Ngày 14-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Liên đới đến mức có thể
Lm. Minh Anh
01:25 14/01/2021
LIÊN ĐỚI ĐẾN MỨC CÓ THỂ
“Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói, ‘Tôi muốn’.

Kính thưa Anh Chị em,

Một chi tiết nhỏ của trình thuật Tin Mừng hôm nay mở ra một ngạc nhiên lớn giúp chúng ta khám phá thêm con người bí ẩn của Chúa Giêsu. Bí ẩn đó là, Ngài tự nhận lấy sự ô uế của chúng ta, trở thành tội vì chúng ta, Ngài muốn ‘liên đới đến mức có thể’ với con người; chi tiết nhỏ ấy là, Ngài “giơ tay đặt trên người ấy và nói, ‘Tôi muốn’”.

Đến với Chúa Giêsu hôm nay là một con người bất hạnh bị xã hội gạt ra bên lề, một con hủi. Bất hạnh không chỉ vì anh chuốc lấy cùi hủi nhưng bất hạnh vì anh gặp phải sự lạnh lùng, xa cách từ những tâm hồn hủi cùi của tha nhân. Cuộc sống của anh là một cái chết chậm, chết khi đang sống; chết do bệnh tật huỷ hoại thân xác, chết do mặc cảm bị ruồng bỏ, bị xua trừ và bị lãng quên. Anh đến trước Chúa Giêsu, sụp lạy Ngài, xin Ngài chữa lành, Ngài “giơ tay đặt trên anh và nói, ‘Tôi muốn’”; lập tức, anh được sạch.

Và sẽ ngạc nhiên hơn nếu chúng ta coi sự lở lói của cùi hủi như một biểu tượng tàn phá của tội lỗi với một bí ẩn huyền nhiệm hơn, thẳm sâu hơn. Đó là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã trở nên ‘liên đới đến mức có thể’ với con người; nhờ đó, Ngài có thể tỏ lòng thương xót con người vốn là những tội nhân cũng như để chuốc lấy tội lỗi của tội nhân. Bí ẩn huyền nhiệm này đã phần nào được mặc khải cũng như đã tiềm tàng ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ công khai khi Ngài nối đuôi hạng phàm phu tục tử bên bờ Hoà Giang để xin Gioan làm phép rửa.
Không ai có thể xây dựng một cộng đồng nếu không có sự liên đới; không ai có thể tạo nên một bầu khí hoà bình nếu không có sự liên đới; cũng không ai có thể làm một điều tốt theo một nghĩa nào đó nếu không có sự liên đới. Lẽ ra, Chúa Giêsu chỉ cần đứng xa xa và nói với người bệnh, “Hãy lành!”, phép lạ vẫn xảy ra; nhưng không, Ngài lại gần, chạm vào anh, liên đới với anh. Theo luật Do Thái, ai chạm phải kẻ ô uế, người ấy sẽ ra ô uế. Và đây là một bí ẩn khác về con người của Chúa Giêsu, Ngài tự nhận lấy sự ô uế của chúng ta. Vì xót thương con người, Ngài chấp nhận nhiễm uế, trở nên uế tạp để có thể cứu lấy con người. Thánh Phaolô đã diễn tả sự bí ẩn này một cách thâm trầm trong thư Philipphê, “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Không chỉ trở thành phàm nhân, Ngài trở nên tội nhân; Thánh Phaolô còn đi xa hơn, “Đức Giêsu đã trở thành tội”, hoá nên tội, bị loại trừ, chuốc lấy ô uế trên mình để ‘liên đới đến mức có thể’ với chúng ta.

Tại sao Chúa Giêsu liên đới đến mức ấy? Ngài liên đới chỉ vì Ngài muốn, “Tôi muốn”, Ngài nói với người phong cùi như thế. Ngài muốn con người không chỉ lành lặn phần xác nhưng được lành thánh phần hồn; Ngài muốn con người được giải thoát khỏi mọi tội lỗi vốn là điều đang giết chết nó, đang làm cho nó nên cứng cỏi và chai đá. Tác giả thư Do Thái hôm nay nói, “Mỗi ngày, anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là “Hôm Nay”, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc và trở nên chai đá”; Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại nỗi lòng, cũng như động lực xót thương bên trong của Thiên Chúa, “Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta, ‘Các ngươi đừng cứng lòng’”.

Trong thời kỳ nô lệ, một ông chủ da trắng rất hà khắc đã mua được một thanh niên rất chăm chỉ. Sau một thời gian, ông phát hiện người này có ảnh hưởng rất lớn trong số nô lệ của ông. Ông đem lòng yêu thương và ngỏ ý cho anh được tự do; thế nhưng, người này từ chối. Anh tiếp tục là một nô lệ vì anh muốn ‘liên đới đến mức có thể’ với số phận của những con người đau khổ mà anh rất yêu thương; anh muốn cứu họ trong khả năng của anh. Bằng gương sáng, đạo đức và vui tươi, người nô lệ này đã cảm hoá không chỉ những người bạn cùng cảnh ngộ của mình nhưng còn cảm hoá được cả ông chủ. Và tất cả họ đã sống chan hoà với nhau như một đại gia đình.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu làm người, ‘liên đới đến mức có thể’ với con người, không chỉ cảm hoá để mọi người nên một đại gia đình; còn hơn một gia đình, họ là gia đình con cái Thiên Chúa; không chỉ là con cái Thiên Chúa, Ngài giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Ngài phục hồi phẩm giá của mỗi người và đưa họ vào Vương Quốc của Cha, cho họ được thừa hưởng vinh quang Nước Trời.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, phải chăng linh hồn con vẫn đang cùi hủi khi con cố chấp trong một tội lỗi nào đó. Con biết, Chúa cũng muốn chữa con, xin cho con nhận ra lòng thương xót Chúa, Đấng đã dám ‘liên đới đến mức có thể’ với những tội nhân mọi thời, cũng có thể là một tội nhân đáng thương như con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Sáu 15/1: Con Người có quyền tha tội dưới đất - Suy Niệm của Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng sdb
Giáo Hội Năm Châu
03:17 14/01/2021


PHÚC ÂM: Mc 2, 1-12

“Con Người có quyền tha tội dưới đất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.

Đó là lời Chúa.
 
Chúa Nhật 2 thường niên: Mời gọi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:59 14/01/2021
CHÚA NHẬT 2 MÙA THƯỜNG NIÊN: MỜI GỌI (1Sm 3,3-10.19; 1Cr 6,13c-15a. 17-20; Ga 1, 35-42)

Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu với các môn đệ: Đây là Chiên Thiên Chúa. Lời giới thiệu thật đơn giản. Hai môn đệ đi theo Chúa. Họ muốn tìm hiểu về cuộc sống của Chúa. Chúa mời: Hãy đến mà xem. Chúng ta không biết họ đã xem thấy gì. Nơi Chúa cư ngụ có lẽ rất đơn sơ và nghèo khó. Họ ở lại với Chúa ngày hôm đó. Hai môn đệ đã gặp Chúa và nhận ra Ngài chính là Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô. Từ đó họ gọi nhau tìm đến với Chúa, Anrê mời Phêrô đến gặp Chúa. Khởi đầu Giáo Hội Chúa ở trần gian chỉ giản dị như thế. Chúa bắt đầu qui tụ các môn đệ. Ngài chọn và gọi các môn đệ từ những người ngư phủ. Ngư phủ không được học hỏi nhiều ở trường lớp. Họ không có địa vị chức quyền trong xã hội. Họ không phải là những người giầu có sang trọng. Chúa gọi họ là những người bình thường để thi hành những công việc phi thường.

Ơn gọi là một mầu nhiệm. Như xưa, ông Encana và bà Anna đã cầu xin cùng Chúa và Chúa đã ban cho hai ông bà được một người con tên là Samuel. Ông bà hứa sẽ dâng đứa con cho Chúa. Ngay khi tuổi còn trẻ, Samuel đã ở trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel trong giấc ngủ. Cậu đáp lại “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Samuel đã lắng nghe và đáp lời Chúa suốt cuộc đời. Ông sống trong ơn nghĩa của Chúa và thực thi các huấn lệnh của Ngài.

Chúa gọi Phaolô theo cách thức riêng biệt. Phaolô từng bách hại và đánh phá Giáo Hội, Chúa đã chọn ông trở thành tông đồ Dân Ngoại. Thư của Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Côrintô đã nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng thân xác của chúng ta là chi thể và là đền thờ của Chúa. Nhờ công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta được chung hưởng sự sống mới nơi Đức Kitô. Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta trở nên chi thể của Đức Kitô được thông phần vào các chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế đến cõi sống muôn đời. Thánh Phaolô dạy: Thân xác không phải vì dâm dật, những kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Một đòi hỏi vượt thắng những khát vọng bản năng.

Chúng ta có thể suy tư về ơn gọi của chính mình. Chúa gọi mỗi người theo ơn gọi bậc sống riêng trong những hoàn cảnh khác nhau. Ơn gọi nào cũng là ơn gọi thánh. Nên thánh trong bậc gia đình. Nên thánh trong bậc độc thân. Nên thánh trong ơn gọi tu trì. Có những ơn gọi tu Dòng, giữ ba lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng lời. Có những ơn gọi hiến dâng trong bậc tu Triều phục vụ tha nhân nơi xứ đạo, cộng đồng. Có những ơn gọi hiến thánh tại thế trong đời sống truyền giáo. Mỗi người tự lắng nghe tiếng Chúa để đáp lời: Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe. Biết lắng nghe là một khởi đầu tốt. Tiếng Chúa thì thầm qua mọi biến cố của cuộc đời. Cần có sự thinh lặng và tịnh tâm để nhận biết tiếng Chúa.

Lời thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô luôn nhắc nhở mỗi người chúng ta “Hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta”, vì chúng ta đã được mua chuộc bằng giá rất lớn. Trong bất cứ ơn gọi nào, chúng ta đều phải cố gắng phấn đấu không ngừng. Chúng ta không thể cậy dựa vào sự hiểu biết khôn ngoan hay sức riêng mình, mà hãy luôn cậy trông vào ơn Chúa giúp vì “ Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Đường theo Chúa còn dài và cuộc sống còn nhiều chông gai, chúng ta cần có những thời gian tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe lời Chúa qua Kinh Thánh, sự giảng dạy của Giáo hội, cầu nguyện, việc nhận lãnh các Bí Tích và qua những lời chỉ dạy khôn ngoan của các vị linh hướng.

Chúa mời gọi mỗi người: Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào (Is 55,1). Chúa ban ơn dồi dào cho chúng ta một cách nhưng không. Mỗi người đã lãnh nhận biết bao ơn lộc của Chúa. Xin cho nguồn ơn thánh của Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta nên quảng đại và dám dấn thân làm nhân chứng cho Chúa trên mọi nẻo đường.
 
Chúa Nhật 2 thường niên: Lạy Chúa, xin hãy phán... vì con đang lắng nghe
Lm. Xuân Hy Vọng
10:01 14/01/2021
“LẠY CHÚA, XIN HÃY PHÁN... VÌ CON ĐANG LẮNG TAI NGHE!”

Ngày kia, có một chị giáo dân rất năng động, đầy nhiệt huyết đến gặp Cha xứ sau giờ lễ sáng. Vừa thấy Cha, chị liền chào và đi ngay vào điều chị ấy muốn hỏi.
Thưa Cha, con cầu nguyện biết bao nhiêu lần, nhưng con chưa bao giờ cảm nghiệm được việc Chúa đáp lời con!?

Cha xứ mỉm cười, hỏi lại chị:

Thế chị cầu nguyện thế nào?
Dạ, sau khi cảm tạ Chúa, con đi ngay vào vấn đề...và cứ thế con cứ nói chuyện với Chúa thao thao bất tuyệt, hàn thuyên với Ngài như chưa bao giờ được hàn thuyên, đại loại là vậy đấy Cha!!!

Dĩ nhiên, câu chuyện trên chưa kết thúc, và có thể còn dài lê thê, vài trường thiên đoạn tình nữa cơ. Thế nhưng, thưa quý ông bà anh chị em, chúng ta có thể dừng câu chuyện ấy, và hướng nhìn về gương cầu nguyện, đáp lời và lắng nghe của tiên tri Sa-mu-en trong bài đọc I hôm nay. Sa-mu-en cảm nghiệm, nghe lời Chúa gọi ông ít nhất ba lần. Làm sao Sa-mu-en lại nghe được tiếng đáp lời của Chúa, mà chị giáo dân trẻ kia lại không thể nghe dù chỉ một lần Chúa nói chuyện với chị? Thiết nghĩ, đây cũng là câu trả lời của vị linh mục trong câu chuyện trên: chị nói chuyện với Chúa thao thao bất tuyệt, thế thì làm gì mà chị có thời giờ để nghe Chúa nói chuyện, mặc dù Chúa cũng tha thiết ước mong hàn thuyên đôi điều với chị!

Và khi nghe được tiếng Chúa mời gọi trong cung lòng sâu thẳm tâm hồn, Sa-mu-en đã không chút do dự, dâng toàn tâm trí của ông cho Chúa, và hướng cả con người mọn hèn của ông lên cùng Chúa, hầu chú tâm lắng nghe điều Chúa muốn nhắn gửi ông “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3, 10). Kinh nghiệm từ đời sống cầu nguyện cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa nói chuyện và lắng nghe chúng ta, tương ứng với hành động của chúng ta: lắng nghe và nói chuyện với Người. Một cuộc đàm thoại thân tình, một cuộc hội ngộ, đối thoại của hai con tim!

Thứ đến, tiên tri Sa-mu-en cũng để lại cho ta gương sống tín thác khi cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1Sm 3, 10). Ông không van nài, xin Chúa hãy nói những điều mà ông muốn nghe, những điều làm thoả trí toại lòng của ông, nhưng ông xin Chúa cứ phán bảo những gì Chúa muốn thổ lộ và thực hiện nơi ông. Trong khi cầu nguyện, mỗi lúc tham dự Thánh lễ, lắng nghe bài giảng của vị chủ tế, chúng ta thường có xu hướng chỉ thích nghe những điều chúng ta muốn, những điều thuận với ý riêng, kế hoạch, đề án của chúng ta; mà chúng ta quên một điều tối quan trọng, đó là: Lời Chúa sống động như con dao hai lưỡi, đánh động tâm can chúng ta dẫu rằng chúng ta không muốn mở đôi tai, mở tâm hồn để đón nhận!!! Chỉ có tâm hồn luôn mở rộng, mới có thể vui tươi đón nhận bất cứ điều gì mà Chúa muốn nhắn bảo, gửi đến cho chúng ta. Và chỉ trong tâm tình tin tưởng và tín thác như vậy, chúng ta mới có thể ‘ở lại với Chúa’ (x. Ga 1, 39) như các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đã làm trong bài Tin Mừng ngày hôm nay. Được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giê-su ‘Đây Chiên Thiên Chúa’ (x. Ga 1, 36), các ông ước ao muốn biết, tận mắt chứng kiến chỗ của Chúa Giê-su, và sau khi đến xem thì các ông đã ở lại với Người. Thái độ, hành vi ‘ở lại’ trong Tin Mừng Gio-an có một ý nghĩa rất sâu sắc. Không chỉ đơn thuần là cử chỉ ở cùng, hàn thuyên, tâm sự với ai đó thôi, mà con ước ao kết hiệp mật thiết, trở nên đồng hình đồng dạng với người đó nữa. Trong trường hợp này, các môn đệ ước ao được trở nên một với Chúa Giê-su qua cách ăn ở, cách sống, lối suy nghĩ, cách đối nhân xử thế, v.v...Như thế, nơi các ông luôn chan chứa niềm vui bất tận vì cũng được Người ở cùng, và Chúa Cha đồng hành với các ông như câu khẳng định của Chúa Giê-su ‘ai ở trong Thầy, thì Thầy ở trong người ấy, và Cha Thầy cũng ở trong người ấy’ (x. Ga 14, 23). Điều này cũng xác thực nơi tiên tri Sa-mu-en. Sau khi, ông tín thác, dâng hiến hoàn toàn cho Chúa và lắng nghe làm theo Lời Người, thì ông ‘ở lại’ và ‘lớn lên’ trong Chúa “...Sa-mu-en ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa” (1Sm 3, 19).

Trong đời sống đức tin, và cuộc sống thường nhật của chúng ta, Thiên Chúa cũng ước mong ta chuyện trò với Người, và Ngài mong mỏi chúng ta biết lắng nghe Lời của Ngài, một sứ điệp tình yêu mang lại niềm hạnh phúc vô biên, và giải thoát chúng ta khỏi những lo toan, mệt nhọc chán chường của tâm thể thần lực con người; để rồi chúng ta có thể ‘ở lại trong Chúa’ và ‘ở lại với anh chị em’.

Lạy Chúa giàu lòng xót thương, xin đoái đến chúng con là những kẻ yếu đuối, dễ ngã xa, tách lìa khỏi tình yêu bao dung của Người và lòng yêu thương của anh chị em. Xin ban cho chúng con một trái tim luôn biết rộng mở, lắng nghe thấu đáo, chấp nhận hoàn toàn chương trình của Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng con.

Đáp tiếng Chúa gọi mời
Sa-mu-en cất lời:
“Xin Ngài hãy phán dạy,
Con chú tâm nghe Lời”
Khi con còn trong nôi
Nghe tiếng ru à ơi
Đến lúc con thành người
Vẫn nhớ Lời Hằng Sống. Amen!
 
Chúa Nhật II Thường Niên B
Lm. Jude Siciliano, OP
13:59 14/01/2021
CHÚA NHẬT II TN (B)
I Samuel 3: 3b-10, 19; Tv. 39: 2-4, 7-10; I Côrintô. 6: 13c-15a, 17-20; Gioan 1: 35-42

Thánh Gioan cho chúng ta biết là từ “Rabbi" có nghĩa là "thầy giáo". Điều này làm tôi nhớ đến những ngày còn đi học, khi thầy giáo là yếu tố quan trọng trong đời tôi. Một giáo sư đăc biệt lúc tôi học năm thứ nhì ở đại học. Một giáo sư anh văn mà sinh viên chúng tôi rất ngưỡng mộ. Từ đầu học kỳ, chúng tôi vội vả ghi danh vào khoá học của ông ta, vì giáo sư đó chỉ nhận một số lượng hạn chế sinh viên thôi. Một vài người bạn của tôi và tôi được ghi danh vào lớp đó và cho mình là may mắn. Chúng tôi rất thích các bài giáo sư dạy. Và đến khi chúng tôi đọc bài của tác giả "Chaucer's, bài Canterbury Tales" chúng tôi, sinh viên năm thứ hai phì cười, vì bài đó được viết theo tiếng Anh cổ, nghe như là một ngoại ngử khác trong tiếng Anh ở Hoa Kỳ. Trong lớp của ông chúng tôi cẩn thận ghi chép lời giảng, nộp bài và làm bài thi cuối khóa... rồi tiếp tục học tiếp.

Tôi biết giáo sư O'Halloran là giáo sư môn văn có ảnh hưởng lâu dài vớitình yêu môn văn học của tôi. Tôi nhìn lại những năm tháng đi học trong này với biết bao là hoài niệm, nhưng cùng với lòng biết ơn về những điều mà vị giáo sư đó đã dạy cho chúng tôi về cách đọc, cách giải thích văn học; đã giúp tôi trong những năm qua học Kinh Thánh như là một nhà truyền giảng.

Có nhiều người thầy trong phúc âm thánh Gioan. Ông Gioan Tẩy Giả là một trong số các thầy đó và cũng là một người thầy giỏi. Ông ta có môn đệ hết lòng ngưỡng mộ và họ là những người chịu ảnh hưởng nhiều nơi ông. Nhưng, khi Chúa Giếsu đi ngang qua ông Gioan Tẩy Giả, người thầy tạm thời; chỉ Chúa Giêsu cho các môn đệ của ông ta nói rằng: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Đối với các môn đệ của ông Gioan, hình ảnh Chiên Thiên Chúa làm cho họ tưởng nhớ về máu chiên đã cứu các gia đình Ísrael qua khỏi chốn lưu đày ở Ai Cập. Họ nhớ lúc được cứu thoát đó cần có một con chiên đã được hiến tế và được ăn hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua. Bởi thế môn đệ của ông Gioan chuyển từ thầy này sang thầy khác là người sẽ làm cho họ thức tỉnh để thay đổi cách sống của họ.

Trong các phúc âm khác, chính Chúa Giêsu kêu gọi và chọn các môn đệ tương lai của mình. Nhưng, theo Gioan, những môn đệ tương lai này sẽ tự tìm đến Chúa Giêsu để được cúa ăn để nuôi dưởng và được hướng dẫn; đó là điều mà họ không thể tự cung cấp cho họ được. Vậy họ tìm điều gì vậy? Quả thật đó là điều Chúa Giêsu muốn biết "các anh tìm gì vậy?” Đó là câu hỏi mà Chúa Giêsu cũng muốn hỏi đi hỏi lại chúng ta mỗi ngày, khi chúng ta quyết định sự việc lớn cũng như sự việc nhỏ tùy theo những lựa chọn của chúng ta: Nói chuyện với nhau; hay họp nhau để thờ phượng; hay tìm cho được quyển sách hay để đọc; hoặc xem phim trong lúc chúng ta ở một mình vv... "Các anh tìm gì vậy?”

Sự sống cô đơn mà nhiều người trong chúng ta đang trải qua trong những ngày này đã giới hạn chúng ta bằng nhiều cách. Nhưng, chúng ta hy vọng những lúc cô đơn đó sẽ giúp cho chúng ta có thời giờ để suy nghĩ và cân nhắc từng sự việc; xem hiện tại chúng ta đang ở nơi nào, ai đang hiện diện trong cuộc sống chúng ta hiện nay. Câu Chúa Giêsu hỏi các môn đệ là: Đối với các ông, khi theo Ngài, có là dịp tốt để giúp các ông bắt đầu xem xét nội tâm của họ: "các anh tìm gì vậy?” Làm thế nào để cuộc sống hằng ngày của chúng ta phản ảnh được câu trả lời cho Chúa của chúng ta.

Các môn đệ đã trả lời một cách không rõ ràng "Thưa Thầy, (thánh Gioan nhắc lại có nghĩa thầy dạy) Thầy ở đâu?" Tôi thích câu dịch khác "Thưa Thầy, Thầy sống ở đâu?" Có nhiều cách lý giải cho câu hỏi của các môn đệ này như: Họ có thể hỏi "Thưa Thầy, Thầy sống ở nơi nào" hay "Thưa Thầy, đời sống của Thầy từ đâu đến?"

Chúng ta có phải như các môn đệ đó không? Có phải chúng ta đang khao khát một đời sống mà chỉ có Chúa Giêsu có thể cho chúng ta hay không? Và, không chỉ nói về đời sống trong tương lai, nhưng là đời sống bây giờ và tại đây, một đời sống sâu đậm, một đời sống có mục đích và có ý nghĩa; một đời sống sẽ không phai nhạt đi, dễ làm cho chúng ta thất vọng; một đời sống mà chúng ta không thể dùng thẻ tín dụng mua được; một đời sống cùng đi với chúng ta qua bao thế hệ. (Tôi nhớ đến câu 1 trong thánh vịnh 90: "Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn"). Các môn đệ ông Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu cũng là câu hỏi của chúng ta "Thưa Thầy, Thầy sống ở đâu?" và đó cũng là lời nguyện cầu của chúng ta, trong khi chúng ta khao khát điều mà chỉ có Chúa Giêsu mới ban cho chúng ta được.

Các môn đệ tương lai không phải là học sinh trung học hay sinh viên đại học với Chúa Giêsu là thầy. Ngài không cho họ một lớp học theo từng học kỳ, 3 tháng hay lâu hơn. Chúa Giêsu không đòi hỏi họ phải viết luận án, hay một bài tường trình về lý thuyết thần học. Ngài cũng không nói về việc các môn đệ quý trọng Ngài từ xa. Trái lại, Ngài trả lời "Đên mà xem" Rồi Ngài chỉ tay và nói tiếp "Các anh sẽ thấy đời sống của tôi”, tôi đã chỉ cho các anh là người bé mọn nhất, trong xã hội con người. Hoặc, "Hãy đến và xem nguồn gốc nào mang lại cho tôi cuộc sống.".

Rồi chúng ta hỏi Chúa Giêsu "Thưa Thầy, chúng con tìm đời sống của Thầy ở đâu?". Đên lúc này Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta nơi chỗ chúng ta đang đứng bây giờ: "Được thu gom từ chiếc bánh Lời Chúa và bánh thánh trong bí tích Thánh Thể". Rồi Ngài nói "Các anh hãy đến và sẽ thấy". Rồi Chúa Giêsu chỉ ra ngoài và nói thêm "Các anh cũng sẽ tịm thấy đời sống của tôi nơi tôi đã chỉ cho các anh ở trong số những người bé mọn nhất của xã hội con người, khi nhận và nói lời tha thứ; trong hoa quả của trái đất, đó là sự sáng tạo".

Trong bài đọc thứ nhất trích trong sách Samuel, ông Samuel phục vụ trong Đền Thờ. Ông ta ở đó từ khi còn là đứa bé sơ sinh, do bà Hannah mẹ ông ta đem ông ta vào Đền Thờ (1Sm 1:24-28). Giờ đây, ông ta được Thiên Chúa gọi đưa ông ta ra khỏi sự giới hạn của khuôn viên đền thờ để đến với thế giới – Như cách Chúa Giêsu gọi các môn đệ của Gioan Tiền Hô "các anh hãy đến mà xem".

Ông Samuel sẽ là một ngôn sứ trong thế gian đầy sóng gió. Ông Samuel cũng sẽ đối đầu trực tiếp với giới cai trị và công chúng bằng cách dùng lời Thiên Chúa hướng dẫn. Mặc dù ông không nhận được lời mời gọi nào để bảo ông trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa. Ông đã nghe tiếng kêu gọi đánh thức ông ta vào lúc nửa đêm, dẫn ông ta ra khỏi nơi ông ta đang sống an toàn để thay đổi đời sống của ông ta. Điều này khiến cho chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa có gọi tôi không, giữa những công việc thường ngày mà chúng tôi sống khi làm việc gì mới – dù lớn hay nhỏ - để phục vụ Thiên Chúa không?

Nghe và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa không chỉ là thay đổi đời sống, mà là một quyết định liều lĩnh. Nhưng ngôn sứ được cam đoan là Thiên Chúa luôn ở với ông ta. Bởi thế, cũng như với chúng ta, được mời gọi nói thay lời Thiên Chúa, liều lĩnh, nhưng cũng như với ông Samuel, Thiên Chúa đang ở với chúng ta.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP


2nd SUNDAY (B)
I Sam 3: 3b-10, 19; Ps. 40: 2-4, 7-10; I Cor. 6: 13c-15a, 17-20; John 1: 35-42

St. John reminds us today that the word "rabbi" means "teacher." Which has me returning to earlier school days when teachers were a major part of my life. One in particular. In my sophomore year of college there was an English literature teacher we students admired. At the beginning of the semester we rushed to register for his course – the number he admitted was limited. A few of my friends and I got in and we considered ourselves lucky. We loved his lectures, and when he read Chaucer’s, "Canterbury Tales," we sophomores chuckled because he read it in old English. It sounded like a foreign language compared to our American English. In his classes we took diligent notes, handed in our term papers and took our final exam… Then moved on.

I know Prof. O’Halloran had a lasting influence on me and my love of literature. I look back on his class many years ago with nostalgia, but also with gratitude because what he taught us about reading and interpreting literature has been a gift to me over the years as a reader of Scripture and as a preacher.

There are teachers in John’s Gospel. John the Baptist is one of them and, as any good teacher, he has devoted and admiring disciples. They were impressed by him. But when Jesus walked by John, the temporary teacher, pointed out Jesus to his students, "Behold the Lamb of God." For John’s disciples the image of the Lamb of God would have stirred their imagination. The lamb’s blood had saved the Jewish families enslaved in Egypt. In remembrance of that liberation a lamb was sacrificed and eaten each year at the Passover meal. So, John’s disciples moved from one teacher to follow another, who would stir their imaginations and change their lives.

In the other Gospels Jesus himself chooses and calls his future disciples. In John however, these potential disciples are seekers who come to Jesus looking for nourishment and guidance they can’t provide for themselves. What exactly do they want? Well, that is what Jesus wants to know, "What are you looking for?" It is a question he repeatedly asks us each day, as we: make both large and small choices based on our priorities; respond to one another; gather for worship; look for inspirational books to read, or videos to watch during our isolation, etc. "What are you looking for?

The isolation many of us are experiencing these days has limited us in so many ways. But let’s hope it has also given us time to catch our breath, pause and consider who and where we are in our lives right now. Jesus’ question to his disciples makes a good place to begin our introspection: "What are you looking for?" How do our daily lives reflect the answer we are giving to that probing question?

The disciples answer with a seeming-bland response. "Rabbi (John reminds us the name means "teacher") where are you staying?" I like another translation: "Rabbi, where do you live? There are layers of meaning to their question. They could be asking, "Where do you have life?" Or, "Where does your life come from?"

Aren’t we like those disciples? Isn’t there a hunger in us for a life that only he can give us? And, it is not just about the next life. It is life here and now: deep life; a life with purpose and meaning; a life that won’t wear out, or disappoint us; a life no credit card can purchase; a life that travels with us each stage of our lives. (I recall a line from Psalm 90:1, "In every age, O Lord, you have been our refuge.") The question John’s disciples put to Jesus is ours, "Rabbi, where do you live?" It is also our prayer as well, as we realize a hunger that only he can satisfy.

The potential disciples are not in a high school, or college class with Jesus, the Teacher. He does not offer them a semester’s course – three months and it’s over. He does not ask them to write a term paper, or give a report on a theological theme. Nor is he talking about admiring him from afar – instead he says, "Come and see where I live." Or, "Come and see for yourself where I have my life." Or, "Come and have life with me." Or, "Come and see what gives me life."

We ask Jesus, "Where can we find your life?" At this moment he points to where we are right now: Gathered at the Bread of the Word and the Bread of the Eucharist. And says, "Come and you will see." Then he points outside and adds, "You will also find my life where I have shown you: among the least; in all the human community; in receiving and offering words of forgiveness; in the fruits of the earth; indeed, in all of creation.

In our first reading Samuel is serving the Lord in the Temple. He has been there since his mother Hannah placed him there as an infant (1 Sam 1:24-28). He now receives a call from God that will draw him out of the confined and safe Temple precincts into the world – the way Jesus invited John’s disciples to, "Come and you will see."

Samuel will become God’s prophet out in the turbulent world. He will confront rulers and ordinary folk, as well, and challenge them with God’s Word. Samuel did not receive any dramatic notice to be God’s prophet. Instead, he heard a voice in the middle of the night that awakened him from sleep, drew him from his safe environment and reset his life. Which makes us ask: Is God calling me, in the midst of my daily routine to a new task – large or small – in God’s service?

Hearing and responding to God’s invitation is not only life-changing, but risky. But the fledgling prophet is assured that the Lord is with him. So it is for us, called forth to be God’s spokespersons – risky but, as with Samuel, the Lord is with us.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:28 14/01/2021

21. Nếu chúng ta không thay đổi cuộc sống, thì làm việc đền tội nào có ích gì chứ?”

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 14/01/2021
36. QUÊN MẤT CÁI GỐC

Có người đến nhà của người nấu rượu để cầu xin phương pháp làm rượu.

Người nấu rượu nói:

- “Một đấu gạo, một lạng miến thêm hai thùng nước, trộn lại với nhau ủ bảy ngày thì thành rượu”.

Trí nhớ người ấy rất tệ, về đến nhà thì chỉ dùng hai thùng nước và một lạng miến trộn lại với nhau, bảy ngay sau đem ra nếm thử thì thấy nhạt như nước, bèn đi trách nhà nấu rượu.

Người nấu rượu nói:

- “Sợ là ông không theo lời của tôi dạy để ủ rượu mà thôi !”

Người ấy nói:

- “Tôi làm theo lời của ông dạy dùng hai thùng nước và một lạng miến”.

Người nấu rượu hỏi:

- “Có dùng gạo không?”

Người ấy suy nghĩ chút rồi nói:

- “Ái dà, tôi quên bỏ gạo rồi !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 36:

Con người ta vì cái tôi qúa lớn nên thường hay trách cứ người khác khi họ làm không vừa ý của mình, và có khi vì tính ích kỷ mà nạt nộ giận hờn người khác.

Người có tính tự ái và hấp tấp thì thường làm thương tổn đến người khác, bởi vì thông thường những con người như thế thường hay có “bệnh” tự mãn, cái gì cũng cho mình là số một nên rất dễ dàng nóng giận người khác vì một lý do cỏn con không đáng gì. Không chú ý nghe rồi làm sai, làm không được và trách cứ người đã có lòng tốt chỉ vẻ cho mình, đó là tâm trạng chung của những người hay ỷ lại vào sức mình.

Sống Lời Chúa cũng như thế, có những người Ki-tô hữu ỷ vào trí thông minh và hiểu biết của mình, không thèm nghe cha giảng khi đi tham dự thánh lễ, và cảm thấy mình không cần đọc sách thánh vì mình đã biết quá nhiều lẽ đạo, thế là họ sống Lời Chúa theo ý riêng của mình, mà ý riêng ấy là luôn luôn biện hộ cho hành vi dễ dãi về luân lý cũng như về đức tin của mình, nên họ thường nói: giữ đạo tại tâm.

Tâm của mỗi người muốn gì nghĩ gì ai mà biết được, chỉ có Thiên Chúa, cho nên phải có trong lòng mới tràn ra ngoài, đó chính là lời khuyến cáo của Đức Chúa Giê-su vậy.

Ai tự hào nói mình giỏi kinh thánh thì phải hiểu câu ấy của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tự sức biến đổi bên trong
Lm. Minh Anh
22:52 14/01/2021
TỰ SỨC BIẾN ĐỔI BÊN TRONG
“Ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng”;
“Vì dân chúng quá đông”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay kể lại cảnh tấp nập khi quá nhiều người vốn đã chứng kiến hay đã nghe nói về Chúa Giêsu tuôn đến với Ngài đến nỗi “Ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng”, “Vì dân chúng quá đông”. Thực tế là vậy, tại sao Chúa Giêsu không nhìn thấy tình thế khó xử này để có một giải pháp nào đó? Tại sao Ngài không di chuyển đến một khu vực rộng lớn hơn, nơi mọi người có thể nhìn thấy và nghe Ngài? Đây là một tình huống thú vị chuyên chở một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc đến bất ngờ: Ai đến với Chúa Giêsu, người ấy ‘tự sức biến đổi bên trong’ bởi ân sủng Ngài, điều mà chúng ta thường gọi là lửa yêu mến; cũng như ngoài việc tử đạo bằng máu, Hội Thánh còn nói đến việc tử đạo bằng lửa.

Thật khó để trả lời hai câu hỏi trên, nhưng có một điều chúng ta có thể đoan chắc là những người đến để nghe Chúa Giêsu, cả khi họ không thể diện đối diện với Ngài; dẫu thế, họ vẫn được đền đáp xứng đáng cho lòng tin của họ. Tin Mừng hôm nay tiết lộ một nguyên tắc tâm linh rất quan trọng; ai khao khát được ở gần Chúa, tâm hồn người ấy đã được ‘tự sức biến đổi bên trong’.

Thông thường, chúng ta cũng có những trải nghiệm tương tự. Chúng ta khao khát được thấy, được nghe Chúa nói với mình, nhưng dường như điều đó không thể. Có thể Ngài đã đến, nhưng Ngài đến trong im ắng khiến chúng ta không biết Ngài đang ở đâu. Trong trường hợp này, đừng bao giờ nản lòng vì đây là một trải nghiệm cần thiết. Thực tế của vấn đề là, ước ao được ở bên Chúa, tự nó, đã là một ân phúc, một quà tặng và điều đó có khả năng ‘tự sức biến đổi bên trong’ linh hồn mỗi người.

Chúng ta có thể gọi đây là ‘sự xa vắng của Thiên Chúa’; một sự xa vắng trong đức tin, xa vắng ‘đầy’, một sự xa vắng ‘tự sức biến đổi bên trong’ linh hồn. Bởi lẽ, Thiên Chúa, ‘Đấng xa vắng’ thường nói trong im ắng và chỉ những ai im ắng trong ao ước gặp gỡ Người mới nghe được Người. Nhưng đó cũng là một Thiên Chúa “thấu suốt lòng dạ mỗi người đến từng gang tấc; ai sống làm sao, Người sẽ trả cho như vậy”; Người sẽ quảng đại đổ đầy phúc huệ vào nỗi khát khao của tất cả những ai tìm kiếm Người. Phải, trong cuộc đời, có thể có những lúc Thiên Chúa dường như ở rất xa và chúng ta không tài nào gặp Người. Khi điều này xảy ra, hãy nhận biết, đây là cách thức Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến gần Người hơn; và đây cũng là cách thức để Thiên Chúa có thể thì thầm, hầu thu hút sự chú ý của mỗi người hơn. Nếu đây thực sự là một ‘cuộc chiến’ dù chỉ thi thoảng, chúng ta hãy cứ bình tĩnh hướng sự chú ý của mình đến Thiên Chúa cho mạnh mẽ hơn và để cho nỗi khát khao chỉ một mình Người được lớn lên hơn. Ước mong được ở gần Chúa thực sự vẫn có thể tạo ra những hoa trái trong đời sống mỗi người; những hoa trái ấy đôi khi sẽ lớn hơn, nhiều hơn, so với việc chúng ta được nghe tiếng Ngài mồn một và rõ ràng. Hoa trái ấy chính là linh hồn đã được ơn ‘tự sức biến đổi bên trong’.

Năm 1794, Lazzaro Spallanzani, nhà sinh vật học, sinh lý học, cũng là một linh mục Công Giáo người Ý trong một nghiên cứu về loài dơi, đã phát hiện loài vật này có khả năng điều chỉnh hướng bay để tránh vật cản bằng sóng âm có tần số cao mà chúng phát ra chứ không phải bằng thị giác. Sóng phản xạ thu hồi giúp chúng định hình khoảng cách và kích thước của vật để chọn hướng bay phù hợp. Đây là ý tưởng nền móng của kỹ thuật siêu âm.

Anh Chị em,

Thật lý thú, trong tự nhiên, có những điều chỉnh và phản xạ không dựa vào thính giác hay thị giác như khả năng đặc biệt của loài dơi; cũng thế, trong đời sống siêu nhiên, vẫn có những điều chỉnh và phản xạ Thiên Chúa cho xảy ra nơi những ai có lòng ao ước và khát khao Người dù chưa gặp được Người; điều này được gọi là ân sủng ‘tự sức biến đổi bên trong’; nhờ đó, mỗi người có thể định hướng đời mình. Và Giêsu là hướng đúng đắn nhất, ngắn nhất để chúng ta bay tới.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin gia tăng trong con niềm khát khao được ở gần Chúa, vì chỉ ngần ấy, linh hồn con cũng đã ‘tự sức biến đổi bên trong’; cho đến khi con ở trong Chúa, Chúa ở trong con; bấy giờ, ân sủng Chúa sẽ biến đổi con đến mức nào!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cẩn thận với tin giả: Đức Giáo Hoàng muốn chuẩn bị phong chức linh mục cho phụ nữ bằng Tự Sắc Spiritus Domini
Đặng Tự Do
16:24 14/01/2021


Vào ngày 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông thư dưới dạng tự sắc, sửa đổi triệt 1, điều 230 của bộ Giáo Luật để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa.

Ngài cũng đã công bố một lá thư gởi cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin để giải thích lý do cho quyết định này.

Một số các phương tiện truyền thông báo cáo sai lạc rằng Đức Giáo Hoàng muốn chuẩn bị phong chức linh mục cho phụ nữ bằng Tự Sắc Spiritus Domini. Điều đó không đúng.

Có gì thay đổi?

Cho đến nay, điều 230, triệt 1 của bộ Giáo Luật quy định như sau: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.

Trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, nghĩa là “Thần Khí Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô truyền bỏ đi cụm từ “thuộc nam giới” để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa

Chẳng phải phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ sao?

Đúng vậy, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được chính thức thể chế hóa trong các nghi thức phụng vụ. Họ thực hiện vai trò “theo chỉ định tạm thời”, như được quy định theo Điều 230 triệt 2 của Bộ Giáo luật.

Hình ảnh chúng ta thường thấy nhất là các bé gái phục vụ tại bàn thờ với tư cách là người giúp lễ, tiếng Anh là altar servers, tiếng Ý là chierichette. Thừa Tác Viên Giúp Lễ hay còn gọi là Thừa Tác Viên Thánh Thể, tiếng Anh là acolytes, và tiếng Ý là accolitato, là một tác vụ cao hơmn, phù hợp hơn với người lớn. Đến nay hình ảnh của các phụ nữ trong vai trò acolyte vẫn là điều hiếm thấy.

Tại sao vai trò của Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ trước đây chỉ được dành cho nam giới?

Theo truyền thống, các tác vụ này được dành riêng cho nam giới vì chúng được liên kết với những gì được gọi là “minor orders”, nghĩa là các “bậc thấp” của chức tư tế, đó là các giai đoạn trên con đường thụ phong linh mục.

Nhưng vào năm 1972, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã có ý định bãi bỏ các bậc hấp trong tông thư dưới dạng tự sắc “Ministeria Quaedam”, nghĩa là “Một số thừa tác vụ”. Từ đó, ngài nói, Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ nên được coi là các thừa tác vụ, thay vì các bậc thấp. Ngài viết rằng việc phong tặng tác vụ này, không nên được gọi là “phong chức”, nhưng là “chỉ định”.

Với việc sửa đổi Bộ Giáo luật năm 1983, luật Giáo hội đã công nhận rằng “giáo dân” - nam hay nữ - có thể “phụ trách chức năng người đọc sách trong các cử hành phụng vụ bằng cách chỉ định tạm thời”; và nói thêm rằng “Tất cả các giáo dân có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định” (điều 230 triệt 2).

Phụ nữ bắt đầu đảm nhận các chức năng Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ ở nhiều nơi trong thế giới Công Giáo, nhưng điều này chưa được chính thức thể chế hóa.

Năm 1994, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xác nhận rằng các giám mục có thể cho phép phụ nữ làm Thừa Tác Viên Giúp Lễ.

Tác vụ Đọc Sách là gì?

Người Đọc Sách là người đọc Kinh thánh cho cộng đoàn trong Thánh lễ (khác với Phúc âm, chỉ được công bố bởi các phó tế và linh mục).

Đức Phaolô Đệ Lục giải thích rằng người Đọc Sách “được chỉ định cho tác vụ này, thích hợp với anh ta, để đọc lời Chúa trong các cử hành phụng vụ”.

“Người đọc sách, cảm thấy trách nhiệm của tác vụ đã nhận, nên làm tất cả những gì có thể và sử dụng những phương tiện thích hợp để thu nhận mỗi ngày một cách trọn vẹn hơn tình yêu ngọt ngào và sống động cũng như sự hiểu biết về Sách Thánh, để trở thành một môn đệ hoàn hảo hơn của Chúa”, vị Thánh Giáo Hoàng viết.

Acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là gì?

Sau khi bãi bỏ các bậc thấp, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết rằng acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là một tác vụ trong Giáo Hội với “nhiệm vụ lo việc phục vụ bàn thờ, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các hoạt động phụng vụ, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh lễ”.

Những trách nhiệm thông thường đối với một Thừa Tác Viên Giúp Lễ bao gồm việc phân phát Mình Thánh Chúa như một thừa tác viên ngoại thường nếu những thừa tác viên đó không có mặt, trưng bày Bí tích Thánh Thể để tôn thờ trong những trường hợp không có linh mục, và chỉ dẫn của các tín hữu khác, là những người trên cơ sở tạm thời giúp các phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ bằng cách mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết: “Thừa Tác Viên Giúp Lễ được chỉ định cách đặc biệt cho việc phục vụ bàn thờ, học hỏi tất cả những quan niệm liên quan đến việc thờ phượng Chúa công khai và cố gắng hiểu ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng của nó: bằng cách này, anh ta có thể dâng mình mỗi ngày, hoàn toàn đối với Thiên Chúa và trong đền thờ, một tấm gương cho tất cả mọi người về hành vi nghiêm túc và tôn trọng của mình, và cũng có tình yêu chân thành đối với nhiệm thể Chúa Kitô, là dân Thiên Chúa, và đặc biệt là đối với những người yếu đuối và bệnh tật”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lý do gì cho những thay đổi này?

Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha nói rằng một số kỳ họp của các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra về mặt giáo lý chủ đề này, để nó đáp ứng với bản chất của các đặc sủng nói trên và nhu cầu của thời đại, cũng như đưa ra sự hỗ trợ thích hợp cho vai trò phúc âm hóa của cộng đồng Giáo hội.

Chấp nhận những khuyến nghị này, một sự phát triển giáo lý đã đạt được trong những năm gần đây làm nổi bật cách thức một số thừa tác vụ do Giáo hội thiết lập có nền tảng dựa trên điều kiện chung là được rửa tội và chức tư tế vương giả nhận được trong Bí tích Rửa tội; về cơ bản chúng khác biệt với thừa tác vụ thánh chức được lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Trên thực tế, một thực hành được củng cố trong Giáo hội Latinh cũng đã xác nhận rằng các thừa tác vụ giáo dân, dựa trên bí tích Rửa tội, như vậy có thể được giao phó cho tất cả các tín hữu, những người thích hợp, cả nam lẫn nữ, theo những gì đã ngầm được cung cấp bởi triệt 2, điều 230.

Điều này có mở ra con đường phong chức linh mục cho phụ nữ không?

Trong thư gửi Đức Hồng Y Ladaria, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời tuyên bố của vị tiền nhiệm ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, nghiã là “Truyền Chức Linh Mục” năm 1994 rằng “ Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. “

Ngài nhấn mạnh sự phân biệt giữa “các thừa tác vụ được phong chức” và “các thừa tác vụ không được phong chức”, và giải thích rằng “có thể, và ngày nay có vẻ là thích hợp” để mở ra “các thừa tác vụ không được phong chức” cho cả nam và nữ.

Ngài nói rằng việc bảo lưu các chức vụ không được truyền chức trước đây cho nam giới có “ý nghĩa riêng của nó trong một bối cảnh nhất định nhưng có thể được suy nghĩ lại trong bối cảnh mới, với một tiêu chí thường hằng là trung thành với sứ vụ được Chúa Kitô ủy thác và ý chí sống và công bố Tin Mừng do các Tông đồ truyền lại và giao phó cho Giáo hội”.

Ai sẽ giám sát những thay đổi?

Trong lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Hồng Y Ladaria, ngài nói rằng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn những thay đổi, sửa đổi các phần của Sách lễ Rôma và nghi thức chỉ định người đọc sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ khi cần thiết.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thượng Phụ Kirill gây căng thẳng với Tòa Constantiople ngay trong Lễ Giáng Sinh Chính Thống Giáo
Đặng Tự Do
16:25 14/01/2021


Căng thẳng giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill đã tăng lên một mức độ mới ngay trong ngày lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại trước ngày 15/12/2018, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Trong phiên họp ngày 15/12/2018, hai nhóm sau, cùng với hai vị Giám Mục của nhóm thứ nhất đã quyết định nhập lại thành một Giáo Hội duy nhất gọi là Chính Thống Giáo Ukraine dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko, nguyên là Tổng Giám Mục Pereyaslavsky và Bila Tserkva của Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko sinh ngày 3 tháng Hai, 1979 mới 39 tuổi đã được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao cho Tomos, hay quyền tự trị, vào tháng Giêng 2019.

Đáp lại diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Alfeev Hilarion phụ trách Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ thành lập các giáo phận và giáo xứ Chính Thống Giáo Nga tại tất cả các lãnh thổ theo giáo luật là thuộc tòa Constantinople; và cuộc tranh chấp giữa hai tòa Mạc Tư Khoa và Constantinople sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới và như thế Chính Thống Giáo không bao giờ trở lại như trước đây. Ngài cũng ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hình thức hiệp thông Thánh Thể giữa các linh mục Chính Thống Giáo Nga và các linh mục thuộc tòa Constantinople. Đức Thượng Phụ Kirill cũng ra lệnh ngưng không cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong các nghi thức Phụng Vụ.

Tình hình đã leo thang thêm một bước nữa sau khi Đức Thượng Phụ Kirill nói việc đền thờ Hagia Sofia bị mất vào tay người Hồi Giáo là bằng cớ cho thấy “Chúa phạt” Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.

Trong lịch sử 1,500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul vốn là một đền thờ Công Giáo trước khi trở thành đền thờ Chính Thống Giáo sau cuộc đại ly giáo năm 1054. Sau đó, đền thờ này bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.

Nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên tháng 7 năm ngoái 2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai vào ngày 24/7/2020.

Bình luận về diễn biến này trong cuộc phỏng vấn với Rossia TV của Nga cuối tuần qua, Đức Thượng Phụ Kirill nói:

“Tôi không muốn thốt ra những lời chỉ trích đối với anh trai tôi ở Constantinople, nhưng chắc chắn rằng những gì vừa xảy ra ở Constantinople, ở Istanbul, là bằng chứng cho thấy ngài bị Chúa phạt. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đưa những kẻ ly giáo vào Nhà thờ linh thánh Sophia ở Kiev và rồi để mất Nhà thờ Sophia ở Constantinople vì giờ đây nó đã trở thành một đền thờ Hồi giáo. Tôi muốn mọi người suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Ngài đã lấy Nhà thờ Sophia ở Kiev từ tay những người Chính thống giáo, từ tay Giáo Hội Chính thống, ngài đã đến đó và mang theo những người ly giáo, và rồi ngài đánh mất Nhà thờ Sophia của chính mình… Tôi tin rằng thật khó có thể tưởng tượng bất kỳ hậu quả nào có tính cách rõ ràng, xảy ra nhanh chóng hơn vì tội lỗi này quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải cùng nhau thoát ra khỏi điều này. Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau, ít nhất là trong những lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta, nếu điều này bây giờ hầu như không thể xảy ra trong việc thờ phượng công cộng vì chúng ta không còn cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Constantinople trong Phụng Vụ Thánh. Tuy nhiên, hãy cầu nguyện cho nhau, chúng ta phải và làm tất cả những gì trong khả năng của chúng ta để cuộc khủng hoảng này trong thế giới Chính thống giáo kết thúc càng nhanh càng tốt. Giáo hội Nga đã sẵn sàng chuẩn bị bước đi trên con đường này để đạt được mục tiêu này.”


Source:Moscow Orthodox
 
Độc dược phân cực: Bạo loạn ở Washington làm nổi bật sự chia rẽ sâu xa của Hoa Kỳ
Vũ Văn An
18:16 14/01/2021

Theo Jonathan Liedl Nation của National Catholic Register, các nhà bình luận Công Giáo nhấn mạnh tới các nguyên nhân sâu xa về xã hội và tâm linh gây ra sự chia rẽ ngày một gia tăng và chiều kích tôn giáo là điều chủ yếu nếu Hoa Kỳ muốn tiến tới.



Theo ký giả này, năm 2020 là một năm đáng sợ. Các biến cố bi thảm lớn lao từ việc bùng phát đại dịch coronavirus tới cái chết của George Floyd và cảnh bạo loạn tiếp theo sau đó càng trở nên khó chịu đựng hơn nữa do các đáp ứng gây chia rẽ sâu xa khắp trong công luận.

Và như thể để xác nhận sự tiếp diễn của cảnh phân hóa sâu xa này, năm 2021 bắt đầu bằng một trong những biến cố tồi tệ nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ, khi một nhóm được coi là ủng hộ Tổng Thống Trump, do bất mãn với kết quả bầu cử vừa qua, đã bạo động xâm nhập Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Tổng kết lại, các biến cố này cho thấy một cơn bệnh chính trị sâu xa đang lây nhiễm linh hồn đời sống chính trị và xã hội Hoa Kỳ.

Bradley Lewis, một triết gia về chính trị của Đại Học Công Giáo America, khi nói chuyện về việc phân rẽ giữa hai phía chính trị tả và hữu về đủ mọi chuyện, đã cho rằng “Hiện nay, phân hóa thực sự là bối cảnh của mọi sự. Gần như mọi sự đều bị hút vào đó và rồi dựa vào đó để được tái giải thích”.

Lewis cho rằng, các lập trường do các cá nhân đưa ra về các biến cố hoặc vấn đề xã hội trong bối cảnh này có thể không hẳn là sản phẩm của một lượng giá xác thực về điều gì là điều đúng hoặc tốt nhất cho xã hội, mà đúng hơn là nỗ lực “nói lên bản sắc đảng phái, ngay cả khi [vấn đề] không nhất thiết liên quan đến chính trị bao nhiêu”.

Như Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nói với tờ Register trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12, ngài lấy làm ngỡ ngàng trước việc các vấn đề liên quan đến hiệu quả của việc đeo khẩu trang nhằm giảm thiểu sự lây lan của COVID đáng lẽ ra nên được giải quyết bằng tính thực nghiệm và tính khách quan, nhưng thay vào chúng đã bị chính trị hóa.

Nhà lãnh đạo Tổng giáo phận San Francisco nhận định rằng “trong nguyên tắc, có những người sẽ không đeo khẩu trang và có những người lúc nào cũng đeo chúng, ngay cả khi họ ra ngoài lúc sáng sớm để đi dạo trong khi không có ai ở xung quanh. Vì vậy, nó giống như một tín hiệu của đức hạnh. Cách nào, thì nó cũng đã phân ly với khoa học".

Các dữ kiện thăm dò đã củng cố cái nhìn sâu sắc cho rằng tư cách đảng phái đóng một vai trò quá lớn trong việc lên khuôn các quyết định của người ta đối với vi-rút; vì một cuộc thăm dò mới đây cho thấy: việc thống thuộc một đảng phái, chứ không hẳn các nhân tố như thu nhập, sắc tộc, tuổi tác hoặc thậm chí sự phổ biến của COVID-19 trong khu vực, có nhiều xác suất hơn trong việc dự đoán một người nào đó có thực hành các biện pháp cách ly xã hội đã được qui định hay không. Và tư cách đảng phái hình như không chỉ liên quan đến thực hành của một cá nhân đối với vi-rút, mà còn liên quan đến cả kết luận họ rút ra về nó nữa: Một cuộc thăm dò của Hãng Gallup cho thấy khoảng phân cách đến 47% nơi những người tin rằng vi-rút coronavirus gây tử vong nhiều hơn so với bệnh cúm theo mùa giữa các đảng viên Đảng Dân chủ ( 87%) và các đảng viên Đảng Cộng hòa (40%).

Khi nói đến vấn đề phân cực, R. R. Reno, tổng biên tập tạp chí First Things, cho rằng điều quan trọng là phải làm sáng tỏ vấn đề không chỉ là người Mỹ có thể khác biệt trong quan điểm chính trị của họ nhiều hơn những năm trước đây, mà điều còn quan trọng hơn nữa là, họ duy trì những quan điểm đó một cách tuyệt đối hơn nhiều.

Điều này cũng được các dữ kiện củng cố. Một cuộc thăm dò hồi tháng Giêng có tên “Tinh thần phe phái quần chúng gây chết người” cho thấy 42% số người trong mỗi đảng phái chính trị lớn coi các đối tác phe phái của họ không những sai lầm mà còn “xấu xa” nữa. Cũng trong tháng này, các nhà kinh tế học Stanford phát hiện ra rằng mức độ tình cảm tiêu cực giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã tăng từ 27% vào năm 1978 lên 46% vào năm 2016. Ngoài ra, tỷ lệ cha mẹ không đồng ý cho các cuộc hôn nhân "liên đảng" đã tăng đáng kể trong những thập niên gần đây.

Reno cho rằng “Vì thế, dù người ta phân cực hơn trước đây, chúng ta vẫn cần phải thừa nhận rằng chính trị đã trở nên quan trọng hơn nhiều vào năm 2020 so với năm 1980, khi tôi còn học đại học”.

Một quốc gia bị chính trị hóa

Theo các nhà bình luận Công Giáo được tờ Register phỏng vấn tháng trước, việc “chính trị hóa” đời sống Hoa Kỳ - tức việc mở rộng tinh thần đảng phái tới gần như mọi vấn đề và việc tăng cường độ các cam kết đảng phái – một điều vốn thúc đẩy sự phân cực tự nó là sản phẩm của một sự phát triển khác trong những năm qua: tức thế tục hóa. Các nhà tư tưởng khác nhau đã sử dụng các thuật ngữ khác nhau để mô tả vai trò của tôn giáo trước đây đối với xã hội, ngay cả một xã hội đa nguyên như Hoa Kỳ. Reno nói tới “một tán dù thánh thiêng” gồm các cam kết căn bản chung đối với đức tin và luân lý, dưới đó các đảng phái khác nhau có thể bất đồng một cách hòa bình; nhắc đến các mô tả về Hoa Kỳ của nhà sử học người Pháp thế kỷ 19 Alexis de Tocqueville, Lewis đã nói tới một định hướng siêu việt chung có thể thống nhất các thành phần tản mạn của xã hội; và Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã nói tới một hệ thống các giá trị chung nhằm mang lại sự gắn bó xã hội.

Dù được mô tả cách nào, mọi người đều đồng ý rằng sự lu mờ của tôn giáo và các sự thật siêu việt trong sinh hoạt công cộng đã có những hiệu quả tai hại cho sự hòa hợp xã hội, trong đó chính trị đóng một vai trò không cân xứng trong cuộc sống của người ta.

Lewis nói: “Đối với nhiều người, dù có thể không hữu thức bao nhiêu, chính trị đã trở thành một loại thực tại tôn giáo đối với họ. Mọi điều [có tính chính trị] đều trở thành vấn đề nguyên tắc tối cao tuyệt đối. Và điều đó thực sự rất, rất có tính phá hoại".

Carlo Lancellotti, dịch giả tiếng Anh có thẩm quyền và là người thu thập và xuất bản các tác phẩm của nhà triết học chính trị Công Giáo người Ý thế kỷ 20 Augusto Del Noce, nói rằng lịch sử của châu Âu trong hơn 100 năm qua là bằng chứng cho thấy những nơi xẩy ra diễn trình thế tục hóa, như ở Đức vào những năm 1920, kết quả không phải là sự bóp nghẹt bản năng tôn giáo của người ta, mà đúng hơn, là sự chuyển dịch động lực tôn giáo này sang lĩnh vực chính trị.

Ông nói: “Khi có hiện tượng thế tục hóa mạnh mẽ, người ta như thể quay trở lại với các tôn giáo chính trị. Chính trị trở thành nguồn bản sắc thay thế bản sắc tôn giáo. Và vì vậy, người ta trở thành các chiến binh vì đó là điều mang lại cho họ cảm thức mục đích, cảm thức họ là một ai đó, cảm thức thuộc về một phong trào".

Khi chính trị trở thành một vấn đề về bản sắc, chứ không chỉ đơn giản là “nghệ thuật của những điều có thể”, Lewis cho rằng không còn chỗ nào cho sự thỏa hiệp.

Lewis nói rằng “Khẩu hiệu của thập niên 1960, rằng bản thân có tính chính trị, bây giờ thậm chí còn đúng hơn, vì chính trị thực sự là cách để người ta phát biểu bản sắc của họ. Và đó là vấn đề, bạn không thể làm gì được".

Các nhân tố khác

Ngoài nguồn gốc triết học và nhân học của cuộc khủng hoảng phân cực hiện nay ở Hoa Kỳ, những người được phỏng vấn cho bài này đã nhấn mạnh một loạt nhân tố xã hội và kinh tế làm trầm trọng thêm sự chia rẽ quốc gia. Reno, chẳng hạn, nêu bật “sự phân cực kinh tế ngày càng gia tăng” đã lật ngược một hệ thống kinh tế vốn được tổng hợp xít xao từng cân bằng quyền lợi của giai cấp giàu có và giai cấp công nhân, đồng thời giữ được thế lực qua suốt Thế chiến thứ hai và hậu bán thế kỷ 20.

Mặc dù không nhấn mạnh tới một nhân tố duy nhất nào làm xói mòn cảm thức hài hòa kinh tế, nhưng ông cho rằng việc hoàn cầu hóa và những thất bại của nền kinh tế nhỏ giọt đều đóng một vai trò.

Một đường đứt gẫy (fault line) khác là hố phân cách văn hóa ngày càng gia tăng giữa tầng lớp được đào tạo đại học - “tầng lớp đại học” - và tầng lớp lao động. Trích dẫn cuốn The New Elite của David Lebedoff, Lancellotti cho rằng một tầng lớp thượng lưu có ảnh hưởng đã lên nắm quyền trong 50 năm qua, lấy khả năng học thuật, thành tích nghề nghiệp và lối sống đô thị làm cơ sở cho bản sắc của họ. Theo sự phân tích này, vì nhóm ưu tú này tự định nghĩa mình đối lập với các giai cấp thấp hơn, những người, trong lịch sử, vốn có xu hướng bảo thủ về tôn giáo và văn hóa hơn, nên việc thúc đẩy ranh giới văn hóa và thăng tiến các chính sách tiến bộ trở thành phương thức bảo đảm bản sắc của người ta.

Ngược lại, các định chế có ảnh hưởng như hệ thống giáo dục, chính phủ và các phương tiện truyền thông bị chi phối bởi giới ưu tú, những người không những có ít điểm chung với những người thuộc giai cấp lao động, nhưng có thể thực thi, theo nghĩa tốt nhất, một kiểu thái độ cha chú (paternalism) và theo nghĩa tệ nhất, một thái độ khinh bỉ đối với những người họ được trao quyền để lãnh đạo.

Các phương tiện truyền thông quốc gia, như Reno từng nói, không còn hình tượng “Walter Cronkite” nữa, người vốn được hầu hết mọi người công nhận như người truyền tải sự kiện đáng tin cậy. Thay vào đó, thế hệ phóng viên và nhà sản xuất thời hậu chiến, bao gồm các cựu chiến binh có chung kinh nghiệm, đã được thay thế bằng một loại "truyền thông thế giá" (prestige media) có thể rao bán tính đa dạng về chủng tộc và giới tính của họ, nhưng nói rất ít về sự đa dạng trí thức, đừng nói chi đến nền tảng tôn giáo. Sự tin tưởng vào các định chế này của “Hoa Kỳ Trung Lưu” càng bị cản trở khi việc tham dự đám tang thân phụ một ai đó không được khuyến khích do các quan ngại về COVID-19 trong khi các cuộc biểu tình của phong trào “Black Lives Matter” trên đường phố được giới ưu tú tán tụng.

Reno cho rằng: “Cảm giác bị thao túng và ngắc ngư này đã đạt tới điểm khủng hoảng. Và đó là một lý do khiến hệ thống thông tin trở nên quá phân mảnh và kém hiệu quả.” Kết quả là, toàn bộ nhiều bộ phận của đất nước hoàn toàn không lưu tâm đến những gì các cơ quan chính phủ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng muốn nói, không tham gia các cuộc tranh luận dựa vào giá trị (merit), mà phủ nhận chúng vì ai đó đã cổ vũ chúng.

Các nguy hiểm đối với người Công Giáo

Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã mô tả nhân tố góp phần lớn vào sự phân cực này như một nền văn hóa bất tín được nuôi dưỡng bằng thói đạo đức giả và lạm dụng quyền lực của giai cấp ưu tú.

Nhưng ngài và các nhà bình luận khác cũng nhanh chóng chỉ ra rằng người Công Giáo và những người khác với các giá trị truyền thống hơn không hẳn là không có lỗi đối với các hậu quả của việc phân cực. Như Reno đã lưu ý, khi trích dẫn Henri de Lubac, phản ứng đối với dị giáo thường cũng nhuốm màu dị giáo, vì nó buộc phải trả lời các điều khoản của đối thủ.

Ông nói: “Và vì vậy luôn có sự nguy hiểm này: trong khi chống lại sai lầm, có thể nói, chúng ta mặc lấy nước da của nó”.

Một cách khiến điều đó xảy ra là: trở thành con mồi cho "thuyết chung cục" (apocalypticism), tức ý niệm cho rằng "mọi sự đều sẽ tiêu tan trừ khi chúng ta làm điều X hoặc điều Y". Mặc dù có thể có ý hướng tốt, nhưng chủ nghĩa chung cục cuối cùng vẫn là một quan điểm thế gian, nâng cao ý nghĩa các vấn đề chính trị lên trên các sự thật siêu việt. Điều này đúng dù người ta tham dự nó ở cánh tả hay cánh hữu.

Reno cho rằng: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng mặc dù các chính trị gia và những người gây quỹ có lợi trong việc thúc chúng ta bước vào một cơn sợ hãi và lo lắng điên dại, trong khi những vấn đề chúng ta phải đối đầu có thật, thì luôn vẫn có một ngày mai. Luôn luôn có một chỗ khác để đứng".

Liên hệ với thuyết chung cục là một loại tương tác với thực tại đặt ưu tiên cho việc đạt kết quả mình ưa thích hơn là tìm kiếm sự thật một cách chân chính. Lancellotti cho biết trong khung cảnh này, ngay khoa học cũng có thể trở thành nạn nhân, vì nó bị giản lược thành một công cụ để thúc đẩy một ý thức hệ. Ông nói: “Ý thức hệ là khi nhận thức không nhằm khám phá sự thật, mà là để đạt được quyền lực”; ông nói thế để mô tả một hiện tượng chắc chắn áp dụng cho các chính nghĩa cấp tiến như chủ nghĩa chuyển giới nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai bẻ cong sự thật để phù hợp với tiên kiến của họ.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói thêm rằng phương thức như vậy, với đặc điểm là “ý chí quyền lực”, cũng ngăn cản bất cứ sự tương tác thực sự nào với người khác.

Ngài nói: “Với loại não trạng duy tuyệt đối này, nó cắt đứt khả thể kia. Vì vậy, chúng ta thực sự không thể tiến tới chỗ hiểu nhau".

Ngài nói thêm rằng bầu khí phân cực như bầu khí của chúng ta có thể làm phát sinh các điểm đi tắt về ngang về phương diện trí thức, chẳng hạn như tiếp nhận các chủ trương về một loạt các vấn đề không dựa trên giá trị của các lập luận và dữ kiện, nhưng dựa trên việc chúng đã được chứng thực bởi một ai đó lên tiếng chống lại đối thủ của chúng ta. Ngài bảo: “Dễ thấy chỗ nào có sự giả trá nơi những người không đồng ý với bạn. Nhưng cũng có những sự giả trá, hoặc những mô tả không chính xác nơi những người đồng ý với bạn”.

Con đường tiến tới

Một số chuyên gia chính dòng suy đoán rằng với việc chính trị gia của giới quyền uy Joe Biden sắp thay thế Donald Trump phi quy ước và thường gây chia rẽ ở Phòng Bầu dục, sự phân cực ở Hoa Kỳ sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, các nhà bình luận Công Giáo tỏ ra nghi ngờ viễn cảnh này, vì một giải pháp chính trị đơn thuần hoàn toàn bất cập đối với một vấn đề tựu chung thuộc về tâm linh, cũng như một mô hình phân cực, mặc dù có lẽ đã bị Trump làm cho trầm trọng thêm, nhưng vốn đã có từ lâu và thậm chí có thể đã phát sinh ra nhiệm kỳ tổng thống của Trump.

Hơn nữa, nhiều người nhấn mạnh rằng, bất chấp lời nói hoa mỹ về sự đoàn kết của mình, Biden đã có những bước gây chia rẽ và không cần thiết, chẳng hạn như tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án Hyde, tức tu chính án ngăn chặn tiền liên bang tài trợ cho các ca phá thai, hoặc kế hoạch đề cử một nhà đấu tranh phò phá thai quá sốt sắng- làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Bản. Hơn nữa, trong những ngày qua, việc Joe Biden gộp chung mọi người biểu tình ở Capitol Hills vào cùng một rổ “khủng bố quốc nội” càng làm cho ít nhất 70 triệu cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump trở thành cố hữu hơn trong quan điểm chống đối tân chế độ. Pelosi và Đảng Dân Chủ, trong cái say chiến thắng luận tội Donald Trump, cũng càng đẩy khối cử tri này vào thế chống đối dài dài trong suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.

Mặc dù sự phân cực không đòi một giải pháp nhanh chóng, nhưng những người được phỏng vấn cho bài này đều cho rằng người Công Giáo có vai trò quan trọng để thủ diễn trong môi trường chính trị và xã hội hiện tại của chúng ta. Một điểm cần nhấn mạnh là truyền thống Công Giáo nhấn mạnh đến lý lẽ đúng đắn như một liều thuốc giải độc cho việc sử dụng nhận thức bị bóp méo và thao túng ngày nay. Lewis mô tả sự kiện Giáo hội nhấn mạnh đến việc tìm hiểu lý lẽ chân thực như "bén rễ sâu trong DNA của mình", trong khi Đức Tổng Giám Mục Cordileone đề cao Thánh Thomas Aquinas - với việc ngài tận tụy đối với lập luận hữu lý và các cố gắng đáng kể của ngài để hiểu quan điểm của đối thủ - như một khuôn mẫu cho người Công Giáo ngày nay.

Kim Daniels, phó giám đốc Sáng kiến Tư tưởng Xã hội Công Giáo và Sinh hoạt Công, nhấn mạnh việc tương tác với người khác bằng một “khoa giải thích thiện chí”, bao hàm không vội vàng phán xét, không áp đặt các khuôn khổ có sẵn lên người ta và ưu tiên suy tư hơn phản ứng. Bà cũng khuyến nghị nên nghỉ xả hơi khỏi các phương tiện truyền thông xã hội, có lẽ trùng hợp với các mùa phụng vụ như Mùa Vọng hoặc Mùa Chay, hoặc vào Chúa nhật như một phần của ngày nghỉ ngơi của ta.

Bà nói: “Tránh các phòng dội âm của các phương tiện truyền thông xã hội bằng cách làm việc chăm chỉ để nhận thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy khác nhau cũng quan trọng như việc suy nghĩ về những thành kiến chúng ta mang đến cho việc chúng ta tiêu thụ các phương tiện truyền thông của chính mình”.

Lancellotti đề nghị một điều, có lẽ, còn căn bản hơn nữa.

Ông nói, “Theo một nghĩa nào đó, công việc ở đây là khám phá lại cảm thức tôn giáo, các nhu cầu và thắc mắc sâu xa nhất của con người, và đặt chính trị trở lại đúng vị trí của nó”. Với ông, chỉ có sự đổi mới trải nghiệm tôn giáo và thuộc về mới đáp ứng nhu cầu của con người, những nhu cầu, nếu không được thỏa mãn, sẽ góp phần vào việc chính trị hóa và phân cực.

“Tôi phải lùi lại một bước và hít thở thật sâu để nhận ra rằng có nhiều điều lớn hơn chính trị”.

Ông nói thêm rằng Giáo hội phải từ bỏ bất cứ mưu toan nào tự định nghĩa mình theo các điều khoản chính trị của thế gian. Thay vào đó, “Giáo hội được định nghĩa bằng cách đề xuất Chúa Kitô”. Ông nói rằng chỉ có một Giáo hội không hổ thẹn với Chúa Kitô - các thành viên của Giáo Hội có thể dựa vào kinh nghiệm sâu sắc của Chúa Kitô hiện diện trong các bí tích và trong cộng đồng - và xác tín rằng Chúa Giêsu là câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa nhất của con người mới có thể vượt qua được sự phân cực nơi hàng ngũ mình và đề kháng lại sự suy giảm của mình trong xã hội.

Lancelotti nói: “Giáo hội nên là câu trả lời văn hóa độc đáo của chính mình. Việc có quá nhiều người Công Giáo không đề xuất được câu trả lời độc đáo và cảm thấy buộc phải chấp nhận một trong hai câu trả lời của thế tục, theo một nghĩa nào đó, là sự thất bại của đức tin và sự thất bại của việc truyền bá tin mừng”.

Tạo ra một đồng thuận mới

Reno của tạp chí First Things cũng khẳng định rằng đóng góp lớn nhất của Giáo hội sẽ phát xuất từ việc rút tỉa từ các nguồn lực của chính mình và phát biểu sự lưỡng lự về “đối thoại”, ít nhất theo nghĩa nền văn hóa chính dòng sử dụng thuật ngữ này. Ông nói rằng nó không bao giờ áp dụng vào các vấn đề bị phe cấp tiến từ chối thỏa hiệp và "thường là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả việc chúng ta phải nhượng bộ ra sao". Vì quyền lực của thuyết duy tương đối trong thời đại ngày nay, ông khuyến khích người Công Giáo hãy rõ ràng và tự tin trong việc phát biểu các chân lý đạo đức được đức tin cung cấp khi họ tương tác với người khác trong tình bác ái.

Reno cũng đề nghị rằng người Công Giáo không nên coi bầu khí phân cực của chúng ta như một điều xấu xa cố hữu. Dù người Công Giáo có nhiệm vụ phải kiềm chế các cực đoan do sự phân cực gây ra, ông nói tính chia rẽ trong thời điểm chính trị hiện nay là một dấu hiệu cho thấy sự đồng thuận cai trị trong vài thập niên qua, một điều không nhất thiết đồng thuận với những người có đức tin, là điều bất cập. Mặc dù sinh hoạt công cộng xem ra không ổn định, nhưng đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy có những cơ hội để cổ vũ một xã hội lành mạnh hơn.

Reno nói: “Chúng ta cần nỗ lực hướng tới việc tạo ra một đồng thuận mới cho các xã hội phương Tây, một đồng thuận được tổ chức tốt hơn quanh đức tin, gia đình và cộng đồng. Và tôi nghĩ những người có đức tin thực sự có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong đồng thuận mới này, vì chúng ta tiến đến ngôn ngữ liên đới một cách khá tự nhiên và thực tiễn”.
 
Tin xấu về Covid-19: sẽ tồn tại với loài người mãi mãi.
Trần Mạnh Trác
21:07 14/01/2021
(Tin tổng hợp) Các quan chức y tế và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm vẫn lo lắng rằng Covid-19 có thể trở thành một căn bệnh gọi là ‘đặc hữu,’ nghĩa là nó sẽ tiềm ẩn ở mọi nơi và có thể tái phát mọi lúc, mặc dù khả năng tàn phá có thể ở mức độ thấp hơn là bây giờ.

Đống ý với những lo lắng trên, ông Stephane Bancel, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất vắc xin Covid-19 Moderna, cảnh báo hôm thứ Tư rằng virus này sẽ tồn tại “mãi mãi”.

“SARS-CoV-2 sẽ không biến mất,” ông Bancel cho biết tại Hội nghị y tế cuả JPMorgan.

Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ phải sống chung với loại virus này mãi mãi.”

“Các quan chức y tế cần phải liên tục theo dõi các biến thể mới của virus, để các nhà khoa học có thể sản xuất vắc-xin chống lại virus,” ông nói.

Nhiều nhà nghiên cứu ở Ohio cũng bá cáo hôm thứ Tư là họ đã phát hiện ra hai biến thể mới cuả Covid-19 có nguồn gốc từ Mỹ và một biến thể ấy nhanh chóng trở thành vi khuẩn chính ở Columbus, Ohio, trong thời gian ba tuần vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1.

Tuy nhiên các vắc-xin dựa vào phương pháp mRNA có vẻ có khả năng đương đầu với những biến thể mới. Các nhà nghiên cứu của Pfizer cho biết vắc-xin của họ (được phát triển với hãng BioNTech) dường như có hiệu quả chống lại một đột biến quan trọng ở Anh Quốc và một biến thể mới ở Nam Phi.

Thuốc chủng của Moderna (cũng dựa vào phuơng pháp mRNA) cũng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép tiêm chủng cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Hoa kỳ đang cố gắng phân phối miễn phí hai loại vắc-xin noí trên cho toàn dân ở Mỹ, nhưng phải mất nhiều tháng nữa trước khi Hoa Kỳ có thể tiêm chủng cho đủ số người để có được sự miễn dịch gọi là ‘bầy đàn’, nghĩa là khi lây lan thì virus có thể sẽ chỉ lây qua những người đã được miễn dịch và chấm dứt ở đó. Nhưng dù cho lâu như thế, ông Bancel tin rằng Mỹ sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được “sự bảo vệ cần thiết” chống lại loại virus ấy.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì hiện nay có 4 loại coronavirus đã trở thành ‘đặc hữu’, tức là phổ biến trên toàn thế giới và chưa tận diệt được đó là HCoV-229E, -NL63, -OC43, và -HKU1. Chúng đã xuất hiện từ lâu, có loại đã có từ thế kỷ 19, có lẽ đều xuất xứ từ loài dơi hoặc loài chuột, và gây ra những triệu chứng giống như bị Cảm, nhưng đặt biệt tấn công vào đường hô hấp. Tuy nhiên những loại virus này không dễ lây lan hoặc gây chết người như các loại virus mới, nói sau đây.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì có 3 loại virus mới đây đã lây lan từ động vật qua loài người, đó là:

SARS-CoV, gọi tắt là SARS, phát xuất từ loại khỉ và dơi và tạo ra một cuộc đại dịch năm 2003 ở Trung quốc. Từ năm 2004, những nỗ lực trừ dịch trên toàn thế giới đã có thể chặn đứng virus này trên con người và cho đến năm 2020 thì vẫn chưa có ai bị lây nhiễm nữa. Người ta coi như loại virus này đã bị chặn.

MERS-CoV, còn gọi tắt là MERS, xuất hiện năm 2012 từ Trung Đông, có lẽ lây qua người từ loài lạc đà, Tuy ghê gớm, nhưng sự lây lan từ người qua người được ghi nhận là thấp.

SARS-CoV-2, gọi là COVID-19, là loại virus (có lẽ) xuất phát từ dơi và vẫn còn đang lộng hành trên toàn thế giới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tìm Hiểu Về Tế Bào Gốc Phần 2: Nghiên Cứu Về Tế Bào Gốc
Lm Tiến Sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng
00:31 14/01/2021
 
Tư liệu FABC số 52: Chương 2: Gặp gỡ - Hòa nhập
Lm. Xuân Hy Vọng
10:05 14/01/2021
Tư liệu FABC số 52: CHƯƠNG 2
GẶP GỠ–HOÀ NHẬP


Phần I: Nhân diện Người nghèo

Cuộc gặp gỡ Thân mật với Người nghèo. Mọi người hiểu rõ khi tham gia vào tiến trình gặp gỡ–hoà nhập không phải với tư cách du lịch, thoải mái ngắm nhìn những gì mình muốn. Và ai tham gia chương trình này đều chọn cho mình cách cảm nghiệm đời sống của người nghèo, người túng quẫn và bị áp bức.

Quan tâm của họ là được trông thấy và cảm nhận điều kiện thực tế của người nghèo. Họ muốn bước vào cuộc sống người nghèo; thấu cảm nỗi đau cũng như niềm vui, và hiểu hơn về mọi trăn trở–mơ ước của người nghèo. Họ tìm kiếm nhận biết không chỉ các biến thể và hoàn cảnh sống, mà còn muốn nắm rõ ý nghĩa, sắc thái, nét tinh tế văn hoá và kể cả những thô kệch của người nghèo khi đấu tranh chống lại mọi hình thức vô nhân đạo. Các tham dự viên chương trình gặp gỡ–hoà nhập bước vào thế giới người nghèo với tâm thế rộng mở, sẵn sàng học biết những suy nghĩ mới và tìm hiểu các tín ngưỡng lâu đời.

Khi các tham dự viên gặp gỡ những ai trên ruộng đồng, họ bắt gặp khuôn mặt biến dạng do nạn đói khát và bạo lực. Họ lắng nghe tiếng khóc than của sự oán hờn và nỗi tuyệt vọng. Họ nghe sự nín lặng bứt rứt của những người mà họ quan sát cũng như họ cảm nhận. Họ ngửi thấy mùi hôi thối từ cặn bã, rác rưới ứ đọng nơi mương rãnh. Họ ngửi thấy hậu quả của sự vô nhân đạo và tình trạng đói nghèo. Họ chạm đến sự cay nghiệt và nhẫn tâm của nạn áp bức.

Đó là sự khởi đầu cho cuộc gặp gỡ thân mật với diện mạo người nghèo. Thông thường, câu chuyện tai ương hoạn nạn và hoan hỉ chiến thắng lại liên hệ với nhau. Những cảm xúc đau thương sâu thẳm và niềm vui cũng được sẻ chia. Các tham dự viên ghi lại cách giao tiếp với ngôn ngữ hình thể, giọng điệu, những lời oán trách cũng như tiếng thở dài. Họ quan sát cử chỉ và phản ứng của người nghèo. Dần dần, họ bắt đầu gỡ ra manh mối cho những ý nghĩa ẩn chứa sâu dưới lời nói và hành động ấy.

Các tham dự viên đang gặp gỡ nhân diện người nghèo.

Người nghèo không còn được nhìn như một đám đông nữa, mà là những con người – bà mẹ, ông bố, bà cụ bệnh tật, công nhân, ngư phủ. Tham dự viên không chỉ biết người nghèo như thể những ai đang đau khổ, mà còn cảm nhận tình gắn kết với họ, được tổ chức quy cũ trong cộng đoàn, các tổ chức nông dân, phong trào phụ nữ và hội đoàn giới trẻ.

Một bước ngoặt trong thế giới của những ý nghĩa, giá trị và niềm tin đang diễn ra.

Trong tiến trình này, các tham dự viên cũng chia sẻ đời sống, trăn trở và ước mơ của riêng mình. Khi được mọi người hỏi, họ cũng phải trả lời những nghi vấn này. Có lẽ nhiều khác biệt xuất phát từ quan điểm giai cấp và định hướng, nhưng thay vì ngăn trở, chúng lại làm nổi bật tiến trình thông truyền và sẻ chia. Sự trao đổi bộc trực về cảm nhận cuộc sống phản chiếu thực tế ngày càng rõ ràng hơn như thể được phát hoạ cho những chiều kích và thế giới quan khác nhau. Một cuộc đối thoại làm cuộc sống đa dạng diễn ra trong chiều hướng của nó và suy tư về các di sản viễn cảnh cũng như tôn giáo–văn hoá được đào sâu.

Dưới cái nhìn của Người nghèo. Trong khi tiến trình gặp gỡ–hoà nhập có thể trở nên đa dạng, phong phú thêm, thì những trải nghiệm bối rối lo âu đồng thời cũng không thể không diễn ra được. Tiến trình thách thức nhiều tín ngưỡng truyền thống lâu đời cũng như cách nhìn về sự nghèo nàn và người bần cùng cố nông. Các thành kiến chống lại người nghèo chầm chậm tan biến. Những quan niệm sai lệch về nguyên nhân đói nghèo tan rã khi chính người nghèo chia sẻ lối phân tích và chiến lược thay đổi của họ. Tham dự viên khám phá không chỉ thực tế ác nghiệt của những ai bị tước đoạt tài sản và mất quyền thừa kế, mà còn chứng kiến lòng can đảm, khôn ngoan và cảm thức công bình. Khi họ bắt đầu nhìn vào các điều kiện của người nghèo từ ánh mắt của chính người nghèo, thì một quá trình biện phân mới mẻ dần dần lộ diện. Nó dẫn họ đến việc suy nghĩ và đánh giá thái độ, lối sống và giá trị bản thân. Hơn nữa, nó cho họ nhìn thấy thoáng qua nhận thức tự do của người nghèo.

Sự nhận thức tươi mới không chỉ vụt lên từ việc nắm bắt trải nghiệm của nạn nghèo khổ và ách áp bức, mà đặc biệt từ chính quan điểm của người nghèo nhìn vào hoàn cảnh, vấn nạn và trăn trở của họ. Vì lẽ, cách nhìn của nạn nhân bất công khác xa với lối nhìn của kẻ đàn áp. Vị thế đặc quyền trong xã hội của các tham dự viên tiến trình gặp gỡ–hoà nhập đã bị tiêm nhiễm quan điểm của những người được hưởng lợi từ cơ cấu xã hội bất công. Do đó, vô tình hay cố ý, họ đồng hoá chính mình với quan điểm của giai cấp thống trị. Quá trình soi xét lương tâm diễn ra qua cảm nghiệm cuộc sống của người nghèo và thấu hiểu những nguyên nhân cho các vấn nạn từ quan điểm giải phóng của chính họ.

Hơn nữa, cuộc cải hối sẽ diễn ra. Đây là sự hoán cải từ quan điểm của giai cấp thượng lưu tới tầng lớp dân thường. Một biến chuyển quan điểm hệ trọng từ người có quyền cố nắm giữ nguyên vẹn quyền lực, đến quan điểm của những ai bị thiệt thòi, không quyền hạn đấu tranh hầu thay đổi thật sự trong người dân và ngoài xã hội.

Cuộc hoán cải này giúp các tham dự viên hiểu rõ cơ cấu bất công của hệ thống xã hội thế giới. Họ khám phá ra rằng người dân khốn cùng không chỉ vì “bị tước đoạt một cách có hệ thống quyền mưu cầu hàng hoá vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết để tạo ra cuộc sống con người thật sự, (mà còn) bị chiếm đoạt nữa, bởi vì họ sống dưới ách đàn áp, cụ thể, là các cơ cấu xã hội–kinh tế–chính trị bất công được xây đắp kiên cố nơi họ” (Truyền Giáo tại Á Châu Ngày nay, FABC, năm 1974).

Chuyển biến quan điểm này thay đổi đáng kể lối cảm nhận, cách hành động, đánh giá và tính hiện hữu của mọi người tham gia. Điều này khiến họ ra công làm việc cho nền công lý và hoà bình. Nó đưa họ hoà nhập vào bước tiến, con tim lẫn tâm hồn của số đông đang hướng về sự đổi thay chân chính và phát triễn con người.

Linh đạo của Người nghèo. Đối thoại cuộc sống dẫn các tham dự viên chương trình gặp gỡ–hoà nhập tiến xa vào thế giới quan của người nghèo. Thế giới quan của họ ôm trọn những yếu tố nhân đạo từ nền di sản tôn giáo–văn hoá dân tộc, lối suy nghĩ và tập quán đạo đức riêng biệt của họ. Được biết sự hoà hợp tuyệt vời giữa cội nguồn văn hoá dạt dào và nỗi niềm trăn trở biến động của người dân, các tham dự viên khám phá ra: chính người dân, đặc biệt người nghèo, là chủ thể và tác nhân của sự tăng triễn bản thân. Họ tạo nên số mệnh của họ và là những nghệ nhân cho một nhân loại tươi mới.

Suy tư linh đạo của người nghèo chính là một cấu thành nội tại của việc hoán cải từ quan điểm bề thế ưu tuyển đến quan điểm của người nghèo.

Tính giản dị trong cuộc sống, chân thành cởi mở, quảng đại chia san, ý thức cộng đồng, mối dây liên kết gia đình trung thuỷ, nhẫn nại, tinh thần trước sau như một của họ trong cuộc tranh đấu – tất cả những đặc điểm này đều hoà hợp với các giá trị Tin Mừng. Qua thực tế này, chúng ta khẳng định rằng Tin Mừng Nước Thiên Chúa được định hình và được diễn tả sống động nơi thực tại cuộc sống của họ, và Thần Khí Đức Giê-su, Đấng Giải Thoát, luôn hiện hữu cũng như hoạt động giữa họ.

Thiên Chúa hoạt động qua các giá trị và thể thức tích cực, đậm nét tôn giáo-văn hoá nhân đạo nơi họ. Đây cũng là cấu thành chứa đựng những yếu tố cốt lõi của linh đạo. Đối với các tham dự viên bám rễ sâu vào đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, họ chờ đợi một cuộc khám phá sâu thẳm nơi mầu nhiệm mà Thiên Chúa ưu tiên hiện diện cũng như hành động giữa họ. Qua lời nguyện chiêm niệm, tham dự viên nhận ra tiếng khóc than của người nghèo. Quá trình hoà nhập mang lại cơ hội cho người tham gia được người nghèo rao truyền, vì sau hết, họ là những chứng nhân Tin Mừng. Thấm đượm linh lạo của người nghèo, đương sự tin vào một vị Thiên Chúa hiện hữu. Người ấy có thể nhìn thấy Chúa qua nhân diện của người nghèo, cũng như chứng kiến Chúa giữa biết bao trăn trở tranh đấu hiện thời của người nghèo, và qua trực cảm biết được rằng Thiên Chúa tiếp tục mặc khải chính Người ngay cả những nơi, diện mạo và biến cố không hề mong đợi.

Tình Liên đới Nhân văn. Tự bản thân có cơ hội hoà nhập sâu sắc vào trải nghiệm và quan điểm của người dân, tham dự viên được thúc giục đáp lời. Điều hệ trọng cho lời vấn đáp này chính là thành thật xem xét bản thân. Nó bao gồm lòng khiêm tốn chấp nhận sự yếu đuối cũng như sai lầm của mình; và có thể hướng họ tới hành động thú nhận rằng quan niệm và ý niệm cá nhân của chính họ về sự phát triễn con người thường thiển cận, hay định kiến người nghèo. Một khi được triển khai, các chương trình được thực thi kể cả không có sự tham gia của người dân. Có người nhận ra những sáng kiến này chỉ ở bề nổi hoặc phản tác dụng. Và có lẽ thái độ gia trưởng và chiếu cố thực tế vẫn tồn tại. Cùng lúc chỉ ra lỗi lầm thời dĩ vãng, hành động tự phê bình giúp tìm thấy giải đáp ngăn ngừa, mà nó có thể lội ngược dòng chảy của lòng khát khao chân thật nơi người dân. Thay vào đó, nó giúp đương sự khiêm tốn cùng đi với người nghèo và đồng hành với họ kiếm tìm một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Tuy nhiên, xét về nhiều điểm trong tiến trình, nguy cơ cũng tồn tại, đó là người tham gia dễ biến vấn đề của người nghèo thành những bộ tiểu thuyết lãng mạn. Tận mắt nhìn thấy thực tế bằng một quan điểm mới không có nghĩa: người nghèo không bao giờ sai trong lời nói và hành động. Tham dự viên phải hiểu rằng: người nghèo là những con người như họ, cũng mắc lỗi, nhận định sai lầm và thoả hiệp. Họ đã và đang là nạn nhân trong nhiều năm trời; đôi khi họ bộc lộ nét phục tùng hay phó mặc cho định mệnh. Họ đang sống trong nỗi sợ hãi và tính bất định; vì vậy, văn hoá của họ là văn hoá căm lặng. Họ cứ lao vào thứ văn hoá bóc lột như thể bắt buộc bản thân sống quen với những giá trị cũng như cách thức của kẻ đàn áp họ. Do đó, khí cụ rao truyền Nước Trời tuy không hoàn hảo, nhưng lại rất đặc biệt.

Kế đến, quan trọng là tham dự viên phải vượt qua chủ thuyết lãng mạn bằng chủ trương hiện thực hoá nhân bản. Đây chính là gia vị thiết yếu cho cuộc đối thoại không ngừng về cuộc sống, và sự hoán cải có thể hướng tới tình liên đới nhân văn bền bỉ.

Al-bert Nô-lan đã gói gọn ý nghĩa của tình liên đới như sau:
Tình liên đới thật sự bắt đầu lúc chúng ta khám phá ra rằng ai trong chúng ta hết thảy cũng đều có lỗi lầm và yếu đuối. Chúng có thể khác nhau do hoàn cảnh xã hội, điều kiện sống cũng như vai trò của mỗi người, nhưng chung quy lại chúng ta đều chọn về phía chống lại sự áp bức, và ý thức rõ những khác biệt của ta. Chúng ta có thể cùng nhau làm việc, cùng nhau chiến đấu chống lại kẻ thù chung, những hệ thống và cơ cấu bất công bắt nguồn từ tội, không được đối xử người khác như kẻ hèn kém, nhưng tôn trọng lẫn nhau, đồng thời nhìn nhận những giới hạn của điều kiện xã hội chúng ta. Cảm nghiệm liên đới với lẽ công bình của Thiên Chúa có thể trở thành linh nghiệm liên kết với Người trong Đức Giê-su Ki-tô. Đây là cách chúng ta hài lòng với bản thân trong mối tương quan với người khác, không ảo tưởng, không cảm thấy tự tôn, nhưng nhận ra mình tội lỗi, mang hơi hướng chủ thuyết lãng mạn, sau đó, chúng ta mở rộng tâm hồn hướng lên Chúa, hướng tới tha nhân và lẽ sống tự do của Người.





Phần II: Cảm nghiệm Đầu tiên

Luận bàn Kinh ngạc trước những Thái độ Truyền thống. Các tham dự viên AISA I tự họ nhìn ra nhân diện người nghèo. Họ đến thăm một giáo xứ mà linh mục quản nhiệm tất cả 50 ngàn giáo dân. Họ chứng kiến ngài vào một ngày Chúa nhật, sau khi làm 2 Thánh lễ liên tiếp, ngài đã rửa tội cho khoảng 50 trẻ sơ sinh.

Nhìn thoáng qua cảnh linh mục quản xứ hoàn toàn dành hết thời gian cho việc cử hình bí tích, phụng vụ và các sinh hoạt trường học cho thấy những trở ngại mà ngài đối diện khi thể hiện quan tâm đến cảnh ngộ của người lao động. Vì vậy, không lạ gì khi một vị linh mục không biết những cuộc đình công và đóng cửa gây áp lực đang diễn ra trong giáo xứ của ngài. Mặt khác, người công nhân cảm thấy Giáo hội và cha xứ chẳng quan tâm đến cảnh ngộ và gia đình họ. Và điều đó khiến họ xa rời Giáo hội như thể Giáo hội đã hoàn toàn tách khỏi mọi băn khoăn trăn trở đời thường của họ.

Trong suốt chuyến hành trình gặp gỡ đặc thù này, một Giám mục tham dự đã hoảng hốt khi biết chỉ 10-15% giáo dân đi lễ những ngày Chúa nhật. Ngài cứ khăng khăng: “Cha phải tìm cách kêu gọi mọi người đi lễ, ngay cả phải dâng thêm nhiều lễ Chúa nhật nữa”. Theo sau đó, một linh mục trong giáo phận giải thích: “Nhưng con chỉ có một mình, không có cha nào khác. Trong giáo phận, chúng ta đang thiếu linh mục. Nhưng dù sao đi nữa, các giáo xứ không thể chứa hết tất cả giáo dân được, nếu họ quyết định đi lễ Chúa nhật”. Vị giám mục tiếp lời: “Nhưng Thánh lễ Chúa nhật, các bí tích rất hệ trọng cho việc sống đạo”.

Ngài quay sang hỏi ý kiến của một tham dự viên công nhân thuộc nhóm gặp gỡ; người ấy mỉm cười đáp: “Thưa Đức cha, nói thẳng ra con chẳng đi lễ bao giờ. Mỗi ngày, con phải làm việc nhiều, kể cả Chúa nhật, mà con chỉ nhận được 60 pê-sô (tương đương $2,50)/1 ngày. Nếu làm suốt không nghỉ ngày nào, thì con phải chi 800 pê-sô cho tiền thuê nhà trong tổng số tiền lương một tháng 1.800 pê-sô. Chỉ còn lại 1.000 pê-sô lo cơm nước, áo quần, chi phí di chuyển, việc học của vợ và con cái”.

“Nhưng còn nghĩa vụ đi lễ, lãnh nhận các bí tích sau giờ làm việc thì sao?” Đức Giám Mục hỏi tiếp. Anh công nhân ấy giải thích: “Thưa Đức cha, tất cả thời gian rảnh rỗi, con phải điều động mọi công nhân khác trong nhà máy. Con là chủ tịch công đoàn công ty. Sau khi hướng dẫn mọi người trong công đoàn, con phải dành tiền và thời gian rảnh để tổ chức các công đoàn lao động khác, cũng như hướng dẫn những khoá học giáo dục công nhân. Con không có thời gian trông nom con cái và cho gia đình nữa ạ”. Tiếp ngay đó, anh hỏi Đức cha: “Phải chăng con không là người Ki-tô hữu tốt lành khi con hy sinh tất cả mọi việc này cho những người công nhân khác sao?”

Đức Giám Mục chớp mắt không thể tin vào những gì được nghe thấy. Quan điểm của ngài về những việc làm đúng đắn và cần thiết đối với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo truyền thống được thách đố bởi tập quán thường nhật của người lao động Ki-tô giáo. Vì thế, chương trình gặp gỡ–hoà nhập đóng vai trò như một luận bàn kinh ngạc bổ ích cho chính quyền và các tín ngưỡng đầy dãy những quan điểm thâm căn cố đế.

Cũng giám mục ấy có cơ hội đến thăm đội trực gác công nhân của một công ty sắt thép đã bị đóng cửa suốt ba năm qua. Được biết 11 người con của công nhân đội trực gác này đã qua đời vì bệnh tật và thiếu dinh dưỡng. Bất chấp những điều kiện kinh hoàng này, nhuệ khí của đội trực gác còn lại vẫn cao ngời ngợi. Thậm chí, họ bắt đầu nuôi ốc sên và đã mở một trường học nho nhỏ cho con cái họ.

Những công nhân đã thuyết phục được một giám mục tham dự viên cùng nghỉ ngơi với họ trong túp lều tạm bợ nơi dải phân cách trực gác. Khác xa tiện nghi thoải mái ở toà giám mục, ngài nằm ngủ trên tấm ván gỗ với hai người công nhân, trong chiếc mùng chống muỗi, tại chiếc lán siêu vẹo được làm bằng cát-tông, gỗ và giấy mạ thiết đã rỉ sét. Vào buổi sáng hôm sau, ngài dâng lễ, vất vả với vốn từ tiếng Phi (ta-ga-log) mà ngài đã được dạy tại lán gác trực; qua đây cho thấy một dấu chỉ liên đới với khó khăn bương trải của người lao động.

Điều chéo quoe đáng buồn cười của chương trình gặp gỡ là sự tiếp đón niềm nở tự nhiên của người nghèo dành cho khách mời, nó phá vỡ những hoạch định có vẻ tốt nhất cho một quá trình gặp gỡ–hoà nhập thật sự giữa mọi người. Do đó, một số tham dự viên hết sức thoải mái, trong khi những người khác, như các giám mục, lại cảm nhận sự khó khăn nơi cuộc sống của người nghèo. Thậm chí, vài giáo dân thuộc giáo xứ đăng cai tổ chức chương trình này có ý định rút lui ở những giây phút cuối cùng, họ đã xin lỗi cha quản xứ vì nhà họ không đủ thoải mái cho một giám mục ngoại quốc trọ lại.

Những Bản tường trình Nhóm Gặp gỡ–Hoà nhập. Sau đây là tổng hợp các bản tường trình của tham dự viên AISA:
Nơi thăm viếng:
Ma-ri-ki-na Gx. Thánh Phan-xi-cô
Tay-tay San-tô-lan
Gx. Đức Mẹ Mân Côi Bi-na-ngô-nan
Ca-in-ta Gx. Đức Mẹ Vô Nhiễm
An-ti-pô-lô Gx. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê
Pa-sig
Công ty/Nhà máy đăng cai:
Giày dép Gốm
Dây giày Đồ gia dụng
Túi nhựa Thức ăn trẻ sơ sinh
Đồ thủ công Dụng cụ vệ sinh
Thép Ô-tô
Vải vóc Máy may
Đá hoa cương

Các công ty trên thuộc công ty nước ngoài điều hành, công ty nội địa hoặc công ty đầu tư cả hai phía nội địa hoặc nước ngoài. Chúng có thể là tập đoàn công ty đa quốc gia (MNCs), ngành công nghiệp vừa hoặc nhỏ. MNCs cung cấp điều kiện tương đối tốt hơn, các khoản lợi tức, lương bổng và những ưu đãi cao hơn các công ty nội địa. Tuy nhiên, cần phải đánh giá vai trò của MNCs tại các quốc gia như Phi-luật-tân.

Nhân công
Lương bổng – hầu hết không được nhận mức lương tối thiểu mà luật quy định.
Quyền lợi – khác nhau theo từng công ty. Chỉ có hai nhóm được ghi nhận thoả mãn với các quyền lợi lao động.
Thời gian hưởng dụng – một số thuộc loại hợp đồng khế ước, nhưng đa phần vẫn thử việc dù đã làm việc nhiều năm, và chỉ số ít là nhân viên biên chế.
Điều kiện lao động – nhìn chung không thoả mãn – hệ thống thông khí và ánh sáng kém, khu vực lao động đông đúc và thiếu các biện pháp bảo hộ an toàn cho công nhân.
Điều kiện sinh hoạt – một số nhân công sống trong khuôn viên công ty và trả tiền thuê nhà. Hầu hết sống trọ gần nơi làm việc, thông thường ở những khu ổ chuột hay nơi tranh chấp.
Thời gian lao động – người công nhân cảm thấy làm việc quá nhiều, ít thời gian dành cho gia đình và giải trí, đặc biệt một số trường hợp chỉ tăng ca 1 lần nhưng họ buộc phải làm quá thời lượng đó.
Công đoàn – không mấy ai tham gia công đoàn. Các công ty gia đình làm chủ thường cấm những sinh hoạt công đoàn, trong khi một số nơi được cho phép, họ thường được gọi là “đội áo vàng” hoặc ủng hộ phương thức quản lý. Các công nhân quy cũ nhờ tới đình công để tìm kiếm điều kiện tốt hơn qua Hiệp ước Thương lượng Tập thể (CBA). Những ai tham gia đình công đều nghiệm thấy sự phiền nhiễu, bắt bớ, công đoàn tan rã, đình chỉ răn đe hoặc thậm chí thanh lý (bản thi hành tóm lược)
Nhận thức chính trị – không như cánh đàn ông trực gác kia, trình độ hiểu biết chính trị của người lao động tại các công xưởng khác rất thấp. Nhu cầu chủ yếu cơ bản là kinh tế.
Một số vấn đề mà người lao động làm chứng, nêu ra:
bãi bỏ các viên chức công đoàn bất hợp pháp (phá bỏ công đoàn)
đình trệ CBA
lương bổng thấp
vi phạm luật lao động
đe doạ thuyên chuyển đến công xưởng khác
phương thức đối xử với công nhân gian lận và bất công
Hầu hết người lao động sẵn sàng tiếp tục đình công cho tới khi lợi ích của họ được giải quyết một cách thoả đáng. Cuộc đình công dài nhất đã kéo dài suốt 3 năm và bãi công gần đây nhất chỉ mới một tháng trước. Công nhân chịu mọi tứ bề khốn khó ngay làn ranh gác trực, không chỉ thiếu thức ăn, thời gian ngủ nghỉ, mà do sự phiền nhiễu, bắt bớ, công đoàn tan rã, đình chỉ răn đe hoặc thậm chí “thanh lý”.
Tinh thần đoàn kết, tình huynh đệ và niềm hy vọng được các công đoàn và những tổ chức hỗ trợ nêu lên, giúp đỡ nhau trong cuộc chiến chung này.

Chủ nhân/Chủ sở hữu. Hầu hết các nhà quản lý đều khoe có mối liên hệ tốt với nhân công và luôn tích cực mang lại lợi ích cho họ. Tuy nhiên, những điều này không hiện hữu dựa trên các cuộc phỏng vấn với người lao động. Thực tế, nhân công họ thường cho rằng nhiều ông chủ/bà chủ chính là dân tư bản, chỉ muốn hưởng lợi ngay cả trên phí tổn của người lao động. Và họ cũng khẳng khái nói nhiều chủ sở hữu lợi dụng mưu đồ đánh lừa công nhân.

Vai trò của Giáo hội. Đa số người công nhân không có ý niệm Giáo hội giúp đỡ họ ra sao. Người khác chỉ thấy sự trợ giúp của Giáo hội bằng lời cầu nguyện. Sự hỗ tương từ phía linh mục, dòng tu và các tổ chức có cơ sở trong Giáo hội không được coi là phận vụ/bộ phận của sứ mạng Giáo hội.

Một số giáo xứ có chương trình mục vụ lao động, nhưng người công nhân nơi đó, khó lòng cảm nhận được. Họ không tham gia vào các sinh hoạt Giáo hội bởi lẽ thiếu thời gian và năng lực, cũng như họ không tìm thấy mối tương thông.

Một nhóm đề xuất những giải pháp có thể sau đây:
Trong giáo xứ, cha quản nhiệm cố gắng giữ liên lạc với công nhân. Cũng vậy, ngài có thể giao cho một giáo dân phụ trách về mối quan tâm của người lao động.
Phụng vụ Chúa nhật có thể được điều chỉnh đặc biệt dành cho công nhân.
Tập trung vào tính khả thi của việc đối thoại giữa ban quản lý và công đoàn lao động dưới sự bảo trợ của giáo xứ.
Đưa ra kế hoạch giáo dục/đào tạo công nhân qua buổi hội thảo, hội luận, và thảo luận về linh đạo người lao động.

Chính phủ. Những luật lao động thường được xem như ủng hộ giới quản lý. Nhiều điều lệ khác như BP 130 khiến xuất–nhập hàng hoá và vật liệu vào công xưởng tê liệt vì bãi công lại được nhìn nhận như thể phản lao động. Luật bảo vệ quyền lợi công nhân đôi lúc cũng bị giới quản lý bỏ qua và vi phạm. Vì thế, người công nhân không xem Sở Lao động và Nhân công như tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ.

Các Gia đình Đăng cai. Hầu hết họ khá nghèo nhưng rất nhiệt tình chào đón khách trọ nhà, đặc biệt người ngoại quốc. Ban tổ chức chọn một số gia đình đăng cai cũng như hỗ trợ tài chính cho họ. Cảm nhận chung là các gia đình hết sức niềm nở thân thiện và quảng đại chia sẻ những gì họ có, dù là ít ỏi. Đức tin được biểu hiện qua những cách thức truyền thống như: lòng đạo đức, kinh nguyện tuần cửu nhật, Thánh lễ.

Hạn chế của Gặp gỡ. Có quá ít thời gian cho lần gặp gỡ. Đối với một số nhóm không thể chuyện trò trực tiếp với công nhân vì ban quản lý/nhân sự lắm lúc ngăn cản. Đôi khi hồ sơ và dữ liệu được chính ban quản lý cung cấp hơn là được nghe từ người công nhân dựa trên cấp bậc–dữ kiện.

Những gia đình được chọn có lẽ không hiểu hết công việc được giao, cho nên thay vì ở với các gia đình công nhân, thì một vài nhóm lại ở với ban quản lý.

Quan sát/Bài học.
Rất cần giáo dục công nhân hiểu về nhân quyền của chính họ và hoàn cảnh họ bị bóc lột.
Công đoàn càng lớn mạnh, thì cơ hội thương lượng với giới quản lý càng tốt.
Chủ nhân/chủ sở hữu nhà máy là Ki-tô giáo không nên đối phó với công nhân.
Để đáp ứng nhu cầu người lao động, Giáo hội phải đóng góp nhiều hơn. Qua đây, Giáo hội mới có thể đồng cảm với khó khăn trăn trở của họ và thật sự trở nên một Giáo hội của Người nghèo.
Vai trò trung gian của Giáo hội trong những mâu thuẫn giữa chủ nhân–nhân công hết sức hữu ích, nếu chẳng phải quá cần thiết.
 
Thông Báo
Giải đáp về việc chích ngừa COVID-19 tại Quận Cam
Nguyễn Khanh
09:55 14/01/2021
GIẢI ĐÁP VỀ VIỆC CHÍCH NGỪA COVID-19

H: Tôi có thể tìm hiểu thêm về việc chích ngừa Covid-19 cho cư dân quận Cam (Orange County, Nam Cali) ở đâu?

Đ: Hãy truy cập trang web chích ngừa Covid-19 của Sở Y Tế Quận Cam tại: https://occovid19.ochealthinfo.com

- Ghi danh để được chích ngừa tại: https://covid19.othena.com/patient-registration/agreement

Hiện nay tai quận Cam có 4 địa điểm của Othena tổ chức tại Anaheim, Huntington Beach, Irvine và Disneyland. Nhưng 3 địa điểm kia thì hiện nay đang có quá nhiều người ghi danh, còn Disneyland SuperPod for Covid-19 Vaccinations, tại 300 W. Katella Ave, Anaheim, CA 92802, thì có thể chích trung bình 500 mỗi 30 phút, nên có nhiều cơ hội để được chích ngừa sớm hơn.

Sau khi ghi danh chích ngừa thì Othena sẽ gởi đến cho bạn một email để kiểm chứng email của bạn, nên vào mailbox để xác nhận để làm hẹn ngày, giờ và địa điểm để chích ngừa. Bạn sẽ nhận được một Appointment ID, ngày giờ và địa điểm chích ngừa. Nhớ in Appointment ID ra hay dùng cell phone để chụp hình và nhớ đem theo Government Issued ID như là Driver License hay Passport khi đến chích ngừa. Sau khi bạn chích ngừa thì sẽ nhận được “Thẻ Chứng Nhận Chích Ngừa Covid-19”, loại thuốc đã chích, ngày chích liều 1 và ngày giờ hẹn để chích liều 2.

Mục tiêu của các cấp chính quyền quận Cam là phải cố gắng tối đa để chích ngừa cho tất cả 3.1 triệu cư dân của quận Cam, chậm nhất là chích ngừa cho tất cả cư dân vào tháng 3-2021, do đó, trong vài tuần tới sẽ có thêm nhiều nơi sẽ được công nhận là “Covid Vaccine Provider” như các trung tâm y tế, CVS, Walgreens v.v… để có thể chích ngừa cho mọi cư dân nhanh chóng.

H: Khi nào tôi có thể chích ngừa?

Đ: Việc chích ngừa sẽ được thực hiện lần lượt theo tiêu chuẩn và ưu tiên được đặt ra bởi CDC, CDPH và Sở Y Tế Quận Cam (OCHCA) và Uỷ Ban Cố Vấn về Thực Hành Tiêm Chủng (ACIP), theo từng giai đoạn gồm có Phase 1A (dành cho các chuyên viên tuyến đầu, nhân viên y tế v.v…). Phase 1B gồm có Tier 1B-1 (Cao niên trên 75 tuổi và các nhân viên cứu hoả, cung cấp thực phẩm v.v…), Tier 1B-2 (Cao niên trên 65 tuổi, tù nhân, người vô gia cư, nhân viên phục vụ công cộng v.v…). Phase 1C (những người trên 50 tuổi, từ 16 đến 49 tuổi đang có bệnh nan y v.v…). Phase 2 là tất cả những người còn lại.

H: Tôi có thể bị Covid từ thuốc chích ngừa không?

Đ: Các thuốc chích ngừa này không chứa bất kỳ phần nào của Coronavirus, vì vậy bạn không thể bị nhiễm Covid-19 khi chích ngừa.

H: Thuốc chích ngừa sẽ hiệu quả như thế nào?

Đ: Các thuốc chích ngừa Covid-19 được phê duyệt đều có hiệu quả trên 90%

H: Tôi có cần phải chích ngừa Covid hàng năm, giống như tiêm phòng bệnh cúm không?

Đ: Cần có thêm một thời gian để hiểu rỏ hơn về sự phát triển và tốc độ lây truyền của vi khuẩn coronavirus nửa thì mới biết được chắc chắn là vắc-xin có thể sẽ bảo vệ chúng ta vô thời hạn hay chúng ta cần chích ngừa hàng năm.

H: Tôi đã từng bị bệnh và phục hồi từ Covid-19, tôi có cần chích ngừa nửa không?

Đ: Ngay cả những người đã nhiễm Covid cũng nên chích ngừa Covid để tăng cường khả năng miễn dịch. Việc bảo vệ khỏi bị tái nhiễm là phụ thuộc vào lượng vi-rút mà một người tiếp xúc. Bởi vì vắt-xin cung cấp một liều lượng cụ thể, chúng ta có thể dự đoán kết quả một cách hợp lý.

H: Tác dụng phụ của vắt-xin sẽ là gì?

Đ: Tác dụng phụ có thể bao gồm phản ứng miễn dịch bình thường và vài triệu chứng nhẹ sẽ hết trong vài ngày, bao gồm đau nhức, sưng đỏ nơi chích, mệt mỏi, nhức đầu, hoặc sốt.

H: Có ai không nên chích ngừa không? Nếu có, là ai?

Đ: Hiện nay, vắc-xin được cho là an toàn cho tất cả những người lớn khoẻ mạnh, trẻ em trên 16 tuổi và những người mắc các bệng mãn tính ổn định, chẳng hạn như tiểu đường, ung thư, bệnh tim. Đang chờ quyết định của FDA về những ai không nên chích ngừa.

H: Chi phí chích ngừa Covid là bao nhiêu? Tôi có cần phải có bảo hiểm y tế không?

Đ: Chính Quyền Liên Bang sẽ cung cấp miễn phí cho đợt chích ngừa đầu tiên cho tất cả mọi cư dân.

H: Tôi nghe một số người nói về lợi ích của sự “miễn dịch tự nhiên” bằng cách tiếp xúc để bị nhiễm coronavirus rồi sau khi khỏi bệnh thì không sợ bị nhiễm Covid nữa là tốt hơn là chích ngừa, có đúng không?

Đ: Không chính xác! Chích vắc-xin vẫn là an toàn hơn là tự lây nhiễm coronavirus. Ngoài ra, vắc-xin đối với mầm bệnh tạo ra khả năng miễn dịch tốt và an toàn hơn là việc tự lây nhiễm. Bằng chứng cho thấy rằng những người được chích vắc-xin có nhiều kháng thể hơn là những người đã hồi phục sau khi bị Covid-19.

H: Tôi có tình trạng sức khoẻ đặc biệt (béo phì, hen suyễn, bệnh tim, ung thư, hệ thống miễn dịch bị tổn hại), tôi có thề chích ngừa Covid không? Có gì nguy hiểm hoặc cần phải chuẩn bị đặc biệt gì không?

Đ: Những người có tình trạng sức khoẻ này được coi là có nguy cơ cao và biến chứn nghiêm trọng khi bị Covid-19, và cần phải chích ngừa để giúp giảm nguy cơ cho họ. Cần phải thảo luận với chuyên gia y khoa về bệnh lý của bạn.

H: Tại sao tôi phải chích ngừa hai lần?

Đ: Hai loại thuốc chích ngừa của Pfizer và của Moderna, đều cần phải chích hai lần. Bởi vì, lần chich đầu tiên là chỉ có được 50% khả năng miễn dịch mà thôi. Cần phải chích lần thứ hai thì mới có được khả năng miễn dịch trên 90%. Công ty Johnson & Johnson mới trình với cơ quan FDA để xin cứu xét và phê duyệt một loại thuốc chích ngừa Covid-19 mới của J&J, loại thuốc này chỉ cần chích một lần và không cần phải bảo quản nhiệt độ như của Pfizer và Moderna, nhưng không biết khi nào thì thuốc này có thể được đem ra sử dụng. Đều quan trọng nhất là chúng ta cần phải chích ngừa cảng sớm càng tốt, đừng chờ, để tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh và nguy hại đến sức khoẻ và sinh mạng.

H: Thuốc vắc-xin của Pfizer và Moderna có hiệu quả như các loại thuốc khác không?

Đ: Hiện nay cơ quan FDA chỉ mới phê chuẩn cho hai loại thuốc chích ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna tại Hoa Kỳ mà thôi. Hai loại thuốc chích ngừa Covid-19 này đều được chứng minh là có hiệu quả hơn 90%.

H: Tôi đã được chích ngừa cúm, có cần phải chích ngừa Covid-19 nửa không?

Đ: Thuốc chích ngừa cúm rất quan trọng và cần thiết để giúp mọi người khoẻ mạnh và tránh bị lây bệnh cúm. Tuy nhiên, vắc-xin cúm và vắc-xin Covid-19 là hai loại thuốc ngừa và bảo vệ cơ thể hoàn toàn khác nhau. Cần phải chích vắc-xin của cả hai loại vắc-xin để cơ thể được bảo vệ cho cả hai loại bệnh này.

H: Thuốc vắc-xin sẽ được chích ở đâu?

Đ: Thuốc chủng ngừa Covid-19 sẽ được chích vào cơ bắp trên cánh tay, giống như thuốc chích ngừa cúm.

Nguyễn Khanh
 
VietCatholic TV
Mạnh mẽ bảo vệ đàn chiên, các Giám Mục Venezuela kêu gọi thay đổi chế độ nếu không ôm nhau chết hết
Giáo Hội Năm Châu
03:19 14/01/2021
 
Hãy tán tụng Chúa ngay cả lúc gian truân. Huấn đức của Đức Thánh Cha ngày 13/1/2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:20 14/01/2021

Bản dịch của Vũ Văn An
 
Diễn từ của Tổng thống Donald Trump, những lời tâm huyết với đồng bào sau khi bị Hạ Viện luận tội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:57 14/01/2021


Sau khi thất bại trong việc áp lực Phó tổng thống Mike Pence áp dụng Tu Chính Án 25 để truất phế tổng thống Trump, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã thúc đẩy một cuộc luận tội Tổng thống Trump.

Trong ngày thứ Tư, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai, với kết quả cuối cùng là 232 phiếu ủng hộ và 197 phiếu phản đối.

Mười đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại Tổng thống. Đó là Liz Cheney, David Valadao, Adam Kinzinger, John Katko, Jaime Herrera Beutler, Fred Upton, Anthony Gonzalez, Tom Rice, Dan Newhouse và Peter Meijer

Tổng thống Trump bị buộc tội “kích động nổi dậy” sau cuộc tấn công vào Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington vào tuần trước.

Một số thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống Trump không thực sự kích động bạo loạn, vì một loạt lý do, bao gồm cả việc ông đã lên tiếng kêu gọi biểu tình hòa bình vào ngày 6 tháng Giêng.

Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ khăng khăng buộc tội tổng thống Trump vì một câu nói của ông rằng “nếu các bạn không chiến đấu quyết liệt, các bạn sẽ không còn đất nước nữa.”

Nancy Pelosi nói: “Chúng tôi biết Donald Trump đã kích động một cuộc nổi dậy. Ông ta phải ra đi. Ông ta là mối nguy hiểm hiện nay và rõ ràng cho quốc gia mà tất cả chúng ta đều biết và yêu mến”.

Bà Nancy Pelosi quá say máu ăn thua đủ mà không đoái hoài đến nhu cầu hòa giải quốc gia, là nhu cầu cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay.

Thật thế, trò luận tội này chỉ cốt làm hả hê người đàn bà thù ghét cay độc Tổng thống Trump. Quyết định luận tội không phải là một bản án và sẽ không thể dùng để chấm dứt nhiệm kỳ của tổng thống Trump. Hiến pháp trao cho Hạ viện quyền luận tội tổng thống, nhưng việc kết tội đòi hỏi phải có đa số phiếu 2/3 tại Thượng viện.

Với con số hiện nay tại Thượng viện, điều đó có nghĩa là Đảng Dân chủ cần 17 người của Đảng Cộng hòa về phe với họ, điều này gần như không thể.

Hơn thế nữa, lãnh đạo đa số Thượng viện, Mitch McConnell của Đảng Cộng hòa cho biết sẽ bắt đầu quá trình bỏ phiếu vào tuần tới. Lúc đó đã là những ngày đầu nhiệm kỳ của Biden.

Nancy Pelosi, luôn xưng mình là người Công Giáo, nhưng lại ủng hộ phá thai. Thái độ quyết liệt ăn thua đủ của bà ta trong những ngày này, bất kể nhu cầu hòa giải quốc gia là một dấu chỉ phản chứng đối với niềm tin Kitô mà bà ta tuyên xưng.

Tối thứ Tư 13 tháng Giêng, tức là vào buổi trưa ngày thứ Năm 14 tháng Giêng theo giờ Việt Nam, Tổng thống Trump đã có một bài diễn văn. Trong bài diễn văn này, ông không nhắc một lời đến trò luận tội của Nancy Pelosi, vì ông đã nói một ngày trước đó là trò này chẳng ăn thua gì với ông. Trong bài diễn văn mới nhất này, chủ yếu ông kêu gọi đồng bào hãy đoàn kết vì tương lai của đất nước.

Tổng thống Trump nói:

Thưa đồng bào người Mỹ, tôi muốn nói chuyện với các bạn tối nay về những sự kiện đáng quan ngại trong tuần qua. Như tôi đã nói, cuộc tấn công vào Điện Capitol Hoa Kỳ đã đánh vào chính trung tâm của nước Cộng hòa của chúng ta. Nó khiến hàng triệu người Mỹ tức giận và kinh hoàng bất kể chính kiến của họ là gì. Tôi muốn nói rất rõ ràng, tôi quyết liệt lên án vụ bạo lực mà chúng ta đã thấy tuần trước. Bạo lực và phá hoại hoàn toàn không có chỗ đứng trên đất nước chúng ta và không có chỗ đứng trong phong trào của chúng ta.

Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại luôn liên quan đến việc bảo vệ sự thượng tôn pháp luật, hỗ trợ những người nam nữ thực thi pháp luật và đề cao những truyền thống và giá trị thiêng liêng nhất của quốc gia chúng ta. Bạo lực của đám đông đi ngược lại tất cả những gì tôi tin tưởng và mọi thứ mà phong trào của chúng ta ủng hộ. Không ủng hộ viên thực sự nào của tôi có thể tán thành bạo lực chính trị. Không một ủng hộ viên thực sự nào của tôi có thể không tôn trọng các cơ quan thực thi pháp luật hoặc lá cờ Hoa Kỳ vĩ đại của chúng ta. Không một ủng hộ viên thực sự nào của tôi có thể đe dọa hoặc quấy rối đồng bào Mỹ của họ. Nếu bạn làm bất kỳ điều gì trong số những điều này, bạn không ủng hộ phong trào của chúng ta, bạn đang tấn công nó và bạn đang tấn công đất nước của chúng ta. Chúng ta không thể dung thứ điều đó.

Đáng buồn thay, trong suốt một năm qua vất vả vì rất nhiều khó khăn do COVID-19 gây ra, chúng ta đã chứng kiến bạo lực chính trị vượt ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta đã thấy quá nhiều bạo loạn, quá nhiều đám đông cuồng loạn, quá nhiều hành động đe dọa và phá hoại. Điều này phải dừng lại. Cho dù bạn ở bên phải hay bên trái, đảng viên Dân chủ hay đảng Cộng hòa, không bao giờ có lời biện minh cho bạo lực, không có lời bào chữa, không có ngoại lệ. Mỹ là một quốc gia của luật pháp. Những kẻ tham gia vào các cuộc tấn công tuần trước sẽ bị đưa ra trước công lý.

Bây giờ, tôi yêu cầu tất cả những người đã từng tin tưởng vào chương trình nghị sự của chúng tôi, hãy nghĩ cách để giảm bớt căng thẳng, bình tĩnh và giúp thúc đẩy hòa bình ở đất nước chúng ta. Đã có các báo cáo rằng các cuộc biểu tình bổ sung đang được lên kế hoạch trong những ngày tới, cả ở đây, ở Washington này và trên khắp đất nước. Tôi đã được Sở Mật vụ Hoa Kỳ thông báo tóm tắt về các mối đe dọa tiềm ẩn. Mọi người Mỹ đều xứng đáng được lắng nghe tiếng nói của họ một cách tôn trọng và hòa bình. Đó là Quyền trong Tu Chính Án Thứ Nhất của các bạn. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng không được có bạo lực, không được vi phạm pháp luật và không được phá hoại dưới bất kỳ hình thức nào.

Mọi người phải tuân theo luật pháp của chúng ta và tuân theo hướng dẫn của các cơ quan thực thi pháp luật. Tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên bang sử dụng mọi nguồn lực cần thiết để duy trì trật tự. Tại Washington, D.C., chúng tôi đang điều động hàng nghìn thành viên Vệ binh Quốc gia để bảo vệ thành phố và bảo đảm rằng quá trình chuyển đổi có thể diễn ra an toàn và không có biến cố nào. Giống như tất cả các bạn, tôi đã bị sốc và vô cùng đau buồn trước thảm họa ở Điện Capitol vào tuần trước. Tôi muốn cảm ơn hàng trăm triệu công dân Mỹ đáng kinh ngạc đã đáp lại khoảnh khắc này một cách bình tĩnh, chừng mực và đáng yêu. Chúng ta sẽ vượt qua thử thách này giống như chúng ta luôn vượt qua.

Tôi cũng muốn nói một vài lời về cuộc tấn công chưa từng có vào quyền tự do ngôn luận mà chúng ta đã thấy trong những ngày gần đây. Đây là những thời điểm căng thẳng và khó khăn. Những nỗ lực để kiểm duyệt, hủy bỏ và đưa vào danh sách đen các đồng bào của chúng ta là sai lầm và rất nguy hiểm. Điều cần thiết bây giờ là chúng ta hãy lắng nghe nhau, chứ không phải là tìm cách bắt nhau phải im lặng. Tất cả chúng ta đều có thể lựa chọn hành động của mình để vượt lên trên dị biệt và tìm ra điểm chung và mục đích chung. Chúng ta phải tập trung vào việc thúc đẩy lợi ích của cả dân tộc, cung cấp vắc-xin thần kỳ, đánh bại đại dịch, xây dựng lại kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia và thượng tôn pháp luật.

Hôm nay, tôi kêu gọi tất cả người Mỹ hãy vượt qua những giận dữ tại thời điểm này và đoàn kết với nhau như một dân tộc Mỹ. Chúng ta hãy lựa chọn tiến về phía trước hiệp nhất vì thiện ích của gia đình, cộng đồng và đất nước của chúng ta. Cảm ơn các bạn. Xin Chúa phù hộ cho các bạn và xin Chúa phù hộ nước Mỹ.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mike Pompeo gợi ý rằng Tổng thống Donald Trump đáng được trao giải Nobel Hòa bình vì đã thúc đẩy hòa bình Ả Rập-Israel.

Đề xuất của Pompeo, được đưa ra trên tài khoản Twitter chính thức của ông như một nhắc nhớ cho những người đang say máu luận tội tổng thống về một thành tích mà mấy đời tổng thống của đảng Dân Chủ đã không làm được.


Source:ABC News
 
Vạch trần âm mưu cáo gian ĐHY Becciu và bôi lọ Giáo Hội. Chuyển tiền sang Úc hại ĐHY Pell là tin giả
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:22 14/01/2021


1. Tuyên bố của Tòa Thánh: Đức Hồng Y Becciu bị oan. Chuyển tiền sang Úc để hại Đức Hồng Y Pell là tin giả

Hôm 13 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh ra tuyên bố sau:

Tòa thánh ghi nhận các kết quả kiểm toán do Tòa thánh yêu cầu, do ASIF và AUSTRAC cùng thực hiện, và về sự khác biệt đáng kể được báo cáo ngày hôm nay của một tờ báo Australia, liên quan đến dữ liệu được công bố trước đây về các giao dịch tài chính được chuyển từ Vatican sang Australia trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020: 9.5 triệu so với 2.3 tỷ Úc Kim. Con số này có thể là do một số nghĩa vụ theo hợp đồng và việc quản lý tài nguyên thông thường và các lý do khác. Tòa thánh nhân cơ hội này để tái khẳng định sự tôn trọng của mình đối với các cơ quan của Australia và bày tỏ sự hài lòng về sự hợp tác giữa các đơn vị liên quan.

Thông báo này nghĩa là gì? Thưa: Dễ hiểu lắm: Một trò vu cáo được dàn xếp hết sức tinh quái nhằm làm nhục Giáo Hội Công Giáo đã hạ màn.

Hôm thứ Tư 13 Giêng, tờ The Australian của Úc cho biết Cơ Quan Giám Sát Tội Phạm Tài Chính của Úc đã nhìn nhận họ đã tính toán quá sai sự thật các khoản chuyển ngân của Vatican.

Tờ The Australian cho biết Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Úc, gọi tắt là AUSTRAC, một cơ quan chính phủ, cho rằng việc tính toán sai lầm kinh hoàng này là do “computer coding error”, nghĩa là do lỗi của thảo chương điện toán.

Theo tờ báo, AUSTRAC đã thông báo với Thượng viện Australia rằng họ đã phát hiện ra sai sót sau khi đưa ra “đánh giá chi tiết” về phát hiện ban đầu rằng khoảng 1.8 tỷ Mỹ Kim (2.3 tỷ Úc Kim) đã được chuyển từ Vatican đến Australia trong khoảng 47,000 lần chuyển tiền riêng biệt kể từ năm 2014.

Tòa Thánh đã không giơ má còn lại cho người ta tát nhưng đã yêu cầu Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính của Vatican, gọi tắt là ASIF, làm việc với AUSTRAC. Kết quả cuối cùng là chỉ có 362 lần chuyển tiền từ Vatican đến Úc từ năm 2014 đến năm 2020, và số tiền chỉ lên đến 7.4 triệu Mỹ Kim (9.5 triệu Úc Kim) mà thôi.

Cơ quan này cũng kết luận rằng trong sáu năm qua đã có 237 vụ chuyển tiền với tổng trị giá 20.6 triệu Mỹ Kim theo hướng ngược lại: từ Úc sang Vatican.

Các báo cáo về việc chuyển tiền đáng ngờ từ Vatican sang Úc bắt đầu từ tháng 10 trong bối cảnh có các đồn thổi tại Ý cho rằng Đức Hồng Y Angelo Becciu đã chuyển một số tiền lớn từ Vatican sang Úc nhằm hại chết Đức Hồng Y George Pell trong trò cáo gian ngài xâm phạm tình dục 2 ca viên tại nhà thờ chính tòa St. Patrick của Melbourne.

Trong phiên điều trần của ủy ban Thượng viện Úc vào ngày 20 tháng 10, giám đốc điều hành AUSTRAC Nicole Rose đã được hỏi về các cáo buộc rằng quỹ của Giáo hội đã được gửi đến Úc theo lệnh của Hồng Y Becciu với mục đích ảnh hưởng đến phiên tòa xét xử của Hồng Y George Pell về tội lạm dụng tình dục.

Thượng nghị sĩ Concetta Fierravanti-Wells đã hỏi Rose về các báo cáo chuyển tiền “được cho là từ quỹ của Vatican cho một người hoặc nhiều người ở Úc.”

“Có, tôi có thể xác nhận AUSTRAC đã xem xét vấn đề và chúng tôi đã cung cấp thông tin cho Cảnh sát Liên bang Úc và Cảnh sát Victoria,” Rose nói với Ủy ban Hiến pháp và Pháp chế Sự vụ.

Đức Thánh Cha đã buộc Hồng Y Becciu từ chức tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y vào ngày 24 tháng 9. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ liên quan đến vụ mua bán bất động sản tại Luân Đôn.

Hồng Y Becciu đã nhiều lần phủ nhận mọi hành vi sai trái hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm tác động đến phiên tòa xét xử của Hồng Y Pell.

Đến đây chúng ta có thể hiểu được trò vu cáo được dàn xếp hết sức tinh quái nhằm làm nhục Giáo Hội Công Giáo của các thế lực thù địch thù hận đức tin Công Giáo tại Úc. Có thể tóm lược như sau:

Ngày 7 tháng 4 năm 2020, Tối Cao Pháp Viện Úc, bao gồm bảy thẩm phán, đã đồng thanh nhất trí Đức Hồng Y Pell vô tội trong trò cáo gian lạm dụng tính dục, đồng thời mạnh mẽ phê phán phán quyết của các tòa dưới. Đức Hồng Y liền được ra tù ngay lập tức, sau 400 ngày bị giam giữ.

Các thế lực thù địch thù hận đức tin Công Giáo tại Úc quay sang chơi trò mới. Lần này đến lượt Đức Hồng Y Becciu.

Họ tung tin giả ngay tại Thượng Viện Úc về các vụ chuyển ngân đáng ngờ từ Vatican sang Australia trong thời gian có vụ xét xử Đức Hồng Y Pell với thâm ý vu cáo cho Đức Hồng Y Becciu và chung cuộc là sỉ nhục Giáo Hội Công Giáo.

Các giám mục Úc nói rằng các ngài không biết bất kỳ giáo phận, tổ chức từ thiện hoặc tổ chức Công Giáo nào ở nước này nhận được số tiền quá lớn như thế. Báo chí tại Ý lại làm già lên, nhất mực cáo buộc Hồng Y Becciu gởi tiền sang Úc để hãm hại Hồng Y Pell.

Sau khi đã đạt mục đích, tháng 10 năm ngoái, Cảnh sát Victoria nói rằng họ không có kế hoạch điều tra thêm về các báo cáo chuyển tiền từ Vatican. Tại sao không điều tra thêm? Thưa: dễ hiểu vì họ biết ngay từ đầu chuyện này là hoang đường được dựng đứng lên. Điều tra thêm sẽ chỉ khiến âm mưu của mình bại lộ.

Vào tháng 12, tờ The Australian đưa tin rằng AUSTRAC cho biết họ đã phát hiện ra khoảng 47,000 vụ chuyển tiền có liên quan đến Vatican, trị giá khoảng 1.8 tỷ Mỹ Kim hay 2.3 tỷ Úc Kim. Trước diễn biến này, Tòa Thánh đã yêu cầu ASIF phải làm việc với AUSTRAC, và mọi việc đã sáng tỏ.

Nói tóm lại: Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020 chỉ có 9.5 triệu Úc Kim được chuyển từ Vatican sang Úc, không phải 2.3 tỷ Úc Kim; trong cùng thời gian đó 20.6 triệu Mỹ Kim được chuyển theo hướng ngược lại: từ Úc sang Vatican.

Như thế, không hề có chuyện Hồng Y Becciu chuyển tiền sang Úc để hãm hại Hồng Y Pell. Đó là trò cáo gian chống Hồng Y Becciu và Giáo Hội Công Giáo.


Source:Holy See Press Office

2. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sẽ được tiêm vắc-xin coronavirus sớm hết sức có thể

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói với CNA Deutsch, hôm 12 tháng Giêng rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, năm nay 93 tuổi, sẽ được tiêm chủng “ngay khi có vắc xin”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói: “Tôi cũng sẽ được tiêm phòng cùng với toàn bộ gia đình của Tu viện Mẹ Giáo Hội”. Tu viện Mẹ Giáo Hội của Vatican là nơi Đức Bênêđíctô 16 đã sống kể từ khi thoái vị vào năm 2013.

Thành phố Vatican sẽ bắt đầu tiêm chủng cho các cư dân và nhân viên làm việc tại Tòa Thánh để chống lại COVID-19 vào nửa cuối tháng Giêng. Bác sĩ Andrea Arcangeli, người đứng đầu dịch vụ y tế của Vatican, cho biết vào ngày 2 tháng Giêng rằng Vatican đã mua một tủ lạnh nhiệt độ thấp để bảo quản vắc-xin và dự định tiến hành tiêm chủng trong Đại Thính Đường Thánh Phaolô Đệ Lục, nơi Đức Thánh Cha vẫn dùng cho các buổi tiếp kiến chung.

Ông nói: “Ưu tiên sẽ được dành cho các nhân viên ngành y tế và an toàn công cộng, cho người già và cho những nhân viên thường xuyên tiếp xúc với công chúng”.

Mùa hè năm ngoái, Đức Bênêđíctô 16 đã phải chống chọi với bệnh tật sau cái chết của bào huynh ngài là Đức Ông Georg Ratzinger. Ngài bị bệnh giời leo ở mặt, một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra, phát ban đỏ và đau đớn. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết vào tháng 8 rằng tình trạng “đang được cải thiện dần.”

Vào tháng 12, vị tổng giám mục người Đức đã bác bỏ những thông tin cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã bị mất giọng, nhưng nói rằng giọng của ngài đã trở nên “rất yếu và mỏng”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình được phát sóng hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã có một cuộc hẹn để được chủng ngừa coronavirus.

Ngài nói:

“Tôi tin rằng, về mặt đạo đức, mọi người đều phải tiêm vắc xin. Đó là một lựa chọn đạo đức vì nó liên quan đến cuộc sống không chỉ của bạn mà còn của những người khác nữa”.

Nhớ lại sự ra đời của vắc-xin bại liệt và các loại vắc-xin thông thường khác ở thời thơ ấu, Đức Thánh Cha nói: “Tôi không hiểu tại sao một số người lại nói đây có thể là một loại vắc-xin nguy hiểm. Nếu các bác sĩ giới thiệu nó với bạn như một thứ gì đó có thể tốt và không có nguy hiểm đặc biệt, tại sao lại không nhận nó? “

Tử vong tại Ý, tính đến ngày thứ Tư 13 tháng Giêng, đã lên đến 79,819 người, trong số 2,303,263 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ riêng trong 24 giờ của ngày thứ Hai 11 tháng Giêng, Ý chứng kiến 12,531 trường hợp nhiễm bệnh. Trong đợt lây lan thứ nhất, ngày kinh hoàng nhất là ngày 26 tháng Ba, chỉ có 6,202 trường hợp nhiễm bệnh.

Nói cách khác, hiện nay tại Ý mức độ lây nhiễm nhanh hơn, nhiều người nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, may mắn là số người chết vì coronavirus có vẻ ít hơn so với đợt lây lan thứ nhất. Trong 24 giờ của ngày 11 tháng Giêng, Ý ghi nhận 448 người chết. Trong đợt lây lan thứ nhất, ngày kinh hoàng nhất là ngày 27 tháng Ba, với 921 người chết.


Source:Catholic News Agency

3. Toàn văn Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini” của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 11/1/2021

Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, nghĩa là “Thần Khí Chúa”, của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc sửa đổi triệt 1, điều 230 của Bộ Giáo luật về quyền của phụ nữ đảm nhận các thừa tác vụ đã được thiết lập là Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ.

Cho đến nay, điều 230, triệt 1 của bộ Giáo Luật quy định như sau: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.

Trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, Đức Thánh Cha Phanxicô truyền bỏ đi cụm từ “thuộc nam giới” để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa.

Không có gì mới trong việc giao phó cho nữ giới việc rao truyền Lời Chúa trong các cử hành phụng vụ hoặc làm công việc phục vụ tại bàn thờ với tư cách là người giúp lễ (altar servers, chierichette) hoặc với tư cách là thừa tác viên Thánh Thể (acolytes, accolitato). Ở nhiều cộng đồng trên khắp thế giới, những thực hành này đã được các giám mục địa phương cho phép từ lâu, đặc biệt là trong trường hợp các bé gái giúp lễ.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thần Khí của Chúa Giêsu, nguồn mạch thường hằng của sự sống và sứ mệnh của Giáo Hội, phân phát cho các thành phần dân Chúa những ân sủng để mỗi người, theo những cách khác nhau, góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin Mừng. Những đặc sủng này, được gọi là thừa tác vụ vì chúng được Giáo hội công khai công nhận và thiết định, được cung cấp cho cộng đồng và sứ mệnh của cộng đồng ở dạng ổn định.

Trong một số trường hợp, sự đóng góp thừa tác này có nguồn gốc từ một bí tích cụ thể, là bí tích Truyền Chức Thánh. Các thừa tác vụ khác, trong suốt lịch sử, đã được thiết lập trong Giáo Hội và được giao phó qua một nghi thức phụng vụ không có nguồn gốc bí tích cho cá nhân tín hữu, như một hình thức thực hiện cụ thể chức tư tế được lãnh nhận qua phép Rửa Tội; và như một cách hỗ trợ cho chức vụ cụ thể của các giám mục, linh mục và phó tế.

Theo một truyền thống đáng kính, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã quy định trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc Ministeria Quaedam (Một số thừa tác vụ - ngày 17 tháng 8 năm 1972) rằng việc tiếp nhận “các thừa tác vụ giáo dân” là tiền đề chuẩn bị cho việc lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh, mặc dù những thừa tác vụ này cũng được phong cho những nam giáo dân phù hợp khác.

Một số kỳ họp của các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra về mặt giáo lý chủ đề này, để nó đáp ứng với bản chất của các đặc sủng nói trên và nhu cầu của thời đại, cũng như đưa ra sự hỗ trợ thích hợp cho vai trò phúc âm hóa của cộng đồng Giáo hội.

Chấp nhận những khuyến nghị này, một sự phát triển giáo lý đã đạt được trong những năm gần đây làm nổi bật cách thức một số thừa tác vụ do Giáo hội thiết lập có nền tảng dựa trên tình trạng chung của những người được rửa tội và chức tư tế vương giả nhận được trong Bí tích Rửa tội; về cơ bản chúng khác biệt với thừa tác vụ thánh chức được lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Trên thực tế, một thực hành được củng cố trong Giáo hội Latinh cũng đã xác nhận rằng các thừa tác vụ giáo dân, dựa trên bí tích Rửa tội, như vậy có thể được giao phó cho tất cả các tín hữu, những người thích hợp, cả nam lẫn nữ, theo những gì đã ngầm được cung cấp bởi triệt 2, điều 230.

Do đó, sau khi nghe ý kiến của các Bộ có thẩm quyền, tôi đã quyết định đưa ra việc sửa đổi triệt 1, điều 230 của Bộ Giáo luật. Tôi quyết định rằng triệt 1, điều 230 của Bộ Giáo luật trong tương lai được quy định như sau:

“Các giáo dân có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương.”

Tôi cũng ra lệnh sửa đổi các điều khoản khác, có hiệu lực pháp luật, có liên quan đến thay đổi này.

Những gì tôi đã đề cập đến trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc, tôi truyền rằng nó có sức mạnh vững chắc và ổn định, bất chấp bất cứ điều gì ngược lại, ngay cả khi điều đó đáng được đề cập đặc biệt, và truyền công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma, và có hiệu quả thi hành ngay lập tức, và sau đó được xuất bản trong công báo chính thức của Tòa Thánh Acta Apostolicae Sedis..

Làm tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Rôma vào ngày 10 tháng Giêng năm 2021, Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, năm thứ tám trong triều đại giáo hoàng của tôi.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô


Source:Holy See Press Office

4. Cẩn thận với tin giả: Đức Giáo Hoàng muốn chuẩn bị phong chức linh mục cho phụ nữ bằng Tự Sắc Spiritus Domini

Vào ngày 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông thư dưới dạng tự sắc, sửa đổi triệt 1, điều 230 của bộ Giáo Luật để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa.

Ngài cũng đã công bố một lá thư gởi cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin để giải thích lý do cho quyết định này.

Một số các phương tiện truyền thông báo cáo sai lạc rằng Đức Giáo Hoàng muốn chuẩn bị phong chức linh mục cho phụ nữ bằng Tự Sắc Spiritus Domini. Điều đó không đúng.

Có gì thay đổi?

Cho đến nay, điều 230, triệt 1 của bộ Giáo Luật quy định như sau: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị định của Hội Ðồng Giám Mục ấn định, có thể lãnh tác vụ đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương”.

Trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc “Spiritus Domini”, nghĩa là “Thần Khí Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô truyền bỏ đi cụm từ “thuộc nam giới” để cho phép nữ giới có thể đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, dưới hình thức ổn định và được thể chế hóa

Chẳng phải phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ sao?

Đúng vậy, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ đã được phép đảm trách thừa tác vụ Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được chính thức thể chế hóa trong các nghi thức phụng vụ. Họ thực hiện vai trò “theo chỉ định tạm thời”, như được quy định theo Điều 230 triệt 2 của Bộ Giáo luật.

Hình ảnh chúng ta thường thấy nhất là các bé gái phục vụ tại bàn thờ với tư cách là người giúp lễ, tiếng Anh là altar servers, tiếng Ý là chierichette. Thừa Tác Viên Giúp Lễ hay còn gọi là Thừa Tác Viên Thánh Thể, tiếng Anh là acolytes, và tiếng Ý là accolitato, là một tác vụ cao hơmn, phù hợp hơn với người lớn. Đến nay hình ảnh của các phụ nữ trong vai trò acolyte vẫn là điều hiếm thấy.

Tại sao vai trò của Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ trước đây chỉ được dành cho nam giới?

Theo truyền thống, các tác vụ này được dành riêng cho nam giới vì chúng được liên kết với những gì được gọi là “minor orders”, nghĩa là các “bậc thấp” của chức tư tế, đó là các giai đoạn trên con đường thụ phong linh mục.

Nhưng vào năm 1972, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã có ý định bãi bỏ các bậc hấp trong tông thư dưới dạng tự sắc “Ministeria Quaedam”, nghĩa là “Một số thừa tác vụ”. Từ đó, ngài nói, Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ nên được coi là các thừa tác vụ, thay vì các bậc thấp. Ngài viết rằng việc phong tặng tác vụ này, không nên được gọi là “phong chức”, nhưng là “chỉ định”.

Với việc sửa đổi Bộ Giáo luật năm 1983, luật Giáo hội đã công nhận rằng “giáo dân” - nam hay nữ - có thể “phụ trách chức năng người đọc sách trong các cử hành phụng vụ bằng cách chỉ định tạm thời”; và nói thêm rằng “Tất cả các giáo dân có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định” (điều 230 triệt 2).

Phụ nữ bắt đầu đảm nhận các chức năng Đọc Sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ ở nhiều nơi trong thế giới Công Giáo, nhưng điều này chưa được chính thức thể chế hóa.

Năm 1994, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xác nhận rằng các giám mục có thể cho phép phụ nữ làm Thừa Tác Viên Giúp Lễ.

Tác vụ Đọc Sách là gì?

Người Đọc Sách là người đọc Kinh thánh cho cộng đoàn trong Thánh lễ (khác với Phúc âm, chỉ được công bố bởi các phó tế và linh mục).

Đức Phaolô Đệ Lục giải thích rằng người Đọc Sách “được chỉ định cho tác vụ này, thích hợp với anh ta, để đọc lời Chúa trong các cử hành phụng vụ”.

“Người đọc sách, cảm thấy trách nhiệm của tác vụ đã nhận, nên làm tất cả những gì có thể và sử dụng những phương tiện thích hợp để thu nhận mỗi ngày một cách trọn vẹn hơn tình yêu ngọt ngào và sống động cũng như sự hiểu biết về Sách Thánh, để trở thành một môn đệ hoàn hảo hơn của Chúa”, vị Thánh Giáo Hoàng viết.

Acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là gì?

Sau khi bãi bỏ các bậc thấp, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết rằng acolyte hay Thừa Tác Viên Giúp Lễ là một tác vụ trong Giáo Hội với “nhiệm vụ lo việc phục vụ bàn thờ, giúp đỡ phó tế và linh mục trong các hoạt động phụng vụ, đặc biệt là trong việc cử hành Thánh lễ”.

Những trách nhiệm thông thường đối với một Thừa Tác Viên Giúp Lễ bao gồm việc phân phát Mình Thánh Chúa như một thừa tác viên ngoại thường nếu những thừa tác viên đó không có mặt, trưng bày Bí tích Thánh Thể để tôn thờ trong những trường hợp không có linh mục, và chỉ dẫn của các tín hữu khác, là những người trên cơ sở tạm thời giúp các phó tế và linh mục trong các cử hành phụng vụ bằng cách mang sách lễ, thánh giá, nến, v.v.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết: “Thừa Tác Viên Giúp Lễ được chỉ định cách đặc biệt cho việc phục vụ bàn thờ, học hỏi tất cả những quan niệm liên quan đến việc thờ phượng Chúa công khai và cố gắng hiểu ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng của nó: bằng cách này, anh ta có thể dâng mình mỗi ngày, hoàn toàn đối với Thiên Chúa và trong đền thờ, một tấm gương cho tất cả mọi người về hành vi nghiêm túc và tôn trọng của mình, và cũng có tình yêu chân thành đối với nhiệm thể Chúa Kitô, là dân Thiên Chúa, và đặc biệt là đối với những người yếu đuối và bệnh tật”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lý do gì cho những thay đổi này?

Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha nói rằng một số kỳ họp của các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra về mặt giáo lý chủ đề này, để nó đáp ứng với bản chất của các đặc sủng nói trên và nhu cầu của thời đại, cũng như đưa ra sự hỗ trợ thích hợp cho vai trò phúc âm hóa của cộng đồng Giáo hội.

Chấp nhận những khuyến nghị này, một sự phát triển giáo lý đã đạt được trong những năm gần đây làm nổi bật cách thức một số thừa tác vụ do Giáo hội thiết lập có nền tảng dựa trên điều kiện chung là được rửa tội và chức tư tế vương giả nhận được trong Bí tích Rửa tội; về cơ bản chúng khác biệt với thừa tác vụ thánh chức được lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh. Trên thực tế, một thực hành được củng cố trong Giáo hội Latinh cũng đã xác nhận rằng các thừa tác vụ giáo dân, dựa trên bí tích Rửa tội, như vậy có thể được giao phó cho tất cả các tín hữu, những người thích hợp, cả nam lẫn nữ, theo những gì đã ngầm được cung cấp bởi triệt 2, điều 230.

Điều này có mở ra con đường phong chức linh mục cho phụ nữ không?

Trong thư gửi Đức Hồng Y Ladaria, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời tuyên bố của vị tiền nhiệm ngài là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, nghiã là “Truyền Chức Linh Mục” năm 1994 rằng “ Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. “

Ngài nhấn mạnh sự phân biệt giữa “các thừa tác vụ được phong chức” và “các thừa tác vụ không được phong chức”, và giải thích rằng “có thể, và ngày nay có vẻ là thích hợp” để mở ra “các thừa tác vụ không được phong chức” cho cả nam và nữ.

Ngài nói rằng việc bảo lưu các chức vụ không được truyền chức trước đây cho nam giới có “ý nghĩa riêng của nó trong một bối cảnh nhất định nhưng có thể được suy nghĩ lại trong bối cảnh mới, với một tiêu chí thường hằng là trung thành với sứ vụ được Chúa Kitô ủy thác và ý chí sống và công bố Tin Mừng do các Tông đồ truyền lại và giao phó cho Giáo hội”.

Ai sẽ giám sát những thay đổi?

Trong lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Đức Hồng Y Ladaria, ngài nói rằng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn những thay đổi, sửa đổi các phần của Sách lễ Rôma và nghi thức chỉ định người đọc sách và Thừa Tác Viên Giúp Lễ khi cần thiết.


Source:Catholic News Agency

5. Đức Thượng Phụ Kirill gây căng thẳng với Tòa Constantiople

Căng thẳng giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill đã tăng lên một mức độ mới ngay trong ngày lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại trước ngày 15/12/2018, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Trong phiên họp ngày 15/12/2018, hai nhóm sau, cùng với hai vị Giám Mục của nhóm thứ nhất đã quyết định nhập lại thành một Giáo Hội duy nhất gọi là Chính Thống Giáo Ukraine dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko, nguyên là Tổng Giám Mục Pereyaslavsky và Bila Tserkva của Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko sinh ngày 3 tháng Hai, 1979 mới 39 tuổi đã được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao cho Tomos, hay quyền tự trị, vào tháng Giêng 2019.

Đáp lại diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Alfeev Hilarion phụ trách Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ thành lập các giáo phận và giáo xứ Chính Thống Giáo Nga tại tất cả các lãnh thổ theo giáo luật là thuộc tòa Constantinople; và cuộc tranh chấp giữa hai tòa Mạc Tư Khoa và Constantinople sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới và như thế Chính Thống Giáo không bao giờ trở lại như trước đây. Ngài cũng ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hình thức hiệp thông Thánh Thể giữa các linh mục Chính Thống Giáo Nga và các linh mục thuộc tòa Constantinople. Đức Thượng Phụ Kirill cũng ra lệnh ngưng không cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong các nghi thức Phụng Vụ.

Tình hình đã leo thang thêm một bước nữa sau khi Đức Thượng Phụ Kirill nói việc đền thờ Hagia Sofia bị mất vào tay người Hồi Giáo là bằng cớ cho thấy “Chúa phạt” Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.

Trong lịch sử 1,500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul vốn là một đền thờ Công Giáo trước khi trở thành đền thờ Chính Thống Giáo sau cuộc đại ly giáo năm 1054. Sau đó, đền thờ này bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.

Nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên tháng 7 năm ngoái 2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai vào ngày 24/7/2020.

Bình luận về diễn biến này trong cuộc phỏng vấn với Rossia TV của Nga cuối tuần qua, Đức Thượng Phụ Kirill nói:

“Tôi không muốn thốt ra những lời chỉ trích đối với anh trai tôi ở Constantinople, nhưng chắc chắn rằng những gì vừa xảy ra ở Constantinople, ở Istanbul, là bằng chứng cho thấy ngài bị Chúa phạt. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đưa những kẻ ly giáo vào Nhà thờ linh thánh Sophia ở Kiev và rồi để mất Nhà thờ Sophia ở Constantinople vì giờ đây nó đã trở thành một đền thờ Hồi giáo. Tôi muốn mọi người suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Ngài đã lấy Nhà thờ Sophia ở Kiev từ tay những người Chính thống giáo, từ tay Giáo Hội Chính thống, ngài đã đến đó và mang theo những người ly giáo, và rồi ngài đánh mất Nhà thờ Sophia của chính mình… Tôi tin rằng thật khó có thể tưởng tượng bất kỳ hậu quả nào có tính cách rõ ràng, xảy ra nhanh chóng hơn vì tội lỗi này quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải cùng nhau thoát ra khỏi điều này. Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau, ít nhất là trong những lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta, nếu điều này bây giờ hầu như không thể xảy ra trong việc thờ phượng công cộng vì chúng ta không còn cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Constantinople trong Phụng Vụ Thánh. Tuy nhiên, hãy cầu nguyện cho nhau, chúng ta phải và làm tất cả những gì trong khả năng của chúng ta để cuộc khủng hoảng này trong thế giới Chính thống giáo kết thúc càng nhanh càng tốt. Giáo hội Nga đã sẵn sàng chuẩn bị bước đi trên con đường này để đạt được mục tiêu này.”


Source:Moscow Orthodox