Ngày 16-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời Ca Nguyện Cầu 17
Giáo Hội Năm Châu
04:11 16/01/2021
 
Tông Đồ Giáo Dân: Đến Mà Xem
Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
10:26 16/01/2021
Nhân ngày lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một tự sắc mới mang tên Spiritus Domini (Thần Trí của Đức Chúa) để thay đổi điều khoản số 230 trong Bộ Giáo Luật hiện hành. Theo đó kể từ nay, trong Hội Thánh, không chỉ có nam giới mà cả những người nữ hội đủ các điều kiện cần thiết đều có thể lãnh nhận tác vụ đọc sách và giúp lễ. Đây không hẳn là một “bước đột phá” trong quản trị mục vụ của Đức Phanxicô như một số người từng nhận xét, vì thực ra kể từ Công Đồng Vaticanô II, giáo huấn chính thức của các vị Giáo Hoàng đều xác nhận và đề cao vai trò của giáo dân nói chung và phụ nữ nói riêng trong các sinh hoạt chung của cộng đồng dân Chúa. Đó là chưa kể lịch sử còn cho thấy ơn gọi tông đồ giáo dân vốn đã xuất hiện và góp phần đáng kể vào sự phát triển lớn mạnh của Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai (x. Cv 11, 19-21; 18, 26; Rm 16, 1-16; Ph 4, 3). Ngày nay, không chỉ trên phương diện lý thuyết mà trong thực hành cũng thế, hình ảnh người nữ giáo dân tham dự tích cực vào các cử hành phụng vụ qua thừa tác vụ đọc sách, trao Mình Thánh Chúa và phục vụ bàn thánh vốn là khá quen thuộc đối với rất nhiều người trong chúng ta. Vậy thì đâu là ý nghĩa thực sự của việc ban hành Tự Sắc ngày 11 tháng Giêng vừa qua? Và chúng ta nên đón nhận biến cố này như thế nào?

Ơn Canh Tân của Thần Khí Sáng Tạo

Thấm đượm tinh thần canh tân của Công Đồng Vaticanô II, Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang nỗ lực cổ võ cho một Giáo Hội hiệp thông trong đức tin, đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng và kiên tâm làm chứng cho lòng thương xót của Chúa nơi trần gian. Qua Tự Sắc Spiritus Domini, vị cha chung của Giáo Hội hoàn vũ tái xác nhận vai trò không thể thay thế của thừa tác vụ giáo dân và tha thiết kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hợp tác với nhau cách tích cực hơn trong sứ vụ dấn thân loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay.

“Ơn gọi làm Kitô Hữu thực chất cũng chính là ơn gọi làm tông đồ”, sắc lệnh về tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem đã quả quyết như vậy (AA, #2). Nhờ hiệu quả của bí tích Thanh Tẩy, người Kitô Hữu được thông dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô (LG, #31). Do đó cho dù có khác nhau về bậc sống và ơn gọi, mọi tín hữu đều có chung một bổn phận đó là làm sao để hết mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa (x. AA, #2). Sứ mạng truyền giáo là sứ mạng chung và là trách nhiệm trước hết mà mỗi phần tử Hội Thánh cần phải dốc tâm thi hành. Đang khi đó, không phải tất cả giáo dân đều được chuẩn bị thích đáng để có thể gánh vác nhiệm vụ cao cả này. Dưới ánh sáng Lời Chúa của Phụng vụ Thánh lễ Chúa Nhật II mùa Thường Niên, chúng ta khám phá ra ý nghĩa cao quý của ơn Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng học biết được những bí quyết quan trọng giúp cho việc thi hành sứ mạng truyền giáo của chúng ta trở nên hiệu quả hơn.

“Đến mà xem”: Lời mời gọi của Chúa.

Là một trong hai môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi, Thánh Gioan Tông Đồ thuật lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu liên quan đến cuộc gặp gỡ định mệnh xảy ra ngày hôm ấy (x. Ga 1, 36-42). Gioan đâu đã quên lời đầu tiên Chúa nói với ông và người bạn đồng môn tên là Andrê: “Này, các anh tìm gì?” Chúa muốn các ông xác định rõ điều các ông muốn và công khai bày tỏ động cơ tiềm ẩn đàng sau hành vi của các ông. Tin Mừng nói rõ là cả hai ông, chứ không chỉ có Gioan, đáp lại: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38) Câu nói này cho thấy các ông không đi theo Chúa chỉ vì tò mò nhưng vì các ông khao khát tìm hiểu về Chiên Thiên Chúa, về Đấng xóa tội trần gian. Chúa không những đáp ứng nguyện vọng của các ông mà còn đẩy các ông đến chỗ phải đưa ra quyết định, một quyết định vô cùng quyết liệt: “Đến mà xem” (Ga 1, 39). Để nhận biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể hài lòng với việc “nghe kể lại” hay “nghe tường thuật” về Người mà thôi, nhưng phải dứt khoát chọn lựa, đến hay không đến với Chúa.

“Đến mà xem” là lời mời, là lời ngỏ dành cho những ai có ý định theo Chúa. Chúa Giêsu không hề tỏ ý thúc ép bất cứ ai phải theo Người. Nhưng đối với Chúa, tất cả rất rõ ràng: Một là theo hai là không. Đã chấp nhận theo Chúa thì phải “đến với” Chúa. Không có cái gọi là “môn đệ từ xa”. Môn đệ của Đức Kitô là những người khát khao được ở gần Người; gần trong thâm tâm, trong tư tưởng, trong chí hướng, trong lời nói và nhất là trong hành động. “Đến mà xem” do đó là lời mời gọi mà cũng có thể được coi là tiêu chuẩn đánh giá thiện chí của người môn đệ. Gioan và Andrê không những theo Chúa về đến tận nơi Người ở mà còn “ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1, 39). Hành động “ở lại” dường như diễn tả một điều gì khác còn sâu xa hơn. Phải chăng đó là mối tương quan thắm thiết tình nghĩa thầy trò, mối tương quan đậm nét “thuộc về”. Danh xưng “Kitô Hữu” là một thí dụ điển hình về mối tương quan nhiệm mầu này, vì trong Phép Rửa Tội, chúng ta được Chúa Thánh Thần biến đổi cho trở nên những phần tử “thuộc về Đức Kitô” (1 Cr 3, 23) hay nói rộng hơn là chúng ta thuộc về Thiên Chúa (x. 1 Ga 3, 24).

Chúa Giêsu không chỉ mời Gioan và Andrê đến cho biết nơi người cư ngụ nhưng còn khuyến khích các ông mở to mắt ra mà xem. Phải chăng Chúa đang bày tỏ cho những kẻ đi theo Người và cho cả chúng ta thấy rằng ơn gọi Kitô Hữu là một ơn gọi đầy truân chuyên vì một khi đã chấp nhận “xem xét” thì buộc lòng phải “đón nhận” sự thật được phơi bày. “Xem xét” trên một phương diện nào đó liên quan đến việc vận dụng khả năng “quan sát”, “học hỏi” và thậm chí còn hàm ý cả yêu cầu “chất vấn cảnh tỉnh” bản thân. Do đó những người thực sự hưởng ứng lời mời gọi “đến mà xem” của Chúa phải là những người rất can đảm và hành vi của họ minh chứng cho một đức tin vững vàng và một tình mến sắt son.

“Đến mà xem”: Một lựa chọn can đảm.

Đến với Chúa là động thái và là kết quả của tình mến. Có lẽ chính kinh nghiệm này đã thôi thúc thánh Phaolô Tông Đồ tận tình khuyên nhủ các tín hữu Côrintô sống sao cho xứng đáng với vị thế là “thân thể của Đức Kitô” và là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (x. 1 Cor 6, 15 &19). Chúa Thánh Thần chứ không phải ai khác chính là nguyên lý cho sự hiệp nhất giữa Thân Thể và Đầu, giữa Hội Thánh và Đức Kitô, Đấng ấy ở trong chúng ta. Do đó, tương quan giữa Đức Kitô và môn đệ của Người nhất định còn cao siêu hơn tương quan thầy trò thông thường. “Ở lại trong Thầy” chính là cách sống của những người ý thức mình là người nhà của Thiên Chúa, là anh chị em con cùng một Cha trên trời. Ơn gọi môn đệ không thể chỉ dừng lại trên danh nghĩa mà thực sự là một dấu ấn sâu đậm làm nên căn tính của một con người. Môn đệ chân chính là người khao khát và sẵn sàng từ bỏ tất cả chỉ để được “ở lại” trong Thầy Giêsu. Lời mời gọi “đến mà xem” không chỉ dành cho bậc tu trì thánh hiến, mà còn là lời kêu gọi dành cho tất cả những ai khao khát nên thánh, khao khát hạnh phúc đích thực.

Câu truyện Cựu Ước kể về việc Đức Chúa gọi cậu bé Samuel trong đền thờ là một trong những trình thuật giàu cảm xúc nhất trong Kinh Thánh. Thiên Chúa có trăm phương nghìn cách để kêu gọi chúng ta, lúc thì kín đáo khi thì rõ ràng (x. 1 Sam 3, 3-10;19). Tuy được diễm phúc trải qua kinh nghiệm về “Lời Thiên Chúa” nhưng cậu Samuel vẫn cần phải học cách đáp trả tiếng Chúa kêu gọi. “Lạy Chúa con đây, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sam 3, 9). Trình diện vì Chúa gọi; “Vâng con đây”, đó là việc làm đúng đắn nhưng chưa đủ. Thầy Êli nhận ra khuyết điểm ấy nơi cậu bé Samuel nên ông chỉ cho cậu biết cách đáp lại tiếng Chúa. “Xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”, đây là cách đáp trả hoàn toàn chủ động. Ẩn chứa bên trong câu nói này là cả một thái độ thức tỉnh, một tư thế sẵn sàng đón nhận và thi hành điều Chúa muốn. “Này con đây, con xin đến để thi hành Thánh ý Chúa” (x. Tv 39, 8-9).

Cả hai trình thuật Chúa gọi Samuen và Chúa kêu gọi các môn đệ đầu tiên đều cho thấy Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do của con người. Thiên Chúa ngỏ lời và chờ đợi chúng ta đáp lại. Phần thưởng dành cho những ai biết dùng hai tiếng “xin vâng” để đáp lại tiếng Chúa kêu mời sẽ là một hành trình “vượt lên chính mình” vô cùng ngoạn ngục. Một hành trình ghi dấu sự tác động của ơn Chúa và sự hợp tác tích cực của con người. Thánh vịnh 119 chỉ ra cho chúng ta thấy kết cục của những người biết sẵn lòng lắng tai nghe tiếng Chúa và những người mến chuộng đường lối của Người: “Thánh ý Chúa làm con vui sướng thỏa thuê, chỉ bảo con như những người cố vấn. Lạy Chúa, kẻ yêu luật Ngài hưởng an bình thư thái” (x. Tv 119, 24 & 165). Ngoài ra, những ai đã trải qua kinh nghiệm gặp gỡ “đến mà xem” sẽ được ơn Chúa biến đổi để trở nên tông đồ cho các tông đồ như trường hợp Andrê, ông đã loan báo và “dẫn em mình đến gặp” Đấng Messia (x. Ga 1, 41-42).

“Đến mà xem” – Một bí quyết thành công.

Lời mời gọi “đến mà xem” có thể được hiểu như một chuẩn mực để đánh giá thái độ chân thành và nghiêm túc của những người theo đi Chúa. Bên cạnh đó, đây cũng là bí quyết mà Chúa Giêsu đã mặc khải ra nhằm hướng dẫn cho chúng ta cách đạt đến cùng đích của đời mình, những người được Chúa trao cho sứ vụ xây dựng Nước Trời.

Khi trình bày về sứ mạng tông đồ giáo dân, sắc lệnh Apostolicam Actuositatem đề cập đến “nền tảng thần học” và “đường hướng thực hành” trước khi nói đến nhiều khía cạnh khác. Điều này cho thấy đây là hai khía cạnh cơ bản nhất anh chị em giáo dân chúng ta cần phải lưu tâm. Dù xét trên phương diện thần học hay phương diện mục vụ thì sứ mạng tông đồ giáo dân đều phải được lý giải nhờ vào một nền tảng duy nhất đó là Đức Giêsu Kitô, cội nguồn mọi ơn gọi và sứ mạng. Do đó trong các yếu tố quyết định sự thành bại của việc loan báo Tin Mừng nhất định phải nhắc đến mối tương quan thông hiệp giữa các Kitô hữu và Đức Kitô.

Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ là do chính việc kết hợp với Đức Kitô là Ðầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, qua phép Thanh Tẩy Người sát nhập họ vào Nhiệm Thể của Người, qua phép Thêm Sức Người làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần và thánh hiến họ vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh thiện (x. 1 Pt 2, 2-10). Thêm vào đó, nhờ các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể Người chuyển thông và nuôi dưỡng đức ái vào trong tâm hồn những người này (x. AA, #3). Vì Đức Kitô là nguồn mạch nguyên thủy của mọi hoạt động tông đồ trong lòng Giáo Hội, nên hiển nhiên là kết quả phong phú của tông đồ giáo dân tùy thuộc ở sự kết hiệp sống động của chính họ với Đức Kitô, Ðấng đã tuyên bố rằng: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy thì mới sinh được nhiều hoa trái” (x. Ga 15, 5). Ðời sống kết hiệp mật thiết với Đức Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng nhiều phương thế thiêng liêng khác nhau nhưng trên hết là bằng việc tham dự tích cực vào Phụng Vụ thánh (x. AA, #4).

Một lần nữa, chúng ta được khuyên gắn kết đời mình với Đức Kitô qua việc nuôi dưỡng và cũng cố tình liên đới hiệp thông trong Hội Thánh và tích cực tham dự vào các bí tích. Chỉ như thế chúng ta mới đủ sức “Ad gentes – đến với muôn dân” và khi đến với họ chúng ta mới có cái để chúng ta chia sẻ với họ. Phải chăng đây chính là thao thức nền tảng mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chuyển tải đến chúng ta khi ngài ban hành Tự Sắc Spiritus Domini vào đúng ngày lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa vừa qua. Bí quyết ở lại trong Chúa (đến) và để cho ơn Chúa biến đổi đời mình (mà xem) là hành trang quý báu giúp chúng ta đi trọn hành trình tông đồ và hoàn tất việc loan báo Tin Mừng trong thành công mỹ mãn.

Cuối cùng, chúng ta không quên dõi theo gương mẫu tuyệt hảo của đời sống tông đồ, Ðức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Ðồ (Regina Apostolorum). Khi còn ở trần gian, Mẹ đã sống cuộc đời như mọi người, cũng vất vả lo toan cho gia đình nhưng Mẹ đã luôn luôn theo sát dấu chân và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Con của Mẹ. Giờ đây, sau khi đã về trời, “với tình mẫu tử bao la, Mẹ tiếp tục chăm sóc cho đàn em đông đúc của Con Mẹ, đang trên đường lữ thứ trần gian nhiều gian truân, Mẹ lo lắng cho tới khi họ đạt tới quê trời vĩnh phúc” (x. LG, #62). Chúng ta hết thảy tôn sùng trái tim Mẹ và phó dâng sứ mạng tông đồ của chúng ta cho Mẹ coi sóc (x. AA, #4).

Nữ Vương các thánh Tông Đồ, xin cầu cho chúng con.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:46 16/01/2021

22. Mặc dù tôi chỉ phạm một tội nhỏ, nhưng đó là lý do lớn để tôi vì nó mà thống hối suốt đời.

(Thánh Francis of Assisi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:51 16/01/2021
37. KHÔNG GIỐNG CON CHÁU

Có một quan sứ đào một cái hồ bên nhà và nuôi rất nhiều loại chim, nào là chim hạc, chim bồ nông, gà gô xanh, gà gô trắng.v.v...cần có loại nào thì cũng có, nếu có người đến tham quan, thì tất cả chim to chim nhỏ đều được lùa ra.

Một hôm, có người ngoài tộc đến, vì không biết tên của các loại chim nên chỉ con chim hạc và nói với người chăm nom chim:

- “Con này là chim gì?”

Người chăm sóc chim đánh lừa ông ta:

- “Đây là con chim vịt mỏ nhọn.”

Người ấy lại hỏi con bồ nông thì người chăm sóc chim lại nói dối:

- “Đây là con của con chim vịt mỏ nhọn ấy”.

Lại hỏi gà gô xanh, người chăm nom chim lại đánh lừa nói:

- “Đây là cháu của con chim vịt mỏ nhọn ấy”.

Hỏi đến con gà gô trắng thì người ấy lại bị lừa dối:

- “Đây là chắt của con chim vịt mỏ nhọn ấy”.

Người ngoài tộc ấy thở một hơi tiếc rẻ nói:

- “Cái dáng con chim vịt này rõ ràng là dài, nhưng con cái cháu chắt của nó không đời nào giống đời nào cả”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 37:

Người ta thường nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, vậy mà cháu chắt mấy đời của con chim vịt mỏ nhọn lại chẳng giống nhau chút nào, không giống nhau là vì nó không cùng một loại, nhưng cái quan trọng nhất khiến chúng nó không giống nhau là vì lời nói dối trá của người nuôi chim.

Lời dối trá có hại rất to lớn, mà cái hại to lớn nhất mà chúng ta có thể thấy được là khi nguyên tổ chúng ta nghe lời dối trá của ma quỷ, để rồi con cháu sau này phải khổ cực phần hồn cũng như phần xác.

Thông thường thì người ta ai cũng đều biết người Ki-tô hữu thì không nói dối, cho nên họ thường hay tin những lời của người Ki-tô hữu nói, cho nên lời nói dối của người công giáo thì tội sẽ nặng hơn những người khác, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy: có thì nói có, không thì nói không, thêm điều bịa đặt là chuyện của ma quỷ...

Người đi tham quan bầy chim tin vào lời nói dối của người chăm nom bầy chim, mà hiểu lầm bầy chim nước là cùng một tổ một giống mà ra; cũng vậy, khi người Ki-tô hữu nói dối thì cũng làm cho người khác hiểu lầm rằng Đức Chúa Giê-su dạy họ nói dối, đó là một tai hại không thể lường được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 TN (B))
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 16/01/2021
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Ga 1, 35-42.

“Các ông đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, và ở lại với Ngài.”


Bạn thân mến,

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Giáo Hội –qua thánh Gioan Tiền Hô- đã giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho chúng ta, Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian, và là Đấng mà muôn dân trông đợi đang hiện diện giữa cuộc đời này. Ngài đến như một người Do Thái bình thường không bí ẩn như những vị ẩn tu, không như những nhà giảng thuyết lừng danh, nhưng là như một Ráp-bi hiền hòa nhân ái. Chính Ngài đã đến để đem tin vui cứu độ cho mọi người.

Bạn và tôi đã đến và đã nghe Ngài giảng dạy, không phải bên bờ sông Gio-đan, nhưng là trong nhà thờ; không phải giờ thứ mười, nhưng là mỗi giây phút trong cuộc sống của mình.

Bạn và tôi đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, nên đã phó thác tất cả cuộc sống của mỉnh trong tay Ngài, nhưng đã có nhiều lần bạn và tôi không muốn ở lại cùng chia sẻ với Ngài những buồn vui trong cuộc sống của mình, và lắm lúc trong cuộc sống, bạn và tôi đã đem cuộc đời mình phó thác trong tay các đại gia vì bỗng lộc chóng qua, phó thác đời mình cho người có chức quyền ở thế gian, mà không tin tưởng phó thác trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Các môn đệ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su đã đến xem chỗ ở của Ngài và ở lại luôn với Ngài, bởi vì các ông đã nhìn thấy cách sống của Ngài: đơn sơ, thanh tịnh và tràn đầy yêu thương.

Bạn và tôi không những đã thấy và đã tin, nhưng còn được rước lấy Mình và Máu Thánh của Ngài nữa, do đó, chúng ta cần phải như các môn đệ tiên khởi của Đức Chúa Giê-su, giới thiệu Ngài cho người khác cũng biết Ngài như chúng ta vậy, bằng cách sống yêu thương, đơn sơ, tin tưởng và phục vụ trong vui vẻ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
CN 2 TN : Eureka
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
21:38 16/01/2021
CN 2TN : Eureka (tôi đã tìm ra rồi)

Sau khi từ bỏ thầy mình là Gioan Tẩy Giả, để đi theo người mà Gioan nói là Chiên Thiên Chúa, rồi lại ở với vị thầy mới là Chiên Thiên Chúa đó, thì hôm sau, Anrê đi tìm anh mình là Phêrô, và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (nghĩa là Đấng Kitô). “Chúng tôi đã gặp.” “Gặp”, một cách diễn rất không đạt. Hôm qua ra đường, tôi gặp cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư, gặp ông đi qua bà đi lại. Hoặc cao hơn một bậc, hôm qua đi phố tình cờ gặp lại người quen. Những kiểu gặp đó không phải là “gặp” trong câu “chúng tôi đã gặp Đấng Kitô của Anrê.” Vậy chữ gặp trong câu nói của Anrê nghĩa là gì

Chúng ta sẽ tìm theo nghĩa Kinh Thánh, tức là nghĩa của câu thoại trên; và một nghĩa nữa : nghĩa tình yêu, nghĩa của bối cảnh trên.

1- Nghĩa của Kinh Thánh

Lẽ ra nên dịch : tìm thấy rồi, tìm được rồi !

Quả thật người Do Thái thời ấy ao ước sự xuất hiện của Đức Kitô mà Kinh Thánh đã loan báo. Đấng đó sẽ đến giải thoát, giải thoát cả sự đô hộ của Roma nữa. Ai tìm ra được Đức Kitô quả là diễm phúc. Cho nên khi tìm được rồi reo lên như Archimède xưa : Eureka (mà quả thật Phúc m viết bằng tiếng Hilạp, cũng dùng chữ như Archimède xưa kêu lên : Eureka, tôi đã tìm ra rồi).

Số là Archimède sống từ khoảng năm 287 đến 212 tCN. Ông là cố vấn khoa học cho Herio II, người thống trị thành phố Syracuse trên đảo Sicily, phía nam Italy (Sicily khi đó là một phần của thế giới Hi Lạp). Câu chuyện kể rằng Herio đã yêu cầu Archimède kiểm tra xem chiếc mũ miện mà ông vừa cho chế tạo dâng thần thánh được làm bằng vàng nguyên chất hay hỗn hợp của vàng và bạc. Người ta cho rằng Archimède đã tìm ra câu trả lời trong khi đang ngồi trong bồn tắm. Ông đã nhảy ra khỏi bồn tắm và trần như nhộng chạy khắp các đường phố la toáng lên “Eureka! Eureka!” Đó là tiếng Hi Lạp có nghĩa là “Tôi đã tìm ra rồi”.

Vàng thì nặng hơn bạc, cho nên một ký vàng thì khối lượng nhỏ hơn cũng một ký vàng pha bạc, cho nên nếu 1kg vàng pha bạc, thì nước tràn ra nhiều hơn là vàng ròng.

-Archimdes thả những vật bằng vàng nguyên chất và bạc nguyên chất vào nước để đo sự thế chỗ. Sau đó, ông thả cái mũ miện vào. Thì ra nó chiếm chỗ của nước nhiều hơn vật bằng vàng nguyên chất. Archimède kết luận rằng cái mũ miện của nhà vua không được làm bằng vàng nguyên chất. Archimede kêu Eureka không phải tình cờ, nhưng suy nghĩ, khi nhảy vào bồn tắm, thấy nước tràn ra, ông kêu Eureka.

Anrê theo thầy Gioan Tẩy giả, cũng là để đi tìm cho bằng được Đấng Kitô, cho nên khi tìm được cũng kêu lên Eureka : Đấng Kitô, chúng tôi đã tìm ra được rồi.

-Newton (tk 18) nằm dưới gốc tây táo, tình cờ một quả táo rơi trúng đầu, ông tìm ra được định luật hấp dẫn vạn vât và sức hút của trái đất, khi nó quay. Chắc chắn ông phải suy nghĩ nhiều trước đó, để khi thấy trái táo rơi, -tại sao không rơi ra không gian, mà rơi xuống đất,- lúc đó chắc chắn Newton cũng kêu lên Eureka. Ngày nay bên u Châu và ngay tại Việt Nam ta, cũng có những câu lạc bộ Eureka, nhằm tìm tòi phát minh ra những điều mới lạ, một kiểu như Eureka : tôi đã tìm ra rồi. Anrê cũng thốt lên như vậy với anh mình : Kitô, tôi đã tìm ra rồi !

-Trên VTV1, có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly,” do nhà báo Thu Uyên, nay đã đến số trên 80, mỗi tháng 1 số, diễn lại phút “gặp” lại người lạc mất. Đúng là “tôi đã tìm thấy rồi” chứ không phải tình cờ gặp đâu. Người nhà tìm, nhà đài tìm, để rồi cuối cùng kêu Eureka, chúng tôi đã gặp : chúng tôi đã tìm được rồi, mừng quá. Anrê cũng nói câu tương tự với Phêrô : Đấng Kitô đó, chúng tôi đã tìm ra rồi, tìm được rồi, mừng quá, “như chưa hề có cuộc chia ly.”

Đó là nghĩa kinh thánh, nghĩa của câu thoại, bởi vậy dịch là “gặp”, chúng tôi đã gặp, hơi yếu : ít ra phải là “chúng tôi đã tìm thấy rồi, đã bắt gặp rồi.”

2. Nghĩa tình yêu

Nhưng câu nói của Anrê còn thêm một nghĩa, nghĩa của khung cảnh Anrê gặp Đức Kitô, mà ta có thể gọi là nghĩa “tình yêu.”

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không (câu 181)

mô tả Kiều gặp Kim Trọng. Gặp mà làm chi, dứt đi không được.

Khi Anrê đã gặp được Đấng Kitô rồi, thì cũng dứt đi không được, lúc gặp là giờ thứ mười, 4 giờ chiều, rồi ở lại hôm ấy với Đức Kitô. Nhớ rất rõ là mấy giờ. Làm sao quên được !

Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy

ngàn năm hồ dễ mấy ai quên

Thế Lữ đã thốt lên như vậy.

Khi chàng gặp nàng lần dầu, không thể quên được.

Khi Anrê gặp Chúa, ta nên nhớ là còn Gioan nữa, Gioan cũng là người đầu tiên gặp Chúa, nên hơn 50 năm sau, khi viết sách Tin Mừng, Gioan còn nhớ rất rõ : 4 giờ chiều. Phút gặp gỡ đầu tiên ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.

Có một bài hát của Lm Tiến Lộc, cũng hát được trong nhà thờ, nhưng thường là hát sinh hoạt : Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình, Gặp gỡ đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ đức Kitô chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh.

1. Nguồn suối nếu bế tắc thì dòng sông mau cạn khô. Tình yêu không Kitô, ôi tình yêu sao cằn cỗi. Vì Chúa chính nguồn suối nguồn yêu thương vô biên. Tình yêu thương nối liền (các) hoang đảo giữa đại dương.

2. Cuộc sống kiếp lữ khách, lộ trình xa ôi thật xa, dọc đường nguy nan phong ba, đơn độc đấu tranh kiệt ngã... Kìa bóng Chúa tiến đến, nhẹ tay nâng mình lên, ủi an như mẹ hiền, chính Ngài Chúa Tình yêu.

Cha Lelotte trong cuốn “Những người trở lại trong thế kỷ 20” ghi lại hơn ba mươi khuôn mặt từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân. Cha trình bày kinh nghiệm gặp gỡ Chúa một cách độc đáo, riêng biệt của từng người. Và từ ngày ấy cuộc đời của họ đã biến đổi một cách sâu sắc. Họ trở lại, đi theo Chúa, có người đi tu (như cha Bửu Dưỡng trước đây). Có người tiếp tục đời thường nhưng say mê Chúa mà họ đã eureka, đã tìm ra được rồi.

Trong một lớp giáo lý tân tòng, một thiếu nữ trẻ đang học đạo để lập gia đình, đã chia sẻ tâm tình và sự lựa chọn của cô như sau.

Trong cuộc đời cô, cô chưa bao giờ nghe biết hay được học hỏi điều gì về tôn giáo cả. Gia đình cô rất ghét đạo Công Giáo. Nhưng chàng và nàng lại yêu thương nhau tha thiết. Khi chàng ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ với điều kiện cả hai phải có cùng một niềm tin tôn giáo, nàng chấp nhận ngay. Cô nói: “Tôi muốn có cái mà anh ấy có”. Cô chia sẻ rằng cô nhận thấy, đối với chàng đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc đời và chi phối toàn bộ cuộc đời chàng. Trong đức tin chàng có sự bình an và hạnh phúc. Đó là điều cô cũng đang đi tìm kiếm thì tại sao cô lại không chấp nhận được. Trong khi đó chàng không có nhiều tiền bạc, nhưng rất hài lòng về cuộc sống của mình, và chu toàn những bổn phận hằng ngày. Cuộc sống phản ảnh đức tin mà chàng và cô muốn là một phần của niềm tin đó.

Chúng ta có được như chàng trai này : sống đức tin vì đã tìm gặp được Chúa rồi để sau đó làm cho nàng cũng eureka tìm gặp được Chúa như chàng không? Đúng là “gặp gỡ Đức Kitô, (phải) biến đổi cuộc đời mình.”

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hậu quả thê thảm của vụ xâm nhập Quốc Hội Mỹ: Tương lai buồn cho phong trào Phò Sự Sống
Trần Mạnh Trác
21:02 16/01/2021
Một tình thế chính trị mới tạo ra nhiều khó khăn cho những đoàn thể Phò Sinh. Nhưng tuỳ theo cái nhìn chủ quan cuà những chuyên gia, có nhiều ý kiến rất bi quan nhưng cũng không thiếu những ý kiến lạc quan. Để rộng đường dư luận, chúng tôi sẽ trích dịch ý kiến cuả cả hai phe trong những bài sau đây.

Khởi đầu là bài viết còn rất thời sự nhưng rất bi quan của Kate Scanlon, chuyên gia về Chính Trị cuả đài TV Công Giáo EWTN.


Washington DC (CNA ngày 15 tháng 1 năm 2021).- Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư đã trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị Hạ viện luận tội hai lần.

Cuộc bỏ phiếu luận tội diễn ra một tuần sau khi những người ủng hộ ông Trump xâm nhập Điện Capitol, đã trì hoãn sự chứng nhận đắc cử của ông Joe Biden trong nhiều tiếng ồng hồ và kích động một cuộc bạo động gây ra nhiều người chết.

Cảnh bạo động và việc luận tội – gây ra vì những lời tuyên bố không đủ bằng chứng về cuộc bầu cử bị đánh cắp của ông Trump - sẽ là vết nhơ cho di sản của ông Trump.

Một hậu quả khác nữa, là phong trào Phò Sinh mà phần lớn đã ủng hộ ông Trump hết mình, sẽ phải vật lộn với di sản này, trong một thời điểm sắp tới mà vấn đề Phò Sinh sẽ phải giằng co với một chính quyền ủng hộ phá thai quyết liệt.

Nhà thần học Công Giáo Charles Camosy nói với CNA rằng khi ông nhìn thấy sự bạo động ở Điện Capitol, "Thì cũng như nhiều người, những người phò sinh mà tôi biết, đã ghê sợ và kinh hoàng."

“Đặc biệt là, với những khám phá về kế hoạch của một số người bao vây Điện Capitol đã lộ ra rõ ràng hơn, thì nếu họ thành công, sự thiệt hại về nhân mạng thậm chí có thể còn lớn hơn nữa,” Ông Camosy nói.

Ông Camosy là cựu thành viên cuả Hội đồng quản trị nhóm Life of America của đảng Dân chủ, đã phải từ chức vào năm 2020, vì việc đảng áp dụng các quan điểm phá thai cực đoan khiến ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ đảng mà gia nhập Đảng Đoàn kết Hoa Kỳ.

Khi được hỏi liệu phong trào ủng hộ cuộc sống có nên cắt đứt quan hệ với ông Trump hay không, ông Camosy nói, "Tôi đã cảnh báo mối quan hệ này từ đầu."

“Đáng chú ý là nhiều nhà lãnh đạo và tổ chức ủng hộ cuộc sống cũng từng lo lắng về ông Trump ngay từ lúc bầu cử sơ bộ của GOP năm 2016, nhưng họ đã giữ mối quan hệ thân thiện với ông ấy trong bốn năm qua,” Camosy nói. "Chắc chắn một cái gì đó đã làm thay đổi những ưu tư ấy. Sự gần gũi với quyền lực để thực hiện một vài điều tốt đẹp trong đoản kỳ là một sự cám dỗ rất lớn. Bây giờ thì những người trong chúng ta, những người chưa bao giờ ủng hộ Trump, chỉ nên ghi nhận những điều tốt đẹp đã qua đi, và đến lúc phải lo toan cho những điều đã được cảnh báo. "

Camosy nói thêm rằng ông ta vẫn nghĩ từ lâu là "sẽ có nhiều khó khăn để hàn gắn những thiệt hại do sự liên quan đến ông Trump mang lại, ngay cả khi không có cuộc tấn công vào Điện Capitol."

"Nhưng bây giờ thì công việc là một nhiệm vụ khổng lồ," ông nói. "Đã quá muộn để cắt đứt quan hệ."

Bà Destiny Herndon-De La Rosa, người sáng lập ra Nhóm Nữ quyền Làn sóng Mới, nói với CNA rằng bà đã kinh hoàng, nhưng không ngạc nhiên, khi bạo loạn diễn ra tại Điện Capitol vào tuần trước.

Bà Herndon-De La Rosa nói: “Tôi nghĩ rằng đối với rất nhiều người trong chúng ta, những người đã phản đối Trump bốn năm trước, đã thấy điều này phải xảy ra. “Đây là một điều không thể tránh được và tôi nghĩ rằng phong trào ủng hộ sự sống đã gắn bó với ông ấy quá mạnh mẽ - thực sự bất kỳ ứng cử viên chính trị nào cũng luôn là một mối nguy hiểm - nhưng ông ấy đặc biệt là biến động. Ông ấy đã lộ ra màu sắc thực sự của mình trong thời gian qua ”.

Ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 sau khi vận động với nhiều lời hứa thân thiện, bao gồm cam kết bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao thân hữu. Nhưng việc ứng cử của ông đã đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho phong trào ủng hộ cuộc sống, một số người cho rằng thành tích của ông - đặc biệt là cách đối xử với phụ nữ - khiến ông trở thành một lựa chọn xấu để đại diện cho một phong trào tự xưng là ủng hộ phụ nữ.

Nhưng dù cho đã có những nghi ngờ này, ông Trump đã trở thành gương mặt của phong trào ủng hộ cuộc sống. Vào năm 2018, ông Trump trở thành vị tổng thống đầu tiên phát biểu qua truyền hình trong cuộc tuần hành March for Life (tuần hành Phò Sự Sống) ở Washington, DC, mặc dù các tổng thống Đảng Cộng hòa trước đó cũng làm như vậy, nhưng qua điện thoại. Hai năm sau, Trump trở thành tổng thống đầu tiên đích thân tham dự cuộc tuần hành March for Life (Tháng Ba.)

Không phải tất cả mọi người trong phong trào ủng hộ cuộc sống đều hài lòng với sự tham dự của ông Trump. Dân biều Dan Lipinski (D-Ill.), một trong những đảng viên Dân chủ ủng hộ cuộc sống nổi bật nhất, đã rút lui khỏi March for Life năm 2018 sau khi có tin về sự xuất hiện của ông Trump. Lipinski cho biết vào thời điểm đó, ông không thể đặt mình vào một "tình huống làm tổn hại về mặt đạo đức" khi ngồi chung với một vị tổng thống có lời lẽ khó đoán và thường gây khó chịu.

Lipinski, gần đây đã phải rời Quốc hội sau khi thất bại ở vòng sơ bộ vào năm ngoái, gọi cuộc bạo động ngày 6 tháng 1 là “không thể tin được”.

Ông nói với CNA: “Điện Capitol của Hoa Kỳ là biểu tượng và là trụ sở của nước cộng hòa dân chủ của chúng ta và thấy nó bị tấn công là điều rất đáng lo. "Thàt là một điều không thể tưởng tượng."

Lipinski cho biết ông đã bày tỏ lo ngại ngay từ đầu về việc phong trào liên kết ông Trump quá chặt chẽ. Ông thừa nhận đã có một số thành tựu tích cực, nhưng cho biết "chúng ta cần phải thu phục được trái tim và khối óc của mọi người."

Lipinski nói: “Ông ấy làm tổn thương chúng tôi khi chúng tôi muốn lôi kéo nhiều người hơn về phía chúng tôi. “Chúng tôi cần nhiều người ở bên cạnh mình hơn, và một cách để bạn có được mọi người ở bên mình là có một hình ảnh tốt về ý nghĩa của việc Phò Sinh, cuả mẫu người Phò Sinh. Và vì vậy, sẽ là tốt khi có những người được nhìn nhận là tích cực, là hình mẫu tốt, và là những nhà lãnh đạo cuả phong trào. Và về khía cạnh đó, tôi nghĩ Donald Trump gây hại trong nhiều năm và lâu dài. "

Khi nhiệm kỳ tổng thống của Trump kết thúc với cuộc luận tội thứ hai - và các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ nói rằng ông nên bị cách chức - một số người ủng hộ lo lắng rằng di sản của tổng thống có thể tiếp tục ám ảnh phong trào ủng hộ cuộc sống trong nhiều năm tới.

Trong khi có một số người vẫn khoe khoang về những thành công trên ngành lập pháp (số dân biểu Phò Sinh tăng) và tư pháp (thẩm phán Phò Sinh tăng), nhiều người Phò Sinh khác lại lo lắng rằng tai tiếng của ông Trump có thể khiến nhiều người rời xa phong trào - hoặc coi phong trào là một phong trào áp bức phụ nữ. Dù cho có các cuộc thăm dò liên tục cho thấy đa số đáng kể cử tri ủng hộ những giới hạn phá thai, nhưng sự ủng hộ cho Roe vs Wade thì lại đạt lên mức cao nhất chưa từng thấy trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Bà Herndon-De La Rosa đưa ra một sự tương tự trong Kinh thánh về mối liên kết của phong trào ủng hộ sự sống với Trump.

“Các đề cử ở Tòa án Tối cao mà Trump hứa, là 30 đồng bạc (cuả Giuđa), chỉ vì vậy mà chúng ta đã sẵn sàng bỏ qua những hành vi tội lỗi và những khiếm khuyết nhân cách của ông ấy, chỉ vì coi những chiếc ghế của Tòa án Tối cao là rất quan trọng cho nên bây giờ chúng ta đang chịu hậu quả đó, ”bà nói.
Di sản của Trump, Herndon-De La Rosa nói, vẫn là một câu hỏi khó ngay cả trước khi xảy ra bạo loạn, (có ý nhắc lại những câu nói cuả Trump về phụ nữ được tiết lộ trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.)

“Chúng tôi đã dành nhiều thập kỷ để cố gắng cho mọi người thấy chúng tôi ủng hộ phụ nữ thế nào,” bà nói. “Một khi chúng tôi liên kết mình với một người đàn ông đã đưa ra những nhận xét hèn hạ về phụ nữ như vậy, chúng tôi mất uy tín. Đây là một liên minh nguy hiểm, và bây giờ chúng ta thấy rằng nó giống như một hiệp ước để tự sát”.

Về mối quan hệ của Trump và phong trào sự sống, Herndon-De La Rosa lập luận, "Tôi không tin rằng sẽ có sự phục hồi."

Bà nói: “Đây phải là một con phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn khi mà chúng ta thực sự thực hiện một cuộc kiểm điểm nội tâm.

Herndon-De La Rosa cho biết bà và một số đồng minh đã sử dụng thuật ngữ "đạo đức sống nhất quán" để phân biệt bản thân họ với một số người khác trong phong trào ủng hộ cuộc sống.

“Và (phong trào) đó sẽ chẳng đi đến đâu, hoặc nó sẽ trở thành một thứ gì đó như là một cái lều lớn hơn,” bà nhận xét.

Nhưng ông Camosy vẫn còn đưa ra một cái nhìn đầy hy vọng hơn về tương lai. Trong khi ông cho rằng phong trào ủng hộ sự sống sẽ bị “hoen ố” bởi sự liên kết với ông Trump “trong ít nhất một thế hệ - có thể lâu hơn”, ông vẫn cho rằng có nhiều điều mà những người ủng hộ sự sống có thể làm để thúc đẩy việc chữa lành.

Ông nói, về phía trước, những người ủng hộ sự sống phải “theo đuổi các mục tiêu theo cách rất phi đảng phái.”

Ông nói: “[Chúng ta nên] làm việc, đặc biệt là ở cấp tiểu bang, vì công lý cho những vấn đề trước khi sinh - có nhiều khả năng làm được qua liên minh với đảng Cộng hòa, nhưng“ chúng ta cũng nên làm việc để cứu sống các em bé - và hỗ trợ các bà mẹ của chúng - bằng cách làm việc với vấn đề ‘phá thai theo nhu cầu'", đề ra các bước để giải quyết tình trạng nghèo đói và bạo lực.

Ông nói: “Chúng ta cũng phải nỗ lực chống lại các vấn đề về cấu trúc xã hội khiến quá nhiều phụ nữ phải phá thai và điều này có nghĩa là phải liên minh với Đảng Dân chủ.

Ông nói thêm: “Mặc dù có lẽ, khi đảng Cộng hòa tìm ra những gì họ muốn, chúng ta có thể giúp thúc đẩy đảng Cộng hòa tham gia với chúng ta cách tiếp cận này. “Những ngẫu tượng chính trị nói chung là chất độc - đối với bản chất con người - nhưng đặc biệt là rất độc đối với phong trào ủng hộ sự sống. Chúng ta phải nhanh nhẹn hơn về mặt chính trị và không theo đảng phái nào trong quá trình theo đuổi của mình ”.

Bà Marjorie Dannenfelser, chủ tịch nhóm Phò Sinh Susan B. Anthony List và cũng là người ủng hộ mạnh mẽ cho Tổng thống Trump, đã không trả lời yêu cầu phỏng vấn. Nhưng bà ấy lên án bạo lực, viết trên tweet rằng nó “không phản ánh cuộc sống của những người Mỹ ủng hộ cuộc sống và cuả những người ủng hộ ông Trump, là những người ủng hộ lời kêu gọi hỗ trợ cảnh sát của ông”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐGM Gioan Đỗ Văn Ngân : Tân Giám Mục Chính Tòa giáo phận Xuân Lộc
L.m. Đào Nguyên Vũ
10:59 16/01/2021
WHĐ (16.1.2021) – Vào lúc 18 giờ (giờ Việt Nam, tức 12 giờ trưa tại Roma) ngày thứ bảy, 16 tháng 1 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam gửi Thông cáo Báo chí số 304/21/V loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo và bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện đang là Giám Mục Phụ Tá giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục chính tòa giáo phận Xuân Lộc.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
 
Văn Hóa
Ngài Đi Ngang Qua Nơi Ấy
Sơn Ca Linh
10:42 16/01/2021
Thấy Đức Giêsu đi ngang qua… (Ga 136)

Đâu có tình cờ,
Chẳng phải bàng quan,
Hơn một lần “Ngài đi ngang qua nơi ấy” !

Nơi có những chàng trai mộng đời đang dậy,
Có thuyền, có lưới,
có cha mẹ già có cả người yêu…
Ngài đi ngang qua để lại đôi mắt diễm kiều,
“Con mắt có đuôi” mang tia nhìn vẫy gọi !

Ngài đi ngang qua,
Như để có người “bước theo” và đi tới,
Tìm minh quân, tìm ngọc quý, tìm cả kho tàng…
Hay để có người, khước từ cả “nghĩa tào khang”,
Chỉ để được “ở lại với Ngài” mà thọ giáo !

Ngài đã đi ngang qua trên vạn nẻo đường thế giới,
Để người mù trông thấy, để kẻ què đứng lên,
Để những bọn phần thu, cùi hủi… không tên,
có bánh được chia đều, được tiệc tùng rượu mới…

Ngài đã đi ngang qua để sẵn sàng đứng đợi,
Đợi người con tả tơi phóng đảng quay về,
Đợi Lêvi bỏ bàn thu thuế, đợi tiệc của Giakê
Đợi giọt nước mắt ăn năn của cô nàng gái điếm…

Ngài đi ngang qua,
Để chạnh lòng, để bao dung tìm kiếm,
Tìm những con chiên lạc vai vác mang về,
Để trao con trai
Cho những “bà goá mất con” đẫm lệ tái tê,
Và những “thiếu phụ lộn chồng” được phục hồi phẩm giá…

Ngài đã đi ngang qua,
Để Bắc, Trung, Nam không con là những “Samari xa lạ”,
Và trên vạn nẻo “Giêricô”,
ai cũng chợt nhận mình là lân cận anh em !
Để những người công nhân “giờ thứ mười một” vững tin,
lương bổng đủ đầy trong “Vườn Nho Nước Chúa”…

Và Ngài đã đi qua,
Nơi ấy “Canvê” một chiều nắng úa,
Bụi bặm, hỗn hào, thập giá, máu loang…
Nơi ấy “mộ hoang” một sáng huy hoàng,
Đường Giêrusalem ngập “Tin mừng Sống lại” !

Và hôm nay,
Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”,
Vẫn “ánh mắt có đuôi” vang tiếng gọi mời:
“Hãy đến mà xem”,
Xem gì, chẳng nhà, chẳng chỗ, chẳng nơi…
cả “viên đá gối đầu” cũng không,
vâng, chỉ Ngài thôi, Đường, Sự Thật, Sự Sống !

Sơn Ca Linh (16.1.2021)





 
Dịch Giả Tài Hoa
Trà Lũ Trần Trung Lương
16:56 16/01/2021
Dịch Giả Tài Hoa

Trà Lũ

Bước vào năm mới, làng An Lạc của tôi vẫn chưa được gặp mặt nhau vì lệnh cách ly Cô Vít 19, nhưng thật may mắn, qua máy điện toán, chúng tôi có thể giao tiếp với nhau bất cứ lúc nào, nhất là phe liền ông, hễ buồn là gọi. Người hay gọi nhiều nhất là ông Từ Hòe, hội viên viễn phương mới từ miền tây trở về làng. Ông xa chúng tôi hơn 40 năm, nay về làng, cái gì ông cũng hỏi. Ông hỏi nhiều nhất là về các bạn bè ở đây. Tuần qua ông hỏi tôi về một người bạn đó là GS Đỗ Khánh Hoan. Biết tôi là người thân quen nên ông xin tôi cho biết nhiều về nhân vật trí thức nổi tiếng này.

Ông Từ Hòe vừa nêu tên một cái là cả làng đều ào ào đồng ý ngay vì làng tôi ai cũng ái mộ và thán phục vị giáo sư thông thái này. Hôm nay ngày lành tháng tốt, tôi xin vâng lời cả làng.

Tôi có may mắn là được quen GS Hoan trên nửa thế kỷ, ngay từ Saigon, hồi thập niên 1960. Rồi bỏ nước ra đi, sang tới Canada tôi lại có diễm phúc gặp lại ông ở Toronto này. Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Tại Saigon Ông là giáo sư dạy anh văn nổi tiếng của lớp Đệ Nhất C tại Trường Chu Văn An và Gia Long, rồi ông lên dạy Đại Học Văn Khoa, và sau đó được mời làm trưởng ban Anh Văn ở trường này từ 1964 đến 1979. Sau 1975, nhóm khoa bảng Hà Nội vào Đại Học Văn Khoa Saigon, vẫn nể phục ông và vẫn mời ông giữ chức trưởng ban Anh Văn. Ông vượt biên năm 1979. Xưa kia Ông từng du học Úc Châu và Hoa Kỳ, ông mang trong người bao nhiêu tinh hoa của các xứ này.

Thời thập niên 1960, các bạn trẻ Saigon hình như đều có tập thơ Tagore trong túi. Ông là người đầu tiên giới thiệu tác phẩm được giải Nobel này với và các bạn trẻ ở Việt Nam. Dịch phẩm của ông đã được tái bản tới 14 lần. Rồi danh xưng Giáo Sư của ông đã được thêm danh hiệu ‘học giả’ vì ông thông thái quá. Ông đã dịch và giới thiệu rất nhiều tác phẩm quốc tế, như toàn bộ văn học nước Anh từ khởi thủy đến năm 1950, như những cây bút sáng giá châu Mỹ La-tinh, như chuyển ngữ trọn vẹn hai thi tập trường ca Illiad và Odyssêy của Homer, toàn bộ Đối Thoại của Platon., Đạo Đức Luận của Aristote…

Xin mượn lời của Nhà Văn Nguyễn Ngọc Ngạn, môn sinh ngày xưa, nói với Thày Hoan trong buổi Thày ra mắt sách ngày 8-11-2019 :

… Cách nay 56 năm, 1963, Thày Đỗ Khánh Hoan dạy Anh Văn ở trường Chu Văn An, lúc ấy Thày độ 26, 27 tuổi, thày dạy lớp đệ nhất C ban văn chương. Tôi cứ nghĩ việc day học đối nới Thày là công việc hàng ngày, có thể là một nghề, có thể là một sinh kế, thày đào tạo biết bao thế hệ môn sinh như tôi. Nhưng GS Đỗ Khánh Hoan không quan trọng đối với tôi bằng Đỗ Khánh Hoan nhà văn, bởi công trình vĩ đại của ông, không ai dám làm, và cũng không ai có khả năng để làm. Ông mang đến cho độc giả VN tất cả những tinh hoa về triết học, về tư tưởng, về thi ca, về thẩm mỹ, từ Tagore đến Platon. Cái đó mới ở lại mãi trong lòng người, trong cái sinh mệnh của VN chúng ta. Mai kia nhớ đến Đỗ Khánh Hoan là nhớ đến công trình lớn lao như thế này… Con không biết có gặp lại Thày dễ dàng hay không, nên hôm nay con đến đây, trước hết là cám ơn Thày. Khi qua Vancouver năm 1979 con viết cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Anh, con nghĩ đến thày, những gì Thày đã dạy con về văn học sử Anh Mỹ ở trường Chu Văn An và Đại Học Văn Khoa. Bây giờ Thày đã 85, mà Thày vẫn lặng lẽ miệt mài làm những công việc không ai dám làm, con xin chúc mừng Thày, vị Thày khả kính của con…

Ở địa hạt văn chương GS Hoan đã viết và dịch rất nhiều, số lượng trên 60 tác phẩm. Gần đây năm ngoái, ông vừa trình làng cuốn Đối Thoại Toàn Tập, chuyển ngữ toàn bộ trứ tác của tổ sư triết học Platon viết cách đây hơn 2.500 năm. Tác phẩm gồm 45 đối thoại, dầy gần 3.000 trang. Có lần tôi ngỏ lời ca ngợi và thán phục thì ông gạt đi, ông bảo việc đó chẳng có gì đáng nói. Dịch toàn bộ kiệt tác triết học này sang tiếng mẹ đẻ, tôi chỉ muốn cung cấp món quà nhỏ mọn này để đồng hương có dịp khai tâm mở trí, không còn ngỡ ngàng với tác phẩm đã ngự trị khắp năm châu bốn bể từ lâu rồi. Tôi chỉ ao ước các vị học giả trong và ngoài nước cũng làm như tôi để kho tàng học thuật nước nhà bớt èo ọt và nghèo nàn.

Tôi viết những dòng này cốt để các cụ khắp nơi quan tâm tới đại cuộc, chứ không hề có ý tô vẽ và tán tụng. Các cụ phương xa chưa có tác phẩm của Giáo Sư dịch giả thiên tài Đỗ Khánh Hoan, xin liên lạc với cơ quan đại diện tác giả là ‘Học Viện Công Dân (ICEVN)’, 9888 Bissonnet Street, Suite 660, Houston, TX 77036, USA.

Kính chuc các cụ một năm mới hạnh phúc.

Trà Lũ Trần Trung Lương
 
VietCatholic TV
Biến cố di tản đã giết chết Giáo Hội tại Iraq
Giáo Hội Năm Châu
04:09 16/01/2021


Sau hai năm bị Hồi giáo ISIS chiếm đóng, người Công Giáo vẫn trốn chạy khỏi thiên đường Iraq

CNA - Washington ngày 14/1 cho hay: Người Công Giáo tại Iraq từng là một nhóm thiểu số, nhưng rất năng động, phó thủ tướng là người Công Giáo Chaldean và có nhiều người Công Giáo giảng dậy trong các trường đại. Iraq được cai trị bởi một chế độ độc tài, nhưng chính phủ đã đạt được một chính sách hài hòa giữa các tôn giáo ở Iraq, đã tạo cơ hội cho những tín hữu sống một cuộc sống lành mạnh thịnh vượng và an hòa.

Mọi sự đã thay đổi vào năm 2003, khi quân đội Mỹ tiến đánh Baghdad.

Anh Joseph Hanna Joshua, 43 tuổi nhắc nhớ: “Cảm giác lúc đó tựa như chúng tôi được giải phóng, sau 40 năm sống dưới chế độ độc tài Saddam. “Vào thời điểm đó, chúng tôi nghĩ người Mỹ sẽ giúp biến đổi đất nước Iraq thành một đất nước công nghiệp”.

Anh nhớ lại dân chúng Iraq tung hô binh lính Hoa kỳ, tặng hoa cho họ, thay vì tỏ thái độ kết án “xâm lăng” và “xua đuổi họ cút khỏi đất nước!”

“Cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn tự hỏi: Liệu người Mỹ giải phóng hay chiếm đóng đất nước chúng tôi?”

Các nhóm Ả Rập Sunni như al-Qaida, chống lại sự chiếm đóng của Hoa Kỳ và sự gia tăng người Shiite ở Iraq, đã dấy lên một cuộc nổi dậy nội chiến chống lại cả hai thế lực và đặt quyền cai trị vào tay các nhóm Hồi giáo và họ nhắm tiêu diệt các tín hữu Công Giáo.

Mục tiêu Công Giáo

Một giám đốc của Tổ chức Nhân quyền cho hay người Công Giáo Iraq “không gánh chịu những bất công hơn những người khác”. Nếu điều này là sự thật, thì chắc đó không phải là ý định của những tên cực đoan, những kẻ từ năm 2003 đến 2013, đã gửi ra những lời đe dọa người Công Giáo, dùng loa của các nhà thờ mà phát đi các thông điệp chống Công Giáo, bắt cóc các linh mục, đe dọa hãm hại nếu không rời khỏi Iraq. Chúng đã thực hiện nhiều vụ giết người quy mô như đánh bom 74 nhà thờ ngay cả trước khi ISIS chiếm được Mosul. Kể từ năm 2003, ít nhất 1.357 tín hữu đã bị giết trong các vụ việc được ghi nhận; và vô số người bị bắt cóc và bị đe dọa.

Việc ISIS chiếm đóng 12 thị trấn có người theo đạo Công Giáo từ năm 2014 đến năm 2017 là đỉnh điểm của cuộc nổi dậy này. Vào năm 2019, tôi đã sống ba tháng ở Qaraqosh, một thị trấn có nhiều người Công Giáo Syria, ở gần thành phố Mosul. Chính quyền ISIS không phải là nhóm Hồi giáo đầu tiên bức hại các nhóm tôn giáo thiểu số - nhưng là nhóm đầu tiên xây dựng một nhà nước hiện hành trong khu vực - và chính tổ chức này đã làm dấy lên hàng loạt các cuộc di tản của những người theo đạo Thiên Chúa. Mặc dù chúng tuyên truyền là cổ súy các quy định và chính sách, chứ không phải là thanh lý những người theo đạo Công Giáo và coi họ là những kẻ thù của chế độ! Những lời hứa của ISIS là hòa hợp tôn giáo, khôi phục trật tự công cộng và truy tố những tội phạm một cách công bình.

Nhưng đằng sau những cải tổ quy luật được bộc lộ rõ ràng ngay sau khi ISIS thành lập nhà nước: Vào ngày 15 tháng 6 năm 2014, lần đầu tiên sau 1.600 năm, không có thánh lễ nào được cử hành ở Mosul, nơi mà trước đây là trung tâm của Công Giáo tại Iraq. Chỉ sau một tháng, hầu hết những người Công Giáo phải tháo chạy qua các khu vực của người Kurd tự trị ở phía bắc. Một số trong số 7% không kịp trốn thoát bị buộc phải cải đạo, trong khi những người khác, bao gồm khoảng 250 phụ nữ Công Giáo từ Qaraqosh, bị bắt làm tù binh và bị áp bức làm nô lệ tình dục. ISIS đã ban hành một bảng giá bán người Công Giáo và người nô lệ Zazidi, một ví dụ điển hình là giá bán một bé gái 8 tuổi là 170 đô la.

Cùng năm 2014, tình trạng di cư hợp pháp và bất hợp pháp của những người theo đạo Thiên Chúa, đã diễn ra trong nhiều năm, tăng lên mức cao điểm – và không suy giảm… Năm ngoái, có 14.480 người Công Giáo Iraq nộp đơn xin di dân nhân đạo đến Úc, một trong những nơi di dân phổ biến nhất! Trong số 102.000 tín đồ Công Giáo đã di tản khỏi cánh đồng Nineveh, chỉ có 35% đã quay trở về lại chốn cũ. Vào năm 2019, nhiều người Công Giáo trong khu vực đã quyết định vĩnh viễn rời xa Iraq, thay vì hồi hương trở về lại quê hương của họ. Chỉ riêng tại thành phố Qaraqosh, đã có 3.000 người Công Giáo Syria đã di tản trong vòng 3 tháng, giảm 12% dân số theo đạo Thiên Chúa trong thành phố đó.

Ở Qaraqosh, một câu hỏi phổ biến nhất mà du khách thường nghe là: "Bạn đến từ đâu và làm cách nào để tôi có thể đến đó?" Một số sẵn sàng trả tiền mặt để có thể mua được visa.

Sự trở về dũng cảm

Một số nhỏ đã trở lại, chẳng hạn như trường hợp của anh Joseph Hanna Joshua, một ký giả, một giáo viên, người đã hai lần bị đổi chỗ ở ở Iraq trước khi xin tị nạn ở Pháp vào năm 2016.

“Vợ tôi và tôi có hai lựa chọn: chọn sống ở Pháp, thì phải hy sinh những năm học hỏi ngôn ngữ và tìm kiếm việc làm, hoặc trở lại Qaraqosh, nơi tôi có thể tiếp tục công việc và nuôi dạy con cái.”

Anh Joshua đã chọn lựa chọn thứ hai và anh trở về Iraq vào năm 2018; hiện anh ấy dạy học và điều phối tổ chức các buổi hòa nhạc. “Các điều kiện không lý tưởng, nhưng điều kiện của người Công Giáo ở Trung Đông thì phải chấp nhận thế! Tôi hằng cầu xin hằng ngày cho chúng tôi được an bình, không buộc phải trốn chạy Qaraqosh một lần nữa!”

Tuy nhiên, hầu hết những người đã đào thoát sẽ không bao giờ quay trở về, và sự di tản này đã làm thay đổi cục diện hiện nay.

Ở Qaraqosh, có tới 92% người theo đạo Công Giáo nói tiếng Aram. Hầu như mọi người già trẻ đi tham dự Thánh lễ, và điện thoại di động của họ thường có hình Đức Mẹ Maria. Phong tục này hiện hành ở một số vùng ở đất nước Iraq, nhưng nó nhanh chóng biến mất, khi giới trẻ tiếp xúc với thế giới phương Tây.

Đức Tổng Giám Mục Petros Mouche ở Mosul, người lãnh đạo giáo phận lớn nhất Iraq và là giám mục duy nhất sống lâu đời với chế độ ISIS, ở Qaraqosh, kêu gọi “khích lệ các tín hữu hãy mau quay về đất nước…”

“Đối với những người muốn rời khỏi đất nước, là quyết định của họ,” Đức Tổng Giám Mục Mouche nói với tờ Register: “Về phần tôi, tôi quyết định ở lại và tôi mong muốn các tín hữu trở về, để làm chứng tá cho Chúa và trung thành với di sản của tổ tiên.”

Giáo phận của Đức Tổng Giám Mục chỉ còn một nhà thờ duy nhất trong số 45 nhà thờ bị phá hủy ở Mosul, đã được khôi phục lại để xử dụng. Nhà thờ phục vụ cho 30 hoặc 40 tín hữu còn lại ở thành phố, cũng như những người đến Mosul để làm việc hoặc theo học.

“Những người theo đạo Thiên Chúa vẫn ngần ngại quay trở về Mosul, vì tình hình bất ổn và tương lai còn bấp bênh ở Iraq, nhưng nếu có linh mục sống và làm mục vụ ở Mosul, bắt đầu cử hành thánh lễ, thì người dân có thêm can đảm để trở về.” Đức Tổng Giám Mục Mouche nói thế.

Nhưng không phải ai ở Iraq cũng nhìn nhận như Đức Tổng Giám Mục Mouche. Chẳng hạn Andrew Yako, 22 tuổi, cư dân Qaraqosh, dự định cùng gia đình di dân sang Detroit Hoa kỳ nói: “Chính phủ không bảo đảm sự an toàn cho những cư dân trong các thành phố... Chúng tôi tin theo Chúa Giêsu, Đấng Cứu Rỗi chúng tôi và chúng tôi không thể chống lại ISIS được, điều này khiến chúng tôi dễ dàng trở thành mục tiêu cho chế độ nhắm đến!”

Dưới chế độ ISIS

Mặc dù Quân đội Iraq được củng cố tốt hơn so với năm 2014, nhưng lực lượng dân quân Công Giáo quá nhỏ bé ở Qaraqosh sẽ không thể đối đầu với ISIS, lực lượng này vẫn hoạt động, thỉnh thoảng ném bom các doanh trại, ám sát các thủ lĩnh các bộ tộc và đốt phá mùa màng của nông dân. Chỉ riêng trong tháng 10 năm 2019, 26 thường dân bị giết hại bởi các tay súng... Với mối quan hệ Mỹ-Iraq đang rạn nứt, một số hoạt động chống ISIS đã bị trì hoãn, tạo thêm cơ hội cho họ hoạt động trở lại.

Địa lý rất quan trọng, Qaraqosh có thể là một pháo đài Công Giáo, nhưng nó chỉ cách Mosul 20 phút lái xe, nơi mà Abu Bakr Al-Baghdadi tuyên bố là vùng tự trị vào năm 2014, và là nơi thủ lĩnh mới của ISIS là Abu Ibrahim Al-Hashimi cầm quyền, ông xuất thân từ Đại học Mosul và học luật Sharia.

Mặc dù Qaraqosh không có bất kỳ một sự cố lớn nào kể từ năm 2017, nhưng điều này phải trả một giá đắt đỏ. Người không có hộ khẩu không thể mua bán tài sản. Chẳng hạn bác tài xế taxi của tôi, một người Arab phái Sunni hành nghề ở Mosul, đã phải đến Qaraqosh nhậu với bạn bè để nộp tiền và làm lại giấy tờ tùy thân. Điều lệ ấy gây tổn hại cho nền kinh tế, khiến tỷ lệ thất nghiệp trầm trọng hơn và là động lực cho người ta di rời đi chỗ khác. Anh Yako nói: “Ở đây không có việc làm và không có tiền thì làm sao sống!”

Tuy thế, vấn đề an ninh và công việc thường được giải quyết dễ hơn vấn đề tin tưởng. Làm sao tin tưởng tưởng được, hôm nay người bạn đạo Hồi rất tốt với bạn, nhưng ngày khác, họ phải theo tôn chỉ của thủ lãnh họ mà sát thủ bạn!

Tình hình đổi thay

Ở Qaraqosh đã từng có 55.000 cư dân vào năm 2014, mà ngày nay chỉ còn 21.000 người; theo anh Yako ước tính thì trong 20 năm nữa, thành phố này chỉ còn khoảng 3.000 cư dân. Anh tâm sự “Tôi thật sự cô đơn, sống bấp bênh và đầy âu lo - điều duy nhất cho tôi an bình là sống phó thác vào Chúa Giêsu và chờ Chúa đến giải thoát tôi”.

Nhiều người khác thì bi quan yếm thế hơn thế nữa!


Source:National Catholic Register
 
Phép lạ nhãn tiền đối với Dòng Anh Em Hèn Mọn tại nơi Chúa Giêsu chịu phép Rửa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:18 16/01/2021


1. Các tu sĩ dòng Phanxicô trở lại địa điểm Chúa chịu phép rửa sau 50 năm

Lần đầu tiên sau hơn 54 năm, các tu sĩ Dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa đã có thể dâng thánh lễ trên tài sản của các ngài tại địa điểm Chúa Kitô chịu phép rửa, nằm ở Bờ Tây.

Thánh lễ Chúa chịu phép Rửa đã được diễn ra tại Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy giả tại Qasr Al-Yahud, một ngôi đền được xây dựng vào năm 1956, và nằm bên bờ sông Jordan.

Các tu sĩ dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa đã sở hữu khu đất rộng 135 mẫu Anh từ năm 1632, nhưng buộc phải di tản vào năm 1967, khi chiến tranh nổ ra giữa Israel và Jordan.

Các nhà chức trách Israel đã mở cửa lại địa điểm này cho khách hành hương vào năm 2011, nhưng việc rà phá bom mìn ở khu vực này chỉ bắt đầu vào tháng 3 năm 2018 và kết thúc vào tháng 10 năm đó.

Vào tháng 10 năm 2020, chìa khóa đã được trả lại cho các tu sĩ dòng Phanxicô, và họ có thể bắt đầu quá trình làm sạch và trùng tu cần thiết để đảm bảo an toàn cho khách hành hương.

Trước Thánh lễ ngày 10 tháng Giêng, các tu sĩ dòng Phanxicô đã đi rước từ tu viện Chính thống giáo Hy Lạp Thánh Gioan đến vùng đất của họ. Cha Francesco Patton, Bề Trên dòng Phanxicô ở Thánh Địa, đã mở các cánh cổng của địa điểm đã bị đóng cửa hơn 50 năm.

Thánh lễ cuối cùng được dâng tại đền thờ là vào ngày 7 tháng Giêng năm 1967. “Các vị đồng tế hôm đó là một linh mục người Anh, Cha Robert Carson, và một linh mục người Nigeria, Cha Silao Umah,” Cha Patton cho biết như trên trong bài giảng của mình vào ngày 10 tháng Giêng. Các linh mục hiện diện đã ký tên của họ vào sổ lưu niệm của đền thờ đã được phục hồi vào năm 2018.

“Hôm nay, 54 năm và 3 ngày sau thánh lễ đó, chúng ta có thể nói vào đầu năm thứ 55 kể từ khi sổ lưu niệm này bị đóng lại, vào cuối cử hành Thánh Thể này, chúng ta sẽ mở lại cùng sổ lưu niệm này, chúng ta sẽ lật qua một trang và trên một trang mới, chúng ta sẽ có thể viết ngày hôm nay, 10 tháng Giêng năm 2021, và ký tên bằng tên của chúng ta, để làm chứng rằng nơi này, từng bị biến thành chiến trường, bãi mìn, một lần nữa là cánh đồng hòa bình, một cánh đồng cầu nguyện,” Cha Patton nói.

Thánh lễ được tiếp diễn bởi một cuộc rước thứ hai đến một bàn thờ ngay bên bờ sông Jordan, nơi các anh em đọc một đoạn trong Sách Các Vua. Cha Bề Trên Patton sau đó nhúng chân trần của mình xuống nước sông.

Leonardo Di Marco, giám đốc văn phòng kỹ thuật của các tu sĩ Quản Thủ Thánh Địa cho biết “công việc khẩn cấp đã được thực hiện để cho phép địa điểm phù hợp cho việc cử hành Lễ Rửa tội hôm nay”.

“Chúng tôi đang hướng tới việc mở cửa trở lại cho những người hành hương, những người sẽ có thể tìm thấy những nơi để nán lại và suy niệm trong một góc cầu nguyện sẽ được tạo ra xung quanh nhà thờ trung tâm nép mình trong một khu vườn đầy các cây cọ”.

Do những hạn chế liên quan đến COVID-19, thánh lễ giới hạn khoảng 50 người tham dự. Đức Cha Leopoldo Girelli, Sứ Thần Tòa thánh tại Israel và Cyprus, đồng thời là Khâm Sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine, cùng với đại diện của chính quyền quân sự Israel, đã có mặt.

Cha Mario Hadchity, là cha sở giáo xứ Jericho đã chào mừng các anh em đến vùng đất của họ. “Chúng tôi rất vui mừng, vào ngày đặc biệt này, các tu sĩ Quản Thủ Thánh Địa, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, sau hơn nửa thế kỷ, đã có thể quay trở lại nhà thờ Latin Thánh Gioan Tẩy Giả. Cầu mong đây là nơi mà tất cả những ai bước vào đều gặp được ân sủng của Thiên Chúa.”


Source:Catholic News Agency

2. Mâu thuẫn giữa lời tuyên bố của Toà đại sứ và bọn cầm quyền Bắc Kinh về chủ trương phá thai và triệt sản người thiểu số

Giới chức Trung cộng hôm thứ Hai ngày 11 tháng Giêng đã lên tiếng chối bỏ những cáo buộc dư luận đưa ra sau khi chính Toà Đại sứ quốc gia này tại Washington tuyên bố đã giải phóng phụ nữ nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ khỏi hình tượng “máy đẻ con”.

Lời tuyên bố “chữa cháy” được đưa ra bởi ông Hứa Quý Hương (Xu Guixiang, 许贵香) phát ngôn viên thứ hai cho chính quyền vùng Tân Cương (Xinjiang, 新疆) nói rằng “những quyết định về vấn đề kiểm soát sinh đẻ là do chính sự tự nguyện của người phụ nữ và không một tổ chức, cá nhân nào cưỡng bức họ”

Hứa Quý Hương biện hộ rằng tỷ lệ sinh sản của người Duy Ngô Nhĩ chẳng những cao hơn các nhóm thiểu số trong vùng mà còn cao hơn cả người Hán. Với sự giúp đỡ của chính phủ, họ sẽ có công ăn việc làm, cải thiện phẩm chất cuộc sống và sống đời bình thường”.

Tuy nhiên, điều tra của phóng viên AP vào tháng 6 vừa qua cho thấy bọn cầm quyền Trung Quốc đã cưỡng ép những biện pháp tránh thai trên mọi nhóm thiểu số ở tỉnh Tân Cương, gồm cả biện pháp đặt vòng tránh thai, thuốc ngừa thai, và ngay cả phá thai lẫn triệt sản. Với lời hăm doạ sẽ bỏ tù những cha mẹ nào có từ 3 con trở lên mà không nộp đủ tiền phạt. Hành động này đã giúp giảm mức sinh sản của người thiểu số tại đây xuống thấp hơn 60%, trong khi những giới hạn về sinh sản cho người Hán được giảm nhẹ trong mục tiêu cân bằng tỷ lệ dân số.

Đáp trả lại lối xử sự bất công này, Twitter đã gỡ bỏ những lời tweet của toà Đại sứ Trung Quốc hôm mùng 7 tháng Giêng.

Bà Nihad Awad, giám đốc điều hành quốc gia của Hội đồng Quan hệ Hồi giáo tại Hoa Kỳ, tuyên bố qua email như sau “Chính phủ phát xít Trung Quốc hiện đang công khai thừa nhận và tán dương việc sử dụng các trại tập trung, lao động cưỡng bức, cưỡng bức triệt sản và phá thai cũng như các hình thức tra tấn khác để loại bỏ một nhóm dân tộc thiểu số và sùng đạo”.


Source:News Max

3. Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Tijuana phục hồi sau khi nhiễm coronavirus

Đức Tổng Giám Mục Francisco Moreno Barrón của tổng giáo phận Tijuana, ở biên giới Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ, cho biết tình trạng thể lý của ngài đã được “cải thiện đáng kể” từ sau khi được báo cáo nhiễm coronavirus. Ngài đã bị lây nhiễm coronavirus sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật tuyến tiền liệt khiến ngài có nguy cơ tử vong.

Đức Tổng Giám Mục Moreno Barrón cho biết ngài sẽ tiếp tục, “với một số chăm sóc cho ca phẫu thuật của tôi ở nhà, trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính”

Đức Cha cho biết ngài cũng sẽ được tiếp tục “chăm sóc hệ thống miễn dịch và các vùng phổi bị ảnh hưởng. “

Đức Giám Mục người Mễ Tây Cơ cảm ơn tất cả mọi người “vì những lời cầu nguyện quý giá của họ, điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, và xin cám ơn anh chị em vì tất cả các thông điệp, mà tôi không thể trả lời vì bị cô lập khỏi các mạng xã hội. “

“Là tổng giám mục của anh chị em, tôi muốn phục hồi sức khoẻ tốt nhất để tiếp tục đồng hành với nhau, và tuyên xưng rằng Chúa Kitô sống giữa chúng ta, cũng như đưa ra một khuôn mặt mới của Giáo Hội ở giữa xã hội chúng ta.”

“Tôi bày tỏ với tất cả tình yêu của mình trong tư cách là một người cha và một mục tử của anh chị em và tôi luôn chúc phúc cho anh chị em.”

Bốn giám mục và hơn 120 linh mục đã chết ở Mễ Tây Cơ vì COVID-19. Chín giám mục Mễ Tây Cơ khác đã cho kết quả dương tính, và hầu hết đã hồi phục hoặc đang có những tiến triển thuận lợi.

Tử vong tại Mễ Tây Cơ, tính đến ngày 12 tháng Giêng, đã lên đến 133,706 người chết, trong số 1,534,039 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tại bang Baja California, hơn 35,000 trường hợp mắc bệnh và hơn 5,000 trường hợp tử vong đã được ghi nhận.


Source:Catholic News Agency

4. Thêm 7 linh mục Mễ Tây Cơ qua đời vì Covid-19.

Chỉ trong hai tuần cuối năm, tại Mễ Tây Cơ có thêm 7 linh mục qua đời vì Covid-19 và tất cả đã có 14 giám mục bị lây nhiễm.

Theo báo cáo thứ 14 của Trung tâm Ða phương tiện Công Giáo: Giáo hội Mễ Tây Cơ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tính cho tới nay, số người chết chính thức do Covid-19 gồm: 4 giám mục, 135 linh mục và nam tu sĩ, 8 phó tế và 5 nữ tu.

Bản báo cáo cập nhật đề cập đến khoảng thời gian từ 15 đến 31 tháng 12 năm 2020, trong thời gian đó có 7 linh mục qua đời. Trong số này cha Pedro Pantoja Arreola là linh mục được biết đến nhiều nhất trong những dấn thân không mệt mỏi vì người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Chính cha là người đã thiết lập Nhà Di cư của Giáo phận Saltillo.

Không có ghi nhận nào thêm về số giám mục qua đời vì Covid-19, nhưng có thêm ca nhiễm mới và Ðức Cha Francisco Daniel Rivera Sánchez, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo phận thủ đô Mễ Tây Cơ đang ở trong tình trạng nghiêm trọng. Tính đến nay, số giám mục bị nhiễm đại dịch là 14 vị, với 4 trường hợp qua đời, là Giám mục của Giáo phận Aguascalientes, và ba giám mục về hưu.

Tổng Giáo phận Puebla bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 15 vị chết; tiếp theo là thủ đô Mễ Tây Cơ, Morelia và San Luis Potosi với 7 vị; ở Guadalajara với 6 vị, trong đó 3 vị qua đời trong những tuần gần đây.

Trung tâm Ða phương tiện Công Giáo cảnh báo thời gian vừa qua, cả đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch. Các bệnh viện bị quá tải vì con số các bệnh nhân gia tăng.

Trung tâm cũng cho biết so với con số chính thức được cung cấp, chắc chắc còn nhiều trường hợp các tu sĩ nam nữ bị lây nhiễm và qua đời do Covid-19 nhưng chưa được báo cáo.


Source:ACI Prensa