Ngày 17-01-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đây là Chiên Thiên Chúa
Anmai. CSsR
10:24 17/01/2014
Chúa Nhật II TN năm A: ĐÂY LÀ CHIÊN Thiên Chúa

Is 49, 3.5-6; 1 Cr 1, 1-3; Ga 1, 29-34


Mở lại những trang sách Cựu Ước, ta thấy một số sách đã gọi Môsê, Ðavít, các ngôn sứ và nhiều người khác là Tôi tớ của Thiên Chúa. Đặc biệt, Isaia là tác giả nói nhiều về Người Tôi Tớ

Trong sách Isaia phần II (gồm các chương 40-55) có bốn đoạn đặc biệt nói về Người Tôi Tớ (42,1-7; 49,1-9; 50,4-9; 52,13-53,12). Bốn bài ca về Người Tôi tớ đó nhưng ta chỉ có thể hiểu được chỉ ta khi đọc trong bối cảnh của cả phần II của sách ấy.

Isaia đoạn 49 mà chúng ta vừa nghe:

Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta.

Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang."

Phần tôi, tôi đã nói:

"Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì."

Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi,

Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng.

Người là Đấng nhào nặn ra tôi

từ khi tôi còn trong lòng mẹ

để tôi trở thành người tôi trung,

đem nhà Giacóp về cho Người

và quy tụ dân Israel chung quanh Người.

Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng,

và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta

để tái lập các chi tộc Giacóp,

để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.

Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,

để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."

Tác giả không rõ ràng. Câu đầu tiên trong đoạn này Người Tôi Tớ sẽ là cả dân Israel; nhưng trong những câu sau, người ấy lại là một cá nhân đặc biệt nào đó. Ý thực của tác giả muốn gì ? Ðối với ông, Israel vẫn là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Người đã chọn dân làm sở hữu, gọi họ là Dân của Người, không những để chia sẻ tình thân mật với Dân, mà còn mạc khải kế hoạch cứu độ của Người cho Dân, để họ trở thành Người Tôi Tớ tín cẩn thực hiện kế hoạch đó cho Người.

Nhưng sứ mạng giao cho toàn dân, Người lại muốn thể hiện nơi và qua một số ít, gọi là "số sót của Israel", và cuối cùng, nơi và qua Một Con Người tiêu biểu. Chỉ người này đáng gọi tên là "Người Tôi Tớ của Ðức Giavê".

Trong bài ca thứ IV, đoạn 53 về Người Tôi Tớ đã vẽ ra hình ảnh con người bị khinh khi, phế bỏ, vì đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta; người bị tra tấn, nhưng không hề mở miệng như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, để nhờ các vết hằn người chịu, chúng ta được chữa lành; người đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch.

Và khi đọc lại, trong Bài ca I, Isaia đã viết: "Này đây Tôi Tớ của Ta, Người Ta đã chọn và hồn Ta sủng mộ, Ta đã ban Thần Trí trên Người". Và đó là điều Gioan muốn gợi đến khi ông tuyên chứng đã nhìn thấy Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên đầu Ðức Giêsu.

Đức Kitô xuất hiện bên dòng sông Giođan và không phải ai cũng nhận ra Ngài. Tuy nhiên, duy chỉ có Gioan Tẩy Giả là người đã nhận ra Chúa Giêsu. Từ “Con Chiên" mà thánh Gioan Tẩy Giả dùng để chỉ Chúa Giêsu, Đấng hiến mình vì nhân loại, Đấng cứu độ thế gian, con người.

Từ dòng sông Giođan ngày hôm ấy, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu với các môn đệ của Ông : "Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1, 29).

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam: "Aben làm nghề chăn chiên" (St 4, 2), nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, "Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng" lên Ngài (St 4, 4).

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (Xh 12, 2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên trên khung cửa, đều bị chết đứa con trai đầu lòng (Xh 12, 29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.

Về sau, theo sách Xuất hành (Xh 29, 38-46) thì tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân. Lẽ thường, ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt và nếu như phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Với Thiên Chúa thì khác, Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed 18, 23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Ngài chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để hy sinh chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.

Đối với dân Do Thái, Chiên Thiên Chúa mà thánh Gioan Tẩy Giả nói lên gợi lại trong tâm trí họ toàn bộ giáo lý đức tin của dân riêng Thiên Chúa. Quả thực, Chiên Thiên Chúa làm cho dân Do Thái nhớ tới máu chiên trong ngày lễ Vượt Qua được bôi trên trước cửa nhà, nhờ đó họ được Thiên Chúa cứu và giải thoát toàn thể dân lưu đầy ra khỏi đất Ai Cập và đưa họ vào đất hứa để hưởng tự do, hạnh phúc. Chúng ta nhận thấy hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua, dân Do Thái tưởng nhớ và mừng lễ Vượt Qua một cách trọng thể và hết sức trân trọng bởi vì Thiên Chúa đã giải thoát cha ông và dân tộc của họ khỏi ách nô lệ.

Chúa Giêsu là Đấng vô tội, là Con Chiên tinh tuyền, vẹn sạch mới có thể đổ máu ra để cứu chuộc nhân loại và chết thay cho các tội nhân. Máu của Chúa đổ ra trên thập giá tẩy xóa tội lỗi nhân loại và ban ơn thánh hóa cho con người để con người trở nên tinh tuyền, vẹn sạch. Qua lời chứng của Gioan, chúng ta hiểu được mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta được hiệp thông với cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Mình và Máu Chúa Kitô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại. Mình và Máu của Chúa Kitô là lương thực nuôi sống con người, nuôi sống loài người. Mỗi lần Linh mục đọc : "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian". Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô : "Đấng đã chết, đã sống lại, và Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang".

Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, cứu độ con người bằng giá máu của Ngài. Chúng ta phải đáp trả lại tình yêu vô cùng cao quí của Ngài bởi vì “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15, 13). Chúng ta đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói yêu mến Ngài mà còn phải sống bằng chính đời sống của mỗi người chúng ta.

Thánh Phaolô, một lần nữa trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe đã khẳng định : Đức Giê-su Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta.

Chính Đức Giêsu Kitô là Chúa và cũng là Chiên Thiên Chúa - Đấng Cứu Độ cuộc đời của mỗi người chúng ta. Với niềm tin đó, ta cùng xin với Thánh Phaolô : "Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an".

Nhờ ân sủng và bình an của Chúa, ta mạnh dạn bước đi trên con đường lữ thứ trần gian đầy gian nguy thử thách này để ngày sau được Đấng Cứu Độ trần gian đưa vào hưởng nhan Thánh Chúa trên Trời.
 
Hãy trở nên ''Ánh sáng cho muôn dân''
Lm Jude Siciliano OP
20:00 17/01/2014
Chúa Nhật II THƯỜNG NIÊN - A
Isaia 49: 3, 5-6; T.vịnh 40; 1 Côrintô 1: 1-3; Gioan 1:29-34

HÃY TRỞ NÊN “ÁNH SÁNG CHO MUÔN DÂN”

Hôm nay, chúng ta nghe bài thứ hai trong bốn “Bài Ca Người Tôi Tớ” từ sách ngôn sứ Isaia. Trong bài ca này, người tôi tớ được kêu gọi để trở thành “ánh sáng muôn dân”. Bài đọc hôm nay sẽ xuất hiện lại vào ngày Thứ Ba Tuần Thánh, khi đó chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về sứ vụ cụ thể mà người tôi tớ đảm nhiệm. Chúng ta sẽ biết được việc quang lâm của Đức Giêsu hoàn trọn lời hứa như thế nào mà vị ngôn sứ đã tiên báo. Nhưng giờ đây, xin mời quý vị hãy dừng lại suy xét một chút: chúng ta không muốn dành bài đọc này chỉ để áp dụng cho mục đích Kitô giáo, mà quên đi vai trò cội nguồn lịch sử và yếu tố văn chương.

Như ngôn sứ Giêrêmia, người tôi tớ ý thức về ơn gọi của mình từ lòng mẹ. Sứ vụ của người tôi tớ rất cao quí, đó là “Đem nhà Jacóp về cho Thiên Chúa và qui tụ dân Israel chung quanh Người”. Và còn cao quý hơn thế nữa, người tôi tớ phải vượt ra khỏi biên giới của lãnh thổ mình để hoàn thành sứ vụ trên khắp thế giới. Nhưng làm sao để thế giới biết đến Thiên Chúa? Thưa rằng, qua ơn cứu độ ngờ vực của dân Israel. Bởi lẽ, Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Qua sự khôi phục nhà Israel từ những đổ nát của cuộc lưu đày, cảnh nô lệ và sự tàn phá, thế giới sẽ nhận biết Thiên Chúa của Israel. Đất nước bị đánh bại sẽ được khôi phục, không còn bị sức mạnh người phàm thống trị, nhưng chính quyền năng của Thiên Chúa thống trị. Muôn dân nước sẽ phải biết rằng chỉ Thiên Chúa của Israel mới có thể thực hiện kỳ công này.

Người tôi tớ bí ẩn này có thể là chính ngôn sứ Isaia, hoặc thậm chí toàn bộ dân Israel. Khi nghe bài đọc hôm nay, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng người tôi tớ bí ẩn đó là chính chúng ta hoặc là cả Giáo Hội. Vì chính lúc này Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta. Nhưng, Thiên Chúa có dự định gì cho con người không? Thưa rằng, Thiên Chúa muốn giải thoát mọi người, đó là khi chúng ta được thoát khỏi tội lỗi và sự dữ. Lúc bấy giờ, những tôi tớ như chúng ta phải sống đúng với thân phận mình như những nô lệ được tư do. Bằng lời nói và việc làm, ơn gọi của chúng ta là phải dẫn đưa những người đang bị giam cầm về mặt thể lý, tinh thần và tâm lý đến với sự tự do.

Chẳng phải người ta thường bắt đầu câu nói bằng từ “Đây là” đó sao? Nếu muốn chúng ta chú ý đến điều gì, hoặc chú ý vào ai đó, thì họ chỉ tay và nói: “Xem kìa”. Nhưng khi muốn hướng sự chú ý của người ta tới Đức Giêsu, ông Gioan Tẩy Giả bắt đầu rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Ngay trước lúc hiệp lễ, chúng ta cũng nói tương tự như vậy khi linh mục đưa mình và máu thánh lên và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa...”

Sao lại nói “Đây là?” Ai nói như thế? Có lẽ ông Gioan hiểu về Đức Giêsu nhiều hơn là chứng kiến tận mắt qua những cuộc gặp gỡ đầu tiên; ông hiểu nhiều hơn về một Đức Giêsu, Đấng như một con người đang tiến đến. Dường như ông Gioan không chỉ nhận ra Đấng đang đến, mà còn thấy cả tầm quan trọng của Vị đó. Vì thế, ông Gioan nhận ra và công bố cho chúng ta rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa...”

Những người hy vọng Đấng Mêsia thì không mong chờ một con chiên nào. Họ mong muốn một vị vua. Họ không mong muốn một biểu hiện hay dấu vết nào của sự yếu đuối; họ muốn có một đấng cai trị đầy quyền năng để giải thoát họ khỏi gót chân của những kẻ áp bức. Họ muốn lễ Vượt Qua nào khác để thoát khỏi ách nô lệ; chứ không phải con chiên Vượt Qua chịu hiến tế. Nhưng ông Gioan lại chỉ cho họ một điều gì đó khác đối với họ: “Này đây, các ngươi muốn bàn tay của Thiên Chúa; nhưng đây là Chiên Thiên Chúa. Đây, các ngươi muốn một vị tướng lĩnh đạo binh đến để đập tan quân thù; nhưng đây là Con Chiên thể hiện quyền năng Thiên Chúa trong sự yếu đuối. Đây, các ngươi muốn chiến thắng; nhưng trước hết sẽ là sự chiến bại, vì Chiên Thiên Chúa sẽ chịu hiến tế”.

Có thể chúng ta không đặt kinh nghiệm niềm tin của mình như cách ông Gioan thực hiện là “Này đây!” Nhưng chúng ta có thể nói: “Kinh ngạc thay!” Cách người ta kêu lên ở bữa tiệc thật bất ngờ - trong trường hợp này, bữa tiệc bất ngờ được Thiên Chúa bày ra. Chúng ta nghĩ rằng mình biết về Thiên Chúa. Chúng ta chờ đợi lối vào của Thiên Chúa như vụ nổ lớn (big-bang) trong cuộc đời. Thay vào đó, Thiên Chúa đến trong cách thức bất bạo động, như một con chiên hiền lành. Nhưng Con Chiên sẽ chiếm được tâm hồn chúng ta và chiếm được cả thế giới mà chúng ta không bao giờ giành được; cũng chẳng có quyền lực mạnh mẽ nào trên trái đất này có thể chiêu mộ được. Thật ngạc nhiên thay!

Lời của ông Gioan “Đây là” bắt đầu mở mắt và mở tai cho người khác. Ông Gioan sẽ hướng dẫn các môn đệ của ông đến với Đức Giêsu, và đến lượt mình, họ sẽ loan báo sự hiện hữu của Đức Giêsu cho những người khác nữa. Ông Anrê tìm em mình là ông Simon Phêrô và bảo với ông rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia!” (1,41).

Trong những ngày này, Giáo Hội có rất nhiều cuộc tọa đàm về “Tân Phúc Âm Hóa”. Phúc Âm Hóa không phải là một khái niệm mà những người Công Giáo chúng ta luôn quả quyết như phần căn tính và hoạt động của người Kitô hữu. Như ông Gioan và Anrê, chúng ta được mời gọi để đem tha nhân đến với Đức Kitô. Mỗi thành viên trong Giáo Hội đều có nhiệm vụ này – không chỉ là trách nhiệm của các “thừa tác viên chính thức”. Cách này hay cách khác, như ông Gioan, chúng ta cũng phải loan báo: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

Nếu có lần nào đó nỗ lực, thì chúng ta cũng cảm thấy lúng túng khi cố gắng kể cho người khác nghe về câu chuyện đức tin của mình. Nhưng phép rửa đã nối kết chúng ta với Đức Giêsu, và phép rửa trở thành mối dây liên kết giữa các môn đệ của Người, đó là những người tin rằng Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, đồng thời tuyên xưng cái chết và sự phục sinh của Người là nguồn sống mới cho mọi dân nước. Vì thế, theo bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay, chúng ta phải giống như người tôi tớ Thiên Chúa là trở nên “Ánh sáng cho muôn dân”. Hoặc, nói theo kiểu cá biệt rằng, chúng ta phải trở thành “những nhà truyền giáo”.

Ông Gioan hứa rằng Đức Giêsu sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần. Và Người đã làm như vậy, vì chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần khi được rửa tội. Ắt hẳn Thánh Thần sẽ giúp chúng ta vượt qua sự nhát đảm và do dự để nói cho người khác biết về Đức Giêsu là ai đối với mình. Chắc rằng chúng ta sẽ không làm được điều đó từ nơi bục giảng trong quãng trường thành phố. Có thể Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta chia sẻ trong nhiều hình thức riêng tư hơn sao cho chúng ta đạt đến sự tự do, bình an, niềm vui và hy vọng qua niềm tin tưởng vào Đức Kitô.

Trong bài phúc âm đọc ngày hôm nay, ta thấy có một phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng. Trước hết, ông Gioan nói về việc ông ta được mặc khải về Chúa Giêsu, kế đến, ông ta loan báo cho những người khác, và rồi đến lượt những người đó làm nhân chứng với những người khác nữa và tiếp tục như thế cho đến ngày hôm nay.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Vò Vấp


2nd Sun in Ordinary Time (A)
Isaiah 49: 3, 5-6; Psalm 40; 1 Corinthians 1: 1-3; John 1:29-34

Today we hear the second of four "Servant Songs" from the prophet Isaiah. In this one the servant is called to be a "light to the nations." This reading will appear again on Tuesday during Holy Week, when we will get deeper insight into the particular service this servant will render. We will see how Jesus’ coming fulfills the promise made by the prophet. But pause for a moment: we don’t want to appropriate a reading for only Christian purposes, forgetting its original historical and literary setting.

The servant reflects on his awareness of being called, as was Jeremiah, from the womb. Grand is the servant’s task, "That Jacob may be brought back to God and Israel gathered to God." And still more! The servant is to go beyond the nation’s boundaries to fulfill a world-wide vocation. How will the world come to know about God? Through the incredulous redemption of Israel. "I will make you a light to the nations that my salvation may reach the ends of the earth." Through Israel’s restoration from the ruins of exile, slavery and destruction the world will come to know the God of Israel. The nation defeated will be restored, not by its own strength but by the power of God. The nations will have to know that only the God of Israel could have accomplished this feat.

This mysterious servant might be Isaiah himself, or even the people of Israel. As we hear the reading today we can also apply it to ourselves and our church. God now addresses the call to us. What does God have in mind for people? God wants to set all people free, just as we have been set free from sin and guilt. Now we servants are to live true to our identity as freed slaves. Our vocation is, by word and deed, to lead others, who are locked up in physical, spiritual and psychological prisons, to freedom.

People don’t usually begin a sentence with "Behold" do they? If they want us to notice something or someone they point and say, "Look over there." But when John the Baptist wants to direct people’s attention to Jesus he begins, "Behold, the Lamb of God who takes away the sin of the world." We say the same thing as Mass, just before communion, as the priest holds up the consecrated bread and wine and says, "Behold, the Lamb of God...."

"Behold?" Who talks like that? Perhaps John sees more than first meets the eye; more than Jesus, a man approaching. He seems to see, not only who is approaching, but the significance of the one approaching. So, John sees and proclaims to us, "Behold, the Lamb of God...."

People hoping for a Messiah were not looking for a lamb. They wanted a king. They wanted no sign or hint of weakness; they wanted a mighty ruler to pull them out from under the heels of their oppressors. They wanted another Passover from slavery; not the sacrificial lamb of Passover. But John was indicating something else to them. "Behold, you want God’s fist; but here is God’s Lamb. Behold, you want a leader of an army coming through to swat down your enemies; but here is the Lamb to show forth God’s power in weakness. Behold, you want victory; but it will come first through defeat, for the Lamb of God will be sacrificed."

We might not put our own faith experience the way John did – "Behold!" We might say, "Surprise!" The way people exclaim at a surprise party — in this case, a surprise party thrown by God. We thought we knew what God was about. We were waiting for God’s big-bang entrance into our lives. Instead, God comes in the least obtrusive ways, like a gentle lamb. But a Lamb who will achieve a victory over our hearts and the world we could never achieve on our own; nor could the most powerful forces the earth drum up. Surprise!

John’s, "Behold!" begins to open the eyes and ears of others. John will direct his own disciples to Jesus and they, in turn, will announce Jesus’ presence to others. Andrew will search out his brother Simon Peter and tell him, "We have found the Messiah!" (1:41)

There’s a lot of talk these days in our church about the "new evangelism." Evangelism is not a notion we Catholics have always claimed as part of our Christian identity and activity. We, like John and Andrew, are supposed to bring others to Christ. Each of us in the church has this responsibility – not just the "official ministers." In one way or another, like John, we must also announce, "Behold, the Lamb of God."

We squirm uncomfortably when we attempt – if we ever do attempt – to tell our faith story to others. But our baptism links us to Jesus and to the long line of his followers, who believe Jesus is the Lamb of God and that his death and resurrection is the source of new life for all peoples. We then, are to be like God’s servant in today’s Isaiah reading, "a light to the nations." Or, to use the seldom spoken, we are to be "evangelists."

John promises Jesus will baptize with the Holy Spirit. And so he did, for we received his Spirit when we were baptized. Perhaps that Spirit will help us overcome our shyness and hesitancy to speak to others about who Jesus is for us. Most likely, we won’t have to do that from a soapbox in the town square. Probably the Spirit will guide us to share in more personal ways how we have come to freedom, peace, joy and hope through our faith in Christ.

There is an evangelization method spelled out for us in today gospel. First, John has his own revelation about Jesus; then he announces it to others and they in turn witness to still others – right up to this present day.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giới thiệu lịch sử cận đại của Ukraine
Đặng Tự Do
00:24 17/01/2014
Thế giới chiến tranh lần thứ II chấm dứt ngày 8/5/1945 sau 2,076 ngày mịt mù khói lửa. Trong khi Liên Sô tổ chức những buổi lễ mừng chiến thắng trong cuộc chiến mà họ gọi là "Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Ðại" hết sức tưng bừng và náo nhiệt vào ngày 9/5/1945, thì ngay bên cạnh họ, những người Ukraine lại không vui mừng chút nào về chiến thắng này. Ukraine là nạn nhân bi đát nhất trong thế giới chiến tranh lần thứ hai tại Âu Châu. Họ chịu nhiều thống khổ vì số người chết và thiệt hại vật chất lớn lao sau hai cuộc triệt thoái "đồng không nhà trống" của cộng sản và quốc xã. Nhà báo Mỹ Edgar Snow, đã kinh ngạc trước nổi thống khổ và sự tàn phá kinh hoàng do chiến tranh mang lại. Ông đã viết trên tờ Saturday Evening Post bài báo "Ukraine Pays The Bill" - Ðồng Minh thắng trận nhưng người Ukraine phải trả giá.

Nhân cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Ukraine, VietCatholic xin giới thiệu bản dịch bài ABRIDGED HISTORY OF UKRAINE của Andrew Gregovich, giáo sư sử học Ukraine. Nguyên bản tiếng Anh có thể đọc tại Web site http://www.infoukes.com/history/ww2/page-01.html

Ukraine ngày nay là một quốc gia có diện tích 603,700 km vuông (lớn gần bằng tiểu bang Texas - Hoa Kỳ) với dân số là 44,573,200 (theo thống kê vào tháng 7 năm 2013). Phía Ðông và Ðông Bắc giáp Nga, phía Bắc giáp Belarus., phía Tây giáp Ba Lan, Slovakia và Hung Gia Lợi, phía Nam giáp Rumani.

Trước thế chiến thứ nhất

Trên vùng đất Ukraine ngày nay và một phần rộng lớn của nước Nga, vào thế kỷ thứ 9 sử sách đã ghi lại sự tồn tại của vương quốc Kyivan-Rus với thủ đô là Kiev. Năm 988, Ðại Ðế Volodymyr đã ra sắc lệnh công nhận Kitô Giáo là quốc giáo của vương quốc Kyivan-Rus.

Kiev được coi là thành phố Mẹ của tất cả các thành phố của Nga trong thế kỷ 11 và thế kỷ 12. Vào thế kỷ 12, người Nga dần tách khỏi Ukraine và hình thành một quốc gia riêng. Ðến thế kỷ thứ 13, phần phía Ðông của vương quốc bị xâm lược bởi quân Mông Cổ và bị tàn phá rất nặng nề. Phần phía Tây của vương quốc, mà quan trọng nhất là khu vực Galicia – được hình thành vào thế kỷ thứ 12, may mắn không bị tàn phá. Tuy nhiên, trong thế kỷ 14, Ukraine suy yếu đi rất nhiều. Do đó, phần phía Tây Ukraine bị Ba Lan xâm chiếm và sáp nhập vào Ba Lan.

Thấy Ba Lan xâm chiếm Ukraine dễ dàng, các nước khác cũng nhào vào xâu xé Ukraine. Lithuanie xâm chiếm miền Volhynia và Nga xâm chiếm nhiều vùng phía Bắc và phía Ðông của Ukraine. Người Lithuanie, sau đó, lại bị Ba Lan đánh bại và sáp nhập vào Ba Lan. Năm 1667, phần phía Ðông của sông Dnepr bị cắt nhường cho Nga và đến năm 1793 thì toàn bộ Ukraine (trừ ra miền Galicia thuộc về Ðế Quốc Áo từ năm 1772) bị sáp nhập vào Ðế Quốc Nga.

Trong thế kỷ thứ 19, một số cuộc chiến khác lại xảy ra để chia lại Ukraine. Ðến trước cuộc thế chiến thứ nhất, Ukraine bị chia làm 3 phần: Miền Galicia và Bukovyna thuộc Ðế Quốc Áo, miền Carpatho-Ukraine thuộc về Hung và các miền còn lại thuộc Nga. Trong các miền thuộc Áo Hung, người Ukraine được giữ bản sắc, phong tục, tập quán của riêng mình. Các phong trào quốc gia đòi độc lập hoạt động rất sôi nổi. Còn trong các phần thuộc Nga, người Nga luôn cố gắng đồng hóa người Ukraine để duy trì sự chiếm đóng lâu dài.

Trong cuộc thế chiến thứ nhất

Khi cuộc thế chiến thứ nhất nổ ra, người Ukraine lãnh đủ trước hết. Trong các miền thuộc Nga, quân Nga bắt rất nhiều người Ukraine để diệt trừ mối lo người Ukraine nổi dậy dành độc lập. Những người bị bắt lớp bị hành quyết, lớp bị đầy sang Siberia. Trong khi đó, quân Áo đang thua trận cũng xử tử hàng loạt người Ukraine vì nghi họ có cảm tình và giúp đỡ người Nga. Khi quân Nga chiếm được miền Tây Ukraine vào tháng 9/1914, họ lập tức bắt đầu ngay một cuộc lùng bắt quy mô tất cả những nhân vật có ảnh hưởng trong dân chúng: chính trị gia, luật sư, nhà văn, giáo viên và tất cả những ai bị nghi ngờ dính líu vào các tổ chức quốc gia Ukraine đều bị bắt và bị lưu đày sang Siberia.

Tháng 1/1915, quân Áo phản công và đánh bật quân Nga khỏi miền Tây Ukraine. Ðể mua chuộc lòng dân, người Áo cho người Ukraine được hưởng nhiều quyền lợi hơn trước. Tuy nhiên, các phong trào du kích Ukraine vẫn hoạt động mạnh vì họ muốn hoàn toàn độc lập.

Tại Nga, tháng 3 năm 1917, chính phủ lâm thời của Alexander Kerensky được thành lập. Chính phủ này đưa ra nhiều cải cách dân chủ và cởi bỏ một số hạn chế cho người Ukraine. Các tù nhân Ukraine lưu đầy tại Siberia được trở về nguyên quán. Tháng 4/1917, người Ukraine được hưởng quy chế tự trị thông qua ủy ban lãnh đạo trung ương Roda.

Chẳng may, ngày 7/11/1917, chính quyền lâm thời bị lật đổ bởi những người cộng sản Nga. Ngày 20/11/1917, ủy ban lãnh đạo trung ương Roda tuyên bố không công nhận chính quyền cộng sản Nga và tuyên bố thành lập quốc gia Ukraine cộng hòa. Tuy nhiên, những người cộng sản Ukraine đã hợp tác với cộng sản Nga tiến quân đánh Kiev. Ngày 22/1/1918, chính phủ Roda tuyên bố Ukraine hoàn toàn độc lập khỏi Nga nhưng nền độc lập này chỉ kéo dài được vài ngày thì Kiev thất thủ trước sức tấn công của hồng quân Nga và Ukraine.

Tháng 3/1918, chính phủ Roda được sự giúp đỡ của quân Ðức Áo phản công chiếm lại được Kiev. Chỉ hơn một thánh sau, ngày 29/4/1918, chính phủ dân chủ non trẻ Roda lại bị tướng Pavlo Skoropadskyi lật đổ trong một cuộc chính biến được người Ðức ủng hộ. Tháng 11, tướng Pavlo Skoropadskyi lại bị áp lực tuyên bố từ chức và quyền hành rơi vào tay Volodymyr Vynnychenko.

Ở phần phía Tây, tháng 10/1918, các nhà chính trị theo xu hướng quốc gia cũng tuyên bố thành lập Nước Cộng Hòa Tây Ukraine gồm miền Ðông Galicia, phía Tây Wolhynia và phía Bắc Bukovyna. Ngày 1/11/1918, quân Tây Ukraine tấn công Lviv gây ra chiến tranh với Ba Lan vì Ba Lan vẫn coi miền Tây Galicia là thuộc Ba Lan. Ngày 21/11/1918, quân Ba Lan chiếm lại được Lviv, trong khi đó Rumani cũng nhào vào chiếm vùng Bukovyna phía Nam. Trước tình thế đó, để gây sức mạnh đoàn kết toàn dân, ngày 22/1/1919, chính phủ Tây Ukraine do Evhen Petrushevych lãnh đạo tại Stanyslaviv và chính phủ Ðông Ukraine của Volodymyr Vynnychenko tuyên bố hợp nhất hai phần. Tuy nhiên, việc hợp nhất chưa thành công thì Ba Lan đã tấn công và chiếm trọn miền Galicia vào tháng 7/1919.

Ở phần phía Ðông, đầu tháng 2/1919, Symeon Petlura trở thành chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương, kiêm tham mưu trưởng quân đội. Ông phải bảo vệ nước Cộng Hoà Ukraine non trẻ khỏi đủ loại kẻ thù từ cộng sản Ukraine, Hoàng Gia Nga đến các sư đoàn Bạch Nga được Anh, Pháp và Hoa Kỳ yểm trợ. Cuối tháng 2/1919, Kiev lại rơi vào tay hồng quân Nga và cộng sản Ukraine. Ngày 31/8/1919, quân Bạch Nga của tướng Denkin lại tái chiếm Kiev và giữ được cho đến ngày 16/12 thì bị hồng quân Nga đánh bật ra. Petlura chạy sang Ba Lan cầu cứu và ký hiệp định thư với Ba Lan không đòi lại đất miền Galicia và Wolhynia để đổi lấy trợ giúp quân sự của Ba Lan.

Quân Ba Lan chiếm Kiev ngày 6/5/1920. Tuy nhiên, Nga tổng động viên và phản công đánh bật quân Ba Lan ra khỏi Kiev. Thừa thắng, quân Nga tấn công tràn vào Ba Lan đến tận ngoại ô thủ đô Warsaw. Ba Lan phải ký hiệp ước với Nga (hiệp ước Riga). Hậu quả, Ukraine bị chia thành 4 miền: Bukovyna dành cho Rumani, Transcarpatia dành cho Tiệp, Ðông Galicia và Tây Volhynia dành cho Ba Lan, phần còn lại dành tất cả cho Nga. Trong vùng chiếm đóng của Nga, cộng sản Nga dựng lên nước Ukraine Sô Viết và trao cho đảng cộng sản Ukraine – gọi tắt là CPU – lãnh đạo để thưởng công cho họ.

Bắt đầu sáng mắt ra

Ban đầu cộng sản Nga dành cho CPU nhiều quyền hành và có vẻ như họ đang điều hành chính quyền của một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, năm 1921, quyền hành của CPU thu hẹp trong phạm vi đối nội mà thôi: Tất cả các vấn đề đối ngoại đều do Mạc Tư Khoa quyết định. Nham hiểm hơn, CPU bị biến dần thành một xứ bộ trong đảng cộng sản Nga. Tất cả đảng viên đảng cộng sản Ukraine cũng đồng thời là đảng viên đảng cộng sản Nga và phải thi hành những mệnh lệnh do Mạc Tư Khoa ban xuống. Nhiều đảng viên cộng sản nhưng có đầu óc quốc gia như Mykola Skrypnyk bị "đình chỉ công tác", "kiểm thảo", "hạ tầng công tác","cho đi mò tôm" hoặc đưa đi đầy sang Siberia.

Trong con mắt người Nga, người Ukraine là những người ngây thơ dễ bị lừa. Lênin thường phong tặng cho các cá nhân trong CPU những danh hiệu "anh hùng" và đặt vào tay họ nhiều chính sách mà cộng sản Nga muốn thăm dò thực nghiệm trên đất Ukraine trước khi áp dụng đại trà ở Nga.

Thí nghiệm thứ nhất xảy ra cuối năm 1920: Trong một sớm, một chiều tất cả xí nghiệp tại Ukraine bị quốc hữu hóa và tất cả sản phẩm nông nghiệp đều bị thu mua với giá ăn cướp của dân. Chỉ với hai chính sách này thôi đã gây ra nạn đói 1921-1922 cướp đi hơn một triệu sinh mạng dân Ukraine. Nga lại lật đật sửa sai bằng cách trả lại cho tư nhân các xí nghiệp và cho nông dân buôn bán sản phẩm do họ làm ra.

Ngày 30/12/1922, Liên Bang Sô Viết ra đời bao gồm Nga, Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia, Azerbaidzhan. Các nước khác dần dần được sáp nhập vào sau đó. Trong thời kỳ đầu của Liên Bang Sô Viết, để người dân không bị "sốc" và để đánh lừa những người theo chủ nghĩa quốc gia, Nga đã để cho các nước tương đối dễ thở về vấn đề văn hóa. Trong giai đoạn này, đâu đâu cũng nghe nói "Ukraine hóa" như Ukraine hóa giáo dục, Ukraine hóa kiến trúc, văn hóa... và cả Giáo Hội Chính Thống Giáo Tự Trị (khỏi Mạc Tư Khoa) cũng được thành lập.

Tuy nhiên, "ngày vui ngắn chẳng đầy gang", năm 1925, Nga cử Lazar Kaganovich làm bí thư CPU để uốn dân Ukraine quay trở lại con đường đồng hóa với Nga. Bộ trưởng giáo dục Oleksander Shumskyi, "tên theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi – mất lập trường quốc tế vô sản" bị cho đi học tập cải tạo mút mùa ở Siberia. Khwylovyi, nhân vật số 2 trong guồng máy lãnh đạo đảng, văn hào, tác giả cuốn "Away from Moscow – Thoát khỏi Mạc Tư Khoa" bị "nghiêm khắc cảnh cáo".

Năm 1928, Stalin lên nắm quyền. Kaganovich bị gọi về Mạc Tư Khoa và Stanislav Kosior được cử làm tổng bí thư CPU. Stalin lại thí nghiệm chính sách kinh tế ngũ niên tại Ukraine với việc đấu tố "kuklaks" (địa chủ), trí thức và các nhà tu hành, đặc biệt những giáo sĩ tham gia Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine tự trị. Hàng triệu gia đình bị giết hoặc đày đi Siberia. Văn hào cộng sản Khwylovyi từng một thời ca tụng chế độ, sáng mắt ra, uống thuốc độc tự tử chết. Nông thôn trở thành nơi tang tóc với hàng loạt những vụ xử tử những kuklaks. Trong bối cảnh đó, lòng dân không yên tâm sản xuất cộng với hàng loạt những chỉ thị ngu xuẩn và vô lý đã dẫn đến mất mùa ở một số nơi. Tuy nhiên nạn đói 1932-1933 cướp đi sinh mạng 7 triệu người Ukraine không phải do thiếu lương thực nhưng chính vì cộng sản đã thu gom tất cả nông sản và chứa vào những kho lớn do quân đội canh gác. Dân chúng bị bỏ cho chết đói như một phần của cuộc thanh trừng và diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau nạn đói, Stalin lập tức lùa dân Nga sang để tái phối trí lại dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine. Ðây cũng là một phần trong kế sách thống trị Ukraine về lâu về dài. Năm 1933, Mykola Skrypnyk, lãnh tụ tiền phong của cộng sản Ukraine, sáng mắt ra, tự tử chết.

Sau cái chết của Mykola Skrypnyk, nhiều đảng viên cộng sản Ukraine bắt đầu bừng tỉnh và tỏ ý chống lại việc thí nghiệm các chính sách cộng sản trên đất Ukraine. Tuy nhiên, Stalin không để họ có thời cơ. Theo Vasyl Hryshko, trong cuộc thanh trừng từ 1936 đến 1938, 99 trong số 102 thành viên ủy ban trung ương đảng cộng sản Ukraine lần lượt bị hành quyết. Năm 1938, Nikita Krushchev với đa số đảng viên người Nga chính cống lên nắm quyền lãnh đạo CPU.

Thế chiến thứ hai

Ngày 23/8/1939, Hitler và Stalin thông qua đại diện là Ribbentrop và Molotov ký hiệp định bất tương xâm. Theo hiệp định này, Nga bảo đảm cho Hitler tấn công Ba Lan mà không gây ra chiến tranh với Nga. Trong thực tế, Stalin cũng nắm lấy cơ hội này để ký thảo hiệp mật với Ðức để cho Nga tấn công lãnh thổ Galicia và một phần phía Ðông Ba Lan. Ngược lại, Stalin ngầm tiếp viện khí tài chiến tranh cho Ðức. Stalin đã thực hiện đúng những cam kết tiếp viện cho Ðức mãi cho đến ngày bị Ðức tấn công.

Ngày 1/9/1939, Ðức xâm lược Ba Lan và khởi đầu chiến tranh thế giới thứ hai. Từ ngày đầu tiên của chiến tranh, người Ukraine đã lãnh đủ vì nhiều người Ukraine bị động viên đi lính Ba Lan và bom đạn thi nhau rơi trên đầu người Ukraine và người Ba Lan. Stalin chụp lấy cơ hội tấn công và chiếm miền Bukovyna từ tay người Rumani và những phần lãnh thổ dưới quyền Ba Lan. Sau khi chiếm được những miền này, Stalin lập tức cải tạo miền này và "giải phóng" cho 750,000 người Ukraine đi mò tôm hay đi hóng gió ở Siberia (Vasyl Hryshko – During the Bolshevik rule in Western Ukraine – p 117). Tại Ba Lan, nay do Ðức chiếm đóng, Toàn quyền Ba Lan được thành lập và theo chính sách chia để trị, khoảng nửa triệu người Ukraine đang sống tại Ba Lan được dễ thở hơn người Ba Lan và được hoạt động chính trị trong tổ chức Những Người Ukraine Quốc Gia (OUN). Chẳng may, vào tháng 2/1940, tổ chức này bị những mâu thuẫn nội bộ nên chia thành 2 nhóm, một nhóm theo Adriy Melnyk và một nhóm theo Stepan Bandera.

Ngày 22/6/1941 Hitler phát động chiến dịch Drang nach Osten (Ðông Tiến) bằng cuộc oanh kích dữ dội biên giới Ukraine và Belarus. Trong ngày đầu tiên, tất cả các thành phố lớn của Ukraine như Kiev, Lviv đều bị bỏ bom. Quân Ðức trong tập đoàn quân Wehrmacht, lên đến 3,000, 000 binh lính và sĩ quan tràn vào lãnh thổ Ukraine như thác lũ dưới sự chống đỡ yếu ớt của hồng quân Liên Sô. Các sĩ quan và binh lính Ðức rất ngạc nhiên vì đi đến đâu họ cũng được người dân Ukraine cầm hoa hay bánh mì và muối theo truyền thống hoan hô nhiệt liệt như những vị anh hùng giải phóng cho họ. Có lẽ họ đã quá đau khổ dưới ách thống trị của cộng sản nên sẵn sàng chào đón bất cứ ai không cần biết tốt xấu. Ðối với họ cộng sản là tột đỉnh của đau khổ rồi. Sự chán ghét chế độ cộng sản còn được minh chứng qua hành động đầu hàng tự nguyện của một tập đoàn quân đông đảo. Trong chiến sử thế giới có lẽ chưa bao giờ chứng kiến việc ra đầu hàng của một tập đoàn quân lên đến gần 665,000 quân tại mặt trận Kiev. Trong số 667,085 quân nhân trú đóng tại Kiev, chỉ có khoảng 2000 quân chạy theo hồng quân Liên Sô, số còn lại tự nguyện ở lại đầu hàng quân Ðức. Rủi thay, theo chính sách kỳ thị của quân Ðức, những binh sĩ Ukraine ra đầu hàng đã bị bỏ đói hoặc cố tình để cho chết vì sương gió trong các trại tù binh dưới cái lạnh của mùa Ðông 1941-1942. Lúc này, quân Ðức không thiếu quân nhu.

Chính sách đồng hoang nhà trống của Stalin

Theo sử gia Andrew Gregorovich P.6, Stalin quá hốt hoảng trước sức tấn công của quân Ðức đến nỗi trong 11 ngày đầu tiên của chiến tranh, y không nói một lời nào. Ngày 3/7/1941, trên đài truyền thanh Stalin mới lên án tình bạn của y với Hitler và Ribbentrop, đồng thời ra lệnh thực hiện chính sách đồng hoang nhà trống trên đường rút chạy. Sự thật của chính sách này là gì?

6 triệu trâu bò được đưa lên tàu chở về Nga, 550 xí nghiệp lớn và hàng ngàn xí nghiệp nhỏ và trung bình bị rỡ máy móc và thiết bị đưa về Nga cùng với 300,000 xe máy cầy. 3.5 triệu chuyên viên các ngành bị di tản dưới họng súng của NKVD (KGB). Tất cả nhân viên và ban giảng huấn của các trường đại học tại Kiev và Khrakiv cũng bị cưỡng bách di tản sang Nga.

Mặt khác, 5,000 toa xe lửa, 607 cầu xe lửa chạy qua được, 915 nhà kho bị phá hủy. Nghiêm trọng hơn là đập thủy điện lớn nhất châu Âu bấy giờ là đập Dniprohes, nơi cung cấp nguồn điện cho hàng ngàn mỏ, các xí nghiệp và thủ đô Kiev bị đánh xập không phát điện được nữa. Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ An Nghỉ ( Dormition Cathedral) được xây từ năm 1073 tại Kiev đã bị KGB đặt bom nhằm giết người Ðức. Trong nhiều năm, Mạc Tư Khoa luôn ráo riết đổ tội ác này cho Ðức. Sau khi cộng sản sụp đổ, người ta tìm được các bằng chứng cho thấy chính mật vụ Liên Sô đã đặt bom nổ chậm để tiêu diệt người Ðức.

Trên đường tháo chạy, hồng quân Liên Sô phá hoại tất cả những gì có thể phá theo lệnh của Stalin. Tất cả trâu, bò gia súc không mang đi được đều bị bắn bỏ, nhiều cánh rừng bị đốt trụi và rất nhiều nhà cửa của dân cũng bị đốt cháy.

Ảo tưởng về người Ðức

Quá đau khổ với chế độ cộng sản, người Ukraine dễ có cảm tình với người Ðức và coi họ là những người đến để giải phóng mình. Họ ảo tưởng đến độ ngày 30/6/1941, Stepan Bandera làm ngạc nhiên người Ðức bằng cách trịnh trọng tuyên bố thành lập nước Ukraine Ðộc Lập với Yaroslav Stetsko làm thủ tướng. Chỉ một tuần sau, người Ðức giải tán chính phủ này và bắt tất cả các thành viên, trong đó có Bandera và Stetsko đưa sang Ðức giam giữ.

Trong thâm tâm người Ðức, người Ukraine là dân hạ đẳng và chính sách của Ðức là biến "kho bánh mì của châu Âu" này thành ra kho bánh mì của Ðức. Chủ trương của Hitler là diệt chủng người Ukranine và đưa người Ðức sang lập nghiệp. Trong những tháng đầu, người Ðức thực hiện chính sách giết người Ukraine. Họ ra thông báo hễ cứ 1 lính Ðức chết thì lập tức đem ra xử bắn 100 người Ukraine vô tội. Tuy nhiên, càng gần về cuối, Hitler đổi chính sách thay vì giết, y đưa những người Ukraine sang Ðức lao động phục vụ cho chiến tranh. Khoảng 2.5 triệu người Ukraine đã bị bắt đưa sang Ðức lao động cho đến chết.

Quân kháng chiến Ukraine

Ðứng trước chính sách diệt chủng của người Ðức, quân kháng chiến Ukraine (Ukrainska Povstanska Armiya –gọi tắt là UPA) được thành lập. với quân số lên đến 200,000 người và được chỉ đạo bởi tổ chức Những Người Ukraine Quốc Gia (OUN) theo hệ phái Bandera. UPA phải chiến đấu với cả quân Ðức lẫn hồng quân Liên Sô. Cuộc chiến đấu của UPA dưới quyền tướng Roman Shukhevich kéo dài mãi đến năm 1950 khi ông này bị tử thương trong một trận đánh ác liệt với hồng quân Liên Sô. Một số tàn binh may mắn chạy thoát được đã xin định cư tại các nước phương Tây.

Sư đoàn Galicia

Mặc dù có đến 4.5 triệu binh lính và sĩ quan người Ukraine trong hồng quân Liên Sô, người Nga không tổ chức họ thành một đơn vị biệt lập mà luôn phân họ vào chung với các đơn vị Nga để dễ kiểm soát.

Trong vùng Galicia, người Ðức để cho người Ukraine nhiều quyền hành hơn thông qua Ủy Ban Trung Ương Ukraine do giáo sư V. Kubijovych lãnh đạo. Tháng 4/1943, với ý đồ tuyên truyền, lôi kéo người Ukraine về phe mình, Hitler cho thành lập sư đoàn quân Galicia gồm toàn người Ukraine. Các thanh niên Ukraine được các tổ chức quốc gia Ukraine khuyến khích gia nhập đạo quân này không phải để đánh nhau và chết thay cho người Ðức nhưng vì họ mong muốn có những người được huấn luyện tinh nhuệ hầu sau này có thể bảo vệ nền độc lập của Ukraine. Éo le thay, người Ukraine đã phải trả một giá đắt về toan tính này.

Sư đoàn Galicia sau thời gian huấn luyện đã có quân số lên đến 40,000 người. Từ ngày 13 đến 22/7/1944, họ được đưa vào mặt trận Brody đánh nhau với hồng quân Liên Sô để cầm chân quân Nga cho quân Ðức đang tìm đường tháo chạy. Họ bị vây tại đây và bị quân Nga tiêu diệt gần hết. 37,000 binh lính và sĩ quan Ukraine tử thương trong trận này, chỉ còn khoảng 3000 người thoát được vòng vây. Tuy nhiên, trước nguy cơ bị hồng quân Liên Sô thôn tính, người dân miền Tây Ukraine vẫn động viên con cái tham gia vào sư đoàn Galicia. Chỉ một tháng sau đó, đã có 20,000 tân binh tình nguyện gia nhập sư đoàn.

Mặc dù vậy, trước sức tấn công mạnh mẽ và khí giới dồi dào của hồng quân, sư đoàn đã phải triệt thoái theo quân Ðức. Tháng 4/1945, sư đoàn được đổi tên là Sư Ðoàn 1 Ukraine và gia nhập vào Quân Ðội Ukraine Quốc Gia. Quân Ðội Ukraine Quốc Gia dưới quyền điều động của tướng Pavlo Shandruk đã khôn khéo tránh được đường tiến công của hồng quân Liên Sô và ra trình diện quân đội Ðồng Minh tại Áo. Họ được quân Ðồng Minh đưa về trú đóng tại Rimini, Ý.

Sau khi chấm dứt chiến tranh, Liên Sô kiên quyết đòi buộc Ðồng Minh giao sư đoàn này cho họ. Tuy nhiên, các nước Ðồng Minh thừa biết số phận của những người này sẽ ra sao một khi họ bị giao cho phía Liên Sô. Vì thế, các giới chức thẩm quyền Anh, Gia Nã Ðại và Úc Ðại Lợi đã nhanh chóng điều tra xem họ có phạm tội ác chiến tranh không và nhận họ vào định cư tại các nước này.

Chính sách đồng hoang nhà trống của Ðức

Quân Ðức trên đường tháo chạy cũng làm tương tự như hồng quân Liên Sô nhưng chúng có nhiều thời giờ hơn. Chúng phá hoại có hệ thống hơn. Do đó, cấu trúc hạ tầng của Ukraine như hệ thống đường xá, đường xe lửa, cầu cống... hoàn toàn bị tê liệt để ngăn cản đường tiến quân của hồng quân Liên Sô.

Chấm dứt chiến tranh

Tháng 2/1945, tại hội nghị Yalta ở Crimea, các siêu cường Anh, Mỹ và Liên Sô đã chia lại bản đồ Âu Châu theo đó, Ukraine bao gồm phần phía Ðông Galicia, Wolhynia và Bắc Bukhovyna. Ukraine cũng được coi là một thành viên của Liên Hiệp Quốc. Theo hội nghị này, những người Ukraine đã được đưa sang Ðức làm nô lệ, nếu còn sống đều bị trả về cho Liên Sô. Ða số, nếu không muốn nói là tất cả đều chết rũ tù sau đó tại Siberia.

Cuối năm 1991, Liên Sô sụp đổ và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay. Tuy vậy, ngày nay người Nga (chiếm ¼ dân số) vẫn tiếp tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền và trong các hoạt động xã hội. Cả về mặt tôn giáo, Ukraine cũng còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nga.
 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế khẳng định: niềm tin Kitô đối kháng với bạo lực và chiến tranh
Đặng Tự Do
05:04 17/01/2014
Bạo lực nhân danh Thiên Chúa là một sự băng hoại thê thảm nhất của tôn giáo
Nhằm chống lại cáo buộc cho rằng tôn giáo là một nguyên nhân gây ra bạo lực và chiến tranh, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã ban hành một tài liệu nhấn mạnh rằng niềm tin Kitô vốn đối kháng với những lời kích động bạo lực.

Tài liệu mới này đã được công bố bằng tiếng Ý vào ngày 16 tháng Giêng, và sẽ sớm có những bản dịch ra các ngôn ngữ khác nhau.

Tài liệu có tựa đề: "Thiên Chúa, Chúa Ba Ngôi, và sự hiệp nhất của nhân loại: Thuyết độc thần Kitô Giáo và tính đối kháng của thuyết ấy với bạo lực " là kết quả của một dự án kéo dài 5 năm của Ủy ban thần học quốc tế đã được sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Gerhard Müller, Hồng Y Tân Cử, là bộ trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Trong buổi họp báo giới thiệu tài liệu này, Ủy Ban Thần Học Quốc tế cho biết:

"Niềm tin Kitô, trên thực tế, coi các kích động bạo lực nhân danh Thiên Chúa như là một sự băng hoại thê thảm nhất của tôn giáo. Kitô giáo xác tín như thế từ mạc khải của Chúa Kitô và từ sự phục sinh của Ngài, như là chìa khóa để các hòa giải nhân loại."

Trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, Ngài đã không lấy bạo lực để đáp trả bạo lực nhưng lấy tình yêu để bẻ gãy vòng lẩn quẩn của bạo lực, và hòa giải con người với Thiên Chúa.
 
Tu hội Tận Hiến Cho Đức Maria Vô Nhiễm ca ngợi quyết định của ĐTC phong Hồng Y cho ĐTGM Quevedo
Đặng Tự Do
05:30 17/01/2014
Đức Tổng Giám mục Orlando Quevedo, Hồng Y Tân Cử
Cha Louis Lougen bề trên tổng quyền tu hội Tận Hiến Cho Đức Maria Vô Nhiễm
Bề trên tổng quyền tu hội Tận Hiến Cho Đức Maria Vô Nhiễm đã lên tiếng ca ngợi quyết định bất ngờ của Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám mục Orlando Quevedo, một thành viên của tu hội tại Phi Luật Tân.

Đức Tổng Giám mục Quevedo, 74 tuổi, là Tổng Giám Mục Cotabato, một thành phố nhỏ không nằm trong số 20 thành phố lớn nhất của Phi Luật Tân.

Bốn vị tổng giám mục sau cùng của Manila, thủ đô của quốc gia này, đều đã được tấn phong Hồng Y.

Hai vị tiền nhiệm của Đức Đương Kim Tổng Giám Mục Cebu, một trong năm thành phố lớn nhất của quốc gia cũng đã được phong Hồng Y.

Cha Louis Lougen, là bề trên tổng quyền tu hội Tận Hiến Cho Đức Maria Vô Nhiễm, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng “Khi tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám mục Quevedo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra cho chúng ta một tín hiệu rõ ràng: đó là sự công nhận của ngài đối với một nhà truyền giáo tận tâm, một linh mục và giám mục luôn đặt trọng tâm đời mình nơi sự phục vụ tha nhân, một tông đồ nhiệt thành mà mối quan tâm lớn nhất là Tin Mừng và người nghèo; và là người đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy tình hữu nghị giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, nhằm hỗ trợ nỗ lực sống chung với nhau trong sự tôn trọng và hòa bình. "

Đức Tổng Giám mục Quevedo "đã luôn luôn chọn lựa sống đơn giản và gần gũi với người nghèo. Cha Lougen nói thêm : “Ngài là một con người có tấm lòng từ bi, niềm vui và sự hào phóng. Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày cho chúng ta thấy viễn tượng tương lai của Giáo Hội chúng ta khi ngài chọn Đức Tổng Giám mục Quevedo làm Hồng Y."
 
Tòa Thánh tìm cách cắt giảm chi phí của tiến trình phong thánh
Đặng Tự Do
06:52 17/01/2014
Tòa Thánh đã có những bước nhằm hạn chế chi phí của tiến trình phong thánh. Bước đầu tiên là thông báo cho các giám mục một danh sách các chi phí cần thiết.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, nói rằng Tòa Thánh có kế hoạch cung cấp thông tin công khai hơn về các chi phí của tiến trình, và sẽ tìm cách giảm các chi phí hành chính. Vatican cũng hy vọng sẽ thiết lập một quỹ để trợ cấp các chi phí cho các giáo phận và các dòng tu thiếu kinh phí cần thiết.

Tiến trình phong thánh đòi hỏi phải nghiên cứu đầy đủ đời sống của ứng cử viên, và chuẩn bị một hồ sơ chính thức liên quan đến các tài liệu pháp lý và các ý kiến của các nhà thần học, các bác sĩ, cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử. Tổng chi phí của tiến trình có thể mất từ 50,000 Mỹ Kim đến hơn 200,000 Mỹ Kim.

Chi phí của tiến trình đã thường xuyên là một rào cản đối với việc phong chân phước hay phong thánh cho giáo dân, vì ít có các gia đình có thể gánh vác nổi các chi phí.

Các giáo phận nhỏ hoặc các dòng tu nghèo cũng khó lòng kham nổi. Tòa Thánh hy vọng rằng các biện pháp cắt giảm chi phí sẽ cho phép xem xét nhiều ứng cử viên cho phong thánh hơn .
 
Lịch sử Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo
Đặng Tự Do
07:15 17/01/2014
Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau , mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.
 
Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?
Linh Tiến Khải
11:15 17/01/2014
Ngày 15 tháng Giêng vừa qua hàng chục nước ân nhân của Siria đã kết thúc cuộc họp tại Kuweit. Cuộc họp đã chỉ thành công một nửa, vì đã không đạt được số tiền cần có để cứu trợ Siria. Ông Ban Ki-Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã tỏ vẻ thất vọng, khi thông báo số tiền các nước này đã đóng góp chỉ được 2 tỷ 400 triệu mỹ kim, tức ít hơn một phần ba ngân khoản dự trù có được. Liên Hiệp Quốc cũng mạnh mẽ tố cáo các vụ tàn sát tập thể do các lực lượng thánh chiến chủ mưu, trong đó có nhóm ”Nhà nước Hồi giáo Irak” và ”Mặt trời mọc” gắn liền với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Trên bình diện ngoại giao trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng đại diện của các chính quyền Nga, Iran và Siria đã gặp nhau tại thủ đô Matscơva. Trước các khó khăn mà việc cứu trợ nhân đạo phải đối phó trong lúc này Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, đã tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng gào thét tuyệt vọng của người dân Siria đang ngã qụy trong cơn lốc bạo lực, và mau chóng làm tất cả những gì có thể để cứu sống dân chúng. Điều cấp thiết nhất hiện nay là giúp đạt được một cuộc ngưng bắn để có thể chuyển đồ cứu trợ tới cho các nạn nhân, đặc biệt trong các tỉnh miền đông và cả các vùng chung quanh thủ đô Damasco.

Người ta không biết hội nghị Genève II khai diễn vào ngày 22 tháng Giêng này với sự tham dự của các phe lâm chiến và đại diện của các nước có liên lụy trong cuộc nội chiến có đem lại một giải pháp hòa bình cho Siria hay không. Các lực lượng cách mạng đối lập nhất quyết đòi tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, trong khi chính quyền Damasco vẫn luôn luôn coi các lực lượng nổi dậy là các nhóm khủng bố phá hoại. Và ước nguyện của tổng thổng Bashar al-Assad là ”được chết trên quê hương của mình”. Nhưng đó chỉ là kiểu nói hoa mỹ nhằm che dấu tham vọng duy trì quyền lực bằng mọi cách, kể cả với giá máu của hàng trăm ngàn người dân và một đất nước đổ nát tan hoang, sau bao nhiêu thập niên hy sinh cố gắng xây dựng để đạt được sự phồn thịnh như cho tới cách đây hơn ba năm.

Vấn đề đó là cả hai phe đều dựa vào sự ủng hộ của các nước ngoài sẵn sàng cung cấp khí giới cho họ tàn sát lẫn nhau. Như đã biết, chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad được Nga, Trung Quốc và Iran cung cấp khí giới, trong khi Hoa Kỳ, Âu châu và vài quốc gia A Rập cung cấp khí giới cho các lực lượng cách mạng. Từ nhiều thập niên qua số vũ khí Nga bán cho Siria lên tới hơn 2 tỷ mỹ kim mỗi năm. Nhưng Siria cũng mua khí giới của vài nước Âu châu và nhờ kỹ thuật các nước này cung cấp đã chế ra các vũ khí hóa học, hiện nay đã bị tịch thu và sẽ bị hủy bỏ. Siria trở thành chợ trời vũ khí: đó là một trong các lý do khiến cho chiến tranh nước này kéo dài, khó chấm dứt.

Đây cũng là một sự thật sống sượng, mà các phương tiện truyền thông quốc tế thường tránh né, ít khi dám thẳng thắn đề cập tới, hay phân tích hoặc mạnh dạn tố cáo: đó là ”chiến tranh thương mại” làm giầu cho các quốc gia có kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí.” Đứng đầu là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, rồi đến các nước Âu châu, trong đó Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha chiếm vị thế ưu tiên. Tiếp đến cho tới vài thập niên gần đây lại có thêm các nước có nền kinh tế đang lên như Ấn Độ, Brasil và Nam Phi. Rồi còn có cả các nước A Rập và nhiều nước Phi châu như Ai Cập, A Rập Sauđi, Camerun vv... Như thế chiến tranh là một lợi nhuận, đem lại các số tiền lời khổng lồ hàng trăm tỷ mỹ kim hằng năm, nên việc ”tạo ra thị trường tiêu thụ vũ khí” cũng là một khâu khác của kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí trên thế giới.

Tuy nhiên, ngày nay người ta không còn có thể chỉ quy tội cho các cường quốc, hay các nước tây âu hoặc đông âu, chế tạo buôn bán vũ khí nữa, mà trách nhiệm cũng tùy thuộc rất nhiều nơi hàng lãnh đạo của các nước nghèo đang trên đường phát triển. Sự kiện giới lãnh đạo các nước nghèo dành rất nhiều ngân khoản cho việc mua và trang bị vũ khí cho quân đội là một sự thật qúa hiển nhiên, không thể che dấu và chối cãi được nữa.

Điển hình như tình hình vùng Đông Nam Á hiện nay. Trung Quốc ”xấc xược” coi Biển Đông là của mình và uy hiếp các nước nhỏ trong vùng, chỉ vì muốn ăn cướp tài nguyên, hải sản và mỏ dầu hỏa khổng lồ nằm bên dưới thềm lục địa của Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á. Nhưng các động thái khiêu khích, đe dọa, trấn áp và xâm lăng của Trung Quốc khiến cho các nước toàn vùng ở trong trình trạng căng thẳng báo động, và làm cho các chính quyền thi đua nhau mua vũ khí của Hoa Kỳ, Nga, Âu châu và Ấn Độ. Kể cả chính quyền cộng sản Việt Nam, một đàng thì đã ký thỏa hiệp ngầm bán nước cho Trung Quốc từ lâu, nhằm biến Việt Nam trở thành một tình của Tầu, đàng khác lại ”giả vờ đóng kịch hốt hoảng” ký thỏa hiệp mua khí giới của Hoa Kỳ và Ấn Độ gọi là ”để đương đầu với họa mất nước”. Trong khi đó nhà nước cộng sản Việt Nam lại không hề dám mở miệng lên tiếng phản đối các hành động xấm lăng của Trung Quốc cướp đất, cướp biển, cưởp hải sản và quặng mỏ của Việt Nam, giết ngư dân, để cho người Tầu tha hồ tự do sang Việt Nam thành lập nhiều thành phố làng mạc buôn bán và thống trị thị trường sản xuất trong nước, nhưng lại thẳng tay đàn áp sinh viên học sinh, các nhà tranh đấu cho dân chủ và những người yêu nước biểu tình phản đối chính sách xâm lăng của Trung Quốc.

Như thế, cũng như trường hợp của Siria, nếu chính quyền và các lực lượng của một quốc gia mà không biết thương xót dất nước và dân tộc mình để cố gắng tìm ra giải pháp hòa bình, tránh cho quốc qia khỏi bị diệt vong, thì ai là người có thể thương xót và làm nhiệm vụ này thay cho họ đây? Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?
 
Đức Phanxicô tiếp tục bị hiểu lầm
Vũ Văn An
17:59 17/01/2014
Gần đây, tờ Wall Street Journal cho biết lý do tại sao Đức Phanxicô là một trong “Những Người Cần Quan Sát” trong năm 2014: “Sau khi nâng cao nhiều ước vọng đối với việc thay đổi quan điểm về đồng tính luyến ái, ly dị, môi trường, và bổn phận của xã hội đối với người nghèo, Đức Giáo Hoàng cũng đang được mong đợi sẽ cải tổ nền hành chánh của Vatican, cũng như việc có thể mở rộng vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội”.

Theo nhận định ngày 15 tháng Giêng của George Weigel, câu trên có ít nhất 4 sai lầm và một sự hiểu sai ý nghĩa chữ “vai trò” trong Giáo Hội.

Dù đối với những người nhìn Đạo Công Giáo dưới lăng kính chính trị, thật khó mà nắm được điều này, nhưng các vị giáo hoàng quả không như các tổng thống hay các thống đốc tiểu bang, và tín lý không phải là chính sách công. Điều này có nghĩa: thay đổi triều đại giáo hoàng không có nghĩa, và không thể có nghĩa là thay đổi các “quan điểm” Công Giáo. Giáo Hội hiểu tín lý không phải là chuyện “quan điểm” của bất cứ ai nhưng là chuyện hiểu “một cách đã thành sự” (settled) các chân lý về sự vật.

Các vị giáo hoàng cũng không phải là những tác nhân tự do có thể cai trị dựa vào trực giác hay kinh nghiệm, bất cần phương pháp. Trước khi hoàn tất Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Đức Phaolô VI đề nghị thêm vào văn kiện có tính khai phá này một câu đại ý cho thấy Đức Giáo Hoàng “chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa mà thôi”, một cố gắng nhiều người cho là để bảo vệ thẩm quyền và quyền tự do của Đức Giáo Hoàng khỏi bị các thế lực dân sự hay giáo sự xâm lấn. Nhưng Ủy Ban Thần Học của Công Đồng đã bác bỏ đề nghị tu chính này, vì cho rằng “Giám Mục Rôma… bị giới hạn bởi chính mạc khải, bởi cơ cấu nền tảng của Giáo Hội, bởi các bí tích, bởi xác định của các công đồng trước, và bởi các trói buộc khác nhiều đến kể ra không xuể”.

“Các trói buộc khác” đây bao gồm việc phải tôn trọng sự thật vốn được ghi khắc nơi thế giới và nơi ta. Tại một hội nghị của giới khoa bảng mấy năm trước đây, một triết gia Công Giáo nổi tiếng cho hay: ‘nếu Đức Giáo Hoàng nói 2 x 2 là 5, tôi vẫn tin ngài’. Nhưng một triết gia Công Giáo khác cho hay: ‘nếu Đức Giáo Hoàng nói thế, về mặt công khai, tôi sẽ cho mọi người biết tôi hiểu sai ý của ngài; còn trong tư riêng, tôi sẽ cầu nguyện để ngài được minh mẫn’.

Nói cách khác, các vị giáo hoàng không phải là những người độc đoán muốn dạy ra sao tùy ý. Các ngài là người gìn giữ truyền thống có thẩm quyền mà các ngài vốn là người phục dịch, chứ không phải chủ nhân. Đức Phanxicô biết rõ điều đó như bất cứ ai khác, khi ngài nhấn mạnh rằng ngài là “con cái của Giáo Hội” nghĩa là tin và dạy các điều Giáo Hội tin và dạy.

Như thế, ý niệm cho rằng triều giáo hoàng này sắp sửa thay đổi giáo huấn Công Giáo về luân lý tính của các hành vi đồng tính luyến ái, hoặc về các hậu quả của ly dị và tái hôn đối với việc hiệp thông của người ta với Giáo Hội, chỉ là một ảo tưởng, mặc dù Giáo Hội chắc chắn sẽ khai triển một phương thức mục vụ thích hợp cho các người đồng tính và ly dị. Còn về môi sinh và người nghèo, giáo huấn xã hội của Giáo Hội từ lâu vốn dạy rằng ta là người quản lý mọi tạo vật và những người nhỏ mọn nhất trong các anh chị em ta đều có quyền tinh thần đòi ta phải liên đới và yêu thương họ; học thuyết xã hội này để ngỏ cuộc tranh luận về các phương thế cụ thể và chuyên biệt nhờ đó người có thiện chí, và các chính phủ, thực thi việc quản lý trên, cũng như sự liên đới và tình yêu thương kia.

Còn “vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội” thì sao? Chắc chắn một số cơ cấu của Giáo Hội sẽ được hưởng nhờ nếu có thể lôi kéo được một loạt các tài năng rộng rãi hơn, bất kể phái tính, hơn là chỉ dựa vào nguồn tài năng mà Giáo Hội xưa nay vẫn thường dựa vào. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa trước Lễ Giáng Sinh, Đức Phanxicô đã nói rõ: đồng nhất hóa vấn đề lãnh đạo trong Giáo Hội với việc phong chức vừa là một hình thức giáo sĩ trị vừa là một cách thế khác biến phụ nữ Công Giáo thành dụng cụ. Ngài cho rằng chiếm giữ một chức vụ tại Tòa Thánh không phải là đỉnh cao của việc làm môn đệ.

Báo chí “hiệu đính” Đức Phanxicô

Trong khi ấy, theo Terry Mattingly, không một ngày nào qua đi mà không có một học giả hay một người viết xã luận nào không cho ý kiến về điều Đức Phanxicô nói về một vấn đề gây tranh cãi nào đó. Đã đành, mọi vị giáo hoàng, cũng như mọi nhà lãnh đạo tôn giáo và thế tục, đều có những nhận định bị soi mói, nhưng Đức Phanxicô nói lời nào cũng bị người ta “lạng” (sliced) và “thái” (diced) hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào của ngài. Thành thực mà nói, mục tiêu của nhiều nhà bình luận là biến các tuyên bố của Đức Phanxicô thành những lời ủng hộ nghị trình ý thức hệ của họ.

Việc biến cải ấy xẩy ra cả ở bên phe hữu lẫn ở bên phe tả. Phe hữu thì nhạy cảm khi có ai phê phán chủ nghĩa tư bản. Còn phe tả, quả không có gì hứng thú cho họ bằng quyền lợi của dân đồng tính. Sự ám ảnh của họ thấy rõ khi họ tường thuật lời bình luận của Đức Phanxicô vào mùa Hè qua: “Tôi là ai mà dám phê phán".

Điều Đức Phanxicô thực sự nói là “nếu ai đó là một người hoạt động đồng tính (gay) nhưng biết tìm kiếm Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán?”. Sự khác nhau giữa điều người ta bảo ngài nói và điều ngài thực sự nói không phải là chuyện nhỏ. Những người cắt xẻ lời ngài hẳn đồng ý như thế, chính vì thế họ đã cắt xẻ chúng. Điều quan trọng cần lưu ý là Đức Phanxicô không nói hai câu, ngài chỉ nói có một câu nhưng đã bị người ta cắt xẻ để thay đổi hẳn sứ điệp của ngài.

Điều đáng giật mình là cuộc nghiên cứu Lexis-Nexis tiết lộ rằng có tất cả 907 bài báo trích dẫn câu “tôi là ai mà dám phê phán” và “Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Khi loại các thư gửi chủ bút và các bài sao chép ra, thì số còn lại vẫn là 799. Trong số này, 494 bài, tức 62 phần trăm, chỉ chứa có các chữ “tôi là ai mà dám phê phán?”. Chỉ có 305, hay 38 phần trăm, là tường trình trọn cả câu. Đàng khác, càng ngày người ta càng có thói quen bóp méo điều ngài nói nhiều hơn, chứ không ít đi.

Thực ra nếu đọc câu ấy trong ngữ cảnh cuộc phỏng vấn trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Rôma, người ta sẽ hiểu tại sao Đức Phanxicô nói câu trên. Ngữ cảnh ấy dài đến cả một trang giấy lận, không phải chỉ là một câu mà thôi.
 
Án Phong Thánh cho cha Joseph Muzquiz đang được xúc tiến
Đặng Tự Do
18:50 17/01/2014
Cha Joseph Muzquiz sinh năm 1912 và qua đời năm 1983 là một linh mục Tây Ban Nha, và là một trong những thành viên đầu tiên của Opus Dei. Ngài đã hoạt động không mệt mỏi để phong trào lan tràn trên toàn thế giới, đặc biệt tại Mỹ Châu.

Kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu tại Tây Ban Nha, anh thanh niên Joseph Muzquiz tuổi đã từ giã quê hương Badajoz để lên kinh thành Madrid theo học kỹ sư. Tại đó, anh đã gặp cha Josemaría Escrivá, vị sáng lập tương lai của phong trào Opus Dei. Tháng Giêng năm 1940, anh được nhận vào Opus Dei trong khi vẫn tiếp tục theo học kỹ sư để tích cực giúp tái thiết các cơ sở hạ tầng của đất nước tan nát vì chiến tranh.

Là một kỹ sư thông minh, Joseph Muzquiz đã lần lượt giật được 3 bằng tiến sĩ trong các lãnh vực rất khác nhau: Tiến sĩ về xây dựng các công trình dân dụng, tiến sĩ lịch sử và tiến sĩ luật.

Ngày 25 tháng sáu năm 1944, kỹ sư Joseph Muzquiz là một trong ba thành viên đầu tiên của Opus Dei được thụ phong linh mục. Cha được gửi sang Hoa Kỳ vào năm 1949, nơi ngài đã thành lập trung tâm Opus Dei ở Chicago và Washington, DC. Ngài cũng đã đặt nền móng cho các hoạt động của Opus Dei ở Canada, Nhật Bản và Venezuela. Trong những năm 1960 và 1970, ngài làm việc ở châu Âu và châu Á và thúc đẩy việc phong thánh cho người sáng lập của tổ chức.

Trở lại Hoa Kỳ vào năm 1976, cha cư ngụ tại trụ sở Opus Dei tại Pembroke, Massachusetts. Ngày 20 Tháng Sáu năm 1983, ngài bị một cơn đau tim trong khi đang giảng dạy tại một lớp học ở đó, và qua đời vào ngày hôm sau tại Bệnh viện Jordan ở Plymouth.

Án phong thánh cho cha đã được bắt đầu vào ngày 02 tháng 6 năm 2011 tại Tổng Giám Phận Boston, Hoa Kỳ. Vị tôi tớ Chúa Joseph Muzquiz có lẽ sẽ được phong Chân Phước trong năm nay.
 
Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite tại Syria kêu gọi thế giới cầu nguyện cho đất nước này
Đặng Tự Do
23:25 17/01/2014
Trước thềm hội nghị quốc tế về Syria diễn ra tại Geneva vào ngày 22 tháng Giêng, Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam đã lên tiếng kêu gọi một chiến dịch toàn thế giới “cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Thánh Địa, thế giới Ả Rập và cả thế giới."

Trong tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Syria, ngài đã kêu gọi tất cả người Công Giáo Syria cầu nguyện cho hòa bình, và kêu gọi các Kitô hữu ở khắp mọi nơi trên thế giới tham gia trong chiến dịch. Đức Thượng Phụ cũng mong mỏi các nhà lãnh đạo thế giới hãy gạt bỏ những thành kiến và những lợi ích cục bộ để hành động có hiệu quả cho "một nền hòa bình công chính tại Syria."

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết sau 3 năm nội chiến cay đắng ở Syria, gần 9 triệu người – tức là gần 40% dân số của cả nước trước chiến tranh đã phải bỏ nhà bỏ cửa chạy trốn cuộc xung đột. 2,3 triệu người đã phải tị nạn ở nước ngoài và 6,5 triệu người phải tản cư bên trong đất nước của họ.

Sau 36 tháng chiến tranh, 126,000 người chết và 300,000 trẻ mồ côi. Các tín hữu Kitô tại đất nước này đang lo ngại những thỏa hiệp của các cường quốc sẽ dẫn đến việc hình thành một thứ nhà nước Hồi Giáo dựa trên luật Sharia.
 
Top Stories
Holy See hails “fruitful dialogue” on protecting children's rights
Vatican Radio
11:32 17/01/2014
2014-01-16 Vatican - A Holy See delegation has concluded a hearing at the United Nations on implementing the Convention on the Rights of the Child, describing it as an “important and fruitful, interactive dialogue” on dealing with child protection.

Maltese Bishop Charles Scicluna, who has long experience of dealing with abuse cases as the former Promoter of Justice at the Congregation for the Doctrine of the Faith, told Vatican Radio the Holy See shares the principles of the Convention and is committed to adequately addressing all issues and concerns regarding cases of abuse within the Catholic Church.

Heading the Vatican delegation on Thursday was Archbishop Silvano Tomasi, Permanent Observer of the Holy See to the United Nations in Geneva.

Philippa Hitchen spoke with Bishop Scicluna to find out more about the day’s events in Geneva:

A: It was grueling, in the sense it was a very long session and it was very engaging ….the rapporteur had important concerns to express and we had a very important and fruitful interactive dialogue….I think that we share the principles of the Convention on the Rights of the Child and I think that we put out in a very clear, coherent way to the international community that the Holy See “gets it”, that as a sovereign state that the Holy See is implementing the Convention and that the Holy See, as the central organ of the Catholic Church, is promoting the values of the Convention and that canon law, as an expression of the jurisdiction of the Holy See, is also constantly being revised, as was the case in 2010, so that procedures and substantive issues are addressed adequately.

Q: Among the concerns are the accusations that the Vatican has not released information about some of the abuse cases – how have you responded to that?

It was not within the remit of the Committee to ask for individual cases, even if there is one individual case which is within the remit of the Convention and that is the case of a diplomat who is a citizen of Vatican City State and allegations concerning whom are under investigation and that was addressed openly by the head of the delegation, nuncio Archbishop Tomasi. With other cases, the constant response of the Holy See has been that these are dealt with on a local level and they should be addressed at local level

Q: Victims groups, survivors networks, say this however is not responding to their needs for transparency at the highest level. How do you answer their allegations?

A: I think there are two important elements of this which are transparency and accountability. And I think that transparency and accountability have to start on the local level. Concerning procedures on the level of the Holy See, I think that the parties concerned to every single and individual procedure, have every right to have access to all the information necessary for their defense, for their exercise of rights under the system we operate on.

Q: You’ve been following this issue within the Vatican for many years now. Do you feel that this hearing marks a turning point in any way?

A: It does bring great visibility to concerns and issues on the international level but it is and has been an occasion where the Holy See not only listens to concerns, but publicly expresses its commitment towards the values of the Convention of the Rights of the Child, including the interest of the child as a paramount concern in any decision-making process.

Q: Will you be producing any kind of further statements, any kind of follow-up from this meeting?

A: That would depend on the Secretary of State. This is a routine report that is actually part of the Convention. And so the Secretariat of State follows the obligations undertaken by the Holy See in giving reports, receiving issues, responding to issues, and certainly we have undertaken, as a delegation, to communicate concerns to the authorities in the Holy See.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hoàng Sa và lòng yêu nước của người Việt Nam.
Bảo Giang
10:44 17/01/2014
Hoàng Sa và lòng yêu nước của người Việt Nam.

Tôi dừng lại khi ánh mắt chạm vào dòng chữ “ Hoàng Sa và Hoà Giải Quốc Gia” là tựa đề một bài viết của Huy Đức, đăng trên mạng.

Thoạt nhìn, cái tựa như một gợi ý ôn hòa, tạo ra một phong cách, một góc nhìn nghiêm chỉnh cho vấn đề, hay ít ra cũng là một phương thế nào đó mà tác giả muốn nói đến, hoặc muốn trình bày. Nhưng khi nhìn xuống dưới, tôi giật mình, kinh hãi. Hóa ra không phải là như thế. Vì ngay dòng đầu tiên của bài viết đã là những chữ có sức mạnh công phá dữ dội vào trong tiềm thức của người đọc. Nó phá hủy toàn bộ ý thức nghiêm chỉnh, đứng đắn do việc tác giả đem lòng yêu nước của phía bên này ra định lượng và coi đó là mẫu mực là thước đo để đánh giá về phía bên kia! Tệ hơn, nó còn tạo ra sự ngăn cách, khác biệt từ một câu nói vô ý thức của môt Nguyễn đăng Quang nào đó, được dùng làm mệnh đề chính yếu cho một bài viết rơi đúng vào thời điểm nhạy cảm. Đó là thời điểm mà những người từ miền nam đang tổ những nghi thức tù gia đình, hay tập thể để tưởng nhớ đến những con dân của Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến chông Trung cộng xâm lược ở Trường Sa vào ngày 17-1-1974.

Ngày đó, những người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đã lấy chính máu xương của mình ra để bảo vệ vùng trời, và biển đảo của quê hương. Sự hy sinh của họ đối với dân tộc Việt Nam là một sự hy sinh vô bờ bến. Một sự hy sinh phải được ghi vào trong sử sách. Một sự hy sinh mà mọi người khi nghe nhắc đến phải cúi đầu, nghiêng mình kính cẩn cảm phục, chứ không phải là một sự hy sinh được đùa giỡn và bày vẽ ra bằng một thứ ngôn ngữ thiếu văn hóa và lễ giáo mà Huy Đức viết lại là: "Hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”. Phải khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa, 19-1-1974, ông Nguyễn Đăng Quang - một thành viên của phía Hà Nội trong "Phái đoàn liên hiệp quân sự 4 bên" thi hành Hiệp định Paris (1973) mới nhận ra diều này. Họ ở đây là các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bên mà cho đến nay, nhiều người vẫn gọi là phía "ngụy"! ( hết trích) Và chữ “chúng ta”, dĩ nhiên, được hiểu là bao gồm tất cả hàng ngũ cán cộng nhớn nhỏ từ trung ương đến địa phương. Không có một người dân Việt Nam nào ở trong chữ chúng ta này.

Tại sao tôi phải làm công việc phân biệt rõ ràng như thế sau khi tác giả HD giải thích về chữ “ họ”!

Trước hết, thử hỏi xem. nếu không có chữ “ hóa ra” người miền nam lại là ai đây? Họ (phía người cộng sản) đã đứng ở cứ điểm nào, tựa vào những văn bản làm nền tảng nào để tự đề cao lòng “ yêu nước” của phía mình, rồi ung dung, đánh giá hoặc phỉ báng lòng yêu nước của phía bên kia và gọi họ là “ngụy”? Xin nhớ, chữ “ngụy” ở đây được họ dùng theo một ý nghĩa cực kỳ xấu sa, đểu cáng, là ám chỉ cả miền nam là những tay sai cho thực dân, đế quốc, là những kẻ bán nước cầu vinh, tàn xát đồng bào mình. Còn họ đã tự cho họ là ai đây? Là những ngưòi “ yêu nước”, là một bầy đàn nô lệ hay phản bội tổ quôc, phản bội dân tộc Việt Nam?

Tôi không viết ra câu trả lời có sẵn về họ là ai. Nhưng xin trích ra một vài bản văn nền tảng trong kho tàng lịch sử và tài liệu của họ, bao gồm những bản văn định nghĩa về lòng yêu nước thương nòi của những lãnh tụ vĩ đại của họ như Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng ,Trường Chinh viết ra, để thay cho câu trả lời. Đây là những văn bản lịch sử, được coi là bảo vật, là linh hồn của đảng rồi trở thành nền tảng trong tư duy và hành động của họ. Nó là kim chỉ nam trong mọi sinh hoạt của họ. Hơn thế, là sự tự hào về lòng yêu nưóc, thương nòi khác người của họ đấy..

1. Bản văn về chuyện ra đi tìm đường cứu nước, hay đi xin làm công cho ngoại bang của HCM.

Người Việt Nam đã được nghe đảng cộng sản ra rả tuyên truyền về chuyện ra đi tìm đường cứu nước của HCM . Nhưng thực tế chuyện tìm đường cứu nước ấy ra sao, chưa có mấy người nắm vững. Ở đây, xin mời qúy độc giả đọc vài văn bản do HCM viết về hành trình “cứu nước” của ông ta, xem nó thê lương, ảm đạm như thế nào. Và rồi nó được đảng cộng sản đánh bóng lừa phỉnh ngưòi dân ra sao.

Thư Hồ chí Minh xin được trả lương $100 đô la Mỹ một tháng. gủi BCH quốc tế cộng sản.

Từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau 3 tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định. Vậy chuyến đi sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu.

A- Thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.

B- Thông báo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa này.

C- Tiếp xúc với các tổ chức đang tồn tại ở đó, và

D- Tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.

Tôi hành động thế nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Số tiền cần thiết cho sự ăn ở của tôi sẽ là bao nhiêu? - Hẳn là tôi sẽ phải đổi chỗ luôn, duy trì những mối liên hệ với các giới khác nhau, trả tiền thư tín, mua những ấn phẩm nói về Đông Dương, tiền ăn và tiền trọ, v.v., v.v.. Tôi tính rằng, sau khi tham khảo ý kiến các đồng chí người Trung Quốc phải có một ngân sách xấp xỉ 100 đôla Mỹ mỗi tháng, không kể hành trình Nga - Trung Quốc (vì tôi không biết giá vé).Ngày-4-1924 Hồ chí minh toàn tập, tập 2.

Vậy mà đảng ta cứ vênh váo tuyên truyền là “ bác” đi tìm đường cứu nước. Ai ngờ “ bác” đi làm công và xin được trả lương tháng là 100 đô la Mỹ. Mà lại xin tiền Mỹ chứ không phải là tiền Liên Sô hay là nhân dân tệ mới lạ! Xin hỏi nhà văn Huy Đức là, theo tinh thần của lá thư này, tác giả lá đơn xin việc này là kẻ đi làm thuê đánh mướn haylà người đi tìm đưòng cứu nước đây?

Kế đến, Thư ngày 06-6-1938, Hồ gởi Stalin. “Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó, hay là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi một việc làm gì mà theo đồng chí cho là có ích. ( Với Stalin vào thời điểm ấy, việc giết người hàng loạt cũng là việc có ích?)( HCM toàn tập, tập 3 trang 90). Nếu lá thư trên chưa dủ chứng minh Hồ là kẻ xin đánh mướn chém thuê, thì lá thư này có đủ khả năng chứng minh cho công việc ấy hay không? Khiếp thật! Lãnh tụ nhớn đã vào nghề như thế, hậu duệ của y thế nào đây nhỉ?

2. Bản văn cốt cán trình bày về lòng yêu nước thương nòi của HCM.

Vào ngày 31-10-1952 . Hồ chí Minh đã nổi tiếng khắp năm châu với lá thư sau: “Đồng chí Stalin kính mến, Tôi gởi cho đồng chí đề án cải cách ruộng đất của đảng Lao Động Việt Nam ( tên của đảng cộng sản lúc bấy giờ). Đề án này tôi đã hoàn thành với sự giúp đỡ của hai đồng chí Liu Shaoshi và Van szia-Sian. Đề nghị đồng chí tìm hiểu và đưa ra chỉ thị về đề án này”.

Lá thư này đã chứng minh rõ ràng và sắc nét nhất về lòng yêu nước thương dân của Hồ chí Minh. Bạn đã rùng mình dợn tóc gáy lên chưa? Hỏi thử xem, khi viết lá thư này, Hồ có coi tập thể người Việt Nam là đồng bào với Y hay không? Hay mạng sống của người dân Việt sẽ tuỳ thuộc vào việc Hồ được trả tiền lương là 100 đô la Mỹ hay là nhiều hơn hoặc ít hơn như Y đã xin. Tôi không biết rõ ông ta đuợc trả lương tháng là bao nhiều, nhưng biết chắc cái kết quả xem ra là vô cùng thảm khốc cho dân mình. Bởi vì kế haọch cải cách ruộng đất sau khi được chấp thuận, chỉ có hơn 270000 ngàn người Việt Nam chết trong vụ tổng đấu tố theo đơn xin của Hồ với sự phụ giúp của hai “ quan” cố vần Trung Cộng thôi. Còn việc nướng hàng triệu thanh niên vào cuộc chiến đánh miền nam cho Trung Cộng và liên Sô theo lời của Lê Duẩn là chưa tính tới! Nay bạn đã hiểu rõ lòng yêu nước thương nòi của “ bác” chưa?

3. Bản văn về việc bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ.

Trên là những lá thơ yêu nước nồng nàn của HCM. Và đây, văn bản của thủ tướng thuộc phe của tác gỉa Huy Đức đã nêu cao phương cách bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước cho toàn đảng noi theo đây:

“CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ CÔNG NHẬN QUYẾT ĐỊNH VỀ HẢI PHẬN CỦA TRUNG-QUỐC

Thưa đồng chí Chu Ân-lai,

Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa,

Chúng tôi xin trân trọng thông báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.

Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958

PHẠM VĂN ĐỒNG”

4. Bản văn xác định về chủ quyền và Độc Lập của Tổ Quôc của cộng sản VN.

Và đây, văn bản chính thức trình bày về việc xác định sự độc lập cho tổ quốc CHXHCHVN do TBT đảng cộng sản ấn ký. Nó là bản văn nền tảng hướng dẫn cho mọi sinh hoạt của đảng sau này để cho Việt Nam mau chóng được thu nhận là một chư hầu cho ngoại bang và đưa toàn dân Việt Nam ta vào vòng nô lệ cho Tàu khựa đây. Nó cũng chính là lòng tự hào, và là niềm hãnh diện to lớn nhất của đảng, của tất cả mọi thế hệ đoàn đảng viên CS và cán bộ của nhà nưóc CHXHCHVN đấy!

Việt Minh Vận Động cho Việt Nam làm Chư Hầu Trung Quốc

ỦY BAN HÀNH CHÁNH KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG Hòa

Hỡi đồng bào thân mến!

Tại sao lại nhận vào trong nước Việt Nam yêu mến của chúng ta, là một nước biết bao lâu làm chư hầu cho Trung quốc, cái thứ chữ kỳ quặc của bọn da trắng Tư Bản đem vào! Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ ải Nam Quan đến mủi Cà Mau, cách viết chữ dị kỳ của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế ?

Không, đồng bào của ta nên loại hẳn cách viết theo lối âu tây ấy – một cách viết rõ ràng có mau thật đấy – và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc.

Vả chăng, người Trung Hoa, bạn của ta – mà có lẽ là thầy của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế – có phải là dân tộc văn minh trước nhất hoàn cầu không?

Còn nói gì đến y khoa của Âu Mỹ: Chúng chỉ cắt, đục, khoét, nạo! Có thế thôi! Hỡi đồng bào yêu mến! Chúng ta hãy gạt bỏ cách chữa bệnh của bọn Ðế quốc phương Tây đem qua xứ ta! Ta hãy bỏ nhà bảo sinh của chúng, bỏ bệnh viện của chúng, ta hãy dùng thuốc dán của ông cha ta để lại và nhất là dùng thuốc Tàu danh tiếng khắp cả hoàn cầu. Ta hãy trở về phương pháp này, trước nữa để ủng hộ các bạn Trung Hoa, sau nữa để loại ra khỏi nước Việt Nam yêu mến của ta bao nhiêu những đồ nhập cảng thực dân như là khoa hoc, phát minh v.v.

Ta hãy quét sạch lủ “trí thức” đã xuất thân ở các trường Âu Mỹ, đế quốc và thực dân! Chúc “Tổng phản công” và “Thi hành mọi phương pháp bài trừ thực dân”.

Trường Chinh , Tổng thư ký đảng Lao Ðộng ( cộng sản)”

Sử sách sau này sẽ bình luận ra sao về lòng yêu nước của cộng sản đặt nền tảng vào lý thuyết tam vô và những bản văn dẫn chứng này? Họ là thế, nhưng phía ngưòi miền nam nói riêng, ngưòi Việt Nam nói chung, lòng yêu nước của họ đặt trên những nền tảng nào?

5. Những bản văn liên quan đến lòng yêu nước thương nòi của miền nam từ 1954-1975.

Diễn văn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu nhân dịp khánh thành Đập Đồng Cam ở Tuy Hòa vào ngày 17 tháng Chín, 1955:

Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc là. Tôi có thể trân trọng và viết đầy đủ dòng chữ Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhưng không bao giờ viết đầy đủ, chức vụ cũng như cái tên của Hồ chí Minh, không phải tôi là người kỳ thị, có đôi xử không công bằng. Nhưng, một kẻ đã viết thư xin phép ngoại bang để di giết dân Việt Nam thì thật không dáng để cho tôi viết ra cái tên ấy với chút lòng trân trọng, nên những Trường Chinh , Phạm văn Đồng cũng thế)

“Chúng ta hiện nay đang tiếp tục cuộc chiến đấu lớn lao để hoàn thiện nền độc lập của quốc gia chúng ta và để đảm bảo tự do của nhân dân chúng ta. Cuộc đời của chúng ta, tự do của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta và cuộc đời, tự do, và hạnh phúc của con cháu chúng ta đều phụ thuộc vào cuộc chiến đấu này. Nếu Việt Minh thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta sẽ biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là một tỉnh phía nam của Trung Cộng. Hơn nữa nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi sống dưới ách độc tài do Mạc Tư Khoa, Trung cộng tạo ra và sẽ bị tước mất tôn giáo, tổ quốc và gia đình.” Nguồn: Major Policy Speeches by President Ngo Dinh Diem

6. Và đây là một nhận xét của người ngoài nói về vị nguyên thủ này và về HCM nữa.

TT R. Nixon viết: Không giống Hồ, Diệm là một người yêu nước chân chính. Diem quyết tâm duy trì độc lập chủ quyền và thường phản bác hoặc không quan tâm đến những ý kiến của các cố vấn người Mỹ. Nói chung, ông tự hào là một người quốc gia không chịu nghe theo những chỉ thị đến từ người Mỹ cũng như trước đây từ phía người Pháp. No more Viet Nam, Richard Nixon 57-62

Phần TT Thiệu, Tuy không có được cái nhìn sâu sắc như TT Diệm, nhưng ông đã để lại cho đời, không phải chỉ cho Việt Nam thôi đâu, mà cho tất cả, một câu nói đủ làm vốn sống cho mọi ngưòi. Bởi vì nó còn đúng cho đến vạn vạn đời là: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, nhưng hãy nhìn kỹ những gì chúng làm”?

Lạ qúa. Tôi tìm kiếm mãi, mà không phải chỉ có một mình tôi, nhưng có lẽ tất cả mọi nhà văn nhà báo trên thế giới, kể cả những bút nô cực bỉ tiện của CS, cũng không ai, hay không có thư viện nào ghi, lưu lại được một câu nói, một văn bản nào của TT Diệm để người ta có thể hiểu ra rằng ông ta cũng đi xin việc, van lạy ngoại nhận thu nhận như một kẻ làm công và hứa, nếu được chủ nhân trả tiền thì ông ta có thể làm bất cứ diều gì mà chủ nhân cho là có ích như HCM đã làm, Nhưng chỉ thấy sử, sách còn ghi. Ông ta đã từ bỏ chức Thượng Thư bộ lại vào năm 31 tuổi với số tiền lương bổng lên đến 400 đồng bạc ( có thể tiền lương này lớn gấp mười lần lương của một quan huyện vào lúc bấy giờ?) chỉ vì phản đối sự chuyên quyền của viên Công Sứ Pháp! Rồi cũng không có bất kỳ người nào ghi nhận được hay tìm ra vài chữ trong các văn bản của ông ký với cái lời lẽ, hay có chút nội dung như Hồ đã trình với Sta lin. Trái lại, chỉ thấy ông cam nhận cái chết để bảo toàn sự Độc Lập, chủ quyền của đất nước.

Rồi với TT. Thiệu cũng thế. Không ai có thể tim ra bất cứ một mẫu văn bản bán nưóc nào như Phạm văn Dồng đã viết. Hoặc gỉa, cũng không thể tìm ra bất cứ một câu một chữ nào xin làm chư hầu, làm nô lệ cho ngoại bang như như Trường Chinh đã viết thay mặt cho đảng của Y. Như thế, nếu chỉ đem vài điểm này ra so sánh thì HCM với NĐD khéo là một cách biệt đối kháng tuyệt đối. Một bên là con cú đầy hôi hám trong bóng tối và một bên như phượng hoàng giữa lưng mây nhỉ? Tuy tế, tôi không cho rằng, những bản văn này là nền tảng tạo nên tư duy, hay là kim chỉ nam cho lòng yêu nước của người miền nam. Trái lại, đó chỉ là một phản ảnh tích cực trong tinh thần yêu nước của người miền nam Việt Nam mà thôi.

Như tôi đã viết ở trên và cộng sản cũng từng hãnh diện và tuyên truyền là. “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” . Nghĩa là lòng yêu nước của họ dựa vào những điểm tất yếu của chủ nghĩa tam vô. Vô gia đình vô tôn giáo vô tổ quốc của K. Mark.và được thực hiện bởi chủ nghĩa bạo tàn và gian trá của Lê Hồ Mao. Với họ, chỉ có một thế giới đại đồng mà thôi. Đó là lý do, Lê Duẩn tuyên bố khi đi Bắc Kinh là: “cuộc chiến này là đánh cho Liên Sô, đánh cho Trung quốc, cho xã hội chủ nghĩa”. Nhưng mỉa mai thay, nó lại được chôn vùi dưới một chiêu bài vô đạo để lừa dối người dân miền bắc là đi“ chống Mỹ cứu nước”. Nên từ bản chất lòng yêu nước của họ đã là giối trá. Bởi vì, nếu Hồ chí Minh, Lê Duẫn công bố những bản văn trên cho toàn dân miền bắc biết. Và phát lại trên đài phát thanh, được loan truyền rộng rãi trên báo chí tại miền bắc cùng hay. Hỏi xem, có một ngưòi Việt Nam nào gia nhập vào đoàn sinh bắc tử nam hay không? Tôi cho là sẽ không có một ngưới nào cả, và CS miền bắc cũng không có đủ khả năng làm nhà tù để giam giữ những người thanh niên Việt Nam nhất quyết không lên đường vào đánh miền nam cho Trung cộng và cho Liên Sô. Bởi vì, người Việt Nam yêu tổ quốc bằng truyền thống bằng lịch sử, bằng dòng mau hào hùng chống ngoại xâm của cha ông. Nên có khi nào họ vào đánh miền nam để mở đầu cho cuộc làm nô lệ cho Trung cộng theo ý của tập đoàn gian trá này?

Trong khi đó, lòng yêu nươc của của đồng bào và của quân cán chinh miền nam sáng tỏ như ánh đèn trời cao sang. Đặt trên nền tảng của lương tri và quán tính của dân tộc. Bắt nguồn từ dòng lịch sử có từ hơn bốn ngàn năm trước. Lòng yêu nươc của họ khởi đi từ dòng máu hào hùng của tiền nhân. Bước đi của họ được soi sáng, được dẫn lối bằng những tấm gương xả thân cho đại nghĩa. Họ noi theo dấu chỉ của những anh hùng Trần bình Trọng, Lý thuờng Kiệt đến những đấng quân vương như Ngô Quyền, hai bà Trưng. Như đức Hưng Đạo Vương, đức Lê thái Tổ, Đức Quang Trung, tất cả chỉ vì tiền đồ của Tổ Quốc và sự trường tồn của dân tộc Việt mà tiến bước. Đơn giản hơn, lòng yêu nước của họ “ vươn cao trên đỉnh thác trảm Hoàng Thao”. Họ yêu thanh bình, trọng đạo nghĩa, giữ trọn luân thường đạo lý, bảo tồn nền văn hóa nhân bản của dân tộc. Biên cương đã có định phận. Họ không xâm lấn ai, nhưng mảnh đất của tiền nhân để lại, cũng không để một kẻ nào có thể xâm phạm. Họ được tôi luyện bằng ý chí quật cường theo truyền thống của cha ông. Họ đã sống, họ đã yêu vì cuộc sống trường tồn của nòi giống. Họ sống và yêu nước bằng lối sống thuần lương, trung hậu của dân tộc.

Như thế,, lòng yêu nước của miền nam nói riêng và của người Việt Nam noi chung, hoàn toàn khác biệt và đối kháng với cái lòng yêu nước của tập đoàn cộng sản. Một bên là duy lý dối trá và biện chứng duy vật. Một bên là lương tri chân thật và tinh thần nhân bản. Sự khác biệt này giống như nước với lửa. Như trời với đất. Như thiên đàng và địa ngục. Nên dù cộng sản có cưỡng đoạt ngôn từ và gọi xã hội của họ là thiên đường cộng sản thì nó vẫn là một thứ địa ngục khủng khiếp có thật trên trần gian. Nó khủng khiếp đến nổi mọi người đều muốn xa lánh nó. Vì ở đó chỉ có đảng quyền, đảng lợi. Không bao giờ có dân quyền và dân lợi và dân sinh.

Đã là một khác biệt đối kháng nhau như thế, làm sao có thể đem ra so xánh? Làm gì có chuyện ” hoá ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”. Nói thế là sai rồi, muốn so sánh thì câu nói ấy phải là: “ Hóa ra, chúng ta chỉ là một lũ bạo tàn, không tim óc. Không hề biết đến lòng yêu nước theo nhân bản tính như họ!”. Đó mới là một phản ảnh đứng đắn. Ngoài ra chỉ là giả dối, lừa gạt. là kệch cỡm, vô tri luận.

Vì không biết mình, cũng chẳng biết ngưòi, chỉ tựa vào chủ nghĩa hung tàn nên họ đã mở ra cuộc đấu tố tàn sát hàng trăm ngàn người dân vô tội. Một cuộc tàn sát thô bạo, man rợ đáng nguyền rùa thì HCM lại vênh váo là một chiến thắng long trời lở đất! Hỡi ơi, Giết hàng trăm ngàn ngưòi dân mà công bố là một chiến thắng long trời lở đất thì thật khó mà chứng minh cho cái tư duy và hành động ấy là của một con ngưòi!

Cũng thế, chính vì khác biệt trong nền tảng của lòng yêu nước nên mới có hàng chục Nghĩa trang liệt sỹ Trung cộng với tường cao, tượng đài lừng lẫy, đứng sừng sững giữa lòng đất Việt Nam và được các cấp lãnh đạo của họ cúng tế đủ bốn mùa. Trong khi đó, hàng hàng chiến binh Việt Nam bị tàn phế vì cuộc chiến 1979 lê la ở đầu đường đường xó chợ để khất thực qua ngày. Và người chết thì không có mồ chôn thây, hoặc giả, chỉ có hàng hàng lớp bia tàn nhang lạnh! Hoặc chỉ thấy con cháu của Hưng Đạo Vương, Quang Trung của hai bà Trưng như Điếu Cày, Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Minh Hạnh, Hà Vũ, Công Định, Duy Thức hay Việt Khang, Nguyên Kha, thậm chí một em bé 20 tuổi đời như Phương Uyên phải lê la trong chốn nhà lao của bác đảng vì chống Tàu tranh đấu cho Công Lý và Nhân Quyền! Nhìn những cảnh lạ này, không biết tác giả của “ Hoàng Sa và Hoà Giải Quốc Gia” và phía bên kia có hãnh diện và tự hào về lòng yêu nước với bác đảng không?

Tiếc rằng, nhiều người Việt Nam cứ tưởng sau nhiều năm, được tinh thần nhân bản của miền nam giáo hóa, cái tư duy bán nước, xin làm nô lệ của những tập thể đi trước sẽ cùn dần đi trong lớp đến sau. Nhờ đó, họ sẽ khá hơn đôi chút. Nào ngờ, vẫn một cái mũ cối úp chụp lấy mặt và họ vẫn hãnh diện đi theo cái giây rợ nô lệ dẫn đường! Như thế, con đường Hóa Giải duy nhất cho vấn đề của Việt Nam hôm nay là con đường mà TT Boris Yelsin đã vạch ra “ Cộng sản không thể sửa chữa, nhưng phải đạp đổ nó”. Nóí cách khác, chỉ có một con đường Hóa Giải duy nhất cho những tồn đọng của dân tộc Viêt Nam từ mấy chục năm qua là phải Chôn Nó Đi.

Hãy Chôn Nó Đi. Vì lúc chôn nó đi cũng là lúc tống táng tất cả những văn bản man rợ làm nền tảng cho cái chế độ ấy đi. Để từ đó, tất cả mọi ngưòi Việt Nam đều có cơ hội chung tay xây dựng lại một Việt Nam trong thanh bình. Ở đó là một chế Cộng Hòa. Ở đó là Tự Do Dân Chủ. Ở đó là một quốc gia Độc Lập có chủ quyền. Ở đó, quyền tự do Tôn Giáo, quyền tư hữu của tập thể, của cá nhân được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Ở đó Công Lý, Nhân Quyền được luật pháp minh danh thực thi. Để ở đó, yêu nước là sự thể hiện tình yêu thương đồng bào, là yêu nghĩa dân tộc, là bảo vệ chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của Quốc Gia. Là “ bầu ơi thương lấy bí cùng”, đồng thời cũng là sự thể hiện nền văn hóa nhân bản hiền hoà, hiếu khách của dân tộc ta bằng phong cách ôn nhu và ngôn từ đạo lý.

Đó chính là con đường Hóa Giải duy nhất, đòi buộc chúng ta, không trừ ai, phải thực hiện một cách đứng đắn trong thời của chúng ta. Khi chúng ta thực hiện con đường Hóa Giải này thì cũng chính là lúc chúng ta cử hành nghi thức truy điệu anh linh các bậc tiền nhân, những người đã hy sinh vì Tổ Quốc một cách nghiêm chỉnh nhất, hoàn thiện nhất. Và đó cũng chính là sự thể hiện lòng yêu nước của chúng ta.

Xương trắng tiền nhân xây đất mẹ,

Máu hồng con cháu giữ quê hương

Bảo Giang

1-2014.
 
Hoàng Sa thuộc Tổ quốc Việt Nam
Hà Minh Thảo
18:40 17/01/2014
HOÀNG SA THUỘC TỔ QUỐC VIỆT NAM

Hàng năm từ 1975, cứ đến ngày kỷ niệm cuộc Hải chiến tại Hoàng Sa, chúng tôi tưởng nhớ đến phần đất này của Tổ Quốc cũng như các chiến hữu Hải Quân Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm, đơn phương chống lại Trung cộng xâm lược và bá quyền. Đơn phương vì, khi ký Hiệp định Paris 1973, Hoa kỳ và chính Trung cộng (TC, tức Trung quốc) đã hứa tôn trọng tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Tổng thư ký Liên hiệp quốc và nhiều cường quốc khác cũng đã ký phụ đính cam kết bảo đãm việc thực thi Hiệp định : mực chưa ráo, họ đã nuốt lời hứa. Cộng sản Bắc Việt im lặng trước biến cố tang thương này.

1.- ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.

Việt Nam đã thực hiện chủ quyền thật sự, hòa bình và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi hai quần đảo đó chưa chiếm hữu bởi một quốc gia nào. Từ thế kỷ XVII, Chính quyền Việt Nam đã luôn thi hành các biện pháp để bảo vệ những phần lãnh thổ này và quyền lợi của Tổ Quốc đối với hai quần đảo thiêng liêng của mình.

Tại Hội nghị San Francisco (Hoa kỳ từ 01 đến 08.09.1951), các quốc gia Đồng minh trong Đệ nhị thế chiến để thảo luận tình hình tại Á châu - Thái bình dương và mở ra quan hệ với Nhật bản thời hậu chiến, với sự tham dự của các phái đoàn đến từ 49 nước. Tại đây, ngày 07.09.1951, trưởng phái đoàn Việt Nam, Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu tuyên bố: « Chúng tôi cũng trình bày những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị chứng nhận… Vì cần phải thành thật sử dụng mọi cơ hội để diệt trừ những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ». Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam không gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào từ các quốc gia tham dự Hội nghị.

Trước đó, do tình hình rối ren khi Nhật đầu hàng Đồng minh và việc giải giới quân Nhật theo Hiệp định Postdam 1945, Trung Hoa Dân Quốc (còn gọi là Đài Loan, ngày nay) đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) vào cuối năm 1946. Sau đó, nước này rút quân khỏi Hoàng Sa, và Nhật rút quân khỏi quần đảo này theo Hòa ước San Fransisco 1951 nói trên.

Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị tồn tại trong giai đoạn 1949-1956, ra đời sau Hiệp ước Elysée ngày 08.03.1949 giữa Pháp và Quốc trưởng Bảo Đại, xóa bỏ Hiệp ước Patenôtre và chấp nhận việc sáp nhập Nam kỳ vào Quốc gia Việt Nam ngày 14.06.1949. Do Quốc trưởng bổ nhiệm vào chức Thủ tướng, ngày 07.07.1954, ông Ngô Đình Diệm trình diện Chánh phủ với quốc dân. Nhân cơ hội Cao ủy Pháp Paul Ély mãn nhiệm và về Pháp ngày 20.06.1955, Thủ tướng Diệm yêu cầu Pháp chỉ cử Đại sứ và phải được Việt Nam chấp nhận trước như các nước khác. Ông cũng yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước và quân nhân Pháp cuối cùng rời Việt Nam ngày 28.04.1956. Được sự ủy nhiệm của cử tri qua cuộc Trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955, ông Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống và tuyên bố nền Cộng hòa cho Việt Nam với Hiến pháp ngày 26.10.1956. Năm 1961, Chính phủ VNCH hòa ban hành Sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam.

Trong khi đó, ngày 20.07.1954, Hiệp định Genève chia đôi Quê Hương và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền Quốc gia Việt Nam.

Ngày 04.09.1958, Trung cộng công bố bản Tuyên ngôn Lãnh hải 4 điểm về việc mở rộng vùng lãnh hải lên 12 hải lý, tức chủ quyền họ trên các quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa), Đài Loan, Tây Sa (tức Hoàng Sa), Trung Sa (tức bãi Macclesfield), quần đảo Bành Hồ (Pescadores). Lúc đó, Trung cộng viện trợ cho Bắc Việt chuẩn bị xâm lăng VNCH. Ngày 14.09.1958, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký Công hàm ‘ghi nhận và tán thành Tuyên ngôn ngày 04.09.1958 của TC và ngày 21.09.1958, Nguyễn Khang, Đại sứ VNDCCH tại Bắc kinh, đã gặp Cơ Bàng-phi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TC để trình công hàm. Ngày 22.09.1958, báo Nhân Dân đăng công hàm này để thông báo cho dân biết, không đại biểu quốc hội hay người cộng sản nào lên tiếng. Năm 1960, Mặt trận giải phóng Miền Nam, do Bắc Việt thành lập, để tiến chiếm VNCH, cướp đi hàng triệu sinh mạng đồng bào vô tội hai Miền Việt Nam. Trong thời gian 1964-1970, hai Hải quân VNCH và TC thường xuyên chạm súng tại hải phận Hoàng Sa nhưng không có thương vong. Trong thời gian đó, VNCH đã thiết lập một phi trường nhỏ tại đảo Hoàng Sa.

Năm 1970, Đô đốc Elmo Zumwalt, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa kỳ tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn Đệ thất Hạm đội Mỹ, cho thấy ‘sự kiện trao đổi giữa Hoa kỳ và TC này là nguy cơ cho VNCH trong việc bảo vệ Hoàng Sa’. Ngoài ra, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến VNCH tại Hoàng Sa được rút về đất liền và một trung đội Địa phương quân trấn giữ nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Ngày 17.02.1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới TC hội kiến Mao Trạch Đông mà vấn đề chính là việc bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước. Nhưng, cuộc chiến tại Việt Nam cũng được đôi bên bàn thảo. Hoa kỳ hy vọng được sự trợ giúp đỡ của TC để sớm chấm dứt cuộc chiến và ‘ra đi trong danh dự’. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Hoa kỳ rút quân và thiết bị khỏi quần đảo Hoàng Sa và họ xem việc bảo vệ quần đảo là việc riêng của VNCH. Đây là điều hiển nhiên.

Ngày 11.01.1974, Bộ Ngoại giao TC ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang thuộc chủ quyền VNCH, là một phần lãnh thổ của họ. Để hậu thuẫn cho lời tuyên bố vô căn cứ, TC phái nhiều tầu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có quân nhân VNCH trấn giữ. Lập tức, ngày 12.01.1974, Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động xâm lăng gây hấn của TC. Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH cho tăng cường chiến hạm tuần tiễu tại vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó, chỉ có một trung đội Địa phương quân thuộc chi khu Hòa vang, tiểu khu Quảng nam, đóng tại đảo Hoàng Sa cùng với 4 nhân viên thuộc đài khí tượng. Trong các ngày kế tiếp, TC tiếp tục đổ người lên các đảo khác. Tính cho đến ngày 15.01.1974, quân TC đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond).

2.- HẢI CHIẾN HOÀNG SA NĂM 1974.

Sáng 15.01.1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 rời bến Tiên Sa, dưới những tia nắng yếu ớt của một ngày cuối đông... đang xuôi Nam kết thúc một chuyến công tác như lịch trình... những người lính biển ước mơ những chiều bách phố Sài gòn bên người yêu... Nhưng, buổi tối, lại nhận lệnh mới: sáng mai, HQ 16 phải chở ra Hoàng Sa một phái đoàn (gồm 1 thiếu tá trưởng đoàn, 1 cố vấn dân sự Mỹ, 2 trung úy và 2 trung sĩ công binh) của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, nhằm khảo sát để thiết lập một phi trường có khả năng tiếp nhận các vận tải cơ hạng nặng C-47 Caribou trên đảo Hoàng Sa để chuyển quân nhanh ra nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Chuyến hải hành phụ trội này được dự trù kéo dài không quá 5 ngày. Chiến hạm đến vùng Hoàng Sa khi trời đã tối. Len lỏi giữa những đảo nhỏ đầy những bãi san hô ngầm bao bọc chung quanh, với tầm nhìn hạn chế, HQ 16 rất thận trọng tiến đến đảo Hoàng sa (Pattle), thả trôi cách đảo 1 hải lý về phía Nam.

Sáng ngày 16.01.1974, sau khi đưa phái đoàn Quân lực VNCH lên đảo để thi hành công tác của họ, HQ 16 trở ra biển khơi để chờ ngày vào đón họ về đất liền. Chiến hạm được thả trôi trong vùng biển yên lặng. Lúc quá trưa, sĩ quan trực phiên 12g-16g, từ đài chỉ huy chiến hạm, khi đưa ống nhòm lên quan sát thì nhìn thấy một chiếc tàu đang lửng lơ đậu bên cạnh đảo Cam tuyền (Robert) và ra lịnh giám lộ viên đánh đèn hỏi và, đồng thời, cho nổ máy tàu, quay mũi, trực chỉ phía Nam. Không nhận được trả lời. Sĩ quan trực phiên, sau khi hội ý với Hạm trưởng, đã cho lịnh khai hỏa khẩu đại liên 30 ly, vừa để gây sự chú ý, vừa có ý đuổi nó đi khỏi đảo. Tiếng súng nổ làm cả tàu địch thức giấc, nhưng vẫn không nhúc nhích. HQ 16 đã đến gần mục tiêu hơn, các ống nhòm nhìn thấy: ‘nền cờ đỏ và 5 ngôi sao vàng ở phía góc: tàu TC’. Lập tức, Hạm trưởng khẩn báo về Trung tâm Hành quân Hải quân Đà nẵng và xin chỉ thị, đồng thời cho nhân viên dùng tay, dùng cờ, dùng máy phóng thanh phát bằng tiếng Tàu để yêu cầu nó ra khỏi hải phận Việt Nam. Nhưng tàu địch không trả lời. Một lúc sau, họ cũng dùng loa phóng thanh cầm tay để yêu cầu ngược lại: ‘HQ 16 phải rời khỏi hải phận TQ’.

Sáng ngày 17.01.1974, thêm một tàu khác xuất hiện cạnh đảo Vĩnh Lạc và cả trăm cờ TC đã được cắm dọc bờ biển trên vùng cát trắng. Đó là hai tàu chiến loại Liệp tiềm đĩnh số 274 và số 271 của Hải quân TC. Lối 14 giờ, Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 nhập vùng tranh chấp với một trung đội người nhái và hành động ngay. HQ 4 từ phía Nam đảo Vĩnh Lạc chạy lên, HQ 16 từ đảo Hoàng sa xuống như hai gọng kềm kẹp chặt hai chiếc tàu TC vào giữa. Hai tàu TQ đành nhượng bộ, mở máy chạy về phía Nam hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Sau đó, HQ 4 cho đổ bộ các người nhái lên đảo Vĩnh Lạc, nhổ cờ TC và cắm cờ VNCH. HQ 16 cho đổ bộ 15 nhân viên cơ hữu lên đảo Quang Hòa. Chiều hôm đó, hai chiến hạm TC loại Konstrat (Tảo lôi hạm) số 389 và số 391 do Liên Sô chế tạo, xuất hiện, lẩn quẩn ở hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

Ngay tối hôm đó, các đài truyền thanh và truyền hình phát đi Bản tuyên cáo của Chính phủ VNCH: « Bộ Ngoại giao, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa là vùng lãnh thổ không thể chuyển nhượng của mình, căn cứ trên thực tại và các chứng cứ trong lịch sử. Đồng thời, tố cáo trước dư luận quốc tế việc lấn chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng của TC. Để giải quyết vấn đề, Chính phủ VNCH đề nghị cả hai cùng đưa vấn đề ra xét xử trước tòa án quốc tế La Haye ». Dĩ nhiên, phía TC giữ im lặng, không hồi đáp.

Sáng ngày 18.01.1974, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 nhập vùng và trở thành Soái hạm vì, trên đó, có sự hiện diện của Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Hoàng Sa. Nhập vùng sau cùng là Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10. Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ10 tham chiến với một trên hai máy còn hoạt động. Trong ngày, Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1 trong kế hoạch hành quân tái chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Lệnh hành quân do Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Hoàng Sa gởi cho các chiến hạm vào những giây phút đầu tiên ngày 19.01.1974. Mục đích: tái chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Mọi sự chuẩn bị phải hoàn tất để sẵn sàng tác chiến trước 6 giờ. Nhiệm vụ chính HQ 4 và HQ 5 là đổ bộ một trung đội người nhái lên đảo và nhiệm vụ HQ 16 và HQ 10 là yểm trợ hỏa lực cuộc đổ bộ. Đúng 7 giờ, trên các chiến hạm VNCH, còi nhiệm sở tác chiến vang lên và tiếng loa phóng thanh mời: ‘Tất cả vào nhiệm sở tác chiến’. Mọi người liền mang áo phao, đội nón sắt chạy đến nhiệm sở tác chiến. HQ 16 và HQ 10 mở máy tiến theo đội hình hàng dọc. Trong vòng một giờ rưỡi sau đó, mọi chuẩn bị diễn tiến tốt đẹp có thể có trên các chiến hạm này. Những báo cáo, chỉ thị và những tiếng nói của các sĩ quan thẩm quyền từ các chiến hạm bạn liên tục được truyền đến từ máy truyền tin PCR 25. Lúc 9 giờ, hai nhóm Biệt Hải VNCH được HQ 4 đổ quân lên đảo Quang Hòa, dưới sự yểm trợ hỏa lực của HQ 16 và HQ 10.

10 giờ 22, hai tàu chiến HQ 16 và HQ 10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm. Khẩu đại bác 20 ly đôi, trên Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16, với hai nồi đạn đang nằm trên giá và nòng súng thì lúc nào cũng chĩa thẳng vào tàu địch đang tiến về phía HQ 16. Khi còn cách nhau khoảng 20 mét, Hạm trưởng HQ 16 ra lệnh: ‘Lấy hết tay lái bên trái’ và tàu địch cũng đang lấy hết tay lái bên phải, khiến hai chiến hạm chạm vào nhau, mũi tàu địch đâm vào một góc nhỏ, quệt dài theo hông bên phải cho đến cuối HQ 16. Mũi nhọn chiếc neo hữu hạm HQ 16 móc vào và làm rơi bè đào thoát của tàu địch xuống biển. Sau đó, HQ 16 và HQ 10 quay mũi trở về hướng bắc vì nhận được tin báo từ một toán Biệt Hải đổ bộ đã đột nhập đảo qua máy truyền tin CR 25. Họ cho biết TC đã xây dựng những công sự phòng thủ kiên cố và một đài quan sát, được bảo vệ bởi một tiểu đoàn quân trú đóng. Lối 10 phút sau, HQ 16 nhận được lệnh của Tư lệnh/LLĐN yêu cầu HQ 16 và HQ 10 chuẩn bị để tác xạ lên đảo để yểm trợ cho toán người nhái đang bắt đầu tiến vào.

Khi được tin toán Biệt Hải bị một đại đội hải quân TC tấn công, cuộc giao tranh trên bộ làm 2 người chết và 2 bị thương, nhóm Biệt Hải được lệnh rút về HQ 5, Hạm trưởng HQ 16 đề nghị Tư lệnh/LLĐN cần làm bất khiển dụng các tàu địch hầu sẽ dể dàng hơn trong việc tái chiếm hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Sau khi thảo luận, đề nghị được chấp thuận, HQ 16 yêu cầu HQ 10 khai hỏa. Sau tiếng nổ từ khẩu 76.2 ly của HQ10, Hạm trưởng HQ 16 ra lệnh ‘tác xạ’, cả HQ 16 bị giật lùi vì tiếng khai hỏa của đại pháo 127 ly. Các khẩu đại bác 40 ly đôi trước mũi và 40 ly đơn sau lái hữu hạm và 20 ly nhả đạn liên hồi, làm mờ cả một vùng trời trên chiến hạm. Các tàu TC này di chuyển nhanh và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm HQ 4 và HQ 5 tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam.

Sau khi bắn viên vài đạn đầu, đại bác 127 ly được điều chỉnh để tác xạ chính xác hơn. Bổng cả đài chỉ huy ồ lên như ong vỡ tổ ‘Trúng rồi’. Từ HQ 16, mọi người nhìn về bên phải mũi tàu, một chiến hạm địch đang bốc khói. HQ 16 cũng đã loang lỗ với hàng trăm viên đạn nổ khắp chiến hạm. Các tàu TC di chuyển thật nhanh và phản kích dữ dội. Sau 30 phút hải chiến, HQ 10 bốc cháy và chìm, HQ16 bị trúng đạn pháo phải rút về phía tây. Hai chiếc HQ 4 và HQ 5 thương tích nhẹ, rút về hướng đông nam. Các tàu phía TC bị hư hại nặng, một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy, không đủ sức đuổi theo. Hạm trưởng HQ 10 bị thương và Hạm phó thay quyền chỉ huy. Sau cùng, HQ 10 chìm, Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng, tử trận. Hạm phó, Hải quân Đại úy Nguyễn Thành Trí, hy sinh khi hướng dẫn cuộc đào thoát.

Tối đó, hai chiến hạm HQ 4 và HQ 5 bị hư hại nhẹ lần hồi về Hải quân công xưởng Đà nẵng. Sáng sớm 20.01.1974, HQ 16 vào vịnh Tiên sa, nhưng không vận chuyển cặp cầu được, phải xin tàu dòng từ Ty Thương cảng Đà nẵng, kẹp ngang hông mà cặp cầu quân cảng Đà nẵng. Tại đây, khi kiểm tra thì được biết HQ 16 bị trúng đạn ‘Made in USA’ do hỏa lực bạn là HQ 5 bắn và làm trọng thương, nghiêng 15 độ.

Ngày 20.01.1974, tàu dầu Hòa lan ‘Kopionella’ vớt được 23 người thuộc HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Ngày 29.01.2009, ngư dân Việt-Nam đã vớt được một toán Hải quân VNCH gần Mũi yến (Qui nhơn), gồm 15 chiến sĩ HQ 16 đổ bộ lên đảo Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến. TC đã bắt giữ 48 tù binh Việt Nam và, sau đó, có trao trả tại Hồng Kông qua Hội Hồng thập đỏ.

Trong trận hải chiến, Chính quyền VNCH đã nhiều lần báo cáo tình hình với Đại sứ quán Mỹ nhưng Washington đã không có động thái hỗ trợ nào. Lúc đó,

trên vùng biển Đông, ngoài khơi Việt Nam gần với đảo Hải Nam (TC) và Hoàng Sa có mặt Hải đoàn (Task Force) 77 Hải quân Mỹ gồm hàng không mẫu hạm và các chiến hạm yểm trợ. Hải đoàn này đủ khả năng kiểm soát không và hải phận, tuy nhiên, Mỹ đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc để làm vui lòng TC.

Để được đầy đủ, chúng tôi xin ghi những chi tiết sau đây tìm được trong bài ‘Hải chiến Hoàng Sa 1974’ của Wikipedia:

- Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ tư lệnh Hải quân VNCH nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ tư lệnh Hải quân VNCH sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối. Các chiến hạm VNCH được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.

- Hôm sau, 20 tháng 1, 4 phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của VNCH trên các đảo bị mất liên lạc.

3.- KỶ NIỆM 40 NĂM BIẾN CỐ.

Nhân dịp này, đồng bào yêu nước, đặc biệt giới trẻ, phổ biến chi tiết cuộc hải chiến này và mời tưởng niệm 74 chiến sĩ Việt Nam vì Tổ Quốc vong thân cũng như những người lính Việt Nam đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt Trung vào năm 1979 và 1984 tại Trường Sa. Nhiều người trong đồng bào yêu nước này từng bị các ‘trùm’ công an đánh đập và đạp vào mặt khi tham gia các cuộc tuần hành ‘Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam’. Hy vọng, tình trạng sẽ được cải tiến hơn trong ngày 19.01.2014 này.

Số người không biết biến cố lịch sử này thật đông vì các cơ quan truyền thông đều được lãnh đạo bởi đảng cộng sản. Điển hình là Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, sinh tại Rạch Giá và đã phải tập kết ra Bắc năm 1954, lúc 11 tuổi. Năm 2013, bà từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của thủ tướng : « Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm ». Bà cho biết :

- Gần đây, bà mới biết chuyện 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa. Đây là một tệ hại đối với kiến thức bà. Cách đây ba năm giáo sư Tương Lai đã nói công khai trong buổi họp tự tổ chức với nhau tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình TP.HCM.

- Bà vô cùng xúc động, ngưỡng mộ và biết ơn những người lính VNCH đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

- Với bà, những ai đem tính mạng để bảo vệ đất nước đều được coi là anh hùng. Người lính VNCH năm xưa hy sinh bảo vệ biển đảo Hoàng Sa và người lính QĐVN hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc đều cao cả, xứng đáng được tôn vinh.

- ‘Ngụy quân, ngụy quyền, lính ngụy’. Chính bản thân bà cũng từng dùng khi kể chuyện hoặc khi viết lách mà không hiểu rõ ý nghĩa từ ấy. Dùng như một thói quen theo sách báo và các phương tiện truyền thông CHXHCNVN. Về sau một người bạn đàn anh đã giảng cho bà hiểu từ ‘ngụy’. Bà thấy xấu hổ về sự kém hiểu biết của mình và từ đó không bao giờ dám dùng nữa.

- Vừa qua có kỷ niệm chiến tranh biên giới Tây Nam, như là một bước khẳng định trở lại đường lối và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Rồi kỷ niệm ngày Trung quốc (TQ) chiếm Hoàng Sa của VNCH. Đài truyền hình Đồng Nai đã truyền đi bộ phim ‘Hải chiến Hoàng Sa’ do VNCH quay trước 1975. Đây là những động tác có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Nếu được gắn kết vấn đề Dân chủ với động lực lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược, sẽ tạo nên nguồn động lực rất lớn. Trước nay vì sợ mất lòng TQ nên ta đã né tránh sự thật. Đã đến lúc phải có một chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, mới có thể tạo nên động lực mới để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở Sài gòn gởi thư mời thành viên cùng thân hữu tham dự buổi Thánh Lễ cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 sẽ được cử hành tại Sài gòn chiều thứ Bảy ngày 18.01.2014. Hồi tưởng lại buổi cầu nguyện ngày 07.11.2013 do Đức Thánh Cha Phanxicô mời và chủ tọa để cầu nguyện Hòa bình cho Syria đã tránh sự trừng trị từ Hoa kỳ và phản công của Tổng thống Bashar Assad giết hại bao nhiêu sinh mạng vô tội.
 
Văn Hóa
Thánh Tôma và việc phê phán giáo phẩm
Vũ Văn An
04:16 17/01/2014
Có lẽ qúy độc giả đã đọc hay nghe nói việc Thánh Tôma cho rằng ta có thể sửa lỗi các giám mục, ngay cả ở nơi công cộng. Nhưng hình như nhiều người chưa đọc hết những gì Tiến Sĩ Thiên Thần nói về đề tài này. Phần lớn chỉ trích lời của ngài cho rằng: “khi đức tin bị đe dọa, một bày dưới có nhiệm vụ khiển trách giáo phẩm của mình ngay cả ở nơi công cộng”.

Nơi công cộng vào thời buổi IPAD này đương nhiên bao gồm các blogs, facebooks, twitters… và những người tạm gọi là “chuyển sĩ trực tuyến” chuyên môn “forward” bất cứ những thông tin nào nhận được trên trực tuyến. Những chuyển sĩ này hiện nay mọc ra như nấm, hành động bất cần “nhạy cảm” người đọc mà vẫn cứ tưởng là mình thực hiện việc lành cùng mình.

Tuy nhiên, phần lớn dừng lại ở câu trích trên mà không tìm hiểu thêm xem thực ra Tiến Sĩ Thiên Thần nói gì về vấn đề quan yếu này. Điều này cũng dễ hiểu vì dúi mũi vào những cuốn sách dầy cộm khô khan như Summa của Thánh Tôma quả chả thú vị chi. Nhưng nếu muốn trở thành các nhân chứng thánh thiện của đức tin, việc tìm đọc cuốn sách này gần như là một đòi hỏi tuyệt đối chứ không hẳn chỉ đọc các nhận định của người Công Giáo về các biến cố đương thời. Hiện ở ngoài kia đang có nhiều xáo trộn bất ổn và đầy nguy cơ đối với những linh hồn khiêm hạ mưu tìm thánh thiện và nhân đức. Một trong những nguy cơ đó là “trò chơi” đánh phá các giám mục. Phaolô quả có khiển trách Phêrô, nhưng chỉ có một lần chứ không phải hàng ngày.

Nếu bạn cho rằng hàng giám mục ngày nay bị vây khốn bởi các vấn nạn nhiều hơn hàng giám mục của các thế kỷ qua, thì quả bạn chưa hiểu lịch sử Giáo Hội bao nhiêu. Chỉ có điều, cách nay mấy thập niên thôi, cần đến cả mấy tuần hay mấy tháng ta mới biết được Đức Giáo Hoàng nói gì và cũng chỉ thỉnh thoảng lắm một điều gì đó mới được suy đoán là đáng để phổ biến công khai. Nay thì, theo lời nói đùa của một nhà báo Công Giáo, Đức Cha khó có thể ợ hơi mà không bị mấy con “chim chiêm chiếp” (tweet) kể cho người khác nghe! Một linh mục Công Giáo thì nhận định: hẳn ai cũng thấy các vị giáo hoàng hồi đó làm hay nói nhiều điều kỳ cục khiến ta bị xúc phạm nếu kỹ thuật ta có hiện nay đã có từ hồi đó.

Vậy thử hỏi thực sự Thánh Tôma nói gì?

Sau khi giải thích rằng vì công bằng ta có thể khiển trách một giáo phẩm, Thánh Tôma bảo ta chỉ nên làm thế như một hành vi bác ái. Ngài viết: “… một hành vi nhân đức cần phải có chừng mực theo hoàn cảnh thích đáng, do đó, khi một bề tôi chỉnh sửa vị giáo phẩm của mình, họ nên thực hiện việc đó một cách thích hợp, không nên láo xược và thô bạo, nhưng hòa nhã và kính trọng. Bởi thế Thánh Tông Đồ từng dạy (1Tm 5:1) rằng: “đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha”. Chính vì thế, Dionysius đã bắt lỗi đan sĩ Demophilus (Ep.viii) vì đã khiển trách 1 linh mục cách xấc láo, bằng cách đánh và đuổi ngài ra khỏi nhà thờ”.

Thánh Tôma muốn nói với ta rằng ta có thể dùng lưỡi kiếm miệng ta để giết một linh mục! Ta phải chỉnh sửa ngài bằng một chỉnh sửa đầy tình huynh đệ, nhưng không được hành xử theo cách của ta, mà đúng hơn, phải theo cách của Chúa. Điều này hiển nhiên không bao gồm việc nhạo báng các giám mục, và biến các ngài thành bia cho những bông đùa và nhận định bất kính, dù ta tin là các ngài sai lầm.

Hẳn ai cũng đã đọc câu truyện Vua Đavít ra lệnh giết người thanh niên A-ma-lếch vì đã nhận là người giết Vua Sa-un, dù Sa-un là người muốn lấy mạng Đavít. Khi nghe người thanh niên kể công giết Sa-un, Đavít xé áo mình và ra lệnh giết anh ta, vì cho rằng: “máu ngươi đổ xuống đầu ngươi, vì chính miệng ngươi đã cáo tội ngươi, khi ngươi nói: ‘chính tôi đã kết liễu cuộc đời của người Chúa đã xức dầu tấn phong’” (2Sm 1:16).

Như quí bạn từng đọc cuộc đời của Vua Sa-un trong Cựu Ước: ông ta chẳng thánh thiện gì, nhưng ông ta là người Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong.

Trở lại với việc Thánh Tôma nói về chuyện sửa lỗi các giáo phẩm vì tình anh em, khi trả lời cho Phản Bác số 2 tức việc Thánh Phaolô khiển trách Thánh Phêrô, ngài viết rằng: “Chống lại bất cứ ai nơi công cộng cũng đi quá phương thức sửa dạy anh em, và do đó, có lẽ Thánh Phaolô đã không chống lại Thánh Phêrô lúc ấy, nếu ngài không phải là người ngang hàng của Thánh Phêrô trong việc bênh vực đức tin. Còn ai không phải là người ngang hàng thì nên quở trách nơi tư riêng và một cách tôn kính. Bởi thế, Thánh Tông Đồ, khi viết cho tín hữu Côlôxê (4:17) đã bảo họ nên quở trách vị giáo chủ của họ như sau: ‘hãy nói với Ác-khip-pô rằng: hãy lưu tâm đến chức vụ Chúa đã trao phó cho anh, và lo chu toàn’”. Tuy nhiên, phải tuân thủ điều này nếu đức tin bị lâm nguy, một bề dưới phải khiển trách vị giáo phẩm của mình dù là ở nơi công cộng. Do đó, Thánh Phaoloô, vốn là bề dưới của Thánh Phêrô, đã khiển trách ngài nơi công cộng, vì có nguy cơ sắp xẩy ra gương mù gương xấu liên quan tới đức tin, và như lời chú giải của Thánh Augustinô về câu Galát 2:11, ‘Thánh Phêrô làm gương cho các vị bề trên ở điểm, nếu bất cứ lúc nào mình lạc xa nẻo đường chính trực, thì không nên coi khinh lời quở trách của kẻ bề dưới”.

Đoạn trên đây thường hay bị trích dẫn biệt lập, không đặt nó vào ngữ cảnh đầy đủ. Thực ra, khi trả lời cho Phản Bác số 1, là phản bác dựa vào Xuất Hành 19:12 chủ trương rằng không nên chỉnh sửa một giáo phẩm, Thánh Tôma giải thích rõ và nhấn mạnh đến một phân biệt: “Xem ra một bề dưới đã đụng tới vị giáo phẩm của họ một cách quá quắt, khi họ trách mắng ngài một cách xấc láo, cũng như khi nói xấu về ngài: và điều này có dấu chỉ nơi việc Thiên Chúa kết án những người dám đụng tới ngựa và hòm bia”.

Tóm lại câu trả lời chính của Thánh Tôma là ở Điều 4: “khi một bề tôi chỉnh sửa vị giáo phẩm của mình, họ nên thực hiện việc đó một cách thích hợp, không nên láo xược và thô bạo, nhưng hòa nhã và kính trọng”.

Không ai không ủng hộ lời phê phán một giáo phẩm mà vẫn tôn kính chức vụ của ngài. Thường những lời phê phán loại này có giọng bình thản, tránh không mày tao, thằng này thằng nọ, xếch mé đặt tên hoặc châm chọc làm bẽ mặt cho vui. Những phê phán này thường dựa vào lý lẽ, không hẳn chỉ là lý lẽ của độc giả, mà là của chính vị giám mục, chứ không nhằm gây xúc động, xúc cảm, nhất là khích động. Như một số những chỉ trích đối với hàng giám mục Việt Nam trong các năm sôi động gần đây của lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Tác giả của những chỉ trích “ad hominem” (nhằm vào người hơn là nhằm lý lẽ) đầy hận thù, láo xược này có khi là những vị có cả học vị tiến sĩ, nhà văn, nhà báo,trí thức đầy mình. Gần đây, vì lý do chính trị đảng phái, lại đang xuất hiện một hình thức phê phán gay gắt kiểu này. Đây không phải là lối sửa dạy anh em của Kitô Giáo, được các Thánh Phaolô hay Thánh Tôma Tiến Sĩ truyền dạy. Người ngoài phê phán như thế còn chấp nhận được, người tự xưng là “con chiên” mà phê phán kiều này, thì chỉ có thể gọi là “con chiên ghẻ”.

Câu hỏi số 33: Sửa dạy anh em

Tưởng nhân dịp này, cũng nên trình bày khái quát Câu Hỏi 33 trong Summa của Thánh Tôma Tiến Sĩ nói về việc sửa dạy anh em. Vấn đề này được Thánh Tiến Sĩ thảo luận dưới 8 câu hỏi sau đây:

1. Sửa dạy anh em có phải là hành vi bác ái không?
2. Nó có phải là một vấn đề thuộc giới luật hay không?
3. Giới luật này có buộc mọi người hay chỉ các bề trên thôi?
4. Giới luật này có buộc bề dưới sửa dạy bề trên không?
5. Người tội lỗi có được sửa dạy bất cứ ai không?
6. Có nên sửa dạy một người có cơ trở nên xấu hơn vì bị sửa dạy hay không?
7. Việc sửa dạy kín đáo có nên đi trước việc tố giác chăng
8. Có nên mời nhân chứng trước khi tố giác không?

Theo Thánh Tôma, sửa dạy một người làm sai là một hành vi làm phúc thiêng liêng, mà làm phúc là việc bác ái, nên việc anh em sửa dạy nhau là một hành vi bác ái.

Đối với câu hỏi thứ hai, dựa vào lời Thánh Augustinô trong De Verb.Dom. XVI, 4 dạy rằng: “bạn sẽ trở nên xấu hơn kẻ phạm tội nếu bạn không chịu sửa dạy họ”. Nhưng trở nên xấu hơn sao được nếu điều đó không phải là vì đã bỏ sót không tuân giữ một giới luật. Thành thử sửa dạy anh em là một giới luật.

Thánh Tôma dựa vào văn kiện gọi là Dist. xxiv, qu. 3, Can. Tam Sacerdotes, để quả quyết rằng: "Cả các linh mục lẫn mọi giáo dân đều phải hết sức quan tâm tới những người hư hỏng, để những lời quở mắng của các vị một là sửa sai được đường lối tội lỗi của họ hai là nếu họ bất trị, thì loại họ ra khỏi Giáo Hội”. Tóm lại, sửa dạy anh em là giới luật buộc mọi tín hữu.

Về câu hỏi thứ tư, dựa vào lời Thánh Augustinô dạy trong Lề Luật của ngài rằng: “Hãy tỏ lòng thương xót không phải cho chính anh em, mà còn cả cho người, vì ở địa vị cao hơn anh em, nên gặp nguy hiểm hơn anh em”, Thánh Tôma cho rằng sửa dạy anh em là một việc thương xót, nên cả các giáo phẩm cũng cần được sửa dạy. Về điểm này, Thánh Tôma nhấn mạnh, lúc trả lời Phản Bác số 3, rằng “khi một người quở trách vị giáo phẩm của mình theo tinh thần bác ái, điều này không có nghĩa họ nghĩ họ tốt lành gì hơn, nhưng chỉ là vì họ muốn giúp đỡ một người “vì ở địa vị cao hơn anh em, nên gặp nguy hiểm hơn anh em” mà thôi.

Đối với câu hỏi thứ năm, dựa vào lời Thánh Isidore dạy trong De Summo Bono iii, 32 rằng: "ai có tội không nên sửa dạy tội người khác”, và dựa vào lời khuyên của Thư Rôma 2:1: “khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình”, Thánh Tôma rõ ràng không muốn để kẻ tội lỗi sửa dạy bất cứ ai khác, huống hồ là các đấng bề trên. Đây là điều nhiều người cần tra vấn lương tâm trước khi lớn tiếng “sửa dạy” người khác. Thời đại blog ngày nay xuất hiện nhiều bậc thầy “đại đức” hơn bất cứ thời đại nào, mặc dù “tiểu đức” không những không có mà còn ở mức “âm đức” nữa. Thánh Tôma nhắc lại câu Mátthêu 7:3: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” và câu tiếp Mt 7:5: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.

Ngài trích dẫn lời Thánh Gioan Kim Khẩu nói về những người này trong Hom. xvii rằng: điều họ muốn không phải là sự cứu rỗi người khác mà là họ muốn dùng lời giáo huấn tốt che dấu hành vi tồi bại của họ, để được người đời ca ngợi sự thông biết của mình!

Thánh Tôma trả lời câu hỏi thứ sáu bằng cách dựa vào Sách Châm Ngôn (9:8): “Đừng khiển trách đứa ngoan cố kẻo nó thù ghét con” và lời chú giải về câu này “bạn không nên sợ kẻ ngoan cố nhục mạ bạn khi bạn quở mắng nó, đúng hơn, bạn nên nhớ rằng khi làm nó ghét bạn, bạn có thể khiến nó ra tệ hơn”, để cho rằng: đừng nên sửa dạy anh em khi ta sợ rằng có thể vì thế mà khiến người kia thành xấu hơn.

Tuy nhiên, ở đây, Thánh Tôma lưu ý điều này: việc sửa dạy nhằm vào công ích thì có khác, nó có tính cưỡng chế (coercive), không được bỏ qua. Một là vì nếu kẻ xấu không muốn tự ý sửa sai, thì cũng có thể ngưng không phạm sai lầm nữa vì bị trừng phạt, hai là nếu họ bất trị, thì công ích vẫn được duy trì ở điểm người khác bị ngăn chặn bởi gương bị sửa phạt kia. Do đó, vị thẩm phán không được từ chối kết tội một tội phạm vì sợ làm phật lòng họ hay bè bạn họ.

Còn hình thức sửa phạt không có tính cưỡng bách, mà chỉ có tính khuyên răn, thì không nên đưa ra nếu thấy kẻ bị sửa phạt có cơ trở nên xấu hơn.

Thánh Tôma không ngại đụng đến việc tố giác ở câu hỏi số 7. Có nên tố giác hay không? Theo Mátthêu 18:15, chỉ nên “quở trách họ giữa bạn và họ mà thôi” để như bình luận của Thánh Augustinô trong De Verb. Dom. xvi, 4: “Nhằm tu sửa họ chứ không nhằm làm họ bẽ mặt: bởi nếu bị bẽ mặt, họ có thể ra sức bào chữa tội lỗi mình; thành thử thay vì làm họ tốt hơn, bạn có thể làm họ ra xấu hơn”.

Nhưng Thánh Tôma phân biệt hai thứ tội: tội công khai và tội bí mật. Tội công khai thì phải tố giác, nếu không, sẽ gây gương mù gương xấu cho người khác như lời Thánh Tông Đồ trong 1Tim 5:29: “Những ai phạm tội, anh hãy khiển trách trước mặt mọi người, để những kẻ khác phải sợ”. Còn tội bí mật thì phải theo lời Chúa khuyên trong Mátthêu 18:15: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Nhưng đó là tội bí mật chỉ đụng đến tội nhân và bạn mà thôi. Chứ tội bí mật mà đụng đến công chúng như âm mưu phản bội đất nước chẳng hạn, thì Thánh Tôma dạy vẫn phải tố giác.

Sau cùng là trước khi tố giác, cần gọi tới nhân chứng, như lời Chúa trong Mátthêu 18:16: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”. Thánh Tôma coi đây là biện pháp trung dung giữa hai đối cực: một là sửa dạy kín đáo hai là tố giác với Giáo Hội. Các nhân chứng này có thể giúp đỡ mà không gây trở ngại, giúp kẻ sai lầm sửa chữa mà không bị mất mặt đối với công chúng.
 
Thánh Phaolô Tông Đồ
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
10:34 17/01/2014
THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

”Không thể có tình yêu nào nữa
Lớn hơn tình yêu của những người
Hiến thân thí cả cuộc đời
Cho người nghĩa thiết với nơi chính mình”(Ga.15,13 )

Đây cả một mối tình thánh thiện
Một chứng nhân thực hiện Tin Mừng
Tông đồ dân ngoại lẫy lừng
Phaolô đại thánh vang lừng bốn phương
Sinh Tác-sê quê hương muôn thuở
Một vài năm sau Chúa Giêsu
Tuổi thơ náo nức chí tu
Sa-lem theo học danh sư bậc thầy
Một chiến sĩ tràn đầy nhiệt huyết
Theo tinh thần phe Biệt phái nên
Ghi tâm khắc cốt ngày đêm
Trung thành giữ luật Môi-sen đến cùng
Với nghĩa khí anh hùng giữ luật
Ngộ nhận luôn sự thật Giêsu
Con người Do Thái Saolê
Đồng tình ném đá Pha-nô ( Stêphanô) ngoại thành
Đường Đa-mát muôn năm lịch sử
Còn khắc ghi hai chữ Phaolô
Hung hăng bách hại Kitô
Chủ trương kiên quyết xoá mờ thánh danh
Lĩnh sắc lệnh đến thành Đa-mát
Vào Hội đường lùng bắt giáo dân
Ngựa đang phi gấp bất thần
Hào quang chiếu toả toàn thân thể Người.
Luồng ánh sáng từ trời huyền bí
Khiến Sao-lê ngã quỵ xuống đường
Từ nơi ánh sáng khôn lường
Sao-lê nghe tiếng phi thường phán ra:

“ Sao-lê hỡi nghe Ta phán hỏi
Tại sao ngươi lại đuổi bắt Ta”
Sao-lê hốt hoảng nhận ra
Uy quyền trong ánh chói loà thiên linh.
Vội xin Đấng thần linh cho biết:
“ Người là ai sự việc ra sao?”
“Ta là chính Đấng tối cao
Giêsu ngươi muốn dùng đao giết Người
Hãy gấp rút vào nơi Đa-mát
Ta chỉ cho trước mắt làm chi”
Sao-lê trỗi dậy bước đi
Mắt nhìn nhưng chẳng thấy gì xung quanh..
Nhờ người dắt vào thành Đa-mát
Suốt ba ngày tối mắt không ăn
Khát mong được Chúa viếng thăm
Và soi cho biết thực hành sao đây?
Thiên Chúa đã sai ngay tôi tớ:
“ An-na-ni con chớ ngại tâm
Hãy vào thành nội kế gần
Gặp ngay chiên lạc đang cần dẫn đưa
Đích danh gọi Sao-lê ở đó
Chỉ dẫn về đồng cỏ chiên Cha”
Trí lòng bối rối An-na
Thân thưa: “ Lạy Chúa việc ra thế nào
Con người đó biết bao tàn ác
Luôn hung hăng lùng bắt đoàn chiên”.
“ Hỡi An-na cứ giảng khuyên
Người này Ta đã tuyển riêng để thành
Nên khí cụ mang danh Ta đó
Đến muôn dân truyền bá nhiệt thành”
An-na vâng lệnh thi hành
Đặt tay xin Chúa chúc lành Sao-lê:
“ Hỡi anh Chúa Kitô là Đấng
Hiện cùng anh thẩm vấn dọc đường
Ngài sai tôi đến để thương
Cho anh được sáng được ơn Thánh Thần”
An-na vừa ân cần khuyên giải
Nguyện ơn trên hà hải thương người
Tức thì như vảy bong rơi
Mắt nhìn trong sáng, rạng ngời như xưa.
Sao-lê được dư thừa ơn thánh
Phép Rửa xin nhận lãnh từ đây
Hồng ân Thiên Chúa cao dày
Biến người sói dữ thành ngay chiên lành.
Ngài từ đó khởi hành rao giảng
Cho lương dân biết Đấng Cứu tinh
Một đời tận hiến quên mình
Hy sinh gánh chịu cực hình đắng cay
Đây Người đã tỏ bày sự thật:
“ Bị năm lần đánh rất đớn đau
Bởi mưu Do Thái hiểm sâu
Mỗi lần ba chín roi hầu thịt tan.
Ba lần bị ngoại bang đánh đập
Bị đắm tàu nguy ngập ba lần,
Một lần ném đá toàn thân
Một ngày đêm dạt phong trần biển khơi
Bao nguy hiểm vì nơi sông nước
Vì lương dân, trộm cướp đồng bào
Trên rừng dưới biển và bao
Anh em phản bội ba đào hiểm nguy
Tôi còn phải thức khuya dạy sớm
Chịu đói ăn khát uống mình trần
Bên ngoài đã vậy tinh thần
Ngày đêm lo lắng giáo dân khắp miền.
Tại Đa-mát chính viên tổng trấn
Cho gác thành cẩn thận bắt tôi
Người ta buộc thúng tôi ngồi
Phải ròng cửa sổ xuống nơi an toàn”
Lên Sa-lem gặp đoàn Tông sứ
Tưởng Sao-lê cố thủ nơi đây
Nhưng đang cầu nguyện đắm say
Bỗng nghe tiếng Chúa trao ngay lệnh truyền:
“ Con phải gấp đi liền truyền giáo
Cho các dân, các đảo xa xăm” (Cv 22,21)
“Ôi đẹp thay những bước chân
Người đi loan báo hồng ân Tin Mừng” ( Is. 51.7 )
Đây lịch sử chưa từng xuất hiện
Thì hôm nay đã đến tỏ tường
Sao-lê cất bước lên đường
Hành trình truyền giáo phi thường mở ra.
Lần thứ nhất rảo qua duyên hải
Bẩy giáo đoàn tiên khởi thành hình
Toàn quyền đảo Síp tái sinh
Người ghi nhớ đổi tên mình: Phaolô.
Năm bốn chín Titô phụ tá
Lên Sa-lem với cả niềm tin
Công đồng thứ nhất Sa-lem
Đòi cho dân ngoại khỏi đem cắt bì
Vì phép Rửa đã ghi ấn tín
Tân ước nay vĩnh viễn hoàn thành
Cắt Bì - luật cũ thi hành
Từ nay nhập đạo thay bằng Tẩy thanh
Lần thứ nhất bốn năm kết thúc
Lại ba năm tiếp tục lần hai
Miệt mài khuya sớm hôm mai
Thi hành sứ mệnh thiên sai Nước Trời.
“ Tôi rao giảng những lời Thiên Chúa
Chứ không theo lối của loài người” ( Cor 1, 2-4 )
Đức tin cột trụ sáng ngời
Xứng danh khí cụ nước trời Phaolô !
“Tôi đang sống nhưng tôi không sống
Chính Chúa Trời sống động trong tôi”( Gal.2,20)
Phải là tin mến sục sôi
Mới mong đúc kết những lời như trên
Phaolô đã đi xuyên làng, phố
Trên ba ngàn cây số đường trường
Mang theo hạt giống Tin Mừng
Tung gieo Tiểu Á và vùng Cận đông.
Bao dân tộc đợi trông cứu độ
Phaolô không biện hộ sai lầm:
“Khốn cho tôi nếu tôi không
Rao truyền chân lý Phúc âm sáng ngời”
Lần thứ ba cuộc đời truyền giáo
Phaolô đi thăm rảo các miền.
Năm năm tám ( 58 ) đến Sa-lem
Dù rằng biết chết đi kèm ngay bên.
Bị bắt nộp toàn quyền La-mã
Rồi bị giam dòng giã hai năm
Phaolô nại đến quyền năng
Nhà vua xét xử công bằng, phân minh.
Tàu vượt biển hành trình nước ý
Mười bốn ngày đêm bị phong ba
Hai năm giam lỏng Rôma
Nhà vua năm sáu mươi ba tha về
Phaolô chẳng quản nề gian khổ
Lại đi thăm một số giáo đoàn
Nhưng năm sáu bảy ( 67) phũ phàng
Vì tên chỉ điểm, bị giam lại tù
Trong cô độc viết thư tiếp tục
Cho Titô Giám mục - con Ngài
Bức thư tâm phúc khuyên nài
Trao ban tất cả gia tài thiêng liêng.
Sau chín tháng đến phiên xét xử
Giờ mệnh chung án tử thực thi
Pháp trường năm ấy tạc ghi
Phao lô đại thánh chết vì Chúa chiên
Ôi vị thánh trung kiên nhiệt huyết
Mười bốn thư Người viết còn đây
Trụ đồng tin mến quý thay
Hoàn cầu lặng kính bậc thầy muôn dân !

Lạy ơn thánh cả Phao lô
Đoàn con yêu kính tung hô danh người.
Người là khí cụ Nước Trời
Tông đồ đặc tuyển muôn đời nhớ ghi
Yêu ai yêu cả đường đi
Chúng con noi bước thực thi cuộc đời
“Sống tôi là Đức Chúa Trời
Chết là mối lợi về nơi thanh nhàn” (Phil 1,21)
“Tôi hằng tràn ngập bình an
Giữa bao thử thách tân toan trăm chiều”(2Cr 7,4)
“Nào ai tách được tình yêu
Giữa tôi với Chúa cao siêu vô ngần
Trời cao vực thẳm Thiên thần
Loài người quyền lực ngàn lần cũng không”(2Cr 8,35-39)
“Không khoe gì nữa khác hơn
Là khoe Thập giá đau thương Chúa Trời” (Gl 6,14)
Thánh xưa thay đổi cuộc đời
Cũng xin biến đổi mỗi người chúng con
Đức tin có lúc phai mòn
Được ơn trở lại sắt son vững vàng
Từ lâu đức mến dần ngàn
Được ơn trở lại nồng nàn mến hơn.
Người coi đau khổ đặc ân
Chúng con mong đạt tinh thần quý thay!
Tuổi xuân thánh hoá mọi ngày
Tuổi xuân theo Chúa mê say Tin Mừng
Mê say đại thánh anh hùng
Mê say, say mãi chẳng cùng Amen.

 
Đáp án Đố Vui năm Con Ngựa
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
19:51 17/01/2014
ĐÁP ÁN ĐỐ VUI NĂM CON NGỰA

* VỀ “NGỰA” NÓI CHUNG
01. Thứ 7
02. Phải. Ngựa thuộc nhóm lục súc, tức là 6 vật nuôi trong nhà
03. Sai. Tốc độ có thể lên tới 70 km/h
04. Đúng.
05. Một ngón
06. Liên tục dùng chân gõ đất
07. Hí dài
08. Ngựa trắng sọc đen
09. Dây cương
10. Tết mùng 5 tháng 5 Âm Lịch – Tết của sự tri ân đối với tổ tiên
11. Màu đen
12. Chín: ngựa chín hồng mao
13. Phò mã
14. Ngọ môn quan
15. Hoá thân của Tam Thái Tử, con của Hải Long Vương Ngao Nhuận.
16. Tứ mã phanh thây
17. Thánh Gióng
18. Bằng gỗ
19. Ngược lại: nửa thân trên là người nửa thân dưới là ngựa
20. Gangnam style của Psy
21. Nước kiệu
22. Lạm phát phi mã
23. Vành móng ngựa
24. Mã lực
25. Anh quốc
26. Vì trên đầu chỉ để một chỏm tóc như cái bờm ngựa
27. Khi bạn cưỡi ngựa
28. Con ma : ma + ngã = mã
29. Đi “Qua Mỹ” : Quy Mã
30. Hàng mã
31. 12 giờ trưa
32. 12 ngàn con (x. 1V 5,6)
33. Trên đường đi Đamas
34. Người Do Thái (x. Cv 12,23)
35. Ngựa trắng, ngựa đỏ, và ngựa ô (x. Kh 6, 2-5)
36. Màu trắng (x. Kh 19,11)

* TỤC NGỮ - THÀNH NGỮ CÓ LIÊN HỆ ĐẾN NGỰA
37. Ngựa bất kham
38. Ngựa hay lắm tật
39. Ngựa nào gác được hai yên
40. Nói đến sự nguy hiểm
41. Ngựa non háu đá
42. Ngựa quen đường cũ
43. Thẳng như ruột ngựa
44. Cưỡi ngựa xem hoa
45. Ngựa lồng cóc cũng lồng
46. Đầu trâu mặt ngựa
47. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
48. Đơn thương độc mã
49. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
50. Chuồng nuôi ngựa
 
Cây Mai trụi lá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:15 17/01/2014
CÂY MAI TRỤI LÁ - XUÂN GIÁP NGỌ

Những cơn gió của mùa Đông hình như còn luyến tiếc không gian. Chúng vẫn lẩn khuất đâu đây, thỉnh thoảng ùa ra, tỏa hơi lạnh buốt làm cho cây cỏ rùng mình, khép nép. Tất nhiên, không gì cản được bước chân đi của mùa Xuân, những bước chân reo vui của Năm Mới. Gió lạnh cũng đành nhường bước cho những dải lụa vàng ấm áp buông tỏa khắp nơi.

Xuân về rũ áo ưu phiền.
Chào nhau phúc hạnh giữa miền phúc ân
.(Hoa Văn).

Sáng Mồng Một Tết, khởi đầu ngày linh thiêng nhất trong năm mới, ngắm những cánh hoa mai vừa nở. Một vẻ đẹp dịu dàng và tươi mát làm căn phòng khách ấm áp, sáng lên nét trẻ trung. Bầu trời mùa Xuân trong vắt. Khí hậu mùa Xuân thơm lành. Cỏ cây mùa Xuân tươi thắm. Hoa mùa Xuân nở rộ khắp nơi, trong vườn nhà, ngoài công viên, trên đồi cao, bên vệ đường. Ở đâu cũng có những bông hoa tươi thắm và khí trời đẫm ngát hương thơm.

Xuân về Tết đến, hoa được bày bán khắp nơi. Hoa đủ loại đủ màu đủ kiểu cách. Hoa muôn màu muôn vẻ. Nhà nhà mua hoa về thưỡng lãm hương vị Tết. Những chậu hoa, những cành hoa được nâng niu, chưng bày trong trong nhà thờ, trong gia đình, chưng trên bàn thờ tổ tiên. Trong muôn loại hoa, mai nổi bật với sắc vàng tươi thắm. Màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng. Với người Việt Nam, màu vàng còn tượng trưng cho Vua. Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành.

Từ ngàn xưa, người Việt đã xếp mai vào loại hoa quý nhất trong các loài hoa. Hoa mai đem đến nhiều may mắn. Hoa mai nở rộ vào dịp Xuân về Tết đến. Đặc biệt, Hoa mai nở đúng vào ngày người chủ đã ước định, khi khéo canh ngày tỉa lá trước thời gian, biết chăm sóc cho hoa nở đúng hạn kỳ. Mai là loài hoa có sức chịu dẻo dai, qua thời tiết băng giá mùa đông rồi bừng dậy trổ nụ đâm bông và nở hoa rực rỡ khi mùa xuân tiết trời ấm áp đang về. Hoa mai có năm cánh kết thành vòng tròn là biểu tượng ánh thái dương lan tỏa của tiết trời nắng ấm toả xuống chan hoà cho trái đất hồi sinh, cho nhân gian được vui tươi. Buổi sáng ngày đầu xuân, mai nở tươi đẹp đưa ta vào ngày mới hạnh phúc. Với các đặc tính như thế, nó xứng đáng được gọi là Hoa Mai. Gia đình nào cũng muốn có cây mai chưng nhà trong ba ngày Tết như cầu mong sự may mắn hạnh phúc cho cả nhà suốt một năm mới.

Trong nhiều bức tranh cổ xưa, có tranh Tứ Bình vẽ bốn loại hoa quý là Mai, Lan, Cúc, Trúc. Bức tranh Tứ Thời cũng vẽ bốn loại hoa cảnh nổi tiếng nữa là Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay Lan, Sen, Cúc, Mai.

Hoa mai thường chỉ có năm cánh. Ngày nay theo phương pháp lai giống chiết cành, người ta tạo ra được rất nhiều loại giống mai mới. Có loại hoa mai nở tới mười cánh. Cây mai có nhiều cành mềm mại duyên dáng. Cánh hoa màu sắc thắm tươi, mỏng manh cho đến khi lìa cành mà sắc màu vẫn không thay đổi.

Hoa mai là đề tài tạo hứng cho các tâm hồn văn nhân thi sĩ, họa sĩ, nghệ nhân, sáng tạo những tác phẩm để đời.

1. Cây mai biểu tượng cho kẻ sĩ

Hoa mai là biểu tượng cho người có chí anh hùng, cho đấng trượng phu. Vì mai chịu đựng được các thời tiết đổi thay dù ấm áp hay giá buốt. Xuân về Tết đến, mai luôn nở hoa chào đón mùa Xuân. Bởi đó, mai hấp dẫn lôi cuốn nhiều người. Mai là hiện thân của kẻ sĩ, của đấng trượng phu, có sức chịu đựng thử thách dâu biển của cuộc đời, coi thường danh lợi.

Các bàn tay nghệ nhân uốn sửa cây mai thành các “‘thế”, “chi”’ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Có khi là dấu ấn về tín ngưỡng, tôn giáo, đạo đức, triết lý sống của người quân tử theo văn hóa Trung Hoa và Việt Nam...Các nghệ nhân cây cảnh dựa vào dáng tự nhiên sẵn có của từng cây mai mà tạo ra những dáng cây phù hợp. Chẳng hạn từ cây mai có dáng tự nhiên sẵn có là ‘’trực’’ hoặc dáng ‘’hoành’’... được uốn sửa theo đúng dáng thế mà họ thấy là phù hợp và dễ dàng nhất.

Các đề tài được khai thác ở cây mai đều nhằm vào việc đề cao các triết lý về Tam giáo là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Có khi là các đề tài xoay quanh cây mai thế về các lĩnh vực đạo đức, quan niệm sống cũng như ước vọng của gia chủ... Thông thường những đề tài được khai thác nhiều nhất từ việc uốn, ghép cây mai cảnh và các loại cây cảnh bonsai khác theo một chuẩn mực được định sẵn...

a. Dáng “Tam cương ngũ thường’’
Tam cương còn gọi là tam càn, có nghĩa là ba giềng mối lớn của đạo làm người của thuyết Nho giáo gồm: Quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu thê (vợ chồng). Còn ngũ thường là năm đạo làm người thời xưa gồm: Nhân (biết thương người), lễ (những nghi lễ trong giao tiếp), nghĩa (theo việc đúng đắn mà làm), trí (sự thông minh, khôn ngoan) và tín (giữ lời hứa, không gian dối). Người nào hội đủ được cả ‘’Tam cương ngũ thường’’ là người mẫu mực, đáng trọng vọng trong xã hội. Cây cảnh được uốn theo dáng “Tam cương ngũ thường’’ chính là mong muốn của người chơi mai vậy.

b. Dáng Tam tài “Thiên, Địa, Nhân”
Chủ đề cây bonsai hướng đến ba ngôi thứ là Trời, Đất, Người. Trong ba ngôi thứ đó thì người thể hiện ở chính giữa, làm chủ muôn loài...

c. Dáng thế “Tam tòng tứ đức’’
Do câu ‘’Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử’’. Đó là tam tòng (con gái chưa xuất giá ở chung với cha mẹ, và vâng lời cha mẹ; khi lấy chồng thì phải theo chồng, và nghe lời chồng; nếu chồng chết thì ở vậy nuôi dạy con). Còn tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh (giỏi việc bếp núc và may vá thêu thùa chính là quan niệm xưa về công; giữ gìn nhan sắc luôn tươi đẹp là dung; rèn luyện lời ăn tiếng nói mềm mỏng, lễ phép là ngôn; có nết na, đạo hạnh, đoan chính là hạnh). Câu này cũng được hiểu là ‘’Hiếu - để - trung - tín’’... Cây mai uốn thế “Tam tòng tứ đức” chính là vậy.

d. Dáng “Nhất trụ kình thiên’’
Dáng cây hàm ý nói đến chí khí bất khuất của người anh hùng, đầu đội trời, chân đạp đất, hiên ngang đứng giữa trời đất, không luồn cúi, nịnh bợ ai, gặp việc phải, đúng là làm, dù biết hiểm nguy đang chờ đợi mình ở phía trước...

e. Dáng Tam đa “Phúc - Lộc - Thọ’’
Nói lên ước vọng của người chủ cây mai là mong gia đình, thân quyến luôn có được ba điều: đa Phúc là gặp nhiều việc tốt lành; đa Lộc là nhiều bổng lộc, giàu có; đa Thọ là mong muốn được sống đến trăm tuổi, sống thọ vĩnh hằng trên đời...

f. Dáng “Phụ tử và Mẫu tử’’
Chủ đề cây cảnh hướng theo tình cảm cha con, mẹ con, nhằm đề cao bổn phận thiêng liêng và tình yêu cao cả, rộng lớn của cha mẹ dành cho con cái...

g. Những điều cấm ky khi tạo dáng cây cảnh bonsai
Đề tài cây cảnh bonsai rất rộng, kể cả chủ đề xưa và nay, những nghệ nhân hoa kiểng ngày xưa khi sáng tác cũng gặp những lệ luật rất khắt khe chi phối từ nhiều phía như chính trị, tôn giáo, mỹ tục... nghĩa là cũng bị gò bó theo khuôn phép của nề nếp xã hội (chống Trời...), không được phạm thượng (tàn nhánh không nhiều, cây lùn vừa phải...). Chẳng hạn khi tạo dáng, thế cho cây, nghệ nhân không được cưa ngọn cây và cũng không dùng cây đã bị cụt ngọn. Không được cưa thân cây kiểng, dù là để tạo thân mới cho cây bằng cành nhánh sắp mọc của chính cây đó.

2. Cách tạo dáng thế

Thông thường muốn tạo ‘’thế’’ đẹp cho cây mai cảnh trước hết phải dựa theo dáng sẵn có của từng cây (cây mai) để từ đó nghĩ cách tạo ra các ‘’thế’’ phù hợp cho cây. Tất nhiên là phải quan sát từng phần để có cách uốn sửa.

a. Bộ rễ mai cảnh
Bộ rễ của cây mai gồm có một rễ cái khá dài, nhờ đó mà cắm sâu xuống đất để hút được nhiều chất bổ dưỡng nuôi thân, lá, đồng thời cũng giữ được thế đứng vững chắc cho cây trước phong ba bão táp. Mọc ra từ rễ cái là vô số rễ con, tất cả bộ rễ đó đều chôn vùi trong đất chậu. Thế nhưng với kiểng cổ, qua tài nghề của nghệ nhân, bộ rễ vẫn góp phần làm đẹp cho cây mai cảnh. Người ta tạo ra nét già nua hoặc tùy trường hợp mà có những hình tượng lạ khác từ bộ rễ.

Muốn được vậy phải có sự kỳ công và mất nhiều thời gian. Trước hết ta phải nắm vững hình dạng bộ rễ của từng cây mai, nhân cơ hội sang chậu; thay đất mới cho cây hằng năm. Chỉ những nhánh rễ phụ nằm gần tầng đất trên mặt mới được sử dụng vào việc tôn nét thẩm mỹ cho cây.

Chẳng hạn: chùm rễ phụ của cây mai được người ta đưa trồi lên khỏi mặt đất, bố trí cho nằm về các hướng khác nhau với thế uốn éo ngoằn ngoèo như những con rắn, vừa tạo được sự già nua cho cây lại vừa tạo được ấn tượng đối với người thưởng thức. Nếu gặp được gốc mai già đã có sẵn hình muông thú thì chọn ra những rễ con (cũng nằm ở tầng mặt) to khỏe xếp vào vị trí phù hợp để tạo chân thú sau này...

Sửa một bộ rễ cho định hình, nhiều khi phải chờ đến ba bốn năm, thậm chí lâu hơn mới thành công.

b. Gốc cây mai cảnh
Gốc của những cây mai già có khi suôn đuột, nhưng cũng có những hình thù khác lạ. Tùy theo hình thù của cây mai già mà kết hợp với việc uốn sửa các rễ con để tạo nên những hình tượng độc đáo như ‘’hổ phục’’, ‘’phượng vũ’’... Nếu là gốc thuộc dạng suôn đuột thì lão hóa thành những u nần, hốc lõm, hoặc đôi chỗ vỏ bị trầy xước, mốc meo... giống như lớp da nhăn nheo của người già...

c. Thân cây mai cảnh
Thân cây mai thường được chọn ở bên dưới to, trên nhỏ mới phù hợp. Theo luật xưa, phải dùng thân chủ, dù có cao cũng không được cưa cụt để tạo thân mới từ cành non của nó. Phải uốn thân từ lúc cây còn non vì lõi gỗ còn mềm dẻo dễ uốn. Mai vốn là cây mềm mại, ẻo lả nên thân cây không nên để suôn đuột, cũng không nên uốn sửa đến độ cong queo uốn lượn nhiều khúc như thân con rắn mất độ tự nhiên. Với cây mai nhiều năm tuổi (hoặc cây được lão hóa) cần phải có lớp vỏ sù sì, nhăn nheo, rồi những hốc lồi lõm mới gây được sự chú ý của người xem.

d. Nghệ thuật bố trí cành mai
Với mai cổ điển, cành còn được hiểu là tầng, là tay (chi). Theo luật uốn sửa cây kiểng ngày xưa thì số cành trên cây phải là số lẻ: 3 - 5 - 7... Nhưng kiểng xưa hầu hết người ta chỉ chọn từ 3 hoặc 5 cành trên mỗi cây. Các cành đều được phân bố hợp lý. Cành dưới gốc (phủ địa) phải đủ cao (bằng 1/3 chiều cao của thân cây), các cành phía trên được uốn sửa cho phân bố với khoảng cách tạo được độ thông thoáng.

Vị trí của cành thường có nhiều dạng như: Chiết chi nhị diện (hai cành mọc đối xứng với nhau), chiết chi tứ diện (bốn cành mọc theo bốn hướng khác nhau theo hình xoắn ốc). Trong việc uốn sửa cành, nhiều trường hợp cành không nằm đúng vị trí mong muốn, ta phải dùng cách uốn ‘’tế thân’’ (tế: che lấp), tức uốn cành vòng qua thân cây để chuyển về hướng khác.

e. Sửa tán lá cho cây
Cây mai có tán lá xanh tươi, bóng mướt mới được đánh giá là đẹp. Thế nhưng, tán lá không được đè lên nhau, che khuất nhau tạo sự rậm rạp làm lu mờ đường nét đặc thù của cây.

Người xưa không am tường đến kỹ thuật ghép, giâm cành, chiết cành như cách nhân giống, lai giống ‘’mai giảo’’ của chúng ta ngày nay. Đã thế, họ cũng không có những dụng cụ chuyên dùng để trợ lực cho việc uốn sửa này như các loại kềm kéo để cắt rễ, cắt cành, như kẹp chuyên dụng để uốn cành và thân cứng, như dây kẽm, dây nhôm để uốn cành... Thế nhưng, họ cũng có phương pháp riêng và tận dụng những dụng cụ sẵn có như cây, ván, dây thừng qua các cách treo, neo, nêm chống chỏi. (theo “Tản mạn về dáng mai xuân”, từ web: baomoi.com).

Ngày nay, người mua thường quan tâm đến những cành mai có dáng đẹp như: cò bay, ốc lượn tròn, chân quỳ…khách hàng còn chú trọng đến gốc mai to, da sần sùi, tán rộng, rêu phong…

3. Hoa mai biểu tượng cho cái đẹp thanh nhã.

Hoa mai cũng được các văn nhân thi sĩ dùng làm cảm hứng để diễn tả nét đài trang, thanh nhã của những người phụ nữ đẹp qua các thời đại tân cổ. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du tả về sắc đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thuý Vân:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.


Một nhành mai, một chậu mai nở rộ tươi thắm, làm tươi đẹp không gian gia đình. Mai tượng trưng cho sự cao thượng và giàu sang. Mai biểu tượng cho cái đẹp thanh cao, sự thịnh vượng, khởi đầu một năm mới.

4. Cây mai biểu tượng cho hành trình “đau khổ” đến “vinh quang”.

Có một cây mai xanh tươi cành lá. Ngày tháng dần trôi qua. Rễ mai len lõi trong đất hút nhựa chuyển trao cho từng cành, từng lá nuôi sống bổ dưỡng. Càng ngày mai càng lớn nhanh xanh tốt.

Cây mai luôn nghĩ là mình sẽ mãi mãi xanh tươi tốt đẹp với đất trời, với những cây cối chung quanh, dù năm tháng, dù từng mùa xuân hạ thu đông tiếp nối trôi qua.

Bỗng nhiên một hôm có mấy người đến nhẫn tâm vặt trụi lá xanh trên cành. Cây mai đau đớn ứa máu khóc than. Dù mai có gào la, có rên rỉ nhưng người ta vẫn cứ vặt trụi hết lá xanh trên cây. Giờ đây mai chỉ còn trơ trụi gốc cành như một cây khô. Mai buồn và khóc cho số phận hẩm hiu của mình.

Một tháng sau, chị mùa xuân ấm áp tươi trẻ, đến thay chỗ cho bà già mùa đông lạnh giá hay cau có. Cây mai khẳng khiu giờ bừng dậy sức sống mới với những lá non tươi mơn mởn, với những chồi nụ xinh xinh với những hoa vàng rực rỡ khoe sắc thắm. Mọi người, mọi vật, mọi cây cối chung quanh nhìn ngắm mai nõn nà lá non, hoa vàng và hết lời trầm trồ khen ngợi.

Cây mai bây giờ mới cảm thấy dâng đầy hãnh diện và tràn trề hạnh phúc. Cây mai cảm nhận được hành trình “phải qua đau khổ mới đạt đến vinh quang!”, phải chịu đau đớn khi trụi lá mới có được những bông hoa tuyệt vời, góp phần cho mùa xuân đẹp hơn, lung linh hơn, ấm áp hơn, hạnh phúc hơn.

Cây mai trụi lá để mang đến cho đời những bông hoa tươi đẹp. Một triết lý nhân sinh giản đơn mà sâu xa. Bên trong cành mai mùa đông, sức sống mãnh liệt của mùa xuân vẫn tiềm ẩn. Bên dưới lớp đất chỗ gốc mai mọc lên, nguồn mạch sự sống vẫn tràn đầy, sung mãn. Mạch nước ngọt ngào bổ dưỡng luân chuyển qua đây. Rễ cội mai hút chất bổ duỡng biến thành dòng nhựa dự trữ trong thân và lưu dẫn tới các cành trao tặng sức sống. Trong sức sống ấy, những chồi non, những lá mướt, những nụ, những hoa tiềm ẩn, chờ tới một ngày vũ trụ định trước, làm nẻ lớp vỏ cây khô, vươn ra chào đón nắng vàng gió mát. Ngày ấy là mùa Xuân. Cây mai kia chỉ là một hình ảnh. Vũ trụ còn bao nhiêu bí mật kì diệu và đáng yêu khác. Những bí mật ấy, hầu như được tỏ lộ rất nhiều trong mùa Xuân. Sự luân chuyển của bốn mùa là một bí mật kì diệu. Đời người trải qua biết bao nhiêu mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng rất ít khi người ta suy nghĩ về nó. Những điều kì diệu, những phép lạ của cuộc đời xảy ra quá nhiều khiến cho người ta không còn cho đó là kì diệu, lạ lùng nữa, nó đã trở thành một chuyện tự nhiên. Thật ra không phải tự nhiên mà có mùa Xuân, cũng như không phải tự nhiên mà có những mùa khác trong năm. Sự vận hành kì diệu của trái đất, mặt trời và thái dương hệ theo chu kì kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu, nhiệt độ, khung cảnh không gian, điều kiện dinh dưỡng và phát triển vạn vật... mới tạo nên các mùa trong năm. Sự luân chuyển bốn mùa trong năm khiến cho mùa Xuân theo đúng chu kì mới trở lại.

Đời người cũng có mùa Xuân. Tuổi trẻ với niềm vui tươi thắm, sức sống dạt dào, khối óc và trái tim mở ra với muôn tình ý cao đẹp. Đó chính là mùa Xuân của cuộc đời.

Để giữ mãi mùa Xuân cuộc đời cần hướng lòng về Thiên Chúa. Ngài tạo dựng mùa Xuân đất trời cũng như mùa Xuân cuộc đời. Ngài làm cho tuổi thanh xuân con người hân hoan. Ngài cũng chính là mùa Xuân miên viễn. Hướng lòng về Ngài để nhận ánh sáng ấm áp, giữ cho mùa Xuân cuộc đời nở tươi mãi mãi.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Phố Ngày Mù Sương
Nguyễn Đức Cung
22:12 17/01/2014
BÊN PHỐ NGÀY MÙ SƯƠNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Phố mù sương
Bước thấp cao
Lao đao bóng lẻ hư hao dõi tìm…
(Trích thơ của Đuyên Hồng)