Ngày 30-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 5 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:32 30/01/2018
Chúa Nhật 5 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc. 1, 29-39)
CỨU ĐỘ


Gia đình tổ ấm yêu thương,
Có cha có mẹ, tựa nương tháng ngày.
Thầy trò thăm hỏi hôm nay,
Nhạc gia cảm sốt, xin Thầy chữa cho.
Si-mon cầu khấn lắng lo,
Mẹ già mắc bệnh, ai lo tiếp Thầy.
Cầm tay Chúa chữa ngay đây,
Bệnh tình biến mất, lòng đầy hân hoan.
Chiều về dân chúng lo toan,
Vội vàng kéo đến, một đoàn bệnh nhân.
Xin Thầy cứu chữa ban ân,
Xua trừ ma quỉ, xác thân khổ sầu.
Chúa thương ban phúc lời cầu,
Tinh sương rạng sáng, nơi đâu tìm Thầy,
Vào nơi thanh vắng nào đây,
Tin vui rao giảng, nơi này làng kia.

Chúa Giêsu đã ra công khai rao giảng Tin Mừng. Ngài chính thức vào nơi Hội Đường Do Thái để loan tin vui Cứu Độ. Nhiều người ngạc nhiên về sự hiểu biết và quyền năng của Chúa. Một số người đã tin và đi theo Chúa. Cũng nhiều kẻ còn hồ nghi, ghen tương và chối từ Ngài.

Sau khi rời Hội Đường, Ngài và các môn đệ trở về nhà ông Simon. Ngạc nhiên là mẹ vợ của Simon bị bệnh sốt. Chúa đã ghé thăm và chữa bệnh cho bà. Chúng ta không thấy phúc âm nhắc đến vợ và con cái của ông Simon. Dĩ nhiên Simon vẫn quan tâm cho gia đình và có lẽ Chúa và các môn đệ ghé thường xuyên để ăn uống trong suốt thời gian rao giảng.

Chúa gọi Simon, ông bỏ mọi sự và đi theo Chúa. Bỏ lại gia đình, chài lưới và công ăn việc làm hàng ngày. Đây là một sự đáp trả tiếng Chúa thật cao qúy. Simon âm thầm đi theo Chúa, một người Thầy không có nơi gối đầu.

Theo Thầy lang thang phố này qua phố khác. Chúa tìm đến với những người cùng khổ và nghèo nàn. Từng bước Chúa đã tỏ uy quyền trong chương trình cứu độ. Chúa rao giảng tin mừng, chữa tất cả các loại bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ ma qủy. Chúa bắt đầu đối đầu với tất cả các tệ nạn của xã hội. Chúa muốn họ thay đổi tư duy và thay đổi cách sống. Mời gọi sống với trái tim chân tình và yêu thương.

Một giáo lý mới lấy tâm làm nền. Mọi sự quy về đức yêu thương. Chúa đã chạnh lòng thương vì dân chúng bơ vơ không có người chăn dắt. Ngài đến để quy tụ họ về một mối. Ngài chính là Chúa Chiên Lành. Chúa Chiên dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Thao thức của Ngài là đến với từng con chiên lạc, ôm ấp, dắt dìu và vỗ về trong vòng tay yêu thương.

Chúng ta hãy trao phó cuộc sống của chúng ta trong vòng tay lân ái của Chúa. Chúa sẽ chữa lành mọi vết thương lòng và khổ đau thân xác. Tình thương của Chúa thật hải hà. Có khi nào chúng ta chạy đến với Chúa khẩn cầu mà Chúa chẳng nhậm lời. Chúa đang giang tay trên thập giá chờ đón chúng ta kìa.

THỨ HAI, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
(Stk 1,1-19; Mc 6, 56-36).
CHỮA LÀNH


Bộ hành dong duổi đường trường,
Thôn quê thành thị, tha hương xứ người.
Thầy trò tiến bước không rời,
Ra đi rao giảng, gọi mời canh tân.
Uy quyền phép lạ cứu dân,
Mở lòng thương xót, Chúa cần lòng tin.
Mọi người đau yếu cầu xin,
Chúa thương cứu khỏi, hàng nghìn bệnh nhân.
Mong sờ gấu áo ngay chân,
Ai mà chạm tới, xác thân khỏi liền.
Quyền năng tỏa khắp mọi miền,
Thần dân phấn khởi, như tiên giáng trần,
Ơn trời tuôn đổ vô ngần,
Giê-su Chúa Cả, xuống trần viếng thăm.
Con dân lần bước tối tăm,
Hào quang ánh sáng, ngàn năm mong chờ.

THỨ BA, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
(Stk 1,20-2, 4a; Mc 7, 1-13).
TẨY RỬA


Rửa tay sạch sẽ vào ăn,
Môn đồ theo Chúa, can ngăn thi hành.
Giữ lòng tinh sạch thanh danh,
Hơn là hình thức, thực hành qua loa.
Có nhiều tập tục ông cha,
Truyền nhau tuân giữ, chỉ là thói quen.
Rửa bình, rửa chén, rửa đèn,
Bên ngoài bóng nhoáng, lời khen ở đời.
Lắng nghe Chúa dậy đôi lời,
Giữ tâm trong sạch, rạng ngời tấm thân.
Kính cha thảo mẹ ân cần,
Lập thân báo hiếu, đỡ đần mẹ cha.
Yêu thương nâng đỡ tuổi già,
Yêu cha mến mẹ, thật là con ngoan.
Điều răn Chúa dậy chu toàn,
Tâm hồn thanh thoát, hân hoan sống đời.

THỨ TƯ, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
(Stk 2, 4-9a. 15-17; Mc 7, 14-23).
TÂM


Mọi sự xuất hiện trung dung,
Gương mù gương xấu, ở cùng cái tâm.
Mỗi người tu luyện âm thầm,
Thế gian muôn mặt, dễ nhầm lắm thay.
Sự gì ô uế đắng cay,
Từ tâm xuất phát, mới hay lòng người.
Xấu xa giận dữ tội đời,
Tham lam xảo trá, xạo lời xuất ra.
Giết người trộm cắp sa đà,
Ngông cuồng ganh tị, cách xa tâm tình.
Kiêu căng độc ác hại mình,
Lăng hoàn dâm dật, cực hình tấm thân.
Xấu xa tư tưởng tham sân,
Luyện tâm thanh lọc, tinh vân rạng ngời.
Tâm tư tự phát mọi lời,
Chân thành nhỏ nhẹ, tuyệt vời biết bao.

THỨ NĂM, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
(Stk 2, 18-25; Mc 7, 24-30).
THẦN DỮ


Tiến vào địa hạt ngoại dân,
Ty-rô đất lạ, ẩn thân cứu đời.
Rao truyền chân lý ngàn đời,
Một bà nghe biết, xin Người cứu nguy.
Thành tâm cầu khẩn gối quỳ,
Con tôi quỷ ám, thân suy xác tàn.
Lạy Thầy cứu chữa xin van,
Trừ thần ô uế, ơn ban xác hồn.
Đôi lời thử thách ôn tồn,
Của ngon nuôi dưỡng, con khôn trong nhà.
Không nên lấy bánh ngọc ngà,
Vất cho con chó, nơi xa nó dùng.
Bà thưa đúng thế lạ lùng,
Chó con được hưởng, của chung dư thừa.
Chúa ban phúc lộc như mưa,
Quỉ ma xuất khỏi, con thưa tạ Ngài.

THỨ SÁU, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
(Stk 3, 1-8; Mc 7, 31-37).
MỞ RA


Chúa vào thập tỉnh bên kia,
Si-đon thành nhỏ, phân chia các vùng.
Môn đồ theo Chúa đi cùng,
Có người câm điếc, ngại ngùng tiến ra.
Xin Thầy cứu chữa anh ta,
Đám đông tách khỏi, ra xa chữa lành.
Chạm tai ngước mắt cầu sanh,
Tay bôi nước miếng, lưỡi anh sõi sàng.
Tin vui loan báo xóm làng,
Quyền năng cứu chữa, dễ dàng loan đi.
Chúa rằng đừng nói làm chi,
Thi hành sứ mệnh, tiên tri vào đời.
Lạ lùng phép tắc cao vời,
Mù câm què điếc, phán lời chữa ngay.
Âm thầm rao giảng chỗ này,
Ngày mai nơi khác, tỏ bày ý Cha.

THỨ BẢY, TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
(Stk 3, 9-24; Mc 8, 1-10).
HÓA BÁNH


Sương rơi chiều tối đồng hoang,
Lắng nghe Lời Chúa, rạng quang tâm hồn.
Chúa thường kể chuyện dụ ngôn,
Kéo lôi cuốn hút, lời khôn giãi bầy.
Miệt mài khao khát đong đầy,
Ba ngày mệt mỏi, nơi nầy vắng tanh.
Ra về mệt lả sao đành,
Giữa nơi hoang địa, thực hành phép tiên.
Bánh mì bảy chiếc có liền,
Mấy con cá nhỏ, cả thiên người chầu.
Bốn ngàn nhân khẩu thấm đâu.
Làm sao phát đủ, mỗi đầu phần ăn.
Chúa làm phép lạ hóa nhanh,
Mọi người vui hưởng, bánh ăn còn thừa.
Của dư thiên hạ vất bừa,
Thu vào bảy thúng, ơn mưa dạt dào.
 
Đi ra vùng ngoại biên
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:45 30/01/2018
Chúa Nhật V B

1. Ngày làm việc của Chúa Giêsu

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện, rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Một ngày thật bận rộn với biết bao công việc: Giảng dạy trong hội đường rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; Buổi chiều cho đến tối mịt, Chúa chữa lành dân chúng đủ loại bệnh hoạn tật nguyền; Sáng sớm tinh mơ, Chúa dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha.

Công việc bề bộn mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong nhịp sống thường ngày.

a. Cầu nguyện:

“Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng cầu nguyện” (1,35). Suốt ngày lo toan với bao nhiêu là công việc, tiếp xúc đủ thứ hạng người, Chúa Giêsu dành buổi sáng tinh mơ để tâm sự trao đổi với Cha. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Người cần có thời gian sống riêng tư một mình. Người cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc, về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Người cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Cha. Một ngày mới khởi đầu như thế để múc nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

b. Rao giảng

Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng “Ngày Sabát, Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy” (1,21). Người đọc Sách Thánh và giải nghĩa: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (1,22). Cả phương pháp và bầu khí giảng dạy của Người đều như một sự mạc khải mới mẻ. Chúa giảng với một uy quyền vượt xa các luật sĩ kinh sư thời đó. Chúa giảng như Đấng có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao. Chúa hoàn toàn độc lập khi giảng dạy. Người không trích dẫn, không dựa vào thế giá một chuyên viên nào. Vì thế, giáo lý của Chúa mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới, lòng người cảm mến hân hoan, tâm hồn rộng mở hướng về trời cao với Chúa Cha.

c. Chữa lành thể xác tâm hồn.

Lời giảng dạy thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục: “Ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon… Bà nhạc của ông Simon đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Chúa Giêsu làm một cử chỉ thân ái là cầm lấy tay bà và nâng dậy, như có lần Người cầm tay đứa con gái ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (Mc 5,41), lần khác Người cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).

“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Căn nhà ông Simon nhỏ hẹp, các bệnh nhân phải đứng thành nhiều vòng bên ngoài chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều được Chúa chữa lành.

Tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca cũng có cùng một cảm nghiệm đó khi nói: “Chính Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương tâm của họ”. Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).

Bệnh tật đeo đuổi con người như hình với bóng. Người ta tìm ra phương cách chữa được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày nhiều căn bệnh mới càng khó trị và bất trị cho dù y học hiện đại tiến bộ vượt bậc. Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại. Người không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.

Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ. Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao dung vô bờ bến. Rao giảng Tin Mừng yêu thương, làm phép lạ chữa lành, mở rộng vòng tay đón nhận và tha thứ những kẻ tội lỗi. Chúa chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quảng đại, những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con người tìm được mùa xuân cuộc đời.

Ngày làm việc bận rộn của Chúa Giêsu đều đầy ắp niềm vui cầu nguyện và hoạt động. Đó chính là khuôn mẫu cho mọi tín hữu.Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu nói đến đời sống cầu nguyện và hoạt động của mọi tín hữu: Muốn có một đời sống Kitô hữu đích thực, mọi người cần xác tín rằng: việc truyền giáo vừa là một hoạt động có chiêm niệm, vừa là một chiêm niệm có hoạt động (số 23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).

Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.

2. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên.

“Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông : Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”.

Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới.

Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo. Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, người người tội lỗi và những người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình những lời tiên tri Isaia xưa đã nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20). Người cũng đã xác định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Người muốn dạy cho mọi người thấy: Trước mặt Chúa không có vấn đề ưu đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ những ngoại biên. Người nói rõ ràng với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21-24). Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, đến với họ chia sẻ những nỗi đau của họ. Chúa Giêsu cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Hiện nay, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x.Tin Mừng cho người ngoại biên, ĐGM Bùi Tuần).

3. Giáo Hội Đi Ra Vùng Ngoại Biên

Thời nay, nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, là mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân.

Chúa đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá.Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc "chinh phục các linh hồn" cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm "vùng đất ngoại bang", và noi gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai chúng ta đến.

Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các mục tử: Nếu một linh mục học nhiều về thần học và có nhiều bằng cấp, mà chưa học vác Thập giá Chúa Kitô, thì chưa phải là phục vụ. Người đó có thể là một học giả tốt, có thể là một giáo sư tốt, nhưng người ấy không phải là một linh mục. Các con thân mến, các con làm ơn đừng trở thành những “quý ông”, cũng đừng trở thành những “giáo sĩ kiểu công chức”; nhưng các con hãy trở thành người mục tử, những mục tử của dân Chúa. (x. bài giảng phong chức linh mục cho 10 thầy Phó tế tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, 07 tháng 05 năm 2017).

“Đi Ra Vùng Ngoại Biên” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên ...Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).

Chúa Giêsu đến thế gian với thân phận con người, làm con người, yêu thương con người và cứu độ con người. Người tận tụy phục vụ mọi người. Hãy cùng với Chúa “đi ra vùng ngoại biên”, ra khỏi những khung cảnh quen thuộc hằng ngày loan báo Niềm Vui Tin Mừng.



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
HĐGM Philippines: Thay đổi hiến pháp phải bảo vệ và cổ võ giá trị luân lý
Hồng Thủy
11:33 30/01/2018
Trong tuyên ngôn được đưa ra ngày 29/01 vừa qua, sau sau khóa họp thường kỳ vào tháng 1 tại Cebu City, các Giám mục Philippines đã đưa ra những chỉ dẫn mục vụ cho các tín hữu Công Giáo trong khi chính quyền đang tiến hành những thay đổi về hiến pháp.

Hiến pháp hiện tại của Philippines đã có từ năm 1987. Trong quá khứ, các Giám mục tuyên bố rằng dù hiến pháp này chưa hoàn hảo nhưng nó phù hợp với Tin mừng.

Trong tuyên ngôn, Giám mục Philippines yêu cầu rằng nếu có thay đổi nào trong Hiến pháp mới thì nó phải hướng đến việc bảo vệ và cổ võ hơn các giá trị luân lý. Các ngài khẳng định ý muốn làm cho khuynh hướng luân lý trở nên rõ ràng và thẳng thắn. Theo các vị lãnh đạo Giáo hội, dựa trên nền tảng giáo huấn của Giáo hội, 4 nguyên tắc – về nhân phẩm và nhân quyền, ngay chính và sự thật, tham gia và hỗ tương, ích chung – là căn bản cho việc đánh giá luân lý.”

Các ngài cảnh giác chống lại việc làm giảm nhẹ đi bất kỳ nguyên tắc ủng hộ sự sống nào đã được ghi trong hiến chương hiện tại, bao gồm “bản chất cơ bản của hôn nhân và gia đình” và chống lại việc gia hạn nhiệm kỳ của các quan chức đương nhiệm để tránh việc đi tới một chế độ độc tài như kinh nghiệm trong quá khứ.

Tuyên ngôn của các Giám mục Philippines lưu ý rằng việc thay đổi hiến pháp này nhắm tạo điều kiệncho sự chuyển đổi từ một thể chế nhất thể sang hình thức nghị viện của chính phủ. Các Giám mục hy vọng với ý hướng này, những người có trách nhiệm sửa đổi hiến pháp thực thi công việc được giao cho họ.

Bênh vực sự thật dù cho gặp nguy hiểm

Vào đầu khóa họp hôm 27/01, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Giordano Caccia, Sứ thần Tòa thánh tại Philippines, đã mời gọi các Giám mục Phi luôn bênh vực sự thật. Ngài nói: “Chúng ta có can đảm loan truyền sự thật ngay cả gặp nguy hiểm không? Như các nhà lãnh đạo và các tông đồ, chúng ta phải rao truyền sự thật. Mục đích của chúng ta không phải là đương đầu với quyền lực nhưng là hoán cải.”

Trong bài giảng, Đức Sứ thần nói: “các Giám mục chúng ta được mời gọi hướng dẫn, chăn dắt và thánh hiến dân của chúng ta. Ngài nói thêm: “Khi người dân đến với chúng ta, chúng ta biết câu trả lời đúng là gì. Chúng ta biết điều gì đúng và điều gì sai, điều gì nên làm và điều gì nên tránh…. Chúng ta hãy giúp người khác trở thành các môn đệ tốt hơn và các tôi tớ tốt hơn của dân chúng. Điều quan trọng là trở thành các nhà lãnh đạo có thể hướng dẫn, không chỉ người khác, nhưng cả chính chúng ta.

Trong phát biểu khai mạc đại hội, Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines nói rằng tình cảnh chính trị của đất nước, đặc biệt là cuộc chiến chống ma túy của chính quyền là cơ hội lớn cho các Giáo hội địa phương. Đức cha Valles nói: “Nó là cơ hội lớn để một lần nữa chúngt a truyền giảng rằng mỗi và mọi sự sống đều là thánh thiêng. Mỗi và mọi sự sống đều được yêu thương và giữ gìn. Chúng ta không muốn bất cứ ai bị giết.”

Các Giám mục Công Giáo Philippines họp toàn thể hai năm một lần, vào tháng 1 và tháng 7, để thảo luận về các vấn đề có liên quan đến các tín hữu Công Giáo tại nước này. (Ucan 30/01/2018)
 
Vấn đề đào tạo linh mục tương lai ở Philippine
Ngọc Yến
15:40 30/01/2018
CEBU CITY. Tổng giám mục Jorge Calos Patron Wong, Tổng thư ký Bộ giáo sĩ, đã giải thích mục đích chính của National Seminary Formators Assembly, Hội nghị toàn quốc các nhà huấn luyện chủng sinh, được tổ chức trong những ngày vừa qua tại Cebu City, Philippine, là nhằm đào sâu việc đào tạo cho các chủng sinh làm sao có một hiệu quả trong công việc truyền giáo. Ngài nói: “Chúng tôi muốn các linh mục tương lai lãnh hội sự đào tạo một cách toàn bộ, không chỉ ở mặt tri thức hàn lâm nhưng còn ở những chiều kích khác như chiều kích con người và tinh thần. Các linh mục là tương lai của Giáo Hội và của đất nước, chúng tôi mong muốn điều tốt nhất cho họ bởi vì họ chính là những người sẽ nhân rộng các ân huệ của Thiên Chúa”.

Có ít nhất bốn trăm giáo sư đến từ khắp các nơi trong đất nước, cũng có các giáo sư đến từ Singapo và Malaysia. Tất cả tham dự sự kiện này để đào sâu văn bản hướng dẫn mới của Tòa Thánh được công bố vào ngày 18-12-2016 của Bộ Giáo sĩ Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis intitolata; “Hồng ân ơn gọi linh mục”. Những thách thức mới đến từ xã hội hiện đại đòi hỏi phải có sự thích nghi cho việc chuẩn bị linh mục tương lai. Đây là một giai đoạn rất quan trọng mà ĐTC Phanxicô rất mong muốn nơi đời sống linh mục. Tổng giám mục Patron Wong nói: “ĐTC hy vọng rằng trong sự tiển triển ơn gọi linh mục, Ngài muốn có những linh mục là những vị mục tử, được đào tạo có lòng nhân hậu và có tâm hồn của Chúa Giêsu".

Theo báo cáo của AsiaNews, tại cuộc gặp ở Cebu City, thủ phủ của vùng Central Visayas, có sự hiện diện của Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, Sứ thần Tòa thánh ở Philippine, Giám mục Gerardo A. Alminaza của San Carlos, Chủ tịch Ủy ban các chủng viện của Hội đồng Giám mục Philippine, Tổng Giám mục Jose S. Palma của Cebu, Tổng Giám mục Romulo G. Valles của Davao , Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cũng như Hồng Y Luis Antonio G. Tagle, Tổng Giám mục Manila, người tham dự ở những buổi làm việc cuối cùng của Hội nghị. Đức ông Alminaza đã nói rằng các giáo sư cố gắng tìm ra trong một cách thức đặc biệt để trình bày một bản dự thảo bàn luận về làm thế nào để có thể cập nhật việc đào tạo: “Sự quan tâm của chúng tôi là chuẩn bị các linh mục tương lai: như các môn đệ của Chúa, chúng ta không bao giờ ngừng học hỏi. Chúng ta phải vun xới và trau dồi tối đa hồng ân ơn gọi linh mục; hội nghị phải xác định cụ thể và cùng nhau suy nghĩ để đưa ra một cách thức phù hợp và có thể áp dụng ở Philippine. Bởi vậy tôi mong muốn sau Đại hội này, có một tài liệu quan trọng có thể trở thành phần không thể tách rời trong việc hội nhập văn hóa cho những chỉ dẫn về đào tạo ơn gọi linh mục. Mục đích là để chia sẻ tình hình thực tế của đất nước, học hỏi những chỉ dẫn mới. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện để cho cuộc gặp này không là một sự vô ích nhưng mang đế một sự canh tân cho xã hội”

Ý kiến nền tảng – chúng ta đọc trong phần giới thiệu của Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis – “Các chủng việc có thể đào tạo các môn đệ truyền giáo ‘say mê’ Thầy, những mục tử ‘với mùi của chiên’, những người sống giữa đàn chiên để phục vụ và mang đến cho chiên lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì điều này mỗi linh mục cần phải cảm nhận luôn luôn rằng mình là một người môn đệ lữ hành, được hiểu như là tiếp tục hình ảnh hóa của Chúa Giêsu”. Bốn đặc điểm cho việc đào tạo được trình bày trong văn bản là “duy nhất, toàn bộ, cộng đoàn, truyền giáo” (L’OSSERVATORE ROMANO 28/01/2018)
 
Mừng Lễ Thánh Gioan Bosco và Lễ Nhận chức Giám tỉnh của Lm William Matthews
Thanh Quảng sdb
21:06 30/01/2018
Mừng Lễ Thánh Gioan Bosco và Lễ Nhận chức Giám tỉnh của Lm William Matthews

Chiều ngày 30/1/2018 rất đông các linh mục tu sĩ Salesian Don Bosco tại Melbourne cùng với các thành viên trong Đại gia đình Salesian về Thánh đường Nữ thánh Margaret Mary để cùng với cha Bề trên miền Vaclav Klement SDB dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Gioan Bosco và trong thánh lễ có nghi thức nhận chức Giám tỉnh của cha William.

Coi hình

Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB, chính xứ kiêm Giám đốc Cộng thể Salesian Brunswick đã ngỏ lời chào tới tất cả trước khi Ca đoàn Don Bosco cất tiếng hát bài ca: Here I am Lord (Lạy Chúa, này con đây!). Thánh lễ đã qui tụ khoảng 30 linh mục đồng tế và 300 khách tham dự gồm người Úc, Ý, Việt và Miến điện…

Sau bài giảng của chủ tế, Tân giám tỉnh cha William đã tuyên xưng Đức tin và xác quyết tuân thủ các lời giáo huấn của Giáo hội… và ký vào Văn bản. Sau phần rước lễ, Đoàn Thanh thiếu niên Salesian đã vũ khúc bài “Xin thắp lên trong con Ngọn lửa Tình Yêu Chúa” lời Việt và lời Anh do sơ Thùy Linh đặt và hát… Thánh lễ diễn ra thật tốt đẹp trong một buổi tối mát trời. Ca đoàn Don Bosco hát thật hay đưa lòng mọi người hướng về Chúa… Sau thánh lễ tất cả được mời vào Hội trường dùng bữa với nhiều món như Gỏi cuốn của Nhà hàng Phở Nón Lá, Pizza và bánh kem, bánh Bông lan của Derby Barkery House, và nhiều món như Cánh gà chiên, Cơm chiên và Mì xào, Bánh mì Patê, chè và bánh trái tráng miệng… Mọi người chia sẻ thức ăn đồ uống vui vẻ và hàn huyên trao đổi giữa những người Úc, Ý, Việt và Miến Điện…
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phong Trào Cursillo Gp Cần Thơ họp đại hội
Micae Nguyễn Ngọc Thắng
17:21 30/01/2018
Ngày 27/01/2018, tại Trung tâm Mục vụ GP, Phong trào Cursillo GP Cần Thơ đã tổ chức Đại hội Ultreya lần thứ nhất năm 2018 và Thánh lễ mừng bổn mạng Phong trào - Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại. Đặc biệt, lần này có sự hiện diện của Đức Cha Stêphanô cùng quý Cha linh hướng và hơn 180 anh chị em Cursillista.

Xem Hình

Đây là lần đầu tiên PT Cursillo GP Cần Thơ có dịp ra mắt Đức Cha Stêphanô (ĐC) trong bầu không khí trang nghiêm và thánh thiện này. Có thể nói, mọi người vô cùng phấn khởi vì có sự hiện diện của vị Cha chung đáng quí mến trong thánh lễ mừng bổn mạng của PT. ĐC Stêphanô đã đến chủ sự, giảng dạy và cầu nguyện cho anh chị em PT Cursillo.

Nhân dịp này, anh Micae Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Ban phục vụ PT Cursillo GP đã lược lại đôi nét về PT Cursillo của GP Cần Thơ qua 3 giai đoạn để báo cáo lên Đức Cha cùng với quý Cha linh hướng.

Giai đoạn thứ nhất: Trước năm 1975. Năm 1967 được coi là năm khai sinh của PT Cursillo tại Việt Nam. Riêng GP Cần Thơ đã đón nhận Phong trào này từ ngày 7/8/1969 dưới thời ĐC Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang. Sau đó liên tiếp hằng năm đều có mở khóa tại TGM, tổng cộng đến năm 1974 được 12 khóa. Hiện nay, đa số các thành viên tham gia PT trước năm 1975 đã mất và lớn tuổi.

Giai đoạn thứ hai: Tái khởi động, chuẩn bị nhân sự. Kể từ tháng 6/2010, để tái khởi động cho PT Cursillo sinh hoạt trở lại, ĐC đã đề nghị cha Micae Trần Đình Nha cho gửi người đi tham dự K3N tại các GP khác để sau này có nhân sự cho GP nhà. Và thế là từ năm 2010 đến 2014, GP gửi đến các GP Sai Gòn, Phú Cường, Long Xuyên, được tổng cộng 106 anh chị em. Những anh chị em này là những hạt nhân đầu tiên để phát triển PT trở lại.

Năm 2015, Đức Cha cho phép mở hai khóa 3 ngày tại Trung tâm Mục vụ GP Cần Thơ sau hơn 40 năm gián đoạn. Hai khóa 3 ngày mở ra với sự trợ giúp của Văn phòng Điều hành Cursillo Việt Nam và quý anh chị em hải ngoại.

Theo đó, khóa 1 dành cho nam được mở từ chiều ngày thứ năm 02/7/2015 đến chiều Chúa Nhật 05/7/2015 với 48 TDV. Tiếp theo là khóa 2 dành cho nữ, mở từ chiều ngày thứ hai 06/7/2015 đến chiều thứ năm 09/7/2015 với 57 TDV

Đến năm 2017, Đức Cha cho phép mở hai Khóa 3 Ngày tại Trung tâm Mục vụ GP Cần Thơ. Khóa 3, dành cho nam từ ngày 25 đến 28/7/2017 với 43 TDV và khóa 4, dành cho nữ từ ngày 29/7 đến 01/8/2017 với 56 TDV.

Như vậy, tính đến nay (27/01/2018), GP Cần Thơ có 259 Cursillista tham gia PT từ khi tái khởi động lại tháng 6/2010 đến nay. Trong đó, số Cursillista các Hạt gồm: Cần Thơ 83, Hạt Vị Thanh 52, Trà Lồng 38, Đại Hải 34, Sóc Trăng 26, Bạc Liêu 1, Cà Mau 25.

Giai đoạn hiện nay: Để góp phần vào sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của GP cùng với mọi thành phần dân Chúa trong GP, PT Cursillo chỉ là một trong nhiều đoàn thể của GP. Mặc dù, còn rất khiêm tốn về mọi mặt nhưng anh chị em vẫn nỗ lực sinh hoạt hàng tháng và Ultreya một năm 3 lần để học hỏi, trau dồi việc đạo đức và tham gia vào các sinh hoạt truyền giáo, mục vụ giáo xứ với phương châm của PT là “Một tay nắm lấy Chúa – Một tay nắm lấy anh em”. Hàng tháng các anh chị em Cursilista trong các Hạt đã chủ động lịch sinh hoạt và có sự hướng dẫn của quý Cha linh hướng.

Về tổ chức Đại hội Ultreya: Mỗi năm, PT GP Cần Thơ lên kế hoạch tổ chức 3 kỳ Đại hội Ultreya. Từ năm 2016, số lượng Cursillista tại các Hạt đã tăng lên, nên việc tổ chức Ultreya được luân phiên về các Hạt đăng cai tổ chức để anh chị em có dịp đi đến các Hạt chia sẻ với nhau. Theo thống kê qua các kỳ Đại hội Ultreya, số anh chị em đến tham dự đạt khoảng 60%, lần đông đủ nhất đạt 85%. Ultreya thường được tổ chức gói gọn trong một buổi bao gồm cả Thánh Lễ.

Để có được những kết quả như ngày hôm nay, anh Trưởng ban Phục vụ phong trào GP đã dâng lên tạ ơn và tri ân:

+ Chúng con xin Tạ ơn Thầy Chí Thánh Giêsu đã luôn đồng hành, che chở, gìn giữ, hướng dẫn PT Cursillo GP.

+ Chúng con hết lòng tri ân ĐC, dù bận rộn với biết bao công việc GP, nhưng vẫn luôn quan tâm và chỉ đạo, đặc biệt đã đồng hành với chúng con trong kỳ đại hội La Vang, nhân kỷ niệm 50 PT hiện diện tại Giáo Hộ Việt Nam. ĐC cũng đã phát biểu những cảm nghĩ về PT và còn “bật đèn xanh” cho PT được sinh hoạt trong GP. Cả Đại Hội với hơn 2.000 con người đã vỗ tay chúc mừng ĐC và GP/CT. Và đặc biệt hôm nay ĐC đã đến chủ tế thánh lễ và chia sẻ cho toàn thể anh chị em chúng con, nhân ngày kính Thánh Phaolô Tông đồ, quan thầy PT Cursillo và dịp Đại hội Ultreya cuối năm.

+ Chúng con cũng xin Đức Cha tiếp tục cỗ võ PT nơi quí cha, quí các dòng tu, nơi các Hạt, các giáo xứ, để chúng con những người giáo dân có cơ hội tham gia vào sứ mạng Loan Báo Tin Mừng trong GP truyền giáo đầy bao la bát ngát này.

+ Chúng con xin cám ơn Quý Cha linh hướng luôn đồng hành với chúng con và giúp đỡ chúng con cả tinh thần lẫn vật chất.

+ Chúng con xin cám ơn tất cả Quý ACE Cursillista và mọi người đã hy sinh cầu nguyện và dấn thấn chọn PT Cursillo để hoạt động tông đồ.

+ Chúng con hứa sẽ quyết tâm trở thành những tông đồ nhiệt thành Loan Báo Tin Mừng của Chúa đến những người những nơi mà Chúa sai chúng con đến trong GP/CT này.

Sau cùng, xin nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Phaolô bổn mạng Phong trào Cursillo, nguyện xin Thầy Chí Thánh ban muôn ơn lành xuống nơi Đức Cha, Quý Cha và toàn thể ACE Cursillista. Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, anh chị em PT đã dâng lời kính chúc lên Đức Cha, Quý Cha và toàn thể Quý anh chị em tràn đầy sức khỏe, niềm vui và hồng phúc nơi Chúa Xuân.

Xin trích đăng một đoạn phát biểu của Đức Cha Stêphanô trong kỳ đại hội La Vang, nhân kỷ niệm 50 PT hiện diện tại Giáo Hội Việt Nam diễn ra trong 3 ngày 19-20-21/10/2017:

Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên: “Xã hội chúng ta sẽ trở nên lành mạnh hơn và đó là điều mà chúng tôi qua những ngày này rất hy vọng ở nơi Phong trào Cursillo, phong trào của giáo dân, phong trào này giúp cho giáo dân nên thánh, nên thánh không chỉ cho mình, nên thánh cho những anh chị em khác, tức là cho bầu khí trong cái xã hội này, cho đất nước này, cho dân tộc này mỗi ngày một nên tốt hơn, cuộc sống nên thánh thiện hơn, và đây là những hoa quả mà chúng tôi rất mong, chúng tôi rất khao khát.

Để có được những hoa quả đó, từ những cảm nghiệm như vậy thì nói như thế này: Tôi không chỉ ước mơ đâu, tôi không chỉ cầu chúc đâu, bởi vì cầu chúc nó không thành sự thật, mà chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện để xin Chúa ban cho những điều mà chúng ta mơ ước trở thành hiện thực mới được, thì mới có hiệu quả. Ngày hôm nay chúng ta cầu xin cho giáo phận Cần Thơ chúng con, xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ ban cho giáo phận của chúng con có thêm nhiều cursillista ở trong giáo phận. Cho nên con có nói với lại cha tuyên úy, các cha tuyên úy trong giáo phận con, mình cố gắng nha, mỗi năm một lần chúng ta tổ chức khóa học cho bà con giáo dân. Tôi mong rằng thời gian tới, trong tất cả mọi họ đạo của chúng tôi đều có những cursillista, những người này chính là những người thực sự giúp đỡ cho những anh chị em của mình một cách chân chất, hữu hiệu như chúng tôi đã từng chia sẻ (nhớ nha anh chị em).

Thứ hai chúng tôi cầu xin Chúa không chỉ riêng giáo phận Cần Thơ mà cho cả hai mươi sáu giáo phận của đất nước chúng ta, và cầu cho tất cả các Kitô hữu Việt Nam. Ước gì tất cả các Kitô hữu chúng ta đều là những cursillista cho Giáo Hội chúng ta. Đó là điều tôi không chỉ ước mơ mà đó là lời cầu nguyện.

Hôm nay tôi muốn dâng lên cho Chúa, nhờ lời cầu nguyện của Đức Mẹ Maria, không chỉ cầu nguyện cho chúng ta thôi mà còn cầu nguyện cho những anh chị em cursillista ở trong tương lai nữa, và đó chính là điều chúng tôi chia sẻ tới anh chị em trong buổi sáng hôm nay”.

Micae Nguyễn Ngọc Thắng
 
60 Năm Hồng Ân: Cuộc Họp Mặt Gia Đình Piô X Năm 2018 Tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Đà Lạt
Quốc Anh
17:44 30/01/2018
Tạ ơn Chúa, nhớ ơn các vị ân sư và chia sẻ với nhau những thao thức, đó là những điểm nổi bật trong hai ngày Họp mặt của các cựu học viên Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, từ 24/1/2018 đến 26/1/2018 tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Đà Lạt.

Đây là cuộc họp mặt lần thứ tư kể từ khi Giáo Hoàng Học Viện bị giải tán vào tháng 8 năm 1977. Cuộc họp mặt lần đầu tiên vào năm 2008 tại Tòa Giám Mục Đà Lạt để kỷ niệm 50 năm Giáo Hoàng Học Viện. Lần thứ hai năm 2011 tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Đà Lạt, lần thứ ba năm 2015 tại Bình Hưng Hoà B, Tp. HCM. Cuộc họp mặt lần thứ tư này nhằm kỷ niệm 60 năm Giáo Hoàng Học Viện, mừng Kim khánh Linh mục và thượng thọ bát tuần của người Anh Cả là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cũng như mừng Kim khánh, Ngân khánh Linh mục và thượng thọ của các cựu học viên.

Xem Hình

Về tham dự cuộc họp mặt có khoảng 130 cựu học viên, từ Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Đức Ông, Linh mục cho đến vợ con, thân nhân các “bonaventura”. Riêng hàng Giám Mục, có 13 vị tham dự (trong đó có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn), vắng 3 vị: Phêrô Đệ SDB (Thái Bình), Phêrô Soạn (Qui Nhơn), Stêphanô Thiên (Cần Thơ).

Chương trình ngày đầu tiên bắt đầu với cuộc Họp “Giao duyên” do cha Tổng Thư ký Phạm Bá Lãm điều hành. Ngài tổng kết sơ lược những cái “thêm” và cái “mất” từ lần họp mặt lần trước (2015) đến nay. Thêm là thêm 3 Giám Mục: Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn (Bà Rịa, 2015), Đaminh Nguyễn Văn Mạnh (Đà Lạt, 2017), Gioan Đỗ Văn Ngân (Xuân Lộc, 2017); 1 Đức Ông: Giuse Lê Văn Sỹ. Còn “mất” là một số vị về với Chúa, trong đó có 3 Đức Ông: Philipphê Lê Xuân Thượng (2015), Phêrô Nguyễn Văn Tài (2015), Phanxicô Borgia Trần Văn Khả (2017); 10 Linh mục: Stêphanô Cổ Tấn Hưng SJ (2015), Giuse Khuất Duy Linh SJ (2015), Phêrô Phan Xuân Thanh (2015), Giuse Đinh Trọng Luân (2016), Vinh Sơn Nguyễn Xuân Minh (2016), Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Nam (2016), Anrê Trần Văn Bảo (2017), Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long OFM (2017), Gioakim Hồng Minh Nghiệm (2017), và mới đây nhất là Antôn Nguyễn Trường Thăng (2018). Nói chung, “tre ngày càng tàn lụi, còn măng thì “không được phép” …mọc!”.

Tiếp theo là phần chụp hình từng khóa với các Đức Cha. Cả thảy có 18 khóa. Chụp hình xong, mỗi tham dự viên được tặng một túi … đầy sách. Đây là công trình viết lách của một số anh em cựu học viên: Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Nguyễn Kim Anh, Võ Tá Khánh…

Sau phần chia sẻ tâm tình của các Giám Mục là Thánh lễ tạ ơn 60 năm thành lập Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X, do Đức Cha chủ nhà Antôn Vũ Huy Chương chủ tế, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn giảng. Dựa trên bài Tin Mừng Lc 17,11-19, Đức Hồng Y nhấn mạnh hai chữ “tạ ơn”: Khi được khỏi bệnh, người phong hủi ngoại giáo đã trở lại cám ơn. Chúa Giêsu đã hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Chúa muốn chúng ta phải tỏ lòng biết ơn vì mặc dù lời tạ ơn của chúng ta không thêm gì cho Chúa, nhưng nó mang lại lợi ích cho chúng ta. Khóa của Đức Hồng Y là khóa đầu tiên của Giáo Hoàng Học Viện, năm 1957, có 24 thầy, ở một ngôi nhà cũ trường Thiếu Sinh Quân của Pháp trước đó, sau thuộc Đại học Đà Lạt Khu B (nay là Đại học Yersin). Bước đầu đầy những khó khăn, lạ thầy, lạ trò, chẳng ai biết ai… Khởi đầu chỉ có mỗi cha Lacretelle (Pháp), dần dần 3 cha giáo khác mới tới: Bobbio (Ý), Ruiz (Tây Ban Nha), Deslierres (Canada) … Hai mươi bốn người đầu tiên cùng với bốn cha giáo thuộc bốn quốc tịch đã vất vả, kiên nhẫn để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương vuợt qua bao nhiêu ngỡ ngàng, bao nhiêu nỗi khổ. Nỗi khổ về ngôn ngữ: Các cha giáo không một ai biết một tiếng Việt, còn các thầy thì đa số chưa quen tiếng Pháp. Thế mà thánh lễ, giảng dạy, linh hướng, chuyện trò, xưng tội v.v… đều bằng tiếng Pháp. Nỗi khổ về óc địa phương: Anh em không biết nhau cho nên có khuynh hướng quy tụ từng địa phận. Nỗi khổ cô đơn: Ngôi nhà chúng tôi ở là một villa trên ngọn đồi mà chung quanh không có người ở. Từ sáng đến chiều vẫn chỉ mấy gương mặt quen thuộc, không có khách khứa, không có người thăm viếng, không có sinh hoạt nào khác, lại thêm trời lạnh và mưa. Nỗi khổ học hành: Ngày nào sáng – chiều trong suốt tuần lễ cũng đều học tiếng la tinh... Nhưng chính nhờ đó mà chúng tôi đã học được rất nhiều bài học và đã trưởng thành về nhiều phương diện…

Sau bữa cơm tối là cuộc Họp II “Hoài niệm”. Qua các hình ảnh trình chiếu, các tham dự viên được ôn lại “Hành trình 60 năm Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X”: từ ngôi nhà đầu tiên tại Đại học Khu B (đường Vạn Kiếp) với tên Giáo Hoàng Chủng Viện Mẫu Tâm Vô Nhiễm (Seminarium Pontificale Immaculati Cordis B.M.V) đến tòa nhà tại 13 Đinh Tiên Hoàng với tên Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (Collegium Pontificium Sancti Pii X)… Những khuôn mặt thân thương của các cha Viện trưởng, các cha giáo, những anh em học viên các khóa… lần lượt hiện ra, gợi lên cả một trời kỷ niệm dưới mái trường xưa… Cha Lacretelle, Bobbio, Deslierres, Raviolo, Tàu già (Joseph Ch’en), Tàu con (Mathias Ch’en), Drexel, Diego, Motte, Dominici, Krahl, Champoux, Urrutia, Palacios, San Pedro, Gomez, thầy Herhold, …

Ngày thứ hai bắt đầu với cuộc Họp III “Giáo Hoàng Học Viện với văn hóa”. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh và cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn trình bày về Thư viện điện tử Công Giáo. Đây là công trình tập thể từ năm 2015 của anh chị em thiện chí thuộc Gia đình Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đứng đầu và cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn chủ nhiệm. Công trình này có mục đích là để cho mọi người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, đều có thể tìm đọc, sử dụng các sách của tiền nhân đã viết trong quá khứ, cũng như để lưu trữ cho các thế hệ mai sau. Hiện Thư Viện đã lập được Văn phòng tại Giáo xứ Hoà Hưng, có nữ tu Têrêsa Phạm Thị Thuỳ Trinh, dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, làm quản thủ thư viện thường trực. Đầu năm 2017, Thư Viện chính thức được đưa vào sử dụng với địa chỉ truy cập là: thuvienconggiaovietnam.net và địa chỉ liên lạc là thuviencgvn@ gmail.com.

Tiếp theo là Thánh lễ tạ ơn mừng Kim khánh và Ngân khánh Linh mục, do Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Va78n Nhơn chủ tế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh giảng.

Sau Thánh lễ là phần Chúc mừng các vị mừng Kim khánh, Ngân khánh Linh mục và Thượng thọ.

Buổi chiều các tham dự viên được tự do: đi viếng mộ hai cha giáo Drexel và Motte, leo núi Lang Biang, đi chơi Thung lũng Tình Yêu, v…. theo nhóm hoặc theo lớp.

Sau cơm tối là cuộc Họp IV “Một cái nhìm về buổi đầu của Giáo Hoàngh Học Viện thánh Piô X và của Học viện Công Giáo”. Qua việc so sánh, đối chiếu những điểm giống nhau và khác nhau giữa Giáo Hoàng Học Viện và Học viện Công Giáo hiện nay, Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ đã giúp các tham dự viên hiểu rõ hơn những hoạt động hiện nay của Học viện Công Giáo. Nói chung khó khăn thì rất nhiều, nhưng viễn cảnh tương cũng đầy hứa hẹn. Tiếp đó, cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ trình bày đôi nét về mục vụ gia đình, đặc biệt là Đồng hành với các đôi bạn và Gia đình trẻ; Một số vấn đề liên quan đến việc giải thích chương 8 Tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kết thúc ngày họp mặt thứ hai, cha Tiến Lộc đã mời các tham dự viên lên sân khấu, cùng hát với nhau bài Từ khắp những Phương trời và bài Và con tim đã vui trở lại, như một lời kết cho Cuộc họp mặt Gia đình Piô X năm 2018.

Ước mong các cựu học viên Giáo Hoàng Học Viện Piô X dù ở đâu vẫn luôn là “…bước người xông pha. Chúng ta là những lớp phù sa. Chúng ta là ngọc đuốc bùng to… hành trang ta đem trong ta là một khối óc, một tấm lòng, một giấc mơ”.

Mong rằng mỗi năm vào dịp lễ thánh Piô X (21/8), các thành viên Gia đình Piô X đều có thể quy tụ gặp gỡ nhau như mong ước của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh.

Quốc Anh

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một Số Lời Cầu Nguyện Trong Thánh Kinh
Vũ Văn An
04:28 30/01/2018
Các lời cầu nguyện trong Thánh Kinh đều là những lời đối thoại của tín hữu với Thiên Chúa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để nói lên sự thờ phượng, lòng cảm tạ biết ơn, để xin sự trợ giúp cho người nghèo, xin che chở khỏi địch thù, xin cứu thoát khỏi kẻ áp bức, xin yêu Chúa và các giới răn của Người, xin được ơn biết tín thác vào đức tín trung của Người.

Chúng tôi cho gom góp tất cả các lời cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày của nhiều nhân vật khác nhau trong Thánh Kinh, theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ước mong những lời cầu nguyện này trở thành những lời cầu nguyện của chúng ta trong những lúc vui buồn, thăng trầm của cuộc sống. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện này không bao gồm các Thánh Vịnh, là sách ai cũng biết và có thể tra cứu dễ dàng bất cứ lúc nào.

1. Lời cầu để biết chắc của Ápraham (Sách Sáng Thế 18, 22b-33)

Ta biết chương 18 sách Sáng Thế thuật lại truyện Chúa đến thăm Ápraham tại lều du mục của ông ở Mam-rê. Lạ một điều khi ngước mắt lên, ông không thấy Chúa nhưng thấy “ba người đứng gần ông”. Đang khi được ông tiếp đãi, ‘khách’ loan báo cho ông tin vui: bằng rày năm sau, Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai. Khi nghe Xa-ra cười, ‘Chúa’ bèn hỏi: sao lại cười? Xa-ra chối. ‘Người bảo: có, ngươi có cười’.

Ta nên để ý đến số người ở đây lúc thì một, lúc thì hai, lúc lại là ba. Hai người kia không được nêu danh hiệu, nhưng một trong ba người ấy có danh hiệu là ‘Chúa’ và ‘Chúa’ là người nói với Ápraham. Ta hãy đọc tiếp:

“Từ nơi đó ba người kia đứng dậy và nhìn xuống phía Xơ-đôm. Ông Ápraham cùng đi để tiễn khách. Chúa phán: "Ta có nên giấu Ápraham điều Ta sắp làm chăng? Ápraham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó.Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực; như thế Chúa sẽ làm cho Ápraham điều Người đã phán về nó." Chúa phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.

“Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Chúa còn đứng lại với ông Ápraham. Ông lại gần và thưa:

"Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? " Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.
“Ông Ápraham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao? " Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người." Ông lại thưa một lần nữa: "Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm."


“Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm." Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: "Giả như tìm được hai mươi người thì sao? " Chúa đáp: "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ." Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? " Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."

Sau khi phán với ông Ápraham, Chúa đi, còn ông Ápraham thì trở về nhà. (Sáng Thế 18-16-33).

Chung quanh biến cố này, cha Nguyễn Thế Thuấn ghi chú mấy điều sau đây. Thứ nhất trình thuật này thuộc nguồn văn Gia-vít, kể việc Gia-vê hiện ra. Thứ hai, trong ba vị khách, hai “người” kia là hai thần sứ theo hầu (xem St chương 19:1). Tuy nhiên, bản văn tỏ ra do dự giữa số nhiều và số ít. Bởi có ba người mà Ápraham lại chỉ vái lạy một lần và xưng hô theo số ít, nên nhiều giáo phụ đã muốn thấy đây là triệu báo về Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm phải chờ Tân Ước mới được mạc khải. Thứ ba, dù có lúc Ápraham đối đãi với ba vị như ba người khách phương xa, nhưng tính ‘thiêng liêng’ của họ từ từ được lộ ra: đột ngột xuất hiện, biết tên Xa-ra, biết gia đình hiếm con, báo chắc chắn sẽ có con, biết cả ý nghĩ của Xa-ra. Thứ bốn: đây là truyện độc nhất trong Cựu Ước nói Thiên Chúa dùng bữa. Thứ năm, ở đây có vấn đề phán xét công minh: lành phải liên lụy với dữ và phải phạt vì kẻ dữ, theo nhãn giới liên đới trách nhiệm. Truyện không đặt vấn đề: kẻ lành từng người có được cứu không, tuy rằng trong truyện Lót, ông này đã được cứu làm một với cả gia đình (St 19: 15-16), còn trách nhiệm cá nhân, thì mãi sau này mới được nêu lên (Đnl 24:16; Grm 31:29-30; Edk 14:13…). Bởi thế, Ápraham mới hỏi: khi mọi người đều chịu chung một số phận, thì một số ít người lành không lấn át được tội của số nhiều kẻ dữ hay sao? Gia-vê trả lời y chuẩn vai trò cứu nhân độ thế của người thánh, nhưng Ápraham, dù có già lời, cũng không dám đi quá số mười. Nhưng Grm 5:1 và Edk 22:30 đã đi xa hơn. Thiên Chúa sẽ dung thứ cho Giêrusalem nếu trong thành có được một người công chính. Điều cực đoan ấy dẫn đến đạo lý Is 53: người tôi tớ thống khổ, thí mạng mình để cứu lấy cả dân, nhưng lời tiên tri này chỉ hiểu được vào thời Tân Ước nơi sự chết chuộc tội của Chúa Kitô. Thứ sáu, cuộc mà cả của Ápraham với lòng khoan dung của Gia-vê hạ xuống dần dần: 50, 45, 40, 30, 20, 10. Thoạt đầu, ông chỉ dám hạ thấp có 5 (tỷ lệ 1/10) càng về sau tỷ lệ ấy càng tăng, đến tột cùng là 1/2. Rõ ràng càng ngày Ápraham càng tin tưởng hơn vào lượng khoan dung của Chúa. Và càng tin tưởng, ông càng xin nhiều hơn. Điều ấy cũng cho thấy không hẳn đây là lần đầu ‘hai người’ gặp nhau, chắc chắn người xin đã thưa truyện nhiều lần với người ban ơn và biết rõ người ban ơn rất kiên nhẫn trước lời cầu xin ‘hết sức gian manh, láu cá’ của mình (Xem Kinh Thánh, Dòng Chúa Cứu Thế, 1976, tr. 38-39).

Richard J. Clifford S.J. và Roland E. Murphy, O.Carm khi chú giải về sách Sáng Thế trong bộ The New Jerome Biblical Commentary, cho rằng:

1) Mối ưu tư về sự công minh của Chúa là một chủ đề thời lưu đầy (xem Edk 14:12-23 và chương 18). Dù định niên biểu ra sao chăng nữa, ta thấy ở đây Ápraham không cầu khẩn cho Xơ-đôm, như nhiều nhà chú giải vẫn nghĩ. Trái lại, nhờ các câu hỏi mạnh dạn của mình, ông biết được rằng Thiên Chúa, phán quan của thế giới, quả tình là Đấng Công Minh, biết phân biệt kẻ dữ với người lành, giống như trong trường hợp Nô-e và nhân loại tội lỗi nơi St 6-9.

2) Cuộc độc thoại của Giavê trong St 18:17-19, tự hỏi có nên dấu không cho Ápraham biết kế hoạch của mình hay không. Hai tác giả này nhận xét: tại Cận Đông ngày xưa, bày tôi của một ông vua thường là bạn, người thân cận chia sẻ bí mật đối với các kế sách lớn của vua. Câu trả lời của Giavê do đó là: vì dân tộc do Ápraham tạo nên sẽ vĩ đại giữa các dân tộc, nên bày tôi này phải được ơn hiểu biết kế hoạch của Thiên Chúa. Đàng khác, vì dân này sẽ “làm điều công minh chính trực”, cho nên không còn gì thích đáng hơn là cho người sáng lập nên dân ấy thấy rõ Thiên Chúa làm điều công minh chính trực nghĩa là trừng phạt kẻ có tội (các trang 23).

Trong số những người cho rằng Ápraham khẩn cầu cho Xơ-đôm, ta thấy có các tác giả trong cuốn “Mysteries of the Bible” do tạp chí Reader’s Digest thu thập và xuất bản năm 1988. Các tác giả này cho rằng: từ trước đến nay, Ápraham vốn thụ động vâng theo ý muốn và các lệnh truyền của Thiên Chúa. Nhưng lần này, ông lên tiếng “phản đối” để bênh vực cho hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, hai thành phố nổi tiếng về tội lỗi, và tìm cách thuyết phục để Chúa tha cho hai thành phố này (trang 52).

John White, trong “People in Prayer” (Inter-Varsity Press, 1978), cho hay: trong bất cứ cuộc đàm thoại nào giữa Thiên Chúa và Ápraham, ta đều thấy điều này: Thiên Chúa đưa ra sáng kiến. Người lên tiếng và Ápraham đáp lại. Đời sống cầu nguyện của ta sẽ đơn giản biết bao nếu biết nhìn nhận điều ấy. Thực vậy, phần đông chúng ta vốn nghĩ cầu nguyện là nói. Và quả tình có vấn đề nói thật. Nhưng phẩm chất một cuộc đàm thoại rất có thể được xác định bởi người đưa ra sáng kiến cho cuộc đàm thoại ấy. Thực thế, trọn bộ phản ứng của ta đối với một cuộc đàm thoại thường tùy thuộc vào người khởi xướng nó trước nhất. Trong nhóm người xa lạ, thật cảm kích nếu có ai lên tiếng chào mừng ta trước và tỏ ý quan tâm tới ta. Mặt khác, đối với ta đôi khi khó mà khởi đầu được một câu truyện, nhất là khi gặp khuôn mặt khó thương của người ta muốn nói với.

Thiên Chúa không thế, Người luôn luôn lên tiếng. Để nghe được tiếng của Người, chẳng cần phải có cảm nghiệm huyền học, chỉ cần sẵn sàng để ý tới Chúa, để Chúa đi vào trái tim ta, để Người lên tiếng và ta đáp ứng.

Người không lên tiếng như một ông chủ, như một người xa lạ mà như một người bạn. Chúa Giêsu Kitô sau này cho hay: “bày tôi đâu biết việc chủ làm” (Ga 15:15). Ở đây, rõ ràng Thiên Chúa cho Ápraham biết kế hoạch mầu nhiệm của mình, không những nâng ông lên hàng bạn bè mà còn là người “làm ăn hùn hạp” (partner) chia sẻ mọi bí nhiệm của Người. Từ đó, ta rút ra kết luận: nếu ta là bằng hữu của Người, Người sẽ chia sẻ các tâm tư và kế hoạch của Người với ta. Nếu bạn là người hùn hạp của Người, Người sẽ quan tâm tới quan điểm của bạn đối với các kế hoạch và dự án của Người. Như thế, cầu nguyện chủ yếu là chia sẻ là bàn bạc với Thiên Chúa về những vấn đề có tầm quan trọng đối với Người. Bạn thấy ngay: điều ấy nâng việc cầu nguyện lên một trình độ khác hẳn. Nó không chủ yếu tập trung vào các nhu cầu và lo lắng nhỏ mọn của tôi. Dĩ nhiên, Thiên Chúa có quan tâm tới các nhu cầu và lo lắng ấy. Chúng có chỗ đứng trong nghị trình của Người. Nhưng chính nghị trình ấy thì đã được xếp đặt sẵn ở trên trời và được dùng để xử lý những vấn đề hết sức quan trọng. Ở đây, vấn đề là sự công minh chính trực của Chúa, sau khi Người đã “lo” việc riêng “có con” cho ông vào năm sau.

Đáp ứng của Ápraham quả tình xứng hợp. Ông đã không còn thắc mắc chi đến chuyện tư riêng nữa. Đã đành là có Lót, cháu ông, tại Xơ-đôm. Nhưng nếu chỉ để cứu Lót và gia đình người cháu này, chắc chắn Ápraham đã bắt đầu đi thẳng vào con số bốn (hai vợ chồng Lót và hai cô con gái), có đâu phải “vòng vo tam quốc” bắt đầu con số giả tưởng 50, rồi 45, 40 mà dừng lại ở số 10! Không, quan tâm của Ápraham lớn hơn thế.

Điểm nữa, chính sáng kiến coi ông như bạn khiến lời cầu nguyện của Ápraham vừa pha lẫn kinh hoàng vừa pha lẫn táo bạo. Nó không đơn giản thuộc loại “Xin cứu Xơ-đôm nếu hợp ý Chúa. Amen”. Muốn nói gì thì nói, nhưng đây quả là lối cầu nguyện có vấn đề thực sự, có sự kiện và con số đàng hoàng. Nhưng phải nói gì về lối cầu nguyện “nếu hợp ý Chúa”? Lối cầu nguyện ấy có hợp với Thánh Kinh hay không? Ai cũng biết Kinh Lạy Cha xin cho: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Nghĩa là lời cầu nguyện quả có ăn có với việc thực thi ý Chúa. Bạn được mời gọi cầu xin cho bạn hoặc là biết hợp tác với Chúa để làm cho ý Chúa được thể hiện hay là có được một cái nhìn rộng lớn hơn về chính Người. Nhưng câu “nếu hợp ý Chúa” đôi khi bị hiểu lầm chỉ là một lối thoái thác với nghĩa tôi chả cần chi phải tìm hiểu ý Chúa ra sao hay không chịu thực thi niềm tin theo cung cách Đấng Vô Hình vốn làm việc một cách mầu nhiệm trước vận rủi dường như không thể nào vượt qua được. “Nếu hợp ý Chúa” như thế đã trở thành một thứ tôn kính giả hiệu, một thứ “que sera, sera” (whatever will be, will be)(muốn ra sao thì ra). Thành thử ra, dù rất kính sợ Chúa, Ápraham cũng vẫn muốn biết rõ sự kiện.

Nhiều người lại cho rằng lời đáp lại của Ápraham chỉ phản ảnh cái lối quen thuộc cả trong nghệ thuật buôn bán trao đổi của người Trung Đông. Nhưng thực ra, Ápraham biết rõ ông không có gì để trao đổi với Thiên Chúa. Đàng khác “con bài tẩy” trong tay Thiên Chúa lớn quá, ông đâu dám “thương lượng”, ông chỉ muốn hiểu.

Ông muốn hiểu điều chi? Ở đây, ta thấy John White cũng cùng một quan điểm như hai linh mục Clifford S.J. và Murphy O.Carm trên đây. Theo White, số phận Xơ-đôm không phải là chủ điểm trong lời cầu nguyện của Ápraham, mà là ‘tính khí’ của Thiên Chúa, là chính bản chất của Thiên Chúa, mà theo Ápraham, chính là sự công minh, là sự chính trực và trung tín. Thiên Chúa mà ông phụng thờ là Thiên Chúa công minh, chính trực và trung tín. Có đâu lại là một Thiên Chúa đùng đùng nổi giận muốn triệt hạ cả kẻ lành lẫn kẻ dữ như vị Thiên Chúa đang ở trước mặt ông? Đây quả là một thách thức dày vò, khiến ông vừa run sợ vừa hoang mang cực điểm và lên tiếng thăm dò để tìm ra ‘chân tướng’ đích thực của Người. Hãy nghe ông buột miệng tỏ thái độ với một Thiên Chúa hình như đã ra xa lạ với ông: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?... Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?”

Thiên Chúa nào thèm biện hộ cho mình trước mặt Ápraham. Một khi Người đã mạc khải ý định của Người, thì Người chỉ ‘nói truyện’ với những kẻ muốn tìm hiểu thêm về lời mạc khải ấy, chứ không vặn vẹo, tìm cách thoái thác hay chỉ trích, chống đối. Rất may cho Ápraham, Người là Đấng thấu suốt tâm hồn ông, nên Người hiểu rõ trong nỗi hoảng loạn của Ápraham, vẫn vững chãi một gắn bó mà ta có thể dùng từ ngữ ‘tích cực’ để mô tả, y như từ ngữ tích cực trong chủ trương ‘secularity’ (tính thế tục) của Đức Bênêđíctô XVI và Tổng Thống Nicolas Sarkozy của Pháp mới đây.

Trong cuốn Tại Sao Các Cuộc Hôn Nhân Thành Công Hay Thất Bại (Why Marriages Succeed or Fail) của John Gottman do nhà Simon & Schuster, New York, xuất bản năm 1994, ta thấy có đề cập đến nghệ thuật truyền đạt giữa lúc hai vợ chồng đang cãi nhau kịch liệt. Theo Gottman, thái độ tích cực này đòi người nghe lời “thóa mạ” phải tìm ra then máy (mechanism) có thể xoay chiều được lời thóa mạ ấy. Ông cho một thí dụ:

Dũng: em đừng tự trách em mỗi lần con nó hỗn.
Lan: Anh khỏi phải dạy em. Đừng có mà lên mặt ta đây với em hoài!
Dũng: Câm cái mồm lại! Anh đâu có lên mặt ta đây với em.
Lan: Thấy không, lại hống hách nữa! Anh giống hệt ba anh. Đừng có hòng bắt em câm họng ạ
.

Dũng có đưa ra một ‘then máy’ đó là câu: “anh đâu có lên mặt ta đây với em” nhưng câu ấy bị chìm phía sau câu “câm cái mồm lại” nên Lan không nghe thấy. Nếu như Lan ‘tích cực’ hơn một chút mà nghe ra câu ấy, thì câu truyện giữa hai vợ chồng sẽ có thể như thế này:

Dũng: em đừng tự trách em mỗi lần con nó hỗn.
Lan: Anh khỏi phải dạy em. Đừng có mà lên mặt ta đây với em hoài!
Dũng: Câm cái mồm lại! Anh đâu có lên mặt ta đây với em.
Lan: Thực không, thực không muốn lên mặt hả?
Dũng: Đúng vậy.
Lan: Vì khi anh bảo em đừng thế này đừng thế nọ, em có cảm giác như anh muốn điều khiển em.
Dũng: Đâu có, anh chỉ muốn giúp em thôi.


Thiên Chúa nhìn rõ ‘then máy’ trong lời hoảng loạn của Ápraham. Nó nằm giữa câu giáo đầu và lời kết thúc đầy ‘hỗn xược’: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? ". Nên Người ‘nhỏ nhẹ’ nói với Ápraham: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó”.

Đó mới là chủ điểm lời cầu nguyện của Ápraham: tìm xem Chúa có thực sự công minh chính trực như ông vẫn tin. Đời ông hoàn toàn xây dựng trên niềm tin ấy. Mất niềm tin ấy là mất tất cả. Giờ đây, Thiên Chúa lại đã trở thành thân thuộc như ngày nào và câu truyện xoay chiều tốt đẹp hẳn lại, hết còn hoảng loạn mất hướng. Ông cứ cái hướng ấy mà ‘tăng’ lòng tin nơi Thiên Chúa theo tỷ lệ ngược với điều tiêu cực: từ 50 xuống 45, 40, 30, 20 rồi 10. Nhưng sao ông lại ngưng ở số 10? Ta không biết được. Có điều chắc chắn ông đã an tâm tìm lại được Đấng Thiên Chúa quen thuộc, bởi đề nghị gì của Ápraham cũng được Người tích cực đáp ứng: “Ta sẽ dung thứ… Ta sẽ dung thứ…”. Ông thấy Người cao cả hơn, ông hiểu rõ Người hơn, và do đó tin tưởng ở Người hơn. Xơ-đôm có bị tiêu diệt hay không, không còn là vấn đề đối với ông, vì vũ trụ vẫn được Đấng Thiên Chúa công minh chính trực, biết phân biệt kẻ lành và kẻ dữ, quan phòng chăm sóc.
 
VietCatholic TV
Giáo phận Palm Beach báo cáo về Tòa Thánh trường hợp khỏi bệnh lạ lùng của một linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:24 30/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một ủy ban điều tra của giáo phận Palm Beach đã bỏ ra gần một năm rưỡi kiểm tra các lời khai của một linh mục và trình kết quả lên Vatican vào tháng trước. Có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi Rôma đưa ra quyết định. Cô Dianne Laubert, phát ngôn viên của giáo phận cho biết như trên vào tuần qua.

Sự hồi phục ngoại thường của cha Michael Driscoll, một linh mục ở giáo xứ Boca Raton, khỏi một căn bệnh ung thư da chết người có thể được công nhận là một phép lạ mở đường tuyên thánh cho một giáo sĩ Công Giáo bị Đức Quốc xã giết chết trong Thế chiến thứ hai.

Vị linh mục đã bị giết, là cha Titus Brandsma, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị tuyên phong chân phước vào năm 1985. Đó là bước cần thiết trước khi ngài có thể được nâng lên thành một vị thánh. Một phép lạ được xác minh bởi các chuyên gia Y khoa và các thần học gia Công Giáo được cho là nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Brandsma là điều kiện để ngài có thể trở thành một vị thánh. Cha Michael Driscoll tin rằng việc ngài khỏi bệnh kỳ lạ không thể giải thích về mặt y khoa là một phép lạ đáp ứng điều kiện này.

Nhưng dù Vatican quyết định thế nào, cha Driscoll, năm nay 76 tuổi, nói ngài luôn tin rằng ngài thoát khỏi bệnh ung thư là nhờ sự can thiệp của Chân Phước Brandsma, một linh mục người Hà Lan rất bất khuất thuộc dòng Camêlô bị giết ở trại tập trung Dachau.

“Ngài là một người Hà Lan dũng cảm, bất khuất lên tiếng bênh vực cho Giáo Hội Công Giáo, đòi hỏi tự do báo chí, đòi hỏi việc mở lại các trường học, và yêu cầu chấm dứt cuộc bách hại người Do Thái”, Cha Driscoll nói. “Tôi đã biết về ngài từ 50 năm qua. Ngài là một anh hùng.”

Giáo Hội Công Giáo có hơn 10,000 vị thánh, người Công Giáo tin rằng các ngài có thể cầu bầu cùng Thiên Chúa cho những ai chạy đến kêu cầu. Từ khi bắt đầu triều đại của ngài vào năm 2013 đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh cho 42 vị, và tuyên phong chân phước cho 84 vị.

Linh mục Mario Esposito, một linh mục dòng Camêlô ở New York, là cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Chân Phước Brandsma, cho biết phép lạ do giáo phận Palm Beach trình lên Tòa Thánh hiện là phép lạ duy nhất liên quan đến Chân Phước Brandsma đang được điều tra.

Cha nói: “Chúng tôi hy vọng điều này có thể là một phép lạ được công nhận, nhưng có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, và Rôma sẽ rà soát rất kỹ trường hợp này”.

Cha Driscoll nói ngài đã phát triển một mối liên hệ đặc biệt với Chân Phước Brandsma trong nhiều thập kỷ qua, mến mộ tiếng nói bất khuất của ngài bênh vực các giáo huấn Công Giáo, bao gồm việc chống phá thai và ủng hộ quyền nhập cư.

Khi cha Driscoll mắc phải căn bệnh ung thư da vào năm 2004, một linh mục quen biết tặng cho ngài một mảnh áo của Chân Phước Brandsma, đó là một miếng vải màu đen nhỏ, mà cha Driscoll đã đặt lên đầu mỗi ngày khi ngài cầu nguyện cùng vị tử đạo Hòa Lan. Giáo phận Palm Beach cũng yêu cầu các giáo dân của mình cầu nguyện cùng Chân Phước Brandsma cho cha Driscoll.

Cha Driscoll là một cư dân gốc Bronx, New York, và là con của một gia đình nhập cư Ái Nhĩ Lan, đã bắt đầu đi tu khi còn là một thiếu niên 14 tuổi đang theo học tại trường trung học đệ nhất cấp Middletown, New York.

Các giáo dân nói khuôn mặt của ngài giống như tấm “bản đồ Ái Nhĩ Lan”, với làn da sáng, đôi mắt xanh xanh, đôi má hồng nhưng đầy những dấu vết của căn bệnh ung thư. Mặt ngài đầy những vết nhăn và vết sẹo từ căn bệnh này và cả những dấu vết phẫu thuật.

Khi còn là một cậu bé, ngài đã dành nhiều thời gian vào mùa hè dưới ánh nắng mặt trời cùng với gia đình mình trên các bãi biển Rockaway và Belle Harbour, New York và phải trả giá cho điều đó khi về già.

Trong giai đoạn ung thư nghiêm trọng nhất, vào năm 2004, các bác sĩ đã phát hiện và ngăn chặn mộtkhối u ác tính di căn lan ra rất nhanh từ đầu xuống cổ. Họ phải loại bỏ 84 hạch bạch huyết và tuyến nước bọt và lấy một mảnh ghép từ đùi để thay thế da bị mất trên trán phải. Sau 35 ngày xạ trị, ngài còn phải làm phẫu thuật.

Theo bác sĩ Adam Friedman, phó giáo sư da liễu của Đại Học Y khoa George Washington và là phát ngôn viên của Học viện Da liễu Hoa Kỳ, khối u ác tính trong căn bệnh ung thư của cha Driscoll đã ở giai đoạn 4. Chỉ có 15 đến 20 phần trăm bệnh nhân có thể sống thêm được 5 năm. Cũng có những người cầm cự được đến 10 năm, nhưng tỷ lệ này chỉ có từ 10 đến 15 phần trăm.

Mười bốn năm sau khi giải phẫu và xạ trị, cha Driscoll ngày nay khoẻ mạnh khối u ác tính hoàn toàn ngưng phát triển.

“Có vẻ như không có lời giải thích y khoa nào cho việc khỏi bệnh của ngài”, cha Esposito nói.

Ủy ban điều tra của giáo phận Palm Beach đã phỏng vấn 12 giáo dân, năm bác sĩ và hai linh mục. Đây là cuộc điều tra đầu tiên trong giáo phận này được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đức Cha Gerald Barbarito, là đấng bản quyền của giáo phận từ năm 2003.

Tiến sĩ Anthony Dardano, phó hiệu trưởng trường y khoa Đại học Florida Atlantic và là một giáo dân, là một trong những người hoàn toàn tin tưởng vào việc lành bệnh siêu nhiên của cha Driscoll.

Tiến sĩ Dardano, cũng là một thành viên trong ủy ban điều tra của giáo phận và là người soạn thảo một bản tóm tắt các ý kiến y khoa cuối cùng trước khi giáo phận gửi hồ sơ sang Rôma. Ông nói: “Căn bệnh ung thư của cha Driscoll thường gây tử vong rất cao. Không có giải thích khoa học nào cho lý do tại sao ngài vẫn còn sống cho đến nay. Tuyệt đối là không.”

Trong khi giáo phận chờ đợi câu trả lời từ Vatican, cha Driscoll, giờ đây đã nghỉ hữu, vẫn tiếp tục công việc của ngài. Ngài vẫn dâng Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Jude và Thánh Joan thành Arc và chủ sự các đám tang, bao gồm 6 lần chôn cất các giáo dân của ngài đã chết vì các khối u ác tính.