Ngày 28-01-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lịch phụng vụ tháng 2 năm 2010
LM. Anphong Trần Đức Phương
09:17 28/01/2010
LỊCH PHỤNG VỤ THÁNG 2-2010

Trong tháng 1-2010, chúng ta sẽ mừng Chúa Nhật V và VI thường niên. Tiếp theo, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh với ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi Chúa Nhật I, II Mùa Chay.

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN (Bài Đọc I: Isaia 6: 1-2, 3-8; Bài Đọc II; Sách 1Corintô 15: 1-11; Bài Phúc Âm: Luca 5: 1-11). Trong Bài Phúc Âm, Thánh Luca kể lại việc các tông đồ “vì vâng lời Chúa” đã thả lưới và đánh được một mẻ cá lớn lạ lùng, dù “đã khó nhọc suốt đêm mà không được con cá nào.” Trước mẻ cá lạ lùng, Thánh Phêrô đã sụp lạy Chúa Giêsu và nói “Xin Thày tránh xa con, vì con là người tội lỗi!”. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với ông “Đừng sợ, từ nay con sẽ trở nên kẻ đánh lưới người!” Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaia, khi được thị kiến sự uy nghi, thánh thiện của Thiên Chúa, đã sợ hãi kêu lên: “Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn…” Nhưng Thiên Chúa đã thanh tẩy ông và ban cho ông lòng can đảm để thưa cùng Chúa “Này con đây, xin hãy sai con…” Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô cũng coi mình “là kẻ hèn mọn nhất trong các Tông Đồ và không xứng đáng là Tông Đồ của Chúa…” Nhưng Chúa đã chọn Thánh Phaolô và biến cải Ngài trở nên một Tông Đồ nhiệt thành rao giảng Lời Chúa và đã được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa. Mỗi người chúng ta đều là những kẻ yếu đuối, tội lỗi trước mặt Chúa, nhưng chúng ta hãy can đảm đáp lại tiếng Chúa gọi và nhiệt thành làm việc tông đồ cho Chúa, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN (Bài Đọc I: Giêrêmia 17: 5-8; Bài Đọc II: Sách 1 Corintô 15: 12,16-20; Bài Phúc Âm: Luca 6: 17, 20-26). Bài Phúc Âm hôm nay nói về “Tám Mối Phúc Thật.” Chúa Giêsu đã hứa ban hạnh phúc thật cho những ai có tinh thần khó nghèo, phải chịu đựng đói khát, bị thù ghét và bách hại vì Đạo Thánh Chúa. Trái lại, những ai chỉ biết sống theo tiền bạc, thỏa mãn đam mê xác thịt, thì sẽ bị chúc dữ. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Giêrêmia cũng nói “Khốn cho những kẻ chỉ biết tin tưởng vào thế gian mà tâm hồn sống xa Chúa. Nhưng hạnh phúc cho những ai sống tin tưởng nơi Chúa, không sống theo đam mê xác thịt: Họ được hạnh phúc như cây trồng bên suối nước, dù gặp nắng hạn cũng không khô héo, cành lá luôn xanh tươi.” Bài Đọc II, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến niềm tin nơi Chúa Giêsu đã sống lại thật “Nếu Chúa Giêsu đã không sống lại thật, thì đức tin của chúng ta thật vô ích. Nhưng Chúa Giêsu Kitô đã sống lại thật và là niềm hy vọng cứu rỗi cho chúng ta.”

THỨ TƯ LỄ TRO (Bài Đọc I: Gio-en 2: 12-18; Bài Đọc II: 2 Corintô 5:20-6:2; Bài Phúc Âm: Matthêu 6: 1-6, 16-18) mở đầu Mùa Chay Thánh để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Trong Thánh Lễ, sau Bài Giảng, sẽ có nghi thức xức tro. Sau khi làm phép tro, Cha chủ tế và các thừa tác viên sẽ xức tro trên trán chúng ta theo hình Thánh Giá, và nhắc nhở mỗi người chúng ta “Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về tro bụi.” Hoặc “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm.”

Trong Mùa Chay, chúng ta sẽ Ăn Chay và Kiêng Thịt ngày Thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh; kiêng thịt các ngày Thứ Sáu Mùa Chay. Tuổi giữ chay là từ 18 đến 60; tuổi kiêng thịt từ là 14 trở lên.

Cả ba Bài Đọc Sách Thánh hôm nay đều nhắc nhở chúng ta: Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta từ bỏ tội lỗi, trở về với Chúa; đặc biệt qua việc cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, và làm việc từ thiện giúp người nghèo khó. Hơn nữa, trong Bài Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy làm các việc đó với lòng khiêm tốn và kín đáo, chứ không phải để phô trương bên ngoài cho người ta ca tụng mình là người đạo đức.

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY (Bài Đọc I: Sách Thứ Luật 26: 4-10; Bài Đọc II: Rôma 10: 8-13); Bài Phúc Âm: Luca 4: 1-13) nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện, sống Đức Tin mạnh mẽ để thắng vượt cám dỗ. Chúa Giêsu cũng để ma qủy cám dỗ, và người đã vượt thắng cả ba lần cám dỗ; ma qủy đã phải “rút lui” nhưng “để chờ dịp khác!” Trong suốt cuộc hành trình Đức Tin dài, chúng ta luôn bị cám dỗ cách này hay cách khác; nhưng đó là những thử thách Đức Tin của chúng ta.Vượt thắng các cám dỗ, Đức Tin của chúng ta sẽ nên vững mạnh hơn nhờ ơn Chúa giúp.

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY (Bài Đọc I: Sách Khởi Nguyên 15: 5-12, 17-18; Bài Đọc II: Philipphê 3: 17- 4: 1; Bài Phúc Âm: Luca 9: 28-36) nhắc nhở đến Giao Ứơc Thiên Chúa đã thiết lập với tổ phụ Abraham (Bài Đọc I); đó là Giao Ước Cũ qua việc đổ máu sinh vật hiến tế. Chúa Giêsu Kitô đã đến trong thân xác loài người chúng ta, và đổ máu mình ra để thiết lập một Giao Ước Mới, Giao Ước vĩnh củu, để cứu chuộc nhân loại: “Chúa Kitô sẽ biến đổi thân xác hèn mọn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người (Bài Đọc II). Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã đưa ba Tông Đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện và biến hình sáng láng trước mặt các ông, và ba ông cùng cảm thấy thật hạnh phúc êm đềm. Nhưng sau đó, các Ngài lại phải xuống núi để đối diện với thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người chúng ta đều phải trải qua những gian khó, thử thách, và phải vượt thắng những đam mê thế gian, ‘những gì trái ngược với Thập Giá của Chúa Kitô,” trước khi thân xác chúng ta được cất khỏi đời này, và được biến đổi nên giống thân xác vinh hiển của Chúa.

Đặc biệt trong tháng này, chúng ta sẽ mừng ngày Tết truyền thống của Dân Tộc. Ngày Mùng Một Tết (14/2/2010): cầu Bình An cho Năm Mới. Ngày Mùng Hai Tết: kính nhớ tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Ngày Mùng Ba Tết: Thánh Hóa công việc làm ăn.

Xin Chúa chúc lành Năm Mới Canh Dần cho tất cả chúng ta, và cùng hiệp lời cầu nguyện chung để chúng ta sống tốt đẹp Mùa Chay Thánh qua sự cầu nguyện, hy sinh, hãm mình và làm việc từ thiện bác ái, giúp đỡ những người đau khổ, nghèo đói trên thế giới. Xin Chúa biến đổi chúng ta, gia đình chúng ta nên tốt đẹp hơn để chuẩn bị Mừng Đại Lễ Phục Sinh sắp tới.

Xin tiếp tục cầu nguyện cách riêng cho Quê Hương và Giáo Hội tại Việt Nam, cũng như Giáo Hội đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, như ở Trung Hoa lục địa, Bắc Hàn, Mã Lai Á, Phi Châu và Trung Đông… Đặc biệt xin cầu nguyện cho Đất Nước và Giáo Hội tại Haiti đang phải gánh chịu những hậu qủa tai hại do cuộc động đất vào ngày 12/1/2010 vừa qua. Xin Chúa thương ban ơn an ủi, nâng đỡ, chở che… nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu.
 
Hiềm tỵ
Anmai, CSsR
10:06 28/01/2010
Chúa nhật 4 Thường niên C (Gr 1, 4-5.17-19, 1 Cr 12, 31-13,13; Lc 4, 21-30)

Con người, ai ai cũng muốn mình được bình an, được thanh thản cả thế nhưng trong thực tế hoàn toàn khác. Cái dở, cái yếu đuối của con người là không mình không muốn ai hơn mình cả. Bao giờ mình cũng là nhất cả còn người khác chỉ là con số không. Vì không muốn ai bằng mình cho nên con người ta nảy sinh ra những hiềm khích và ganh tỵ trong cuộc sống thường ngày.

Sự hiềm khích và ganh tỵ ấy ngày hôm nay chính Chúa Giêsu đã gặp phải. Thánh Luca tả lại cho chúng ta bối cảnh Chúa Giêsu bị ganh ghét, bị chê bai thật là hay, thật thú vị. Chúa Giêsu trở về với quê hương để loan báo Tin mừng. Tưởng chừng người ta hãnh diện nhưng rồi người ta lại chà đạp.

Cảnh ngộ của Chúa Giêsu hết sức bình thường và cũng hết sức nghiệt ngã như nhiều người. Nhiều người sau khi tạm gọi là thành công, thành danh, đỗ đạt trong cuộc đời và họ trở về với quê hương của họ. Trước là để thăm quê hương, sau là để chia sẻ chút gì đó mình nhận được để như là một chút gì đó đền ơn đáp nghĩa cho quê hương nhưng rồi không được như lòng họ mong muốn, không được như họ suy nghĩ. Khi họ về thì người ta cũng đón đấy nhưng mấy ai trân trọng thật sự. Có chăng họ nín cho qua chuyện chứ trong lòng của họ, họ sẽ ganh ghét và họ sẽ nhục mạ đủ mọi cách.

Hôm nay, Chúa Giêsu bị những người đồng hương, đồng khói khinh ra mặt và muốn loại trừ Ngài ra khỏi cuộc đời này.

Những con người ấy nhận mình là những kẻ tin Chúa chân thành, có lòng đạo đức và thực hành đạo, thế mà sau khi đã ca ngợi Chúa Giêsu ở trong hội đường, chính họ lại "đầy phẫn nộ, đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành, kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực". Vậy có ai dám nhận mình giống những người ấy không?

Dù là ai chăng nữa, nhiều người có khuynh hướng muốn giam hãm Chúa và Đấng Kitô của Người trong một phạm vi nhất định của Giáo Hội ta, trong lời lẽ của những giáo điều, những truyền thống, những thực hành và ngay cả trong những cách sùng mộ của họ. Họ lúc nào cũng sẵn sàng nắm độc quyền về các ân sủng, phép lạ, ánh sáng của Chúa và ngay cả đức ái mà Người là nguồn mạch nữa. Vậy mà Tin mừng hôm nay khẳng định mạnh mẽ với chúng ta rằng những người thân của Chúa Giêsu thường sẵn sàng tống cổ Người ra khỏi nhà thờ, nghề nghiệp, quyết định và gia đình của họ, mỗi khi sứ điệp của Chúa không làm vừa lòng họ, mỗi khi cuộc viếng thăm của Người gây phiền hà cho họ. Còn chính Chúa Giêsu thì lại nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa đã thực hiện được những sự lạ lùng nơi các dân ngoại, đã cho những người cùi, những người thù địch của Israel, dân Chúa, được lành sạch. Đối với Thiên Chúa tình yêu, chỉ có tình yêu là tiêu chuẩn cuối cùng làm nên giá trị và sự thật cho tư tưởng và hành động của con người.

Tại sao người con của quê hương lại không thực hiện được ở quê quán mình những việc lạ lùng mà người ấy đã làm ở những nơi khác ?...

Thái độ ấy, cử chỉ ấy có thể đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẵn sàng trở mặt từ khen ngợi đến phẫn nộ đấy. Bởi lẽ, về phần Chúa Giêsu thì Người nói rõ rằng điều cốt yếu mà Người muốn trình bày cho họ không phải chỉ có vấn đề các việc lạ lùng, mà Người muốn mạc khải cho họ tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa. Cái đó mới là điều hạnh phúc và may mắn thực cho chúng ta. Lẽ ra Chúa Giêsu phải cung cấp cho những người đồng hương của mình tiền bạc hoặc chữa cho họ khỏi những bệnh này tật nọ mới đúng. Xem ra người ta ao ước một điều, thì Chúa lại đưa ra điều ngược lại. Bởi lẽ ai nấy đều thích được lãnh nhận. .. trong khi Chúa Giêsu lại đòi hỏi phải cho đi, cho đi bản thân mình, cho đi mạng sống mình. Và kết cục sẽ là thành công và hạnh phúc.

Chúa Giêu có hy vọng những người đồng hương của mình sẽ hiểu biết và thông cảm hơn với Người không? Bởi vì họ là những người nhà của Người mà. Họ biết Người hơn, từng sát cạnh liền kề với Người, quý chuộng Người và yêu mến Người mà !

Vậy mà chỉ mới ngay trong buổi nói chuyện đầu tiên, họ đều nổi xung lên với Người. Cả đám đều đứng dậy xô đẩy Người ra ngoài, loại bỏ và trục xuất Người khỏi cộng đồng của họ. Là vì Chúa Giêsu không đáp ứng điều họ mong đợi. Họ nghĩ là Người lừa gạt quần chúng ! Khi nào sứ điệp của Người còn là lại kêu gọi hoán cải cuộc đời và chừng nào người ta chỉ thích sống dễ dãi, thì việc chối bỏ Đấng Thiên Chúa sai đến đã khởi sự rồi... Họ muốn cho Người phải chết, nên họ tìm cách loại bỏ Người con của quê hương này ra khỏi nhà họ bằng cách xô Người xuống vực thẳm.

Nhưng Chúa Giêsu “băng qua giữa họ mà đi”. Người là kẻ tự do, hết sức tự do, Người cứ thảnh thời đi trên con đường của mình lòng đầy tự tin và tin vào sự trung tín của Thiên Chúa Cha Người. con đường Người đi được vạch sẵn. Không có gì làm cho Người phải lui bước !

Những ai xưng danh mình là kitô hữu, những ai mang trong mình “chất” Kitô cũng sẽ phải đi theo con đường của Chúa Giêsu đã đi. Và, cũng sẽ gánh chịu con đường của Chúa là bị đẩy ra ngoài lề xã hội và cuối cùng là đóng đinh trên thập giá.

Một bằng chứng hết sức cụ thể đang diễn ra trên quê hương Việt Nam. Chẳng hiểu vì sao mà người ta lại loại trừ Chúa Giêsu đến như thế. Người ta dùng đủ mọi thủ đoạn, dùng đủ mọi mưu ma chước quỷ để loại Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời của họ.

Những người giết hại những ai mang tên là kitô hữu hay thuộc về Chúa Kitô vì họ không tin Chúa thì đã đành nhưng đáng tiếc thay là những người cũng có cái tên kitô hữu mới đau. Những người chống phá, giết hại Chúa Giêsu phải chăng họ đã đánh mất lòng tin, lòng mến và lòng cậy nơi họ. Đau hơn cả là họ đã đánh mất lòng mến.

Buồn ! Một kỷ niệm buồn, một dấu ấn buồn nơi những kitô hữu đang bị bách hại, đang bị chà đạp, đang bị vùi dập.

Người Việt có một câu nói hết sức là hay: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Người ta dùng hình ảnh của con ngựa để nói về tình người. Người ta đưa ra hình ảnh của con ngựa, tình cảm của con ngựa để nhắn nhủ người ta về tình người, tình đồng loại.

Nhiều lúc ngẫm nghĩ, không biết người ta còn lòng mến với nhau hay không khi mà nhiều con chiên bị chà đạp, bị xúc phạm vì thánh giá Chúa ấy nhưng những người có trách nhiệm, có tiếng nói, có ý kiến đấy lại không hề lên tiếng. Người ta vẫn biện dẫn cho thái độ không lên tiếng của mình bằng những lời thật hoa mỹ nhưng thật sự bên dưới của nó vẫn là cái gì đó một cung giọng của chua cay, của bi đát.

Không phải lên tiếng để làm chính trị, không phải lên tiếng để dành lại đất đai, không phải lên tiếng để gây bạo động, gây bất hoà cho quê hương đất nước. Chỉ cần lên tiếng nói của lòng mến, của lòng bác ái, của sự chia sẻ, của niềm cảm thông thôi. Chuyện chính trị, chuyện đất nước, chuyện đất cát dẹp sang một bên, chuyện cần chia sẻ bây giờ chính là tình cảm, sự cảm thông, sự chung chia với nỗi đau của chà đạp, của bạo lực.

Những biến cố thực tiễn đang diễn ra từng ngày từng ngày trên quê hương đất nước, ấy vậy mà người ta vẫn im hơi lặng tiếng không một lời sẻ chia dẫu rằng chỉ là bức thư hiệp thông trong nỗi đau thương hiện tại. Hình như người ta đã đánh mất lòng mến khi không lên tiếng chia sẻ, hiệp thông. Lòng mến ấy vừa được Thánh Phaolô gợi lại cho chúng ta.

Cuộc đời này mau qua chóng tàn, còn lại với nhau tình người, còn lại với nhau lòng mến như Thánh Phaolô vừa mời gọi mỗi người chúng ta: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”

Đức mến hết sức quan trọng trong cuộc đời. Khi không còn đức mến, khi không còn lòng bác ái với nhau thì sẽ gây ra hiềm tỵ và chém giết lẫn nhau.

Những người ngày xưa do hiềm tỵ do không có lòng mến, không có tình bác ái nên đã đẩy Chúa Giêsu ra khỏi cuộc đời. Tưởng chừng với kinh nghiệm ấy thì ngày nay Chúa Giêsu được trân trọng hơn, được đem ra thực hành hơn nhưng đáng buồn là lòng mến càng ngày càng tụt xuống để rồi Chúa Giêsu lại bị phân mảnh nhiều hơn.

. Lời khuyên của Thánh Phaolô quả thật là tuyệt vời và vô cùng hữu ích cho mỗi kitô hữu trong giai đoạn hiện tại. Nếu chỉ dừng lại ở lòng hiềm tỵ, hơn thua thì Chúa Giêsu một lần nữa cũng sẽ bị người ta đóng đinh.

Nguyện xin Chúa Giêsu là vua của sự khiêm hạ đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta bớt đi cái tính kiêu căng, ích kỷ của chúng ta để chúng ta không còn loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời như những người ngày xưa đã tìm cách xô đẩy Chúa và hơn nữa là đóng đinh Chúa vào thập giá.
 
Số phận Ngôn sứ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:09 28/01/2010
Chúa Nhật IV Thường Niên C

Đã là Kitô hữu thì thảy đều được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Lướt cái nhìn qua ba sứ vụ ấy thì sứ vụ tư tế xem ra được kính nể hơn cả. Sứ vụ vương giả tuy có nhiều vất vả nhưng lại được trọng kính một cách nào đó. Còn sứ vụ ngôn sứ thì có lẽ hẩm hiu nhất.

Làm ngôn sứ là nhân danh Chúa và thay mặt Chúa mà trình bày ý, lời của Chúa cho đồng loại. Lời Chúa là lời tình yêu, nhưng cũng là lời chân lý. Chính vì thế mà Lời Chúa được ví như thanh gươm hai luỡi phân rẽ tâm hồn con người. Ngay lời của con người, nếu là lời của sự thật, thì cũng đã dễ mất lòng. Phận người chúng ta xem ra công ít mà tội nhiều. Mặt tốt cũng có, việc lành cũng có, nhưng chẳng đáng là bao so với mặt tồn tại và những lỗi lầm. Và thế là người ta thật khó chấp nhận khi sự thật về con người mình bị phơi bày.

Ngôn sứ là người thường nói những lời khó nghe. Vâng lệnh Thiên Chúa để nói nói lời tình yêu mà cũng là lời sự thật, quả là một sứ vụ đầy cam go. Hình như các ngôn sứ khi được Chúa kêu mời thi hành sứ vụ, thì thường run rẩy hoặc tìm cách thoái thác. Quả thật chuyện “chưa được mạ thì má đã sưng” là chuyện xưa nay không hiếm. Nói lời sự thật cho nhau, nhất là cho những người đang nắm quyền cao, chức trọng, thì biết bao nguy hiểm rình chờ ập xuống đầu, xuống cổ, không biết khi nào. Thế mà Chúa vẫn cứ bảo với ngôn sứ: “Người hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ, nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.” (Gr 1,17).

Đã là ngôn sứ thì phải nói lời sự thật. Đây không chỉ là sứ mạng mà còn là cái giá của hạnh phúc người sứ ngôn. Nếu không nói thì chính sứ ngôn sẽ nhận lấy tại họa từ chính Thiên Chúa: “chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ”. Nếu người ngôn sứ mà không nói cho kẻ gian ác biết điều gian ác nó đã phạm, khiến nó phải chết trong sự gian ác của nó, thì chính Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu nó nơi người sứ ngôn. (x.Ed 3,18).

Vấn đề thật lắm oái ăm: khi nói lời sự thật mà đó là những sự không hay, không tốt có đụng chạm đến những người chức cao quyền lớn thì rất dễ bị quy chụp là phản động, là gây chia rẽ, là vạch áo cho người xem lưng, là… Và số phận các sứ ngôn từ trước đến nay dường như chẳng khác nhau bao nhiêu, chẳng hạn như Êlia, Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả…thảy đều có kết cục chẳng sáng sủa chút nào.

Tuy nhiên làm sao để phân định rằng khi nào thì một ngôn sứ nói lời chân lý do Chúa phán truyền? Bởi chưng, cũng vẫn có đó nhiều sứ ngôn giả hiệu, chỉ nói những điều mình muốn nói, cho dù nhiều lúc đó là sự thật, nhưng không phải do Chúa ra lệnh nói. Chúng ta đừng quên, thần dữ cũng đã từng xui khiến nhiều người nó ám, mở miệng tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng Messia và Chúa Kitô đã ngăn cấm chúng (x.Mc 1,21-28; Lc 4,31-37).

Dĩ nhiên, đã là ngôn sứ chính hiệu thì phải nói những gì Chúa phán dạy. Những gì Chúa phán dạy luôn hướng đến điều tốt đẹp. “ Đã nhổ thì phải biết trồng”; “Đã đập phá thì phải biết dựng, biết xây” (x.Gr 1,10; 18,7-10). Ngôn sứ chính hiệu thì sau khi phê phán những điều tiêu cực, những mặt hạn chế, những lỗi lầm của con người, của xã hội, thì luôn đề ra giải pháp khắc phục và biện pháp sửa sai.

Như thế, mục đích của sứ ngôn khi nói lời sự thật thì luôn nhằm điều thiện hảo cho người nghe. Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô rằng để mọi hành vi của chúng ta có giá trị thì phải xuất phát từ một tấm lòng đầy đức mến. “Giả như tôi được ơn nói tiên tri (làm ngôn sứ), và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2). Tình mến ở đây phải là tình yêu như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Tình yêu thương đích thực được biểu hiện qua việc chúng ta làm tất cả chỉ vì hạnh phúc người mình yêu mến, trong sự liên đới đến cùng. Thánh tông đồ dân ngoại đã từng thốt lên: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên” (2Cr 11,29).

Một ngôn sứ của Chúa thì phải nói lời Chúa dạy. Lời Chúa dạy luôn là lời tình yêu, lời sự thật. Khi đã nói lời sự thật, dù rằng khởi đầu bằng những hiện thực chẳng hay chẳng tốt về tha nhân hay xã hội nhưng được kết thúc bằng những phương thế giúp nhau hoán cải, đổi thay, thăng tiến. Ngôn sứ của Chúa thì luôn chân thành mong ước điều tốt đẹp cho cả người mình phê phán hay góp ý. Và dĩ nhiên một trong những hệ quả dù không mong cũng thường xảy đến đó là thập giá.

Giêrêmia đã phải hứng chịu nhiều nỗi truân chuyên khi làm kiếp “tứ phía kinh hoàng” (x.Gr 20,4). Đó là thân phận con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Và ngay cả những người đồng hương của ngài, dân Anathốt, cũng đã đe dọa làm hại tính mạng ngài (x.Gr 11,19-21). Số phận của Vị Đại ngôn sứ là Giêsu Kitô cũng không hơn gì. Khi thẳng thắn nói cho người đồng hương biết về tính phổ quát của ơn cứu độ, tức là tình yêu của Thiên Chúa không dành riêng cho một ai, một dân tộc nào, một xứ sở nào, thì Chúa Giêsu đã phải đón nhận sự phẫn nộ, đúng hơn là sự cuồng nộ của dân Nagiarét. Sự ích kỷ đã làm cho tâm hồn người dân Nagiarét lúc bấy giờ ra mù quáng. Ăn không được thì đập bỏ, chứ không cho kẻ khác hưởng nhờ chăng? Dù sao đi nữa thì thái độ cuồng nộ đến nỗi bắt Chúa Giêsu đem lên núi để xô Người xuống vực cho chết là một thái độ không thể hình dung, nhưng lại là sự thật.

Một vài nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Chúa Giêsu có hai lần về Nagiarét. Một lần thì Người được tung hô, đón nhận, và lần khác thì bị tẩy chay, ngược đãi. Thế nhưng, việc thánh sử Luca kể liền một mạch hai thái độ trái ngược của người đồng hương Chúa Giêsu cũng nhắc nhớ cho ta thấy rõ lòng người rất dễ đổi trắng thay đen, khi sự ích kỷ, nhỏ nhen ngự trị. Sau này dân thành Giêrusalem cũng thế. Trước thì hoan hô, chúc tụng Con vua Đavit, thế mà sau đó mấy ngày lại giơ cao nắm đấm, la gào: “đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”.(x.Mt 21,9; 27,23).

Làm tất cả vì hạnh phúc người mình yêu, nói lời sự thật cho mình yêu và rồi sẵn sàng đón nhận sự ngược đãi, bách hại trong sự khoan dung, tha thứ, chính là chân dung ngôn sứ thật. Tuyên phán những sự may lành thì không khó, nhưng khi phải nói những điều chẳng hay, để giúp nhau thay đổi thì quả là chẳng dễ chút nào, nhất là khi sự chẳng hay ấy lại liên hệ đến những người có thể làm hại chúng ta cách này cách khác. Tuy nhiên đã là Kitô hữu thì tất thảy chúng ta đều phải làm sứ ngôn cho Thiên Chúa. Đây là một sứ mạng không thể khước từ hoặc cố tình xao nhãng hoặc tìm cách biện bạch để bỏ qua. Ước gì không một ai trong chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo hội, phải hứng chịu lời tuyên án của Thên Chúa khi Người đòi nợ máu của người gian ác trên mình, vì đã không chu toàn sứ mạng ngôn sứ: nói lời tình yêu và nói lời sự thật.
 
Thiên Chúa toàn năng - Vậy bạn còn sợ hãi gì?
Jos. Tú Nạc, NMS
10:25 28/01/2010
Chúa Nhật VI thường Niên – Năm C (Jeremiah 1: 4-5, 17-19; Psalm 71, 1 Corinthians 12: 31-13: 13; Luke 4: 21-30)

Sợ hãi cùng một mặc cảm về sự hiểu biết hạn chế và sự bất xứng đã ám ảnh một cách triệt để Jeremiah. Ông đã phản đối rằng ông còn quá trẻ - không một ai dẫn dắt ông một cách đúng đắn – và ông không phải là người khẩu khí. Không một tiên tri nào trong Kinh Thánh sẵn lòng đáp lại một cách tự nguyện và lòng nhiệt tình của mình trước tiếng gọi từ Thiên Chúa. Hầu hết đối với mọi người, họ thiết tha mong mỏi Thiên Chúa chọn lựa một người nào khác. Và không lấy gì làm ngạc nhiên – sự mô tả công việc của một tiên tri bao gồm số lượng khổng lồ của những ngược đãi, hất hủi, sỉ nhục và nguy hiểm tính mạng.

Nhưng Thiên Chúa kiên định và không khoan nhượng. Đây không phải là trường hợp lựa chọn ngẫu nhiên hoặc là đủ điều kiện cho một công việc cụ thể. Jeremiah được tạo ra vì mục đích cao cả này. Thậm chí trong lúc vẫn là ý tưởng trong tiềm thức của Thiên Chúa thì điều này đã là định mệnh của ông. Thiên Chúa đã hình thành một cách cẩn thận từng thớ sự sống của Jeremiah cho mục đích này. Và khi Jeremiah được gửi đi vì một sứ vụ khó khăn của ông chống lại phe đối lập từ nơi cao và hùng vĩ ông sẽ không một mình mạnh bước. Có thể ông sẽ đứng ở vị trí của mình và cung cấp những thông tin không nhận được mà có tầm quan trọng sinh tồn từ Thiên Chúa.

Cuộc đời của Jeremiah chồng chất những đấu tranh, chán nản, và lập tức sự thèm muốn bỏ cuộc hết tất cả. Nhưng sức mạnh chủa Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi ông và ông đã hoàn thành nhiệm Thiên Chúa giao cho ông.

Sự sợ hãi thái quá – nhất là sợ hãi thất bại – có thể là hình thức thiếu lòng tin. Điều này đặc biệt là trường hợp khi chúng ta đáp ứng sự thôi thúc của trái tim và linh hồn chúng ta để thực hiện một điều gì đó mà được biểu hiện về những lý tưởng cao cả của chúng ta cùng mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là một điều dễ dàng để đầu hàng những ý nghĩ tiêu cực và những dự đoán về những biến cố tương lai “điều gì sẽ xẩy ra.” Vì vậy, nhiều ước mơ khô héo và lịm tắt vào thời điểm này và thế giới bị bần cùng hóa.

Bí mật này sẽ tự nhắc nhở chúng ta rằng đó là dự án của Thiên Chúa – không phải của chúng ta – và chúng ta không nên bị ám ảnh bởi sự thành công hoặc thất bại. Nếu chúng ta được phúc đáp trước tiếng gọi tinh thần của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được ban sức mạnh và ân sủng mà chúng ta thiếu thốn. Thế giới đau thương của chúng ta ít cần đến những lời bào chữa về nhiệm vụ của chúng ta và dũng cảm hơn lên, sẵn sàng lãnh nhận những rủi ro, bất trắc.

Sự mô tả tình yêu của Thánh Phao-lô là một trong những đoạn trích tạo cảm xúc sinh động nhất của Kinh Thánh nhưng nó phải liên tục được giải thoát khỏi sự ủy mị tầm thường, nhàm chán. Nó nên được đọc trong bối cảnh của toàn bộ thư gửi tín hữu Corinth. Thánh Phao-lô đã dẫn dắt cộng đồng giao nhiệm vụ vì lòng tự hào, ngạo mạn, tư tưởng bè phái và tranh chấp, và một nỗi ám ảnh sự tự đề cao. Nếu chúng ta lưu ý một cách cẩn thận sự mô tả vế tình yêu chân chính thì rõ ràng là một bản liệt kê mọi thứ mà những thành viên của cộng đồng Corinth không có được. Đối với Thánh Phao-lô, tình yêu nổi bật nhạy cảm và thực tế - tình yêu là những gì khi tình yêu thực hiện. Và đó là một người giao những công việc khó khăn vì nó liên tục níu kéo chúng ta ra khỏi chính bản thân và dẫn đưa chúng ta đến những nơi mà chúng ta không thích đến.

Những tín hữu Corinth cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh tinh thần và viện cớ sự dụng những món quà tinh thần này để nâng mình cao hơn người khác. Đối với phao-lô, khẩu khí, lời tiên tri, sự hòa giải, … tất cả đều vượt trội và lưu loát nhưng chúng mờ nhạt trong sự so sánh với những gì ông thấy vì sự trao ban có sức mạnh và tinh thần tuyệt diệu nhất và bí ẩn trên hết tất cả: tình yêu. Đây là “cách tuyệt vời hơn” mà Thánh Phao-lô nhấn mạnh là cách duy nhất để người ta sánh bước cùng Thiên Chúa.

Hình ảnh và sự hiểu biết chúng ta về Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi thử thách và sự rộng mở. Khi Chúa Giê-su thông báo cho đám đông rằng người là sự hoàn thành lời tiên tri từ Isaiah, họ bất bình phẫn nộ. Sau cùng, họ biết Chúa Giê-su và gia đình của Người và không thể đem đến cho chính họ tin rằng Thiên Chúa đang nói qua lời Người. Thiên Chúa thường được bộc lộ trong sự quen thuộc và bình thường.

Nhưng có nhiều hơn – Chúa Giê-su đã rút ra hai điển hình từ lịch sử của Israel về lòng nhân từ độ lượng của Thiên Chúa đối với người ngoại và những người không phải dân Israel vào một thời điểm khi mà Israel tự nó lâm cảnh bất hạnh. Thiên Chúa vì mọi người, không chỉ cho Israel. Cơn thịnh nộ của họ có thể được dự đoán trước: nhiều người phản ứng theo cùng một cách vào thời đại của chính chúng ta khi sự hiểu biết về Thiên Chúa của họ bị thử thách. Bài học tương tự đang được giảng dạy cho các Ki-tô hữu và những ai có những niềm tin khác – không cùng tín ngưỡng.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Xin Chúa giải thoát chúng con
Tuyết Mai
10:26 28/01/2010
Cả thế giới hiện nay đang dõi mắt nhìn về Haiti. Cảm thương cho một quốc gia thật nghèo khổ, nghèo khổ dưới cái mức nghèo khổ so với mức sống của cả toàn thế giới!? Có đọc và học hỏi thì mới biết xa và hiểu rộng, chứ cùng là con người được Thiên Chúa tạo dựng nên mà tại sao anh chị em Haiti của chúng ta lại có thể sống còn bằng những cái bánh đất??? Thương cảm quá! Tội nghiệp quá! Kinh khủng quá! Phải không thưa anh chị em?? Con cái chúng ta đôi khi lỡ tay làm rớt thức ăn xuống đất, thật là bẩn thỉu nếu chúng ta không bảo con em chúng ta vứt vào thùng rác, vì sợ con ăn vi trùng sẽ vào trong bụng, mà sanh ra bệnh tật chăng!? Vâng thưa thật phải như thế! Khoa học dậy chúng ta rằng thức ăn làm cho chúng ta khoẻ mạnh là phải để đúng

độ lạnh cho thức ăn lạnh, và nhiệt độ đúng cho thức ăn nóng, và phải sạch sẽ ăn ngay sau khi nấu, chứ đừng để ngoài sẽ bị bệnh vì nhiều lý do, nào là ruồi kiến nhặng chúng bu vào, rồi thì khi để thức ăn ở ngoài tự chúng sẽ sanh nở những con vi khuẩn không tốt. Rồi một khi chúng sanh nở ra ở một độ nhiệt mà thích hợp, thì sau đó chúng sẽ sanh sôi nẩy nở thật là nhiều, và sẽ làm cho chúng ta bệnh ngay.

Thế mà tôi còn nhớ từ hồi còn nhỏ, con nhà nghèo mà thưa anh chị em, một cây cà rem là cả chục đứa chia sẻ. Cây cà rem lỡ mà có rớt xuống đất thì lập tức được lượm lên, một là quẹt ngay vào tay áo, hai là lấy tay hất đất dơ ra, và ba là liếm hay cắn cho thật sạch chỗ dơ bẩn, rồi thì tiếp tục ăn, vẫn ngon vẫn ngọt như thường. Thức ăn bày bán đầy ngoài cửa trường học thật không gì ngon cho bằng khi tôi còn nhỏ, mặc cho dù ruồi ơi là ruồi, nhưng con nít mà lị, biết gì là sạch hay dơ, miễn là có ăn là hạnh phúc lắm rồi! Chứ chưa kể khi có rất nhiều lần đứng tựa cột mà xem chúng bạn được ăn.

Theo thời gian thì tất cả chúng ta lớn lên, và tùy theo gia cảnh, có được diễm phúc đi học hay không, để hiểu được rằng, cái ăn cái mặc mới thật là quan trọng, cho cái bao tử và sức khoẻ của chúng ta vô cùng. Cảm tạ Thiên Chúa gia đình chúng tôi Chúa ban cho hằng ngày dùng đủ. Đủ là vì chúng tôi biết thế nào là đủ. Đủ trong ơn ban của Chúa. Có nghĩa không đòi hỏi, không đua đòi, không bon chen, không tham lam, không ganh ghét những ai hơn mình, không than vãn khi có những lúc thiếu thốn, hoặc cái muốn thỉnh thoảng cũng vờn trước mắt đấy chứ!?? Nhưng tất cả những thứ nhẩy múa trước mặt, Chúa ban cho tôi thuốc để trừ khử chúng thật dễ dàng, vì hiểu được rằng những thứ ấy chỉ cho chúng tôi những phiền phức và mất hạnh phúc gia đình, và xa Chúa, là điều chúng tôi không ao ước.

Chúng ta phải luôn cảm tạ Thiên Chúa vì biết rằng hằng ngày Chúa nuôi dưỡng chúng ta, nhất là cái bao tử luôn hoành hành và làm chúng ta thật khó chịu nếu chúng ta bị đói. Có ai hiểu được cái đói cồn đói cào ra sao chưa nhỉ!? Chứ tôi thì rất hiểu cái đói ra làm sao, vì thuở nhỏ tôi bị đói luôn, vì cảnh nhà nghèo đơn chiếc, mẹ tôi thân góa phụ, một nách 3 đứa con, đứa thì bà gởi cho hội dục mỹ, còn tôi thì còn quá nhỏ nên bà gởi cho ai trong xóm để bà còn đi làm kiếm tiền lo cho con, tất cả đều còn nhỏ. Hồi nhỏ tôi không nhớ bà gởi tôi cho hàng xóm trông chừng làm sao, nhưng tôi nhớ tôi đi lang thang về nhà, nhưng nhà thì tối om, cửa đóng then cài, không vào được, và cứ đi lang thang, chắc thiên hạ cứ rủ nhau mà đi kiếm tôi chắc!??

Nên tôi hiểu lắm thưa anh chị em, cái đói bụng nó cồn cào nó thật khó chịu, và có thể ai đưa gì nhai được là cũng ăn. ... Nhưng tôi chưa từng nhớ là tôi bị ai cho ăn bánh đất để độ nhật bao giờ??? Tôi có nhớ được ăn cơm với chuối, ăn cơm với muối cục, nhưng đất ư!? Chắc hẳn là không!!!

Tôi thật tình không hiểu và có anh chị em nào từng thấy con bọ nào sống dưới đất mà chúng ăn đất để sống không nhỉ!?? Tôi thấy hình như Thiên Chúa tạo ra tất cả mọi loài đầy dẫy mặt đất là để cho con này chúng ăn con kia, con kia lại ăn con nọ, hình như là để quân bằng con số, để chúng không sinh sản đầy mặt đất, dành hết chỗ sống của con người, chứ không con nào phải ăn đất cả!?? Thế mà hình ảnh đẹp đẽ của Chúa tác tạo, mà đến nỗi nghèo cùng khổ, ăn bánh đất để nuôi thân??? Đất là nơi chôn chúng ta phải không, chứ đất nào lại nuôi thân thể của chúng ta được chứ! Ai bảo Thiên Chúa không yêu thương anh chị em chúng ta ở Haiti? Ai bảo động đất đấy lại không phải là ý muốn của Thiên Chúa? Chúa thương anh chị em

Haiti của chúng ta nhiều nhiều lắm, thưa anh chị em! Nên Chúa đã giải thoát anh chị em chúng ta bằng một trận thiên tai động đất giật thật mạnh, để giúp anh chị em chúng ta ra đi không đau đớn không luyến tiếc không biết chuyện gì xẩy ra!??? Còn những anh chị em nào còn ở lại, thì có phải Chúa có chương trình cho họ hay không?

Chúng ta thường hay xét đoán mọi sự dưới con mắt thịt của mình, mà không hiểu nổi chương trình của Chúa đâu! Có phải trong Phúc Âm Chúa dậy chúng ta rằng mọi thiên tai và chiến tranh trên thế giới chúng phải được xẩy ra, còn ngày quang lâm thì chỉ có mình Thiên Chúa Cha là biết mà thôi, chứ Người còn không được biết cơ mà! Thì có phải mọi thứ trong vũ trụ đã được Thiên Chúa Cha sắp xếp thật toàn mỹ, để chương trình nuôi sống con người, và vạn vật cứ thế mà xoay vần, trong bàn tay vô cùng toàn năng của Thiên Chúa Cha? Mọi thứ trên đời có phải vô cùng phức tạp cho con người mà không một ai có thể phân tách cho được, cho nên Chúa thấy chúng ta là những con người không được tốt, và chỉ có Con Ngài là có thể đem chúng ta trở về con

đường chân chính, chỉ có cách tốt nhất là cho Con Một của Ngài xuống trần gian, dậy cho chúng ta thật nhiều điều Giới Răn, để giúp chúng ta sống tốt lành, và có ngày trở về Quê Cha trên Nước Thiên Đàng, cùng hằng sống muôn đời bên Ba Ngôi Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Thế cho nên chúng ta cũng đừng thắc mắc quá về chương trình của Ngài, mà hãy nên sống tốt trong những điều Ngài dậy dỗ chúng ta, là luôn đưa tay ra giúp đỡ anh chị em chúng ta có nhu cầu, và thiết thực nhất là giúp đỡ anh chị em Haiti của chúng ta đang gặp nạn. Vâng, đây là dịp cho chúng ta đưa tay ra cứu vớt và giúp đỡ những nạn nhân đang cần sự trợ giúp của chúng ta?? Hãy góp gió thì thành bão? Hãy góp một đồng thì sẽ có bạc triệu? Hãy cho một giọt nước thì sẽ thành ao, hồ, sông biển cả?? Hãy góp một bàn tay thì sẽ có một xóm, giáo xứ, làng xã ấp, tỉnh, hay một quốc gia, sống trong an bình và hạnh phúc.

Vì chỉ có Đức Bác Ái, mới giúp tất cả chúng ta trở về Quê Cha trong an bình và hạnh phúc. Còn, mọi Đức khác sẽ qua đi vì chúng chỉ có giới hạn mà thôi!

Xin Ba Ngôi Thiên Chúa! Đem tất cả anh chị em Haiti của chúng con sớm được về Trời, hưởng Nhan Thánh Chúa, trong niềm vui, hạnh phúc của vĩnh cửu, không còn bị ăn Bánh Đất nữa, mà hằng ngày Chúa sẽ thết đãi anh chị em Haiti chúng con của ăn chưa từng bao giờ được thấy, và cũng chưa từng bao giờ được nếm. Amen.
 
Tình Yêu Không Biên Giới
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
13:49 28/01/2010
Cuộc trở về của Đức Giêsu tại quê nhà Nazareth được nhắc đến trong Tin Mừng Lc 4, 21 - 30 đã giúp chúng ta nhận diện sứ vụ của Ngài trong vai trò Ngôn Sứ. Đây là một bước quan trọng, hé mở cho chúng ta chương trình tình thương của Thiên Chúa dành cho muôn dân, được khởi đi từ dân tộc Do Thái.

1. Sự lầm tưởng

Tại hội đường Nazareth, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng” Đức Giêsu nói ra (Lc 4, 22a). Nhưng liền theo đó, dân làng Nazareth đã “đặt vấn đề” về khả năng phi thường của Ngài biểu tỏ trước công chúng: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?” (Lc 4, 22b). Đức Giêsu đã hiểu thấu và nói cho họ biết, họ đang nghĩ gì, muốn gì nơi Ngài (Lc 4, 23).

Những người đồng hương của Chúa Giêsu đã không nhận ra Ngài trong tư cách là Ngôn Sứ bởi trời. Họ muốn xác thực những điều mắt thấy, tai nghe về thần lực của người đồng hương Giêsu bằng những dấu lạ phi thường cho sự vụ lợi của riêng họ. Đây là hệ quả của tư duy thiên kiến, tạo nên sự ngộ nhận nơi họ về sứ vụ của Đấng Mêsia. Một khi họ đã khước từ các dấu chỉ mà Ngài tỏ hiện, thì những đòi hỏi cảm tính càng đẩy họ ra xa nguồn ân huệ đang được mời gọi.

Thay vì đón nhận Đấng Thánh được Thiên Chúa sai đến với thái độ thành kính tin nhận, những người Do Thái đã tự cao, đặt mình trở thành tác nhân muốn thu hẹp giới hạn Tin Mừng trong phạm vi dân tộc họ. Đây là một nghịch lý trước tình yêu vô biên mà Thiên Chúa muốn dành trọn cho muôn người, muôn loài.

2. Đức Giêsu không chỉ đến với dân Do Thái

Đức Giêsu không chỉ được sai đến với dân tộc Do Thái mà thôi. Chính từ mảnh đất đã được Thiên Chúa chúc phúc này, chương trình tình thương của Ngài sẽ được phát triển không ngừng đến mọi dân tộc khác. Do vậy, những khởi sự của Đức Giêsu từ ngày đầu rao giảng đã được gắn liền với ý định cứu độ của Thiên Chúa.

Việc Đức Giêsu trở về Nazareth trước sự nghi hoặc, đòi hỏi, “đầy phẫn nộ” của những người đồng hương đã tôn thêm ý nghĩa và tầm mức của con đường Thập giá. Nó không khởi đi từ những vụ lợi, mà được bắt đầu trong tinh thần khiêm nhường, sẵn sàng đón nhận mọi chông gai, thử thách để tận hiến cho tình yêu.

Đức Giêsu đã không chấp nhận đòi hỏi của những người đồng hương khi họ muốn xin dấu lạ, không phải vì Ngài không thương yêu họ. Nhưng Ngài muốn họ hãy đoạn tuyệt những thành kiến, để có thái độ xứng hợp với hồng ân nhận lãnh. Việc Ngài vận dụng tục ngữ (Lc 4, 23-24) để nói với họ như một sự ngầm nhắc về thái độ hẹp hòi, vụ lợi của họ. Nó như bức tường vô hình ngăn cản sự mở rộng của ranh giới tình yêu.

Tình yêu cứu độ được dành cho muôn dân. Việc Đức Giêsu viện dẫn chuyện ngôn sứ Ê-li-a ở giúp bà goá Xa-rép-ta trong thời hạn hán; và chuyện ngôn sứ Ê-li-sa chữa Na-a-man, người Xy-ry khỏi bệnh phong, cho thấy Nước Thiên Chúa không giới hạn trong một phạm vi nhất định, mà nó được mở rộng đến mọi tâm hồn.

Sẽ là sai lầm, nếu chúng ta lại sa vào vết xe thiên kiến của những người Do Thái xưa và nay. Bí tích Rửa Tội như cửa ngõ dẫn chúng ta vào Vương Quốc Tình Yêu Thiên Chúa. Chúng ta có hy vọng và khả năng vươn tới mục tiêu tối hậu là vinh quang vô tận của Thiên Chúa. Tuy nhiên, những hạn chế nơi ta vẫn còn. Đó là thái độ hẹp hòi, tự cao, hay đòi hỏi Thiên Chúa ban phát những điều không chính đáng; tệ hơn, nhiều khi ta lại chất vấn vô cớ, than trách Ngài khi gặp những trái ý trong cuộc sống….

3. Như tình Chúa yêu.

Cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu đã thực sự mở ra thế giới mới vô biên của tình yêu cứu độ. Nó đã chiến thắng mọi thành kiến, hẹp hòi, kỳ thị nhờ sự tình thương bao dung của Thiên Chúa. Thành quả này không dành riêng cho ai, mà nó được thấm nhập đến tận muôn cõi lòng luôn khao khát và sẵn sàng cho ánh sáng Tình Yêu ngự trị.

Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy luôn khiêm tốn để nhận diện các giá trị tiềm ẩn nơi những người xung quanh. Biết trân trọng những khác biệt trong tinh thần xây dựng, phát triển.

Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy loại bỏ những thiên kiến, hẹp hòi vốn có lâu nay, để cởi mở với muôn người.

Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy lưu tâm tới hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ và luôn sẵn sàng phục vụ họ.

Như tình Chúa yêu. Chúng ta dám chấp nhận đi tới những vùng miền đang phải đau khổ vì bất công, bạo lực, để nói lên tiếng nói của sự thật, công lý, tình thương.

Như tình Chúa yêu. Chúng ta hãy biết tha thứ và vui vẻ chịu đựng khi người khác có thái độ thù nghịch và cố tình làm thiệt hại phẩm giá của ta. Như lời Thánh Phaolô:

“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7).
 
Chu toàn vai trò Ngôn Sứ
Pm Cao Huy Hoàng
15:15 28/01/2010
Phúc Âm tường thuật việc Chúa Giêsu ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Ngài thi hành vai trò Ngôn Sứ về Nước Thiên Chúa mà Ngài đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha. Ngài rao giảng cho đồng bào mình. Và ngài bị chống đối, khinh bỉ, xua đuổi, bắt bớ, lên án, tố cáo, hành hung, và cuối cùng là bị đóng đinh trên Thập Giá.

Đó là thân phận mà cũng là phần phúc muôn đời của “ngôn sứ thật”: Ngôn sứ sẵn sàng nói lời thật, nói lời “chân lý của Thiên Chúa”, và nói cho đồng bào mình, cho thế giới biết đường mà quay về với ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Đồng bào của Chúa Giêsu chống đối Ngài vì xem thường, khinh bỉ cái thân thế Ngài: con ông thợ mộc, đồng bàn với người tội lỗi, giao du với những kẻ bần cùng… Nhưng còn hơn thế nữa, còn chính yếu hơn nữa, họ chống đối là vì, Giáo Lý Ngài dạy đã làm cản trở đường đi nước bước của những mưu toan trái luân thường đạo lý mà họ vẫn ung dung thanh thản trước đây. Họ không thể chấp nhận “lời Chân Lý canh tân mặt địa cầu” để họ phải trở nên giống con cái của Thiên Chúa. Họ không muốn bước đi trong Ánh Sáng để phải mất cơ hội xảo trá gian ngoa kiếm chác trong đêm tối. Họ không muốn Lời Công Bình cản lối bất công của họ. Họ không muốn Lời Phục Sinh tái sinh họ trong Sự Sống, không còn thèm khát bã phù vân, phù vinh, nhục dục.

Chúa Giêsu vẫn không ngừng thi hành sứ vụ Ngôn Sứ của Ngài. Ngài trung thành vì Lời Cha Ngài đã giới thiệu: “Đây là con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta”.

Bất chấp mọi phản đối, bất chấp mọi chèo chống ngụy biện cho một thế giới của Satan, Ngài hiên ngang đi nói Lời của Thiên Chúa – cho đến chết

Lời của Thiên Chúa được trao cho mỗi chúng ta trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, rồi được Thêm Sức để lãnh nhận sức mạnh của Thánh Thần mà chu toàn ơn Ngôn Sứ qua đời sống chứng nhân. Lời Thiên Chúa còn được trao cách đặc biệt cho những người nhận lãnh chức Linh Mục Thừa Tác với sứ vụ cụ thể là giảng dạy cho mọi loài thụ tạo đặng biết mà thờ phượng Chúa cho nên. Và quan trọng hơn, sứ vụ Giám Mục chủ chiên của đoàn chiên con và chiên mẹ.

Như vậy, nếu không ai có quyền thoái thác sứ vụ Ngôn Sứ mà Chúa đã trao, thì cũng không ai được chước miễn sự đau thương khốn khó, sự chống đối tù đày, tử đạo như Chúa Giêsu, vị Ngôn Sứ kiểu mẫu.

Quả vậy, nếu chúng ta cầm trong tay quyển sách Phúc Âm để đọc, thì cũng đọc được là Chúa Giêsu đã chu toàn vai trò Ngôn Sứ của Ngài như thế nào. Nếu chúng ta cầm trong tay cuốn sách Phúc Âm để suy gẫm, thì cuộc đời Chúa Cứu Thế quả là cuộc đời của một vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa. Nếu chúng ta cầm trong tay cuốn Phúc Âm để được soi sáng sống theo Lời Chúa dạy, theo đường Chúa đi, và mời gọi người ta sống, mời gọi người ta theo Lời Chúa dạy, thì quả thật… chúng ta cần xem lại vai trò Ngôn Sứ của mỗi người trước những đau thương mất mát của chính mình. Hình như ai cũng muốn được an thân.

Điểm lại những tâm tình thường có của Giáo Dân đến Giáo Sĩ, có thể thấy những ước vọng ngược đời:

-“Con xin được là người Công Giáo, để khi chết, được chôn cất trọng thể”.

-“Con xin được theo đạo Chúa vì, may ra, được sống lại đời sau, để con được sống một kiếp nữa, và cũng được khoái lạc sung sướng như kiếp nầy !”

-“Con là ngôn sứ trong gia đình, nhưng vợ chồng con cái muốn làm gì mặc ý, miễn là cuộc sống vật chất thoải mái là tốt rồi, là đầy ơn Chúa lắm rồi”.

-“Con là ngôn sứ trong gia đình, nhưng con phải nghe theo lời chính phủ mà kế hoạch hoá, đứa con thứ ba thì phải cho nó chết ngay từ trong trứng nước !”

-“Con là ngôn sứ trong gia đình, nhưng phải gả con cho đảng viên vô thần, không được ý kiến gì hết kẻo con nó bỏ mình, ai nuôi ?”

-“Con xin là con cái Chúa, nhưng cho con được phép không nói gì trước các nghịch cảnh cuộc sống. Có nói thì chắc gì người ta nghe con ! Lại còn thêm cảnh mở miệng mắc quai, rồi có thể bị chụp mũ nữa !”

-“Con xin theo Chúa, nhưng đừng bắt con phải từ bỏ những điều quá đáng, Chúa biết là con cũng được tự do cơ mà !”

-“Con xin hiến dâng cho Chúa tất cả, nhưng đừng để người ta bắt con ở tù”.

-“Con xin được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, nhưng đừng để người ta gửi giấy mời con đến công an làm việc, rắc rối cho con lắm”.

-“Con xin làm ngôn sứ của Chúa nhưng cho con được nói những lời hay ý đẹp của Chúa trong Nhà Thờ mà thôi, còn ở ngoài đời, ai làm chi, ai ra sao mặc kệ họ”.

-“Con xin dâng Chúa trọn tâm hồn và thân xác con, xin Chúa ủ ấp con bằng chăn êm nệm ấm trong lầu đài gác tía nhung lụa của vương quyền Thiên Chúa, đừng để con rơi vào tay đứa ác nhân bắt con ngồi một chỗ ẩm thấp như ông cha Nguyễn Văn Lý. Khổ lắm. Mất tự do lắm. Làm sao mà con còn cơ hội để giảng đạo được cho mọi người ?”

-“Con biết con là ngôn sứ của Chúa mà, nhưng Chúa không cho con có phương tiện làm sao con đến được với bản làng, buôn cốc mà rao giảng về Chúa, hãy sắm sửa đầy đủ cho con, ít là một chiếc xe... con”.

-“Con hết lòng vì Giáo Hội, vì Chúa rồi mà, Chúa không biết đó sao ? Con đã hy sinh cả chuyện vợ chồng, để sống chỉ một mình con, còn tiếc gì mà Chúa không ban cho con những thứ bù đắp lại ? Một thoáng qua cái vèo như một ông PKT Anti Christus chẳng hạn, thì có gì ghê gớm lắm đâu. Chỉ một mình Chúa biết. Chuyện bình thường của đàn ông mà !”

-“Lạy Chúa ! Lo chuyện nhà con chưa hết, xứ con, Giáo Phận con chưa hết, thì đừng nói chuyện bao đồng. Ai khôn thì sống, ai dại thì ráng mà chịu lấy, chứ ngoe nguẩy làm gì cái thứ phê-nô-men ấy. Chuyện Thái Hà hả, chuyện của DCCT, toàn là chuyện đất đai không phải chuyện của Giáo Hội ! Chuyện Tòa Khâm Sứ hả ? Chuyện của Đức Tổng Kiệt, ngài giỏi lắm, tự lo được mà ! Chuyện Đồng Chiêm hả ? Cũng chuyện đất mà thôi. Phê-nô-men tất tần tật !”

…Tôi không hiểu cái tư tưởng theo chủ nghĩa “mackeno” của Philatô đã thẩm thấu trong chúng ta tự hồi nào, mà đâu đâu cũng thấy những Philatô thời nay. Cách nào đó, hoặc rửa tay âm thầm trong phòng kín, hoặc rửa tay công khai và nói rằng: “Lạy Chúa, con cũng là ngôn sứ trung thành của Chúa, nhưng con vô can trong vụ giết người vô tội. Tội ai làm, người ấy chịu”.

Ngôn Sứ thật thì nói Lời Thật. Ngôn Sứ giả thì sợ nói Lời Thật sẽ mất lòng bà con, hàng xóm, đồng bào, đồng chí. Chi bằng, được lòng bà con ở đời này, để được vinh thân phì da hơn là mất đời sau cũng được. Biết có đời sau hay không mà lo quá vậy ! Thế thì còn gì là Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến của Ngôn Sứ ?

Ngôn sứ thật trong gia đình phải kiên quyết truyền đạt và bảo vệ cho được Lề Luật của Thiên Chúa, cho dẫu là vợ chồng con cái có chống đối, bỏ đói… cũng nhất quyết phải thiết lập một Nước Trời ngay trong gia đình. Thật vậy, biết bao Giáo Dân thời nay, vẫn phải nỗ lực hết mình cùng với ơn Chúa mà duy trì gia phong gia đạo Công Giáo cho đàng hoàng tử tế, bất chấp mọi thủ đoạn của hoàn cảnh, của xã hội.

Một ngôn sứ trong Giáo Hội, Giáo Hội của Chúa Kitô, càng phải trở nên giống Chúa Kitô biết bao. Nếu cứ theo chủ nghĩa “mackeno” ( mặc kệ nó ) mà không chấp nhận bị chống đói, bị bỏ tù, bị hành hung, bị đủ mọi hình thức phỉ báng… thì làm sao bảo vệ được, duy trì được một Giáo Lý của “Ngôn Sứ Bị Tẩy Chay Tại Chính Quê Hương Mình”.

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã theo gương vị Ngôn Sứ Giêsu. Và gần đây, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã minh chứng điều ấy là Ơn Phúc – Ơn Phúc chỉ ban cho những người đủ lòng Tin Cậy Mến như các chứng nhân Tử Đạo Việt Nam. Và còn biết bao nhiêu chứng nhân ở khắp mọi nơi nói lên niềm Tin Cậy Mến của mình bằng những giọt máu, bằng những đóng góp theo cách của mình, một bản tin, một bài thơ, một bài nhạc, hoặc bằng những đêm thắp nến nguyện cầu râm ran kinh Kính Mừng nhờ Nữ Vương Công Lý chuyển cầu tới Thiên Chúa Đấng Công Minh xin Ngài cất đi những nỗi hàm oan bất hạnh quá sức của những tín hữu thấp cổ bé miệng.

Vâng, những Ngôn Sứ không được phép khước từ sự chống đối. Càng không được phép tìm chỗ ấn trú cho an thân – cách nào đó là toa rập đồng loã với Sự Dữ.

Trên trang vietcatholic, tôi thật cảm kích 4 câu kết một bài thơ của tác giả Tuyết Mai Texas chia sẻ với nỗi đau của anh GB. Nguyễn Hữu Vinh, rằng:

“Cho con được chạy vào trong

Dẫu rằng trong ấy là vòng kẽm gai

Khói mù, thuốc súng, hơi cay

Mà thơ con được cùng Ngài nên Thơ“.

Đức Chúa phán cùng Giêrêmia và cũng đang phán bảo với chúng ta rằng: “Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy trỗi dậy ! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn. Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giuđa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi." ( Gr 1, 17 – 19 ).

Và Giêrêmia đã chu toàn nhiệm vụ Ngôn Sứ của mình, nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa, nhờ trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa, và nhất là vì yêu mến Đấng đã yêu mến mình và nhân loại.

Để chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ, Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta:

“Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến”. ( 1 Cr 13, 3 ).

Lạy Chúa, xin thắp lên trong chúng con lòng yêu mến Chúa và yêu mến Giáo Hội của Chúa, vì chúng con xác tín rằng: chỉ có tình yêu Chúa Kitô và tình yêu đối với những người thấp bé – bạn hữu của Ngài, mới thúc bách chúng con chu toàn vai trò Ngôn Sứ trong bất cứ tình huống nào.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 28/01/2010
ĐỔI MỚI LỚN

N2T


Một mục sư nói với bạn mình:

- “Giáo Hội của tôi vừa mới đây hoàn thành một cuộc đổi mới lớn nhất.”

- “Tín đồ gia tăng được bao nhiêu ?”

- “Không gia tăng, trái lại còn ít đi năm trăm người.”


(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Sau đại công đồng Vatican II thì Giáo Hội hoàn toàn đổi mới theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, nhận ra vai trò và sứ mạng của mình ngày càng thúc bách hơn, và được toàn thể Giáo Hội trên thế giới đón nhận như món quà ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Hiện nay có nhiều Giáo Hội địa phương cũng muốn đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương của mình, lý do duy nhất là “để thu hút giới trẻ đến nhà thờ.” Vì để thu hút giới trẻ đến nhà thờ, nên có nhiều cha sở cải cách đổi mới thánh lễ trở thành một cuộc biểu diễn ca nhạc, biến thánh lễ thành một sân khấu ca múa, để rồi giới trẻ đến nhà thờ càng như đi coi biểu diễn văn nghệ, chứ không phải đến nhà thờ để tôn vinh, ca ngợi, tán tụng, cám ơn Thiên Chúa...

Đổi mới, trước hết là đổi mới tâm hồn, không phải vì thánh lễ mất hết ý nghĩa của nó nên giới trẻ không đến nhà thờ.

Đổi mới, trước hết là đổi mới tâm hồn linh mục phải trẻ trung, niềm nở, vui vẻ và yêu thương giới trẻ như cha với con, như bạn với bè, như thầy với trò.

Đổi mới, trước hết là cách cử hành thánh lễ của linh mục, đổi mới cách suy tư và cách giảng của ngài phải hướng mọi người đến với Chúa, chứ không hướng mọi người đến với người mà mình chỉ trích trên tòa giảng, nhưng là làm cho họ thấy được Chúa Giê-su đang hiện diện với họ trong thánh lễ.

Đổi mới, trước hết là phải làm cho giới trẻ thấy được Chúa Giê-su đang thực sự hiện diện trên bàn thờ, bằng những cử chỉ nghiêm trang, kính trọng, khoan thai của linh mục.

Giới trẻ thích năng động nhưng họ không thích thánh lễ biến thành buồi biểu diễn, thích hát hò nhưng họ không thích thánh lễ biến thành buổi khoe giọng hát của người này người nọ...

Căn nguyên của đổi mới chính là Chúa Thánh Thần chứ không phải là con người.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:46 28/01/2010
N2T


13. Giả sử khi con có dũng khí mới chiến đấu, thì con có công lao gì chứ ?

(Thánh Terese of Lisieux)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 28/01/2010
N2T


354. Có tài năng thì có thể.

 
Đời sống chúng ta phải là lời đáp trả tình yêu không loại trừ của Thiên Chúa
Lm. Jude Siciliano, OP
19:13 28/01/2010
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN C

Gr1:4-5, 17-19;1 Cr 12:31- 3:13; Luke 4: 21-30

Hôm nay, tiên tri Giê-rê-mi-a và Thánh Lu-ca nhắc nhớ chúng ta rằng nhiệm vụ của các ngôn sứ chẳng dễ dàng chút nào. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tạo nền cho đoạn tin mừng của chúng ta khi ông thuật lại tiếng Thiên Chúa đã gọi ông, từ khi ông còn trong lòng mẹ! “Trước khi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Thật đáng thương cho Giê-rê-mi-a, trong vai trò ngôn sứ đôi lúc ông cũng phải đối mặt với mối đe dọa bị nghiền nát. Và ngay cả khi không bị thúc ép thì ông vẫn phải nương tựa vào Chúa ngay từ khi còn trong lòng mẹ để thi hành sứ vụ.

Nhiệm vụ của Giê-rê-mi-a quả thật là khó khăn! Ông buộc phải chống lại chính dân mình, phải đương đầu với các vua của Giu-đa, các tư tế và cả dân chúng. Ông sẽ cần điều mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm cho ông: biến ông trở thành “cột sắt tường đồng chống lại cả xứ…” Như Giê-rê-mi-a, chúng ta đã được Thiên Chúa nhào nắn để trở thành một dân ngôn sứ, từ lúc chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Giống như các ngôn sứ, có thể chúng ta cũng muốn tránh khỏi lời mời gọi của Thiên Chúa và không muốn lãnh nhận sứ vụ mà Người trao cho chúng ta (1,6-8), dẫu thế, Thiên Chúa thúc giục chúng ta đến lên tiếng mỗi khi chúng ta gặp phải bất kỳ bất công nào.

Bài đọc hai trích từ thư 1 Cô-rin-tô dường như đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúng ta nghe bài đọc này gần như trong mọi lễ hôn phối. Bầu khí của buỗi lễ làm cho bài đọc có vẻ như rất lãng mạn. Thực ra, tình yêu mà thư Cô-rin-tô nói đến là tình yêu mang tính ngôn sứ. Tình yêu ấy không chỉ mời gọi chúng ta yêu những người dễ mến nhưng còn yêu cả những người chống lại chúng ta; không chỉ yêu người hiền lành nhưng cả những kẻ hung dữ; không chỉ yêu những người trí thức và giàu có nhưng còn cả những người thất học và bần cùng; không phải chỉ những người bị áp bức nhưng cả kẻ đàn áp người khác; không chỉ những người đã giúp đỡ chúng ta hoặc những người thân trong gia đình chúng ta mà cả những người quay lưng với chúng ta khi chúng ta cần sự giúp đỡ của họ.

Từ “yêu” thực đã bị lạm dụng trong ngôn ngữ thường ngày của chúng ta. Chẳng hạn: “tôi yêu bánh nhân táo… tôi yêu bản nhạc hot…. tôi yêu cái máy I-pod đang thời trang nhất…” Hạn từ 'yêu' mà Thánh Phao-lô sử dụng nhắm đến một tình yêu cụ thể. Không phải thứ tình yêu bẩm sinh mà chúng ta có đối với những người thân, cũng không phải là cảm giác rung động khi chúng ta bị ai đó hớp hồn, cũng không phải là tình cảm dành cho người bạn thân. Hơn thế nữa, thánh Phao-lô muốn nói đến tình yêu “Agape.” Đó là tình yêu vô điều kiện, chính là cách mà Thiên Chúa yêu chúng ta. Agape nghĩa là chúng ta luôn dành cho người khác một chỗ đặc biệt trong trái tim, dù cho chúng ta có thích họ hay không hoặc họ có đáp trả lại tình yêu đó hay không. Vì chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí của Đức Giê-su nên đây là thứ Tình yêu mà chúng ta hoàn toàn có thể có được. Giống như Đức Giê-su, tình yêu của chúng ta cũng mang tính ngôn sứ vì nó phản chiếu tình yêu không loại trừ của Thiên Chúa dành cho mọi người, không kể việc người đó có đáp lại tình yêu của Người hay không.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta chỉ đi vào phần thứ hai của cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và những người đang cầu nguyện trong Hội đường Na-gia-ret. Chúng ta đã nghe phần đầu của đoạn Tin mừng này vào Chúa nhật trước. Sự việc chẳng mấy chốc trở nên căng thẳng, vào cuối đoạn đối thoại người ta đã sẵn sàng giết Đức Giê-su. Người bảo với họ rằng Người đã được Thần Khí của Thiên Chúa xức dầu. Người đọc đoạn trích của tiên tri I-sai-a để mô tả sứ vụ của mình, và nói với họ Người đến để “loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, và trả lại tự do cho người bị áp bức.” Rồi Người nói tiếp “ngày hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe.”

Gần như quý vị nghe được tiếng dân chúng thở phào nhẹ nhõm. Vì họ đã chịu sự đàn áp và ngược đãi của người Ai Cập, At-si-ri và Ba-by-lon quá lâu. Cuối cùng họ đã nghe biết việc Chúa đã đến để giải thoát họ. Rốt cuộc, dân chúng nghĩ Thiên Chúa sẽ chiến thắng và trừng phạt kẻ thù của họ. Họ có cả một chuỗi dài những kêu than chính đáng chống lại sự bất công đến từ phía những kẻ đàn áp họ. Thiên Chúa chỉ là kế sách cuối cùng để giúp đỡ họ. Vì họ là “dân được chọn,” họ đoán trước rằng Thiên Chúa dứt khoát sẽ hành động thay cho họ. Sau cùng, chẳng phải những người chống lại dân của Thiên Chúa cũng là những kẻ thù của Ngài đó sao? Và chúng chẳng lẽ không đáng bị trừng phạt ư? Chẳng phải như thế mới là hợp lý sao?

Nhưng nếu họ thực sự chú ý, họ ắt phải nhận ra rằng khi trích sách của ngôn sứ I-sai-a Đức Giê-su đã bỏ qua một câu; một câu mà họ muốn và chờ đợi để nghe từ một nhân vật có thể giúp họ phá bỏ những gánh nặng của kẻ áp bức. Những gì Đức Giê-su bỏ qua không trích dẫn ám chỉ đến “ngày Đức Chúa báo thù để an ủi tất cả những ai sầu khổ”. Đức Giê-su không hứa rằng Thiên Chúa sẽ báo oán. Ngài cũng không hành động như ý họ muốn. Như Đức Giêsu nói với họ, họ chẳng thể nào đòi hỏi được đặc ân chỉ vì dòng dõi của họ. Người minh họa những điểm này bằng lời và hành động của hai ngôn sứ quen thuộc với họ là hai ông Ê-li-a và Ê-li-sa.

Đức Giê-su kể câu chuyện về bà góa dân ngoại thành Xa-rép-ta đã được tiên tri Ê-li-a giúp đỡ trong một nạn đói. Sự việc trở nên tệ hơn khi Đức Giê-su nói đến một người ngoại giáo khác là Na-a-man, người chỉ huy quân đội, một nhà lãnh đạo quân sự của chính đất nước đang thống trị It-ra-en. Đức Giê-su muốn những người đang lắng nghe biết rằng người ngoại giáo này, một kẻ thù, cũng đã được vị ngôn sứ của họ là Ê-li-sa chữa lành. Lấy các ví dụ từ trong sách ngôn sứ thời xưa, Đức Giê-su muốn nhắc họ hiểu rằng Thiên Chúa của họ quan tâm tới tới tất cả mọi dân nước. Chính dân được chọn trở nên dấu chỉ báo trước về một thế giới được tình yêu bao la của Thiên Chúa bao bọc – ngay cả với kẻ thù của họ. Thế nhưng, những người có mặt trong Hội đường hôm đó đã bỏ lỡ hay quên mất sứ điệp chính yếu được mặc khải cho họ qua các ngôn sứ về tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.

Bà góa kia đã làm gì để xứng đáng được Thiên Chúa thi ân giáng phúc? Chẳng gì cả! Na-a-man đã làm gì để được Thiên Chúa chữa lành bệnh hủi cho? Chẳng gì cả! Sứ điệp của Đức Giê-su nói về một Thiên Chúa quan tâm cả đến những người dân ngoại. Thậm chí, Đức Giê-su còn khen ngợi những người dân ngoại biết mở lòng ra đón nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa. Quyền thừa kế và đặc quyền chẳng thể làm được gì.

Đức Giê-su đang nói với những người trong Hội đường, với những người sùng đạo như chúng ta. Ngài không chỉ trích họ nhưng mời gọi họ và cả chúng ta nữa nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa và để tán dương chứ không phải để bình phẩm tình yêu ấy. Trong lời nguyện Thánh Thể hôm nay, chúng ta sẽ nghe biết sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người thật lớn lao biết bao! không phải vì chúng ta chúng ta xứng đáng, nhưng vì Thiên Chúa đã quyết định thi ân cho chúng ta trong Đức Giê-su, là dấu chỉ báo trước tình yêu của Người. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được tình yêu đó trên đường Đa-mát và chính tình yêu ấy đã biến đổi cuộc đời của ngài. Đó là lý do thánh Phao-lô khuyên giáo đoàn Cô-rin-tô hãy diễn tả tình yêu mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua việc yêu thương người khác bằng một “tình yêu Agape” – “tình yêu cho đi.”

Những người trong hội đường có thể cũng đã đoán được một sự biệt đãi dành cho họ khi hỏi: “Người này chẳng phải là con ông Giu-se sao?” Thánh Lu-ca cho biết họ đã “tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.” Vì Đức Giê-su là “người cùng làng” nên họ chờ đặc ân được ban cho họ nghĩa là được chia sẻ vinh quang với Người, vì họ là những hàng xóm láng giềng, đồng hương với Người. Chẳng phải họ là những người đầu tiên sẽ nhận được ân sủng của Thiên Chúa nhân lành như Ngài đã hứa với dân It-ra-en sao? Nếu thầy thuốc có được phương dược chữa lành, chẳng phải hàng xóm của Đức Giê-su sẽ là những người trước tiên được nhận sao?

Điều trớ trêu trong bài Tin Mừng hôm nay là chính những người muốn đẩy Đức Giê-su xuống vực thẳm lại là những người đạo đức. Họ là những người vẫn đang giữ ngày Sa-bat. Điều này khiến chúng ta thắc mắc: làm thế nào chúng ta có thể chịu đựng và sống được Tin mừng mà chúng ta đã tuyên xưng các đàng hoàng? Chúng ta có tự nhận mình là những con người đặc biệt và được hưởng những ân huệ từ Thiên Chúa nhờ những thực hành tôn giáo hay không? Hoặc, chúng ta có đáp trả món quà tình yêu nhưng không của Thiên Chúa bằng việc tìm cách chia sẻ cho người khác ngay khi chúng ta gặp phải những kháng cự từ những người chung quanh hay không? Với những hình ảnh của Kinh thánh hôm nay thì: Đâu là bà góa thành Xa-rép-ta, hoặc ai là Na-a-man - người phong hủi và ngoại giáo, những người nằm ngoài phạm vi quan tâm thông thường của chúng ta, mà chúng ta được mời gọi để yêu thương họ?

HVĐM Gò Vấp chuyển ngữ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người Mỹ gốc Mễ được bổ nhiệm làm giám mục Austin
Bùi Hữu Thư
08:18 28/01/2010
AUSTIN, Texas, ngày 26, tháng 1, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bổ nhiệm Đức Giám Mục José Vásquez, giám mục phụ tá của Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, làm giám mục hiệu tòa của Giáo Phận Austin.

Đức Giám Mục José Vasquez
Một bản tin của giáo phận ghi nhận rằng Đức Giám Mục Vásquez, 52 tuổi, là người Mỹ gốc Mễ đầu tiên được chỉ định để cai quản giáo phận này.

Ngài thay thế Đức Tổng Giám Mục Gregory Aymond, đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục New Orleans, Louisiana tháng 6 vừa qua.

Giám mục José Vásquez sanh tại Stamford, Texas, là con cả trong gia đình sáu người con. Ngài được Đức Giám Mục Fiorenza thuộc giáo phận San Angelo phong chức linh mục năm 1984.

Năm 2002 ngài được phong chức giám mục tổng giáo phận Galveston-Houston, nơi mà gần đây ngài giữ chức tổng đại diện và chưởng ấn.

Đáp lại việc bổ nhiệm, Đức Giám Mục Vásquez nói: "Tôi muốn tri ân Đức Thánh Cha Benedict XVI về sự tin cậy ngài dành cho tôi khi bổ nhiệm tôi làm chủ chăn cho giáo phận Austin."

Ngài khẳng định: "Trên hết, tôi cảm tạ Thiên Chúa về ơn phúc được làm linh mục, đây là điều đã ban cho tôi bao nhiêu vui sướng trong 25 năm qua.

"Tôi trông cậy nơi Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn tôi trong những bước đi sắp tới của hành trình của tôi."
 
ĐGH tưởng niệm nạn nhân Auschwitz và ao ước thảm trạng đó sẽ không còn tiếp diễn
Phụng Nghi
09:08 28/01/2010
VATICAN CITY (Zenit.org).- ĐGH Benedict XVI ngày 27 hôm qua đã cùng hiệp thông với những người cử hành “Ngày Tưởng Niệm”, đánh dấu 65 năm trại tập trung Auschwitz được giải phóng.

Vào cuối buổi triều yết chung tại Sảnh đường Phaolô VI, Đức giáo hoàng nhắc lại biến cố xảy ra 65 năm trước, ngày 27 tháng giêng năm 1945, những cánh cửa của trại tập trung Quốc xã – được mọi người biết đến dưới cái tên bằng tiếng Đức là Auschwitz - đã được mở tung, và một số người sống sót được giải thoát.”

“Biến cố đó và lời chứng của những kẻ sống sót tiết lộ cho thế giới biết cảnh hãi hùng của những tội ác chưa từng nghe nói tới, đã xảy ra trong các trại diệt chủng do Đức Quốc xã dựng nên.”

Đức thánh cha ghi nhận rằng ngày này hàng năm được cử hành để tưởng niệm tất cả những nạn nhân của tội ác đó, đặc biệt là kế hoạch tiêu diệt người Do thái, và cũng để vinh danh những người đã liều chính mạng sống mình để bảo vệ những kẻ bị bách hại, chống lại cảnh sát nhân điên loạn.”

“Với tâm tư xúc động, chúng ta nhớ đến muôn vàn nạn nhân của sự thù hận mù quáng về chủng tộc và tôn giáo, những người đã bị trục xuất, tù đầy, chết chóc trong những nơi chốn dị thường và vô nhân đạo đó.”

Vị giáo chủ bày tỏ niềm ước nguyện rằng, khi tưởng niệm những biến cố này, đặc biệt là thảm cảnh Shoah đã tàn hại dân tộc Do thái, sẽ đánh thức dậy nhiều hơn nữa sự cam kết tôn trọng phẩm giá mỗi con người, để mọi người sẽ nhận thức được họ là thành phần một gia đình vĩ đại.”

Ngài kết luận bằng lời nguyện xin: “Lạy Chúa cao cả, xin soi sáng lòng trí mọi người để những thảm trạng như thế sẽ không còn tái diễn!”
 
Người Công giáo phải trở thành những nhà truyền giáo cho văn hóa mới
Phụng Nghi
09:10 28/01/2010
ROME (Zenit.org).- Tổng giám mục giáo phận Denver cảnh giác các nhà nghệ sĩ về hiểm họa của lòng kiêu hãnh và tự phụ, có thể dẫn tới chỗ phản bội sứ mạng của họ là biểu dương vinh quang Thiên Chúa ở cõi đời này.

“Cơn cám dỗ chính yếu trong thời đại chúng ta là ý muốn được có quyền lực.” Đó là lời tuyên bố của Tổng giám mục Charles Chaput hôm qua 27 tháng giêng trước Hội nghị Chuyên đề lần thứ V tại Rome: Linh mục và Giáo dân đứng trước Sứ Vụ.”

Hội nghị kéo dài ba ngày này là do Cộng đồng Emmanuel và Viện Đại học Pierre Goursat đứng ra tổ chức, phối hợp với Viện Giáo hoàng Redemptor Hominis.

Tổng giám mục nói tiếp: “Điều đó ta thấy rõ rệt nhất nơi chính trị và khoa học của chúng ta, nơi cảnh xói mòn liên tục lòng tôn trọng kẻ yếu đuối, người tàng tật, trẻ chưa sinh và người bị tàn phế.”.

“Nhưng sự thúc đẩy tới chỗ tự phụ – nỗi khát khao muốn phá tan những điều cấm kỵ và thổi phồng bàn ngã – đã mặc nhiên quyến rũ các nhà nghệ sĩ và những người xây dựng văn hóa cao khác.”

Trong bài nói chuyện nhan đề “Hoàng tử của Thế giới này và Công tác Rao truyền Tin mừng bằng Văn hóa”, Tổng giám mục Chaput khẳng định: “Thiên tài sinh ra tự phụ. Và tự phụ nuôi dưỡng xung đột và khổ đau.”

“Sự kiêu hãnh tự phụ của bậc thiên tài sáng tạo có một nguồn gốc rất xa xưa; tất cả đều bắt nguồn trong quá khứ từ chính kẻ đã thốt lên lần đầu câu “non serviam (ta không tùng phục), của chính Satan.”

“Y là tác giả đầu tiên của lòng kiêu căng tự phụ và nổi loạn chống đối, là kẻ mê hoặc lớn lao con người. Satan có thật.”

Tình trạng cấp thiết



“Chúng ta sống trong một thời đại tưởng mình là hậu hiện đại, hậu Kitô giáo. Đó là một thời kỳ xác định bằng tính cách ồn ào, cấp thiết, hành động, tiện ích và đói khát những kết quả thực tiễn.”

Tuy nhiên, bất chấp những lời hoa mỹ về “hy vọng và đổi thay” phát biểu trong môi trường chính trị, những điều cấp thiết của chúng ta che dấu một tình trạng lo lắng sâu xa về tương lai; một thứ ích kỷ và thất vọng được gọt dũa tỉ mỉ.”

“Thế giới quanh chúng ta có một lỗ hủng trong nội tâm, và nỗi trống vắng làm cho con người đau khổ. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy.”

Tổng giám mục đề cập đến chủ đề trong ngày: “Linh mục và Giáo dân cùng hợp tác, Thay đổi và Thách thức Văn hoá.” Ngài nói: muốn thay đổi văn hóa, điều quan trọng là phải nhớ rằng “những gì chúng ta thực hiện đều xuất phát từ chỗ chúng ta là ai.”

“Thiên Chúa kêu gọi mỗi người phục vụ Giáo hội của Người dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng tất cả chúng ta đều bình đẳng trong phép Thanh tẩy.

“Và chúng ta tất cả đều chia sẻ cùng một sứ vụ là đem Tin Mừng đến cho thế giới, và đem thế giới đến cho Tin Mùng.”

“Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hôm nay sẽ rời bỏ nơi đây để làm môn đệ cho mọi dân tộc. Nhưng Người kêu gọi chúng ta trước hết phải yêu mến Người.”

Giấy phép yêu thương



Đặt trọng tâm vào những người có ảnh hưởng riêng biệt trên văn hóa, đặc biệt là các nghệ sĩ, Tổng giám mục Chaput khẳng định rằng “Thiên Chúa cho phép chúng ta được hiểu biết, yêu thương và làm cho thế giới này được cao quý qua công trình của những thiên tài trong nhân loại.”

“Trong vai trò là những vật thụ tạo, sự sáng tạo của chúng ta là tiếng vang vọng của vinh quang sáng tạo của chính Thiên Chúa.”

“Đối với Kitô hữu, nghệ thuật là một ơn gọi thánh thiêng có năng lực nâng tâm hồn con người và dẫn đưa mọi người nam nữ lên tới Thiên Chúa.”

“Là những người Công giáo, chúng ta có bổn phận phải học hỏi và hiểu biết thế giới quanh ta. Chúng ta có nghĩa vụ, không chỉ là thâm nhập và dấn thân vào thế giới này, mà còn đưa nó trở về với Đức Giêsu Kitô.”

“Công tác đó đồng đều thuộc về mọi người: giáo sĩ, giáo dân và tu sĩ. Chúng ta tất cả đều là người truyền giáo.”
 
Phe phá thai phản đối quảng cáo Super Bowl
Trần Mạnh Trác
18:37 28/01/2010
NEW YORK (CNS)-Một quảng cáo dự tính phát sóng vào dịp Super Bowl trên mạng lưới CBS ngày 7 tháng hai sắp tới đã bị một nhóm phò phá thai National Organization for Women (NOW) phản đối vì có nội dung phò sự sống.

30 giây quảng cáo sẽ giới thiệu anh Tim Tebow, tân khoa Đại học Florida, là một ngôi sao quarterback cuả đội bóng Gators, từng đoạt giải Heisman Trophy năm 2007, và đã dẫn đội bóng đến chiến thắng Sugar Bowl ngày 01 tháng 1 vừa qua.

Được tài trợ bởi tổ chức Focus on the Family (“Tập trung vào gia đình”, một nhóm bênh vực Kitô giáo có trụ sở tại Colorado Springs, Colo,) pha quảng cáo sẽ nêu lên trường hợp bà Pam, mẹ Tebow, đã quyết định chống lại lời khuyên y tế không phá thai anh ta. Bà Pam đã bị nhiễm trùng nguy hiểm trong một chuyến đi truyền giáo tại Phi Luật Tân, và các bác sĩ đã khuyên bà nên chấm dứt thai kỳ, vì sợ bà có thể chết trong khi sinh hoặc đứa trẻ có thể bị tử sản.

Một phát ngôn viên cuả tổ chức cho biết chủ đề của quảng cáo là "Tán dương gia đình, vui mừng cuộc sống", nhưng ông từ chối nói thêm về nội dung của quảng cáo.

Một số nhóm phụ nữ đã phàn nàn với CBS về quảng cáo, đòi phải bãi bỏ, nhưng mạng lưới tuyên bố rằng họ ủng hộ quảng cáo. Mạng lưới cũng cho biết họ đã duyệt lại chính sách của họ về những quảng cáo có tính cách cổ động trong những năm gần đây giống như những phương tiện truyền thông khác.

NOW và nhóm phụ nữ khác, Women's Media Center (một tổ chức chủ trương hoạt động "để làm cho phụ nữ được nhìn thấy mạnh mẽ trong các phương tiện truyền thông,") cho rằng quảng cáo gây chia rẽ và không thích hợp với hoàn cảnh. Họ cũng phàn nàn rằng trong những năm trước đây mạng đã cấm phát hành những quảng cáo tài trợ bởi các nhóm như People for the Ethical Treatment of Animals, MoveOn.org và the United Church of Christ.

Quảng cáo cuả Tebow là quảng cáo Super Bowl đầu tiên được tài trợ bởi Focus on the Family. Theo một tuyên bố trên trang web của nhóm: ông Jim Daly, chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn, cho biết cơ hội "để hợp tác với gia đình Tebow nhằm mục đích đề cao một thông điệp đầy ý nghĩa về cuộc sống gia đình đã đến rất đúng lúc, vào một thời điểm trong nền văn hóa khi mà các gia đình cần phải được cảm hứng. "

Ông nói rằng khoản tiền cho quảng cáo, chi phí khoảng $2.700.000 trong 30 giây, đến từ các nhà tài trợ đặc biệt muốn hỗ trợ dự án này.

Anh Tebow, được giáo dục tại nhà cho đến bậc đại học, từng được biết đến như là một người không ngần ngại thể hiện đức tin Kitô giáo của mình ra ngoài. Anh thường viết một đoạn kinh thánh vào vết tro đen bôi dưới mắt để tránh bị loá trong khi chơi banh.

Anh đã thảo luận về quảng cáo với các phóng viên ở Mobile, Ala, ngày 24 tháng 1, lúc anh chơi Senior Bowl, là buổi chơi bao gồm các cầu thủ hạng siêu sao. Anh cho biết một số người sẽ không đồng ý với thông điệp quảng cáo nhưng anh hy vọng họ có thể "ít nhất là tôn trọng việc tôi đứng lên cho những gì tôi tin." Anh là một cầu thủ sẽ dự cuộc tuyển chọn National Football League vào tháng Tư tới.
 
Đức Thánh Cha tưởng niệm Auschwitz: ngài kêu gọi rằng điều này sẽ không bao giờ tái diễn nữa
Bùi Hữu Thư
18:56 28/01/2010
Ngài nhớ đến các nạn nhân, và những ai chống đối “sự điên cuồng sát nhân”

VATICAN, ngày 27 tháng 1, 2010 (Zenit.org) - Đức Thánh Cha Benedict XVI hôm nay cùng với những người tụ tập để kỷ niệm “Ngày Tưởng Nhớ,” là ngày trại tập trung Auschwitz được giải phóng cách đây 65 năm.

Vào cuối buổi triều kiến chung tại sảnh đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha nhắc lại là vào ngày 27 tháng 1 năm 1945, các cánh cổng của trại tập trung Nazi, được biết với “tên Đức là Auschwitz" đã được mở rộng, “và một số người còn sống sót đã được giải phóng.”

Ngài nói: "Một biến cố như vậy và các nhân chứng của những người sống sót đã cho thế giới biết sự khủng khiếp của các tội ác chưa từng nghe thấy, đã xẩy ra trong các trại diệt chủng do Đức Quốc Xã thành lập.”

Đức Thánh Cha nói rằng ngày hôm nay được ghi nhận là “’Ngày Tưởng Nhớ,’ để tưởng niệm tất cả các nạn nhân của những tội ác này, nhất là sự tiêu diệt người Do Thái có kế hoạch, và để vinh danh tất cả những ai đã hy sinh mạng sống để bảo vệ những kẻ bị đàn áp, và chống lại sự điên cuồng sát nhân.”

Ngài tiếp: "Với một tấm lòng cảm xúc chúng ta nhớ đến biết bao nhiêu nạn nhân của một thù ghét mù quáng những người khác chủng tộc và tôn giáo. Họ phải chịu đau khổ vì bị trục xuất, bị giam cầm, và bị chết trong những nơi chốn thác loạn và vô nhân đạo.”

Đức Thánh Cha bầy tỏ ước nguyện là sự tưởng niệm một biến cố như vậy, “nhất là về thảm kịch Holocaust đã giáng xuống người dân Do Thái,” sẽ “làm thức tỉnh ý thức càng thêm vững chắc về sự tôn kính phẩm giá của mọi con người, để cho tất cả mọi người có thể nhận ra rằng mình là thành phần của một gia đình quý giá."

Ngài kết thúc bằng lời nguyện "Lạy Thiên Chúa Toàn Năng. Xin soi sáng các trái tim và trí óc, để cho những thảm kịch như vậy sẽ không bào giờ được tái diễn!”

Lời chào mừng truyền thống

Trong lời chào mừng truyến thống dành cho giới trẻ, người bệnh và các cặp tân hôn, Đức Thánh Cha bầy tỏ niềm hy vọng “là mỗi người trong hoàn cảnh riêng của mình sẽ đóng góp quảng đại để quảng bá niềm vui vì được yêu mến và phục vụ cho Chúa Giêsu Kitô.”
 
Top Stories
Vietnam government to demolish homes of 400 Catholic families
J.B. An Dang
00:07 28/01/2010
The diocese of Da Nang reports another attack of Vietnam government against Catholics in Vietnam. Hundreds of police have been deployed to back the demolition of homes of more than 2000 Catholics.

On Jan. 27, hundreds of both plain-clothes and heavily armed and well-entrenched police equipped with tear gas and electrical prods have been deployed in the Con Dau Parish to back the demolition of 400 homes of parishioners.

The parish, located in Hoa Xuan ward, Cam Le district, with 400 Catholic families living in an area of 400 hectares, has been eyed by Da Nang city officials to be the location for the establishment of Hoa Xuan ecotourism project. Parishioners now face a complete clearance in order to pave the way for the project leaving Fr. Emmanuel Nguyen Tan Luc, the pastor, alone to serve a parish with no parishioners.

“Our parish is going to celebrate the 135th anniversary of our first conversion to Catholicism and the 80th year of our parish formation on August of 2010,” said Fr. Emmanuel Nguyen expressing his concern on a scary and very dark future ahead.

Mr. Thai Van Lien, Chairperson of parish council said that he had learned about the project for the clearance and resettlement of the parish to a new area two years ago. “But, it’s too ridiculous and unjust to believe that local authorities could go ahead with their project. Unfortunately, it's a reality now,” he added.

“We are calling out for help, and even willing to die for our church and our property,” he continued.

As indicated in the city proposal, Con Dau would be transformed into a housing project with multi-million dollar homes. It's obvious that as the value of land being compared to that of gold, the authority would waste no time to remove the residents out of their homes and land with a nominal portion of monetary compensation that won't be enough for the victims to rebuild their lives anywhere else.

Parishioners have sent out an urgent appeal to the Vietnam top officials and the Parliament asking them to halt the decision to clear out their homes to make room for the construction of a tourist attraction. However, it’s very likely that their petition would go into deaf ears as in numerous previous incidents.

In the era of open markets, land values have increased at a dizzying rate. As values of religious properties being reassessed, their economic potentials turn out to be so great that the authorities must find ways to claim them for personal gains. Citing the Communist system where “all land belongs to the people and is managed by the State on behalf of the people”, local governments throughout Vietnam have forced religious leaders to “donate” religious properties. In most cases, demolition would start soon to convert these properties into hotels, restaurants, and night clubs before the victims could react.
 
Superior General of the Congregation: "The Redemptorists in Vietnam are working for peace and for the good of the people"
John Trung
02:25 28/01/2010
Rome - "We are very unpleased with the unjust accusations of being 'instigators of disorder', as has been stated in some Vietnamese media sources. I wish the world knew that the Redemptorists in Vietnam have a presence of peace. They work for the good of the people, praying and living in service to the Gospel. I have asked the brothers in Vietnam to pray for reconciliation and to invite the faithful to do so at the end of every liturgical celebration," Fr. Michael Brehl, Superior General of the Congregation of the Most Holy Redeemer, told Agenzia Fides following widespread accusations against the Redemptorists in Vietnam.

He continues, saying: "We have been in Vietnam for a century to serve the people of God, celebrating the sacraments, through apostolate, social services, and education: Our mission is always to bring peace."

Fr. Michael adds: "We are, however, concerned about the current situation. We hope there is no further escalation of violence," after the events of the parish of Dong Chiem in Hanoi, in which a Redemptorist named Brother Anthony was severely injured. The Superior gives Fides good news: "Brother Anthony is now at home, out of danger, and is recovering from the beatings suffered. We are happy about that." All the Redemptorists have today expressed their solidarity and support to the brethren and the faithful in Vietnam. My hope is to visit Vietnam one day," said Father Brehl.

At the end of the nineteenth century, many orders and congregations (including the Redemptorists) settled in Vietnam, building schools, hospitals, universities, seminaries, and convents. The Redemptorists arrived in Vietnam in 1925.

The Redemptorist Province in Vietnam is the largest in Asia. Over the past twenty years, the Province has grown: in 1983, there were 179 professed brothers, while today there are 278, including 168 priests who live in about 20 houses scattered throughout the country, in North, Central, and South Vietnam. There are also 222 postulants. The growth of vocations represents a great hope for the entire Church in Vietnam.
 
Danang 400 Catholic families thrown out of their homes to build a resort
Asia-News
06:45 28/01/2010
Hundreds of police surround the parish of Con Dau, that was preparing to celebrate the 80 years since its foundation. Massive hike in land prices pushes the authorities to "replace" the two thousand inhabitants with a luxury tourist destination.

Danang (AsiaNews) - There are 400 Catholic families (about two thousand people) who are trying to prevent the demolition of their homes, on land where local authorities have decided to build a luxury tourist hotel.

On 27 January, hundreds of plain clothes police as well as police in riot gear with electric batons and gas masks were deployed around the parish of Con Dau to protect the demolition work.

The parish is located in Xuan Hoa, in the district of Cam Le and the 400 families live in an area of 400 hectares, which Danang officials want for the Hoa Xuna ecotourism project. The faithful are confronted with the problem of dealing with a project that would leave Father Emmanuel Nguyen Tan Luc pastor of a church with no parishioners. "Our parish - says the priest - is preparing to celebrate 135 years since the first conversions to Catholicism and 80 of its existence, this August."

Thai Van Lien, chairman of the parish council, said he learned of the project to demolish and displace the parish to a different place two years ago. "But it seemed so absurd and unfair that it was impossible to believe." "Now - added - we're looking for help and we are ready to die for our church and our land".

According to the project, the area will be transformed with the construction of buildings worth several million dollars. With the massive growth in land values, after the adoption of a market economy, authorities do not want to waste time in driving out residents from their homes in return for a nominal compensation that is insufficient to allow them rebuild elsewhere life.

The parishioners appealed urgently to the highest Vietnamese authority and the Parliament, asking them to stop the destruction of their homes to create a tourist attraction. But similar precedents indicate that their petition will not be heard. Referring to the communist principle, according to which "all land belongs to the people and is managed by the State for the welfare of the people", local authorities transform the property of religious groups into hotels, restaurants and night clubs, and deny the victims the possibility to react.
 
A Danang 400 famiglia cattoliche cacciate di casa per realizzare un resort
Asia-News
06:46 28/01/2010
Centinaia di agenti intorno alla parrocchia di Con Dau, che si preparava a festeggiare gli 80 anni dalla sua fondazione. La crescita vertigionosa del valore dei terreni spinge le autorità a “sostituire” i duemila abitanti con una struttura turistica di lusso.

Danang (AsiaNews) – Sono 400 le famiglie cattoliche (circa duemila persone) che stanno tentando di evitare l’abbattimento delle loro case, deciso dalle autorità locali per creare sul terreno così liberato una struttura turistica di lusso.

Il 27 gennaio, centinaia di agenti in borghese e in tenuta antisommossa, con bastoni elettrici e maschere a gas sono stati schierati intorno alla parrocchia di Con Dau per proteggere l’opera di demolizione.

La parrocchia sorge a Hoa Xuan, nel distretto di Cam Le e le 400 famiglie abitano in un’area di 400 ettari, che le autorità di Danang vogliono destinata al progetto ecoturistico di Hoa Xuna. I fedeli si trovano di fronte al problema di far fronte a un progetto che lascerebbe padre Emmanuel Nguyen Tan Luc parroco di una chiesa senza parrocchiani. “La nostra parrocchia – dice il sacerdote – si sta preparando a festeggiare, ad agosto, i 135 anni della prima conversione al cattolicesimo e gli 80 della sua esistenza”.

Thai Van Lien, presidente del consiglio parrocchiale, racconta di aver saputo del progetto dell’abbattimento e dello spostamento della parrocchia in un posto diverso due anni fa. “Ma mi sembrava così assurdo e ingiusto da credere”. “Ora – aggiunge – stiamo cercando aiuto e siamo pronti a morire per la nostra chiesa e i nostri beni”.

Secondo il progetto, la zona dovrebbe essere trasformata con la costruzione di edifici del valore di molti milioni di dollari. Con la crescita vertigionosa del valore dei terreni, seguita all’adozione dell’economia di mercato, le autorità non vogliono perdere tempo nell’allontanamento dei residenti dalle loro case, in cambio di un risarcimento nominale, del tutto insufficiente a permettere di ricostruire altrove la propria vita.

I parrocchiani hanno rivolto un appello urgente alle massime autortà vietnamite e al Parlamento, chiedendo di fermare la distruzione delle loro case per creare un’attrazione turistica. Ma analoghi precedenti indicano che molto probabilmente la loro petizione non approderà a nulla. Rifacendosi al principio comunista, per il quale “tutta la terra appartiene al popolo ed è gestita dallo Stato per il benessere del popolo”, le autorità locali trasformano I beni degli enti religiosi in alberghi, ristoranti e night clud, senza che le vittime possano reagire.
 
Wietnam: Będą burzyć domy katolików (Ba Lan: Họ định triệt hạ nhà người Công giáo)
Info.wiara.pl
07:55 28/01/2010
dodane 2010-01-28 -- Diecezja Da Nang donosi o kolejnym ataku władz wietnamskich na katolików w Wietnamie. Setki policjantów zaangażowano, aby osłaniali akcję wyburzania domów, w których mieszka ponad 2000 katolików.

Con Dau Church
27 stycznia setki zarówno policjantów rozmieszczono w parafii Con Dau. Policjanci – wyposażeni w gazy łzawiące, pałki rażenia elektrycznego – mają zabezpieczać wyburzenie 400 domów należących do parafian.

Parafia, leżąca w okręgu Hoa Xuan, w dystrykcie Cam Le, licząca 400 katolickich rodzin żyjących na obszarze 400 hektarów, została upatrzona przez urzędników miasta Da Nang jako lokalizacja dla „ekoturystycznego projektu” w Hoa Xuan. Parafianie bezradnie przyglądają się całkowitemu niwelowaniu terenu, aby przygotować miejsce dla projektu. Ks. Emmanuel Nguyen Tan Luc, proboszcz, ma w perspektywie być proboszczem w „parafii bez parafian”.

„Nasza parafia przygotowuje się do świętowania 135 rocznicy przyjęcia chrztu a w sierpniu 2010 przypada 80 rocznica powstania parafii” – powiedział ks. Emmanuel Nguyen, dając wyraz swoim obawom w obliczu przerażającej i ciemnej przyszłości.

Pan Thai Van Lien, przewodniczący rady parafialnej powiedział, że o planach zniwelowania terenu i przesiedlenia parafian w nowe miejsce zasłyszał dwa lata temu. „Ale wydawało mu się, że plany są zbyt niepoważne i niesprawiedliwe, aby wierzyć, że lokalne władze mogłyby przystąpić do ich realizacji. Ale na nieszczęście, stają się one rzeczywistością.” – dodał.

„Apelujemy do wszystkich o pomoc, a nawet jesteśmy gotowi umrzeć za nasz kościół i naszą własność” – ciągnął dalej.

Jak to zarysowano w planach miasta, miejscowość Con Dau będzie zabudowana obiektami wartymi wiele milionów dolarów. Jest oczywiste, że władze – porównujące wartość gruntów z cenami złota – nie będą tracić czasu, aby usunąć mieszkańców z ich domów i ziemi, dając niewielkie pieniężne odszkodowanie, które absolutnie nie wystarczy pokrzywdzonym na odbudowanie ich domostw w jakimkolwiek miejscu.

Parafianie wysłali rozpaczliwy apel do najwyższych urzędników Wietnamu i do Parlamentu, prosząc o powstrzymanie decyzji o wyburzaniu domów i budowaniu w zamian atrakcji turystycznej. Jednak, jest bardzo prawdopodobne, że ich prośba nie spotka się z odzewem, jak to już miało miejsce w uprzednich incydentach.

W dobie otwartego rynku wartość gruntów wzrosła w zawrotnym tempie. W miarę jak wartość własności religijnych jest ponownie wyceniana, okazuje się, że jest ona tak cenna, iż lokalne władze szukają każdego pretekstu, aby domagać się ich dla osobistych zysków. Cytując komunistyczną zasadę, według której „cała ziemia należy do ludu i jest zarządzana przez Państwo w imieniu ludu”, lokalne władze w całym Wietnamie zmuszały i zmuszają przywódców religijnych do „podarowania” własności o charakterze religijnym. W większości przypadków wyburzanie domów rozpocznie się w najbliższym czasie, aby przekształcić te nieruchomości w hotele, restauracje i kluby nocne, zanim pokrzywdzeni zdążą podjąć jakikolwiek sprzeciw.

(Source: J.B. An Dang, tł. Etek, vietcatholic.net/News/Html/76221.htm | http://info.wiara.pl/doc/426949.Wietnam-Beda-burzyc-domy-katolikow)
 
Lawyer accuses PM of taking rogue action against him
Emily Nguyen
09:12 28/01/2010
A lawyer who dared to file a lawsuit against Vietnam Prime Minister had his brick fence smashed by a large number of police and pro-government thugs.

After the incident at Dong Chiem, Hanoi residents shocked again by another attack right in Hanoi downtown. On Jan. 27 morning, a large group of police and pro-government thugs, led by Le Van Dinh, chairman of the People’s Committee of Dien Bien Phu ward, swamped to the house of a lawyer, blocked the road and started smashing his brick fence by sledge-hammers. Loud speakers were employed to prevent rescue effort from his neighbours, and to yell slogans against the victim, making the attack more threatening. All happened in broad day light.

The victim, lawyer Cu Huy Ha Vu, in an interview with Radio Free Asia, attributed the rogue action against him to PM Nguyen Tan Dung.

“Nguyen Trong Khanh, vice chairman of the People’s Committee of Dien Bien Phu ward, told my relatives that he did not want to do so, but it was the PM to command the Committee [to smash the fence],” said the lawyer.

On June, 11, 2009, in an unprecedented action taken by a private citizen, the lawyer filed a lawsuit against Vietnam PM, accusing him of seriously violating the law when signing the Decree 167 which allowed a Chinese company to start mining some of the massive reserves of bauxite lying beneath Vietnam’s verdant Central Highlands.

Lawyer Cu Vu demanded Vietnam Prime Minister and the leadership of the Government to give bauxite mining a very serious reconsideration and to understand that the disadvantages and the inherent environmental dangers would far outweigh any perceived economic advantages.

“Bauxite mining will surely affect many innocent, helpless people, as the well-established scientific community, in their opposition to Decree 167, has eloquently demonstrated through evidence and testimonials,” he said.

Irreversible damage to the environment stemming from the project was also a topic of discussion at a seminar that gathered more than 50 scientists in Hanoi in April, 2009.

But the most unexpected criticism came from a legendary figure in the country's recent history, General Vo Nguyen Giap, the head of the Vietnamese army who defeated the French and Americans, and was the defense minister after unification. In a letter to the Prime Minister, the 97-year-old general expressed his concern over the presence of a great number of Chinese in the high plains, a strategic passage for Vietnam.

The first two bauxite processing plants, already under construction, have been contracted to the Chinese mining company Chalco which brought into Vietnam thousands of Chinese workers.

Vietnam Redemptorists have been charged with the unjust accusation of being 'instigators of disorder', as has been stated in Vietnamese media sources, due in good part to their opposition against bauxite mining.

Through recent violent events, many Vietnamese people afraid that Vietnam government keeps escalating violence against those who dare to oppose its policies promoting multi-party democracy.
 
Vietnam: quelque 2 000 catholiques menacés d'expulsion pour laisser place à une ''zone touristique écologique''
Eglises d'Asie
10:43 28/01/2010
VIETNAM: Les fidèles d’une paroisse catholique du diocèse de Da Nang sont en passe d’être expulsés pour laisser la place à une « zone touristique écologique »

Est-ce simplement une coïncidence ? Les affaires se suivent les unes les autres sans interruption. À peine la pression policière s’est-elle desserrée à Dông Chiêm, dans l’archidiocèse de Hanoi, qu’une paroisse du centre Vietnam, Côn Dâu (1), dans le diocèse de Da Nang, est à son tour gravement menacée. Le 27 janvier, une centaine de policiers et d’hommes en armes se sont déployés dans la paroisse pour appuyer la démolition prévue de centaines de maisons de catholiques. Celles-ci doivent céder la place à une « zone touristique et écologique de Hoa Xuân », où seront sans doute construites de nouvelles maisons luxueuses. Quatre cent trente hectares de terrain, dont cent hectares appartiennent à la paroisse seront consacrés à ce projet, ce qui condamne les fidèles à quitter leur maisons, leurs rizières et, surtout, leur église. Les indemnisations proposées par la municipalité de Da Nang sont dérisoires: 250 000 dongs (16 euros) le mètre carré de terrain d’habitation, 50 000 dongs (1,8 euros) le mètre carré de terres cultivables.

Côn Dâu est une très ancienne paroisse rassemblant environ 2000 fidèles dont 90 % vivent de l’agriculture. Depuis l’année 2008, date à laquelle les habitants de Côn Dâu furent informés du projet de la ville de Da Nang, ceux-ci n’ont cessé de manifester leur profond désaccord aux autorités lors des réunions organisées par la municipalité, dont plusieurs en la présence du secrétaire du Parti pour la ville de Da Nang, Nguyên Ba Thanh. Dans une lettre émouvante envoyée à toutes les autorités du pays, le président du conseil paroissial a expliqué que la communauté catholique ne voulait pas se séparer de son église et de ses rizières qui lui ont été transmises à travers les générations (2). Mais rien n’a pu ébranler la volonté de la municipalité de Da Nang de mettre en œuvre le projet. Le 20 janvier 2010, la radio de Hoa Xuân faisait connaître pour la première fois un ordre de réquisition des terrains de la paroisse, un ordre signé en 2008 par un secrétaire qui depuis, a quitté son poste.

Le 25 janvier, le secrétaire du Parti pour la ville de Da Nang a envoyé des agents de la Sûreté, des cadres appartenant au quartier, au district et à la ville, au total plus de 100 personnes, jusque dans les maisons pour annoncer leur réquisition et y mettre les scellés. Au bout du deuxième jour, la situation devenait insupportable et le 26 janvier au soir, le président du conseil paroissial la décrivait ainsi:

« Nous sommes le 26 janvier 2010. Il est 21 h (heure locale). La Sécurité, la milice et un certain nombre d’autres éléments cernent la maison du président du conseil paroissial et d’autres maisons de la paroisse de Côn Dâu (Da Nang). Les jours précédents, la police s’est efforcée de terroriser les esprits de la population habitant autour de l’église, de jour comme de nuit. Beaucoup d’habitants ont été obligés de fermer leurs portes et déménager ailleurs. Un certain nombre de maisons ont été mises sous scellés. La Sécurité ne laisse pas les fidèles se déplacer librement » (3).

L'émotion est d'autant plus forte que, selon les déclarations du P. Emmanuel Nguyen Tan Luc, le curé de la paroisse, les fidèles se préparaient à célébrer le 135e anniversaire de la conversion de leurs ancêtres au christianisme, ainsi que le 80e anniversaire de la création de la paroisse. La fête qui devait avoir lieu en août prochain, risque de se dérouler dans une église désertée de ses fidèles (4).

(1) Administrativement, la, paroisse de Côn Dâu se rattache à Hoa Xuân, arrondissement de Câm Lê, ville de Da Nang.
(2) Cette lettre a été diffusée le 27 janvier à l’adresse suivante: http://www.vietcatholic.net/News/Html/76161.htm
(3) Voir VietCatholic News, dépêche du 27 janvier 2010.
(4) Les informations de cette dépêche proviennent de l’agence VietCatholic News et de l’émission en langue vietnamienne de Radio Free Asia, laquelle a diffusé des déclarations du président du conseil pastoral de la paroisse.

(Source: Eglises d'Asie, 28 janvier 2010)
 
Kampania kłamstw reżimowych mediów (Ba Lan)
Łukasz Sianożęcki
20:09 28/01/2010
Za niepokoje, do których dochodzi w katolickich parafiach w Wietnamie, odpowiedzialna jest polityka władz, a przede wszystkim pozbawienie obywateli prawa do własności prywatnej. Podkreślił to wietnamski kardynał Jean-

-Baptiste Pham Minh Man z archidiecezji Sajgon. Tymczasem komunistyczne media w znanym stylu rozpętują kampanię kłamstw przeciw Kościołowi, zacierając prawdziwy obraz tego, co dzieje się m.in. w parafii Dong Chiem.

- Wietnamskie prawo w 1975 r. odebrało ludziom możliwość prywatnego posiadania własności. Trudno powiedzieć, co było zamiarem autorów tego prawodawstwa - budowanie lepszego i bardziej sprawiedliwego społeczeństwa czy coś innego. Faktem jest, że to prawo otworzyło drogę do wielkich nadużyć, niesprawiedliwości i przyczyniają się do społecznych niepokojów - powiedział ks. kard. Jean-

-Baptiste Pham Minh Man z archidiecezji Sajgon w wywiadzie dla dziennika "La Croix". Katoliccy biskupi wielokrotnie wskazywali władzom rządowym na pilną potrzebę zrewidowania prawodawstwa dotyczącego własności gruntów i nieruchomości. Do tej pory jednak nie osiągnięto porozumienia. - W tej chwili musimy jeszcze czekać, aby zobaczyć konkretne efekty. Głównym powodem braku reakcji ze strony rządu jest brak jednomyślności w ramach rządowej struktury - stwierdził ks. kard. Pham Minh Man.

W rozmowie z francuską gazetą ksiądz kardynał ubolewał także nad celowym przekręcaniem informacji i medialną manipulacją, przypominając, że katoliccy biskupi w Wietnamie wielokrotnie uskarżali się na tę praktykę mediów. Rządowe media bowiem, prowadząc kampanię nienawiści przeciw katolikom, jawnie kłamią. Przykładem może być sprawa usunięcia krzyży, które na wzgórzu, gdzie wcześniej władze wysadziły monumentalny betonowy krzyż, umieścili parafianie i studenci z Hanoi. Reżimowe środki przekazu twierdzą, że to katolicy z Dong Chiem dobrowolnie usunęli wszystkie krzyże z tej Góry Modlitwy. Udało się to rzekomo dzięki cierpliwemu przekonywaniu, perswazji i edukacji, które wpłynęły na zmianę świadomości miejscowych katolików. W rzeczywistości sytuacja była jednak całkowicie odmienna. Władze przez potężne głośniki ogłaszały postanowienie zatwierdzone przez kierownictwo partii oraz przez władze cywilno-wojskowe o usunięciu z góry wszystkich krzyży. Następnie grupa parafian została siłą zmuszona przez policję do zabrania krzyży. Redemptoryści z Dong Chiem podkreślają, że w tym akcie nie było ani odrobiny dobrowolności. Sami zaś aż do końca próbowali przeciwstawiać się usunięciu symboli męki Pana Jezusa. Ksiądz kardynał Pham Minch Man pochwalił wspomnianych kapłanów i przedstawił jako "dobry przykład dla rodzin i społecznych organizacji", aprobując ich "energiczny sprzeciw wobec nadużycia władzy i przemocy rządowej".

(Source: http://www.naszdziennik.pl/index.php?typ=wi&dat=20100129&id=wi03.txt)
 
Wysadzili krzyż, teraz wysadzają domy (Ba Lan: đã phá thánh giá, giờ đòi phá nhà dân)
Łukasz Sianożęcki
20:11 28/01/2010
Rządzący w Wietnamie komuniści wzięli na celownik parafię w Con Dau. Burzą domy, w których mieszka ponad 2 tysiące katolików. Na ich miejscu ma powstać dochodowy "ekoturystyczny projekt". Do pacyfikacji i "oczyszczenia" terenu zaangażowano setki ciężko uzbrojonych policjantów.

Jak poinformowała agencja Vietcatholic.news, w środę "setki zarówno umundurowanych, jak i nieumundurowanych, z ciężkim uzbrojeniem funkcjonariuszy" rozmieszczono w parafii Con Dau. Wyposażeni w gazy łzawiące, paralizatory policjanci mają zagwarantować wyburzenie 400 domów należących do katolików. Parafia leży w okręgu Hoa Xuan, w dystrykcie Cam Le i należy do niej 400 katolickich rodzin. To właśnie tam - zdaniem lokalnych władz - ma powstać "nowoczesny projekt turystyczny".

Władze wietnamskie, planując "inwestycję turystyczną" w parafii Con Dau, zadecydowały o zniszczeniu wszystkich okolicznych budynków mieszkalnych i zniwelowaniu terenu. W związku z zaangażowaniem tak potężnych sił parafianie nie mogą kompletnie nic zrobić, jedynie przyglądać się bezradnie rozbiórce. Jak podkreśla agencja Vietcatholic.news, oznacza to, że miejscowy proboszcz ks. Emmanuel Nguyen Tan Luc może wkrótce stać na czele "parafii bez parafian".

- Nasza wspólnota przygotowuje się do świętowania 135. rocznicy przyjęcia chrztu, a w sierpniu 2010 r. przypada 80. rocznica powstania parafii - powiedział ks. Emmanuel Nguyen, dając wyraz swoim obawom w obliczu przerażającej i ciemnej przyszłości.

Jak podkreślają mieszkańcy wioski, władze o swoich planach informowały już jakiś czas temu. Jednakże ze względu na ich absurdalność nikt nie brał tego poważnie. Parafianie podkreślają, iż jest to wyjątkowo niesprawiedliwe, lecz, niestety, władze rozpoczęły realizację tego czarnego scenariusza. - Na nieszczęście, stają się one rzeczywistością. Apelujemy do wszystkich o pomoc, a nawet jesteśmy gotowi umrzeć za nasz kościół i naszą własność - powiedział przewodniczący rady parafialnej Thai Van Lien. Katolicy wysłali rozpaczliwy apel do najwyższych urzędników Wietnamu i do parlamentu, prosząc o powstrzymanie decyzji o wyburzaniu domów i realizowaniu "atrakcji turystycznej". Jednak jest bardzo prawdopodobne, że ich prośba spotka się z głuchym milczeniem, jak to już się stało w przypadku wielu wcześniejszych incydentów.

Według planów miasta, miejscowość Con Dau ma być zabudowana obiektami wartymi wiele milionów dolarów. Jest oczywiste, że władze - porównujące wartość gruntów z cenami złota - nie będą tracić czasu, tylko szybko usuną mieszkańców z ich domów i ziemi, dając im niewielkie pieniężne odszkodowanie. Absolutnie nie wystarczy ono pokrzywdzonym na odbudowanie ich domostw w jakimkolwiek innym miejscu. W dobie otwartego rynku wartość gruntów wzrasta w zawrotnym tempie. W miarę jak wartość własności kościelnych jest ponownie wyceniana, okazuje się, że jest ona tak wysoka, iż lokalne władze szukają każdego pretekstu, aby domagać się tych dóbr dla osobistych zysków. Cytując komunistyczną zasadę, według której "cała ziemia należy do ludu i jest zarządzana przez Państwo w imieniu ludu", lokalne władze w całym Wietnamie zmuszały i zmuszają wspólnoty religijne do "podarowania" własności o charakterze religijnym. W większości przypadków wyburzanie domów rozpocznie się w najbliższym czasie, aby przekształcić te nieruchomości w hotele, restauracje i kluby nocne, zanim pokrzywdzeni zdążą cokolwiek zrobić.

(Source: http://www.naszdziennik.pl/index.php?typ=wi&dat=20100129&id=wi02.txt)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bề trên tổng quyền: Các tu sĩ DCCT VN là những người nhiệt tâm xây dựng hòa bình và công ích
Đặng Tự Do
07:31 28/01/2010
Bản tin của thông tấn xã Tòa Thánh Fides đánh đi hôm 27/01/2010.

ASIA/VIETNAM - “The Redemptorists in Vietnam are working for peace and for the good of the people,” Superior General of the Congregation tells Fides

“Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là những người nhiệt tâm xây dựng hòa bình và công ích cho đồng bào,” cha bề trên tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế Michael Brehl đã nói như trên với thông tấn xã Fides của Tòa Thánh hôm 26/01/2010.

Trước những cáo buộc của nhà cầm quyền đối với các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cha Michael Brehl nói:

“Chúng tôi rất lấy làm phật lòng trước những cáo buộc bất công cho rằng anh chị em chúng tôi là ‘những kẻ gây rối’ như đã tường thuật trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam. Tôi muốn thế giới biết là các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cống hiến cho hòa bình. Họ phục vụ cho công ích của đồng bào, chuyên tâm cầu nguyện và phục vụ cho Tin Mừng. Tôi đã xin các anh em ở Việt Nam hãy cầu nguyện cho sự hòa giải và mời gọi các tín hữu cũng làm như thế ở cuối các buổi cử hành Phụng Vụ”.

Ngài nói tiếp: “Nhà dòng chúng tôi đã hiện diện ở Việt Nam hàng thế kỷ để phục vụ dân Chúa, cử hành các phép bí tích, các hoạt động tông đồ, các dịch vụ xã hội, và giáo dục: Sứ mạng chúng tôi luôn luôn là nhằm kiến tạo hòa bình.”

Cha Michael nói thêm: “Tuy nhiên chúng tôi rất quan ngại về tình trạng hiện nay. Chúng tôi hy vọng là bạo lực sẽ thôi không leo thang hơn nữa sau biến cố tại giáo xứ Đồng Chiêm nơi thầy Antôn Nguyễn Văn Tặng đã bị đánh trọng thương.”

Cha Michael nói với Fides tin vui là “Thầy Tặng đã về nhà, qua cơn nguy hiểm và đang phục hồi dần những vết thương. Chúng tôi rất vui mừng. Tất cả các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới đã bày tỏ sự liên đới và ủng hộ anh em chúng tôi và anh chị em giáo dân Việt Nam. Hy vọng của tôi là ngày nào đó được sang Việt Nam để thăm họ.”

Cuối thế kỷ 19, nhiều dòng tu và cộng đoàn (bao gồm Dòng Chúa Cứu Thế) đã có mặt tại Việt Nam, xây dựng nhiều trường học, bệnh viện, trường đại học, chủng viện và các tu viện. Dòng Chúa Cứu Thế đến Việt Nam năm 1925.

Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là tỉnh dòng lớn nhất ở Á Châu. Trên 20 năm qua, Tỉnh Dòng đã lớn mạnh rất nhiều: năm 1983 có 179 tu sĩ tuyên khấn. Con số này đã lên đến 278 trong đó có 168 linh mục sinh hoạt tại 20 nhà rải rác khắp cả nước, ở miền Bắc, miền Trung và Nam Việt Nam. Hiện nay có 222 thỉnh sinh. Con số ơn gọi gia tăng nhanh chóng này là niềm hy vọng cho toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam.

Tưởng cũng nên nói thêm, trong cùng ngày 26/01, Úc Đại Lợi đã cử hành ngày Quốc Khánh. Các nhà thờ đều đông đảo anh chị em giáo dân đến cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong ngày đó, các nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đã đọc lời kêu gọi của cha Michael Brehl xin cầu nguyện cho Giáo Hội tại Việt Nam, cách riêng Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn và thử thách.
 
Cồn Dầu ơi, ngươi nhỏ bé nhất...
Gioan Lê Quang Vinh
08:13 28/01/2010
Tôi đến Cồn Dầu mấy năm trước đây, khi một người bạn của tôi là linh mục Giuse Nguyễn Kinh lúc bấy giờ mới được thụ phong về làm cha xứ ở đó. Nhìn giáo xứ cổ kính hiền hoà giữa tứ bề sông nước, lòng tôi bình an và tin tưởng vào một ngày giáo xứ sẽ phát triển mạnh mẽ. Cách đây mấy hôm, khi gặp lại cha Kinh, chúng tôi biết một cha khác đang ở Cồn Dầu và cũng biết Cồn Dầu vẫn bình an. Nhưng thật bất ngờ, bây giờ Cồn Dầu đã biến thành chảo dầu sôi sục.

Cồn Dầu là xứ đạo lâu năm nhưng cũng là một xứ đạo nhỏ. Cồn Dầu nhỏ về diện tích và về số tín hữu, nhưng cũng như Bêlem xưa, Cồn Dầu được Chúa dùng như dấu chỉ của những điều rất lạ.

Như Thái Hà, như Đồng Chiêm, như Loan Lý và nhiều xứ đạo hiền hoà khác, Cồn Dầu được đề cập đến trước hết như một vấn đề đất đai. Ở đây chúng tôi không nói lại chuyện này, chuyện mà chính Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đã trả lời công khai là “gây ra nhiều bất công”. Còn hơn chuyện đất đai, đàng sau tất cả những chuyện ấy là niềm tin của người Kitô hữu. Không phải đơn thuần là chuyện đất đai, là bởi vì đàng sau Thái Hà là hình ảnh của Mẹ là Nữ Vương Công Lý, đàng sau chuyện Núi Thờ Đồng Chiêm là bóng Thánh Giá trên cuộc đời người dân lam lũ, và đàng sau chuyện Cồn Dầu là bóng giáo đường đã phủ xuống đã một thế kỷ nay. Chuyện lạ đầu tiên của Cồn Dầu chính là chuyện lạ của Công Lý và của Niềm Tin.

Điều lạ thứ hai của Cồn Dầu chính là sự trưởng thành của người giáo dân miền quê nghèo ấy. Chúng ta đang chờ đợi, thiết tha chờ đợi sự lên tiếng của đấng bản quyền giáo phận địa phương và những vị chủ chăn khác trong giáo phận như chúng ta đã từng nhìn thấy ở Thái Hà, Loan Lý, Đồng Chiêm, nơi các vị chủ chăn sống chết với đoàn chiên. Chúng ta tin vào sự khôn ngoan (không chỉ là khôn khéo) nhưng cũng rất dũng cảm của các vị chủ chăn sở tại. Khi chúng ta đang tin chắc như thế và biết chắc sẽ thành hiện thực, thì người giáo dân Cồn Dầu đã lên tiếng. Họ hiểu rằng trong nhiều tình huống, chính người tín hữu phải là người giương cao ngọn cờ Thánh Giá, chứ không phải dựa vào bất kỳ ai khác. Đó là thái độ trưởng thành của niềm tin đích thực.

Và một điều lạ khác nữa. Người ta muốn để lại nhà thờ với cha xứ lẻ loi. Và chính lúc ấy, vị đại diện giáo dân, ông Thái Văn Liên Quyền Chủ tịch Ban Đại Diện Giáo Xứ nói: “Chắc chắn rằng giáo dân Cồn Dầu sẽ kêu cứu tới cùng, có thể họ cùng sống chết với nhà thờ và đất của mình. Giáo xứ của chúng tôi sang năm này kỷ niệm 135 năm Hạt Giống Tin Mừng và 80 năm thành lập giáo xứ vào tháng 8-2010.” Giáo dân hiểu rằng không thể có chuyện mừng kỷ niệm giáo xứ với nhà thờ và cha xứ, mà phải là đoàn dân thánh giữa giáo xứ, nơi Hạt Giống Tin Mừng đã được gieo vào lòng đất và lòng đời. Điềm lạ đặc biệt là người giáo dân giữa thời đại này, dám từ chối những chỗ ở được hứa hẹn, để “cùng sống chết” cho Đức Kitô, trung tâm cuộc đời họ.

Và như thế, chúng ta có thể nói như lời Kinh Thánh nói về Bêlem, rằng Cồn Dầu nhỏ nhất trong các làng mạc thành trì, nhưng nơi Cồn Dầu, Chúa lại thực hiện những điều cao cả cho Dân Thánh Ngài. Trong cuộc đời có lúc người ta phải nhắm mắt như khi ngủ để lấy lại sức, hay khi hôn nhau, để yêu thương. Nhưng quan trọng là biết lúc nào thôi đừng nhắm mắt nữa, để cùng vui buồn với anh em.

Xin Chúa cho chúng ta, từ những người bé nhỏ nhất là kẻ viết bài này, đến các vị chủ chăn uy quyền của địa phương, hiệp thông với Cồn Dầu cụ thể nhất trong phận sự Chúa giao cho mình.
 
Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài chia sẻ Đạo nạn cùng giáo xứ Đồng Chiêm
Chánh trị sự Hứa Phi
08:21 28/01/2010
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
BÁT THẬP NGŨ NIÊN
TÒA THÁNH TÂY NINH


CHIA XẺ ĐẠO NẠN CÙNG GIÁO XỨ ĐỒNG CHIÊM

BAN ĐẠI DIỆN KHỐI NHƠN SANH ĐẠO CAO ĐÀI

Kính gởi: Quí Ngài Tổng Giám Mục, Giám Mục,Quí Linh Mục,
Cùng toàn thể Giáo Dân Thiên Chúa Giáo,Giáo Xứ
Đồng Chiêm xã An Phú, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Kính Quí Ngài:

Đạo nạn của Giáo Xứ Đồng Chiêm ở Hà Nội cũng như đạo nạn của các Tăng Ni sinh Tu Viện Bát Nhã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng; của Thánh Thất Định Quán Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tỉnh Đồng Nai; của chùa Hưng An Tự Phật Giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang… là một Đạo nạn chung của tất cả các Tôn giáo hiện nay trên đất nước Việt Nam.

Thánh Giá là một Bảo vật Thiêng Liêng Vô giá, là một biểu tượng Đức Tin của Tín Hữu Ki Tô Giáo, chỉ những người không tôn trọng Tôn Giáo mới hành động như hiện tại ở Đồng Chiêm !

Nỗi thống khổ của Quí vị cũng chính là nỗi đau khổ của chúng tôi. Mặc dầu hình thể Tôn giáo có khác nhau theo từng thời kỳ khai đạo, nhưng tâm linh chúng ta chỉ có một, đồng nhứt thể.

Chúng tôi xin thay mặt cho hàng triệu tín đồ Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, xin chân thành chia xẻ nỗi đau thương mất mát của Quí vị khi phải đối diện với một sự thật quá đau buồn ngoài sức tưởng tượng của con người.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi Vua Hùng dựng nước đến nay, trãi qua mấy ngàn năm văn hiến, vừa đánh giặc ngoại xâm, vừa xây dựng, bảo tồn và phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Ông cha ta đã biết quí trọng giá trị đạo đức của Tiền Nhân, quyết gìn giữ nền văn hóa tối ưu làm căn bản cho sự phát huy đạo đức, nghĩa nhân của con người để đưa dân tộc phát triển, văn minh và hội nhập cùng các quốc gia trên toàn thế giới.

Những tinh hoa, những giá trị tốt đẹp, cao thượng của tâm hồn người Việt Nam đó được thể hiện qua các nền Tôn giáo. Tôn giáo đúc kết lại và xây dựng nên một cách hoàn mỹ để giáo hóa, bày truyền ra cho con người đạt đến sự hoàn thiện đẹp đẽ. Thế mà hôm nay quyền lực của đời bóp méo, đè bẹp, dìm xuống như một thứ xấu xa cần phải bị tiêu diệt. Điều đó chứng tỏ cho mọi người thấy và hiểu được đạo đức của một xã hội suy đồi đến tột cùng. Tương lai dân tộc Việt nam sẽ đi về đâu? Khi nền tảng đạo đức, hay đức tin của con người bị xúc phạm nghiêm trọng, quyền tự do tín ngưỡng bị khống chế, nhân quyền bị chà đạp. hành xử của nhà nước đối với Tôn giáo là sử dụng côn đồ, xã hội đen, bạo lực để đánh đập người dân vô tội vạ.

Đứng trước Đạo nạn chung của các nền Tôn giáo hiện nay, không ai khỏi ngậm ngùi xúc động trước tình cảnh tang thương giữa con người Việt Nam với nhau mà không chút xót thương. Nghĩ đến vận mạng, tiền đồ của nòi giống Việt Nam đã từng chịu biết bao nhiêu thống khổ từ thể xác đến tâm hồn, chúng tôi vô cùng đau xót.

Ngày nay với nỗi đau khổ nầy sẽ làm cơ quan giải thoát cho toàn thể chúng sinh, nỗi khổ nầy sẽ làm nhịp cầu cho tất cả các nền Tôn giáo xích gần lại với nhau, hiệp thông nhau, chia vui sớt thảm, biết tôn trọng nhau để cùng hướng tới mục đích giải khổ cho loài người cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Sứ mạng Tôn giáo luôn gắn liền với vận mạng của dân tộc. Đó mới là Tôn giáo tích cực phụng sự chúng sinh, thiết thực phụng sự cho Hòa Bình và đem lại sự Công Bằng, Thương Yêu cho loài người.

Tiếng nói của chúng tôi là tiếng nói chung cho tất cả những người Việt Nam yêu quê hương đất nước, là tiếng nói chung của tất cả những nhà lãnh đạo tinh thần Tôn giáo yêu quí nền Dân Chủ và Tự Do Quyền, mong muốn xã hội Việt Nam được bình yên, mọi người được quí trọng nhau, biết chia xẻ cùng nhau, biết đặt tình yêu thương, công lý, lẽ phải lên trên hết để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, hầu tiến đến Đại Đồng Nhơn Loại.

Chúng tôi thành tâm chia xẻ và cảm thông với Quí vị. Cầu xin ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ban bố Hồng ân cho tất cả anh em chúng ta đồng một Đức Tin, đồng một Mục Đích, đồng nhìn nhau trong tình cốt nhục Thiêng Liêng của Ngài để đem đến cho thế gian niềm an vui và hạnh phúc.

Nay kính

Thánh Địa Tây Ninh Ngày 12 - Tháng Chạp - Năm Kỷ Sửu
(dl 26 – 01 – 2010
)

TM Ban Đại Diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài
TRƯỞNG BAN
Chánh Trị Sự HỨA PHI
 
Cơ quan ngôn luận Fides của Tòa Thánh loan tin về DCCT và Đồng Chiêm
John Trung
10:09 28/01/2010
Rôma -«Chúng tôi rất buồn lòng vì bị kết án cách bất công là ‘những kẻ gây rối trị an’ như các báo chí truyền thông Việt nam đăng tải. Tôi mong muốn cả thế giới biết rằng các tu sĩ DCCT tại Việt nam là những con người sống an hòa; họ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Tin Mừng; họ hoạt động cho sự thiện ích chung của mọi người. Tôi đã khuyến nhủ các anh em DCCT Việt nam chúng tôi cầu nguyện cho sự giao hòa, và mời gọi các tín hữu cũng làm thế sau mỗi thánh lễ». Đó là điều cha Bề trên Tổng quyền DCCT Michael Brehl đã phát biểu như trên, sau khi hàng loạt lời kết án các tu sĩ DCCT đã được tung ra tại Việt nam.

Cha Bề trên nói: «Anh em Nhà Dòng chúng tôi đã hiện diện tại quê hương Việt nam non một thế kỷ, nhằm phục vụ Dân Chúa với các Bí tích, và phụng sự xã hội cũng như giáo dục (Đức tin) với các công việc tông đồ. Sứ mạng của anh em chúng tôi luôn là xây dựng hòa bình».

Cha Michael B. còn thêm: «Chúng tôi rất quan tâm về tình trạng hiện nay tại Việt nam. Chúng tôi hy vọng sẽ không còn việc gia tăng những hành vi thô bạo», hành vi mà một tu sĩ DCCT là Thày Antôn đã gánh chịu sau những sự cố tại giáo xứ Đồng Chiêm, Hà nội. Cha Tổng quyền cũng thông báo cho Fides tin an ủi: «Thầy Antôn hiện đã về nhà, thoát nguy hiểm tánh mạng, và đang được điều dưỡng, sau trận đánh đập. Chúng tôi an tâm về việc ấy».

Hôm nay, tất cả các tu sĩ DCCT toàn cầu bày tỏ tình liên đới và hỗ trợ các anh em DCCT cũng như mọi Kitô hữu ở Việt nam. Cha Tổng quyền kết luận: «Tôi hy vọng sẽ có ngày được đến thăm quê hương Việt nam».

Từ cuối thế kỷ XIX, có nhiều Dòng tu (trong đó có DCCT) đã đến Việt nam, xây dựng các học đường, bệnh viện, đại học, đại chủng viện và tu viện. DCCT đến đất nước ấy vào năm 1925. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam là Tỉnh Dòng lớn nhất tại Á châu.Trong 20 năm gần đây, Đơn vị này đã phát triển mạnh. Năm 1983, Tỉnh Dòng có 179 tu sĩ có lời khấn. Năm nay, Tỉnh ấy gồm 278 thành viên, trong đó có 168 linh mục. Họ sống ở 20 cộng đoàn tu viện rải rác khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Ngoài ra, Tỉnh Dòng còn có khoảng 222 tu sinh. Sự tiến triển về ơn gọi của họ nói lên niềm hy vọng của toàn Giáo hội Việt nam.
 
Khi sai lầm bị đẩy lên mức quá đáng
Bùi Tín
10:20 28/01/2010
Tình hình chính trị của đất nước gần đây sa sút nhanh và trầm trọng.

Mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân có những biểu hiện gay gắt. Chính quyền không những không bảo vệ người dân lương thiện, còn bênh vực những tham quan ô lại, áp bức quần chúng, để người dân phải đặt ra câu hỏi: chính quyền hiện tại là chính quyền kiểu gì? Của ai? Bênh vực ai? Nền tư pháp hiện tại là nền tư pháp của ai? có công bằng hay không công bằng? sao người tử tế, trí thức yêu nước bị đàn áp nặng nề, phi lý, trong khi bọn tham nhũng, biến chất thì được bênh che, nới tay đến vậy! Rõ ràng là nền tư pháp có 2 tốc độ, 2 bàn cân, cực kỳ nặng tay cho người này, nhẹ bỗng cho kẻ khác!

Vụ Bát Nhã, hơn 70 tên du côn, mafia, xã hội đen lộng hành, gây án mạng đối với các em tu sinh trong sáng, dân quân xã, công an huyện không hề bảo vệ công dân lương thiện - là chức năng cơ bản của một nhà nước chân chính -, còn tiếp tay, khuyến khích bọn chúng cùng phá phách gây án, chính quyền huyện và tỉnh thả lỏng. Thật là quá đáng.

Người phát ngôn bộ ngoại giao bất chấp chứng cớ, phim ảnh, ghi âm tại chỗ, chối phắt: "Ðó là xung đột nội bộ phật giáo!" Thật là quá đáng!

Vụ Đồng Chiêm - Mỹ Đức - Hà Nội, chính quyền còn quá đáng hơn. Họ huy động hàng trăm dân quân, công an phong tỏa cả vùng, dùng chất nổ mạnh phá tan thánh giá, đánh đập gây thương tích cho nhà báo và linh mục, bắt giam hàng chục giáo dân ra can ngăn việc làm phi pháp của họ, nhưng người phát ngôn bộ ngoại giao vẫn nói rằng thánh giá đã được chính giáo dân tháo gỡ di dời.Thật quá đáng.

Còn việc chống tham nhũng, chính nhà nước ở trung ương đã tỏ ra quá đáng, "nói một đằng làm một nẻo", bênh che, dơ cao đánh khẽ quan chức đảng viên cộng sản sâu mọt tội phạm loại lớn nhất, như bị can tổng giám đốc PMU18 Bùi Tiến Dũng, bị can thứ trưởng Giao thông kiêm bí thư đảng uỷ Nguyễn Việt Tiến, như đảng viên phó giám đốc sở giao thông Huỳnh Ngọc Sỹ, nay lại định dung túng chạy tội cho cho bị cáo Lương Ngọc Anh (đảng viên giám đốc một công ty quốc doanh trong ngành công an) cũng như cho bị cáo đảng viên cộng sản Lê Đức Minh, con cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, mặc dù phía Úc đã khởi tố các bị cáo đưa hối lộ cho Anh và Minh số tiền lên đến hơn 10 triệu đô la Úc. Thật là quá đáng!

Vẫn chưa hết. Trong khi đó thì chính quyền của đảng lại quá đáng trong sự đàn áp, hiếp đáp các nhà dân chủ yêu nước dấn thân đòi tự do cho toàn dân, còn dùng nhục hình với ông Trần Huỳnh Duy Thức, tuyên án với các "bản án bỏ túi sẵn" theo lệnh của bộ chính trị, qua các phiên xử chớp nhoáng, khuất tất, mỗi bị cáo chỉ xử có chừng 2 tiếng, để làm bao nhiêu chuyện theo trình tự tố tụng là: nghe cáo trạng của công tố, thẩm vấn cung, đối chiếu cung, bào chữa của luật sư, tranh biện trước toà, thảo luận cân nhắc trong hội đồng xét xử, luận tội để tuyên án, và các phát biểu cuối cùng. ..Thật là bôi bác !

Làm sao các bị cáo từng chăng biểu ngữ: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt nam" tại đường số 5 trên cầu Lai Vu lại có thể bị kết tội ? Kết tội họ một ngày tù cũng là phi lý. Lẽ ra họ phải được khen ngợi, quý trọng, biểu dương.

Điều 10 trong Luật tố tụng hình sự ghi: "Xác định sự thật của vụ án - cơ quan điều tra, kiểm sát và toà án phải áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật, chứng minh tội phạm". Vậy toà án đã chứng minh ra sao về cái tội gọi là chăng biểu ngữ trên đây? Yêu nước là phạm tội! Thật quá đáng !

Mọi sự quá đáng đều sai lầm, có hại. Ngạn ngữ Pháp có câu: "Tout excès est mauvais ". Mọi sự quá đáng đều xấu xa ! Huống gì đây là quá đáng trong cầm cân công lý, quá đáng trong đàn áp người lương thiện; quá đáng trong đánh bị thương nhà báo, linh mục, giáo dân, phật tử; quá đáng trong tuyên án rất nặng - 16 năm, 7 năm, 5 năm tù giam những trí thức yêu nước; quá đáng trong việc dùng chất nổ của quân đội để phá tan thánh giá và tượng Chúa; quá đáng trong việc lừa dối, chối tội kiểu gian ngoan, lệnh cho chính quyền bên dưới dùng lưu manh và hung khí tấn công phật tử trẻ rồi đổ vấy cho là do xung đột nội bộ.

Do mọi sai lầm đều được nhà cầm quyền đẩy lên đến mức cực kỳ hung hãn và phi lý nên ngay từ đầu năm 2010 búa rìu dư luận đã giáng xuống tới tấp, không kịp chống đỡ; các tổ chức Phóng viên không biên giới, Quan sát Nhân quyền, Quốc tế các nhà báo, bộ ngoại giao Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Úc, các đại sứ tại Hà Nội, Hoa Kỳ, Thuỵ Ðiển, tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo Mỹ, đại diện Liên Âu. ..nhất loạt yêu cầu Hà Nội phải xoá bỏ các vụ án phi lý, trả lại tự do cho 16 nhà dân chủ ngay và không điều kiện, trả lại tự do cho mọi người tù chính trị.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Hà Nội lại chống đỡ bằng luận điệu "can thiệp vào chủ quyền", một kiểu nhai đi nhai lại yếu ớt, đã bị toàn thế giới tiến bộ bác bỏ dứt khoát từ lâu khi khẳng định "quyền can thiệp và cả nghĩa vụ can thiệp", khi chính quyền một nước đối xử tàn bạo với công dân nước mình, vi phạm cam kết quốc tế khi họ ký Công ước về Nhân quyền, qua đó họ hứa hẹn tôn trọng quyền sống trong tự do và nhân phẩm của mọi nước, và trước hết là dân nước của chính họ.

Chính thái độ quá đáng trong đối xử với dân mình, với giáo dân và phật tử người Việt mình, thái độ quá đáng với nông dân mình, thu hồi đất của họ rồi đền bù với giá "bèo bọt ", phản bội liên minh công nông, thái độ quá đáng với trí thức trong việc cấm phản biện, bức tử trên thực tế Viện IDS và mạng Tia Sáng, vu cáo hơn 2 ngàn trí thức ngăn cản việc khai thác bôxít chứa đầy hiểm họa là bị phản động lôi kéo mua chuộc, đánh phá mạng bôxit-info, quấy rầy nhũng nhiễu ông Huệ Chi và ông Phạm Toàn, hăm doạ hơn 10 ngàn nhà báo cấm không ai được viết bài theo ý riêng...

Năm 2010 này, chính quyền độc đã tự làm mất uy tín, - cả uy tín trong nước và uy tín quốc tế - và ngày càng ở vị thế bị cáo, vì đã quay lưng với nhân dân, không mảy may quan tâm xây dựng một xã hội thật sự ổn định, công bằng, dân chủ và hạnh phúc, như họ từng cam kết dễ dãi trong cái đại hội đảng X của họ.

(Paris, 23-1-2010, Bài do tác gải gửi tới. Bài viết đã đăng trên VOA)
 
Nhạc: Hiệp thông cùng Đồng Chiêm
Nhạc và Lời: BQT
10:32 28/01/2010
Mời nghe bản nhạc này ở phần cuối