Ngày 17-01-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/01: Điều gì nên được tiết lộ – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP
Giáo Hội Năm Châu
02:17 17/01/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến tất cả những ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì phủ phục trước mặt Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:09 17/01/2024

9. Mục đích duy nhất cuộc sống của tôi ở trần gian này chính là để sửa soạn rước Thánh Thể.

(Thánh John Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:15 17/01/2024
55. MẶC NHẦM ÁO HỒNG BÀO

Quan văn Trần Sư Triệu thì không thích chuyện trang điểm, đầu bù tóc rối cũng lấy làm tự đắc kỳ thú.

Năm nọ, khi làm quan đến tứ phẩm thì vợ may cho ông ta cái áo trường bào màu đỏ, và dùng kim tuyến thêu một con sư tử rất uy vũ (1) , Trần Sư Triệu cũng không nhìn cho rõ bèn cầm lên và mặc vào, lại còn nhờ người vẽ lại một bức chân dung.

Về sau, Lý Đông Dương nhìn thấy trên áo quan văn thêu con mãnh thú là không đúng, bèn cười giễu người vẽ bức họa nói:

- “Nhìn đầu tóc không giống, nhìn áo càng không giống. Đây là Sư Triệu sao? Có thể tin và có thể không tin, tóc bù xù, áo càng bù xù, đại khái tàm tạm vậy mà !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 55:

Người ta thường nói “cái ăn cái mặc” là để chỉ “cái ăn” thì quan trọng thứ nhất và “cái mặc” thì quan trọng thứ nhì trong cuộc sống, người ta cũng nói “ăn sung mặc sướng” cũng là ý đó.

Người thế gian (người không đi tu) thì thích ăn sung mặc sướng, đó là chuyện bình thường; người tu trì thì tiết chế trong cách ăn mặc, đó là chuyện bình thường, cho nên cái không bình thường đáng lo ngại là khi người tu trì thích ăn sung mặc sướng như những người thế gian khác...

Có một vài linh mục và tu sĩ nam nữ thích ăn sung mặc sướng hơn người thế gian, bởi vì có vị khi ăn cơm thì hết chê món này dở món kia ăn không ngon, và có khi trách luôn nhà bếp nấu ăn quá dở; có vị khi chuẩn bị đi đâu thì “trang điểm” lâu cả nửa tiếng đồng hồ làm người khác phải đợi đến bực mình, tất cả những điều ấy là không bình thường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời, vì các vị ấy sống hưởng thụ và coi việc ăn mặc là số một của đời tu trì.

Ăn dở một chút cũng không sao nhưng sẽ tăng thêm vẽ đẹp cho tâm hồn tu sĩ, mặc không đẹp một chút cũng không sao nhưng nó làm tăng giá trị của người tu trì. Ai quá coi trọng đến vấn đề ăn uống thì không có đức ái trong tâm hồn, và ai quá chú trọng đến cách trang sức bên ngoài thì sẽ không có cái đẹp bên trong của tâm hồn, và nếu chúng ta –linh mục và tu sĩ- quá coi trọng vấn đề ăn mặc thì người ta sẽ cười nhạo và hỏi: “Đây là linh mục, đây là tu sĩ sao?”

(1) Thời cổ trên áo quan văn thì thêu phi cầm, trên áo quan võ thì thêu mảnh thú.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một Ai đó ở cùng
Lm. Minh Anh
15:24 17/01/2024

MỘT AI ĐÓ Ở CÙNG
“Vua Saun, cha tôi, đang tìm cách giết anh!”.

Lincoln, một tổng thống bị nhiều chỉ trích. Dù biết mình có những sai lầm, nhưng ông không bao giờ làm tổn hại đến tính chính trực. Ông thật mạnh mẽ, “Tôi ước được hoàn thành kế hoạch của chính quyền này, dẫu cuối cùng, khi rời chức vụ, tôi đánh mất mọi bạn bè. Nhưng lúc đó, ít nhất còn lại một người và người ấy sẽ ở bên tôi, trong tôi; ‘một Ai đó ở cùng’ tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Một Ai đó ở cùng’ Abraham Lincoln cũng là ‘một Ai đó ở cùng’ Đavít và Giêsu, ‘hậu duệ của Đavít!’. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay cho thấy cả Đavít và ‘hậu duệ của ông’ xem ra không chút sợ hãi trước cái chết đang rình rập mình.

Bài đọc Samuel tiết lộ đầu dây mối nhợ cho tà ý của vua Saun. Đó là việc các phụ nữ bên xướng, bên hoạ, nhảy múa chào đón người hùng Đavít trở về, “Saun hạ được hàng ngàn, Đavít hàng vạn!”. Lời tung hô dành cho Đavít khiến Saun cay cú, “Nó chỉ còn thiếu ngôi vua”. Vì thế, Saun quyết định loại Đavít khỏi cuộc chơi! May thay, Gionathan, con vua tiết lộ, “Cha tôi, đang tìm cách giết anh!”. Về phần mình, Gionathan ra sức thuyết phục vua cha bỏ ý định tà khúc này. Và dĩ nhiên, dù biết dã tâm của vua, Đavít vẫn không khiếp đảm; vì lẽ, đã có ‘một Ai đó ở cùng’ cậu. ‘Ai đó’ không ai khác là Chúa các đạo binh, Đấng đã cho Đavít hiển thắng Gôliát khổng lồ. Thánh Vịnh đáp ca hé lộ, “Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi!”.

Điều tương tự cũng đã xảy ra với Chúa Giêsu! Một khi danh thơm Ngài toả lan, dân chúng từ khắp các thành đổ xô đến, thì Chúa Giêsu cũng hiểu rằng, giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị kiên quyết tiễu trừ Ngài. Tuy nhiên, như Đavít, Chúa Giêsu ý thức đã có ‘một Ai đó ở cùng’. Với Ngài, điều đáng lo lắng chính là sự cứng lòng của giới cầm quyền và sự hời hợt của những kẻ kiếm tìm Ngài. Tìm kiếm Ngài vẫn chưa đủ, Ngài muốn họ biết Ngài là ai và nhận ra ‘một Ai đó ở cùng’ và ở trong Ngài. Ngài muốn những cuộc tìm gặp Ngài phải vượt quá những thoả mãn tức thời. Ngài đến, mang một điều gì đó nhiều hơn thế, một chân trời rộng mở, một Vương Quốc mới. Đó là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người.

Anh Chị em,

‘Một Ai đó ở cùng!’. Đấng ở cùng Đavít đã quan phòng cho Gionathan, con vua, ở bên cậu; nhờ đó, Đavít giữ được mạng. Bạn và tôi may mắn hơn Đavít ngàn lần; Giêsu, con Vua các vua, không chỉ ở bên cạnh, Ngài ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong Ngài. Chúng ta giữ được mạng sống không chỉ ở đời này nhưng cả sự sống đời sau. Thánh Phaolô xác tín, “Có Thiên Chúa bênh đỡ, ai còn chống lại được chúng ta!”. Lịch sử Giáo Hội cho thấy các nhà truyền giáo, các vị tử đạo dẫu biết theo Chúa Kitô, làm chứng cho Ngài là có thể bị giết chết; nhưng các ngài không hề tỏ ra sợ hãi, bởi đã tin có ‘một Ai Đó ở cùng’. Hãy can đảm đứng vững và dám đương đầu với mọi nghịch cảnh; vì lẽ, chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa rằng, Ngài là “Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sợ ai hoặc sợ bất cứ điều gì ngoài việc sợ làm mất lòng Chúa; và sợ hơn, khi trong con, chẳng có ‘một Ai Đó ở cùng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Được chọn, gọi và sai đi
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
16:11 17/01/2024

Được chọn, gọi và sai đi
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - B
(Mc 1, 14-20)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa khi chọn, gọi một người và sai đi thi hành ý Chúa. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến và chọn, gọi Giona đi làm sứ ngôn cho Ngài ở thành Ninive để kêu gọi dân thành Ninive ăn năn sám hối. Đến lượt Chúa Giêsu, chính Người cất tiếng gọi mời anh em Simon và Anrê, với anh em Giacôbê và Gioan đi loan báo cho muôn dân Tin mừng trọng đại về Nước Trời. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta.

Chúa chọn, gọi Giona và sai đi

Giona là người Dothái được Chúa kêu gọi đi giảng đạo cho Ninivê, ông không chịu, vì ông ghét thành này. Ninivê không là thủ đô của đế quốc đã xâm chiếm và tàn phá quê hương ông. Giảng đạo cho bọn ấy để họ cũng được ơn của Chúa ư? Không đời nào. Ðàng khác sức mấy mà bọn nghe mà trở lại! Hơn nữa người được sai đi đây lại là Giona, quê mùa của một quốc gia nhỏ.

Giôna không tin ở sứ mệnh Chúa giao phó cho mình. Và ông cũng chẳng muốn thi hành sứ mệnh ấy, kẻo kẻ thù của ông cũng được phúc. Thế nên thay vì đi sang tây, hướng về Ninivê, Giona đã lấy tàu đi Tarsis ở phía đông. Ông chọc tức Chúa, nên Chúa đã nổi lôi đình. Sóng gió nổi dậy. Mọi người trong tàu bắt Giona ném xuống biển. Một con cá lớn lao tới nuốt trửng Giona. Ở trong bụng cá ba ngày, Giona biết tội nên thống hối ăn năn. Ông hứa sẽ vâng lời Chúa. Con cá liền nhả ông ra bờ. Và ông đã đến Ninivê.

Chúa Giêsu chọn, gọi các Tông đồ

Tin Mừng thánh Marcô đã bắt đầu bằng chữ: "Sau khi Gioan bị bắt" (Mc 1,14). Ông là vị tiền hô của Chúa. Cuộc tử nạn của ông báo trước việc Chúa chịu chết. Vì thế, với những chữ trên gợi lên sự kiện "sau khi thụ nạn", Chúa Giêsu đã lui về Galilêa. Người bắt đầu gọi lại các tông đồ. Và như vậy câu truyện Marcô kể bây giờ được bọc trong mầu nhiệm Phục sinh.

Gioan Tẩy giả rao giảng, Chúa Giêsu cũng rao giảng. Sứ điệp của Chúa Giêsu là nội dung các Tông đồ phải đi rao truyền lại. Người giảng ở đất Galilêa (dân ngoại) để Hội Thánh bắt chước Người đi làm việc ở các dân tộc.

"Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm" (Mc 1, 15). Là sứ điệp rất quan trọng và mầu nhiệm. "Thời giờ" ở đây không phải là thời gian năm tháng tính theo các loại đồng hồ, nhưng là lịch sử, là kỷ nguyên. Với việc Ðức Kitô chịu chết và sống lại, lịch sử đã đi vào giai đoạn sung mãn. Thánh Kinh gọi là thời buổi cuối cùng. Từ nay đến tận thế không có gì mới nữa. Chỉ còn việc ơn cứu độ của Ðức Kitô lan rộng ra khắp không gian và thời gian.

Vì thế, "Nước Thiên Chúa đã gần đến" (Mc 1,15). Mọi người phải sám hối "và tin vào Tin Mừng". Tin Mừng ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa là công bố kế hoạch cứu thế của Chúa trong Ðức Giêsu Kitô.

Vậy đã có Ðức Giêsu Kitô là sứ giả của Thiên Chúa để rao giảng Tin Mừng; Người đã đến đất Galilêa dân ngoại để làm chứng Tin Mừng phải được mang đến cho các dân tộc. Hơn nữa Người đã rao giảng Tin Mừng khi thực hiện việc chịu chết và sống lại để cứu thế; thì không những từ nay người ta phải hối cải và tin vào Tin Mừng, và hơn nữa phải đi rao giảng Tin Mừng ấy.

Vì thế, Chúa Giêsu đã gọi anh em Simon và Anrê, cũng như Giacôbê và Gioan. Họ đang làm nghề bắt cá. Người bảo họ hãy theo Người đi bắt các linh hồn. Lập tức họ bỏ lưới chài và tất cả để đi theo Chúa. Người tiếp tục chọn gọi chúng ta.

Đến lượt chúng ta

Không ai có thể thấy mình ở ngoài sứ điệp trên đây. Tất cả chúng ta đều phải hối cải và tin vào Phúc Âm.

Khi thánh Phaolô nói : "Thời giờ vắn vỏi" nghĩa là lịch sử đã đến hồi kết. Thiên Chúa đã hoàn tất kế hoạch cứu độ cứu thế của Người, không còn gì để chờ đợi nữa. Từ nay, người ta phải tin vào Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người, chịu chết và sống lại; Người vẫn ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc. Người đang rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho chúng ta, là chính Con Người. Chúng ta phải bỏ con đường xưa nay vẫn đi, quay mặt lại với Người là hối cải và tin vào Người.

Phải thay đổi đời sống : “Ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì...” (1 Cr 7,29-31) nghĩa là những kẻ ấy sẽ không cư xử như khi chưa biết Chúa Giêsu nữa. Họ sống nhưng không phải họ, mà là Ðức Kitô sống trong họ. Họ ở giữa thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian, bởi vì "bộ mặt thế gian này đang qua đi". Thế gian không giữ được họ nữa. Họ đã được Ðức Giêsu Kitô giải phóng. Từ nay họ là con cái tự do của Thiên Chúa. Họ được lại quyền làm chủ vạn vật như Adong trước khi sa ngã. Họ có tự do của tinh thần để không bị sức mạnh cuả sự dữ khống chế.

Ðó là nếp sống mà thánh Phaolô khuyên chúng ta phải đi vào cho phù hợp với ơn gọi của những con người đã tin vào Phúc Âm.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Giona, cùng những người được Thiên Chúa chọn, gọi và sai đi truyền đạt thánh ý Chúa xuống cho muôn dân, để họ bước đi và sống theo đường lối Chúa dạy mà được sống. Amen.

 
Sống tự do để biết lắng nghe mà sám hối
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
19:09 17/01/2024

SỐNG TỰ DO ĐỂ BIẾT LẮNG NGHE MÀ SÁM HỐI
(Chúa Nhật III TN B)

“Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,1-2). Đề tài sám hối mãi là đề tài không bao giờ lỗi thời, bởi cuộc đời con người là một chuỗi thăng trầm không ngơi. Hết lầm rồi lại lỗi, hết sai rồi lại phạm, từ nhỏ đến lớn, từ nhẹ đến nặng nề. Hình như không một ai ngoài mẹ Maria, có thể thoát được vòng xoáy của tội luỵ. Chính vì thế, sứ điệp sám hối ăn năn dường như rất dễ đi vào lòng người, mặc dù đã từng có nhiều người cố tình lên án Hội Thánh là làm vẩn đục bức tranh nhân gian khi đề cập đến chủ đề tội lỗi quá nhiều.

Thế nhưng hiện tình của xã hội hôm nay, qua thông tin đại chúng, người ta phải chân nhận sự hiện hữu của tội lỗi và hậu quả xấu xa, tàn ác của nó trên chính nhân loại. Chiến tranh, bạo lực, bất công…như đang nhan nhản trước mắt chúng ta. Tiếng súng vẫn nổ đó đây. Máu vẫn chảy lênh láng nơi này, nơi kia. Mạng sống trẻ thơ vô tội vẫn bị đe doạ từ trong trứng nước. Môi sinh ngày càng bị ô nhiễm và bao điều tệ hại đang đe doạ sự tồn vong của con người. Hầu hết là do tội lỗi của con người gây ra.

Hãy mau mau sám hối! Không phải là những tình cảm ân hận chóng qua. Cũng không phải là một vài nghi thức đấm ngực bên ngoài. Sám hối là đổi thay. Sám hối là quay bước trở lại. Thế nhưng để có được hành vi sám hối, thì tiên vàn cần biết lắng nghe và chân thành đón nhận sự thật trong sự khiêm nhu.

Chúa Giêsu đã từng nêu gương vua quan và dân thành Ninivê ngày xưa. Bài đọc thứ nhất trích đọc trong thánh Lễ Chúa Nhật III TN B lại đề cập đến sự kiện sám hối ăn năn của họ. Từ vua đến quan, đến thường dân đều “bỏ đường gian ác mà quay trở lại” (Gn 3,10). Đây là một cử chỉ đáng kinh ngạc khiến Chúa Giêsu đã từng gọi đó là dấu lạ (x.Lc 11,29-32). Giona đã trở nên dấu lạ cho dân thành Ninivê, vì đã to gan nói những lời chướng tai, khó nghe. Chúa Giêsu còn là một dấu lạ lớn hơn cả Giona qua các lời dạy bảo của Người “như có vẻ đi ngược với quan niệm người đương thời”. Người lại còn tố cáo tội lỗi những người danh cao, vị trọng, bằng những lời rất thẳng thừng và đanh thép. Tuy nhiên có một dấu lạ khác khiến cho Chúa Giêsu nói rằng ngày sau dân thành Ninivê sẽ đứng lên tố cáo đoàn dân Chúa lúc bấy giờ, đó là họ đã khiêm nhu chân thành lắng nghe và đón nhận sự thật qua sứ điệp của ngôn sứ Giona.

Sẽ không có sám hối nếu không biết lắng nghe trong khiêm hạ. Sự lắng nghe ở đây không chỉ bằng thính giác mà còn bằng cả mọi giác quan và chính thái độ sống của con người. Cần thú nhận rằng môi sinh con người hiện nay như bị nhiễu sóng do bởi nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Xã hội ngày nay với các kỷ thuật công nghệ tiên tiến, với cuộc sống “phải bon chen, giành giật”…thì mọi người đành phải tất tả chạy đua cách không biết ngơi nghỉ. Phải chạy, vì dừng lại là sẽ thua người, sẽ bị tụt hậu. Cuộc sống hối hả khiến thời gian như đang ngắn lại. Trong cái vòng xoáy của cuộc sống ấy, con người có vẻ đang bị cuốn theo một cách lệ thuộc. Hơn nữa sự lệ thuộc còn nằm ở tâm lý tiêu thụ. Đã quen hưởng dùng tiện nghi, của cải…thì dường như không thể thiếu nó. Quả thật, lâu lâu, bỗng có sự cố “cúp điện” thì người người la toáng lên. Nếu điện nước bị cắt, cúp một vài ngày thì như là sắp tận thế không chừng.

Khi đã ở trong “tình trạng dính bén, bị lệ thuộc, bị cuốn theo”, thì chúng ta thật khó mà nghe rõ ràng và chính xác các sứ điệp tâm linh. Với trình thuật kể chuyện dân Ninivê trong bài đọc thứ nhất, lời dạy của thánh Tông đồ dân ngoại qua bài đọc thứ hai cũng như thái độ của các tông đồ ngày xưa qua bài Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra được một điều kiện cần để biết lắng nghe đó là thái độ tự do.

Tự do với chức phận của mình: Sách Giona như một chuyện dụ ngôn thật ý vị. Giả như vua quan thành Ninivê ngày xưa còn dính bén với chức phận quyền quý của mình, giả như dân thành Ninivê còn dính bén với vị thế của dân đang thống trị thì hẳn sẽ không biết lắng nghe, cho dù ngôn sứ Giona có khản cổ rao giảng, vì ngài chỉ là một dân đen của một nước đang bị đô hộ. Biết bao sứ điệp Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày, thế mà chúng ta dẫu cho có tai mà vẫn chẳng biết nghe. Trong nhiều lý do thì có lý do quan trọng này, đó là chúng ta còn quá dính bén với tiền của, với danh vị, chức phận của mình. Các nhà hướng dẫn linh thao thường khởi đầu cuộc hướng dẫn linh thao bằng việc mời gọi những người tham dự cuộc thao luyện tâm linh rằng hãy cởi bỏ mọi quyến luyến để sẵn sàng biết lắng nghe.

Tự do với các mối tương quan trần thế, với cả hiện trạng của chúng ta và với những gì ta đang sở hữu: Thánh Tông đồ dân ngoại chỉ dạy: “Ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng vui mừng; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải, hãy làm như chẳng hưởng” (1Cr 7, 30-31). Các tông đồ đầu tiên đã có được sự tự do này. Chài lưới hay người thân vẫn không làm các Ngài vướng chân, bó lòng. Khi nghe lời kêu gọi của Thầy Giêsu, lập tức Simon và Anrê đã “bỏ chài lưới mà theo Người” (Mc 1,18); Giacôbê và Gioan cũng “bỏ cha mình là ông Giêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1,20).

Khi đã có được thái độ tự do, không còn quyến luyến các loài thụ tạo, cho dù chúng tốt đẹp, thì chúng ta sẽ có thái độ sẵn sàng biết lắng nghe sứ điệp của Chúa, đặc biệt sứ điệp mời gọi hoán cải ăn năn. Chúng ta dễ nhận ra điều này trong cuộc sống là khi sự hiểm nguy đang vây bủa, khi cái chết đang cận kề thì người ta rất dễ sám hối ăn năn. Cận kề cái chết hay đang ở trong tình cảnh hiểm nguy thì người ta mới thoáng thấy mọi sự như sắp rời khỏi tầm tay. Và một cách nào đó nó giúp ta thoát được sự quyến luyến khiến ta được tự do hơn. Được tự do thì sẽ biết lắng nghe.

Tuy nhiên điều tốt đẹp hơn cả là thái độ biết tự do ngay trong chính đời thường của mình. Kinh nghiệm cha ông ngày xưa dọn mình chết lành hằng ngày là một phương thế tuyệt diệu. Thế nhưng với các bạn trẻ và cả với những bậc trung niên thì thói quen tốt này xem ra khó tập. Thánh Phaolô tông đồ nhìn nhận: Bộ mặt thế gian này đang qua đi và sẽ qua đi (x.1Cr 7,31). Chúng đang qua đi và sẽ qua đi, sao ta lại qua dính bén và bị lệ thuộc?

Ban Mê Thuột
 
Ngày 19/01: Cách chọn gọi của Thiên Chúa – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
23:30 17/01/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai gồm có: ông Si-môn -Người đặt tên là Phê-rô-, ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 4. Dục vọng
Vũ Văn An
16:55 17/01/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại thính Đường Phaolô VI, Thứ tư, 17 tháng 1 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về dục vọng.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Và hôm nay chúng ta hãy lắng nghe kỹ bài giáo lý, vì sau đó sẽ có một đoàn xiếc biểu diễn cho chúng ta xem. Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình liên quan đến các thói hư và nhân đức; và các Giáo phụ xưa dạy chúng ta rằng, sau thói tham ăn, con quỷ thứ hai - tức là thói hư - luôn rình rập trước cửa trái tim là lòng tham dục, là dục vọng, tiếng Hy Lạp gọi là porneia. Trong khi tham ăn là phàm ăn đối với đồ ăn, thì tật xấu thứ hai này là một loại ‘ham ăn’ đối với người khác, tức là mối liên kết độc hại giữa con người với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực tình dục.

Anh chị em hãy cẩn thận: trong Kitô giáo không có sự lên án bản năng tình dục. Không có sự lên án. Một cuốn sách trong Kinh thánh, sách Diễm ca, là một bài thơ tuyệt vời về tình yêu giữa hai người yêu nhau. Tuy nhiên, chiều kích tốt đẹp này, chiều kích tính dục, chiều kích tình yêu, của nhân tính chúng ta không phải là không có những nguy hiểm, đến nỗi Thánh Phaolô đã phải đề cập đến vấn đề này trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô viết: “Có tin đồn rằng trong anh em có sự vô luân, và thuộc loại không thấy có nơi dân ngoại” (5:1). Lời khiển trách của Thánh Tông Đồ liên quan chính đến cách xử lý tình dục không lành mạnh của một số Kitô hữu.

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào trải nghiệm của con người, trải nghiệm khi yêu. Có rất nhiều cặp mới cưới ở đây: anh chị em có thể nói về điều này. Tại sao mầu nhiệm này lại xảy ra và tại sao nó lại là một trải nghiệm choáng váng như vậy trong cuộc đời con người, không ai trong chúng ta biết. Một người yêu một người khác, việc yêu nhau chỉ là chuyện bình thường. Đó là một trong những thực tế đáng kinh ngạc nhất của hiện hữu. Hầu hết các bài hát anh chị em nghe trên radio đều nói về điều này: những tình yêu tỏa sáng, những tình yêu luôn được tìm kiếm nhưng không bao giờ đạt được, những tình yêu tràn đầy niềm vui, hay những tình yêu hành hạ chúng ta đến mức rơi nước mắt.

Nếu không bị ô nhiễm bởi thói hư thì yêu là một trong những cảm xúc thuần khiết nhất. Người đang yêu trở nên hào phóng, thích tặng quà, viết thư và làm thơ. Họ ngừng suy nghĩ về bản thân để hoàn toàn tập trung vào người khác. Điều này thật đẹp Và nếu anh chị em hỏi một người đang yêu, "Tại sao bạn lại yêu?" họ sẽ không có câu trả lời: Theo nhiều cách, tình yêu của họ là vô điều kiện, không cần lý do. Anh chị em phải kiên nhẫn nếu tình yêu mạnh mẽ ấy lại có chút ngây thơ: những người yêu nhau không thực sự biết rõ bộ mặt của người khác, họ có xu hướng lý tưởng hóa họ, họ sẵn sàng đưa ra những lời hứa mà họ không thể nắm bắt được ngay lập tức. Tuy nhiên, 'khu vườn' nơi những điều kỳ diệu được nhân lên không phải là nơi an toàn khỏi cái ác. Nó bị con quỉ dục vọng làm ô uế, và thói hư này đặc biệt đáng ghê tởm, vì ít nhất hai lý do. Ít nhất là hai.

Thứ nhất, vì nó phá hủy các mối quan hệ giữa người ta. Thật không may, để chứng minh thực tế như vậy, tin tức hàng ngày đã quá đủ. Có bao nhiêu mối quan hệ bắt đầu theo cách tốt đẹp nhất sau đó đã biến thành những mối quan hệ độc hại, chiếm hữu người khác, thiếu tôn trọng và ý thức về giới hạn? Đây là những tình yêu trong đó đức khiết tịnh đã không có: một nhân đức không nên nhầm lẫn với việc kiêng khem tình dục – khiết tịnh là một điều gì đó khác với việc kiêng khem tình dục – nhưng đúng hơn gắn liền với ý chí không bao giờ chiếm hữu người khác. Yêu là tôn trọng người khác, tìm kiếm hạnh phúc cho người khác, trau dồi sự tương cảm với cảm xúc của người đó, đặt mình vào sự hiểu biết một thể xác, một tâm lý và một linh hồn không phải của mình, và các thực tại này phải được chiêm ngưỡng vì vẻ đẹp được chúng mang lại. Đó là tình yêu, và tình yêu thật đẹp. Mặt khác, dục vọng chế giễu tất cả những điều này: dục vọng cưỡng đoạt, nó cướp bóc, nó tiêu thụ một cách vội vàng, nó không muốn lắng nghe người khác mà chỉ muốn nghe theo nhu cầu và khoái cảm của riêng mình; dục vọng đánh giá mọi cuộc tán tỉnh đều nhàm chán, nó không tìm kiếm sự tổng hợp giữa lý trí, động lực và cảm xúc để giúp chúng ta sống cuộc sống một cách khôn ngoan. Kẻ dâm đãng chỉ tìm những lối tắt: họ không hiểu rằng con đường dẫn đến tình yêu phải đi chậm rãi, và sự kiên nhẫn này, không đồng nghĩa với sự nhàm chán, cho phép chúng ta làm cho mối quan hệ yêu đương của mình được hạnh phúc.

Nhưng có lý do thứ hai khiến dục vọng là một thói hư nguy hiểm. Trong số mọi lạc thú của con người, tình dục có tiếng nói mạnh mẽ. Nó liên quan đến tất cả các giác quan; nó cư trú cả trong cơ thể lẫn trong tâm hồn, và điều này rất đẹp; nhưng nếu nó không được kỷ luật một cách kiên nhẫn, nếu nó không được khắc ghi vào một mối quan hệ và trong một câu chuyện mà hai cá nhân biến nó thành một điệu khiêu vũ yêu thương, thì nó sẽ biến thành một sợi dây xiềng xích tước đoạt tự do của con người. Lạc thú tình dục là một món quà từ Thiên Chúa bị phá hoại bởi nội dung khiêu dâm: sự thỏa mãn mà không có mối quan hệ có thể tạo ra các hình thức nghiện ngập. Chúng ta phải bảo vệ tình yêu, tình yêu của con tim, của khối óc, của thể xác, tình yêu thuần khiết trong việc trao hiến chính mình cho người khác. Và đây là vẻ đẹp của giao hợp tình dục.

Chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dục vọng, chống lại việc “vật hóa” người khác, có thể là một nỗ lực suốt đời. Nhưng phần thưởng của cuộc chiến này là quan trọng nhất, bởi vì nó bảo tồn được vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã khắc ghi vào tạo vật của Người khi Người tưởng nghĩ ra tình yêu giữa người nam và người nữ, nhằm mục đích không sử dụng lẫn nhau, nhưng là yêu thương nhau. Vẻ đẹp đó khiến chúng ta tin rằng việc cùng nhau xây dựng một câu chuyện sẽ tốt hơn là đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu – ngoài kia có rất nhiều Don Juan; cùng nhau xây dựng một câu chuyện sẽ tốt hơn là đi tìm những cuộc phiêu lưu; vun trồng sự dịu dàng âu yếm tốt hơn là cúi đầu trước con quỷ chiếm hữu – tình yêu đích thực không chiếm hữu, nó tự trao ban; phục vụ tốt hơn là chinh phục. Bởi nếu không có tình yêu thì cuộc đời buồn bã, nó là nỗi cô đơn buồn bã.
 
Văn Hóa
Các phép lạ Thánh Thể dưới con mắt một Bác Sĩ Chuyên Khoa Tim, Chương VIII
Vũ Văn An
01:08 17/01/2024

Chương VIII. Những tấm khăn Khổ Nạn

Tôi tin rằng nay là lúc nên chuyển sang một chủ đề khác, mặc dù chủ đề này phần nào bổ sung cho chủ đề về phép lạ Thánh Thể. Các Khăn Khổ Nạn là những khăn cổ xưa được Giáo Hội tôn kính trong nhiều thế kỷ như thánh tích, vì vừa tiếp xúc với Thân Thể Chúa Cứu Thế vừa thấm đẫm Máu của Người. Tính xác thực của chúng chắc chắn không phải là tín điều của Đức tin, đặc biệt là sau các cuộc kiểm tra niên đại bằng carbon-14 gây tranh cãi mà chúng phải chịu. Tuy nhiên, tôi thấy không thể tha thứ được nếu quên đi hoặc coi thường truyền thống đã truyền lại những tấm vải này cho chúng ta bằng tình yêu và sự tận tâm, và tôi thấy thật thiếu trung thực và nông cạn khi nhắm mắt làm ngơ trước những kết quả đáng ngạc nhiên của khoa học đã nghiên cứu chúng một cách sâu rộng.

Mối liên hệ với các phép lạ Thánh Thể là điều hiển nhiên: đó là việc tìm kiếm các dấu vết sinh học mà theo giả thuyết có thể thuộc về cùng một người. Việc khám phá ra những yếu tố nhất quán giữa các tấm vải hoặc giữa tấm vải và thánh tích Thánh Thể sẽ củng cố lẫn nhau tính thế giá của mỗi phát hiện khoa học.

Nếu hầu hết mọi người đều biết - ít nhất là ở mức độ hời hợt - về Tấm vải liệm Turin, thì rất ít người, ngay cả trong số những người Công Giáo, biết về Khăn Lau Mặt [Khăn Mặt] (74) ở Oviedo. Nhưng khi nhắc đến Áo dài thắt ngang lưng thánh ở Argenteuil thì hầu như không ai biết đến sự hiện hữu của nó. Tuy nhiên, chúng ta cần phải dừng lại một chút trên những tấm vải này - đặc biệt là hai tấm vải cuối cùng, ít được biết đến hơn - để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về các phép lạ Thánh Thể. Những tấm vải Khổ nạn thực sự sẽ hỗ trợ chúng ta gần giống như những “nhân chứng” để mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về các chủ đề của một vài chương tiếp theo, đặc biệt là những chủ đề về máu và DNA.

Tấm vải liệm Turin



Như mọi người đều biết, Khăn liệm Turin là tấm vải dùng để bọc thi hài Chúa Giêsu trong ngôi mộ. Tôi không ngại tiết lộ cho độc giả niềm tin chắc chắn của tôi về tính xác thực của Tấm Khăn Liệm: tấm vải không những có lẽ mà còn thực đã bao bọc Chúa Kitô. Tôi có thể nói điều này dựa trên một lượng lớn dữ kiện khoa học có sức thuyết phục. Rốt cuộc, đây là quan điểm của chính Giáo Hội Công Giáo cho đến khi xác định niên đại bằng carbon-14 năm 1988.

Tấm vải liệm là một di tích không giống ai. Nó sở hữu tính chân thực “nội tại”. Để làm rõ, tôi sẽ bắt đầu bằng cách nói rằng Tấm vải liệm hoàn hảo đến từng chi tiết: một thí dụ rõ ràng về điều này là hình ảnh con người của nó là một bức ảnh âm bản được mã hóa ba chiều thể hiện một tính hiện thực có thể vượt qua mọi phong cách nghệ thuật. Nó chân thực hơn nhiều so với cả những nỗ lực táo bạo nhất trong việc tái tạo nó có thể đã được hình thành bởi tâm trí của một kẻ giả mạo thời trung cổ cực kỳ xuất sắc vào năm 1300 sau Công nguyên. Điều này là do hình ảnh của nó chính xác ở tất cả các chi tiết giải phẫu và bệnh sinh lý học. Vải lanh còn chứa dấu vết của máu người thật, cũng như các yếu tố môi trường khoáng chất và thực vật mà chúng ta mới bắt đầu phân tích trong bốn mươi năm qua. Những điều này chứng tỏ mức độ phức tạp không thể phù hợp với việc chế tạo đồ giả tầm thường. Nói cách khác, nó là một unicum, một phát hiện “có một không hai” trên Trái đất. Đó là bởi vì, cho đến ngày nay, chúng ta vẫn không thể hiểu được hình ảnh của Tấm vải liệm có thể được tạo ra như thế nào, chứ đừng nói đến việc làm thế nào ai đó có thể tìm ra cách tái tạo nó. Về vấn đề này, tôi nên chỉ ra những nỗ lực thất bại vụng về và buồn cười về mặt khoa học của nhà hóa học người Ý Luigi Garlaschelli.

Do đó, Tấm vải liệm đang đi trước nền khoa học tốt nhất mà chúng ta dám thách thức. Nó là một vật thể đã dũng cảm tồn tại qua nhiều thế kỷ, như thể được ban tặng một cuộc sống riêng. Nó đã sống sót sau thời kỳ bài trừ thánh tượng; nó đã rời khỏi Constantinople trước cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ; nó đã trốn thoát khỏi Pháp, nơi đáng lẽ nó không thể sống sót sau Cách mạng Pháp; nó đã sống sót sau những trận hỏa hoạn và thử thách để con người ở thời hiện đại có thể cảm thấy xúc động trước hình ảnh khuôn mặt uy nghiêm và cao siêu nhất từng tồn tại, sau những bức ảnh nổi tiếng được chụp bởi Secondo Pia vào năm 1898. Tấm vải liệm thực sự sẽ vẫn không thể giải thích được, không thể, không thể tái tạo được bất chấp bất cứ kết quả xác định niên đại nào bằng phóng xạ carbon. Những hạn chế của việc xác định niên đại bằng carbon-14 được thực hiện vào năm 1988 trên Khăn liệm Thánh thiêng là cực kỳ thô thiển. Tôi chân thành khuyên bất cứ độc giả nào không sợ phải đối diện với một sự thật khó chịu và bị kiểm duyệt hãy tự mình nghiên cứu một cách trung thực về chủ đề này.

Những hạn chế này là do quy trình mơ hồ được sử dụng để lấy mẫu vải ban đầu và các mẫu đối chứng. Ngoài ra còn có những hạn chế liên quan đến việc không tuân thủ thử nghiệm gây mù và thực tế là các thử nghiệm không được thực hiện đồng thời trong ba phòng thí nghiệm được chỉ định nơi chúng được thực hiện. Như được trình bày ở phần sau, các phòng thí nghiệm có cơ hội nói chuyện với nhau trước khi công bố kết quả của họ. Hơn nữa, có một sự thiên lệch rất lớn liên quan đến diện tích của tấm vải được chọn để lấy mẫu: góc trên bên trái. Đó là một khu vực khác biệt đáng kể so với phần còn lại của Tấm vải liệm, như đã được Raymond Rogers chứng tỏ một cách không thể chối cãi vào năm 2005. Điều này được chứng minh bằng sự hiện diện của vanillin (75) trong các nút tăng trưởng của sợi lanh, việc phát hiện ra một lớp sắc tố alizarin trên bề mặt, vết keo của cây keo và sự hiện diện của bông trộn vào sợi lanh nguyên thủy — rõ ràng tất cả những chất gây ô nhiễm gần đây hơn đã làm sai lệch kết quả. Cuối cùng, có những hạn chế rõ ràng trong phân tích thống kê. Bài báo ngắn gọn và thiếu thông tin năm 1989 trên tạp chí Nature đã không che giấu được sự thiếu đồng nhất của dữ kiện (76) thu được từ Tấm Khăn Liệm. Điều này bất chấp nhiều tái hiệu chuẩn [recalibrations] thích hợp đã được áp dụng cho toán học và lối hùng biện hời hợt của bài báo, cho rằng kết quả của nó phải là “bằng chứng thuyết phục”. Thay vào đó, dữ kiện thực tế tiết lộ rằng mảnh vải liệm, không giống như các mẫu đối chứng khác, hoạt động bất thường, như thể nó được tạo thành từ hai hoặc ba loại vải khác nhau cùng một lúc.

Chỉ đến năm 2017, Bảo tàng Anh mới tiết lộ tất cả dữ kiện thô ban đầu từ ba phòng thí nghiệm liên quan đến dự án xác định niên đại sau một cuộc điều tra pháp lý cụ thể. Do đó, tính không đồng nhất về mặt thống kê của các kết quả đã được chứng minh thậm chí còn mạnh mẽ hơn, cùng với sự không đáng tin cậy của việc xác định niên đại bằng carbon-14 sau cùng. Cần lưu ý rằng việc đánh giá dữ kiện thô này đã được công bố vào năm 2019 trên Archaeometry, một tạp chí khoa học uy tín được xuất bản một cách trớ trêu bởi Đại học Oxford, một trong ba trung tâm thực hiện việc xác định niên đại bằng carbon-14 lần đầu tiên vào năm 1988.

Thật vậy, thực tế là một loại ô nhiễm không ngẫu nhiên và không đồng nhất mà là tuyến tính [linear] đã ảnh hưởng đến mảnh Khăn liệm được phân tích và gây ra lỗi hệ thống rõ ràng (77) trong việc phân bổ carbon-14 trên trục dọc của nó (tức là trục của toàn bộ hình ảnh mặt trước của Tấm vải liệm, chạy từ chân về phía đầu). Tấm vải, bắt đầu từ mảnh được phân tích ở Oxford và chuyển sang mảnh được thử nghiệm ở Zurich và mảnh định niên đại ở Tucson, dường như trẻ hơn khoảng một thế kỷ trên mỗi vài cm khi di chuyển về phía bên phải. Đây là một điều bất thường vô lý đáng lẽ phải khiến bất cứ nhà thống kê nào có chút thận trọng phải từ chối phán xét và hủy bỏ việc thử nghiệm.

Lý do cho xu hướng theo chiều dọc kỳ lạ này là gì? Có rất nhiều giả thuyết. Giả thuyết đáng tin cậy nhất, được hỗ trợ bởi nhiều phát hiện có thẩm quyền và độc lập, dường như là phát hiện về sự ô nhiễm bởi các sợi vải gần đây hơn được thêm vào để tăng cường hoặc thay thế các phần mất đi của vải, rõ ràng trong việc tăng tỷ lệ trong các mảnh được lấy mẫu khi di chuyển từ trái sang phải. Thật không may, đối với một người bình thường ở thời đại chúng ta, ngay cả khi họ thực sự cảm động vì tò mò, thì sau cuộc thử nghiệm carbon-14 năm 1988, Tấm vải liệm chắc chắn là một “đồ giả thời Trung cổ” phải được coi là ngang hàng với một số hiện tượng kỳ lạ khảo cổ học kỳ quái nào đó, một mẫu vật đã được thuần hóa và gần như được hiểu đầy đủ, hay nhất là xứng đáng được làm một bộ phim tài liệu cảnh cáo chúng ta về sự cả tin quá mức của con người. Tôi thừa nhận, một cách cay đắng sâu xa, “tấm màn” ý thức hệ và kỹ trị đang che phủ, trong thời đại chúng ta, Tấm màn quan trọng nhất của mọi thời đại. Cả những người Công Giáo Rôma chắc chắn cũng là nạn nhân của sự giả tạo này và càng bị lừa nhiều hơn khi họ ủng hộ một đức tin “thuần túy”, duy tâm và “phi xác thịt”, thích làm ngơ các thánh tích rỉ máu và những dấu hiệu quá hào phóng từ Thiên đàng. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng khoảnh khắc của sự thật sẽ quay trở lại và Tấm Khăn Liệm sẽ giành lại vị trí xứng đáng và địa vị mà nó xứng đáng có được.

Khăn liệm đầu (sudarium) ở Oviedo



Khăn liệm đầu hay khăn mặt là một tấm vải lanh cổ xưa dính máu, có kích thước 83 x 53 cm, đã được lưu giữ ở Tây Ban Nha ít nhất một nghìn năm trong nhà thờ ở Oviedo. Theo truyền thống, nó được tôn kính như tấm vải quấn quanh đầu Chúa Giêsu sau khi chết, che khuôn mặt bị đánh đập của Người để tỏ lòng tôn kính và lau khô vết thương của Người. Giống như Tấm vải liệm, Khăn Mặt cũng đã được xác định niên đại bằng carbon-14. Bốn cuộc kiểm tra niên đại, được thực hiện từ năm 1990 đến năm 2007, dường như đều thống nhất về độ tuổi lịch sử vào khoảng năm 700 sau Công Nguyên, mặc dù một trong bốn kết quả phải bị bác bỏ để có được một cuộc kiểm tra tính đồng nhất về mặt thống kê. Người ta đã chứng minh rõ ràng rằng việc xác định niên đại bằng carbon-14 không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Một thí dụ thông thường về điều này là mẫu kiểm soát mù được sử dụng trong giao thức “hoàn hảo” được sử dụng để xác định niên đại của Khăn Mặt ở Oviedo vào năm 2007 bởi Beta Analytic ở Miami: một cách khá nản lòng, tấm vải lanh của một xác ướp linh mục Ai Cập đến từ Tannis, thuộc về Vương triều Ai Cập thứ 21 trong khoảng thời gian từ 1110 đến 950 trước Công nguyên, hóa ra không kéo dài được ba nghìn năm tuổi như mong đợi. Thay vào đó, nó được ước tính bằng thực nghiệm chỉ khoảng ba trăm năm tuổi, trong khoảng thời gian từ năm 1660 đến năm 1960 sau Công nguyên. Tuy nhiên, đối diện với bốn kết quả xác định niên đại khác nhau, trong đó ít nhất ba kết quả phù hợp, việc chấp nhận phán quyết khoa học dường như là điều hợp thường thức: Khăn Mặt ở Oviedo không thể thuộc về thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, và do đó nó không thể là gì khác ngoài một trong nhiều di vật giả đã được chứng nhận lưu truyền rộng rãi vào thời Trung cổ. Đây cũng là quan điểm của riêng tôi, ít nhất là cho đến khi tôi tìm hiểu sâu hơn về các tài liệu khoa học gần đây.

Việc tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này sẽ đòi hỏi phải thừa nhận rằng Khăn Mặt phải được chế tạo với mức độ tinh vi và chú ý đến từng chi tiết, khó phù hợp với sự giả mạo đơn giản từ thế kỷ thứ bảy và thứ tám. Hơn nữa, có quá nhiều điểm trùng hợp với Tấm vải liệm thành Turin (chẳng hạn như cùng nhóm máu), đến mức người ta có thể tự hỏi liệu chúng có được tạo ra bởi cùng một “thợ rèn” hay không. Nhưng làm sao điều đó có thể khả hữu nếu hai tấm vải có niên đại khác nhau (như được gợi ý bởi phương pháp xác định niên đại bằng carbon-14) cũng như nguồn gốc địa lý khác nhau?

Ta hãy bắt đầu bằng cách phân tích các vết máu. Máu là máu thật, có nguồn gốc từ con người. Sau nghiên cứu sâu rộng về Khăn Mặt trong hai mươi năm qua, giờ đây người ta có thể tái tạo lại các chi tiết của diễn trình tạo ra những vết máu đó. Nói ngắn gọn, tôi sẽ chỉ tập trung vào hai loại vết đen: vết được gọi là ở trung tâm và vết giống như đốm [point].

Quan trọng nhất và lớn hơn là những vết bẩn ở trung tâm do chứng phù [edema] phổi (78) rò rỉ từ mũi và miệng sau khi chết, sau đó lan ra ria mép, râu, mũi và trán. Trong bối cảnh tương tự, các vết giống như ngón tay có thể được phân biệt, tương thích với áp lực bên ngoài do áp lực của hai bàn tay cố gắng vỗ nhẹ vào mũi và miệng. Có thể xây dựng lại thứ tự hình thành các vết đen. Trình tự bắt đầu với một cái đầu nghiêng 70 độ về phía trước và nghiêng sang phải 20 độ, sau đó được đặt úp xuống một bề mặt cứng, theo trình tự tương thích với cái chết trên cây thánh giá, sau đó được đưa xuống khỏi nó.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang mối quan hệ với Tấm vải liệm thành Turin: trước tiên cần phải nói rằng các vết đen trên Khăn Mặt thực sự không phác thảo một khuôn mặt dễ nhận biết, ngoại trừ hình dáng của tai phải, không thể nhìn thấy trên Tấm vải liệm. Ngoài ra, về mặt so sánh nhân trắc học [anthropometric], (79) vết máu trên Khăn liệm Turin cần được phân biệt với hình ảnh khuôn mặt đầy đủ và mầu nhiệm của nó. Điều thực sự chính xác là tìm kiếm sự chồng chéo trực tiếp giữa các vết máu trên Tấm vải liệm và các vết máu trên Khăn Mặt, dựa trên diễn trình chung tạo ra chúng: việc ra đen trên một miếng vải do tiếp xúc sau khi được quấn quanh đầu. Nhưng đây không phải là lý lẽ bênh vực hình ảnh khuôn mặt trên Tấm vải liệm, một khuôn mặt ắt phải được tái tạo ba chiều trước khi bất cứ dấu hiệu phù hợp nào có thể có trên Khăn Mặt có thể được xác minh. Thật vậy, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khăn liệm [sindonology] Tây Ban Nha (EDICES) đã thiết lập được mức độ phù hợp về mặt giải phẫu của hình dạng và chiều dài của mũi, lỗ mũi, đường chân mày, miệng, cằm và râu. Đặc biệt, sự chồng chéo ở vùng trán rất nổi bật, trong đó vết đen trung tâm trên Khăn Mặt bám sát đường viền của cả lông mày phải (ở phần dưới) và đường chân tóc trên Tấm vải liệm (ở phần trên). Đàng khác, còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, đường viền bên trong của vết đen trung tâm trên Khăn Mặt trùng với vết hình epsilon [Ꜫ]nổi tiếng trên Tấm Vải Liệm (hoặc, giống như hình ảnh phản chiếu của nó, vết hình số 3 trên âm bản ảnh của nó). Hơn nữa, một vết máu nằm ở mặt trong của lông mày trái thể hiện một “hành vi” khá kỳ lạ, xứng đáng là một câu đố phức tạp và oái oăm: trung tâm của nó ở Oviedo, trong khi đường viền của nó lại ở Turin.

Tôi mời độc giả xem bộ phim tài liệu trực tuyến và cuộc phỏng vấn với Giáo sư César Barta, được đề cập trong thư mục của tôi, cho thấy những hình ảnh rõ ràng hơn bất cứ văn bản nào mô tả những chi tiết này, cũng như cuộc phỏng vấn với Giáo sư Jorge Rodríguez, bao gồm tái tạo ba chiều khuôn mặt của Tấm vải liệm.

Các vết đốm là tập hợp các đốm nhỏ và được phân ranh giới rõ ràng. Chúng nằm ở một đầu của Khăn Mặt, trong khu vực tiếp xúc với gáy. Máu tạo nên chúng - không giống như máu của các vết đen trung tâm (80) - là máu tươi nguyên chất: màu trung tâm sẫm hơn và quầng huyết thanh (81) xung quanh các cạnh của vết đen phản ảnh những gì có thể xảy ra với sự co lại của cục máu đông - cục máu đông có nguồn gốc từ máu tươi rỉ ra từ những vết thương hở. (82) Chúng là những vết mà thoạt nhìn đã trùng khớp với một hình ảnh tương tự đàng sau gáy của người trên Tấm Khăn Liệm, theo truyền thống được cho là vết thương do mão gai gây ra. Bằng cách sử dụng phần mềm chuyên dụng, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã chứng minh rằng sự chồng chéo chính xác của một phần hình ảnh sau gáy của Tấm vải liệm với các vết giống như đốm của Khăn Mặt, dẫn đến sự trùng khớp về mặt không gian đáng ngạc nhiên của sáu trên tám điểm tham chiếu nếu được quay 19 độ. Việc trình diễn này cũng là lý do để xem phim tài liệu của Barta, mặc dù đây không phải là tất cả: giống như trên mặt của Tấm vải liệm, cũng có vết đất bám trên chóp mũi của hình ảnh Khăn Mặt. Đây có thể là bằng chứng của việc rơi xuống đất mà không thể đụng đất bằng đôi tay dang rộng. Điều đáng lưu ý là, tàn dư của đất tương thích với đất ở Giêrusalem hơn là với đất ở Oviedo. Rải rác khắp tấm vải có dấu vết của lô hội và chất thay thế cho mộc dược. Có các loại phấn hoa Địa Trung Hải, bao gồm cả hạt phấn hoa Helichrysum, đây cũng là loại phấn hoa được phát hiện rộng rãi nhất trên Tấm vải liệm. Hơn nữa, cùng một hạt phấn hoa được bao phủ trong máu, do đó chứng tỏ sự hiện diện của nó ngay từ giờ đầu tiên khi Khăn Mặt được sử dụng, trái ngược với việc bổ sung sau đó. Theo khám phá vang dội gần đây của Tiến sĩ Marzia Boi, phát hiện về hạt phấn hoa cũng xác nhận việc sử dụng cùng loại dầu và dầu thơm trên cả người đàn ông của Khăn Mặt và người đàn ông của Tấm vải liệm. Tóm lại, cũng giống như Tấm vải liệm, kết quả xác định niên đại bằng carbon14 của Khăn Mặt cần phải được đặt câu hỏi dựa trên nhiều phát hiện khoa học khác ủng hộ tính xác thực của nó. Khăn Mặt là một di vật cực kỳ tinh vi và một kẻ giả mạo giả định đã tạo ra nó vào năm 700 sau Công nguyên sẽ cần phải chứng minh kiến thức đặc biệt và không thể giải thích được về bệnh lý sinh học, y học pháp y, y học truyền máu, nhân chủng học, thực vật học và thậm chí cả địa chất học.

Chiếc áo dài thánh ở Argenteuil



Cuối cùng chúng ta hãy tập trung vào thánh tích Khổ nạn thứ ba và ít được biết đến, mặc dù có thế giá: những mảnh vỡ của chiếc áo không đường may mà Chúa Giêsu đã mặc khi lên Đồi Canvê. Theo trình thuật Tin Mừng, đây cũng là chiếc áo dài mà quân lính bắt thăm dưới chân Thập Giá.

Chiếc áo dài ở Argenteuil hiện được bảo quản tại Vương cung thánh đường Saint-Denis ở Argenteuil, cách Paris 12 km về phía tây bắc. Đó là một bộ quần áo làm bằng len cừu, dài 122 cm và rộng 90 cm tính đến nách. Nó được tạo thành từ hai mươi mảnh riêng biệt, hai trong số đó có kích thước lớn hơn. Dấu hiệu lão hóa khá rõ ràng và đáng tiếc là hầu hết phần phía trước đã bị mất. Tuy nhiên, kiểu dáng tổng thể của bộ trang phục vẫn có thể được đánh giá cao, bao gồm một phần viền quanh cổ và chỉ một chút phần tay áo bị mất. Giống như trang phục được mô tả trong Tin Mừng Gioan, nó là một loại vải đơn nhất, không gián đoạn, liền mạch, có sợi dọc và sợi ngang được dệt với nhau thành một kiểu dệt trơn, (83) tương thích với công việc của một khung dệt gia dụng cổ xưa. Len có phẩm chất trung bình, được kéo thành sợi Z-twist chắc chắn và đồng đều, do đó tạo ra loại vải gợn sóng mịn, lý tưởng cho quần áo bên trong. Sợi được xử lý bằng phèn kali (chất cố định thuốc nhuộm) và sau đó nhuộm màu đỏ đậm hơn, nhờ đó thu được màu nâu đỏ đồng nhất. Đây cũng là màu của sắc tố alizarin đã được tìm thấy ở góc trên bên trái của Tấm vải liệm đã trải qua quá trình xác định niên đại bằng carbon phóng xạ. Tất cả những đặc điểm của loại vải này chắc chắn đã phù hợp với nguồn gốc giả định từ Palestine vào thế kỷ thứ nhất.

Sự hiện diện của Áo dài ở Argenteuil đã được ghi lại từ năm 1156. Tuy nhiên, truyền thống thậm chí còn đưa chúng ta quay trở lại xa hơn với Charlemagne: hoàng đế có lẽ đã nhận được chiếc áo quý giá trực tiếp từ nữ hoàng Byzantine Irene, và sau đó ông tặng nó cho con gái Théodrade, viện mẫu của đan viện “Humilité-de-Notre-Dame” ở Argenteuil. Trên thực tế, một tài liệu được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Paris chứng thực việc tặng một mảnh áo dài từ Argenteuil cho Tu viện Thánh Medard de Soissons vào khoảng năm 840.

Các sự kiện lịch sử liên quan đến áo dài rất rắc rối. Bộ quần áo đã được giấu đi nhiều lần để tránh bị cướp bởi người Norman và người Huguenot. Nó đã bị mất và được tìm thấy lại. Tuy nhiên, khoảnh khắc cảm kích nhất là trong Cách mạng Pháp năm 1793, khi Cha Ozet, tu viện trưởng và linh mục giáo xứ Argenteuil, đã buộc phải thực hiện các biện pháp cực đoan: ông cắt thánh tích liền mạch thành nhiều mảnh, phân phát một số cho những giáo dân đáng tin cậy và chôn hai mảnh lớn dưới đất trống trong khu vườn nhà xứ của ngài. Sau đó, ngài ngồi tù hai năm trong “nhà tù nhân dân” và ngay sau khi được trả tự do, ngài đã cố gắng thu hồi tất cả các mảnh của Áo dài. Ít nhiều, ngài đã ghép lại phần phía sau, nhưng những phần quan trọng ở phía trước được cho là đã bị mất vĩnh viễn.

Chiếc áo dài cũng không thể thoát khỏi việc xác định niên đại bằng carbon-14. Vào tháng 10 năm 2013, chính quyền địa phương (84) và vị giám mục đã bí mật sắp xếp các cuộc điều tra khoa học bao gồm việc thử nghiệm carbon phóng xạ. Thử nghiệm vừa nhắc định niên hiệu của chiếc áo dài trong khoảng các năm 530–650 sau Công Nguyên. Việc phân tích được thực hiện bởi Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA) của Paris-Saclay trong điều kiện không bị hỏa mù, vì các nhà nghiên cứu biết chính xác những gì họ đang thử nghiệm. Đúng như dự đoán, các tờ báo địa phương đã nhanh chóng tung tin ra công chúng: Chiếc áo thánh cổ xưa của Argenteuil hẳn phải là đồ giả thời Trung cổ cần được cất vào “gác mái lịch sử” cùng với nhiều “thứ tốt đẹp lập dị vô hại” khác. Than ôi, con người hiện đại cần thoát khỏi quá nhiều di sản cổ xưa để có được nhận thức mới và trưởng thành hơn. Không bị thuyết phục, các giáo sư Gérard Lucotte và André Marion, hai nhà nghiên cứu độc lập chính của Áo dài ở Argenteuil, đã tổ chức một cuộc nghiên cứu định niên đại bằng carbon phóng xạ thứ hai vào năm sau trong điều kiện “hỏa mù”, bởi Archéolabs ở Grenoble: kết quả là năm 670–880 sau Công Nguyên.

Rõ ràng, có điều gì đó không đúng: hai kết quả định niên đại, thực sự thu được từ cùng một mảnh có tên “S2a”, hoàn toàn không trùng lắp, thậm chí bằng cách kéo dài khoảng tin cậy thêm hai độ lệch chuẩn (có nghĩa là bao gồm 95.4% tất cả các trường hợp có thể xảy ra). Chiếc áo dài này hoặc có từ trước năm 650 sau Công nguyên hoặc có từ sau năm 670 sau Công nguyên - một việc định niên đại bằng carbon phóng xạ làm mất hiệu lực của việc kia! Không cần phải nói, một lần nữa, rằng những kết quả này bộc lộ điểm yếu nội tại của phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ khi áp dụng cho các loại vải cổ. Giáo sư Lucotte đã cố gắng đạt được những hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này và tiếp tục sử dụng phương pháp quang phổ tia X85 để kiểm tra mười sợi áo dài từng trải qua quá trình chuẩn bị tiêu chuẩn để xác định niên đại bằng carbon-14. Người ta thực sự đã biết rõ rằng, trước khi đo các đồng vị cacbon-14, (86) thỉnh thoảng cần phải loại bỏ tới hơn một nửa trọng lượng ban đầu của mẫu. Điều này được thực hiện bằng cách rửa sạch mọi chất ô nhiễm hữu cơ thông qua trình tự giao thức “axit-bazơ-axit” ba lần với các loại rượu và dung môi cụ thể. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là bất cứ carbon nào có ở dạng canxi carbonat (87) cũng bị rửa trôi để tránh làm sai lệch kết quả, vì vải chắc chắn đã tiếp xúc với nó trong nhiều thế kỷ. Giáo sư Lucotte tự tin rằng len có thể hấp thụ nhiều nước hơn - và canxi carbonat thường hòa tan trong đó - hơn vải lanh hoặc bông. Ông đã chứng minh quan điểm của mình bằng phương pháp quang phổ: việc giải thích “các gai” lưu huỳnh (88) và canxi trong quang phổ do mẫu Áo dài phát ra đã xác nhận rằng, ngay cả sau các quy trình “làm sạch” chuẩn bị thông thường, một phần ba lượng canxi carbonat ban đầu vẫn còn sót lại trong mẫu, với hiệu ứng lệch “làm trẻ hóa vải” rõ ràng và không phù hợp. Bất chấp các thí nghiệm của Tiến sĩ Lucotte, vẫn còn khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, làm sáng tỏ tất cả các nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong kết quả xác định niên đại bằng phép đo phóng xạ của Áo dài. Nhưng có lẽ còn khó khăn hơn đối với dư luận, như với Tấm vải liệm Turin, để gạt bỏ danh tiếng “giả mạo thời Trung cổ” vốn đã có từ lâu gắn liền với di tích hấp dẫn này.

Các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử quét và quang phổ tia X do Giáo sư Lucotte thực hiện trên bụi, phấn hoa và tảo đọng lại trên Áo dài cũng rất đáng lưu ý: các loài sinh học mà ông xác định được, ngoại trừ những trường hợp ô nhiễm sau này, đều tương thích với nguồn gốc Địa Trung Hải, khí hậu ấm áp và khô ráo, đất đai khô cằn và giống sa mạc. Tuy nhiên, phát hiện kích thích nhất về mặt khoa học là sự hiện diện cực kỳ dồi dào của máu người trên Áo dài (cùng nhóm máu với Tấm vải liệm và Khăn Mặt). Đó là một khám phá gần đây: màu nền nâu đỏ của vải che giấu những vết máu mà sự hiện diện của chúng có thể được cảm nhận bằng cách chạm vào. Những người đã có đặc quyền kiểm tra áo dài nhớ lại cảm giác các miếng vải cứng hơn và dày hơn. Dưới kính hiển vi điện tử, ngay cả những sợi len không được lấy từ những mảng giàu máu đó vẫn được bao phủ bởi các tế bào hồng cầu, thường thành từng nhóm hàng trăm chiếc, tích tụ thành từng cục nhỏ. Trong những trường hợp khác, các tế bào hồng cầu xếp thành hàng, như thể vẽ đường đi của mao mạch. Chúng là những tế bào hồng cầu có kích thước nhỏ hơn so với bình thường, từ 5 đến 6 micron, thay vì 7 đến 8 micron sinh lý: điều này có thể dễ dàng giải thích là do tình trạng mất nước qua nhiều thế kỷ.

Giáo sư André Marion, nhà vật lý hạt nhân và kỹ sư tại Trung tâm Khoa học Quốc gia (CNRS), đã nghiên cứu vị trí của vết máu trên Áo dài. Ông kết luận rằng người đàn ông mặc áo dài bị tra tấn chắc chắn phải bị chất một cây thánh giá trọn vẹn trên vai trái, như được thể hiện trên hình tượng truyền thống, chứ không chỉ là một thanh ngang như đôi khi chúng ta vẫn tin. Hơn nữa, việc tái tạo ba chiều tương tự và kiên nhẫn các vết máu trên hình ảnh phía sau của Tấm vải liệm đã cho phép Marion chứng minh sự trùng lắp gần như hoàn toàn của các vết máu trên Áo dài với các vết máu trên Tấm vải liệm, một điểm phải được xem xét để ủng hộ tính xác thực tương ứng của cả hai thánh tích.

Cuối cùng, Áo dài không chỉ chứa các tế bào hồng cầu mà còn chứa các tế bào bạch cầu và nang lông chứa DNA. Một lần nữa, Giáo sư Lucotte, một chuyên gia không thể nghi ngờ về di truyền học, người tiên phong về kỹ thuật lai phân tử và là người phát hiện ra các đơn bội nhiễm sắc thể Y ban đầu, đã nghiên cứu rộng rãi về DNA của người đàn ông mặc áo dài trong những năm gần đây. Đáng chú ý là ông đã thu được một bộ nhận dạng di truyền cực kỳ chính xác và ấn tượng từ nó. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về điều này ở một trong những chương sắp tới.

Thư mục

Damon, P., D. Donahue, B. Gore và cộng sự, 1989. “Radiocarbon Dating of the Shroud of Turin [Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm vải liệm Turin].” Nature, 337: 611–615. Bài viết chính thức về việc định niên đại bằng phép đo phóng xạ của Tấm vải liệm.

Marino, J. và M. Benford. 2000. “Evidence for the Skewing of the C-14 Dating of the Shroud of Turin Due to Repairs [Bằng chứng về việc Xiên lệch niên đại C-14 của Tấm vải liệm Turin do sửa chữa]” Worldwide Congress “Sindone 2000, Orvieto, Ý. Báo cáo của vợ chồng Marino về những bằng chứng ban đầu của lý thuyết hàn gắn vô hình tại đại hội Orvieto.

Rogers, Raymond. 2005. “Studies on the Radiocarbon Sample from the Shroud of Turin [Nghiên cứu về mẫu carbon phóng xạ từ Tấm vải liệm Turin]” Thermochimica Acta 425 (1–2): 189–194.
Thành quả từ công việc dũng cảm của Rogers, cuốn sách này được xuất bản chỉ vài tuần trước khi ông qua đời vì một căn bệnh nan y.

Van Haelst, Remi. 1997. “Radiocarbon Dating the Shroud: A Critical Statistical Analysis [Xác định niên đại của tấm vải liệm bằng carbon phóng xạ: Một phân tích thống kê quan trọng]” Shroud.com. Trang mạng. Nước Bỉ. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.shroud.com/vanhels3.htm. Nhà hóa học người Bỉ thảo luận một cách thành thạo và cẩn thận về những sai sót trong phân tích thống kê trên tạp chí Nature.

Brunati, Ernesto. 2005. “Altro che rammendi! La datazione della Sindone e’ tutta un falso [Không có gì ngoài việc sửa chữa! Niên đại của Tấm vải liệm hoàn toàn là giả] ” Collegamento pro Sindone Internet. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. http://www.sindone.info/BRUNATI1.PDF. Kỹ sư người Ý đã tìm thấy bằng chứng về việc cố ý giả mạo các mẫu định niên đại bằng phóng xạ bằng cách xem xét các lỗi thống kê.

Rinaldi, Gian Marco. 2012. “La statistica della datazione della Sindone.[Số liệu thống kê về niên đại của Tấm vải liệm]” Gian Marco Rinaldi. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.academia.edu/35904379/La_statistica_della_datazione_della _Sindone_2012. Tác giả và nhà toán học bảo vệ phiên bản chính thức của việc xác định niên đại bằng phép đo phóng xạ bằng cách nhận ra và cố gắng tích hợp các khoảng trống thống kê của nó.

Walsh, Bryan và Larry Schwalbe. 2020. “An Instructive Inter-Laboratory Comparison: The 1988 Radiocarbon Dating of the Shroud of Turin [So sánh giữa các phòng thí nghiệm mang tính hướng dẫn: Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm vải liệm thành Turin năm 1988].” Journal of Archaeological Science: Reports 29: 340. Walsh, Bryan. 1999. “The 1988 Shroud of Turin Radiocarbon Tests Reconsidered, Part I [Xem xét lại các cuộc thử nghiệm carbon phóng xạ trên tấm vải liệm ở Turin năm 1988, Phần I].” Internet Archive WayBack Machine. Richmond, Virginia. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. http://web.archive.org/web/20040422010105/http://members.aol.com/turi n99/radiocarbon-a.htm. Phần 1 trình bày thống kê về tính không đồng nhất của các mẫu và mối quan hệ tuyến tính giữa niên đại và vị trí của các mẫu trên Tấm Khăn Liệm.

Riani, Marco, Giulio Fanti, Fabio Crosilla và Anthony Atkinson. 2010, “Statistica Robusta và Radiodatazione della Sindone [Thống kê Robusta và xác định bức xạ của Tấm Vải liệm].” Sis-Magazine 1 (1). Bài báo chứng minh tác động tuyến tính và có hệ thống của ô nhiễm tự nhiên đối với việc xác định niên đại bằng phép đo phóng xạ năm 1988 bằng các kỹ thuật thống kê mạnh mẽ.

Casabianca, Tristan, Emanuela Marinelli, Giuseppe Pernagallo, và Benedetto Torrisi, 2019. “Radiocarbon Dating of the Turin Shroud: New Evidence from Raw Data [Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm Vải liệm Turin: Bằng chứng mới từ dữ liệu thô].” Archaeometry 61(5), 1223–1231. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://doi.org/10.1111/arcm.12467. Bài báo gây tiếng vang trong đó các kết quả thô do ba phòng thí nghiệm tham gia vào dự án xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của Tấm vải liệm tạo ra cuối cùng đã được phân tích một cách nghiêm túc.

Fanti, Giulio và Saverio Gaeta. 2013, Il Mistero della Sindone: Le sorprendendti Scoperte Scientifiche sull'enigma del telo di Gesu [Mầu nhiệm Tấm Vải liệm: Những khám phá khoa học đáng ngạc nhiên về bí ẩn tấm vải liệm Chúa Giêsu]. Tái bản lần thứ nhất, Biblioteca Universale Rizzoli. Sách ủng hộ tính xác thực của Tấm vải liệm với dữ kiện được cập nhật.

Augé, Javier Briansó. 1997. El Santo Sudario de la Catedral de Oviedo [Tấm vải liệm thánh của Nhà thờ Oviedo]. Graficas Summa.

Chiapusso, J. I. 2007. “Sudario de Oviedo y Palinogia [Tấm vải liệm Oviedo và Palinogia].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 125–135. Đại học Oviedo. Một kho thông tin về Khăn Mặt ở Oviedo có trong hồ sơ của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm (tháng 4 năm 2007).

Chiapusso, J. I. 2016. “Sudario de Oviedo y Palinogia [Tấm vải liệm Oviedo và Palinogia].” Territorio Sociedad Poder II: 125–135.

Gil, César Barta. 2007. “Datación radiocarbónica del Sudario de Oviedo [Dữ kiện carbon phóng xạ của Tấm vải liệm Oviedo].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 137–155. Đại học Oviedo.

Ortego, F. M. 2007. “Otros estudios de carácter quimico và biológico: datación del Lienzo [Các nghiên cứu hóa học và sinh học khác: dữ kiện Lienzo].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 159–166. Đại học Oviedo.

Moreno, G. H. và M. O. Corsini. 2007. ““Consideraciones geométricas sobre la formación central de manchas del Sudario de Oviedo [Những cân nhắc về mặt hình học về sự hình thành trung tâm của các mảng trên Tấm vải liệm Oviedo].” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 237–265. Đại học Oviedo.

Blanco, J. D. V. 2007. “Síntesis: Cómo se utilizó el Sudario de Oviedo? [Tóm tắt: Tấm vải liệm Oviedo được sử dụng như thế nào]” trong Oviedo, relicario de la cristianidad: Actas del II Congreso Internacional sobre el Sudario de Oviedo [Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo]. Tái bản lần thứ nhất, 279–294, Đại học Oviedo.

Gil, César Barta. 2007. “Aproximación del EDICES al estudio comparativo del Sudario de Oviedo: Síndone de Turin [Sự gần đúng của EDICES với nghiên cứu so sánh về Tấm vải liệm Oviedo: Khăn vải Turin]” trong Oviedo, thánh tích của Kitô giáo: Kỷ yếu của Đại hội quốc tế lần thứ hai về Khăn liệm Oviedo. Tái bản lần thứ nhất, 393–423. Đại học Oviedo.

HMTelevision. 2016. “Entre profesionales: El Sudario de Oviedo 6/7 [Giữa các chuyên gia: Khăn liệm ở Oviedo 6/7].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch? v=YFukUGbW_1Y. Tập 6 của bộ phim tài liệu Tây Ban Nha có cuộc phỏng vấn Giáo sư César Barta Gil.

HMTelevision. 2016. “Entre profesionales: El Sudario de Oviedo y la Síndone 7/7 [Giữa các chuyên gia: Khăn liệm ở Oviedo 7/7.” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=gRYbBpjT6MY&t=6s. Tập 7 của bộ phim tài liệu Tây Ban Nha có cuộc phỏng vấn Giáo sư César Barta Gil.

Supercatolico. 2015. “Científicos demuestran el mismo origen del Sudario de Oviedo y la Sábana Santa [Các nhà khoa học chứng minh nguồn gốc giống nhau của Tấm vải liệm Oviedo và Tấm vải liệm Sábana].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=HdBJ0wm2UXQ. Cuộc phỏng vấn với Giáo sư Jorge Manuel Rodríguez Almenar của Cha Javier Alonso. Đặc biệt quan trọng ở phút 15:55 với những hình ảnh chồng các vết của Khăn Mặt lên hình ảnh ba chiều của mặt Khăn Liệm.

Marion, André và Gérard Lucotte. 2006. Le linceul de Turin et la tunique d'Argenteuil: Le point sur l'enquête [Tấm vải liệm Turin và áo dài Argenteuil: Cập nhật cuộc điều tra]. Tái bản lần thứ nhất. Paris: Éditions des Presses de la Renaissance. Lịch sử áo dài ở Argenteuil và những phát hiện gần đây nhất của các nhà nghiên cứu tích cực nhất của Pháp trong lĩnh vực này.

Lucotte, Gérard và Philippe Bornet. 2007. Sanguis Christi: Le sang du Chúa Kitô. Une enquête sur la tunique d'Argenteuil [Sanguis Christi: Máu Chúa Kitô. Một cuộc điều tra về áo dài Argenteuil]. Guy Trédaniel Éditeur. Nhà di truyền học người Pháp kể lại mọi điều ông khám phá được về thánh tích Argenteuil.

Trang mạng chính thức về Áo dài thánh của Chúa Kitô lưu giữ tại Argenteuil. 2020. Trang mạng. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. http://saintetunique.com/.

Trang mạng chính thức của Áo dài thánh ở Argenteuil. Các báo cáo lịch sử và khoa học có sẵn trên trang mạng này.

KTOTV. 2016. “Restauration de la Sainte Tunique d'Argenteuil [Phục hồi Áo dài Thánh của Argenteuil].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch? v=Uf2wGzhXmo8. Báo cáo về sự phục hồi gần đây Áo dài bởi Claire Beugnot.

Gross, Philippe. 2016. “Installation Sainte Tunique [An vị áo dài thánh].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021, https://www.youtube.com/watch?v=0dOXlfmt1Xw. Hình ảnh ngày an vị Áo dài 24/03/2016.

KTOTV. 2016. “La Sainte Tunique d’Argenteuil [Áo dài ở Argenteuil].” YouTube. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2021. https://www.youtube.com/watch?v=1azKaLj56to. Các cuộc phỏng vấn trên truyền hình Công Giáo Pháp của nhà sử học Jean-Christian Petitfils với Cha Guy-Emmanuel Carriot, linh mục giáo xứ Argenteuil, và Giám mục Stanislas Lalanne của Pontoise.

Ghi chú

(74) Khăn Mặt là từ tiếng Latinh [sudarium] có nghĩa là vải thấm mồ hôi.

(75) Vanillin là thành phần chính của cây đậu vanilla.

(76) Trong thống kê, tính đồng nhất dữ kiện [data homogeneity] là một khái niệm nảy sinh khi mô tả các thuộc tính của tập dữ kiện. Dữ kiện đồng nhất có xu hướng được “nhóm thành cụm” xung quanh một giá trị tương tự. Điều này có nghĩa là, mặc dù không thể tránh khỏi sai số thực nghiệm, nhưng thí nghiệm đã thành công trong việc đo lường một biến số duy nhất. Thay vào đó, trong một tập dữ kiện không đồng nhất, dữ kiện thử nghiệm được tập hợp xung quanh các giá trị khác nhau. Nếu điều này xảy ra ở mức độ lớn, nhà khoa học nên bắt đầu tự hỏi liệu mình có thực sự đang vô tình đo các biến số ẩn dấu khác nhau hay không, thay vì chỉ đơn giản đối diện với lỗi thực nghiệm nghiêm trọng lặp đi lặp lại.

(77) Sai số hệ thống [Systematic error], theo định nghĩa, có thể dự đoán được và thường không đổi hoặc tỷ lệ thuận với giá trị thực. Một khi đã xác định được thì có thể dễ dàng sửa chữa.

(78) Phù phổi [Pulmonary edema] là sự tích tụ chất lỏng trong mô và khoang khí của phổi. Nguyên nhân phổ biến nhất là do suy tim và có thể gây khó thở nghiêm trọng và tử vong.

(79) Nhân trắc học [Anthropometry] là nghiên cứu khoa học về số đo và tỷ lệ của cơ thể con người.

(80) Các vết đen ở trung tâm là dấu vết của dịch phù phổi. Chất lỏng màu hồng sủi bọt này được mô tả một cách cổ điển là chảy nước và dính máu.

(81) Quầng huyết thanh [Serous haloes] sẽ phát sinh khi tiếp xúc với chất lỏng huyết thanh. Chất lỏng huyết thanh là tất cả các loại chất lỏng cơ thể màu vàng nhạt giống như huyết thanh. Ngược lại, huyết thanh là thành phần nước của máu - giàu protein và muối khoáng - có thể quan sát được nếu máu đông lại trong ống nghiệm: tế bào máu tích tụ ở phía dưới, cục máu đông hình thành ở phía trên tế bào máu, và huyết thanh là chất lỏng màu vàng nổi lên trên cả hai.

(82) Nếu để máu đông trên vải, giống như trong ống nghiệm, thành phần tế bào của nó sẽ đông lại ở giữa vết đen, trong khi thành phần huyết thanh dạng nước của nó sẽ tạo thành quầng sáng xung quanh bằng cách “thấm hút” ra ngoài dọc theo các sợi vải.

(83) Kiểu dệt trơn là kiểu dệt trong đó các sợi dọc được giữ cố định trên khung dệt, trong khi các sợi ngang đan chéo qua và dưới mỗi sợi dọc.

(84) Chiếc áo dài được xếp vào loại “di tích lịch sử” và kể từ năm 1905, nó đã thuộc về đất nước Pháp hơn là Giáo hội, một cách rất hãnh diện thế tục.

(85) Quang phổ tia X là một kỹ thuật phát hiện và đo các photon hoặc các hạt ánh sáng có độ dài sóng trong phần tia X của phổ điện từ. Khi tia X chiếu vào một mẫu nhất định, mẫu này sẽ hấp thụ năng lượng ánh sáng và sau đó phát ra quang phổ ánh sáng của riêng nó. Khi được giải thích, phổ phát xạ sẽ cung cấp thông tin về thành phần hóa học của mẫu vật.

(86) Đồng vị [Isotopes ] là các biến thể của một nguyên tố hóa học đặc thù. Các biến thể này khác nhau về số lượng các hạt neutron chứa trong hạt nhân của chúng - do đó, tất cả các đồng vị của một nguyên tố nhất định đều có cùng số proton nhưng có số neutron khác nhau trong mỗi nguyên tử. Một số phiên bản đồng vị xuất hiện tự nhiên của một nguyên tố, như carbon-14, có đặc tính phóng xạ.

(87) Canxi carbonat là loại đá vôi thường hòa tan trong nước. Tất nhiên, một số nguyên tử carbon trong canxi carbonat sẽ có mặt tự nhiên đồng vị phóng xạ carbon-14. Vì vậy, mẫu bị nhiễm bẩn bởi đá vôi sẽ có xu hướng “làm trẻ hóa” tuổi của mẫu vật theo phương pháp xác định niên đại bằng carbon-14.

(88) Giáo sư Lucotte quan tâm đến lượng lưu huỳnh tăng vọt vì chất này có trong protein keratin, là khối xây dựng của tóc len. Do đó, lượng lưu huỳnh tăng đột biến có thể được sử dụng như một tham chiếu đáng tin cậy do vật liệu thực tế cần phân tích phát ra, thay vì các chất gây ô nhiễm khác.
 
Church Documents
Thảo Ly 18 Jan 2024
VietCatholic Media
17:42 17/01/2024
BRK4TL-NewsUK20Jan2024

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Trung Quốc cố tình phớt lờ Zelenskiy ở Thụy Sĩ

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “China snubs Zelenskyy in Switzerland”, nghĩa là “Trung Quốc phớt lờ Zelenskiy ở Thụy Sĩ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Các nhà lãnh đạo Ukraine không giấu giếm việc muốn gặp các quan chức Trung Quốc tại Thụy Sĩ trong tuần này nhưng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã về nước mà không có cuộc gặp gỡ mong muốn.

Phái đoàn Trung Quốc tại Thụy Sĩ đã có nhiều cơ hội được ngồi đối diện với những người đồng cấp Ukraine, dù ở Bern hay tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Bất kỳ cuộc gặp nào cũng có thể thỏa mãn niềm hy vọng lâu dài ở Kyiv về việc tổ chức các cuộc thảo luận trực tiếp, thẳng thắn với các quan chức cao cấp của Bắc Kinh. Ngay trước hội nghị thượng đỉnh hòa bình đa quốc gia ở dãy Alps của Thụy Sĩ, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak nói rằng Trung Quốc bắt buộc phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình và ám chỉ rằng Zelenskiy sẽ có cơ hội trò chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang).

Cuối cùng, Ukraine không đạt được tiến triển nào trong việc khiến Trung Quốc cam kết đàm phán, còn Zelenskiy và Lý đều không lên tiếng.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc không có ý định thúc đẩy việc chấm dứt cuộc chiến toàn diện của Putin với Ukraine. Thay vào đó, họ đứng về phía Nga, cung cấp cho lực lượng của Nga các vật liệu quân sự nhằm duy trì nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa bất chấp áp lực và lệnh trừng phạt của phương Tây. Ukraine và những người ủng hộ nước này lập luận rằng việc chặn đứng đường ống đó sẽ càng làm hỏng kế hoạch của Điện Cẩm Linh.

Quyết định của Trung Quốc không gặp mặt người Ukraine có vẻ là cố ý chứ không phải do vấn đề về lịch trình. Một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu gặp mặt của Kyiv vào một thời điểm nào đó trong chuyến thăm Thụy Sĩ chung của họ. Một quan chức cao cấp khác của Mỹ cho biết Trung Quốc đã từ chối bất kỳ cuộc tụ họp nào sau khi Nga kêu gọi nước này ngừng các cuộc gặp gỡ ngoại giao với Ukraine. Cả hai quan chức, giống như những người khác được đề cập trong câu chuyện này, đều được giấu tên để trình bày chi tiết về một động thái nhạy cảm.

Một quan chức Ukraine phản bác câu chuyện này, nói rằng không có cuộc gặp nào với các quan chức Trung Quốc theo lịch trình của phái đoàn và Kyiv chưa bao giờ yêu cầu điều đó. Các quan chức Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Một quan chức cao cấp của Liên minh Âu Châu cho biết khối đã kêu gọi Trung Quốc nối lại liên lạc trực tiếp với Zelenskiy, đồng thời lưu ý rằng cuộc gặp với ông Lý ở Thụy Sĩ sẽ là một bước đi tích cực.

Cả hai nước đã tiến hành một số hoạt động ngoại giao kể từ cuộc xâm lược mới và mở rộng của Nga. Zelenskiy và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện qua điện thoại vào tháng 4 năm ngoái và đặc phái viên Ukraine của Trung Quốc đã tới Kyiv vào tháng sau. Kể từ đó, mối quan hệ trở nên ít mang tính cá nhân hơn nhiều, mặc dù Ukraine vẫn duy trì hy vọng cả hai bên có thể bắt đầu lại các cuộc đàm phán.

Zelenskiy và Lý, một người bạn thân cận của Tập, đã đến Davos để gặp gỡ các đối tác nước ngoài và phát biểu trước những khán giả giàu có của diễn đàn.

Họ đưa ra những thông điệp rất khác nhau: Lý thể hiện Trung Quốc là một nơi an toàn để đầu tư bất chấp những khó khăn kinh tế của nước này - đồng thời chỉ trích Hoa Kỳ - trong khi Zelenskiy chỉ trích Putin và tập hợp các đồng minh vì mục tiêu của Ukraine.

Ông nói trên sân khấu chính của WEF hôm thứ Ba: “Bất kỳ ai cũng nghĩ rằng đây chỉ là về chúng tôi, đây chỉ là về Ukraine, về cơ bản họ đã nhầm lẫn”.

Không có cuộc họp với Trung Quốc trong lịch trình của mình, Zelenskiy đã dành thời gian phối hợp với các đối tác chủ chốt, cụ thể là Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken, cũng như Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen.

Cuộc gặp diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Zelenskiy và đất nước của ông, đặc biệt là khi trận chiến trên bộ gần như dừng lại, khiến cả hai bên bị mắc kẹt trong các đợt pháo kích tiêu hao dọc theo chiến tuyến rộng lớn.

Quốc hội Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc thông qua khoản viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine khi các thành viên Quốc Hội ngày càng rút lui khỏi việc duy trì một cuộc chiến không có hồi kết, thay vào đó họ muốn tập trung các nguồn lực để bảo đảm biên giới phía nam với Mễ Tây Cơ khi số lượng lớn người di cư đến. Tổng thống Joe Biden đã triệu tập các nhà lập pháp tới Tòa Bạch Ốc để phá vỡ bế tắc.

Bất chấp áp lực trừng phạt của phương Tây, hoạt động sản xuất quốc phòng của Nga vẫn tiếp tục hoạt động tốt, cho phép lực lượng của Putin tiếp tục chiến đấu bất chấp hàng trăm ngàn binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương.

Dù có sự lạnh lùng của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Ukraine vẫn được những người tham dự diễn đàn chào đón với thái độ sốt sắng như một ngôi sao nhạc rock.

Một đám đông lớn tụ tập bên ngoài phòng họp chỉ để nhìn thoáng qua Zelenskiy đang chuẩn bị cho phiên họp tiếp theo. Ông phớt lờ các câu hỏi của báo chí, trong đó có câu hỏi về mối quan hệ của Ukraine với Trung Quốc, bỏ đi như thể ông chưa hề nghe thấy điều đó.

BRK4TL-NewsUK19Jan2024

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Quan chức NATO cảnh báo phương Tây: Hãy sẵn sàng cho 'bất cứ điều gì'

Ký giả JOSHUA POSANER của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “NATO official warns West: Be ready for ‘anything’”, nghĩa là “Quan chức NATO cảnh báo phương Tây: Hãy sẵn sàng cho 'bất cứ điều gì'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Chủ tịch ủy ban quân sự của liên minh NATO Rob Bauer cho biết hôm thứ Tư rằng các nước NATO cần phải đặt trong tình trạng báo động đỏ về chiến tranh và “mong đợi những điều bất ngờ”.

Bauer cho biết trong cuộc họp với các chỉ huy quân sự ở Brussels: “Để có hiệu quả hoàn toàn, bây giờ cũng như trong tương lai, chúng ta cần một sự chuyển đổi về chiến đấu của NATO”. “Đối với điều này cũng vậy, hợp tác công-tư sẽ là chìa khóa.”

Bauer, đô đốc người Hà Lan, cho biết các đồng minh cần “tập trung vào tính hiệu quả” và tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ bằng nhiều cuộc tập trận, quan hệ đối tác trong ngành và quân đội trong tình trạng cảnh giác cao độ.

“Chúng ta cần các chủ thể công và tư thay đổi tư duy của họ từ thời đại mà mọi thứ đều có thể lên kế hoạch, thấy trước, kiểm soát được, tập trung vào hiệu quả… sang thời đại mà bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Bauer nói thêm: “Đây là một thời đại mà chúng ta cần mong đợi những điều bất ngờ.”

Trong khi các nước NATO đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và cam kết các hợp đồng lớn mới với các nhà sản xuất vũ khí sau cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, thì phải mất một thời gian để tăng sản lượng.

Ví dụ, Bauer trước đây đã thẳng thắn về sự cần thiết phải tiêu chuẩn hóa loại đạn hạng nặng cỡ nòng 155 ly để các nước dễ dàng hợp tác hơn về kho pháo và cung cấp cho Ukraine những đạn dược có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí khác nhau.

Bauer cho biết: “Về mặt quân sự, còn nhiều bước nữa cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu phòng thủ chung của chúng ta”, đồng thời trích dẫn cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xung đột nghiêm trọng “sẽ quyết định số phận của thế giới”.

Bauer cho biết, tất cả mọi thứ từ cải thiện hậu cần đến nhiều cuộc tập trận chung hơn và bố trí thêm nhiều quân trong tình trạng báo động tích cực đều là những biện pháp mà các nước NATO đang thúc đẩy thực hiện.

Ông nói thêm: “Các mảng kiến tạo quyền lực đang dịch chuyển”. “Và kết quả là: Chúng ta phải đối mặt với thế giới nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ.”

2. Putin theo dõi tình trạng bất ổn ở nông thôn khi hàng ngàn người đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình hiếm hoi ở Nga

Theo SERGEY GORYASHKO của tờ Politico, hàng ngàn người đã biểu tình ở miền trung nam nước Nga hôm thứ Tư sau khi tòa án kết án Fayil Alsynov, một nhà hoạt động vì quyền bản địa của nhóm dân tộc Bashkir địa phương, bốn năm tù giam vì tội kích động hận thù sắc tộc.

Cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài tòa án ở Baymak, một thị trấn có 17.000 dân cách Mạc Tư Khoa gần 2.000 km gần biên giới Kazakhstan, bất chấp cảnh báo bắt giữ của cảnh sát và lệnh cấm tụ tập ngoài đường trái phép.

Theo truyền thông địa phương, hàng chục người đã bị bắt khi lực lượng an ninh bắn hơi cay và đánh người biểu tình bằng dùi cui.

Cuộc biểu tình ở Baymak, diễn ra hai tháng trước cuộc bầu cử ở Nga mà Vladimir Putin bảo đảm sẽ giành được chiến thắng, đã gây bối rối cho Điện Cẩm Linh. Mạc Tư Khoa đã tỏ ra gay gắt với những người bất đồng chính kiến kể từ khi nước này tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, bắt giữ hàng ngàn người.

Alsynov, 37 tuổi, nổi tiếng với chiến dịch thành công năm 2020 chống khai thác đá vôi ở Kushtau, một khối núi rất linh thiêng đối với cư dân địa phương ở Cộng hòa Bashkortostan. Sau những cuộc phản đối dữ dội phản đối dự án khai thác mỏ, Thống đốc Radiy Khabirov, cựu quan chức Điện Cẩm Linh, đã cấm khai thác đá vôi ở đó và tuyên bố Kushtau là khu vực tự nhiên được bảo vệ.

Tuy nhiên, năm ngoái, Alsynov đã bị bỏ tù sau khi có bài phát biểu tại một cuộc biểu tình phản đối việc khai thác vàng bất hợp pháp. Phát biểu trước đám đông ở Bashkir, ông than thở rằng trong khi người Bashkir chiến đấu ở Ukraine, đất đai của họ ở Bashkortostan đang bị chiếm đoạt. Anh ta sử dụng thuật ngữ kara halyk, trong tiếng Bashkir có nghĩa là “người bình thường”, nhưng trong tiếng Nga được dịch là “Người da đen”.

“Người Armenia sẽ về quê hương, người kara halyk về quê hương, người Nga sẽ về Ryazan, người Tatars sẽ về Tatarstan của họ. Chúng tôi sẽ không thể di chuyển, chúng tôi không có nhà khác, nhà của chúng tôi ở đây! Alsynov nói.

Khabirov sau đó đã đệ đơn khiếu nại lên một công tố viên khu vực, người sau đó đã buộc tội Alsynov xúc phạm công nhân từ Caucasus và Trung Á. Nhà hoạt động này phủ nhận cáo buộc, cho rằng lời nói của ông đã bị dịch sai từ Bashkir. Anh ta cho biết anh ta có kế hoạch kháng cáo bản án và nói rõ: “Tôi luôn đấu tranh cho công lý, cho người dân của tôi, cho nền cộng hòa của tôi.”

Các nhà hoạt động địa phương coi việc kết án Alsynov là sự trả thù của Khabirov cho chiến dịch trước đó của ông ta. Từng là quan chức quyền lực của Điện Cẩm Linh, Khabirov trước đây từng làm việc cho Putin với tư cách là phó giám đốc chính sách đối nội của văn phòng tổng thống.

Trước phán quyết của tòa án, cảnh sát đã chặn trước các con đường đến Baymak. Theo trang web giám sát ngừng hoạt động Down detector, người dùng WhatsApp ở nước cộng hòa này được cho là đã gặp khó khăn khi truy cập ứng dụng, dẫn đến suy đoán rằng chính quyền đã làm tắc nghẽn ứng dụng do các cuộc biểu tình, đây cũng được coi là thách thức đối với sự quyền lực của Khabirov ở Bashkortostan.

Nửa tá người biểu tình hiện phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm, trong khi chính quyền đã mở một vụ án hình sự về tội “bạo loạn hàng loạt” ở Baymak. Số lượng vụ bắt giữ được các phương tiện truyền thông độc lập của Nga đưa tin rất khác nhau.

Abbas Gallyamov, cựu quan chức chính quyền Bashkortostan và hiện là nhà khoa học chính trị, cho biết: “Những cuộc biểu tình này thể hiện một thất bại đáng kể đối với thống đốc và đặt ra một vấn đề lớn”.

Ông nói thêm: “Kể từ khi Putin tuyên bố tái tranh cử, Điện Cẩm Linh đã phải vật lộn với nhiều thách thức, bao gồm lạm phát, pháo kích ở Belgorod, tình trạng mất điện trên quy mô lớn do tai nạn nồi hơi và bây giờ là các cuộc biểu tình ở Bashkortostan”.

BRK4TL-News19Jan2024

[Thảo Ly]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

25.000 tín hữu Công Giáo yêu cầu chính phủ Ukraine trả nhà thờ

Các công tố viên Phần Lan quyết tâm bỏ tù cho được một cựu bộ trưởng vì tweet một câu Kinh thánh

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. 25.000 tín hữu Công Giáo yêu cầu chính phủ Ukraine trả nhà thờ

25.000 tín hữu Công Giáo Ukraine đã ký tên vào thư thỉnh nguyện, theo luật, để yêu cầu chính phủ nước này trả lại nhà thờ thánh Nicholas cho cộng đoàn Công Giáo tại Kyiv.

Đức Cha Vitaly Krivitsky, Dòng Don Bosco, Giám mục Giáo phận Kyiv-Zhytomyr sở tại, đã cám ơn tất cả những người đã cố gắng thu thập chữ ký, đồng thời khuyến khích họ hãy làm tất cả những gì có thể để thánh đường thánh Nicholas được trả lại cho giáo xứ. Ngài cũng ghi nhận rằng có nhiều người ký tên không phải là tín hữu Công Giáo, nhưng họ hành động như vậy để bảo vệ công lý. Đức Cha nói: “Dĩ nhiên, ký tên vào thư thỉnh nguyện như vậy không phải là xong vấn đề. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả những người thiện chí và các tín hữu cầu nguyện và hành động để giáo xứ thánh Nicholas nhận lại được thánh đường để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người”.

Nhà thờ này được kiến thiết từ năm 1899 đến 1909, tọa lạc ngay ở trung tâm thủ đô Ukraine, và do hai kiến trúc sư người Ba Lan thiết kế. Người chính yếu trong việc thiết lập thánh đường này là Bá tước Wladyslaw Michal Branicki. Tất cả những người Ba Lan sống tại Kyiv cũng đã quảng đại đóng góp vào việc xây cất thánh đường. Năm 1936, chế độ cộng sản bôn-sê-vích đã đóng cửa thánh đường và biến thành nhà kho chứa đồ. Một phần bên trong nhà thờ được dùng làm nơi đặt hệ thống phá sóng các đài phát thanh tây phương và hệ thống ăng-ten được đặt trên tháp nhà thờ.

Năm 1978, theo quy luật của Hội đồng Bộ trưởng, nhà thờ được giao cho Nhà Hòa nhạc. Từ khi Ukraine độc lập, nhà thờ thánh Nicholas tiếp tục được dùng làm nhà hòa nhạc và giáo xứ thánh Nicholas. Chính phủ từ chối không giao nhà thờ cho Giáo hội cho đến khi nào tìm được địa điểm mới để di chuyển phòng đàn phong cầm.

BRK4TL-News21Jan2024

[Thảo Ly]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Giáo triều Rôma tổ chức tĩnh tâm cá nhân trong Mùa Chay năm thứ năm liên tiếp

Các tu sĩ Na Uy thánh hiến nhà thờ mới tại khu vực di tích cổ Munkeby

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Giáo triều Rôma tổ chức tĩnh tâm cá nhân trong Mùa Chay năm thứ năm liên tiếp

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo vào sáng thứ Ba rằng Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma sẽ tổ chức các kỳ tĩnh tâm Mùa Chay truyền thống một cách cá nhân chứ không tổ chức thành một nhóm trong năm nay.

Đây là năm thứ năm liên tiếp, cuộc tĩnh tâm chung giữa Đức Thánh Cha và Giáo triều đã bị hủy bỏ. Các quan chức Giáo triều sẽ tự thu xếp các buổi tĩnh tâm để bắt đầu Mùa Chay sám hối 40 ngày.

Truyền thống tĩnh tâm kéo dài một tuần của giáo hoàng bắt nguồn từ triều đại giáo hoàng của Đức Piô XI. Nó được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1925 trong Mùa Vọng. Năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã thay đổi ngày tĩnh tâm sang tuần đầu tiên của Mùa Chay.

Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi địa điểm tổ chức truyền thống từ Vatican đến thị trấn Ariccia, nằm ở Đồi Alban, cách Rôma 20 dặm về phía Tây Nam.

Khóa tĩnh tâm năm nay sẽ bắt đầu vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, ngày 18 tháng 2, sau khi đọc Kinh Truyền Tin vào buổi trưa. Nó sẽ kết thúc vào chiều thứ Sáu, ngày 23 tháng Hai.

Như trước đây, các hoạt động thường lệ của Đức Thánh Cha bị đình chỉ hoàn toàn trong thời gian tĩnh tâm, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, lẽ ra sẽ được tổ chức vào ngày 21 tháng Hai.

Vào năm 2020, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha đã rút lui khỏi cuộc tĩnh tâm do bị cảm lạnh kéo dài. Vào năm 2021 và 2022, cuộc tĩnh tâm dành cho giáo hoàng và các quan chức giáo triều được tổ chức riêng do đại dịch COVID-19. Khóa tu cũng diễn ra riêng tư vào năm 2023.

Cuộc tĩnh tâm riêng năm nay diễn ra sau một năm đầy biến động về vấn đề sức khỏe của Đức Giáo Hoàng hoàng.

Vào tháng 3 năm 2023, Đức Giáo Hoàng đã phải nằm viện 4 ngày tại bệnh viện Gemelli ở Rôma sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Vài tháng sau, ngài trải qua một cuộc phẫu thuật bụng kéo dài ba giờ để điều trị chứng thoát vị vết mổ và trải qua chín ngày hồi phục sau phẫu thuật trước khi được xuất viện vào ngày 16 tháng Sáu.

Trong khi đó, vào tháng 11 năm 2023, Đức Phanxicô bị bệnh mà Đức Thánh Cha mô tả là “viêm phế quản truyền nhiễm rất cấp tính”. Theo lệnh của các bác sĩ, Đức Giáo Hoàng đã hủy chuyến đi rất được mong đợi vào tháng 12 tới hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai do nhiễm trùng.

BRK4TL-News23Jan2024

[Thảo Ly]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Cuộc thăm dò mới cho thấy tỷ lệ không thuận lợi cho Đức Phanxicô nơi người Mỹ ở mức cao nhất mọi thời

Vị giám mục Ấn Độ bị hàm oan đã từ chức giữa những lo ngại về tính mạng

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Cuộc thăm dò mới cho thấy tỷ lệ không thuận lợi cho Đức Phanxicô nơi người Mỹ ở mức cao nhất mọi thời

Trên tạp chí Crux ngày 13 Tháng Giêng, John Lavenburg tường trình rằng một cuộc khảo sát mới được thực hiện vào tháng 12 vừa qua đã phát hiện ra rằng trong khi hầu hết người Mỹ trưởng thành vẫn có cái nhìn thiện cảm với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tỷ lệ phần trăm có quan điểm không thiện cảm với ngài đã tăng lên mức cao mới trong 10 năm.

Cuộc khảo sát do tổ chức Gallup thực hiện từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 12 cho thấy 58% người Mỹ trưởng thành nói chung có thiện cảm với Đức Phanxicô, giống như khi ngài trở thành giáo hoàng vào năm 2013. Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ, tỷ lệ phần trăm số người Mỹ trưởng thành có quan điểm không thiện cảm với Đức Phanxicô đã tăng từ 10% lên mức cao mới là 30%.

Dữ liệu cho thấy tỷ lệ người Mỹ trưởng thành chưa nghe nói đến hoặc không có ý kiến gì về Đức Giáo Hoàng cũng đã giảm từ 31% năm 2013 xuống còn 11% trong cuộc khảo sát mới nhất.

Dữ liệu khảo sát cho thấy xu hướng tương tự nơi người Công Giáo Mỹ cũng như người Mỹ trưởng thành nói chung, theo nghĩa là mức độ quan điểm bất lợi ngày càng tăng. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến một môi trường chính trị bị phân cực trong cả Giáo hội và nhà nước, sự ưa thích của Đức Phanxicô đối với những người Công Giáo Mỹ tự cho là cấp tiến đã tăng lên kể từ năm 2013, trong khi sự ưa thích ngài của những người Công Giáo Mỹ bảo thủ đã giảm sút.
 
Thu Trinh News 18 Jan 2024
VietCatholic Media
18:20 17/01/2024
1. Các công ty phương Tây đã cung cấp cho Nga những phụ tùng quan trọng bất chấp các lệnh trừng phạt

Văn phòng Tổng thống Ukraine hôm thứ Tư cho biết các công ty phương Tây đã cung cấp cho Nga những phụ tùng quan trọng trị giá 2,9 tỷ Mỹ Kim trong 10 tháng đầu năm 2023, bất chấp các lệnh trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa.

Trích dẫn nghiên cứu của một nhóm làm việc do chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak và Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga điều hành, văn phòng cho biết:

Sản phẩm của hơn 250 công ty phương Tây được tìm thấy trong các mẫu vũ khí Nga bị phá hủy hoặc tịch thu.

Reuters đưa tin, văn phòng tổng thống cho biết nghiên cứu này tập trung vào những nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ các biện pháp trừng phạt kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hóa quân sự.

2. Hỏa tiễn Nga làm 17 người bị thương ở Kharkiv

Nga đã bắn hai hỏa tiễn vào Kharkiv ở phía đông bắc Ukraine trong đêm, tấn công các tòa nhà chung cư và một trung tâm y tế, khiến 17 người bị thương, các quan chức cho biết hôm thứ Năm.

Thống đốc khu vực Kharkiv, Oleh Syniehubov, cho biết Nga đã dùng hỏa tiễn S-300 để tấn công sau khi trời tối hôm thứ Ba.

Nhà chức trách cho biết, cuộc tấn công vào ban đêm nhằm vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã tấn công 20 tòa nhà dân cư và một trung tâm y tế, đồng thời cho biết các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đến từ khu vực biên giới Belgorod của Nga. Theo các quan chức, sâu hơn bên trong khu vực Kharkiv, các khu vực gần tiền tuyến cũng bị pháo kích.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết hai máy bay không người lái có cánh của Ukraine và bốn hỏa tiễn đã bị bắn hạ ở khu vực Belgorod trong đêm và một chiếc khác vào khoảng trưa giờ địa phương hôm thứ Tư. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, không cung cấp thông tin chi tiết về thiệt hại hoặc thương tích.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã chặn 19 trong số 20 máy bay không người lái loại Shahed được Nga bắn chỉ trong đêm, mặc dù các quan chức khu vực báo cáo rằng các máy bay không người lái khác đã vượt qua lực lượng phòng không.

Tại thành phố phía nam Odesa, ba người bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái buộc khoảng 130 người phải di tản khỏi một tòa nhà chung cư, thống đốc khu vực Oleh Kiper cho biết.

Tại Kherson, một thành phố khác ở miền nam, pháo kích đã làm ba người bị thương và các khu dân cư bị hư hại chỉ trong một đêm, theo thống đốc khu vực Oleksandr Prokudin.

3. Các cuộc gặp gỡ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Davos

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra thông tin chi tiết về nhiều cuộc họp của ông tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Zelenskiy cho biết ông đã gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda để thảo luận về mối quan hệ song phương giữa họ, bao gồm cả “sự hợp tác trên con đường trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine”. Ông cho biết tình hình chiến trường và việc hỗ trợ quốc phòng hơn nữa cho Ukraine đã được thảo luận. Zelenskiy nói thêm rằng hai vị đã thống nhất quan điểm trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

Zelenskiy cũng đã gặp Tổng thống Ghana, Nana Akufo-Addo, nơi họ “nhấn mạnh tiềm năng phát triển các trung tâm hậu cần để cung cấp hàng nông sản Ukraine cho các nước Phi Châu”. Các cách tăng cường mối quan hệ giữa hai nước và khu vực rộng lớn hơn cũng được thảo luận.

Tổng thống Ukraine cho biết ông cũng đã gặp Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Vua Philippe của Bỉ và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Rwandan Paul Kagame để thông báo cho ông về công thức hòa bình của mình.

4. Điện Cẩm Linh cho biết Nga đang phát triển quan hệ với Bắc Hàn ở những lĩnh vực 'nhạy cảm'

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Nga đang phát triển quan hệ với Bắc Hàn trên mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực “nhạy cảm”.

Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Bắc Hàn đã ca ngợi mối quan hệ đồng chí với Nga hôm thứ Ba trước khi tổ chức các cuộc hội đàm hiếm hoi ở Điện Cẩm Linh với ông Putin, người được lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân mời đến thăm quốc gia có vũ khí hạt nhân này.

Khi được hỏi về cuộc đàm phán ở Mạc Tư Khoa, ông Peskov cho biết tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã được thảo luận nhưng trọng tâm chính là phát triển quan hệ song phương. Ông Peskov nói với các phóng viên: “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Hàn là đối tác rất quan trọng của chúng tôi và chúng tôi đang tập trung vào việc phát triển hơn nữa mối quan hệ của chúng ta trong mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm”.

Putin đã tăng cường mối quan hệ với Bắc Hàn kể từ khi gửi quân tới Ukraine vào năm 2022, và Mỹ cùng các đồng minh đã lên án điều mà họ cho là việc Bắc Hàn chuyển giao hỏa tiễn đáng kể cho Nga để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của nước này.

5. Đại sứ Nga sẽ mở các điểm bỏ phiếu ở Mỹ để bầu cử tổng thống

Nga sẽ mở các điểm bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tại ba cơ quan ngoại giao ở Mỹ, Đại Sứ của nước này tại Washington cho biết hôm thứ Tư, khi quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất kể từ chiến tranh lạnh về Ukraine.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Mạc Tư Khoa cho biết họ vẫn chưa quyết định liệu cuộc bỏ phiếu có diễn ra ở nơi mà họ gọi là các nước Âu Châu “không thân thiện” hay không.

Đại sứ Nga, Anatoly Antonov, cho biết trong một cuộc phỏng vấn do đại sứ quán của ông công bố: “Ở Mỹ, chúng tôi dự định mở ba điểm bỏ phiếu: tại đại sứ quán của chúng tôi, cũng như các lãnh sự quán của chúng tôi ở New York và ở Houston”.

Hàng ngàn người Nga đã rời bỏ đất nước sau khi Mạc Tư Khoa đưa quân tới Ukraine, trong đó nhiều người định cư ở các nước Liên Hiệp Âu Châu, nhưng Nga vẫn chưa quyết định có mở các điểm bỏ phiếu ở Âu Châu hay không. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết vào tuần trước: “Chúng tôi đang yêu cầu các nước bảo đảm an ninh”. Bà cho biết quyết định sẽ được đưa ra vào cuối Tháng Giêng.

Cuộc bỏ phiếu ngày 17/3 dự kiến sẽ kéo dài thời gian nắm quyền lâu dài của Putin ít nhất đến năm 2030. Ông nắm quyền từ năm 2000 và đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ năm. Putin không phải đối mặt với sự cạnh tranh thực sự trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra hơn hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine.
 
VietCatholic TV
Đại Tá Nga bị bắt. Putin dựa vào Storm-Z, tất cả đã tử trận. 24 xe tăng, 36 thiết giáp bị phá hủy
VietCatholic Media
02:56 17/01/2024


1. Người Nga trông cậy vào các đơn vị tù nhân Storm-Z. Nhưng bây giờ tất cả họ đã tử trận.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Russians Around Krynky Counted On Storm-Z Units To Absorb Ukrainian Fire. But Now The Storm-Z Troops Are All Dead.”, nghĩa là “Người Nga xung quanh Krynky trông cậy vào các đơn vị Storm-Z để hấp thụ hỏa lực của Ukraine. Nhưng bây giờ quân Storm-Z đã chết hết”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ba tháng sau khi Thủy Quân Lục Chiến Ukraine vượt sông Dnipro và chiếm giữ một đầu cầu ở tả ngạn do Nga kiểm soát, người Nga vẫn chưa thể đánh bật lực lượng thủy quân lục chiến.

Và nếu có, vận mệnh của người Nga quanh đầu cầu ở Krynky có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo Nataliya Humenyuk, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy miền nam Ukraine, các binh sĩ tấn công “Storm-Z” được huấn luyện sơ sài, được trang bị nhẹ mà các chỉ huy Nga đang trông cậy vào để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine ở Krynky đều chết hết, bị thương hoặc bị bắt.

Lính Storm-Z thường là cựu tù nhân, lính nghĩa vụ hoặc cựu lính đánh thuê. Theo nhà phân tích Tom Cooper, những người lính xung kích được “huấn luyện kém, mặc quần áo không đầy đủ, được trang bị vũ khí và sau đó được đưa vào các cuộc tấn công mà không có sự hỗ trợ thích hợp của không quân hoặc pháo binh”.

Đối với Điện Cẩm Linh, họ chỉ là bia đỡ đạn. Và trong khoảng một năm trở lại đây, họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các kế hoạch chiến tranh của Nga. Họ là “thịt” trong “các cuộc tấn công thịt” của Nga trong các cuộc tấn công trực diện do bộ binh chỉ huy vào các công sự của Ukraine.

Nơi gần đây người Nga đã giành được chỗ đứng là nhờ các cuộc tấn công thịt đã áp đảo quân đội Ukraine. Nơi mà gần đây người Nga không giành được đất, đó là vì người Ukraine đã đánh bại các cuộc tấn công thịt—bằng cách giết chết hàng trăm binh sĩ Storm-Z.

Humenyuk cho biết: “Đặc biệt, theo hướng của chúng tôi, số lượng đơn vị loại 'Storm Z' đã giảm. “Tổn thất của họ là rất đáng kể. Nếu một nhóm từ 10 đến 15 người cố gắng xông vào vị trí của chúng tôi thì ít nhất 50% sẽ tử trận ngay tại chỗ.”

Với việc các binh sĩ Z-Storm đã chết hoặc đang nằm trong bệnh viện, các lực lượng Nga ở bờ trái - sự kết hợp của Thủy Quân Lục Chiến, lính dù và quân đội cơ giới - không thể chỉ ném thịt vào đầu cầu của người Ukraine. Tất nhiên, trừ khi họ chọn trở thành thịt.

Humenyuk nói: “Vì điều này, họ bị rối loạn đạo đức và tâm lý trong đơn vị của mình và xảy ra nhiều tranh chấp khác nhau”. “Có sự tập trung lớn hơn của thủy quân lục chiến và lính dù. Và họ tự coi mình là người ưu tú và [không] tiến hành những cuộc tấn công mà họ không muốn.”

Nếu Humenyuk đúng thì sự chỉ huy và kiểm soát của Nga đang bị lung lay xung quanh Krynky. “Có rất nhiều nhầm lẫn trong ban lãnh đạo của nhóm Dnipro.”

Humenyuk không đơn độc trong đánh giá của mình. Theo một lính dù Nga, cuộc khủng hoảng chỉ huy của Nga ở bờ trái đã hiển hiện từ lâu, ngay từ đầu tháng 12. Họ viết vào thời điểm đó: “Bộ chỉ huy cao cấp không thể tìm được ngôn ngữ chung với một số đơn vị”.

Nếu các chỉ huy Nga xung quanh Krynky không thể kiểm soát lực lượng của họ trước khi các đơn vị Storm-Z đầy đạn bị tiêu diệt, hãy tưởng tượng cuộc đấu tranh của họ bây giờ khi quân đội được huấn luyện tốt hơn phải bắt đầu hứng chịu hỏa lực của Ukraine.

2. Putin đổ trách nhiệm các vụ tấn công vào Crimea cho một Đại Tá và bỏ tù ông ta

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Colonel Given Jail Time Over Crimea's Inadequate Defenses”, nghĩa là “Đại tá Nga bị bỏ tù vì hệ thống phòng thủ yếu kém của Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một sĩ quan cao cấp của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga hôm thứ Ba đã bị kết án sáu năm tù sau khi bị kết tội mua thiết bị phẩm chất thấp không bảo vệ được cây cầu nối Bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, Đại tá Sergei Volkov đứng đằng sau việc mua hai hệ thống phòng không radar để bảo vệ Cầu eo biển Kerch khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine. Cây cầu đóng vai trò là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga chiến đấu ở Ukraine, đã bị Kyiv nhắm tới trong nhiều tháng.

Hai hệ thống radar Orel-2020 cũng nhằm mục đích bảo vệ đường ống dẫn khí chạy giữa miền nam nước Nga và Crimea và được cho là đã được Volkov mua với giá gần 400 triệu rúp tức là khoảng 4.55 triệu Mỹ Kim. Các công tố viên Nga cho biết, đại tá biết rằng có vấn đề với thiết bị trong khả năng chống lại máy bay không người lái của Ukraine, cụ thể là hệ thống này không thể triệt tiêu tín hiệu của máy bay không người lái, theo Tass.

Được biết, viên đại tá này bị bắt giữ lần đầu vào tháng 3 năm 2023. Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công thành công vào cầu Kerch vào tháng 10 năm 2022 và tháng 7 năm 2023.

Volkov bị phát hiện lạm dụng chức vụ theo Bộ luật Hình sự Nga và bị kết án 6 năm tù hôm thứ Ba. Lúc đầu, các công tố viên đề nghị mức án 7 năm tù đối với viên đại tá, người không nhận tội trong vụ án.

Luật sư của Volkov, Vladimir Andrusenko, trước đây đã nói với Tass rằng Vệ binh Nga đã mua hệ thống Orel từ một nhà sản xuất độc quyền về loại thiết bị mà quân đội đang tìm kiếm. Volkov cũng lập luận rằng các hệ thống này không bao giờ nhằm mục đích bảo vệ Cầu eo biển Kerch mà thay vào đó được mua để bảo vệ các vị trí của lực lượng bảo vệ hải quân đóng tại Crimea.

Bán đảo Crimea, được Putin sáp nhập vào năm 2014 từ Ukraine, đã phải đối mặt với gánh nặng từ các cuộc không kích của Ukraine trong những tháng gần đây. Tình báo phương Tây đánh giá rằng các cuộc tấn công trên không có khả năng làm suy giảm khả năng phòng không của Nga trong khu vực.

Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công thành công nhằm vào Hạm đội Hắc Hải của Putin, bao gồm cả việc tiêu diệt tàu đổ bộ Novocherkassk lớp Ropucha của Nga trong một cuộc tấn công vào tháng trước.

Các cuộc không kích đã gây ra một số thương vong cho phía Nga, trong đó có cái chết của Đại tá Nga Vadim Nailyovich Ismagilov, chỉ huy Trung đoàn Tình báo Tín hiệu số 3 thuộc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, người được cho là đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công hồi đầu tháng này gần thành phố cảng Sevastopol.

3. Putin cho rằng 'Không thể' tước đoạt lợi ích quân sự đạt được ở Ukraine từ tay Nga

Reuters đưa tin, Vladimir Putin nói rằng “không thể” tước đoạt khỏi Nga những thành quả quân sự mà nước này đã đạt được ở Ukraine.

Nói về các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra, Tổng thống Nga cũng cho biết trong các bình luận trên truyền hình rằng những ý tưởng mà Ukraine đưa ra là “những công thức mang tính cấm đoán đối với tiến trình hòa bình”.

Ukraine cho biết họ sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi toàn bộ binh sĩ Nga bị đuổi khỏi lãnh thổ của mình.

Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Volodymyr Zelenskiy kêu gọi quân Nga rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới nhà nước của Ukraine với Nga.

4. Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba nói về Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba cho biết đã có lúc ông cảm thấy muốn “đấm vào mặt” Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, trong các cuộc đàm phán khi bắt đầu cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

Nhận xét ngắn gọn của Kuleba là một phần của cuộc phỏng vấn thân mật kéo dài một giờ với một blogger video người Ukraine. Ông nói: “Những cuộc nói chuyện khó khăn nhất là những cuộc nói chuyện mà bạn cảm thấy đơn giản là bạn muốn đấm vào mũi người đối diện, nhưng bạn thực sự không thể làm được điều đó”.

“Và tôi có thể nói rằng điều này đã xảy ra hai hoặc ba lần. Một lần là với ông Lavrov ở khu nghỉ hè Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022.”

Các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã gặp nhau trong nhiều vòng đàm phán trong vài tuần sau cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

5. Chỉ trong một ngày duy nhất, Nga mất 1.100 binh sĩ, 24 xe tăng, 36 thiết giáp, hai máy bay

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 1,100 Soldiers, 24 Tanks, 36 AFVs, Two Planes in One Day: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv báo cáo Nga mất 1.100 binh sĩ, 24 xe tăng, 36 AFV, hai máy bay trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Kyiv cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Ba rằng Nga đã mất 24 xe tăng, 1.100 binh sĩ và 36 xe thiết giáp và 2 máy bay chỉ trong một ngày.

Là một phần trong bản cập nhật hàng ngày về cuộc chiến, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đăng tải số liệu về tổn thất về quân đội và trang thiết bị của Nga. Mạc Tư Khoa đã mất 1.110 binh sĩ trong 24 giờ qua, theo số liệu thương vong mới nhất của quân đội Nga - nâng tổng số lên 370.270.

Bản cập nhật cho biết Nga cũng đã mất tổng cộng 6.113 xe tăng, 8.801 hệ thống pháo binh, 11.358 xe thiết giáp và 331 máy bay trong cuộc chiến đang diễn ra.

Người ta nói rằng đội quân Storm Z các tù hình sự của Putin đang chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổn thất của Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Tình nguyện viên, tù nhân và “tân binh” của các công ty quân sự tư nhân hiện chiếm 37% tổng số thương vong được xác nhận ở Nga, trong khi 12% số người thiệt mạng được xác định đã nhập ngũ theo lệnh “huy động một phần” của Putin vào tháng 9 năm 2022.

Ban tiếng Nga của BBC cho biết đến nay họ đã xác định được tên của 7.717 tù nhân của Nga đã nhập ngũ và chết ở Ukraine. Cuộc điều tra cho thấy thi thể của một số nạn nhân vẫn còn trên chiến trường trong vài tháng qua.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Ba rằng cả lực lượng Nga và Ukraine đều không đạt được tiến bộ đáng kể trong tuần qua, nhưng việc Mạc Tư Khoa thúc đẩy chiếm giữ thành phố Avdiivka ở phía đông Ukraine vẫn là “nỗ lực chính” của họ.

Phân tích của Bộ cho biết: “Cho đến nay, Nga đã đạt được những lợi ích lãnh thổ rất hạn chế với cái giá phải trả đáng kể về cả vật chất và nhân lực”.

6. Quốc hội Ukraine thông qua luật tạo ghi danh nghĩa vụ quân sự điện tử

Yaroslav Zhelezniak, một thành viên quốc hội, cho biết, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật tạo ra một cơ quan ghi danh điện tử nhằm mục đích huy động.

Khi quân đội tìm cách bổ sung quân ngũ trong bối cảnh cuộc chiến toàn diện với Nga, chính phủ đã đệ trình dự thảo luật về huy động và nghĩa vụ quân dịch lên quốc hội vào ngày 25 tháng 12, vạch ra kế hoạch tăng cường nghĩa vụ quân sự và thắt chặt các hạn chế đối với những người trốn quân dịch. '

Dự luật được thông qua vào ngày 16 Tháng Giêng không giải quyết được vấn đề lớn hơn về huy động quân mà chỉ nhằm mục đích cải thiện quá trình số hóa quân đội Ukraine.

Luật mới sẽ tạo ra một cơ quan ghi danh kỹ thuật số duy nhất cho mục đích nhập ngũ để những người giám sát việc huy động có thể dễ dàng truy cập tất cả các thông tin liên qua

7. Phản ứng buồn cười của người Nga trước việc hai chiến đấu cơ đắt giá bị hạ gục

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Slam Own Air Defenses as 'Most Potent Threat' to Putin's Air Force”, nghĩa là “Người Nga coi hệ thống phòng không của chính mình là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Không quân của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Người Nga đã đổ lỗi cho lực lượng phòng không của họ về việc mất máy bay giám sát A-50 trên Biển Azov.

Kênh Telegram ủng hộ chiến tranh Fighterbomber, được cho là có liên kết với Không quân Nga, đã đăng một bài viết dài sau khi Ukraine tuyên bố đã bắn rơi một chiếc A-50 và làm hư hại một sở chỉ huy trên không Il-22M vào Chúa Nhật.

Kênh Rybar Telegram, có liên kết với Bộ Quốc phòng Nga, cũng cho biết máy bay có thể đã bị “hỏa lực thân thiện” tấn công.

Điện Cẩm Linh cho biết họ không có thông tin về các cáo buộc này. Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này của Newsweek.

Kênh Fighterbomber cho biết: “Theo thông tin của tôi, Ukraine không liên quan gì đến việc mất máy bay A-50”. “Và tôi thực sự hy vọng rằng lần này ủy ban phân tích thảm họa sẽ không đổ lỗi cho các phi công về dự báo thời tiết… mà sẽ quy trách nhiệm cho thủ phạm trực tiếp của thảm kịch.”

Người dùng Telegram cho biết 11 hoặc 12 phi công quân sự đã thiệt mạng trong các sự việc tương tự.

“Thật không may, trong chiến tranh, mối đe dọa tồi tệ nhất và mạnh mẽ nhất đối với Lực lượng Hàng không Vũ trụ đã là lực lượng phòng không của chúng ta,” bài đăng cho biết và nói thêm rằng “cần phải làm gì đó về vấn đề này”.

A-50 là máy bay trinh sát thời Liên Xô dùng để chuẩn bị tấn công và ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương; việc mất đi một chiếc máy bay như vậy sẽ là một tổn thất lớn. Đài Svoboda, cơ quan của Radio Free Europe/Radio Liberty của Nga, trích dẫn dữ liệu của chính phủ cho biết, mỗi chiếc máy bay có phi hành đoàn gồm 15 người có giá ước tính khoảng 330 triệu Mỹ Kim.

Lực lượng không quân Nga được cho là có 15 chiếc A-50 trước cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, theo số liệu từ cơ sở dữ liệu Danh mục Máy bay Quân sự Hiện đại Thế giới. Một chiếc được cho là đã bị máy bay không người lái làm hư hại nặng vào tháng 2 năm 2023, trong một cuộc tấn công do các đảng phái chống chính phủ Belarus nhận trách nhiệm.

Illia Ponomarenko, một nhà báo Ukraine, cho biết trên X việc hạ gục máy bay A-50 vào tối Chúa Nhật sẽ đánh dấu “chiến thắng trên không lớn nhất của Ukraine trong cuộc chiến này cho đến nay”.

Nhà phân tích quân sự Oleksii Kopytko đã cảnh báo rằng các “phóng viên quân sự” Nga đang cố gắng trình bày vụ bắn rơi máy bay A-50 và thiệt hại gây ra cho máy bay Il-22M như một trường hợp “hỏa lực thân thiện” nhằm “hạ thấp tầm quan trọng của điều đã xảy ra.”

“Nhưng nó chỉ xác nhận rằng có điều gì đó thực sự đau đớn đã xảy ra”, Kopytko nói trên kênh truyền thông xã hội của mình.

“Điện Cẩm Linh không thể cho phép người Nga nghĩ đến khả năng của Ukraine trong việc bắn hạ những chiếc máy bay khan hiếm ở sâu sau chiến tuyến. Bởi vì điều này sẽ có tác động làm mất tinh thần mạnh mẽ”, ông nói thêm. “Thất bại về mặt kỹ thuật cũng như sự sơ suất của quân đội là lời giải thích hữu cơ cho Liên bang Nga.”

Cũng có các báo cáo cho rằng các phe phái khác nhau trong quân đội Nga và trong chính trường Nga đang cố làm mất ảnh hưởng của nhau.

8. Zelenskiy chỉ trích 'nhược điểm' của phương Tây vì thiếu các biện pháp trừng phạt hạt nhân của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Slams 'Weakness' of West Over Lack of Russian Nuclear Sanctions”, nghĩa là “Zelenskiy chỉ trích 'nhược điểm' của phương Tây vì thiếu các biện pháp trừng phạt hạt nhân của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba chỉ trích các đồng minh phương Tây vì đã không tấn công chống lại ngành năng lượng hạt nhân của Nga trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra.

Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuần này ở Davos, Thụy Sĩ rằng ngành công nghiệp hạt nhân của Nga không bị áp đặt các lệnh trừng phạt toàn cầu báo hiệu “một nhược điểm rõ ràng” của phương Tây.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng đối với Nga kể từ khi cuộc xâm lược của Putin bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Trong khi các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành nhiên liệu hóa thạch của Nga và một loạt các công ty và cá nhân khác, thì ngành năng lượng hạt nhân của Mạc Tư Khoa, do tập đoàn nhà nước Rosatom kiểm soát, đã phần lớn không bị tổn hại gì.

Theo Zelenskiy, Putin là một “kẻ khủng bố” đã bắt cơ sở hạt nhân làm “con tin” - ám chỉ quân đội của Putin kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine kể từ khi chiếm được nó vào tháng 3 năm 2022.

“ Tất nhiên, tôi biết ơn từng gói trừng phạt. Nhưng mang hòa bình đến gần hơn sẽ là phần thưởng cho tất cả những ai quan tâm đến việc bảo đảm rằng các biện pháp trừng phạt có hiệu quả 100%.”

Ông nói thêm: “Nhân tiện, nhược điểm rõ ràng của phương Tây là ngành công nghiệp hạt nhân của Nga vẫn chưa bị trừng phạt toàn cầu, mặc dù Putin là kẻ khủng bố duy nhất trên thế giới đã bắt giữ nhà máy điện hạt nhân làm con tin”.

Zelenskiy nói tiếp rằng Putin “yêu tiền hơn tất cả” và sẽ “hối hận vì đã bắt đầu” cuộc chiến nếu các biện pháp trừng phạt dẫn đến tổn thất lớn cho “ông ấy và những người bạn đầu sỏ của ông ấy”.

Việc thiếu các biện pháp trừng phạt có thể là do vai trò quan trọng của Rosatom trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu. Nga là một trong số ít quốc gia cung cấp uranium đã làm giàu, là chất được sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân.

Bất chấp chiến tranh, Mỹ vẫn tiếp tục chi hàng tỷ Mỹ Kim để nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga, quốc gia cung cấp khoảng 25% nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy của Mỹ.

Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu Uranium của Nga, mặc dù các hạn chế này sẽ không được thực thi cho đến năm 2028.

Vẫn chưa rõ liệu luật này sẽ được Thượng viện thông qua hay được Tổng thống Joe Biden ký nếu nó đến bàn làm việc của ông.

Trong khi đó, các nước thuộc Liên minh Âu Châu đã nhập khẩu nhiều nhiên liệu và dịch vụ hạt nhân từ Nga hơn trong cả năm 2023 và 2022 so với trước khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2021, theo Reuters.

Trong cuộc họp ở Davos hôm thứ Ba, Zelenskiy cũng nhắc lại lập trường của mình chống lại lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến Ukraine-Nga, cho rằng Putin “là kẻ săn mồi” sẽ không “thỏa mãn với một sản phẩm đông lạnh”.

“Năm nay phải mang tính quyết định,” Zelenskiy nói. “Việc đóng băng cuộc chiến ở Ukraine có thể là dấu chấm hết cho nó không? Tôi không muốn chấp nhận sự thật hiển nhiên rằng bất kỳ cuộc xung đột đóng băng nào cuối cùng cũng sẽ bùng phát trở lại.”

Ông nói tiếp: “Tôi xin nhắc bạn rằng sau năm 2014, đã có những nỗ lực nhằm đóng băng cuộc chiến ở Donbas. “Nhưng Putin là kẻ săn mồi không hài lòng với sản phẩm đông lạnh.”

[Thủy]

9. Các cuộc không kích khó có thể ngăn chặn người Houthis

Ký giả JAMIE Dettmer của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Airstrikes are unlikely to deter the Houthis”, nghĩa là “Ukraine nói Nga đe dọa tàu dân sự ở Hắc Hải”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong một nỗ lực phủ đầu nhằm cảnh báo Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này sau cuộc tấn công vào tháng 10 của Hamas vào miền nam Israel, Tổng thống Hoa Kỳ Tổng thống Joe Biden đã nói ngắn gọn: “Đừng.” Nhưng lời khuyên nhủ ngắn gọn của ông vẫn tiếp tục bị bỏ ngoài tai.

Như vị vua Claudius buồn bã của Shakespeare đã lưu ý, “khi nỗi buồn ập đến, chúng không đến từ những điệp viên đơn lẻ mà đến theo từng tiểu đoàn”. Và trong khi các cường quốc phương Tây đang bực tức hiện đang cố gắng ngăn chặn sự leo thang ở Trung Đông, thì chính các tiểu đoàn do Iran chỉ đạo đang mang đến cho họ nỗi buồn.

Tăng cường đặt cược ở mọi khía cạnh, Tehran đang cân nhắc cẩn thận sự gây hấn của các đối tác của mình – Hezbollah ở Li Băng, dân quân người Shiite /si-ai/ ở Iraq và Syria, và người Houthis ở Biển Đỏ – hợp tác để cứu Hamas khỏi bị tiêu diệt bởi một Israel đầy thù hận. Và ngoài tất cả những điều cần thiết này, chính hơn hai chục cuộc tấn công của người Houthis ở Biển Đỏ đã vượt quá giới hạn đối với các cường quốc phương Tây - đủ để khiến Mỹ và Vương quốc Anh chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công hàng chục nơi. Mục tiêu của Houthi.

Theo quan điểm của Washington và Luân Đôn, sự trả đũa của phương Tây nhằm mục đích củng cố lời cảnh báo tháng 10 của Tổng thống Biden, truyền tải một thông điệp rõ ràng tới Iran: Hãy dừng lại. Nhưng tại sao lại như vậy?

Riêng tư, Mỹ đã tăng cường cảnh báo thông qua các kênh ngoại giao. Và Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Grant Shapps đã công khai nhấn mạnh thông điệp này, nói rằng phương Tây đang “hết kiên nhẫn” và chế độ Iran phải yêu cầu người Houthis và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực của họ “ngưng và ngừng hoạt động”.

Tuy nhiên, rất đáng nghi ngờ liệu Tehran có chú ý đến lời khuyên này hay không. Không có gì trong DNA của chế độ cho thấy nó sẽ lùi bước. Thêm vào đó, cuối cùng thì Iran sẽ không phải chịu tổn thất gì - người Houthis sẽ là người bị thiệt hại. Trên thực tế, Iran có mọi lý do để tiếp tục kiên trì, vì nước này không thể để Hamas rơi vào tình trạng khó khăn. Làm như vậy sẽ làm suy yếu niềm tin của các nhóm được Iran hậu thuẫn khác, làm suy yếu ảnh hưởng gây rối của họ trong khu vực.

Ngoài ra, từ quan điểm của Iran, chiến lược cần thiết nhằm làm các cường quốc phương Tây mệt mỏi và sợ hãi trước nguy cơ leo thang đang phát huy tác dụng. Bóng ma của một cuộc chiến tranh mở rộng ở Trung Đông là nỗi kinh hoàng đối với chính phủ Washington và Âu Châu, vốn đang bị bao vây bởi các vấn đề khác. Tốt hơn là họ nên ép Israel dừng chiến dịch quân sự ở Gaza và bảo toàn quyền lực của Hamas - đó là điều mà Tehran đang cố gắng thực hiện.

Và các giáo sĩ Hồi giáo Iran có mọi lý do để tin rằng cuộc đánh cược này sẽ thành công. Ukraine đang trở thành một câu chuyện cảnh giác; Quyết tâm của phương Tây dường như đang suy yếu; và Quốc hội Hoa Kỳ đang sa lầy vào cuộc tranh cãi giữa các đảng phái, trì hoãn gói viện trợ quan trọng cho Ukraine - một gói viện trợ mà người Âu Châu sẽ không thể thực hiện được.

Vậy, sự kiên nhẫn của ai sẽ cạn kiệt trước - phương Tây hay Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ?

Hạ gục lực lượng Houthi sẽ không phải là một kỳ công dễ dàng đối với Mỹ và Anh. Vào năm 2015, sau khi lực lượng Houthi kiên cường chiếm được thủ đô Sana'a của Yemen, Ả Rập Xê Út nghĩ rằng họ có thể nhanh chóng đánh bật chúng bằng một chiến dịch ném bom ở miền bắc Yemen. Nhưng gần một thập niên trôi qua, Riyadh đang cố gắng tự giải thoát, sẵn sàng rút lui nếu người Houthi để họ yên.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã thành công hơn ở miền nam đất nước, triển khai quân trên thực địa và huấn luyện lực lượng dân quân địa phương ở những nơi mà người Houthis vốn không được lòng dân. Nhưng Mỹ và Anh không đề xuất đi theo mô hình của UAE - họ sẽ đi theo mô hình của Saudi, mặc dù với mục tiêu hạn chế hơn nhiều là khiến người Houthis ngừng quấy rối giao thông thương mại ở Biển Đỏ.

Hơn nữa, niềm tin của phương Tây vào tính hiệu quả của các chiến dịch ném bom - đặc biệt là những chiến dịch thất thường - trước đây đã được chứng minh là đặt sai chỗ. Các chiến dịch ném bom đã thất bại trong việc buộc Saddam Hussein của Iraq phải tự mình quy phục. Và các lực lượng dân quân liên kết với Iran ở Iraq và Syria đã từ chối các cuộc không kích của phương Tây, coi chúng là huy hiệu danh dự - giống như người Houthis, trớ trêu thay, đã bị Tổng thống Biden loại khỏi danh sách khủng bố của Mỹ vào năm 2021. Họ dường như đang tận hưởng khoảnh khắc của mình ở các giải đấu lớn.

Đã được thử nghiệm trong chiến tranh, thiện chiến và nhanh nhẹn, lực lượng Houthi được trang bị tốt nhờ Iran và họ có thể mong đợi sự bổ sung quân sự từ Tehran. Họ cũng nắm chắc lãnh thổ của mình. Giống như Hamas, người Houthis không bận tâm đến cái chết và sự tàn phá mà họ có thể gây ra cho người dân của mình, khiến họ đặc biệt khó thuyết phục được bất cứ điều gì. Và nếu Mỹ tăng tốc, điều này có thể bị kéo vào sâu hơn, vì cách duy nhất để ngăn chặn Iran bổ sung lực lượng cho Houthi là tiến hành phong tỏa hải quân đối với Yemen.

Rất ít nhà phân tích dày dạn kinh nghiệm cho rằng người Houthis sẽ dễ dàng nhượng bộ. Tom Sharpe, cựu thuyền trưởng Hải quân Hoàng gia và sĩ quan tác chiến phòng không chuyên nghiệp, cho biết ông đề nghị “cứ bỏ đi”.

“Hãy biến việc đi vòng quanh Cape trở thành điều bình thường mới,” ông viết vào tuần trước, mặc dù thừa nhận rằng ông mong đợi lời khuyên của mình sẽ bị bác bỏ do những tác động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc hạ bệ lực lượng Houthi đủ để khiến Biển Đỏ an toàn trở lại sẽ “khó thực hiện nếu không có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, trong đó Mỹ, Anh và các nước bạn sẽ bị coi là đang chiến đấu về phía Israel”.

Và đó là một nửa vấn đề. Hiện đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột dữ dội, trong mắt nhiều người trong khu vực, các cường quốc phương Tây được coi là những kẻ tạo điều kiện cho sự chết chóc và hủy diệt xảy ra ở Gaza. Và khi số dân thường thiệt mạng ở vùng đất Palestine ngày càng gia tăng, những người ủng hộ phương Tây của Israel ngày càng bị chỉ trích vì không làm đủ để kiềm chế đất nước, vốn quyết tâm bảo đảm Hamas không bao giờ có thể lặp lại những gì đã làm vào ngày 7 tháng 10.

Phải thừa nhận rằng, Israel đang chiến đấu với một đối phương tàn nhẫn không hề để ý đến những cái chết ở Gaza do hành động của mình gây ra. Càng nhiều người Palestine bị giết, Hamas càng có thể gây ra sự phẫn nộ quốc tế lớn hơn, tự thể hiện mình là nạn nhân hơn là kẻ xâm lược. Nhưng Israel được cho là đã rơi vào bẫy của Hamas, với số người chết ngày càng tăng và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng hiện đang ảnh hưởng đến dư luận trong khu vực và rộng rãi hơn.

Một cuộc thăm dò gần đây do Viện Chính sách Cận Đông Washington thực hiện cho thấy 96% thế giới Ả Rập nói chung tin rằng các quốc gia Ả Rập giờ đây nên cắt đứt quan hệ với Israel. Và tại Anh, Ngoại trưởng David Cameron nói trước một ủy ban quốc hội rằng ông lo ngại Israel đã “thực hiện hành động có thể vi phạm luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, ngoài việc đưa ra cảnh báo để Iran, Hezbollah và những nước khác trong Trục Kháng chiến tránh xa, Tổng thống Biden còn cảnh báo các nhà lãnh đạo Israel về cơn thịnh nộ - kêu gọi Nội các chiến tranh của Israel không “lặp lại những sai lầm” mà Mỹ đã gây ra sau đó. 11/9.

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò của Viện Dân chủ Israel, 75% người Israel gốc Do Thái cho rằng nước này nên phớt lờ yêu cầu của Mỹ chuyển sang giai đoạn chiến tranh với việc giảm ném bom hạng nặng ở các khu vực đông dân cư và 57% ủng hộ mở mặt trận thứ hai ở phía bắc. và tham gia cuộc chiến với Hezbollah. Ngoài ra, Gallup nhận thấy người Israel đã mất niềm tin vào giải pháp hai nhà nước, với 65% người Israel gốc Do Thái phản đối một nhà nước Palestine độc lập.

Vì vậy, có vẻ như Israel không muốn nhượng bộ - và không tin mình có đủ khả năng để làm vậy.
 
ĐGH có từ chức không? Hỏa ngục là tín điều bị công kích mạnh nhất ngày nay, có hỏa ngục hay không?
VietCatholic Media
04:54 17/01/2024


1. Dan Hitchens: Hỏa ngục là tín điều bị công kích mạnh nhất ngày nay. Nhưng cẩn thận nhé, hỏa ngục thật sự tồn tại đấy.

Dan Hitchens, thần học gia, phó tổng biên tập tờ Catholic Herald, nhận xét rằng giáo lý về hỏa ngục là một trong những tín điều bị công kích mạnh nhất ngày nay. Thật thế, hôm 5 tháng Ba, 2019 một ngày trước thứ Tư Lễ Tro, Vinson Cickyham tấn công tín điều này trên tờ New York Times, và khuyên người Công Giáo nên từ bỏ tín điều đó đi vì, theo Cickyham, nó “ngăn con người đến với đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương”.

Một cuộc tấn công khác đã diễn ra vào đúng ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 2018.

Eugenio Scalfari, 93 tuổi, một người vô thần, đồng sáng lập nhật báo La Repubblica, tuyên bố hôm thứ Năm Tuần Thánh rằng hai ngày trước đó Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho ông ta rằng linh hồn của những kẻ tội lỗi đơn giản là “biến mất” khi chết, và “Không có địa ngục, chỉ có sự biến mất của linh hồn.”

Tin giả này là đầu đề của báo chí trên khắp thế giới và được truyền đi hầu như trên tất cả các phương tiện truyền thông thế giới.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke nói với tờ La Nuova Bussola Quotidiana “Điều đã xảy ra trong cuộc đàm thoại mới nhất dành cho Eugenio Scalfari trong Tuần Thánh và được công bố vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh là vượt quá khả năng có thể châm chước được”.

Ngài nhận xét thêm rằng:

“Một kẻ vô thần khét tiếng cho rằng mình đang tuyên bố một cuộc cách mạng trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, nhân danh Đức Giáo Hoàng, phủ nhận sự bất tử của linh hồn con người và sự tồn tại của địa ngục, là một tai hoạ sâu sắc không chỉ cho nhiều người Công Giáo mà còn cho nhiều người lương dân tôn trọng Giáo Hội Công Giáo và các giáo lý của Giáo Hội, ngay cả khi họ không cùng quan điểm như thế.”

Theo Đức Hồng Y ngày mà Scalfari chọn để công bố bài báo - Thứ Năm Tuần Thánh – là đặc biệt xúc phạm vì nó là “một trong những ngày thánh thiêng nhất trong năm”.

Trở lại cuộc tấn công mới nhất trên tờ New York Times, để trả lời cho ý kiến của Cickyham, Dan Hitchens có bài Making Sense of Hell – “Làm rõ ý nghĩa của Hỏa Ngục” đăng trên tờ FirstThings.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Making sense of Hell - Làm rõ ý nghĩa của Hỏa Ngục

Dan Hitchens

Án phạt đời đời chưa bao giờ là một tín điều được nồng nhiệt phổ biến, nhưng trái lại ngày nay đó là tín lý dường như đang bị đả phá mạnh nhất vào lúc này. Những nhà trí thức nổi danh như Stephen Greenblatt lắc đầu, nhếch mép trước giáo huấn này. Các nhà thần học lập dị nặn óc nghĩ ra những lập luận chống lại tín điều ấy. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Giáo hội khi được hỏi về điều này, thường trả lời với sự mơ hồ và bối rối. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Vinson Cickyham trên tờ New York Times gần đây chuyển hướng sang vặn hỏi người Công Giáo: “Những tín hữu hiện đại nào là những người không muốn phá bỏ rào cản tàn bạo, cũ kỹ này ngăn con người đến với đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương? Loại thần nào lại vẽ ra một ranh giới cứng rắn như vậy giữa bạn bè và kẻ thù của ông ta, và giữ trong lòng mình một mối hận thù vĩnh cửu như thế? Chắc chắn sự từ bỏ khái niệm về hỏa ngục, ngay cả ý tưởng quên đi khái niệm ấy, cũng mang đến một chút nhẹ nhõm.”

Phản ứng ngay tức khắc của tôi là thông cảm với quan điểm của Cickyham, và chúng ta không nên đơn giản là bỏ ngoài tai những lời bình luận như vậy. Nhưng những lý lẽ đó cần được thử thách. Khi một phản ứng cảm xúc không thể đưa ra được một nền tảng luận lý mà nó dựa trên; khi nó liên quan đến một cái gì đó không biết đến nơi đến chốn; và khi những hệ quả của nó khó lòng có thể bảo vệ được thì an toàn nhất, chúng ta phải kết luận rằng cảm xúc ấy là sai lệch.

Chúng ta hãy bắt đầu với nền tảng luận lý. Tội lỗi đáng bị trừng phạt. May mắn là khi còn sống, chúng ta luôn có thể quay lại với lòng thương xót Chúa. Tuy nhiên, các triết gia nói với chúng ta rằng khi chết, linh hồn không còn có thể thay đổi những hướng đi của nó. Trước khi chết, chúng ta có thể đi hướng này hướng khác theo các cảm xúc và thói quen của chúng ta. Nhưng khi linh hồn bị tách ra khỏi cơ thể, khả năng thay đổi này kết thúc và chúng ta chỉ còn lại một định hướng duy nhất. Nếu chúng ta đã hướng về Thiên Chúa trước khi chết, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta đã chọn một hướng khác, chúng ta trong tình trạng đang mắc tội trọng, và hình phạt công bằng chúng ta phải chịu cứ tiếp tục như thế bao lâu chúng ta từ chối Thiên Chúa, và đó là mãi mãi vì chúng ta đã mất khả năng thay đổi. Cư dân địa ngục cứ tiếp tục quyết định số phận của mình như thế. Thánh Anphongsô Đệ Ligouriô viết: “Những kẻ bị lên án là những kẻ cố chấp trong tội lỗi của mình, đến nỗi cho dù Chúa có ban ân xá, lòng thù ghét Ngài sẽ khiến họ từ chối.”

Những nỗ lực để tìm ra sơ hở trong lý luận này, theo như tôi thấy, chưa hề thành công: Những độc giả quan tâm có thể tìm thấy một loạt các lời bác bỏ ở đây. Phản bác thực sự, tôi nghĩ, nặng về trực giác hơn là lý luận: người ta nói cho dù một số hình phạt là cần thiết đi nữa, địa ngục có phải là quá đáng hay không?

Nhưng ở đây, chúng ta thấy sự giản lược để nói theo kiểu “chắc chắn là…” về những điều chúng ta chưa hề nắm bắt được: ví dụ như sự ghê tởm của tội lỗi. Hầu hết chúng ta, nếu được yêu cầu ước tính tội lỗi của mình tồi tệ đến mức nào, sẽ nói rằng mặc dù chúng ta đã không luôn sống xứng đáng, nhưng chúng ta đã không làm tổn thương bất cứ ai, và nói cho cùng trong cái cuộc sống khó khăn này, nói chung thì chúng ta cũng là những người kha khá tốt, chứ không đến nỗi tệ. Chúng ta sẽ không đoán nổi, tình trạng của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta chưa hề biết rằng Chúa đã đến trái đất này, chịu sỉ nhục và chịu tra tấn đến chết vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thực sự có chút manh mối nào về mức độ nghiêm trọng của những tội lỗi chúng ta đã phạm hay không? Tương tự như vậy, không ai trong chúng ta đã từng thấy một linh hồn trong tình trạng tội lỗi sẽ như thế nào sau khi chết, khi nhịp đập thôi thúc hướng đến những điều tốt đẹp của nó đã biến mất và không còn gì ngoài mong muốn xấu xa. Trong trường hợp như thế, tôi dựa vào cơ sở nào mà dám có ý kiến về thế nào là một hình phạt công bằng? Làm thế thì có khác gì bình luận về triển vọng Olympic của đội tuyển bóng rổ quốc gia Azerbaijan mà chưa từng google xem cái đội ấy chơi như thế nào và chưa từng biết gì về bóng rổ? Tôi nghi ngờ hầu hết những trực giác của chúng ta về sự nghiêm trọng của tội lỗi thậm chí còn tệ hại hơn khi ta suy đoán về bóng rổ mà chẳng biết gì về môn chơi ấy.

May mắn thay, chúng ta không hoàn toàn mù tịt về sự nghiêm trọng của tội lỗi, bởi vì chúng ta có sự hướng dẫn của Giáo hội. Không chỉ là những tuyên bố huấn giáo có thẩm quyền, mặc dù điều đó là quá đủ rồi, nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có cơ man những thể hiện khôn ngoan của Giáo Hội trong suốt 2000 năm: đó là cách giải thích tiêu chuẩn của rất nhiều, rất nhiều câu trong Cựu Ước và Tân Ước; những bài giảng của các thánh, với những cảnh báo khủng khiếp của các ngài về đời sau; lời cầu nguyện từ ngàn xưa trong các Thánh lễ cầu xin cho chúng ta “thoát khỏi án phạt đời đời”; các nhà thần bí, kể cả những vị trong thế kỷ 20, đã từng nhìn thấy những thứ gần như khiến họ chết khiếp đi vì sợ hãi; các bức tranh như Địa Ngục của Dante và Ngày Phán Xét Cuối Cùng của Michelangelo.

Và rồi chúng ta có Thánh Thomas More. Trong phiên tòa xét xử mình, ngài đã nói rằng nếu ngài không nói sự thật thì “hãy cầu nguyện cho tôi để tôi không bao giờ phải đối diện với Chúa”. Chúng ta cũng có những trẻ Fatima, là những mục đồng đã thực hiện việc đền tội để giúp các linh hồn mồ côi, và để phát động một trong những việc sùng kính vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Chúng ta cũng có lời chứng của những nhà trừ quỷ, là những vị trong tiến trình giải phóng con người khỏi bị quỷ ám, đã nói chuyện với ma quỷ về kiếp sau. Bên cạnh đó, còn có vô số những người nam nữ thánh thiện đã đi rao giảng và chăm sóc người bệnh và dành phần lớn đời mình cho tình yêu; không phải hoàn toàn thì ít nhất một phần, bởi vì họ sợ những gì họ có thể phải nghe trong Ngày phán xét. Rồi còn cơ man những người nam nữ bình thường là những người đã buộc mình phải đi đến tòa giải tội, không hoàn toàn thì ít nhất cũng một phần bởi vì họ tin rằng họ cần được giải cứu khẩn cấp. Nếu Đạo Công Giáo là công việc của Chúa Thánh Thần, thì đây chắc chắn là một trong những sự thật mà Ngài muốn dẫn dắt chúng ta đến.

Ngay cả những người không theo đạo Công Giáo cũng sẽ phải đồng ý với những lời Chúa Giêsu đã rao giảng về chủ đề này, là những lời có lẽ Chúa đã chọn lọc để bẻ gãy tất cả các cố gắng xuyên tạc về hỏa ngục mà các học giả hiện đại ưa thích. Ngài nói, nhiều lần, về ngọn lửa không bao giờ tàn lụi. Thật khó để xuyên tạc điều này và gọi đó là ngọn lửa tình yêu của Chúa, bởi vì Ngài đã phán cùng những kẻ bị nguyền rủa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25:41), và Ngài còn mô tả theo nghĩa đen sự tuyệt vọng của địa ngục: “hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 25:30) Chúa của chúng ta không có vẻ gì là đang đề cập đến một quá trình thanh luyện khó khăn nhưng cuối cùng sẽ có chút ánh sáng nào đó cuối đường hầm. Không đó là đời đời! Ngài có vẻ như đang cảnh báo về một số phận còn tệ hại hơn cả cái chết. Từ bỏ tín điều về địa ngục thì chung cuộc bạn sẽ phải xem Chúa Giêsu như thể một người không biết mình đang nói về cái gì. Đối với bất kỳ Kitô hữu nào, đó là một kết luận không thể chấp nhận được.

Có phải niềm tin vào địa ngục là một rào cản đối với niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương hay không? Rõ ràng là không, bởi vì các vị thánh, những người có cuộc sống tràn ngập tình yêu của Thiên Chúa và người lân cận, đã nhìn thấy thực tại địa ngục rõ ràng hơn bất cứ ai. Có lẽ điều này không quá ngạc nhiên: Nó có ý nghĩa rằng những người thực sự hiểu rõ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng hiểu một cách sâu sắc hậu quả của việc từ chối Lòng Thương Xót ấy là những gì.

2. Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn mới nói về sức khỏe, việc từ chức và kế hoạch tông du trong tương lai

Tờ Crux có bài tường trình nhan đề “Pope in new interview talks health, resignation, future travel plans”, nghĩa là “Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn mới nói về sức khỏe, việc từ chức và kế hoạch tông du trong tương lai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong một cuộc phỏng vấn mới, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài có sức khỏe tốt và phủ nhận mọi kế hoạch từ chức, đồng thời cho biết ngài có một số chuyến công du nước ngoài được lên kế hoạch trong năm nay, bao gồm một điểm dừng chân vào mùa hè ở Polynesia và một chuyến trở lại Á Căn Đình tiềm năng.

Nói về sức khỏe của mình, Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn đã nói đùa rằng “Tôi vẫn còn sống” bất chấp nhiều thử thách về sức khỏe vào năm ngoái, bao gồm hai lần nằm viện và một cơn viêm phế quản gần đây đã buộc ngài phải hủy chuyến đi đã lên kế hoạch tới Dubai vào đầu tháng 12 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28

Khi được hỏi liệu ngài có cân nhắc việc từ chức hay không, Đức Thánh Cha nói, “đó không phải là một ý nghĩ, một mối quan tâm hay thậm chí là một mong muốn”.

“Đó là một khả năng mở ra cho tất cả các giáo hoàng, nhưng hiện tại, nó không phải là trung tâm trong suy nghĩ, lo lắng và cảm xúc của tôi,” ngài nói và nói thêm, “miễn là tôi có khả năng phục vụ, tôi sẽ tiếp tục; khi tôi không thể chịu đựng được nữa, sẽ đến lúc phải suy nghĩ về điều đó.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với nhà báo người Ý Fabio Fazio trên chương trình truyền hình nổi tiếng Che Tempo Che Fa nghĩa là “Thời tiết như thế nào”, được phát sóng vào tối Chúa nhật. Đây là lần xuất hiện thứ hai của ngài trên chương trình kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 50 phút, Đức Phanxicô đã đề cập đến nhiều vấn đề khác ngoài sức khỏe của ngài, bao gồm chiến tranh, di cư, kế hoạch tông du trong tương lai và cuộc tranh cãi gần đây về quyết định của ngài cho phép ban phép lành ngoài phụng vụ cho các cặp đồng giới.

Khi đề cập đến kế hoạch tông du quốc tế cho năm 2024, Đức Thánh Cha thông báo rằng ngài dự định đến Polynesia vào tháng 8 và chuyến trở lại Á Căn Đình tiềm năng sẽ được thảo luận vào cuối mùa thu. Đức Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn trước đây cho biết ngài cũng sẽ đến thăm Bỉ trong năm nay.

Về Á Căn Đình, chuyến đi đánh dấu chuyến trở lại đầu tiên của ngài kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, ngài nói: “Tôi muốn đi, đã mười năm rồi. Tôi muốn đi.”

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến cuộc tranh cãi gần đây do Tuyên ngôn Fiducia Supplicans của Bộ Giáo lý Đức tin gây ra: “Về ý nghĩa mục vụ của các phép lành,” được công bố ngày 18 tháng 12 và cho phép các mục tử ban phép lành tự phát, không phụng vụ cho các cặp trong những tình huống bất hợp pháp, bao gồm các cặp ly dị và tái hôn và những cặp đồng giới.

Sau khi Tuyên ngôn được công bố, đã có một làn sóng phản ứng dữ dội từ các nhà phê bình, những người cáo buộc Đức Giáo Hoàng là dị giáo, trong khi những người ủng hộ ca ngợi động thái này là một bước tiến đáng kể trong việc tiếp cận mục vụ với cộng đồng LGBTQ+.

Một số hội đồng giám mục hoan nghênh động thái này, trong khi những hội đồng khác, đặc biệt là toàn bộ Phi Châu, đã từ chối ban phước lành cho các cặp đồng giới, với tư cách một cặp hoặc với tư cách cá nhân, với lý do nhạy cảm về văn hóa và khả năng tạo ra sự lầm lạc.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đôi khi “các quyết định không được chấp nhận” và mọi người không thực sự hiểu những gì họ đang chỉ trích.

“Điều nguy hiểm, điều tôi không thích, là đi đến những kết luận tồi tệ,” ngài nói, đề cập đến những cáo buộc dị giáo, thay vì “nói chuyện, bày tỏ sự nghi ngờ và tiến hành một cuộc thảo luận huynh đệ”.

Ngài nói đây là những gì đã xảy ra với Fiducia Supplicans, và nhấn mạnh như ngài thường nói rằng “Chúa ban phước cho tất cả mọi người, mọi người, mọi người, những người đến với Ngài. Mọi người.”

“Sau đó, mọi người phải xem con đường nào Chúa đề ra cho họ, nhưng chúng ta phải nắm lấy tay họ và giúp họ đi theo con đường đó, chứ không phải lên án họ ngay từ đầu. Đây là hành động mục vụ của Giáo hội”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quảng đại trong việc tha thứ, đặc biệt nói với các cha giải tội rằng “hãy tha thứ mọi thứ”, và rằng “trong 54 năm làm linh mục, chỉ một lần tôi đã từ chối sự tha thứ, do tính đạo đức giả của người đó”.

Ngài nói, nếu Thiên Chúa trừng phạt thì đó là “để sửa chữa vì tình yêu thương”.

Ngài cũng nói về những nỗ lực cải cách đang diễn ra của ngài, đồng thời cho biết cải cách cấp bách nhất là “cải cách trái tim, dành cho tất cả các Kitô hữu”.

Các cơ cấu và thể chế được thay đổi, điều chỉnh và cập nhật vài năm một lần ở cấp độ máy móc để có thể đáp ứng các nhu cầu hiện đại, “nhưng trái tim phải được cải cách mỗi ngày. Đây là một công việc hàng ngày,” ngài nói, “Chúng ta phải đổi mới tâm hồn mình mọi lúc, mọi ngày.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến vấn đề chiến tranh, đặc biệt trích dẫn các cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và ở Ukraine, đồng thời cho biết ngài lo ngại sự leo thang hơn nữa của tất cả các cuộc xung đột toàn cầu.

“Nó sẽ kết thúc như thế nào? Giống như con tàu của Nô-ê? Điều này làm tôi sợ hãi, khả năng tự hủy diệt mà nhân loại ngày nay có”, và một lần nữa Đức Thánh Cha lên án hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu.

Đề cập đến Ukraine, ngài than thở rằng có nhiều trẻ em “không cười”, nói rằng “việc một đứa trẻ quên mất nụ cười của mình là tội ác, điều này tạo nên chiến tranh”. Ngài cũng chỉ ra cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, nói rằng hai dân tộc “được kêu gọi trở thành anh em, lại tiêu diệt lẫn nhau”.

Về vấn đề di cư, ngài lên án sự “tàn ác” mà họ bị đối xử và lưu ý rằng có một “mafia đã bắt giữ và bóc lột họ” trên hành trình của họ.

Ngài nhớ lại một trường hợp gần đây trong đó những kẻ buôn người đã tra tấn một người di cư và yêu cầu một số tiền lớn để đổi lấy tự do cho người đó, ngài nói: “Cảm ơn Chúa, chúng tôi đã tìm được một ân nhân và anh ta đã được trả tự do.”

Đức Thánh Cha nói “Mọi người đều có quyền ở nhà và di cư,” đồng thời lưu ý rằng các quốc gia Síp, Hy Lạp, Malta, Ý và Tây Ban Nha đang phải gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư và cầu xin các quốc gia này, “Xin vui lòng, đừng đóng cửa biên giới.”

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng một số quốc gia này “không có trẻ em, họ cần lực lượng lao động. Một số quốc gia này có những thị trấn trống rỗng” và ủng hộ chính sách di cư cân bằng ở Âu Châu, công bằng cho tất cả các bên.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Chúng ta phải giải quyết vấn đề di cư, tiêu diệt tất cả bọn mafia bóc lột người di cư và tiến tới giải quyết các vấn đề của người dân trong nước cũng như vấn đề di cư và ở lại quê hương cũng là một quyền. Cả hai đều phải được tôn trọng.”

Đức Phanxicô cũng giải thích lời kêu gọi cầu nguyện thường xuyên của ngài, nói rằng ngài đưa ra yêu cầu này bởi vì “tôi là một người tội lỗi và tôi cần sự giúp đỡ của Chúa để trung thành với ơn gọi mà Ngài đã ban cho tôi”.

“Mỗi người đều có ơn gọi riêng mà họ phải thực hiện,” ngài nói, đồng thời nói rằng ngài với tư cách là một giám mục có “trách nhiệm rất lớn đối với giáo hội. Tôi biết những điểm yếu của mình và vì điều này, tôi phải cầu nguyện, xin mọi người cầu nguyện cho tôi, để tôi luôn trung thành với công việc của Chúa và để tôi không rơi vào thái độ của một mục tử tầm thường.”

Ngài nói, một mục tử phải ở bên người dân của mình và biết nhu cầu của họ, đồng thời yêu cầu người xem một lần nữa cầu nguyện cho ngài, “để tôi luôn tiến về phía trước, để tôi không thất bại trong bổn phận của mình” và nói đùa thêm, “làm ơn, hãy cầu nguyện trong sự ủng hộ, đừng chống lại!”

3. Nhật Ký Trừ Tà số 272: Quỷ dữ phá phiên trừ tà

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #272: Demons Crash Deliverance Session”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 272: Quỷ dữ phá phiên trừ tà”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong phiên trừ tà trực tuyến vừa qua, kết nối internet của tôi bị lỗi. Tôi có kết nối internet nhanh, có dây và rất đáng tin cậy. Tôi phụ thuộc vào nó để phục vụ lượng người theo dõi quốc tế ngày càng lớn mạnh mà chúng tôi có được từ trang web và phương tiện truyền thông xã hội của mình. Khi kết nối bị ngắt, điều đó thật kỳ lạ và Nhóm biết rằng có điều gì đó không ổn.

Hàng tháng chúng tôi có một phiên giải cứu trực tuyến lớn: 15.000 người ghi danh và Chúa ban phước cho chúng tôi bằng những ân sủng mạnh mẽ. Đương nhiên, lũ quỷ không thích điều đó. Đồng thời, phù thủy đang ném những lời nguyền vào chúng tôi. Hàng tháng, thông tin liên lạc của chúng tôi bị thế giới đen tối quấy rối theo một cách nào đó.

Nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi có các “Chiến binh cầu nguyện” cầu nguyện trong suốt buổi trừ atà. Ngoài ra, Nhóm của chúng tôi còn nói “Lời cầu nguyện của Umbrellino cho Công nghệ”* nhiều lần. Và một trong những nhà trừ tà của chúng tôi liên tục giải trừ những lời nguyền. Chúng tôi liên tục kêu gọi Chân phước Carlo Acutis- một nhà thiết kế web đã chứng tỏ là một đồng minh tinh thần mạnh mẽ trong việc bảo vệ công nghệ.

Nhưng vào ngày 13 tháng 11, giữa phiên, màn hình của tôi bị đơ một cách khó hiểu và sau đó kết nối internet của tôi bị hỏng. Điều đặc biệt thú vị là nó rơi xuống ngay giữa buổi cầu nguyện để xóa bỏ những lời nguyền rủa thế hệ.”** Một tai nạn chăng? Tôi nghi ngờ điều đó.

Mặc dù Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ lên tiếng dứt khoát về việc liệu những lời nguyền qua nhiều thế hệ có thực sự tồn tại hay không, nhưng kinh nghiệm chung của các nhà trừ quỷ là chúng có thật. Đúng là các thế hệ kế tiếp không phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của tổ tiên họ, nhưng dường như họ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần một cách rõ ràng. Kinh nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy việc dỡ bỏ những lời nguyền thế hệ là một trong những khoảnh khắc mạnh mẽ nhất trong các phiên trực tuyến này. Ít ai ngờ rằng Ác ma sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn nó.

Mặc dù tôi không phải là người am hiểu công nghệ nhất nhưng tôi vẫn có thể kết nối lại với phiên trực tuyến sau vài phút. Nhóm rất có năng lực của chúng tôi, nhận ra điều gì đã xảy ra, đã tiếp tục buổi cầu nguyện cho đến khi tôi tham gia lại. Sau đó chúng tôi tiếp tục nơi chúng tôi đã dừng lại. Trên thực tế, tôi đã nhân đôi lời cầu nguyện để xóa bỏ những lời nguyền rủa của thế hệ ngay từ đầu và thậm chí còn nhấn mạnh vào nó. Khi ma quỷ không thích điều gì đó, chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn!

Sự việc này mang tính giáo dục. Theo suy nghĩ của tôi, nó khẳng định lại tầm quan trọng của việc dỡ bỏ những lời nguyền thế hệ. Nó cũng tái khẳng định sự thật rằng, trong khi Ma Quỷ có thể quấy rối các tôi tớ của Chúa bất kể chúng ta nói bao nhiêu lời cầu nguyện ngăn cản và bảo vệ, công việc của Chúa cuối cùng sẽ được hoàn thành. Satan có thể cám dỗ, quấy rối và trì hoãn, nhưng không bao giờ ngăn cản được vương quốc của Thiên Chúa đang đến. Ý muốn của Chúa luôn được thực hiện. Satan bất lực trong việc ngăn chặn nó.

Phiên trừ tà trực tuyến tiếp theo của chúng tôi sẽ diễn ra vào ngày 8 Tháng Giêng. Mỗi tháng lại có một số hình thức quấy rối ma quỷ mới, bất chấp những nỗ lực hết sức của chúng tôi để ngăn chặn nó. Nhưng chúng ta tin vào Chúa Giêsu. Ngài đã chiến thắng và Ngài sẽ làm lại điều đó. Điều này chúng tôi biết chắc chắn.

Source:Catholic ExorcismExorcist Diary #272: Demons Crash Deliveranc
 
Nga mắc bẫy Ukraine. Putin tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Voronezh. Gián điệp Nga bị bắt ở Estonia
VietCatholic Media
16:16 17/01/2024

1. Nga mắc bẫy của Ukraine nên mới mất chiếc máy bay quý giá

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Crews Set A Complex Missile Trap For Russia’s Best Radar Plane”, nghĩa là “Phi hành đoàn Ukraine đặt bẫy hỏa tiễn phức tạp cho máy bay radar tốt nhất của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Vào tối Chúa Nhật, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ một trong những máy bay cảnh báo sớm radar A-50 rất hiếm và rất có giá trị của lực lượng không quân Nga, có khả năng giết chết tất cả 15 người trên máy bay — có thể bao gồm cả các sĩ quan cao cấp. Một máy bay chỉ huy Ilyushin Il-22 của Nga cũng bị hư hại trong cuộc tấn công tương tự.

“Ai đã làm điều này?” Không quân Ukraine châm biếm. Có vẻ như câu trả lời là hỏa tiễn phòng không Patriot PAC-2 có tầm bắn 90 dặm của lực lượng không quân. Ít có khả năng hơn: Patriot PAC-3 hoặc S-300 tầm ngắn hơn.

Vẫn chưa rõ chính xác làm thế nào người Ukraine bắn hạ chiếc A-50 bốn động cơ có radar gắn trên nóc, nhưng nhà phân tích Tom Cooper - người đã viết nhiều cuốn sách về chiến đấu cơ của Liên Xô và Nga - đưa ra giả thuyết.

Các đội radar và hỏa tiễn Ukraine đã dụ các đội Nga vào bẫy.

Nếu lý thuyết của Cooper là đúng thì Ukraine đã giăng bẫy hôm thứ Bảy, khi các máy bay phản lực của không quân Ukraine - có lẽ là máy bay ném bom Sukhoi Su-24 - tấn công các cơ sở của không quân Nga trên Bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm. Cooper báo cáo: “Một số radar đã bị hỏng.”

Cuộc tấn công hôm thứ Bảy, vụ mới nhất trong chiến dịch tấn công kéo dài của Ukraine nhằm vào các tuyến phòng thủ của Nga ở Crimea, đã làm giảm tầm phủ sóng radar trên mặt đất của Nga, khiến các khẩu đội hỏa tiễn còn sót lại trên bán đảo bị mù một phần, đặc biệt là ở phía bắc, nơi địa hình có thể che khuất máy bay, máy bay không người lái và hỏa tiễn của Ukraine đang đến.

Vì vậy, các chỉ huy Nga đã làm một việc hiển nhiên nhưng ngu ngốc. Họ ra lệnh cho một trong số ít máy bay radar A-50U còn lại của họ, vốn thường bay xa về phía nam qua Biển Azov, bay xa hơn về phía bắc để mở rộng phạm vi phủ sóng radar trên hầu hết Crimea. Radar quay của A-50 có thể nhìn thấy các mục tiêu có kích thước bằng máy bay cách xa gần 200 dặm.

Một trạm chỉ huy trên không Ilyushin Il-22M bốn cánh quạt với khoảng 10 phi hành đoàn trên tàu đi cùng với chiếc A-50. Il-22 là một nền tảng chuyển tiếp vô tuyến; phi hành đoàn của nó hỗ trợ phi hành đoàn của A-50 bằng cách giải quyết thông tin liên lạc và truyền dữ liệu mà A-50 thiếu năng lượng và khả năng giải quyết.

Hình ảnh vệ tinh và dữ liệu radar dường như cho thấy đường bay cực bắc của A-50 qua Berdyansk bị tạm chiếm, chỉ cách tiền tuyến 75 dặm. Nó nằm trong tầm bắn của tổ hợp hỏa tiễn đất đối không Patriot duy nhất, trong số ba tổ hợp trong kho vũ khí, mà lực lượng không quân Ukraine đã triển khai dọc mặt trận phía nam.

Bí quyết là để người Ukraine tấn công vào chiếc A-50 và chiếc Il-22 đi cùng của nó mà không thông báo trước cho phi hành đoàn Nga quá nhiều về cuộc tấn công — và không phải hy sinh hệ thống Patriot quý giá của họ.

Cooper viết: “Tất cả những gì người Ukraine phải làm là bí mật triển khai hệ thống đất đối không phù hợp để tấn công vào hai máy bay từ tầm xa”. “Có lẽ đây là một trong những hệ thống S-300 đất đối không của không quân. Cũng có thể là một trong những hệ thống đất đối không PAC-2 hay 3 của không quân.”

“Cũng có thể Ukraine đã triển khai một bệ phóng và một radar cùng với thiết bị cung cấp năng lượng từ một trong ba hệ thống đất đối không PAC-2 và 3 của họ… kết hợp với một trong các radar S-300 của họ.”

Có một số bằng chứng về sự hợp tác của S-300-Patriot. Một chiến đấu cơ-ném bom Sukhoi Su-34 của không quân Nga được cho là đã phát hiện một khẩu đội S-300 chưa được biết đến trước đây của Ukraine bật radar của nó vài phút trước khi A-50 và Il-22 bị bắn trúng.

Nếu khẩu đội S-300 phát sáng ban đầu, nó phải đi dọc theo dấu vết mục tiêu tới một khẩu đội Patriot ẩn gần đó. Cooper phỏng đoán: “Loại thứ hai cung cấp năng lượng cho radar của nó chỉ trong vài giây: đủ lâu để thu được dữ liệu tấn công của riêng nó, nhưng quá ngắn để người Nga có thể phát hiện lượng khí thải của nó một cách đáng tin cậy và đánh giá chúng là một mối đe dọa”.

“Và sau đó người Ukraine bắt đầu bắn hỏa tiễn của họ.”

Một phút sau, hỏa tiễn phát nổ—phá hủy chiếc A-50 và làm hư hỏng chiếc Il-22. Cooper viết: “Sau khi hành động tấn công của họ kết thúc, các đơn vị S-300 và PAC-2/3 của Ukraine đã nhanh chóng ngừng phát xạ và bắt đầu đóng gói hệ thống của họ để di chuyển chúng đi và do đó tránh được bất kỳ sự trả đũa nào có thể xảy ra của Nga”.

Hạ được một chiếc A-50, lực lượng không quân Nga có thể chỉ còn lại hai chiếc; sáu chiếc A-50 còn lại được cho là đang cần nâng cấp và đại tu. Trừ khi lực lượng không quân sẵn sàng mạo hiểm với hai chiếc A-50 có thể bay được cuối cùng, lực lượng này phải chấp nhận việc không có khả năng cung cấp phạm vi phủ sóng radar trên toàn bộ Crimea.

Nói cách khác, nước này phải chấp nhận rủi ro tiếp tục - thực ra là leo thang - các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine nhằm vào lực lượng Nga trên bán đảo.

Nếu người Nga có thể yên tâm thì đó có thể là do lực lượng không quân Ukraine không có nguồn cung cấp hỏa tiễn PAC-2 vô hạn cho đến khi các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn khoản viện trợ mới trị giá 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất, người Ukraine có thể cần phải bắt đầu phân chia khẩu phần hỏa tiễn của mình — và có ít cơ hội hơn trong các bẫy hỏa tiễn đầy tham vọng.

2. Hệ thống 'Ong bắp cày' của Nga giấu kín trong rừng vẫn bị HIMARS phá hủy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “HIMARS Destroys Russian 'Wasp' System in Woods: Ukraine Video, nghĩa là “Video Ukraine cho thấy HIMARS phá hủy hệ thống 'Ong bắp cày' của Nga trong rừng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Lực lượng đặc biệt Ukraine đã công bố một đoạn video mà họ nói cho thấy HIMARS (Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao) do Mỹ cung cấp phá hủy một hệ thống hỏa tiễn của Nga.

Kyiv thường xuyên chia sẻ các cảnh quay về những gì họ tuyên bố là các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Nga bằng cách sử dụng HIMARS, một trong những thiết bị hiệu quả nhất mà Mỹ cung cấp cho lực lượng Ukraine.

Phát ngôn nhân Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Ukraine, Đại Tá Georgi Gleba, cho biết hôm thứ Tư rằng trong một nhiệm vụ trinh sát ở trục phía nam của mặt trận, một nhóm binh sĩ điều khiển máy bay không người lái từ Trung tâm Hàng hải số 73 của họ đã phát hiện ra một hệ thống Osa, hệ thống này được cho là được sử dụng để chống lại Ukraine. Được đặt theo tên tiếng Nga có nghĩa là “ong bắp cày”, 9K33 Osa là hệ thống hỏa tiễn đất đối không chiến thuật tầm ngắn, độ cao thấp và có tính cơ động cao.

Ông nhấn mạnh rằng: “Mặc dù tầm nhìn kém… các thành viên lực lượng đặc biệt đã điều chỉnh hỏa lực của đơn vị hỏa tiễn và pháo binh HIMARS của Lực lượng Phòng vệ Ukraine vào mục tiêu của đối phương”.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái đen trắng cho thấy một mục tiêu ẩn trong cây cối trên một cánh đồng.

Được phát triển bởi Lockheed Martin, HIMARS được đưa vào sử dụng trong Quân đoàn Dù 18 của Quân đội Hoa Kỳ tại Fort Bragg, Bắc Carolina vào năm 2005. Được đặt trên một chiếc xe tải 5 tấn, nó bắn liên tiếp các hỏa tiễn dẫn đường, cho phép Ukraine giành lợi thế trên chiến trường và tấn công quân Nga. mục tiêu phía sau chiến tuyến của đối phương.

Ban đầu, Mỹ cung cấp cho Ukraine 20 hệ thống được sử dụng ở Ukraine từ tháng 6 năm 2022. Ukraine ước tính có 39 HIMARS và Nga được cho là vẫn chưa tiêu diệt được hệ thống nào.

Đầu tháng này, Ukraine cho biết HIMARS đã tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm tiêu diệt 3 khẩu pháo của Nga, 4 bệ phóng hỏa tiễn và một phương tiện phòng không.

Tuần trước, video đăng trên kênh Telegram của Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, được cho là chiếu cảnh một cuộc tấn công nhằm vào “thiết bị và nhân lực của địch trên toàn bộ chiến tuyến”. Cũng trong tháng này, Kyiv cho biết hệ thống này đã tiêu diệt các hệ thống hỏa tiễn phòng không Buk-M2 và một radar của Nga.

Trong khi đó, Zaluzhnyi hôm thứ Hai xác nhận rằng Không quân Ukraine đã phá hủy một máy bay do thám Beriev A-50 của Nga và một trung tâm điều khiển trên không Ilyushin Il-22. Điều này xảy ra sau khi các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin rằng máy bay A-50 đã bị bắn rơi trên Biển Azov.

Zaluzhnyi cho biết đây là “một hoạt động được lên kế hoạch và thực hiện hoàn hảo ở vùng Pryazovia” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc.

3. Đau đớn vì mất hai chiếc máy bay 630 triệu USD, Putin cảnh báo Ukraine về “đòn không thể khắc phục”

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Warns Ukraine of 'Irreparable Blow' if War Continues”, nghĩa là “Putin cảnh báo Ukraine về “đòn không thể khắc phục” nếu chiến tranh tiếp diễn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Putin hôm thứ Ba cảnh báo Ukraine rằng tư cách nhà nước của Ukraine có thể phải chịu một “đòn rất nghiêm trọng và không thể khắc phục” nếu chiến tranh tiếp diễn.

Putin đưa ra nhận xét này trong cuộc họp trên truyền hình với những nhà lãnh đạo các thành phố ở Nga đồng thời tuyên bố lực lượng của ông đang chiến thắng trong cuộc chiến mà ông phát động vào tháng 2 năm 2022.

Bình luận của ông được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu về cuộc xung đột tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Trong bài phát biểu của mình, Zelenskiy một lần nữa khẳng định ông phản đối lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến vào thời điểm này, thay vào đó nói rằng chỉ một chiến thắng quyết định cho đất nước của ông mới có thể chấm dứt giao tranh.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik, ông Putin cho biết cuộc phản công được công bố rộng rãi của Ukraine phát động vào tháng 6 đã “thất bại” và “ưu thế đang nằm trong tay Lực lượng vũ trang Nga”.

Putin nói thêm: “Nếu điều này tiếp tục, tư cách nhà nước của Ukraine có thể phải đối mặt với một đòn rất nghiêm trọng và không thể khắc phục được”.

Putin cũng chỉ trích bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào liên quan đến công thức cho phép Nga nhượng bộ lãnh thổ mà nước này đã chiếm giữ ở Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Putin nói: “Cái gọi là 'công thức hòa bình' đang được nhắc đến ở phương Tây và ở Ukraine là sự tiếp nối sắc lệnh của Tổng thống Ukraine cấm đàm phán với Nga. “Về quá trình đàm phán, đó là một nỗ lực nhằm khuyến khích chúng ta từ bỏ những lợi ích về lãnh thổ mà chúng ta đã đạt được trong 1 năm rưỡi qua. Nhưng điều này là không thể. Mọi người đều hiểu rằng điều này là không thể”.

Putin cũng đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức trong những tuần đầu của cuộc chiến ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng chính Ukraine đã rời khỏi bàn đàm phán sau khi một thỏa thuận dự kiến được thực hiện.

“Một ngày sau, họ ném tất cả các thỏa thuận vào thùng rác, và bây giờ họ đang nói công khai - bao gồm cả nhà lãnh đạo nhóm đàm phán Ukraine - rằng 'Đúng, chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội, bởi vì Thủ tướng Ukraine khi đó đã bỏ lỡ cơ hội'. Boris Johnson đã đến và thuyết phục chúng tôi không thực hiện những thỏa thuận này'“, Putin nói.

Ông ta nói tiếp: “Đồ ngốc, phải không? Họ đang thừa nhận trực tiếp rằng nếu họ làm vậy thì mọi chuyện có thể đã kết thúc từ lâu rồi, cách đây 1 năm rưỡi.”

Ở những nơi khác trong những bình luận trên truyền hình của mình, Putin đã đề cập đến các cuộc tấn công gần đây vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga mà các quan chức Nga đã đổ lỗi cho Ukraine, chẳng hạn như ở Belgorod. Tổng thống Nga tố cáo Kyiv vì những gì ông cho là cố ý tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, một khẳng định mà Ukraine đã đưa ra chống lại lực lượng của ông sau các cuộc tấn công của Nga.

“Nhưng thay vì giải quyết các nhiệm vụ quân sự, họ lại hành động theo cách man rợ này, tấn công các khu định cư hòa bình bằng vũ khí bừa bãi. Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt được sử dụng đơn giản để tấn công các khu vực rộng lớn”, Putin nói.

4. Các quan chức tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thành phố Voronezh của Nga sau 'cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine'

Thị trưởng thành phố Voronezh miền nam nước Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp hôm thứ Ba sau những gì các quan chức cho là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Ukraine phát động, hãng tin Reuters cho biết sáng nay.

Theo truyền thông Nga, Nga có một căn cứ không quân gần thành phố Voronezh, nơi một số chiến đấu cơ-ném bom Sukhoi Su-34 đóng quân. Nga sử dụng chúng để ném bom Ukraine.

Hãng tin Shot của Nga đưa tin ít nhất 15 vụ nổ đã được nghe thấy gần căn cứ không quân và một số mảnh vỡ của máy bay không người lái rơi xuống một tòa nhà chung cư gần đó.

Thị trưởng Nga Vadim Kstenin cho biết người dân từ ít nhất một tòa nhà chung cư đã được di tản đến một trường học gần đó sau khi các mảnh vỡ của máy bay không người lái gây cháy và thổi tung cửa sổ.

Ông cho biết cửa sổ ở các tòa nhà khác cũng bị vỡ. “Tình trạng khẩn cấp được đưa ra trong thành phố sẽ… cho phép thực hiện nhanh chóng các biện pháp để thay thế chúng.”

Thống đốc khu vực, Alexander Gusev, cho biết một cô gái bị thương khi các mảnh vỡ của máy bay không người lái rơi xuống tòa nhà chung cư của cô.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phá hủy 5 máy bay không người lái và chặn 3 chiếc khác trong đêm trên khu vực Voronezh, giáp biên giới Ukraine. Thành phố Voronezh là trung tâm hành chính của vùng. Bộ này cũng cho biết họ đã chặn 4 máy bay không người lái ở khu vực Belgorod gần đó của Nga.

Voronezh, thành phố có hơn một triệu dân, nằm cách biên giới với Ukraine 250km. Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine.

5. Theo một tuyên bố chính thức, cơ quan an ninh nội địa của Estonia đã bắt giữ một công dân Nga bị cáo buộc làm gián điệp cho Mạc Tư Khoa.

“Vào ngày 3 Tháng Giêng, cơ quan an ninh nội bộ đã bắt giữ công dân Nga Viacheslav Morozov, bị nghi ngờ thực hiện và hỗ trợ hoạt động gián điệp chống lại Estonia,” cơ quan an ninh và các công tố viên nhà nước cho biết trong tuyên bố chung.

Trong khi đó, tại Ba Lan số người bị bắt trong vụ án gián điệp Nga đã lên đến 18 người. Là một trung tâm cung cấp quân sự của phương Tây cho Ukraine, Ba Lan cho biết nước này đã trở thành mục tiêu chính của các điệp viên Nga, và cáo buộc Mạc Tư Khoa đang cố gắng gây bất ổn.

Năm ngoái, 2023, vào tháng 6, Ba Lan đã bắt giữ một vận động viên khúc côn cầu trên băng chuyên nghiệp người Nga với cáo buộc làm gián điệp.

Vào tháng 3, Ba Lan cho biết họ đã phá vỡ một mạng lưới gián điệp của Nga và bắt giữ 9 người mà họ cho là đang chuẩn bị các hành động phá hoại và giám sát các tuyến đường sắt đến Ukraine.

Tháng sau, Ba Lan cho biết họ đang giới thiệu một khu vực loại trừ 200 mét xung quanh nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng Swinoujscie của mình, với lý do lo ngại về hoạt động gián điệp của Nga.

6. Điện Cẩm Linh từ chối bình luận về quyết định của các ngân hàng Trung Quốc

Điện Cẩm Linh từ chối bình luận về báo cáo của Bloomberg rằng các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang thắt chặt hạn chế tài trợ cho khách hàng Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, đồng thời mô tả đây là một chủ đề rất nhạy cảm.

Khi được hỏi về báo cáo, phát ngôn nhân Dmitry Peskov cho biết đây là vấn đề của các công ty và bộ phận liên quan chứ không phải của Điện Cẩm Linh, Reuters đưa tin.

Anh ta nói:

Đây là một lĩnh vực rất, rất nhạy cảm và khó có ai dám nói về nó - bạn không nên mong đợi điều đó.

Chúng tôi tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc; đó là đối tác chiến lược rất quan trọng của chúng tôi.

Peskov cho biết điều này được phản ánh qua khối lượng thương mại song phương với Trung Quốc cao hơn mong đợi, đồng thời nói thêm “chúng tôi đã tự tin vượt qua 200 tỷ đô la và tiếp tục phát triển”.

7. Hồng nhan tri kỷ của Putin nói Thế chiến III chắc chắn sẽ sớm mở màn ở Trung Đông

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Says World War III Will 'Definitely' Begin Soon in Middle East”, nghĩa là “Đồng minh của Putin nói Thế chiến III 'chắc chắn' sẽ sớm bắt đầu ở Trung Đông.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Margarita Simonyan, tổng biên tập đài truyền hình Russia Today thuộc sở hữu nhà nước của Nga, hôm thứ Hai dự đoán rằng Thế chiến III “chắc chắn” sẽ nổ ra ở Trung Đông.

Simonyan, người mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ coi là nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, và các blogger quân sự Nga cho rằng là tình nhân của Putin, đã đặt ra câu hỏi về việc khi nào các cường quốc thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, sẽ gây ra một cuộc xung đột lớn, mặc dù bà tuyên bố rằng Nga sẽ đứng ngoài cuộc chiến sắp xảy ra.

“Và bây giờ là chiến tranh thế giới thứ ba,” Simonyan nói hôm Thứ Ba,. “Việc một cuộc chiến tranh thế giới sẽ nổ ra bây giờ hay muộn hơn một chút tùy thuộc vào việc Washington tin rằng điều đó sẽ có ích cho họ bây giờ, trước cuộc bầu cử hay ngược lại. Đánh giá bằng sự im lặng đồng loạt của giới truyền thông Mỹ, họ vẫn đang suy nghĩ “.

Bình luận của Simonyan theo sau các đồng minh khác của Putin, những người đã đưa ra tuyên bố tương tự về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyon, người dẫn chương trình trên kênh 1 của Nga, cho biết hồi đầu tuần rằng Thế chiến III đã bắt đầu. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố trong một bài đăng gửi X vào đầu tháng 12 rằng chưa có mối đe dọa “đối đầu trực tiếp” nào cao như vậy giữa Nga và NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, đồng thời chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì tài trợ cho cuộc chiến của Ukraine. chống Nga và gây ra chiến tranh kéo dài.

Simonyan nói: “Một cuộc chiến tranh thế giới chắc chắn sẽ bắt đầu, và với xác suất gần như hoàn toàn - chính xác là ở Trung Đông.”

Một số quốc gia ngoài liên minh quân sự NATO đã thực hiện các bước chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh ở Ukraine lan sang các khu vực khác của Âu Châu. Tổng thống Biden cũng cảnh báo Mỹ sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga nếu Mạc Tư Khoa thành công trong các mục tiêu ở Ukraine, đồng thời kêu gọi Quốc hội trong một tuyên bố vào tháng 12 ký phê duyệt viện trợ quân sự bổ sung để gửi cho Kyiv.

Hành động quân sự của Israel ở Dải Gaza nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Hamas vào mùa thu năm ngoái cũng làm dấy lên mối lo ngại về xung đột quốc tế lớn hơn. Cuộc chiến đã làm dấy lên phản ứng từ các nhóm chiến binh liên kết với Iran khác trong khu vực, chẳng hạn như các cuộc tấn công liên tục vào các tàu vận tải đi qua Biển Đỏ của phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen. Tổng thống Biden đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào tuần trước sau khi ra lệnh thực hiện nhiều cuộc không kích vào các mục tiêu có liên quan đến nhóm chiến binh.

Putin cũng cảnh báo về việc có hành động lớn hơn chống lại các nước phương Tây vì họ ủng hộ quân đội Kyiv, nói với các phóng viên vào ngày đầu năm mới rằng đối phương thực sự của Mạc Tư Khoa không phải là Ukraine mà là những kẻ “muốn phá hủy chế độ nhà nước của Nga và đạt được, như người ta nói, một thất bại chiến lược của Nga trên chiến trường.”

“Vì vậy, mặc dù mục tiêu của họ là đối phó với Nga từ xa xưa, nhưng có vẻ như chúng tôi sẽ đối phó với họ nhanh hơn”, ông Putin nói thêm, ám chỉ các đồng minh phương Tây như Mỹ.

8. Vương Quốc Anh nhận định rằng các thành công của Nga gần đây là vô nghĩa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Failed To Capitalize on Victories As Ukraine War Hits Stalemate: UK”, nghĩa là “Nga không tận dụng được chiến thắng khi chiến tranh Ukraine rơi vào bế tắc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo đánh giá của tình báo Anh, cuộc chiến Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc sau thất bại của Mạc Tư Khoa trong việc xây dựng chuỗi thành công gần đây.

Cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào tháng 6 năm 2023 đã không đạt được kết quả trong nỗ lực chiếm lại một lượng đáng kể lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, trong khi lực lượng của Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công ở miền đông và miền nam Ukraine.

Các cuộc tấn công không ngừng trên mặt đất và trên không của Nga nhằm vào Ukraine đã có một số tác động trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, với việc Nga giành được quyền kiểm soát một số lãnh thổ hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực phía đông của Donetsk ở Luhansk.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Ba cho biết cả Nga và Ukraine đều đã thất bại trong nỗ lực chiếm “lãnh thổ quan trọng” trong tuần qua trong một bản cập nhật tình báo được đăng lên X.

“Trong tuần qua, cả lực lượng Nga và Ukraine đều không chiếm được căn cứ quan trọng nào”, bản cập nhật của Bộ cho biết.

“Bất chấp tiến bộ vào cuối tháng 12 năm 2023 trong việc chiếm Marinka, Nga vẫn không thể tận dụng và tiến về phía tây tới Kurakhove hoặc về phía nam tới Novomykhailivka”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nói tiếp rằng cuộc tấn công của Nga vào thành phố Avdiivka của Donetsk “vẫn là nỗ lực chính của Nga”, trong khi nỗ lực chiếm giữ khu định cư đang bị cản trở do Ukraine tiếp tục kiểm soát các tuyến tiếp tế.

Bản cập nhật cho biết: “Nga đã đạt được những lợi ích lãnh thổ rất hạn chế với cái giá phải trả đáng kể về cả vật chất và nhân lực”. “Thị trấn phía bắc Stepove vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, bảo đảm khả năng tiếp cận tuyến đường cung cấp Avdiivka. Những nỗ lực của Nga nhằm cô lập thị trấn khó có thể xảy ra ít nhất trong tuần tới.”

Cả Nga và Ukraine phần lớn đều bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc xung đột đang đi vào bế tắc, khi các quan chức của mỗi bên xung đột thường xuyên làm việc để xoay chuyển thực tế chiến trường theo hướng có lợi cho họ.

Tướng Ukraine Valerii Zaluzhnyi, tổng tư lệnh quân đội Kyiv, nhanh chóng bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khiển trách sau khi cho rằng cuộc chiến đang ở thế “bế tắc” vào tháng 11.

Bất chấp sự lạc quan của mình, Zelenskiy thừa nhận rằng đất nước của ông cuối cùng sẽ “thua” Nga nếu nước này mất nguồn viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây.

Khoảng 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ của Mỹ vẫn được Quốc hội giữ lại, trong khi 54 tỷ Mỹ Kim khác từ Liên minh Âu Châu đã bị Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán chặn vào tháng trước.

Một số chuyên gia cho rằng những bước tiến của Nga vào cuối năm 2023, cuộc phản công yếu kém của Ukraine và viện trợ chậm lại đều là những tin xấu cho Kyiv.

Tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Philip Breedlove, cựu chỉ huy đồng minh tối cao Âu Châu, gần đây nói với Newsweek rằng Ukraine cuối cùng sẽ thua trong cuộc chiến nếu các đồng minh phương Tây “không làm bất cứ điều gì khác với những gì chúng ta đang làm hiện nay”.

“ Nếu phương Tây từ bỏ Ukraine, họ sẽ chiến đấu anh dũng, nhưng hàng chục ngàn người Ukraine nữa sẽ chết và cuối cùng Nga sẽ khuất phục toàn bộ Ukraine, quốc gia một lần nữa sẽ là chư hầu của Nga”.

Ông nói thêm: “Nếu phương Tây chọn trao cho Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng, Ukraine sẽ thắng trong cuộc chiến này”. “Cuộc chiến này sẽ kết thúc đúng như cách các nhà hoạch định chính sách phương Tây mong muốn nó kết thúc.”

9. Orbán: việc giúp đỡ Ukraine nên được thực hiện theo cách không gây tổn hại đến ngân sách của Liên Hiệp Âu Châu

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán cho biết, việc giúp đỡ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga phải được thực hiện theo cách không gây tổn hại đến ngân sách của Liên Hiệp Âu Châu.

Ông nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo:

Nếu chúng ta muốn giúp Ukraine, điều mà tôi nghĩ chúng ta cần làm, là chúng ta phải làm theo cách không gây tổn hại đến ngân sách của Liên Hiệp Âu Châu.

Nhưng việc tặng trước 50 tỷ euro từ ngân sách Liên Hiệp Âu Châu trong 4 năm là vi phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia của Liên Hiệp Âu Châu. Chúng ta thậm chí không biết điều gì sẽ xảy ra trong một phần tư năm.

Orbán cho biết bất kỳ cơ sở tài chính nào dành cho Ukraine phải tách biệt khỏi ngân sách Liên Hiệp Âu Châu, đồng thời nói thêm rằng đề xuất của Hung Gia Lợi về việc tạo ra một cơ chế như vậy dựa trên việc phân bổ viện trợ trên cơ sở tổng thu nhập quốc dân.

Reuters dẫn lời ông nói: “Nếu Brussels chấp nhận điều này thì sẽ có sự trợ giúp cho Ukraine, ngoài ngân sách”. Orbán nói thêm: “Nếu không, tôi sẽ rất buồn khi phải dừng quá trình này”.

Thủ tướng Hung Gia Lợi đã bị cáo buộc giữ sự ủng hộ của Âu Châu dành cho Ukraine vì hàng tỷ euro tài trợ của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Hung Gia Lợi bị đóng băng vì một loạt tranh chấp về pháp quyền.

10. Âu Châu cần tiếp tục ủng hộ Kyiv, Ursula von der Leyen nói với Davos

Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, cho biết tại Davos hôm nay rằng Âu Châu cần tiếp tục ủng hộ Kyiv, với lý do nhu cầu tài trợ “có thể dự đoán được”.

Chúng ta phải tiếp tục trao quyền cho sự phản kháng của họ. Người Ukraine cần nguồn tài chính có thể dự đoán được trong suốt năm 2024 và hơn thế nữa.

Họ cần một nguồn cung cấp vũ khí bền vững để bảo vệ Ukraine và giành lại lãnh thổ hợp pháp của mình. Họ cần khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai của Nga. Và họ cũng cần hy vọng. Họ cần biết rằng, bằng sự phấn đấu của mình, họ sẽ kiếm được một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái mình.

Và tương lai tốt đẹp hơn của Ukraine được gọi là Âu Châu.

Phương Tây không được ngừng cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Ukraine nếu muốn Kyiv thành công trong cuộc chiến chống lại Nga.

Ukraine có thể chiếm ưu thế trong cuộc chiến này nhưng chúng ta phải tiếp tục tăng cường khả năng kháng cự của họ.

11. Bộ trưởng kinh tế Đức khuyến khích đầu tư vào Ukraine

Bộ trưởng kinh tế Đức, Robert Habeck, cho biết ông muốn thuyết phục các nhà hoạch định chính sách ở Davos tham gia vào nỗ lực của Đức nhằm cung cấp cho các công ty sự bảo đảm đầu tư ở Ukraine như một phần của nỗ lực tái thiết.

Theo Reuters, với mục đích giúp xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá, Đức đang đưa ra những bảo đảm để hoàn trả vốn cho các công ty Đức đầu tư vào Ukraine. Ví dụ, nếu các nhà máy bị hư hại hoặc phá hủy trong các cuộc tấn công hỏa tiễn, nhà nước Đức sẽ phải chịu trách nhiệm về những khoản đầu tư đó.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Habeck, người cũng giữ chức phó Thủ tướng, nói với các phóng viên:

Hôm nay tôi quyết định giải thích chi tiết điều này một lần nữa và có lẽ tôi sẽ yêu cầu các đồng nghiệp của tôi từ các quốc gia khác cũng làm như vậy.

Chính trị gia Đảng Xanh mô tả kế hoạch này là một “bước cực kỳ thành công”, điều này cho thấy Đức tin tưởng Ukraine sẽ vượt qua thành công tình thế khó khăn này.

Theo Bộ Kinh tế, cho đến nay, bảo lãnh đầu tư cho 14 công ty với tổng khối lượng là 280 triệu euro đã được cấp. Đơn ghi danh của các công ty khác đang được giải quyết.

Habeck cho biết, các cuộc gặp với Volodymyr Zelenskiy và các thành viên nội các của ông cũng như đại diện của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là tâm điểm trong chuyến thăm Davos của ông.

Habeck cũng cho biết ông hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức theo yêu cầu của Zelenskiy.

Nói chuyện bao giờ cũng tốt, và nếu Thụy Sĩ đã tạo ra một diễn đàn cho việc này thì tôi chỉ có thể hoan nghênh thôi.

Habeck cho biết, nếu Vladimir Putin “kết thúc thành công cuộc chiến chống Ukraine theo quan điểm của ông ấy”, các nước láng giềng gần nhất của Ukraine sẽ bị đe dọa trong những năm tới.