Ngày 01-01-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Của đầu mùa
Lm Vũđình Tường
05:22 01/01/2010
Nói đến của đầu mùa người ta liên tưởng đến mùa thu hoạch, gặt hái. Các nông gia thánh thiện thường dùng của đầu mùa làm lễ tế tạ ơn. Lời tạ ơn không lệ thuộc vào thành quả vụ mùa. Trúng mùa hay thất thu, nông gia luôn dâng lời tạ ơn, dâng tiến lễ vật đầu mùa. Tạ ơn phát xuất từ lòng chân thành dù thất thu- bội thu đều tạ ơn Chúa.

Bội thu, dấu chỉ một tương lai huy hoàng. Thất thu, dấu chỉ của lao nhọc, khó khăn trước mặt. Thực tế cho biết trong nhiều trường hợp dù đoán biết trước khó khăn, gian khổ, đang ập đến, con người vẫn bất lực, khó xoay chuyển được tình thế. Kitô hữu đoán biết trước tình thế khó khăn để chuẩn bị tinh thần.

Sống tình trạng sẵn sàng vẫn tốt hơn, an tâm hơn. Thái độ sẵn sàng, phó thác mang lại bình an. Nghèo khó mà có bình an vẫn tốt hơn giầu, chức trọng mà sống bất an. Kitô hữu hơn dân ngoại ở điểm có bình an nội tâm. Bình an ngay cả khi phải đối diện với khó nguy. Dù vui buồn, sướng khổ, họ luôn sống tâm tình phó thác, an vui trong Chúa. Của cải vật chất mang lại tiện nghi mà không cứu nguy. Những ai đặt tin tưởng nơi Chúa, khi nguy khốn, kêu cầu Danh Chúa sẽ nhận ơn bình an.

Hiển linh

Ý nghĩa của lễ Chúa Hiển Linh là lễ mừng Chúa tỏ mình ra cho nhân loại, Chúa đến tỏ mình ra cho con người nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên không phải tất cả đều vui mừng đón nhận Ngài. Những ai đón Ngài, nhận ơn bình an. Điều rõ ràng, tâm hồn thiện tâm luôn tìm kiếm thiện tâm; trái lại tà tâm luôn khao khát những gì thuộc về chúng. Thiện tâm thể hiện qua hành động, thúc đẩy bởi lòng thành từ lời nói đến việc làm. Tà tâm nói nghe ngọt ngào, nhưng hành động pha trộn máu và nước mắt. Đó chính là câu nói và hành động trái nghịch đến từ môi miệng Hêrôđê.

Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người. c.8

Câu nói trên nghe có vẻ thiết tha, chân thành của kẻ quyền thế. Đằng sau câu nói đó ai đoán trước bao mạng con trẻ trong thành chết oan, nước mắt các bà mẹ khóc con không hề dứt, lời oán than loan truyền muôn kiếp. Tất cả xuất phát bởi tà tâm, thúc đẩy bởi tham vọng.

Lễ tạ ơn

Ngày lễ Chúa Hiển Linh là ngày lễ con người dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Tạ ơn Chúa xuống thế ở giữa loài người. Nhóm dân ngoại tạ ơn đầu tiên là ba vị vưong gia, đi đường xa, leo núi, vượt đèo, đội sương đêm, đến dâng lễ vật cho Ấu Chúa.

Hoa trái đầu mùa trong mùa Giáng Sinh không phải hoa trái thu góp đầu vụ mùa. Hoa trái đầu mùa gói trọn lễ vật ba vị vương gia Phương Đông dâng tiến Ấu Chúa. Chúng không đơn thuần hoa mầu ruộng đất, thành quả của lao công đôi tay, khối óc. Bên trong những hoa quả đầu mùa trên có kèm theo văn hoá dân tộc, gói ghém tấm lòng chân thành dâng hiến. Đại diện là các vị vương gia đường xa, dặm thẳng tìm thờ lậy Đức Chúa.

Trao tặng tấm lòng

Vàng, nhũ hương và mộc được là sính lễ đầu mùa trong mùa Giáng Sinh.

Chúng là biểu tượng của lòng thành, món quà tâm linh ba vị vương gia dâng tiến thay cho các Kitô hữu.

Sính lễ ba vị vương gia dâng tiến Ấu Chúa, ngày nay chúng ta có thể hiểu là ba nhân đức cốt lõi của cuộc sống Kitô hữu. Đó chính là đức tin, lòng mến và niềm hy vọng, cậy trông vào Thiên Chúa. Tóm lại, sính lễ đầu mùa Kitô hữu dâng tiến Ấu Chúa, không phải là vàng ròng, mà là tấm lòng vàng.

Tấm lòng vàng

Đây chính là tâm tình Kitô hữu đối xử với nhau qua cách sống, giao tế xã hội. Làm thế nào để người ta nhận ra Đức Kitô nơi lời nói, việc làm của các Kitô hữu. Người Kitô hữu luôn sống nhờ Thần Linh Chúa hướng dẫn. Ngôi sao chỉ đường không đến từ trời cao mà đến từ nội tâm, toả ánh sáng như vì sao dẫn lối cuộc đời.

Kitô hữu không đến với Chúa bằng nhũ hương nhả khói của trầm hương đến từ thảo mộc. Nhũ hương ba vị vương gia dâng tiến là hương trầm của lời kinh, tâm tình trìu mến, lòng tôn kính, thần phục, suy tôn. Cuộc sống Kitô hữu liên kết với Chúa qua lời kinh, tâm tình thỏ thẻ, tâm sự mỗi ngày, nói với Chúa biến cố lớn nhỏ trong ngày và lắng đọng tâm tư để cảm nghiệm tình Chúa xót thương.

Mộc dược làm giảm cơn đau thân xác, chữa lành thương tích, tật bệnh. Kitô hữu dâng Chúa mộc dược của lao nhọc, vất vả, đắng cay cuộc đời, tâm tình phó thác khi hoạn nạn xảy đến, bàn tay an ủi, đỡ nâng khi sóng đời làm tan tác lòng người. Mộc dược chữa lành chính là Lời Chúa, lợi ích bí tích Giáo Hội ban tặng và ân sủng Chúa ban.

Ba vị vương gia vượt suối, leo đèo thành tâm tìm Ấu Chúa. Cuộc sống Kitô hữu cũng có nhiều gian khó cần trải qua. Cần phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ. Cần khôn ngoan lắng nghe Lời Chúa để tránh cám dỗ thế trần, do ngon ngọt, dụ dỗ, đến từ tà tâm.

Ba vị vương gia không ỷ vào khôn ngoan học hỏi qua sách vở, tìm tòi, thâm cứu nhưng khiêm nhường dấn thân tìm kiếm. Nhờ khiêm hạ mà ba bị tìm được và nhận ra Ấu Chúa. Họ không mang định kiến trong tâm hồn nhưng rộng mở đón nhận Thần Linh hướng dẫn. Nhờ đó họ tìm biết Ấu Chúa.
 
Khiêm nhường để nhận biết Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:07 01/01/2010
LỄ CHÚA HIỂN LINH

Chu kỳ Giáng Sinh gồm Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh. Phụng vụ cử hành việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Hai biến cố quan trọng cũng là hai lễ lớn của chu kỳ là Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển linh.

Lễ Giáng sinh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân Do thái. Lễ Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.

Gaspar, Melchior và Balthasas là ba nhà đạo sĩ nổi tiếng ở Ðông phương được mệnh danh là con của các vì sao sáng, huyền phái của khoa học vũ trụ. Họ đã theo ngôi sao lạ đến Bêlem, xứ Giuđêa để thờ lạy Ðấng Cứu Thế. Họ đã dâng cho Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược.

Chúng ta cùng dừng lại nơi hang đá Bêlem có Hài Nhi Giêsu để suy niệm về sự lạ lùng của cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa các mục đồng, các đạo sĩ với Ðấng Cứu Thế. Chỉ có các mục đồng, các đạo sĩ tìm gặp được Chúa. Có các thiên thần, một ngôi sao rực rỡ trong ánh sáng thần linh chiếu sáng cho họ.

Ðức Cha Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh đã gọi họ những người đơn sơ và những người thông thái.

Khi các mục đồng canh giũ chiên ở ngọn đồi Bêlem, họ bỡ ngỡ vì vẽ đẹp của thiên thần: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Ðavit, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa (Lc 2, 10 - 12). Còn các đạo sĩ ở bên kia xứ Mêđia và Batư nghiên cứu bầu trời đã thấy một ngôi sao chiếu sáng như chiếc đèn của nhà tạm vũ trụ, điện thờ của Thiên Chúa. Họ theo ánh sao tìm đến hang đá tìm gặp Hài Nhi.

Như những cánh bướm bị thu hút bởi ngọn lửa, các mục đồng và các đạo sĩ tiến đến ngai vàng chỉ là một hang đá, đến với Thiên Chúa chỉ là một Hài Nhi. Thiên Chúa Hài Nhi ngước nhìn từ máng cỏ chỉ thấy hai hạng người tìm gặp Ngài và chỉ duy họ tìm gặp Ngài cho đến tận cùng thời gian. Ðó là các mục đồng và các đạo sĩ, những người đơn sơ và những người thông thái.

Các mục đồng là những người đơn sơ. Họ chẳng biết gì tới chính trị, văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ biết hai điều quan trong là Thiên Chúa ở trên họ và họ ở giữa đoàn chiên. Ðêm hôm đó bầu trời rộng mở để loan báo Tin mừng. Thiên Thần cho biết Ðấng họ nóng lòng chờ đợi vừa sinh ra trong hang đá Bêlem nhỏ bé. Họ đã tìm và gặp Ðấng Chăn Chiên của họ

Các đạo sĩ tìm gặp Ðấng Cứu Thế là những người thông thái. Họ không là những vua chúa. Họ không phải là những người nghiên cứu nông cạn mà là những bậc thầy hoàng vương, những nhà tinh thông về vũ trụ và họ đã khám phá ra một ngôi sao lạ. Ðối với khoa học và tôn giáo họ được liệt vào hàng đầu trong nước của họ. Các vua chúa bàn hỏi với họ trước khi xuất chinh. Các nông dân hỏi ý kiến họ trước khi trồng tỉa. Hàng ngàn người đã thấy ngôi sao, nhưng sự uyên bác của ba đạo sĩ làm cho họ lên đường khám phá. Chính nhà bác học Newton đã thốt lên khi quan sát vũ trụ: Tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi. Ðối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người thông thái đó là một dấu chỉ thời đại, một tác phẩm của Thiên Chúa. Thế nên các đạo sĩ đã đi theo ánh sáng ngôi sao với bao gian lao, đầy mạo hiểm. Ðến nơi, mặc phẩm phục và quỳ trên nệm rơm, các đạo sĩ chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp được điều gì. Họ tiến dâng Ngài tặng phẩm và tâm hồn để chứng tỏ sự thần phục của thế gian. Tặng phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vàng, vì Hài Nhi sẽ là vua. Nhũ hương, vì Ngài sẽ là Tư Tế. Mộc dược, vì Ngài sẽ chết như mọi người. Các Ðạo sĩ đã tìm gặp được Ðấng khôn ngoan.

Chỉ có các mục đồng và các đạo sĩ đã tìm gặp được Ðấng Cứu Thế. Trong khi đó các người nổi nang trong đạo Do thái không gặp được Ngài. Bởi lẽ: Các luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Các kỳ lão chỉ lo lắng về truyền thống. Hêrôđê cũng là con người tìm tòi, ông đã cặn kẽ điều tra nơi Hài Nhi ở, không phải để đến thờ lạy mà tìm cách hủy diệt. Loại người nào cũng tự mãn trong những cơ chế phức tạp cứng nhắc (Ðức Cha Bùi Tuần).

Thời nay cũng thế, đầy dẫy những triết gia, những nhà khoa học, những người vô thần theo thuyết bất khả tri... nhưng không ai trong họ đã nhìn thấy một thiên thần hay ánh sáng một ngôi sao. Dòng dõi của những Hêrôđê kiêu ngạo cho tới thời nay đã không tìm thấy Thiên Chúa vì họ muốn dùng lý trí để nắm bắt siêu việt. Họ quá phức tạp nên không hiểu lời xác quyết đơn sơ của các mục đồng, quá đầy kiến thức khoa học để lãnh hội chân lý do các đạo sĩ đem đến. Dòng dõi này che đậy tính kiêu ngạo và đi tới chỗ coi Giáo hội là một thể chế đã lỗi thời cần loại bỏ.

Ðiều kiện tiên quyết để gặp được Thiên Chúa, đó là lòng khiêm nhường, chung cho cả người đơn sơ lẫn người thông thái. Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng mới gặp được Thiên Chúa bởi họ ý thức mình không biết gì cả. Những người thông thái đích thực như các đạo sĩ gặp được Thiên Chúa bởi vì họ ý thức mình không biết gì cả.

Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng. Ngài đã Giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Ðó là một cử chỉ khiêm nhường. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như vậy, họ thấy mình ở trong hang đá. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng và đôi tay ẵm lấy Hài Nhi, Ðấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất. Khi các mục đồng và các đạo sĩ quỳ gối, có lẽ các đạo sĩ ghen với các Mục đồng vì con đường của các mục đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.

Bước vào ngàn năm mới, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo cả nhân loại đến với Con Một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô. Ngài vẫn không ngừng cho những ánh sao dẫn đường. Không phải là ánh sao trên trời cao mà là ánh sáng Ngài gieo vào lòng người. Mỗi người cần phải trung thành với ánh sáng đó, dấn bước trên hành trình đức tin đầy mạo hiểm của mình.

Các Thượng tế, các kinh sư thông hiểu Thánh kinh, họ cắt nghĩa cho Hêrôđê rất hay nhưng họ vẫn ngồi yên tại chỗ. Họ tìm Ðấng Thiên Sai trong Thánh Kinh, nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ.

Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng, những tâm hồn cởi mở khao khát chân lý như các đạo sĩ lại được hạnh phúc nhận biết Người.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh kinh, qua Giáo hội, qua các Bí tích, qua cuộc sống hàng ngày. Ðể gặp Ngài, chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn lối cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.
 
Bước theo ánh sao
Cao Huy Hoàng
10:32 01/01/2010
Suy niệm Lễ Hiển Linh 2010

Hai cha con làm hang đá. Hữu xếp mấy bao xi-măng thành hình những khối đá. Cha xếp những khối đá vào…. Hữu ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng đặt vào hang đá. “Con bò to to nầy, mầy nằm bên Chúa nhé, thở mạnh đi cho Chúa ấm. Trời lạnh lắm” Hữu nói. Mẹ nhìn cha con làm hang đá lấy làm vui. Mẹ nói: “Phải có sao lạ nữa chứ anh”. Hữu hỏi ngay: “Sao phải có vậy Mẹ? Sao gọi là Sao Lạ?”. Mẹ trả lời: “Phải có ngôi sao lạ, để dẫn đường người ta tới Belem mà thờ lạy Chúa, chứ con. Ai mà biết Chúa sinh ở chỗ tồi tàn đó”. Hữu: “À, thì ra!”.

Suy nghĩ và giải thích đơn sơ của người Mẹ, hẳn là không sai lạc giáo lý nếu cần dạy cho con. Vì quả thật, những đạo sĩ, theo Tin Mừng, hẳn cũng đã tìm đến Belem nhờ ánh sao lạ dẫn đường.

"Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". (Mt 2, 2).

Hai cha con làm ngôi sao lạ. Thấy mẹ không nói gì về sao “lạ”, người cha trò chuyện với mẹ con: “Con có biết những ông sao ở đâu không?” - “ở trên trời, ban đêm mới thấy”.

“Ồ! đúng rồi. Địa chỉ của ông sao chắc chắn là ở “tít trên cao”. Bầu trời đêm đông càng dễ thấy có rất nhiều ông sao. Ông sao nào cũng ở “tít trên cao”. Ông sao nào cũng sáng. Nhưng sáng tít trên cao!

Vậy mà, hôm Chúa sinh ra đời ở cánh đồng Belem, có một ông sao bỗng nhã hứng bất thần chiếu rọi xuống rất thấp, xuống cả một vùng thôn dã nghèo xác xơ, rét cùng cực, tuyết trắng mênh mông. Ông sao ấy chiếu dọi vào hang đá Belem tồi tàn. Nơi hang đá ấy, không có điện đèn chớp nháy hay ánh sáng của kinh thành hoa lệ đằng xa kia chiếu tới đâu. Nhưng ánh sáng của ông sao lạ làm rực lên ánh hào quang của Hài Nhi, con Thiên Chúa ra đời. Vâng, từ thuở tạo thiên lập địa, nay mới thấy có một ông sao như thế, không chỉ sáng tít trên cao, mà sáng từ tít trên cao sáng xuống cùng dưới thấp.

Mẹ hỏi: “Vậy thì mấy ông sao cũng có cá tính sao?”. Không, thiết tưởng, ông sao nào cũng là loài thụ tạo vô tri vô giác, cá tính gì! Nhưng ông sao này đang được điều khiển bởi quyền năng của Thiên Chúa trên cao. Ông đang làm điều Thiên Chúa muốn. Thế mới gọi ông là ngôi sao lạ!

Lạ, là vì ông sao này khác những ông sao khác. Ông chưa có tên trong danh mục các ông sao đã qua viễn vọng kính của các nhà chiêm tinh. Và ông cũng không làm việc thường ngày như những ông sao kia. Lạ, là vì ông không làm điều ông thích làm, thường làm, nhưng ông đang làm việc của Thiên Chúa bảo ông phải làm! Điều đó, Chúa hiểu rõ ông hơn ai hết. Lạ, là vì ông không ở tít trên cao. Lạ, là vì ông xuống rất thấp. Lạ, là vì ông dẫn người ta đến với Chúa”.

Vâng, ông sao lạ nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa Cha, kế hoạch giới thiệu Chúa Con cho nhân loại, giới thiệu Đấng Cứu Thế ban ân sủng cho nhân loại.

Hài Nhi Giêsu trong kế hoạch của Thiên Chúa

Ông Sao Lạ kia xuất hiện, rồi biến đi, nhường chỗ cho hào quang Chúa Hài Nhi Giêsu đang hiển linh như nguồn ánh sáng mới cho nhân loại, Chúa Giêsu tỏ mình và tỏ tình Chúa Cha cho nhân loại.

Nếu ánh sáng đầu tiên cực kỳ huyền diệu của ngày sáng tạo vũ trụ đã bị bóng tối tội lỗi bao trùm, thì hôm nay ánh sáng mới đã đến, ánh sáng cứu độ. Ánh sáng từ trời cao xuất hiện từ Gia-cóp, vương quyền của Thiên Chúa đã đâm chồi từ Israel. Ánh sáng mới ấy là Hài Nhi Giêsu. Ánh sáng tít trên cao chấp nhận xuống cùng dưới thấp để xua tan bóng đêm tội lỗi. Thiết nghĩ, không thể đặt giả thuyết rằng nếu ông sao kia không chịu chiếu sáng xuống một miền Belem thấp kém, không tên tuổi, liệu có ai đã biết đến Tin Mừng cả thể cho nhân loại: Đấng Cứu Tinh đã ra đời. Vì rằng, ngay trong chương trình của Thiên Chúa, ánh sao kia cũng đã được nhắc đến cách long trọng, và nhắc đến cả sứ vụ được giao phó. “Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en”(Ds 24, 17). Ánh sao ấy chính là Con Thiên Chúa Giáng Sinh.

Mỗi tín hữu trong kế hoạch của Thiên Chúa

Chúa Giêsu nói: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5, 14-16)

Thánh Phaolô nhận ra vai trò của chính mình và của mỗi tín hữu, trong kế hoạch của Thiên Chúa, khi đã tiếp nhận ánh sáng cứu rỗi của Thiên Chúa, cũng phải làm ông sao lạ dẫn đường thiên hạ đến với Chúa. Ngài nói: “Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô” (Eph 3,2-3). Hoặc, một nơi khác, ngài nói rõ hơn: “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao” (Philip 2,14-15).

“Kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa ủy thác” cho mỗi người, hẳn là giới thiệu ơn cứu rỗi cho con người, dẫn đường cho con người đến với Chúa. Mỗi người là một ông sao lạ. Ông sao lạ không ở tít trên cao, nhưng ông sao lạ xuống cùng dưới thấp….

Theo dõi những bản tin Giáo Hội Việt Nam Mùa Giáng Sinh năm nay, chúng ta thật vui mừng, vì có những ông sao ở tít trên cao xuống đến tận vùng sâu vùng xa chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng Giáng Sinh đến cho người bần cùng giá lạnh. Niềm vui vô biên của người H’mong, Tây Bắc được ông sao dung dăng dung dẻ với bầy trẻ sơn cước. Nỗi sung sướng của người Mường Cắt, Hòa Bình thấy Chúa đến gần hơn. Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tây Nguyên, miệt vườn châu thổ… đâu đâu cũng có ánh sáng của những ông sao lạ không còn sáng tít trên cao, nhưng rất gần, sáng rất thấp. Vâng, có những ông sao xuống miền xuôi, cũng có ông sao lên mạn ngược, ông đến với biển, ông về với rừng, ông xuống với người kinh, ông lên người Dân Tộc…

Làm thân ông sao lạ lại là một niềm vui cho mình cho đời. Ấy vậy, cũng có những ông sao lạ không chỉ xuống thấp mà còn chạy lao xao khắp thành phố Sài Gòn. Có ông xoẹt qua nhà cô bé xa quê bán bắp nướng, khoai luộc, ông gửi một món quà, một nụ cười, một niềm vui, không quên lời chúc giáng sinh và niềm hy vọng an bình Chúa Giêsu mến tặng. Rồi tranh thủ xoẹt qua khu ổ chuột còn gần chục người nghèo đang đánh bài tiến lên ăn kẹo giết nỗi sầu đời cho đêm mau qua ngày mau tới. Có ông sao lạ đua xe cho kịp giờ để gửi một phần bánh giáng sinh nho nhỏ cho ông bà bán vé số dưới gầm cầu Sài gòn, sợ ông bà ngủ sớm, ngủ đói! … Nhờ những ông sao lạ, người mù bỗng thấy, người điếc bỗng nghe, người què quặt tật nguyền bỗng quên mình tật nguyền què quặt. Mùa Giáng Sinh đầy những ánh sao báo tin mừng của những ông sao lạ. Mùa Giáng Sinh rộn ràng yêu thương và niềm vui.

Đêm 19-12, tôi được Cha Hữu An mời tham dự đêm “Rộn ràng Noel” ở GX Kim Ngọc. Trên sân khấu, các ngôi sao ca nhạc Công Giáo đang rộn ràng những ca khúc Noel “hát cho vui đời và hát cho đời vui” của GM. Ns Thông Vi Vu. Ngồi ghế trước, ngoái lại đằng sau, người xem đông quá, tôi bỏ ghế, làm một vòng về phía khán giả. Đông đến tận ngoài đường quốc lộ. Già trẻ trai gái không thiếu. Nhưng đa số là lương dân. Họ đơn giản lắm. Tôi chào một cụ ông:

-“Chào cụ, có vui không”.

-“Vui lắm chú à. Lễ Noel hay thật. Tui không nghĩ là ông thượng tọa đạo Chúa có thể xuống hát chơi vui vẻ với mọi người như thế đâu. Chưa bao giờ tui thấy”.

-“Ông thích không?”

-“Có chứ. Tui thích nhất là ông thượng tọa Chúa hát với lũ nhỏ cái gì mà tít trên cao, tít trên cao”

-“À, tít trên cao, có ông sao sáng đẹp biết bao, ngọt ngào, ông loan báo mùa Noel nay đã về đây…”

-“Đúng rồi, đúng rồi, có gì mà đôi má, xinh quá nữa đó”

-“Dạ, Ôi xinh quá là xinh đôi má. Đỏ hây hây tựa cánh hoa đào. Ôi thương quá là thương hang đá. Chúa từ trời sinh ra”

-“Tự hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi cứ nghĩ là mấy ông thượng tọa Chúa ở xa lắm chứ. Dễ gì mà gặp được mấy ổng. Không dè, gần gũi quá”….

Gặp mấy anh chị thanh niên đang chăm chú vào màn chiếu trước nhà thờ: “Nhạc Chúa hay hơn nhạc đời rồi anh, êm đềm trữ tình lắm. Nhạc trẻ hay, dân ca hay, múa cũng hay. Nhưng khúc đồng dao ông Cha hát với đám con nít, hay ể! Chúa xuống gần hơn trước rồi”

…..

Địa chỉ của ông sao đã chuyển từ tít trên cao, xuống cùng dưới thấp.

Lễ Hiển Linh mời gọi chúng ta một lần nữa xác nhận Chúa Giêsu là ánh sáng mới, ánh sáng cứu độ, đã từ trời xuống; đồng thời cũng nhắc nhớ mỗi người làm một ông sao. Một ông sao lạ, không ở tít trên cao, nhưng xuống cùng mọi người để chia sẻ niềm vui cứu độ.

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì mùa Giáng Sinh Năm Thánh Hai Ngàn Mười của Giáo Hội Việt Nam, Chúa đã đến gần hơn với bao tâm hồn dân Việt. Xin giúp mỗi chúng con tiếp tục làm ánh sao chịu thương chịu khó sà thấp đời mình xuống, để đem ánh sáng Chúa cho mọi người, nhất là những người đau khổ bần hàn, bạn chí thiết của Hài Đồng Giêsu, Con Chúa. A men.
 
Hiển linh giữa đời thường
JB. Nguyễn Quốc Tuấn
13:57 01/01/2010
Sự kiện Hiển Linh có một ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại hôm nay. Mừng lễ Hiển Linh, chúng ta được mời gọi tiếp bước các nhà “hiền sỹ” xưa trên hành trình nhận diện và sống hồng ân cứu độ.

1. Lời mời gọi lên đường

Khi nhận thấy ánh sáng của “sao lạ”, như một động lực vô hình thúc đẩy, các nhà “chiêm tinh” đã lập tức lên đường. Với các ông, đây là một hành trình kỳ vị, không đơn thuần là chuyến chinh phục cho một khám phá trong lĩnh vực thiên văn; mà hơn thế nữa, đây là một sự đáp trả trước lời mời gọi của chính Đấng là Sự Sáng không bao giờ tàn lụi: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2b).

Nhân loại hôm nay cũng đang được Thiên Chúa mời gọi lên đường để tái khám phá các giá trị của đời sống tâm linh. Ở đó mỗi người mới có thể tìm gặp chính cội nguồn hạnh phúc mà bấy lâu họ vẫn kiếm tìm. Vấn đề là chúng ta có thái độ nào trước lời mời gọi ấy.

Phải chăng chúng ta vẫn cố thủ trong thực tại cuộc sống vật chất đang bị vây bọc bởi thế giới ảo của “ông thần” khoa học – công nghệ hiện đại. Sẽ là sai lầm nếu ai trong chúng ta vẫn coi nó là mục đích của đời mình. Để có thể dấn bước trên con đường do chính Ngôi Hai Nhập Thể đã mở ra, chúng ta cần sáng suốt nhận diện những hạn chế của nền văn minh hiện đại, từ đó biết hướng tâm lên Đấng Tuyệt Đối và thực thi thánh ý Ngài trong đời sống thường ngày.

2. Đối diện với thử thách

Cuộc viễn chinh theo ánh sao lạ cho thấy tinh thần quả cảm, dám đối diện với thử thách của các nhà “đạo sỹ”. Đây chính là thử thách của niềm tin. Chính bản lĩnh và niềm tin vào lời đã được ghi trong sách xưa, họ đã vượt qua những dao động, nghi ngờ và cả những đe doạ trên hành trình tìm gặp Hài Nhi Giêsu.

Hôm nay, chúng ta cũng đang phải đối diện với bao thử thách trong hành trình Đức tin. Có nhiều thứ “ánh sáng” giả tạo đang lôi kéo làm ta lung lạc và có nguy cơ mất Đức tin. Đó là “ánh sáng” của tiền tài, danh vọng, học thuyết, thông tin bóp méo sự thật…, và cả bạo lực đang đe doạ tiêu diệt Đức tin của chúng ta.

Với niềm xác tín vào chính Đấng đã kêu mời và không ngừng đồng hành cùng nhân loại, mỗi người chúng ta hãy đặt niềm tin nơi Ngài, và nhờ Ngài nâng đỡ, tiếp sức cho ta vượt qua những “cửa ải Hêrôđê” đầy rẫy trong cuộc sống. Đồng thời, chúng ta biết can đảm và nỗ lực vượt qua những cạm bẫy của vật chất, các luồng tư tưởng, và cả những nghi ngờ hàm ẩn trong ta.

3. Gặp Chúa qua những dấu chỉ

Giữa trăm ngàn thử thách của đời sống, nhất là trong hành trình Đức tin, Thiên Chúa vẫn mời gọi ta gặp gỡ Ngài qua những dấu chỉ. Nguồn sáng dẫn lối đưa đường cho chúng ta hôm nay không còn là thứ ánh sáng đến từ một vì sao tít mờ xa xăm. “Ánh sáng” này được phát xuất từ những mối tương quan nhân vị và các sự kiện trong đời sống thường nhật của chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần và làm một con người thực giữa nhân loại; Ngài muốn chúng ta nhận ra Ngài từ những con người là chính đối tượng được Ngài cứu độ. Đó phải là một quá trình sống tương giao liên đới của mỗi chúng ta.

Ta có thể nhận ra quyền năng vô biên của Thiên Chúa trước những thất bại và bất lực của nền khoa học hiện đại. Ta có thể nhìn nhận sức mạnh của Tinh Yêu theo Tin Mừng mới có thể cảm hoá và giải trừ những căng thẳng, xung đột do chính trị, sắc tộc hiện nay. Gần hơn, ta có thể nhận ra Ánh Sáng của Đức KiTô qua lời và hành động bênh vực của những cá nhân, tổ chức hay một nhóm người nào đó cho Sự Thật – Công Lý. Ta có thể nghe được tiếng gào khóc, kêu cứu của những “Hài Nhi Giêsu” trước bất công, gian dối, bạo lực…

Như các “hiền sỹ” xưa, chúng ta biết nhận ra Chúa qua những dấu chỉ của cuộc sống và nơi những người xung quanh. Một khi đã nhận ra, chúng ta cần sẵn sàng trao ban bằng chính cuộc sống của mình.

“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2, 11).

Hôm nay, chúng ta cần những “tấm lòng vàng” để trao tặng những nghĩa cử đẹp, để xoa dịu những nỗi đau, và để vực dậy biết bao kiếp đời là hiện thân của Hài Nhi Giêsu. Chúng ta cần một thái độ khiêm tốn phục để “dâng tiến” cho đời con tim yêu thương của chính Đấng đã vì yêu mà đến tìm gặp và cứu độ chúng ta. Đây chính là cuộc Hiển Linh ý nghĩa và kỳ diệu nhất.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:20 01/01/2010
NGƯỜI MÙ CÓ THỂ THẤY

N2T


Vị kinh sư già đã mù hai con mắt, không thể đọc và cũng không thể nhìn thấy mặt khách đến thăm mình.

Một người được thần ân chữa bệnh nói với ông ta: “Để tôi thử xem nhé, tôi sẽ chữa lành con mắt của ông.”

- “Không cần phí sức”, vị kinh sư già nói: “Cái tôi cần nhìn thấy, thì tôi đều đã thấy.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Nhưng đối với những người sáng mắt nhưng tâm hồn lại mù lòa thì nên chữa bệnh, bởi vì cái mà họ nên nhìn thấy là sự đau khổ của anh em đồng loại, sự bất hạnh của người nghèo khó thì họ lại không thấy, cho nên họ vẫn luôn luôn bị mù lòa trước những đau khổ của tha nhân.

Người Ki-tô hữu có ánh sáng tâm linh của Lời Chúa soi đường, nên dù cho họ có bị mù hai con mắt xác thịt thì họ vẫn cứ nhìn thấy được Thiên Chúa đang hiện diện trong vũ trụ và nơi người khác, cho nên họ vẫn cứ luôn sống lạc quan yêu thương, bởi vì họ đã nhìn thấy Chúa trong cuộc sống của họ.

Bởi vì họ đã nhìn thấy cái mà họ muốn nhìn, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa luôn dành cho họ trong hoàn cảnh mù lòa của xác thịt, nhưng tâm hồn thì nhìn rất rõ rất sáng.

Bất hạnh thay cho những ai sáng mắt nhưng tâm hồn lại mù lòa, đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của con người.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Hiển Linh C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 01/01/2010
CHỦ NHẬT LỄ HIỂN LINH

Tin Mừng: Mt 2, 1-12.

“Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Ngài.”


Bạn thân mến,

Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy nổi bật lên hai khuôn mặt thật của hai loại người: một là khuôn mặt dối trá thâm hiểm của vua Hê-rô-đê, hai là khuôn mặt ngây thơ thật thà và thành kính của ba nhà hiền sĩ đến từ phương Đông.

Khuôn mặt dối trá và thâm hiểm của vua Hê-rô-đê đã đánh lừa được những người hiền lành chất phác, nhưng ông ta không thể đánh lừa được Thiên Chúa, những mưu mô tận đáy lòng của ông đã không che giấu được con mắt của Thiên Chúa, là Đấng luôn nhìn thấy và che chở những người hiền lành. Ông ta đã thất bại chua cay vì có Chúa can thiệp và phá vỡ âm mưu thâm hiểm của ông ta.

Khuôn mặt ngây thơ thật thà và thành kính của ba nhà hiền sĩ đã cho chúng ta thấy các ông là những người yêu thích và luôn tìm kiếm chân lí trong cuộc sống của mình. Thái độ và khuôn mặt thật thà ấy đã làm cho vua Hê-rô-đê hí hửng vui mừng vì rất dễ dàng đánh lừa được họ, nhưng chính Thiên Chúa đã không để những người thành tâm tìm kiếm chân lí bị người khác lợi dụng bắt nạt, Ngài đã ra tay cứu giúp, và các vị hiền sĩ trở về quê nhà cách bình an...

Bạn thân mến,

Trong con người của bạn và tôi đều có hai khuôn mặt: khuôn mặt của Hê-rô-đê tàn ác và khuôn mặt thành kính thật thà của ba nhà hiền sĩ...

Khuôn mặt tàn ác đã làm cho chúng ta trở thành những tên lừa dối anh em chị em của mình, khuôn mặt gian thâm này đã làm cho chúng ta không nhìn thấy được thiện chí của tha nhân, nên chúng ta vẫn cứ mãi lừa dối và mưu hại anh em và người khác để thoả mãn lòng tham của mình. Trái lại, khuôn mặt thành kính thật thà nơi bạn và tôi sẽ làm cho nhiều người nhận ra Chúa Ki-tô đang hiện diện và hoạt động trong thái độ thân tình, yêu mến và khiêm tốn của chúng ta, và đó chính là một sự chọn lựa: chọn khuôn mặt của Hê-rô-đê hay chọn khuôn mặt của các nhà hiền sĩ, tất cả đều lệ thuộc vào đức tin và cuộc sống của mình mà thôi.

Lễ Hiển Linh là ngày Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, có nghĩa là ơn cứu độ của Thiên Chúa không dành cho một ai, nhưng là hể ai thành tâm đón nhận Tin Mừng thì sẽ được ơn cứu độ.

Thành tâm đón nhận Tin Mừng như ba nhà hiền sĩ phương Đông, hoặc thành tâm đón nhận Tin Mừng như các mục đồng của thành Bê-lem là đón nhận và trở thành những ánh sao lạ chiếu soi Tin Mừng của Chúa cho mọi người, đó cũng là sứ điệp truyền giáo mà Giáo Hội đang ngày đêm thúc giục chúng ta, hãy làm tất cả những gì có thể để Lời Chúa được mau chạy đến với các linh hồn vậy.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:29 01/01/2010
N2T


16. Con người ta nếu tự nguyện sống hiền lành thì tiến bước trên đường tu đức, khi nhìn thấy mình trên thế giới, thì giống như sung quân đi trên đường xa vậy.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:30 01/01/2010


332. Ngẫm nghĩ tìm tòi làm cho con người vĩ đại.

 
Sẵn sàng cuộc hành trình đến với Đức Kitô
Lm. Jude Siciliano, OP
23:45 01/01/2010
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH C

Is 60: 1-6; Tv 71; Ep 3: 2-3a, 5-6; Mt 2: 1-12

Có phải quý vị rất vui khi nhận thiệp Giáng sinh phải không? Đôi khi, một cánh thiệp Giáng sinh là thời gian duy nhất chúng ta nghe ngóng tin từ bạn bè và những người quen. Nếu quý vị giống như tôi, khi mùa Giáng sinh qua đi, quý vị sẽ bỏ hết những tấm thiệp vào thùng rác. Nhưng chí ít là chúng ta cũng đọc qua những lời cầu chúc, những thông điệp bên trong cánh thiệp và liếc qua quang cảnh Chúa giáng thế ở mặt trước những tấm thiệp.

Những hình ảnh trình bày thật đáng yêu này có vẻ như bình an và trật tự - không giống như cuộc sống chúng ta. Có chuồng bò, trẻ thơ, đôi vợ chồng trẻ, mục đồng, gia súc và các Đạo sỹ (Làm thế nào mà những “vị khách quý phái” kia lại đến nơi nhanh thế nhỉ?) Mỗi nhân vật đóng một vai trò trong toàn bối cảnh này, cứ như thể được một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sắp xếp bố cục ở xưởng chụp ảnh vậy. Nhưng chúng ta hãy cứ để việc trình bày hình ảnh cho những nghệ sỹ, những người có thông điệp riêng của mình để bày tỏ.

Ngay cả một người bình thường đọc bài Tin mừng ngày hôm nay cũng nhận ra rằng thánh Matthêu không vẽ một bức tranh bình dị và trật tự trong trình thuật của ngài. Nhưng đó chẳng có gì là không đúng cả. Ngài có vẻ như muốn dựng lên cảnh tượng như thế để phá vỡ những suy nghĩ thoải mái và sự bình lặng của chúng ta, để có thể kéo chúng ta ra khỏi sự mộng tưởng và giúp chúng ta lắng nghe tin mừng. Cuối cùng thì, việc sinh ra được cho là đã diễn ra nơi chuồng bò lừa (hay hang đá), làm sao có thể thoải mái tiện nghi cho đức Maria được? Như chúng ta đã nói với nhau (vào đêm Giáng sinh) rằng mục đồng là những người bị tôn giáo và xã hội xem thường. Tuy nhiên, họ vẫn có vai trò trong câu chuyện này.

Hôm nay chúng ta có những Đạo sỹ, những người này cũng không thích hợp trong một tấm thiệp thánh. Trong tranh vẽ, các Đạo sỹ thường mặc những trang phục của vua chúa, mang những món quà quý giá cùng với đoàn tùy tùng xứng với bậc đế vương. Nhưng những vị khách này lại hoàn toàn ngược lại, chẳng giống vua chúa tí nào. Những vị Đạo sỹ trông giống những nhà chiêm tinh hơn, giống như những mục tử vi quý vị thường đọc thấy ở những trang cuối trong một số tờ báo. Họ nhìn sao và đưa ra những dự đoán. Chúng ta sẽ thấy buồn cười về những bản đối chiếu hiện đại của họ, khi đọc to những lá tử vi ngày nay. Nhưng không mấy ai trong chúng ta, những người siêng năng đi lễ lại rất xem trọng những thứ này. Vì thế, những ai ưa thích cách trình bày của thiệp Giáng sinh sẽ thấy câu chuyện này quả là lộn xộn.

Theo lòng đạo đức thời Chúa Giêsu, người Dothái trung thành, các Đạo sỹ thuộc tầng lớp thấp kém trong nấc thang tôn giáo và xã hội, cũng như những mục đồng. Những người nhiệt thành được nói cho biết là nên tránh gặp những Đạo sỹ, vì họ bị xem là những người thờ ngẫu tượng. Họ có vẻ cũng không sáng sủa gì cho mấy! Điều gì đã khiến những Đạo sỹ này đến với vị vua Hêrôđê đói khát quyền lực này để hỏi về nơi mà vị vua mới đã sinh ra? (Vua dân Dothái mới sinh ở đâu?) Phải chăng họ không hề biết rằng vua Hêrôđê tẩy trừ bất cứ ai đe dọa đến ngai vàng của ông sao? Hêrôđê giả bộ quan tâm và nói với các vị Đạo sỹ: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Đó là những gì mà Hêrôđê hoàn toàn không có ý định thực hiện - bái lạy. Thay vì vậy, ông ta đã tàn sát những bé trai mới sinh ở Bêlem để loại trừ bất kỳ nguy cơ cạnh tranh nào đến ngai vàng của ông ta.

Nếu một người Dothái giáo trở lại đạo Công giáo nói về bản trình thuật này, họ có thể sẽ cố gắng kiểm chứng lại câu chuyện. Tại sao không? Có thể họ nghe thấy âm vang của tin mừng trong câu truyện, và thay vì đưa nó ra khỏi truyền thống, thì họ sẽ quyết định để câu truyện này trong truyền thống vì câu chuyện này phản ánh chính tin mừng mà họ ôm ấp.

Từ “Hiển Linh” nguyên nghĩa tiếng Hilạp là “biểu lộ, khải hiện” hay “tiền hiện”. Trong bài tin mừng hôm nay, hiển linh không duy ám chỉ đức Giêsu là ai mà còn cho thấy trước sứ điệp tin mừng. Nếu như các mục đồng và những dấu chỉ huyền diệu từ Phương Đông được chào đón trong buổi đầu câu chuyện cuộc đời của đức Giêsu, thì ai còn có thể bị loại trừ ra bên ngoài? Giáo hội tiên khởi đã có tất cả mọi “lớp người” trong cộng đoàn chứ không giống với Giáo hội chúng ta ngày nay. Liệu có ai dám loại trừ một người nào hay một nhóm nào ra khỏi cộng đồng, nếu như các mục đồng và những nhà Đạo sỹ đã được ghi danh ngay đầu câu chuyện về đức Giêsu?

Hãy nhìn quanh cộng đoàn phụng vụ hôm nay. Ai đang ở trong? Có ai bị loại ra ngoài, hay bị đối xử như hạng hai trong chúng ta không? Có thể là một cuộc “tỏ lộ” cho chúng ta nếu chúng ta ngồi xuống bên cạnh người kém nổi bật hay những thành viên nhỏ bé của cộng đoàn và lắng nghe cảm nghiệm của họ như thế nào về việc là một thành viên của xứ đạo chúng ta. Liệu họ có thấy đó là một “chính sách mở cửa”, hay họ bị loại trừ? Hiển linh là một đại lễ của Giáo hội và đó cũng là một đại lễ về căn tính của chính Giáo hội. Vậy đâu là “tỏ lộ” về xứ đạo của chúng mà đại lễ hôm nay cho thấy và thúc bách chúng ta thực hiện?

Câu chuyện của các Đạo sỹ là bản tường thuật về một hành trình. Có những người đang thắc mắc, tìm kiếm thêm trong cuộc đời họ. Nếu họ mãn nguyện với những sự việc vốn dĩ như thế, những Đạo sỹ sẽ không lên đường. Nhưng, như chúng ta đã biết, họ lên đường với ánh sao trong đêm tối. mọi sự biến chuyển trong đời họ, vì Thiên Chúa đã cho họ thấy một ánh sáng. Họ không nhất thiết phải theo ánh sáng đó. Họ có quyền chọn ở yên đó và mãn nguyện với địa vị của họ. Vẫn luôn như thế, Thiên Chúa đi bước trước. Lúc nào Chúa cũng làm vậy. Sự ngạc nhiên mà trình thuật hài nhi này muốn tỏ ra là Thiên Chúa không muốn chọn chỉ một vài người và những người công chính mới nhận ra ánh sang mà Ngài đã nhóm lên giữa đêm đen. Có lẽ, đó là cách mà chúng ta thường làm. Nhưng, vòng tay Chúa rộng hơn vòng tay của chúng ta rất nhiều, và Thiên Chúa ôm toàn thể vũ trụ vào lòng. Vì thế, các mục đồng được hướng dẫn tới nơi Hài nhi Giêsu, cả các Đạo sỹ và chúng ta nữa.

Như các Đạo sỹ, chúng ta cũng là những người đang trên cuộc hành trình. Đó là nguyên do chúng ta tự họp nơi đây đề làm việc thờ phượng. Nếu có thời gian, mỗi người chúng ta có thể kể về câu chuyện đức tin của riêng mình. Tường thuật về hành trình của chúng ta. Chúng ta có thể không nhớ được ngày ấy, nhưng Thiên Chúa đã khởi sự nơi cha mẹ chúng ta, nơi cha mẹ đỡ đầu đã đưa chúng ta đến giếng rửa tội. Vì họ, chúng ta bắt đầu hành trình đến với đức Kitô. Những người khác trong chúng ta, đến với đức tin khi đã trưởng thành, được vẽ lên bởi ánh sáng đã chiếu vào bóng tối của chúng ta nhờ những chứng tá và mẫu gương của một số người đặc biệt trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta nhìn thấy ánh sáng chiếu qua họ, chúng ta đứng lên và biến cuộc đời mình thành nguồn nước trao ban sự sống. Chúng ta không thỏa mãn những gì chúng ta là và quyết định lần theo “ánh sao” xuất hiện cho chúng ta. Như những Đạo sỹ, chúng ta khởi đầu cuộc hành trình dẫn chúng ta đến với đức Kitô.

Đây là cuộc hành trình mà nhiều người cần thực hiện. Như trẻ nhỏ học cách khởi đầu đức tin của mình từ cha mẹ và các lớp giáo lý; hay như người lớn, học qua suốt thời gian dự tòng. Họ biết cách trả lời câu hỏi căn bản về đức tin của mình và có thể là những người mộ đạo. Thế nhưng, ở cấp độ đó chỉ như một thái độ tôn giáo chứ không phải là tương quan đức tin thực sự. Họ biết về Thiên Chúa nhưng không thể được nói cho biết Chúa – không phải một Thiên Chúa yêu thương và đại lượng mà đức Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta biết. Họ còn phải trải qua một hành trình dài để khám phá ra một Thiên Chúa dịu dàng và hay động lòng trắc ẩn, được bộc lộ cho chúng ta qua đức Giêsu. Mặc khải chưa dừng lại, nó vẫn đang dần hé mở. Chúng ta, giống như các vị Đạo sỹ, có sẵn lòng tiếp tục hành trình hôm nay không, hay chúng ta bị mắc kẹt nơi cuộc sống đức tin của chúng ta?

Quý vị đã bao giờ nghe người ta nói rằng, họ khát khao có được một đức tin như họ có thời còn nhỏ? Vâng, chúng ta là những người lớn và không còn nữa môi trường an toàn và ấm áp mà mỗi chúng ta có thời còn nhỏ. Nhưng, chúng ta phải đối diện với hàng đống những vấn đề và thử thách – vài người trong chúng ta phải đối diện với những vấn đề quá lớn. Thế nhưng, chúng ta vẫn được ánh sáng Chúa soi dẫn luôn và chúng ta vẫn sẵn lòng tiến lên trên cuộc hành trình của mình theo bất cứ nẻo đường nào Chúa muốn gọi chúng ta theo. Trên hết, như những nhà Đạo sỹ, chúng ta đang tìm kiếm và tin tưởng vào ánh sáng chúng ta đã nhìn thấy là đức Kitô. Amen.

Lm Hoàng Vinh,OP chuyển ngữ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bưu Chính Hoa Kỳ vinh danh Mẹ Têrêsa trong tem thư 2010
Bùi Hữu Thư
08:19 01/01/2010
Hoa Thịnh Đốn (CNS) – Nha Bưu Chính Hoa Kỳ tuyên bố ngày 30 tháng 12: Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta sẽ là một trong những nhân vật được in trên tem thư Hoa Kỳ vào năm 2010. Con tem 44 xu, mang hình Mẹ Têrêsa do họa sĩ Thomas Blackshear II ở Colorado Springs, Colorado, sẽ được phát hành ra vào ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Mẹ, là ngày 26 tháng 8.

Bản tin của Nha Bưu Chính Hoa Kỳ viết về chương trình tem thư tưởng niệm như sau: "Lòng khiêm nhường và hay thương xót của Mẹ, cũng như lòng tôn kính của Mẹ đối với giá trị và nhân phẩm bẩm sinh của con người đã thúc đẩy mọi người thuộc đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh, phục vụ cho những dân tộc nghèo khó nhất trên thế giới.”

Bản tin cũng ghi nhận rằng Mẹ Têrêsa đã lãnh nhận quốc tịch Hoa Kỳ Danh Dự do Quốc Hội Hoa Kỳ và Tổng Thống Bill Clinton ân tặng. Chỉ có năm người đã được làm công dân Hoa Kỳ danh dự -- Winston Churchill, Raoul Wallenberg, William Penn và Hannah Callowhill Penn và Bá Tước de Lafayette – Tất cả những người này ngoại trừ Hannah Callowhill Penn đều được có hình in trên tem thư Hoa Kỳ.

Các tem thư khác sẽ được in trong năm tới sẽ vinh danh tài tử điện ảnh Katherine Hepburn; "các nhà hàng hải danh tiếng” William S. Sims, Arleigh A. Burke, John McCloy và Doris Miller; hoạ sĩ hoạt họa Bill Mauldin; 10 họa sĩ biểu hiện trừu tượng; "các cao bồi trên màn ảnh" William S. Hart, Tom Mix, Gene Autry và Roy Rogers; hoạt náo viên Kate Smith; và nhà sản xuất phim ảnh Oscar Micheaux.
 
Công Giáo Mã Lai được quyền dùng từ Allah để chỉ Chúa
Nguyễn Long Thao
11:41 01/01/2010
Công Giáo Mã Lai được quyền dùng từ Allah để chỉ Chúa

KUALA LUMPUR 31/1209 Thông tấn xã AFP đưa tin tòa thượng thẩm Mã Lai đã ra phán quyết rằng tờ Sứ Mệnh, cơ quan ngôn luận của Công Giáo Mã Lai có quyền dùng từ Allah trong tờ báo. Phán quyết này được đưa ra sau thời gian tranh cãi lâu dài giữa tờ tuần san của Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Mã Lai.

Phán quyết của tòa thượng thẩm buộc chính quyền Mã Lai phải chấm dứt ngay việc đe dọa đóng cửa tờ báo vì tờ báo đã dùng từ Allah để chỉ Chúa (God) trong Kitô Giáo.

Người Hồi Giáo thường nghĩ từ Allah là của riêng Hồi Giáo để chỉ đấng thượng đế tối cao và chỉ người Hồi Giáo mới được dùng từ Allah. Nhưng thực ra từ Allah đã có trước khi Hồi Giáo xuất hiện tại Trung Đông và tại Mã Lai chủ nhiệm tờ báo Công Giáo cũng trưng ra các bằng chứng cho thấy là từ Allah đã được người Mã Lai dùng trước khi Hồi Giáo truyền vào nước này. Người Công Giáo Mã Lai muốn dùng từ Allah vì muốn Kitô Giáo hội nhập văn hóa Mã Lai.

Trong một phiên toà có đông đảo người tham dự, nữ chánh án Lau Bee Lan phán quyết rằng tuần san Công Giáo được quyền hiến định dùng từ Allah và việc chính quyền cấm tờ báo dùng từ Allah là vi hiến, không có giá trị và phải huỷ bỏ lệnh cấm..

Vị chánh án cũng bác bỏ lập luận của chính quyền cho rằng nếu người Kitô Giáo dùng từ Allah thì nền an ninh của Mã Lai sẽ bị đe doạ. Bà nói không có bằng chứng nào biện minh cho lập luận này.

Linh mục chủ bút tuần san Công Giáo ở Mã Lai là Lawrence Andrew tuyên bố rất hài lòng với phán quyết của tòa án và tờ tuần san sẽ dùng từ Allah trong các ấn bản sau này. Linh Mục chủ bút cũng nói thêm là từ đây người tín hữu Kitô Giáo được tự do dùng từ Allah mà không sợ chính quyền can thiệp.

Các vị luật sư đại diện cho chính quyền Mã Lai chưa quyết định có kháng cáo bản án này hay không.

Tờ Sứ Mệnh được viết bằng 4 ngôn ngữ khác nhau, phát hành mỗi tuần 14,000 số trong một quốc gia có 850,000 người Công Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại về phương diện chủng tộc, dân số Mã Lai có 26.5 triệu người trong đó người Mã Lai chiếm 53.3%, Tàu 26%, thổ dân 11.8%, Ấn Độ 7.7%.

Về phương diện tôn giáo. Hồi Giáo chiến 60.4%, Phật Giáo 19.2%, Kitô Giáo 9.1% Ấn Giáo 6.3%. Tôn giáo khác 5%.

Vì đa số người Mã Lai theo Hồi Giáo nên chính quyền đã ban hành nhiều luật lệ thiên hẳn về Hồi Giáo Trong khi đó dân chúng Mã Lai thuộc nhiều sắc tộc. Hai sắc dân người Tàu theo đạo Phật và người Ấn theo Ấn Giáo đã từng nêu lên vấn đề chính quyền Mã Lai đang muốn Hồi Giáo hóa toàn dân.
 
Đại Hội Giới trẻ Châu Âu sẽ được Cộng Đoàn Taizé tổ chức tại Rotterdam
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
16:42 01/01/2010
ROMA, 01/01/2010 (zenit.org)- Kỳ Đại Hội của lần kế tiếp dành cho các bạn trẻ trong khuôn khổ Châu Âu do Cộng Đoàn Đại Kết Taizé tổ chức sẽ diễn ra tại Rotterdam, Hà Lan, thầy Alois đã thông báo như vậy vào hôm qua 31 tháng 12 năm 2009.

Nhằm đáp lại lời mời gọi tha thiết của Hội Đồng Giám Mục Hà Lan, cũng như một thành phần chính của Hội Thánh Tin Lành tại Hà Lan (PKN) và Hội Đồng các Giáo Hội của Hà Lan, Cộng Đoàn Taizé sẽ chủ trì cuộc gặp gỡ lần thứ 33 dành cho các bạn trẻ trên phạm vi Châu Âu tại thành phố Rotterdam từ ngày 28 tháng 12 đến ngày 01 tháng 12 năm 2011.

Từ Pozan, Ba Lan, nơi đang diễn ra cuộc gặp gỡ của năm nay và sẽ kết thúc vào ngày mai 02 tháng Giêng 2010, Thầy Alois, bề trên Cộng Đoàn Taizé vừa loan báo tin này.

Những giáo xứ Công Giáo cũng như những người theo đạo Tin Lành của nhiều thành phố thuộc vùng phụ cận của Rotterdam như La Haye và Delft sẽ là nơi tiếp đón các bạn trẻ.

Thành phố Rotterdam, quê hương của Erasme thuộc thế kỷ XV trong năm 2009 đã được gọi là « Thành Phố của giới trẻ », « đã bày tỏ ước muốn đón nhận cuộc gặp gỡ này », một thông báo của Taizé cho biết như thế. Mỗi năm có khoảng hàng ngàn bạn trẻ Hà Lan đến Taizé.
 
“Xin hãy ngưng!”: Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Benedict XVI cho tất cả các toán võ trang trên thế giới
Bùi Hữu Thư
20:45 01/01/2010
Kinh Truyền Tin ngày 1 tháng Giêng, 2010

Rôma, Thứ Sáu 1 tháng Giêng, 2010 (Le monde vu de Rome) – “Xin hãy ngưng!”: Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi tất cả các toán võ trang trên thế giới hãy từ bỏ bạo lực, và mong cho họ khám phá sự trở về trong trái tim của họ “niềm vui hoà bình.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã gửi lời mời gọi này từ cửa sổ của văn phòng ngài, bị gián đoạn bởi những tràng pháo tay của hàng vạn người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, mặc dầu trời mưa, trước kinh truyền tin ngày thứ Sáu 1 tháng Giêng, 2010:

“Vào ngày đầu năm, tôi muốn gửi lời kêu gọi đến lương tâm của tất cả những ai đang tham gia các toán võ trang, bất kể họ thuộc vào một thể chế nào. Với tất cả mọi người và mỗi cá nhân, tôi muốn nói: “Xin hãy ngưng, hãy suy nghĩ, và từ bỏ con đường bạo lực!.”

Đức Thánh Cha gợi đến lòng “can đảm” của họ khi ngài nói: “Vào lúc này, điều ấy có vẻ không thể xẩy ra được, nhưng nếu các bạn có can đảm thực hiện, Thiên Chúa sẽ giúp các bạn, và các bạn sẽ cảm nhận được niềm vui của hòa bình - mà các bạn có lẽ đã quên mất từ lâu – sẽ trở lại trong trái tim các bạn.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng lễ Chúa Giáng sinh tại Cộng đồng CGVN ở Seattle
Nguyễn-Phương-Lan
07:45 01/01/2010
SEATTLE - Vừa bước vào hội trường, ai cũng nhìn lên sân khấu lễ đài đã được ban nhà Chúa trang hoàng thật đẹp và hấp dẫn. Một bức tranh vĩ đại làm hậu cảnh vẽ 3 vua đang cỡi lạc đà theo ánh sao soi đường dẫn lối để tìm Chúa Hài Đồng thờ lậy. Phía trước trên cao là một biểu ngữ với hàng chữ: CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT-NAM - TỔNG GIÁO PHẬN SEATTLE MỪNG CHÚA GIÁNG SINH. Hai bên có 2 Thiên Thần đang thổi loa loan báo cho muôn dân thiên hạ biết: Chúa Cứu Thế đã giáng trần … cùng với những lời chúc tụng:
QUÝ VỊ PHẢI ĐÁNH LỜI THIỆU VÀO ĐÂY
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời
Bằng an dưới thế cho người thiện tâm


Đêm nay, trong không khí rộn rã mong chờ Chúa giáng trần Cộng Đồng Công Giáo Việt-Nam tại Seattle đã tổ chức Lễ Vọng Giáng Sinh thật tưng bừng trong một hội trường rộng lớn của trường trung học Asia Mercer. Hơn 1200 giáo dân Việt-Nam đã từ khắp nơi trong tiểu bang Washington đã quy tụ về đây theo thông lệ hàng năm để được nghe lại những bài thánh ca Giáng Sinh và tham dự Đại Lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan và vui mừng. Năm ngoái vì tuyết đá nên đã không thể tổ chức Lễ Vọng Giáng Sinh cũng như Lễ Giáng Sinh nên ai cũng cảm thấy tiếc nhớ không khí thật linh thiêng của đêm cực thánh: Đêm Chúa giáng trần. Chủ đề năm nay là: Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chương trình gồm 3 phần: Lịch sử cứu độ, thánh ca Giáng Sinh và Đại Lễ Giáng Sinh.

Mờ đầu chương trình là hoạt cảnh Vườn Địa Đàng do các em trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trình diễn thật linh hoạt. Ca đoàn cất tiếng hát qua nhạc bản “Trời Cao” để xin Chúa hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời … vì thế gian này thật nhiều tội lỗi và đau khổ. Tiếp theo là vũ khúc Vui lên Sion đã nói lên sự trông đợi và vui mừng khi Chúa đến: Mừng vui lên Sion ! Này đây Chúa ngươi đến rồi ! Chúa đã từ trời cao xuống trần thế mặc lấy thân phận con người. Nhạc cảnh Truyền Tin và Chúa Giáng Sinh đã đưa chúng ta trở lại cảnh sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ rồi Mẹ đã khiêm nhường vâng theo lời sứ thần truyền và Con Thiên Chúa đã nhập thể và đã được sinh ra nơi hang đá Belem nghèo hèn khổ sở. Các em thiếu nhi đã diễn xuất rất hay và cảm động nhất là khi Đức Mẹ ẵm Hài Nhi Giêsu tất cả hội trường đều vỗ tay khen tặng. Công lao lớn nhất chính là các Sơ đã bỏ ra rất nhiều thờì giờ tập luyện cho các em.

Ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đã mở đầu phần trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh qua 2 bài “Child of the poor” và “Mary’s Boy Child” có xen lời Việt rất hay và ý nghĩa. Tiếp theo là ca đoàn tổng hợp gồm 60 ca viên thuộc cộng đồng và các cộng đoàn địa phương đã cất cao tiếng hát trong 2 bài “Đêm Noel” và “Vinh Danh Thiên Chúa” đưa mọi người trở về quê hương thân yêu trong không khí tưng bừng như ngày hội của mùa Giáng Sinh. Các ca viên đêm nay ăn mặc thật chỉnh tề: nam mặc áo vest thắt cà vạt, nữ trong những tà áo dài tha thướt đủ mầu đã tăng thêm phần trang trọng của buổi lễ.

Phần quan trọng nhất chính là Đại Lễ Giáng Sinh. Với một tâm hồn rạo rực đón mừng Chúa giáng trần, mọi người cùng đứng lên cùng với ca đoàn hát bài “Mừng Chúa Giáng Sinh” trong lúc nghi đoàn tiến từ dưới hội trường lên lễ đài. Cha tổng quản Hoàng Phượng chủ tế cùng đồng tế với 2 cha phụ tá, 2 cha khách và thầy phó tế. Cha chủ tế tới xông hương nơi hang đá truớc khi cử hành Thánh Lễ. Suốt Thánh Lễ ca đoàn đã dung lời ca tiếng hát để ca tụng Chúa và biểu lộ niềm hân hoan vui mừng được đón Chúa giáng trần. Mọi ngưòi lại được thưởng thức những bài Thánh Ca thật quen thuộc đã từng nghe 3,4 chục năm rồi nhưng vẫn còn có tác dụng làm rung động mọi tâm hồn như bài “Đêm Thánh vô cùng” nguyên tác của Franz Gruber do Hùng Lân dịch lời Việt: “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng. Đất với Trời xe chữ đồng. Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa. Ơn châu báu không bờ bến. Biết tìm kiếm củq chi đền”. Hoặc bài “Cao cung lên” của Hoài-Đức và Nguyễn-Khắc-Xuyên với những lời ca thật nồng nàn, thắm thiết: ” Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa. Hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương. Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn, một đêm khuya vang vẳng trong tuyết sương. Đàn ơi cứ rung những điệu réo rắt hát khen Con Một Chúa Trời rầy sinh xuống cõi đời. Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn. Mau tìm cho tớí thờ kính Vua giáng trần”. Phần chia xẻ Lời Chúa hôm nay cha chủ tế đã mời cha khách thuộc dòng Chúa Cứu Thế từ Việt-Nam tới. Vừa vào đề, ngài đã dí dỏm: ” Con đã được đi thăm nhiều cộng đoàn, giáo xứ nhưng không có nơi nào mời con chia xẻ Lời Chúa…chỉ có tại Seattle mà thôi. Ngài rất cảm phục lòng đạo đức của giáo dân đã bất chấp tiết trời lạnh giá từ khắp nơi về đây, tụ họp thật đông đủ trong hội trường này, để tham dự Đêm Vọng Giáng Sinh thật trang nghiêm và sốt sắng… Trước khi kết thúc Thánh Lễ, ông Phạm-Ngọc-Tuyền chủ tịch ủy ban thường vụ cộng đồng đã ngỏ lời cám ơn và chúc mừng Giáng Sinh.

Đại Lễ Giáng Sinh được kết thúc bằng bài thánh ca thật nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hải-Linh, bài “Hang Belem” đã đi vào lòng mọi người Việt-Nam qua bao thế hệ không phân biệt tôn giáo: “Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Belem ánh sáng tỏa lan tưng bừng, nghe trên không trung tiếng hát Thiên Thần vang lừng … Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phước xuống cho muôn dân lầm than …”.

Mọi người ra về trong niềm vui mừng Chúa giáng trần nhưng âm điệu của bài thánh ca như vẫn còn vang vọng đâu đây:

Nơi hang Belem Thiên Thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa
.
 
Trại Huấn luyện Linh hoạt viên
Fx. Trần Kim Ngọc, OP.
07:54 01/01/2010
BIÊN HÒA - 80 trại sinh là sinh viên và giới trẻ đã tham gia Trại Huấn Luyện trong hai ngày trước Tết Dương Lịch với chủ đề “Kết Nối Yêu Thương” tại Đền Thánh Martin – Hố Nai.

Lần đầu tiên, Ban Mục Vụ Di Dân – Sinh Viên thuộc Tu Viện Đền Thánh Martin tổ chức trại huấn luyện cho các Linh Hoạt Viên khoá I, các Giáo Lý Viên Giáo Xứ Thiên An và Huynh Đoàn Trẻ Đền Thánh. Chương trình hai ngày trại đã đem lại niềm vui cho các bạn trại sinh. Các bạn đã tham gia chơi hết mình và tuân giữ kỷ luật nghiêm chỉnh. Việc có nhiều người đến với Trại Huấn Luyện này cho thấy là tinh thần của các bạn trẻ đối với Giáo Hội cũng như quê hương là rất cao. Các bạn rất tha thiết với các sinh hoạt giáo dục giới trẻ. Nhưng vấn đề đặt ra là đang thiếu người để nối kết các bạn lại với nhau trong một tinh thần yêu đời, hăng say giúp người và hết mình vì ích chung.

Ban Mục Vụ Di Dân – Sinh Viên hy vọng là sau mỗi khoá học Linh Hoạt Viên như thế này, sẽ có nhiều bạn trẻ dấn than phục vụ Giáo Hội qua các sinh hoạt vui chơi giáo dục bổ ích, và sẽ có nhiều bạn trẻ cộng tác với Ban để chuyển sức sống trẻ trung và sôi động của Đức Kitô cho các bạn trẻ cùng độ tuổi trong giới di dân là sinh viên và công nhân.
 
Thánh lễ cầu nguyện cho các ân nhân và thân nhân của ĐCV Hà Nội
Thùy Chi
08:02 01/01/2010
HÀ NỘI - Ngày hôm nay, ngày đầu năm dương lịch, 1.1.2010. Thừa lệnh của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức cha phụ tá Lourenso Chu văn Minh chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với quý cha trong Tòa Giám Mục Giáo phận Hà Nội, quý cha khách và quý cha giáo trong Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội dâng lễ tạ ơn tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Thánh lễ diễn ra lúc 10h và kết thúc lúc 11h15'. Có gần 200 thầy đang học tại Đại Chủng Viện và khoảng 1.500 giáo dân trong giáo phận tới tham dự thánh lễ.

Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội mừng lễ cầu nguyện cho hòa bình nhưng cũng để nhớ đến những ân nhân, thân nhân đã giúp đỡ cho Đại Chủng Viện. Trong một năm qua và những năm đã qua, Đại Chủng viện đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người tại Tổng Giám Mục Hà Nội cũng như trong nước Việt Nam và hải ngoại. Hàng ngày, hàng tuần vào thứ Ba, Đại Chủng Viện có dâng thánh lễ để cầu nguyện cho tất cả các vị ân nhân, thân nhân của Đại Chủng Viện thánh Giuse Hà Nội. Nhưng ngày hôm nay, Đại Chủng Viện muốn cử hành một thánh lễ thật long trọng để cảm ơn tới tất cả những ân nhân, những thân nhân đã đóng góp vào việc xây dựng con người trong Đại Chúng Viện. Cám ơn nhưng cũng là một lời nhắc nhở tới mỗi người ở trong Đại Chủng Viện luôn biết noi theo gương của những người đã âm thầm hy sinh cho chính mình.

Cha Giuse Nguyễn văn Diễm, phó Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội tâm sự: “Nhận được ơn, Đại Chủng Viện không bao giờ dám quên ơn. Nhưng nhận được ơn, Đại Chủng Viện cũng biết rằng, mình có bổn phận đi theo bước chân quên mình của tất cả những vị ân nhân đã âm thầm giúp đỡ Đại Chủng Viện. Chúng tôi đứng đây để xin một lần nữa hết lòng cám ơn quý vị ân nhân đã giúp đỡ Đại Chủng Viện trong những ngày tháng qua. Cùng với tất cả quý cha, chúng tôi xin cầu chúc không những chỉ quý vị ân nhân mà tất cả quý vị đang hiện diện trong nhà thờ Chính tòa Hà Nội, một năm mới bình an hạnh phúc và một năm mới biết xây dựng hòa bình vì sự quên mình trong yêu thương noi gương Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của mỗi người chúng ta.”
 
Lễ tuyên hứa Tân Ban Chấp Hành và huynh trưởng cấp I PT Thiếu Nhi Thánh Thể tại Saigòn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
08:24 01/01/2010
SAIGÒN - Trong không khí tưng bừng của ngày đầu năm mới 2010, mừng kính Đức Maria –Mẹ Thiên Chúa, ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới, sân Nhà Thờ Thái Bình -Xóm Mới rực rỡ hơn, thắm hồng hơn màu đỏ thắm khăn quàng của 257 sa mạc sinh đã tham dự các Sa Mạc Vươn Lên 36 và 37 huấn luyện Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể cấp I tề tựu về đây. Các bạn đến từ khắp các Giáo xứ thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn và một số khác thuộc các Giáo Phận bạn như Vĩnh Long, Xuân Lộc, và xa hơn là Giáo xứ Phước Quả thuộc Giáo Phận Ban Mê Thuộc.

Hình ảnh Lễ Tuyên Hứa

Chủ sự Thánh Lễ tuyên hứa và thăng cấp Huynh Trưởng là cha Gioan Boatixita Võ Văn Ánh đại diện Giám Mục đặc trách Giáo dân. Ngài ân cần nhắn nhủ các bạn về trách nhiệm nặng nề nhưng cao cả của người Huynh Trưởng Giáo Lý Viên. Ngài cũng mời gọi các bạn hăng hái dấn thân phục vụ Giáo Hội trong khiêm tốn, không độc quyền nhưng biết vâng phục và cộng tác với mọi người qua sứ mạng giáo dục đức tin cho Thiếu Nhi. Bằng việc mạnh dạn bước tới của các bạn như một lời đáp trả. Giây phút thật trang nghiêm và cảm động khi các bạn quỳ gối giơ tay thề hứa trung thành trước vị thủ lãnh tối cao của phong trào là Chúa Giêsu Thánh Thể. Cha Giuse Phạm Đức Tuấn nhân danh Tuyên úy Liên đoàn tuyên bố thăng cấp và công nhận các bạn là Huynh Trưởng cấp 1. Cũng trong dịp này, Tân ban Chấp Hành Liên đoàn Anrê Phú Yên cũng là ban điều hành Giáo Lý Viên Tổng Giáo Phận Sài Gòn nhiệm kỳ 2010 – 2012 long trọng tuyên hứa nhận trách nhiệm của mình và nhận bổ nhiệm thư do Cha đặc trách Giáo dân trao đến từng người.

Với mong ước được là những khí cụ bình an của Chúa, Thánh Lễ kết thúc bằng lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô. Sau đó các bạn cùng chia sẻ Manna, giao lưu gặp gỡ nhau trước khi trở về với môi trường xứ đạo.

“ Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu..”Cầu chúc các Tân Huynh trưởng luôn hăng say bầu nhiệt huyết như màu đỏ thắm khăn quàng trên vai, luôn dấn bước trên cánh đồng truyền giáo bao la mà vai trò của người Giáo dân ngày càng nổi bật: “Lạy Chúa, Chúa đã gọi con giúp việc tông đồ của Chúa, xin giúp con nhiệt tâm lo cho trách vụ hoàn thành.”
 
Đan viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý kỉ niệm 60 năm thành lập và khai mạc Năm Thánh
Hiền Lâm
08:41 01/01/2010
THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH
KỶ NIỆM 60 NĂM ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ


Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (23/10/1950 – 23/10/2010), Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý được Toà Thánh ban sắc lệnh (SL số 779/09/I) mở Năm Toàn Xá.

Hôm nay, đại lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh – Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc đã đến chủ sự Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh, cùng đồng tế với Đức Cha có Viện Phụ Stephano Huỳnh Quang Sanh – Giám Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam, Viện Phụ Gioan TG Lê Văn Đoàn – Viện Phụ Hội Trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia, quý Viện Phụ và quý cha trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia, quý cha bề trên các dòng, quý cha quản hạt và 40 cha trong và ngoài Giáo Phận Xuân Lộc. Cùng về tham dự thánh lễ có đông đảo quý soeur bề trên các dòng, quý tu sĩ nam nữ và khoảng 2000 giáo dân.

Đúng 9h30, mọi người tề tựu trước mặt tiền Nguyện Đường, quý thầy trong Đan Viện rước hành lễ đoàn từ nhà khách tiến ra, mọi người hướng theo đoàn rước và cùng hát vang bài “Chung lời tạ ơn”.

Đến nơi, Đức Cha tiến lên lễ đài và chủ sự nghi thức khai mạc năm thánh. Sau khi Đức Cha làm dấu thánh giá và chào cộng đoàn phụng vụ, linh mục M. Montfort Nguyễn Vinh – Phó Viện Trưởng Đan Viện TMKTPL lên công bố Sắc Lệnh Toà Thánh ban cho Đan Viện mở Năm Toàn Xá. Kế đến, thầy dẫn chương trình mời gọi mọi người hướng về Mẹ Hội Thánh với niềm tri ân, trong khi cờ Hội Thánh được từ từ kéo lên giữa tiếng nhạc và lời ca tôn vinh Hội Thánh.

Tiếp sau nghi thức tôn vinh Hội Thánh, mọi người hướng về bàn thờ kính tổ tiên để cùng với Đan Viện tri ân các vị tiền bối đã xây dựng nên Đan Viện, trong lúc ca đoàn hát bài “về nguồn” và sau đó mọi người đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các tiên nhân.

Sau đó, Đức Cha đọc LỜI TUYÊN BỐ KHAI MẠC NĂM THÁNH và mọi người vỗ tay vui mừng.

Kết thúc nghi thức khai mạc năm thánh, mọi người cùng tiến vào Nguyện Đường để hiệp dâng Thánh Lễ. Trong bài giảng lễ, Đức Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cầu nguyện và vai trò đặc biệt của các dòng chiêm niệm, cụ thể ngài vừa ca ngợi, khích lệ, vừa kêu gọi các đan sĩ dòng Xitô Phước Lý hãy cầu nguyện nhiều hơn nữa cho Giáo Hội, đặc biệt là các linh mục.

Cuối thánh lễ, cha phó Viện Trưởng đã thay mặt Đan Viện cám ơn Đức Cha, quý Viện Phụ, quý bề trên, quý cha, quý tu sĩ và toàn thể quý khách xa gần đã về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Đan Viện.

Sau thánh lễ mọi người đã cùng chung vui với Đan Viện trong bữa tiệc huynh đệ, trong khi dùng tiệc, mọi người được thưởng thức chương trình ca nhạc do anh em cựu đệ tử Phước Lý tổ chức với nội dung “Hồng Ân Năm Thánh”.
Hiền Lâm

TÒA THÁNH BAN SẮC LỆNH CHO
ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ
MỞ NĂM TOÀN XÁ 60 NĂM THÀNH LẬP DÒNG


Năm mươi năm Giáo Hội Việt Nam mừng đại phúc
Sáu mươi năm Xi-tô Phước Lý đón hồng ân…

Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý được Toà Thánh ban sắc lệnh (SL số 779/09/I) mở Năm Toàn Xá mừng 60 năm thành lập dòng (23/10/1950). Đó là một niềm vinh hạnh lớn lao cho cộng đoàn Phước Lý và hết những ai yêu mến Đan Viện.
60 năm hiện diện trên đất Việt, 60 năm hình thành và phát triển. Tất cả là hồng ân: Hồng ân Chúa tác động trong mọi dự định, hồng ân Chúa hướng dẫn từng bước trên con đường hình thành và phát triển, hồng ân Chúa thu hút các tâm hồn tìm đến với nếp sống đan tu. Hồng ân Chúa dắt dìu trong quá khứ, phù trợ trong hiện tại và chúc lành cho những định hướng tương lai.
Tất cả là hồng ân!
Đó là bài ca cảm tạ được hát lên mỗi ngày và vang mãi trên mảnh đất Phước Lý thân yêu.

Sắc Lệnh và điều kiện lãnh nhận ơn Toàn Xá.

TOÀ ÂN GIẢI TỐI CAO do năng quyền của Đức Thánh Cha Benedicto XVI ban phép cho Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý mở Năm Toàn Xá, nhân dịp Đan Viện kỷ niệm 60 năm thành lập (23/10/1950 – 23/10/2010).
Ơn Toàn Xá được ban theo các điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) cho mọi tín hữu đến tham dự các buổi lễ trong Nguyện Đường của Đan Viện Phước Lý, hoặc sốt sắng thi hành các việc đạo đức, hay ít là đọc một kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính tại Đan Viện Phước Lý. Ơn Toàn Xá được ban mỗi ngày một lần trong suốt năm thánh (Sắc Lệnh số 779/09/I).

Các dịp lễ đặc biệt trong năm Toàn Xá.

Ơn toàn xá được ban mỗi ngày cho hết những ai hành hương đến Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý để cầu nguyện, nhưng Đan Viện sẽ tổ chức một số lễ đặc biệt sau đây:
- 01/01/2010 (Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa): Lễ Khai Mạc Năm Thánh.
- 12/06/2010 (Lễ Thánh Mẫu Khiết Tâm – bổn mạng Đan Viện): Lễ tạ ơn trọng thể.
- 23/10/2010 (Kỷ niệm Khai Sinh Đan Viện): Lễ Bế Mạc Năm Thánh.
Ngoài ra có hai ngày dành riêng cho các cộng đoàn do Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý thành lập:
- 15/08/2010 (lễ Đức Maria hồn xác lên trời) tổ chức tại Nữ Đan Viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước.
- 22/08/2010 (lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương) tổ chức tại Đan Viện Thánh Mẫu An Phước.


LƯỢC SỬ ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ
Địa chỉ: Vĩnh Thanh – Nhơn Trạch – Đồng Nai. Emai: dvphuocly@yahoo.com

Viện phụ: M. Gioan Baptista Trần Văn Chuyên: (84)61.3709772
Viện phó: M. Nguyễn Vinh: (84)8.37267227
Viện phụ (hưu): M. Ignatio Trần Ngân: (84)61.3519080
Văn phòng: (84)61.3519081

Nhân dịp mừng Ngọc Khánh thành lập dòng, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, với niềm tri ân các bậc tiền bối và quý vị ân nhân đã góp phần gầy dựng và phát triển Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý thân thương này, chúng tôi xin tóm tắt một vài nét về lịch sử và linh đạo đan tu, cách riêng về Đan Viện Phước Lý, với ước mong trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh.

A. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

1. Trở về cội nguồn.
Năm 529: Thánh Biển Đức khai lập dòng Đan Tu Chiêm Niệm tại Monte Cassino (Italia).
Năm 1098: Từ Đan Viện Biển Đức Molèsme, thánh Roberto, thánh Alberico và thánh Stephano Hardingo đã khai lập Đan Viện Xitô đầu tiên tại miền Cỵteaux (Pháp). Xitô phát triển nhanh chóng và đạt tới đỉnh cao từ thời thánh phụ kiệt xuất Bernard
Năm 1918: Cha tổ phụ Henri Denis (Linh mục thừa sai Paris) lập dòng “Đức Bà Việt Nam” tại núi Phước Sơn (Quảng Trị – Việt Nam)
Năm 1934: Dòng Đức Bà Việt Nam (sau này được gọi là Đan Viện Phước Sơn) gia nhập Dòng Xitô thế giới.

2. Từ thành lập Phước Lý đến hôm nay.
23/10/1950: Từ Đan Viện Phước Sơn, cha Casimiro Hồ Thiên Cung cùng với 20 anh em đến lập dòng mới tại Vĩnh Kim –Trà Vinh.
01/05/1952: Cha Stanilas Trường Đình Vang (sau này là Viện Phụ Tiên Khởi Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý) di chuyển cộng đoàn từ Vĩnh Kim (Trà Vinh) về Phước Lý (Nhơn Trạch – Đồng Nai)
15/08/1953: Toà Thánh châu phê Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý vào danh sách các dòng tu của Giáo Hội.
1954: Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý được nâng lên hàng tự trị (prioratus sui juris).
05/03/1964: Công bố Sắc Chỉ Toà Thánh nâng Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện.
08/12/1973: Thành lập Nữ Đan Viện Xitô Vĩnh Phước tại Bàu Sen (Phước Lý); 08/06/1991: di chuyển Nữ Đan Viện Xitô Vĩnh Phước về Ngọc Đồng (Biên Hoà – Đồng Nai).
21/03/1978: Cha Montfort Nguyễn Vinh (sau này là Viện Trưởng Đan Viện từ năm 1989-1995) cùng với 4 anh em đi lập tu sở mới tại Xuân Sơn (Châu Đức – Bà Rịa Vũng Tàu). Tu sở này hiện nay được chuyển về Phước Hiệp (Bưng Kè – Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu).
Cũng trong năm 1978: Cha Ignatio Trần Ngân (sau này là Viện Phụ thứ II của Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý từ năm 1995-2008) cùng với 5 anh em lập tu sở mới tại An Phước (Long Thành – Đồng Nai). Cộng đoàn An Phước đã được nâng lên hàng Đan Viện tự trị (30/08/2006)

3. Nhân sự hiện nay:
Gồm 138 thành viên (15 linh mục, 5 phó tế, 72 đan sĩ, 38 tu sĩ khấn tạm, 8 tập sinh và 5 thỉnh sinh) cùng với một cộng đoàn nhà con An Phước đã tự trị.

B. CÁC NHIỆM KỲ BỀ TRÊN

1. Cha M. Casimiro Hồ Thiên Cung 26/10/1951 và 14/01/1983 – 11/03/1984)
2. Viện Phụ M. Stanilas Trương Đình Vang (08/12/1951 – 25/07/1970)
3. Cha M. Gioan Nguyễn Văn Luận (07/10/1970 – 08/10/1982 và 11/03/1984 – 18/10/1988)
4. Cha M. Montfort Nguyễn Vinh (08/01/1989 – 25/01/1995).
5. Viện Phụ M. Ignario Trần Ngân (25/01/1995 - 08/2008).
6. Viện Phụ M. Gioan Baptista (22/09/2008 cho đến nay).

C. NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ CỦA ƠN GỌI XITÔ.

Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý là một dòng chiêm niệm, thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, sống ơn gọi chiêm niệm và truyền giáo trong cô tịch và hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho nhân loại, đặc biệt cho những người chưa nhận biết Chúa.

1. Phụng vụ:
Phụng vụ là ưu tiên hàng đầu của đời sống chiêm niệm, đan sĩ cử hành Thánh Lễ, cử hành Kinh Phụng Vụ chung mỗi ngày bảy lần, lần hạt và suy gẫm… để cầu xin ơn Chúa xuống cho mọi người (TN 6).

2. Lao động:
Với tôn chỉ: Cầu nguyện và lao động, theo gương Thánh Gia Nazareth và các bậc tiền bối đan tu, đan sĩ tìm gặp Chúa qua lao động, như một phương thế tham dự vào công trình sáng tạo và cứu độ. Lao động bao gồm học hành và công việc đồng áng (TN 11).

3. Lectio Divina:
Ñan só haèng ngaøy chuaån bò taâm hoàn ñoùn nhaän aùnh saùng Chuùa baèng söï chuyeân cần suy niệm các chân lý vĩnh cửu, đọc và nghiền ngẫm Lời Chúa, để đạt tới tri thức tuyệt vời về Chúa Kitô (TN 8).

4. Đời sống cộng đoàn:
Ngoài các lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, đan sĩ Xitô còn khấn vĩnh cư và canh tân nhằm nói lên tinh thần gia đình và thánh hóa bản thân trong tình huynh đệ, yêu thương, tôn trọng và phục vụ nhau theo lý tưởng Tin Mừng.

5. Thinh lặng:
Bầu khí tĩnh lặng trong Đan Viện là một sự thinh lặng sống động, tràn ngập bình an và thánh thiện vì được kết hiệp với Chúa và tâm sự với Người về mọi nhu cầu của hết mọi thành phần dân Chúa và thế giới (TN 10).

6. Hy sinh:
Sự vâng phục và chu toàn kỷ luật hằng ngày thể hiện tinh thần hy sinh từ bỏ, vừa có giá trị giáo hóa, hoàn thiện bản thân, vừa để xây dựng cộng đoàn (TN 12).

7. Đón khách tĩnh tâm:
Đan sĩ không bôn ba trong việc mục vụ, nên việc đón tiếp khách tĩnh tâm tại đan viện là một việc tông đồ. Vì thế, Đan Viện luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người tìm đến với khung cảnh Đan Viện để tìm lại những giây phút lắng đọng và bình an cho tâm hồn qua việc gặp gỡ trong cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.
 
Giáo xứ Sài Quất khai mạc Năm Thánh và khởi công xây nhà Giáo Lý
Trường Giang
10:39 01/01/2010
THÁI BÌNH - Sáng nay 01/01/2010, ngày đầu tiên của năm mới, lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức cha F.X. Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục giáo phận Thái Bình, dâng thánh lễ khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và đặt viên đá góc ngôi nhà giáo lý tại giáo xứ Sài Quất.

Đồng tế trong thánh lễ có quý cha trong và ngoài giáo phận, Quý tu sỹ nam nữ, quý ban hành giáo và quý đại biểu đến từ giáo phận Hà Nội, Hải Phòng, và quý xứ họ nơi cha chánh xứ Hiêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh giúp xứ khi còn là chủng sinh.

Thánh lễ được cử hành rất long trọng, trong nghi thức thắp đuốc Đức tin có ba vị đại diện cộng đoàn tiến lên châm lửa vào cây đuốc được đặt sẵn trên cung thánh. Khi ngọn lửa đã bùng lên, các bạn trẻ giáo xứ Sài Quất đã ca hát cùng với vũ điệu và hô to khẩu hiệu “xin tin yêu vào Đức Kitô” và quyết tâm theo Ngài. Cùng với Đức Kitô là Ánh sáng, giới trẻ Sài Quất quyết tâm xua tan những bóng đen hận thù chia rẽ, trụy lạc và quyết tâm sửa lại những lầm lỗi, để luôn sẵn sàng, hy sinh và phục vụ mọi người.

Trong nghi thức kính nhớ tổ tiên, ban tế đã giúp cộng đoàn lắng lòng để kính nhớ các bậc tổ tiên, những người đã gian lao vất vả, nhiều người đã chấp nhận đánh đổi cả tính mạng, để giáo xứ có được như ngày hôm nay. Những cử chỉ và lời văn tế đã nói lên tinh thần của con cháu tổ tiên, kế thừa kho tàng quý báu, nỗ lực sống khiêm nhường, noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam đã hy sinh làm trổ sinh hoa trái dồi dào cho Giáo Hội.

Các thành viên đại diện cho các thành phần trong giáo xứ dâng lời xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau, đây cũng là cơ hội giúp cho mọi người nhìn lại chính mình. Xét mình về những lỗi lầm vô tình hay cố ý đã xúc phạm đến Chúa và xúc phạm đến anh em, đến những người xung quanh.

Đặc biệt bài giảng trong thánh lễ, Đức cha đề cao ý nghĩa và vai trò của các bậc tiền nhân, đã anh dũng hi sinh để bảo vệ niềm tin của mình. Miêu duệ các ngài là những thế hệ cháu con có nhiệm vụ gìn giữ ngọn đuốc Đức tin luôn luôn rực cháy, đồng thời làm lan tỏa ngọn lửa Đức tin đó cho những người khác, nhất là những người gần môi trường sống của mình. Giáo Hội hiệp thông và phục vụ bằng những việc làm cụ thể như: bác ái, yêu thương, sưởi ấm những tâm hồn băng giá. Cuối bài giảng Đức cha nói hiệu quả của Năm Thánh là sự canh tân đổi mới tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình, mỗi giáo xứ và mỗi giáo phận. Nhân dịp đầu năm mới, Đức cha cầu chúc lời chúc tốt lành đến mọi thành phần dân Chúa và những người hiện diện trong thánh lễ trong thể này.

Thánh lễ kết thúc, Đức cha và cộng đoàn tiến ra phía đầu nhà thờ, nơi đây trong khoảng thời gian ngắn nữa thôi tòa nhà giáo lý hai tầng nguy nga rộng rãi sẽ được mọc lên. Tại đây, cha chánh xứ Hiêrônimô Hinh mở đầu bài hát cầu xin Chúa Thánh Thần, tiếp đến Đức cha nói lời huấn dụ, ngài động viên khích lệ và kêu gọi mọi người hãy tin tưởng vào Chúa Kitô là viên đá sống động vững chắc trong cuộc đời của mỗi người tín hữu. Đức cha làm phép viên đá góc, cha chánh xứ và hai vị trong hội đồng mục vụ giáo xứ nâng viên đã lên và đặt vào trụ cột của móng nhà đã được chuẩn bị sẵn. Cộng đoàn cùng tạ ơn Chúa trong tràng pháo tay dòn dã, những ống pháo bông nổ tung trên không trung tỏa xuống những luồng ánh bạc lấp lánh, báo hiệu mùa xuân tràn trề hi vọng đang về với giáo xứ Sài Quất.

Tưởng cũng nên nhắc lại, mảnh đất xây dựng ngôi nhà giáo lý này, xưa kia là một nhà thương, sau biến cố 1954, nhà nước mượn làm trường học, làm hội trường thôn. Đã bao lần giáo xứ viết đơn xin trả lại, đến nay mảnh đất đó mới chính thức trở về chính chủ. Xét thấy nhu cầu cần thiết là cần có một khu dành riêng cho việc đào tạo giáo lý cho những người trẻ. Hôm nay trong ngày trọng đại này, cộng đoàn giáo xứ Sài Quất vui mừng đón Năm Thánh và đặt viên đá đầu tiên xây nhà giáo lý. Viên đá hôm nay biểu tượng cho lòng tin sắt đá của mỗi người Kitô hữu Sài Quất. Quả thực, Đức tin đó đã được trải dài trong dòng thời gian để rồi hôm nay, Sài Quất có lại mảnh đất này xây dựng ngôi nhà giáo lý làm nơi truyền giao Đức tin cho thế hệ hậu sinh. Sau đây là sơ lược đôi nét về lịch sử giáo xứ Sài Quất từ ngày mới thành lập.

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ GIÁO XỨ SÀI QUẤT

A. Bối cảnh lịch sử và sự hình thánh giáo xứ:

Khoảng năm 1830, một số người đã tới và dựng nhiều trại nhỏ rồi định cư tại thôn Sài Quất, nay là thôn Hương Quất.

Những người này đã được đón nhận ánh sáng Tin Mừng từ rất sớm và sống liên kết chặt chẽ với Giáo xứ Ngọc Đồng. Năm 1849 đã hình thành giáo họ Sài Quất thuộc Giáo xứ Ngọc Đồng. Để có nơi cầu nguyện sớm tối, giáo họ Sài Quất dựng tạm một ngôi nhà nhỏ mái tranh, vách đất. Cụ từ Bá là người trong nom quét dọn và kinh sách sớm chiều.

Khoảng năm 1882, Cha Hieronimo Huy đã cùng giáo dân dựng một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ chắc chắn, nay là đề thánh An Tôn.

Qua năm tháng, Giáo họ Sài Quất lớn mạnh hơn về đời sống tinh thần và vật chất. Năm 1890, Đức cha đàng trong đã ban sắc lệnh nâng giáo họ Sài Quất lên hàng Giáo xứ. Xứ mới, với sự coi sóc của Cha Đaminh Diệu, nên ngôi nhà thời gỗ khang trang chắc chắn sớm được hoàn thành, đáp ứng cho số tín hữu mỗi ngày tăng lên.

Năm 1915, Cha Luca Lương về thay Cha Đaminh Diệu coi sóc giáo xứ. Cha và bà con giáo dân trong sứ đã để lại ngôi nhà thờ gỗ cho giáo xứ Lực Điền và xây dựng ngôi nhà thờ gạch đỏ và xi măng cốt sắt.

Năm 1926, Cha Luca Lượng về thay Cha Luca Lương coi sóc Giáo xứ và tiếp tục xây dựng ngôi thánh đường. Ngôi thánh đường được xây dựng trong suốt 17 năm và đã được hoàn thành vào năm 1932. Số tín hữu mỗi ngày đông hơn và đã phát triển các giáo họ như: Giáo họ Sài Thị, Giáo họ Phó Nham, Giáo họ Ngọc Nha Giáo họ Thọ Nham và Giáo họ Ngô Xá, ngày nay là giáo xứ Ngô Xá.

Biến cố năm 1954, 95% Giáo dân di cư vào Nam. Từ đây, giáo xứ Sài Quất bị tản mác, lại thiếu vắng chủ chăn.

Năm 1990, Cha Giuse Nguyễn Văn Ban về trong coi giáo xứ. Được sự hỗ trợ của ân nhân xa gần đã tu bổ và xây dựng thánh xứ đường.

Ngày 17 – 02 – 2006, Cha Hiêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh về chăm sóc hướng dẫn giáo xứ. Trong thời buổi cơ chế thị trường chạy theo lợi nhuận trước mắt, nên không ít người đã mất hướng đi cho cuộc sống. Mặc dù có nhiều gian nan nguy khó, nhưng số tín hữu bé nhỏ còn lại luôn tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa: Sống Đức tin vững vàng cho tới ngày hôm nay, với số tín hữu là 509 người. Thánh xứ đường tiếp tục được sửa sang và nhất là bà con giáo xứ đồng tâm nhất trí gìn giữ mảnh đất khu vực nhà thương của tổ tiên để lại. Và nguyện vọng xây nhà giáo lý làm nơi truyền giao đức tin của tổ tiên cho thế hệ hậu sinh.

B. Sắc chỉ thiết lập giáo xứ: Đức Cha đàng trong ban sắc lệnh nâng Giáo họ Sài Quất lên hàng Giáo xứ.

• Ngày thành lập: Năm 1890.
• Thánh bổn mạng của Giáo xứ: Thánh Đaminh
• Nhà Thờ:
- Nhà thờ cũ dựng năm 1882, tu sửa năm 1889
- Nhà thờ mới xây dựng năm 1915 với diện tích là 642 m2
• Nhà Xứ xây năm 2001, với diện tích là 162 m2
• Nhà Giáo lý: Chưa có.
 
Giáo phận Bắc Ninh vui mừng có thêm bốn Phó tế mới
Nguyễn Xuân Trường
10:52 01/01/2010
BẮC NINH - Ngày 1.1.2010, ngày lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày tết dương lịch, tại Đền Thánh Tâm Bắc Giang, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã long trọng truyền chức phó tế cho các thày:
Hình ảnh thánh lễ truyền chức
1. Gioakim Nguyễn Đức Thành, sinh ngày 23/03/1976, tại Giáo xứ Ngọ Xá, Giáo Phận Bắc Ninh.
2. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng, sinh ngày 20/05/1975, tại Giáo xứ Mỹ Lộc, Giáo Phận Bắc Ninh.
3. Giuse Đinh Đồng Ngôn, sinh ngày 22/08/1971, tại Giáo xứ Tử Nê, Giáo Phận Bắc Ninh.
4. Vicentê Mai Viết Long, sinh ngày 01/01/1954, tại Giáo xứ Tân Cương, Giáo Phận Bắc Ninh.

Mặc dù trời mưa rét, ngay từ sáng sớm đông đảo các tín hữu từ nhiều giáo xứ đã nô nức về tham dự thánh lễ truyền chức phó tế. Đúng 13g, thánh lễ phong chức bắt đầu. Có 39 linh mục trong và ngoài giáo phận đồng tế với đức cha. Ước chừng có hơn 2.000 tín hữu thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa tham dự thánh lễ. Tưởng cũng nên biết ngôi Đền Thánh Tâm được xây dựng theo ý nguyện của đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, nguyên giám mục Bắc Ninh, và được thánh hiến bởi đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Nơi đây hiện là một trong những trung tâm hành hương của giáo phận Bắc Ninh, và là nhà thờ được viếng lãnh ơn toàn xá trong năm thánh 2010.

Sau bao năm tu học đào luyện, nay mong ước dấn thân của những trái tim dâng hiến đã ghi một dấu ấn quyết định khi lãnh nhận thừa tác vụ phó tế: một chức thánh mà người lãnh nhận sẵn lòng chìa tay ra để phục vụ và dâng trái tim để yêu thương.

Cuối thánh lễ, thày niên trưởng Vicentê Mai Viết Long thay lời cho các tân chức dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và bày tỏ lòng tri ân các Đấng bậc đã dày công đào tạo, cảm ơn bố mẹ, gia đình, ân nhân, thân hữu bạn bè gần xa và rất nhiều người đã cầu nguyện, trợ giúp, nâng đỡ, khích lệ các tân chức cả tinh thần lẫn vật chất. Thày xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các tân phó tế để có thể chu toàn những sứ vụ mới Chúa trao.

Hôm nay quả là một ngày thật đặc biệt, ngày tràn đầy niềm vui không chỉ là đại hỉ, song hỉ, mà là đa hỉ. Vui mừng đón ngày tết dương lịch, vui mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, vui mừng hưởng tình thương Thánh Tâm Chúa Giêsu trong ngày thứ sáu đầu năm, và nhất là vui mừng vì đại gia đình giáo phận Bắc Ninh có thêm bốn thày phó tế mới.

Người Việt Nam thường tin rằng: Đầu năm gặp xui, cả năm xúi quẩy; đầu năm đón lộc, cả năm may lành. Vậy thì, ngay ngày đầu tiên của năm mới 2010, gia đình giáo phận Bắc Ninh đã vui mừng đón nhận “lộc” Trời ban: bốn tân phó tế. Hi vọng những “chồi lộc” thánh ân này sẽ trở thành những cây xanh tươi tốt sinh nhiều hoa thơm trái ngọt cho muôn người chung hưởng. Tin tưởng rằng, ngày đầu năm mới đón lộc chỉ là khởi điểm của cả một năm Bắc Ninh đón nhận nhiều phúc lộc, vui hưởng nhiều ơn lành hơn nữa.
 
Các ca đoàn trong thành phố Đà Lạt ca nguyện
PV Đà Lạt
17:11 01/01/2010
ĐÀ LẠT - Nhân ngày 1.1 Tết Dương lịch năm mới 2010, dịp năm thánh của GHCG VN và của giáo phận Dalat, các ca đoàn trong thành phố Dalat đã hành hương về nhà thờ Chánh Toà Dalat từ 8 giờ sáng, Chầu Thánh Thể và suy niệm…

Hình ảnh ca nguyện

Trong khi cả thành phố đang náo nức đông đảo du khách từ khắp nơi đến Dalat dự Festival Hoa có đủ loại hoa địa phương và quốc tế…

9 giờ bắt đầu ca nguyện, vừa dẫn nhập cầu nguyện vừa hát thánh ca do các cụm liên xứ, kéo dài tới 11g15. buổi cầu nguyện qua thánh ca thật sốt sắng và linh thiêng.
 
Giáo họ Đức Xuân, Tân Lộc, mừng lễ Mẹ Thiên Chúa
Tân Lộc
17:24 01/01/2010
VINH - Không phải dư âm ngày Giáng Sinh còn ở lại chưa muốn đi mà thật sự quang cảnh, hiện vật Giáng Sinh còn mới nguyên trên mảnh đất Cửa Lò, giáo phận Vinh.

Hình ảnh lễ mừng

Sáng nay tiết trời ngày xuân thật đẹp, trời se se lạnh nhưng khô ráo, làm cho ngày đầu xuân đã đẹp lại càng vui đẹp hơn. Đi trên đường trục lộ 46 từ Vinh về cảng thương mại Cửa Lò nhất là gần bến cảng, không khí nấp nập dòng người đổ về ngôi thánh đường nhỏ đẹp của giáo họ Đức Xuân để cùng hiệp dâng thánh lễ “Mẹ Thiên Chúa” quan thầy của giáo họ.

Đức Xuân cái tên tinh tuý được cha ông chọn đặt của hai chữ đầu trong hai giáo họ Đức Vọng và Xuân Mai ngày xưa mà thành. Đức Xuân, nghe vừa hiền thục vừa vui tươi giống như bao người con cái trong giáo họ thân yêu này. Vâng từ giọng nói, giáng đi bên ngoài, đến những cử chỉ hiền lành, quấn quít vui vẻ, cách cư xử giữa con người với nhau của con người Đức Xuân đã làm nổi bật lên hai chữ “ĐỨC XUÂN” trong đó. Đức là nhân đức, là hiền lành hy sinh chịu thương, chịu khó, quảng đại vị tha, nhịn nhục v v. Chữ Đức đã gói chứa trọn hết tất cả những tinh tuý tốt đẹp của con người. “ người có đức”.

Nói đến chữ Xuân chúng ta tự nhiên thấy ngay sự phấn khởi vui mừng, tươi đẹp, Xuân hay mùa xuân đến xua tan đi bao cái buồn phiền nơi con người và cảnh vật, thay vào đó là cả một trời non lộc biếc, của bao hy vọng tràn đầy tương lai sán lạn phía trước.

Vâng! Cách đây trước những năm 70, bà con giáo họ Đức Xuân được góp lại của hai giáo họ Đức Vọng và Xuân Mai giáo xứ Lộc Mỹ mà thành. Trước đây bà con hai giáo họ này sống trên những mảnh đất cha ông của mình khai lập, làng vây quanh lấy hai ngôi thánh đường nguy nga tráng lễ thời ấy, làng quê của hai giáo họ nằm trên vị trí tựa lưng vào đồi 200 mặt hướng nhìn ra cửa biển trùng khơi, trên mảnh đất xã Nghi Quang, Nghi Lộc. Nhưng từ những năm 70 đồi 200 là trung tâm quân sự của những trận địa pháo đại bác tầm xa bảo vệ vùng biển Cửa Lò, Nghệ An, nơi chuyên trả lời lại bằng những loạt đạn pháo đại bác sau những oanh tạc bằng pháo đại bác của hãm đội Mỹ ngoài khơi bắn vào. Cũng trong những thời gian đó hai nhà thờ bị bom đạn sập nát, giáo dân đi sơ tán tản mác khắp nơi để tránh bom đạn, sau ngày hoà bình bà con trở về thì trên quê hương yêu dấu của mình bị xoá sạch, nhà cửa cái bị bom đạn làm cho hư hỏng, cháy toang loác, kể cả hai ngôi thánh đường, hai mảnh đất của nhà thờ đã bị những cơ quan hành chính của xã chiếm dụng làm các cơ sở hoặc văn phòng uỷ ban, trường học trên nền móng cũ, cảnh mất đất, mất nhà, con cái của hai giáo họ lúc ấy thật bi đát với cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. Thế rồi họ tự đi tìm cho mình một miếng đất cắm dùi để an cư và con cái hai giáo họ Đức Vọng và Xuân Mai từ đó tự cố gắng vươn lên sau những ngày trôi dạt để tìm cho mình một nơi trú ngụ. cũng từ đó cái tên Xuân Mai bị xoá sổ trên địa bàn hành chính.

Con người là một sinh linh luôn vươn lên tất cả mọi khó khăn và đau khổ, nhất là những con người của hai giáo họ Đức Vọng và Xuân Mai. Vâng một số bà con hai giáo họ đến sinh sống trên vùng đất Nghi Tân và được gọi là Đức Xuân, số khác sống quy tụ trên vùng đất Nghi Quang và được giữ lại cái tên tổ tiên xưa để lại “Đức Vọng” họ cùng nhau quy tụ và sinh sống với một tinh thần yêu mến trong niềm tin sắt son vào Thiên Chúa, để vượt qua bao bão táp khó khăn hằng ngày, và như nhồi non lộc biếc mùa xuân, khi đã tạm ổn định đời sống, họ đã cùng nhau bắt tay vào xây dựng cho Chúa, cho mình một ngôi thánh đường, là nơi trung tâm để mình chạy đến với Chúa, Mẹ sau bao vất vả vui buồn hàng ngày mà cám tạ tri ân, cầu xin và tín thác.

Biết bao nhiêu gia đình đã dời nhà nhường đất để làm nhà thờ, biết bao khoá HĐ mục vụ khoá này đến khoá khác nhạy đôn chạy đáo lên xuống như con thoi để xin được một cái chứng nhận được làm nhà thờ. Và dù là nhỏ nhưng dần dần ngôi thánh đường cũng được mọc lên ngay trung tâm giữa lòng con của giáo họ mà bao công sức của giáo dân bao ngày vất vả mà thành.

Sáng nay giáo họ Đức Xuân đón 13 vị linh mục trong giáo phận về đâng thánh lễ tạ ơn mừng kính Mẹ Thiên Chúa, thật là hạnh phúc trước lễ Cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng quản xứ chúc mừng xuân đầu năm tới quý cha và cộng đoàn, Ngài cám ơn Chúa đã cho chúng ta quy tụ về giáo họ Đức Xuân trong ngày đầu xuân để mừng lễ Mẹ Thiên Chúa quan thầy giáo họ.

Mấy năm nay giáo họ Đức Xuân tổ chức lễ mừng Mẹ Thiên Chúa, năm nào cũng được nhiều linh mục từ các nơi về dâng thánh lễ và năm nay có lẽ là đông nhất 13 Linh mục; Hai cha giáo trường đại chủng viện. Cha Antôn Đặng Đình Sĩ dòng Phanxicô. Cha Antôn Phạm Đức Hưởng quản xứ Cam Lâm, Hà Tĩnh. Cha Phêrô Nguyễn văn Tập quản hạt Quy Chính, Nam Đàn. Cha Luca Nguyễn Ngọc Nam quản xứ Thượng Nậm. Cha Phaolô Nguyễn văn Vĩnh quản xứ Quy Hậu và hai cha dòng Chúa Cứu Thế cùng bốn cha trong hạt dâng một thánh lễ đồng tế trong ngày đầu năm tại một giáo họ nhỏ thân yêu này. Trước lễ có nhiều cha đã nói đùa “năm nay linh mục đi lễ đông hơn giáo dân”, vâng Chúa Mẹ đã và đang thưởng con cái yêu quý của Ngài.

Khai lễ Cha J.B Nguyễn Khắc Bá trường ĐCV chủ tế thánh lễ đã chúc mừng quý cha đặc biệt là cộng đoàn một năm mới tràn đầy hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Ngài.

Cha Antôn Đặng Đình Sĩ dòng Phanxicô đã ca ngợi lòng thương yêu của người mẹ dành cho con cái trong bài giảng lễ, Ngài đã dùng hình ảnh và lời thơ của trần thế để đề cập tới tình yêu của lòng Mẹ đối với con của mình, qua đó Ngài dẫn vào người Mẹ là Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, một người Mẹ của trời, có tình thương của một lòng Mẹ không biên giới. Ngài còn trích đoạn kinh thánh trong biến cố truyền tin; “… Việc đó xảy ra thế nào được…” Ngài tiếp: “Đúng rồi; vì nếu vậy mẹ sẻ có thai và mẹ tự bêu xấu chính mình, bêu xấu dòng họ, Mẹ sẻ bị ném đá, phải chết… vậy mà sau khi được thiên thần giải thích Mẹ đã “ Xin Vâng”. Mẹ chấp nhận tất cả, hy sinh tất cả, Sự vâng lời của Mẹ đã cứu tất cả nhân loại khỏi cảnh trầm luân của sự chết ”.

Tổ tiên, Cha Ông của giáo họ Đức Xuân sau khi tản mác khắp nơi do chiến tranh đã mất tất cả, mất đất, mất nhà cửa của mình, mất nhà Chúa, phải bơ vơ vô vọng đi tìm nơi trú ngụ và giờ đây con cháu họ là những cành cây xum xuê vươn dài, đã ổn định an cư nơi mảnh đất mới với cái tên giáo họ mới đầy ý nghĩa mà tổ tiên cha ông để lại, nhằm nhắc nhở cho con cháu mọi thời hãy sống thật vui và giữ mãi một cuộc sống đức độ cho dù phong ba bão táp có ập xuống, gìn giữ mình như cái tên ĐỨC XUÂN mà Ông Cha đã đặt cho.

Thánh lễ kết thúc trong bài cám tạ tri ân Chúa, tri ân Mẹ, quý Cha và cộng đoàn của vị đại diện HĐ Mục vụ giáo họ trong ngày đầu xuân. Mỗi người đông đủ tụ họp trong ngày đầu năm mới tại thánh đường của giáo họ hôm nay, ngoài tâm tình cảm tạ tri ân Mẹ, tôn vinh danh thánh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mà đến đây như một chứng nhận, một mến phục và cùng nhau hân hoan tạ ơn Chúa, Mẹ trong ngày đầu năm, cầu xin Chúa cho một năm mới thánh đức, an bình và phúc lộc.
 
Giáo phận Phan Thiết mừng Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
19:37 01/01/2010
PHAN THIẾT - Hôm nay, ngày đầu năm mới Dương lịch, Giáo Hội mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa. Một ngày lễ vừa để kết thúc Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, vừa để “nối dài niềm hân hoan kính mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa”, Đấng đã mặc lấy xác phàm và sinh bởi Mẹ Đồng Trinh Maria. Mẹ đã ban cho trần gian Đấng Cứu Thế, từ đó Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo hội.

Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Đức Thánh Cha Bênêđictô đã gởi cho toàn thế giới thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới lần thứ 43 “Nếu ngươi muốn xây dựng hoà bình, thì hãy bảo vệ công trình tạo dựng”.

Đồng tế thánh lễ có Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông JB Lê Xuân Hoa, linh mục đoàn giáo phận. Đông đảo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, các hội đoàn cùng chung lời tạ ơn.

Lời mở đầu, Đức Cha Giuse chào mừng cộng đoàn Dân Chúa:

Trong bầu khí thiêng liêng của đầu năm dương lịch mới, đại gia đình giáo phận chúng ta, trong đó có quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Hội đoàn cùng toàn thể quý Ông bà anh chị em có mặt nơi đây dưới mái giáo đường Chính Tòa để biểu tỏ tâm tình hân hoan của mình mừng kính bổn mạng giáo phận, mừng kính Đức Trinh nữ Maria Mẹ Thiên Chúa. Trong niềm hân hoan hôm nay có lời tuyên xưng đức tin cùng với Giáo hội, chúng ta tin Đức Maria là Mẹ thật của Chúa Giêsu và thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Trong niềm hân hoan này cũng có lời tri ân cảm tạ, bởi vì trong một năm qua nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, giáo phận của chúng ta cũng như mọi người đã nhận được muôn vàn ơn Thiên Chúa mọi mặt. Và trong niềm hân hoan hôm nay có tâm tình trông cậy, chúng ta phó dâng giáo phận lại cho Đức Mẹ nhân dịp năm mới, nhân ngày bổn mạng để Đức Mẹ cũng dìu dắt, dẫn đưa giáo phận chúng ta tiến bước trong bình an. Chúng ta xin dâng mọi người, mọi nhà cũng như mọi dự định của giáo phận chúng ta lên Đức Mẹ, để Đức Mẹ tiến dâng lên Thiên Chúa và như thế chúng ta nhận được ơn lành trong năm mới. Với tất cả tâm tình hân hoan đặc biệt này chúng ta bước vào Thánh lễ, xin Chúa cũng thanh tẩy những lỗi lầm trong đời sống của chúng ta trong suốt thời gian qua và xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho mỗi người chúng ta cũng nhận được nguồn ơn cứu độ …

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm Tin mừng Lc 2, 16-21.

Dịp Noel vừa qua, trên mạng lưới điện tử, người ta nói nhiều đến một phụ nữ Việt Nam, vào năm 1643 tại tư dinh ở vùng Kim Long, thuộc Huế hiện nay, đã đứng ra tổ chức lễ Giáng Sinh thật long trọng quy tụ đến 300 người. Đặc biệt vì hoàn cảnh cấm cách, thiếu vắng linh mục, chính bà là người giữa cộng đoàn đã lên tiếng kể chuyện Giáng Sinh một cách đĩnh đạc, vừa bình dị xuôi tai vừa thánh thiện sốt sắng, đến nỗi con cái trong nhà cũng như người ngoài, ai cũng trầm trồ thán phục. Bà tên là Maria Mađalêna Minh Đức Vương Thái Phi, vợ của chúa Nguyễn Hoàng, mẹ của hoàng tử Nguyễn phúc Khê, năm đó đã 74 tuổi. Nhắc lại chuyện cũ, người ta tặng cho bà danh hiệu “Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chủ tọa lễ Giáng Sinh”.

Hôm nay phụng vụ hướng chúng ta đến một phụ nữ khác, Đức Maria, người phụ nữ đầu tiên trong nhân loại đã chủ tọa lễ Giáng Sinh đầu tiên, khi hạ sinh Con Chúa vào đời. Nhưng Đức Maria đã chủ tọa lễ Giáng Sinh đầu tiên ấy bằng những thái độ nào?

1. Cộng tác hết mình cho Lời Thiên Chúa xuống thế làm người.

Nói đến lễ Mẹ Thiên Chúa rất tự nhiên ta nghĩ đến biến cố Truyền Tin, qua đó Mẹ được thiên thần Gabriel báo trước sẽ thụ thai và sinh hạ con Đấng Tối Cao; nhưng phải đến biến cố Giáng Sinh, nhất là khi chiêm ngưỡng Mẹ bên cạnh Hài Nhi Giêsu “mới sinh bọc trong khăn đặt nằm trong máng cỏ”, ta mới thấy lạ lùng làm sao, Mẹ đã cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa một cách khít khao trọn vẹn. Có thể vào lúc thưa tiếng “xin vâng”, Mẹ chưa mường tượng hết ý nghĩa các biến cố sẽ xảy ra, nhưng chính lúc hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Mẹ đã hiểu: đối với kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ có một cách duy nhất để đáp ứng là cộng tác hết mình. Hết mình, theo nghĩa bóng là tận tâm tận lực tận tụy làm việc sao cho ý Chúa được nên trọn, và theo nghĩa đen là cung cấp chất liệu xác thân của chính mình như vốn liếng hùn hạp để Ngôi Lời có điều kiện nhân sinh phù hợp mà giáng sinh vào đời.

Trong tâm tình cộng tác sâu thẳm ấy, Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu để rất tự nhiên theo ơn nghĩa sinh thành, Mẹ là Mẹ thật của Chúa Giêsu, mà nơi Chúa Giêsu sự kết liên thiên tính và nhân tính bền chặt trong một ngôi vị, nên như một hệ lụy đương nhiên, dù chỉ hạ sinh Chúa Giêsu theo nhân tính, Công Đồng Ephêsô năm 431 đã tuyên xưng: Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Danh xưng cao cả, vị trí đỉnh cao. Tất cả là do sự cộng tác hết mình của Mẹ cho Lời Thiên Chúa hạ sinh làm người.

2. Cộng tác hết lòng cho Lời Thiên Chúa triển nở sinh sôi.

Việc cộng tác thẳm sâu ấy nơi mầu nhiệm con người Đức Maria được Phúc Âm hôm nay diễn tả qua tâm tình cầu nguyện trầm lắng. Thánh Luca tóm lại bằng hai động từ thật đẹp: “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”. Biến cố Giáng Sinh đầu tiên rộn ràng lắm. Ban đầu là rộn ràng di chuyển đăng ký hộ khẩu khai sổ nhân danh và chuẩn bị rơm khô máng cỏ hang đá. Rồi khi vừa mẹ tròn con vuông thì trời bừng sáng réo rắt giọng ca thiên thần tấu khúc Vinh Danh, đất bừng vui rộn ràng chào đón nguồn hòa bình đến với mọi nước. Và kết thúc, giống như kết thúc tuần bát nhật Giáng Sinh hôm nay, là rộn rã bước chân mục đồng lui tới kèm theo những chứng từ rôm rả lan tỏa đi cả khắp vùng. Thế mà giữa những rộn ràng chừng như bất tận ấy, Đức Maria lại xuất hiện trong một dung mạo trầm lắng lạ lùng.

Sự trầm lặng của Mẹ không phải là thái độ lạnh nhạt của “trái tim bên lề, con tim băng giá”; cũng không phải là thái độ ủ rũ của “trái tim mùa thu, trái tim ngục tù” như tựa đề một số ca khúc trẻ; mà là một thái độ vừa trân trọng ghi nhớ, vừa cung kính gẫm suy. Ghi nhớ những gì đã tường tận và suy niệm những gì còn chưa rõ. Đây chính là thái độ cần có để Lời Chúa được lắng nghe và thực hành. Mẹ Maria ngay từ lúc hạ sinh Lời cho trần thế đã thể hiện một thái độ tương xứng, để Lời Chúa hôm qua, hôm nay và mai sau có điều kiện triển nở sinh sôi.

3. Cộng tác hết tình cho Lời Thiên Chúa kết sinh hoa trái.

Cộng tác hết mình cho Lời Chúa làm người, cộng tác hết lòng cho Lời Chúa sinh sôi, Mẹ Maria còn cộng tác hết tình cho Lời Chúa đem lại hoa trái dồi dào cho Giáo Hội và cho muôn người. Thật vậy, trên đỉnh cao vinh quang là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chẳng những không xa cách cuộc sống dương thế, trái lại, bằng kinh nguyện chuyển cầu và bằng kinh nghiệm đời mình, Mẹ còn gần gũi con người hơn cả bao giờ.

Mùa Giáng Sinh, Mẹ hạ sinh Hoàng Tử Bình An, nên Mẹ cũng là Nữ Vương hòa bình sẵn sàng cộng tác hết tình của một người mẹ quyền thế, để Lời bình an được trổ sinh hoa trái cụ thể trong tâm hồn và đời sống xã hội, là mọi người cùng nhau xây đắp hòa bình thịnh vượng trong sự tôn trọng công lý và chân lý. Mùa Giáng Sinh, ghi nhớ và suy niệm khúc an hòa cho dương thế do thiên thần hợp xướng, nên Mẹ cũng thấu hiểu nhu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu hôm nay là hòa bình, mà hòa bình theo nhãn giới của Đức Giáo Hoàng Bênêditô nhân ngày quốc tế hòa bình hôm nay, là phải bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng công trình tạo dựng trong trật tự hài hòa của Thiên Chúa.

Nếu từ thế kỷ thứ IV, lời kinh trông cậy đã được dâng lên Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời để xin nâng đỡ lúc gian nan, thì cho đến hôm nay lời kinh ấy vẫn được đọc lên sốt sắng xin cho thế giới được hòa bình, cho đất nước được thanh bình, và cho mọi tâm hồn được hưởng niềm an bình của Chúa.

Tóm lại, Chủ tọa lễ Giáng Sinh, Mẹ Maria đã cộng tác với Lời Chúa cách toàn diện hồn xác, cách tích cực ghi nhớ, suy niệm và cách bền bỉ chuyển cầu hôm qua nơi hang đá Belem cũng như hôm nay nơi thiên quốc.

Mừng Bổn Mạng Giáo Phận, một mặt cùng với Giáo Hội ta hân hoan lặp lại lời tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đồng thời dâng mọi người và nhịp sống của Giáo Phận lên Mẹ, xin Mẹ chúc lành; mặt khác ta quyết tâm noi gương Mẹ cộng tác với ơn thánh làm cho Lời Chúa được lớn mạnh trong từng người và từng cộng đoàn; và một mặt khác nữa ta bền lòng cậy trông xin Mẹ giúp ơn canh tân đời sống, để có thể khai triển niềm hòa bình của Chúa đến với mọi người, nhất là giới trẻ khi sử dụng các phương tiện truyền thông (Ý cầu nguyện tháng Giêng) và mọi người khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêditô ngày Quốc tế hòa bình 2010).

Cuối cùng, nhờ Mẹ chuyển cầu, xin cho mọi người năm mới tràn đầy hồng ân và phúc lành.

Như truyền thống, những ngày đầu năm mới, Linh mục đoàn Giáo phận tĩnh tâm. Năm nay Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục giáo Giáo phận Nha trang giảng phòng. Tuần tĩnh tâm bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 16.1.2010. Xin hiệp thông trong lời cầu nguyện cho các linh mục được sốt mến trong tuần phòng sắp đến.

Phan thiết, ngày đầu năm mới 2010
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nhìn lại hai năm vừa qua
Phó tế Giuse Nguyễn Hòa Phú
16:50 01/01/2010
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nhìn lại hai năm vừa qua

“Bốn mùa Xuân lại Thu qua,
Đời người thắm thoát như là con thoi” (Cao Bá Quát)

Thời gian trôi nhanh, nhớ lại hồi tháng 10 năm 2007, cha Nguyễn Thanh Liêm, khi nhận trách vụ Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói câu “FIAT”; xin vâng để tiếp nối những gì mà các vị tiền nhiệm đã khởi xướng, kiến tạo và phát huy những tiềm năng xây dựng cho tương lai, thế mà nay đã tháng 11 năm 2009. Trong lần họp viễn liên vừa qua, cha Paul Phan Quang Cường (Chủ tịch Miền Tây) đã đưa nhận xét như sau: “Trên phương diện sinh hoạt phục vụ, Liên đoàn CGVN-HK đã tạo cơ hội và nối kết giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân VN tại hải ngoại, và là gạch nối hữu hiệu giữa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.” Dựa trên nhận xét của cha Cường, nhân dịp này xin nhìn lại một cách tổng quát những gì chúng ta đã cùng thực hiện trong hai năm qua:

I- Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang, Washington D.C.

Liên tiếp trong hai năm 2008 và 2009, Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang đã được tổ chức rất trang trọng và mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho mọi người tham dự. Giáo sĩ và giáo dân, ai nấy đều kín múc ơn lành Đức Mẹ La Vang đã ban cho cá nhân và cộng đồng. Các buổi hội thảo dựa trên tuổi tác và tâm lý khách hành hương đã là những nét đáng ghi nhận sau ngày đại hội.

II- Các Ban Chuyên Môn

Nét son trong thời gian vừa qua là sự phục vụ và sinh động của các Ban Chuyên Môn. Theo nhu cầu sống đạo tại các địa phương, một số Ban đã được thành hình để thực hiện các công tác mục vụ và phục vụ cộng đồng dân Chúa; tuy nhiên, những mơ ước và lý tưởng hoàn thiện công việc còn rất giới hạn, cần sự chung tay góp sức nhiều hơn của mọi người:

A- Ban Gia Đình
Do hai cha Vũ Minh Nhiên dòng Đồng Công và cha Uông Quang Lượng dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. “Gia đình là Giáo hội thu nhỏ”, vì tầm quan trọng của “Giáo hội thu nhỏ” này, theo lời cha Nhiên, ngài đã thâm cứu và soạn thảo những chủ đề và tài liệu liên quan đến mục vụ gia đình. Một số khóa hội thảo cuối tuần đã được thực hiện tại vài địa phương. Các tài liệu học hỏi lần lượt được phổ biến và thông tin trên Website Liên Đoàn.

B- Ban Giao Tế
Cha Lê Quang Hiền trong nhiều năm qua là mối giây liên lạc cách riêng giữa hai Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa các giám mục hai quốc gia được sự góp phần tốt đẹp từ Ban Giao Tế Liên Đoàn.

C- Ban Giáo Luật
Cha Peter Ngô Công Thắng hiện đặc trách Ban Giáo Luật. Những tài liệu liên quan đến tôn giáo và Hội Thánh Công giáo của Liên Đoàn đều được tham khảo ý kiến với các thành viên liên hệ. Ban Giáo Luật cũng đã thực hiện buổi hội luận chuyên môn về Luật của Giáo hội tại Orange, California. Cha Thắng cho biết Ban Giáo Luật dự tính sẽ thực hiện nhiều buổi sinh hoạt tương tự trong tương lai tại nhiều nơi trên nước Mỹ.

D- Ban Giáo Lý
Trong sự liên đới chung và nhìn thấy nhu cầu học giáo lý cho các trẻ em thanh thiếu niên, cha Nguyễn Việt Hưng tu hội Tận Hiến đã khởi xướng Ủy Ban Giáo Lý Toàn Quốc từ 20 năm qua, và mới đây Đại Hội Giáo Lý lần thứ X đã quy tụ các giáo lý viên trên toàn quốc cùng về tham dự tại Baton Rouge, Louisiana. Có thể tham khảo những tài liệu song ngữ Việt-Anh nơi www.giaoly.org.

E- Ban Giới Trẻ
Cha Đồng Minh Quang là Trưởng Ban. Với năng khiếu “thiên bẩm” của tuổi trẻ, cha đã khéo léo liên kết các linh mục trẻ để phối kết và yểm trợ giới trẻ Việt Nam cách hữu hiệu, đem lại nhiều thành quả tâm linh và dư âm tốt đẹp dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Úc châu, và gần đây là Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam lần thứ 3 được diễn ra tại đại học Long Beach, California.

F- Ban Liên Tôn
Do hai cha Nguyễn Uy Sỹ và cha Nguyễn Tiến Bình phụ trách. Ban Liên Tôn liên đới với các tôn giáo bạn trong những nỗ lực liên quan đến các vấn đề chung về quyền làm người và sự tự do tôn giáo, đề cao việc sống công bằng và tôn trọng sự thật nhằm mưu cầu hạnh phúc cho mọi người và xã hội.

G- Ban Thánh Nhạc
Do cha Nguyễn Đức Vượng dòng Đaminh phụ trách. Ban Thánh Nhạc phối hợp các việc phụng tự và thánh nhạc, cách riêng hằng năm đều mời các ca đoàn trên toàn quốc cùng về hội thảo và hợp tác dịp Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại Washington D.C., nhờ đó các buổi thờ phượng được thêm phần long trọng, trang nghiêm, thánh thiện.

H- Ban Thần Học
Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy là Trưởng ban. Trong năm Thánh Phaolô, với nhiệt tình phục vụ và nhất là với lãnh vực thần học chuyên môn, cùng với vài linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, cha Hy đã cố công thực hiện và cổ động việc học hỏi các chủ đề liên hệ đến lịch sử và cuộc đời cây “Đại Thụ Phaolô”. Dưới nhiều hình thức, Ban Thần Học đã viết tài liệu gồm nhiều bài học hỏi đơn giản với nội dung súc tích phổ biến đến các cộng đoàn giáo xứ, và tổ chức thuyết trình, hội luận, giảng thuyết v.v… Các tài liệu nghiên cứu liên hệ không những chỉ mang lợi ích cho cộng đồng dân Chúa tại Mỹ, mà còn được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới và về đến Việt Nam.

I- Ban Truyền Thông
Cha Trần Công Nghị phụ trách truyền thông. Ngoài việc phổ biến các thông tin, cha đã tận tình giúp Liên Đoàn trong việc phối trí và điều hợp các buổi hội luận dịp Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại Washington D.C. Hơn thế nữa, qua VietCatholic, cha cũng đã giúp quảng bá cách mau lẹ mọi thông tin của Liên Đoàn.

J- Ban Văn Hóa
Do cha Trần Cao Tường phụ trách. Cuộc hội thảo các cây viết công giáo diễn ra tại Boston, Massachusetts năm ngoái được ghi nhận là một dịp gặp gỡ ý nghĩa mang lại nhiều sự nối kết và niềm hy vọng. Mạng Lưới Dũng Lạc (www.dunglac.org) do cha Tường khởi xướng từ mấy năm qua là một nỗ lực rất hữu ích trong việc liên kết làng văn hóa Viết Nam.

K- Website Liên Đoàn
Website Liên Đoàn đang được cải tiến về mọi mặt theo tiêu chuẩn các hệ thống truyền thông quốc tế; hiện nay do Tiến sĩ Nguyễn Duy An đảm nhiệm phối trí và điều hành. Mặc dù mới tái hoạt động từ tháng 3 năm 2009, Website-LĐ đã được nhiều độc giả vào thăm, góp ý cũng như nhận xét là rất tân kỳ, hiện đại, chính xác và hữu ích. www.liendoanconggiao.net là cơ quan ngôn luận và thông tin chính thức của Liên Đoàn; do đó, Liên Đoàn kính mời quý Đức Ông, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ và quý Chức đóng góp bài viết, tài liệu nghiên cứu và các hình ảnh sinh hoạt cũng như tin tức tại cộng đoàn giáo xứ, giáo phận để phổ biến đến cộng đồng dân Chúa trong ý hướng liên kết và hiệp thông.

III- Các Việc Phục Vụ Khác

Ngoài các công tác mục vụ chuyên môn nêu trên, nhiều phong trào và hội đoàn Công Giáo Tiến Hành có những chương trình đặc thù và sinh hoạt liên tục theo nhu cầu riêng, như Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình (www.tthngdtg.net) với cha Chu Quang Minh dòng Tên và anh chị Phạm Văn Quyết & Điệp, Phong trào Cursillo (www.cursillovietinusa.com) với cha Trần Công Vang dòng Chúa Cứu Thế và ông Lê Tinh Thông, Cộng đoàn Đồng Hành CLC (www.donghanh.org) với cha Đinh Minh Trí dòng Tên và chị trưởng Vũ Nguyễn Kim Anh, Hiệp sĩ Đoàn Columbus với cha Nguyễn Nhị và anh Nguyễn Ngọc Lễ, Phong trào Thanh Sinh Công (www.tscvietnam.org) với cha Nguyễn Xuân Hòa, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (www.tntt.org) với cha Trần Quốc Tuấn và trưởng Nguyễn Đức Thanh, Phong trào Tông Đồ Fatima (www.tnfatima.org) với cha Đinh Công Huỳnh và trưởng Cao Tấn Tĩnh; vài hội đoàn khác như Liên Minh Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công Giáo, Ca Đoàn v.v… đều có sinh hoạt sống động thường xuyên tại các địa phương nhưng chưa có được sự phối kết tổ chức chung trên bình diện toàn quốc.

Hơn nữa, Cộng đồng Giáo sĩ và Tu sĩ Nam, Cộng đồng Phó tế Vĩnh viễn, Liên Dòng Nữ Tu, Cộng đồng Giáo dân là bốn cột trụ của ngôi nhà LĐCGVNHK, hằng năm đều có những cuộc sinh hoạt gặp gỡ liên kết toàn quốc hoặc họp mặt theo đơn vị các Miền địa phương nhằm xây dựng và phát huy chung trong một lối sống “Bác ái, Huynh đệ, Hiệp nhất, Phục vụ”.

Và theo dòng thời gian, Ban Lãnh Đạo Phục Vụ Liên Đoàn cố gắng củng cố mối liên hệ chặt chẽ hơn với các đấng bản quyền Hội Thánh tại Hoa Kỳ cũng như nơi quê nhà Việt Nam thân yêu. Mối quan hệ hiện nay rất tốt đẹp qua những liên lạc thông tin thường xuyên; nhờ đó có sự nối kết làm việc chung với nhau về những vấn đề liên quan tới giáo hội quê nhà và các sinh hoạt mục vụ của đồng bào dân Việt tại Hoa Kỳ.

Mục tiêu hàng đầu của LĐCGVNHK là đẩy mạnh Hành Trình Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng qua các chương trình mục vụ chung, song song với việc liên kết góp phần cụ thể trong các chương trình từ thiện, nhân đạo… cách riêng đối với những người nghèo túng hoặc lâm cảnh tai ương bão lụt, động đất v.v…

Trên đây là một số các sinh hoạt phục vụ có tính cách tổng quát và đặc thù. Nêu ra để thấy rằng nhu cầu của cộng đồng dân Chúa thì vô hạn, mà Liên Đoàn thì giới hạn về mọi mặt. Trong thời gian qua, sở dĩ mọi công việc phục vụ được thực hiện, tiên vàn là do ơn Chúa ban, do thiện chí và nhất là do lòng thương yêu của quý cha, phó tế, tu sĩ, quý chức và cộng đồng dân Chúa Việt Nam khắp mọi nơi.

Ban Lãnh Đạo Phục Vụ Liên Đoàn nhận được những nhận xét, ý kiến và lời khích lệ nhiều nhờ sự tường trình từ các địa phương cũng như từ 8 Miền Hoa Kỳ qua các cuộc họp thường niên và các buổi họp viễn liên “Tele-Conference”. Với phương tiện họp viễn liên trong tình hiệp nhất huynh đệ, nhiều vấn đề đã được chia sẻ, thông tin nhanh chóng và giải quyết thỏa đáng. Nhờ đó, với viễn tượng lạc quan, Liên Đoàn mạnh tiến và hướng về các hoạt động mục vụ cho hai năm sắp đến.

“Ôn cố tri tân”
Cần dừng lại không phải để nêu thành tích, song chính là để tự kiểm những gì đã làm, xem có gì sai sót và cần bổ túc không? Biết lắng nghe và thường xuyên tự vấn để “nhật nhật tân” là tâm nguyện và lý tưởng của những ai đã chấp nhận ơn gọi phục vụ. Kính xin các Đấng Bậc trong tình bác ái vui lòng sửa sai, bổ túc và minh giáo.

Tổng Thư ký LĐCGVNHK
 
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam chúc mừng tân Giám mục phó giáo phận Quy Nhơn
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
16:58 01/01/2010

Chúc Mừng Tân Giám Mục Phó Qui Nhơn: Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi

Được tin hôm nay, 31.12.2009, Đức Thánh Cha Benedictô XVI đã bổ nhiệm
LM Matthêu Nguyễn Văn Khôi làm Giám Mục Phó Giáo Phận Quy Nhơn.

Tân Giám Mục sinh ngày 13.10.1951 ở Phước Sơn, Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Thuở nhỏ, tu học tại Tiểu Chủng Viện Quy Nhơn và theo học Triết lý và Thần học tại Giáo hoàng Học Viện Đà Lạt (1970-1977). Ngài cũng theo học Văn Chương tại Đại học Công giáo Đà Lạt.

Ngài thụ phong Linh Mục ngày 10.5.1989 cho giáo phận Quy Nhơn. Làm Chánh Xứ Giáo Xứ Bình Định (1989-2000). Ngài được cử đi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Roma (2000-2005), mãn học với cấp bằng tiến sĩ Thần học Luân lý.

Từ năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm cha Chính Xứ nhà thờ Chính Tòa Quy Nhơn, Hạt Trưởng hạt Bình Định, và là thành viên trong Ban Cố Vấn của giáo phận Quy Nhơn, đồng thời là thành viên Ban Đào Tạo và Giáo Dục Linh Mục giáo phận.
Ngài cũng dạy tại Đại Chủng Viện Sao Biển một thời gian.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chân thành chúc mừng Đức Tân Giám Mục trước tin vui này. Xin Thiên Chúa và Mẹ Lavang ban nhiều ơn khôn ngoan, sáng suốt và sức khỏe xuống trên Đức Cha, để cùng Đức Cha Chính Nguyễn Soạn và Hội Đồng Linh Mục Giáo Phận, hướng dẫn và phục vụ Cộng Đồng dân Chúa trong Giáo Phận mỗi ngày mỗi thăng tiến.

TM Ban Lãnh Đạo Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ
Chủ Tịch
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Vàng Và Bướm
Trầm Tĩnh Nguyện
23:13 01/01/2010

HOA VÀNG VÀ BƯỚM



Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện, Việt Nam

Vườn mộng yêu thương em với anh

Dẫu cho gió cuốn lá lìa cành

Hồn ta phơi phới như bươm bướm

Bay thấp bay cao thưởng cúc xinh.

(Trích thơ của Nguyên Đỗ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền