Ngày 01-01-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bày Mưu, Hoán Kế
Lm Vũđình Tường
07:07 01/01/2016
Bày mưu, hoán kế là việc làm của đầu óc. Sống yêu thương và tha thứ là đường lối của con tim. Đôi khi ta có chung kế hoạch nhưng đạt mục đích của kế hoạch chung lại khác nhau, tùy người. Bày mưu hoán kế đến từ trong đầu; ước mong đến từ con tim. Có thể nói Thiên Chúa tạo dựng bộ óc giúp ta nuôi thân nơi trần gian và ban cho con tim để con tim giúp tìm cách vào nước trường sinh. Vì thế đầu óc thường tìm hết kế này, cách khác tìm lợi nhuận cho riêng mình; trong khi con tim giúp chia sẻ tình thương. Vì hai đường hướng khác biệt mà có chiến tranh nội tâm. Một đàng là cách thức của khối óc; đàng khác là đường lối của con tim. Khi hai con đường đi ngược chiều, nội chiến xảy ra. Hai con đường đi cùng chiều, tâm hồn bình an. Khi đường lối đen tối khối óc thắng đường lối trong sáng của con tim thì khối óc biến con tim yêu thương thành con tim sỏi đá; Khi đường lối yêu thương con tim thắng đường lối khối óc thì khối óc đi theo đường chân lí, ánh sáng Phúc Âm. Khi không bên nào nhường bên nào thì đường ai nấy đi; óc theo đường của óc và ctim quyết theo đường riêng mình. Lúc đó chiến tranh lạnh xảy ra, đêm đến nghe tiếng con tim khuyên bảo, kêu gọi trở về con đường yêu thương. Khi khối óc từ chối, lâu ngày con tim mệt mỏi, tạm yên, nhỏ nhẹ hơn. Nó tạm đình chiến trong một thời gian, rồi sẽ trở lại. Đường lối của con tim là thế, kiên trì cho đến khi khối óc phải chào thua, lúc đó nó mới chính thức yên nghỉ. Tiếng nói nhỏ nhẹ trong tâm hồn đó được nhiều người biết đến là tiếng nói của lương tâm.

Đại diện cho đường lối đen tối và con tim sỏi đá là vua Hêrôdê bởi mục đích tối hậu của vua là tìm lợi ích cho riêng vua mà không loại trừ bất cứ âm mưu tàn ác nào, miễm âm mưu đó có lợi cho cá nhân vua. Chính vì thế mà vua không quan tâm đến tiếng than khóc nức nở của những người mẹ có con bị vua ra lệnh giết chết. Cái ngai vàng của vua quan trọng hơn sinh linh trẻ thơ. Nhà vua sống trong lo sợ, sợ mất ngai vàng, sợ mất chức tước, quyền hành nên vua ra lệnh giết tất cả các trẻ trai hy vọng giệt được ấu Chúa. Vua sợ một cách vô lí nhưng vì quá sợ nên vua không quan tâm đế dân. Vua để cho nỗi sợ hoành hành, quyết định. Vua dối trá với các nhà đạo sĩ đến hỏi vua làm sao để tìm ấu Chúa mới sinh. Miệng vua nói sẽ đi thờ ấu Chúa, thực tế lòng vua lo sợ và nghĩ kế tìm cách giết ấu Chúa.

Đại diện cho đường lối trong sáng và con tim yêu thương là ba nhà đạo sĩ bởi mục đích tối hậu của họ là đi tìm ấu Chúa để thờ lậy. Họ không ngại từ bỏ ngai vàng, ra đi, dấn thân tìm ấu Chúa. Dù ra đi tìm kiếm nhưng tâm hồn họ thanh thản, thân xác có mệt mỏi vì đường xa, xứ lạ nhưng an tâm, ấm lòng, đầy hy vọng. Họ mang theo lễ vật dâng tiến ấu Chúa nhưng họ nhận nhiều hơn là cho đi. Nhờ sao lạ dẫn đường họ đã tìm gặp ấu Chúa, thờ lậy xong họ được báo trong giấc mộng hãy theo đường khác mà về. Con đường đó lại được sao lạ đi trước dẫn đường. Chúng ta không biết họ đến từ nước nào, vương quốc họ ở đâu. Họ đến từ nơi xa vì nhận được dấu lạ, sao sáng dẫn đường. Họ đại diện cho tâm hồn trong sáng, tìm kiếm ánh sáng chân lí và tìm được. Hêrôđê cũng tìm kiếm nhưng không gặp ấu Chúa bởi lòng ông chai đá, tâm hồn thiếu ngay thẳng và đầu óc đen tối vì thế không thể nhìn thấy ánh sáng. Vua sống trong thất vọng, triền miên lo sợ. Thiên Chúa bằng cách riêng của Ngài, nhẹ nhàng phá tan mọi âm mưu đen tối mong phá kế hoạch của Ngài. Họ thất bại nhưng mắt vẫn không nhận ra vì thế họ tiếp tục sống trong bóng tối.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Ánh sao lạ dẫn đường giúp lương dân gặp gỡ Chúa
LM. Đan Vinh
11:04 01/01/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG LỄ HIỂN LINH A.B.C

Is 60,1-6 ; Ep 3,2-3a.5-6 ; Mt 2,1-12

ÁNH SAO LẠ DẪN ĐƯỜNG GIÚP LƯƠNG DÂN GẶP GỠ CHÚA

I.HỌC LỜI CHÚA:

1.TIN MỪNG: Mt 2,1-12

(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem (2) và hỏi : “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các Thượng tế, các Kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở dâu. (5) Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách Ngôn sứ có chép rằng : (6) “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ Vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. (9) Nghe Nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp Vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”.

2.Ý CHÍNH:

Qua ánh sao lạ, Thiên Chúa đã soi sáng cho các đạo sĩ tìm đến thờ lạy Con Chúa mới giáng sinh, đang khi vua chúa và các đầu mục dân Do thái lại tỏ thái độ thờ ơ, thậm chí còn thù ghét cố tình hãm hại Người.

3.CHÚ THÍCH:

-C 1-2: +Bê-lem: Một thị trấn nhỏ bé nằm cách thủ đô Giê-ru-sa-lem khoảng 7 cây số về phía Nam. Thị trấn này tuy nhỏ bé nhưng rất danh tiếng, vì là quê hương của vua Đa-vít. Bê-lem còn được Ngôn sứ Mi-kha tuyên sấm là nơi mà Đấng Cứu Thế sẽ ra đời (x. Mk 5,1). +Mấy nhà chiêm tinh: Là những đạo sĩ hay chiêm tinh gia đã từng đọc Thánh Kinh của Do thái giáo nên có sự hiểu biết về việc Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện và muốn được gặp gỡ Người. Dựa vào lễ vật các ngài mang theo là những đặc sản của xứ Arabi, nên người ta đóan các ngài từ xứ Arabi mà đến. Đồng thời dựa vào số lễ vật, người ta cho rằng có 3 vị. Đến thế kỷ VIII, có người còn kể rõ tên của ba vị đạo sĩ ấy là: Men-ki-o (Melchior), Ban-thơ-da (Balthezar) và Gát-pa (Gaspar), đại diện cho ba châu lục thời bấy giờ là châu Âu (da trắng), châu Á (da vàng) và châu Phi (da đen).

-C 11-12: +Vàng, nhũ hương và mộc dược: Các giáo phụ đã giải thích: Vàng ám chỉ tước vị Vua; Nhũ hương chỉ chức vụ Thượng tế; Mộc dược chỉ con đường cứu thế của Đấng Thiên Sai chọn là sẽ bị giết chết trên thập giá và được mai táng trong mồ. Tuy nhiên, ngày nay có người lại giải thích về ý nghĩa của ba lễ vật được các đạo sĩ dâng lên Hài Nhi Cứu Thế như sau: Vàng tượng trưng đức Tin vào Thiên tính của Đấng Thiên Sai; Nhũ hương tượng trưng đức Cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; Mộc dược tượng trưng cho đức Mến là những hy sinh và quyết tâm từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.

4.CÂU HỎI: 1-Bạn biết gì về thành Bê-lem? 2-Chiêm tinh gia là hạng người thế nào? 3-Các ngài từ đâu đến và gồm bao nhiêu vị? 4-Ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược được dâng cho hài nhi Cứu Thế có ý nghĩa ra sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy các tín hữu: “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15b).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MÓN QUÀ CỦA AR-TA-BAN.

HĂNG-RI VĂNG ĐAI-KƠ (Henry Van Dyke) có thuật lại câu chuyện nhan đề: “CÒN MỘT NHÀ ĐẠO SĨ KHÁC NỮA”, kể về nhân vật thứ tư là người lẽ ra đã cùng ba nhà đạo sĩ đi tìm Vua dân Do thái mới sinh. Nhân vật này tên là Ar-ta-ban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Ar-ta-ban có mang theo một túi đựng những viên kim cương để dâng tặng cho vị ấu vương. Thế nhưng trên đường đến điểm hẹn, Ar-ta-ban đã phải dừng chân để giúp đỡ một người nghèo đói nằm bên vệ đường. Do đó khi đến nơi thì ông không còn thấy ba vị kia đâu. Dù vậy, ông vẫn kiên trì tiếp tục cuộc hành trình đi tìm Vua Cứu Thế. Trên đường tìm kiến, mỗi lần gặp một người khốn khổ, ông lại bán đi một viên kim cương để giúp đỡ. Sau nhiều năm, Ar-ta-ban đã dần dần trở thành một lão già ốm yếu, thế mà ông vẫn chưa gặp được Vua Do thái như lòng hằng mong ước.

Rồi 33 năm sau, khi đang trọ trong thành Giê-ru-sa-lem, Ar-ta-ban thấy cả thành xôn xao náo động vì cái tin nhà cầm quyền đang đem một tội nhân đi hành hình thập giá. Ar-ta-ban tò mò hoà theo dòng người đi xem. Khi nhìn thấy tội nhân đang vác cây thập tự bị té ngã nhiều lần, linh tính cho biết đó chính là vị Vua Cứu Thế mà ông hằng tìm kiếm. Ong liền đi theo Người trên đường thương khó. Rồi khi tội nhân bị đóng đinh và bị treo trên thập giá, Ông muốn đến gần ôm lấy vị Vua kia, nhưng không thể được vì bị bọn lính canh ngăn cản. Bỗng chốc Ar-ta-ban thấy vị Vua mở mắt ra nhìn ông và ông nghe thấy có tiếng thì thầm bên tai rằng: “Này Ar-ta-ban, con đừng buồn nữa. Ta cám ơn con vì bao năm qua đã nhiều lần con tặng quà cho Ta. Nhiều lần Ta đói con đã cho bánh ăn, Ta khát con đã cho nước uống, Ta rách rưới con đã cho đồ mặc, Ta là khách lạ con đã đón ta vào nhà ở trọ…”.

Nghe những lời ấy, Ar-ta-ban cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui. Ông hiểu rằng: Các món quà xưa nay ông đã chia sẻ cho người nghèo là ông đã dâng tặng cho chính Vua Giê-su Cứu Thế. Món quà đó không nhất thiết phải là tiền bạc vật chất, nhưng còn là tình người, là sự thông cảm với những ai đang bị đau khổ, là thái độ khiêm tốn sẵn sàng phục vụ tha nhân vô vụ lợi.

2) THÁI ĐỘ KHIÊM TỐN PHỤC VỤ LÀ ÁNH SAO LẠ DẪN ĐƯỜNG HÔM NAY:

Vào một buổi chiều mùa đông, một người ngoại quốc tuổi trung niên lái xe trên con đường đèo vắng vẻ ở miền Trung Việt Nam. Đến một khúc quanh, phát hiện thấy một chiếc xe hơi chết máy đang nằm trên đường, gần bên là bốn người gồm hai vợ chồng và 2 đứa con nết mặt lo âu, vì đây là đoạn đường thường hay xảy ra cướp bóc. Do biết sửa xe hơi, nên người đàn ông ngoại quốc đã dừng xe mau mắn đến bên đề nghị giúp đõ khiến mọi người đều an tâm vui vẻ. Chiếc xe bị hỏng nặng khiến ông phải vất vả tháo rời nhiều bộ phận trong máy, thậm chí có lúc phải chui cả xuống gầm xe. Hai giờ sau thì chiếc xe đã nổ máy khiến mọi người đều mừng rỡ. Hai vợ chồng muốn trả công nhưng ông kia không lấy công. Cuối cùng họ đã xin địa chỉ và một tuần sau, hai vợ chồng có dịp đến thăm thì mới hay người đàn ông ngoại quốc giúp họ sửa xe hôm trước chính là một giám mục Công Giáo. Sau đó do nể phục nên cả gia đình đều xin theo đạo. Chính thái độ khiêm tốn phục vụ vô vụ lợi của vị giám mục người ngoại quốc đã trở thành ánh sao dẫn đường giúp cả gia đình lương dân nhận biết tin thờ Chúa.

3) HÃY BIẾT CẢM THÔNG CHIA SẺ CƠM ÁO VẬT CHẤT VỚI NGƯỜI NGHÈO KHỔ:

Có một bé gái đi theo mẹ đi viếng hang đá tại nhà thờ. Bà mẹ giải thích cho em rằng ba nhà Đạo Sĩ dâng tiến của lễ cho Chúa Hài Nhi là vàng, nhũ hương và mộc dược. Cô bé nhìn Hài Nhi trong máng cỏ một cách cung kính rồi quay sang hỏi mẹ: Tại sao họ không mang đến cho Chúa Hài Nhi một cái giường nhỏ để Chúa phải nằm trong máng cỏ tội nghiệp Chúa quá phải không mẹ? Do có tấm lòng nhân ái và sự quan tâm thực sự đến hài nhi Giêsu, nên cô bé đã cảm nhận được nhu cầu của cuộc sống.

Sự kiện Chúa Giêsu sinh ra nơi hang lừa, máng cỏ đã khơi dậy được tâm tư và sự cảm thông của nhiều người. Chúa đến trong nghèo hèn để mời gọi chúng ta hãy biết mở lòng chia sẻ tâm tình vật chất với những người cùng khổ nghèo đói bất hạnh. Nhu cầu thực tế của cuộc sống là miếng cơm manh áo và một chỗ nương thân. Chúa kêu gọi chúng ta hãy mở lòng cảm thông với người nghèo gần bên: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."(Mt 25, 40).

3. THẢO LUẬN: 1)Tại sao dân ngoại từ phương trời xa đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế, đang khi các nhà kinh sư thông thạo Kinh Thánh ở gần Bê-lem lại không gặp được Người? 2) Trong môi trường sống và làm việc hiện tại, bạn cần phải làm gì để chiếu sáng giúp anh em lương dân nhận biết và tin theo Đức Giê-su?

4. SUY NIỆM:

Lễ Hiển Linh theo truyền thống, được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng. Dịp Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giêsu và sự biểu lộ thần tính của Con Chúa cho Dân Ngoại. Các ngài là những đạo sĩ hay chiêm tinh gia đã từng đọc Thánh Kinh của Do thái giáo nên có sự hiểu biết về việc Đấng Thiên Sai sắp xuất hiện và muốn được gặp gỡ Người. Dựa vào lễ vật các ngài mang theo là những đặc sản của xứ Arabi, nên người ta đóan các ngài từ xứ Arabi mà đến. Đồng thời dựa vào số lễ vật, người ta cho rằng có 3 vị. Đến thế kỷ VIII, có người còn kể rõ tên của ba vị đạo sĩ ấy là: Men-ki-o (Melchior), Ban-thơ-da (Balthezar) và Gát-pa (Gaspar), đại diện cho ba châu lục thời bấy giờ là châu Âu (da trắng), châu Á (da vàng) và châu Phi (da đen).

1) Một số nét tương phản trong bài Tin Mừng hôm nay:

- Giữa thủ đô Giêrusalem và thị trấn Belem: Giêrusalem là thủ đô hoa lệ, là trung tâm về chính trị và văn hoá của nước Do thái, nhưng lại từ chối tiếp nhận Hài Nhi Cứu thế, đang khi Bêlem chỉ là một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn lại đón tiếp Đấng Cứu thế giáng sinh.

- Giữa những người Do thái giáo và lương dân: Các Tư tế và Kinh sư thông thạo Kinh thánh, nhưng lại lười biếng không dám dấn thân lên đường, nên họ đã không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba vị Đạo Sĩ là những dân ngoại không hiểu biết Kinh thánh, nhưng lại có thái độ cầu thị, luôn tìm tòi và sẵn sàng dấn thân lên đường, nên đã gặp được Đấng Cứu Thế.

- Giữa vua thế tục và Vua Thiên Sai: Hêrôđê được gọi là vua, nhưng lại lo âu vì sợ bị Đấng Cứu Thế đến sẽ cướp mất ngai vàng của mình, nên ông đã tìm cách bắt bớ tiêu diệt Người. Còn Đức Giêsu Vua Thiên Sai lại chấp nhận lối sống khó nghèo, luôn mở rộng vòng tay để đón tiếp hết mọi người. Người không thích đóng khung đạo của Người trong cơ chế luật lệ cứng nhắc như đạo Do thái, nhưng Người luôn tỏ ra mềm dẻo khi tuyên bố: “Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27). Người không đến trong cung vàng điện ngọc sang trọng như một bậc vua chúa, nhưng chọn đến trong một chuồng bò tăm tối, hôi tanh. Người không đến như một ông vua trần thế cao sang, nhưng đến với hình hài của một hài nhi yếu đuối nghèo hèn: ”Bà lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7).

2) Điều kiện để gặp được Chúa: Tất cả những tương phản ấy cho thấy: Không phải cứ mang danh người có đạo là đương nhiên chúng ta sẽ gặp đựơc Chúa; Không phải cứ có sự hiểu biết giáo lý Kinh thánh là đương nhiên chúng ta sẽ gặp được Chúa. Muốn gặp được Chúa, chúng ta phải thành tâm thiện chí đi tìm và hăng hái dấn thân lên đường như ba vị đạo sĩ hôm nay.

- Ba đạo sĩ là những người ngoại giáo ở rất xa, nhưng luôn để tâm tìm kiếm dấu lạ trên bầu trời, và đã sớm nhận ra sự xuất hiện của một ngôi sao lạ của Đấng Cứu Thế.

- Việc đi theo ngôi sao lạ cũng đòi các đạo sĩ phải quyết tâm cao: rời bỏ nhà, giã từ người thân với những tiện nghi, chấp nhận cảnh thiếu thốn trong cuộc hành trình dài. Khi ngôi sao biến mất, các Ngài không nản chí bỏ cuộc, nhưng tìm hỏi trong đền vua, và cuối cùng nhờ quyết tâm cao như vậy, các ngài đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế tại thị trấn Belem.

- Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường. Ngày nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta cũng phải là một ngôi sao lạ loan báo lòng Chúa thương xót, giúp dẫn đưa những người thiện chí tìm gặp Chúa. Mỗi người chúng ta phải là một ngôi sao sáng về sự công bình và bác ái. Hãy chiếu ánh sáng ấm áp của tình người đối với mọi hạng người trong xã hội. Qua đó, anh em lương dân sẽ nhận biết và tin yêu Chúa chính là nguồn sáng đích thật.

3) Lời Chúa là ánh sao chỉ đường cho chúng ta: Tác giả sách thánh vịnh đã khẳng định như sau: "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Tv 119, câu 105). Chúa Giêsu cũng đã đồng hóa với người nghèo hèn: "Tất cả những gì anh em làm cho một người trong những anh em hèn mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta." (Mt 25, 40). Những lời Chúa phán chính là ánh sáng giúp chúng ta nhận ra Chúa đang hiện thân trong tha nhân, đặc biệt trong những người nghèo hèn, đau khổ… để khuyến khích chúng ta phục vụ họ. Lễ vật của chúng ta hôm nay dâng Chúa không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược như các đạo sĩ xưa, nhưng là bộ quần áo, chén cơm, sách vở bút mực cho người nghèo, hay là sự ân cần săn sóc người bệnh tật già cả neo đơn chung quanh chúng ta.

4) Ánh sao lạ giữa đời thường: Mỗi Ki-tô hữu phải là một ánh sao lạ thể hiện qua cử chỉ, lời nói, việc làm: Chỉ cần một nụ cười vui vẻ, một ánh mắt thân thiện, một lời khen đúng lúc, một việc phục vụ khiêm hạ của chúng ta cũng có thể phát ra ánh sáng giống như ánh sao lạ trên bầu trời đêm cho các đạo sĩ xưa, như lời thánh Phao-lô: “Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15b). Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể là những vì sao sáng thực sự khi chúng ta biết làm cho mình lu mờ đi để Ngôi Sao Mai là Đức Ki-tô có thể tỏa sáng trong chúng ta và trong lòng mọi người (x. Kh 2,28).

5.NGUYỆN CẦU:

-LẠY CHÚA GIÊ-SU. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con ánh sáng mặt trời mặt trăng, và các lọai ánh sáng phát xuất từ các nguồn năng lượng khác nhau trên mặt đất. Tạ ơn Chúa đã gọi chúng con là “Ánh sáng cho trần gian”. Đây là một niềm vinh dự nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm rất nặng nề của chúng con. Xin cho ánh sáng của chúng con có sức đẩy lui bóng tối của hận thù và bất công, của buồn phiền và thất vọng ra khỏi những người chung quanh. Xin cho chúng con luôn duy trì ngọn lửa tin yêu đã được Chúa thắp sáng trong lòng chúng con, và sẵn sàng làm theo Lời Chúa dạy qua từng phút giây của cuộc sống hằng ngày.

-LẠY CHÚA. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn đang tiếp diễn trên thế gian và ngay trong lòng mỗi người chúng con. Ước chi chúng con đừng chỉ biết nguyền rủa bóng tối tội ác, mà còn biết làm cho ngọn đèn đức tin trong chúng con luôn cháy sáng đức ái, để cả trái đất này đều được ngập tràn ánh sáng tìn yêu của Chúa, nhờ đó sẽ giúp mọi người nhận biết tin yêu Chúa và được chia hạnh phúc Nước Trời với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Lễ hiển linh : Ngôi sao rạng ngời
Lm. Vinh Sơn
20:05 01/01/2016
Lễ Hiển Linh: NGÔI SAO RẠNG NGỜI

Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12

Vào một đêm mưa bão tố, ngọn hải đăng tại một hòn đảo bị mất điện nên không thể chiếu sáng. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên. Bấy giờ có người đi xuống cầu thang lên tiếng liền hỏi anh rằng :

- Ông làm gì với cây đèn cầy nhỏ bé này ?

Anh trả lời :

- Tôi mang cây đèn lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an tòan.

Người kia thắc mắc:

- Nhưng cây nến nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng được ?

Người phụ trách trả lời :

- Bây giờ tôi chỉ cần nó đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có lo liệu tính toán.

Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa vào cái đèn lồng, trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể xử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng di chuyển qua lại hay quay về cập bến an toàn.

Ánh sáng của một vì sao lạ đã tỏa sáng trên bầu Trời dẫn đưa ba nhà đạo sĩ từ phương Đông xa xôi đến bên Hài Nhi Giêsu để thờ lạy Ngài…

Theo Sách Dân số (x. Ds 24,17) sẽ có ngày “ngôi sao nhà Giacóp” sẽ mọc lên và tỏa sáng. Dân Do Thái ngay ở thế kỷ I đã áp dụng lời tiên tri này cho Đấng Mêsia – Đấng Cứu Thế đến cứu dân Chúa đã được tuyển chọn. Hình ảnh tượng trưng đó rất phù hợp với câu chuyện về các đạo sĩ dân ngoại từ phương Đông xa xăm đến thờ lạy Hài Nhi. Lời tiên báo về ngôi sao cho dân Israel không phải do một Ngôn sứ Israel nói ra mà bởi Balaam, một phù thủy dân ngoại, truyền thống vẫn coi ông ta như là kẻ giải mộng huyền bí, nghĩa là một “đạo sĩ”.

Chính Hài nhi là ngôi sao cứu tinh của nhân loại như chính tên Giêsu nghĩa là Đấng Cứu Chuộc. Hài nhi là Đấng Messia, là Chúa Kitô, Ngài là "ánh sáng chiếu soi muôn dân" mà Ngôn sứ Isaia loan báo :“người đi trong bóng tối đã trông thấy xuất hiện một ánh sáng lớn lao, bởi vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng ta” (Is 9,1-5). Ánh sáng đó dẫn đưa mọi dân nước quy tụ thờ phượng Thiên Chúa như Ngôn sứ Isaia tiên đoán các dân các nước sẽ đến để thờ phượng Thiên Chúa của Israel: "Lạc đà dần dần che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; dân Sơ-Va hết thảy kéo lại, mang vàng với trầm hương, và cất cao lời ca tụng Đức Chúa" (Is 60,6).

Ba nhà đạo sĩ đã theo ánh sao đến Giêrusalem thì mất ánh sao, nên các nhà Hiền Triết phương Đông vào triều đình hỏi: “ Đức Vua dân Do Thái mới sinh đang ở đâu”, làm vua Hêrôđê bối rối lo sợ (x. Mt 2,3) khi triệu tập các tư tế cùng các kinh sư, những nhà thông thái đã nghiên cứu và giải thích Thánh Kinh,cho biết Đấng Cứu Thế sinh ra ở Bê-lem (x. Mt 2,4-6); dù biết rõ Chúa Kitô xuất hiện nhưng họ cũng hoàn toàn dửng dưng. Thái độ của họ coi như là không có Hài Nhi – Đấng Cứu Thế - được sinh ra. Riêng Vua Hêrôđê, sử sách làm chứng rằng vào những năm cuối đời, ông nghi ngờ mọi người có ý đồ lật đổ ông, vì thế mà ông không ngại ra tay tàn sát tất cả những ai mà ông nghi là sắp làm hại ông, kể cả những người trong gia đình. Dẫu biết rằng Hài Nhi đến từ Thiên Chúa, nhưng với tính cách đa nghi sẵn có ông vẫn sợ Hài Nhi mới sinh sẽ lật đổ vương quyền của ông. Cái sợ đó đã làm ông mất hết lương tri, gây nên tội ác vô cùng to lớn: quyết tâm tìm giết con trẻ Giêsu bằng cách “ Sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống ” (Mt 2,16) sau khi các Đạo sĩ quay về không trở lại với nha vua theo lời phủ dụ của ông..

Nhà Vua, các bậc thông thái và dân chúng Giêrusalem tượng trưng cho người Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng nhưng lại khước từ ơn cứu độ Đức Kitô ban tặng, còn Lương dân được đại diện bởi các nhà chiêm tinh thì đón nhận và hết lòng tìm kiếm để biểu lộ sự tôn thờ cung kính. Dân ngoại khi tin vào Hài Nhi đã thay thế người Do Thái bỏ trống trong lòng sứ điệp của Thiên Chúa, khi họ không chịu tin vào Lời của Ngài: nghe và đón nhận Đấng Cứu Thế. Dân ngoại tin tập họp từ khắp nơi sẽ là dân Israel mới của thời đại cuối cùng, được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc của cuộc sống tương lai, chính Chúa Giêsu đã nói"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa"(Lc 13, 29)

Rời khỏi triều đình, các nhà hiền triết phương Đông lại thấy ánh sao tỏa sáng dẫn đường đến tận Bêlem. Khi đến bên Hài nhi các nhà chiêm tinh sấp mình thờ lạy (= bái lạy: cc. 2.8.11): “Bái lạy” hay “sấp mình thờ lạy” (proskyneô) là hành vi sấp mình trên nền nhà để tôn thờ thần thánh hoặc những người có địa vị cao, chẳng hạn với các bậc quân vương. Tác giả Tin mừng Matthêu hầu như chỉ dùng động từ này để diễn tả lòng tôn kính đối với Đức Giêsu bởi những người khẩn cầu tín thác vào Ngài (x. Mt 8,2; 9,18; 15,25; x. 20,20) và bởi các môn đệ tôn kính Thầy (x. Mt 14,33: liên kết với việc tuyên xưng niềm tin vào Con Thiên Chúa), đặc biệt thái độ thờ lạy dành cho Đấng Phục Sinh (x. Mt 28,9.17), như thế hành động tôn kính bái lạy của các hiền triết Phương Đông loan báo về thân phận Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết và Phục sinh trong Hài nhi để cho muôn dân tìm kiếm tôn thờ.

Các Đạo sĩ đã lấy vàng, nhũ hương, mộc dược dâng tiến Hài Nhi. Truyền thống cổ xưa cho thấy: sau khi bái lạy một vị vua, các vị khách thường có việc dâng lễ vật (x. St 43,26; 1 Sm 10,27; 1 V 10,2; Tv 72,10). Ba thứ lễ vật mà các đạo sĩ tiến dâng xứng đáng dành cho bậc quân vương như Kinh Thánh đã nói: vàng trong Thánh Vịnh (x. Tv 72,15); vàng và nhũ hương của ngôn sứ Isaia (x. Is 60,6 ); xức mộc dược cho vua (x. Tv 45,8), hay nhũ hương và mộc dược trong Diễm ca (x. Dc 3,6). Theo truyền thống của các Giáo Phụ nối tiếp truyền thống các tông đồ coi các lễ vật này là những biểu tượng về vương quyền (vàng), thần tính (nhũ hương) và việc mai táng (mộc dược) của Đức Giêsu.

Các nhà đạo sĩ tìm kiếm Thiên Chúa nhờ ánh sao tỏa trên bầu Trời, chúng ta được mời tỏa sáng đức tin và tình yêu để anh em lương dân nhận biết Thiên Chúa như Đức Giêsu nói :”Sự sáng của các con cũng hãy tỏa sáng trước mặt mọi người” và thánh Phaolô mời gọi : "Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời" (Pl 2,15).

Tuy nhiên ánh sáng của ngọn đèn chúng ta chỉ leo lét, yếu ớt, Chúng ta chỉ là những vì sao sáng khi chúng ta để mọc lên trong lòng chúng ta (x. 2Pr 1,19) ngôi sao mai là chính Đức Kitô (x.Kh 2,28).

Thật thế như Ngôn sứ Isaia kêu mời:

"Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra" (x. Is 60,1-6).

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 03/01/2016
 
Khai mạc Sứ vụ
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
20:52 01/01/2016
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, năm C
Lc 13, 15-16.21-22

KHAI MẠC SỨ VỤ

Phụng vụ của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa đã kết thúc việc cử hành và mừng lễ Giáng Sinh của Giáo Hội. Thánh lễ này dẫn chúng ta đến ngưỡng cửa của cuộc đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Ngài khai mạc sứ vụ của Ngài bằng việc lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả trong dòng sông Giođăng. Việc đó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa đến cứu độ nhân loại, cứu rỗi con người và giải thoát chúng ta.

Nhìn Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện tuyệt đối, Đấng hoàn hảo mọi đàng, lại đứng xếp hàng với đoàn người tội lỗi để xin Gioan làm phép rửa sám hối cho mình. Đấng sẽ làm phép rửa cho mọi người bằng Thánh Thần và lửa, lại xin Gioan dìm mình xuống nước.Thật lạ kỳ, thật kỳ lạ ! Có lẽ chúng ta không khỏi suy nghĩ và đặt nhiều vấn nạn. Tuy nhiên, Đấng thánh, ba lần thánh lại khiêm nhượng xin được chịu phép rửa sám hối lại làm cho chúng ta càng ngưỡng mộ, khâm phục Ngài! Chúa Giêsu mở đầu sứ vụ bằng việc xin được dìm mình, mất hút, tự hủy và hoàn toàn khiêm hạ. Ngài hoàn toàn mất hút trước một Gioan đang tăm tiếng, được biết bao nhiêu người biết tới. Chúa khiêm hạ để liên đới với loài người. Ngài khiêm nhượng để đồng hành với lớp người đói nghèo, tội lỗi đang chờ đón nhận ơn cứu độ.Mầu nhiệm nhập thể cho hay Thiên Chúa tự hủy để nâng con người lên. Chúa làm người để hiểu con người.Lãnh nhận phép rửa cùng với nhiều tội nhân trong dòng sông Giođăng, Chúa Giêsu đã công bố sứ điệp :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Chúa Giêsu đánh dấu bước khởi đầu cuộc đời dấn thân của Ngài và sứ vụ của Ngài sẽ viên mãn trong Hy tế Vượt qua và Phục sinh của Ngài. Thực sự, Chúa Giêsu đã sinh ra để chết.Nơi Hang đá Máng cỏ đã thấp thoáng bóng Thập giá. Chúa đến trần gian để vâng phục Chúa Cha và làm theo ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã hiếu thảo hoàn toàn với Thiên Chúa Cha. Ngài đã tự hiến chính mình trên Thập giá như của lễ hy sinh hoàn hảo nhất dâng lên Chúa Cha để cứu độ nhân loại và toàn thể thế giới.

Tin Mừng của thánh Luca giới thiệu Chúa Giêsu như đang trên một cuộc hành trình xuyên suốt tiến về Giêrusalem, thành phố thánh. Biến cố Chúa Giêsu được dâng mình trong đền thờ Giêrusalem, và Ông già Simêon nói tiên tri về trẻ nhỏ Giêsu vv…Biến cố Chúa Giêsu lên Giêrusalem lúc 12 tuổi.
Tất cả đều làm nổi bật ý nghĩa lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu sẽ cùng các môn đệ ăn lần cuối cùng ở nhà Tiệc Ly trước khi Ngài đi chịu nạn chịu chết để cứu độ con người, cứu rỗi loài người.

Tin Mừng cho hay, sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Ngài đi vào thâm sâu, thân mật với Chúa Cha với tư cách Ngài là Con của Cha và rồi trời mở ra…Ngài được Thánh Thần tràn ngập, Ngài nghe tiếng Chúa Cha phán :” Đây là Con Ta yêu dấu, Con làm đẹp lòng Cha “ “ Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con “ ( Lc 13, 22 ). Thời gian ẩn dật ở Nadarét 30 năm đã chấm dứt. Ngài phải lên đường. Cuộc hành trình của Ngài rao giảng Tin Mừng và kết nạp các môn đệ đã bắt đầu. Biến cố, Chúa Giêsu chịu phép rửa để Ngài cảm thông với tội nhân, gắn bó với quê hương, dân tộc. Biến cố này được gắn liền với sứ vụ rao giảng của Ngài để với ơn Chúa Thánh Thần, Ngài luôn hiệp nhất với Chúa Cha, và yêu thương, giới thiệu Nước Thiên Chúa cho muôn người. Ngài đã rong ruổi khắp nơi, đã đến với mọi lớp người để băng bó, đem bình an cho họ.

Chúa Giêsu đã cho chúng ta tái sinh làm con Chúa và con của Giáo Hội qua bí tích rửa tội. Chúng ta có mau mắn lên đường loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không ? Nhà thờ là Giêrusalem, nơi chúng ta hiệp dâng thánh lễ và lãnh nhận các phép Bí tích, chúng ta có làm tròn sứ mạng Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó cho chúng ta không ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mở đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng bằng việc kêu mời con người sám hối và tin vào chính Ngài. Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con mạnh mẽ, can đảm loan báo Tin Mừng và dạy con người biết tin vào Chúa, lãnh nhận phép rửa và trở nên con cái Thiên Chúa, con cái của Giáo Hội. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình ?
2.Phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của Gioan Tẩy Giả khác nhau thế nào ?
3.Chúa Giêsu đã kêu gọi gì khi khai mạc sứ vụ công khai của Ngài ?
4.chúa Giêsu khai mạc sứ vụ đầu tiên vào lúc bao nhiêu tuổi ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các điện văn của Đức Thánh Cha Phanxicô trên Twitter về Năm Thánh Của Lòng Thương Xót
Bùi Hữu Thư
21:44 01/01/2016
Ngày 8/8 Đức Thánh Cha khẳng định: “Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, chúng ta hãy để cho mình được biến đổi bởi Lòng Thương Xót Chúa.”

Đức Thánh Cha viết ngày 1/9: “Tôi đã quyết định chuẩn y cho tất cả mọi linh mục, trong NămThánh của Lòng Thương Xót, được phép tha tội phá thai cho tất cả những ai đã vi phạm nếu họ thống hối và cầu xin sự tha thứ.”

Đức Thánh Cha viết: “Tôi mong ước rằng Năm Thánh của Lòng Thương Xót sẽ là một cảm nghiệm sống động về sự gần gũi của Chúa Cha, cho phép chúng ta hầu như có thể dùng ngón tay chạm vào sự dịu hiền của Người, để cho đức tin của mỗi tín hữu có thể được tăng cường và chứng tá của họ có thể trở nên vững mạnh hơn.”

Ngay từ hai ngày 19 và 20 tháng 12, các tweet của ngài cũng đã gửi gấm gương mặt của Lòng Thương Xót: “Lòng Thương Xót, là con đường hiệp nhất Thiên Chúa với nhân loại, vì cởi mở trái tim Người cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi (MV 2) », và: “Trước nguy cơ trầm trọng của tội lỗi, Thiên Chúa đáp ứng bằng sự tha thứ vẹn toàn (MV 3)”.

Ngày 24/12, ngài đã tuyên xưng tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu thương tất cả chúng ta. Người đã hạ mình nhỏ bé để giúp chúng ta đáp trả tình yêu của Người.” Đức Thánh Cha nhắc nhớ: “Lòng Thương Xót là con đường liên kết Thiên Chúa với con người mãi mãi.”

Ngày Lễ Giáng Sinh, 25/12, Đức Thánh Cha đã nhắc đến món quà quý giá nhất trong các món quà, đó là “tình bạn” của Chúa Kitô: “Khi bạn có tình bạn của Chúa Kitô, bạn có niềm vui, sự bình an và hạnh phúc.”

Ngày 26/12, vào ngày lễ của Thánh Têphanô, vị Tử Đạo đầu tiên, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mọi người cầu nguyện cho những ai đang bị tử đạo ngày nay: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu đang bị bách hại, thường xuyên với sự im lặng đáng xấu hổ của rất nhiều người.”

Thứ Ba, 28/12 Đức Thánh Cha tweet: “Lòng Thương Xót Chúa luôn luôn cao cả hơn tất cả mọi tội lỗi.” Đây là một câu trích từ diễn từ của ngài về “Gương Mặt của Lòng Thương Xót” (Misericordiae vultus, MV 3).
 
Thánh lễ đầu năm dương lịch tại đền thở thánh Phêrô và mở Cửa Năm Thánh tại đền thờ Đức Bà Cả
Linh Tiến Khải
13:30 01/01/2016
Sáng mùng 1 tháng giêng, ngày đầu năm mới dương lịch, lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô và vào ban chiều ngài đã chủ sự thánh lễ mở Cửa Năm Thánh tại Đền Thờ Đức Bà Cả.

Đồng tế thánh lễ có mấy chục Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Tham dự thánh lễ có một số tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh và khoảng gần 10.000 giáo dân. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh còn có ca đoàn tổng hợp của các ca đoàn thiếu nhi tham dự đại hội quốc tế các ca đoàn thiếu nhi lần thứ 40 tại Roma.

Bài đọc một bằng tiếng Pháp kể lại lời chúc lành mà Thiên Chúa truyền cho thầy cả Aharon và dòng dõi tư tế chúc lành cho dân Israel: “Chúa phán với ông Mô-sê: "Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: "Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)!Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)!Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)! Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của Danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6,22-27) Thánh vịnh 66 được hát bằng tiếng Ý. Bài đọc hai bằng tiếng Anh trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Galát: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! " Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 4,4-7). Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh kể lại biến cố các mục đồng đến thờ lậy Chúa Hài Nhi, rồi ra về chúc tụng Thiên Chúa về những điều đã nghe và đã thấy. Họ kể lại cho mọi người những điều đã được nói về Hài Nhi. Thân Mẫu Người thì gìn giữ mọi sự trong lòng và suy đi nghĩ lại. Sau tám ngày thì Con Trẻ được cắt bì theo luật dậy và được đặt tên là Giêsu như thiên thần đã nói trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ. (Lc 2,16-21).

Dòng sông tràn bờ của tội lỗi không thể làm gì để chống lại đại dương thương xót tràn ngập thế giới

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói: “Chúng ta đã nghe các lời của tông đồ Phaolô: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4). Chúa Giêsu đã sinh ra trong “thời gian viên mãn” có nghĩa là gì? Nếu chúng ta nhìn vào thời điểm lịch sử hồi đó, chúng ta có thể bị thất vọng ngay lập tức. Roma thống trị một phần lớn thế giới được biết tới thời đó với quyền lực quân đội của nó. Hoàng đế Augusto lên nắm quyền sau năm cuộc nội chiến. Cả Israel cũng đã bị đế quốc Roma chinh phục và dân được tuyển chọn bị mất tự do. Như thế, đối với các người đồng thời với Chúa Giêsu chắc chắn đó đã không phải là thời tốt đẹp nhất. Vì vậy không được nhìn vào khung cảnh địa lý chính trị để định nghĩa điểm tột đỉnh của thời gian.

Cần có một giải thích khác, hiểu thời viên mãn từ Thiên Chúa. Trong lúc Thiên Chúa thiết định rằng đã tới lúc thành toàn lời đã hứa, thì đối với nhân loại thời viên mãn được thực hiện. Vì thế, không phải lịch sử quyết định biến cố Chúa Kitô sinh ra; nhưng đúng hơn chính biến cố Ngài đến thế gian cho phép lịch sử đạt sự viên mãn của nó. Chính vì vậy mà từ biến cố Con Thiên Chúa sinh ra bắt đầu sự thành toàn của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên trông thấy sự thành tựu của lời hứa xưa. Như tác giả thư gửi tín hữu do thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.” Dt 1,1-3). Như vậy, thời viên mãn là sự hiện diện của chính Thiên Chúa trong dòng lịch sử chúng ta. Giờ đây chúng ta có thể trông thấy vinh quang của Ngài rạng ngời trong sự nghèo nàn của một chuồng bò, và được khích lệ nâng đỡ bởi Ngôi Lời tự trở thành “bé nhỏ” nơi một trẻ thơ. Nhờ Người thời gian của chúng ta có thể tìm thấy sự viên mãn của nó.

Áp dụng sự viên mãn này vào tình hình thế giới loài người hiện nay ĐTC đau buồn ghi nhận như sau:

Tuy nhiên, mầu nhiệm này luôn luôn đối nghịch với kinh nghiệm lịch sử thê thảm. Hàng ngày, trong khi chúng ta muốn được nâng đỡ bởi các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, thì chúng ta lại gặp các dấu chỉ trái nghịch, tiêu cực, khiến cho chúng ta cảm thấy như Ngài vắng mặt. Thời viên mãn xem ra đổ vỡ tan tành trước nhiều hình thức của bất công và bạo lực hàng ngày gây thương tích cho nhân loại. Nhiều khi chúng ta tự hỏi: làm sao sự áp bức của con người trên con người lại có thể kéo dài như vậy? Sự kiêu căng ngạo mạn của kẻ mạnh hơn lại tiếp tục hạ nhục người yếu đuối hơn, gạt bỏ họ ra bên lề bần cùng nhất của thế giới như thế? Cho tới khi nào sự tàn ác của con người còn gieo rắc trên trái đất bạo lực và thù hận, gây ra biết bao nhiêu nạn nhân vô tội? Làm sao thời viên mãn lại có thể để trước mắt chúng ta các đám đông nam nữ và trẻ em trốn chạy chiến tranh, đói khát, bách hại, đến liều mạng sống, miễn là được thấy các quyền nền tảng của được tôn trọng? Một dòng sông của bần cùng được dưỡng nuôi bởi tội lỗi, xem ra chống lại thời viên mãn đã được Chúa Kitô thực hiện.

Tiếp tục bài giảng ĐTC khẳng định: Thế nhưng dòng sông tràn bờ ấy không thể làm gì chống lại đại dương lòng thương xót tràn ngập thế giới chúng ta. Chúng ta tất cả đuợc mời gọi dìm mình trong đại dương ấy, để cho mình được tái sinh, để chiến thắng sự dửng dưng ngăn cản tình liên đới, và ra khỏi sự trung lập giả dối gây chướng ngại cho sự chia sẻ. Ơn thánh của Chúa Kitô, Đấng đã thành toàn sự chờ đợi ơn cứu độ, thôi thúc chúng ta trở thành các cộng sự viên của Ngài trong việc xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, nơi mọi người và mọi thụ tạo có thể sống trong bình an, hoà hợp của thời tạo dựng nguyên thuỷ của Thiên Chúa.

Vào đầu năm mới, Giáo Hội làm cho chúng ta chiêm ngưỡng Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, hình ảnh của hoà bình. Lời hứa xưa được thành toàn nơi con người của Mẹ. Mẹ đã tin vào các lời của sứ thần, đã thụ thai Con và trở thành Mẹ của Chúa. Qua Mẹ, qua lời “xin vâng” của Mẹ, thời viên mãn đã tới. Tin Mừng mà chúng ta đã nghe nói rằng Đức Trinh Nữ “giữ gìn các điều ấy và suy gẫm trong lòng” (Lc 2,19) Mẹ được giới thiệu với chúng ta như là chiếc bình luôn luôn tràn đầy ký ức về Chúa Giêsu, Ngai Toà Khôn Ngoan, từ đó kín múc dể có thể giải thích trung thực giáo huấn của Ngài. Hôm nay Mẹ cống hiến cho chúng ta khả thể tiếp nhận ý nghĩa các biến cố liên quan tới cá nhân chúng ta, tới các gia đình, đất nước của chúng ta và toàn thế giới. Nơi đâu lý trí của các triết gia, cũng như sự thương thuyết chính trị không thể tới được, nơi đó sức mạnh của đức tin có thể tới, sức mạnh đem lại ân sủng Tin Mừng của Chúa Kitô và có thể luôn luôn mở rộng các con đường mới cho lý trí và sự thương thảo.

Lậy Mẹ Maria, mẹ diễm phúc, bởi vì Mẹ đã trao ban Con Thiên Chúa cho thế giới; nhưng Mẹ còn diễm phúc hơn nữa vì đã tin nơi Chúa. Tràn đầy đức tin Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu trong tim trước, rồi trong cung lòng, để trở thành Mẹ của mọi tín hữu (x. Agostino, Sermo 215,4). Xin Mẹ trải dài phúc lành của Mẹ trên chúng con trong ngày dâng kính Mẹ đây, xin chỉ cho chúng con thấy gương mặt của Chúa Giêsu Con Mẹ, là Đấng ban lòng thương xót và bình an cho toàn thế giới.

Các lời nguyện giáo dân được đọc bằng tiếng Tầu, cầu cho Hội Thánh, xin Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Đức Maria gìn giữ Giáo Hội trong đức tin chân thật, xây dựng Giáo Hội trong tình bác ái và làm cho Giáo Hội trở thành dụng cụ hữu hiệu của sự thánh thiện và ơn thánh. Lời nguyện tiếng Đức cầu cho hoà bình giữa các dân tộc: xin Hoàng Tử Hoà Bình chấm dứt chiến tranh, bẻ gẫy xích xiềng của thù hận, chúc lành cho các cố gắng của mọi người thiện chí. Lời nguyện tiếng Ba Lan cầu cho các kitô hữu bị bách hại: xin Đấng chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa Cha canh tân đức tin của họ, nâng đỡ họ trong giờ thử thách và hoán cải con tim của những người bách hại họ. Lời nguyện tiếng Tây Ban Nha cầu cho ơn gọi linh mục: xin vị Thượng Tế vĩnh cửu của các điều thiện hảo rộng mở trái tim của người trẻ cho cuộc sống hy sinh cho ơn cứu rỗi của các anh chị em khác. Lời nguyện tiếng Tagalog Philippines cầu cho các tín hữu hành hương: xin cho Hài Nhi Bếtlehem đã đến viếng thăm chúng ta hướng dẫn họ trong việc kiếm tìm nhan thánh Chúa và biến đổi cuộc sống của họ với ơn tha thứ.

Mấy chục linh mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

Mở rộng con tim và chú ý tới tha nhân, đó là con đường chinh phục hoà bình

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng.

Trong bài huấn dụ ngài đã khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria biến tất cả mọi sự trong đời thành lời cầu nguyện, mở rộng con tim và chú ý tới tha nhân, vì đó là con đường giúp chinh phục hoà bình. Ngài nói: “Bắt đầu năm mới thật là đẹp trao đổi với nhau các lời cầu chúc. Như thế chúng ta canh tân ước mong cho nhau rằng điều chờ đợi chúng ta tốt đẹp hơn một chút. Nói cho cùng, đó là một dấu chỉ của hy vọng linh hoạt chúng ta và mời gọi chúng ta tin vào sự sống. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng năm mới sẽ không thay đổi tất cả, biết bao nhiêu vấn đề của ngày hôm qua sẽ vẫn là những vấn đề của ngày mai. Vì thế tôi muốn gửi tới anh chị em một lời cầu chúc được một niềm hy vọng cụ thể nâng đỡ, mà tôi rút tiả ra từ phụng vụ hôm nay.

Đó là những lời mà chính Chúa đã xin để chúc lành cho dân Ngài: “Nguyện Chúa làm cho gương mặt Ngài rạng ngời trên anh em… Nguyện Chúa ghé mắt nhìn anh em” (Ds 6,25-26). ĐTC đã cầu chúc mọi người như sau:

Tôi cũng xin cầu chúc anh chị em điều này: xin Chúa ghé mắt nhìn anh chị em để anh chị em có thể vui mừng, biết rằng mỗi ngày gương mặt thương xót của Ngài rạng rỡ hơn mặt trời ngời sáng trên anh chị em, và không bao giờ lặn! Khám phá ra guơng mặt của Thiên Chúa canh tân cuộc sống. Vì Ngài là một Người Cha si mê con người, không bao giờ mệt mỏi bắt đầu trở lại với chúng ta để canh tân chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa không hứa các thay đổi ảo thuật. Ngài không dùng cây đũa thần. Ngài thích thay đổi thực tại từ bên trong, với lòng kiên nhẫn và tình yêu thương; Ngài xin được vào trong cuộc sống chúng ta với sự tế nhị, như mưa rơi trên đất để làm cho nó sinh hoa kết trái. Và Ngài luôn luôn chờ đợi chúng ta với sự dịu hiền. Mỗi sáng, khi thức dậy, chúng ta có thể nói: “Hôm nay Chúa làm cho gương mặt Ngài rạng ngời trên tôi”.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: “Lời chúc lành của Thánh Kinh tiếp tục như sau: “Xin Chúa ban bình an cho ngươi” (c. 26). Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Hoà Bình Thế Giới, với đề tài: “Chiến thắng thờ ơ và chinh phục hoà bình”. Hoà bình mà Thiên Chúa Cha ước mong gieo vãi trong thế giới, phải được chúng ta vun trồng. Không chỉ có thế, nó cũng phải được chinh phục. Điều này bao gồm một cuộc chiến đấu đích thật, một cuộc chiến tinh thần xảy ra trong con tim chúng ta. Vì kẻ thù của hoà bình không chỉ là chiến tranh, mà cả sự dửng dưng nữa, khiến cho người ta chỉ nghĩ tới mình và tạo ra các hàng rào, nghi ngờ, sợ hãi và khép kín. Cám ơn Chúa, chúng ta có biết bao tin tức; nhưng đôi khi chúng ta bị chìm ngập trong tin tức đến độ lo ra không để ý tới các thực tại, tới người anh chị em cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta hãy bắt đầu mở rộng con tim, bằng cách chú ý đến tha nhân. Đó là con đường để chinh phục hoà bình.

Xin Đức Nữ Vương Hoà Bình, Mẹ Thiên Chúa, mà chúng ta mừng lễ trọng hôm nay, giúp chúng ta. Phúc Âm hôm nay khẳng định rằng Mẹ “giữ gìn mọi điều ấy và suy gẫm trong lòng” Lc 2,19). Đó là những điều gì vậy? Chắc chắn đó là niềm vui vì Chúa Giêsu sinh ra, nhưng cũng là các khó khăn Mẹ đã gặp: Mẹ đã phải đặt Con Mẹ trong một máng cỏ, vì đã “không có chỗ cho họ trong quán trọ” (c. 7) và tương lai rất vô định. Các niềm hy vọng và các lo lắng, lòng biết ơn và các vấn đề, tất cả những điều đã xảy ra trong đời, trong tim Mẹ Maria, đã trở thành lời cầu nguyện, đối thoại với Thiên Chúa. Đó là bí quyết của Mẹ Thiên Chúa. Và Mẹ cũng làm như thế cho chúng ta: giữ gìn các niềm vui và tháo gỡ các nút thắt của cuộc sống chúng ta, bằng cách đem chúng đến với Chúa.

Chiều hôm nay tôi sẽ đến Đền Thờ Đức Bà Cả để mở Cửa Thánh. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ năm mới, để cho hoà bình và lòng thương xót lớn lên.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh đầu năm cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã cám ơn tổng thống Italia về những lời chúc mừng trong sứ điệp cuối năm tổng thống gửi nhân dân toàn nước. Ngài cũng gửi tới tổng thống các lời chúc nồng nhiệt nhất. ĐTC đã cám ơn nhiều sáng kiến cầu nguyện và hoạt động cho hoà bình được tổ chức tại nhiều nơi nhân Ngày Hoà Bình Thế Giới. Chẳng hạn cuộc tuần hành cho hòa bình tại Molfeta chiều tất niên, do HĐGM Italia, Caritas, Hoà Bình Chúa Kitô và Công Giáo Tiến Hành tổ chức. Thật là đẹp khi biết có nhiều người, nhất là giới trẻ, đã chọn sống ngày đầu năm kiểu này. Ngài cũng chào các tham dự viên cuộc biểu tình “Hoà bình trong mọi phần đất” được Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Roma và tại nhiều nước trên thế giới. Ngài khích lệ họ tiếp tục dấn thân này cho sự hoà giải và hoà hợp. ĐTC cũng chào các gia đình của phong trào Tình Yêu Gia Đình đã tham dự buổi canh thức đêm giao thừa tại công trường thánh Phêrô, để cầu nguyện cho hoà bình và sự hiệp nhất của mọi gia đình trên toàn thế giới. Ngài cám ơn các sáng kiến này và các lời cầu nguyện dành cho ngài. ĐTC cũng chào các “Ca viên Ngôi sao Sternsinger tức các trẻ em và người trẻ tại Đức và Áo đem phúc lành của Chúa Giêsu đến từng gia đình và quyên góp để giúp các trẻ em nghèo trên thế giới. Sau cùng, ngài cầu chúc mọi người một năm hoà bình trong ân sủng của Chúa giầu lòng thương xót, với sự chở che hiền mẫu của Mẹ Maria, Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Ngài chúc mọi người một năm mới an lành.

Vào lúc 5 giờ chiều ĐTC đã đến nhà thờ Đức Bà Cả chủ sự thánh lễ và nghi thức mở Cửa Năm Thánh. Tham dự thánh lễ đặc biệt có 350 người nghèo, ăn xin và vô gia cư ở Roma.

Sau lễ nghi sám hối ĐTC đã đọc lời nguyện sau đây: “Lậy Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót, Chúa ban cho Giáo Hội Chúa một thời gian của ơn thánh, sám hối, và tha thứ, để Giáo Hội được vui mừng canh tân nội tâm nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, và luôn luôn trung thành hơn bước đi trong các đường lối Chúa, loan báo cho thế giới Tin Mừng cứu độ. Một lần nữa xin hãy mở cửa lòng thương xót Chúa và một ngày kia đón nhận chúng con vào trong nhà Chúa trên trời, nơi Đức Giêsu Con Chúa, đã đi trước chúng con, Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”

Tiếp đến cộng đoàn hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Khi kết thúc, ĐTC lặng lẽ bước lên bậc mở Cửa Thánh, dừng lại cầu nguyện trên ngưỡng cửa, rồi bước vào bên trong, theo sau là các vị đồng tế và đại diện giới tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong khi ĐTC và đoàn đồng tế tiến tới bàn thờ ca đoàn hát bài thánh ca Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Tất cả các bài sách thánh cũng giống như trong thánh lễ ban sáng và đều được đọc hay hát bằng tiếng Ý.

Cùng Mẹ Maria bước qua Cửa Năm Thánh và để cho Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc sống

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài thánh ca “Kính chào Mẹ của lòng thương xót, Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của sự tha thứ, Mẹ của hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm vui thánh thiện”. Ngài nói: “Trong ít lời này gói ghém tổng hợp đức tin của các thế hệ tín hữu, dán mắt nhìn hình ảnh của Đức Trinh Nữ và xin Mẹ bầu cử và ủi an. Cửa Thánh vừa mở là một Cửa của Lòng Thương Xót. Bất cứ ai bước qua ngưỡng cửa này đều được mời gọi dìm mình trong tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, với sự tin tưởng tràn đầy không chút sợ hãi, và từ Vưong cung thánh đường này cơ thể ra đi với xác tín Mẹ Maria đồng hành bên cạnh. Mẹ là Mẹ của lòng xót thương, bởi vì Mẹ đã sinh ra trong cung lòng Mẹ chính Gương mặt lòng xót thương của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng được mọi dân tộc trông đợi, “Hoàng Tử Hoà Bình” (Is 9,5). Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu rỗi chúng ta đã ban cho chúng ta Mẹ Người, Đấng cùng chúng ta hành hương để không bao giờ chúng ta cô đơn trên con đường cuộc sống, nhất là trong những lúc không chắc chắn và khổ đau.

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thứ tha, vì thế chúng ta có thể nói rằng Mẹ là Mẹ của tha thứ. Từ tha thứ bị tâm thức trần tục hiều lầm biết bao, trái lại ám nó chỉ hoa trái tinh tuyền nguyên thuỷ của đức tin kitô. Ai không biết tha thứ, thì đã không biết sự tràn đầy của tình yêu. Và chỉ có ai yêu thương thật sự, mới có thể đạt sự tha thứ, bằng cách quên đi sự xúc phạm đã nhận lãnh. Dưới chân thập giá Mẹ Maria trông thấy Con mình dâng hiến tất cả chính Ngài, và như vậy Mẹ chứng kiến việc yêu thương như Thiên Chúa yêu thương có nghĩa là gì. Trong lúc đó Mẹ nghe Chúa Giêsu nói lên các lời mà chắc hẳn dấu ẩn điều Mẹ đã dậy Ngài ngay từ nhỏ: “Lậy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24). Trong lúc đó Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của sự tha thứ đối với tất cả chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu và với ơn thánh Ngài ban, chính Mẹ đã có khả năng tha thứ cho những người đang giết Người Con vô tội của Mẹ.

ĐTC nói tiếp trong bài giảng: Đối với chúng ta, Mẹ Maria trở thành hình ảnh Giáo Hội phải trải dài sự tha thứ cho những ai kêu cầu ơn ấy làm sao. Mẹ của sự tha thứ dậy Giáo Hội rằng sự tha thứ đã được cống hiến trên đồi Golgotha không có giới hạn. Luật lệ với các lý luận chi li của nó cũng như sự khôn ngoan của thế giới này với các phân biệt của nó không thể ngăn chặn được sự tha thứ. Sự tha thứ của Giáo Hội cũnv phải trải dài ra như sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá và của Mẹ Maria đứng dưới chân Người. Không có lựa chọn nào khác. Chính vì thế Chúa Thánh Thần dã khiến cho các Tông Đồ trở thành các dụng cụ hữu hiệu của sự tha thứ, bởi vì những gì đã có được do cái chết của Chúa Giêsu có thể tới với mọi người, tại khắp nơi và trong mọi thời (x. Ga 20,19-23).

Sau cùng, bài thánh thi của Mẹ Maria tiếp tục nói: “Mẹ của niềm hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm vui thánh thiện”. Hy vọng, ơn thánh và niềm vui thánh thiện là chị em với nhau: tất cả là ơn của Chúa Kitô, còn hơn thế nữa, chúng là tên gọi của Ngài được viết trên thịt xác của Ngài. Món quà mà Mẹ Maria ban cho chúng ta khi cho chúng ta Chúa Giêsu Kitô là ơn tha thứ canh tân cuộc sống, cho phép nó lại thực thi ý muốn của Thiên Chúa, và làm cho nó tràn đầy hạnh phúc đích thật. Ơn ấy mở rộng trái tim để nhìn tương lai với niềm vui của người hy vọng… Sức mạnh của ơn tha thứ là liều thuốc chống lại sự buồn phiền do hận thù và báo oán gây ra. Sự tha thứ mở ra cho niềm vui và sự thanh thản, bởi vì nó giải thoát linh hồn khỏi các tư tưởng của sự chết, trong khi hận thù và báo oán xúi bẩy tâm trí và xé nát con tim, bằng cách lấy mất đi sự nghỉ ngơi và an bình.

Chúng ta hãy đi qua Cửa Thánh Lòng Thương Xót với xác tín về sự đồng hành của Đức Trinh Nữ, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, bầu cử cho chúng ta. Hãy để cho Mẹ đồng hành với chúng ta để tái khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Con Mẹ. Hãy mở toang cánh cửa con tim chúng ta ra cho niềm vui của sự tha thứ, ý thức về niềm hy vọng tin tưởng được trả lại cho chúng ta, để biến đổi cuộc sống thường ngày của chúng ta trở thành một dụng cụ khiêm tốn của tình yêu Thiên Chúa.

Các lời nguyện giáo dân được hát bằng tiếng Ý xin Chúa thánh hoá Giáo Hội trong chân lý và sự thật, ban cho các nhà lãnh đạo sự khôn ngoan và trí phân định, giải thoát các tù nhân của thù hận và tội lỗi, làm nảy sinh ra các thừa sai mới của Tin Mừng và ơn tha thứ, làm sống dậy trong gia đình tình yêu thương và lòng trung thành, hướng dẫn người trẻ tới ơn trao ban chính mình và sống thánh thiện, cúi xuống trên người nghèo với sự hiền dịu và quan phòng, đón nhận các anh chị em đã qua đời vào nước của ánh sáng và niềm vui.
 
Buổi hòa nhạc dành cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
18:47 01/01/2016
Dàn hợp xướng Đức “Jugendkantorei của Eichstätt Dom”, do nhạc sư Christian Heiss điều khiển, bao gồm 36 người trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi, đã trình tấu một buổi hòa nhạc dành cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16. Buổi hòa nhạc đã diễn ra hôm thứ Tư 30 tháng 12 tại sảnh đường Đức Mẹ Lên Trời trong vườn Vatican. Dàn hợp xướng này đang ở Rôma để tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 40 của ca sĩ trẻ.

Chương trình hòa nhạc, lấy cảm hứng từ chủ đề Giáng sinh, bao gồm các tác phẩm của Mendelssohn, Brahms và Benjamin Britten và đặc biệt có liên khúc “O du fröhliche” được soạn bởi Đức Ông Georg Ratzinger, là bào huynh của Đức Giáo Hoàng danh dự. Đức Ông Georg Ratzinger cũng có mặt tại buổi biểu diễn, cùng với Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, chủ tịch Phủ Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Giovanni Lajolo, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Đức.

Những người trẻ đã rạng rỡ niềm vui khi được biểu diễn trước Đức Giáo Hoàng danh dự, là người đồng hương với họ.

Cuối buổi biểu diễn, Đức Giáo Hoàng danh dự đã cảm ơn họ bằng tiếng mẹ đẻ của ngài, và chúc họ một năm mới hạnh phúc và những ngày nghỉ vui vẻ tại Rôma.
 
8,000 người tị nạn Cuba may mắn cám ơn Đức Thánh Cha can thiệp giúp họ đến được Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
18:50 01/01/2016
Cuộc khủng hoảng liên quan đến 8,000 người tị nạn Cuba bị mắc kẹt ở Costa Rica, đã được giải quyết thỏa đáng sau lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng 12.


James Blears của Radio Vatican có bài tường thuật sau:

Lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đến một cuộc họp của các quốc gia Trung Mỹ, và chung cuộc một giải pháp nhân đạo đã đạt được.

Những người tị nạn Cuba đã bay từ Havana đến Ecuador, tiếp tục vượt qua Colombia và Panama để đến Costa Rica. Nhưng tại đó họ đã bị mắc kẹt, vì các quan chức Costa Rica đã ngừng cấp thị thực quá cảnh, nói rằng con số đông đảo những người tị nạn kéo đến cùng một lúc như thế khiến họ không đủ tài nguyên đón tiếp.

Trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ, một liều thuốc của lòng từ bi và nhân đạo pha lẫn với cảm thức đúng đắn về thực tại là cần thiết để vượt qua bế tắc.

Hôm Chúa Nhật 27 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chính phủ các nước Trung Mỹ xem xét lại tất cả những nỗ lực với sự rộng lượng cần thiết để tìm ra một giải pháp nhanh chóng cho thảm kịch nhân đạo này.

Các hành động tiếp theo đã diễn ra trong một cuộc họp tại thành phố Guatemala. Các vị Bộ trưởng và các quan chức di trú từ Costa Rica, El Salvador, Mexico, Panama, Honduras, Belize, Guatemala và cả Tổ chức Di dân Quốc tế, đã đạt được một thỏa thuận.

Những người tị nạn Cuba nào đã đến được biên giới Costa Rica, thì sẽ được bốc bằng máy bay thẳng đến El Salvador, rồi dùng xe bus để tới Mexico và sau đó đến Hoa Kỳ, là nước đã đồng ý chấp nhận họ theo một chính sách gọi là “Wet foot, dry foot”, nghĩa là những người Cuba nào có thể đặt chân vào lãnh thổ Mỹ không phải bằng đường biển, có thể nộp đơn xin cư trú.

Costa Rica, mỏi mệt với việc đón tiếp người tị nạn Cuba, đã nhấn mạnh đây là một trường hợp ngoại lệ và họ không muốn thấy chuyện này trở thành quy luật. 8,000 người tị nạn Cuba may mắn đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha đã can thiệp giúp họ đến được Hoa Kỳ.
 
Hy vọng ngày về Mosul của các Kitô hữu lại loé lên sau chiến thắng của quân Iraq tại Ramadi
Đặng Tự Do
19:55 01/01/2016
Mờ sáng ngày thứ Sáu 1 tháng Giêng, cảm tử quân của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã phát động một cuộc tấn công vào một căn cứ quân Iraq gần Ramadi, chỉ vài ngày sau khi thành phố này được quân đội chính phủ giải phóng.

Một phát ngôn viên quân sự cho biết kẻ những đánh bom liều chết lái những chiếc xe bom xông vào một căn cứ quân Iraq đóng ở ngoại ô thành phố Ramadi. Quân cảm tử IS, mình quấn đầy thuốc nổ cũng tham gia vào các đợt tấn công liều mạng.

Quân đội Iraq, với sự giúp đỡ của các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã chống trả quyết liệt và đẩy lui được các đợt tấn công.

Mặc dù khả năng xảy ra các cuộc tấn công như thế vẫn còn rất cao, các quan sát viên, dù là những người dè dặt nhất, tin rằng quân Iraq đã tái chiếm thành công thành phố Ramadi. Thương vong của quân khủng bố Hồi Giáo IS được ghi nhận là rất nặng nề trong cố gắng tử thủ thành phố này.

Nhiều gia đình Iraq với khuôn mặt mệt mỏi và lo sợ vẫy cờ trắng khi họ ngoi lên từ những ngôi nhà đổ nát trong khi quân đội chính phủ vẫn đang chiến đấu với quân khủng bố Hồi Giáo IS. Trung tâm thành phố Ramadi đã được quân đội chiếm lại hôm thứ Hai 28 tháng 12 sau các cuộc giao tranh ác liệt.

Chiến thắng này được ca ngợi là một bước ngoặt của chính phủ Iraq. Phát ngôn viên quân sự Iraq lạc quan tin rằng quân đội Iraq vừa được tái cấu trúc sẽ sớm tiến vào thành phố Mosul, nơi quân khủng bố Hồi Giáo IS đang đặt tổng hành dinh của chúng; và sau đó quét sạch hoàn toàn bọn khủng bố trong năm 2016.

Quân đội Iraq đang dùng những loa phóng thanh kêu gọi dân chúng ra khỏi nhà và tiến về phía họ để cô lập dân chúng với bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bọn IS vẫn còn kiểm soát được một phần thành phố Ramadi và dùng đàn bà trẻ con làm bia đỡ đạn cho chúng hầu tránh bị không kích nên việc quét sạch hoàn toàn bọn khủng bố có lẽ còn cần một khoảng thời gian nữa.

Hồi tháng Năm năm ngoái, trước sức ép của quân khủng bố Hồi Giáo IS tại Al Anbar, cửa ngõ tiến vào thủ đô Baghdad, cách thủ đô chưa đầy 110km, nhà cầm quyền Iraq đã phải tung vào chiến trường những lực lượng thiện chiến nhất của họ trong đó có cả sư đoàn Vàng (Golden Division) được nhiều người so sánh với lực lượng vệ binh cộng hòa của tổng thống Saddam Hussein.

Tuy nhiên, ngày 17 tháng Năm, quân lực thiện chiến nhất của Iraq với sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ đã phải bỏ lại hơn 500 xác đồng đội trong một cuộc tháo chạy được mô tả là tồi tệ nhất trong chiến sử Iraq.

Cuộc tháo chạy tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đêm 9 rạng sáng ngày 10 tháng 6 2014 đã được xem là tồi tệ. Cuộc tháo chạy khỏi Ramadi còn tồi tệ hơn hàng trăm lần xét vì vị trí chiến lược của Ramadi, sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ và sự tham gia của các lực lượng ưu tú nhất của quân đội Iraq.

Với thành công tái chiếm được Ramadi, quân Iraq đã lấy lại được chút tự tin và lực lượng của bọn khủng bố tại Iraq bị suy yếu một phần đáng kể.

Quân Iraq tái chiếm trung tâm thành phố Ramadi
Thành phố Ramadi chỉ còn là đống gạch đổ nát
Quân Iraq tiến vào thành phố Ramadi
 
Top Stories
Pope Francis: homily for Mass on Feast of Mother of God
+ Pope Francis
09:20 01/01/2016
Pope Francis delivered the homily at Mass on New Year's Day, the Solemnity of the Mother of God, in St. Peter's Basilica. Below, please find the full text of the official English translation of his prepared remarks.

Salve, Mater Misericordiae!

With this invocation we turn to the Blessed Virgin Mary in the Roman Basilica dedicated to her under the title of Mother of God. It is the first line of an ancient hymn which we will sing at the conclusion of this Holy Eucharist. Composed by an unknown author, it has come down to us as a heartfelt prayer spontaneously rising up from the hearts of the faithful: “Hail Mother of mercy, Mother of God, Mother of forgiveness, Mother of hope, Mother of grace and Mother full of holy gladness”. In these few words we find a summary of the faith of generations of men and women who, with their eyes fixed firmly on the icon of the Blessed Virgin, have sought her intercession and consolation.

It is most fitting that on this day we invoke the Blessed Virgin Mary above all as Mother of mercy. The door we have opened is, in fact, a Door of Mercy. Those who cross its threshold are called to enter into the merciful love of the Father with complete trust and freedom from fear; they can leave this Basilica knowing that Mary is ever at their side. She is the Mother of mercy, because she bore in her womb the very Face of divine mercy, Jesus, Emmanuel, the Expectation of the nations, the “Prince of Peace” (Is 9:5). The Son of God, made incarnate for our salvation, has given us his Mother, who joins us on our pilgrimage through this life, so that we may never be left alone, especially at times of trouble and uncertainty.

Mary is the Mother of God who forgives, who bestows forgiveness, and so we can rightly call her Mother of forgiveness. This word – “forgiveness” – so misunderstood in today’s world, points to the new and original fruit of Christian faith. A person unable to forgive has not yet known the fullness of love. Only one who truly loves is able to forgive and forget. At the foot of the Cross, Mary sees her Son offer himself totally, showing us what it means to love as God loves. At that moment she heard Jesus utter words which probably reflected what he had learned from her as a child: “Father, forgive them; for they do not know what they are doing” (Lk 23:24). At that moment, Mary became for all of us the Mother of forgiveness. Following Jesus’ example and by his grace, she herself could forgive those who killed her innocent Son.

For us, Mary is an icon of how the Church must offer forgiveness to those who seek it. The Mother of forgiveness teaches the Church that the forgiveness granted on Golgotha knows no limits. Neither the law with its quibbles, nor the wisdom of this world with its distinctions, can hold it back. The Church’s forgiveness must be every bit as broad as that offered by Jesus on the Cross and by Mary at his feet. There is no other way. It is for this purpose that the Holy Spirit made the Apostles the effective ministers of forgiveness, so what was obtained by the death of Jesus may reach all men and women in every age (cf. Jn 20:19-23).

The Marian hymn continues: “Mother of hope and Mother of grace, Mother of holy gladness”. Hope, grace and holy gladness are all sisters: they are the gift of Christ; indeed, they are so many names written on his body. The gift that Mary bestows in offering us Jesus is the forgiveness which renews life, enables us once more to do God’s will and fills us with true happiness. This grace frees the heart to look to the future with the joy born of hope. This is the teaching of the Psalm: “Create in me a clean heart, O God, and put a new and right spirit within me. […] Restore to me the joy of your salvation” (51:10,12). The power of forgiveness is the true antidote to the sadness caused by resentment and vengeance. Forgiveness leads to joy and serenity because it frees the heart from thoughts of death, whereas resentment and vengeance trouble the mind and wound the heart, robbing it of rest and peace.

Let us, then, pass through the Holy Door of Mercy knowing that at our side is the Blessed Virgin Mary, the Holy Mother of God, who intercedes for us. Let us allow her to lead us to the rediscovery of the beauty of an encounter with her Son Jesus. Let us open wide the doors of our heart to the joy of forgiveness, conscious that we have been given new confidence and hope, and thus make our daily lives a humble instrument of God’s love.

And with the love and affection of children, let us cry out to Our Lady as did the faithful people of God in Ephesus during the historic Council: “Holy Mother of God!”
 
Pope Francis: Angelus appeal for peace
Vatican Radio
09:21 01/01/2016
2016-01-01 Vatican - Pope Francis renewed his calls for peace and goodwill throughout the Earth on Friday, New Year’s Day, the Solemnity of the Mother of God and the World Day of Peace. The Holy Father’s appeal came at the Angelus prayer with pilgrims and visitors gathered in St. Peter’s Square after Mass in St. Peter’s Basilica. “Today we celebrate the World Day of Peace, whose theme is: ‘Overcome Indifference and win Peace’,” said Pope Francis. “That peace, which God the Father wants to sow in the world, must be cultivated by us,” he continued. “Not only: it must also be ‘conquered’. This involves a real struggle, a spiritual battle that takes place in our hearts, for the enemy of peace is not only war, but also indifference, which makes us think only of ourselves and creates barriers, suspicions, fears and closures [of mind and heart].”

Pope Francis went on to say, “We have, thank God, much information; but sometimes we are so inundated with news that we are distracted from reality, from the brother and sister who needs us: let us begin to open our hearts, awakening attention to the next.”

“This,” said Pope Francis, “is the way to win the peace.”

After the traditional prayer of Marian devotion, Pope Francis returned the New Year’s greetings he received the evening before from the President of the Italian Republic, Sergio Mattarella, and offered thanks to all those involved in peace initiatives in Rome, throughout Italy and in all the world.

“I express gratitude for the many initiatives of prayer and action for peace organized all over the world on the occasion of today's World Day of Peace,” he said, making particular mention of the National March that took place New Year’s Eve in the city of Molfetta, under the joint sponsorship of the Italian Bishops’ Conference, Caritas Internationalis, Pax Christi and Catholic Action. “It is good to know that many people, especially young people, have chosen this way of ringing in the New Year.”

The Angelus prayer followed shortly after the conclusion of Mass in St. Peter’s Basilica to mark the New Year’s Solemnity of the Mother of God, over which Pope Francis presided and at which he delivered the homily. “At the beginning of a new year,” said Pope Francis, “the Church invites us to contemplate Mary’s divine maternity as an icon of peace. In her, the ancient promise finds fulfilment.” The Holy Father went on to say, “She believed in the words of the angel, conceived her Son and thus became the Mother of the Lord. Through her, through her ‘yes’, the fullness of time came about.”

The Gospel reading of the day tells of how the Virgin Mary treasured all the words the Angel spoke to her, and contemplated them in her heart (Cf. Lk 2:19). “She appears to us,” continued Pope Francis, “as a vessel filled to the brim with the memory of Jesus, as the Seat of Wisdom to whom we can have recourse to understand his teaching aright.”

“In this day,” he said, “Mary makes it possible for us to grasp the meaning of events which affect us personally, events which also affect our families, our countries and the entire world.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dâng lễ đầu năm mừng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa tại Melbourne
Trần Văn Minh
00:10 01/01/2016
Melbourne, Trong không khí vui mừng của ngày đầu năm mới 2016. Đơn vị Legio Mariae Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đã hân hoan dâng lễ đầu năm và mừng kính lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng đơn vị vào lúc 11 giờ sáng Ngày 1/1/2016 tại Nhà thờ Saint Paul vùng West Sunshine Melbourne.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân, Quản nhiệm Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm cử hành, cùng với đông đảo các hội viên Legio Mariae trong Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử đạo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne cùng với giáo dân trong khu vực về hiệp dâng Thánh Lễ.

Bên phải bàn Thánh, cạnh hang Bêlem bàn thờ Đức Mẹ và cờ hiệu đơn vị Legio Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được các anh chị em trang hoàng hoa nến rất trịnh trọng, Ca đoàn Lòng Chúa Thương Xót phụng vụ Thánh ca thật xuất sắc nâng Thánh lễ thêm sống động, sốt sắng và long trọng hơn.

Đúng 11 giờ, đơn vị Legio và cộng đoàn đã sốt sắng lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót trước khi cử hành mầu nhiệm Thánh lễ. Trong phần mở đầu, Linh mục chủ tế đã chúc mừng năm mới đến cộng đoàn cách chung và chúc mừng đặc biệt đến ngày lễ bổn mạng của Đơn vị Legio Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Trong phần chia sẻ, Linh mục chủ tế đã nói tới hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế và sinh ra trong thế gian một đấng cứu độ nhân loại. Hưởng được hồng ân đó, chúng ta là con cái Mẹ chúng ta phải luôn sống xứng đáng để nước Chúa luôn tỏa sáng trong tình yêu thương của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ chúng ta. Chúng ta cũng cầu nguyện cách riêng đến các anh chị em hội viên Legio Maria thuộc Đơn vị Đức Maria Mẹ Thiên Chúa hôm nay mừng bổn mạng, luôn là những tông đồ nhiệt thành trong đạo binh Đức Mẹ để làm sáng danh Chúa dưới lá cờ Đức Bà Maria.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, chị Maria Nguyễn Thị Hương, đại diện đơn vị đã lên quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ, đọc lời tâm sự, cùng dâng lời cảm tạ Mẹ đã che chở, nâng đỡ đơn vị trong năm qua và xin Mẹ tiếp tục kết hợp cùng đơn vị trong năm mới được mọi sự bình an, để sốt sắng làm trọn mọi việc như lời kinh nguyện hằng ngày của người quân binh của Mẹ.

Chị trưởng đơn vị Anna Nguyễn Thị Vũ đã lên cám ơn Linh mục chủ tế, quý Seour và các anh chị em trong Comitium, cộng đoàn đã đồng dâng lễ mừng bổn mạng của đơn vị, nhân dịp năm mới chị cũng chúc mừng năm mới an bình đến Cha và mọi người.

Bài hát chúc mừng năm mới vui tươi đã được ca đoàn hát vang trong niềm vui chào đón năm mới 2016. Một bữa tiệc nhẹ trong tình thân mến đã được đơn vị khoản đãi mọi người, trong niềm hân hoan mừng kính bổn mạng và cũng để chào mừng ngày đầu năm mới thật vui, mọi người quây quần bên nhau vui vẻ và đầy những lời chúc tụng chào mừng năm mới hạnh phúc, thương yêu.
 
Đêm thánh ca cầu nguyện cho Giáo phận Mỹ Tho Tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận
Têrêsa Mai An, Maria Phương Thảo
10:48 01/01/2016
Đêm thánh ca cầu nguyện cho Giáo phận Mỹ Tho Tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận

Mỹ Tho 31/12/2015.-Không khí của những ngày Mừng Chúa Giáng Sinh tưng bừng, lung linh những ánh đèn, cây thông, hang đá… còn lấp lánh đây đó. Thế nhưng trong tâm hồn của những người con Giáo phận Mỹ Tho còn thể hiện niềm vui ấy qua những lời ca tiếng hát trong đêm 31.12.2015. Đây là thời khắc quan trọng, và đặc biệt vì một năm cũ sắp qua và một năm mới sắp đến. Tiếng hát trầm bổng của các ca viên Giáo phận Mỹ Tho như những lời nguyện dâng lên Chúa để tạ ơn Chúa và xin ơn bình an trong năm mới dương lịch 2016. Cũng trong tinh thần Năm thánh Lòng Thương Xót, Giáo phận đã tổ chức đêm thánh ca cầu nguyện cho Giáo phận tại Trung tâm Mục vụ với chủ đề: “thương xót và tuyển chọn”.

Xem Hình

Trước khi bắt đầu đêm thánh ca, vào lúc 17g00, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho Giáo phận trong dịp này. Đồng tế với Đức Cha có Cha Tổng Đại Diện, 18 cha trong Giáo phận, cùng sự hiện diện của đông đảo quý tu sĩ, chủng sinh, và giáo dân trong Giáo phận, ước tính khoảng 500 người.

Đầu thánh lễ, Đức Cha nói lên ba ý nghĩa trong thánh lễ hôm nay: kính tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, thánh lễ tạ ơn Chúa nhân dịp cuối năm, và cầu nguyện cho đêm thánh ca của Giáo phận.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha nêu bậc lên ý nghĩa tước hiệu của Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Trong Năm Phụng vụ, Giáo Hội nhiều lần mừng kính Mẹ, nhưng mục đích cuối cùng của chúng ta là tôn vinh Thiên Chúa, vì nhờ Mẹ chúng ta đến được với Chúa. Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa được Giáo Hội mừng vào ngày đầu năm, và vào đỉnh cao của tuần bát nhật giáng sinh, điều đó nói lên rằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa có thể hiểu được khi gắn với mầu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người. Đến với Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, xin Mẹ giúp chúng ta đến gần Chúa hơn, mang tâm tình của lòng thương xót như Chúa là Đấng xót thương.

Về ý nghĩa của đêm thánh ca, Đức Cha nói lên cái đẹp mà chúng ta cần tôn vinh là chính Chúa vì Chúa là “chân-thiện-mỹ”. Trong đời sống, chúng ta thường diễn tả “chân” và “thiện” mà bỏ quên cái “mỹ”. Nhưng Chúa là cái “mỹ” tuyệt vời nhất, đến nỗi thánh Augustinô phải thốt lên khi trở lại với Chúa: “ôi cái đẹp, con yêu Ngài quá muộn màng…” Những lời ca tiếng hát của chúng ta dâng lên Chúa là cách chúng ta tôn vinh cái đẹp của Chúa, cái đẹp tuyệt vời.

Ngài mong muốn rằng, qua những lời hát mà chúng ta hát lên được khơi lên từ đức tin lòng yêu mến của chúng ta, và tiếp tục âm vang trong cuộc sống để làm cho đời sống đức tin của chúng ta mỗi ngày đẹp hơn và tiến gần đến lòng thương xót của Chúa hơn.

Thánh lễ diễn ra như thường lệ và kết thúc lúc 18g00, Đức Cha, quí Cha quí Tu sĩ, các ca đoàn cùng giáo dân khắp các Giáo xứ trong Giáo phận tập trung tại lễ đài để cùng nhau thưởng thức Đêm Thánh ca Cầu nguyện cho Giáo phận.

Thánh lễ kết thúc, Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ, các ca đoàn cùng giáo dân khắp các Giáo xứ trong Giáo phận tập trung tại lễ đài, để cùng nhau thưởng thức Đêm Thánh ca Cầu nguyện cho Giáo phận lúc 18g30.

Nhờ vào Tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đêm Thánh ca được chuẩn bị cách chu đáo từ âm thanh đến trang hoàng Lễ đài, ghế ngồi cho Đức Cha, quý Cha cùng quý Tu sĩ, và Giáo dân được chuẩn bị đầy đủ. Hồi trống vang lên mời gọi tất cả mọi người cùng hướng về Lễ đài. Sau lời công bố Khai mạc của Cha Trưởng ban Thánh Nhạc - Cha Giuse Nguyễn Văn Nhạn, một lần nữa hồi trống khai mạc lại vang lên, tiếng vỗ tay, pháo hoa tung lên làm không khí của chương trình giờ đây nóng dần và tâm tình hân hoan trong niềm vui gặp gỡ nhau như lan tỏa khắp cộng đoàn Dân Chúa.

Tham dự chương trình có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm-Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Cha Tổng Đại Diện Phaolô, quý Cha thuộc các Giáo xứ trong Giáo phận. Trực thuộc Giáo phận Mỹ Tho có 2 Nhà Dòng chính cũng tham dự trong Đêm Thánh ca này đó là Dòng Thánh Phaolô và Dòng Mến Thánh Giá Tân An. Quý Thầy Chủng sinh dự bị tại Tiểu Chủng Viện Gioan 23, các ca sĩ khách mời và các ca viên của 8 ca đoàn đến từ các Giáo xứ: Chánh Tòa, Nữ Vương Hòa Bình, Bình Tạo, Thủ Ngữ, Cái Mây, Ba Giồng, Tân An và một Giáo xứ ở tận Đồng Tháp xa xôi cũng đến tham dự chương trình đó là Giáo xứ Bến Siêu, cùng hơn 400 giáo dân thuộc các giáo xứ trong Giáo phận. Và đặc biệt chương trình Đêm Thánh ca này hai người dẫn chương trình từ 2 MC rất chuyên nghiệp và duyên dáng của Giáo phận: Cha Emmanuel Huỳnh Thanh Tuấn và Dì Maria Trần Thanh Thị Hoàng Oanh thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An. Nội dung chương trình Đêm Thánh ca xoay quanh chủ đề: Thương Xót và Tuyển Chọn. Thật vậy, đỉnh cao trong các phương thức cầu nguyện đó chính là ca hát, đó cũng là cách cầu nguyện hữu hiệu nhất. Do đó Cộng đoàn dân Chúa đã dùng lời ca tiếng hát để nói lên tâm tình yêu mến cùng những khắc khoải, nguyện cầu để dâng lên Thiên Chúa. Bước vào chương trình, khán giả được thưởng thức các bản hợp xướng từ các Giáo xứ:

1. Ca đoàn Giáo xứ Chánh Tòa (Thành phố Mỹ Tho-Tiền Giang) với ca khúc: NGÀI CHẠNH LÒNG THƯƠNG–Mi Trầm & Ngọc Linh.

2. Ca đoàn Giáo xứ Cái Mây (Tiền Giang): CHÚA LÀ TẤT CẢ ĐỜI CON- Giang Ân.

3. Quý Dì Dòng Mến Thánh Giá Tân An (Long An) với bài diễn nguyện: TÍN THÁC- Lê Đức Hùng.

4. Ca đoàn giáo xứ Bến Siêu (Đồng Tháp) với 2 ca khúc: CHUYỆN TÌNH NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG, TRỞ VỀ VỚI CHA.

5. Ca đoàn Giáo xứ Thủ Ngữ (Tiền Giang): TÌNH YÊU CỦA CHÚA.

6. Đơn ca do Thanh Huyền thuộc Giáo xứ Chánh Tòa trình bày: YOU RAISE ME UP – NGÀI NÂNG CON LÊN.

7. Ca đoàn Giáo Xứ Ba Giồng (Tiền Giang): CHỨNG NHÂN NƯỚC TRỜI- Văn Đó.

8. Ca đoàn Giáo xứ Tân An (Long An): ƯỚC MƠ ĐỜI TẬN HIẾN- Văn Chi.

9. Ca đoàn Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình (Thành phố Mỹ Tho-Tiền Giang): TIN VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT- Lm Nguyễn Duy.

10. Quý Sơ Dòng Thánh Phaolô (Thành phố Mỹ Tho-Tiền Giang) trong bài diễn nguyện: NIỀM VUI THÁNH HIẾN.

11. Quý Thầy Chủng sinh dự bị Gioan 23 (Thành phố Mỹ Tho-Tiền Giang): SILENT NIGHT.

12. Linh Mục GB. Nguyễn Sang với ca khúc: KHÚC CẢM TẠ.

13. Ca đoàn Giáo xứ Bình Tạo (Thành phố Mỹ Tho- Tiền Giang) với ca khúc: CHÚA SAI TÔI ĐI.

Và xen kẽ các bản hợp xướng của các Ca đoàn là những bài Thánh ca tràn đầy tâm tình yêu mến Thiên Chúa từ các ca sĩ Diệu Hiền, Mandy Thanh Trúc, Nguyễn Thanh và Thùy Dương, là những ca sĩ đã đóng góp rất nhiều cho Giáo phận Mỹ Tho từ CD Thánh Ca Tiếng Hát Vì Người Nghèo, làm cho đêm nhạc Thánh ca thêm bùng cháy ngọn lửa của lòng yêu mến. Trình tự của các tiết mục được diễn tiến đan xen giữa các thành phần trong Giáo Hội, bao gồm Linh Mục, Tu sĩ-Chủng sinh và Giáo dân. Các tiết mục được lồng ghép vào nhau như một sự liên kết tuyệt vời giữa cộng đoàn dân Chúa. Qua các bài hợp xướng, đơn ca của Giáo dân, diễn nguyện của quý tu sĩ, trái tim yêu mến và cảm tạ dâng lên Thiên Chúa được thể hiện theo cách riêng của mỗi người, mỗi bậc sống trong Giáo Hội.

Trước khi kết thúc chương trình Đêm Thánh ca cầu nguyện cho Giáo phận, Cha Giuse - Trưởng ban Thánh Nhạc gửi lời cảm ơn chân thành đến Đức Cha Phêrô đã khuyến khích và cho phép thực hiện để đêm Thánh ca được diễn ra cách tốt đẹp. Ngài cũng không quên cảm ơn quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, 2 MC chuyên nghiệp và các bạn Giới trẻ của Giáo phận cùng các ca đoàn, giáo dân từ các Giáo xứ, các ca sĩ khách mời và anh em trong ban kỹ thuật âm thanh… Sự cộng tác nhiệt thành của mọi người đã làm cho đêm Thánh ca được diễn ra đầy đủ, trọn vẹn. Sau cùng là lời ban Huấn từ của Đức Cha Phêrô, ngài chia sẻ: “Hôm nay tôi ở đến phút cuối, ở với niềm vui, vì bầu khí đông đảo của anh chị em. Các ca đoàn trình diễn, có những ca đoàn ở tại thành phố Mỹ Tho bên cạnh đó cũng có những ca đoàn ở rất xa như ca đoàn Giáo xứ Bến Siêu thuộc tỉnh Đồng Tháp cũng đến tham gia. Những bài diễn nguyện rất chuyên nghiệp từ Dòng Mến Thánh Giá Tân An và Dòng Thánh Phaolô.

Trong đêm nay dù là Tu sĩ hay Giáo dân cũng hòa chung với nhau trong những bài Thánh Ca, tất cả diễn tả tình hiệp thông trong gia đình Giáo phận chúng ta, tôi rất vui mừng vì điều đó. Đêm Thánh ca này là đêm khởi đầu cho Năm Thánh Lòng Thương xót, tôi ước mong khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót này cũng là một đêm Thánh Ca nữa, đông đảo gấp đôi, phong phú gấp đôi, chuyên nghiệp gấp đôi và vui gấp đôi”.

Kết thúc, Đức Cha cùng toàn thể Cộng đoàn hát lên bài Thánh ca “Hang Bêlem” để diễn tả một lần nữa tâm tình yêu mến dâng lên Chúa Hài Đồng Giáng sinh, ngài ban phép lành cuối chương trình và mọi người ra về trong niềm vui an bình. Thánh lễ và đêm Thánh ca cầu nguyện cho Giáo phận với chủ đề : Thương Xót và Tuyển Chọn đã nói lên Tình Yêu và Lòng Thương xót của Thiên Chúa, Ngài đã Thương xót và tuyển chọn ta bước vào bất kỳ bậc sống nào trong Giáo Hội và mời gọi ta sống trọn vẹn cho bậc sống ấy. Trong đời sống của chúng ta cầu nguyện là việc cần thiết nhất, hãy làm cho đời sống cầu nguyện của chúng ta thêm phong phú bằng lời ca tiếng hát. Đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót và chào mừng năm mới 2016, nguyện xin Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết dùng lời ca tiếng hát của mình để chúc tụng, để tôn vinh Thiên Chúa, khám phá ra trái tim Thương Xót của Thiên Chúa… tất cả đều thể hiện “gấp đôi” như lời chia sẻ của Đức Cha, để rồi mang Lòng Thương Xót đến anh em chúng ta khắp mọi nơi, hầu mang lại Giáo Hội tràn đầy Tình Yêu và Lòng Thương Xót.

Têrêsa Mai An, Maria Phương Thảo

Ban Truyền Thông Gp. Mỹ Tho
 
Sinh viên di dân hội ngộ tạ ơn cuối năm tại dòng Thánh Tâm Huế
Tu sĩ Vinh sơn Nguyễn Văn Hanh, CSC
11:01 01/01/2016
Sinh viên di dân Thánh Tâm tại Huế hội ngộ tạ ơn cuối năm

Chiều ngày 31/12/2015, tại Dòng Thánh Tâm Huế, sinh viên di dân Thánh Tâm tổ chức hội ngộ tạ ơn cuối năm 2015, và đón chào năm mới 2016.

Buổi hội ngộ tạ ơn đã quy tụ gần 600 sinh viên di dân. Gọi là sinh viên di dân vì các bạn ấy là những sinh viên từ các tỉnh thành khác nhau, đến học tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp tại Huế. Rút tỉa từ kinh nghiệm mục vụ từ nhiều năm trước, đầu năm 2015 trở đi, Ban Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế chia các sinh viên thành những cụm khác nhau để sinh hoạt. Sinh viên thuộc địa bàn Giáo phận Huế, do Linh mục Bênêdictô Ngô Văn Hài đảm trách; sinh viên đến từ các tỉnh thành lân cận khác, gọi là sinh viên di dân, được Ban Mục Vụ giáo phận trao cho Dòng Thánh Tâm.

Xem Hình

Buổi hội ngộ được bắt đầu bằng Thánh Lễ tạ ơn lúc 5 giờ chiều, ngày 31/12/2015, sau Thánh Lễ là tiệc Agapê theo cách buffet, cuối cùng là hoan ca Giáng Sinh và Chúc Mừng Năm Mới.

Trước Thánh Lễ, cha đặc trách Giab. Nguyễn Ái; Quý tu sĩ đồng hành hướng dẫn sinh viên chuẩn bị thánh lễ cho sốt sắng. Đúng giờ đã điểm, đoàn Lễ nghi từ hội trường Dòng tiến lên nhà thờ. Đoàn lễ nghi gồm Quý sinh viên trưởng của 10 tổ, Ban đại diện sinh viên Thánh Tâm, Quý tusĩ nam nữ đồng hành và sau cùng là đoàn Đồng Tế.

Chủ tế thánh lễ tạ ơn là cha Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Đaminh Phan Hưng; cùng đồng tế với cha Đaminh có cha: Gab. Nguyễn Ái, đặc trách sinh viên Thánh Tâm, cha Vinhsơn Trần Văn Đường, Giám đốc Đệ Tử Viện; cha Giuse Phan Tấn Hồ, Giám đốc nhà Lưu Trú; cha Giuse Dương Bảo Tịnh, Tổng quản lý Dòng Thánh Tâm và cha Giuse Tạ Văn Nguyên.

Trong phần đầu Lễ, cha chủ tế mời gọi các bạn sinh viên dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn những người đã đống hành cùng các bạn trong năm vừa qua. Chuẩn bị trong năm mới, Cha chủ tế khuyến khích học sinh, sinh viên dâng những dự tính trong năm mới này cho Chúa, với quyết tâm thực thi lòng thương xót.

Người ta nhận thấy, các sinh viên tham gia tích cực hơn trong Phụng Vụ. Các em tự tập hát, tự phân chia đọc Sách Thánh, Giúp Lễ, Lời nguyện, Đoàn dâng của Lễ… một cách thành thạo và trang nghiêm. Bên trong nhà thờ của Dòng, không còn chỗ trống, các em đành hy sinh ngồi tại các hành lang, để cùng hiệp dâng Thánh Lễ, giữa thời tiết giá lạnh.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Đaminh hướng các sinh viên đến các tâm tình: khiêm hạ, đơn sơ, nhỏ bé như Chúa Hài Đồng. Ngài nhắc đi nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxincô: “ các sinh viên, mỗi người hãy thực thi lòng thương xót”. Ngài nhấn mạnh, nếu mỗi sinh viên thực thi lòng thương xót, dù chỉ một lần trong năm này, thì được một ân xá. Khi mỗi sinh viên thực thi thương xót, thành phố Huế và môi trường ta đang sống, sẽ phá tan băng giá của lòng người, tan chảy những đồi núi ích kỷ, hận thù và chia rẽ….

Sau phép lành cuối Lễ của cha chủ tế, em Phanxicô Xaviê Võ Văn Lộc, đại diện gần 600 sinh viên, dâng lời tạ ơn Chúa và cám ơn Cha chủ tế, Quý cha, Quý tu sĩ đặc trách, Quý linh mục hiện diện, đã không biết mệt mỏi “chạy theo” đồng hành cùng các sinh viên. Cách đặc biệt, các em cảm ơn Quý cha, Quý Thầy và Quý Sơ đặc trách, đã chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng trong năm 2015 vừa qua, cho các em.

Tại sân bóng của nhà Dòng Thánh Tâm, các dãy bàn để đầy những món buffet(món ăn tự chọn) và các ly rượu nho thơm nồng, đang chờ đón Quý khách và các bạn sinh viên từ trên nhà thờ xuống. Sau lời chào mừng và giới thiệu của cha đặc trách, Ngài thánh hóa của ăn và xin cùng nâng ly rượu tạ ơn và hô vang: “chúc mừng năm mới”. Cảnh tượng ở sân diễn ra thật hiếm thấy, một niềm vui vang trời. Người ta nhận thấy tiếng nói và tiếng cười, át hết tiếng nhạc trên các dãy loa trong sân.

Do số lượng người quá đông, cho nên ban tổ chức đã bố trí hoạt động ẩm thực và văn nghệ bên ngoài hội trường. Khi tiệc kết thúc, trời cũng bắt đầu đổ mưa nhẹ. Tưởng chừng như mọi kế hoạch đổ bể vì thời tiết, cho nên từ loa phát thanh, cha đặc trách xin các sinh viên cùng với Ngài, cầu nguyện cho mọi sự diễn ra tốt đẹp. Thật may thay, trời ngừng mưa đúng lúc chương trình hoan ca bắt đầu.

Các tiết mục văn nghệ do10 tổ của sinh viên Thánh Tâm; Các đơn vị khác gồm: Lưu Trú thánh Phaolô, Lưu trú Lộ Đức, Sinh viên Bác ái Vinh, Học viện và Thỉnh viện Dòng Thánh Tâm cùng cộng tác tiết mục trong đêm diễn.

Gần cuối chương trình văn nghệ, Ban tổ chức trao 19 phần quà hiện kim, cho các sinh viên nghèo vượt khó.

Để kết thúc, cha đặc trách sinh viên Gab. Nguyễn Ái, cùng hai thầy đồng hành Antôn Nguyễn Văn Đức và Antôn Đinh Văn Độ, nhắn nhủ các sinh viên chịu khó tham gia vào các sinh hoạt nội khóa, ngoại khóa nhất là chu toàn công việc học tập và thiêng liêng.

Tưởng cũng nên nói thêm, vào các Chúa Nhật đầu mỗi tháng, các sinh viên của mười tổ nhóm họp chung với nhau. Chương trình của buổi sinh hoạt này, gồm có bài chia sẻ về các chủ đề Giáo lý và Thần học, do các cha giáo Đại Chủng Viện Huế, và các cha giáo bên Tòa Giám mục Huế hướng dẫn; sau đó là Thánh Lễ chung, tiếp đến ăn trưa và nghỉ trưa, cuối cùng Chầu Mình Thánh Chúa. Vào mỗi Chúa Nhật, các sinh viên di dân có thánh lễ chung tại Dòng Thánh Tâm lúc 8giờ 30 sáng.

Tu sĩ Vinh sơn Nguyễn Văn Hanh, CSC

 
Mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
14:16 01/01/2016
Mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, Đà Nẵng

Trong chương trình cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót của giáo phận Đà Nẵng, sáng 01/ 1 / 2016 , cộng đoàn Giáo phận hành hương về nhà thờ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (TTTMTK) tham dự nghi thức Mở Cửa Thánh. Đây là Cửa Thánh thứ 2 tại giáo phận Đà nẵng do Đấng Bản quyền chỉ định.

Xem Hình

Lúc 9 giờ , Cộng đoàn được nghe Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân ngày hòa bình thế giới lần thứ 49 (1.1.2016) , gởi cho các Vị Lãnh đạo Tôn Giáo và Chính Quyền trên toàn thế giới, với ý chủ đạo : Thắng Vượt Lãnh Đạm Chiếm Lấy Hòa Bình. Tiếp đó, Đức Cha Giuse – Giám Mục Giáo phận chủ sự nghi thức tại tiền sảnh nhà xứ Trà Kiệu. Ngài nhắn nhủ cộng đoàn ý nghĩa Khai mạc Năm Thánh và ơn ích thiêng liêng của Năm Thánh , đi qua Cửa Thánh và hiệp thông với Hội Thánh Mở Cửa Thánh tại TT TMTK . Ngài dùng Thánh Vịnh 103 để mời gọi cộng đoàn chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, đây là bước khởi đầu trải nghiêm đầy ân sủng mang đến Ơn Giao hòa trong suốt năm này.

Sau Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giáng sinh, Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa – Mẹ của lòng thương xót, Mẹ can dự suốt chương trình Cứu chuộc của Đấng Cứu thế. Cha Tổng Đại diện đọc trích đoạn Trọng Sắc Thiết Lập Năm Thánh (n0 1-3); Sau đó , như lời hiệu triệu, Cha mời gọi cộng đoàn: chúng ta hãy tiến bước nhân danh Chúa Ki-tô : Người là đường dẫn chúng ta tiến vào năm của ơn thánh và Lòng Thương Xót.

Tiếp đó, đoàn rước trọng thể có Thánh Giá đèn hầu, sách Tin Mừng, cờ Năm Thánh, ĐGM, Linh mục đoàn Giáo phận , Quý Tu sĩ, Đại diện các giáo xứ mặc Quốc phục, đội kèn tây , đến trước sân tiền đường nhà thờ. Tại đây, cộng đoàn phụng vụ dâng lời cảm tạ , ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa và lắng đọng tâm hồn chuẩn bị đón nhận hồng ân cao cả vào Cửa Thánh, để tâm hồn kín múc nguồn ơn của lòng thương xót Chúa, trong sự hiệp ý với đoàn múa diễn nguyện, qua diễn khúc “ Lòng Thương Xót Chúa”.

Sau đó , ĐGM , Cha Tổng và Cha Quản xứ TTTMTK tiến lên trước Cửa năm thánh. ĐGM đã dùng lời thánh vịnh 118 kêu mời và đẩy cửa “Hãy mở ra các cửa công chính, chúng ta sẽ tiến vào mà dâng lời tạ ơn Thiên Chúa”, cùng lúc đó ca đoàn cất cao lời bài ca “….của ơi tung bật cánh lên , vươn mình lên mãi mãi…”. Mỗi người bước qua Cửa thánh để vào trái tim Chúa đầy tình thương xót với suối nguồn Ơn Cứu độ. Khi cánh Cửa đã được mở, ĐGM nâng cao sách Tin Mừng và xướng : “Đây là cổng nhà Chúa, chúng ta hãy bước qua cổng để nhận lãnh lòng thương xót và ơn tha thứ”. Đây là dấu chỉ Đức Ki-tô là Tin Mừng, là phản ảnh trung thực dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa đến với muôn dân. Tại thời điểm đó, tiếng chuông trống , pháo sáng khắp cả tiền đường và tràng pháo tay không dứt mừng sự kiện trọng đại này. Các Vị đi trong đoàn rước đi qua Cửa thánh đầu tiên, cộng đoàn tham dự sẽ đi qua Cửa Thánh sau Thánh lễ.

Sau khi qua Cửa thánh, đoàn rước tiến đến lễ đài tại sân me của Giáo xứ. Tại lễ đài, ĐGM xông hương bàn thờ, làm phép nước và rảy trên cộng đoàn, cộng đoàn tỏ lòng thống hối để nhận ơn thứ tha.

Trong bài giảng, ĐGM gợi mở cho cộng đoàn giáo phận cảm nhận được ân phúc vì cùng nhau quy tụ về trung tâm hành hương trong ngày đầu năm ( đây là lần thứ 2 , cộng đoàn hành hương về TTTMTK trong ngày đầu năm), để mừng Lễ Mẹ là mẹ Thiên Chúa, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, và đặc biệt năm nay, qua Cửa Thánh thứ 2 trong Giáo phận (Cửa 1 tại nhà thờ Chính Tòa). Biến cố mở Cửa thánh tại chính nơi Đức Mẹ đã tỏ lòng thương xót với tổ tiên cha ông chúng ta, chúng ta hướng về Mẹ là mẹ của lòng thương xót.

ĐGM cũng nhấn mạnh : Vượt qua sự dững dưng để xây dựng hòa bình. Thương xót là quan tâm, chăm sóc , chia sẻ….chính vì sự dững dưng mà gia đình , xã hội và thế giới xảy ra tệ nạn, xung đột, hận thù , khủng bố , chiến tranh…

ĐGM mời gọi mỗi người cần có ánh mắt của Chúa Giê-su Ki-tô, của lòng thương xót để cảm hóa; ánh mắt của tâm hồn cảm thông, ánh mắt của con tim yêu thương…. Để xây dựng hòa bình trong tâm hồn mỗi người và mọi người….Qua thơ của Thánh Phao-lô gởi cho Giáo đoàn Galata “ …nhờ thánh hóa trong Thần Khí , chúng ta kêu lên ABBA – cha ơi…” ĐGM nhắc nhở: chúng ta thưa Cha ơi , mà chúng ta không hoán cải thay đổi đời sống nên tốt hơn… chúng ta phải tin nhận và ngập lặn trong lòng thương xót Chúa , lúc đó chúng ta mới có lòng thương xót anh em…”

Cuối Thánh lễ, Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng- Quản xứ TTTMTK có lời cám ơn ĐGM , Cha Tổng, quý Cha đồng tế, quý Tu sĩ nam nữ, Chính Quyền, ca đoàn giáo xứ Tam Tòa, giáo xứ Bình Phong và Hòa Lâm, Hướng Đạo, tất cả ban ngành đoàn thể , Ân nhân và tất cả mọi người đã giúp công , giúp của cho ngày hành hương đạt kết quả tốt đẹp. Nhân đây , Cha cũng chúc mừng năm mới và xin Chúa ban muôn ơn phúc đến tất cả mọi người.

Sau phép lành trọng thể , với ơn Toàn xá của ĐGM , cộng đoàn hướng về Đức Mẹ là mẹ của lòng thương xót , cầu nguyện cho Giáo phận , đất nước, thế giới , gia đình và mỗi người.

Trước lúc kết thúc, ĐGM đã Đại diện cộng đoàn cám ơn Cha Quản xứ, Cha Phó xứ , quý ban ngành đoàn thể của Giáo xứ TTTMTK đã hy sinh rất nhiều chuẩn bị cho ngày hành hương nhiều ý nghĩa hôm nay.

Được biết: mấy ngày trước, thời tiết không thuận lợi, Giáo xứ phải lo lắng và chuẩn bị nhiều vật dụng khắc phục mưa gió. Thậm chí đêm hôm trước, mưa gió làm sập phông sau của lễ đài , đến sát giờ cử hành nghi lễ vẫn còn sửa chữa. Vậy mà , suốt thời gian diễn ra nghi thức mở Cửa thánh và Thánh lễ lại có những tia nắng ấm, thật là “ …Thành sự tại Thiên.”

Toma Trương Văn Ân
 
Hiền mẫu giáo xứ chính Tòa Phú Cường mừng lễ bổn mạng
Phượng Nguyễn
20:28 01/01/2016
HIỀN MẪU GIÁO XỨ CHÁNH TÒA PHÚ CƯỜNG - MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ Thiên Chúa, NGÀY 1-1-2016

Trong không khí hân hoan ngày tết Dương lịch, Giáo xứ Chánh Tòa Phú Cường mừng Lễ Bổn Mạng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa- đây cũng là ngày tuyên hứa của 10 chị em gia nhập Hiền Mẫu vào lúc 17g ngày 1-1-2016.

Xem Hình

Thánh lễ do cha Giuse Cao Đình Phương- cha sở Giáo xứ Chánh Tòa chủ tế, cha Matthêu Nguyễn Thanh Yên cùng đồng tế, với đông đảo bà con giáo dân tham dự Thánh lễ, trong bầu không khí trang nghiêm sốt sắng.

Chúng ta cùng hướng về hang đá Bêlem trong tâm tình yêu mến: Chúa Giêsu sinh xuống trần gian, nơi máng cỏ khó nghèo. Sách Phúc Âm đã diễn tả cuộc đời Chúa Giêsu với một tình yêu sâu thẳm vâng lời Chúa Cha. Mẹ Maria- vai trò quan trọng trong công cuộc Chúa Cứu Thế- Mẹ đã vâng lời Sứ thần truyền tin, thụ thai, sinh hạ ở Bêlem, bị trốn sang AiCập; Mẹ theo chân Chúa trong suốt hành trình rao giảng và từng bước, từng bước trên đồi Golgôtha.

"Xin Chúa rũ thương và chúc phúc cho chúng con" Câu đáp ca đã đượcc cha Giuse đặt hết tâm tình cầu nguyện trong ngay đầu năm mới. Xin Chúa ban cho chị em sống thánh thiện theo gương nhân đức của Mẹ Maria, được mọi sự tốt lành, bình an, hạnh phúc. Đặc biệt cho các chị em tuyên hứa hôm nay an vui, sống tốt đạo, đẹp đời. Xin Chúa trả công bội hậu cho những người đã hy sinh quảng đại, đã góp công, góp của, xây dựng nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường lộng lẫy, luôn sống trong tình yêu và ân sủng Chúa.

Trong bài giảng lễ, cha Giuse đã chúc mừng hết thảy anh chị em có một cuốn sách trắng tinh với 365 trang trong sự cầu nguyện và nhiệt thành mà Thiên Chúa ban cho. Cuốn sổ trong tay, anh chị em hãy viết lên mỗi ngày bằng chất mực yêu thương trong tình mến. Anh chị em hãy dâng tiến Chúa tất cả mọi việc, từ sâu thẳm tâm hồn, đến những bất toàn và khó khăn đang gặp phải, với nổ lực từng ngày, rồi từng ngày. Chúng ta không thể làm gì mà không có ơn Chúa. Nhờ Chúa, nhờ Đức Mẹ- Ngôi Hai Nhập thể làm người. Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta.

Các chị em Hiền mẫu Giáo xứ Chánh Tòa rất thân mến! Nhờ Ơn Chúa chúng ta gắn kết với nhau, tương quan giữa người này với người kia trong sự giới hạn của phận người; loại trừ những bất đồng bằng tình yêu, để chúng ta làm thành bó hoa tươi đẹp dâng lên Thiên Chúa trong năm 2016 này.

Sau phần hiệp lễ, chị Hội trưởng đại diện các chị em hiền mẫu Giáo xứ Chánh Tòa cảm ơn cha Giuse, cha Matthêu đã thương hiện diện và cử hành thánh lễ sốt sắng. Thánh lễ khép lại vào lúc 18g30, mọi người dùng tiệc nhẹ, và ra về trong niềm vui đón mừng năm mới.

 
Lễ khánh thành tu viện hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
T.T Mến Thánh Giá Xuân Lộc
21:51 01/01/2016
LỄ KHÁNH THÀNH TU VIỆN HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ XUÂN LỘC

“Ví như Chúa chẳng xây nhà

Thợ nề vất vả cũng là uổng công” (TV 127,1)


Khung cảnh và bầu khí Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc sáng nay rộn ràng tiếng reo vui. Sự tĩnh lặng của một Tu Viện kết hợp với Chúa trong cầu nguyện và làm việc tông đồ của thường ngày đã nhường chỗ cho sự nhộn nhịp, hoan ca được tỏ rõ trên từng khuôn mặt mỗi chị em trong Hội dòng.

Hôm nay, Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc làm phép khánh thành Tu Viện và dâng thánh lễ tạ ơn mừng kính trọng thể Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Xem Hình

Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh - Giám Mục Giám Phận Xuân Lộc đã cử hành nghi thức cắt băng khánh thành và làm phép Tu Viện vào lúc 8g45’ ngày 01/01/2016.

Sau nghi thức làm phép Tu Viện, Đức Cha Đaminh đã chủ tế thánh lễ tạ ơn, cùng đồng tế có Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú -Tổng Đại diện Giáo phận Xuân Lộc, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, quý cha Quản hạt, quý cha. Hiệp dâng thánh lễ tạ ơn với Hội dòng hôm nay có sự hiện diện của quý Bề trên và quý tu sĩ thuộc các Hội dòng, Tu hội, quý ông bà cố, thân nhân của chị em, quý vị ân nhân và quý khách của Hội dòng.

Trong bài giảng Đức Cha nhắn nhủ với chị em ba điểm khi chị em làm phép Tu Viện:

- Ngôi nhà này là ngôi nhà hiệp thông: Nơi đây chị em gắn kết với nhau từ những hy sinh hằng ngày. Khi chúng ta biết kết hợp với Chúa và qua Chúa chúng ta hợp nhất với nhau thì ngôi nhà sẽ trở thành hữu ích và phục vụ anh chị em. Tình yêu thương hiệp nhất của chị em đã làm nên sức mạnh kỳ diệu, là chứng tá tình yêu huynh đệ trong đời sống cộng đoàn giữa thế giới hôm nay.

- Sức mạnh của lời cầu nguyện: Nhờ lời cầu nguyện của tất cả chị em trong Hội dòng, đặc biệt của quý chị cao niên đang nằm trên giường bệnh mà Thiên Chúa tuôn đổ phúc lành của Ngài xuống trên Hội dòng và từng chị em.

- Ngôi nhà Tu Viện trở thành sự hiệp thông sâu xa giữa chị em với mọi người trong và ngoài giáo phận qua sự đóng góp của quý vị ân nhân. Sự hiện diện của quý Đức Ông, quý cha quản hạt, quý cha, quý tu sĩ và đông đảo mọi người là động lực khích lệ lớn lao để Hội dòng cố gắng làm tròn ơn gọi một cách tốt đẹp. Ước mong từ ngôi nhà này sản sinh ra nhiều những tông đồ nhiệt thành, thánh thiện để Giáo Hội được nhờ và đây là chứng từ để chị em đáp đền tình thương của Thiên Chúa tràn xuống trên Hội dòng.

Kết thúc thánh lễ, chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc đại diện chị em kính dâng lên Đức Cha, quý Đức Ông, quý cha Hạt trưởng, quý cha đồng tế, quý Bề trên, quý tu sĩ và toàn thể cộng đoàn lời tri ân cảm mến. Chị xúc động chia sẻ tâm tình: “Tạ ơn Thiên Chúa đã đổ tràn muôn ân phúc xuống trên Hội dòng chúng con dẫu biết rằng sự đóng góp của chúng con trong sứ vụ của Giáo Hội và Giáo phận vẫn còn rất nhỏ bé. Hội dòng được tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay nhờ có những tấm lòng quảng đại của quý ân nhân trong và ngoài nước chung tay vun đắp những hy sinh thơm thảo, những tình sâu nghĩa đầy của quý vị đã tưới nước cho mảnh đất khô cằn của Hội dòng nên màu xanh lá mới và trở nên đậm sáng tình người. Hội dòng trân trọng đón nhận những tấm lòng tốt của qúy vị và mãi mãi tri ân công ơn của quý vị dành cho Hội dòng ”.

Sau thánh lễ, Đức Cha Đaminh, quý Đức Ông, quý cha và cộng đoàn đã lưu lại để chia sẻ niềm vui với Hội dòng thông qua buổi tiệc mừng và thăm quan ngôi nhà mới.

Niềm vui của chị em Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc chúng tôi không chỉ dừng lại trong ngày làm phép khánh thành Tu Viện và thánh lễ tạ ơn hôm nay, nhưng hạnh phúc hôm nay sẽ mãi mãi được đong dầy khi chị em ngước nhìn lên Đức Giêsu Kitô - Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của người nữ tu Mến Thánh Giá, chị em tâm nguyện sẽ trung thành với Ngài suốt mọi ngày dưới mái nhà Tu Viện. Từ nay chị em được cất bớt nỗi lo âu về cơ sở để dành toàn tâm toàn lực dấn thân mạnh mẽ hơn cho đặc sủng và sứ vụ của Hội dòng, hầu danh Chúa được vinh quang và mỗi chị em đạt tới lý tưởng ơn gọi thánh hiến của mình.

T.T Mến Thánh Giá Xuân Lộc

 
Văn Hóa
Theo ánh sao
Đinh văn Tiến Hùng
11:43 01/01/2016
Theo Ánh Sao

( Lễ Hiển Linh : 3/1/16 )

*’ Đức Giêsu đã sinh ra tại Belem xứ Giuđê, thời vua Hêrođê thì có những Đạo sĩ Phương Đông đến Jerusalem hỏi rằng : “Vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu ? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Đông và chúng tôi đến bái yết Ngài…” ( Mt.2: 1-2 )


Ba nhà Đạo Sĩ Phương Đông,
Ngắm nhìn Sao là trên không sáng ngời,
Tiên tri báo trước những lời :
Một Vị Cứu Thế ra đời rồi đây !
Hành trình vội vã đi ngay,
Ánh sao dẫn lối đêm ngày ruổi rong,
Nhưng chưa đạt được ước mong,
Ánh sao vụt tắt nơi vùng Be-lem.
Vào vua He-rốt hỏi xem,
Sao lạ xuất hiện báo điềm gì đây ?
Thày Cả, Thông Luật trình bày,
Tiên tri có chép nơi này Be-lem :
‘Dù ngươi nhỏ bé khó hèn,
Xuất hiện Một Đấng sẽ đem an bình ‘
Nhà vua nghe bỗng giật mình,
Truyền ba Đạo Sĩ đăng trình tới nơi :
‘Khi xong hãy trở lại đây,
Để ta sửa soạn đến ngay kính thờ ’.
Ba vị Đạo Sĩ trở ra,
Ánh sao dẫn lối chói lòa trên không,
Đến nơi chiêm bái Hài Đồng,
Giờ đây thỏa nguyện ước mong đêm ngày,
Nhũ hương, mộc dược, vàng đây,
Tiến dâng Vương Tử đêm nay giáng trần.
Rồi trong giấc ngủ an tâm,
Thiên Sứ báo mộng phải tuân trở về.
Từ đây lòng đã thỏa thuê,
Thế nhân đổi mới tràn trề hồng ân.

Bao năm con đã lỗi lầm,
Nhìn ánh Sao lạ chẳng cần quan tâm,
Đời con Chúa gọi bao lần,
Con vẫn chìm đắm xác thân bụi trần,
Con nghe tiếng Chúa rất gần,
Nhưng con mê mài vì cầu lợi danh
Lạy Chúa xin hãy đồng hành,
Dắt dìu nâng đỡ chớ đành bỏ con,
Thân con giờ đã mỏi mòn,
Dựa bên lòng Chúa chẳng còn sợ chi !
Tháng ngày lặng lẽ trôi đi,
Đời con Chúa thấy còn gì nữa đâu,
Tâm thành tha thiết nguyện cầu,
Phó dâng tất cả, ân sâu nơi Ngài !

Đinh văn Tiến Hùng
 
Cánh thư ngày cuối năm bước sang năm mới.
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
11:56 01/01/2016
Cánh thư ngày cuối năm cũ bước sang năm mới.

Bạn Năm Cũ yêu qúi,

Xin chào Bạn. Theo cách tính phân chia thời gian, chúng ta đang trải qua chung với nhau những giờ phút cuối cùng của Bạn trên hành tinh này.

Nhìn ngược trở lại thời gian qúa khứ, chúng tôi không tin là trong thời gian năm cũ gần hết, chúng tôi đã sống trọn vẹn, đã làm hết, cùng đã đạt được những điều, những việc mình mong muốn.

Thật đáng tiếc! Dẫu vậy, chúng tôi phải từ biệt Bạn. Vì Bạn đang trôi đi vào giai đoạn qúa khứ.

Chúng tôi cám ơn Bạn đã cùng hằng đồng hành với chúng tôi, trong cuộc sống, và luôn nhớ tới những kỷ niệm đã cùng sống trải qua với Bạn.

Bạn đi. Xin với tâm tình luyến nhớ chào biệt Bạn, và cầu chúc Bạn thượng lộ bình an! Adieu! Good bye! Au revoir! Auf wiedersehen!

Và hành tinh trái đất chúng tôi đang bước tới thềm ngưỡng cửa Năm Mới.

Xin chào đón Bạn Năm Mới.

Với Bạn đời sống bắt đầu một khởi đầu mới. Nói thế, không có nghĩa là cởi vứt bỏ chiếc áo Năm Cũ, mặc ngay cái áo Năm Mới vào đâu, hay như người ta thường nói:Có mới nới cũ!

Không, không, Bạn không là chiếc áo. Nhưng Bạn là thước thời gian cho đời sống. Bạn là thước thời gian niềm hy vọng. Bạn đến và Bạn sẽ đi. Tất nhiên chúng tôi cũng chẳng thể nào níu kéo giữ Bạn ở lại được, như Bạn Năm Cũ đã đến và đã đi. Nhưng hy vọng với Bạn, chúng tôi sẽ trải qua cuộc sống như lòng mong ước. Cùng với Bạn, đời sống bắt đầu niềm hy vọng mới.

Và như Bạn biết: Niềm hy vọng là lời chúc đoan hứa cũ kỹ từ nghìn xưa. Nhưng nó lại luôn luôn mới và hằng trẻ trung mãi, không bao giờ già cỗi, cùng cần thiết cho đời sống con người lắm.

Niềm hy vọng cũ như tuổi trái đất, và đồng thời cũng tươi mới như nụ hoa vừa bung nở từ thân cành cây vươn ra ngoài không gian đất trời.

Bạn biết đấy, trên đường đời sống, đâu có ngờ, không hẹn mà gặp: có ai đó cùng đi với, nhất là trong những lúc cô đơn. Thế là có Bạn cùng đồng hành, không còn đơn độc.

Trong quãng đường hành trình, khi phải trải qua giai đoạn mù mịt đen tối, có giai đoạn tưởng như đi trong thung lũng sâu đầy sương mù che mờ khuất lối đi…và có một ai đó đưa bàn tay dìu dắt vỗ về đem đến niềm phấn chấn. Đời sống nhờ thế như có ánh sáng soi đường, và có đà sức hăng hái tiến lên.

Một ai đó cùng đi với. Nhưng họ không chắn đường che mờ lối đi làm mất hướng tiến về phía trước và cản tự do. Cuộc đời có ý nghĩa chan hòa, khi độc lập và tự do được viết hoa đậm nét!

Khi cuộc đời gặp những hoàn cảnh đau khổ thất vọng éo le, tưởng chừng như đã đến tận cùng! Thình lình như có một chiếc phao, một cây cầu, một chiếc xe chở cát đất mang đến cho chân không bị lún thụt xuống bờ vực thẳm, lún xuống ao bùn xình lầy, bước vượt qua khúc thng lũng, sông hồ… Và như thế, được cứu thoát khỏi nguy biến trong đường tơ kẽ tóc. Còn niềm vui hạnh phúc nào lớn hơn nữa!

Người nào đó, ai đó, chiếc cầu chiếc phao nào đó… Chính là Bạn, người Bạn Thời gian. Bạn là người mang đến chúc lành cho tôi hôm qua và hôm nay. Nơi Bạn chúng tôi đặt niềm hy vọng.

Bạn Năm Mới yêu qúy,

Chỉ còn ít khoảnh khắc nữa Bạn sẽ mở tung cánh cửa tiến vào mang niềm vui mới, niềm hy vọng mới, mốc thời gian mới đến cho đất trời, cho con người trên hành tinh địa cầu. Chúng tôi hân hoan chào đón Bạn.

Bạn là chúc lành của Thiên Chúa từ trời cao, là niềm hy vọng cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Xin cám ơn Bạn!

Bạn cùng đồng hành với chúng tôi trong suốt quãng đường không gian và thời gian năm mới 2016 với 366 ngày, 52 tuần lễ và 12 tháng.

Chúc mừng Năm Mới 2016

Thân ái
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thể Thao Dưới Nắng Vàng
Nguyễn Đức Cung
21:21 01/01/2016
THỂ THAO DƯỚI NẮNG VÀNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Năng chuyên thể dục, thể thao
Khoẻ, vui, hạnh phúc, tiền sao sánh bằng.
(nđc phóng ngữ)

The groundwork of all happiness
Is good health.
(L Hunt)