Ngày 27-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Quanh Năm 28/1/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:33 27/01/2018
Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20

"Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: "Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta".

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 32-35

"Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12

Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

"Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:15 27/01/2018
40. CHỈ BIẾT SỬA THƠ
Một hôm, có một anh thư sinh ngâm thơ:
- “Gió thổi cành liễu ngàn sợi xanh, nắng chiếu đào hoa vạn điểm hồng.”
Người kế bên bình luận, nói:
- “Bài thơ này ý cảnh không hay, tôi sẽ vì anh mà sửa lại thì nhất định phải hay.”
Thư sinh nói:
- “Ông anh, nếu anh có thể sửa thơ thì xin anh làm lại cho một bài.”
Người ấy trả lời:
- “Người làm thơ không biết sửa thơ, người sửa thơ không biết làm thơ !”
(Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

Suy tư 40:
Ở đời có người biết ăn cơm nhưng không biết nấu cơm, có người biết nói nhưng không biết viết chữ, đây là chuyện nhỏ bình thường trong xã hội vậy mà cũng có người chú ý để khen chê...
Có người biết chê và biết nói móc họng anh em, nhưng lại không biết chê những thói xấu của bản thân mình; có người thích phê bình chỉ trích người khác mà rất ghét người khác nói ra hoặc góp ý cái khuyết điểm của mình; lại có người biết lớn tiếng mắng mỏ anh chị em là “thứ ngu như bò”, nhưng khi người khác chân tình khen mình thì lại cho người ta là “khen đểu”, đây là suy bụng ta ra bụng người...
Người làm thơ không biết sửa thơ, nhưng người Ki-tô hữu trước khi rửa chân cho người khác thì biết sửa lưng mình trước, biết góp ý cho ai thì đã biết tự góp ý cho mình trước; người sửa thơ không biết làm thơ, nhưng người Ki-tô hữu thì khi thấy người khác giúp mình sửa sai một lần, thì đã biết cái tốt và cái không tốt của bản thân mình để sống đẹp lòng Chúa và tha nhân hơn...
Biết và không biết chính là tại tâm mình mà ra vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:17 27/01/2018
Chúa Nhật 4 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 1, 21-28.
“Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.”


Bạn thân mến,
Khi người ta nổi tiếng, thì có hai loại cám dỗ lập tức đến, cám dỗ thứ nhất là tiền tài và danh vọng lập tức đến, cám dỗ thứ hai là kiêu ngạo và tự mãn cũng lập tức đến, làm cho người nổi tiếng khó mà giữ tâm hồn thanh thãn như khi chưa được nổi tiếng.
Đức Chúa Giê-su là một thần tượng minh tinh của họ, bởi vì Ngài để râu tóc dài và lời giảng dạy như một làm cho thế giới đổi mới, và rất nhiều người tôn thờ Ngài.v.v...Không phải đợi đến hôm nay người ta mới coi Đức Chúa Giê-su như là một thần tượng, mà ngay cả thời của Ngài, chính các tà thần cũng đã nhận biết Ngài là ai nên phải thốt lên rằng họ biết Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Đức Chúa Giê-su giảng dạy như một Đấng có uy quyền, không phải Ngài cậy nhờ các giáo sư khác đỡ đầu, cũng không phải Ngài cậy nhờ các thế lực của ai như người Pha-ri-siêu hay thế lực của nhà cầm quyền, nhưng tự nơi Ngài, lời giảng dạy đã có uy quyền, vì Ngài là Đấng Thánh bởi trời mà đến, và điều quan trọng hơn là người ta dễ nhận thấy nhất ở nơi Ngài chính là sự nghiêm trang trong dạy dỗ, hiền hòa trong thái độ, và thân thiện trong từng ngôn ngữ của mình.
Bạn thân mến,
Đã có nhiều lần trong cuộc sống bạn được người khác tán tụng khen ngợi vì những việc bạn đã làm, những lúc ấy tâm hồn bạn rất vui vì bạn biết mình đã làm những điều hay điều tốt. Những lần được người khác khen ngợi như thế, bạn và tôi cũng nên bắt chước Đức Chúa Giê-su tìm nơi vắng vẻ để suy niệm những hồng ân ma Thiên Chúa đã ban cho mình qua cuộc sống.
Tài năng của bạn và tôi đều bởi Thiên Chúa ban cho, nhưng lời khen ngợi thì bởi con người mà đến, cho nên bạn và tôi cũng nên hiểu rằng: những gì của Chúa thì tồn tại, còn những gì của con người thì nay còn mai mất, không tồn tại, hôm nay người ta khen ngợi và ca tụng chúng ta, thì ngày mai cũng chính những người ấy sẽ đả đảo chê bai, nhục mạ đấy chúng ta đấy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:21 27/01/2018

31. Cầu nguyện là lấy tâm tình khiêm tốn và đức mến nhiệt thành mà hướng lòng lên cùng Chúa. (Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa, trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
CN 4 TN B : Quỷ trường thọ
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:04 27/01/2018
CN 4B : quỷ trường thọ

Ngày 15.8.1972, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 trong Tông thư Tự sắc Ministeria Quaedam đã bãi bỏ các chức nhỏ : tức là 4 chức : Giữ cửa, Đọc sách, Trừ quỉ, Giúp lễ –là những chức thường chịu chung trước khi chịu chức Năm là chức Phụ Phó tế (chức 6 là Phó tế). Đức Phaolô VI bỏ bốn chức nhỏ, bỏ luôn cả chức Năm. Trong 4 chức nhỏ ngài ra lệnh bỏ có một chức liên hệ đến bài Phúc Âm hôm nay: chức thứ ba : chức Trừ Quỉ.

Phải chăng thời đại khoa học tiên tiến, điện tử, vi tính, smart phone… quỉ không còn nữa, nên không cần chức trừ quỉ ? Nhiều Kitô hữu ngày nay cũng không còn tin có quỷ có ma nữa, nếu có tin cũng không dám nói, sợ bị chê là lỗi thời. Trong số những kẻ không tin quỉ ma đó, có cả vài nhà thần học và nhà chú giải Kinh Thánh nữa ! Ở đây chúng ta không nhằm dùng Kinh thánh, nhất là Tân Ước để chứng minh có quỉ, vì đó là một đề tài dài, nhưng qua bài Tin Mừng mô tả Chúa trừ quỉ hôm nay, chúng ta thấy quỉ có thật và ngày nay vẫn thật có !

Năm 1970, Mỹ cho thực hiện bộ phim The Exorcist (Người Trừ quỉ, nhưng được dịch là Quỉ ám để dễ câu khách). Bộ phim phá kỷ lục về vé bán. Báo chí kể lại trong khi xem phim nhiều tiếng la hét nổi lên từ phía khán giả vì sợ. Rồi khi vãn xuất phim, sàn rạp vung vãi rác rưởi, kể cả găng tay, dày dép, ói mửa nữa…, cũng vì sợ (khi chứng kiến điều diễn ra trên màn ảnh). Năm sau, bộ phim qua Việt Nam chiếu độc quyền ở rạp Rex. Bộ phim Quỉ Ám –hay “Người Trừ Quỉ”- xây dựng trên một trường hợp có thực là cậu bé 14 tuổi sống tại vùng núi Raimer bang Maryland năm 1949. Tờ báo Newsweek (Tuần tin tức) lúc đó mô tả trường hợp này như sau: “Tranh ảnh, ghế bàn và chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động về đêm làm cậu ta hầu như không thể nào ngủ được. Khi được nhận vào bệnh viện trường Đại học Georgetown bang Virginia, cậu bé bắt đầu lẩm bẩm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng một thứ Cổ ngữ không ai hiểu. Rồi khi đang bị trói tay chân vào chiếc giường ngủ thì trên thân thể cậu lại xuất hiện những vết cào dài rướm máu. Cuối cùng thì cậu bé cũng được cứu, và người cứu cậu ta là một linh mục già đã làm phép trừ tà cho cậu (vì thế bộ phim mới mang tên là “Người Trừ Quỉ”). Hiện nay cậu ta đã là một người gần 70 tuổi sống tại vùng thủ đô Washington. Vị linh mục trừ tà cho cậu thề hứa là không bàn luận gì về việc trừ quỉ ấy. Nhưng vị linh mục nhấn mạnh : việc trừ tà cho cậu đã thực sự biến đổi cuộc sống của vị linh mục thêm tốt đẹp hơn.” Cũng vì vậy mà tuy bãi bỏ chức thứ 3 : chức trừ quỉ (bởi vì có chắc gì chàng trai đôi mươi lãnh chức đó là trừ quỉ được !), bãi bỏ chức trừ quỉ, nhưng trong Giáo hội vẫn còn nghi thức trừ quỉ, và người đi trừ quỉ phải được Đức Giám Mục đặc cử trong số những linh mục đứng tuổi, đạo hạnh, thánh thiện.(*)

Quỉ là một thế lực đáng gờm, một kẻ mạnh. Mạnh không phải chỉ về sức, về lực, về quyền mà mạnh còn là mạnh về thời gian tức là dai và bền. Và dai bền đó có nghĩa là quỉ vẫn còn sống. Quỷ trường thọ. Quỉ vẫn tiếp tục sống cho tới hôm nay, cho tới năm 2018 và sau năm Đinh Dậu – Mậu Tuất nữa. Quỷ không thua loài người về sự trường thọ đâu. Bởi vậy muốn trừ quỉ là kẻ mạnh, kẻ đáng gờm, thì “người trừ quỉ” phải mạnh hơn, phải cao tay ấn hơn. Người đó là ai, bài Tin Mừng hôm nay đã cho ta thấy : Dân chúng kinh ngạc: Thế nghĩa là gì ? Ma quỉ phải nghe lời Ngài. Sao lạ quá vậy ! Đức Giêsu đã trừ quỉ để khai mạc cho Nước Thiên Chúa đến. Và Đức Giêsu tiếp tục ban quyền trừ quỉ cho các Tông đồ và những người kế vị.

Ngày nay và ngay tại Việt Nam chúng ta còn nghe tin đó đây có vài trường hợp quỉ ma còn ám vào người này người nọ và thông thường người đó sống trong vùng núi rừng, khi bóng thánh giá của nhà thờ, của Bí tích, chưa phủ rợp trên những vùng đó. Vương quốc của Thiên Chúa, Nước của Ngài chưa lan đến đó khiến quỉ ma còn dễ dàng dương oai tác quái (những trường hợp như vậy, ĐGM có thể cử những linh mục thánh thiện đạo đức đi trừ quỉ, nhân danh Chúa Kitô). Nhưng quỉ cũng ma không kém, nó không dại gì núp bóng dưới những người mát mát khùng khùng la hét inh ỏi rạch mặt rạch mình để người ta thấy mà kinh, mà rình trừ khử nó. Quỉ khôn ranh hơn nhiều. Nó núp bóng dưới những dạng mỹ miều cao siêu, khiến không ai nghĩ đó là quỉ mà tưởng là Chúa. Một trong những bóng dáng của nó trong thời đại chúng ta hôm nay đó là Tự Do. (Ở tại Mỹ, Tp New York có tượng nữ thần Tự Do). Họ lý luận :

-Thánh Phaolô đã chẳng từng nói : khi chịu Phép Rửa là chúng ta được tự do (họ quên : Tự do của con cái Chúa) (x. Gl 5,13).

-Rồi, họ lại lý luận : Thiên Chúa là Đấng Tự Do tuyệt đối, Ngài tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên con người cũng tự do. Cho nên cứ tự do đi : Tự do luyến ái, tự do khoái lạc, tự do ăn uống và đến cả tự do làm hại, cản trở tự do của người khác.

Kính thưa ÔBACE,

Tự do đích thực là Thiên Chúa. Nhưng “Tự do giả hiệu” là Quỷ ma. Năm 2018 tại Việt Nam là Năm Đồng Hành với Gia Đình Trẻ ; và tự do giả hiệu là ma quỉ cũng đang len lỏi vào gia đình và cả gia đình trẻ. Tôi chỉ nhắc đến một khía cạnh của tự do giả hiệu này mà nhìn hậu quả của nó thì mới thấy lòi ra một chút cái đuôi của quỉ là thần gây chia rẽ. “Chia Rẻ” là tên cúng cơm của ma quỷ đó (Diabolus). Trong hôn nhân, quỷ muốn chia rẽ, nên xúi họ thế này : “Tại sao tôi lại phải ràng buộc với người mà trước đây tôi hình như yêu còn nay thì hết thương rồi ?” “Sao không để tôi tự do yêu người khác mà người khác này cũng thực sự –chứ không phải hình như nữa- yêu tôi?” “Người ta –xã hội– cho tự do li dị, tại sao tôi không được tự do chia lìa ?” “Chúa gì, Giáo hội gì mà cản trở tự do yêu thương của tôi vậy?”

Loại ma quỉ đó ở các gia đình Công Giáo Việt Nam chưa nhiều. Nhưng những gia đình Công Giáo ở nhiều nước Âu Tây đã mở cửa cho yêu quái đó vào nhà. Lúc quỉ đó nhập vào thì thầy có chức 3 : chức trừ quỉ hay linh mục thánh thiện được Đức cha sai đến cũng không trừ nổi. Chúng ta, gia đình Công Giáo Việt Nam hãy cảnh giác đừng cho nó vào, đó là cách trừ tốt nhất thay vì để nó vào rồi mời khử. Xin Chúa cho các gia đình Công Giáo biết cầu nguyện liên lỉ, vì quỷ trường thọ sống dai. Cầu cho gia đình mình và cho các gia đình khác, và nhất là các gia đình trẻ, bằng lời cầu thứ 7 và 6 mà Chúa đã dạy trong Kinh Lạy Cha : xin cứu chúng con khỏi mọi Sự Dữ (= ma quỉ), và đừng để chúng con sa chước cám dỗ của quỷ ma. Amen.

Xin Chúa cho các gia đình Công Giáo biết cầu nguyện, cầu mãi cho đến tận thế, vì quỷ sống mãi, quỷ trường thọ trong cuộc đời chúng ta. Ta cầu cho mình, cho gia đình mình và cho các gia đình khác nữa bằng lời cầu thứ 6 và 7 mà Chúa đã dạy trong Kinh Lạy Cha : xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ = ma quỉ ; và đừng để chúng con sa chước cám dỗ của quỷ ma. Amen

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

__________

(*) Kẻo như trường hợp 7 người con của Thượng tế Sêva trong Cv 19,15. Họ thấy thánh Phaolô và các tông đồ khác trừ quỉ thành công, cũng bắt chước trừ quỉ, liền bị Quỉ dữ đáp lại : “Giêsu thì ta rất biết, Phaolô thì ta cũng biết, còn tụi bay là thứ người nào mà dám trừ ta?” Rồi người bị quỉ ám xông vào vật cổ xuống hành hạ tơi bời cả nhóm 7 người con của Seva đến nỗi họ phải bỏ nhà ra đi không áo che thân, thương tích đầy mình.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục Venezuela bày tỏ sự ủng hộ với 2 Giám Mục bị Maduro cáo buộc tội kích động căm thù chế độ
Đặng Tự Do
01:11 27/01/2018
Các giám mục Công Giáo ở Venezuela đang cất tiếng nói bảo vệ hai vị Giám Mục anh em của các ngài, bị tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc tội kích động hận thù trong các bài giảng nhân lễ Chúa Chăn Chiên Lành, hôm 14 tháng Giêng. Đó là một trong các ngày lễ lớn ở quốc gia này .

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ sự ủng hộ của ngài, dưới hình thức một cú điện thoại riêng đến ít nhất một trong hai giám mục.

Đức Tổng Giám Mục Antonio López Castillo
Đức Giám Mục Víctor Hugo Basabe
Một ngày sau ngày lễ này, phát biểu trước Quốc hội Lập hiến Venezuela, Maduro đã yêu cầu Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát và Văn phòng Công tố tiến hành điều tra cả Đức Tổng Giám Mục Antonio López Castillo của tổng giáo phận Barquisimeto và Đức Giám Mục Víctor Hugo Basabe của giáo phận San Felipe, vì “tội kích động thù hận chế độ.”

Trong các bài giảng của mình, được Hội Đồng Giám Mục Venezuela đăng tải rộng rãi trên Facebook của các ngài, hai vị đã yêu cầu chấm dứt nạn đói và tham nhũng, là những điều đã làm tê liệt quốc gia này trong những năm gần đây.

Trong bài giảng của ngài, Đức Cha Basabe đã liệt kê nhiều vấn đề mà giáo hội địa phương đã từng thẳng thắn phê phán. Ngài nói: “Chúng ta không thể chọn con đường của những kẻ cứ khăng khăng phủ nhận rằng ở Venezuela chẳng hề có nạn đói và suy dinh dưỡng.”

Trong bối cảnh xã hội Venezuela, ai cũng phải hiểu ý ngài rõ ràng muốn đề cập tới Maduro, vì ông và các đồng minh của mình đã khăng khăng cho rằng mức độ khủng hoảng chính trị và kinh tế của Venezuela đã được phóng đại bởi các thành phần chống chế độ cả trong lẫn ngoài nước.

Đức Cha Basabe kêu gọi tạo ra các hành lang nhân đạo để thực phẩm và thuốc men có thể đến được với những ai cần. Ngài kêu gọi những người Công Giáo “tránh đừng đi theo con đường” của những kẻ quyết liệt phủ nhận vấn đề “mặc dù họ tận mắt chứng kiến cảnh hàng ngàn người Venezuela phải tìm kiếm thức ăn trong các thùng rác.”

Ngài nói tiếp: “Có những người nhấn mạnh rằng ở Venezuela mọi thứ đều ổn cả, và chúng tôi có đủ lương thực để nuôi sống cả nhiều quốc gia khác, trong khi sự thật nhãn tiền là Venezuela đang ngày càng thiếu thốn mọi thứ và đặc biệt là thực phẩm.”

“Những người này quyết liệt không muốn hiểu rằng nguyên nhân gốc rễ của các căn bệnh tại Venezuela là sự tồn tại của một mô hình chính trị, kinh tế và xã hội phủ nhận Thiên Chúa và do đó phủ nhận luôn cả nhân phẩm”.

Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục López Castillo cũng bao gồm các ý tưởng tương tự.

Theo Maduro, các bài giảng đã chứng minh rằng “ma quỷ đang núp dưới những áo chùng các thầy tu để kêu gọi những cuộc đối đầu bạo lực, để thúc đẩy nội chiến”. Đó là một cáo buộc mà cả hai giám mục đã nhanh chóng phủ nhận.

Đức Cha Basabe nhận xét rằng:

“Ông Maduro đã đặt vào miệng của tôi những lời tôi không bao giờ nói. Điều tồi tệ hơn là ông ta buộc cho tôi cái tội mà chính ông ta đang phạm.”

Maduro muốn các giám mục bị buộc tội theo luật kích động thù hận vừa được soạn thảo bởi Quốc hội Lập hiến do hắn đẻ ra để thay thế cho Quốc Hội bao gồm đa số là những người đối lập.

Đức Tổng Giám Mục López Castillo nói với các phóng viên là chỉ một ngày sau khi Maduro yêu cầu điều tra các giám mục, ngài đã nhận được một cú điện thoại hỗ trợ tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào thời điểm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đang ở Chí Lợi.

Đức Cha Castillo nói, “Đức Giáo Hoàng ủng hộ chúng tôi, ngài ủng hộ toàn thể dân chúng Venezuela”.

Các giáo phận và các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo tại Venezuela cũng lần lượt bày tỏ tình liên đới qua các tuyên bố bằng văn bản hoặc các buổi họp báo với giới truyền thông.

Source: CruxNow Pope, bishops back Venezuelan prelates charged with ‘hate crimes’
 
Các khoa học gia Hoa Kỳ nói thế giới đang gần đến “ngày tận thế” hơn bao giờ
Đặng Tự Do
02:19 27/01/2018
Hôm thứ Năm 25 tháng Giêng, các nhà khoa học nguyên tử của Hoa Kỳ đã mở cuộc họp báo công bố rằng những lo ngại về khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh hạt nhân và các mối đe dọa toàn cầu khác đã khiến họ vặn Doomsday Clock (đồng hồ báo ngày tận thế) lên 30 giây; và như vậy là chỉ còn hai phút nữa là đến nửa đêm; tức là đến “ngày tận thế”.

Các nhà khoa học nguyên tử Mỹ cho biết họ đã hành động như vậy vì thế giới đang trở nên “nguy hiểm hơn”.

Đồng hồ Doomsday Clock, được tạo ra bởi Bulletin of the Atomic Scientists - tạp chí của các nhà Khoa học Nguyên Tử - gọi tắt là BAS, vào năm 1947, là một ẩn dụ cho thấy sự gần gũi của con người đối với việc tiêu hủy trái đất.

Cứ năm nào tình hình thế giới nguy hiểm thì họ vặn đồng hồ lên cho gần tới 12 giờ. Năm nào tình hình thế giới thanh bình hơn thì họ vặn xuống.

Kim đồng hồ gần 12 giờ dêm nhất vào năm 1953, khi Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết tiến hành các cuộc thử nghiệm bom hydro.

Năm ngoái, đồng hồ cũng được vặn lên 30 giây.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BAS, Rachel Bronson nói rằng “trong các cuộc thảo luận năm nay, các vấn đề hạt nhân đã trở lại vị trí trung tâm”.

Các nhà khoa học đã chỉ ra một loạt các vụ thử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Họ lo ngại rằng những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và quốc gia cộng sản này.

BAS cũng đề cập tới một chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, trong đó dự kiến sẽ kêu gọi thêm nhiều nguồn tài trợ để mở rộng vai trò của kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Sự căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây cũng là một yếu tố.

Source: BBC News Doomsday Clock moved to just two minutes to 'apocalypse'
 
Đức Thánh Cha nói: Nhiệm vụ của Bộ Giáo Lý Đức Tin là có một “khuôn mặt nổi bật về mục vụ”
Đặng Tự Do
04:14 27/01/2018
Hôm thứ Sáu 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với những tham dự viên phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo lý Đức Tin. Ngài cảm ơn các thành viên của Bộ vì sự “phục vụ tinh tế” của họ đối với Giáo Hội, và ghi nhận “mối quan hệ đặc biệt” giữa Bộ này và “người kế nhiệm Thánh Phêrô, là người được kêu gọi để củng cố anh em trong đức tin, và tăng cường sự hiệp nhất của Giáo Hội.”

Bảo vệ Đức tin và các Bí tích

Đức Thánh Cha cũng cám ơn họ vì những dấn thân trong việc hỗ trợ huấn quyền của các Giám mục “trong việc bảo vệ đức tin và tính thánh thiêng của các Bí tích” trước những vấn đề hiện nay đang đòi hỏi phải có sự phân định mục vụ sâu sắc. Đặc biệt, Đức Thánh Cha đề cập đến công việc khảo sát những trường hợp liên quan đến “graviora delicta” (tức là các tội ác nghiêm trọng, như lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng nghiêm trọng các Bí tích) và các câu hỏi liên quan đến việc tiêu hôn “vì lợi ích đức tin” (thường gọi là “đặc ân thánh Phêrô”).

Theo nghĩa này, Đức Giáo Hoàng nói, công việc của Thánh Bộ khi “nhắc nhớ ơn gọi siêu việt của con người” và mối quan hệ giữa lý trí con người với những giá trị của chân lý và sự thiện, được nhận ra qua đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, “xem ra có tính chất quyết định.” Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng “Không có gì có thể giúp con người nhận ra chính mình và kế hoạch dành cho thế giới của Thiên Chúa cho bằng việc tự mở chính mình ra đối với ánh sáng đến từ Thiên Chúa.”

Công việc của Bộ

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã thực hiện trong Phiên Họp toàn thể hai năm, bao gồm: việc nghiên cứu ơn cứu độ Kitô giáo trong mối tương quan với các xu hướng hiện đại, “thuyết tân Pelagiô”[1], và “thuyết tân Ngộ Đạo” [2]; phản ánh tầm quan trọng của một nhân học phù hợp trong lĩnh vực kinh tế và tài chính; và giải quyết “những câu hỏi tế nhị liên quan đến việc tháp tùng những bệnh nhân mắc bệnh nan y”.

Liên quan đến điều sau, Đức Thánh Cha đã ghi nhận sự gia tăng những yêu cầu trợ tử ở nhiều quốc gia “như một khẳng định có tính chất ý thức hệ về ý chí con người muốn nắm quyền sinh tử trong tay mình.” Điều này xảy ra ở bất cứ nơi nào người ta “không coi trọng phẩm giá của cuộc sống, nhưng chỉ coi trọng tính hiệu quả và năng suất của nó”. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng nói, “Cần phải nhắc lại rằng cuộc sống con người, từ lúc thụ thai đến kết thúc tự nhiên, có một phẩm giá bất khả nhượng”

Ngài nhận xét rằng, con người đương đại thường gặp khó khăn khi suy tư về thực tại đau khổ, về sự sống và cái chết, với một “cái nhìn hy vọng”. Một trong những sứ vụ mà Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể mang lại cho những người nam nữ ngày nay là cung cấp cho họ một niềm “hy vọng đáng tin” có thể giúp họ “sống tốt, và duy trì một viễn ảnh tự tin hướng về tương lai.”

Một khuôn mặt nổi bật về mục vụ

Đức Thánh Cha nói sứ mệnh của Bộ Giáo Lý Đức Tin là đưa ra “một khuôn mặt nổi bật về mục vụ.” Ngài nói trong phần kết luận rằng các mục tử đích thực, là những người “không bỏ mặc con người, cũng không để con người trở thành miếng mồi ngon cho sự mất phương hướng và sự sai lầm của người ấy, nhưng với sự thật và lòng thương xót, hãy giúp người ấy tái khám phá lại khuôn mặt đích thực của mình trong sự tốt lành. “

Chú thích của người dịch

[1] neo-pelagianism – thuyết Pelagiô phủ nhận hậu quả của tội nguyên tổ và cho rằng con người có thể nên thánh đơn thuần dựa vào ý chí riêng của mình, không nhất thiết phải có ơn thánh Chúa

[2] neo-gnosticism - thuyết Ngộ Đạo cho rằng thế giới tồn tại vĩnh cửu và con người có thể được cứu độ nhờ vào những hiểu biết về Thiên Chúa là đủ

Source: Vatican News Pope: Mission of CDF has an "eminently pastoral visage"
 
Đức Thánh Cha tiếp 7000 thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia
LM. Trần Đức Anh OP
09:39 27/01/2018
VATICAN. ĐTC đề cao sứ mạng của Hội Chữ Thập đỏ là ”kiến tạo sự cảm thông nhau giữa con người và các dân tộc, làm nảy sinh một nền hòa bình lâu bền.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 27-1-2018, dành cho 7 ngàn thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia.

Trong bài diễn văn, ĐTC nhắc đến các hoạt động của các thành viên Hội Chữ Thập đỏ cứu giúp các nạn nhân thiên tai và cả những người di dân. Những hoạt động của họ phản ánh hoạt động của người Samaritano trong Phúc Âm. Ngài cũng quảng diễn 3 nguyên tắc hoạt động của Hội Chữ Thập Đỏ là tình nhân đạo. Chính tình người này đã thúc đẩy người Samaritano nhân lành cúi mừng trên người bị thương nằm trên đất.

ĐTC nhận xét rằng bao nhiêu người trên trái đất, trẻ em, người già, người nam người nữ trở nên ”vô hình”, vì họ ở trong bóng tối của sự dửng dưng.. Thái độ này đã ngăn cản không cho nhiều người nhìn thấy tha nhân, không nghe được tiếng kêu của họ và nhận thức những đau khổ. Nền văn hóa gạt bỏ là một nền văn hóa vô danh, không có tương quan cũng chẳng có khuôn mặt. Thứ văn hóa này chỉ chăm sóc một vài người và loại bỏ bao nhiêu người khác.

Nguyên tắc thứ hai là ”không thiên vị”, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tín ngưỡng, giai cấp hoặc chính kiến. Thứ ba là ”trung lập”, không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột và tranh luận chính trị, chủng tộc hoặc tôn giáo. Tiêu chuẩn hành động này chống lại xu hướng đang lan tràn ngày nay, phân biệt giữa người đáng được quan tâm và cứu giúp, người thì không đáng giúp. ĐTC nói: Với sự không thiên vị, người Samaritano không gạn hỏi người bị thương nằm trên đất trước khi giúp đỡ họ, không đòi phải biết họ gốc gác thế nào và tín ngưỡng ra sao thì mới giúp đỡ.

ĐTC khuyến khích các thành viên Hội Chữ thập đỏ Italia tiếp tục sứ mạng cao quí của mình và ngài nói: Ai nhìn tha nhân với đôi mắt thân hữu, chứ không qua lăng kính cạnh tranh hoặc xung đột, thì trở thành người xây dựng một thế giới dễ sống và nhân bản hơn (Rei 27-1-2018)
 
7 Đan sĩ bị Hồi Giáo quá khích chặt đầu được phong chân phước
Nguyễn Long Thao
11:49 27/01/2018
Văn phòng báo chí Tòa Thánh loan báo Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành nghị định cứu xét việc tuyên phong chân phước cho 7 đan sĩ dòng Trap có trụ sở tại Tibhirine, nước Algeria. Dòng Trap là một chi nhánh của dòng Xitô, được thành lập vào năm 1938 ở thành phố Medea, cách thủ đô Algiers 90 km về phía Nam.

Vào ngày 27 tháng Ba năm 1996, 7 đan sĩ bị bắt cóc. Đến ngày 21 tháng Năm thì nhóm Hồi Giáo Có Vũ Trang tại Algeria tuyên bố nhận trách nhiệm tàn sát các đan sĩ. Ngày 30 tháng Năm 1996, người ta tìm thấy thủ cấp, nhưng không tim thấy phần thi thể còn lại của các đan sĩ.

Ngoài 7 đan sĩ nói trên, còn có một vị Giám Mục cũng được ĐGH cho điều tra việc tuyên phong chân phước. Đó là Đức Cha Pierre Claverie sinh năm 1938, bị giết năm 1996. Mục vụ của Ngài luôn để ý tới người Hồi Giáo nên người Hồi Giáo Algeria rất thương mến Ngài.

Ngài chết vỉ bị bom nổ khi cùng người tài xế đi đến tòa Giám Mục. Tang lễ của Ngài được nhiều người Hồi Giáo tham dự và họ gọi Ngài là Giám Mục của người Hồi Giáo

Được biết vụ tàn sát người Công Giáo ở Algeria xuât phát từ cuộc nội chiến giữa chính quyền Algeria và các nhóm Hồi Giáo Vũ Trang. Chính quyền Algeria đảo chánh không thừa nhận kết quả thắng cử của nhóm Hồi Giáo. Sau những năm nội chiến hàng trăm ngàn người Algeria đã bị giết.

Vụ tàn sát dã man các đan sĩ dòng Trap đã được giới điện ảnh làm thành phim có tựa đề "Des Hommes Et Des Dieux", được trao giải thưởng Grand Prix tại đại hội điện ảnh Cannes, Pháp Quốc.

Nguyễn Long Thao
 
Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn y việc bổ nhiệm một người Công Giáo làm đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế
Đặng Tự Do
16:38 27/01/2018
Thượng viện Hoa Kỳ đã xác nhận thống đốc Kansas Sam Brownback, một người Công Giáo, làm tân đại sứ lưu động về quyền tự do tôn giáo quốc tế tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Được Tổng thống Donald Trump đề cử vào tháng Bảy vừa qua, ông Brownback được Thượng Viện Hoa Kỳ chuẩn y vào ngày 24 tháng Giêng với tỷ lệ nghiêng ngửa 49-49. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mike Pence đã bỏ phiếu cho ông; và tỷ lệ cuối cùng là 50-49 . Ông Brownback tuyên bố sẽ từ chức thống đốc vào ngày 31 tháng Giêng.

“Thật vinh dự khi được phục vụ Kansans trong vai trò thống đốc của họ từ năm 2011 và trước đó là thượng nghị sĩ và dân biểu”, Ông Brownback đã viết như trên trong bức thư gửi cho Bộ trưởng Thương mại Kansas là ông Kris W. Kobach. “Là một người Kansas và mãi mãi là người Kansas, tôi đã được đặc quyền phục vụ và đại diện cho các công dân của tôi trong suốt cuộc đời trưởng thành của tôi.”

Thomas Farr, chủ tịch của Viện Tự do Tôn giáo ở Washington, hoan nghênh sự chuẩn y của Thượng viện đối với chức vụ này.

Ông Farr cho biết: “Kinh nghiệm sâu sắc của Đại sứ Brownback và cam kết của ông đối với tự do tôn giáo cho tất cả mọi người sẽ giúp đảm bảo sự lãnh đạo của Mỹ trong công cuộc giảm bớt sự đàn áp tôn giáo toàn cầu. Chúng tôi tin rằng ông sẽ làm cho chính sách tự do tôn giáo của Hoa Kỳ trở thành một phần trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.”

Ông Farr cho biết thêm: “Mức độ bách hại tôn giáo toàn cầu đang tăng lên vì sự thúc đẩy của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo bạo lực, chính sách áp bức của các chính phủ, và chủ nghĩa thế tục chống lại niềm tin tôn giáo. Kết quả là hàng triệu người đang phải gánh chịu những vụ cướp bóc khủng khiếp. Các quốc gia và nền kinh tế đang bị bất ổn bởi sự vắng mặt của tự do tôn giáo. “

Ông Brownback, 62 tuổi, được bầu làm thống đốc thứ 46 của Kansas vào tháng 11 năm 2010 và lên nắm quyền vào tháng Giêng năm 2011. Ông đã giành lại chức vụ vào tháng 11 năm 2016. Trước đó, ông từng phục vụ trong Thượng viện Hoa Kỳ sau khi thắng trong một cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 1996 để thay thế cho ông Bob Dole, là ứng cử viên tổng thống của đảng vào năm đó.

Source: Cruxnow Brownback confirmed as ambassador-at-large for international religious freedom
 
Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân trong trận hỏa hoạn tại một bệnh viện Hàn Quốc
Đặng Tự Do
18:57 27/01/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn tại một bệnh viện Hàn Quốc, trong đó có ít nhất 37 bệnh nhân tử vong.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn bi thảm ở một bệnh viện ở Hàn Quốc đã giết chết ít nhất 37 người và làm bị thương nhiều người khác.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và con số đông đảo những người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại bệnh viện Sejong, ở thành phố Miryang.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị thương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng ca ngợi các cơ quan dân sự và các nhân viên cấp cứu khi họ anh dũng giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa này, và trên hết ngài cầu nguyện xin Chúa gìn giữ họ, tăng cường sức mạnh và an ủi họ.

Ngọn lửa được tin là đã bắt đầu ở phòng cấp cứu tại bệnh viện Sejong phía đông nam thành phố Miryang.

Gần 200 bệnh nhân đa số là những người lớn tuổi đang ở bên trong tòa nhà và nhà dưỡng lão bên cạnh khi ngọn lửa bùng phát vào buổi sáng ngày thứ Bẩy 27 tháng Giêng.

Source: Vatican News Pope praying for victims of fire in South Korea hospital
 
Các Giám Mục CELAM bày tỏ tình liên đới với 2 Giám Mục Venezuela bị Maduro cáo buộc kích động hận thù chế độ
Đặng Tự Do
20:45 27/01/2018
Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, đã gửi một thông điệp bày tò tình liên đới với 2 Giám Mục Venezuela đang bị tổng thống Maduro cáo buộc tội kích động hận thù chế độ.

Các ngài đã sử dụng đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu như một tiêu đề: “Phúc cho anh em khi bị sỉ nhục, bách hại, vu khống vì danh Thầy.”

CELAM bày tỏ sự ủng hộ không chỉ đối với hai vị giám mục đang bị Maduro truy tố vì “tội kích động thù hận chế độ” - là Đức Tổng Giám Mục Antonio López Castillo của tổng giáo phận Barquisimeto và Đức Giám Mục Víctor Hugo Basabe của giáo phận San Felipe - mà còn với toàn thể nhân dân Venezuela, giữa “cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” đang ảnh hưởng đến quốc gia này.

Tuyên bố của CELAM viết:

“Những hậu quả trầm trọng của nạn đói, suy dinh dưỡng, thiếu thuốc men và các nguồn cung cấp y tế, cùng với những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, đã làm xấu đi phẩm chất cuộc sống và tạo ra một đợt di cư chưa từng có của hàng triệu người Venezuela, những người bị buộc phải di cư sang các nước khác để tìm một lối thoát và những cơ hội tốt hơn”

Các vị lãnh đạo của CELAM cũng ca ngợi các giám mục Venezuela về những “lời nói dũng cảm và chân thành” của họ, và khẳng định rằng nội dung của những lời rao giảng của các Giám Mục nước này là đúng với thực tế và nằm trong “viễn ảnh tiên tri” của Giáo hội.

Các vị lãnh đạo của CELAM viết:

“Các hiền huynh đang bị buộc tội quảng bá cho hận thù và bạo lực. Chắc chắn là những kẻ cáo buộc các hiền huynh không hiểu được tình yêu của các hiền huynh trong sứ điệp phát sinh từ Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng tôi xác tín rằng các hiền huynh đang hành động nhân danh Chúa và chấp nhận những rủi ro của người ngôn sứ”

Source: CruxNow Pope, bishops back Venezuelan prelates charged with ‘hate crimes’
 
ĐTGM Sviatoslav Shevchuk nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Công Giáo Đông phương Ukraine ở Rôma
Đặng Tự Do
22:36 27/01/2018
Lúc 4h chiều Chúa Nhật 28 tháng Giêng Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm nhà thờ Thánh Sophia trên đường Boccea, phía tây bắc của Rôma. Ngoài 3,000 người Ukraine có mặt tại chỗ để đón tiếp ngài, hàng triệu người Ukraine theo dõi chuyến viếng thăm lịch sử này qua các phương tiện truyền thông.

Mặc dù đây không phải là một giáo xứ Công Giáo thuộc về giáo phận Rome, cuộc viếng thăm này cũng có thể xem là chuyến viếng thăm một “giáo xứ” đầu tiên của vị Giám Mục Rôma kể từ đầu năm mới.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm nhà thờ này vào năm 1984, để viếng mộ Đức Hồng Y Josyp Slipyi, là Thượng Phụ Công Giáo Đông phương Ukraine bị bách hại dưới chế độ Xô Viết. Ngài chịu giam cầm trong 18 năm trước khi được trả tự do vào tháng Giêng năm 1963 sau những áp lực ngoại giao từ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy. Cũng trong năm 1963, ngài đến Rôma tham gia Công Đồng Chung Vatican II và sau đó qua đời tại đây ngày 7 tháng 9 năm 1984.

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục cũng đã từng đến đây vào năm 1969, để thánh hiến nhà thờ này theo đề nghị của Đức Hồng Y Slipyi.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của tổng giáo phận Kiev-Halyc, nói rằng ngài rất biết ơn vì sự chú ý của Tòa Thánh đối với Ukraine.

Từ bốn năm qua, Ukraine đã bị Nga xâm lược trực tiếp và gián tiếp thông qua các phiến quân thân Nga. Theo các cơ quan Liên hợp quốc, ngày nay ở Ukraine có 2 triệu người phải di dời bên trong nội địa. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn đang tiếp tục và có khuynh hướng leo thang dần. Những số liệu thống kê cho thấy đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất ở châu Âu sau Thế chiến II. Mặc dù vậy, đó là một “cuộc chiến tranh bị lãng quên”, như Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói trong chuyến thăm Nga hồi tháng Tám vừa qua.

Trong cuộc tiếp xúc với các nhà báo ở Vatican, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã được hỏi liệu một chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Ukraine có khả thi hay không. Ngài trả lời: “Chúng tôi đã đưa ra lời mời. Đức Giáo Hoàng đã được cả hai vị giám mục Công Giáo Latinh và Đông phương, và cả Tổng thống và chính phủ mời đến Ukraine”

Source: Zenit INTERVIEW: Despite Gratitude to Holy See, Major Archbishop Shevchuk Says Declaration With Russian Patriarchate Does Not Function
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giúp chữa lành bệnh tật
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:02 27/01/2018
Giúp chữa lành bệnh tật

Con người xưa nay đầu tư nhiều vào việc gìn giữ sức khoẻ. Vì sức khoẻ là qùa tặng, là ân đức cao qúi của Trời cao ban cho con người.

Những nghiên cứu khám phá nguyên nhân gây bệnh nạn, hậu qủa đưa đến bệnh nạn, và phương pháp điều trị chữa lành là lãnh vực mục tiêu hàng đầu của các công trình nghiên cứu nơi phòng thí nghiệm, của các suy tư khảo cứu, của các đề án dự thảo nghiên cứu.

Khi mắc chứng bệnh, dù chỉ là bị cảm, hay ho xổ mũi, chúng ta đi tìm phương thuốc chữa trị ngay. Vì dù chỉ bệnh nhẹ thông thường cũng gây mang đến không chỉ thể xác, mà cả tinh thần trở nên uể oải xuống dốc kiệt quệ. Như ngạn ngữ qua kinh nghiệm dân gian có câu: Tinh thần lành mạnh trong một thân xác khoẻ mạnh. Và biết đâu một nguyên nhân bệnh nhỏ thông thường có thể gây ra hậu qủa to lớn nghiêm trọng, nếu không tìm phương thức thuốc chữa trị ngay lúc đầu!

Từ cổ chí kim con người hằng ra công gắng sức tìm chế những phương thuốc trị bệnh giúp chữa trị tiêu diệt bệnh nạn, phục hồi sức khoẻ cho người bị mắc bệnh.

Chúng ta vui mừng cám ơn những nỗ lực đầu tư đó mang đến những tiến bộ thành công to lớn giúp con người xưa nay rất hữu ích, rất nhiều. Và nhờ những công trình nghiên cứu như thế tình trạng chăm sóc y tế sức khoẻ con người càng có nhiều phát minh, giúp đời sống con người khoẻ mạnh và tiến bộ thêm.

Nhưng dẫu vậy, vẫn còn nhiều chứng bệnh vẫn chưa tìm ra được phương thức chữa trị khỏi cho lành mạnh trở lại.

Phải chăng đó là một thách thức đòi hỏi con người điều gì chăng?

Đây không phải là một điều bắt buộc phải tin như một tín điều đức tin, nhưng lòng tin dù chỉ là bình dân hay nhỏ thôi cũng giúp con người chúng ta nhiều.

Vì thế, nhiều người xưa nay một mặt đi khám bác sĩ thầy thuốc, chữa trị ở bệnh viện, uống thuốc, nhưng vẫn hằng cầu khấn xin ơn Trên phù giúp

Người Công Giáo có tập tục thói quen tốt lành, mỗi khi uống thuốc thường hay làm dấu thánh gía, xin Chúa giúp chữa bệnh. Thói tục tốt lành này không là điều phù chú nhảm nhí buồn cười đâu. Nhưng là tâm tình nói lên lòng tin rằng sự sống thể xác cũng như tinh thần là do Thiên Chúa, đấng Tạo Hóa dựng nên. Và như thế cần chúc phúc lành ơn trợ giúp của Người cho đời sống, nhất là trong lúc yếu đau bệnh nạn.

Có những người đau yếu bệnh nạn, mà bác sĩ nhà thương không tìm ra bệnh gì. Nhưng sau khi họ than thở cầu khấn cùng Thiên Chúa, thì tìm ra được chứng bệnh và có phương thuốc chữa trị lành mạnh.

Ở những nơi hành hương như bên Đức Mẹ Lourdes, Đức Mẹ Banneux, Đức Mẹ Fatima…luôn hằng có hằng trăm, hằng ngàn bệnh nhân đến cầu khấn xin ơn chữa lành. Người thì được khỏi bệnh khoẻ mạnh trở lại, người thì tìm lại được sự an bình, sức khoẻ cho tinh thần.

Ngày xưa, khi đi rao giảng nước Thiên Chúa cho con người, Chúa Giêsu vừa là Đấng cứu Thế và cũng vừa là thầy thuốc chữa bệnh, nhất là bệnh tâm linh tinh thần con người: „ Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.“ ( Mc 1,23-26).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khấn Nguyện
Nguyễn Đức Cung
09:52 27/01/2018
KHẤN NGUYỆN
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Quên đi lạc thú trần đời
Hiến thân theo Chúa nước trời chờ mong.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:31 27/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 25 tháng 1 năm 2018, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi kinh chiều trọng thể bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Năm nay, chủ đề của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô là “Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh.” (Xh 15:6)

Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma; đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Gennadios , đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại Kết; Đức Cha Bernard Ntahoturi , tân đại diện tại Rôma cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo. Ngoài ra, còn có phái đoàn Đại Kết Phần Lan; các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang trong chuyến thăm Rôma để đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo; và các sinh viên Chính Thống đang theo học tại Rôma.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Bài Đọc chúng ta vừa nghe được trích từ Sách Xuất Hành, nói về ông Môisê và bà Mariam, là những người đã dâng lên Thiên Chúa một bài tán tụng ca trên bờ Biển Đỏ, cùng với cộng đoàn mà Thiên Chúa vừa giải phóng khỏi Ai Cập. Họ hát lên niềm vui của họ bởi vì ngay trong dòng nước biển kề bên, Thiên Chúa vừa cứu họ khỏi một kẻ thù quyết tâm tiêu diệt họ. Trước đây, chính Môisê đã từng được cứu thoát từ một dòng sông và chị gái của ông đã chứng kiến sự kiện này. Thật vậy, vua Pharaôn đã ra lệnh: “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nile”(Xh 1:22). Nhưng, khi tìm thấy chiếc giỏ với đứa bé bên trong giữa đám lau sậy của sông Nile, con gái của Pharaôn đã cứu đứa bé và đặt tên là Môisê, vì bà đã nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước” (Xh 2:10). Câu chuyện về việc cứu Môisê từ dòng sông đã tiên đoán sự cứu rỗi lớn lao hơn của toàn thể dân tộc mà Thiên Chúa đã giúp họ vượt qua Biển Đỏ, rồi nhận chìm kẻ thù của họ trong dòng nước. Nhiều Nghị Phụ xưa đã giải thích đoạn văn giải phóng dân Do Thái này như một hình ảnh của Bí Tích Rửa Tội. Những tội lỗi của chúng ta đã bị Thiên Chúa chôn vùi trong dòng nước tái sinh của Bí Tích Rửa Tội. Còn nguy hiểm hơn người Ai Cập, tội lỗi luôn đe dọa biến chúng ta thành những kẻ nô lệ, nhưng sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa nhấn chìm nó. Thánh Augustinô (Bài giảng 223E) giải thích Biển Đỏ, nơi dân Israel chứng kiến sự giải thoát của Thiên Chúa, như là dấu hiệu dự báo cho Máu Thánh Chúa Kitô bị đóng đinh, là nguồn mạch của ơn cứu rỗi. Tất cả các Kitô hữu chúng ta đã đi qua dòng nước rửa tội, và ân sủng của Bí tích này đã tiêu diệt các kẻ thù, tội lỗi và cái chết của chúng ta. Khi ra khỏi dòng nước này, chúng ta đã đạt được tự do của con cái Chúa; chúng ta nổi lên như một dân tộc, như một cộng đồng các anh chị em đã được giải thoát, như “những người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Êphêsô 2:19). Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm cơ bản này: đó là ân sủng của Chúa, và lòng thương xót đầy quyền năng của Ngài trong việc cứu độ chúng ta. Và chính vì Thiên Chúa đã tạo ra chiến thắng này trong chúng ta, chúng ta có thể cùng hát những lời ngợi khen với nhau.

Sau đó, trong cuộc sống, chúng ta cảm nghiệm được sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng trong cuộc sống thường nhật của chúng ta ưu ái cứu chúng ta khỏi tội lỗi, sợ hãi và đau khổ. Những kinh nghiệm quý giá này được ghi khắc trong trái tim và trong ký ức. Tuy nhiên, như trong trường hợp của ông Môisê, những trải nghiệm cá nhân gắn liền với một lịch sử thậm chí còn lớn lao hơn, đó là sự cứu rỗi dân Chúa. Chúng ta nhìn thấy điều này trong bài vinh tụng ca của người Do Thái. Nó bắt đầu bằng một câu chuyện có tính cách cá nhân: Chúa là sức mạnh của tôi và là bài ca của tôi, và Ngài đã trở thành ơn cứu rỗi của tôi (Xh 15: 2). Tuy nhiên, ngay lập tức nó trở thành trình thuật về ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người: “Người đã dẫn dắt trong tình yêu thương bền vững của Người những ai Người đã cứu chuộc” (câu 13). Tác giả sáng tác ra bài hát này nhận ra mình không phải chỉ có một mình trên bờ Biển Đỏ, nhưng được bao bọc bởi anh chị em đã nhận được cùng một hồng ân và hát vang cùng một lời khen ngợi.

Cũng thế, Thánh Phaolô, là vị mà hôm nay chúng ta cử mừng ơn hoán cải của ngài, đã có kinh nghiệm về ân sủng đầy quyền năng này, đó là ân sủng đã biến ngài từ người bách hại đạo thánh Chúa trở thành một Tông Đồ cho Chúa Kitô. Ân sủng của Thiên Chúa cũng đã thúc đẩy ngài ngay lập tức tìm kiếm sự hiệp thông với các Kitô hữu khác, trước tiên ở Damascus và sau đó tại Giêrusalem (TĐCV 9: 19,26-27-27). Đây là kinh nghiệm của chúng ta với tư cách là các tín hữu. Khi chúng ta phát triển trong đời sống thiêng liêng, chúng ta hiểu hơn bao giờ hết rằng ân sủng đến với chúng ta cũng đến với những người khác và được chia sẻ với người khác. Vì vậy, khi tôi tạ ơn Chúa vì những gì Chúa đã làm trong tôi, tôi khám phá ra tôi không tán tụng Chúa một mình bởi vì các anh chị em khác cũng có cùng một bài ca tán dương.

Các hệ phái Kitô khác nhau đã có kinh nghiệm này. Trong thế kỷ trước, cuối cùng chúng ta nhận ra rằng chúng ta cùng đứng bên nhau trên bờ Biển Đỏ. Chúng ta đã được cứu rỗi trong bí tích Rửa Tội và bài vinh tụng ca hân hoan, mà anh chị em khác cất cao giọng hát, thuộc về chúng ta bởi vì đó cũng là bài ngợi ca của chúng ta. Khi chúng ta nói rằng chúng ta nhìn nhận Bí Tích Rửa Tội của các Kitô Hữu từ các truyền thống khác, chúng ta công nhận rằng họ đã nhận được ơn tha thứ của Chúa và ân sủng của Ngài đang hoạt động trong họ. Và chúng ta nhìn nhận sự thờ phượng của họ như là một biểu lộ chân thành của lời ca khen những gì Thiên Chúa hoàn thành. Vì vậy, chúng ta muốn cầu nguyện cùng nhau, cùng hợp tiếng với nhau nhiều hơn nữa. Và ngay cả khi những khác biệt vẫn còn tách biệt chúng ta, chúng ta vẫn thừa nhận rằng chúng ta thuộc về cúng một dân tộc những người được cứu chuộc, thuộc về cùng một gia đình những anh chị em được yêu thương bởi một Cha duy nhất.

Sau khi được giải phóng, dân được Chúa chọn đã tiến hành một cuộc hành trình dài và khó khăn qua sa mạc, với những do dự thường xuyên, nhưng họ kín múc sức mạnh từ ký ức về ơn cứu độ của Thiên Chúa và sự hiện diện gần gũi hơn bao giờ của Ngài. Ngày nay, các tín hữu Kitô cũng gặp nhiều khó khăn, bị vây quanh bởi bao nhiêu những sa mạc tinh thần, khiến cho hy vọng và niềm vui của họ bị khô héo. Trên con đường của họ, còn có bao nhiêu những nguy hiểm trầm trọng, đe dọa sinh mạng của họ: bao nhiêu Kitô hữu ngày nay chịu bách hại vì danh Chúa Giêsu! Khi máu họ đổ ra, dù họ thuộc các hệ phái Kitô khác, họ đều trở thành những chứng nhân đức tin, thành các vị tử đạo, liên kết với nhau trong ân sủng của bí tích rửa tội. Cùng với những bằng hữu thuộc các truyền thống tôn giáo khác, các tín hữu Kitô ngày nay đang đương đầu với những thách đố hạ giá nhân phẩm: họ phải trốn chạy trước những tình trạng xung đột và lầm than, trở thành các nạn nhân của nạn buôn người, và những hình thức nô lệ tân thời; họ chịu cực khổ và đói khát, trong một thế giới giàu có các phương tiện hơn bao giờ, nhưng lại nghèo tình thương, và những bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cũng như người Do Thái trong cuộc Xuất Hành, các tín hữu Kitô đang được kêu gọi cùng nhau bảo tồn ký tức về những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Khi làm sống động ký ức đó, chúng ta có thể nâng đỡ nhau và được vũ trang bằng Chúa Giêsu và sức mạnh dịu dàng Tin Mừng của Người, chúng ta cùng nhau đương đầu với mọi thách đố với lòng can đảm và hy vọng.

Anh chị em thân mến, với trái tim tràn đầy niềm vui vì đã được cùng hát với nhau hôm nay ở đây cùng một bài thánh ca chúc tụng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta và trong Chúa Thánh Linh là Đấng ban sự sống, tôi muốn bày tỏ lời chào mừng trìu mến của tôi tới các bạn: tới Đức Tổng Giám Mục Gennadios, Đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại Kết; tới Đức Cha Bernard Ntahoturi, đại diện tại Rôma cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury, và tới tất cả các vị Đại Diện cho các hệ phái Kitô giáo khác nhau đang tụ họp ở đây. Tôi vui mừng chào đón Phái đoàn Đại Kết Phần Lan, là những vị tôi đã có dịp gặp gỡ sáng nay. Tôi cũng chào đón các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang trong chuyến thăm Rôma để đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo, và các bạn trẻ Chính Thống và Chính Thống Đông phương đang theo học ở đây nhờ sự quảng đại của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính Thống, hoạt động trong Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ sự hiệp nhất Kitô giáo. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì những gì Ngài đã thực hiện trong cuộc sống và trong cộng đồng của chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng dâng lên Ngài những nhu cầu của chúng ta và của thế giới, với niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa, với tình yêu trung tín của Người, sẽ tiếp tục cứu độ và đồng hành với dân Người.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vào cuối buổi lễ, trước Phép Lành Tòa Thánh, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Đại kết Kitô giáo, đã gửi lời chào tới Đức Thánh Cha.