Ngày 19-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:33 19/01/2020
Chương 22:

HIỀN LÀNH

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5, 4)


1. Người hiền lành đều vì lợi ích của mình và của người khác.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:42 19/01/2020
22. KÍNH HAI TRĂM DẶM

Có một viên quan triều đình, trong nhà kho có một tấm kính cổ xưa, và khoe rằng tấm kính này có thể nhìn thấy xa được hai trăm dặm, và đem nó đến tặng cho thừa tướng Lữ Mông Chính.

Lữ Mông Chinh nói:

- “Khuôn mặt của ta lớn không như ngọn lá, sao lại dùng kính chiếu hai trăm dặm để soi hử”.

Viên quan ấy bị nhạo nên mặt đỏ au.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 22:

Khoa học ngày càng tiến bộ, con người đã phát minh ra được những tấm kính soi xa hàng triệu dặm để nhìn vào khoảng không gian vô tận, tìm kiếm những bí ẩn trong vũ trụ bao la, nhưng con người tìm hoài tìm mãi mà cũng vẫn không hiểu được trong vũ trụ không gian có những gì, bởi vì trí óc con người không phải là Thiên Chúa.

Cái mặt người tuy lớn hơn ngọn lá, cái đầu con người tuy không lớn hơn trái banh bóng rổ, óc não con người tuy bỏ không đầy một tô “phở Hoà”, nhưng chưa có một loại kính thiên văn nào chiếu tới nơi tới chốn những suy nghĩ thầm kín trong tâm hồn của con người ta, thế mới biết con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la...

Không có loại kính thiên văn nào có thể chiếu vào tận tâm hồn và khối óc của con người, nhưng Lời Chúa có thể chiếu soi vào tận tâm can của mỗi một con người, chỉ cần họ biết và mở rộng tâm hồn đón nhận Lời của Thiên Chúa, thì tất cả những thầm kín sâu thẳm nơi tâm hồn của họ sẽ được soi sáng.

Tấm kính chiếu soi được hai trăm dặm không là gì với loại kính thiên văn soi xa hàng triệu dặm, nhưng loại kính hiện đại ấy cũng thua xa người Ki-tô hữu, vì người Ki-tô hữu là những người sở hữu một tấm kính “thông thiên đạt địa” vĩ đại, không những có thể “phục ma hàng yêu” mà còn làm cho họ được sống đời đời, đó chính là tấm kính Lời Chúa vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà tạm còn nguyên lơ lửng không trung trong nhà thờ sụp đổ vì động đất tại Puerto Rico
Đặng Tự Do
16:17 19/01/2020
Động đất phá tan nát tất cả mọi thứ nhưng khi dọn dẹp đống đổ nát người dân Puerto Rico thấy một nhà tạm còn y nguyên

Khuya ngày mùng 6 rạng sáng mùng 7 tháng Giêng, một trận động đất mạnh 6.4 độ Richter đã tấn công Puerto Rico. Đó là thiên tai mới nhất trong hàng loạt các trận động đất bắt đầu từ ngày 28 tháng 12. Trận động đất dữ dội này khiến một người chết, nhiều người bị thương, và gây ra các thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng và khiến Puerto Rico rơi vào tình trạng mất điện hoàn toàn. Chính phủ nước này đã ban hành tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình hình.

Trong cơn động đất kinh hoàng này, nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Guayanilla, cách tâm địa chấn chỉ có 13km, đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Tuy nhiên, trong lúc đào bới để vào bên trong ngôi nhà thờ tìm kiếm những gì còn sót lại, hai linh mục Melvin Díaz và Orlando Rivera, cùng với anh chị em giáo dân phát hiện ra nhà tạm của nhà thờ đang nằm chênh vênh ở mép của bàn thờ. Tuy không có một điểm tựa nào, nhà tạm vẫn ở nguyên tại vị trí chênh vênh như vậy mà không lật nhào xuống, trong khi trần nhà sụp đổ ngổn ngang trên mặt đất.

Cơ quan truyền thông Công Giáo El Visitante của Puerto Rico, giải thích với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng “Nhà tạm gần như lơ lửng trong không khí chỉ chạm nhẹ vào bàn thờ vốn đã xiêu vẹo và nghiêng ngã.”

Anh chị em giáo dân đã cung kính đưa nhà tạm ra như trong hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Không có một vết nứt nào, ngay cả một vết trầy cũng không có.

Trước sự lạ này, các linh mục và anh chị em giáo dân đã đi bộ hàng chục cây số cung kính rước nhà tạm từ Guayanilla về Peñuelas, một thị trấn gần Guayanilla, nơi mọi người đang tạm trú. El Visitante nhận xét “Họ là những anh hùng tôn kính Thánh Thể.”

Cha Melvin Díaz nói với CNA là khi mở khóa nhà tạm ra, ngài thấy các bánh thánh đổ ra khỏi bình đựng nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Bình đựng hoàn toàn không bị hư hại gì.

El Visitante cho biết thêm là nhà tạm đã được giải cứu khỏi nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Guayanilla vào lúc bình minh.

Chỉ ít lâu sau đó, một dư chấn khác ập đến vùi dập ngôi nhà thờ trong đống đổ nát. Phóng viên El Visitante tường thuật rằng “Chúng tôi có cảm tưởng như thế như thể mọi thứ đột nhiên ngưng lại chờ cho nhà tạm được anh chị em giáo dân cứu ra an toàn, rồi động đất mới tiếp tục tiếp diễn.”


Source:Catholic News Agency
 
Tình yêu Chúa luôn đem đến cho chúng ta những cái bất ngờ…
Thanh Quảng sdb
17:11 19/01/2020
Tình yêu Chúa luôn đem đến cho chúng ta những cái bất ngờ…

Trong buổi triều yết vào Chúa Nhật thứ hai mùa Thường niên hôm qua 19/1/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ kinh Truyền Tin, Ngài chia sẻ với họ hãy luôn khởi đầu lại cuộc hành trình đức tin của họ.
(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha nhắc nhớ lại lễ Hiển linh và Chúa chịu phép rửa được cử hành vào hai Chúa Nhật tuần trước, Tin mừng hôm nay tiếp tục giới thiệu cho chúng ta về sự xuất hiện của Chúa Giêsu và mời gọi chúng ta không ngừng khám phá ra tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

ĐTC suy tư việc thánh Gioan Tiền hô sau khi chứng kiến Chúa Thánh Linh từ trời xuống và ngự trên Chúa Giê-su khiến ngài không thể kìm nén mà không mau mắn làm chứng cho Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha nói thánh Gioan thật bỡ ngỡ khi thấy người Con mà Thiên Chúa yêu dấu đã khiêm hạ đồng hành với những người tội lỗi, chính con người ấy đã hiến mình hy sinh làm lễ vật xá tội trần gian! Lời của thánh Gioan đã được lặp đi lặp lại trong các Thánh lễ: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xá tội trần gian!

Một lời mời gọi bắt đầu lại cuộc hành trình đức tin của chúng ta
Lời chứng của thánh Gioan Tiền hô là lời mời gọi chúng ta bắt đầu lại hành trình đức tin của mình: khởi đi từ Chúa Giêsu Kitô, con Chiên đầy lòng thương xót mà Thiên Chúa Cha đã tặng ban cho chúng ta.
Một lần nữa, chúng ta hãy lòng mình ngỡ ngàng trước sự kiện Chúa chọn đứng giữa chúng ta là những kẻ tội lỗi, để hòa đồng với chúng ta là những kẻ tội lỗi hầu giải cứu chúng ta khỏi tội bằng cách gánh lấy tất cả tội lỗi muôn dân trên Ngài hầu cho chúng ta được ơn cứu rỗi!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Thánh Tâm Huế Tổ Chức Xuân Yêu Thương Cho Các Em Khuyết Tật Và Có Hoàn Cảnh Khó Khăn
Trương Trí
10:10 19/01/2020
Đức Tổng Giám Mục Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh cũng là Chủ tịch HĐGM Việt Nam đã phát động chủ đề “CHÚA LÀ NIỀM VUI TUỔI XUÂN”. Với tinh thần đó, sáng Chúa Nhật 19 tháng 1 năm 2020, nhằm 25 tháng Chạp, Dòng Thánh Tâm Huế tổ chức vui Xuân mang dấu ấn “Xuân Yêu thương” cho 160 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến từ các Trung tâm nuôi dưỡng: Mái ấm Nguyệt Biều do các Nữ tu Dòng Mến Thánh giá phụ trách; Trung tâm Bảo trợ trẻ em thuộc chùa Long Thọ; Hội người mù thị xã Hương Thủy; Hội người mù thị xã Hương Trà và Thành phố Huế. Ngoài ra còn có một số người không thuộc các Trung tâm cũng được mời đến tham dự.

Xem Hình

Các em được Hội Dòng Thánh Tâm tổ chức một bữa ăn đầm ấm, việc chăm sóc cho các em ăn thật là một vất vả, linh mục Bề trên Tổng quyền Phero Nguyễn Đức Đức Huyền, linh mục Bề trên Nhà Mẹ Dòng Thánh Tâm Giuse Phan Tấn Hồ đến từng bàn thăm hỏi và động viên các em ăn. Các nữ tu và tình nguyện viên phải chăm sóc cho những em khuyết tật.

Mặc dù là những em khuyết tật, nhưng các em vẫn rất thích thể hiện mình không thua kém bất cứ ai, có em khuyết tật bẩm sinh dù đã 25 tuổi nhưng chân teo lại chỉ bằng nửa cổ tay lại còn gù đã trình diễn ca khúc mùa Xuân, lại có anh tuy mù nhưng hát thật hay như cha ông ta thường bảo: “Có tật có tài”. Các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do các nữ tu Dòng Mến Thánh giá phụ trách lại bài bản hơn với những vũ điệu mùa Xuân hết sức thuần thục.

Ngoài việc tổ chức bữa ăn, Dòng Thánh Tâm còn tổ chức tặng quà cho các em, mỗi em gồm một phần quà và tiền mặt trị giá 200 ngàn đồng. Đây là tấm lòng của các vị ân nhân xa gần đã phối hợpgiúp nhà dòng tổ chức ngày vui cho các em theo tinh thần mang tình yêu thương của Chúa là niềm vui tuổi Xuân đến cho các em nhân dịp Xuân về Tết đến.

Trương Trí
 
Tiệc Xuân Giáo Xứ Paris Mừng Tân Xuân Canh Tý
Lê Đình Thông
17:26 19/01/2020
Kết lễ Chúa Nhật 19/01/2020, sau khi ông Nguyễn Xuân Chương, trưởng ban Phụng vụ Thánh ca kính chúc quý cha, quý thầy phó tế, quý nữ tu và toàn thể cộng đoàn năm mới Canh Tý nhiều ơn phước, ca đoàn tổng hợp do nữ tu Lan Chi, Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán điều khiển, đã hợp ca bài Chúc Xuân :
Xin chúc anh một mùa xuân hạnh phúc
Anh chúc em một mùa xuân hy vọng
Ta chúc nhau một mùa xuân ấm êm
Và chúc mọi người một năm mới bình an.
Sau đó, cộng đoàn cùng tiến vào hội trường theo sự hướng dẫn của cha Vũ Minh Sinh, chung vui bữa tiệc xuân, có phần phụ diễn văn nghệ.
Sau khi các em Thiếu nhi Thánh thể múa lân theo tiếng trống nhịp nhàng, LS Lê Đình Thông, Trưởng ban Mục vụ đã ngỏ lời chào mừng cộng đoàn :
‘‘Trong tiệc xuân năm nay, hội trường được tân trang với bàn ghế mới. Ngoài việc sắp xếp lại hội trường còn là sự tái cấu trúc ban mục vụ. Tất cả các cộng đoàn ngoại thành (Villiers-le-Bel, Sarcelles-Garges, Seine Saint-Denis, Ermont, Marne-la-Vallée), các đoàn thể (Hội các Bà mẹ Công Giáo, Legio Mariae, Phong trào Liên đới Nghề nghiệp, Phong trào Cursillo,Phong trào Thiếu nhi Thánh thể, Hội Yểm trợ Ơn gọi, Nhóm Bữa cơm Chúa Nhật, Nhóm Ephata, nhóm Gia đình Trẻ & Du ca, nhóm Thư viện Giáo xứ, nhóm Internet, ban Tu thư, ban Mục vụ Hôn nhân), các ca đoàn (Ca đoàn Giáo xứ, Trinh Vương, Triều Dâng, Lê Bảo Tịnh, Thiếu nhi Thánh thể) đều có đại diện tham gia ban mục vụ. Các vị tham dự tiệc xuân là những cánh én làm nên mùa xuân hiệp nhất của Giáo Xứ. Lời chúc Tết của ban mục vụ được kết thúc bằng bài thơ sau đây :
Ủn ỉn heo kêu, chuột rúc càn
Bàn giao cũ mới lúc xuân sang
Toàn ban mục vụ chung lời chúc :
Thánh ân tuôn đổ lộc đầy tràn
Giáo xứ xum vầy tình hiệp nhất
Cha, Sœurs, Phó tế phước miên man
Già trẻ lớn bé đều khỏe mạnh
Suốt năm Canh Tý được bình an.
Sau đó, Cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang đã chúc Tết toàn thể cộng đoàn và ban phép lành cho bữa tiệc xuân thân hữu.
Ông Võ Tri Văn, phó ban mục vụ, trong lễ phục long phượng giao duyên, đã đọc Sớ Táo Quân, được điểm xuyết bằng nhịp trống :
Muôn tâu Thượng đế
Ở dưới trần thế
Phía bắc Paris
Năm Hợi qua đi
Canh Tý vừa tới
Tân trang đổi mới
Mục vụ tăng cường
Cha Sang đảm đương
Lo toan mục vụ
Thêm nhiều ý tứ
Mọi việc trong ngoài
Diễn tiến khoan thai
Trong ban giám đốc
Vừa nở thêm lộc :
Cha Bruno Vinh
Chung lo hành trình
Cùng dâng thánh lễ
Cho ba thế hệ :
Từ Ephata
Các bậc mẹ cha
Thiếu nhi Thánh thể
Công việc lanh lẹ v.v.

Hai MC Trần Thị Trúc Tiên và Nguyễn Anh Hải đã điểu khiển chương trình văn nghệ đặc sắc, có ban nhạc phụ họa. Sau cùng là phần xổ số.
Bữa tiệc xuân kết thúc hồi 17 giờ cùng ngày.

Lê Đình Thông
Hình ảnh : Cha Vũ Minh Sinh, DCCT


 
Người Khác Là Hồng Ân. 20.1.2020
Lm Lý Phan Sinh
20:49 19/01/2020
Người Khác Là Hồng Ân

“Lạy Ngài, xin cho con được sáng” - Luca 18: 35-42)

(Let me see again)


Tôi xin mượn lại bài viết với tựa đề: “Người khác là Hồng Ân” để bắt đầu bài viết nầy:

Người Khác Là Hồng Ân

Khi mở mắt chào đời trong tiếng khóc

Cạnh bên con đã có bóng người

Tiếng mẹ hiền ru khẽ nhẹ bên nôi

Cho con nhỏ an lòng trong giấc điệp.

Dần lớn lên con lại càng cảm nghiệm

Không có người con sẽ sống với ai?

Và nhờ ai mà có tấm hình hài?

Không người khác con trở thành vô dụng.

Cúi lạy Cha, xin cho con hiểu đúng

Quà Cha trao người khác đến cùng con

Là hồng ân thật to lớn vô cùng

Trong người khác, Đức Kitô có mặt.

Vì người khác, Đức Kitô cứu độ

Như cho con, Người ban hiến mạng mình

Nhận anh em là con nhận Thần Linh Nhận sức sống,

suối trường sinh Cha tặng.

Không một ai con có quyền xa cách

Vì Cha mong con đón nhận mỗi người...

Mỗi ưu tư, mỗi tiếng khóc, mỗi tiếng cười,

Mỗi nhịp sống của con người đồng loại.

Càng đón nhận, con lại càng biến đổi

Tấm lòng con bỏ ngỏ rộng thênh thang

Đón anh em là con sống Thiên Đàng

Vì người khác là đường đưa tới đích.

Vì người khác là Mùa Xuân Bất Diệt

Bởi nhờ người, con biết cảm biết yêu

Bởi nhờ người, con được hưởng niềm vui

Và trao tặng niềm vui cho người khác.

Là tìm kiếm niềm vui cho người khác

Là tôn kính, là phục vụ anh em

Là tha thứ, là yêu mến thảo hiền

Là đón nhận hồng ân Cha trao tặng.

Là sống đúng ý Cha hiền căn dặn

Con cùng Cha lo hạnh phúc cho đời

Con cùng Cha lo hạnh phúc cho người

Hạnh phúc Cha con là YÊU NGƯỜI KHÁC.

Trong những năm gần đây, tôi có dịp sang Cambốt vào những dịp nghỉ hè hằng năm làm công tác từ thiện giúp đồng bào Việt Nam-Cambodian nghèo…bằng những gì có thể giúp được… trong khả năng hạn hẹp của mình.

Một hôm, cùng mấy em thiếu nhi đi tham quan những nhà sàn xung quanh nhà thờ Việt Nam, tôi thấy hai bà cụ già, ngồi trên ‘Nhà Sàn’ cùng đọc báo với một cặp kính gẫy gọng, được thay thế bằng hai sợi dây chì nhỏ… với hình ảnh nầy, tôi chợt nghĩ ở Úc, mỗi khi thay đổi kiếng thì những kiếng cũ sẽ phế thải… tôi quyết định làm người ‘Hành Khất’ đi xin các tiệm bán kiếng thuốc…. ngày qua ngày, tuần qua tuần ‘Khất Kiếng’. Không ngờ, hơn 4.000 kiếng độ và kiếng mát đã thu được từ những tiệm kiếng và của giáo dân trong giáo xứ nữa… đã gởi tặng cho ‘Tha Nhân-Người Khác’ ở Cam Bốt, Lào và Việt Nam trong suốt mấy năm qua.

Qua câu chuyện của Lagiarô và người Phú Hộ trong Tin Mừng Luca 16: 19-31, tôi thầm nghĩ: Thà làm người ‘Hành Khất’ trong cuộc đời trần thế nầy còn hơn là ‘Không Có Cơ Hội khi muốn làm người ‘Ăn Xin’ trong kiếp sau.

Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” Luca 18: 35-42

Chương Trình Mỗ Mắt Cườm Thiện Nguyện.


Trước lễ Giáng Sinh khoảng vài tháng, tình cờ tôi nhận được điện thoại của một người đồng hương Việt Nam… chị ta hỏi tôi, năm nay, tôi có chương trình mỗ mắt cườm như những năm trước cho người nghèo ở Việt Nam không? Tôi trả lời là chắc không vì tôi có đang có dự định cho những chương trình từ thiện khác. Chị ta nói: Con muốn hai đứa con trai chúng con: một đứa đang học Đại Học và một đứa gần mãn Trung Học, chúng được sinh trưởng ở hải ngoại, vợ chồng chúng con muốn các cháu về Quê Hương Việt Nam dịp nghĩ hè… chúng con muốn các cháu nhìn thấy những người đau khổ, kém may mắn… như những người mù… chúng con sẽ đưa các cháu đi thăm những Trung Tâm Mù và chúng con muốn đưa các cháu đi đến nơi Cha tố chức cho những người mỗ mắt cườm miễn phí… gia đình của chúng con sẽ tài trợ phần nào giúp cho chương trình thiện nguyện nầy của Cha”… Sau khi suy nghĩ… tôi nhận lời… thế là tôi phải liên lạc với những “Thiện Nguyện Viên” của tôi “Tuyển Bệnh Nghèo”….. từ Cambốt, Rạch Giá, Long Xuyên, Long Khánh, Tiền Giang…

Sáng sớm ngày 14.1.2020, chúng tôi đi đến Bệnh Viện Trưng Vương, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, khi vào đến bệnh viện, chúng tôi đã thấy rất nhiều người đã đến chờ làm thủ tục nhập viện từ sáng sớm… Các bệnh nhân nầy không biết chúng tôi là ai… sau một thời gian chào hỏi nhau…. Chúng tôi cảm thấy gần gũi với những “Đồng Hương-Kém May Mắn Nầy”. Trong đoàn người nấy, chúng tôi biết được có hai Tu Sĩ Nam, Dòng Tên từ Rạch Giá dẫn đoàn đi mỗ mắt và một nữ tu dẫn đoàn từ Cambodia qua. Được biết có người đây là lần đầu tiên đặt chân đến đất “Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông” trong đời”.

“Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy!” Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã quá quen thuộc với bài Tin Mừng Chúa mở mắt cho người mù thành Giêricô… Nghĩa là anh ta chẳng thấy gì trong thế giới vật chất từ lúc mới chào đời cho đến hôm nay. Anh ta cũng chẳng biết tự đâu mình được sinh ra, sinh ra để làm gì và sẽ đi về đâu? Anh đã sống trong kiếp mù lòa và hoàn toàn đầu hàng trước cuộc sống.

Trong lúc giữa đám đông đang đặt câu hỏi tại sao anh lại bị mù? Lỗi nầy của anh hay cha mẹ anh thì Chúa Giêsu đã xuất hiện và Ngài tuyên bố: "Không phải tại y cũng như cha mẹ y, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi y". Bài học trước tiên chúng ta học được hôm nay là không nên phán đoán sự vật bằng đôi mắt nhân loại, nhất là không nên lên án anh chị em mình vì cho nên Chúa phạt, đang đời hay đáng kiếp!

Một bài học sâu xa hơn nữa chúng ta cũng học hỏi được hôm nay đó là sự khiêm nhường, luôn thấy mình mù trước những kỳ công của Thiên Chúa. Đừng tự cao tự đại trong cái hiểu biết hạn hẹp của mình. Chính vì cái hạn hẹp mù lòa nầy mà Chúa Giêsu đã đến để mở mắt đức tin cho cho chúng ta như Ngài đã chữa mắt cho anh mù. Khi đã được sáng mắt chúng ta sẽ đi đúng đường lối của Chúa chỉ cho.

Hy vọng hai cháu của gia đình người đồng hương từ hải ngoại về sẽ mở to đôi mắt để nhìn thấy những bạn cùng trang tuổi mù lòa kém may mắn. Hai cháu sẽ tân tay trao tặng những kiếng mát cho những ông bà cô bác được cha mẹ các cháu dè xẻn-tần tiện trong công việc khó nhọc giúp đỡ cho những ông bà cô bác… và những kiếng đọc sách mà ở hải ngoại mỗi khi thay hay đổi kiếng mới người ta bỏ đi…. Recycled.

Trên màn ảnh truyền hình, trong báo chí, truyền thanh chúng ta nghe hay đọc thấy mỗi ngày, biết bao là hình ảnh tin tức tốt xấu đều có. Nhưng chúng ta có thực sự thấy được những gì sống thực phía sau những hình ảnh đó không? Sau những phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Phi Châu, chúng ta có thấy những em bé thân hình tiều tụy với bộ xương khô đét, những bà mẹ đang bồng bế những đứa con thiếu dinh dưỡng trong sự đói rách tang thương! Chúng ta có thấy không? Hay mắt chúng ta chỉ thấy mà lòng chúng ta không dấy lên tâm tình nhân loại thương cho số kiếp đói nghèo của anh chị em đó, vì họ cũng là những con cái Chúa như chúng ta?

Chúa Giêsu đã đến và Ngài lại cứu anh mù vào ngay ngày lễ nghỉ, theo luật Dothái cấm làm việc, ngày được dành ra trong tuần để thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng Chúa muốn chúng ta hiểu rằng, khi giúp tha nhân trong ngày thứ bảy - bây giờ là ngày Chúa Nhật - không phải là sự lỗi luật mà trái lại là điều làm sáng danh Chúa, vì chúng ta thực hành tình bác ái như Chúa đã dạy.

Dịp Tết - Mùa Xuân “Canh Tý-Con Chuột” đang đến trên Quê Hương Đất Mẹ Việt Nam, rất nhiều người về xum họp với Gia Đình-Giáo Xứ vui Xuân, có một lúc nào đó chúng ta suy nghĩ vế nguời “Đồng Hương-Hàng Xóm” bên cạnh nhà không có gì để ăn Tết không? Người Khác Là Hồng Ân”, xin đừng nghĩ “Người Khác Là Gánh Nặng”.

Ở Úc, năm nay, “Thiên Tai-Cháy Rừng” thật khủng khiếp dữ dội nhất trong lịch sử của Nước Úc… người người chung tay góp sức “Cứu Trợ-Giúp Đỡ” cho những nạn nhân của Thiên Tai. Ngay cả trong mùa thi đấu thể thao hằng năm trong Mùa Lễ Nghỉ của tháng 12.2019-1.2020 nầy các vô địch viên đều hiến tặng tiền thưởng tiền thi đấu cho chương trình cứu trợ nhân đao. Trong nước Úc, người ta rất thương thú vật, như Kangaroo, Koala, cá sấu và những thú đồng hoang khác… Chính phủ và Hội Bảo Vệ Động Vật đã kêu mời nhân dân Úc bảo trợ động vật để cứu nguy và bảo tồn động vật sau những vụ cháy rừng khủng khiếp đã giết chết hằng triệu thú đồng hoang.

Trên các vĩa hè thành phố, khu phố thương mại tấp nập kẻ buôn người bán, chúng tôi thấy có những em bé cầm lon, xin tiền cứu trợ hoả hoạn…

Giáo Hội Công Giáo trong hai tuần lễ đã kêu người tín hữu “Kẻ Ít Lòng Nhiều” đáp lại lời mời gọi của chính phủ chung bàn tay cứu trơ nhưng nạn nnân của thiên tai và chung sức xây dựng lại đất nước. Người tín hữu Công Giáo, qua học hỏi, chia sẻ lời Chúa và những gương sống vị tha trong lịch sử Giáo Hội, phải nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa trong anh chị em đồng loại, nhất là những anh chị em nghèo đói đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhất là những nạn nhân của thiên tai cháy rừng. Nếu hấp thụ được điều nầy thì mắt chúng ta sẽ luôn luôn mở ra trước những nỗi thống khổ của anh chị em cũa thiên tai cháy rừng, như thế chúng ta khỏi mù lòa trước nỗi rên xiết của anh em đồng loại.

Chúa đã đến mở mắt cho chúng ta được sáng, nhưng sau khi được nhìn thấy ánh sáng của Chúa chiếu soi, chúng ta sẽ có nhiều suy nghĩ và đưa đến những hành động thiết thực cho chính mình và tha nhân. Dĩ nhiên những điều chúng ta thực hiện theo tiếng nói của lương tâm - dưới ánh sáng đức tin - sẽ mang đến những hậu quả tốt cho tha nhân và thiệt thòi cho bản thân cho gia đình hay cá nhân. Ánh sáng nầy sẽ soi dẫn chúng ta thực hiện những điều đi ngược với những gì thế gian mong muốn.

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ sau đây về Đức Hồng Y Newman. Trước kia, Ngài thuộc Giáo Hội Anh Giáo, sau nầy thì Ngài trở lại Công Giáo. Một hôm, có nhóm người đến hỏi Ngài là tại làm sao người ta không trông thấy Chúa? Ngài cầm tay một người trong nhóm và viết vào lòng bàn tay người đó chữ "CHÚA". Sau đó, Ngài hỏi tất cả những người đứng chung quanh họ thấy gì? Đương nhiên tất cả đều trả lời là họ thấy chữ "Chúa".

Sau đó, Ngài thò tay vào túi lấy ra một đồng bạc, Ngài để đồng bạc đó trên lòng bàn tay của người kia và hỏi đám đông: "Bây giờ đây, anh chị em thấy gì? Mọi người trả lời: "Chúng con thấy đồng bạc". Tế nhị Ngài diễn giải: "Nếu người ta thấy tiền thì không thể thấy Chúa được".

Đúng vậy, thưa Anh Chị Em, nếu chỉ muốn thấy của cải danh vọng, thân xác, thì không thể thấy Chúa được. Nếu chỉ sống trong hận thù, ghen ghét gian dối, lường gạt, bất mãn, tội lỗi thì không thể thấy Chúa được. Hôm nay, qua câu chuyện Chúa chữa người mù từ khi mới sinh để anh được thấy ánh sáng. Ánh Sáng đó là Thiên Chúa. Sự mù lòa tối tăm là của cải, danh vọng, dục vọng, hận thù, ghen ghét, gian dối, lường gạt, bất mãn và cả tội lỗi nữa.

Mượn lời của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta để kết thúc bài viết về Tình Chúa bao la hay Người khác là Hồng Ân: “Đôi giày bạn không còn mang nữa, nó thuộc về những người đi chân đất. Chiếc áo bạn không còn mặc nữa, nó thuộc về những người không có áo mặc…”. Hãy nhìn lại-kiểm điểm lại trong nhà kho-garage để xe của chúng ta, trong tủ quần áo, những kệ để giày dép, chúng ta sẽ thầy có những bộ đồ, những đôi giầy và nhiều đồ vật khác, đã lâu rồi chúng ta không còn xử dụng nữa…. hãy cho đi hay dâng tặng cho người khác họ đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta và luôn ghi nhớ: “Người Khác Là Hồng Ân - chứ không phải - “Người Khác Là Gánh Nặng”.

Mùa Xuân Dân Tộc đang đến là dịp thuận tiện để chúng ta sống tích cực cuộc sống đức tin của mình vui xuân nhớ đến tha nhân, tìm gặp lại Chúa, nhìn ngắm Ngài bằng con mắt đức tin của chúng ta qua những cảnh huống, qua anh chị em của mình và sau cùng là qua những biến cố chúng ta gặp gỡ hằng ngày.Hôm nay, chúng ta đến với Chúa như người mù trong Tin Mừng, để xin Ngài ban ánh sáng và rồi hãy giữ mãi ánh sáng của Ngài làm đèn soi bước đường đời chúng ta đi.
 
Đức Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc mừng Xuân Canh Tý với những người neo đơn.
Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P
22:10 19/01/2020
“Con vui lắm! Cả đời con, đây là lần đầu tiên con được Đức Cha mời đến Tòa Giám Mục, được ăn Tết với Đức Cha, con sung sướng quá!” Bà Tám- Giáo xứ Thái An- với giọng run run, chậm chạp bước đi với cái lưng còng gần sát đất- đã nói vội trước khi ra về. Đó là tâm tình của một trong hàng trăm người neo đơn đã đến Tòa Giám Mục Xuân Lộc vào sáng thứ bảy 18/1/2019, để mừng Xuân Canh Tý với Đức Cha Giáo Phận như thư mời mà họ nhận được.

Với dự tính, báo cáo ban đầu, số người tham dự sẽ là 600 nhưng đã nhảy vọt lên gần 1000 người đến tham dự chính thức. Trong số tăng ấy, ngoài đối tượng chính, còn có cả những người nghèo, những người đang đau khổ… xin được tham dự bởi đây được xem như là cơ hội hiếm có trong đời.

Xem Hình

8g00 sáng, những chuyến xe chở các cụ ông, cụ bà, những người đang sống trong cảnh neo đơn, người nghèo ở các giáo xứ, giáo hạt đã về Tòa Giám Mục, cho dẫu 10g00, chương trình mới chính thức bắt đầu.

Có lẽ, cũng ngần ấy người, đây là lần đầu tiên họ bước chân đến Tòa Giám Mục, nênban đầu là sự rụt rè, ngỡ ngàng, dần đã biến mất khi không gian, sự đón tiếp của quý cha vàmọi người đã làm cho họ cảm thấy vui, thân tình hơn, khiến họ quên mất đi những hiu quạnh đời thường mà họ vốn có do chẳng có ai nương tựa. Tòa Giám Mục mau chóng trở thành nhà của họ, khi mà những khách quý hôm nay tự phục vụ cho mình những bàn bánh ngọt, chuối, nước trà, hay cà-bày biện sẵn nơi các bàn ngoài nhà chòi dân dã ở chính giữa sân.

Phần gặp gỡ, sinh hoạt giữa quý cha và mọi người đã đem lại bầu khí khá đặc biệt, nhất là khi những “ca sĩ miệt vườn” với U70, 80, và cả 90 thật đơn sơ, giơ tay đăng ký liên tục để được hát. Nếu còn giờ, có lẽ, ngày mừng Xuân này sẽ chẳng kết thúc vì có chương trình “hát mãi cho nhau nghe” rất vui, hát chẳng cần ban nhạc.

10g30, những dáng người xoay lại, những ánh mắt của những khách đặc biệt hôm nay đổ về phía cuối hội trường để chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo Phận, quả đẹp, cảm động và ý nghĩa. Gần 30 phút để chỉ di chuyển với đoạn đường khoảng 70m của Đức Cha đi giữa bao người, đủ để hình dung thấy Đức Cha đã đặt tay chúc lành trên rất nhiều người như ý họ xin. Những cử chỉ chạm lấy tay, hay áo của Đức Cha, rồi sau đó, họ đặt lên đầu họ, đủ để thấy họ tin và khao khát ơn phúc của Chúa trên cuộc đời họ qua Đức Cha, “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Thế nên, có người vừa được Đức Cha cầm tay chúc lành, đã khóc khi trở về chỗ của mình.

Thay mặt cộng đoàn là những người neo đơn, nghèo khóđang hiện diện, Cha Đa Minh Ngô Công Sứ-Chánh Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa, vàtrong vai trò tổ chức và điều phối chương trình thay Đức Cha Giáo Phận- đã ngỏ lời kính chào và cám ơn Đức Cha Giuse vì đã mời mọi người về đây để được ăn Tết với Đức Cha.

“Từ sáng sớm hôm nay, trong giờ kinh nguyện, tôi đã nghĩ đến ông bà anh chị em, là những người neo đơn, những người đang sống trong cảnh nghèo. Tôi đã cầu nguyện cho mọi người, xin Chú đỡ nâng những đau yếu về thể lý lẫn tinh thần của ông bà anh chị em.” Đó là những tâm tình đầu tiên mà Đức Cha Giáo Phận đã bày tỏ với cộng đoàn đặc biệt này. Thêm nữa, Đức Cha cho biết, ngài thật vui mừng khi được gặp gỡ mọi người tại chính nơi này. Chính từ niềm vui này, Đức Cha đã ngỏ lời cám ơn đến quý cha, quý dì, những cộng tác viên, là những người đã yêu thương, phục vụ anh chị em trong việc tổ chức, hỗ trợ, đưa mọi người về ăn Tết với ngài. “Chính sự phục vụ vô vị lợi trong yêu thương này đã làm vơi đi những nỗi buồn đau của ông bà anh chị em.” Vẫn ở trong khúc dạo đầu của tâm tình chia sẻ, bỗng Đức Cha thay đổi giọng văn nói khiến mọi người đều ồ lên cười thích thú “Nếu ai bảo quý ông bà là những người đau yếu, thì tôi lại thấy ông bà không đau yếu đâu. Bởi có người đã kéo tôi mạnh lắm, khiến tôi muốn ngã luôn! Nếu ai bảo quý ông bà, anh chị em buồn, thì tôi lại chẳng thấy mọi người buồn, vì mọi người hát vui lắm!”

“Thuộc về gia đình của Chúa, của Giáo phận” là ý chính trong tâm tình chia sẻ của Đức Cha dành cho mọi người. Trích dẫn lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Marco 3,34-35 “Ai là anh em tôi, ai là mẹ tôi…” Đức Cha đã đưa dẫn những người đang sống hoàn cảnh neo đơn, chẳng có người thân, gia đình, đến ý niệm vào trong Gia Đình của Chúa, cụ thể là nơi gia đình Giáo Phận Xuân Lộc. Nơi Gia đình của Chúa, của Giáo phận, mọi người đều thuộc về nhau, được cảm nghiệm tình gia đình của Chúa. “Nếu thực trạng hiện tại, có thể chúng ta đang cô đơn vì không có gia đình để thuộc về, nhưng hôm nay, ông bà anh chị em đang thuộc về gia đình giáo phận, gia đình của Chúa. Vì thế, chúng ta đang hạnh phúc, vì đang nhận lãnh tình yêu thương của toàn Giáo phận, của nhiều người, mở ra cho chúng ta một viễn tượng mới”.

Nhận lãnh để rồi cần phải cho đi, là lời mời gọi tiếp nối của Đức Cha Giáo phận dành cho họ, giúp cho họ nhận ra họ cũng có đó một sứ mạng: chia sẻ và cho đi niềm vui, tình yêu thương đến người khác. Đồng thời, chính trong đau khổ vì bệnh tật thể lý hay tinh thần, vì cô đơn, Đức Cha mời gọi họ hãy như Đức Maria, dâng đau khổ của Con Mẹ - Đức Giêsu- và của Mẹ lên Chúa Cha, để đem ơn ơn cứu độ cho thế giới. “Và như vậy, ông bà anh chị em không cô đơn, nhưng là trở nên cộng tác viên của Thiên Chúa đem ơn cứu độ cho nhân loại.”

Sau những tâm tình chia sẻ, Đức Cha Giáo phận đã giới thiệu phần quà mà những người tham dự sẽ được trao tặng. Ngài nhấn mạnh rằng, đó chính là những món quà không phải chỉ của riêng ngài, nhưng còn là của Đức Cha Đa Minh, Nguyên Giám Mục Giáo Phận, Đức Cha Phụ Tá Gioan, của toàn giáo phận. Đó chính là biểu tượng của tình yêu mà toàn giáo phận dành cho họ. Những phần quà ấy thật ý nghĩa bởi có cả sự thiêng liêng tinh thần như tràng chuỗi Mân Côi, sách “100 tích truyện Kinh Mân Côi”, chiếc khăn sử dụng “đa năng”, và một phong bao lì xì trong sắc Xuân.

Quả là về nhà giáo phận ăn Tết thật vui, ý nghĩa khi Đức Cha đã lo liệu đủ các cỗ bàn cho 1000 thực khách, cho dẫu vượt quá số lượng ban đầu. Điều đó mới cho thấy gia đình giáo phận luôn rộng mở đón tiếp và sự đáp ứng rất nhanh và tài tình của ban tổ chức, cha quản lý Tòa Giám Mục và các đoàn thể phục vụ. Nhà ăn, sân trong, sân ngoài Tòa Giám Mục đầy ắp các khách dự tiệc với những món ăn ngon, và sự phục vụ nồng ấm đã khiến mọi người ăn ngon, vui và hạnh phúc. Với những ông bà lần đầu tiên trong đời ngồi đồng bàn ăn với Đức Cha Giáo Phận đã không giấu nổi niềm vui, tự hào và rơi nước mắt.

Bày tỏ niềm vui trong ngày này, bà Định- đang sống ở Giáo xứ Thái Thiện bộc bạch “Hôm nay, tôi xúc động lắm, vì thấy mình được an ủi, bớt đi sự cô đơn đó Dì ạ!”. Hay anh Xuân- Giáo xứ Định Quán- sống một mình từ ngày vợ chết lại chẳng có con- nói rằng “ Bữa nay, con vui hơn, dù là khi về nhà rồi con cũng chẳng có ai, nhưng bữa nay con gặp được Đức Cha là con mừng rồi, con sẽ khác hơn!” Với chị Thuận- Giáo xứ Kim Sơn, bày tỏ “con về sẽ kể lại niềm vui này, niềm vui vì được yêu thương”. Với một nhóm gồm năm bà đi chung với nhau và đang ở Giáo xứ Xuân Linh, có quê quán ngoài Thái Bình và Huế - cũng
kể “Từ bé đến giờ, cả khi chúng con ở ngoài Bắc, có bao giờ được như vậy đâu Dì ạ. Chẳng bao giờ gặp được, nắm tay Đức Cha như thế này đâu. Thế nên, Tết năm nay là vui nhất, vui hơn mọi Tết khác ấy chứ Dì. Chúng con cám ơn Chúa, cám ơn quý Đức Cha, quý cha nhiều lắm đó ạ!” Chị Yến- Giáo xứ Thái An- chịu trách nhiệm dẫn, quản lý nhóm người neo đơn đi tham dự ngày mừng Xuân này- lại có một tâm trạng khác của người phục vụ “ Chưa bao giờ mà con lo lắng và mệt như hôm nay đâu Dì. Bởi hôm nay, con phải dẫn một bà cụ yếu gần 80 tuổi, và một anh bị tâm thần do vợ bỏ, Anh này làm con chạy đi kiếm anh suốt vì anh không ngồi yên. Thế nhưng, con lại thấy ý nghĩa!”

Quả là một ngày ý nghĩa và tràn ngập tình yêu, và lòng thương xótnhư Đức Cha Giuse vẫn thường chia sẻ “Khi tình yêu chúng ta bày tỏ ra với những ai đang đau khổ, có những hoàn cảnh đặc biệt, đến với những người yếu đuối, thì đó chính là lòng thương xót.”

Và, như thế, Giáo phận Xuân Lộc sẽ trở thành thánh địa của lòng thương xót, như Đức Cha Giáo phận mong ước, nhờ sự cố gắng thực hiện của mọi người trong mỗi ngày, mỗi sứ mạng mà họ nhận lãnh.

Tin, ảnh: Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Văn Hóa
Năm Canh Tý - Tản mạn Chuột
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:15 19/01/2020


Năm Canh Tý là năm có con số đẹp (2020), nhưng con Chuột lại không đẹp tí nào, từ vóc dáng tới tính nết.

Tý là năm đứng đầu của thập nhị địa chi. Chuột là con vật nhỏ di chuyển bằng 4 chân, có lông tơ mịn thường có màu xám, mỏm nhọn, mắt nhỏ đen tròn, vành tai mỏng hình traí xoan, đuôi dài nhỏ như cái đũa và thon dần thành nhọn ở mút cùng. Chuột sinh sống khắp nơi,lén lút ở những góc tối, gần gũi con người như gầm chạn góc bếp trong hang lỗ nương đồng. Con chuột nhỏ bé xấu xí, đôi khi còn hôi nữa, suốt ngày chui rúc trong xó xỉnh, trong hầm trong cống dơ bẩn. Nó còn nguy hiểm, chuyên môn gặm nhấm, cắn sách vở trong nhà, ăn thóc lúa. Ai cũng ghét chuột.Thế nhưng không hiểu tại sao người xưa lại đặt chuột là con vật cầm tinh năm Tý năm đứng đầu hoa giáp. Trong khi đó con trâu là loài hữu ích hiền lành ngoan ngoãn chỉ biết ăn cỏ siêng cày ruộng, biết chơi trò chọi nhau mua vui cho con người, thế mà chỉ xếp thứ 2. Con lợn được coi là con vật đem lại may mắn, con vật hữu ích cho con người, lại đứng thứ 12.

1. Sự tích chuột

Các nhà nghiên cứu cho biết, chuột đã xuất hiện tại Á Châu, nơi con người sinh sống ngay từ thời cổ đại. Người thời đó đã đặt cho chuột cái tên bằng tiếng Phạn (Sanskrist) có nghĩa là “kẻ trộm”.

Theo cổ tích Việt Nam, tiền thân của chuột là vị Thử Thần ở trên trời. Ngọc Hoàng phong cho chức Thiên khố giám, sai giữ kho nhà trời. Thời xuân trẻ Thiên khố giám là một vị quan thanh liêm, mẫn cán, làm việc rất ngăn nắp quy củ, không hề tơ hào một chút của kho nhà trời. Ngọc Hoàng tín cẩn thăng cho làm phò mã.

Từ ngày có gia đình, Thử Thần mới thấy thiếu trước hụt sau, lại được công chúa mách nước “của trời kho vô tận” có lượm hạt rụng hạt rơi nơi cái kho vô tận ấy cũng chả ai để ý. Từ đó, mỗi ngày Thử Thần lót túi một chút của kho trời. Cứ thế, cơ ngơi của quan Thiên khố giám ngày càng phình ra, ngày càng nguy nga đồ sộ.

Nhưng “trời có mắt” nên việc ấy Ngọc Hoàng cũng thấy, Ngài bèn đày Thử Thần xuống dương gian, cho làm một con vật mới. Để tránh không cho ăn cắp nữa, Ngọc Hoàng cho Thử Thần hoá thành một con vật nhỏ thó, có cái mõm chu ra cho bớt ăn, có đôi mắt lồi nhỏ cho bớt nhìn, lại thêm cái đuôi dài cho khó trốn, vì “giấu đầu hở đuôi” thì ai cũng biết.

Từ ngày trần gian xuất hiện con vật mới, đêm nào người ta cũng thấy mất lương thực. Họ đã thay nhau thức đêm canh rình tìm thủ phạm, sau mới biết là do một con vật nhỏ, có cái mõm chu, có đôi mắt lờ đờ như chột, chuyên mò mẫm đi ăn trộm. Người ta mới đặt tên cho con vật nhỏ đó là con chu-chột. Sau họ nói nhanh thì thành ra con chuột. Từ đó dương trần có thêm loài chuột.

2. Chuột ngày nay

Con chuột ngày nay có cái miệng đa năng và cái bụng ác liệt hơn chuột ngày xưa nhiều: không chỉ ăn lúa gạo, nó còn ăn được mọi thứ như sắt thép, ximăng, phân bòn, hàng cứu trợ bão lụt…mong rằng năm tý những con chuột tham nhũng sẽ bị trừ khử, thanh toán và cho vào lò lửa, như thế thì “Thái bình đượng hưởng phúc” như lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trong số báo “Tuổi trẻ cười 2020 Canh Tý”, tác giả Tư Quéo, có bài “Thơ vịnh chuột”.

Tai to, mỏ nhọn lại dài râu.
Đục khoét vang danh khắp địa cầu,
Gặm, cạp xác xơ “rừng’ thực phẩm
Cắn, xơi tan tác “núi” hoa màu
Láo liên luồn lách con chi…”chít”
Thậm thụ rúc chui chỉ ngán …”ngao”
Thiên hạ xưa rày mưu diệt…thử
Mười hai con giáp xếp lên đầu.
Tác giả Tưởng Bở cũng có bài “Lòi mặt chuột”.
Trăm năm trong cõi người ta
Đục khoét giống chuột ắt là đi tong
Không chết cũng tù mọt gông
Gặm nhấm đủ thứ…khai không ăn gì(!?)
Hoa hồng lớn…ký tức thì
Triệu đô cũng có phong bì cửa sau
Gặm từ đướng sá xăng dầu
Nơi đâu “ngửi” thấy có ‘màu’ là xơi!
Ăn dưới đất đớp trên trời!
Rừng khơi cho tới biển sâu cũng “mần”
“lò” thiêu rửa cháy rần rần
Chuột to chuột nhỏ lòi dần đem thui
Khi lòi mặt lúc lòi đuôi
Cán bộ giống chuột dân nuôi thiệt thòi
Canh Tý nhiều chuột sẽ lòi
Cho vào “lò” đốt cụt vòi quan tham.

Tác giả Hồ thị thu Hằng có chuyện ngụ ngôn: “Chuột sập bẫy”.

Chuột là loài động vật nhỏ, chuyên sống những nơi đen tối. Ấy vậy mà Chuột được đưa lên đứng hàng đầu trong 12 con giáp, làm biểu tượng của năm (Tý), gây không ít tranh cải, bực mình cho những con thú khác.
Một hôm, Mèo tìm đến Chuột, thưa:
- Bây giờ, ông là người đứng đầu trong Bộ 12 con giáp, vậy tôi muốn giúp đỡ ông. Tôi tìm được một chỗ ở rất đẹp, vậy ông theo tôi, tôi sẽ chỉ cho. Chuột rất mừng và mở cờ trong bụng, đi theo Mèo. Mèo chỉ cho Chuột một cái bẫy và bảo:
- Đây, ông hãy vào tham quan!
- Chuột chạy vào, thế là sập bẫy. Bấy giờ, Mèo mới gọi hết những con giáp lại nói:
- Các bạn thấy không? Một khi tham lam, bất tài, đầu óc không có gì thông minh mà ham đứng đầu, hậu quả như vậy đó!
- Các con vật ồ lên một tiếng….

"Đốt lò sẽ ra mặt chuột" !

Có một con chuột bị mèo đuổi, may mắn chui vào trong tượng Phật trên chùa nên thoát nạn và làm tổ ở đó...
Từ ngày chui vào trong tượng Phật, cuộc sống của chuột ta vô cùng no đủ. Nó luôn được ăn thỏa thích những đồ lễ vật mà người mang đến cúng bái. Thêm nữa, người nào đến trước tượng Phật của toàn phủ phục, nên con chuột tự thấy mình oai lắm. Nó thoải mái ăn ở, thậm chí còn tự do phóng uế lung tung,...
Mỗi khi có người đến thắp hương khấu đầu, con chuột kia nhìn khói hương nghi ngút từ từ bay lên, cười thầm: “Đúng là những kẻ ngu ngốc, chẳng ai bắt mà cũng quỳ cũng lạy! Bây giờ ta mới biết mình cũng oai thế, đến loài người còn bái lạy ta, mà bấy lâu nay sao cứ phải sợ mèo nhỉ!”.
Lâu ngày, sống cùng tượng Phật ở trên cao, thấy người nào đến thắp hương cũng chắp tay thành kính và quỳ lạy như thế, chuột cũng ngộ nhận và tự cho mình cao quý và tôn kính như… Phật.
Bỗng một hôm, có người cắm bó hương to, sơ ý để bùng cháy... Nóng và khói quá, con chuột bò vội ra ngoài, thì bị con mèo đói vồ được. Chuột ta bèn vênh váo kêu lên:
- “Này mèo! Nhà ngươi không thể ăn thịt ta được, hãy quỳ xuống thành kính bái lạy đi, rồi mang thức ăn lại đây… Ta là Phật đấy!”
Mèo cười to:
- “Những người quỳ lạy mày là vì vị trí mà mày đang chiếm đoạt, chứ không phải vì bản thân mày cao quý, quyền cao chức trọng gì đâu. Giờ thì mày tới số rồi, con chuột ngu ngốc!
Trong cuộc sống, không ít những kẻ nhờ thủ đoạn, hoặc do cơ cấu, hoặc mua chức bán quan, ...bỗng ngồi vào một ví trí nào đó, thấy những người xung quanh đều xum xoe nịnh nọt, bổng lộc tự đến đầy nhà… thì tưởng mình là tài năng, cao quý và oai vệ lắm.
Họ giống như con chuột bỗng chui vào tượng Phật, nhưng vì tự đắc, nên không hề biết người khác cung kính mình là vì nhân cách của Phật. Họ cũng ngộ nhận về học thức, ân đức của chính mình; không biết chỉ là nhờ vị trí cái ghế ngồi mà họ đang may mắn tạm thời nắm giữ. Họ càng không lường được rằng, rất có thể tới một ngày... “Cháy nhà sẽ ra mặt chuột"! (x. Fb: Ls. PTB).

3. Chuột kêu cứu

Xem ra loài chuột lắm nỗi oan ức, chịu đau khổ và chịu bất công, bị hạ nhục về mặt tinh thần và phẩm giá. Rất nhiều hành vi đáng lên án của con người, đã tùy tiện gán ghép cho hình ảnh Chuột, dù họ hàng nhà chuột không dính dáng đến những điều xấu đó. Điển hình là các vụ tham nhũng, quan tham đều gắn liền với cụm từ ám chỉ, như “lũ quan tham tham không khác gì loài chuột, ra sức đục khoét tài sản của nhà nước, của dân”. Rồi trong công cuộc chống tham nhũng, chuột cũng bị đem ra làm ví dụ so sánh “đánh chuột phải tránh vỡ bình”, hay “đánh chuột chớ lo vỡ bình”. Kiểu nào chuột cũng…bị đánh. Không ít lần, câu tục ngữ “Cháy nhà mới ra mặt chuột” được nêu ra, nhằm ám chỉ những quan tham bị phơi mình ra ánh sáng công lý, khi vụ việc tham những, ăn chơi sa đọa bị phát hiện…Thậm chí những sai sót nào đó trong giáo dục, người ta cũng dùng hình ảnh chuột để chế giễu như “xin đừng biến học sinh thành….chuột bạch”. Ví dụ trích ra từ một bài báo gần đây: “Kẻ xấu (không loại trừ là những nhân viên biến chất của chính ngân hàng) chỉ cần vài cú nhấp chuột đã đột nhập cơ sở dữ liệu, đánh cắp toàn bộ thông tin của khách hàng như số tiền gửi, thông tin cá nhân, mật mã tài khoản…để từ đó dễ bề ra tay chiếm đoạt”. Hay: “một số cán bộ trong nghành giáo dục có trách niệm bảo quản bài thi, kết quả kỳ thi, đã gian dối trong việc sửa điểm. Với dữ liệu lưu trữ trong tay, chỉ cần vài thao tác nhập chuột trên máy mính, họ đã liều lĩnh sửa đổi hàng loạt điểm thi cho nhiều thí sinh để trục lợi bất chính”. Nhiều trường hợp cấp trên sai sót, thay vì nhận lỗi, họ đỗ cho “nhân viên đánh máy” đã sơ suất trong soạn thảo văn bản, vì trục trặc khi sử dụng…chuột vi tính.

Tóm lại, không chỉ ngày xưa mà cả thời hiện đại 4.0, họ hàng nhà chuột vẫn tiếp tục mang tiếng xấu, dù đã đóng góp vô số sinh mạng cho những cuộc thí nghiệm khoa học, thử nghiệm các loài thuốc, vắc-xin phòng bệnh, cấy ghép nội tạng…hay đơn giản là trở thành mồi ngon trong các cuộc nhậu “tới bến’ của nhiều quý ông.

Vì thế nhân dịp xuân Canh Tý, họ hàng nhà chuột mong thế giới loài người xóa tiếng oan. Họ hàng nhà chuột thiển nghĩ, để xóa được tiếng xấu cho loài chuột, loài người hãy từ bỏ tệ nạn tham nhũng, “đục khoét”; kiên quết chống quan tham mà không sợ ‘đánh chuột vỡ bình’]. (Đờ-Mi-Pho, tuổi trẻ cười)

(sưu tầm)
 
Ngày Lễ Minh Niên Mừng Tuổi Chúa
Phê rô Nguyễn Văn Nghệ
09:58 19/01/2020
Ngày Lễ Minh Niên Mừng Tuổi Chúa

Người Công Giáo tin rằng: Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, vô thủy, vô chung. Trong “Bảy phần ca vịnh thống hối vua Đa vít”, phần thứ 5 (ca vịnh thứ 101) sách kinh Địa phận Qui Nhơn có câu:“Chúa là vô thủy, vô chung và danh Chúa đỗ bền muôn đới hằng có”.

Mở đầu bài thơ “Thống hối đề ngâm” của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) ghi:“Chúa là chí thánh, chí linh/ Tỏ bày toàn trí tạo sinh muôn loài/Nhứt nguyên tự hữu như lai/ Tốt lành sáng rạng, từ oai công bình/ Cầm quyền họa phước tử sanh/ Vô chung, vô thủy, vô hình, vô thanh/ Căn nguyên mạch mọi sự lành/ Đáng yêu đáng mến chí tình tận tâm/ Thánh thần chầu chực quang lâm/ Mến yêu hết sức, ca ngâm hết lòng”

Thiên Chúa là Đấng Tự hữu, là Đấng vô thủy, vô chung cho nên đối với Thiên Chúa, Ngài không có tuổi tác. Nhưng người giáo dân Việt Nam nhiều nơi cứ đến mùng một Tết Nguyên đán có lệ mừng tuổi Chúa.

Thân mẫu của tôi sinh năm 1920 kể về việc mừng tuổi Chúa khi thân mẫu tôi còn là thiếu nữ. Giáo xứ Cây Vông chúng tôi trước năm 1943 là họ nhánh của địa sở Hà Dừa, nên sáng mùng một Tết không có Thánh lễ, chỉ tụ họp lại đọc kinh mà thôi. Nhà thờ lúc ấy chưa có ghế ngồi, chỉ có trải chiếu mà thôi. Sau khi đọc kinh lần chuỗi xong, ông Câu nhất (hiện nay gọi là ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ) tiến lên trước giáo dân, chấp hai tay và xướng: “Chánh tuế minh niên chúng con sấp mình lạy Chúa”. Tất cả giáo dân trong nhà thờ đồng loạt quỳ xuống lạy Chúa ba lạy.

Khi tôi có trí khôn, thì việc Mừng tuổi Chúa không còn duy trì nữa, chỉ có Thánh lễ Minh niên mà thôi.

Giáo xứ Hà Dừa (kế cận giáo xứ Cây Vông và chỉ cách nhau dòng sông Cái Nha Trang) vẫn còn duy trì lệ Mừng tuổi Chúa. Trong Thánh lễ Minh niên sau khi đọc kinh Tin kính, thay vì đọc Lời nguyện giáo dân, thì lại Mừng tuổi Chúa. Khi ấy tất cả quý ông trong Hội đồng Mục vụ của giáo xứ Hà Dừa đều áo dài khăn đóng ra xếp hai hàng ở lối giữa nhà thờ, cùng đọc bài Kinh Mừng tuổi Chúa, Đức Mẹ và các Thánh. Họ đọc theo lối ngâm nga, chiêng và trống gióng lên nhẹ nhàng, chậm rãi theo cung giọng của những người đọc. Khi đọc đến những câu: “Sấp mình lạy Chúa chí tôn”; “Lạy Mẹ ngự trên tòa vàng”; “Kính mừng các Thánh trên trời” thì rung chuông, tất cả mọi người đều kính cẩn cúi đầu. Toàn văn bài Kinh Mừng tuổi:

“ Sấp mình lạy Chúa chí tôn/ tạo thành thiên địa/ bảo tồn nhân gian/ Chúa hằng giáng phước thi ân/ ân ban phổ thế/ phước nhuần châu thiên/ Mai này chánh đán Minh niên/ Chúng con lạy Chúa/ Lạy Chúa cầm quyền tử sanh/ Cám ơn Chúa đã giữ gìn/ sống qua năm cũ xác hồn bằng an/ Nay vào năm mới hỉ hoan/ dám xin ơn Chúa lại ban phước lành/ Xác hồn đều đặng khương ninh/ sống an cõi thế, chết vinh quê trời/

“Chúng con dám nguyện ít lời/ cầu cùng Thánh Mẫu trên nơi Thiên đàng/ Lạy Mẹ ngự trên tòa vàng/ chúng con còn phải gian nan khách đày/ Xin hằng phù hộ cầu thay/ ngõ cho ai nấy sống rày bình an/ Chết rồi lại đặng quy thiên/thanh nhàn vinh phước vô biên đời đời/

“Kính mừng các Thánh trên trời/ xin thương nhân loại còn nơi khách đày/ Chúa cho sống tới năm nay/ dám xin các Thánh hằng ngày chở che/ Xác hồn mạnh khỏe mọi đàng/ cùng nhau sum họp thảnh thơi/ Chực chầu một Chúa/nghỉ ngơi chẳng cùng”.

Chúa có cần chúng ta Mừng tuổi Chúa không? Tuy Chúa không cần chúng con Mừng tuổi Chúa, nhưng việc chúng con Mừng tuổi Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con Mừng tuổi Chúa chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ( xin mạo muội được thay đổi đôi chữ trong lời Kinh Tiền tụng)

Thánh vịnh 92, câu 1: “ Lạy Chúa, thú vị thay được tạ ơn Chúa”, chúng ta cũng có thể thốt lên : “Lạy Chúa thú vị thay được mừng tuổi Chúa”!

Mừng tuổi Chúa là một nét đẹp trong văn hóa của người Công Giáo Việt Nam. Về mặt tâm linh có giá trị rất là thiêng liêng. Do đó việc Mừng tuổi Chúa cần được duy trì và nhân rộng trong tất cả các xứ đạo.

Phê rô Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ cây Vông – Giáo phận Nha Trang

ĐT: 0377803505
 
Bát Phúc lâm môn
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
23:51 19/01/2020

Đêm giao thừa, mọi tất bật lo toan cho những ngày Tết hầu như đã xong. Vạn vật, không gian dường như chùng xuống để đón chờ những giây phút tống tiễn năm cũ và nghênh đón năm mới. Theo tục lệ từ trước đến nay, đêm nay là đêm quan trọng không kém ngày đầu năm. Là đêm canh thức để đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Người Việt Nam rất có nghĩa tình, cho dù phải trải qua nhiều rủi ro trắc trở hoặc tài vận hanh thông, mọi người vẫn tiễn đưa năm cũ với tấm lòng biết ơn vì được Trời Đất cho hưởng lộc sống trọn vẹn năm qua.

Người Công Giáo cũng hòa mình vào tục lệ truyền thống của dân tộc. Người người cùng nhau tham dự Thánh lễ tạ ơn được cử hành trước giây phút giao thừa. Vừa để cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân đã nhận lãnh trong năm qua, vừa cầu xin phúc lành cho năm mới đang tới.

Bỏ lại sau lưng bao niềm vui - nỗi buồn, thành công - thất bại, bao điều mãn nguyện cũng như thất vọng năm cũ. Ai cũng nao nức hướng tới năm mới với tâm nguyện “cầu sung dzừa đủ xài” như mâm ngũ quả truyền thống được chưng trên bàn thờ ngày Tết.

Theo quan niệm dân gian, con số 5 gồm số chẵn 2 tượng trưng cho sự cân bằng âm dương tạo thành thái lưu (hay nguồn gốc của vạn vật) kết hợp với số lẻ 3 tượng trưng cho tam đa (đa phúc, đa lộc, đa thọ). Nên ngày Tết người ta thường hay chúc nhau được ngũ phúc lâm môn.

Ngũ phúc lâm môn là năm điều phúc đến nhà gồm trường thọ (sống lâu, không bị chết yểu, chết non), phú quý (nhiều tiền nhiều của, địa vị cao quý), khang ninh (thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn), hiền đức (lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh), thiện chung (chết lành, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ung dung tự tại rời khỏi nhân gian).

Nhưng hạnh phúc sao nổi khi kiếp nghèo, kiếp mạt, kiếp nô lệ, kiếp phụ thuộc … vẫn còn đầy dẫy trong xã hội. Bao mùa Xuân đã qua đi nhưng lời cầu chúc vẫn còn nguyên vì đó là mơ ước của con người. Đức Giêsu trong Tin Mừng Thánh lễ tạ ơn Giao thừa đã công bố bát phúc có vẻ “khó nghe”, chẳng mấy phù hợp với não trạng và mơ ước của con người.

Thay vì chúc nhau phú quý thì Đức Giêsu lại ban phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc nghèo không phải là sự mỉa mai mà là tinh thần biết sống “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Không tham, không ham của người vì sự giàu có làm cho tâm hồn chúng ta chất đầy “tham-sân-si”, chỉ lo tích cóp của cải trần gian và không còn chỗ tiếp thu Lời Chúa.

Trong thế giới chồng chất những bon chen, cạnh tranh, ganh ghét… những người ăn ở hiền lành xem ra không được khôn ngoan cho lắm. Người hiền lành thường bị coi là kẻ yếu thế, nhu nhược. Họ thường bị ức hiếp, chịu bất công, sầu khổ, nhưng theo Tin Mừng lại là người có phúc.

Nghịch lý của mối phúc không phải là sự gồng mình cam chịu những nghịch cảnh phi lý, mà là sự đón nhận thử thách bằng nội tâm của mình. Người “hiền” là người biết sống vì người khác. Dám chấp nhận đau khổ như quà tặng của Thiên Chúa ban vì thế họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Ta thường tin rằng hạnh phúc, niềm vui và giải trí là những điều tốt nhất trong cuộc sống. Và xem những nỗi đau trong gia đình, những bệnh tật … là điều “phiền não”, bất hạnh. Con người không muốn đau khổ, thích lờ đi những tình huống đớn đau và cố che giấu chúng. Nhưng “phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”, chỉ có những có tâm hồn sầu khổ mới dám đối diện với chúng và mới hiểu thế nào là được Thiên Chúa ủi an và ban hạnh phúc.

Với chủ nghĩa vị kỷ, hưởng thụ, con người rất dễ đi vào những con đường bất chính và thường ngụy biện rằng: ngày nay nó phải thế! Họ khéo léo luồn lách, chạy chọt, giẫm đạp lên bao nhiêu người để thỏa mãn lợi ích cá nhân và khiến bao người phải chịu đau khổ, bất công.

Chỉ có những ai khát khao nên người công chính thì mới được Thiên Chúa cho thoả lòng. Và những người tâm hồn trong sạch, có trái tim tinh khiết, biết yêu thương một cách tinh ròng, không hai lòng, không bụi bẩn rồi ra sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Nhưng không chỉ có thế, con người còn phải sống chung với nhau và vì nhau nên còn cần phải yêu thương tha nhân, vun đắp mối tình nhân ái, cũng như sẵn sàng dấn thân, bảo vệ làm chứng cho sự thật, đạo Chúa. Theo dòng lịch sử biết bao người đã bị bách hại, và tiếp tục bị bách hại chỉ đơn giản là vì họ đã sống công chính và chiến đấu cho công lý.

Người ta thường có thói quen làm ngược điều bát phúc: không xót thương nhưng muốn được thương xót, không đóng góp mà muốn hưởng quyền lợi. Con người vừa muốn ngũ phúc lâm môn nhưng lại vừa muốn được hạnh phúc Nước Trời!

Đức Giêsu đã đưa ra hệ quả: đặt bát phúc là hạnh phúc thánh thiêng. Mối phúc trong Tin Mừng phải ở bậc cao hơn mối phúc mà người ta vẫn chúc nhau. Chỉ có Thiên Chúa mới là hạnh phúc vĩnh cửu, nhờ Ngài mà mối phúc Nước Trời được mở ra để đón tiếp những ai biết sống và dấn thân.

Vậy, hãy tạ ơn vì biết bao hồng ân Thiên Chúa đã ban, cúi đầu tạ lỗi vì những thiếu sót với Chúa và tha nhân trong năm qua. Hãy để tâm hồn thanh thản cộng hưởng với những tiếng chuông ngân báo hiệu thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Phó thác những ưu phiền lắng lo vào tay Chúa quan phòng và đặt trọn niềm tin vào sự vần xoay của Ngài để khởi đầu những điều tốt đẹp trong năm mới.

Xin Chúa Xuân ngự trị trong mỗi gia đình, mỗi người, nhất là những người trẻ để họ được lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi (Thư chung 04/10/2019 của HĐGM VN). Xin cầu chúc mọi người biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,28) để xứng hưởng bát phúc lâm môn trong suốt năm Canh Tý.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Nở Tết Về
Sr. Huyền Trân
22:50 19/01/2020
HOA NỞ TẾT VỀ
Ảnh của Sr. Huyền Trân (SSpS)

Bên thềm năm mới Tết về
Bông hoa đón Tết êm đềm đẹp tươi.
(bt)
 
VietCatholic TV
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh
Giáo Hội Năm Châu
02:18 19/01/2020



Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh

Nhân dịp trao đổi những lời chúc mừng năm mới, Tại đại sảnh Regia Thứ Năm, ngày 9 tháng 1 năm 2020

Thưa qúy vị

Qúy bà và qúy ông

Một năm mới đang mở ra trước mắt chúng ta; giống như tiếng khóc của một đứa trẻ sơ sinh, nó làm chúng ta tràn ngập niềm vui và hy vọng. Tôi muốn nói chữ đó, chữ “hy vọng”, vì đây là một nhân đức chủ yếu đối với các Kitô hữu, để truyền cảm hứng cho cách chúng ta tiếp cận thời gian ở phía trước.



Chắc chắn, hy vọng phải thực tiễn. Nó đòi hỏi phải thừa nhận nhiều vấn đề rắc rối đang đặt ra cho thế giới của chúng ta và các thách đố đang lấp ló cuối chân trời. Nó đòi các vấn đề được gọi đúng tên và sự can đảm phải có để giải quyết chúng. Điều này thúc giục chúng ta nhớ rằng gia đình nhân loại của chúng ta bị thẹo và bị thương bởi hàng loạt các cuộc chiến ngày càng có tính tàn phá, những cuộc chiến này đặc biệt ảnh hưởng đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất [1]. Đáng buồn thay, năm mới dường như không được đánh dấu bằng các dấu hiệu đáng khích lệ, mà là bằng các căng thẳng và hành động bạo lực gia tăng.

Chính trong những tình huống này, chúng ta không thể buông hy vọng. Và hy vọng đòi lòng can đảm. Nó có nghĩa là thừa nhận sự ác, sự đau khổ và cái chết sẽ không có lời nói cuối cùng, và ngay cả những vấn đề phức tạp nhất cũng có thể và phải đương đầu và giải quyết. Vì hy vọng là một “nhân đức linh hứng cho chúng ta và giúp chúng ta tiến lên phía trước, ngay cả khi những chướng ngại vật dường như không thể vượt qua” [2].

Các Đại sứ thân mến, trong tinh thần này, hôm nay, tôi xin chào đón qúy vị và gửi đến Qúy vị những lời chúc tốt đẹp của tôi cho năm mới. Tôi cảm ơn một cách đặc biệt vị Niên Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp, vì những lời chào chúc thân ái của ông thay mặt Qúy vị. Tôi biết ơn tất cả các Qúy vị vì sự hiện diện vốn được đánh giá cao của Qúy vị và cho những nỗ lực hàng ngày của Qúy vị để củng cố các mối liên hệ hiện có giữa Tòa Thánh và các quốc gia khác nhau và các tổ chức quốc tế vì sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc.

Hòa bình và sự phát triển toàn diện của con người trên thực tế là mục tiêu chính của Tòa Thánh trong việc tham gia của mình vào lĩnh vực ngoại giao. Đây cũng là mục đích của công việc được thực hiện bởi Phủ Quốc Vụ Khanh và các bộ sở của Giáo triều Rôma, nhưng còn bởi các Đại diện Giáo hoàng, những người mà tôi cảm ơn vì lòng tận tụy trong việc họ thực hiện sứ mệnh hai mặt của họ là đại diện cho Giáo hoàng trước Giáo hội địa phương và trước chính phủ liên hệ của Qúy vị.

Về phương diện này, chúng ta có thể nghĩ đến các Hiệp định có tính chất tổng quát được ký kết và phê chuẩn trong năm qua với Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi yêu dấu, Burkina Faso và Ăng-gô-la, cũng như Hiệp định giữa Tòa thánh và Cộng hòa Ý về việc áp dụng Công ước Lisbon về việc công nhận bằng cấp liên quan đến giáo dục đại học ở khu vực châu Âu.

Cũng vậy, các chuyến thăm Tông du, ngoài việc là một phương tiện ưu tuyển để Người kế vị thánh Phêrô củng cố anh chị em của mình trong đức tin, còn là dịp để cổ vũ đối thoại ở các bình diện chính trị và tôn giáo. Năm 2019, tôi đã có cơ hội thực hiện một số chuyến viếng thăm quan trọng. Tôi muốn duyệt lại chúng với Qúy vị và sử dụng việc này như một cơ hội để xem xét sâu hơn về một số vấn đề quan yếu của thời điểm hiện tại.



Vào đầu năm ngoái, trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 ở Panama, tôi đã gặp những người trẻ tuổi từ năm châu lục, tràn đầy ước mơ và hy vọng, họ đã đến với nhau để cầu nguyện và nuôi dưỡng mong muốn được can dự vào việc xây dựng một thế giới nhân ái hơn [ 3]. Đó luôn là một niềm vui và một cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ các người trẻ tuổi. Họ là tương lai và là niềm hy vọng của các xã hội chúng ta, nhưng cũng là hiện tại của các xã hội này nữa.

Tuy nhiên, bi thảm thay, như chúng ta biết, không ít người lớn, trong đó có các thành viên khác nhau của hàng giáo sĩ, đã phải chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng đối với phẩm giá của người trẻ, của trẻ em và các thiếu niên, vi phạm sự vô tội và sự riêng tư của họ. Đây là những tội ác xúc phạm đến Thiên Chúa, gây ra thiệt hại về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân của chúng và làm hại cuộc sống của cả nhiều cộng đồng [4]. Sau cuộc họp của tôi tại Vatican vào tháng 2 năm ngoái với các đại diện của các giám mục thế giới, Tòa Thánh đã đổi mới cam kết của mình sẽ đưa ra ánh sáng các hành vi lạm dụng đã vi phạm và đảm bảo việc bảo vệ các vị thành niên qua một loạt các quy tắc để xử lý các trường hợp như vậy theo giáo luật và trong sự hợp tác với các chính quyền dân sự ở bình diện địa phương và quốc tế.

Vì tính nặng nề của tác hại gây ra, điều càng trở nên cấp thiết hơn là việc người lớn không được từ bỏ trách nhiệm giáo dục vốn là của riêng mình, trái lại phải thực hiện những trách nhiệm đó một cách nhiệt thành hơn nữa, để hướng dẫn các người trẻ đến sự trưởng thành về tinh thần, về nhân bản và xã hội.

Vì lý do này, tôi đã lên kế hoạch cho một biến cố toàn thế giới sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng 5 sắp tới với chủ đề: Tái tạo Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục. Cuộc tập hợp này nhằm để “khơi dậy cam kết của chúng ta đối với và cùng với những người trẻ tuổi, làm mới lại niềm say mê của chúng ta về một nền giáo dục cởi mở và bao gồm hơn, trong đó có việc lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Chưa bao giờ lại có nhu cầu phải hợp nhất các nỗ lực của chúng ta trong một liên minh giáo dục rộng lớn, để đào tạo các cá nhân trưởng thành có khả năng vượt qua chia rẽ và đối kháng, và khôi phục mạng lưới liên hệ vì thiện ích của một nhân loại huynh đệ nhiều hơn [5].

Giống như sự thay đổi có tính thời đại mà chúng ta đang trải qua, mọi thay đổi đều kêu gọi phải có một diễn trình giáo dục và tạo ra một làng giáo dục có khả năng hình thành một mạng lưới liên hệ cởi mở và nhân bản [6]. Ngôi làng đó nên đặt con người ở trung tâm, bằng cách đầu tư một cách sáng tạo và đầy trách nhiệm vào các dự án dài hạn, đào tạo các cá nhân sẵn lòng hiến mình phục vụ cộng đồng.

Lúc đó, điều cần thiết là một viễn kiến giáo dục có thể bao gồm một loạt rộng rãi các trải nghiệm sống và diễn trình học hỏi, để giúp người trẻ, cả cá nhân lẫn tập thể, phát triển nhân cách của họ. Giáo dục không giới hạn trong các lớp học ở trường và đại học; chủ yếu được bảo đảm bằng cách củng cố và tăng cường quyền giáo dục hàng đầu của gia đình, và quyền của các Giáo hội và các cộng đồng xã hội trong việc hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình nuôi dạy con cái họ.

Giáo dục đòi phải bước vào cuộc đối thoại chân thành và chân thực với người trẻ. Họ là những người trước hết làm cho chúng ta nhận thức được nhu cầu cấp thiết phải có sự liên đới giữa các thế hệ, điều, đáng buồn thay, đang rất thiếu trong những năm gần đây. Thực thế, ở nhiều nơi trên thế giới, hiện đang có xu hướng chỉ biết lưu tâm đến mình, lo bảo vệ các quyền và đặc quyền đã thủ đắc được, và nhìn thế giới trong một chân trời chật hẹp, đối xử với người già một cách thờ ơ và không còn chào đón trẻ sơ sinh. Sự lão hóa chung của dân số thế giới, đặc biệt ở phương Tây, là một điển hình đáng buồn và đầy biểu tượng của điều này.

Mặc dù không quên rằng người trẻ muốn nghe lời và nhìn gương sáng của người lớn, chúng ta cũng nên nhận thức rõ rằng bản thân họ có nhiều điều để cung ứng, nhờ vào lòng nhiệt tình và dấn thân của họ. Chưa nói đến lòng khao khát sự thật của họ, một điều luôn nhắc nhở chúng ta về sự kiện này: lòng hy vọng không phải là điều không tưởng và hòa bình luôn là điều tốt đẹp có thể đạt được.

Chúng ta đã thấy điều này trong cách nhiều người trẻ trở nên tích cực trong việc kêu gọi sự chú ý của các nhà lãnh đạo chính trị đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta phải là mối quan tâm của mọi người chứ không phải là đối tượng của xung đột ý thức hệ giữa các quan điểm khác nhau về thực tại hoặc, ít hơn, giữa các thế hệ. Theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “khi tiếp xúc với thiên nhiên, các cá nhân tái khám phá được chiều kích riêng của họ; họ nhận ra rằng họ là các tạo vật nhưng đồng thời là những người duy nhất, ‘có khả năng biết Thiên Chúa’ vì tự thẩm cung, họ cởi mở đón nhận Đấng Vô hạn” [7]. Việc bảo vệ ngôi nhà đã được ban cho chúng ta bởi Đấng Tạo Hóa không thể bị làm ngơ hoặc giảm xuống thành một mối quan tâm chỉ của những người ưu tuyển. Các người trẻ nói với chúng ta rằng điều này không thể đúng, vì ở mọi bình diện, chúng ta đang được thách thức một cách khẩn cấp phải bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và “đem cả gia đình nhân loại lại với nhau để mưu tìm một sự phát triển bền vững và toàn diện” [8]. Chúng nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cấp thiết phải hoán cải sinh thái, một điều “phải được hiểu một cách toàn diện, như một biến đổi cách chúng ta tương quan với anh chị em của chúng ta, với các sinh vật khác, với sáng thế trong sự đa dạng phong phú của nó và với Đấng Tạo Dựng vốn là nguồn và gốc mọi sự sống” [9].

Đáng buồn thay, sự cấp bách của việc hoán cải sinh thái này dường như chưa được nền chính trị quốc tế nắm vững, vì tại nơi này, việc đáp ứng các nan đề do các vấn đề hoàn cầu nêu ra như biến đổi khí hậu vẫn còn rất yếu và là một nguồn gây lo ngại nghiêm trọng. Hội nghị thứ 25 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP25), được tổ chức tại Madrid vào tháng 12 năm ngoái, làm dấy lên nhiều mối lo ngại nghiêm trọng về ý chí của cộng đồng quốc tế để đương đầu với sự khôn ngoan và hiệu quả của hiện tượng hoàn cầu nóng lên, một việc đòi phải có đáp ứng tập thể có khả năng đặt thiện ích chung lên trên lợi ích đặc thù.



Các xem xét trên khiến chúng ta chú ý tới Châu Mỹ Latinh trở lại, và đặc biệt là Phiên Đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục Vùng Amazon, được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm ngoái. Thượng hội đồng, trong yếu tính, là một sự kiện giáo hội, được thúc đẩy bởi ước muốn lắng nghe các hy vọng và thách đố của Giáo hội tại toàn vùng Amazon và mở ra những nẻo đường mới để loan báo Tin Mừng cho dân Chúa, nhất là cho các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, phiên họp của Thượng Hội Đồng không thể không thảo luận cả các vấn đề khác, bắt đầu với hệ sinh thái toàn diện. Những vấn đề này ảnh hưởng đến cuộc sống của khu vực đó, rất rộng lớn và quan trọng đối với toàn thế giới, bởi vì rừng nhiệt đới Amazon là ‘trái tim sinh học’ đối với trái đất ngày càng bị đe dọa” [10].

Ngoài tình hình ở khu vực Amazon, một nguyên nhân khác gây lo ngại là sự lan tràn các cuộc khủng hoảng chính trị ở một số ngày càng tăng các quốc gia của lục địa Mỹ, kèm theo các căng thẳng và các hình thức bạo lực không quen thuộc làm gia trọng các xung đột xã hội và gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội và nhân đạo. Việc phân cực lớn hơn này không giúp giải quyết các vấn đề thực chất và cấp bách của công dân, đặc biệt những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, bạo lực cũng không thể, người ta không có lý do nào có thể sử dụng bạo lực như một biện pháp để xử lý các vấn đề chính trị và xã hội. Ở đây, trong khung cảnh này, tôi muốn đề cập đến Venezuela cách riêng, để các cố gắng tìm kiếm giải pháp sẽ tiếp tục.

Nói chung, các cuộc xung đột của khu vực Châu Mỹ, bất chấp nguồn gốc khác nhau, đều có liên hệ với nhau bởi các hình thức bất bình đẳng, bất công sâu xa và tham nhũng đặc hữu, cũng như các hình thức nghèo đói khác nhau xúc phạm đến nhân phẩm. Do đó, cần có các nhà lãnh đạo chính trị biết làm việc cần mẫn để thiết lập lại nền văn hóa đối thoại vì thiện ích chung, củng cố các định chế dân chủ và cổ vũ việc thượng tôn pháp luật, như một biện pháp chống lại các khuynh hướng phản dân chủ, dân túy và cực đoan.

Trong hành trình thứ hai trong năm 2019 của tôi, tôi đã đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chuyến thăm đầu tiên của một Người kế vị Phêrô đến Bán đảo Ả Rập. Tại Abu Dhabi, tôi đã cùng Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, ký kết Văn kiện về tình huynh đệ nhân bản vì hòa bình thế giới và chung sống. Đây là một bản văn quan trọng, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, và cùng tồn tại hòa bình trong các xã hội ngày càng đa sắc tộc và đa văn hóa. Trong khi lên án mạnh mẽ việc sử dụng tên của Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, đày ải, khủng bố và áp bức [11], Tài liệu nhắc lại tầm quan trọng của khái niệm quyền công dân, “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, theo đó tất cả đều được hưởng công lý” [12]. Điều này đòi phải tôn trọng tự do tôn giáo và quyết tâm bác bỏ việc sử dụng thuật ngữ đầy kỳ thị “các nhóm thiểu số”, một thuật ngữ vốn gây ra cảm giác cô lập và mặc cảm tự ti, và dọn đường cho thù nghịch và bất hòa, kỳ thị giữa các công dân trên cơ sở thống thuộc tôn giáo của họ [ 13]. Để đạt mục tiêu này, điều đặc biệt quan trọng là huấn luyện các thế hệ tương lai trong cuộc đối thoại liên tôn, vốn là con đường chính để nhận thức nhiều hơn, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên của các tôn giáo khác nhau.

Hòa bình và hy vọng cũng là tâm điểm của chuyến thăm Ma-rốc của tôi, nơi, với Đức vua Muhammed VI, tôi đã ký một lời kêu gọi chung về Giêrusalem, để công nhận đặc tính độc đáo và thánh thiêng của Jerusalem / Al-Quds Acharif, và sâu sắc quan tâm đến ý nghĩa tâm linh và ơn gọi đặc biệt của nó như là một thành phố của hòa bình [14]. Và từ Giêrusalem, một thành phố thân yêu đối với tín hữu của ba tôn giáo độc thần, một thành phố được kêu gọi trở thành nơi gặp gỡ mang tính biểu tượng và chung sống hòa bình, nơi tôn trọng và đối thoại lẫn nhau được vun sới [15], tôi không thể không quay về toàn bộ Thánh địa và nhắc lại nhu cầu cấp thiết để toàn bộ cộng đồng quốc tế tái xác nhận, một cách can đảm và chân thành, và tôn trọng luật pháp quốc tế, cam kết của mình trong việc hỗ trợ tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Một sự tham gia kiên trì và hữu hiệu hơn về phần cộng đồng quốc tế là điều cấp bách nhất ở nhiều phần khác của khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông. Tôi nghĩ đặc biệt đến bức màn im lặng có nguy cơ phủ lên cuộc chiến từng tàn phá Syria trong suốt thập niên qua. Điều bắt buộc là phải đưa ra các giải pháp phù hợp và có tầm nhìn xa có khả năng tạo điều kiện cho người dân Syria yêu dấu, vốn kiệt sức vì chiến tranh, giành lại hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước. Tòa Thánh ủng hộ mọi sáng kiến nhằm đặt nền móng cho việc giải quyết cuộc xung đột, và một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với Jordan và Lebanon vì đã nghinh đón và nhận trách nhiệm, với nhiều hy sinh đáng kể, đối với hàng triệu người tị nạn Syria. Đáng buồn thay, ngoài những khó khăn gây ra bởi sự nghinh đón này, các yếu tố bất trắc kinh tế và chính trị khác, ở Lebanon và các quốc gia khác, đang gây ra căng thẳng trong dân chúng, gây nguy hiểm cho sự ổn định mong manh của Trung Đông.

Đặc biệt đáng lo ngại là các tín hiệu đến từ toàn bộ khu vực tiếp theo việc gia tăng các căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ, có nguy cơ trước hết ảnh hưởng đến diễn trình tái thiết dần dần ở Iraq, cũng như đặt cơ sở cho một cuộc xung đột lớn hơn mà tất cả chúng ta đều muốn tránh khỏi. Do đó, tôi xin lặp lại lời kêu gọi của tôi rằng mọi bên liên hệ nên tránh việc leo thang cuộc xung đột và “duy trì ngọn lửa đối thoại và tự kiềm chế” [16] trong việc hoàn toàn tôn trọng luật pháp quốc tế.

Suy nghĩ của tôi cũng hướng về Yemen, nơi đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây giữa sự thờ ơ chung của cộng đồng quốc tế, và hướng về Libya, trong nhiều năm đã trải qua một tình huống xung đột, bị làm cho trầm trọng hơn do sự đột nhập của các nhóm cực đoan và do sự tăng cường bạo lực hơn nữa trong những ngày gần đây. Tình hình đó cung cấp mảnh đất màu mỡ cho tai họa bóc lột và buôn bán người, được thực hiện bởi những người vô lương tâm chuyên khai thác sự nghèo đói và đau khổ của những tình huống xung đột hoặc nghèo đói cùng cực mau qua này. Trong số những người vừa kể, nhiều người trở thành con mồi của các tổ chức tội phạm thực sự, chúng giam cầm họ trong những điều kiện vô nhân đạo và làm mất phẩm giá họ, bắt họ chịu tra tấn, bạo lực tình dục và các hình thức tống tiền.

Tổng quát hơn, cần lưu ý rằng nhiều ngàn người trên thế giới của chúng ta đang đưa ra các yêu cầu hợp pháp xin tạm trú, và có những nhu cầu nhân đạo có thể kiểm chứng được và nhu cầu bảo vệ chưa được nhận diện thỏa đáng. Nhiều người đang liều mạng sống của họ trong những chuyến đi đầy nguy hiểm bằng đường bộ và nhất là bằng đường biển. Thật đau đớn khi phải thừa nhận rằng Biển Địa Trung Hải tiếp tục là một nghĩa trang rộng lớn [17]. Do đó, ngày càng cấp bách để mọi quốc gia chấp nhận trách nhiệm tìm ra các giải pháp lâu dài.

Về phần mình, Tòa Thánh rất hy vọng nhìn thấy các nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm chia sẻ gánh nặng tái định cư cho người tị nạn, đặc biệt những người chạy trốn các trường hợp nhân đạo khẩn cấp, và cung cấp cho họ một nơi an toàn để sống, được giáo dục và có khả năng có việc làm và đoàn tụ với gia đình của họ.

Các Đại sứ thân mến,

Trong các chuyến đi của tôi trong năm vừa qua, tôi cũng đã có thể đến thăm ba quốc gia Đông Âu, đầu tiên là Bulgaria và Bắc Macedonia, và sau đó là Romania. Ba quốc gia khác nhau, nhưng được liên kết bởi sự kiện: trong nhiều thế kỷ, họ vốn là cầu nối giữa Đông và Tây, và là ngã tư của các nền văn hóa, sắc tộc và nền văn minh đa dạng. Khi tôi đến thăm họ, tôi được một lần nữa trải nghiệm tầm quan trọng của đối thoại và nền văn hóa gặp gỡ trong việc tạo ra các xã hội hòa bình, trong đó mỗi cá nhân có thể tự do phát biểu bản sắc sắc tộc và tôn giáo của mình.

Vẫn còn trong bối cảnh châu Âu, tôi muốn khẳng định lại tầm quan trọng của việc hỗ trợ đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế như là một biện pháp giải quyết “các cuộc xung đột đóng băng” vẫn tồn tại trên lục địa, một số trong đó đã kéo dài hàng thập niên nay và đòi phải có một giải pháp, bắt đầu với các tình huống liên quan đến phía tây dẫy Balkan và miền nam dẫy Caucasus, bao gồm Georgia. Trong khung cảnh này, tôi cũng muốn bày tỏ sự khích lệ của Tòa Thánh đối với các cuộc đàm phán để thống nhất đảo Síp, một điều sẽ gia tăng sự hợp tác khu vực và thúc đẩy sự ổn định của toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Tôi cũng bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với các nỗ lực đã đưa ra nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và chấm dứt đau khổ của người dân.

Đối thoại – chứ không phải vũ khí - là cách thiết yếu để giải quyết các tranh chấp. Về phương diện này và trong khung cảnh này, tôi muốn ghi nhận sự đóng góp, thí dụ, ở Ukraine, của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đặc biệt trong năm nay, năm đánh dấu kỷ niệm bốn mươi lăm năm Đạo luật Helsinki Cuối cùng. Đạo luật này đã kết thúc Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (CSCE), được khởi xướng vào năm 1973 để cổ vũ sự lắng dịu và hợp tác giữa các quốc gia Tây và Đông Âu, vào thời điểm lục địa còn bị chia cắt bởi Bức màn sắt. Đạo luật Cuối cùng là một giai đoạn quan trọng trong một diễn trình bắt đầu sau Thế Chiến hai, một diễn trình coi đồng thuận và đối thoại như công cụ chính để giải quyết các cuộc xung đột.

Các nền tảng của diễn trình hội nhập châu Âu đã được đặt ở Tây Âu vào năm 1949 với việc thành lập Hội đồng châu Âu và việc thông qua Công ước châu Âu về nhân quyền sau đó. Công ước này nhìn thấy một trụ cột thiết yếu trong Tuyên bố ngày 9 tháng 5 năm 1950 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, Robert Schuman. Ông Schuman tuyên bố rằng “hòa bình không thể được bảo đảm ngoại trừ bằng cách đưa ra các cố gắng sáng tạo tương xứng với những nguy cơ đe dọa nó”. Những người sáng lập ra châu Âu hiện đại nhận ra rằng chỉ nhờ một diễn trình tiệm tiến chia sẻ các lý tưởng và tài nguyên, lục địa này mới có thể phục hồi sau sự tàn phá của chiến tranh và những chia rẽ mới nảy sinh sau đó.

Tòa Thánh đã rất quan tâm theo dõi dự án châu Âu từ những năm đầu tiên của nó; năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm sự hiện diện của Toà Thánh như một Quan sát viên cạnh Hội đồng Châu Âu và việc thiết lập liên hệ ngoại giao với các Cộng đồng Châu Âu khi đó. Tòa Thánh vốn tìm cách nhấn mạnh lý tưởng của một diễn trình tăng trưởng bao gồm lấy cảm hứng từ tinh thần tham gia và liên đới, có khả năng biến châu Âu thành một mô hình nghinh đón và bình đẳng xã hội được hướng dẫn bởi các giá trị chung có tính nền tảng. Dự án châu Âu tiếp tục là sự bảo đảm căn bản cho việc phát triển đối với những ai vốn chia sẻ từ lâu và là cơ hội cho hòa bình, sau những xung đột và thương tích đầy sóng gió, cho những quốc gia nào vốn mong muốn tham gia vào đó.

Do đó, châu Âu không nên đánh mất cảm thức liên đới mà trong nhiều thế kỷ từng làm nó nổi bật, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử. Mong sao nó không đánh mất tinh thần đó, một tinh thần vốn tìm thấy nguồn gốc của nó, trong số những nguồn khác, trong lòng hiếu thảo (pietas) La Mã và trong đức ái (caritas) Kitô giáo vốn định hình tinh thần của các dân tộc châu Âu. Vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà ở Paris cho thấy ngay cả những thứ dường như quá vững chắc cũng có thể dễ tan vỡ và dễ dàng bị phá hủy. Thiệt hại cho một tòa nhà không những chỉ quý giá đối với người Công Giáo mà còn quan trọng đối với toàn bộ nước Pháp và toàn bộ nhân loại, đã làm sống lại câu hỏi về các giá trị lịch sử và văn hóa của Châu Âu, và nguồn gốc sâu xa hơn của nó. Trong các tình huống nơi thiếu khung giá trị, người ta thấy việc nhận diện các yếu tố chia rẽ dễ dàng hơn việc nhận diện các yếu tố đoàn kết.

Lễ kỷ niệm năm thứ ba mươi ngày Bức tường Berlin sụp đổ nhắc nhở chúng ta về một trong những biểu tượng đau đớn nhất của Lịch sử lục địa gần đây và khiến chúng ta nhận ra một lần nữa việc dựng lên các rào cản dễ dàng biết bao. Bức tường Berlin vẫn là biểu tượng của một nền văn hóa chia rẽ khiến mọi người xa lánh nhau và mở đường cho chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Chúng ta thấy điều này ngày càng nhiều trong các ngôn từ thù hận nhan nhản trên internet và trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thay vì những bức tường thù hận, chúng ta thích những cây cầu hòa giải và đoàn kết hơn; thay vì những gì làm ra xa cách, chúng ta thích những gì thu hút mọi người lại gần nhau hơn. Vì chúng ta biết rằng, như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđíctô XV đã viết cách đây một trăm năm, “không thể có hòa bình ổn định... nếu không có hòa giải dựa trên tình bác ái hỗ tương như một phương tiện để dập tắt hận thù và xua đuổi thù hận” [18].

Các Đại sứ thân mến,

Tôi đã có thể nhìn thấy các dấu hiệu hòa bình và hòa giải trong chuyến thăm châu Phi của tôi, nơi niềm vui hết sức rõ rệt nơi những người cảm thấy là một phần của một dân tộc và cùng nhau đối diện với những thách thức hàng ngày của cuộc sống trong tinh thần chia sẻ. Tôi đã trải nghiệm niềm hy vọng cụ thể dưới hình thức nhiều biến cố đáng khích lệ, bắt đầu với những tiến bộ hơn nữa đạt được ở Mozambique trước ngày ký kết việc dứt khoát chấm dứt chiến sự ngày 1 tháng 8 năm 2019.



Ở Madagascar, tôi đã thấy người ta có thể tạo được an ninh như thế nào tại một nơi trước đây vốn có sự bất ổn, thấy được niềm hy vọng thay vì tâm trạng không thể tránh khỏi, thấy được các dấu hiệu của sự sống ở một nơi có nhiều chết chóc và hủy diệt được công bố [19]. Điều thiết yếu trong phương diện này là các gia đình và cảm thức cộng đồng, những điều có thể giúp sự tăng trưởng của niềm tin tưởng căn bản vốn là gốc rễ của mọi mối liên hệ nhân bản. Ở Mauritius, tôi quan sát “cách các tôn giáo khác nhau, dù tôn trọng bản sắc chuyên biệt của mình, vẫn cùng tay trong tay đóng góp cho sự hòa hợp xã hội và nâng cao giá trị siêu việt của cuộc sống chống lại mọi loại chủ nghĩa giản lược” [20]. Tôi tin tưởng rằng sự nhiệt tình, rất hiển hiện ở mọi thời điểm trong chuyến hành trình của tôi, sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các hành động chấp nhận cụ thể và các dự án có khả năng cổ vũ công bằng xã hội và tránh các biểu hiện loại trừ.

Mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến các phần khác của lục địa, thật đau lòng khi chứng kiến, đặc biệt ở Burkina Faso, Mali, Nigeria và Nigeria, các tình tiết bạo lực liên tục chống lại những người vô tội, trong đó, nhiều Kitô hữu bị bách hại và sát hại vì trung thành với Tin Mừng. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia này nhằm loại bỏ đại họa khủng bố đang gây ra ngày càng nhiều đổ máu ở khắp nhiều vùng châu Phi, cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Trước những biến cố này, chúng ta cần thực hiện các chiến lược thiết thực không những chỉ nhằm tăng cường an ninh, mà còn giảm nghèo, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ nhân đạo, và cổ vũ việc cai trị tốt và dân quyền. Đây là những trụ cột của sự phát triển xã hội đích thực.

Tương tự như vậy, cần phải khuyến khích các sáng kiến nhằm cổ vũ tình huynh đệ trong mọi nhóm văn hóa, sắc tộc và tôn giáo địa phương, đặc biệt ở vùng Sừng châu Phi, ở Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi bạo lực vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở phía đông của nước này. Các tình huống xung đột và khủng hoảng nhân đạo, bị làm cho trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đang gia tăng số lượng người phải di tản và ảnh hưởng đến những người vốn đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Nhiều quốc gia trải qua những tình huống này đang thiếu các cơ cấu thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu của người di tản.

Về phương diện này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thật đáng buồn, vẫn chưa có một đáp ứng quốc tế nhất quán để giúp giải quyết hiện tượng di tản nội bộ. Điều này phần lớn do thiếu một định nghĩa được quốc tế đồng ý, vì hiện tượng này diễn ra trong biên giới quốc gia. Kết quả là những người phải di tản trong nước không phải lúc nào cũng nhận được sự bảo vệ mà họ đáng được, và phải phụ thuộc vào chính sách và khả năng đáp ứng của các quốc gia nơi họ cư ngụ.

Gần đây, Hội Đồng cấp cao của Liên hiệp quốc về Việc Di Tản Nội bộ đã bắt đầu hoạt động, hội đồng mà tôi hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý và hỗ trợ khắp thế giới cho những người di tản, trong khi đưa ra các kế hoạch và dự án cụ thể.

Về phương diện này, tôi cũng nghĩ đến Sudan, với niềm hy vọng mãnh liệt rằng các công dân của họ sẽ có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng, và hợp tác trong việc tăng trưởng kinh tế và dân chủ của đất nước. Tôi cũng nghĩ tới Cộng hòa Trung Phi, nơi một thỏa thuận hoàn cầu được ký kết vào tháng 2 năm ngoái để chấm dứt hơn 5 năm nội chiến. Suy nghĩ của tôi cũng hướng về Nam Sudan, nơi tôi hy vọng có thể đến thăm trong năm nay. Tháng Tư vừa qua, tôi đã dành một ngày tĩnh tâm cho đất nước này, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo của nó và với sự đóng góp được đánh giá cao của Đức Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, và Mục sư John Chalmers, cựu điều hành viên của Giáo hội Trưởng lão Scotland. Tôi tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị sẽ theo đuổi đối thoại để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.



Hành trình cuối cùng của tôi trong năm vừa kết thúc là đến Đông Á. Ở Thái Lan, tôi đã có thể chứng kiến sự hòa hợp đặc trưng của nhiều nhóm sắc tộc của đất nước, với những nền triết lý, văn hóa và tôn giáo đa dạng của họ. Điều này nói lên một thách thức đáng kể trong bối cảnh hoàn cầu hóa hiện nay, nơi mà các khác biệt có xu hướng được dần dần san bằng và được chủ yếu xem xét về mặt kinh tế và tài chính, với nguy cơ xóa bỏ các đặc điểm khác biệt của các dân tộc khác nhau.

Cuối cùng, ở Nhật Bản, tôi đã trải qua một cách thấm thía nỗi đau và nỗi kinh hoàng mà con người chúng ta có khả năng gây ra cho nhau [21]. Khi nghe những lời chứng của một số Hibakusha, những người sống sót sau những quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, tôi thấy rõ rằng hòa bình đích thực không thể được xây dựng dựa trên mối đe dọa hủy diệt hoàn toàn loài người bằng vũ khí hạch nhân. Hibakusha “vẫn giữ ngọn lửa của lương tâm tập thể, làm chứng cho các thế hệ kế tiếp về nỗi kinh hoàng của những gì đã xảy ra vào tháng 8 năm 1945 và những đau khổ không thể kể xiết vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Lời chứng của họ đã đánh thức và lưu giữ ký ức của các nạn nhân, để lương tâm nhân loại có thể trỗi dậy chống mọi thèm khát thống trị và hủy diệt” [22], đặc biệt là lòng thèm khát được thúc đẩy bởi việc sở hữu các thiết bị có khả năng hủy diệt như các vũ khí hạch nhân. Những vũ khí này không những chỉ nuôi dưỡng bầu không khí sợ hãi, nghi ngờ và thù địch; chúng còn phá hủy hy vọng. Việc sử dụng chúng là vô luân, “một tội ác không những chỉ chống lại nhân phẩm mà còn chống lại bất cứ tương lai khả hữu nào đối với ngôi nhà chung của chúng ta” [23].

Một thế giới “không có vũ khí hạch nhân là điều có thể có và cần thiết” [24]. Đã đến lúc để các nhà lãnh đạo chính trị nhận ra rằng một thế giới an toàn hơn sẽ xuất hiện không phải nhờ sự sở hữu có tính răn đe các phương tiện hủy diệt hàng loạt mạnh mẽ, mà nhờ những nỗ lực kiên nhẫn của những người đàn ông và đàn bà có thiện chí, những người, trong các lĩnh vực riêng của họ, tân tụy một cách cụ thể trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, liên đới và tôn trọng lẫn nhau.

Năm 2020 cung cấp một cơ hội quan trọng về phương diện này, kể từ Hội nghị lần thứ mười Duyệt xét Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạch nhân sẽ được tổ chức tại New York vào ngày 27 tháng 4 đến 22 tháng 5 tới. Hy vọng sống động của tôi là cộng đồng quốc tế sau đó sẽ xoay sở để đạt được sự đồng thuận có tính kết luận và chủ động về các cách thức thực thi công cụ pháp lý quốc tế này, một điều tự cho thấy đã trở nên quan trọng hơn trong các thời kỳ giống như thời kỳ của chúng ta.

Khi kết thúc bài duyệt lại các nơi tôi đã ghé thăm trong năm qua, các suy nghĩ của tôi hướng đặc biệt về một quốc gia tôi chưa đến thăm, đó là nước Úc, đang bị tấn công nặng nề trong những tháng gần đây bởi những đám cháy dai dẳng đã ảnh hưởng đến cả các khu vực khác ở Châu Đại Dương. Tôi muốn bảo đảm với người dân Úc sự gần gũi và những lời cầu nguyện của tôi, đặc biệt với các nạn nhân và tất cả những người trong khu vực bị tàn phá bởi hỏa hoạn.

Thưa qúy vị, quý bà và qúy ông,

Năm nay, cộng đồng quốc tế kỷ niệm năm thứ bảy mươi lăm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc. Sau những thảm kịch đã xảy ra sau hai cuộc chiến tranh thế giới, ngày 26 tháng 4 năm 1945, bốn mươi sáu quốc gia đã ký Hiến chương Liên hiệp quốc và thiết lập một hình thức hợp tác đa phương mới. Bốn mục tiêu của Tổ chức, được quy định ở Điều 1 của Hiến chương, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hôm nay. Chúng ta có thể nói rằng các cố gắng của Liên Hiệp Quốc trong bảy mươi lăm năm qua phần lớn đã thành công, nhất là trong cách ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác. Các nguyên tắc nền tảng của Tổ chức - mong muốn hòa bình, theo đuổi công lý, tôn trọng phẩm giá con người, hợp tác và hỗ trợ nhân đạo - thể hiện khát vọng chính đáng của tinh thần con người và cấu tạo ra các lý tưởng nên trở thành nền tảng cho các mối liên hệ quốc tế.

Trong năm kỷ niệm này, chúng ta mong muốn tái khẳng định quyết tâm của toàn bộ gia đình nhân loại sẽ làm việc vì thiện ích chung như một tiêu chuẩn cho hành động đạo đức và là mục tiêu truyền cảm hứng cho mỗi quốc gia hợp tác để bảo đảm sự tồn tại và an ninh hòa bình của mọi quốc gia khác, trong tinh thần tôn trọng phẩm giá bình đẳng và tình liên đới hữu hiệu, và trong một hệ thống pháp lý dựa trên công lý và theo đuổi các thỏa hiệp chính đáng [25].

Điều này sẽ hữu hiệu hơn bao lâu các cố gắng được thực hiện để vượt qua cách tiếp cận gián tiếp vốn được sử dụng trong ngôn ngữ và hành vi của các cơ quan quốc tế, nhằm tìm cách liên kết các quyền căn bản vào các tình huống ngẫu nhiên. Cách tiếp cận như vậy quên mất điều này: các quyền này có cơ sở nội tại ngay trong bản chất con người. Bất cứ khi nào từ vựng của các tổ chức quốc tế mất đi cơ sở khách quan rõ ràng, người ta có nguy cơ cổ vũ sự xa lánh hơn là sáp lại gần giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế, với cuộc khủng hoảng tiếp theo đối với hệ thống đa phương, hiện đang, buồn thay, rất hiển hiện đối với mọi người. Trong bối cảnh này, rõ ràng cần phải, một lần nữa, tiến tới cuộc cải cách tổng thể hệ thống đa phương, bắt đầu với hệ thống Liên Hiệp Quốc, một hệ thống sẽ làm cho nó trở thành hữu hiệu hơn, có tính đến một cách thích đáng bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Các Đại sứ thân mến,

Lúc kết thúc những suy tư này, tôi muốn đề cập đến hai ngày kỷ niệm khác sẽ diễn ra trong năm nay, dù dường như không liên quan gì đến cuộc gặp gỡ hôm nay. Đầu tiên là lễ kỷ niệm năm trăm năm ngày qua đời của Raphael [Raffaello Sanzio], nhà nghệ sĩ vĩ đại quê ở Urbino, người đã chết ở Rome vào ngày 6 tháng 4 năm 1520. Raphael để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại hết sức đẹp đẽ. Giống như một thiên tài nghệ sĩ có thể pha trộn các nguyên liệu thô và màu sắc và âm thanh khác nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ngoại giao cũng thế, được yêu cầu phải hài hòa các đặc điểm khác biệt của các dân tộc và quốc gia khác nhau để xây dựng một thế giới công lý và hòa bình. Đây thực sự là kiệt tác tuyệt đẹp mà tất cả chúng ta muốn có thể chiêm ngưỡng.

Raphael là một nhân vật quan trọng thời Phục hưng, một thời đại làm phong phú toàn nhân loại. Đó là một thời đại có những vấn đề riêng của nó, nhưng vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng. Khi nhắc tới nhà nghệ sĩ kiệt xuất này, tôi muốn gửi lời chào thân ái đến người dân Ý, với niềm hy vọng kiểu cầu nguyện rằng họ sẽ khám phá lại tinh thần cởi mở đối với tương lai vốn điển hình hóa thời Phục hưng và làm cho bán đảo này trở nên đẹp đẽ và phong phú về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa.

Một trong những chủ đề yêu thích của Raphael, là Đức Trinh Nữ Maria. Với ngài, ông đã dành nhiều bức tranh mà, ngày nay, ta có thể chiêm ngưỡng trong các viện bảo tàng khắp thế giới. Đối với Giáo Hội Công Giáo, năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ bảy mươi ngày công bố việc Mông Triệu của Đức Trinh Nữ Maria. Nhìn lên Đức Maria, tôi muốn nói một lời đặc biệt với mọi phụ nữ, hai mươi lăm năm sau Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ tư của Liên Hiệp Quốc, được tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995. Tôi hy vọng rằng vai trò vô giá của phụ nữ trong xã hội có thể ngày càng được thừa nhận trên toàn thế giới và mọi hình thức bất công, kỳ thị và bạo lực chống lại phụ nữ đi đến hồi kết liễu. “Mọi hình thức bạo lực đối với một người phụ nữ là một sự phạm thượng đối với Thiên Chúa” [26]. Các hành vi bạo lực và bóc lột nhắm vào phụ nữ không chỉ đơn thuần sai lầm; chúng còn là các tội ác phá hủy sự hài hòa, thi ca và vẻ đẹp mà Chúa đã muốn ban cho thế giới [27].

Việc Mông Triệu của Đức Maria cũng mời gọi chúng ta nhìn về phía trước, tới việc hoàn thành cuộc hành trình trần thế của chúng ta, tới ngày khi công lý và hòa bình sẽ được thiết lập lại hoàn toàn. Lúc đó, mong sao chúng ta cảm thấy được khuyến khích làm việc siêng năng, qua chính sách ngoại giao vốn là sự đóng góp không hoàn hảo của con người chúng ta nhưng luôn có giá trị, để đẩy nhanh việc hoàn thành khát vọng hòa bình này, vì biết rằng mục tiêu này có thể đạt được. Khẳng định lại cam kết này, tôi xin lặp lại với tất cả Qúy vị, các Đại sứ thân yêu và các vị khách quý, và cho các quốc gia của Qúy vị, những lời chúc thân ái tốt đẹp nhất của tôi cho một năm mới giàu hy vọng và mọi phước lành.

Xin cảm ơn Qúy vị!





[1] Xem Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 1.

[2] Ibid.

[3] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ các nhà chức trách, Ngoại giao đoàn và Đại diện Xã hội, Panama, ngày 24 tháng 1 năm 2019.

[4] Tự sắc Vox Estis Lux Mundi, ngày 7 tháng 5 năm 2019.

[5] Thông điệp nhân ngày ra mắt Hiệp ước Hoàn cầu về giáo dục, ngày 12 tháng 9 năm 2019.

[6] ibid

[7] Kinh Truyền tin, Les Combes, 17 tháng 7 năm 2005.

[8] Thông điệp Laudato Si , ngày 24 tháng 5 năm 2015, 13.

[9] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 4.

[10] Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục cho khu vực Amazon, “Amazon: Những nẻo đường mới cho Giáo Hội và cho nền sinh thái toàn diện” 2,.

[11] Văn kiện về tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Chung sống, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019.

[12] Ibid.

[13] ibid

[14] Lời Kêu gọi của Đức vua Mohammed VI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Jerusalem / Al Quds, Thành phố Thánh và một nơi gặp gỡ, Rabat, ngày 30 tháng 3 năm 2019.

[15] ibid

[16] Kinh Truyền tin, ngày 5 tháng 1 năm 2020.

[17] Diễn văn với Nghị viện châu Âu, Strasbourg, ngày 25 tháng 11 năm 2014.

[18] Đức Bênêđictô XV, Thông điệp Pacem, Dei Munus Pulcherrimum, 23/5/1920.

[19] Xem Lễ Chào mừng tại Thành phố Hữu nghị Akamasoa, Antananarivo, ngày 8 tháng 9 năm 2019.

[20] Xem Diễn văn với các Nhà cầm quyền, đại diện xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn, Port Louis, ngày 9 tháng 9 năm 2019.

[21] Xem Diễn văn về vũ khí hạch nhân, Nagasaki, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[22] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 2.

[23] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ vì Hòa bình, Hiroshima, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[24] Diễn văn về vũ khí hạch nhân, Nagasaki, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[25] Xem Đức Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11 tháng 4 năm 1963, 98 [ed. Carlen].

[26] Bài giảng Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa bình Thế giới 2020, ngày 1 tháng 1 năm 2020.

[27] Xem La donna è l’armonia del mondo. Suy niệm trong thánh lễ buổi sáng tại nhà nguyện Domus Sanctae Marthae, ngày 9 tháng 2 năm 2017.
 
Kết quả cuộc gặp gỡ giữa Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah chiều thứ Sáu 17/01/2020
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:22 19/01/2020
Đức Hồng Y Robert Sarah đã gặp Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 để thảo luận về những tranh cãi xung quanh sau cuốn sách mới xuất bản gần đây của hai vị “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi,” và khẳng định rằng quan hệ giữa hai vị hoàn toàn tốt đẹp.

Cuốn sách, được trình bày như một tác phẩm đồng tác giả của hai vị, có phụ đề “Chức tư tế, Luật độc thân linh mục, và Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo”. Sự đóng góp của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã trở thành chủ đề tranh cãi kể từ khi cuốn sách được công bố vào hôm Chúa Nhật 12 tháng Giêng, và các tuyên bố mâu thuẫn với nhau về mức độ tham gia của Đức Giáo Hoàng danh dự vào dự án này đã được đưa ra trong tuần qua.

Đức Hồng Y Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã đưa ra một loạt các tuyên bố trên Twitter vào hôm thứ Sáu 17 tháng Giêng, sau gần một tuần ngài và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bị đánh hội đồng trên các mạng xã hội. Đức Hồng Y cho biết cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Bênêđíctô đã diễn ra tốt đẹp.

“Trước những cuộc tranh luận không ngớt, buồn nôn và lừa đảo mà chưa bao giờ dừng lại kể từ hồi đầu tuần này, liên quan đến cuốn sách ‘Từ thẳm sâu tâm hồn chúng tôi’, tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vào chiều nay [17 tháng Giêng],” vị Hồng Y người Guinê cho biết.

Các tweet của ngài đã được công bố bằng tiếng Pháp với chữ ký “-RS”.

“Cùng với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, chúng tôi đã thấy rằng chẳng có sự hiểu lầm nào giữa chúng tôi. Tôi ra về rất hạnh phúc, lòng đầy an bình và can đảm từ cuộc nói chuyện tuyệt vời này.”

Đức Hồng Y Sarah khuyến khích mọi người đọc và suy nghĩ về cuốn sách, và cảm ơn các biên tập viên cũng như những nhà xuất bản của mình vì “sự tỉ mỉ, liêm khiết, nghiêm túc, và tính chuyên nghiệp mà họ đã chứng tỏ,” và nói thêm cuốn sách này “tuyệt vời cho tất cả!”

Cuốn sách gồm một chương được ký tên Đức Bênêđíctô, một chương ký tên Đức Hồng Y Sarah, và một phần giới thiệu và kết luận, được cho là của cả hai người.

Vào ngày 14 tháng Giêng, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói với hãng tin ANSA của Ý rằng: “Tôi có thể khẳng định rằng sáng nay tôi đã hành động theo những chỉ thị của Đức Giáo Hoàng Danh Dự và tôi đã yêu cầu Đức Hồng Y Robert Sarah tiếp xúc với các nhà xuất bản của cuốn sách và yêu cầu họ xóa tên Đức Bênêđíctô XVI với tư cách là đồng tác giả của cuốn sách, và xóa chữ ký của ngài khỏi phần giới thiệu và cả phần kết luận nữa.”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói tiếp rằng: “Đức Giáo Hoàng Danh Dự biết rằng Đức Hồng Y đang chuẩn bị một cuốn sách và đã gửi cho ngài một văn bản về chức tư tế cho phép ngài sử dụng nó theo ý muốn. Tuy nhiên, ngài không chấp nhận một dự án cho một cuốn sách đồng tác giả và ngài đã không nhìn thấy hoặc đồng thuận với tờ bìa. Đó là một sự hiểu lầm, và không có gì để nghi ngờ về lòng trung thành tốt lành của Đức Hồng Y Sarah.”

Bất chấp yêu cầu từ Đức Tổng Giám Mục Gänswein, nhà xuất bản Ignatius Press – là nơi sẽ xuất bản ấn bản tiếng Anh vào tháng Hai - tuyên bố trong tuần này rằng họ tiếp tục cho rằng cuốn sách đã được đồng tác giả bởi Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah.

Nhà xuất bản nói với thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng những người phê bình cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự không phải là đồng tác giả cuốn sách, hay không ủy quyền xuất bản cho Đức Hồng Y Sarah, là sai.

Hôm 13 tháng Giêng, Cha Joseph Fessio, linh mục dòng Tên, người sáng lập và là chủ nhiệm nhà xuất bản Ignatius Press, đặt câu hỏi:

“Phải chăng những người này thực sự dám ngụ ý rằng Đức Hồng Y Sarah tham gia vào một âm mưu bóp méo sự thật?”.

“Nếu Đức Hồng Y Sarah nói với [Ignatius Press] rằng các chương này là từ Đức Bênêđíctô thứ 16 thì đó là từ Đức Bênêđíctô thứ 16, chúng tôi hoàn toàn tin lời ngài.”

Theo sau một tuyên bố của Đức Hồng Y Sarah hôm 14 tháng Giêng, Cha Fessio nói thêm rằng nhà xuất bản của ngài tiếp tục xuất bản cuốn sách theo dự trù trong đó Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah là đồng tác giả.

Trong tuyên bố hôm 14 tháng Giêng, Đức Hồng Y cho biết vào ngày 12 tháng 10, Đức Bênêđíctô đưa cho ngài một “văn bản dài” và Đức Hồng Y Sarah nghĩ rằng nó quá sâu sắc và quá dài đối với một tờ báo. Vì thế, ngài “đề nghị vị Giáo Hoàng Danh Dự cho công bố dưới dạng một cuốn sách, tích hợp các văn bản của ngài cũng như của tôi.”

Sau “một số trao đổi để hình thành cuốn sách,” ngày 19 tháng 11, ngài đã gửi một “bản thảo hoàn chỉnh” cho Đức Bênêđíctô, “như chúng tôi đã cùng nhau quyết định, bao gồm trang bìa, một giới thiệu chung và kết luận, văn bản của Đức Bênêđíctô XVI và văn bản của riêng tôi.”


Source:Catholic News Agency
 
Đọc sách của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Sarah – Lịch sử luật độc thân linh mục từ Cựu Ước đến Tân Ước
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:14 19/01/2020
Độc thân linh mục bắt buộc đã là một nguồn gây tranh cãi kể từ Công Đồng Vatican II. Trong số các lập luận chống lại luật độc thân linh mục, ngày nay, rõ ràng có một nhu cầu cấp bách là phải có thêm nhiều linh mục. Bên cạnh đó, còn có truyền thống lâu đời cho phép linh mục được kết hôn trong Chính Thống Giáo và nhiều cộng đồng Công Giáo Đông phương khác. Cho nên, nhiều người lập luận rằng nếu độc thân linh mục chỉ là một kỷ luật của Giáo Hội Tây phương, không phải là một tín lý, thì kỷ luật ấy có thể được thay đổi. Hơn nữa, nhiều người lý luận rằng một linh mục có gia đình sẽ có những lợi thế thiết thực. Thí dụ, các nền văn hóa ở nhiều miền truyền giáo thường có cái nhìn tiêu cực với những người độc thân, xem họ là một người “ngoài hành tinh”, không đáng tin tưởng. Nhiều người cũng tin rằng chức tư tế sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các thanh niên, nếu không ngăn cấm việc kết hôn. Một số người cũng tin rằng các vụ lạm dụng tình dục giáo sĩ có thể được giảm bớt. Nhiều người tin vào điều này một cách cực đoan đến mức tranh luận rằng lẽ ra Giáo Hội không nên truyền chức linh mục cho những người nam độc thân, mà chỉ nên truyền chức cho những người đã kết hôn và có một đời sống gia đình ổn định!

Thượng Hội Đồng Amazon dường như mang đến hy vọng rằng một chức tư tế không ngăn cấm việc kết hôn, ban đầu hạn chế trong một phạm vi địa lý nhất định, với các giới hạn trong các hoàn cảnh được xác định một cách khắt khe, cuối cùng có thể trở thành một thực tại tràn lan trong Giáo Hội Latinh. Việc phong chức linh mục cho các viri probati, tức là những người đã có gia đình nhưng có đức hạnh được chứng minh, trong các miền truyền giáo sẽ tạo ra tiền lệ cần thiết cho việc dần dần tái xác định thần học về luật độc thân linh mục để tiến đến bãi bỏ luật này.

Đức Bênêđíctô giải thích thế nào về lịch sử của luật độc thân linh mục? Dưới đây là lập luận của ngài trích từ cuốn “Des Profondeurs de nos cœurs”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”. Bản tiếng Pháp vừa được phát hành hôm 15 tháng Giêng. Xin đăng tải cả phần tiếng Pháp trích từ cuốn sách và phần dịch sang tiếng Việt của chúng tôi.

1. Célibataires ou continents, pour célébrer l’Eucharistie

Trés vite – nous ne savons pas exactement quand, mais en tout cas très rapidement –, la célébration régulière, et même quotidienne, de l’Eucharistie est devenue essentielle pour l’Église. Le pain “supersubstantiel” est en même temps le pain “quotidien” de l’Église. Cela eut une conséquence importante qui, précisément, hante aujourd’hui l’Église.


1. Độc thân hay kiêng khem để cử hành Thánh Thể

Rất sớm - chúng ta không biết chính xác là khi nào, nhưng dẫu sao rất nhanh chóng - việc cử hành Thánh Thể thường xuyên và thậm chí hàng ngày đã trở nên thiết yếu đối với Giáo Hội. Bánh “siêu thực thể” đồng thời là lương thực “hàng ngày” của Giáo Hội. Và điều này đã có một hậu quả quan trọng, trên thực tế, chi phối Giáo Hội ngày nay.

Dans la conscience commune d’Israël, les prêtres étaient rigoureusement tenus de respecter l’abstinence sexuelle dans les périodes où ils exerçaient le culte et étaient donc en contact avec le mystère divin. La relation entre l’abstinence sexuelle et le culte divin fut absolument claire dans la conscience commune d’Israël. À titre d’exemple, je voudrais rappeler l’épisode de David qui, fuyant Saül, pria le prêtre Achimélek de lui donner du pain: Le prêtre répondit à David: “Je n’ai pas de pain ordinaire sous la main, il n’y a que des pains consacrés: tes hommes pourront en manger s’ils se sont gardés de rapports avec les femmes.” David répondit au prêtre: “Oui, bien sûr ! Nous nous sommes abstenus de rapports avec les femmes depuis trois jours” (1 S 21, 5f). Étant donné que les prêtres de l’Ancien Testament ne devaient se consacrer au culte que durant des périodes déterminées, le mariage et le sacerdoce étaient compatibles.

Theo nhận thức luân lý thông thường của người Do Thái, các tư tế được yêu cầu một cách nghiêm ngặt phải giữ sự kiêng khem tình dục trong thời kỳ họ thực hiện việc thờ phượng, và qua đó tiếp xúc với mầu nhiệm thánh thiêng. Mối quan hệ giữa kiêng quan hệ tình dục và việc phượng tự Thiên Chúa là hoàn toàn rõ ràng trong nhận thức luân lý thông thường của người Do Thái. Để nêu một ví dụ, tôi muốn nhắc lại cảnh Đavít, bỏ chạy Saolô, cầu xin tư tế Akhimeléc cho anh chút bánh. Vị tư tế trả lời Đavít rằng: “Tôi không có sẵn bánh thường, chỉ có bánh thánh hiến, miễn là các đầy tớ đã giữ mình, không gần gũi đàn bà.” Đavít trả lời vị tư tế: “Phải, chúng tôi không gần gũi đàn bà trong ba ngày rồi” (1 Sam 21: 5f). Vì các tư tế của Cựu Ước không hiến mình cho việc thờ phượng ngoại trừ trong những thời kỳ nhất định, hôn nhân và chức tư tế không đối kháng với nhau.

Mais, en raison de la célébration eucharistique régulière et souvent même quotidienne, la situation des prêtres de l’Église de Jésus-Christ se trouve radicalement changée. Désormais, leur vie entière est en contact avec le mystère divin. Cela exige de leur part l’exclusivité à l’égard de Dieu. Cela exclut par conséquent les autres liens qui, comme le mariage, embrassent toute la vie. De la célébration quotidienne de l’Eucharistie, qui implique un état de service de Dieu permanent, naquit spontanément l’impossibilité d’un lien matrimonial. On peut dire que l’abstinence sexuelle qui était fonctionnelle s’est transformée d’elle-même en une abstinence ontologique. Ainsi, sa motivation et sa signification étaient changées de l’intérieur et en profondeur.

Nhưng, vì việc cử hành Thánh Thể thường xuyên và thường là diễn ra hàng ngày, tình hình của các linh mục trong Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô thay đổi một cách triệt để. Giờ đây, toàn bộ cuộc sống của họ tiếp xúc với mầu nhiệm thánh thiêng. Điều này đòi hỏi họ dành độc quyền cho Thiên Chúa. Hệ quả là điều này loại trừ mọi ràng buộc khác, giống như hôn nhân, nó bao trùm toàn bộ cuộc sống. Từ việc cử hành Bí tích Thánh Thể hàng ngày, là điều bao hàm tình trạng phụng sự vĩnh viễn cho Thiên Chúa, tự động nảy sinh sự bất khả thi của một mối quan hệ hôn nhân. Ta có thể nói rằng sự kiêng khem tình dục có chức năng tự biến thành một sự kiêng khem bản thể. Do đó, động lực và ý nghĩa của người ấy đã thay đổi từ bên trong và sâu sắc.

De nos jours, on affirme trop facilement que tout cela ne serait que la conséquence d’un mépris de la corporéité et de la sexualité. La critique selon laquelle le fondement du célibat sacerdotal serait une conception manichéenne du monde a déjà été formulée au IVe siècle. Elle fut cependant immédiatement repoussée de manière décisive par les Pères de l’Église qui y mirent fin pour un certain temps.

Trong thời đại của chúng ta, người ta nói quá dễ dàng rằng tất cả những điều này chẳng qua chỉ là hậu quả của một sự khinh miệt thân xác và miệt thị tình dục. Những lời chỉ trích theo đó nền tảng của sự độc thân linh mục là một quan niệm của đạo Mani về thế giới đã được hình thành từ thế kỷ thứ 4. Tuy nhiên, điều này đã ngay lập tức bị các Giáo phụ bác bỏ một cách quyết liệt và đặt dấu chấm hết cho nó sau một thời gian.

Un tel jugement est erroné. Pour le démontrer, il suffit de rappeler que l’Église a toujours considéré le mariage comme un don octroyé par Dieu dès le paradis terrestre. Toutefois, l’état conjugal concerne l’homme dans sa totalité, or le service du Seigneur exigeant également le don total de l’homme, il ne semble pas possible de réaliser simultanément les deux vocations. Ainsi, l’aptitude à renoncer au mariage pour se mettre totalement à la disposition du Seigneur est devenue un critère pour le ministère sacerdotal.

Đánh giá như vậy là sai lầm. Để chứng minh điều này, chỉ cần nhớ rằng Giáo Hội luôn coi hôn nhân là một món quà được Thiên Chúa ban tặng bắt đầu từ vườn địa đàng trần thế. Tuy nhiên, trạng thái vợ chồng liên quan con người trong tổng thể của mình, nhưng vì sự phụng sự Chúa cũng đòi hỏi không kém sự trao ra tổng thể con người, nên dường như không thể hiện thực hoá cả hai ơn gọi cùng một lúc. Do đó, thái độ từ bỏ hôn nhân để làm cho mình hoàn toàn sẵn sàng cho Chúa đã trở thành một tiêu chí cho thừa tác vụ linh mục.

Quant à la forme concrète du célibat dans l’Église ancienne, il convient encore de souligner que les hommes mariés ne pouvaient recevoir le sacrement de l’Ordre que s’ils s’étaient engagés à respecter l’abstinence sexuelle, donc à vivre le mariage dit “de saint Joseph”. Une telle situation semble avoir été tout à fait normale au cours des premiers siècles. Il existait un nombre suffisant d’hommes et de femmes qui considéraient qu’il était raisonnable et possible de vivre de cette manière en se donnant ensemble au Seigneur.

Còn về các hình thức cụ thể của đời sống độc thân trong Giáo Hội sơ khai, điều đáng nhấn mạnh là những người đàn ông đã lập gia đình không thể nhận bí tích truyền chức thánh nếu họ không cam kết sẽ tôn trọng việc kiêng khem tình dục, và do đó, họ phải sống cuộc sống hôn nhân được gọi là hôn nhân “của Thánh Giuse.” Một tình huống như vậy đã được xem là hoàn toàn bình thường trong những thế kỷ đầu tiên. Nhiều người nam nữ cho rằng điều đó là hợp lý và có thể sống theo cách này bằng cách hiến trọn thân mình cho Chúa.

2. “Le Seigneur est mon partage et ma coupe” (Psaume 16:5)

Dans l’Ancien Testament, les lévites renoncent à posséder une terre. Dans le Nouveau Testament, cette privation se transforme et se renouvelle: les prêtres, parce qu’ils sont radicalement consacrés à Dieu, renoncent au mariage et à la famille. […] Le véritable fondement de la vie du prêtre, le sel de son existence, la terre de sa vie est Dieu lui-même. Le célibat, qui vaut pour les évêques dans toute l’Église orientale et occidentale et, selon une tradition qui remonte à une époque proche de celle des apôtres, pour les prêtres en général dans l’Église latine, ne peut être compris et vécu en définitive que sur ce fondement.


2. Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con (Tv 16:5)

Trong Cựu Ước, các tư tế Lêvi từ bỏ quyền sở hữu đất đai. Trong Tân Ước, sự từ bỏ này được chuyển hóa và đổi mới: các linh mục, vì được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, từ bỏ hôn nhân và gia đình[...] Nền tảng thực sự của cuộc đời linh mục, muối cho sự tồn tại của ngài, đất đai của cuộc đời ngài là chính Thiên Chúa. Sống độc thân, áp dụng cho các giám mục khắp các Giáo hội Đông và Tây và, theo một truyền thống bắt nguồn từ thời đại rất gần với thời các tông đồ, áp dụng cho các linh mục nói chung trong Giáo hội Latinh, không thể hiểu và sống dứt khoát nếu không có nền tảng này.