 500 năm sau, Giáo Hội Công Giáo Rôma một lần nữa đánh giá thấp một cuộc tranh luận thần học ở một đất nước không xa xôi lắm, phớt lờ nó và coi đó là một vấn đề riêng của Đức. Cuộc ly giáo tiếp theo trong Kitô giáo đang sắp xảy ra. Và nó sẽ lại đến từ Đức”.

Vào tháng Giêng, sáng kiến Khởi đầu Mới đã trao một “tuyên ngôn cải cách” cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được 6,000 người Công Giáo ký tên. Tuyên ngôn lập luận rằng Tiến Trình Công Nghị “lạm dụng tội lỗi lạm dụng tình dục”, nghĩa là, nó dùng tội lỗi lạm dụng tình dục như một chiêu bài để thay đổi Giáo Hội theo chương trình nghị sự của họ.

Sáng kiến cho biết ngoài 67 giám mục ở Đức, khoảng 2,000 giám mục trên toàn thế giới, cũng như 500 cộng đoàn, tu hội và phong trào Công Giáo, đã nhận được một văn bản giải thích có tiêu đề “Đây không phải là Phúc âm” và lời mời thần học đến một cuộc tranh luận khoa học: “Bảy câu hỏi đối với Giáo Hội Công Giáo ở Đức về quyền tự do và quyền tự chủ”.

Nhóm cũng bổ sung vào hai tài liệu này một bộ sưu tập các trích dẫn và tuyên bố của các nhà thần học và giám mục trong Tiến Trình Công Nghị, và những tuyên bố điển hình của các thành phần tham gia để chứmh mình rằng “chương trình nghị sự của nó không tương thích với việc giáo huấn liên tục và phổ quát của Giáo Hội.”
Source:Catholic News Agency
 
Trung Quốc đang đưa ra phát súng cảnh cáo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân
Đặng Tự Do
17:11 09/02/2022


Các bài báo trên một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo trợ đã tố cáo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân về những điều mà các nhà hoạt động nhân quyền cho là một dấu hiệu cho thấy tự do “tôn giáo ngày càng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh”.

Hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng, nơi mà việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát gần đây thể hiện một bước ngoặt lớn so với những lời hứa trước đó về việc duy trì các quyền công dân cơ bản.

Nina Shea, thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đã lưu ý rằng vị giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã được nhắm mục tiêu trong ít nhất bốn bài báo trên một tờ báo chính thức của nhà cầm quyền Hương Cảng, trước đây là lãnh thổ của Anh.

Shea, Thành viên cao cấp và Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, đã viết trong một bài báo được đăng trên tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo (Epoch Times, 大纪元时报) “Trong tuần cuối cùng của tháng Giêng vừa qua, một loạt bài báo đáng ngại trên Đại Công Báo (Ta Kung Pao, 大公报), một tờ báo Hương Cảng thuộc sở hữu của văn phòng liên lạc của Trung Quốc, đã cáo buộc Đức Hồng Y Quân, giám mục hiệu tòa Hương Cảng, và các Giáo Hội Kitô ở Hương Cảng đã kích động sinh viên bạo loạn chống lại các biện pháp đàn áp vào năm 2019. Bốn bài báo quan trọng, tất cả đều nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát nhiều hơn, xem ra chiến dịch tố cáo loại này đang tiên báo một cuộc đàn áp mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Đức Hồng Y Quân đã thẳng thắn bảo vệ các quyền công dân ở cả Trung Quốc đại lục và ở Hương Cảng. Ngài đã lên án việc Trung Quốc dỡ bỏ các cây thánh giá trên đỉnh của các nhà thờ tại Hoa Lục; và ngài cử hành thánh lễ cho các nạn nhân của vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Giáo Hội “kích động bạo loạn”

Một bài báo trên tờ Đại Công Báo với tiêu đề “Hồng Y Quân sử dụng tư cách giáo sĩ để phá rối Hương Cảng,” cũng nói về phong trào Pháp Luân Công, mà Trung Quốc đã hạn chế nghiêm ngặt, và nói rằng, “Chính phủ rất khó điều chỉnh hoặc loại bỏ các nhóm hoặc các cá nhân tôn giáo này, bất chấp thực tế là họ đã phạm nhiều tội ác”.

Shea viết: “Những lời phàn nàn của các bài báo chống lại vị Hồng Y cũng bao gồm khẳng định rằng nhiều người trong số những người bị bắt trong phong trào ủng hộ dân chủ đã học tại các trường Công Giáo. “Ba bài báo tiếp theo nhắc lại một chủ đề theo đó các Giáo Hội Kitô ở Hương Cảng 'kích động bạo loạn' giữa các sinh viên Hương Cảng và dành sự tôn nghiêm cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Các bài báo này vận động đặt các tôn giáo dưới sự kiểm soát của bọn cầm quyền”.

Shea cho biết cho đến nay, các Giáo Hội ở Hương Cảng phần lớn vẫn nằm ngoài tầm ngắm của bọn cầm quyền. Bà viết: “Không có Giáo Hội 'Yêu nước' nào được bọn cầm quyền hình thành, trong đó các giáo sĩ phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, như ở đại lục. Các giáo sĩ không bị 'cải tạo' theo tư tưởng cộng sản, thánh giá nhà thờ vẫn nguyên vẹn, các bài giảng không bắt buộc phải dựa trên những câu nói của Tập Cận Bình, camera giám sát không được gắn trên các nhà thờ, và người trẻ không bị cấm tham gia các cử hành Phụng Vụ hay nghiên cứu Kinh thánh - tất cả đều là dấu ấn của chương trình Trung Quốc hóa dành cho các tôn giáo tại đại lục”.

Mối quan tâm của Shea được chia sẻ bởi Benedict Rogers, người sáng lập Hong Kong Watch, người đã viết gần đây rằng “có vẻ như tôn giáo đang ngày càng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh”.

“Sau khi đã đàn áp những người biểu tình, nhốt các nhà dân chủ, đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập, xói mòn tự do học thuật, loại bỏ gần như hoàn toàn không gian tự do của xã hội dân sự, vô hiệu hóa công đoàn và thuần hóa các cơ quan tư pháp, và tôn giáo – nay Trung Quốc đang nhắm đặc biệt đến Giáo Hội Công Giáo - là thể chế bất khuất còn lại” Rogers viết trong một op-ed cho UCANews.

“Sự hoang tưởng” của Bắc Kinh

Ông chỉ ra rằng bốn bài báo nhắm vào Đức Hồng Y Quân không phải là điều gì mới trong chiến dịch khủng bố vị Hồng Y của bọn cầm quyền Trung Quốc. Rogers cho biết vào năm 2019, anh đã tham dự một cuộc họp riêng của các nhà lập pháp Công Giáo ở Fatima, Bồ Đào Nha. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và nhà hoạt động dân chủ lâu năm ở Hương Cảng Lý Trú Minh (Martin Lee, 李柱銘) một người Công Giáo sùng đạo, cũng được mời.

Rogers cho biết: “Đại sứ quán của Trung Quốc tại Lisbon đã cử một phái đoàn gồm khoảng hơn chục nhà ngoại giao chiếm toàn bộ tầng một của khách sạn đối diện với chúng tôi và thực hiện nhiều nỗ lực để xâm nhập vào tụ điểm của chúng tôi. Việc chế độ Cộng sản Trung Quốc vô cùng hoảng sợ khi hai vị tiến sĩ ủng hộ dân chủ Hương Cảng đến thăm một địa điểm hành hương tôn giáo với một nhóm các nhà lập pháp Công Giáo đã nói rất nhiều về sự hoang tưởng của Bắc Kinh và nỗi sợ hãi của họ đối với tôn giáo.”

“Nhưng điều mới mẻ là các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh hiện đang công khai nói về những hạn chế đối với tôn giáo ở Hương Cảng”. Các bài báo trên tờ Đại Công Báo trích dẫn lời các nhà lãnh đạo dân sự địa phương nổi tiếng và các giáo sĩ thân Bắc Kinh bày tỏ sự cần thiết phải có sự kiểm soát nào đó của chính phủ đối với các tổ chức tôn giáo địa phương để ngăn chặn các hoạt động chống chính phủ.

“Tôi lo sợ rằng chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu tiên báo về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang len lỏi nắm quyền kiểm soát tôn giáo. Một sự thu tóm tinh vi các cơ sở tôn giáo của Hương Cảng vào các hoạt động do Bộ Mặt trận Thống nhất do Bắc Kinh chỉ đạo bao gồm Phong trào Yêu nước Ba tự cho người Tin lành, Hiệp hội Yêu nước Công Giáo cho người Công Giáo, và sự siết chặt tự do tôn giáo một cách từ từ.”

Nhưng nhà lãnh đạo mới của Giáo phận Công Giáo Hương Cảng, người kế nhiệm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đưa ra một “tia hy vọng mong manh”. Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), người được bổ nhiệm vào ngày 4 tháng 12, không phải là sự lựa chọn của Bắc Kinh. Trong tất cả các tuyên bố công khai của mình kể từ khi được xác nhận bổ nhiệm, vị tân giám mục “đã cho thấy rằng ngay cả khi phải điều hướng đường đi nước bước một cách cẩn thận, ngài vẫn giữ vững các nguyên tắc về phẩm giá con người và tự do lương tâm.”

Rogers cảnh báo rằng không nên bỏ qua các bài báo trong Đại Công Báo. Ông nói: “Khi Bắc Kinh muốn báo hiệu ý định của mình, họ có thói quen bắn cảnh cáo qua các phương tiện truyền thông của họ. “Các quyền tự do của Hương Cảng đã bị hủy bỏ. Nhưng chúng ta không nên đơn giản coi nó là điều hiển nhiên và chấp nhận nó như đã rồi. Nếu các nơi thờ tự bị hạn chế, tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo bị hạn chế, các nghi lễ bị kiểm duyệt, các giáo sĩ bị bỏ tù hoặc biến mất hoặc chỉ đơn giản là phải im lặng, và nếu các cơ sở tôn giáo của Hương Cảng dần dần bị hấp thụ vào các thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nếu sự thật - hoặc sự theo đuổi sự thật - sau đó bị bao phủ bởi những lời nói dối, chúng ta phải hét lên từ những mái nhà”.
Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin thêm về vụ cha Trần Ngọc Thanh: Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum đến thăm Giáo họ Sa Loong
Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn
10:24 09/02/2022
Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum đến thăm Giáo họ Sa Loong

WGPKT (08.02.2022) - Sáng ngày 07/2/2022, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum, cùng với Cha GB Hồ Quang Huyên, quản lý giáo phận, đến thăm Cộng đoàn các Cha Đa Minh và giáo Họ Sa Loong. Buổi gặp gỡ có mặt Cha Giuse Hà Đăng Hội, Bề trên Tu Xá Đa Minh Kon Tum, Cha Antôn Phạm Minh Châu, Phụ trách Cộng đoàn Đa Minh Đăk Mot, Cha GB Đỗ Thanh Tùng, Chính xứ Giáo xứ Đăk Mot, đồng thời có bà Sự, vợ của ông trùm Trung, trong giáo họ Sa Loong.

Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP không còn nữa. Giáo phận vô cùng đau buồn và tiếc nuối về sự mất mát quá lớn này. Mỗi một chúng ta hẳn sẽ nghẹn ngào, nhói lòng khi nghĩ về sự ra đi của người anh em của chúng ta; chúng ta tin tưởng, phó thác nơi Đức Giêsu Kitô, ánh sáng của sự thật: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Sau khi đến nơi sự việc xảy ra, tiếp xúc thực tế những người có mặt tại hiện trường, hỏi thăm và trao đổi với những người có mối liên hệ với người gây án, là anh Nguyễn Văn Kiên.

Qua trao đổi thì được biết thêm anh Kiên là người mê số đề đi đến chỗ nợ nần nghiêm trọng và bị “thất tình” vì không có cô gái nào muốn làm bạn với anh. Nhưng cũng chưa biết động lực nào đã đưa anh đến chỗ sát hại Cha Giuse.

Sau cuộc gặp gỡ trên, Đức Cha và các Cha đến nhà nguyện Giang Lố 2- Sa Loong, gặp mặt bà con giáo dân, chia buồn, nói lời an ủi, trấn an bà con, và cùng thắp hương (nhang), đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Tiếp đến, Đức Cha lắng nghe những ý kiến của những người trực tiếp có mặt trong buổi chiều cha Thanh bị sát hại. Sau đó Đức Cha ghé thăm nhà thờ Đăk Mot và về Toà Giám Mục.

Theo lời kể của Thầy Giáo, thuộc dòng Đa Minh, đang giúp tại Giáo họ Sa Loong, khi thấy sự việc xảy ra, thầy đến để ngăn anh Kiên lại, anh Kiên vung dao chém gãy luôn cái ghế trên tay thầy, lúc đó thầy chạy lánh đi, nhưng khi nhìn lại ở đó còn nhiều em nhỏ, thầy sợ anh ta sẽ thảm sát các em nên đã quay lại, phó thác cho Chúa, thầy đã vật anh ta xuống. Khi đó có một số bà con chạy vào, thấy tình cảnh như vậy đã đánh anh Kiên, nhưng thầy Giáo đã can ngăn và nhắc mọi người không được đánh, chỉ giữ anh ta lại mà thôi.

Sự ra đi của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là một mất mát lớn cho Giáo Phận, cho Dòng Đa Minh và cho những người thân yêu của Cha. Từ đây, Giáo Phận mất đi một cánh tay đắc lực cho việc phục vụ giáo dân và cho việc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên Kon Tum này.

Xét về mặt xã hội và luật pháp, đây là một vụ án, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ và có kết luận. Chúng ta chỉ tìm hiểu sự việc và đưa ra thông tin về những diễn biến thực tế tại hiện trường, cũng như lời kể của những người chứng kiến và người thân quen biết với đối tượng gây án thuật lại.

Về mặt tôn giáo, chúng ta nhất quyết lên án những hành động bạo lực, xấu xa. Chúng ta mạnh mẽ bác bỏ sự dữ. Còn con người, chúng ta phó thác cho Lòng Thương Xót của Chúa. Chắc chắn Chúa phân xử trong ngày phán xét, “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16, 27). Vâng, chúng ta được mời gọi sống yêu thương, tha thứ, gạt bỏ những bất đồng, thù hận và hãy cầu xin cho người phạm tội biết ăn năn sám hối.

Trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Cha trên trời, cộng đoàn chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Linh mục Giuse về hưởng nhan thánh Chúa. Cũng cầu xin Chúa nâng đỡ tất cả Quý Cha, Quý Soeurs trong toàn Giáo phận, cho những người con của Đăk Mot, cũng như cho mỗi người chúng ta luôn sống mạnh mẽ trong Đức Tin và vững vàng nơi lý trí như Đức Gioan Phaolô II viết Trong thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và Lý trí): “Đức tin và Lý trí như đôi cánh giúp con người vươn cao trong chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm con người ước vọng tìm kiếm chân lý, để rồi cuối cùng con người nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu thấu đạt sự thật về mình một cách đầy đủ”.

Nguồn: giaophankontum.com
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh niềm vui ơn cứu độ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:44 09/02/2022
Hình ảnh niềm vui ơn cứu độ

Trong kinh cầu Đức Mẹ Maria có câu ca ngợi:” Đức Bà làm cho chúng con vui mừng.”

Con người xưa nay ai cũng có nhu cầu cần có niềm vui cho đời sống tinh thần cùng cho thể xác được bằng an khoẻ mạnh.

Thiên Chúa, Đấng tạo dựng cùng nuôi sống con người là nguồn ban ân đức niềm vui, nhưng Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, theo lòng tin tưởng, là người mẹ phù hộ cho con người rất đắc lực bên ngai tòa Thiên Chúa.

Hang đá Đức Mẹ Lourdes

Đức Mẹ Maria đã hiện ra với thiếu nữ Bernadette ở hang động vách núi đá Massabielle từ ngày 11. 02. đến 16.07.1858 ở thành phố Lourdes bên nước Pháp

Hang động này thời Bernadette sinh sống dơ bẩn, tối tăm, ẩm ướt và lạnh. Người ta gọi hang động này là một loại chuồng heo. Vì người dân ở đây thường dẫn heo ra ăn cỏ và tắm.

Nhưng Đức Mẹ Maria, đấng tinh tuyền vẹn sạch không vướng mắc tội tổ tông truyền đã chọn nơi hang động dơ bẩn này hiện ra với thiếu nữ Bernadette. Tại sao?

Hai hình ảnh, hai sự kiện trái ngược nhau, có thể nói như ánh sáng với bóng tối, như trắng với đen, trong sạch với dơ bẩn...

Điều này nói lên Thiên Chúa qua Đức Mẹ Maria với trái tim lòng yêu mến muốn đến gặp gỡ con người chúng ta trong tình trạng bơ vơ khốn quẫn, vì tội lỗi khiếm khuyết trong đời sống.

Hang núi Lourdes, nơi Đức Mẹ hiện ra, không phải chỉ là nơi chốn hình thể địa lý. Nhưng còn là nơi theo ý nghĩa tâm linh, Thiên Chúa tỏ cho con người dấu chỉ Ngài hằng yêu thương con người, dù thế nào đi chăng nữa.

Hang đá Lộ Đức cũng là nơi Thiên Chúa gửi cho con người sứ điệp: Ngài đến với con người, Ngài yêu mến đời sống con người với thành công và cả với những vết thương đau khổ, bệnh nạn, những đổ vỡ, những dơ bẩn trong đời sống, những hạn chế giới hạn của con người. Và qua đó Ngài ban sức khỏe niềm vui thể xác cũng như tinh thần cho con người.

Nguồn nước ơn chữa lành mang đến niềm vui.

Tin tưởng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ, nên xưa nay hàng triệu người đi hành hương sang kính viếng Đức Mẹ bên Lourdes. Đến đây khách hành hương xếp hàng chờ tới phiên vào trầm mình tắm nơi buồng bể nước tuôn chẩy ra từ nguồn suối nơi núi hang đá, xin ơn chữa lành. Và hầu như ai cũng mang bình to nhỏ hứng nước ở những vòi nước chẩy ra từ hang đá Đức Mẹ hiện ra. Hứng nước đem về nhà, và rửa mặt cùng uống nữa không chỉ cho nhu cầu giải khát và sức tươi mát tỉnh táo thân thể chân tay da mặt lúc trời nóng. Nhưng cùng với lòng tin xin ơn đức cho khoẻ mạnh tinh thần cùng thể xác nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ.

Trầm mình, lấy đôi bàn tay rửa mặt và uống nước Đức Mẹ Lourdes nhắc nhớ đến làn nước Bí Tích rửa tội đã lãnh nhận ngày xưa lúc còn thơ bé. Làn nước rửa tội tẩy rửa tội nguyên tổ và mang đến cho tâm hồn đức tin vào Thiên Chúa.

Làn nước Đức Mẹ Lourdes cũng nhắc nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn chảy từ trái tim cạnh sườn Chúa Giêsu, khi Ngài bị treo trên thập gía và bị người lính dùng lưỡi giáo đâm thâu thủng cạnh sườn. Làn nước ơn cứu chuộc từ trái tim Chúa Giêsu.

Khi lấy nước suối Lourdes rửa mặt như thế, người làm muốn nói lên tâm tình lòng đạo đức: Lạy Chúa, xin nhìn xem cung cách sống của con cần tình yêu của Chúa như thế nào cho đời sống con. Không có nước, sự sống không có thể phát triển cùng tồn tại được. Cũng vậy đời sống con trở thành mất ý nghĩa, khi không có Chúa! Ân đức của Thiên Chúa là nguồn niềm vui cho đời sống.

Khách hành hương Đức Mẹ Lourdes còn đến đốt thắp lên cây nến nguyện cầu xin ơn nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Maria. Thắp sáng cây nến cháy nơi thánh điạ còn muốn nhắc nhớ đến cây nến rửa tội năm xưa của mình lúc còn thơ bé. Và qua đó còn muốn lời cầu khấn của mình được tỏa ra từ trong trái tim tâm hồn: Lạy Chúa, ngày xưa khi nhận lãnh cây nến rửa tội thắp sáng từ ngọn lửa cây nến Chúa Giêsu phục sinh. Chúa Giêsu là ánh sáng soi đường cho đời sống tâm linh đức tin của con, và Chúa cho con trở nên người bạn của Chúa. Con trở thành người mang ánh sáng của Chúa trong đời sống. Con cám ơn Chúa. Xin ánh sáng Chúa soi chiếu chữa lành những vết thương tâm hồn cùng thể xác, ban cho con niềm vui.

Ngày thế giới bệnh nhân

Từ 1993 Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã lấy ngày 11.Tháng Hai hằng năm, ngày lễ kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Lourdes, là ngày cầu nguỵện cho các bệnh nhân - Ngày thế giới bệnh nhân -

Trong đời sống xã hội, xưa nay con người hằng ra công gắng sức nghiên cứu tìm chế biến những thuốc trị bệnh giúp chữa trị bệnh nạn, phục hồi sức khoẻ cho người bị mắc bệnh.

Chúng ta vui mừng cám ơn những nỗ lực đầu tư đó mang đến những tiến bộ thành công to lớn giúp con người xưa nay rất hữu ích, rất nhiều. Và nhờ những công trình nghiên cứu như thế tình trạng chăm sóc y tế sức khoẻ con người càng có nhiều phát minh, giúp đời sống con người khoẻ mạnh và tiến bộ thêm. Và con người cũng luôn cần có nhu cầu được chăm sóc, nhất là lúc lâm bệnh nạn đau yếu tật nguyền.

Từ hai năm nay, nhân loại sống trong khủng hoảng, vì bệnh đại dịch Covid 19 đe dọa sức khoẻ cùng các sinh hoạt đời sống. Trên thế giới đã có gần 400 triệu người bị lây nhiễm vi trùng đại dịch Corona. Và vi trùng đại dịch này đã tàn phá hủy họai sự sống của hơn 05 triệu 7 trăm ngàn người khắp năm châu lục. Nên nhu cầu mong mỏi được chữa lành bệnh càng thời sự cần thiết hơn lúc nào trên khắp hoàn vũ. Họ mong mỏi mau thoát khỏi cảnh bị sống chìm ngập trong hoảng sợ, trong đau buồn. Các nhà khoa học hằng nỗ lực khảo nghiệm chế biến những phương thuốc chủng ngừa trị liệu cho con người có bình an sức khoẻ niềm vui trở lại, cùng tiêu diệt vi trùng đại dịch nguy hiểm này.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi tín hữu Chúa Kitô tin tưởng sức cầu xin Thiên Chúa, nguồn sự sống, nguồn ơn chữa lành cứu giúp nhân loại công trình tạo dựng của Ngài. Và năm nay Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhu cầu tình liên đới mang lại niềm vui cho người bị bệnh tật:

“Mặc dù ngày nay khoa học tiến bộ, hỗ trợ rất nhiều cho việc điều trị chăm sóc, nhưng Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Tất cả những điều này không bao giờ làm cho chúng ta quên đi tính độc nhất của mỗi bệnh nhân, với phẩm giá và yếu đuối của họ. Bệnh nhân luôn quan trọng hơn căn bệnh của họ, và vì lý do này, mà mọi phương pháp điều trị không được bỏ qua bệnh sử, tiền sử, lo lắng của bệnh nhân.

Ngay cả khi không thể chữa khỏi, nhân viên y tế luôn có thể an ủi, tạo cho bệnh nhân cảm giác gần gũi, thể hiện sự quan tâm. Vì lý do này, tôi hy vọng các khóa đào tạo nhân viên y tế có thể tạo ra khả năng lắng nghe và chiều kích tương quan”.(Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico ngày thế giới bệnh nhân 2022)

Trong dòng thời gian từ 1858 đến nay, người tín hữu Chúa Kitô, hành hương sang hang đá Đức Mẹ Lourdes cầu xin ơn chữa lành bệnh nạn tinh thần cũng như thể xác không chỉ là nhu cầu khẩn thiết cho riêng đời sống con người của mình.

Nhưng cung cách sống đạo đức tin đó còn nói lên lòng tin sâu thẳm vào Thiên Chúa, cùng lòng yêu thương muốn bảo vệ gìn giữ món qùa tặng cao qúi thiên nhiên mà Thiên Chúa ban cho nhân loại: con người và sức khoẻ.

Lễ Đức Mẹ Lourdes 11.02.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Công Nghị Và Chiều Kích Hiệp Hành Trong Giáo Hội Hôm Nay
Cha Sở Nhà Quê
09:54 09/02/2022
“Công Nghị” Và Chiều Kích “Hiệp Hành” Trong Giáo Hội Hôm Nay

(Tổng hợp các nhận định-phê bình về Tiến trình Công Nghị của Giáo Hội Công Giáo Đức)

Dẫn nhập: Bầu trời Hội Thánh và “đám mây đen vần vũ”:

Trong những ngày qua, khung trời Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, đặc biệt, Công Giáo tại Âu Châu, đang vần vũ một “đám mây đen” xuất phát từ sự kiện “Tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” (Binding synodal path)[1] của Giáo Hội Công Giáo tại Đức quốc mà những âm vang thuộc diện “cực sốc” như “bãi bỏ luật độc thân, phong chức linh mục cho phụ nữ”... từ “Công ghị nhạy cảm” nầy đã làm không ít người hoang mang, hụt hẫng.

Được biết, đây là một “Công Nghị” của toàn Giáo Hội tại Đức quốc được tổ chức và đồng chủ trì bởi Hội Đồng Giám Mục Đức và Uỷ Ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK)[2]; và “tiến trình công nghị” nầy đang trên đường đi đến những kết luận cuối cùng.

Sở dĩ so sánh sự kiện nầy với “đám mây đen đang vần vũ” bởi vì tiến trình Công nghị nầy xét về chiều kích “Hiệp Hành” (Synodality), một “mô thức căn bản” của Giáo Hội trong thiên niên kỷ nầy[3] (và là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI), đang bị đặt trước một cuộc khủng hoảng “mang chiều kích Giáo Hội” khá nghiêm trọng, đến độ, chính những mục tử hàng đầu trong cuộc, đã cảnh báo về một viễn cảnh sẽ có một “Đức Giáo”[4] hoặc đó là “con đường dẫn đến diệt vong”[5].

Đây không hề là một cuộc “đổ dầu vào lửa” vào một sự kiện mục vụ đầy nhạy cảm của Hội Thánh hoàn vũ mà đơn giản chỉ là một “tổng hợp” các nhận định và phê bình mang tính “chính truyền” (thuộc thẩm quyền chính thức của Hội Thánh) để giúp bà con giáo dân dễ dàng “phân định” và đón nhận sự kiện nầy trong thái độ bình tĩnh, hiệp thông và cầu nguyện.

I. TÍNH “CHÍNH DANH” CỦA “TIẾN TRÌNH CÔNG NGHỊ CÓ HIỆU LỰC RÀNG BUỘC”.

Trước hết, sự kiện mục vụ mang tầm mức quốc gia của Giáo Hội Công Giáo tại Đức chính thức thức được Hội Đồng Gám Mục Đức gọi là “TIẾN TRÌNH CÔNG NGHỊ CÓ HIỆU LỰC RÀNG BUỘC” (BINDING SYNODAL PATH). Chúng ta cùng dừng lại để phân tích tính “chính danh” của “cơ cấu tổ chức” đang gây tranh cải nầy.

1. Khái quát về từ ngữ: “Tiến trình” – “Công nghị” – “Có hiệu lực ràng buộc”.

- Tiến trình (Path) : Một chương trình (nghị sự) được thực hiện với một “lộ trình” dài (phân biệt với một chương trình ngắn hạn, một cuộc “họp” gói gọn trong trong một thời gian nhất định: 3 ngày, 1 tuần…).

- Công nghị (Synodal - Synod): Theo nghĩa của “Bộ Giáo Luật 1983”, Công Nghị được xác định với 2 cơ cấu sau:

1.1. Công nghị Giám Mục (Synod of Bishops): tức THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, một cơ cấu quan trọng được Đức Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1965 và được quy định rõ trong Bộ Giáo luật 1983 từ các điều 342-348.

“Thượng Hội Đồng Giám Mục là hội nghị các Giám Mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các Giám Mục, để góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc bảo toàn và thăng tiến đức tin và phong hoá, cũng như trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới”[6].

1.2. Công nghị Giáo phận (Diocesan Synod): Là cơ cấu dành cho Giáo hội địa phương (Giáo phận), được Bộ Giáo luật 1983 quy định rõ trong các điều 460-468.

“Công nghị giáo phận là cuộc hội họp các đại biểu linh mục và các Kitô hữu khác của Giáo Hội địa phương nhằm mục đích giúp đỡ Giám Mục giáo phận trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng giáo phận, chiếu theo quy tắc của những điều khoản sau đây.”[7].

- Có hiệu lực ràng buộc (Binding): Tức hiệu lực pháp lý của các nghị quyết của Công nghị.

2. Phê bình tính “chính danh”:

2.1. Về cơ cấu “công nghị” (Synod):

Nếu xét theo ý nghĩa được xác định bởi Giáo luật (điểm “1.1” và “1.2” nói trên) thì “tiến trình công nghị” (synodal path) mà Giáo Hội Công Giáo Đức đang chuẩn bị thực hiện không thuộc cơ cấu nào trong hai cơ cấu trên.

- Trước hết, không phải là “Công nghị Giám Mục” (synod of Bishops) tức cơ cấu “Thượng Hội Đồng Giám Mục”, cho dù là cấp hoàn vũ hay cấp vùng, thường kỳ hay ngoại thường, cơ cấu nầy hoàn toàn trực thuộc Đức Giáo Hoàng. (Xem Bộ Giáo luật 1983, các điều từ 342-345).

- Cũng không là “Công nghị giáo phận” (Diocesan Synod): Vì “Tiến trình Công nghị” của Giáo Hội Đức không thuộc bình diện giáo phận mà là ở tầm mức quốc gia, toàn thể Giáo Hội Công Giáo Đức. Đây là hình thức thuộc bình diện “Công đồng địa phương” (Particular Council); và nếu căn cứ theo Giáo luật 1983 quy định, thì đây chính là “Công đồng giáo miền” (plenary council) vì liên quan đến Giáo Hội của một quốc gia: “Công đồng giáo miền là công đồng tập họp tất cả các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một Hội Đồng Giám Mục, phải được tổ chức mỗi khi Hội Đồng Giám Mục ấy xét thấy cần thiết hay hữu ích với sự phê chuẩn của Tông Toà” (Bộ Giáo luật 1983, điều 349, khoản 1).

Chúng ta hãy nghe ý kiến của Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican, trong thư gởi cho Đức Hồng Y Marx, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, về tính “không chính danh” của cơ cấu “tiến trình công nghị” của Giáo Hội Đức:

Đánh giá pháp lý của Vatican đã đưa ra một loạt các mối quan tâm về cấu trúc được đề xuất và những người tham gia vào tiến trình công nghị tại Đức. Tòa Thánh đã kết luận rằng các Giám Mục Đức không lên kế hoạch cho một phiên họp của các Giám Mục, mà thay vào đó là một Công Đồng toàn quốc của một Giáo Hội địa phương – là điều mà các ngài không thể tiến hành nếu không được Tòa Thánh chấp thuận.

“Từ các điều khoản của dự thảo kế hoạch, có thể thấy rõ rằng Hội Đồng Giám Mục Đức đã có ý định triệu tập một Công Đồng Địa Phương như được nêu trong các khoản giáo luật 439 đến 446 nhưng né tránh không sử dụng thuật ngữ này.”

“Nếu Hội Đồng Giám Mục Đức đi đến xác tín rằng cần phải có một Công Đồng Địa Phương, thì họ phải tuân theo các thủ tục do Bộ Giáo luật đưa ra để có thể đi đến một cuộc thảo luận có hiệu lực ràng buộc.”

Một Công Đồng, không giống như một tiến trình công nghị, là một cuộc họp của các Giám Mục có thẩm quyền ban hành luật cho Giáo Hội tại một quốc gia hoặc một khu vực cụ thể, nhưng phải đặt dưới quyền trực tiếp của Tòa Thánh, là nơi xác định phạm vi thẩm quyền của Công Đồng đó. Một công nghị, là danh xưng các Giám Mục Đức dùng, chỉ là một phiên họp nhằm thảo luận về các vấn đề mục vụ và tư vấn, và hoàn toàn không có thẩm quyền để thiết lập các chính sách.

Tổ chức một Công Đồng ở cấp quốc gia là một việc rất hiếm so với việc tổ chức một công nghị, và phải được Tòa thánh phê chuẩn chương trình nghị sự, phạm vi hành động và các quyết nghị cuối cùng. Kế hoạch của các Giám Mục Đức tổ chức tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm đưa ra các chính sách mới cho Giáo Hội tại Đức, theo thư Vatican, là “không thể chấp nhận”.[8]

Người ta chỉ có thể cắt nghĩa việc “đánh tráo khái niệm” giữa “Công nghị” và “Công Đồng địa phương” của Hội Đồng Giám Mục Đức với lý do: “Công nghị” hay “Công đồng” đều có ý nghĩa như nhau khi cùng xuất phát từ một tiếng Hy Lạp (Sunodos) và được bổ sung ý nghĩa bởi một từ Do Thái (Qahal), như cắt nghĩa của Ủy Ban thần học Quốc tế của Toà Thánh[9]:

Chữ Hy Lạp σύνοδος (sunodos) được dịch sang tiếng Latin là synodus hoặc concilium. Concilium, trong cách sử dụng ngoài đời, đó là một hội đồng được triệu tập bởi một số cơ quan hợp pháp. Mặc dù hai từ “công nghị - synod” và “công đồng - council” khác nhau về ngữ nguyên, nhưng lại đồng quy về ý nghĩa. Thực ra, từ “công đồng - council” đã làm phong phú thêm nội dung ngữ nghĩa của từ “công nghị - synod” khi tham chiếu một từ Do Thái là קָהָל (qahal), có nghĩa là “cộng đoàn được Chúa triệu tập” mà Tân Ước dịch sang tiếng Hy Lạp là έκκλησία (ekklesia), một thực tại chỉ về cuộc tập hợp cánh chung của dân Chúa trong Chúa Kitô.[10]

Tuy nhiên, Uỷ Ban Thần Học Quốc tế cũng xác quyết thêm: cách hiểu và cách dùng “lẫn lộn” nầy chỉ là “câu chuyện từ Công Đồng Vatican II trở về trước”. Đặc biệt với các quy định của Bộ Giáo luật 1983, khái niệm “Công nghị” và Công đồng” đã được Hội Thánh cắt nghĩa và minh định với những khoản luật rõ ràng, không thể “hàm hồ” và lẫn lộn:

Trong Giáo Hội Công Giáo, sự phân biệt trong cách dùng các từ ngữ “công đồng - council” và “công nghị - synod” chỉ mới xuất hiện gần đây. Tại Công Đồng Vatican II, hai từ nầy đồng nghĩa với nhau, cả hai đều đề cập đến phiên họp của công đồng. Chính Bộ Giáo Luật của Giáo Hội (1983) đã chỉ ra sự phân biệt các hạn từ. Trước hết là phân biệt giữa các Công đồng địa phương (Công Đồng miền hoặc Công đồng giáo tỉnh) và Công đồng Chung xét trên cùng một bình diện; thứ đến, phân biệt giữa Thượng Hội Đồng Giám mục và Công nghị giáo phận trên bình diện khác.”[11].

2.2. Về “tham dự viên” của “Tiến trình công nghị”:

Theo những phân tích dựa trên “nền tảng Giáo luật’ (1983), “Tiến trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức rõ ràng là một “Công Đồng địa phương”; và vì thế phải tuân thủ các quy định của Giáo Luật, trong đó có quy định về các “tham dự viên”.

Giáo Luật, Điều 443, khoản 4, quy định:

“Các linh mục và các Kitô hữu khác nữa cũng có thể được mời tham dự các công đồng địa phương với quyền tư vấn mà thôi; tuy nhiên, số người không vượt quá phân nửa những thành viên được nói đến ở triệt 1-3”.

Trong khi đó, “tiến trình Công nghị” của Công Giáo Đức, sau hai cuộc “bỏ phiếu” (19.8.2019 và 25.9.2019) để lựa chọn “phương án nghị trịnh” dành cho “Tiến trình Công nghị”, trong đó, “các Giám Mục Đức quyết định tiếp tục kế hoạch thành lập tiến trình công nghị dưới sự lãnh đạo chung của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức và ZdK”, mà các thành viên của tổ chức nầy (ZdK) lại chiếm tỷ lệ đáng kể trong số các “tham dự viên”, với quyền biểu quyết[12]. Điều có có nghĩa, “tiến trình công nghị” đã “phớt lờ” quy định của Giáo luật (Điều 443, khoản 4).

Theo nhận định của Đức Hồng Y Brandmüller, truyền thống “phớt lờ” quy định của Giáo Luật và “xem thường” vai trò của Toà Thánh không chỉ mới có lần “tiến trình công nghị” nầy, mà đã từng xảy ra trong lần “Thượng Hội Đồng Würzburg” trong lịch sử gần đây của Giáo Hội Công Giáo tại Đức:

Đức Hồng Y Brandmüller đặc biệt đề cập đến Thượng Hội Đồng Würzburg kéo dài từ 1971 đến 1975, vì theo ngài có một số điểm tương đồng với tiến trình công nghị hiện nay. Thượng Hội Đồng đó rõ ràng cũng “đã phá vỡ truyền thống Thượng Hội Đồng của Giáo Hội, cả về mặt quy chế lẫn các chương trình nghị sự khi cho người giáo dân có quyền biểu quyết và có số tham dự viên tương đương với con số các Giám Mục và linh mục tham dự Thượng Hội Đồng.” Những thành viên cũng được lựa chọn từ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), là những người có một lịch sử lâu dài chống lại các giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ và các giáo huấn về đạo đức tính dục. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong tiến trình công nghị được bắt đầu vào đầu Mùa Vọng sắp đến[13].

2.3. Về các “Chủ đề” chính của “Tiến trình Công nghị”:

Theo quy định của Giáo luật điều 445, mục tiêu của Công Đồng địa phương nhắm đến là để “đáp ứng mọi nhu cầu mục vụ cho dân Chúa trong địa hạt của mình”, trong khi phải bảo đảm việc “luôn luôn tuân giữ luật phổ quát của Giáo Hội” và “cổ vũ việc tuân giữ và bảo vệ kỷ luật chung của Giáo Hội”[14]. Trong khi đó, mục tiêu mà “Tiến trình Công nghị” tại Giáo Hội Công Giáo Đức muốn đề xuất là những giải pháp và quy luật mới (có hiệu lực ràng buộc) liên quan đến những vấn đề “nhạy cảm” thuộc kỷ luật chung đã được Giáo Hội áp dụng cho toàn dân Chúa.

Chúng ta hãy nghe “chuyên viên chú giải luật” của Toà Thánh phát biểu và bình luận về vấn đề nầy như sau:

Trong bài đánh giá pháp lý về các đạo luật dự thảo, Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật, lưu ý rằng các Giám Mục Đức đề xuất việc thảo luận trên bốn chủ đề chính: “thẩm quyền, sự dự phần và phân chia quyền lực” giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, “đạo đức tình dục”, “hình thái đời sống linh mục”, và “ phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo Hội”.

Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone viết: “Thật dễ dàng để thấy rằng những chủ đề này không chỉ ảnh hưởng đến Giáo Hội tại Đức nhưng ảnh hưởng đến Giáo Hội toàn cầu và - với một vài ngoại lệ - không thể là đối tượng của các cuộc thảo luận hay quyết định của một Giáo Hội địa phương mà không đối kháng với những gì đã được Đức Thánh Cha bày tỏ trong lá thư của ngài”.

Trong bức thư gửi Giáo Hội tại Đức được công bố vào tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo các Giám Mục Đức phải tôn trọng sự hiệp thông phổ quát của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng tự mình giải quyết các vấn đề, tin tưởng và tập trung hoàn toàn vào những lực lượng hoặc các phương pháp, trí thông minh, ý chí hay uy tín của mình, cuối cùng cộng đồng ấy chỉ làm gia tăng và duy trì lâu hơn nữa những vấn nạn mà cộng đồng ấy cố gắng giải quyết”[15].

Trong Giáo luật điều 459, khoản 2 cũng đã lưu ý về các “nghị trình của các Hội Đồng Giám Mục” luôn phải “tham khảo ý kiến Toà Thánh” trong những vấn đề “có tính cách quốc tế”: “Tuy nhiên, mỗi khi khởi xướng những hoạt động hoặc đề cập đến những vấn đề có tính cách quốc tế, các hội đồng phải tham khảo ý kiến của Toà Thánh”[16].

2.4. Về “hiệu lực ràng buộc”:

Về “hiệu lực ràng buộc” (hay “hiệu lực bắt buộc”) Giáo luật 1983 đã quy định rõ nơi điều 341 (Dành cho Công Đồng Chung) và Điều 446 (dành cho Công Đồng địa phương):

Điều 341:

- Khoản 1: Các sắc lệnh của Công Đồng chung chỉ có hiệu lực bắt buộc khi đã được Đức Giáo Hoàng Rôma cùng với các Nghị Phụ Công Đồng phê chuẩn, và sau đó được chuẩn y và truyền ban hành.

- Khoản 2: Các sắc lệnh cho Giám Mục đoàn ban hành bằng một hành động mang tính hiệp đoàn, theo một hình thức khác được Đức Giáo Hoàng Rôma đề xuất hoặc được ngài tự do chấp thuận, cũng cần phải có sự chuẩn y và công bố như trên mới có hiệu lực bắt buộc.

Điều 446:

Một khi công đồng địa phương đã bế mạc, vị chủ toạ phải liệu sao để chuyển tất cả mọi văn kiện của công đồng về Tông Toà; các sắc lệnh do công đồng biểu quyết chỉ được ban hành sau khi đã được Tông Toà duyệt y; chính công đồng xác định thể thức ban hành các sắc lệnh và các thời hạn mà các sắc lệnh được ban hành bắt đầu có hiệu lực bó buộc.

Theo tinh thần cũng như quy định rõ ràng trên của các đều khoản Giáo luật, các nghị quyết hay sắc lệnh của Công Đồng hay Công Nghị để được mang tính pháp lý và có “hiệu lực bắt buộc” đều phải được chuẩn nhận bởi quyền tối hậu của Toà Thánh (Thẩm quyền Tông Toà). Một Công Đồng, Công nghị, nhất là Công Đồng địa phương, không thể có những hiệu quả “tự thân” “mang tính ràng buộc.

Với sự cân nhắc đặc biệt dựa trên Giáo luật hiện hành và truyền thống thần học về cơ cấu “công đồng, công nghị…”, Toà thánh, trong thư gởi Hội Đồng Giám Mục Đức, đã mạnh mẽ phê bình và cảnh báo với một số nội dung sau:

Tổ chức một Công Đồng ở cấp quốc gia là một việc rất hiếm so với việc tổ chức một công nghị, và phải được Tòa thánh phê chuẩn chương trình nghị sự, phạm vi hành động và các quyết nghị cuối cùng. Kế hoạch của các Giám Mục Đức tổ chức tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm đưa ra các chính sách mới cho Giáo Hội tại Đức, theo thư Vatican, là “không thể chấp nhận”…; cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” tại Đức là “vô giá trị về mặt giáo hội học”[17].

Điều nầy hoàn toàn nằm ngoài khả năng, thẩm quyền của Công đồng hay Công nghị, như nhận định của Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật:

“Làm thế nào một Giáo Hội địa phương có thể thảo luận với hiệu quả ràng buộc khi các chủ đề thảo luận có liên quan đến toàn thể Giáo Hội?...Hội Đồng Giám Mục không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề này, điều đó vượt quá khả năng của nó”.

“Tính hiệp hành trong Giáo Hội, mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến, không đồng nghĩa với dân chủ hay những quyết định biểu quyết bởi đa số,” Đức Tổng Giám Mục Iannone viết, và lưu ý rằng ngay cả khi một Thượng Hội Đồng Giám Mục gặp gỡ tại Rôma, thì quyết định chung cuộc có công bố hay không, có hiệu lực thi hành hay không vẫn nằm trong thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng[18].

II. CÔNG NGHỊ GIÁO HỘI ĐỨC VÀ CHIỀU KÍCH HIỆP HÀNH

1. Từ một “xuất phát điểm tích cực”:

Không thể phủ nhận rằng: Giáo Hội Đức mang trên mình tất cả những trăn trở và thách đố mục vụ đang chi phối không phải nơi Giáo Hội Công Giáo Đức mà là trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Đặc biệt, các vấn đề nổi cộm mà Giáo Hội Đức đang phải đối diện từ sau Công Đồng Vatican II như “lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ, việc bỏ đạo hàng loạt của giáo dân, mối tương quan hiệu quả tích cực trong việc phân quyền lãnh đạo mục vụ…”, đã khiến các vị mục tử thuộc Hàng Giám Mục Đức thao thức kiếm tìm một con đường “khả thi” để giữ gìn và phát triển Giáo Hội.

Nhà báo Christian Weisner thuộc tổ chức “WE ARE CHURCH” đã tóm tắt “xuất phát điểm đầy tích cực” của Giáo Hội Công Giáo Đức qua các dòng như sau (tạm dịch):

“Đáp lại kết quả gây sốc của cái gọi là nghiên cứu lạm dụng được công bố vào cuối tháng 9 năm 2018 ("nghiên cứu MHG")[19], các giám mục Đức đã công bố tại cuộc họp mùa xuân vào tháng 3 năm 2019 một "Tiến trình công nghị ràng buộc".

Cần ngược dòng lịch sử để hiểu vấn đề nầy: Sau Công đồng Vatican II vào cuối những năm 1970, "Thượng hội đồng Giám Mục Wurzburg" cho Tây Đức cũ và "Thượng hội đồng mục vụ của Giáo Hội Công Giáo ở CHDC Đức", cả hai đều trình bày đời sống Giáo Hội ở Đức một cách rất tích cực. Qua đó, Thượng hội đồng Giám Mục Wurzburg đã quy định quyền bình đẳng giữa các giám mục và "giáo dân", và ngay thời điểm đó, các Giám Mục đã ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Tuy nhiên, những quyết định này đã không được Rôma chấp nhận, việc nầy thuộc thẩm quyền riêng. Tuy nhiên, theo phiên bản sửa đổi của Bộ Giáo Luật 1983, một quy định pháp lý kiểu Thượng Hội Đồng Giám Mục Wurzburg là không khả thi. Các chủ đề ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội không được nghị trình. Rôma từ chối dính liếu vào các cuộc thảo luận và quyết định như thế. Tất cả điều này có thể đã đóng một vai trò khi các giám mục Đức tại cuộc họp mùa xuân vào tháng 3 năm 2019 tại Lingen, miền bắc nước Đức, đã đề nghị cho Ủy ban Công Giáo Trung ương Đức (ZdK) “tham gia trực tiếp công nghị ràng buộc". Cơ cấu nầy giống như một “Công nghị”, nhưng lại không theo quy định của Giáo luật hiện hành.”[20].

2. Đến “tâm thức cực đoan, kẻ cả”:

Cả thế giới không lạ gì về sự thông minh và ý chí tuyệt vời của người Đức. Tuy nhiên, phải chăng vì cái “gen” ưu đãi nầy, mà dân Đức nói chung, và Kitô giáo Đức nói riêng, đã mang lại những “hệ luỵ” khá đau đớn cho xã hội cũng như cho Giáo Hội.

Hơn 500 năm trước, vì “quá thông minh và ý chí”, một Luther đã làm “rách toang” tấm áo Giáo Hội, tấm áo vốn đã “vá chằng vá chịt” sau bao nhiêu va vấp trên cuộc lữ hành gian nan của phận người. Riêng xã hội nhân loại hôm nay vẫn còn đang mệt mỏi, phân rẽ cùng những cơn ám ảnh ghê rợn của chủ thuyết “Cọng sản”, của thảm kịch Đệ nhị thế chiến”… do “sáng kiến” của những người Đức (Karl Marx, Engels, Nietzsche, Hitler…).

Chúng ta có thể nghe nhận xét sau đây của một nhân vật cấp cao của Giáo Hội cũng mang dòng máu Đức: “Với các kiến thức uyên thâm của một vị từng là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết tiến trình công nghị ở Đức ngày nay bắt nguồn từ lịch sử tư tưởng Đức về một “giáo hội quốc gia” và tình cảm chống Rôma, là điều đã phát triển ngày càng tỏ tường từ hậu bán thế kỷ 20, khi các Giám Mục Đức càng ngày càng tỏ ra bất chấp các quyết định từ Rôma.”[21].

Và Vị Hồng Y nầy đã liệt kê ít nhất là 4 lần trong lịch sử Giáo Hội đương đại, các Giám Mục Đức nói riêng và Giáo Hội Đức nói chung, đã cho thấy tính “cực đoan, kẻ cả” của mình trong cách hành xử với thẩm quyền tối cao của Giáo Hội:

- Các Giám Mục Đức đã “tương đối hóa” lệnh cấm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Humanae Vitae.

- Các Giám Mục Đức đã đưa ra “Tuyên bố Königstein”, trong đó cho phép các cặp vợ chồng được quyết định theo lương tâm của họ có nên sử dụng các phương tiện và các thực hành nhằm tránh thai hay không.

- Thượng Hội Đồng Würzburg kéo dài từ 1971 đến 1975, … “đã phá vỡ truyền thống Thượng Hội Đồng của Giáo Hội, cả về mặt quy chế lẫn các chương trình nghị sự khi cho người giáo dân có quyền biểu quyết và có số tham dự viên tương đương với con số các Giám Mục và linh mục tham dự Thượng Hội Đồng.” Những thành viên cũng được lựa chọn từ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), là những người có một lịch sử lâu dài chống lại các giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ và các giáo huấn về đạo đức tính dục. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong tiến trình công nghị được bắt đầu vào đầu Mùa Vọng sắp đến.

- “Đức Gioan Phaolô II đã vấp phải một sự phản kháng mạnh mẽ hơn các vị khác khi ngài cấm các trung tâm tư vấn của Giáo Hội tại Đức cấp ‘giấy chứng nhận tư vấn’ cho các phụ nữ mang thai. Luật ở Đức đòi các phụ nữ phải có ‘giấy chứng nhận tư vấn’ như một điều kiện tiên quyết để có thể phá thai hợp pháp.” Vị Giáo Hoàng Ba Lan lý luận rằng cái giấy đó “thực tế là án tử hình của những đứa trẻ chưa chào đời”, Đức Hồng Y giải thích. Ngài cho biết thêm: “Quyết định này phát sinh một sự kháng cự mạnh mẽ và dai dẳng nơi hầu hết các Giám Mục Đức, đặc biệt là Đức Hồng Y Lehmann và Đức Giám Mục Kamphaus.”[22].

Và Vị Hồng Y nầy đã chua chát nhận xét: “các Giám Mục Đức vẫn khăng khăng chống Huấn Quyền Hội Thánh. Không vị Giáo Hoàng nào kế vị Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thành công trong nỗ lực buộc các Giám Mục Đức xem xét lại tuyên bố này”; và ngài cũng cay đắng thốt lên: nhiều Giám Mục Đức không có lòng khiêm nhường và có khuynh hướng muốn trở thành “bậc thầy” của Giáo Hội Hoàn Vũ khi muốn xuất cảng ý tưởng của mình sang các quốc gia khác.”[23].

Người ta còn đọc thấy nới “thái độ kẻ cả” mang tính tôn giáo nầy còn hàm chứa “não trạng chủ nhân ông” của một “đại gia” về kinh tế, tài chánh, mà cả Toà Thánh Rôma và các Giáo Hội địa phường nghèo nàn khác phải “bám vào”, ít nhất bằng cách, phải thoả hiệp với những “đề nghị cấp tiến” chỉ thích hợp cho một thiểu số nào đó trong Giáo Hội Công Giáo Đức, như nhận xét sau đây của ký giả Francis Rocca của tờ Wall Street Journal:

“Ngân sách của Tòa Thánh vào khoảng 300 triệu Euro, thực ra chỉ bằng 1 phần 3 ngân sách tổng giáo phận Munich của Đức Hồng Y Marx. Trong thư gửi Đức Hồng Y Marx, Đức Thánh Cha yêu cầu Đức Hồng Y thông báo cho các vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh về tình trạng tài chánh trầm trọng hiện nay và gấp rút tìm các phương thế giải quyết. Các viên chức Vatican e rằng tình trạng thiếu hụt ngân sách kéo dài hiện nay có thể làm giảm nguồn tài chánh dự trữ của Tòa Thánh, làm thương tổn đến sứ mạng của Đức Giáo Hoàng trong các lãnh vực đòi nhiều tài nguyên như các quan hệ ngoại giao, việc bảo trì các dinh thự và đền đài lịch sử cũng như các kho tàng nghệ thuật của Vatican, và những chi phí thiết yếu khác như tiền hưu bổng của các nhân viên. Sự lệ thuộc của Tòa Thánh vào Đức Hồng Y Marx có thể giúp giải thích thái độ của các Giám Mục nước này khi bác bỏ một đề nghị được Đức Thánh Cha đưa ra hồi tháng Sáu năm nay”[24].

Hay như nhận xét của Đức Hồng Y Walter Brandmüller về “tác động” của các Giám Mục Đức đối với Thượng Hội Đồng Amazon sắp tới: “các Giám Mục Đức muốn “ảnh hưởng” đến Giáo Hội Hoàn Vũ từ “nguồn tiền dồi dào chảy từ tiền thuế đóng cho Giáo Hội Đức sang các vùng nghèo hơn trên thế giới, qua đó tăng cường ảnh hưởng của Đức trên trường quốc tế. Chẳng hạn, ảnh hưởng của Đức đối với Thượng Hội Đồng Amazon”[25].

3. Một “tiến trình công nghị” không mang “mô thức hiệp hành” (The synodal form):

Cho dù đã có một thời điểm nào đó, chẳng hạn như cuộc “Đại ly giáo của Phương Tây” vào cuối thời Trung cổ, Công Đồng chính là giải pháp duy nhất và khả thi để tái lập sự hiệp nhất cho Hội Thánh. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự “hãn hữu” khi thẩm quyền tối cao của Giáo Hội gần như “vô hiệu”. Ngoài ra, “tiến trình công đồng, một cơ chế cần phải bám theo Truyền thống và phải tính đến thẩm quyền nguyên thủy của Giáo hoàng như một bảo đảm cần thiết.”[26].

Gợi lại một “sự cố lịch sử” đó để thấy rằng : “tiến trình công nghị” của Giáo Hội Đức, theo như những diễn tiến cho đến giờ phút nầy, đang đứng trước một cuộc khủng hoảng trầm trọng về “mô thức hiệp hành” (the synodal form) của Giáo Hội. Đây là một “công nghị” phản ảnh một Giáo Hội đang thiếu “ba yếu tố nền tảng mang tính tương quan” và “hai hành động mang tính mục vụ thực hành” để kiến thiết nên một Giáo Hội được thánh Gioan Kim Khẩu định nghĩa là “Giáo Hội hiệp hành”[27].

Ba yếu tố nền tảng mang tính “tương quan” đó là:

- “TẤT CẢ”: “tiến trình công nghị” không phản ảnh và đại diện cho “cảm thức đức tin” (sensus fidei) của toàn thể dân Chúa. Giáo Hội Đức không phải là đại diện cho “Giáo Hội hoàn vũ”.

- “MỘT NHÓM”: Hội Đồng Giám Mục Đức, hay Uỷ Ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) luôn cần lắng nghe nhau và đón nhận nhiều ý kiến khác để tạo nên “nhóm đại diện” phản ảnh trung thực tiếng nói của dân Chúa, chứ không chỉ là một “thiểu số độc quyền”.

- “MỘT”: Tức phải liên kết với Đại diện Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng chính là “nhân tố” để Hội Thánh “nên một”. Mọi cơ cấu trong Giáo Hội mà tách lìa khỏi yêu tố “MỘT” nầy, sẽ dẫn đến chia rẽ, ly giáo. (Xem thêm UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ cắt nghĩa “3 yếu tố nền tảng đó” như sau:)[28].

Hai hành động mang tính mục vụ thực hành” đó là:

- “LẮNG NGHE”: “Tiến trình công nghị” chưa thật sự “lắng nghe nhau”: Giám Mục đoàn nghe nhau, Hội Đồng Giám Mục nghe dân Chúa, nghe Toà Thánh[29].

- “TRUYỀN GIÁO”: “Công nghị” chỉ dừng lại giải quyết những “vấn đề nhạy cảm” thuộc kỷ luật và bí tích theo hướng “thoả hiệp với thế gian” hơn là nhắm đến “viến tượng truyền giáo”, vốn là chiều kích căn bản làm nên một “Giáo Hội hiệp hành”[30].

KẾT LUẬN: Đám mây đen nào cũng có viền bạc

Người Anh, nghe đâu từ thế kỷ 17, đã truyền cho nhau câu ngạn ngữ nầy: “Every dark cloud has a silver lining” (Đám mây đen nào cũng có viền bạc).

Một cách nào đó, trên “bầu trời Giáo Hội Công Giáo” cũng đang vần vũ một “đám mây đen”; những “mây đen”: một đàng phát xuất từ chính những yếu đuối, bất toàn, gương mù gương xấu, chia rẽ… của các thành viên trong Giáo Hội, trong đó có cả những bậc “quyền cao chức trọng”; một đàng là những tấn công, kết án, loại trừ của những “thế lực phản Kitô” càng lúc càng hung hăng, dữ dội.

Sự kiện “tiến trình công nghị có hiệu lực ràng buộc” của Giáo Hội Công Giáo Đức cũng là một “đám mây đen khổng lồ” đang dự báo những cơn “mưa to gió lớn” trên bầu trời Công Giáo phương tây và ảnh hưởng không nhỏ tới Giáo Hội hoàn vũ mà Đức Hồng Y Walter Brandmüller không ngần ngại gọi đó là một “bóng ma” sẽ dẫn Giáo Hội Đức đến ‘con đường diệt vong”: “Không còn có thể thờ ơ nữa: bóng ma của một giáo hội quốc gia ở Đức càng ngày càng tỏ tường” Đức Hồng Y viết. Ngài nhấn mạnh rằng “tình trạng cô lập trong phạm vi quốc gia của những người Công Giáo Đức còn sót lại, khi co cụm trong một thứ Đức Giáo, gần như không có bất kỳ mối quan hệ đến Rôma, chắc chắn sẽ là con đường diệt vong.”[31].

Tuy nhiên, cũng có người lạc quan, như ký giả Francis Rocca của tờ Wall Street Journal thì lại hy vọng rằng: "Tiến trình công nghị mang tính ràng buộc" có lẽ là cơ hội duy nhất và có lẽ là cuối cùng để vượt qua cuộc khủng hoảng Giáo Hội hiện nay ở Đức. Tuy nhiên, để thực hiện công nghị này, các giám mục cần phải đối thoại minh bạch mà không cần điều kiện tiên quyết nào, theo các điều khoản bình đẳng với Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), các thành viên khác thuộc giáo dân, các nhà thần học và các nhóm cải cách. Dù sao, cũng không nên không đặt quá nhiều hy vọng vào "tiến trình công nghị" này, trừ khi biết rõ ai sẽ tham gia và cách thức đưa ra quyết định cũng như bản chất ràng buộc của công nghị…”[32].

Và còn thế nữa, Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh đã nhìn về Giáo Hội Đức không phải với “bức phông” ảm đạm của “tiến trình công nghị” mà là “hậu cảnh” của một “đoàn chiên Đức” khoẻ khoắn, yên vui, làm nên sức sống cho Giáo Hội: “Nhiều người đến với tôi cho biết rất nản lòng, một số người muốn rời khỏi Giáo Hội. Nhưng tất cả không phải là bóng tối. Hãy nhìn những người trẻ này. Hãy nhìn vào những ơn gọi này, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay cả ở Đức. Bạn biết người ta nói nhiều về sự tục hóa ở Đức, nhưng tại Đức vẫn có những người trẻ Công Giáo và các gia đình Công Giáo thánh thiện. Tôi tin rằng Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ ở bên chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Tôi đặt niềm xác tín nơi Ngài. Tôi hoàn toàn tin tưởng Ngài.”[33].

Cùng với niềm hy vọng đó, chúng ta bước vào Tháng Mân Côi, năm nay, là “Tháng truyền giáo ngoại thường” với tâm tình hiệp thông cầu nguyện với Đức Thánh Cha Phanxicô xin cho hơi thở của Chúa Thánh Thần khai sinh một “mùa xuân” truyền giáo mới trong Giáo Hội. Và đó chính là “viền bạc” đang rạng rỡ viền quanh bầu trời vần vũ mây đen.

Cha sở nhà quê (Tháng 10.2019; nhuận chính: tháng 02.2022).

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Để hiểu rõ phần nào về “Công Nghị” nầy, xin giới thiệu các bài viết và các nguồn sau:

- Tòa Thánh nói tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” của các Giám Mục Đức là vô giá trị. Lệ Hằng, F.M.A. Nguồn : Bản tin Việt ngữ: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/252218

- Các Giám Mục Đức bác bỏ đề nghị của Đức Thánh Cha, kiên quyết tiến hành “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc”. Lệ Hằng, F.M.A. Nguồn: Bản tin Việt ngữ : http://www.vietcatholic.org/News/Html/252216.htm

- Đã có Anh Giáo, thế giới chuẩn bị có “Đức Giáo”, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki cảnh báo. Đặng Tự Do. Nguồn : Bản tin Việt Ngữ: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252217.htm

- Bất kể các khuyến cáo của Tòa Thánh, với biểu quyết 51-12, các Giám Mục Đức vẫn tiến hành tiến trình công nghị. Đặng Tự Do. Nguồn: Bản tin Việt Ngữ : http://www.vietcatholic.org/News/Html/252414.htm

- Một tấn công của người Đức vào Vương Quyền của Chúa Kitô (A German Attack on Christ’s Lordship). Đức Hồng Y Raymond Leo Burke. Nguồn: Bản tin Việt ngữ : Nhận định của Đức Hồng Y Raymond Leo Burke về tình hình Giáo Hội hiện nay. http://www.vietcatholic.org/News/Html/252455.htm

- Đức Hồng Y Walter Brandmüller: Bóng ma ly giáo tại Đức càng ngày càng tỏ tường. Đặng Tự Do. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252511.htm

[2] Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (tiếng Đức: Zentralkomitee der deutschen Katholiken, ZdK) là cơ quan giáo dân bao gồm đại diện của các tổ chức Công Giáo khác nhau ở Đức. Họ tổ chức những ngày Công Giáo ở Đức. Tổ chức này có trụ sở tại Bonn. Tiền thân của nó là Hiệp hội Công Giáo Đức (tiếng Đức: Katholische Verein Deutschlands), được thành lập vào năm 1848 bởi Charles, Hoàng tử thứ 6 của Löwenstein-Wertheim-Rosenberg, người từng là Chủ tịch đầu tiên của tổ chức nầy. Năm 1952, tổ chức nầy được đổi tên thành Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức. Vào tháng 5 năm 2015, Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã bỏ phiếu ủng hộ việc chúc lành cho các hiệp hội đồng tính thuộc các Giáo hội Kitô giáo.

Nguồn: Wikipeia: https://en.wikipedia.org/wiki/Central_Committee_of_German_Catholics

Cũng nên biết rằng: “Tất cả các thành viên ZdK được chỉ định đều có một hồ sơ dài về những phát biểu công khai phản đối các giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội, như đòi phong chức cho phụ nữ, và kêu gọi một sự đoạn tuyệt triệt để đối với với các giáo huấn của Giáo Hội về đạo đức tình dục cho “phù hợp” với lý thuyết mới về giới tính.

Hàng lãnh đạo ZdK nhấn mạnh rằng họ tham gia vào tiến trình công nghị với điều kiện là “những cuộc thảo luận phải có sự cởi mở và các nghị quyết phải có hiệu lực ràng buộc.” Những yêu cầu này được “bảo đảm” bởi Đức Hồng Y Marx.”. Xem tại nguồn đã dẫn nơi Ghi chú 1: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252216.htm.

[3] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH (SYNODALITY IN THE LIFE AND MISSION OF THE CHURCH), 2018. Phần dẫn nhập (Instroduction). Số 1: “It is precisely this path of synodality which God expects of the Church of the third millennium”: this programmatic commitment was made by Pope Francis at the commemoration of the 50th anniversary of the institution of the Synod of Bishops by Blessed Paul VI. He stressed that, in fact, synodality “is an essential dimension of the Church”, in the sense that “what the Lord is asking of us is already in some sense present in the very word 'synod’” (Tạm dịch: “Hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa muốn Giáo hội bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba: Đây là chương trình đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập cơ cấu Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, thực ra, tính hiệp hành là “một chiều kích thiết yếu của Giáo hội”; ngài muốn nói lên rằng: “điều mà Chúa đang yêu cầu chúng ta đã hiện diện một cách nào đó ngay trong một từ rất thật là 'synod'”. Nguồn:

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html.

[4] X. Đã có Anh Giáo, thế giới chuẩn bị có “Đức Giáo”, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki cảnh báo. Đặng Tự Do. Nguồn: Bản tin Việt Ngữ: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252217.htm

[5] Đức Hồng Y WALTER BRANDMÜLLER, Bóng ma ly giáo tại Đức càng ngày càng tỏ tường. Đặng Tự Do chuyển ngữ. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252511.htm

[6] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, BỘ GIÁO LUẬT 1983, nxb. Tôn giáo Hà Nội 2007, điều 342, tr. 124.

[7] Sđd, số 460, tr. 163.

[8] LỆ HẰNG, F.M.A, Tòa Thánh nói tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” của các Giám Mục Đức là vô giá trị. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252218.htm

[9] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION): “Ủy ban Thần học Quốc tế gồm một nhóm thần học gia Công Giáo tiếng tăm trên thế giới, được thành lập năm 1969 và được đặt dưới sự chủ tọa của vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin nhằm mục đích nghiên cứu những vấn đề tín lý quan trọng để trợ giúp cho Đức Giáo Hoàng và Bộ Giáo lý Đức tin”. Nguồn: trang mạng Vietcatholic:

http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/129896

[10] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), sđd, Phần Dẫn nhập, số 4.

[11] Sđd.

[12] Các Giám Mục Đức bác bỏ đề nghị của Đức Thánh Cha, kiên quyết tiến hành “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc”: “Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức ZdK, có các thành viên chiếm một phần đáng kể trong tiến trình công nghị được đề xuất, đã công bố tên của những người tham gia trong mỗi diễn đàn và công việc của họ đã bắt đầu ngay cả trước cuộc họp ngày 19 tháng 8. Tất cả các thành viên ZdK được chỉ định đều có một hồ sơ dài về những phát biểu công khai phản đối các giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội, như đòi phong chức cho phụ nữ, và kêu gọi một sự đoạn tuyệt triệt để đối với với các giáo huấn của Giáo Hội về đạo đức tình dục cho “phù hợp” với lý thuyết mới về giới tính. Hàng lãnh đạo ZdK nhấn mạnh rằng họ tham gia vào tiến trình công nghị với điều kiện là “những cuộc thảo luận phải có sự cởi mở và các nghị quyết phải có hiệu lực ràng buộc.” Những yêu cầu này được “bảo đảm” bởi Đức Hồng Y Marx”. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252216.htm

[13] Đức Hồng Y WALTER BRANDMÜLLER, Bóng ma ly giáo tại Đức càng ngày càng tỏ tường, sđd.

[14] GL 1983, Điều 445, tr. 159.

[15] LỆ HẰNG, F.M.A, Tòa Thánh nói tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” của các Giám Mục Đức là vô giá trị, sđd.

[16] GL 1983, Điều 459, khoản 2, tr. 163.

[17] LỆ HẰNG, F.M.A, sđd.

[18] Sđd.

[19] Bản phúc trình MHG – viết tắc của 3 nhóm nghiên cứu từ ba thành phố Manheim, Heidelberg và Gießen- là công trình báo cáo xử lý dữ liệu và đánh giá khoa học, từ tâm lý, luật dân sự và tội phạm học liên quan đến những vụ lạm dụng tính dục trẻ chưa vị thành niên bởi các linh mục và phó tế Công Giáo cũng như các tu sĩ nam dưới quyền chịu trách nhiệm của Hội Đồng Giám Mục Đức, công bố ngày 24 tháng 9 năm 2018.

[20] CHRISTIAN WEISNER, We are Church-Federal team: The German Bishops have announced a "binding synodal path". Nguồn: https://www.we-are-church.org/413/index.php/activities/germany/721-the-german-bishops-have-announced-a-binding-synodal-path

[21] Đức Hồng Y WALTER BRANDMÜLLER, Bóng ma ly giáo tại Đức càng ngày càng tỏ tường, sđd.

[22] Sđd.

[23] Sđd.

[24] KÝ GIẢ FRANCIS ROCCA của tờ Wall Street Journal: Tòa Thánh thiếu hụt ngân sách trầm trọng phải dựa vào Đức Hồng Y Reinhard Marx, Đặng Tự Do. Nguồn: http://www.vietcatholic.org/News/Html/252391.htm

[25] Đức Hồng Y WALTER BRANDMÜLLER, Bóng ma ly giáo tại Đức càng ngày càng tỏ tường, sđd.

[26] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), sđd, số 34: “Vào cuối thời Trung cổ, một tình huống duy nhất đã xảy ra trong cuộc ly giáo ở Phương Tây (1378-1417)[26], vào thời điểm một lúc có hai, thậm chí sau đó tới ba người xưng danh là Giáo Hoàng. Công đồng Konstanz (Constance) (1414-1418) đã giải quyết vấn đề phức tạp này bằng cách áp dụng giáo luật khẩn cấp dự kiến ​​trong tư duy kinh điển thời trung cổ, và tiếp tục bầu Giáo hoàng hợp pháp. Tuy nhiên, trong tình huống này, ý tưởng “duy công đồng” (conciliarist) đã phát triển, đi tới chỗ đặt Công đồng trên uy quyền nguyên thủy của Đức Giáo Hoàng. Biện minh thần học và ứng dụng thực tế của chủ nghĩa duy công đồng được đánh giá là không phù hợp với Truyền thống. Tuy nhiên, nó để lại một bài học cho lịch sử Giáo hội: luôn có nguy cơ ly giáo nằm chờ, một điều không thể xem thường, và việc thường xuyên canh tân Giáo hội từ đầu cho tới chi thể (in capite et membris) sẽ không khả thi nếu không sử dụng đúng tiến trình công đồng, một cơ chế cần phải bám theo Truyền thống và phải tính đến thẩm quyền nguyên thủy của Giáo hoàng như một bảo đảm cần thiết.”

[27] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XV, Văn kiện kết thúc, bản dịch: Phạm Xuân Khôi, số 121. Nguồn: http://www.giaoly.org/vn/tlktthdgt/; Có hiệu đính trên bản văn chính của THĐ bằng Anh ngữ: FINAL DOCUMENT. Nguồn: http://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20181027_doc-final-instrumentum-xvassemblea-giovani_en.html

[28] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), sđd, Số 64: “Có thể đào sâu chiều kích thần học của tính hiệp hành trên nền tảng học thuyết về “cảm thức đức tin” (sensus fidei) của dân Chúa và tính bí tích của Giám Mục đoàn trong mối giây hiệp thông phẩm trật với Giám Mục Rôma. Nhãn quan Hội Thánh này mời gọi chúng ta thể hiện sự hiệp thông mang tính hiệp hành giữa “mọi người”, “một số người” và “một người”. Giữa “mọi người” là khi ám chỉ việc thực thi cảm thức đức tin của toàn thể tín hữu nơi các Hội Thánh địa phương với các cấp độ và mô hình khác nhau, hoặc các miền của Hội thánh địa phương với Hội Thánh hoàn vũ; giữa “một số người” khi nhắm đến thừa tác vụ hướng dẫn của Giám Mục Đoàn, hoặc của mỗi vị với linh mục đoàn; và “một người” khi nhắm đến tác vụ hiệp nhất của Giám Mục Rôma. Do đó, tính hiệp hành sẽ cho thấy sự năng động của chiều kích hiệp thông của toàn thể dân Chúa, của Giám mục đoàn khi thi hành tác vụ Giám Mục và của tác vụ tối cao của Giám Mục Rôma. Mối tương quan này thăng tiến sự hiệp nhất giữa tín hữu và Mục Tử, hình ảnh của hiệp nhất vĩnh cửu trong Chúa Ba Ngôi”. Vì thế “Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý thần linh, cho đến khi các lời của Thiên Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội”

[29] Sđd, số 121, 122: “Một Hội Thánh hiệp hành là một Hội Thánh lắng nghe, với ý thức rằng việc lắng nghe “còn hơn cả nghe”. Đó là một sự lắng nghe hỗ tương, trong đó mỗi người đều có một điều gì để học. Các tín hữu giáo dân, Giám Mục Đoàn, Giám Mục Rôma, người này lắng nghe người khác; và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, là “Thần Chân Lý” (Ga 14:17), để biết những gì Ngài “nói với các Hội Thánh” (Kh 2:7)” (Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015). Theo cách này, Hội Thánh cho thấy mình như một “nhà tạm” nơi giữ Hòm Bia Giao ước (x. Xh 25): một Hội Thánh năng động và đang chuyển động, cùng đồng hành trên đường, được củng cố bởi nhiều đặc sủng và tác vụ. Nhờ thế Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này.”

[30] Sđd, Số 118: “Việc thực hiện một Hội Thánh kiểu hiệp hành là một giả định không thể thiếu được đối với một động lực truyền giáo mới liên quan đến toàn thể Dân Thiên Chúa”. Đây là lời tiên tri của Công đồng Vaticanô II, mà chúng ta chưa bao giờ thừa nhận theo chiều sâu của nó và khai triển theo ý nghĩa hàng ngày của nó, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kéo sự chú ý của chúng ta vào đó bằng cách khẳng định: “Con đường Thượng Hội Đồng là cách mà Thiên Chúa mong đợi từ Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba” (Phanxicô, Diễn từ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015).

[31] Đức Hồng Y WALTER BRANDMÜLLER, Bóng ma ly giáo tại Đức càng ngày càng tỏ tường, sđd.

[32] KÝ GIẢ FRANCIS ROCCA của tờ Wall Street Journal, sđd.

[33] Một tấn công của người Đức vào Vương Quyền của Chúa Kitô (A German Attack on Christ’s Lordship). Đức Hồng Y Raymond Leo Burke. Nguồn: Bản tin Việt ngữ: Nhận định của Đức Hồng Y Raymond Leo Burke về tình hình Giáo Hội hiện nay. http://www.vietcatholic.org/News/Html/252455.htm
 
VietCatholic TV
Nhóm thờ Sa tan đe dọa xúc phạm MTC. GM Mễ Tây Cơ chào đời đã rất giàu có, không qua khỏi cô vít
VietCatholic Media
05:46 09/02/2022


1. Các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ đang gia tăng trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Nhân tin tức về giáo phái thờ Satan mở chương trình After School Satan tại Moline, Illinois, cha đưa ra nhận xét rằng các nhóm thờ Satan và các thế lực ma quỷ đang gia tăng trong giới trẻ và trên các phương tiện truyền thông.

Giáo phái thờ Satan đã dùng Facebook để quảng bá cho một lễ đen diễn ra tại quán bar Pourhouse ở Norfolk, những kẻ tổ chức cho biết những người tham dự được mời gia nhập nhóm thờ phượng Satan ở địa phương, và mạnh dạn gạt bỏ điều mà những kẻ này gọi là “sự thống trị” kéo dài của những niềm tin tôn giáo đã lạc hậu.

Đây là một quán bar lúc nào cũng để đèn âm u và có một ban nhạc gồm các nhạc công có hình dạng rất ma quái, nhiều nhạc công thậm chí còn ở trần trong khi chơi những bài nhạc kích động với những lời lẽ khích bác tôn giáo.

Hai năm trước, một biến cố tương tự đã xảy ra ở quán bar này. Trong một động thái nhằm khích bác các Kitô hữu trong vùng, nhóm này nói rằng trong lễ đen, chúng sẽ cử hành các nghi thức nhằm hủy bỏ phép rửa tội của một số người đã sẵn sàng từ bỏ niềm tin Kitô của mình. Điều này khiến anh chị em giáo dân và các linh mục rất âu lo. Họ không biết ai lại dại dột như thế. Tuy nhiên, cuối cùng “tiết mục” này không xảy ra trên thực tế. Đó chỉ là một tin đồn nhằm khiêu khích.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được tái sinh làm con của Thiên Chúa, trở thành các chi thể của Chúa Kitô trong gia đình Hội Thánh. Vì thế, phép rửa tội là vĩnh viễn và không thể đảo ngược.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, tường thuật rằng trong một động thái khiêu khích khác Kate Cobas, là người đàn bà tổ chức sự kiện này tuyên bố rằng nhiều người Công Giáo trong vùng đã tặng các bánh thánh đã được thánh hiến để nhóm thờ Satan này xúc phạm trong lễ đen của chúng. Kate Cobas còn dám xúc phạm đến mức nói rằng y thị đã đem các bánh này cho chó ăn nhưng nó nhổ ra.

2. Giám mục Mễ Tây Cơ gây nhiều tranh cãi đã qua đời vì COVID-19

Đức Cha Onésimo Cepeda Silva, Giám mục đã nghỉ hưu của giáo phận Ecatepec, một trong những giáo phận khó khăn nhất của Mễ Tây Cơ, đã qua đời vào ngày 31 tháng Giêng vì coronavirus. Ngài thọ 84 tuổi.

Đức Cha Onésimo là vị giám mục Mễ Tây Cơ gây nhiều tranh cãi, được xem là thân thiết với những người giàu có, và thực hiện một bước đột phá ngắn, nhưng tai hại vào chính trị khi ra tranh cử Quốc Hội.

Giáo phận Ecatepec đã xác nhận cái chết của Đức Cha Cepeda, cùng với Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ. Chỉ 10 tháng trước đó, Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ, đã cương quyết chống lại việc Đức Cha Cepeda ghi danh tranh cử Quốc Hội cho một đảng chính trị nhỏ.

Theo tuyên bố của Giáo phận Ecatepec, Đức Cha Cepeda đã nhiễm COVID-19 ba tuần trước đó. Truyền thông Mễ Tây Cơ đưa tin ngài đã được đưa vào ICU và đặt máy trợ thở.

Đức Cha Cepeda đã gây nhiều tranh cãi trong cuộc sống công cộng của Mễ Tây Cơ. Ngài phục vụ ở các vùng ngoại ô xiêu vẹo của Thành phố Mexico, nhưng lại xuất hiện trên các ấn phẩm xã hội và chơi gôn tại các câu lạc bộ đồng quê đắt tiền.

Các chính trị gia và giới kinh doanh thường xuyên đến dự lễ kỷ niệm sinh nhật của ngài. Ngài được cho là đã bị Tòa Thánh điều tra vì mua được một bộ sưu tập nghệ thuật từ các nhà tài trợ giàu có, trong đó có các tác phẩm của các bậc thầy hội họa như Latin Diego Rivera và Rufino Tamayo. Theo truyền thông Mễ Tây Cơ, Đức Cha Cepeda cũng từng là cha đỡ đầu cho các vận động viên đấu bò.

Tầm vóc của ngài như vậy nên cái chết của ngài là một chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội - với một tiểu sử bất thường, các mối quan hệ chính trị và xu hướng ăn nói ngang tàng của ngài.

Truyền thông Mễ Tây Cơ dẫn lời Đức Cha Cepeda: “Bạn bè của tôi là người nghèo và người giàu. Thật không may, mới chào đời tôi đã giàu có”.

Đức Cha Cepeda sinh ngày 25 tháng 3 năm 1937 tại Thành phố Mexico. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ngài bước vào thế giới tài chính và thành lập ngân hàng cùng với Carlos Slim Helu, người sau này trở thành người giàu nhất thế giới một thời.

Nhưng sau đó ngài lại cảm thấy ơn gọi đến với chức tư tế. Ngài từng là Giám Đốc chủng viện của Giáo phận Cuernavaca. Trong thời gian đó, nhà lãnh đạo giáo phận địa phương, là Đức Cha Sergio Méndez Arceo, được các nhà phê bình phong là “giám mục đỏ” vì đã cổ vũ thần học giải phóng.

Theo nhà báo Emiliano Ruiz Parra, người chuyên về Giáo Hội Công Giáo Mễ Tây Cơ, Đức Cha Cepeda chia tay về mặt ý thức hệ với Đức Cha Méndez và hướng về phong trào canh tân đặc sủng Công Giáo. Năm 1995, Thánh Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm giám mục của Giáo phận Ecatepec mới được thành lập ở vùng ngoại ô đông bắc của Thành phố Mexico. Ngài đã nghỉ hưu vào năm 2012.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm giáo phận vào năm 2016. Khi đến thăm chủng viện của giáo phận, ngài đã ký vào cuốn lưu bút, “Đừng là giáo sĩ quốc doanh”.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador - một người phản đối nhiều chính trị gia thân thiện với Đức Cha Cepeda – đã bày tỏ lời chia buồn trước cái chết của vị giám mục i tại cuộc họp báo sáng ngày 1 tháng 2.
Source:Crux

3. Chính Thống Giáo âu lo rằng Đức Thượng Phụ Kirill đang muốn trở thành Giáo Hoàng Chính Thống Giáo

Orthochristian.com, một trang web bằng tiếng Anh liên kết với Tu viện Sretensky ở Mạc Tư Khoa, đã đăng một bài báo có tựa đề: “Kenya: Đa số các linh mục Giáo phận Kisumu ồ ạt gia nhập Giáo Hội Nga”. Kisumu là thành phố lớn thứ ba ở Kenya và nằm trên bờ Hồ Victoria. Đây là trụ sở của Giáo phận Chính Thống Giáo Kisumu và Tây Kenya của Tòa Thượng Phụ Alexandria. Giáo phận được lãnh đạo bởi một trong những giám mục mới nhất của Tòa Thượng phụ, là Đức Cha Marcos Theodosi, người chào đời tại Johannesburg với cha mẹ là người Síp gốc Hy Lạp.

Sự thật hầu hết các giáo xứ của giáo phận nằm ở vùng nông thôn của Tây Kenya chứ không phải ở Kisumu. Tuy nhiên, có vẻ những người điều hành trang web Orthochristian có liên lạc trực tiếp với một số linh mục Phi Châu và việc nhiều linh mục Chính Thống Giáo bỏ Tòa Thượng Phụ Alexandria để sang Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là có thật. Do đại dịch coronavirus, các linh mục ở Phi Châu được tin là không có lương trong suốt 2 năm qua. Bài báo viết:

Theo Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga tại Phi Châu, là Đức Tổng Giám Mục Leonid, số lượng các linh mục Phi Châu tham gia Chính Thống Giáo Nga đã tăng lên 150 người so với 102 người ban đầu vào đầu tuần trước. Và con số đó tiếp tục tăng đều.

Theo các nguồn tin ở Phi Châu, một số lớn các linh mục đó đến từ Giáo phận Kisumu của Tòa Thượng phụ Alexandria. OrthoChristian ban đầu được thông báo rằng 53 trong số 71 linh mục của giáo phận đã gia nhập Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Trong khi con số chính xác đó chưa được xác nhận, một số nguồn tin khác đã xác nhận rằng phần lớn các linh mục Kisumu đã chuyển sang Chính Thống Giáo Nga.

“Hầu như tất cả các linh mục sẽ chuyển sang Chính Thống Giáo Nga. Rất nhiều linh mục đang yêu cầu ký tên vào lời tuyên thệ”. Một nguồn khác báo cáo: “Tôi không biết có bao nhiêu, nhưng gần như toàn bộ giáo phận Kisumu.” Trong quá trình viết bài báo này, một linh mục Kenya khác nói với OrthoChristian rằng hơn 60 linh mục Kisumu đã gia nhập Giáo Hội Nga.

Orthodox News, cơ quan thông tin của Tòa Thượng Phụ Constatinople bày tỏ âu lo rằng Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đang mưu toan mở rộng Chính Thống Giáo Nga trên quy mô toàn thế giới với tham vọng trở thành Giáo Hoàng Chính Thống Giáo.


Source:ilsismografo
 
Bàng hoàng: Giáo phận lên tiếng về hoàn cảnh một LM tuyệt vọng quyên sinh. TQ cảnh cáo ĐHY Quân
VietCatholic Media
17:07 09/02/2022


1. Cựu linh mục Cleveland McWilliams tự tử chết

Đức Cha Edward C. Malesic, Giám Mục Cleveland cho biết Robert McWilliams, cựu linh mục Cleveland đang ngồi tù chung thân vì nhiều tội liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em, đã tự tử chết trong khi bị giam giữ trong nhà tù liên bang vào sáng thứ Sáu.

McWilliams qua đời ngay sau 3:00 sáng ngày 4 tháng 2. Cái chết của anh ta đang được báo cáo là một vụ tự sát, theo một tuyên bố từ văn phòng điều tra của Quận Union.

McWilliams đang thụ án chung thân trong Nhà tù Liên bang Allenwood ở Pennsylvania. Anh ta bị kết án vào tháng 11 năm 2021, sau khi phạm tội lạm dụng trẻ em.

Ông đã bị Vatican trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vào tháng 12 năm 2021.

McWilliams, 41 tuổi, được thụ phong linh mục ở Cleveland, Ohio vào năm 2017. Anh ta đã trải qua hai năm trong thừa tác vụ linh mục trước khi bị bắt vào năm 2019, và cuối cùng bị buộc tội lạm dụng tính dục nhiều trẻ em bao gồm lạm dụng tinh thần và tình dục một số cậu bé.

Trong quá trình xét xử và tuyên án, các công tố viên đã mô tả McWilliams là “gian xảo, tính toán và cực kỳ độc ác.”

Tại phiên tòa tuyên án vào tháng 11, McWilliams đọc một lá thư mà anh ta nói rằng anh ta đã viết cho các nạn nhân.

“Tất cả những gì tôi muốn đưa ra cho các bạn bây giờ là lời cầu nguyện và lời xin lỗi của tôi”

“Tôi cầu nguyện cho đức tin của các bạn vào Chúa và vào Giáo Hội sẽ được chữa lành. Xin lưu ý rằng đây không phải là lỗi của Giáo Hội hay lỗi của chức tư tế, đây là lỗi của tôi, tội lỗi của tôi”.

McWilliams nói thêm rằng anh ấy “xấu hổ và đau buồn vì hành động và tội lỗi của tôi.”

Trong một cuộc phỏng vấn với The Pillar, được xuất bản sau khi McWilliams bị kết án vào tháng 11, một trong những nạn nhân của anh ta cho biết anh ta đã tha thứ cho kẻ ngược đãi mình, nhưng bị tổn thương tinh thần lâu dài.

Một phát ngôn viên của Giáo phận Cleveland đã đưa ra một tuyên bố về cái chết của McWilliams cho The Pillar vào chiều thứ Sáu, và nói rằng giáo phận “đã biết vào chiều nay về việc Robert McWilliams qua đời”.

“Chúng tôi đặt điều này và tất cả các tình huống khó khăn trong bàn tay của Chúa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho những người bị tổn thương bởi hành động của anh ấy. Xin Chúa là nguồn chữa lành cho họ”.

Đức Cha Edward C. Malesic nhấn mạnh rằng Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn tất cả các tội lỗi của chúng ta nên chúng ta đừng mất lòng trông cậy nơi Lòng Thương Xót của Ngài bất kể những tội lỗi chúng ta có thể đã phạm.
Source:Pillar Catholic

2. Phải chăng đang có một trào lưu Tin Lành mới đang bắt đầu xuất hiện ở Đức? Sáng kiến viết thư cho các giám mục trên khắp thế giới để cầu cứu

Khi cuộc họp khoáng đại lần thứ ba của Tiến Trình Công Nghị Đức vừa khai mạc, sáng kiến ”Khởi đầu mới” đã cảnh báo về một cuộc ly giáo trong Giáo Hội Công Giáo phát sinh từ đất nước này. Trong một lá thư gửi cho các giám mục ở Đức và trên khắp thế giới, những người lãnh đạo sáng kiến “Khởi đầu mới” mô tả “một tinh thần nổi loạn” đang ráo riết hoạt động để phản bội Phúc Âm.

Trong bài tiểu luận của họ nhan đề “Bảy câu hỏi đối với Giáo Hội Công Giáo ở Đức về Tự do và Tự trị”, sáng kiến này bày tỏ lo ngại rằng Tiến Trình Công Nghị đang công bố một mô hình mới về quyền tự quyết cấp tiến, và triệt để đến mức có thể dẫn Giáo Hội ở Đức đến chỗ ly giáo.

Sáng kiến này tự mô tả mình là một hiệp hội gồm các nhà thần học, triết học và nhân học, những người kêu gọi cải cách trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng không coi Tiến Trình Công Nghị Đức là một giải pháp khả thi.

Bài luận viết, “Trọng tâm không còn là về Chúa - lời và thánh ý của Ngài - mà là con người - ý chí, sở thích, danh vọng, ước muốn, tự do của mình là các yếu tố xác định đâu là vấn đề trong Giáo Hội, đâu là các giáo huấn có vẻ hợp lý trước tòa án hiện đại… những giáo huấn nào có thể được dạy và những giáo huấn nào bị cấm không được dạy và sống”.

Sáng kiến này yêu cầu các giám mục của Giáo Hội Công Giáo sử dụng ảnh hưởng của họ để ngăn chặn tình trạng ly giáo: “Việc Đức Giáo Hoàng Lêô X từng bác bỏ luận điểm của Martin Luther, coi ông ta chỉ là một tu sĩ “bướng bỉnh”, vớ vẩn có lẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội. Đúng 500 năm sau, Giáo Hội Công Giáo Rôma một lần nữa đánh giá thấp một cuộc tranh luận thần học ở một đất nước không xa xôi lắm, phớt lờ nó và coi đó là một vấn đề riêng của Đức. Cuộc ly giáo tiếp theo trong Kitô giáo đang sắp xảy ra. Và nó sẽ lại đến từ Đức”.

Vào tháng Giêng, sáng kiến Khởi đầu Mới đã trao một “tuyên ngôn cải cách” cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được 6,000 người Công Giáo ký tên. Tuyên ngôn lập luận rằng Tiến Trình Công Nghị “lạm dụng tội lỗi lạm dụng tình dục”, nghĩa là, nó dùng tội lỗi lạm dụng tình dục như một chiêu bài để thay đổi Giáo Hội theo chương trình nghị sự của họ.

Sáng kiến cho biết ngoài 67 giám mục ở Đức, khoảng 2,000 giám mục trên toàn thế giới, cũng như 500 cộng đoàn, tu hội và phong trào Công Giáo, đã nhận được một văn bản giải thích có tiêu đề “Đây không phải là Phúc âm” và lời mời thần học đến một cuộc tranh luận khoa học : “Bảy câu hỏi đối với Giáo Hội Công Giáo ở Đức về quyền tự do và quyền tự chủ”.

Nhóm cũng bổ sung vào hai tài liệu này một bộ sưu tập các trích dẫn và tuyên bố của các nhà thần học và giám mục trong Tiến Trình Công Nghị, và những tuyên bố điển hình của các thành phần tham gia để chứmh mình rằng “chương trình nghị sự của nó không tương thích với việc giáo huấn liên tục và phổ quát của Giáo Hội.”
Source:Catholic News Agency

3. Các nhà quan sát nhân quyền nhận định Trung Quốc đang đưa ra “phát súng cảnh cáo” Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Các bài báo trên một tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo trợ đã tố cáo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân về những điều mà các nhà hoạt động nhân quyền cho là một dấu hiệu cho thấy tự do “tôn giáo ngày càng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh”.

Hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa đối với tự do tôn giáo ở Hương Cảng, nơi mà việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát gần đây thể hiện một bước ngoặt lớn so với những lời hứa trước đó về việc duy trì các quyền công dân cơ bản.

Nina Shea, thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đã lưu ý rằng vị giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã được nhắm mục tiêu trong ít nhất bốn bài báo trên một tờ báo chính thức của nhà cầm quyền Hương Cảng, trước đây là lãnh thổ của Anh.

Shea, Thành viên cao cấp và Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, đã viết trong một bài báo được đăng trên tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo (Epoch Times, 大纪元时报) “Trong tuần cuối cùng của tháng Giêng vừa qua, một loạt bài báo đáng ngại trên Đại Công Báo (Ta Kung Pao, 大公报), một tờ báo Hương Cảng thuộc sở hữu của văn phòng liên lạc của Trung Quốc, đã cáo buộc Đức Hồng Y Quân, giám mục hiệu tòa Hương Cảng, và các Giáo Hội Kitô ở Hương Cảng đã kích động sinh viên bạo loạn chống lại các biện pháp đàn áp vào năm 2019. Bốn bài báo quan trọng, tất cả đều nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát nhiều hơn, xem ra chiến dịch tố cáo loại này đang tiên báo một cuộc đàn áp mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Đức Hồng Y Quân đã thẳng thắn bảo vệ các quyền công dân ở cả Trung Quốc đại lục và ở Hương Cảng. Ngài đã lên án việc Trung Quốc dỡ bỏ các cây thánh giá trên đỉnh của các nhà thờ tại Hoa Lục; và ngài cử hành thánh lễ cho các nạn nhân của vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Giáo Hội “kích động bạo loạn”

Một bài báo trên tờ Đại Công Báo với tiêu đề “Hồng Y Quân sử dụng tư cách giáo sĩ để phá rối Hương Cảng,” cũng nói về phong trào Pháp Luân Công, mà Trung Quốc đã hạn chế nghiêm ngặt, và nói rằng, “Chính phủ rất khó điều chỉnh hoặc loại bỏ các nhóm hoặc các cá nhân tôn giáo này, bất chấp thực tế là họ đã phạm nhiều tội ác”.

Shea viết: “Những lời phàn nàn của các bài báo chống lại vị Hồng Y cũng bao gồm khẳng định rằng nhiều người trong số những người bị bắt trong phong trào ủng hộ dân chủ đã học tại các trường Công Giáo. “Ba bài báo tiếp theo nhắc lại một chủ đề theo đó các Giáo Hội Kitô ở Hương Cảng 'kích động bạo loạn' giữa các sinh viên Hương Cảng và dành sự tôn nghiêm cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Các bài báo này vận động đặt các tôn giáo dưới sự kiểm soát của bọn cầm quyền”.

Shea cho biết cho đến nay, các Giáo Hội ở Hương Cảng phần lớn vẫn nằm ngoài tầm ngắm của bọn cầm quyền. Bà viết: “Không có Giáo Hội 'Yêu nước' nào được bọn cầm quyền hình thành, trong đó các giáo sĩ phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, như ở đại lục. Các giáo sĩ không bị 'cải tạo' theo tư tưởng cộng sản, thánh giá nhà thờ vẫn nguyên vẹn, các bài giảng không bắt buộc phải dựa trên những câu nói của Tập Cận Bình, camera giám sát không được gắn trên các nhà thờ, và người trẻ không bị cấm tham gia các cử hành Phụng Vụ hay nghiên cứu Kinh thánh - tất cả đều là dấu ấn của chương trình Trung Quốc hóa dành cho các tôn giáo tại đại lục”.

Mối quan tâm của Shea được chia sẻ bởi Benedict Rogers, người sáng lập Hong Kong Watch, người đã viết gần đây rằng “có vẻ như tôn giáo đang ngày càng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh”.

“Sau khi đã đàn áp những người biểu tình, nhốt các nhà dân chủ, đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập, xói mòn tự do học thuật, loại bỏ gần như hoàn toàn không gian tự do của xã hội dân sự, vô hiệu hóa công đoàn và thuần hóa các cơ quan tư pháp, và tôn giáo – nay Trung Quốc đang nhắm đặc biệt đến Giáo Hội Công Giáo - là thể chế bất khuất còn lại” Rogers viết trong một op-ed cho UCANews.

“Sự hoang tưởng” của Bắc Kinh

Ông chỉ ra rằng bốn bài báo nhắm vào Đức Hồng Y Quân không phải là điều gì mới trong chiến dịch khủng bố vị Hồng Y của bọn cầm quyền Trung Quốc. Rogers cho biết vào năm 2019, anh đã tham dự một cuộc họp riêng của các nhà lập pháp Công Giáo ở Fatima, Bồ Đào Nha. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và nhà hoạt động dân chủ lâu năm ở Hương Cảng Lý Trú Minh (Martin Lee, 李柱銘) một người Công Giáo sùng đạo, cũng được mời.

Rogers cho biết: “Đại sứ quán của Trung Quốc tại Lisbon đã cử một phái đoàn gồm khoảng hơn chục nhà ngoại giao chiếm toàn bộ tầng một của khách sạn đối diện với chúng tôi và thực hiện nhiều nỗ lực để xâm nhập vào tụ điểm của chúng tôi. Việc chế độ Cộng sản Trung Quốc vô cùng hoảng sợ khi hai vị tiến sĩ ủng hộ dân chủ Hương Cảng đến thăm một địa điểm hành hương tôn giáo với một nhóm các nhà lập pháp Công Giáo đã nói rất nhiều về sự hoang tưởng của Bắc Kinh và nỗi sợ hãi của họ đối với tôn giáo.”

“Nhưng điều mới mẻ là các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh hiện đang công khai nói về những hạn chế đối với tôn giáo ở Hương Cảng”. Các bài báo trên tờ Đại Công Báo trích dẫn lời các nhà lãnh đạo dân sự địa phương nổi tiếng và các giáo sĩ thân Bắc Kinh bày tỏ sự cần thiết phải có sự kiểm soát nào đó của chính phủ đối với các tổ chức tôn giáo địa phương để ngăn chặn các hoạt động chống chính phủ.

“Tôi lo sợ rằng chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu tiên báo về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang len lỏi nắm quyền kiểm soát tôn giáo. Một sự thu tóm tinh vi các cơ sở tôn giáo của Hương Cảng vào các hoạt động do Bộ Mặt trận Thống nhất do Bắc Kinh chỉ đạo bao gồm Phong trào Yêu nước Ba tự cho người Tin lành, Hiệp hội Yêu nước Công Giáo cho người Công Giáo, và sự siết chặt tự do tôn giáo một cách từ từ.”

Nhưng nhà lãnh đạo mới của Giáo phận Công Giáo Hương Cảng, người kế nhiệm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đưa ra một “tia hy vọng mong manh”. Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), người được bổ nhiệm vào ngày 4 tháng 12, không phải là sự lựa chọn của Bắc Kinh. Trong tất cả các tuyên bố công khai của mình kể từ khi được xác nhận bổ nhiệm, vị tân giám mục “đã cho thấy rằng ngay cả khi phải điều hướng đường đi nước bước một cách cẩn thận, ngài vẫn giữ vững các nguyên tắc về phẩm giá con người và tự do lương tâm.”

Rogers cảnh báo rằng không nên bỏ qua các bài báo trong Đại Công Báo. Ông nói: “Khi Bắc Kinh muốn báo hiệu ý định của mình, họ có thói quen bắn cảnh cáo qua các phương tiện truyền thông của họ. “Các quyền tự do của Hương Cảng đã bị hủy bỏ. Nhưng chúng ta không nên đơn giản coi nó là điều hiển nhiên và chấp nhận nó như đã rồi. Nếu các nơi thờ tự bị hạn chế, tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo bị hạn chế, các nghi lễ bị kiểm duyệt, các giáo sĩ bị bỏ tù hoặc biến mất hoặc chỉ đơn giản là phải im lặng, và nếu các cơ sở tôn giáo của Hương Cảng dần dần bị hấp thụ vào các thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nếu sự thật - hoặc sự theo đuổi sự thật - sau đó bị bao phủ bởi những lời nói dối, chúng ta phải hét lên từ những mái nhà”.
Source:Aleteia