Ngày 08-01-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:29 08/01/2014
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, năm A
Mt 3, 13-17


Thực tế, thời thơ ấu của Chúa Giêsu đã chấm dứt.Lễ Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh cũng đã lui vào dĩ vãng. Bây giờ là thời rao giảng công khai của Chúa Giêsu. Bởi vì, khi được 30 tuổi, Chúa Giêsu đã rời khỏi Quê hương của mình là Nadaret để đi khắp nơi công bố Nước Trời và kết nạp các môn đệ, các tông đồ.Hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng trong tư thế sẵn sàng khởi đầu sứ vụ Thiên Chúa Cha đã trao cho Ngài…

Các bài đọc ngày lễ hôm nay đều giới thiệu với chúng ta rằng Chúa Giêsu là Người được Thiên Chúa Cha yêu dấu.Bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia cho biết Chúa Giêsu là Người được tuyển chọn, nâng đỡ, an ủi, quý mến. Bài đọc hai, thánh Phêro làm chứng Thiên Chúa Cha luôn ở với Ngài. Hai bài đọc này, nhằm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn về Đức Kito, Đấng được Thiên Chúa Cha từ trời gọi là “ Này là Con Ta yêu dấu, Cha hài lòng về Con “.

Đọc các bài đọc này, chúng ta càng lấy làm bỡ ngỡ, ngạc nhiên về việc Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha ca tụng khen ngợi, thế mà khi khai mạc sứ vụ công khai, Ngài đã xếp hàng cùng với tội nhân để xin ông Gioan Baotixita làm phép rửa cho ở sông Giorđăng. Như thế phải chăng Chúa Giêsu cũng là tội nhân sao ? Thưa không phải bởi vì đã có lần Chúa Giêsu tuyên bố rằng “ Ai trong các ông có thể bắt lỗi tôi vì tội gì ?”. Chúa Giêsu là Đấng xóa tội trần gian, Ngài là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của thế gian như có lần Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Chúa Giêsu và nói :” Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian “. Chúa Giêsu xóa tội trần gian bằng cách gánh lấy tội con người, gánh lấy tội trần gian. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Ngài khai mạc sứ vụ công khai bằng cử chỉ loan báo :” Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Chính các môn đệ lúc đó cũng chưa hiểu được ý Chúa. Họ nghĩ rằng theo Thầy Giêsu khi Thầy lên làm Vua thì các môn đệ sẽ được chia chác nhau ngôi vị, chỗ đứng trong nội các của Chúa Giêsu. Do đó, mới có việc hai con của ông Giêbêđê cùng đi với mẹ tỏ ước vọng muốn một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu trong Vương Quốc của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã cho các Ông hiểu rõ quan điểm và ý hướng của Chúa. Các con có uống được chén của Cha sắp uống không, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả là thuộc quyền của Cha….Chén ở đây là chén thống khổ, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Chén hay cuộc thông khổ không chỉ là nước thanh tẩy trong sông Giorđăng và do bàn tay của Gioan Tẩy Giả mà bằng chính máu của Chúa Giêsu đổ ra trên Thập Giá. Chúa Giêsu làm gương cho nhân loại bằng việc chịu phép rửa thống hối ở sông Giorđăng. Đây là hình bóng của nhân loại được thanh tẩy trong máu của chúa Giêsu đổ ra trên Thập Giá, và sự phục sinh của Ngài và để con người đã được tái sinh sẽ trở thành con của Thiên Chúa. Câu chuyện của Nicôđêmô trong đêm tối tới gặp Chúa Giêsu nói lên điều đó. Con người phải được tái sinh nghĩa là trở nên con người mới, được dìm trong máu của Chúa Giêsu đã đổ ra để cứu chuộc con người và được phục sinh với Ngài…

Đọc lại Tin Mừng chúng ta nhận ra điều này Chúa Giêsu chính là sự sống, do đó, phép rửa hay thanh tẩy không chỉ còn là nghi lễ mà đã trở thành cuộc sống mới cho nhân loại, cho con người, cho mọi người. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, tội lỗi và ma quỷ. Phép rửa không chỉ còn là một nghi thức để gia nhập Giáo Hội, làm con Thiên Chúa một cách máy móc, nhưng phép rửa đã là một cuộc tái sinh, một cuộc sống mới, một sự đẩy lùi tội lỗi trường kỳ ra khỏi thế gian để rồi cuộc sống của người Kito hữu luôn là cuộc sống mới trong sự tái sinh bằng máu, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa chúng ta nhớ tới bí tích rửa tội chúng ta đã lãnh nhận ngày chúng ta được rửa tội. Qua phép rửa chúng ta được trở nên Con của Thiên Chúa và Con của Giáo Hội.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Kito chịu phép rửa tại sông Gio-đăn và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Ngươi là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa.( Lời nguyện Nhập lễ lễ Chúa Giêsuchịu phép rửa ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa gì ?
2.Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa gì ?
3.Sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu ?
4.Tái sinh theo nghĩa Kinh Thánh ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:27 08/01/2014
NGÔI LỜI TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM.
N2T

Trong Phúc Âm của thánh Gioan có một đoạn viết:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta... ...
Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”.
Chú mắt nhìn vào bóng tối, không lâu bạn sẽ nhìn thấy ánh sáng, yên lặng chăm chú nhìn tất cả chung quanh, bạn sẽ phát giác ra rằng bóng tối sẽ không lâu và bạn liền nhìn thấy ánh sáng.
“Ngôi Lời đã trở thành người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta...”

Suy tư:
Bóng tối thường đồng lõa với tội lỗi, là hoàn cảnh thuận lợi cho sự dữ phát sinh và là nơi lý tưởng để ma quỷ lợi dụng.
Đức Chúa Giê-su là ánh sáng giữa đêm đen, là ánh sáng soi dẫn đường chúng ta.
Đi trong bóng tối cuộc đời thì sợ hãi, nhưng đem Lời Chúa đặt phía trước mặt thì sợ hãi biến thành hy vọng; sống giữa những phong ba bão táp cuộc đời đương nhiên là sợ hãi, nhưng tay nắm chặt Thánh Giá của Đức Chúa Giê-su như cái neo níu giữ con tàu, thì sợ hãi trở thành dũng cảm...
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, Ngài chính là ánh sáng trong đêm tối, là sức mạnh giữa những lo sợ, là Đấng bảo vệ và chở che. Bạn có lúc nào nghĩ như thế về Đức Chúa Giê-su chưa ?
Không ai can đảm đứng lâu trong bóng tôi để đợi thấy ánh sáng, nếu người đó không hy vọng cuối đường hầm sẽ có ánh sáng, nhưng người Ki-tô hữu vẫn luôn tin tưởng trong bóng tối cuộc đời, vẫn có ánh sáng của Đức Chúa Giê-su Ki-tô chiếu dọi, Ngài cần chúng ta kiên trì và nhẫn nại.
------------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:30 08/01/2014
N2T

5. Khi một linh mục trò chuyện với mọi người, cuối cùng thì không thể không để lại cho họ một suy nghĩ tốt lành.

(Thánh John Bosco)
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài về các phép bí tích
Đặng Tự Do
09:01 08/01/2014
Trong buổi triều yết chung hôm Thứ Tư 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu loạt bài mới về các phép bí tích, bắt đầu với bí tích Rửa Tội. Ngài trình bày về hồng ân tuyệt vời chúng ta nhận được khi chịu Phép Rửa.

Đức Thánh Cha nói rằng Công đồng Vatican II dạy chúng ta rằng chính Giáo Hội là một "bí tích" , một dấu chỉ tràn đầy ân sủng để kỳ công cứu chuộc của Chúa Kitô hiện diện trong lịch sử nhân loại, thông qua quyền năng của Chúa Thánh Thần .

Bí tích Rửa tội là bí tích đầu tiên trong bảy bí tích của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "bí tích này đem đến cho chúng ta sự tái sinh trong Chúa Kitô, làm cho chúng ta được thông phần vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người, ban cho chúng ta ơn tha thứ tội lỗi và mang đến cho chúng ta sự tự do mới như là con cái Thiên Chúa và các thành viên trong Giáo Hội của Người" .

Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta không thể quên ân sủng tuyệt vời chúng ta đã nhận được. "Phép Rửa đã thay đổi chúng ta, cho chúng ta một niềm hy vọng mới và vinh quang, và ban sức mạnh để chúng ta có thể mang tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo, mà nơi họ chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô. Phép Rửa cũng cho chúng ta được thông phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội; như các môn đệ Chúa Kitô, chúng ta cũng là những nhà truyền giáo"

Đức Thánh Cha nói tiếp "khi chúng ta cử hành lễ Chúa chịu Phép Rửa vào Chúa Nhật tới đây, chúng ta hãy xin Chúa đổi mới trong chúng ta ân sủng của bí tích Rửa Tội và làm cho chúng ta, cùng với tất cả anh chị em của chúng ta, trở nên con cái thật của Thiên Chúa và là các thành viên sống động của nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo Hội."

Hướng đến anh chị em tín hữu Trung Đông, và đặc biệt là các tín hữu Syria, Đức Thánh Cha đã mời họ nhớ đến ngày Rửa Tội của mình và cử hành ngày lễ này vì nhờ có bí tích này “chúng ta đã trở nên những tạo vật mới trong Chúa Kitô, đền thờ của Chúa Thánh Thần, dưỡng tử của Chúa Cha, các thành viên của Giáo Hội , anh em trong đức tin và những người loan báo Tin Mừng có khả năng tha thứ và yêu thương tất cả, ngay cả kẻ thù của chúng ta."
 
ĐTC: Bí tích Rửa Tội biến chúng ta thành những người mang niềm hy vọng
Linh Tiến Khải
09:59 08/01/2014
Bí tích Rửa tội tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô và Giáo Hội như các chi thể. Nó khiến cho chúng ta được đồng hình dạng với Chúa Kitô, trở thành những người đem theo niềm hy vọng và là chứng nhân cho sự hiện diện và tình yêu của Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung lần đầu tiên của năm 2014 tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 8-1-2014.

Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu, có các đoàn hành hương đến từ chậu Mỹ Latinh như Argentina, Bolivia, Venezuela, Mêhicô và Haiti. Xa hơn nữa là các nhóm đến từ Australia.

Trùng với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa Giáo Hội mừng kính vào Chúa Nhật tới đây, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã bắt đầu trình bầy loạt bài giáo lý về các bí tích, bắt đầu là bí tích Rửa Tội. Đức Thánh Cha định nghĩa ”bí tích Rựa Tội như sau:

Rửa Tội là bí tích trên đó được xây dựng chính đức tin của chúng ta, và nó tháp nhập chúng ta vào Chúa Kitô và Giáo Hội như các chi thể sống động. Cùng với bí tích Thánh Thể và Thêm Sức nó làm thành việc ”khai tâm kitô” làm thành biến cố bí tích duy nhất lớn lao khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Chúa Kitô, và biến chúng ta trở thành một dấu chỉ sống động sự hiện diện của và tình yêu của Người.

Có thể nảy sinh trong chúng ta một câu hỏi: mà có thực sự cần bí tích Rửa tội để sống như tín hữu kitô và theo Chúa Giêsu hay không? Nói cho cùng, nó lại không phải là một nghi thức đơn sơ, một cử chỉ hình thức của Giáo Hội để đặt tên cho đứa bé hay sao? Liên quan tới điều này thật là soi sáng điều thánh Phaolộ viết trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma: ”Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4). Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Như vậy, bí tích Rửa Tội không phải là một hình thức! Nó là một hành động đụng chạm tới trong sâu thẳm cuộc sống chúng ta. Một đứa bé được rửa tội và một đứa bé không được rửa tội không như nhau. Một người được rửa tội và một người không được rửa tội không giống nhau. Với bí tích Rửa Tội chúng ta được dìm trong suối nguồn bất tận của sự sống là cái chết của Chúa Giêsu, hành động tình yêu vĩ đại nhất của toàn lịch sử; và nhờ tình yêu đó chúng ta có thể sống một cuộc đời mới, không ở trong quyền lực của sự dữ, tội lỗi và cái chết nữa, nhưng sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và các anh em khác.

Nhiều người trong chúng ta không hề nhớ chút gì về việc cử hành Bí Tích này, và đó là điều đương nhiên, khi chúng ta được rửa tội ít lâu sau khi sinh. Tại quảng trường này tôi đã hỏi hai ba lần: ai trong anh chị em biết mình được rửa tội ngày nào, hãy giơ tay lên. Ai biết, ít, ít người biết. Nhưng thật là quan trọng biết ngày chúng ta đã được dìm vào trong dòng suối cứu độ của Chúa Giêsu. Tôi xin phép khuyên anh chị em. Nhưng hơn là một lời khuyên hôm nay nó là một bài tập. Hôm nay khi về nhà anh chị em hãy tìm, hãy hỏi ngày chịu phép Rửa Tội của mình, và như thế anh chị em sẽ biết ngày xinh đẹp ấy. Anh chi em có làm bài tập này không? Tín hữu trả lời ”Dạ có” nhưng yếu ớt. Đức Thánh Cha nói: Tôi không cảm thấy sự hăng hái. Anh chị em có làm bài tập không? Tín hữu trả lời to hơn ”Dạ có”. Có, phải không? Như thế để biết một ngày hạnh phúc, ngày rửa tội của chúng ta.

Nguy cơ đó là việc đánh mất đi ý thức điều mà Chúa đã làm nơi chúng ta, ký ức ơn mà chúng ta đã nhận lãnh. Khi đó rốt cuộc chúng ta chỉ coi nó như là một biến cố xảy ra trong qúa khứ - và cũng không do ý muốn của chúng ta, mà của cha mẹ chúng ta - vì thế nó không ảnh hưởng gì trong hiện tại. Cần phải thức tỉnh ký ức bí tích Rửa Tội của chúng ta: thức tỉnh ký ức Rửa Tội. Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Chúng ta được mời gọi Sống Bí Tích Rửa Tội của mình mỗi ngày, như một thực tại thời sự trong cuộc sống. Nếu chúng ta thành công theo Chúa Giêsu và ở lại trong Giáo Hội, cho dù có các hạn hẹp, giòn mỏng và tội lỗi của chúng ta, đó chính là nhờ Bí Tích trong đó chúng ta đã trở thành các thụ tao mới và chúng ta đã được mặc lấy Chúa Kitô. Thật thế, chính nhờ sức mạnh của Bí tích Rửa Tội mà chúng ta được giải thoát khỏi tội tổ tông và được tháp nhập vào trong tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha; chúng ta trở thành những người mang một niềm hy vọng mới, bởi vì bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta niềm hy vọng mới: niềm hy vọng bươc đi trên con đường cứu độ, suốt đời. Và niềm hy vọng này không gì và không ai có thể dập tắt được, bởi vì niềm hy vọng không gây thất vọng. Xin anh chị em nhớ điều đó, nó thật đấy. Niềm hy vọng trong Chúa không bao giờ gây thất vọng. Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta có khả năng tha thứ và yêu thương cả những người xúc phạm đến chúng ta và làm điều dữ cho chúng ta nữa; chúng ta thành công trong việc nhận ra nơi những người rốt hết và nơi những người nghèo gương mặt của Chúa đến viếng thăm và sống gần chúng ta. Và Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta nhận ra nơi gương mặt của những người khốn khó, khổ đau, cả người bên cạnh chúng ta, gương mặt của Chúa Giêsu. Chính là nhờ sức mạnh của bí tích Rửa Tội.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Còn một yếu tố quan trọng nữa. Tôi xin hỏi anh chị em: một ngừơi có thể tự rửa tội cho mình không? Tín hữu trả lời ”Thưa không”. Đức Thánh Cha nói: Tôi không nghe. Tín hữu trả lời to hơn ”Dạ thưa không”. Không thể rửa tội: không ai có thể tự rửa tội cho mình! Không ai. Chúng ta có thể xin, ước ao điều đó, nhưng chúng ta luôn luôn cần một ai đó ban Bí tích này cho chúng ta nhân danh Chúa. Bởi vì bí tích Rửa Tội là một ơn được ban cho chúng ta trong một bối cảnh của sự chăm lo và chia sẻ huynh đệ.

Trong lịch sử đã luôn luôn như thế: một người rửa tội cho một người khác, người khác, người khác... nó là môt dây xích. Một dây xích ơn thánh. Nhưng tôi không thể rửa tội cho mình: tôi phải xin một người khác ban bí tích Rửa Tội. Đó là một hành động huynh đệ, một hành động sinh con cái cho Giáo Hội. Trong việc cử hành nó chúng ta có thể nhận ra các đường nét tinh tuyền nhất của Giáo Hội, như một bà mẹ tiếp tục sinh ra các người con mới trong Chúa Kitô, trong sự phong phú của Chúa Thánh Thần.

Như thế, chúng ta hãy thành tâm xin Chúa cho chúng ta có thể luôn ngày càng cảm nghiệm hơn trong cuộc sống thường ngày ơn thánh mà chúng ta đã nhận lãnh với bí tích Rửa Tội. Khi gặp gỡ nhau, các anh chị em của chúng ta có thể gặp gỡ các người con thật của Thiên Chúa, các anh chị em đích thật của Chúa Kitô, các chi thể đích thật của Giáo Hội. Và xin anh chị em đừng quên làm bài tập hôm nay nhé: đó là tìm, hỏi ngày rửa tội của mình. Như tôi biết ngày sinh của tôi, cũng phải biết ngày rửa tội của tôi như vây, vì đó là một ngày lễ.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và cầu chúc mọi người những ngày hành hương tươi vui và năm mới nhiều ơn lành của Chúa. Ngài đặc biệt ca ngợi và cám ơn một số nghệ sĩ của đoàn xiệc Golden Liana Orfei đã trình diễn giúp vui mọi người trong buổi tiếp kiến đầu năm mới. Đức Thánh Cha cũng đã chào, vuốt ve và an ủi hàng trăm bệnh nhân ngồi trên các xe lăn.

Chào các bạn trẻ Đức Thánh Cha nói trong các ngày sau lể Hiển Linh chúng ta tiếp tục suy niệm về sự biểu lộ của Chúa Giêsu cho tất cả mọi dân tộc. Giáo Hội mời gọi giới trẻ trở thành các chứng nhân hăng say của Chúa Kitô giữa các bạn trẻ đồng trang lứa. Giáo Hội cũng kêu mời các anh chị em bệnh tật phổ biến ánh sáng của Chúa Kitô với sự kiên nhẫn, và Giáo Hội thúc đẩy các cặp vợ chồng mới cưới là dấu chỉ sự hiện diện canh tân của Chúa với tình yêu trung thành của họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phé lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Một cử chỉ tuyệt vời : ĐGH mời bạn cũ lên xe
Nguyễn Long Thao
11:39 08/01/2014
Bản tin của AP sáng nay 08/01/14 do nữ ký giả Nicole Winfield viết rằng ĐGH Phanxicô đã phá lệ khi Ngài mời người bạn cũ lên xe đi cùng với Ngài trong quảng trường thánh Phêrô gặp gỡ khách hành hương.

Người bạn cũ của ĐGH là Linh Mục Fabian Baez, hiện là cha chính xứ ở quê nhà của ĐGH tại Buenos Aires, Á Căn Đình. Tại Vatican, cha Fabian Baez không có vé mời dành cho những khách vị vọng để có thể đứng gần hay nói chuyện được với ĐGH. Tuy nhiên, khi ĐGH đang đi trên xe thì Ngài nhìn thấy cha Fabian Baez đang đứng trong đám đông. Ngài liền nói với nhân viên an ninh để cha Fabian Baez leo qua hàng rào đến gặp Ngài. Ngài đã ôm cha Fabian và mời cha Fabian lên xe cùng đi quanh quảng trường thánh Phêrô gặp khách hành hương.

Sau khi đi với ĐGH, cha Fabian Baez xúc động nói với báo chí “ Tôi đã nói với lòng mình: trời đất ơi, tôi làm cái gì ở đây?

Cha Fabian kể thêm: ”ĐGH cười với tôi và nói, ngồi xuống đây, ngồi xuống đây và Ngài lại tiếp tục đi gặp gỡ khách hành hường và ôm hôn các thiếu nhi. Tôi thật cảm động”

ĐGH và cha Baez đã biết nhau từ nhưng năm của thập niên 1990 khi Ngài còn là TGM thủ đô Argentina, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng.
 
Đức Phanxicô: Dòng Tên luôn ở thế căng thẳng
Vũ Văn An
21:52 08/01/2014
Tuần này có hai sự kiện đáng chú ý về Dòng Tên. Sự kiện thứ nhất là việc ra khỏi Dòng, hay đúng hơn, bị đá ra khỏi Dòng, của Linh Mục John Dear, một trợ bút lâu năm của tờ The National Catholic Reporter, vì bị kết tội là “ương ngạnh không vâng lời”.

John Dear nổi tiếng là một tác giả và diễn giả chủ hòa, bị bắt hơn 75 lần vì các hành vi bất tuân dân sự không bạo động chống chiến tranh, bất công và vũ khí hạch nhân, từng được tổng giám mục Tutu đề nghị lãnh giải Nobel Hòa Bình. Dear tốt nghiệp tối ưu (magna cum laude) Đại Học Duke, tại Durham, Nam Carolina, năm 1981, sau đó làm việc cho Qũy Tưởng Niệm Robert F. Kennedy tại Hoa Thịnh Đốn. Năm 1982, gia nhập Dòng Tên, học cao học triết 2 năm tại đại học Fordham rồi làm việc cho Sở Tị Nạn của Dòng tại El Salvador 3 tháng trong năm 1985. Sau hai năm dạy học ở Scranton, Pensylvania, làm việc cho Trung Tâm Linh Mục McKenna dành cho người vô gia cư tại Hoa Thịnh Đốn (1988-1989). Từ 1989-1993, theo học tại Graduate Theological Union thuộc ĐH Berkeley và đậu hai cao học thần học.

Trong thời gian trên, Dear thành lập Phong Trào Pax Christi cho Vùng Vịnh và bắt đầu sắp xếp để Mẹ Têrêxa can thiệp với các thống đốc cho những người sắp lên đoạn đầu đài. Thụ phong linh mục tại Baltimore năm 1993, sau đó làm cha phó tại Nhà Thờ St Aloysius ở Hoa Thịnh Đốn.

Liên tiếp mấy năm này, Dear bị bắt khá nhiều lần vì các hành vi bất tuân dân sự chống chiến tranh, bất công và vũ khí hạch nhân, tứ Ngũ Giác Đài cho tới Các Phòng Thí Nghiệm Livermore tại California. Ngày 7 tháng 12, 1993, Dear bị bắt với 3 người khác tại căn cứ không quân Seymour Johnson ở Goldsboro, Nam Carolina, vì đã đập phá một chiến đấu cơ F-15 có khả năng hạch nhân. Bị giam tù, bị xử và kết 2 tội hình sự và 8 tháng tù giam tại Nam Carolina và gần 1 năm tù tại gia ở Hoa Thịnh Đốn. Như một thành phần của phong trào giải giới Lưỡi Cày, các can phạm cho rằng họ chỉ thực thi lời khuyên của Isaia “rèn gươm giáo thành lưỡi cày” và lệnh truyền của Chúa Giêsu “hãy yêu thương kẻ thù ngươi”.

Từ 1994 tới 1996, John Dear là giám đốc điều hành của Trung Tâm Thánh Tâm tại Richmond, Virginia, dành cho phụ nữ và trẻ em Mỹ Da Đen có lợi tức thấp. Đầu măm 1997, dạy thần học tại Fordham 1 lục cá nguệt. Rồi sống tại Derry, Bắc Ái Nhĩ Lan, tới năm 1998 và làm việc tại một trung tâm nhân quyền ở Belfast.
Từ 1998-2001, là giám đốc điều hành của Fellowship of Reconciliation, một tổ chức hòa bình liên tôn lớn nhất Hoa Kỳ, đặt căn cứ tại Nyack, NY. Năm 1999, hướng dẫn một phái đoàn các khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình thăm Iraq, và một phái đoàn liên tôn khác đi thăm Palestine/Israel.

Ngay sau ngày 11 tháng Chín, 2001, Dear là phối trí viên các tuyên úy của Hồng Thập Tự tại Trung Tâm Trợ Giúp Gia Đình ở Manhattan và đích thân ủy lạo hàng ngàn thân nhân và nhân viên cấp cứu. Từ 2002 tới 2004, làm cha xứ của 5 giáo xứ tại vùng sa mạc thuộc đông bắc New Mexico, và thành lập Pax Christi cho vùng này.

Năm 2006, hướng dẫn cuộc biều tình chống chiến tranh Iraq ở Santa Fe, New Mexico. Năm 2009, tham gia Creech 14 trong cuộc biểu tình bất tuân dân sự chống việc sử dụng máy bay không người lái tại Afghanistan và Pakistan, bị bắt và bị giam tại nhà tù Clark County, Nevada, 1 đêm.

Ngoài rất nhiều “tour” diễn thuyết khắp nơi, kể cả Úc Châu, Dear viết một mục hàng tuần cho tờ National Catholic Reporter và thường xuyên viết cho các tờ The New York Times và The Washington Post. Nhận nhiều giải thưởng hòa bình, trong đó có đề nghị nhận giải Nobel về hòa bình do tổng giám mục Tutu đề nghị, vì coi Dear “là hiện thân của người kiến tạo hòa bình”.

Nhưng cha bị trục xuất khỏi Dòng Tên ngày 20 tháng Mười Hai, năm 2013 vừa qua. Trong bài trần tình “Bỏ Dòng Tên sau 32 năm”, Dear cho biết tâm hồn mình nặng trĩu buồn và cho biết “Sau 3 năm biện phân, tôi ra đi vì Dòng Tên tại Hoa Kỳ đã thay đổi quá nhiều kể từ ngày tôi gia nhập năm 1982 và vì các bề trên Dòng Tên của tôi đã hết sức cố gắng suốt trong nhiều thập niên qua nhằm kết thúc công trình phục vụ hòa bình của tôi, gần đây nhất, khi cha bề trên tỉnh ra lệnh cho tôi trở về Baltimore mà không chỉ định cho tôi làm gì cả và theo tôi, đã thực sự khuyến khích tôi ra đi, như nhiều bề trên khác từng làm trong quá khứ”.

Dear cũng cho rằng Dòng tên tại Hoa Kỳ đã từ bỏ cam kết đối với một “đức tin phục vụ công lý”. Nó cũng gia tăng sự liên lụy của nó với nền văn hóa chiến tranh và giảm thiểu việc phục vụ người nghèo để phục vụ các đại học và trung học.

Tuy nhiên, vì sự kình chống với giáo quyền tại New Mexico, giám tỉnh Dòng Tên tại Maryland đã triệu cha Dear về lại Baltimore và chỉ định cha dạy tại một trung học của Dòng. Ở đó được 5 tháng, cha tự ý bỏ đi, trở lại New Mexico, “tiếp tục việc biện phân, yêu cầu được ra đi, và tuần này, rời khỏi Dòng. Tôi vẫn là một linh mục Công Giáo nhưng không có các năng quyền linh mục. Tôi nghi ngại rằng không một giám mục Hoa Kỳ nào cho tôi năng quyền này cả vì phần lớn phản đối việc chống chiến tranh và bất công của tôi, bởi thế tôi không chắc tôi sẽ còn là một linh mục nữa không”.

Nhiều người không đồng ý khi Dear cho rằng với Dòng Tên, việc giúp người nghèo và nền học vấn Công Giáo loại trừ lẫn nhau. Vì thực sự Dòng Tên song song thi hành cả hai thừa tác vụ ấy bên cạnh người nghèo và bên cạnh giới trẻ. Con số học bổng cấp cho các học sinh nghèo của Dòng Tên không ai cho là ít ỏi cả. Vả lại, không ai quên sự hiện diện của những trung học như Cristo Rey của Dòng Tên chuyên phục vụ các gia đình di dân của Chicago. Và chương trình giáo dục ở đây đã trở thành kiểu mẫu cho 25 trường khác phục vụ các cộng đồng có lợi tức thấp.

Dĩ nhiên Dòng Tên có nhiều nan đề, nhưng bảo họ từ bỏ người nghèo thì e là một vu khống. Một người “ương ngạnh không vâng lời” như Dear thì quả Dòng Tên khó mà chấp nhận, dù ông rất nổi tiếng. Chắc chắn một điều, Dear chưa nổi tiếng bằng Teilhard de Chardin, nhưng khi bề trên bảo de Chardin im tiếng, ngài đã im tiếng bởi biết mình chẳng xứng đáng gì hơn cô em gái dốt nát nằm liệt giường mà vẫn ca ngợi Đấng Hóa Công.

Thế căng thẳng

Một tu sĩ Dòng Tên khác, trong những ngày gần đây, đã nhận định về Dòng Tên như sau: nó luôn ở thế căng thẳng. Tu sĩ đó chính là Jorge Mario Bergoglio, tức Đức Phanxicô.

Thực vậy, trong bài giảng tại nhà thờ Gesu, nhà thờ mẹ của Dòng Tên, tại Rôma hôm 3 tháng Giêng vừa qua, ngài nói: “Các Tu Sĩ Dòng Tên chúng ta là những người luôn căng thẳng. Chúng ta cũng là những con người mâu thuẫn và những kẻ tội lỗi tạp nham, tất cả chúng ta đều thế hết. Nhưng chúng ta là những con người muốn bước đi dưới ánh mắt Chúa Giêsu”.

Mà “trái tim chúa Giêsu là trái tim Thiên Chúa, Đấng, vì yêu thương, đã tự ‘làm rỗng’ mình. Mọi tu sĩ Dòng Tên chúng ta muốn theo Chúa Giêsu phải sẵn sàng ‘tự làm rỗng’ mình. Chúng ta được mời gọi tự hạ mình: trở thành những người tự làm rỗng mình”.

Theo ngài, các tu sĩ Dòng Tên “phải trở nên những người không được sống cuộc sống tập chú vào chính mình, vì trung tâm của Dòng Tên là Chúa Kitô và Giáo Hội của Người”. Ngài cũng cho các tu sĩ Dòng Tên hay: “Người là vị Thiên Chúa luôn làm ta ngạc nhiên”. Vì “đường lối Người không phải là đường lối của ta”. Không hẳn vì ta không hiểu được điều Người nói với ta về chính Người. Nhưng một khi nắm được chút ít điều Người mạc khải cho ta, thì luôn có nhiều điều khác ta không thể tưởng tượng được. Thành thử “nếu Thiên Chúa, Đấng tạo ngạc nhiên, không ở trung tâm, Dòng Tên sẽ mất hướng”.

Mất hướng ra sao? Đối với Đức Phanxicô, “làm tu sĩ Dòng Tên có nghĩa là làm một người có tư tưởng chưa hoàn tất, có tư tưởng luôn mở ra”. Nhưng há đây không phải là chủ nghĩa duy tương đối? Không hẳn, vì “Ta phải luôn suy nghĩ bằng cách nhìn về phía chân trời là vinh quang Thiên Chúa, một vinh quang luôn trở nên lớn lao hơn. Và điều này làm ta ngạc nhiên khôn nguôi”. Thánh Tôma Aquinô từng nói về Thiên Chúa như “chân trời” của hữu thể.

Ngạc nhiên khôn nguôi là cái gì? Chính là “trũng lớn” (chasm) hay xoáy nước lớn trong hiện tượng không thể nghỉ yên của ta. “Đó chính là sự không nghỉ yên thánh thiện và đẹp đẽ của ta”. Nó chính là sự không nghỉ yên của Thánh Augustinô, một sự không nghỉ yên được gặp gỡ mọi điều tốt đẹp chỉ để thấy rằng dù chúng đều tốt cả, nhưng không làm ta thoả mãn. Ta được dựng nên để sống giữa mọi điều tốt đẹp này, để tạo ra số phận ta tại đó, giữa chúng. Ta được sử dụng chúng; đúng ra, được thưởng ngoạn chúng. Nhưng rồi đến lúc, từng điều một, ta sẽ thấy chúng không phải là Thiên Chúa, không phải là điều hay là đấng ta kiếm tìm.

Như thế, “sự không nghỉ yên này chuẩn bị ta tiếp nhận hồng ân phong phú tông truyền”. Ta nên để ý đây là một ân phúc, ta không tự bịa đặt ra nó được. Ta phải bé nhỏ đi. “Không có sự náo nức bồn chồn này, ta sẽ cằn cỗi vô sinh”. Quả là những lời thẳng thắn. Không lạ gì vị giáo hoàng này luôn dùng thời gian để kích thích ta ra khỏi não trạng ngủ mê để thấy được điều mình không thể tìm thấy nơi những người ở chung quanh, trong những ơn phúc ta đã nhận được.

Chính vì thế, Đức Phanxicô khuyên các tu sĩ Dòng Tên “đức tin chân chính của ta luôn hàm nghĩa một khát vọng sâu xa muốn thay đổi thế giới. Ta phải tự hỏi mình: chúng ta có những viễn kiến và quan điểm lớn lao không? Chúng ta có liều lĩnh không? Các giấc mơ của ta có vươn cao hơn không?”. Ở đây, Đức Phanxicô muốn ám chỉ Thánh Vịnh 69 nói tới lòng nhiệt thành thiêu đốt ta. Ngài sợ ta dám chọn làm người “tầm thường, tự bằng lòng trong cái phòng thí nghiệm tông truyền tự mình sáng chế ra”. Nhưng ngài cũng không phải là một nhà ý thức hệ ảo tưởng chỉ biết nhìn trần gian.

Ta cần nhớ rằng “sức mạnh của Giáo Hội không ngụ trong chính Giáo Hội hay trong khả năng tổ chức của nó mà dấu ẩn nơi thẳm sâu Thiên Chúa”. Đó chính là lý do khiến “chúng ta luôn căng thẳng”. Không phải vì nay ta biết nhiều hay làm được nhiều. Mà vì Thiên Chúa luôn luôn làm ta “ngạc nhiên” bởi việc vẫn để lại nhiều việc để ta phải làm và nhiều điều hơn nữa để ta biết. Trên bình diện tức khắc của đời thực, ta phải ý thức được tính hữu hạn của mình.

Người ta sợ cha Dear thiếu ý thức này nhất là thiếu ý thức rằng ta được dựng nên không phải cho ta mà là cho Chúa, mà Chúa là Đấng luôn làm ta “ngạc nhiên”, nên ta luôn không cảm thấy mình được nghỉ yên cho tới khi nghỉ yên trong Chúa, như Thánh Augustinô nói. Chính vì thế, Linh mục James V. Schall, S.J., khi tường thuật bài giảng của Đức Phanxicô, đã gọi nó “không phải là một bài giảng về sự nghèo khó Phan Sinh, về việc thuyết giảng Đa Minh, về “ora et labora” (cầu nguyện và làm việc) Biển Đức, mà là về sự “không nghỉ yên” (restlessness) của Thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và trái tim chúng con sẽ không được nghỉ yên cho tới lúc được an nghỉ trong Chúa”.

Cuối cùng thì những điều Đức Phanxicô nhắn nhủ các tu sĩ Dòng Tên, ngài cũng muốn nói với tất cả chúng ta. Ta đã được dựng nên để làm gì? Tại sao ta luôn cảm thấy bồn chồn náo nức trong trái tim và linh hồn ta? Chính vì từ nguyên thủy, ta được dựng nên không phải cho ta mà là cho Thiên Chúa, cho sự sống đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong diễn tiến của thời gian, những ai chọn sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi hơn chọn sự sống mình luôn ngạc nhiên tại sao trái tim họ bồn chồn náo nức, không yên. Như Đức Phanxicô chỉ ra, họ bị “ngạc nhiên” khi thấy câu trả lời đích thực cho sự không nghỉ yên của họ không phải là điều họ tự bịa đặt ra. Nó là một ơn phúc họ phài chờ mong và dự ứng. Và khi nhận được ân phúc này, họ tiếp nhận nó không phải từ chính họ mà là cho chính họ. Chỉ khi ấy, sự không nghỉ yên mới kết thúc.
 
Top Stories
Pope invites friend for spin in St. Peter's Square
Nicole Winfield /AP
11:00 08/01/2014
VATICAN CITY (AP) — Pope Francis broke with papal protocol once again Wednesday, inviting an old friend for a spin in his panoramic white car during his weekly general audience in St. Peter's Square.

The Rev. Fabian Baez, a parish priest in Francis' hometown of Buenos Aires, didn't have a VIP ticket granting him a seat close to the altar or a spot where the pope would chat with well-wishers. But as soon as Francis saw Baez in the crowd of several thousand people, the pope signaled for Vatican gendarmes to help Baez jump the barricade.

Francis then invited Baez to hop aboard his car, and the parish priest accompanied Francis through the square as the pope waved to well-wishers and kissed babies.

Baez said he was shocked by Francis' invitation, telling reporters afterward: "I said to myself 'What am I doing here? Mamma mia!'"

"The pope laughed and said 'Come, sit down, sit down!' And he continued to greet the people and kiss babies. I was very moved."

Baez said the two had known each other since the 1990s; the former Jorge Mario Bergoglio was archbishop of the Argentine capital before being named pope.

Francis was in particularly good spirits at Wednesday's audience, entertained by a circus troupe and greeted by Italy's Sampdoria soccer team, who presented the soccer-mad pope with yet another jersey.

Francis has added a bit of spontaneity to the Vatican's staid ways. He lives in the Vatican hotel, not the Apostolic Palace. He eschewed the armored popemobile for a simple Fiat during his trip to Brazil. And when he has left the Vatican, he has done so with a minimal security detail and no fancy motorcade.

(Source: http://news.yahoo.com/pope-invites-friend-spin-st-peter-39-square-143243312.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Trại Lê khám bệnh phát thuốc cho người nghèo
PV Trại Lê
10:19 08/01/2014
Giáo xứ Trại lê: những hoạt động chứa chan tình Chúa và tình người trong suốt Mùa Vọng Mùa Giáng Sinh.

“Bái ái là tình yêu được đón nhận và trao ban”

Dưới sự điều hành của cha quản xứ Giuse Trần Đức Ngợi, Caritas giáo xứ Trại Lê ngày càng phát triển một cách quy mô và có tổ chức hơn. Hội đã sống đúng với tôn chỉ và mục đích của mình qua những hoạt động rất thiết thực cả về chất lượng và số lượng trong hệ thống Caritas giáo phận và Trung ương.

Trong suốt Mùa Vọng 2013 vừa qua, Hội đã tổ chức hai đợt khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho những bệnh nhân nghèo, người mồ côi, người tàn tật, người già neo đơn…không kể lương giáo của 13 xã trên địa bàn hai huyện: Can Lộc và Thạch Hà. Đợt 1 Hội đã tổ chức thực hiện vào đầu mùa vọng, khám chữa bệnh và phát thuốc cho gần 267 người lương giáo. Và đợt 2, ngày 27/12/2013, Hội cũng đã tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 250 người lương giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả hai đợt, Hội đã khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho 517 người. Trong đó, người lương dân chiếm khoảng 60%, khuyết tật khoảng 25%. Hội luôn được sự cộng tác của 5 bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn, trong đó có 2 bác sĩ Công giáo, 3 bác sĩ ngoài Công giáo, cùng với một số y tá và dược sĩ trong và ngoài giáo xứ. Mục đích của Hội trong 2 đợt khám này là nhằm đưa đến cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơi ấm của tình Chúa và tình người.

Được biết, mỗi năm như vậy, Hội có 6 đợt khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội. Chi phí cho một đợt là khoảng 30 triệu đồng. Nguồn kinh phí để thực hiện được chương trình này là nhờ vào sự đóng góp của bà con giáo dân- các thành viên Caritas giáo xứ, sự giúp đỡ của Ban bác ái giáo phận, Hội Ái Hữu Phanxico, các ân nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt sự quan tâm của Cha quản xứ, ngày càng có rất nhiều người tìm đến với Caritas Giáo xứ Trại Lê. Ở nơi đây, họ đã tìm được “hơi ấm” của tình Chúa và tình người.

Chỉ trong vòng một ngày nhưng những gì mà Hội đã để lại cho bà con lương giáo có hoàn cảnh khó khăn một ấn tượng sâu sắc về những nghĩa cử cao đẹp, thấm đượm tình bác ái Kitô Giáo. Công việc khám và phát thuốc được diễn ra một cách nhanh chóng và có khoa học; đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn và trần đầy tinh thần hy sinh phục vụ. Bà con lương giáo đến đây khám bệnh không chỉ nhận thấy nơi họ khả năng chuyên môn về nghành y học nhưng còn nhận thấy những tấm lòng “lương y như từ mẫu”. Đó là những lời hỏi han ân cần, động viện trong đau khổ của bệnh tật cũng như tinh thần, những lời tư vấn, khuyên bảo đầy tinh thần trách nhiệm và nhất là những ánh mắt và nụ cười chất chứa tình Chúa tình người.

Một người lương dân nghèo khi được tham gia khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí đã chia sẽ: “Tôi cảm thấy ấm lòng hơn, bởi sự quan tâm của những tổ chức bác ái từ thiện, những nhà hảo tâm và các cá nhân trong và ngoài nước. Tôi nhận ra được sự đồng cảm và tình thương nơi con người, nhất là những người Công giáo”

Đây là một trong những hoạt động thấm đượm tinh thần bác ái Kitô Giáo của Caritas Giáo xứ Trại Lê trong suốt vọng để chia sẽ niềm vui Giáng Sinh cho những người nghèo lương giáo. Hy vọng rằng, những hoạt động đó sẽ là men muối cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng một xã hội đầy bấn loạn hôm nay. Xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ, thương chúc lành, trả công cho tất cả những ai đã và đang cộng tác với Hội trong suốt thời gian qua. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ, đồng hành để chúng con dấn thân phục vụ và chia sẽ cách quảng đại hơn nữa cho những người đang cần đến chúng con, để thế giới ngày càng có nhiều người nhận ra được tình thương bao la của Thiên Chúa.

PV Trại Lê
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Có thể đưa tên thánh Giuse vào các Kinh nguyện ngoài bốn Kinh nguyện Thánh Thể chính không?
Nguyễn Trọng Đa
21:06 08/01/2014
Giải đáp phụng vụ: Có thể đưa tên thánh Giuse vào các Kinh nguyện ngoài bốn Kinh nguyện Thánh Thể chính không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Bây giờ tên Thánh Giuse đã được thêm vào trong các kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV (trong Kinh nguyện I thì đã có sẵn rồi). Liệu có đúng chăng khi tên thánh Giuse cũng có thể được đưa vào các kinh nguyện Thánh Thể khác trong Sách lễ, chẳng hạn trong Kinh Tạ Ơn Hòa Giải và Kinh nguyện trong Thánh Lễ Cho Các Nhu Cầu Khác Nhau? Tôi đã hỏi một số linh mục, và chúng tôi không đồng ý với nhau về điểm này. Xin cha giúp làm sáng tỏ. - R. H., Mararba, Nigeria.


Đáp: Thật là thích hợp trong Mùa Giáng sinh để có thể nhắc lại Sắc Lệnh số 215/11/L, ban hành ngày 1-5-2013 bởi Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, về việc đọc tên Thánh Giuse trong các Kinh nguyện Thánh Thể.

Sắc lệnh nêu ra một lý do cho sự thay đổi này là do vai trò đặc biệt của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ và trong mối quan hệ với Giáo Hội. Xin mời đọc:

"Được đặt đứng đầu Gia đình của Chúa, thánh Giuse thành Nazareth đã quảng đại thực hiện sứ mạng được lãnh nhận từ ân sủng trong nhiệm cục cứu độ khi thay thế cha của Chúa Giêsu. Khi hoàn toàn gắn bó với mầu nhiệm cứu độ của nhân loại, vốn đang ở bước khởi đầu của nó, ngài đã trở nên gương mẫu của sự khiêm nhường quảng đại mà đức tin Kitô giáo ca ngợi ở mức cao cả nhất, và chứng nhân của những nhân đức thông thường, nhân bản và đơn sơ, vốn cần thiết để con người trở nên những môn đệ đức hạnh và đích thực của Chúa Kitô. Chính khi vận dụng chính những nhân đức này mà người công chính này, – người đã yêu thương săn sóc Mẹ Thiên Chúa và đã vui tươi tận tâm hiến dâng cho việc giáo dục Chúa Giêsu Kitô –, đã trở nên người gìn giữ những kho tàng quý giá nhất của Thiên Chúa Cha, và người nâng đỡ Thân Thể mầu nhiệm, tức là Giáo Hội.

"Trong Giáo Hội Công Giáo, một cách liên tục, các tín hữu đã luôn biểu lộ một sự sùng kính lớn lao đối với thánh Giuse, kính nhớ cách trọng thể và liên lỉ vị Hôn Phu rất trong sạch của Mẹ Thiên Chúa và là Quan Thầy trên trời của toàn thể Giáo Hội.... " (Bản dịch tiếng Việt của Tý Linh trên xuanbichvietnam.net)

Đây là lý do đã tác động Đức Thánh Cha Gioan XXIII đưa thêm tên của thánh Giuse vào Lễ Quy Rôma, và trong thực tế đó là sự thay đổi đầu tiên trong Lễ Quy Rôma trong hơn 1.000 năm. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho phép đưa tên thánh Giuse vào ba Kinh nguyện Thánh Thể chính khác trong các trường hợp đặc biệt, và bây giờ Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức thông qua việc đọc tên thánh Giuse một cách trường kỳ trong cả ba Kinh nguyện Thánh Thể II, III, và IV.

Điều này làm cho bạn đọc của chúng tôi nêu ra vấn đề liên quan đến các Kinh nguyện Thánh Thể khác nữa.

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng nhan đề và nội dung của Sắc lệnh là rất chính xác: "Về việc đưa tên Thánh Giuse vào các Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV".

Thứ đến, Sắc lệnh khẳng định rằng "việc cứu xét chín muồi" đã được thực hiện cho "tất cả các vấn đề" trước khi đến một quyết định. Do đó, sắc lệnh chỉ đề cập từ Kinh nguyện Thánh Thể I đến Kinh nguyện Thánh Thể IV mà thôi.

Như vậy, nếu Sắc lệnh không nhắc gì đến Kinh Tạ Ơn Hòa Giải và Kinh nguyện trong Thánh Lễ Cho Các Nhu Cầu Khác Nhau, thì nhất thiết phải hiểu là Sắc lệnh không mở rộng cho các Kinh nguyện này. Chúng ta khó có thể cho rằng vấn đề này không được nêu ra khi soạn thảo Sắc lệnh, do đó đây là một sự lựa chọn tự do.

Tôi không nắm được các lý do tại sao Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích không chú ý đến các Kinh nguyện Thánh Thể khác. Có thể đó không là vì lý do phong cách, bởi vì các bản văn của các Kinh nguyện này sẽ không loại trừ việc đưa tên Thánh Giuse trong cùng cách thức, như các Kinh nguyện Thánh Thể chính.

Tôi có thể đoán - nhưng chắc chỉ là một sự đoán mà thôi - rằng Thánh Bộ không muốn bao gồm các Kinh nguyện Thánh Thể khác, để không tạo ra ý tưởng rằng các Kinh tiến hiến (anaphora) cũng là cùng cấp độ, và cùng hưởng vị thế bình đẳng với bốn Kinh nguyện Thánh Thể chính.

Việc sử dụng Kinh Tạ Ơn Hòa Giải và Kinh nguyện trong Thánh Lễ Cho Các Nhu Cầu Khác Nhau được giới hạn cho các tình hình cụ thể và công thức Thánh Lễ. Việc kể tên chúng cùng với các kinh nguyện khác, trong cùng một Sắc lệnh chung, có thể làm cho một số linh mục tin rằng chúng được sử dụng một cách không phân biệt đối xử cho tất cả các dịp.

Vì vậy, trong thời điểm này, ít nhất là tên Thánh Giuse không được đưa vào các Kinh nguyện ấy.

Tuy nhiên, vì dường như không có bất kỳ lý do thần học hay phong cách đặc biệt nào để loại trừ tên Thánh Giuse ra khỏi các kinh nguyện ấy, rất có thể cuối cùng thì Thánh Bộ Phụng Tự sẽ cho phép đưa tên thánh Giuse vào, bằng một tài liệu ít quan trọng hơn một Sắc lệnh tổng quát, hoặc đơn giản là một sắc lệnh riêng nhằm nhắc lại việc sử dụng hạn chế các Kinh nguyện.

Nhân đây, người dịch xin nhắc lại: ngày 9-10-2013, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ra Thông cáo về việc đọc tên Thánh Giuse trong các Kinh nguyện Thánh Thể:

“Trong Kinh nguyện Thánh Thể I, phải đọc như sau: "trước hết Ðức Trinh Nữ Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Mẹ của Ðức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, sau là thánh Giuse, bạn trăm năm Ðức Trinh nữ..." (in primis gloriosae semper Virginis Mariae, Genetricis Dei et Domini nostri Iesu Christi: sed et beati Ioseph, eiusdem Virginis Sponsi); trong Kinh Nguyện Thánh Thể II: "Cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse, Bạn trăm năm Ðức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ..." (ut cum beáta Dei Genetríce Vírgine María, beáto Ioseph, eius Sponso, beátis Apóstolis); trong Kinh Nguyện Thánh Thể III: "nhất là với Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse, Bạn trăm năm Ðức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ..." (cum beatíssima Vírgine, Dei Genetríce, María, cum beáto Ioseph, eius Sponso, cum beátis Apóstolis); trong Kinh Nguyện Thánh thể IV: "cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse, Bạn trăm năm Ðức Trinh Nữ, các thánh Tông đồ..." (cum beáta Vírgine, Dei Genetríce, María, cum beáto Ioseph, eius Sponso, cum Apóstolis) (bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam). (Zenit.org 31-12-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Vài chia sẻ về việc sưu tập thơ Công Giáo
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
10:06 08/01/2014
VÀI CHIA SẺ VỀ VIỆC SƯU TẬP THƠ Công Giáo

Hai mươi năm qua, nỗ lực sưu tập và phát hành Thơ Công Giáo đã có một số kết quả đáng kể. Hợp tác vào công việc chung này, quý Tác giả cũng như chúng tôi không nhằm tìm hư danh cho riêng mình nhưng chỉ mong cùng cống hiến để phục vụ ích chung của Giáo Hội Việt Nam, cụ thể là để giúp các bạn trẻ Công Giáo biết rằng trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam đang có một dòng chảy thơ văn Công Giáo mà họ được mời gọi tiếp nối. Do đó, những người đã có những bài thơ hay sẽ không ngại đóng góp mà những người chưa có tác phẩm được chọn cũng chẳng bận lòng.

Nhân dịp Xuân về, chúng tôi xin được chia sẻ đôi điều, mong Độc giả và các Tác giả thơ bốn phương tiếp tục góp phần để giúp cho công việc này đạt thêm những thành quả mới.

1. THÀNH QUẢ VIỆC SƯU TẬP ĐÃ QUA

Các ấn bản sưu tập Thơ Công Giáo đã phát hành không những được nhiều anh chị em tín hữu mà cả nhiều người ngoài Công Giáo, cả trong giới nghiên cứu văn học, quan tâm. Cụ thể, tất cả 15 tác giả được giới thiệu trong sưu tập Kinh Trong Sương (Trăng Thập Tự chủ biên, Nxb Phương Đông 2007), đã được chọn đưa vào bộ sách “Những bài thơ Việt Nam hay lạ xưa nay” của Long Biên Trương Quang Nguyên (tập II và tập III, do Nxb Văn Nghệ 2009 và 2010 – số điện thoại của tác giả: 08-3849-5376)) cùng với 5 tác giả Công Giáo khác. Trước kia người ta chỉ biết duy nhất một mình Hàn Mạc Tử. Đây là lần đầu tiên một bộ sách nghiên cứu thơ Việt Nam đã đồng loạt giới thiệu tác phẩm của 20 tác giả Công Giáo. Số tác giả thơ Công Giáo có sách in riêng rất ít. Nếu không được giới thiệu trong các bộ sưu tập, đa số sẽ không được công chúng biết đến.

Năm 2012, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, ban mục vụ Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã ấn hành bộ sưu tập CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO, 2000 trang, ngoài tập 1 dành riêng cho Hàn Mạc Tử, ba tập còn lại giới thiệu 140 tác giả thơ có năm sinh từ 1912 về sau. Ai cần, có thể đọc bản pdf tại: http://gpquinhon.org/qn/download/

Trong nội bộ, các tác giả tho trong bộ sưu tập cảm thấy phấn khởi vì được quan tâm và trân trọng. Với ngày họp mặt kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, nhiều tác giả xúc động vì lần đầu tiên được gặp các anh chị em khác. Hơn nữa, bộ sách đã gợi hứng cho nhiều bạn trẻ Công Giáo dấn thân vào nghiệp viết lách.

Đối với bên ngoài, mặc dù sách không phát hành ở các nhà sách tổng hợp ngoài đời, trong giới văn học dần dần cũng đã có những người biết đến và có những đánh giá tích cực. Chúng tôi cũng mong quý độc giả giới thiệu rộng rãi để có thêm những vị trong giới phê bình văn học biết đến bộ sách này.

2. CHƯƠNG TRÌNH TIẾP THEO

Ngoài những tá
c giả có mặt trong bộ sách 2012 nói trên, hiện vẫn còn nhiều tác giả Công Giáo có những bài thơ Đạo giá trị nhưng chưa được công chúng biết đến.

Nay chúng tôi đang tiến hành sưu tập đợt hai, dự kiến sẽ phát hành năm 2015 nhân kỷ niệm 75 năm Hàn Mạc Tử về với Chúa. Tựa sách sẽ là VƯỜN THƠ ĐẠO NỞ HOA. Đợt hai này, ngoài một tập dành riêng cho Hàn Mạc Tử, mấy tập sau sẽ gồm những gương mặt thơ khác chưa được giới thiệu ở đợt trước.

Trong hai năm qua, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm và thu thập thơ Đạo từ các trang truyền thông Công Giáo. Cùng thời gian đó, một số tác giả đã trực tiếp gửi bài cho chúng tôi. Có những vị chúng tôi đã hồi đáp ngay và cũng có những vị chúng tôi chưa có điều kiện hồi đáp. Ước mong những vị chưa được hồi đáp niệm tình thứ lỗi cho sự chậm trễ của chúng tôi.

Trong thời gian qua, linh mục chủ biên đã sao chép những bài thơ tìm được, gửi đến ba vị trong ban tuyển đọc xem trước, một ở Gia Lai và hai ở Bình Định. Mỗi vị đọc và đánh giá theo thang bậc A, B, C vào từng bài thơ. Cả ba vị đã có cuộc hội ý chung trong ba ngày 09-11 tháng 12-2013 để bàn thảo đi đến thống nhất cùng với linh mục chủ biên.

Trong ba ngày làm việc đợt này, chúng tôi đã tổng hợp ý kiến và lượng giá thơ của 81 tác giả, trong đó 33 tác giả đã có những bài đầu tiên được chọn: 18 tác giả chỉ mới chọn được 1 bài, 5 tác giả chọn được 2 bài, 2 tác giả được 3 bài, 4 tác giả được 4 bài, 2 tác giả được 5 bài và 2 tác giả được 6 bài. Chúng tôi sẽ dựa trên cơ sở này để liên lạc với từng tác giả và xin thêm những bài thơ hay khác.

Chúng tôi đang tiếp tục công việc với những tác phẩm mới nhận được cũng như những tác phẩm sẽ nhận và tìm được trong thời gian tới. Dự kiến sẽ làm việc chung lần tới vào sau lễ Phục Sinh 2014.

Sau bộ sách 2015, chúng tôi sẽ tạm ngưng công việc sưu tập thơ để tập trung đầu tư sang lãnh vực văn xuôi. Do đó, chúng tôi cũng mong được giới thiệu nhiều tác giả trẻ vào bộ sách 2015. Lần trước, tác giả trẻ nhất sinh năm 1990. Lần này chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu cả những tác giả có năm sinh 1996.

Ước mong các trang truyền thông Công Giáo và độc giả bốn phương giới thiệu cho chúng tôi biết những tác giả có thơ hay và cung cấp địa chỉ, email hoặc số điện thoại để chúng tôi có thể liên lạc xin bài.

3. MỘT SỐ TÁC GIẢ ĐƯỢC BIẾT ĐẾN NHIỀU NHƯNG CHƯA CÓ BÀI

Cách riêng chúng tôi ước mong độc giả bốn phương giúp thông tin về các tác giả Hà Thượng Nhân, Hà Huyền Chi, Từ Linh, Từ Khang Yến, Hoài Diệu, Phùng Bá Thọ, Khải Triều và Tuyết Mai. Với những tác giả còn sống, chúng tôi mong có được email và số điện thoại để trao đổi trực tiếp. Với những vị đã khuất, nếu ai đang giữ được những bài thơ Đạo, hình ảnh, các thông tin cá nhân và lời chứng đức tin của họ, xin vui lòng chia sẻ cho chúng tôi. Cũng thật đáng quý nếu chúng tôi biết được địa chỉ, email hoặc số điện thoại những thân nhân gần nhất của các tác giả ấy để có thể liên lạc.

4. THƯ GỬI CÁC TÁC GIẢ

Thưa quý tác giả

Việc sưu tập và ấn hành các tác phẩm văn chương mang nội dung Kitô giáo không chỉ là việc có tính văn học mà còn là một việc tông đồ, nhằm góp phần loan Tin mừng qua văn chương nghệ thuật. Vì thế, chúng tôi cũng ước mong quý tác giả tích cực góp phần.

Dù thời gian và điều kiện làm việc eo hẹp, chúng tôi vẫn cố gắng tối đa để việc bình chọn được khách quan.

Qua đợt tuyển chọn vừa rồi, chúng tôi xin gửi đính kèm dưới đây vài kinh nghiệm cụ thể đã nhìn thây được để thuận tiện cho quý Tác giả dễ hợp tác. Nhiều Tác giả đã có những bài thơ hay nhưng khi gửi bài tham gia bộ sưu tập lại tự chọn ra những bài không phù hợp với tiêu chí của bộ sưu tập. Để tránh trường hợp ấy, xin lưu ý:

1. Cần phân biệt bài thơ hay với bài thơ mang tính chất kỷ niệm riêng tư. Đừng chọn những bài được những người trong cuộc (mà nội dung bài thơ nhắc đến) ưa thích. Hãy chọn những bài được quần chúng rộng rãi ưa thích.

2. Cần phân biệt bài thơ hay với bài thơ rườm rà ý tưởng. Thơ dẫn dắt tâm hồn người đọc và người nghe bằng hình ảnh, không lý luận giải thích dài dòng bằng các từ nối (liên từ).

3. Đừng dùng những từ thừa, thiếu chọn lọc. Cần can đảm loại bỏ những đoạn, những câu, những ý, những hình ảnh không phục vụ đề tài (cảm xúc chính).

4. Cần có bố cục vững: mở, thân, kết. Nên học bố cục của bài thơ Đường, chỉ có 8 câu nhưng bố cục luôn chặt chẽ.

5. Cần quan tâm tới âm thanh và nhịp điệu. Cũng đừng lẫn lộn “đồng âm” và “vần”. Đồng âm không được xem là vần.

5. Đừng lẫn lộn diễn ca và thơ. Bài “diễn ca” chuyển tải nội dung giảng giải về đạo lý khách quan sang văn vần. Còn “thơ” đặt nặng nơi cảm nhận và cảm nghiệm riêng rất cô đọng. Có thể về sau chúng tôi sẽ thực hiện một sưu tập riêng về “diễn ca”, nhưng trong bộ sưu tập đợt 2 này, Ban Biên tập không chọn các tác phẩm “diễn ca”.

6. Thơ lục bát không dễ làm như người ta tưởng. Không biết cách diễn đạt, sẽ chỉ là những bài vè chứ không phải thơ.

7. Những bài “thơ” làm theo đơn đặt hàng, mang tính ghi nhận “sự kiện” (mừng lễ, viết theo chủ đề Tin mừng Chúa Nhật, Năm đức tin, vv…) vẫn có giá trị riêng của nó nhưng không nằm trong đối tượng sưu tập của chúng tôi.

Văn chương nghệ thuật là lãnh vực rất rộng, với những quan niệm đa dạng. Một bộ sưu tập không thể ôm hết mọi thứ, Ban Biên tập chúng tôi thấy cần phải chọn một giới hạn để có thể hoàn thành công việc cần làm. Chắc hẳn chọn lựa của chúng tôi không đáp ứng những cái nhìn khác nhau của nhiều người, nhưng chúng tôi không thể làm khác hơn. Hy vọng rằng những gì chúng tôi không làm được thì rồi những người có điều kiện thuận lợi hơn sẽ làm.

Chúng tôi hy vọng một vài chia sẻ đơn sơ ngắn gọn trên đây có thể giúp quý Tác giả phần nào trong việc tự lượng giá bài của mình, đồng thời cũng thông cảm hơn với công việc và mục đích phục vụ của nhóm biên tập chúng tôi.

Tác giả nào quan tâm muốn tham gia bộ sưu tập theo hướng trên đây, xin vui lòng gửi về khoảng 20 bài thơ Đạo. Khi quý Tác giả có đủ bài được chọn (tối thiểu 2 bài, tối đa 15 bài), chúng tôi sẽ thông báo để xin quý tác giả cung cấp tiểu sử và hình ảnh.

Cũng xin nhắc thêm rằng chúng tôi không làm công việc bình thơ. Thay vào đó, để giúp độc giả cảm nghiệm chất đạo trong những bài thơ được giới thiệu, chúng tôi mời chính Tác giả chia sẻ một chứng từ đức tin, có thể gợi lên cái hồn của các tác phẩm.

5. ĐIỆN CHỈ NHẬN BÀI

Rất mong quý Độc giả giúp các thông tin cần thiết và quý Tác giả tiếp tục gửi bài tham gia về: thoconggiao@gmail.com

Những ai cần gửi bài qua đường bưu điện, xin đề:

Lm VÕ TÁ KHÁNH

116 - Trần Hưng Đạo
Tp. Quy Nhơn, Bình Định
Xin gửi về trước ngày 30-6-2014.

Nguyện chúc quý Tác giả và Độc giả bốn phương cùng gia đình một Năm mới an bình hạnh phúc trong Chúa.

Thay lời Ban Biên Tập,

Chủ biên,
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Cành Lan Tím
Thérésa Nguyễn
22:14 08/01/2014
MỘT CÀNH LAN TÍM
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Hoa tím màu hoa đượm nét yêu
Vì hoa tôi đã đắm say nhiều
Hoa là tất cả niềm nhung nhớ
Sưởi ấm lòng tôi những buổi chiều.
(Trích thơ của Nguyễn Vạn Thắng)