Ngày 07-01-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Lễ Chúa Chịu Phép Rửa: Người ta cẩn phải trở thành một người Kitô hữu như thế nào?
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:41 07/01/2010
Suy Niệm Lễ Chúa Chịu Phép Rửa:

Người ta cần phải trở thành một người Kitô hữu như thế nào?


(Lc 3,15-16.22)

Ðứng trước câu hỏi: «Người ta phải thực sự trở thành một người Kitô hữu như thế nào?» có lẽ sẽ có người bảo rằng, để tìm ra câu trả lời đâu có gì khó khăn: Người ta phải cùng với người đỡ đầu mang trẻ sơ sinh đến nhà thờ để Cha Sở rửa tội cho, thế là đứa trẻ trở thành người Kitô hữu! Dĩ nhiên, một ngày nào đó đứa bé còn phải tự tuyên xưng lời hứa Rửa Tội của mình, tức ngày em Rước Lễ lần Ðầu và ngày em chịu Phép Thêm Sức. Nhưng theo nguyên tắc thì một khi đã được rửa tội, người ta trở thành một Kitô hữu, và hoàn toàn thuộc về Giáo Hội, với tất cả quyền lợi và trách nhiệm kèm theo.

Thế nhưng, ở đây người ta sẽ khó tránh được sự phản đối: Một câu trả lời như vậy thì thật quá đơn sơ và dễ dàng! nếu vậy, thì người ta chỉ là một Kitô hữu theo nghĩa hành chánh dân sự, một Kitô hữu với tấm giấy chứng chỉ Rửa Tội, chứ không phải là một Kitô hữu thực thụ đúng theo ý muốn của Ðức Giêsu, mà nhân danh Người chúng ta đã được lãnh nhận Phép Rửa!

Vâng, qua lễ nghi của Phép Rửa Tội được thực hiện trong lòng Giáo Hội, Ðức Giêsu ban cho đứa bé một cuộc sống mới. Tuy nhiên, cuộc sống đó không phải là một sự chiếm hữu chắc chắn và đương nhiên, một cách dễ dàng được: một lần là xong, nhưng nó cần phải được nỗ lực mỗi ngày để duy trì và để phát huy không ngừng qua những thực hành cụ thể trong cuộc sống. Chúng ta thư đưa ra một ví dụ nho nhỏ: Đức tin hay cuộc sống đức tin của chúng ta cũng tương tựng như một hạt giống vừa nảy mầm; nhưng mầm non đó chỉ sống sót và rồi đâm hoa kết quả được khi được khi người ta nỗ lực săn sóc phân bón, vun tưới, v.v... Đúng vậy, người ta chỉ thực sự trở nên một Kitô hữu đúng nghĩa, khi người ta biết ra sức bảo vệ đức tin của mình, biết sống đúng với những đòi hỏi của Bí tích Rửa Tội, tức biết sống theo tinh thần bác ái của Tin Mừng. Vì thế, một câu nói được áp dụng ở đây là: Thật ra, qua Bí tích Rửa Tội anh trở thành một người Kitô hữu, nhưng giờ đây vì Bí tích Rửa Tội, anh hãy trở thành người Kitô hữu thực sự! Anh hãy trở thành đúng với danh xưng «Kitô hữu» của anh! Người ta cần phải hiểu điều đó trong bối cảnh Phép Rửa của Ðức Giêsu!

Nhưng điều gì đã thực sự xảy ra trong Phép Rửa của Ðức Giêsu?

Chúa Thánh Thần đã công khai ngự xuống dư tràn trên Người và làm cho Người đủ khả năng để chu toàn sứ mệnh Chúa Cha đã giao phó cho Người, là:

• loan báo Tin Mừng giải thoát và ơn Cứu Rỗi,

• dẹp tan mọi quyền lực của sự ác,

• hy sinh mạng sống mình cho phần rỗi nhân loại.

Trọn cuộc sống và toàn bộ mọi hành động của Ðức Giêsu là do sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ðúng vậy, chính Chúa Thánh Thần tác động trong Ðức Giêsu và ban cho Người mọi quyền lực, để mọi hành động của Người đều mang lại hiệu quả sung mãn. Ðức Giêsu sống hoàn toàn bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Chính điều đó cũng đã tương tự xảy ra trong Phép Rửa của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Nhờ Ðức Giêsu, Ðấng Tẩy Giả thực sự, Chúa Thánh Thần ngự xuống tràn đầy trên người tân tòng, chiếm hữu trọn vẹn con người anh và tác động trong anh, để anh - nếu không chống lại Người – có thể thực hiện được cuộc sống Kitô hữu của mình, một cuộc sống hoàn toàn theo sát dấu chân Ðức Giêsu; nói cách khác: Anh lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, suy niệm và đưa ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày, hay nói đúng hơn: đem áp dụng Lời Chúa vào trong các hoàn cảnh đa phức của sự thiện và sự ác trong chính mình và trong cuộc sống của mình! Như thế, anh loại bỏ sự ác trong chính mình và trong cuộc sống của mình. Anh được giải thoát khỏi quyền lực của sự ích kỷ.

Chỉ khi nào người Kitô hữu thực sự sống Phép Rửa của mình như thế trong tinh thần môn đệ Ðức Kitô, khi anh sống trong Thánh Thần của tình yêu, chứ không phải trong xác thịt của sự ích kỷ, bấy giờ anh sẽ thực sự trở thành một Kitô hữu chân chính; bấy giờ, khi phải đối mặt với sự ác, anh sẽ là «người khỏe mạnh hơn», giống như Ðức Kitô vậy!

Nhưng trong Phép Rửa của Ðức Giêsu còn có gì khác xảy ra nữa?

Thiên Chúa Cha đã công khai tuyên nhận Người: «Con là Con yêu dấu của Ta, Ta đã chọn Con!» Chúa Cha đã công bố Ðức Giêsu là Con yêu dấu của Người, là Ðấng luôn hiệp nhất trọn vẹn với Người: Trong suốt cuộc đời của mình - từ khi làm người cho đến khi chết - cả trong khi phải gánh chịu mọi đau khổ đến cùng cực và bị bỏ rơi trên thập giá.

Ðiều đó cũng xảy ra trong Phép Rửa của chúng ta: Thiên Chúa tuyên nhận Người là Cha của chúng ta, gọi chúng ta là con cái của Người, yêu thương chúng ta, chứ không hề bỏ rơi chúng ta - cả khi bên ngoài xem ra Người bỏ rơi chúng ta – dù cho bao sự thất trung và sa ngã của chúng ta; Thiên Chúa vẫn yêu thương, chứ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, dĩ nhiên không vì sự bất phục tùng của chúng ta, nhưng do sự vâng phục của Ðức Giêsu. Tiếng nói có này của Thiên Chúa được đáp trả bằng tiếng nói có của chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô và nhờ Ðức Giêsu Kitô; sự vâng phục của chúng ta là dấu chỉ sự hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa.

Ðối với con người tân thời ngày nay, hai tiếng «vâng lời» xem ra xa lạ và lạc hậu, lỗi thời và bất xứng, bởi vì họ nghĩ rằng họ đã thoát ly khỏi Thiên Chúa, đã tự giải thoát khỏi Người, không cần đến Người nữa, sẽ có thể làm chủ vũ trụ mà không cần đến Thiên Chúa, sẽ có thể tạo nên một vũ trụ hoàn toàn theo ý riêng của mình.

Nhưng điều đó có nghĩa gì? Sau cùng chẳng phải đó là kế hoạch của Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho con người mọi khả năng và bây giờ Người muốn con người sử dụng các khả năng đó sao? Nhưng nếu Thiên Chúa đã ban cho con người các khả năng, thì cuối cùng điều đó có nghĩa là con người - với tất cả mọi khả năng và ý muốn của mình – không được phép xa lìa thánh ý của Thiên Chúa và sự hiệp nhất với Người; đàng khác, tự bản chất là một tạo vật, con người cũng không thể làm được chuyện đó đối với Ðấng Tạo Hóa của mình.

Do đó, không bao giờ có sự thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng nếu có ai vẫn quan niệm như thế, thì tự lừa dối mình, và sự lừa dối đó sẽ gặt hái được hoa quả đau thương trong nhiều nơi và nhiều trường hợp của cuộc sống người đó. Việc hiểu rõ được điều đó và tìm cách sống theo, là nguyên nhân làm cho một người trở thành một Kitô hữu đícht thực.

Tất cả những điều đó người ta có thể tóm tắt lại trong lời nói của Giáo phụ Tertulian: «Qua cuộc sống người ta trở thành người Kitô hữu, chứ không phải qua việc sinh đẻ». Dĩ nhiên, điều đó không phủ nhận hình ảnh đẹp của Phép Rửa như được tái sinh qua nước và Chúa Thánh Thần. Ðiều Giáo phụ Tertulian muốn nói, là: Người ta không trở thành Kitô hữu qua một biến cố tự nhiên như việc sinh đẻ, nhưng qua diễn biến của một cuộc sống sám hối và cải thiện, dĩ nhiên được khởi đầu với Bí tích Rửa Tội.

Vậy, Phép Rửa Tội là một lời kêu gọi chúng ta cần phải sống như những người đã được lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Ðức Giêsu, tức: Cùng với Ðức Kitô chết cho tội lỗi và cùng với Người sống cho Thiên Chúa. Sự diễn tiến của cuộc sống đó sẽ kết thúc qua ơn Rửa Tội với lời sáng tạo thứ hai của Thiên Chúa: Này đây, Ta sẽ làm mới lại mọi sự! Ðó chính là lúc tất cả chúng ta trở thành những Kitô hữu thật, những con người hoàn toàn được tràn đầy Chúa Thánh Thần, hoàn toàn được Thiên Chúa chấp nhận và kết hiệp cùng Ðức Kitô. Amen.
 
Kitô hữu đích thực
Đinh Lập Liễm
09:17 07/01/2010
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

+++

A. DẪN NHẬP

Trước khi bước vào đời sống công khai đi rao giảng Tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đến xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình tại sông Giorđan. Ngài hòa nhập với dòng người đến nhận phép rửa, không phải để xin ơn tha tội vì Ngài là Đấng trong sạch vô cùng, nhưng Ngài nêu gương khiêm hạ cho mọi người; đồng thời thánh hóa nước để thanh tẩy trong phép Rửa tội mà Ngài sẽ thiết lập.

Sau khi được kéo ra khỏi nước và đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu thấy” trời mở ra và Thánh Thần hiện hình giống như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,21-22). Đấy là lời Chúa Cha tuyên phong Đức Giêsu là Đấng Messia để ra đi rao giảng Tin mừng cứu độ.

Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Rửa tội để tha tội cho chúng ta. Mọi người đã được chịu phép Rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu vô cùng cao quí. Vì thế, mỗi Kitô hữu phải sống cho xứng với hồng ân được mang danh Chúa Kitô, được sát nhập vào Chúa Kitô. Mọi người phải lo chu toàn sứ vụ của mình đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với mọi người, để đời sống của chúng ta phải được ca ngợi là chứng nhân trung thành của Chúa, có một đời sống “nội thánh ngoại vương”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 42,1-4.6-7

Khi ấy dân Do thái bị thử thách nặng nề, phải đi đầy ở Babylon. Để khích lệ họ,tiên tri Isaia loan báo: họ vinh dự được Thiên Chúa chọn làm đầy tớ lý tưởng của Ngài, có trách nhiệm giới thiệu Thiên Chúa cho dân ngoại.

Đây là bài thứ nhất trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ trong sách đệ nhị Isaia. Vì được Thánh Thần ngự trên mình, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là Đấng mạnh mẽ và sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Nhưng Ngài không thích dùng bạo lực, trái lại, Ngài yêu thương cứu vớt những kẻ tội lỗi yếu đuối, “không lớn tiếng”, “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét”.

Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu sẽ đảm nhận vai trò Người Tôi Tớ. Vai trò này, Ngài sẽ hoàn thành khi biến tôn giáo của đức tin thành một sự ưng thuận thắm tình con thảo mà mọi người đều có thể nói lên, dù người ấy thuộc bất cứ nền văn hoá hay quốc gia nào. Theo gương Đức Kitô, các Kitô hữu cũng phải thực hiện nhiệm vụ trên.

+ Bài đọc 2: Cv 10,34-38

Đây là phần đầu bài giảng của thánh Phêrô ở Cêsarêa cho ông Corneliô, viên sĩ quan Rôma và gia đình của ông để giúp họ hoán cải và chịu phép rửa. Đây là một việc làm có tính cách cách mạng vì từ trước đến nay các tông đồ chưa nghĩ đến việc cho người ngoại gia nhập Giáo hội.

Trong bài nói chuyện với người Do thái, Phêrô cho biết sở dĩ Ngài dám làm như vậy vì “Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai, hễ ai thực hành sự công chính, đều được Ngài đón nhận”. Chính Đức Giêsu Nazareth đã được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng xức dầu tấn phong Ngài và Ngài đã đi khắp nơi để ban phát ơn lành.

+ Bài Tin mừng: Lc 3,15-16.21-22

Cả 3 bài Tin mừng của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa có rất nhiều điểm giống nhau. Chúng ta có thể chia bài Tin mừng thành 2 phần:

* Phần một: Ông Gioan thanh minh là mình không phải là Đấng Kitô như người ta tưởng. Có Đấng sẽ đến sau ông và cao trọng hơn ông. Hiện nay ông chỉ rửa họ bằng nước, còn Đấng đến sau sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

* Phần hai: Đức Giêsu nhận phép rửa của ông Gioan và trong nghi lễ này Đức Giêsu được tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu thế. Đó chính là ý nghĩa việc Thánh Thần hiện xuống,”các tầng trời mở ra”, cách diễn tả lấy lại của Isaia 63,11-14.19 khi công bố tấn phong một vị giải phóng mới. Có tiếng nói từ trời vang trên Đức Giêsu, tiếng nói ấy cũng thuộc về nghi thức phong vương một vị vua mới: ”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Kitô hữu đích thực

I. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

1. Phép rửa tại sông Giorđan

Chúng ta đang ở bên bờ sông Giorđan, nơi Gioan Tẩy giả rao giảng, kêu gọi mọi người sám hối, nhận phép rửa để được ơn tha thứ. Thế nhưng, chúng ta thấy rằng điều quan trọng không phải chỉ nhằm ở việc ông Gioan rao giảng, mọi người tuốn đến lãnh nhận phép rửa,… mà đó còn xẩy ra một sự kiện hết sức trọng đại: Chúa Giêsu cùng với bao nhiêu người khác đi vào dòng sông Giorđan để lãnh nhận phép rửa từ tay ông Gioan.

Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa không chỉ là bước khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin mừng mà Chúa sẽ thực hiện sau này; biến cố chịu phép rửa cũng không chỉ là việc Chúa Giêsu được Gioan Tẩy giả giới thiệu mà đó còn là một sự kiện xuất phát từ chính Thiên Chúa được minh chứng bằng những việc lạ lùng như việc trời mở ra và việc Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự trên Người cùng với lời tuyên phong của Chúa Cha.

Đời sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc Người chịu phép rửa (Lc 3,21). Mặc dầu phép rửa mà Chúa lãnh nhận không phải là bí tích rửa tội, nghĩa là không để được tha tội vì Người không có tội, phép rửa đó cũng đánh dấu quyết liệt trong đời sống của Người. Phép rửa đánh dấu cái sứ mệnh công khai của Người trong việc rao giảng và chữa lành. Người chịu phép rửa để thánh hóa nước để trở thành chất thể trong bí tích rửa tội do Người thiết lập.

2. Chúa Giêsu được tấn phong

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên ý tưởng một cuộc lễ phong vương. Ngày xưa khi một vị hoàng vương được tôn lên làm vua thì họ phải trải qua một cuộc phong vương gồm ba sự việc:

- Phải tắm rửa sạch sẽ.

- Phải được xức dầu.

- Phải được tôn phong làm vua.

Hôm nay khi sắp ra giảng đạo để thi hành sứ mệnh Thiên Sai, Chúa Giêsu cũng được tấn phong làm vua qua ba nghi lễ như sau:

+ Trước tiên Người chịu phép rửa của Gioan dưới sống Giorđan như một dấu ăn năn sám hối, mặc dầu Người là con chiên trong sạch.

+ Sau đó, “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người”(Cv 10,38b; Is 61,1), để trở nên Đấng Thiên Sai: ”Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế”(Cv 10,38c).

+ Cuối cùng, Người đã được Chúa Cha công nhận là Vua Cứu Thế và là Con Thiên Chúa, như Tin mừng Luca viết:”Khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,22).

3. Dấu chỉ Bí tích Rửa tội

Câu hỏi tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa ? Các thánh sử đưa ra nhiều khía cạnh như Matthêu (3,14-15), Luca (3,21) hay Gioan (1,31-34). Các thánh giáo phụ còn đưa ra nhiều lý do khác, ví dụ Chúa chạm đến nước để thánh hóa nước và làm cho nước được thần lực tẩy xóa tội lỗi trong Bí tích Rửa tội…

Chúa Giêsu xin đến rửa, không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Người chịu phép rửa là có ý nói lên: từ nay, Người chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Người, và cuộc đời này chỉ hoàn tất với Phép Rửa cuối cùng, của sự chết (Lc 12,50) vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã và là số phận bi đát nhất, tệ hại nhất.

Chúa Giêsu đến với ông Gioan để lãnh nhận phép rửa, nhưng chính ông Gioan đã khẳng định ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Chúa Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Chúa Giêsu đã khai mở bí tích Rửa tội cho những kẻ theo Người bằng việc đích thân Người xin lãnh phép rửa từ Gioan. Chúa Giêsu muốn chúng ta có sự tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới, tiếp nối giữa lời rao giảng của vị tiên tri cuối cùng cao đẹp hơn tất cả các vị trước với lời rao giảng của chính Người để thiết lập Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, lễ rửa này Người đã biến đổi để có thể thực sự khai mào cho Bí tích Rửa tội.

II. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

Khi Chúa Giêsu để cho Gioan dìm mình trong nước không phải là để thanh tẩy Người vì Người không vương tội lỗi, Người muốn nói lên một ý nghĩa khác, đó là loan báo cái chết và sự phục sinh của Người: dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.

Khi chúng ta nhận lãnh bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào sự chết và sống lại của Người. Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong phép rửa tội chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi, tội tổ tông và tội riêng. Do đó, nó biến chúng ta thành “một tạo vật mới” (2Cr 5,17), một nghĩa tử của Thiên Chúa (Gl 4,5-7), được thông phần vào sự sống thần linh (2Pr 1,4), trở nên chi thể của Chúa Kitô (Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,15).

Đó chính là ơn siêu nhiên, “ơn thánh hóa”, “ơn sủng của sự công chính hóa” mang lại các nhân đức đối thần và luân lý, cùng các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tóm lại, “toàn bộ cơ thể của sự sống siêu nhiên của người Kitô hữu bắt nguồn nơi bí tích Rửa tội (Giáo lý Công giáo, số 1266).

Ngày được chịu phép rửa tội là một ngày trọng đại, ngày đáng ghi nhớ của chúng ta. Đức Giáo hoàng Piô XI đã nói với hàng ngàn thanh niên nhân ngày kỷ niệm rửa tội của Ngài: ”Ngày chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời Cha. Cũng như ngày các con chịu phép rửa tội là ngày cao quí nhất của đời các con”.

Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, một hồng ân cao quí Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta cũng nên có một vài cảm nghĩ về phép Rửa tội.

Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa tội trong nhà thờ.

Chúng ta được rửa bởi tất cả các biến cố xẩy ra trong đời:

- Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn: đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì gian trá và vô dụng.

- Chúng ta được rửa bởi những đau khổ, buồn rầu: đó là những dòng nước u ám nhưng chỉ có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.

- Chúng ta được rửa bởi niềm vui: đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.

- Chúng ta được rửa bởi tình yêu: đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.

Phép rửa là một hạt giống, cần phải nảy mầm trong suốt cả đời sống.

(Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm C, tr 119)

III. KITÔ HỮU, NGƯỜI LÀ AI ?

Tất cả những người chịu phép rửa tội đều được gọi là Kitô hữu, một danh hiệu cao quí mà chính thánh Phaolô đã gọi lần đầu tiên ở Antiochia: ”Barnabê và Saulê đến thành Antiochia. Hai người gặp dân chúng trong nguyện đường và dạy dỗ nhiều người. Chính ở Antiochia lần đầu tiên, những tín hữu được gọi là Kitô hữu”(Cv 11,26)

Nhờ phép rửa tội, chúng ta được mang tước hiệu là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Đức Kitô, được mang danh Chúa Kitô. Kitô hữu là một Kitô khác (Alter Christus). Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô. Đó là tước hiệu cao cả của chúng ta. Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè mà phải luôn chiếu tỏa từng giây phút của cuộc sống.

Truyện: Kitô là gì ?

Sau đệ nhị thế chiến, tại một vùng mỏ than bên Anh, người ta hỏi tụi con nít:

- Kitô là gì ?

Chúng trả lời:

- Là một tiếng chửi thề.

Điều tra ra mới biết người lớn ở vùng này dùng từ Kitô để chửi thề.

Ở Việt nam, trước giải phóng, có một hãng bột giặt lấy tên Kitô mà đặt cho một loại sản phẩm của họ, cũng như một hãng mì ăn liền lấy tên Phật Tổ để đặt tên cho mì chay họ sản xuất

Vậy mà người Công giáo lẫn Phật giáo chẳng thấy ai phản đối. Trong khi đó, ở Pháp, hồi cuối thập niên 50, hãng phô-mai sản xuất loại “con bò cười”, trước tiên gọi nó là “con bò cầu nguyện” (La vache qui prie), đã bị các Kitô hữu kiện, vì đã nhạo báng tôn giáo.

(Thiện Cẩm, Trái chín đầu mùa, tr 13)

Kitô hữu phải là người mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài như thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Rôma: ”Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”(Rm 13,14). Mặc lấy Chúa Kitô là trở nên chính Chúa Kitô để có thể nói: ”Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).

Một người đàn bà quan sát người ta phân phát quần áo cũ cho người lang thang ngoài đướng phố. Thình lình một ý tưởng đến với bà: Nếu mang áo quần của người khác, gầy dép của người khác, thì mình sẽ như thế nào ? Và từ đó bà khám phá ra ý nghĩa của Kitô giáo. Kitô hữu là người mang giầy của người khác: giầy của Chúa Kitô. Họ đi đến nơi mà Chúa Giêsu muốn đến và làm những gì Ngài muốn thực hiện. Và đó cũng là ý nghĩa của việc muốn trở thành Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay.

Khi mang giầy của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy dễ chịu đến mức độ nào ? Và đôi giầy làm tôi khó chịu ở chỗ nào ? Mỗi đặc tính đều có một động lực bên trong. Xin hãy để cho Chúa Kitô là động lực đó. Mỗi hành động đều có một ý nghĩa chính. Xin hãy để cho Đức Kitô là ý nghĩa chính đó (Henry Drummond).

Định nghĩa trên nghe cũng hay hay. Dùng những từ như: việc mặc lấy, mang lấy giầy của Chúa Kitô, để diễn tả phần nào thực thể người Kitô là ai, việc dùng từ như vậy, không diễn đạt hết thực thể của người Kitô. Người Kitô không phải chỉ là là kẻ mang giầy của Chúa mà phải là chính Chúa Kitô, Ngài như thế nào, chúng ta phải như thể ấy.

Khi nói về Kitô hữu, sử gia Tertullianô viết:

“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ đã và phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, bởi vì họ đã đi cùng một đường với Chúa.

Câu: ”Kẻ muốn theo Ta thì phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cũng như bị cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng hiện hình. Hèn gì mà trên tín trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường”.

IV. SỨ VỤ NGƯỜI KITÔ HỮU

Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa là ngày Ngài được tôn phong để đi rao giảng Tin mừng cứu độ. Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng Thiên Sai, mà dân tộc Israel hàng ngàn năm mong đợi.

Đức Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo. Mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi: ”Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo hội và đối với những anh em không cùng tín ngưỡng” ?

Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu phép rửa không thể không nhắc nhở chúng ta nhớ đến sứ vụ của người Kitô hữu. Nhờ Bí tích Rửa tội chúng ta được nhận làm con Thiên Chúa, được hưởng gia tài vĩnh cửu của Thiên Chúa và nhất là cùng được sai đi đến với mọi người. Không việc làm gì cụ thể khác hơn là chúng ta học theo mẫu gương của Đức Giêsu và thực thi sứ mạng rao giảng Tin mừng, để nối tiếp công việc của Ngài.

Là con cái Thiên Chúa quả là một hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nhưng chúng ta phải làm gì để Chúa Cha được hài lòng ? Nếu Bí tích Rửa tội được cử hành cần đến nước thì cuộc sống người Kitô hữu cũng cần được gội rửa trong nước để trở nên thanh sạch và bắt đầu cuộc sống mới, trở nên con người mới thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa. Muốn được như vậy mọi suy nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta phải phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, hơn là ý riêng của mình, và hãy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt như Đức Giêsu.

Truyện: Nội ngoại đồng nhất.

Có hai người bộ hành đi đường xa mệt nhọc, đêm đến phải vào ngủ trong một cái miếu nổi tiếng là có ma quái. Một người là Kitô hữu tin tưởng vào sự che chở của Chúa nên không chút sợ hãi. Trái lại, người bộ hành không phải Kitô hữu lại cảm thấy lo sợ, nên đã đề nghị với người bạn cho mình mượn Thánh giá đeo cổ.

Quả thực, đêm đó yêu tinh xuất hiện, nó lần mò đến từng người, sờ vào cổ người Kitô để sát hại. Con yêu tinh mới thốt lên: ”Người này có trong mà không có ngoài”, nghĩa là người này là Kitô đích thực, dù không đeo một dấu hiệu nào.

Sang người bộ hành kia, con yêu tinh chạm đến Thánh giá trên cổ người ấy mà nói: ”Người này có ngoài mà không có trong”, nghĩa là người này tuy mang Thánh giá, nhưng không phải là Kitô hữu đích thực.

Chúng ta là những Kitô hữu. Chúng ta thi hành các bổn phận đạo đức, chúng ta mang trên mình nhiều hình ảnh của Chúa và Đức Mẹ, nhưng liệu tâm hồn chúng ta có đích thực là tâm hồn Kitô hữu không ? Hay có lẽ chúng ta chỉ có cái bên ngoài hào nhoáng của thời trang, mà bên trong lại trống rỗng (Mỗi ngày một tin vui, tr 119).

Chúng ta thường gọi vua Đavít là thánh vương. Người Á đông cũng gọi các vua đạo đức thánh thiện là “thánh vương” như vua Văn, vua Vu thời xưa. Người ta lấy câu nói của Vương Dương Minh làm châm ngôn cuộc sống của các vị ấy: ”Nội thánh, ngoại vương”, bên trong là vị thánh, bên ngoài là một ông vua.

Người Kitô hữu được tham dự vào chức tư tế vương giả của Đức Kitô, và cung cách vương giả của Đức Kitô chính là lòng quảng đại, biểu hiệu một tâm hồn luôn liên kết với Thiên Chúa Tình yêu.

Ước gì mọi tư tưởng, mọi hành động của chúng ta đều là một thể hiện của niễm tin sâu xa của đời sống đạo đích thực, chân thành và không giả dối.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Con đường yêu thương diệu kỳ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
11:31 07/01/2010
Lễ Chúa Giêsu Chịu phép rửa

Để mạc khải tình yêu cho muôn loài, Con Thiên Chúa đã làm người. Để bày tỏ tình yêu đến cùng với con người, Thiên Chúa chọn con đường đồng thân với nhân loại. “ Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”( Ga 1,14 ). Không chỉ mang lấy kiếp người, Con Thiên Chúa còn mang vào chính bản thân phận tôi đòi, phận tội nhơ của con người. Xếp mình vào đoàn dân đang tự nhận là tội nhân đến với Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Giođan là một hành vi thật khó lý giải theo sự luận suy của lý trí. Con tim có lý lẽ của nó. Và chúng ta chỉ có thể hiểu động thái chịu phép rửa của Chúa Giêsu bằng con tim. Tuy nhiên, dưới ánh sáng lời mạc khải qua các bài đọc Thánh lễ Chúa chịu phép rửa, chúng ta có thể nhận ra mục đích của Đấng Cứu Độ khi để cho Gioan làm phép rửa trên bờ sông Giođan.

1.Tự nguyện liên đới với mọi người để yêu thương hết mọi người:

Hai từ liên đới gợi mở cho ta hình ảnh gắn liền đai lưng với nhau. Nói đến chung lưng đấu cật là nói đến những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ cần vượt qua. Chính vì thế không ai lại nói liên đới trong những thành công hay chung lưng trong những hoàn cảnh thuận lợi. Hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất của con người có thể nói là khi gặp phải các sự dữ. Có những sự dữ do khách quan như thiên tai hay địch họa. Có những sự dữ lại do chủ quan là do bản thân tự gây ra cho chính mình. Dưới cái nhìn đức tin thì chỉ có một sự dữ đáng gọi là dữ, đó là tội lỗi. Các sự dữ khác chỉ có thể làm hại sự sống đời này, còn tội lỗi thì có thể làm thiệt hại cả sự sống đời này và cả sự sống mai sau.

Dù là Đấng vô tội, dù là Đấng ngàn trùng chí thánh, Chúa Giêsu vẫn muốn đồng phận với nhân loại chúng ta trong kiếp tội nhân. Khởi đầu bằng việc chung hàng với đoàn người tội lỗi và điều này đã làm đẹp lòng Chúa Cha: “Này là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” ( Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 1,22 ). Trong quá trình rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không ngại ngần đến với những người tội lỗi và đồng bàn với họ, bất chấp những lời xầm xì của nhiều người nhóm biệt phái và luật sĩ ( x. Lc 5,29-32; 15,1-2 ). Người còn tự nguyện đứng về phía những người nghèo, những người bất hạnh, cô thế, kém phận, dĩ nhiên vẫn không từ chối lời mời của những người quyền quý, lớn vai hay nhiều vế trong xã hội ( x. Lc 7,36-50 ). Tất cả những sự việc ấy nói lên rằng Chúa Cứu Thế muốn bày tỏ tình yêu với hết mọi người.

2. Đi xuống tận cùng đáy sâu thân phận tội lỗi của kiếp người để nâng mọi người lên:

Tự dìm mình dưới dòng sông Giođan để cho thánh Gioan Tẩy giả làm phép thanh tẩy là quyết định khởi đầu của Con Thiên Chúa làm người khi công khai rao giảng Tin Mừng. Và điểm đến của quyết định ấy là cái chết trong phận một phạm nhân trọng tội. Con Chiên tinh tuyền của Thiên Chúa đã cúi mình xuống trước một Giuđa đã rắp tâm phản bội Thầy, trước một Phêrô lát nữa đây sẽ chối bỏ Thầy và trước cả nhóm môn đồ còn lại, vốn tham sinh, úy tử cách ích kỷ, sẵn sàng bỏ Thầy để giữ lấy mạng sống riêng mình. Người cúi xuống là để nâng con người lên.

Thiên Chúa không muốn bất cứ một ai trong nhân loại phải hư mất. Đấng Cứu độ đã đi xuống tận cùng của cảnh kiếp tội nhân. Và giờ đây không một ai, không một tội nhân nào là không có thể được tha thứ và cứu sống. Một tuơng lai tràn trề hy vọng đang mở ra cho từng người, cho toàn thể nhân loại. Nói như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận: “ Không một thánh nhân nào là không có một quá khứ ( quá khứ lỗi lầm ), vì thế, chẳng có một tội nhân nào mà chẳng có một tương lai”. Sự khả thể đang mở ra với nhân loại khi Đức Giêsu tự nguyện đồng phận với kiếp tội nhân của con người. Và điều khả thể này đã hiện thực cách rõ ràng với người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa: “ Ta bảo thật với anh: Ngay hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta” ( Lc 23,43 ).

Vấn nạn đặt ra cho chúng ta hôm nay và mãi mãi:

- Không được phép ngã lòng về bản thân mình cho dù ta đang trong hoàn cảnh bi đát hay tồi tệ thế nào. Không một ai là ngoài tình thương của Thiên Chúa. Không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng ( x. Rm 8,38-39 ). Không một ai, không một tình trạng nào vượt quá quyền năng vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà không có sự gì là không thể ( x.Mt 19,26 ), chỉ trừ người phạm đến Chúa Thánh Thần, tức là cố tình không đón nhận tình yêu cứu độ. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự nhưng Người vẫn tôn trọng tự do của con người, một món quà vô giá mà Người đã ban cho nhân loại. Mọi sự đều là có thể cho người luôn biết hy vọng và nỗ lực vươn lên trong niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

- Không được phép thất vọng về bất cứ một ai cho dù họ đang bê bối hay đáng chúc dữ dường nào. Biết bao người thời Chúa Giêsu rất đáng và đã bị Người chúc dữ thế mà vẫn được Người xin Chúa Cha tha thứ vì họ lầm chẳng biết ( x. Lc 23,34 ). Con người là hữu thể đang chuyển thành ( L’homme c’est l’ être en devenir ). Chính vì thế, điều mà ta cần loại bỏ, cần xóa đi, đó là những định kiến của ta về tha nhân. Giữ mãi thành kiến không tốt về tha nhân là ta đang đóng đinh anh em mình bằng những chiếc đinh ác tâm, vô tình. Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét ( x. Mt 7,1-5 ). Xin đừng quên chính khi đóng đinh tha nhân bằng định kiến là ta tự đóng đinh số phận của mình. Lời kinh nguyện duy nhất Chúa Giêsu dạy, nhắc nhớ chúng ta về sự liên đới với tha nhân như là một trong những điều kiện tất yếu để đón nhận hồng ân của Cha trên trời: “ Lạy Cha chúng con…” ( Mt 6,9-15 )

Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là tán dương tình thương của Chúa, một tình thương vô biên và diệu kỳ. Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là phấn khởi và tích cực dưỡng nuôi niềm hy vọng vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Thiên Chúa đã nên hữu hình nơi Đức Kitô, Đấng không chỉ “không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói”, mà còn “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” ( Is 42,3; 7 ), Đấng đầy tràn Thánh Thần và đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó ( x. Cvtđ 10,38 ). Mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa lại còn thôi thúc chúng ta tích cực đón nhận tha nhân để giúp nhau hoán cải, đổi mới và thăng tiến. Khoanh tay đứng nhìn hay cam chịu thúc thủ trước sự dữ là một thái độ “phỉ báng” hành vi cúi mình chịu phép rửa của chúa Kitô trên dòng sông Giođan. Ước gì được một lần trong đời, ta thầm nghe được lời Chúa phán: “Này là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha”, khi ta biết yêu thương nhau bằng con đường đi xuống (như nghĩa của từ Giođan).
 
Đấng gánh tội trần gian
LM Inhaxiô Trần Ngà
11:35 07/01/2010
Lễ Chúa Giêsu Chịu phép rửa (Lc 3, 15-16. 21-22)

Thánh Gioan, vị ngôn sứ cao cả bậc nhất thời cựu ước, đã từng giới thiệu cho các môn đệ của mình biết Chúa Giê-su là “Đấng mạnh thế hơn Gioan”, Đấng mà Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người” (Mt 3, 16), “là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, là Đấng đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi vì Người có trước tôi.” (Ga 1,29-30)

Thánh Gioan còn giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng sẽ cử hành một phép rửa vượt xa phép rửa của Gioan: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7)

Thế mà Chúa Giê-su lại đến với thánh Gioan như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.

Tại sao Chúa Giê-su lại hạ mình đến thế? Hành động nầy xem ra không xứng hợp với một Đấng thánh được Thiên Chúa sai đến, không xứng hợp với địa vị cao trọng mà ngay cả thánh Gioan cũng thú nhận là mình không xứng đáng cởi quai dép cho Người, không xứng hợp với Đấng sẽ làm phép rửa cho muôn dân trong Chúa Thánh Thần.

Chúa Giê-su hoàn toàn vô tội thì cần gì phải xin Gioan làm phép rửa cho mình? Vì như thế là không chân thực.

Phải hiểu thế nào về hành động hạ mình quá đáng nầy của Chúa Giê-su?

Chắc chắn Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì những tội lỗi do Người gây ra –vì Người vốn vô tội - nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Người mà vì tội lỗi của thế gian mà Người đã gánh lấy.

Thánh Gioan đã từng giới thiệu Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai đến trần gian để làm chiên đền tội. Người Do-Thái làm lễ xá tội bằng cách đặt tay lên đầu con bò hay dê, trút hết tội mình cho nó, rồi sát tế nó, để nó chết thay cho người tội lỗi. (Lê-vi 8, 14-15)

Thế nhưng “máu của các con bò, con dê không thể trừ khử được tội lỗi” (Do-thái 10, 4) nên Chúa Giê-su đã hiến mình làm Chiên mới, Con Chiên của Thiên Chúa, đến mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân. Chính vì thế mà Người trở thành tội nhân, như lời thánh Phao-lô dạy: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người." (II Cr 5, 21)

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” (II Cr 5, 21), nên Chúa Giê-su hòa mình với những tội nhân khác, xin Gioan làm phép rửa cho mình và cùng với bao tội nhân khác tỏ lòng ăn năn sám hối.

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” nên Chúa Giê-su đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc loài người tội lỗi, như lời thánh Phê-rô: “Tội lỗi của chúng ta, Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành." (1 Pr 2, 21-24)

Hình ảnh Chúa Giê-su vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại chen chúc với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng ta phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết thành tâm sám hối những tội lỗi mình đã phạm.

Chúa Giê-su đã mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng ta. Vậy chúng ta hãy thông phần vào công cuộc cứu độ của Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu chữa các tội nhân.
 
Góp ý về các bài ca NHẬP LỄ và HIỆP LỄ
Trần Văn Huyến
12:00 07/01/2010
Góp ý về các bài ca NHẬP LỄ và HIỆP LỄ

Mấy năm gần đây người viết tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật,đã được nghe các Ca đoàn hát những bài Đáp ca lấy từ’ Sách Lễ Roma ‘ được Giáo Hội chỉ định. Do đó,toàn thể Cộng đoàn có dịp nghe Thánh Vịnh và cảm xúc theo những tâm tình cầu nguyện mà Thánh Vịnh đem lại,như Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô 5,19 đã nói: ‘ Hãy cùng nhau xướng đáp những bài Thánh Vịnh Thánh Thi và những bài ca do Thánh Thần linh ứng’.Trong Thông điệp Divino Afflante Spiritu, Đức Thánh Cha Piô XII cũng trích lời Thánh Augustino trong cuốn Tự thuật: ‘Con đã hhóc nhiều biết bao khi hát Thánh Thi và Thánh Vịnh của Chúa ’. Tuy nhiên,trong phần đầu lễ và hiệp lễ thì chúng chưa được nghe những bài Nhập Lễ và Hiệp Lễ mà tác giả dùng lời trong ‘Sách Lễ’ như Giáo Hội ấn định cho ngày lễ đó.Như vậy giáo dân vẫn chưa có dịp thông phần trọn vẹn vào ‘Lời Chúa’như Giáo Hội mong muốn.. Thiết tưởng các nhạc sĩ Công giáo với khả năng và nguồn cảm hứng phong phú,nên sáng tác những bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ dựa trên lời ca trong’Sách Lễ Roma’.

Xin nêu lên một vài trường hợp điển hình. Mỗi năm chúng ta thường được mời tham dự dăm ba Lễ Cưới, rồi đi dự Tiệc Cưới.Thường thì mở đầu Thánh Lễ,ca đoàn hát những bài như ‘Trước bàn thờ của Lm. Kim Long: ‘Hôm nay trước bàn thờ, đôi tân hôn đến trao lời ân tình. Ánh nến lung linh,hương thơm ngát cánh hoa tươi xinh…’ hoặc bài Diễm Tình ca 3 của Lm. Thành Tâm: ’Chiều hôm nao tiếng hát bay cao…’Một số bài khác ít phổ biến hơn như ‘Người vợ hiền’của Bùi đức Hoà: ’Người vợ hiền gia dình hằng hạnh phúc.Đẹp tựa vầng nguyệt lồng lộng giữa đêm thanh..’hay bài’Nguyện cầu cho nhau’của Phanxicô: ’Con qùy đây dâng Chúa tiếng ca cảm tạ.Chúa cho con người bạn đường sống như bạn đòi.Xin cho nàng như mây trên ngàn,như suối nồng nàn…’

Trên đây là 4 trong 6 bài người viết tìm thấy trong tuyển tập Thánh ca Cộng đồng hiện lưu hành tại hải ngoại.Ngoài ra khi vào ‘catruong.com’,dưới chủ đề Đám Cưới,người viết đếm được 170 bài,và nếu kể cả những bài về Lễ Cưới không ở trong mạng ‘catruong’,chắc chắn số lượng sẽ còn nhiều hơn.Bên dưới 170 bài kể trên,có 4 bài được liệt kê ‘ Hát ngoài Phụng vụ ‘ gồm: Trước bàn thờ (Oui devant Dieu) lời Việt của Lm.Kim Long – Ave Maria cuả Franz Schubert – Wedding March của Richard Wagner và Một đời có nhau của Cao Minh Thắng.

Nhìn vào số lượng 170 bài được hát trong Phụng Vụ ( ? ),độc giả cũng như người viết hết sức thán phục và hãnh diện về khả năng sáng tác cũng như nguồn cảm hứng vô cùng phong phú của nhạc sĩ Công giáo.Nếu đem so sánh với ‘nhạc đời’ cùng đề tà này – không kể những ca khúc về tình yêu, người viết không nghĩ rằng tổng số các nhạc phẩm viết về Đám Cưới của tất cả các nhạc sĩ việt Nam có được số lượng như thế.Còn nếu xét về Lời ca,chúng ta lại càng tự hào hơn nữa về sự sáng tạo và những nguồn cảm hứng khác nhau của các nhạc sĩ Công giáo khi viết về Đám Cưới.

Khi phân tích một số nhạc phẩm,người viết thấy có nhạc sĩ khơi nguồn cảm hứng từ sách ‘Sáng Thế’ như bài ‘Nỗi lòng Adam’: Trong muôn loài Gia-vê chỉ cho con,bao nhiêu năm qua con tìm kiếm,nhưng con nào đâu thấy một loài làm cho con ấm lòng lúc đêm về khi tâm hồn tê tái…. ’Nhạc sĩ khác thì tìm cảm hứng trong tiệc cưới Cana với bài ‘Hoa nở Cana’Chúa nâng ly rượu mừng…Ngài say theo men của cuộc đời…’ Thật là tuyệt diệu khi nói lên sự đồng cảm và hoà nhập của Chúa trong tiệc cưới Cana.Có hai nhạc sĩ tìm cảm hứng trong sách Diễm ca,lấy ý từ các câu DC2,8-17 và DC 2,8-14 để viết hai bản thiệt hay là ‘Nhã ca’và ‘Dậy đi bạn tình’.Riêng về Thánh Vịnh 127 được dùng làm Đáp ca trong lễ Hôn phối,chúng tôi thấy các nhạc sĩ,kể cả Lm.Kim Long,đã khai thác nguồn cảm hứng,viết được 11 bài rất thành công.

Đặc biệt một số nhạc sĩ lại khai thác những nét văn hoá Việt Nam và đem tình tự dân tộc vào vào các bài Phụng ca viết cho Hôn Lễ.Trong bài ‘Chung kết trầu cau’,tác giả đã vận dụng rất khéo sự tích ‘Trầu cau’ và ý nghĩa câu ca dao: ’Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,thất bát sông cũng lội,cửu thập đèo cũng qua’

Hãy nghe tác giả đặt lời rất khéo: ’Trong vôi nồng là duyên son thắm,xe tơ hồng thành dây chung mối,nối câu vuông tròn,dìu nhau cho dù cách trở mấy cầu,non cao mấy cao,biển sâu ( ư ) mấy sâu…’ Theo tôi nghĩ các thi sĩ nổi tiếng cũng chỉ dệt ý thơ một cách đắc địa như thế mà thôi.Một nhạc sĩ khác lại rất tài tình khi đem hầu như trọn vẹn một câu thơ Kiều của Nguyễn Du vào nhạc phẩm: ’Nhiều khi xem hoa nở chờ trăng lên’.Khi nghe hát câu này trong Lễ Cưới,chắc nhiều người trong chúng ta liên tưởng tới mối tình lãng mạn ‘về chiều’ của chàng Kim-cô Thúy trong đoạn ‘Kim-Kiều tái hợp’ từ câu 3221 đến 3226 trong truyện Kiều:

Hai tình vẹn vẻ hoà hai,
Chẳng trong chăn gối,cũng ngoài cầm thơ.
Khi chén rượu,khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở,khi chờ trăng lên.
Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy…


Một nhạc sĩ tài ba khác đã dùng 4 câu ca dao để viết một bài Phụng ca rất công phu:

Sao Rua chin cái nằm kề,
Thương nhau là thương từ thủa mẹ về với cha.
Sao Rua chin cái nằm ngang,
Thương nhau từ thủa mẹ mang trong lòng.


Nói chung tất cả những bài trích dẫn nêu trên,về nhạc cũng như về lời,thật là tuyệt vời,và ai trong chúng ta cũng đều hãnh diện về kho tàng Thánh nhạc phong phú,cũng như vườn hoa muôn màu muôn sắc của Thánh nhạc Việt nam.Tuy nhiên,nếu sử dụng một số trong 170 bài trên cho Lễ Cưới thì thiết tưởng không mấy thích hợp.

Thực ra,Thánh nhạc đã được Huấn thị De Musica in Sacra Liturgia số 4a định nghĩa như sau:’Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác cho việc cử hành Phụng Vụ,gồm tính Thánh thiện(sanctitas) và hình thức Tốt đẹp(bonitas formae).Và số 4b trong Huấn thị nêu trên đã phân loại Thánh nhạc như sau:

- Phụng ca: Những bài dùng trong Phụng vụ và lời là bản văn Phụng vụ.
- Thánh ca: Những bài ca lời không phải là bản văn Phụng vụ,nhưng đã được Giáo quyền cho phép hát trong khi cử hành Phụng vụ.
- Giáo ca: Những bài ca tôn giáo,sử dụng cho các sinh hoạt tôn giáo khác ngoài Phụng vụ,như trong các công tác và hoạt động truyền giáo,các lớp giáo lý…

Trong phạm vi bài này,chúng tôi chỉ đề cập tới tính ‘Thánh thiện’trong lời ca,còn về ‘hình thức tốt đẹp’,sẽ được bàn tới trong bài ‘Phân tích một bài hát để chọn cho ca đoàn hoặc cho tuyển tập Thánh ca’.Để bảo đảm tính ‘Thánh thiện’trong lời ca.Hiến chế về Phụng vụ số121 nêu rõ: ’Lời Thánh ca phải phù hợp với Giáo lý Công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh kinh và các nguồn mạch Phụng vụ…Mặt khác,nếu trong cử hành Phụng vụ,Thánh Kinh giữ vai trò hết sức quan trọng,thì Thánh ca kèm theo Phụng vụ cũng phải song hành,nghĩa là nên dùng lời Thánh Kinh hoặc các bản văn Phụng vụ để viết nhạc.Hiến chế về Phụng vụ nhấn mạnh: ‘Trong việc cử hành Phụng vụ,Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng.Thật vậy,người ta trích những bài từ Thánh Kinh để đọc cũng như những Ca vịnh để hát.Chính nguồn cảm hứng về sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh nguyện và những bài Phụng ca.Cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động.Hơn nữa,nếu Lời Chúa từ bản chất có sức mạnh thánh hoá mọi tâm hồn thì những bài ca lấy chính Thánh Kinh để dệt nhạc,mới đáp ứng đúng mục đích của Thánh nhạc là ‘Thánh hoá các tín hữu’.

Trở lại với chủ đề Lễ Cưới.Theo thiển ý người viết,mọi cuộc tụ họp đều có mục đích riêng của nó Chúng ta đến nhà thờ dự Lễ Cưới để cầu nguyện cho đôi Tân hôn.,xin Thiên Chúa chúc phúc và tình yêu của họ được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội thánh và Cộng đoàn…Câu truyện ông Tobia đã để lại cho chúng ta một ấn tượng thật sâu sắc về tầm mức quan trọng phải cầu nguyện trong Hôn nhân.-Cô Sarah đã lần lượt được gả cho 7 chàng thanh niên tuấn tú,,nhưng tất cả đều bị ác qủi At-mô-đai-ô ( có lẽ là quỉ dâm dục ? Xin nhờ các nhà chú giải Thánh Kinh khai trí cho ) giết chết trước khi thành sự vì thiếu cầu nguyện.Chỉ có Tobia là ‘người đến sau’cưới được nàng Sarah xinh đẹp,như Thiên sứ Ra-pha-en mô tả ‘ khôn ngoan,can đảm và xinh đẹp’và còn căn dặn Tobia: ’Trước khi gần gũi nhau,cả hai hãy đứng lên cầu nguyện,xin Đức Chúa Trời rủ lòng thương và ban ơn cứu độ cho các em’.Tobia đã thực thi điều Thiên sứ đạy: trước khi hợp cẩn,cả hai đã đứng lên bắt đầu cầu nguyện và nài xin cho mình được giải thoát.Đặc biệt Tobia đã thưa vói Chúa: ’Giờ đây không phải vì lòng dục,mà con lấy em con đây,nhưng vì lòng chân thành.Xin Chúa đoái thương con và em con,cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già’

Cách đây mấy năm,người viết có cô gái Út bước lên xe hoa.Để chuẩn bị cho Lễ Cưới,người viết đã mở ‘Sách Lễ Giáo Dân’ để xem lời ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ Lễ Cưới.Sau đó đã ghé qua các nhà thờ Việt Nam trong vùng Dallas để tìm những bài hát phù hợp cho Lễ Cưới.Lúc đó người viết chưa có PC và cũng chưa biết vào’ net’ hay ‘com’.Sau 1 tuần tìm kiếm và hỏi thăm bạn bè đi trước có các cháu đã thành hôn.Kết quả không tìm được bài nào có ý nghĩa dành cho Lễ Cưới.May nắn có một Linh mục từ VN gửi cho tập Phụng ca được’Imprimatur’- ‘Imprimi potest’ ngày 27/6/97 do Đức Giám Mục địa phận Sàigòn..Người đọc đã tìm thấy các bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ của Lễ Cưới và nhiều bài Nhập lễ và Hiệp Lễ Mùa Vọng,Mùa Giáng Sinh,Mùa Chay,Mùa Phục Sinh,các Lễ Trọng và Chúa Nhật quanh năm,mà các tác giả đã dựa vào ‘Lời ca trong sách Lễ Roma’ để sáng tác.

Xin đối chiếu lời trong ‘Sách lễ và lời trong ca Nhập lễ và Hiệp Lễ trích trong cuốn ‘Phụng ca’.

Ca Nhập Lễ: Tv.19,3-5 ( Sách Lễ Giáo dân ):

‘ Xin Chúa từ đền thánh ban ơn phù trợ cho các ngươi,và từ Sion Chúa gìn giữ các ngươi.Xin Chúa ban cho các ngươi những điều lòng các ngươi ao ước.và hoàn tất mọi dự tính của các ngươi’.

Lời ca Nhập Lễ trong cuốn ‘ Phụng ca ‘:

ĐK: Từ Thánh điện cầu Chúa thương phù gíúp,
Từ Sion nguyện Chúa thương an bài,
Nâng đỡ hai người suốt đời trong hạnh phúc,
Ban xuông như lòng mong ước cho ngày mai.

PK-1 ( Tv.89,14-17 ):

Xin cho con được no say tình Người,
Để mỗi ngày là khúc hát vui tươi.
Xin chiếu soi ánh huy hoàng của Chúa,
Trên chúng con và trong suốt cuộc đời.

PK-2 ( Tv.144,2-9 ):

Xin cho con được hát ca ngày ngày,
Chúc tụng Ngài là Chúa rất khoan nhân.
Đã xót thương hết mọi người dương thế,
Và muôn loài bàn tay Chúa tạo thành.

Ca Hiệp Lễ; Ep.5,25-27 ( Sách lễ Giáo Dân ) : Chúa Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh và đã phó mình vì Hội Thánh,để Hội Thánh được trở nên người bạn thánh thiện và vẹn tuyền của Chúa.

Lời ca Hiệp Lễ trong cuốn Phụng ca:

ĐK: Đức Ki-tô,Người đã yêu thương Giáo Hội,yêu thương ngàn đời.
Đức Ki-tô,Người đã hy sinh mạng sống vị tình tha thiết.
Cho Giáo Hội Người trở thành hiền thê,tinh tuyền thanh khiết.
Cho Giáo Hội Người trở thành hiền thê thánh thiện mọi nơi.

PK-1: Xin cho đôi tân hôn này tình yêu thắm thiết mọi ngày
Xin ban ơn trung thành như lời răn truyền của Chúa.
Luôn noi gương Đức Ki-tô hợp nhất với Giáo Hội Người
Xin thương ban muôn ơn lành,kết hợp đôi lứa trọn đời.

PK-2: Trong lo âu hãy vui mừng,xin nhớ lúc kết giao này.
Trong hân hoan hay u buồn,một lòng trung thành mãi mãi.
Luôn noi gương Đức Ki-tô yêu mến thánh hoá Giáo Hội.
Luôn noi gương Giáo Hội Người vâng lời trung tín trọn đời.

PK-3: Xin cho Tân lang trung thành,cương quyết giữ vững gia đình.
Xin cho Tân nương dịu hiền,vâng phục trong tình thương mến.
Luôn theo gương Đức Ki-tô họp nhất với Giáo Hội Người
Luôn noi gương Giáo Hội Người trung thành mãi mãi trọn đời.

Cũng xin nói thêm là sau Lễ Cưới,một số thân hữu đến gặp người viết và tỏ ra hết sức hài lòng về những bài hát trong thánh lễ.Nhiều vị nói đã từng dự nhiều hôn lễ,nhưng chưa bao giờ được nghe những bài hợp với Phụng vụ để cùng được chia sẻ Lời Chúa về ý nghĩa hôn nhân và sốt sáng cầu nguyện cho đôi tân hôn.

Có vị còn xin những bài này để tổ chức Lễ Cưới cho con cháu mai sau.Tất cả đều đồng ý rằng Lễ Cưới là nơi họ hàng và thân hữu cầu nguyện cho đôi Tân hôn, còn tiệc cưới mới là nơi trao đổi những lời chúc mừng cho cô Dâu chú Rể như ‘sống lâu trăm tuổi,bách niên giai lão,răng long đầu bạc,trăm năm hạnh phúc, như chim liền cánh như cây liền cành…’Dù sao đây cũng là phản ảnh chân thành của giáo dân khi tham dự Thánh lễ,muốn được nghe những bài hát hợp với Phụng Vụ..

Một trường hợp điển hình khác về Lễ Chúa Lên Trời ( Lễ Thăng Thiên ).Người viết còn nhớ cách đây hơn nửa thế kỷ, mỗi năm mừng Lễ Chúa Lên Trời,cả nhà thờ đều hát bài ‘Ánh muôn tia bình minh,trời lấp lánh chiếu muôn ánh quang huy hoàng…’ Và mới năm ngoái khi đi dự Lễ Chúa Lên Trời,người viết được nghe một bài hát mới,bài hát duy nhất mừng Chúa Lên Trời trong tập ‘Thánh ca Cộng đồng’: ‘Chúa đã lên trời, núi đồi đưa mắt nhìn theo,chia ly đôi ngả ngàn dâu xanh ngắt một màu…Chúa đã lên trời,bóng Người xa khuất mù khơi.Con mong được đổi làm mây theo gót chân Người…Con nhìn lên thao thức với ngàn vì sao….’

Ý tưởng bài hát thật hay và lời thơ thật đẹp,trí tưởng tượng rất phong phú,lại khéo sử dụng ‘nhân cách hoá’ ngay phần mở đầu bài hát.Tuy nhiên người viết rất ngạc nhiên không thấy 2 bài trên nhắc đến sự kiện Chúa Lên Tròi như Thánh Kinh nói tới.Sáng tác bài hát để mừng Chúa Lên Trời mà không nêu lên ‘biến cố vĩ đại’,chỉ ‘tả cảnh’thì theo thiển ý người viết thì’chưa đạt’,và không gíup gì cho giáo dân nhớ về các sự kiện liên quan đến việc Chúa Lên Trời.

Như chúng ta đã biết,Chúa Lên Trời là một sự kiện phi thường,vĩ đại,có một không hai trong lịch sử nhân loại,đã được các Thánh sử đề cập đến như:

Mt.28,16-20 –Mc.16,19-20 –Lc.24,50-51 và sách Công vụ Tông Đồ,chương 1,câu9-11,mô tả rất chi tiết.Chính Chúa Giê-su khi thày cả Thượng Tế hỏi Người (MT.26,63-64): ’Ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?’,Người đã trả lời rõ ràng: ’Tôi nói cho các ông hay,từ nay các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.’

Trong tập Phụng ca đã đề cập ở trên,có 2 bài về Lễ Chúa Lên Trời mà tác giả sử dụng những chi tiết trong Thánh Kinh để viết.

Một lần nũa xin đối chiếu lời trong ‘Sách Lễ’ và lời ca trong bài Nhập Lễ và Hiiệp Lễ Chúa Lên Trời.

Lòi ca Nhập Lễ trong ‘Sách Lễ’ (Cv.1,11):

Này các bạn miền Ga-li-lê,
Sao còn đứng nhìn trời như vậy ?
Đức Giê-su Đấng được rước lên trời,
Sẽ ngự giá quang lâm,
Y như các bạn vừa chứng kiến – Ha-lê-lui-a !

Lời ca Nhập Lễ trong tập ‘Phụng ca’:

ĐK: Này các bạn miền Ga-li-lê,sao còn đứng mãi trông lên trời?
Này các bạn miền Ga-li-lê,sao còn đứng mãi trông lên trời?
( Để kết): Ha-lê-lui-a !

PK.1: Người đã lên trời,Đức Ki-tô đã lên trời trong vinh quang Thiên Chúa.
Người đã lên trời,đã lên trời,ngự bên hữu Đấng Toàn Năng.

PK.2: Mai này Người sẽ ngự giá quang lâm.
Mai này Ngừoi sẽ ngự giá quang lâm.
Người sẽ ngự đến,Người sẽ ngự đến,trên mây trời vinh hiển.
Người sẽ ngự đến,người sẽ ngự đến,y như các bạn vừa chứng kiến.

Lời ca Hiệp Lễ trong ‘Sách Lễ’ ( Mt.28,20):

Này đây,Thày ở lại với anh em;
Mọi ngày cho đến tận thế - Ha-lê-lui-a !

Lời ca Hiệp Lễ trong tập’Phụng ca’.

Đầu bài tác giả dựa theo Tin Mừng Thánh Ma-thêu,chương 28,16-20: 11 môn đệ đi tới miền Ga-li-lê,đến ngọn núi Đức Chúa Giê-su đã truyền cho các ông đến( tương truyền là núi Ô-li-vê-tê) và truyền cho các ông ‘Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,Chúa Con và Chúa Thánh Thần,dạy bảo họ tuân giũ những điều Thày đã truyền dạy cho anh em.Và đây Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’.

Solo: Đường lên Ô-li-vê-tê,
Gập ghềnh dốc đá mà đoàn lữ khách một niềm vui bao la.
Đường lên Ô-li-vê-tê,
Núi ấy ngày nào Chúa đã hẹn gặp các Tông đồ xưa.

ĐK.: Và Chúa đến,ánh vinh quang chiếu soi rạng ngời.
Và Chúa đến,ánh vinh quang Phục sinh sáng chói.
Người công bố sứ điệp Ô-li-vê-tê,
Và Người sai Tông đồ ra đi muôn nơi.

Duo: Ra đi,ra đi muôn phương đem theo Tin mừng.
Ra đi muôn nơi loan tin Nước Trời cùng khắp thế giới.
Ra đi nhân danh Ba Ngôi thắm thiết kêu mời.
Muôn dân ăn năn lãnh phép Rửa tội,
Và sống Tin mừng Nước Trời.

PK: Này đây,Thày ở với anh em mọi ngày cho đế tận thế.
Này đây,Thày ở với anh em mọi ngày. Ha-lê-lui-a !

Để kết luận,người viết chỉ muốn nêu lên một điều là nếu muốn,các nhạc sĩ Công giáo với khả năng và nguồn cảm hứng dồi dào như đã trình bày trên,có thể dùng lời trong ‘Sách Lễ’cùng với những Thánh vịnh và các nguồn Thánh Kinh để sáng tác những bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ rất hay,gíúp cộng đoàn giáo dân thông phần trọn vẹn vào Lời Chúa khi tham dự Thánh lễ.Đây là tâm nguyện duy nhất của người viết khi nêu lên vấn đề này.Người viết đã có dịp chia sẻ điều ước mong này với nhiều Vị có uy tín trong lãnh vực Thánh nhạc và tất cả cũng có cùng quan điểm.

Hy vọng trong tương lai gần đây,với sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nhạc sĩ Công giáo,Thánh nhạc VN sẽ có hàng ngàn bài ca Nhập Lễ và Hiệp Lễ viết theo bản văn Phụng vụ.Và chúng ta đi dự Thánh lễ sẽ sốt sáng hơn,sẽ thông phần trọn vẹn vào Lời Chúa trong Thánh Lễ,và Lời Chúa sẽ thánh hoá chúng ta qua vai trò của Thánh nhạc.

Mong thay

Trần văn Huyến
Giáng Sinh 2009
 
Đừng sợ, tôi đang đứng bên cạnh bạn
Lm. Minh Anh
12:13 07/01/2010
Khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, Tin Mừng hôm nay nói đến câu chuyện một dòng sông, dòng sông Jordan, nơi Con Thiên Chúa bước xuống để xin vị tiền hô của mình ban phép rửa.

So với Cửu Long mênh mang thuyền qua lại,
Jordan có thể chỉ là một con kênh.

Sánh với Hồng Hà cuồn cuộn nước mênh mông,
Jordan không hơn không kém một con lạch.

Ví với Dòng Hương dùng dằng những mộng mơ,
Jordan có thể được gọi là con hói nhỏ.

Dòng sông ấy có những chỗ thật hẹp; đứng bên bờ nầy, thậm chí, không mấy khó khăn khi ném một hòn cuội sang bờ bên kia.

Ấy thế, khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã chọn cho mình dòng nước ấy; ở đó, Ngài đã bước xuống.

Ngài không vung gậy ra oai xẻ đôi lòng biển như một Môisen phép tắc, cũng không dũng mãnh như một Giosuê trực chiến Giêricô khiến nước Jordan dựng đứng như bức tường thành. Nhưng như bao người khác, Con Thiên Chúa lặng lẽ sắp hàng đợi đến phiên mình xin được nhận phép Rửa.

Ôi, Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng cho Cửu Long tưới mát để đồng bằng Nam bộ cò bay thẳng cánh; Đấng cho Hồng Hà bốn mùa phù sa sữa mẹ để delta miền Bắc thêm màu mỡ xanh tươi; Đấng cho Hương Giang như không chảy lãng mạn gọi hồn thơ... lại chọn cho mình một con hói nơi một xứ không tên không tuổi trong một châu lục đông người ít của, nghèo thật nghèo... để chịu phép rửa, đánh dấu những chuỗi ngày thi hành sứ vụ Chúa Cha trao.

Các bạn có biết, nguyên cái tên gọi Jordan cũng đã nói lên ý nghĩa của nó. Dòng sông Jordan còn có thể được gọi là dòng sông Đi Xuống. Jordan, tiếng Do Thái đọc là yar-dane, nghĩa là đi xuống. Từ rặng Hermon cao ngất (2,814m), ở độ cao 520m, Jordan mải đi xuống những 220 cây số, dừng ở biển hồ Huleh rồi Galilee, cuối cùng đổ ra Biển Chết với độ thấp mặt nước là 394m so với mực biển. Đây hẳn là một trong những chỗ thấp nhất của địa cầu. Con Thiên Chúa khập khễnh lần từng bước xuống dòng nước ấy, chỗ thấp nhất ấy… không chỉ về địa lý không gian nhưng còn thấp cả chiều sâu tâm lý và chiều kích tương quan xã hội.

Ôi, thẳm sâu thay sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Đấng vô tội lại chen vai thích cánh với hạng phàm phu; Đấng ba lần thánh lại lục tục nối đuôi phường tục tử… như để nói với những người đương thời cũng như đang nói với mỗi chúng ta, những con người tội lỗi yếu hèn, “Đừng sợ, bạn ơi, tôi đang đứng bên cạnh bạn!”.

Ngài không đứng tách riêng hay đặt mình trên những tội nhân, nhưng liên kết với họ. Một sự liên kết tới mức bị coi như một tội nhân, chịu hành xử như một người gây nên tội ác và cuối cùng, lãnh lấy hình án của một tội phạm.

Để từ nay, mỗi người chúng ta dù có bất xứng đến đâu, dù có yếu hèn đến mấy vẫn tin chắc, đã có Ngài bên cạnh, luôn cảm thông, luôn tha thứ và biện hộ thay. Mỗi chúng ta có quyền hy vọng vào lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót của một vị Thiên Chúa quyền năng và đời đời yêu thương.

Rồi cũng từ dòng sông định mệnh ấy, Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã bước lên. Trời phải ngẩn ngơ, đất phải bàng hoàng, thần khí Thiên Chúa như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài với sự chứng giám của Chúa Cha cũng là Đấng luôn ở bên cạnh Ngài, “Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con!”.

Cũng từ đó, mỗi người trong nhân loại bất luận ở đấng bậc nào, không thành vấn đề sắc tộc màu da, người Trung hay Nam, hoặc từ miền Bắc xa xôi; cũng không tính đến hiện trạng lành thánh hay tội lỗi đến mức nào... qua phép Rửa, chúng ta nên một trong Đức Giêsu, lãnh nhận cùng một Thánh Thần và đang cùng lắng nghe một tiếng nói, “Con là con yêu dấu của Ta!”.

Trong Đức Giêsu và qua Ngài, chúng ta, những người con được Thiên Chúa yêu thương cũng hãy ước mong cho nhau học biết lắng nghe những cung giọng nhẹ nhàng nhưng thật mạnh mẽ ấy, “Đừng sợ, bạn ơi, tôi đang đứng bên cạnh bạn! Bạn là con yêu dấu của Chúa Cha!”. Chớ gì những lời nồng ấm ấy hằng vọng ngân trong mọi ngõ ngách của tâm hồn bạn, ngõ ngách của tâm hồn tôi. Ước mong sao trong mọi tình huống cuộc đời, tiếng nói yêu thương ấy vẫn không ngừng tặng trao mỗi người những âm hưởng có sức làm cho sống.

Hẳn không dễ gì chúng ta nghe được những lời trìu mến ấy trong một thế giới đầy những tiếng la hét gây thoái chí, “anh thật bình thường, chị không hơn ai”. Những tiếng nói tiêu cực nhưng ầm ĩ và dai dẳng ấy cứ vang đi vọng lại đến mức làm cho một ai đó tin vào chúng cách dễ dàng. Đó là cái bẫy to lớn, cái bẫy tự hạ giá chính mình, và đó cũng là kẻ thù lớn nhất của một đời sống làm con Chúa, bởi lẽ nó đi ngược với tiếng nói thiêng liêng bên trong đang ngỏ với chúng ta ngày mỗi ngày, “Đừng sợ, bạn ơi, tôi đang đứng bên cạnh bạn! Bạn là con yêu dấu của Chúa Cha!”.

Vậy chớ gì khi mừng kính Chúa Giêsu chịu phép Rửa, mỗi người chúng ta cảm nhận rằng, Ngài đang ở gần chúng ta hơn chúng ta tưởng. Ngài đang ở gần chúng ta khi chúng ta mạnh mẽ, lúc chúng ta yếu đuối; buổi thành công, cũng như hồi thất bại; phút sa ngã cũng như thời đứng lên; những ngày nắng ấm, những chiều giông bão… đã luôn luôn có Ngài bên cạnh, để rồi mỗi người quyết tâm ra khỏi chính mình, ra khỏi những ích kỷ, dứt bỏ những khuynh hướng xấu, đoạn tuyệt với tội lỗi… hầu cất bước tìm về với Ngài. Ngài sẽ băng bó, Ngài sẽ chữa lành, sẽ vác trên vai, sẽ rửa gội thương tích và đem chúng ta về lại trong tình yêu thương của Chúa Cha.

Vậy mà bạn có biết, chính khi chúng ta vừa đặt chân xuống dòng nước để tìm lên ngọn nguồn, thì Đức Giêsu, dòng nước cứu độ ấy đã ôm chầm lấy chân chúng ta. Ôi, kỳ diệu thay, tình yêu thương và lòng thương xót từ ái của Thiên Chúa.

Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta được diện kiến thánh nhan Ngài, Ngài sẽ đến với chúng ta; với lòng sạch tội, chúng ta đón nhận Ngài, và lòng bên lòng, Ngài lại sẽ thì thầm… thỏ thẻ với linh hồn, “Đừng sợ, bạn ơi, tôi đang đứng bên cạnh bạn! Bạn là con yêu dấu của Chúa Cha!”, Amen.
 
Sống mầu nhiệm Thanh Tẩy
Anmai, CSsR
12:14 07/01/2010
Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa C (Is 40, 1-5.9-11; Tl 2, 11-14. 3,4-7; Lc 3, 15-16.21.22)

Bí tích là gì ? Nhớ lại những này còn thơ bé, hơi bị vất vả để “gặm nhắm” những trang giáo lý trong quyển “Bổn đồng ấu”. Bài học khá gây ấn tượng nhưng cũng hết sức trừu tượng đó chính là loạt bài Bí tích. Bổn đồng ấu dạy rằng: Bí tích là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để thông ban cho ta ơn bên trong ! dấu chỉ là dấu chỉ như thế nào và ơn bên trong là ơn ra làm sao ? Quá khó hiểu cho đầu óc còn thơ dại.

Lớn lên một chút, được các anh các chị hướng dẫn viên chỉ dạy: bí tích là những dấu chỉ hữu hình nhờ đó chúng ta được lãnh nhận ơn sủng của Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Đây là những phương tiện cứu rỗi hữu hiệu mà Chúa Kitô đã thiết lập để ban phát ơn cứu độ của Người trong Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Chúa. (x. SGLGHCG số 774).

Điều kiện quan trọng để lãnh cách hiệu quả bất cứ bí tích nào, là phải có đức tin, tức là tin có hiệu quả thiêng liêng thật sự của bí tích muốn lãnh nhận hợp pháp trong Giáo Hội. Thí dụ, khi lãnh bí tích Thánh Thể, tức là rước Mình Máu Chúa Kitô, thì phải tin rằng có Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh và rượu nho; nếu không, việc rước Chúa sẽ là vô ích. Cũng vậy, khi đi xưng tội, nếu hối nhân không tin có Chúa Giêsu hiện diện và tha tội cho mình qua tác vụ của một linh mục, dù là bất xứng dưới mắt người đời, thì việc xưng tội sẽ không mang lại lợi ích nào cho hối nhân.

Chính vì thiếu điều kiện đức tin này, nên có người đã nói: tôi được rửa tội rồi mà có thấy mình được “tái sinh” ở chỗ nào đâu, tôi vẫn thấy tôi nguyên vẹn như cũ ! hoặc “sau mỗi mùa chay và tuần thánh, tôi đâu có thấy mình chết đi và được sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh như Giáo Hội nói đâu”!

Chỉ có đức tin mới cho phép ta tin có sự đổi mới trong tâm hồn sau khi nhận lãnh bí tích rửa tội, nhờ đó tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân được tẩy sạch và đươc tái sinh trong sự sống mới, tức là “mặc lấy Chúa Ktô” như Thánh Phaolô đã dạy (x. Gl 3, 27).

Với những người không tin thì họ không thể lãnh nhận được các bí tích. Với những người không Nhìn vào phép rửa tội làm sao có thể tin được. Với một chút nước và với lời đọc bỗng dưng người ta lại được trở thành con cái Chúa. Thế mới gọi là mầu nhiệm. Sau khi lãnh nhận mầu nhiệm Thanh Tẩy - mầu nhiệm Phép rửa thì người nhận sẽ được ơn của mầu nhiệm ấy để đủ sức sống mầu nhiệm ấy một cách tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn.

Phép rửa là cửa đưa vào sự sống và Nước Trời. Đó là Bí tích đầu tiên của Luật mới mà Chúa Kitô hiến cho mọi người để được sống đời đời. Đó cũng là Bí tích Người đã trao cho Hội Thánh cùng với Tin Mừng khi Người truyền cho các Tông Đồ “đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Vì thế, phép rửa là bí tích của đức tin: chính đức tin con người được Thánh Thần soi sáng, bày tỏ để đón nhận Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì thế, điều mà Hội Thánh tha thiết mời gọi đó chính là lòng tin, thụ nhân cần có một đức tin chân thật và sống động, để theo Chúa Kitô và bắt đầu hoặc xác định lại lời cam kết trong giao ước mới.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu đã chịu phép rửa cùng với dân sau khi nghe lời của Gioan rao giảng. Hành động của Chúa Giêsu hôm nay như công nhận và công khai lập phép Thanh Tẩy. Hành động này như làm gương cho những ai muốn trở thành con cái Chúa, trở thành chi thể mầu nhiệm của Hội Thánh.

Sau khi nghe giảng, sau khi đón nhận Tin mừng nếu như thì người nghe tin nhận thì họ sẽ nhận nghi lễ thanh tẩy. Nghi lễ thanh tẩy, vừa tượng trưng cho, vừa xác nhận một sự thay đổi đang xảy ra trong tâm hồn những người nghe (Cv 2, 37-41; 16, 34-39). Việc thanh tẩy này là bằng chứng của việc họ đón nhận sứ điệp họ đã nghe, và bằng chứng của việc họ được hiệp nhất với sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nhờ Ngài, họ chết đi đối với tội lỗi và được tái sinh vào trong một cuộc sống mới (Cv 8, 12-13; 16, 32-34). Đối với nhiều người trong họ, đây quả thực là một khởi đầu cho một cuộc sống, và một nếp sống mới. Ơn cứu độ là một cái gì đó rất thật đối với họ: họ được giải thoát khỏi một lối sống họ đã quen, và họ kinh nghiệm được ơn cứu độ cả trong việc thay đổi thái độ và trong việc gia nhập cộng đoàn vừa mới được thành lập.

Nghi lễ bí tích đặc biệt nhất là Bí tích Thanh Tẩy là nghi lễ đặt tay. Sách Công vụ kể lại, ngay sau khi Đức Kitô hiện ra lần cuối, một vài người trong các đồ đệ Ngài đã trải qua một kinh nghiệm tôn giáo hết sức sâu sắc làm thay đổi toàn bộ cuộc sống họ. Đó là dịp lễ Ngũ Tuần của người Do thái, nhưng kể từ ngày ấy, lễ này đã thành một lễ của Kitô giáo, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và cũng là “ngày khai sinh ra Hội Thánh Công giáo”.

Sách Công Vụ cũng cho thấy rằng lúc ấy các môn đệ đang ở trong phòng, họ nghe thấy những tiếng như thể cuồng phong, và họ thấy những lưỡi lửa xuất hiện trên đầu mỗi người. Bỗng họ thấy có một cái gì đó đang thay đổi từ bên trong họ, và họ được đầy tràn một thần khí mới. Đó cũng là thần khí đã thấm đẫm trên Chúa Giêsu. Họ tin rằng đó là Thần Khí Thiên Chúa.

Con người cũng có khả năng đem cho con người niềm hân hoan, hy vọng và can đảm như thế khi họ được chứng kiến những gì đã xảy ra cho thầy họ, vậy ta phải hiểu thế nào về những gì đã xảy ra cho các tông đồ trong những ngày ấy? Con người có thể làm cho các môn đệ diễn tả những gì đang xảy ra cho họ bằng một thứ ngôn ngữ họ chưa hề được nghe chăng? Như thế sự kiện này chắc chắn phải do chính Thiên Chúa và Thần Khí Ngài (xem Cv 2, 1-4).

Điều ngạc nhiên hơn đối với những người đón nhận Tin Mừng là họ có thể trở nên công cụ đem Thần Khí ấy cho người khác. Họ bắt đầu công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu cho tha nhân, và ai đã đón nhận Ngài là Chúa, đều được thánh tẩy trong danh Ngài. Họ sẽ đặt tay trên người ấy và xin cho người ấy được tràn đầy Thánh Thần như họ. Và điều kỳ diệu họ xin đã được chấp nhận. Người ấy sẽ có kinh nghiệm về việc được tràn đầy một Thần Khí mới. Và đôi khi họ còn được ngợi khen Thiên Chúa bằng các thứ tiếng lạ (Cv 19, 4-6). Việc đặt tay này thường xảy ra ngay sau khi Thánh Tẩy, nhưng thỉnh thoảng cũng phải chờ một thời gian (Cv 8, 14-17). Đặt tay chắc chắn là một hành vi bí tích. Vì đó là biểu tượng của một cái gì đó không thể thấy được, của việc Thần Khí đáp xuống trên một con người. Và đó cũng là một biểu tượng phát sinh hiệu quả. Và người ta có thể thấy được hiệu quả ấy trong thái độ của người ấy, và chính đương sự cũng cảm thấy hiệu quả ấy nữa. Vậy ý nghĩa của việc đặt tay chính là việc trao ban Thần Khí, thần khí tình yêu, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, tốt lành, trung tín, hiền lành, và tiết độ (Gl 5, 22-23). Đó còn là một khẳng định rằng Thiên Chúa đã đón nhận họ, vì Ngài đã trao ban cho họ cùng một Thần Khí mà Ngài đã ban cho Chúa Giêsu.

Hôm nay, khi nhận bí tích Thanh Tẩy, Chúa Giêsu được Thần Khí ngự xuống trên Ngài và rồi cũng chính Thần Khí ấy đã ở với Ngài trong mọi nẻo đường, trong mọi hành trình của cuộc đời. Với thái độ, với tâm tình hoàn toàn vâng phục Thánh ý của Chúa Cha, Chúa Giêsu hôm nay được Cha xác nhận: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. Lời chân nhận của Cha hôm nay sao mà dễ thương quá, sao mà ấm cúng quá ! Cha với con và con với Cha ! Tình cảm giữa Cha và Con không còn khoảng cách nữa. Cha với Con là một. Thiển nghĩ điều mà Thiên Chúa cũng muốn nơi người tin cũng như là điều mà Chúa muốn nơi Chúa Giêsu đó là trở thành con yêu dấu của Ngài.

Nhận bí tích Thanh Tẩy nhưng sống bí tích Thanh Tẩy không phải là chuyện đơn giản. Phải luôn luôn nhờ ơn Chúa Thánh Thần thì ta mới có thể sống mầu nhiệm mà ta lãnh nhận khi chịu phép Thanh Tẩy được. Cũng như Chúa Giêsu, từng giây từng phút trong cuộc đời của Ngài, Ngài luôn kết hợp mật thiết với Chúa Thánh Thần để chu toàn sứ vụ mà Chúa Cha trao phó.

Hôm nay, nhớ lại ngày Chúa Giêsu chịu Thanh Tẩy cũng là dịp chúng ta nhớ ngày chúng ta nhận phép Thanh Tẩy. Mang trong mình phận hèn yếu đuối, dễ chạy theo tà thần, dễ chạy theo những danh vọng trần tục mà đánh mất đi ơn gọi cao quý là trở thành con Chúa cũng như hưởng vinh quang với Ngài. Xin Chúa ban thêm ơn của Thần Khí xuống trên cuộc đời mỗi người chúng ta để chúng ta sống sao cho tròn bổn phận, cho đẹp lòng Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu đã sống.
 
Giao mùa
Lm Vũđình Tường
15:48 07/01/2010
Lịch phụng vụ trong Giáo Hội chia ra làm các mùa khác nhau. Mỗi mùa trong phụng vụ chú trọng đến một biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ. Các mùa chính như mùa Phục Sinh, Giáng Sinh và mùa thường niên. Mùa Phục Sinh còn có mùa chay trước Tuần Thánh. Mùa Giáng Sinh lại có mùa vọng trước lễ Giáng Sinh.

Mục đích

Mục đích của các mùa phụng vụ là:
  • Nhắc nhở Kitô hữu học hỏi, tìm hiểu thêm về tầm quan trọng khi cử hành nghi thức phụng vụ.
  • Mời gọi các Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón nhận ân sủng Chúa.
  • Quan trọng hơn hết là làm sống lại các biến cố lịch sử ơn cứu độ.
Tái sinh

Lịch sử ơn cứu độ mang tính cách lịch sử nhưng không phải là những biến cố chết xảy ra trong quá khứ. Lịch sử ơn cứu độ được Thánh Thần Thiên Chúa làm cho sống động mỗi khi Kitô hữu tụ họp kêu cầu Danh Thánh Chúa. Không phải do con người mà chính là Thần Linh Chúa ban sự sống cho các biến cố đang cử hành.

Giao mùa

Nhắc đến Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa là nhắc đến Chúa Nhật giao mùa trong phụng vụ. Giao mùa vì đây là Chúa Nhật duy nhất trong năm kết thúc mùa Giáng Sinh và bắt đầu mùa thường niên.

Sứ Vụ

Chúa Nhật này các bài đọc nói nhiều về sứ vụ cuộc đời Đức Kitô. Sứ vụ trọn đời của Đức Kitô được mặc khải trong ngày Người chịu phép rửa. Một sứ vụ tối quan trọng và cần thiết cho nhân loại. Nhờ sứ vụ trọng đại này mà chúng ta được làm con Thiên Chúa, kẻ thừa hưởng gia nghiệp Chúa dành cho những ai đặt tin tưởng nơi Ngài.

Trong bài đọc một tiên tri Isaiah loan báo:

Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dẵt’ Is 40,11.

Thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Titô quả quyết:

Đức Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Ngài đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện. Titô 2,14

Mọi sứ vụ liên quan đến chương trình cứu độ được loan báo bởi sứ thần Thiên Chúa hay qua các ngôn sứ, tiên tri. Riêng sứ vụ cứu độ của Đức Kitô được chính Chúa Cha tuyên bố. Người không nhờ đến các ngôn sứ hay tiên tri mà chính Chúa Cha lên tiếng công bố sứ vụ của Đức Kitô.

Phúc Âm ghi rõ chi tiết quan trọng trong sứ vụ của Đức Kitô. Ngay sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, mọi người có mặt chứng kiến sự kiện lạ chưa từng xảy ra.
  • Khi Đức Kitô đang cầu nguyện thì trời mở ra.
  • Mọi người chứng kiến Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên Đức Kitô.
  • Chưa hết kinh ngạc thì một sự kiện khác quan trọng hơn, long trọng hơn xảy ra trong ngỡ ngàng, hàng boàng của bao người. Đó là tiếng vang vọng không phải đến từ đám đông, hay từ Gioan mà tiếng đó phát xuất từ trời cao, vang vọng, long trọng tuyên bố:
Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. Lk 3,22

Hình ảnh tiên báo trong thánh vịnh số 2 câu 7 mặc khải sứ vụ cứu độ của Đức Kitô trở nên hữu hình. Đây là lời mặc khải quan trọng nhất về mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô. Nhiệm vụ của Ngài là làm đẹp lòng Chúa Cha: Đó là thể hiện ý Chúa Cha. Đức Kitô đến không phải làm theo ý riêng, tự mình nói, tự mình hành động; nhưng làm theo ý Chúa Cha, lập lại những gì Chúa Cha nói, làm công việc của Chúa Cha và thực thi ý Chúa Cha. Gn 8,28; 7,16-17; 12,49

Đức Kitô làm đẹp lòng Chúa Cha không phải trong hình ảnh Con Thiên Chúa mà là trong thân xác phàm nhân như chúng ta. Điều này tái xác định mầu nhiệm Giáng Sinh- Ngôi Lời trở thành người phàm, sống giữa chúng ta. Nhiệm vụ chính của Đức Kitô là giúp cho tâm hồn Kitô hữu trở nên giống hình ảnh Đức Kitô. Bên cạnh đó Đức Kitô còn giúp đổi mới chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Kitô hữu được thay đổi trở nên gần Chúa hơn, giống Chúa hơn trước khi được chia sẻ vinh hiển của Người.

Kẻ thừa tự

Đức Kitô mời gọi chúng ta sống nên trọn lành, trọn hảo trong yêu thương, tha thứ, không sống cho riêng mình, không tự mình hành động nhưng sống là sống cho Chúa. Là chứng nhân cho Chúa giữa đời, thực thi ý Chúa qua công việc hàng ngày. Mọi hành động, lời nói việc làm đều kết hợp với Chúa và được thúc đẩy, hướng dẫn bởi Thánh Thần. Xứng danh một dân hăng say làm việc thiện.
 
Tạo dựng mới
Lm. Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R
16:48 07/01/2010
Chúa Giê-su chịu phép rửa (Lc 3, 15-16, 21-22)

Thuở tạo dựng, Thiên Chúa dùng Lời quyền năng và Thần Khí của Người mà tác thành muôn loài muôn vật: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời. Một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33, 6).

Cho đến ngày, tại dòng sông Gio-đan, Đức Giê-su chịu phép rửa, đang lúc Người cầu nguyện, trời mở ra, có tiếng Chúa Cha giới thiệu Người là Con yêu dấu của Chúa Cha; cùng lúc ấy, hình ảnh chim câu xuất hiện báo hiệu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Thế là, Ba Ngôi cùng hiện diện và mang lại một cuộc tạo dựng mới.

I. CHUẨN BỊ

Vẫn biết lịch sử cứu độ là cả một lịch sử chờ đợi Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên để đón nhận sự kiện trọng đại này con người cần phải có những chuẩn bị cần thiết. Chính Thánh Gio-an Tẩy giả đã giúp họ.

Đời sống thánh thiện, lời rao giảng mời gọi mời ăn năn thống hối của thánh Gio-an Tẩy giả đã ảnh hưởng đến lòng khao khát mong đợi của dân đối với Đấng Cứu Thế, đã thúc dục họ đón nhận phép rửa để tỏ lòng ăn năn thống hối, đến độ có người lầm tưởng thánh nhân là Đấng Cứu Thế (x. Lc 3, 15).

Như vậy, việc đón nhận Thiên Chúa sẽ không xảy ra theo cách ngẫu nhiên tình cờ hay gượng ép, mà khởi đi từ ý hướng ngay lành, sự chân thành xin chịu phép rửa tỏ lòng thống hối ăn năn quay về với Thiên Chúa.

Hơn lúc nào hết, muôn dân thiên hạ và đặc biệt những tâm hồn ngay lành luôn cần những ngôn sứ như thánh Gio-an Tẩy giả đơn sơ, khổ hạnh, sáng suốt… gợi hướng cho họ đến với Thiên Chúa, Đấng là con đường là sự thật và là sự sống.

II. ĐÓN NHẬN

Thiên Chúa đã dùng thánh Gio-an Tẩy giả để chuẩn bị lòng người nên thanh sạch mở lối đón chờ Đấng Cứu Thế.

Do lời giới thiệu của thánh Gio-an Tẩy Giả, nhân loại phải hướng đến Đấng Cứu Thế là Đấng quyền năng sẽ thanh tẩy họ trong Chúa Thánh Thần và trong lửa (x. Lc 3, 16). Đấng ấy, tuy vô tội nhưng đang hòa mình trong dòng người tội lỗi, khiêm tốn nhận phép rửa sám hối của thánh Gio-an Tẩy giả, hầu thống hối thay cho kẻ tội lỗi…

Đến đây, sau giai đoạn thánh Gio-an Tẩy giả chuẩn bị lòng người đón nhận Đấng Cứu Thế, thì chính Đấng Cứu Thế sẽ trực tiếp chuẩn bị cho con người đón nhận sự sống mới trong Thiên Chúa

Đấng Cứu Thế đã khởi sự làm gì để ban cho của con người sự sống mới?

Người đã cầu nguyện!

Cầu nguyện chính là lúc Đức Giê-su tiếp xúc với Chúa Cha. Khi ấy, trời đã mở ra, có tiếng Chúa Cha giới thiệu công khai Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa; và lúc ấy, Chúa Thánh Thần cùng xuất hiện. Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hoạt động để tái tạo con người. Cuộc tạo dựng mới thật kỳ diệu.

Trong cuộc tạo dựng mới, con người đi vào chương trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Họ được đón nhận phép rửa của Đấng Cứu Thế. Nhờ vậy, họ sẽ dìm mình vào trong sự chết và phục sinh của Chúa Con (x. Rm 6, 4-8), được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để kêu lên với Chúa Cha “ Ap-ba Cha ơi!” (x. Gl 4, 6). Từ đó, họ sẽ có những biến chuyển tích cực trong tâm linh và tâhn xác, thể hiện bằng một đời sống mới.

III. SỰ SỐNG MỚI

Được tái tạo, người tín hữu trở nên thụ tạo mới (2Cr 5, 17), thông phần vào bản tính Thiên Chúa (2Pr 1, 4), trở nên thân thể trong Đức Ki-tô (Rm 12, 15), được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6, 19). Nhờ vậy họ sẽ:

- Cảm nhận một sức sống bừng lên mãnh liệt. Sự sống tự nhiên trở nên sống động, tràn đầy niềm vui.
- Từ bỏ lối sống vô luân, những đam mê trần tục, phản Tin Mừng… của con người cũ, nếp sống xưa…
- Chấp nhận sự thanh luyện cần thiết để trở nên người lính giỏi của Thiên Chúa.
- Liên tục hoán cải để kịp thời sửa chữa những thái độ và hành vi tội lỗi, hầu luôn nhận ơn tha thứ và bình an.
- Làm việc lành, hy sinh hãm mình … hầu khơi lên lòng thống hối cho những người lầm lỗi khuyết điểm…
- Dấn thân sống bác ái yêu thương, hòa điều với cộng đồng nhân loại: vui với người vui, khóc với người khóc.
- Thân thiện với môi trường thiên nhiên là chính công trình tay Chúa sáng tạo.
- Liên lỉ cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa xin Chúa thứ tha cho bản thân và nhất là cho những ai tội lỗi khuyết điểm, chối Chúa, chống Chúa hoặc chưa biết Chúa …
- Sống công chính, thao thức tìm kiếm thánh ý Chúa trong niềm cậy trông hy vọng và phó thác.
- Tích cực loan báo Tin Mừng cứu độ lan tỏa đến khắp cùng bờ cõi trái đất để thế giới cảm nghiệm về ơn cứu rỗi, về tình yêu Thiên Chúa thể hiện tuyệt vời nơi Chúa Giê-su.

Trở nên thụ tạo mới trong cuộc tạo dựng mới, người tín hữu được mời gọi liên tục biến đổi và không ngừng phát triển sự liên hệ với Thiên Chúa. Cùng muôn loài muôn vật, họ ngóng chờ ngày Thiên Chúa bày tỏ vinh quang (x. Rm 8, 19), ngày được Thiên Chúa cứu độ cả thân xác (x. Rm 8, 23).

***
Trong thân phận con người, Chúa Con khiêm tốn đón nhận phép rửa; trời đã được mở ra, Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện ban cho muôn loài muôn vật một cuộc tạo dựng mới.

Được tái tạo, người tín hữu đón nhận chính sự sống được Thiên Chúa phục hồi. Nhờ vậy họ sẽ có những chuyển biến tích cực trong đời sống tự nhiên và siêu nhiên.

Muôn loài muôn vật đã được tái tạo, nhưng không phải ai cũng nhận ra điều này. Người tín hữu mang trọng trách cùng Thiên Chúa tiếp tục tạo dựng, thể hiện qua việc cảm hóa thế giới bằng gương sáng và đời sống tốt lành của mình.
 
Trắc Nghiệm Mến Chúa Và Yêu Tha Nhân
Pt JB Nguyễn văn Định
21:52 07/01/2010
Đời sống Tâm Linh # 19

TRẮC NGHIỆM MẾN CHÚA VÀ THA NHÂN

(Ngày Chung thẩm theo Mt 25, 31-46)

* Chuyện kể: Một câu chuyện cổ của Ái Nhĩ Lan có từ khi vua chúa còn cai trị về một ông vua hành khất như sau:

Ông này không có con cái nối ngôi, nên ông sai các hầu cận đi tìm một người nối ngôi trước khi ông từ trần. Với điều kiện là người ấy phải có hai đức tính quan trong là mến Chúa và yêu người. Một thanh niên thấy mình có hai đức tính trên nên quyết định đến gặp vua; nhưng anh nghèo quá, không có bộ đồ coi được để đến gặp vua. Anh liền cầu nguyện và xin được một bộ đồ và ít vật liệu cần dùng để lên đường. Sau gần một tháng, anh tới cung điện nhà vua; nhưng lại gặp một người ăn xin ngồi bên vệ đường, ông ta run rẩy van nài xin anh giúp đỡ: “Tôi đói và lạnh, xin anh cho tôi bộ quần áo để mặc và chút lương thực để ăn.” Anh xúc động trước cảnh tượng này, liền cởi bộ quần áo ấm áp của mình để ra, lấy bộ quần áo tả tơi của người ăn xin mặc, anh cũng cho ông ta hết những đồ ăn cần thiết.

Sau đó anh bươc vào cung vua chẳng còn gì cả, bọn lính liền ngăn chặn bắt anh đợi chờ. Sau một thời gian thật lâu anh mới được vào. Với tư thế khúm núm không dám nhìn lên vua, khi được lệnh, anh quá ngạc nhiên nói với vua: “Ngài chính là người ăn xin bên vệ đường tôi gặp lúc nãy? – Nhà vua trả lời: Đúng rồi! – Anh hỏi: “Sao ngài lại làm như vậy đối với tôi? – Vua trả lời: “Tôi muốn làm như vậy xem anh có thực lòng mến Chúa và yêu người không?

* Một phút Suy tư: Câu chuyện có tính cách giả tưởng; nhưng đó là bài học thật qúy giá cho bạn và tôi như trong đoạn phúc Âm sau:

“Vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom, Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm?”. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?”. (Mt 25, 35-38)

Chúa Giêsu đã kết thúc toàn bộ Giáo huấn của Ngài với tôi bằng một dụ ngôn trên. Tôi tự hỏi mình: Tôi là người lành hay là kẻ dữ? Tôi sẽ hưởng sự sống muôn đời hay vào chốn cực hình muôn kiếp?

Phó tế: GBM. Nguyễn văn Định
 
Tôi Đi Hành Hương Đất Thánh
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
21:54 07/01/2010
TÔI ĐI HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH # 1

1-Nazareth. 2- Ein Karem. 3- Bethlehem

Đất Thánh hay It-ra-en là một vùng rất nhiều đồi núi san sát. và thung lũng màu mỡ với những rừng cây ăn trái bát ngát. Phần lớn nhà cửa là lầu đúc từ hai ba tầng tới hai ba chục tầng, xây gạch, đá vôi trắng, vàng lạt, nằm như bát úp trên các sườn đồi, núi. Với những xạ lộ thẳng tắp, các đường giao thông chạy vòng vo lên núi cao, lượn xuống đèo thấp, trông thật là giầu đẹp và hiện đại. Nơi đã được Chúa Cứu thế sinh ra cách đây hơn hai ngàn năm.

1- Nazareth: Một làng nhỏ bé, một địa danh không được ghi trong Cựu Ước, một thị trấn không tiếng tăm, gần núi Tabor, miền Galilê, nơi mà Thiên Chúa sai sứ thần Gap-ri-en đến truyền tin cho Đức Maria. Hiện nay là một nhà thờ lỗng lẫy với vòm tháp cao nguy nga. Kinh Thánh chép: Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần đến một thành miền Galilê, gọi là Nadaret, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đavit, trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần vào nhà và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng,Đức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy bà rất bối rối, và tự hỏi như vậy có ý nghiã gì. (Lc 1, 26-28)

Đức Maria viếng thăm bà Elisabeth, ông Gioan Tẩy giả bắt đầu sứ mệnh ngôn sứ của mình bằng hành động nhẩy lên trước Đấng Mêsia. Bà Elisabeth đã nhận ra nơi người con của Đức Maria là nhờ được tràn đầy Thánh Thần. Đức Maria đã hát lên kinh Magnificat: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Trong toàn bộ Tin Mừng Luca, danh xưng này rất được ưa chuộng và được dùng đến 40 lần. (x. Lc 1, 39-46)

2- Ein-Karem: Hiện nay có nhà thờ nguy nga với một cây tháp cao đẹp lộng lẫy. Được xác định là nơi ra sinh của thánh Gioan Tẩy giả, con bà Elisabeth, là chị họ bà Maria. (x. Lc 1, 5-13). Hồi ấy nghe tin bà Elisabeth có thai thì bà Maria vội vã đi thăm chị họ gần miền núi. (x. Lc 1, 39-45) và Đức Mẹ đã hát lên niềm tri ân của bản thân và toàn dân It-ra-en qua Kinh Ngợi khen: Magnificat. (x. Lc 1, 46-55)

Sinh nhật Gioan Tẩy giả và ông chịu phép cắt bì (Lc 1, 57-66). Bài tường thuật này tập trung vào mạc khải kỳ diệu của ông Gioan và biến cố cắt bì hơn là biến cố chào đời của ông Gioan Tẩy giả.

3- Bethlehem: Belem là một làng nhỏ bé, đã hơn 2000 năm qua, nơi bà Maria và ông Giuse sinh Chúa Cứu Thế thời vua Augustinô. Hôm nay là một toà nhà to lớn, lộng lẫy, với tháp chuông cao vút. Ngày nào cũng có những đoàn hành hương của các nước trên thế tấp nập tới viếng thăm và cầu nguyện. Làm tôi nhớ đến đoạn Kính Thánh chép như sau: “Thời ấy, hoàng đế Augutô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện…Ông Giuse lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ…(x. Lc 2,1-19; Mt 1, 18-25).

* Nhà trọ là gian phòng chỉ nơi khách thập phương đến trú ngụ trong một sân lớn, thường có thêm một chuồng ngựa, lừa của khách.

* Đấng Cứu Độ trong Tân Ước là một danh hiệu của Thiên Chúa được nói về Chúa Giêsu, Ngài là Đấng cứu chữa những người đau khổ, là vị Cứu Tinh của nhân loại. Thánh Phaolô thường kêu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Riêng Luca cho thấy Ngài là Đấng Mêsia và quyền chủ tể của Người là chính Thiên Chúa trao ban.

* Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương: (Lc 2, 14) hay bình an cho người thiện tâm dưới thế nói lên quan niệm đại đồng là tất cả mọi người đều được Chúa thương yêu.

Kinh Thánh ghi: “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh khiến họ kinh khiếp hãi hùng…Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng…. (x. Lc 2,8-19)

* Người chăn chiên hồi Chúa sinh ra bị coi thường tại It-ra-en. Họ sống ở bên lề xã hội của những người giữ luật Do thái. Họ là những người nghèo hèn, bé nhỏ nhất, thì Chúa lại tỏ mình cho họ biết.. Đây là những điềm cho thấy Chúa vẫn làm nhiều phép lạ, nhất là cho những người khiêm tốn, hèn mọn thì đều được Chúa mạc khải cho.

* Còn Đức Maria là người Tín hữu đầu tiên làm mẫu gương cho Hội thánh, mọi người, mọi dân tộc, bạn và tôi đêm ngày dùng hết thì giờ học hỏi, suy gẫm Lời Chúa để đem ra thi hành. (câu 19)

Phó tế: Gioan B. Maria Nguyễn văn Định (viết phỏng theo tập sách nhỏ: DANS LES PAS DE JESUS-CHRIST, Tour Card.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Tiệp Khắc cảnh báo về một viễn tượng Âu Châu bị Hồi Giáo hoá.
Nguyễn Long Thao
11:04 07/01/2010
Đức Hồng Y Tiệp Khắc cảnh báo về một viễn tượng Âu Châu bị Hồi Giáo hoá.

Prague, Czech Republic, 6/1/2010. - Đức TGM Miloslav Vlk sắp về hưu của Tiệp Khắc cảnh báo về viễn tượng một Âu Châu có thể bị Hồi Giáo Hóa và Ngài kêu gọi Âu Châu hãy trở về với Ki Tô Giáo là cội rễ của mình.

Thông tấn xã AFP trích lời Đức Hồng Y Miloslav Vlk: “Âu Châu đã xây dựng sức mạnh của mình trên căn tính Kitô Giáo,nhờ đó có thể ngăn chặn được cuộc xâm lăng của Hồi Giáo. Nay Âu Châu chối bỏ căn tính của mình thì cuộc xâm lăng của Hồi Giáo đang thực sự dần dần diễn ra.

Đức TGM nói thêm: “Nếu Âu Châu không trở về với cội rễ của mình thì Âu Châu sẽ bị Hồi Giáo hóa”.

Giải thích cho lập luận này Đức Hồng Y Miloslav Vlk cho rằng cuộc di cư người Hồi Giáo đến Âu Châu, sinh xuất cao của người Hồi Giáo đã là những yếu tố có thể điền khuyết chỗ trống mà người Âu Châu đã tạo ra vì chối bỏ căn tính Kitô Giáo.

Ngài chứng minh: “ Vào thời Trung Cổ và thời cận đại, Hồi Giáo đã không chinh phục được Âu Châu bằng vũ lực. Người Kitô Giáo đã đánh bại họ. Ngày này người ta dùng dùng vũ khí tinh thần mà Âu Châu lại thiếu, trong khi đó, Hồi Giáo được trang bị đầy đủ thứ vũ khí này nên viễn tượng sụp đổ của Âu Châu sẽ không còn xa lắm.”

Đức Hồng Y Vlk là TGM thủ đô Prague của Tiệp Khắc từ năm 1991. Ngài đã được ĐGH chấp nhận đơn từ chức vì đã quá 75 tuổi.
 
2 triệu 2 trăm ngàn người được yết kiến Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
17:08 07/01/2010
VATICAN, ngày 6 tháng 1,2010 (Zenit.org).- Khoảng 2.2 triệu người đã tụ tập tai các buổi triều kiến chung và các nghi thức phụng vụ được cử hành tại Vatican hay tại nhà nghỉ hẻ của ngài tại Castel Gandolfo.

Phủ doãn tông tòa báo cáo con số này, không kể những ai tham dự các buổi họp với Đức Thánh Cha trong các cuộc tông du bên trong và bên ngoài nước Ý.

Có khoảng trên 500 ngàn người tham dự các buổi triều kiến chung ngày Thứ Tư, và 1.2 triệu trong các buổi triều kiến đặc biệt. Con số lớn nhất được báo cáo là vào tháng Tư.

Trên 1.1 triệu người tụ tập đẩ đọc kinh Truyền Tin buổi trưa với Đức Thánh Cha, trong khi có trên 4.7 triệu người tham gia các nghi thức phụng vụ ngài chủ tế trong suốt năm 2009.

Tông toà là cơ quan ban phát các vé cho các biến cố này, xác nhận là các con số kể trên không tính các khách hành hương đến thăm Đức Thánh Cha trong các chuyến tông du của ngài.

Thí dụ, không kể chuyến đi thăm các địa điểm khác trong nước Ý và các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Benedict XVI đến các nước như Cameroon, Angola, Đất Thánh và Cộng Hòa Czech.

Bản tin cho hay các biến cố này có thể được coi là “lịch sử” vì “con số hết sức cao” các tín hữu tham dự.
 
Top Stories
Vietnamese police attack Catholic parishioners in effort to destroy cemetery crucifix
CNA
09:56 07/01/2010
Vietnamese police attack Catholic parishioners in effort to destroy cemetery crucifix

A Vietnamese woman who was beaten by Hanoi police on Wednesday morning.
Hanoi, Vietnam, Jan 7, 2010 / 02:09 am (CNA).- The Archdiocese of Hanoi has condemned an early Wednesday morning attack on Catholics by city police involved in the destruction of a crucifix in a parish cemetery. Pictures of the bloody clash show several people injured. The archdiocese reported that police attacked Dong Chiem parish at a time when both its pastor and assistant pastor were at the annual retreat at the archbishop’s office, J.B. An Dang tells CNA.

An estimated 500 heavily armed police officers and a large number of trained dogs were deployed to the area to protect an army engineering unit. The unit was tasked with destroying a large crucifix erected on a boulder inside the parish cemetery.

The incident began at 3 a.m. Wednesday, when an army engineering team used an explosive to destroy the crucifix.

“On hearing explosions, parishioners rushed to the site to protect their crucifix but they were stopped by police who tried to drive them back,” said Fr. Joseph Nguyen Van Huu, pastor of Dong Chiem parish.

He reported that at least two parishioners were wounded and taken away. J.B. An Dang says the exact number of the injured has not been reported.

Parishioners said they were kneeling in prayer and asking police officers to stop the crucifix’s destruction when they were hit with tear gas canisters at close range. Some were beaten with batons.

Photos of the clash obtained by CNA show several injured and visibly bloodied Catholics. One woman was beaten “brutally.”

Asked by CNA what prompted the attack, J.B. An Dang explained that a policy requires all religious symbols to be inside a religious premise.

“They use the policy to persecute Catholics,” he charged.

A similar attack took place in Bau Sen parish in the Diocese of Vinh early in the morning on Nov. 5, 2009. The parish’s pastor was kidnapped by a group of local police while traveling to the annual retreat at the bishop’s office. During his detention, the statue of the Virgin Mary in his parish’s cemetery was removed.

Provincial authorities spent $68,000 for the demolition work, which J.B. An Dang describes as a “considerable amount of money” for a poor province.
 
Vietnam police tear gas, beat Catholics over cross: priest
AFP
11:55 07/01/2010
HANOI, Vietnam - Several Vietnamese Catholics were injured when police used electric prods and fired tear gas in a dispute over a crucifix, a priest said Thursday.

The incident occurred early Wednesday in Dong Chiem parish, about 70 kilometres (40 miles) from Hanoi, when parishioners tried to stop a large group of police and troops sent to dismantle a cross on a mountain top, said parish priest Nguyen Van Huu.

He said parishioners had told him the police used electric prods, tear gas and stones against the crowd, two of whom were seriously injured and taken to Hanoi for treatment.

Four or five other parishioners were also hurt, said the priest, who was not present during the incident.

The clash, as described by the priest, is one of the most serious incidents in a long-running series of church-state land disputes.

Police refused to comment on the incident.

Officials began seizing church property, along with many other buildings and farms, more than 50 years ago when communists took power in what was then North Vietnam.

In December 2007, Catholics began a series of demonstrations over seized land.

The European Parliament, in a November resolution, urged Vietnam to return assets "arbitrarily seized" by the state from the Catholic Church.

Huu said local authorities had argued the cross was built without permission atop a mountain that is under state management.

The parish mobilised hundreds of followers to build the cross last March to replace a wooden crucifix destroyed years previously in wartime, he said.

"In fact, we have used this land for more than 100 years," he said.

Police arrived with trucks, dogs and shields while many villagers carried Bibles, he said.

"They sent troops to the top of the mountain and dismantled the cross.

"When people told them to show the official decision to dismantle the cross, no papers were shown.

"When we built the cross, the authorities did not say anything," the priest said.

Vietnam has Southeast Asia's second largest Catholic community after the Philippines, with at least six million followers.

Religious activity remains under state control but the government says it always respects freedom of belief and religion.

Huu said his parishioners, all of them poor, were still "in panic" on Thursday after what happened. "I am trying to calm them down," he said.

(source: http://www.abs-cbnnews.com/world/01/07/10/vietnam-police-tear-gas-beat-catholics-over-cross-priest)
 
Felrobbantottak egy keresztet, és rátámadtak a hívekre Vietnamban (tiếng Hungary)
Magyar Kurír
11:58 07/01/2010
A vietnami rendőrség és a katonaság felrobbantotta egy hanoi plébánia temetőjének keresztjét szerdára virradó éjjel. A rendőrség brutalitása miatt a katolikus hívek is megsérültek az akcióban.

A rendőrség éppen akkor csapott le a Dong Chiem plébániára, amikor annak mindhárom papja a püspökkel volt éves lelkigyakorlatukon – írja a CNA. Ötszáz jól felfegyverzett rendőr és sok kiképzett harci kutya jelent meg a helyszínen éjjel háromkor, hogy a katonaság gyakorlatozását biztosítsa. A katonai gyakorlat célja épp a temetőben álló nagy kereszt elpusztítása volt: a katonaság nemes egyszerűséggel felrobbantotta a keresztet.

Amikor a plébánia hívei meghallották a robbanásokat, gyorsan a helyszínre siettek, hogy megvédjék a keresztet; de a rendőrség útjukat állta, és vissza akarta őket fordítani – mondta Joseph Nguyen Van Huu plébános. A hívek elmondták, hogy térden állva könyörögtek a rendőröknek, hogy akadályozzák meg a kereszt felrobbantását, azok azonban könnygázzal válaszoltak nekik. Többen súlyosan megsérültek, volt, akit brutálisan megvertek a rendőrök.

A plébános szerint a támadás annak köszönhető, hogy a vietnami kommunista kormány megköveteli, hogy minden vallási szimbólum a vallási épületeken belül legyen.

Hasonló támadás érte november 5-én a vinhi püspökségben fekvő Bau Sen plébániáját. Ott a rendőrök elrabolták a plébánost, amikor az éves lelkigyakorlatra utazott a püspökségre. Amíg őrizetben tartották, lebontották a Szűzanya temetői szobrát.

(Source: http://www.magyarkurir.hu/?m_id=1&m_op=view&id=30647&rovat=)
 
Vietnam: Scontri fra polizia e Cattolici per disputa su crocifisso (tiếng Itlalia)
(ASCA-AFP)
12:00 07/01/2010
(ASCA-AFP) - Hanoi, 7 gen - Bastoni elettrici e gas lacrimogeni sono stati utilizzati dalla polizia vietnamita contro un gruppo di cattolici locali che cercavano di impedire alle forze dell'ordine di rimuovere un crocifisso su una montagna della contea di Dong Chiem, a circa 70 chilometri da Hanoi. Diversi i feriti, fra i quali due gravi.

Secondo il parroco Nguyen Van Huu, si e' trattato di uno degli incidenti piu' seri di una lunga serie di dispute di questo genere. Il regime vietnamita, dalla salita al potere avvenuta oltre 50 anni fa, ha spesso sequestrato territori appartenenti ai cattolici e lo scorso novembre il Parlamento europeo ha approvato una risoluzione con la quale chiede al Vietnam di restituire alla Chiesa Cattolica i terreni arbitrariamente sequestrati.

(Source: http://www.asca.it/news-VIETNAM__SCONTRI_FRA_POLIZIA_E_CATTOLICI_PER_DISPUTA_SU_CROCIFISSO-885564-ORA-.html)
 
Vietnam: la polizia abbatte il Crocifisso di un cimitero cattolico di Hanoi (tiếng Italia)
Radio Vaticana
12:01 07/01/2010
E’ stato distrutto con gli esplosivi il Crocifisso del cimitero della parrocchia di Dong Chiem, a Hanoi. E i fedeli, richiamati sul posto dal boato sono stati caricati e picchiati dalla polizia. Due i giovani feriti. “La polizia ha attaccato la parrocchia nella prima mattina di oggi, - riferisce un comunicato dell’arcidiocesi di Hanoi ripreso dall'agenzia AsiaNews - mentre il parroco e il suo aiuto erano all’annuale ritiro all’arcivescovado.

Circa 500 agenti di polizia, in tenuta antisommossa e con un gran numero di cani sono stati spiegati nella zona per proteggere un gruppo di genieri dell’esercito, impegnati ad abbattere un grande Crocifisso eretto su un masso all’interno del cimitero della parrocchia”. L’attacco è cominciato alle tre di notte, con l’esplosivo. “Udendo lo scoppio – ha raccontato il parroco, padre Joseph Nguyen Van Huu - i fedeli sono accorsi sul luogo per difendere il loro crocefisso, ma sono stati bloccati dalla polizia, che ha tentato di respingerli. Almeno due parrocchiani sono stati feriti e portati via”. I fedeli hanno riferito di essere stati oggetto di lanci a breve distanza di gas lacrimogeni, mentre erano inginocchiati in preghiera e chiedevano ai funzionari di polizia di fermare la distruzione. (R.P.)

(Source: http://www.oecumene.radiovaticana.org/it1/Articolo.asp?c=347398)
 
Vietnam: Nueva agresión policial en una parroquia de Hanoi (tiếng Tây Ban Nha)
Zenit
12:02 07/01/2010
HANOI, jueves 7 de enero de 2010 (ZENIT.org).- Destacadas fuerzas policiales irrumpieron en la parroquia de Dong Chiem y abatieron una cruz situada sobre una colina (Nui Tho, también llamada Nui Che) que se eleva en el territorio de la parroquia, informó la web de la arquidiócesis de Hanoi este miércoles por la mañana.

Algunos fieles de la parroquia presentes en la montaña en el momento de la destrucción de la cruz informaron por teléfono a los dos sacerdotes responsables de la parroquia.

La parroquia afectada pertenece a la archidiócesis de Hanoi y está situada en el distrito de My Duc, perteneciente en cuanto a lo administrativo a la capital, informó la agencia de Misiones extranjeras de París, Eglises d'Asie.

El sacerdote de la parroquia explicó que a las 7,30 de la mañana, fue advertido de que numerosos policías habían rodeado el pueblo y se disponían a destruir la cruz elevada en la cima de la montaña.

Avisados de este peligro, los fieles llegaron hasta el lugar para intentar proteger la cruz.

Se enfrentaron a los policías, que les golpearon. Dos de ellos resultaron gravemente heridos.

La operación policial para destruir la cruz comenzó durante la noche, sobre las tres de la madrugada.

Unos 500 agentes de la seguridad pública equipados con gases lacrimógenos, porras eléctricas y fusiles, y acompañados por perros policías, se encontraban todavía en el lugar en el momento de la conversación telefónica.

Todas las entradas al pueblo fueron bloqueadas y nadie podía entrar ni salir. Los propios policías trasladaron a los dos heridos a un destino desconocido, sin dejar que sus familias les acompañaran.

(Source: http://www.zenit.org/article-33829?l=spanish)
 
Vietnam: Nouvelle agression policière dans une paroisse de Hanoi
Zenit
12:03 07/01/2010
ROME, Mercredi 6 Janvier 2010 (ZENIT.org) - Dans la matinée du 6 janvier, de bonne heure, le site Internet de l'archidiocèse de Hanoi (1) informait que d'importantes forces de police avaient investi la paroisse de Dông Chiêm et étaient en train d'abattre une croix située sur une petite montagne (Nui Tho également appelée Nui Che) s'élevant sur le territoire de la paroisse, a rapporté Eglises d'Asie, l'agence des Missions étrangères de Paris, le 6 janvier.

Celle-ci appartient à l'archidiocèse de Hanoi. Elle est située dans le district de My Duc, lequel est rattaché administrativement à la capitale. Les deux prêtres responsables de la paroisse, qui participaient à une récollection sacerdotale à l'archevêché, ont été informés des événements au téléphone par leurs paroissiens présents sur la montagne lors de la destruction de la croix.

Interrogé par le service d'information de l'archidiocèse, le curé de la paroisse a déclaré que, le matin, de bonne heure, vers 7 h 30, il avait été averti que de nombreux policiers cernaient le village et procédaient à la destruction de la croix plantée sur la montagne. Alertés, les fidèles sont venus essayer de protéger la croix. Ils se sont heurtés aux policiers qui les ont frappés. Deux d'entre eux seraient plus gravement touchés.

L'opération de police visant à la destruction de la croix aurait débuté dans la nuit vers 3 h 00 du matin. Environ 500 agents de la Sécurité publique équipés de grenades lacrymogènes, de matraques électriques, de fusils, et accompagnés de chiens policiers étaient encore sur place au moment de la conversation téléphonique. Toutes les entrées du village sont bloquées et personne ne peut entrer ni sortir. Les policiers auraient eux-mêmes amené les deux blessés vers une destination inconnue, sans autoriser leurs proches à les accompagner.

(1) http://tgphanoi.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1434. Voir aussi VietCatholic News, 6 janvier 2010

© Les dépêches d'Eglises d'Asie peuvent être reproduites, intégralement comme partiellement, à la seule condition de citer la source.

(Source: http://www.zenit.org/article-23119?l=french)
 
Vietnam police beat Catholics
Sydney Morning Herald
12:06 07/01/2010
Several Vietnamese Catholics were injured after police used electric prods and fired tear gas during a dispute over a crucifix, a priest said.

The incident occurred early on Wednesday in Dong Chiem parish, about 70km from Hanoi, when parishioners tried to stop a large group of police and troops sent to dismantle the cross on top of a mountain, said Nguyen Van Huu, the parish priest.

He said parishioners told him the police used electric prods, tear gas and stones against the crowd, two of whom were seriously injured and taken to Hanoi for treatment.

Four or five other parishioners were hurt, said the priest, who was not present at the time of the incident.

The clash, as described by the priest, is one of the most serious recent incidents in a long-running series of church-state land disputes.

Police refused to comment.

(Source: Sydney Morning Herald, http://news.smh.com.au/breaking-news-world/vietnam-police-beat-catholics-priest-20100107-lwu2.html)
 
Vietnam: Conflits entre les autorités et l’Eglise catholique
Zenit
12:07 07/01/2010
ROME, Mercredi 6 Janvier 2010 (ZENIT.org) - La trêve du début de l'Année sainte et des fêtes de Noël aura été brève. Les autorités semblent ne pas vouloir laisser se refroidir certains conflits en cours aussi bien avec l'Eglise catholique qu'avec d'autres religions (1). Dès le 28 décembre, le provincial des rédemptoristes vietnamiens recevait une lettre de remontrances du président du Comité populaire du troisième arrondissement de Saigon (2), arrondissement où se trouvent, au 38 de la rue Ky Dong, le siège de la congrégation et sa principale paroisse, Notre-Dame du Perpétuel Secours, une paroisse active et très fréquentée, a rapporté Eglises d'Asie, l'agence des Missions étrangères de Paris, le 5 janvier.

Les reproches concernent la liberté de parole des religieux de saint Alphonse de Liguori, leurs intrusions dans la politique, et les déformations qu'ils feraient subir à la politique de l'Etat dans leurs prises de parole, plus particulièrement dans les articles mis en ligne par eux sur le site Internet de la congrégation (3).

La lettre, qui est signée du président du Comité populaire d'arrondissement, Pham Ngoc Huu, mentionne comme objet « les activités erronées d'un certain nombre de religieux rédemptoristes vietnamiens et de M. Lê Quang Uy [qui est en réalité un religieux - NDLR]. Après quelques propos d'ordre général, vantant la politique d'ouverture (doi moi), la justesse de la politique religieuse pratiquée par l'Etat vietnamien et soulignant la satisfaction des fidèles et du clergé, l'auteur de la lettre reconnaît encore que la paroisse a participé de façon satisfaisante aux diverses campagnes sociales lancées dans l'arrondissement. Les accusations viennent ensuite: des événements regrettables ont eu lieu à l'intérieur de l'église

Notre-Dame du Perpétuel Secours. Leurs conséquences ont grandement affecté l'unité nationale.

Parmi les événements regrettables, la lettre cite d'abord les textes et documents publiés sur les sites Internet de la congrégation. Ils ont pour auteurs des prêtres rédemptoristes ou des personnes connues pour leur opposition au gouvernement. Ces écrits déforment la vérité et calomnient le gouvernement à propos d'affaires comme celles de la Délégation apostolique à Hanoi, de la paroisse de Thai Ha à Hanoi, de l'église de Tam Toa dans le Quang Binh, de l'église de Loan Ly dans le diocèse de Huê, de l'expulsion des moines bouddhistes de Bat Nha, de l'exploitation de la bauxite sur les Hauts Plateaux du Centre. En outre, les prêtres de la paroisse Notre-Dame du Perpétuel Secours ont fait participer la communauté des fidèles à leur campagne de dénigrement, en organisant des assemblées de communion avec les victimes des différentes affaires citées ci-dessus. Parmi les rédemptoristes cités, une importance particulière est attribuée au P. Lê Quang Uy, curieusement appelé M. Lê Quang Uy, initiateur d'une campagne de signatures contre l'exploitation de la bauxite sur les Hauts Plateaux. En conclusion, il est demandé au supérieur provincial des rédemptoristes et au responsable de l'église Notre-Dame du Perpétuel Secours de prendre leurs responsabilités et d'interdire à leurs confrères un tel comportement.

Interrogé par Radio Free Asia (4), le supérieur provincial des rédemptoristes, le P. Pham Trung Thanh, a déclaré avoir reçu, il y a un mois, une lettre semblable venant des autorités de Hanoi, au sujet de ses confrères de la capitale. Il avait répondu à cette première lettre que ses confrères n'avaient commis aucune faute, tant du point de vue théologique que canonique ou encore moral. Le provincial fera la même réponse pour ses confrères de Saigon. Il regrette de ne pouvoir obéir aux injonctions du gouvernement demandant à sa congrégation de s'en tenir au strict domaine religieux. Il estime que les prêtres ont le devoir d'annoncer l'Evangile en fonction des pauvres et des persécutés du moment. Le père provincial a particulièrement soutenu les deux prêtres les plus visés par les accusations des autorités, à savoir le P. Vu Khoi Phung, de Thai Ha, et le P. Lê Quang Uy, de Saigon. Le supérieur des rédemptoristes vietnamiens a également affirmé qu'il ne s'estimait responsable que des articles placés sur les sites de la congrégation par ses confrères. Les autres textes n'engageaient que la responsabilité de leurs auteurs, dont les coordonnées étaient connues de tous.

(1) Voir dépêche précédente sur la communauté bouddhiste du « Village des pruniers »

(2) Le fac-simile de la lettre a été mise en ligne à l'adresse suivante: http://vietcatholic.net/News/Html/75058.htm

(3) http://dcctvn.net/

(4) RFA, émission en vietnamien, 4 janvier 2010.

(Source: http://www.zenit.org/article-23118?l=french)
 
Policja zaatakowała parafian w Wietnamie (tiếng Ba Lan)
Ekai.Pl
16:42 07/01/2010
Komunistyczne siły bezpieczeństwa zaatakowały dziś parafię Dông Chiêm w archidiecezji Hanoi. W działaniach wzięło udział około 500 funkcjonariuszy, uzbrojonych w pałki, gazy łzawiące i broń palną.

O zajściach poinformowała agencja APIC, powołując się na stronę internetową archidiecezji Hanoi.

Najście sił policyjnych rozpoczęło się od zniszczenia krzyża postawionego na pobliskiej górze. Policja pobiła broniących go wiernych. Dwie osoby doznały poważnych urazów – poinformował miejscowy proboszcz. Zaznaczył, że władze zablokowały wszystkie drogi dojściowe do wsi. Obrońcy praw człowieka wyrazili zaniepokojenie próbami coraz ściślejszej kontroli przez władze wspólnot religijnych i ograniczanie prawa do swobodnego wyznawania wiary.

Zobacz więcej artykułów z działu Świat » Wersja do druku »



(Source: http://ekai.pl/wydarzenia/swiat/x24682/policja-zaatakowala-parafian-w-wietnamie/)
 
Archdiocese protests police sacrilege
J.B. An Dang
21:20 07/01/2010
Blowing up the crucifix in the cemetery of Dong Chiem Parish with explosives is one of severe forms of sacrilege. It insults the Catholic faith”, heeded a statement of the Archdiocese of Hanoi.

“The mount has always been in the ownership of the parish since its establishment more than a hundred years ago,” said Fr. John Le Trong Cung, Vice Chancellor of Hanoi Archbishopric in a statement released on Jan. 7, a day after Vietnam police attack at Dong Chiem Parish.

Adding more evidence to the ownership of the parish on the mount, the archdiocese stated: "Since the Great Famine that occurred in northern Vietnam from October 1944 to May 1945, during which 2 million people were starved to death, the mount has served as a parish cemetery. Besides, up till now, the parish has even been renting part of the mount out to farmers for cultivation. "

However, it's worth noting that Vietnam government has repeatedly denied the Church's ownership on any land citing the Communist land policy in which "all land belongs to the people and the State is acting as manager on behalf of the people"

“At around two o’clock in the morning of Jan. 6, a great mass of estimated 600 to 1000 police, security forces, and militiamen equipped with weapons, batons, tear gas, and police dogs besieged parishes of Nghĩa Ải, Tụy Hiền, Đồng Chiêm to isolate the area and prevent any rescue effort from neighboring parishes to pour in. They then started destroying the crucifix.” reported the statement.

“Facing such an extreme act of sacrilege, parishioners of Dong Chiem begged the police to stop destroying their crucifix. But in response they were shot at close range with tear gas canisters. Among a dozen brutally beaten, two of them were seriously injured and hospitalized,” Fr. John Le said, condemning the brutal acts of police. These two victims were reportedly transported by police after the attack to a clinic in the town of Te Tieu where they had received no medical attention until later in the day when the priests and parishioners found and brought them to Viet Duc hospital for medical treatment.

“We are now coping with severe grief and shock, for what happened to the crucifix was an act of sacrilege to the Christ, our Lord. It was really sacrilege. To desecrate the crucifix is to insult the most sacred symbol of the Christian faith and of the Church. To brutally assault the unarmed, innocent civilians is a savage and inhumane act as human dignity is severely hurt. This gross conduct should be condemned!” lamented the statement.

The archdiocese reported further that “Immediately following the fateful afternoon of Jan 6, after their retreat, leaders of deaneries, and all priests throughout the archdiocese had rushed to Dong Chiem to offer their sympathy and well wishes to the pastors and parishioners. They consoled the victims and con-celebrated Mass, praying for the injured and for Dong Chiem parish as a whole.”

On behalf of Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, Fr. John Le urged priests, religious, and lay people of the archdiocese to pray more fervently in this time of difficulty. He passionately wrote: “In communion within our Church, I ask for fervent prayers from all priests, religious, seminarians, and all faithful, for Dong Chiem parish to be steadfast in bearing our Christ's cross. Let us pray for our country to become just, democratic, and civilized, where sacred values are respected and human rights protected.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Don Sproxton khai mạc Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam toàn Úc Châu
Nguyễn Hiệp
09:10 07/01/2010
Giữa cả một cảnh trời thiên nhiên hùng vỹ bên bờ Ấn Độ Dương, cũng là duyên hải miền Tây của Úc Đại Lợi…Nơi đây hôm nay ngày mùng 7/1/2010 ngày hội lớn trong sinh hoạt của Tổng liên đoàn TNTTVN toàn quốc Úc Châu – là ngày khai mạc Đại Hội kỳ thứ 12 của Tổng Liên Đoàn được mệnh danh là Sa Mạc & Đại Hội Nắng Hồng Thứ 12.

Thánh Lễ Khai mạc do Đức GM Don Sproxton làm chủ tế được tổ chức tại Trại Hè Ern Halliday Recreation Camp, trên đường Whitfords Avenue, vùng Hillary Tiểu bang Tây Úc.

Đoàn TN TT VN Tây Úc - Xứ Đoàn Thánh Tâm nói riêng cùng với Toàn thể Cộng đoàn CGVN Tây Úc nói chung, đã hân hạnh đăng cai tổ chức và hôm nay rất vui mừng được đón chào hơn 200 Huynh Trưởng của Tổng LĐ TN TT VN từ khắp các tiểu bang Úc châu quy tụ về đây tham dự Đại hội đặc biệt này.

Nơi đây hôm nay và trong 4 ngày Đại Hội sắp tới, các HT sẽ được huấn luyện, lá cờ của PT TN TT VN trong đó có Thánh giá và Thánh Thể sẽ được nâng cao, được tuyên dương để nói lên niềm tin và lòng yêu mến của các Trưởng và của mọi tâm hồn trẻ TN TT VN Uc Châu với Đức Kito và Thánh Thể của Ngài

Cũng từ nơi đây và qua dịp này, trong tinh thần hiệp thông, chúng con xin mời quý Cha và anh chị em, cùng với tất cả các em TN TT VN Úc châu hướng về tất cả các em TN TT VN và GH tại quê nhà … Đặc biệt xin hiệp thông với Giáo xứ Đồng Chiêm, Hà Nội …nơi đây một chính quyền đang áp đảo mọi tín hữu, một bạo quyền đang âm mưu đập đổ Thánh Giá Chúa là biểu tượng và là niềm tin của mọi tín hữu Công giáo khắp nơi.

Với tất cả những tâm tình trên, chúng con xin mời Quý Cha cùng anh chi em bước vào Trại Hè Sa mạc & Đai Hội Nắng Hồng Thứ 12 của Tổng Liên Đoàn TN TT VN Úc Châu 2010 hôm nay…

Chương Trình Khai Mạc

Ngay từ sáng sớm khi hầu hết những thương xá và công sở còn đóng cửa, thì Trung Tâm Công Đoàn Công Giáo VN Tây Úc đã mở rộng cửa để đón chào hơn 200 trại sinh đã tập trung lại đây để cùng nhau tiến về Trung Tâm điểm của Sa Mạc & Đại Hội Nắng Hồng XII tại Ern Recreation Camp…

Cùng đồng hành với các Trại sinh là một đội ngũ đông đảo gồm hàng chục Linh Mục,Tu sĩ và các Ban nghành chuyên môn đến từ khắp các tiểu bang Úc Châu trong đó có: Tuyên Úy Sa Mạc - Cha Micae Phạm Quang Hồng; Sa mạc Trưởng – Cha Dominico Nguyễn Kim Sơn và nhiều Linh Mục khác trong Ban Huấn Luyện – Cha Joseph Parkinson ( Thuyết trình viên ), Cha Phêrô Hoàng Kim Huy ( Tiểu Trại Trưởng-Dự Trưởng ), Sr Đoàn Thị Phục ( Tiểu Trại Trưởng-Cấp I ), Cha Phạm Quang Hồng ( Tiểu Trại Trưởng-Cấp II ), Cha Nguyễn Văn Tuyết ( Tiểu Trại Trưởng-Cấp III ); Sa Mạc Phó - Chị Maria Hà Thị Kim Ly.

Ngoài ra trong Ban Huấn Luyện còn có Quý Cha Dương Thanh Liêm, Nguyễn Quyết Chiến, Vú Trương Hồng Thái, Lâm Quang Thi cùng tám Trưởng: Hải Sơn, Việt Anh, Kim Ly, Hồng Phúc, Hoàng An, Thiên Tuyền, Quốc Triệu và Thanh Khương.

Để điều hành chung, Đại Hội còn có rất nhiều các Ban Nghành chuyên môn như Ban Quản Trị, Ban Thường Trực, Ban Ẩm Thực, Tiếp Tân, Phụng vụ, Kỹ thuật, Hành Chánh, Tài Chánh, Vệ Sinh, Kỷ Luật, Trò Chơi Lớn, Sinh Họa và Ban Y Tế với 3 Bác sĩ trẻ cũng là các Trưởng Bs Thanh Khương, Minh Hùng & Mạnh Hà.

Dưới trời nắng ấm giữa cảnh thiên nhiên cát trắng cây xanh – làm nức lòng các Trại Sinh cũng là các Trưởng ưu tú của Liên Đoàn TN.TT.VN.UC xích lại gần nhau, với những cơn gió biển hiu hiu làm mát rượi tình người và tinh thần hăng say phục vụ cho Đức Kito và Thánh Thể Ngài… tất cả đã nghiêm chỉnh trong đồng phục của Đoàn với hàng ngũ ngay ngắn và trang trọng làm lễ Chào cờ trước sự hiện diện hiếm quý của Đức Giám Mục Don Proxton, Cha Quản Nhiệm Cộng Đoàn CG.VN.Tây Úc và nhiều Quý Linh Mục Tu sĩ & Cộng Tác Viên tham dự Trại.

Bốn lá Cờ mang đủ ý nghĩa của những tâm hồn trẻ Thiếu Nhi Thánh Thể VN đã tung bay trong gió – Cờ vàng Sọc đỏ như Máu Đỏ Da Vàng mang trong mình những người con ty nạn của Mẹ VN bất khuất – Cờ Úc Đại Lợi như Quê Hương Thứ Hai cưu mang cho những người Dân Việt Tỵ Nạn – Cờ Tổng Liên Đoàn TN.TT.VN.UC và cuối cùng là Cờ của Sa Mạc Đại Hội Nắng Hồng.

Tiếp theo đó là Câu chuyện dưới Cờ của Lm Sa mạc Trưởng Nguyễn kim Sơn, Lời Chào Mừng của Lm Quản Nhiệm CĐ.CG.VN.TU với các Trại Sinh Nắng Hồng, Giới Thiệu 17 Xứ Đoàn từ mọi tiều bang Úc Châu tham dự trại.

Nghi Thức Khai Mạc Trại được tô đậm nét với sự đóng góp và trình diễn những màn vũ Trống Cơm đặc sắc của Xứ Đoàn Thánh Tâm chủ nhà và cuối cùng là Thánh Lễ Khai Mạc để thánh hóa mọi phút giây của Nắng Hồng với Chủ đề PHÓ THÁC được nắng lên trong ân sủng và phúc lành của Chúa Thánh Thế và sẽ chiếu sáng mãi cho những ngày sắp đến của Nắng Hồng được thành công mỹ mãn..

Transcript bài phỏng vấn Đức Cha Don Sproxton

Hồng Nhung: Your Excellency, perhaps this is the first time you're engaging in a conversation with the Vietnamese youth, could you please tell us how you would feel about this ?

Thưa Đức Cha, đây có lẽ là lần đầu Đức Cha gặp gỡ với các bạn trẻ Việt Nam, Đức Cha cảm thấy thế nào?

Đức Cha Don Sproxton: Thank you, I feel very excited about being here today. I was speaking with Father Son some time ago about coming and being here to celebrate the Mass and also to talk about the Mass. And I heard some of the plans that they made to make this a very enjoyable, but informative experience. I was very, very happy to be here.

Cám ơn cô, tôi cảm thấy rất hào hứng hiện diện nơi đây hôm nay. Tôi đã nói chuyện với cha Sơn về việc đến đây và cử hành Thánh Lễ và nói về đề tài Thánh Lễ. Tôi cũng nghe nói về chương trình trại Hè này làm sao cho nó trở thành một kinh nghiệm vừa vui tươi vừa mở mang kiến thức. Tôi rất là hạnh phúc hiện diện nơi đây.

Hồng Nhung: Would you mind telling us briefly the main points of your speech to the Vietnamese audience?

Đức Cha có thể tóm lược những điểm chính ngài sẽ trình bày với các bạn trẻ Việt Nam không, thưa Đức Cha.

Đức Cha Don Sproxton: Yes, I wanted to just help them to understand where the Mass has come from, where the Eucharist has come from and one important thing for us to look at today, I think will be the Jewish Passover. It was there that Jesus gave us the Mass and some of the things done in the Jewish Passover. We can understand a deeper way about the Eucharist. I’m hoping that we can look at those sort of things and also look at a bit of the history of the Mass as it’s developed over the centuries, because the Mass that we celebrate today is very much different to the Mass our grandparents celebrated, say thirty-forty years ago. So, just to help them understand the beauty of what we have today.

Vâng, tôi muốn giúp họ hiểu được xuất xứ của Thánh Lễ, của Bí Tích Thánh Thể và điều quan trọng mà chúng tôi sẽ nghiên cứu hôm nay là Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Chính xuất phát từ đó mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Thánh Lễ và những điều đã được thực hiện trong Lễ Vượt Qua. Tôi hy vọng là chúng tôi sẽ xem xét những điều này và lướt qua một chút về lịch sử Thánh Lễ như đã được phát triển trong những thế kỷ qua vì Thánh Lễ chúng ta cử hành ngày nay khác xa với Thánh Lễ ông bà chúng ta cử hành, chẳng hạn 34 năm trước đây. Tôi chỉ muốn giúp họ hiểu được vẻ đẹp của những gì chúng ta có hôm nay.
 
Thông báo của Văn Phòng Tòa TGM Hà Nội về vụ việc Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ Đồng Chiêm
LM Gioan Lê Trọng Cung
09:22 07/01/2010
VĂN PHÒNG
TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
40 Phố Nhà Chung – Hà Nội


Hà Nội ngày 7 tháng 1 năm 2010

Kính gửi: Quí Cha
Quí Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
và toàn thể Anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội xin thông báo về vụ việc Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ Đồng Chiêm (Xã An Phú, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bị các lực lượng vũ trang của chính quyền triệt hạ và đập phá ngày 6.1. 2010 như sau:

Núi Thờ còn gọi là Núi Chẽ nằm cạnh nhà thờ Đồng Chiêm luôn thuộc quyền sử dụng của giáo xứ Đồng Chiêm kể từ ngày thành lập giáo xứ hơn 100 năm nay. Đây là nơi giáo xứ chôn cất các trẻ em sơ sinh và những người vô gia cư trong những năm 1945-1946. Ngày nay giáo xứ vẫn cho một số người thuê đất canh tác ở núi này.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1 năm 2010, các lực lượng vũ trang chính quyền vào khoảng 600 cho đến 1.000 người gồm dân quân tự vệ, công an, và cảnh sát cơ động với súng ống, chó nghiệp vụ, dùi cui, lựu đạn cay đã phong tỏa các giáo xứ Nghĩa Ải, Tụy Hiền, Đồng Chiêm, chặn lại tất cả các lối đi và khu vực Núi Thờ. Họ bắt đầu triệt hạ và đập phá Thánh Giá bằng bê tông trên núi này. Trước hành động phạm thánh như vậy, giáo dân Đồng Chiêm đã kêu gọi họ ngừng ngay những hành vi xúc phạm đó. Thế nhưng giáo dân đã bị cảnh sát ném lựu đạn cay và một số đã bị đánh đập tàn nhẫn trong đó có hai người bị thương nặng hiện đang còn phải nằm bệnh viện để điều trị.

Chúng tôi vô cùng đau buồn, vì xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm đến Chúa Kitô. Đó là một sự phạm thánh! Xúc phạm đến Thánh Giá là xúc phạm đến biểu tượng thánh thiêng nhất của đức tin Kitô giáo và Giáo Hội. Đánh đập tàn nhẫn những người dân vô tội và vô phương tự vệ là một hành động dã man vô nhân đạo xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con ngưòi. Đây là hành vi thô bạo đáng bị lên án!

Ngay chiều ngày 6 tháng 1, sau buổi tĩnh tâm, các cha quản hạt và các linh mục Tổng Giáo Phận Hà Nội đã về Đồng Chiêm để thăm hỏi cha xứ và giáo dân, an ủi các nạn nhân bị hành hung và dâng lễ cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm.

Trong tình hiệp thông của Giáo Hội, xin các cha, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, và tất cả anh chị em hãy tích cực cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm được vững vàng chia sẻ thập giá Chúa Kitô. Chúng ta cũng cầu nguyện cho đất nước được thực sự công bằng dân chủ và văn minh, những giá trị thiêng liêng được tôn trọng và các quyền con người được bảo vệ.

Trân trọng thông báo,
Chánh Văn Phòng
 
Giáo xứ Thanh Đức tặng qùa cho các học sinh nghèo
Paul Maria
11:29 07/01/2010
ĐÀ NẴNG - Chiều nay, ngày 07/1/2010, tại Giáo xứ Thanh Đức, BTV Hội Đồng Giáo Xứ đã tổ chức tặng quà đầu Năm Mới 2010 cho 30 em học sinh nghèo cả Lương và Giáo từ các Giáo xứ Thanh Đức, Chính Tòa và Nhượng Nghĩa thuộc Gp Đà Nẵng.

Hình ảnh tặng quà

Mỗi em nhận được phần quà là một chiếc xe đạp. Số quà này do một số gia đình gốc Thanh Đức và của Ông Bà Crisafi và Shipley đang định cư tại Mỹ tài trợ.

Phát biểu trong buổi tặng quà, Cha Phó Phaolô Trần Ngọc Hoàng ( thay mặt Cha Quản Xứ đang bận dạy tại ĐCV Xuân Bích Huế ), nói:

". .. Cha biết các con rất vui vì được nhận những món quà giá tri hôm nay. Ngày trước còn đi học, Cha cũng đã ước mơ được một chiếc xe đạp như thế này mà không thể có. Cha, Giáo xứ và đặc biệt là tất cả các con phải có tâm tình tạ ơn: Tạ ơn Chúa và tạ ơn các vị ân nhân. Cha thiết nghĩ cách tạ ơn tốt nhất là các con cố gắng học hành, trên hết và trước hết là học làm người tử tế, xứng đáng là con của Trời, con của Chúa. Sau giúp gia đình, xã hội và cả việc xây dựng Nước Chúa nữa... "

Ông Anrê Nguyễn Đại Việt, Chủ Tịch HĐGX Thanh Đức, thay lời cho Giáo xứ, cho các gia đình cám ơn Quý Ân nhân đã thương tặng những món quà cho các em học sinh nghèo gồm cả Lương và Giáo hôm nay. Xin Chúa trả công và ban muôn hồng ân trên tất cả mọi người.

Nhìn những khuôn mặt hớn hỡ, tươi vui của các em được nhận quà chiều nay, người viết không khỏi ngậm ngùi nhớ đến bao khuôn mặt bàng hoàng, hốt hoảng và vô cùng choáng váng trước những hành động của chính quyền thành phố Hà Nội vừa giáng xuống trên Giáo dân Đồng Chiêm, qua việc triệt hạ Thánh Giá trên Núi Thờ và hành hung cha mẹ, người thân của các em tại đó trong những ngày này.

Xin được trích đoạn bài viết của tác giả Paulus Lê Sơn đăng trên các Website Công Giáo ngày 06/01/2010 để kết thúc và nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội và Dân Tộc Việt Nam:

". .. Những trẻ thơ này đã phải chứng kiến một cảnh hết sức chống vánh, bạo lực của nhà cầm quyền đối với Tôn giáo, đối với cha mẹ, ông bà các em.

Nhà cầm quyền đã viết vào lòng những tâm hồn trẻ thơ này sự cướp bóc, lén lút, bạo lực, chết chóc, hận thù. Những trẻ thơ nơi thôn quê nghèo khổ ngơ ngác, nhìn nhau trong ánh mắt đầy nước mắt đau thương. .. "
 
Giáo xứ Bắc Hải với thánh lễ tạ ơn
Giuse Khổng Hữu Nguồn
11:41 07/01/2010
HỐ NAI - Sáng thứ Năm 07.1.2010, giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc, tổ chức tiễn chân cha phó Đaminh Trần Mạnh Duyên đến nhận nhiệm sở mới là giáo xứ Bùi Thái, hạt Tân Mai, với cương vị phó xứ.

Hình ảnh lễ tạ ơn

Chiều ngày hôm trước, thứ Tư 06.1 cha phó Đaminh đã dâng lễ Tạ ơn Chúa, nói lời cảm ơn và chia tay đến cha xứ, quý Dì Hội Dòng Mến Thánh Giá Bắc Hải, quý chức tân cựu và quý cụ ông bà anh chị em, các gia đình trong cộng đoàn giáo xứ Bắc Hải.

Tham dự lễ có cha xứ Đaminh Bùi Văn Án, quý tu sĩ, quý chức Ban hành giáo tân cựu, đại diện các đoàn hội các giới, và rất đông đại diện các gia đình.

Trước khi kết thúc thánh lễ, vị đại diện Ban hành giáo thay lời cộng đoàn giáo xứ lên dâng lời cảm ơn cha phó Đaminh. Ngài đã cộng tác đắc lực với cha xứ, giúp đỡ giáo xứ rất nhiều trong thời gian hơn ba năm qua.

Bên cạnh công việc xây dựng Thánh Đường còn đang bề bộn, ngổn ngang sắt thép gạch cát …Từ sáng sớm ngày tiễn chân cha phó Đaminh, gần 10 chiếc xe 07 chỗ bóng loáng đã đậu sẵn trong sân nhà xứ Bắc Hải. Đến gần 9 giờ đoàn xe đón cha tân phó xứ của giáo xứ Bùi Thái cũng đã đến.

Trong bầu khí hiệp thông, chan hòa yêu thương của đại gia đình hai giáo xứ Bắc Hải- Bùi Thái, quý chức Ban hành giáo, đại diện các thành phần trong hai giáo xứ đã quây quần bên quý cha. Những câu chuyện hàn huyên tâm sự thật dí dỏm sinh động vui tươi đạo đức.

Đúng 10 giờ đoàn xe đưa đón của hai giáo xứ đã về đến sân Thánh Đường giáo xứ Bùi Thái. Cha Đaminh Trần Mạnh Duyên, tân phó xứ Bùi Thái cùng với đoàn tiến vào nhà xứ giữa hàng chào danh dự, tiếng kèn đồng hòa quyện những tràng pháo tay vang rền.

Cha Giuse Nguyễn Kim Đoan chánh xứ Bùi Thái, kiêm quản hạt Tân Mai, là cha nghĩa phụ đã vui mừng ra đón cha con tân phó xứ Bùi Thái, quý cha và quý khách trong đoàn.

Sau ít phút nghỉ ngơi, đoàn rước cha tân phó xứ và quý cha tiến vào Thánh Đường. Trước khi chầu Thánh Thể, cha tân phó xứ trình thư bổ nhiệm lên cha quản hạt Tân Mai. Cha quản hạt đã công bố bài sai của Đức cha giáo phận cho cộng đoàn phụng vụ.

Chầu Thánh Thể xong, quý cha, quý tu sĩ và mọi người bước vào phòng tiệc của giáo xứ Bùi Thái cùng chung chia niềm vui.

Cha xứ cùng cộng đoàn giáo xứ Bắc Hải xin chúc cha Đaminh Trần Mạnh Duyên, tân phó xứ Bùi Thái luôn an vui mạnh khỏe, dồi dào ơn Thánh, xứng đáng là linh mục của Chúa, nhằm cứu rỗi các Linh hồn.
 
Cùng Đồng Chiêm trồng lên Thánh Giá!
J.B. Giáp Trung
11:53 07/01/2010
Nào ta đi cùng với Đồng Chiêm !
Tới đỉnh đồi cao trồng lên Thánh Giá
Từ dấu vết quân ác nhân tàn phá
Sẽ mọc lên CÂY THA THỨ BAO DUNG

Này người ơi xin chớ dửng dưng
Trước nỗi đau của đoàn chiên thơ bé
Khi dòng đời qua đi mau lẹ
Còn lại gì nơi chức trọng quyền cao ?

Còn lại gì nơi chiếc ghế hôm nao ?
Ta ngự giá trong cẩm bào Hêrốt (Hê-rô-đê)
Còn lại gì nơi sắc màu lả lướt ?
Khi con tim hờ hững trước nhân tình

Hãy nhìn đi, đừng cúi mặt làm thinh
Vì Thánh Giá anh em mình máu đổ
Vì Công Lý bao tấm thân nằm đó
Trong đớn đau vẫn nguyện ước trung trinh

Hãy nhìn đi, mà suy xét lại mình
Coi Thánh Giá hay chữ Tôi làm đích ?
Trọng đồng bào hay trọng quân thù địch ?
Vũ khí dương theo “ý thích” riêng mình

Này người ơi, mau nhịp bước đồng hành
Với Đồng Chiêm trồng thêm nhiều Thánh Giá
Bỏ vũ khí dẹp cái tôi bé nhỏ
Để bước lên giữa đất rộng trời cao

Để đồi xanh lại nở thắm tươi màu
Rừng Thánh Giá từ thương đau tàn phế
Để con người biết quý trọng nhau
Đừng chặt đi những cành mầm tương đệ !

Cùng Đông Chiêm, trồng thêm nhiều bạn nhé !
Cây Tình Yêu trên khắp nẻo Việt Nam
Mới có thể hy vọng mùa vàng
Hoa trái thơm cho Con Rồng Cháu Lạc

Cùng Đồng Chiêm ta đi tìm Sự Thật
Từ đồi cao Thánh Giá, hỡi người ơi !!!

7/1/2010
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đồng Chiêm - hy lễ mới
Nắng Sàigòn
04:06 07/01/2010
ĐỒNG CHIÊM – HY LỄ MỚI

Gió xuân về mang theo đầy nước mắt,
Giữa Đồng Chiêm héo hắt một màu tang.
Xuân chưa sang, sao Đào đã vội tàn?
Vui sao đành Mai vàng buồn mênh mang.

Máu em rơi, rơi trên đàng Thánh giá,
Máu mẹ rơi, trên Núi Thánh cuộc đời.
Đồi Can-vê chiều nao vẫn gọi mời,
Tiếng tình yêu cất lời vọng muôn nơi.

Đồng Chiêm ơi! Vững lời kinh, tiếng hát,
Đồng Chiêm ơi! Dẫu tan nát thân mình.
Hạt lúa mì, dâng tấm bánh trắng tinh,
Dâng rượu đào, theo bước hồn anh linh.

Đồng Chiêm ơi! Vững niềm tin hiến tế,
Đồng Chiêm ơi! Dâng hy lễ ân tình.
Chén đắng này là của lễ hy sinh,
Vác thập hình theo Chúa, hồn trung trinh.

Xót xa thay, lời kinh trong nước mắt
Giữa Đồng Chiêm quặn thắt trái tim hồng
Sự Thật ơi! Sao cứ mãi bềnh bồng
Công Lý ơi! Sao đời mãi ngóng trông.

Đồng Chiêm ơi! Vững lời kinh, tiếng hát,
Đồng Chiêm ơi! Dẫu tan nát thân mình.
Hạt lúa mì, dâng tấm bánh trắng tinh,
Dâng rượu đào, theo bước hồn anh linh.

Đồng Chiêm ơi! Vững niềm tin hiến tế,
Đồng Chiêm ơi! Dâng hy lễ ân tình.
Chén đắng này là của lễ hy sinh,
Vác thập hình theo Chúa, hồn trung trinh.

(Xin hiệp thông niềm đau với các linh mục, tu sĩ và giáo dân Đồng Chiêm, 07/01/2010)
 
Ký sự một ngày ở Đồng Chiêm
BTT TGP Hà Nội
04:08 07/01/2010
HÀ NỘI - Buổi chiều ngày 06/01/2010, ngày cây Thánh Giá tại Núi Thờ của giáo xứ Đồng Chiêm bị chính quyền đập phá, chúng tôi tới Đồng Chiêm.

Thánh giá mới bằng tre được dựng lên thay thế
Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp ấy là những vành khăn tang của những người dân Đồng Chiêm. Từ già tới trẻ đều mang trên đầu vành khăn tang với vẻ mặt trầm tư đầy tâm sự.

Các linh mục trong Tổng Giáo Phận sau khi kết thúc tĩnh tâm tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội đã lên đường về chia sẻ nỗi niềm với con dân xứ Đồng Chiêm.

Xe dừng lại, mọi người ai cũng nháo nhác hướng về Núi Thờ để tìm kiếm cây Thánh Giá. Sao lại có hai cây thánh giá trên đỉnh núi? Thấy có sự lạ, tôi hỏi người dân:

- Sao mọi người nói là Thánh Giá bị hạ rồi cơ mà?

- Thì họ hạ xuống rồi. Cây Thánh Giá trước làm bằng ximăng cốt sắt to lắm. Còn hai cây kia là bằng cây luồng mới dựng lên đấy.

- Thế cây Thánh giá bằng ximăng họ để ở đâu?

- Họ đục phía chân rồi kéo đổ xuống. Sau đó họ dùng búa đập gẫy hết ra ở trên đó rồi.

Thì ra là thế. Cây thánh giá ximăng đã bị hạ và hiện giờ là những cây thánh giá bằng gỗ bằng tre, những lá cờ tang, những ngọn nến đang ở đó, trên đỉnh Núi Thờ.

Đưa ống kính lại gần ngọn núi, tôi giật mình thấy cả một dòng người từ chân núi lên tới đỉnh. Tôi hỏi người bên cạnh:

- Sao đông người thế kia? Chính quyền còn ở đó không?

- Mọi người đang lên để thắp nến đấy. Chính quyền họ làm xong là đi hết rồi. Chúng tôi lập biên bản và yêu cầu ông trưởng thôn ký xác nhận sự việc đã xảy ra thì ông ấy bảo là ông ấy chẳng biết gì cả.

- Lạ nhỉ ! Sao các bác không chụp hình lúc họ đang có mặt?

- Lúc đó trời còn tối làm sao chụp được hình. Mà ở đây dân đâu có nhiều máy hình như ở thành phố đâu.

Giáo dân Đồng Chiêm cắm cờ tang trên núi
Trở vào ngôi Thánh Đường đã trên 100 tuổi được xây trên một núi đá, chúng tôi thấy choáng ngợp với một màu tang bao trùm trong nhà thờ. Thánh Lễ ngoại lịch, lễ Suy Tôn Thánh Giá, được cử hành từ lúc16h00. Có khoảng 40 linh mục đồng tế trong Thánh Lễ.

Lời mời gọi hiệp lòng suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu và tha thứ cho những người làm điều dữ luôn được gợi lên trong Thánh Lễ.

Kết thúc Thánh Lễ, chúng tôi thấy một đoàn người từ ngoài đường kéo vào chạy theo chiếc ôtô. Lại gần chúng tôi chứng kiến cảnh la khóc và trong ôtô là 2 người phụ nữ mê mệt nằm trên xe với những miếng bông băng vết thương. Hỏi ra thì chúng tôi mới rõ: 2 nạn nhân đêm qua bị cảnh sát đánh đã được đưa đến bệnh viện. Nhưng bây giờ họ trả về, không cho nằm tại bệnh viện nữa.

Ngay lập tức, chiếc xe chở các linh mục từ Hà nội vào đã đưa 2 nạn nhân lên xe đi cấp cứu.

Một người đàn ông xuất hiện với vẻ hoảng hốt và chỉ sau phút chốc đã ngất xỉu nằm vật xuống đất. Thì ra đó là chồng của một nạn nhân khi nhìn thấy vợ mình.

Giáo dân niệm hương cầu cho những kẻ phá đạo thống hối
Văng vẳng từ xa, chúng tôi nghe tiếng loa phóng thanh. Đó là tiếng loa của chính quyền địa phương đang tuyên truyền về vụ việc cây Thánh Giá. Những ngôn từ thấy cũng lạ: Giáo Hội Việt nam đang sống trong Năm Thánh với chủ đề canh tân, sám hối và hoà giải …

Màn đêm dần buông xuống. Những tiếng kinh vang lên từ nhiều khu trong làng. Chúng tôi hỏi thì biết mọi người trong giáo xứ đang chia nhau đến nhà mấy ông cán bộ thôn đọc kinh cầu nguyện cho họ ăn năn sám hối.

Ở bên Cha Xứ, tôi thấy Ngài liên tục cho người đi đến các nhóm để trấn an và yêu cầu không được làm điều gì gây thiệt hại cho gia đình cán bộ.

Chốc chốc tôi lại thấy Cha Xứ bốc điện thoại. Những lời chia sẻ từ khắp nơi gọi về cho Cha. Mấy báo đài quốc tế gọi về phỏng vấn Cha. Tôi nói với Cha:

- Con thấy Cha mệt mỏi rồi đấy !

- Tôi thấy thương cho dân, thương thay cho cả cách hành xử của chính quyền nữa.
 
Tình trạng các nạn nhân bị đánh đập ở Đồng Chiêm
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải
04:21 07/01/2010
Audio tường trình từ Hà Nội