Ngày 22-01-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/01: Mối giây liên kết chúng ta nên một với Chúa – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân
Giáo Hội Năm Châu
01:26 22/01/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:36 22/01/2024

13. Người say rượu cùng với khi chưa say thì có hai dáng. Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su của chúng ta cũng có thể làm cho người ta say, chính là biến đổi tâm hồn của con người, khiến cho người ta chán ghét sự giàu sang của thế tục, chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự mà thôi.

(Thánh Cyprian)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức ")


---------------

http://www.vietcatholic.com

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:45 22/01/2024
59. NỖI OAN THẠCH SÙNG

Thạch sùng và thằn lằn có vài điểm giống nhau, nhưng chúng nó là hai loại động vật khác nhau.

Tục gọi thằn lằn và rồng là thông gia nên có thể cầu cứu làm mưa.

Vào thời Tống Thần Tông, năm nọ trời hạn hán nên phải cầu mưa, nhưng tìm không thấy thằn lằn nên có người bắt thạch sùng thay thế và đem bỏ vào trong chậu nước để trẻ em cầm cành liễu cầu nguyện, có một em bé biết như thế liền niệm:

- “Oan khổ oan khổ, tôi là thạch sùng, tối sầm như ông (ám chỉ đến ông quan chủ trì cầu mưa) làm sao được mưa ngọt chứ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 59:

Ở đời có những cái giống nhau nhưng khác nhau, như con thằn lằn và con thạch sùng, như con ba ba và con rùa, như con mực và con bạch tuột, như hai anh em sinh đôi...

Ở đời cũng có những cái khác nhau nhưng lại giống nhau, như các dòng tu nam nữ tuy khác nhau nhưng lại giống nhau về ba lời khấn tức là ba lời khuyên của Phúc Âm, như các linh mục triều và linh mục dòng dù là khác nhau nhưng thiên chức linh mục vẫn giống nhau, như người Ki-tô hữu dù là khác nhau về dân tộc sắc tộc màu da hay quốc tịch, thì họ vẫn là người Ki-tô hữu được trở nên con Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội...

Cái giống nhau nhưng khác nhau thường làm cho con người ta bị hiểu lầm, vì ai cũng thích nhìn cái dáng vẽ bên ngoài để phán đoán và để dò xét nhau; trái lại, cái khác nhau nhưng lại giống nhau thì thường làm cho người khác để ý hơn và thích thú hơn, vì họ khám phá ra những chổ tương đồng trong đời sống khác biệt của nhau, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa thôi thúc họ sống yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su, cái dáng vẽ bên ngoài khác nhau thì không quan trọng nếu trong tâm của chúng ta có chữ Yêu của Thiên Chúa.

Nổi oan của thạch sùng không có gì là ghê gớm vì bên ngoài nó giống thằn lằn, nhưng nổi oan của người Ki-tô hữu mới là đáng nể hơn, vì chính họ đang trở nên giống Đức Chúa Giê-su hơn khi bị người đời bắt bớ, đánh đập, trù dập và giết chết...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.com

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Quan hệ tối thượng
Lm. Minh Anh
13:30 22/01/2024

QUAN HỆ TỐI THƯỢNG
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”.

“Tôi đã chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho gia đình. Còn một điều tôi ước có thể mang lại cho họ nữa; đó là niềm tin vào Chúa Kitô! Nếu họ có Ngài, và tôi không có gì để cho họ, dù chỉ một xu, thì họ vẫn đã giàu rồi. Còn nếu họ không biết Chúa Kitô, không có Ngài, và tôi cho họ cả thế giới, họ thực sự vẫn nghèo!” - Patrick Henry.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy tầm quan trọng của việc “biết và có” Chúa Kitô của Patrick Henry. Chúa Giêsu chỉ ra mối ‘quan hệ tối thượng’ của chúng ta vốn cao hơn mọi mối quan hệ huyết thống. Đó là mối quan hệ với Thiên Chúa và những ai thuộc về Ngài.

Chúa muốn mối quan hệ của chúng ta thế nào? Trước hết, đó là mối quan hệ của sự tin cậy, tình yêu, sự cam kết, lòng trung thành, sự thuỷ chung, lòng tốt, sự chu đáo, lòng trắc ẩn, thương xót, sự giúp đỡ, khuyến khích, hỗ trợ, sức mạnh, sự bảo vệ và rất nhiều phẩm chất khác gắn kết mọi người lại với nhau. Và còn hơn thế, Thiên Chúa mời chúng ta đi vào mối ‘quan hệ tối thượng’ với Ngài - sự kết hợp của trái tim, khối óc và tinh thần với chính Ngài, tác giả và là nguồn cội của tình yêu.

Thiên Chúa là tình yêu! Tình yêu Ngài không bao giờ thất bại, không bao giờ quên, không bao giờ thoả hiệp, không bao giờ dối trá, không bao giờ làm ai thất vọng. Nó nhất quán, không lay chuyển, vô điều kiện và không gì có thể cản ngăn. Bạn có thể chọn lìa xa Thiên Chúa, nhưng không gì khiến Ngài bỏ rơi hoặc xử tệ với bạn. Ngài đeo đuổi, yêu thương đến cùng, kêu gọi chúng ta quay về bất chấp mọi lực cản. Bản chất của Ngài là yêu! Đó là lý do Ngài tạo dựng chúng ta nên giống hình ảnh Ngài - để kết hợp và chia sẻ tình yêu của cộng đồng Ba Ngôi - Cha, Con và Thánh Thần. Ngài muốn tất cả mọi quan hệ bắt nguồn từ ‘quan hệ tối thượng’ - tình yêu vô cùng của chính Ngài.

Xuống thế làm người, Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, cống hiến cho chúng ta mối quan hệ cá nhân với chính Ngài. Ngài là mục tử hy sinh mạng sống vì đàn chiên; người cha mong đứa con hư trở về. Ngài hiến mình trên thập giá để chúng ta được thứ tha và phục hồi địa vị làm con và tình bạn với Thiên Chúa. Chính nhờ Ngài, chúng ta trở nên con trai con gái của Chúa Cha. Đó là lý do tại sao Ngài nói với các môn đệ, “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”.

Anh Chị em,

“Người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”. Một vị tử đạo đã nói, “Người thân duy nhất của một Kitô hữu là các thánh!” - tức là những người đã được cứu chuộc bằng máu của Chúa Kitô, được nhận làm con cái Thiên Chúa. Như vậy, những ai được rửa tội trong Chúa Kitô và sống như môn đệ Ngài sẽ bước vào một gia đình mới, một gia đình gồm các ‘thánh’ ở trần gian và các thánh trên trời. Chúa Giêsu thay đổi trật tự các quan hệ và chỉ ra rằng, quan hệ thực sự không chỉ là vấn đề máu huyết, mà còn hơn thế: trở nên con cái Chúa. Và điều này biến đổi tất cả các mối quan hệ, đòi hỏi một trật tự mới về lòng trung thành với Thiên Chúa, với Vương Quốc công chính và bình an của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘thừa tiền’ mà ‘thiếu Chúa’; như thế, con mãi nghèo. Cho con ‘dư Chúa’ dù phải ‘hụt tiền’; vì dẫu vậy, con vẫn luôn luôn giàu!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
21:14 22/01/2024

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 1,21-28

Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.

Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.



ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, CON THIÊN CHÚA

Sau khi chọn bốn môn đệ đầu tiên (Chúa nhật vừa qua), Đức Giê-su khởi sự hoạt động của mình mà trước hết là tại hội đường Ca-phác-na-um (K’far Nahum) ngày sa-bát. Từ c.21 đến c.35, các hoạt động ấy được Mác-cô trình bày như diễn ra trong một ngày. Vì thế có thể nói đó là một ngày mẫu của Đức Giê-su. Người có những hoạt động như sau : giảng dạy (c.21-22), trừ quỷ (c.23-26.32-34), chữa bệnh (c.29-31) và cầu nguyện (c.35).

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày hai hoạt động của Người là giảng dạy và trừ quỷ, nhưng có thể nói chỉ nhằm nêu bật một điểm : Đức Giê-su là một nhân vật nhiệm mầu. Người không như những nhà giảng thuyết hay những thầy trừ quỷ mà dân chúng từng gặp được.

1. Giáo lý mới mẻ, người dạy uy quyền !

Hội đường thị trấn K’far Nahum hôm ấy bỗng dưng im phăng phắc, vì người giải nghĩa Kinh Thánh tuy còn trẻ nhưng có giọng nói rất tự tin và lời dẫn giải rất phóng khoáng. Những cặp mắt thường ngày lim dim ngái ngủ hôm ấy bỗng mở to kinh ngạc, những đôi tai thường ngày thờ ơ bỗng nghiêng vành lắng nghe từng chữ từng lời. Khi diễn giả vừa dứt lời, hội đường ồn ào hẳn lên, bàn tán xôn xao : “Hay lắm ! Lạ lắm ! Khác hẳn các cụ kinh sư, luật sĩ nhà mình ! Ông ta tự mình giải nghĩa sách chứ không sao lời người xưa, dẫn trích cổ ngạn. Ông ta nói có uy lắm !...”

Bỗng “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” thế nào mà một giọng the thé từ cuối hội đường cất lên : “Này ông Giê-su người Na-da-rét ! Chúng tôi với ông chẳng có ân oán giang hồ gì cả mà sao ông lại đến tiêu diệt chúng tôi?” Rồi như lui về thế thủ, kẻ bị quỷ ám tiết lộ căn tính Đức Giê-su : “Tôi biết ông là ai rồi! Ông là người thánh, Đấng Thánh của Thiên Chúa !” Đức Giê-su liền bắt quỷ câm họng và lệnh cho nó buông tha người anh em tội nghiệp bị nó ám đã lâu ngày.

Nhưng lạ lùng chưa ! Thiên hạ chứng kiến một cuộc trừ quỷ khá ngoạn mục, tuy thế, theo Mác-cô, cái đánh động họ chẳng phải là hành vi của Đức Giê-su, song là giáo huấn của Người. Ở đây, việc chữa lành đến chỉ để củng cố uy quyền Đức Giê-su dùng mà giảng dạy. Dân chúng chẳng bao giờ thấy thế ! Nỗi khiếp hãi xâm chiếm họ, nhưng không phải vì cuộc trừ quỷ thành công này, họ từng khen ngợi nhiều tay trừ quỷ khác. Họ “kinh hoảng” (NTT) trước con người vốn có thể nói với một uy quyền mạnh mẽ đến như vậy. Mạnh mẽ và thậm chí kỳ lạ, một cái gì đó hoàn toàn mới. Ba từ được liên kết chặt chẽ với nhau : giáo lý, uy quyền, mới mẻ : “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền !”

Mác-cô chẳng nói chi với chúng ta về giáo lý này, vì đối với ông, điều quan trọng là gắn chặt chú ý vào vị giảng dạy : “Nhưng con người này là ai?” Chúng ta đang ở đầu Tin Mừng Mác-cô và chiều hướng đã được nêu rõ. Mỗi tác giả có màu sắc của mình : Mát-thêu cung cấp giáo huấn của Đức Giê-su, Lu-ca cho chúng ta tiếp xúc với lòng âu yếm của Thiên Chúa nhưng cũng với thái độ của Người mạnh mẽ chống lại tiền bạc, Gio-an cho thấy tin để sống có nghĩa là gì. Phần Mác-cô thì kêu mời chúng ta làm quen với Đức Giê-su mà không nói quá vội : “Đây là Con Thiên Chúa” (Mc 15,38). Ông yêu cầu chúng ta hãy rất kiên nhẫn trong việc tiếp cận Người nếu chúng ta muốn sống trọn vẹn giây phút ánh sáng ấy, lúc chúng ta sẽ bị xáo động, thiêu đốt, bàng hoàng và hạnh phúc, vì rốt cục các từ sẽ vang lên ý nghĩa của chúng : Đức Giê-su Con Thiên Chúa thật sự.

Trong một cuộc phỏng vấn, ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc Nougaro từng nói : “Đã chẳng có ai làm cho tôi nhạy cảm với Đức Giê-su Ki-tô cả”. Mác-cô là người gây nhạy cảm. Chầm chậm, thận trọng. Ông loạn trừ các lối sai, khóa miệng những kẻ đánh lừa. “Tôi biết ông là ai rồi, quỷ nói ở Ca-phác-na-um, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” - “Câm đi !” Đức Giê-su bảo.

Câm đi, vì ngươi biết không đúng về Ta, hoặc đã nói lên quá sớm. Ở câu 34 tiếp đó, sau khi trừ nhiều nhiều quỷ, Đức Giê-su cũng “chẳng cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai”. Người cấm tiết lộ về sứ vụ Mê-si-a của mình nhằm tránh cho quần chúng khỏi có một quan niệm sai lạc, cho rằng Người đến để giải phóng dân Do-thái khỏi ách nô lệ của đế quốc Rô-ma bằng vũ lực. Người sẽ là nhà giải phóng, nhưng cách mới mẻ hơn kìa ! Giáo dục gia đình chỉ thành công, các buổi giáo lý chỉ kết quả, các lần đọc Tin Mừng chỉ biến đổi khi tất cả những cái đó làm ta nhạy cảm dần với khám phá này : có một con người, Đức Giê-su, là Thiên Chúa.

2. Mới mẻ chỗ nào, uy quyền do đâu?

Tại sao nhấn mạnh như vậy đến sự cần thiết phải “giáp lá cà” với sáu chữ nói lên tất cả : “Đức Giê-su là Con Thiên Chúa”? Vì Tin Mừng không thể thực sự được đọc, được cầu nguyện, nếu chúng ta trước hết không tiếp xúc với Đức Giê-su. Tiếp xúc, đó là tin vào thần tính của Người. Các lời nói chúng ta sắp lắng nghe, các cử chỉ chúng ta sắp chiêm ngưỡng đều là giáo huấn tuyệt đối độc nhất vô nhị về Thiên Chúa và về chúng ta, vì Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.

Lúc ấy người ta mới thấy rõ, trong đoạn này, sức mạnh của từ “mới mẻ”. Từ đó không muốn nói có lắm điều mới chưa được nghe và sẽ bổ túc cho những giáo huấn cổ thời. Theo nghĩa này, Đức Giê-su đã chẳng nói điều gì mới mẻ. Lệnh truyền của Người “Anh em hãy yêu thương nhau” vẫn chỉ tầm thường (ai nấy trước Người và sau Người đều bảo vậy) nếu Người đã chẳng thêm : “Như Thầy đã yêu thương anh em”. Cái mới mẻ xuất hiện khi ta ý thức rằng vì Đức Giê-su là Thiên Chúa, nên điều ấy có nghĩa : “Hãy yêu thương như Thiên Chúa thương yêu, hãy yêu thương đến độ hy sinh chính mình thậm chí trong khổ nhục”. Triệt để mới là như vậy !

Những gì Đức Giê-su dạy do đó mang dấu ấn của một sự mới mẻ tuyệt đối vốn chẳng thêm vào cho cái gì, vì đấy là một “điều hoàn toàn khác hẳn”, một vũ trụ tư tưởng và thái độ khác hẳn. Đức Giê-su như thế làm nảy sinh một thế giới mới, vì khi Người nói là Thiên Chúa nói và giải phóng một hữu thể mới trong ta.

Thánh sử Gio-an từng dạy : “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (1,17). Mô-sê hay bất cứ vị giáo tổ nào khác đều chỉ ban cho nhân loại những lề luật, những giáo huấn, hay ho lắm, giá trị lắm, cao cả lắm; thế nhưng các vị đâu có ban được ân sủng để giúp loài người phàm hèn tuân giữ lề luật ! Các lề luật này chẳng qua “chỉ làm cho người ta nhận biết tội” thôi (Rm 3,20; x. 5,14). Chỉ duy mình Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, mới có thể ban sức mạnh giúp con người thắng được tội lỗi hầu tuân giữ Lề luật trọn vẹn và thắng cả tử thần. Triệt để mới là như vậy !

Các lãnh tụ tinh thần xưa nay đều là những hướng đạo viên, “ngón tay chỉ mặt trăng” (Phật Thích Ca), là người đưa đường dẫn lối (và các vị cũng chỉ dám tự xưng như vậy). Trong lúc Đức Giê-su Ki-tô chẳng những là “con đường” song còn là “sự thật” mà con đường ấy dẫn tới, còn là “sự sống” mà sự thật ấy đem lại; một sự thật vẹn toàn và một sự sống sung mãn chỉ tìm thấy nơi Thiên Chúa, nguồn chân thiện. Thêm nữa, con đường ấy là “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh” (Ep 1,10) : chính Con Thiên Chúa, để “tất cả đều tồn tại trong Người như Đầu của Thân thể” (Cl 1,17-18). Triệt để mới là như vậy !

“Hãy xuất khỏi người này !” Đức Giê-su đã truyền với một uy quyền gây kinh ngạc. Chớ gì cũng xuất khỏi chúng ta những cách suy tư khiến chúng ta tê liệt, những lối hình dung Đức Giê-su như ngang hàng với bao vị giáo tổ khác, thậm chí với bao hiền nhân khác. Cuối cùng, đã có một ai đó giải phóng tâm hồn và cuộc sống chúng ta cũng như giải phóng toàn thể vũ trụ, một cuộc giải phóng vô cùng toàn diện, hữu hiệu và triệt để !
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha ra mắt cuốn Sách Giáo Lý mới: ‘Chúa Kitô là mật khẩu cho một cuộc sống vui tươi’
Thanh Quảng sdb
15:53 22/01/2024
Đức Thánh Cha ra mắt cuốn Sách Giáo Lý (YOUCAT) mới: ‘Chúa Kitô là mật khẩu cho một cuộc sống vui tươi’

Đức Thánh Cha Phanxicô viết một lá thư cho giới trẻ kèm theo ấn bản mới của YOUCAT, hay ‘Sách Giáo lý cho Giới trẻ của Giáo Hội Công Giáo’, và mời gọi họ khám phá ra bí quyết để có một cuộc sống vui tươi khi sống với và cho Chúa Kitô.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

“Đọc Tin Mừng, siêng năng cầu nguyện và học hỏi giáo lý một cách nhiệt tình giúp chúng ta ‘thẩm thấu’ vào trái tim và tâm trí mình ánh mắt, cảm xúc và thái độ của Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra nhận định tích cực đó về ấn bản mới của YOUCAT, trong một lá thư gửi giới trẻ được đăng trên tờ La Stampa của Ý, vào hôm thứ Hai (22/1/2024).

Ngài khuyến khích các bạn trẻ hãy học Sách Giáo lý Giới trẻ của Giáo Hội Công Giáo, đồng thời nhắc lại rằng tình yêu là lý do thực sự khiến chúng ta trở thành Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nói: “Tình yêu là lý do chính cho sự tồn tại của Giáo hội”. “Trước hết, cha nói về tình yêu dịu dàng và lòng thương xót mà Thiên Chúa Cha dành cho mỗi người và Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta bằng cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Ngài.”

ĐTC nói thêm, mỗi người chúng ta được mời gọi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta bằng tình yêu dành cho Ngài và cho anh chị em của chúng ta.

Niềm vui được biết Chúa Giêsu và làm cho Người được biết đến.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus caritas est) của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và lời khẳng định của ngài rằng đời sống Kitô hữu của chúng ta bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ mang lại cho cuộc sống của chúng ta một chân trời và hướng đi mới.

Đồng thời, chúng ta phải biết về người mình yêu để có thể yêu thương đúng cách và làm cho người ấy được biết đến.

Đức Thánh Cha nói: “Thực sự, đây là niềm vui dịu ngọt của việc truyền giáo: niềm vui mang đến cho toàn thế giới tình yêu của con người dành cho Chúa Giêsu”. “Cuốn sách tuyệt vời mà bạn đang cầm trên tay, được sinh ra từ tình yêu đó: tình yêu dành cho Chúa Giêsu mà chúng ta là những tín hữu mang trong mình.”

ĐTC lưu ý rằng YOUCAT dựa trên Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, xuất bản năm 1992, nhưng được trình bày theo phong cách và nhịp điệu hướng về giới trẻ.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các độc giả trẻ “hãy yêu thích cuốn sách này, vì nó là hoa trái của tình yêu”.

“Chúng con sẽ khám phá ra rằng Sách không có ý nào khác ngoài việc đánh thức hoặc khơi dậy trong chúng con một tình yêu lớn lao dành cho Chúa Giêsu. Đây là mục đích duy nhất của Sách,” ĐTC nhấn mạnh thêm.

‘Chúa Kitô sẽ làm gì ở địa vị của tôi?’

Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ Công Giáo nghiên cứu giáo lý để tìm hiểu thêm về Chúa Giêsu và hiểu rõ hơn thông điệp tình yêu và kế hoạch của Ngài dành cho cuộc đời chúng ta.

ĐTC cho biết bí quyết để duy trì mối liên hệ của chúng ta với Chúa Giêsu là nhìn xem “những gì Chúa Kitô sẽ làm trong địa vị của tôi” trong mọi khoảng khắc.

“Đây là bí mật cho một cuộc sống thực sự 'sống động' và vui tươi: nhìn và đánh giá những gì xảy ra với chúng ta và những quyết định mà chúng ta được mời gọi thực hiện với cùng một ánh mắt, cùng một cảm xúc, và cùng một cách thế mà Chúa Giêsu đã thể hiện,” ĐTC nói.

Bằng cách kết hợp việc học YOUCAT với việc cầu nguyện thường xuyên, người trẻ có thể học cách nhìn thế giới và các sự kiện hàng ngày bằng ánh mắt của Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận rằng Chúa Kitô ban cho chúng ta “bí mật” thực sự dẫn đến hạnh phúc.

“Sự trẻ trung của cuộc sống này, sự mới mẻ của cuộc sống này, sự sống viên mãn này là điều Cha mong muốn cho các con, các bạn trẻ thân mến của cha.”
 
Đối thoại đã đánh mất ý nghĩa Kinh Thánh của nó
Vũ Văn An
16:55 22/01/2024

Trên trang mạng Community in Mission của Tổng Giáo phận Washington, Hoa Kỳ [ https://blog.adw.org/2024/01/dubious-about-dialogue-a-reflection-on-a-much-used-term-that-has-lost-its-biblical-mean/], ngày 17 tháng 1 năm 2024, Đức Ông Charles Pope tỏ vẻ hoài nghi đối với hạn từ Đối Thoại đang được sử dụng rất nhiều nhưng dường như đã đánh mất ý nghĩa Kinh Thánh của nó.



Thực vậy, ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều đến khái niệm “đối thoại”. Hầu hết những người nói tiếng Anh chỉ đơn giản đánh đồng từ này với từ “thảo luận” và những người Công Giáo nói tiếng Anh nghe rất nhiều về cách Giáo hội nên “đối thoại” với thế giới.

Tự nó, “đối thoại”, được hiểu đơn thuần như có một cuộc thảo luận hoặc đàm đạo, chắc chắn là một điều tốt. Các cuộc thảo luận và đàm đạo đặt ra khuôn khổ cho sự hiểu biết, cho việc truyền giáo và chuyển tải sự thật. Theo nghĩa này, có thể nói, đối thoại là điều tốt và dễ hiểu như một điều gì đó giữ cho cánh cửa luôn mở rộng.

Nhưng có một số người trong chúng ta (bao gồm cả tác giả hiện tại của các bạn) đang gặp rắc rối khi sử dụng từ này theo nghĩa không chuẩn mực. Ngay cả trong tiếng Anh, “đối thoại” có tính chất khá mơ hồ và không xác định về nội dung và thời gian. Liệu đối thoại có thực sự nắm bắt được sứ mạng trọng tâm mà Chúa đã trao cho Giáo hội là đi đến với mọi dân tộc, dạy họ mọi điều Chúa Giêsu truyền và làm cho họ trở thành môn đệ không? Tôi không nghĩ là có.

Đối thoại ngụ ý một phẩm chất khá có đi có lại, trong khi giảng dạy ngụ ý rằng một bên có sự thật cần truyền đạt và bên kia cần lắng nghe. Việc giảng dạy cũng có mục tiêu giúp người khác hiểu và tuân thủ sự thật, khoa học, kỹ thuật hoặc kỷ luật đã được công bố. Do đó, thật hợp lý khi Chúa Giêsu không bảo Giáo hội hãy ra đi và đối thoại, nhưng hãy ra đi và giảng dạy, kêu gọi mọi người ăn năn, có một tâm trí mới và tin vào Tin Mừng do Chúa Giêsu Kitô, Con Đường, Sự Thật và Sự Sống, rao giảng. Đây là một lời kêu gọi hơn là một cuộc đối thoại, một lời dạy hơn là một cuộc thảo luận, một lời kêu gọi hơn là một cuộc đàm đạo.

Vấn đề với thuật ngữ “đối thoại” trở nên phức tạp hơn khi chúng ta bước vào Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Ở đó, việc sử dụng thuật ngữ đối thoại theo một số nghĩa là tốt, còn ở những nghĩa khác thì chẳng có gì ngoài việc tâng bốc. Chúng ta hãy cùng xem hạn từ đối thoại đôi khi có thể chỉ ra cả điều tốt nhất lẫn điều tồi tệ nhất mà chúng ta, với tư cách là một giáo hội, thực sự hy vọng đạt được ra sao.

Những hạn từ gốc tiếng Hy Lạp làm nền tảng cho hạn từ “đối thoại” trong tiếng Anh của chúng ta là dia ‘thông qua’ + legein ‘nói’. Trong các Sách thánh, có nhiều dạng khác nhau của hạn từ này xuất hiện. Hai trong số các hình thức cho thấy một khái niệm không mấy hay ho của từ ngữ, và hình thức thứ ba, khi được sử dụng một cách tích cực, lại mạnh mẽ hơn nhiều mà chúng ta muốn nói đến khi nói đến đối thoại ngày nay. Chúng ta hãy xem xét từng hình thức xuất hiện trong Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp.

I. διαλαλέω (dialaleo) – Từ điển Strong định nghĩa là “Tôi đàm đạo cùng nhau, nói chuyện về.” Nó chỉ được sử dụng hai lần. Một lần trong Luca 1:65, trong đó, người ở vùng lân cận bàn tán và ngạc nhiên về việc Dacaria đã nói lại được khi Gioan Tẩy Giả ra đời. Và trong Luca 6:11, trong đó các viên chức tôn giáo nói chuyện và cùng nhau bày mưu giết Chúa Giêsu sau khi Người chữa lành cho người đàn ông bị teo bàn tay.

Chúng ta đã biết rõ rằng từ ngữ được sử dụng trong những văn bản này không nói lên một cuộc trò chuyện rõ ràng về các sự kiện hoặc thậm chí là thánh thiện.

II. διαλογίζομαι (dialogizomai) – mà Từ điển Strong định nghĩa là “đi đi lại lại khi đánh giá, nhưng theo cách thường dẫn đến một kết luận mơ hồ”. Thuật ngữ này ám chỉ một tâm trí bối rối tương tác với những tâm trí bối rối khác, mỗi tâm trí lại càng củng cố thêm sự nhầm lẫn ban đầu.

Rất tiếc, thậm chí còn tệ hơn. Sẽ mất quá nhiều thời gian để thảo luận về tất cả 16 lần xuất hiện của từ ngữ này, nhưng trong số những cách sử dụng của từ ngữ này là khi các môn đệ thảo luận và cố gắng hiểu lời quở trách của Chúa Giêsu về việc họ thiếu đức tin trong cơn bão trên biển và nó liên quan ra sao đến việc hóa bánh ra nhiều. Họ tranh luận với nhau xem Người muốn nói gì (Mt 16:7). Trong một dịp khác, từ ngữ này được sử dụng để chỉ cuộc tranh luận và thảo luận giữa những người Biệt Phái khi Chúa Giêsu hỏi họ rằng Phép rửa của Gioan từ trời hay từ loài người. Họ tranh cãi, đồng lõa và không thể đồng ý (Mt 21:25). Hạn từ này được dùng trong Máccô 2:7 khi các thầy thông giáo “tranh cãi” trong lòng về việc Chúa Giêsu có thể tha tội hay không, v.v.

Thành thử, dạng này của từ ngữ cho thấy một “cuộc đối thoại” không chân chính, đầy mưu mô và gây bối rối. Tinh tế hơn, nó chỉ một kiểu lý luận tìm cách tránh né một kết luận bằng cách lái cuộc đàm đạo hoặc dòng lý luận theo hướng không chắc chắn; một cuộc đàm đạo không thực sự quan tâm đến việc thực sự tiết lộ hoặc chia sẻ sự thật.

Tôi buồn bã tin chắc rằng nhiều người sử dụng thuật ngữ đối thoại ngày nay thực sự tham gia nhiều hơn vào kiểu thảo luận này. Nó cho phép một tính đáng tin cậy nào đó cho những người tham gia, vì họ tham gia một cách cao thượng vào một “cuộc đối thoại” nhưng nó không “đặt câu hỏi” hay có mục tiêu làm cho Tin Mừng trở nên hợp lý và do đó đòi hỏi sự tôn trọng.

III. διαλέγομαι (dialégomai) phát xuất từ diá, (thông qua, từ bên này sang bên kia) + légō, (nói đến một kết luận). Dia tăng cường lego để nó chuyển tải một kết luận cách thích đáng bằng cách trao đổi suy nghĩ, lời nói hoặc lý lẽ. Và hình thức này của từ ngữ được sử dụng một cách tích cực, nhưng, như chúng ta sẽ thấy, nó thường được ngày nay sử dụng một cách mạnh mẽ hơn nhiều.

Nó xảy ra 13 lần trong Tân Ước, thường là do những tín hữu thực hiện “lý luận biện chứng”. Đây là quá trình cho và nhận thông tin với ai đó nhằm truyền đạt sự hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa cũng như lời và ý muốn của Người. Như vậy, đây không chỉ là một cuộc đàm đạo đang diễn ra mà còn là một cuộc đàm đạo hướng tới mục tiêu, thậm chí một cách mạnh bạo hơn. Hãy xem xét một số thí dụ trong số 13 lần nó được sử dụng:

1 – Người ta nói về Thánh Phaolô trong Công vụ 17:2, 17 và 18:4 khi ngài vào các hội đường vào ngày Sabát và lý luận (dialexato, dieelegeto) với họ về Kinh thánh. Để hiểu được “giọng điệu” của những cuộc đối thoại này, hãy xem dòng sau đây từ Công vụ 19 – Phaolô vào hội đường và dạn dĩ (eparresiazeto) nói ở đó trong ba tháng, tranh luận một cách thuyết phục (dialegomenos kai peithon) về vương quốc của Thiên Chúa. (Cv 19:8)

Và do đó, chúng ta thấy rằng “cuộc đối thoại” được đề cập ở đây không chỉ là một cuộc trò chuyện đơn thuần, mà là một sự táo bạo đưa ra tầm nhìn Kitô giáo với mục tiêu thay đổi tâm trí và hoán cải trái tim.

Tôi chỉ không tin rằng đây là điều mà hầu hết mọi người ngày nay muốn nói khi họ kêu gọi chúng ta đối thoại.

2 – Thuật ngữ này được sử dụng trong Công vụ 20: 7-12 (một cách hài hước) về bài giảng của thánh Phaolô tại Trôa, trong đó ngài giảng một đoạn dài và một thanh niên tên là Êutykhô ngồi trên gờ cửa sổ mở rồi ngủ quên và rơi ra ngoài cửa sổ cao ba tầng mà chết. Thánh Phaolô chạy đi cứu anh ta khỏi chết và quay trở lại để kết thúc Thánh lễ! (tất cả chỉ trong một ngày làm việc!) Đối thoại ở đây dường như không chỉ có nghĩa là đàm đạo mà còn là khuyên bảo mà chúng ta gọi là rao giảng.

3 – Nó được sử dụng trong Công vụ 24:25 để mô tả chứng từ của thánh Phaolô trước Phêlích: Khi Phaolô nói (dialegomenou) về sự công chính, sự tự chủ và sự phán xét sắp đến, Phêlích sợ hãi. Và ở đây, chúng ta cũng thấy “đối thoại” đề cập đến một điều không đơn giản mà là một lời khuyên bảo rõ ràng đến mức khiến một quan chức La Mã phải sợ hãi. Một lần nữa, tôi phải nói rằng tôi không nghĩ đây là điều mà hầu hết những người kêu gọi Giáo hội tham gia vào “đối thoại” đã nghĩ đến.

Quả thực, không có lần nào trong số 13 lần xẩy ra mà tôi có thể tìm thấy bất cứ cảm giác nào về cuộc đàm đạo đơn thuần hoặc cảm giác “chia sẻ thông tin để làm quen với bạn”. Đối thoại trong Kinh thánh Tân Ước là một từ ngữ ám chỉ một lời khuyên bảo và/hoặc bảo vệ đức tin thường mạnh bạo. Nó hướng đến một mục tiêu, không chỉ mang tính liên hệ, và có mục đích thu hút người ta đến với sự ăn năn và đến với Chúa Kitô.

Như thế, chúng ta phải làm gì trước những lời kêu gọi đối thoại thường xuyên ngày nay? Nếu, qua nó chúng ta muốn nói đến một lời tuyên xưng đức tin một cách mạnh bạo và tự tin, để trình bày nó như hợp lý và đáng vâng phục, thì đối thoại là một điều tốt!

Nhưng như đã nêu ở một số chỗ ở trên, tôi không nghĩ đây là điều mà hầu hết những người kêu gọi đối thoại ngày nay nghĩ đến. Đúng hơn, họ chỉ nghĩ đến việc trao đổi ý tưởng đơn thuần, đạt được sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Tự chúng, những điều này không phải là những điều xấu, đặc biệt như khúc dạo đầu cho việc giảng dạy. Nhưng ngày nay chúng dường như thường được trình bày như những mục đích tự thân; như một mục tiêu cuối cùng.

Giáo Hội không được Chúa Kitô sai đến tất cả các dân tộc để “đối thoại” (Mt 28:20) theo nghĩa hiện đại của từ ngữ này. Đúng hơn Giáo Hội được giao nhiệm vụ giảng dạy (theo nghĩa cổ xưa và mạnh bạo hơn được Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp hiểu như dialegomai). Có một chỗ để lắng nghe một cách tôn trọng, nhưng trình bày nó một mình, và ngoài việc giảng dạy sứ mệnh đầy đủ hơn thì sẽ gây hiểu lầm và truyền tải một quan điểm không đúng với Tin Mừng.

Tôi không kêu gọi loại bỏ từ ngữ đối thoại, chỉ kêu gọi một sự hiểu biết đúng đắn hơn về nó theo nghĩa Kinh thánh như một cách trình bày rõ ràng về tính hợp lý của đức tin chúng ta, nhờ đó chúng ta đấu tranh cho các linh hồn và thậm chí mạnh dạn bác bỏ những sai lầm. Nếu đó là đối thoại, hãy thực thi nó!

 
Mỹ/Haiti: Băng đảng nào trong số 300 băng đảng Haiti đã bắt cóc 6 nữ tu?
Thanh Quảng sdb
16:59 22/01/2024
Mỹ/Haiti: Băng đảng nào trong số 300 băng đảng Haiti đã bắt cóc 6 nữ tu?

Port-au-Prince (Agenzia Fides) - Vẫn chưa có tin tức gì về tổng số 8 người (trong đó có 6 nữ tu) bị bắt cóc ở Haiti vào ngày 19 tháng 1. Các nữ tu thuộc Dòng Nữ tỳ thánh Anna (Sœurs de Sainte-Anne - một Hội dòng Giáo hoàng, gốc từ Canada), bị bắt cóc vào sáng ngày 19 tháng 1 khi một nhóm người có vũ trang chặn chiếc xe buýt nhỏ đang chở đi trên quốc lộ Chili (Avenue du Chili).

Khi băng đảng này chặn xe và lên xe, họ bắt các hành khách (sáu nữ tu và một phụ nữ trẻ đi cùng) và tài xế làm con tin rồi bắt lái xe về Alert Alley. Hội đồng tôn giáo Haiti cho biết trong một tuyên bố kêu gọi tất cả các Kitô hữu ở Haiti hãy cầu nguyện cho việc giải thoát các con tin: “Những vụ bắt cóc này khiến những tu sĩ và những người có thiện chí ở Haiti cảm thấy chán nản và sợ hãi”. Hiện tại không có thông tin về nhóm vũ trang chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc này, cũng chẳng có một yêu cầu đòi tiền chuộc gì cả!

Sau giờ Kinh Truyền Tin ngày hôm Chúa Nhật 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi trả tự do cho các nữ tu và những người đồng hành cùng họ: “Tôi đau buồn khi biết tin về vụ bắt cóc, ở Haiti, một nhóm người, trong đó có sáu nữ tu: Tôi kêu gọi hãy thả họ ra tức khắc, tôi cầu nguyện cho sự hài hòa xã hội trong nước, và tôi mời gọi mọi người hãy chấm dứt bạo lực đang gây ra rất nhiều đau khổ cho người dân thân yêu vô tội ở đó”.

Haiti đang chứng kiến sự gia tăng nhiều vụ bắt cóc vì mục đích tống tiền, tại một quốc gia có khoảng 300 băng nhóm vũ trang thống trị, kiểm soát khoảng 80% thủ đô Port-au-Prince.

Tuần trước, cư dân của quận Solino đã bị phong tỏa 4 ngày bởi các rào chắn do các băng nhóm vũ trang dựng lên nhằm gây áp lực lên Thủ tướng lâm thời Ariel Henry trước một thỏa thuận chính trị nhằm củng cố quyền lực của ông sẽ hết hạn vào ngày 7 tháng 2; an ninh, một lực lượng cảnh sát do Kenya lãnh đạo sẽ được cử đến nước này trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua vào tháng 10 năm ngoái.

1.000 quân nhân cảnh sát Kenya dự kiến sẽ được điều tới Haiti, mới hoàn tất khóa huấn luyện vào ngày 4 tháng 1 và đang chờ quyết định của Tòa án Tối cao Kenya, dự kiến mở vào ngày 26 tháng 1, cho phép họ đến gìn giữ hòa bình tại quốc gia Caribe này hay không. Trên thực tế, Tòa án Tối cao sẽ ra phán quyết đối với vụ kiện của phe đối lập, vốn cho rằng việc cử cảnh sát Kenya đến Haiti là vi hiến vì chỉ có quân đội mới được gửi đi nước ngoài. (Agenzia Fides, 22/1/2024)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhớ lại Gm Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật _ qua đời ngày 17.1.2007
Pt Phạm Bá Nha
02:14 22/01/2024

ĐỨC CHA PHAOLÔ MARIA NGUYỄN MINH NHẬT
‘Phục Vụ Chúa trong Hân Hoan’
1926 – 2007

Những hình ảnh và ý nghĩ dưới đây cứ ám ảnh và canh cánh bên lòng, người mà tôi qúi mến và kính trọng. Đó là Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật.

-Ngày 7.6.1952, lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng, tại nhà thờ lớn Phát Diệm, một linh mục trẻ, mới 25 tuổi, mặc áo lễ mầu hồng, được thụ phong có một mình. Mầu hồng của vui tươi, hy vọng. Ai cũng tấm tắc khen ngợi, linh mục tài ba. Sau, có tin Ngài du học tu đức bên Canada.
- Ngày 16.7.1975, xa nhà, đêm khuya tôi nghe lén tin, Ngài được chọn làm Giám Mục Xuân Lộc, với khẩu hiệu : ‘Phục Vụ Chúa trong Hân Hoan’. Thật can đảm trong giai đoạn khó khăn.
-Tháng 6. 1999, tại Tòa GM Xuân Lộc, từ Paris, Pháp về, gia đình tôi, học trò cũ, được Ngài ân cần đón tiếp. Và nhắn nhủ, dù ở đâu cũng làm tông đồ của Chúa.
- Tháng 7, 2015, tôi và bạn bè đến Gia Yên thăm Lm bạn Giuse Maria Trần Minh Phú (+ 2018) coi trụ sở thật rộng của Hội Linh Mục Tông Đồ Nhỏ do ĐC Nhật sáng lập. Bây giờ là trung tâm tĩnh tâm cho các hội đoàn khắp nơi.
-Qua youtube, 23.1. 2007, tôi được xem đám táng của Ngài kéo dài trên quốc lộ Hùng Vương. Lần đầu tiên thấy đám táng đông và sầm uất như vậy.
Nhân kỷ niệm ngày Ngài qua đời, 17.1. 2007-2022, chúng tôi xin có mấy dòng về vị Giám Mục thời danh lỗi lạc này.

GIA ĐÌNH và ĐỜI TU

Đức Cha Phaolo Maria Nhật sinh 12.9.1926 tại Thượng Kiệm, Ninh Bình, địa phận Phát Diêm. Trong gia đình theo thứ tự :
1) Hai chị lớn qua đời khi còn nhỏ.
2) Con cả là Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật,
3) Em là Nữ tu Cécilia Nguyễn Thị Chuyên, dòng MTG Gò Vấp, du học Bỉ (7 năm), Mỹ (2 năm), 1975 di cư qua Mỹ và ở Los Angeles.
4) Đến chị Têrêxa Nguyễn Thị Xuyến, lập gia đình trễ, không con. Từ 1969 ở Mỹ. 1998 về VN, qua đời vào 5. 2010. Ông chồng qua đời ở Mỹ mấy năm, trước khi bà về VN.
5) Em út là Lm Phêrô Nguyễn Lân Mẫn, học Tcv Phúc Nhạc (1950), vào nam Tcv Phú Nhuận (1954), 1960, qua Đcv Phát Diệm, 98 Chi Lăng, học Triết chung với Đcv Bùi Chu, Lê Bảo Tịnh. Sau đó gia nhập giáo phận Qui Nhơn, Đà Nẵng (Đc Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909-1988), cha chịu chức linh mục (1964), gia nhập Hội Xuân Bích (1965). Cha qua Pháp 1 năm làm solitude (tĩnh tâm). Về VN, cha làm việc tại Tcv Gioan Đà Nẵng. Từ 1968-1973, cha du học Mỹ. Sau 1975, cha vẫn ở Tcv Đà Nẵng. 1984-1994, cha sở xứ Hòa Thuận, Đà Nẵng. 1995-2018, dạy Anh văn và linh hướng Đcv Kim Long, Huế. Từ 2018, Cha nghỉ hưu.

Phaolo Maria Nhật được cha Giuse Nguyễn Duy Phượng (+ 1966) nhận hướng dẫn tu học tại Tcv Thánh Phalô Phúc Nhạc, rồi Đcv Thánh Giuse Thượng Kiệm, cùng lớp có thầy Giuse Nguyễn Văn Cảnh (+1951). Thầy Nhật thụ phong linh mục, 7.6.1952, tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Sau đó cha mới được chọn du học Canada, 1952-1955, học về tu đức. Tốt nghiệp bằng thạc sỹ Lịch sử các tôn giáo. Cha dự định học tiếp. Đang du học Canada, cha đã vâng lời Đc Lê Hữu Từ về VN, phụ trách :
1955-1964, Linh hướng Tcv Thánh Phaolô Phát Diệm, Phú Nhuận
1965-1968, Linh hướng Tcv Thánh Phaolô, Phương Lâm.
Cha chính thức thành lập Tu Hội Linh Mục Tông Đồ Nhỏ, có cơ sở tại Bạch Lâm và hướng dẫn tới khi qua đời;
1969-1975, Linh hướng Tcv Xuân Lộc.
1990-1995 : Đc là cố vấn cho Bộ Truyền Giáo, Roma.

GIÁM MUC XUÂN LỘC (1988-2004)

Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật được chọn làm GM phó giáo phận Xuân Lộc ngày 16.7.1075, và được tấn phong, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt Ngài vẫn ở trụ sở Tông Đồ Nhỏ ở Gia Yên. Mãi tới 22. 2. 1988, sau khi ĐC Nguyễn Văn Lãng qua đời, Ngài mới chính thức nhậm chức. Với khẩu hiệu ‘Phục vụ Chúa trong hân hoan’ và huy hiệu : Nền là Thánh Giá (đỏ) có chim bồ câu (trắng) chiếu 7 (ơn) như ánh sáng (đỏ) trên chữ M (xanh lá cây) trải dài vào cánh đồng lúa (xanh lúa) có 3 bông lúa.

Trong cương vị Giám Mục, Ngài đã thực hiện :
-Đặt tay phong ba Giám mục : ĐC Giuse Nguyễn Phụng Hiểu (Hưng Hóa, 1991), Đc Tôma Nguyễn Văn Trâm (Bà Rịa, 1992) và Đc Đa Minh Phạm Chu Trinh (Xuân Lộc, 2004).
-Chủ phong lễ truyền chức linh mục cho 160 linh mục của giáo phận và các dòng tu
- Chủ tế lễ khấn dòng của nhiều nam nữ tu sỹ của Xuân Lộc và các nơi.
- Trao phép bí tích Thêm Sức cho hàng ngàn trẻ em thiếu nhi trong giáo phận
- Khởi công xây dựng và làm phép 3 công trình (có bia tại chỗ ghi) :1) Trung tâm Hiệp Hội Linh Mục Tông Đồ Nhỏ ở Gia Yên. 2) Tượng đài Chúa Giêsu trên núi cao Tao Phùng, 999 bậc thang. 3) Trung tâm hành hương Bãi Dâu, Vũng Tàu, cạnh bờ biển. Có nhà thờ, phòng họp, 14 chặng Đường Thánh Giá dẫn lên đài Đức Mẹ, trên cao. Bên cạnh có nhà nguyện chầu MTC ngày đêm do các nữ tu đảm trách. Sát bờ biển có một số dòng nữ, thuận tiện nghỉ mát hay tĩnh tâm.
-Làm phép thánh hiến 166 nhà thờ, bàn thờ giáo xứ hay giáo họ
Đặc biệt thời Đc Nhật, toàn giáo phận Xuân Lộc kiêng thịt thứ Sáu quanh năm. Đc có rất nhiều công khuyến khích học Giáo Lý. Xuân Lộc đã xuất bản bộ Giáo Lý ‘Hồng Ân’ đủ cấp.
(Tòa GM Xuân Lộc xb, 11 cuốn)

Hoài bão và dự định đã ghi trong Di Chúc, đều được thực hiện đúng như thư chúc : Viết, 4.10. 2002; Bổ túc, 6.1. 2004 và xác nhận,12.10.2004
-Tôi ao ước lập một khu tĩnh tâm tại trụ sở tu hội để các linh mục tu sỹ nam nữ và giáo dân các nơi về tĩnh tâm. (Di Chúc bổ túc, đ4)
-Thao thức lớn nhất của tôi là có giám mục kế vị…có thêm giáo phận mới tại Vũng Tàu…Tôi xin trao vào tay Thánh Giuse… (Di Chúc bổ túc, đ5)
Được biết Đc Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, được tấn phong Gm (30.9.2004) và ĐGH Benedictô ban hành thành lập giáo phận Bà Rịa (1992) Đc Tôma Nguyễn Văn Trâm làm Gm tiên khởi. Và cơ sở 2, Đcv Sài gòn ở Xuân Lộc, 1998.

HIỆP HỘI LINH MỤC TÔNG ĐỒ NHỎ

Khi còn làm Linh Hướng TCV Phát Diệm, Phú Nhuận, cha Nhật đã phát động và hướng dẫn ‘Tông Đồ Nhỏ’. Một số các chú đã gia nhập. Sau, các chú này làm linh mục. Khi về Xuân Lộc có đất của cô Xuyến (HK) và các nhà hảo tâm mua tặng. Hội mới có cơ hội phát triển. Sau khi Đc và cha Phú qua đời, Hiêp Hội, cần người nối tiếp.

Nội Qui, gồm : Quyết định (XL 8.12. 2002), Chương mở đầu (trích Hiến chế ‘Ánh Sáng muôn dân’ số 19 và 28. Sắc lệnh về ‘Chức vụ và đời sống linh mục, số 7 và 8. Chương một : Bản chất. Chương hai : Khẩu hiệu : ‘Tình Yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (Caritas Christi Uerget nos (2 Cr 5, 14). Chương ba : Linh đạo. Chương bốn : Nội qui : có 6 mục. Mục 5 :
Nhà chung : số 157/ ấp Bạch Lâm, Gia Tân 2, Thống Nhất, Đồng Nai. Chương kết : Giá Trị -Thời Hiệu. (Xuân Lộc, 8.12.2002. Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Gm hướng dẫn. Đaminh Ngô Công Sự, Lm Thư Ký)

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN (1989-1995)

Đức cha đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vu qua hai nhiệm kỳ. Khó khăn nhất là đối phó với chủ trương của chính phủ thành lập ‘Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước VN’. (x.1) Thơ Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, gởi Đc Nhật, Roma 20.5.1992. Ns Giáo Xứ, số 89, 12. 1992, ttr 15-17. 2)Thông báo về việc Vatican cấm các linh mục tham gia Ủy Ban Đoàn Kết, các tổ chức xã hội và Quốc Hội. Bđd, ttr. 18-19. 3) Bản kiến nghị của HĐ GM VN. Bđd, ttr. 20-21)

Việc thứ hai là lần đầu tiên, sau 1975, các GM VN Visite Ad Limina, Roma, chia làm 2 đợt :
- 15.11. 1990 : 11 Gm do ĐTGM Nguyễn Văn Bình, hướng dẫn
- 22.11. 1990 : 21 Gm do Đc Nguyễn Minh Nhật, hướng dẫn

Diễn văn của hai trưởng phái đoàn, ngoài cám ơn can thiệp của Tòa Thánh, đã nhấn mạnh đến giới hạn truyền chức linh mục, tuyển sinh hay tu sỹ, hạn chế phụng vụ, khó khăn tổ chức phụng vụ...Lạc quan và hy vọng là tuy gặp khó khăn nhưng giáo dân VN vẫn giữ vững đức tin.

Huấn từ của ĐGH Gioan Phaolô II: Bày tỏ lòng qúi mến các Gm VN. Liên đới các Gm vắng mặt. Nhắn nhủ hàng giáo sỹ, tu sỹ và khích lệ giáo dân.
(x. 1) Phỏng vấn Đc Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch HĐ GM VN. Ns Giáo Xứ số 12. 1989, ttr.15-16. 2) Bài tường thuật 21 GM VN viếng thăm Tòa Thánh. Bđd ttr 17-24. 3) Hai cuộc viếng Thăm của GM VN tại Roma. Báo Mục Vụ Thụy Sỹ, tháng 2. 1997, ttr 14-25)

Trong thời gian này, HĐGM VN đã gửi 3 thư chung :
Ngày 15.4.1991, Hà Nội. Sau Viste Adlimona (1990)
Ngày 19.10.1992, Hà Nội. Dịp thành lập HĐGM VN
Ngày 10.10.1995, Thông báo sau khi HĐGM VN họp tại Hà Nội 25.9 -1.10.1995)
(x. Trần Anh Dũng, ‘Thư Chung HĐ GM VN 1980-2010’. Roma. 2009. Ttr 44-77

Thời Đc Nhật làm Chủ Tịch HĐGM VN đã đón tiếp phái đoàn Vatican có ĐHY Roger Etchegarey (68 tuổi) chủ tịch HĐ Công Lý, Hòa Bình Vatican và ĐÔ Celli viếng thăm VN 6-14.11.1990, ĐHY đã thăm các giáo phận Hà Nội, Huế và Saigon. Kết quả thương thảo giữa nhà nước và phái đoàn là nhà nước công nhận Đc Phạm Anh Dụ (68 tuổi), GM Lạng Sơn, Cao Bằng. Đc đã được bổ nhiệm từ 1960. (GXVN số 70, 11. 1991, tr. 12)


NGHỈ HƯU (1989-2004)

Ngày 11. 11. 2004, Đc nghỉ hưu tại nhà hưu của Tòa GM XL. Thì ngày 24.11.2004, Đc bị bệnh Tai Biến Mạch Máu Não (AVC) kéo dài 2 năm 1 tháng 24 ngày. Trên giường bệnh, kể như hấp hối kéo dài. Trong thời gian dưỡng bệnh, Đc được các thầy chăm sóc tại bệnh viện Thống Nhất, Hố Nai, Biên Hòa. Qua đời lúc 12g30, tại Chợ Rẫy, 17. 1.2007, thọ 81 tuổi, 55 năm linh mục, 32 năm giám mục.

THÁNH LỄ AN TÁNG (23.1.2007)

Ngày 19-22. 1. 2007, Thi thể Đc quàn tại nhà thờ chính tòa cho công chúng cầu kinh và tham dự thánh lễ mỗi ngày cầu cho vị Cha chung. Dẫn lễ, ban tang lễ phác họa : Đc Phaolô Maria đã hoàn tất 81 năm tại thế…ơn gọi…phục vụ Thiên Chúa và mọi người. Ngày 23.1. 2007, lễ an táng, 9g30. Chủ lễ và giảng là Đc Nguyễn Văn Hòa, Gm Nha Trang, Chủ Tịch HĐGM VN. Bài giảng đại ý : Sống đạo đức (như Đc Phaolô Maria) trong tầm tay, là tôn trọng, công minh và chinh phục khi làm nhiệm vụ. Ước gì như Thánh Têrêxa nói : Tôi sẽ sống trên Trời để làm việc lành dưới thế.

Ca đoàn cùng nhà thờ cất cao tiếng hát và nghe sách Thánh:
Nhập lễ: Từ ngàn xưa (Kim Long)
Bđ1: Is 25, 6-9. Bđ2: Rm 5, 5-11. PÂ : Gn 12, 23-28
Dâng và kết lễ: Lễ Tri ân (Phạm Liên Hùng). Nơi Ngài Nương Ẩn

Thi hài được chôn cất tại đất thánh Tòa Gíam Mục Xuân Lộc. Tại phần mộn, có mặt ĐHY, 15 Gm, 214 linh mục và khoảng 1.000 giáo dân tiễn đưa bằng cánh hoa tươi hay vụm cát. Đoàn người cùng cất cao lời ca : -Một đời người tôi tớ (Ân Đức). - Lạy Các Thánh Thánh và Xin Các Thiên Thần dẫn đưa Linh Hồn Đc Phaolô Maria;
Người nằm xuống giã từ trần gian
Xin cho người yên năm tháng
Lúc chết đi mới được hỷ hoan
Chúa giang tay chờ đầy tớ trung thành (Nguyễn Duy)

Sau khi cha tổng đại diện công bố Di Chúc, Đc Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, trưởng ban nghi lễ dâng lời nguyện kết thúc
Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân từ thương đến tôi tớ Chúa…
Đc cố Phaolô Maria...
được xum họp với hàng ngũ các Thiên Thần. Amen

Tâm tình cảm mến và tiễn biệt người ra đi

Được tin Đc Nhật qua đời, giới truyền thông trong và ngoài nước đều đăng tải chia buồn và những tâm tình cảm mến và tiễn biệt. Ở đây chúng tôi xin phép chọn 4 chứng từ :

-Cuộc đời Đc Phaolô Maria là hành trình trung kiên, về nhà Chúa. Ngã ngựa nhưng không bại trận (Lm Giuse Phạm Văn Lý, 17.1. 2007. Theo tư liệu)
-‘‘Nếu hạt giống thối đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt’’(x. Gn 12, 24)
Đến muôn đời, con cảm tạ ơn Chúa
Đến muôn đời, con ngợi khen danh Chúa
Muôn muôn đời, con ca vang tình thương Chúa
Và mãi mãi, con nhớ công ơn Người. (Lm GB. Phan Kế Sự. Thụ phong 1957. Theo tư liệu)
-Đc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, cha linh hướng ‘Người mẹ hiền’.
(Cựu chủng sinh, JB. Nguyễn duy An, HK. Theo tư liệu)
-Đặc biệt, tôi vô cùng cảm động vì sự thương yêu, thông cảm của Đgm Nguyễn Minh Nhật đối với anh em đang dấn thân trong vai trò cầu nối giữa đạo-đời.
Lúc nào tôi cũng nhận được sự động viên và nâng đỡ miễn là tôi trung thành với Giáo Hội và phục vụ an hem. Vì thế, chúng tôi vô cùng biết ơn.
(Lm Trần Xuân Thảo, chính xứ Hà Nội, Hố Nai. Báo Công Giáo-Dân Tộc, số 1592, 2007, tr 13)

Hai ý tưởng cho kết luận bài tưởng niệm đau thương này

Trước hết, Giáo Hội VN hãnh diện vì có Gíam Mục như Đc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật. Xin tri ân vị Giám Mục thực hành và thúc đẩy giáo phận thi hành đứng đắn ‘Hội Thánh trong lòng dân tộc’ (Ngài đề xuất ‘tốt đạo, đẹp đời và kính Chúa yêu Nước’) như trong thư chung của HĐGM VN, 1.5.1980, có 33 Gm họp, tại Hà Nội, từ 24.4 đến 1.5.1980. Thành kính cầu xin cho Ngài được Yên Nghỉ Bình An (Requiem In Pace - RIP) trên Nước Thiên Chúa Hằng Sống. Và xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho những ai còn lại. Thật đúng, trong lễ an tang Ngài, nơi cổng tòa Gíam Mục Xuân Lộc có câu chữ trắng ghi trên băng vải tím Tôi đã phấn đấu và đi hết chặng đường. Đúng và kỳ diệu như lời giảng lễ an táng Đc Nhật của Đc Hòa: Chính hạt lúa đã chiến thắng sự chết bằng cách nảy mầm và từ mầm non này sự sống lại tiếp nối, nhân lên và phát triển.

Sau là, lần đầu tiên, ngày 22.11.1990, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II tiếp các Gm VN do Đc Nhật, hướng dẫn Ad Limina, bày tỏ lòng qúi mến đối với các Gm VN: ‘…Trong dịp đón tiếp anh em với tinh thần huynh đệ, tôi muốn bày tỏ lòng qúi mến nồng nhiệt của người kế vị Thánh Phêrô đối với Giáo Hội VN. Vì lòng trung thành của Giáo Hội trong đức tin, trong lòng đạo đức và trong tình bác ái. Các Gm tụ họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, tháng 10 vừa qua cũng đã bày tỏ tâm tình ngưỡng mộ và hiệp thông sâu xa đó với Giáo Hội VN. Nay tôi xúc động tái bày tỏ với anh em tâm tình đó và xin anh em chuyển lại tâm tình này đến toàn dân Chúa tại VN. Vì những thử thách họ phải gánh chịu trong kinh nguyện mỗi ngày của tôi. (Đài RV, 12, 1990, báo GX VN số 70, 1.11.1990, tr. 20

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trần Anh Dũng, ‘Thư Chung HĐ GM VN 1980-2010. Roma. 2009
-Đài Radio Vatican, Việt Ngữ 12. 1990
-Báo Giáo Xứ VN, số 70, 1.11. 1990
- Báo dân Chúa Âu Châu, số 292, 2. 2007
-Báo Công Giáo và Dân Tộc, 1.2. 2007
- Mục Vụ, Thụy Sỹ, tháng 2. 1997
- Nội Qui Hiệp Hội Tông Đồ Nhỏ. Xuân Lộc, 2002
- Tập Lễ An Táng Đc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (có Di Chúc)
 
VietCatholic TV
Biến lớn: Crimea rung chuyển bởi các vụ nổ. Nga đóng cửa cầu Kerch. Kyiv tấn công kho xăng Leningrad
VietCatholic Media
02:09 22/01/2024


1. Crimea rung chuyển bởi các vụ nổ được báo cáo. Nga đóng cửa cầu Kerch

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Rocked by Reported Explosions as Key Bridge Closed”, nghĩa là “Crimea rung chuyển bởi các vụ nổ được báo cáo trong khi cây cầu quan trọng bị đóng cửa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo chính phủ Nga, một số vụ nổ đã được nghe thấy xung quanh cảng Sevastopol của Crimea vào hôm Chúa Nhật 21 Tháng Giêng, sau các cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine, khi các quan chức tạm thời đóng cửa một cây cầu quan trọng nối bán đảo với Nga.

Các hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ một mục tiêu gần thành phố, Thống đốc do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, Mikhail Razvozhaev, cho biết như trên hôm Chúa Nhật. Ông cho biết không có thiệt hại nào đối với cơ sở hạ tầng của thành phố và cho rằng vụ tấn công là do Ukraine thực hiện.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết Kyiv đã bắn hai hỏa tiễn dẫn đường “qua Hắc Hải gần bờ biển phía tây Bán đảo Crimea” vào lúc 2 giờ chiều theo giờ Mạc Tư Khoa hôm Chúa Nhật. Mạc Tư Khoa cho biết lực lượng phòng không Nga đã chặn được hỏa tiễn. Ngay sau đó, Nga cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ một hỏa tiễn khác của Ukraine trên cùng khu vực nửa giờ sau cuộc tấn công đầu tiên.

Razvozhaev yêu cầu cư dân Sevastopol di tản đến nơi trú ẩn không kích gần nhất của họ, trước khi cập nhật thêm rằng cảnh báo không kích đã kết thúc. Các kênh Telegram địa phương đưa tin về một số vụ nổ xung quanh thành phố cảng, nơi đóng quân của một phần hạm đội hải quân Hắc Hải của Nga.

Chính quyền Crimea cho biết giao thông qua Cầu Crimea, còn được gọi là Cầu Kerch, “tạm thời bị chặn” nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Cầu Kerch là cầu nối chiến lược quan trọng giữa khu vực Krasnodar của Nga và Bán đảo Crimea, được Putin khánh thành vào năm 2018.

Ngay sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hắc Hải nổi lên như một chiến trường quan trọng. Ukraine tuyên bố sẽ đòi lại Crimea, nằm ở phía nam đất liền nhưng do lực lượng của Điện Cẩm Linh kiểm soát kể từ khi sáp nhập vào năm 2014.

Ukraine thường xuyên tấn công vào các tài sản của Nga trên khắp Crimea, bao gồm cả ở Sevastopol, thường sử dụng hỏa tiễn hành trình do phương Tây cung cấp và máy bay không người lái tấn công. Kyiv đã thành công trong việc đánh chìm kỳ hạm Moskva của Hắc Hải vào tháng 4 năm 2022 và hạ gục một tàu ngầm Nga vào tháng 9 năm 2023.

Vào cuối tháng 12, Ukraine đã nhắm vào tàu đổ bộ Novocherkassk của Nga ở cảng Feodosia phía đông Crimea.

Sau vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết Điện Cẩm Linh đã mất 20% hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó, đồng thời nói thêm: “Sự thống trị của Nga ở Hắc Hải hiện đang bị thách thức”.

Đầu tuần này, Atesh, một phong trào quân sự của người Ukraine và người Tatars ở Crimea phản đối sự cai trị của Nga ở Crimea, cho biết họ đã xác định được vị trí một tàu tuần tra Nga bị chìm cách Sevastopol không xa. Nhóm du kích cho biết con tàu có thể đã bị thuyền không người lái của hải quân Ukraine làm hư hại.

“Hình ảnh vệ tinh về tọa độ do Atesh cung cấp xác nhận rằng tàu hộ tống đã chìm trong khoảng thời gian từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm.

2. Đối mặt với xe tăng T-90 của Nga, xe chiến đấu M-2 của Ukraine hết đạn. Chuyện gì xảy ra sau đó?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Face To Face With A Russian T-90 Tank, A Ukrainian M-2 Fighting Vehicle Ran Out Of Armor-Piercing Ammo. So Its Gunner Got Creative.”, nghĩa là “Đối mặt với xe tăng T-90 của Nga, xe chiến đấu M-2 của Ukraine hết đạn xuyên giáp. Vì vậy, xạ thủ của nó đã sáng tạo.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Khi một cặp xe chiến đấu bộ binh M-2 Bradley của Ukraine gần đây đã tấn công một chiếc xe tăng T-90 của Nga ở Stepove, bên ngoài Avdiivka ở phía đông bắc Ukraine – cuối cùng đã vô hiệu hóa chiếc xe tăng được trang bị vũ khí và bọc thép mạnh hơn – cuộc giao tranh gần như kết thúc trong thảm họa đối với các quân nhân trên các xe thiết giáp Ukraine.

Một trong những chiếc Bradley nặng 30 tấn—được giao cho Lữ đoàn cơ giới số 47 của quân đội Ukraine—đã bắn trúng chiếc T-90 được vài phát đạn với khẩu pháo tự động 25 ly trước khi hết đạn, phải tăng tốc bỏ chạy, để lại chiếc Bradley thứ hai tấn công ở cự ly chỉ vài chục mét.

Kíp lái ba người của chiếc M-2 thứ hai — gần 200 chiếc mà Hoa Kỳ tặng cho Ukraine vào năm ngoái — đã nổ súng bằng đạn xuyên giáp 25 ly. Và đó là lúc thảm họa suýt ập đến.

Sau đây là lời khai của kíp lái M-2, được chương trình truyền hình TCH của Ukraine đưa tin và được @wartranslation dịch. “Chúng tôi đã bắn bằng tất cả những gì có thể,” xạ thủ Serhiy nói với TCH. “Đầu tiên là với đạn xuyên giáp. Và sau đó chúng tôi bắt đầu gặp vấn đề.”

Không rõ những vấn đề đó là gì. Có lẽ kíp lái đã hết đạn xuyên giáp. Trong mọi trường hợp, nó phải chuyển sang loại đạn khác, ít mạnh hơn - có thể là loại đạn có sức nổ cao.

Những đòn tấn công mà Serhiy ghi được bằng đạn xuyên giáp vẫn chưa xuyên thủng lớp giáp phản ứng bổ sung của T-90, chưa nói đến việc xuyên thủng lớp giáp cơ bản tổng hợp dày hàng trăm ly của nó.

Chính lớp giáp đó, cộng với pháo chính nòng trơn 125 ly của T-90, đã khiến chiếc xe tăng này vượt trội hơn so với M-2 được trang bị súng nhỏ hơn và giáp mỏng hơn nhiều, mọi thứ khác đều như nhau.

Nhưng mọi thứ đều không bình đẳng ở Stepove ngày hôm đó. Mặc dù đã hoàn thành khóa huấn luyện ở Đức chỉ vài tuần trước trận chiến với T-90 nhưng Serhiy đã thích nghi rất nhanh. “Tôi đã nhớ tất cả mọi thứ,” anh nói, so sánh việc vận hành một chiếc M-2 với việc chơi trò chơi điện tử.

Không thể xuyên thủng chiếc T-90 nặng 51 tấn, Serhiy đã nhắm vào bộ phận quang học mỏng manh của xe tăng. “Tôi bắt đầu làm anh ta bị bịt mắt để anh ta không thể rời đi.”

Các video quay bằng máy bay không người lái đầy kịch tính về cuộc giao tranh mô tả những gì xảy ra tiếp theo. Dùng đạn pháo tự động nặng 1 pound tấn công chiếc T-90, Serhiy kích hoạt một số áo giáp phản ứng nổ của xe tăng và phá hủy hệ thống quang học.

Tháp pháo của nó quay tròn, chiếc xe tăng mất kiểm soát và lao vào một cái cây. Ba quân nhân Nga đã được cứu. Một người, là người lái xe, được cho là đã bị bắt. Sau đó, một máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất của Ukraine đã kết liễu chiếc T-90. Xác tàu của nó vẫn còn trên chiến trường những ngày sau đó.

Chiến thuật thông minh của Serhiy cho thấy rằng rất khó để một xe chiến đấu bộ binh ngay cả một loại cân bằng như M-2 có thể hạ gục một chiếc xe tăng trong một trận cận chiến. Nhưng chiến thuật của anh cũng nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ cuộc chiến cam go nào, kỹ năng cũng quan trọng như trang thiết bị.

3. Máy bay không người lái Ukraine 'tấn công' được sử dụng trong cuộc tấn công cảng Nga

Vụ hỏa hoạn bùng phát tại trạm vận chuyển hóa chất ở cảng Ust-Luga, gần St Petersburg ở Nga, sau hai vụ nổ hôm Chúa Nhật, là do một cuộc tấn công của máy bay không người lái Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 22 Tháng Giêng, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết “hoạt động đặc biệt” của cơ quan an ninh SBU đã chủ mưu vụ tấn công, bằng máy bay không người lái.

Hãng tin AP cũng dẫn thông tin truyền thông địa phương cho biết cảng Ust-Luga đã bị máy bay không người lái của Ukraine tấn công khiến kho xăng phát nổ. Ngọn lửa xảy ra tại một địa điểm do Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga điều hành, cách St Petersburg 165 km về phía Tây Nam.

Các quan chức Nga cho biết vụ nổ đã gây ra hỏa hoạn lớn tại trạm Ust-Luga nhưng không có người bị thương.

Theo thống đốc vùng Leningrad, một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất Nga Novatek trên Biển Baltic vào đầu Chúa Nhật, theo thống đốc vùng Leningrad.

“Không có thương vong do hỏa hoạn tại trung tâm chuyển tiếp của Novatek ở cảng Ust-Luga. Nhân viên đã được di tản”, Alexander Drozdenko nói vào sáng sớm Chúa Nhật. Ông nói: “Một chế độ cảnh báo cao đã được áp dụng ở quận Kingiseppsky (bao gồm cả cảng),” đồng thời lưu ý rằng ngọn lửa “đã được cục bộ hóa”.

Drozdenko không cho biết nguyên nhân gây ra vụ cháy tại Novatek ở cảng Ust-Luga, phần thuộc Vịnh Phần Lan của Nga, cách St Petersburg khoảng 170 km về phía Tây và cách biên giới Estonia 35 km.

Quan chức địa phương Yuri Zapalatski cho biết đám cháy bắt đầu ngay trước 02:45 sáng giờ địa phương

Hãng tin Shot của Nga đưa tin trên Telegram rằng người dân trong khu vực đã nghe thấy tiếng máy bay không người lái sau đó là một số vụ nổ. Hãng tin Fontanka có trụ sở tại St Petersburg cho biết ít nhất hai máy bay không người lái đã được phát hiện trên bầu trời bay về phía St Petersburg trước khi có báo cáo về vụ hỏa hoạn tại trung tâm trung chuyển.

Baza, một hãng tin Nga nổi tiếng với các mối liên hệ với dịch vụ an ninh, đã đăng trên Telegram đoạn phim về những ngọn lửa lớn bắn lên bầu trời nơi có vẻ giống như một khu phức hợp công nghiệp.

4. Binh lính Nga xin nghỉ khi cuộc chiến của Putin kéo dài: Video Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Beg for Vacation as Putin's War Drags On: Ukraine Video”, nghĩa là “Video Ukraine cho thấy binh lính Nga xin nghỉ khi cuộc chiến của Putin kéo dài.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong một đoạn video do một quan chức Ukraine phổ biến hôm Chúa Nhật, các binh sĩ Nga dường như đang cầu xin một kỳ nghỉ khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục kéo tới một cột mốc quan trọng khác.

Putin lần đầu tiên phát động cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine vào cuối tháng 2 năm 2022, và cuộc xung đột kể từ đó đã kéo dài hơn hầu hết mọi người từng dự đoán khi cuộc xung đột sắp kỷ niệm hai năm vào tháng tới. Theo ước tính gần đây của quân đội Ukraine, lực lượng Nga đã thiệt mạng hơn 360.000 người trong cuộc chiến cũng như vô số tổn thất về khí tài quân sự. Điện Cẩm Linh không cung cấp tổng số thiệt hại được báo cáo của Ukraine và Newsweek không thể xác minh độc lập con số này. Trong khi các nguồn tin Ukraine có thể thổi phồng những con số như vậy, các chuyên gia khác đồng ý rằng chúng phản ánh tình hình tồi tệ đối với lực lượng Nga.

Hôm Chúa Nhật, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine và là người chỉ trích Nga mạnh mẽ trên mạng xã hội, đã chia sẻ một đoạn clip được cho là cho thấy binh lính Nga đang nói chuyện với người thân, để nhờ cầu xin Sergei Shoigu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, cho một kỳ nghỉ trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra. Họ cũng phàn nàn về việc thiếu nguồn cung cấp quan trọng trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.

“Binh lính Nga cầu xin Shoigu cho kỳ nghỉ, phàn nàn về việc thiếu đồng phục mùa đông và máy sưởi,” Gerashchenko viết trong bài đăng của mình cùng với video. “Họ nói xăng và thực phẩm đang thiếu hụt. Lực lượng xâm lược Tiểu đoàn 2, Đại đội 6, Trung đoàn súng trường cơ giới 26, Đơn vị 12267 viết đơn kháng cáo lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ ‘trong 7 tháng qua, đơn vị không có một ngày nghỉ phép nào, trong khi số người chết và bị thương đang ngày càng tăng.'“

Trong đoạn clip được Gerashchenko dịch sang tiếng Anh, những người lính tuyên bố đã đóng quân ở làng Krynky, nằm ở vùng Kherson, kể từ đầu tháng 8, với đoạn video được cho là được quay vào thứ Bảy. Trong suốt nhiều tháng đó, họ tuyên bố “không có một ngày nghỉ, không một lượt luân chuyển nào” và đã bị bao vây bởi “các cuộc pháo kích liên tục kể từ ngày 2 tháng 8, bằng bom chùm và bom phốt pho”.

“Chúng tôi yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hành động chống lại tình trạng vô luật pháp và bất công đang diễn ra, đồng thời không để tình trạng vi phạm trắng trợn quyền của quân nhân không bị kiểm soát”. “Cảm ơn.”

Trong một tuyên bố gửi tới Newsweek vào Chúa Nhật, Rajan Menon, một chuyên gia về quốc phòng Âu Châu của tổ chức nghiên cứu Ưu tiên Quốc phòng, nói rằng ý nghĩa của video phù hợp với xu hướng bất mãn chung của quân đội Nga.

Menon nói: “Chắc chắn đã có những sự việc định kỳ cho thấy sự bất mãn trong hàng ngũ quân đội Nga, bao gồm cả những cuộc biểu tình công khai của binh lính chống lại các chỉ huy liên tục đưa họ vào trận chiến khiến họ thiệt mạng hoặc bị thương”. “Một ví dụ là tướng Rustam Muradov trong trận đánh Vuhledar vào mùa đông xuân năm ngoái. Những lời phàn nàn đã khiến ông bị cách chức chỉ huy.”

Ông tiếp tục: “Nhưng câu hỏi liên quan là các vấn đề về tinh thần, như được chỉ ra bởi các giai đoạn riêng lẻ, sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh tổng thể của Nga ở mức độ nào. Mặc dù không có cách nào đáng tin cậy để dự đoán tầm quan trọng lớn hơn của chúng nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không có giá trị đưa tin.”

5. Các chi tiết mới liên quan đến chiến hạm bị chìm của Nga ở Sevastopol.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s Drone Boats Blew Up A Russian Warship Three Weeks Ago. But Few People Noticed Until Now.”, nghĩa là “Thuyền không người lái của Ukraine đã cho nổ tung tàu chiến Nga ba tuần trước Nhưng Cho đến nay Ít Người Để Ý.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Ukraine được cho là đã đánh chìm một tàu tuần tra lớp Stenka của Hạm đội Hắc Hải của Nga trong một loạt các cuộc đột kích vào cuối tháng 12. Một hoặc nhiều thuyền không người lái chở đầy chất nổ đã tấn công tàu Tarantul nặng 200 tấn ở Vịnh Graf của Sevastopol, phá hủy nó.

Nhưng phải đến vài tuần sau, các nhóm du kích quân Ukraine mới xác minh được vụ chìm tàu Tarantul—sự xác minh mà hình ảnh vệ tinh trên cao đã xác nhận. Thêm tàu tuần tra cổ điển thời Chiến tranh Lạnh vào danh sách dài và ngày càng tăng các tàu của Hạm đội Hắc Hải mà Ukraine đã ngừng hoạt động.

Trong 23 tháng chiến đấu cam go, Hạm đội Hắc Hải đã để mất một tàu tuần dương vào tay các máy bay không người lái và thuyền không người lái, hỏa tiễn phóng từ mặt đất và hỏa tiễn phóng từ trên không của Ukraine; bốn tàu đổ bộ cỡ lớn; một chiếc tàu ngầm; tàu tiếp tế; một số tàu hộ tống, tàu tuần tra và tàu đổ bộ nhỏ; và Tarantul.

Tổn thất lên tới khoảng 20% sức mạnh trước chiến tranh của hạm đội.

Tệ hơn nữa đối với Hạm đội Hắc Hải là họ không thể thay thế những con tàu bị chìm rất lớn vì chỉ có một con đường duy nhất vào Hắc Hải là qua eo biển Bosporus và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát con đường đó. Theo thông lệ, Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép tàu chiến nước ngoài đi qua Bosporus trong thời chiến.

Để củng cố Hạm đội Hắc Hải, hải quân Nga chắc chắn sẽ phải đưa tàu từ các hạm đội khác trong khu vực đến Hắc Hải. Ngành đóng tàu hải quân Nga đã sụp đổ vào những năm 1990 thời hậu Xô Viết và chưa bao giờ hồi phục được.

Trong khi hầu hết lực lượng hải quân lớn nhất thế giới đang tăng trưởng đều đặn theo một thước đo quan trọng – tổng trọng tải – thì hạm đội thứ ba trên thế giới của Nga hầu như không đứng vững.

Năm 2023, hải quân Nga chỉ thu được 6.300 tấn và kết thúc năm với tổng trọng tải là 2.152.000, bằng 1/3 trọng tải của Hải quân Mỹ. Người Nga lẽ ra đã bổ sung thêm 17.700 tấn vào năm ngoái thông qua việc đóng mới tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu quét mìn và tàu ngầm, nhưng người Ukraine đã cùng nhau phá hủy các tàu của Hạm đội Hắc Hải nặng 11.400 tấn.

11.600 tấn nếu tính cả Tarantul.

Điều đặc biệt đáng xấu hổ đối với Hạm đội Hắc Hải là họ đang thua trong cuộc hải chiến với hạm đội Ukraine mà trước cuộc chiến rộng lớn hơn chỉ có một tàu chiến lớn: là tàu khu trục Hetman Sahaydachniy.

Người Ukraine đã đánh đắm tàu khu trục nhỏ đang neo đậu ở Odesa vào những giờ đầu của cuộc tấn công đầu tiên của Nga vào tháng 2 năm 2022. Với Hetman Sahaydachniy dưới đáy biển, hải quân Ukraine đã trở thành một loại hải quân mới—một lực lượng chiến đấu bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn, với lực lượng lớn được sự hỗ trợ của không quân và bộ binh.

Những máy bay không người lái và hỏa tiễn đó hoạt động. Người Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào cuối năm ngoái, tiêu diệt – chủ yếu bằng hỏa tiễn phóng từ trên không – hai tàu đổ bộ, một tàu ngầm, một tàu hộ tống và một tàu quét mìn đã ngừng hoạt động. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Tarantul là đỉnh điểm của chiến dịch chống tàu tàn khốc kéo dài ba tháng.

Chiến dịch đó kết thúc bằng sự rút lui của quân Nga. Hạm đội Hắc Hải không chỉ rút hầu hết các tàu của mình ra khỏi các cảng ở Crimea mà còn rút chúng khỏi Novorossiysk ở miền nam nước Nga.

Bằng việc đánh chìm 20% Hạm đội Hắc Hải và đẩy tàn quân của hạm đội xa hơn về phía đông, các lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát phía tây Hắc Hải và hành lang ngũ cốc quan trọng nối từ bắc xuống nam qua đó.

Nhưng người Ukraine vẫn chưa ngừng thúc đẩy. Phó Đô đốc Oleksii Neizhpapa, chỉ huy hải quân Ukraine, trưng bày trong văn phòng của mình danh sách tổng thể tất cả các tàu của Hạm đội Hắc Hải.

Mỗi khi người Ukraine đánh chìm một trong những con tàu, Neizhpapa sẽ gạch bỏ nó bằng bút đánh dấu màu đỏ. “Một ngày nào đó, mọi thứ ở đây sẽ có màu đỏ,” ông gần đây nói với tạp chí Pravda của Ukraine.

6. Nga đang mở một cuộc tấn công lớn vào Avdiivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Footage Shows One of Russia's 'Largest Assaults' on Avdiivka”, nghĩa là “Đoạn phim chiến tranh Ukraine cho thấy một trong những 'cuộc tấn công lớn nhất' của Nga vào Avdiivka.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim mới dường như cho thấy một trong những “cuộc tấn công lớn nhất” của Nga vào Avdiivka trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công dữ dội của Mạc Tư Khoa vào thị trấn Donetsk đang bị bao vây, khi quân đội Nga tiến chậm dọc theo hàng trăm dặm tiền tuyến xuyên qua Ukraine.

Trong một đoạn video do Lữ đoàn cơ giới độc lập số 110 của Ukraine đăng tải hôm thứ Bảy, khói từ nhiều nguồn bao phủ khắp khu vực khi máy bay không người lái ghi lại những gì dường như là cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và Nga.

Đoạn video cho thấy có vẻ như một đoàn xe Nga đang di chuyển qua cánh đồng, trong đó một trong các phương tiện đã va phải mìn. Lữ đoàn cho biết lính Nga tiếp cận sau khi các phương tiện ban đầu dừng lại sau vụ nổ của quả mìn và các chiến binh của Ukraine bắt đầu giao tranh với quân đội Nga.

Nga đã phát động cuộc tấn công xung quanh Avdiivka hơn ba tháng trước, khiến hàng ngàn người ở cả hai bên thiệt mạng ngay trước mùa đông khắc nghiệt.

Các nhà phân tích phương Tây ban đầu tỏ ra lạc quan về việc Avdiivka cầm cự và hàng phòng ngự của Ukraine vẫn không bị chọc thủng. Nhưng hầu như hàng ngày, Mạc Tư Khoa đều nhích xa hơn xung quanh khu công nghiệp.

Những bước tiến xung quanh Avdiivka đã khiến lực lượng của Điện Cẩm Linh phải trả giá đắt. Theo phân tích hình ảnh vệ tinh của dự án Frontelligence Insight, từ khi Nga phát động cuộc tấn công vào thị trấn vào ngày 10 tháng 10 và ngày 28 tháng 11, Mạc Tư Khoa đã mất hơn 211 phương tiện xung quanh Avdiivka.

Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng Nga đã mất khoảng 200 xe thiết giáp trong ba tuần đầu tiên của cuộc tấn công vào Avdiivka.

Lực lượng Nga sau đó đã chuyển sang các cuộc tấn công do bộ binh chỉ huy để “bảo toàn xe thiết giáp sau hai đợt tấn công đầu tiên vào khu định cư”.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phía nam của họ đã đẩy lùi hai cuộc tấn công của các nhóm tấn công Ukraine, trong đó có Lữ đoàn cơ giới số 47 của nước này dọc chiến tuyến ở Donetsk.

Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine được triển khai xung quanh Avdiivka, phát ngôn nhân của lữ đoàn trước đó đã xác nhận với Newsweek. Lữ Đoàn 47 vận hành tất cả các Xe chiến đấu Bradley do Mỹ cung cấp tặng cho Ukraine, và hồi đầu tuần cho biết đoạn phim cho thấy Bradley bắn vào một xe tăng tiên tiến của Nga đã được lữ đoàn quay gần Stepove, ngay phía tây bắc Avdiivka.

Hôm Chúa Nhật, quân đội Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi 11 cuộc tấn công của Nga xung quanh Avdiivka trong 24 giờ qua.

“Các cuộc tấn công diễn ra hàng ngày,” Lữ đoàn cơ giới độc lập số 110 của Ukraine nói trong chú thích cho video đăng hôm thứ Bảy.

Việc chiếm được Avdiivka sẽ cho phép Mạc Tư Khoa mở rộng đáng kể các hoạt động hậu cần, gây nguy hiểm cho các hoạt động của Ukraine chống lại các vị trí của Nga ở Thành phố Donetsk và có thể mở đường cho Nga tới Kostyantynivka - một “thành trì khá quan trọng”, cựu đại tá quân đội Ukraine Serhiy Hrabsky nói với Newsweek vào cuối tháng 12.

Giao tranh diễn ra gay gắt nhất xung quanh Avdiivka, nhưng trong những ngày gần đây, Ukraine đã báo cáo có các cuộc đụng độ gia tăng xung quanh thị trấn Bakhmut bị phá hủy mà Nga chiếm được vào tháng 5 năm 2023 và cho đến thành phố Kupiansk phía đông Ukraine, thuộc vùng Kharkiv.

Hôm thứ Bảy, tổ chức nghiên cứu ISW cho biết đoạn phim định vị địa lý cho thấy Nga đã chiếm được khu định cư nhỏ Krokhmalne ở Kharkiv, cách Svatove chỉ hơn 12 dặm về phía tây bắc. Ukraine sau đó xác nhận hôm Chúa Nhật rằng Nga đã chiếm được thị trấn này.

Kyiv đã kiểm soát Krokhmalne kể từ năm 2022 sau cuộc phản công sâu rộng đầu tiên của Ukraine, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine cho biết như trên

Nhưng ông hạ thấp tầm quan trọng của khu định cư, nói rằng chỉ có 45 người cư trú trong làng trước khi chiến tranh toàn diện nổ ra vào năm 2022. Các lực lượng Ukraine hiện đang “ngăn chặn đối phương tiến xa hơn”, ông nói thêm.

Ông nói với Newsweek hôm Chúa Nhật rằng việc Ukraine rút lui khỏi Krokhmalne không làm thay đổi tình hình hoạt động chung dọc khu vực tiền tuyến ở miền đông Ukraine.

7. Sáu người mất tích sau khi một máy bay tư nhân thực hiện chuyến di tản y tế từ Thái Lan đến Nga bị rơi ở một khu vực hẻo lánh của Afghanistan sau khi đi chệch khỏi kế hoạch bay và biến mất khỏi màn hình radar.

Phát ngôn nhân khu vực cho biết vụ tai nạn xảy ra hôm thứ Bảy tại một khu vực miền núi gần huyện Zebak thuộc tỉnh Badakhshan, đồng thời cho biết thêm rằng một đội cấp cứu đã được cử đến nhưng sẽ phải mất 12 giờ mới đến được địa điểm xảy ra vụ tai nạn.

Zebak, một vùng nông thôn, miền núi dân cư thưa thớt, cách thủ đô Kabul của Afghanistan khoảng 250 km về phía đông bắc.

Cơ quan hàng không Nga cho biết có hai hành khách và bốn thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay cứu thương thuê chuyến đi từ phi trường Utapao, gần Pattaya, tới Mạc Tư Khoa qua Ấn Độ và Uzbekistan.
 
GM Ấn Độ bị hàm oan từ chức vì lo âu tính mạng. Tại sao cảnh sát xông vào nhà thờ ở Quận Cam?
VietCatholic Media
05:36 22/01/2024


1. Tuyên ngôn Fiducia Supplicans phản bội những người có khuynh hướng đồng tính cố gắng sống khiết tịnh

National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Former Gay Activist: ‘Fiducia Supplicans’ Hurts Those ‘Struggling for Chastity’”, nghĩa là “Cựu nhà hoạt động đồng tính: 'Fiducia Supplicans' làm tổn thương những người 'đấu tranh giữ sự thanh sạch'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cuộc đời của Di Tolve đã được thay đổi nhờ Đức Trinh Nữ Maria và giờ đây anh giúp đỡ những người có sức hấp dẫn đồng giới.

Luca Di Tolve, Mister Gay Italia 1990 và là một cựu nhà hoạt động đồng tính, đã đăng một phản ánh trên trang web của mình về tuyên bố Fiducia Supplicans từ Bộ Giáo lý Đức tin (DDF), than thở rằng tài liệu của Vatican đã gây ra đau đớn, nhầm lẫn và đau khổ nơi những người “cố gắng sống khiết tịnh”.

Vào ngày 18 tháng 12 năm 2023, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố Fiducia Supplicans, một tuyên bố cho phép ban phước lành cho các cặp đồng giới và các cặp trong những tình huống bất hợp pháp.

Nhiều giám mục và toàn thể hội đồng giám mục đã bày tỏ sự phản đối của các ngài đối với tuyên bố này. Các giám mục Phi Châu nói chung thậm chí còn tuyên bố vào ngày 11 Tháng Giêng rằng họ dứt khoát từ chối việc chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái để tránh tai tiếng.

Di Tolve, người đã thay đổi cuộc đời mình nhờ Đức Trinh Nữ Maria và hiện đang giúp đỡ những người có sự hấp dẫn đồng giới, đã chỉ ra vào ngày 11 Tháng Giêng rằng với văn bản của Vatican, “chúng ta thực sự là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, khi chúng ta đấu tranh cho sự khiết tịnh, chống lại những thôi thúc của chúng ta và chống lại sự cám dỗ nhượng bộ những tự do sai lầm khiến chúng ta mất tập trung vào việc hy sinh cho một cuộc sống lành mạnh và làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, tình yêu, và ơn cứu độ của Ngài.”

“Tôi đau khổ vì hậu quả của những lý thuyết quyến rũ này bao quanh Giáo hội; Tôi rất buồn trước nhiều cách giải thích sai lầm và mang tính hủy diệt nhằm tìm cách chống lại sự phong phú được tạo ra qua nhiều thế kỷ bởi các Giáo phụ, sách giáo lý và huấn quyền,” Di Tove, người đã chia sẻ chứng ngôn của mình trong cuốn sách “Có một thời, tôi đã là người đồng tính”.

Cựu nhà hoạt động đồng tính cho biết ông rất đau khổ “vì sự nhầm lẫn mà tài liệu này đã tạo ra, xuất hiện trong bối cảnh xã hội trong đó một số sai lầm trần tục không có cơ sở cố gắng thúc đẩy làn sóng 'đề xuất mục vụ' như vậy để khẳng định tính tự nhiên của các mối quan hệ mà chúng ta ai cũng biết không được sinh ra trong trái tim của Chúa.”

Di Tolve cho biết tuyên bố đặt Giáo hội vào tình thế dễ bị tổn thương và “thu hút những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông và những kẻ thù của Giáo Hội hăng say cố gắng chống lại đức tin của chúng ta bằng cách phá hủy mọi thứ gây tai tiếng cho thế giới: như đức khiết tịnh và chân lý.”

Ông giải thích: “Không chỉ có những người bị hấp dẫn đồng giới mà cả xã hội có nguy cơ lầm lạc vì những sai lầm mà Tuyên ngôn này đang mắc phải: Nhiều người trẻ, sẽ buông theo tâm lý của một xã hội hay thay đổi, từ chối hôn nhân, thậm chí cả hôn nhân dân sự.”

Di Tolve cho biết ông muốn “gửi một tiếng kêu khiêm nhường và chân thành để được giúp đỡ, quỳ xuống nhân danh tất cả những người anh em của con đang đau khổ và muốn dâng hiến nỗi đau khổ của họ mỗi ngày vì lợi ích của Giáo hội để cầu xin Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy giúp chúng con. Thưa Đức Thánh Cha, chúng con cần những người cha, chúng con muốn cảm thấy được khích lệ và được chúc lành thực sự giải thoát chúng con khỏi ngục tù của tội lỗi, chứ không phải là cầm giữ chúng con ở đó.”

2. Cuộc thăm dò mới cho thấy tỷ lệ không thuận lợi cho Đức Phanxicô nơi người Mỹ ở mức cao nhất mọi thời

Trên tạp chí Crux ngày 13 Tháng Giêng, John Lavenburg tường trình rằng một cuộc khảo sát mới được thực hiện vào tháng 12 vừa qua đã phát hiện ra rằng trong khi hầu hết người Mỹ trưởng thành vẫn có cái nhìn thiện cảm với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tỷ lệ phần trăm có quan điểm không thiện cảm với ngài đã tăng lên mức cao mới trong 10 năm.

Cuộc khảo sát do tổ chức Gallup thực hiện từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 12 cho thấy 58% người Mỹ trưởng thành nói chung có thiện cảm với Đức Phanxicô, giống như khi ngài trở thành giáo hoàng vào năm 2013. Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ, tỷ lệ phần trăm số người Mỹ trưởng thành có quan điểm không thiện cảm với Đức Phanxicô đã tăng từ 10% lên mức cao mới là 30%.

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ người Mỹ trưởng thành chưa nghe nói đến hoặc không có ý kiến gì về Đức Giáo Hoàng cũng đã giảm từ 31% năm 2013 xuống còn 11% trong cuộc khảo sát mới nhất.

Dữ liệu khảo sát cho thấy xu hướng tương tự nơi người Công Giáo Mỹ cũng như người Mỹ trưởng thành nói chung, theo nghĩa là mức độ quan điểm bất lợi ngày càng tăng. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến một môi trường chính trị bị phân cực trong cả Giáo hội và nhà nước, sự ưa thích của Đức Phanxicô đối với những người Công Giáo Mỹ tự cho là cấp tiến đã tăng lên kể từ năm 2013, trong khi sự ưa thích ngài của những người Công Giáo Mỹ bảo thủ đã giảm sút.

3. Vị giám mục Ấn Độ bị hàm oan đã từ chức giữa những lo ngại về tính mạng

Chỉ vài ngày sau khi một nhóm lãnh đạo cộng đồng yêu cầu bằng chứng cho thấy vị giám mục gây tranh cãi của Mysore ở miền nam Ấn Độ vẫn còn sống, Vatican hôm thứ Bảy tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của ngài.

Trong một tuyên bố dài chỉ có một dòng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Kannikadass Antony William, 58 tuổi, người đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc về hành vi sai trái bao gồm hành vi sai trái về tình dục, tham nhũng, bắt cóc và thậm chí thông đồng giết người ở nhiều thời điểm khác nhau trong nhiệm kỳ sáu năm đầy sóng gió của mình ở Mysore.

Cũng vào ngày 13 Tháng Giêng, Đức Tổng Giám Mục Felix Anthony Machado Địa phận Vasai, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, đã đưa ra một tuyên bố chi tiết hơn cho thấy rằng Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Antony “vì lý do mục vụ trước tình hình khó khăn trong giáo phận”.

Machado, cựu quan chức của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn của Vatican, nhấn mạnh rằng việc từ chức không phải là một biện pháp kỷ luật mà là một quyết định thực hiện pro bono Ecclesia (“vì lợi ích của Giáo hội”) để cho phép chuyển đổi vai trò lãnh đạo.

Trên thực tế, động thái này khiến biện pháp tạm thời được áp dụng cách đây một năm trở thành vĩnh viễn, khi Đức Cha Antony bị tạm đình chỉ vào Tháng Giêng năm 2023. Vào thời điểm đó, Vatican đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu Bernard Moras của Bangalore làm Giám quản Tông tòa của Mysore, và tuyên bố của Machado cho thấy Đức Cha Moras sẽ tiếp tục giữ vai trò đó cho đến khi có người kế nhiệm.

Khi quyết định đó được công bố, Đức Cha Antony đã nói với cộng đoàn trong Thánh lễ rằng ngài sẽ rời khỏi giáo phận để “nghỉ phép chữa bệnh vô thời hạn”.

Nằm ở phía đông nam Ấn Độ, Mysore gần thành phố Bangalore. Nó có khoảng 113.000 người Công Giáo, được chia thành khoảng 80 giáo xứ.

Vào năm 2019, một nhóm gồm 37 linh mục ở giáo phận Mysore đã viết thư cho Vatican yêu cầu Đức Cha Antony phải từ chức với lý do ngài đã có con từ nhiều cuộc tình khác nhau với ít nhất 4 tình nhân khác nhau, rằng ngài có mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức cảnh sát tham nhũng và các quan chức địa phương như cũng như các chính trị gia, và rằng ngài có quan hệ với tội phạm có tổ chức.

Bức thư đó, cùng với các cáo buộc khác, đã dẫn đến một cuộc điều tra do Vatican bảo trợ do ba vị Giám Mục Ấn Độ thực hiện bắt đầu vào tháng 2 năm 2021. Cuối năm đó, một nhóm gồm 113 người, trong đó có 22 linh mục, tự gọi mình là “Ủy ban Hành động của Giáo phận Cứu Mysore” đã viết cho Đức Hồng Y người Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle thuộc Bộ Truyền giáo của Vatican yêu cầu cách chức Antony.

Ngay từ đầu Đức Cha Antony đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và các cuộc điều tra cũng không tìm thấy các bằng chứng khả tín nào cho các cáo buộc chống lại ngài. Nhiều linh mục địa phương cho rằng Đức Cha đã bị cáo gian.

Vào ngày 9 Tháng Giêng, một nhóm lãnh đạo cộng đồng ở Mysore đã gặp Đức Cha Moras tại dinh thự của vị giám mục để cáo buộc rằng có một âm mưu giết Đức Cha Antony.

Nhóm yêu cầu thực hiện hành động chống lại những kẻ âm mưu bị cáo buộc, bao gồm cả việc loại bỏ chức linh mục.

Các nhà lãnh đạo cộng đồng cũng yêu cầu được biết tung tích của Đức Cha Antony, tuyên bố rằng họ không biết hay nghe tin gì kể từ khi ngàia vắng mặt và họ muốn có bằng chứng cho thấy ngài vẫn còn sống và trong tình trạng tốt.

Cả thông báo của Vatican lẫn tuyên bố của Machado đều không cho thấy tương lai của Đức Cha Antony có thể ra sao. Machado cho rằng chức danh của ngài hiện là “giám mục danh dự của Mysore” và không có hạn chế nào đối với thừa tác vụ của ngài, nghĩa là ông được tự do cử hành Thánh lễ, cử hành các bí tích, và tiến hành hoạt động thường lệ của linh mục và giám mục.


Source:Crux

4. Thánh lễ tại nhà thờ Công Giáo California bị gián đoạn bởi sự truy đuổi của cảnh sát vũ trang

Thánh lễ tại một giáo xứ miền nam California đã bị gián đoạn bởi một cảnh sát vũ trang truy đuổi một tay súng bị nghi ngờ vào sáng thứ Ba.

Vụ việc xảy ra trong Thánh lễ lúc 8h30 sáng thứ Ba tại Nhà thờ Công Giáo St. Joseph ở Placentia, Quận Cam, California.

Theo đài tin tức địa phương KCAL News, khi vị linh mục đang nâng Thánh Thể ngay sau khi truyền phép, các cảnh sát bước vào thánh đường, hét vào mặt một người bị tình nghi là tay súng đang ẩn náu trong số những người tham dự. Vụ việc đã được ghi lại trên buổi phát trực tiếp Thánh lễ của giáo xứ, mặc dù video dường như đã bị gỡ xuống.

Đoạn video trích từ buổi phát trực tiếp Thánh lễ của KCAL News cho thấy vị linh mục nâng Bánh thánh và chén thánh, đọc lời nguyện “Đây Chiên Thiên Chúa” khi cảnh sát bắt đầu la hét ở phía sau nhà thờ. Đoạn video cho thấy vị linh mục hạ bánh thánh xuống và giáo dân giơ tay khi cảnh tượng diễn ra.

Nick Sherg, một phó tế tại giáo xứ Thánh Giuse, người có mặt trong Thánh lễ, nói với CNA rằng khoảng 40 sĩ quan cảnh sát đã tiến vào cung thánh với súng rút ra. Sherg nói rằng cảnh sát đã bắt giữ một người bị tình nghi là tay súng mà không gặp khó khăn gì và người đàn ông này là “một giáo dân nổi tiếng, người sau đó đã được thả mà không bị buộc tội”.

Sherg gọi vụ việc là “không thể tin được” nhưng nói rằng anh chưa bao giờ cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của mình vì anh “chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ hành vi gây hấn hoặc bạo lực nào của nghi phạm”.

“Tôi thực sự cảm thấy được an ủi khi biết cảnh sát phản ứng kịp thời, chuyên nghiệp và hiệu quả như vậy,” anh nói. “Tôi có cảm giác rằng họ không biết ý định của nghi phạm và muốn thực hiện công việc của mình càng nhanh càng tốt.”

Sở Cảnh sát Placentia, xác nhận với CNA rằng vụ việc đã xảy ra. Phát ngôn nhân cảnh sát nói rằng các viên chức đã chọn vào nhà thờ trong Thánh lễ vì lo ngại cho sự an toàn của giáo dân và các trường học gần đó.

Connell nói rằng người đàn ông bị bắt đã được cho là đã bắn ít nhất một phát súng từ một khẩu súng ngắn ở khu vực lân cận và sau đó được nhìn thấy đang đi vào nhà thờ. Trong khi Connell nói rằng các sĩ quan bước vào với súng rút ra, ông nói rằng có “khoảng 10 sĩ quan,” chứ không phải 40.

“Các cảnh sát bước vào trong Thánh lễ vì chúng tôi có thông tin về một đối tượng có vũ trang đang ở bên trong. Nếu chúng tôi đợi cho đến khi Thánh lễ kết thúc và giáo dân ra về, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn”, Connell giải thích.

“Chúng tôi thấy đối tượng được đề cập đang ngồi trên một chiếc ghế dài phía sau nhà thờ. Đại đa số giáo dân ngồi về phía trước. Để họ ngồi yên tại chỗ, thay vì giải tán là một lựa chọn tốt hơn nhiều cho sự an toàn của cả các quan chức và giáo dân,” Connell nói. “Ngoài ra, chúng tôi còn có trường St. Joe và các trường công lập khác trong khu vực. Điều cuối cùng chúng tôi muốn là một đối tượng có vũ trang sẽ chạy khỏi chúng tôi và chạy vào một trong những khuôn viên đó.”

Connell nói rằng cảnh sát đã bắt giữ tay súng bị tình nghi, người mà họ tin rằng có thể gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho tất cả những người xung quanh.

“Dựa trên thông tin chúng tôi có, vâng, chúng tôi tin rằng anh ta rất có thể là mối đe dọa đối với giáo dân, học sinh và nhân viên trường St. Joe, cũng như công chúng nói chung,” ông nói và nói thêm rằng “chúng tôi hiểu và chắc chắn nhạy cảm với thực tế rằng đây không phải là thời điểm tốt nhất trong Thánh lễ để nắm bắt kẻ tình nghi. Tuy nhiên, an toàn công cộng nói chung là trên hết.”

Connell cũng nói rằng Sở Cảnh sát Placentia “đã nói chuyện với vị linh mục trong toàn bộ sự việc này sau đó” và rằng “khi nhà thờ được bảo đảm an toàn và người đàn ông bị chúng tôi giam giữ, chúng tôi đã yêu cầu mọi người quay lại bên trong và hoàn thành Thánh lễ”.

Một tuyên bố hôm thứ Ba của Giáo xứ Thánh Giuse cho biết “mọi người đã được di tản khỏi nhà thờ khi họ các nhân viên cảnh sát tiếp tục tìm kiếm, đánh giá và điều tra.”

Theo giáo xứ, nhà thờ và trường học đã bị phong tỏa trong khi cảnh sát lục soát khu vực để tìm thêm nghi phạm cũng như khẩu súng ngắn.

Tuyên bố của giáo xứ Thánh Giuse cho biết: “Chúng tôi đã có thể trở lại Thánh lễ và kết thúc vào khoảng 9:30 sáng”. Mọi người được thả vào khoảng 10h45 sáng và “mọi thứ đã trở lại bình thường”.

Giáo xứ cảm ơn Sở Cảnh sát Placentia “vì sự chuyên nghiệp và hiệu quả của họ”.

Connell nói rằng “người đàn ông bị bắt đã được các thám tử tại sở cảnh sát phỏng vấn” và rằng “sau khi khám xét toàn diện, khẩu súng ngắn được báo cáo đã không bao giờ được tìm thấy.”

Theo Connell, người đàn ông này đã được thả và cuộc điều tra đang diễn ra. Connell giải thích rằng “dựa trên điều này, chúng tôi sẽ không tiết lộ thông tin của anh ta.”

Theo dư luận của anh chị em giáo dân, cảnh sát đã nhầm lẫn người giáo dân với tay súng mà họ truy đuổi.

5. Estonia trục xuất nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga ở Estonia

Ký giả SEJLA AHMTOVIC của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Estonia kicks out head of Russian church”, nghĩa là “Estonia trục xuất nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga ở Estonia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Estonia tuyên bố sẽ không gia hạn giấy phép cư trú cho Tổng Giám Mục Eugene, giáo chủ của Giáo Hội Chính thống Estonia, vì coi ông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Đài truyền hình công cộng Estonia ERR đưa tin hôm thứ Năm rằng vị giáo sĩ Chính thống Nga, tên đầy đủ là Valeri Reshetnikov, sẽ phải rời khỏi đất nước trước ngày 6 tháng 2.

Những tuyên bố công khai của ông với tư cách là đại diện của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa được cho là ủng hộ Nga, quốc gia đang tiến hành một cuộc chiến tổng lực chống lại đồng minh Ukraine của Estonia.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Estonia, Margus Tsahkna, cho biết: “Các đại diện của Bộ Nội vụ đã nhiều lần gặp Reshetnikov để giải thích với ông rằng ông cần phải ngưng ngay việc minh oan cho chế độ Điện Cẩm Linh và các hành động quân sự của Nga trong các tuyên bố của mình”.

“Reshetnikov không thay đổi hành vi của mình, hành vi này được cho là không phù hợp với các giá trị và môi trường pháp lý của Estonia. Đó là lý do tại sao hành động của Reshetnikov gây ra mối đe dọa cho an ninh”.

Ông cho biết thêm: “Hành động của cả Thượng Phụ Kirill và Tổng Giám Mục Eugene đã hỗ trợ chính sách an ninh của Nga ở Estonia,” đồng thời lưu ý rằng quốc hội Estonia đã tuyên bố Nga là một quốc gia khủng bố.

Reshetnikov đã sống ở Estonia được bốn năm và giấy phép cư trú của ông đã được gia hạn hai năm trước - trước khi Nga xâm chiếm Ukraine.
 
Ukraine xóa sổ hệ thống TOR của Nga. Nghị sĩ tố Putin là quái vật, đã bỏ trốn. Y tá Nga đốt trại
VietCatholic Media
16:15 22/01/2024


1. Hệ thống Tor 'quan trọng' của Nga bị xóa sổ trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Video Shows 'Critical' Russian Tor System Wiped Out in Drone Strike”, nghĩa là “Video Ukraine cho thấy hệ thống Tor 'quan trọng' của Nga bị xóa sổ trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Kyiv, Ukraine đã loại bỏ một trong những hệ thống phòng không được đánh giá cao của Nga, khi Mạc Tư Khoa và Kyiv cố gắng giảm bớt mạng lưới phòng không trên mặt đất của nhau.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine hôm thứ Bảy cho biết một máy bay không người lái tấn công của Ukraine đã tấn công và phá hủy hệ thống phòng không Tor của Nga tại một địa điểm không được tiết lộ dọc biên giới nước này với Nga. Lực lượng phòng không Nga đã cố gắng đánh chặn máy bay không người lái “nhưng đã trượt”, GUR của Ukraine cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử Warmate do Ba Lan sản xuất trong cuộc tấn công, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một bài đăng gửi X.

SA-15 Tor, còn được gọi là “Gauntlet”, là một trong những hệ thống phòng không chính của Nga được triển khai ở Ukraine. Đây là hệ thống di động, đất đối không, có tầm bắn tối đa chỉ dưới 10 dặm.

Nó có nhiều biến thể và là một trong những mục tiêu quân sự chính của Ukraine trong suốt cuộc chiến. Bộ Quốc phòng Anh cho biết hồi đầu tháng 12 rằng cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều đang săn lùng các hệ thống phòng không trên mặt đất của nhau, một trận chiến được coi là “một trong những cuộc tranh tài quan trọng nhất của cuộc chiến”.

Ukraine đang săn lùng mạng lưới phòng không Nga như Tor tầm ngắn. Họ cũng đã tập trung các nguồn lực của mình vào việc loại bỏ các hệ thống phòng thủ Buk tầm trung và tầm xa của Nga, chẳng hạn như S-300 và S-400 mà Mạc Tư Khoa đã sử dụng rộng rãi để chống lại Ukraine.

Lực lượng của Kyiv trước đây đã chia sẻ cảnh quay về các hệ thống Tor bị phá hủy trong các hoạt động chiến đấu, bao gồm cả những hệ thống bị máy bay không người lái nhắm tới. Gauntlet được thiết kế để hạ gục máy bay, máy bay không người lái, hỏa tiễn dẫn đường và các loại vũ khí chính xác khác của đối phương ở độ cao trung bình đến thấp.

Bộ Quốc phòng Anh hồi đầu tháng trước đã mô tả SA-15 đóng “vai trò quan trọng và có hiệu quả lớn” trong các hoạt động của Nga ở Ukraine, đồng thời cho biết thêm Gauntlet đang bảo vệ lực lượng mặt đất của Nga ở tiền tuyến.

Tuy nhiên, chính phủ Anh cho biết: “Một trong những hạn chế chính của hệ thống trong cuộc chiến hiện nay có thể là khả năng chịu đựng của thủy thủ đoàn”.

Anh cho biết, với chỉ ba người được phân công phụ trách mỗi hệ thống, việc duy trì SA-15 sẵn sàng trong thời gian dài “rất có thể là một bài kiểm tra khắc nghiệt về độ bền”.

Theo tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, hệ thống Tor đầu tiên được phát triển vào những năm 1980 và ra mắt vào năm 1986. Tor-M, phiên bản nâng cấp đầu tiên của hệ thống ban đầu, được đưa vào sử dụng năm 1991, tổ chức tư vấn cho biết. Phiên bản sau này, Tor-M2, được thiết kế để nhắm vào các mối đe dọa sắp tới, chẳng hạn như số lượng lớn máy bay không người lái.

2. Tướng Ukraine: Bắc Hàn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Nga hiện nay

Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov nói với Financial Times rằng Bắc Hàn hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Nga..

Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn hôm Chúa Nhật rằng Bắc Hàn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Nga hiện nay.

Theo Trung Tướng Budanov, một “số lượng đáng kể” đạn pháo đã được Bắc Hàn chuyển sang Nga, ông cho biết việc này đã “cho phép Nga thở một chút”. Budanov nói thêm: “Nếu không có sự giúp đỡ của Bắc Hàn, tình hình của Putin sẽ rất thảm khốc”.

Budanov nói về nhu cầu của Nga trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ các quốc gia như Bắc Hàn: “ Điều này luôn bị coi là không xứng đáng với họ. Đó là một sự sỉ nhục”.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Budanov cũng cho biết Mạc Tư Khoa đang mất nhiều quân hơn mức có thể tuyển mộ và nhóm Wagner vẫn tồn tại, mặc dù có báo cáo cho biết nhóm này đã bị giải tán.

Về chủ đề Yevgeny Prigozhin – nhà lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner được các nhà điều tra Nga xác nhận đã chết sau vụ tai nạn máy bay vào tháng 8 năm 2023 – Budanov nói: “Tôi không nói rằng anh ta chưa chết hoặc rằng anh ta đã chết. Tôi đang nói rằng không có một chút bằng chứng nào cho thấy anh ta đã chết.”

3. Quân đội được huấn luyện kém của Nga không thể đánh bật Ukraine khỏi vị trí chủ chốt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Poorly Trained Troops Can't Dislodge Ukraine From Key Foothold—UK”, nghĩa là “Vương Quốc Anh nhận định rằng Quân đội được huấn luyện kém của Nga không thể đánh bật Ukraine khỏi vị trí chủ chốt.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một đánh giá mới, quân đội Nga đã không thể đẩy Ukraine ra khỏi lãnh thổ do Kyiv kiểm soát ở bờ đông sông Dnipro. Điều này bất chấp “lợi thế đáng kể” của Mạc Tư Khoa ở tả ngạn sông Dnipro, ở phía nam Ukraine.

Nhóm Lực lượng Dnipro của Nga đã “không thành công trong mọi nỗ lực nhằm đánh bật quân phòng thủ Ukraine” khỏi bờ đông, “mặc dù gần như chắc chắn có lợi thế đáng kể về cán cân lực lượng” trong khu vực.

Chính phủ Anh cho biết: “Rất có khả năng việc huấn luyện và phối hợp kém của các lực lượng Nga trong khu vực đang hạn chế khả năng tấn công của họ”.

Ukraine đã đạt được những thắng lợi sâu rộng ở khu vực phía nam Kherson trong cuộc phản công đầu tiên vào cuối năm 2022, đẩy lực lượng Nga quay trở lại bờ đông sông Dnipro, nơi gần như đánh dấu các chiến tuyến trong khu vực trong suốt năm 2023 và đến năm 2024. Các chiến binh của Kyiv đang ngày càng bị thu hẹp lại. tại các tuyến phòng thủ của Nga ở bờ đông, thiết lập các điểm kiểm soát ở các làng như Krynky.

Ukraine đã hy vọng giành lại quyền kiểm soát của Nga qua miền nam Ukraine trong cuộc phản công mùa hè năm 2023, nhưng những tiến bộ gây ấn tượng này đã không thành hiện thực.

Vào khoảng tháng 4 năm 2023, chính phủ Nga đã lần đầu tiên đề cập đến “Nhóm lực lượng Dnipro” hoạt động ở miền nam Ukraine. Luân Đôn cho biết vào mùa xuân năm ngoái, nhóm này có thể được thành lập sau những tổn thất nặng nề trước lực lượng ban đầu của Mạc Tư Khoa xung quanh Kherson.

Chính phủ Anh cho biết thêm hôm thứ Bảy rằng việc buộc Ukraine phải rời khỏi bờ trái sông Dnipro “vẫn là mục tiêu hoạt động ưu tiên của Nga”. “Rất có khả năng Nga sẽ tiếp tục tấn công ở khu vực Krynky trong những tuần tới bất chấp tổn thất nhân sự ngày càng tăng.”

Trong phân tích mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết lực lượng Ukraine vẫn duy trì vị trí của họ ở tả ngạn sông Dnipro và không có thay đổi nào được xác nhận ở tiền tuyến tính đến thứ Bảy.

Lực lượng phòng vệ phía nam Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết Nga đang tiếp tục nỗ lực đẩy Ukraine trở lại bờ trái, nhưng quân đội Kyiv đã tiêu diệt 14 binh sĩ Nga, 9 xe thiết giáp và 5 máy bay không người lái ở bờ đông trong 24 giờ trước đó. Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cho biết lực lượng của họ đã hạ gục 20 binh sĩ Ukraine và 4 xe quân sự của Kyiv qua chiến tuyến ở Kherson.

Việc tấn công các vị trí của Nga ở bờ trái đang khiến Ukraine phải trả giá. “Tình hình thật tồi tệ,” một binh sĩ Ukraine hoạt động ở bờ đông Dnipro nói với tờ Financial Times trong một bài báo đăng hôm thứ Sáu.

Đầu tuần, Thiếu Tá Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Lực lượng Phòng vệ miền Nam Ukraine, cho biết lực lượng Kyiv đang gặp “khó khăn về hậu cần”, nhưng cam kết mở rộng đầu cầu được thiết lập qua sông.

Humeniuk nói với The Financial Times: “Mọi thứ chúng tôi mang theo đều là những gì chúng tôi có thể tự mang theo. “Có nhiều nhất một số loại súng phóng lựu. Trong một trường hợp rất hiếm hoi, tôi thấy một khẩu súng máy hạng nặng được mang qua đây.”

4. Pháp cung cấp cho Ukraine thêm 12 khẩu pháo trong bối cảnh bị chỉ trích vì không giảm viện trợ cho Kyiv

PARIS – Pháp sẽ cung cấp thêm 12 khẩu pháo tự hành Caesar cho Ukraine, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu cho biết hôm thứ Hai, trong bối cảnh có những cáo buộc rằng Paris không giảm bớt trong việc cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Phát biểu tại lễ ra mắt liên minh pháo binh - một nhóm gồm 23 quốc gia sẵn sàng suy nghĩ về nhu cầu pháo binh lâu dài của Ukraine - Lecornu cho biết Nexter sẽ sản xuất 78 khẩu pháo Caesar dành riêng cho Ukraine. Ngoài chục chiếc mà Pháp sẽ cung cấp, Kyiv còn mua thêm sáu chiếc dự kiến sẽ được giao trong những tuần tới.

Hiện nay, Lecornu đang yêu cầu các nước phương Tây giúp chi trả phần còn lại.

“Điều đó khiến 60 lựu pháo phải được tài trợ và tôi kêu gọi các đồng minh của chúng ta chia sẻ dự luật. Chúng tôi đang nói về khoảng 280 triệu euro, có thể tiếp cận được từ các ngân sách khác nhau của các đồng minh của chúng tôi”, Bộ trưởng Pháp nói. Ông nói thêm, nếu các quốc gia khác sản xuất trang thiết bị quân sự cho Ukraine mà ngành công nghiệp Pháp không sản xuất, Paris sẽ sẵn sàng đóng góp tài chính.

Pháp và Mỹ đang dẫn đầu liên minh pháo binh, một trong năm nhóm được thành lập để lên kế hoạch đáp ứng nhu cầu quân sự lâu dài của Ukraine. Bốn nhóm còn lại tập trung vào phòng thủ đất đối không – liên minh được thành lập ở Berlin vào cuối năm ngoái và do Pháp và Đức đồng lãnh đạo – cũng như lực lượng không quân, lực lượng hải quân và rà phá bom mìn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết trong một bài phát biểu qua video: “Việc tăng cường khả năng pháo binh của chúng tôi sẽ tăng cường an ninh của chúng tôi và sẽ đưa chiến thắng của chúng tôi đến gần hơn”. “Như tình hình trên chiến trường cho thấy, không có loại pháo binh hiện đại nào có thể thay thế được”.

Pháp thường bị cáo buộc là chậm trễ trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine so với các nước khác như Đức và Anh - một cáo buộc thường xuyên bị các quan chức Pháp, bao gồm cả Lecornu, bác bỏ. Tuy nhiên, đầu tuần này, các thượng nghị sĩ Pháp cho biết Pháp không có chiến lược dài hạn để sản xuất đủ vũ khí cho Kyiv.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên rằng Pháp đang hoàn tất thỏa thuận an ninh song phương với Kyiv và ông sẽ tới Ukraine vào tháng Hai. Ông nói thêm rằng Paris sẽ gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa SCALP cho Kyiv và “hàng trăm quả bom”.

Lecornu cho biết hôm thứ Năm rằng mỗi tháng Pháp sẽ cung cấp 50 quả đạn dẫn đường chính xác không đối đất AASM do Safran sản xuất, được điều chỉnh cho các chiến binh thời Liên Xô của Ukraine. Ngoài việc gửi vũ khí, Pháp đặt mục tiêu huấn luyện từ 7.000 đến 9.000 quân Ukraine trong năm nay, ông tuyên bố.

Nhìn chung, Ukraine đã nhận được 49 khẩu pháo Caesar kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Pháp sẽ mua thêm 12 chiếc với số tiền 50 triệu euro từ quỹ đặc biệt trị giá 200 triệu euro dành cho Ukraine đã được các nhà lập pháp đồng ý vào năm ngoái.

Lecornu cho biết, Pháp cũng sẽ sử dụng phản hồi từ phía Ukraine để cải tiến thiết bị, cụ thể là bằng cách bổ sung thêm trí tuệ nhân tạo và bổ sung thêm đạn dược bay lượn, còn được gọi là máy bay không người lái kamikaze.

“Tất cả điều này có thể xảy ra bởi vì Nexter đã chuyển sang nền kinh tế chiến tranh khi nói đến pháo Caesar,” Bộ trưởng Pháp nói với các phóng viên sau vụ phóng, đồng thời đề cập rằng việc sản xuất một khẩu pháo hiện phải mất 15 tháng thay vì 30. Pháp sẽ có thể gửi 3.000 quả đạn pháo tới Ukraine mỗi tháng từ cuối Tháng Giêng, so với 1.000 quả hai năm trước.

5. Quân đội Ukraine: Việc Nga chiếm Krokhmalne chỉ là 'hiện tượng tạm thời'

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 22 Tháng Giêng, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, cho biết, việc Nga chiếm được làng Krokhmalne ở vùng Kharkiv là một “hiện tượng tạm thời”

“Đơn giản là chúng tôi không đưa tin về việc đẩy lùi 100-200 mét, và đối với các nhà tuyên truyền Nga, bất kỳ chiến thắng nào cũng phải được đưa ra để giải thích lý do tại sao họ mất 7.055 binh sĩ tại mặt trận ở vùng trách nhiệm Khortytsia chỉ trong Tháng Giêng,” Cherevatyi nói trong cuộc họp báo. chương trình truyền hình trực tiếp.

Ông nói thêm rằng tiền tuyến thay đổi hàng ngày và việc mất đi thị trấn nhỏ, nơi có dân số 45 người trước chiến tranh, là một “hiện tượng tạm thời”. Cherevatyi cũng cho biết quân đội Ukraine đã được triển khai đến các vị trí dự bị đã chuẩn bị sẵn để phòng thủ và ngăn chặn Nga tiến thêm.

6. Y tá Nga cố đốt văn phòng nhập ngũ bị phạt tù 8 năm

Tòa án Quân khu miền Tây của Nga đã kết án Maxim Asriyan, một y tá đến từ St. Petersburg, 8 năm tù vì âm mưu phóng hỏa văn phòng ghi danh và nhập ngũ quân sự.

Hãng tin độc lập Mediazona của Nga đưa tin hôm thứ Hai 22 Tháng Giêng, rằng Asriyan bị buộc tội trèo qua hàng rào văn phòng và mang theo chất lỏng dễ cháy. Người đàn ông 26 tuổi bị giam giữ tại phi trường Pulkovo ở St. Petersburg vào tháng 10 năm 2022.

Asriyan thừa nhận đã mua nhiên liệu và đến văn phòng nhập ngũ để đốt tòa nhà nhưng cho biết anh đã thay đổi quyết định vì không muốn mọi người bị thương.

Anh ta bị kết tội lên kế hoạch tấn công khủng bố và phản quốc. Theo báo chí đưa tin, cuộc điều tra cho thấy Asriyan “đã liên hệ với các cơ quan đặc biệt của nước ngoài” và nói với một người bạn rằng anh ta “không hài lòng với chính phủ hiện tại”. Anh phủ nhận mọi mối liên hệ với các cơ quan nước ngoài hoặc các tổ chức cực đoan.

Anh ta sẽ phải ngồi tù hai năm rưỡi đầu tiên và phần còn lại của bản án trong một khu hình sự an ninh tối đa.

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra ở Irkutsk, nơi tài xế xe tải Ruslan Zinin bị xét xử vì tội bắn chết một chính ủy quân đội vào năm 2022 và cố gắng phóng hỏa một văn phòng nhập ngũ để ngăn cản việc huy động anh họ của anh ta. Zinin, 25 tuổi, bị kết án 19 năm tù hôm thứ Sáu.

7. Lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của Vladimir Lenin diễn ra trong thầm lặng

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của Vladimir Lenin, một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, diễn ra vào Chúa Nhật, phần lớn sẽ không được tổ chức tại quê hương Nga của ông vào cuối tuần này, nơi nhà lãnh đạo cách mạng bị cáo buộc đã đặt một “quả bom hẹn giờ” bên dưới nước Nga và Ukraine, và nó đã bùng nổ trong thập kỷ qua.

Không có cuộc diễn hành hay bài phát biểu gây xôn xao nào ở Quảng trường Đỏ. Lý do rõ ràng là một trong những người chỉ trích Lenin gay gắt nhất là Vladimir Putin, người tỏ ra say mê hơn nhiều với đế chế mà các nhà cách mạng của Lenin đã lật đổ.

Thường được miêu tả trong nền văn hóa chính thức của Liên Xô như một nhân vật ông nội, người đã mở ra cuộc cách mạng năm 1917, di sản của Lenin đang được sơn lại bằng những màu sắc u ám hơn, bất chấp một số lời cầu xin vấn đề này nên được giải quyết, cả về mặt ngôn từ lẫn hình thức.

8. Nghị sĩ Nga bỏ trốn sau khi chê bai 'quái vật' Putin

Sergei Medvedev, một thành viên hội đồng địa phương ở thành phố Perm của Nga, đã trốn sang nước láng giềng Georgia sau những phản ứng dữ dội và những lời đe dọa ẩn danh ngay sau một bài đăng trực tuyến trong đó ông chỉ trích Vladimir Putin cũng như việc Nga xâm lược Ukraine.

Trong bài đăng chia sẻ trên mạng xã hội Vkontakte của Nga hôm 31/12, Medvedev nói: “Nước Nga, hãy thức tỉnh! Họ đang giết các bạn! Thật kinh khủng khi nhận ra rằng con quái vật đứng đằng sau chuyện này lại đang tranh cử lần nữa.”

Ông nói thêm: “Tôi muốn chiến tranh kết thúc! Tôi muốn thấy nước Nga thoát khỏi xiềng xích của Putin”.

Bài đăng này đã khiến ông bị trục xuất khỏi Đảng Cộng sản vào tuần trước sau khi hội đồng thành phố Perm và các cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu đảng “đưa ra đánh giá pháp lý” về các bài đăng trên mạng xã hội của Medvedev chỉ trích chiến tranh.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản vùng Perm, Kseniya Aytkova, nói “hãy để cơ quan có thẩm quyền tiếp tục công việc của họ”, ám chỉ cảnh sát. Đảng của bà cũng đưa ra một tuyên bố dài khẳng định ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine.

Từ nơi sống lưu vong, Medvedev nói với POLITICO: “Tôi không thể chịu đựng được nữa. Không thể bỏ qua những gì đang xảy ra. Mọi người đang mỉm cười, các chính trị gia đang đưa ra những lời chúc tốt đẹp. Nhưng vấn đề là gì? Đất nước đang suy tàn nhưng khắp nơi vẫn tổ chức ăn mừng”.

Anh nói thêm: “Cả thế giới nhìn chúng tôi như thể chúng ta bị điên. Chúng ta đang trở thành một quốc gia bị ruồng bỏ. Mọi người tỉnh táo đều hiểu điều này.”

Medvedev cho biết ông tin rằng nhiều người ở Nga cũng cảm thấy như vậy nhưng đã im lặng vì sợ hãi. “Nó giống như ở Đức Quốc xã. Làm sao người ta có thể lên tiếng chống lại Hitler ở đó?”

Cuộc đàn áp của Nga đối với những người chỉ trích đã tăng cường kể từ khi Putin ra lệnh xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Các vụ việc gần đây bao gồm việc bỏ tù trái pháp luật thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny và trục xuất các nhà báo nước ngoài trong đó có Eva Hartog, phóng viên của POLITICO, vào tháng 8 năm ngoái.

9. Putin cho thấy ý định sớm tới thăm Bình Nhưỡng

Tuần trước, ông Putin đã gặp Ngoại trưởng Bắc Hàn Thôi Thiện Cơ (Choe Son Hui) trong chuyến thăm Nga của bà và trong cuộc gặp đã cảm ơn nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân vì lời mời tới thăm, KCNA cho biết, dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao.

Nga cảm ơn Bắc Hàn vì sự ủng hộ và đoàn kết trong cuộc chiến Ukraine, đồng thời hai bên cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành động khiêu khích của Mỹ và các đồng minh chống lại quyền chủ quyền của Bình Nhưỡng trong khi đồng ý hợp tác trong các vấn đề khu vực, báo cáo cho biết.

Tuyên bố cho biết thêm, sự hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa sẽ phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các luật pháp quốc tế khác.

10. Nếu phương Tây tịch thu 300 tỷ Mỹ Kim của Nga, Putin có thể tịch thu lại của phương Tây 288 tỷ Mỹ Kim

Hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga hôm Chúa Nhật cho biết họ đã tính toán rằng phương Tây có thể mất tài sản và khoản đầu tư trị giá ít nhất 288 tỷ Mỹ Kim nếu tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga trị giá 300 tỷ Mỹ Kim để giúp tái thiết Ukraine.

Sau khi Vladimir Putin đưa lực lượng tới Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mỹ, Anh và các đồng minh khác đã cấm giao dịch với ngân hàng trung ương và bộ tài chính Nga, phong tỏa khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản có chủ quyền của Nga ở phương Tây.

Các quan chức Mỹ và Anh trong những tháng gần đây đã làm việc để khởi động các nỗ lực tịch thu tài sản của Nga cố định ở Bỉ và các thành phố Âu Châu khác nhằm giúp tái thiết Ukraine, nơi một phần đất nước này đã bị đổ nát.

RIA trích dẫn dữ liệu cho thấy đầu tư trực tiếp của Liên Hiệp Âu Châu, các quốc gia G7, Australia và Thụy Sĩ vào nền kinh tế Nga vào cuối năm 2022 đạt tổng cộng 288 tỷ Mỹ Kim.

Nó cho biết các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu nắm giữ 223,3 tỷ đô la tài sản, trong đó 98,3 tỷ đô la do Síp chính thức nắm giữ, 50,1 tỷ đô la của Hà Lan và 17,3 tỷ đô la của Đức. Cơ quan này cho biết 5 nhà đầu tư Âu Châu hàng đầu vào nền kinh tế Nga còn có Pháp với tài sản và khoản đầu tư trị giá 16,6 tỷ Mỹ Kim và Ý với 12,9 tỷ Mỹ Kim.

Trong số các quốc gia G7, nước này xếp Anh là một trong những nhà đầu tư lớn nhất, trích dẫn dữ liệu vào cuối năm 2021 cho thấy tài sản của Anh ở Nga trị giá khoảng 18,9 tỷ Mỹ Kim. Nó cho biết Mỹ có tài sản ở Nga trị giá 9,6 tỷ Mỹ Kim vào cuối năm 2022, Nhật Bản là 4,6 tỷ Mỹ Kim và Canada là 2,9 tỷ Mỹ Kim.

11. NATO bỏ lỡ mục tiêu quân sự quan trọng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Misses Pivotal Military Target”, nghĩa là “NATO bỏ lỡ mục tiêu quân sự quan trọng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

NATO có thể mạnh hơn và tập trung hơn kể từ Chiến tranh Lạnh, nhưng năm 2024 sẽ chứng kiến tổ chức này bỏ lỡ “mẹ của tất cả các mục tiêu” khi phải vật lộn với sự quay trở lại của một cuộc chiến tranh lớn ở Âu Châu.

Gần mười năm trước, trong bối cảnh Nga sáp nhập Crimea và kích động cuộc nổi dậy vũ trang ở khu vực Donbas phía đông Ukraine, các nhà lãnh đạo NATO đã gặp nhau ở xứ Wales và đặt mục tiêu mới. Họ cho biết, đến năm 2024, các thành viên sẽ nỗ lực hướng tới chi tiêu 2% GDP cho quân đội của họ.

Nga đã trở lại. NATO, tiều tụy vì “sự kết thúc của lịch sử” và vô số cuộc chiến chống nổi dậy cường độ thấp, vẫn chưa sẵn sàng.

Hầu hết các thành viên của liên minh 31 quốc gia trong năm nay sẽ không đạt được mục tiêu 2% trong “Cam kết đầu tư quốc phòng”, ngay cả sau khi Putin đăng quang một thập kỷ kích động bằng cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Trong số những nước vẫn còn thiếu hụt có các cường quốc như Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Tây Ban Nha. Các nhà lãnh đạo NATO cảnh báo, vẫn chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến trực tiếp với Nga ngày càng có khả năng xảy ra.

Michael Allen, người từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống George W. Bush và giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với Newsweek: “Tôi nghĩ NATO hiểu rõ hơn về sứ mệnh và mục đích của mình trong một thời gian dài”. “Tuy nhiên, điều đó càng khiến phần thứ hai trở nên khó hiểu hơn.”

“Nếu họ không làm điều đó bây giờ thì khi nào họ sẽ làm điều đó?” anh ta hỏi.

Sự thất vọng như vậy từ lâu đã vang vọng khắp các hội trường của Quốc hội và Tòa Bạch Ốc, bất kể ai ngồi trong Phòng Bầu dục. Cuộc chiến của Nga một lần nữa chứng tỏ sự phụ thuộc của Âu Châu vào sức mạnh quân sự và tài chính của Mỹ, sự phụ thuộc mà các mục tiêu của xứ Wales có ý định giảm bớt.

“2% thực sự là mẹ của tất cả các mục tiêu, đơn giản vì nó đánh vào trọng tâm của liên minh như một hợp đồng xuyên Đại Tây Dương, trong đó Mỹ bảo đảm an ninh cho Âu Châu và người Âu Châu dự kiến sẽ thực hiện phần việc của mình,” Fabrice Pothier — cựu giám đốc về việc hoạch định chính sách cho NATO, những người đã thực hiện cam kết của Wales—nói với Newsweek.

“Về cơ bản, 2% là để thuyết phục Hoa Kỳ.”

Tính đến hội nghị thượng đỉnh liên minh gần đây nhất vào tháng 7 năm 2023, 11 trong số 31 quốc gia của NATO đã vượt mục tiêu 2%: Ba Lan (3,9%), Mỹ (3,49%), Hy Lạp (3,01%), Estonia (2,73%), Lithuania (2,54). %), Phần Lan (2,45%), Rumani (2,44%), Hung Gia Lợi (2,43%), Latvia (2,27%), Vương quốc Anh (2,07%) và Slovakia (2,03%).

Hiệu suất của những người dọc biên giới phía đông là đáng chú ý. Na Uy (1,67%) là quốc gia NATO duy nhất giáp Nga chưa đạt được mục tiêu 2%. Bộ Quốc phòng nước này đã không trả lời yêu cầu bình luận của Newsweek.

Ở phía đông, các quốc gia NATO thậm chí còn kêu gọi liên minh tiến xa hơn. Năm ngoái, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã cam kết với Tallinn về mục tiêu chi tiêu mới là 3% GDP, nói với Newsweek vào tháng 5: “Chúng ta đang ở trong một thực tế an ninh mới và mọi người đều phải đóng góp phần mình”.

Nhưng những người tụt hậu nói rằng họ có thể cần một thập kỷ hoặc hơn. Đứng sau là các quốc gia tương đối nhỏ, bao gồm Bỉ (1,26%), Slovenia (1,35%) và Bồ Đào Nha (1,48%).

Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cho biết trong một tuyên bố với Newsweek rằng nước này đang trên đà đạt mức 2% vào năm 2035. Debonder cho biết điều này thể hiện một “quỹ đạo tiến bộ và trên hết là thực tế trong bối cảnh xu hướng giảm trong 30 năm qua”.

Luxembourg (0,72%) là quốc gia chi tiêu thấp nhất trong liên minh, mặc dù do quy mô của mình nên đây là quốc gia NATO duy nhất được miễn trừ mục tiêu 2%. Mục tiêu mới của đất nước là chi tiêu 2% tổng thu nhập quốc dân (GNI).

Điều đáng lo ngại hơn đối với liên minh là hiệu quả hoạt động của các cường quốc như Tây Ban Nha (1,26%), Thổ Nhĩ Kỳ (1,31%), Ý (1,46%), Đức (1,57%) và Pháp (1,9%).

Bức tranh chung có thể tươi sáng hơn phần nào sau khi dữ liệu hàng năm của liên minh được công bố tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 ở Washington, DC. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Montenegro nói với Newsweek rằng nước này hiện đang chi 2,01% GDP cho quốc phòng, trong khi một quan chức quốc phòng Bắc Macedonia cho biết họ sẽ đạt 2,05% trong năm nay.

Đan Mạch (chi 1,65% GDP trong tháng 7) “đã phân bổ quỹ quốc phòng lên tới 2% GDP trên cơ sở lâu dài từ năm 2023 trở đi”, một quan chức Bộ Quốc phòng nói với Newsweek.

Thụy Điển – vẫn đang chờ sự phê chuẩn của quốc hội từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi để trở thành quốc gia thứ 32 của liên minh – sẽ “đạt và vượt mục tiêu 2% với ngân sách năm 2024”, một quan chức Bộ Quốc phòng nói với Newsweek. Con số dự kiến cho năm nay là 2,2%.

Nếu những cam kết với Newsweek được thực hiện - và nếu Thụy Điển cuối cùng trở thành thành viên thứ 32 của liên minh - một nửa số thành viên NATO sẽ đạt 2% vào cuối năm nay.